Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Tô Văn Đon


Kim Phượng vô cùng xúc động và thương tiếc khi nhận được tin buồn:

Anh Tô Văn Đon 
Pháp danh Đức Ngộ

Cựu Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long vừa mệnh chung lúc 18 giờ 30 phút, ngày 28 tháng 4 năm 2017
Nhằm ngày mùng 3 tháng 4 năm Đinh Dậu 
tại Thành Phố Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp
Hưởng thọ 74 tuổi
Kim Phượng chân thành phân ưu, đồng hành cùng nỗi mất mát lớn lao của chị Tô Văn Đon và Tang quyến
Nguyện cầu Hương Linh anh Tô Văn Đon sớm tiêu diêu cõi Vĩnh Hằng.

Thành Kính Phân Ưu
Lê Thị Kim Phượng
( Cựu Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long)

Thơ Tranh: Hoa Sắc Máu


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Bóng Cổ Thi



Dõi mắt trông vời cánh hạc di
Ngàn năm sau có nhớ nhung gì?
Lầu hoang chết điếng trăng mòn chóe
Sông lạnh mơ màng nước biến đi
Khói sóng hoàng hôn buồn lữ thứ
Chạnh lòng cô lữ nặng sầu bi
Đưa tay hái lấy yêu vào nhớ
Hồn chữ chợt về bóng cổ thi

Bằng Bùi Nguyên

Nói Với Ngày Này


Tháng tư năm ấy mưa tầm tả
Cỏ cây nghiêng ngã dáng eo xèo
Hoa mới nở tơi bời vật vã
Tình vừa thơm gió cuốn bay vèo.

Mắt héo hắt nhìn từng chiếc lá
Màu đang xanh vội vã thay màu
Theo nước chảy trôi ra biển cả
Tơi tả về đâu? Chìm đáy sâu?

Éo le cuộc sống theo ngày tháng
Mùa Xuân sao lại đổ mưa Ngâu
Đất trời cũng khổ sầu ngao ngán
Nước non sao vẫn thấm đòn đau?

Nuôi niềm tin dạt dào lai láng
Nắng mưa chan chứa giọt yêu thương
Để núi sông tương lai xán lạn
Vinh quang hạnh phúc mãi miên trường!

Anh Tú
April 27, 2012

Tứ Tuyệt Tháng Tư



Lữ Thứ
Bao thu vời vợi nỗi hàn ôn
Xao xác thời gian vó dập dồn
Đất khách hồn quê sầu lử thứ
Chuông chiều se sắt mỗi hoàng hôn!

Quán đêm
Trăng tà lả lả bóng thùy dương
Quan vắng đêm thâu lạnh hải đường.
Tiếng sáo thuyền sông ngơ ngẩn khách
Người về quạnh quẽ nước trời sương 

Xuân muộn
Vườn xuân hương thoảng gió lao xao
Nhảy múa trên hoa nắng đổi màu.
Hoa bướm cợt cười khoe sắc thắm
Mơ màng thiếu nữ mắt buồn sao .

Vô Thường
Đã biết lẽ vô thường
Mà khôn cầm tiếc thương.
Thời gian làm bạc tóc,
Hiu hắt bóng tà dương.

Chiều
Bỗng nhiên buồn vơ vẩn
Cây cỏ chiều hắt hiu.
Hương pha trà độc ẩm
Lạnh lẽo tiếng chim chiều.

Đường Về
Hồi chuông xé không gian
Xao xuyến bỗng ngập tràn.
Đường về ngày một ngắn
Sương khói chiều mênh mang 

Mộng Về
Ôm lòng mãi mộng về
Bên trời khách ủ ê.
Vườn xưa đà đổi chủ,
Xa lạ mảnh tình quê.

Đêm
Rỉ ran dế oán trách
Song lạnh gió ri rào.
Bên đèn vài trang sách
Mới nằm đã chiêm bao.

Mailoc
4-26-17
( Cảm xúc tháng Tư – 2017 )

Phảng Phất


Đã gần hết Tháng Tư. Bầu trời Miền Đông vẫn còn xám xịt, mưa lai rai kéo cái lạnh chạy dài từ Đông vào Xuân. Cây trong rừng muốn thay lá mà nắng chưa đủ độ hồng. Mầm lá xanh còn e ấp chưa chịu tỏa cánh xanh rờn. Vườn nhà, mấy khóm hoa tulip cố nhoi lên để khoe màu, mặc nắng mưa. Tội những cọng cây yếu hơn mùa trước vì thiếu nắng, cành lá cố xòe ra gợi ánh mắt người, chờ nụ cười của hôm nay và ngày mai.

Tiếng cười chưa khẩy lên trong không gian vắng lặng bên ngoài. Tôi đi tìm hương quá khứ trên những trang sách báo cũ tiếc hoài chưa chịu vất đi, sợ khối chữ nghĩa ân tình trở thành bụi thời gian. Có thể đó là sự đồng cảm với một người bạn văn: Mỗi lần dọn nhà, thấy sách báo mà thương, vất đi cũng nhẹ phần khuân vác, nhưng sợ lòng mình man mác những ưu tư! Sách báo in nhiều cũng tội cho rừng vơi màu xanh của lá, nước lũ vượt nguồn xoáy vỡ đất quê!

Còn bao năm nữa ta mài mực
viết phóng lên trời những dấu than!

Đỡ tốn mực và tốn giấy, thì viết phóng lên trời chắc cũng vui dẫu chỉ là những dấu chấm than!! Tiếc là cứ loay hoay mãi với việc người, việc ta mà khất lần những bữa viết. Hoặc cảm thấy đã viết đủ điều nên viết, viết thêm chưa chắc đã khá hơn với dòng nghĩ vốn đã trầm cảm.

Nhặt tờ Phố Văn số 44 - tháng 10/2004, với chủ đề "Thu Nói Với Người", chợt thấy mênh mông đời của mộng, cho dẫu muốn "Gọi Điêu Tàn Thức Dậy".

Mộng dằng dặc, mộng nặng đầy
kéo hồn trầm ý, đè gầy lời tâm!

Bật ra được hai câu thấm dòng hoang ngữ giữa chiều vơi, lại thấy nôn nao viết điều gì đó cho ta giữa khoảnh thời gian gác bút niệm đời!
Ấy vậy mà vừa đọc lời Trần Doãn Nho giới thiệu tập truyện của Lâm Chương: "Tôi để ý, càng ngày, Lâm Chương càng viết ngắn đi... càng ngày anh càng kiệm lời hơn". Ngẫm mà hay! Sự kiệm lời của một nhà văn chuẩn mực là muốn nâng niu từng hạt chữ cho nghĩa tỏa hương thơm. Thấy mà ham.

Tôi cũng muốn: Thử xem một tháng thơ không viết / Chữ nghĩa dư ra được bao nhiêu. Nín viết, kiệm lời thế mà mấy tháng qua, chữ dư ra không đủ lấp kín cái dấu hỏi em quăng vào mailbox của tôi: Sao im lặng thế?
Giữa thời tress lây lan cùng khắp mặt địa cầu do tiếng vỡ của những đồng tiền rơi vào hố thẳm! Sự im lặng của chữ đồng nghĩa với sự khuất bóng của một nhân sinh. Và em thảng thốt nhìn khung trời vắng bóng chân thơ! Dẫu đã có lần báo trước:

Mai anh cùng chữ ẩn cư
Rảnh, mời em ghé cội từ thăm anh.

Vậy mà vẫn sợ đóa hồng em chờ đặt vào đúng chỗ, hoặc tôi như chưa từng có mặt trong đời! Mà tôi thì vẫn muốn mình hiện hữu dầu chỉ là phảng phất:

Chẳng thế, thời xưa buồn mất nẻo
bờ bến hồng hoang tự thuở nào
bia đá rêu xanh lời đáy mộ
đời lạnh mùa thương những khát khao!
Trăng đã vì đêm bàng bạc sáng
sao người không vì núi thẳm xanh!

Hôm nay viết chừng ấy, để em biết anh còn có mặt, dấu chân thơ còn trên lối xanh của một thảo nguyên xưa!

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Thơ Tranh: Hồn Đêm


Thơ: Mailoc
Thơ Tranh: Kim Oanh 



Cánh Hồng Trong Đời



Tôi ngồi thật im lặng
Thật tỉnh trong đêm vắng
Để nghe giọt lệ lòng
Thương về cánh hồng mỏng

Gió đâu rất phủ phàng
Dù làn nhẹ phớt ngang
Không thể là hữu thường
Nói chi một cánh hổng

Chỉ có trong tâm hồn
Chẳng hệ lụy tư tưởng
Mới gọi là tri âm
Một cánh hồng vô thường

Một cánh hồng băng trinh
Hương thắm cõi vô hình
Tâm hồn người là tiên
Ngự trị ở xác trần

Bỗng thấy mình hạt cát
Tiếng thời gian xô xát
Nằm giữa khoảng bơ vơ
Cũng mang niềm xót xa

Một hạt cát trong đời
Đã biến vào trong thơ
Mang nỗi lòng tri kỹ
Gửi về nơi xa xôi

Hải Rừng
10/4/2011

Nỗi Buồn Xa Xứ



Chiều đi chầm chậm trên mây
Ánh vàng lơ lững hàng cây ngậm ngùi
Nhớ về làng cũ xa xôi
Ôi quê hương ấy muôn đời tôi yêu
Chiều đi, chiều lại kêu chiều
Tiếng chim bìm bịp mang nhiều nhớ thương
Lối xưa tìm đến sân trường
Cây me, quán nhỏ, con đường ven sông
Ra đi canh cánh bên lòng
Nỗi buồn xa xứ, đôi dòng tâm tư.

Biện Công Danh
24/3/17

Như Khói Đông Phai - Thơ Hồng Thúy - Thực Hiện Quýdenver


Thơ: Hồng Thúy 
Saxo: Trần Mạnh Tuấn
Thực Hiện Quýdenver

Hư Ảo - Bèo Bọt



Hư Ảo

Em hỏi anh rằng mây biến đâu?
Vì sao hoa thắm chóng phai màu?
Dòng sông hà cớ trôi biền biệt?
Cơn gió không dưng thổi xạc xào?
Ai khiến ngày đêm luôn hoán đổi?
Ai xui sóng biển mãi xô trào?
Phải chăng tất cả đều hư ảo
Ngay cả con người cũng khác đâu!

Sông Thu
***
Các Bài họa:


Bèo Bọt


Hoa trôi, bèo dạt, biết về đâu?
Rày đó, mai đây, khó vẹn màu
Nước lớn trồi lên chừng lặng lẽ
Nước ròng hạ xuống ngỡ lào xào
Nghĩ thân lận đận, lòng ngao ngán
Xót phận lênh đênh, lệ đổ trào
Lại vướng tình ai, ai có thấu ?
Thôi đừng hờn trách, chẳng gì đâu

Thục Nguyên
***
Người Đâu?


Nhủ thầm nào phải lỗi mình đâu?
Biền biệt tăm hơi... ảnh ố màu!
Mấy bữa trông nàng, mưa lất phất
Nhiều hôm nhớ bậu, gió lào xào
Bồi hồi tấc dạ dường tim vỡ
Khắc khoải từng đêm tựa sóng trào
Thoang thoảng nồng hương vùi gối chiếc
Trăng già nheo mắt hỏi người đâu ?

Như Thu
***
Chợt Hiểu


Ta thường tự hỏi bởi vì đâu
Chẳng nhuộm hà chi tóc bạc màu?
Nước hết nhờ sông còn thốc thả?
Cây thôi cậy gió có xì xào?
Nhiều vui, dạ há như kim chích?
Ít động, lòng sao tựa sóng trào?
Chợt hiểu muôn điều cùng bản sự
Nên đành nín lặng nghĩ gì đâu.

Nguyễn Gia Khanh
***
Đều Là Quy Luật


Đều là quy luật lạ chi đâu
Có thắm nên phai đổi sắc màu
Dòng cuốn chảy trôi sông tụ biển
Gió cuồng lạnh nóng khí quay xào
Đông về giá lạnh mầm nôn ủ
Xuân tới ấm êm lộc biếc trào
Xoay chuyển bánh xe vòng chuyển mãi
Đều là quy luật có chi đâu

Trần Lệ Khánh
 12-4-2017
***
Hỏi


Hương nồng buổi trước hỏi còn đâu ?
Trỗi phía tầng cao vẹt đỏ màu ?
Đỉnh núi sương giầm, hoa rã rượi
Lòng sông lũ cuốn ,gió xì xào
Người đi mỗi bước ngàn thông khuất
Kẻ ở từng đêm suối lệ trào
Nước đục cò thêm mùa phởn chí !
Vai gầy, gánh nặng, biết về đâu ?

12 - 4 - 2017
Phạm Duy Lương
***
Tự Hỏi


Nhìn sông tự hỏi sóng về đâu?
Chiếc lá xanh non lại úa màu?
Thu gió mà răng lời vút vít?
Đông mưa cứ rứa tiếng lào xào?
Vàng mai chi lẽ trời xuân thắm?
Đỏ phượng vì mô lửa hạ trào?
Tôi hỡi, diệt sình điều kiện hóa
Cho lòng bám víu chẳng nơi đâu!

Lý Đức Quỳnh
***
Tình Nhớ


Giờ này anh ở tận nơi đâu
Tấm áo phong sương có nhạt màu
Nắng tắt đàn chim bay léo nhéo
Gió rung cây lá rớt lào xào
Nào quên phố cũ lòng chan chứa
Nhớ mãi đường xưa lệ ứa trào
Lay lắt người đi qua nỗi nhớ
Tình đành ly biệt có ngờ đâu

Minh Thuý
***
Về Đâu Nỗi Nhớ


Hẹn rồi cứ đến có sao đâu
Sá kể môi son đã nhạt màu
Vẫn tựa rượu ngon tài cất nấu
Dường như món ngậy giỏi chiên xào
Người say, buông nón tình xe xắt
Ta cảm, cầm tay ý cuộn trào
Trống hội xa dần mơ giải yếm
Chòng chành nỗi nhớ biết về đâu.

Phan Tự Trí

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Thơ Tranh: Tà Dương Tịch Chiếu


Thơ: Đỗ Chiêu Đức
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Hè Của Tôi Đâu


Rồi một sớm trường im tiếng trống
Dãy Huỳnh Đàn ngả bóng trên sân
Ngày xanh ơi khuất xa dần
Vàng son cái thuở tình nhân ngọt ngào

Vội khoảnh khắc buốt đau cay đắng
Mái trường xưa hoa nắng hẹn hò
Đâu giờ trốn học âu lo
Xếp vào ký ức học trò chưa vơi

Câu tình cũ cõi đời vô vọng
Lối thiên đàng lắm mộng tàn phai
Như sương như khói hình hài
Giữ trong mắt lệ bóng ai nghìn trùng

Kim Phượng

Tháng Tư Buồn



Tháng tư rồi sẽ trôi qua
Nỗi buồn ủ dột như là tiếc thương!
Phấn hoa rơi khắp lối đường
Tiễn đưa đám xác đau buồn bạn ơi!
Cảnh tình nhức nhối chơi vơi
Bên kia thế giới gọi mời ta sang
Vòng tay âu yếm mơ màng
Cố hương đành đoạn giữa đàng lênh đênh
Chân trời góc biển không tên
Những chiều mưa rớt lãng quên phân kỳ
Thân già quạnh quẽ ra chi
Buổi xưa êm ấm, còn gì nữa đâu
Cố nhân ơi suốt canh thâu
Thất cơ tủi phận cúi đầu lệ rơi
Nụ cười chua chát nghỉ ngơi
Vòm trời kỷ niệm xa khơi lẹ làng
Nguyện cầu quê quán bình an
Quê hương yêu dấu xóm làng yên vui!


Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 04 năm 2017

Trả Lại Thoáng Mây Bay - Hoàng Thanh Tâm - Vũ Khanh


Sáng Tác: Hoàng Thanh Tâm
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Hư Ảo - Duyên Sinh



Hư Ảo

Em hỏi anh rằng mây biến đâu?
Vì sao hoa thắm chóng phai màu?
Dòng sông hà cớ trôi biền biệt?
Cơn gió không dưng thổi xạc xào?
Ai khiến ngày đêm luôn hoán đổi?
Ai xui sóng biển mãi xô trào?
Phải chăng tất cả đều hư ảo
Ngay cả con người cũng khác đâu!

Sông Thu
***
Các Bài họa:

***
Duyên Sinh


Mây bay lẳng lặng biến về đâu?
Hoa thắm tàn phai lại đổi màu?
Dòng nước êm đềm trôi bất định?
Hàng cây im bóng động lào xào?
Mùa đông gió rít luôn se lạnh?
Biển cả sóng gầm mãi vượt trào?
Vạn pháp duyên sinh, rồi hoại diệt
Xin đừng lưu luyến, chẳng bền đâu.

Chánh Minh
11/4/2017
***
Em Cũng Là

Từ sáng qua chiều cưng ngự đâu?
Cưới qua thập tuế tóc thêm màu?
Chẳng rơi chẳng ném đau li vỡ?
Không nấu không ăn hận giá xào?
Đông đến đêm đơn hồn có buốt?
Hè về nắng kép vía chi trào?
Em ơi , em cũng là hư ảo
Anh biết nhưng nào dám nói đâu! 

Trần Như Tùng
***
Duyên Trời Khó Định


Người đi chửa lại hỏi vì đâu?!
Để tóc xanh . . nay đã nhuộm màu! 
Pháo đỏ ngày xưa . . kêu lẹt đẹt!
Người thân bạn cũ . . tiếng xì xào
Gió yên bởi tại cơn mưa tạnh
Biển động nên chăng bọt sóng trào
Cứ nghĩ duyên trời sao khó định!
Thôi thì . . phó mặc có chi đâu!

Phạm Kim Lợi
***
Phù Du

Đời luôn thay đổi lạ chi đâu…
Như sắc thời gian vẫn đổi màu
Mây đó lúc xanh, khi rát rạt
Biển kia bữa sóng, buổi xì xào
Lửa tình những tưởng rằng thiêu cháy
Mối hận nào hay sẽ bủa trào
Đừng hỏi vì sao phù ảo thế
Trần gian gì mãi vững bền đâu!

Cao Bồi Già
12-04-2017
***
Như Giấc Mộng

Người tình biền biệt ở nơi đâu?
Tóc chấm ngang vai có đổi màu?
Lối cũ lá vàng còn lả tả?
Vườn xưa ngọn gió vẫn lào xào!
Duyên hồng trắc trở hơn ghềnh thác
Phận bạc trầm luân tựa sóng trào.
Đã biết đời người như giấc mộng
Mà sao tim nhói… hỏi vì đâu?

Huy Phương
***
Mộng Ảo


Hởi người siêu bạt đến nơi đâu?
Để lại chăn đơn đã bạc màu
Lúc trước đi xa không giả biệt
Để nay im lặng chẳng xì xào
Tâm can kẻ đó quên tình cũ
Tư tưởng người ta nhớ nghĩa trào
Mọi thứ in sâu trong mộng ảo
Tâm hồn khắc dấu trái tim đau! 

Hồ Hắc Hải
11-04-017
***
Ảo Ảnh


Làm sao biết được mây về đâu,
Hoa thắm không tươi mãi đượm màu?
Suối nhỏ sông to trôi mất biệt,
Rừng thưa gió thốc thổi lào xào.
Mùa đông buốt giá, chuyện thuần lý, 
Biển rộng mênh mông, sóng ngợp trào.
Xem thế nhưng toàn là ảo ảnh
Đời người cũng vậy khác chi đâu!

Trịnh Cơ (Paris)
***
Tình Buồn!

Cũng đừng hờn trách tại vì đâu
Tóc nhớ thương ai sớm bạc màu
Nguyệt đợi nơi đây hồn nguyệt vỡ
Đêm chờ chốn ấy tiếng đêm xào
Men say chếch choáng lời yêu gọi
Mộng ủ lâng lâng giọt lệ trào
Một cuộc trăm năm chừng lỗi hẹn
Mưa buồn hẳn thấm ngọn sầu đâu!

Thy Lệ Trang
***
Tà Áo Trắng Bay


Bây giờ áo trắng dạt về đâu
Xa thủa hoa niên đủ sắc mầu
Phượng đỏ còn đây người vắng vẻ
Trường xưa vẫn đó gió lào xào
Thời gian ruỗng tỉa bờ đê lún
Ngày tháng trôi đưa ngọn sóng trào
Lưu luyến một trời thơ gió lộng
Mây bay phơ phất ẩn tà đâu?
.
Thanh Hoà
***
Sắc Không

Mây trốn phương nào anh biết đâu
Hoa kia không thắm bởi sai màu
Đất chênh nghiêng ngửa sông trôi chảy
Nhờ lá đưa duyên gió nổi xào
Thái cực đêm ngày luôn chuyển đổi
Trăng treo sóng biển mới dâng trào
Vô thường vạn vật đều không sắc
Yêu dấu, tình anh có dối đâu!!!

Lộc Bắc
Avril17
***
Tạo Hóa

Ơ làn gió hỡi đến từ đâu?
Giục cánh hồng nhung sớm đổi màu
Nhụy tím bơ phờ mưa giật quất
Tàn xanh quạnh quẽ nắng nung xào
Vờn quanh cánh bướm dồn tâm bỏng
Rọi tới vầng dương buốt lệ trào
Tạo hóa sao đành đua giỡn vậy
Muôn ngàn thức cỏ biết là đâu?

29 - 4 - 2017

Phạm Duy Lương


Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Tiếc Nuối Chưa Quên


Sông khuya không một bóng người
Mà sao có chiếc thuyền trôi lững lờ
Hàng bần đom đóm vật vờ
Bến sông gợi chút bơ phờ trúc mai.

Đêm buồn trăng dấu trên mây
Bước đi lạnh buốt vai gầy phiêu du
Vẳng nghe ai oán lời ru
Làm sao níu lại biệt mù thời gian.

Ngõ hồn trăm mối ngổn ngang
Đường về quá khứ thênh thang khói chiều
Đêm nay sương xuống hơi nhiều
Vành trăng ai xẻ hạt điều một bên.

Tháng Tư nỗi nhớ không tên
Lặng thầm tiếc nuối chưa quên năm nào…

Dương hồng Thủy

Xa Xứ



nhớ nhà không cần châm điếu thuốc
mà cắn vào cánh lá quế thơm
vị ngây ngây đầu lưỡi - quê hương

Trần Hoài Thư

Trại Hòm Từ Thiện


Bài Xướng: Trại Hòm Từ Thiện

Dụng công lập đức luyện tinh thần
Gỗ tạp làm hòm thí giúp dân
Còng đẹp, vân nhiều: hông bửng nắp
Xoài mềm, đinh dở: liệt lèo chân
Cưa khiêng chuyển vận nhờ trai tráng
Đóng ghép chà sơn để lão nhân
Thọ thực ngọ thời cơm Thánh Thất
Theo đường đạo nghĩa nhẫn tu thân.

Cao Linh Tử
18/3/2017
***
Các Bài Họa: Trại Hòm  


Thể phách tinh anh Phật Thánh Thần
Lập công bồi đức giúp cho dân
Đóng hòm gỗ tạp ai danh giá
Mở nắp quan tài : thiện mỹ chân
Dưỡng tánh con người không xấu số
Tu tâm trí tuệ mở lòng nhân
Tam Kỳ Phồ Độ, Long Hoa hội
Có phước may duyên cũng ấm thân

Mai Xuân Thanh

Ngày 21 tháng 04 năm 2017
***
Tấm Lòng Nhân Ái

Chẳng phải chư tiên hoặc thánh thần
Chỉ là đạo hữu có lòng nhân
Lấy tâm từ thiện làm công đức
Đem hạnh từ bi giúp chúng dân
An ủi cuộc đời người vắn số
Lo toan hậu sự kẻ sa chân
Miệt mài góp sức không ngơi nghỉ
Nào quản nhọc nhằn cho bản thân.

Phương Hà
***
Thiện Tâm

Giữ được từ tâm quả định thần
Áo quan chăm chuốt kẻ bần dân
Chà bào hông bửng luôn phần nắp
Đuc đẻo liệt lèo cả cái chân
Hiển lộ tài năng rõ đạo nghĩa
Âm thầm công đức đáng hiền nhân
Giúp ba tấc đất nằm yên nghỉ
Người đã đi về yên tấm thân

Kim Phượng
***
Từ Tâm

(Họa Thơ Kim Phượng)
Thương người cám cảnh sống vô thần
Hiếm thấy nhà giàu nghĩ tới dân
Từ thiện Trại Hòm lo hậu sự
Lương tâm giúp đỡ kẻ sa chân
Cơ hàn nhắm mắt tiền không có
Nghèo khổ xuôi tay, Đạo nghĩa nhân
Công quả, quan tài đây miễn phí
May duyên sáu miếng ván che thân

Mai Xuân Thanh

Ngày 25 tháng 04 năm 2017

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Thơ Tranh: Hình Bóng Cũ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh



Tháng Tư Chờ Đợi



Tháng Tư anh phơi kỷ niệm
Trên cành cây gió đong đưa
Tiếng chim líu lo hỏi nhỏ
Người về, người đã về chưa
?

Bỗng dưng trời đổ cơn mưa
Ngả nghiêng góc phố cây chờ
Nhớ xưa dù che đôi bóng
Con đường hoa cỏ ngu ngơ

Hay là mưa rớt từ xa
Phương trời gió lạnh mưa nhòa
Em về bước chân trơn trượt
Vấp vào nỗi nhớ anh qua

Vấp vào nỗi nhớ quê nhà
Xưa dìu nhau bước thiết tha
Bên nhau vai quàng xuân ấm
Nắng mưa rơi những giọt hoa

Quê nhà từ độ em đi
Nhớ thương vòng tay gió ghì
Thu vàng xác xơ lá đổ
Hạ buồn rưng rức tiếng ve

Tháng Tư mưa gió dỗi hờn
Tóc dài em ngát hương thơm
Cột anh với ngày chờ đợi
Trái tim tê tím hoàng hôn

Trầm Vân

Chuyển Bến - Đoàn Chuẩn và Từ Linh - Lệ Thu


Sáng Tác: Đoàn Chuẩn và Từ Linh
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Hoàng Hôn



Bài xướng:Hoàng Hôn

Bất chợt hoàng hôn rực ráng chiều
Loang trời vàng vọt sắc cô liêu
Màn sương xuống phủ vầng mây tím
Vạt nắng về giăng dải lụa điều
Chạnh bóng tà dương chờ tắt lịm
Thương đời lữ thứ bước nghiêng xiêu
Ngày đang ngắc ngoải dìu đêm đến
Để nhuốm hồn hoang nỗi nhớ nhiều…!

Nguyễn Gia Khanh

***
Các bài họa:
Lỡ Chuyến


Người ơi ta hổ thẹn trăm chiều
Đò lỡ chuyến rồi bến tịch liêu
Đã biết loay hoay vào vạn thuở
Mà chưa trăn trở thấu muôn điều
Mây mờ trăng khuyết đau hồn lạc
Hương quặn đêm mòn khổ phách xiêu
Ngấn lệ hoen mi buồn lại tủi
Kiếp sau còn nhớ đến nhau nhiều ?

Phan Tự Trí
***
Thu Xưa


Hà Nội mùa thu với những chiều
Dìu nhau lạc bước giữa hoang liêu
Tháng Mười phố cổ lòng se sắc
Hăm Sáu đường xưa bóng đổ xiêu
Một tuổi tình yêu hoài kỷ niệm
Hai đầu nỗi nhớ mãi tiêu điều
Thương năm tháng tận giờ tan tác
Còn lại phương trời tiếc nuối nhiều!

Hải Rừng

***
Chiều Trên Ga Lẻ


Ga lẻ dừng chân một buổi chiều
Đồng lau hiu hắt cảnh hoang liêu
Nắng còn thoi thóp trên đồi sắn
Sương đã dần loang khắp rẫy điều
Chốn cũ rưng rưng ngày hấp hối
Đường xưa nhòa nhạt bóng liêu xiêu
Chợt nghe buốt nhói trong lồng ngực
Ký ức người xưa vẫn quá nhiều!

Phương Hà
***
Rạng Đông

Rạng đông thấp thoáng tỏa muôn chiều
Le lói chân trời chốn tịch liêu
Vài hạt sương đêm mừng bấy nỗi
Lắm cơn gió nhẹ gửi bao điều
Trong vườn nhụy nõn tin người đón
Cuối ngõ hoa vàng thấu dạ xiêu
Rộn rã bình minh đùa nắng mới
Ngoài sân đàn bướm cũng vui nhiều!

Như Thu
***
Chi
ều Về Quê Cũ

Nhạt ánh tà huy rụng cuối chiều
Đường về quê cũ bước trong liêu
Vàng hoe cỏ úa dường biên địa
Đỏ quạch đồng khô tựa mảnh điều
Uất nghẹn quanh làng tranh mái nát
U trầm giữa xóm miếu tường xiêu
Trời xưa quạnh quẽ đi vào tối
Bạc trắng phong sương lạnh xuống nhiều.

Lý Đức Quỳnh
***
Đêm Nay Mát Lạnh

Tà dương nhuộm đỏ ánh trời chiều
Khoảng lặng lui về chốn tịch liêu
Đỉnh núi sương giăng vây mọi phía
Bờ tre cuốc giục gợi muôn điều
Bữa cơm mắt liếc . . nên lòng ngã . .
Mái tóc em buông . . để dạ xiêu . .
Chắc hẳn đêm nay phòng mát lạnh
Ngoài xa vẳng tiếng vạc kêu nhiều

Phạm Kim Lợi
***
Nhặt Bóng Hoàng Hôn

Mắt thả buông lơi dõi bóng chiều
Mây trời vàng úa nét thanh liêu
Khói lam thoảng nhẹ nhà ai toả
Gió mát đưa vang tiếng sáo điều
Quạnh quẽ thềm hoang mành trúc rụng
Đìu hiu nắng nhạt dậu hoa xiêu
Hồn ơi héo hắt niềm thương nhớ
Gởi mảnh tình riêng chất chứa nhiều .

Minh Thuý
***
Chi
ều Quê

Trời tây bịn rịn áng mây chiều
Cảnh vật mơ hồ giữa tịch liêu
Đồng ruộng mù giăng thêm bát ngát
Lều tranh khói bủa đến tiêu điều
Bến xưa lả lướt màu trăng mọc
Thềm cũ bơ thờ ánh nắng xiêu
Tiễn biệt ngày đi càng quạnh quẽ
Đò neo cổ độ hắt hiu nhiều.

Như Thị
***
Trở Về

Tà dương ráng đỏ nhuộm trời chiều 
Chốn cũ về thăm cảnh tịch liêu 
Chái dột, tường rêu, rào lệch lẹo 
Nhà nghiêng, cửa vẹo, mái tiêu điều 
Tuyệt tăm bày trẻ khi trường vãn 
Vắng dáng mẹ già lúc bóng xiêu 
Khói xám khi xưa vương vất tỏa 
Giờ đây thổn thức nhớ thương nhiều.

Thanh Hoà
***
Hoàng Hôn Biển

Biển đón hoàng hôn đẹp mọi chiều
Nước trời khơi lặng vẻ hoang liêu.
Sóng vàng lấp lánh chùm muôn cá
Bãi trắng xôn xao chứa vạn điều.
Cảnh vực canh vùng xuồng vút vút
Thuyền ngư cặp bến bóng xiêu xiêu.
Ráng hồng yên ấm dường lưu lại
Âu yếm thời nay, muốn, muốn nhiều .

Trần Như Tùng
***
N
ắng Hạ Xưa

Ai ngờ nắng hạ đốt trời chiều
Ảm đảm bao trùm chốn tịch liêu
Tóc trắng rơi theo đời loạn lạc
Mây đen ụp xuống cảnh tiêu điều
Thương ai thất trận thời quang tắt
Xót nỗi vô thường kiếp lụi xiêu
Quay lại hè xưa tim quặn thắt
Hướng về chốn cũ tả tơi nhiều.

Kim Oanh
***
Khắc Khoải

Xuyên khoai nắng nhạt buổi tàn chiều
Một giải lụa lồng bóng tịch liêu
Trên núi mây vờn xanh tím biếc
Dưới sông nước lượn đỏ hồng điều
Thương người nghĩa nợ lòng nghiêng ngả
Nhớ kẻ tình vay dạ đảo xiêu
Con tạo xoay vần ngày vụt tắt
Để đêm khắc khoải nhớ thương nhiều

Nguyễn Văn Lan
***
B
óng Tà

Ánh dương vàng vọt trải nương chiều
Mây xám bày thêm nét tịch liêu
Mõ vẳng âm dồn, tâm dạ rối
Đường xa gối mỏi, bước chân xiêu
Cô thôn cảnh lịm, gieo bao nỗi
Lữ khách lòng nao quẩn lắm điều
Ồ cánh chim côi tuồng xớt sẻ
Ai kia tâm trạng vợi nguôi …nhiều!

Cao Bồi Già

***
Hạ Xưa

Dừng bước năm xưa một buổi chiều
Hạ buồn vắng vẻ cảnh hoang liêu
Đường mòn dốc núi chân nghiêng ngã
Chùa cũ ven đồi vách đổ xiêu
Tiếng mõ êm đềm thương lắm nỗi...
Lời kinh thầm lặng xót bao điều!
Dáng gầy sư cụ tay lần chuỗi
Chẳng dịp về thăm ...vẫn nhớ nhiều!

Thy Lệ Trang
***
Hoàng Hôn

Trời tây ửng rạng ráng neo chiều
Cảnh sắc âm thầm ngã tịch liêu
Ngọn gió ngập ngừng lay gió nhẹ
Vầng mây lờ lững trải mây điều
Ngầm thương mấy mảnh đời tan vỡ
Ngẫm tiếc bao lần mộng đổ xiêu
Đối cảnh tà dương choàng hụt hẫng
Niềm đau lắng đọng vẫn hơn nhiều!

Uyên Du
170425

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Mùa Của Phượng Đến Rồi


( Cảm xúc từ câu nói "Mùa của Phượng đến rồi" của DVD)

Mùa của phượng trở về
Hạ còn nắng ấm buốt tê tái lòng
Mùa trổ muộn nụ hồng
Trái tim băng giá thắt vòng bâng khuâng
Mùa xa cách tình gần
Đã thương lại chẳng nợ nần chi nhau
Mùa ly biệt khát khao
Trót yêu chuốc khổ nôn nao đợi chờ
Mùa lay động hồn thơ
Chẳng chung nhịp bước bơ vơ đường trần

Kim Phượng

Tiếng Đêm Hè



Xướng: Tiếng Đêm Hè

Đường trăng loang loáng dưới tàng cây
Bóng Nguyệt lung linh nửa dáng gầy
Đom đóm lập lòe quanh ngõ vắng
Côn trùng rả rít giọng bi hài
Sao trời điểm xuyến màu xanh áo
Gió thổi rì rào ngọn chuối lay
Văng vẳng chuông chùa xa vọng lại
Khiến lòng thoát tục cõi trầm ai

Song Quang

***
Các Bài Họa:

Trong Vườn Đêm

Ghế đá, ta ngồi dưới tán cây
Từng đêm mòn mỏi vóc hao gầy
Ánh trăng sáng bạc như dòng sữa
Ngọn gió lao xao tựa tiếng hài
Trà khản vị nồng khơi tiếc nhớ
Hoa đưa hương ngát gợi sầu lay
Mơ màng thiếp ngủ...vòng tay chạm
Hơi thở thật gần như của ai !...

Phương Hà
( 22/04/2017 )
***
Bài họa: Bóng Trắng


Đêm trăng dựng tóc, thấy trên cây...
Tóc xoã đung đưa thể xác gầy
Vắng vẻ lạnh tanh nghe cú gọi
Im lìm run rẫy lộ đôi hài
Đi qua thấp thoáng nàng tiên mĩm
Đứng sững mơ hồ nhánh lá lay
Bóng trắng chập chờn giương mắt ngó
Định thần nhìn kỹ có còn ai ?

Mai Xuân Thanh
Ngày 22/04/2017
***
Thao Thức Đêm Hè

Ngày dứt nắng vàng núp rặng cây
Hạ tuần trăng thẹn dáng hao gầy
Trong căn gác nhỏ thèm cơn gió
Bên ngọn đèn con nhớ gót hài
Mấy lượt kết vần câu chẳng trọn
Bao phen mài mực bút chưa lay
Canh dài ý đã dần khô cạn
Thao thức đêm hè chợt nhớ ai.

Quên Đi
***
Đêm Liêu Trai

Chết máy xe dừng dưới rặng cây,
Một đêm hiu quạnh mảnh trăng gầy.
Bên đường xóm vắng không nhà cửa
Trên cát miếu hoang rõ dấu hài.
Rờn rợn võng đưa tre kọt kẹt,
Mơ hồ liễu múa gió lay lay.
Rõ ràng bóng trắng đang tha thướt 
Lạnh toát bật đèn chẳng thấy ai 

Mailoc
4-21-17
***
Trong Vườn Đêm

( Họa bài Đêm Liêu Trai của ML )

Ghế đá, ta ngồi dưới tán cây
Từng đêm mòn mỏi vóc hao gầy
Ánh trăng sáng bạc như dòng sữa
Ngọn gió lao xao tựa tiếng hài
Trà khản vị nồng khơi tiếc nhớ
Hoa đưa hương ngát gợi sầu lay
Mơ màng thiếp ngủ...vòng tay chạm
Hơi thở thật gần như của ai !...

Phương Hà
( 22/04/2017 )
***
Liêu Trai

Một nấm im lìm với cỏ cây
Hồn như phảng phất ánh trăng gầy
Vừa tan giấc mộng người đâu mất
Chửa biết danh xưng khách chẳng hài
Cánh bướm đêm dường đang khắc khoải
Tâm tình lạ cũng sắp lung lay
Lâu rồi chuyện cũ kia nhòa nhạt
Bỗng đọc thơ Thầy Chị…nhớ ai !

(Nhớ lại một lần ngủ bờ ruộng canh nước lúa.)
Cao Linh Tử
23/4/2017
***
Ngày Hè
(Họa bài thơ "Tiếng đêm hè" của SQ)

Nhạt nắng chiều vàng phủ khóm cây
Thượng tuần le lói mảnh trăng gầy
Tiếng ve rên rỉ ngoài sân cỏ
Cánh Phượng xôn xao đỏ dấu hài
Gió lặng im lìm cành đứng ngọn
Mây trời lãng đãng chẳng buồn lay
Hè về gợi nhớ say đường mộng
Nuối tiếc ngày xưa hò hẹn ai!

Song MAI Lý Lệ
23/4/2017

Dòng Sông Ký Ức



Đêm hôm nay tự nhiên em nhớ quá
Nhớ đến thơ anh viết kể chuyện mình
Ba bài thơ, vỏn vẹn có ba bài
Trong ba năm, chỉ ba năm ngắn ngủi
Chuyện chúng mình, buồn tủi lẫn an vui

Muốn nhắc tới dòng sông trong quá khứ
Dòng sông mà anh đã nhắc trong thơ
Bên bờ sông... hạnh phúc đến không ngờ
Anh hôn em, chẳng thể kiếm ngôn từ
Ngây ngất quá, ôi tuyệt vời quá chứ

Bài thứ ba, bài thơ hòa nước mắt
Thơ mất tình nên buồn là cái chắc
Bài cuối cùng anh đánh máy đưa em
Không viết tay chắc sợ lưu dấu vết?
Hết thật sao, sau bao ngày mê mết
Chuyện tình buồn, nhoài mệt, quá hư hao!

Anh mất tình nên anh khóc, anh đau
Còn em đây? Chắc là anh biết đấy
Cũng muộn phiền, tim nhỉ máu, xanh xao!
Buồn đau đáu, bao ngày em tưởng tiếc
Mối tình em, tình cuối lẫn tình đầu!

Ôi, dòng sông, dòng sông chẳng biết sầu
Dòng sông đó, chứng kiến tình mình đó
Đâu dễ gì mà quên được anh ơi!
Bên dòng sông, tóc lộng gió bời bời
Có nước mắt rớt rơi vì hạnh phúc

Dòng sông đó vẫn chẩy đều mọi lúc
Quanh đây thôi, con nước lững lờ trôi
Nơi dòng sông không còn hai ta nữa
Anh lìa trần, nước mắt mặn bờ môi!

Dòng sông tình giờ còn trong ký ức
Kỷ niệm xưa vẫn thật đẹp một thời
Em chẳng dám khơi dậy tình.. đánh thức
Chẳng dám về thăm lại thuở mù khơi

Dòng sông ơi, xin sông đừng chờ đợi
Không về đâu, không tìm thăm quá khứ
Ba bài thơ vẫn đó, em vẫn giữ
Dòng sông đó vẫn còn, em vẫn nhớ
Chưa một lần, em thăm lại dòng sông

Chưa lần nào em tìm đến dòng sông!


Quách Như Nguyệt
Feb. 25th, 2017

Tô Bún Riêu


Chuyện trong nhà dưỡng lão: 
“Always be nice to your children because they are the ones who will choose your nursing home.”
- Phyllis Diller

Lời giới thiệu:
Bài viết nguyên thủy (original copy) được chuyển đến hộp thơ của tôi từ một người bạn đồng môn cũng ở tuổi thất tuần - (7 bó ). 
Trước đây tôi cũng đã viết một bài khá cảm động với tựa đề “Chuyện Trong Tuần” bàn về đời sống và tâm trạng của người cao niên mà tôi gọi là thuộc về “Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự” (ODP – aka “Orderly Departure Program”). Nội dung bài này cũng cảm động không kém… Mong quý vị cầm được nước mắt sau khi đọc xong bài này và đồng thời cũng dùng vài giây phút suy gẫm về thân phận của chính bản thân mình.
TVG

Từ Auclair, theo đường Liên Tỉnh 53, ngược lên mạn Bắc là Salon Springs thì rẽ phải theo Hương Lộ “P” nhỏ hẹp ngoằn ngoèo lăn mình giữa những khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp, tiếp tục thêm vào dăm vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nivagamond, Louisiana, trạm đặc khu của người da đỏ.
Trời vào Thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng màu hồng lựu. Hơn nửa giờ lái xe, không một bóng người ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô xào xạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào một hành tinh xa lạ không sinh vật. Đồi lại đồi liền liền tiếp nối nhau sau cùng tới Nivagamond. Nơi đây có Viện Dưỡng Lão Lakeview mà theo lịch trình thì mỗi năm tôi phải đến một lần để thanh tra y vụ.

Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh nhưng tuyệt đối không. Ngoài rừng phong đỏ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt màu trời. Trung Tâm An Dưỡng Lakeview như tên gọi ẩn mình dưới tàng cây rợp bóng trên khu đất rộng.
Quay lưng vô rừng thông nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương, tôi ngẫm nghĩ, nơi đây có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lãng, còn chọn làm viện dưỡng lão thì hơi tàn nhẫn.

Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá, y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai, người nào cũng bận bù đầu, rảnh rỗi đâu mà tán gẫu với những người già. Nhất là sau buổi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều đã về nhà thì bóng đêm chắc phải thật dài.
Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang dàn chào. Trên mỗi xe là một lão ông hoặc lão bà độ bảy, tám mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kính. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh khác. Có lẽ vì tôi là người Á Châu duy nhất tới đây chăng? Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi bèn nhoẻn miệng cười:
– Ông ngạc nhiên lắm sao?
Tôi ngập ngừng:
– Bộ họ biết hôm nay tôi đến đây nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt tôi.
Cô y tá khẽ lắc đầu:
– Mỗi ngày đều như vậy. Sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ.
– Chờ thân nhân tới đón?
– Dạ thưa không.
– Vậy hay là chờ bạn bè đến thăm?
Cô y tá phì cười pha trò:
– Ông nghĩ già ngần ấy tuổi mà còn hẹn bạn gái sao?
– Không, ý tôi là bạn thông thường đấy.
– Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó thôi, rồi ngậm ngùi họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong ký ức.
Rồi cô khẽ thở dài:
– Tôi làm việc ở đây hơn 10 năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh. Tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi.
– Chắc ít nhiều, lòng cô cũng có phần nào xao xuyến, phải không cô?
– Thật tình mà nói lúc đầu thì có đấy, nhưng mà bây giờ tôi đã quen rồi.
– Tôi nghĩ là cô rất mẫn cảm?
– Chỉ là do tập luyện thôi chứ bằng không thì sẽ ngã quỵ đó ông!

Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên, một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo. Cô y tá nhìn ông ta và hỏi:
– Ông đi lên thang máy hay là đi xuống?
Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe:
– Đi.. đi xuống, rồi đi.. đi lên, rồi đi.. đi xuống , đi lên.
Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đang hướng về phương trời vô định. Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng này, cô y tá thản nhiên nói:
– Vậy thì xin ông bước ra chờ chuyến sau sẽ có người đi với, chúng tôi đang bận.
Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa. Tôi thắc mắc:
– Nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao cô?
– Chúng tôi đã lượng trước được điều ấy cho nên tất cả nút cắt điện trong viện đều gắn rất cao người già không thể với tới.
– À thì ra vậy!

Công tác xong trời cũng về chiều, tôi từ giã, cô y tá tiễn tôi ra cửa. Đoàn xe lăn vẫn còn dàn chào.
Chợt trông thấy trong góc tối một ông lão độ trên dưới 80 đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Điểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hoà nhập vào toán dàn chào. Da ông màu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ loà xoà trên trán, vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân da đỏ. Hiếu kỳ tôi hỏi cô y tá:
– Và vị dưỡng lão này cũng là người ‘Indian’ hở cô? Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính phủ liên bang chứ?
Cô ta ngạc nhiên:
– Ủa sao ông lại hỏi vậy?
Tôi trỏ ông lão ngồi xe lăn:
– Vậy không phải ’Indian’ là gì?
Cô y tá phì cười:
– Ông ta là người Á Đông đó ông ạ.
Tôi giật mình:
– Người Á Đông?
– Dạ phải, dường như là Việt Nam đó.

Thêm một lần kinh ngạc, tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo này cũng có người Việt cư trú. Tôi bèn hỏi dồn:
– Sao cô biết ông ta là người Việt.
– Dạ thưa ông hồ sơ có ghi đó ông ạ.
– Vậy thì ông ấy vào đây lâu chưa cô?
– Hơn 10 năm.
Rồi cô khẽ lắc đầu:
– Tội nghiệp, ông ta rất hiền lành dễ thương ai cũng quý mến cả. Nhưng hiềm chẳng nói được tiếng Anh cho nên suốt ngày cứ thui thủi một mình không có bạn.
– Vậy thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm ông ấy không?
– Một lần cách đây lâu lắm, hẳn có uẩn khúc gì đây.
Không cam tâm làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu tôi cũng là người Việt Nam. Cô ta trố mắt:
– Ồ ! Thế mà tôi cứ đinh ninh ông là người Trung Hoa.
Tôi cười:
– Trong mắt người Tây Phương, thì bất cứ ai da vàng cũng là người Tàu.
Cô ta pha trò:
– Cũng đâu phải lạ, nhiều anh Tàu nhan nhản khắp nơi. Ngay trong xóm da đỏ hẻo lánh tít mù trên miền Bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò vừa ngon vừa rẻ nhưng phải cái là…..
Tôi nhoẻn miệng cười:
– Mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều phải không cô?
Cô ta cười xoà:
– Phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, chỉ ăn một bữa cơm Tàu là đâu vào đấy; có khi còn thặng dư là khác.
Tôi quay lại vấn đề:
– Tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để mà chào hỏi làm quen. Có thể ông ấy cũng đang cần nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp.
Cô y tá mừng rỡ:
– Hay lắm. Đó cũng là điều tôi mong muốn. Vùng này hẻo lánh quá nên không tìm ra người thông dịch, nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng không?
– Vâng, tôi sẽ cố gắng làm điều đó.

Thấy tôi đi tới ông lão ngước lên, nhíu đôi mắt hom hem nhìn chầm chập, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng. Tôi gật đầu chào:
– Dạ thưa chào cụ ạ.
Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động:
– Dạ chào. Chào thầy. Thầy người Việt à?
Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông.
– Thưa cụ cháu cũng là người Việt như cụ đấy ạ.
Ông lại nghẹn ngào:
– Cảm ơn Thiên Chúa. Cảm ơn Đức Mẹ Từ Bi đã cho tôi gặp được ông.
Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện.
– Thưa cụ, vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay là do Thiên Chúa và Đức Mẹ sắp đặt.
– Tại đêm nào tôi cũng cầu nguyện ơn trên cho tôi gặp được người đồng hương.
– Có chuyện gì khẩn cấp không thưa cụ?
– Để được nói chuyện bằng tiếng Việt mình thôi.
Cụ thở dài:
– Lâu lắm rồi tôi chưa được nói hay là nghe tiếng mẹ đẻ.

Nhức trong tim, tôi bùi ngùi thương cảm, một ước mơ thật đơn giản mà sao lại quá xa vời. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể:
“Tên tôi là Tỉnh, Nguyễn Văn Tỉnh, trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá. Tuy không giàu, nhưng cuộc sống cũng sung túc. Tôi có vợ, 3 con trai, đứa lớn nhất còn sống thì giờ này cũng đã gần 50. Năm 75, Cộng Sản tràn vào, cả nước kéo nhau chạy nạn, sẵn phương tiện trong tay, tôi chở vợ con vượt thoát, nhưng chẳng may là sau 3 ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn tàu chìm. Tôi và đứa con út lên 6 được may mắn đã gặp tàu Mỹ vớt, còn vợ và 2 đứa con lớn thì mất tích thầy ạ. Sau đó thì tôi được bảo trợ về Louisiana, nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tôi bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tàu đánh cá làm việc ngày đêm, trước là để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại của tôi. Tôi ước mong thằng bé sẽ theo cha mà học nghề biển nhưng nó thì không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ, kỹ sư ngồi nhà mát thôi chứ không chịu dãi nắng dầm mưa như bố, thế nên thầy biết không, vừa xong trung học là nó quyết chọn trường xa để mà tiếp tục theo đại học”.

Ông ngừng lại một chút để dằn cơn xúc động rồi ngậm ngùi kể tiếp:
“Tôi chỉ có mình nó, không thể sống xa con, nên quyết định là bán hết tài sản để mà dọn theo, bạn bè ai cũng ngăn cản thầy ạ, nhưng tôi quyết giữ lập trường, mang hết tiền dành dụm đến cái tiểu bang này mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô; còn chút ít thì gửi vào trong quỹ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng chẳng nhẹ nhàng. Tuổi ngày một già thì sức khỏe càng yếu. Năm ấy trời mưa đá, tôi bị ngã gẫy chân thầy ạ. Bác sĩ cho biết xương già thì không có lành được và phải vĩnh viễn ngồi trên xe lăn. Thằng Út ra trường có việc làm ở Nữu Ước.
Tự biết là khó có thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó nên tôi xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước thầy ạ cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tôi làm thủ tục và hứa là khi nào làm ăn yên ổn nó sẽ đón tôi về. Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ, may thay trong lúc đang bối rối thì có anh bạn học người da đỏ quen Út mách cho tôi nơi này. Thấy con tôi buồn tôi bèn an ủi nó: ‘Nơi nào cũng là quê người, cũng giống nhau thôi, thỉnh thoảng con về thăm bố là bố vui rồi.’ Thế là cả ngôi nhà lẫn tiền dành dụm phải trao hết cho viện dưỡng lão, dĩ nhiên là tôi được nhận.”

Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang soải cánh ông chép miệng:
– Chà nhanh quá, mới đó đã 10 năm rồi.
– Thưa cụ, thời gian qua chắc là anh Út vẫn thường xuyên về thăm cụ chứ?
– Ừ, một năm thì nó cũng trở lại, nó khoe tôi hình cô gái Mỹ và nó nói ‘dâu tương lai của bố đó.’ Rồi thầy biết không, từ đó biệt tăm luôn.
– Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy sao?
– Không, mà thật tình tôi cũng không muốn biết nữa.
– Tại sao, anh ấy là con trai duy nhất của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy nhé?
Ông lão rơm rớm nước mắt:
– Tôi sợ lắm, thầy ơi. Thà biền biệt như thế mà tôi vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở một nơi nào đó trên quả đất còn hơn là biết tin buồn. Quả tình tôi không kham nổi.
Tôi nghẹn lời nói không được, lát sau qua cơn xúc động, tôi bèn hỏi:
– Giờ đây cụ có còn ước nguyện gì thì cụ cho cháu biết. Cháu sẽ hết lòng giúp với tất cả khả năng của mình thưa cụ.
Ông lão thở dài:
– Già rồi còn được mấy năm trước mặt hở thầy?
Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng:
– À, mà tôi thèm một bát bún riêu quá.

Hai tuần sau vào ngày Chủ Nhật, tôi nhờ chị bạn thân nấu giùm 2 bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi còn đặc biệt có thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem vào viện dưỡng lão Lakeview. Mất hơn 4 giờ, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng.
Bất ngờ trông thấy tôi ông mừng rỡ kêu lên:
– Ồ kìa thầy. Thầy lại về đây công tác hở thầy?
Tôi chạy tới nắm tay ông:
– Dạ thưa lần này thì cháu chỉ đến đây thăm cụ và cháu có một món quà đặc biệt mang biếu cụ đây.
Lộ vẻ cảm động ông cụ nhoẻn cười đôi mắt nhăn nheo:
– Bày vẽ làm chi hở thầy. Đến thăm tôi là quý rồi thầy ơi.

Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo một lọ cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi bỏ bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, chan nước dùng nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm trên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt. Nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba trái ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt. Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng:
– Cám ơn thầy. Không ngờ hôm nay tôi còn được ăn bát riêu cua. Mời thầy cùng ăn cho vui ạ.
– Cám ơn cụ, cháu đã ăn xong ở nhà. Xin cụ dùng tự nhiên. Bún riêu còn nhiều; hết tô này cháu sẽ hâm tô khác.
Cụ trịnh trọng húp từng muỗng xúp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon, chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn miệng khen tấm tắc:
– Trời ơi! Bún riêu ngon quá mà mắm ruốc thơm quá thầy ơi.
Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ:
– Thưa nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út và thường xuyên thăm viếng cụ nhé.
Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má hóp:
– Trời ơi ! Sao tôi có được diễm phúc như vậy sao trời!

Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân, và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi. Năm sau, còn một ngày nữa là Tết, tôi đã chuẩn bị xong quà cáp có cả trà thơm, mứt ngọt dự định sáng hôm sau Mồng Một đầu năm sẽ mang lên Lakeview mừng tuổi cụ. Đang ngon giấc, chợt có chuông điện thoại, tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu dây tiếng cô y tá trực của viện dưỡng lão Lakeview:
– Dạ thưa hỏi, có phải ông là ông Trần không?
– Dạ vâng ạ, là chính tôi đây.
– Dạ thưa ông, cụ Tỉnh đau nặng.
– Tình trạng thế nào có nguy không cô?
– À, cụ đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện ở thành phố đó thưa ông.
– Cám ơn cô rất nhiều, ngày mai tôi sẽ đến cụ.
– À, ông nên đi sớm hơn đi là vì sợ không còn dịp nữa.

Tôi rụng rời, ngoài trời tuyết rơi càng lúc càng nhiều, trời trở lạnh, gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kính nghe rào rào như vãi cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xoá một màu, tuyết phủ lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố. Sau cùng cũng tới được bệnh viện Hayward.
Cô y tá nhìn tôi ái ngại:
– Thưa ông, suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó. Không biết có phải là ông không ạ?
– Cô còn nhớ là ông gọi tên gì không?
– Chỉ một tiếng duy nhất, dường như là ‘Work’ hay ‘Wood’ gì đó.
Tôi đã hiểu là thằng Út.
Tôi hé cửa lách vào trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường, người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào:
- Út... Út...

Nước mắt chực trào ra, giờ phút nầy tôi phải làm một điều gì để ông được mỉm cười khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay gầy guộc và nghẹn ngào:
– Thưa cha, con đã về đây thưa cha.
Mi mắt ông động đậy, cố nhướng nhìn lên. Rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy:
– Út... Út... Út con.
– Phải thưa cha. Con là Út đây cha. Con là đứa con bất hiếu đã quay về bên cha để xin cha tha thứ cho con.
Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cử động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.
Gia tài ông để lại là một bọc vải nhỏ trong ấy có một tượng chúa Giê-Su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ màu vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhất còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.
Tuổi xuân giờ đã đi đâu
Còn đây tóc bạc phai màu thời gian…


Khuyết Danh
(Dường như do sự cố ý!? Người viết đã không để tên)
Trần Văn Giang (Ghi lại)


Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Những Mùa Hoa Bỏ Lại - Anh Việt - Nguyên Khang


Sáng Tác: Anh Việt
Ca Sĩ: Nguyên Khang
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Ai



Dân nước Việt chữ “Ai”! Ai hiểu?
Ai là ai? Ai biểu, ai xui?
Ai là câu hỏi, hỏi chơi
Ai là câu đố, đố vui thường tình

Hỏi ai đấy! Ai người tới đó?
Hỏi ai làm! Cái đó ai đưa?
Hỏi rồi, lại hỏi ai thưa?
Thưa rồi lại hỏi! Ai vừa hỏi ta?

Chồng hỏi vợ! Ai đưa cơm đó?
Vợ trả lời! Ai đó chứ ai!
Thì ra Ai chính là ai
Là mình, là nó, là vai ông bà!

Là tất cả! Ai trông, ai đợi
Là tình nhân! Ai dõi theo ai?
Người yêu, người ghét là ai?
Hận ai! Ai hận! Ai ai giận mình?

“Ai” tiếng Việt thần tình là thế
Là đa tình, đa nghĩa trần ai
“Ai” về nói lại với ai
Tiếng “Ai” nỗi nhớ, bài hoài tâm tư.

Nguyên Khang

01/2017


Gặp Hồn Thi Sĩ

Gặp Hồn Thi Sĩ

Đêm ngày cần mẫn dệt đường tơ
Duyên phận mong manh vẫn cứ chờ
Tình đã ra đi vào cõi mộng
Nghĩa còn dan díu giữa cơn mơ!
Tao nhân khuất bóng miền sơn cước
Thục nữ mòn chân nẻo bến bờ.
Biển giận sóng ghềnh tuôn trắng xóa
Gặp hồn thi sỹ hóa thành thơ.

Thành phố Vinh 15/7/2015
Huy Phương
***
Bài Họa:
Tao Phùng Vô Ngại*


Trộm nhìn cung bậc đứt dây tơ**
Thẩm thấu ngón đưa thỏa đợi chờ
Bối rối tiều phu nghe đã mộng
Bàng hoàng nghệ sĩ thấy còn mơ
Gặp người tri kỷ ngoài sơn dã
Biết khách cao nhân giữa bãi bờ
Lữ thứ tao phùng vô quái ngại
Nhạc hòa trầm bổng cũng nên thơ

Như Thị
*Kết bạn không phân biệt Quan,Dân
**Chung Tử Kỳ nghe trộm khúc đàn của Bá Nha
***
Qua Đường

Xe cộ dọc ngang tựa dệt tơ
Góc đường một bác đứng yên chờ
Kiếng đen đeo mắt, tai nghe ngóng
Gậy gỗ cầm tay, óc mộng mơ
Tiếng máy rần rần, êm, đổi hướng
Hiệu đèn chít chít*, lặng, sang bờ
Rời lề, bước xuống, băng qua lộ
Ngẫu hứng thi nhân thả áng thơ

Trương Ngọc Thạch
3/06/2017
(*) “Chít chít” và “khoọc khoọc” là hai âm thanh phát ra từ hiệu đèn ở ngã tư đường giúp người khiếm thị nghe và phân biệt hướng nào xe đã ngừng để an toàn qua đường.
***
Khúc Tương Tư

Nhớ bạn tay mềm trải phím tơ
So dây lệ rỏ mấy cung chờ
Trông người lại xót cơn bi mộng
Vọng nguyệt thêm sầu giấc huyễn mơ
Cuộc ái chưa trao tình rẽ lối
Thuyền hoa lại tiễn kẻ sang bờ
Âm thầm một khúc tương tư trỗi
Dĩ vãng xưa nhòa bóng cảo thơ

Nguyễn Gia Khanh
***
M
ộng Ảo Đêm Trăng

Nghe đàn người gảy mấy dây tơ
Xao xuyến hồn ta mộng ước chờ
Đây chốn thiên thai lòng thỏa nguyện
Nọ nơi tiên cảnh dạ say mơ
Thướt tha mỹ nữ bên hồ nguyệt
Mê đắm thi nhân giữa chốn thơ
Một khắc, nghìn thu hay vĩnh cửu
Con thuyền tình ái tách xa bờ...

Sông Thu
***
Nh
ờ Hồn Thi Sĩ

Mừng sao Bà Nguyệt với Ông Tơ
Về chuyện trúc mai cứ phải chờ.
Thuyền đã chung dòng gần cặp bến
Nước còn dậy sóng chặn vô bờ.
Muốn nhờ thi sĩ đem tài trí
Quậy rối bút nghiên tạo áng thơ.
Xóa cản , duyên đời nên mật ngọt
Nơi nơi chốn chốn thảy đều mơ.

Trần Như Tùng
***
Không Duyên Nợ


Nguyệt lão trêu người thả mối tơ
Tào khang gắn bó...mãi mong chờ
Nhiều đêm trăn trở càng nhung nhớ
Một kiếp tương phùng chỉ mộng mơ
Cứ ngỡ đan tay về vạn nẻo
Nào hay rẽ sóng tách đôi bờ
Không hoà giai ngẫu đành cam chịu!
Biết đến bao giờ dậy ý thơ?

Như Thu
***
C
ô Đơn

Chiều buông nắng nhạt dệt cung tơ
Mắt dạo xa xôi muốn ngóng chờ
Bướm lượn trên cành Hồng dệt mộng
Chim vờn dưới lá Trúc say mơ
Mặt trời ngả bóng trào văn ý
Ánh Nguyệt soi mình gợi tiếng thơ
Buốt giá con tim tràn thi bút
Tình duyên vẫn mãi cảnh đôi bờ

Minh Thuý
***
Tơ Vàng


Có nàng thiếu nữ quậy vàng tơ 
Vương vấn tâm tư mãi ngóng chờ 
Mộng tưởng ai kia dừng gót mỏi 
Hình dung người đó toại nguồn mơ 
Khung quay nhung nhớ trôi ngày tháng 
Mái cuộn thương yêu dạt bến bờ 
Ước nguyện vuông tròn hoài bất tận 
Tình mình tuyệt đẹp tựa bài thơ.

Thanh Hoà
***
Tương Tư


Tối đã buông màn dậy tiếng tơ
Lời thông mất hút ánh trăng chờ
Ai chôn vạn cổ hờ mong đợi
Kẻ quật oan tình đổi ước mơ
Biết đã không cùng chung một nẻo
Thì thôi hai ngã rẽ đôi bờ
Đường xưa réo rắt lên hồn nhạc
Lối cũ mơ màng rộn ý thơ.

Thủy Lâm Synh
Mar. 12, 2017
***
Tình Mơ

Thu vàng chợt nhớ dáng nai tơ
Ngớ ngẩn trăng sao mắt đắm chờ
Nhạc trổi phòng trà đêm huyển hoặc
Hồn vương tuổi ngọc thuở tình mơ
Cây si gốc cỗi đời sương gió
Lá đổ cành trơ lệ trắng bờ
Có phải là em duyên kiếp trước
Ngọt ngào dổ giấc giữa vườn thơ

Hải Rừng
***
Ước Trở Về Tuổi Thơ


Trông nhện giăng mùng gỡ mối tơ
Chờ ai ai biết biết ai chờ
Canh khuya cái vạc đau đồng vãn
Trăng lạnh con đò tiếc bến mơ
Gió lạc chân chồn qua mấy bãi
Dòng trôi ván mục giữa đôi bờ
Bể dâu mãn kiếp nên còn ước
Biết được bao giờ tới tuổi thơ?

Phan Tự Trí

Nguyễn Đăng Khoa-CHS Tống Phước Hiệp NK: 62-69



Nguyễn Đăng Khoa 

Đất Phương Nam I - Kas Krobei Hay Prei Nokor Là Sài Gòn?


Tổng Quan Về Hai Trạm Thu Thuế Kas Krobei Và Prei Nokor: 

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất học, vùng Bến Nghé nói riêng và toàn vùng Nam Kỳ nói chung, đã được thành hình cách đây khoảng trên dưới 6.000 năm, vào đợt biển thoái lần cuối cùng. Nhờ vậy mà toàn bộ vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ xuất lộ. Sau đó phù sa từ sông Cửu Long đã phủ lên mặt đất tại đây một lớp đất mầu mỡ. Vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, vương quốc Phù Nam đã thành hình trên vùng đất nầy, nhưng đến cuối thế kỷ thứ VI, vương quốc nầy đã bị triệt tiêu và mãi cho đến ngày nay sự biến mất của vương quốc nầy vẫn còn trong nghi vấn. Từ khoảng thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ VIII, vùng Kas Krobei và Prei Nokor cũng như toàn vùng Thủy Chân Lạp đều chịu ảnh hưởng của nền văn minh Angkor. Đến đầu thế kỷ thứ IX, vương quốc Chân Lạp bị chia làm hai, đó là vùng Lục Chân Lạp(1) và vùng Thủy Chân Lạp(2). Kể từ đây Thủy Chân Lạp không còn chịu ảnh hưởng của Angkor cho đến thế kỷ thứ XI. Từ thế kỷ thứ XII trở về sau nầy, khi vương quốc Chân Lạp đang trên đà suy yếu và phải luôn đối đầu với Xiêm La và Mã Lai về phía Tây và Tây Bắc, thì hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor luôn là điểm tranh chấp giữa Champa và Chân Lạp. Đến khi Xiêm La đã lấn chiếm toàn bộ vùng đất phía Tây Bắc Cao Miên ngày nay, họ lại dòm ngó sang vùng đất phía Đông và phía Nam Cao Miên. Chính vì vậy mà kể từ thế kỷ thứ XVII mãi đến giữa thế kỷ thứ XIX, hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor(3) luôn bị vương quốc Xiêm La dòm ngó. Lịch sử cho thấy Xiêm La đã nhiều lần phát động những cuộc chiến tranh những mong lấn chiếm toàn bộ vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ thứ XVII trở về sau nầy, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, thế lực và ảnh hưởng của xứ Đàng Trong ngày càng mạnh đối với vương quốc Chân Lạp. Nói về những nguyên nhân chủ quan, thứ nhất là dân số Việt Nam tại xứ Đàng Trong ngày càng tăng nhanh nên họ phải đi lần về phương Nam tìm đất sống; thứ nhì hai họ Trịnh Nguyễn đang tranh chấp quyền lực nên các chúa Nguyễn phải thiết lập một hậu cứ vững chắc ở phương Nam để đối đầu với họ Trịnh. Bên cạnh đó có hai nguyên nhân khách quan đã góp phần không nhỏ cho sự hiện diện của người Việt Nam trên mảnh đất nầy, thứ nhất là vương quốc Xiêm La lúc nào cũng hà hiếp Chân Lạp khiến các vua Chân Lạp phải ngã hẳn về phía Đàng Trong để mong được sự che chở và bảo vệ; thứ hai là vào hậu bán thế kỷ thứ XVII, một số di thần nhà Minh không phục Thanh triều nên đã đến xứ Đàng Trong xin tỵ nạn và đã được chúa Nguyễn cho vào đây khẩn đất. 

Sự Ngộ Nhận Về Hai Vùng Đất Nằm Sát Cạnh Nhau: Kas Krobei Và Prei Nokor 

Mãi đến ngày nay có nhiều người lầm tưởng vùng Prei Nokor chính là trung tâm Sài Gòn ngày nay. Kỳ thật, khi vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei, thì vùng Kas Krobei lại là vùng nằm khoảng trung tâm Sài Gòn ngày nay, còn vùng Prei Nokor nằm khoảng giữa Bình Chánh và Kas Krobei (Bến Nghé). Như vậy, vùng trung tâm Sài Gòn ngày nay phải là vùng Kas Krobei, tức vùng Bến Nghé khi xưa, còn vùng Chợ Lớn ngày nay phải là vùng mà chúng ta gọi là Prei Nokor thời đó. Đến năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu Cù Lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam của vùng Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay, và họ đặt tên cho khu định cư mới của họ là “Đê Ngạn”, theo âm Quảng Đông là “Thầy Ngòn”. Theo Aubaret và Francis Garnier, sau khi Cù Lao Phố bị đại quân Tây Sơn thiêu hủy, hầu như toàn bộ người Hoa tại đây đều xuôi về phía Tây Nam theo hướng Dĩ An, Thủ Đức, và qua khỏi Tân Bình... để lập nên một khu phố khác mà họ đặt tên là “Đê Ngạn”(4), đọc theo âm tiếng Hoa phổ thông là “Tỉ Án”, và người Việt đọc trại ra là “Tài Ngòn”, nhưng lâu dần âm nầy biến thành “Sài Gòn”. 

Tuy nhiên, theo lịch sử của xứ Đàng Trong thì địa danh Sài Gòn đã có từ trước khi người Hoa từ Cù Lao Phố tràn về vùng Prei Nokor để xây dựng thành phố “Thầy Ngòn”. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì ngay từ năm 1674, thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Chân Lạp và đã phá vỡ lũy “Sài Gòn”(5). Như vậy tên gọi Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1674 hoặc trước đó nữa. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu cù lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Họ gọi vùng Chợ Lớn nầy là “Thầy Ngòn”, và viết thành ‘Đê Ngạn’. Có lẽ người Việt mình phát âm trại ra là Sài Gòn, chứ thật ra “Thầy Ngòn” là tên mà người Hoa chỉ đặt cho vùng Chợ Lớn mà thôi. Trong khi đó, cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn” lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”, phát âm theo tiếng quan thoại là “Xi Koóng”. 

Hai Thành Phố “Thầy Ngòn” Và “Sài Gòn” Hoàn Toàn Khác Nhau: 

Như trên đã nói, sau năm 1776 những người Hoa còn sống sót trong vùng cù lao Phố đều bỏ chạy đến vùng phía tây nam Bến Nghé sinh để sinh sống tại một khu thị tứ có sẳn, đó là khu Prei Nokor dưới thời các chúa tiên triều nhà Nguyễn, và tại đây họ đã thành lập một thành phố mang tên là “Đê Ngạn”(4) và phát âm là “Thầy Ngòn”, và cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn”, tức thành phố Chợ Lớn ngày nay, lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”(6). Ngày nay, có lẽ chúng ta không thấy xa khi đi xe từ trung tâm thành phố Sài Gòn đến Chợ Lớn, nhưng vào thời điểm 1776 thì khoảng cách khoảng mười cây số ấy quả là xa. Đến khi người Pháp chiếm thành Gia Định, họ dư biết là cư dân địa phương gọi vùng nầy là Bến Nghé, nhưng có nhiều lý do khiến họ không gọi nó là Bến Nghé, thứ nhất vì họ phải trả một cái giá khá đắc về nhân mạng và những tổn thất nặng nề khác về chiến cụ để chiếm được vùng Bến Nghé, nên họ không mấy mặn mà với cái tên nầy, thứ nhì lúc người Pháp chiếm thành Gia Định, họ nghe người Hoa ở Chợ Lớn, tức vùng Prei Nokor ngày trước, gọi Bến Nghé là “Xi Koóng” nên họ cũng gọi trại theo là Sài Gòn. Và cũng kể từ đó họ dùng cái tên “Thầy Ngòn” để gọi chung cho cả Bến Nghé và Chợ 

Lớn, nhưng họ nào có biết là địa danh Sài Gòn đã được xứ Đàng Trong dùng để gọi vùng Bến Nghé từ năm 1674. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì ngay từ năm 1674, thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Chân Lạp và đã phá vỡ lũy “Sài Gòn”. Trong bài viết về “Hình Ảnh Sài Gòn” năm 1860, ông Louis Malleret đã viết: “Ở phần đất cao của thành phố, sau khi vượt qua Trường Thi, nơi kỵ binh và thủy binh đang đóng, người ta gặp nhiều lăng mộ và các vườn cây ăn quả ẩn mình trong các ngôi làng toàn nhà lá. Cuộc kê khai số đinh trong khu vực đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn cho phép chúng ta xác định được một số những ngôi làng nầy. Đi theo con “đường chiến lược”, ngày nay trở thành phố Frère Louis(7), ta có thể tới được khu buôn bán lâu đời nhất (khu Chợ Lớn), trong đó Sài Gòn, đúng hơn là Bến Nghé, chỉ là một khu ngoại ô xa xôi... 

Sách vở cho biết sự di cư của người Tàu tới Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1778 và có lẽ sự kiện người Tàu rời bỏ các trung tâm ở sâu trong nội địa tới Chợ Lớn để chạy trốn cuộc chiến tranh của Tây Sơn là có thực. Nếu chú ý rằng Nam Kỳ xưa kia thuộc Cao Miên và trước khi có Chợ Lớn đã có một thành phố Khmer gọi là Prei Nokor thì ta có thể giả thuyết rằng người tàu đã ở Chợ Lớn từ rất sớm như đã ở khu vực Angkor và nhiều thành phố khác trong nước Cao Miên cổ. Nhìn từ trên máy bay, dấu vết của Prei Nokor là một đường bao với một trường đua ở bên trong. Với các đền chùa của các bang hội Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu của người Minh Hương..., chỉ riêng Chợ Lớn có đặc trưng của một thành phố.” Qua những chứng liệu vừa kể, chúng ta thấy hai thành phố “Thầy Ngòn” và “Tây Cống”, tức Sài Gòn, hoàn toàn khác biệt nhau. 

Phải Chăng Kas Krobei Chính Là Vùng Bến Nghé? 

Câu hỏi tự nó cũng là câu trả lời vì Kas Krobei là tiếng Khmer có nghĩa là “Bến Trâu”. Đó là nói về phần nguồn gốc Kas Krobei từ phía người Khmer. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu về nguồn gốc của địa danh Bến Nghé về phía người Việt Nam. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thế kỷ thứ XIV, nước Chân Lạp bị quân Mã Lai đánh phá dữ dội nên phải chịu thần phục Mã Lai. Sau đó Chân Lạp lại bị Xiêm La đánh chiếm. Trong khoảng thời gian chiến tranh giữa Xiêm La và Chân Lạp, một số dân Chân Lạp sống sót đã bỏ xứ chạy về trốn tránh trong vùng nầy. Có lẽ từ đó mà tại vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn có những địa danh Khmer như Prinagaram (phố giữa rừng), Kas Krobei(8), và Prei Nokor(9), vân vân. Theo Phương Đình Dư Địa Chí, sông Tân Bình chảy qua vùng phía bắc huyện Bình Dương khoảng 5 dặm, tức vùng Bến Nghé, có tên là sông Ngưu Hống, chảy đến trước tỉnh thành lại chuyển sang hướng đông đến cửa Phù Gia, Tam Giang rồi hợp với sông Phúc Bình để chảy ra cửa bể Cần Giờ. Thuyền buôn đi lại lũ lượt, là một nơi đô hội lớn trong vùng. Tục truyền sông nầy có nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu kêu cho nên gọi là sông Ngưu Hống, nên nước sông lúc nào cũng đục. Sau khi Nguyễn Ánh thu phục thành Gia Định thì nước sông lại trong, rồi năm Minh Mạng thứ 2 và thứ 6, nước sông lại trong lần nữa. Dân gian đương thời cho rằng đây là điềm an lạc thái bình cho cư dân. Đến năm Minh Mạng thứ 17, 1846, nhà vua cho khắc hình sông vào cao đỉnh. Đến năm Tự Đức thứ 3, 1850, nhà vua cho liệt tên sông vào điển thờ(10). Có lẽ thời đó vùng đất nầy lúc nào cũng có những tiếng gầm như tiếng trâu của hàng ngàn đàn cá sấu, cho nên những cư dân Việt Nam đầu tiên đến định cư trong vùng đất nầy đã đặt tên cho sông là sông Ngưu Hống (Bến Nghé), bến là Ngưu Tân (Bến Nghé), và rồi lâu dần cả vùng đất nầy cũng mang tên Bến Nghé. Hơn nữa theo các bô lão địa phương kể lại, lúc đầu khai phá vùng đất nầy, cư dân ở đây nuôi rất nhiều trâu để giúp người phá rừng làm ruộng. Mỗi trưa họ dắt từng đàn trâu đến phía rạch Ông Bương(11) để cho trâu uống nước, vì vậy mà có rạch Bến Trâu, đến năm 1954 vẫn còn con rạch mang tên Bến Trâu ở vùng Phú Lâm. 

Sau khi thành lập hai phủ Phước Long và Tân Bình vào năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh bèn xây đắp một lũy đất dài khoảng 8 hoặc 9 cây số, từ phía dưới rạch Thị Nghè lên vùng Chí Hòa ở khu Rạch Cát, nhằm bảo vệ vùng phía tây bắc và tây nam vùng Kas Krobei và Prei Nokor, tức vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay; riêng phía đông bắc và đông nam Sài Gòn đã có rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và sông Sài Gòn che chắn. Như vậy ngay từ thời điểm nầy vùng Bến Nghé đã được triều đình xứ 

Đàng Trong để ý đến. Tuy nhiên, vào thời điểm quan Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh(12) vào kinh lược xứ Nông Nại, thì dân số vùng nầy lúc bấy giờ không vượt quá con số 200.000, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Toàn vùng Sài Gòn và Nông Nại vẫn còn chìm trong những khu rừng rậm hoang vu như khu rừng Hóc Môn, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Lâm, vân vân. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi. Về việc nầy chính Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành 

Thông Chí như sau: “Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Lúc đầu thiết lập ba dinh, một dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc gì cả, cốt yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Prei Nokor vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: 

“Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú 

Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Đến hậu bán thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ 18, các di thần nhà Minh không phục nhà Mãn Thanh nên đã chạy qua xứ Đàng Trong và được chúa Nguyễn cho vào khai khẩn vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 1679, tướng Trần Thượng Xuyên, tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm, cùng phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ, lên đồn trú tại xứ Đồng Nai, khai phá đất hoang, lập ra Đông Phố(13), một trong những khu thị tứ sầm uất nhất của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. 

Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ XVIII, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng. Đến thời Gia Long thì đất Nam Kỳ vẫn còn chia làm 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh, Chợ Lớn, và Gia Định. Quan Kinh Lược Nguyễn Hữu 

Cảnh có công rất lớn với dân tộc Việt Nam trong việc mở cõi về phương Nam. Đến trước năm 1776, vùng Cù Lao Phố(13) và toàn vùng Gia Định đã phát triển trên một qui mô rộng lớn, sinh hoạt thời nầy được Lê Quí Đôn ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: “Ở mỗi địa phương, mỗi nơi có từ 40 đến 50 hoặc từ 20 đến 30 nhà giàu. 

Mỗi nhà có từ 50 đến 60 người giúp việc ruộng rẫy, từ 300 đến 400 trâu bò, cày bừa gặt cấy rất rộn ràng. Gạo được bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc như tơ lụa, trừu, quần áo, vải bô.” Cùng năm 1776, quân Tây Sơn chiếm vùng Cù Lao Phố và truy đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi thành Gia Định. 

Vị Trí Của Vùng Đất Bến Nghé Khi Còn Mang Tên Kas Krobei: 

Sau khi đại quân Tây Sơn đã phá hủy toàn bộ vùng Cù Lao Phố vào năm 1776, đa số những người Minh Hương còn sống sót đều kéo nhau chạy về vùng đất Bến Nghé. Vào thời đó tàn quân của Nguyễn Ánh cũng chạy theo nhóm người Minh Hương về đây. Đến năm 1778, sau khi củng cố lực lượng, Nguyễn Ánh đã cho xây đắp một lũy đất từ bờ sông Sài Gòn đến kinh Tàu Hủ ngày nay. Nguyễn Ánh lại cho thiết trí những cọc gỗ nhọn có bọc sắt tại các vàm sông rạch quanh vùng. Sau khi người Hoa đã rời bỏ vùng Cù Lao Phố để chạy về định cư tại vùng Bến Nghé, rồi đến khi Nguyễn Ánh xây đắp chiến lũy, có thể nói khu vực Bến Nghé thời đó bao gồm cả một vùng rộng lớn từ Gia Định, qua Sài Gòn, rồi chạy về phía Nam đến vùng Chợ Lớn ngày nay. Theo Sơn Nam trong “Bến Nghé Xưa”, Bến Nghé ở vào vị trí độc đáo: sát bờ biển, bên Khánh Hội là ranh giới của rừng Sác, chạy ra tới biển. Ở lằn ranh từ Tây Nguyên đổ xuống, có thể trồng cây cao su. Ranh giới của vùng đất thấp ăn đến Đồng Tháp Mười và chạy đến tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ vậy mà Bến Nghé liên lạc dễ dàng ra Trung và Bắc Phần, lên cao nguyên, lại có đường thủy lên Campuchia. Trên biển Đông, Bến Nghé được ca ngợi là bao lơn của Thái Bình Dương. Muốn vào cảng, tàu bè theo sông Lòng Tàu quanh co giữa rừng Sác, lạch nước sâu và rộng, không phải nạo vét thường xuyên, quanh năm không có sương mù(14). 

Ngày nay mỗi khi nhắc đến Bến Nghé, có người lầm tưởng đó là tên gọi xưa của Sài Gòn mà thôi. Như vậy cũng đúng, nhưng không đúng hoàn toàn, vì đối với cương giới của xứ Đàng Trong thời đó, vùng Bến Nghé là cả một vùng đất rộng lớn bao gồm các vùng Gia Định, Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay. Phía Bắc của Bến Nghé là vùng gò nỗng, đất cao chạy từ phía Gò Vấp xuống rạch Thọ Nghè, qua gò Tân Định, rồi theo bờ sông Sài Gòn đến cột cờ Thủ Ngữ và Bến Sỏi ngày trước(15). Tại đây có những vùng cao hơn 10 mét so với mực nước biển, tức là khu vực thành Gia Định ngày trước, ngày nay là khu vực đường Đinh Tiên Hoàng. Phía Nam bờ vàm rạch Bến Nghé là vùng đất thấp. Về bên phải của bờ sông Sài Gòn, từ vàm rạch Thị Nghè ra đến Nhà Bè, từ lâu nay đã là một vị trí chiến lược quan trọng trong việc phòng thủ thành Gia Định. Dưới thời các chúa Nguyễn, vùng Bến Nghé đã có Đồn Dinh chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ cho cả vùng. 

Quân Xiêm La Luôn Dòm Ngó Vùng Kas Krobei và Prei Nokor: 

Sau khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho vua Chey Chetta II vào năm 1620, và sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt hai trạm thu thuế tại hai xứ Prei Nokor và Kas Kobei vào năm 1623, tức vùng Sài Gòn-Bến Nghé ngày nay, từng đoàn lưu dân cùng khổ người Việt từ các xứ Thuận Quảng kéo nhau vào đây tìm đất sống. Dầu đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt, nhưng những người đi tiên phong đã gặp phải vô vàn trở ngại từ rừng thiêng nước độc đến vô số thú dữ thời đó đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng mà kể cho xiết. Ngay từ những ngày đầu mở cõi về phương Nam, Bến Nghé đã sớm trở thành trung tâm của cả vùng Nam Kỳ. Và có lẽ vương quốc Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay, cũng nhìn thấy vị trí chiến lược của vùng Bến Nghé nên lúc nào cũng chực chờ đánh chiếm vùng đất nầy. Năm 1731, quân Xiêm La đã tràn vào đến 18 Thôn Vườn Trầu và uy hiếp vùng Bến Nghé, nhưng đã bị quân đội xứ Đàng Trong đẩy lui. Trước năm 1748, chưa có con đường thiên lý bắc-nam nên mọi sự di chuyển đi lại đều bằng đường thủy, nên sự di chuyển từ kinh đô đến các vùng Trấn Định, Long Hồ và Hà Tiên, vừa chậm mà lại vừa nguy hiểm vô cùng. Chính vì vậy mà Bến Nghé đã sớm trở thành điểm trung chuyển vô cùng quan trọng cho miền ngoài(16) cũng như vùng Đồng Nai với vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đến năm 1771, quân Xiêm La tiến chiếm Hà Tiên và tìm cách đánh dần lên Trấn Giang(17) để tìm đường lên đánh chiếm Bến 

Nghé. Để dễ bề tiến quân, quân Tây Sơn đã cho nạo vét và khai thông kinh Ruột Ngựa vào năm 1772, nhờ đó mà quân sĩ đã di chuyển rất nhanh chóng đến vùng Mỹ Tho và cuối cùng quân ta đã đẩy lui họ một cách dễ dàng. Năm 1784, khi Nguyễn Ánh cho người đi Vọng Các cầu viện, hai tướng Xiêm La là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đã kéo quân sang đánh chiếm toàn bộ miền Tây, nhưng trên đường tiến quân về Bến Nghé thì giặc đã bị nghĩa binh Tây Sơn đánh tan tác tại vùng Rạch Gầm Xoài Mút. Năm 1790, khi Nguyễn Ánh quyết định xây Kinh Gia Định, ông đã cho xây đắp nhiều con đường bằng đất hầm quanh vùng như đường Phú Lâm đi Cai Lậy. Như vậy, tính đến năm 1790, con đường thiên lý lót bằng đất hầm và đá ong đã có thể đi từ kinh kỳ đến Cai Lậy. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cho nạo vét lại những con rạch nối liền miền Tây với rạch Bến Nghé để tiện việc chuyên chở lương thực từ miền Cửu Long lên Kinh Gia Định tiếp tế cho quân lính của ông. Kinh Bảo Định đã được Nguyễn Cửu Vân đào từ năm 1705, từ sông Tiền lên Tân An, nay chỉ cần nạo vét lại là ghe thuyền có thể đi lại dễ dàng. Năm 1833, lịch sử xâm lược của quân Xiêm La lại tái diễn khi họ kéo quân qua gọi là tiếp trợ cho quân nổi dậy của Lê văn Khôi. Quân Xiêm La tiến ào ạt từ nhiều mặt tại các vùng Hà Tiên, Châu Đốc, và Tân Châu, rồi hiệp nhau tại Vàm Nao để kéo xuống đánh chiếm Sa Đéc để tiến về Mỹ Tho và Bến Nghé, nhưng đã bị quân ta đánh tan tại vùng Sa Đéc. 

Có Phải Chăng Prei Nokor Lại Là Vùng Chợ Lớn? 

Sau cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II vào năm 1620 đã khiến cho xứ Chân Lạp đối xử thật dễ dãi cho những lưu dân Việt Nam đến vùng Thủy Chân Lạp tìm đất sống. Đến năm 1623 thì số cư dân người Việt tại vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã khá đông nên chúa Nguyễn đã sai một sứ bộ sang Chân Lạp yêu cầu vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Tuy nhiên, không có tài liệu nào ghi lại rõ ràng hai đồn thu thuế nầy cách nhau bao xa và vị trí chính xác là ở đâu. Mặc dầu hồi đó hai vùng nầy vẫn còn hoang vu, nhưng vẫn là điểm trung chuyển nghỉ ngơi của các thương nhân đi vào Chân Lạp. Kể từ đó hai địa danh Sài Gòn và Bến Nghé được xứ Đàng Trong mặc nhiên coi như lãnh địa của mình. Vào năm 1747, một biến cố lớn xãy ra tại vùng Đông Phố, có một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa. Biến cố nầy đã gây sự bất ổn cho những người Minh Hương tại Giản Phố. Tiếp theo đó, vào năm 1776, đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố. Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, do công cuộc khai khẩn ruộng đất của lưu dân người Việt nên vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là không đầy một thế kỷ sau đó cả một vùng rừng rậm hoang vu Prei Nokor đã biến thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp và buôn bán phồn thịnh. Năm 1778, đa số người Hoa ở vùng cù lao Phố đã bị quân Tây Sơn đánh đuổi đều ngược dòng sông Bến Nghé lên khu Chợ Lớn ngày nay. Tại đây họ lại xây dựng phố sá như phía Bến Nghé và tiếp tục buôn bán như xưa. Người Hoa gọi vùng nầy là ‘Đê Ngạn’, người Phúc Kiến phát âm là ‘Tầy Ngon’, và người Việt lại đọc trại là ‘Thầy Ngòn’. Có lẽ đọc như vậy riết rồi lại trại ra là ‘Sài Gòn’. Thành phố nầy được người Việt Nam gọi là Chợ Lớn từ khi người 

Pháp xây dựng hai ngôi chợ: Chợ Lớn(18) và Chợ Nhỏ(19). Kỳ thật, khu được mệnh danh là ‘Sài Gòn’ về sau nầy đích thực là khu ‘Bến Nghé’ ngày trước. Hiện trên những gò cao vẫn còn những chứng tích của những ngôi chùa cổ đã được xây dựng từ năm 1774 như chùa Giác Lâm, chùa chùa Giác Viên, chùa Cây Mai và chùa Cây Gõ, vân vân. Khu vực Chợ Lớn, mà ngày xưa gọi là Sài Gòn, có bến cẩn đá xanh rất xinh xắn. Theo bản đồ của Trần văn Học dưới thời Gia Long, Chợ Lớn chạy từ con đường mà ngày nay là đường Tản Đà đến khoảng chợ Kim Biên trong quận 5. Mặc dầu không lớn như bên phía Sài Gòn, nhưng vì người Hoa tập trung rất đông, nên chỉ trên khoảng phố sá dài khoảng 3 dặm của Chợ Lớn thật là náo nhiệt. Mặc dầu thời đó hai vùng Bến Nghé và Sài Gòn vẫn còn cách nhau bởi một khoảng rừng thưa, nhưng từ sau năm 1788 khi thành Gia Định (thành Qui) được xây dựng thì vùng Bến Nghé đã một sớm một chiều biến thành xứ thành thị vì Thành Qui rất thuận tiện, trên chợ dưới bến nên người thời đó còn gọi là chợ Bến Thành với cả một dãy dinh thự, kho lẫm, xưởng đóng ghe thuyền và tàu chiến. Đồng thời, hệ thống đường sá và phố chợ được xây dựng rất qui mô. Đây là khu chợ Bến Thành Cũ, chứ không phải là chợ Bến Thành(20) ngày nay. Chẳng bao lâu sau cả vùng Bến Nghé-Sài Gòn, tức vùng Chợ 

Lớn ngày nay, đã nhanh chóng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho cả vùng miền Nam. Trịnh Hoài Đức đã ghi về Bến Nghé trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Sau khi Thành Qui được xây đắp thì dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường, nhà ngói liên tiếp nhau. Tàu ghe từ ngoài biển đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.” Thêm vào đó, sau khi vua Quang Trung băng hà, cục diện hoàn toàn đổi thay. Ở miền Nam, Nguyễn Ánh ra sức củng cố thành Gia Định, xây dựng kho lẫm, xưởng đóng thuyền chiến, xưởng chế tạo vũ khí, vân vân. Hồi nầy thương cảng Bến Nghé thu hút tàu bè của thương nhân ngoại quốc lui tới buôn bán đông đảo. Phố xá sầm uất, chợ búa tấp nập đã khiến cho vùng Prei Nokor-Bến Nghé trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho toàn vùng. Trịnh Hoài Đức lại ghi tiếp về Bến Nghé: “Nơi đây dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau... Tàu ghe hải dương đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.”(21) Vào năm 1821, Finlayson đã ghi lại trong “Journal de voyage”, được đăng trong “Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises” vào năm 1939 như sau: “Không ngờ ở miền xa xôi nầy lại có một thành thị to và rộng như vậy... Cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang thứ tự hơn nhiều kinh đô Âu châu.” Khi người Pháp vừa chiếm Gia Định vào năm 1859, con đường lót đất hầm nối liền Bến Nghé và Chợ Lớn(22) chỉ là một con đường với lác đác vài căn nhà lá trong khu trũng thấp mà thôi. Rõ ràng vào năm 1859, thì khu thị tứ Sài Gòn, nói đúng hơn là Bến Nghé, hoàn toàn cách biệt và khác hẳn khu thương mại sầm uất Chợ Lớn thời bấy giờ. Theo ông Louis Malleret, một nhà khảo cổ học người Pháp, trước khi có Chợ Lớn khu vực nầy đã từng có một khu thị tứ Khmer tên Prei Nokor, tuy nhiên chỉ sau khi người Hoa đổ dồn về đây buôn bán thì Prei Nokor mới thật sự thay hình đổi dạng thành một Chợ Lớn với đặc trưng của một thành phố. Điều nầy cho thấy rõ Kas Krobei và Prei Nokor là hai thành phố riêng biệt trước khi nó được sáp nhập lại làm một sau thời Pháp thuộc để trở thành một Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông” vào thập niên 1950. 
Kinh Tàu Hủ tại Chợ Lớn—La Cochinchine 1925. 

Chú Thích: 
(1) Cao Miên ngày nay. 
(2) Nam Kỳ ngày nay. 
(3) Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay. 
(4) Đê Ngạn chữ Hán có nghĩa là nắm vững bờ sông. 
(5) Thời đó, lũy ‘Sài Côn’ là một lũy quân sự của Cao Miên với mục đích bảo vệ một miền đất chạy dài từ cửa biển Cần Giờ và cửa Ba Rài lên đến vùng biên giới Việt-Miên ngày nay. 
(6) Sở dĩ có tên Tây Cống là vì đây là phần đất mà các vị vua của nước ở phía tây cống hiến cho xứ Đàng Trong. 
(7) Ngày nay là đường Trần Hưng Đạo. 
(8) Còn gọi là “Bến Trâu”. 
(9) Rừng Gòn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay. 
(10) Phương Đình Dư Địa Chí, Nguyễn văn Siêu, NXB Tự Do, 1958 và Đại Nam Nhất Thống Chí, tập V, quyển xxxi, tr. 214. 
(11) Ngày nay đã bị lấp cạn, nhưng thời VNCH vẫn còn có một cái hẻm nhỏ tên hẻm Rạch Ông Bương. 
(12) Nguyễn Hữu Cảnh sanh năm 1650 tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Theo các nhà sử học, Nguyễn Hữu Cảnh chính là hậu duệ của Quốc Công Nguyễn Bặt dưới thời nhà Đinh, và cũng là cháu mấy đời của Nguyễn Trãi. Cha ông là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, người đã có công lớn với xứ Đàng Trong trong cuộc đối đầu với nhà Trịnh ở phía Bắc. Ông là một vị tướng văn võ toàn tài, một nhà quản lý hành chánh xuất sắc dưới thời Nguyễn Sơ. Ngay khi cha ông mất vào năm 1681, ông đã tích cực tham gia vào quân đội xứ Đàng Trong. Năm 1692, chúa Nguyễn sai ông đem quân đánh dẹp vua Champa là Bà Tranh ở Diên Ninh (Phú Yên ngày nay), rồi đổi tên vùng đất mới nầy ra làm Thuận Thành. Ông là vị quan Trấn Thủ đầu tiên của của trấn Thuận Thành. Ngay sau khi nhậm chức Trấn Thủ Thuận Thành, ông đã tổ chức cho dân chúng khai hoang lập ấp, khiến trấn Thuận Thành ngày càng phát triển rất vững vàng. Chính ông là người đầu tiên đã khai sanh ra vùng đất phía Nam, và là người xây dựng một cách vững chắc hệ thống hành chánh đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định.

(13) Đây là một hòn đảo phì nhiêu, nằm trên sông Đồng Nai, nên chỉ sau một thời gian ngắn, những người Minh Hương nầy đã thành lập và phát triển khu nầy thành Nông Nại Đại Phố. Lúc đó Đông Phố có giao dịch thương mại với người Tàu, Nhật, châu Âu. Thuyền bè tụ tập về đây rất đông đảo. Kể từ thập niên 1680, Cù Lao Phố, hay Đông Phố, hay Giản Phố, đã bắt đầu trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất của xứ Đàng Trong. Cù Lao Phố nằm cách bờ biển trên 100 cây số, nhưng lúc đó nó là một cảng nước sâu, là trung tâm tụ hội của các khu vực, là khu chợ đầu mối của các khu chợ quanh vùng. Vào thời Pháp thuộc, quốc lộ số 1 và đường rầy xe lửa xuyên Việt đều đi ngang qua Cù Lao Phố qua hai cây cầu là cầu Gành về phía nam và Cầu Rạch Cát về phía bắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn đã ghi lại cảnh phồn thịnh và sầm uất của

Cù Lao Phố như sau: “Cù Lao Phố ngày trước là một nơi hưng thịnh, thu hút nhiều cư dân đến từ miền Trung. Nhà mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng. San sát bên bờ sông là các nhà làm bằng gỗ hai tầng, nối liền năm dặm. Ngoài việc xây cất nhà cửa, chợ búa, phát triển các nghề trồng trọt, thủ công nghiệp, tướng Trần Thượng Xuyên còn cho xây ba loại đường rộng, bằng phẳng, đến nay vẫn còn. Con đường giữa, theo chiều dài cù lao, lót đá ong đỏ, dài khoảng 4 cây số, từ chùa Đại Giác đến Bến Đò Kho. Con đường thứ hai, xây ngang qua Cù Lao Phố, lót đá trắng, cắt ngang con đường giữa cạnh chợ Hiệp Hòa, đi đến bến đò Tân Vạn. Con đường thứ ba lót đá xanh, bao quanh Cù Lao, ngày nay không còn nữa.”

(14) Bến Nghé Xưa, Sơn Nam, NXB Văn Nghệ, 1992, tr. 12.
(15) Những vùng nầy chỉ cao hơn mực nước biển trung bình khoảng 2 mét mà thôi.
(16) Miền Trung.
(17) Cần Thơ ngày nay.
(18) Tức Chợ Lớn cũ.
(19) Tức Chợ Thiếc hay Chợ Phó Cơ Điều.
(20) Chợ Bến Thành bây giờ chỉ mới được xây lại vào khoảng những năm 1903 hay 1904 mà thôi.
(21) Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí”, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, NXB
Tổng Hợp Đồng Nai, TPHCM, 2005, tr. 114.
(22) Ngày nay là đường Trần Hưng Đạo.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.


 Nhấp vào Links:

9/ Đất Phương Nam I - Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa
10/Đất Phương Nam I - Vùng Đất Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn
11/Đất Phương Nam I - Kas Krobei Hay Prei Nokor Là Sài Gòn?