Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Ngày Xưa

Thân gởi đến chị Kim Phượng
Như một chút lòng của người Trà Vinh - thay cho lời chào mừng gặp lại một cựu học sinh của Trung học Vĩnh Bình xưa.
Tú Yên


Nhắn Gửi Bạn Già


Nhắn Gửi Bạn Già

Hỡi các bạn già của tôi ơi!
Đừng có tủi thân, hoặc trách đời
Thời gian, năm, tháng, qua nhanh lắm
Hãy sống từng giây phút tuyệt vời.

Bao năm lăn lóc, cũng đủ rồi
Bôn ba thời vận, sống nổi trôi
Nhục vinh, sướng khổ, đều có cả
Giờ chỉ mình ta, với đất trời.

Cuộc đời là thế đó bạn ơi
Có trách, có than, cũng đã rồi
Chỉ gây mâu thuẫn, thêm buồn khổ
Chẳng ích lợi chi, lúc cuối đời.

Thời gian còn lại, có là bao
Hãy cố vui lên, chớ u sầu
Thực hiện những gì mình mơ ước
Để đừng hối tiếc, lúc lìa nhau.

Buông bỏ hết đi, cất làm gì
Để hồn thư thả, lúc ra đi
Tiền bạc, lo âu, giờ vô nghĩa
Hận thù, xung đột, chẳng ích chi.

Sức khoẻ, niềm vui, lúc tuổi già
Là liều thuốc bổ, chẳng gì qua
Tình thương, tha thứ là sức mạnh
Hạnh phúc, bình an,buổi xế tà 

Mai Xuân Thanh
***
Nhắn Gửi Bạn Già

Hỡi người bạn quý của tôi ơi!
Nếu đã khuyên nhau hãy hiểu đời
Mỗi cảnh mỗi người từng số phận
Có đâu mơ tưởng chuyện xa vời.

Lăn lóc kể ra tạm đủ rồi
Dòng đời vô cảm hững hờ trôi
Nhục vinh thương hận theo lòng lắng
Chất ngất tâm tư giữa đất trời.

Thì thế là đời thế bạn ơi!
Chẳng than chẳng trách chuyện qua rồi
Chỉ mong nghiền ngẫm làm bài học
Ứng xử hay hơn cái lẽ đời.

Thời gian còn lại chẳng là bao
Một chút tấc hơi cũng nặng sầu
Đã trót buông mình gây thống hận
Nặng lòng đau nhói lúc lìa nhau.

Mất hết đôi tay chẳng có gì!
Lòng nào thanh thản để ra đi
Nhìn quà di sản sao không xót
Phải hỏi làm gì? được chút chi?

Tạo hóa sinh ra ai chẳng già
Tuổi già nhìn lại chặng đường qua
Sẵn lòng tha thứ chung hòa giải
Nhưng quyết không quên nẻo chính tà.

Nguyễn Đắc Thắng
20150410

Gọi Nhớ


Đôi tình nhân tay trong tay bước xuống
Miệng tươi cười cùng ánh mắt long lanh
Chiếc xe bus vội vàng rời bến đổ
Để lại sau lưng vệt khói mong manh

Tôi đứng bên lề ngó theo xao xuyến
Ước cùng em xuống bến đậu cuộc đời
Cây hạnh phúc sẽ nẩy mầm miên viễn
Khúc nhạc tình êm dòng chảy em ơi

Từ gặp em trái tim tôi rung động
Như thoạt nhìn đóa quỳnh nở trong đêm
Rất kiêu sa, mùi hương bay vào mộng
Rất thanh tao thơm giấc ngủ êm đềm

Nghe tiếng gọi trong mơ hồ dừng lại
Cơn gió lùa, bàn tay vẫy xa xăm
Như có đôi mắt nhìn tôi ái ngại
Nhớ nhung theo từng chân bước âm thầm

Tiếng chim lẻ giữa từng không réo gọi
Trên đầu cành hai chú sóc đùa vui
Tôi nhớ em chín nỗi buồn vời vợi
Khi tháng ngày cũng rượt đuổi qua mau

Trọng Thu 18112011
Yên Sơn


Như Chuyến Xe


Như một chuyến xe đò
Đường Văn Thánh mịt mờ
Ta chỡ từng quá khứ
Đến bến đời bơ vơ

Những bến đời bơ vơ
Ta chỡ mỗi dại khờ
Những đêm dài lạnh vắng
Xe đậu, vết sương mờ

Trên mỗi vết sương mờ
Vạn hạt buồn bâng quơ
Li ti vừa cô đọng
Qua khúc rẽ dại khờ

Như chuyến xe dại khờ
Đường Văn Thánh ngẩn ngơ
Chuyến cuối ngày bỗng chỡ
Bóng người vào đêm mơ

Bến xe lạnh đêm mơ
Con tim nổ bất ngờ
Ta thành xe bể lốp
Nằm ụ vùng ngu ngơ

Hoài Tử

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Em, Ngọc Lan - Thơ Hồng Thúy - Phổ Nhạc Nguyễn Hữu Tân


Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Nguyện Hữu Tân
Hòa Âm: Đỗ Hải
Tiếng Hát: Thùy Dương
Thực hiện Youtube: Nga Trần

Hoa Và Thơ


Em nàng thơ dễ thương
Ướp thơ cũng thơm hương
Nấu hoa càng ngon nữa
Ươm tình càng luỵ vương...

Mỗi ngày em làm thơ
Cất vào tim thật kỹ
Lâu lâu mở ra xem
Xem ai...tình đó hỉ!

Mỗi ngày em hái hoa
Hoa tươi chưng trong nhà
Hoa khô đem ép kỹ
Ủ tình yêu đậm đà...

Mỗi sáng làm điểm tâm
Hái hoa em thì thầm
Hoa này chiên ốp la
Chắc là ngon đó nha!

Bánh mì Tây nướng vàng
Quét chút bơ Prờ tin
Trộn chút thơ giòn rám.
Anh ơi, thơm giật mình !

Phin cà phê thơm nồng
Nhỏ 
vào ly thật nóng
Thơ em hoà sữa ngọt
Tình dâng như ngọn sóng

Ngào ngạt khói mênh mang
Thơ ướp trà sen vàng
Hương thơm bay nhẹ nhàng
Tâm, tình đều bình an...

Điểm tâm dọn lên rồi
Đẹp cả đoá hoa tươi
Ngọt ngào lời thơ mới
Nào mời anh ăn thôi...

Đó chỉ là sáng nghen
Còn trưa, chiều và tối
Từ từ...em sẽ nói
Để anh nghe...cho thèm...

Buổi trưa trời ươm nắng
Thiên lý nấu cua đồng
Ngọt như môi em hồng
Anh có thích hay không?

Hoa chuối trộn gỏi gà
Bông bí chiên chả rám
Điên điển kho cá trê
Anh ăn là phải mê...

Chiều nay em nấu cơm
Bông súng trộn tôm thịt
Hoa Hiên đem tiềm vịt
Ôi chao, sao mà thơm!

Bông hẹ xào tàu hủ
Hoa mướp nấu canh tôm
So đũa hấp cá lóc
Ngon...ngon chà...hết cơm...

Hương Dạ lý ngoài hiên
Thưởng trà ngắm trăng đêm
Chè hạt sen hoa Bưởi
Ôi, thật là thần tiên...

Thơ nồng nàn, hoa xinh
Món ngon gói chân tình
Âu yếm mời nâng chén
Bên nhau ta với mình...

Hoàng Kim Mimosa

Áo Tím Vườn Tao Ngộ


(Tặng các bạn tôi để nhớ về thời Sinh Viên và
Vườn Tao Ngộ thân yêu nơi Học Viện)

Khoảng trời nắng rạng gió bay bay
Hơn bốn mươi năm chợt lóa say!
Doanh trại rộn lòng tin gặp mặt
Đường đồi vẽ rắn lượn hòa mây
Em nghiêng nghịch lá vườn tao ngộ
Áo tím in nền bóng tán cây
Buổi đến thăm anh không hẹn trước
Hồn thương - sắc áo quyện bay bay!

Nguyễn Đắc Thắng
20150409

Chiều Trên Sông


Bài Xướng: 

Em ngồi dõi mắt ngóng mây bay
Chiều xuống trên sông vệt tím dài
Con nước dần lên, ì oạp vỗ
Mạn thuyền nhô nhấp, lắc lư say
Hiu hiu ngọn gió buồn lay lắt
Lờ lững lục bình nhớ quắt quay
Người đến một ngày, trao ước hẹn
Rồi đi, để lại nỗi u hoài...

Phương Hà
***
Các Bài Họa:


Cô Lái Sông Xuân


Êm ả chiều Xuân mây nhởn bay,
Thương Xuân cô lái tóc buông dài.
Sông Xuân soi bóng bồi hồi nhớ,
Chiều xuống lòng Xuân ngây ngất say.
Tình luống ai hoài Xuân sắp hết,
Chúa Xuân hờ hững gót vừa quay.
Bỏ thuyền bỏ lái quên Xuân cũ,
Mặc khách Xuân sang bến nhớ hoài!

Đỗ Chiêu Đức.
***
Vẫn Mãi Tình Si

Xam xám mây trời lững thững bay
Thuyền trôi theo nước đổ xuôi dài
Buông chèo gác mái trong cô tịch
Cạn chén tình rong giữa tỉnh say
Một chữ yêu thầm đờ đẫn giữ
Nửa đời câm nín dật dờ quay
Vì ai hồn đắm chìm u mộng
Mơ chẳng tròn mơ mãi nhớ hoài.

Quên Đi

***
Tr
ên Bến Sông Xưa

Ngước mặt nhìn lên tiếng máy bay,
Em cầm vững lái chiếc ghe dài.
Dưới thuyền khách nói râm ran chuyện,
Trên bến người ta đợi nắng say.
Gió thổi phất phơ tà áo mỏng,
Mây trôi lơ lửng, ngắm diều quay.
Sang sông liếc mắt tình cô gái,
Ước hẹn chàng trai mối cảm hoài...

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 04 năm 2015

Tháng Tư Buồn

Buồn trông gió thổi lá cây bay,
Trên Bến Thị Nghè áo tím dài.
Ghe máy nổ dòn đưa khách chạy,
Con thuyền sóng vỗ lắc như say.
Bờ sông chật ních người ta đợi,
Dòng nước đầy hoa tím lục quay
Anh đến tìm em trên sóng nước,
Rỉ tai vượt biển nhớ thương hoài...

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 04 năm 2015
***
Sông Chiều Nơi Thôn Dã

Chiều nhìn mây trắng lững lờ bay
Giòng nước xuôi theo bãi đất dài
Vài khóm lục bình nhô nhấp sóng
Mấy thuyền nghiêng ngã tựa như say
Đường làng thấp thoáng bên thôn vắng
Đồng ruộng mênh mong xa tít quay
Dõi cánh chim trời tìm tổ ấm
Để ta lưu giữ mảnh tình nầy.


Song Quang
***
Chuyến Đò Xuôi

Trên chiếc đò xuôi, ngược gió bay
Hàng cây chạy chạy vết loang dài
Bờ lan sức nước tung tia vỗ
Tàu nghịch hướng nguồn lướt sóng say
Rác rưởi cuộn cuồn tuôn dập dập
Nhịp đời rộn rã cuốn quay quay
Dòng trôi thì cứ dòng trôi mãi
Cuộc sống vô tâm gợi cảm hoài!

Nguyễn Đắc Thắng
20150421
***
Sông Quê

Về đây sông nước , ngóng chim bay 
Trên bến dừa cao, bóng đổ dài 
Nhà lá lè tè hồn lắng đọng 
Mây trời lãng đãng mắt mơ say
Ồn ào thuyền máy xuôi dòng chảy 
Lặng lẽ đò chiều đợi khách quay 
Vun vút thời gian đầu bạc trắng 
Quê xưa ngày ấy nhớ thương hoài 

Mailoc
Cali 4 - 20 - 15
***
Yêu Thầm

Dần khuất chim chiều vỗ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước 
Định mệnh chôn vùi những đắm say 
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gửi về ai đó tình vô vọng
Buồn chất trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Nối Tình Xưa


Tình em neo bến sông tương
Thuyền anh chở nặng yêu đương tìm về
Sông trăng dẫn lối câu thề
Lần vào cõi mộng chẳng hề lìa đôi

Mấy chục năm đua đòi vật chất
Khiến cuộc đời lạc mất tình thương
Trúc mai ly biệt hai đường
Duyên chẳng trọn sầu đương nỗi nhớ
Để mỗi đêm cùng trăng than thở
Rồi từng ngày lệ đẫm lưng tròng
Ôi xuân thì với những ước mong
Giờ gặp lại chờ chi người hỡi 
Hồn như đang lạc lỏng chơi vơi
Tim đang rung động như thời mới yêu
Cuộc đời mình đã nhiều dâu bể
Vẫn say mê ta nối khúc nhạc xưa
Yêu nhau biết mấy cho vừa... 


Quên Đi

Đời Bỗng Chia Ly


Hoa nào vẫn còn đây
Như em xưa ngày nầy
Tiếc gì cũng đành thôi
Vì kiếp mình lẽ loi

Hương nào vẫn còn đây
Như hương xưa mỗi ngày
Trên những sợi tóc mây
Có sợi ngắn sợi dài

Đêm về vẫn còn mơ
Những tiếc nuối thành thơ
Sao ta không đợi chờ
Cho ngày tháng bơ vơ

Thôi mình hãy quên đi
Lưu luyến để mà chi
Ta yêu nhau một thời
Nhưng đời bỗng chia ly...

Biện Công Danh
18/4/2015
* Hình phụ bản của tác giả chụp - Viết trong một ngày mưa.

Cám Ơn EM



EM hóa phép cho thơ tràn ngập nắng
Tựa bình minh xua phố vắng đơn côi
Để mây trời lãng đãng nhẹ nhàng trôi
Chim vổ cánh tung bay mừng ngày mới

EM hóa phép cho đời thêm mong đợi
Điệu thơ buồn từ đó khởi xinh tươi
Có nàng thơ áo tím nghiêng nón cười
Ru bao khách bên đường ngơ ngác mộng

EM hóa phép cho dòng thơ biến động
Nhớ thật nhiều từ cuộc sống tha nhân
Huế thân thương nhắc nhở biết bao lần
Trong mộng ảo, trong nỗi buồn luyến nhớ

EM hóa phép cho thơ tôi òa vỡ
Tháng ngày buồn như con nợ trên vai
Nhớ Huế xưa, theo nét chữ miệt mài
Dòng thơ nhỏ - cám ơn EM - tô điểm ...

Hoàng Dũng

Đồ Cổ Nơi Nhà Công Tử Bạc Liêu - Phần 1













Trương Văn Phú
4/2015

Xem tiếp Phần 2, xin nhấp vào Link:  Đồ Cổ Nhà Công Tử Bạc Liêu - Phần 2

Đồ Cổ Nhà Công Tử Bạc Liêu - Phần 2














Trương Văn Phú
4/2015
Xem Link:  Đồ Cổ Nhà Công Tử Bạc Liêu - Phần 1

Bỗng Dưng Thèm Một Cơn Mưa


Tháng Tư nắng đến điên người,
Cây xanh lả ngọn nhìn trời bơ vơ
Bỗng dưng thèm một cơn mưa
Ướt vai, ướt tóc người xưa thẹn thùng

Chiếc dù âu yếm che chung
Khăn anh lau vội má hồng ướt duyên
Mưa ơi, mưa cứ dài thêm
Tình ta trú dưới mái hiên nồng nàn

Tay cầm hơi ấm chuyền sang
Chuyền đêm thương nhớ mơ màng sương rơi
Quán chiều thương ấm chỗ ngồi
Ly cà phê nóng chia đôi ngọt ngào

Ngoài trời sấm chớp ầm ào
Bên trong tiếng nhạc xôn xao chào mừng
Tóc dài em cột sợi thun
Cột tình anh lại gió luồn bờ vai

Chưa đông trời đã Giêng Hai
Mùa xuân mở lối thiên thai đi về
Dài đuôi mắt tím đam mê
Đỏ bờ môi mọng xuân thì tình em

Bây giờ ngày nhớ qua đêm
Cơn mưa ngày ấy ướt mềm tóc bay
Ướt lòng anh, ướt khăn tay
Nỗi đau cuồng quẫy tháng ngày xa nhau

Tình yêu chìm dưới vực sâu
Nhớ lăn lóc đá bạc đầu cỏ hoang
Trách gì em bước sang ngang
Xứ xa não gót thời gian lạnh lùng

Nhìn quanh trước mặt sau lưng
Phố đông chỉ thấy chập chùng cô đơn
Phương xa tình xõa tóc buồn
Chia không em chút hương thơm muộn màng?


Trầm Vân

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Ba Chị Em

Anh Cao Khải quý mến, 
Cảm ơn hình anh chụp với chủ đề" Ba Chị Em" đã làm em xúc động thật nhiều....
Nên cảm xúc này được ghi lại, gửi anh thay lời cảm ơn anh
Và em cũng mượn hình ảnh này để tặng đến chị Kim Phượng và cô em gái Kim Diệp của em nha.
(Kim Oanh)


Ảnh Chụp: CKNguyễn
Thơ Cảm Tác: Kim Oanh

Tóc Xưa - Hương Nguyền Tóc Xưa


Bài Xướng: Tóc Xưa

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa

Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng

Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa

DVT 2013
***
Bài Họa: Hương Nguyền Tóc Xưa

( Họa từ Tóc Xưa của DVT)

Duyên tan tóc kết còn đây
Thoảng gây mùi nhớ xa bay cuối vườn
Mượt dài ôm trọn bờ thương
Tóc mai san sẻ vui buồn lìa quê

Tha phương tròn giữ nguyện thề
Trong bàn tay vuốt mãi mê tóc mềm
Mấy thu vàng đổ trước thềm
Đêm sâu gối mộng từng đêm say nồng

Em ngồi buông xõa tóc hong
Ủ hương anh bảo quanh song chắn mành
Nâng niu chăm chút tình anh
Sợi rơi rụng nhặt chẳng đành cách xa

Trang nào giữ kỷ niệm qua
Sách ơi vướng víu tình ta ngày ngày
Tuyền đen từ thuở ô mai
Dẫu pha trắng tuyết cùng ai chung lòng

Người đi kẻ ở bặt trông
Kiếp sau xin chấp nụ hôn tình người
Đá vàng vàng đá mấy mươi
Biệt ly êm ái gượng cười nuốt đau

Thời gian thấm thoát trôi mau
Dạ son chẳng nhạt sắc màu xưa nay
Ngậm ngùi tóc gió thôi bay
Thiên thu ngần ấy tình dài cõi xa

Kim Phượng

Tình Muộn Không Thành


                                            
Cuối đời chim hót cõi vô thường
Muộn màng trao cánh thiệp ngàn hương
Khói loạn ly lạc đường duyên kết
Ta còn gì vội chết con tim

Tìm gặp em như từ tiền kiếp
Giấc mơ hồ chẳng dịp gặp nhau
Bao năm qua thiết tha chờ đợi
Chỉ một lần cũng đủ buồn vơi

Đêm nay trong gió lời than khóc
Vừa chớm Thu tang tóc về mau
Xót xa đau nước mắt tuôn trào
Đôi nhạn lạc ngày nào tao ngộ

Cô đơn lạnh câu thề không vẹn
Hẹn lần về trăng sáng miền xa
Anh đưa em vào điện ngọc ngà
Truyền thuyết nỡ đôi ta bi thảm

Tàn Thu chưa! Lam chiều ảm đạm
Trời Đất nào đồng cảm thời gian
Thúc giục anh xa lánh địa đàng
Ai kể em nghe trời rạng sáng

Đáng tiếc! Xưa chỉ toàn câu viết
Chưa một lần mắt biếc luyến trao
Gặp gỡ xa cũng chỉ câu chào
Mong kề cận ngày nao tan vỡ

Giờ chuông điểm giật mình bỡ ngỡ
Số đôi ta trời bắt phải chờ
Thêm lần hẹn kiếp nhờ Thượng Đế
Tang lễ buồn chắc vắng bóng em

Đem thân xác vùi chôn gió cát
Nát cuộc đời đăng đẳng Quê Hương
Thương thuyền nhỏ lênh đênh bến đổ
Khổ em tôi! Anh thật sự xa rồi!

Vĩnh Long 3-6-2010
Lê Kim Hiệp

Tình Chờ


Chiều thứ sáu chờ ai tan giờ học
Ngong ngóng tìm tà áo trắng nơi đâu
Đứng đợi lâu giọt nắng ngã mái đầu
Nghe tiếng trống thẫn thờ nhìn em gái

Sáng chủ nhật lang thang trên đại lộ
Phố đông người mà mình thấy cô liêu
Lòng hắt hiu nghĩ đến dáng mỹ miều
Nhưng mơ ước mỗi chiều chờ , đưa đón

Rồi một buổi nhìn ai tay cầm nón
Ôi ngô nghê rón rén tới tỏ tình
Thương bóng hình trong ánh mắt thơ trinh
Nên vội vã trao nhanh tờ thư viết

Tình chờ đợi đến nồng nàn tha thiết
Rất ngọt ngào đắm đuối thuỏ xuân xanh
Như trăng thanh soi sáng tấm lòng thành
Để mãi mãi dỗ dành trang kỷ niệm

Đỗ Hữu Tài 
28 - 2 - 2015

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tôi Ði Giữa Hoàng Hôn -Văn Phụng - Jo Marcel

Một mình bước đi chầm chậm trong nắng chiều vàng nhạt,chợt nhớ lại kỹ niệm của một thời yêu nhau, hai đứa dắt tay nhau tươi cười bên bến sông xưa tràn dâng hạnh phúc. 
Bây giờ cũng con đường bến sông đó, nay chỉ còn lại một mình như cánh chim lạc loài mà tiếc cho ngày tháng cũ...không biết mùa sau có còn gặp lại hay không!...Dù còn một mình,buổi chiều tôi vẫn đi lại chốn cũ như để chờ,để đợi, để thương, để nhớ ...


Sáng Tác:Văn Phụng   
Tiếng Hát: Jo Marcel
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Tháng Tư


Gió lang thang thơ thẩn chốn giao mùa
Ve gióng giả khúc gọi mùa xưa cũ
Tháng tư về rồi, cây cành trĩu quả
Em chợt buồn nỗi sớm nắng, chiều mưa

Mãi khung đời thăm thẳm một quê xa

Hương cỏ dại cọ mài sâu nỗi nhớ
Chim sẻ đồng mái hiên tre lợp tổ
Cánh cò chao lơi lả đồng chiều

Tháng tư - tuổi thơ - dòng sông thân yêu

Phượng lấp ló đầu mùa nhen đỏ lửa
Chín lòng nhau tuổi học trò trang lứa
Thương vu vơ chật chội cả sân trường

Ta ru mình giấc hoài cỗ mờ sương

Tháng tư người ơi! Bằng lăng tím phố
Có chiều hôm oi nồng cơn mưa đổ
Và bâng khuâng trông bóng dáng ai về !..

Hương Ngọc


Ví Như Huyền Thoại


Mong tháng ngày qua mau
Cho lòng buồn lắng đọng
Niềm vui thuở ban đầu
Hãy chôn vào quá khứ

Sông về lại với sông
Nước xuôi theo nguồn nước
Tất cả đều vô thường
Có, Không đã định trước

Đến, chuẩn bị quay về
Yêu có mầm chia biệt
Tình, chỉ liều thuốc mê
Nhớ để quên dằn vặt!

Đừng mong trên đời nầy
Có mùa xuân vĩnh cửu
Cám ơn đời hôm nay
Tặng cho thời gian sống...

Phong Tâm
23/03/2015
****
Một Nụ Cười
(Từ Ví Như Huyền Thoại của Phong Tâm)

Thời gian là kỷ niệm
Trang lưu bút tình yêu
Ươm mầm hoa thương nhớ
Thơm hương gió quê chiều

Tình đẹp như huyền thoại
Tình buồn như áng mây
Trời mơ, hai lối mộng
Đường mờ khói sương bay

Nhật nguyệt xoay ngày tháng
Xuân đến, Hạ ra đi
Thu sang phai màu lá
Đông buồn cánh chim di

Sông đời triền miên chảy
Sóng nước mãi ngược xuôi
Trăng nay tròn mai khuyết
Buồn, vui... một nụ cười!

Yên Dạ Thảo
26/03/2015

Nữ Tướng Bùi Thị Xuân



Bùi Thị Xuân ( 裴氏春; 1771-1802) là một trong Tây Sơn Ngũ Phụng (*), vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là một Đô Đốc của vương triều Tây Sơn trong Lịch sử Việt Nam

Nữ kiệt Bùi Thị Xuân là con gái của Bùi Đắc Chí, cháu thái sư Bùi Đắc Tuyên, quê làng Xuân Hòa, huyện Bình Khuê, tỉnh Bình Định. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và học võ. Tương truyền, nàng là người có nhan sắc, khéo tay và viết chữ đẹp. Đến khi theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh, bà cũng nhanh chóng thành thạo, nhất là môn song Kiếm. Nhờ vậy sau này, người con gái này đã dùng kiếm để giải nguy choTrần Quang Diệu khi vị tráng sĩ này bị một con Hổ dữ tấn công. Và cũng từ lần gặp này mà hai người trở thành vợ chồng khi ông Diệu đến ở nhà người con gái Xuân Hòa để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.

Theo tài liệu, trong trận Đại phá quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789, bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ Huy.
Trong những năm tiếp theo, bà cùng chồng cầm quân đi đánh dẹp các phe chống đối vương triều Tây Sơn, trong số đó có lực lượng của hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Chỉ cấu kết với Tù trưởng Bảo Lạc (Hà Tuyên)...
Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước, ngày 29-7- 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Kể từ đấy vương triều này bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) còn nhỏ, lại bị người cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền.
Bà là vị anh thư đã cùng chồng hết lòng hết sức giúp nghĩa quân Tây Sơn chống nhau với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm, chiến đấu cực kỳ dũng cảm.
Thời gian này, Bùi Thị Xuân được cử vào trấn thủ Quảng Namn, còn chồng bà (Trần Quang Diệu) thì được cử vào Diên Khánh chống ngăn quân Nguyễn. Đến khi nghe tin cha con Bùi Đắc Tuyên bị tướng Võ Văn Dũng bắt giết, Trần Quang Diệu cả sợ, phải kéo quân về kinh đô đóng ở bờ Nam sông An Cựu, thì bà cũng nhận được lệnh hồi triều.
Nghe mật thám báo tin nội bộ nhà Tây Sơn đang lục đục, chúa Nguyễn Phúc Ánh liền tổ chức ngay những cuộc tấn công. Nhưng quân Nguyễn vừa tiến vào thành Quảng Nam, thì bị đánh một trận tơi bời. Tức tối vì thua mưu trí đàn bà, chúa Nguyễn thề sẽ sớm rửa mối nhục. Thấy Chúa Nguyễn rút lui hết, đến lúc ấy, Bùi Thị Xuân mới kéo quân về Phú Xuân để cùng chồng dàn xếp việc triều chính...
Mùa Xuân năm 19802,  vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thuỳ vào trấn giữ Ngệ An, còn tự mình cầm quân đi đánh chiếm lại Phú Xuân. Trong chiến dịch này, Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá.
Thấy thế trận ngày càng bất lợi, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Phúc Ánh đang cố thủ, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân. Nào ngờ vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh. Bùi Thị Xuân bèn nắm áo ngự bào của nhà vua để khuyên cố đánh. Nhưng khi nghe tin tướng Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ, cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng; thì đội quân của bà hốt hoảng bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy...
Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế. Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa...

Sau mấy phen cùng chồng lo chiêu quân để toan gầy dựng lại nghiệp Tây Sơn đã nghiêng đổ, hai vợ chồng đều bị bắt tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, rồi bị đem hành hình. 


Về cái chết của bà, theo Thiên Nam nhân vật chí và hầu hết các tư liệu khác đều dựa vào đấy mà cho bà bị lăng trì, đốt cháy cả thi hài. Lại có thuyết, theo tư liệu của giáo sĩ De La Bissachère, bà và người con gái bị hành hình bằng cách voi tung xé xác, và bà đã tỏ ra can đảm phi thường trước sự trả thù tàn bạo và vô nhân đạo ấy của Nguyễn ánh. 

Hiện nay, dãy gò Xuân Hòa là nơi bà tập luyện đàn voi chiến, mặc dù đã bị phá vỡ thành ruộng, song vẫn còn di tích. 
Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi oai danh và tiết tháo của bà. 
Người đời sau có vịnh thơ: 
Vận nước đang xoay chuyển 
Quần thoa cũng vẫy vùng 
Liều thân lo cứu chúa 
Công trận quyết thay chồng. 
Khảng khái khi lâm nạn! 
Kiên trinh lúc khốn cùng 
Ngàn thu gương nữ liệt 
Gương sáng hãy soi chung.


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
Theo: maxreading.com - wikipedia.org
----
(*) Tây Sơn ngũ phụng thư là danh hiệu của năm phụ nữ nổi bật của nhà Tây Sơn, gồm có:
  • Bùi Thị Xuân (? - 1802), là vợ Thiếu phó Trần Quang Diệu.
  • Bùi Thị Nhạn (? - 1802), là một trong số vợ của tướng của vua Quang Trung.
  • Trần Thị Lan (? - 1802), là vợ của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
  • Huỳnh Thị Cúc (? - 1802), không có chồng. Bà là nữ tướng dưới quyền của Bùi Thị Xuân.
  • Nguyễn Thị Dung (? - 1802), là vợ của tướng Trương Đăng Đồ.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Bên Bờ Cỏ Lau


Thơ & Ảnh Chụp: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nỗi Lòng Xa Xứ...


Ngồi đây lòng dạ thấy chơi vơi
Ba chìm bảy nổi cái sự đời
Bốn phương tám hướng dân tứ xứ
Nam, bắc, đông, tây chẳng kể xa.

Quê hương nghèo khó phải bôn ba
Tạm biệt người thân để xa nhà
Tha hương xứ người đâu ai muốn
Ra vào một bóng thấy quạnh hiu.

Sáng nào cũng tất bật ra đi
Gần xa, nặng nhẹ chẳng xá gì
Miếng cơm manh áo nơi đất khách
Đau xót, tủi hờn ai biết đâu.

Nghĩ phận long đong lại thấy thương
Đau ốm thân cô nặng nỗi lòng
Thương cha nhớ mẹ nên cố gắng
Gạt lệ, dặn lòng phải bước đi.

Ngày qua tháng lại cứ thế trôi
Xã hội bon chen thấy nực cười
Đố kỵ, hơn thua...sao thấy chán
Mong lắm ngày về với quê hương.

Vĩnh Trinh


Rượu Tình Fây - Lão Tửu Trăm Năm Giao Mộng


Rượu - Tình - Fây(Facebook)

Rượu say chưa đã nên ghiền
Tình say chưa đã nên phiền vẫn vơ
Buồn nhìn con nhện giăng tơ
Sợi thương mất mối sợi chờ lộn dây
Lang thang mấy cõi trời mây
Duyên đưa tìm đến sân fây rộn ràng
Sắc hoa màu áo ngỡ ngàng
Hồn thương giẫm lối hôn hoàng phân vân
Ngại ngùng những thoáng bâng khuâng
Sợi fây mắc níu gót chân lữ hành!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Lão Tửu -Trăm Năm - Giao Mộng


Lão tửu chưa nếm đã ghiền
Chưa say sao lại ưu phiền vẫn vơ
Bén duyên đậm vị mối tơ
Giao bôi đính ước hẹn chờ kết dây
Ngất ngưỡng lúy túy đường mây
Trăm năm giao mộng phây phây rỡ ràng
Giật mình tỉnh giấc ngỡ ngàng
Trăng tàn gối chiếc bàng hoàng phù vân
Bình minh hồn mãi bâng khuâng
Bóng in đáy cốc níu chân độc hành!

Kim Oanh
16/4/2015
***
Thơ Ghiền

Thơ ai hay quá đọc ghiền,
Đôi khi muốn họa sợ phiền bá vơ,
Nhưng vì lòng vướng nhiều tơ,
Cứ nhớ cứ đợi cứ chờ mối dây,
Hồn như bay bổng lên mây,
Ai ngờ đang ở mạng phây rõ ràng,
Bao nhiêu mộng mị non ngàn,
Tan trong thoáng chốc bàng hoàng phù vân!
Thôi thì còn chút bâng khuâng,
Sẻ chia cho đỡ cuồng chân bởi hành.

Nhatthuyh(Hoành Trần)

Mạn Bàn Về Bỏ Dấu Thanh Trong Chữ Việt


A - Thanh điệu
B - Các quan điểm về dấu thanh
         1 - Vị trí các dấu thanh đã được công nhận
         2 - Vị trí các dấu thanh còn đang tranh luận
C - Chiết tự và ghép vần

         1 - Chiết tự 
         2 - Ghép vần
  Kết luận
---

A - Thanh điệu

Dấu của tiếng Việt
Dấu
Chữ mẫu
ngang
a
sắc
á
huyền
à
hỏi
ngã
ã
nặng

A- Thanh Điệu (trích vikipedia.orp)
Hệ thống thanh điệu của tiếng Việt khá phức tạp (do có những thanh và từ không thể đi chung với nhau - ví dụ: từ "mit" không thể đi với thanh huyền). 
Trong tiếng Việt có sáu thanh: ngang (không dấu: a), sắc (nghiêng phải: á), huyền (nghiêng trái: à), hỏi (dấu hỏi: ả), ngã (dấu ngã: ã) và nặng (dấu chấm: ạ). Tất cả các dấu đều được đặt trên nguyên âm, riêng dấu nặng được đặt dưới nguyên âm.
.................................................................................
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm, nhưng những từ ghép cũng có nhiều Nguyên âm đôi (au,ai..)  nguyên âm ba iêu, oai...) rất thông thường.
................................................................................................

        Trong đời sống, hiện vẫn tồn tại hai cách đặt dấu thanh trong tiếng Việt. Ví dụ "hòa" là một cách đặt dấu thanh khác cho "hoà", trong đó "hòa" còn gọi là cách đặt dấu thanh "cũ". Bảng sau liệt kê các trường hợp mà hai cách đặt dấu
thanh khác nhau:
Mới
òa, óa, ỏa, õa, ọa
oà, oá, oả, oã, oạ
òe, óe, ỏe, õe, ọe
oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ
ùy, úy, ủy, ũy, ụy
uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ
............................................................................................................

         Tại sao đến nay vấn đề đặt dấu thanh cho chữ Việt vẫn còn tranh cải? Chỉ vì hai quan điểm trái ngược nhau và không bên nào chấp nhận ý kiến của bên kia.


         Chúng ta thử tìm hiểu và nhận xét về hai quan niệm trên.

B - Các quan điểm về dấu thanh

1 - Vị trí các dấu thanh được tất cả công nhận

        - Trong các chữ chỉ có 1 nguyên âm thì dấu thanh đương nhiên sẽ ngay nguyên âm đó.


        - Trong các chữ có phụ âm đầu, phụ âm cuối hay cả hai, hoặc có hai, ba nguyên âm, trong các nguyên âm này nếu có dấu phụ như ă â ê ơ... thì các dấu thanh sẽ đặt ngay vị trí nguyên âm có dấu phụ đó.

Thí dụ : khuyến, lun , quc , du...

        - Trong các chữ nếu cả hai nguyên âm đều có dấu phụ thì dấu thanh sẽ đặt vào nguyên âm sau.

Thí dụ : trưng , ngưi...
       - Trong các chữ nếu cả hai nguyên âm đều không có dấu phụ, và chỉ có phụ âm trước hoặc phụ âm sau, dấu thanh sẽ đặt vào nguyên âm đứng kế phụ âm.
Thí dụ : trào , oán....
      - Trong các chữ có hai nguyên âm không dấu phụ,đồng thời có cả phụ âm trước và phụ âm sau , dấu thanh sẽ đặt vào nguyên âm đứng kề phụ âm sau.
Thí dụ : hoàng, toét....

Chúng ta thấy rất rõ những dấu thanh đều đặt ngay vị trí các nguyên âm chính trong chữ.(Nguyên âm chính là nguyên âm góp phần quan trọng trong việc đọc thành tiếng của chữ. Có thể được xác định bằng cách chiết tự và kết âm bên dưới)

2 - Vị trí các dấu thanh còn đang tranh luận:

Mới
òa, óa, ỏa, õa, ọa
oà, oá, oả, oã, oạ
òe, óe, ỏe, õe, ọe
oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ
ùy, úy, ủy, ũy, ụy
uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ








      Trong hai cách đặt dấu trên, cách nào đúng?  Hiện tại chưa thể nói cách nào đúng cách nào sai. Mỗi bên đều có lý do bác bỏ lập luận của bên kia, đến nay, cả hai vẫn giữ lấy quan điểm của mình. 

a - Phái đổi mới :         
         - Trong tiếng Việt những chữ có phụ âm đứng sau, các dấu thanh đều được đặt vào vị trí nguyên âm có dấu phụ, kể cả trường hợp cả hai đều không có hoặc có dấu phụ. 
Thí dụ :  khuyến , trường, oán , khoảng...        

        -  Đa số các dấu thanh đều đặt vào nguyên âm đứng sau. Để cho việc bỏ dấu được giản dị, phái này đề nghị tất cả các chữ tận cùng bằng các vần : oa , oe , uy, cũng nên bỏ dấu vào vị trí nguyên âm sau như bảng Mới bên trên.

         - Dựa vào Bảng ký hiệu phiên âm Quốc tế ( I PA) để chứng minh, vì các vần oa, oe, uy khi phát âm sẽ thành wa, we, wy.

         - Các dấu thanh đều ở ngay vị trí nguyên âm chính      
         Dựa vào những lý trên, phái đổi mới đề nghị các vần này cũng đặt dấu thanh vào nguyên âm sau.
b - Phái Bảo Thủ :      
           Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và có đến 6 thanh điệu, nên không thể sử dụng hệ thống ký hiệu mẫu tự phiên âm quốc tế( I P A ). Phương pháp này chỉ dùng để hướng dẫn cách phát âm chớ không thể dùng trong chữ viết.
           Bỏ dấu theo cách cũ  (bảng  bên trên) mọi người đã quen sử dụng vì đã được dùng từ lâu
          Cách bỏ dấu này trong đẹp mắt hơn.
          Dấu thanh ở ngay vị trí nguyên âm có phụ âm kề bên.                                              
- Nhận xét về hai quan điểm trên :
        Nếu khách quan nhận xét, thông thường trong cùng một vấn đề, những thuyết có sau thường hoàn chỉnh hơn thuyết có trước.
        Sở dĩ chuyện đặt vị trí dấu thanh vẫn còn nhiều tranh cải vì cả hai quan điểm không thể dung hoà.
        Quan điểm Cũ chỉ dựa theo cảm nhận, theo thói quen hoặc theo thẩm mỹ, chưa thể chứng minh một cách khoa học chính xác.
        Quan điểm Mới thì dựa hoàn toàn vào phương pháp chiết tự và ghép vần, mang tính khoa học hơn.
C - Chiết tự và ghép vần :     
1 - Chiết tự (tách chữ)

        Chiếc tự là tách chữ ra làm hai hay nhiều phần để ráp vần cho chính xác. 

        a - Chiết tự dùng cho các chữ mà các nguyên âm không có dấu phụ: Trong trường hợp này, chữ thường được tách chia ngay trước vị trí nguyên âm chính (mang dấu thanh hay không có dấu thanh)

thí dụ:( những chữ có màu, gạch dưới bên dưới là những nguyên âm chính trong chữ)
         thoái => th / o / ái => th..o..ái , khi ráp vần ta đọc nhanh tho..ái => thoái 
         toét => to / ét , khi ráp vần ta đọc nhanh to..ét=> toét
         hoang => h / o / ang => h..o...ang => ho..ang => thành tiếng hoang
        b - Dùng cho các vần  có dấu phụ: trong trường hợp này chữ được tách chia ngay sau phụ âm trước.
thí dụ : hường => h / ường  khi ráp vần ta đọc nhanh hờ..ường = > hường
            khuyến => kh / uyến khi ráp vần ta đọc nhanh khờ..uyến => khuyến

         2- Ghép Vần    
        Nguồn gốc chữ Việt ngày nay được gọi là chữ Quốc ngữ xuất phát từ các mẫu tự La Tinh. Các Giáo Sĩ Tây Phương đã lấp ghép các mẫu tự này dựa vào cách phát âm của dân ta. Ta có thể khẳng định chắc chắn rằng chữ quốc ngữ được sinh ra từ cách Ghép Vần
         Từ cách ghép vần, ta có thể xác định cách bỏ dấu hợp lý nhất trong chữ Việt.

         Chúng ta thử trở lại những bài học vỡ lòng trong tiếng Việt. Phương pháp ráp vần trong tiếng Việt chính là cách đọc nhanh hai vần lại với nhau.

         Thí dụ :
a - Ghép vần phụ âm với một nguyên âm :
         Chữ " bà" được ghép bởi  "bờ" và  "à". Ta tách rời chữ " bà "  ra ( chiết tự) : b./.à, và đọc thật nhanh "bờ..à", hai âm sẽ dính liền vào nhau sẽ cho ra tiếng " bà ".

        Đó chính là cách Tách Chữ (Chiết Tự)  và Ráp Vần (Kết âm)
b - Ghép vần phụ âm với hai nguyên âm không có dấu phụ :
       - Chữ "giá" .Chúng ta đều biết nếu "g" (gờ) không có  "i" đi kèm sẽ đọc là "gá" . Nhưng có  "i" chúng ta sẽ đọc là "zá" ( gi = z ). Như thế, chữ "giá" sẽ được tách ra : gi./.á và chúng ta sẽ đọc là "giờ..á" đọc nhanh sẽ ra tiếng zá (trong mẫu tự VN không có Z ,chúng tôi chỉ sử dụng trong cách phát âm đúng).
        - Chữ "ga " (trong giặt gỵa). Có người cho rằng phải viết là "gịa" mới đúng. Điều này khó chấp nhận vì như thế chúng ta không thể nào ráp vần.
          Chữ g.. ịa ( gờ.. ịa ) không thể nào đọc thành zịa, mà sẽ đọc thành g..ịa .
          Còn chữ gỵa ( trong chữ Việt chữ y được sử dụng như hai chữ i ; y = i + i ) ta có thể tách ra như sau:
  " y = i i => gỵa = gi./.ịa " và khi ta đọc nhanh gi..ịa sẽ thành " giờ..ịa = zịa ".
         - Nếu trường hợp " dấu nặng "  ở vị trí nguyên âm " a "
         "gi" . Khi tách chữ " gi./..ạ " . Ráp vần nhanh , thành tiếng " zạ ".
         Tương tự
 thuý  hay thúy khi chiết tự:
- Nếu chúng ta chiếc tự  chữ  thúy = > th / ú / y => th..ú..i..i (y=i+i) => thú..i..i  không đọc được thành tiếng thuý mà chỉ đọc thúi..i
- Nếu: thuý = thuií (y=i+i) => th / u / i / í => th..u..i..í  =>  thu..i..í => thui..í , đọc thành tiếng thuý
- huy => hờ..u..i. / .i => hu..i. / .i => hui..i  tuần tự ta ráp vần nhanh sẽ thành tiếng huy     
   (Những chữ có màu, gạch dưới là nguyên âm chính)
            Qua những thí dụ trên, chúng ta thấy rất rõ "y" chính là nguyên âm chính trong các chữ. dấu thanh sẽ ở ngay vị trí chữ "y".
            Từ đây Ta rút ra được một điều : chúng ta có thể áp dụng cách chiết tự và ghép vần để xác định đâu là nguyên âm chính trong chữ, các dấu thanh sẽ được đặt ở ngay nguyên âm chính, góp phần làm sáng tỏ trong các vần đang tranh cải.
 Trở lại các vần đang tranh luận, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp Tách Chữ và Ghép Vần để phân tích:
      -  " oa ":
          Cũ:  òa => ò..a => đọc nhanh cũng không thành tiếng gì cả, vì không thể ráp vần.
          Mới: oà => o..à => đọc nhanh sẽ cho ra tiếng oà.
      -  " oe ":
           Cũ: ọe => ọ..e => ráp vần không được.
          Mới:  oẹ => o..ẹ => đọc nhanh sẽ cho ra tiếng oẹ.
-  " uy ": 
          Cũ :  ủy => ủ..i..i => Ráp vần không được.
          Mới:  uỷ => u..ỷ => đọc nhanh sẽ cho ra tiếng u..i..ỉ=uỷ.

Kết Luận:
          Vấn đề vẫn còn đang tranh cải chưa kết thúc, nên dưới đây chỉ là ý kiến cá nhân về cách bỏ dấu thanh:       
     -  Ngoại trừ các vần : oa ; oe ; uy còn đang trong vòng tranh luận. Vị trí dấu thanh nằm ở nguyên âm đứng sau chiếm đa số  : ngưi, truyn, đim, hoài... Nếu  đặt dấu thanh vào vị trí nguyên âm đứng sau, cũng chính là nguyên âm chính trong chữ của các vần  oa , oe , uy  thì sẽ thật dễ dàng trong việc bỏ dấu trong chữ Việt vì hầu hết đều ở vị trí nguyên âm đứng sau.

      - Dựa vào phương pháp Tách Chữ và Ghép Vần, cách mới cũng vẫn đúng hơn. Trong khi cách cũ không thể ghép vần, mà ghép vần chính là nguyên tắc căn bản để đọc trong chữ Việt.



         Như thế, với những Vần : oa , oe , uy , dấu thanh đặt vào nguyên âm sau là hợp lý hơn.
...
         Tóm lại, bất cứ ý tưởng mới nào cũng có sự phản đối. Việc dặt dấu thanh vào nguyên âm đứng phía sau cũng thế. Nếu không chấp nhận, chứng ta cần chứng minh quan điểm của mình là đúng. 

        Trong các quan điểm về dấu thanh, những điều gì tất cả mọi người đã công nhận, không có ý kiến phản bác, chúng ta tiếp tuc sử dụng.     
        Còn những điều gì đang trong vòng tranh cải, điều nào đúng, điều nào sai vẫn chưa có kết luận cuối cùng, do đó mọi người có thể tuỳ sử dụng cách bỏ dấu này hay cách kia. Chúng ta không thể dựa vào quan điểm này mà cho rằng quan điểm kia là sai. 
        Muốn chấm dứt tranh luận, chúng ta cần một Hội đồng bao gồm những Học giả về Văn hoá, Ngôn ngữ Việt, đưa ra một quy tắc thống nhất để đi đến một kết luận cuối cùng .
        Đến một lúc nào đó, đã xác định được cách bỏ dấu nào đúng. Khi đó chỉ còn một cách duy nhất thì việc ai đặt dấu thanh không đúng vị trí quy định mới  thật sự là sai
                                                                             
Huỳnh Hữu Đức