Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Phận Đời - Thơ: Sa Chi Lệ - Nhạc Tuệ Tâm


Thơ: Sa Chi Lệ 
Nhạc Tuệ Tâm

Ngắm Trăng Sao



Ngồi bên song cửa ngắm trăng sao 
Gió thoảng hương xuân rất dạt dào 
Hằng Nga đủng đỉnh cười duyên dáng 
Vén màn mây trắng bước lên cao 
Bỗng ngỡ Bồng Lai đang có thật 
Thơ tình trỗi dậy … cứ nao nao…
Xin cảm ơn Trời đêm rằm nhé 
Đêm Rằm trọn vẹn ngắm trăng sao 

Thư  Khanh

Seattle Đêm rằm đầu Xuân 15 tháng 2 năm Nhâm Dần

Trăng Khuyết



Trăng Thu lại xuất hiện rồi
Dù chưa tròn mảnh vẫn vời huyền linh
Thẩn thơ lặng ngắm chỉ mình
Ngàn Sao đâu hết lặn hình ẩn sương
Thì thôi mọi sự vô thường
Biết còn ánh sáng chỉ đường trần gian
Tâm hồn chẳng muốn nặng mang
Mà sao sầu muộn kéo sang như vầy
Cho tôi gởi hết vào mây
Đi vào quên lãng xoá đầy nỗi đêm

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/18/2021

Cảnh Giao Mùa

 

Nắng ấm mây trong tuyết đã tan
Hoa đô tỉnh giấc đón xuân sang
Cherry khoe sắc nhô chồi thắm *
Tulip đọ hương nhú búp vàng *
Liếng thoắng Sóc chờn vờn dáo dác **
Hồn nhiên Nai lặng lẽ mơ màng **
Líu lo vang động lời chim hót
Vạn vật hồi sinh thật rộn ràng

Nhất Hùng
*Cherry: Hoa Đào, Tulip: Uất Kim Hương
**Nhiều khu dân cư trong vùng HTĐ
Sóc và Nai thản nhiên đi lại.

Khối Tình Thu - Chiếc lá Thu phai

Xướng:

Khối Tình Thu

Xuân người giấc đẹp chưa xong
Thu ta dìu lá mơ lòng cùng ai
Hồn xanh mộng ước chưa phai
Gợi lòng lưu luyến nhớ hoài mùi hương
Đàn hòa ru khúc đêm trường
Xạc xào lá hát tơ vương cung lòng
Trăng soi đáy mắt hồ trong
Chợt thuyền lá nhẹ khuấy vòng vỡ tan...
Giọt bi lụy cảm dâng tràn
Dòng thu lặng lẽ cùng mang nỗi sầu
Bến tương nhung nhớ về nhau
Hai bờ chia cách bóng câu tạ từ
Mộng vàng một cõi riêng tư
Góc chờ vẫn đợi ấy chừ người đâu
Thương vay sương phủ bạc đầu
Canh tàn mộng vỡ chôn sâu khối tình!

Kim Oanh
***
Họa:

Chiếc lá Thu phai


Tình mình thôi thế là xong
Bâng khuâng biết gởi nỗi lòng với ai
U buồn nhìn lá Thu phai
Vào ra cứ mãi nhớ hoài dư hương
Ai ngờ tới lúc đoạn trường
Duyên xưa tan tác vấn vương cả lòng
Sao em gạn đục khơi trong
Đưa anh lạc bước vào vòng nát tan
Đau thương tiếc nhớ ngập tràn
Giấc hồ phiêu lãng riêng mang u sầu
Còn đâu giây phút bên nhau
Giờ anh thờ thẩn khóc câu giã từ
Cách chia xé nát tâm tư
Người xưa khuất nẽo bây chừ tìm đâu
Trăm năm buồn bến giang đầu
Mình anh phiêu bạt khắc sâu nụ tinh.

Toronto 22/3/2022
Nguyên Trần

Những Tấm Chân Tình


Tôi choàng tỉnh khi xe dừng hẳn lại và mới biết là đã tới Mộ Đức. Thì ra giấc ngủ chập chờn, tưởng chỉ mới thoáng qua, không ngờ đã dài hơn 3 tiếng trên đoạn đường khoảng chừng 150 km, mà trước đây đơn vị chúng tôi xuôi ngược không biết bao nhiêu lần. Khi lên xe tại Miếu Bông thuộc ngoại ô Đà Nẵng, tôi hy vọng sẽ có dịp nhìn lại phố xá Tam Kỳ, mới hôm nào còn là tỉnh lỵ của Quảng Tín.

Nhưng không ngờ, chỉ một lúc sau thôi là tôi đã thiu thiu ngủ gà ngủ gật, nên không có cơ hội nhìn lại nơi Liên Đoàn 12 BĐQ và Trung Đoàn 5/ Sư Đoàn 2BB tất tả lui binh vào những ngày cuối tháng 3/1975. Tôi cũng không có cơ hội nhìn lại phố xưa Quảng Ngãi, để thả chút nhớ nhung về chiếc quán cà phê thật dễ thương mang tên Diễm Xưa, nằm ngay phố chính và cũng là nơi quốc lộ 1 chạy ngang qua.

Tài xế chiếc xe đò Thái Bình đã chọn xã Thạch Trụ của quận Mộ Đức, ngay tại ngã ba có tỉnh lộ 515 chạy lên quận Ba Tơ, để nghỉ máy và ăn trưa. Lòng tôi chùng xuống, để ngay sau đó tăng thêm nỗi bùi ngùi; khi nhìn lại khung cảnh ven đường, đặc biệt là ngôi nhà 3 tầng loang lỡ, hoang tàn vì chiến tranh ở ngay đầu chợ và con đường đất dẫn vào khu gia binh của căn cứ hỏa lực Thăng Long, vốn là nơi đồn trú của một đơn vị Địa Phương Quân, sau khi được một pháo đội của Hoa Kỳ bàn giao lại năm 1970.

Cảnh vật không có gì thay đổi nên nhớ càng thêm nhớ những ngày dưỡng quân, giữ an ninh quốc lộ, hoặc hành quân tảo thanh trong các làng mạc phía đông đường xe lửa xuyên Việt. Không thể quên hình ảnh một tà áo trắng mảnh khảnh gò lưng đạp xe trên con đê làng. Cô nữ sinh lớp 11, cũng là cô giáo của đám học trò bé nhỏ tại ngôi trường làng Tú Sơn, bây giờ đang làm gì?! Đã xong bậc trung học, hay phải chịu cảnh dở dang đèn sách, do có cha là một sĩ quan tùng sự tại Tiểu Khu Quảng Ngãi?!


Những gương mặt khác của ngôi làng hiền hòa ngay cạnh căn cứ Thăng Long, đặc biệt là tại Xóm Ao, trong đó có dì Tư hàng xén, ông Tám "say" và ông cụ chăm sóc đền thờ thánh tổ họ Trần- nơi những hậu duệ bao đời trong dòng tộc của Hương Đạo Vương, từng thết tiệc đãi đằng nguyên một đại đội BĐQ và làm đám cưới cho một người con gái trong làng với một chàng Mũ Nâu- bây giờ đã ra sao?

Tôi đang tần ngần dõi mắt nhìn theo hướng con đường, bây giờ chỉ còn trơ đất đá dẫn lên quận Ba Tơ, thì có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai.
- Chú Bảy biểu tui kêu anh vô quán ăn cơm.
Người lơ xe ngồi kế bên tôi suốt mấy tiếng vừa qua vừa cười, vừa nói tiếp:
- Ổng nói anh đừng ngại. Mình với nhau mà!
Tôi cố nén ngạc nhiên và cảm động vì nghĩa cử bất ngờ này.
- Mấy anh ăn đi. Tôi có chút ít để ăn dọc đường rồi.
Vừa nói, tôi vừa lấy gói xôi từ trong ba lô ra ngay. Anh lơ thấy vậy nên quay lưng bước vào trong quán. Nhưng tôi chỉ vừa gặm vài miếng là đã thấy anh ta quay trở lại, trên tay là một ly cà phê đá.
- Chú Bảy mời anh uống cho vui.

Tôi đưa tay đón nhận sau khi nói tiếng cám ơn. " Mình với nhau mà! ". Anh bạn lơ xe vừa quay bước, vừa lập lại câu nói khi nãy, một câu nói đơn giản nhưng đầy tình nghĩa. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ nói lên thạnh tình của những người dân còn nặng lòng với kẻ sa cơ thất thế của chế độ cũ. Mấy chàng lơ gọi tài xế bằng chú. Như vậy, trẻ lắm thì chú Bảy cũng đã trung niên. Ông là ai, làm gì trước đây? Câu trả lời đến từ chính chú Bảy.
Trước khi lên xe, ông đến bên tôi, mời một điếu thuốc Bastos đầu lọc, nhét vào tay tôi tờ giấy một đồng - tương đương với 500 đồng của thời Việt Nam Cộng Hòa- bắt tôi phải nhận lại và nói:
- Bất đắc dĩ mới phải lấy chút tiền của anh. Tôi biết anh là ai. Nếu không nhờ hoãn dịch vì đông con thì tôi cũng đi lính lâu rồi. Chúc may mắn nha.
Chỉ có thế, nhưng tấm lòng của Dân dành cho Lính đã được bày tỏ thật nồng nàn và thắm thiết làm sao! " Quân và Dân như cá với nước!" Câu nói nghe có vẻ như chỉ để trang điểm cho bộ máy Tâm Lý Chiến trước đây, đã trở thành một hiện thực rất đậm tình. Nhưng đã quá muộn màng khi nước đã mất, nhà đã tan và mọi biểu lộ tình cảm đều được bày tỏ ở mức gần như giới hạn nhứt, nếu không muốn nói là càng kín đáo càng tốt!...

Chiếc xe đò Thái Bình tiếp tục thâu ngắn quãng đường dài. Đám bộ đội- trông còn rất trẻ- cứ thế mà trầm trồ, suýt xoa và cười nói không ngớt. Với họ, mọi thứ đều lạ mắt. Với tôi, hành trình xuôi nam này là một dịp khơi dậy những kỷ niệm đã có với đồng đội, bạn bè và những người dân địa phương tại những nơi tôi đã đi qua.
Nếu không có những lá cờ của chế độ mới treo gắn đầy dẫy và sự xuất hiện của chiếc nón cối, cùng đôi dép Bình Trị Thiên ở khắp mọi nơi; thì quang cảnh ven đường từ Mộ Đức, Đức Phổ, Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn qua đèo Nhong về đến quận Phù Mỹ- cũng như tại khác nơi khác- không có gì thay đổi.
Dấu tích chiến tranh dọc theo quốc lộ và cảnh hoang tàn tại các làng mạc ven đường vẫn còn nguyên hiện trạng. Tôi thấy se lòng khi xe chạy qua ấp Diêm Tiêu của xã Mỹ Trinh, ngay phía bắc quận lỵ Phù Mỹ. Diêm Tiêu- ngôi làng tỵ nạn chiến tranh của đồng bào chạy loạn từ các xã miền biển Hưng Lạc, Trung Tường- trước đây vốn đìu hiu, bây giờ nằm trơ trọi ngay bên đường. Người dân tản cư đã trở về nhà cũ, làng xưa, hay đã lưu lạc đến phương trời nào?!...


Rồi cũng đến ngã ba An Nhơn, nơi có tỉnh lộ 441 dẫn vào Qui Nhơn và quốc lộ 19 chạy lên Pleiku. Xe dừng tại bãi đất trống bên đường để chỉ thả một mình tôi xuống. Lại thêm một lần bùi ngùi và cảm động khi chú Bảy- thay vì chạy ngay- đã cùng với các lơ xe của mình đến siết tay tôi nói lời khích lệ và chúc bình an.
Xe đi rồi mà lòng tôi còn rưng rưng với tấm lòng và thạnh tình của họ dành cho Lính. Hơn chín tiếng xuôi nam. Vậy là tôi đã vượt khoảng ba trăm cây số qua những vùng đất đầy ắp kỷ niệm của thời quân ngũ. Đến lúc này mới thấm thía nỗi cô đơn và những tâm tình ngổn ngang, khi tôi không biết phải làm gì ngoại trừ ngồi dưới gốc cây ven đường, nạp thuốc liên tục vào điếu cày để rít cho đỡ buồn và đảo mắt nhìn chung quanh, rồi dừng lại bên kia đường.

Nơi đó là một khoảng đất rộng, có trạm đổ nước làm nguội máy vào chiếc thùng phuy trên mui xe đò và một bến xe Lam dã chiến, đậu chờ khách vào An Nhơn, Bà Gi, hay xuống phố Qui Nhơn. Đây cũng là một nơi quen thuộc của những Sinh Viên Sĩ Quan từ quân trường Đồng Đế tăng cường cho Tiểu Khu Bình Định trong công tác Chiến Tranh Chính Trị, nhằm giải thích Hiệp Định Paris đầu năm 1973.

Đường xá vắng xe, cảnh vật thì như đang ngái ngủ. Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ lùa ngang quốc lộ, dấy từng cơn bụi đất thành một bức màn nâu nhạt, lởn vởn hòa trong màu nắng cuối xuân lúc sắp về chiều. Ba năm trước, quân xa và mọi thứ xe cộ tấp nập ngược xuôi. Bây giờ mọi thứ im lắng đến tội nghiệp!

Thời gian trôi không biết đã bao lâu. Khi nhìn lại mới thấy bóng cây đang ngã dài trên mặt lộ và màu nắng đã không còn trong ngần như khi tôi mới xuống xe. Quay nhìn đồng hồ trong chiếc quán sau lưng, mới biết là đã đúng 5 giờ chiều. Hai tiếng chờ đợi một chiếc xe đường dài chưa đủ để làm tôi nản chí, nhưng vẫn còn gần 600km mới về tới nhà nên không thể không nao lòng. Cùng lắm thì vào Qui Nhơn. Biết đâu sẽ có xe đi vào các tỉnh duyên hải phía nam không chừng!

Tới đâu cũng được! Càng gần Sàigòn càng tốt. Tôi vừa lan man nghĩ ngợi đến đây, bỗng thấy có một chiếc xe đò rề rà tấp vào trạm đổ nước làm nguội. Vài người bước xuống đi loanh quanh, trong đó có vóc dáng quen thuộc của một bạn tù ở cùng "sam" (salle ), lúc chúng tôi bị họ gom vào trung tâm Huấn Luyện Hòa Cầm ở ngoại ô Đà Nẵng.
- Anh Ẩn!
Tôi vừa reo lên, vừa xách ba lô phóng vội qua đường. Đúng là Trung Úy Dược Sĩ Hoàng Ngọc Ẩn! Anh quay lại nhìn tôi, cười rạng rỡ. Duyên tao ngộ trở thành một hạnh phúc ấm lòng, khi hai bạn đồng cảnh ngộ gặp nhau lúc cô đơn nhứt trên hành trình tìm về mái ấm gia đình. Câu hỏi đầu tiên là chuyến xe của anh đi về tới đâu, mặc dù tôi đã thoáng thấy hàng chữ sơn trên thân xe. Ban Mê Thuột là câu trả lời.
- Càng gần Sàigòn càng tốt!
Anh Ẩn vừa kéo tôi đi tìm tài xế, vừa nói tiếp:
- Xe chở dân Hà Tĩnh, Ninh Bình và Nam Định đi lên đó nhận đất canh tác. Họ nói là đến vùng "kinh tế mới". Tới Ninh Hòa thì tụi mình xuống chờ xe vào Nha Trang.
Cũng như chú Bảy của chuyến xe trước, người tài xế của chiếc xe đò mang tên Thuận Lợi nói ngay khi biết ý định của tôi:
- Tui không lấy tiền của ông đâu. Chịu khó ngồi chật một chút nghe!
Không cho tôi có thể nói lời nào, anh quay lưng đi vội vào trong trạm bơm nước. Anh Ẩn lập tức khều vai tôi nói nhỏ:
- Ông hên lắm nha! Tui tốn hết ba tờ 1 đồng cho cái ghế ở băng sau cùng đó!
Nhưng anh Ẩn nói tiếp ngay:
- Tay này chơi vậy cũng đẹp lắm rồi! Từ Đà Nẵng về tới Ninh Hòa cũng hơn 400 cây số chứ đâu phải ít!
Tôi gật đầu, đưa ba lô nhờ anh Ẩn giữ, rồi bước vội qua bên kia đường. Khi trở lại, tôi giao gói thuốc Bastos đầu lọc cho người lơ xe đang đứng uống nước ngay trước cửa trạm bơm. Người thanh niên hiểu ý, cười và cầm gói thuốc bước nhanh vào trong...

Có bạn cùng đồng hành, chúng tôi tha hồ kể lể chuyện lúc quen nhau trong trại tập trung Hòa Cầm. Khi chuyển lên vùng rừng núi của quận Hiệp Đức, thì tôi về trại 2, anh Ẩn "trả nợ" trong trại 5. Cả hai trại đều thuộc Tổng Trại 1 của Quân Khu 5 CS. Chúng tôi được phóng thích cùng ngày. Cũng như tôi, anh Ẩn quay lại Đà Nẵng để tìm một người bạn đồng nghiệp, từng phục vụ trong Tổng Y Viện Duy Tân.
Anh cho biết là đã cố chờ xe nào càng vào xa trong Nam càng tốt và đã bỏ những chuyến xe đò liên tỉnh, hay chỉ chạy về tới Qui Nhơn.
- Tôi cũng tính như vậy, nhưng khi thấy có xe về Qui Nhơn là leo lên cho rồi!
- Nhờ ráng chờ như vậy, tôi mới bắt được chiếc này và...gặp ông! Đúng là mình có duyên và may là không uổng công chờ đợi suốt hai tiếng đồng hồ!
- Quyết định thật đúng đắn!
- Và cũng thật "thuận lợi"!

Chúng tôi cùng bật cười sau câu nói của Ẩn. Vui quá nên quên mất là ngay lúc xe rời ngã ba An Nhơn, chúng tôi có hẹn nhau cùng ngắm cảnh chiều tà lúc xe lên tới đỉnh đèo Cù Mông, là nơi phân chia ranh giới hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Thay vào đó là những câu chuyện buồn nhiều hơn vui trong thời gian "trả nợ quỉ thần", trong đó có những thương cảm khi nhắc tới một người bạn tù ở chung trại với anh Ẩn, bị chết đuối vì lũ lụt hồi tháng 10 năm ngoái.
Anh Ẩn rít qua kẽ răng:
- Bọn khốn kiếp đó thấy suối đã thành sông mà vẫn cố tình ép bọn tôi vượt suối đi rút mây. May là chỉ có một mình anh đó thiệt mạng thôi.
Tôi cũng thở dài, tiếp lời anh:
- Trại 4 của chúng tôi rất may mắn! Đó là nhờ mọi người kịp thời vọt qua ngọn đồi kế bên, nơi có kho gạo của toàn trại. Trên núi mà cũng bị lụt. Khó tin qua phải không?
Anh Ẩn chưa kịp đáp thì có tiếng của người lơ xe, từ phía trên nói vọng xuống:
- Xe yếu bình. Đèn không đủ sáng. Phải vào Tuy Hòa xạc điện nghe bà con!
Tôi và anh Ẩn nhìn nhau. Toàn là người từ phía bên kia vĩ tuyến 17. Có ai biết đâu là đâu mà họ phải thông báo! Khi nhìn nét mặt và nụ cười của người thanh niên dành cho chúng tôi, thì mới hiểu chuyện. "Bà Con " ở đây chính là hai "Người Về Từ Đỉnh Núi" chúng tôi! Nhìn ra ngoài thì đã nhá nhem tối và xe thì đã rẽ vào con đường độc đạo dẫn vào thị xã Tuy Hòa nên không thể thấy được núi Nhạn ngay bên bờ bắc của sông Đà Rằng.


Gọi là núi, nhưng cao độ chỉ vào khoảng 50 mét và có một tháp Chàm đã hoang phế nằm ngay trên đỉnh. Từ quốc lộ nhìn qua thì núi Nhạn trông giông như núi Bà Đen thu nhỏ. Nói theo dân gian, thì núi Nhạn chẳng khác gì một nốt ruồi duyên, điểm trên má của một giai nhân tại vùng hạ lưu của sông Đà Rằng là thành phố Tuy Hòa. Xe chạy vào hướng thị xã được một đoạn thì dừng lại ngay trước một ga ra chuyên sửa xe đò, xe vận tải và cũng là một trạm xạc bình ắc qui.
Phố vắng. Người thưa. Nhưng bên kia đường, dưới ánh điện vàng vọt của ngọn đèn đường, có một quán cà phê lộ thiên. Quán vĩa hè nên bàn ghế được kê trên lề, ngay trước cửa một ngôi nhà hai tầng có cửa sắt kéo ráp vào nhau. Cửa mở, cho thấy đây là ga ra xe của căn nhà, được bày biện qua loa thành một quán cà phê bình dân.

Giống như ngoài đường, đèn đóm bên trong căn nhà cũng mờ mờ chỉ với duy nhứt một ngọn néon. Ngay ngoài bậc thềm có tủ bán thuốc lá, với một ngọn đèn dầu đặt bên trên. Chủ quầy thuốc lá và quán cà phê là một phụ nữ đã đứng tuổi. Chào mời chúng tôi là một cô gái, có lẽ là con gái của người phụ nữ trung niên đó. Anh Ẩn gọi hai ly cà phê đen, rồi chúng tôi lại chìm đắm trong câu chuyện của núi rừng Hiệp Đức, còn bàn bên kia thì nhóm tài xế và lơ xe rôm rả kể lể về những gì họ cảm nhận sau chuyến đi dài ngày qua bên kia vĩ tuyến.
Không có nụ cười dòn tan của họ, không khí của ngã tư đường không khác gì cảnh lắng đọng của một phố khuya tịch mịch, vì đèn đóm thì mờ ảo, mà khách thì chỉ có mấy ngoe. Nếu không có chiếc xe đò đậu bên kia đường, không có mấy người thợ của ga ra sửa xe và nếu không có chúng tôi ngồi chờ cà phê, không hiểu sinh hoạt tại nơi này sẽ trầm lắng đến mức nào?!
- Mời hai chú dùng!
Người đàn bà trung niên vừa nói vừa bày hai ly cà phê xuống bàn và ngay tiếp sau đó thì cô gái cũng bày một chiếc dĩa nhôm đựng hai điếu thuốc lá ngay kế bên. Chúng tôi nhìn cà phê, nhìn hai điếu President đầu lọc, rồi nhìn bà chủ quán. Không để chúng tôi hỏi, bà mĩm cười:
- Là tôi mời hai chú mà!
Anh Ẩn và tôi nhìn nhau nghẹn lời. Chúng tôi chỉ gọi cà phê đen, nhưng lại được ưu ái bằng cà phê sữa, kèm theo hai điếu thuốc thơm thượng hạng. Thấy chúng tôi còn ngần ngại, người phụ nữ nói tiếp:
- Coi như quà mừng hai chú trở về với gia đình thôi mà! Xin đừng ngại.
Chưa kịp hỏi vì sao bà nhận ra được gốc tích của chúng tôi thì đã nhận ngay câu trả lời:
- Hai chú có phong thái không giống những người chủ mới của miền Nam. Ăn nói chừng mực, cứ như đang e dè chuyện gì đó. Nhưng cách gọi cà phê thì không thể lầm lẫn được. " Cho chú hai ly cà phê đen nha... Cám ơn cháu! " Cả năm nay rồi! Người ta không còn biết đến hai tiếng Cám Ơn này nữa! Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho tôi đoán ra hai chú là ai.

Câu chuyện sau đó là một cuộc "phỏng vấn" bỏ túi, khi bà hỏi thăm về sinh hoạt trong trại "cải tạo", về đơn vị chúng tôi phục vụ trước đây. Sau đó, phần lớn câu chuyện là để nhắc thời vàng son của thuở cộng hòa và sự ta thán về những nhiễu nhương sau cuộc đổi đời nghiệt ngã.
"... Ông nhà tôi may mắn xin được về Tiểu Khu sau thời gian phục vụ tại một đơn vị tác chiến, nhưng chưa được bao lâu thì thời thế thay đổi. Trong mấy ngày sau cùng, anh ấy nhứt định không rời đơn vị, không bỏ đồng đội. Những ngày sắp mất Tuy Hòa, thì ở luôn trong Tiểu Khu và chỉ nhờ một người lính mang thư ra nhắn cả nhà tôi cứ theo dòng người chạy loạn mà đi lần vào Sài gòn rồi gặp nhau tại nhà Ba Má anh ấy. Chỉ có vậy thôi. Sau đó thì chúng tôi bặt tin nhau. Không có chồng bên cạnh tôi không biết phải làm sao. Tôi còn đủ cha mẹ, hai đứa con thì đứa lớn là con gái, thằng em nó còn nhỏ dại nên chúng tôi không dám mạo hiểm theo mọi người vào nam. Cả năm rồi không có chút tin tức nào cả. Hỏi đâu cũng đều nghe câu trả lời là anh ấy đã cùng đơn vị theo tàu Hải Quân di tản. Nhưng ba má chồng tôi trong Sài Gòn thì nói là anh ấy không có ghé qua nhà. Trông ngóng riết rồi cũng phải buông xuôi để còn lo cho nhà cửa và con cái. May là nhờ chúng tôi có dành dụm chút đỉnh nên cũng còn đắp đỗi qua ngày và cái quán này chỉ là cái cớ để chúng nó khỏi dòm ngó. Nhưng cũng căng lắm! Là vì chúng nó ngày một ngày hai cứ kêu đi họp về chuyện giản dân và kinh tế mới gì đó. Hai ông bà cụ của tôi nhứt định không đi đâu và đã không biết bao nhiêu lần, đám con nít của ủy ban quân quản cứ mời lên mời xuống để hỏi về chuyện của ông nhà tôi. Chúng nó làm như mình che dấu sự thật nên lúc nào cũng có những câu hù dọa đủ điều. Thật là nhức đầu với bọn này ghê nơi!... "

Câu chuyện lẽ ra còn kéo dài nhưng đèn xe đã sửa xong. Chúng tôi chỉ kịp chào từ giả người vợ lính tốt bụng chưa kịp hỏi tên là đã vội theo tài xế và mấy người lơ băng qua bên kia đường. Mặc dù được chủ quán mời một chầu cà phê mừng ngày hạnh ngộ, nhưng khi đứng dậy, anh Ẩn cũng khéo léo dúi một tờ giấy bạc vào dưới dĩa đựng thuốc lá, sau khi nói tiếng cám ơn.
Chúng tôi lại có thêm một đề tài để tạm quên đoạn đường dài xuôi nam. Dù chỉ mới hai ngày hội nhập trở lại vào xã hội, nhưng cũng đã thấy khá rõ những gì xảy ra trong cảnh tự do tạm bợ mà chúng tôi vừa được hưởng. Câu chuyện của người chủ quán cà phê, đã khơi mào cho những lo nghĩ khác trên suốt lộ trình từ Tuy Hòa về tận ngả ba Ninh Hòa và chỉ chấm dứt, khi chúng tôi nôn nao chờ xe vào Nha Trang.

Qúa nửa đêm, chúng tôi được tài xế một chiếc xe đò từ Ban Mê Thuột chạy về Nha Trang cho quá giang. Nhờ anh này, chúng tôi được xếp hàng đầu tiên ngay trước quầy bán vé về Sài Gòn, trong khi rất nhiều người đã mướn chiếu trải đầy sân. Khung cảnh quen thuộc của bến xe làm tôi làm tôi bồi hồi và nôn nao, mặc dù rất muốn nhắm mắt ngủ ngay. Anh Ẩn chắc cũng vậy, nhưng chúng tôi chỉ nằm yên lặng giữa những tiếng rù rì chung quanh mình.
Nhà tù có chòi canh và bộ đội đứng gát đã bỏ lại trên dãy Trường Sơn. Hiện nay là một nhà tù rộng lớn hơn và phức tạp hơn về mọi mặt. Tương lai rồi sẽ ra sao?! Với thân phận của một "phó thường dân" và lý lịch mang gốc Lính của chế độ cũ, chúng tôi sẽ làm được gì trong hoàn cảnh mới của cuộc đổi đời?! Câu trả lời hãy còn ở phía trước. Bây giờ là lúc dỗ giấc để lấy sức cho đoạn đường 450 km còn lại. "Trở về mái nhà xưa" cái đã! Tới đâu hay tới đó. Que sera sera!

Huy Văn
(Trên Đường Xuôi Nam/ Cuộc Hành Trình)
  

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Thơ Tranh: Nỗi Nhớ Nhung Này

 
(Em thương chúc chị Mỵ hạnh phúc hoài với kỷ niệm đẹp ngày 25/3 nha chị)

Thơ: Cao Mỵ Nhân
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tuổi Mới Sang



Ngủ đi Em hỡi, ngủ cho ngoan
Mưa vẫn rơi theo lệ ứa tràn
Nhắm mắt, sao Em còn khóc vậy
Đón chờ sinh nhật, tình đâu tan

Ngủ đi Em, đã mấy mươi xuân
Tháng có bao nhiêu, bảo lỡ lầm
Ngày tưởng dài thêm, hồn bỡ ngỡ
Và rồi chiu chắt, đợi từng năm

Đếm ư, tuổi tác sẽ vàng thêm
Mộng mị dâng đầy mơ ước Em
Anh ở phương trời tha thiết nhớ
Tay anh thay gối lót êm đềm

Hai mươi lăm tháng ba, Mai A
Anh tặng Em nguyên chuỗi ngọc ngà
Thôi nhé, quàng lên vòng cổ áo
Sắc mầu thổ cẩm của Chapa

Em vui rồi chứ, đoá hồng vàng
Cứ mỗi năm chờ một tuổi sang
Anh vẫn bên Em, dù cách trở
Đôi mình đang kéo lại thời gian ...

Cao Mỵ Nhân

Bao Giờ


Bài Xướng:

Bao Giờ

Chỉ gặp một lần đã luyến thương
Phải mình kiếp trước vốn chung đường
Cho nên đây đó nhiều tha thiết
Bởi thế chữ tình nặng vấn vương
Ngày nhớ đong đầy câu ước nguyện
Đêm chờ mòn mỏi giấc uyên ương
Hai ta nào phải như Ngưu Chức
Cam chịu mỗi người ở mỗi nơi.

Quên Đi
***
Hoạ vận: Từ Bắc Vô Nam


Thân nhau khắn khít tỏ lòng thương
Phương tiện quá giang thẳng một đường
Đồng điệu tương lân tình quyến luyến
Cảm thông giúp đỡ mối tơ vương
Tiếng Tây cấp một lười con cóc
Anh ngữ vỡ lòng biếng ễnh ương
Chạy Bắc sa cơ sinh viễn xứ
Vào Nam thất thế sống đôi nơi...!

Mai Xuân Thanh
***
Bây Giờ

Tưởng là xa cách vẫn yêu thương

Nào biết hôm nay gặp cuối đường
Ngó bóng anh ngồi se tóc rối
Chạnh lòng em nhớ níu tơ vương
Mấy mươi năm đợi hoa xuân nở
Một thoáng tình tan mầm nụ ương
Nắng quái tắt dần trên cánh hạc
Bây giờ thực sự khổ ghê nơi...
 
Cao Mỵ Nhân

Mai Nầy Đây



Mai nầy đây
bên giàn hoa Thiên Lý
em đọc sách
anh làm thơ

Dưới ánh trăng vàng
hoa Lý thơm thơm ngát
tình chúng mình cũng tỏa ngát hương thơm

Mai nầy đây
bên bếp lữa hồng
canh bầu em nấu
hai đứa mình cùng ăn
Cuộc sống thật là ấm êm
không ham danh lợi
cũng chẳng hơn thua với đời

Hoàng Long

Cẩm Sắt 錦瑟 - Lý Thương Ẩn


Bài thơ Cẩm Sắt nổi tiếng của Lý Thương Ẩn đời Đường như sau:

錦瑟                       Cẩm Sắt

錦瑟無端五十弦, Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
一弦一柱思華年. Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên.
莊生曉夢迷蝴蝶, Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
蜀帝春心托杜鵑. Thục Đế xuân tâm thác đổ quyên.
滄海月明珠有淚, Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
藍田日暖玉生煙. Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
此情可待成追憶, Thử tình khả đãi thành truy ức,
只是當時已惘然. Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.
李商隐                  Lý Thương Ẩn

CHÚ THÍCH:
- Cẩm Sắt: Cẩm là Gấm, Sắt là Đàn, nên Cẩm Sắt là Cây Đàn Gấm. Ý chỉ Cây Đàn có hoa văn đẹp như gấm. Nói thêm về chữ SẮT 瑟: là cây đờn có 36 hoặc 50 dây được gỏ bằng 2 cây phím mà ta thường thấy trong các gánh hát Tiều hoặc hát Dù-Kê của Miên còn có tên là Tam thập Lục huyền cầm hay Ngũ thập huyền cầm. Trong bài thơ nầy là Ngũ Thập Huyền Cầm.
- Vô Đoan : là Khi khổng khi không, là Bỗng dưng... chỉ những điều không ngờ được, không tính trước được. Trong bài thơ có nghĩa : Sao mà lại...
- Huyền là Dây đàn; Trụ là Trục đàn.
- Hoa Niên 華年 : Hoa là Tươi đẹp rực rỡ, nên Hoa Niên là Những năm tháng tươi đẹp rực rỡ, tức là chỉ Khoảng thời gian còn trẻ. Tuổi Hoa Niên là Tuổi lúc còn trẻ. (chớ không phải chữ Hoa 花 là Bông).
- Trang Sinh là Trang Chu tức là Trang Tử trong Đạo giáo, đạo tu để thành Tiên đó.
- Hiểu Mộng là Tỉnh Mộng, thức dậy sau một cơn mơ. Mê Hồ Điệp : là còn mơ màng tưởng mình là bướm.
- Thục Đế là ông Vua nước Thục, còn được gọi là Vọng Đế. Người bị mất nước rồi hoá thành chim Đỗ Quyên là con chim Quốc (con Cuốc) của ta thường rống cổ kêu mãi suốt mùa hè rồi mửa máu mà chết.. Như bà huyện Thanh Quan đã tả -:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
-
... hay cụ thể hơn như trong thơ của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:

Khoắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ,
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng ngụyêt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ?
Ban đêm róng rả kêu ai đó ?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ!

- Châu Hữu Lệ : là những hạt châu có những giọt lệ trong đó. Theo Thần Tiên Truyện, giao nhân (người cá) trong đêm trăng sáng ngước nhìn vào bờ mà rơi hai hàng lệ, và mỗi giọt nước mắt đều là những hạt châu rơi xuống biển xanh.
  Ngọc Sanh Yên : Theo tích xưa ở hụyên Lam Điền chuyên nuôi trồng và sản xuất ngọc. Vì tránh sự tranh giành của sai nha và quan lại địa phương, thần tiên đã mách bảo cho dân nghèo là nơi nào có khói bốc hơi nhè nhẹ trong núi là nơi đó có thể trồng ngọc được.
  Võng Nhiên : Không có để tâm đến, phớt lờ cho qua.

NGHĨA BÀI THƠ:
Đàn Gấm

Cây đàn gấm sao khi không lại có tới năm mươi dây. Mỗi một dây mỗi một trục đều làm cho người ta nhớ lại tuổi hoa niên. Như Trang Tử sau khi thức giấc cứ mơ màng hoài không biết là mình mơ được hóa bướm hay là bướm đã hóa ra mình. Cũng như Thục Đế lòng xuân chưa dứt nên hóa thành chim Đỗ Quyên kêu khóc suốt đêm thâu. Hay như Giao nhân ngắm trăng sáng mà rơi thành châu lệ, hay như Lam Điền nắng ấm nên ngọc mới bốc khói mờ. Trong tình huống, tình cảnh nầy đáng lẽ phải được người ta nhớ đến, tiếc thương đến, nhưng không biết vì sao trong lúc đó người ta lại phớt lờ và quên khuấy nó đi !

Bài thơ nầy đã đươc Nguyễn Du mượn ý để tả lại tiếng đờn của Thúy Kiều đã đờn khi Kim Kiều tái hợp:

... Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đổ Quyên?
Trong sao châu rỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đong!


DIỄN NÔM:
Cẩm Sắt 

Năm chục dây đàn gấm tuyệt vời,
Mỗi dây mỗi trục nhớ xuân thời.
Trang Chu tỉnh mộng còn ngờ bướm,
Thục Đế lòng xuân cuốc gọi trời.
Trăng sáng biển xanh châu rướm lệ,
Lam Điền nắng ấm ngọc thành hơi.
Tình nầy ý ấy hoài ghi nhớ,
Sao lúc bấy giờ lại để lơi ?!

Lục bát:

Đàn gấm có năm mươi dây,
Mỗi dây mỗi trục chứa đầy tuổi xuân,
Trang Sinh ngỡ bướm hóa thân,
Cuốc kêu Thục Đế âm thầm xót xa.
Lệ rơi thương hải châu sa,
Lam Điền nắng ấm ngọc đà bay hơi.
Tình nầy dằng dặc khôn nguôi,
Chỉ vì lúc ấy không người cảm thông!


杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

***
Đàn Gấm

Năm mươi dây đàn gấm đây
Mỗi dây một trục ngất ngây tơ đồng
Trang Chu hóa bướm như không
Thục Vương biến quốc xuân lòng bể dâu
Trăng soi xanh mắt rơi châu
Lam điền ngọc thắm đổi màu hơi lên
Tình xưa còn đó chưa quên
Mà sao lỡ dịp nếp nền buông lơi


Mai Xuân Thanh

Sept. 23, 2021
***
"Trước ngưỡng cửa bước vào tuổi 90 của một đời người luân lạc bên trời góc bể bơ vơ và đã những mất mát đổi đời, chữ nghiã đảo lộn, còn chăng dư âm của một tiếng đàn xưa " ̣ PKT 03/31/2022

Cẩm Sắt
Lý Thương Ẩn 813 - 858


Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

Cảm Dịch:
Đàn Gấm

Cây đàn gấm không hiểu vì sao lại có 50 dây
Mỗi dây mỗi trục lên tiếng đưa ai về một thời tuổi dại
Êm ấm như Trang Sinh, mộng sáng, thấy mình hóa bướm
Thiết tha như Vọng Đế thả hồn qua tiếng hót của con chim quyên
Thanh thoát như lệ châu vỡ trên biển Thương Hải một đêm trăng sáng
Trầm ấm như sương ngọc tỏa khói trên núi Lam Điền một ngày nắng đẹp
Xót xa tình này đương thời vô tình bỏ lỡ
Để lại cho nhau nỗi hận một đời mãi mãi còn đây

Còn Nghe Được Chăng Tiếng Đàn Kim Kiều Tái Hợp Sau 15 Năm Luân Lạc
Truyện Kiều - Nguyễn Du


Phím đàn dìu dặt tay tiên
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên
Trong sao châu dỏ duyềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc lam điền mới đông


Tiếng Đàn Xưa
Mây Tần - PKT


Tang tịch tình tang khúc tuổi hoa,
Tơ chùng thoáng hiện bóng ngày qua.
Trang Sinh, mộng bướm, còn vương vấn,
Vọng Đế, hồn quyên, vẫn thiết tha.
Trăng bạc, biển xanh, châu lệ vỡ,
Nắng vàng, núi biếc, ngọc sương sa.
Tình xưa để lỡ, một đời hận,
Ngấn lệ thanh xuân, mãi nhạt nhòa.


Phạm Khắc Trí
***
Ý thơ tha thiết u hoài
Tình thơ lưu luyến thương hoài ngàn năm
Kính Thầy
Xin cho học trò mạo muội họa bài thơ Tiếng Đàn Xưa chan chứa tâm trạng thời hoa niên, của Thầy, của kiếp nhân sinh, của ngàn năm trước, của ngàn năm sau.

Tay phím vụng về lúc tuổi hoa
Cung đàn ôm ấp bóng ngày qua
Trúc Mã quê người còn vương vấn
Thanh Mai tuổi hạt có thiết tha
Một lần lỗi hẹn tim tan vỡ
Trọn kiếp ưu hoài ngấn lệ sa
Tình thơ ai nỡ gây di hận
Hồn bướm mơ tiên khó xóa nhòa


Paris, đầu xuân 2022
Một ngày có tuyết
Kính Thầy
Tuấn

Kỷ Niệm Với Ca Sĩ Ngọc Lan

 

Kể từ khi nguyệt san Kỷ Nguyên Mới số 1 ra đời (Tháng 10/2000), tôi vẫn tự nhủ lòng: “Thế nào tôi cũng viết về Ngọc Lan!”. Vậy mà tôi cứ lần lữa mãi để đến nỗi bây giờ, khi viết những dòng chữ này thì Ngọc Lan đã ra người Thiên cổ!

Lần đầu được nghe Ngọc Lan trong một cuốn băng cassette do chị tôi mới mua về, tiếng hát trong, ngọt ngào và truyền cảm. Tôi hỏi chị tôi:
- Ai hát đấy?
- Ngọc Lan, ca sĩ mới!
- Giọng hát này mà có bè, có cánh thì sẽ nổi lắm đấy!
Chẳng bao lâu sau, Ngọc Lan nổi tiếng thật! Hình như Ngọc Lan nổi vì thực tài của mình chứ không cần “có bè, có cánh!” như lệ thường. Băng nhạc, băng video của Ngọc Lan bán chạy nhất! Các buổi văn nghệ, dạ vũ có Ngọc Lan trình diễn, luôn luôn không còn vé để bán!

Giáng Sinh năm 1988, nhân dịp có cậu cháu từ Na Uy sang thăm, các con tôi dẫn anh đi dự dạ vũ có Ngọc Lan hát ở một nhà hàng trong khu thương mại Eden, Virginia. Nghe nói có Ngọc Lan hát, tôi hăng hái đòi đi theo.

Vũ trường đông nghẹt người. Bàn chúng tôi ngồi ở góc ngoài ngay cạnh cái loa. Âm thanh quá lớn khiến tôi không cảm nhận được tiếng hát Ngọc Lan như khi nghe băng ở nhà. Xuyên qua đám đông đang chen vai thích cánh trên sàn nhẩy, tôi thấy thấp thoáng dáng người mảnh dẻ của Ngọc Lan trong bộ áo đầm dài màu đỏ trên sân khấu.

Khi Ngọc Lan ngừng hát để nhường phần trình diễn cho một ca sĩ địa phương, tôi rời chỗ ngồi, len lỏi trong đám đông để vào phía trong hậu trường. Thấy Ngọc Lan đang đứng uống nước, tôi lại gần, mỉm cười thân mật:
- Ngọc Lan hát hay lắm! Nhưng tiếc rằng hôm nay tôi phải ngồi cạnh ngay cái loa!
Ngọc Lan cười thật tươi:
- Chị ngồi cạnh ngay cái loa và người ta ồn thế thì chị có nghe em hát đâu mà chị khen.
Tôi thành thật:
- Khen là vì nghe băng nhạc ở nhà cơ! Chứ thật tình hôm nay chẳng nghe thấy gì hết! Hồi nãy cũng chẳng thấy mặt Ngọc Lan nữa nên bây giờ phải vào đây để chiêm ngưỡng dung nhan Ngọc Lan đấy!
Biết rằng không khí ở đây không tiện nói chuyện nhiều và cũng chẳng biết nói gì hơn, tôi vào đề luôn như đã dự tính từ nhà:
- Nếu khi nào có dịp, tôi mời Ngọc Lan sang đây hát để gây quỹ cho đồng bào tỵ nạn ở bên đảo, Ngọc Lan có vui lòng hát giúp không?

Hồi đó tôi thường giúp sinh viên các trường, Ủy Ban Cứu Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn Đông Nam Á, Hội Văn Hóa Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn trong những buổi văn nghệ hoặc gây quỹ.
Ngọc Lan vui vẻ:
- Khi nào cần, chị cho em biết, em sẽ thu xếp để sang hát cho chị.
Tôi xin số điện thoại và từ biệt Ngọc Lan. Về đến chỗ ngồi, các con tôi hỏi:
- Mẹ vào hậu trường để xem mặt Ngọc Lan phải không?
- Ừ, tốn tiền mà không thấy mặt Ngọc Lan cũng uổng. Mẹ còn nói chuyện và lấy số phone của Ngọc Lan nữa cơ!
Con gái tôi cười lớn:
- Mẹ định mời Ngọc Lan về hát để gây quỹ cứu trợ phải không? Con thấy mẹ vào trong là con biết ngay mẹ có “công tác” rồi!
- Thì nhất định rồi! Chứ khi không mẹ lại chịu tốn tiền để mà vào đây cho inh tai nhức óc à?

Hai tháng sau, tôi bàn với chị Kim Oanh (giáo sư dạy đàn tranh và vũ dân tộc), anh Nguyễn Minh Trí (Ủy Ban Cứu Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn Động Nam Á), anh Lê Văn Hùng (chủ tịch Hội Văn Hóa Vùng Hoa Thịnh Đốn), và chị Lê Doãn Thu An (một sinh viên hoạt động tích cực của cả hai hội) về dự định tổ chức một buổi dạ vũ và trình diễn thời trang để gây quỹ cho cả hai hội. Mọi người đều đồng ý, nhưng Thu An ngần ngại hỏi tôi:
- Nếu làm được thì quá tốt rồi! Nhưng cô nghĩ, mình mời Ngọc Lan có nhận lời không?
- Ngọc Lan hứa với cô rồi, chắc thế nào cũng được mà!
Thế là chúng tôi xúc tiến công việc ngay. Anh Nguyễn Minh Trí lo việc nhờ sinh viên đại học Maryland thuê giùm cái Ballroom của trường. Có phòng rồi, tôi gọi điện thoại cho Ngọc Lan. Trong lòng tôi cũng ngại Ngọc Lan đã quên tôi vì từ ngày gặp Ngọc Lan ở hậu trường sân khấu cũng đã hai tháng rồi! Chuông điện thoại reo vang, có tiếng ở đầu dây bên kia:
- Hello!
- Dạ, làm ơn cho tôi nói chuyện với cô Ngọc Lan!
- Thưa, Ngọc Lan đây!
- Ngọc Lan chắc quên tôi rồi phải không? Tôi là bà già Nhị đã vào hậu trường sân khấu nói chuyện với Ngọc Lan trong dịp Ngọc Lan trình diễn ở Virginia hai tháng trước đây đấy mà!
- Em nhớ chứ chị! Chị muốn em sang hát gây quỹ cứu trợ đồng bào tỵ nạn phải không?

Tôi không ngờ Ngọc Lan còn nhớ như vậy! Tôi cho Ngọc Lan biết ngày, tháng muốn mời Ngọc Lan. Cô vui vẻ nhận lời ngay. Do lối nói chuyện thân mật của Ngọc Lan, tôi cảm thấy như quen Ngọc Lan đã từ lâu, tôi đổi cách xưng hô. Muốn cho chắc ăn, tôi nói:
- Ngọc Lan cho chị biết tên thật để chị mua vé máy bay gửi sang nhé!
- Để em nhờ chị Hà, vợ anh Duy Quang ở đây mua giùm em được rồi!
- Thế thì chị gửi tiền vé máy bay và tiền thù lao sang cho Ngọc Lan nhé!
- Không cần đâu chị. Để em sang bên ấy rồi chị đưa em cũng được.
Tôi hơi khựng lại vì ngại rằng nếu không nhận tiền thù lao và vé máy bay thì Ngọc Lan có thể đổi ý nếu có nơi khác mời. Thấy tôi không nói gì một lúc lâu, Ngọc Lan như hiểu ý nghĩ của tôi nên nói:
- Chị sợ em không sang hát cho chị phải không? Chị đừng có lo, em hứa là em sang mà!

Sau khi nói chuyện với Ngọc Lan, tôi gọi điện thoại cho chị Kim Oanh, anh Trí, anh Hùng và Thu An, sắp xếp công việc: Anh Hùng in vé, anh Trí làm flyers và lo quảng cáo trên báo chí, Thu An làm thủ quỹ, lo phân phối vé, chị Kim Oanh và tôi lo gọi điện thoại mời các người đẹp trong giới sinh viên tham gia tiết mục trình diễn thời trang với sự trợ giúp của một vài thân hữu. Tôi có nhiệm vụ mời ban nhạc The Red Sun chơi nhạc cho buổi dạ vũ này.

Sau đó, tôi liên lạc với Ngọc Lan thường hơn để hỏi xem vé máy bay đã mua chưa. Ngọc Lan sẽ hát những bài gì để ban nhạc tập trước… Khi tôi hỏi Ngọc Lan sang đây, muốn ở khách sạn nào thì Ngọc Lan nói:
- Nhà chị có chỗ cho em ở là được rồi, đỡ tốn tiền cho ban tổ chức!
Tôi không ngờ Ngọc Lan lại giản dị và có một tâm hồn đẹp đến thế! Tôi nói chuyện với chị Kim Oanh về việc Ngọc Lan đề nghị về nhà tôi ở thì chị Kim Oanh sốt sắng:
- Nhà bà tuốt bên Maryland, xa quá! Để Ngọc Lan ở nhà tôi đi! Ở nhà tôi, ăn uống cũng tiện, kéo nhau sang Eden là chẳng phải nấu nướng gì hết.
Mọi việc diễn tiến thật tốt đẹp! Các cô trình diễn thời trang gồm toàn những người đẹp trong giới sinh viên, lại có thêm cả một vài cô cựu Hoa hậu, Á hậu của vùng Thủ đô nữa. Nhưng buổi tối hôm trước ngày trình diễn, Thu An gọi điện thoại cho tôi, báo cáo:
- Vé bán được ít quá cô à! Sáng mai tụi con ra Eden đứng bán xem có được không? Con lo kỳ này mình lỗ quá!
Trong lòng, tôi cũng lo lắm, nhưng cũng phải trấn an cô bạn trẻ :
- Chi phí kỳ này cũng ít, không sao đâu !
Buổi trưa thứ Bảy, Thu An lại gọi về từ trung tâm Eden:
- Cô ơi! Cho tới giờ này mình mới bán được 200 vé thôi!
Rồi Thu An than thở:
- Sao mấy ông bà trong hội Trưng Vương, Gia Long, Hải Quân, Không Quân bán vé hay quá! Mỗi lần các hội đó tổ chức là họ bán năm bảy trăm vé như không, mà mình bán đỏ con mắt không được một vé!
Nghe Thu An than, tôi chợt nhớ đến buổi Hội Chợ Mùa Xuân tổ chức ở Montgomery College năm trước. Lực lượng sinh viên của hai trường Đại học MC và UM thật đông đảo: người lo phần trình diễn văn nghệ, người lo các gian hàng trò chơi, người lo bán thức ăn… Vậy mà cô Thủ quỹ Thu An cứ ngồi nhìn vào cái hộp tiền rồi thỉnh thoảng lại thì thầm bên tai tôi:
- Thu được ít quá cô ơi!
Cuối ngày, sau khi đếm tiền, Thu An ngạc nhiên và cười thật vui:
- Con tưởng ít nhưng mà cũng khá đó cô!
Cho đến bây giờ, Thu An vẫn không biết rằng hôm đó có một người bạn dúi vào tay tôi một số tiền và nói nhỏ:
- Bà bỏ vào hộp và đừng nói cho ai biết là tôi ủng hộ nhé!

Tôi thầm cảm ơn người bạn đã tế nhị mang lại niềm vui nho nhỏ cho những người bạn trẻ có lòng với những công tác thiện nguyện. Tôi cũng lén móc hết tiền trong ví tôi có, để bỏ vào trong hộp! (Ít lắm, vì hồi đó tôi rất nghèo và… bây giờ cũng vẫn nghèo!). Buổi dạ vũ hôm nay thì kẹt rồi! Cho dù tôi có cầu cứu bạn tôi thì bạn tôi cũng không thể có phép hóa thân như trong phim Tàu để biến 200 người đã mua vé thành năm bảy trăm người được!
Nói chuyện với Thu An xong, tôi gọi chị Kim Oanh:
- Chị và em chịu khó gọi vòng vòng những người quen, nhắc họ tối nay đi dự chương trình dạ vũ nhé!
Đầu dây bên kia, chị Kim Oanh nói nhanh:
- Tôi còn phải lo soạn quần áo cho phần văn nghệ, không có thời giờ đâu, bà gọi đi!
Tôi lẳng lặng vào phòng, nằm ôm điện thoại mãi tới gần giờ hẹn với các anh chị trong ban tổ chức tôi mới sửa soạn qua loa và ra xe chạy như bay đến trường Đại học Maryland.

Tôi lăng xăng phụ với chị Kim Oanh dợt lại cách đi đứng cho các người mẫu ở phía trong mãi tới gần 9 giờ tôi mới ra phía ngoài bàn bán vé xem tình hình ra sao. Tôi thấy mọi người xếp hàng kiểu “Rồng rắn lên mây” để chờ tới lượt mua vé. Tôi thấy nét mặt Thu An rạng rỡ! Thu An cuống quýt gọi tôi:
- Đông quá cô ơi! Cô ở đây phụ tụi con đi!
Mà đông thật! Lúc sau cảnh sát phải chặn cửa không cho vào mua vé nữa! Thế là tôi đứng quanh quẩn ở đấy. Thỉnh thoảng Thu An lại đưa cho tôi một nắm tiền để cất vào ví. Bấy giờ, cô cháu chúng tôi mới biết là dân nhẩy đầm thường không mua vé trước.
Buổi dạ vũ hôm ấy thật vui. Những người tham dự đều hài lòng với tiếng hát Ngọc Lan và phần trình diễn thời trang của các người đẹp sinh viên.

Sau khi kết toán sổ sách, tôi được biết lời được 8 ngàn Mỹ kim. Thế là Hội Văn Hóa vừa mới thành lập do anh Lê Văn Hùng làm Hội Trưởng và Thu An làm Thủ quỹ đã có 4000$ để mở account lấy hên và Ủy Ban Cứu Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn Đông Nam Á thì có 4000$ để gửi sang đảo với hy vọng ước mơ của một em bé viết thư từ đảo trở thành sự thật “Ước mơ của em là được ăn một bữa cơm với thịt kho!”.
Khi buổi dạ vũ chấm dứt. Ngọc Lan trút bỏ bộ áo dạ hội, gọn gàng trong chiếc quần Jean và cái áo da màu nâu dài tới gần đầu gối. Chúng tôi rủ Ngọc Lan đi ăn thì Ngọc Lan từ chối:
- Về nhà chị Kim Oanh ăn mì gói cho tiện chị ạ, đỡ phải đi đâu, khuya quá rồi!
Nghĩ rằng Ngọc Lan mệt và muốn về nhà nghỉ nên chúng tôi không nài nỉ Ngọc Lan đi ăn nữa. Sáng hôm sau, tôi nói chuyện nhiều với Ngọc Lan ở trong phòng trong khi chị Kim Oanh còn ngủ ở trên lầu vì tối hôm qua chị quá mệt. Tôi ngỏ ý muốn tổ chức một đêm nhạc thính phòng với những bản nhạc chọn lọc và tiếng hát Ngọc Lan. Ngọc Lan có vẻ thích lắm!
- Hôm qua bà chủ nhà hàng phàn nàn việc em sang đây hát cho Ủy Ban Cứu Trợ và dặn lần sau đừng nhận lời hát cho ai ở vùng này. Nhưng em có ký kết hát độc quyền cho bà ấy đâu! Thành ra khi nào chị tổ chức, chị cứ gọi em!
Chúng tôi đang nói chuyện thì anh Bùi Vũ Đức mang check và thư cảm ơn đến. Tiền thù lao Ngọc Lan là 1000$, nhưng tối hôm trước Ngọc Lan đã dặn tôi:
-“Em tặng lại Ban tổ chức 300$, chị nói các em ký cho em 700 thôi nhé!”.

Khi Ngọc Lan đã trang điểm xong và chị Kim Oanh đã thức dậy, chúng tôi ngồi chuyện trò vui vẻ trong phòng khách. Ngọc Lan ngồi ôm và vuốt ve con chó lông xù màu nâu nhỏ xíu mà chị Kim Oanh mới được người ta tặng trong chuyến đi trình diễn vừa qua. Chị Oanh nhìn con chó đã nuôi từ lâu, than:
- Thấy nó cu ky tội nghiệp, tìm bạn cho nó mà nó chê! Nó không thèm chơi với con này. Cứ hễ thấy mình chơi với con này thì nó buồn, nó ghen! (Về sau, chị Oanh phải cho chị Phương Mỹ con chó nhỏ).
Câu chuyện của chúng tôi quay sang chuyện chó mèo… rồi khi chúng tôi ngồi trên xe để ra Eden ăn trưa thì chúng tôi lại nói chuyện về hoa vì Ngọc Lan vừa chợt nhìn thấy một cây hoa với những nhánh nhỏ mỏng manh rất đẹp trước cửa nhà chị Oanh.

Những tháng năm sau đó, Hội Văn Hóa Vùng Hoa Thịnh Đốn bận rộn tổ chức “Trại hè Về Nguồn”, các lớp dạy tiếng Việt Thăng Long ở Virginia, Hoa Lư ở Maryland, Hội Tết Trung Thu. Những chương trình tổ chức chung với Ủy Ban Cứu Trợ để gây quỹ như chương trình nhạc Lê Ngọc Chân, Tiếng Tơ Đồng v.v… không thành công lắm vì hình như… tình thương đã mỏi mệt! Mọi người còn phải quay cuồng với cuộc sống thường ngày và các sinh viên… bán đỏ con mắt không được một vé! nên dự định làm chương trình nhạc thính phòng với tiếng hát Ngọc Lan không thực hiện được!

Hôm nay, tôi ngồi viết những dòng chữ này, để tưởng niệm Ngọc Lan, người nữ ca sĩ mà tôi yêu mến. Ngọc Lan với giọng hát đong đầy sầu muộn, vẻ đẹp mong manh như sương khói, đôi mắt buồn vời vợi, một tâm hồn thanh khiết như hoa Ngọc Lan, hoa Nhài, hoa Huệ… sẽ còn mãi mãi ở trong lòng tôi.

Lê Thị Nhị
(Virginia, tháng 5/2001)

Thăm Walt Disney World - Orlando


Chúng tôi rời Naples, Florida đi Orlando vào buổi trưa trời trong nắng ấm. Ra ngoại ô lái xe thong thả nhưng vào thị xã Orlando phố phường đông đúc nên bị kẹt xe đến nơi châm trễ hơn dự định. Vợ chồng người cháu ở cách Walt Disney World chừng 20 phút mời dùng cơm chiều tại nhà thay vì ra tiệm. Các cháu cũng ngại chỗ đông người dù ai cũng chích đủ 3 lần vaccine. Hai vợ chồng đều đi làm nhưng cô cháu dâu Bắc kỳ đảm đang xin về sớm nên bữa cơm đầy đủ cơm canh trà bánh xôm tụ do cháu tự làm lấy. Hôm sau chúng tôi đến Walt Disney World sớm nên có chỗ đậu tốt,khỏi phải ra bãi đậu xe rộng lớn
xa bến xe bus đón khách đi đó đây trong địa phận Walt Disney.

ĐẠI CƯƠNG:

Walt Disney World nằm phía Tây Nam thị xã Orlando, rộng 101 km2 thường được gọi Disney World có 4 nơi giải trí chính: Magic Kingdom, Epcot, Disney’s Hollywood Studios, Disney’s Animal Kingdom. Ngoài ra còn có 2 Water Park, 31 Resort Hotel, nhiều sân golf, thương xá, nhà hàng ăn uống..., mở cửa cho dân chúng vào xem ngày 1/10/1971. Các khu giải trí không mở cửa cùng một lúc, thành lập cái trước cái sau có khi cách nhau cả 10 năm như:

Magic Kingdom mở cửa ngày 10/1/71; Epcot:10/1/82; Disney’s Hollywood Studios:5/1/89, Disney’s Animal Kingdom:2/4/98. Những nơi này cũng bị đóng cửa tạm mấy lần do hư hại vì các trận bão lớn và không tặc tấn công Nữu Ước ngày 9/11/01

Disney World có nhiều du khách thăm viếng nhất thế giới theo Bách Khoa Toàn Thư. Năm 2018 Disney World có 58 triệu du khách , 77.000 nhân viên,3.000 công việc.Ngày 15/3/2020 Walt Disney đóng cửa tạm thời vì Covid,cho nghỉ việc 6.500 nhân viên. Mở cửa lại 25% ngày 7/11/20. (theo bách khoa toàn thư )

Disney’s Polynesian Village Resort

Chúng tôi vào thăm khu Disney’s Polynesian Village Resort trước. Khu vực này rộng rãi, cây cảnh xanh tươi rực rỡ màu sắc, không có vẻ cuối Thu như vùng Hoa thịnh Đốn, lá rụng, hoa tàn, trời se lạnh. Cây kiểng nơi đây cắt xén gọn gàng mỹ thuật. Chúng tôi vào viếng bên trong 1 kiến trúc giống như lâu đài, trần cao với nhiều hoa văn xinh đẹp. Từ tầng 1 lên tầng 2 các du khách leo lên cầu thang kiểu cọ, uốn cong theo như đền đài các vua chúa ngày xưa. Có lẻ có thang máy đâu đó nhưng các du khách đều đi bộ. Bên trong ngoài các đồ vật trưng bày trong tủ kính:hình ảnh, quần áo , gương lược xinh đẹp cho du khách nhìn ngắm còn có nơi bán quần áo, phấn, son, mỹ phẩm, kẹo bánh...tất cả đều có nhãn hiệu Walt Disney và đắt hơn ngoài phố chút it. Tầng dưới dù trong nhà nhưng các cây kiểng hoa cỏ bày biện đều xinh đẹp, tươi tốt. Có cái nhà nhỏ mái ngói, khoảng hơn 1 mét bề ngang, có cửa sổ, cửa cái, hoa kiểng bày biện trước sân nằm trong vòng rào. Thiên hạ bao quanh chụp ảnh. Hóa ra toàn thể cái nhà là bánh ngọt và chocolate pha màu thật khéo. Cái bảng ở góc sân ghi vật liệu làm cái nhà gồm mấy ngàn quả trứng,bao nhiêu trăm kí lô đường, bột... Loanh quanh xem bên trong kiến trúc gần 1 tiếng chúng tôi ra ngoài đi dọc theo bờ hồ gần lâu đài. Đường nào trong Disney World đều sạch sẽ, không thấy lá rơi hay rác. Sân cỏ quanh co xanh mượt, nằm dọc theo các kiến trúc quanh hồ. Môt hồ bơi với thác nước nhân tạo chảy liên tục từ trên cao nơi hòn giả sơn xuống hồ bơi. Chung quanh hồ bơi có nhiều ghế xếp cho người đi tắm nghỉ ngơi, đọc sách hay trò chuyện, mở cửa từ 9 giờ sáng.

Các con tôi cho biết cái hồ rất rộng trước con đường có đàn vịt trời bay lên đáp xuống tìm mồi là hồ nhân tạo. Giữa hồ 2 chiếc tàu lớn chở đầy khách qua lại từ bờ nọ sang bờ kia để thăm viếng một cảnh trí nào đó trong khuôn viên Disney World.

Africa Wildlife Preserve:


Chúng tôi trở ra bến xe bus đón xe đi thăm thú rừng African Wildlife Preserve. Cùng bến xe nhưng xe bus đi các nơi khác nhau: chiếc đi Epcot, chiếc đi Magic Kingdom... Trên hông các xe bus trang hoàng vui mắt với hàng chữ to ”Kỷ niệm 50 năm thành lập Disney World” Chúng tôi đi vào đầu tháng 11 năm 2021

Theo nhân viên trạm xe bus các khu giải tri nơi nào cũng phải xếp hàng nhiều hay it. Khu Africa Wildlife không phải chờ lâu. Chúng tôi chuyển 2 lần xe bus mới đến nơi. Hành khách đầy xe bus to. Chuyến xe đầu chạy khoảng 20 phút xong chuyển xe khác đi thêm hơn 10 phút nữa. Hai bên đường tráng nhựa cây lá xanh um chằng chịt như ...rừng nhưng không có cây to cổ thụ. Thật là giống khu rừng hoang.

Đến nơi mọi người xuống xe theo bảng chỉ dẫn, đi qua khu bán quà lưu niệm rộng rãi và khu khách sạn trang trí theo kiểu cách Phi Châu, vách, cửa sổ đều bằng tre, gỗ. Mùi thức ăn từ nhà hàng tầng 2 thơm ngào ngạt. Chúng tôi lên nhà hàng thấy khách khá đông vì vào giờ ăn trưa. Các bàn ăn phủ khăn trắng, các ghế không biết làm bằng mây hay tre, bóng láng có nệm êm ái...


Khu bán quà rộng lắm và đông khách. Họ bán những thú rừng bằng gỗ, bằng sứ hay ngà voi chạm khắc tỉ mỉ hình các con thú :voi, khỉ, ngựa rằn, cá sấu, những y phục, khăn trải bàn, túi sách, khăn, nón, các bức tranh có hình vẽ phong cảnh Phi Châu... Ra khỏi cửa hàng là hành lang và cầu thang lên lầu xong đến cửa ra ngoài sân cỏ xem thú rừng. Tất cả vật dụng bàn, ghế, cửa ra vào trang trí giống như cảnh Phi Châu tôi được thấy trong sách hay phim ảnh



Phía ngoài khách sạn(1) có những lối đi sạch sẽ nằm dọc ngang trong khu đất rộng có cỏ xanh và cây cho bóng mát. Có các con đường dẫn đến những chuồng chim thú.... Có chuồng mở cửa nhưng không có thú bên trong. Mấy con ngựa rằn hiền khô không quan tâm tới khách nhìn, ngắm chụp ảnh, chúng thong thả nhởn nhơ ăn cỏ. Xa hơn một chút có những con sếu to, mỏ dài, cổ và chân cao lều nghều đứng nhìn người qua lại. Có chuồng bảng ghi “hươu cao cổ(girafe) “ nhưng không thấy thú trong chuồng. Xa hơn 1 chút có như hòn núi nhỏ, bảng ghi là ”Victoria fall” tuy nước chảy liên tục từ trên cao xuống nhưng không ào ào như thác nước thiên nhiên. Trong một khu đất trống khác, không có chuồng, một bầy chim hồng hạc và các loài chim khác cũng to như hồng hạc nhưng lông trắng và xám, đứng nhóm lại thành một nhóm...


Trước khách sạn có con đường lớn xe chạy vào phía trong nhưng không biết bao xa vì chúng tôi không đi tiếp tục và trở ra bến xe bus để ra về. Chúng tôi có hẹn gặp một gia đình khác. Bến xe thật rộng rãi, sạch sẽ,trang trí vui mắt với các hình ảnh. Có nhiều băng gỗ rải rác cho khách nghỉ chân lúc chờ xe đến. Bến xe bus có tất cả 26 chỗ xe đậu để đưa khách đến, đón khách đi. Như thế 26 chiếc xe bus to có thể đậu cùng một lúc ở bến xe này. Tôi thấy các xe nhỏ chở đầy khách từ phía trong đưa khách ra bến xe bus để họ lên xe về bãi đậu xe hay về khách sạn. Hỏi họ từ đâu đến thì được cho biết họ đi xem thú, nhưng chỉ ngồi trên xe không đi bộ. Tôi không biết có đúng không vì tôi chỉ loanh quanh khu khách sạn, thấy ngựa rằn, chim, sếu, và mấy chuồng đà điểu, hươu cao cổ trống trơn, không có thú.


Thưa quý vị tôi đến thăm khu Wildlife Preserve vì cách đây mấy năm, con tôi đã đưa các cháu nội đên đây, ngụ trong khách sạn (1) Phi Châu ở Wildlife Preserve. Hai cháu nội tôi lúc ấy khoảng 14 tuổi và 12 tuổi muốn xem thú rừng nhưng đi Safari, Phi Châu tốn kém, khoảng 5000 mỹ kim cho 1 người lớn. Khi nghỉ hè hai vợ chồng mướn khách sạn trong khu Wildlife Preserve ở Disney World, nơi đứng ở ban công có thể thấy thú rừng trước sân, thưởng thức cảnh vật, cây cỏ, thức ăn Phi Châu nhưng không tốn kém nhiều như đi Safari. Theo Bách Khoa toàn thư Wikipedia khu này rộng 45 acre, có ao hồ và hơn 30 loài chim, thú... Cây cỏ có loại mang từ Phi Châu về trồng như cây chuối trong hình cũng xuất xứ từ Phi Châu. Thăm Disney World 1 ngày chẳng xem được bao nhiêu nên du khách thường mua vé 3 ngày, vừa rẻ và xem được nhiều nơi. Ban đêm còn xem các chú chuột MicKey và Minnie trinh diễn đèn (light show)...Epcot và Magic Kingdom có lẽ là nơi có nhiều du khách nhất.

Thưa quý vị tôi nhớ đến đâu thì ghi đến đó, dĩ nhiên còn nhiều thiếu sót chỉ dùng để giải trí hay dỗ giấc ngủ mà thôi hoặc vị nào muốn thăm viếng thú rừng nhưng sức khỏe không cho phép hay ngại dịch cúm Covid có chút ít khái niệm. Chúng tôi về lấy xe nơi bãi đậu trời đã xế chiều nhưng xe hãy còn đầy.

 

Nhân dịp đầu năm tôi xin chúc đồng bào, anh chi em thật nhiều sức khỏe,người lớn có công việc làm ăn tốt đẹp, thành công, may mắn, hạnh phúc, trẻ em đến trường học hành tử tế hầu có tương lai tốt đẹp, giúp ích bản thân, gia đình, đồng bào và đất nước đã cưu mang chúng ta.

Tôi cũng xin chúc quý độc giả, các cựu hoc sinh NT, anh chị em “ luôn có mùa Xuân trong lòng, thương người và được yêu thương”


Thăm Wildlife Preserve

Trời trong mây trắng lá cây xanh
Ngưa rằn mấy chú đi tung tăng
Nhỡn nha thong thả không chuồng trại
Sân rộng tha hồ dạo quẩn quanh

Chim hồng, hạc trắng dáng thanh thanh (hồng hạc)
Chân dài, cao cổ sếu đi nhanh
Chim đà, hưu lạ tìm đâu thấy ( đà điểu)
Thác nước trên cao chảy ạt ào

Ngọc Hạnh
Ghi Chú:1- Tôi gọi là khách sạn tuy người Mỹ gọi là ‘’ lodge” vì nó có lầu, có ban công và cũng to, rộng rãi lắm. Từ điển dịch lodge là lều...

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

Em Thôi Chờ Mùa Thu - Thơ Ngọc Quyên - Nhạc Trần Chương Lương - Tiếng Hát Châu Thuỳ Dương


Thơ Ngọc Quyên 
Nhạc Trần Chương Lương 
Tiếng Hát Châu Thuỳ Dương

Phụ Tình


Em tha thiết: ... "I love you! ..."
Ô hay! thoáng cái đã yêu rồi à?
Gặp nhau chỉ mới hôm qua,
Bắt tay chào hỏi qua loa thường tình.
Đã đành, anh biết em xinh,
Mắt xanh, da trắng, thân hình nở nang!
Hương thơm quyện mái tóc vàng,
Miệng hoa cười, khiến bao chàng ngất ngây…
Anh từ xứ lạ tới đây,
Trầm ngâm ngồi chuốc men say một mình.
- Em ơi! Anh vốn đa tình!
Vẫn thường say đắm bóng hình giai nhân.
Nhưng em, như một thiên thần!
Chưa từng biết chuyện gian trần khổ đau.
Còn anh, lang bạt từ lâu,
Hóa thân làm kiếp ve sầu kêu thương!
Nói gì đến chuyện yêu đương,
Có yêu, rồi cũng lại vương lấy sầu!
Thì thôi! đành phụ tình nhau,
Xem như gặp gỡ qua cầu sang sông.
. . .
- Dẫu sao lòng cũng tạ lòng!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Sông Cho Biển Nhận



(Viết tặng các thân hữu của SL)

Xin hãy cho như dòng sông quê ngoại
Cửu Long giang bù đắp những phù sa
Như bạn bè, bao kỷ niệm ngọc ngà
Theo năm tháng đắp bồi thêm tươi thắm

Muôn sông nhỏ đổ vào lòng biển thẳm
Cho biển kia dồn dập sóng trùng dương
Máu về tim, nơi phát xuất yêu thương
Sông về biển, nơi dưỡng sinh vạn vật

Xin hãy nhận như đại dương bát ngát
Những dòng sông muôn ngả chảy về đây
Như bạn xưa về ca khúc sum vầy
Cùng hội ngộ trong biển tình thân mến

Sông cần biển để có nơi chảy đến
Biển cần sông để cho biển thẳm sâu
Người cần người vì có những nhiệm mầu
Của tình cảm, của yêu thương, vương vấn

Xin hãy cho, xin hãy vui đón nhận
Những yêu thương, những thương mến ngọt ngào
Vì ngày mai nào ai biết ra sao?
Thì hiện tại, hãy yêu thương, vui sống

Trí thanh thản đừng để tâm vọng động
Trước những gì đố kỵ với hờn ghen
Như trăng kia vẫn sáng đẹp hơn đèn
Yêu thương vẫn đẹp hơn là oán hận

Xin chúc Bạn: Thiện Tâm luôn tinh tấn
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc


Sương Lam

Không Rời Áo Em



Chuồn chuồn mê chuyện đời xưa
Tiên nào lạc lối đổ thừa vui xuân
Chưa được Em đã thèm Cưng
Be bờ tát nước vòng lưng ong chờ

Chỉ mong nhặt bóng tình hờ
Có khi chỉ dám lững lờ gọi tên
Có khi được đứng kề bên
Có khi vào lớp được hên ngồi gần

Càng thêm hồi hộp ngập ngừng
Không nghe thầy giảng tưởng chừng gặp tiên
Bâng khuâng mượn nợ vay duyên
Nghìn năm ngơ ngẩn sầu riêng xiêu đình

Sử kinh không chịu đưa tin
Chỉ mong cho gặp cho nhìn thế thôi
Dám đâu trăng đón gió mời
Xin cho hạt bụi không rời áo em

Cho dù chưa được làm quen
Cho dù chưa được chung đèn phòng hoa
Thật gần mà vẫn thật xa
Lẽ đâu em chỉ là ma ghẹo mình

Bóng đưa bóng hình tiễn hình
Có khi hờ hững làm thinh ngỡ ngàng
Khi áo tím khi áo vàng
Thả câu tình tứ dịu dàng cho đau

Đeo em nghìn kiếp nghẹn ngào
Cùng đường chưa được thả rào cho quen
Sao rơi bóng vỡ tim đèn
Mơ hồ em đến gót sen ngập ngừng

Thơm thơm hoa nắng khoe xuân
Hai con chim mộng vui mừng hôn nhau
Thực say mê thực ngọt ngào
Lửa hương chăn gối chiêm bao dại khờ....

MD.04 /30/05
LuânTâm

Ký Ức Vầng Trăng



Áng Nguyệt xa vời ẩn đám mây
Về đêm gió thổi lạnh vai gầy
Vầng trăng tỏa rộng tình ngơ ngẩn
Bóng liễu lơi cùng mắt dại ngây
Tháng mộng trời thơ hương chất ngất
Ngày xanh tuổi ngọc ý dâng đầy
Lao xao ký ức mùa xưa cũ
Lặng lẽ du hồn tới cõi tây

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/22/2021

Dạ Phát Viên Giang Ký Lý Dĩnh Xuyên Lưu Thị Lang 夜發袁江寄李潁川劉侍郎 (時二公貶於此)


Nguyên tác           Dịch âm

夜發袁江寄李潁川劉侍郎 (時二公貶於此)

Dạ Phát Viên Giang Ký Lý Dĩnh Xuyên Lưu Thị Lang (thời nhị công biếm ư thử)

半夜回舟入楚鄉 Bán dạ hồi chu nhập Sở hương,
月明山水共蒼蒼 Nguyệt minh sơn thuỷ cộng thương thương.
孤猿更發秋風裏 Cô viên cánh phát thu phong lý,
不是愁人亦斷腸 Bất thị sầu nhân diệc đoạn trường.

Sở hương: Phiếm chỉ quê hương nước Sở cũ nay là khu vực phia đông nam tỉnh Giang Tây

Nửa đêm trên thuyền vào quê hương nước Sở cũ,
Trăng sáng, núi sông cùng một mầu lam bao la.
Một con vượn lẻ bầy kêu ảo não trong gió thu,
Chẳng phải là người đa sầu đa cảm cũng thấy buồn đứt ruột.袁江 Pingxiang Jiangsu

*Viên giang còn gọi là Viên thủy hay Tú giang, sông bắt nguồn từ núi La Tiêu, huyện Bình Hương, tỉnh Giang Tây, chảy theo hướng đông rồi nhập vào sông Cám. Dĩnh Xuyên thuộc tỉnh An Huy. Lý Dĩnh Xuyên có thể là Lý Cao. Lưu thị lang chỉ Lưu Yến, từng làm Hộ bộ thị lang kiêm Ngự sử đại phu, Kinh triệu doãn.
Có nơi chép bài thơ này của Hoàng Phủ Nhiễm.

Dịch thơ

Đêm Khởi Hành Từ Sông Viên, Gửi Ông Lý Ở Dĩnh Xuyên Và Lưu Thị Lang (lúc hai ông bị biếm ở đây).

Nửa đêm quay thuyền vào đất Sở
Sáng trăng non nước một màu xanh
Vượn côi hú gió thu nức nở
Dẫu chẳng bi quan cũng đoạn trường

Con Cò
***
Dịch thơ:

Quay thuyền về Sở giữa đêm trường
Trăng sáng núi sông biếc chập chùng
Vượn lẻ kêu buồn thu gió lạnh
Đâu riêng sầu khách nát tan lòng

Lộc Bắc
***
Quay thuyền lại Sở giữa đêm thâu,
Trăng nước non xanh ngắt một mầu,
Vượn côi lại hú lên trong gió,
Không buồn mà đứt ruột vì đâu.

Bát Sách 
***
Thuyền quay về Sở lúc đêm trường
Trăng chiếu non sông màu lục dương
Côi cút vượn kêu như muốn khóc
Người sầu buôn bã não can trường

LạcThủyÐỗQuýBái
***
Nguyên Tác:            Phiên Âm:

夜發袁江*寄李潁川劉侍郎 (時二公貶於此) - 戴叔倫**

Dạ Phát Viên Giang Ký Lý Dĩnh Xuyên Lưu Thị Lang

(thời nhị công biếm ư thử) - Đới Thúc Luân

半夜回舟入楚鄉 Bán dạ hồi chu nhập Sở hương
月明山水共蒼蒼 Nguyệt minh sơn thuỷ cộng thương thương
孤猿更發秋風裏*** Cô viên cánh phát thu phong lý
不是愁人亦斷腸 Bất thị sầu nhân diệc đoạn trường.


Dị bản:

* Nguyên giang 沅江 = sông Nguyên
** Hoàng Phủ Nhiễm 皇甫冉
*** viên 猿 = 猨

Ghi Chú:

Viên giang (Yuanjiang) còn gọi là Viên thủy (Yuanshui), sông nhỏ, dài 279 km, bắt nguồn từ núi La Tiêu, chảy qua thị trấn Lô Khê, huyện Bình Hương, tỉnh Giang Tây, chảy về Đông Bắc để nhập vào sông Cám rồi vào hồ Bà Dương gần ranh giới tỉnh An Huy.

Nguyên giang (Yuanjiang) là một con sông lớn bắt nguồn từ một hồ gần Hoài Hoá, Hồ Nam, dài 864 km, chảy về Đông qua thành phố Thường Đức để vào Động Đình Hồ. Bài thơ này nói về sông Viên vì vị trí sông Nguyên ở Hồ Nam không hợp với ý bài thơ, quay ghe về đất Sở ở đông nam Giang Tây. Sở dĩ có sự nhầm lẫn vì chữ Viên 袁và Nguyên 沅 cùng bính âm là Yuán.

Dĩnh Xuyên thuộc tỉnh An Huy. Lý Dĩnh Xuyên có lẽ là Lý Cao. Lưu thị lang chỉ Lưu Yến, từng làm Hộ bộ thị lang kiêm Ngự sử đại phu.

Sở hương: chỉ quê hương nước Sở cũ nay là khu vực phia đông nam tỉnh Giang Tây. Đôi khi tôi tự hỏi địa lý của các bài thơ chính xác đến mức độ nào? Nếu lưu vực sông Hoài là đất nước Sở ngày xưa. Sông Viên, sông Cám đổ vào hồ Bà Dương cách sông Hoài gần 400 km về phía Nam, làm sao gần Sở hương được? Còn như đất Sở ở đông nam Giang Tây, trong khi hồ Bà Dương ở đông bắc Giang Tây.

Dịch Nghĩa:

Đêm khởi hành từ sông Viên, gửi ông Lý ở Dĩnh Xuyên và Lưu thị lang (lúc hai ông bị biếm tại đây)

Nửa đêm quay đầu thuyền vào quê hương nước Sở cũ,
Trăng sáng, núi sông cùng bầu trời một màu xanh bao la.
Lại thêm một con vượn lẻ bầy kêu ảo não trong gió thu,
Chẳng phải là người đa sầu đa cảm cũng thấy buồn đứt ruột.

Dịch Thơ:

Gởi Bạn

Nửa đêm hướng Sở ghe quay đầu
Trăng núi trời sông xanh một màu
Vượn lẻ gọi đàn nghe áo não
Làm buồn đứt ruột kẻ không sầu.

Phí Minh Tâm
***
Buồn Nẫu Ruột

Khuya quay thuyền hướng về quê cũ
Trong gió thu vượn hú đơn côi
Non xanh nước biếc trăng ngời
Dẫu không ủy mị bời bời tâm can

At midnight, the boat turns around, heading towards the homeland
Bathed in moonlight, blue water and mountains
In the autumn wind the howling of a lone gibbon
Not a bit melancholic, but one's heart would sink

Yên Nhiên
***
1/
Nửa đêm ghé Sở hướng thuyền quay,
Nước biếc non xanh ánh nguyệt đầy.
Tiếng vượn lẻ loi thu gió thổi,
Ai không nát dạ thấy buồn lây!!!

2/
Quay thuyền ghé Sở canh thâu,
Non xanh nước biếc một mầu trăng soi,
Gió thu vượn hú lẻ loi,
Ai mà không thấy đầy vơi cõi lòng!!!!

Mỹ Ngọc.
Nov 6/2021.
***
Cảm Tác:
Tri Kỷ

Tri kỷ đời có mấy người
Vong niên hai bạn cảnh thời đáng thương
Vào tù ra khám tai ương
Công việc đành bỏ tìm đường tới thăm

Đồ Cóc
***
Góp ý:

Dĩnh Xuyên thuộc tỉnh An Huy ...

Sở hương: chỉ quê hương nước Sở cũ nay là khu vực phia đông nam tỉnh Giang Tây. Đôi khi tôi tự hỏi địa lý của các bài thơ chính xác đến mức độ nào? Nếu lưu vực sông Hoài là đất nước Sở ngày xưa. Sông Viên, sông Cám đổ vào hồ Bà Dương cách sông Hoài gần 400 km về phía Nam, làm sao gần Sở hương được? Còn như đất Sở ở đông nam Giang Tây, trong khi hồ Bà Dương ở đông bắc Giang Tây.

Tôi cứ ngỡ là chúng ta bàn đủ nhiều về để tài Sở hương rồi nhưng thì ra vẫn còn có chuyện để nhắc đến nó. Dĩnh Xuyên là tên cổ của một địa danh ở trung tâm của tỉnh Hà Nam, không phải trong tỉnh An Huy. Tên và tầm quan trọng của Dĩnh Xuyên đổi nhiều lần từ thời Hán, và giờ chỉ còn là một địa danh trong lịch sử, nhưng chúng ta biết nó như là Hứa Xương của Tào Tháo. Nó có tên Dĩnh vì sông Dĩnh, một nhánh của sông Hoài - chảy qua đó, và như anh Tâm nói, Dĩnh Xuyên ở hướng Bắc của Dương Tử và cách vùng sông hồ Tiêu Tương mấy trăm dặm Anh. Các sông Viên và Nguyên thì đúng là thuộc về đất Sở ngày xưa vì nước Sở chiếm hết đất Hoa Lục phía Nam sông Hoàng Hà. Chúng ta cần nhớ là chưa hẳn Đới Thúc Luân phải ở gần Dĩnh Xuyên để làm thơ gửi cho hai người bạn họ Lý và Lưu bị biếm ở đó. Bài thơ có thể được làm lúc họ Đới đã bị thất sủng và biếm xuống miền Nam và cám cảnh thân phận đi đày như các bạn.

Cái tên Viên giang trong tựa đề tạo rắc rối vì không như Nguyên Giang (沅 江), sông Viên chỉ có các tên Viên Hà hay Viên Thủy (袁水)
(trích từ Wikipedia: 袁水也称袁河, .... 是赣江左岸支流。Viên thủy dã xưng Viên hà, .... thị Cám giang tả ngạn chi lưu) và tại sao Đới Thúc Luân gọi là Viên Giang thì có lẽ không ai bây giờ biết. Như anh Tâm nhận xét 袁 và 沅 là hai chữ đồng âm (yuán trong bính âm) nhưng giờ không còn cách nào biết họ Đới đang chèo thuyền trên sông nào vì sông nào thì cũng ở trong đất Sở, chỉ có điều sông Nguyên đổ vào hồ Động Đình thì ở xa biển hơn sông Viên chảy vào hồ Bà Dương.

Huỳnh Kim Giám

Tản Mạn Về Vĩnh Long Trong Tuổi Thơ Tôi



Vĩnh Long là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc của tình làng nghĩa xóm. Cuộc đời tôi dầu là đang ở nơi chân trời góc biển nào của địa cầu nầy cũng không thể và không bao giờ có thể tách rời khỏi hai chữ Vĩnh Long. Chính vì vậy mà cho dù tôi có nói gì hay có viết gì đi nữa cũng chẳng bao giờ có thể đáp đền được cái ân tình mà tôi đã mang theo từ cái đất Vĩnh Long thân yêu ngày ấy. 

Hôm nay, ngồi đây viết lại những dòng này chỉ mong có thể chia sẻ được phần nào với những thế hệ đàn em sau này về tâm tình trìu mến và tha thiết của một người con dân xứ Vãng. Vì thời gian tôi rời xa Vĩnh Long cũng đã khá lâu, từ năm 1968 đến nay, tính ra đã hơn nửa thế kỷ. Nên chi nếu có điều chi sơ sót, xin các bậc trưởng thượng và các thế hệ đàn em cũng niệm tình bỏ qua cho. Vĩnh Long, nơi tôi sanh ra, là vùng sông rạch chi chít, và dòng sông Long Hồ là nơi mà tôi đã từng có rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ cơ hàn. Vì chính dòng sông đó đã cho gia đình tôi tôm cá trong suốt cả chục năm của thập niên 1960s. Ngày đó, ban ngày anh em chúng tôi vẫn được ba mẹ cố gắng cho đến trường học, nhưng đêm đến tôi và một người em trai kế phải ngủ trên dòng sông này trên một chiếc xuồng nhỏ, thật nhỏ, để thả câu, giăng lưới, nhằm kiếm thêm chút gì đó phụ với ba mẹ nuôi một đàn em mười mấy đứa. Ngày đó, anh em tôi đến trường là phải cố mà thu vào đầu những gì thầy cô giảng dạy trong lớp, chứ về đến nhà là không còn có thì giờ đâu nữa để mà học bài. 

Cầu Thiềng Đức trên dòng sông Long Hồ năm 1929.

Chính vì vậy mà dầu cho ngày nay có xa Vĩnh Long vạn dặm trùng dương, nhưng Vĩnh Long lúc nào cũng tưởng chừng như gần, thật gần với tôi trong ký ức. Bây giờ dầu có ở vùng Bắc Mỹ xa xăm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ Vĩnh Long của những năm thanh bình, từ năm 1957 đến năm 1962. Ngày đó, ngư dân trên dòng sông Long Hồ còn rất nhiều vị vừa thả câu mà cũng vừa hát hò theo kiểu rất tài tử, và điều nầy cũng làm cho hai anh em chúng tôi cảm thấy bớt đi được phần nào khổ nhọc của tuổi ấu thơ. Bây giờ mỗi lần nhớ tới dòng sông Long Hồ là tôi liên tưởng ngay đến sự lấp lánh của một dãy lụa trong những đêm trăng, nhớ đến những đêm trăng thanh bình của tuổi thơ cơ cực, và nhớ nhiều lắm đến những tấm lòng đôn hậu hiền hoà của người dân xứ Vĩnh. Quê tôi Vĩnh Long là một trong những tỉnh được khai mở đầu tiên của miền Tây, nằm gọn trong vùng đất phù sa của hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang. Một thời Vĩnh Long là thủ phủ của Dinh Long Hồ, là cái nôi phát triển từ dân cư đến văn hoá và kinh tế của lịch sử Nam Tiến. Từ thời mở cõi đến nay, Vĩnh Long luôn là quê hương của ruộng đồng bao la bát ngát, với sông rạch chi chít và với sự ngược xuôi của các ghe thương hồ từ tứ xứ. Hình ảnh dòng sông, bến đò, và những buổi họp chợ êm đềm của những người dân đất Vĩnh, tuy mộc mạc, nhưng luôn luôn sống động và đầy ấp tình người.

Vĩnh Long không có núi non hùng vĩ như các tỉnh miền Trung hay bờ biển thơ mộng với những hàng thuỳ dương bên bờ cát trắng như Nha Trang. Vĩnh Long cũng không có nhiều thắng cảnh như Hà Tiên hay vịnh Hạ Long, nhưng du khách đã một lần đi đến Vĩnh Long chắc chắn cả đời sẽ khó quên được những kỷ niệm của mình với những vườn cây ăn trái và sông nước hữu tình từ An Thành, qua Bình Hoà Phước, đến Chợ Lách… Vườn cây nối tiếp vườn cây xen lẫn với những hàng dừa hàng cau đang lay động trước gió. Ven bờ các sông kênh rạch thì sóng không vỗ ì ầm như những vùng biển cả, mà sóng cứ dạt dào nhè nhẹ vào bờ, và trên vùng sông nước nầy ngày đêm không ngớt tiếng khua động của những mái chèo lướt nước. Vĩnh Long quê tôi không có những đền đài nguy nga tráng lệ như cố đô Huế hay Thăng Long thành. Trái lại, Vĩnh Long thời tôi mới lớn lên và chập chững bước vào ngưỡng cửa học đường hãy còn dáng vẻ hoang sơ mộc mạc của một vùng đất mới phát triển. Thật vậy, 60 năm trước đây, cũng như hầu hết các tỉnh thành khác trong một xứ sở vừa mới thu hồi nền độc lập từ tay ngoại bang, Vĩnh Long của tôi ngày ấy vẫn còn tràn đầy những cảnh vật thiên nhiên, dầu không hoang sơ như Đồng Tháp Mười với cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn, nhưng cũng gần gần như vậy, nghĩa là hễ lội vô đồng là có cá có tôm, đem lưới giăng ngang sông là có tôm có cá ngay, mà lại có thật nhiều nữa chứ!

Toà Án Vĩnh Long năm 1929

Trước khi tản mạn về Vĩnh Long, người viết xin tự giới thiệu tôi là người Vĩnh Long, mặc dầu bản quán của cha mẹ tôi ở tận ngoài Trung, nhưng tôi sanh ra tại Long Hồ, Vĩnh Long, vào năm cuối cùng của thập niên 1940s, giữa thời loạn lạc, trong lúc gia đình tôi đang bỏ thành để chạy về vùng thôn quê Long Hồ để tránh sự ruồng bố của người Pháp. Đến khoảng đầu năm 1950 thì gia đình tôi quay trở về nhà cũ trong thành phố Vĩnh Long, ngay tại góc đường Trương Vĩnh Ký & Lý Thường Kiệt (ngày nay là Nguyễn thị Minh Khai & Lý Thường Kiệt). Lúc đó nhà tôi vẫn còn là nhà sàn, vì nó tọa lạc ngay đầu của Khu Trạch Điền của Thành Vĩnh Long ngày trước. Khu Trạch Điền của thành Vĩnh Long thời cụ Phan làm quan Kinh Lược Sứ nằm khoảng giữa bốn con đường Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Trương Vĩnh Ký và Thất Kiều (Đồng Khánh). Phải nói hình ảnh Vĩnh Long trong trí nhớ tuổi thơ tôi là một thành phố rất đơn giản nhưng rất đẹp với đầy những bóng cây sao và cây dầu mát rười rượi. Trên đường Pasteur từ đường Hùng Vương đến đại lộ Tống Phước Hiệp, người ta đậu nhiều chiếc xe hủ lô làm đường nên lủ nhỏ chúng tôi thường kêu là đường ‘Hủ Lô chứ không cần biết nó tên là đường gì. 
Ngay góc đường Thất Kiều (Đồng Khánh) và Lý Thường Kiệt là một dãy phố trệt, nơi cư ngụ của những nhân viên chính phủ, trong đó có rất nhiều những ông Tây bà Đầm, mỗi ngày họ thường hai buổi đi ngang qua nhà tôi. Bên phía đường Hùng Vương bắt đầu từ đường Thất Kiều (Đồng Khánh) thẳng ra tới bờ sông Cổ Chiên, có nhiều ty sở của chính phủ như Ty Điền Địa, trại lính nằm phía sau lưng trường Tống Phước Hiệp, tiếp đến là Toà Án, trại giam… 

Khu vực Toà Án nằm giữa đường Lê Văn Duyệt (thời Pháp lá đường Pasquier, ngày nay là đường Hoàng Thái Hiếu, đại lộ Phan Thanh Giản (thời Pháp là đường Poincaré và bây giờ là đường 3 tháng 2, đường Hưng Đạo Vương (hồi thời còn thành Vĩnh Long của cụ Phan, nó là đường Hoàng Cung, thời Pháp là đường Citadelle), và đường Hùng Vương. Đối diện Toà Án là khu biệt thự làm nhà ở cho các vị Thẩm Phán làm việc trong toà..

Bắc Mỹ Thuận 1968.

Bây giờ chúng ta bắt đầu từ hướng Sài Gòn đi về Vĩnh Long, nghĩa là từ hướng Giáo Đức (Mỹ Tho) đi theo quốc lộ 4 (bây giờ là quốc lộ 1A) về hướng Tây Nam đến Bắc Mỹ Thuận, bây giờ là Cầu Mỹ Thuận
Sau khi qua sông Tiền nếu rẽ phải là đi về Sa Đéc, còn rẽ trái đi thêm 8 hay 9 cây số nữa sẽ tới ngã ba Cần Thơ, đi thẳng sẽ vô chợ Vĩnh Long, rẽ phải đi thêm 33 cây số nữa sẽ tới Bắc Cần Thơ (bây giờ là Cầu Cần Thơ). Đại lộ Nguyễn Huệ nằm trên đoạn đường từ ngã ba Cần Thơ tới cầu Tân Hữu. Từ cầu Tân Hữu tới Cái Vồn là quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A). Ngay góc đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Thái Tổ là bến xe mới của Vĩnh Long, trước đây bến xe Vĩnh Long nằm gần trong khu chợ, đến năm 1960 mới dời ra đây. Trên đại lộ Nguyễn Huệ gần ngã ba là khu nhà hàng ăn uống, trong đó có nhà hàng Ba Vị rất nổi tiếng, kế đó là khu chợ Tân Bình, rồi khu dãy phố song lập do chính phủ xây cất để bán trả góp cho quân nhân, cán bộ và công chức trong tỉnh. 

Qua cầu Tân Hữu khoảng 100 mét là khu ngã ba Chiều Tím, nếu rẽ trái sẽ đi tới Cầu Vồng, trước khi tới Cầu Vồng phía bên trái là khu quận Châu Thành mới và công sở xã Tân An, phía bên phải là khu Phước Thọ. Vào khoảng những năm từ 1956 đến năm 1959, người viết bài nầy có những kỷ niệm khó quên về cái tên Tân Hữu. Ngày đó hễ cứ buổi chiều nào mà cậu Năm chạy xe Nhan Nhựt về đậu trước cửa nhà và kêu mọi người lên xe đi cầu Tân Hữu ăn dưa gang là tôi mừng quính vì chắc chắn hôm đó mình sẽ được no nê một bụng dưa gang chấm đường. Những năm đó, từ ngã ba Ông Cảnh lên ngã ba Cần Thơ, và cả khu đại lộ Nguyễn Huệ nầy chỉ thấy lèo tèo vài ba căn nhà lá. 

Trường Sư Phạm Vĩnh Long 1966.

Từ hướng ngã ba Cần Thơ lên cầu Tân Hữu, phía bên phải có một con rạch chạy song song với đường Nguyễn Huệ, còn bên trái là các khu mà sau nầy người ta xây cất trường Sư Phạm, Kỹ Thuật và Sân Vận Động mới… hãy còn là những đám ruộng và rẫy của nhà nông. Khu cầu Tân Hữu đến Cầu Vòng, qua khu Thiết giáp, Phước Thọ, tới cầu Đường Chừa… hãy còn là những cánh đồng lúa. Ruộng gần lộ vùng Tân Hữu hãy còn rất hoang vắng. Sau khi làm lúa xong vào khoảng tháng giêng, thì nông dân tại đây bắt đầu vỡ đất lên để trồng bắp, trồng dưa leo, bí rợ, dưa gang, vân vân. Dưa gang ở đây không cần phải chở đi đâu hết, mà bán tại chỗ cũng không đủ cung ứng cho dân Vĩnh Long. Từ cầu Tân Hữu đi về hướng Cái Vồn khoảng vài trăm mét, phía bên trái là khu quân sự, kế đến là khu đất trống mà về sau nầy người ta xây dựng trường trung học Thủ Khoa Huân (xây xong hồi năm 1969).

 II
Khu phố mới ở ngã ba Cần Thơ và Bến Xe Mới với một số quán ăn nổi tiếng như quán Ba Vị nằm ngay góc đường Lê Thái Tổ và Nguyễn Huệ. Toà nhà cao bên trái là Nhà Thờ Chánh Toà (1965).

Nếu từ ngã ba Cần Thơ đi thẳng thì sẽ đi vào tỉnh lỵ Vĩnh Long. Qua khỏi ngã ba Cần Thơ khoảng 200 mét là ngã ba Ông Cảnh. Tại đây nếu rẽ trái sẽ đi đến cầu Cái Cá rồi đi dọc theo bờ sông Tiền mà vào khu chợ Vĩnh Long. Nếu từ ngã ba Ông Cảnh đi thẳng trên đại lộ Lê Thái Tổ khoảng vài trăm mét nữa chúng ta sẽ quẹo trái qua Cầu Lộ cũng đi vào trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Long. Tại ngã ba Ông Cảnh (hướng đi về cầu Cái Cá) có một tiệm tạp hoá khá lớn của Chú Kẹo, bán đủ thứ thức ăn khô và đồ vật dụng trong nhà. Đây cũng là khu nhà của một số thầy giáo nổi tiếng của trường Nguyễn Thông như thầy Cao văn Thế và thầy Phạm văn Thàn. Bên trái là tiệm mộc Trần Văn và Lê Tấn là những tiệm mộc

lớn nhất hồi những thập niên 1950s và 1960s. Trên đường Lê Thái Tổ cũng có những dãy phố của gia đình bà Thông Tiên, có người con trai là ông Phán Sanh, và người cháu nội là cô Phan Nguyệt Vân là giáo sư của trường Tống Phước Hiệp. Vừa tới dốc Cầu Lộ, phía bên phải người ta thấy tiệm ra dô Sóng Việt , ngay bên phải dọc theo bờ rạch Cái Cá lại có một con đường nhỏ là đường Quận Nghĩa đi tới cầu Ông Địa. Qua khỏi Cầu Lộ chúng ta bắt đầu đi vào đại lộ Phan Thanh Giản, qua khỏi ngã tư Thầy Thùng (nhà thuốc Bắc của Thầy Thùng), bên trái là nhà sách Minh Trí, về sau nầy có mở thêm một nhà sách gần đó lấy tên là Mình Lý. Trên đại lộ Phan Thanh Giản, hướng đi vào chợ Vĩnh Long, lúc gần tới chợ chúng ta thấy bên trái có tiệm trồng răng Thuận Nghĩa Tường, nhà thuốc Tây Phan Thanh Giản, trường Mẫu Giáo Vĩnh Long, bệnh viện Nguyễn Trung Trực, ty Bưu Điện, và đại lý sách báo Nam Cường, rồi đến bến xe cũ Vĩnh Long (đến khoảng năm 1957 bến xe dời lên khu ngã ba Cần Thơ). Lúc còn nhỏ tôi thích nhất là được ngắm tiệm bán sách báo và quà lưu niệm Mai Lan, ở gần bến xe cũ, không biết tại sao mà ngay từ thời còn rất nhỏ tôi đã thích lắm mùi sách báo mới. Bên kia góc đường Hùng Vương và Phan Thanh Giản là quán cơm Xã Hội Vĩnh Long, tôi thấy đa số dân lao động và học sinh nghèo thường vô đây ăn vì giá cả rất tượng trưng, chỉ cần 5 cắc là có một dĩa cơm và một ly nước đá. Lúc nầy chúng tôi xài tiền khác với bây giờ, hễ mua 5 cắc mà người ta không có tiền thối lại thì cứ lấy một đồng xé ra làm hai, đưa nửa miếng cho người bán, còn nửa miếng mình giữ lại để mua thứ khác.

Phía sau bệnh viện Nguyễn Trung Trực có một nhà Vĩnh Biệt (nhà xác) nằm trên một con đường nhỏ chạy song song với đường Phan Thanh Giản nhưng tôi không nhớ tên đường. Cám ơn bạn La thị Hiền, bạn học của bà xã tôi đã nhắc đó là đường Châu Văn Tiếp. Đường trong thành phố Vĩnh Long không nhiều như ở Sài Gòn, Cần Thơ hay Mỹ Tho, nên những ai đã từng ở đây một thời gian đều có thể nhớ rõ từng khu phố, từng con đường. Những con đường chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam và thẳng góc với dòng sông Long Hồ là đường đi từ ngã ba Ông Cảnh đến cầu Cái

Cá rồi chạy dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đại lộ Phan Thanh Giản đi từ Cầu Lộ tới Công Viên cũ của thành phố Vĩnh Long, nằm gần Toà Án Vĩnh Long. Nếu từ đại lộ Lê Thái Tổ qua dốc Cầu Lộ, bên phải là Toà Tổng Giám Mục Vĩnh Long, còn bên trái ngay dưới dốc cầu là nhà của thầy giám thị trường Tống Phước Hiệp là nhà

của Nguyễn Văn Kỷ Mậu, thân phụ của thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương. Có một con đường bên hông chạy dọc theo rạch Cái Cá, đó là đường Cổ Trì, bây giờ là đường à Trần Văn Ơn. Tôi còn nhớ lúc nhỏ có lần cái radio ở nhà bị hư, ông ngoại dắt tôi đi bộ lên tiệm sửa máy thu thanh Sóng Việt ở Cầu Lộ để sửa, khi đi ngang đường Cổ Trì tôi thấy tên đường nầy lạ hơn các tên đường khác nên hỏi ông ngoại xuất xứ của cái tên Cổ Trì, lúc đó ông ngoại có kể nhưng vì còn nhỏ quá nên chỉ ít lâu sau là tôi quên mất. Mai mà đến cuối năm 1984, tôi có gặp anh Hứa Hoành ở Bataan, Philippines, anh Hứa Hoành có nhắc lại trong lịch sử cũng như địa phương chí của Vĩnh Long thì không có nhân vật nào tên là Cổ Trì cả, như vậy rất có thể con đường nầy được xây dựng ngang qua đất hương hoả của gia đình ông Bác Sĩ Cổ Quốc Gia, một trong những bác sĩ nổi tiếng gốc người Vĩnh Long của Việt Nam thời bấy giờ, và trưng dụng phần lớn đất của gia đình ông đã hiến tặng nên chính phủ lấy họ của gia đình ông mà đặt cho tên đường nầy là Cổ Trì để nhớ công ơn người đã hiến đất làm đường. Giả thuyết thứ hai của tên đường Cổ Trì có thể là tên của một vị tướng xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn tên là Phấn Cổ Trì Trương Phúc Phấn, người đã anh Dũng bảo vệ lũy Trường Dục thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tuy nhiên, theo thiển ý thì thuyết lấy họ của gia đình bác sĩ Cổ Quốc Gia khi gia đình nầy hiến rất nhiều đất để làm con đường nầy thì có lý hơn. Trên đường Phan Thanh Giản, nếu chúng ta rẽ trái trên đường Cỏ Trì là xóm Lò Tương, còn quẹo phải thì đi về hướng nhà bảo sanh Cô Mụ Chín. Trên con đường nầy có nhiều thầy giáo nổi tiếng như thầy Huỳnh Công Giác (thân phụ của bạn tôi hồi tiểu học là Huỳnh Công Hiền) giám thị trường trung học tư thục Long Hồ. Trên đại lộ Phan Thanh Giản, vừa qua đường Cổ Trì là đường Võ Tánh, cũng thẳng góc với đại lộ Phan Thanh Giản, người dân ở đây gọi ngã tư nầy là ngã tư Quốc Tế. 

Từ ngã tư Quốc Tế, rẽ trái thì đi về hướng khu nhà của thầy Lâm Phước Tàng, thầy Nguyễn văn Cai, thầy Nguyễn văn Hết, rồi tới rạp hát Lê Thanh, đi xa hơn một chút nữa là tới cầu Bà Điều. Bên kia dốc cầu Bà Điều có một ngôi biệt thự xưa rất đồ sộ, được xây cất theo lối kiến trúc cổ kính của Pháp, phía trước là một hàng bao lơn rất đẹp. Nếu từ ngã tư Quốc Tế rẽ phải là đi về hướng Cây Da Cửa Hữu (Miếu Bảy Bà) là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy qua trường bán công Nguyễn Thông, Thánh Thất Cao Đài, rồi đến cầu Kinh Cụt, bên phía trái có một dãy phố liền vách nhau, mặt tiền hướng về con lộ nhỏ lót gạch, còn phía sau là dãy nhà sàn trên bờ kênh. Đây là nhà của thầy Nhi, thân phụ của một người bạn tôi hồi tiểu học là bạn Nguyễn văn Hải. Vừa qua khỏi cầu Kinh Cụt, nếu quẹo phải là đi về hướng đình Tân Giai, rồi đi tới Cầu Vồng (ngã Ba Chiều Tím, có lẽ sở dĩ được gọi như vậy vì từ khi mới mở con lộ nầy, ngay tại ngã ba nầy có một quán cà phê và nước giải khát tên là Chiều Tím). Người viết có một người bạn học từ tiểu học lên trung học, đó là bạn Biện Công Danh, hiện đang ở Tân Tây Lan. Nếu rẽ trái sau khi xuống dốc cầu Kinh Cụt là con đường chạy dọc theo Kinh Cụt tới cầu Công Xi Heo. Đường Nhà Đèn đi từ Miễu Bảy Bà Cây Da Cửa Hữu đến góc phía Tây của trường Tống Phước Hiệp. Đường Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ Viện Phước Thiện (gần bên trường Nam Tiểu Học, ngó xéo bên kia đường Nguyễn Thái Học là Đất Thánh An Nam mà về sau nầy người ta giải toả để xây khu xã hội) chạy ngang qua Đất Thánh Tây và chấm dứt ngay trước cửa lò bánh mì Phước Thành trên đại lộ Tống Phước Hiệp. Đường Đồng Khánh (Thất Kiều) đi từ cầu Công Xi Heo đến đầu cầu Thiềng Đức. Trong khi đó, những con đường chạy song song với Kinh Cụt và sông Long Hồ gồm có đại lộ Gia Long từ ngoài Cầu Tàu tới góc trường Tống Phước Hiệp, được nối dài bởi đại lộ Tống Phước Hiệp và chấm dứt tại dốc Cầu Lầu. Đường Hùng Vương chạy từ chợ Vĩnh Long qua Toà Án, qua ty Điền Địa, rồi chấm dứt khi gặp đường Đồng Khánh. Đường Trưng Nữ Vương bắt đầu từ chợ Vĩnh Long chạy ngang qua khu Vườn Còng đến cầu Khưu Văn Ba, bên kia cầu Khưu Văn Ba là đường Khưu Văn Ba (ngày nay là đường Phạm Thái Bường). Dân Vĩnh Long thường

nghe nói tới khu phố của Bà Thông Vịnh, nằm thẳng góc với đường Trưng Nữ Vương. Đây là một khu phố khá cổ, được xây cất từ hồi tiền bán thế kỷ thứ XX, cư dân trong khu phố này đa số là những thầy giáo hay công chức nổi tiếng một thời của tỉnh Vĩnh Long như cá ông Trần Văn Phong, giám học trường tư thục Nguyễn Trường Tộ, thầy Huỳnh Tấn Sĩ, dạy Anh Văn, cũng là sư phụ Anh Văn của người viết bài nầy, thầy Trương Văn Tấn, hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Tam Thông nằm bên kia cầu Công Xi Heo, có cô con gái là cô Trương Ngọc Bích dạy học ở trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long và chồng là ông Nguyễn Ngọc Long, phó ty Giáo Dục Vĩnh Long trước năm 1975.

III

Trước khi tiếp tục phần 3, tôi xin đính chánh sự nhầm lẫn giữa tiệm Chú Thòn và tiệm thuốc Bắc Thầy Thùng. Chị La Thị Hiền có nhắc là ở Ngã Tư Phan Thanh Giản & Võ Tánh là tiệm Chú Thòn, còn tiệm thuốc Bắc Thầy Thùng thì ở góc đường Phan Thanh Giản & Hùng Vương. Tiệm Chú Thòn là của ông Dương Xây Đường, ba của bạn Dương Xây Há, một người bạn thuở thiếu thời của người viết bài nầy. Vì mình rời Vĩnh Long cũng khá lâu nên hơi lộn xộn giữa hai ngã tư Chú Thòn và ngã tư Thầy Thùng, xin mọi người thông cảm. Đây là nguyên văn lời nhắc nhở của chị La Thị Hiền: “Có lẽ anh Ngọc Em nhớ nhầm, Nhà thầy Thàn, tiệm mộc Trần Văn nằm trên đại lộ Lê Thái Tổ ( xeo xéo đường Quận Nghĩa ) . Ngang nhà sách Minh Trí là tiệm kem Thanh Bình ( sau này là hiệu sách của Cty sách thiết bị trường học ). kế nhà sách Minh Trí là tiệm may Mỹ Trang ( dâu của ông chủ tiệm uốn tóc Nam Hiệp ) rồi đến bán đồ sắt Vĩnh Phát, kế là nhà thuốc tây Phan Thanh Giản , ngay góc ngã tư là phòng mạch BS Lê văn Thiệt. băng qua đường Trưng Nữ Vương là BV Vĩnh Long ,kế đó băng qua đường Lê Lai là công viên sau này xây nhà tiền chế làm trường mẫu giáo ( nay là Sở Giáo dục VL ). Tiệm thuốc bắc ở ngã tư Phan Thanh Giản - Võ Tánh là tiệm Chú Thòn . Tiệm thuốc bắc của thầy Thùng ở góc ngã tư Phan Thanh Giản - Hùng Vương ( đầu chợ ) nay vẫn còn.”

Ở khoảng giữa đường Hùng Vương (giữa 2 con đường Trương Vĩnh Ký và Đồng Khánh) có rất nhiều thầy giáo nổi tiếng như thầy giáo Trạch, hiệu trưởng trường Nam Tỉnh Lỵ Vĩnh Long, thầy Phạm Văn Còn, ông Thanh Tra Lê Văn Sâm mà dân Vĩnh Long thường gọi là thầy giáo Sâm, thầy Lê Văn Sĩ dạy Vẽ, thầy Du Ngọc Tứ dạy trung học Nguyễn Thông, thầy Vương Kim Liên, hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hồ, là thân phụ của anh Vương Văn Huệ, một người bạn học cùng xóm rất thân thuở thiếu thời của người viết bài nầy. Phải nói mấy vị thầy mà tôi vừa kể trên là thầy của thầy, vì tại trường Sư Phạm Vĩnh Long, các vị thầy nầy đã từng đào tạo ra rất nhiều thầy cô giáo sau nầy cho tỉnh Vĩnh Long cũng như cho nhiều tỉnh khác trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sân Vận Động cũ nằm giữa hai đường Hùng Vương và Trưng Nữ Vương, trước mặt sân vận động là trường Nữ Tiểu Học và Nhà Đèn cũ của tỉnh Vĩnh Long. Về sau nầy người ta dời sân vận động lên đại lộ Nguyễn Huệ, gần trường Sư Phạm để xây cất Toà Hành Chánh trên khu đất của sân vận động cũ. 

Phía sau lưng sân vận động cũ là xóm Vườn Còng, có trường trung học tư thục Huỳnh Văn do thầy Huỳnh Văn Cẩn làm hiệu trưởng. Đối diện bên kia xóm Vườn Còng là phòng mạch của Bác Sĩ Quang. Từ cầu Cái Cá đi về hướng trường Nguyễn Trường Tộ là đường Nguyễn Trường Tộ, nếu đi về hướng chợ Vĩnh Long, chúng ta sẽ tới Xóm Đập, rồi tới trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, ngó ra dòng Cổ Chiên, phía trước trường có hiệu bán văn phòng phẩm Lê Công Danh. Khu Xóm Đập cũng là một trong những khu nổi tiếng là nơi cư ngụ của các vị thầy giáo như thầy Nguyễn Hữu Nghĩa dạy trường bán công Nguyễn Thông; thầy Võ Văn Đại dạy trường Nam Tiểu Học; thầy Nguyễn Văn Huê dạy trường Nam Tiểu Học, là thầy dạy năm lớp ba của người viết bài nầy; vợ chồng thầy Phan Phú Lộc và cô Nguyễn Ngọc Lan đều dạy trường Tống Phước Hiệp. Tại Xóm Đập nầy, người viết cũng có người bạn thời tiểu học là bạn Nguyễn Văn Vàng (em ruột thầy Nguyễn Văn Huê) chồng của cô Lê Thị Kim Phượng dạy học tại trường trung học Kỹ Thuật Vĩnh Long. Nếu từ hướng chợ đi ngã ba Cần Thơ qua ngã cầu Cái Cá, vừa qua khỏi cầu, phía bên tay phải có một con đường đi dọc theo bờ sông Cổ Chiên đến Xóm Búng và Xóm Chài, đến vàm rạch Bình Lữ thì con đường nầy lại chạy dọc theo rạch Bình Lữ ra đến lộ lớn ngay tại ngã ba Cần Thơ. Trên khoảng đường nầy, gần tới ngã ba Cần Thơ là nhà của thầy Liêm dạy Nhạc ở trường Tống Phước Hiệp. Trong Xóm Búng và Xóm Chài có một miếu thờ Cá Ông, nghe nói dân trong 2 xóm nầy hồi trước toàn làm nghề hạ bạc, nên khi gặp xác cá Ông là họ vớt lên chôn rồi làm miếu thờ.

Khoảng năm 1956, ty Công Chánh Vĩnh Long xây tại ngã ba Cần Thơ một bồn bông hình tròn nằm giữa ngã ba, đến khoảng năm 1967 thì chính quyền tỉnh Vĩnh Long cho xây một tượng đài tưởng niệm và tấm bia có ghi dòng chữ: “Tiền Triều Đại Thần Phan Thanh Giản” để tưởng nhớ công ơn của Ngài Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người đã tuẫn tiết theo thành Vĩnh Long khi thành bị quân Pháp tiến chiếm hồi năm 1867. Tượng đài có hình tháp tứ diện, đáy to đỉnh nhỏ, kiến trúc theo lối những kim tự thấy cổ bên Ai Cập, bốn mặt đều quay ra lộ. Từ xa các hướng người ta đều có thể nhìn thấy được tượng đài. Quanh tượng đài được bao bọc bởi vòng rào thấp với những cây cột bằng xi măng được đúc theo hình khẩu súng thần công loại cổ xưa. Trên đỉnh tháp có đặt một bức tượng bán thân bằng đồng của cụ Phan Thanh Giản, đầu đội mũ nạm bạch hổ, râu dài, mặc áo triều phục, với vẻ mặt có vẻ hài lòng với cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của đàn hậu bối. Đến năm 1968, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, tượng đài bị hư hại nặng, nhưng chỉ vài tháng sau đó đã được sửa chữa lại toàn bộ. Tuy nhiên, bức tượng đồng của cụ Phan đã được đưa vào thờ

trong Văn Thánh Miếu. Đứng ngay tượng đài nhìn về phía đại lộ Lê Thái Tổ, phía bên phải là nhà thờ Chánh Toà, mới được dựng lên để thay thế cho khu nhà thờ đang bị nước xoáy lở ở khu trường Nguyễn Trường Tộ. Tại khu ngã ba Cần thơ trước năm 1975 có phòng làm răng của ông Nguyễn Văn Tư, nhà máy xay lúa Khánh Phong, trạm xăng và căn biệt thự của nhà thầu khoán Huỳnh Phát. Từ ngã ba Cần Thơ, nếu đi về hướng Sa Đéc khoảng 1 cây số là căn cứ Hải Quân, nằm bên bờ sông Cổ Chiên, đi xa thêm một chút nữa là tới phi trường Vĩnh Long, được xây dựng ngay trên khu Đàn Tam Nông thời quan Phan còn làm Kinh Lược Sứ thành Vĩnh Long. Nếu đi thêm khoảng 7 hay 8 cây số nữa là tới Bắc Mỹ Thuận, nay là cầu Mỹ Thuận.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi chiếm thành Vĩnh Long, người Pháp cho san bằng thành trì và cho lập chợ ngay tại khu gần vàm sông Long Hồ, và ra lệnh ngăn cấm không cho dân chúng nhóm chợ Long Hồ cũ như ngày trước nữa. Tất cả những gì họ làm chỉ vì họ muốn xoá bỏ hết mọi dấu vết còn lại của triều đình. Theo lời ông ngoại (Trần Văn Tiếng) kể lại thì khi người Pháp mới lập chợ Vĩnh Long mới, người dân vẫn lén lút họp chợ bên kia sông, tức chợ Trường Xuân. Về sau nầy họ bị truy đuổi gắt gao quá nên họ đành họp chợ tại khu mới. Đến khoảng năm 1950, chính phủ cho xây dựng 2 khu: khu thứ nhất là khu nhà lồng chợ hiện nay, và khu thứ nhì là khu chợ cá. Đến năm 1955, lúc tôi mới bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa học đường thì bờ sông Cổ Chiên, khoảng trước của Toà Tỉnh Trưởng đã bắt đầu bị sạt lở nặng nề. Khoảng năm 1956, có lần ông ngoại tôi ra chơi ở khu Bồn Nước Vĩnh Long, tôi thấy họ đem đến hàng trăm chiếc xà lan cát và nhấn chìm toàn bộ ngay phía trước bờ sông gần trường Nguyễn Trường Tộ. Gần đó là khu Bến Đò Ngang, đưa khách từ tỉnh lỵ qua cù lao và ngược lại. Đi gần về phía chợ là Cầu Tàu Vĩnh Long, nghe ông ngoại nói lúc đầu cầu tàu được làm bằng cây, rồi thay bằng cầu sắt, nhưng sau đó cầu sắt bị nước xoáy cuốn đi. Vào khoảng năm 1905, người Pháp làm lại cây cầu tàu cũng bằng sắt, đồng thời cũng vào năm này người Pháp cũng làm một cái nhà thủy tạ phía sau lưng Bungalow. Không biết là cầu tàu

được xây lại bằng xi măng vào năm nào, nhưng đến khoảng năm 1956 hay 1957, một lần nữa người ta tái thiết cây cầu bằng xi măng cốt sát. Từ cầu tàu đi tới chợ Vĩnh Long là Công Quán (Bungalow), nơi mà ngày trước người ta bán cà phê hay các món ăn cho các viên chức hay sĩ quan người Pháp.

Qua khỏi khu vực bờ sông Cổ Chiên là đại lộ Gia Long, chạy dọc theo bờ sông Long Hồ, nhưng đi trên đường người ta không thấy sông vì đã bị khuất sau dãy phố. Hai bên đường là hai dãy phố lầu, buôn bán đủ thứ và lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, chứ không nhất thiết phải vào lúc nhóm chợ buổi sáng. Từ phía bờ sông Cổ Chiên đi về hướng Cầu Lầu trên đại lộ Gia Long, phía bên trái là một dãy các tiệm buôn bán hột gà hột vịt, phía bên phải là những tiệm bán đồ rạp hoá rất lớn. Chợ Vĩnh Long ngày ấy không lớn, nhưng đối với một cậu bé như tôi, như vậy cũng là lớn lắm rồi. Khu chợ bao gồm nhà lồng chợ, chợ cá, bến đò… Trong nhà lồng được phân ra thành từng khu riêng biệt từ khu bán vải vóc, quần áo may sẵn, đến khu bán thực phẩm khô, thực phẩm tươi như thịt heo, thịt bò, và rau, củ quả… qua khỏi khu chợ là tới những tiệm buôn nằm ngay góc đường Phân Thanh Giản và Gia Long là các tiệm Hiệp Thạnh, Lợi Hoà, Thiên Hưng, Hiệp Phát, Lý Sanh Mậu (Cô Ba Trà), phía bên kia đường là nhà thuốc Tây của dược sĩ Hà Hồng Lạc, người có một bà vợ người Pháp. Trước nhà thuốc Tây Hà Hồng Lạc, người ta để những cái tủ kiếng với những tấm bảng nhỏ sửa đồng hồ, kiếng mát, dây nịt, và sửa bút máy… Dãy phố từ nhà thuốc Hà Hồng Lạc đến đầu phố ngó qua trường Tống Phước Hiệp là tiệm phở Bắc Hồng Mai. Trên dãy phố nầy có rất nhiều tiệm rất nổi tiếng một thời như tiệm bánh in Thiên Thành, lúc nhỏ tuần nào tôi cũng được ông ngoại dắt ra đây mua bánh in. Chắc người Vĩnh Long không ai lại không biết hay không từng nghe nói về tiệm cà phê hủ tiếu Đồng Hính, trong tiệm có bán đủ loại mì, hủ tiếu, hoành thánh, lúc nào tiệm cũng đầy khách. Kế đó là một vài tiệm mà tôi vẫn còn nhớ tên như tiệm bán tạp hoá Vĩnh Sanh, tiệm trà Vưu Kim Huê, tiệm bán đủ thứ đồ vật dụng bằng điện Xuân Phát Lợi, Phúc Hưng… Phô tô Hà Nội, tiệm Công Bình, Bi Vinh Mậu, tiệm uốn tóc Nam Hiệp của cô Hai giám thị trường

Tống Phước Hiệp. Còn phía bên kia đường cũng có rất nhiều tiệm khá nổi tiếng, nhưng tôi chỉ nhớ một vài tiệm như tiệm vàng Võ Văn Hưng, tiệm thuốc Bắc Tế Đức Đường, tiệm vải Vĩnh An, nhà thuốc Tây Nguyễn Viết Cảnh (khoảng năm 1985 tại Orange County, Mỹ, tôi có gặp một người con của ông dược sĩ Nguyễn Viết Ngươn, kêu ông Nguyễn viết Cảnh bằng bác, chúng tôi có nhắc lại chuyện những khu phố cũ của Vĩnh Long). Kế đó là tiệm vàng Lê Văn Sung, và nổi tiếng nhất là tiệm bán máy móc nông cụ của bác Huệ Hoà. Năm 1968, chính phủ cho xây dựng thêm khu Thương Xá, mà bây giờ người ta kêu là khu bách hoá tổng hợp. Cùng năm 1968, chính phủ lại cho xây thêm nhà lồng chợ bán rau, củ, quả.

IV

Trường Tống Phước Hiệp (Internat Primaire) 1949.

Những con đường song song với đường Phan Thanh Giản về phía Tây Bắc thì có đường Nhà Đèn, nay là đường Hoàng Thái Hiếu, về phía Đông Nam thì có đường Trương Vĩnh Ký, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đường Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ Viện Phước Thiện chạy ngang qua đường Trưng Nữ Vương, xuống Đất Thánh Tây, rồi cắt ngang đường Hưng Đạo Vương, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt và chấm dứt tại đại lộ Tống Phước Hiệp (Salisetti, tên của viên chủ tỉnh người Pháp đầu tiên bị kháng chiến quân giết chết tại Cầu Vông, Vũng Liêm). Đối diện với Đất Thánh Tây là căn biệt thự rất rộng rãi của Bà Giáo Nam. Ngày đó tôi rất sợ phải đi ngang qua khu đất nầy, dầu là ngay giữa ban ngày ban mặt, vì đối với tôi, hình như ám khí nơi nầy quá nặng. Giữa hai đường Hùng Vương và Hưng Đạo Vương là dãy phố của bà Thông Vịnh, đây là những dãy phố đã được xây dựng từ rất lâu lắm rồi. Sau nầy, gần dãy phố nầy, người ta xây trường Kiều Anh, trường trung tiểu học của người Hoa.

Ngôi nhà ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Lý Thường Kiệt là nơi tôi đã sống với ông bà ngoại từ năm 1949 đến năm 1959. Đối diện nhà tôi là căn biệt thự của Bà Phán Biển, rồi đến nhà của Bà Ba, người thầy dạy tiếng Pháp đầu đời của tôi. Nghe nói bà dạy học bên Pháp và trở về nước vào khoảng năm 1950. Từ cầu tàu Vĩnh Long tới góc đường Pasteur cạnh trường Tống Phước Hiệp là đại lộ Gia Long. Trường Tống Phước Hiệp ban đầu người Pháp gọi là trường Sơ Cấp (Internat Primaire), đến năm 1954 thì đổi tên là Nguyễn Thông, năm 1961 lại đổi thành Tống Phước Hiệp. Nghe nói sau năm 1975 lại phải thêm mấy lần đổi tên nữa, bây giờ nó có tên là Lưu Văn Liệt. Từ góc đường Pasteur đến Cầu Lầu, đại lộ Gia Long trở thành đại lộ Tống Phước Hiệp. Trên hai đại lộ nầy, hai bên là hai dãy phố lầu, bên dưới người ta dùng để buôn bán, bên trên để ở. Về phía bờ sông Long Hồ, ngang cổng trường Tống Phước Hiệp là sở Trường Tiền (Công Chánh) do người Pháp xây dựng, về sau nầy được đổi thành Ty Công Chánh, cơ sở nầy có một diện tích khá lớn, có rào chung quanh. Ngay phía ngoài vòng rào ty Công Chánh về hướng Cầu Lầu, có một cây da cổ thụ, nghe nói cây da nầy rất lâu đời, có lẽ nó có trước khi người Pháp đến Vĩnh Long, dưới gốc đa có một cái miễu nhỏ, lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Nghe ông ngoại tôi kể lại, từ những năm từ 1920 đến 1930, người Pháp muốn đốn cây da nhiều lần mà không đốn được, vì lần nào người đứng ra chỉ huy đốn cũng đều ngã bệnh và tử vong sau đó. Mãi đến năm 1960, cây da vẫn còn đó. Tiếp theo ty Công Chánh là biệt thự của ông Lê Ngọc Chấn, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Kế đó là nhà bảo sanh của Cô Mụ Bảy, quán cơm Chiêu Ký, lò bánh mì Phước Thành, tiệm thuốc Bắc Quít Tiền Hương, tiệm giày Tân Tiến… rồi tới khu biệt thự có rào rất cao của Ông Bường, có lẽ đây là ngôi biệt thự lớn nhất mà tôi từng biết tại tỉnh Vĩnh Long. Dầu biệt thự ông Bường cách nhà tôi không xa, nhưng cho mãi tới bây giờ tôi cũng không biết ông Bường là ai và làm việc gì. Kế đến là nhà in Phú Toàn, ông ngoại kể lại ông Phú Toàn là một trong những nhà thơ rất tâm huyết với thành xưa tích cũ của Vĩnh Long. Qua khỏi khu nầy là khu Nhà Hội Long Châu (nguyên khu nhà hội Long Châu nhỏ hơn biệt thự Ông Bường nhiều), rồi đến dãy phố làng, có lẽ là được cất lên cho các viên chức làm việc cho làng ở. 

Trường Tống Phước Hiệp 1969.

Trên đại lộ Tống Phước Hiệp cùng bên với trường Tống Phước Hiệp, qua đường Pasteur là ty Thông Tin Vĩnh Long, nhà may Nguyễn Phước, tiệm chụp hình Ánh Xuân, tiệm tạp hoá Nghĩa Xương, tiệm bán đồ máy móc và phụ tùng Đức Đồng Lợi, tiệm bán xe đạp Hồng Hưng, tiệm cà phê Đại Á, tiệm điện Long Hưng (đây là nhà của hai người bạn tôi thời niên thiếu: Nguyễn Bá Lộc và Nguyễn Bá Phúc), tới nhà may Nhựt Tân, kế bên đình Long Châu, nơi thờ quan Lưu Thủ đầu tiên của Dinh Long Hồ là Tống Quốc Công Tống Phước Hiệp, người Vĩnh Long thường gọi là Miễu Quốc Công. Kế bên Miễu Quốc Công là chùa Bà Thiên Hậu của người Hoa và trường trung tiểu học tư thục Vĩnh Liên của người Hoa. Dãy phố từ trường Vĩnh Liên tới Cầu Lầu có khá nhiều tiệm, nhưng tôi chỉ còn nhớ tiệm bán xe đạp Tòng Đô, lò bánh mì Kim Sơn, tiệm hủ tiếu Lâm Ký, và tiệm thuốc Bắc Trường Xuân Đường ở cuối phố. Bên phía đối diện với dãy phố nầy tôi chỉ còn nhớ có một quán bán sâm bổ lượng ở gần Nhà Hội Long Châu, tiệm cầm đồ Huỳnh Văn, và tiệm bán các loại đậu khô và đồ ăn khô Vĩnh Ích, vì ngày trước má thường sai tôi ra đây mua đồ cho má.

Tại ngã tư Đồng Khánh và Tống Phước Hiệp, nếu đi thẳng chúng ta sẽ qua Cầu Lầu đi vô Văn thánh Miếu, cách Cầu Lầu khoảng 1,5 cây số. Nếu rẽ trái chúng ta sẽ qua cầu Thiềng Đức. Thời đó, cầu Thiềng Đức là cây cầu sắt bắt ván ngang, khoảng cách rất thưa, mà mỗi lần phải qua đây tôi đều phải bò chứ chưa bao giờ dám đi. Chắc chắn cây cầu Thiềng Đức nầy được người Pháp xây dựng sau khi họ chiếm Vĩnh Long, vì theo nhiều tài liệu cũ thì ngày trước, mỗi lần dân chúng bên xã Bình Thiềng muốn qua thành Vĩnh Long đều phải ra bến đò gần Miễu Ông để đi đò ngang mà qua. Từ cầu Thiềng Đức đổ dốc xuống chúng ta sẽ thấy bên phải là chùa Sơn Thắng, trương trung học Long Đức, còn bên tay trái thì có Miếu Công Thần và bến phà Đình Khao, mà ngày trước đám trẻ chúng tôi thường gọi là Bắc Cổ Chiên. Bây giờ mới biết Bắc Cổ Chiên là Bắc Thạnh Phú từ Bến Tre qua Trà Vĩnh (bây giờ người ta đã xây cầu Cổ Chiên). Nếu qua được dốc cầu Thiềng Đức mà rẽ phải là đường Trương Tấn Bửu, ngay góc phải là nhà của thầy Phan Thanh Thảo dạy trường trung học tư thục Long Hồ, đến xóm Bánh Phồng Khoai (bây giờ hổng biết người ta có còn làm bánh ở xóm nầy nữa hay không?), rồi đến nhà Bác Sĩ Khương Hữu Long. Đi xa hơn nữa là trường tiểu học Thiềng Đức. Từ đây vô tới đình Long Thanh, chúng ta thấy đa số là những ngôi nhà ngói xưa, xưa dữ lắm, có thể là từ trước khi người Pháp tới Đây hồi năm 1867, vì tôi có ghé lại vài nơi thì được biết ngay cả con cháu trong các ngôi nhà nầy cũng không biết là nhà đã được xây dựng từ thời nào mà không sử dụng xi măng, chỉ dùng chất dính kết bằng ô dước. Gần tới vàm Cầu Kè là nhà của chủ xe đò Nhan Nhựt, vô tới Long Thanh, sẽ thấy khu nhà cổ của gia tộc Mai Hữu Xuân và Mai Phùng Võ, hội trưởng hội Phụ Huynh Học Sinh Tống Phước Hiệp… Từ cầu Thiềng Đức nếu rẽ trái là đường Lê Minh Thiệp, đi một đoạn là tới nhà ông Thanh Tra Tiểu Học Phan văn Diệp, ông là một trong những giáo chức lâu năm của tỉnh Vĩnh Long, kế đến là Chùa Ông và Thất Phủ Miếu, rồi mới tới bến đò. Theo lời ông ngoại tôi là ông Trần Văn Tiếng kể lại thì ông Lê Minh Thiệp là một nhà giáo đàn anh của cả ông ngoại và ông chú Ba. Ông Lê Minh Thiệp sinh năm 1866 tại Vĩnh Long, một nhà giáo rất nổi tiếng. Năm 1912, ông giữ chức Giám Đốc Giáo Dục Vĩnh Long. Ông ngoại nói ông Thiệp là thầy của các bậc thầy. Ông có công rất lớn trong ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long. Chính vì lẽ đó mà sau năm 1954, chính quyền VNCH đã lấy tên ông để đặt tên cho con đường nầy.

Từ trên đại lộ Tống Phước Hiệp qua Cầu Lầu, nối dài là đường Văn Thánh. Cách Cầu Lầu khoảng 300 mét về phía tay phải là Cây Xăng Quân Đội, nơi nầy đã xảy ra một vụ cháy rất lớn hội năm 1963. Đối diện với cây xăng quân đội dưới mé sông là cơ sở sửa chữa tàu bè Sáu Tăng, kế đó là nhà Ông Quận Báu. Kế bên và cùng phía với cây xăng là chùa Giác Thiên, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất trong tỉnh Vĩnh Long. Kế bên chùa Giác Thiên là nhà thầu xe rác Mỹ Hiệp Nguyên (ông Ba Phát), tiệm mộc Hiệp Thạnh, tiệm bánh mì pa tê của ông Tám Bé… tới cây xăng Shell, miễu Bà (sau này người là lấy chỗ nầy làm cơ sở đúc đồ nhôm). Mé dưới sông đối diện với cây xăng Shell là thành Quân Nhu… rồi tới trại cưa Phát Lợi, ty Canh Nông Vĩnh Long. Về sau nầy khi dẹp Ty canh nông thì người ta cất chùa Pháp Hải trong phần đất của ty Canh Nông ngày trước. Tới Xóm Kho Dầu Cũ trong đó có nhà thờ họ của gia đình ông cụ Hương. Sát bên nhà cụ Hương là Kho Dầu Shell mà người dân ở đây gọi là Kho Dầu Cũ. Nhà tôi cũng ở trong xóm nầy.

Văn Thánh Miếu

Cách Cầu Lầu khoảng 1 cây số là Văn Thánh Miếu, đi khoảng gần một cây số nữa là tới của Long Hồ. Cua Long Hồ là một cái của quẹo rất gắt, gần 90 độ, từ cua Long Hồ đi khoảng vài trăm mét nữa là tới ngã ba Ông Me, quẹo trái hướng cầu Ông Me đi Trà Vinh, quẹo phải đi ngã ba Chiều Tím và Cầu Vồng. Lúc còn nhỏ, người viết bài nầy, vào khoảng năm 1954, có lần được đi vô Cầu Ông Me với ông chú Ba là ông Trần Văn Hương để thăm một người bà con. Đoạn đường từ Cầu Lầu đến bót Thầy Thặng (khoảng chợ Cua bây giờ) thì thẳng băng, nhưng vừa qua khỏi bót Thầy Thặng một khoảng chừng 200 mét thì tự nhiên con đường rẽ phải một góc gần như 90 độ, người viết lúc đó chừng 7 tuổi nhưng cũng thấy hơi là lạ nên hỏi Ông Ba: “Ông Ba ơi sao mà người ta không chịu làm đường thẳng dễ đi hơn, mà có quẹo thì cũng hơi hơi thôi, chứ sao mà cái quẹo nầy gắt quá vậy Ông Ba?” Ông Ba cho biết: “Con biết hôn, theo lời ông Cố kể lại thì trước khi người Pháp chiếm Vĩnh Long thì từ ngoài Cầu Lầu có một con đường nhỏ chạy thẳng vô tới đình Long Hồ, rồi có cây cầu ván bắt qua vàm rạch Ông Me để đi về hướng Ngã Tư An Đức, nhưng khi chính quyền thực dân Pháp bắt đầu mở rộng con đường nầy cho xe hơi có thể chạy được nên phải trưng dụng rất nhiều đất đai bên phải con đường, vì bên trái đã là bờ sông Long Hồ rồi, mà đa số đất đai ở đây là của gia đình ông bá hộ Nọn, một bá hộ giàu khét tiếng ở Vĩnh Long hồi đầu thế kỷ thứ XX. Theo đồ án ban đầu là phóng thẳng con đường từ Cầu Lầu vô tới Ngã Tư An Đức để làm trục lộ liên tỉnh Vĩnh Long-Trà Vĩnh, nhưng đã bị ông bá hộ Nọn khiếu nại với quan Toàn Quyền Đông Dương và chính phủ Pháp vì nó chiếm quá nhiều đất đai của ông. Đơn khiếu nại của ông được quan Toàn Quyền Đông Dương và chính phủ Pháp chuẩn thuận, nên khi con đường vừa qua khỏi khu bót Thầy Thặng, nơi bắt đầu ranh đất của bá hộ Nọn thì phải đột ngột quẹo phải một góc độ gần như 90 độ để tránh phần đất của bá hộ Nọn.” Sau khi thăm người bà con xong, trên đường trở về nhà, ông Ba ghé lại thăm bà Năm Châu, một người bạn học của ông Ba, nhà nằm sát bên bót Thầy Thặng. Lúc ghé lại nhà bà Năm Châu, người viết bài nầy dầu lúc đó còn nhỏ nhưng nghĩ cái bót phải có rào kín và phải có nhiều lính lắm chứ. Nhưng khi ông Ba nói tới bót Thầy Thặng rồi, tôi nhìn quanh quẩn mà hổng thấy cái bót nào hết, chỉ thấy một căn nhà lầu cao cất theo kiểu Pháp. Tôi bèn hỏi ông Ba: “Cái nầy là cái nhà lầu chứ đâu phải là cái bót?” Ông Ba mỉm cười nói: “Con không biết đó thôi, cái nầy đúng là cái nhà, cái biệt thự, nhưng năm 1946 khi người Pháp tái chiếm Vĩnh Long, tại những trọng điểm phòng thủ, họ trưng dụng những căn nhà lầu của dân chúng để làm đồn bót phòng thủ. Đây chính là căn biệt thự của Thầy giáo Thặng, ông là con trai của một trong những đại điền chủ ở Vĩnh Long, nhà ông sở hữu hàng ngàn mẫu ruộng chạy dài từ ấp Long An của xã Long Hồ qua rạch Ông Me, vô tới Phước Ngươn, Phước Hậu… Thầy Thặng chỉ đi dạy học cho vui vậy thôi chứ tiền của của ông biết để đâu cho hết.”

Qua khỏi cua Long Hồ chừng vài trăm mét gần bên trường tiểu học Long Hồ là nhà của ông Đốc Đoàn Văn Sang. Trước khi lên cầu Ông Me, bên tay phải có một con đường chạy dọc theo bờ sông vô tới Phước Hậu. Đây là con đường vào nhà của ông Nguyễn Văn Lộc, cựu Thủ Tướng thời VNCH. Qua dốc cầu Ông Me quẹo phải có con đường chạy vô ấp Phước Ngươn, vừa quẹo vô khoảng 200 thước là nhà của ông Phạm Hùng, cố thủ tướng chế độ mới tại Việt Nam.

V

Hình mô phỏng Cầu Lầu
dưới thời quan Phan, nghĩa là trước năm 1867.
Rạch Cầu Lầu trước năm 1975.

Nói tóm lại, trong tuổi thơ tôi, ngày đó Vĩnh Long chỉ có ba ngã chính. 

NGÃ THỨ NHẤT: đường Salicetti (đường Gia Long) từ cầu tàu vô Cầu Lầu nối dài với đường Văn Thánh vô tận cầu Ông Me. Trên khoảng đường nầy có những di tích thời xa xưa như Cầu Lầu, chùa Giác Thiên, và Văn Thánh Miếu. Cầu Lầu là tên của một cây cầu được Bắc qua con rạch cũng mang tên rạch Cầu Lầu, một chiến hào của thành Long Hồ và Vĩnh Long xưa, chiếc cầu nầy được xây dựng bằng gỗ cách này cũng vài trăm năm, có lẽ từ thời còn dinh Long Hồ cho dân chúng đi lại từ lỵ sở dinh Long Hồ đến các vùng phụ cận phía Đông Nam. Đến năm 1813, khi vua Gia Long ra lệnh cho quan Lưu Thủ Vĩnh thanh Trấn là Lưu Phước Tường xây lại thành Vĩnh Thanh thì Cầu Lầu được xây dựng lại với qui mô lớn hơn trước rất nhiều. Lúc đó, cột cầu được làm bằng những loại gỗ quí như căm xe hay cà chắt, ván lót trên cầu cũng được làm bằng những loại gỗ nầy với bề dầy rất dầy; khoảng giữa cầu có một vọng gác được dựng trên 4 cây cột cao khoảng 6 hay 7 mét, trên nóc vọng gác được lợp bằng ngói âm dương, vọng gác nầy luôn luôn có lính Nam triều thay phiên nhau canh giữ với nhiệm vụ quan sát và theo dõi dòng người qua lại trên cầu và những đoàn ghe thuyền ra vô vùng lỵ sở. Sau khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai vào năm 1867, họ đã cho san bằng thành Vĩnh Long, kể cả Cầu Lầu, và họ cho xây lại một cây cầu sắt. Qua khỏi Cầu Lầu khoảng vài trăm mét người ta thấy có chùa Giác Thiên nằm bên phải nằm trên đường Văn Thánh (nay là đường Trần Phú). Đây là một trong những ngôi chùa quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 1907. Bên trong ngôi chùa có một tấm bia nói về 34 vị cao Tăng từ Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam. Tính đến ngày nay, sau hơn 100 năm kể từ ngày xây dựng, chùa Giác Thiên đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, đường vô chùa có cổng Tam quan, bên trong có đài Bát Nhã. Mỗi khi có lễ hội, dân chúng tề tựu về đây tham dự rất đông. Đi trên con đường nầy sẽ thấy Văn Thánh Miếu bên tay phải, rồi đến của Long Hồ. Ngày nay người ta xây một cây cầu ngay của gọi là cầu Chợ Cua đi qua phía Long Thanh và Long Mỹ. Quẹo phải ở cua Long Hồ đi khoảng vài trăm mét nữa là tới Ngã Ba Long Hồ. 

Ngày nay người ta xây bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Long bên tay phải. Từ Ngã Ba Long Hồ đi khoảng 200 mét nữa là tời Cầu Ông Me Lớn, nếu đi thẳng là về hướng Ngã Tư Long Hồ, Măng Thít, Long Hiệp, Ngã Ba Long Hiệp đi Tam Bình, Cầu Mới, Cầu Vĩ (qua khỏi Cầu Vĩ, có một cái Ngã Ba quẹo phải đi Hựu Thành và Trà Ôn), Vũng Liêm, Càng Long và Trà Vinh. Còn như qua cầu Ông Me Lớn mà quẹo phải rồi đi dọc theo bờ sông là vô xã Phước Hậu. Tại xã Phước Hậu hãy còn một ngôi nhà thờ họ Biện rất cổ kính. Tôi có một người bạn học rất thân từ tiểu học lên tới trung học là anh Biện Công Danh, là một người học trò rất giỏi và khi ra đời cũng là một người rất thành đạt, rất xứng đáng là con cháu với truyền thống giỏi giang của dòng họ Biện. 

Cầu Lộ 1955.

NGÃ THỨ HAI: Đường từ cầu tàu chạy dọc theo bờ sông Cổ Chiên, lên cầu Cái Cá, qua xóm Bún, vòng qua đình Tân Giai (Vị trí ngôi đình cũ), qua đường Lê Thái Tổ, qua Cầu Lộ, xuống đường Thoại Ngọc Hầu và Viện Phước Thiện, đến đường Nguyễn Thái Học, khu Đất Thánh An Nam cũ, rồi qua khu cầu Công Xi Heo, rồi vòng xuống Cầu Lầu bằng con đường Đồng Khánh (Thất Kiều). 

NGÃ THỨ BA: Từ đường Lê Thái Tổ đi về phía mà bây giờ người ta gọi là ngã ba Cần Thơ, rẽ trái lên cầu Tân Hữu, rồi đến khu Cầu Vồng, tới ngã ba Chiều Tím, đi thẳng phía trước mặt là một con đường đổ đá xanh mà sau nầy người ta cho trải thêm đá và tráng nhựa con đường nầy đến khúc ngã ba Long Hồ, người ta gọi nó là đường cầu Vồng. Con đường nầy giúp làm giảm bớt lượng xe cộ trong thị xã, vì lúc đó xe các tuyến đường liên tỉnh Trà Vinh Sài Gòn, Trà Vinh Cần Thơ phải đi bằng con đường nầy chứ không đi ngang qua thị xã Vĩnh Long nữa. Tại ngã ba chiều Tím nếu rẽ phải là đi thẳng về hướng Cầu Công Xi Heo, từ đó người ta cũng có thể đi vào thị xã Vĩnh Long.

Đối với tôi, Vĩnh Long dầu có đẹp hay không đẹp, dầu bước chân tôi đã từng dẫm lên rất nhiều danh lam thắng cảnh của thế giới, từ Grand Canyon ở Arizona, Yosemite ở miền Bắc California, Yellow Stone Park, những danh thắng ở Úc Châu, Jakarta ở Indonesia, Manila ở Philippines, núi Phú Sĩ ở Nhật, Đài Bắc, Hồng Kông, Bắc Kinh, Washington D.C., Paris, London, Mexico City, Ottawa, New Delhi, Kathmandu… nhưng có lẽ chưa có nơi nào gây được cho tôi cảm xúc rộn ràng khó tả như Vĩnh Long, vì Vĩnh Long là quê hương đã gắn bó với tôi từ những sông rạch quen thuộc, đến những con đường nắng bụi mưa lầy. Dù Vĩnh Long không đẹp như những nơi tôi vừa kể, nhưng với tôi không có nơi nào đẹp hơn Vĩnh Long, và không có nơi nào khác có thể thay thế được Vĩnh Long trong tim tôi. Có lẽ trong tâm tư tình cảm tôi, dầu tôi đang nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, hay tiếng Mễ Tây Cơ… thì trong chỗ sâu thẳm nhất của một con người, tôi vẫn luôn, và sẽ mãi mãi là một đứa con trai nhà quê của xứ Giảng, được sinh ra và lớn lên bên những thôn xóm đơn sơ mộc mạc, bên những cánh đồng quyện mùi bùn pha lẫn mùi lúa chín mới gặt. Dầu bây giờ tôi sống xa quê vạn dặm, nhưng quãng đời thơ ấu nơi đất Vĩnh mãi mãi đậm nét trong tôi. Với tôi, dầu trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, người dân Vĩnh Long luôn hiền hoà, chơn chất, vẫn đơn sơ bình dị và luôn cần cù làm lũ như bao đời cha anh của họ. Bây giờ đã nghìn trùng xa cách quê hương, nhưng làm sao tôi quên được tiếng gà gáy lúc rạng đông, tiếng mẹ ru con giữa trưa hè oi ả, tiếng gió đưa cành trúc xạc xào, tiếng chim gọi đàn lúc bóng chiều tàn. Làm sao tôi quên được những con đê bờ ruộng thân yêu với những buổi trưa hè cùng các bạn đi câu cá rô. làm sao tôi quên những chiều trên đường ruộng quê hương, những mái tranh nghèo dọc theo hai bờ lộ, những cánh cò lãng đãng đó đây trên bầu trời, hương đồng cỏ nội thoang thoảng một mùi lúa chín quyện lẫn với mùi phân trâu hăng hắc tạo ra một mùi thật là quê hương mà có lẽ tôi sẽ không tìm được ở bất cứ đâu. Làm sao tôi quên được những đêm nơi miền thôn dã Vĩnh Long thật huyền diệu với ánh trăng sáng mượt tỏa khắp như dòng sữa quê hương đang chảy đều khắp không trung, như hứa hẹn mang lại một ngày mai tươi đẹp. Có những đêm vắng lặng với đó đây tiếng côn trùng tình tự bên con đê bờ ruộng, thỉnh thoảng một làn gió nhẹ làm xạc xào bờ cây khóm trúc và đưa nhẹ hương cam hương bưởi thoang thoảng đó đây. 

Vĩnh Long của tôi như vậy đó, từ những con đường, từ những góc phố, đến những con đê bờ ruộng… không bao giờ có thể xoá nhoà được trong tâm khảm tôi vì suốt tuổi thơ tôi đã gắn liền với chúng. Làm sao tôi có thể quên được quê hương dầu nghèo nàn, nhưng chính nơi đó đã cho tôi sức phấn đấu vươn lên nhìn ra khắp năm châu bốn bể. Trong cơn đại dịch khiếp đảm kinh hoàng nầy, tôi lúc nào cũng cầu nguyện cho quê hương Vĩnh Long tôi được yên bình, cầu nguyện cho đất nước tôi và thế giới sớm vượt qua cơn đại dịch khủng khiếp có một không hai trong lịch sử nầy. Mong được như vậy lắm thay!!!

Người Long Hồ