Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Vọng Tri Âm - Thơ Tuyền Linh - Nhạc Nguyễn Văn Thơ


Thơ: Tuyền Linh
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ 
Ca Sĩ:Lệ Tuyền 
 

Quan Niệm Sống Người Cao Niên


Tôi hỏi một người bạn thân tôi
Qua 70, sắp đến 80:
Bạn đã thấy có gì thay đổi
Về quan niệm sống ở trong đời.
Bạn tôi gửi cho tôi những dòng này
Mà tôi nhận thấy rất là hay
Nên với các bạn, tôi chia sẻ
Mời các bạn cùng đọc sau đây:

1* Sau khi đã dành tình yêu cho
Cha mẹ, anh em, vợ con, bè bạn
Bây giờ thì tôi khởi sự lo
Cho chính bản thân tôi, trọn vẹn.

2* Tôi biết tôi không phải siêu nhân
Vũ trụ, không tôi, vẫn xoay vần
Vai tôi không dùng đỡ trái đất
Cuộc sống này tôi may mắn dự phần.


3* Tôi đã thôi, không còn mặc cả
Khi đi mua trái cây, rau cỏ
Túi tôi không thủng vì mất thêm vài xu
Nhưng người bán, giúp con, có thể,
Góp phần nào trả tiền học phí.

4* Tôi cho “tip” những người hầu bàn
Một số tiền kể là kha khá.
Để thấy một nụ cười hân hoan.
Trên mặt họ, họ quá vất vả.

5* Với những người cao tuổi hơn tôi
Thường chuyện xưa, kể đi, kể lại.
Tôi không còn nhăn nhó: “Biết rồi,
Cụ ơi, khổ lắm, cứ nói mãi!”
Vì tôi nhận ra họ đang sống lại
Những quá khứ đẹp đẽ trong đời.

6* Tôi đã học được một tính tốt
Không sửa lưng những người chung quanh
Ngay cả khi tôi biết họ sai lầm.
Cái trách nhiệm làm mọi người toàn hảo
Không là của tôi. Sự an bình
Đáng quý hơn là tính chính xác.

7* Hãy dùng những lời ngợi khen
Một cách thoải mái và thường xuyên
Chúng làm tăng niềm vui người nhận,
Và cả người cho. Những lời khen
Bạn nhận được, đừng bao giờ từ chối
Và chớ quên nói tiếng “Cám Ơn!”

8* Tôi đã tập được tính dễ dãi
Không bận tâm vì những vết nhăn
Hay vệt ố trên áo, trên quần.
Tư cách con người luôn đáng nói
Hơn vẻ hào nhoáng của ngoại thân.

9* Tôi biết lánh xa những người mà
Với tôi họ không có lòng tôn trọng
Giá trị tôi, họ không nhìn ra,
Chỉ riêng tôi có thẩm quyền nhận định.

10* Tôi luôn giữ bình tĩnh khi ai đó
Chơi xấu tôi trong một cuộc đua
Thực tình tôi không xấu như họ,
Và tôi cũng chẳng tham dự cuộc đua.

11* Tôi không xấu hổ khi bị xúc động.
Những xúc động là bản tính con người

12* Tôi nhận ra một điều quan trọng
Tốt hơn là gạt bỏ cái Tôi
Để giữ vững tình thân bè bạn
Cái Tôi chỉ khiến tôi lẻ loi
Với bạn bè, hoà đồng tôi sẽ đứng.

13* Tôi chấp nhận sẽ sống mỗi ngày
Như ngày cuối trong cuộc đời này.
Mà thật ra ai biết đâu đấy
Ngày cuối không chừng là hôm nay!

14* Tôi làm mọi thứ để có hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc đến từ chính tôi.
Món nợ đó không của một ai
Tự thân tôi phải trả cho được.
Có hạnh phúc là một lựa chọn
Hạnh phúc có mọi lúc, mọi nơi,
Chỉ cần bạn quyết tâm tìm đến!

Chẩm Tá Nhân
(phóng tác)
11/29/2020

Ta Nghĩ Gì?


Ta nghĩ gì? Sự hơn thua, được mất?
Giữa dòng đời tất bật những lo toan
Lợi và danh? Thân xác phải hao mòn
Bởi tạo nghiệp, như dời non lấp biển

Ta nghĩ gì? Kiếp luân trầm hữu hiện
Chữ vô thường vạn biến cõi trần gian
Mới ban mai, đã sớm vội chiều tàn
Trông thoáng đó, đã vội vàng đi mãi

Ta nghĩ gì? Chữ nhân tình thế thái
Có còn gì giữ lại đươc thiên thu?
Hãy buông đi những hờn oán hận thù
Vì tất cả là phù du ảo mộng

Ta nghĩ gì? Giữa biển đời bão động
Thiên đường nào mở rộng chốn nhân gian
Đừng đợi khi bóng xế ánh trăng tàn
Mới thấu hiểu thế gian đầy tội lỗi

Ta nghĩ gì? Ánh sáng và bóng tối
Nhẫn, để tìm ra lối tự chân tâm
Đừng để cho bóng tối phải giam cầm
Nên thấu hiểu, phật từ tâm ta đó...!

Bạc Liêu/21/7/2020
Hồng Vân

Have A Nice Day - Chúc Nhau Một Ngày Vui

Have A Nice Day!

Life is too short to wake up with regrets
Love the people who treat you right
Respect the people who don't like you
Believe everything happens for a reason

If you get a chance, take it
If it changes your life, let it
Nobody said life would be easy
Accept it with a smile

We all have been gifted
To hear, to see, to speak, to laugh
For a better world to live
Life has an expiration date, have a nice day!

Source: Internet
***
Bài Dịch:

Chúc Nhau Một Ngày Vui


Cuộc sống quá ngắn để mỗi sáng thức dậy với những hối tiếc
Hãy yêu qúy những người đối xử tốt với bạn
Hãy tôn trọng những người không cùng hội cùng thuyền
Hãy tin mọi chuyện xẩy ra đều có lý do

Nếu bạn có cơ hội, hãy nắm bắt lấy nó
Nếu nó thay đổi cuộc sống của bạn, hãy để cho nó tự nhiên
Không ai biết trước được tốt xấu sẽ ra sao
Định mệnh đã an bài, hãy mỉm cười đón nhận

Trời cho chúng ta đều có năng khiếu bẩm sinh
Biết nghe, biết nhìn, biết cười, biết nói
Hãy tận dụng các năng khiếu trời cho này
Để cuộc đời này mỗi ngày qua là một ngày vui


Phạm Khắc Trí
***
Đời Với Từng Ngày Vui


Đời quá ngắn để mà than với tiếc
Hãy yêu thương bạn hữu tốt cùng ta
Tôn trọng người tư tưởng chẳng dung hòa
Và tìm hiểu nguyên do từng sự việc

Nắm bắt ngay thời cơ vừa chợt đến
Chẳng ngại ngần khi thực hiện đổi thay
Vì biết sao tốt xấu ở ngày mai
Với định mệnh an bài, cười, chấp nhận

Mỗi cá nhân, một khả năng thiên bẩm
Kẻ mặt này, người mặt khác trội hơn
Tận dụng đi từng ưu điểm trời ban
Để cuộc sống mỗi ngày vui tiếp diễn.

Phương Hà phỏng dịch
( 03/12/2020)
***
Cho Đời Cứ Mỗi Ngày Vui

Đời ngắn ngủi sao ngồi hối tiếc?
Yêu thương người đã tốt với ta
Dù cho tư tưởng chẳng hoà
Hãy tìm nguyên cớ để mà hiểu nhau

Nắm thời cơ khởi đầu đã đến
Ngại ngần chi số mệnh đổi thay
Nào ai biết được ngày mai
Hãy vui đón nhận an bài tự nhiên

Mỗi người có tiềm năng thiên phú
Nói,nghe,cười chăm chú tỏ bày
Ta mau tận dụng phút nầy
Để cho đời thấy mỗi ngày được vui!

songquang
20201205
***
Chúc Một Ngày Vui Vẻ

Đời ngắn ngủi sao mà hối tiếc
Cám ơn ai tử tế ân cần
Dù cho mâu thuẩn cân phân
Ta nên tìm hiểu nguyên nhân bất hoà
Dịp may đến thời cơ thông cảm
Biết đâu điều lắm lẫn hiển nhiên
Mấy ai giải được muộn phiền
Hãy mau đón nhận bạn hiền xa xăm
Con người có khả năng thiên bẫm
Nói, nghe, cười, nghĩ thấm tỏ bày
Làm cho thế giới hôm nay
Cuộc đời sống khỏe mỗi ngày thêm vui...


Mai Xuân Thanh
Ngày 05/12/2020

Thơ Muối

Chiều nay bỗng nhiên
Làng thơ đảo điên
Về "thơ muối" tiêu
Ôi chao đáng yêu!

Ta đang thử xem
Tìm giai điệu êm
Bên dòng nước trôi
Thêu hoa kết lời

Trao anh chị em
Đôi vần ấm êm
Theo ngòi bút bi
Thơ rơi lạ kỳ

Thơ vừa xả tuôn
Ta vui quá luôn
Sau rèm trúc tre
Đan thơ muối mè.

Chúc Anh


Rue Cler Và Tiếng Hát

 

Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố (downtown). Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều. Thành phố càng lớn thì đường một chiều càng nhiều.Ngặt một nổi các cơ quan hành chánh địa phương thường đặt văn phòng trong khu vực này, nên khi cần làm bất cứ giấy tờ gì, bất đắc dĩ chúng ta cũng phải lái xe vào. Có điều cũng lạ, gần như những con đường một chiều trong khu trung tâm thành phố đều mang số như: đường số Một, đường số Hai,… Thành phố càng lớn thì những con số càng nhiều. Durham, thành phố tôi ở rất nhỏ, nên chỉ đến đường số 16th là hết.

Có những điều trong cuộc sống, không thích, không muốn nhưng chúng ta đành phải “tuân theo” như một quy luật cần thiết. Như cuộc đời, như số phận. Con đường một chiều là số phận con người trong cuộc sống đời này? Chỉ một lần đến, một lần qua và sẽ mãi không bao giờ trở lại. Mỗi một thời gian trôi qua, mỗi một kỷ niệm in dấu, mỗi một nghiệt ngã hằn sâu đớn đau, mỗi một dấu tích lịch sử khắc ghi… đều là những sự kiện, nối kết thành một chuỗi đời dù ta muốn hay không, ý thức hay vô tình bỏ mặc! Những con đường “một chiều” mà tôi không thích, luôn muốn tránh né vẫn là những con đường huyết mạch tạo ra những sinh hoạt sống còn của trung tâm thành phố tôi đang ở…

Buổi chiều cuối tuần qua, một người bạn làm cùng công ty rủ tôi đi cà phê Pháp chính hiệu mới khai trương. Hắn là người Mỹ gốc Pháp. “Rue Cler” là một tiệm bán cà phê và bánh ngọt của Pháp, lại nằm ngay trong khu trung tâm thành phố Durham, trên con đường một chiều. Bên ngoài không có gì đặc biệt, nhưng bên trong là một không gian kiến trúc rất Pháp. Đúng hơn rất Paris. Thêm vào đó, người bạn tôi cho hay, mỗi cuối tuần đêm thứ Sáu và thứ Bảy còn có cả trình diễn nhạc sống.

Khoảng tám giờ ba mươi tôi và Vinay đã có mặt. Chương trình nhạc sống cuối tuần sẽ từ chín đến mười một giờ đêm. Khách trong quán không đông lắm, vẫn còn nhiều bàn trống. Có lẽ thành phố này không có nhiều cư dân gốc Pháp. Phía cuối quán là sân khấu nhỏ đã chuẩn bị sẵn sàng với đàn guitar, chiếc organ điện, kèn saxophone, violin và vài chiếc trống tay… Pháp văn là môn sinh ngữ 2 của tôi thời trung học. Còn nhớ trong mấy năm liền liên tục, tôi rất yêu và chăm chỉ học môn Pháp văn hơn cả môn sinh ngữ chính là Anh ngữ. Lý do đơn giản là người dạy Pháp văn trong liền 3 năm đó là cô Huỳnh Thị Liễu. Lớp tôi là lớp đầu tiên cô Liễu vừa ra trường sư phạm giảng dạy. Ngày đó tôi không biết “hoa hậu” đẹp cỡ nào, nhưng chắc chắn không thể sánh với cô Liễu dạy Pháp văn lớp tôi. Cô “hình hạc sương mai”, cao ráo, khuôn mặt ngọc ngà với mái tóc dài nửa lưng óng ả và đôi mắt to lồ lộ “chìm đắm” lòng người. Nhờ cô Liễu mà tôi có chút vốn liếng và mê nghe nhạc Pháp từ dạo đó..!

Vinay và tôi gọi một dĩa 4 cái Pâté Chaud, hai ly cà phê đen pha với chút bơ ngọt. Hắn uống không đường, còn tôi phải pha thêm vài muỗng đường và sữa tươi cho ly cà phê của mình. Qua làn kiếng lấm tấm hơi sương, bên ngoài đã vắng xe và tĩnh lặng…Tiếng nhạc bắt đầu trổi lên. Người nữ ca sĩ trẻ có dáng gầy, tóc ngắn và rất cao cúi chào khách bằng hai ngôn ngữ Pháp và Anh. Cả quán chợt im lặng, tôi có thể nghe hơi thở nhẹ của cô trong lời giới thiệu bài hát đầu tiên của mình.

- Xin chào mọi người, tôi tên là Donna Wittmer. Chúc tất cả các bạn sẽ có đêm nhạc vui vẻ, đầm ấm. Để Mở đầu chương trình tôi xin trình diễn bài hát nổi tiếng của ca sĩ Françoise Hardy có tên là Tous Les Garçons et Les Filles. Mong quý vị thưởng thức.

 

Tiếng đàn guitar dạo đầu vút cao, hòa quyện với tiếng organ như một luồn điện lạnh chạy dọc vào mọi cảm giác của tôi. Tiếng hát trong trẻo, dày dặn, thiết tha như cơn lốc cuốn mênh mông tôi vào thật sâu của miền ký ức:

“Tous les garçons et les filles de mon âge
“Se promènent dans la rue deux par deux
“Tous les garçons et les filles de mon âge
“Savent bien ce que c'est d'être heureux
“Et les yeux dans les yeux 
“Et la main dans la main
“Ils s'en vont amoureux 
“Sans peur du lendemain.
“Oui mais moi, je vais seule 
“Par les rues, l'âme en peine
“Oui mais moi, je vais seule 
“Car personne ne m'aime… (1)

… Đêm văn nghệ cuối năm trường Marie Curie như mới hôm qua của hơn 40 năm về trước. Không biết đào ở đâu mà Duy có được hai giấy mời tham dự, nên “ưu ái” rủ tôi đi. Sau khi kết thúc, tôi và Duy chạy hai chiếc xe đạp theo sau ba chiếc xe đạp phía trước. Chắc cả ba cô nàng đã biết hai đứa tôi đang lẽo đẽo theo, nên gửi lại những nụ cười khúc khích sau lưng. Một trong ba, là người con gái tóc ngắn đã hát một ca khúc Pháp lừng lẫy một thời Sài-gòn của ca sĩ Françoise Hardy: “Tous Les Garçons et Les Filles” trong đêm văn nghệ cuối năm tối nay. Tôi đã từng nghe nhiều lần nhạc phẩm này qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan với lời Pháp lẫn Việt "Những Nụ Tình Xanh" – lời Việt của Phạm Duy (1). Nhưng đêm nay, tiếng hát ngây thơ trong trẻo, làn hơi mỏng ngọt, đôi lúc lạc giọng của cô nữ sinh trường Marie Curie đã thật sự chiếm trọn niềm xúc cảm của tôi. Khuôn mặt dài thánh thiện, có chút như lai Pháp, cô gái có đôi mắt to sâu vời vợi trong từng ca từ chuẩn ngữ. Bây giờ tôi mới thật sự cám ơn và nhớ vô cùng cô giáo dạy Pháp văn xinh đẹp của mình!

Qua khỏi bùng binh ngã Sáu cổng xe lửa đường Lê Văn Duyệt là hướng về khu vực Chí Hòa. Cũng hơn 10 giờ đêm, đường vắng xe và ba cô gái đạp xe nhanh hơn. Tôi nói với Duy: “Theo mấy nàng cũng coi như đi hộ tống làm phước…”. Nhiều lần tôi định vượt lên nói vài câu làm quen, không hiểu sao lại thôi. Chừng như có cái gì đó, giác quan thứ sáu cho tôi biết “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Chiều – Xuân Diệu). Đang lan man nghĩ ngợi, thì ba cô gái quẹo nhanh vào khu Chí Hòa. Mấy cây đèn đường ít hơn, ánh điện lưa thưa không in nổi mấy chiếc xe đạp trên đường. Duy và tôi cố bám gần hơn, đủ để nghe mấy tiếng nói cười nho nhỏ. Chợt phía trước hiện rõ một bờ tường cao, quanh đèn sáng tỏ. Cả ba cô nàng dừng trước chiếc cổng nhỏ bên hông chiếc cổng sắt cao, sừng sững trang nghiêm. Người con gái cao gầy, hát nhạc Pháp xuống xe, nói gì đó với hai bạn rồi quay lại ra dấu chào tạm biệt chúng tôi. Rồi nàng khuất sau chiếc cổng nhỏ khép lại, hai cô bạn cười đáp rồi đạp xe đi thẳng. Tất cả diễn ra khá nhanh, bất ngờ khiến cả tôi và Duy không kịp phản ứng gì. Khi định thần, tôi mới chợt thấy bên trên chiếc cổng sắt lớn có tấm bảng ghi: “Dòng Nữ Tu Bác Ái”.

Nhiều buổi chiều sau đó, tôi muốn đến đứng đợi trước cổng trường Marie Curie nhưng lại thôi, không nỡ đành lòng. Nhiều đêm sau đó, tôi muốn đến đứng đợi trước cánh cổng sắt nhà dòng, nhưng cũng lại thôi, ngậm ngùi bỏ lại. Đời người có biết bao nhiêu câu hỏi và rất ít câu trả lời. Người con gái hát đêm cuối năm hôm đó là một, mãi mãi chỉ là câu hỏi, mãi mãi chỉ là thoáng bóng mơ qua. Rồi đêm lại nối ngày, ngày trôi tuần tự trên mỗi số phận con người vạn ngả chia xa. Có ánh mắt, có nụ cười thánh thiện đó như giấc mơ có thật luôn hướng tôi về một niềm tin yêu vời vợi trên cao…

 
Thời gian không chờ nhau và khuôn mặt người con gái ngày nào, nay lờ mờ trong trí nhớ của tôi. Những bốn mươi năm, mà ngỡ chừng hôm qua. Càng cố nhớ, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của nàng càng tan vỡ, khuất xa… Chỉ còn lại là tiếng hát, tiếng hát của ca khúc nhạc Pháp “Tous Les Garçons et Les Filles “, vẫn mãi vang vọng một đời không quên…Tiếng vỗ tay, dứt nhạc kéo tôi về thực tại. Bài hát nào rồi cũng dứt, khúc nhạc đời cũng thoáng chốc trôi xa. Kỷ niệm nào còn đó chút dư âm. Mùi hương người thánh thiện chưa bám phấn bụi đời. Tất cả sẽ về đâu giữa mênh mông cuộc đời hệ lụy. Như viên ngọc quý, tôi nâng niu từng kỷ niệm chợt có chợt không. Tiếng nhạc lại trổi lên, người thanh niên trẻ ôm chiếc đàn guitar ngồi xuống chiếc trên sân nhỏ nhỏ cuối quán. Đêm càng khuya khách càng đông, để lẫn lộn trong tiếng nói cười chung quanh, giọng hát trầm ấm, âm thổ đục vút cao:

“Si je t'oublie pendant le jour
“Je passe mes nuits à te maudire
“Et quand la lune se retire
“J'ai l'âme vide et le coeur lourd, lourd
“La nuit tu m'apparais immense
“Je tend les bras pour te saisir
“Mais tu prends un malin plaisir
“A te jouer de mes avances
“La nuit… je deviens fou… je deviens fou! (2)

Quyện đâu đó trong không gian quán nhỏ, đêm mùa đông chợt mới bắt đầu. Ngoài kia những ngọn đèn đường cũng như người ngủ muộn, bừng dậy từ một giấc mơ tiếc nuối giữa muôn trùng. Khúc hát của ai như đang réo gọi biết bao nỗi nhớ cùng tận ập về… Đêm ơi, xin hãy để những nốt nhạc đời trôi nhẹ, rơi mênh mông tình cờ trên môi người hữu hạn, cưu mang…

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long


1)Tous Les Garçons et Les Filles- Françoise Hardy
"Những Nụ Tình Xanh"
[Lời Việt: Phạm Duy]

Bao nhiêu uyên ương trong cơn yêu đương
Đôi chân miên man hân hoan
Lang thang giữa phố phường.
Bao nhiêu duyên vui xuân xanh
Đôi mươi xuân xanh như tôi,
Ai kia hai mươi cũng biết rồi.
Niềm hạnh phúc trong tay người
Hay trong mắt, trên môi cười
Họ yêu nhau và đi tới sẽ sống với niềm vui mới
Thế nhưng tôi vẫn đơn côi vẫn không ai kết duyên đôi
Thế nhưng tôi vẫn đơn côi vẫn không ai đoái hoài tôi.

Nỗi sầu, ôi nỗi u sầu
Những ngày buồn trôi giống nhau.
Cõi đời ôi là những âu sầu
Không có những tiếng nói ấm áp
Của người yêu mến nhau.
Tôi chưa yêu đương, tôi mong yêu, trong cơn đau thương
Ai đưa tôi lên chốn Thiên Đường ?
Tôi chưa duyên vui, xuân tôi hai mươi,
Tôi mong như ai, vui trong duyên đôi sẽ biết đời
Niềm hạnh phúc trong tay người,
Hay trong mắt, trên môi cười
Họ yêu nhau và đi tới sẽ sống với niềm vui mới
Khiến cho tôi có ai yêu sẽ quên đi
Những cơn đau, dắt tay nhau
Tới mai sau
Tới nơi yêu nhau dài lâu.

2) La Nuit – Salvatore Adamo
"Đêm Nay" 
[Lời Việt: Lê Toàn]

Đêm nay, sao nghe thấy miên man
Tối tăm
Có tiếng kêu bàng hoàng
Từ xa giữa không gian

Đêm nay, khi tia sáng bên kia
Chiếu sang
Có tiếng kêu thật gần

Đêm nay
Nghe như tim ai tan vỡ trong đêm nay
Nghe như ai đang kêu khóc trong đêm nay

Ai kia vẫn kêu than
Đớn đau
Tiếng khóc như thật gần
Nghe văng vẳng trong tim

Đêm nay
Em kêu mãi tên anh
Nhớ anh
Thức trắng một mình
trong im vắng lặng thinh

Đêm nay
Nghe như tim ai tan vỡ trong đêm nay
Nghe như ai đang kêu khóc trong đêm nay...


Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Hoa Vàng Năm Ấy - Thơ Hồng Thủy - Phổ Nhạc Từ Công Phụng - Đèo Văn Sách


Thơ Hồng Thủy 
Phổ Nhạc Từ Công Phụng 
Tiếng Hát:Đèo Văn Sách 


Mất Lời Tỏ Tình


Giữa bao la thiên hạ
Có anh và cuộc đời
Thế rồi như xa lạ
Ta đã bỏ cuộc chơi

Hỡi người anh thân kính
Bản tình ca não nùng
Đường tơ vương áo lính
Sợi tóc thả mênh mông

Nỗi sầu lên chất ngất
Bài nhạc buồn Chopin
Nơi cung đình đánh mất
Lời tỏ tình của anh

Lênh đênh trên sóng mộng
Huế u hoài tương tư
Gió thiên thu lồng lộng
Nước mắt ướt vần thơ

Tiếng hót loài chim quí
Mang tất cả mùa Xuân
Vượt muôn trùng hải lý
" Yêu vô cùng " cố nhân ...

Cao Mỵ Nhân

Nếu Anh Là …


Nếu anh là dòng sông 
Em trầm mình soi bóng
Cùng tắm mát ân tình
Dâng hạnh phúc lung linh

Nếu anh là bão nổi
Em giữ chặt bè trôi
Cùng trải qua giông tố
Vượt nỗi khổ ngàn khơi

Nếu anh là bến đợi
Em muôn đời nương náu
Dù năm tháng hư hao
Chắt chiu những ngọt ngào

Anh! Dòng sông bến đợi
Em! Trầm mình soi bóng
Dưới ánh trăng mờ ảo
Mình đã thuộc về nhau


Kim Oanh
6/2014

Thu Khóc


Thu về hỏi em
Chiều nao gió lên
Em cười thẹn thùng
Khi chàng đón em

Em chàng sánh vai
Tay anh siết tay
Em nghiêng má đào
Anh hôn đắm say.

Em cười hỏi Thu
Đã yêu hoặc chưa
Thu nhìn nắng vàng
Tình yêu đã xưa

Em ơi gió lay
Mùa Thu ngất ngây
Thi nhân đắm say
Thu vàng chóng phai

Ngày nao rã rời
Rồi tình tả tơi
Người về cuối trời
Mình Thu lẻ loi

Ôi Thu của em
Tình Thu sớm tàn
Hồn Thu vỡ tan
Nên Thu lá vàng

Nguyễn Thị Thêm

Đông Ơi Đừng Vội


Lìa cành lá rơi
Thu qua mất rồi
Đông buồn sấp về
Hồn nghe tái tê

Đông ơi chậm thôi
Ta đang vẫn ngồi
Bên dòng nước bồi
Nghe chiều chậm trôi

Mây bay lững lờ
Thu buồn hắt hiu
Trời chiều dịu êm
Ta ngồi đợi đêm

Xa xa tiếng chuông
Nghe thăm thẳm buồn
Con chim lẻ loi
Nhìn quanh ngó quanh

Thu chưa muốn đi
Đông buồn vội về
Ta ngồi đợi mưa
Nghe cơn gió đùa....

PhamPhanLang
2/12/2020

Người Ra Đi Mùa Thu


*Để tưởng nhớ chị Nguyễn thị Hương, Hội viên Hội CBMCG 

Con đường từ nhà quàn về nhà như dài hơn trong nỗi ngậm ngùi, dù con đường này khá quen thuộc. Bởi, rất nhiều lần chúng tôi đã đến và đi, để chia sẻ nỗi mất mát to lớn của một người bạn nào đó, vì sự ra đi vĩnh viễn của người thân yêu. Lần này, có chút bất ngờ khi trong ý nghĩ của tôi, người nằm xuống là một người tôi chưa từng gặp, dù được biết chị là bạn đời của anh Bảo Huân, người bạn trong nghề nghiệp. Nhưng, nơi nhà quàn, tôi nhìn mãi tấm ảnh của chị, một khuôn mặt rất quen mà không nhớ đã gặp ở đâu, cho đến khi nhìn thấy màu áo trắng đồng phục, với dây đeo ảnh Đức Mẹ màu xanh nước biển, tôi mới nhận ra chị là Hội viên của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo của Giáo xứ, mà tôi cũng là một thành viên. Hội không quá đông, nhưng vì những lần cùng sinh hoạt trong buổi họp đầu tháng, ai cũng vội vã ra về khi tan họp để lo bữa ăn trưa cho gia đình, nên các hội viên ít có dịp gặp gỡ, chuyện trò thân mật. 

Được biết, là con chiên ngoan đạo, chị đã tham gia nhiều sinh hoạt của nhà thờ, như Hội Các Bà mẹ Công Giáo, Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Hội Legio (Hội viên tán trợ). Anh Huân kể, chị rất thích Hội CBMCG, nên căn dặn con gái mặc cho chị bộ đồng phục của Hội khi tẩn liệm. Tang lễ của chị được cử hành trang nghiêm, cảm động trong thánh đường. Chắc hẳn, chị sẽ mỉm cười hài lòng khi nhìn thấy các Hội viên Hội CBMCG đến tiễn đưa chị, với lời cầu nguyện cho chị sớm được lên Thiên đàng, hưởng Nhan Thánh Chúa, trong chiếc áo dài đồng phục mà chị rất yêu thích. 

Khi biết mình sẽ không còn được cùng người bạn đời Chúa đã ban cho, đi hết quãng đường còn lại, chị đã chuẩn bị, tập tành cho anh những việc cần thiết như nấu ăn, rửa chén… những việc mà xưa nay anh không bao giờ đụng tay đến. Anh tâm sự “Bà ấy bảo, anh phải tập làm để sau này sống một mình… Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng, có lẽ bà ấy giận tôi vô tâm nên nói thế thôi”. 

Với đức tin mạnh mẽ, chị thật bình tĩnh sắp đặt mọi việc trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ, dù mạnh mẽ đến đâu, chắc cũng có lúc chị nghẹn ngào lau nước mắt khi thầm hỏi “Một mai khi em xa vắng, anh sẽ ra sao một mình?”. Thật vậy, có ai không xót xa khi nghĩ đến cảnh lẻ loi, đơn độc của người mình hết dạ thương yêu trong những ngày còn lại với tuổi đời chồng chất. Căn nhà vắng vẻ. Chiếc bàn ăn trơ trọi một cái chén, một đôi đũa. Còn đâu bóng dáng người vợ thân yêu, ngày qua ngày, cận kề, lo lắng, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng. 

Tôi thật lòng ngưỡng mộ khi biết chị đã sống thật trọn vẹn vai trò người vợ khi cùng chia sẻ sở thích của chồng. Anh thích đá bóng, chị sắp xếp thời gian để cùng anh tham dự những trận đá bóng. Anh thích chụp ảnh, chị cũng mày mò theo anh. Nhưng không phải để chụp cảnh đẹp, mà là ghi nhận những hình ảnh anh đang say sưa đắm mình trong niềm đam mê -niềm đam mê của chồng mà trong tâm tình người vợ, chị rất tôn trọng. Đâu đó, trong những tờ tạp chí với nhiều bài viết mang tiêu đề hấp dẫn “Làm thế nào để gia đình hạnh phúc”, hoặc “Làm thế nào để trở thành một người vợ tuyệt vời”, tác giả đưa ra lời khuyên “Những điều phụ nữ nên làm…” trong đó, có nhiều điều chị đã làm. Nhưng chắc chắn không phải vì nghe theo lời người viết, mà chính vì tình yêu thiêng liêng, trách nhiệm, bổn phận làm vợ và làm mẹ, chị đã vắt cạn máu tim với tất cả lòng yêu thương, để vun bồi hạnh phúc gia đình mãi được nồng nàn, ấm áp. 

Nhà tôi thỉnh thoảng có tiếp xúc với chị qua công việc làm, nên có lần hỏi đùa “Chị bận rộn quá, ông họa sĩ có phụ giúp chị không, hay chỉ thích đi chụp hình?”. Chị vui vẻ trả lời “Bây giờ lớn tuổi rồi, cực khổ cũng nhiều, nên tôi để ổng làm cái gì ổng thích, miễn ổng vui là được”. 

Khuôn mặt hốc hác, u sầu của anh đeo đuổi tôi suốt đoạn đường ẩm ướt mưa thu. Giọt nước mắt nào sẽ rơi xuống trong đêm nay, như lời nhạc buồn làm héo hắt trái tim đau giữa khoảng không gian vắng vẻ, quạnh hiu, trên chiếc giường lạnh lẽo, từ đây trống một chỗ nằm. 

“Một mai khi em xa vắng, anh sống ra sao một mình? 
Một mai khi em xa vắng, anh biết sẽ làm sao! 
Buồn lắm người ơi, đi về một mình lẻ loi 
Bên đời chẳng còn có ai 
Âm thầm từng ngày khóc thương… âm thầm 
….. 
Một mai khi em xa vắng, anh sống ra sao một mình (*) 

Có lẽ, đó cũng là câu hỏi nghẹn lời của chị trong những đêm khuya giật mình thức giấc, đếm từng giờ, từng ngày… cho đến giây phút cuối cùng. 

Ngân Bình

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Thơ Tranh: Nhận Thư Mẹ

Thơ & Thơ Tranh: Ý Nga

Hương Tóc Mẹ


Có những buổi trưa Hè
Mẹ ngồi trước thềm nhà
Mẹ bảo con nhổ tóc ngứa
Con thưa:
Khó nhổ quá Mẹ ơi
Mẹ nói:
Lấy hột lúa kẹp vào cọng tóc mà nhổ
Suốt buổi trưa
Con nhổ được mười sợi
Mẹ thưởng con ba đồng
Đủ tiền cho con mướn chiếc xe đạp
Chạy chơi khắp xóm vài vòng
Có những buôi trưa hè
Mẹ đứng trước thềm nhà
Hong tóc
Hương bồ kết thoang thoảng bay bay
Thương thật dễ thương
Mẹ không dùng nước hoa
Cũng không dùng mỹ phẩm
Tóc Mẹ vẫn bóng bẩy mượt mà
Con gái Mẹ ngày nay
Có đứa nào gội đầu bằng bồ kết
Chải tóc bằng dầu dừa
Như Mẹ ngày xưa??

Hoàng Long

Của Mùa Thu Trước

Hôm nay nắng chở màu nhung nhớ
Của những mùa thu trước lại về
Hắt hiu gió lạnh luồn khe cửa
Thoảng chút hơi người đêm sắt se

Tay chợt buồn tay ngón ngắn dài
Của ngày xưa ấy bụi đường bay
Hẹn nhau quán gió bên hè phố
Một ly chè, thương cũng chia hai..!

Bây giờ chắc đã không còn nữa
Tình cũng xa con phố lạ người
Loanh quanh ai biết thời gian mất
Như đã một lần in dấu môi

Thu vẫn theo mùa, lá vẫn rơi
Chừng như rất lạ mấy phương trời

Thu xưa màu nắng giờ thôi đã
Cũng nhạt hoen mờ rưng mắt tôi...

Durham, North Carolina - Mùa thu 2020

Người Chợ Vãng


Cô Láng Giềng


Nhà em đối diện nhà tôi
Cách nhau chỉ một lời mời sang thăm
Cái nhìn tình ý lặng thầm
Trao nhau như tiếng sóng ngầm đong đưa

Những khi trời đổ cơn mưa
Tôi mơ tay nhẹ che dù lứa đôi
Những khi nắng đẹp xanh trời
Chỉ mơ tay nắm ta ngồi bên nhau

Chiêm bao nghiêng ngả rối nhàu
Tình yêu mãi lún vào sâu nồng nàn
Em dài ánh mắt mơ màng
Giấc mơ tôi chạm môi ngoan nụ cười

Bởi tôi nhút nhát người ơi
Yêu người chẳng thốt ra lời tình si
Để rồi một buổi em đi
Xứ xa lạc bước xuân thì long đong

Nỗi buồn cách biển xa sông
Mãi giăng thương nhớ qua lòng đa đoan
Thu về rời rã lá vàng
Dòng sông hát khúc lỡ làng chia xa

Buồn lên cánh cúc vàng hoa
Lòng tôi vàng cả đôi tà áo bay
Chúc em hạnh phúc tràn đầy
Sao lòng cứ mãi loay hoay ngậm ngùi

Trầm Vân

Đêm Thu Độc Ẩm



Ngọn gió lạnh lạnh thổi hướng Bắc
Màu trời hồng hồng bừng phương Tây
Niềm thương ngơ ngẩn sương giăng lối,
Nỗi nhớ mơ màng nắng nhuộm câỵ
Tin nhạn trông vời con mắt mỏi,
Tình tơ vương víu túi thơ đầỵ
Tri âm ai đó cùng tâm sự?
Đối bóng canh chầy, rượu tỉnh say...


Thiên Tâm

 

Màn



Êm đềm Trướng Rủ Màn Che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Đó là hai câu thơ trong phần đầu của Truyện Kiều, khi cụ Nguyễn Du giới thiệu về xuất thân và gia thế của chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
Trướng Rủ Màn Che chữ Nho là Trướng Thùy Liêm Bế 帳垂簾閉 để chỉ cuộc sống cao sang quyền qúy của các tiểu thơ khuê các ngày xưa, sống cách biệt hẳn với cuộc sống của quần chúng nhân dân bình thường; cuộc sống mang chút gì đó kiêu hãnh của giới qúy tộc tỏ ra vẻ chính chuyên với "Tường đông ong bướm đi về mặc ai!". 
MÀN chữ Nho là Mạc 幕, có bộ Cân 巾 là Khăn, là Vải ở bên dưới chữ, nên có nghĩa là "Miếng Vải dùng để che chắn". Các từ Hán Việt mà ta thường gặp trong văn học cổ cũng như trong đời sống bình thường hiện nay là:
- Liêm Mạc 簾幕: Nói chung các loại rèm dùng để che chắn.
- Song Mạc 窗幕: Rèm dùng để che cửa sổ.
- Khai Mạc 開幕: là Mở Màn ra (để bắt đầu diễn tuồng diễn kịch), sau dùng rộng ra có nghĩa là : Bắt Đầu để làm một công việc nào đó. Như : Phiên họp đã Khai Mạc; Buổi triển lãm sáng nay đã Khai Mạc
- Bế Mạc 閉幕: là Đóng Màn lại (kết thúc vở diễn, là vãn tuồng), nghĩa phát sinh là: Kết Thúc, như: Hội nghị đã Bế Mạc; Đế chế Mông cổ đã đến hồi Bế Mạc...

Trong Văn học Cổ, MÀN còn có nghĩa là TRƯỚNG 帳: là những tấm màn treo ở phòng khách, treo ở phòng ngủ... như trong Cung Oán Ngâm Khúc tả nàng cung nữ lúc đắc sủng bên cạnh nhà vua, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết:

Trên Trướng Gấm chí tôn vòi vọi, 
Những khi nào gần gũi quân vương...

Hay như trong Truyện Kiều, tả lúc Thúy Kiều báo ân báo oán. Thúy Kiều và Từ Hải đã ngồi trước bức màn có vẽ hình con hổ dương nanh múa vuốt để xử án. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết :

Trướng Hùm mở giữa trung quân,
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

Trướng Hùm chữ Nho là Hồ Trướng 虎帳. Có xuất xứ từ Lục Du đời Tống 宋.陸游 trong sách Nam Đường Thư, truyện Từ Tri Ngạc《南唐書·徐知諤傳》:Vua nước Lương là Từ Tri Ngạc, một hôm đi chơi ở vùng núi Toán Sơn, đã dọn một mảnh đất trống làm sân bãi, kết da hổ làm màn trại, rồi cho tụ tập tướng sĩ lại nơi đó, gọi là Hổ Trướng. Sau dùng rộng ra để chỉ nơi doanh trại của các tướng lãnh. Còn cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn Tế Trương Công Định thì lại gọi Hồ Trướng là Màn Hùm:

Nào đã đặng mấy hồi nơi thích-lý, Màn Hùm che mặt rằng xuê;
Thà chẳng may một giấc chốn trường sa, da ngựa bọc thây mới phải.

Tục ngữ có câu Sói Mượn Oai Hùm, nên khi không có đủ da hùm thì mượn đỡ da của chó sói để dùng tạm. Chó sói chữ Nho là Sài Lang 豺狼, nên thay vì dùng Màn Hùm, bây giờ không có Màn Hùm nên dùng tạm Màn Lang, cũng có cùng một nghĩa như Màn Hùm vậy. Như trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phương Hoa Lưu Nữ Tướng:

Xang vàng làm bạn am mây,
Màn Lang tạm cuốn, lại vầy Gối Ôn

Nhân nhắc đến Gối Ôn, là Gối của Ôn Công. Ôn Công tức là Tư Mã Quang 司馬光 là Tể tướng đời Bắc Tống. Lúc nhỏ hiếu học, ông lấy một khúc gỗ tròn kê đầu làm gối để ngủ, khi trở mình, khúc gỗ chuyển động lăn đi làm cho ông giật mình tỉnh giấc để thức dậy học tập trong đêm. Nên Gối Ôn Công chỉ các thư sinh cần mẫn xôi kinh nấu sử, chỉ học trò siêng năng học tập. Tích nầy thường đi song song với  Màn Đổng Tử...
Đổng Tử tức Đổng Trọng Thư 董仲舒 (191-104 trước Công Nguyên). Ông người đất Quảng Xuyên, là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn học nổi tiếng đời Tây Hán. Vì học trò theo học qúa đông phòng học không chứa hết, ông phải tập họp tất cả ra sân lớn, ông ngồi trên bục cao buông màn mà giảng dạy. Học trò tứ xứ từ Tề Lỗ Yên Triệu... đều tụ tập về để nghe giảng. Việc nầy đã hình thành một thành ngữ Hạ Duy Giảng Tụng 下帷講誦 là "Buông Màn Giảng Dạy". Trong văn học cổ của ta gọi là Màn Đổng Tử, Màn Đổng Xuyên để chỉ việc dốc chí dùi mài học tập, như trong truyện thơ Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các):

Đèn hạnh năm canh Màn Đổng Tử
Song mây mấy tấc Gối Ôn Công

Đổng Trọng Thư  董仲舒 

Đổng Trọng Thư cũng đã từng ra làm quan cho nhà Hán, nhưng sau bị giáng chức và bị bắt giam, rồi cáo lão về quê . Trong Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng nhắc đến:

Thương thầy Đổng Tử cao xa,
Chí đà có chí, ngôi đà không ngôi! 

Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính cũng có câu:

Thư trung đành có ngọc nhan,
Sách đèn còn bận buông Màn Đng Xuyên

Còn trong truyện thơ Nôm Lưu Bình Dương Lễ tả lúc nàng Châu Long giúp Lưu Bình học tập cũng có câu:

Sân Trình cửa Khổng lân la,
Cùng nhau giao lại một nhà chi lan  
Tình lê trạch nghĩa tha san,
Đặt giường Từ Tử, buông Màn Đông Công

Ngoài ra, MÀN còn có nghĩa là cái Mùng để ngủ, như khi "Ngỏ lời nói với băng nhân, Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn" để chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh rồi thì Từ Hải cũng đã :

Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
Đặt giường thất bảo, vây Màn Bát Tiên

Màn Bát Tiên là cái mùng cái màn có vẽ hoặc thêu hình của Bát Tiên Qúa Hải, không biết sao trong phòng ngủ của lứa đôi mà lại có hình của "Bát Tiên"? Chả lẽ lại bảo rằng chuyện vợ chồng hòa hợp thì "sướng như tiên" chăng ?! Sự vô lý khó hiểu nầy đã được giải tỏa qua Màn Phù Dung chữ Nho là Phù Dung Trướng 芙蓉帳 là cái mùng cái màn có màu đỏ đẹp như hoa phù dung hay có thêu hoa phù dung đẹp đẽ trong phòng ngủ của đôi lứa thì có vẻ hợp lý hơn là để hình của "Bát Tiên", như Bạch Cư Dị đã viết trong bài thơ cổ phong Trường Hận Ca tả lại mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi như sau:

雲鬢花顏金步搖, Vân mấn hoa nhan kim bộ diêu,
芙蓉帳暖度春宵。 Phù Dung Trướng noãn độ xuân tiêu.
Có nghĩa:
Tóc mây lã lướt gót sen,
Màn Phù Dung ấm đêm xuân mơ màng.

Còn trong thơ Nôm "Truyện Tây Sương" của ta thì cũng có hai câu tả lại mối tình của Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy như sau:

Chén quỳnh sóng sánh hồng nhan,
Sẵn chăn phỉ thúy, sẵn Màn Phù Dung

Cuối cùng, ta có một bức MÀN đặc biệt sang trọng, đó là bức sáo, bức rèm, bức mành treo để che chắn trước ngõ trước song được làm bằng loại tre trúc qúy, được gọi là MÀNH TƯƠNG, theo như tích sau đây...

Tương truyền vào đời Nghiêu Thuấn (2294-Trước Công Nguyên) ở Cửu Nghi Sơn của tỉnh Hồ Nam có chín con ác long thường hay bay xuống sông Tương Giang để giỡn nước, gây nên lũ lụt tràn ngập cả ruộng đồng, nhấn chìm cả nhà cửa, ruộng nương thất bát, dân chúng kêu khổ liên miên... Đế Thuấn mới quyết định từ giả hai bà phi tử yêu dấu của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh để đi về miền nam diệt trừ chín con rồng dữ nầy cứu nguy cho bá tánh. Nhưng...
Đế Thuấn đi suốt ba năm ròng rã mà vẫn không thấy trở về. Nga Hoàng và Nữ Anh nóng lòng nên quyết định đi về phương nam để tìm chồng. Đi mãi đi mãi dọc theo Đại Tử Kinh Hà rồi Tiểu Tử Kinh Hà, cuối cùng cũng đến được dưới chân núi Cửu Nghi Sơn. Vượt đèo qua suối mới đến được Tam Phong Thạch, nơi có ba ngọn núi cao sừng sững dựng đứng bên bờ Tương Giang với một rừng trúc bạt ngàn. Trong rừng trúc là một ngôi mộ cao sừng sững, được dân chúng cho biết đó là ngôi mộ của Đế Thuấn đã hi sinh tính mạng khi chiến đấu với chín con ác long hung dữ. Hai bà nghe chuyện quá thương cảm bèn ôm nhau mà khóc suốt chín ngày chín đêm, máu và nước mắt rơi vải chung quanh thấm cả vào những thân trúc trong rừng trúc, tạo nên những đóm màu đỏ màu nâu lốm đốm trên thân các cây trúc. Cuối cùng hai bà cùng gục chết bên mồ của Đế Thuấn. 

Tương truyền, từ đó về sau rừng trúc bên sông Tương Giang đều có những đốm hoặc đỏ hoặc nâu hoặc tiá... trông rất đẹp mắt và nổi danh là trúc của Tương Giang và hai bà Phi, nên được gọi là Tương Phi Trúc 湘妃竹. Đây là loại trúc qúy của vùng Cửu Nghi Sơn tỉnh Hồ Nam, đem đi làm thành những bức rèm, bức mành để che chắn, nên mới có tên là Mành Tương. Như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Trọng tương tư Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết :

Mành Tương  phân phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Ví chẳng duyên nợ ba sinh,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi !?

Xin được kết thúc bài MÀN là TRƯỚNG, là RÈM, là MÀNH, là MÙNG... ở đây.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức


Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Thơ Tranh: Người Đẹp Dưới Hoa Đào


Thơ:Nguyên Trần
Photo: Sương Lam
Thơ Tranh: Kim Oanh


Aline - Christophe - Tiếng Hát Huỳnh Văn Của


Sáng Tác: Christophe
Tiếng Hát: Huỳnh Văn Của
Thực Hiện: Kim Oanh

...Cho Tôi

 


Một lần người đã đến
Để lại bên đời tôi
Là bao lần bối rối
Lòng thầm nhủ thôi quên!

Sao bồi hồi con tim
Một lần trong ánh mắt
Âm thầm em cuối mặt
Đời nghiệt ngã oan khiên

Ru chi giấc mộng hiền
Bàn tay ai siết nhẹ
Tim nồng khe khẽ reo
Kỷ niệm hồng nhớ mãi

Muôn thuở chẳng phôi phai
Trong tình cờ đối mặt
Chỉ gang tấc gần nhau
Lòng cách một biển sâu

Tình yêu lời mật ngọt
Lệ đắng chát bờ môi
Muôn vạn lối đường đời
Ngõ nào cho riêng tôi!?

Kim Phượng

Ta Về Vui Sớm Trưa

Bóng chiều nghiêng nhịp gió
Giữa mây ngàn muôn phương
Ta chiều theo nhịp gió
Từng bước chiều dâng hương.

Lao xao niềm vui khổ
Đời lắm chuyện đầy vơi.
Biển mênh mông sóng vỗ,
Lòng mênh mông tình đời.

Có chi sầu cát bụi
Huyền ảo giữa hoang sơ.
Đời dẫu bao dong ruỗi,
Trăng vẫn sáng sương bờ.

Giữa nụ cười mộng ảo
Hoa vẫn nở vườn xưa.
Gia dòng đời mộng ảo,
Ta về vui sớm trưa.

South Dakota, 11/2020.
Mặc Phương Tử


Vọng Thái Lăng - Chu Văn An


Chu Văn An 朱文安 (1292-1370) hiệu là Tiều Ẩn,tên chữ là Linh Triệt, tên thụy là Văn Trinh. Tên thật là Chu An, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Ông người làng Văn Thôn , xã Quang Liệt, huyện Thanh Ðàm (nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). 

Sau khi thi đậu thái học sinh, Chu Văn An không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học.Học trò theo học rất đông, trong số đó có Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. 

Năm Khai Thái đời Trần Minh Tông ông mới nhận chức Quốc Tử Giám tư nghiệp,dạy cho thái tử học. Ðời Trần Dụ Tông (1341-1369) nhà vua mải mê chơi bời, bỏ bê việc nước, bọn quyền thần thì lộng quyền,hà khắc,tham nhũng; Chu Văn An bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nhưng vua không nghe. Ông xin từ chức, lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Ðặc, huyện Chí Linh. Ông mất năm Thiệu Khánh thứ nhất. Ðời Trần Nghệ Tông (1370), được vua làm lễ tế và đặt tên thuỵ là Văn Trinh. 

Tác phẩm: Chu Văn An từng có những tác phẩm như: Thất trảm sớ, Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước. Nhưng cho đến nay mới chỉ tìm được 12 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục. 

Vọng Thái Lăng 

Tùng thu thâm toả nhật tương tịch,
Yên thảo như đài mê loạn thạch.
Ảm đảm thiên sơn phong cánh sầu,MAI
Tiêu trầm vạn cổ vân vô tích.
Khê hoa dục lạc vũ ti ti,
Dã điểu bất đề sơn tịch tịch.
Kỷ độ trù trừ hành phục hành,
Bình vu vô tận xuân sinh bích. 

Dịch nghĩa 

Cây tùng cây thu khoá kín trời sắp về chiều,
Cỏ non xanh rợn, như rêu che lấp những hòn đá ngả nghiêng.
Ngàn non ảm đạm, gió thổi càng thêm buồn,
Muôn thuở tiêu tan, mây không để lại dấu vết.
Hoa bên suối sắp rụng, mưa lất phất,
Chim ngoài đồng nội im tiếng, núi quạnh hiu.
Mấy lần dùng dằng, đi rồi lại đi,
Cỏ rậm bát ngát, sắc xuân xanh biếc.

Dịch Thơ: 

Trông Về Thái Lăng 

Thông giăng kín ngày thu sắp tắt, 
Đá rêu phong xanh ngát cỏ rờn, 
Ngàn non ảm đạm gió vờn, 
Mây tan muôn thuở đâu còn dấu xưa. 
Hoa suối rụng chiều mưa lất phất, 
Bặt tiếng chim hiu hắt núi ngàn. 
Dùng dằng cất bước mấy lần, 
Đồng xanh bát ngát sắc xuân mơ màng. 

Mailoc
***
Vọng Thái Lăng

Chiều sắp tắt rừng tùng thu chen kín 
Cỏ xanh rờn, rêu che đá ngã nghiêng 
Non ngàn ảm đạm, gió vờn buồn thêm 
Mây muôn thuở tan không còn lưu dấu 
Hoa bên suối rung, mưa chiều lất phất 
Ngoài đồng hoang tiếng chim núi bặt im 
Lựa lần do dự cất bước chân lên 
Cỏ cây rập rạp, sắc Xuân xanh rờn 

songquang
***
Trông Về Thái Lăng 

Tùng che rợp bóng kín trời chiều 
Phiến đá cỏ che tựa mọc rêu 
Gió thổi miên man, non ảm đạm 
Mây trôi biền biệt, cảnh tiêu điều 
Hoa rơi bên suối, mưa lay lắt 
Chim lặng ngoài nương, núi quạnh hiu 
Nửa ở nửa đi ngần ngại mãi 
Điệp trùng cỏ biếc ngọn liêu xiêu

Phương Hà

Chào Tháng 12

Sáng nay, thức dậy việc trước tiên như thường lệ là với tay xé tờ lịch treo tường: tờ lịch 30/11. Những cơn gió heo may lạnh đã dừng bước lập Đông từ 1 tuần trước. Tháng 12 lại về. Cái tháng không phải là đầu mùa Đông nữa. Tiết trời hanh hao gió nhẹ và nắng ấm vẫn phủ đầy con rạch trước nhà. Bụi hoa cúc họa mi màu vàng đã bắt đầu tàn lụi dù có vài cơn mua đêm rải đầy sân. Tôi mừng vì tháng 12 đã đến với tôi trong cuộc sống. Xin long trọng chào đón tháng 12!


Gần hết lịch chỉ còn tháng mười hai
Miền ký ức nhớ hoài mùa Đông trước
Cúc họa mi với loài hoa thược dược
Lẻn đi đâu còn hoa cải màu vàng?
Tháng 12 như tuổi cao khệnh khạng
Xiêu vẹo buốt da tợ đóa dã quỳ
Vẫn xuân sắc với thơ tình lãng mạn
Gởi người xa một chút nắng mùa sang.

Tôi muốn gom cả bầu trời xanh thẳm
Và trái tim rực lửa đã hong khô
Trao về em với mối tình sâu dậm
Kèm lời ca ý nhạc gói trong thơ!
Chúng mình già nhưng thơ anh ướp mộng
Vẫn say nồng khi máu chảy về tim
Ở phương ấy tâm tình em chắc mỏng
Nhưng nơi đây nỗi nhớ mãi dầy thêm!


Dương hồng Thủy
01/12/2020

Giao Mùa


Thu chưa muốn đi
Đông như vội về
Mang theo hạt mưa
Cùng cơn gió đùa

Bầu trời khởi đầu
Bằng màu muối tiêu
Mây chầm chậm trôi
Giao mùa đến rồi

Bầy nai nhớ rừng
Vàng thu lá bay
Chân buồn bước lên
Đồi phong xác gầy

Không gian lặng im
Sương mù đóng băng
Đàn ai chợt vang
Ca bài Giáng Sinh

Nàng thi sĩ ngồi
Bên song cửa mơ
Nhìn hoa tuyết rơi
Hồn thơ gọi mời

Việt Chỉnh 
 30/11/2020
***
Bài Họa
Chơi Vơi

Thu vàng dọn đi
Đông thì gọi về
Đê mê giọt mưa
Mây thưa rải đùa

Tuyết chưa bắt đầu
Rừng màu sắc tiêu
Dập dìu lướt trôi
Đông ơi đẹp rồi

Em thôi đợi rừng
Vờn lưng tóc bay
Tay này vuốt lên
Hôn trên mắt gầy

Nơi đây ắng im
Sao đêm chợt băng
Gió ngàn hát vang
Điệu đàn Giáng Sinh

Lung linh bé ngồi
Bồi hồi ước mơ
Tình khờ đánh rơi
Thơ khơi nhạc mời...


Phương Hoa
Dec 1st 2020


Cây Mãng Cầu

 

1. Dẫn nhập

Ca dao ta có câu:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bỏ công trang điểm má hồng răng đen

răng đen hạt na  là một thành ngữ thường nghe. Cây na là tiếng ngoài Bắc còn trong Nam, gọi là cây mãng cầu. Ta cũng gặp cây mãng cầu ở miền Đông Nam phần, như tại Long Thành, Vũng Tàu. Ngoài Bắc, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) được coi là “vựa na” lớn nhất cả nước.

Tên khoa học cây mãng cầu là Annona reticulata,  còn tiếng Anh là  sugar apple, custard apple. Mãng cầu ta (Annona reticulata), mãng cầu dai/giai, (Annona squamosa), là một loài thuộc chi Annona có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới và là cây bản địa của vùng Caribe như Haiti, Dominican Republic.

Mãng cầu là cây trồng có giá trị kinh tế cao hiện nay. Người Tây Ban Nha du nhập loài cây này vào Á Châu. Trái mãng cầu có độ ngọt cao, vị chua nên không lạt, lại có hương thơm của hoa hồng nên được nhiều người ưa thích.

Mãng cầu có thể thích ứng với nhiều loại đất và nhiều vùng khí hậu khác nhau như đất sỏi, đất cát, đất thịt, đất sét, v.v… vùng nhiệt đới bán ẩm hay cận nhiệt đới ấm áp, vì vậy cây mãng cầu  có thể trồng được ở tất cả các vùng từ Nam đến Bắc Việt Nam. Cây có tính thích ứng lớn, chịu được mùa khô khắc nghiệt. Ta gặp cây mãng cầu trên đất phèn nhưng phải tháp trên cây bình bát chịu phèn.

Trái mãng cầu có độ ngọt cao, vị chua nên không lạt, lại có hương thơm của hoa hồng nên được nhiều người ưa thích . Thịt quả ngọt và hơi chua, hạt có màu nâu sậm. Thịt quả bổ sung nhiều vitamin, chất xơ rất có lợi cho sức khỏe. Thường dùng làm nước sinh tố hoặc để ăn tráng miệng.

2. Phân loại

Quả mãng cầu được phân thành hai loại :

2.1. Mãng cầu dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, múi na nhằn dễ tróc ra khỏi hột và múi cũng dai hơn. Quả mãng cầu dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Thêm vào đó, còn có mùi thơm và vị ngọt sắc nổi bật hơn so với na bở. Trái mãng cầu  dai thì các múi dính chặt vào nhau cả khi chín, dễ vận chuyển vì dù có chạm mạnh trái không bị vỡ ra, vỏ mỏng, có thể bóc ra từng mảng như vỏ quít.

Mãng cầu dai ưa đất thoáng, không nên trồng ở đất thấp úng. Tuy chịu được đất cát xấu nhưng chỉ phát huy được ưu điểm nếu đất nhiều màu và không bón phân thì chóng già cỗi, nhiều hạt, ít thịt (cơm). Mãng cầu dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, múi na nhằn dễ tróc ra khỏi hột và múi cũng dai hơn. Quả màng cầu dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Thêm vào đó, mãng cầu dai được ưa chuộng hơn bởi mùi thơm và vị ngọt sắc nổi bật hơn so với mãng cầu bở.

Mãng cầu dai chống hạn tốt. Ở đất cát ven biển hay ở đất cao hạn gặp mùa khô, rụng hết lá, khi mùa mưa trở lại vào tháng 4 – 5 lại ra lá, ra hoa. Những lứa đầu hoa rụng nhiều, sau đó khi bộ lá đã khỏe, quang hợp đủ thì trái đậu. Những lứa hoa cuối, vào tháng 7 – 8 cũng rụng nhiều; trái kết được cũng nhỏ vì vậy màng cầu dai thuộc loại trái có mùa, không như chuối, dứa, đu đủ, và cả na xiêm nữa (ở miền Nam là loại trái quanh năm). Cũng do nhịp độ sinh trưởng như vậy, trồng màng cầu  dai không cần tưới. Tuy vậy, nếu có tưới, chăm bón thì mùa ra trái kéo dài hơn. Cây mãng cầu dai tương đối chịu rét. Mùa đông ngừng sinh trưởng, rụng hết lá mùa xuân ấm áp lại ra đợt lá mới, nhờ đó cây không những trồng được ở miền Bắc mà còn ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Bắc Ấn Độ… Mãng cầu dai chắc, nhiều thịt, ít hột, vỏ mỏng và thơm ngon hơn các loại mãng cầu khác.

Mãng cầu dai ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi cây chưa có trái,  rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán . Khi màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (na mở mắt) là dấu hiệu màng cầu chín.  Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là na dai, vẫn dễ nát.

2.2. Mãng cầu bở khi chín múi nọ rời múi kia, dễ vỡ. Thậm chí ngay khi còn ở trên cây, trái chưa chín hẳn có thể đã nứt.

Ngoài cây mãng cầu trồng lâu nay, Việt Nam hiện nay có du nhập thêm từ Thái Lan một loài giống mới, quen gọi là Na Thái Lan (miền Nam gọi là mãng cầu Thái). Đây là loại giống có nhiều ưu điểm vượt trội so với cây na bản địa truyền thống. Được du nhập vào Viet Nam từ những năm 2015, Na Thái được trồng nhiều ở khu vực miền tây Nam Bộ thay thế cho các loại cây na giống truyền thống.

3. Mãng cầu xiêm (Annona muricata)


Mãng cầu xiêm cũng thuộc họ Annonaceae. Cây mãng cầu xiêm là cây bản địa của vùng Trung Mỹ (Mexico, Cuba…), Haiti, gặp  chủ yếu ở Brasil, Colombia, Peru, Ecuador, và Venezuela. Ngày nay ta cũng gặp mãng cầu xiêm ở một số vùng ở Đông Nam Á.

Cây mãng cầu xiêm sống ở những khu vực có độ ẩm cao và có mùa Đông không lạnh lắm. Cây mãng cầu xiêm được trồng làm cây ăn quả.có trái ăn được nhưng vị hơi the khi chín nên  tiếng Mỹ gọi tên là soursop. Hoa màu xanh, mọc ở thân. Thịt quả ngọt và hơi chua, hạt có màu nâu sậm. Cây cao từ 3 – 10m, rậm, lá màu đậm, không lông, xanh quanh năm. Hoa màu xanh, mọc ở thân. Quả mãng cầu xiêm to và có gai mềm,  lớn hơn mãng cầu ta rất nhiều, có khi đến có thể nặng tới 6 hay 7 kg, vỏ ngoài nhẵn chỉ phân biệt múi nọ với múi kia nhờ mỗi múi có một cái gai cong, mềm vì vậy còn có tên là mãng cầu gai.

Tại Hoa Kỳ, mãng cầu Xiêm đã được dùng bởi vài công ty để làm bia Rolle Bolle mùa hè của họ.

Mãng cầu xiêm được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, trong đó có Hậu Giang, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Long Mỹ và TP Ngã Bảy… Mãng cầu xiêm cho trái quanh năm nhưng mùa chính vụ là từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, trái trung bình nặng từ 1 – 3 kg. Mãng cầu xiêm còn gọi là mãng cầu gai, tùy theo điều kiện đất đai từng vùng có thể trồng bằng hạt, chiết hoặc ghép. Mãng cầu xiêm có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả rất xấu, có thể chịu được nắng hạn nhưng chịu ngập úng kém. Màng cầu xiêm cũng trồng được trên đất phèn nhưng phải có gốc tháp chịu phèn như cây bình bát.

Thường thường, trái mãng cầu Xiêm được hái khi chúng đủ lớn và để trong một góc tối, đến khi chúng hoàn toàn chín thì mới được ăn. Cây có bông màu trắng với hương thơm hết sức dễ chịu, đặc biệt vào buổi sáng. 

4. Mãng cầu dai và bở

Mãng cầu bở khi chín múi nọ rời múi kia, dễ vỡ. Thậm chí ngay khi còn ở trên cây, trái chưa chín hẳn có thể đã nứt.

Mãng cầu dai thì các múi dính chặt vào nhau cả khi chín, dễ vận chuyển vì dù có chạm mạnh trái không bị vỡ ra, vỏ mỏng, có thể bóc ra từng mảng như vỏ quít. Độ ngọt của mãng cầu dai cao hơn mãng cầu bở. Mãng cầu dai ưa đất thoáng, không nên trồng ở đất thấp úng. Tuy chịu được đất cát xấu nhưng chỉ phát huy được ưu điểm nếu đất nhiều màu và không bón phân thì chóng già cỗi, nhiều hạt, ít thịt (cơm). Phải chăm sóc cây từ khi trồng để cây khoẻ, nhiều nhựa (sức sống tốt) thì mới cho trái ngon.

Mãng cầu dai chống úng kém nhưng chống hạn tốt. Ở đất cát ven biển hay ở đất cao hạn gặp mùa khô, rụng hết lá, khi mùa mưa trở lại vào tháng 4 – 5 lại ra lá, ra hoa. Những lứa đầu hoa rụng nhiều, sau đó khi bộ lá đã khỏe, quang hợp đủ thì trái đậu. Những lứa hoa cuối, vào tháng 7 – 8 cũng rụng nhiều; trái kết được cũng nhỏ vì vậy mãng cầu dai thuộc loại trái có mùa không như chuối, dứa, đu đủ, và cả mãng cầu xiêm nữa (ở miền Nam là loại trái quanh năm). Cũng do nhịp độ sinh trưởng như vậy, trồng mãng cầu dai không cần tưới. Tuy vậy, nếu có tưới, chăm bón thì mùa ra trái kéo dài hơn.

Mãng cầu dai tương đối chịu rét. Mùa đông ngừng sinh trưởng, rụng hết lá mùa xuân ấm áp lại ra đợt lá mới, nhờ đó mãng cầu dai không những trồng được ở miền Bắc mà còn ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Bắc Ấn Độ…

5. Cách nhân giống


5.1. Nhân giống bằng hạt: do hạt có vỏ cứng bao quanh nên có thể bảo quản được 2 – 3 năm. Xử lý hạt bằng cách: xóc hạt với cát cho sứt vỏ, hoặc xử lý axit sunfuric, ngâm nước nóng 55 – 60 độ C trong 15 – 20 phút, hạt có thể nảy mầm sau 2 tuần lễ. Trồng từ hạt sau 2 – 3 năm cây có thể cho trái.

5.2. Nhân giống vô tính bằng biện pháp ghép cành: Trước hết phải chọn những cây mẹ có những đặc tính ưu việt như: trái to ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao, dễ vận chuyển (múi dính thành một khối). Mãng cầu dai chỉ có thể ghép tốt trên 2 gốc ghép là mãng cầu dai và nê (có người gọi là bình bát vì trái giống bình bát) nhưng hạt nê khó kiếm, vậy tốt nhất là dùng gốc ghép mãng cầu dai. Có thể ghép áp, ghép cành hay ghép mắt. Gốc ghép phải 1 – 2 tuổi. Cành ghép là cành đã hóa gỗ đường kính 1 cm trở lên lấy ở đoạn cành lá đã rụng hết. Cắt dài 12 cm, có thể ghép nêm vào cành gốc ghép, cũng có thể cắt ngọn gốc ghép rồi cắt vạt gốc ghép và cành ghép sao cho áp vào nhau vừa vặn. Vết cắt dài khoảng 5 – 6 cm.

Cây bình bát cùng họ với mãng cầu, sức sống rất mãnh liệt, chúng có thể tự mọc ở ven kênh rạch, đầm lầy, sống chung với các loại cây hoang dại vẫn phát triển tốt. Cây bình bát sống và thích nghi tốt với mọi loại đất như: nhiễm phèn, hạn, ngập úng nên có thể làm gốc ghép rất tốt cho mãng cầu xiêm. So với trồng hạt thì mãng cầu ghép bình bát mau cho trái hơn, thời gian thu hoạch lâu hơn. Mãng cầu ghép bình bát cho trái to nhưng độ ngọt thấp hơn một chút. Mắt ghép nên chọn từ cây đầu dòng, có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, có hình dáng trái đẹp, cân đối.

Thái Công Tụng


Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Nhỏ Ơi! - Quang Nhật - Chí Tài


Sáng Tác: Quang Nhật
Trình Bày: Chí Tài
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cha Mãi Mãi Trong Con



Mỗi lần nghe gió vi vu
Tưởng như vẳng tiếng lời ru Mẹ hiền
Mỗi lần nắng gội ngoài hiên
Tưởng như ấm lại cả miền đơn côi
Tưởng Cha, nhớ Mẹ xa xôi…
Tình đời bạc trắng như vôi mái đầu
Thương Cha bao độ bể dâu
Tình nhà, nợ nước, đêm thâu mỏi mòn…
Tình Cha vọng mãi trong con
Thuỷ chung vẹn chữ sắt son với đời
Thương Cha dầu dãi mưa trời
Chang chang nắng hạ chờ nơi cổng trường
Đời cha chan chứa tình thương
Mong con nối nghiệp văn chương nếp nhà
Ngàn năm văn hiến nước ta
Năm châu nể phục, con là Việt Nam
Đời Cha lắm nỗi gian nan
Đoạn trường vạn nỗi, đếm ngàn thương đau
Nhớ Cha lòng bỗng nao nao…
Đêm đêm ướt gối, lệ trào, Cha ơi!
Bây giờ cách vạn trùng khơi
Cha ơi! Đâu nữa, nhớ Người, chiêm bao!
Ơn Cha vời vợi trời cao
Phương này con đã nghẹn ngào Cha ơi!

Vũ Hối

Ước Vọng Đầu Năm



Năm mới Ta chúc nhau gì đây!
Cầu cho sức khoẻ thật đủ đầy
An khang thịnh vượng, tâm an lạc
Ước nhiều hạnh phúc , bớt cô đơn

Chúc cho Blog nhà vững mạnh hơn
Vườn hoa nghệ thuật đủ sắc hương
Lượt người vào đọc tăng số lượng
Kết tình thơ, nhạc, văn bốn phương

Hoạn nạn, đau ốm, với tai ương
Bi quan, buồn khổ lẫn chán chường
Xin đừng quấy nhiễu tránh xa nhé
Thế giới an bình, dịch tiêu tan

Trúc Lan KTP



Ngày Xưa Chân Sáo

Ngày xưa chân sáo nhảy tung tăng
Từ cổng đình ra tới bến làng
Thấm mệt trở về căn trái lá
Nghe trưa nồng thả giấc miên man

Những buổi nắng hồng chơi bắn ná
Đá sỏi lăn ròng rã thơ ngây
Vi vút sáo diều bên bãi sậy
Tay gối đầu một mảnh trời say

Nài nỉ đồng quà trong túi mẹ
Qua đò sang quán chợ ven sông
Quà bánh chợ chiều ngây ngất dạ
Chút phiêu lưu thấy đời nở hoa

Sân trường chung vui cùng chúng bạn
Tiếng hát đều vào buổi đồng ca
Chữ nghĩa mang theo điều mới lạ
Tết về theo vườn cúc bên nhà

Cây đa đầu làng sao lớn ghê
Tiếp theo xanh đậm những hàng tre
Một thời thơ dại còn ôm ấp
Mảnh đời quê nắng sớm thu về

Giấc êm đềm sao xa xôi quá
Phiêu bạt ngàn đời mãi chẳng quên
Hỡi những đôi bàn chân sáo nhỏ
Phải tiếng diều theo gió đang lên.

Lê Mỹ Hoàn
8/1994


Cảm Thán Nhân Lễ Tạ Ơn 2020

Xướng:

Cảm Thán
Nhân Lễ Tạ Ơn 2020


Ngồi nhà nghe lá trút từng cơn,
Thoắt đã đến ngày Lễ Tạ Ơn.
Lác đác người thân đầu trắng xóa,
Mênh mông xứ lạ mộ xanh rờn.
Giang sơn khốn khổ, trăm điều ước,
Đất nước tang thương, vạn nỗi hờn.
Quê cũ nửa đời hơn vắng mặt,
Đêm dài lạnh ngắt ánh đèn đơn.

Trần Văn Lương
Cali, Lễ Tạ Ơn 2020
***
Hoạ:

Cảm Thán
Nhân Lễ Tạ Ơn 2020


Tiếng gió bên thềm rít mỗi cơn
Vào mùa Lễ Đáp Nghĩa Đền Ơn
Mơ dòng rạch cũ xuồng san sát
Nhớ cánh đồng xưa lúa rập rờn
Nước mất miên man niềm uất hận
Nhà tan chất chứa nỗi căm hờn
Quê người xứ lạ hồn đau đáu
Giá lạnh đêm trường một bóng đơn

Thanh Song Kim Phú
Cali, Lễ Tạ Ơn 2020
***
Mơ Ước

Thu sắp tàn mưa cũng đổ cơn
THANKSGIVING lễ phải ghi ơn
Nghĩ về quê cũ nghe sờ sợ
Nhớ lại chuyện xưa cứ rợn rờn
Mấy chục năm qua đành ngậm đắng
Bao nhiêu ngày tới cố ôm hờn
Biết khi nao được châu hoàn phố
Cho hết đêm dài đếm bước đơn

Phương Hoa 
Nov 26th 2020
***
Đêm Tàn 

Gió thổi bên ngoài rít lắm cơn
Bao nhà chuẩn bị “Lễ Ghi ơn “
Màn đêm nhớ nước dưng buồn rũ
Khoảng tối thương quê bỗng lạnh rờn
Tổ quốc trùng khơi đè uất hận
Non sông vạn lý ngậm căm hờn
Đầu sương điểm tóc thân mòn mõi
Viễn xứ qua ngày lặng bóng đơn 

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 12/2/2020


Một Chút Tâm Tình Của Tôi


Hôm nay trời lạnh quá ...
Tôi ngồi co ro một mình bên cửa sổ, như con mèo đang cuộn mình ngủ say trong cái rổ chỉ thêu của tôi
...

Đưa mắt nhìn qua bên kia giòng sông MƠ (Meuse ) sương mù bao phủ cả dòng sông một màu khói lam mờ nhạt...
Con đường vắng hoe thỉnh thoảng có một vài chiếc xe chạy vụt qua rồi trả lại sự lặng thinh... Tôi bỗng thở dài ...Hình như Tôi rơm rớm nước mắt nghe quạnh hiu vây quanh nát hồn...Tôi bỗng thèm những vạt nắng vàng nồng ấm reo vui của tháng ngày nắng Hạ rơi quanh hiên nhà...nhảy nhót trên đầu cây ngọn cỏ...
Nơi Tôi đang sống tháng ngày nắng ấm rất ít ỏi ...nên khi mùa hè quay lại chốn này cũng là lúc tâm hồn Tôi như bừng sáng tràn đầy nhiệt huyết ...
Tôi thích mang giấy bút cọ vẽ đến ngồi bên bờ Sông Mơ ( Meuse ) say sưa đắm mình bên giá vẽ ...vẽ hoài không chán có lúc quên cả thời gian trôi qua...
Vào những ngày hè khi trời nắng ấm...

Trên vai với cây đàn guitare tôi đạp xe đi vào rừng đến bên bờ suối nhỏ ...ngồi xuống trên tảng đá rồi đàn ca vui vẻ một mình ...

Ngồi đây níu sợi nắng hè 
Kết thành bóng nắng vỗ về quạnh hiu 
Nắng ơi gởi nắng tình này 
Tình theo với nắng lên đồi hái hoa
Lên đồi kéo sợi mây trời
Đan nhanh nỗi nhớ gởi theo gió chờ 
Gởi gió gió đang chờ 
Kẻo gió gió đang chờ ...
(Lời trong CK Khúc Thụy Miên của TP)

Ban đầu nghe tiếng hát, tiếng đàn của Tôi vang lên...điều gì đã xảy ra các bạn có biết không? Một tếng ào vang lên của bầy chim rừng như một luồng gió bất chợt thổi qua...tiếng xào xạc của những bước chân vội vàng trốn chạy của bầy thỏ rừng...và tiếng ộp của chú ếch con hết hồn nhảy ùm xuống suối... Tôi cũng ngưng tiếng hát rồi cười vui vẻ...
Tôi vẫn hát, vẫn đàn với cả con tim "yếu mềm " nồng ấm thiết tha của mình... niềm vui hòa quyện căng đầy hai buồng phổi.Tôi muốn gởi gấm đến cỏ cây hoa lá muông thú cái ấm áp yêu thương hiền hòa trong lòng ...
Và rồi điều gì nữa lại xảy ra các bạn có biết không? Thú vị quá...đáng yêu quá...làm tim tôi rung lên từng nhịp nhẹ nhàng chạy nhảy khắp cơ thể ...Tôi như quên hết...quên hết.
Khi tiếng đàn, tiếng ca của tôi ngưng thì trên cao tiếng chim rừng cùng líu lo hót vang cả một góc rừng...tiếng xào xạc của những bước chân vội vàng của bầy thỏ rừng...tiếng suối nhẹ rì rào chảy... tiếng ì ộp của vài chú ếch con ngóc đầu lên khỏi mặt nước thở ... tất cả cùng vang lên hòa thành một hợp ca tuyệt vời hồn nhiên và hạnh phúc ...


Thời gian cứ thế trôi qua không phiền muộn giăng mắc...Tôi sống hòa mình cùng với thiên nhiên và thiên nhiên đã đem đến cho Tôi một niềm vui không có ngữ vựng nào hay tự điển nào diễn tả được hết ý nghĩa tuyệt vời này...
Cho đến khi những vệt nắng bắt đầu chơi trò trốn tìm thì chiều tà buông lơi ...cỏ cây như sậm màu ...Tôi cũng vươn vai đứng dậy sửa soạn ra về...nhìn những đôi mắt mở to vô tư... những đôi tai thẳng đứng của những chú thỏ rừng đáng yêu kia...Những cái đầu nghiêng nghiêng nhìn xuống suối của bầy chim rừng ...như có ý nói rằng:
Đến giờ chia tay rồi sao???
Tôi gật gật đầu cười nhẹ và chuẩn bị thu xếp để về...Trước khi ra về lần nào cũng vậy Tôi thường để lại một vài củ cà rốt một ít lá cải và một bao thóc nhỏ trên tảng đá cho bầy chim, bầy thỏ ... mở tiệc vui vẻ bên nhau sau những giây phút đã cùng chia xẻ niềm vui với Tôi...
Tôi nói to lời chào đến muôn loài vang cả núi rừng và không quên nhúng tay vào dòng nước suối mát rượi.... quơ quơ vài cái như vuốt ve chào tạm biệt con suối nhỏ hiền lành đáng yêu ...làm chú ếch con hết hồn té ụp xuống suối, tội ghê chưa ...Tôi lại một phen cười nắc nẻ hồn nhiên...

Mang đàn lên vai tôi lên xe đạp ra khỏi rừng ...Trước khi ra về tôi luôn gởi vào khoảng không vài nụ hôn gió ngọt ngào.
Tạm biệt ...Tạm biệt ...Tạm biệt nhé các bạn dấu yêu ...Rồi mai ta lại gặp nhau ...
Một ngày thật bình yên ...Tôi nghe lòng mình thanh thản reo vui ...

Belgique Một ngày thu rất lạnh 
21 tháng 11 năm 2020
Tuyết Phan