Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Mừng Ngày Độc Lập


Thơ: Mailoc
Thơ Tranh: Kim Oanh
***

Bài Họa:Mừng Ngày Độc Lập July 4th

Ngày lễ Hoa Kỳ độc lập đây!
Mọi người nô nức đón vui này
Pháo bông soi sáng trời cao rộng
Cờ thắm tưng bừng khắp ngọn cây
Giữa lúc Hè về khoe phượng tím
Trong khi Hạ đến ngắm trời mây
Tự Do ngọn lửa còn gieo khắp  
Dân Chủ thỏa tình mặc sức bay

Dân Chủ thỏa tình mặc sức bay
Pháo hoa rực rỡ đắm mê say!
"July four" lễ người hoan hỉ
Độc Lập Hoa Kỳ vui vẻ thay
Sức Khoẻ, An Sinh người được hưởng
Thiên tai cứu trợ giúp liền tay
Văn minh, nhân ái nơi nào có?
Nước Mỹ tình thương mãi đổ đầy

Song Quang

Thơ Tranh: Nữ Thần Tự Do ( Mừng Ngày Độc Lập July 4th




Thơ: Song Quang
Thơ Tranh: Kim Oanh

Dư Vị Một Mùa Hè


Hè về sẽ dẫn "nhỏ" vui chơi !
Dạo khắp năm châu ,khắp đất trời
Trông thấy mây bay đầu núi thẩm
Ngắm nhìn sóng lượn biển ngoài khơi
Ve sầu trổi nhạc sầu da diet
Phượng tím khoe màu tím khắp nơi
Hạ hết, quay về vùng quá khứ
Để tìm dư vị một mùa trôi.

Song Quang

Bạc Mộ 薄暮 - Đỗ Phủ

Cảm xúc trước nỗi nhớ quê hương của Các Thầy kính mến qua những bài thơ cổ, hôm nay Quên Đi xin gởi đến Vườn Thơ bài "Bạc Mộ" của Đỗ Phủ:
Giữa cảnh mây núi chập chùng, khi bóng chiều dần tắt, không gian thật yên tĩnh thanh bình, khiến tác giả liên tưởng đến vận nước đang đảo điên, mà bùi ngùi cảm xúc. Biết đến bao giờ nhìn thấy được quê hương của ngày xưa.

 

薄暮

江水長流地
山雲薄暮時。
寒花隱亂草
宿鳥擇深枝。
舊國見何日
高秋心苦悲。
人生不再好
鬢發白成絲。

Dịch Hán Việt

Giang thuỷ trường lưu địa
Sơn vân bạc mộ thì
Hàn hoa ẩn loạn thảo
Túc điểu trạch lâm chi
Cựu quốc kiến hà nhật
Cao thu tâm khổ bi
Nhân sinh bất tái hảo
Mấn phát tự thành ty
Đỗ Phủ

Dịch Nghĩa : Chiều Tàn

Vùng đất này nước sông vẫn chảy mãi
Lúc này ánh chiều mỏng manh về trên mây núi
Cánh hoa bị lạnh lẩn vào trong đám cỏ lộn xộn
Chim tìm chỗ ngủ đêm chọn những cành rậm rạp
Biết đến ngày nào mới thấy lại đất nước cũ
Trời thu vòi vọi càng khiến lòng thêm buồn
Đời người không thể nào gặp lại dịp tốt
Mái tóc giờ đã trở nên những sợi tơ bạc

Dịch Thơ:
1
Nơi đây sông vẫn chảy
Chiều xuống phủ non mây
Hoa lạnh nép vào cỏ
Chim yên trong lá dày
Quê hương nay đã mất
Thu hỡi xót lòng này
Cơ hội bao giờ có
Bạc đầu đến chẳng hay

Quên Đi

2
Nước sông vẫn chảy mãi nơi này
Ánh ráng chiều hôm phủ núi mây
Lạnh giá hoa nương nhờ cỏ loạn
Đêm về chim ngủ giữa rừng cây
Quê hương thuở trước bao giờ thấy
Một cõi thu buồn dạ não thay
Dịp tốt biết bao giờ đến nữa
Sầu tuôn mấy chốc bạc đầu phai
Quên Đi
* * *
Chiều Hôm

(1)
Triền miên sông nước chảy qua đây ,
Núi thẩm chiều tà phủ khói mây .
Hoa lạnh ẩn mình trong cỏ dại ,
Chim muông về ngủ giữa tàn cây .
Bao giờ thấy lại nước non cũ ?
Thu muộn sầu thương chất ngất đầy .
Heo hút thời may không trở lại ,
Chưa chi sương nhuộm trắng đầu ai!
 Mailoc
(2)
Sông mênh mông nơi nầy chảy mãi ,
Áng mây chiều dệt dãi núi xa .
Lạnh về trong cỏ núp hoa ,
Chim muông cành rậm ngủ qua đêm trường .
Biết ngày nao quê hương thấy lại ?
Trời thu lồng , khắc khoải sầu ai .
Dịp may khó đến lần hai ,
Như tơ ai nhuộm tóc mai trắng ngần!

Mailoc
* * *
Ánh Tà Huy

Sông sâu uốn khúc chảy hoài,
Tà huy phớt nhẹ non đoài mây trôi.
Hoa rừng cỏ rối lạnh rồi,
Chim muông núp bóng ngủ thôi, rậm cành.
Xa quê khắc khoải lênh đênh,
Gió thu lồng lộng trời xanh đượm buồn.
Cả đời may rủi đành buông,
Tóc xanh mô nữa pha sương rụng dần...

Mai Xuân Thanh
* * *
Xứ Người..Nhớ Quê

Nơi đây, giòng nước nhẹ trôi
Núi đồi quyện với mây trời chiều pha
Cỏ hoa trốn lạnh la đà
Chim muông tỏ ngủ làm nhà ngọn cây
Quê hương cách trở dậm dài
Vào Thu dạ nhớ tháng ngày buồn thay
Đời người chỉ một lần may
Sầu buông tóc ngã màu phai mất rồi!

Song Quang
(Cảm tác theo ý bài thơ Bạc Mộ của Đổ Phủ)
6/23/2015

Tình Ngỡ Xa Rồi



Nhớ ngày nào ta trao nhau niềm tin
cùng cố gắng đi kiếm tìm hạnh phúc
luôn lo sợ những lọc lừa không thực
cố tạo cho mình khoảnh khắc yêu thương.

Tình yêu là gì ? luôn mãi vấn vương
hạnh phúc là chi ? cho mà không nhận
em luôn bước tung tăng nhưng cẩn thận
có bao giờ : nhìn lại kẻ đi sau ?

Em không bao giờ nhận mình là sai
ta cũng chưa nói một lần xin lỗi
tuổi còn trẻ mà tâm hồn già cỗi
cảm xúc nồng nàn - không chịu thứ tha.

Lúc nào tim em thổn thức kiêu sa ?
mình bên nhau nhưng như phà không bến
em thường quay mình khi ta bước đến
khiến đôi chân hụt hẩng đến bây giờ !

Ta gởi tâm tình với những vần thơ
vào buổi đầu em cười vui rất thực
và những lần giận hờn em bật khóc
nước mắt nào cho mặn chát nỗi đau.

Ta ví như kẻ hàn sĩ không giàu
nhỡ chạm vào gốc cây đau thắm thiết
nhưng thời gian sau khi mình giã biệt
gối hết sưng - chẳng nhớ một lần đau.

Thế rồi chúng mình lại phải xa nhau
em hay hàng cây - âm thầm còn đó
chỉ riêng ta trong nắng chiều tan vỡ
đứng nhìn em hạnh phúc vẫy tay chào.

Mưa đêm nay âm thầm qua phố chợ
trong lãng quên nén tâm sự buồn chưa
ta không khóc nhưng nghẹn ngào hơi thở
tê tái màu mây trời đã sang mùa...

Dương hồng Thủy

20-10-20114

Có Phải Em Là...


Bình minh mới tinh khôi
Áo em bay nghiêng trời 
Mùa thu về qua ngõ 
Ngập ngừng chiếc lá rơi

Nắng hồng đậu bờ môi
 Ngát thơm lên nụ cười 
Dòng me rơi rất vội
 Chải tóc rẽ đường ngôi

Có phải em là mưa
 Hàng cây nhẹ đong đưa 
Cho tình anh sũng ướt 
Đẫm nhớ lối hẹn chờ

Có phải em là mây
 Dìu nhẹ tiếng thơ bay 
Ru xanh lời chim hót
 Nụ hôn đầu ngất ngây

Có phải em nắng hồng
 Đỏ lên cánh hoa rung 
Chiều trôi qua bến hẹn
 Sóng nhớ tím dòng sông

Có phải em cánh diều 
Gió lồng lộng tin yêu 
Cho tình anh tắm mát
 Ngút ngàn tiếng suối reo

Có phải tình hẹn hò 
Từ muôn kiếp xa xưa
 Vòng tay ôm sao đủ 
Tình đắm đuối cơn mơ

Trầm Vân

Khi Xa Thạnh Ở Bồng Sơn


Anh cũng biết ngày đi là mất mát
Chút tình riêng gởi lại mắt sầu em
Hay những tối lang thang đời quán vắng
Nhớ hồn em ngan ngát mái buồn tênh
Thôi đã lỡ những thiên đường ký ức
Những ngày vui lửa ấm bến hồn xưa
Em có khóc anh về sao biết được
Nên đời sông hiu quạnh chảy xơ rơ
Khi ở lại mới thương người vạn dặm
Mới chia buồn trăm nhánh nhớ mênh mang
Khi ở lại niềm vui như đánh mất
Bởi vườn xưa xa vắng bước chân vang

Lâm Hảo Dũng

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Cựu Giáo Sư & Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp - ĐệTứ B, A4 Niên Khóa 1962

 Cô Hà, Cô Phi,Cô Hượt
Huynh Kim Lài, Võ Ngọc Lan, Trương Thị Nguyệt Hồng, Lan ( Nguyễn)
 

Hình Lớp Đệ Tứ B - Niên khóa 1962 
 Hàng 1: Cô Tuyết, Cô Hượt, Cô Phương Phi, Cô Ngữ, Cô Liêm.
Hàng 2: Giám Thi Chi, Thầy Mạnh (Hán Văn), Giám Thi Bảo, 2 Thầy không nhớ tên,Giám Thi Tỏ và Thầy Lễ, Thầy Thuận, Người đứng cuối Thầy Điếu.
 Hàng 1 Trái qua phi: Cô Lựu( Nữ Công Gia Chánh), Cô Trắc ( Vạn Vật)
Hàng 2 Trái qua phi: Cô Giám Thị Liêm, Cô Lan,Cô Hượt ,Cô Giám Thi  Ba Hưng, Cô Kim Chi, Cô Tuyết (Lý-Hoá), Cô Phương Phi, Cô Giám Thị Lan, Cô Ngữ, Cô Ngọc Hà( Việt Văn) Cô Trà Mi ( Sau Cô Ngoc Hà), Cô Giám Thị Hai
   Đứng giữa:Cô Ngọc Hà, cô Phương Phi(Sau lp gia đình với con tiệm Huệ Hòa) và các bạn nữ Lớp 4A ( Anh Văn) không nhớ tên
Hinh Lớp Đệ Tứ B1, Cô Phương Phi:
Tu trai qua phai:
Hồ Văn Lân, Trương Hữu Phước(chết) Toại, Nguyễn Hữu Năng, Lý Văn Phinh, Đỗ Văn Quang, Trần Văn Hoà Vương Bé Vinh (Lớp 4B2), Cô Phương Phi, Lê Văn Bình, Cai Thế Hưng, Lê Văn Lắm
Đinh Văn Đắc.
H1: Cô Hượt, Giám thị Chi, Giám thị Bảo, Thầy Lung, Thay GT Tỏ, Co Phi Thay Dương Văn Lưng, Thay Thuận, Thay Bữu.  
H2:Thầy Điếu (AnhVăn) Thay Thuận, Thay Bữu và các bạn Nữ  trong lớp 4A
Không nhớ tên, Ẩn, Không nhớ tên, Không nhớ tên, Không nhớ tên, Cô Ngọc Hà, Cô Phương Phi, Vẹn, Phú, Thọ
Thầy Hiệu Trưởng Lễ ,Cô Ngọc Hà, Cô Phương Phi và Các bạn lớp Nữ 4A chụp với 

 Đinh Văn Đắc

Trăng Và Nỗi Nhớ


Trăng khuya len lén vào phòng
Bắt gặp Nỗi Nhớ mênh mông lặng chờ
Nhìn quanh gối chiếc chơ vơ
Làm sao giấu được đành vờ lặng im

Trăng xuyên suốt tận đáy tim
Thấu tình Nỗi Nhớ thệ nguyền cùng Trăng
Âu yếm đầu tựa vai nằm
Đêm dài bất tận.. thì thầm lời ru

Song ngoài dày đặc sương mù
Trăng thưa dần khuất …thiên thu ảo mờ
Nỗi Nhớ hụt hẫng tỉnh mơ
Ôm ghì hạnh phúc vật vờ ...tìm Trăng

Kim Oanh

Nửa Vầng Trăng Muộn


Một nửa vầng trăng muộn
Ngóng khe phố đêm buồn
Em nửa đời chạy trốn
Ta tìm mỏi linh hồn

Qua khe phố lặng im
Cơn sóng gợn con tim
Tựa biên cương chết lịm
Chắn nghẻn những nỗi niềm

Em còn đó chăng em
Mắt ta, vầng trăng đêm
Những hóc đời đã tím
Ta leo loét đến tìm

Có lẻ em đã xa
Có lẻ ta đã già
Trên vỉa hè sỏi đá
Trăng muộn màng lê la

Đêm này em nơi đâu
Mắt ta rọi vệt sầu
Đêm tàn không chỗ đậu
Phố thành hun hút sâu

Hoài Tử

Đề Đại Dữu Bắc Dịch - Tống Chi Vấn (636 - 712)

Về nỗi quê nơi đất khách , thêm một bài thơ đã được tôi đọc nhiều lần ,bài Đề Đại Dữu Bắc Dịch của Tống Chi Vấn, một danh tác đời Sơ Đường mà mỗi lần đọc là mỗi cảm xúc. Dù không thể diễn tả được nên lời muốn nói, tôi vẫn không cưỡng lại được chút "tham vọng" và "ngông cuồng " của tuổi già là muốn được chia xẻ một vài nét đẹp của chữ nghĩa trong thơ xưa. Vâng, chỉ là thế thôi. Mong được thông cảm và lượng thứ . PKT 06/10/2015

ĐỀ ĐẠI DỮU BẮC DỊCH
Tống Chi Vấn (636 - 712)

Dương nguyệt nam phi nhạn
Truyền văn chí thử hồi
Ngã hành thù vị dĩ
Hà nhật phục quy lai
Giang tĩnh triều sơ lạc
Lâm hôn chướng bất khai
Minh triêu vọng hương xứ
Ưng kiến lũng đầu mai

 ***
Tạm Dịch : Bài Thơ Đề ở Trạm Bắc Núi Đại Dữu

Tháng 10, trốn lạnh, đàn nhạn bay xuống phương nam/Nghe nói, không hiểu sao, trên đường bay lại quay ngược trở về/ Còn ta thì cứ đi mãi / Không biết ngày nào mới được trở lại / Mặt sông lặng sóng, nước triều vừa mới rút/ Rừng cây mờ tối , lam chướng chưa tan / Mai sáng trông về hướng quê nhà/ Chắc hẳn sẽ thấy được hoa mai (hoa mơ) nở ở đầu lũng.
Phụ Chú : Núi Đại Dữu, còn gọi là núi Mai (Mai Lĩnh), là một dãy núi lớn thuộc Triều Châu, tỉnh Quảng Tây, mênh mông rừng mai, triền núi bên này mai nở, triền núi bên kia mai tàn. Hồi nhạn, chỉ đàn nhạn, tháng 10 bay về nam trốn lạnh, bay qua khu rừng mai chỗ nở, chỗ tàn, có thể tưởng nhầm mùa lạnh đã dứt mà bay ngược trở lại chăng? 

Đề Đại Dữu Bác Dịch
Xuống nam, tháng trở lạnh
Sao nhạn ngược bay về
Còn khách phải đi mãi
Ngày nao trở lại quê
Sông yên triều mới rút
Rừng ám chướng chưa tan
Mai sáng, hướng làng cũ
Hẳn thấy lũng mơ vàng 

Phạm Khắc Trí
06/10/2015
  ***

Thơ Đề Nơi Trạm Núi

Đàn nhạn xuôi Nam trốn lạnh
Vì đâu bay ngược trờ về
Còn ta, đi hoài mải mê
Biết đến ngày nao trở gót
Sông lặng nước triều vừa rút
Rừng chiều sương khói mờ loang
Ngóng quê, chờ sáng trời quang
Hẳn thấy mai vàng dưới lũng.

Phương Hà phỏng dịch
  ***

Đề Nơi Trạm Bắc Đại Dữu
(1)
Sải cánh tháng mười nhạn ruỗi Nam
Nghe đâu quay lại lúc đông tàn
Sao ta cứ mãi chân lê bước
Không biết ngày nao trở lại làng?
Sông lặng thủy triều đang rút xuống
Rừng mờ chướng khí vẫn chưa tan
Sớm mai đứng ngóng về quê cũ
Mường tượng rừng mai lũng rực vàng 

Mailoc

(2)
Nhạn tháng mười về Nam cánh sải ,
Nghe đồn tới đó lại về ngay .
Sao ta lê bước chân hoài ,
Ngày nao không biết được quay về làng ?
Sông nước lặng triều đang rút xuống ,
Rừng thiêng mờ khí chướng chưa tan ,
Sớm mai đứng ngóng quê làng ,
Lũng sâu ngỡ thấy mai vàng ánh tươi ..

Mailoc
 ***
Dịch Thơ:

Thơ Đề ở Trạm Bắc Núi Đại Dữu 


Nhạn tháng Mười(*) di nam trốn lạnh
Gặp mùa xuân vỗ cánh quày ra
Còn mình mãi miết phương xa
Bao giờ mới được quê nhà về thăm
Sông yên tĩnh nước âm thầm rút
Chướng chiều rừng heo hút chưa lan
Sớm mai nhìn phía thôn làng
Nơi đầu non Lũng(**) ngập tràn những mai.

Quên Đi
(*) Dương Nguyệt: tháng 10 Âm lịch
(**) Lũng : - Tên gọi tắt của tỉnh "Cam Túc"
- Tên núi Lũng Sơn ở giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc.
  ***

Thơ Đề Nơi Núi Bắc


Nhạn xuôi Nam tìm nơi lành trú lạnh
Có ngờ đâu,quay ngược lại bay về!
Còn thân ta, sao mãi chốn đam mê??
Đâu có biết ngày nao mình lui gót!
Sông lặng gió,nước triều dâng vừa rút
Cây mờ sương ,chướng khí vẫn chưa tan
Hướng quê nhà,mong ước sớm trời quang
Ắc sẽ thấy mai vàng phơi dưới lung

Song Quang Phỏng Dịch
  ***
Núi Mai Lĩnh

Xuôi Nam trốn lạnh nhạn bay đi,
Trở lại quay lui đố hiểu gì...
Chẳng trách người ta sao bước mãi,
Không phiền ai nỡ hỏi làm chi !
Sông sâu mực nước triều lên xuống,
Rừng thẳm sương mờ chướng khí quy.
Nhắm hướng quê nhà xa tít tắp,
Mai vàng dưới lũng nở li ti

Mai Xuân Thanh 
Ngày 11 tháng 06 năm 2015  ***
1. BẢN TIẾNG HÁN CỔ CỦA BÀI THƠ:

題大庾嶺北驛 ĐỀ ĐẠI DỮU LÃNH BẮC DỊCH

陽月南飛雁, Dương nguyệt nam phi nhạn,
傳聞至此回。 Truyền văn chí thử hồi.
我行殊未已, Ngã hành thù vị dĩ,
何日複歸來。 Hà nhật phục qui lai?
江靜潮初落, Giang tịnh triều sơ lạc,
林昏瘴不開, Lâm hôn chướng bất khai.
明朝望鄉處, Minh triêu vọng hương xứ,
應見隴頭梅。 Ưng kiến lũng đầu mai!

宋之問           Tống Chi Vấn

TỐNG CHI VẤN ( 656-712 ), tự là Diên Thanh, còn có tên là Thiếu Liên. Người đất Phần Châu ( thuộc huyện Phần Dương , tỉnh Sơn Tây hiện nay ). Còn có thuyết cho rằng, ông là người Hoằng Nông Hoắc Châu ( thuộc Linh Bảo, tỉnh Hà Nam hiện nay ). Ông là thi nhân nổi tiếng đời Đường.
Tống Chi Vấn là cậu của Lưu Hi Di, cả hai cậu cháu đều rất giỏi thơ và cùng đậu Tiến Sĩ năm Thượng Nguyên thứ hai đời Đường ( 675 ). Hai cậu cháu có một giai thoại về thơ rất thương tâm, sẽ kể hầu quí vị ở bài thơ sau.....
Tông Chi Vấn vì có dính líu đến vụ án Thái Bình Công Chúa, nên bị biếm làm Trường Sử Việt Châu. Khi Đường Tuấn Tôn lên ngôi, ông lại bị đày đến Khâm Châu ( thuộc Khâm huyện tỉnh Quảng Đông ngày nay ). Chính trên đường đi đày này, khi trọ ở bắc dịch quán ở biên giới Giang Tây và Quảng Đông , ông đã làm bài thơ thương cảm nầy .

CHÚ THÍCH:
ĐẠI DỮU LÃNH 大庚嶺 : là một ngọn núi trong Ngũ Đại Lãnh, đây là ranh giới giữa Bắc Nam nằm giữa tỉnh Giang Tây và Quảng Đông. Ngày xưa theo truyền thuyết : Khi nhạn phương Bắc bay về Nam để tránh lạnh, khi bay đến Nam lãnh nầy thì không bay nữa. có thể vì là giao giới giữa Bắc Nam nên khí hậu đã khá ấm áp rồi. Vì khí hậu ôn hòa ấm áp, tháng mười đã thấy nở đầy cả bạch mai và hồng mai, nên còn có tên là MAI LÃNH 梅嶺.

BẮC DỊCH 北驛: DỊCH là Dịch Quán, nhà trọ cho những công sai, quan viên đi lại nghỉ ngơi. BẮC DICH: là Dịch quán cuối cùng của đất Bắc được xây dưng giữa ranh giới Bắc Nam.
DƯƠNG NGUYỆT 陽月 : là tên gọi riêng của tháng Mười theo cách gọi của dân gian là : Chánh Đoan, Nhị Hoa, Tam Đồng, Tứ Mai, Ngũ Bồ, Lục Lệ, Thất Qua, Bát Quế, Cửu Cúc, Thập DƯƠNG, Thập Nhất Hà, Thập Nhị Lạp 「正端、二花、三桐、四梅、五蒲、六荔、七瓜、八桂、九菊、十 陽、十一葭、十二臘」( Tháng Giêng gọi là tháng ĐOAN, tháng hai gọi là tháng HOA, tháng ba gọi là tháng ĐỒNG... ) Hiện nay rất ít người biết gọi theo cách nầy, kể cả Hoa Kiều ở khắp nơi trên thế giới.

TRUYỀN VĂN 傳聞: Theo Truyền thuyết nghe thấy được . Ở đây có nghĩa là " Nghe nói rằng..."
THÙ 殊 : là Đặc Thù, là đặc biệt, là ngoại lệ.
HÔN 昏 : là Hôn ám, là Âm U. CHƯỚNG 瘴 : là Chướng Khí: Khí độc trong rừng thẳm, nơi ít người lui tới. BẤT KHAI là Không Mở Ra, Không mở ra. Nên câu 6 " Lâm hôn chướng bất khai " có nghĩa: " Rừng già âm U, ngập tràn cả chướng khí chưa mở ra được ! "
LŨNG ĐẦU 隴頭 : là Gò đất cao, ở đây chỉ những ngọn núi ở xa xa. Chữ LŨNG 隴 : khi là Danh từ riêng mới có nghĩa là tên riêng của tỉnh CAM TÚC, một tỉnh ở cực tây TQ, thuộc lãnh thổ của Lưu Bị thời Tam Quốc. Đây là nơi giáp giới giữa 2 dân tộc Hán Hồ mà tôi đã đề cập trong bài LƯƠNG CHÂU TỪ của VƯƠNG HÀN.

DỊCH NGHĨA:
CẢM ĐỀ NƠI DỊCH QUÁN PHÍA BẮC CỦA ĐẠI DỮU LÃNH

Trời tháng mười miền Bắc bắt đầu se lạnh, nên chim nhạn kết đoàn bay về phương Nam. Nghe nói rằng nhạn chỉ bay đến nơi nầy rồi dừng lại ( Vì nơi đây khí hậu đã ấm áp lắm rồi !). Còn hành trình của ta thì ngoại lệ, một kẻ đi đày, nên không thể dừng lại đây được. Và không biết ngày nào mới được trở về quê cũ đây. Hôm nay dừng chân nơi quán dịch giáp giới nầy , nhìn dòng sông phẳng lặng trong lúc thủy triều đang xuống và cánh rừng mờ mịt chướng khí của buổi chiều không tan đi được! Sáng ngày mai khi đứng trên ngọn núi nầy mà trông ngóng về quê nhà, thì chắc cũng chỉ thấy được rừng mai nở rộ phủ kín cả núi đồi mà thôi ! ( chớ đâu có thấy được quê hương đâu ! Cũng như người Việt lưu vong ở MỸ, đứng bên bờ biển Cali mà nhìn, thì chỉ thấy được biển xanh mây trắng, tuy có đẹp, nhưng làm sao thấy được đất nước Việt Nam ở bên kia bờ Thái Bình Dương xa lơ xa lắc !!! ).
Toàn bài toát lên một nỗi sầu cô độc da diết của kẻ đi đày. Chim nhạn còn có chỗ dừng chân và bay trở lại, còn mình thì không biết bao giờ mới trở lại được đây ? Cảnh trí phương nam với sông ngòi phẳng lặng đìu hiu, rừng sát thâm u chướng khí, chỉ có khí hậu là ấm áp nên ngàn mai nở rộ, rực rở cả núi đồi, nhưng cũng không làm cho tác giả cảm thấy cảnh trí tươi đẹp. Mai nở rộ chỉ làm che khuất tầm mắt của tác giả trông ngóng về quê hương mà thôi ! Toàn bài thơ không có dùng một chữ SẦU nào cả, nhưng lòng SẦU TƯ của tác giả thì man mác từ câu đầu đến câu cuối!

Diễn Nôm:

Tháng mười xuôi nam chim nhạn,
Đến đây dừng cánh đợi về
Riêng ta thân đày lưu lạc
Ngày nào mới được hồi quê?!
Sông lặng buồn trông nước xuống
Rừng sâu lam chướng ủ ê
Sáng ngày quê xa trông ngóng
Núi đồi mai nở tái tê!

Lục bát:
Xuôi nam chim nhạn tháng mười
Đến đây dừng cánh xuân tươi lại về
Riêng ta lòng luống ủ ê
Quê hương biết thuở nào về lại đây?!
Sông buồn lặng lẽ nước mây
Rừng sâu lam chướng phủ đầy lối qua.
Sáng ngày trông ngóng quê xa
Quê xa chẳng thấy, mai hoa nở đầy!!!


Đỗ Chiêu Đức

Bỗng Dưng Thèm Một Cơn Mưa


Cõi lòng hạn hán lâu rồi
Bỗng thèm những giọt mưa rơi vào lòng
Giọt thương giọt nhớ giọt mong
Ngày xưa về lại bềnh bồng tình xưa

Hẹn chờ nhau dưới cơn mưa
Đôi hồn sũng ướt cho vừa nhớ lâu
Giọt dài thao thức đêm thâu
Nhớ thương anh vẽ tím màu áo em

Nhớ vòng xe chạy êm êm
Chở em ngày ấy gió mềm quàng vai
Em nghiêng mấy lọn tóc dài
Thả tình vào chốn thiên thai đắm tình

Tiếng cười thả nắng lung linh
Mùa thu về vội nép mình gió bay
Lá vàng chếnh choáng cơn say
Dìu tình ta lượn vào ngày nhớ nhau

Thế rồi trời đổ mưa ngâu
Tình xa đôi ngả bạc đầu giấc mơ
Thu về vàng vọt lá khô
Phố chiều hiu hắt câu thơ lạc vần

Cõi lòng hạn hán trầm luân
Em xa xôi quá, rất gần chiều hoang
Với tay chạm giọt nắng tàn
Thèm đôi tà áo bay ngang dỗi hờn


Trầm Vân

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Trách Ai?


Sao anh nghĩ chia tay là tốt nhất
Khi lòng mình vẫn hướng mãi về nhau
Sao nỡ nghiền vụn nát trái tim đau
Để quay gót khi tàu vừa chuyển bánh?

Sao anh khoác cho mình đôi mắt lạnh
Dửng dưng nhìn em cô quạnh rời ga
Với hành trang: kỷ niệm của đôi ta
Tàu chuyển bánh, nhạt nhoà trong bóng tối

Em đi mãi vào bóng đêm, lạc lối
Khi ngoài trời sương gió phủ vây quanh
Lạnh bên ngoài đâu bằng lạnh trong tim
Anh nỡ để em về nơi bến lạ

Thôi muộn rồi, đời cách chia đôi ngã
Anh có gào thét nữa cũng bằng không
Lúc còn nhau, chưa sống trọn tấm lòng
Nay ân hận thì muộn rồi, anh hỡi !

Tàu vẫn chạy miệt mài xuyên bóng tối
Cuộc đời em trôi nổi, quá mong manh
Em làm quen ý nghĩ chẳng còn anh
Cho kỷ niệm chôn vùi trong quá khứ

Một mai đây khi tuổi thu tàn úa
Có tình cờ gặp gỡ tại sân ga
Tay run run gỡ cặp kính hoen nhoà
Lòng tự hỏi sao ta dường nhớ lại ...

Phương Hà
Tháng 9/2014 


Thơ Tranh: Thương Ghế


Thơ & Hình Ảnh: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Trao EM Biển Mộng


Bởi nắng ghẹo đùa trên tóc ai
Sợ chân buồn bước nẻo đường dài
Hàng me lá rụng vờn trong gió
Nên mới ... vu vơ theo tháng ngày

Cứ hoài giả ngộ .... chẳng vờ thân
Dẫu biết chờ nhau chân bước gần
Ánh mắt thầm thì như đã nói
Đường về hoa nở tựa mùa xuân

Vậy đó, mình quen thật dễ thương
Nắng mưa hai buổi mến con đường
Phượng hồng ghi đậm từng chân bước
Áo trắng ru đời bao vấn vương

Thu đã về đây nơi đất xa
Nhớ ơi là nhớ kỷ niệm hoa
Xin gởi vần thơ đầy dấu ái
Trao EM biển mộng chẳng phai nhòa ...

Hoàng Dũng


Cách Ăn Gói Và Cuốn

Hồi nhỏ mỗi khi đạp xe dạo Sài Gòn chúng ta không quên tạt vào đường Nguyễn Huệ, ăn bò bía và uống ly nước mía “ép uống ngay tại chỗ”.
Ăn uống lặt vặt bên lề đường, quán cóc, là nét văn hóa đặc biệt của người mình, tạo nhiều ấn tượng khó quên trong chúng ta.
Cái bánh tráng cắt làm tư, cuốn với vài ngọn rau thơm, một lát lạp xưởng, một con tôm luộc. chấm với tương ngọt cay chua; Đó là món bò bía của tuổi học trò.

 Bò Bía
Bò bía là một phần của phong cách ăn “gói và cuốn” của miền Nam và nhứt là miệt quê. Qua Mỹ ta thấy người ở đây cũng có cách ăn cuốn như món Tacos, món Borito, Tortilla...
Nhưng có lẽ duy chỉ người Việt mình mới bày ra nhiều cách ăn gói và cuốn phong phú và tuyệt diệu vô cùng.

Gỏi cuốn là món ăn tiêu biểu cho cách ăn gói và cuốn.
Cái để gói mà ai cũng biết là bánh tráng. Cái bánh tráng trắng là sản phẩm làm từ bột gạo, được làm ra hình như chỉ để phục vụ cho người ăn gói và cuốn mà thôi. Quê hương sản sanh ra bánh tráng nổi tiếng là miệt Hóc Môn, Bà Điểm ngoại ô Sài Gòn.
Bà con ngoài Trung, ngoài Bắc có vùng gọi bánh tráng là bánh đa và có cách ăn gói và cuốn khác miền Nam.
Cái phần ruột, cái nhân bên trong mà cái bánh tráng cần gói và cuốn có nhiều loại; tùy cái mà ta có, cái mà ta muốn gói.
Có thể là tôm, là cá, là thịt, cũng có thể là bì, là đậu hủ. Rồi phụ thêm vào đó là rau thơm cuối cùng là món nước chấm. Chính cái phần phụ này làm cho món ăn gói và cuốn mang tên riêng và người ăn nó phải ghiền.
Cũng có món gói và cuốn không dùng bánh tráng mà dùng “nó gói với nó” mà thôi. Nghe thì kỳ lạ quá. Nhưng là thiệt đó.

Nầy nhé ! Mời bạn lần lượt thưởng thức qua các món gói và cuốn. Nếu đã ăn rồi thì ăn nữa, còn nếu chưa ăn bao giờ thì cũng ăn cho biết vậy.
Trước hết là món bánh tráng gói tôm thịt, mà tên khai sanh là “gỏi cuốn”. Món này là món phổ quát nhứt và có ghi vào “bộ phong thần” dạy nấu ăn của các bà, các cô.

Cái bánh tráng nhúng nước sơ sơ, trải ra trên dĩa bàn lớn, xấp lên đó ít rau thơm, cải xà lách, tính làm sao cho vừa gói, không lỏng, mà cũng không chặt quá. Nếu muốn gói với tôm thì phải là tôm bạc trắng, hấp hoặc luộc với nước me hay nước dấm pha một ít nước dừa xiêm.

Gỏi Cuốn
Con tôm luộc như thế rất ngon. Nếu là con tôm đất thì phải lột bỏ đuôi, bỏ đầu, bỏ vỏ trước khi gói. Đừng quên cho vài tép hẹ, để nguyên cọng, sao cho bề dài đủ ló ra sau khi bạn cuốn xong, và nhớ tìm loại hẹ hương, loại nhỏ mới thơm.

Trước khi ăn bạn còn đủ thì giờ nhìn tác phẩm mà bạn vừa cuốn: Màu xanh của rau, màu đỏ của tôm, ẩn hiện bên trong lớp bánh tráng trắng nỏn nà, khêu gợi lòng ham muốn trần tục chúng ta.

Bạn từ từ chấm gỏi cuốn sâu ngập vào chén nước chấm, tương bầm xào chua cay ngọt hoặc nước mắm chua-cay–ngọt.
Miếng gỏi cuốn cắn làm bốn lần là hết, trước khi ăn phần chót, nhìn ngọn hẹ ló ra, lòng bạn ngập ngừng như không nỡ vậy.
Ăn gỏi cuốn điệu nghệ, ngon nhứt là ta phải “tự biên tự diễn”. Cái kiểu ăn có người cuốn sẵn, hoặc đem trong tủ lạnh ra thì chán chết! Dỡ ẹt!

Gỏi cuốn muốn ngon và hấp dẫn thì phải gói với cá. Tùy loại cá mà ta sẽ phải nướng hay phải hấp.
Bà con nông dân miệt vườn ưa chuộng món cá nướng và cho rằng cá lóc nướng là ngon nhứt!

Cá lóc làm sạch, để nguyên con, xỏ lụi hoặc để trên vỉ dùng lửa than nướng áp sát làm cho con cá nứt da, hơi khét bên ngoài mà bên trong còn máu. Rồi cho thêm ít mỡ hành, bớt lửa cho mỡ thấm vào bên trong thịt cá lóc.

Cá Lóc Nướng
Gỏi cuốn cá lóc nướng phải ăn với rau thơm, khế, chuối chát chấm nước mắm nêm. Ở Mỹ, người ta dùng cá ba sa nướng, gói bánh tráng thay cá lóc cũng rất ngon và có một hương vị không bằng với cá lóc quê nhà.

Ăn gỏi cuốn với cá thì không uống bia mà là rượu đế. Ruợu mạnh sẽ làm tan mùi cá, mất mùi nồng của mấm nêm và làm cho món gỏi cuốn đậm đà hơn.
Hấp cá ở quê, thường thấy bà con cho vào nồi nước lá xả, lá chanh, rồi mới xếp cá lên trên vỉ. Mùi xả, mùi lá chanh sẽ thấm vào thịt cá, làm tăng thêm hương vị và kích thích vị giác chúng ta. Cá hấp lá chanh, lá xả gói bánh tráng rất thơm, ăn không tanh, ngon không thua cá nướng.

Những người không thích ăn tôm, ăn cá thì có món bì. Bì thì có loại làm bằng da heo, trộn với thính và cũng có loại bì chay. Có người dùng xác đậu hủ xào với nước cốt dừa và giá, gói bánh tráng ăn cũng không kém ngon và hấp dẫn lắm.

Bì Cuốn
Bì cuốn chay hay mặn không chấm mắm nêm, mà phải chấm nước tương hoặc nước mấm chua ngọt cay.
Có món gói và cuốn nữa rất ư Nam Bộ, vừa dân dã vừa quý phái là món thịt kho tàu gói bánh tráng.

Từ lâu món thịt kho dưa giá đã đi sâu vào tâm can của người Nam Bộ rồi và đã trở thành quốc hồn quốc túy như bánh Tét, dưa hấu ngày Tết.

Rồi ai đó dùng thịt kho tàu gói bánh tráng như một bước đột phá làm cho món nầy trở thành quen thuộc với mọi người Nam Bộ. Thịt kho tàu là thịt cá lóc kho với nước dừa xiêm, với trứng vịt rồi nay với trứng gà.
Người miệt vườn gọi là “thịt kho rệu”, nước trong veo, màu sậm, trông xuyên qua từng xớ thịt ba rọi, nửa nạc nửa mỡ, hấp dẫn làm sao. Nước chấm là nước thịt, dầm với tròng đỏ trứng thêm ít tương ớt, ít nước tương ngon, nêm với nước chanh cho vừa ăn.

Bánh tráng nhúng sơ, gói với rau thơm, một ít cải chua, hoặc giá chua, thịt xé nhỏ, trải đều trên rau, rồi nhẹ tay gói lại không quá chặt cũng không quá lỏng (ngày Tết người ta còn kèm thêm củ kiệu nữa). Đoạn từ từ chấm vào chén nước chấm, cho vào miệng, vừa nhai vừa thưởng thức!

Cắn miếng ớt hiểm, và tiếp theo là một ngụm ruợu bia thì còn gì bằng.
Tất cả các món ăn gói và cuốn đều là món ăn chơi và cũng là món ăn thiệt, vì chỉ có với món gỏi cuốn tôm thịt, hoặc gỏi cá nướng, cá hấp hay thịt kho tàu, bạn cũng đủ no rồi.
Ăn gói và cuốn là cách ăn của người ở quê, rồi nó trở thành phổ thông, thành nhu cầu đối với người tiêu dùng, nên được các nhà hàng đưa vào thực đơn.
Ăn gỏi cuốn phải dùng chén nước chấm riêng, phá bỏ cái truyền thống chén nước chấm dùng chung đã có từ lâu của người mình. Dầu bạn ăn ở nhà hay vào tiệm, vào quán, mỗi thực khách đều có chén nước chấm riêng khi ăn các món gói và cuốn.
Bạn làm chủ chén nước chấm của mình, toàn quyền thêm bớt chua cay mặn ngọt mà không sợ “làm phiền người chòm xóm”.


Có một món ăn gói và cuốn phải nói ngay kẻo quên. Đó là món bánh xèo.
Đây là món độc đáo ở miền Nam. Bánh cống ở ngoài Trung ngoài Bắc khác bánh xèo.
Cái tên bánh xèo nghe rất gợi âm thanh và đủ nói lên cái tên bánh xèo cha mẹ sanh đã đặt cho nó rồi.
Làm bánh xèo thì cả xóm đều biết vì cái mùi thơm và cái âm vang “xèo xèo” của nó.

Nội dung cái bánh xèo: Từ bột đến nhân bên trong không khác gỏi cuốn, chỉ khác là do cách làm. Ăn bánh xèo thì không dùng bánh tráng để gói. Người ta dùng lá cải bẹ xanh để gói bánh xèo, có người dùng cải xà lách để gói cũng ngon. Một cuốn vừa một miếng ăn.

Ăn bánh xèo gói cải bẹ xanh rất ngon, vì cái mùi cay, mùi đắng của cải, hợp với hương vị bánh xèo, và làm dễ tiêu hóa.
Ở miệt vườn bà con mình còn dùng thêm đọt xoài, đọt lá chua như lá lụa làm tăng thêm giá trị bánh xèo.
Nước chấm bánh xèo rất quan trọng và có tánh quyết định ngon dỡ. Đó là nước chấm chua cay ngọt, dầm với củ cải đỏ, củ cải trắng bào nhỏ như sợi bún.
Có người “ăn tạp” không chịu gói và cuốn mà cho bánh xèo vào tô vào chén, chan ngập nước mắm, lua vào miệng. Xem rất bạo ! Nhưng ăn như thế mới đã.
Làm sao kể cho biết cách ăn gói và cuốn của miền Nam. Nó biến hóa, đổi mới không ngừng, và đưa cách ăn gói và cuốn trở thành phong thái riêng.

Nếu có về thăm Bến Tre, Gò Công vào tận miệt sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, vớt con tôm nuôi dưới sông, làm gỏi cuốn thì thú vị biết bao.
Tôi chắc bạn sẽ bị mê muội, bị hớp hồn trong bữa ăn, bữa tiệc không phải vì nó ngon không đâu, mà mê muội vì cái hồn quê, hồn nước vậy.

Nam Sơn Trần Văn Chi


Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Chiều Quê



Thơ:Lê Kim Thành

Thơ Tranh: Kim Oanh

Sợi Tóc Ươm Tình


(Cảm tác từ bức tranh thơ - Riêng tặng Cô gái láng giềng dễ mến)

Đêm khuya thao thức bởi tranh thơ
Giấc ngủ chập chờn cõi mộng mơ
"Sợi tóc vô tình"....kia của bé
Láng giềng ngày trước, chẳng phai mờ

Có phải em là cô Giáng Tiên??
Trong tranh xuất hiện dáng ngoan hiền
Làm anh ngây ngất khi nhìn thấy!
Một trái tim nồng khó ngủ yên

Có lẽ, đây là sợi tóc mai?
Buông dài óng ả phủ bờ vai
Bâng khuâng tay vịn bên vành nón
Để lại hồn ta chút cảm hoài

Lối cũ trường xưa em có qua?
Nơi anh trả nón trước hiên nhà
Tóc hương xin giữ vào tim nhé
Kỷ niệm một thời....thuở chia xa

Song Quang

Nông Phụ 農父 - Trương Bích


農父 - 張碧

運 鋤 耕 斸 侵 星 起
隴 畝 豐 盈 滿 家 喜
到 頭 禾 黍 屬 他 人
不 知 何 處 拋 妻 子

Dịch Hán Việt:

Nông Phụ - Trương Bích

Vận sừ canh chúc xâm tinh khởi
Lũng mẫu phong doanh mãn gia hỷ
Đáo đầu hoà thử thuộc tha nhân
Bất tri hà xứ phao thê tử.

父: có hai cách đọc Phụ và Phủ. Có nghĩa là Cha, người đàn ông lớn tuổi, ông lão. Thí dụ như ngư phủ (ông, lão đánh cá), tiều phu (ông, lão đốn củi)...

Dịch Nghĩa: Người Nông Dân 

Sao còn đầy trời đã vội vác cuốc ra đồng canh tác
Miếng ruộng cho thu hoạch lớn cả nhà đều vui vẻ
Rốt cuộc tất cả giao hết cho kẻ khác
Để rồi không biết đưa vợ con đến nơi nào

Dịch Thơ: 

Ra đồng sáng sớm lúc còn sao
Đồng ruộng được mùa vui xiết bao
Nhưng lúa cuối cùng giao kẻ khác
Vợ con giờ biết gởi phương nao

Quên Đi
***
Trương Bích 張碧 tự Thái Bích 太碧, thi nhân đời Đường Mạt, năm sinh mất không rõ. Ông từng thi tiến sĩ không đỗ, gửi tình vào thơ và rượu, học chí theo Lý Bạch. Phong cách thơ ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Lý Bạch 李白, Lý Hạ 李賀, Quán Hưu 貫休. Ông giỏi thơ cổ phong, đa phần viết về hiện thực u ám, đồng tình với nỗi khổ của nhân dân, có "Trương Bích ca thi tập" 張碧歌詩集 một quyển. Con của ông là Trương Doanh 張瀛 cũng giỏi thơ, làm quan cho Nam Hán đời Ngũ Đại đến chức Tào lang. Có nơi nói Trương Bích sống vào năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, có Mạnh Giao mộ thơ của ông.
***
Dịch Thơ: Nông Phu

Nông tang chưa sáng vẫn mờ sao,
Thời vụ được mùa khỏe biết bao.
Thu hoạch hoa màu ai thủ đắc?
Gia đình, con cái, vợ nơi nao!


Mai Xuân Thanh

Ngày 25 tháng 06 năm 2015
***

Bài cảm tác:Tình Quê

Chày đôi từng giã gạo Nàng Tây
Gõ nhịp cùm cum tiếng cũng hay
Trăng sáng tàu cau lơi lả gọi
Hương thơm gốc rạ ngập ngừng bay
Quê nghèo giản dị nuôi từng bữa
Tuổi trẻ hồn nhiên lớn mỗi ngày
Sương nắng đi qua gần cuối ngõ
Thương sao ký ức thuở xưa nầy


Cao Linh Tử

***
Giả Gạo Được Mùa

Bà con giã gạo trắng miền Tây,
Thời vụ trúng mùa lúa mới hay.
Trai tráng làng quê vui mở hội,
Thiếu niên trẻ nít thả diều bay.
Hoa đồng cỏ nội hương thơm ngát,
Phụ lão nông phu trãi tháng ngày.
Mưa nắng bốn mùa xin thuận lợi,
An cư lạc nghiệp ước mơ này...


Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 06 năm 2015

Giáo Dục, Dưỡng Dục

Bây giờ xin được trở lại với các từ mà thầy thắc mắc thêm Thầy nhé !
"....Nếu tiện, xin Anh cho thêm các chữ 'giáo dục' và 'dưỡng dục', ,tiết dục', diệt dục. "
Trước tiên là chữ GIÁO 教 thuộc dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến sau đây:


Theo Giáp Cốt Văn, ta thấy chữ GIÁO bên trái là hình một thằng người, có lẽ là nô lệ, bên trên có 2 dấu chéo, bên phải có một người cầm cây roi đưa lên dá dá, nên chữ Giáo có nghĩa là Dạy bảo, Răn đe. Những nghĩa phát sinh của chữ GIÁO như sau:
GIÁO 教 là DẠY, là Truyền thụ kiến thức hoặc kĩ năng cho người khác, như : Giáo Sư, Giáo Thụ, Giáo Sinh...
GIÁO là Đạo Giáo, Tôn Giáo, như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo...
GIÁO là Nơi truyền thụ hoặc Tập luyện, như: Giáo Đường, Giáo Trường...
GIÁO khi là Phó Từ có nghĩa là: Làm Cho... Như trong Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu :
" Khúc bãi thường GIÁO thiện tài phục " 
Có nghĩa: 
Mỗi lần đàn xong một khúc thường LÀM CHO những người tài giỏi về đàn khâm phục.
Chữ DỤC 育: Thuộc chữ Hội Ý, gồm có chữ TỬ 子 là Con, được viết ngược ở bên trên, và chữ NHỤC 肉 là Thịt ở bên dưới, Hàm Ý: đút miếng thịt vào miệng đứa nhỏ, nên chữ DỤC là Cho Ăn, là Nuôi. Theo diễn tiến chữ viết như sau


Các nghĩa của chữ DỤC:

DỤC là Nuôi Nấng, như: Dưỡng Dục.
DỤC là dạy dỗ, như Giáo Dục.
DỤC là Nuôi dạy, Huấn luyện theo một mục tiêu mục đích nào đó , như : Thể Dục, Đức Dục, Trí Dục, MỸ Dục...
DỤC còn có nghĩa là Sinh Đẻ, như Bất Dục là những người không sinh sản được. TIẾT DỤC là Hạn chế sinh đẻ....
Cho nên...
GIÁO DỤC : nghĩa đen là Cho ăn bằng cách dạy dỗ, tức là Nuôi bằng phẩm chất, tinh thần. Nên, GIÁO DỤC có nghĩa là Dạy Bảo, Rèn Luyện là thế.
Về chữ DƯỠNG 養 : Thuộc chữ Hình Thanh ( Hài Thanh ). Phần trên chữ DƯƠNG 羊 chỉ ÂM, Phần dưới chữ THỰC 食 là ĂN chỉ Ý, theo diễn tiến chữ viết như sau:


Các ý nghĩa của chữ DƯỠNG:

DƯỠNG là cung cấp thục phẩm để nuôi sống, như : DƯỠNG GIA là Nuôi Gia Đình, DƯỠNG DỤC là Nuôi Nấng...
DƯỠNG là Nuôi trồng cây cối, như DƯỠNG HOA là Trồng Bông, DƯƠNG THỌ là Trồng Cây....
DƯỠNG là NUÔI khác với RUỘT, như : DƯỠNG TỬ là Con Nuôi, DƯỠNG PHỤ là Cha Nuôi....
DƯỠNG là Giáo dục huấn luyện, như BỒI DƯỠNG là Đào tạo vun đắp cho giỏi, GIÁO DƯỠNG là Dạy dỗ...
DƯỠNG là Nghỉ ngơi, thư giản, như: DƯỠNG LÃO, DƯỠNG BỆNH.....
Nên...
DƯỠNG DỤC là cung cấp thực phẩm để Nuôi cho lớn lên, nên có nghĩa là NUÔI NẤNG mà thôi.
DƯỠNG DỤC là Nuôi về mặt Vật Chất, Thể Chất. Còn GIÁO DỤC là Nuôi về mặt Phẩm Chất, Tinh Thần.

Ta lại có thêm 2 chữ DỤC nữa...

* DỤC 欲: là HAM MUỐN, như trong câu " KỶ sở bất DỤC, Vật thi ư nhân ", nghĩa là : " Cái gì mà mình không MUỐN, thì đừng có Làm ( hoặc Ban ) cho người khác.
* DỤC 慾: Chữ Dục nầy giống như chữ Dục trên, nhưng có thêm bộ TÂM 心 ở bên dưới, nên có nghĩa: Chỉ sự Ham Muốn ở Trong Lòng, Ham Muốn về THỂ XÁC. Ta có từ : NHỤC DỤC, DỤC HỎA là Lửa Dục ở trong lòng....

Từ 2 chữ DỤC trên, nên ta có đến 3 từ TIẾT DỤC như sau:

* TIẾT DỤC 節育: là Hạn chế Sinh Đẻ, là Sinh đẻ có kế hoạch.
* TIẾT DỤC 節欲: là Hạn chế Lòng Tham, là tiết chế, đè nén sự ham muốn.
* TIẾT DỤC 節慾: là Đè nén sự Ham muốn về Thể Xác, là Tiết chế Tình Dục.

Còn DIỆT 滅: là làm cho Mất Đi, như Tiêu Diệt, Tận Diệt... Ta có 2 từ DIỆT DỤC...
* DIỆT DỤC 滅欲 : là Tiêu Diệt sự Ham Muốn, làm cho sự Ham Muốn Mất đi.
* DIỆT DỤC 滅慾 : là Tiêu Diệt Tình Dục, làm cho mất đi sự Ham Muốn về Thể Xác.


Đỗ Chiêu Đức

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Thơ Tranh: Phương Lan Đề Thơ


Thơ: Phương Lan 
Thơ Tranh:Kim Oanh


Tuổi Hồng


Thời niên thiếu nắng cài hoa trên tóc,
Sợi tơ mây lơ lửng mắt thu tròn,
Miệng hoàng oanh nắc nẻ tiếng cười ròn,
Ngón tay ngọc nâng niu tà áo tím.

Thời con gái tim hồng run rẩy nhịp,
Bước chân dồn trốn chạy bọn con trai.
Những lời khen theo gió đuổi bên tai,
Lén quay mặt nhìn xem ai đã gởi!

Lời ngỏ ý khơi giòng trang sách mở,
Rồi bướm khô ép giữa cánh thư xanh,
Rồi vần thơ, nét hoạ nụ môi xinh,
Bay tới tấp bên bờ khung cửa sổ.

Lời tình tự ru tâm hồn trinh nữ,
Qua thời gian tô đẹp sắc hương đời.
Những đợi chờ bẽn lẽn buổi chiều rơi,
Những hò hẹn ánh trăng thề diễm tuyệt.

Trải năm tháng chung xây lời ước nguyện,
Pháo vu qui bừng nổ trước hiên nhà.
Gót hài thêu bối rối cửa xe hoa,
Bỏ lại đằng sau tuổi hồng kỷ niệm.

ChinhNguyên/H.N.T.
 June 12.2015

Hàn Đông


Em nửa đời hoang phế, 
 Ta một kiếp lưu đày. 
 Gặp nhau nơi xứ lạ, 
 Nối cuộc tình hôm nay...

Hai mảnh đời rách nát 
 Ấp ủ nhau từng ngày... 
 Hai tâm hồn bão loạn 
 Cùng dắt dìu hôm mai.

Ta khinh đời bội bạc 
 Ta ghét cảnh kiêu sa. 
 Ta cho nhau tất cả 
 Trọn cuộc tình đơm hoa.

Ta sống đời chân thật 
 Cùng xẻ chia ngọt bùi... 
 Tuyết trời bay lất phất, 
 Giá lạnh đời vẫn vui!!!

Dodge City, Kansas 1990
Mặc Thái Thủy

Nhẫn Nhục Luồn Trôn Giữa Chợ : Hàn Tín


Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế.
  Chúng ta cùng đến với Hàn Tín 韓信 Hoài Âm Hầu (淮陰候), Thuở hàn vi, người đã từng luồn trôn giữa chợ.


Hàn Tín 韓信 Hoài Âm hầu (淮陰候), là một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch, được vua Hán Cao Tổ ca ngợi là "Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm Hầu" thời Hán Sở tranh hùng, là 1 trong "Tam kiệt nhà Hán" có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.

Theo sách Tây Hán chí thì Hàn Tín, người ở Hoài Âm, nước Sở. Cha mẹ mất sớm phải sống côi cút từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ.

Hàn Tín là một thống soái quân sự nổi tiếng cổ đại Trung Quốc. Trước khi lập nên chiến công, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, vừa không muốn làm ruộng, ở nhà cũng không có tài sản gì, ông sống cuộc sống bần cùng và bị kỳ thị, thường đứng trước tình hình có bữa này không có bữa kia. Hàn Tín quen biết một quan chức nhỏ địa phương, nên ông thường đến nhà quan chức này ăn nhờ, thấy vậy, vợ viên quan rất ghét Hàn Tín, bèn cố tình ăn cơm sớm, khi Hàn Tín đến, không còn cơm cho ông ăn, Hàn Tín bực tức lắm, không đi lại với viên quan này nữa.

    Ở chợ Hoài Âm, thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, có gã bán thịt lợn muốn làm nhục, nói với Tín : “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đánh tao; nếu mày là kẻ hèn nhát, thì chui qua háng tao.” Mọi người xung quanh đều biết thanh niên đó cố tình tìm cớ làm nhục Hàn Tín, họ không biết Hàn Tín sẽ đối xử thế nào. Hàn Tín nghĩ một lát, không nói gì, chui qua háng tay thanh niên đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát, không dũng cảm. Từ đó, câu chuyện “Cái nhục dưới háng” lưu truyền đến đời sau.

Vì cuộc sống, Hàn Tín phải đi câu cá ở sông Hoài, một bà già giặt quần áo ở bờ sông Hoài nhìn thấy Hàn Tín không có cơm ăn, bèn chia thức ăn mang theo cho ông ăn. Như vậy mấy chục ngày liền, Hàn Tín rất cảm động, nói với bà già rằng: “Sau này cháu nhất định sẽ báo đáp bác.” Bà già tức giận mà nói: “Cháu là người đàn ông, không nuôi sống nổi mình, thì làm sao làm nên sự nghiệp, bác thấy cháu đáng thương mới cho cháu cơm ăn, chưa bao giờ mong cháu báo đáp bác.” Hàn Tín lấy làm xấu hổ, và quyết chí phải làm nên sự nghiệp.

Thực ra, Hàn Tín là một con người mưu lược. Ông thấy xã hội đang lúc tranh tối tranh sáng chưa ngã ngũ, nên chỉ chăm lo nghiên cứu binh pháp và luyện tập võ nghệ để sau này gặp thời sẽ sử dụng.

Năm 209 TCN, Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần, Hàn Tín đã ra bờ sông Vị Thủy cầm kiếm xin tham gia nghĩa quân. Ông đã được Hạng Lương là thế tộc nước Sở cho gia nhập nghĩa quân. Tuy nhiên, Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ xem thường Hàn Tín thân phận thấp hèn, chỉ cho làm quân cầm kích đứng hầu. Nhiều lần ông bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ không dùng.
Nhà Tần sụp đổ, Hạng Vũ đứng đầu chư hầu, phân phong cho các tướng và vua chư hầu. Lưu Bang bị Hạng Vũ tranh công vào Quan Trung, đẩy vào đất Thục xa xôi hiểm trở, phong làm Hán Vương.
Khi Hán Vương lên đường vào đất Thục, ở Sở Hàn Tín bất mãn vì vẫn không được trọng dụng, bèn bỏ Sở theo về Hán dưới sự tiến cử của Trương Lương.

Lúc đầu, Hàn Tín chỉ giữ một chức quan nhỏ vận tải lương thực cho Lưu Bang. Sau đó nhờ quen biết Tiêu Hà, một mưu sĩ của Lưu Bang, Hàn Tín thường thảo luận về thời thế quân sự với người này. Tiêu Hà biết Hàn Tín là một người có tài, nên giới thiệu với Lưu Bang, nhưng vẫn không được trọng dụng. Về sau Hàn Tín chán nản bỏ Lưu Bang ra đi. Được tin, Tiêu Hà tức tốc cưỡi ngựa chạy theo Hàn Tín và hai ngày sau đưa được Hàn Tín trở về. Lưu Bang hỏi Tiêu Hà: “Trước kia có mấy chục tướng lĩnh chạy trốn mà nhà ngươi chưa bao giờ đuổi theo, tại sao bây giờ lại đuổi theo Hàn Tín?” Tiêu Hà nói: “Thưa ông, các tướng lĩnh bỏ trốn trước kia đều là những kẻ tầm thường, còn Hàn Tín tài ba lỗi lạc. Nếu ngài muốn tranh thiên hạ, ngoài Hàn Tín ra, ngài không thể tìm được ai khác”. Lưu Bang nghe lời cho Hàn Tín từ một viên quan nhỏ phụ trách lương thực trở thành một vị tướng cầm quân ra trận. Từ đó, Hàn Tín đã giúp Lưu Bang bách chiến bách thắng, lập nên nhiều chiến công hiển hách, Qua những kế sách mưu lượ lưu truyền hậu thế:

- Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương ( mượn tiếng sửa chữa sạn đạo, đường vào Tây Thục, âm thầm đưa quân theo ngã Trần Thương tiến đánh Tam Tần là Tắc Vương Hân, Địch vương Ế, và  Hà Nam vương Thân Dương.
- Diệt Nguỵ: dương đông kích tây (dàn nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt qua sông Lâm Tấn; nhưng trái lại dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, lấy thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp đất An Ấp)
- Lấy Triệu, bày trận tựa sông (bày trận quay lưng ra sông. Đó là phép tối kỵ trong binh pháp vì theo binh pháp, phải dựa vào núi và nhìn ra sông, nếu tựa vào sông sẽ bị kẻ địch đánh dồn tới hết đường chạy, "Hãm vào đất chết thì sau nó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau nó mới còn")
- Ngăn sông Tuy Thuỷ giết Long Thư (Long Thư bày trận hai bên sông Tuy Thủy. Hàn Tín đang đêm sai người làm hơn một vạn cái đẫy đổ đầy cát chặn lấy thượng lưu dòng sông rồi đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ thua, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư dẫn quân đuổi theo, qua sông. Lúc đó Hàn Tín cho người phá các bao đựng cát, nước sông chảy ào ào, đại quân của Long Thư quá nửa không qua được. Hàn Tín mới thúc quân đánh gấp, giết được Long Thư. Bộ phận quân của Long Thư phía đông dòng sông bỏ chạy tán loạn.)
....
Lúc thung dung Lưu Bang nói chuyện với Hàn Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như thế nào, Lưu Bang hỏi ông:
Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín nói:
Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn.
Lưu Bang lại hỏi:
Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?
Hán Tín trả lời:
Thần thì càng nhiều càng tốt.
Lưu Bang cười nói:
Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt?
Hán Tín đáp:
Bệ hạ không có tài cầm quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.
Sau lần đó, Lưu Bang càng sợ tài của Tín và quyết trừ khử cho được.

Có thể nói không ngoa rằng về mặt quân sự trong tranh chấp giữa Hán và Sở, gần như một mình Hàn Tín quyết định cán cân nghiêng về phía nào.Ông theo Sở thì Sở thắng,theo Hán thì Hán thắng. Ông rất giỏi về quân sự nhưng về chính trị, ông không phải là đối thủ của Lưu Bang. Dù sao đi nữa, hậu thế vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất. Đền ơn bà giặt lụa, lại không báo oán anh hàng thịt chứng tỏ ông là người trung hậu, đạo đức,

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

theo: wikipedia.org - vietnamese.cri.cn