Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Bân Hồng Điệp Và Tang Quyến


Chúng tôi vừa được tin buồn Cụ Bà Phạm Thị Huỳnh-Pháp danh Diệu Niệm, là Thân Mẫu của Hồng Điệp, Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khoá 1962-1969 đã mãn phần.

- Bà sinh năm 1929
- Mất ngày 07-07-2015 nhằm ngày 22-05 năm Ất Mùi.
- Lúc 7g45
- Tại 439 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận 5, Sài Gòn
- Hưởng thọ 87 tuổi.

Tang lễ cử hành tại Chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn
- Động quan lúc 2h ngày 09-07.
- Hỏa táng tại Bình Hưng Hoà, Sài Gòn
Chúng tôi xin Thành Kính chia buồn cùng bạn Hồng Điệp và Tang quyến. 
Nguyện cầu cho Hương Linh Cụ Bà Phạm Thị Huỳnh-Pháp danh Diệu Niệm sớm về Cõi Vĩnh  Hằng.
Đồng Kính Phân Ưu

Bùi Thị Ngọc Điệp
Lê Ngọc Điệp
Hoàng Thị Thơ
Lê Thị Kim Phượng
Hoàng Xuân Khải
Huỳnh Hữu Đức

Thơ Tranh: Bến Đỗ - Cầu Ơn Trên - Đò Ngang Trở Về

1/ Bến Đỗ - Kim Phượng


2/ Cầu Ơn Trên - Dương Hồng Thủy


3/Đò Ngang Trở Về - Kim Oanh


Thơ Tranh: An Nguyen

Đêm Trăn Trở


Bài Xướng:
Làn Thu gợi nhớ mắt em xanh
Tha thiết trong tim một mối tình.
Đêm chửa vào mơ đang dỗ giấc
Gối chưa đắm mộng đã tàn canh.
Tha phương lạc lỏng đời ly khách
Viễn xứ bơ vơ gót độc hành.
Bên ngọn đèn khuya sầu lẻ bóng
Đàn lòng ta khảy khúc vô thanh.


Los Gatos đêm 5/4/2015
Quang Tuấn
***
Bài Họa:Ly Khách

Lầu sông cảnh cũ nước trời xanh
Quán lạnh về đây khóc mối tình
Dằn dặt chinh nhân sầu mấy độ
Não nùng tiếng cuốc hận năm canh
Đèn khuya thao thức hồn ly khách
Gà sáng giục mau bước lữ hành
Ngán ngẫm gió thu chiều buốt giá
Một mình một ngựa ruổi trăng thanh 

Mailoc
Cali 5-4-15
  

Sắc Thu Màu Nhớ


Tình yêu như lá thu rơi
Xót xa k niệm một thời đã yêu
Thương chi lắm tiếc chi nhiều
Trăm năm rồi cũng theo chiều gió lay!
Em đi ôm mộng bao ngày
Anh về mang kiếp đọa đày thiên thu.

Biện Công Danh
* Hình phụ bản của tác giả chụp

Hà Hoàng Cựu Tốt 河湟舊卒 - Trương Kiều

Để nối tiếp theo cái hào khí " Túy ngọa sa trường " của Vương Hàn, TRƯƠNG KIỀU cũng người của thời Vãn Đường nói lên cái vô tình tàn khốc của chiến tranh bằng một bài tứ tuyệt thật đơn sơ bình dị mà dễ làm xúc động lòng người ! Xin mời đọc bài HÀ HOÀNG CỰU TỐT...




河湟舊卒                 HÀ HOÀNG CỰU TỐT
少年隨將討河湟, Thiếu niên tùy tướng thảo hà hoàng,
頭白時清返故鄉。 Đầu bạch thời thanh phản cố hương.
十萬漢軍零落盡, Thập vạn Hán quân linh lạc tận,
獨吹邊曲向殘陽。 Độc xuy biên khúc hướng tàn dương !

張喬                         Trương Kiều

TRƯƠNG KIỀU, thi nhân đời Tàn Đường, không rõ năm sanh năm mất, tự là Bá Thiên, người đất Trì Châu ( thuộc huyên Quí Trì, tỉnh An Huy hiện nay ). Khoảng giữa năm Hàm Thông ( 860-874 ) đậu Tiến Sĩ, sống ở đất Trường An, cùng với Hứa Đường, Trịnh Cốc... xưng là HÀM THÔNG THẬP TRIẾT. Khi loạn Hoàng Sào, ông ẩn cư ở Cửu Hoa Sơn và mất ở nơi đó. Ông làm thơ giản dị nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, thiên về Ngũ Ngôn Luật Thi. Trong TOÀN ĐƯỜNG THI còn lưu lại 2 quyển thơ của Ông.

CHÚ THÍCH:
1. HÀ HOÀNG 河湟 : là sông Hoàng Thủy, phát nguồn từ tỉnh Thanh Hải, chảy về đông đổ vào sông Hoàng Hà ra biển. Hà Hoàng trong thơ chỉ vùng đất Lũng Tây do Thổ Phồn chiếm giữ từ thời Đường Túc Tôn, bao gồm Qua Châu, Y Châu... mười châu quận luôn chìm ngập trong khói lửa chiến tranh do hai bên Hán Hồ luân phiên cát cứ ròng rã suốt cả trăm năm, dân chúng sống trong cảnh điêu linh đồ thán.
2. CỰU TỐT : Cựu là Cũ, Tốt là Con Chốt, là Lính. CỰU TỐT là Người lính cũ, là Cựu Chiến Binh.
3. THẢO : là Thảo Phạt, từ chỉ nước lớn đem binh đi đánh nước nhỏ, hoặc đi dẹp loạn.
4. THỜI THANH : Thời cuộc trở nên thanh bình, không còn giặc giã nữa. THẬP VẠN : Mười Vạn là Một Trăm Ngàn.
5. LINH LẠC : Do Thành ngữ THẤT LINH BÁT LẠC 七零八落 Có nghĩa như " Thất Điên Bát Đão " để chỉ thua trận, " Tơi Bời Hoa Lá " nếu dùng để chỉ cỏ cây, " Ba Chìm Bảy Nổi " nếu dùng để chỉ hoàn cảnh....Nói theo bình dân Thất Linh Bát Lạc là Xất Bất Xang Bang !
6. ĐỘC : là Đơn độc có một mình. XUY ; là Thổi ( Tiêu, hoặc Sáo ).
7. BIÊN KHÚC: là Những khúc nhạc ngoài biên cương được thổi bằng Tiêu hoặc Sáo.
8. TÀN DƯƠNG: là Ánh nắng tàn của buổi chiều tà.


Dịch Nghĩa:
Khi còn trẻ ta đã theo các tướng đi đánh giặc ở đất Hà Hoàng. Kịp đến lúc thanh bình thì đầu đã bạc mới được về lại cố hương. Mười vạn quân lính của người Hán khi xưa giờ đã tan tác gần hết (may mà ta còn sống sót). Một thân đơn độc ta cảm khái mà thổi lên khúc sáo của vùng biên tái trong ánh nắng chiều tàn thoi thóp!

Diễn Nôm:

Người Cựu Chiến Binh Đất Hoàng Hà

Trẻ đi đánh trận ở Hà Hoàng,
Đầu bạc mới về lại xóm làng.
Mười vạn Hán binh tan tác hết,
Một mình thổi sáo lúc chiều tàn!
Trẻ đi đánh giặc Hà Hoàng,


Lục bát:

Thanh bình đầu bạc về làng lang thang.
Trăm ngàn quân Hán tan hoang,
Một mình thổi sáo chiều tàn biên khu!

                                                  
Đỗ Chiêu Đức
***
Người Lính Cũ Ở Hà Hoàng

Trẻ theo quan dẹp giặc Hà Hoàng 
Đầu bạc khi yên trở lại làng 
Mười vạn Hán quân tan rã hết 
Một mình thổi sáo ngắm chiều hoang 

Mailoc
***
Cựu Chiến Binh Về Vườn

Lệnh đi dẹp loạn ở Hà Hoàng,
Đầu bạc về làng giặc giả tan.
Lính Hán trăm ngàn phơi chiến địa,
Một mình thổi sáo lạnh chiều hoang...

Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 04 năm 2015


Thanh Bảo Kiếm Của Việt Vương Câu Tiễn

Năm mươi năm trước, một bảo kiếm được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Trung Quốc. Mặc dù đã hơn 2.000 tuổi, thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn này không có một dấu vết của sự rỉ sét.


Kiếm của Câu Tiễn. (Liu Tao/Flickr)

Lưỡi kiếm đã làm đứt tay một nhà khảo cổ học khi dùng ngón tay kiểm tra độ bén của nó, hầu như nó không bị thời gian tác động. Bên cạnh chất lượng kỳ lạ, tài nghệ thủ công cũng được thể hiện rất chi tiết trên thanh kiếm từ hàng nghìn năm trước. Thanh kiếm được xem như một kho báu ở Trung Quốc ngày nay, nó như một huyền thoại đối với người Trung Quốc cũng như thanh kiếm huyền thoại của vua Arthur ở phương Tây.

Năm 1965, các nhà khảo cổ học đang tiến hành một cuộc khảo sát ở tỉnh Hồ Bắc, chỉ 7 km ( 4cm) từ đống đổ nát của Tế Nam, kinh đô nhà Chu, họ phát hiện ra năm 50 ngôi mộ cổ. Trong quá trình khai quật lăng mộ, các nhà nghiên cứu đã khai quật được thanh kiếm của Câu Tiễn cùng với 2.000 hiện vật khác.

Khai quật kiếm của Câu Tiễn
Theo trưởng nhóm khảo cổ chịu trách nhiệm về việc khai quật, nó đã được phát hiện trong một ngôi mộ, trong một hộp gỗ kín khí bên cạnh một bộ xương. Nhóm nghiên cứu đã kinh ngạc trước thanh kiếm bằng đồng hoàn toàn nguyên vẹn với bao kiếm được gỡ ra từ chiếc hộp. Khi thanh kiếm được rút ra khỏi vỏ, người ta thấy lưỡi kiếm không hề bị gỉ mặc dù bị chôn trong điều kiện ẩm trong hai thiên niên kỷ. Một thử nghiệm được các nhà khảo cổ học tiến hành cho thấy lưỡi kiếm có thể dễ dàng cắt một chồng hai mươi miếng giấy.


Kiếm của Câu Tiễn, Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc 

Thanh kiếm của Câu Tiễn là một trong những thanh kiếm sớm nhất được biết đến và là kiếm hai lưỡi sử dụng trong suốt 2.500 năm qua ở Trung Quốc. Kiếm hai lưỡi là một kiếm sớm nhất tại Trung Quốc và nó có sự liên kết chặt chẽ với thần thoại Trung Quốc. Trong dân gian Trung Quốc, nó được gọi là “Vương giả trong các loại binh khí” và là một trong bốn loại binh khí lớn cùng với côn, thương, và đao.

Kiếm của Câu Tiễn tương đối ngắn khi so sánh với các thanh kiếm lịch sử tương tự, nó là một thanh kiếm đồng với hàm lượng đồng cao, có thể uốn cong và rất khó gãy. Các cạnh được làm bằng thiếc sẽ cứng hơn và duy trì được độ sắc bén.
Ngoài ra còn có một lượng nhỏ chất sắt, chì và lưu huỳnh trong thanh kiếm, và nghiên cứu cho thấy có một lượng cao lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh và đồng, thứ làm cho thanh kiếm không bị gỉ. Hình thoi đen được khắc hai bên mặt của lưỡi kiếm, men màu xanh và màu lam bao lấy chuôi kiếm. Chuôi kiếm được bọc trong lụa và núm chuôi kiếm gồm 11 vòng tròn đồng tâm gộp lại. Thanh kiếm dài 55,7 cm (21,9 inch), bao gồm 8,4 cm (3,3 inch) cán kiếm, và lưỡi kiếm rộng 4,6 cm (1,8 inch). Nó nặng 875 gram (30,9 aoxơ).


Có thể thấy màu lam ngọc bao bọc lấy tay cầm kiềm (Wikimedia Commons)

Giải mã các dòng chữ
Trên một mặt của lưỡi kiếm, hai cột văn bản gồm tám chữ, nằm gần chuôi kiếm, chúng là chữ viết thời Trung Quốc cổ đại. Chữ viết “鸟虫文” (nghĩa từng chữ là “điểu trùng văn”) được trang trí phức tạp với các nét xác định, và là một biến thể của chữ zhuan rất  khó đọc. Phân tích ban đầu đã giải mã sáu trong tám ký tự. Ký tự “越王” (Việt Vương) và “自作用剑” (thanh kiếm sử dụng cho cá nhân). Hai chữ còn lại có khả năng là tên của nhà vua.



Giải mã các chữ trên thanh kiếm của Việt Vương (Wikipedia)

Từ khi vương triều sáng lập vào năm 510 TCN đến khi sụp đổ rơi vào tay nhà Chu vào năm 334 TCN, có chín vị vua trị vì nước Việt, gồm cả Câu Tiễn, Lộc Dĩnh, Bất Thọ, Chu Câu, và những người khác. Danh tính của vị vua sở hữu thanh kiếm làm dấy lên cuộc tranh luận của các nhà khảo cổ học và học giả ngôn ngữ Trung Quốc. Sau hơn hai tháng, các chuyên gia đi đến đồng thuận rằng chủ sở hữu ban đầu của thanh kiếm là Câu Tiễn (496-465 TCN), điều này làm cho thanh kiếm có tuổi lên đến 2.500 năm.
Các nhà phân tích đã phân tích những mảnh đồng cổ với hy vọng tìm kiếm ra một cách để tái tạo công nghệ chế tạo ra thanh kiếm này. Họ tìm ra rằng thanh kiếm không bị oxy hóa là do lớp …. bọc trên bề mặt thanh kiếm. Điều này, kết hợp với một vỏ bao kiếm vừa khít giúp cho thanh kiếm huyền thoại này bảo tồn được tình trạng nguyên sơ như vậy.
Những thử nghiệm cũng cho thấy rằng những thợ rèn kiếm trong vùng đất của nhà Ngô và Việt ở miền Nam Trung Quốc trong thời Xuân Thu đã đến một mức độ cao trong kỹ thuật luyện kim, hốc thể kết hợp các hợp kim không gỉ vào lưỡi kiếm, giúp chúng tồn tại qua thời gian mà không có tì vết. Thanh kiếm được Bảo tàng Cung điện Quốc gia tại Đài Bắc mượn, nơi nó được trưng bày cho đến hết năm 2011, cùng với các miếng đồng khác từ cuộc khai quật. Nó hiện đang thuộc sở hữu của Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins


Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Gọt Xoài Hợp Vệ Sinh Và Mỹ Thuật



Mời nhấp vào Link xem:  Gọt Xoài Họp Vệ Sinh và Mỹ Thuật

Hoàng Trần sưu tầm

Le Murmure Du Vent - Gió Thì Thầm

                
                       

Le murmure du vent                              Gió thì thầm bên tai 
apporte le chant                                    Mang tiếng ca u hoài 
des terres                                              Từ những miền  xa vắng,
lointaines                                               Xao xuyến ngập hồn ai!
Le murmure du vent                             Trong tiếng gió thì thầm 
apporte le chant                                   Mang về bao dư âm 
d’un pays lointain                                Từ nơi đâu vô định 
incertain                                               Bay về một chử “ tâm “!
Il va                                                      Qua ruộng đồng bao la  
de plaine en plaine                               Gió thì thầm thiết tha 
apaisant                                                Đem tình thương gieo khắp 
toute peine                                            Lau mắt ai lệ nhòa!
Le murmure du vent                             Gió thì thầm vi vu 
apporte le chant                                   Buồn như tiếng hát ru  
d’un pays lointain                                Từ một nơi xa  lắm 
 incertain                                              Trong sương khói mịt mù!
Bertrand Sachs                                   Mailoc phỏng tác     
***  
Các bài Phỏng Dịch khác:

Gió Thì Thầm

Vẳng nghe tiếng gió thì thầm
Mang theo lời hát chứa ngầm bi ai
Xuyến xao hồn lụy khóc vay
Từ xa xôi lắm có hay tất lòng

Gió đưa tha thiết ruộng đồng
Gieo mầm thương nhớ mênh mông khắp miền
Thì thầm gió gợi u phiền
Xa ru nức nở triền miên nỗi sầu

Gió ơi! Gió hát từ đâu
Có nghe tâm sự xót đau chốn này?


Kim Oanh phỏng dịch
5/7/2015
***
 Lời Thì Thầm Của Gió

Vẳng trong cơn gió từ xa
Thì thầm tiếng hát lời ca dạt dào
Hỏi rằng gió tận phương nao
Dịu dàng mang đến biết bao nhiêu tình
Gió ơi sao mãi lặng thinh
Thì ra tiếng tự lòng mình vọng vang.

Quên Đi dịch 
  

Thì Thầm Tiếng Gió


 Gió thì thầm bên tai
 Mang tiếng ca u hoài
 Từ những miền xa vắng, 
Xao xuyến ngập hồn ai!

 Trong tiếng gió thì thầm
 Mang về bao dư âm
 Từ nơi đâu vô định
 Bay về một chữ "tâm"!

 Qua ruộng đồng bao la
 Gió thì thầm thiết tha
 Đem tình thương gieo khắp
 Lau mắt ai lệ nhòa!

 Gió thì thầm vi vu
 Buồn như tiếng hát ru
 Từ một nơi xa lắm
 Trong sương khói mịt mù!

 Mailoc 
***
Cảm Tác: Thì Thầm Tiếng Gió

Gió thì thầm cùng thơ
Thơm hương cánh đồng mơ
Hạ sang hoa phượng vĩ
Tình đẹp buổi ban sơ!

Gió thì thầm với sông
Thương hoa tím bềnh bồng
Ngược xuôi theo dòng chảy
Ra biển đời mênh mông....

Gió thì thầm cùng cây
Nắng hiu hắt thềm tây
Vườn chiều hoa khép cánh
La đà chiếc lá bay....

Gió thì thầm đêm nay
Trăng non say... ngủ say
Mây tầng hợp tan hợp
Lặng lẽ bóng thuyền ai!

Yên Dạ Thảo
05/07/2015

Thì Thầm Bên Tai


Vẳng nghe tiếng gió thì thầm
Mang theo lời hát chứa ngầm bi ai
Xuyến xao hồn lụy khóc vay
Từ xa xôi lắm có hay nỗi lòng
Gió đưa tha thiết ruộng đồng
Gieo mầm thương nhớ mênh mông khắp miền
Thì thầm gió gợi u phiền
Xa ru nức nở triền miên nỗi sầu

Gió ơi! Gió hát từ đâu
Có nghe tâm sự xót đau chốn này?

Kim Oanh phỏng dịch


5/7/2015
***
Thì Thầm Bên Tai

(Từ thơ phỏng dịch của Kim Oanh qua " Le Murmure du Vent ")

Gió ru thoang thoảng thì thầm,
Lời êm rót mật nghe lầm tưởng ai.
Người sao khóc mướn thương vay.
Khéo mau nước mắt đổi thay nỗi lòng.
Gió mây xanh ngát ruộng đồng,
Chồng cày vợ cấy bến sông đôi miền.
Mùa khô hạn hán ưu phiền,
Heo may rớt giọt, triền miên u sầu.
Trưa nồng gió mát về đâu,
Bâng khuâng niềm nhớ đêm thâu chốn này...

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 07 năm 2015

Mùa Thu Nhớ Nấm

(Vigeland-Park-Statue-Bridge-Oslo-Autumn)
Mùa thu ở Na-uy có những ngày trời đầy sương và mây mù nhưng cũng có những ngày trời trong như thủy tinh, nắng vàng như hổ phách. Lá cây bắt đầu nhuốm vàng, ửng đỏ rực rỡ trên sườn núi, dưới chân đồi. Mùa thu tô vẽ thiên nhiên thành bức tranh tuyệt mỹ. Mùa thu cũng là mùa của những cuộc đi dạo chơi trong rừng; mùa của dâu, của nấm.

Vào những ngày cuối tuần trời đẹp, con đường dẫn vào rừng tấp nập người đi. Kẻ chạy bộ, người thong thả dắt chó dạo chơi; người mang giỏ, kẻ xách xô đi hái dâu, hái nấm. Rừng ở đây là rừng thông bao la, bát ngát, thỉnh thoảng chen vào vài cây phong, cây bạch dương. Thông mọc không dày lắm nên trong rừng khô ráo và sáng sủa. Dưới bóng những cây thông già cao vút là thảm rêu xanh mịn màng, là những con đường mòn quanh co, những bụi dâu rừng mọc san sát, trái đơm đầy cành. Rất nhiều loại dâu.Từ loại dâu tím, trái tròn bằng mút đũa, thân thấp, lá nhỏ, vị ngọt ngọt chua chua đến loại dâu đỏ ngọt thanh, mỗi trái gồm nhiều trái nhỏ kết thành. Đó đây, trên thảm rêu, mọc rải rác hoặc xúm xít những tai nấm. Có bao nhiêu là loại nấm, nấm độc, nấm lành, nấm ngon, nấm dở.

( Amanita muscaria)
Loại nấm độc dễ nhận ra nhất là nấm thuốc ruồi(amanita muscaria).Thân nấm trắng muốt, nón nấm màu đỏ rực rỡ có điểm thêm mấy chấm tròn trắng xinh đẹp, trông xa giống như chiếc dù đỏ lấm tấm hoa. Nấm này hái về ngâm với sữa, ruồi nhặng đậu vào sữa sẽ chết ngay, người ăn phải sẽ bị hư thận. Loại nấm ngon dễ nhận ra nhất là nấm mồng gà (cantharellus). Nấm có hình dáng giống như chiếc mồng gà, màu vàng nghệ. Nấm này rất thơm ngon, có nhiều vào giữa mùa thu. Cuối thu, vào lúc trời chuyền lạnh và sắp đổ tuyết, một loại nấm khác (cantharellus tubeaformis) xuất hiện. Nấm này màu nâu nhạt, thân mảnh, nón mỏng, chóp nấm hũng xuống như hình cái phễu, mọc thành từng đám nổi bật trên thảm rêu xanh. Đôi khi màu nâu của nó lẫn lộn với màu lá khô. Đây là loại nấm rất ngon, có thể hái được rất nhiều, phơi khô để dành ăn quanh năm.

Một loại nấm ngon khác là nấm nâu(boletus edulis). Thân nấm thấp, rất to ở gốc, nón nấm thật dày, tròn trịa, màu nâu hồng. Nấm khói (lycoperdon) màu trắng, thân và nón dính liền nhau, thịt nấm mềm như đậu hũ; khi nấm sắp tàn, ruột nấm biến thành chất bụi đen. Nấm này không ngon lắm.

(Boletus edulis)
Trong vườn hoặc trên những cánh đồng cũng có vài loại nấm ăn được khác. Như nấm mật ong màu vàng (armillariella mellea) mọc từng chùm trên thân cây bạch dương mục; nấm mực (corprinus comatus) màu trắng,mọc từng đám trên đồng cỏ, khi nấm tàn rụi hóa đen như mực. Hai loại nấm này ăn ngon không khác gì nấm rơm.

Ngoài ra còn bao nhiêu loại nấm khác đủ màu sắc như ngàn hoa kỳ bí trổ ra từ đất, tô điểm cho những cánh rừng mùa thu. Rừng ở đây như một góc vườn địa đàng còn sót lại cho con người tìm tới, một góc thiên nhiên êm đềm để ai cũng có thể đến đó nghỉ ngơi. Ở đây có sẵn bao nhiêu là tặng phẩm của thiên nhiên: tiếng gió rì rào, tiếng suối róc rách, tiếng chim véo von, thỉnh thoảng có tiếng leng keng từ những chiếc lục lạc đeo trên cổ bò, vẳng đưa trong gió…. Vào đây, con người trờ nên thân thiện hơn. Hai người lạ gặp nhau ngoài phố, thường không ai chào hỏi ai, nhưng trên con đường rừng người ta thường tặng cho nhau những nụ cười và những lời chào hỏi. Người nọ có thể hồn nhiên mở giỏ khoe với người kia những loại nấm mình vừa hái được và trao đổi với nhau những kiến thức về nấm.

Một lần người bạn cùng đi rừng hái nấm với tôi lắng tai nghe tiếng gió thu thổi lao xao trong những vòm lá thông, hỏi tôi có nhớ gió nâm mối ở quê nhà. Ôi! Gió nấm mối, làm sao tôi có thể quên được. Vào khoảng tháng năm ở quê nhà, một hôm chợt nghe tiếng gió thổi rao rao ngoài vườn. Gió thổi về dây từ phương bắc hay phương nam mà nghe rao rao rất lạ tai. Tháng năm trời nắng nhẹ với nhũng cơn mưa nhỏ đầu mùa. Mưa xuống rồi nắng lên. Gió, mưa và nắng như thế để từ đất, nơi gần những gò mối trong vườn, nứt ra môt loài nấm.

(Nấm Mối)
Mối là một loại côn trùng nhỏ, thân trắng và mềm, miệng cứng và khỏe, có thể gậm được cả gỗ.. Mối rất thích ăn sách vỡ, áo quần. Ở nhà quê, nếu làm nhà bằng những loại gỗ tạp như so đũa, tre, mít, xoài thì thỉnh thoảng phải kiểm soát xem cột kèo có bị mối ăn. Sách vỡ, áo quần đưng trong rương cây cũng phải trông chừng. Nếu không chỉ cần một đêm, mối gậm rào rào là mọi thứ thành hư nát. Mối xây nhà trong đất, làm thành những ổ mối, có khi cao đến cả thước, bên trong vô số ngăn và hàng triệu con mối sinh hoạt rộn ràng. Như loài kiến, mối cũng có mối chúa, mối thợ. Mối lấy đất làm ổ nên quanh ổ mối, đất thường rỗng chân. Nhiều khi đang đi trên đường, bỗng đất dưới chân bị sụp thành lỗ hổng, nhìn xuống thấy bao nhiêu là con mối đang bò nhốn nháo. Chỗ lỗ hổng như vậy chỉ qua đêm là mối lại đùn đất lấp lại.

Nấm mối thường mọc ở cạnh những gò mối lâu năm. Cứ vào mùa nấm, mỗi khi nghe tiếng gió rao rao, trời chợt mưa xuống nắng lên, ra vườn tìm đến những chổ từng có nấm mọc những mùa trước, thường là gặp được nấm. Đôi khi nấm mọc lên ở những chỗ mới. có thể là trong bụi tre, bên bụi chuối, trên đường đi, có khi ngay cả trong góc nhà.

Đi quanh quẩn trong vườn tìm nấm, gặp được đã là điều thích thú, ai cũng ham. Nhưng còn gì vui mừng bằng nhiều lúc đang đi trên đường, nhìn xuống chợt thấy một vạt nấm mối đang nằm sẵn đơi chờ. May mắn thì gặp được nấm đúng cỡ, có khi gặp nấm sắp tàn hoặc vừa mới nhú khỏi mặt đất. Gặp nấp quá búp như vậy chỉ có cách chờ hôm sau trở lại sau khi đã khéo léo dùng là khô phủ lên mong người khác đừng thấy. Đang ngồi hái nấm cũng rất là hồi hộp vì nếu có người đi qua ,người đó có thể tự nhiên ngồi xuống hái. Không ai có thể xí phần đối với của trời cho này. Người đi đường thấy nấm mọc trong vườn nhà người khác cũng có thể vào hái, chủ vườn bắt gặp cũng không rầy rà chi.

Nấm mối có chóp nón nhọn màu xám nhạt, thân trắng và mập mạp, cắm sâu vào đất. Khi hái nên dùng dao để đào lên cả phần chân nấm vì phần này rất ngon và dòn, khi nấm còn búp. Đây là loại nấm ngon nhất, vị ngọt, hương thơm ngào ngạt, nhất là khi đem nấu canh hoặc xào với nước cốt dừa. Nấm mối cũng rất ngon nếu đem kho mắm, làm nhân bánh xèo.


Không phải ai cũng hưởng được cá thú hái nấm mối hay nếm qua nấm mối vì loại này hơi hiếm, chỉ mọc vài ngày trong năm, hiếm khi thấy bán ở chợ. Một loại nấm khác cũng ngon mà dễ mua hơn là nấm rơm. Nấm rơm thiên nhiên thường mọc dưới chân những cây rơm; hoặc được gieo trồng với meo nấm ủ trong những líp chất rơm. Với meo nấm, chỉ cần một diện tích ủ rơm nho nhỏ cũng thu hoạch được nhiều nấm. Nấm rơm có thân mập hơn nấm mối và nón nấm tròn; lúc còn búp, nấm được bọc trong một màng bao tròn trịa. Nấm búp ăn rất ngon, đem nấu canh với hẹ là một món thanh cảnh tuyệt vời.

Nấm mèo hay mục nhỉ là là loại nấm được dùng trong nhiều món ăn. Nấm này không có phần thân, tai nấm màu nâu nhạt,mọc xoắn xít trên những thân gỗ mục. Những cây cầu ở nhà quê bắc ngang mương lạch thường dùng cây so đũa. Vào mùa mưa, nấm mèo hay mọc trên những chiếc cầu này, hoặc trên những gốc sung, gốc vông mục. Nấm mèo cũng trồng được nhiều và dễ dàng với meo nấm bán sẵn.. Nấm đông cô cũng vậy. Loại nấm hiếm quí như nấm linh chi chỉ tìm thấy ở một vài vùng rừng núi. Ở Pháp có loại nấm truffel mọc sâu dưới mặt đất hàng nửa thước, phải dùng heo đi ngửi để tìm ra và đào đất lấy lên

(Nấm Mèo)
Trong thiên nhiên có bao nhiêu là loại nấm. Nấm có đời sống ngắn ngủi, mọc lên âm thầm ở một góc vườn, một xó rừng, trong vài ngày rồi tàn rụi; để lại những bào tử để mùa sau lại mọc, lại tàn. Những mùa nấm mối ở quê nhà ngày xưa, những mùa thu ở Na-uy vào rừng hái nấm bây giờ…Ở đâu và thời nào cũng có những niềm vui nho nhỏ để người ta sống với và nhớ về.

Khánh Hà

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Thành Kính Phân Ưu Thân Mẫu Của Chị Nhung Lê Quang Vừa Mãn Phần Tại Vĩnh Long


Chúng tôi vừa hay tin Cụ Bà  Bà Maria Vũ Thị Huê là Thân Mẫu của chị Nhung Lê Quang đã được Chúa gọi về.
Ngày 08-7-2015, nhằm 23-5- Năm Ất Mùi.
Lúc 7g25
Hưởng thọ 91 tuổi.
Lễ an táng lúc 4 giờ ngày 10-7-2015 nhằm 25-5 Ất Mùi 
Tại Đất Thánh Tân Ngãi - Vĩnh Long, Việt Nam
Xin Chúa nâng đỡ gia đình Chị Nhung, trong lúc đau buồn này.
Xin Chúa nhân từ đón nhận Linh Hồn Cụ Bà Maria Vũ Thị Huê sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Cùng Hiệp Nguyện:

Bùi Thi Ngọc Điệp
Hoàng Thị Thơ 
Lê Ngọc Điệp
Nguyễn Thị Ngọc Sương, 
PhạmThanh Xuân
Huỳnh Hữu Đức
Lê Thị Kim Phượng
Lê Kim Hiệp
Lê Thị Kim Oanh

Cựu Giáo Sư & Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp, Lớp B1 - Niên Khóa 1962

1-Cao Khải, 2-Kim Minh, 3-Phước, 4-Ban, 5- Bảy Hoàng, 6-Kỳ Duyên, 8-MaiVăn Kỷ
9-Quách Văn Thiện, 10-Lộc, 11-Phạm Hồng Thoại, 12-Chị Kim Anh, 13-Chị Ba Secour 

Hoàng Trần

Phố Chiều - Hoàng Thi Thơ

Buổi chiều một mình trên phố chợt ngắm những tà áo dài tung bay theo gió, đẹp biết bao. Mong tìm được một bóng hồng với chiếc áo dài tha thướt để có niềm hạnh phúc, để không khỏi lạc loài một mình trong chiều mưa và để không lạc lối về . . .


Sáng Tác: Hoàng Thi Thơ
Ca Sĩ: Thanh Thúy
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Chiều Thu


Chiều thu hong mảnh nắng vàng 
Trời hong mấy mảnh thời gian nhọc nhằn
Anh hong mảnh gấp băn khoăn
Em hong mảnh vá vết hằn lòng anh.

Chiều thu ngọn gió lay mành 
Hoàng hôn lay mảnh trăng thanh đêm dài
Tình em lay bóng đêm say
Gió mang hương mát để lay đêm buồn.

Chiều thu nhỏ giọt mưa tuôn
Giọt rơi thềm vắng giọt luồn vào tim
Giọt lăn theo vết chân chim
Giọt chui vào núp lòng em dỗi hờn.

Chiều thu hong sợi nhớ thương
Sợi dài sợi vắn sợi vương mắt chờ
Sợi len vào cuốn vận thơ
Sợi say mộng đẹp giấc mơ an lành.

Nguyễn Đắc Thắng
20150708

Lời Đó Còn Đây


Hạ nóng nung nồng bao nỗi nhớ:
Những lần ba tháng tạm xa trường
Rời thầy cách bạn luyến lưu thương
Bâng quơ sợ chia tay vĩnh viễn.

Háo hức hết hè quay lại lớp
Vui khi bè bạn trở về đây
Còn người ấy chẳng thấy sum vầy
Để có dịp tôi trao lời định nói.

Lời đó còn đây, còn mãi mãi
Thời gian thêm óng ánh long lanh
Là tình kết nụ rất chân thành
Mong gởi em ngày nào gặp lại.

Anh Tú
July 7, 2015

Dừng Bước




Kính mến gửi chị Vi Khuê

Cho tôi được buổi trở về thăm lại 
Những con đường tiền kiếp đã đi qua 
Từ vô thỉ, đường gian truân khổ ải 
Đêm kéo dài đầy bóng quỷ hình ma.

Cho tôi thấy đứng trên bao ngả rẽ 
Tâm tròn trăng treo sáng 
Đỉnh Thiên Thu Từ lâu mệt vì chính tay mình vẽ 
Những vườn hoa, những lăng miếu, lao tù...

Trên ác đạo ngát nụ cười hỷ xả 
Sương dịu lành, hơi mát tỏa lâng lâng 
Địa ngục, thiên đường ta chủ trương tất cả 
Chính là ta, tác nhân cũng nạn nhân.


Hồ Trường An

Báu Vật Quốc Gia 32 Vẻ Đẹp Tượng Phật Đồng Dương

 Tượng Phật Đồng Dương nặng 120 kg tìm thấy cách đây đúng 100 năm (vào 1911) tại Đồng Dương (Quảng Nam), hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Sagon là tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu cho kỹ thuật đúc đồng tinh xảo kết hợp với nghệ thuật tạo hình do nền văn hóa Chăm Pa để lại.


Tượng cao 119 cm, chỗ rộng nhất 38 cm, chỗ dày nhất 38 cm, đứng trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Phần trên của bệ là khối bán cầu ở thế ngửa lên. Phần dưới bệ lớn hơn, cũng hình tròn như miệng chuông úp xuống.

Bệ và toàn thân tượng đồng được đóng chặt vào nhau bởi những chiếc mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng. Đôi bàn chân này của tượng thể hiện tướng tốt đầu tiên trong “tam thập nhị tướng” (32 tướng) của Phật là chấm sát đất và khít khao với mặt phẳng của đất đến nỗi “cây kim cũng không thể lọt qua”. Từ chân tượng trở lên, thể hiện diệu tướng thứ 17 của Phật là: hai tay, hai chân, hai mắt và giữa cổ (có khắc 3 ngấn chìm) gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn”. Vai bên phải để trần thể hiện tướng thứ 21: tròn và đẹp. Lên chút nữa là gương mặt tượng thể hiện tướng thứ 25 với hai má phẳng và rộng như sư tử chúa; đúng theo kinh chép: khi Phật mở miệng thuyết pháp ví như tiếng “sư tử hống” làm tắt tất cả âm thanh của mọi loài trong rừng (tướng âm thanh Phạm thiên).


Mắt Phật Đồng Dương không nhắm hẳn lại, mà đang mở nhìn, thể hiện diệu tướng thứ 29 là đôi mắt đẹp như cánh hoa sen xanh. Giữa trán có khắc một vòng tròn tiêu biểu cho tướng thứ 32 mang tên “bạch hào”, tức tướng lông trắng xóa và trong sạch như bọt nước đứng yên trên ngọn triều cường. Đáng lưu ý, các nghệ sĩ Chăm Pa đã thể hiện một tướng hết sức tôn nghiêm nằm ở vị trí cao nhất của tượng Phật Đồng Dương là tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu với một cục u nổi lên giữa búi tóc cuộn quanh. Sa môn Huệ Thiện cùng đi với chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM để chiêm ngưỡng tượng đã giải thích: “Đây là tướng mà bất cứ nhà nghiên cứu mỹ thuật nào hoặc nhà điêu khắc tượng Phật nào từ xưa đến nay cũng đều cần biết đến để bắt tay chế tác hoặc giới thiệu cho thật chính xác. Tướng này có hình một khối thịt tức là “nhục”, nổi cao lên như một búi tóc tức là “kế”, gọi là “nhục kế”, được tựu thành và xuất hiện trên đỉnh đầu Phật do nhân duyên bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và khai mở trí huệ trong nhiều kiếp. Hào quang của Phật Thích ca đã phóng xuất từ đỉnh đầu đó trước khi đọc thần chú Lăng Nghiêm. Ngoài tượng Đồng Dương này, các tượng Phật khác thể hiện diệu tướng “nhục kế” theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn căn cứ vào kinh Quán Phật tam muội để khảm thêm lên tượng một viên đá quý màu hồng, hoặc tô hồng ở khoảng không có tóc ở trước đảnh đầu, hoặc đặt một viên kim cương to tròn đa sắc để biểu hiện tướng ấy”.


Nếu nhìn từ trước mặt tượng và để tâm quan sát sẽ thấy toàn thân tượng Đồng Dương thể hiện vẻ đẹp của một loạt ba diệu tướng khác, gồm tướng thứ 14 và 15: thân kim sắc (ánh sắc vàng) có sức tỏa hào quang minh tịnh - và tướng thứ 16: da mịn trơn bóng như hoa sen buổi sớm, dầu cho cuồng phong thổi mạnh khiến núi đá lăn lóc va chạm vào nhau vỡ nát thành bụi thì không một hạt bụi nào có thể dính được vào thân kim sắc ấy.

Tượng do Viện Viễn Đông Bác Cổ đăng ký với số hiệu D22.1 và từng được ghi nhận qua: Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient, Bulletin de la commission archéologique de l’Indochine, cũng như các ấn phẩm giới thiệu hiện vật Việt Nam trưng bày ở nước ngoài. Đã có đông đảo các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới như Ananda Coomaraswamy, Douglas Barret, Pierre Dupont, Alecxander Griswold, Diran Kavrk Dohanian, Jean Boisselier, Ulrich von Schroeder quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc và giá trị của tượng. Tượng đã từng được đưa đi trưng bày ở Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ với giá bảo hiểm ở mức 5 triệu USD.

Giao Hưởng 
Tống Ngọc Nhan sưu tầm

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Khánh Hà Đề Thơ


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đăng U Châu Đài Ca - 登幽州臺哥 Trần Tử Ngang

Nhân đọc bài "Ngày Trở Về-Ông Giáo Già và Nỗi Cô Đơn" của Thầy Phạm Khắc Trí, trong đó Thầy có đề cập đến bài "Đăng U Châu Đài Ca", Quên Đi kính gởi đến Vườn Thơ những cảm nhận của riêng mình.
Tâm trạng của một người biết lo đến an nguy cho xã tắc. Các bậc minh quân ngày xưa đã khuất, chẳng lẽ từ nay về sau không còn có minh quân? Trần Tử Ngang đã nói lên nỗi bi thiết trong lòng qua bài thơ Cổ Phong "Đăng U Châu Đài Ca".



登幽州臺哥
陳子昂

前不見古人,
後不見來者;
念天地之悠悠,
獨愴然而涕下。

Diễn Dịch Hán Việt:

Đăng U Châu Đài Ca
Trần Tử Ngang


Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc sảng nhiên nhi thế hạ

Diễn Nghĩa Nôm: Bài ca lên U Châu Đài

Phía trước không còn thấy người xưa
Phía sau cũng không thấy người được như người xưa xuất hiện
Nghĩ trời đất thật mênh mông
Một mình thương cảm nước mắt tuôn rơi.

(*) U Châu thuộc phía Bắc nước Yên. Đài U Châu thời Đường chỉ là một thành trì nhỏ. Nay là Bắc Kinh.

Các Bài Dịch Thơ:
(1)

Phía trước vắng người xưa
Đời sau ai kế thừa
Gẫm trời đất thênh thang
Riêng xót lệ tuôn tràn

(2)

Nhìn về phía trước người xưa vắng
Ngoảnh mặt ra sau chẳng thấy ai
Trời đất thênh thang ôi vận nước
Thương cho bá tánh lệ tuôn dài.


Quên Đi
***
Đăng U Châu Đài Ca


Thuở trước người xưa có những ai...
Hậu sinh lại thiếu bậc anh tài...
Mênh mông Trời Đất sao bi thảm!
Giọt lệ thương tâm cứ thấm hoài!


Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 06 năm 2015
***
Đăng U Châu Đài Ca


Người đời trước đã không còn nữa
Kẻ đến sau nào thấy một ai
Ngẫm đất trời bao la xót dạ
Lệ riêng tuôn cảm giọt u hoài

Kim Phượng
***
Bài Cảm Tác:

(Xin cảm khái qua bài phỏng dịch " Đăng U Châu Đài Ca " của Quên Đi)

Lịch sử vẻ vang của Việt Nam,
Anh hùng dân tộc mấy ngàn năm...
Ngày nay thắp đuốc tìm không thấy,
Quá khứ trăng sao tráng sĩ thăm!
Đất nước đông dân hơn thuở trước,
Non sông chữ S nhớ xa xăm.
" Sơn hà xã tắc " nhân tài vắng,(thiếu)
Trời đất mênh mông chẳng tiếng tăm...


Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 06 năm 2015
***
Đăng U Châu Đài Ca


Bóng nào là của người xưa tá?
Chỉ biết tôn thờ nghĩa chúa tôi
Tư tưởng ngày nay chưa thoát được
Trọn đời lệ thuộc định xong rồi!


Nguyễn Đắc Thắng
2015.06.28
***
Các Bài Họa: Qua bài thơ phỏng dịch Đăng U Châu Đài Ca của Kim Phượng

Bài Xướng: Đăng U Châu Đài Ca

Người đời trước đã không còn nữa
Kẻ đến sau nào thấy một ai
Ngẫm đất trời bao la xót dạ
Lệ riêng tuôn cảm giọt u hoài


Kim Phượng
***
Các Bài Họa:
Đăng U Châu Đài Ca

Thức giấc mộng huỳnh chưa quá nửa
Hồn xưa ngày cũ chả còn ai
Áo cơm hai bữa còn lưng dạ
Chén đắng người đưa cứ uống hoài!


Cao Linh Tử
(Họa ngẫu hứng)
***
Sĩ Khí Tìm Ai?


Anh hùng thuở trước xưa mô nữa,
Kẻ hậu sinh tìm kiếm được ai...
Quanh quẩn ngô khoai ăn đỡ dạ,
Minh quân hào kiệt đợi mong hoài


Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 6 năm 2015
***
Tâm Sự Kẻ Tha Hương

Rượu bầu chửa cạn hơn phân nữa!
Tri kỷ tìm đâu mấy được ai?
Tâm sự trót mang còn nặng dạ
Nước non ngàn d
m nhớ thương hoài

Song Quang

Mùa Đông


Hoa sẽ héo khi người đi buổi sáng
Buổi chiều nay vạn thọ bổng dưng buồn
Cây cỏ trong vườn sẽ đẵm mù sương
Trái sẽ rụng để cười em lãng mạn

Chim ngừng hót khi người đi buổi sáng
Buổi chiều nay con sáo nhỏ trong lòng
Sao bổng im lìm như mặt nước sông
Em thơ thẩn mình ên bên hàng dậu

Nhìn lại đi hỡi người trai yêu dấu
Trên con đường hoa cúc đã già nua
Người có bỏ quên những quãng đời thơ ấu
Vẫn còn xanh bao tảng đá nên thơ

Em nhắc lại một lần cho người nhớ
Dù trái tim nào đã ngủ mùa đông
Em nhắc lại một lần cho người nhớ
Ngoài vườn kia vẫn nở những bông hồng

Xin nhắc lại một lần cho người nhớ
Cháy hồn em một ngọn lửa trăm năm
Xin nhắc lại một lần cho người nhớ
Trăng khuyết kia trăng khuyết để trăng rằm...


Lâm Hảo Khôi


Mối Tình Học Trò

Hà là một cậu học sinh con nhà nghèo được sinh ra và lớn lên tại một tỉnh nhỏ rất thanh bình thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được bao bọc bởi nhiều nhánh sông nhỏ chi chít bên cạnh gìòng sông Hậu hiền hòa mà đất phù sa luôn bồi đắp nên đã tạo thành một vùng đất phì nhiêu với không biết bao nhiêu hoa quả thơm ngon như xoài và mận đủ màu đủ loại, bưởi, cam, đặc biệt loại cam sành với lớp cỏ sần sùi không đẹp mắt nhưng chất ngọt rất dễ làm người ăn mê thích. Rồi đến những trái quit mọng nước ngọt ngào làm mát lòng người ăn nhất là vào mùa hè nóng nực. Mảnh đất dịu hiền này đồng thời cũng đã sản sinh ra biết bao cô gái xinh đẹp mỹ miều nổi tiếng miền Đồng Tháp.


Vùng Sa Giang hiền lành này cũng là nơi đào tạo ra nhiều nhân tài xuất chúng cho miền Nam Việt Nam vào những thập niên 40, 50 với những vị có học vấn uyên bác làm hãnh diện cho người dân địa phương mỗi khi nhắc đến một vài vị khoa bảng đã từng một thời giữ chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục hay giữ chức vụ lãnh đạo trong guồng máy chính quyền dân sự hay quân sự đương thời cùng các lĩnh vực khoa học kỹ thuật của miền Nam Việt-Nam. Hà không nằm trong số đó nhưng cũng là một trong những học sinh xuất sắc trong vùng. Vì là con nhà nghèo nên câu ta đã chuyên tâm cố gắng học để mong sao đạt được những thành quả tốt đẹp cho tương lai. Những cố gắng không ngừng của Hà đã được đền bù xứng đáng khi cậu ta đậu Tiểu học nhất tỉnh, và những thành tựu sáng chói ớ bậc trung học sau này, điều khiến thân phụ mẫu Hà vui mừng khôn xiết và hãnh diện với hàng xóm và những người thân. 

Sau bậc tiểu học, ba mẹ Hà nộp đơn xin cho cậu vào trường Trung học Chasseloup Laubat, Sài-Gòn nhưng vận may không mỉm cười với cậu khi hồ sơ xin miễn tuổi (dispense d’âge) cho cậu chỉ được Viện Đại học Đà-Lạt (Recteur de Dalat) chấp thuận sau ngày nhập học hơn một tuần lễ nên cậu mất cơ hội vào học một trường nổi tiếng ở Sài-Gòn cũng như trường Albert Sarraut ở Hà-Nội lúc bấy giờ. Do vậy, cậu xin nhập học trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, nhưng những biến cố về trò Trần Văn Ơn sau đó nên thân phụ Hà xin cho cậu về học Collège de Vĩnh-Long vừa mới mở niên học đầu tiên. Tại nơi này, Hà đã nhận được học bổng toàn niên (bourse entìère) do những cố gắng không ngừng của cậu ta trong học tập và do tình trạng gia đình quá eo hẹp của cậu ta. Học bổng này đã tạo điều kiện cho Hà mua một số sách giáo khoa ở Pháp để việc học sau này được thuận lợi hơn,. 
Nơi đây, cậu là một trong vài học sinh nhỏ tuổi nhất lớp nên được xếp vào học chung với các bạn nữ học sinh khiến cậu khóc cả buổi vì bị mắc cở nên cuối cùng Ban Giám Hiệu đánh phải ra đặc ân cho Hà bằng cách chỉ định một nam học sinh khác thay thế, có thể sự lựa chọn này đã khiến cậu đánh mất cơ may được thăng tiến xa hơn nữa vì biết đâu chừng khi học chung với các bạn gái cậu ta sẽ chẳng cố gắng hơn vì sợ bị thua sút bạn bè nhất là phái nữ? 


Tháng đầu tiên khi ông Hiệu trưởng đến viếng trường và gọi các học sinh lên xếp hàng theo thứ tự cao thấp thì Hà đã mừng rỡ vô hạn khi được xếp vào hạng cao nhất lớp. Trường Trung học này quy tụ học sinh của cả ba tỉnh Sađéc – Vĩnh-Long và Trà Vinh nên các học sinh đã cố gắng tranh đua học tập hầu đem vinh dự về cho tỉnh nhá. Ngoài việc đạt thành tích học vấn đồng đều về mọi môn học, Hà còn là một học sinh khá giỏi về môn Vẽ nên được giáo sư môn hội họa (danh xưng giáo viên bậc trung học ngày xưa) luôn khen ngợi, ngay cả sau này khi Hà tốt nghiệp bằng Thành Chung (DEPSI) tại trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Collège Le Myre de Villers), vị giáo sư này đã khoe với các giáo sư đồng nghiệp trong Ban Giám khảo đây là học trò ưng ý nhất của ông. Cuối năm học cuối cùng ở bậc Trung học Đệ Nhất Cấp, Hà đã lãnh phần thưởng hạng nhất toàn trường với sự hiện diện của thân phụ cậu.

Niên học kế tiếp, Hà phải qua cuộc thi concours vào lớp Tân Đệ Nhị tại Trường Trung học Phan Thanh Giản/Lycée Phan Thanh Gian, Cần Thơ tuyển lựa vì có nhiều học sịnh ghi danh. Lúc bấy giờ, trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ là một trong ba trường trung học đệ nhị cấp của miền Nam Việt-Nam cùng thời với trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Le Myre de Villers) tại Mỹ-Tho và trường Pétrus Trương Vĩnh Ký tại Sài-Gòn.
Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần-Thơ là nơi hội tụ nhiều học sinh của đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Cần-Thơ, Sóc-Trăng, Bạc-Liêu, Kiên-Giang, An-Giang, Châu-Đốc, Cà-Mau nên sự ganh đua học tập càng diễn ra gay go, quyết liệt hơn.
Hà rất chăm chỉ học hành mong được thành đạt vẻ vang với hy vọng duy nhất xóa bỏ mặc cảm nghèo nàn của gia đình do sự phá sản gây ra. Ngoài việc chăm chú học tập, Hà không quan tâm đến việc gì khác. Nhưng, chữ “nhưng” quái ác này là khúc quanh quan trọng và nghiệt ngã trong quảng đời học sinh của Hà. Nếu năm Tân-Đệ-Nhị (Seconde Moderne) là khoảng thời gian dễ thở thì lớp Tân-Đệ-Nhất (Premìère Moderne) lại là giai đọan cực kỳ khó khăn để thí sinh chuẩn bị thi Tú Tài phần I tại trường Trung học Chasseloup Laubat ở Sài-Gòn. 
Trong thời gian gay cấn này, thật bất ngờ làm sao khi Hà để ý đến một nữ sinh học dưới Hà bốn lớp. Cô ta là một cô gái khá xinh xắn có thân hình cân đối với làn da trắng như trứng gà bóc cộng với với đôi mắt một mí giống như người Nhật Bổn. Vì có sự quan tâm đến người đẹp nên Hà đã tìm mọi cách để làm quen với các em gái của anh bạn học cùng lớp với Hà đang trú ngụ cùng chỗ với cô ta. Qua sự trung gian này, Hà được biết cô ta có cái tên rất đẹp, đẹp tựa như chị Hằng của mùa thu. Hà tìm cách để làm quen với cô ta nhưng không biết bằng cách nào. Bí mật này được Hà giữ thật kín nhưng làm sao qua mặt được những ông ma mãnh chỉ xếp hàng sau “nhất quỷ, nhì ma” này nên một thời gian sau cả hai lớp Tân-Đệ-Nhất và Đệ Ngũ đều biết có một anh chàng học sinh Tân-Đệ-Nhất đang trồng cây si to tổ bố bên cạnh người đẹp của đảo Phù Tang. 


Bọn học trò quỷ sứ này còn trêu ghẹo Hà là Napoléon Bonaparte đang chuẩn bị tấn công nước Nhật? Sở dĩ bọn chúng kháo nhau như vậy là vì đã có một lần Hà đã dám trêu chọc vị giáo sư Sử học từ Pháp về bằng cách trả bài một cách dí dỏm gần giống như cách giảng bài bằng Pháp văn của thầy dạy Sử này về trận đánh thắng vang dội của Napoléon Đệ Nhất vào Trafalgar khi ông ta đang là vị tướng trẻ nhất của thế giới lúc bấy giờ. Tuy đang trồng cây si nhưng Hà chưa có dịp nào để được tiếp xúc trực tiếp hoặc trò chuyện với cô ta. Cậu ta chỉ có cơ may được ngắm nhìn dung nhan kiều diễm của cô ta vào mỗi sáng Thứ Hai khi lớp họp của cô ta phải xuống lầu và đi ngang qua lớp Tân Đê-Nhất của Hà để chuẩn bị dự lễ chào cờ hằng tuần. Cứ mỗi lần như thế thì các bạn học của Hà được dịp để tha hồ trêu chọc cô ta và Hà bằng cách la lên khá lớn “Hà ơi, chừng nào bạn sẽ đánh thắng trận ở Nhật Bổn đây”? làm cô ta mắc cở cuối đầu mà chẳng dám ngước lên nhìn ai vì e thẹn, chắc hẵn các cô bạn gái của cô ta, đồng thời cũng là em gái mấy anh bạn quỹ sứ nghịch ngợm của Hà đã tiết lộ cho cô ta biết về bí mật học trò này. Nhìn rõ dáng điệu luống cuống của cô ta, Hà lẩm bẩm trong cuống họng với niềm vui thích tột độ “Thật đáng yêu làm sao”. Và chỉ có thế thôi. 


Cho đến một hôm vận may đã mỉm cười với Hà khi mùa Giáng Sinh đến. Không phải là một tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng Hà cũng tìm mua cho bằng được một thiệp Giáng Sinh thật đẹp và nắn nót viết những lời chúc rất chân thành và dễ thương. Hà rất tự tin ở những dòng chữ mà bạn bè thường khen Hà có nét chữ bay bướm đẹp nhất trường. Muốn cho chắc ăn, Hà phài đạp xe đạp đến tận nơi cô ta nghỉ trọ để biết chắc chắn là địa chỉ hoàn toàn chính xác rồi mới chạy u về nắn nót ghi địa chỉ vào phong bì trước khi gởi đi. Kế tiếp là thời gian chờ đợi trong sự hồi hộp khó tả xen lẫn một chút tự tin vì trước đây Hà đã có gởi thiệp chúc Tết cho vài cô bạn không có cảm tình sâu đậm như với người đẹp Phù Tang này và đều nhận được câu trả lời rất nhã nhặn.

Hai ngày, rồi ba ngày đã trôi qua mà không có một tin tức nào cả. Khi thấy bóng dáng người phát thư vừa ở trước cửa nhà là Hà vội nhảy phóc ra để xem có thư mới đến hay chăng, nhưng một tiếng “không” lạnh lùng đưa gió lộng qua cỏi lòng hồi hộp đợi mong một cái gì hết sức thân yêu mà không thấy!!! Có lẽ Hà thất tình mất rồi, cậu ta bắt đầu hơi chểnh mảng việc học hơn trước, cứ theo đà này chưa chắc Hà sẽ giành được mãnh bằng Tú Tài I sau cuối niên học ??? Không nén được sự hồi hộp, Hà bèn đánh liều cầu cứu anh bạn cùng lớp nhờ cô em gái học chung lớp với cô ta để kín đáo hỏi xem tin tức về “bức thư đã gởi đi mà không được hồi âm” này. Tin tức giữa bạn gái với nhau đi rất nhanh, và ô kìa, cô em gái của anh bạn, chứ không phải là chính cô ta, đã tiết lộ cho Hà biết nguyên văn như sau: “Bồ chuyển lời hộ cho anh ấy biết: (Mình đã có người yêu rồi, anh ta đang học kỹ sư ở bên Pháp, mình xin lỗi không thể đáp lại ân tình của anh ấy, xin anh ấy hãy quên mình đi mà chuyên tâm học hành). Khi nhận được tin chẳng lành này, Hà như người mất hồn, nhưng khi thấy bản thân mình còn quá kém bạn trai cô ta nên Hà cố tự nhủ với lòng mình để cố gắng học giỏi hơn vì bây giờ mình còn thua xa người ấy. Mối tình học trò tự dưng chết lịm trong tức tưởi, tuy nhiên cũng có tác động tốt đến việc học của Hà sau này. Cậu ta không còn có những giấc mơ viễn vong nữa mà dồn hết nổ lực vào việc học đã bị tạm thời gián đoạn trong vái ba tuần lễ đầy mộng mơ.

Năm đó, Hà thi dỗ Tú Tài I một cách chật vật vì phải thi lại phần vấn đáp vào kỳ hai, sau đó cậu cũng lấy luôn được mảnh bằng Tú Tài II. Cậu ta tiếp tục chuẩn bị dự thi vào cả hai trường Đại học Sư phạm và Học viện Quốc Gia Hành Chánh nhưng không ngờ Hà lại có duyên với binh nghiệp nên cậu ta đã tình nguyện ghi danh vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt, sau cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam, ngược hẵn với ước mơ của người cha yêu dấu của Hà mong muốn cậu trở thành một giáo sư hay bác sĩ. Trong thời gian này, tuy đã không biết tin tức gì về “người đẹp Phù Tang”, nhưng Hà vẫn âm thầm theo dõi việc học hành của cô vì Hà đã biết trước đây cô ta là một học sinh rất xuất sắc của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Trong một lần xem báo, Hà được biết cô ta đã thi đậu Tú Tài II Toán với kết quả “ưu hạng”.


Sau thời gian khá dài thụ huấn tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam và tu nghiệp gần một năm tại Trường Bộ Binh Fort Benning, Georgia, Hoa Kỳ, cậu ta đã trở về Việt-Nam để phục vụ cho quê hương.
Sau hơn 10 năm phục vụ trong Quân đội, vào một buổi trưa đẹp trời, Hà, lúc bấy giờ là một Đại-úy ngành Quân Huấn, đến thăm một người bạn trước đây cũng học trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ hiện cũng là Đại Úy phụ trách thanh tra huấn luyện. Và thật bất ngờ khi vợ anh ấy, trước đây cũng từng học chung lớp vời “người đẹp” của Hà, kéo Hà qua phòng khách để tâm sự với Hà. Chị ấy hỏi Hà; “Anh có biết bây giờ người đẹp Nhật Bổn của anh đang làm gì và ở đâu không”? Hà khựng người lại vì đống tro tàn đã nguội lạnh bây giờ bị khơi dậy. Dĩ nhiên là Hà không biết gì cả nên đã yêu cầu chị cho biết tin tức người bạn cũ với câu nhận xét :"Chuyện đã xưa lắm rồi, nhắc lại cũng có ích gì đâu, tuy nhiên tôi cũng rất cám ơn cô ấy đã cho tôi biết sự thật để tôi không sa vào mê hồn trận ở tuổi học trò, nhờ vậy tôi đã thực sự yêm tâm lo việc học sau này”. 
Nhưng sự thật đã khác xa với những điều Hà suy đoán khi nghe chị ấy tiết lộ sự thật như sau: “Anh biết không, tôi là bạn rất thân với cô ta. Sau lần anh bị từ chồi, thấy dáng vẻ tiu nghỉu của anh, cô ta cũng thấy tội nghiệp anh vô cùng, nhưng cô ta tự nhủ phải làm như vậy thôi và đã tâm sự với tôi là cô ta chưa hề có người yêu nào cả, nhưng nếu cô ta không dứt khoát như vậy thì đường học vấn đang lên của anh sẽ bị ngưng trệ ảnh hưởng không tốt sau này. Cô ta cũng có biết anh đã đi theo binh nghiệp, một con đường mà trước đây chắc anh chưa bao giờ nghĩ đến”. Hà thật sự bàng hoàng khi hay tin trên, và nhẹ nhàng hỏi chị: “ Bây giờ cô ta đang làm gì hả chị”? thì được chị cho biết là sau khi tốt nghiệp kỷ sư Công Chánh, cô đã được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công Chánh ở một tỉnh miền đông Nam phần, đồng thời chị hỏi tôi có muốn lên thăm cô ấy không vì dường như cô ta vẫn còn sống độc thân? 


Hà thấy bồi hồi trong tấc dạ nhưng biết làm sao bây giờ khi cậu ta vừa mới lập gia đình? Tuy nhiên trong tận đáy lòng, Hà cảm thấy lòng mình rưng rưng khi nghĩ đến cô bạn gái ngày xưa ở độ tuổi ô mai, mà cho mãi đến bây giờ Hà vẫn chưa bao giờ được hân hạnh trực diện để nói chuyện riêng tư dù chỉ trong năm ba phút ngắn ngủi, nhưng lòng cao thượng tuyệt vời của cô ta khi đã biết tự kiềm chế mình, quên mất niềm vui tuổi học trò, quên mất bản thân mình để lo lắng cho tương lai của người khác đã khiến Hà chân thành cám ơn và cảm động thật sâu sắc.

Trần Bá Xử
Springfield, MA, mùa thu 2011

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Cựu Giáo Sư&Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp - Đệ Nhị A-Đệ Nhất A - NK 1962,1963

Hàng đầu:Cô Ba Hưng, Cô Song An, Cô Trưng Trắc, Cô Ngữ ,CôHai, Cô Ngọc Hà.
Hàng sau: Cô Lan Phương , Cô Kim Chi , Cô Phương Phi , Cô Ánh Tuyết, Cô Lựu, Cô Phan, Cô Hượt, Cô Lan
Hàng đứng: Thầy Vỹ, Thầy Thuyên, Thầy Long, Thầy Đình Thu, Thầy Nhi.
Hàng đứng: Cựu học sinh bên trái( Kim), Phải(Hiệp Nguyễn)
Hàng ngồi:Các cựu học sinh:Lan Phạm, Nhàn, Yến, K Châu, N Dung, Cúc, Hiếu

Đệ Nhất A2

Nguyễn Phương Lan

Láo Thiên Láo Địa




Láo Thiên Láo Địa

Bơi xuồng tới Mỹ chả cần đô
Nón lá dùng tay tát ngũ hồ
Dắt Tổng Bama chơi xị đế
Vời Trùm Bill gates cúng Lăng Cô
Cá linh nhúng giấm cười toe toét
Tiếng Việt tranh lời nói xí xô
Láo địa láo thiên chơi chút vậy
Ai cười tui rót rượu mời khô!

Cao Linh Tử
***
Quá Giỏi Rồi!

Quên Đi góp phần trong "Những bài thơ láo" cho vui.

Chỉ mượn người xưa để giải sầu
Ba hoa khoác lác bởi vì đâu
Binh thư thảo luận cùng Tôn Tử
Trị thế mạn đàm với Khổng Khâu
Giận ghé Hạng Vương thi cử đỉnh
Vui tìm Khương Thượng học buông câu
Thưa rằng chẳng phải đây thường láo
Chỉ mượn người xưa để giải sầu.

Quên Đi
***
Hoạ bài Quên Đi

Túng tiền mở tiệm bán mua sầu 
Nói dóc mau giàu có khó đâu 
Cố điện Cẫm Linh chừng nửa chỉ 
Cầm tòa Bạch Ốc cả ngàn khâu 
Ơ rô dễ kiếm trăm kho chứa 
Khương Thượng khó bì một lưỡi câu 
Vương Khải Thạch Sùng còn nể mặt
 Thọ hơn Bành Tổ cớ sao sầu?

Cao Linh Tử
2/7/2015
*** 
Nói Dóc Chơi

Xin được trổ nghề nói dóc góp vui chơi
Ra thi chắc chắn đổ ông Nghè
Khoác lác bùi tai rất dễ nghe
Hồi đó Clin-ton làm thợ mộc
Cùng thời Goerge Bush tập lơ xe
Thanh niên mơ cuộc bình thiên hạ
Hải ngoại chen vai mở bước về
Lỡ chọn dóc nghề nên láo tuốt
Ngày nào được nói cứ vo ve

Nguyễn Đắc Thắng
20150702
***
Nói Láo Mà Chơi
 
Rung đùi nói láo thử ...mà chơi!
Ai thích thì nghe...chả cấm cười
Đeo cánh chuồng chuồng thăm các bạn
Níu càng châu chấu viếng muôn nơi
Xuống sông chẻ củi về đun bếp
Lên núi gom mây lót nệm ngồi
Ứng cử ra làm Vua, Tổng Thống
Nếu mà trúng được....sướng như Trời!
 
Song Quang