Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Thu Về Trong Mắt Em - Phạm Mạnh Cương - Trần Thái Hòa



Sáng Tác:Phạm Mạnh Cương 
Tiếng Hát:Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Trần Tình


Phải chi anh còn đơn côi,
Thì em đâu phải nổi trôi cuộc đời.
Ái ân lơ lững nữa vời,

Nên em nức nở vạn lời thở than.
Ngậm ngùi số kiếp hồng nhan,
Yêu anh rồi cũng ngỡ ngàng mà thôi!
Thuyền yêu tách bến xa khơi,
Bến yêu hoang lạnh một đời chờ mong.
Anh là người khách sang sông,
Trăm năm cô gái nặng lòng luyến lưu...

Dodge City, Knasas 1989

Mặc Thái Thủy

Thơ Tranh: Mùa Thu Bên Hiên


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đá Sầu


Đá sầu lăn xuống hồn khuya
nghe âm vang mãi tan lìa cuộc vui
mong con mắt nhớ ngậm ngùi
để no tiềm thức, một đời cây khô

Đá sầu lăn xuống tận mồ
nghe như tiếng cú vọng bờ cõi âm
đời sao mang mãi mù tăm
tay ôm tiếng khóc nấc thầm cõi đau.

Đá sầu liệng xuống biển sâu
sóng xô, gió bạt mịt mù đại dương
quẩn quanh cũng chỉ vô thường
đường đi lắm đổi còn vương kiếp người.

Đá sầu ném rách mây trời
miếng rơi miếng rụng rối bời lòng ta
đá sầu lăn xuống thật xa
ta thị tay vớt tiếng va thật buồn.

Trần Phù Thế

Từ Tiền Kiếp Em


Tiền kiếp em là chim
Anh còn mải mê tìm
Kiếp này buông tiếng hát
Đôi cánh còn chao nghiêng

Tiền kiếp em là mây
Lang thang  giấc mộng đầy
Họp tan đâu biết trước
Cuộc tình ai thả bay

Tiền kiếp em là hoa
Sắc hương phai nhạt nhòa
Niềm đau ai hiểu được
Cánh bướm nào bay xa

Tiền kiếp em là sông
Gió xô sóng gợn dòng
Bao giờ trăng là mộng
Hồn anh thành cuồng ngông

Tiền kiếp em là trăng
Đêm soi bóng dịu dàng
Người về qua bến vắng
Đò tình đã sang ngang

Tiền kiếp em là cây
Bao Thu lá rụng đầy
Oằn mình Xuân em đến
Sương mù phủ áo mây

Tiền kiếp em là tro
Cỏ hoa cát bụi mờ
Lung linh chờ ánh nến
Đốt đời trong cơn mơ

Tiền kiếp em là thơ
Ru ai cuộc tình hờ
Kiếp này thơ phổ nhạc
Khúc hát đời bơ vơ


Phạm Tương Như
Oct. 14  2014

Tóc Thề


Bố mẹ tôi lấy nhau từ lúc hai người còn rất trẻ. Mẹ kể: ngày trước, trong đám sinh viên trường Mỹ Thuật mẹ chỉ để ý đến bố vì bố có mái tóc rất đẹp. Mối tình của hai người cũng lắm trắc trở. Bà tôi bảo: "Con yêu gì thằng đó, chân yếu tay mềm, rồi cũng khổ thân mày". Mẹ cười nói với bà: "Con yêu vì anh ấy có mái tóc đẹp. Cái tóc là gốc con người mà mẹ!" Cả họ ngoại tôi đều bảo mẹ gàn. Riêng bạn bè của mẹ thì khuyên ngăn: "Chẳng lẽ mày yêu hắn chỉ vì mái tóc?" Mẹ triết lý: "Nhưng ít ra cũng còn có cái để yêu". Lúc chỉ còn có hai người với nhau, mẹ cũng nói thật lòng với bố thế. Cứ tưởng rằng bố sẽ buồn, nhưng không, Bố còn đùa tếu: "Mái tóc muôn năm".


Sau ngày cưới, mẹ đi chợ sắm cho tổ ấm của mình. Trong những thứ linh tinh mà mẹ khuân về có một cái kéo, một con dao cạo sắc lem. Mẹ tuyên bố: "Kể từ ngày hôm nay em sẽ hớt tóc cho anh. Cấm anh ra tiệm!". Hôm đầu tiên "ra nghề", mẹ phải cày cục gần một buổi mới hớt xong mái tóc của bố. Không biết "tác phẩm nghệ thuật" của mẹ đạt đến trình độ nào mà sáng hôm sau bố phải đội sùm sụp cái mũ trên đâu để đến cơ quan.


Qua mấy chục năm, tay nghề của mẹ đến nay đã hết sức "vững vàng". Mặc dù là hiệu trưởng của một trường cao đẳng sư phạm, phải giảng dạy, họp hành suốt ngày nhưng chưa bao giờ mẹ quên việc chăm sóc mái tóc của bố. Món quà mà mẹ tặng bố sau những chuyến công tác về thường là những chai thuốc gội đầu, những lọ dầu xịt tóc. Và công việc trước tiên là kiểm tra xem cái râu, cái tóc của bố có "vấn đề" gì không. Còn bố, từ một chú học trò chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời thì bây giờ đã "nghiện" nặng. Đố ai hớt tóc được cho bố. Có những lần đi công tác ở nước ngoài gần năm tháng trời nhưng bố vẫn không chịu hớt tóc viện lý do là để vậy cho ấm. Bố thường bảo: không có hạnh phúc nào bằng sau những chuyến đi mệt nhoài được ngả người trên ghế để cho mẹ hớt tóc và gội đầu. Những lúc hai người giận nhau thì bao giờ bố cũng làm lành trước. "Chiêu thức" thường dùng của bố là soạn "đồ nghề" ra nhờ mẹ hớt tóc. Và mẹ chỉ chờ có thế để chính thức tuyên bố "hòa bình" .

Mẹ tôi ngã bệnh đã gần nửa năm nay. Căn bệnh nan y đã rút cạn sức lực của mẹ. Suốt thời gian đó, bố túc trực bên giường bệnh, tự tay lo lắng tất cả, ngay đến việc đút cháo cho mẹ bố cũng giành làm vì sợ chúng tôi vụng về. Một hôm mẹ nắm tay bố cười buồn nói: "Thôi! em cho anh ra tiệm hớt tóc đó. Gớm ! tóc tai gì mà phát khiếp !". Bố nghẹn ngào lắc đầu, chẳng nói được lời nào .

Ít lâu sau thì mẹ mất. Chôn cất mẹ xọng, bố tôi già xọm hẳn đi. Lúc đêm vợ tôi nói: "Mai anh đưa tiền cho cụ đi hớt tóc . Trông cụ mà não cả lòng".

Sáng ra bố bảo: "Thằng cả hớt tóc cho bố". Nói xong bố đến bên bàn thờ của mẹ, run run lần mở bọc vải lấy ra những thứ "đồ nghê" mà mẹ để lại và đưa cho tôi. Khi nhát kéo đầu tiên vừa lướt qua thì những giòng nước mắt nóng hổi của bố cũng lặng lẽ rơi xuống. Tôi ôm lấy bố nức nở. Phía trên kia mẹ vẫn cười tinh nghịch .


Nguyễn Khôi
Nguyễn Lữ sưu tầm

Suy Gẫm Về Cuộc Sống




1/ Ngày tuyệt vời nhất chính là NGÀY HÔM NAY

2/ Điều dễ làm nhất chính là BỚI MÓC LỖI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC

3/ Điều xấu hổ nhất chính là TỰ MÃN QUÁ ĐÁNG

4/ Trở ngại lớn nhất của cuộc đời chính là NỖI LO SỢ

5/ Sai lầm lớn nhất chính là TỪ BỎ MỤC ĐÍCH CAO ĐẸP CỦA MÌNH

6/ Chướng ngại lớn nhất ngăn cản bạn đến thành công là CÁI TÔI ÍCH KỶ

7/ Cảm giác mãn nguyện nhất là khi LÀM HẾT LÒNG VỚI CÔNG VIỆC CỦA MÌNH

8/ Người hay bất hòa nhất là NGƯỜI HAY PHÀN NÀN

9/ Sự vỡ nợ tồi tệ nhất là ĐÁNH MẤT NHIỆT HUYẾT, NIỀM TIN CỦA MÌNH

10/ Nhu cầu lớn nhất của con người là CẢM NHẬN CUỘC SỐNG

11/ Qùa tặng quý giá nhất bạn có thể trao tặng cho mọi người chính là LÒNG KHOAN DUNG

12/ Điều đáng để bạn phải suy nghĩ nhiều nhất bây giờ không phải CÁI CHẾT mà là SỐNG NHƯ THẾ NÀO.

13/ Điều vô giá mà bạn cần và có thể chia sẻ là TÌNH YÊU

* CHÚC QUÝ BẠN : BÌNH AN & HY VỌNG *

Song Quang sưu tầm


Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Tiếc Thu - Thanh Trang - Tiếng Hát Nguyễn Đức Tri Ân

Melbourne đang mưa, se lạnh. Tiếc nhớ mùa Thu phố núi...




Sáng Tác:Thanh Trang 
Tiếng Hát & Thực Hiện Youtube: Nguyễn Đức Tri Ân

Sau Vườn Lãm Thúy - Viên Ngọại Nguyễn Khắc Nhân - Hồi Thứ Hai


SAU VƯỜN LÃM THÚY - TÁC GIẢ : VIÊN NGỌAI
Phỏng theo Nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.


HỒI THỨ HAI:

Vương Ông ngộ hoạ Hiếu nữ mại thân,
Tạm dịch : Vì đâu tai hoạ xui nên.
Chuộc Cha đành phải rẽ duyên bán mình

Vương ông mắc họa, do thằng bán tơ, Kiều phài bán mình, chuộc tội cho cha, Mã Giám Sinh ở Lâm Thanh,mua Kiều đem về Lâm Truy , rồi trao cho Tú Bà, ép làm gái làng chơi,

Vương ông bị sai nha bắt
27- Hồi gia chưa kịp những đề huề
Bốn phía Sai nha đổ ập về
Lão với cùng trai đều bị buộc
Van nài, xin thấu tấm lòng quê

Sai nha vơ vét
28- Một ngày lạ thói đám sai nha
Vét sạch sành sanh của báu gia
Khung cửi tan tành , đồ tế nhuyễn
Thu vào cho đẫy chiếc bao da,

Vương ông bị giá hoạ.
29- Chung Công lão lại có từ tâm
Thấy cảnh Vương gia cũng sót thầm
Lo lót quan trên tìm cách gỡ
Việc này phí tổn đến và (3) trăm

Kiều bán mình
30- Gia cảnh trung thường sẵn của đâu
Việc này gấp qúa phải lo mau
Đành liếu thân phận cho xong truyện
Bán phứt mình đi chớ để lâu

Mụ mối đưa nguời
31- Mụ mối đưa người thật bảnh bao
Theo sau Mụ mối Mã đi vào
Xem người định giá ngoài trăm lạng
Bớt một , cò kè trả gía cao

Mã Giám mua Kiều
32- Mụ mối gìa kia, tính cũng mau
Dắt chàng Mã Giám bước vào sau
Mua Kiều làm lẽ , vàng ngoài tám
Canh thiếp làm tin, bạc gối đầu…

Vương Ông giải oan
33- Trong tay đã sẵn có đồng tiền
Lo lót trong ngoài việc đã yên
Án lệnh quan truyền không luận tội
Trả về nguyện quán , chẳng truy nguyên,

Kiều theo Mã về Lâm Truy
34- Tiềng gà đâu đã gáy tàn canh
Dục dã Kiều nương kíp tiến hành
Đường xá gồ ghề , xe khấp khểnh
Bên mừng bên sợ, hoá loanh quanh,

Vuơng Bà sót Kiều
35- Thôi con còn nói nữa chi con
Đất khách quê người lạ nước non
Vạch đất kêu trời nhưng chửa thấu
Ngậm ngùi buồn tủi nỗi . còn son…,

Vương Ông dặn Mã
36- Chút thân liễu yếu lại thơ đào
Nay phải bán mình, biết nói sao
Nhờ bóng Tùng Quân che chở đỡ
Nắng mưa ấm lạnh cậy Chàng bao .

Kiều bị Mã phá trinh
37- Rước Nàng đến chỗ trú phường rồi
Xụân toả tư bề kín mít thôi
Bất động ,sinh nghi nhiều truyện khác
Ngàn vàng phó mặc, kẻ tanh hôi

Kiều Than thân
38- Tuồng chi những giống qúa hôi tanh
Để cái ngàn vàng nó phá banh
Thôi thế thì thôi, xong mọi truyện,
Tóc thề Kiều Trọng , chóng phai nhanh,

Kiều vào lầu xanh
39- Ánh sáng mầu hồng đã hiện ra
Xe trâu dừng bánh , đậu bên nhà
Tú bà đon đả ra chào đón
Mã, đỡ Kiều Nương bước xuống xa,

Kiều lậy thần bạch mi
40- Trước ảnh Thần đây hãy lậy ngay
Lậy rồi sang lậy cậu nhà bay
Kiều nghe ngơ ngàc lời sai bảo
Thay phận, đổi ngôi, đến cỡ này


Tú Ba nổi tam bành
41- Này này sự đã qủa nhiên rồi
Cướp sống chồng min đó nọ thôi
Đã bán cho ta còn giở giọng….
Phép nhà Bà thử để mày coi….?


Kiều bị Tú Bà đánh
42- Bì tiên sắp sẵn ở trên tay
Ba chục Bà cho một trận ngay
Đất thảm trời sầu ai có thấu
Nghiến răng, thịt đổ màu rơi đầy

Kiếu toan liều mình
43- Trên bàn sẵn có một con dao
Dấu sẵn chéo khăn tự lúc nào
Định bụng qúa ra Nàng phải quyết…
Nhưng rồi nghĩ lại, hãy xem sao ?

Tú Bà khuyên Kiều
44- Sa chân chót đã đến nơi này
Hãy khóa phòng xuân để đợi ngày
Xứng đáng tìm nơi, vừa ý muốn
Đừng làm liên lụy, đến già đây,

Kiều thư tâm
45- Kề tai mấy nỗi qúa nằn nì
Rành rẽ, rạch ròi thị , với phi,
Nàng cũng, thư tâm xuy nghĩ lại,
Truy nguyên , sau đó, chẳng ra gì,

Kiều nhớ nhà
46- Trước lầu Ngưng bích khoá phòng xuân
Thổn thức lòng quê dậm Tử phần
Tựa cửa , sót người hôm sớm đợi ,
Mỏi mòn con mắt, ngóng người thân

Kiều bị Sở khanh lừa
47- Thương ôi ! Sắc nước với hương trời
Những tiếc cho ai bước lạc loài
Nghe tiếng, Nàng liền xin tháo cũi
Rạng mai đã thấy có thư hồi

Sở, Kiều, cùng lẻn trốn
48- Truy phong ngựa đã sẵn sàng rồi
Đi gấp cho mau lúc tối trời
Ngựa trước ngựa sau, tên dưới trướng
Ngã ba, Sở rẽ, bỏ Kiều rơi ….

Tú Bà đuổi theo
49- Tú Bà lên ngựa đuổi theo sau
Nét mặt hầm hầm nổi nóng mau
Ép buộc Kiều nương quay trở lại
Đủ điều tra khảo, trốn đi đâu….

Kiều tự sát
50- Thương ôi ! Tài sắc đến như vầy
Sao nỡ hoài mình tự sát ngay
Cái nghiệp Đoạn trường sui khiến vậy
Buổi đầu chị Đạm đã cho hay,

Tú Bà dỗ khéo Kiều
51- Một đời dễ có mấy thân mà
Cài máu đàn bà chỉ thế a,
Hơi tý liều mình cho rảnh truyện
Sau rồi hậu qủa khó lường ra,

Kiều dằn lòng
52- Nhưng tôi có xá kể chi tôi
Vốn liếng của Bà cũng mất thôi
Trinh bạch từ rầy xin chấm dứt
Rủi may thôi cũng phó cho rồi

Mã Kiều chịu đoan
53- Bầy vai có ả Mã Kiều ta
Chẳng nỡ cầm lòng phải đứng ra
Đoan với Tú Bà khuyên nhủ bạn
Tìm đường giải cứu khỏi oan gia,

Tú Bà dậy nghè Kiều
54- Này con thuộc lấy để nằm lòng
Bẩy chữ, ban ngày phải được thông
Tám kiểu, ăn chơi về buổi tối
Nhập gia tùy tục,đứa nào không…

Kiều than thở
55- Buồng riêng riêng cả những bùi ngùi
Nghĩ đến thân mình lắm nỗi sui
Trong giá trắng ngần mà chịu nhục
Tình đời đi ngược , nước trôi suôi

Than thở bài hai
56- Khéo là mặt dạn với mày dầy
Học lấy những nghề qúa cỡ hay
Nghề nghiệp Thanh lâu là thế đấy
Đành liều chịu lấy đắng cùng cay

Kiều nhớ nhà
57- Đoái trông muôn dậm chốn cây phần
Nhớ tưởng Thung Huyên luống ngại ngần
Ắp lanh qụạt nồng ai giúp đỡ
Chân trời góc bể những phân vân.

Kiều nhớ nhà bài hai
58- Dậm nghìn nước thẳm với non xa
Bẩy nổi ba chìm thật qúa đa
Tựa cửa sót người hôm sớm đợi
Sân hoè đôi khóm, biết chi a,

Kiều nhớ Kim Trọng
59- Nhớ lời ước nguyện nợ ba sinh
Ngàn dậm quan san có thấu tình
Hỏi Liễu Chương Đài ai đó tá ?
Hôm nay đã chắp mối duyên lành?

Mùa Thu Năm Kỷ Sửu sau tiết Cốc Vũ
Dương lịch ngày 29-4-2009
Viên Ngoại : Nguyễn Khắc Nhân(Thái Hanh)

Xướng Hoạ: Vội - Chẳng


                  Vội                                            Chẳng ( Họa)     

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa             Chẳng biết chẳng quen chẳng phai nhoà
Vội vàng sum họp vội chia xa.            Chẳng hề gặp gỡ chẳng rời xa
Vội ăn, vội nói rồi vội thở                  Chẳng mộng chẳng mơ nên chẳng khổ
Vội hưởng thụ mau để vội già.
            Chẳng nghĩ vẫn vơ trí chẳng già


Vội sinh, vội tử, vội một đời               Chẳng đấu chẳng tranh chẳng nợ đời
Vội cười, vội khóc vội buông lơi.        Chẳng nhan chẳng sắc chẳng lả lơi
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!     Chẳng đợi chẳng mong tình luyến ái
Vội vã tìm nhau, vội rã, rời...             Chẳng phải bên nhau chẳng nỡ rời
             


Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội            Chẳng có gì nên lòng mãi chẳng
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa.        Mơ chi ảo ảnh tận phương xa
Ngoài hiên đâu thấy hoa hồng nở        Một kiếp phù sinh ba vạn sáu
Vội ngày, vội tháng, vội năm qua.     
Chẳng hèn chẳng tục chẳng gì qua     


Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội              Lặn hụp lợi danh người người vội        
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra.        Sao cứ chấp mê chẳng lối  ra
'' Đáy nước tìm trăng'' mà vẫn lội       Chốn Ta Bà  ai còn  đang lội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà...            Chẳng xét chẳng suy chẳng gục gà
 

Vội quên, vội nhớ vội đi, về               Chẳng sắc chẳng không chẳng nẻo về
Bên ni, bên nớ mãi xa ghê!                 Lầm lũi trầm luân chẳng biết ghê
Có ai nẻo Giác bàn chân vội ?           Cực lạc đây rồi sao lại chẳng?
'' Hỏa trạch '' bước ra, dứt não nề...
   "Niết Bàn" siêu thoát hết nặng nề..


                          Thích Tánh Tuệ                                         Quên Đi

Thơ Tranh: Em Mãi Là Cô Bé Của Tôi Yêu


Trích Thơ: Vĩnh Trinh
Thơ Tranh: Kim Oanh


Hãy Nói Lời Yêu Thương

*Bài viết gửi những ai biết yêu, thích yêu, đã yêu,đang yêu hay sắp yêu...


 “Ước gì tôi cưới được nàng
Để ru khúc hát miên man giấc nồng
Ngủ đi em gái má hồng
Bờ mi khép kín mộng lòng say sưa
Bây giờ lạnh lẽo trời mưa
Kéo chăn em đắp cho vừa ấm thân
Tôi ru khúc hát ân cần
Nhẹ hôn bờ trán thì thầm: "sweet (*)!" “ 
(*): Sweetdream or Sweetheart.
 (Giấc Nồng Cho Người Yêu, VHLA)
      Phải chăng thơ như vậy tôi quá “nịnh đầm” hay quá “mị em” để được lòng người mà thơ mơ tưởng ? Tôi không cho là như thế đâu vì ngôn ngữ yêu thương vốn bao la, vốn bất tận, là tiếng nói từ con tim, một khi con tim rung cảm tận đáy lòng thì cả vũ trụ quay cuồng, hay cả thế gian xoay vần biến đổi. Vâng, đúng vậy vì theo hồn thơ của thi nhân thì tình yêu bao la hay trái đất, vũ trụ bao la sẽ tạo cái chân trời không biên giới đó được chất chứa vừa vặn trong bài thơ nào đó mà thôi.
“Chừng nào trái đất còn xoay,
Con tim còn đập anh đây yêu hoài,
Ngày nào trái đất mệt nhoài,
Chẳng xoay chút nữa cho dài tình yêu,
Con tim dẫy chết buồn thiu,
Cuối xin trái đất thêm nhiều lần quay,
Yêu em tình lỡ đắm say,
Một vòng trái đất tình đầy con tim, 

(Lời nguyền yêu em, VHLA)
      Tình yêu vốn nhân bản, cái bản sắc của sự cao quý, thánh thiện khi hai con tim chia chung nhịp đập đồng bộ. Theo thiên văn học thì đó là vũ trụ yêu đương và khi nhìn về khía cạnh tôn giáo, tình yêu cần đặc tính chia xẻ, cảm thông mà không thể vô minh, tức chưa khai mở, chưa thật sự chia xẻ hay vô quán, tức chưa thấu triệt tìm hiểu nhau, chưa cảm thông nhau. Dù xa xôi cách trở tình này vẫn chia xẻ, vẫn cảm thông trong cái vũ trụ quan trăm nhớ ngàn thương.
“Tình mình cách nửa địa cầu
Hơn mười ngàn dặm biển sâu tình dài
Đêm buồn thấu lạnh hồn ai ?
Trăm thương ngàn nhớ bóng hoài tịch liêu
Xua đi cơn lạnh cuối chiều
Mặt trời lặn bóng trời nhiều mây bay
Thương em cái nhớ thơ ngây
Nhớ em cái nhớ không phai nhạt nhòa” 

(Xa Cách Tình Ta, VHLA)
      Trong quan niệm của nhà văn và nhà thơ Kahlil Gibran cho là: "Khi con tim buồn vì yêu thì cả thế giới xụp đổ". Tình yêu dâng tràn nỗi nhớ được ví với cảnh vật xung quanh.
“Trời buồn lặn ở hướng Tây
Người buồn ta mãi buồn lây theo tình
Ngồi đây ta có một mình
Người yêu chẳng thấy bóng hình nơi đâu” 

(Trời Sầu Trong Tim, VHLA)
 
      Nếu ánh chiều tà ẩn hiện về hướng Tây nơi vì sao hôm đang cười bẽn lẽn trong giấc mơ xa xăm như nghìn trùng xa cách. 
“Nàng ơi, ta ngắm trời Tây
Lòng ta khẽ bảo áng mây đây rồi
Hồn như một thoáng bồi hồi
Tóc hương vương vấn ta ngồi dệt thơ
Nàng cười bẽn lẽn mộng mơ
Nhìn nàng ta dệt nghìn tơ cõi lòng”
(Nàng Ơi!, VHLA)
 
      Trong giấc mơ về cho tình yêu thêm hẹn hò đắm say theo nắng, theo mây, theo gió và trong cái không gian anh tìm một chân trời yêu thương, mà nơi đó có em trùng phùng.
“Ta mơ làm áng mây ngàn
Để nương theo gió bay ngang khắp trời
Ta mơ theo gió dạo chơi
Như sóng say gió ngàn khơi rì rào
Ta mơ giọt nắng trên cao
Nắng lung linh sóng bạc màu đại dương
Ta mơ một cõi thiên đường
Chân trời thăm thẳm mờ sương sơn hà” 

(Ta Mơ, VHLA)
      Anh cơ hồ mơ bờ mắt em như có những vì sao rơi lấp lánh như tia sáng hy vọng, như lời thì thầm tự tình bên nhau.
“Trên trời có đóm sao rơi
Nhặt sao rơi rớt tựa thời sao đêm
Ngân hà một dãy êm đềm
Ngàn sao lấp lánh, cho đêm tự tình
Mai về nhớ mãi bóng hình
Như ong nhớ bướm như mình nhớ nhau”
(Sao rơi trong mắt em, VHLA)
      Khi tình yêu đến trên trời cao có những chuỗi vì sao yêu đương lởn vởn, có dãy ngân hà như suối tóc em. Ôi, bờ tóc cũ tha thướt, bồng bềnh như suối mây.
“Cho em một dãy ngân hà
Nhớ em suối tóc thướt tha ngày nào
Cho em một chuỗi vì sao
Nghiêng nghiêng soi bóng bên nhau thì thầm” 

(Cho Em, VHLA)
      Tình yêu theo kịch tác gia Jean Francois Regnard là: "Khi tình yêu gióng tiếng lòng thì lý trí lặng câm". Khi bờ môi đi tìm cảm giác nhớ nhung thì không gian của nỗi nhớ chỉ còn là sự suy tư của những nụ hôn vương vấn theo làn gió.
“Em về tôi gửi nụ hôn
Hôn bay theo gió mấy hồn tương tư
Em về tôi gửi tình thư
Thư gần môi nhớ tình như dạt dào” 

(Gửi Môi Theo Gió,VHLA)
      Nhà văn Anh John Stuart Hoffman có câu nói bất hủ: "Khi con tim tràn đầy thì đôi môi phải mở ra". Câu nói chân thật, tình tự nhất trong yêu thương vẫn là nụ hôn cho bao xúc cảm.
"Môi em ngần ấy dễ thương
Để anh say đắm vấn vương tâm hồn
Chiều nay lòng bỗng bồn chồn
Bởi vì môi ấy lỡ hôn anh rồi
Thôi rồi nếu đã hôn môi
Xin hôn thắm thiết mãi thôi nhớ hoài
Ngất ngây giây phút kéo dài
Thảo nào ta mãi hôn hoài môi yêu. 

(Môi yêu, VHLA)

      Tóm lại, tình yêu trong cuộc sống là nhu cầu cho sự tồn tại của con người, nó sẽ vô cùng quan trọng cho nguồn cảm tác của giới văn thơ, âm nhạc hay các bộ môn nghệ thuật. Nó có thể được biểu hiện bằng những núi cao sông dài, nó như ánh tà dương chờ đợi khi con người yêu nhau, hay nó có thể như ánh sao hôm nhung nhớ trên nền trời với muôn ngàn tinh tú. Nó là vũ trụ quan cho sự thương yêu bất tận. Trong một ý niệm nào đó nó cần được sự chia xẻ và cảm thông, cũng như để chăm sóc và nuôi nấng tình yêu lâu bền hơn theo thời gian như cựu tổng thống Ronald Reagan đã từng khuyên con trai ông, Michael Reagan mỗi ngày nên nói lời yêu thương với người phối ngẫu Colleen bằng câu nói đơn giản nhưng chân tình là: “I Love you”, ít nhất một lần.
      Do đó xin hãy nói lời yêu thương với người bạn tri âm cho cuộc sống thêm thi vị, cho hạnh phúc thêm đắm say và cho con tim thêm nồng nàn, bạn nhé.

Việt Hải Los Angeles

 

Chiều Tưởng Nhớ


Chiều nay ra mộ thăm anh
Gió buồn ru nhẹ cỏ xanh ven đường
Chiều nghiêng hạt nắng còn vương
Hàng cây lặng lẽ khói hương mơ hồ

Anh đi vào cõi hư vô

Trần gian bỏ lại nấm mồ nằm đây
Bạn bè vẫn ở chốn này
Gói thương gửi nhớ bóng người nghìn thu

Đời người một kiếp phù du

Xuôi tay nhắm mắt thiên thu một đời
Giờ anh về chốn xa vời
Còn đây nỗi nhớ chơi vơi giọt sầu

Ngậm ngùi mai biết về đâu

Người đi đi mãi ta sầu vương mang
Thôi xin gửi chút nắng tàn
Theo người sưởi ấm nén nhang thắp cùng.

Thiên Thu

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Chiều Xưa - Minh Châu - Văn Khánh

Có nhiều người vì hoàn cảnh nào đó đã bỏ quê hương ra đi,khi chiều về nơi đất khách,ngậm ngùi chợt nhớ về quê cũ, nhớ hết từ cây đa bến nước sân đình nơi miền quê nơi mình sinh ra và lớn lên. . . của tuổi thơ một thời đã qua rất xa và biết chắc rằng sẽ không bao giờ tìm lại được,vì đường về quê cũ vẫn còn xa lắm ! . . .

Sáng Tác: Minh Châu
Tiếng Hát: Vân Khánh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật 
Thấy Vậy Mà Không Phải Vậy (Bài 1322)


Có hai thiên thần hiện xuống trần gian làm thường dân đi du lịch xem xét dân tình. Một hôm, ...cả hai ghé vào một biệt thự giàu có xin nghỉ qua đêm. Gia đình này giàu nhưng keo kiệt và không có lòng hảo tâm nên họ nói trong nhà không còn dư chỗ ngủ, nếu muốn ở lại thì chỉ còn căn hầm dưới nhà. Hai thiên thần đồng ý ngủ qua đêm dưới hầm lạnh lẽo không có giường chiếu gì cả. Buổi tối trước khi ngủ, vị thiên thần già nhìn thấy trên tường có một lỗ hổng và đến lấp lại. Vị thiên thần trẻ thấy vậy hỏi lý do thì thiên thần già đáp: "Sự vật không phải lúc nào cũng như mình tưởng".

Ngày hôm sau, hai thiên thần ghé đến xin nghỉ trọ tại nhà của một nông dân nghèo, nhưng cả hai vợ chồng đều hiếu khách. Mặc dù trong nhà không có nhiều đồ ăn, nhưng họ vẫn vui vẻ chia bớt phần ăn của họ cho khách. Sau đó họ còn nhường luôn cái giường độc nhất trong nhà để cho hai vị khách có một giấc ngủ ngon. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, hai thiên thần sửa soạn từ giã thì thấy vợ chồng chủ nhà nước mắt ràn rụa. Gia tài duy nhất của họ là con bò mà họ thường vắt sữa đem đi bán, sáng nay đã lăn ra chết.

Vị thiên thần trẻ thấy vậy tức giận hỏi thiên thần già: "Làm sao anh có thể để cho chuyện này xảy ra như vậy? Hôm qua, tên chủ nhà giàu có kia, nó đầy đủ mọi thứ mà anh lại lấp tường giúp hắn. Hôm nay gia đình này nghèo thiếu thốn mọi thứ nhưng có lòng tốt chia sẻ tất cả, vậy mà anh nhẫn tâm để cho con bò của họ chết là nghĩa làm sao?"

"Thấy vậy mà không phải vậy!" thiên thần già đáp. "Tối hôm trước, ở dưới căn hầm, tôi thấy có vàng giấu trong tường qua lỗ hổng. Nhưng vì người chủ nhà tham lam, keo kiệt không biết chia sẻ, bố thí nên tôi đã lấp lỗ hổng để hắn không tìm thấy vàng. Tối hôm qua, trong lúc chúng ta ngủ trên giường của vợ chồng nông dân, thì tử thần hiện đến muốn bắt người vợ đi, nhưng tôi đã thế mạng người vợ bằng con bò".

Sự vật không phải lúc nào cũng như mình tưởng. Nhiều khi chúng ta nghĩ sự vật đáng lý ra phải như thế này, nhưng chúng lại xảy ra như thế khác. Nếu bạn thông minh thì hãy sửa lại cách nhận thức của mình và tin rằng những gì xảy ra đều là những bài học tốt và mang lại lợi ích cho mình. Có thể ngay lúc đó bạn không biết cho tới mãi sau này mới nhận ra.

Bạn hãy tập suy nghĩ (lạc quan) như sau:

Nếu bạn trằn trọc khó ngủ đêm nay; hãy nghĩ đến những người vô gia cư không có giường để nằm.

Nếu bạn bị kẹt xe, đừng nản chí. Trên thế gian này có những người chưa hề được biết đến xe hơi hay lái xe là gì.

Nếu bạn có một ngày làm việc không như ý; hãy nghĩ đến người thất nghiệp, thèm có được một công việc như bạn để có tiền nuôi vợ con.

Nếu bạn thất vọng vì cuộc tình tan vỡ; hãy nghĩ đến người chưa từng được yêu và biết yêu là gì.

Nếu bạn buồn rầu vì cuối tuần qua mau; hãy nghĩ đến người phụ nữ nghèo cùng, làm việc mười hai tiếng một ngày, bảy ngày trong tuần mà vẫn không đủ tiền nuôi gia đình.

Nếu xe bạn bị hư và bạn phải đi bộ; hãy nghĩ đến người què quặt, tê liệt hay bán thân bất toại, họ thèm có được cơ hội đi bộ như bạn.

Nếu bạn soi gương thấy mình có thêm vài sợi tóc trắng; hãy nghĩ đến bệnh nhân ung thư đang hóa trị, thèm có được vài sợi tóc để ngắm.

Nếu bạn bị thất bại, chán nản, cho rằng đời mình không còn ý nghĩa thì hãy nên cảm ơn đời, vì có nhiều người không thể sống lâu để đặt câu hỏi như bạn.

Nếu bạn cảm thấy mình là nạn nhân của sự ngu si, trách móc, lợi dụng, bất công; hãy nhớ, sự vật có thể tệ hơn thế nữa.
Nam Mô A Di Đà Phật 

Lê Phạm Trung Dung

Em Và Thơ


Em đài các như vần thơ niêm luật
Nét kiêu sa khuôn ngọc khó so cùng
Ta phong trần lặn lội giữa mông lung
Và khai phá trời tự do rực rỡ

Có nhiều khi ta gặp nhau bở ngở
Hai lối nhìn hai phong cách khác nhau
Nhưng ý thơ hội tụ giữa tầng cao
Chung nếp nghĩ hướng về chân thiện m

Em tôn tạo khối đường thi kỳ vĩ
Ta say mê tìm nét đẹp đa nguyên
Lòng đôi ta khao khát cuộc hòa duyên
Và kết ước dệt tình thơ bất diệt.

Nguyễn Đắc Thắng 
2014

Quê Hương Tôi Miền Tây Nước Nổi 2014


Hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, miền Tây lại bước vào mùa nước nổi. Nước từ thượng nguồn sông Mêkông tràn về Việt Nam qua hai tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp, mang lại cho người dân trong vùng nguồn lợi thủy sản và niềm vui khó diễn tả bằng lời. Mùa nước nổi khắp nơi mênh mông nước, cũng là thời điểm của những thú vui dân dã như bắt chuột đồng, chài lưới bắt cá linh, cá rô non, hái bông súng, bông điên điển và cả ... tắm đồng!
Những cánh đồng nước! Mùa nước nổi quê tôi, nước đã tràn đồng...

Mùa nước nổi thực chất là mùa lũ, những vùng Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp), Làng Sen (Long An), Châu Đốc - Tịnh Biên - An Phú (An Giang) mênh mông con nước… Từ nhiều đời nay, những cư dân sống vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đã quá quen thuộc khi mùa lũ về mỗi năm như một lời hẹn ước của thiên nhiên. Đây cũng là thời điểm tuyệt vời nhất để bạn thực hiện một chuyến du lịch về miền Tây, tham quan đồng Tháp Mười ...

Bạn có thể bắt gặp những người dân An Giang mưu sinh theo con nước, chạy vỏ lãi tới các cánh đồng giáp biên để hái bông súng đồng. Những bông súng mọc trên đồng mùa này có thể dài tới ...4-5m!

Mùa nước nổi đem đến cho con người những sản vật của tự nhiên. Đầu tiên phải kể đến các món từ cá linh. Đây là một loài cá tự nhiên, số lượng đông đúc tới cả triệu con xuất hiện khắp nơi theo con nước. Người dân địa phương thường đánh bắt cá linh bán hoặc giữ lại để làm mắm, hoặc chế biến thành các món canh, kho... cho bữa cơm gia đình. Cá linh non chỉ nhỏ hơn hai ngón tay, rửa sạch và thả vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn. Cá non có thể ăn nguyên cả con, không cần bỏ xương. Ngoài ra cá linh non kho là món ăn dân dã, dễ làm. Từ những con cá tươi rói sau khi làm sạch được đem kho riu riu cùng với nước dừa tươi, nước mắm ngon cùng ít tóp mỡ để thêm vị béo ngậy. Ngoài ra, cá linh còn được đem đi làm mắm. Loại mắm này dùng để nấu lẩu mắm, làm món mắm kho, mắm chưng.

Có một loài hoa gắn liền với miền Tây mùa con nước trắng xóa, đó là bông điên điển. Những bông hoa với màu vàng quyến rũ, lấp lánh khoe sắc khắp cả mé sông, đầm lầy, ruộng nước được người dân hái về ăn như một loại rau đặc sản. Bông điên điển có hương vị giòn, bùi, béo… Loài hoa này góp mặt trong nhiều món ăn vùng sông nước, trong đó không thiếu sự kết hợp với cá linh để cho ra món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy chỉ là một món ăn bình dị nhưng lẩu cá linh bông điên điển đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng bưng biền, chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng… điên điển còn có thể dùng để bóp xổi chấm kèm cá, mắm kho cũng rất ngon…

Dưới đây là một vài hình ảnh mùa nước nổi miền Tây năm 2014 - ảnh chụp tháng 9/2014  
Ảnh Quốc Việt



Võ Thị Kim Đính sưu tầm

Thơ Tranh: Hồn Nhiên Mất Mát Nụ Cười


Thơ: Kim Oanh
Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Nỗi Lòng Tháng Mười



Tháng Mười đã chớm vào đông
Se se gió thoảng vào lòng bơ vơ
Mây trôi qua ngõ hững hờ
Sông buồn tiếng sóng vỗ bờ quạnh hiu

Cành khô rớt tiếng chim kêu
Bến mòn mõi đợi sóng chèo tình qua
Hỏi người yêu dấu phương xa
Môi tình biết có nhạt nhòa nụ son ?

Dấu chân lối hẹn chưa mòn
Đôi bờ hoa cỏ dỗi hờn đành sao
Vầng trăng vàng nhớ đêm thâu
Treo cành mộng tưởng trái sầu rụng rơi

Phương xa vọng tiếng em cười
Vàng lên bông cúc tháng Mười trổ hoa
Cúc xòe mấy cánh mượt mà
Dài theo mười ngón nõn nà tay em

Tháng Mười ngan ngát hương quen
Mùa thu ở lại bên thềm nhớ thương
Tình đi cuối nẻo cùng đường
Bước chân vấp ngã nỗi buồn xa nhau

Trầm Vân

Dòng Sông Định Mệnh


Từng đêm dài tiếng dòng sông vô tận
Bóng dừa nghiêng theo cơn gió biển xanh
Tay đan tay bên hàng liễu ướt cành
Nghe chim hót mong manh trong sương sớm

Nắng chưa lên, màu hoa đã thắm đượm
Mắt biển buồn vài con sóng nhấp nhô
Mây bay cao sương mù che cuối phố
Hải đăng mờ đang đứng mãi bơ vơ..

Bản Tango chiều xưa, ta còn nhớ
Hát tặng em đêm uống rượu tuyệt vời
Violetta ngày ấy đã xa khơi
Còn một nửa hồn người .. còn ở lại..

Cơn mưa hạ võ vàng ta tiếc mãi
Buổi chiều loang màu tím sớm phôi phai
Dấu trong lòng hình ảnh cố nguôi ngoai
Tội nghiệp em, âm thầm sang thuyền khác!

Đã lâu rồi.. đóa hồng xưa lưu lạc
Cõi người ta quạnh quẽ bến u minh
Ta quen em se kết mối ân tình
Ai đã lội ngược dòng sông định mệnh ?..

Reno, đêm 31- 12- 07
Bùi Thanh Tiên

Tự Cứu Khi Bị Trụy Tim


BẠN PHẢI LÀM GÌ ???
Bạn đã được huấn luyện về hô hấp nhân tạo, nhưng người chỉ dẫn không dạy bạn cách làm hô hấp nhân tạo riêng cho chính bạn !!!
Làm thế nào để sống sót qua cơn đau tim khi bạn đơn độc ?
Thông thường nhiều người đang đơn độc khi trải qua cơn đau tim, không người giúp, người có tim đập bất thường và bắt đầu có cảm giác đau, họ chỉ có 10 giây tỉnh táo trước khi mất nhận thức .

BẠN PHẢI LÀM GÌ ?
TRẢ LỜI:
Đừng hốt hoảng, nhưng bắt đầu ho liên tục và ho mạnh mẽ.
Hít thật sâu trước khi ho, mỗi lần ho phải mạnh và kéo dài, như bạn đã từng bị ho mà nước giải từ sâu trong lồng ngực chảy ra .
Hơi thở và ho phải liên tục được lập lại với khoảng cách 2 giây cho đến lúc có người săn sóc, hay cho đến lúc có cảm giác tim đập lại bình thường .
Hơi thở sâu nhận OXYGEN vào trong lồng ngực và chuyển động của ho ép trái tim và làm máu LƯU THÔNG.
Sự nén áp suất trên trái tim còn giúp tim lấy lại nhịp đập bình thường. Trong trường hợp nầy, nạn nhân của cơn đau tim có thể đến được bệnh viện.

Chuyển thông tin nầy đến người thân quen của bạn càng nhiều càng tốt.
Nó có thể cứu được mạng sống !!! Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn được miễn dịch về cơn đau tim vì tuổi của bạn còn nhỏ hơn 20 hay 30.
Bây giờ đời sống thay đổi, cơn đau tim xuất hiện vào mọi lứa tuổi.

Thái Nguyễn sưu tầm

* Tài liệu tham khảo số 240 của General Journal Hospital Rochester 

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Mùa Nước Nổi

                                                      
Về thăm Vĩnh Long lại thêm mùa
Nước nổi trôi lục bình hoa tím
Lắng hương lòng dã dượi trong tim
Trăng lơi giỡn sóng mắt môi tìm

Mỉm cười Xuân bồng bột nô đùa
Lâng lâng rung cảm mái chèo khua
Hiu hiu gió Chướng đưa hồn lạc
Bềnh bồng sông Cửu nhạc ca hoan

Soải cánh nàng mơ mộng giàu sang
Bổng cung trầm nhịp chiều đêm sáng
Ngửa trời sao rụng chuyến đò ngang
Mùa nước dâng tình đầu oan khúc

Lục bình trôi về đâu anh biết
Bóng người đi biền biệt tháng năm
Giao dòng phối ngẫu âm thầm đợi
Tháng Mười rong nước hẹn hò rơi

Mau quay về lại vơi bao nỗi niềm

( Tình ta vẫn đầy theo nhịp nước
  Cho tháng Mười trôi tình ngập cả lòng )

Lê Kim Hiệp 
Vĩnh Long 22-11-2009
* Hình phụ bản - mùa nước nổi Vĩnh Long - Trương Văn Phú
      

Vĩnh Long Mùa Nước Nổi Tháng 10/2014






Hình Ảnh Trương Văn Phú
10/2014

Khúc Đắng



Sương buồn nhuốm lạnh mấy cung tơ
Hiu hắt cành khô đẫm lệ mờ
Cung Quế vắng tênh tìm mộng cũ
Hằng Nga chiếc bóng tủi xuân thơ
Chương Đài khóc hận đời chia cách
Mòn mỏi Tiêu Tương kiếp đợi chờ
Én bắc nhạn nam tình viễn xứ
Canh tàn quạnh quẽ bóng trăng trơ

Quên Đi

Thú Chơi Thơ

Đôi dòng tản mạn:
                             (Riêng tặng quí bạn yêu thơ)


Xin thưa trước với quí bạn, tôi không phải là một học giả hay nhà nghiên cứu, phê bình văn học chi cả mà chỉ là một người bình thường thích văn nghệ, yêu thi ca theo kiểu tài tử nghiệp dư, thế thôi .Như vậy ở đây tôi không có tham vọng bàn sâu rộng về thơ như : định nghĩa thơ là gì, kỷ thuật làm thơ như thế nào, tính nghệ thuật trong thơ ra sao, thơ có bao nhiêu khuynh hướng..v….v.. mà chỉ nói ra những cảm nghĩ, những tâm tình riêng theo quan điểm cá nhân của tôi trong thú chơi thơ mà thôi . Có thể quan điểm của tôi không giống của bạn, nếu khác vậy xin bạn thông cảm cho vì đây chỉ là đôi dòng tản mạn để chia sẻ cảm nghĩ với nhau chớ không phải một bài luận thuyết chi cả.
Để quí bạn dễ theo dõi bài viết, tôi xin chia bài này ra làm ba phần : phần thư nhứt là lý do tại sao tôi yêu thơ, phần thứ hai là thú vui của người đọc thơ hay thưởng thức thơ, phần thứ ba cuối là thú vui của người làm thơ hay của thi sĩ.

I - TẠI SAO TÔI YÊU THƠ ?
Trong cuộc sống hằng ngày tôi thường tìm những thú vui để giải trí hầu bù lại những lúc làm việc mệt nhọc hay khi có chuyện lo lắng, buồn phiền Đại khái như : thú đọc sách, thú nghe nhạc, xem truyền hình, đàm đạo với bạn bè, chụp ảnh, du lịch v…v... nhưng đáng kể nhất với tôi là thú chơi thơ . Tại sao vậy ? Vì thú chơi thơ rất thú vị và không hao tốn tiền bạc, sức khỏe .thời giờ chi cả . Lúc nào cũng nằm sẵn trong tầm tay của minh khỏi cần đi tìm đâu xa mà niềm vui thật là vô hạn . Nhưng điều đáng nói hơn cả đối với tôi đó là thú chơi thanh lịch vô cùng ..Từ xưa đến nay, thơ vẫn được người đời nhất là các vị “tao nhân mặc khách“ đề cao là một thú vui tinh thần thật là tao nhã . Tao nhã vì thơ phäi đẹp, không đẹp, không phải là thơ . Chữ Thơ gần như đồng nghĩa với chữ Đẹp . Chẳng hạn trước một cảnh đẹp ta thường buộc miệng kêu : ồ cảnh quá nên thơ ! Hoặc khi nói về tuổi trẻ người ta gọi đó là tuổi thơ mộng nghĩa là tuổi đẹp như thơ, xinh như mộng . Thơ nhất định phải đẹp cho nên điều quan trọng nhất đối với nhà thơ là khi sáng tác phải làm sao nêu lên cái đẹp cái tao nhã của thơ được nhiều chừng nào hay chừng nấy . Đẹp trong ý, trong lời, trong cách dùng chữ, đặt câu, gieo vần .v.. v…sao cho có văn hoa, nghệ thuật . Dù tả tục cũng phải tả sao cho trở thành thanh .. Thi dụ ông Nguyễn Du tả lúc Thúc Sinh nhìn trộm nàng Kiều tắm thì :
Rõ ràng trong ngoc, trắng ngà Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên .
Thật là tuyệt vời khi bà Hồ Xuân Hương tả một thiếu nữ còn trinh trắng nằm hớ hênh ngủ ngày với hai câu toàn bích :
Hai gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông .
Rất thanh chớ tục chỗ nào đâu? 


Mặt khác thơ cũng rất tao nhã vì nó không giống như điếu thuốc, tô phở , ly nước ngọt …bât kỳ ai, bất kỳ phàm phu tuc tử nào cũng thưởng thức được mà nó chỉ dành riêng cho người có kiến thức tối thiếu nào đó và hơn nữa cũng cần phải có tâm hồn để hiểu ý thơ và rung cảm với người làm thơ
Lẽ dĩ nhiên người ta chỉ yêu thơ là khi nào hiểu được thơ, hay nói ngược lại là khi nào hiểu được thơ người ta mới có thể yêu thơ. Như vậy những người yêu thơ nhất định phải là người có trình độ văn hóa tối thiểu nào đó và phải có tâm hồn để thưởng thức. Vì Thơ kén chọn người thưởng thức như vậy nên người đọc thơ rất thưa thớt . Điển hình nhất là các nhà xuất bản sách rất ngại in sách thơ dù tác giả là người nổi danh chăng nữa , sách thơ vẫn khó bán như thường .
Tôi cũng để ý thấy trong một trăm người tôi quen thì chỉ có vài người yêu thơ hoặc biết làm thơ mà thôi . Bởi vậy tôi không bao giờ dám luận bàn thơ với người không biết gì về thơ vì như vậy tôi sẽ bị hiểu lầm là khoe khoang, sau nữa mình trở nên lố bịch, lạc lỏng, vô duyên vì không phải chỗ để nói như có câu tục ngữ người Anh “ Đừng luận kiếm với người không biết múa kiếm cũng như đừng luận thơ với người không hiểu thơ “ Trái lại với người đồng điệu yêu thơ thì thao thao nói hoài cũng không hết chuyện. 

Những người thưởng thức, yêu thơ là vậy, còn thử hỏi những nhà thơ, những người sáng tác thơ , những thi sĩ là ai ?
Xưa kia giới thi nhân , thi sĩ rất hạn chế chỉ dành cho những kẻ sĩ hay những vị thâm nho, sau đó là một số ít các bậc tu sĩ, thiền sư, hay cao tăng …nghĩa là những người thuộc thành phần trí thức và có địa vị trong xã hội cả . Hầu hết những vị ấy, khi cầm bút đều theo tôn chỉ : dĩ văn tải đạo (lấy văn chở đạo ) nên không không bao giờ lấy thô tục mà truyền bá đạo lý cho thiên hạ như ta dược biết bàng bạc trong lời thơ của cụ Nguyễn công Trứ.
- Phù thế giáo một vài câu thanh nghị . (Giúp dạy đời bằng đôi lời hay, lẽ phải)
- Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ (Một túi thơ đề trăng với sương) Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà (Uống ba chung rượu vui cùng khói sông)
Hoặc
- Chơi cho lịch mới là chơi Chơi cho đài các cho người biết tay:
Tóm lại tôi yêu thơ, lý do trước hết là vì thơ là thú vui tinh thần rất tao nhã không đòi hỏi chi nhiều và rất thú vị vậy..


II.- THÚ VUI CỦA NGƯỜI THƯỞNG THỨC
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu tại sao thơ được xem là một trong những bộ môn nghệ thuật thật là thú vị ? Đâu cần bạn phải là nhà Thơ biết kỷ thuật làm thơ,, người nghiên cứu thơ, người tài cao học rông. chỉ cần bạn biết cảm nhận được cái hay, cái đẹp của thơ thì bạn sẽ yêu thích, say mê thơ cho mà coi . Đọc một bài thơ hay ta cảm thấy thích thú không thua gì nghe một bản nhạc hay, nhin một bức tranh đẹp mắt, ăn một món ngon miệng, ngửi hương thơm ngào ngạt của bông hoa ….dù thơ chỉ diễn đạt bằng ngôn ngữ nhưng sắc bén, tài tình không thua bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác . Trong thơ người ta co thể tìm thấy nhạc, thấy tranh, thấy màu sắc, hình ảnh nhưng độc đáo hơn nữa là diễn tả được phần vô hình nhưng sâu thẳm nhất bên trong chúng ta đó là trạng thái tình cảm, tâm hồn những vui buồn , sướng khổ một cách ăn hoa, nghệ thuật. Nhạc chỉ cho ta nghe âm thanh, họa chỉ cho ta màu sắc, nhiếp ảnh cho ta hình ảnh, điêu khắc cho ta hình tượng v.. v…nghĩa là phần ngoại hình làm sao so sánh được thơ nói rốt ráo phần tận cùng của nội tâm, hang cùng ngỏ hẻm của tâm tình bằng lời lẽ văn hoa, bằng ý tưởng sâu xa, thơ mộng.v..v vượt hẳn cuộc sống nhàm chán của đời thường.Xin mượn lời nhà thơ Thế Lữ;
Với nàng Thơ tôi có đàn muôn điệu Với nàng Thơ tôi có bút muôn màu Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu.

Nếu thơ không thú vị thì tai sao có những bài ta cảm thấy quá thích rồi học thuộc lòng. Vì nó có vần, có điệu, lời ít, ý nhiều đọc lên nghe êm tai, thuận miệng khác hẳn bài văn xuôi dù thích thú đến đâu ít được ai nhớ mãi . Hồi học trung học tôi rất thích đọc bài văn xuôi Trằng lên của nhà văn Thạch Lam chứa đầy chất thơ, chất nhạc tôi đọc đi dọc lại mãi không chán và học thuộc lòng . Nhưng giờ đây nhắc lại thì tôi quên mất, bất quá chỉ nhớ man mán vài câu thôi . Trái lại các bài thơ như “Tràng Giang“ của Huy Cận, “Đây mùa thu tới“ của Xuân Diệu, tới nay tôi không quên một chữ và có lẽ còn nhớ mãi suốt đời . Có những bài thơ tưởng chừng như tác giả nói dùm ta những nỗi niềm, những tâm sự thầm kín , những vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời mà ta không thể nào nói rốt ráo được như vậy Thí dụ những khi tôi tiếc nuối cái gì quí báu đã mất, hoặc muốn cái gì được trường cữu trong đời này mà không được rồi đâm ra buồn chán thì hai câu thơ ngắn ngủi này của Lamartine.an ủi tôi rất nhiều:
Le temps passe (Thời gian rồi trôi qua)
Tout s’efface (Tất cả đều xóa nhòa)

Có những câu thơ thật ngắn mà dạy khôn tôi rất nhiều không khác gì một bài học luân lý thật dài
Thí dụ như hai câu thơ trong Truyện Kiều:
Thiện căn ở tại lòng ta 
 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Phần đông những người tuổi trung niên Việt Nam đều không quên bài “Qua Đèo Ngang“ của Bà Huyện Thanh Quan“ hay bài ca dao “Công Cha Như Núi Thái Sơn » Thử hỏi nếu không ưa thích thì làm gì nhớ dai như vậy được. Tôi có một anh bạn yêu thơ thật là quá sức tưởng tượng. Anh ta thuộc lòng từ đầu chí cuối Truyện Kiều Muốn nghe đoạn nào thì anh đọc vanh vách cho nghe không sai sót một chữ nào cả dễ dàng như lấy đồ trong túi . . Có những bài thơ tôi thích quá, cảm thấy nó hay vô cùng mà biểu cho biết rõ chỗ hay như thế nào thì tôi cũng xin chịu « giơ tay đầu hàng » . Bất quá tôi chỉ giải thích được phần kỷ thuật như cách dùng chữ, gieo vần, nhạc tính v..v…sơ sơ vậy thôi . Tôi nghĩ : muốn hiểu được cái hay của thơ thì nên lấy cái tâm đễ cảm nhiều hơn là lấy cái trí để hiểu vì thơ nặng phần tình cảm hơn là lý luận. Thơ triết lý nhiều quá, lý luận nhiều quá tôi tin rằng nó sẽ làm chết mất chất thơ nên khó truyền cảm cho người đọc .Tôi xin đơn cử một thí du về cảm xúc của tôi với bài Tống Biệt của thi sĩ Tản Đà. Sau khi đọc, tôi cảm thấy xao xuyến, lâng lâng kỳ lạ có cái gì đó buồn man mác trong hồn như đang quay về quá khứ xa xưa nào đó ở cõi Thiên Thai mà tôi chưa hề biết bao giờ.Từng chữ, từng câu bàng bạc tính hoài cổ làm tôi ngây ngất say sưa khó giải thích được . Mặt khác ngoài việc không nên lấy lý trí để hiểu ta cũng không nên dùng tinh thần khoa học mà suy nghiệm, cân đo thơ như vật chất. Chẳng hạn như có một anh bạn tôi trình độ học vấn rất cao vậy mà sau khi đọc câu thơ này
Ngày về ngửa mặt hôn non nước 
lại hỏi tôi một câu thật ngớ ngẩn: non nước chớ đâu phải người ta mà làm sao anh hôn được? Tôi trả lời: “Trời đất quỉ thần ơi , tai sao khi nói đến Việt Nam ta lại gọi Mẹ Việt Nam? Ở đây người ta nhân cách hóa non nước như người thân yêu nên mới ghé môi hôn. Đọc thơ phải lấy cái tình để hội nhập chớ không nên dùng cái lý để phân tách bao giờ …” Có ai phân chất được mùi hương?
Có khi chỉ cần vài câu thơ giản dị thôi cũng đủ làm ta thích thú, nhớ đời vì đó là những câu thơ nhập thần nói đúng tâm lý, tình cảm chúng ta một cách quá tài tình: dù qua thời gian bao lâu hay bất cứ nơi nào trên thế gian này cũng đều đúng cả. Thí dụ mấy câu thơ tình dưới đây: 

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên . (Thế Lữ} 
hoặc: 
  Đời hết vui khi đã vẹn câu thề Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở (Hồ Dzếnh)

Riêng trường họp đặc biệt của tôi thì hai câu thơ sau đây của Cụ Nguyễn Du đã thấm thía tận đáy lòng và rung cảm từng chân lông, kẽ tóc của tôi mặc dù lời thơ rất giản dị bình thường:
Bây giờ rõ mặt đôi ta 
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Trước kia vợ chồng tôi đọc đã thấy hay nhưng có giới hạn nào thôi .Giờ đây vợ tôi đã qua đời lâu rồi nhưng càng đọc tôi càng thấy nó hay không thể tưởng tượng. Chữ đôi ta thiết tưởng ngoài người yêu ra tôi cũng có thể nói với quê hương yêu dấu, với người bạn thân thương hay bất cứ sự vật nào ở trong trái tim tôi, đều không sai chút nào . Như vậy thâm ý của tác giả là khuyên ta hãy xem qúi trọng những gì ta đang trìu mến, đang ấp ủ trong tim vì một mai nó sẽ không còn nữa. Không còn có nhau để nhớ, để thương, không còn có nhau để sẻ, để chia, không còn có nhau để nhận để cho, không còn có nhau để giận, để hờn chăng nữa. Thật vậy giờ đây mỗi lần đọc lai hai câu thơ này tôi đều bùi ngùi nhớ đến người vợ hiền và rất tiếc nuối thời gian xưa kia sống bên nhau . Than ôi nay đã thành sương khói còn biết tìm đâu nữa? Còn gặp nhau họa chăng trong giấc chiêm bao mơ màng.
Nhà thơ đã nói dùm tôi một cách thâm thúy ô cùng những điều tôi muốn nói mà không đủ lời để nói. Các bạn ơi ! thơ tuyệt vời như vậy, làm sao mình khỏi thích thú, say mê? Cái hay, cái đẹp, cái thú vị cuả thơ đôi với thưởng thức, người đọc là như vậy, thử hỏi còn đối với người làm thơ, người sáng tác thơ thì thú vui của họ như thế nào?


III. - THÚ VUI CỦA NGƯỜI SÁNG TÁC .
Nếu thú vui người đọc thơ có một thì thú vui người làm thơ phải gấp mười .Bạn nên nhớ rằng : có nhiều người tài cao học rông, có nhiều người yêu thơ, thuộc long nhiều thơ cũng như có nhiều nhà phê bình thơ, nghiên cứu thơ rất giỏi …nhưng lạ lùng thay họ không làm được bài thơ nào cả cho cam nguyên nhân chỉ vì họ không có tâm hồn thơ để sáng tác thế thôi ! Nêu bạn có nguồn cảm hứng để làm thơ nghĩa là có hồn thơ thì đó là một đặc ân của tạo hóa ban cho bạn đó, không dễ gì có đâu ! vì hồn thơ do bẩm sinh mà có chứ không phải do học hỏi mà có như câu chữ nho : “ Sinh nhi tri chi” chứ không phải “Hoc nhi tri chi”. ( Nghĩa là : Sinh ra là biết, chứ không do học mà biết) Khi ta có nguồn thi hứng nghĩa là khi thơ nhập hồn rồi thì cảm thấy lâng lâng bay bổng như lạc vào thế giới kỳ diệu nào . Hồn ta có thể nhập vào hồn sông núi,, cỏ cây vạn vật, Từ tuổi bảy mươi có thể trở về tuổi mười bảy để nói chuyện tình yêu Từ con người phàm tục ta có thể chấp cánh theo Lưu Nguyễn lạc vào cõi Thiên thai Do đó Ông Quách Tấn nói lúc có cảm hứng nghĩa là lúc hồn thơ nhập giống như người ta lên Đồng, quả không sai! . Hồn thơ cũng như tình yêu đâu biết tuổi tác và cũng không cần đếm xỉa gì tới không gian ,thời gian.

Nếu là thi nhân bạn sẽ thấy tâm hồn minh mở rộng ra để giao hòa với thiên nhiên và cỏ cây vạn vật .
Tôi chỉ là cây kim bé nhỏ - Mà vạn vật là muôn đá nam châm (Xuân Diệu)
Bạn sẽ nhìn đời không phải thuần bằng con mắt mà còn bằng cả trái tim . Lòng bạn cũng như sợi dây tơ đồng, một cơn gió chạm nhẹ vào cũng đủ ngân nga lên bao âm thanh trầm bỗng . Bạn muốn nhập vào lòng tha nhân để chia sẻ sướng khổ, vui buồn với họ như Thế Lữ viết :
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than Cảnh thương tâm, ghê gớm hay dịu dàng Cảnh rực rỡ ái ân hay dữ dội.
Còn riêng đối với cá nhân tôi những lúc sầu muộn vì lòng người đổi thay hay tình đời đen bạc hay thất bại trong cuộc đời thì không gì an ủi bằng vào cõi thơ để tìm Nàng Thơ bày giải nỗi lòng như tôi đã viết:
Nàng có phải biển hồ chan chứa lệ?
Cho thuyền tình cập bến trút sầu thương
Hay dòng suối ngọt ngào đời dâu bể?
Cho thi nhân tuôn hết nỗi đoạn trường.


Nàng Thơ đối với tôi giống như người bạn tốt,, một người Chi hiền bao giờ cũng đem niềm vui và an ủi cho tôi . Ủy mị hay lãng mạn là tại con người chớ đâu phải tại nàng Thơ mà vu oan cho Nàng, thật tội nghiệp thơ quá!
Tôi khuyên bạn cũng nên bắt chước các nhà thơ mà thử một phen làm quen với Thơ, coi nào . Cầm viết lên đi ! viết tào lao vài câu rồi tìm cách ghép đại vần ra sao cũng được cả , bạn sẽ thấy hả hê , khoan khoái . Dù hay dù dở cũng là tiếng lòng của mình, dù dài dù ngắn, bạn cũng đã làm được một việc gọi là sáng tác.
Làm xong một bài thơ tưởng như sanh được một đứa con dù lành lặn hay tật nguyền, dù hay dù dở, nó vẫn do tim óc của mình nặn ra để nâng niu ,tyêu mến . Sau này ta chết đi nếu không lưu lại được gì với đời thì ít ra thơ vẫn còn đó với cháu con với những tâm tư, cảm nghĩ của ta lúc sinh thời, khi thân xác ta đã thành cát bụi và tên tuổi ta chìm mất trong quên lãng thời gian Với tôi, làm thơ rất vui vì đó là việc làm tùy hứng để giải trí, không có gì ràng buộc mà cũng không nhằm mục đích cao xa gì cả . Giống như tôi đang thở thì cứ thở mà không biết mình thở . Như con chim ngứa cổ thì cứ hát . Con cò có cánh thì cứ bay . Con cá có kỳ thì cứ lội, thế thôi ! Miễn sao giải bày tâm tư, nỗi lòng của mình thành bải thơ mới mãn nguyện . Nói gì khi tìm được một lời hay, một ý đẹp, một chữ đắc địa để gieo vần ….thì cảm thấy sung sướng còn hơn trúng số độc đắc nữa. Làm thơ là làm một công việc nghệ thuật mà nghệ thuật thì không biết đâu là tột đỉnh cho nên người nghệ sĩ say sưa đi tìm mãi, tìm hoài trong thú vui vô hạn không bao giờ chán. Tôi cũng có cảm tưởng làm thơ giống như người đầu bếp làm thức ăn không phải riêng cho mình mà cho nhiều người khác cùng ăn; nếu người khác khen ngon miệng thì còn sướng hơn mình ngon miệng bội phần Còn một thú vui độc đáo nữa nên kể đó là thú giao lưu, xướng họa thơ giữa những người chơi thơ. Do đó những người đồng điệu thường tạo dịp họp mặt xướng họa ngâm nga và hàn huyên tâm sự với nhau .Hơn ai hết người thơ với người thơ dễ thông cảm và quí mến nhau vô cùng vì dó là những người “ đồng hội đồng thuyền.” với nhau.

Nhớ Ông Chu manh Trinh khi viết về Cụ Nguyễn Du đã nói một câu rất thâm thúy “Ta vốn giòng nòi tình, thương người đồng điệu”
Nhìn lại ngày nay phong trào chơi thơ càng lúc càng phổ biến, bành trướng.
Riêng ở Việt Nam không những có CLB thơ ở thành phố, ở Quận mà còn có một số ở các Phường.nhỏ nữa Những buổi họp mặt sinh hoạt thơ thật là vui: ngoài nội bộ ra người ta mời các CLB bạn ở địa phương khác đến tham dự .Họ trao đổi nhau thi phẩm và mọi người đều được luân phiên đưa bài mình để nghệ sĩ chuyên môn luân phiên ngâm trên diễn đàn, sân khấu cho mọi người nghe với tiếng đàn , tiếng sáo đệm theo. Nhưng tôi vẫn thích họp bạn thơ tại nhà riêng của mình hơn ở CLB vì nơi đây quá đông người sư tập trung để nghe dễ bị phân tán Mời một số ít bạn thơ thật tâm đắc khoảng chừng 10 người trở lại thôi vừa xướng họa vừa ca ngâm vừa hàn huyên tâm sự bên dĩa bánh, chung trà thì thật là vui thơ và ấm áp tình bạn vô cùng.. 

Ta cũng cần nên nhớ rằng Thơ vốn là thú vui tịnh, chớ không phải thú vui động như Nhạc nên giữa nơi đông người như tiệc cưới , liên hoan, lễ lộc…v. v …đem thơ ra ngâm thì không thích họp với môi trường và không khí bằng trổi nhạc bao giờ . Nghe nói : các Cụ ngày xưa mồi lần họp mặt giao lưu , xướng họa còn mặc áo dài khăn đóng và đốt trầm hương cho tăng vẻ nghiêm trang buổi vui Thơ.

Để kết thúc xin gởi tặng qúi bạn yêu thơ những cảm nghĩ của tôi về Thơ khi sáng tác như sau.

TÔI LÀM THƠ

Tôi làm thơ như con tằm dệt kén
Rút ruột dâu xanh mướt nhả vàng tơ!
Gom cảm hứng vui buồn tim thai nghén
Làm tơ tình tôi dệt mấy vần thơ .

Tôi làm thơ hồn nhiên như chim hót!
Ngứa cổ thì cất tiếng véo von chơi
Dù mưa gió hay trời trong nắng tốt
Vẫn liú lo tiếng hót mến yêu đời

Tôi làm thơ như trăng vàng gối sóng
Xé đêm đen lấp lánh giữa dòng sâu .
Chán thực tế phũ phàng tôi gối mộng
Quên khổ đau, thương khó giữa bể sầu!

Tôi làm thơ như Mẹ ru con ngủ
Giữa trưa hè thánh thót tiếng ca dao
Lời mộc mạc mà tình quê ấp ủ
Cho con yêu tiếng Việt rất ngọt ngào.

Tôi làm thơ như người theo đạo Lão
Đi dưới sân mà nói chuyện trên trời
Xin đừng bảo rằng tôi mơ mộng hảo
Thế gian này cũng là mộng đấy thôi
.
Tôi làm thơ như là tôi đang thở
Chuyện đương nhiên cần thiết chẳng đặng dừng
Nếu không khí ra vào nuôi cơ thể
Thì thơ ca xuất nhập dưỡng tinh thần.

Tôi làm thơ như nước trôi êm ả
Nước từ nguồn, thơ lai láng từ tim
Ðời vạn ngả, thuyền thơ tôi một lá
Thiện mỹ chân, luôn chở mộng đi tìm.


Quang Tuấn