Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Long Hồ Vĩnh Long Chúc Mừng Năm Mới 2023

  

Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Ly Rượu Đầu Năm

 

Ly rượu đầu năm chuốt mặn nồng
Bên trời xứ lạ những ngày không
Ngậm ngùi e ấp hương năm cũ
Đời đã gieo neo phận má hồng

Ly rượu đầu năm rót thật tràn
Chôn tình ngày ấy bước sang ngang
Rưng rưng ngấn lệ quên thề nguyện
Vụn vỡ con tim rót muộn màng

Ly rượu đầu năm cạn thật rồi
Men tình thơ dại rượu ly bôi
Rượu hờn rượu trách âu là rượu
Dang dở theo nhau tiếp rượu bồi


Kim Phượng

Ly Rượu Đầu Năm

 

Mời em ly rượu đầu năm
Có gì mà phải bận lòng xót xa
Ừ thì Tết của người ta
Lâu rồi cứ tưởng như là Tết chung

Uống đi em chút mặn nồng
Để quên chuyện cũ năm cùng đáy ly
Chút hương xưa chút xuân thì
Hơi men sẽ thắm môi ghì dấu môi

Thôi thì em uống cùng tôi
Mà nghe hơi thở tìm nơi chốn về
Còn đây tuổi đếm buồn ghê
Làm sao nhớ hết câu thề ngày xưa?

Mời em ly nữa cho vừa
Lỡ trăm năm cạn còn chưa biết rằng
Thương nhau đâu chỉ dấu răng
Da non chưa đắp đã nghìn trùng xa...

Ở đây cũng một quê nhà
Mà sao nghe lạ tiếng khà rưng rưng
Cạn đi em chút rượu mừng
Cho môi thắm lại nụ hồng năm xưa..!

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

Tân Niên Chúc

 

Tân niên sắp tới là:Hăm Ba 
Xin chúc trên ban khắp mọi nhà 
Cuộc sống vuông tròn và hạnh phúc 
Gia đình tốt đẹp với thăng hoa 
Nhờ luôn tín thác vào lòng Chúa 
Nguyện quyết hy sinh theo ý Cha 
Canh cải tâm thân cùng mọi thứ, 
Để mong xuân hưởng thật an hòa. 

Thái Huy 
12/28/22

Đừng Tuyệt Vọng

 

Xuân trôi mãi dòng thời gian lặng lẽ,
Bao mùa qua hồn vẫn xót xa quê!
Trời viễn xứ sương mù giăng trắng xóa
Đời đổi thay làm mất dấu đường về!

Tiếng dương cầm, khúc tình ca tiền chiến
Thoáng Sài gòn như sưởi giấc cô miên.
Xa phố cũ mười ngón tay lạc phím
Nhìn tuyết bay lòng phảng phất ưu phiền.

Tháp Effel đứng trăm năm buốt giá
Em quê người như cánh vạc bay xa
Bước tha hương gặp nhau là hạnh ngộ
Tình đồng hương thơm mùi lúa quê nhà,

Nắng chiều vàng sợi tơ trời se lạnh
Ở đây buồn, tình nhân thế mong manh
Trời biển đông đảo trường sa nổi sóng
Có lẽ nào người quên cội sao đành!

Đất nước trường tồn vàng son trang sử
Bốn ngàn năm bao hào kiệt anh thư
Hồn sông núi giữ cõi bờ tươi sáng
Đem tự do xóa bạo lực hận thù.

Đỗ Bình

Chữ Xuân

Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ

Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ 天有四時春在首, là "Trời có bốn mùa, XUÂN là mùa đứng đầu". XUÂN là chữ Hội Ý trong Lục Thư là một trong 6 cách hình thành chữ Nho, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

Giáp Cốt         Văn Đại      Triện Tiểu    Triện Lệ         Thư Chữ           Dị Thể
Ta thấy:

Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của bộ Thảo 艸 là Cỏ ở phía trên và chữ Đồn 屯 bên dưới tượng trưng cho các mầm non của cây cỏ nức đất vươn lên, bên cạnh là hình tượng của chữ Nhật ㄖ là mặt trời là ánh nắng của mùa xuân giúp cho cỏ cây phát triển sau những ngày đông tháng giá; nên XUÂN 春 là mùa Xuân, mùa đầu tiên trong năm khi tiết trời trở lại ấm áp. Chưa có chữ NHO nào có diễn tiến phức tạp và thay đổi kiểu viết nhiều như chữ Xuân vậy. Có thể là do những ngày đông rét mướt vạn vật cỏ cây đều héo úa tàn tạ, vào xuân lại được dịp tái sinh, nên các mầm sống thi nhau phát triển, vì thế mà chữ viết cũng phát triển đa dạng theo như vạn vật đang hồi sinh chăng ?! Mời xem diễn tiến chữ viết của chữ XUÂN qua các hình thức sau đây:

XUÂN là mùa đầu tiên trong năm, nên những ngày Lễ Hội đầu năm được gọi là XUÂN TIẾT 春節, là những ngày Lễ Tết của buổi đầu xuân, nên ta còn gọi "Ba ngày Tết" là "Ba ngày Xuân". Đón Xuân là đón Tết, và "Ăn Tết" là để "Mừng Xuân". Tất cả những hoạt động của ngày Tết thường đều có chữ Xuân chen vào, như chợ bán hoa ngày Tết thì gọi là "Hội Hoa Xuân", đi dự hội ngày Tết thì gọi là "trẩy hội Xuân", đi lễ chùa ngày Tết thì gọi là đi "Lễ Xuân" như trong bản nhạc "Câu Chuyện Đầu Năm" của nhạc sĩ Hoài An:

Trên đường đi Lễ Xuân đầu năm ...

Nói theo chiết tự thì chữ XUÂN được viết theo thứ tự : Chữ Nhất 一, chữ Nhị 二 rồi chữ Tam 三, xong chồng bộ Nhân 人 lên trên và phía dưới cùng là chữ Nhật 日. Ghép tất cả các phần trên lại ta có chữ XUÂN 春. NHẤT là Thiên là Trời; NHỊ là Địa là Đất; TAM là NHÂN là Người, nói theo sách TAM TỰ KINH 三字經 là "TAM TÀI giả : Thiên Địa Nhân 三才者,天地人". Con Người là một thành viên hợp với Trời Đất tạo nên cái vũ trụ hỗn mang nầy, và khi mặt trời (NHẬT 日) bắt đầu ló dạng là vạn vật cũng bắt đầu phục sinh cho cuộc sống mới theo quy luật Âm Tiêu thì Dương Trưởng; đêm sẽ dần ngắn lại và ngày sẽ càng dài thêm ra; cây cỏ lá hoa đâm chồi nẩy lộc cho cuộc sống mới bắt đầu bằng màu hồng của những tia nắng xuân đầu tiên ấm áp để "Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng".

Nên từ đầu tiên ta có về mùa xuân là XUÂN QUANG 春光 là Ánh sáng ấm áp của mùa xuân mang đến vẻ đẹp đẽ rực rỡ của cỏ cây hoa lá tươi hồng, nên để chỉ mùa xuân đẹp đẽ, ta có từ XUÂN HỒNG 春紅 như trong 4 câu thơ bất hủ mở đầu bài thơ "Tình Sầu" của thi nhân Huyền Kiêu thời Tiền Chiến :

XUÂN HỒNG có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi tóc xoã ngang đầu
Đi hái hoa tươi ngoài nội

XUÂN HỒNG còn là sức sống và sự yêu đời như trong bài thơ nổi tiếng "Giây Phút Chạnh Lòng" của Thế Lữ:

Ta thấy XUÂN HỒNG thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai...

Song song với XUÂN QUANG 春光 ta còn có từ XUÂN HUY 春暉 cũng chỉ ánh nắng ấm áp của mùa xuân mang lại sức sống cho cỏ cây, được ví như là công ơn của từ mẫu như trong bài thơ Du Tử Ngâm 遊子吟 của Mạnh Giao 孟郊 đời Đường :

慈母手中线 Từ mẫu thủ trung tuyến
遊子身上衣 Du tử thân thượng y
临行密密缝 Lâm hành mật mật phùng
意恐遲遲歸 Ý khủng trì trì quy
誰言寸草心 Thùy ngôn thốn thảo tâm
報得三春暉 Báo đắc tam XUÂN HUY

Có nghĩa:

Kim chỉ trên tay từ mẫu,
Khâu nên áo lãng du nhân.
Khi đi chắc chiu từng mũi,
Sợ ngày về lắm lần khần.
Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,
Báo đền được nắng ba xuân ?!

Khi quyết định bán mình chuộc tội cho cha, cụ Nguyễn Du cũng đã cho Thúy Kiều cân nhắc thân phận của mình rồi mới quyết định:

Hạt mưa xá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân!

Xuân Quang, Xuân Huy, Xuân Hồng tạo nên XUÂN SẮC 春色 là Cảnh sắc đẹp đẽ của mùa xuân với thành ngữ XUÂN SẮC MÃN NHÂN GIAN 春色滿人間 là Cảnh sắc đẹp đẽ của mùa xuân đầy rẫy cả nhân gian. Mùa xuân đẹp đẽ không là của riêng ai, nhưng khi thấy ong bướm bay qua nhà hàng xóm thì lại đâm ra nghi ngờ, như hai câu cuối trong bài Vũ Tình 雨晴 của Vương Giá 王駕 đời Vãn Đường :

蜂蝶紛紛過牆去, Phong điệp phân phân qúa tường khứ,
卻疑春色在鄰家。 Khước nghi xuân sắc tại lân gia.

Hai câu thơ nầy đã được nhà thơ Tiền Chiến Jean Leiba mượn ý diễn Nôm thật hay trong bài Mai Rụng như sau:

Tơi bời ong bướm bay qua ngõ,
Những tưởng màu xuân ở xóm ngoài.

XUÂN SẮC phải là cảnh sắc đẹp đẽ của thiên nhiên bao la rộng lớn khi trời đã vào xuân, chớ không phải gò bó đóng khung trong một phạm vi đẹp đẽ nhỏ hẹp nào đó, vì Xuân Sắc là Sắc đẹp của mùa xuân sẽ bức phá khỏi những phạm vi hạn hẹp như cành hoa Hồng Hạnh trong bài Du Viên Bất Trực 遊園不值 của Diệp Thiệu Ông 葉紹翁 đời Nam Tống :

春色滿園關不住, XUÂN SẮC mãn viên quan bất trụ,
一枝紅杏出牆來。 Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai.

Có nghĩa:

XUÂN SẮC đầy vườn không giữ nổi,
Một cành hồng hạnh vượt tường ra!

Vì 2 câu thơ nầy mà hình thành một thành ngữ XUẤT TƯỜNG HỒNG HẠNH 出牆紅杏 là "Hồng Hạnh Vượt Tường" để chỉ những nàng cô phụ không giữ nổi nỗi cô đơn mà "vượt tường" đi tìm tình yêu của lòng mình đang khao khát.

- XUÂN THIÊN 春天 là Trời đã vào Xuân, nên có nghĩa là MÙA XUÂN. Còn...
- XUÂN NHẬT 春日 là Ngày xuân, là những ngày của mùa xuân.
- XUÂN TIÊU 春宵 là đêm xuân, là những đêm của mùa xuân. XUÂN TIÊU lại là tựa của một bài thơ nổi tiếng của Tô Đông Pha 蘇東坡, một trong Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 với 2 câu thơ mở đầu bất hủ là:

春宵一刻值千金, XUÂN TIÊU nhất khắc trị thiên kim,
花有清香月有陰. Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm...
Có nghĩa :
Đêm xuân một khắc đáng ngàn vàng,
Hoa thoảng hương thơm trăng mơ màng...

Vốn dĩ Tô Đông Pha muốn nói rằng đêm xuân mát mẻ êm ả lại thoang thoảng mùi hương của hoa và lấp loáng mơ màng của bóng trăng chênh chếch. Đêm xuân đẹp là thế, êm đềm là thế, nên không nở đi ngủ, vì một khắc êm đẹp thoải mái của đêm xuân có giá trị đáng ngàn vàng ! Nhưng suốt cả ngàn năm nay người ta chỉ hiểu nghĩa của câu thơ với một ý khác. Cứ nghĩ đến tình yêu nồng thắm say đắm của nam nữ, của đôi vợ chồng son, của những người đang yêu nhau, của cô dâu và chú rể trong đêm tân hôn...thì "Đêm Xuân Một Khắc Giá Đáng Ngàn Vàng!" để trân trọng cái thời khắc của đêm xuân khi đôi lứa được ở bên nhau.

- XUÂN TỬU 春酒 là Rượu uống vàp dịp Tết để mừng Xuân. Khác với...
- XUÂN DƯỢU 春藥 là Thuốc uống để khơi dậy lòng xuân, là thuốc kích dâm.
- XUÂN TÌNH 春情 là Tình cảm nảy nở trong mùa xuân, là tình yêu đối với mùa xuân, mà cũng làtình yêu trai gái nữa ; XUÂN TÌNH còn là tên một điệu hát cổ nhạc rất mượt mà ươt át; nếu đổi chữ TÌNH có bộ NHẬT 日 là Mặt Trời thì XUÂN TÌNH 春晴 là Mùa xuân nắng ráo, là Nắng đẹp mùa xuân. Trong bài thơ tứ tuyệt Trúc Chi Từ 竹枝詞 của Lưu Vũ Tích 劉禹錫 đời Đường có nhắc đến 2 chữ TÌNH nêu trên một cách thật lý thú như sau :

竹枝詞                     TRÚC CHI TỪ

楊柳青青江水平, Dương liễu thanh thanh giang thủy bình,
聞郎江上唱歌聲。 Văn lang giang thượng xướng ca thinh.
東邊日出西邊雨, Đông biên nhật xuất tây biên vũ,
道是無晴卻有晴。 Đạo thị vô tình khước hữu tình !

* Tình 晴: Tình nầy là NẮNG RÁO, vì có bộ NHẬT 日 là Mặt Trời bên trái. Chữ nầy ĐỒNG ÂM với chữ Tình 情 là TÌNH CẢM, TÌNH Ý, có bộ TÂM 忄là Lòng Dạ cũng ở bên trái. Nên, HỮU TÌNH 有晴 là CÓ NẮNG, đồng âm với HỮU TÌNH 有情 là Có Tình Ý.

NGHĨA BÀI THƠ:

Dương liễu xanh xanh soi mình trên dòng nước phẳng lặng, ta nghe tiếng của chàng cất giọng hát trên sông. Mặt trời đang ló dạng ở phía đông với những tia nắng đầu ngày, nhưng phía bên trời tây lại đổ mưa rào, cho nên, bảo là không có nắng, nhưng lại có nắng, nói là không có tình, nhưng lại có tình ý thật thiết tha !

DIỄN NÔM:

Xanh xanh dương liễu soi dòng nước,
Vẳng tiếng chàng ca sóng lặng thinh.
Tây đổ mưa rào đông lại nắng,
Hữu tình người lại ngỡ vô tình!

Lục bát:

Liễu xanh xanh nước mênh mang,
Trên sông nghe vẳng tiếng chàng hát ca.
Đông nắng Tây lại mưa sa,
Bảo là vô ý thì ra hữu tình!

- XUÂN THỦY 春水 là Nước mùa xuân. Nước xuân trong vắt tựa ánh mắt của các cô thôn nữ mộc mạc ngây thơ như lời thơ của Thôi Ngọc trong Đường Thi :

两臉夭桃從镜發, Lưỡng kiểm yêu đào tòng kính phát,
一眸春水照人寒。 Nhất mâu XUÂN THỦY chiếu nhân hàn.

Có nghĩa:

Má đào ửng đỏ trong gương
Một làn XUÂN THỦY vấn vương lòng người.

XUÂN THỦY là ánh mắt xuân của các cô gái ngây thơ trong trắng, khác với THU THỦY 秋水 là ánh mắt gợn buồn đa sầu đa cảm của các giai nhân tài hoa bạc mệnh như Thúy Kiều :

Làn THU THỦY, nét XUÂN SƠN,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh!

Làn THU THỦY 秋水 là làn nước mùa thu, trong veo, lạnh lùng mà se sắt dễ làm rung động và cũng dễ làm tê tái lòng người. Còn nét...

- XUÂN SƠN 春山 là Núi của mùa xuân, xanh biếc và rạng rỡ tràn đầy sức sống và gợi cảm như đôi mày liễu của giai nhân, như cụ Nguyễn Du đã tả về nhan sắc của Thúy Kiều là "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh !". XUÂN SƠN tự ngàn xưa đã được ví như là đôi mày liễu xanh mơn mởn của các giai nhân với câu nói:

眼如秋水,眉似春山。Nhỡn như thu thủy, My tự xuân sơn.

Có nghĩa:

- Mắt long lanh như nước mùa thu, Mày xanh tươi như núi mùa xuân.

- XUÂN TÂM 春心 là Lòng xuân, là tấm lòng tươi trẻ yêu đời và tràn đầy nhựa sống như mùa xuân của các cô XUÂN NỮ 春女 là các cô gái trẻ như lời bài hát Gái Xuân của Từ Vũ và Nguyễn Bính:

Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần...

Theo kinh Lễ Nhạc thì vào đời nhà Chu cứ đến tháng hai là tháng Trọng Xuân 仲春 thì cho phép cưới gả, nên các cô gái với tình xuân phơi phới cứ mong chờ cho đến tháng hai để được người mai mối đến dạm hỏi, nên gọi các cô là HOÀI XUÂN THIẾU NỮ 懷春少女, là những cô gái Hoài Xuân đang khao khát tình yêu, là những cô gái đang muốn chồng ! Trong Kinh Thi đời Tiên Tần chương Chiêu Nam 召南 có câu:

有女懷春, Hữu nữ HOÀI XUÂN,
吉士誘之. Cát sĩ dụ chi!

Có nghĩa:

Có cô con gái HOÀI XUÂN,
Các chàng xúm xít tỏ lòng ước ao!

Mùa Xuân mang lại sự sống và sức sống cho muôn loài muôn vật sau những tháng rụi tàn vì đông hàn buốt giá, nên sức sống hồi phục trở lại gọi là HỒI XUÂN 回春 để chỉ cái gì đó tưởng đã chết đi nhưng rồi sống lại đều được gọi là HỒI XUÂN kể cả tình cảm tình yêu và thể chất thể xác của con người, nên ta mới có thành ngữ Lão Giả Hồi Xuân 老者回春 để chỉ những người đã già nhưng sức sống còn mạnh mẽ như lứa tuổi thanh niên. Ta có nhóm từ "Lứa Tuổi Hồi Xuân" vừa có ý tốt vừa có ý mĩa mai để chỉ những người đã đứng tuổi nhưng còn ham muốn dục vọng và sống như lứa tuổi thanh niên...
Nhưng những ông thầy thuốc "mát tay", thầy thuốc giỏi có thể cải tử hồi sinh, cứu được người chết đi sống lại thì được xưng tụng là DIỆU THỦ HỒI XUÂN 妙手回春 là bàn tay khéo léo có thể làm cho người tưởng đã chết đi lại được sống trở lại, như Hoa Đà, Biển Thước và như Hải Thượng Lãn Ông của ta vậy.
Ngày xưa các thư sinh sau mười năm đèn sách thì chỉ còn đợi những khoa XUÂN THÍ 春試 là những khoa thi được hai triều đại Minh và Thanh mở ra cho sĩ tử ứng thí vào các mùa xuân, như Kim Trọng và Vương Quan đã cùng thi đỗ trong một khoa XUÂN THÍ, nên trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã viết là:

Chế khoa gặp hội tràng văn.
Vương, Kim cùng chiếm BẢNG XUÂN một ngày.

Vì khoa thi được mở vào mùa xuân, nên bảng vàng đề tên các sĩ tử thi đỗ cũng được gọi là BẢNG XUÂN chữ Nho là XUÂN BẢNG 春榜, tức là LONG HỔ BẢNG 龍虎榜đó.

Ngày xưa thi đậu gọi là Bình Bộ Thanh Vân 平步青雲, ta gọi là Nhẹ Bước Thang Mây, cụ Nguyễn Công Trứ thì tỏ ra rất đắc ý với "Đường mây rộng thênh thang cử bộ"; còn Mạnh Giao đời Đường thì gọi là XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 trong bài thơ Đăng Khoa Hậu 登科后 là "Sau khi Đăng Khoa" với 2 câu cuối như sau:

春風得意馬蹄疾, XUÂN PHONG ĐẮC Ý mã đề tật,
一日看盡長安花。 Nhất nhật khán tận Trường an hoa.

Có nghĩa:

Gió xuân đắc ý ngựa phi mau,
Xem hết Trường an hoa đủ màu.

Hai câu thơ trên còn để lại 2 thành ngữ cho đến hiện nay là XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 để chỉ sự vui vẻ đắc ý vì một thành đạt nào đó, và TẨU MÃ KHÁN HOA 走馬看花 mà ta gọi là CỞI NGỰA XEM HOA để chỉ việc gì đó chỉ làm lấy có, làm hoa loa cho xong việc mà thôi.

Đón xuân, mừng xuân, chúc cho tất cả mọi người đều XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 và cả năm luôn luôn được MÃN DIỆN XUÂN PHONG 滿面春風 là mặt mày luôn luôn tươi vui như đang chào đón gió xuân vậy.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Ví Dầu Biền Biệt Cánh Chim - Sáng Tác Phượng Trúc - Kim Trúc


Sáng Tác: Phượng Trúc
Trình Bày: Kim Trúc


Trong Giấc Ảo Mùa Xuân



Em bé cười thơ ngây như Chim Sáo
và Nàng Xuân ! Đã thay Áo diễm kiều
Thế gian này, Ơi, Đẹp biết bao nhiêu
Cô em gái lên Chùa, Dâng Hoa Cúng Phật !

Tà áo trắng phất phơ ... Thơm Nắng Mật,
Gió Mùa Xuân, Xao xuyến Cội Ngâu già
Tôi lại nhớ ! Tết Nguyên Đán mùa xa
Xa rất xa! Giờ đã vào dĩ vãng ...

Qua bao trạm thời gian, hình ảnh xưa bảng lảng,
Gió Mùa Xuân ! Phơi phới ... Gió Mùa Xuân ...
Thuở ấu thơ Vui nắng sớm, chân trần,
Một lũ trẻ cười vang trên đồi vắng,

Cuốn Phim đời chập chờn ... trong thinh lặng,
Những ngày xưa thân ái đã xa vời ...
Tôi bâng khuâng nhìn mây trắng đang trôi
Mây Thanh Khiết! Thảnh thơi ... Mây phiêu lãng ...

Tôi Ước mình, Như Mây, Vui cùng Nắng,
Trong vô cùng! Giữa Khoảng Lặng, Thinh Không,
Tôi và Mây , cứ như thế bềnh bồng ...
Trong Cõi Ảo! Tôi Lạc Vùng Không Tưởng!

Biển Trời Xanh! Diễm Tuyệt ... MỘT RỪNG HOA!
Hương Diệu Kỳ! Bát ngát cả Thiên Hà!
Bầy Chim Lạ! Hót Mừng ... Xuân Khai Hội ...
Gió Ru Hời ... Gió Ru! Đời Mây Nổi!

Tôi âm thầm đã hiểu Ý Sắc, Không
Nắng Tà Huy, Phơ phất ngọn Cỏ Bồng,
Nếu Là Gió, Là Mây, Vui quá nhỉ,
Đời muôn nẻo, Ai đi tìm Thiện Mỹ!

Hồi Chuông Ngân Huyền Diệu Giữa mênh mông ...
Tôi Hạt Bụi nhỏ nhoi Vẫn Ước Mong
ƯỚC NHÂN LOẠI SỐNG VUI... ĐỜI HẠNH PHÚC!
NGƯỜI THƯƠNG NGƯỜI! THẾ GIỚI ĐẸP NHƯ MƠ ĐẸP NHƯ MƠ ...

Tuệ Nga



Hóa Giang Vẹn Thề

 

Hưng Đạo Vương Ngài đã vẹn thề
Phá tan giặc Bắc mới quay về
Bến Voi trăng rọi hồn da diết
Sông Hóa gió gào dạ tái tê
Một thuở vĩnh ly đau thống thống
Ngàn thu diễm truyện xót thê thê
Tiếc thương Voi Trận lòng trung nghĩa
Ngài dựng Tượng đài luống ủ ê...!!

Nguyễn Minh Thanh
Phụ chú:
Năm 1287 Nguyên Mông xâm lăng nước ta lần thứ Ba, sau cùng.
Năm 1288 Nguyên quân trên đường lui binh bị Hưng Đạo Vương chận đánh.
- Lời Thề: Khi xuất quân, Hưng Đạo Vương đã chỉ tay xuống Sông Hóa thề rằng: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không trở về sông này nữa".
- Sông Hóa ( Hóa Giang ): sông nhánh của sông Luộc, là ranh giới thiên nhiên giữa thành phố Hải phòng và tỉnh Thái bình.
- Bến Voi: Khi đại quân qua sông, gặp thủy triều xuống thấp. Tới giữa lòng sông, nước cạn không đủ giúp cho voi nổi lên, voi sa lầy...
Vì quân hành cấp bách, Hưng Đạo Vương đành bỏ voi đi bộ cùng tướng sĩ. Voi cảm nhận bị bỏ lại, rống lên thảm thiết, nước mắt chảy ròng ròng... Động lòng, Ngài cũng không cầm được nước mắt...
Thắng trận trở về, biết Voi Trận đã chết chìm giữa lòng sông. Thương tiếc, Hưng Đạo Vương cho xây đài Voi bên bờ sông làng A Sào có bàn thờ lộ thiên , xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Dân bản địa gọi là Bến Voi.

Đoạn Thơ Cho Tháng Mười Hai



Trời u ám khi đông về ngoài ngõ
lá lìa cành theo cơn lốc xoay nhanh
đàn sóc nhỏ vẫn nô đùa trên cỏ
tiếng lào xào nhè nhẹ những âm thanh
từ lũ sẻ đi về trong lặng lẽ
có tiếng chân ai vang vọng đâu đây
cho ta ngỡ người về từ ngõ vắng
cây khẳng khiu, cành trơ không chiếc lá
đứng ưu sầu sừng sững dưới trời mây
chuông thánh thót một điệu buồn thong thả
vươn lên cao ngàn cung thánh bay xa
mây đứng lặng với nổi niềm tê tái
gió du dương ru hồn mộng ta bay
quay trở lại tháng ngày thơ ngây cũ
của tuổi thơ đầy mộng ước hồn nhiên
mà ta ngỡ đã tàn theo năm tháng
đã qua đi không bao giờ trở lại
cho đời buồn theo ngày tháng triền miên

Hồng Vân
 

 



Chân Tâm

 

Tâm thức muôn đời bản thể ta 
Hữu duyên nên nhập chốn ta bà 
Bồng bềnh thân xác bao hư ảnh 
Khuấy động linh hồn mỗi sát na 
Tham , mạn chất chồng như tuyết phủ 
Sân, si tràn ngập tợ mưa sa 
Gieo nhân hái quả vô minh cõi 
Ráng tự soi mình mới thấy ta 

Lâm Hoài Vũ


Tiếc Người Ra Đi - Nhạc sĩ Hoàng Trọng


LÁ RỤNG VÀO THU gió GỢI SẦU
ĐƯỜNG DÀI MỘT BÓNG biết về đâu
BẠN LÒNG, MỘT THUỞ YÊU ĐÀN ấy
Giờ biết tìm đâu BẮT NHỊP CẦU
TIỄN BƯỚC SANG NGANG tàn MỘNG ĐẸP
BƠ VƠ ôm ấp MỘNG BAN ĐẦU
GIÃ TỪ BÓNG TỐI con đường sáng
ĐẸP GIẤC MƠ HOA đẹp sắc màu
BUỒN NHỚ QUÊ HƯƠNG lòng khắc khoải
TRĂNG SẦU VIỄN XỨ gợi tình sầu
CHIỀU MƯA hiu hắt gom VÀO MỘNG
HẸN GIÓ XUÂN VỀ trong mắt sâu
LÁ RỤNG quyện màu MÙA LÚA MỚI
TIẾNG LÒNG thổn thức vết thương đau
Tỉnh người nghệ sĩ HOA XUÂN thắm
KHÓC BIỆT KINH KỲ thắm giọt châu
DỪNG BƯỚC GIANG HỒ chân mỏi mệt
CÀNH HOA YÊU rụng dưới chân cầu

Nguyên Trần
Ghi lại cảm xúc nhân đọc bài hồi ký khóc cha ‘’Một chuyến đi’’ của cô Bạch La, ái nữ cố nhạc sĩ Hoàng Trọng. Những chữ hoa và đậm nét là tên những bản nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Có Những Niềm Vui Ngày Giáng Sinh


Đây là bài số sáu trăm bốn mươi bốn (644) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Ngày Giáng Sinh dù đã qua rồi nhưng dư âm vẫn còn đấy. Gia đình người viết vẫn trang hoàng cây Noel và đèn đóm sáng trưng ở sân trước nhà để chung vui Giáng Sinh với các ông bà bạn hàng xóm cho vui từ mấy chục năm nay rồi, dù người viết là Phật Tử. Smile!

Niềm vui sum họp gia đinh trong mùa Giáng Sinh đâu phải của riêng ai. Thật tình, người viết thấy nhà mình ấm cúng hơn, vui mắt hơn khi có cây giáng sinh trong nhà trong dịp Lễ Giáng Sinh

Tiệc Giáng Sinh năm nay ở nhà người viết đặc biệt hơn vì có sự hiện diện của cô em gái từ Việt Nam qua và vợ chồng của cô cháu từ Spain sang viếng thăm thân nhân gia đình họ Nguyễn Hữu của người viết đang sống ở Portland, Oregon nên có nhiều mục đặc biệt hơn.

Những người ở Portland đang lo lắng vợ chồng cô cháu gái ở Spain sẽ bị kẹt ở phi trường nào đó vì cơn bão tuyết quá dữ dội, quá ư buốt lạnh đang xảy ra nơi xứ Mỹ, đặc biệt là ở Portland có "Freezing Rain" và nhiệt độ xuống thấp đến 22 độ F trong ngày Thứ Sáu 12-23-2022 nên tất cả các chuyến bay đều bị hủy bỏ. Vợ chồng đương sự có thể không đến Portland được đúng ngày giờ như đã ấn định. May mắn thay, chuyến bay từ Amsterdam của đương sự đã không bị hủy bỏ nên hai cháu đã đến Portland đúng lịch trình ấn định. Mừng thay!

Năm nay gia đình tôi có một buổi tiệc Giáng Sinh thật là vui, thật ấm tình gia đình. Bà chủ nhà đổ bánh khọt chay, bánh khọt mặn. Mợ Út trong gia đình nấu bún suông ngon lành hấp dẫn, Hai cô em gái ăn chay trường làm chả giò chay, soup chay và đặt một chiếc bánh ngọt bự chảng để chung vui trong buổi tiệc.

1- Sương Lam giới thiệu bàn tiệc Christmas 12-25-2022


SL giới thiệu bánh khọt https://youtu.be/Dv5Jtd80V8Q

Tiếng cười nói giữa những người thân yêu trong gia đình Nguyễn Hữu làm ấm lên không khí lạnh lạnh của ngày tuyết hôm trước. Những thức ăn chay, mặn trên bàn tiệc vơi dần và kết thúc với màn ăn bánh ngọt chia sẻ sự ngọt ngào với nhau.

Mời xem youtube toàn cảnh tiệc sum họp gia đình họ Nguyễn Hữu nhân ngày Christmas 2022:

Trước khi ra về có màn tặng quà cho nhau. Người ở xa tặng người ở Portland những món quà độc đáo từ miền Spain xa xôi và người ở Portland, Oregon nước Mỹ tặng người ở xa những mỹ phẩm được sản xuất ngay tại xứ Mỹ. Tình cảm gói ghém trong món quà từ miền xa mang một ý nghĩa đặc biệt “của một đồng, công một vạn” vì đã vượt bao nhiêu là dặm trường, bao nhiêu là công sức chọn lựa, bao nhiêu là thời gian chờ đợi ở phi trường để được trao tặng cho người thân của mình.

Xin cảm ơn cô em gái từ bên Việt Nam, cảm ơn vợ chồng cô cháu gái Thùy Nhân hiền hòa dễ thương đã đem niềm vui từ Spain đến với các thân nhân đang sống ở Portland, Oregon.
Chúng tôi ai cũng nói cười vui vẻ, ai cũng có những niềm vui.


“…Có những niềm vui, mỉm cười sảng khoái:
Thấy kẻ thân yêu, được sống an bình,
Giữa cuộc trần ai, đau khổ sinh linh
Thân tâm tĩnh lạc, an vui, hạnh phúc…”
(Thơ Sương Lam- Có những niềm vui)

Từ niềm vui cá nhân mình, người viết lan man nghĩ đến những người khác không có hay đang cần những tình cảm thân thương của một mái ấm gia đình. Họ là ai? Họ là những trẻ mồ côi trong các cô nhi viện, họ là những người già sống cô đơn trong viện dưỡng lão, là những kẻ vô gia cư sống lang thang ngoài đường phố hay dưới gầm cầu, là những chiến sĩ đang phục vụ nơi chiến trường v..v…

Một lần thăm viếng, một lá thư thăm hỏi, một chút quà nho nhỏ, một chút tài vật tượng trưng gửi đến những kẻ đáng thương này chắc chắn sẽ làm ấm lòng họ, bạn nhỉ? Người viết năm nào cũng cố gắng làm những chuyện nho nhỏ cho vui người vui mình trong mùa của yêu thương nhân ái này và cũng có nhiều thân hữu của người viết đã làm như thế.

Xin tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ, sư cô Huệ Hương, xin cảm tạ công đức anh Nguyễn Huy Điền và nhóm thiện nguyện, xin cảm ơn các thân hữu giàu lòng từ tâm của người viết, đã tạo cơ hội cho vợ chồng chúng tôi làm được nhiều thiện việc xoa dịu phần nào nỗi bất hạnh của những người kém may mắn hơn mình.

Đức Phật đản sinh hay Chúa ra đời với mục đích dạy con người làm lành lánh dữ, lấy hai chữ Thiện Tâm làm nền tảng cho mọi suy nghĩ, mọi hành động thì chúng ta cần phải tâm tâm niệm niệm rằng hai chữ Thiện Tâm là căn bản cho mọi sự việc trên đời:

“Thiện Tâm ấy nào phân chia tông phái
Chúa trên cao hay Phật ngự tòa sen
Thương kẻ trần không phân biệt sang hèn
Khuyên người phải biết thương yêu, giúp đỡ “
(Thơ Sương Lam)

Mỗi người mỗi ý trong cuộc sống của mình. Mỗi người mỗi duyên khi gặp thiện hữu tri thức, tăng sĩ. Người viết có phúc duyên được nghe pháp thoại của Thầy Thích Pháp Hòa, Thích Tánh Tuệ.

Người viết thường nhận được điện thư (email) của Thầy Thích Tánh Tuệ chia sẻ những bài pháp ngắn, những bài thơ thật giản dị nhưng tràn đầy ý Đạo, dạy làm lành lánh dữ, sống từ bi như lời Phật dạy, sống bác ái như lời Chúa khuyên.

Xin mời bạn cùng đọc một điện thư của Thầy Tánh Tuệ mới gửi đến người viết dưới đây:

Lấy thiện làm lẽ sống.


Trong sâu thẳm của tâm hồn, ai cũng biết rõ ràng đời mình rồi phải có lúc kết thúc và sự chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặt khác, ai cũng đồng ý rằng giá trị đời người không phải là sự hiện hữu dài hay ngắn mà nằm ở chỗ con người có làm được điều gì tốt cho bản thân và cho cuộc đời.
Đời người mong manh nhưng cũng là cơ hội đáng quý như vậy thì sao ta không dốc tâm làm ngay điều gì đó tốt đẹp hơn, dù nhỏ ?
Phật thấy rõ giá trị hiện hữu hết sức mong manh của kiếp người nên khuyên nhắc chúng ta cần phải gấp rút làm nhiều việc tốt việc thiện để hướng thiện cho bản thân và làm cho sự sống tăng thêm giá trị an lạc. 

Ngài khuyên nhắc chúng ta phải biết trân trọng và tích lũy điều lành điều thiện, không nên xem nhẹ mà bỏ qua việc thiện dù nhỏ nhiệm. Vì theo tuệ giác của Ngài, sở dĩ người hiền trí sống an lạc và có khả năng giúp cho mọi người khác được an lạc chính là do người ấy biết trân trọng và tích lũy dần các điều lành điều thiện cho đến lúc tràn đầy:

"Như nước nhỏ từng giọt,
rồi bình cũng đầy tràn
người trí chứa đầy thiện
do chất chứa dần dần”
( Kinh Pháp Cú, kệ số 122)

Tích lũy điều lành điều thiện là điều mà mỗi người có thể làm thông qua lối sống và sinh hoạt hàng ngày của mình. Trong đời sống thường nhật, mỗi người chúng ta đều có khả năng làm điều tốt điều thiện đúng như lời Phật khuyên dạy. Chẳng hạn, chọn một suất ăn chay thay vì ăn mặn tức là chúng ta đang tích lũy một việc thiện, vì điều đó giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi và góp phần hạn chế việc sát hại sinh linh.
Cư xử đúng đắn có từ tâm đối với mọi người cũng là một việc thiện. Vì điều đó là biểu lộ thiện tâm,góp phần làm cho đời sống con người và xã hội trở nên hiền hòa tốt đẹp.

Mỗi ngày dành 15 phút để tụng kinh hay ngồi thiền thay vì xem ca nhạc hay ngồi tán gẫu với bạn bè tức là chúng ta đang tập cho mình một lối sống lành mạnh sáng suốt, vừa có lợi cho sức khỏe cơ thể vừa thư thái cho đầu óc tinh tấn. Cứ thử làm mỗi ít công việc đơn giản như thế thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa và giá trị của sự sống nằm ngay trong mỗi việc làm là hiền thiện giản dị mà chúng ta thực hiện mỗi ngày.
Điều đó cũng nói lên rằng lời Phật dạy là hết sức thiết thực giản dị nhưng tuyệt đối lợi lạc bổ ích cho cuộc sống hàng ngày chúng ta, nếu chúng ta biết lắng nghe và sống theo lời khuyên của Ngài.

Namo Buddhaya
Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ

Xin chúc cho nhau: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm"

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 644-ORTB 1072-ORTB 12283033)

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Cõi Nhân Gian - Nhạc Và Lời Trần Văn Khang - Ca Sĩ Ngọc Quy

Lời giới thiệu:

Mỗi sáng anh thường dạo trên bờ biển, khi vừng đông vừa lên khỏi ngọn những hàng thông xa bờ. Gió mát từ đại dương. Tiếng sóng vỗ dạt dào. Những bọt nước trắng xóa tung cao nơi chân ghềnh đá. Anh dang đôi tay, đón nắng mặt trời. Đưa chân đi ngược xuôi trên bờ biển khơi. Bờ biển có chỗ cát mịn, có nơi nhiều sỏi đá với vỏ ốc, vỏ sò. Tự nhiên có lúc anh cảm tưởng như đang dạo trên con đường đời, trong cõi nhân gian. Nhìn xa, có dãy núi sẫm mầu đầy những cây xanh. Anh chợt có ý tưởng nếu mình làm tiều phu đốn củi, hay lên núi cao hồn nhiên tắm suối có lẽ thảnh thơi. Xa với cuộc đời nhiều bon chen, đầy những diễn biến vô thường.

Mời quý thân hữu thưởng thức ca khúc CÕI NHÂN GIAN, nhạc và lời Trần Văn Khang, Ca sĩ Ngọc Quy trình bày qua phần thu âm và phối khí của Nhạc Sĩ Quang Đạt. Đa tạ Nhạc Sĩ Võ Tá Hân, trước khi ca khúc được thu âm, đã ưu ái dành thời giờ giúp tu sửa bài nhạc cho hoàn chỉnh và viết phần hòa âm cho ca khúc với tiến trình hòa âm công phu và nghệ thuật.


Nhạc Và Lời: Trần Văn Khang
Phối Khí:Nhạc Sĩ Quang Đạt
Ca Sĩ: Ngọc Quy

Thương!

(Ảnh: NguyễnThành Tài)

Em suy nghĩ những gì
Tìm chỗ ấm mà đi
Nơi này tê tái lắm
Chần chờ mãi làm chi.
Tuyết đã rơi rồi đấy
Em lấy gì để ăn
Không gian đầy tuyết trắng
Bươn chải rất khó khăn.
Thôi, Em bay đi
Về phương trời mầu mỡ…!!!

Thơ & Hình Ảnh: Nguyễn Thành Tài

Hoa Tuyết Hoa Đời

 

Rồi chiều nay.Trời mù mây,
Gió hiu hiu thổi tuyết bay trắng chiều.
Tuyết rơi rơi.Miền cô liêu
Rơi vào tâm sự cho hiu hắt lòng.
Mênh mông tìm giữa mênh mông
Vết suy tư vẫn nở hồng thời gian.
Mây về dệt mộng non ngàn,
Tình hoa cỏ, nhịp sóng tràn cõi thơ.
Mắt ai lạnh bến xuân chờ
Lòng ta se cát bụi bờ lãng du.
Bước ai sương khói... mặc dù...
Cho màu sương tuyết trắng mù trời xa...
Giấc đời.Lả mộng đêm qua,
Tim đời ai vỡ bên toà khói sương
Cuộc đi, ai đã trăm đường
Cuộc về còn lại một phương tâm hồng.
Chiều nay,Chiều trôi mênh mông
Giữa dòng nhân ảnh trắng lòng tuyết rơi.
Màu hoa tuyết,Màu hoa đời
Vẫn xanh cuộc lữ nụ cười gió sương!

South Dakota 12/2022.
Mặc Phương Tử

Lời Kỹ Nữ (Xuân Diệu)- The Courtesan's Words (Translated by Thomas D. Le)

  

Lời Kỹ Nữ

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng lạnh quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dười chân hoàng tử.
Chớ đạp hồn em!
Trăng về viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;

Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kĩ nữ cũng sầu như biển lớn,
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
Lời kĩ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kĩ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi. Du khách đã đi rồi.

Xuân Diệu
Hà Nội 1939
***
The Courtesan's Words

Stay with me longer then, ye my fond guest.
Why hurry ye? The moon is cold, my gentleman.
It's full tonight to light up heaven's feast;
Walk not away to leave my heart dead wan.
Come sit by me! This here my welcome knee,
My arm a haven for your tipsy head,
And here the strong wine, and this here my soul.
With due respect, my prince, I place them at your feet.
Tread not on them nor on my soul!
The moon has taken leave for its far clime
With nonchalance in the round firmament.

And in its wake sea wind blew to the heights
Spreading sadness in waves to far-off land.
This paramour's blues vies with the vast sea.
Let me not face up to my own sore heart.
This arm of love, use it as your own drape.
These young tresses, I weave them into bed.
Please push my painful soul onto the waves
To drift aimless without harbor or cove
Because I would not hinder your free steps.
My hair is not the tangling web of love.
I am frightened. Cold has spread everywhere;
The moonlit sky with its bone-chilling cold.
For the maiden: it's haven under the old trees;
For her man guest: the unmoored boat is free to roam around.
The tear-filled words the courtesan uttered
Amid the intense love that raged during the act.
The joy seeker that left his heart back way yonder
Shrugged off the snarling hand after the fact.
The rooster crowed under the moon's cold glow,
The maid behind blurred eyes beheld the river flow.
The guest is gone. The guest is gone forever so.

Translated by Thomas D. Le
26 October 2004

Xuân Lộc Khốc Thi

 

Quán biển chiều nghiêng... giũ buị đường
Thu vàng bóng nước tóc soi gương
Phong sương ướp chín màu luân lạc
Viễn khách chạnh lòng... khói cố hương

Bếp lửa riu riu má ửng hồng
Nhớ thời chiến mã giữ non sông
Bao la hoa sóng... xa vời vợi
Cánh nhạn lạc bầy... mờ mắt trông...!!

Giếng nước ngọt ngào..., bên góc sân
Mai vàng trang điểm... tóc giai nhân
Cụm Lài trải lá pha màu nắng
Ngát toả hương hoa... đoá trắng ngần

Lả ngọn Sầu Riêng muà trái chín
Vườn em chim hót gió thơm bay
Dáng tiên huyền ảo... chân mây tím
Bảo Chánh, Gia Ray... ước có ngày ?!

Xuân Lộc nghẹn ngào... ngâm Khốc Thi
Cao su mủ chảy... tiễn người đi
Tim bầm máu rỉ... thâm thiên lý
Cố Quốc bồi hồi... chuyến biệt ly...!!

Anh hùng, thành bại luận anh hùng
Nước loạn kề vai luyện kiếm cung
Chí nguyện tài bồi an Tổ Quốc
Theo làn mưa bạc... giọt rưng rưng... !!

Nguyễn Minh Thanh


Khuê


Thơ Thơ vừa mặc cái robe mới mua hôm thứ bảy tuần trước vừa ngắm nghía hình ảnh người thiếu phụ phản chiếu trong tấm gương lớn, tỏ vẻ hài lòng. Chiếc robe màu đen, dài phủ đầu gối, để lộ cặp chân trắng ngần. Thứ bảy tuần rồi đi shopping với Nga ở Rockland Center, ngang qua tiệm BCBG Nga lôi Thơ Thơ vào, mặc cho nàng dẫy nẫy:
- Thôi mi ơi, tiệm này mắc thấy mồ. Lương ta ba cọc ba đồng...
Nga cắt ngang:
- Tuần này nó hạ 70%. Vô đi. Ta thấy một cái robe màu đen rất hợp với mi. Mặc hôm party tuần tới là có khối chàng... xỉu!
Vừa nói Nga vừa nháy mắt với Thơ Thơ. Thơ nguýt cô bạn vàng một cái sát rạt:
-Vớ vẩn! Ai mà thèm bà già háp này chớ!
Nga cười bí mật:
- Ha! Vậy mà có người... Nói tới đây cảm thấy mình lỡ lời, Nga đánh trống lãng bằng cách reo lên:
- Đây rồi. May quá "Nó" chưa bị chôm đi mất!

Nga lôi chiếc áo đầm treo tuốt trong góc đưa cho Thơ Thơ. Chiếc áo cắt khéo, cổ trễ vừa phải và những lằn xếp chéo trước ngực đầy nghệ thuật. Thơ Thơ thấy chiếc áo thật đẹp. Nhìn giá cũng phải chăng, nên sau khi thử nàng đã trả tiền lấy chiếc áo.
Nga tuyên bố tổ chức party để chào đón ông anh họ từ Pháp qua chơi. Vốn không có tính tò mò nên Thơ Thơ cũng không hỏi gì nhiều về ông ấy. Chỉ biết ông ta đến tuổi sắp về hưu, có bằng Tiến sĩ và dạy ở một trường Đại Học tại Paris. Có gia đình nhưng đã ly dị và tên là Tú. Nga khen ông anh này hết mình. Đến nỗi Thơ Thơ phải kêu:
- Thôi, khen quá coi chừng té hen đó mi. Ta phải thấy tận mắt mới tin. Mi là hay tô màu téc ni cô lo lắm!
Nga chỉ cười mím chi:
- Ờ, mai mốt gặp anh của ta rồi, nhớ đừng có bị coup de foudre đó nha. Lúc đó chỉ sợ có người năn nỉ tui nói... tốt dùm hổng chừng!
- Thôi, cho em xin hai chữ bình an. Từ ngày thoát khỏi ách "đô hộ" của lão Nguyên, em sống rất thoải mái. Có điên mới đeo gông vào cổ lần nữa...! Nga chỉ cười cười, không trả lời.
...Thơ Thơ ngắm mình trong gương một lần nữa. Mái tóc cắt đơn sơ úp vào cổ, màu son hồng fuchsia khiến nàng trẻ ra cả chục tuổi. Tối nay Thơ đeo nữ trang hạt trai trắng càng tôn thêm nét quý phái. Dù đã qua tuổi năm mươi từ lâu, nhưng nhờ tập thể dục đều đặn nên thân hình nàng vẫn còn thon gọn trong chiếc robe bằng soie màu đen sang trọng. Cầm chiếc ví soirée màu bạc, mang đôi giày cùng tông, Thơ Thơ cảm thấy đầy tự tin.

Đến nơi đã thấy xe hơi đậu kín hêt trước cửa nhà Lệ Nga, Thơ Thơ phải đậu xe ở con đường ngang hông và đi bộ đến nhà Nga. Bước vào phòng khách đã thấy bạn bè quen thuộc đứng đầy. Thơ Thơ mĩm cười, gật đầu chào tổng quát. Ánh mắt cánh đàn ông nhìn nàng toát đầy vẻ ngưỡng mộ, nhưng cánh đàn bà không dấu nỗi sự e dè! Thơ Thơ biết, từ khi li dị Nguyên, nhiều người đã không còn nhìn nàng với ánh mắt như xưa. Những lời mời dự party cũng thưa dần. Có vẻ như, nơi những người đàn bà độc thân nói chung, có cái gì đó khiến cho các bà vợ không yên tâm. Chỉ có Lệ Nga là không thay đổi. Nhờ bờ vai của bạn mà suốt những tháng đầu chia tay với Nguyên, Thơ Thơ đã có nơi nương tựa tinh thần vững chắc. Bất cứ lúc nào nàng cũng có thể gọi cho Nga. Có những đêm không ngủ được, đầu óc căng thẳng tột độ, những ý nghĩ đen tối bắt đầu nhen nhúm, Thơ Thơ vội vàng gọi cho bạn và Lệ Nga đã yên lặng lắng nghe, lòng đầy thương cảm và xẻ chia. Tiếng nức nở của Thơ Thơ nhiều lần khiến Lệ Nga cũng rơi nước mắt âm thầm. May mà Sĩ, chồng Nga, thông cảm cho hoàn cảnh của Thơ Thơ. Nàng đang trải qua thời kỳ đen tối nhất cuộc đời của một người đàn bà. Mất con và li dị chồng. Vì thế Sĩ không hề cằn nhằn khi thấy vợ bỏ nhiều thời giờ an ủi, chăm nom cho Thơ. Đứa con trai duy nhất của vợ chồng Thơ đã qua đời năm hai mươi lăm tuổi, trong một tai nạn xe mô tô. Biết con trai có niềm đam mê nguy hiểm, nhưng Nguyên chìu con, không hề ngăn cản.

Sau cái chết của con, Nguyên suy sụp dần rồi đâm ra nghiện rượu. Chuyện ly dị sẽ không xẩy ra nếu như Nguyên không theo bạn bè đi Casino và càng ngày càng lún sâu vào trò chơi đen đỏ. Bao nhiêu tiền dành dụm cho tuổi già cũng lần lượt đội nón ra đi, mặc cho Thơ Thơ năn nỉ, khóc lóc... Có là thánh nàng cũng không thể chịu đựng nỗi ông chồng vừa nghiện rượu, vừa nghiện cờ bạc. Thế rồi một ngày... xấu trời, Nguyên nhận được lá đơn ly dị của Thơ Thơ. Nàng dửng dưng, chai đá trước những lời hứa hẹn, thề thốt thứ một trăm lẻ của chồng. Cuối cùng Nguyên đành đầu hàng, đặt bút ký vào lá đơn. Không có sự tranh giành, kiện tụng nào xảy ra. Hai người chia tay êm thấm trong sự đớn đau, hối tiếc. Hối tiếc một hạnh phúc đã qua. Hình ảnh gia đình ba người đầm ấm, vui vẻ ngày nào đã trôi vào dĩ vãng. Như một giòng suối chảy xuôi và mất hút vào vô tận...

May mà Thơ còn có Lệ Nga. Hai người quen nhau từ lúc cùng ở nội trú Régina Pacis. Thơ học Luật và Lệ Nga học Dược. Phòng hai cô sát cạnh nhau, cùng tuổi nên hai người dễ thân thiết. Lệ Nga từ Đà Lạt xuống và Thơ Thơ từ Cao Lãnh lên. Ba má Lệ Nga quê Sài Gòn nhưng lên Đà Lạt lập nghiệp lúc cô bé còn nhỏ xíu. Suốt bốn năm học, rất nhiều lần Thơ Thơ lên Đà Lạt nghỉ mát và Lệ Nga về Cao Lãnh nghỉ hè. Cả hai có với nhau biết bao kỷ niệm đẹp tuyệt vời của thời con gái ngây thơ. Chính Thơ Thơ đã là phù dâu cho Lệ Nga trong ngày cười. Sĩ, chồng Nga là Bác sĩ Quân y. Sau đó Lệ Nga cho mướn bằng Dược sĩ và theo chồng đổi ra Quy Nhơn. Vợ chồng cô chỉ về Sài Gòn dự đám cưới của Thơ Thơ với Nguyên. Sau đó thì Nguyên cũng đổi đi làm Phó Tỉnh Trưởng một tỉnh miền Cao nguyên xa xôi. Hai cô chỉ còn gặp nhau qua những cơ hội hiếm hoi. Đất nước giặc giã điêu linh biết làm sao bây giờ?


Cho đến tháng Tư Bảy Lăm, cả hai tình cờ gặp nhau trên đảo Guam. Ôi! không lời nào có thể diễn tả được cái cảm giác hạnh phúc của hai cô bạn chí thân khi gặp lại nhau trong một hoàn cảnh oan khiên như thế. Cả hai oà lên khóc trước ánh mắt ngạc nhiên của những người tị nạn. Những giọt nước mắt xót xa lẫn vui mừng... Khi phái đoàn Canada đến phỏng vấn, hai gia đình ghi tên và chỉ một tuần sau là họ có mặt tại thành phố Montréal. Rồi những ngày cơ cực cũng dần qua. Sĩ cày cục thi lấy lại bằng bác sĩ, Lệ Nga cũng lấy được bằng dược sĩ. Cả hai đều đi làm chăm chỉ nên đời sống thật dư dã, thoải mái. Nguyên học ra Kỹ sư cơ khí, có việc làm tốt. Phần Thơ Thơ, thấy nghề computer dễ tìm việc nên nàng ghi tên học. Sau khi yên ổn rồi Thơ Thơ mới sinh cu Nhật. Vì nhao không tróc, Thơ bị băng huyết suýt chết. Bác sĩ phải cắt bỏ tử cung. Biết vợ không thể sinh nở thêm nữa, bao nhiêu tình thương Nguyên dồn cả vào thằng con trai duy nhất. Cả hai cưng con như châu báu. Thế mà định mệnh lại bắt nó lìa cha bỏ mẹ mà ra đi ở độ tuổi tươi đẹp nhất, như trái còn xanh mơn mởn trên cành... chợt rụng và một gia đình tan vỡ!...

- Thơ Thơ. Tiếng Lệ Nga phát ra từ ngưỡng cửa phòng đọc sách. Vô đây ta giới thiệu với mi một người.
Thơ Thơ tiến về phía bạn, vừa cười vừa hỏi:
- Làm gì mà bí mật dữ vậy...
Nhưng nụ cười trên môi nàng vụt tắt. Thay vào đó là một sự ngạc nhiên tột độ. Thơ Thơ tự hỏi mình đanh tỉnh hay mơ. Người đàn ông trong bộ complet màu kem, dáng dấp sang trọng đứng giữa phòng có phải là...? Quay sang định hỏi Lệ Nga, nhưng nàng ta đã biến tự hồi nào, sau khi kín đáo khép cửa phòng lại. Giờ thì chỉ có hai người đối diện nhau. Một cảm giác mơ hồ vừa xa lạ vừa thân thiết xâm chiếm Thơ Thơ. Nàng không thốt được lời nào, chỉ nhìn đăm đăm người đối diện. Cặp mắt to, vẫn còn tinh anh sau cặp kính trắng, mái tóc hơi quăn có nhiều sợi bạc hai bên thái dương và chiếc cằm chẻ đôi. Chỉ có một người có đôi mắt này và chiếc cằm này... Lần cuối cùng nàng thấy người ấy trong tấm ảnh treo trên vách nhà của Nguyệt. Năm đó nàng mười sáu tuổi.

Người đàn ông tiến lại gần, cặp mắt đắm đuối nhìn sâu vào mắt Thơ Thơ, giọng êm như ru:
- Thơ Thơ. Còn nhận ra anh không?
Thơ Thơ đáp khẻ, giọng có chút nghẹn ngào:
- Anh Khuê! Phải anh Khuê không?
Người đàn ông cúi xuống cầm hai bàn tay đang run rẩy của Thơ Thơ, siết nhẹ, giọng chợt trầm xuống:
- Anh đây. Anh Khuê đây...
Sự xúc động mãnh liệt khiến đôi chân Thơ Thơ hầu như mềm nhũn. Người đàn ông tên Khuê vội vòng tay ngang lưng, dìu Thơ Thơ ngồi xuống chiếc ghế bành bọc nhưng đỏ gần đó. Sau khi an vị, Khuê đứng lên nói:
- Để anh ra ngoài lấy cho em ly rượu.
Nhưng Thơ đã vội vàng nắm tay chàng kéo ngồi xuống. Nàng không muốn xa rời Khuê dù chỉ vài phút. Đã mất nhau gần nửa thế kỷ rồi vẫn chưa đủ sao? Từ năm Thơ lên chín và Khuê là một cậu bé mười hai tuổi.
- Không cần đâu. Khuê ngồi đây với em. Trời ơi, Thơ đang tỉnh hay đang mơ đây? Anh Khuê... Anh Khuê! Thơ không bao giờ ngờ có ngày được gặp lại anh.

Khuê không trả lời, chàng vòng tay ôm Thơ Thơ thật chặt và bất ngờ đặt lên môi nàng một chiếc hôn nóng bỏng. Chàng cắn nhẹ lên bờ môi đang căng mọng của Thơ Thơ rồi nói, giọng mơ màng:
- Em có tưởng tượng được là anh ao ước giây phút này suốt cả cuộc đời của anh không Thơ Thơ. Từ khi theo ba má nuôi lên Sài Gòn, rồi sang Thụy Sĩ, Pháp và cho đến ngày hôm nay... chưa bao giờ anh quên được Thơ Thơ cũng như những ngày tháng hai đứa mình sống hồn nhiên như cây cỏ ở Tân An. Anh đã có một tuổi thơ thật cơ cực, nghèo nàn. Nếu như không có cô tiên bé nhỏ tên Thơ Thơ bên cạnh, thì những ngày sống trong gia đình cậu hai của anh càng đau khổ biết bao nhiêu! Anh đã bị bắt làm việc như một người ở đợ, bị sự hà hiếp của mấy đứa con cậu Hai, bị bà mợ đánh đập, bỏ đói... nhưng bù lại anh có Thơ Thơ. Cô tiên đã băng bó những vết thương thể xác và xoa dịu những vết thương tinh thần cho thằng bé mồ côi khốn khổ. Em nghĩ là anh có thể quên được sao? Ngàn lần không. Anh đã nhớ, đã nghĩ đến em hằng ngày. Liên miên từ năm nọ sang năm kia. Những khi gặp khó khăn, buồn chán... anh chỉ cần nghĩ đến nụ cười rạng rỡ, trong như pha lê, cặp mắt đen huyền ngây thơ, lấp lánh khi gặp chuyện vui và nét mặt phụng phịu, cặp môi cong lên thật dễ thương khi gặp chuyện không vừa ý của Thơ là trong anh lại tràn đầy sức mạnh để vượt qua.

Khuê nói xong, móc chiếc ví con trong túi quần, lấy ra một tấm ảnh đen trắng đã úa vàng. Trong hình là hai cô nhỏ độ tuổi mười lăm, mười sáu. Mái tóc dài xõa ngang lưng, nụ cười tươi như hoa và một trong hai cô là Thơ Thơ! Nàng kêu lên kinh ngạc:
- Ơ! Đây là tấm hình em chụp với Nguyệt khi hai đứa còn học ở Cao Lãnh. Sao anh có được?
- Lần đó, trước khi đi du học bên Thụy Sĩ, anh đã về Cao Lãnh thăm và từ giã gia đình cậu Hai. Đáng tiếc là em đi vắng. Nguyệt khoe anh tấm ảnh hai cô chụp chung. Anh viện cớ muốn giữ kỹ niệm với Nguyệt nên xin tấm ảnh và nó đã theo anh cho đến ngày nay. So với người trong ảnh, Thơ Thơ không khác gì mấy. Chỉ có mái tóc ngắn hơn và người thật trước mặt anh bây giờ... đẹp và quyến rũ hơn xưa!
Thơ Thơ mắc cỡ:
- Xí! Anh chỉ sạo! Em bây giờ già xọm. Anh đâu có biết em đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ với...
Khuê cắt ngang:
- Anh biết! Anh biết. Lệ Nga đã kể cho anh nghe hết rồi.
Thơ Thơ chợt nhớ ra:
- À, nói tới nhỏ này. Em phải la nó một trận mới được. Tụi em chơi với nhau mấy chục năm. Nó chỉ nói là có một ông anh ở Paris tên Marcel Tú! Như vậy nghĩa là sao?
Khuê cười:
- À, cái này không phải lỗi của Nga. Để anh kể cho Thơ nghe. Em biết là má sanh anh xong, chỉ hai tháng sau là mất vì bịnh sản hậu. Từ đó anh sống với gia đình cậu Hai và bà ngoại. Lúc nhỏ bà ngoại chăm sóc cho anh tử tế, nhưng khi anh sáu tuổi thì bà mất. Từ đó anh mới bị cậu mợ ngược đãi.
Thơ Thơ cắt ngang:
- Đúng rồi. Má em kể, cô ba Huê má của anh tuy nhà nghèo nhưng đẹp lắm. Tóc dài da trắng. Trong làng biết bao nhiêu người đeo đuổi mà cô không ưng. Năm cô mười chín tuổi thì gặp ba anh. Nghe nói ông là con nhà giàu trên Sàigòn, vì lý do gì đó chạy theo kháng chiến. Một hôm ông về làng làm công tác dân vận, gặp và thương cô thôn nữ xinh đẹp tên Huê. Nàng cũng thương anh chàng công tử Sài Thành thắm thiết, nên dù gặp sự chống đối quyết liệt của gia đình bên đàng trai, cô Ba vẫn quyết định trao thân gởi phận cho chàng công tử hào hoa. Họ chỉ làm một bữa cơm đơn sơ ra mắt ông bà. Ông anh Hai, tuy không bằng lòng nhưng vì nể mẹ nên cũng đành chấp nhận. Ông ta nghĩ con em lấy một chàng trai nào đó trong làng, tương lai còn tốt hơn là lấy anh chàng công tử cha căng chú kiết, chỉ có cái mã đẹp trai này. Khi cô ba Huê sinh anh ra, dượng ba từ trong đồng lén về thăm, bị lính ở ngoài đồn rình bắn chết. Hình như có người ghen ghét báo tin rằng thế nào ba anh cũng mò về thăm vợ con. Họ đã rình 3 ngày liền. Xác dượng ba được ông nội em cho chôn trong đất gia đình em, gần ngoài lộ mới. Cô ba đau khổ quá nên hai tháng sau cũng qua đời. Má em nói gia đình bên nội anh thật là tệ. Khi nghe tin, chỉ cho người con gái lớn xuống Cao Lãnh. Sau khi làm lễ cúng kiến trước mộ người em xong là bà ta trở về Sài Gòn, sau khi cho mẹ anh một món tiền nho nhỏ. Rồi từ đó về sau không có tin tức gì nữa mặc cho anh sống cực khổ với gia đình cậu Hai. À, mà sao anh lại tên Tú?

Khuê kể tiếp, giọng ngậm ngùi:
- Thơ còn nhớ không, khi anh được mười hai tuổi. Một hôm có cặp vợ chồng và một bà đứng tuổi thật sang trọng từ Sàigòn xuống Cao Lãnh kiếm nhà cậu Hai. Thì ra đó là vợ chồng chú Út và cô Hai của anh. Gia đình bên nội, ngoài cô thứ hai không chồng, còn cô Tư và chú Út. Vợ chồng chú Út lấy nhau mười năm mà không có con. Một hôm cả nhà họp mặt đám giỗ ông nội, cô Hai mới nhắc đến ba anh. Hình như cô ấy có ý ân hận đã không nhìn nhận thằng cháu đích tôn là anh. Họ tin tưởng chú Út lấy vợ thế nào cũng sinh con nối giõi tông đường. Có ngờ đâu! Khi sự việc xảy ra chú anh còn quá trẻ nên không để ý. Giờ nghe nhắc lại chú mới hỏi phăng tới và vợ chồng chú quyết định xuống Cao Lãnh tìm anh để nhận làm con nuôi. Lúc gặp mặt, thấy anh giống hệt ba anh, cô Hai đã ôm anh khóc mùi mẫn. Chú Út cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Anh tuy không hiểu gì lắm, thấy họ khóc anh cũng khóc theo. Đúng là tình máu mủ thật thiêng liêng phải không em? Gia đình bên nội anh rất giàu. Chú Út anh là Luật sư. Ông đã làm giấy khai sinh nhận anh làm con. Họ muốn đổi tên khác, nhưng anh nhất định đòi giữ tên Khuê, chú Út đành đặt là Nguyễn Khuê Tú. Từ đó về sau mọi người đều gọi anh là Tú. Thơ biết không, sở dĩ cậu Hai bằng lòng cho anh về bên nội là vì chú Út đưa ra một món tiền rất lớn, gọi là đền ơn công lao cậu mợ đã nuôi nấng anh trong suốt bấy nhiêu năm. Cậu mợ mừng húm nhận lời ngay. Họ đón anh đi ngay hôm ấy, có lẽ sợ cậu mợ đổi ý. Anh chạy đến nhà từ giã Thơ, nhưng em đi thăm ông bà ngoại trên Đốc Vàng. Xa em, anh đã nhớ và khóc thầm mỗi đêm hàng mấy tháng trời mới hơi nguôi ngoai. Tuy nhiên hình ảnh em thì choán đầy trái tim của anh, không chừa chỗ cho người con gái nào khác.

- Em cũng vậy. Thơ Thơ xen vô. Ở nhà ngoại về, hay tin anh đi rồi em khóc quá chừng. Em buồn rũ rượi không thiết chơi nhà chòi, nhảy giây, đánh chuyền hay bất cứ trò gì tụi con Hải. Đến nỗi, con Hải còn chọc em "Tụi bây coi con Thơ kìa. Nó nhớ thằng Khuê, giống như thằng Khuê là chồng nó vậy đó..." Em vừa tức vừa mắc cở, xông tới nắm cái đuôi ngựa của nó kéo một cái thật mạnh. Con nhỏ té lăn cù xuống đất, khóc một trận như mưa.
Nghe Thơ kể, Khuê bật cười, hai tay ôm mặt Thơ Thơ, hôn tới tấp lên má, lên môi, lên cặp mắt nhắm hờ của nàng, thì thầm:
- Thơ là tình yêu duy nhất của anh! Chưa bao giờ anh ngừng yêu em.
Thơ Thơ ngạt thở, né tránh những chiếc hôn nóng bỏng của Khuê, cười rúc rích :
- Coi kìa, để em thở với chứ. Coi chừng Lệ Nga đi vào bắt gặp thì quê lắm đó.
Vừa nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới liền. Lệ Nga mở cửa bước vào:
- Sao, hai anh chị tâm tình xong chưa? Bên ngoài bắt đầu nhập tiệc rồi đó. Ngạc nhiên không Thơ Thơ?
Thơ hừ một tiếng, xỉ ngón tay trỏ vào trán Lệ Nga:
- Ta còn chưa hạch tội nhà ngươi. Bao nhiêu năm nay không hé môi cho ta biết ông anh mi chính là anh Khuê...
Lệ Nga giơ hai tay lên trời phân bua:
- Thượng đế chứng giám nỗi oan của con! Ta có biết anh Tú có tên là Khuê bao giờ đâu? Hồi nào tới giờ mọi người đều gọi ông ấy là Tú. Anh phải làm chứng cho em đó nha anh Tú! Ủa mà tên Khuê từ đâu nhảy ra vậy? Em bị tẩu hỏa nhập ma rồi anh Tú ơi!
Khuê và Thơ Thơ bật cười trước vẻ mặt ngớ ra của Lệ Nga. Khuê nói:
- Thôi chúng ta ra ngoài đi. Chuyện này anh sẽ kể cho Nga nghe sau. Vừa nói Khuê vừa nắm tay Thơ Thơ kéo ra ngoài. Lệ Nga nhìn theo, lắc đầu tỏ vẻ bất lực, nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui!
Suốt buổi tối, Khuê không rời Thơ Thơ nửa bước. Họ đã nhảy với nhau những bài slow mùi mẫn, những bản tango tình tứ, luân vũ lã lướt... Thơ Thơ cảm thấy nàng đã thực sự hồi sinh. Khi Khuê bước lên bục hát tặng Thơ Thơ bài "Niệm Khúc Cuối" thì mắt nàng nhòa lệ:
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy
Có tuyết buồn lầy, có lá buồn gầy
Dù sao, dù sao đi nữa xin vẫn yêu em...


Giọng Khuê ấp áp, tựa tấm chăn len êm ái phủ lên tâm hồn đang băng giá của Thơ Thơ. Nàng cảm thấy lòng mình mềm đi, mềm đi, lãng đãng khói sương... Khuê hướng vào góc tối, nơi Thơ Thơ đang ngồi, ánh mắt đắm đuối như muốn nói lên ngàn lời tha thiết. Thơ nhìn chàng đứng đó mà vẫn tưởng như một cơn mơ. Nàng thầm van vái giấc mơ đừng bao giờ tàn và nàng đừng bao giờ tỉnh giấc. Tiếng vỗ tay rào rào kéo Thơ Thơ trở về thực tại. Khuê đi xuống, ngồi vào chiếc ghế bên cạnh Thơ Thơ, ghé tai nàng thì thào:
- Em thích bản nhạc này không?
- Bắt đầu từ đây, với em, Niệm Khúc Cuối là bản nhạc hay nhất của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên! Thơ Thơ trả lời, ranh mảnh nhưng chân thành.
- Anh đã để hết tâm tình của mình vào trong bản nhạc. Thơ có hiểu ý anh không?

Thơ không trả lời. Nàng đứng lên ra hiệu cho Khuê đi theo mình. Cả hai đi ra khu vườn phía sau nhà. Đang giữa mùa hạ nên hoa nở tưng bừng rực rỡ. Lệ Nga rất yêu hoa. Có nhiều loại hoa rất lạ. Từ khi chia tay Nguyên, Thơ bán nhà và mua một condo ở cho tiện. Một mình trong căn nhà rộng lớn càng thấy trống trải, cô đơn. Thơ dắt tay Khuê đến ngồi trên chiếc băng đá dưới vòm dây clématis đang trổ hoa màu tím hồng lộng lẫy. Nàng nói khẽ, như sợ phá tan cái tĩnh lặng của đêm trường:
- Khi nào buồn, em đến đây để ngắm hoa, ngắm bướm và nghe tiếng chim hót. Tâm hồn cảm thấy bình yên lạ lùng. Ban đêm em còn nhìn thấy những vì sao lấp lánh trên cao... À, em quên hỏi vì sao anh biết em ở đây?
- Hôm vợ chồng Lệ Nga qua Paris thăm ba má anh, tình cờ anh thấy hình em đứng chụp chung với cô ấy. Anh hỏi tên thì đích thị là Thơ Thơ của anh. Em có biết anh đã mất ngủ bao nhiêu đêm hay không? Khi biết em đã li dị, anh cám ơn Thượng Đế còn cho anh cơ hội tìm lại được mối tình thơ ngây của anh. Anh nói với Lệ Nga em là cô bạn thân thiết nhất của anh thuở nhỏ. Anh dặn Nga không được tiết lộ tí gì về anh để dành cho em sự ngạc nhiên. Cuối cùng không thể chờ đợi lâu hơn, anh đã bay sang đây để gặp em. Thơ Thơ, em chưa trả lời câu hỏi của anh lúc nảy. Khuê nhẹ nhàng nhắc nhở, mắt ánh lên vẻ đợi chờ và lo lắng.
Thơ nhìn chàng mĩm cười, cặp mắt long lanh:
- Khuê, anh có nhớ không. Năm em lên bảy tuổi. Một lần tắm sông với bọn con Hải, thằng Lân... chiếc hors-bord của ông Quận từ ngoài sông Cái chạy vào, những lượn sóng lớn lan thật mau. Mấy đứa kia nhanh chân chạy hết lên bờ. Chỉ có em còn lên chưa kịp, bị sóng đánh sắp chìm. Nếu không có anh tình cờ đi ngang nhảy xuống kéo em lên, thì giờ này đâu còn Thơ Thơ ngồi đây với anh nữa phải không? Từ đó, đối với em, Khuê là người con trai quan trọng và đáng yêu nhất trong đời. Em nghĩ đó chưa phải là tình yêu trai gái mà là lòng biết ơn, lòng ngưỡng mộ đối với ân nhân của mình. Em đã bất chấp những lời chế nhạo của tụi bạn, cứ đeo theo anh như hình với bóng. Bên anh, em cảm thấy được an toàn. Nhớ lại tức cười ghê!

- Ạ! hèn nào có món gì ngon cô bé Thơ Thơ cũng chia cho anh. Nhớ nhất là lần Thơ đem cho anh mấy trái nho khô. Trời ơi, sao mà nó ngon không thể tả. Anh chỉ dám cắn mỗi lần một chút xíu. Ngậm trong miệng để "nghe" tất cả sự ngọt ngào, thơm tho của nó rồi mới dám nuốt!
Thơ cười, giọng trong veo:
- Ừ. Ngày còn nhỏ ăn thứ gì cũng ngon hả anh. Bác Tư em ở Sàigòn thỉnh thoảng về thăm ông bà nội. Lần nào bác cũng đem những thứ hàng nhập cảng hiếm quý về biếu ông bà. Mà ông thì cưng em nhất nhà, nên lúc nào em cũng được ông cho. Em ăn một nửa còn một nửa để dành cho Khuê. Anh Thiên em theo dụ khị em cũng không cho. Có lần em bị anh ấy cốc lên đầu một cái đau điếng. Em vừa khóc vừa chạy mét ông nội. Anh Thiên bị ông nội xách ba ton rượt chạy có cờ.
- Hèn chi anh bị nó đổ nguyên bình mực vô cuốn vỡ. Về nhà còn bị cậu anh đánh một trận nên thân. Nhà anh nghèo đâu có tiền mua tập vở mới. May nhờ anh học giỏi nên được thầy cho anh cuốn vở khác để viết bài.
- Không ngờ ông Thiên lại nhỏ mọn như vậy. Mà anh thông minh thật, làm quần quật suốt ngày mà vẫn đứng đầu lớp. Hèn chi ông Thiên không ganh tức!

Thơ Thơ tựa đầu vào vai Khuê, mắt nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời nhung đen, giọng ngậm ngùi:
- Em còn nhớ một buổi chiều, ăn cơm xong em đem trái soài thanh ca chín vàng qua tìm anh. Không thấy anh trong nhà, con Nguyệt kéo em ra sau hè chỉ cho em xem anh đang bị bà mợ phạt quỳ. Quỳ và không được ăn cơm vì tội kho nồi cá linh bị khét. Anh quỳ mà hai tay không ngừng đập muỗi đang bu quanh. Anh đang đói, được trái soài bèn ăn ngấu nghiến. Em thấy vậy chạy về nhà, lén xuống bếp bới một chén cơm nguội, rưới nước cá kho còn lại hồi chiều. Vậy mà anh đã ăn ngon lành.
- Thơ Thơ, nói thật, đó là chén cơm ngon nhất trong đời anh. Sau này ở với ba má nuôi trên Sàigòn, dù ăn sơn hào hải vị ngon đến đâu anh cũng không thấy ngon bằng chén cơm chan nước cá kho chiều hôm đó. Một chén cơm chan đầy tình nghĩa. Ân tình của Thơ Thơ ban cho anh.

Thơ Thơ ngồi thẳng lên nhìn Khuê, cười một cách thú vị:
-Khuê còn nhớ cái lần hai đứa mình leo lên cây soài gần chùa Phước Lâm Tự không. Hái đầy túi, khi nhảy xuống đất em bị trặc chân. Khuê phải cõng em từ đó về đến nhà. Nằm trên chiếc lưng tuy êm ái nhưng đầy mồ hôi, con nhỏ mới tám tuổi đầu đã có ước muốn được anh cõng trên lưng như vậy mãi mãi. Đó có phải là tình yêu không anh? Sau này khi nhớ đến anh, em vẫn tự hỏi.
Khuê cảm động, giọng hơi nghẹn ngào:
- Nếu biết vậy, ngày đó anh không cõng Thơ về nhà mà cõng đi hoài, đi mãi đến chân trời góc biển nào cũng được...Và bây giờ Thơ có còn muốn anh cõng đi mãi... đi hoài... suốt đời nữa hay không?
Thơ Thơ không trả lời ngay, cắn môi cố nén tiếng cười:
- Khuê, anh còn nhớ khi anh cõng em về gần tới nhà thì gặp tụi thằng Lân, thằng Hiển, thằng Tín đang chơi tán u, thấy anh cõng Thơ trên lưng, tụi nó đã nói gì không?

Khuê bồi hồi nhớ lại cảnh tượng một thằng bé đi chân đất cõng đứa con gái trên lưng. Thằng bé mồ hôi mồ kê nhể nhại. Nó cắn răng bước, vì hai bàn chân đi đất cấn đá xanh đau điếng. Thằng Tín thấy hai đứa thì la lên "Tụi bây coi vợ chồng thằng Khuê, con Thơ kìa!" và cả ba đứa phá lên cười, lêu lêu chọc quê. Khuê cúi đầu bước thẳng, nhưng Thơ Thơ tức quá òa lên khóc nức nở. Con bé úp mặt lên lưng, nước mắt thấm qua áo cậu bé Khuê nóng hổi. Số là hồi hè, trường có tổ chức văn nghệ cuối năm. Trong hoạt cảnh cho bài hát Vợ Chồng Quê do Khuê trình diễn, cậu bé đã chọn Thơ Thơ đóng vai cô vợ. Tụi thằng Tín tức lắm, có dịp là trêu ghẹo ngay... Chuyện mà Thơ không biết là ngày hôm sau lỗ mũi thằng Tín bị Khuê cho ăn trầu, vì tội đã làm Thơ Thơ khóc! Chàng dịu dàng nắm hai bàn tay Thơ Thơ đưa lên môi, mắt đắm đuối nhìn vào mắt nàng, nói khẽ khàng:
- "Vợ chồng thằng Khuê- con Thơ"! Đúng là định mệnh đã se duyên cho chúng mình từ hồi còn bé, chỉ là bắt mình phải lạc nhau một thời gian. Giờ tìm lại được, em nghĩ thế nào hở Thơ Thơ?

Như chợt nhớ ra một điều rất quan trọng, Thơ hỏi giọng đầy lo lắng:
-Chết, em mừng quá nên quên hỏi chuyện vợ con anh?
-Thú thật là anh cũng trải qua vài mối tình, nhưng chẳng đi tới đâu. Giờ này anh vẫn còn cu ky!
Thơ cười, giọng bỡn cợt nhưng đầy hạnh phúc:
- Vậy là em yên tâm. Chẳng còn nghĩ gì nữa khi đã trót mang tiếng là "Vợ thằng Khuê" ngay từ lúc mới lên tám. Thôi thì đành chịu mang "danh hiệu" này trọn cuộc đời! Chúng mình vào nhà đi anh. Em bắt đầu thấy lạnh rồi đó.
Khuê kéo Thơ Thơ sát vào mình, ghé tai nàng nói nhỏ, trước khi đặt nụ hôn nồng nàn lên cặp môi đang hé mở:
- Xin tuân lịnh... Vợ thằng Khuê!
Có một ánh sao băng trên nền trời đen thăm thẳm, lấp lánh muôn vạn vì sao đêm. Sương bắt đầu rơi rơi trên cỏ cây hoa lá đang im lìm say ngủ...

Tiểu Thu

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

White Christmas (Nhạc & Lời Tiếng AnhIrving Berlin, 1941) - Giáng Sinh Trắng (Lời Việt, Đàn & Hát Phạm Ngọc Lân)


Nhạc & Lời Tiếng Anh: Irving Berlin, 1941
Lời Việt, Đàn & Hát: Phạm Ngọc Lân

Giáng Sinh 1975

 

Tuyết trắng phủ nhà ai đêm nay?
Trong ta, băng tuyết đã dâng đầy
Trong ta, từ độ đời xa xứ
Lòng trắng lòng như tay trắng tay

Hỏi Sài Gòn còn Giáng Sinh xưa?
Ở đây, thương nhớ với mong chờ
Ở đây, ta thiếu tình quê cũ
Hỏi hận thù có lắng cơn mưa?

Thanh thoát bài ca đêm Giáng Sinh
Tiếng ai như tiếng quê hương mình
Dáng ai như dáng em vời vợi
Ta bỗng chạnh lòng nước mắt nhanh

Non nước chìm theo cuộc bể dâu
Ra đi, bèo giạt khắp năm châu
Ra đi, một nửa hồn lưu lại
Một nửa hồn mang thêm nỗi đau

Trang Châu
Montréal Giáng Sinh 1975

Giáng Sinh Xứ Lạ

 

“ Lạy Chúa, con là người ngoại đạo”
Nhưng mỗi năm con vẫn đón mừng Ngài
Hang Bê Lem sáng rực ánh trăng sao
Dẫu giá lạnh … lòng con không quản ngại

Ba mươi năm đất khách lòng tê tái
Mùa Giáng Sinh xứ lạ nhớ quê hương
Làm sao quên đêm Noel êm ái
Quỳ bên nhau rộn rã những tơ vương …

Chàng Công Giáo còn con theo Phật Giáo
Ðã yêu nhau mối đạo cũng hòa đồng
Chúa, Phật là đấng linh thiêng tái tạo
Chàng với con đều tôn kính một lòng

Ðêm nay đón Chúa ra đời
Hoa đèn giăng mắc khắp nơi sáng ngời
“ Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Lòng con sao mãi bâng khuâng
Cuộc đời như thể thân tằm rối tơ
Yêu thương, giận ghét, hững hờ
Bao nhiêu cay đắng bên bờ tử sinh

Bao nhiêu hẹn ước tự tình
Ðêm đông lạnh lẽo riêng mình bơ vơ
Một vì sao lạc vào thơ
Ðể cho nhung nhớ đôi bờ ngân giang

Run run bút mực ngỡ ngàng
Làm sao nói hết đoạn tràng đa mang
Xuống trần Chúa cứu nhân gian
Biết chăng có kẻ thở than …đêm buồn ?...

Nguyễn Phan Ngọc An