Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Xuân Mơ


Lạc bước chiều xuân giữa xứ người
Vương tình thơ dại thuở đôi mươi
Mơ thời áo tím cài hoa trắng
Giữ mãi mộng đầu xuân thắm tươi!


Một làn gió nhẹ cánh hoa rơi
Nhặt đóa hồn nhiên vương vấn thời 
Ấp ủ hương lòng hoa sứ trắng 
Giữ hoài mộng đẹp dẫu phai phôi! 




Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Kỷ niệm Tân Gia Ba chiều Xuân 27/12/2019

Ngàn Năm Mới Có Một Ngày



Thế giới này duy nhất chúng ta
Không thừa không thiếu chỉ Minh-Hà
Ngàn năm mười kiếp... may ra có
Tình “cổ lai hy” hiệp một nhà

02/02/2020
Kiều Mộng Hà 

Theo Tà Áo Mới



Thương cô bé vuốt ve tà áo mới
Hoa rụt rè e ấp nụ non khoe
Áo của em gói ghém cả mùa hè,
Hay xuân, hạ mà lòng anh mở hội?
Tà gần gũi mà tim tôi rắc rối
Chân bồi hồi tôi đeo đuổi theo đuôi
Gay go rồi! Tim loạn nhịp kỳ khôi
Áo em mới, tôi dài… đuôi lạc lối.

Á Nghi
9.5.2020

Mùa Gió Tháng Năm




Khi chưa gặp em mùa đâu vàng lá
Nắng bên lề bén chút gió heo may
Tình mãi chờ như mùa chưa vội đến
Lá ven đường nằm nhớ những hàng cây

Khi chưa yêu em đã buồn hơi thở
Những hơi thở dài tựa một nhánh sông
Con nước Cái Thia chảy về Mỹ Đức
Qua ngả Cái Bè lòng nhớ Vĩnh Long

Mùa gió về chưa, mùa gió tháng Năm
Khi đã yêu em sông liền biển rộng
Bao nhiêu triều lên thắm lòng con sóng
Cuối bãi đất cồn hình bóng trăm năm…

Mùa gió tháng Năm mặn dòng trí nhớ
Thương cánh cò bay trắng xóa miền xa
Một dòng thời gian phía bên bờ lở
Có một người chờ dáng một người qua

Mùa gió tháng Năm con còng bãi cạn
Nằm đợi một đời hương của ngày xưa
Em đã đi qua đời tôi rất lạ
Như nắng chợt về giữa những ngày mưa..!


Mùa gió tháng Năm, 2020
Người Chợ Vãng


Đêm Cần Thơ




              
Bến Ninh Kiều Xưa

Bài Xướng:

Đêm Cần Thơ


Đêm về dạo bến Ninh Kiều
Chùm đèn lả ngọn qua nhiều bến sông
Du thuyền nhấp nháy xa trông
Giống như chợ Tết mênh mông ánh hồng.
***

Chợ Nổi Cái Răng

Hừng đông tấp nập tàu ghe
Tiếng gọi ơi ới xuồng chè, cháo khuya
Mời anh - mời chị ghé qua
Cùng nhau thưởng thức câu ca tiếng đàn..

***
 Mưa

Cơn mưa ào ạt đầu mùa
Chợt đi chợt đến như đùa thế gian
Mưa về giải nhiệt lò than
Đâm chồi hoa lá ruộng vườn tốt tươi.
***
 
Tuổi 15

Tuổi 15: như mây bay
Chập chờn áo trắng, bướm hoa bên đường
Em vui sách vở đến trường
Bên hàng phượng vĩ đỏ hồng tháng 5
Chim quen bay mất mù tăm
Để em lỡ giấc trưa nằm bên hiên.
***

 Chủ Nhật

Chủ Nhật em đi nhà thờ
Trên cao chuông đổ từng hồi sớm mai
Bỗng nhiên ta lại thở dài
Phải chi ta được hoài hoài chúa thương!
Em đi bỏ nhịp ca đoàn
Để ta ở lại tơ vương một mình.
***
 
Tìm Người

Hình như trờì đã đêm về
Đi nằm vỗ giấc lạnh tê tái lòng
Bây giờ đất nước mênh mông
Que diêm dọ dẫm làm sao tìm người


Dương hồng Thủy
Cuối tuần 09/05/2020
***
Bài Họa

Ninh Kiều Còn Đâu


Còn đâu dáng ngọc yêu kiều
Giả từ kỷ niệm ít nhiều sang sông
Những chiều ngóng đợi dõi trông
Ninh Kiều còn lại quạnh mông tình hồng
***
Cái Răng Ngày Ấy

Cái Răng vắng bóng thuyền ghe
Quanh dòng sông cũ hương chè đêm khuya
Vừa bao kỷ niệm thoáng qua
Trữ tình tiếng hát lời ca nhịp đàn
***
 
Gọi Mưa

Mưa về chuyển tiết sang mùa
Giọt dài giọt ngắn cợt đùa nhân gian
Trôi đi phiền não thở than
Cho hoa đời rộ cho vườn tâm tươi
***
Qua Rồi Tuổi Mười Lăm

Thời gian mỏi cánh chim bay
Thân đơn cam phận cỏ hoa cuối đường
Qua rồi cái thuở chung trường
Ngày ngày nhặt cánh phượng hồng trăm năm
Rồi mùa hè ấy bặt tăm
Chỉ còn trơ trụi gốc nằm cuối hiên
***
Chủ Nhật Buồn

Cuối cùng người cũng ơ thờ
Dứt tình trúc mã bồi hồi thanh mai
Duyên thời dư vị ngày dài
Còn ai đâu nữa đoái hoài yêu thương
Giữa đồng hoang mạc rả đoàn
Dẫu lìa ý ngỏ còn vương lòng mình
***
Nhớ Người

Vì đâu quên cả lối về
Cho đây ray rứt tái tê cõi lòng
Hồn xưa ngõ cũ quạnh mông
Nhớ ai không nhớ cớ sao là người
 

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Đêm Cần Thơ


Lang thang dưới bến Ninh Kiều,
Xô bồ du khách gợi nhiều bâng khuâng.
Nên thơ bến nước bên sông,
Giờ thì chỉ thấy ánh hồng xôn xao!
***
 
Chợ Nổi Cái Răng

Giữa dòng tấp nập thuyền bè,
Xôn xao du khách xuồng ghe rộn ràng.
Kẻ buôn người bán oang oang,
Cái Răng chợ nổi danh vang khắp miền!
***

 Mưa

Nắng vàng rực lửa ngoài hiên,
Bỗng đâu mây kéo khắp miền âm u.
Giông vụt vụt gió vù vù,
Ào ào mưa đổ mịt mù cỏ cây.
***

 Tuổi 15

Ngây thơ thay tuổi mười lăm,
Phất phơ áo trắng tung tăng đến trường.
Bạn bè sách vở thân thương,
Bên hàng phượng vĩ chưa vương mối sầu.
***
 
Chúa Nhật

Chúa Nhật xem lễ nhà thờ,
Bâng khuâng áo trắng ngẩn ngơ bên đường.
Từng hồi chuông đổ vương vương,
Nguyện cầu Đức Mẹ xót thương ai cùng.
***
 
Tìm Người

Phương trời cách biệt đôi nơi,
Bốn mười năm cũ ngậm ngùi riêng đây.
Người xưa biền biệt chân mây,
Bao giờ mới được sum vầy cùng nhau.

Lòng riêng mơ ước biết bao!


Đỗ Chiêu Đức
05-15-2020

Quán Cà Phê Chuồng Khỉ

Bộ bình trà Hoa Lài (Minh Long)

Minh đi qua hai ba cái siêu thị rồi mà không tìm được bộ bình trà vừa ý, không phải anh khó tính, anh muốn có bộ trà đủ tiêu chuẩn tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam để triển lãm trong kỳ sắp tới. Có lẽ ở Cần Thơ thành phố nhỏ không đầy đủ mặt hàng nên khó lựa chọn, Minh định để tuần sau lên Sài Gòn chắc tìm được những thứ mới lạ.

Chiếc taxi chạy ngang qua đường Hùng Vương bất chợt Minh thấy cửa hàng Đại lý Gốm Minh Long! Ồ, không gian rộng lớn với nhiều mặt hàng gốm sứ cao cấp, sang trọng, nhìn từ ngoài đường nhưng cũng làm Minh lóa mắt:
Stop, stop!
Anh tài xế taxi dừng xe, Minh đi vào cửa hàng. Cô nhân viên bán hàng nhanh nhẹn, lịch sự:
Chào anh ạ, anh cần chi em có thể giúp?
Tôi cần mua một bộ bình trà có hoa văn là hoa sen hay hoa lài.
Vâng ạ, mời anh … 
Cô chỉ về một phía của Show room, Minh đi thẳng về phía ấy. Hãng gốm Minh Long ở Bình Dương chuyên sản xuất hàng cao cấp, nhiều thứ có mạ hay viềng bạc hoặc vàng 24k, có những bộ trà thật đẹp giá $15-$16 triệu VNĐ (tương đương $600 - $700 USD), thị trường Âu Châu rất ưa chuộng, còn ở Mỹ thì Minh ít thấy. Hoa văn trang nhã, anh thích nhất là nó thể hiện nét đặc trưng có thể phân biệt được với những nước khác. Thấy bộ trà Bông Lài anh mừng quá đi thẳng đến chụp lấy không cần chú ý đến người chung quanh, nhưng … đồng thời cũng có cô gái giử lấy bình trà. Cô gái mở to đôi mắt nhìn Minh, anh ôn tồn:
Cô có thể nhường cái bình này cho tôi được không? Xin cô!
Cô chưa kịp trả lời thì cô bạn bên cạnh nhanh nhẩu:
Em nhường cho ổng đi.
Cô gái chẩu môi, nhíu mày: 
Em chọn trước mà!
Thấy thế cô tiếp thị lên tiếng:
Rất tiếc trong kho không còn nhưng có thể đặt trên hãng vài hôm sau hàng sẽ về.
Cô gái quay sang nhìn Minh nhíu mày rồi kéo bạn đi. Minh ngỏ lời cảm ơn:
“Thank you” hai cô!

Cô bạn đi cùng quay lại với cử chỉ lém lĩnh dễ mến, nheo mắt với Minh và ra dấu “bye bye”! Thấy dáng buồn hiu của cô em Minh thấy tội nghiệp cho cô ấy, thường khi anh luôn nhường cho phái nữ nhưng lần này vì thời gian ở Việt Nam không còn nhiều để đi các nơi tìm kiếm. Nhường phái nữ là thói quen từ khi Minh còn bé. Có lần Ba cho tiền anh và cô bé hàng xóm mua cà rem, mỗi cây là 5 cắc. Không có tiền lẻ nên Ba anh xé hai tờ 1 đồng Bảo Đại cho mỗi đứa 1 tấm. Ngon quá anh ăn một hơi hết cây cà rem, ngó sang bên thấy cô bé còn múc múc, anh chàng giành lấy “ăn ké” một miếng làm nhỏ khóc quá chừng! Ba anh phải cho tiền để cô bé mua cây cà rem khác, dĩ nhiên là anh bị phạt phải đứng khoanh tay nghe Ba dạy dỗ. Từ nhỏ Minh ảnh hưởng cách xã giao của Ba “ga lăng” hay “nịnh đầm” vì Ba Minh khi xưa từng du học ở Pháp. Chuyện vừa rồi Minh cảm thấy áy náy trong lòng, mà cảm giác đó nó cứ day dứt mãi!
Ra xe, trời rất nóng nực Minh định kiếm quán giãi khát, anh hỏi tài xế taxi:
Anh giới thiệu dùm có quán café nào cảnh đẹp và đặc biệt nha. 
Dạ, em thấy ở Cần Thơ có nhiều quán Café ngon và đẹp lắm, … thôi, để em đưa anh lại quán này độc đáo, hết sẩy.


Cầu thang tại Quán Tòng Teng, quán Leo Cây

Quán Café ở khu công viên Sông Hậu đúng là thật đặc biệt, Minh theo dãy cầu thang bước lên các bàn được thiết kế trên mấy cành cây cổ thụ, độc đáo với cách trang trí như cái nôm đảo ngược. Ngồi trên cây cao có thể vừa thưởng thức ly Café, dưới bóng râm cành lá, gió mát ven sông và nhìn dòng sông Hậu tấp nập ghe thuyền xuôi ngược, có cả lục bình trôi lững lờ tạo cảm giác êm đềm thư thái cho khách. Anh thích thú với khung cảnh của quán nhưng hình như các bàn đã đầy nam thanh nữ tú không còn chổ trống. Đi tiếp lên cành khác Minh bất chợt khựng lại, thấy hai cô gái đã gặp ở Minh Long đang nhìn anh. 
Chào hai cô, lại gặp nữa. Ô, xin lỗi, tôi đang tìm bàn.
Hết bàn rồi, ông không tìm được bàn đâu, nếu ông đi một mình thì có thể ngồi bàn của chúng tôi, còn cái ghế trống.
Cảm ơn hai cô, rất hân hạnh!

Một cô bạn thì luôn vui vẻ cởi mở tủm tỉm cười, còn cô mua bình trà điềm đạm mở to đôi mắt chăm chăm nhìn Minh có lẽ cô còn ấm ức vụ cái bình trà, anh có cảm tưởng là cô ta đang soi mói từng cọng tóc, hơi thở của mình. Một cảm giác mà Minh một người đàn ông từng trãi đã lâu lắm rồi không gặp phải, vừa thích thú vừa có chút hồi hộp trước ánh mắt thu hút kỳ lạ của cô gái này. 
Cô tiếp viên vừa đến đưa cho Minh cái menu, hỏi:
Thưa anh dùng chi ạ!
Minh không coi menu, nhìn sang bên thấy hai cô chọn thức uống là nước có trái đào và trái gì đó xanh xanh anh muốn nếm thử thứ nước trái cây lạ lạ này:
Cô cho một ly như vậy nghe. Có cái trái gì xanh xanh vậy?
Dạ, quả dọc ạ.
Minh chủ động gợi chuyện:
Cho tôi xin lỗi chuyện vừa rồi, vì tôi rất cần cái bình đó mà tìm khắp Cần Thơ cả buổi sáng rồi mới thấy, đáng lý ra tôi phải nhường.
Ô, quên nữa tôi tên Minh.
Dạ, em tên Phương còn cô em nhường bình trà cho ông là Hồng Ngọc ạ. Ông là người ở nước ngoài phải không? 
Minh tò mò và vui vẻ hỏi lại:
Cô căn cứ về điều gì để nghĩ rằng tôi là người ở nước ngoài?

Dễ nhận ra lắm, thứ nhất là cách nói chuyện ông luôn “thank you”, “xin lỗi” một cách tự nhiên; Thứ hai là nước trái dọc có bán từ Bắc chí Nam mà ông không biết thì ông không phải dân trong nước; Thứ ba là phong cách lịch lãm như ông thường là người có địa vị xã hội, nhưng nếu là một sếp ở trong nước thì lại… luôn có cung cách khác tỏ ra cho mọi người biết. 
Hồng Ngọc cười hóm hĩnh:
Giới thiệu ông chị Phương là chuyên gia bất động sản, nhìn sơ qua là chị đánh giá được khách hàng là người như thế nào, chĩ còn là thầy bói nữa nên bói đâu đúng đó phải không ông?
Minh thầm phục sự nhật xét tinh tế của cô Phương, không khí cuộc gặp gở thấy cởi mở nên Minh nói chuyện tự nhiên:
Không biết sao cô Hồng Ngọc cũng muốn có cái bình trà hoa lài?
Dạ, Hồng Ngọc có ông thầy dạy ngoại ngữ người nước ngoài mãn hợp đồng sắp về nước nên Hồng Ngọc muốn tặng một món quà gì có nét riêng của Việt Nam. Còn ông chắc có lý do cũng quan trọng lắm nên nhất quyết … giành với Hồng Ngọc mua cho được cái bình trà?

Ô, lần nữa xin lỗi cô, vì tôi chuẩn bị cho cuộc triển lãm văn hóa Việt Nam trong Asian Festival tại tiểu bang tôi đang ở, trong đó có phần giới thiệu trà gồm các kiểu bình và loại trà. Cuộc Tea Show lần này có rất nhiều nước tham dự nên tôi muốn giới thiệu gian hàng Việt Nam quan khách nhìn vô là biết đó là Việt Nam. Một số bình trà về mỹ thuật thì hình như Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nên người Âu Mỹ họ dễ nhầm lẫn. Còn Nhật Bản hay Hàn Quốc dễ nhận ra lắm, kiểu dáng hay hoa văn đặc trưng trên bình trà. Các nước Trung Đông bình trà có nét thẩm mỹ riêng, vùng Bangal cũng vậy bình trà của họ cũng có hình dáng khác biệt. Chính vì vậy nên gặp bình trà hoa lài này tôi xớn xác chụp lấy trên tay của cô.

Hai cô gái hơi ngạc nhiên, có nụ cười thân thiện chăm chú nghe, Minh ngừng tí rồi nói tiếp:
Tôi cũng muốn triển lãm nhiều món gốm sứ của Việt Nam nhưng không đủ điều kiện. May mắn có được 1 bình trà men lam Huế và vài bình trà Bát Tràng. Gốm Bát Tràng người ta ưa chuộng vì nó nổi tiếng mấy trăm năm làm bằng thủ công, nhưng ngày nay gốm Bát Tràng cũng ở tại làng Bát Tràng nhưng có nhiều xưởng gốm mới thành lập sản xuất dây chuyền theo phương thức công nghiệp. 
Trúng ý Hồng Ngọc nên cô ta mắt sáng lên, thích thú:
Ông cũng biết nhiều về gốm sứ Việt Nam chứ, Hồng Ngọc rất mê tìm hiểu về đồ gốm cổ có nhiều điều thú vị lắm. Gốm sứ đời Lý Trần, gốm sứ Chu Đậu, Men lam Huế, Bát Tràng, … một thời có thể làm mình hãnh diện, đâu thua gì Trung Quốc hay Nhật Bản.
Gốm sứ Chu Đậu là thế nào? chị mới nghe. 

Chu Đậu là tên của một cái làng gốm ở Hải Dương, tương tự như người ta gọi gốm Bát Tràng vậy. 
Minh nghĩ Hồng Ngọc có nghiên cứu nhiều về đồ gốm cổ Việt Nam, anh tiếp lời:
Điểm đặc biệt của gốm Chu Đậu là loại men trắng với hoa văn men lam nhạt. Một thời rực rở xuất cảng khắp Đông Nam Á, ở vùng Trung Đông viện bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có lưu giử bình sứ gốm Chu Đậu nữa. Tiếc là đến cuối thời Trịnh-Nguyễn phân tranh làng gốm này bị mai một! Chỉ tìm hiểu về lịch sữ ngành đồ gốm cổ thôi cũng đã cho mình niềm tự hào dân tộc, đúng như cô Hồng Ngọc nói là rất thú vị. Cô Hồng Ngọc học về môn khảo cổ học phải không?
Không ạ, Hồng Ngọc theo ngành sư phạm như thích tìm tòi thêm thôi.
Lâu lâu mới gặp “bạn hiền” nên câu chuyện Gốm Sứ thật tương đắc đến hàng giờ chưa dứt, đã xế chiều rồi, cô Phương ra dấu cho tiếp viên tính tiền, Minh hiểu ý nên nói:
Xin phép hai cô cho tôi được trả buổi giãi khát hôm nay, thứ nhất coi như để chuộc tội làm cô Hồng Ngọc không vui lúc trưa, thứ hai là kỷ niệm buổi ra mắt những người bạn mới. Ờ, mà quán này là quán tên gì vậy?
Mấy người bạn trước đây giới thiệu là quán “Tòng Teng”, quán “Treo Cây”, cũng có anh chàng gọi đùa là quán “Leo Cây” vì tức giận bị cô bồ thất hẹn. Nhưng tên thật của quán là Café Ngọc Thơ mà chẳng ai thèm gọi bằng tên này.

Quán Café “Chuồng Khỉ” – (Quán Tòng Teng, quán Leo Cây)


Minh thường hay hài hước nên khi nhìn lên mấy bàn trên cành cây vội buộc miệng: 
Các cô nhìn xem có giống cái chuồng khỉ không, quán “Chuồng Khỉ” mà!
Mọi người cùng cười, cô Phương nhanh nhẹn, nghịch ngợm lấy điện thoại bấm hình Hồng Ngọc và Minh đang đứng bên tàng cây, khoe tấm hình rất đẹp rồi đốp chát ngay:
Ha, hai con khỉ đứng bên chuồng khỉ! Teng teng, teng!
Chuyện đùa của cô Phương làm không thể nhịn cười được, cô xin số điện thoại của Minh để gởi tấm hình. 
Mong gặp lại hai cô.
Dạ, khi có thời gian thuận tiện.
***

Nhà hàng Nam Bộ (Bến Ninh Kiều)

Có được người bạn mới “đồng điệu” trong nhiều sở thích nên Minh và Hồng Ngọc thường liên lạc nhau qua Face Book. Mỗi kỳ Minh về thăm quê thường hẹn nhau đi “khám phá” văn hóa ẫm thực Nam Bộ, mấy quán café nổi tiếng ở Cần Thơ, đi tham quan Núi Cấm, Chùa Dơi, Ao Bà Om, Tràm Chim, … Mấy lần dự định đi chơi xa đôi ba ngày nhưng không thành do thời gian công việc của hai người thu xếp không được.
Hồng Ngọc tỏ ra rất quý mến Minh, có lần Minh đề nghị xem Hồng Ngọc là cô em gái nhỏ vì tuổi đời Minh lớn hơn Hồng Ngọc nhiều “Năm anh hai mươi em mới sinh ra đời” nhưng cô chỉ cười nhẹ, và: “Hồng Ngọc thích xem Minh là người bạn thôi, người bạn to đùng đó!”
Hôm ấy, Hồng Ngọc chở Minh xuống bến Ninh Kiều khi đó trời bất chợt đổ mưa nên ghé vào nhà hàng Nam Bộ tránh mưa và dùng giãi khát. Minh đưa Hồng Ngọc lên thẳng tầng thượng ở lầu 5, nơi đây khách có thể quan sát bến Ninh Kiều, cầu Cần Thơ và dòng sông.

Thấy Minh có vẻ quen thuộc với quán Hồng Ngọc tò mò:
Anh Minh đến quán này rồi phải không? thấy anh rành quán này quá.
Trước đây Minh có đến đây vài lần với một người bạn Pháp. 
Anh tiếp viên đặt 2 hộp gổ có menu bên trong, lịch sự mời:
Thưa, mời anh chị chọn lựa ạ? Rồi anh giới thiệu một hơi các món đặc sắc của nhà hàng, Tây có, đặc sản Nam Bộ có.
Hồng Ngọc chọn trước đi. 
Dạ, chắc mình dùng giãi khác thôi, cho Hồng Ngọc cam vắt.
Minh cũng vậy.
Cảm ơn anh chị. 
Hồng Ngọc mới đến nhà hàng Nam Bộ này lần đầu nên nhìn quanh thích thú với cách bày trí trang nhã nơi đây, Minh giới thiệu:
Chủ quán là một bà Việt có ông chồng Pháp, nên Hồng Ngọc thấy đó cách trang trí, tiếp khách và thức ăn nhà hàng có nhiều món của dân Pháp. Ở đây thực khách thường là người đến từ châu Âu.
Minh rất yêu thương Hồng Ngọc hình như anh lo lắng, quan tâm cô còn hơn cho chính mình mặc dù ở xa, mỗi năm anh chỉ về nước vài tháng hầu hết thời gian là dành cho cô, anh nói tiếp: 
Hồng Ngọc à, Minh rất lo lắng thấy Hồng Ngọc càng ngày càng gầy, đồng ý làm việc là cần nhưng phải giử gìn sức khỏe!
Rồi anh thuyết giảng một hơi về chế độ dinh dưỡng, về phương cách ăn uống cho đúng để cơ thể dễ dàng hấp thụ chất bổ.
Minh nói huyên thuyên nhưng thấy Hồng Ngọc chỉ chăm chú nhìn mình, hình như không phải đang lắng nghe. Lại ánh mắt “biết nói” đó lần đầu Minh đã gặp ở quán café “Chuồng Khỉ”, Minh hỏi:
Hình như Hồng Ngọc muốn nói gì với Minh?
Cô có vẻ lúng túng, có chút e thẹn, ngập ngừng và hơi cuối xuống:
Dạ, … Hồng Ngọc có cái thắc mắc … mình quen nhau đã lâu gần 5 năm rồi, hiểu nhau, thân thiết nhưng tình cảm đó là thế nào?

Minh biết không sớm thì muộn anh phải đối mặt với câu hỏi này và cũng phải có thái độ rõ ràng. Hồng Ngọc gần 30 tuổi rồi đâu còn nhỏ, cũng có vài anh chàng sáng giá theo đuổi nhưng hình như cô còn đang suy nghĩ. Có điều Minh không thể xác nhận là yêu cô và có ý định kết hôn hay không? Từ khi Minh ly dị đến giờ anh vẫn ở một mình, anh có điều kiện để bảo lãnh sau khi kết hôn. Nhưng anh suy nghĩ bây giờ mình đang có bệnh tim - trong tình trạng có thể cần đến phương cách ghép tim nhân tạo - Bác sĩ cho biết nếu như thế anh chỉ sống được từ 5 năm nữa thôi! Không thể đem lại hạnh phúc lâu dài cho Hồng Ngọc bộ muốn cho cô sớm làm góa phụ à? Anh cũng không phải là triệu phú sẽ để lại gia tài kết sù, chưa kể đến nếu có con cái, nó cần sự chăm sóc và yêu thương của cả cha lẫn mẹ nữa, không được.
Minh thấy chúng ta xem nhau như anh em là tốt hơn hết, thật sự Minh thương Hồng Ngọc lắm không nói Hồng Ngọc cũng biết rồi. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ đối diện với ánh mắt của Hồng Ngọc ở quán Café Ngọc Thơ, Minh có linh cảm là cô gái này sẽ có điều gì đó gắn bó trong cuộc đời mình. 
Hồng Ngọc, làm em gái của Minh đi, chóng ngoan, cưng nhiều! Hử?!


Cầu Cần Thơ, Bến Ninh Kiều nhìn tư sân thượng nhà hàng Nam Bộ

Hồng Ngọc không trả lời, trên gương mặt thoáng buồn ngẫng lên nhìn cành hoa giấy mong manh đong đưa trong gió. Cô đứng lên đi ra “balcon” nhìn xuống dòng sông nơi có giề lục bình lững lờ trôi mãi về đâu …!
Minh cũng đi theo ra balcon hai người lặng lẻ đứng bên nhau, làn gió nhẹ lùa mái tóc Hồng Ngọc mơn man qua mủi anh như những lần cô chở anh đi dạo phố, hương tóc ấy đã từng làm say đắm hồn Minh. Bất chợt Hồng Ngọc quay sang:
Thôi mình về đi, chiều nay Hồng Ngọc có hẹn chở mẹ đi thăm người bà con.
Ừ, mình về.

Từ hôm đó Hồng Ngọc bắt đầu cố lánh mặt có ý không muốn thường xuyên gặp Minh, từ từ cô cũng ít liên lạc qua FB. Gần năm sau, Minh nhận được thiệp hồng báo tin cô lên xe hoa. Biết làm gì hơn, Minh chỉ cầu nguyện cho Hồng Ngọc mọi điều tốt đẹp “Thuyền về bến mơ”. 

***
Mấy năm sau, Minh về để tìm thêm tư liệu về đề tài mà anh đang quan tâm để hoàn tất bài biên khảo. Minh nhớ đến cái quán trên cành cây bên bờ sông, anh tìm lại chốn củ! 
Minh nhìn xuống bàn trên cành bên dưới, một bờ vai dáng dấp quen thuộc thân thương ngày nào, … làm anh hồi hộp nghe tim mình đập nhanh! Cô gái quay sang bên, … Ơ, không phải! Hồng Ngọc đã đi định cư theo chồng ở Sydney rồi mà.
Một ý nghĩ chợt thoáng qua, Minh phát hiện cái tình yêu chân thật nó kỳ lạ lắm, sự rung động của con tim ở tuổi nào cũng giống nhau! Anh mĩm cười bâng khuâng theo nỗi buồn man mát trong tâm tư.
Làn gió nhẹ lay cành vài chiếc lá rơi, một chiếc bay lượn nhẹ nhàng đáp xuống gần ly café, Minh cầm lên nâng niu như những cuộc tình đã qua để rồi cũng giống như chiếc lá cuối thu. Nhẹ nhàng, vấn vương, theo nhau đi qua cuộc đời anh! 
Minh hát nho nhỏ cho chính mình:
“Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha, câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng, thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rức, lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu! …”

Lê Hữu Uy
Arizona, May 2020
(Ghi chú: Câu chuyện là hư cấu, chỉ mượn bối cảnh à nghe)

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Thơ Tranh: Năm Xưa


Thơ & Ảnh: Sao Khuê
Thơ Tranh: Kim Oanh


Phấn Hương Lan Ngọc



Dĩ vãng Thu về ai lãng quên
Nghe Thơ mãi ngọt tiếng vành khuyên
Nghe lòng mãi... Phấn Hương Lan Ngọc
Những cánh Thơ Hồng, Trăng Thượng Nguyên
Hỡi Gió mùa Thu hãy giúp ta
Giữ nguyên mầu nhé nụ Hồng Hoa
Vườn xanh biếc cỏ thơm Lan Huệ
Thơ ngát Trầm Hương năm tháng xa
Chị Nguyệt Cười Duyên hội Ý thơ
Xa rồi! Tất cả đã vào mơ
Giấc Mơ của thuở An Bình ấy
Xanh mướt hồn ta đến tận giờ.

Tuệ Nga


Tình Đầu



Bài Xướng:
Tình Đầu

(Dạng thơ "Cô Nhạn Nhập Quần")

Bến đổ tình đầu chả mấy suôn
Yêu nhau lại phải tách hai phương
Thề non chỉ khiến nhiều đau xót
Hẹn biển để rồi nặng khổ vương
Có lẻ duyên phần luôn nghịch ý
Cho nên kiếp số khó chung đường
Xét ra hầu hết đều như vậy
Những mối tình đầu chẳng trọn thương.

Quên Đi
***

Các Bài Họa

Tình Đầu


Tình tui ngày ấy cũng đâu suôn
Tình đã cao bay bạt bốn phương
Tình chết trong lòng cùng nghịch cảnh
Tình tan theo gío với tơ vương
Tình xưa kẻ ở còn say mộng
Tình hiện người đi thể lạc đường
Tình cuối cho nhau là cúi mặt
Tình này dẫu cách vẫn thương Thương.

Thái Huy
5/5/20
***
Tình Cuối

Tình cuối cùng ,mong mãi được suôn
Ước sao trọn kiếp sẽ cùng đường
Tuy không hẹn biển mà lưu luyến
Hoặc chẳng thề non vẫn vấn vương
Vì lỡ ông Tơ đà thuận ý?
Và khi bà Nguyệt đã tròn thương?
Xét ra ,nếu sống đời cô lẽ
Thú vị gì đâu kẻ mỗi phương

songquang
20200505
***
Dang Dở Tình Đầu!

Tình đầu trắc trở chẳng ai suôn!
Lưu luyến yêu người chỉ một phương
Gặp gở đôi khi hoài nỗi nhớ
Xa nhau lắm lúc mãi tơ vương
Vì chàng lỗi hẹn không chung hướng
Bởi thiếp lỡ lầm mới lộn đường
Dang dở cuộc tình nên nuối tiếc!
Thôi đành phụ bạc vẫn còn thương!


Mai Xuân Thanh
Ngày 05/05/2020
***
Tình Lỡ

Tình lỡ nghe ra không thấy suôn
Người xưa, nay đã ở muôn phương
Tháng năm đôi kẻ còn tha thiết
Xuân hạ một lòng vẫn vấn vương
Mong ước xum vầy nơi hạ giới
Mộng mơ đoàn tụ ở thiên đường
Thế rồi dang dở từ khi đó
Ngó nước mây mà mãi xót thương ...

Hawthorne 6 - 5 - 2020

Cao Mỵ Nhân
***
Tình Đầu Ngỡ Trọn


Rèm hoa mộng khép hẳn là suôn
Uống nắng hoa đời rực một phương
Đôi mắt rạng ngời bao thắm thiết
Vòng tay âu yếm lắm tơ vương
Kỳ duyên đã có trong tiền kiếp
Nghịch cảnh bày chi cuối chặn đường
Ta với tình ta chung bến đổ
Ngờ đâu chẳng trọn chữ yêu thương

Kim Phượng
***
Tình Câm

Tình yêu vụn dại mấy ai suôn
Khi phải lòng nhau lại tứ phương
Thuở trước âm thầm chưa tỏ rõ
Ngày sau ray rứt những sầu vương
Số phần chắc có duyên không nợ
Định mệnh đành thôi lạc nẻo đường
Nếu được một lần chung nhịp đập
Liều mình chẳng ngại ngõ lời thương

Kim Oanh

Thánh Tổ Hải Quân



Lâm chung di chúc

Tích Triệu Vũ lập quốc, Hán đế gia binh, tiểu dân thanh dã. Đại quân xuất Liêm Khâm, kích Trường Sa, đoản binh phúc hậu. Thử nhất thời dã. Đinh Lê chi thế, bạt đắc hiền lương. Nam địa tân cường, Bắc phương bì nhược, thượng hạ đồng dục, dân tâm bất ly, trúc Binh-lỗ thành nhi phá Tống quân. Thử nhất thời nhĩ. Lý đế khai cơ, Tống xâm địa giới, dụng Lý Thường Kiệt công Khâm, Liêm, luỹ chí Mai Lĩnh, hữu kỳ thế dã.

Tạc giả Toa Đô, Ô Mã Nhi tứ diện bao vi, quân thần đồng tâm, huynh đệ hoà mục, quốc gia tịnh lực, bỉ tự tựu cầm, thiên sử nhiên dã.

Đại khái bỉ thị thường trận, ngã thị đoản binh, dĩ đoản chế trường, binh pháp chi thường dã. Kỳ kiến bỉ quân biến chí, như hoả như phong, kỳ thế dị chế. Nhược dụng tàm thực, hoãn hành, bất vụ dân tài, bất cầu tốc thắng, tắc bạt dụng lương tướng, quan kỳ quyền biến, như vi kỳ nhiên, tuỳ thời chế nghi; thu đắc phụ tử chi binh, thuỷ khả dung dã. Thả khoan dân lực dĩ vi thâm căn cố đế chi kế, thử thủ quốc chi thượng sách dã.

Hưng Đạo Đại Vương 
***
Bản dịch của Huệ Chi

Xưa kia, Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, dân chúng bèn làm kế "vườn không nhà trống". Rồi đại binh kéo sang châu Liêm, châu Khâm đánh vào Trường Sa, đoản binh thì tập kích phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê, đề bạt được bậc hiền tài, cõi Nam vừa hùng cường lên mà phương Bắc thì đang mỏi mệt suy yếu. Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Nhà Lý vừa mở mang cơ nghiệp, quân Tống đã xâm phạm vào bờ cõi. Bèn dùng Lý Thường Kiệt để đánh châu Khâm, châu Liêm, mấy lần đến tận Mai Lĩnh. Ấy là có cái thế đánh được vậy.

Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói, đó cũng là do lòng trời xui nên như vậy.

Tóm lại, giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp. Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa to gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự. Nếu chúng dùng lối tằm ăn lá, hành binh dần dà, không ham của dân, không cốt thắng mau, thì phải kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, giống như đánh cờ, phải tuỳ tình thế mà đưa nước chống cho thích hợp. Phải gây dựng được một "đội quân cha con" rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.
***
Hưng Đạo Vương Di Ngôn Diễn Ca

Triệu vũ đế khi xưa dựng nước
Hán xua quân sang cướp nước ta
Trong thì vườn trống không nhà
Khâm, Liêm ải ngoại Trường sa đánh vào

Đoản binh thì phía sau tập kích
Đó, khởi đầu thắng địch tự kiêu
Đinh, Lê hiền nạp, tài chiêu
Cõi Nam hùng mạnh, Bắc triều suy vong

Trên lẫn dưới cùng chung một ý 
Lòng toàn dân quyết chí vững vàng
Xây thành Bình Lỗ liên hoàn
Phá tan quân Tống danh vang một thời

Rồi nhà Lý vừa khơi cơ nghiệp
Tống triều kia lại tiếp xâm lăng
Lý thường Kiệt, tướng nước nam
Khâm, Liêm, Mai lĩnh mấy lần hãm vây

Mới, Toa Đô trùng vi mấy quận
Vua tôi đồng, hòa thuận anh em
Quân dân cả nước vùng lên
Đưa tay chịu trói-giặc Nguyên cùng đường!

Nói tóm lại giặc trường, ta đoản
Ngắn chế dài tính toán cho hay
Ào ào lửa áp, gió xoay
Giặc tình dễ chống, việc nay không bàn

Nếu chúng dùng thế tằm ăn lá
Tiệm tiến loang, chẳng xá bạc tiền
Thắng mau không kể ưu tiên
Kén dùng tướng giỏi, quân chuyên đối đầu

Như đánh cờ tính sâu quyền biến
Theo thế thời mà chuyển đổi ngay
Đội quân phụ tử dựng xây
Một lòng dốc sức, giặc này tàn mau

Khoan sức dân rễ sâu bền gốc
Giữ nước nhà thượng sách là đây!

Lộc Bắc
Avril20

Bà Ru Cháu Ngủ



Bà kể chuyện cổ tích
Hồn bé như khăn thêu
Bóng mây vờn ngũ sắc
Mắt lim dim ít nhiều

Ngày xửa ngày xưa đó
Công chúa ngủ trong rừng
Tiếng suối reo róc rách
Thảm cỏ mượt như nhung

Bầy bướm vàng bay lượn
Cô tiên mặt dịu hiền
Nụ cười sao giống mẹ
Hay mẹ là cô tiên?

Uống nước bên bờ suối
Mắt tròn xoe chú nai
Hỏi bé làm gì thế
Chim vành khuyên sớm mai?

Bé còn đương thơ thẩn
Mơ thành quách xa xôi
Bầu trời cao xanh thẳm
Lãng đãng áng mây trôi


Đêm biếc ngời sao sáng
Cuộn mình trong lòng bà
Tiếng du dương trầm bổng
Ngầy ngật mộng bướm hoa

Yên Nhiên

Giới Thiệu Tuồng Kim Vân Kiều Nam Bộ!


Học giới để ý tới truyện Kiều đều biết tác phẩm nầy có nhiều phó phẩm, nào là tuồng hát bội Kiều, tuồng chèo Kiều, thơ Vịnh Kiều, thơ Xử Án Kiều, Kim Vân Kiều Ca, Kim Vân Kiều Diễn Ca, Túy Kiều Phú… và hàng trăm bài thơ lẫy Kiều nhiều cách ngắn dài, kể cả có người viết lại toàn thể truyện Kiều và thay những chữ ông ta cho là khó hiểu để tạo nên một bản văn Kiều mới mà ông cho rằng có tánh cách dân tộc hơn. Đặc biệt phó phẩm viết theo toàn bộ các sự kiện trong truyện Kiều bằng một thể loại văn học khác hẵn để phú hợp với sự thưởng thức của một vùng miền mới phải kể đến nhiều tuồng Kiều. 

Trong số các tuồng do Thư Viện Hoàng Gia Anh Quốc tặng Phủ Quốc Vụ Khanh Việt Nam Cộng Hòa dưới thời cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền có hai (02) tuồng Nôm Kim Vân Kiều: 

1. Tuồng hát bội có tựa là Phong Tình Lục Thúy Kiều Thực Sự, gồm ba hồi dài 116 trang đôi. Mỗi hồi bắt đầu bằng hai câu thơ tóm lược chung cả hồi. 

Hồi thứ nhứt thì là:
Tảo mộ Thúy Kiều mộng Đạm Tiên, tự tình oan trái,
Thám hoa Vương thị phùng Kim Trọng, đính ước lương duyên.

Hồi thứ hai thì là:
Thúy Kiều mãi thân thục phụ tội, Lâm Truy quận đệ nhất thanh lâu.
Hoạn Thư đố kỵ xuất gia vọng, Thai Châu địa ngộ mưu Bạc Hạnh.

Hồi Thứ ba là:
Thai Châu Thúy Kiều phùng Từ Hải, oán nghĩa báo minh.
Tiền Đường Kim Trọng kiến Giác Duyên, ân tình tái hợp.

2. Cũng là tuồng hát bội nhưng có khuynh hướng lai hát chèo, ít tiểu đối, ít những cách nói đặc trưng của tuồng như thán, loạn, tán, vãn, bài…, tựa đề là Thù Thế Tân Thanh, gồm 6 tiết, cũng theo đúng tình tự sự kiện xảy ra trong truyện Kiều. Tuồng nầy có thêm nhiều đoạn bình luận, và nhứt là dùng rất nhiều câu Kiều nguyên văn, không thay đổi gì. Giá trị văn chương không nhiều như quyển trên nhưng cùng có tính chất mang sắc thái vùng miền từ những từ ngữ được dùng. 

Đây là hai tuồng chắc chắn do nho sĩ Miền Bắc viết. Ta chỉ gặp các từ ngữ riêng của Miền Bắc mà không gặp từ ngữ đặc biệt của Nam Bộ. Cả hai tuồng đều thuộc về tuồng văn, nhiều lời, khó ăn khách và hình như chưa bao giờ được trình diễn. Đó là loại tuồng để đọc hơn là tuồng để diễn vì sẽ không ăn khách.

Hai tuồng Kiều Nam Bộ chắc chắn do người Miền Nam viết ra, chưa từng được giới thiệu với học giới, còn ở dạng chữ Nôm đã có số phận lạc loài lâu nay.

Tuồng Kim Vân Kiều Tập, bản Phi Long, khắc ván năm Ất Hợi (1875).

Hồi 1: Thanh Minh tiết, Kim Lang phùng thục nữ.
Hoạn nạn thời Vương thị ngộ ma đầu.

Hồi 2: Thúc thủ bất tài không lụy giai nhân ma chiết,
Thúy vô ý hạnh ngộ sử khách châu di.

Hồi 3: Hàng Châu phủ tiến binh Từ Hải dư hàng nguy kế,
Tiền Đường giang tiên đảo túy hỷ sự trùng viên. 

Đặc biệt bản nầy hiện một thư viện ở Paris còn giữ được một bản giấy (ký hiệu Q. 80167) có con dấu chữ 張明記 (Trương Minh Ký) thiệt to, cho biết trước đây ông Trương Minh Ký là sở hữu chủ. Chắc chắn là ông dùng nó trong việc giới thiệu bản quốc ngữ in năm 1896 của mình.
Tuồng Kiều do Cao Đĩnh Hưng, chép tay, 1942.

Nguyên bản Nôm còn tồn tại đến ngày nay do một gia đình cố cựu ở An Giang tặng Viện Đại Học An Giang thập niên đầu thế kỷ 21. Bút tích trên trang bìa tập sách cho biết người viết bản chữ Nôm là ông là Cao Đĩnh Hưng, năm 1942. Không có chữ nào cho biết đây có phải là tên tác giả hay tên người sao chép. Tôi thiên về giả thiết cho rằng ông Cao Đĩnh Hưng là người sao chép hoặc là người phiên âm ngược từ bản quốc ngữ của Trương Minh Ký với những sửa đổi nho nhỏ thành một bản Nôm mà chúng tôi nghĩ rằng đây là tuồng Kiều Nam Bộ có giá trị nhứt và dùng bản nầy để giới thiệu, phiên âm.

Tuồng gồm 3 hồi nhưng không có hai câu thơ tóm tắt như bình thường ở tuồng hát bội hay tiểu thuyết chương hồi.

Nhìn chung hai tuồng Kiều Nam Bộ nầy văn chương lưu loát, đi theo đúng diễn biến sự kiện trong tác phẩm của Nguyễn Du. Đọc thầm cũng rất thích thú, giúp hiểu thêm điển tích trong nguyên tác Đoạn Trường Tân Thanh, trong khi đọc chúng ta hồi ức về những câu thơ tương đồng trong truyện Kiều thì sự thưởng thức tăng thêm bội phần thú vị.

Ngoài 4 tuồng Kiều Nôm nói trên, chúng ta còn có một tuồng Kiều bằng Quốc ngữ do Trương Minh Ký sao lục, nhà in Rey et Curiol ở Sàigòn in năm 1896. Bản nầy cũng gồm 3 hồi, nội dung tương tợ như hai bản Nôm Nam nói trên, được in theo lối liên tục lời của từng nhơn vật, không xuống dòng ở chỗ tiểu đối, không xuống dòng ở những nhóm từ chuyển câu, chuyển ý, nhấn mạnh nên chỉ có 72 trang. 

Hồi 1: Thanh minh tiết Kim lang phùng thục nữ. 
Hoạn nạn thì, Vương thị ngộ ma đầu.

Hồi 2: Thúc Sanh bất tài, không lụy giai nhân ma chiết.
Thúy Kiều vô ý hạnh ngộ quý khách châu triền.

Hồi 3: Hàng Châu phủ tấn binh, Từ Hải ngộ tao ngụy kế,
Tiền Đường giang tiêu kiếp, Thúy Kiều hỷ đắc đoàn viên.

Cũng nên biết thêm rằng ngày xưa sự in khắc khó khăn nên người yêu văn chương chữ nghĩa thường chép lại tác phẩm của người khác mà mình thấy ưa thích với mục đích để sau nầy đọc lại hay lưu truyền cho con cháu. Sự chép qua lại nhiều tầng khiến tên tác giả bị mất - ngoài lý do rất thường là ngay trên bản chánh cũng không có tên tác giả vì tác giả không muốn để tên mình trên tác phẩm do nhiều nguyên nhân. Người chép dầu có đề tên mình trên bản văn chăng nữa thì cũng chỉ có công sao chép. Qua thời gian, hay qua nhiều lần sao qua chép lại, tên tác giả bị mất đi, cái tên của người chép, tên người có công giới thiệu bản văn tới độc giả gần như được coi là tên người sáng tác, người sanh thành tác phẩm đó.

Ngay cả việc phiên chuyển từ bản Nôm ra quốc ngữ cũng vậy, có quá nhiều nhà nghiên cứu liệt kê những quyển mà ông Trương Vĩnh Ký chép ra quốc ngữ dưới thể loại tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, coi như Trương Vĩnh Ký là tác giả. Đặc biệt toàn bộ thơ bình dân do ba nhà xuất bản ở Chợ Lớn khoảng tròm trèm một thế kỷ trước (2020) là Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương, và Thuận Hòa những người chép ra quốc ngữ các bản Nôm xưa - với những chữ đọc, sửa tùy tiện- thường không đề tên người sáng tác nguyên thủy mà đề tên của mình, dầu là tên thật hay là tên hiệu. Chuyện đã trở thành xưa cũ, kẻ hậu học nầy chỉ nhắc lại sự kiện, không có ý trách cứ ai, mỗi thời có những quan niệm khác nhau về nhiều vấn đề của thời đại mình và cách thế họ ứng xử rất lạ lùng đối với cái nhìn của người thời đại khác. Mà chuyện văn chương thì quan niệm đổi thay ngày càng nhiều!

Thời nay làm chuyện kỳ khôi nầy – phiên chuyển từ bản văn quốc ngữ sang chữ Nôm - mới đáng trách. 

Cất công đi tìm hiểu rằng: (1) ông Cao Đĩnh Hưng chép lại một bản Nôm của người khác, (2) ông phiên chuyển từ một bản quốc ngữ sang chữ Nôm hoặc là (3) ông tự sáng tác ra bản tuồng Kim Vân Kiều bằng chữ Nôm mà chúng ta đang có trong tay sẽ không còn quan trọng và cũng chẳng cần thiết chút nào nếu chúng ta nhìn tất cả những tác phẩm văn chương bằng cái nhìn tổng thể nền văn học của một thời kỳ tại một vùng đất đặc biệt nào đó thay vì nhìn đó là công trình của một cá nhân rồi cố gắng đi tìm để vinh danh người A người B nào đó rồi sa đà vào những tranh luận về tiểu sử một vài người thay vì đi vào sự khảo sát chính tác phẩm mà cuối cùng cũng chỉ đi tới được sự đồng tình theo nhóm với nhiều tính chất chủ quan và cảm tính chứ không đến được chân lý. (Như trường hợp ai là dịch giả ra Nôm của bản Hán văn Chinh Phụ Ngâm). 

Do đó chúng tôi quan niệm rằng đối với tình trạng đặc biệt của văn học nước ta, do sự thiếu thốn tài liệu giá trị, những tác phẩm khó định chính xác tác giả thì nên đặt vào nhóm tác phẩm của toàn dân vì nó thể hiện nhiều mặt trong chính tác phẩm, như tư tưởng, ngôn ngữ, tình trạng dân trí, tình trạng thể loại tác phẩm… (1) của dân chúng, (2) của một thời nào đó, (3) của một địa phương nào đó hơn là mất công đi tìm về một cá nhân là chuyện bên ngoài tác phẩm, hơn nữa lý thuyết về ảnh hưởng của dòng dõi, về hoàn cảnh thời đại của người sáng tác ngày nay đã bị coi là lỗi thời., người ta thiên về tư tưởng của thời đại nhiều hơn.

Bản Nôm tuồng Kiều Bắc chép vào cuối thế kỷ 19.

Từ những nhận định căn bản trên, tôi phiên âm mà không đi tìm tác giả, cũng không bận tâm chứng minh có phải ông Cao Đĩnh Hưng là người viết bản Tuồng Kiều mà chúng ta đương đọc hay không. 

Dân ta từ lâu chấp nhận ca dao, tục ngữ, chuyện kể, chuyện khôi hài, ca trù, nhạc chế, lời châm chọc phê phán (kiểu Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu công lý, Đồng Khởi ra đời mất tự do…) là những tác phẩm thuộc về toàn dân, là tiếng nói chung của thời đại thì tại sao lại bận tâm đi tìm tác giả trong những trường hợp quá khó khăn trong việc minh chứng?

Cũng ông Cao Đĩnh Hưng chép tay, còn lại tới ngày nay là Tuồng Ghen, một tuồng hài kiểu tuồng Trần Bồ (Lão Bạng Sanh Châu), đã được người Pháp, ông Landes, dịch ra tiếng Pháp ngay từ những năm đầu khi họ mới tới Việt Nam. Trong tuồng Ghen ta thấy những địa danh, những chức danh trong làng xã, điều nầy đa phần là có sau khi người Pháp đã đặt vững nền cai trị trên đất Nam Kỳ nên ta dễ dàng chấp nhận ít nhứt tác giả nếu không phải là ông Cao Đĩnh Hưng thì cũng là người đồng thời với ông và sống trong một địa phương không xa,

Để dễ dàng theo dõi câu chuyện, bản in Tuồng Kiều Nam Bộ nầy tôi tạm chia ra nhiều lớp, dầu trong bản chép không có sự chia lớp như vậy. Bắt đầu là tâm trạng của Chàng Kim về tin đồn rằng gần miền có hai cô con gái đẹp nhà họ Vương, kế đó là Kiều du Thanh minh, Kiều than khóc lân ái trước mả Đạm Tiên… cứ như vậy cho đến hết hồi 3 với lớp đoàn viên hưởng phước.

Từ những nhận định căn bản trên, tôi phiên âm mà không đi tìm tác giả, cũng không bận tâm chứng minh có phải ông Cao Đĩnh Hưng là người viết bản Tuồng Kiều mà chúng ta đương đọc hay không.
Dân ta từ lâu chấp nhận ca dao, tục ngữ, chuyện kể, chuyện khôi hài, ca trù, nhạc chế, lời châm chọc phê phán (kiểu Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu công lý, Đồng Khởi ra đời mất tự do…) là những tác phẩm thuộc về toàn dân, là tiếng nói chung của thời đại thì tại sao lại bận tâm đi tìm tác giả trong những trường hợp quá khó khăn trong việc minh chứng?

Cũng ông Cao Đĩnh Hưng chép tay, còn lại tới ngày nay là Tuồng Ghen, một tuồng hài kiểu tuồng Trần Bồ (Lão Bạng Sanh Châu), đã được người Pháp, ông Landes, dịch ra tiếng Pháp ngay từ những năm đầu khi họ mới tới Việt Nam. Trong tuồng Ghen ta thấy những địa danh, những chức danh trong làng xã, điều nầy đa phần là có sau khi người Pháp đã đặt vững nền cai trị trên đất Nam Kỳ nên ta dễ dàng chấp nhận ít nhứt tác giả nếu không phải là ông Cao Đĩnh Hưng thì cũng là người đồng thời với ông và sống trong một địa phương không xa,
Để dễ dàng theo dõi câu chuyện, bản in Tuồng Kiều Nam Bộ nầy tôi tạm chia ra nhiều lớp, dầu trong bản chép không có sự chia lớp như vậy. Bắt đầu là tâm trạng của Chàng Kim về tin đồn rằng gần miền có hai cô con gái đẹp nhà họ Vương, kế đó là Kiều du Thanh minh, Kiều than khóc lân ái trước mả Đạm Tiên… cứ như vậy cho đến hết hồi 3 với lớp đoàn viên hưởng phước.

So sánh bản quốc ngữ với hai bản Nôm Nam, tạm thời tôi đi đến giả thuyết sau, theo thứ tự thời gian và liên hệ: 
1- Ban đầu bản Long Phi của một tác giả vô danh - có thể là từ nhóm người Minh Hương ở Xóm Dầu Gia Định (vùng Q5 Sàigòn ngày nay) mà nổi tiếng nhứt là Duy Minh Thị - xuất hiện trước, năm 1875. 
2- Kế đến nhà văn Trương Minh Ký từ bản trên, sửa lại chút đỉnh và thêm thắt những từ đưa đẩy ở cuối câu cũng như những tiếng có tính chất nối tiếp giữa hai vế đối của một câu, giới hát bội thường gọi là hường, từ đó ông cho in thành bản quốc ngữ Kiều mà chúng ta gọi là bản Quốc ngữ Trương Minh Ký. 
3- Trong tủ sách của ông Cao Đĩnh Hưng, An Giang có một bản Nôm Tuồng Kiều đề năm 1942 do ông viết tay. Sau khi đọc và so sánh với bản Long Phi và bản Trương Minh Ký tôi ngờ là ông Hưng, hoặc một người nào đó trong địa phương và sống đồng thời, đã rà soát, chỉnh sửa lại từ bản quốc ngữ Trương Minh Ký rồi phiên chuyển ra bản Nôm mà chúng ta đương có đây. 

Bản Cao Đĩnh Hưng chữ rõ ràng, dễ đọc. Điều nầy có thể là do sự viết tay - Thường bản viết tay nếu người viết đừng bay bướm lả lướt quá mà chú trong đến sự chính xác của âm vận thì phần nhiều là chính xác hơn bản khắc, nhứt là bản khắc ở bên Phật Trấn, Quảng Đông vốn dĩ sai do người khắc không hiểu chữ Nôm và làm việc chẳng mấy cẩn trọng. Đọc bản viết tay Lục Vân Tiên Truyện Diễn Ca do Hòa Thương Pháp Quang viết gần đây ta thấy rõ điều nầy vì những sai sót trong bản khắc ván do nhóm Duy Minh Thị thực hiện đã gần như biến mất. 

Gần đây GS Đoàn Lê Giang ở Sàigòn có giới thiệu mấy bài viết rất có giá trị về truyện Kiều ở Nhật Bản, đã cho người đọc đi tới sự suy nghĩ rằng người viết truyện Kiều ở Nhật đã chỉnh sửa lại cốt chuyện để phù hợp với đời sống xã hội và văn hóa người Nhật, bằng những hoạt động của kiếm sĩ võ sĩ đạo, bằng những cuộc đánh nhau nho nhỏ của nhân vật nầy kia, bằng cách bỏ bớt vài ba nhân vật không cần thiết... Sự thay đổi đó đã khiến cho truyện Kiều ở Nhật được dân chúng Nhật Bản biết đến nhiều hơn so với việc người Tàu biết về truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. 

Cũng vậy ở Miền Nam nước Việt, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, truyện Kiều đã được thay đổi để dễ đi đến quần chúng miền xa xôi nầy, nhưng không phải thay đổi theo lối Nhật Bản mà thay đổi thể loại từ truyện thơ là thứ chỉ được thưởng thức bởi một người đọc hoặc là chừng mươi người nghe đọc trong một căn phòng, sang tuồng hát bội là thứ được thưởng thức một lúc cả mấy trăm người, từ văn chương cao sang bác học ít người hiểu thấu chuyển qua thể loại nhiều đối thoại là thứ văn chương dồi dào tánh cách đời thường với việc sử dụng nhiều thành ngữ, nhiều nhóm chữ của vùng, phù hợp với hoàn cảnh của lưu dân chưa ổn cư còn phải đối phó với thiên nhiên và cư dân bản địa. 

Đọc một đoạn nào ta cũng thấy thành ngữ phương ngữ, chúng hiện diện không phải để làm hoa hòe hoa sói cho bản văn mà có mặt để người xem tuồng đọc tuồng thấy thân thiết. 

Lượm lặt ngẫu nhiên: 

- Mối mang còn ghe chốn dập dìu, Keo sơn chửa một lời gắn vó. 
- Phận bạc thà nương dấu Di đà, Thân tàn ngõ qua đời khổ não thôi! 
- Cớ sao vắng vẻ lửa hương. Mà lại rậm rầu hoa cỏ! 
- Hoa thơm xưa đấng hữu danh. Cỏ rậm nay mồ vô chủ. 
- Chật nhà dễ chật lòng, Rậm người hơn rậm cỏ. 
- Khi nảy giận làm đẫy đẫy, Bây giờ chết lại trân trân. Nó hung hăng, chẳng dám lại gần. Mày nhặm lẹ vào coi cho chắc 
- Kiếp trâu ngựa, ơn người chưa báo, Thân liễu bồ, phận thiếp còn chi. Nhơ nhuốc nầy bạc cũng ra chì, Danh giá ấy, vàng đâu lộn sắt. 

Vậy có thể nói mà không sợ sai lầm rằng Tuồng Kiều Nam Bộ hình thành trong suốt sáu mươi năm (1875-1942) qua nhiều cải tiến. Nguyên nhân hình thành là để phù hợp với sự thưởng thức của người lưu dân mới vừa định cư ở vùng đất mới mọi thứ đều thiếu thốn nhứt là trình độ văn chương thơ phú ở mức độ không thể thưởng thức được loại văn chương quá cầu kỳ kiêu sa của nguyên tác. 

Cũng nên nói thêm là tuồng mang nhiều tính chất miền Nam ở lời nói, ở vài chi tiết sinh hoạt của dân chúng… như cờ bạc , rượu chè, hát xướng, quán ăn, cai ngục, vốn dĩ ăn khách ở đây nên chúng ta thấy rất nhiều tuồng hát bội ở trong trường hợp nầy. Ta có thể kể vài tuồng nhiều người biết: 

Tuồng Tứ Mỹ Đồ, Tuồng Gia Trường, Tuồng Tứ Linh, Tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, Tuồng Hỏa Diệm Trận, Tuồng Gia Trường… bằng quốc ngữ. 

Tuồng Trương Ngáo, Tuồng Trần Bồ, Tuồng Trương Ngố, Tuồng Lê Ngụy Khôi, Tuồng Lôi Phong Tháp, Tuồng Văn Doan… bằng chữ Nôm. 

Trích hai đoạn giới thiệu tuồng Kiều Nam Bộ để thấy nghệ thuật của người tạo nên phó phầm nầy.


1. Kim Trọng nghe kể chuyện đời Kiều:

Dân chúng:

Nghe lịnh đòi lật đật,
Tới ứng hậu vội vàng.
Bẩm ông!
Gái lỡ thời phải ở trong làng
Thưa, 
Xin ông (52) xuất trát đòi ngay vào huyện thôi mơ!

Kim Trọng:

Không phả!

Số là:

Ta đòi vô hỏi chuyện,
Ngươi nói lại rõ tình.
Nghe tiền niên có gã Mã Sinh,
Kiếm tiểu thiếp cưới nàng Kiều nữ.
Người nên lịch sự,
Số mắc gian nan.
Sau đem về không tỏ sự duyên,
Rày hỏi lại cho tường dạ mỗ đó mà!

Lại mục:

Dạ!
Tưởng việc chi rằng khó,
Hay chuyện ấy xin bày.
Số là xứ nầy có:
Tú bà thiệt đứa đĩ thầy,
Mã thị là thằng bợm bãi,
Mượn vốn dạo mua con gái.
Giả danh đi cưới hầu non,

Thương hại:

Người mang tai nên phải gả con.
Nó gia hại bắt đi làm đĩ.
Nàng khi ấy, mới:
Trâu bẻ ách chẳng cam thá ví,

Đến sau:

Chim túng lồng khó nỗi cao bay,
Sau lại:
Gặp Thúc Sinh, làm bé cũng may,
Ai ngờ là:
Mắc Hoạn thị ghen già lại rủi,
Hành hà đà đến tội,
Cực khổ phải lánh thân.

Sau lại:

Mắc Bạc bà lại chịu phong trần,

Ăi ngờ lại may:

Gặp Từ Hải vầy duyên kháng lệ.

Từ Hải nầy là:

Binh giáp đã mở mang một phía,
Cơn rứa chừ:
Ân oán cho [đáp] trả vẹn đường. (53)
Đã nên mặt khôn ngoan,
Lại đủ điều nhân nghĩa.
Thành Vô Tích muôn binh đóng lại,
Phủ Hàng châu ngàn đội ruổi vào.
Đến lúc sau, chưa biết làm sao
Chuyện ngày trước, tôi hay chừng ấy.
Kim Trọng, gia quyến:
Lưu lê ngọc, lưu lệ ngọc!
Cát can tràng, cát can tràng!
Yểu mang nhân vạn lý,
Tố hồi thủy nhứt phương.

Thán:

Tài văn tiêu tức bất thăng sầu,
Minh nhạn cô phi vị cảm thâu.
Hải giác bình tung vô xứ mịch,
Ngọc nhân hà nhựt xướng giao đầu.

Kim Trọng:

Bóng hoa tàn mấy cuộc biển dâu
Vóc liễu yếu ghe phen lưu lạc. hè
Một ngày chịu quê người bèo nước

Còn ta thời:

Cả nhà đều cửa tía hiển vinh
Ôi em ôi Vàng trao ngọc dặn dễ ngui tình
Cát lấp sóng dồi khôn thấy mặt ôi em ôi!

2.Cả nhà khuyên Kiều kết nối tơ duyên.

Thúy Vân:

Thế mặt xưa đà nát ruột,
Tỏ lòng nay phải cạn lời.
Biến nhà từ dâu biển đổi dời,
Duyên em phải tóc tơ chấp nối.
Lá rụng nay đà về cội,
Cầm lành, tính phải xe dây,
Trống chỗ đà chờ đợi những ngày,

Chừ phải:

Tới ngôi ắt chủ trương kịp thuở thôi mơ!

Vương ông:

Ối a!
Nhứt văn thử ngữ,
Thập hiệp kỳ tình.
Tam kỳ nay gặp ngày lành,
Vậy thôi thời:
Lưỡng mỹ rày vầy duyên cũ.

Thúy Kiều: (63)

Nói ra càng hổ,
Chịu vậy sao an.
Xét phận đà nhị rữa hoa tàn,
Ghe phen lại ong rời bướm rả.
Đã mượn, mượn nào trông trả,
Chẳng tu, tu trót cho rồi.

Cớ sự nầy là:

Đã đành cho dòng nước chảy xuôi,
Ai còn tưởng đạo nhà bận lại.

Kim Trọng:

Sao khiến buông lời nói,
Mà chẳng nghĩ tấm lòng.
Hẹn trước đà gá tiếng vợ chồng,
Thề xưa cũng thấu lòng trời đất.
Phận rủi mối chỉ săng hóa đứt,
Duyên may đà gương bể lại lành.
Dấu nước bèo đó những ngại tình,

Chớ như:

Lời vàng đá đây không ngơ mặt.

Thúy Kiều:

Đàn bà phải giữ bề trinh bạch,
Biến nhà xui gặp bước gian nan.
Từ gặp cơn nước chảy sóng tan,
Đã nhiều lúc mưa sa gió giật.
Nhơ nhuốc đã liều thân băng ngọc,
Bụi lầm khôn dựa phận bố kinh.
Nhớ lời xưa, chàng dẫu nghĩ tình,

Nói vậy chớ: 

Trông người cũ, thiếp không mở mắt cho đặng mà!
Có em đó đã vầy duyên cầm sắt,
Lọ chị đây mới an phận thất gia hay mần răng? 
Phận bạc thà nương dấu Di đà,
Thân tàn ngõ qua đời khổ não thôi!

Kim Trọng:

Tiết cả là trung là hiếu,
Người đời có biến có thường.
Trinh kia cũng có ba giường,
Ta há chấp nê một lẽ sao đặng?

Như nàng: 

Xử biến phải đền ơn cha mẹ,
Tùng quyền nên lỗi đạo vợ chồng
Nhưng rứa mà:
Đức cả toàn, đức nhỏ ở trong
Chữ hiếu vẹn, chữ trinh chẳng mất.
Danh ấy (64) ai không vị mặt,
Lòng nầy xin chớ hổ ngươi. 
Có phải a!
Hoa tuy tàn, sắc hỡi còn tươi,
Ngọc có vết, lẽ nào mất sáng cho đặng!

Vương ông:

Con đừng tính cạn,
Chàng thiệt tình sâu.
Mười lăm năm biết mấy thảm sầu,
Đến nay mần răng:
Một sợi chỉ nỡ nào cắt đứt cho đành hả con?

Thúy Vân:

Thưa chị: 

Chị xin hỡi an bề gia thất,
Em cũng nguyền đẹp phận Hoàng, Anh.
Công bấy lâu chàng cũng nặng tình,
Lòng thiệt vậy chị đừng thẹn mặt nào!

Kim Trọng:

Vốn thiệt nặng lòng đinh sắt,
Phải rằng vui thói gió trăng.
Nói thiệt:
Tiêu lang dầu khỏi thấy người vàng,
Vĩ sinh cũng đánh liều mạng bạc thôi mờ!

Thúy Kiều:

Thời! 
Trên cha đã cạn lời giác đát,
Dưới em thời tính cuộc vuông tròn.
Cũng đánh liều mặt thẹn mày thuồng,
Cho rồi chút ơn đền nghĩa trả thôi mờ!

Lại nói:

Cúi đầu lạy tạ,
Nhờ lượng bao dung.
Ơn chàng đã lọc đục ra trong,
Phận thiếp đặng khỏa nhơ làm sạch.
Nhờ lượng cả chẳng thổi lông tìm vết.
Khác tình thường nên trải chiếu lấp dơ.
Ngoài mười năm mới có bây giờ,
Trong một buổi gọi là duyên trước.

Nhân đây tôi xin gởi lời cám ơn tới người đã trao đổi với tôi bản tuồng nầy mà tôi sẽ nói tên khi được chấp thuận. Những sự trao đổi tư liệu văn học nào cũng có mặt tích cực của nó. Ở xa đất nước, nếu không nhờ sự trao đổi tôi sẽ khó lòng có được những bản tuồng quí, và hôm nay quí vị đã không có quyển sách lạ đang cầm trên tay: Quyển Tuồng Kiều Nam Bộ hay tuồng Kim Vân Kiều ở Đồng Bằng Cửu Long, hay tuồng Kiều ở Miền Nam. (Tôi muốn gọi nhiều cách để nhấn mạnh trên tính cách Miền Nam của bản tuồng.) 

Nguyễn Văn Sâm
 (Mỹ Quốc, 40 năm xa xứ, Victorville, CA, 04-30-2020)

Kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa Mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789)



Hôm nay
Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa
Lừng danh Lịch Sử.
Chúng tôi, đàn con lưu vong viễn xứ
Xin cúi đầu lạy tạ Cha Ông.
Những bậc Anh Hùng bảo vệ núi sông
Qua chiến tích nghìn thu dũng liệt.
Đuổi xâm lăng, rạng ngời trang Sử Việt
Nét vàng son Tự Chủ giống Rồng Tiên.
Bành tượng uy nghi tỏa khí hùng thiêng
Quân thần tốc băng sông vượt suối.
Hẹn về Thăng Long xô thành bạt núi
Dựng cao cờ trên đỉnh trời Xuân. 
Vì Tổ Quốc đâu quản ngại gian truân
Đem xương máu lót đường hoa Đại Nghĩa. 
Tiếng voi đi, ngựa hí, rền vang trận địa
Lộng tinh kỳ Đại Đế gió bừng say.
Bắc Bình Vương uy dũng dáo vèo mây
Vung thần kiếm oai linh ngời tinh đẩu. 
Đánh cho tan loài Bắc phương thảo khấu
Diệt cho tàn quân cướp nước xâm lăng.
Đại Việt ta, nền tự chủ vĩnh hằng
Không cúi nhục, giữ sơn hà xã tắc. 
Một trận tiến công, quân thù xanh mặt
Trống Ngọc Hồi thay pháo Tết mừng Xuân.
Hai trận tiến công, Quân-Tướng hợp quần
Như vũ bão, đạp phăng thành Khương Thượng.

Sầm-Nghi-Đống bơ vơ dưới trướng
Đành sát thân, quân vỡ mật tan hàng. 
Núi Loa Sơn thây giặc máu nồng loang
Hồn chưa thoát nỗi kinh hoàng khiếp vía. 
Gò Đống Đa, nơi quân thù tuyệt địa
Thành mồ chôn, tan vỡ mộng Thanh triều.
Hai mươi vạn hùng binh với tướng ngạo quân kiêu
Trong phút chốc phải tan đàn rã đám. 
Trời Bắc phương mây mù ảm đạm
Quân xâm lăng cởi giáp quy hàng.
Lũ đuôi sam quỳ lạy kêu van,
Tôn-Sĩ-Nghị trốn chui về biên giới.
Thành Thăng Long tinh kỳ phất phới
Triệu lòng dân mở hội hoa đăng. 
Một mùa Xuân Chiến Thắng vĩnh hằng
Trang sử mới trời phương Nam định vị. 
Đến muôn đời, nét vàng son cao quý
Dành riêng Người Áo Vải đất Tây Sơn.
*
Ngày hôm nay
Cả non sông đang dậy sóng căm hờn
Mộng xâm lăng từ Bắc phương tái diễn.
Bản Giốc, Nam Quan, Hoàng Sa đảo biển 
Rừng Tây Nguyên thành sứ quận chư hầu. 
Cộng Sản Việt Nam xin dâng hiến cúi đầu
Quên sử cũ, vì đảng riêng toàn trị. 
Chúng tôi đây, nguyện bền gan vững chí
Dù tha phương xin vẹn giữ Tâm thành.
Cúi lạy Tiền Nhân từng lẫm liệt uy danh
Xin dẫn bước cho Toàn Dân quyết thắng. 
Xuân Dân Tộc trời phương Nam rạng nắng
Hoa Tự Do nở đẹp bước quân hành.
Cờ Quang Trung lồng lộng giữa trời xanh
Gương Tự Chủ một thời đang chỉ hướng. 
Quê Hương cội nguồn một ngày mai hưng vượng
Đàn con về chung máu giữ non sông,
Dựng lại Mùa Xuân Chiến Thắng giữa Thăng Long!

Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Tiếng Lá Thu



Lác đác chiều rơi tiếng lá thu
Nắng gầy lên cỏ vàng hoang vu
Trời cao xanh thẳm hồn thu biếc
Sương rắc mờ xa bóng bụi mù
Gió hắt hiu cành trơ nã nuột
Tình sầu quạnh quẽ lắng ưu tư
Lăn theo tiếng lá khua xào xạc
Mơ khách đường xa bước lãng du.


Bằng Bùi Nguyên

Cánh Cụt Tự Thán


Nằm 1 chỗ mới thương người 1 chỗ
Dùng đôi tay vận động để làm thơ
1 cú té đẩy đưa đến bất ngờ
Đành chấp nhận phải làm người lệ thuộc

Nhìn con thơ vừa chăm cha chăm mẹ
Thấy đau lòng nhưng không biết làm sao
Rồi nghĩ đến huynh Tùng của hôm nào
Chợt thương lắm tuổi già đầy lận đận

Sống để khổ người thương, nào đâu muốn
Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ êm xuôi
Còn hạnh phúc khi còn có người nuôi
Thì đón nhận trời còn thương không bỏ

Trời lại sáng biết đâu trời lại sáng
Để đôi chân bước thẳng không ngập ngừng
Bỏ gậy đi như ngày xưa đã từng
Để tôi nhận cuộc đời còn ưu ái

Xương không gãy nhưng sao đi không được?
Thuốc uống đều mà vẫn chẳng tin vui
Ai tri kỷ xin chia ngọt sẻ bùi
Để tôi còn thấy mãi đời vẫn đẹp

Đất Cần , 7/5/2020
Hồ Nguyễn

Nghĩ Cổ - Lý Bạch (701-762)

Thi Tiên Lý Bạch đời Đường, thế kỷ 8, đã phỏng theo ý người xưa, qua bài Ý Cổ , nói về chuyện "Sinh Ký Tử Quy". Nhưng sao lại sinh ký tử quy, sống là gửi mà thác là về ? Lại nghĩ có phải, lúc này, đang cơn nạn dịch coronavirus hoành hành, giữa hai bờ sinh tử chênh vênh, trời bắt mỗi người, ngồi nhà một mình, để chúng ta có thì giờ suy ngẫm và có dịp nhìn lại chính mình chăng? Vâng, tuy mỗi người mỗi cảnh, nhưng dù đã ba chìm bảy nổi, dù đã hơn một lần sống sót, dù cho đến cuối đời vẫn không còn nhà để về, đối với tôi, kiếp sống này vẫn không là tạm mà chính là kiếp sống thực, là rất thực và thực tình tôi không nghĩ đến chuyện chết là về, và về đâu, với tất cả những Thương Yêu của một đời thương khó đã dành cho và đã nhận được . Cầu chúc an lành cho tất cả chúng ta.
PKT 04/03/2020

Nghĩ Cổ

Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi quy nhân 
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần
Nguyệt thố không đảo dược
Phù tang dĩ thành tân
Bạch cốt tịch vô ngôn 
Thanh tùng khởi tri xuân
Tiền hậu cánh thán tức
Phù sinh hà túc trân

Lý Bạch (701-762)
***
Nghĩ Xưa

Sống là khách cõi tạm,
Chết là người về nhà.
Trời đất là quán trọ,
Giữa cát bụi ta bà.
Trăng tròn rồi lại khuyết,
Bãi dâu thành rừng già.
Xương trắng ngàn năm ngủ,
Thông xanh bốn mùa ca.
Trước hay sau cũng vậy,
Than chi đời phù hoa.


Phạm Khắc Trí

Hoài Vọng



Đã đành xa mãi quê hương ấy
Sao lòng ta vẫn vọng nhớ thương
Mặc dù sông núi đang sừng sững
Nhưng nhuốm màu tang nỗi đoạn trường

Suối chưa cạn sao sầu đáy vực
Đất điêu tàn nở nụ héo khô
Tuổi thơ lấp bụi hồng năm tháng
Có còn xanh lại những ngày mơ

Truyện cổ tích bên thềm trăng tỏ
Nghe dư âm một cõi xưa về
Vọng lại tiếng cười vui thuở đó
Áo lụa vàng đưa nhẹ ý thơ

Tiếng yêu từ thuở môi còn thắm
Tình thơ ngây sao đã muộn màng
Em vẫn đứng trông đầy mắt lệ
Lòng thiên thu ta hứng đã tràn

Còn đó rong rêu bờ ao cũ
Bóng hoa soan rơi nhẹ trước thềm
Giọt mưa thu nhỏ từ mái ngói
Đêm thơm huyền thoại ánh sao rơi

Dặm khách bao la sầu lữ thứ
Tóc xanh màu đã độ thu sang
Tàn hương bóng đổ xiêu hồn cũ
Khói giao thừa trầm lặng mênh mang

Dòng sông quê mẹ âm thầm chảy
Dưới muôn trùng khóc tiễn con đi
Bao giờ hết tủi hờn sông núi
Mẹ ơi, con sẽ lại quay về

Lê Mỹ Hoàn

Bạn Thời Chơi Nhà Chòi


Khi em đưa cái Thẻ Kiểm Tra, mình chưa đọc tên đã biết ngay là em. Nhưng mình cứ làm tỉnh ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Em thì tình thiệt không biết mình. Nhớ hồi nhỏ hai đứa cũng quyến luyến nhau, dầu chưa tới mười tuổi. Em hay giận hờn khi thấy mình thân thiện với con Bình khi cả bọn chơi nhảy cò cò. Mình cũng thấy ghét thằng Bé sứt môi khi thằng nầy tỏ ra săn sóc hay nhường nhịn em. Thường thì mình xô đẩy thằng Bé, nhiều khi còn cười ngạo cái bất hạnh của anh ta nữa. Nghĩ cũng kỳ cho tuổi trẻ ác tâm và không biết suy nghĩ. Mình không ưa má em. Thím hổn hào với chồng, Thím khinh khi mọi người, tối ngày chỉ nằm dài ca hát nghêu ngao. Đàn ông thì kêu bằng thằng cha tuốt: Thằng cha thầy giáo, thằng cha thầy chùa, thằng cha y tá, thằng cha góp tiền đất. Đàn bà thì con hết thảy: Con mẹ Ba cho vay tiền ngày, con mẹ Bảy Mập bán bánh mì, con mẹ vợ thằng cha Hiệu Trưởng, con mẹ Tư gánh nước mướn. Chỉ có cậu Út là được thím nể nang và thân thiện một điều cậu Út, hai điều cậu Út mà thôi.

Mình thích nhứt là được Chú Ba Huê chở vợ con với lại mình đi ra An Lạc ăn cháo đầu cá lóc với rau đắng. Xe chật, ngồi dựa hông vô nhau nghe hơi nóng của em truyền qua mình chắc đâu còn nhớ tới giờ. Nhưng mà rau đắng họ trồng cả đám lớn bên hè, người ta đi đái vô đó tỉnh queo... Ghê quá! Biết họ có rửa rau sạch không nữa! Mình cũng thích bữa nào chú Ba rủ đánh cờ tướng với chú, khoái là được khen mình cao cờ. Khoái là em bị chú sai lấy nước cho anh, khoái là em bận áo quần xích xác lòi cái ngực chưa nẩy nở mà mình con nít quỷ ưa dòm vô đó kiếm kiếm điều gì mà mình tưởng tượng là rất lạ lẫm. Hình như mình mê em sau cái lần cùng nhau chơi nhà chòi khi con Bình giận bỏ về ngang mình phải thế chỗ. Em bắt mình làm con em làm má. Mình đòi làm chồng em làm vợ. Em lưỡng lự cuối cùng rồi cũng đồng ý. Mình nói chồng thì nắm tay vợ đi chợ. Em đỏ mặt rồi cũng rụt rè đưa tay cho nắm…

Sau khi thi đậu vô Đệ Thất mình bị bắt ở trọ không gặp em nữa. Có về nhà vài ba lần nhưng đều mất tích biệt tăm. 
Trời hơi chạng vạng. Xóm nhà lá khu Bà chủ Phát đã lốm đốm lên đèn. Mùi cơm sôi, mùi cá kho hòa với mùi củi cành cây cao su chưa khô cháy tươm dầu quyện lên trong không khí thành nét đặc trưng buổi trời sắp tối của xóm. Chú ba Huê bẻ mạnh tay lái lách tránh mấy đứa nhỏ đương mảy mê chơi trò Thiên Đàng Địa Ngục Hai Bên rồi quanh cua từ từ chạy xe vô con đường nhỏ đầy bông bụp của sân nhà. Khi tiếng nổ lịch bịch phát ra từ chiếc cần câu cơm của chú còn vang dội ở xóm nhà thằng Bé sứt môi thì thằng Dần từ nhà dưới đã đi chậm chậm ra tới cửa buồng. Tay nó níu tấm ri-đô để vạch ra một lổ nhỏ nhìn coi chuyện gì sẽ xảy ra. Nó ngó lấm lét chú Huê trong khi chú sửa lại cách đậu chiếc xe cho ngay ngắn. Trong nhà, vợ chú, má con Én, trở mình trên cái giường tre nhưng cũng chưa chịu ngừng bài hát còn đương dang dở. Thím tay cầm cuốn bài ca đưa thẳng trước mặt, cố lấy hơi hát lớn hơn bản Vọng cổ trong tuồng Hạnh Nguyên Cống Hồ của thời xa xưa:

Nhìn dòng sông đen hắc,
Nhớ xứ thể cắt can trường.
Thầm suy trách thay vua Đường.
Xui nên dở dang chỉ hường.

Rồi thím chuyển giọng của con a hoàn, cũng Vọng cổ lối thời năm nẳm gì đâu mà thím học theo trong dĩa hát Pathé:

Ghen ghét chi ông Tạo,
Để người phòng khuê phải hòa giặc Phiên.

Chú Ba Huê lòn tay xuống cái hộc dưới đệm xe rút ra một gói giấy lấm tấm ướt mỡ thấm từ bên trong ra, thủng thẳng đi vô nhà. Chú hỏi vợ liền như đã ôm trong lòng từ lâu lắm, sau khi ngó lướt qua vợ, nhíu mày tỏ ý không bằng lòng chuyện gì đó:

‘Má con Én có nghe chuyện gì lạ trong xóm sáng nay không vậy?’

Chị vợ lỏ mắt ếch ngó chồng không trả lời, một phút sau đủng đỉnh lồm cồm ngồi dậy. Cái áo cánh màu hồng điểm bông tấm li ti gợi cảm của thím rộng cổ trễ tràng xệ rộng trước ngực. Chú nói mau:

‘Hồi sáng sớm, xe ra tới đầu ngõ tôi thấy hai ông bị bắn đâu chừng hồi hai ba giờ khuya gì đó, máu miệng trào ra, còn ri rỉ chảy chưa đông lại hết. Cả hai tướng tá coi nho nhã, trẻ măng, áo quần cũng tươm tất lắm. Không biết phe nào. Tay bị trói thúc ké sau lưng. Tôi vái họ phò hộ được đắc mối. Bây giờ giữ lời hứa, mua con gà quay về cúng.’

Mình cúng họ cũng phải. Có thể họ là người của phe mình trước kia. Cũng có thể họ là những người bị phe mình trước kia giết oan như bao nhiêu trường hợp mình từng chứng kiến. Bên nào thì cũng là đồng bào. Bên nào thì họ cũng đã chết quá sớm, cuộc đời hưởng có bao nhiêu lâu đâu. Tội nghiệp thì thôi!

Chị vợ phán thẳng băng làm cụt ý chồng:
‘Tưởng chuyện gì, chuyện bị xử bắn lén xảy ra hà rầm. Thời buổi chiến tranh mà. Mình dân làm ăn thì đừng để ý tới chuyện ai giết, ai bị giết cho mệt thân. Cúng kiếng gì cho hao tiền. Họ có bà con gì mình đâu nè!’

Chú Ba chống chế: 
‘Thì cúng chút híu có tốn bao nhiêu đâu! Bữa nay chạy được nhiều mối ngon. Được giá!’

Chị vợ xốc lại cái vai áo xệ, lầm bầm:
‘Muốn nhậu thì nói mẹ nó đi. Đừng qua mặt con nầy. Bày đặt nầy nọ như là người tin thần tưởng thánh lắm. Hồi xưa ông quả quyết là chẳng có linh hồn, không có thần thánh, cũng không có Địa Ngục Thiên Đàng gì hết mà!’

Tuy không vừa ý với lời dè bỉu của vợ, Chú Tư Huê cũng làm thinh không thèm trả lời trả vốn gì hết. Chú đặt gói gà lên bàn nước, đi ra nhà sau lui cui soạn đem lên hai cái dĩa bàn thang, bày biện cúng kiếng. Vợ chú bây giờ mới đủng đỉnh bước xuống giường, miệng vẫn ỷ ê ỷ a mấy câu ca một bài Tứ Đại Oán thảm sầu.

Bực mình chú Tư phê bình nhẹ nhàng:
‘Má con Én ca bản xưa không à! Đời bây giờ người ta ca Vọng cổ tân thời sáu câu 32 nhịp theo cách của Bảy Cao, Thanh Tao, Năm Phồi không ai còn ca kiểu xưa như kép Từ Anh, Tám Thưa hay cô Ba Soạn nữa đâu.’

Chị vợ nổi hứng cất giọng thân mật:
‘Nghe chị ca Máu Nhuộm Phụng Hoàng Cung nè em! Em mà phán là chị ca dỡ tối nay chị nhịn cơm cho em biết.’

Chú Tư ngó vợ bằng cặp mắt của người tình.
Và Má con Yến nói lối dài trước khi vô giọng cổ xuống xề nghe ngọt lịm kiểu tài tử đẹp trai Năm Phồi.
Người chồng đưa tay bẹo má vợ. Thưởng.
Con Én, ở đâu chạy vô xem giửa hai người, nó thở hào hển mà vẫn liếng thoắng:
‘Ba ơi, ba mét cho thằng Dần bị đòn nứt đít đi ba. Đi đi ba, ông Huế về rồi đó!’
‘Chuyện gì mà dữ vậy?’ Tay chú xoa mạnh đầu con, làm rối tóc con nhỏ, khiến nó xụ mặt.
‘Nó là con nít quỷ đó ba. Nó dòm nách má rồi ra ngoài nói tùm lum tà la là má có lông nách dài.’ Con nhỏ vừa nói vừa chu mỏ dài sọc.
Thím Tư bịt miệng con không kịp, thím đưa mắt lừ con gái. Chú Tư lừ lại vợ mình:
‘Cũng không nên bận quần áo lôi thôi quá. Nhà cửa trống hếch trước sau. Nít nhỏ chạy vô chạy ra hà rầm. Thằng Dần nói vậy còn đỡ. Cậu Út nói vậy thì…’
Chú ngưng ngang vì thấy mình không nên khơi sâu điều vợ không muốn nghe.
Con Én nắm tay ba nó giựt giựt:

‘Ba mét ông Huế để thằng Dần bị đòn nghe Ba! Hôm bữa nó ăn hiếp con. Nó còn nói nữa lớn nó cưới con làm vợ rồi đánh nhừ tử cho bỏ ghét. Đánh như ba thằng Bé sứt môi đánh vợ. Đánh như ba thằng Dần đánh má nó đó.’

Cách vách, thằng Dần nghe hết mấy câu trao đổi của người bên kia, nó nuốt nước miếng cái ựt như nuốt cơn giận lớn cành hông.
Nhang được thắp lên. Chú Tư cắm ba cây lên mình con gà. Chú rót nước vô mấy cái chén chun. Tự tay chú ra khạp gạo lấy một nắm gạo bỏ lên cái dĩa nhỏ rồi trút muối lên kế bên. Chú nói với vợ:
‘Chết như vậy oan ức sẽ thành cô hồn, mình phải rãi muối gạo để vong linh họ đỡ tủi.’

Mình không chết là may! Đi theo họ có hai năm mà xuýt chết mấy lần do Tây phục kích hay là xung phong công đồn mà phá không thủng phải chém vè. Còn cái thằng Đại Đội Trưởng nữa, nhiều khi nó ngó mình bằng cặp mắt quỷ như muốn ăn tươi nuốt sống vì mình can thiệp thả mấy người dân biết rõ ràng là bị bắt oan. Cũng may mình rút kịp ra ngoài nầy. Ở lại thì thấy ông bà ông vãi lâu rồi. Bởi vậy tội nghiệp hai người nầy quá chừng.
Chú thành kính rót rượu vô ba cái ly nhỏ đặt ngang hàng trước con gà. Chú lâm râm vái.
Vợ chú vô buồng lấy áo bà ba bận tề chỉnh. Thím cũng đốt ba cây nhang, xá xá rồi đem ra trước cửa xá trời. Thằng Dần ở trong nhà dòm ra thấy hết cử chỉ của thím. Nó vái thầm trong bụng là ưng ai thím nổi từ tâm bỏ qua chuyện đó, không cho chồng mét ba nó. Nó cũng tự hứa là nếu được như vậy thì từ rày sẽ tử tế với con Én hơn, không ăn hiếp nó nữa. Và nó đứng dựa cửa buồng, lim dim ngủ gà ngủ gục…

***

Bốn năm chiếc xe cảnh sát ngừng ở con đường độc đạo trải đá, dựa bờ sông. Mỗi chiếc cách nhau chừng trăm thước, đủ để trấn giữ cả khu yên hoa nổi tiếng bình dân hoạt động mấy năm nay. Khi máy xe vừa tắt, khi những người cảnh sát nhảy xuống xếp hàng dài bắt đầu làm phận sự thì hầu hết những ngọn đèn lờ mờ trong dãi nhà lụp xụp bên kia đường dựa bàu nước đồng loạt tắt. Tiếng la ơi ới, tiếng kêu nhau ầm ỉ, tiếng chạy thình thịch và tiếng ùm ọc, bì bõm của vài người nhảy xuống nước, lội trốn vang dội trong đêm. Đàn ông từ những căn nhà tắt đèn đổ ra đường giả bộ thanh nhàn thơ thẩn như người đi hóng gió sông. Đàn bà thì chẳng thấy ai. Mấy ghe thương hồ bật đèn lên sáng một khúc sông, người trên ghe ra trước mũi ngồi hút thuốc bàn tán…

Sau một hồi bao vây và lục lọi, lính bắt được vài chục gái, một số chịu trận trốn trong buồng, trong nhà tắm, trong cầu tiêu bị lôi ra. Một số ôm cột xi măng dưới nước bị rọi đèn pin vô mắt, ngoắc lên. Ướt loi ngoi, chậm chậm bước lên bờ cỏ. 
Tiếng một mụ chủ chứa than với người lính quen mặt:
‘Trời ơi, bộ mấy ông ghét dân Cầu Hàn lắm sao mà suốt ba tuần liền tuần nào cũng bố. Điệu nầy tụi em chắc dọn đi chỗ khác làm ăn chớ ở đây đói hết sao sống?’
Người lính trẻ cười hiền:
‘Thì kiếm nghề khác mà sống. Nghề nầy dơ quá! Rồi mấy cổ lây bịnh tùm lum…’

Một má nuôi chỏ mỏ vô:
‘Nói thì dễ thầy ơi. Bỏ nghề rồi biết làm gì ăn đây. Với lại còn nhà cửa nữa. Sang lại cho ai rồi mua nhà mới ở đâu? Dính ăn dính thua ráo nạo rồi. Thôi thì lỡ đâm lao phải theo lao thôi. Mấy thầy thương thì nhờ ghét thì chịu.’ 

Người lính không muốn nghe tiếp, đưa cây ba-trắc dang ra thẳng tay lùa từng tốp vô một căn nhà được lấy làm Đại Bản Doanh tạm thời. Ai vô tới cửa cũng để lại Thẻ Kiểm Tra trên bàn. Ai không có thì là giấy cớ mất kiểm tra, không có gì hết thì vô ngồi một góc chờ tính sau.

Các cô gái, áy ngại ngó qua ngó lại những người đồng cảnh rồi chiếu tướng người lính để đoán coi anh ta hiền hay dữ. Cô nào mặc quần áo phong phanh thì quơ quào gì đó của bạn che chắn đỡ. Cô nào ướt thì mượn nhờ khăn của bạn lau được chút nào hay chút nấy. Áo ướt, dính vô da thịt, phơi bày khiến nhiều cô mắc cở co ro hay lấy tay che ngực, mặt bí xị như giẻ rách.

Có tiếng cười diễu, hơi lớn:
‘Tới nước nầy mà còn e lệ gì nữa! Bộ chưa từng cho ai coi sao mà che.’ Cả bọn cười ồ, không khí buồn bã sợ sệt hình như đã bớt chút đỉnh.

Người lính trẻ ngồi trước bàn để đống Thẻ Kiểm Tra buồn tình giở ra coi từng thẻ. Bỗng anh sửa lại thế ngồi, chăm chỉ ngó vô tấm thẻ cầm trên tay nảy giờ, đọc lại lần nữa rồi ngước mặt lên với đám đông. Anh đọc tên người mang thẻ và kêu lên ngồi trước mặt để hỏi chuyện:
‘Cô tên nầy? Hay là mượn thẻ của ai? Sao không giống hình trong thẻ?’
‘Dạ thẻ của em. Em là Hồng thị Én! Ai ở đây cũng đều biết là thẻ của em.’
‘Cô lúc nhỏ ở khu Vườn Lài?’
‘Sao thầy biết?’
‘Nghiệp vụ mà. Chúng tôi có cách riêng.’
‘Đâu cô nói về thời gian lúc nhỏ của cô ở đó rồi tại sao cô đi khỏi xóm. Làm gì để sống. Có vô Khu không mà bỏ đi bí mật vậy?’

Cô gái lấm lét ngó vô mặt người đối thoại:
‘Thầy đừng nói vậy tội nghiệp em. Làm gái ở đây đã khổ lắm rồi. Mắc vô cái tội đi Khu có mà chết.’
‘Cô nói đi! Tại sao ba cô bị bắt!’
‘Ba em nói sao thì em nói lại với thầy. Bữa đó có người mang một gói gì đó, ông ta nói là trái cây người bà con ở Cai Lậy biếu khi đi thăm. Ổng đi xe ba em. Sợ trái cây dập, mà ôm thì mỏi tay, ông ta kêu ba em mở thùng xe dưới chỗ ngồi, bỏ vô, ông ta ngồi trên cho dễ dàng thoải mái. Chạy gần tới một chốt xét xe vừa mới được dựng lên, ông ta nhảy xuống băng qua đường lẻn vô hẻm, xe ba em bị chận lại xét. Có chứa lựu đạn. Ông bị giam mấy tháng, sau họ thấy tình ngay lý gian nên thả ra.’
‘Chuyện nầy thì chúng tôi biết rồi.’ Người lính mặt lạnh như tiền trả lời rồi lơ đảng ngó ra ngoài sân. Lính tráng vẫn láo nháo với một số người vừa bị bắt thêm khi trốn trong những nhà có cửa bí mật. Khách thương hồ trên ghe được dịp đứng lên chỉ chỏ, cười nói.
‘…Má em lúc ba em bị tù có lùm xùm sao đó với Cậu Út cháu nội bà chủ Phát nên bị bà ấy chưởi mắng thậm tệ. Má mắc cở bỏ nhà đi. Em ở đó vài ba ngày thì bà Ngoại lên đem về Trà Ôn sống với ngoại… Khi ba được thả về và mướn được nhà kha khá thì xuống dưới đó đem em lên Sàigòn. Em chưa bao giờ gặp lại má. Bả đi biệt từ đó. Có thể là đi theo gánh hát cải lương như đã tuyên bố nhiều lần khi còn ở với ba em.’
‘Xin lỗi. Cô đưa bóp cho tôi xét giấy tờ. Coi có gì khả nghi không.’

Cô gái rụt rè đưa cái bóp cầm tay cho người lính. Coi đẹp mà chẳng có bao nhiêu tiền trong đó. Cô gái chăm chăm ngó từng cử chỉ của người cảnh sát. Coi bộ hơi mắc cở vì mình nghèo. Người lính lục từng ngăn một hồi rồi rút ra một tấm hình. Một người đàn ông ốm yếu, mình trần môi sứt lòi răng dưới lổ mũi bên trái, tay anh ẵm đứa con gái chừng ba tuổi coi bộ cũng tong teo. Cả hai chụp hình mà không vui.
Cô gái nhìn cử chỉ của người lính. Cô nhín mày suy nghĩ.
‘Anh chàng sứt môi nầy là chồng cô?’
‘Dạ ảnh tên Bé! Mà bây giờ ảnh hết sứt môi rồi. Năm ngoái có tàu Bịnh Viện Hoa Kỳ ghé Bến Tàu vá môi cho ảnh. Lúc nhỏ em và bạn em ăn hiếp ảnh hoài. Nhưng bạn em lên học trường Petrus Ký rồi ở trọ gần đó luôn em không bao giờ gặp nữa.’ Cô vừa nói vừa quan sát sự biến đổi sắc mặt người đối thoại. Người lính cảnh sát vẫn lạnh lùng, nghiêm trang như từ trước tới giờ.
‘…Em về thăm chỗ cũ vài ba lần, không gặp người quen nào ngoài anh Bé rồi hai đứa nghèo khổ dựa nhau mà sống. Thầy coi, có còn quen ai đâu?’

Người trước mặt bây giờ mới nhếch mép cười:
‘Chú ba Huê lúc nầy còn chạy xích lô máy không?’
Người con gái trả lời như máy:
‘Dạ còn! Nghề nghiệp bao nhiêu năm biết làm gì ăn?’
‘Anh Bé có đánh vợ như ba ảnh không?’

Người con gái hai mắt sáng lên. Cô đưa tay lấy lại tấm hình, tự tiện bỏ vô bóp, không trả lời thẳng câu hỏi mà tuông ra tràng tâm sự dài.
‘Lúc nhỏ em có người bạn cùng lứa, chơi với nhau thân mật lắm. Lớn lên cũng mong gặp ảnh để được làm vợ ảnh, để được ảnh đánh mà không bao giờ gặp. Tới bây giờ nếu có gặp lại nhau thì cũng lỡ làng rồi. Chẳng có duyên số với nhau thì dành chịu. Chịu thua ông Trời chơi ác!’

Người lính trả Thẻ Kiểm Tra cho đương sự, nói lớn với người bạn lính khác mới vừa bước vô:
‘Anh coi giùm mấy cô nầy, tôi phải hướng dẫn cái cô nầy đi cầu, cổ đau bụng máu mà không dám đi một mình.’ Anh nheo mắt với bạn.
Cô gái năn nỉ nho nhỏ nhưng giọng đã có hơi dạn dĩ:
‘Cho con bạn em theo với. Nó mới có 17 tuổi thôi, bị gạt bán vô động cả tháng rồi. Hồi vô nó còn gin. Tiếc thân nó khóc hoài.’
Cả ba bước ra cữa, đi về vùng bóng tối phía xa xa.

Một lúc sau anh lính một mình về lại căn nhà làm Tổng Hành Dinh cuộc ruồng bố. Người bạn ngó anh gật đầu. Anh nheo mắt và mỉm cười nói nhỏ: ‘Bạn thời chơi nhà chòi.’

Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, 20 April 2019.