Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Kẻ Ở Người Đi

       Cùng Bạn,
      Mấy ngày nay tình cờ lật lại mấy trang Giáo Khoa Thư ngày xưa mà lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động . Từng bài viết ngắn gọn , từng bức vẻ đơn sơ nhưng vô cùng sống động gợi lại bao kỷ niệm trong tôi. Bài nào nội dung cũng hay cũng thâm thúy, dạy đứa trẻ đủ điều để làm người , dạy luân lý , lễ nghĩa, dạy mô tả , dạy lịch sử, dạy khôn ngoan, dạy luật pháp v..vv .. Tôi còn nhớ mới năm nào còn là cậu bé ê a học đánh vần, học đồ, học viết, học đọc những trang vỡ lòng trong cuốn sách Giáo khoa Thư lớp đồng ấu.
Lớp học ở ngay trong ngôi miễu, tôi còn hình dung được hình ảnh của ông thầy tôi, thầy Sử, ngày xưa với vâng trán cao, người mảnh khảnh, tôi còn giử cái cảm giác nồng ấm của bàn tay thầy khi kềm, khi nắn tay tôi trong giờ tập đồ từng chữ,tôi cũng còn nghe văng vẳng tiếng gõ thước nhịp nhàng của thầy để cả lớp đọc chung từng câu, từng đoạn bài. Nói về kỷ niệm tuổi thơ, chắc các bạn cũng như tôi không bút mực nào kể siết!
      Trong các bài tập đọc, có lẽ bài Kẻ Ở NGƯỜI ĐI dưới đây làm tôi cảm khái nhất, ngoài ra bức tranh đơn sơ nhưng diễn tả hết cái cảnh biệt ly nơi bến đò, thật tài tình, thật sống động.
Xin mời bạn đọc lại bài nầy cùng bài cảm tác của tôi để vơi đi phần nào nỗi u buồn đau lòng cho đất nước .

Thân mến
Mailoc

Kẻ Ở Người Đi. 
      Cơm nước xong rồi, thầy mẹ tôi, anh em, chị em tôi, cả đến kẻ ăn người ở trong nhà, đều tiễn tôi ra tận bờ sông, chỗ thuyền đậu.
      Vừa ra khỏi nhà, thì lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng. Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một!. Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ,cái gì cũng làm tôi quyến luyến khác thường.

      Thuyền nhổ sào, ai cũng chúc tôi thuận buồm xuôi gió, bình yên khỏe mạnh.Thuyền đi đã xa mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy !.

Tuổi già buồn vô hạn,
Dệt mấy vần cùng bạn để sầu vơi.
“ Giáo Khoa Thư “ thấm thía cả một thời,
Từng trang sách dật dờ trong biển nhớ .

Mailoc

Kẻ Ở Người Đi
Nghe nghèn nghẹn bửa cơm chiều lặng lẽ,
Mặt rầu rầu một kẻ sắp đi xa.
Lần đầu tiên rời mái ấm mẹ cha,
Buồn rười rượi , xót xa lòng trăm mối.

Vừa cất bước đã nghe đôi chân mỏi,
Mặt ngoảnh nhìn mái ngói cũ thân yêu.
Nước thời gian tắm gội , ngói rong rêu,
Một tổ ấm ấp yêu từ tắm bé.

Trong khóm trúc vẫn nô đùa đàn sẻ,
Gió rì rào, nhè nhẹ khúc nhạc êm.
Cái thềm nhà bàng bạc lúc trăng lên,
Võng kẽo kẹt êm đềm trưa nắng đổ.

Lối đi nhỏ , sè sè từng bụi cỏ,
Cái hàng rào , cái ngỏ vắng cuối thôn.
Bầu trời thân mây xám lúc hoàng hôn,
Ôi ! tấc cả làm hồn tôi xao xuyến .

Thuyền chực sẵn bến sông chiều đưa tiễn ,
Những tia nhìn quyến luyến lệ lưng tròng .
Mẹ cha , anh chị , cả bé còn bồng,
Ai cũng chúc tôi thuận buồm xuôi gió.

Sào đã nhổ phút chia tay đã rõ,
Buồm lạnh lùng lộng gió sóng nhấp nhô.
Xa thật rồi quê cũ một thời thơ,
Bờ mờ mịt , bơ vơ tôi đứng ngó.

Thuyền rẽ sóng , mái nhà xưa lấp ló,
Rồi khuất dần sau khóm lá tre già.
Những bóng mờ tay vẫy tự đằng xa,
Ôi ! cảnh biệt ly sao mà buồn vậy !!

Mailoc 
Cali 5 - 19-14

Có Một Dòng Sông - Sáng Tác Phạm Hồng Ân - Cathy Hậu


Nhạc & Lời: Phạm Hồng Ân
Tiếng Hát: Cathy Hậu

Xướng Hoạ: Niềm Đau


Thưa Thầy và các bạn,
Phương Hà mới đọc một bài thơ có những câu rất hay:

" Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thuở thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi"
Tô Thùy Yên


Cảm hứng viết bài thơ này, gởi Thầy và các bạn:

Xướng:
 Niềm Đau

" Ai đó trong hồn ta thổn thức " (*)
Một thời dĩ vãng mãi khôn nguôi
Nỗi buồn đất nước còn ray rứt
Nỗi nhớ người thân cứ ngậm ngùi
Mỗi hạt phù sa hồng máu thấm
Từng vùng đồi núi trắng xương phơi
Người quên, mong được lòng thanh thản
Ta giữ niềm đau đến trọn đời.

Phương Hà
(*) Trích trong bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên

***
Xin họa với chị Phương Hà:

Hãy Thương Yêu

Hồn dân tộc úa hoài trăn trở
Mẹ Việt Nam sầu mãi khó nguôi
Nghé xẻ đàn tan nuôi oán hận
Lòng đau ruột cắt cảm bùi ngùi
Chia lìa chưa để vòng tay nắm
Đoàn kết đang chờ khối óc phơi
Dù ở phương trời hay góc bể
Da vàng máu đỏ sáng trong đời.

Cao Linh Tử

***
Xin mượn câu thơ đầu của bài "Tìm Về" mở đầu bài "Nỗi Nhớ" để hoạ bài "Niềm Đau" của Phương Hà.

Nỗi Nhớ

Ta về một bóng trên đường lớn (*)
Dĩ vãng tình đầu khó thể nguôi
Áo trắng thuở nao dầy luyến ái
Sương phai một kiếp lắm bùi ngùi
Yêu người đắm đuối người yêu vắng
Mộng giấc êm đềm giấc mộng phơi
Lặng lẽ đường xưa đầy kỷ niệm
In hình bóng cũ giấc mơ đời

Quên Đi
(*) Trích "Tìm Về" của Tô Thùy Yên

* * *
Nỗi Niềm

Quê hương còn mãi trong tâm thức
Suốt một đời day dứt khó nguôi
Gợi nhớ làng Cha, lòng quặn thắt
Niềm thương đất Mẹ dạ bùi ngùi
Ruộng đồng thắm máu tình dân tộc
Rừng núi đượm màu nắng gió phơi
Góc biển chân trời thân lữ thứ
Bây giờ xa cách,hận muôn đời
 
 Song Quang


Thoảng Hương Chiều


Nâng niu nét chữ lời thương
Tình xanh, giấy trắng tơ vương gởi lòng
Gió mùa đông thổi sớm đông
Trùng khơi biệt thẳm người trông đợi người

Đêm sâu, sông nước lặng trôi
Tiếng chìm lá cỏ, tiếng thời gian buông...
Tơ lòng thắt sợi mây buồn
Rót tình lên tứ thơ nguồn thương yêu

Đường mơ thơm thoảng hương chiều
Không là huyễn mộng cô liêu cõi tình
Trời quê ngời ánh bình minh
Ru hời tiếng gió, nguyên trinh nắng lành


Chim trời soải cánh mỏng manh
Đường bay diệu vợi mây xanh gió ngàn
Hương mơ chưa nhạt mờ tan
Sương mai đọng cánh hoa vàng sớm xuân!

Yên Dạ Thảo

* Hình phụ bản của Tác giả  

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Những Chuyến Đi Về Miền Tây

     (Đoản văn hồi ký ) 
    Vào đầu thập niên 1960 và 1970, tuổi tương đối còn trẻ, tôi đã có nhiều dịp đi về Miền Tây, đồng bằng Cửu-long-giang, nơi có 2 nhánh sông lớn là Tiền-giang và Hậu-giang hay sông Tiền và sông Hậu. Bước chân tôi đã nhiều lần in dấu trên những mảnh đất yên bình Vĩnh-long, Cần-thơ, Long-xuyên. Ngoài ra còn có một lần đã phiêu du xuống Châu-đốc, vượt qua một đoạn biển khơi bằng một chuyến hải hành tới đảo Lai-sơn. 
    Tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết của những chuyến đi về Miền Tây. Chỉ nhớ đã đi qua hầu hết các tỉnh VN, từ Huế trở xuống, đến gần mũi Cà-mau. Tất cả những nơi ấy lúc đầu đều xa lạ đối với tôi, một kẻ chỉ quen sống ở thủ đô Sài-gòn, nhưng về sau trở thành mảnh đất thân thương nhất đời mình, kể từ khi giã từ Hà-nội, 1954, nơi tôi đã trải qua thời niên thiếu...:Xanh tươi đồng lúa Việt/ Vui cười bác nông dân/ Người điển hình bất diệt/ Dòng dõi Lạc Long Quân./Đồng Việt Nam bao la/ Nông dân Việt hiền hoà/ Cần lao trong cuộc sống/  Êm đềm nơi thôn trang/.

(Lớp học Nhân-Vị Vĩnh-long)

    1-Giòng sông nhân-vị.- Ngày ấy, 5/11/1961, theo lệnh của Bộ Giáo-dục, tôi tham gia một khoá học tập chính trị tại Trung tâm Nhân-vị Vĩnh-long, đặt ở một tòa nhà thuộc giáo phận Vĩnh-long. Nửa tháng xa vắng thủ đô Sài-gòn, nơi ăn ở và học tập đều rất tốt. Gần 100 học viên nguyên là công chức do các cơ quan chính quyền thuộc Đệ-I Cộng-hoà cử đi học đã sinh họạt bên nhau rất vui vẻ và đầy tình thân ái. Mặt sau của 1 tấm ảnh kỷ niệm, tôi có viết hàng chữ:  Những giòng suối 4 phương trời đổ về con sông lớn: Giòng sông Nhân-vị. Lúc đầu, mục tiêu của việc học tập có vẻ tạo nên một áp lực đối với học viên. Nhưng dần dần ai cũng cảm thấy đâu cũng vào đó. Thực tế, ngay cả sau khi học tập về tôi cũng không hề bị bó buộc tham gia đảng phái nào, hơn nữa bản tính tôi là không muốn dính dáng gì đển chính trị. Cho nên mới học được 1 tuần, được biết phim Ben Hur lần đầu tiên có âm thanh nổi trên màn ảnh đại vĩ tuyến khởi chiếu tại rạp REX, tôi, vốn là kẻ ghiền ci-nê chưa bao giờ bỏ qua những phim vĩ đại, đã lợi dụng chiều thứ Bảy để vù về SG xem cho bằng được buổi chiếu phim đầu tiên rồi trở lại Vĩnh Long  vào Chủ nhật.  Đúng là mình đang thời thơ mộng của tuổi hoa niên! Tiếc rằng vì thời gian có hạn nên không có dịp đi thăm thành phố Vĩnh-long.

(Tác giả trước chợ bến Ninh-Kiều,Cần-thơ)

      Đúng ra,chuyến đi thăm Miền Tây đầu tiên của tôi phải được kể là Cần-thơ từ 26 đến 29/5/61, nhân dịp có một người bạn dạy học được thuyên chuyển từ Qui-nhơn xuống đó nên tôi cùng đi cho biết đó biết đây. Một chút niềm hãnh diện của một kẻ đang sống ở thủ-đô Sài-gòn muốn biết Cần-thơ như thế nào mà được mệnh danh là Tây-đô <thủ-đô của Miền-Tây> lúc đó hiện đến với tôi mạnh đến nỗi sau một tấm ảnh chụp trước chợ Ninh-kiều, tôi đã hạ bút: Ông Nghị Hách của Sài Gòn đứng tại trung tâm của vũ trụ Cần-thơ. Sau này, thêm chút trưởng thành, tôi mới cảm thấy lời ghi đó thật đáng tức cười. Trên đường, sau khi mới qua phà Mỹ-thuận được một đoạn ngắn, lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy TTNVVL ở ngay bên đường và nghe nói đây là một địa điểm quan trọng nên đã ghé vào xem. Không còn nhớ chính xác lần đi Cần-thơ tôi có dùng con đường chạy qua Long-hồ xuống bến phà Cái-vồn hay không. Phải chờ mãi nửa thế kỷ sau, bây giờ xem Google Map, tôi mới được biết từ bến Mỹ-thuận có 2 con đường:  một đi Cần-thơ qua phà Cái-vồn và một đi Long-xuyên qua phà Vàm-cống. Còn thấy thật rõ từng cây cầu mới xây hay từng bến phà cũ qua sông; tuy nhiên trí nhớ vẫn còn rất mơ hồ về địa điểm của TTNVVL.

(Vài học viên cùng Cha Ng.V.Tư tại sân TTNV VL)

      Nhưng nhắc đển 2 địa danh Vĩnh-long và TTNVVL, cho đến thời gian gần đây, qua Web longhovinhlong, tôi mới có cơ hội chú ý đến sự nối kết giữa hai địa danh Vĩnh-long và Long-hồ. Rồi tiếp tục được đọc rất nhiều bài bút ký của các cựu học sinh trung-học hay sư-phạm Vĩnh-long kể lại chuyện đời thật của tác giả kèm theo nhiều hình ảnh kỷ niệm, thì tôi dường như cảm thấy có một sợi giây vô hình ràng buộc tôi với Vĩnh-long. Do đó tôi không phải ngại ngần khi cố gắng bơi trên giòng sông web longhovinhlong, lần theo dấu con thuyền văn học của những bạn đi trước để vạch nên một lằn nước in hình ảnh kỷ niệm mờ mờ nhạt nhạt xa xưa của chính mình (như bắt đầu thể hiện trong bài viết này). Thật là một mối duyên quen biết đã trở thành thân thương và quí báu !

     2- Bên bờ sinh tử.- Ngày ấy, 6/3/1973, lần đầu tiên được vẫy vùng trên sông nước, biển khơi. Có cơ hội này là do người thân lúc đó đang làm việc tại Long-xuyên được mời đi du ngoạn Hòn-rai, bằng tàu của Hải-quân. Người ta nói Hòn-rai hay đảo Lý-sơn, chẳng biết có đúng không, bây giờ tra cứu Internet thấy gọi là Hòn-sơn-rai hay Lai-sơn.  Buổi tốí chúng tôi nghỉ đêm tại Rạch-giá, sáng sớm hôm sau lên tàu. Ra khơi, biển yên sóng lặng, gió nhẹ mát rợi...,tàu lướt nhanh trên mặt biển dưới bàu trời trong xanh. Tàu ghé bến, một hòn đảo lớn có đồi núi khá cao, ở cách xa bờ chừng 6 chục cây số.. Bãi biển về phía tàu đậu chạy dài chừng một cây số, ở cuối có một tảng đá to, hình như gọi là đá chài, nằm nghênh ngang giữa đám ghềnh đá nhỏ lô nhô. Còn gì sung sướng cho bằng được ngả lưng trên mặt đá, ngửa mặt nhìn trời cao, tâm tư bay đi tìm An Tiêm và vườn dưa hấu trên một hoang đảo của ngàn xưa: An Tiêm,người đâu tá/Con thuyền trôi nơi nao/Ta kiếm dấu chân Người trên hoang đảo/Nhưng người đi không ở lại cùng ta...Ngày nay, theo Internet quảng cáo thật rõ, hòn đảo này đã được khai thác mạnh để trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.
(Trên tàu hải quân ra Hòn-Rai)

     Rồi chiều đến, tàu rời bến đưa chàng An-Tiêm của thời nay quay về cố quốc. Ai ngờ, trái với lúc đi, chuyến về suýt nữa đưa tôi xuống thăm thuỷ thần Hà-Bá. Bầu trời biến đổi nhanh quá, mây đen bỗng đâu ùn ùn kéo đến. Tàu đang ở 1/3 xa đảo, 2/3 cách Rạch-giá. Sóng ầm ầm đập vào thân tàu, đôi lúc ngọn sóng bay lên cao và đổ xuống khoang. Người người bị sóng nhồi thành ra lảo đảo cơn say. Ai nấy đều méo mặt nhìn nhau. Càng say sóng, ruột gan tôi càng cồn cào và muốn tìm một chút nước uống, nhưng nhìn thấy ai ai cũng mặt-cắt-không-còn-hột-máu nên đành thôi. Trong một khoảnh khắc suy tư, tôi nghĩ vẩn vơ đến số phận của con người thật mong manh. Tôi nghĩ đến lòng vị tha, tinh thần tích cực giúp đỡ tha nhân trong hoàn cảnh khó khăn với cái chết gần kề, thì không ai có thể dựa hơi địa vị của người đã cho mình đi ké chuyến du lịch này để đòi hỏi người khác phải đáp ứng nhu cầu của riêng mình. Giòng suy tư còn đưa tôi đi xa hơn nữa. Lúc đó, ngay cả bậc công hầu danh tướng, quyền cao chức trọng, hay giàu có cao sang, cũng tự nhiên bị tước mất cái nấc thang giá trị cá biệt của mình. Lúc đó, tôi nhìn ai cũng thấy ủ rũ, tơi tả y như nhau; nếu trước đó đầy vẻ oai phong lẫm liệt thì bấy giờ cũng mất hết; giữa mọi người chỉ còn là hoàn toàn bình đẳng. Giả thử nếu chỉ có 1 cái phao cấp cứu thì có lẽ thật khó kiếm ra được ai là một <<Lê-Lai liều mình cứu chúa>>, ai là nhân vật người vợ trong truyện <<Anh Phải Sống>>của nhà văn Khái-Hưng.

(Bờ sông gần dinh TT và toà án Long-Xuyên "xe của người khác")

    Thôi đành phó mặc cho số phận. Nhớ lại trong thời gian ở quân trường,1967, tôi đã một lần hút chết, đang di hành từ bãi tập trở về bị mìn nhưng tôi đã gặp may vì mìn nổ ở hàng quân đi đầu. Sau đó, cũng may mắn được an toàn như tính mạng được treo trên đầu sợi tóc trước làn đạn AK bắn xẻ hoặc mảnh B40 nổ tung trong biến cố Tết Mậu-Thân, khi tất cả bọn <lính văn phòng> chúng tôi ở Bộ Tổng-tham-mưu chỉ với súng Colt và Carbin phải xuống đường hành quân tiếp cứu một đơn vị bạn ở cạnh Bệnh viện Nhi-đồng, và khi tôi đến phiên đi tuần đêm chỉ một mình cùng tài xế xe jeep vòng quanh khu vực Bộ TTM và Tổng-y-viện Cộng-hoà . Rồi lại một lần,1968, <chàng lính chưa có thâm niên>này được cử đi diễn giảng cho các học viên quân-pháp tại một quân trường ở Vũng-tàu, chiếc máy bay Caribu đã bỗng nhiên tỏa khói vào lúc sắp hạ cánh. Tuy không lâm vào cảnh vào-sinh-ra-tử như biết bao chiến sĩ nơi xa trường, nhưng những hiểm nguy nho nhỏ cũng đủ tạo cho chàng <lính gà chết> một cái nhìn bi quan về đời sống. Một khoảnh khắc ta còn đó, một khoảnh khắc sau ta mất đi, đời có nghĩa gì đâu hay chỉ là ảo ảnh, hư vô!  Chỉ còn một niềm tin vớt vát: sống hay chết tuỳ theo số phận của từng người. Giòng suy tư đang thăng trầm theo nhịp con tàu trồi lên chúi xuống trong đợt sóng điên cuồng, bỗng bờ biển Rạch-giá mờ mờ hiện ra nơi chân trời. A ha! An Tiêm đã trở về tới bến bờ quê hương, tổ quốc ! Về sau, hình ảnh khủng khiếp giữa lòng đại dương còn in mãi trong tâm khảm cộng thêm những lời thuật lại về những chuyến vượt biển đầy hiểm nguy của biết bao người, càng làm tôi không dám dấn thân vào chuyến hải hành ra đi tìm vùng đất hứa. Đối với những ai đã từng gặp sóng gió ngoài biển khơi, chắc khi đọc những giòng hồi ký này sẽ mỉm cười vì nghĩ rằng chuyến đi biển của tôi có thấm tháp vào đâu mà đã mặt mày tái-ma-tái-mét rồi, phải không?
(May 2014)
 *  Phụ lục một bài thơ về biển:

Đại Dương Và Ta

* Mặt biển bao la
Chơi vơi làn sóng cả
Và trùng dương trỗi dậy bản hùng ca.
* Âm thanh dào dạt
Nước trời bát ngát
Oai hùng thay vũ trụ một mình ta.
*Quên đi đời náo động
Tâm hồn ta mở rộng
Xiết vòng tay ôm chặt khoảng mênh mông.
*An Tiêm người đâu tá?
Con thuyền trôi nơi nao
Ta kiếm dấu chân Người trên hoang đảo
Nhưng Người đi không ở lại cùng ta.
*Ta đón vầng chiêu dương
Tiễn đưa bóng chiều tà
Gầm đại dương rực rỡ ánh hào quang.
*Rồi trong đêm huyền bí
Sao chìm dưới đáy sâu
Rung theo nhịp trái tim ta chuyển
Chung quanh ta lấp lánh triệu tinh cầu.
*Thời gian dừng hẳn lại
Những thanh âm bản trường ca vĩ đại
Đưa hồn ta lướt nhẹ sóng trùng dương
Ta say sưa trong Vũ khúc Nghê-Thường.

(H.N.T.SG.3/56)
Georgia,USA, May 2014,


ChinhNguyen/H.N.T.

Thơ Tranh: Thu Mưa


Thơ & Thơ Tranh: Thu Mưa

Lục Bát Tình - Năm


1.
Sông. Ðêm. Xuồng. Nước khua dầm.
Trăng lên. Bãi cạn. Rượu cầm bạn xa.
Tiếng đàn kìm. Buốt tim ta.
Sáu câu vọng cổ la đà. Phù hư.
Em. Trong chén rượu. Ngục tù.
Ðáy kim cổ vẫn mịt mù sắc, không.
2. 
Trăng. Sông. Rượu. Nước phiêu bồng.
Hồn thơ Lý Bạch ngược dòng ra khơi.
Văn chương. Thế sự. Rối bời.
Cạn ly tuế nguyệt. Giận thời phù sinh.
Bạn. Ta. Lãng Ðãng. Khối tình.
Vuốt râu. Hào sảng. Cười khinh bạc đời.

Phạm Hồng Ân

Hoa Bướm Sân Trường - Thơ Hồ Mai Ngọc Mai - Hương Nam Diễn Ngâm



Thơ: Khúc Giang (Hồ Mai Ngọc Mai) 
Diễn Ngâm: Hương Nam

Lội Ngược (Ái Hữu 72)




Cũng như mọi ngày…
Cũng như mọi đêm…
Tôi lang thang trên đường phố vắng,
Tìm lại bạn bè. Nhưng…
Trống vắng vẫn là trống vắng.
Không một bóng hình thân yêu. Đất Vĩnh,
Giờ đây đã trở thành một thành phố buồn,
Bao phủ trong sương đêm lạnh lẽo…
Trong bóng tối dày đặc, trên xa lộ không đèn,
Trong tiếng nhạc đệm của chiếc xe cũ rích…
Tôi đang đi.. đi mãi.. với vòng vòng bánh lăn đều
Chậm chạp.. uể oải… Thế nhưng…
Đôi khi tôi muốn…
Muốn được đi trên đường phố vắng.. rét căm.. xa tít…
Để mặc hồn mình trầm tư mặc tưởng…
Để chan hòa mơn trớn cùng bạn bè qua phút giây kỷ niệm của một thời để nhớ …
Không còn nhớ gì hơn,
Vào một thời xa xưa ấy.!...
Tôi sinh ra lúc đất nước bị chia đôi

Tôi lớn lên trong quãng đời ly loạn.
Tôi vào trường khi tuổi mới lên năm.
Tình bè bạn đến với tôi từ đấy. Thế nhưng…
Tôi thân bạn từ khi mười mấy nhỉ!?...
Quen từ nào? Ngày tháng năm nào?...
Tôi không biết! Bạn biết không? Thế nhưng…..
Tại sao giờ đây tôi tha thiết?Tôi mến yêu?
Tôi nâng niu bạn nhỉ!?...
Chung qui vẫn là kỷ niêm. Kỷ niệm lôi kéo chúng ta tìm về quá khứ để rồi nuối tiếc mến yêu…hay ngược lại?...
Kỷ niệm vẫn là kỷ niệm.
Các bạn ơi! Ta hãy tìm về.


Nguyễn Hữu Hải


(Người chép lại: 2 bài Thương tiếc Hoàng Ngọc Quang và Lội ngươc không tên tác giả, nhưng các bạn hãy xem chữ viết tay của tác giả để tìm xem của ai? chắc là của các bạn đang ở nước ngoài mà đã mất liên lạc với chúng ta, hy vọng có dịp nào đó họ sẽ nhìn lại được bài thơ tự sáng tác thời xa xưa và một cú diện thoại cho Ái Hữu 72?)
( Trích Từ Nội San 1974 - Lớp 11B3 của Hội Ái Hữu 72)

Nỗi Buồn Trường Xưa


Trường cũ sao giờ quá đìu hiu
Tường loang vôi lổ mái tiêu điều
Một thời niên thiếu thôi xa quá
Thầy bạn ôi còn có bao nhiêu

Thắm thoát bao năm rời đất Vĩnh
Bao mùa mưa nắng ngói rêu xanh
Ngày đi tấp nập trường vui vẻ
Hôm về quạnh quẽ lớp buồn tanh

Một thuở vàng son thời oanh liệt
Những ngày tháng hạ cháy trong tim
Những cành hoa phượng gieo nhung nhớ
Hình bóng thân yêu biết đâu tìm

Tình vẫn âm vang từng nhịp trống
Yêu còn rung động những hồi chuông
Nhưng người năm cũ giờ đâu nhỉ?
Một bóng câu qua, một nỗi buồn.

* Cảm tác trường xưa qua hình ảnh của Phan Vũ Bình
Biện Công Danh

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Chị Đỗ Thị Chí Thanh

 THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

     Được tin buồn Thầy Đỗ Thành Thích, Thân phụ của chị Đỗ Thị Chí Thanh Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp,Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Lớp 6 Khoá 8. 

- Từ trần lúc 12 giờ 30 ngày 21-5-2014 
- Nhằm ngày 23-4 Âm Lịch. 
- Hưởng thọ 88 tuổi.
- Lễ Động quan cử hành vào lúc 12 giờ ngày 23 - 5- 2014.
- Hoả táng tại Sa Đéc.
      Chúng con cầu nguyện Hương Linh của Thầy được an lành nơi Cõi Phật.
      Thành Kính Phân Ưu cùng chị Chí Thanh và Tang quyến.

      Đồng Kính Phân Ưu

- Phan Thị Anh Minh - Bùi Ngọc Điệp
- Lê Ngọc Điệp - Vương thị Kim Duyên
- Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Hoàng Thị Thơ
- Nguyễn Thị Sanh - Dương thị Anh
- Phan Văn Huệ - Nguyễn Hữu Tài (BT) 
- Nguyễn Thành Vinh - Phạm Thanh Xuân
- Nguyễn Thành Khai - Đặng Văn Việt
- Huỳnh Hữu Ngỡi - Lê Thị Kim Phượng
- Huỳnh Hữu Đức.

Đến Một Lúc


Đến một lúc
mưa gió thành bão tố
Gìn lòng giữ vững một niềm tin
Đau khổ tất nhiên đời phải có
Lạc quan tiềm ẩn ắp trong tim.

Đến một lúc
kiêu căng cùng hãnh tiến
Quên đi để bản ngã trong lành.
Ngắm cỏ cây mênh mông bát ngát
Thân tâm bay bổng khắp trời xanh.

Đến một lúc
tấm lòng ta rộng mở
Trái tim được thắp sáng niềm tin
Hổ thẹn xấu xa trong dĩ vãng
Tạo ra do ích kỹ ham vinh.

Đến một lúc
cho đi là hạnh phúc
Tham lam cùm khóa của trần gian
Sân si trôi thả vào sương khói
Nợ trần ai thôi chớ vương mang.

Đến một lúc
thấu rõ điều bất biến
Tâm hồn như phiến đá tinh khôi
Thương yêu quá tổ tiên sông nước
Lãng đãng chiều hôm phủ núi đồi.

Đến một lúc
nằm yên trong lòng đất
Nghe thân xác nhẹ bổng trần đời
Vô thường thẩm thấu vào tâm thức
Thanh tịnh là đây lúc thảnh thơi..!

Anh Tú

03.04. 2014

Em Có Đi Rồi


Em có đi rồi,
Sao chiều nay anh vẫn đợi?
Nghe lòng buồn như thế kỷ ngừng trôi.
Em có đi rồi,
Mang trọn cả xa xôi,
Bỏ hiện tại với ngày mai anh nức nở.
Em có đi rồi,
Chừng như hoàng hôn đã vở,
Nghe màu chiều về lịm kín hồn anh.
Em có đi rồi,
Mang trọn cả xuân xanh,
Để héo hắt nụ yêu đà kết lộc.


Em có đi rồi,
Ôi! Cuồng điên bão lốc
Cuốn phăng đi từng mảnh sống đời anh.
Em có đi rồi,
Nhịp thở quá mong manh,
Đếm bước thời gian dần về hỏa ngục.
Em có đi rồi,
Anh ngậm ngùi đơn độc,
Nghĩa trang buồn nằm đó ngắm trăng khơi.
Em có đi rồi,
Ngày tháng quá chơi vơi,
Em đã giết anh rồi, em có biết?

Mùa Đông 1995

Mặc Thái Thủy

Tình Đến Không Ngờ-Nguyễn Văn Hạnh&Trần Bội Anh-Ý Lan




Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thự Hiện Youtube & Thơ Tranh: Kim Oanh
Sáng Tác Nguyễn Văn Hạnh & Trần Bội Anh
Ca Sĩ: Ý Lan
Chân thành cảm ơn những hình ảnh từ Internet

Tà Áo Sao Rơi


Tà áo nào lộng gió sâu
Làm chao đảo những vì sao
Đêm mông lung và huyền ảo
Làn lụa đào nhẹ lao xao

Bóng đêm dài tóc chiêm bao
Nghe buông xỏa vai nhiệm mầu
Hương trần gian mùi diễm ảo
Đời bất chừng, chợt hư hao

Tà áo nào trắng đêm thâu
Vì sao bay không gian sâu
Giọt đêm rơi không nơi đậu
Nước mắt ơi! Những tinh cầu

Tà áo nào quạt ngàn sao
Đời ta bay đến phương nào
Cơn gió hay từng gươm giáo
Đâm từ từ, trái tim đau

Hoài Tử

Trần Phù Thế- Khách Trầm Mặc Bên Dòng Bassac,Hồn Chợt Bâng Khuâng Đi Tìm Mộng Trong “ Cõi Tình Mong Manh”

      

      Nhà thơ Trần Phù Thế một tên tuổi không mấy xa lạ đối với bạn đọc yêu thi ca nhất là những anh em bạn bè văn nghệ cùng một thời đồng hành với anh tại miền Tây sông Cửu.
      Với khuôn mặt hiền hòa, đôn hậu nhưng ẩn chứa một trời mơ mộng và hồn thơ đã phát tiết sớm vào đầu thập niên 1960. Sau những năm gian khổ của đời lính chiến, những ngày tháng bị giam cầm khi miền Nam sụp đổ, nhà thơ lúc bước khỏi ngưỡng cửa lao tù lại phải đối diện với nỗi đau khổ dày xéo tâm hồn mình, khi người bạn đời đã rẽ sang hướng khác.
      Cơn đau chất ngất ấy không thể diễn đạt trong đời thường mà chỉ in đậm nét trong thi ca anh. Thế nhưng trong giòng thơ anh nỗi đau ,vẫn là nỗi đau nhẹ nhàng như vết thương ,cứ ngỡ trầy xước bên ngoài cơ thể ,nhưng lại rõ máu trong lòng suốt phần đời còn lại.
“Ngày ra tù ta về ra đứng trước sân- Nghe mẹ nói con vợ mày đi biệt-Hai đứa con ba bốn tuổi làm sao biết- Lỗi ba đi tù hay lỗi mẹ còn son (Giỡn bóng chiêm bao -  Chuyện đời ta).

      Trần Phù Thế đã có hai thi tập được ấn hành tại hải ngoại. Giỡn Bóng Chiêm Bao in năm 2003 và Gọi khan giọng tình in năm 2009. Cả hai cuốn đều do Thư Ấn Quán xuất bản. Trần Phù Thế một đời dâng hiến cho thi ca, anh vẫn liên tục sáng tác khá đều tay. Thơ anh bay nhảy theo những con chữ (theo cách gọi của anh), phiếu diễu bay lượn như dòng sông Bassac chảy qua quê hương Đại Ngải một cách êm đềm theo năm tháng.

      Ở tuổi thất thập cổ lai hy, người già nhưng tâm hồn vẫn trẻ, “Thơ tình tuổi bảy mươi “của Trần Phù Thế mượt mà ngất ngưỡng. Thắc mắc của tác giả có tính cách cá biệt nhưng lại là nỗi ưu tư chung của mọi người. Cái gốc của khổ đau mà tôn giáo nào cũng vạch lối soi đường ngõ hầu hướng dẫn chúng sinh kinh qua sự khổ.
“ôm hình từ buổi sơ sinh -  từ khi tiếng khóc binh minh cuộc đời – bóng hình là một trên đời – đừng ai chia cắt tách rời hai nơi – bóng hình là máu thịt tôi (BHL MTT).
      Thể xác và linh hồn, ngôn ngữ dùng để diễn đạt hai phần căn bản của một con người. Bóng và hình, một cách ví von như xác và hồn. Hai vật thể không thể tách rời. Trong thi ca chúng ta vẫn sử dụng những đơn từ mà khi ghép lại ý nghĩa biến đổi một cách thanh thoát, linh động hẳn lên
Nắng – Mưa, Gió – Trăng, Mây – Nước, Hoa – Lá,  Anh – Em, Vợ- Chồng… Thiếu chúng thi ca sẽ kém phần thi vị chăng?
      Một ẩn dụ hay là sự mệt mõi trong cuộc sống của thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, con người chắp cánh cùng với hỏa tiển ,phi thuyền, điện toán, mà thế hệ già như Trần Phù Thế chắc sẽ đứng bên lề:

“Ta đứng bóng nằm
Ta ngã bóng khóc
Ta đi bóng mệt
Ta nằm bóng tan
Ta ngủ bóng tàn”
(Bóng và ta)

“Trăm năm bóng chẳng theo hình – Ngàn năm bóng vẫn một mình cô đơn”, Trần Phù Thế một bóng đi tìm hình và tìm đến bao giờ?. Trong nỗi mông mênh cô quạnh, nhà thơ run rẩy theo nhịp tim đau nhức và vẫn thao thức, vẫn mong chờ ,dường như không tách rời khỏi tâm hồn tác giả, cho dù đôi khi nguyên ủy của vấn đề đến từ bằng hữu.
“Con tim đã mõi chín chiều -Nằm nghe lượng máu ít nhiều già nua”( BTĐCCNNĐ)
hoặc “Nầy em kiếp sống phù vân- đầu thai trở lại khóc phần dối gian”
(Lửa đời)

      Khát vọng lúc nào cũng chất ngất, nhà thơ “thèm cơn nước lũ, tình người dấu êm, trời xanh nắng ấm “ và bất ngờ tác giả ước ao được ôm ấp mọi ưu phiền của thế gian.Trái tim tác gỉa qủa độ lượng không ngờ.

      Cuối cùng là một tình yêu gắn bó, tình yêu thiêng liêng cao quí nhất của con người – đó là tình mẫu tử :

“Thèm nghe tiếng hát mẹ ru
Tuổi thơ xa lắc mịt mù tuổi thơ
Bây giờ chỉ có giấc mơ
Mới mong nghe  được tiếng hò Hậu Giang”
(Thèm)

      Còn nỗi vui nào hơn khi gặp lại bằng hữu nơi xứ người vì trong mỗi con người Việt Nam chúng ta vốn dĩ đã phân ly từ thuở khơi nguồn lập quốc:

“Ta thương ngươi thương thật thương thà
Ngươi thương ta tánh hiền chơn chất
Ngươi miền Trung ta Nam bộ
Và từ đó ta ngươi tình thân thuộc
Ngươi tên  lang bạt đến miền Tây
Giọt nước Cần Thơ ngươi uống mãi
(Uống rượu với Lê Đình Bì  ở SanJose)

      Bản chất hiền hòa của con người Nam bộ lại được thể hiện qua những ước muốn đơn sơ thuần hậu. Dòng sông Cửu khi chảy ngang quê hương anh đã chuyên chở phù sa từ thượng nguồn, mang theo những tố chất mầu mỡ, tài nguyên phong phú về thủy sản. Nhưng có ai biết con sông được xem là mạch máu chánh của miền Tây đã  quyện hương vị linh thiêng, huyền bí của ngọn Thất Sơn Châu Đốc và cũng chính nơi đây phát sinh ra hai tôn giáo mà dân chúng miền Tây không thể nào không ghi khắc- Phật giáo Hòa Hảo và Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (đạo Hiếu Nghĩa)

      Anh linh của vị khai quốc công thần Thoại Ngọc Hầu vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm hồn người dân Bảy Núi.
“Đời anh cục đá bên đường- Bước chân ai đạp ai thương cũng đành -Còn em em có vì anh- Nâng niu cục đá xoa lành vết thương” (Anh như cục đá)
Một ý tưởng có ngây ngô nhưng bày tỏ trọn vẹn sự chân thành?

      Có những câu thơ đẹp, thiết tha trong trái tim tan vỡ ,chảy ngập ưu phiền
“Thịt da ngày tháng buồn tênh- Huống chi đông đã lạnh nghìn năm qua.” (mưa đêm tàn đông)
      Tình quê hương chợt ẩn chợt hiện pha lẫn chút tình yêu nam nữ luân lưu hài hòa không bao giờ thay đổi.
“Nhớ ơi quê cũ mưa rào tháng năm – đêm mơ thấy ướt chỗ nằm – tưởng đâu cái thuở xa xăm quê nhà.” (Nhớ mưa).
Hoặc đôi lúc băn khoăn.
“Được thua đâu có lạ gì – Nhưng thua mà được mấy khi có người – Đời là một giấc mơ thôi.” (thua)
Trong quắt quay xót xa lại có điều chi hối tiếc?

“Sông xưa làng cũ về thăm một chiều
Bóng đời ngã xuống liu xiu
Bước chân lên bóng trăm điều tình đau” (Làng xưa)

Những câu sáu tám, ba câu hàm súc vô vàn :
“Hồn em lăn mãi lăn đi một mình
Ngày nào dừng lại trang kinh
Nghe trong tâm thức giật mình ngộ không” (Hồn em)

      Chen lẫn với những câu thơ tình đẹp là những bài cảm nhận về thân phận con người trong tâm thức đầy nỗi xót xa:
“Hình như bóng nắng vừa tan
Hoàng hôn chưa tắt vội vàng đi chơi
Hình như chạng vạng xuống đồi” (Hình như)

“Buồn lây buồn lất một mình
Buồn sang cái bóng cái hình của ta
Nỗi buồn quê cũ càng xa” (Chút buồn lây)
Nỗi nhớ dị kỳ, bộc phát như trái phá, tác giả ngông nghênh:
“Nhớ quay quắt nhớ lạ lùng
Nhớ em đến nỗi trí cùn óc khô
Nhớ em chết cũng đội mồ” (Nhớ)

      Từ “Khóc là cười chẳng được sao” đến “Về nơi không nổi không chìm” chúng ta bắt gặp những câu khi đọc xong phải thẩn thờ suy ngẫm. Tác giả trải nghiệm 70 năm đời sống, vinh dự,hoan lạc ,chắc không nhiều nhưng buồn đau phải đầy ắp tâm hồn.

“Đọc ngàn trang sách làm gì
Xếp trang sách lại quên đi chính mình
Ta là hạt bụi trong kinh”
(Hạt bụi trong kinh)

      Chúng tôi không thể trích hết được những bài thơ tranh đẹp, hy vọng các bạn đọc tìm đến “Cõi tình mong manh” thưởng lãm
“Sáng nay còn gặp bạn già
Chiều nay bạn đã thành ma xứ người”
(Vô thường)
hoặc
“Một ngày khi tỉnh khi mê
Lòng trong yên lặng đi về lặng yên”
(Cõi chết)

      Hay như nỗi lòng Nguyễn Công Trứ chất ngất cơn phiền toái sau những thăng trầm trong cuộc sống ,từ quan bước xuống thành thứ dân. Ý niệm đổi thay trong cuộc sống có là sự khởi động theo dòng tư tưởng tìm sự an - nhàn của Lão Trang hay phảng phất phong vị thiền.

“Một mai đừng để làm người
Làm con mây trắng cõng hoài gió trăng
Chẳng là con chẳng là thằng
Chỉ là hạt bụi trong ngần kiếp sau”
(Cõi chết).

      Trong 99 bài lục bát mới, làm theo thể phá cách, Trần Phù Thế múa bút, chuyển đổi câu mở đầu bằng câu tám chữ thay vì câu sáu chữ như thông lệ và những câu sáu tám lại có dịp bay nhảy lên xuống mỗi đọan tùy theo cảm xúc của mình. Như một gịong hát ngân dài ,ngắn, trầm bỗng , luyến láy để chuyển tải lời ca, nốt nhạc đến tâm hồn người thưởng ngoạn.

“Đời như
Chiếc áo
Phong phanh kẻ nghèo
Tình như
Chiếc lá bay vèo
Trong cơn gió lộng cuốn theo bụi mù “-( Tình như).
      Hoặc câu sáu chữ yêu vận theo khuôn mẫu cổ điển:
“ Em đừng
Nói nữa
Anh đau buốt lòng
Sợi tình cắt đứt cho xong
Dây dưa chi mãi
Hai lòng đều đau “-( Xin em đừng nói)
      Hay thay đổi vị trí của câu tám chữ khi mở đầu:
“ Sông xưa
Về thăm một chiều
Bóng đời ngã xuống
Liu xiu
Bước chân lên bóng
Trăm điều tình đau”- ( Làng xưa)
      Hoặc ngắt đoạn trong câu sáu mở đầu thành ba phiên đoạn:
“ Long lanh
Giọt lệ
Vừa rơi
Từ trong giọt lệ là lời lặng câm
Biết bao giọt lệ khóc thầm”- ( Giọt lệ Việt Nam)
      Chỉ hai câu sáu tám, tác gỉa “phù phép” biến đổi:
“ Con chim nó gọi bạn tình
Còn ta gọi bạn
Một mình
Tàn hơi”- ( Tàn hơi).
      Trong hai câu này nếu muốn, tác gỉa có thể tung hứng:
“ Con chim
Nó gọi
Bạn tình
Còn ta
Gọi bạn
Một mình
Tàn hơi”.
      Chúng tôi chỉ đơn cử một vài thí dụ trong cách gieo vần đặt câu theo thể lục bát của Trần Phù Thế. Thể thơ này đã được một số tác gỉa và vài tạp chí văn học hải ngoại giới thiệu. Trong đó sự xếp đặt hai câu sáu tám rất tân kỳ và lôi cuốn, cốt sao phù hợp với ý tưởng, vần điệu. Nhà thơ là người bỏ hạt gieo trồng theo phương pháp nào tùy theo cảm hứng.
Một số tác gỉa lại khéo sử dụng những ngôn từ đầy tính ẩn dụ.

      Có người bất giác ví von, lối “ ngắt chữ” này đôi khi đọc lướt qua cứ ngỡ là thơ hài cú của Nhật Bản.
      Đến đây, chúng ta mới cảm nhận được sự vi diệu của thể thơ lục bát. Nguyễn Du với “Đoạn trường tân thanh” đã đưa lục bát lên vị trí cao nhất của nền văn chương Việt.
Những câu: “ Cỏ non xanh rợn chân trời – Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” hay “Rừng thu phong đã nhuốm màu quan san..”. Trác tuyệt vô cùng.

      Quê hương và người tình – khung trời kỷ niệm là mái trường thân yêu thuở học trò. Cái thời mà Huy Cận đã viết những câu đậm đà ,bâng khuâng ,phả trong hương tình dào dạt:
“Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”

      Cần Thơ được mọi người mến yêu tặng cho mỹ danh Tây Đô. Vị trí nằm giữa các giao lộ chánh nối liền qua các tỉnh Hậu Giang như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long và từ Cần Thơ dẫn đến Châu Đốc, tỏa ra các ngã về Rạch Giá, Hà Tiên. Cần Thơ thời Trần Phù Thế cắp sách là trung tâm duy nhất có các khóa thi tú tài I, tú tài II. Nam nữ học sinh đổ về cùng khoe bản sắc nơi mình sinh sống qua những đặc thù về ngôn ngữ, cá tính. Vẫn không thể quên được Ninh Kiều, nơi thưởng lãm cho khách nhàn du tại tỉnh thành hay  các nơi khác đổ về.
Và Trần Phù Thế:
“Tôi Cần Thơ gởi tình em
Như trời như  đất như tên một người
Một người sưởi ấm lòng tôi
Chia buồn khi khóc chia vui khi mừng”
(Chấp nhận) 
Hoặc ai hoài hơn:
 “Ơi Cần Thơ bến Ninh Kiều
Bao thế hệ chập chờn theo lịch sử
Hoài công thôi Tây Đô giờ máu ứ”
(Chiều cuối năm ngồi bến Ninh Kiều nghe sóng vỗ ).

      Phiên khúc tình yêu thoang thoảng như vỗ về như mời mọc, hồn thơ giấy mới trong trắng biết ngần nào.
“Tháng giêng non ngữa mặt tình
Hồn xuân bát ngát trên mình nắng xuân
Em về buổi ấy phù vân
Tinh khôi giọt nắng trong ngần tháng giêng”
 (Tháng giêng non)

      Dâu bể đời người, Trần Phù Thế đã từ thua thiệt sang mất mát hương nồng ái ân, thân phận là thân phận chung của thế hệ trai thời đó nhưng cách biểu hiện có khác nhau tùy theo tình huống của mỗi cá nhân. Chuyện đời bảy mươi của tác giả như bản tường trình, một nỗi đau thân phận ,trong đó gian truân là điểm nổi bật. Trước khi từ giã trần gian đầy hệ lụy, tâm tình vẫn chảy một dòng xuôi về quê nhà xa thẳm.
“Bảy mươi tuổi đợi từng ngày - Trông về cố quốc hồn quay quắt buồn -Từng đêm giấc ngủ chập chờn- Trong mơ tiếng mớ gọi hồn Quang Trung. ” (Tuổi 70)

Lại ngợi ca mùa thu, mùa thu lòng người, mùa thu cuộc đời sao không là mùa xuân thắm, mùa hè rực rỡ. Thu mang theo ý nghĩa thơ thẩn, man mác buồn. Đã vậy nhà thơ lại van vĩ, nuối tiếc
“Thu chưa đầy tuổi đã tàn
Lá chưa đầy tuổi đã vàng gió đông
Đêm qua mưa gió bão bùng
Rừng thu lá rụng muôn trùng lá thu”
(Thu tàn theo gió chớm đông)

      Tác giả có nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi thật .Từ “Hỏi người người sẽ về đâu – Còn ta về chỗ nông sâu dò tìm - mong manh hỏi người” hay “Thức cùng đêm tự hỏi mình – Sống bao nhiêu tuổi mà tình vẫn không – Thức cùng đêm” . “Bao năm quê cũ một phương – Đỏ lòm ngày mai nước mất hay còn – Hỏi”
hoặc đến:
“Tôi còn nước mắt nữa sao?
Khóc anh lần cuối máu trào con ngươi”
(Bài thơ đọc trước quan tài – khóc Anh Vân)

      Trong hai tập thơ trước “Giỡn bóng chiêm bao và Gọi khan giọng tình” nhất là trong “Giỡn bóng chiêm bao”, nhà thơ họ Trần đã xử dụng nhiều phương ngữ Nam bộ thật điêu luyện,mặc dù nhiều ngôn ngữ có tính chất phổ cập nhưng vẫn không làm giảm đi giá trị của bài thơ, nhất là những câu sáu tám thật xuất thần.
Trong thi tập “Thơ tình Trần Phù Thế” chúng ta thử lướt qua nhận dạng mẫu anh chàng “chân quê Nam Bộ” Trần Phù Thế.

“Lần đi cuống quít cuống chân …”- Bóng đời
“Chiều nghiêng tuổi lạnh bóng rên sự đời ” -Bóng tự giễu
Tối hù mưa gió lưa thưa”– Bóng mù
“Nên hồn ớn lạnh”– Trong hư vô
“Trai tơ là tuổi rượn tình dĩ nhiên”
Cứ quanh cứ quẩn cái tình dững dưng” –Hà
“Anh tin nó sẽ bện thành giấc mơ” – Rót rượu
“Khi đau mặc kệ đứng lên làm người” – Rót rượu
“Nay ở thị thành lạ hoắc lạ huơ” – Anh như cục đá
“ Xám mốc tương la”  -TGCHN
 “Đã yếu xìu như cọng bún thiu-Và
“Trái tim ngáp ngáp” – Mơ một ngày Sài Gòn
“Nghe trong xương cốt rêm rêm trở mình” – Tỉnh giấc
Buồn lây buồn lất “… -Chút buồn lây
“Cá lóc rình sẵn đớp mau” – Kiếp phù sinh
Số xui tận mạng” - Thử
“Có đui con mắt cũng thèm” – Tội tình là em

      Rồi đến (vinh râu,ngoéo tay, mình ên,mần thinh, quậy liền, mút chỉ, ăn vụng, quên tuốt, nhẹ hều, dị hờm, bậu…)
      Những ngôn ngữ đặc thù Nam Bộ trên rất chân phương, biểu lộ rõ bản chất con người đang sống ở một vùng đất phì nhiêu, do đó tâm hồn con người cũng trở nên phóng khoáng. Nhớ khoảng thập niên 1950-1960 các nguồn lợi về thủy sản của miền Tây rất phong phú. Hàng năm dòng sông Cửu Long mang về vô số cá nước ngọt. Ngoài đồng, nông dân chỉ cần đặt lờ, đặt lọp, kéo vó hoặc đi cắm câu lai rai là đủ chất đạm cần thiết cho gia đình. Chim chóc từ vùng Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng (Cổ Cò, Trà Cú) được đưa về các chợ hoặc chuyển lên Sài Gòn như trích, le le, chàng nghịch, ốc cao…
Trong tập “Cõi tình mong manh” có những câu thơ rất là thơ:
“Ru em trăng chết muộn màng – Hồn trăng lảng đảng bên ngàn đầy thu – đêm đêm gió thở sương mù – Lời ru”
“Cái ngày ta tuổi mười lăm – Một hôm bỗng thấy lòng lâm râm buồn – Tình đầu”
hoặc dịu dàng:
“Dỗ dành em là ái tình – Vuốt ve em là chút yêu mình mình ơi – Lấy điểm”.



      Trần Phù Thế qua những trang thơ bản thảo tôi vừa đọc, tuy là “Cõi tình mong manh “, tôi vẫn cảm nhận được những dằn vặt, ray rức tràn ngập trong hồn người thơ.

      Tình yêu lảng đảng sương khói của anh tan biến theo bóng mây quê nhà, hoà nhập vào không gian bao la của đất nước người và tình yêu ấy vô hình chung gia tăng cường độ đến không ngờ.
Từ anh chàng đầu còn húi trọc đến khi bước vào đời lính chiến, kỷ niệm có làm tâm hồn Trần Phù thế nhạt phai? Trong thi tập anh , bàng bạc nỗi nhớ niềm thương và chỉ quên được khi xuôi tay về nơi miên viễn.

      Tình yêu quê hương đất nước, một nhánh khác quan trọng của trái tim, theo máu luân lưu chảy miên man trong cơ thể. Đột biến của đời thường đã tác động đến chúng ta, kinh hoàng hơn cơn địa chấn. Vì địa chấn chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Phần chúng ta phải cần bao thế hệ mới có cơ may hàn gắn – nếu có thể.

“Ta về mười năm chưa về -Bước chân khổ nạn hồn tê nỗi buồn – Tháng tư ta về”

Hay cảm khái hơn:
“Còn ta mãi mãi tên thua trận – Ôm cả niềm đau tận đến giờ – Uống rượu với Lê Đình Bì ở San Jose”

      Thủ đô hoa lệ của chàng chỉ còn trong trí nhớ – Sài Gòn của chàng là chiếc bình cũ dung chứa hương rượu mới – liệu có còn đủ sức mê hoặc để làm hồn chàng say khước nữa hay không?
“Một ngày mơ chút Sài Gòn – Chút mưa chút nắng đâu còn dáng em – Bao năm mất bóng người quen – Đâu còn cơn gió gọi tên chúng mình - Một ngày mơ Sài Gòn.”
      Lệ của chàng không phải dâng tặng cho người tình mà lại là giọt lệ Việt Nam. Lòng chàng tha thiết quá:
“Long lanh giọt lệ vừa rơi – Từ trong giọt lệ là lời Việt Nam – Biết bao giọt lệ khóc thầm” hoặc “Hồn thiêng tổ quốc lời thề Việt Nam – Sẽ về”

Hay trong bài “Tạ lỗi ngày về”
“Ngày về tạ lỗi liếp rau – Liếp rau hoang phế liếp trầu vắng tanh – Chỉ còn xiêu vẹo mái tranh – Và cây vú sửa trơ cành chiều hôm.”

      Chàng kể lể “Thì ra lịch sử đau lòng nước”, đến khi trở về chàng cũng “Tha thứ và buông bỏ”, những năm tù đày gian khổ xem như kiếp nạn đời người - “Coi như một kiếp sắc không – Oan oan tương báo cái lòng nào vui.”. Thật vô vàn cảm phục.

      Chàng rõ ra là một con người thuần hậu đầy nhân bản của con người miền Tây, một người cầm súng miền Nam như nhà thơ lính Trần Hoài Thư luôn luôn hoài niệm trong niềm kiêu hảnh.
Trong “Nói với đêm giao thừa”, chàng lại thảng thốt:
“Hai mươi năm một giấc mê – Còn bao năm nữa lời thề mới xong.”

      Tập thơ khép lại, chúng tôi hy vọng được giới thiệu đến quý bạn đọc những ghi nhận mộc mạc của mình bằng sự rung động của trái tim gởi đến một người bạn của một đời.
Chúng tôi cảm ơn Trần Phù Thế đã cho tôi những giây phút trầm mặc giữa cuộc sống đầy hệ lụy hôm nay khi mà tâm cảnh nặng sầu hơn viễn cảnh.Thật sảng khoái khi bắt gặp: (Nửa đêm tỉnh giấc ở trần – Nằm yên gió tạt mộ phần lạnh run- Kiếp người).
Và chúng ta có sẳn sàng đồng hành cùng chàng chăng?.
Thi tập “ Cõi tình mong manh” do Thư Ấn Quán xuất bản.

Lâm Hảo Dũng
Vancouver, B.C- Canada
June 15/13

* (Đây chỉ là cảm nhận riêng tư của người đọc thơ viết về một người thơ. Mong qúi bạn đọc thông cảm nếu có gì sai sót).

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Tin Vui: Chương Trình Làm Chân Tay Giả Miễn Phí



Tháng 6/2014 có một đoàn bác sĩ từ thiện từ Mỹ về Sài Gòn. Với chương trình làm chi giả cho những người nghèo không đủ điều kiện tự làm.
Bệnh nhân cần nộp hồ sơ trước 30/5. 
Hồ Sơ gồm:
- 1 ảnh chụp thẳng nguyên người, thể hiện rõ tay hoặc chân nào bị mất.
- 1 sơ yếu lý lịch
- 1 photo chứng minh nhân dân và hộ khẩu.
- Không giới hạn số lượng.
- Tất cả người nào muốn làm đều được ghi danh
.

Lưu ý: chương trình hoàn toàn miễn phí.

Chúng tôi CÓ THỂ hổ trợ tiền xe, sắp xếp chỗ ở cho một số người không có đủ chi phí để đến được Sài Gòn để được làm chi giả.
- Chỉ nhận hồ sơ bệnh nhân không bị bệnh tiểu đường.

Các bạn của tôi, nếu có biết ai cần xin cố gắng giới thiệu giúp họ nhé.
Đ
ịa ch liên lạc: 283/26-28 CMT8, F.12; Q10.
ĐT: 0918 321 888 (gặp c.Ngân)
Không giới hạn số lượng, tuổi tác, thành phần tham gia ghép chi giả. 
Xin tiếp tay phổ biến thật rộng rãi, xin chân thành cảm tạ.

Bản Tin của TCDV

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Đợi Nhau Bạc Đầu

    (tặng Lâm Hảo Khôi)

Em có còn xe đạp qua cầu
nối hai bờ mà đến thăm nhau
bên kia Chương Dương, bên này Vĩnh Hội
chỉ một dòng sông… tìm đến bạc đầu

Em có còn mỗi sáng đến trường
quyển vở chép đầy nỗi nhớ bình phương
giờ xa nhau lũy thừa tăng triệu triệu
em viết làm sao con số nỗi buồn?

Em có còn hẹn nhau Duy Tân
ngượng ngập trao nghiêng phớt nụ hôn gần
bởi hàng cây cao che trời ngó xuống
nên lời hẹn thề không có chứng nhân

Em có còn xõa tóc ngang lưng?
sợi cột tim anh sợi níu chân
có người lính trẻ luôn trể phép
và trể luôn lần hẹn cuối cùng

Em có còn đứng cổng sân ga?
đợi chuyến tàu về đón khách đường xa
khách đường xa không còn về phố
ai đứng chờ ai quên mất tuổi già

Nguyễn Bình Thường 

(Brisbane)

Bậu Về


Bậu về mắt liếc đong đưa
gió xuân đầy mặt như vừa chín cây
bậu về má đỏ hây hây
ta mười lăm đã lòng say bậu rồi

Bậu còn chơi ác nói cười
những câu dí dỏm chết đời ta chưa
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về

Như là có chút nắng hè
như là có cả chùm me chua lừng
như là xoài Tượng thơm dòn
bỏ vào nước mắm chút đường khó quên

Bậu về Đại Ngãi mình ên
bỏ quên kẹp tóc bắt đền tội ta
bỏ quên là tại bậu mà
tại sao lại bắt đền ta một đời
tội nầy ai chịu bậu ơi!


Trần Phù Thế
( Trích từ thi tập Gọi Khan Giọng Tình -
Thư Ấn Quán xuất bản tháng 4/2009 tại Hoa Kỳ)


Thơ Tranh: Kỷ Niệm Trong Tôi


Trích Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Trăng Hạ


Đã về chưa, đã đến chưa 
hạ đỏ trời xám đất 
em ngập ng
a bảo giông mùa lạ 
anh âm u đoản khúc ru buồn 
Tươi xanh quá 
Lá xanh – xanh đến ngát 
đời cỏ đong đưa lời biếc ngộp rừng 
Em xa anh 
ở đâu đó bóng chim sầu vượt mạn 
………. 
Em đứng cười rẫy gió 
vờn bóng đổ trăng mơ 
Trăng hạ 
Trăng rờn rợn lăn quay 
Lăn nghiêng nghiêng suốt dốc thẳm sa mù. 


Tín Đức


Việt Nam Sử Lược : Thượng Cổ Thời Đại Chương 4


1. Triệu Vũ-vương
2. Vũ-vương thụ-phong nhà Hán
3. Vũ-vương xưng đế
4. Vũ-vương thần-phục nhà Hán
5. Triệu Văn-vương
6. Triệu Minh-vương
7. Triệu Ai-vương
8. Triệu Dương-vương

1. TRIỆU VŨ-VƯƠNG (207-137 tr. Tây-lịch). Năm quí-tị (207) Triệu Đà đánh được An-dương-vương rồi, sáp-nhập nước Âu-lạc vào quận Nam-hải, lập thành một nước gọi là Nam-việt 南 越, tự xưng làm vua, tức là Vũ-vương 武 王, đóng đô ở Phiên-ngung 番 禺, gần thành Quảng-châu bây giờ.

2. VŨ-VƯƠNG THỤ-PHONG NHÀ HÁN. Trong khi Triệu Vũ-vương gây-dựng cơ-nghiệp ở Nam-việt, thì ở bên Tàu, ông Lưu Bang 劉 邦 trừ được nhà Tần 秦, diệt được nhà Sở 楚, nhất-thống thiên-hạ, rồi lên ngôi Hoàng-đế, tức là vua Cao-tổ nhà Hán 漢 高 祖. Vua Cao-tổ thấy Triệu Vũ-vương độc-lập ở phương nam, bèn sai Lục Giả 陸 賈 sang phong cho Vũ-vương. Bấy giờ là năm ất-tị (196 tr. Tây-lịch), năm thứ 12 đời vua Vũ-vương nhà Triệu, và năm thứ 11 đời vua Cao-tổ nhà Hán.

Vũ-vương vốn là người kiêu-căng, có ý không muốn phục nhà Hán 漢, đến khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết-kiến Vũ-vương, Vũ-vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp. Lục Giả thấy vậy mới nói rằng: « Nhà vua là người nước Tàu, mồ-mả và thân-thích ở cả châu Chân-định 真 定. Nay nhà Hán đã làm vua thiên-hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng-cự sứ-thần, không làm lễ thụ-phong, Hán-đế tất là tức giận, hủy-hoại mồ-mả và giết hại thân-thích của nhà vua, rồi đem quân sang đánh thì nhà vua làm thế nào? » Vũ-vương nghe lời ấy vội-vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: « Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán-đế! »

3. VŨ-VƯƠNG XƯNG ĐẾ. Năm mậu-ngọ (183 tr. Tây-lịch) vua Cao-tổ nhà Hán mất rồi, bà Lữ-hậu 呂 后 lâm triều tranh quyền Huệ-đế 惠 帝, rồi lại nghe lời gièm-pha, cấm không cho người Hán buôn-bán những đồ vàng, đồ sắt và những đồ điền-khí với người Nam-việt. Vũ-vương lấy làm tức giận, lại ngờ cho Trường-sa-vương 長 沙 王 xui Lữ-hậu làm như vậy, bèn tự-lập làm Nam-việt Hoàng-đế, rồi cử binh-mã sang đánh quận Tràng-sa (tỉnh Hồ-nam bây giờ).

Năm Canh thân (181 tr. Tây-lịch) Hán-triều sai tướng đem quân sang đánh Nam-việt. Quân nhà Hán chịu không được thủy-thổ phương nam, nhiều người phải bệnh-tật, bởi vậy phải chạy thua về bắc. Từ đó thanh-thế Triệu Vũ-đế lừng-lẫy, đi đâu dùng xe ngựa theo nghi-vệ Hoàng-đế, như vua nhà Hán vậy.

4. VŨ-VƯƠNG THẦN PHỤC NHÀ HÁN. Đến khi Lữ hậu mất, Hán Văn-đế 漢 文 帝 lên ngôi, lại sai Lục Giả đưa thư sang khuyên Vũ-đế về thần phục nhà Hán. Thư rằng:

« Trẫm là con trắc-thất vua Cao-đế, phụng-mệnh ra trị nước Đại, vì non sông cách-trở, thẹn mình phác-lậu, cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua.

« Từ khi đức Cao-đế xa bỏ quần-thần, đức Huệ-đế qua đời, bà Cao-hậu làm-triều, không may bị bệnh, để cho họ Lữ chuyên quyền, toan đem con họ khác để nối-vì đức Huệ-đế. May nhờ nhà Tông-miếu linh-thiêng, các công-thần ra sức dẹp kẻ tiếm-nghịch.

« Trẫm vì các vương-hầu cùng bách quan cố ép, cho nên phải lên ngôi Hoàng-đế. Mới rồi trẫm nghe nhà vua có đưa thư cho Long-lư-hầu, nhắn tin và xin anh em họ-hàng ở quận Chân-định, và xin bãi binh ở quận Trường-sa.

« Trẫm cũng nghe lời thư của nhà vua, thì đã bảo tướng-quân Bác-dương-hầu bãi binh về, còn anh em họ-hàng nhà vua ở Chân-định thì trẫm đã cho người thăm-nom, lại sai sửa-sang phần-mộ nhà vua, thật tử-tế.

« Thế mà vừa rồi trẫm nghe nhà vua còn đem binh quấy-nhiễu ngoài biên, quận Trường-sa thật khổ, mà Nam-quận lại còn khổ hơn. Làm như thế, nước nhà vua có chắc lợi được một mình không? Tất là tướng-tá quân-sĩ chết nhiều, làm cho vợ người góa chồng, con người mồ-côi bố, cha mẹ mất con, được một mất mười, trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy.

« Vả lại được đất nhà vua cũng không lấy làm to, được của nhà vua cũng không đủ làm giàu. Vậy thì từ phía nam núi Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự-trị lấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng là đế-quốc mà không sai sứ giao-thông, thế chẳng hóa ra ganh nhau ư? Ganh nhau mà không nhường, thì người nhân không thèm làm.

« Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ điều cũ, từ rày trở đi, thông sứ như xưa. Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm khuyên nhà vua nên nghe, chứ làm chi nhiều sự cướp bóc tai-hại ».

Xem thư của Hán Văn-đế lời-lẽ tử-tế, thật là có nhân-từ, vì thế cho nên Triệu Vũ-đế phải chịu phục, và đáp thư lại rằng:

« Nam di đại-trưởng lão-phu thần, Đà, muội tử tái bái, dâng thư lên Hoàng-đế bệ-hạ. Lão-phu là kẻ cố-lại nước Việt, khi Hiếu Huệ Hoàng-đế lên ngôi, tình-nghĩa không dứt, vẫn hậu đãi lão phu. Đến khi Cao-hậu làm triều, lại phân-biệt ra Trung-hoa, ngoại di, hạ lệnh cấm không được bán cho Nam-việt những đồ vàng sắt và điền-khí; còn ngựa, trâu, dê thì chỉ bán cho giống đực, chứ không bán cho giống cái.

« Lão-phu ở phương xa mà không có vật cúng-tế thì phải tội, vì thế có sai Nội-sử Phan, Trung-úy Cao và Ngự-sử Bình, ba lượt dâng thư sang thượng-quốc tạ quá, đều không trở về cả.

« Lão-phu lại phong văn rằng nhà Hán đem hủy-hoại cả phần mộ lão-phu cùng giết cả anh em tông-tộc lão phu, cho nên có bàn riêng với chúng rằng: nay trong đã không vẻ-vang với nhà Hán, ngoài lại không có gì hơn được nước Ngô, vậy có xưng đế-hiệu; mà chẳng qua tự đế nước mình, không dám hại gì thiên-hạ.

« Cao-hậu nghe thấy thế, lấy làm tức giận, đem tước-bỏ sổ Nam-việt đi, không cho thông sứ, lão-phu trộm nghĩ rằng hẳn vì Trường-sa-vương gièm-pha, cho nên Lão-phu có đem binh đánh.

« Lão-phu ở đất Việt đã bốn mươi chín năm nay, bây giờ đã có cháu rồi, nhưng mà sớm khuya trằn-trọc, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui, là chỉ vì cớ không được phụng thờ nhà Hán. Nay nhờ bệ-hạ đoái thương, cho phục lại hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão-phu nhờ ơn, dẫu chết xương cũng không nát.

« Vậy xin cải hiệu từ đây, và xin có cống-phẩm phụng-hiến Hoàng-đế bệ-hạ ».

Từ khi Triệu Vũ-Vương chịu bỏ đế-hiệu, Nam, Bắc lại giao-thông hòa hiếu không có điều gì nữa.

Năm giáp-thìn (137 trước Tây-lịch), Triệu Vũ-vương mất. Sử chép rằng ngài thọ được 121 tuổi và làm vua được hơn 70 năm.

5. TRIỆU VĂN-VƯƠNG (137-125 trước Tây-lịch). Triệu Vũ-vương truyền ngôi lại cho cháu đích-tôn, tên là Hồ 胡, tức là Triệu Văn-vương 趙 文 王, trị vì được 12 năm.

Triệu Văn-vương vốn là người tầm-thường, tính-khí nhu-nhược, không được như Triệu Vũ-vương. Khi mới lên làm vua được hai năm, thì vua Mân-việt 閩 越 (tỉnh Phúc-kiến bây giờ) đem quân sang đánh phá ở chỗ biên-thùy nước Nam-việt. Triệu Văn-vương không dám cử binh-mã ra chống cự, sai sứ sang cầu cứu bên Hán-triều.

Vua nhà Hán sai Vương Khôi 王 恢 và Hàn-an-Quốc 韓 安 國 đi đánh Mân-việt. Quân Mân-việt thấy quân nhà Hán đến nơi, bèn bắt Quốc-vương giết đi, đưa đầu nộp cho quan nhà Hán, và xin hàng. Mân-việt đã bình rồi vua nhà Hán sai Trang Trợ 莊 助 sang dụ Triệu Văn-vương vào chầu, nhưng mà đình-thần xin đừng đi, bèn cho thái-tử là Anh Tề 嬰 齊 đi thay.

Anh Tề ở bên Hán-triều mười năm, đến năm bính-thìn (125 tr. Tây-lịch) vua Văn-vương mất thì mới về nối ngôi.

6. TRIỆU MINH-VƯƠNG (125-113 tr. Tây-lịch). — Anh Tề lên làm vua tức là Triệu Minh-vương 明 王, trị vì được 12 năm.

Khi Anh Tề ở bên Hán có lấy người vợ lẽ là Cù-thị 樛 氏, đẻ được một người con tên là Hưng 興. Đến khi về làm vua Nam-việt, Minh Vương lập Cù-thị lên làm hoàng-hậu và Hưng làm Thái-tử.

7. TRIỆU AI-VƯƠNG. Năm mậu-thìn (113 tr. Tây-lịch) Triệu Minh-vương mất, thái-tử Hưng lên làm vua, tức là Triệu Ai-vương 哀 王, trị-vì được một năm.

Bấy giờ vua nhà Hán cho An-quốc Thiếu Quí 安 國 少 季 sang dụ Nam-việt về chầu. Thiếu Quí nguyên là tình-nhân của Cù-thị lúc trước, đến khi sang Nam-việt gặp nhau, lại tư-thông với nhau rồi dỗ-dành Ai-vương đem nước Nam-việt về dâng nhà Hán.

Khi Cù-thị và Ai-vương đã định về Hán-triều, thì có quan Tể-tướng là Lữ Gia 呂 嘉, biết rõ tình-ý, đã can-ngăn mãi không được, mới truyền hịch đi mọi nơi nói rằng vua và Cù thái-hậu sắp đem nước dâng cho nhà Hán; rồi Lữ Gia cùng với mấy người đại-thần đem quân cấm-binh vào giết sứ nhà Hán, Cù-thị và Ai-Vương. Đoạn rồi tôn Kiến Đức 建 德 lên làm vua. Kiến Đức là con trưởng của Minh-vương, mẹ là người Nam-việt làm vua.

8. TRIỆU DƯƠNG-VƯƠNG. Kiến Đức lên làm vua, tức là Dương-vương 陽 王. Dương-vương mới lên làm vua được độ một năm thì vua Vũ-đế nhà Hán 漢 武 帝 sai Phục-ba tướng-quân là Lộ bác Đức 路 博 德 và Dương Bộc 揚 僕 đem 5 đạo quân sang đánh lấy Nam-việt. Quan Thái-phó Lữ Gia ra chống cự không nổi, phải đem Dương-vương chạy. Quân nhà Hán đuổi theo bắt được, vua tôi đều bị hại cả. Năm ấy là năm canh-ngọ (111 tr. Tây-lịch), nước Nam bị người Tàu chiếm lấy, cải là Giao-chỉ-bộ 交 趾 部, chia ra làm 9 quận, và đặt quan cai-trị như các châu quận bên Tàu vậy.

 Huỳnh Hữu Đức sưu tầm