Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Thơ Tranh: Nhớ - Sắt Cầm Hòa Nhịp


Thơ: Kiều Mộng Hà, Hồ Công Tâm


Thơ Tranh: Kim Oanh

Vá Khâu Nỗi Buồn


Người đi đêm ấy trăng mờ
Rừng khuya buốt lạnh thẫn thờ lá rơi
Lá rơi phủ kín chân đồi
Có người con gái đôi môi nhạt màu

Đèn chong thổn thức đêm thâu
Nằm nghe gió gọi biết đâu tìm người
Làm sao nhặt gió ngàn khơi
Làm sao gió thổi đến nơi người nằm

Người nằm trong chốn xa xăm
Rừng im im vắng trăng thăm thẳm sầu
Người nằm trong huyệt mộ sâu
Ta vun lá rụng vá khâu nỗi buồn

phamphanlang
7/5/2019̣

Bước Chân


Một lần vào buổi chiếu
Em bước ngang nhà tôi
Khi nắng chiều còn vương
Mái tóc em úa vàng

Bóng em dài nghiêng nghiêng
Rợp mát một khúc đường
Bước chân đã xa rồi
Tưởng như còn đâu đây

Rồi từ đó mổi chiều
Tôi dỏi mắt ra đường
Mong chờ bước chân cũ
Sao mù mịt xa xăm

Rất lâu, từ rất lâu
Tóc xanh nay đổi màu
Vẫn mãi còn chờ đợi
Bước chân trong nắng chiều

Montreal, Nov. 17, 2006
Thadée Thái Quang Đáng

Tình Ngoài Tay Với



Xướng:
Tình Ngoài Tay Với

Tưởng gót hài xưa bước vọng âm
Nghe mưa vời vợi nhớ khôn cầm
Đời như sông rẽ đôi dòng chảy
Ta vẫn thân neo một chỗ nằm
Ngày ngóng trông ai ngàn dặm vắng
Đêm về đối bóng bốn tường câm
Tình ơi, giờ đã ngoài tay với
Một nửa hồn ta chết lặng thầm

Nguyễn Kinh Bắc
***
Bài Họa:
Tình Chưa Cạn


Tứ bề quạnh quẽ chẳng thanh âm
Người bặt tin theo khúc nguyệt cầm
Bốn bức tường loang ngồi đối bóng
Mấy mùa đông buốt gối đơn nằm
Bao nhiêu nhung nhớ tình chưa cạn
Bấy lúc yêu cuồng nén lặng câm
Người hởi có hay niềm trắc ẩn
Cam đành số phận khóc thương thầm

Kim Oanh
***
Tình Tan

Người đi còn vọng mãi dư âm
Bỏ lại tình ta tiếng sắt cầm
Hẹn ước tương lai đành xếp lại
Đam mê mộng ảo oải thân nằm
Mấy năm xa cách buồn ly biệt
Một bóng đi về lạnh buốt câm
Dẫu biết tình xa ngoài vạn dặm
Sao tim cứ vẫn nhớ âm thầm.

Kim Dung
 (12/12/2019)

Trăng Thu



Trăng Thu

Chiều chiều ngồi lại mình ta
Phải chi có bạn uống trà chung vui
Đêm khuya Thu lạnh ngủ vùi
Vầng trăng mỏng quá rối bời tâm tư.

Vắng người quanh chốn thảo lư
Nên trăng cũng biết tương tư khẻ buồn
Cạnh vườn hoang vắng rẫy nương
Sầu riêng nên nghẹn vấn vương một mình.

Đọa đày một kiếp buồn tênh
Lắng nghe tiếng thở dập dềnh quạnh hiu
Mây hồng vắng chốn trời chiều
Đèn lên quán nhỏ tiêu điều người ơi !

Ai vui từ phía chân trời
Để tôi ân hận suốt đời nhớ thương.

Dương hồng Thủy
***

Trăng Thu Xứ Người

Xứ người quanh quẩn một ta
Ước chi...bạn đến pha trà mua vui
Đến khuya mình ngủ say vùi
Trăng thu lành lạnh bời bời ưu tư...

Ngoài hiên ngọn cỏ lắc lư
Gió lùa,mà thấy tâm tư buồn buồn..
Quanh nhà nào có ruộng nương
Niềm đau ray rứt mãi vương riêng mình

Nghĩ mình số kiếp nhẹ tênh!
Để đời vùi dập gập ghềnh buồn hiu
Tuổi trời cho đã xế chiều
Giờ vùng giẩy có được điều gì ơi?

Thôi thì phó mặc cho trời!
Buông lơi số phận cho đời người thương

songquang
20191211
***
Một Mình Đối Bóng

Đèn mờ, chỉ bóng và ta
Dù hương sen ngát chung trà, nào vui !
Vầng trăng chắc đã say vùi
Căn phòng lạnh lẽo bùi ngùi nỗi tư

Nhang trầm cắm nhẹ vào lư
Để nghe hơi ấm, tâm tư đỡ buồn
Côn trùng hòa nhạc ngoài nương
Chạnh lòng ta lại sầu thương nỗi mình.

Cuộc đời sao quá rỗng tênh
Ra vào sớm tối một mình hắt hiu
Vi vu chỉ ngọn gió chiều
Xin cho ta nhắn đôi điều, gió ơi.

Ngập ngừng hỏi áng mây trời
Có về bên ấy, nơi người tôi thương ?

Phương Hà

Đất Phương Nam I - Từ Vùng Đất Romdum Ray Đến Tỉnh Tây Ninh (Phần 1)



Địa Thế Vùng Đất Tây Ninh:

Về địa thế, đất đai vùng Tây Ninh khá cao, trung bình là 15 mét trên mặt nước biển. Tây Ninh là vùng đất với cả hai thềm phù sa cũ và mới. Bên dưới lớp phù sa mới của các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các nhánh sông nhỏ khác của miền Đông Nam Phần... là lớp phù sa cũ của sông Cửu Long trước khi nó đổi dòng về miền Tây, cách nay khoảng 10.000 năm. Vùng thềm nầy không giới hạn trong tỉnh Tây Ninh của Việt Nam, mà nó trải dài lên tỉnh Svey Riêng của Campuchia. Nói chung, ngoài một vài ngọn núi đơn lẻ, Tây Ninh nằm trong một vùng bình nguyên tương đối bằng phẳng, có bề mặt nghiêng về phía Nam do độ cao của thế đất giảm dần, từ 100 mét bên phía Campuchia, chỉ còn khoảng 15 mét ở vùng giáp với Bình Dương. Có lẽ vùng bằng phẳng nhất là vùng Tây Ninh, còn các vùng có độ cao nằm bên kia biên giới Cao Miên quanh vùng Bàu Có. Riêng vùng núi Bà Đen là điểm đặc sắc nhất trong vùng, vì nó là một khối đá hoa cương tương đối lớn nhất trong vùng, và cao đến 986 mét. Núi Bà Đen cũng còn được gọi là “Vân Sơn”, vì đỉnh núi lúc nào cũng được mây bao phủ. Và đây cũng là ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Các thung lũng quanh vùng chỉ là những thung lũng cạn, chỉ thấp hơn bề mặt bên trên chừng 10 mét. Những lớp đất sét mịn quanh vùng cho thấy dấu tích của những lòng sông cũ. Tuy nhiên, người ta chưa xác định được bề dày của lớp đất sét nầy. Riêng vùng Cà Tum, trên đường từ Tây Ninh đi biên giới, trên một phụ lưu của sông Rạch Sanh Đôi, thì lớp đất nầy chỉ dày khoảng từ 4 đến 5 mét mà thôi. Phía Bắc của thị xã Tây Ninh trở lên có nhiều rừng núi, nhưng phía Nam khá bằng phẳng, gần giống như vùng đồng bằng. Tây Ninh nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Riêng sông Sài Gòn có hồ Dầu Tiếng, và công trình thủy lợi tại đây có thể cung cấp nước cho trên 17.000 mẫu tây ruộng đất. Thật ra, Tây Ninh là vùng tiếp giáp giữa dãy Trường Sơn và đồng bằng miền Nam. Hai tầng phù sa mới và cũ(1) rất thuận tiện cho việc trồng nhiều loại cây. Vùng đất đỏ thì thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, mía, trà, vân vân; trong khi vùng đất xám lại thích hợp cho các loại cây ăn trái, hoa màu, và cây lúa. vân vân.
Không nói chi đến thời các chúa Nguyễn, hoặc dưới thời Pháp thuộc, mà mãi đến giữa thế kỷ thứ XX, phần lớn đất đai của tỉnh Tây Ninh vẫn còn chìm trong hoang vu, nhất là các vùng Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng. Từ trên phi cơ nhìn xuống, hầu hết địa phận Tây Ninh là những khu rừng già mênh mông, xen kẽ những ‘trảng’ và ‘truông’, đầm lầy hoang vu với đầy dẫy thú dữ.
Theo những nghiên cứu khảo cổ học mới đây cho thấy trong suốt thời gian vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Phù Nam, cũng ít thấy dấu vết của cư dân Phù Nam tại đây, mà chỉ có dấu vết của các bộ tộc bản địa lâu đời tại đây như Stiêng, Mạ, Chu Ru, Cơ Ho, vân vân. Đến khi người Khmer tiêu diệt vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ VII, họ cũng làm ngơ trước sự hoang vu của cả vùng nầy trong suốt hơn 10 thế kỷ(2). Đến khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho xứ Chân Lạp vào năm 1620, từng đoàn người Việt Nam bắt đầu di cư đến đây khai hoang lập ấp. Sau đó, người Khmer, người Chăm, rồi người Minh Hương cũng kéo đến lập nghiệp. Người Việt đã sống cộng cư trong hòa bình với các dân tộc khác, tùy theo khả năng mà cùng nhau khai phá đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Người Khmer thì phá rừng làm rẫy; người Việt và người Champa thì phá rừng để canh tác lúa nước; còn người Minh Hương thì buôn bán hàng tạp hóa và những nhu yếu phẩm cho dân cư trong vùng.

Lịch Sử Thành Lập Vùng Đất Tây Ninh:

Về phía Bắc của Nam Kỳ Lục Tỉnh là vùng mà bây giờ chúng ta gọi là tỉnh Tây Ninh, đã từng là một vùng rừng rậm hoang vu, trực thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, trên phương diện lịch sử, vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất nầy bị bỏ hoang gần như vô chủ trong gần cả ngàn năm, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, vì vương quốc Chân Lạp chưa từng đưa dân đến đây định cư, cũng chưa từng thành lập chánh quyền địa phương tại đây. Người Chân Lạp gọi vùng đất nầy là đất “Chuồng Voi”(3), có lẽ vì hồi đó khu nầy có rất nhiều voi từ Tây Nguyên xuống. Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, thì tại đây chỉ có lác đác một vài sóc hay phum của người Khmer. Tây Ninh cách Sài Gòn chừng 100 cây số, bắc giáp Kompong Cham (Cam Bốt), Nam giáp ba tỉnh Gia Định, Chợ Lớn và Tân An(4), đông giáp sông Sài Gòn (về sau này chính quyền VNCH cắt đất bờ tây sông Sài Gòn để thành lập 2 tỉnh Bình Dương và Bình Long), tây và tây bắc giáp 2 tỉnh Prey-Veng và Svay Riêng của Cam Bốt. Vì nằm giữa Sài Gòn và Nam Vang nên Tây Ninh là trục lộ quan trọng giữa hai nơi này. Từ Bình Long theo quốc lộ 13 đến Chơn Thành, rẽ phải theo lộ liên tỉnh 728 đi Tây Ninh, đến Hồ Dầu Tiếng, trước mặt là núi Bà Đen thật hùng vĩ soi bóng xuống mặt hồ. Trên đường từ Dầu Tiếng về Tây Ninh, là chợ Ngã Ba Bàu Năng, một ngôi chợ rộn rịp với những cây trái, khoai, củ, bí, cà và các loại rau quả trong vùng. Tại Tây Ninh có ngôi chợ Long Hoa là lớn nhất, nơi đây tất cả các bạn hàng từ các chợ quận lên bán những đặc sản địa phương và bổ hàng về bán lại. Tây Ninh có đường biên giới dài 240 cây số chung với Cao Miên. Tây Ninh cũng chính là nơi phát sinh ra đạo Cao Đài với số tín đồ hiện nay lên đến hơn hai triệu ở khắp miền Nam và miền Trung. Ngoài ra, Tây Ninh còn nổi tiếng với lễ hội Vía Bà trên núi Bà Đen. Từ trên núi Bà Đen nhìn xuống, Tây Ninh trông giống như một tấm thảm xanh bao la ngút ngàn. Vào thế kỷ thứ XVII, lưu dân Việt Nam từ các tỉnh miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp và lập thành dinh Phiên Trấn (Gia Định), từ đó lưu dân tản lên các vùng mạn Bắc Phiên Trấn như Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, đến tận núi Bà Đen. Lúc đó họ chung đụng với người Miên. Khi Nguyễn Ánh bôn tẩu trốn quân Tây Sơn, có lần ông đã kéo đoàn tùy tùng vượt qua Trảng Bàng rồi lên đến Tây Ninh, nơi đây ông đã họp quần thần lại để mưu tính khôi phục Phiên Trấn nên dân địa phương gọi đó là “Sân Chầu,” địa danh mà người dân Tây Ninh vẫn còn nhắc đến. Thời Gia Long thì Tây Ninh là một phủ của Gia Định. Lúc bấy giờ tỉnh Gia Định rất rộng và bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Tân An, Chợ Lớn, và Gò Công. Sau khi Pháp chiếm Nam kỳ họ thành lập tỉnh Tây Ninh để dễ bề kiểm soát với 2 thị trấn là Tây Ninh và Gò Dầu Hạ và 2 quận Thái Bình và Trảng Bàng. Dưới thời các chúa Nguyễn, Tây Ninh là một phủ của tỉnh Phiên An (Gia Định). Thời đó Phủ Tây Ninh có 2 huyện: Tân Ninh và Quang Hóa, do 2 viên tri huyện cai trị, một tại Tây Ninh và một tại Cẩm Giang.
Vào giữa thế kỷ thứ XVII, các tỉnh vùng Ngũ Quảng, Phú Yên, Bình Khương, và Bình Thuận, vân vân, của xứ Đàng Trong đang bị nạn thất mùa, nên dân chúng phải sơ tán đi tìm đất sống. Họ vào Nam bằng ghe bầu, đến cửa Cần Giờ, rồi đi lần lên vùng Prey Nokor, rồi từ đó họ đi lần lên Romdum Ray, khai khẩn các vùng Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Núi Bà Đen. Đây là một trong những cuộc di dân lớn nhất của người Việt vào đất Thủy Chân Lạp. Ban đầu người Khmer và người Việt sống cộng cư, nhưng về sau nầy hễ người Việt đi đến đâu là người Khmer bỏ đi chỗ khác. Chính vì vậy mà chưa đầy một thế kỷ sau, tức là vào thế kỷ thứ XVIII, hầu như không còn người Khmer sống quanh vùng Prey Nokor nữa.
Từ năm 1776 đến năm 1779, nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Gia Định, nhưng đến năm 1780, sau khi đại quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh lại đem quân về chiếm lại Gia Định. Tây Sơn lại phải đem quân vào tái chiếm lại Gia Định, và cứ như thế, hai bên đánh nhau đến năm lần. Quân đội của Nguyễn Ánh và Tây Sơn tiếp tục đánh nhau trong thập niên 1770, nhiều lần Nguyễn Ánh và đám quần thần của ông đã phải chạy lên vùng Romdum Ray lẩn trốn sự truy đuổi của đại quân Tây Sơn. Khi Gia Định thất thủ, Nguyễn Ánh đã phải chạy trốn trên vùng Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ. Hiện tại ở Tây Ninh hãy còn một di tích lịch sử tên ‘Sân Chầu’, nơi Nguyễn Ánh và quần thần họp trong rừng để tìm cách đánh thành Gia Định. Năm 1789, trong khi Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ đang phải đối phó với giặc Thanh, thì Nguyễn Ánh nhờ viện trợ của Bá Đa Lộc và những người Pháp tình nguyện sang giúp đánh lấy thành Gia Định. Sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh sắp đặt lại việc cai trị, củng cố Gia Định và các vùng phụ cận làm hậu cứ cho cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Lúc nầy Tây Ninh là một phủ của trấn Phiên An, dưới quyền cai trị của một vị tri phủ. Tuy nói là một phủ, nhưng thời nầy Tây Ninh chỉ là những khu rừng trùng điệp, nhiều truông, nhiều trảng, dân cư rất thưa thớt, nên việc khai khẩn vùng đất mới nầy rất khó khăn. 
Sau năm 1802, khi Gia Long lên ngôi, nhà vua cho đổi phủ Gia Định ra làm trấn Gia Định. Đến năm 1808, nhà vua lại cho đổi trấn Gia Định ra làm Thành Gia Định. Lúc nầy Thành Gia Định cai quản tất cả các trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Hồi nầy Cao Miên là phiên quốc của Việt Nam, nên các sứ thần đem phẩm vật từ Cao Miên qua triều cống cho Việt Nam đều qua ngã Tây Ninh bằng con đường cống sứ, về sau nầy con đường nầy được làm lại thành tỉnh lộ 13. Đến đời vua Minh Mạng, Tây Ninh vẫn là một phủ thuộc tỉnh Gia Định. Qua đời các vua Thiệu Trị và Tự Đức, nhiều lần quân Cao Miên đã xua quân tấn công vùng Tây Ninh tại vùng Trà Vông(5). Năm 1838, vua Minh Mạng đổi trấn Phiên An ra làm tỉnh Gia Định. Hồi nầy tỉnh Gia Định gồm 3 phủ, với 7 huyện: phủ Tân Bình có 3 huyện(6), phủ Tân An có 2 huyện(7), phủ Tây Ninh có 2 huyện(8). Năm 1846, quân Cao Miên tràn sang đánh chiếm phủ đường Tây Ninh, quan Tri phủ Huỳnh công Giản tuẫn tiết. Hiện còn ngôi đình thờ ngài tại Tây Ninh.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Khổ Vì Yêu - Thơ Cao Nguyên Nhạc Nguyên Bích - Ngọc Quy


Thơ: Cao Nguyên 
Nhạc: Nguyên Bích
Tiếng Hát: Ngọc Quy  
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan



Xế Chiều Mùa Lạnh



Đông đã đến nơi này…len khắp nẻo
Lạnh thấu xương hay vừa đủ rùng mình
Vợ chồng già lê chân từng bước nhỏ
Tay trong tay tợ như thuở xuân tình


Họ trân trọng mỗi giây còn có được
Âu yếm nhau dù má hóp răng long
Dắt dìu dưới trời mịt mù tuyết đổ
Đùa cợt cười vui như thuở tuổi hồng

Thân còm cõi, con tim còn sôi nổi
Tình nồng nàn trôi theo cánh thời gian
Không màn đến những xế chiều mùa lạnh
Thả hồn bay cùng gió núi mây ngàn

Anh Tú
Đông Bắc Hoa Kỳ
December 11, 2019


Nói Với Người Trong Mộng



Gửi đến em bài thơ không niêm nhỏ
Chút ân tình vàng võ thiết tha vui
Anh thương em nhiều lúc muốn mở lời
Nhưng lại sợ tình em hờ hững gió

Anh không hiểu sao mình không dám ngỏ
Ngại ngùng chăng khi lời ngỏ gió bay
Em ơi em tình đẹp chẳng quên ngày
Tình cũng lạ gặp nhau mình cũng lạ

Nói thương em lòng anh ray rứt quá
Sợ không còn níu được bước chân em
Con chim hồng bay bổng giữa trời đêm
Không mỏi cánh dù gặp nhiều dông bão

Hồn lưu lạc nghe sầu vương trên áo
Sợi tóc buồn trĩu nặng chút hương thơ
Đến với em không phải chuyện tình cờ
Duyên thơ nhạc hai tâm hồn như một

Anh biết em chỉ yêu lòng chân thật
Một trái tim ăm ắp nghĩa yêu thương
Bước em đi trên những khúc đoạn trường
Giữa vinh nhục hèn sang thời buổi khó

Anh thương em từ ngày vừa gặp gỡ
Em như trăng anh như kẻ lữ hành
Soi đường anh đi trên cuối cuộc tình
Và tiếp nối những gì còn dang dở

Anh gặp em coi như đời đầy đủ
Yêu Cúc vàng hoa nở mãi trong tâm
Mốt mai đây khi anh đã âm thầm
Về cõi khuất lúc chiều tàn nắng tắt

Nàng thơ ơi tình xưa dù chiu chắt
Tình yêu nào sớm muộn cũng chân mây
Thời gian đi thân thiết cũng cạn ngày
Xin được mãi yêu em trong mộng đẹp

Anh làm thơ hình như Trời cho nghiệp
Nghiệp dĩ hồng từ thuở tóc còn xanh
Anh gặp em như nhận được duyên lành
Từ em đó những ước mơ tìm thấy

Trái tim anh em đã từng vực dậy
Cuối mùa tàn lại nở giữa rừng thơ
Anh yêu em chưa có một bao giờ
Chắc Thượng Đế đã cho niềm hạnh phúc

Vì tình anh héo tàn trong vô thức
Nên yêu em chỉ trong tiếng thơ thần
Dù em ở xa hay đã thật gần
Xin được tạ ơn em bằng tất cả.

Anh yêu em như hoa lòng vạn đoá
Dâng người tình trong mộng của hôm nay
Nàng thơ ơi xin nhận tiếng thơ này
Để anh được có thêm hơi thở muộn.

Hoa Văn
Trích Thi tập “Dòng Thơ Cho Em”



Lệ Tràn Thơ



Xướng:
Lệ Tràn Thơ

Chán rồi tất cả chuyện tầm phơ
Nó khiến ta thêm nỗi phạc phờ
Cứ bảo rằng hoa ru cõi mộng
Nào ngờ tại gió hú trời mơ
Tưởng sao năm cánh soi mây tỏ
Hoá đất ngàn thu phủ khói mờ
Sông núi nào xưa đang đổi sắc
Mắt già hay lệ tủi tràn thơ...

Cao Mỵ Nhân
***
Bài Họa:
Lòng Này Sao Giãi...

Ai kìa râu tóc bạc phơ phơ
Suối nước trong veo há phỉnh phờ
Trường kiếm rỉ hoen nghìn mộng ước
Chiến bào sờn úa một trời mơ
Ôm đàn gảy nhịp âm cung lạc
Vói mắt nhìn quê biển sóng mờ
Hôm sớm mõ chuông tìm cõi tịnh
Lòng nầy sao giãi mấy vần thơ

Thiền Sư Xóm Núi NgôĐìnhChương

***
Nuối Tiếc

Ngỡ ngàng tóc đã bạc phơ phơ
Có phải thời gian khéo phỉnh phờ?
Nhớ lại độ nào, thêm nỗi nhớ
Mơ về phương ấy, rã niềm mơ
Bao năm xa cách tàn cơn mộng
Một thuở xông pha khuất nẻo mờ
Ta vẫn u hoài trong dáng núi
Ngậm ngùi nuối tiếc chuỗi ngày thơ

Nguyễn Kinh Bắc
***

Cãn Nguồn Thi Hứng


Chán lắm rồi, bao chuyện phất phơ
Làm cho ta ngất mệt bơ phờ
Đinh ninh suối vắng đưa đường mộng
Rốt cuộc rừng già khép lối mơ
Cứ nghĩ thời gian liều thuốc bổ
Ngờ đâu năm tháng cảnh sương mờ
Đường trần hiu quạnh ta lê bước
Sức lực hao mòn cạn ý thơ....

Trịnh Cơ
***
Rượu Còn Thèm Rót


Lệ chảy tràn mi kết nụ thơ
Bởi chưng quê cũ cách xa mờ
Vì đâu đất Mẹ luôn tang tóc
Đã khiến lòng người hết mộng mơ
Mưa dập từng cơn, thân rã rượi
Gió vùi bao bận, dạ bơ phờ
Say mèm, rượu cạn run tay rót
Mấy sợi tóc già bay phất phơ

Songquang
 
***
Đừng Để Nàng Thơ Tôi Đi

Mái đầu nay đã bạc phơ phơ
Mấy chuyện ruồi bâu cũng mệt phờ
Sức mọn nào đâu thôi khỏi ước
Tài hèn chi đó có mà mơ
Còn mưa sáng tản mây chìm lắng
Hết nắng chiều buông khói lặng mờ
Suốt kiếp dẫu đền chưa khép nợ
Cũng đừng hắt hủi tội nàng thơ.

Phan Tự Trí
***
Bốn Mùa


Lau sậy trên nương, gió phất phơ;
Bóng in hồ, dáng liễu Thu phờ.
Mau rơi ...tuyết phủ Đông: êm mộng.
Chóng đổ .. mưa tuôn Hạ: ấm mơ.
Sau ngõ, lá hoa khoe sắc thắm;
Trước sân, cây trái toả hương mờ.
Màu Xuân tươi sáng, sao sầu thảm?
Đau xót thương tình ái lụy thơ.

Thảo Chương Trần Quốc Việt
***
Giọt Thơ

Nắng Hạ chiều tàn gió phất phơ
Lang thang lẩn thẩn sắc bơ phờ
Tâm lùa ánh sáng phơi đường mộng
Mắt nhuộm hoàng hôn trải giấc mơ
Lúc tỉnh xanh xao bờ cỏ dại
Khi say trắng xoá cảnh sương mờ
Sầu dâng bóng tối thêm hiu quạnh
Mực bút đêm trường lệ thấm thơ

Minh Thuý
***
Gởi Bạn Thơ

Với tóc trên đầu đã bạc phơ
Ra vô ngắm cảnh thở hơi phờ
Đâu còn khí thế mà mung mánh
Cũng vắng thân quen để mộng mơ
Khi nắng chiều buông lam khói lạnh
Lúc màn đêm xuống ánh trăng mờ
Riêng ngồi,cốc rượu buồn chờ nhắp
Nghiêng ngả nâng lên đợi bạn thơ.

Thái Huy

Đất Phương Nam I - Thủ Đức Trước Năm 1975



Thủ Đức Trước Năm 1975

Vùng đất Ngãi An chính là vùng Thủ Đức về sau nầy. Đây là một trong những vùng đất trù phú nhất của vùng đất Gia Định. Trước năm 1975, Thủ Đức có nhiều ruộng mía, và một số rất lớn mía làm đường được Thủ Đức cung cấp cho nhà máy đường Hiệp Hòa. Dưới thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An được chuyển sang cho tỉnh Gia Định. Trong suốt hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định. Thủ Đức nằm về cực bắc của tỉnh Gia Định, là cửa ngõ đi vào Gia Định từ các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Phần như Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Phước Tuy, Vũng Tàu, Long Khánh, Bình Tuy, vân vân. Từ xưa đến nay, Thủ Đức vẫn luôn là một vùng dân cư đông đúc, chợ búa tấp nập, thương mãi phồn thịnh với nhiều khu công nghiệp và chế xuất vững chắc. Trước năm 1975, Thủ Đức là quận trù phú nhất của tỉnh Gia Định. Theo thống kê của bộ Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1970, quận Thủ Đức(9) có tổng diện tích khoảng 200 cây số vuông, với tổng dân số khoảng 184.989 người trong 15 xã. Thủ Đức nằm sát cạnh Sài Gòn, trước năm 1965, từ Sài Gòn lên Thủ Đức thường phải đi qua Cầu Bông tại Đa Kao, vào vùng Bà Chiểu, qua ngã tư Bình Hòa và ngã năm Bình Hòa, qua cầu Băng Ky, cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa, rối đến cầu Ngang trước khi vào chợ Thủ Đức. Theo con đường nầy thì từ Sài Gòn lên Thủ Đức khoảng 15 cây số, nơi đây có nhà ga xe lửa đi miền Trung. Sau năm 1965, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thêm xa lộ Biên Hòa, qua khỏi nhà máy xi măng Hà Tiên, đến khu làng Đại Học Thủ Đức, rồi rẽ trái tại ngã tư Xa Lộ để vào chợ Thủ Đức. Nếu quẹo phải là đi vào trường bộ binh Thủ Đức.
Về phương diện tôn giáo, ngay từ thời các chúa Nguyễn, vùng Gia Định, Sài Gòn và Thủ Đức đã từng là trung tâm tôn giáo cho toàn cõi Nam Kỳ. Ngay từ những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, các nhà sư từ miền ngoài đã vào Nam xây dựng chùa chiềng. Hiện tại vùng Thủ Đức có rất nhiều chùa, như chùa Huê Nghiêm, chùa Huỳnh Võ, chùa Long Nhiễu, chùa Vạn Quang, chùa Pháp Trí, chùa Vô Ưu, chùa Thiên Phước, chùa Nhất Trụ, chùa Bửu Long, chùa Thanh Sơn, chùa Xá Lợi, chùa Kiều Đàm, chùa Pháp Bảo, và chùa Thiên Minh. Bên cạnh đó, Thủ Đức còn có một số nhà thờ Thiên chúa như nhà thờ Francisco, nhà thờ dòng Đa Minh, nhà thờ Tu Viện Khiết Tâm, nhà thờ họ đạo Thủ Đức, và Hội Thánh Tin Lành Hiệp Phú. Về phía Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ thì có Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung tại xã Linh Xuân. Về đình miễu, Thủ Đức còn có rất nhiều ngôi đình cổ như đình Phong Phú trong xã Tăng Nhơn Phú. Ngoài ra, Thủ Đức còn có nhiều kiến trúc đáng kể như Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức, trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một trong những trường quân sự nổi tiếng nhất tại Đông Nam Á. Kế bên trường Bộ Binh Thủ Đức là trường Sĩ Quan Thiết Giáp. Bên cạnh đó còn có nhiều kiến trúc đáng kể khác như trường Đại Học Thủ Đức, làng Đại Học Thủ Đức, trường Dòng Lasan Thủ Đức, trường Quân Nhạc Việt Nam Cộng Hòa, và nhà thờ Cổ Vinh, vân vân.
Bên cạnh những kiến trúc tôn giáo vừa kể, hiện tại trong phạm vi quận Thủ Đức còn có khu lăng mộ của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi, ngoại tổ của vua Thiệu Trị. Cụ Hồ Văn Bôi là cha của bà Hồ thị Hoa, phối thất của vua Minh Mạng, người đã sanh ra hoàng từ Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị sau nầy. Tại làng Phong Phú, thuộc tổng An Thủy, có ngôi đình cổ Phong Phú. Sau năm 1940, làng Phong Phú được đổi tên thành Tăng Nhơn Phú, nhưng ngôi đình vẫn giữ tên Phong Phú. Từ Sài Gòn theo xa lộ Biên Hòa, qua khỏi làng Đại Học Thủ Đức, rẻ phải tại ngả tư xa lộ, đi về hướng trường Bộ Binh Thủ Đức, khoảng hơn một cây số, chúng ta sẽ thấy bên tay phải là ngôi đình Phong Phú. Từ ngoài cổng đình đi vào bằng một con đường đá ong quanh co, hai bên là những khu vườn cây ăn trái, bên trái là chùa Linh Phong, xa hơn chút nữa là đình Phong Phú. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất ở miền Nam. Theo các bậc kỳ lão địa phương thì ngôi đình nầy đã được xây dựng trên hai thế kỷ nay. Theo họ, sở dĩ đình không có tên của vị thành hoàng bổn cảnh cũng như không có sắc phong vì sau khi Nguyễn Ánh tái chiếm thành Gia Định, dân trong vùng xây dựng ngôi đình để thờ một vị tướng của Tây Sơn tên là Nguyên Hóa nên họ không dám nói tên và cũng chính vì vậy mà đình cũng không có sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Năm 1948, trong thời chiến tranh Việt-Pháp, đình bị thiêu hủy hoàn toàn. Sau năm 1954, cư dân trong vùng xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ, nhưng đến năm 1968, trong trận Tết Mậu Thân, đình lại bị thiêu rụi lần nữa. Năm 1969, cư dân trong vùng lại tái xây dựng theo như mô hình hiện nay.

Trước Năm 1975, Thủ Đức Đã Từng Là Mảnh Sân Sau Của Thành Phố Sài Gòn:

Sau năm 1955, mặc dầu Thủ Đức đã được phát triển rất mạnh về mọi phương diện, từ xây cất đến công thương nghiệp và kỹ nghệ thuộc loại lớn nhất thời VNCH, như nhà máy dệt Vimytex, nhà máy sửa hộp Foremost, nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy nước Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, nhà máy kim khí Vikimco, nhà máy làm tôle Vinaton, vv..., và bên cạnh những khu rừng cao su, Thủ Đức vẫn còn có những ruộng lúa, những khu vườn cây ăn trái xanh mát ở nhiều nơi. Chính vì vậy mà cư dân thành phố Sài Gòn trước năm 1975 thường gọi Thủ Đức là mảnh sân sau của Sài Gòn, vì sau những ngày làm việc mệt nhọc họ có thể đi Thủ Đức nghỉ xả hơi. Có nhiều lý do khiến cư dân Sài Gòn trước năm 1975 chọn Thủ Đức làm nơi nghỉ xả hơi cuối tuần, vì thứ nhất Thủ Đức không xa Sài Gòn, thứ nhì trong thời chiến tranh Quốc Cộng, Thủ Đức là vùng tương đối có an ninh hơn các vùng phụ cận khác, thứ ba như trên đã nói Thủ Đức hãy còn những ruộng lúa và những khu vườn cây ăn trái xanh mát ở nhiều nơi, và thứ tư là vùng Thủ Đức có nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như món nem nướng Thủ Đức đã nổi tiếng từ thời còn Pháp thuộc. Phải nói vào khoảng những thập niên 1920 đến 1950, nem Thủ Đức nổi tiếng vào bậc nhất của đất Nam Kỳ, nhưng sau năm 1955, nhiều nơi ở Lái Thiêu và Sài Gòn cũng mở nhà hàng chuyên bán nem nướng cũng rất ngon, không kém gì nem Thủ Đức, nên số lượng người đi Thủ Đức ăn nem cuối tuần đã giảm đi rất nhiều. Nói tóm lại, dưới thời VNCH (1955-1975) khi mà Thủ Đức chưa bị hoàn toàn đô thị hóa, mỗi cuối tuần đều có hàng ngàn thị dân nghèo và trung lưu của vùng Sài Gòn lên đây nghỉ xả hơi, và họ có nhiều nơi để lựa chọn, một là họ có thể lên Thủ Đức nghỉ xả hơi và thưởng thức món nem nướng “số dách” tại đây, hai là họ có thể lên Lái Thiêu hoặc Bình Dương ăn trái cây. Trong khi đó những người khá giả hơn có thể đi Long Hải hay Vũng Tàu tắm biển.

Thủ Đức Sau Năm 1975:
Đến Sau năm 1975, chánh quyền mới bãi bỏ và sáp nhập toàn thể lãnh thổ tỉnh Gia Định vào thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức. Chánh quyền mới xây thêm một con lộ mới từ Sài Gòn đi Thủ Đức, từ đường Hồng Thập Tự(10), qua ngã tư Hàng Xanh, theo quốc lộ 13, qua cầu Bình Triệu, qua ngã tư Bình Triệu rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa. Xe đò đi từ Thủ Đức xuống Gia Định thường qua hai ngã cầu Bình Lợi và ngã tư Hàng Xanh. Trước năm 1975, giữa Cầu Gò Dưa và chợ Thủ Đức hãy còn rất nhiều cánh đồng lúa, xen kẽ những khu vườn cây ăn trái, nhưng sau năm 1975 người ta cất nhà dầy đặc dọc theo con đường nầy, biến Thủ Đức hoàn toàn thành một quận nội thành(11), chứ không còn cảnh quang nửa quê nửa chợ như trước đây nữa. Đến năm 1997, chánh quyền mới lại chia huyện Thủ Đức ra làm 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Quận Thủ Đức mới(12) có diện tích khoảng 4.726 mẫu tây, với tổng dân số khoảng 151.818 dân, gồm 12 phường. Trong khi quận 2 có 6 xã(13). Quận 9 cũng có 6 xã(14).
Trước năm 1975, cảnh quang Thủ Đức hãy còn nửa quê nửa chợ, nhưng kể từ năm 1975 trở về sau nầy, Thủ Đức đã hoàn toàn bị đô thị hóa. Một trong những lý do chính khiến Thủ Đức không còn nửa tỉnh nửa quê do bởi hiện tại phạm vi của quận Thủ Đức thời trước đã trở thành những quận nôi thành: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Riêng quận Thủ Đức mới về bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía nam giáp sông Sài Gòn, phía đông giáp quận 2, và phía tây giáp quận 12, bao gồm các phường Linh Đông, Linh Trung, Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh và thị trấn Thủ Đức, với diện tích khoảng 48 cây số vuông và dân số 175.165 người, theo thống kê năm 1997. Chính vì thế mà nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông và điện nước. Về diện tích canh tác, toàn quận Thủ Đức ngày nay chỉ còn khoảng 2.000 mẫu đất trồng trọt, nhưng trong một tương lai rất gần sắp tới, 2.000 mẫu đất ruộng vườn còn lại nầy cũng sẽ chịu chung số phận đô thị hóa. Tuy nhiên, về mặt công nghiệp, ngày nay Thủ Đức có rất nhiều nhà máy cũng như xí nghiệp của cả trong nước lẫn nước ngoài, như các công ty sơn ICI, công ty thuốc thú y BIOS Pharmachemie của Bayer, công ty Panasonic, công ty nước ngọt Cocacola, công ty nhớt Castrol, vân vân. Riêng tại phường Linh Trung có khu chế xuất Linh Trung với diện tích trên 150 mẫu đất, được xây dựng từ năm 1993. Khu chế xuất nầy quy tụ khoảng 32 công ty ngoại quốc với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 170 triệu Mỹ kim. Đến năm 1996, Thủ Đức có thêm khu công nghiệp Linh Trung-Linh Xuân, rộng trên 450 mẫu, và khu công nghiệp Bình Chiểu, rộng khoảng 200 mẫu. Về thương mãi, ngoài những ngôi chợ đã có từ trước như Bình Triệu, Linh Xuân, Phước Long, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Tân Phú, vân vân, quận Thủ Đức còn có rất nhiều khu thương mại lớn tại các phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Bình Chiểu, và Linh Xuân. Về mặt du lịch, hiện tại quận 9(15) có khu du lịch Suối Mơ trong phường Long Bình, khu du lịch Suối Tiên trong phường Tân Phú, Sân Chim trong phường Long Thạnh Mỹ, đây là một cù lao của sông Đồng Nai. Công viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc có diện tích trên 400 mẫu đất, hiện đang được xây dựng trong phường Long Bình, thuộc quận 9. Công Viên Nước Sài Gòn, tọa lạc trong phường Linh Đông, và Thế Giới Nước tọa lạc trong phường Long Thạnh Mỹ, thuộc quận 9. Ngay từ trước năm 1975, Thủ Đức đã rất nổi tiếng là xứ nem, với đủ các loại nem từ nem chua đến nem nướng. Ngoài ra, Thủ Đức còn là quê hương của những loại hoa kiểng cung cấp cho các vùng Sài Gòn-Gia Định.
Không riêng gì các vùng Sài Gòn, Gia Định hay Thủ Đức, mà hình như bất cứ nơi nào của vùng một thời mang tên Nam Kỳ Lục Tỉnh đều bàng bạc những kỷ niệm về một thời mang gươm đi mở cõi của tiền nhân. Riêng về vùng đất “Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức” ngày trước là cái nôi phát triển văn hóa, chính trị và kinh tế chính yếu của dân tộc Việt Nam trên bước đường Nam Tiến. Ngày nay, khu nầy cũng chính là nơi có tiềm năng kinh tế rất lớn, nhờ có những ưu điểm thuận lợi về giao thông thủy bộ và đường sắt. Nói tóm lại, lúc nào vùng đất “Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức” cũng đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế, không riêng của miền Nam, mà còn cho cả nước nữa.

Chú Thích:

(1) Theo các di chỉ khảo cổ từ thời Pháp thuộc đã cho thấy trên các vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Đức, Gia Định, Sài Gòn, vân vân, đã có cư dân cư trú từ thời tiền sử. Văn hóa của những cư dân cổ nầy có liên hệ tới văn hóa đá cũ tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh và Định Quán, liên hệ tới văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn tại vùng Suối Chồn, liên hệ tới văn hóa đá mới tại vùng Cầu Sắt, liên hệ tới văn hóa đá mới và đồng tại các vùng Núi Gốm, Bến Đò, An Sơn, liên hệ tới văn hóa đồng-sắt tại các vùng Dốc Chùa, Suối Chồn và Rạch Núi, liên hệ tới văn hóa Sa Huỳnh tại các vùng Hàng Gòn, Thủ Đức, Phú Hòa, Giồng Phệt, và Giồng Cá Vồ, liên hệ tới văn hóa Đông Sơn tại các vùng Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Lộc Khánh và Phú Chánh. Ngoài ra, toàn vùng, trong đó có Thủ Đức đều có những di chỉ liên hệ tới văn hóa Óc Eo và Hậu Óc Eo. Điều nầy cho chúng ta thấy trước khi vương quốc Phù Nam được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau tây lịch thì đa phần các bộ tộc cổ đã cùng nhau sống cộng cư chứ chưa có sự phân định cương vực và lãnh thổ một cách rõ ràng.
(2) Các cư dân cổ trong vùng nầy bao gồm người Mạ, Stiêng, Mnông, Cơho, Churu, vân vân, mà người Việt gọi họ là “Man” hay “Mọi”. Đặc biệt là người Mạ với địa bàn cư trú trải rộng từ Đồng Nai xuống tận đến Mỹ Tho. Theo B. Bourotte trong Essai d’histoire des populations montagnardes du Sud – Indochinois jusqu’à 1945, Saigon 1955, tr. 31, tuy phải triều cống Cao Miên, Mạ vẫn là một tiểu quốc tự do. Tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng Tây Nam trên lưu vực sông La Ngà và về phía Bắc trên cao nguyên Di Linh và Lâm Đồng ngày nay.
(3) Tệ nạn buôn bán nô lệ người Mạ của người Khmer chỉ chấm dứt khi người Việt đến đây thiết lập bộ máy hành chánh để trên vùng đất nầy. Tuy nhiên, lúc đầu những lưu dân Việt Nam cũng cần một số đông tôi tớ để phụ giúp trong chuyện khai hoang nên nạn mãi nô vẫn tiếp diễn. Theo Phủ Biên Tạp Lục: “Từ các cửa biển như Cần Giờ, Soài Rạp... đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn ngàn dặm... Nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất... Lại cho họ thâu nhận người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ...”
(4) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ đời các tiên hoàng, tức thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên, vùng Mô Xoài là nơi mà người Việt đã đến khai phá và định cư sớm nhất. Cũng theo Trịnh Hoài Đức, vùng Mô Xoài, tức Bà Rịa ngày nay là vùng địa đầu của Trấn Biên, tức là vùng mà những lưu dân người Việt đặt chân vào để khai phá mở mang vùng Nam Kỳ ngày nay.
(5) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, trước khi người Việt đến khai khẩn vùng Đồng Nai thì nơi đây hãy còn là một vùng rừng rậm cả mấy ngàn dặm, nơi chỉ có một vài cộng đồng cư dân của các bộ tộc cổ cư trú mà thôi.
(6) Theo hồi ký của Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý, đã từng sống tại xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.”
(7) Theo số liệu của Bộ Thông Tin Văn Hóa VNCH năm 1970.
(8) Vì theo nghị định số 3 CP do Thủ Tướng CSVN Võ văn Kiệt ký ngày 6 tháng 3 năm 1997, quận Thủ Đức ngày trước được tách ra làm 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9.
(9) Quận Thủ Đức gồm 15 xã: Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Phú Hữu, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng, Linh Xuân, An Phú, Phước Long, Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình, Long Trường, Long Phước, Tăng Nhơn Phú, và Phước Bình.
(10) Bây giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
(11) Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam và Danh Mục Các Đơn Vị Hành Chánh Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê, xuất bản vào năm 1993, huyện Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh, gồm thị trấn Thủ Đức và 20 xã: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Linh Trung, Tam Phú, Tam Bình, Phước Long, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, An Phú, Bình Trưng, Phú Hữu, Long Trường, và Thạnh Mỹ Lợi.
(12) Quận Thủ Đức mới có 12 phường: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân, Linh Chiểu, Trường Thọ, Bình Chiểu, Linh Tây, Bình Thọ, Tam Bình, và Linh Trung.
(13) Quận 2 bao gồm các xã An Phú, Bình trưng, An Khánh, Thủ Thiêm, và Thạnh Mỹ Lợi.
(14) Quận 9 bao gồm các xã Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Long Trường, Phước Long, Tân Phú, và Hiệp Phú. 
(15) Thuộc phạm vi huyện Thủ Đức ngày trước.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:


Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Xin Còn Gọi Tên Anh - Thơ Nhật Huy - Nhạc Nhật Thu


Thơ: Nhật Huy 
 Nhạc: Nhật Thu
Tiếng Hát: Thúy Huyền
Thực Hiện: Đặng Hùng

Nhẹ Nhàng Nỗi Nhớ Thả Trôi



Nhẹ nhàng nỗi nhớ thả trôi
Như là buổi sáng rối lời chim ca
Chúc em phương ấy an hòa
Trong veo ánh mắt như là ngày xưa

Nhẹ nhàng như lắc thắc mưa
Cho dài nỗi nhớ che dù tình yêu
Nhẹ nhàng như tiếng khua chèo
Dòng sông hò hẹn gió reo mơ màng

Nhẹ nhàng mái tóc em ngoan
Xõa dài xuân đến hân hoan nụ cười
Tình tôi đậu giữa bờ môi
Tìm nơi trú trọ những hồi hộp thương

Nhẹ nhàng là những nỗi buồn
Quanh co trong lối thiên đường xa xăm
Ơn em má đỏ môi trầm
Nụ hôn đắm đuối như gần như xa

Trót rồi tình lỡ chuyến phà
Tình em lơ lửng đóa hoa vô thường
Tim còn sợi tóc em vương
Cột thơ tôi với mùi hương xa vời

Đông về đôi ngả xa xôi
Biết lòng em có chia đôi lạnh lùng
Có cầm dù biếc che chung
Cho ngàn kỷ niệm nhớ nhung theo về?

Trầm Vân

Kiếp Đàm Lan



Lan mấy đóa lạc loài sơn dã
Uổng mùi hương vương giả lắm thay!
(Cung Oán Ngâm Khúc)

Kiếp Đàm Lan


Lạc loài sơn dã mấy cành lan
Vương giả hương bay khắp núi ngàn
Thoáng nở thoáng tươi thương số kiếp
Chợt tàn chợt úa uổng dung nhan
Đàm hoa nhất hiện thôi than oán
Tàn nguyệt tây trầm biếng đim trang
Nhất thế nhất sinh như nhất mộng
Đoản trường thọ yểu tận quy san!

Đỗ Chiêu Đức

Lan Hồng



(Ảnh của Yên Nhiên)

Nàng lan dồi má phấn hồng
Dáng sen nở nụ, lạ trong lẫn ngoài
Hương mầu thoảng nhẹ ban mai
Ngắm lan lại nhớ búp đài cánh sen
Áo hoa tươi nở trước đèn
Tưởng như hoa nước vượt miền Thủy Cung
Bay lên đồi núi chập chùng
Dạo chơi thả bộ trên rừng thưởng lan 

Locphuc

***
Pink Orchid

She—an exquisite and mesmerizing blossom
Dabbles her cheeks with powder and rouge
The morning air is faintly scented with her fragrance
Beholding her beauty, I remember a certain lotus bud
Her dazzling floral petals open up before the lighting
Like an iridescent flower from abyssal depths
Flying off towards the rolling hills
Strolling in the forests
To savor the magnificent beauty of orchids

Có phải nàng kỳ hoa dị thảo
Thương chốn này ảo não ghé thăm?
Rạng ngời như đóa trăng rằm
Lung linh ngân nhũ tới nằm kề bên
Rỡ ràng đẹp tợ búp sen

Yên Nhiên

Bình Một Bài Thơ Như Thế Nào?


Bình thơ là một thú tiêu khiển không thể thiếu trong sinh hoạt nghệ thuật, nó giống như thú làm thơ vậy. Nhiều người coi việc làm thơ là món ăn tinh thần nên ngày nào cũng sáng tác một hai bài thơ. Vì là một nghệ thuật để tiêu khiển nên việc bình thơ là cả một vấn đề khó khăn và phức tạp đòi hỏi người bình phải vượt qua để có được một bài bình coi được! Lời bình giống như cái duyên của một phụ nữ. Có người bình đọc nghe hào hứng khởi sắc, lời văn ngọt ngào chan chứa tình cảm, hoặc lâng lâng tha thiết cũng có người bình bài thơ đó nhưng nghe khô khan cằn cỗi, giống như một phụ nữ chưa kịp lớn đã già ! Tôi chưa có một quá trình rèn luyện lâu dài trong việc bình thơ như các tác giả nổi tiếng : Hoài Thanh Hoài Chân, Lê trí Viễn, Xuân Diệu hay Kim Thánh Thán bên Tàu, nhưng cũng học được nhiều điều hữu ích xin trình bày để các bạn tham khảo.

Một người bình thơ hay, khiến cho người đọc cảm thấy thích thú, sảng khoái, còn tác giả bài thơ thì thấy khích lệ để sáng tác nhiều bài nữa. Trái lại người bình vụng về sẽ gây thất vọng nơi bạn đọc và làm nản lòng tác giả bài thơ. Ta có thể sánh người bình thơ như một cô ca sĩ, ca sĩ trình bày bài hát hay, truyền cảm thì bài hát sẽ được nhiều người ưa thích và ca sĩ cũng được mến mộ hoan nghênh! còn bài hát hay mà ca dở thì cũng bỏ đi. Cho nên vai trò người bình rất quan trọng. Hay dở của một bài thơ còn tùy thuộc vào lời bình và giá trị của bài thơ đó!

Trước hết bản thân người bình thơ phải thích thơ văn mới được , bạn nảo không thích thì khó bình được hay. Chính sở thích nầy mới khiến bạn học hỏi, miệt mài viết bài bình, nó giống như thời học sinh, nếu bạn không thích toán thì đừng theo ban B toán, hãy chọn ban A Vạn vật cho xong kẻo thi hoài cũng không đậu!

Muốn bình một bài thơ cho thật hay thật sâu sắc, bạn cần trang bị cho mình một số kiến thức căn bản về văn học, thơ văn . Đòi hỏi nầy hơi khó nên nhiều bạn bỏ cuộc. Tôi tin rằng nếu bạn cố gắng học hỏi thì vấn đề sẽ không còn khó nữa. Hiện nay tôi thấy người làm thơ thì nhiều còn người bình thơ thì quá ít.

Bạn cần nhớ tổng quát nền văn học Việt Nam từ thơ văn cổ điển cho tới thơ văn hiện đại, phải biết nó biến chuyển như thế nào, diện mạo ra sao trong mỗi thời kỳ văn học. Ở đây nói về thơ văn nên bạn phải thông thạo luật thơ, cách gỉeo vần, âm điệu v.v. thì mới xếp loại được bài thơ. Bài thơ cổ phong mà bạn cho rằng đó là bài thất ngôn bát cú Đường luật truyền thống rồi cho rằng tác giả làm sai luật, thì tội nghiệp cho tác giả biết chừng nào ! Ví dụ như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (Thôi-Hiệu (崔顥) sinh năm 704, mất năm 754, thời Nhà Đường (618-907), đời vua Đường-Huyền-Tông) nếu cho rằng bài thơ sai luật thơ Đường thì quá đáng ! Một bài thơ nổi tiếng cả ngàn năm nay bây giờ đọc lại vẫn thấy hay mà thực ra chỉ là phá thể của thơ Đường ở một vài chỗ, nên đừng bảo là thơ Đường làm sai luật!

Một số các nhà thơ nhà văn ở trong nước cũng như hải ngoại đã nghiên cứu phê bình văn học hoặc bình thơ in thành sách như: Vũ Thanh Việt (Thơ lãng mạn và những lời bình), Mã Giang Lân(thơ Xuân Diệu và những lời bình)... Ở hải ngoại thì có: Trần văn Nam ( Trong dòng cảm thức văn học Miền Nam, nhận định thi ca hải ngoại ), Trần Đình Tuyến ( Nhà thơ và nhà văn hải ngoại quyển I&II), Diên Nghị( Cõi thơ tìm gặp), Nguyễn Thùy(Khung trời hướng vọng), Song Nhị ( Lời rao giảng của thơ), Đặng Tiến ( Vũ trụ thơ), Vĩnh Phúc ( Lý luận và phê bình thơ) v.v. Tất cả đều bình thơ theo cách riêng của mình không ai giống ai ! nghĩa là mỗi người một vẻ!

Bên cạnh hiểu biết về thơ văn nếu bạn biết làm thơ thì bài bình của bạn sẽ vững chắc hơn, đầy đủ hơn.

Nói về phương pháp thì có nhiều cách : cổ điển hoặc tân thời. Về cổ điển thì có tính cách giáo khoa, nặng về thi cử, điển hình có quyển "VN thi văn giảng bình" của Hà Như Chi hoặc "Thơ văn bình giảng" của Phạm văn Diêu, ấn hành cách nay hơn nửa thế kỷ. Còn phương pháp tân thời thì không theo sát bố cục của sách trên mà họ phân tích, bình thơ theo nguồn cảm hứng và theo tình cảm chứa trong bài thơ. Họ cho rằng đó là nghệ thuật tiêu khiển tinh thần thì cứ để những suy nghĩ tràn ra một cách tự nhiên mà không để lệ thuộc vào một quy định hay một rào cản nào. Cách nầy có ưu điểm là khiến người đọc thơ cảm thấy thoải mái, tránh được sự nhàm chán thường thấy.

Đi vào nội dung bài bình, ta có phần mở bài, phải làm sao mở bài một cách tự nhiên để dẫn độc giả vào khu vườn có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Kết luận cũng vậy, ta khép vấn đề như thế nào để khi đọc xong, người ta thấy cảm xúc bùi ngùi, lâng lâng nỗi nhớ, vừa thông cảm vùa nuối tiếc một cái gì đó mà họ chưa nhận ra ngay.

Sau khi mở bài thì tiếp theo là nói xuất xứ bài thơ. Bài thơ đựoc tác giả sáng tác trong thời gian nào , hoàn cảnh ra sao? Có liên hệ gì với lịch sử thời đó không? Nhờ thông tin nầy ta có thêm dữ liệu để bàn luận trong phần thân bài, làm sáng tỏ thêm nỗi lòng thực sự của tác giả, bài bình sẽ sâu sắc hơn. Thực tế có nhiều bài thơ ta không biết tác giả sáng tác năm nào, hoàn cảnh ra sao vì ta không liên lạc được với tác giả hoặc giả người ấy đã qua đời mà không để lại bút tích.

Phần nội dung tức thân bài, ta cần hiểu rõ tác giả muốn nói gì? Phải đọc đi đọc lại vài ba lần để bảo đảm mình đã hiểu ý tác giả kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhứt là những ẩn ngữ hoặc ẩn dụ. Khi viết lời bình mình phải thông cảm với nỗi lòng, tâm trạng của tác giả như chính mình là vai chánh vậy, có thế những lời bình mới tự nhiên sâu sắc, lột tả được những ý nghĩ thầm kín bên trong, gây cảm hứng cho người đọc. Ta cần phân tích triệt để tâm lý nhân vặt (vui, buồn, hứng khởi, thất vong...) hoàn cảnh bế tắc dẫn tới quyết định làm ảnh hưởng tới cuộc đời nhân vật về sau. Chính cái "đột biến" đó mới khiến cho cho người đọc tò mò muốn biết câu chuyện diễn tiến ra sao, kết quả thế nào ( tốt hay xấu). Đó là nội dung còn hình thức thì sao? Cũng quan trọng không kém vì thơ văn là một nghệ thuật nên cách sử dụng từ ngữ trong thi ca cũng phải được coi trọng. Người bình thơ phải thấy được nét đặc thù nầy. Ta phải đi tìm cách mà tác giả sử dụng từ ngữ xem có gì đặc biệt không? Có đúng chỗ, chính xác không? Có chỗ nào ẩn dụ không? Từ ngữ sử dụng có diễn tả hết tâm trạng tác giả? Có dùng biện pháp tu từ không? Có tượng thanh tượng hình không? Ví dụ đọc 3 câu thơ của Quang Dũng tả đôi mắt người Sơn Tây ta thấy tác giả sử dụng từ ngữ thật đặc sắc để tả đôi mắt người đẹp Sơn Tây, qua đó gởi gấm niền tâm sự nhớ thương người "em gái" cũng là người mà tác giả yêu mến:

"Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
-------------------------
"Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây..."

Chỉ vài từ ngữ mà lột tả được vẻ đẹp của đôi mắt và nét kiêu sa của người con gái. Cũng qua đôi mắt tác giả thấy được tâm trạng của người "em gái" khi phải lìa thành vào vùng kháng chiến, ly hương theo lịnh tiêu thổ kháng chiến của VM, trong lúc đó tác giả cũng vào binh đội, hành quân qua Lào, khoảng thời gian 1948. Chính thời gian "thoát ly" nầy ông xa gia đình cha mẹ anh em và xa cả người thương, khiến lòng ông chùng xuống. Tĩnh từ kép "u uẩn" có nghĩa là dấu kín trong lòng, trong tim không bày tỏ ra ngoài, tức buồn âm thầm lặng lẽ không biết tỏ cùng ai.

[Bài thơ được Quang Dũng viết tặng cho người tình của ông, một kỹ nữ xinh đẹp. Chiến cuộc nổ ra, nàng lìa thành vào vùng kháng chiến, chàng thành quân nhân lên đường chống giặc Pháp như bao trai tráng thời tao loạn].

"Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương", Cụm từ nầy nầy kết hợp với "u uẩn" khiến nỗi buồn tăng lên cao chất ngất vì đây là nỗi buồn của người bỏ thành về vùng "giải phóng" hoang vu xa vắng nên thiếu thốn mọi phương tiện vật chất, đã thế còn xa gia đính, người thân, hàng xóm cũ...và cả người yêu ! Tất cả nỗi buồn ấy được lồng vào khung cảnh trời chiều mênh mông quạnh vắng thì còn buồn nào hơn? Tâm trạng nầy là của người yêu và cũng là của tác giả ! Nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng từ ngữ rất đắc vị !thật suất sắc!

Tiếp theo là vấn đề trích dẫn tài liệu để chứng minh một ý tưởng nào đó chứa trong bài thơ. Ví dụ tả tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du thì sau khi phân tích, phê bình, đánh giá đoạn thơ trên, ta cần dẫn chứng thêm một cảnh khác cũng gây buồn tượng tự của một tác giả khác. Dẫn chứng để củng cố lập luận, bổ sung hay mở rộng. Tài liệu có thể lấy từ trong văn học hoặc trong âm nhạc. Viêc làm nầy khiến độc giả tránh đựoc sự đơn điệu nhàm chán, họ sẽ thích thú khi bạn dẫn chứng được những tài liệu dồi dào với một bút pháp linh động, sắc bén.
Ví dụ tả tâm trạng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du viết:

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Ta viết lời bình:

Tác giả đã vẽ ra một không gian nhỏ bé đang dần chôn chặt tuổi xuân của cuộc đời Kiều, trong lầu ngưng bích này, Kiều đang bị giam lõng chốn lầu xanh, mất tự do. Bốn bề non xanh bát ngát nhưng nàng không được ra ngoài nhìn ngắm. Kiều không có ai làm bạn, chỉ có mỗi vầng trăng là người bạn tâm tình. Và chiếc đèn khuya le lói đơn độc gây cảm xúc đau đớn, với biết bao nhiêu nỗi cô đơn "bẽ bàng mây sớm đèn khuya", Kiều dật dờ trong tĩnh lặng: nửa cảnh, nửa tình, khiến nàng lo lắng sợ hãi.

Đây là một bức tranh đa dạng, phong phú về ngoại cảnh và tâm trạng, khắc hoạ nỗi đau buồn, mà Kiều đang nếm trải.
Ta có thể tìm thêm ý liên kết bởi một bài thơ (hay đoạn thơ) khác có nội dung tương tự bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, chẳng hạn trong "Chinh phụ ngâm" có một đoạn thơ thể hiện tâm trạng của người phụ nữ đáng thương thời chiến tranh, loạn lạc:

Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rũ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Ta viết tiếp những lời bình:

Tiếng gà gáy báo canh năm làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, vắng lặng. Cây hòe phất phơ rũ bóng trong ánh sáng lờ mờ của ban mai gợi cảm giác buồn bã, hoang vắng, thê lương. Giữa không gian ấy, người chinh phụ cảm thấy mình nhỏ bé, cô độc biết chừng nào!

Ta có thể dẫn chứng thêm lời bài hát "Tàu đêm năm cũ" của Trúc Phương nói lên tâm sự buồn đau đầy nước mắt trong một lần đưa tiễn người yêu tại sân ga vào một đêm đông giá lạnh :
"Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn. Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay. Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo..."

Những dẫn chứng liên quan sẽ làm cho bài bình trở nên phong phú, đa dạng hơn.

Sau khi viết xong phần nội dung ta kết thúc bài viết bằng kết luận. Kết luận là tóm tắt ý đã trình bày nhung cần đua một vài ý kiến riêng để bổ túc nội dung bài thơ tức là ý kiến mở rộng để độc giả suy nghĩ đến một vấn đề khác có liên hệ tới bài thơ nhằm gây hứng thú, thỏa mãn thị hiếu độc giả để khi đọc xong người ta cảm thấy vừa lòng, nhẹ nhõm!

Sau cùng khi hoàn tất bài bình bạn như trút hết gánh nặng, cảm thấy sảng khoái, nhưng đừng quên đọc lại. Đọc lại bài viết cũng là điều hứng thú qua đó mình có thể tự đánh giá sơ khởi giá trị bài viết và cũng để thưởng thức thành quả của mình. Điều quan trọng là sửa những lỗi chánh tả mà khi viết mình không nhận ra. Có những lỗi thông thường về cách hành văn cũng có khi lỗi do kiến thức chưa đạt trình độ hoặc nhớ không chắc, cần tham khảo lại sách vở.

Trên đây là những ý kiến thô thiển về cách bình một bài thơ( cũng có thể là một tập thơ hay một bài văn xuôi) tôi muốn gởi đến bạn đọc. Trên thực tế đôi khi người bình chỉ ghi vắn tắt theo cách "chớp nhoáng" như vài nét chấm phá của một bức tranh thủy mạc, nhưng vẫn thấy hay ! Chúc các bạn thành công!

Nguyễn Cang
6/12/18

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Đêm Mơ Thánh Nữ - Thơ Hư Vô - Nhạc Trần Chương Lương




Thơ: Hư Vô
Nhạc: Trần Chương Lương
Hòa Âm:Thanh Hùng
Tiếng Hát: Nguyên Trường
Video: Bùi tấn Vinh


Xuân Cảm



Mỗi độ xuân về gợi nhớ nhung
Quê hương giờ cách biệt muôn trùng
Người đi dĩ vãng còn u uẩn
Kẻ ở tương lai vẫn mịt mùng
Rượu chỉ dâng sầu lên chất ngất
Thơ càng đưa ý đến mông lung
Thề xưa hẹn cũ còn nguyên đó
Ta thấy trong ta những thẹn thùng

Ta thấy trong ta những thẹn thùng
Buồn riêng còn nặng nỗi đau chung
Nhìn hoa chợt nhớ thời oanh liệt
Nghe pháo mà thương thuở vẫy vùng
Vận nước đành mang bao thống hận
Nợ nhà cam chịu những lao lung
Quê người nắng ấm mùa xuân đến
Lòng kẻ tha hương vẫn lạnh lùng

Lòng kẻ tha hương vẫn lạnh lùng
Ơn đời thông cảm đã khoan dung
Kìa bao dang dở làm chưa hết
Lại lắm oan khiên nói chẳng cùng
Đã chán đọc hoài thơ lạc vận
Còn buồn nghe mãi nhạc sai cung
Một mai nếu gặp người năm trước
Ta hỏi riêng ta có ngại ngùng?

Ngân Sơn

Xin Hỏi



Xin hỏi vầng trăng già hay trẻ
Mà sao buồn tẻ ánh trăng non
Hay bỡi trăng buồn đời cô lẻ
Sợ xa chú cuội gác lầu son.

Xin hỏi biển gì mà sóng vỗ
Ngày đêm giông tố quá nhiệm mầu
Sóng yêu biển mặn như hơi thở
Mà sao cam phận sóng bạc đầu?

Xin hỏi mây trời từ đâu đến
Lang thang mát mẻ buổi đầu thu
Mưa còn nhỏ giọt như định mệnh
Sương xuống chiều lên khói mịt mù.

Xin hỏi nhánh sông về mấy ngã
Cho con bìm bịp gọi nước lên
Lục bình lênh đênh về xứ lạ
Qua nẽo đường xa chẳng biết tên.

Xin hỏi đời người bao niên kỷ
Mà đầy khổ nạn kiếp long đong
Xoay vòng tròn “sinh, lão, bệnh, tử”
Để lúc ra đi chẳng bận lòng ?!

Dương hồng Thủy

Thì Thôi - Thì Thôi Mộng Đã...



Thì Thôi

Đêm về đếm bước cô đơn
Chỉ nghe tiếng gió lẫy hờn quanh đây
Đường về ủ rũ hàng cây
Lòng riêng mượn gió nhờ mây ngỏ tình
Gió còn ghẹo nguyệt lung linh
Mây cao hờ hững lặng thinh lững lờ
Thì thôi tình nhốt vào thơ
Lấy ai tri kỷ họa nhờ đôi câu


Kim Phượng
***
Cảm Tác:


Thì Thôi Mộng Đã Lạc Vào Ngõ Khuya


Chờ tri kỷ vào thơ âm chữ
Tuổi thanh xuân vận tứ xưa tình
Em thời mắt biếc môi xinh
Dưới hoa và nắng lung linh tơ vàng

Đêm nguyệt lửng lơ ngang nhánh lá
Gió thu se sắt dạ nhớ ai
Khói sương giăng kín dặm ngoài
Ngăn hình bóng cũ sông dài trắng mây

Chờ tri kỷ về đây dòng hoạ
Tím mực thương yêu đoá hồng trao...
Tỉnh ra! Lệ gối nghẹn ngào
Thì thôi mộng đã lạc vào ngõ khuya

Nhị( Cố Quận)
***
Thôi Thì... 


"Lấy ai tri kỷ hoạ nhờ đôi câu"

Thi nhân thả bút vài câu
Ước mong tri kỷ bắc cầu vào thơ
Mượn vần mây trắng lững lờ
Viết trang tiểu phẩm mờ mờ lung linh
Từ xa vang lại ân tình
Vờn qua cơn gió rập rình hàng cây:
Hồn thơ tri kỷ còn đây
Đông Tây cùng dạo gót giày cô đơn


Chinh Nguyên / HNT
Oct.22.19
***
Cà Phê Nhớ


Cà phê buổi sáng đậm màu nâu
Pha với sương lam chạnh nỗi sầu
Tàn Hạ vàng cành hoa héo héo
Chớm Thu tím ngọn cỏ rầu rầu
Người đi nuối tiếc vòng tay cũ
Kẻ ở hoài mơ giấc mộng đầu
Tình nhốt vào thơ buồn cất cánh
Lấy ai tri kỷ họa đôi câu?


Duy Anh
Nov. 2, 2019
***
Thôi Thì

Thôi thì, tri kỷ họa vài câu
Không đem vận nhốt nỗi sầu vào thơ
Vì sao người bước hững hờ?
Lại còn ghẹo gió lững lờ trêu trăng!
Lòng riêng nuối tiếc hay chăng?
Để cho giấc mộng khôn ngăn nổi buồn
Cõi lòng cảm thấy cô đơn
Người ơi! Hãy bớt giận hờn ...cho nghen!

songquang
20191109

Ngày Tri Ân Nhà Giáo 2019


Xúc động và cám ơn Luật Sư Hồ Trung Thành, CHS Phan Thanh Giản, nhân Ngày Tri Ân Nhà Giáo vừa qua, đã cho phổ biến một số hình ảnh Thầy Cô trước 1975, người mất người còn, đã bao năm qua rồi, đã bao nhiêu thay đổi rồi, mà anh Thành vẫn còn giữ được, qúy hoá lắm  ̣
Trong niềm thương tiếc một người bạn rất thân qúy, chúng tôi xin được chia xẻ với các học trò cũ và các bạn của Giáo Sư Phùng Quang Lộc, một số hình ảnh chụp (khoảng 2 năm trước khi anh lâm bệnh rồi mất vào mấy năm sau), trong ngày 2 bố con chúng tôi qua thăm anh chị ở Blois, bên Pháp, hơn 10 năm về trước.
Cầu chúc an lành cho chị Phùng Phạm Đức Hạnh, cháu Phùng Lương Việt và cho tất cả chúng ta ̣ Trân trọng,
PKT 11/26/2019






Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Bước Chân - Thơ Thadée Thái Quang Đáng Diển Ngâm - Hương Nam Thực hiện youtube : Phan Anh Siêu


Thơ:  Thadée Thái Quang Đáng 
Diển Ngâm:Hương Nam 
Thực hiện: Phan Anh Siêu

Nguyệt Tận


Bài Xướng:
Nguyệt Tận

Tóc liễu rơi nghiêng lối- lối ấy
Thả sầu bóng thỏ sắc vàng hanh
Luống chiều trăng xoã tà mờ nhạt
Nhánh mộng đêm khan giấc ngọt lành
Ém chặt nỗi đau trong cát ẩm
Vo tròn mộng lỗi giữa bờ xanh
Phiến băng tâm níu bờ nguồn cội
Đá tạc hình- Thương phận mỏng manh.

Ca Dao
***
Họa Bài: 
Buồn

Trăng non nuối tiếc - ngày xưa ấy!
Lỡ bước quê trời lạnh, nắng, hanh
Nhạt nhẽo tình thâm nơi xứ lạ
Viển vông duyên phận chốn cung lành
Vui chi gió níu rung rừng rậm
Chán nản mây khều đậy biển xanh
Kiếp trước e rằng - còn thiếu nợ
Bao giờ chấm dứt - cảnh mong manh!

Trương Văn Lũy

Tàn Tro



Bài Xướng:

Tàn Tro


Xếp lại từ nay phút hẹn hò
Buông dòng nước cuốn những âu lo
Quay lưng giọt đắng lời khuyên nhủ
Ngoảnh mặt lòng đau tiếng dặn dò
Mộng mị tràn nghiêng bờ cát biển
Cơn mê nặng trĩu bóng con đò
Trời xanh lấp phủ niềm vô vọng
Hốt cuộc tình tàn đốt bụi tro

Minh Thúy

***
Các Bài Họa:
Khơi Lại Dòng Xưa

Tưởng mãi ngày xưa hẹn với ho
Thu về man mác những chiều lo
Gió qua cuốn phố ru mòn nắng
Lá rụng theo ai bước mỏi dò
Sóng nhớ dạt dào lay lắc biển
Dòng thương nghiêng ngả nhấp nhô đò
Mối tình say đắm giờ đâu nhỉ
Chẳng lẽ thời gian đốt hóa tro

Trầm Vân
***
Niệm Thức

Dù cố quên đi hẹn với hò
Vẫn không thoát khởi mối sầu lo
Đỉnh trời cao thấp thường khôn đoán
Rốn bể nông sâu vốn khó dò
Diều vượt nương dây đành gượm gió
Sông qua lụy sóng phải theo đò...
Ngoài thân,vạn vật đều vô nghĩa
Trừ cõi thiên thu liệm bụi tro.

27-9-2019
Nguyễn Huy Khôi
***
Trở Về Bến Cũ

Quen thuộc đâu đây một giọng hò
Thở phào nhẹ nhõm hết sầu lo
Bốn năm ly biệt khôn lường biết
Ngàn dặm chia xa khó hiểu dò
Lại đúng người xưa trên sóng nước
Vẫn là cô ấy với con đò
Niềm vui tái ngộ tràn lên mắt
Đốt nỗi buồn tung gió cuốn tro...

Sông Thu
***
Y Đề

Từ cuối sông quen một giọng hò
Lại như khắc khoải nỗi buồn lo
Thương xưa tuổi mộng còn say đắm
Nhớ buổi hồn mơ thích hỏi dò
Xem thử lòng anh mong đổi bến
Hay chừng sóng nước phải thay đò
Lênh đênh những tưởng mầu cô quạnh
Sương khói trời mây nhuốm sắc tro...

Hawthorne 27 - 9 - 2019
Cao Mỵ Nhân
***
Tình Tồn Tại Nỗi Lo

Còn chi dấu ấn bến sông hò,
Hai đứa nay tồn tại nỗi lo.
Giọt đắng cố quên luôn ẩn hiện,
Niềm đau muốn xóa biết đâu dò.
Ngày xưa mộng mị yêu say đắm,
Nay khóc sầu vươn dáng bóng đò.
Ai thấu nỗi đau ai có thấu?
Tình tan tình đốt trụi thành tro!

Hồ Nguyễn
***
Tương Tư Ngày Ấy 

Tương tư giọng hát lẫn câu hò
Đã khiến thân nầy lắm nỗi lo
Một dáng bơ phờ hay ngóng đợi
Ba thu mòn mỏi cứ thăm dò
Tim sầu khắc khoải vì xa bến
Sông lạnh buồn thiu bởi vắng đò
Xứ lạ mong người say hạnh phúc
Bùi ngùi ảnh tặng biến thành tro!

Như Thu
27/9/19
***
An Phận

Ngày nao nhớ mãi hẹn cùng hò
Ấy thế ! Lời thề đã hoá tro
Thăm biển,thăm sông thường dễ đoán
Đo lòng,đo dạ khó lường dò
Cứ ngờ thuyền cũ đà thay bến
Nào biết người xưa đã đổi đò
Duyên kiếp cũng đành...cho mạng số
Dặn mình an phận chớ buồn lo...!

songquang
9/2019
***
Tiếng Hát Ngày Mùa

Ngày mùa trai gái tụ nhau hò,​
Giọng hát dân gian thật líu lo.​
Vừa mắt́, em buông lời chọc ghẹo,​
Ưa nhìn, anh thả tiếng thăm dò.​
Hữu duyên tiến tới thành đôi lứa,​
Vô phận đành thôi, lỡ chuyến đò.​
Bà Nguyệt Ông Tơ hay cắc cớ,​
Để tình hai trẻ hóa ra tro.​

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
Sept.27/2019
***
Bên Dấu tro

Trở lại nơi này tìm dấu tro,
Khi ăn khoai nướng để qua đò.
Con đường khúc khuỷu con đường tới,
Mỗi bước gian nan mỗi bước dò.
Lòng đã chọn lòng đâu thể nản,
Ý đà thuận ý có chi lo.
Hôm nay có bánh mì nêm chả,
Đời chúng ta vui ngọt giọng hò..

Trần Như Tùng
***
Thả Tro Theo Gió

Xa xôi giọng hát với câu hò...
Buông bỏ từ nay vạn mối lo.
Quên hết gian truân, đầu sóng vượt,
Nhớ chi vất vả, đáy sông dò.
Cõi hư,ngụp lặn hoài cùng nước,
Chốn ảo, quay cuồng mãi với đò.
Bến khổ là do thân tạo nghiệp,
Chuyên thiền, tâm tĩnh, thẩy thành tro...

Thanh Hòa
***
Bát Thê
(Toán thi)

NHẤT dạ mang mang giọng ngọt hò
NHỊ thời xao xuyến tấc lòng lo
TAM tuần tơ tưởng tâm trao gửi
TỨ quý nhớ thương ý dẫm dò
NGŨ nguyện Tơ Hồng thuyền cập bến
LỤC cầu Nguyệt Lão ngự chung đò
THẤT mong bách tuế vui giai ngẫu
BÁT thệ quách đồng dẫu tán tro

Phương Hoa 
Sep 28th 2019

***
Mọi Sự Không Trường Cữu

Hồi nhớ thuở xưa nhộn nhịp hò,
Giờ đây buông thỏng có chi lo.
Rộn ràng sắc mộng lòng thôi nghĩ,
Lắng đọng màu mơ ý chẳng dò.
Nửa giấc nên thơ đành xếp vận,
Một dòng lờ lững thả trôi đò.
Phú, quyền, danh, lợi chăng gì cả,
Không có có không ẩm hoá tro.

Đặng Xuân Linh
***
Hiện Thực

Hốt cuộc tình tàn đốt bụi tro?
Làm sao có thể cuốn âu lo?
Trần gian chẳng khác giòng nước xiết
Vạn vật hình như những chuyến đò
Quá khứ luân hồi làm sao biết?
Tương lai họa kiếp dễ chi dò?
Này đây hiện tại là chân thực
Sống khỏe đùa vui với hát hò 

Bảo Trâm 
***
Cái nợ Yên Hoa

Tìm vui tiếng hát với câu hò
Cái nợ yên hoa quẳng mối lo
Một mảnh tình si khi đã gặp
Đôi tay xiết chặt dặn nhủ dò
Lời hay ý đẹp câu thơ tuyệt
Điệp khúc bài ca trang hát show
Chia sẻ trong làng thơ với bạn
Mặc đời tỵ nạn xám màu tro...

Uyên Quang
Santa Clara, 28-9-2019


Một Thoánng Chiều Xưa


Đầu Thu nhóm Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Paris họp mặt, những áng văn thơ và nhạc quyện nhau thành bản giao hưởng Thu. Những khuôn mặt như Phương Du, Quỳnh Liên, Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên,Từ Trì, Trịnh Khải, Đỗ Bình, Trần Văn Cảnh, Phan Khắc Tường, Nguyễn Bá Linh, Nguyễn Lương Thận, Nguyễn Thanh; Từ Lan Hương, Mây Thu, Bạch Sương , Cao Lan Hương, Minh Cầm, Thúy Hằng, Tuyết Mai..vvv.. Đỗ Bình, Phương Du, Quỳnh Liên đọc thơ, Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên cho nghe những sáng tác mới...

Paris vào cuối thu tiết trời se se lạnh những chiếc lá vàng rơi bay trong gió như đàn bướm lượn.Ở một góc trời thuộc ngoại ô Paris trong căn nhà của anh chị BS Phạm Đăng Thiện & Minh Châu đã hội nhnững tâm hồn nghệ sĩ tìm đến nhau tạo thành một khoảnh không gian nhỏ để hơ ấm tình tha hương với những khuôn mặt : nhạc sĩ Jules Tâm bicannou, nhạc sĩ Đào Tuấn Ngọc , nhạc sĩ Hồng Anh, nhạc sĩ Văn Tấn Phước, nhạc sĩ Hoàng Hoa đến từ Ý, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, nhạc sĩ Linh Chi..vv..Tiếng thơ, tiếng dương cầm và tiếng hát hòa nhau làm thổn thức tình quê hương. Bài thơ Xuân Muộn của tôi đưọc anh Đào Tuấn Ngọc phổ cách nay 22 năm được trình bày ở hội trường Quốc Tế Paris do chính tác giả đệm dương cầm và Phạm Đăng trình bày. 

Xuân Muộn

Em thường hỏi mùa xuân sao chẳng đến?
Ta ngại ngùng khơi động đáy niềm đau.
Trời vào thu Paris nắng lên màu,
Như lấp lánh cả Sài Gòn trìu mến.
Em muốn hỏi mùa xuân sao chớm lạnh?
Ta vội vàng thay chiếc áo mùa đông.
Nhìn sông Seine nghe sóng vỗ trong lòng.
Theo dòng nước chảy về miền cô quạnh.
Em vẫn hỏi mùa xuân sao quá chậm?
Ta gục đầu xin xám hối thời gian.
Trời Đông Âu hoa đã hết muộn màng.
Vo nắm tuyết biết xuân về hừng sáng..

Chiều nay trong căn phòng ấm cúng này ca khúc phổ thơ lại đưọc tiếng hát vút cao của Ngọc Ánh phu nhân của Đào Tuấn Ngọc trình bày, và tiếng dương cầm vẫn là Đào Tuấn Ngọc. Một bất ngờ kế tiếp, bài thơ Khách Quê của tôi do anh Phạm Đăng phổ vào tháng 9 năm nay và chiều nay được chính tác giả đệm dương cầm và trình bày ca khúc làm xao xuyến những kỷ niệm về khung trời Đà lạt vì có một thời những người hiện diện ghi dấu chân trên miền cao nguyên xứ lạnh.

Cao Nguyên Xứ Lạ

Ta về nghe núi rừng than thở!
Liễu rũ bên hồ dáng xác xơ...
Chiều xuống sương mù giăng bóng nước,
Dốc buồn, nắng nhạt, gót bơ vơ!
Có phải xa lâu nên phố lạ?
Mà sao người cũ lại ơ hờ!
Giang tay ôm mối sầu quê mẹ
Phố nhỏ năm xưa đã hững hờ!

Bài thơ khác: Bên Em Chiều Mơ, do Văn Tấn Phước phổ và trình bày 

Bên Em Chiều Mơ

Ta ngắt hoa cài mái tóc em,
Tìm dư hương cũ thuở êm đềm.
Gọi mùa xuân đến ôi xa quá!
Vạt nắng hanh chiều theo gió lên.
Ta thích xuân về trong mắt em,
Ngăn ngày tháng úa rụng bên thềm,
Cho ta dừng bước chân luân lạc,
Trả gánh phong trần bên dáng em.
Ta muốn tìm quên trong mắt em,
Ru đời say đắm nụ môi mềm,
Buông suôi dĩ vãng thành mây khói,
Mặc ánh sao trời đua bóng đêm!
Ta cố tìm vui trong ý thơ, 
Nhặt sầu quăng xuống đáy mong chờ,
Bỏ rơi ảo mộng vào quên lãng,
Rồi tự ôm tim khóc chiều mơ.

Tôi rất vui được những món quà tinh thần chia sẻ những cảm xúc nghệ thuật của bằng hữu. Về nhà mở PC lại được nghe một nhạc phẩm mới của mình bài Em Còn Trong Thơ tôi viết, được ca sĩ Hồng Liên trình bày, người mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt! Tiếng hát đượm chất buồn xa vắng hòa giai điệu thêm chất thơ. 

Đỗ Bình

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Nụ Cười Mùa Xuân - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc Nguyễn Tuấn


Thơ: Quách Như Nguyệt 
Nhạc: Nguyễn Tuấn  
Tiếng Hát: Hà Huệ Mẫn
Thực Hiện: Đặng Hùng


Ẩn Mình


Sao em không ẩn mình
Nơi con tim của anh
Ẩn chi nơi ngoại vật
Khiến anh hóa vô tình

Tim anh vẫn rung động
Mỗi khi em chuyển mình
Lòng anh vẫn hồi hộp
Khi mắt em nhìn anh

Bông vàng đà héo rũ
Như Thiên Thần ngủ quên
Anh ướp vào trang sách
Quên thế giới ưu phiền.

Locphuc.

Có Nhau Trong Đời



Gặp gỡ cho đời bớt lẻ loi
Hàn huyên chia sẻ nỗi đầy vơi
Sơ giao mà tưởng chừng như đã
Bạn tác cố tri thân thiết rồi
Sương tuyết điểm tô ngời mái tóc
Yêu thương lắng đọng thắm bờ môi
Thời gian gõ nhịp âm thầm bước
Vui sống bên nhau vẹn tuổi trời

Yên Nhiên

Đoản Khúc Phượng



Bài Xướng:

Đoản Khúc Phượng


Người giữ hộ tôi cánh Phượng hồng
Giữ lòng xao động giữ hoài mong
Biển đời xuôi ngược như con nước
Hãy giữ cho nhau một tấm lòng


Kim Phượng

Ngày Đầu Hè Úc Châu
***
Bài Họa và Cảm Tác:


Người ơi cánh Phượng mãi tươi hồng
Nhớ lắm mùa hè rộn ước mong
Lỡ dở câu thề non với nước
Tình xưa cách biệt vẫn ghi lòng…


dovaden2010
***
 Ánh phượng bừng lên dưới nắng hồng
Màu hoa đỏ thắm vẫn chờ mong
Đời ta bị cuốn theo giòng nước
Tình cũ còn in đậm đáy lòng.


Chinh Nguyên/H.N.T
 Dec.1.2019
***
 Cánh Phượng Hồng

Đường xưa cánh phượng vẫn luôn hồng
Khép mở khung trời những đợi mong
Giữa biển đời trôi nghìn ngọn sóng
Màu hoa vẫn thắm đượm trang lòng.


Mai Thắng
 191201
***
 Tình Khúc Phượng

Rộn ràng phố hạ điểm tô hồng
Hái đóa phượng đầu thổn thức mong
Ấp ủ trao tay người gối mộng
Vẹn tình thỏa ý đẹp đôi lòng. 


Kim Oanh
***
 Tình Xa

Gió lướt bên song nhạt nắng hồng
Đông về tuyết giá vẫn chờ mong
Thương người lẻ bạn ngoài sương gió
Sưởi ấm trong tim ngập cõi lòng.


Kim Dung
***
 Tôi giữ hộ em cánh Phượng hồng
Giữ lòng chân thật nghĩa tình trong
Bến đời xuôi ngược theo cơn nước
Giữ cánh Phượng hồng, giữ ước mong.


Anh Lam
***
 Hoa Học Trò

Tim ta còn thắm, dạ vẫn hồng
Dù đã lâu rồi không chờ mong
Nhưng tiếng ve ngân mầu Phượng nhớ
Mái trường xưa in mãi nơi lòng


Locphuc

***
 Tiếng Ve Ngày Cũ

Đã từ bao lâu chẳng nhớ mong
Ký ức nhòa phai những bóng hồng
Rồi bỗng ve sầu kêu thảng thốt
Khơi dậy xôn xao tiếng sóng lòng


Yên Nhiên