Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Năm Mới Tuyệt Vời



Thơ: Huỳnh Hữu Đức (Bút Hiệu Quên Đi)
Thơ Tranh: Kim Oanh


Hình Như


Hình như ngọn gió mang hương cũ
Ngây ngất ngón đàn dạo khúc xuân
Âm điệu trào dâng hồn lắng đọng
Tiếng lòng hòa nhịp thoáng bâng khuâng

Hình như sóng mắt mang cuồng lũ
Dào dạt tim nồng dạo khúc thương
Nỗi nhớ âm thầm dòng lệ nhỏ
Mưa khuya ray rức suốt đêm trường

Hình như giấc ngủ chưa tròn giấc
Lắng tiếng thở dài trăn trở đêm
Mộng thực mơ hồ nghe réo gọi
Tiếng người năm cũ xót xa thêm


Kim Phượng

From Cupped Hands - Ki no Tsurayuki

Đôi Nét về Tác Giả:
Ki no Tsurayuki (?, 872 - 30 Tháng Sáu, 945) là một tác giả, nhà thơ và người cai trị của thời Heian. Ông được biết đến như là người biên soạn chính của Kokin Wakashū và là tác giả của Tosa Diary, mặc dù điều này đã được xuất bản ẩn danh.
Tsurayuki là con của Ki no Mochiyuki. Trong những năm 890, ông trở thành một nhà thơ của waka, những bài thơ ngắn viết bằng tiếng Nhật.Waka của ông được bao gồm trong một trong những tuyển tập thơ quan trọng của Nhật Bản



From Cupped Hands

From cupped hands
Droplets cloud
The mountain spring-
It’s not enough-as from you
Am I parted.

Ki no Tsurayuki
***
Phỏng Dịch:

Từ búp tay cuộn
Vụn nhỏ mây tuôn
Xuân nguồn không đủ
Khi nửa tôi buông


Kim Oanh 

Thăng Long





Bài Xướng:
Thăng Long

Thăng Long đô hội phồn hoa
Hương xông xạ ướp lụa là đẹp xinh
Tiệc tùng xe ngựa rập rình
Quận Công , Quận Chúa đầy sân đầy đường
Nhà quan Tham Tụng giầu sang
Mà sao Nguyễn Thiếp chê tràn chẳng kiêng
La Sơn cách mấy dặm nghìn
Qua Thăng Long để một nhìn triều Lê
Đường hoa còn nặng lòng quê
Vời trông Hồng Lĩnh quay về đi thôi

Chân Diện Mục
***
Bài Họa:

Ray Rức Hồn Quê

Sơn hà trời biển gấm hoa
Non xanh nước biếc thật là xinh xinh
Ngoại bang tham vọng luôn rình
Mưu mô thâm độc lấn sân lấn đường
Vung tiền mua lũ hám sang
Biển ta lũ cướp lan tràn nào kiêng
Hoàng Trường đảo có đôi nghìn
Giặc đang chiếm giữ mắt nhìn buồn lê
Xót lòng hai chữ hồn quê
Mong sau con cháu lấy về mới thôi.


Quên Đi

Vịnh Trư Bát Giới



Bài Xướng:

Vịnh Trư Bát Giới

Nguyên Soái Thiên Bồng ấy lão Trư,
Ba mươi sáu phép lộng huyền hư.
Tiểu thơ Cao Lão Trang ... là nợ,
Sư phụ Đường Tam Tạng ... phải tu.
Bát Giới tĩnh tâm thôi vướng bận,
Ngộ Năng dưỡng tánh hóa ôn nhu.
Tây phương Phật Tổ công phong thưởng,
Sứ Giả Tịnh Đàn ấy lão Trư!

Đỗ Chiêu Đức

***
Bài Họa: 

Kỷ Hợi - "Trư Bát Giới" 

Hung hăng Bát Giới tiếng tăm "Trư" (1) 
Nguyên Soái trên trời rõ thực hư (2) 
Bị đọa Dê Xồm tên lãng tử 
May nhờ Tam Tạng bậc chân tu 
Đường Tăng, đệ tử, yêu tinh nhược 
Ba Ngộ : Không, Năng, Tịnh giả nhu (3) 
Dưỡng tánh Thiên Bồng nên Sứ Giả (4) 
An nhiên tự tại vẫn chàng "Trư" ! 

Ngày 31/12/2018 
Mai Xuân Thanh 

(1) Theo phò Tam Tạng với tên đầy đủ là Trư Bát Giới 
(2)Thiên Bồng Nguyên Soái là Tướng trên trời 
(3) 3 Ngộ : Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng và Sa Ngộ Tịnh là 3 đệ tử của Đường Tăng Tam Tạng cùng đi thỉnh kinh Phật 
(4) Sứ Giả : Sau cùng Trư Bát Giới thỉnh được kinh xong được phong chức Sứ Giả Tịnh Đàn đạt thành chánh quả nhà Phật 
***
Trư Bát Giới

Phạm tội lưu đày,Bát Giới Trư 
Si cuồng dục lạc tính còn hư 
Tham nhiều gái đẹp lòng nay đắm 
Hỏng bấy nhân lành kiếp trước tu 
Tiên cảnh chưa thông đường tấn,thối 
Cõi người khó tỏ phép cương,nhu 
Nhờ công sư phụ thường khai trí 
Chuyển thói dâm tà chướng nghiệp Trư 

Lý Đức Quỳnh

Tờ Lịch Đầu Năm



Tờ Lịch Đầu Năm


Tờ lịch đầu năm đã xé xong
Bâng khuâng một chút ở trong lòng
Tương lai sắp đến còn hy vọng
Dĩ vãng qua rồi hết đợi trông
Mong ước quê Cha cây trĩu nụ
Nguyện cầu đất Mẹ lúa thơm đồng
Hai mươi mười chín niềm tin mới
Dân Việt an bình chốn Viễn Đông


songquang
1/1/2019
***
Bâng Khuâng Hết Tết
Chúc mừng năm mới, nghĩ chưa xong
Cảm thấy băn khoăn tự đáy lòng
Thử hỏi ngày mai còn tết đợi
Hay như tuần trước lại thơ trông
Quê hương gió loạn cuồng tâm bão
Viễn xứ mây sa kín mặt đồng
Tống cựu nghinh tân đâu cũng vậy
Bắc Nam cách trở tựa tây đông ...

Hawthorne 1 - 1 - 2019

Cao Mỵ Nhân
***

Ngày Đầu Năm

Tiệc tùng họp mặt mới vừa xong
Cảm giác lâng lâng rộn cõi lòng
Năm mới mang theo nhiều hứa hẹn
Ngày đầu đáp ứng những chờ trông
Biển sông xanh biếc, thuyền gom cá
Ruộng rẫy vàng tươi, lúa ngập đồng
Xã hội an bình, người hạnh phúc
Gia đình con cháu mãi thêm đông.

Phương Hà
***

Lạnh Lùng Đông

Trơ cành cây cối, tái tê đông.
Lau lách đìu hiu, tuyết trắng đồng.
Rực rỡ pháo hoa người thích thưởng
Não nề mưa gió kẻ ngùi trông.
Bạn bè thưa vắng im lìm tiệc
Giọng hát già nua bứt rứt lòng.
Tờ lịch đầu năm vừa rộn rã
Đã lìa trần thế lánh đời xong !

Mailoc
01-02-19
***
Nhìn Cuốn lịch Mới

Ngắm nhìn cuốn lịch mới thay xong
Rạo rực chồi mơ bám rễ lòng
Năm cũ bao điều chưa toại nguyện
Xuân này vạn sự thỏa niềm trông
Tự do kết nụ tươi bình đẳng
Dân chủ thăng hoa thắm đại đồng
Nước Việt nguồn Nam hòa biển cả
Quy về một mối cháu con đông.

Lý Đức Quỳnh
 3/1/2019
***
Nàng Xuân Tung Cánh

Xuân cười rạng rỡ trổ vừa xong !
Xuân nở muôn hoa ngát tận lòng
Xuân đến muôn người trao ước vọng
Xuân chào cuộc sống nhớ hương đồng
Xuân đơm lộc mới tình mơ mộng
Xuân nẩy chồi xanh cảnh lập đông
Xuân hát cho đời bao khát vọng
Xuân mừng đất Mẹ thỏa chờ trông…

Đức Hạnh
03 01 2018
***
Giã từ ngày vui.

Vừa tiễn hai con trở lại xong
Rưng rưng khoé mắt quặn đau lòng
Mươi ngày niên cuối vui xum họp
Chục tháng, năm tròn khổ ngóng trông...
Bương trải phương xa,người khác biệt
Nhớ nhung chốn cũ, cảnh tương đồng
Xa Quê, xứ lạnh,sương giăng lối
Tuyết trắng thiên thần, ngập giá đông

Thanh Hoà
***
Tờ Lịch Đầu Năm

Ngày đầu tờ lịch MỘT TÂY : xong !
Một chút bâng khuâng tự đáy lòng.
Một thoáng bồi hồi còn ngớ ngẩn ...
Một niềm vui mới lại chờ trông !
Một tia hy vọng cùng bằng hữu ...
Một chút lạc quan với cộng đồng !
Một kiếp một đời qua nháy mắt ...
Sao không vui trọn buổi tàn đông ?!

Đỗ Chiêu Đức
01-02-2019
***
Nỗi Niềm Đầu Năm

Đầu năm cúc nở mới vừa xong
Đã thấy đào hương ngát cõi lòng
Ly rượu chờ ai chiều mãi đợi
Tách trà ngóng bạn mắt hoài trông
Chợt thương xứ lạ sương mờ phố
Lại nhớ quê xưa lúa rực đồng
Kẻ ở người đi ngày khắc khoải
Xuân về chưa hết lạnh trời đông

Trầm Vân
***

Xuân Chờ
“Họa đảo vận”
Lạnh lùng khốn quẫn buổi tàn đông
Cám cảnh nông phu giữa ruộng đồng
Vui với điền viên nào ước vọng
Chơi cùng tuế nguyệt chẳng chờ trông
Bốn mùa lam lũ mà yên bụng
Năm tháng hàn vi vẫn đẹp lòng
Đã thấy mầm non trồi rạo rực
Xuân chờ người cũ cấy cày xong

Như Thị
***

Xuân Tha Hương

Cái nợ làm trai chưa trả xong,
Tha phương đất khách quặn đau lòng.
Lìa xa nguồn cội buồn khôn tả,
Hoài vọng quê cha tủi ngóng trông.
Con cháu Lạc Hồng đi khắp nẻo.
Cành Nam chim Việt nhớ hương đồng.
Vui xuân Kỷ Hợi trời mưa lạnh,
Chạnh nỗi niềm lo cào tuyết đông.


Ngô Văn Giai
Virginia, Jan 03/2019
***
Lịch Mới Rơi Vài Tờ

Xé từng tờ lịch bỏ đi xong
Đầu tháng giêng nay nắng ấm lòng
Dĩ vãng vàng son luôn ngó lại
Tương lai rực rỡ vẫn chờ trông
Tết Tây Âu Mỹ tiền vô túi
Kỷ Hợi Á Châu lúa ngập đồng
Nhớ bạn Sài Gòn đây kỷ niệm
Thương ai Hòn Ngọc đó phương đông


 Mai Xuân Thanh,
Ngày 03/01/2019

Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc Bài Trường Thi Đoạn Trường Ngâm Khúc Của Đỗ Quý Bái


Nhà thơ Đỗ Quý Bái là đàn chủ Diễn đàn “ Một Lối Vào Đường Thi” kỳ 22 này. Anh mời ta đi dạo vườn thơ với bốn bài thơ: Thanh Bình Điệu kỳ I của Lý Bạch, Tương Tiến Tửu cũng cuả Lý Bạch, Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị và bài Đoạn Trường Ngâm Khúc mà anh là tác giả. Anh chỉ dịch hai bài thơ đầu, bài thứ ba anh giới thiệu bản dịch của Phan Huy Thực còn bài cuối anh nói bị ảnh hưởng của Tỳ Bà Hành, bài thơ anh “chỉ đọc qua một lần mà thuộc nằm lòng ngay như biết từ kiếp xa xưa nào đó.” 

Cấu trúc bài thơ của anh cũng na ná như Tỳ Bà Hành, một đêm trên bến Thủ Thiêm một du tử đang ngồi câu, chẳng thấy cá ngậm mồi mà cảm thấy mình đang ngậm mối sầu xa quê và thời thế, chợt nghe tiếng sáo vẳng tới, nghe như bày tỏ giúp tấm lòng của mình nên tìm tới người thổi sáo và được người này kể chuyện đời của người này cùng bảy người chiến hữu: 

Bến Thủ Thiêm đêm trường bó gối 
Gác cần câu ngậm mối sầu miên 
Buồn cho thế cuộc đảo điên 
Biết cùng ai tỏ nỗi phiền xa quê... 

còn trong bài thơ của Bạch Cư Dị thì cũng là một đêm khuya trên bến Tầm Dương, một ông quan bị biếm tiễn đưa khách, chợt nghe vẳng lại tiếng tỳ bà nên cũng tìm lại và được người gảy đàn, một thiếu phụ kể lại cuộc đời hồng nhan đa truân của mình: 

Nội dung của hai bài thơ cũng quy về một vấn đề mà chính nhà thơ ĐQBái cũng tự chú giải là Tài mệnh tương đố hay Chữ tài liền với chữ tai một vần.Cuộc đời của người ca nương khi còn trẻ đã huy hoàng một thời, được bao khách hào hoa theo đuổi tới khi hoa tàn, đành phải kết duyên với một lái buôn trọng tiền bạc hơn tình nghĩa, nên dùng tiếng đàn thay cho lời than thở, ngờ đâu lại cũng là hoàn cảnh của khách tri âm, một Giang châu Tư mã bị biếm trích, cho nên đồng thanh tương ứng, đồng cảm tương cầu, vừa thương cảm cho số phận của kẻ đàn, vừa buồn tủi cho thân phận mình mà lệ rơi đẫm tà áo xanh. 

Trong bài thơ Đoạn Trường Ngâm Khúc thì người đàn là một thương phế binh trong một trận pháo kích khiến bảy chiến hữu đều tử thương chỉ còn mình sống sót nhưng lại bị cụt giò. Thế là bao nhiêu chí lớn, đội trời đạp đất, trả nợ núi sông đều tan tành ra mây khói và đêm nay thương nhớ bằng hữu mà dùng tiếng sáo bày tỏ nỗi lòng. Trong các bằng hữu anh kể rõ tên bác sĩ Phạm Văn Bách đã hi sinh tại mặt trận Tây Uyên và để lại biết bao thương nhớ cho một người yêu đã từng cùng nhau thề non hẹn biển. 

Bạch Cư Dị tả tiếng đàn cũng là tiếng lòng của ca nương, ĐQBái tả tiếng sáo để nói lên nỗi lòng của người thương phế binh, hai hoàn cảnh, hai số phận nhưng chung một nỗi niềm buồn tủi cho thân phận kiếp người. Xin mời nghe Tiếng đàn tỳ bà: 

Nghe não nuột mấy dây bứt rứt 
Dường than niềm tấm tức bấy lâu 
Chau mày tay gẩy khúc sầu 
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn 

Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt 
Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu 
Dây to nhường đổ mưa rào 
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng 

Tiếng cao thấp lần chen liền gảy 
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu 
Trong hoa oanh ríu rít nhau 
Suối tuôn róc rách chảu mau xuống ghềnh 

Tiếng sáo: 
Nghe chua xót bầm gan tím ruột 
Nghe thảm sầu tê buốt óc tim 
Nước cau mày lệ im lìm 
Trăng tà ảm đạm khuất chìm trời tây 

Gió gây gấy chở đầy nuối tiếc 
Mây bàng hoàng đặc sệt hờn căm 
Trầm như ma rú cõi âm 
Cao như trời thẳm bặt tăm phi thuyền 

Giốc trủy vũ ré lên nức nở 
Đồ rê mi rung vỡ sao khuya 
Trắng sông sương muối ủ ê 
Hàng dừa hiu quạnh lê thê dâng sầu... 

Hai bài thơ, bài Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị và bài Đoạn Trường Ngâm Khúc của Đỗ Quý Bái cách nhau cả một ngàn mấy trăm năm mà tưởng như cùng đồng thời, cùng một nhân sinh quan, cùng một triết thuyết và cùng gây cho người đọc một cảm xúc “ Buồn ơi xa vắng mông mênh là buồn”. 
Bạch Cư Dị khi nghe đàn tỳ bà khúc cuối: 

Nghe não nuột khác tay đàn trước 
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi 
Lệ ai chan chứa hơn người? 
Giang châu Tư mã đượm mùi áo xanh. 

Người nghe thổi sáo trong thơ Đỗ Qúy Bái: 

Tiêu âm đã xót xa não nuột 
Tâm sự thêm tê buốt khối sầu 
Anh hùng vận bĩ càng đau 
Thương ai lã chã lệ châu hai hàng. 

Tuy nhiên hai nhà thơ cách nhau cả trên ngàn năm này chỉ đồng hành tới đây thôi còn cái nguyên nhân của nỗi buồn vạn cổ rất khác nhau. Cái buồn của Bạch Cư Dị chỉ giới hạn cho một cá nhân dù cá nhân đó là ca nương kia hay chính ông còn nỗi buồn của Đỗ Qúy Bái thì lớn rộng hơn nhiều, anh buồn không những chỉ riêng cho cá nhân người thương phế binh, cá nhân PVBách mà còn buồn cho cả một thế hệ trai trẻ chưa trả được nợ cho núi sông, anh buồn cho cả một đất nước đã trải qua nhiều cảnh tượng tang thương mà nước mắt anh lã chã cũng là để khóc cho cả một cõi người lẫn cõi đời. 

Về hình thức hay thể thơ, Phan Huy Thực dùng thể song thất lục bát để diễn dịch và Đỗ Qúy Bái cũng dùng thể thơ này. Tôi đã đọc nhiều thơ của anh và thấy thể thơ song thất lục bát là sở trường của anh. 

Về lời thơ, anh viết ra như tự cõi lòng nên đọc lên nghe thấm thía, buốt óc, nhức tim chứ không phải là những lời lẻ hời hợt, gọt dũa tầm thường. 

Bài thơ Tỳ Bà hành có tất cả 22x4=88 câu kể là đã khá dài, bài Đoạn Trường Ngâm Khúc còn dài hơn gấp đôi, gồm 54x4=216 câu mà tài tình ở chỗ các đoạn nối nhau rất mạch lạc, gắn bó như thể một hơi dài chứ không rời rạc, đứt quãng hay chắp nối. Tôi thực phục tài anh Bái đã cả tiếng lại dài hơi. Anh xứng đáng là một mõ trong làng thơ. 

Anh Bái không dịch bài Tỳ Bà Hành cho nên tôi xin giới thiệu bản dịch của BS Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò. BS Bảo rất mãn nguyện với bài thơ dịch Tỳ Bà Hành này và nêu ra những chỗ đắc ý mà tôi thấy rất xác đáng, còn BS Nguyễn Thượng Vũ đã hạ bút là bài thơ dịch hay không kém gì những bài từng được công nhận là tuyệt tác. Phần tôi rất thích thú, xem đi đọc lại nhiều lần, khi so sánh với nguyên bản, lúc đối chiếu với các bản dịch khác và rất khâm phục thi tài của người bạn tuy chỉ mới kiến kỳ danh bất kiến kỳ hình nhưng kiến thi như kiến nhân, đồng thời cũng nhận thấy nhận định của BS Vũ là rất chuẩn xác. 


Khúc Ca Tì Bà 

Bến Tầm Dương đêm đưa chân khách 
Ngàn phong lau luồn lạch gió thu 
Ta xuống ngựa khách ngừng đò 
Tiệc không đàn sáo rượu hờ trên môi 
Giờ phân ly sao vui để uống? 
Lúc chia tay trăng sáng đầy sông 
Tì bà văng vẳng giữa dòng 
Khách chưa vội trẩy ta không muốn rời 
Dò tiếng hỏi ai chơi đàn đó? 
Tì bà ngưng thuyền nọ ngại ngần 
Cho thuyền chèo sát lại gần 
Khêu đèn thêm rượu tiếp tân chào mời 
Mời mọc mãi khiến người chọn lựa 
Ôm tì bà che nửa mặt hoa 
Vặn đàn thử tám dây tơ 
Dẫu chưa nên khúc đã ưa lòng người 
Ý thanh tao nhạc thời ẩn ức 
Dường phô bày buồn bực bấy nay 
Vờn năm ngón nhíu chân mày 
Giãi bày tâm sự tám dây ngàn hàng 
Dây vuốt nhẹ tiếng đàn dìu dặt 
Thoạt Nghê Thường sau thoắt Lục yêu 
Dây to xầm xập mưa rào 
Nỉ non dây nhỏ thì thào niềm riêng 
Đang nỉ non hòa thêm xầm xập 
Như hạt châu rơi ngập mâm vàng 
Như oanh ríu rít cành lan 
Như ghềnh đá chảy suối tràn dòng xuôi 
Suối ngưng đọng đàn chơi ngừng bặt 
Đàn nghỉ ngơi tiếng nhạc cũng im 
Nỗi niềm u uất vươn lên 
Âm vang so với im lìm còn thua 
Bình bạc bể nước khua lai láng 
Vó câu ròn sang sảng gươm đao 
Bốn dây móng phẩy mạnh vào 
Tiếng như xé lụa. Dạt dào. Đàn xong. 
Thuyền tứ phía tuyệt không tiếng nói 
Giữa dòng sông trăng rọi trắng ngà 
Móng đàn cài lược dây tơ 
Chỉnh y. Khép nép. Đứng chờ nghiêm trang: 
“Xưa kinh đô vốn hàng dân nữ 
Cồn Hà mô cư ngụ cửa nhà 
Mười ba tuổi thạo tì bà 
Giáo phường đệ nhất tài ba hơn người 
Kẻ sành điệu hết lời thán phục 
Ả Thu Nương ghen tức điểm trang 
Ngũ Lăng trai trẻ trao khăn 
Mỗi khi tấu nhạc hồng khăn đầy nhà 
Lược trâm vàng gẫy pha nhịp gõ 
Rượu thưởng tài hoen ố quần hồng 
Tháng năm vui thú mặc lòng 
Trăng thu lần lữa xuân nồng trôi qua 
Em tòng quân dì đà khuất núi 
Nhan sắc theo sớm tối tàn phai 
Ngựa xe thưa thớt bên ngoài 
Tuổi già kết tóc với người thương nhân 
Chồng ham lợi khinh phần ly biệt 
Nẻo Phù Lương tháng trước buôn trà 
Thuyền không thiếp đậu ven bờ 
Quanh thuyền trăng giãi sông xưa lạnh lùng 
Đêm thanh vắng mộng vùng thơ ấu 
Lệ trong mơ lăn xấu má hồng” 
Tì bà nghe đã mủi lòng 
Lại thêm nàng kể sao không ngậm ngùi? 
Cùng một lứa chân trời lưu lạc 
Gặp nhau đâu cần trước quen nhau 
Rời kinh năm ngoái dãi dầu 
Tầm Dương dất trích bệnh lâu chưa lành 
Nẻo Tầm Dương vắng tanh âm nhạc 
Suốt quanh năm đàn hát chẳng nghe 
Bồn thành ẩm thấp nặng nề 
Quanh nhà mọc những lau tre cỗi cằn 
Từ sáng chiều nghe toàn âm lậu 
Vượn hú sầu rướm máu quốc kêu 
Sông xuân hoa sớm trăng chiều 
Một thân. Một hũ. Một điều:ta say. 
Rừng có nhạc thôn này cũng có 
Tiếng líu lo làm khó tai ta 
Đêm nay nghe khúc tì bà 
Tâm hồn sảng khoái tưởng là nhạc tiên 
Khoan từ giã đàn thêm khúc nữa 
Tì Bà Hành soạn sửa vì nàng 
Vâng lời. Do dự. Nhặt khoan 
Tám dây rung động tiếng đàn thăng hoa 
Nhạc sầu thảm không như khúc trước 
Khách trong thuyền sướt mướt lệ sa 
Lệ ai suối chảy chan hòa? 
Giang Châu tư mã đẫm tà áo xanh. 

Lời bàn của Con Cò: 

Để dễ biểu hiện nguồn thơ của nguyên bản tôi luôn luôn dùng nguyên thể thơ để dịch. Nhưng với bài này (và vài bài nữa như bài Trường Hận Ca), nếu dùng nguyên thể thất ngôn trường thiên thì rất khó mô tả cái réo rắt của tiếng đàn và nỗi lòng thầm kín của người trong cuộc. Thể song thất lục bát là thể lý tưởng để mô tả ngững khó khăn đó. Chỉ có một khó khăn nho nhỏ: tuy câu bát cho thêm một chữ (so với câu thất của nguyên bản), nhưng câu lục lại ít bớt một chữ. Tôi đã hết sức cố gắng để khắc phục trở ngại đó. Tỷ dụ câu “Thập tam học đắc tì bà thanh” nghĩa là mười ba tuổi đã học được trọn vẹn nghệ thuật tấu tiếng đàn tì bà. Tôi đã diễn tả ý đó̀ trong sáu chữ: Mười ba tuổi thạo tì bà. Một tiền bối lão thành đã dịch là: “Học đàn từ thuở mười ba”. Câu của ông phạm hai lỗi: 1/ dịch sai. Nghệ sĩ này đã học thành thạo (đắc) ở tuổi mười ba chứ không phải bắt đầu học ở tuổi đó. 2/ thiếu ý (không specific), cô học đàn tì bà chứ không học thứ đàn nào khác. 

Tôi đã tuyệt đối tránh được lỗi ngây ngô (giống như chữ mùi trong câu “Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh) của vị tiền bối lão thành đó. Thỉnh thoảng tôi cũng phạm vài lỗi ép vận nhưng không phạm lỗi lạc vận (rất kỵ trong song thất lục bát hoặc lục bát). 

Sau đây là dăm tiểu xảo đã được tôi xử dụng để tô điểm cho bài dịch: 

1/ Tám dây móng phẩy mạnh vào (rất gợi hình lúc nghệ nhân đánh cả 8 dây để chấm dứt bài nhạc) 
Tiếng như xé lụa. Dạt dào. Đàn xong.(dùng 3 dấu chấm, ngắt câu bát thành ba câu nhỏ để diễn đạt những biến chuyển dồn dập mà tác giả đưa ra trong một câu thất) 

2/ Vâng lời. Do dự. Nhặt khoan (cùng một dụng ý như trên) 

3/ Vượn hú sầu rướm máu cuốc kêu. (dịch trọn vẹn được nỗi cô đơn của Bạch Cư Dị lúc bị biếm) 

4/ Móng đàn cài lược dây tơ (động tác lúc nghệ nhân ngừng chơi) 

Tuy nhiên, cũng có một vài khuyết điểm khó tránh: dịch một bài gần một trăm câu mà trước đó đã có cả chục danh nhân dịch thì khó mà tránh được dăm chỗ giống nhau.. Xin được thông cảm. 

Bs Hoàng Xuân Thảo

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Thơ Tranh: Xuân Đất Khách


Thơ: Lá Úa( Hồng Vân)
Thơ Tranh: Kim Oanh


Xuân Mơ



Trăng già im ngủ trước hiên
Sương mù lãng đãng, bưng biền sao giăng
Trên đời lắm cảnh hợp tan
Mây sầu lặng lẽ đón làn thu phong

Bây chừ tuyết đã rời đông
Ngọn đèn hiu hắt cõi lòng buồn tênh!
Não phiền thao thức tàn canh
Ô kià bất chợt tâm bình khởi lên!

Vui buồn há gọi ngẫu nhiên?
Giật mình tỉnh thức say miền chân như
Thế gian chốn tạm giã từ
Sang thuyền khua mái qua bờ đến nơi

Lành thay được hoá thân người!
Hạt ươm quả hạnh dường nuôi chính mình
Hiểu lầm...quên chữ biện minh
Giờ đây góp nhặt câu kinh lẽ thường

Rộn ràng vui chuyến hành hương
Mai đào hé nụ tỏ tường gió đông
Phương xa gắng giữ cội nguồn
Ngày xuân lễ Phật...thầm mong được mùa!

Như Thu

Mòn Mỏi Trông Chờ



Kỷ Hợi đã về theo ngựa trạm
Mai vàng óng ả dọc đường Xuân.
Đông tàn lạnh lẽo tràn muôn nẻo
Xuân sớm tưng bừng rộn rã Xuân.
Én liệng đưa thoi mây ngũ sắc
Nồm lên lướt nhẹ đất thanh tân
Bạn bè trang lứa còn ai nữa?
Mòn mỏi trông chờ một bước chân!

Thành phố Vinh, Sau Noen.
Huy Phương

Chiều Trú Mưa



Bài Xướng:
Chiều Trú Mưa

Một chiều mưa gió khách dừng chân,
Dưới cổng từ bi rảo bước lần.
Bảo tháp im lìm sầu vận nước
Phật đài lặng lẽ lướt mây ngàn.
Mấy hồi Bát Nhã vơi niềm khổ
Một thoáng Tâm Kinh lắng bụi trần.
Im ắng tư bề chuông mõ dứt
Trúc tùng sỏi đá vẫn trầm ngâm!

Mailoc
01-11-19
***
Các Bài Thơ Họa:


***
Lên Núi Nghe Thơ

Cuối dốc, nhìn lên những dấu chân
Đăng cao, cảm luỵ mấy mươi lần
Thời gian dồn dập như mưa gió
Tuổi tác chênh vênh tựa núi ngàn
Vạt khói hư huyền che cát bụi
Tà mây huyễn ảo phủ phong trần
Heo may len lỏi vào thân áo
Trốn cõi vô tình, thưởng khúc ngâm ...

Hawthorne 11 - 1 - 2019

Cao Mỵ Nhân
***
 Hương An Lành

Núi vắng leo đều mỗi bước chân
Lời kinh , mõ kệ rõ vang dần
Tâm hồn khoáng khởi nhìn mây lộng
Trí tuệ thông hanh đón gió ngàn
Dạ ấm Liên Hoa tan tục luỵ
Lòng êm Diệu Pháp xoá phàm trần
Trầm ngâm lữ khách sâu thiền định
Lắng tiếng chuông Chùa nhẹ điểm ngân 

Minh Thuý
12 tháng 1 _2019
***

Buông Vọng Tưởng

Dẫu biết trên đời lắm giả chân
Hồn say vọng tưởng ngấm bao lần!
Lang thang lối nhỏ hoài ươm mộng
Tản bộ đồi xưa ngỡ vượt ngàn
Có kẻ thầm quên vòng thế tục
Còn ta mãi gánh nợ dương trần
Trăng cười nhắn gửi thôi phiền muộn
Tiếp bạn sum vầy lảnh lót ngâm...

Như Thu
***
Viếng Chùa Xưa

Thăm chùa cùng bạn thả thư chân
Đã đến nơi đây cũng lắm lần
Cảnh tịnh chuông ngân chiều xuống núi
Trời thanh nhịp mõ vọng non ngàn
Sơn tăng giải đạo vơi ưu não
Tiếng kệ bày đường nhẹ nghiệp trần
Tạm biệt thiền lâm bờ trúc lặng
Chim chiều tiễn bước vẵng xa gần.


Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm 
12.01.2019
***
Chiều Chạy Mưa

Bất ngờ mưa dội cuống đôi chân 
Cảnh khốn chiều nay đã lắm lần. 
Sấm động ù tai nghe tựa mấy . . . 
Hạt quăng rát mặt tưởng như ngàn . . . 
Xắn quần gối thuận dồn tâm nhảo 
Cởi áo đầu che lộ ngực trần. 
Hối hả gặp trơn mà té sấp 
Nằm trong vũng nước mệt nhoài ngâm . 

Trần Như Tùng
***
Về Miền Tĩnh Lặng
“Họa 4 vần” 

Những ước thăm chùa để nghỉ chân 
Nghe kinh thức tỉnh một đôi lần 
Hồi chuông lồng lộng vang âm hưởng 
Tiếng mõ mênh mông dội dặm ngàn 
Mãi gởi an tâm miền cát bụi 
Thường trao bình thản chốn phong trần 
Về đây tiêu sái cùng mây khói 
Thì thấy trúc tùng hiện pháp thân 

Như Thị
***
Giác Ngộ
( Họa 4 vần )

Chùa vắng chiều hôm ghé nghỉ chân
Quanh co lối dốc, trợt bao lần
Lặng yên bảo tháp, màn mưa nhẹ
Xào xạc vòm cây, tiếng gió ngàn
Chánh điện im lìm hương khói tỏa
Sư già trầm mặc mõ chuông ngân
Bỗng nhiên giác ngộ, tâm thanh thản
Nhẹ nhõm buông trôi hết lụy trần.

Sông Thu

Thềm Xuân

THỀM XUÂN
Sáng dậy, nhìn Xuân đẹp tuyệt vời
Chủ quên, khách nhớ khắp muôn nơi
Năm cùng, tháng tận, từ bao kiếp
Phút đợi, giờ trông, suốt một đời
Bạch tuyết đầu non hoa trắng nở
Hoàng mai cuối biển mộng vàng phơi
Én về chắp cánh cho ta gọi
Này hỡi Đông quân đến đúng thời ...
Hawthorne. Jan 14. 2017
CAO MỴ NHÂN

[2]
XUÂN MỘNG
Đón Xuân đợi mãi, ngóng trông vời,
Đấy đấy, Xuân về, đã tới nơi!
Dân chúng nay không còn khổ mãi,
Non sông sẽ vững chắc muôn đời.
Bao la biển cả tràn tôm cá,
Dư giả sân đầy lúa thóc phơi.
Chợt tỉnh mới hay là giấc mộng,
Thôi thì trông đợi phải chờ thời!
Jan 14, 2017
Đỗ Quang-Vinh

[3]
THƠ SUÔNG
Này ý thơ suông mới nửa vời
Trải lòng ly khách đến bao nơi
Chợt nghe man mác khơi hồn nước
Càng thấy bâng khuâng chạnh nỗi đời
Đâu sắc mai vàng đang nở rộ ?
Mấy mùa tuyết trắng đã giăng phơi
Đón xuân giữa đất trời xa lạ
Đá cũng buồn đau chuyện thế thời !
Nguyễn Kinh Bắc
Jan-14-.2017

[4]
XUÂN ĐỢI
Xuân hỡi, xuân ơi đã vợị vời
Từ hồi cách biệt có còn nơi
Người rưng lệ bước tình bao đoạn
Kẻ vẩy tay đưa nghĩa một đời
Rượu đắng tim gan thơ phú cạn
Sáo buồn kệ sách lục huyền phơi
Giá như thuở ấy đừng duyên ngộ
Phố cũ xuân nay chẳng đợi thời

Ngô Đình Chương
January 14, 2017

Ngôn Ngoại


Tôi về Việt Nam ăn Tết, khi trở ra, gặp một chuyện trên máy bay, tới bây giờ vẫn còn lấy làm lạ. Tôi cũng hơi áy náy nữa, nên mong bà ngồi bên tôi chuyến đó, ghế số 27E, tình cờ đọc được bài này sẽ cho tôi biết tin bà có bình an không, mặc dầu khi chia tay, bà ra dấu hiệu ‘Cứ yên tâm’.

Đầu tiên khi lên máy bay tôi đã thấy bà chiếm chỗ của tôi, 27D, mà ngủ li bì. Lạ thật, mới lên máy bay đã ngủ. Tôi không dám đánh thức vì thấy mặt bà co giật một cách khổ não, chỉ sợ đụng phải lỡ bà lăn đùng ra thì mang vạ. Đấy, cái gì tôi cũng cứ nói thật, xin bà bỏ qua. Cuối cùng, vì bị hành khách đi sau thúc quá, tôi đành bước qua người bà mà vào chỗ ngồi tạm. Trước khi máy bay chuyển bánh ra phi đạo để cất cánh, cô tiếp viên tới kiểm soát, thấy bà chưa cài dây an toàn, lại bảo tôi cài cho bà. Một sự lầm tưởng tai hại. Nhưng tôi không đủ lanh trí để cải chính một cách tế nhị, chẳng lẽ tự dưng tôi nói ‘bả không phải vợ tôi’? Vả lại, cài giùm cái dây có cần gì phải là vợ chồng? Tôi nghiêng qua người bà tìm mối dây bên kia, nghe nồng nực mùi dầu cù là. Tôi nín thở cài khóa, tiếng kim loại ăn khớp kêu crắc xác nhận là tôi đã làm chu đáo một nhiệm vụ nhỏ, nhưng có thể trở thành lớn, nếu nói dại có trục trặc gì xảy ra. Nhưng máy bay cất cánh an toàn. Khi đèn báo hiệu cho phép cởi dây an toàn, tôi cởi cho mình, rồi tần ngần nghĩ đã cài cho bà, thì tôi cũng nên cởi cho bà.

– Ê! Làm gì kỳ vậy, cha già mắc dịch!
‘Chát!’ Bàn tay tôi bị bắt quả tang đang thò sang lòng bà. Tôi vừa giận vừa xấu hổ, ức quá mà không dám gây sự lại. Thôi thì phải tự an ủi là bà chưa ngoác mồm tuôn ra một tràng xỉ vả nặng hơn nữa, và còn may là hành khách chung quanh coi bộ không ai chú ý tới lời ‘vu cáo’ trắng trợn kia. Tôi đành im lặng chịu trận cho tới khi nghe bà nói trổng:
– Mắc đái thấy mụ nội. Bao giờ máy bay mới ghé đổ nước, cho hành khách đi đái không biết?
Được dịp ‘đáp lễ’ sự lỗ mãng của bà bằng sự đàng hoàng và kẻ cả của mình, tôi chỉ giùm làm phước:
– Toilette ở trước mặt kia kìa, bà.
Bà ngơ ngác nhìn lên rồi ngơ ngác nhìn lại tôi:
– ‘Toa với lết’. ‘Lết’ đi đâu cha nội? Tui mắc đái xón ra quần bây giờ nè. Chạy te không kịp, ở đó mà ‘lết’.
Tôi bỗng nhận ra bên cạnh tôi là một người đàn bà, mặt thuôn dài, lưỡng quyền cao, khá đẹp, nhưng quê như một cục đất. Tôi hết giận:
– Bà có biết đọc … xa tới đằng kia nổi không?
– Chữ ta thì đánh vần được chớ, sao không? Mắc cái chữ Tây ôn dịch gì đâu. Mà biển gì kẻ chữ bằng con kiến!
– Bà khỏi cần đọc chữ cũng được. Lên đó, thấy có cái cửa nào có vẽ hình ông Tây với bà Đầm, thì bà vào mà … đái.
Bà vừa nhổm dậy đã bị sợi đai trì lại, la to:
– Ối chu cha! Con mẹ đứa nào nó cột eo ếch tui, tế mồ tế mả nhà nó!
Tôi im thin thít, không dám tự thú nhận ‘tội ác’ của mình, chỉ giúp bà mở khóa dây. Giữa lúc không hề dám mong đợi, tôi lại được bà ban cho một nụ cười tươi rói, và một giọng ỏn ẻn:
– Té ra hồi nãy chú tính cởi trói cho tui hả? Không biết đứa mắc dịch nào đi tầu đi xe mà còn phá.
Rồi bà lảo đảo đi lên cầu tiêu, lâu lắm mới thấy trở lại:
– Không thấy nhà cầu đâu hết. Chú giắt tui đi được hôn?
Tôi tính nói ‘bảo đảm bà không kiếm ra cái cầu cá tra trên máy bay đâu’, nhưng lại im lặng hướng dẫn bà lên cầu tiêu, mở một cửa trống chỉ cho bà vào. Bà ngạc nhiên:
– Thì hồi nẫy người ta cũng chỉ cho tui cái tủ kín bưng như vầy. Có cầu kiều mẹ gì đâu?
Đã trót thì trét, tôi kéo bà vào hẳn bên trong, chỉ cho bà cách ngồi cầu, xé giấy, cách bấm nút xối cầu, rửa tay bằng xà bông, và thoa nước thơm, đủ lễ bộ. Để chắc ăn, tôi bảo bà làm ơn thực tập thử cái thủ tục quan trọng nhất là nhấn vào cái nút xối cầu. Bà vừa thò tay nhấn nút, tiếng cống hút rồ lên như cọp táp gà con, bà ôm chầm lấy tôi la:
– Trời đất thiên địa ơi! Con gì nó rống quá trời!
Khi tôi để bà ở lại và đi ra, có một một cậu Việt Nam đứng chờ, nhìn một cách hóm hỉnh nói nhỏ:
– Ông bà tình ghê!
Câu này, chắc hôm đó bà không nghe đâu, nhỉ? Về chỗ, tôi vẫn ngồi vào cái ghế đã bị đổi, đầu tràn ngập những dấu hỏi về người đàn bà kỳ lạ. Bà đi với ai? Đi đâu? Làm gì? Khi bà trở lại, lò dò mãi không tìm thấy chỗ, tôi phải vẫy tay, kêu:
– Bà ơi! Đằng này nè!
Tôi nghe từ hàng ghế sau, phía bên trái có giọng đàn bà, tiếng Việt:
– Ông già lấy được bà vợ đẹp, chỉ tội quê không để đâu hết.

Bụng tôi thon thót theo mỗi bước chân của bà, chỉ lo ngại cho những cái đầu người ngồi dẫy bìa bị tay bà quơ phải, lỡ mà bà nhằm cái đầu tóc giả của một ông Tây mà vịn thì tôi phải tuyên bố ‘ly dị’ ngay tại chỗ. Nhưng tôi thở phào khi cuối cùng bà tới được chỗ ngồi bình an, gieo bàn tọa cái rầm, thả ra mùi ‘eau de Cologne’ pha lẫn mùi dầu cù là lổn ngổn.
– Bà đi máy bay lần đầu?
– Chớ lần mấy?
– Bà đi đâu ạ?
– Phần-lan.
– Bà đi thăm bà con bên đó, chắc?
– Bà con hồi nào? Theo chồng.
– Ông nhà sang Phần-lan lâu chưa?
– Chả là người Phần-lan …


Bà kể bà làm nghề chèo đò đưa khách tại bến đò Vĩnh Long. Chở bạn hàng cũng có, mà sau này chở khách du lịch cũng có. Thường thì bà chậm chân, không tranh được mấy mối khách du lịch béo bở. Một hôm bà để ý có một ông khách Tây cứ ngồi uống cà phê đá mà nhìn bà cả buổi, ‘cái đầu xồm không nhúc nhích’ và ‘cái môi đỏ chót liếm lia’. Cuối cùng ông đứng lên ra bến, đưa tay gạt hết mấy thằng giành mối ra một bên, mà tiến thẳng lại ghe bà, chẳng nói chẳng rằng, bước xuống, và bà chèo đò cho ông coi cảnh trên sông Cổ Chiên. Bà nói tiếp:
– Tối về chả rút bóp ra một xấp tiền đô. Tui hổng dám lấy. Thằng chả xòe ra biểu lấy một ít cũng được. Nhưng chú tính coi – ai lấy kỳ vậy?

Cô tiếp viên đưa khay ăn tới. Tôi giúp bà hạ bàn con xuống, chọn nước uống, và chỉ bà cách dùng mấy thứ lỉnh kỉnh như dao nĩa, khăn ăn v.v. Và tôi ngạc nhiên tại sao một người chèo đò nhà quê mà có bàn tay búp mang đẹp như vậy. Bà cầm dao ăn như cầm búa, nhưng ăn vén khéo và rất … bạo -so với các mệnh phụ phu nhân khác. Vẻ tự nhiên của bà và những món ăn hấp dẫn với rượu vang khiến tôi phấn chấn tinh thần. Tôi thấy đã đủ thân mật để nói đùa:
– Bà không lấy tiền, chứng tỏ bà mê ông rồi?
Bà cười khinh khích:
– Mê cái mốc xì họ. Bộ ghe chùa sao? Tôi lấy cái tờ có vẽ số 1.
– Sao bà không lấy tờ vẽ số 10 hay 20?
– Lấy đủ công mình thôi chớ.
– Rồi sau đó?
– Sau đó hả? Mấy bữa sau, bữa nào chả cũng trở lại thuê ghe tui đi chơi lòng vòng… Rồi chả đòi lấy tui.
- Ý! Chết mẹ người ta chưa!

Dầu biết trước bà đang trên đường đi về nhà chồng, tôi buông ra một câu sững sờ như thế vì hồi kết cuộc tới một cách đột ngột quá. Không ngờ tiếng reo của tôi đã đậm đà giọng của bà, thốt ra mà thấy sướng cổ họng. Nhưng thấy sau đó bà im bặt, tôi lại lo bà giận tôi lỗ mãng.
– Xin lỗi nhé!
– Lỗi gì?
– Dạ, không.
Tôi chờ đợi một câu truyện hấp dẫn, có đầu đuôi hơn. Tôi muốn biết buổi hẹn hò đầu tiên ở đâu? ông tỏ tình thế nào? tại sao bà biết ông thương mình thiệt? cái gì làm cho bà thích ông? ông làm nghề gì? có tổ chức đám cưới không? Nhưng bà không kể nữa, tiếp tục ăn món tráng miệng, khen ngon.
Tôi uống sang ly Cognac thứ ba, nghe ra giọng nhừa nhựa của chính mình:
– Dô! Dô! Mừng cho mối tình của bà! Đẹp thấy … mẹ!
Bà nhìn tôi, cau mặt:
– Ê! Chú hổng nên bắt chước tui ăn nói cái kiểu ẩu tả đó.
Thế ra bà vẫn biết mình ăn nói khác thường. Tôi chữa:
– Bà nói ngon lành hết xảy, chứ đâu có … ẩu tả.
– Chú nói thiệt tình hay xí gạt tui?
– Tui xí gạt bà làm mẹ gì? Bà là người tốt muốn chết.
– Chú coi bộ cũng được, nên tui khuyên chú đừng bắt chước tui. Tui trót học thói xấu, không sửa được. Không muốn sửa. Thằng khốn nạn đó …
Tôi ngạc nhiên, tại sao mới ‘thằng chả’ thân mật đã lên cấp ‘thằng khốn nạn’?
– Bà nói ai … khốn nạn?
– Thằng chồng của má tui.
– ‘Chồng của má’, tức thị là cha ?
– Cha ghẻ tui đó. Mà tui có kêu chả bằng cha đâu.
– Sao vậy?
– Nó nhậu say rồi đánh đập mẹ tui tối ngày. Một hôm nó định giở trò súc vật với tui, mẹ tui bắt gặp, nó đánh mẹ tui bất tỉnh nhơn sự, tui quơ con dao yếm, huơ cho nó ớn mà giang ra, ai dè nó tự lao thây vào lãnh dao, chết ngắt. Đúng là số chả chết. Bị thần Lưu Linh vật. Tui .. tui không cố ý. Ông ta cũng thông cảm cho tui như vậy. Tui chỉ bị ba năm cải tạo. Lúc má tui đau nặng, người ta lại thả cho về sớm gần năm để nuôi bả.
Bà ngưng kể, khóc. Tôi im lặng để bà khóc tự nhiên, nhưng thấy bà khóc mãi, tôi an ủi:
– Việc đã qua rồi. Bà đừng buồn nữa.
Bà mủi lòng, khóc mùi hơn:
– Tui nhớ má tui với thằng Mẫn quá. Tui bỏ đi thiệt là tệ. Không ai coi chừng má tui với nó hết trơn.
– Thằng Mẫn là ai?
– Nó là em cùng mẹ khác cha với tui. Nó bị tàn tật, què giò.
– Cha em là ai?
– Thằng chồng mắc toi của mẹ tui, chứ ai?

Tôi quay nhìn khuôn mặt hiền lành đẫm nước mắt và nghĩ có lẽ chính khuôn mặt này đã làm cho các quan tòa giảm khinh cho bà tội vô ý giết người. Phải tay tôi, đã cho bà trắng án. Rồi như bấm nút, bà nín bặt, chùi nước mắt, nói ráo hoảnh:
– Bảy năm cãi lộn với thằng cha ghẻ và hai năm cải tạo, hết thảy chín năm, tui quen ăn nói ba trợn. Sửa lại thấy … miệng lạt nhách.
Bà nói xong than:
– Tui mắc ói quá. Trước khi lên máy bay đã uống ba viên thuốc, mà còn mắc ói.
– Hèn gì bà vừa lên máy bay đã ngủ li bì.
Tôi vừa kịp banh cái bao ói thì bà ọc ra. Bà lại lấy dầu cù là ra xức. Cái nồng nàn của những chuyến đò đêm, cái ngất ngưởng của những chuyến xe đò trưa nắng, cái bệnh viện lưu động đó, dầu cù là con hổ. Hai mươi năm mới gặp lại, gặp lại vẫn nồng. Tôi bật ghế cho bà nằm nghỉ. Tôi cũng ngả người, nhắm mắt, suy nghĩ miên man về câu truyện của bà. Thỉnh thoảng tôi hé mắt, thấy bà chăm chú coi phim trên bàn ảnh truyền hình. Tôi chỉ cho bà đeo ống nghe. Tay chạm phải bộ tóc thật rậm, khỏe mạnh.

Không biết máy bay đã bay tới đâu và mấy giờ ở dưới mặt đất. Tôi có cảm tưởng thời gian và không gian như đọng lại ở một nơi xa lạ, không liên quan tới trái đất. Nhưng tôi vẫn tưởng tượng dưới đó hàng mấy tỉ người đang lao xao cười, khóc, nói thật và nói dối, thông cảm và ngộ nhận, bằng nhiều thứ ngôn ngữ, chân ngôn xen lẫn ngụy ngôn.
Tôi thức giấc đã nghe nhiều người rục rịch. Bà đã bật ghế thẳng, ngồi đan áo, tôi hỏi:
– Bà không ngủ?
– Ngủ mẹ gì được. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng gà gáy.
Tôi ngạc nhiên:
– Trên máy bay, làm gì có gà kìa?
Bà không do dự:
– Chắc nó gáy trong đầu tui. Bị ở nhà quê, nghe gà gáy riết, quen đi, cứ gần hừng sáng là nghe gà gáy trong tai.
Hình như bà giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng trực giác. Thuần trực giác. Tôi chắc người đàn ông gặp bà trên bến đò Vĩnh Long cũng có trực giác rất mạnh. Tôi thích nghe tiếp câu truyện về họ.
– Tại sao ông không về Việt Nam … rước dâu?
– Chú đừng kiêu ngạo tui… Chả đòi sang đó chớ. Nhưng tui không cho.. Tui nói dìa chi tốn tiền. Tui xin món tiền đó cho thằng Mẫn ăn học, chả bằng lòng, gởi tiền dìa rồi.
Khi bà dẹp len và kim đan để chuẩn bị ăn điểm tâm, tôi hỏi:
– Bà đan áo cho ông?
– Bển nghe nói lạnh lắm.

Chúng tôi ăn xong, máy bay qua một vùng ‘ổ gà trời’, hổng lên hổng xuống. Đèn báo nhắc cài dây an toàn. Lần này tôi chỉ cho bà cái khóa. Hành khách đi máy bay gặp những báo hiệu cài dây thế nào cũng ít nhiều lo lắng. Rủi ro, ai biết? Loa phóng thanh loan báo có bão, nhưng hành khách có thể yên tâm. Tôi lòn tay dưới gầm ghế, lấy cái phao cấp cứu. Bà hỏi:
– Cái gì vậy?
– Cái phao cấp cứu. Tôi chỉ kiểm soát xem nó có đó không, để mình yên tâm.
– Tui đi sông đi nước hai chục năm trời, chẳng phao phiếc gì, cũng chẳng chết. Hôm đầu thằng chả xuống ghe cũng bày đặt hỏi phao, tui nói không cần, chả cũng chịu. Riết rồi chả nói đi ghe với tui mà không mang phao mới thích.
Bà không lộ một thoáng lo âu nào. Tôi có cảm tưởng người đàn bà này bay trên 10 ngàn bộ cao mà tưởng mình đang bơi xuồng trên sông Cổ Chiên, xuồng lật, chỉ việc nhào xuống nước bơi. Tôi cất phao trở lại chỗ cũ, hỏi:
– Bà có chắc ông sẽ ra đón không?
– Tui chắc mà.. Tui biết ai là người tin được.. Tui biết thằng cha này không bao giờ nói xạo.

Tôi nhớ một sự tích trong Tân ước: Một hôm thuyền của các môn đệ gặp sóng gió, Chúa Giêsu đi trên mặt nước ra với họ, nhưng họ càng sợ hơn vì tưởng là ma. Chúa nói ‘Thày đây, đừng sợ’. Đại môn đệ Phêrô mừng quá nói ‘Nếu là Thày thì xin cho con đi trên mặt nước đến với Thày’. Chúa phán ‘Con lại đây!’ Phêrô bước xuống, đi trên mặt nước, được mấy bước, thấy sóng to quá, ông đâm hoảng, và chìm xuống, Chúa phải đưa tay ra đỡ lên thuyền. Ngài trách yêu ‘Cái đồ yếu lòng tin!’

Tôi cảm phục lòng tin của bà lắm, bà ạ: Bà bước thẳng lên mây đến với chồng. Tôi nghĩ mọi người trên chuyến bay này đều biết trước về cuộc hành trình, và biết điểm tới. Chỉ có bà nhắm mắt mà bước lên mây, không biết điểm tới nằm chỗ nào trên mặt đất. Bà đi tới với chồng, chứ không đi tới một nơi nào cả. Không một giây hồ nghi. Câu hỏi ‘Liệu ông chồng có tới đón không?’ chỉ bám vào đầu tôi, một con người thường thấy quá nhiều sóng lớn trên biển đời, lòng tin thường bị nhận chìm, đến nỗi mỗi bước đi về sau trở thành một dấu hỏi.


Tôi phải chờ bảy tiếng đồng hồ tại Copenhagen để được chuyển máy bay đi Oslo. Lịch trình bay đã ghi như vậy từ đầu. Còn bà, theo lịch trình lẽ ra chỉ phải chờ ba tiếng để chuyển máy bay, nhưng vì trục trặc đình công sao đó, phải thêm hai tiếng trễ nải. Chính hai tiếng trễ nải này khiến cho tôi lo ngại giùm bà. Tôi đề nghị:
– Bà nên báo cho chồng bà biết máy bay trễ.
– Chả biết mà … Cái gì chả cũng biết hết đó.
‘Cái gì chả cũng biết’, đã tin ắng đi như vậy, thì thôi, kệ bà. Tôi hướng dẫn bà đi coi các gian hàng trong sân bay. Bà bị kích thích mạnh vì vẻ choáng lệ và đồ vật bày trong các cửa hiệu. Bà trầm trồ, reo vui.. Tôi hỏi bà có định mua cái gì làm quà cho chồng không, vì đồ ở đây miễn thuế, rẻ hơn ở ngoài, bà nói:
– Tui mang theo nhiều đồ lắm, khỏi cần mua. Chú đừng cười nghe, tôi may ba bộ birama, kho một nồi tôm, và mua năm ký bánh phòng tôm, hai ký kẹo dừa. Nghe nói mấy thứ này ở bên tây không có. Mèn ơi! Tây u gì mà nó thích ăn tôm kho tầu gì đâu …

Đi với bà, tôi có cái vui thích như đi bên cạnh một đứa trẻ tò mò. Trẻ ngoan nữa, vì bà từ chối khi tôi đề nghị mua tặng một cái máy sấy tóc mà bà rất thích.
– Ai lại để chú mua, kỳ chết. Để chả mua cho tui, nếu tui còn thích.
Theo tôi, bà có một bộ tóc mây quá đẹp. Tôi hy vọng ông chồng sẽ thuyết phục được bà đừng uốn tóc. Tôi thăm dò:
– Tóc bà để tự nhiên như thế đẹp hơn.
– Biết đâu thằng chả.
‘Biết đâu thằng chả’, thế là cả nhan sắc bà cũng giao cho ông luôn.
– Hèn gì.
– Chú lẩm bẩm cái gì?
– Dạ, không. À, tôi định nói con gấu bông kia nhỏ bé quá, hèn gì ai cũng muốn bồng.

Tuy nhiên, bà càng tin tưởng, phó thác một cách ngây thơ, đầu óc đầy sạn của tôi càng nghi ngại. Rủi chồng bà không tới, bà sẽ xoay xở ra sao ở nơi xa lạ? Khi đi qua một trạm điện thoại, tôi đề nghị:
– Bà nên điện thoại cho ông báo tin báy bay trễ, để ông khỏi lo.
Bà ngẫm nghĩ, rồi trả lời:
– Chú nói có lý. Nhưng làm sao ra nhà dây thép gió bây giờ?
Tôi lấy cái thẻ nhựa của tôi tra vào máy điện thoại, và quay số bà ghi trong một tờ giấy nhét cẩn thận trong bóp. Chuông điện thoại reo. Bỗng tôi ngại ngùng, có thể nào người đàn ông nghe tiếng tôi ở đầu dây bên này, biết tôi đứng bên cạnh vợ ông và đâm ghen không. Tôi vội trao máy cho bà trước khi đầu dây bên kia trả lời. Tôi nghe bà la oang oang bằng tiếng Việt:
– Ê! Ông Ron đó hả! Ê ông có nghe không, Ron, Ron, Ron?!
Bà nói liên hồi, xăng xái. Bà bụm bàn tay trước ống nói mà hét lên, cũng không có tiếng trả lời. Tôi nhớ chúng ta thử lại nhiều lần, bà nhỉ. Nhưng không ai trả lời. Tôi an ủi:
– Có lẽ ông đã đi đón bà, và đang chờ ngoài phi trường.

Sắp tới giờ bà phải lên máy bay, tôi cần được giải đáp vấn nạn lớn nhất rằng tại sao một con người ăn nói mộc mạc như bà lại có thể làm cho một người đàn ông lạ say mê cưới làm vợ. Và, mặc dầu bà thường kể ‘chả biểu, chả nói’, nhưng nói bằng ngôn ngữ gì? Suốt cuộc hành trình, tôi biết bà không hiểu một chữ tiếng Tây tiếng Mỹ, làm cách nào ông bà hiểu nhau, hiểu một cách thâm sâu như thế? Cụ thể nhất là có thiệt ông hẹn bà sang Phần-lan chuyến này? Và có chắc tất cả mọi truyện không bắt đầu từ một sự … hiểu lầm nào đó do bất đồng ngôn ngữ? Tôi hắng giặng hỏi:
– Tôi hỏi không phải, ông bà nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hay tiếng Phần-lan?
Bà xăng xái:
– Tiếng Việt mình, thằng chả có hiểu con mẹ gì. Còn cái tiếng quỉ tiếng ma gì của chả, tui cũng đách hiểu.


Cũng hay. Nhờ không biết tiếng Việt, ông khỏi cần hiểu ‘con mẹ’ với ‘cái đách’ là gì. Có lẽ chỉ cần hiểu gật đầu là ‘có’ và lắc đầu là ‘không’, hai tín hiệu mà nếu thông suốt, minh bạch, con người đỡ được bao nhiêu phiền trược trong cái biên giới u minh nửa không, nửa có, của ngôn ngữ. Tôi nghe nói bộ óc điện toán cũng chỉ biết ‘gật đầu’ và ‘lắc đầu’. Phương chi, con người, không phải chỉ có bộ óc, mà còn trái tim kỳ diệu. Điều này làm cho tôi, khi tiếng loa mời hành khách đi Helsinki vang lên, cảm thấy bớt áy náy. Cái gì làm cho một người đàn ông từ Helsinki sang tận bến đò Vĩnh Long gặp bà, thì cũng đang hướng dẫn bà từ Vĩnh Long sang Helsinki bình an.

Bà le te ra cổng số 39, tươm tất trong cái áo vét xanh đậm và quần tây thẳng nếp. Tôi đứng ngoài, bịn rịn nhìn theo, bà quay lại vẫy tay. Cái vẫy tay cũng không giống ai, bàn tay đưa ngang vai, lòng úp xuống, ngón tay phẩy phẩy ra phía ngoài, như giục tôi cứ đi đi. Cứ yên tâm.

Tâm Thanh

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Xuân Đã Về - Nhạc Sĩ Minh Kỳ - Tiếng Hát Hoàng Kim Yến


Nhạc Sĩ: Minh Kỳ 
Tiếng Hát: Hoàng Kim Yến
Thực Hiện: Đặng Hùng

Tuổi Thanh Xuân



Bầu trời ngoài đường phô
Sáng sớm còn xanb xanh
Hàng cây theo làn gió
Đu đưa ru mấy cành


Lầu chuông trên ngọn tháp
Rung lên tiếng dịu dàng
Chim trên trời ta thấy
Cất tiếng hát vang vang

Em ơi! Đời còn đó
R
n ràng và sáng trong
Kìa tiếng ồn nghe rõ
Vang vọng khắp muôn phương

Em ơi!! làm gì đó
Với tuổi trẻ thanh xuân
Ngoài kia trời rộng mở
Hoa vương chút nắng vàng 


Lưu Hoài

Mai



Rực rở sắc vàng như áo em
Những bông mai nở cánh nhung mềm
Đắm say tình bướm thêu đường mộng
Mê hoặc xuân thì lạc cõi tiên
Gió lẩy vờn lay từng nhị thắm
Hương thầm xao xuyến bóng chiều êm
Bỗng nghe hơi ấm bên thềm nhớ
Mơ khách xa về đep chữ duyên.

Bằng Bùi Nguyên

Tết



Thời gia chầm chậm hững hờ trôi
Tân niên Kỷ Hợi (2019) sắp đến rồi
Con đường Trần Thế càng thu ngắn
Trên đầu chồng chất một tuổi đời.

Kẻ mừng Xuân mới, vui đón Tết.
Người buồn thân phận, chán ngán đời
Lữ khách nổi trôi nơi xứ lạ
Nhớ Tết quê nhà nước mắt rơi!

Hoa Đô, 01-20-2019.
Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Gõ Trán Tìm Thơ



Bài Xướng:
Gõ Trán Tìm Thơ
(NĐT,Bát vĩ đồng âm)

Kê cằm ngậm bút thảo vần thơ
Kẻo bạn gần xa mãi ngóng chờ
Úp mặt đôi lần câu chửa vỡ
Xoa đầu nửa chặp tứ càng trơ
Đèn khêu lụi bấc còn dang dở
Nguyệt tỏ nhòm song hóa thẫn thờ
Gõ trán tìm đâu người gợi mở
Tàn canh trống điểm lại nằm mơ

Phạm Kim Lợi
***
Các Bài Họa:

Gõ Phím Họa Thơ


Gõ phím mượn vần họa chút thơ
Đồng âm bát vĩ ,kẻo ai chờ
Câu chưa hết ý ,hoài dang dở
Tứ chẳng trọn niềm,mãi trẽn trơ
Bứt tóc dăm phen,còn lớ ngớ
Lắc đầu mấy bận,vẫn ơ thờ
Năm canh gà gáy bình minh mở
Sáu khắc qua rồi hết mộng mơ

Songquang
1/21/2019

Âm Vận Hòa Ca


Thưa bài bát vĩ ngũ độ thơ
Thật quả từ lâu có ý chờ
Lãm, Lãng đã từng trao bản tuyệt
Lý, Đào chửa viết ngỡ buồn trơ
Đường thi mang vẻ nặng trau chuốt
Ngôn ngữ xem ra thích phụng thờ
Vỗ trán thầm thương đôi nhật nguyệt
Bao lời xướng hoạ tưởng là mơ ...

Hawthorne 21 - 1 – 2019
Cao Mỵ Nhân
***
Nàng Thơ Tuyển Chồng

Thông báo tuyển chồng - mấy vận thơ!
Loan tin rộng rải thiếp mong chờ
Bao thu vàng võ hoa còn nở
Bấy hạ khô cằn nụ vẫn trơ
Hảo hán sở khanh xin xoá bỏ
Thi nhân chung thủy nguyện tôn thờ
Năm châu mạnh dạn đăng chờ mở
Kỷ Hợi xuân nầy - toại ước mơ!

Trương Văn Luỹ
21/01/19
***
Hồi Âm

Lặng lẽ đông tàn cảm ý thơ
Tình trao xướng họa nghĩa đang chờ
Chèn câu lục bát thì dang dở
Nối vận đường thi phải đẫn đờ
Thất thểu đan từ chưa rực rỡ
Trầm ngâm chuốt chữ lại bơ thờ
Đìu hiu lạnh lẽo dầm hơi thở
Rũ rượi đêm nằm gởi giấc mơ

Như Thị
***
Thơ Thẩn


Cắn bút hồi lâu lạc vận thơ
Luật niêm thực luận biết đâu chờ
Phân tâm lãng trí rơi ly vỡ
Chú ý hoài công nghĩ mắt trơ
Hệ thống từng câu còn lỡ dở
Thu gom những ý vẫn ơ thờ
Tập trung tư tưởng lo mà mở
Kẻo phí thời giờ lại ngủ mơ !

Mai Xuân Thanh
Ngày 21/01/2019
***
Sướng Trong Mơ

Bạn mình gõ trán hiện ra thơ
Bằng hữu hân hoan thích thú chờ
Ý tứ triều dâng thuyền dễ lượn
Câu vần suối chảy đá thôi trơ.
Thi già vừa ngó thầm hâm mộ
Thi trẻ chợt nghe muốn phụng thờ.
Có một tài hoa cùng xướng họa
Tràn trề mộng mị sướng trong mơ .

Trần Như Tùng
***
Tụng Nàng Thơ
(NĐT,Bát vĩ đồng)

Xuân ngồi vẫy bút tụng nàng thơ
Thỏa những hờn xưa trót ngậm chờ
Mượn chữ hồng hoang thời khóc dở
Vay vần huyễn hoặc thuở cười trơ
Miên trường lục bát tìm hơi thở
Vĩnh cửu đường thi khắc tượng thờ
Mặc tiếng eo sèo Tây mũi lỏ
Chê đời ngủ gật giữa ngày mơ…

Lý Đức Quỳnh
22/1/2019
***
Trăn Trở Làm Thơ

Mừng xuân xướng họa góp câu thơ
Gửi bạn gần xa ý đợi chờ
Nắn tứ đôi lần câu nỏ vỡ
Tìm từ mấy bận cú hoài trơ
Truy tầm đối luật sao thăm thẳm
Soát xét niêm vần cứ vẩn vơ
Lục lọi canh dài lòng trăn trở
Tàn đêm gà giục thiếp hồn mơ

Hương Thềm Mây
GM Nguyễn Đình Diệm 
22.01.2019
***
Chân Thơ

Quý hữu giao hòa vọng trổ thơ
Nàng xuân suối mộng vẫn đang chờ
Còn trông bút lực vần hay dở
Chỉ đợi câu từ tứ đỡ trơ
Xướng họa vui chơi nào lỡ cỡ
Giao lưu cợt nhả sẽ ơ thờ
Chân thành quý trọng tình duyên nở
Rộng mở lòng mình đẹp ước mơ…

Đức Hạnh 
 22 01 2019
***
Làm Thơ Đâu Dễ
( Bát vĩ đồng âm )

Vò đầu bứt tóc nghĩ câu thơ
Đáp họa, kẻo kbông bạn đợi chờ
Bí tứ, đã toan đành bỏ dở
Lạc vần, chỉ muốn để nằm trơ
Cạn từ, điệp ngữ xin xài đỡ
Đảo vận, đồng âm khiến cạn mờ
Im lặng lắng nghe từng nhịp thở
Giận thay, thi hứng vẫn ơ thờ...!

Sông Thu
***
Nát Óc Vì Em

Bóp trán lâu rồi chẳng bật thơ
Thương cho giấy lụa mãi mong chờ
Vầng trăng thôi thúc ...duyên còn dở
Bóng nguyệt dòm nom...bút vẫn trơ
Rứt tóc tìm câu,câu lỡ cỡ
Vò đầu kiếm chữ,chữ lơ mơ
Hiên người,trăm đóa đua chen nở,
Xuất khẩu thành chương, cũng đáng thờ

Thanh Hoà
***
Nối Lại Tình Thơ

Em về nối lại bản tình thơ
Có mảnh vườn cau vẫn đợi chờ
Nguyệt phủ lầu tây ...tròn nỗi nhớ
Mây vờn phố biển...vẹn niềm mơ
Cầm tay dạo nốt cung đàn lỡ
Gọi sóng bồi thêm bãi cỏ trơ
Lặng lẽ thuyền xưa vào bến đổ
Ngàn năm kỷ niệm mãi tôn thờ

Thy lệ Trang
***
 Vội Vã Họa Thơ Em Quá Dở

Múa bút vung tay : họa vận thơ
Loay hoay viết vội sơ em chờ
Lời thô gửi gấp e chưa vỡ
Ý thiển đưa liều sợ sẽ trơ
Cố giữ Đường Thi đừng quá dở
Chuyên lo Lục Bát được tôn thờ
Tìm vần dụi mắt mi khôn mở
Gà Gáy tàn canh chẳng tỉnh mơ
 
LTĐQB
***
Vui Đó Xuân

Đọc Xuôi:
Xuân đón vui chào đẹp ý thơ,
Gửi lời lưu luyến mãi mong chờ.
Gần xa rực thắm mùa hoa nở,
Cảm xúc tươi hoà giấc mộng trơ.
Ngân vọng tiếng đàn đâu lở dở,
Vấn vương câu hát chẳng ơ thờ.
Chân tình đượm cảnh hoài nhung nhớ… 
Xuân thiết tha đời ngây ngất mơ !

Đọc Ngược:
Mơ ngất ngây đời tha thiết Xuân,
Nhớ nhung hoài cảnh đượm tình chân.
Thờ ơ… chẳng hát câu vương vấn,
Dở lở… đâu đàn tiếng vọng ngân.
Trơ mộng giấc hoà tươi xúc cảm,
Nở hoa mùa thắm rực xa gần.
Chờ mong mãi luyến lưu lời gửi…
Thơ ý đẹp chào vui đón Xuân !

Liêu Xuyên

Dzũng Chinh Tác Giả “Những Đồi Hoa Sim”


Dzũng Chinh tác giả “Những đồi hoa sim” chết trên đồi hoa sim Bài viết nầy được xem như một hoài niệm mối giao duyên thơ nhạc kỳ thú vào đầu thập niên 60.  
Hoa sim càng tím anh càng yêu em 

Một thời nhan sắc cao sang 
Hoa sim càng tím mình càng yêu nhau 
Hương ân ái tỏa muôn màu 
Gối chăn xiêu lệch áo nhầu qua đêm 

Hoa sim tím em cài nghiêng mái tóc 
Mắt nai buồn em nhốt cả hồn anh 
Trời vào Thu gom sương khói xây thành 
Nghe hơi thở nhẹ nhàng nương theo gió 
Hương con gái thoảng bay ngoài đầu ngỏ 
Anh u mê ngồi đếm những sợi tình 
Sợi bay cao sợi trôi giạt lênh đênh 
Sợi chắt chiu sợi hẹn hò say đắm 
Rồi tương tư anh gối mộng âm thầm 
Chập chờn thấy em lên ngôi thần tượng 
Nghĩa gì đâu bã công hầu khanh tướng 
Nếu cả đời không kề cận dáng hoa 
Để ngất ngây hương tóc rối mượt mà 
Và mơn man e ấp màu sim tím 
Chiều buông nhẹ theo môi em ngọt lịm 
Anh mơ màng lấy giấy viết thành thơ
(Toronto 18/3/2017 Nguyên Trần)

Một chiều bâng khuâng nhớ lại những đồi hoa sim tím bạt ngàn tại quận Tuy Phong Bắc Bình Thuận của một thời hoa mộng.

Chuyện về Dzũng Chinh, người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh: 

Tôi được vinh hạnh quen biết rôi thân tình với nhạc sĩ Dzũng Chinh trong thời gian tùng sự tại Vĩnh Bình. Tôi còn nhớ rõ một ngày vào mùa Hè 1967, tôi và Nguyễn Phú Hùng thằng bạn cùng khóa QGHC rủ nhau vào nhà hàng Lạc Viên tọa lạc trên đường Gia Long ngay trung tâm thị xã Phú Vinh. Hai đứa còn đang lơ ngơ tìm ghể ngôi thì bỗng có tiếng gọi giật ngược :” Ê! Ê! Phát! Phải mầy hôn Phát?” Còn đang bực mình vì giọng gọi sách mé tên của một nhà tai mắt…trừu trong tỉnh, tôi quay người chiếu…tướng thẳng tới cái thằng dám…gọi tên tôi thì hóa ra là thằng Trần Quang Nhựt là anh của Phương Lan, bạn học Gia Long với Xuân Mơ vị hôn thê của tôi. 
Nhựt đang mặc quân phục và ngồi chung với ba quân nhân khác.Tôi mừng rỡ vì tha hương ngộ cố tri nên cũng la lên :” À! Thì ra là mầy, thằng Nhựt lựu đạn đây mà” Nhựt cười tươi :” Thì chính nó đây ”. 
Rồi mời Hùng và tôi tới bàn ăn chung cho vui. Trước hết theo thủ tục là màn giới thiệu nhau giữa tiếng ồn ào vui vẻ của những người mới gặp nhau. Qua đó tôi được biết ba người lính kia là: trung úy Phan Bình An, thiếu úy Nguyễn văn Nghi còn một người tương đối ít nói và với mái tóc bềnh bồng nghệ sĩ hiếm thấy ở nhà binh. Người đó là người mà từ lâu chẳng những tôi mà đa số người dân miền Nam đã từng”nghe truyền thanh hổng thấy truyền hình”. 


(Dzũng Chinh tức trung sĩ Nguyễn Bá Chính)

Đó là tác giả bản nhạc nổi tiếng “ Những đồi hoa sim”, nhạc sĩ Dzũng Chinh tức trung sĩ Nguyễn Bá Chính. Thật không ngờ một Dzũng Chinh bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt chúng tôi. Mặc dù là buổi sơ giao, nhưng là những ngưởi trẻ chân tình cởi mở nên câu chuyện trao đổi ròn tan như pháo nổ. 

Sau đó trong tinh thần tứ hải giai huynh đệ, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp lại nhau, khi thì̀ quán xá trong tỉnh khi thì ở nhà tôi và tình thân bè bạn thêm gắn bó đậm đà. Bốn anh chàng tứ quý nầy: Nhựt đại đội trưởng đại đội trinh sát Trung Đoàn 14 Sư Đoàn 9, An trung úy đại đội trưởng/TĐ2, Nghi đại ḍ̀ội phó còn Dzũng Chinh trung sĩ trung đội phó cùng chung đại đội. Họ là những người trai kiêu hùng, sống chết theo lằn tên mũi đạn, sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc nên những khi xong hành quân trở về hậu cứ, tất cả đều sống xả láng (sáng về sớm), sống rất thật như để tận dụng khoảng thời gian phù du còn sót lại trong cuộc đời chinh chiến của mình. Gặp tôi là thằng chịu chơi hổng run nên họ rất thích và xem như tri kỷ. Trong bốn“tứ hùng” nầy, An lớn nhất, kế đó là Nhựt, Nghi, Dzũng Chinh và tôi bằng tuổi nhau.


Dzũng Chinh là người ít nói trầm mặc nhất nhưng là con người nhạy cảm đa sầu. Những ngày tháng sau đóc, có dịp nhìn anh ôm đàn hát với cặp mắt mơ màng xa vắng tưởng như lạc lối vào cõi hồng hoang mịt mờ nào nhưng đó chính là lúc anh đặt hết tâm hồn vào lời ca điệu nḥac. Điều đáng nói là mặc dù là một nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng cộng với nhân dáng dễ coi và với tuổi hai mươi bốn hoa mộng nhưng anh vẫn còn “phòng không gối chiếc”. Tôi đem vấn đề nầy ra hỏi anh thì chàng nhạc sĩ rất thật lòng trả lời :” Anh xem đời lính rày đây mai đó, sống nay chết mai, nếu vướng bận thê nhi hay tình trường thỉ chỉ làm khổ người ta hơn là mang lại hạnh phúc. Tôi không muốn để lại một trời đau thương cho người góa phụ thơ ngây”. Nghe vậy tôi càng thầm phục người nhạc sĩ đã sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân,cả lứa đôi hạnh phúc cho quê hương dân tộc. 

Cũng cần nói thêm là Dzũng Chinh sáng tác không nhiều nhạc phẩm. Nếu như các người lính chiến khác thì “bận hành quân nên không ghé thăm em” (Sương trắng miền quê ngoại của Đinh Miên Vũ) còn với Dzũng Chinh thì “bận hành quân nên kh̀ông viết nhạc đâu” chớ chàng nhạc sĩ cứ sợ người ta trở thành góa phụ thơ ngây thì có ai đâu mà về thăm. Tính ra “tài sản” văn nghệ anh đếm được trên đầu ngón tay như: “Hai Màu Hoa”, “Lời Tạ Từ”, “Những Đồi Hoa Sim” (thơ Hữu Loan), “Tha La Xóm Đạo” (thơ Vũ Anh Khanh). Chỉ có ngần ấy thôi nhưng nói thật là chỉ với hai bài “Tha La Xóm Đạo” nhất là bài “Những Đồi Hoa Sim” cũng đủ để cho Dzũng Chinh có một ngôi vị đáng kể trên nền trời âm nhạc Việt Nam thời cận đại. 


Theo tôi được biết thì bài thơ “Những Đồi Hoa Sim” được tới bốn nhạc sĩ phổ nhạc là Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh và Dzũng Chinh. Nhưng có lẽ bản nhạc “Những đồi hoa sim” thể điệu Boléro cung Ré thứ của Dzũng Chinh là đi vào đại chúng nhất và cũng bài phổ nhạc mà nhà thơ Hữu Loan thích nhất. Dòng đời cho dù không an bình êm ả thì cũng vẫn tiếp tục trôi cho đến một khoãnh khắc nào đó thì nhóm bầu bạn chúng tôi cũng sẩy đàn tan nghé. Trước hế́t là Nhựt tông xe jeep vào gốc cây me ở đường số hai (Trần Quốc Tuấn) ngay trước nhà người yêu tôi và ra đi hai ngày sau đó, tôi có mặt bên cạnh khi anh trút hơi thở cuối cùng. Tiếp theo, An bị dẫm phải mìn cốc tại Càng Long phải cưa cả hai chân ra thân tàn phế. Còn Nghi thì hy sinh tại chiến trường Long Toàn. Thật đúng là:

"Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 
 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" 
(Lương Châu từ-Vương Hàn) 

"Say khướt chiến trường xin nhớ nhạo 
 Xưa nay chinh chiến mấy ai về

Riêng Dzũng Chinh thì sau đó vào năm 1968, anh theo học khóa sĩ quan đặc biệt tạ̣i trường Đồng Đế Nha Trang và tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy phục vụ tại Tr. Đoàn 44 tỉnh Bình Thuận là quê nhà của anh và cũng hy sinh tại đó.. 

Toronto 19/3/2017 
 Nguyên Trần 

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Thơ Tranh: Xuân Bồi Hồi Nhớ Mong


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Bến Xuân


Nhớ một chiều nào ghé bến xuân
Đò ngang qua lại biết bao lần
Mái chèo khua nước trời phai nắng
Gió khẽ rung rinh mấy rặng bần

Anh xuống đò em qua bến sông
Em cười… anh rối cả tơ lòng
Bến xuân vương vấn hồn thi sĩ
- Thành khối u tình em biết không?

Phút chốc đò ngang cập bến sông
Em cười, e thẹn má em hồng
Anh đi từ đó xa biền biệt
Nhớ mãi nụ cười… vạn ước mong!

Trở lại chiều nay nắng tắt dần
Một mình cô lẻ đứng bâng khuâng
- Cớ sao hoang vắng đò không lại
Đâu bóng người xưa lạnh bến xuân?!

Hàn Thiên Lương

Lãng Đãng Hồn Xuân


Dòng sông trải mộng êm đềm
Đò qua mấy chuyến còn tìm được không ?
Chiều chiều mỏi mắt chờ trông
Mịt mờ tin nhạn mênh mông là buồn .

Vẫn là nỗi nhớ niềm thương
Trời cao đất rộng nghe dường hư không
Mong manh se sợi chỉ hồng
Duyên thầm buộc mãi tình đong tháng ngày.

Ánh trăng nhức nhối làn mây
Cho cơn gió nhẹ hây hây tự tình
Hỡi người duyên ước ba sinh !
Có nghe thổn thức lung tinh nguyệt tàn.

Nguyệt tàn rồi giấc mơ tan
Sao người còn đắm , lỡ làng giấc xuân
Một mai mỏi gối đường trần
Vẫn tình là tiếng chuông ngân đời đời.

Vọng lời tha thiết tình ơi !
Chim quyên vẫn gọi xuân vui trở về
Mặc đời giông tố tái tê
Hương còn nồng ấm cơn mê cuối đường .

Ngọc Quyên
(Xin phép và cám ơn anh Mùi Quý Bồng cho 
NQ mượn bức tranh quá đẹp đã gợi thi hứng)

Gói Quà Tình Xuân



Xướng:
Gói Quà Tình Xuân


Viết theo chữ Lê Thị Kim Phượng
Ở Australia khi nhận thơ tặng.

Mở gói quà ra, chỉ có thơ
Em ơi, chị đã hết mong chờ
Mùa xuân lãng đãng tìm thi tứ
Năm mới lênh đênh kiếm bến bờ
Tấm thiệp buồn tênh hồn cựu cảm
Bàn tay vuốt mãi chữ hoang mơ
Hôm qua Tết đến vàng hoa nở
Lại tưởng chinh phu dưới sắc cờ ...

Hawthorne 2 - 1 - 2019

Cao Mỵ Nhân
***
Họa
Chạnh Nỗi Niềm Đau


Chạnh nỗi niềm đau uất nghẹn thơ
Tiên ơi hồn bướm cứ thương chờ
Một trời luyến nhớ khôn tìm bến
Hai ngã tương tư khó nối bờ
Còn nét chữ kia lòng mãi tiếc
Vẫn mùi hương ấy trí hoài mơ
Đường xưa lối cũ không về nữa
Dứt khoát, trừ phi nước đổi cờ ...

Duy Anh

Florida 01/03/2019
***
Lỡ Hẹn

Yêu em chỉ có một bài thơ
Xem tới đọc lui lại hẹn chờ
Mười chín lênh đênh anh tách bến
Đôi mươi lận đận bạn xa bờ
Họ hàng chẳng biết tơ duyên lỡ
Cô bác nào hay số phận...mơ (!)
Năm mới ai nhanh chân dạm ngõ
Đầu xuân đám cưới lẹ may cờ ...(!)

Mai Xuân Thanh
Ngày 03/01/2019

Chiếc Áo Mới



Còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán, tuổi đời chúng ta lại phải chồng chất cao thêm một tầng.
Trẻ con thường trông chờ ngày Tết để được cha mẹ sắm cho một vài bộ quần áo mới, để được ăn những bửa ăn thật ngon mà hằng ngày chúng thường mơ ước...
Những bậc cha mẹ nếu lỡ sinh ra trong kiếp nghèo thì lại phải xẩu mình vì cần lo chạy đủ thứ tiền cho 3 ngày ấy. 

Nào là cố gắng thanh toán nợ nần để sang năm mới làm ăn được may mắn hơn, bởi người ta quan niệm sang năm mới mà còn nợ cũ thì xui lắm...
Nào là tiền mua quần áo mới cho các con. Bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 đứa con thì cũng đở lo hơn ngày xưa nhiều. Hồi đó nếu lỡ có chừng 1 chục đủ đầu thì cha mẹ rầu thúi ruột vì tiền quần áo cho chúng thiệt đúng là quá nặng nề...
Tiền quà tết cho nội ngoại hai bên, cho bà con chòm xóm... 
Tiền lì xì cho các cháu đến viếng nhà...
Tiền... Vân vân và vân vân...

Nhớ thôi là cũng đủ lạnh mình và tội nghiệp cho những người nghèo phải đón Tết trong nỗi lo lắng tận cùng rồi...
Tôi không kể cho các bạn nghe câu chuyện của những người giàu có chuẩn bị đón Tết bằng tiền không phải là mồ hôi nước mắt do mình làm ra. 
Những người mà bây giờ họ dám bỏ ra vài trăm triệu tiền hồ để mua cây mai, cây kiểng chưng chơi trong ba ngày Tết...
Những người mà họ dám bỏ một khối tiền cho một đêm nhậu với kiều nữ, số tiền đó có thể nuôi sống cả một trại mồ côi đôi ba tháng trời...
Tôi chỉ xin kể cho các bạn nghe chuyện những người quanh năm làm lụng vất vả nhưng lại không đủ tiền lo toan cho 3 ngày Tết...

Quê tôi sống với nghề làm ruộng là chủ yếu, mà hồi xưa mấy con kinh thoát nước không nhiều như bây giờ, hơn nữa lúc đó chưa có người trồng lúa Thần Nông, người ta chỉ canh tác có 1 vụ lúa mùa duy nhất cho mỗi năm mà thôi, vì vậy năm nào nước lớn quá, bị lụt lội thì lúa ngập nước rồi chết hết. Mà hể bị chết nước một lần là nghèo hai, ba năm mới ngóc đầu lên nổi. Vừa khá lên một tí thì có khi lại bị bà thủy tiếp tục viếng nhà nữa...
Bởi vậy năm nào bị bà thủy tới thăm thì cái Tết năm đó sẽ ảm đạm thê lương và vô cùng buồn bả...
Cả xóm, cả nửa cái làng đều có hoàn cảnh giống nhau y chang như vậy cho nên đám con nít không còn phân bì gì với nhau...
Nhưng kẹt một đổi, phía bên kia sông có con lộ đá, người ta vừa làm để cho xe hơi chạy lại vừa làm con đê chắn ngang chận nước vào ruộmg, vì vậy nước từ sông Hậu không tràn vào được, lúa bên phía đó chẳng những không chết mà còn rất trúng mùa, đến khi thu hoạch lại mướn được nhân công rẻ mạt vì bên đường lộ đất, lúa chết sạch, nhân công làm mướn dư quá nhiều...
Bây giờ thì tôi biết thêm một lý do, tại làm sao cái xóm nhà lá của chúng tôi hồi đó lúc nào cũng nghèo hơn xóm bên chợ, hay xóm bên kia sông...

Tôi nhớ lúc đang học lớp nhì. Nước năm đó lớn lắm nhà cửa thì bị ngập lút nền lên cả tấc, còn ngoài đồng là một biển nước trắng xóa. Tất cả cánh đồng lúa xanh tươi của những ngày trước đó đã bị nhận chìm sâu dưới biển nước mênh mông...
Ba má tôi cũng như những người dân bên con lộ đất chỉ còn nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt, tiếc cho công lao khổ cực của một năm trời dành dụm bị bà thủy cuốn đi...
Nhưng đám con nít vẫn vô tư, hồn nhiên đùa giỡn với nước trong nhà, nhất là ngồi trên bộ ván ngựa mà câu cá. Những đàn cá he, cá linh, cá rô nhởn nhơ lội qua bơi lại chung quanh nhà tìm mồi, chỉ cần móc một hạt cơm vào lưỡi câu nhỏ rồi thảy xuống nước là chúng thi nhau dành đớp...

Nước rút đi rồi thì người dân cũng bắt đầu lo lắng chuẩn bị để sống tiếp tục. 
Cái câu hỏi khó khăn lúc bấy giờ cho mọi người là "làm thế nào để nuôi sống gia đình cho hết năm tới" chứ không phải là làm cái gì, hay chuẩn bị ra sao cho những ngày Tết sắp đến.
Ba anh em tôi lúc đó còn quá nhỏ chưa có thể chia sẻ gì với cha mẹ mình. Mà chia sẻ làm sao được. Một thằng nhóc 9 tuổi đầu lại nhỏ xíu con mỗi ngày đu xe đi ra Tân Hiệp học, nhiều khi mấy chú lơ xe con không thấy nó đứng đâu để mà đòi tiền xe thì làm được cái gì.
Ba má tôi đã cố hết sức để làm mướn mà kiếm tiền chạy gạo cho 5 miệng ăn, còn mỗi ngày $2 tiền xe để tôi đi học thì ông bà Tám tôi cho mượn...
Đang trong hoàn cảnh khó khăn thì có người bên kia sông muốn mướn tôi chăn trâu, một năm họ trả cho 50 giạ lúa. Ba tôi vốn là nông dân đặc ruột chỉ biết đọc và viết mà thôi nên bị dao động cũng muốn giải quyết cái khó khăn trước mắt, nhưng má tôi lại là tiên mắc đọa nên nhất quyết không đồng ý mà đến cầu cứu ông bà tôi.
Ông bà muốn nhận nuôi cho tôi ăn học tiếp nhưng rồi ba tôi cũng không đồng ý mà lại tự mình cố gắng tiếp tục lo cho tôi đi học.
Tôi hồi nhỏ cũng ham học mà lại sợ đi coi trâu việc đó cứ ám ảnh hoài vì vậy cho nên tôi bắt đầu học cắm câu kiếm cá ăn, đôi khi dư chút ít thì đem bán để dành tiền đi xe, khỏi phải mượn của ông bà tôi.
Vì nhà nghèo nên tiêu chuẩn quần áo mới mỗi năm của tôi chỉ là 2 bộ đồng phục gồm áo sơ mi trắng ngắn tay và 2 cái quần "xà-lỏn" đen mà thôi...

Trước khi lúa bị ngập nước, cô Nhiên dẫn 16 đứa học trò trường sơ cấp Mong Thọ lên Tân Hiệp thi tuyển vào lớp nhì. Kết quả như thế nào tôi không nhớ kỷ lắm. Nhưng lên học ở trường tiểu học Tân Hiệp thì vỏn vẹn có 9 người thôi. Bên xóm nhà lá chỉ duy nhất có mình tôi, xóm chợ 3 đứa gồm thằng Đẹp con bà Thất có tiệm tạp hóa nó được xem giàu thứ nhì sau Tỏ con bác Tám Kiệt nhà có máy cày và đất ruộng hàng mấy trăm công, người thứ ba là Quỳnh con bác ba Nhị làm trong hội đồng xã Mong Thọ, xóm trên số hai có 3 đứa gồm anh A, Thống và thằng Thọ, xóm dưới có anh Hái và chị Thủy con ông tám Hào Bàng.
Trường tôi học là trường công lập nên phải mặc đồng phục mỗi ngày, chỉ có ngày thứ bảy thì được miễn. Thứ bảy ai muốn mặc áo màu gì thì tùy ý thích. 
Nhưng tôi thì chỉ có 2 cái áo sơ mi trắng thay đổi mỗi ngày mà thôi, đâu có còn cái nào khác hơn cho ngày thứ 7.

Thời đó đám con nít tụi tôi đón xe đò đi học, tài xế xe không chịu ngừng để rước vì tiền xe quy định ít quá người lớn $5 mà học sinh thì chỉ được thu $1 thôi nên rất khó đón xe. Bọn tôi phải núp phía trong chợ rồi ra thăm chừng xe, khi xe đến trước chợ rước khách hay là thả khách xuống là chúng tôi ào lên liền.
Thấy tôi tuần nào, ngày nào cũng y chang một hình thù áo trắng quần cụt đen như vậy thằng Đẹp hỏi:
- Ê! Bộ mầy hổng có cái áo, cái quần nào khác hơn sao mà ngày nào cũng chơi cái bộ đồng phục vô hết dzậy?
Tôi làm thinh chứ đâu có muốn trả lời:
- Mầy đoán đúng đó.
Thằng Tỏ thấy vậy bồi thêm:
- Chắc nó ghiền bộ đồ đó rồi mầy ơi.
Nói xong 3 đứa nó cười rộ lên...
Má tôi lúc đó đang buôn bán ở chợ. 

À! Tôi quên kể cho các bạn biết. Ở những ngôi chợ quê có những người chuyên mua đầu chợ rồi bán cuối chợ. Nói cụ thể hơn họ đến chợ thật sớm để đón mua đồ của những người dân từ trong ruộng đem ra, gồm các nông sản như rau, nấm rơm, chuột, cá, tôm...
Họ mua mảo hết rồi bày ra bán lẻ lại. Những người đó được dân quê gọi là "mua đầu chợ, bán cuối chợ". Họ được coi như là bán thay cho dân trong ruộng để lấy tiền công chứ thật ra không lời lốm bao nhiêu. Má tôi là một trong những người đó.
Má tôi thấy con mình bị bạn bè chọc ghẹo như vậy thì đau lòng lắm nên bà tìm tới những người thợ may bên chợ mà xin những mớ vải vụn đủ màu. 
Vải vụn người ta chỉ có thể buộc chùm lại rồi làm nùi giẻ lau bàn ghế mà thôi. Nhưng má tôi thì lại bỏ ra không biết bao nhiêu công sức khi dùng kim tay để nối liền chúng lại rồi còn phải cắt xén và khâu tròn những lằn nối cho bớt cộm đi. 
Đêm hằng đêm bà gò lưng cặm cụi nối từng mảnh vải nhỏ, có miếng chỉ lớn bằng 3 ngón tay mà thôi. Sau mấy tuần lễ bà cũng hoàn thành một chiếc áo độc nhất vô nhị trên cỏi đời. Chiếc áo đủ màu, đủ loại vải...

Tết năm đó tôi 10 tuổi đầu, ngày mùng một được mặc chiếc áo mới đi chơi, đi mừng tuổi bà con chòm xóm để kiếm chút tiền lì xì, nhưng chiếc áo kỳ quái mà má tôi bỏ công sức hằng tháng trời may cho tôi không được người ta trầm trồ khen đẹp mà tiếng chê bay trước mặt sau lưng nhiều vô số...
Là con nít đứa nào cũng thích được khen hể bị chê là buồn không thể tả cho nên tôi nhất định không mặc chiếc áo mà má tôi gò lưng nối từng mảnh lại cả tháng trời.
Hồi đó với đầu óc non nớt tôi chưa lần nào nghĩ tới những đêm bà ngồi lặng thinh chăm chú luồn từng mũi kim vào những mảnh vải vô tri đó, bà đã nhỏ ra không biết bao nhiêu là giọt nước mắt, chiếc áo kết bằng tình thương, bằng nước mắt của nhiều đêm mà tôi chỉ mặc duy nhất có một ngày mùng một tết mà thôi...
Sau cái Tết nghèo năm đó ba má tôi làm song hành 2 nghề cho suốt năm, vừa làm ruộng vừa buôn bán. Tôi vì sợ nhà mình lại rơi vào cái nghèo rồi phải đi chăn trâu mướn cho người ta cho nên ngoài giờ học tôi cũng học làm đủ nghề từ ruộng nương cho đến bán buôn.

Mỗi khi Tết đến nhà tôi bận bù đầu, vừa được nghĩ học là tôi vùi đầu phụ cha mẹ...
Năm nầy tiếp qua năm nọ nên tôi đâm ghét cay ghét đắng ngày Tết. Con nít nào cũng mong Tết đến, còn tuổi thơ của tôi thì lại ghét ngày Tết...
Tôi ghét Tết vì mỗi khi nó đến là tôi có rất nhiều việc phải làm có năm làm gần tới giao thừa mà vẫn chưa xong việc...
Tôi ghét Tết vì mỗi lần nó đến là nó làm tôi nhớ lại cảnh nghèo khó năm xưa, nhớ cái lỗi lầm mà tôi đã phạm phải, nhớ cảnh má tôi bỏ công cực khổ may áo mới cho tôi mà tôi chỉ mặc có một lần duy nhất...
Tôi ghét Tết vì tôi nghĩ rằng đời tôi sinh ra nhầm ngôi sao xấu nên bị mất đi niềm vui của tuổi thần tiên...


Nhưng mới đây tôi nhận được một cái email của người bạn ở Việt Nam. Đã làm tôi giật mình thức tỉnh sau 56 năm ghét ngày Tết. 
Thì ra ngôi sao bổn mạng của tôi chưa phải là ngôi sao xấu lắm, mà trên đời nầy có rất nhiều và rất nhiều những mảnh đời tan nát, tả tơi hơn tuổi thơ của tôi nhiều lắm...
Hồi nhỏ tuy là nhà nghèo rớt mồng tơi nhưng mà gia đình tôi rất vui vẻ hạnh phúc, tôi lúc nào cũng được tình thương của cha mẹ, của ông bà tôi và cả những người quen chòm xóm.
Còn những đứa trẻ mà bạn tôi giới thiệu trong cái email thì bất hạnh hơn nhiều. 
Bạn tôi trong một dịp tình cờ đã tìm thấy trại nuôi trẻ mồ côi có tên là Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7. Nơi đó quy tụ 36 cuộc đời côi cút, Có đứa thì cha mẹ đã qua đời, có đứa tuy còn cha hoặc mẹ nhưng do bệnh tật không đủ sức nuôi con, hoặc vì lý do nào đó bỏ con cho người thân nuôi dưỡng, mà những thân nhân nầy cũng nghèo khó nên lại gởi cháu vào sống trong trại trẻ mồ côi.

Các cháu sống được nhờ tình thương của các Sơ, của những nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện xã hội gần xa ...Sơ Thế người mẹ duy nhất của 36 đứa con kia đã phải tìm đủ mọi phương cách để duy trì cuộc sống cho chúng...Thời gian qua cơ sở cũng nhận được sự trợ giúp của một số nhà hảo tâm,nhưng vì nơi đó nằm sâu trong kinh 7 nên ít có người biết tới...sự trợ giúp vì vậy cũng không được thường xuyên trong khi chi phí nuôi các cháu ăn, học hành, chăm sóc sức khỏe mỗi tháng trên 50 triệu đồng. Các sơ phải chạy tìm nguồn hỗ trợ khắp nơi và dù hết sức tằn tiện mà vẫn luôn thiếu trước hụt sau.

Ngày xưa ba má tôi hai người mà đã vất vả khó khăn khi nuôi 3 anh em chúng tôi còn Sơ, một nách mà mang 36 đứa thì sự vất vả đã lên đến tột cùng rồi...
Bạn tôi chị TTKD sau khi tìm thấy thì cũng vận động bạn bè nhín cho chút ít gạo, đường, dầu ăn nhưng nguyện vọng của chị là nhân dịp Tết chị ấy sẽ cố gắng tìm cho các em một bộ quần áo mới....
Tôi đọc cái email của chị từ người bạn của tôi gởi tới đã làm tôi chợt tỉnh sau cơn mê dài. 
Tôi luôn luôn tự cho mình có 1 tuổi thơ khổ cực, một tuổi thơ không có niềm vui nhưng so với 36 trẻ mồ côi thì tôi đúng là may mắn hơn chúng cả ngàn lần...
Tôi cũng chợt tỉnh vì từ trước tới nay tôi vẫn hùa theo người ta mà cho rằng người Việt Nam trong nước ta bây giờ vô cảm, không tình thương chỉ biết hè nhau mà cướp giật chém giết...
Tôi chợt tỉnh để nhận ra rằng dân Việt Nam ngoài những tên vô lại hại dân bán nước thì đa số dân tôi vẫn có tình yêu thương đồng loại sâu đậm. Còn có những tấm lòng vì tha nhân như Sơ Thế, như các Sơ khác trong cơ sở Mái ấm tình mẹ, như chị KD hay những nhà hảo tâm đã giúp đở mà không cần để lại danh tánh...
Tôi nhớ chiếc áo mà má tôi đã từng gò lưng may cho tôi 56 năm về trước nên tình nguyện thay chị D tìm giúp người quyên tặng quần áo mới cho các em...
Tôi điện thoại chia sẻ với những người bạn thân thì được sự đáp ứng nhiệt tình...
36 Bộ quần áo mới đã được mua xong nhưng hôm nay còn có người nhờ tôi tặng $100 để mua thêm quà tết cho các em...


Xin cám ơn các bạn, thay mặt cho 36 em nhỏ tôi chân thành cám ơn thầy cô Nhựt & Năm, anh chị Thông & Ngọc, Tiến & Ngọc, Sơn &Trang, Lam Anh.
Tôi ao ước bài viết nầy sẻ làm động tính hiếu kỳ, các bạn nào muốn xem hư thật ra sao xin mời tới Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7 chơi cho biết....
Từ Quốc lộ 8 đường Sài Gòn về Rạch Giá khi qua khỏi Quận Tân Hiệp 8 cây số thì tới kinh 7. Từ đầu kinh 7 vô tới trại mồ côi của Sơ Thế thêm 6 cây số nữa...
Cơ sở bảo trợ "Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7".Nằm trong địa phận xã Thạnh Đông A huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang ĐT 077-3739540. Email maiamtinhmek7@yahoo.com.vn. ĐT cầm tay của Sơ Thế là 0945135762.
Bài nầy đã viết cách nay gần 1 năm. Bộ quần áo mới của các em sau 1 năm đã biến thành đồ cũ, cũng đã sờn vai lủng đáy...
Quà tết cũng đã hết sạch lâu rồi.

Mới đây được sự gợi ý của anh Lê Đình Chân Tâm và thầy Phạm Công Nhựt ở Montreal Canada tôi mạnh dạn gởi đến quý vị bài viết cũ nầy nếu ai có lòng muốn giúp đở xin liên lạc với Sơ Thế qua địa chỉ trên 
Cám ơn quý vị đã bỏ thời gian xem bài viết của tôi. 


Lanh Nguyễn