Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

Mẹ Ru Con - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Tiếng Hát: Ý Lan


Nhạc: Phạm Anh Dũng
Tiếng Hát: Ý Lan
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan 

Nếu Như - Thơ: PhamPhanLang - Nhạc: Mai Hoài Thu - Ca Sĩ: Vân Khánh


Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Mai Hoài Thu
Ca Sĩ: Vân Khánh

Ông Chu Văn An ( 1292 - 1370 )

 
 
Vãn Trần lẫm liệt cụ Chu An
Dâng sớ chém đầu bẩy nịnh gian
Phù thiện nan thành treo trả ấn
Khuyến vua bất toại cáo từ quan
Mở trường đào tạo trang cao sĩ
Viết sách ngợi ca nguyệt hạ nhàn
Tiều Ẩn gương trăng ngời khí tiết
Hương hoa Sứ trắng vượt thời gian...!!

Nguyễ̃n Minh Thanh

 

Cô Tôi!


 Ảnh Sông Vĩnh Long của  Anh Trương Văn Phú 

(Thương tặng Sáu, cùng ngôi trường Nguyễn Trường Tộ)

Con nước xưa lững lờ chảy ngược
Nghe tiếng than thường thượt não lòng
Người phương xa ghé bến Vĩnh Long
Đứng lặng lẽ dưới tàng me khóc

Nguyễn Trường Tộ rơi theo giọt ngọc
Thương gọi thầm hai tiếng “ Cô ơi!”
Học trò xưa lạc bước xa xôi
Vạn tiếc nuối thương về trường cũ

Tàng me cổ nghẹn ngào ủ rũ
Trong đêm đen nhòa nhạt ánh đèn
Làm sao quên bóng dáng thân quen
Cô! Tỏa sáng len vào ký ức.

Kim Oanh


Hoàng Hôn Trên Sông

 

Mấp mé hoàng hôn ở cuối sông
Thuyền câu êm ả trôi xuôi dòng
Bầy chim nhấp cánh chừng rời bãi
Ngư lão chiêu trà nhác ngó mông
Loáng thoáng bóng mây chìm đáy nước
Lững lờ sợi khói tỏa hư không
Ráng chiều chợt rực lên bừng sáng
Cảnh tựa được ai nhuộm sắc hồng

nhất hùng



Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 3 豐樂亭遊春其三 - Âu Dương Tu (Bắc Tống, Liêu)


Âu Dương Tu (歐陽修, sinh ngày 1 tháng 8, 1007 mất ngày 22 tháng 9, 1072), tự là Vĩnh Thúc, hiệu "Tuý Ông", là nhà thơ kiêm nhà sử học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc).

Quê ông ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Năm Thiên Thánh thứ 7 (1030), ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông, làm Binh bộ Thượng thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.

Âu Dương Tu là một nhà vân nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân, ...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Túy Ông đình ký. Mai Thánh Du thi tập, Thu Thánh Phú. Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với sáu cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).

Thuở thiếu thời

Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà mẹ dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên đất bùn. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.

Khi lên 10 tuổi, Âu Dương Tu thường xuyên đến 1 nhà có nhiều sách trong làng mượn sách đọc và chép lại những đoạn thấy hứng thú. Một lần, ông đến mượn sách của nhà họ Lý, phát hiện thấy trong đống giấy cũ 1 cuốn sách nhàu nát. Ông giở xem, thấy đó là văn tập của Hàn Dũ, 1 nhà văn nổi tiếng đời Đường, liền mượn chủ nhà, đem về đọc.

Đầu đời Tống, trong xã hội có xu hướng ưa chuộng lời văn hào nhoáng mà coi nhẹ nội dung. Vì vậy, văn phong thời này chú trọng sự đẹp đẽ của ngôn từ nhưng rất trống rỗng, nghèo nàn về nội dung. Âu Dương Tu sau khi đọc tản văn của Hàn Dũ, thấy văn chương lưu loát, lập luận thấu triệt khác hẳn với văn chương thịnh hành đương thời. Ông ra sức nghiền ngẫm, học tập văn phong của Hàn Dũ. Khi trưởng thành, ông tới Đông Kinh tham gia thi tiến sĩ, liên tục đỗ đầu 3 vòng thi. Khi mới hơn 20 tuổi, tiếng tăm của Âu Dương Tu đã vang dội trên văn đàn.

Làm quan

Sau khi Phạm Trong Yêm cải cách chính trị thất bại, bị gạt bỏ khỏi triều đình, biếm trích xuống phương nam, người cộng sự của ông là Phú Bật, Hàn Kỳ cũng bị cách hết quan chức. Những người đồng tình không dám ra mặt bênh vực họ Phạm. Chỉ có mình Âu Dương Tu dám dâng sớ lên Tống Nhân Tông, nói: "Từ xưa tới nay, kẻ xấu hãm hại người tốt, đều vu cáo người tốt là bè đảng, chuyên quyền. Phạm Trọng Yêm là nhân tài quan trọng của quốc gia, cớ sao lại bị bãi miễn. Nếu bệ hạ tin theo lời kẻ xấu thì chỉ khiến kẻ xấu đắc ý, quân thù vui mừng". Âu Dương Tu tuy không giữ chức quan cao, nhưng rất quan tâm đến triều đình và mạnh dạn can gián hoàng đế.

Cao Nhược Nạp cho rằng Phạm Trọng Yêm bị biếm trích là đúng. Âu Dương Tu rất phẫn nộ, viết 1 lá thư kịch liệt công kích hắn là kẻ không biết liêm sỉ. Vì việc đó, ông bị giáng chức, điều về địa phương, 4 năm sau mới được trở lại kinh thành. Lần này, Âu Dương Tu lại đứng ra bênh vực tân chính của Phạm Trọng Yêm, khiến bọn quyền quý trong triều nổi giận. Chúng tìm mọi chứng cớ vu vơ, gán cho Âu Dương Tu một số tội danh. Triều đình lại biếm Âu Dương Tu đi Từ Châu (nay là huyện Từ, An Huy).

Từ Châu là nơi có phong cảnh đẹp, 4 xung quanh là núi. Đến Từ Châu, ngoài những giờ làm việc công, Âu Dương Tu thường du lãm sơn thủy. Có tòa đình trên Lang Nha Sơn làm nơi nghỉ cho du khách. Âu Dương Tu thường tới tòa đỉnh đó uống rượu. Ông tự xưng là "Túy ông" (ông già say) và đặt tên cho tòa đình đó là "Túy Ông đình". Bài tản văn "Túy Ông đình ký" của ông là 1 kiệt tác được người đời truyền tụng, đến cả Tống Nhân Tông cũng vô cùng yêu thích văn chương của ông.

Cải cách văn phong đương thời, phát hiện nhân tài

Âu Dương Tu làm quan địa phương hơn 10 năm trời. Sau Tống Nhân Tông vì quá mến mộ văn tài, mới triệu về kinh thành, phong làm Hàn lâm học sĩ. Sau khi nhận chức, Âu Dương Tu ra sức đề xướng việc cải cách văn phong.

Một lần, kinh thành tổ chức khoa thi tiến sĩ, ông được cử làm chủ khảo. Thấy đây là 1 cơ hội để cải cách văn phong lựa chọn nhân tài. Âu Dương Tu đọc kĩ các quyển thi, thấy quyển nào chỉ có hình thức hào nhoáng mà nội dung trống rỗng thì đánh trượt hết. Kết quả khóa thi, một số người không đỗ rất căm tức Âu Dương Tu. Một hôm, ông cưỡi ngựa đi ra đường, bị 1 đám thí sinh bị đánh trượt ngăn lại, ồn ào chửi mắng và gây sự. Sau nhờ có lính tuần tra đến giải tán, ông mới được vô sự.

Qua việc đó, văn phong trong thi cử nhờ đó mà có biến chuyển lớn. Mọi người đều theo xu hướng viết những bài văn có nội dung sâu sắc, lời lẽ giản dị. Âu Dương Tu không những chỉ ra sức cải cách văn phong, mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân (và hai con là Tô Triệt và Tô Đông Pha).

Trong lịch sử văn học, người ta ghép Âu Dương Tu và 5 người trên cùng với Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên thời Đường thành 1 danh sách, gọi là "Đường Tống bát đại gia" (8 tác gia văn xuôi lớn đời Đường - Tống).


Nguyên tác           Dịch âm

豐樂亭遊春其三 Phong Lạc đình du xuân kỳ 3

紅樹青山日欲斜 Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà,
長郊草色綠無涯 Trường giao thảo sắc lục vô nha.
遊人不管春將老 Du nhân bất quản xuân tương lão,
來往亭前踏落花 Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa.

Chú giải

Bài thơ này là một trong một chuỗi ba bài Lạc Phong đình du xuân kỳ 1, 2, 3.
無涯 vô nha (nhai): vô bờ bến, cái gì vô cùng vô tận gọi là vô nhai 無涯

*長郊 trường giao: ngược với cận giao 近郊 (cận giao là chỗ cách xa nước một trăm thước. Nay thường gọi vùng ngoại ô là cận giao). Vậy trường giao đồng nghĩa với mênh mông.
遊人 du nhân: khách chơi (xuân).
** 來往 lai vãng: người đi chiều này, người đi chiều ngược lại. Cụm từ lai vãng đã được dân Bắc kỳ Việt hoá.

Dịch nghĩa

Chơi xuân ở đình Phong Lạc kỳ 3

Cây đỏ, núi xanh, mặt trời sắp lặn,
Nội cỏ mênh mông, màu cỏ xanh vô tận.
Người chơi xuân chẳng màng việc xuân sắp hết,
Kẻ đến, người về trước đình giẫm lên hoa rụng.

Dịch thơ

Chơi xuân ở đình Phong Lạc kỳ 3

Cây đỏ non xanh nắng sắp tà,
Mênh mông* nội cỏ thắm không bờ.
Du xuân chẳng quản xuân gần hết,
Lai vãng** sân đình giẫm nát hoa.

Lời bàn trích rộng Thi Viện

“Phong Lạc đình ở dưới núi Đại Phong, cách thành Trừ một dặm về phía tây, do Âu Dương Tu xây khi làm tri châu tại Trừ Châu, thời đó là một thắng cảnh của Trừ Châu. Khi đình xây xong, tác giả còn viết một bài Phong Lạc đình ký trong kể nhân tình và phong thổ của đất này như sau: “Đất Trừ nằm vào giữa Giang Hoài, nơi thuyền xe buôn bán; khi khách bốn phương không đến, dân sống không bằng gì khác, cơm áo dựa vào đồng ruộng, sống thì vui chết thì đưa”.

Con Cò bàn thêm

Đúng là cảnh thưởng ngoạn xuân cuối mùa: phong vẫn cảnh còn tươi đẹp; du khách thì vội vàng, giẫm nát cả hoa ở sân đình.

Hai câu 1 & 2:
Màu sắc và cảnh vật lúc cuối xuân khi mặt trời lặn.

Câu 3:
Du xuân chẳng quản xuân gần hết: Thời điểm vào khoảng đầu tháng 5, chơi gỡ gạc lẹ lên kẻo xuân sắp hết.
Vai chính trong kỳ này (tuy không nói rõ) nhưng có lẽ vẫn ám chỉ hai người cũ trong kỳ 2 (gã vô danh và quan thái thú họ Âu). Không nói tới rượu nhưng không hẳn là không có rượu.

Câu 4:
Lai vãng sân đình giẫm nát hoa. Có một ẩn ý trong câu này: (người vô danh và quan thái thú họ Âu) không vi phạm luật lệ của huyện khi giẫm nát hoa ở sân đình vì hoa đã tàn và xuân đã hết rồi; nếu họ không giẫm nát thì sáng mai người phu quét sân cũng phải quét hết hoa tàn đi.

Con Cò
***
Du Xuân  Đình Phong Lạc Kỳ 3

Núi biếc, cây hồng ngày sắp qua
Ngút ngàn nội cỏ sắc xanh pha
Khách du chẳng quản xuân gần hết
Lui tới trước đình giẫm xác hoa!

Lộc Bắc
Dec22
***
Nơi Đinh Phong Lạc Thưởng Xuân

Rừng phong sắc đỏ khắp non,
Vầng dương sắp lặn, dạ hồn bâng khuâng.
Cỏ xanh chi chít bạt ngàn,
Xuân đà gần dứt - chả màng khách chơi.
Dập dìu lai vãng đất trời,
Hoa tàn rơi rụng - người đời giẫm lên...

Khánh-Hưng
***
Ánh tà dương soi tóc vàng
Cảnh chiều ủ dột mơ màng cõi tiên
Cú đêm rúc tiếng liên miên
Giầy son dẫm nát hoa miền xuân qua

Đồ Cóc
***
Chơi Xuân Ở Phong Lạc Đình, Kỳ 3.

Cây đỏ, non xanh, nắng xế tà,
Mênh mông cỏ biếc ngút ngàn xa,
Chơi xuân chẳng quản xuân gần hết,
Đi lại trước đình đạp xác hoa.

Bát Sách.
(ngày 28/ 07/ 2023)
***
Chơi Xuân Đình Phong Lạc Kỳ 3.

Núi biếc rừng phong nắng sắp tà,
Cỏ xanh bát ngát ngút ngàn xa.
Không màng xuân tận đoàn du khách,
Lui tới sân đình giẫm xác hoa.

Mỹ Ngọc 
July 28/2023.
***
Nguyên tác:         Phiên âm:

豐樂亭遊春其三 Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 3
歐陽修                Âu Dương Tu

紅樹青山日欲斜 Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà
長郊草色綠無涯 Trường giao thảo sắc lục vô nha
遊人不管春將老 Du nhân bất quản xuân tương lão
來往亭前踏落花 Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa

Sách có mộc bản bài thơ:

Cổ Kim Hợp Bích Sự Loại Bị Yếu - Tống - Tạ Duy Tân 古今合璧事類備要-宋-謝維新
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Tuyển Tống Kim Nguyên Minh Tứ Triêu Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選宋金元明四朝詩-清-聖祖玄燁
Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書

Ghi chú:

Phong Lạc Đình: vị trí là dưới chân Phong Sơn (nay là Lang Nha Sơn狼牙山) Trừ Châu, An Huy, do Âu Dương Tu xây cất.

Theo trang Bách Khoa Bách Độ Phong Lạc Đình_Baidu Bách Khoa, Đình Phong Lạc nằm bên cạnh suối Tử Vi dưới chân núi Phong Sơn thuộc khu du lịch Lang Nha Sơn, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, được xây dựng khi Bắc Tống Âu Dương Tu làm Thái thú Trừ Châu.

Trang Phong Lạc Đình Ký (arteducation.com.tw), Phong Lạc Đình được Âu Dương Tu xây dựng ở phía bắc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy sau khi ông bị giáng chức đến làm việc ở đây. Như thế Âu Dương Tu xác nhận chính ông xây Phong Lạc Đình.

Trường giao: chỗ xa, ngược với cận giao là chỗ gần như vừng ngoại ô
Vô nha/nhai: vô cùng vô tận, không bờ bến
Lai vãng: đến rồi đi, thường nói khách vãng lai

Dịch nghĩa:

Phong Lạc Đình Du Xuân Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân

Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà Cây đỏ, núi xanh, mặt trời như muốn lặn,
Trường giao thảo sắc lục vô nha Nhìn xa xôi, màu cỏ xanh như vô tận.
Du nhân bất quản xuân tương lão Người du xuân không màng xuân sắp hết,
Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa Kẻ đến người đi trước đình giẫm lên hoa rụng.

Dịch thơ:

Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân

Cây đỏ núi xanh bóng xế tà,
Cỏ xanh vô tận nhìn xa xa
Chơi xuân chẳng nệ xuân gần hết,
Kẻ đến người đi giẫm xác hoa.

Spring Visit to Feng Le Temple by Ou Yang Su

Trees are red, the mountain is blue, the sun appears taking cover,
Far far away, the green grass runs without borders,
Spring visitors do not mind that spring is almost over,
People coming and going step on the fallen flowers.

Phí Minh Tâm
***
Huỳnh Kim Giám Góp ý:

豐樂亭=Phong Lạc đình ở đâu?

Thi Viện bảo nó ở "dưới núi Đại phong, cách thành Trừ một dặm về phía tây"; đây có lẽ là câu tương đối đúng về địa thế của Trừ Châu (không phải Từ Châu ở Giang Tô như vn.Wikipedia viết sai) nhưng có thể bây giờ nó ở dưới "núi", thay vì dưới "chân núi" nên ta không còn tìm thấy, chưa nói đến việc cái tên Đại Phong rất mơ hồ, không phải là một địa danh lịch sử! Những đoạn khác Thi Viện còn dịch ẩu hơn. Âu Dương Tu viết trong 豐樂亭記 (Phong Nhạc đình ký) rằng lúc làm thái thú Trừ Châu, ông uống nước rất ngọt nên hỏi người dân và được chỉ tới một dòng suối ~100 bộ hướng nam của thị trấn; suối phát xuất từ núi Phong. Ông thích phong cảnh bình an nơi này nên cho người khơi lòng suối, dẹp đá và xây một cái đình. Ông đặt tên đình là Phong Lạc hàm ý đời sống an lạc của người dân ở núi Phong (cám cảnh chuyện chiến chinh, tàn phá ở nơi này thời Ngũ Hồ).

Tên núi (Đại) Phong này bây giờ đã biến mất trên bản đồ


Trên bản đồ thời nay, thị trấn Chuzhou là 'thành Trừ' của Thi Viện, nằm dưới chân núi Langyashan (狼牙山=Lang Nha sơn). Trừ Châu không phải nằm "giữa Giang Hoài" mà là một vùng đất giữa hai sông Hoài và Trường Giang và Âu Dương Tu cám cảnh viết bài ký và làm thơ tả vì thời ông ta đây là một vùng đất không thương mãi, du khách; người dân ở đây không biết gì về thế giới bên ngoài, chỉ cày ruộng, ăn mặc, và vui sống cho tới chết. Dưới đây là lời họ Âu:

於是為此根據這裏的山脈河流,敍述這裏風俗的美好,讓民眾知道能夠安享豐年的歡樂,是因為有幸生於這太平無事的時代。Ư thị vi thử căn cứ giá lí đích san mạch hà lưu, tự thuật giá lý phong tục đích mĩ hảo, nhượng dân chúng tri đạo năng cú an hưởng phong niên đích hoan lạc, thị nhân vi hữu hạnh sanh ư giá thái bình vô sự đích thì đại。

Tạm dịch: vì thế, căn cứ trên nguồn sông từ núi, (tôi) tả phong tục đẹp đẽ nơi này, để dân chúng biết họ có thể an vui hưởng một năm phong phú vì họ đã may mắn sinh ra trong thời thái bình này.

@ Góp ý của Phí Minh Tâm:

Vị trí của Phong Lạc Đình dưới chân Phong Sơn (nay là Lang Nha Sơn狼 牙山), Trừ Châu, An Huy gần như chính xác, nhưng người xây đình không chắc là Âu Dương Tu.

Theo trang Bách Khoa Bách Độ Phong Lạc Đình_Baidu Bách Khoa, Đình Phong Lạc nằm bên cạnh suối Tử Vi dưới chân núi Phong Sơn thuộc khu du lịch Lang Nha Sơn, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, được xây dựng khi Bắc Tống Âu Dương Tu làm Thái thú Trừ Châu.

Nhưng theo trang Phong Lạc Đình Ký (arteducation.com.tw), Phong Lạc Đình được xây dựng ở phía bắc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy sau khi Âu Dương Tu bị giáng chức. pmt

Huỳnh Kim Giám viết thêm:

Âu Dương Tu viết trong 豐樂亭記= Phong Lạc Đình Ký: 因此,我就叫人疏通泉水,鑿開石頭,拓出空地,造了一座亭子,於是我和滁州人在這美景中往來遊樂。ư thị sơ tuyền tạc thạch, tịch địa dĩ vi đình, nhi dữ trừ nhân vãng du kì gian. Dịch: vì thế tôi sai người (xứ) Trừ đào đá, mở mang đất, xây đình để tôi cùng người Trừ đến du ngoạn ở đây.

Một phụ chú cho bài đó nói: 豐樂亭:在今安徽滁州城西豐山北,為歐陽修被貶滁州後建造的。蘇軾曾將《豐樂亭記》書刻於碑。《輿地紀勝》:“淮南路滁州:豐樂亭,在幽谷寺。慶曆中,太守歐陽修建。”清《一統志》:“安徽滁州豐樂亭在州西南琅琊山幽谷泉上。歐陽修建,自為記,蘇軾書,刻石。”Phong Lạc đình: tại kim An Huy Trừ Châu thành tây phong san bắc, vi Âu Dương tu bị biếm Trừ Châu hậu kiến tạo đích. Tô thức tằng tương《Phong Lạc đình ký》thư khắc ư bi.《Dư Địa ký thắng》: “Hoài Nam lộ Trừ Châu : Phong Lạc đình, tại u cốc tự。Khánh Lịch trung, thái thủ Âu Dương Tu kiến。”Thanh《Nhất Thống Chí》:“An Huy Trừ Châu Phong Lạc đình tại châu tây nam Lang Nha san u cốc tuyền thượng。Âu Dương Tu kiến, tự vi ký, Tô Thức thư, khắc thạch。” Dịch: "Phong Lạc đình: do Âu Dương Tu xây sau khi bị biếm đến Trừ Châu, ở hướng tây thành phố Trừ Châu, An Huy bây giờ, hướng bắc của Phong sơn. Tô Thức từng nói trong bài khắc trên bia thể theo Phong Lạc Đình Ký. Địa Dư Ký Thắng: Trừ Châu (trên) đường Hoài Nam; Phong Lạc Đình (ở) nơi một chùa trong lũng sâu; do thái thú Âu Dương Tu xây giữa thời Khánh Lịch. Sách Nhất Thống Chí thời Thanh nói: Phong Lạc đình ở Trừ Châu, An Huy, hướng tây Nam núi Lang Nha, phía trên của một suối trong lũng sâu. Âu Dương Tu xây (đình), tự viết bài ký; Tô Thức ghi chép (chuyện) và khắc bia.

@ Phí Minh Tâm xác nhận lại:

Cám ơn anh Giám đã đính chính giúp.

Cùng câu chữ Hán trên Phong Nhạc Đình Ký (arteducation.com.tw):

豐樂亭:在今安徽滁州城西豐山北,為歐陽修被貶滁州後建造的。

Hán Việt: phong nhạc đình: tại kim an huy trừ châu thành tây phong san bắc, vi âu dương tu bị biếm trừ châu hậu kiến tạo đích 。

Bing translate: Phong Nhạc Đình: Xây dựng sau khi Âu Dương Tu bị giáng chức ở Phía Bắc Thành Phố Chương Châu, Tỉnh An Huy ngày nay.

Phải hiểu là: Phong Lạc Đình: Được Âu Dương Tu xây dựng ở Phía Bắc Thành Phố Trừ Châu, Tỉnh An Huy ngày nay, sau khi ông bị giáng chức đến làm việc ở đây.

Như thế Âu Dương Tu xác nhận chính ông xây Phong Lạc Đình.

Huỳnh Kim Giám

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Bên Đây Hoàng Hôn - Nhạc Sĩ: Trường Sa, (2018) - Đàn & Hát: Phạm Ngọc Lân


Nhạc Sĩ: Trường Sa, (2018)
Đàn & Hát: Phạm Ngọc Lân

Khoảnh Khắc

  

Đôi mắt em sâu đến não lòng
Chít vành khăn trắng để tang chồng
Cho người vẫn sống và đang sống
Tang chồng là thôi hết chờ mong

Đôi mắt em sâu u uất buồn
Trào dâng cuồn cuộn sóng nhớ thương
Trông về thăm thẳm xa một hướng
Cho lòng nguôi hận thôi vấn vương

Khép nhẹ bờ mi nén thở dài
Sống thừa một kiếp đợi đếm ngày
Chợt trong khoảnh khắc lòng xao động
Giọt máu nuôi hồn tim đổi thay

Đôi mắt xa xăm đến não lòng
Ẩn tình chôn kín hãy đi rong
Môi em e ấp niềm vui mới
Giọt sầu tiềm ẩn giọt long lanh

Kim Phượng




Vầng Trăng Mộng

(Cao Minh Nguyệt)

Bài Xưóng:

Vầng Trăng Mộng

(Thơ Kính tặng Hiền Tỷ Cao Minh Nguyệt
Bậc nữ lưu thanh sắc vẹn toàn,)

Tưởng vầng Trăng Sáng ở trên Cao
Rực rỡ mây vương ánh Nguyệt trào
Từ thủa hoa thơ vừa mướt mịn
Tới khi phẩm hạnh vút thanh tao
Sắc hương tuyệt mỹ bao ưu ái
Tình ý toàn trân bấy dạt dào
Chưa gặp mà như chờ tái ngộ
Mới hay diện kiến ở chiêm bao ...

Rancho Palos Verdes 2 - 8 - 2023
Cao Mỵ Nhân
***
Các Bài Họa:
Yêu Quý Một Vầng Trăng

(Kính họa cùng chị Mỵ - thương tặng chị Cao Minh Nguyệt)

MINH NGUYỆT ngời ngời tỏa núi CAO
Vầng trăng khơi ánh sáng tuôn trào
Kiêu sa nét ngọc đầy thanh thoát
Diễm lệ khuôn vàng thật nhã tao
Xử thế tình thương càng đẫm đẫm
Đối nhân đạo đức cũng dồi dào
Duyên may gặp gỡ - dù đôi khắc
Bèo nước tương phùng - quý biết bao!


Phương Hoa 
 AUG 2, 2023
***
Trăng Sáng Tỏa
(Thương tặng chị Minh Nguyệt)

Thục nữ yêu kiều chính họ Cao
Lừng danh tựa thể sóng dâng trào
Thương người đối diện dù trăm nỗi
Mến chị đương đầu dẫu vạn tao
Nghĩa nặng hài hòa thơ sắc xảo
Vần êm ngọt lịm chữ dồi dào
Tương phùng một mối khi nào hở?
Minh Nguyệt tâm hồn đẹp xiết bao!



Như Thu
08/02/2023

Thăm Chị

 

Đã từ lâu chị nằm trên giường bệnh,
Xa cách cuộc đời nhộn nhịp xung quanh,
Em thăm chị, sẻ chia trong im lặng,
Sợ lời vụng về làm chị tủi thân.

Em không dám nhìn vào đôi mắt chị,
Em ngại ngùng vì ánh mắt buồn rầu,
Nhưng em hiểu những gì chị đang nghĩ,
Biết nói gì cho vơi bớt niềm đau.

Một ngày nào đôi mắt buồn khép lại,
Trả cho đời những hình ảnh ngày xưa,
Đôi mắt ấy của một thời con gái
Đã từng làm ai thương nhớ ngẩn ngơ.

Em không dám nhìn đôi môi khô héo,
Làm tái tê ngưng đọng cả thời gian,
Cũng đã lâu chị không cười không nói,
Lặng thinh mà nghe cả tiếng thở than.

Nhưng em sẽ cầm lấy bàn tay chị,
Bàn tay còn chút hơi ấm thân quen,
Để mai này chị xuôi tay yên nghỉ,
Khoảnh khắc này em không thể nào quên.

Em vừa cắm bó hoa ở trên bàn,
Để chị thấy bên mình còn sự sống,
Kiếp hoa ngắn ngủi sớm nở chiều tàn,
Vẫn cho đời niềm vui và hy vọng.

Chúng ta vào cuộc hành trình vô tận,
Sự mất còn nối tiếp chẳng riêng ai,
Dù chị đã đứng bên bờ tuyệt vọng,
Em vẫn mong còn gặp chị ngày mai.

Nguyễn thị Thanh Dương

Chị Tôi



(Cảm thơ VNTVNĐ – Paris)

Tôi có chị tuổi Dần mạng nữ
Sớm lià trần mệnh số không may
Sanh con mới được hai ngày
Người chồng tác tệ gái trai ngoài đường

Chồng của chị thuộc phường đểu ác
Người miền Nam lại bạc như vôi
Ngày xưa anh chị thành đôi
Lúc anh làm lính nổi trôi mọi miền

Chút tình cảm nối liền duyên nợ
Lên xe hoa làm vợ họ Trần
Thương cho chị số vô phần
Ba lần sinh nở một thân một mình

Chồng của chị bẩm sinh bê bết
Cứ tối ngày lê lết rượu chè
Lại thêm cái tật cà kê
Vợ nhà xinh đẹp lại mê vợ người

Chị tần tảo ngược xuôi cơ cực
Ðôi tay đầy sinh lực nuôi con
Tưởng đâu duyên phận vuông tròn
Lần sanh thứ bốn vì chồng mạng vong

Ðêm thao thức chờ chồng mòn mỏi
Sau hè nhà heo đói kêu vang
Chồng về trời đã sáng băng
Cằn nhằn vài tiếng chồng văng tục liền

Chị té xấp nằm trên đất lạnh
Sanh hai hôm trong cảnh cô đơn
Thương con chị nén tủi hờn
Những mong qua khỏi những cơn đói lòng

Con nhỏ dại chẳng mong giúp mẹ
Chồng bê tha theo kẻ dâm loàn
Ðói lòng tức giận đa đoan
Chị tôi hồn xuống suối vàng bơ vơ

Bỏ con thơ mới vừa tuần tuổi
Sau năm hôm nuối chút hơi tàn
Chị đi chẳng tiếng thở than
Miên man trong chốn bình an kiếp người

Khi xác chị còn tươi lòng đất
Cha mẹ tôi chồng chất não phiền
Ba hôm hồn đã nào yên
Chồng chị xin phép tục huyền một khi

Ngay đêm đó thầm thì ân ái
Chuyện nhuốc nhơ tổn hại thần linh
Chị tôi hiện bất thình lình
Bẻ tay dâm phụ dứt tình dâm phu

Thơ của anh bài thơ con chữ
Thơ của tôi nghẹn ứ tim gan
Chị tôi một kiếp phũ phàng
Chị anh vẫn mãi đoan trang với đời

Tôi xúc cảm bài thơ anh viết
Tặng chị anh gối chiếc phòng không
Nhưng vui vì có người chồng
Trọn ân trọn nghĩa dẫu không trọn đời

Bài thơ tôi chẳng nên lời
Chị tôi đâu nữa … lệ rơi đầm đìa …

nguyễn phan ngọc an 
 1993

Sous Les Frênes (Henry Gréville) - Chuyện Dưới Bóng Cây Tần Bì (Thái Lan Dịch)


Sous Les Frênes - Henry Gréville

Ils avançaient lentement dans le sentier profondément coupé d’ornières verdoyantes où les grands chariots chargés de foin ou de blé occasionnaient, deux fois l’an, des révolutions profondes dans le monde des pâquerettes et des graminées. L’eau des pluies récentes y formait des petits étangs tranquilles, aux endroits les plus défoncés ; mais le milieu de la route, poussiéreux et marqué çà et là du fer d’un cheval, était assez large pour y passer deux.

– Alors, tu ne veux pas ? demanda d’une voix contrainte le garçon qui baissait les yeux et tournait autour de son doigt une longue tige de folle avoine.
La jeune fille garda le silence.
Il était bien cruel en lui disant que c’était elle qui ne voulait pas! Comment depuis si longtemps n’avait-il pas deviné que c’était lui qu’elle aimait ? Elle baissa la tête et releva le coin de son tablier bleu, qu’elle roula et déroula dans ses mains tremblantes pour leur donner contenance, tout comme il roulait son brin d’herbe.

– Tu ne veux pas? Nous avons pourtant été camarades de première communion, ne t’en souvient-il point?

Elle jeta un coup d’œil sur le petit clocher qui se montrait au-dessus des clôtures et ramena ses yeux vers la route, où l’épaisse poussière formait un tapis de velours.
– Tu m’aimais bien, dans ce temps-là, reprit-il avec amertume, mais tu as changé ton cœur : tu ne savais vivre sans moi; depuis, tu n’as plus eu de plaisir à me regarder.

Elle ne dit rien; une nuance de rougeur plus vive monta à ses joues ; il crut qu’elle allait parler, mais elle resta silencieuse, continuant de marcher à son côté. Le sentier se rétrécissait, les branches des frênes et des aunes se croisaient maintenant sur leurs têtes. Un jour glauque, doux, attendri, filtrait sur eux à travers la feuillée, et les rayons du soleil dansaient à leurs pieds sur le chemin, tapissé d’herbes folles, où les ornières ne se voyaient presque plus. Il se rapprocha davantage et prit, sans toucher les mains tremblantes de la jeune fille, le coin roulé du tablier.

– Oui, j’avais cru que tu m’aimais; j’avais pensé que nous passerions notre vie ensemble ; tu n’es pas riche, moi non plus ; qu’est-ce que cela pouvait nous faire? Est-ce qu’on n’est pas heureux tout de même, pourvu qu’il y ait de l’amour dans le ménage? Mais tu es ambitieuse, toi, tu veux être riche et propriétaire, probablement; la misère te fait peur...
Ah ! si j’avais pensé comme toi, je serais marié de mon côté, peut-être, à l’heure qu’il est! Mais je m’étais dit: J’épouserai celle que j’aime, et je n’ai qu’une parole!
Toi, tu avais le cœur mieux placé, n’est-ce pas? Tu veux être au-dessus de ta position?

Il avait lâché le coin du tablier et la regardait d’un air irrité.
Les faucheurs aiguisaient leurs faux dans le pré au-dessous ; on entendait le moulin tourner dans la petite rivière. Un refrain de chanson traversa l’espace au-dessus de leurs têtes, et mourut insaisissable dans l’air de juin...

– Ô mon ami! dit la jeune fille, qui posa ses deux mains sur les épaules du garçon en le regardant de ses yeux profonds, pleins de larmes; je t’ai aimé de tout temps, mais tu n’as jamais parlé, et ce matin mon père m’a promise à un autre!...

Elle laissa tomber sur son tablier ses mains lentes et découragées...

Sous les rayons changeants qui dansaient à travers les feuilles, ils restèrent immobiles, se regardant, pleins d’un immense désespoir ; pendant que la chanson lointaine, lancée à pleine voix dans les prés par un gars heureux, passait dans les feuilles, au-dessus de leurs têtes...

Henry Gréville
Paris, juin 1882.
 
 

Chuyện Dưới Bóng Cây Tần Bì 

Hai người đang đi chầm chậm trên lối đi hẹp bằng đất thỉnh thoảng có những con đường mòn xanh mơn mởn cắt ngang, mà cứ hai năm một lần những xe đẩy chở cỏ khô hoặc lúa mì lại ùa vào những đám hoa cúc và cỏ. Những cơn mưa gần đây đã tạo thành từng vũng ao nhỏ ở những đoạn lồi lõm; nhưng ở phần giữa đường, đầy bụi bặm và rải rác có dấu vết móng ngựa, thì khúc đường cũng khá rộng để hai người có thể sánh đôi.

– Vậy là nàng không đồng ý phải không?
Anh thanh niên hỏi một cách gượng gạo, đôi mắt nhìn xuống đất và ngón tay quay quay một cọng yến mạch dại. Cô gái vẫn im lặng. Ôi, sao anh ấy có thể tàn nhẫn khi nói rằng chính cô là người không muốn! Tại sao trong những ngày tháng dài như thế mà anh không đoán được chính anh là người mà nàng yêu?
Cô cúi đầu xuống và cầm góc tạp dề màu xanh lên, mân mê, cuộn tròn rồi lại thả ra trong đôi tay run rẩy của mình để tỏ ra không lúng túng, cũng giống như anh xoay vòng cọng cỏ của mình để có thái độ vững vàng.
– Có thật là nàng không muốn? Nàng có nhớ không, chúng ta đã cùng nhau Rước Lễ Lần Đầu, nàng không còn nhớ gì sao?
Cô liếc nhìn tháp chuông nhỏ nhô lên trên hàng rào rồi lại nhìn con đường, bây giờ đám bụi dày đặc đã tạo thành một tấm thảm nhung.
– Thời đó nàng đã yêu tôi rất nhiều, – anh tiếp tục nói một cách cay đắng – nhưng trái tim em đã thay đổi: lúc đó em nói là không thể sống mà không có tôi bên cạnh; rồi sau đó, em đã không còn thích thú khi nhìn thấy tôi nữa.
Cô không nói gì; đôi má cô bỗng ửng hồng thêm lên; anh nghĩ cô sẽ nói điều gì, nhưng cô vẫn im lặng, và tiếp tục đi bên cạnh anh.
Con đường trở nên hẹp hơn, những nhánh cây tần bì và những cây cỏ đang giăng qua đầu họ. Một ngày ảm đạm, êm dịu, thật ngậm ngùi đang đến với họ, len lỏi qua những tán lá, và những tia nắng mặt trời vừa mới nhảy múa dưới chân họ trên con đường được lót bằng thảm cỏ hoang, ở đó hầu như không còn nhìn thấy những con đường mòn nữa.

Anh tiến lại gần hơn và nắm lấy góc tạp dề mà không chạm vào bàn tay run rẩy của cô gái.
– Vâng, tôi nghĩ rằng em đã yêu tôi; tôi đã nghĩ rằng hai chúng ta sẽ dành cả cuộc đời bên nhau; gia đình em không giàu có, tôi cũng chẳng khá hơn; điều này chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta cả, đúng không nàng? Dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn hạnh phúc bên nhau, chỉ cần trong gia đình ta có tình yêu là đủ? Nhưng em đầy tham vọng, tôi hiểu rồi, em chỉ muốn giàu có và trở nên nghiệp chủ, chắc hẳn là thế; em rất sợ phải sống trong nghèo khó… Ôi! Nếu tôi suy nghĩ như em, về phần tôi, giờ này tôi đã kết hôn, đã có một cô vợ bên tôi rồi! Nhưng rồi tôi tự nhủ: Ta sẽ chỉ kết hôn với người ta yêu, và tôi đã tự hứa với mình như thế, không sai vào đâu được! Còn em, trái tim của em muốn tìm kiếm một nơi khá hơn, có địa vị hơn, phải không? Em muốn vươn lên khỏi vị trí hiện tại của em, đúng không?
Anh buông góc tạp dề ra và bực bội nhìn cô. Những người nông dân gặt lúa đang mài lưỡi hái của họ ở cánh đồng cỏ bên dưới; ta có thể nghe thấy tiếng cối xay đang xoay đều đặn trên dòng sông nhỏ. Một điệp khúc của một đoạn hát vượt qua không gian đang mơn man trên đầu họ, và tan nhanh trong bầu khí tháng sáu nóng rực…
– Ôi chàng của em! – cô gái thốt lên, vừa đặt cả hai tay lên vai chàng, và nhìn anh bằng đôi mắt sâu thẳm, đẫm lệ – em vẫn luôn yêu anh, nhưng anh chưa bao giờ nói lời nào, và sáng nay cha đã hứa gả em cho một người khác, chàng ơi chàng!

Cô buông lơi hai bàn tay một cách chậm chạp, chán chường xuống chiếc yếm… Trên kia những tia nắng óng ánh đổi màu đang nhảy múa qua những chiếc lá, và họ đứng đó, bất động, chỉ biết nhìn nhau, lòng mang một nỗi tuyệt vọng khôn cùng; và ở một nơi xa xăm, một gã nào đó vô cùng hạnh phúc đang hân hoan ngân lên bài ca thánh thót, xuyên qua cỏ cây núi rừng, vang rền, bay bổng trên đầu hai người đau khổ.

ThaiLan dịch

 

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Biển Gọi Tình Yêu - Thơ: Lê Nguyễn Nga - Nhạc: Cao Minh Hưng - Ca Sĩ: Hùng Phú


Thơ: Lê Nguyễn Nga
Nhạc: Cao Minh Hưng
Ca Sĩ: Hùng Phú

Nhớ Nhà Con Hẽm Vàng Tươi

 

Tôi đi chân ướt Sàigòn
Mưa dai như đĩa con đường nhớ em
Chiều tôi nửa lạ nửa quen
Ly cà phê quán không tên vắng người
Nhớ nhà con hẽm vàng tươi
Em về che hết trăng mười sáu tôi
Nhớ năm cuốn gói theo người
Hàng sao lá rụng se đời bể dâu
Nhớ Cần Thơ rất là lâu
Nhớ câu lục bát bắt cầu tôi- em
Bây giờ xa con hẽm quen
Vầng trăng mười sáu còn thèm trên môi


Lâm Hảo Khôi

 

Đồng Đế

 

( Thân tặng Đại Đội 727 & Tiểu Đoàn 3 SVSQ,
Khoá 4/72B SQTB. 25/8/1972 - 26/6/1973 )

Thanh kiếm bạc, mặt trời và sóng nước (*)
Nắng Hòn Khô, mưa lạnh buốt Rù Rì
Ai xõa tóc chờ từ muôn kiếp trước?
Biển, núi, rừng vang vọng bước quân đi.

Một! Hai! Ba! Bốn!.. Một! Hai! Ba! Bốn!
Mồ hôi pha sương muối ướt ngày đêm
Bụi di hành cho gian khổ dài thêm
nên giấc ngủ, miếng ăn thường rất vội.

Bánh mì đường, canh rau và cá mối
Cơm nhà bàn ăn mãi cũng quen hơi
Rồi cũng như những ngày tháng dạo chơi
Khi ứng chiến, tập tành, hay trực gác.

Quán Chè Đông luôn ồn ào tiếng nhạc
Lối Chè Tây huyền ảo ánh đèn mờ
Lính quân trường từ sáng sớm tinh mơ
đã rầm rập bước chân theo lời hát.

Vào thư sinh. Ra đã thành kẻ khác
Chút gió sương, chút chai đá, phong trần
như hình tượng Cù Lần thao diễn nghỉ
trên Hòn Khô sừng sững đứng quanh năm.

Sao nhớ quá! Bãi Tiên chiều nhạt nắng
Gió thì thào vỗ sóng gọi trăng lên
Vọng Nguyệt Lầu, cà phê quyện hương đêm
cho lính trẻ nhớ nhà buồn lãng mạn.

Đời luân lạc dù đã bao ngày tháng
vẫn nhớ hoài tình tự thuở tân binh
Từ đường ra sân bắn, bãi địa hình
đến ngõ tắt Ba Làng qua núi Một.

Quên sao được nắng trưa hè thiêu đốt
Tắm mồ hôi chờ đến lúc giải lao
Dưới bóng dừa thuốc hút đổi tay trao
Rít cho đã mùi nắng khô, muối biển.

Vẫn còn đây lòng bồi hồi lưu luyến
Đã về đâu đồng đội thuở quân trường?
Giờ chỉ còn phế tích của gió sương
nằm tức tưởi giữa hoang tàn dâu bể.

Thanh kiếm bạc sáng ngời qua thế hệ
Nắng Nha Trang vẫn nung chí đời trai (**)
Từ tha phương, đây một nỗi u hoài
Nhớ Trường Mẹ, chiếc nôi xưa... Đồng Đế.

Huy Văn (Huỳnh Văn Của)
Danh Số 005/ ĐĐ 727
(*) Phù hiệu quân trường Đồng Đế
(**) Lời trong Quân Trường ĐỒNG ĐẾ Hành Khúc 


Tâm Sự Bà Nội Trợ

 

Người nội trợ trong nhà chẳng khác nào một Cinderella (Lọ lem) đầu tắt mặt tối. Ngày nào cũng công lên việc xuống cho đến chiều hôm tối đến mới có được chút giờ thư thả, rảnh rang để lên mạng. Mà tới lúc đó thì đã khuya lơ khuya lắc, thời gian còn lại chẳng được bao nhiêu… Xin chia sẻ với những ai đồng cảnh


Nghề gì cũng có ngày hưu
Chỉ nghề nội trợ không hưu làm hòai
Cũng không cả ho-li-day
Quanh năm suốt tháng ngày ngày như nhau
Nấu ăn giặt ủi chùi lau
Một ngày ngưng nghỉ biết bao là phiền
Ai người đứng bếp thay phiên
Ai lo cháu nhỏ, ai kiêm việc nhà
Nhiều lúc cũng muốn “kệ cha”(bỏ qua)
Tội cho cả đám “kệ bà”(lơ là) được đâu
Việc nhà mình chớ ai đâu
Tề gia nội trợ “ làm dâu” nghề nàng
Ngày nào nằm xuống mới cam
Còn đi còn đứng còn kham mọi bề
Cực thân chẳng quản chẳng nề
Cả nhà vui sướng thỏa thê lòng mình
Đêm về thế giới riêng mình
Thả hồn thơ thẩn đi tìm vần thơ
Còn đây một chút mộng mơ
Tìm trên trang mạng bạn thơ giải sầu
Cho vơi trầm cảm lo âu
Cho quên đời lắm bể dâu kiếp người

Người Phương Nam

Còn Gì! - Bạn Có Ta!


 Còn Gì! 

Ta có còn gì ở hôm nay
Ngoài hai cánh tay đã rã rời
Đôi chân bước mãi không mỏi mệt
Một kiếp nhân sinh kéo mảnh đời

Ta có còn gì ở ngày mai
Cánh cửa tương lai khép im lìm
Căn phòng phong kín vầng nhật, nguyệt
Một áo long bào thiếu chiếc ngai

Ta sẽ làm gì từ hôm nay
Hát khúc nhạc hay để đổi đời
Như con tuấn mã tìm đồng cỏ
Như cánh chim trời tìm chốn bay

Ta sẽ làm gì ở ngày mai
Đặt lại trên vai gánh cuộc đời
Tìm làn nắng ấm hơ hiu hắt
Để biết đoạn đường chẳng tàn phai

Ta sẽ đi tìm những nàng thơ
Ngồi nghĩ vu vơ viết chuyện tình
Tình người, tình bạn, tình thi hữu
Để trái tim còn những ước mơ

Ta sẽ như là một sân ga
Nhìn chuyến tàu qua người gặp người
Như mây lơ lững theo làn gió
Rung động trong hồn ta thấy ta

Đỗ Hữu Tài
24 - 4 - 2015
***
Bài Cảm Tác: Bạn Có Ta!


Bạn còn đó tất cả ngày nay
Những cánh tay nhân ái chẳng rời
Với trái tim tuyệt vời bạn hữu
Nương chung vai làm mới cuộc đời

Tầng trời thắp sáng ánh sao mai
Lóe sáng niềm tin yêu hy vọng
Hạnh phúc bừng lên từ vầng nguyệt
Thiết tha cầu phủ phục dưới ngai

Chúa ban tất cả phúc ngày nay
Trong tâm luôn có bóng dáng Ngài
Lối đi cùng xanh tươi thảm cỏ
Nhọc nhằn gian khó chấp cánh bay

Thế giới trước mắt ánh nắng mai
Được tự do vấn bước đường dài
Không đốt cháy trong cơn nắng hắt
Thiên đường sáng lạn chẳng nhòa phai

Nương tựa nhau không quảng ngại
Chia nhau vụng dại đẹp khối tình
Yêu thương gìn giữ khi hiện hữu
Đêm an lành ấp ủ giấc mơ

Vá lại vết hằn đời dang dỡ
Để nhân từ ươm nở tim người
Vang vọng tiếng cười lan đầu gió
Trần gian khốn khó bạn có ta.

Kim Oanh
25/4/2015

Bài Thơ Lá Rụng

 

Nhân trên đà hồi tưởng và được các bạn tán thưởng, các trang Web. bạn đăng bài thơ "THẮM THOÁT NĂM MƯƠI NĂM". Xin kính mời tất cả cùng đọc tiếp một bài thơ trường thiên nữa cũng tả lại một mối tình đầu của đời học sinh : BÀI THƠ LÁ RỤNG, đồng thời mời nghe luôn bản nhạc cùng tên do nhạc sĩ La Tuấn Dzũng phổ nhạc, ca sĩ Khánh Duy trình bày.

Bài Thơ Lá Rụng

Tặng 2 bạn Liêu Chương Cầu, Kha Huệ
Cựu học sinh Tân Triều CáiRăng

Ai đâu kéo lại được thời gian,
Dõi bóng mây xa tận cuối ngàn.
Góp lại muôn rừng cây lá rụng,
Cho lòng ấm lại mỗi thu sang...

Còn nhớ năm xưa em mười lăm,
Mỗi độ vào thu má ửng hồng.
Lay láy mắt huyền xa vắng quá.
Mỗi lần nhìn lá rụng bên song .(1)

Lá rụng! Cuốn vàng bay,
Lá rụng! Biết bao ngày.
Tim lòng nghe rạo rực.
Em hỡi, em có hay ?!

Ở một góc trường anh trộm ngắm,
Tóc thề ai xõa chấm ngang vai.
Amh cũng "thề" rằng, muôn kiếp nữa,
Lòng nầy vẫn tạc bóng hình ai.

Rồi như "Hà Nội băm sáu phường",
Lòng anh cũng "vướng một tơ vương".
Dẵm nát lối mòn qua trước ngõ,
Nhà em, "tơ" phủ kín mặt đường! (2)

Đến ngõ nhà em, vội trở về...
Trở về, lại muốn đến...làm chi?!
Mỗi lần không gặp nghe nhung nhớ,
Nhung nhớ dâng trào, lại bước đi!...

Lá rụng! tựa tình si,
Như lứa tuổi xuân thì.
Lớp lớp tràn muôn nẽo,
Nhuộm vàng khắp lối đi!

Tình si ấp ủ biết bao ngày,
Chấp vá tim lòng gởi tới ai.
Cả một trời yêu trong nét bút,
Mực mồng tơi tím, nhạt, không phai!

Mấy độ thư đi tuy bặt tăm,
Dường như cũng cảm "kiếp tơ tằm".
Mỗi lượt bên song nhìn lá rụng,
Gợn buồn, đôi mắt dõi... xa xăm!...

Lá rụng! Thấy lòng sao...
Lá rụng! Nhớ hôm nào,
Bên nàng tôi đếm bước,
Chợt thấy lòng nao nao!

Em trộm nhìn tôi khẽ mỉm cười,
Thẹn thùng cuối mặt tóc buông lơi.
Cả một trời tình như choáng ngợp,
Quay cuồng mặt đất... dưới chân tôi!

Từ đó, lòng tôi ngây ngất say,
Lâng lâng mơ ước chuyện ngày mai.
Đẹp sao lá rụng vàng muôn lối,
Đường vàng ta bước đến tương lai...

Lá rụng rạt rào phủ kín sân,
Ba gian nhà trống biết bao lần.
Phận nghèo, đi học trông chừng nắng,
Mơ ước ngày kia đậu "Cử Nhân"...(3)

Lá rụng! Những mơ màng,
Kiệu chàng son thếp đỏ.
Võng nàng theo sau đó...
Xào xạc tiếng lá vàng!...

Một hôm, thấp thỏm ngang qua ngõ
Khẩn khoản mời anh ghé lại nhà
Mẹ bảo:"Em nó còn bé lắm!
Buông tha xin hãy dứt nhau ra!"

Mẹ tưởng đâu anh lính "Mã tà" (4)
Bắt ai, mà bảo hãy buông tha ?!
Chẳng qua nói khéo vì chê phận
Anh nghèo, nên lắm nỗi xót xa!

Anh biết rằng em đẹp, em giàu,
Yêu em, anh xá kể chi đâu!
Thói tục hay "khinh bần trọng phú",
"Môn đăng hộ đối sử nhân sầu!" (5)

Lá rụng! Gió sầu trêu,
Lá rụng! Vấn vương nhiều.
Hết rồi, ba mùa lá,
Lòng tôi vẫn cô liêu!...

Ba năm mơ ước được gì đâu!
Một sớm thu sang lá đổi mầu,
Rộn ràng tiếng pháo vu quy tiễn,
Mỗi bước em đi, một khối sầu!

Xác pháo đỏ hồng vương khắp lối,
Vàng chen xác lá gợi muôn sầu.
Anh biết, em anh "còn bé lắm !"
Lấy chồng kham nổi phận làm dâu?!

Lá rụng! Gió tơi bời,
Giẫy chết lá vàng rơi,
Lòng anh nghe giá buốt
Mênh mông, Ôi, đơn côi!

Vườn cũ chiều hoang lá rụng rồi,
Bóng trăng chênh chếch, bóng trăng côi.
Người trong giấc mộng đâu còn nữa,
Chợt tỉnh ra rồi, chỉ thấy tôi!

Lá rụng! Cuốn vàng bay,
Lá rụng! Những ai hoài.
Đã năm mươi mùa lá,
Ai có nhớ tình ai?!!!

Giấc mộng tàn thu đã vỡ rồi,
Tơ lòng vương vấn mãi không thôi.
Năm mươi năm lẻ bao thay đổi,
Lã lướt trên cành, lá vẫn rơi!

Lá rụng! ...
Lá rụng!......
Lá rụng!..........
Chiếc lá cuối cùng sắp rụng rơi!

Đỗ Chiêu Đức
* Chú thích:

(1) Bên SONG là bên song cửa (cửa sổ)
(2) Nhại ý bài thơ " Hà Nội ba mươi sáu phố phường " của thi sĩ Nguyễn Bính:

Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Lòng chàng như có một tơ vương
Chàng qua chiều ấy, qua chiều khác
Góp lại đường đi, vạn dặm đường!

(3) "... đi học trông chừng nắng " . Nhà nghèo không có đồng hồ, Nên chỉ xem bóng nắng trước hiên nhà để đoán giờ mà đi học cho đừng bị trễ.

(4) Lính " Mã Tà " là Cảnh Sát thời Pháp thuộc, chuyên bắt người phạm pháp. Ở Mỹ hiện nay là " Phú Lít " (Police).
(5) " Khinh bần trọng phú " là khinh khi, coi rẻ người nghèo, và ân cần, kính trọng đối với người giàu.

" Môn đăng hộ đối " là Nhà cửa ngang bằng nhau, ý chỉ xứng hợp nhau về tài sản, gia thế, chứ không kể đến tình cảm con người.
"Môn đăng hộ đối sử nhân sầu" nhái ý câu thơ cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu "Yên ba giang thượng sử nhân sầu". Câu thơ có nghĩa : " Cái chuyện Môn đăng hộ đối làm cho người ta cảm thấy buồn lòng ! ".
Đỗ Chiêu Đức


Trở Về Mái Trường Xưa


Hôm nay là thứ ba 1/8/2023. Tôi chào tháng 8, chào ngày đầu tháng 8, tháng ‘’hè’’ của sinh viên, học sinh! Tháng ‘’hè’’ đúng nghĩa.

Hè năm nay, bãi trường bắt đầu từ thứ bảy 8/7, thứ hai 4/9 là (ngày) tựu trường. Nên tháng 8 mới đúng là tháng-bãi-trường, nguyên một tháng học trò không … học, không còn cô cậu nào ’hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp’’ (*)! Mà là một sớm ban mai, rộn ràng đẩy cổng bước ra với ‘’tình đã hẹn ở trên đường nắng mới’(*) . Mà là một chiều vàng thong thả công viên, mang ‘’tâm sự đi nói cùng cây cỏ’’ (*) hay một tối trăng khuya, lặng lẽ ban-công, ngồi trong đêm thơm, ‘’thơm như một dòng sữa‘’, nghe dòng đời êm ả lặng lờ trôi.

Đó là tôi, tôi ở tỉnh nhỏ, tôi của ngày xưa vừa ‘’nhớn’’. Cậu thiếu niên 15, 16 tuổi, vô tư và mơ mộng, ‘’yêu đời và yêu người’’ (dù chưa có ‘’người yêu’’!). Những năm đầu thập niên 70s đó, đời sống sao mà hiền hòa, sao mà ''trong sáng'' , dẫu chiến tranh đang leo thang : hành quân diệt địch ở Cam Bốt (1970), chiến dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào (1971) và lên cực điểm với ‘’mùa hè đỏ lửa’’ 72! Nhớ lại như thế để cám ơn, để mãi nhớ ơn người Lính miền Nam. Không có các anh, tôi đã không có được những ngày thiếu niên thanh bình, hạnh phúc đó! Xin ‘’viết tên người trong trái tim tôi’’!

Không biết khi nào thì có những‘’lớp hè’’ nhưng trong những ngày hè (đầu thập niên 40s?) của cậu thiếu niên (nhà văn) Mai Thảo (1927-1998), bố mẹ ông đã mướn một sinh viên từ Hà Nội xuống Nam Định, ăn ở nhà ông, để dạy các anh em ông học-hè. Các anh chị quá lớn thì tôi không nhớ, chỉ nhớ vài ba anh chị trên tôi, và tôi, chúng tôi đều đi học-hè. Bắt đầu từ đệ lục, đệ ngũ : học Toán, đến đệ tam, học thêm Lý Hóa. Chúng tôi đi học-hè vì thích chứ thầy mẹ tôi không ép đứa nào cả. Khác với ông Thanh Sơn ‘’mỗi năm đến hè lòng man mác buồn’’, tôi thì ‘’mỗi năm đến hè lòng vui .. thấy mồ’’ ! Bởi vì, tuy nghĩ hè, nhưng mình vẫn gặp bạn (học-hè), vẫn tranh nhau ‘’đứa nào giải toán trước’’, vẫn rủ nhau đạp xe vòng quanh tỉnh nhỏ, đã thế không cần phải tứ thời ‘’quần xanh, áo trắng’’, muốn mặc gì thì mặc, mà không bị cấm túc !

‘’Học-hè’’, thú nhất, là vừa học, vừa chơi!

Mùa hè ở đây, buồn nhất là khi qua những ngôi trường ! Mà không chỉ ở đây, ở đâu thì cũng vậy. Không còn cái không khí rộn rã, sinh động thường nhật (trừ cuối tuần), thay vào đó là sự lặng im, trống vắng đến rợn người ! Trống từ lớp học trống ra sân trường ! Vắng từ mái ngói vắng xuống hàng hiên. Tôi đã có rất nhiều lần buồn như thế nhưng buồn nhất, phải là lần trở lại tỉnh lỵ năm xưa trong mấy ngày hè năm 1976 !

Cuối trung học, tôi lên Sài Gòn, bỏ lại sau lưng ‘’trường xưa, bạn cũ’’, vài năm sau, thầy mẹ tôi cũng dọn nhà lên sống với các con. Sau một năm đại học gián đoạn bởi…’’hòa bình’’, hè 76, khi 2 đứa thi đỗ, thằng bạn nối khố chung trường, khác khoa, mời tôi về lại quê xưa, ở nhà bạn (hai gia đình chúng tôi rất thân) chơi vài ngày. Tôi rất lấy làm hoan hỉ tuy cũng hơi ''quợn'' vì ‘’ về đó, rủi tụi nó bắt … Cậu thì mầy làm sao?’’, bạn tôi cười: ‘’ hổng có sao đâu, mày có giấy tờ đàng hoàng mà’’. Để yên tâm, tôi xin bạn tôi cho thêm một thằng bạn (của tôi) ‘’đi hè’’ chung, tay này đô con,‘’ai muốn bắt tôi thì phải bước qua xác chết của nó’’. Chúng tôi đi xe đò. Lâu quá, tôi mới có dịp đi xe đò, ruộng lúa xanh tươi ngày xưa , bây giờ ủ ê vàng vọt ! Đây là lần đầu tôi ‘’trở về mái nhà xưa’’ sau mấy năm đi biệt. Một buổi trưa, bạn tôi và tôi, hai đứa lang thang qua những ‘’con đường mộng hoa xưa’’, tôi ngậm ngùi nhìn lại căn nhà cũ, ngậm ngùi ngó lại phố hàng xưa. ‘’Ruộng dâu’’ chưa biến thành ‘’biển xanh’’ nhưng đã tang thương quá đỗi ! Mới hơn một năm ‘’giải phóng’’ mà đã tơi tả thế này ! Mặt người như mặt đường : lạnh lùng, tăm tối ! Mặt đường như mặt người : khô khốc, thê lương !

Và cuối cùng, chúng tôi, tôi, cũng đi thăm lại trường xưa. Bạn tôi thì đã quen nhưng tôi: không thấy thì thôi, thấy rồi, chỉ thêm bùi ngùi, buồn bã! Ngôi trường yêu dấu của tôi, trong những ngày hè 76 ấy, trông như một .. nghĩa trang đìu hiu, quạnh quẽ! Người buồn, cảnh lại buồn hơn buồn người!

‘’Những thầy cô năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ''?

Vài ngày sau, chúng tôi quay lại Sài Gòn. Tối đó, ở nhà mình, tôi chép lại bài thơ ghi trên bao thuốc lá, qua 250 cây số xe – đò:


Trở về mái trường xưa

· Cùng N.P.H

Có còn gì không, khi anh trở về?
Nắng vàng hơn một nửa đường xe
Bóng cây vắng bóng chiều trong đó
Gió lốc mù khơi, bụi tứ bề!

Anh lạnh bàn chân thăm phố xưa
Nhớ từng kỷ niệm của ngày thơ
Đâu rồi tiếng nói cười quen thuộc
Hay đã chôn theo với lá cờ ?!!!

Anh qua trường cũ lòng im hơi
Mùa chửa về nhưng lá đã rơi
Nhện thả tơ giăng đầy lớp học
Buồn như cung điện đế đô Hời!
………………………………
Chẳng còn gì đâu khi anh trở về!
Nên dài thêm mấy đoạn đường xe
Anh mời bạn kéo vài hơi thuốc
Khói ấm hai đồng hương cố tri

Tháng 8 / 1976

BP
01/08/2023
(*) thơ Đinh Hùng


Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Ca Khúc Tôi Không Là- Thơ Lê Tuấn - Nhạc Phạm Đức Huyến - Ca Sĩ Minh Khoa


Thơ: Lê Tuấn
Nhạc: Phạm Đức Huyến
Ca Sĩ: Minh Khoa 

Dòng Sông Cũ

 

Một sớm mai về lại Vĩnh Long
Tiền Giang con nước ngược xuôi dòng
Hồn xưa sống lại bừng tơ tưởng
Lối cũ tìm về thỏa ước mong
Đêm đến trầm tư nghe sóng vỗ
Rạng ngày thơ thẩn thả chân rong
Thuyền hồn neo bến chờ chờ mãi
Lữ khách trở hài mỏi mỏi trông

Kim Phượng


Mẹ Qua Đời(1974)

 

Buồn đâu ngập cả không gian

Môi miệng run run lệ ngập tràn

Vũ trụ xoay vần trong đêm tối

Con người lây lất cảnh thế gian

Mẹ hỡi ôm nguồn vào lòng đất

Con ngồi nhặt lệ đếm chiều sang

Mây ơi có biết lòng chăng tá

Theo gió trôi đi giấc mộng vàng


Tô Đình Đài

Ức Trai Nguyễn Trãi(1380–1442)

  

Lũng Nhai huyết thệ cứu non sông
Son sắt phò vua trải tấm lòng
Tam lược dụng mưu bàn chính xác
Lục thao hiến kế luận cao thông
Quân Trung Từ Mệnh chiêu hàng địch
Đại Cáo Bình Ngô báo đại công
Oan án Lệ Chi rừng rũ lá
Tru di tam tộc nước sông hồng

Nguyễn Minh Thanh 



Chị Dâu Tôi & Khóc Anh Tôi

 

Chị Dâu Tôi

Chị dâu tôi sớm mất mẹ
Cha gả chồng xa quạnh quẽ đơn côi
Quê hương hun hút núi đồi
Chồng chưa quen trước dễ hời hợt nhau
Láng giềng cũng chẳng hơn nào
Cuộc vui kém mặn, lời chào xã giao
Mẹ tôi dù quý nàng dâu
Sao bằng mẹ ruột dãi dầu với con
Nhưng rồi với tấm lòng son
Chị tôi chinh phục tình thương cả nhà
Tôi yêu kính chị hiền hoà
Mê ăn cá muối, cơm gà chị cho
Chị tôi quảng đại vô bờ
Ngồi nghe tâm sự hàng giờ của tôi
Hôm nay chị đã lên trời
Lệ thương em nhỏ mừng người chị yêu.

Cao Minh Nguyệt

Las Vegas
Tháng 5, năm 2023.
***
 

Khóc Anh Tôi

Hồi em mới bảy tuổi
Anh đã mười ba rồi
Em kế còn bé quá
Hai đứa chửa ra đời

Má hiền hòa ít nói
Ba hay tiết kiệm lời
Em chỉ anh là bạn
Ra vào có anh vui

Anh bắn chim suốt chiều
Về nướng xả, muối, tiêu
Chia cho em nhiều quá
Phần anh chẳng bao nhiêu

Em gây sự láng giềng
Ba phạt quỳ liên miên
Anh bảo,”Em ngu thế
Quỳ chi nhà vắng im”

Khi em chớm yêu đầu
Suốt ngày cần chị dâu
Nghe thơ tình em đọc
Anh chẳng ngại bao lâu

Ngày em học ra trường
Cũng vẫn bấy tình thương
Giữa em và anh cả
Dù xa cách trùng dương

Còn bao kỷ niệm nữa
Khơi biết mấy cho vừa
Ngày xa xưa quá ngọt
Lệ sung sướng hay mưa?

Anh tuổi già xế bóng
Các con cháu ẵm bồng
Vui phụng dưỡng mẹ cha
Tha hương vẫn ấm lòng

Giờ anh đã quy tiên
Rũ sạch mọi ưu phiền
Con trơ em ở lại
Nhớ mãi người anh hiền.

Cao Minh Nguyệt
Las Vegas
Tháng 6 năm 2023

Lạc Tình...

 


Biết yêu sẽ nợ cứ vay
Thế nên nặng gánh ngày nay mãi còn
Xa xôi vạn nẻo lên non
Xuống sông tìm kiếm lê mòn bốn phương

Ngày xưa không nợ không vương
Giờ đâu thương nhớ tơ vương ngập lòng
Chiều tàn ngồi ngẩn chờ mong
Hỡi người còn nhớ còn trông còn tìm

Tình xưa không nhớ vẫn in
Hồn thơ mộng ảo con tim sắc màu
Tình như cánh gió về đâu
Cho ta gửi trả nợ sau cuộc tình...


Tuyết Phan 
29-07-2023
Belgique một ngày mưa Hạ buồn

Bãi Trường Hoa Bướm Xót Xa

 

Run tay lưu bút xót xa
Bãi trường thương bướm nhớ hoa phượng hồng
Tóc tiên dài áo trắng trong
Lưng ong sóng mắt xanh đồng ca dao

Vòng tay chưa ấm chiêm bao
Gót sen má thắm môi đào đường thi
Ân tình chữ nghĩa cây si
Hình như bóng gió xuân thì ngây thơ

Cho người dưng mộng môi khờ
Cho hoa mưa bướm nắng chờ hoài hương
Vẫy tay tạm biệt đoạn trường
Chết lên chết xuống thiên đường tình ơi

Dặn dò hò hẹn hụt hơi
Ôn bài chữ nhớ nghìn đời chữ thương
Chung hồn vảo mộng văn chương
Tương lai no ấm lửa hương thơm lành

Tóc mây xanh tầm xuân xanh
Chim khôn liền cánh liền cành cây si
Về quê lén gặp hẹn kỳ
Tình thư trong sách kinh thi học trò...

MD.06/19/23
LuânTâm

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa - Nhạc Sĩ: Tô Vũ - Ca Sĩ:Phạm Cao Tùng


Nhạc Sĩ: Tô Vũ
Ca Sĩ:Phạm Cao Tùng

Mưa Hạ

 

Năm tháng qua rồi vẫn mãi trông
Mỗi lần mưa hạ xót xa lòng
Đã từng thắm thiết vui âu yếm
Sao nỡ quên đi để lấy chồng.

Mưa hạ làm rơi rụng cánh hồng
Phượng buồn lả tả rớt ven sông
Sao ta cứ giữ tình yêu cũ
Nhung nhớ tràn dâng ngập cả lòng

Em đã quên rồi ta vẫn đây
Mỗi năm mưa hạ phủ giăng đầy
Nhìn mây xám nhớ tình nhân phụ
Quấn quýt bao mùa lại đổi thay

Quên Đi

Chuyện Tình



Trăm năm đợi,
Trăm năm chờ 
Trăm năm nhớ 
Trăm năm thương 
Trăm năm vương vấn với tình 
Trăm năm ôm kỷ niệm mình vào thơ 
Trăm năm dệt mộng vương tơ
Trăm năm ai đã hững hờ cùng ai?
Trăm năm một giấc mơ dài 
Trăm năm thôi cũng đành hai nẻo đường 
Trăm năm tan vỡ yêu đương 
Trăm năm ngăn cách sông tương đôi bờ.

Nguyễn Thành Tài

***

 Nỗi Lòng

Dáng Hoa như ẩn dáng Người
Nụ Hoa như ẩn nụ cười trong mơ.

(Nhà văn Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam)

Xin trả màu xanh cho ước vọng
Vì không còn biết nhớ nhung ai
Xin đem màu trắng làm hoa trắng
Kết lại thành thơ tặng một Người.

CTC.