Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Vọng Cổ : Lời Ru Của Mẹ - Tác Giả Hoài Thi - Tiếng Hát Kim Trúc


Tác Giả: Hoài Thi
Tiếng Hát: Kim Trúc 
Karaoke của Nguyễn Thành Nhơn

Thường Có Lần


Nhón gót ghé nhìn vào dĩ vãng
Tìm vùng trời thơ dại ngu ngơ
Chỉ biết bắn cu li đá dế
Vỡ lòng, mẹ mớm chữ u, ơ.

Chái bếp cạnh căn nhà lá dột
Đêm khuya lơ, mẹ vẫn đun rơm
Nấu nồi bánh bán rong trong xóm
Kiếm chút lời đổi lấy chén cơm.

Giấc ngủ mỏi mòn mơ bóng mẹ
Mang trong tim suốt chuyến xe đời
Mẹ bám đất bón phân đồng ruộng
Con lang thang đất khách quê người.

Mùa lạnh thấy thèm tình mẫu tử
Mơ về quê ngoại đám tầm vông
Bụi chuối sau nhà xào xạc gió
Bàng hoàng nghe tiếng vọng non sông.


Anh Tú


Nhớ Mẹ


Mới ba giờ sáng mẹ tôi đã thức
Tôi giật mình còn quá sớm mẹ ơi
“Cứ giờ nầy là mẹ không ngủ được”
Khi đắm nhìn chờ ấm nước đang sôi.

Mẹ lục tủ lôi ra gói trà nhỏ
Tay nhăn nheo sờ soạng mớ trà tàu
Như cân nhắc để dành lần sau chót
Lu chuối mai này chẳng kịp bán đâu.

Cầm tách trà mẹ uống từng hớp một
Tai lắng nghe đài đọc truyện đêm khuya
Đúng năm giờ mẹ bảo tôi thức dậy
Nhớ học bài xong ăn cháo nghe chưa !?

Ôi! tình mẫu tử làm sao quên được
Nay bổng nhiên nghe nhắc Mẹ tảo tần
Cám ơn bài thơ… làm tôi bật khóc
Mẹ đâu còn… lòng dạ b
ng lâng lâng…

Dương hồng Thủy
14/12/2020

Chương Trình Văn Thơ Nhạc Đại Học Kiến Trúc: Những Khung Trời Viễn Mộng -Tuệ Sỹ


Đêm Trăng Thu Phiêu Bồng Cùng Thiền Sư Tuệ Sỹ..... 

“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” là một câu thơ của Thiền Sư Tuệ Sỹ mà tôi cứ đọc đi đọc lại mãi trên những chuyến phiêu bạt, giang hồ khắp đó đây. Ngày đi, tháng đi, năm đi và đời người cũng đang chuyển dịch đi qua. Đi như Thiền sư Tuệ Sỹ “Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.” một cuộc ngao du bằng tâm bềnh bồng chơi vơi giữa cuộc vô thường:  

“Bước đi nghe cỏ động 
Đi mãi thành tâm không 
Hun hút rừng như mộng 
Tồn sinh rụng cánh hồng” 

“Nơi đây, sa mạc cứ vẫn thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy nhưng không cháy tan hết những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt.” Tuệ Sỹ đã nói như thế trong Vô Môn Quan giữa một chiều xa xưa bữa nọ và mãi đến bây giờ. Âm ba từ thiên thu vọng lại tiếng gọi của hư vô, leo lên trên tuyệt đỉnh cô phong, ngút ngàn ngoài ven trời vạn dặm giữa trùng khơi, hoang đảo sóng rạt rào: 

Ngút tận mù khơi trời hoang đảo 
Trèo lên tuyệt đỉnh núi lặng im 
Im lặng lắng nghe mây ngàn hát 
Vang vọng nghìn năm biết bao niềm 
Nghìn năm sóng vỗ trào vô ngã 
Rạt rào trên biển lớn mênh mông 
Tứ đại phù du bèo bọt nổi 
Sóng tan thành nước chảy theo dòng 

Bùi Giáng đã nhận xét về Tuệ Sỹ “Bởi vì, cách điệu của Thi ca vốn dĩ phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, nên bờ biếc bích ngạn chiêu hoa như một nơi chốn thong dong thánh thót. Thảm kịch khốn cùng dù có đổ ào lên Thi ca đến mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiên, ngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng ngao du.” Ngao du trên phong vận tài hoa, nhập cuộc cùng buồn vui, mộng huyễn ta bà: 

“Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói 
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao 
Từ nguyên sơ đã một lời không nói 
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào 
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi 
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao” 

Thi ca là suối nguồn bất tận, chảy hoài từ thiên vạn cổ đến nay, như nhà thơ Saint John Perse tỏ bày trong dịp nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1960 :“Người thơ đã có trong con người ăn lông ở lỗ, người thơ vẫn sẽ có trong con người thời nguyên tử, vì người thơ là một phần tử bất khả phân của con người. Chính từ sự đòi hỏi của thơ, của tâm, làm phát sinh tôn giáo và nhờ duyên thơ mà tia lửa thiêng sống mãi trong khối đá người. Khi mọi thần thoại sụp đổ hết thì thơ là chỗ ẩn cuối cùng của cái tối linh.” 

Tình yêu, tình thương là điệp khúc, là bản trường ca miên viễn, bất tuyệt của thơ mà sứ mệnh người thi sĩ sáng tạo phải giữ gìn, xiển dương, làm cho phục hồi, sống dậy mãnh liệt, ý lực bừng lên huy hoàng, sáng suốt, tuôn trào vô lượng vô biên. Hãy đốt hồn thơ thiêng liêng, cháy rực ngời ngọn lửa cảm xúc, rung động thiên thu, để nghe nhịp thở bồi hồi giữa bầu khí hậu thanh tân, phấn chấn, hân hoan yêu đời trong tiếng hát đại bi tâm. Tiếng hát đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả ấy mãi hoài ngân vọng trong lòng người từ muôn thuở đến muôn nơi, trên mặt đất trần gian vẫn còn thơ mộng này. 

Tâm Nhiên (KTS Lê Văn Tâm)

Trong cái mênh mông của đêm Thu tôi cũng muốn ngao du từ cái tâm trăng sáng, lãng du về cõi trời vô lượng bàng bạc ánh mây hồng.... 
Phương trời viễn mộng, như là bầu trời thơ kết tinh từ tấm lòng vì quê hương, dân tộc, về một chặng đường lịch sử nguy nan, khốn khó mà con người phải mang nặng trên đôi vai sinh tử của thời đại. Phương trời viễn mộng đó, mênh mông những vần thơ mang tính tự tồn, độc lập, kiêu hùng của dòng lịch sử quê Cha, đất Tổ mà những đứa con của giống nòi, lênh đênh theo dòng sử mệnh quê hương.

 



Kể từ khi con biết nhớ.
Má đã già một bà cụ gầy nhom
Tóc búi cao mặc áo vá vai sờn
Quần đen bạc màu theo năm tháng.

Má cười, nụ cười hiền thương lắm
Hàm răng kia xệu xạo thấp cao
Tuổi chưa già mà đã ngoáy trầu
Môi cắn chỉ đỏ tươi màu hạt lựu.

Áo túi, cái túi may thiệt bự.
Giả bộ lấy đồ mò vú má thiệt vui.
Má nhột la lên rồi má lại cười.
"Nhớ hồi nhỏ bỏ bú mày quá khó!"

Má của tôi nhà quê thiệt đó
Mà trái tim từ mẫu thật vô bờ.
Lo cho con từ thuở còn thơ.
Đến khôn lớn vẫn chăm lo săn sóc

Má là chuối sứ bên nhà ngọt mật
Vú sữa đầu mùa vị thật thanh tao
Cây khế cây dừa trồng ở vườn sau
Là Mai, Sứ, Ngọc Lan sân trước

Má là những gì thân thiết nhất
Khó hình dung, không thể trình bày
Má nằm trong tim nhịp đập mỗi ngày
Trong hơi thở vẫn thơm mùi của má.

Hôm thứ bảy Má ơi! Ngày giỗ má
Ba nén nhang con mời má dùng cơm.
Nhớ má nhiều lệ nhòe nhoẹt mắt con.
Cháu 8 đứa hỏi " Sao bà ngoại khóc?"

Bầy cháu cố quỳ thành 3 hàng dọc.
Sản phẩm đời con lạy ra mắt mẹ già
Trăng trên cao dù trăng ở thật xa.
Nhưng ánh sáng vẫn chan hòa.

Là Má đó.


Nguyễn thị Thêm

Huệ Nở Trắng Mây

 

 

5)  HUỆ NỞ TRẮNG MÂY.     CAO MỴ NHÂN

 

Hẹn em, thứ sáu mười ba

Bó bông huệ trắng nở ra nụ vàng

Giữa lòng nhà nguyện thênh thang

Tiếng đàn huyền thả như làn sóng mưa

 

Vấn vương sợi khói lưa thưa

Tưởng mây rơi sớm thủa xưa lâu rồi

Mười ba, thứ sáu xa xôi

Domaine lãnh địa riêng đồi Marie

 

Bên tai tiếng gió thầm thì

Thánh ca vang vọng bản thi thiên buồn

Nghe như âm hưởng hồi chuông

Báo giờ tan lễ trên cồn lá bay

 

Anh ra đón ánh dương say

Trao em nắng thuỷ tinh đầy chuỗi thương

Hoa thơ trước cửa thiên đường

Trinh nguyên sắc huệ toả hương ngạt ngào...

     CAO MỴ NHÂN


 HOA CƯỜI

(Kính họa bài Huệ Nở Trắng Mây của chị Cao Mỵ Nhân)

 

Hoa cười Xuân cuối tháng Ba

Cúc lan mai muộn còn ra bông vàng

Gót ngà áo tím lang thang

Tóc thề trong gió tựa làn thu mưa

 

Hoa cười nguyệt thẹn câu thưa

Chớp mi hồn phách người xưa đâu rồi

Ai về quả đỏ mâm xôi

Ngờ đâu dâu rước ngang đồi biệt ly

 

Hoa cười xao tuổi xuân thì

Mắt nhìn lung luyến để thi thôi buồn

Giáo Đường rộn rã ngân chuông

Cho ai ngóng đợi bên cồn cát bay

 

Hoa cười hồn ngửa nghiêng say

Bao ngăn tâm thất chứa đầy yêu thương

Tình thơ trải thảm con đường

Xuân lai Xuân khứ sắc hương ngọt ngào...

 

Phương Hoa – DEC 31st 2020




Sau Cuộc Chung Vui


Bữa tiệc thật vui, mọi người xúm xít chúc tụng, thỉnh thoảng có tiếng điện thoại reo, lại thêm lời chúc mừng của những người bạn ở xa. Hôm nay sinh nhật Diễm, một người đàn bà trên sáu mươi tuổi! Nàng ngồi giữa đám bạn bè, tưởng như ngày nào, ríu rít như lũ học trò của thời Trưng Vương áo trắng. Vẫn những giọng nói bỡn cợt, bông đùa, vẫn những lời trêu ghẹo, nghịch ngợm… Tạm quên đi những hệ lụy, những nhục nhằn, đau khổ của kiếp nhân sinh, chỉ còn có ta, có mi, chỉ còn có con nhỏ này, con nhỏ nọ.

Rồi cuộc vui nào cũng đến lúc phải tàn, phải chia tay. Thời tiết sang đông lạnh buốt, trăng thượng tuần treo lơ lửng trên bầu trời cao. Diễm một mình một bóng, co ro trong chiếc áo khoác trở về căn nhà nhỏ. Có tiếng thở đều vọng ra từ phòng của mẹ. Nàng rón rén về phòng mình.

– Cô đã về đấy à?

– Dạ con đây, mẹ còn thức ạ? Con tưởng mẹ đã ngủ say.

– Nào đã ngủ được đâu. Cô đi chơi có vui không? Xem cửa ngõ cẩn thận rồi đi ngủ đi!

Thay quần áo xong, Diễm ra đứng tì tay bên thành cửa sổ, nhìn lên trời đêm xanh thẫm, nghĩ đến mẹ già ở phòng bên, nghĩ đến mình, nghĩ đến thời gian trôi… Nàng thương mẹ, thương mình xót xa. Là con thứ trong một gia đình đông anh em, lẽ ra người hủ hỉ bên mẹ không phải là nàng, nhưng như có sợi dây ràng buộc vô hình nên bây giờ trong căn nhà nhỏ này có hai người đàn bà cô đơn chung sống.

Mẹ Diễm sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, nho phong, nên nuôi dạy các con theo nền nếp cổ xưa. Cụ muốn các con của cụ lớn lên, sống như những hình ảnh cụ đã dựng xây, ôm ấp. Nhưng theo thời gian, những người con của cụ lần lượt trưởng thành, tách rời vòng tay của cụ để tạo lập những gia đình nhỏ riêng. Cụ có dâu, có rể nhưng cụ vẫn coi con trai, con gái của cụ như những đứa nhỏ của thời thơ ấu mà cụ nâng niu, đùm bọc!

Diễm nhớ đến Huy. đến mối tình đầu của một thời con gái. Huy cho Diễm những câu nói ngọt ngào, những ân cần chăm sóc. Diễm đã yêu Huy, yêu say đắm, nồng nàn, yêu với mộng mơ, lãng mạn của tuổi mới lớn. Nàng tưởng tượng ra một mái ấm trong đó có Huy, có nàng và một bầy con nhỏ sống trong êm đềm, hạnh phúc. Rồi, do chiến cuộc lan tràn, nên mặc dù Huy là bác sĩ vẫn bị động viên, vẫn phải theo đơn vị ra nơi địa đầu giới tuyến. Thỉnh thoảng nhận những lá thư của Huy với bao lời nói xa xôi, bóng gió, như những lời ngầm hẹn ước thủy chung, nàng sung sướng đợi chờ. Mẹ nàng tỉnh táo hơn, có những cảm nghĩ từ trái tim của người mẹ. Cụ đã khuyên nhủ, nhắc nhở con gái phải nghĩ đến tuổi thanh xuân, con gái chỉ có một thời. Nhưng trái tim có những lý lẽ riêng của nó, nàng bình tĩnh đợi chờ và đã để vuột mất bao cơ hội có được những bến bờ bình an. Mẹ nàng thương nên giận nàng. Rồi từ giận đến ghét. Hồi đó, nàng tưởng mẹ đã ghét nàng, ghét cay, ghét đắng.
Ba mươi tháng tư tang tóc đau thương, Diễm theo gia đình di tản, mất tin tức của Huy. Nhưng nàng vẫn âm thầm chờ mong. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, nàng phải hội nhập với cuộc sống mới, trở thành cô giáo dạy lũ trẻ con đủ mọi sắc tộc. Bỗng một ngày nàng được tin Huy. Chàng cũng đã định cư ở Mỹ và đã có vợ con. Tim nàng tan nát. Ðiều mà nàng tưởng là tình yêu đã thực sự không phải. Nàng thầm tự hỏi phải chăng nàng đã ngu muội nên quá tin vào những lời hứa hẹn bâng quơ, xa xôi hay vì định mệnh khắt khe khiến cuộc tình của nàng nổi trôi theo vận mệnh chung của đất nước.


Rồi ánh mắt của vài chàng trai cũng làm cho Diễm thoáng rung động, song cũng chỉ như những cơn gió thoảng qua. Cho đến một ngày Khiêm chợt đến. Chàng đang cô đơn, nàng cũng lẻ bóng. Cả hai đã ở vào lứa tuổi chững chạc, trưởng thành. Hai tâm hồn xích lại gần nhau một cách dễ dàng. Sau một đám cưới đơn giản, Diễm đã được sống trong hạnh phúc và một bé gái chào đời. Nàng bằng lòng với hạnh phúc nhỏ bé, giản dị. Nàng hầu hạ chồng con, chăm sóc cho Khiêm và bé Uyên từng miếng ăn, thức uống, từng manh quần, tấm áo. Nàng yêu người cùng nàng chung chăn gối, yêu đứa con nhỏ tha thiết. Dưới mắt mẹ nàng lại khác. Cụ nhìn ra những khuyết điểm của Khiêm, cụ xót xa thương con gái. Với lòng thương bao la của người mẹ, cụ nghĩ con gái cụ phải được sống trong nhung lụa, phải được o bế, cưng chiều. Cụ không muốn con cụ làm thân nô lệ. Cụ có biết đâu, đối với Diễm, được hầu hạ chồng con là điều hạnh phúc.

Chuyện nhỏ góp thành chuyện lớn, chuyện bé xé ra to. Khiêm không khôn khéo, tế nhị mà mẹ nàng lại quá cứng cỏi. Những cuộc cãi vã nho nhỏ giữa mẹ vợ và con rể bắt đầu xảy ra. Diễm biết rằng “nhân vô thập toàn”, nên những khuyết điểm nhỏ của Khiêm cũng như những khắc nghiệt của mẹ nàng đều có thể chấp nhận. Ở giữa, nàng chẳng biết phải làm sao. Nàng là người đàn bà giầu tình cảm, yếu đuối, ngược lại với tính cứng rắn của mẹ. Cụ hay nhìn vào những điều xấu để chê bai, còn nàng lại thích tìm ra những ưu điểm của người để thương, để quý. Khiêm có nóng nảy, độc đoán, không dịu dàng, mềm mỏng nhưng Diễm cảm nhận được sự lo lắng, thương yêu của chàng. Mẹ nàng không chấp nhận bất cứ ai hành hạ con mình. Cụ can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng nàng hơi nhiều, nhưng nàng biết đó là do tấm lòng thương con của một người mẹ. Càng ngày sự xung khắc giữa mẹ và chồng càng trầm trọng, cho đến khi sự việc không thể hàn gắn, nàng phải đứng trước sự chọn lựa giữa mẹ và chồng!

Khoảng thời gian đó, Diễm như muốn phát điên, bên tình, bên hiếu. Mẹ nàng cũng già xộc hẳn đi, mặt hằn lên nét đau khổ. Khiêm quát tháo om sòm. Nhà thê lương không một tiếng cười. Con bé Uyên co rúm vì sợ hãi… Cuối cùng vợ chồng nàng phải ngồi xuống nói chuyện và đồng ý chia tay.

Mẹ Diễm đòi hỏi những điều tuyệt đối mà cõi đời này làm gì có tuyệt đối! Các anh chị em nàng đều có gia đình riêng và hạnh phúc. Mẹ nàng ở nhà con nào cũng bắt nhặt, bắt khoan. Con dâu, con rể cố gắng chiều cụ nhưng hạnh phúc gia đình nhỏ của họ quan trọng hơn, họ phải giữ gìn, bảo vệ. Cụ rơi vào nỗi cô đơn mà cụ tự tạo ra. Diễm xót thương mẹ già còm cõi nên mua nhà đón mẹ về ở chung.


Có những đêm dài cô đơn trăn trở, Diễm nhìn mình trong gương, nhìn bóng mình trên vách, cảm thấy tuổi xuân vùn vụt qua mau. Nàng cũng nhớ làn da ấm, vòng tay êm, nên càng nhớ Khiêm tha thiết. Đôi khi nàng thầm trách mẹ, vì cụ mà nàng rơi vào tình cảnh này. Nghĩ lại, nàng cũng trách luôn cả Khiêm. Sao chàng không giữ nàng lại, không cùng nàng tranh đấu. Phải chăng tình yêu của chàng không đủ mạnh, không đủ đầy như nàng tưởng. Suy cho cùng thì nàng cũng có lỗi, lỗi yếu đuối, nhu nhược và mơ hồ trong tâm thức nàng thầm công nhận mình thương mẹ hơn và coi tình yêu của mẹ là một thứ tình yêu bất diệt và chắc chắn. Ðã có những lúc nàng bắt gặp ánh mắt ái ngại của mẹ khi mẹ thấy nàng lủi thủi và đôi khi nàng còn nghe cả tiếng thở dài của mẹ.

Mấy năm đầu sau khi chia tay với Khiêm, Diễm sống lặng lẽ, câm nín. Chỉ cuối tuần nàng mới về với Khiêm và Uyên, dành cả tuần lo cho mẹ. Cụ càng già càng khó tính và khắt khe hơn. Một bầy chín người con, cả trai lẫn gái, đều thành đạt, đều là những người con có hiếu. Vậy mà cụ vẫn không vui. Bao giờ cụ cũng cho là Diễm hợp với cụ nhất, nên cụ chỉ có thể ở được với nàng. Không hiểu sao cụ lại rất ghét Khiêm, ghét thậm tệ, đến nỗi chàng không dám ghé thăm và khi đến với Khiêm nàng phải lén lút, vụng trộm. Nếu mỗi con người sinh ra đời dưới một vì sao, thì không biết nàng sinh ra dưới vì sao nào. Nàng đã hy sinh hạnh phúc gia đình nhỏ của nàng vì muốn đem lại niềm vui cho mẹ lúc cuối đời. Nếu mẹ vẫn không vui thì sự hy sinh của nàng thành ra vô nghĩa. Khiêm dự tính về hưu sẽ sống ở Việt Nam, Uyên đã lớn, rồi cũng có gia đình riêng. Còn Diễm, nàng vẫn… chơ vơ. Nàng cầu mong mẹ khỏe mạnh, vui sống để nàng còn có nơi chốn trở về.

Đêm thật sâu, Diễm kéo tấm màn che cửa sổ, bước vào giường, tắt đèn và cuộn mình trong chăn ấm. Nàng nghĩ đến bữa tiệc đã qua, nghĩ đến những người bạn dễ thương, những chương trình mà các bạn đã sắp xếp cho nàng khi nghỉ hưu. Những giọt nước mắt đã khô và nàng lại mỉm cười…

Đỗ Dung

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

Em Cũng Là Hoa: Hoa Sơn Trà


Lệ nào tan vỡ nét thơ ngây 
Thoang thoảng hương xưa chất ngất đầy 
Đông vẫn Sơn Trà luôn thắm sắc 
Gửi người ngàn dặm cuối chân mây 








Thơ & Ảnh: Kim Phượng


Tình ca: Sazanka no Yado = Quán trọ (yado) Hoa Sơn Trà (sazanka)
Ca Sĩ Nhật: Masako Mori
Thực Hiện: Ero Yamamoto
 
Bài ca này có tên là "Quán trọ Hoa Sơn Trà" được sáng tác vào thập niên 80, do ca sĩ nổi tiếng Masako Mori trình bày. Thể loại bài này thuộc lối ca cổ điển Nhật gọi là "Enka" (tiếng Hán: Diễn ca ), có lịch sử 150 năm, rất được người Nhật ưa thích nhất là quý ông vừa khề khà sake vừa hát enka.
 
Ý trong bài này là: người con gái đi lấy chồng rồi (trong bài hát ghi là: em là vợ của người ta) mà vẫn nhớ người xưa, rồi so sánh mình như đóa hoa sơn trà màu đỏ thắm chỉ nở vào mùa đông.
 

Gió Đã Lặng


Gió đã lặng mưa còn chen lối
Bước phân vân chiếc bóng bên đường
Thoáng nhìn chợt thấy vấn vương
Trong lòng tơ tưởng nhớ thương lạ lùng

Đóa hoa hồng vườn xưa thất lạc
Năm từng năm tưởng đã chia xa
Đâu ngờ còn mãi trong ta
Giật mình tỉnh mộng ngày qua vội vàng

Thơ thấp thoáng bóng nàng ẩn hiện
Dòng thơ buồn sắc bén tim tôi
Thoảng nghe lòng những bồi hồi
Nhịp tim xúc động thôi rồi tình si!

Đêm bỗng dưng màn hình tan biến
Em đâu rồi im vắng mênh mông
Đêm nay sao nhớ lại trông
Phím buồn lạc nhịp cô đơn hồn sầu

Rồi từ đó im lìm vắng lặng
Vội vàng chi để lỡ nhịp cầu
Xa nhau bởi cảnh bể dâu
Em đi để lại nỗi sầu cho ai?

Mặc Khách


Bản Tình Ca Sông Núi


Tôi là gò, em là dòng nước nhỏ
Tôi thành đồi, em thành nhánh sông con
Tôi vút cao cùng mây trắng chập chờn
Em lai láng trường giang vờn uốn éo

Nắng lên đồi ngắm bóng hình trong trẻo
Soi gương em chạm đáy nước nguy nga
Ru hồn tôi từng gợn sóng ngọc ngà
Tôi ngâm mình trong dịu dàng mơn trớn

Tình núi sông vẫn đời đời vô lượng
Em về đâu đều có bước tôi theo
Hội Trùng Dương tôi ngơ ngẩn lưng đèo
Đến một ngày nhô lên từ biển lớn

Đón chào tôi dạt dào em sóng lượn
Rồi vỡ òa cho ngợp nước biển sâu
Thử thách tôi xem có phép nhiệm mầu
Vững chân đứng dưới lòng sâu rốn biển

Buổi huy hoàng màn đêm vừa tan biến
Vận hội trao Sông cùng Núi kết đôi
Đâu có em hẳn nơi đó có tôi
Để viết nên "Bản Tình Ca Sông Núi"

Locphuc.

Những Giọt Lệ Cho Một Đóa Quỳnh

 


Có những sáng chủ nhật sớm bửng đang cuộn mình trong chăn lơ mơ nằm nướng thì điện thoại reo. Lần nào em cũng cười khúc khích: “reng giờ này họa may bắt được chị, để chậm lát nữa dễ dầu chi phải không?” Thủ thỉ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất xong em ra lệnh: “Thôi, dậy cho rồi bà chị ơi, nướng nữa coi chừng cháy mền cháy gối”. Mà quả thật nhìn ra cửa sổ mặt trời đã lên quá mấy ngọn thông cuối vườn.

Có những lần em nôn nóng không thể chờ đến cuối tuần mà phải gọi ngay vào sở để đọc cho tôi nghe Vô Đề của Giả Đảo hoặc Tử Khâm trong Kinh thi, và khi tôi trêu ghẹo: “Stop Quỳnh ơi, lộn địa chỉ rồi. Hán văn chị chỉ biết hai câu: “nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn”. Mặc kệ, đọc tôi không nghe thì em nhất định fax qua với lời chú giải rõ ràng khúc chiết: “thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm, túng ngã bất vãng, tử ninh bất tự âm …”
Đêm không ngủ được em gọi: “Ở đây trăng sáng quá, đẹp lắm, bên chị có thấy trăng của em?”. 

Nhìn đồng hồ tôi giật mình la lên: “Quỳnh biết mấy giờ rồi không? Lại một đêm mất ngủ?” Em cười cười trấn an: “Em làm một giấc rồi, chi yên tâm, thức giờ này mới thấy trăng đẹp chứ”. Rồi em rủ rê: “Mình làm thơ chơi nghe chị”, vậy là “thi hào” và “thi bá” chúng tôi có được mấy câu thơ làm quà cho nhau:

Nguyên

Có một vầng trăng không xẻ đôi
từ em, bên ấy rất xa xôi,
dịu dàng rãi xuống trên vườn chị,
những mảnh tơ vàng lóng lánh rơi.
Vẫn một vầng trăng đầy rồi vơi,
là tâm an lạc giữa trần ai,
là con nước mãi, lên rồi xuống,
trần thế trong ta, một nụ cười.

Và em họa lại:

Hợp

Sáng mãi một vầng trăng lẻ loi,
thầm soi hình dáng kẻ xa xôi,
long lanh từng phím tơ vàng tỏa,
đọng khóe mi buồn giọt lệ rơi.
Vẫn một vầng trăng sáng chẳng vơi,
cùng em lưu lạc giữa trần ai,
an nhiên tự tại quên như nhớ,
để sáng trong nhau mãi nụ cười.

Dưới con mắt dí dỏm của em thơ đã trở thành hai con nguyên và hợp trong cỗ bài mã chược, cho đủ đôi trong cuộc cờ nhân thế, như em bảo.

Viết cho em nếu tôi ký Sông Hương em sẽ nghịch ngợm đáp lại với tên Núi Ngự, thư nào tôi ký Sư Tỷ thì em sẽ viết cho tôi ký tên tên Sư Muội. Khi trận lụt lịch sử năm 1999 tràn ngập miền Trung ốm yếu của chúng tôi, mọi người kêu gọi nhau đóng góp cứu lụt thì bên kia đại dương xa xôi đang lúc đau ốm em cũng nhất định phải chung tay góp sức. Dù là khi tổ chức xong bữa cơm văn nghệ gây quỹ thì em

cũng quỵ luôn, nằm bẹp dí một chỗ em ráng gọi qua đùa nghịch: “Chị là đại thủ quỹ bên nớ, gọi tắt là Đại Quỷ, còn em tiểu thủ quỹ bên ni tức là Tiểu Quỷ … ha ha”. Từ đó viết thư cho nhau tôi nghiễm nhiên được em khai sinh thêm với cái tên Đại Quỷ.

Những hôm em bịnh la liệt tôi gọi sang đùa cợt cho em đỡ buồn: “này, bà lang băm, em phải ráng mạnh để chữa cho thiên hạ, lương y đâu có quyền xìu xìu ển ển như Quỳnh vậy”, em đã gắng gượng cười: “Người ta lương y như từ mẫu, còn em lương y như kế mẫu thôi chị ơi. Mạnh hết nỗi rồi”. Nói vậy nhưng chỉ dăm ba bữa sau em phóng một bài thơ khác, thuờng thường em vẫn cho là thơ con cóc, để trấn an bà chị ở xa:

Nhớ chị nhiều ghê lắm chị ơi,
bữa nay em đã khỏe hơn rồi,
cám ơn thư chị luôn thăm hỏi,
đượm ngát thuơng yêu thắm nụ cười.

Cũng có hôm tôi không khỏe, mùa đông xứ tuyết lạnh lẽo cảm cúm mãi không dứt. Vừa nói chuyện với em vừa ho sù sụ, tôi đề nghị: “Kim Hoa bà bà này cứ sủa hoài bắt mệt, Tiểu Quỷ làm ơn chẩn mạch bốc cho chị một thang, hy vọng bữa sau nói chuyện song suốt hơn chăng” !!! Và em đã sốt sắng gởi cho tôi một toa thuốc, trên giấy có tiêu đề tên bác sĩ, địa chỉ, số điện thoại, ký tên và đóng dấu đầy đủ với chữ viết ngoằng ngoèo, đọc xong cái toa của em con mắt tôi cũng muốn mơ huyền:

Ôi Trời Đất quỷ thần ơi,
Sông Hương Đại Quỷ ho mời lão gia,
Tiểu đại phu đang què giò,
bốc đại toa thuốc bài thơ Nam Tào,
chữ tuy ngoáy giống cào cào,
bảo đảm tỷ tỷ bức nhào cơn ho.

Giữa những lời lẽ đùa nghịch rất tếu của em là cái tình cảm đậm đà trân quý em vẫn luôn dành riêng cho Huế, cho Trường và nhất là cho thầy cô, bạn bè. Em khoe với tôi, hớn hở: “Chị biết tên cô Giáng Châu mới đặt cho em chưa, Châu Quỳnh, có nghĩa em là một trong những Châu Thi, Châu Thúy, Châu Thiều của Me. Me còn dọa nếu em không lo ăn ngủ đàng hoàng thì Me sẽ đét roi vào đít” … Cũng như khi em nhận được gói ô mai cam thảo hay gói mứt gừng tôi gởi qua em cũng hớn hở, hồn nhiên: “Được quà của chị đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Có người cưng mình đã thiệt”. Em cho tôi cái cảm tưởng em là con cá bơi lội tung tăng trong giòng sông tình cảm của chúng tôi một cách hạnh phúc.

Ở cách muôn trùng em vẫn nhớ,
Thầy cô, bè bạn khắp nơi nơi,
dù ngày Phượng Vỹ không về được,
tình Huế trong em mãi tuyệt vời.

Nhớ lại buổi họp mặt Phượng Vỹ vào một ngày đầu thu năm nào. Gặp nhau lần  đầu sau bao nhiều năm nghe tên, nghe tiếng. Cái vẻ thông minh, dí dỏm, nghịch ngợm của em khi lăng xăng chỗ này chỗ kia, giúp dời cái bàn, đăt thêm cái ghế, giúp các chị sửa lại những bình hoa, ghé thăm bàn bán sách, ngồi với các chị ở bàn tiếp tân … em đã làm tôi chú ý. Vẻ thân thiết, hòa trộn với mọi người, vẻ tự nhiên như nhiên của em đã khiến tôi và nhiều người cứ nghĩ em là một thành viên lâu ngày của nhóm mà không phải là một khách phương xa chúng tôi phải đón tiếp, thù tạc theo phép xã giao thông thường. Cái vẻ hăng hái hồn nhiên đó. Tấm lòng tha thiết với mọi người mọi việc đó. Nhất là tha thiết với Huế, với Phượng Vỹ, với trường xưa, thầy cũ quả là những nét rất đặc biệt của em mà thoạt gặp ai cũng thấy và càng tiếp xúc càng đậm đà rõ rệt.

Dáng người mảnh khảnh, gầy gò lại đau yếu đủ thứ, thần kinh tọa một thời làm em điêu đứng, nằm ngồi không yên, chứng thấp khớp làm tay chân thêm nhức nhối, rồi Thyroid có vấn đề mỗi ngày phải “nạp” – chữ của em – nhiều thứ thuốc càng lảm em xuôi xị, đã vậy trái tim rất lãng mạn của em cứ chơi cái trò hững hờ, lúc muốn đập lúc muốn ngừng làm em thêm chới với. Vậy mà tất cả các thứ đó cọng thêm sức ép của công việc, của đời sống, của tình cảm riêng tư vẫn chưa hề ngắt được nụ cười trên môi em, vẫn chưa làm mờ được nguồn sáng long lanh trong đôi mắt thông minh đầy nghị lực của em, vẫn chưa tắt được tiếng hát véo von những khi em cao hứng muốn cho tôi nghe qua điện thoại viễn liên một bản nhạc vừa được em hoàn thành, bất luận lúc đó là 2 hay 3 giờ sáng từ nơi em ở.

Trong mắt tôi em như con sóc nhỏ lanh lợi, nhảy nhót, vui đùa trên từng phím nhạc, từng nét vẽ, từng lời thơ xuất từ khối óc đầy sáng tạo, từ trái tim nồng nàn tình cảm và từ đôi bàn tay rất đỗi tài hoa. Và trên tất cả những nét nghệ sĩ rất tài tử kia là tấm lòng thuơng yêu vô tận của em đối với những người bệnh, những con người đau yếu cần đến bàn tay chuyên khoa của em giúp đỡ. Những buổi đi khám bệnh xa trở về trong chiều tối lạnh lẽo, đói và mệt, nằm dài trên giường em bấm số gọi tôi và kể: “Chị ơi, em mệt đến nỗi muốn xỉu, đã định từ chối không đi nhưng nghĩ đến những người già vừa bịnh vừa cô đơn em không thể nào không đến với họ”.

Có hôm em bị đau chân không thể lái xe, đang đi bộ lết bết trên đường thì thấymột ông cụ liêu xiêu sắp ngã, quên phứt cái chân đau em co giò phóng tới, đỡ được ông cụ thì em vẹo luôn cẳng chân phải nằm một chỗ. Vậy mà em vẫn hăm hở: “Chị ơi, nằm một vài ngày nữa chắc em buồn mà chết, dù nằm ở nhà được đọc sách, được viết thư và làm thơ, nhưng ngày mai chắc em phải chuồn ra khỏi nhà thôi, nằm đây em nhớ … bệnh nhân của em” !!!

Giọng em, dù đang lúc “mệt muốn xỉu” hay “đói gần chết” vẫn luôn luôn mang cái âm hưởng ríu rít, reo vui và tràn đầy sức sống, yêu đời, yêu người, vì vậy khi em hát cho tôi nghe ca khúc mới sáng tác:

Tôi là người y sĩ,
lạc đường vào thi ca.
Tôi là người thi sĩ,
lạc dường vào y khoa …

thì tôi đã rất thành thật nói với em cảm nghĩ của mình: “đường nào coi bộ cũng là chính đạo, có thấy Quỳnh đi lạc chỗ nào đâu”.
Tháng ngày lặng lẽ qua mau. Cái thân tình bắt đầu từ ngày họp mặt Phượng Vỹ Toronto xứ lạnh năm nào đã mỗi lúc một thêm ràng buộc, khắng khít. Khi mà mỗi người trong chúng ta là một ốc đảo lẻ loi giữa biển đời thì sợi dây thân ái từ cái gốc trường xưa, thành phố cũ quả là những tiếng gọi thân yêu đầy quyến rũ.
Phương chi từ hằng hà sa số những ốc đảo đó có những tín hiệu được phát ra. Một nụ cười. Một cử chỉ. Một ánh mắt. Một câu nói. Một lá thư. Và khi tín hiệu của người này chạm vào người kia cùng một làn sóng, một từ trường. Lan tỏa và thấm dần vào tâm hồn nhau để hình thành những tình cảm mến thuơng, gắn bó. 

Từ nước Bỉ xa xôi em đã đến với chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, dù trên vầng trán em vương nhiều nét suy tư khắc khoải. Ánh mắt em nồng nàn, ấm áp dù mái tóc đã quá nhiều sợi bạc trước tuổi. Và ngày gặp nhau tín hiệu em gởi cho tôi là mấy câu thơ em đã tinh nghịch viết vội vàng trên một tấm khăn ăn bằng mực tím. Quả là đúng tần số. Thơ và mực tím. Màu tím dễ thuơng ngàn đời của những cô học trò xứ Huế. Và những giòng chữ em viết giữa tiệm ăn bỗng dưng làm tôi xúc động nhớ về những cuốn lưu bút gò gẫm trong biết bao mùa hè đầy hoa phượng đỏ giữa sân trường vang vang tiếng ve trên những tàng cây xanh đứng im dưới bầu trời chói chang nắng hạ. Và cũng thật tình cờ sáng hôm sau vào sở cây quỳnh nhỏ ở cửa sổ phòng làm việc của tôi bỗng trổ hoa lần đầu. Nghĩ đến em tôi nâng niu cắt nụ hoa quỳnh đã xuôi cánh nhưng vẫn còn mọng nước trắng ngần, cẩn trọng ép hoa vào giữa trang giấy tím cùng mấy dòng thơ làm quà tiễn em về Bỉ. Cũng từ đó những làn sóng giữa hai chị em mình đã dàn trãi và lan rộng ra mãi, êm đềm ràng buộc hai chúng ta lúc vui cũng như lúc buồn, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau yếu, giữa những tiếng cưới khúc khích quấn mình trong chăn ấm thì thầm nói chuyện hằng giờ, cũng như những đêm thao thức cùng nhìn qua cửa sổ tìm vầng trăng lặng lẽ vằng vặc giữa trời khuya. Đã nhiều lần em bảo: “Những lá thư của chị và của Me Giáng Châu em giữ hoài trên đầu giường để đọc đi đọc lại như những lá bùa an ủi mỗi khi em cảm thấy bơ vơ”.

Giữa những lo buồn nặng trĩu của cuộc sống hằng ngày lẫn những phiếm luận về văn chương thi phú, giữa những hệ lụy đời thuờng đến những điều hay lẽ phải tìm thấy trong kinh sách chúng ta đã gặp nhau và chia sẻ với nhau nhiều điểm. Thật nhiều điểm tương đồng. Chỉ duy nhất một điều chúng ta đã bất đồng ý kiến. Khi sức khỏe cũng như tinh thần của em ngày càng hao hụt, có lúc em bảo: “Em hết yêu đời, hết muốn sống rồi chị ơi. Em cảm thấy thật cô đơn và chán nản, tinh  thần cũng như thể xác quá mệt mỏi rã rời. Em chỉ muốn làm được như mấy ông thần ngày xưa, huơ cây gậy lên và hô biến rồi biến mất tiêu ra khỏi cuộc sống phiền não này”. Tôi đã kịch liệt phản đối bởi theo tôi em không hề cô đơn. Bởi quanh em, gần cũng như xa, có biết bao nhiêu người thuơng yêu, quý mến và cần em. Bên cạnh em còn có cháu QG, cô con gái cưng mà em đã dồn tất cả mọi thứ tình thuơng, vừa mẫu tử vừa phụ tử vừa là tình bạn thân thiết, gần gũi suốt 18 năm trời quấn quít giữa hai mẹ con. Và trí óc, trái tim và đôi bàn tay của em vẫn còn là nguồn an ủi vô biên cho biết bao nhiêu người đang cần đến sự giúp đỡ của em. Những bệnh nhân già yếu nếu vắng em họ sẽ lạc lõng bơ vơ biết mấy.

Em có nghe lời phản đối của tôi không? Có lẽ có. Cũng có lẽ không. Bởi có một thời gian em không nhắc đến những suy nghĩ tiêu cực này nữa. Cho đến một hôm, buổi chiều 12 tháng giêng, vào lúc 4 giờ, lúc tôi đang dở tay nấu nướng chuẩn bị cho buổi tối đãi khách, những người khách của tôi em đều quen và thân thiết, là Thầy Me, là Thầy Cô P. là Bùi X. N. đại ca và chị H., là cô Quỳnh lớn – toàn những tên do em đặt cho họ – thì em gọi. Tiếng em nghe thật xa, yếu ớt và rã rời: “Chị ơi, em biết chị đang làm bếp, cho em gởi lời chào tất cả mọi người. Em cảm thấy mệt và chán lắm không biết có qua khỏi con trăng này không”. Vừa đặt bánh vào nồi hấp tôi vừa hỏi: “Em đã ăn gì chưa, gần 10 giờ đêm rồi, em uống đủ thuốc chưa?” và khi nghe em nói em chưa ăn gì, đang còn nắm thuốc trong tay, tôi vội vã dục em: “Quỳnh ơi, tại đói nên mới mệt như vậy, ăn chút gì đi em, soup gói cũng được” và tôi dỗ dành em như dỗ dành em bé, không hề nghĩ là tôi đang nói với một bác sĩ: “Quỳnh ráng lên, ăn chút soup nóng, uống ly sữa nóng, rồi lên giường nằm, đừng suy nghĩ gì nữa, ngủ một giấc đến sáng mai sẽ hay nhe em,
giống như cô nàng Scarlett O’Hara, cứ tin ngày mai sẽ là một ngày khác tốt đẹp hơn ngày hôm nay”. Và em đã cười cười hứa với tôi em sẽ làm như vậy.

Tối hôm đó, đêm 12 tháng 1, 2001, trong không khí ấm áp của buổi họp mặt mọi người đã chia sẻ với nhau nỗi lo lắng về em, về bệnh tình, sự cô đơn và trầm cảm của em. Chia tay nhau chúng tôi mong mau đến sáng để có thể liên lạc với em, để nghe tiếng em dù vui dù buồn … nhưng đau đớn thay mong mỏi của chúng tôi đã trở thành vô vọng. Tin xấu đến với mọi người như một tia chớp, như tiếng sấm nổ giữa trời quang, như một cơn ác mộng và với tôi là một nỗi ám ảnh không rời.

Quỳnh ơi, hôm nay mọi người lại họp mặt, nhưng không phải họp ở nhà Thầy Me, cũng không phải ở nhà Thầy Cô P., nhà BXN đại ca hay nhà Sư Tỷ Sông Hương. Mọi người đang phải họp mặt ở chùa để nhìn em trên kia sau lớp khói hương lãng đãng. Qua màn nước mắt tôi nhìn thấy nụ cười của em lung linh giữa lời kinh tiếng kệ, giữa tiếng chuông tiếng mõ, giữa thực và ảo. Không thể nào tin là em đã vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc sống này một cách lẹ làng kỳ cục như vậy. Dường như em chỉ trêu ghẹo chúng tôi, dọa cho chúng tôi, những người yêu quý em, sợ chút chơi như bản tính nghịch ngợm của em vẫn vậy. Dường như em chỉ bỏ đi đâu đó một chốc. Rồi em sẽ trở về gọi điện thoại qua đây để được nói chuyện với tất cả mọi người khi em biết sẽ có một buổi họp Phượng Vỹ ở nhà ai đó. Gọi để cập nhật tin tức về thành tích “khổ khuyến” cho Phượng Vỹ của em bên Bỉ. Gọi để chọc ghẹo cho mọi người cười vui và nhớ em. Nhưng lần này thay vì chọc cho mọi người cười thì em lại làm cho chúng tôi rơi nước mắt.

Tiểu Quỷ ơi, rõ ràng chưa có ai chia tay mà làm cho mọi người khóc thuơng nhiều như em. Từ Âu Châu, xứ Bỉ thơ mộng xa xôi, mà tôi đã lỗi hẹn với em một lần chưa kịp tới, cho đến Cali. nơi các Thầy Cô và bạn bè tưởng nhớ em tại Chùa Liên Hoa. Rồi ở đây Toronto miền đất lạnh tình nồng mà em đã lưu nhiều dấu ấn. Ở Montreal nơi có nhiều sư huynh sư tỷ đồng môn của em. Cũng như ở quê nhà, xứ
Huế vô cùng thuơng yêu của chúng ta, nơi thầy cô và rất đông bạn bè họp nhau cùng cầu nguyện cho em ở Chùa Thuyền Lâm. Và có thể còn nhiều nơi khác mà tôi không được biết.

Tiểu Sư Muội thân yêu ơi. Từ nay những nỗi đau, những gánh nặng, những khắc khoải về gia đình, về xã hội đã hoàn toàn rời khỏi đôi vai gầy guộc của em. Hãy là con sóc nhỏ vui đùa trên những ngọn thông. Hãy là nốt nhạc vang lên thánh thót trong buổi sáng. Hãy là những giòng thơ viết vội trong những đêm trăng sáng lung linh. Hãy thật sự an nghỉ nghe em. Dù không bao giờ chúng ta còn nghe, còn thấy được nhau nhưng em biết rõ mà, giữa bao nhiêu sóng gió gập ghềnh trắc trở của cuộc sống em đã và mãi mãi có một chỗ đứng trong lòng chúng tôi, trong trái tim của tất cả mọi người có cơ duyên gặp gỡ và quen biết em trong cõi tạm này.

Dù biết nhiều hay ít, quen sơ hay thân, em đã để lại trong chúng tôi nỗi nhớ thuơng sâu đậm nhất. Và chân thành nhất.

Em bỏ đi rồi giữa cuộc chơi,
đóa tinh khôi đứt đoạn nửa đời,
hương Quỳnh vương lại ngàn thuơng tiếc
em chứa chan hoài giữa chúng tôi.

Sông Hương
Toronto, tháng 1, 2001.
Vô cùng thương nhớ Hoàng Ngọc Quỳnh.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Bên Sông - Thơ PhamPhanLang - Nhạc Mộc Thiêng - Ca Sĩ Ngọc Quy


Thơ PhamPhanLang 
Nhạc Mộc Thiêng
Ca Sĩ Ngọc Quy

Nếu Đời Là Thứ Bảy



( Cảm tác từ một ý thơ của Dương Vũ)

Nếu ngày nào cũng là ngày thứ bảy
Anh không phải đợi cuối tuần gặp em
Tờ lịch trên tường không đếm thời gian
Những con số tháng ngày thành vô nghĩa.

Em trả thứ hai về cho quá khứ
Một ngày đầu tuần cuộc sống bon chen
Trả thứ ba đời tẻ nhạt áo cơm
Thứ tư đến chắc gì vui hơn nhỉ?

Trả thứ năm tờ lịch quên chưa xé
Ngày trong tuần sao dài thế anh ơi
Trả thứ sáu cuộc sống mệt mỏi rồi
Em nao nức vì ngày mai thứ bảy.

Không có ngày thường đời vui biết mấy
Cuộc sống này như mây gió thảnh thơi
Quán cà phê ngày nào cũng đông người
Quán nhạc tình rượu đầy ly không cạn.

Ngày vui không tàn thức khuya dậy muộn
Anh bên em không ngại phút chia tay
Rong chơi cuối tuần, không có thứ hai
Thứ bảy anh ơi bao điều ước muốn.

Nhưng một ngày em bỗng thèm trống vắng
Không có anh để em được nhớ anh
Thèm thứ hai để chợt thấy trời xanh
Lòng bình yên sau một ngày làm việc.

Thèm từng ngày lại đi vào nề nếp
Rồi bốn mùa sẽ đi qua đời ta
Không là thứ bảy ngày vẫn nở hoa
Những ngày thường cũng cho ta ân huệ.

Thứ bảy vui nhưng không là tất cả
Anh của em nhưng không cả cuộc đời
Mọi thứ chỉ là tương đối mà thôi
Mơ làm gì nếu đời là thứ bảy.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( Nov.29, 2020)

Trường Can Hành 長 干 行 - Lý Bạch


Trường Can Hành, bài thơ Ngũ ngôn Trường thiên Cổ Phong của Lý Bạch, kể về tình cảnh của một thiếu phụ ở làng Trường Can. Thành ngữ "Thanh Mai Trúc Mã" xuất phát từ bài thơ này, ý nói đôi nam nữ quen biết chơi đùa với nhau từ thuở nhỏ và lớn lên kết thành chồng vợ.

長 干 行           Trường Can Hành 

妾 髮 初 覆 額 Thiếp phát sơ phúc ngạch 
折 花 門 前 劇 Chiết hoa môn tiền kịch 
郎 騎 竹 馬 來 Lang kỵ trúc mã lai 
遶 床 弄 青 梅 Nhiễu sàng lộng thanh mai 
同 居 長 干 裡 Đồng cư Trường Can lý 
兩 小 無 嫌 猜 。 Lưỡng tiểu vô hiềm sai. 
十 四 為 君 婦 Thập tứ vi quân phụ 
羞 顏 未 嘗 開 Tu nhan vị thường khai 
低 頭 向 暗 壁 Đê đầu hướng ám bích 
千 喚 不 一 回。 Thiên hoán bất nhứt hồi. 
十 五 始 展 眉 Thập ngũ thỉ triển mi 
願 同 塵 與 灰 Nguyện đồng trần dữ hôi 
常 存 抱 柱 信 Thường tồn bảo trụ tín 
豈 上 望 夫 臺。 Khởi thượng Vọng phu đài. 
十 六 君 遠 行 Thập lục quân viễn hành 
瞿 塘 灩 澦 堆 Cù Đường Diễm Dự đôi. 
五 月 不 可 觸 Ngũ nguyệt bất khả xúc 
猿 聲 天 上 哀 Viên thanh thiên thượng ai 
門 前 遲 行 跡 Môn tiền trì hành tích 
一 一 生 綠 苔 Nhất nhất sinh lục đài. 
苔 深 不 能 掃。 Đài thâm bất năng tảo. 
落 葉 秋 風 早 Lạc diệp thu phong tảo 
八 月 蝴 蝶 黃 Bát nguyệt hồ điệp hoàng 
雙 飛 西 園 草 Song phi tây viên thảo 
感 此 傷 妾 心 Cảm thử thương thiếp tâm 
坐 愁 紅 顏 老。 Tọa sầu hồng nhan lão. 
早 晚 下 三 巴 Tảo vãn hạ Tam Ba 
預 將 書 報 家 Dự tương thư báo gia. 
相 迎 不 道 遠 Tương nghinh bất đạo viễn 
直 至 長 風 沙 Trực chí Trường Phong Sa.

李白                    Lý Bạch 
***
Trường Can: tên một ngôi làng
Sàng:
♦(Danh) Cái giá (để gác, đặt đồ vật). ◎Như: cầm sàng 琴床 giá đàn, mặc sàng 墨床 giá mực.
♦(Danh) Cái gì trên mặt đất hình như cái giường, gọi là sàng. ◎Như: hà sàng 河床, miêu sàng 苗床, hoa sàng 花床. 
♦(Danh) Bàn, sàn, sạp. ◎Như: thái sàn 菜床 sạp rau, bào sàng 鉋床 bàn máy bào.
♦(Danh) Cái sàn bắc trên giếng để đỡ con quay kéo nước.

Bảo trụ tín: theo chuyện chàng thư sinh Vĩ Sinh có hẹn với một người con gái ở dưới chân cầu, nước lên mà không thấy tới, vẫn ôm chân cầu mà chờ, nên bị chết đuối. 
Vọng Phu Đài: đài trông ngóng chồng, phía nam Trung Châu chừng mười dặm.
Cù Đường, Diễm Dự: hai bãi cát nằm hai bên sông Trường Giang ngay cửa Tam Hiệp
Tam Ba: Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây gọi chung là Tam Ba.
Trường Phong Sa: địa danh xưa, bây giờ là huyện Quý Trì.

Dịch Nghĩa: Khúc Ca Làng Trường Can

Tóc em mới vừa ngang trán
Đang hái hoa chơi trước cửa
Chàng lấy tre giả làm ngựa chạy đến
Chạy quanh sạp gỗ đùa giỡn với nhánh mơ xanh
Cùng sống tại làng Trường Can
Cả hai còn nhỏ nên không hề nghi ngại gì
Mười bốn tuổi đã trở thành vợ của chàng
Nhưng vẫn còn mắc cỡ chưa dám mở lời
Chỉ quay mặt vào vách tối
Gọi cả ngàn lần mà không dám đáp lại một câu
Năm mười lăm tuổi mới mở mày (dạn dĩ vui tươi)
Nguyện cùng cực khổ vẫn có nhau
Mãi luôn giữ lời không thay đổi (Bão trụ tín)
Chẳng ngại lên đài Vọng Phu để ngóng đợi chàng
Thiếp mười sáu tuổi thì chàng đi xa
Đến tận Cù Đường Diễm Dự
Tháng năm không thể đến đó được
Tiếng vượn kêu nghe buồn cả trời cao
Trước cửa vẫn còn lưu lại dấu chân
Đâu đâu rêu xanh cũng đã phủ đầy
Rêu dầy đến đổi không thể quét sạch
Gió thu đến sớm lá cũng bắt đầu rơi rụng
Tháng tám những con bướm vàng bay về
Chúng bay từng cặp nơi vườn mọc toàn là cỏ ở phía tây
Nhìn thấy thế lòng càng thêm đau
Ngồi buồn càng lo cho nhan sắc mau già
Một sớm hay chiều nào chàng có về Tam Ba
Có thể viết thư về nhà
Thiếp sẽ đón mà chẳng ngại đường xa
Dù có đi thẳng đến Trường Phong Sa.

Dịch Thơ:

Trường Can Hành

Ngang trán tóc em vừa
Hái hoa chơi trước cửa
Ngựa tre chàng đến nơi
Đùa mai quanh sạp ván
Mình chung xóm Trường Can
Còn bé chẳng ngại ngùng.
Mười bốn nên chồng vợ
Nên hãy còn mắc cỡ
Thường quay vào vách tối
Gọi mấy cũng im hơi.
Mười lăm thiếp tươi mày
Khổ mấy cũng chẳng thay
Một lòng bền son sắt
Dù đến Vọng Phu Đài.
Năm sau chàng lên đường
Cù Diễm cách người thương
Tháng năm không thể tới
Vượn kêu thảm ngất trời
Trước sân còn dấu cũ
Khắp nơi rêu che phủ
Quét sao sạch rêu xanh
Thu về lá rụng nhanh
Tháng tám bướm bay về
Vườn cỏ từng đôi kề
Nhìn cảnh dạ thiếp đau
Buồn nhan sắc tàn mau.
Bao giờ đến Tam Ba
Nhớ viết thư về nhà
Gặp chàng thiếp nào ngại
Dẫu tận Trường Phong Sa.

Quên Đi
***

Trường Can Hành 
Ngũ ngôn Cổ phong Nhạc phủ : 李白 Lý Bạch 

*Chú Thích: 

- Trường Can: Tên một làng, nay thuộc huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô. HÀNH là tên một khúc hát trong Nhạc phủ như CA, KHÚC, HÀNH … Nên TRƯỜNG CAN HÀNH là Khúc hát xứ Trường Can. Ngoài bài nầy của Lý Bạch ra, ta còn có 2 bài TRƯỜNG CAN HÀNH ngũ ngôn tuyệt cú nhạc phủ cũng rất nổi tiếng của Thôi Hiệu ( Mời đọc Đường Thi Tuyển Độc I, bài 21 ). 
- Phúc Ngạch: Phúc là Đậy, Ngạch là Trán; nên Phúc Ngạch là Phủ trán. 
- Kịch: không phải là Kịch nghệ, ở đây có nghĩa là Chơi Đùa. 
- Hiềm Sai: là Nghi Ngại. Vô Hiềm Sai là Không nghi ngại gì cả, rất vô tư. 
- Triển Mi: là Mở mày. Ta hay nói là Mở Mày Mở Mặt, ý chỉ Mặt Mũi đã trưởng thành, đã đẹp đẽ. Mở Mày Mở Mặt trong tiếng Việt ta còn dùng để chỉ Vui Vẻ hân hoan vì Hãnh Diện bởi việc gì đó. 
- Nguyện Đồng Trần Dữ Hôi : là Nguyện cùng tro cùng bụi, ý muốn nói là Sẽ Đồng cam cộng khổ với nhau. - Bão Trụ Tín : là theo Thành ngữ : BẢO TRỤ CHI TÍN抱柱之信 là Cái Uy Tín Về Việc Ôm Cột ( Cầu ). Theo sách TRANG TỬ : VĨ SINH hẹn với cô gái ở dưới trụ cầu. Khi nước lớn, cô gái không đến, VĨ SINH ôm lấy cột cầu "chịu trận" mà chết. Si tình đến thế là cùng ! 
Vọng Phu Đài : là Đài Trông Chồng, ở cách Nam Huyện của tỉnh Tứ Xuyên hai ba chục dặm. Tương truyền là nơi của Tôn Phu Nhân đứng để ngóng trông Lưu Bị, khi Bị đã chết ở Bạch Đế Thành 
- Cù Đường: Tên một bến nước, ở phía thành đông của Quỳ Châu Phủ, tên cũ là Tây Lăng Giáp, là cửa ngỏ ra vào của Tam Giáp, hai bên vách đá dựng đứng giữa dòng Trường Giang. 
- Hành Tích: là Dấu tích của bước chân đã đi qua. Là Dấu Giày. 
- Tam Ba: là Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây, hợp xưng là Tam Ba. 
- Trường Phong Sa : là địa danh, nay thuộc huyện Qúy Trì, tỉnh An Huy. 

* Nghĩa Bài Thơ: 

Khúc Hát Xứ Trường Can

Khi tóc của thiếp vừa phủ lưa thưa xuống trán, đang hái hoa chơi đùa phía trước cửa, thì chàng cởi ngựa tre chạy đến, chạy vòng quanh miệng giếng để ngắt ghẹo cành mai xanh. Chúng ta cùng lớn lên ở xứ Trường Can, hai đứa trẻ cùng ngây thơ trong trắng không úy kỵ gì cả ! Nhưng… Mười bốn tuổi thiếp đã về làm vợ chàng rồi, mà vẫn còn rất thẹn thùng bẽn lẽn, chỉ cúi đầu nằm xây mặt vào vách, chàng gọi trăm ngàn lần vẫn không quay đầu lại. Đến mười lăm tuổi mới mở mặt mở mày ra nguyện cùng chàng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, và quyết một lòng chung thủy với chàng (bảo trụ tín) cho dù phải lên Vọng Phu Đài để trông ngóng chồng về. Mười sáu tuổi chàng lại phải đi xa đến tận xứ Cù Đường hiểm trở. 
Giữa tháng năm mùa hè nóng nực, tiếng vượn hú vang mãi tận trời xanh. Những dấu chân của thiếp khi đưa tiễn chàng trước cửa đều đã nổi rêu xanh, rêu dầy đến nỗi thiếp cố quét nhưng vẫn không đi. Lá rụng theo làn gió thu sớm thổi, những con bướm tháng tám đã vàng vọt, nhưng vẫn bay song đôi trong vườn tây đầy cỏ, làm cho thiếp cảm thấy thương tâm cho thân phận lẻ loi, ngồi đây mà sầu não cho cái nhan sắc sớm già nua của mình ! Nếu trong một sớm tối nào đó mà chàng về đến xứ Tam Ba, hãy viết thư về nhà báo cho thiếp biết trước, thiếp sẽ chẳng nệ đường xa mà đi đón chàng dù cho phải trực chỉ đến tận Trường Phong Sa! 

*Diễn Nôm: 

Khúc Hát Trường Can 

Khi tóc thiếp mới vừa phủ trán, 
Bẻ hoa chơi lảng vảng trước sân. 
Ngựa tre chàng cưỡi đến gần, 
Chạy quanh bờ giếng ghẹo cành mai xanh. 
Xứ Trường Can em anh cư trú, 
Hai bé con vẫn cứ thơ ngây, 
Mười bốn làm vợ chàng ngay, 
Thẹn thùa chưa biết mảy mai chuyện tình. 
Cứ quay đầu mặt nhìn vào vách, 
Gọi ngàn lần… nhìn vách làm thinh. 
Mười lăm mới đắm đuối tình, 
Nguyện cùng lên thác xuống ghềnh có nhau ! 
Như Vĩ Sinh ôm cầu giữ hẹn, 
Nào phải cần thẹn đá vọng phu. 
Mười sáu chàng phải viễn du, 
Cù Đường non nước mịt mù xa xôi. 
Trời tháng năm tơi bời nóng bức, 
Tiếng vượn buồn thổn thức mây xanh. 
Dấu giày đưa tiễn bước anh, 
Giờ đà đã phủ rêu xanh mất rồi ! 
Rêu xanh phủ ngậm ngùi khôn quét, 
Lá vàng rơi gió rét thu sang. 
Trung thu tháng tám bướm vàng, 
Song song đôi lứa bay sang vườn đoài. 
Thấy đôi bướm ai hoài lòng thiếp, 
Hồng nhan sầu ai biết già mau. 
Sớm chiều mơ ước bên nhau, 
Nếu thư chàng báo về mau lại nhà, 
Thiếp sẽ chẳng nề hà đường xá, 
Nguyện vượt ngàn đến xứ Tam Ba. 
Thẳng dong tận Trường Phong Sa, 
Đón chàng về lại quê nhà đoàn viên! 

Nhưng đó chỉ là mơ ước của nàng thiếu phụ trông chồng mà thôi, chứ thực tế thì … vẫn biền biệt bặt vô âm tín, không biết chàng đang ở nơi nao và khi nào thì mới về quê như trong bài XUÂN TỨ cũng của Lý Bạch là: 

當君懷歸日. Đương quân hoài quy nhật, 
是妾斷腸時 ! Thị thiếp đoạn trường thì! 
Có nghĩa: 
Khi chàng nhớ trở lại nhà,
Là khi lòng thiếp xót xa đoạn trường! 

Đỗ Chiêu Đức

***
Trường Can Hành

Tóc lòa xòa chấm trán
Ngoài cổng đang hái hoa
Chàng lấy tre giả ngựa
Chạy quanh sạp đùa mai
Cùng sống tại Trường An
Cả hai đều trẻ dại
Mười bốn tuổi thành thân
Tuy gần lời ngại tỏ
Em thẹn thùng giấu mặt
Ngàn tiếng gọi vẫn im
Đến mười lăm thì đã
Vui cộng khổ bên nhau
Trước sau nguyền chung thủy
Dẫu đến Vọng Phu Đài
Mười sáu chàng lại đi
Tận Cù Đường Diễm Dự
Tháng Năm chẳng thể tới
Tiếng vượn buồn ngất trời
Trước cửa dấu chân in
Nhìn quanh rêu phủ đầy
Làm sao quét sạch đây
Thu chớm về lá rơi
Đàn bướm trời tháng Tám
Vườn cỏ vờn từng đôi
Cảnh ấy ôi não lòng
Lo nhan sắc chóng già
Khi nào tới Tam Ba
Nhớ thư về báo tin
Ngại gì đường diệu vợi
Dẫu đến tận Phong Sa

Kim Phượng

Thu Vẫn Nồng


Xướng:

Thu Vẫn Nồng?

Thăm thẳm trời xanh điểm lá vàng
Thoáng mùi hương ngát báo mùa sang
Mang theo kỷ niệm về bên ngõ
Nhắc nhở tình xưa đến với chàng.
 
Thoảng thoảng gió thu trong nắng hồng
Gió về từ bắc, nắng từ đông
Lạnh vừa cánh áo anh thân tặng
Ấm đủ tình yêu em ước mong.

Anh Tú
October 14, 2020
***
Họa:

Anh Ở Bờ Tây Em Phía Đông

Trời xanh mây trắng cúc phơi vàng
Thơm ngát mùi hương thạch thảo sang
Tâm trạng trở về vừa chạm ngõ
Tình yêu ngày ấy đến bên chàng.

Gió Thu phơi phới nắng phai hồng
Anh ở bờ Tây, em phía Đông
Có phải gió về anh gởi tặng
Cho người yêu nhỏ thỏa chờ mong?!..


Dương hồng Thủy
15/10/2020

The Daffodils (William Wordsworth) - Thủy Tiên

 

The Daffodils – William Wordsworth Thơ dịch: Hoa Thủy Tiên

I wandered lonely as a cloud Lang thang như một làn mây
That floats on high o'er vales and hills, Nổi trôi trên đỉnh rừng cây lũng đồi
When all at once I saw a crow Ô kià! họ đón chờ tôi
A host, of golden daffodils; Một vùng vàng ối ngập trời dã tiên
Beside the lake, beneath the trees, Bên hồ xoè cánh rung rinh
Fluttering and dancing in the breeze Êm đềm nhảy múa dưới tàng lá tươi .

Continuous as the stars that shine Triền miên như thể sao trời
And twinkle on the milky way,                 Lấp la lấp lánh tựa nơi Ngân hà
They stretched in never-ending line Trải dài vô tận bao la
Along the margin of a bay:    Dọc theo vịnh biển xa xa nối hàng        
Ten thousand saw I at a glance, Trông ra mút mắt cả ngàn
Tossing their heads in sprightly dance. Ngẩng đầu trong khúc nghê thường thướt tha.                                  
The waves beside them danced; but they Kề bên sóng bạc nhấp nhô
Out-did the sparkling waves in glee: Nhưng sao sánh được vẻ hoa rỡ ràng
A poet could not but be gay, Đã mang cái nghiệp thi nhân
In such a jocund company: Gì vui hơn được đồng hành với hoa
I gazed--and gazed--but little thought Đăm đăm ngắm, nghĩ vẩn vơ
What wealth the show to me had brought: Cảnh kia đã giúp thăng hoa được gì:

For oft, when on my couch I lie Leo giường nằm có nhiều khi
In vacant or in pensive mood, Tâm hồn trống rỗng, lúc thì trầm tư
They flash upon that inward eye Tự nơi đáy mắt lóe ra
Which is the bliss of solitude; Từ niềm cô độc chan hoà nỗi vui
And then my heart with pleasure fills, Lòng tôi sung sướng tràn đầy
And dances with the daffodils. Cùng Dã tiên nhảy miệt mài hoan ca.

William Wordsworth                                 Hoàng Xuân Thảo

***   
Một Vài Cảm Nhận Về Bài Thơ “Hoa Tủy Tiên”  
 Viên Hy

Tôi không biết đích xác như thế nào và khi nào tôi bắt đầu đem lòng yêu thích thơ ca. Chắc hẳn những hat giống cho tình yêu Worsdsworth và Byron… đã được gieo trong những ngày của đời sinh viên của tôi.

“Hoa Thủy Tiên”
là một trong những bài thơ hay nhất mà cô Huệ đã giới thiệu cho chúng tôi. Ba năm đã trôi qua, và bài thơ vẫn còn ở trong tâm trí tôi kể từ buổi sáng mà cô đọc cho chúng tôi trong giờ Văn học Anh. Bài thơ để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Thật đáng tiếc nếu không giới thiệu bài thơ này đến bạn đọc yêu thơ

“Hoa Thuỷ Tiên” còn được biết đến với tên khác “Tôi Phiêu Du Như Áng Mây Trôi” là một bài thơ nổi tiếng được William Wordsworth sáng tác năm 1804. Đây là một trong những bài được yêu thích nhất của thời kỳ văn học lãng mạn, thể hiện hứng thú, tình yêu, và chiêm ngưỡng của nhà thơ trước một cánh đồng rực rỡ Thủy tiên vàng.
Bài thơ được lấy cảm hứng từ một sự kiện xảy ra ngày 15 tháng Tư năm 1802, khi Wordsworth cùng chị gái mình, Dorothy, tình cờ nhìn thấy một thảm hoa Thủy tiên nhân một cuộc dạo chơi gần hồ Ullswater. Bài thơ được giới thiệu lần đầu tiên năm 1807, và được tái bản năm 1815.

Như đám mây phiêu diêu đơn độc
Trôi bồng bềnh trên thung lũng, núi đồi
Ồ phía dưới trải dài khắp muôn nơi
Hoa Thuỷ tiên nở vàng rực rỡ
Bên bờ hồ, và bên dưới tán cây
Cùng thổi sáo, khiêu vũ với gió nhẹ
Và cứ thế như sao trời toả sáng
Lấp lánh trên dòng sông Ngân bạt ngàn
Hoa trải dài xa tít tắp muôn nơi
Và bất chợt, bên bờ hồ tôi thấy
Mười nghìn hoa Thuỷ tiên vàng khoe sắc
Uốn mình theo điệu vũ luân sống động
Bên Thuỷ tiên, từng con sóng nhảy múa
Thủy tiên càng toả sáng trong hân hoan
Một bài thơ không thể tả hết lời
Nhưng niềm vui bên bạn bè – có thể
Tôi ngắm nhìn và rồi chợt nghĩ đến
Điều tuyệt vời bên Thủy tiên đem lại
Và mỗi tối khi nằm trên trường kỷ
Khi lơ đãng hay lúc trầm tư
Thuỷ tiên lại hiện về trong tâm trí
Đó chính là niềm vui trong cô đơn
Và khi ấy tim tôi tràn cảm xúc
Nhảy múa cùng những đoá Thuỷ tiên xinh.

Đọc những khổ thơ đầu tiên, ta có thể cảm nhận được khoảng thời gian và không gian William viết bài thơ “Hoa Thủy Tiên” này. Cảm hứng bài thơ có thể từ một lần dạo chơi cùng người chị gái Dorothy bên hồ Ullswater.

“Như đám mây phiêu diêu trong đơn độc
Trôi bồng bềnh trên thung lũng, núi đồi….
…..Bên bờ hồ, phía dưới những tán cây”


Khi đang thơ thẩn trong rừng và ngắm nhìn cảnh đẹp tuyệt quanh mình, chợt người thi sĩ nhìn thấy một thảm hoa Thuỷ tiên vàng cạnh hồ nước. Hoa Thuỷ tiên đẹp đến nỗi nhà thơ phải đứng lại ngắm nhìn nhứng đóa hoa này hòa mình trong gió.

Chị gái William, Dorothy, sau này đã ghi lại trong nhật ký như một gợi nhớ rằng: “Tôi chưa từng thấy những đoá hoa Thuỷ tiên nào đẹp đến vậy. Chúng mọc xen kẽ nhau giữa những tảng đá phủ đầy rêu, một vài bông hoa ngả cánh lên những phiến đá ấy như thể đang tựa đầu vào gối để xua đi sự mệt mỏi, những đóa khác thì tung mình uốn lượn, nhảy múa như thể chúng cười đùa với những cơn gió thoảng trên mặt hồ, những bông hoa trông thật vui vẻ, cứ mãi nhảy múa, cứ mãi rập rờn…”

Những bông Thuỷ tiên ấy thật là rực rỡ và nhiều biết bao! Cũng có thể đây là lần đầu tiên nhà thơ bắt gặp một cánh đồng hoa Thuỷ tiên rộng thênh thang, trải dài theo bờ hồ đến vậy. Thật không thể đếm nổi bao nhiêu bông hoa, nhưng tác giả vẫn cảm nhận được thảm hoa ấy trải dài bất tận phía chân trời xa.

“Và bất chợt, bên bờ hồ tôi thấy
Mười nghìn hoa Thuỷ tiên vàng khoe sắc
(Cường điệu hoá)
Uốn mình theo điệu vũ luân sống động”

Phép so sánh và ẩn dụ cũng được tác giả sử dụng thật tinh tế, và chẳng khó cho ta tìm thấy trong bài thơ này. Những bông Thuỷ tiên vàng được ví như những vì sao toả sáng lấp lánh trên dải ngân hà, đắm mình trong vũ điệu hạnh phúc.

” Và cứ thế như sao trời toả sáng
Lấp lánh trên dòng sông Ngân bạt ngàn”
(phép so sánh)

Dẫu những con sóng lóng lánh/bạc đầu của mặt hồ khiêu vũ đã đẹp rồi, nhưng dường như hoa Thuỷ tiên còn tuyệt hơn thế nữa, trong niềm hân hoan của mình,

“Bên Thuỷ tiên, từng con sóng nhảy múa
Thủy tiên càng toả sáng trong hân hoan” (sự so sánh và nhân hoá)

Thi nhân cũng cảm thấy thật hạnh phúc và dễ chịu khi ngắm nhìn những đóa thuỷ tiên vàng hàm tiếu dưới ánh nắng mai, và gạt nỗi trống trải sang một bên để hoà mình vào cảnh đẹp. Với nhà thơ, vẻ đẹp của hoa Thuỷ tiên là một món quà tuyệt vời và không có tài sản nào tuyệt vời bằng món quà mà Chúa đã ban tặng cho:

Tôi ngắm nhìn và rồi chợt nghĩ đến
Điều tuyệt vời bên Thủy tiên đem lại

Khi miêu tả những bông hoa thuỷ tiên, William đã sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ và chính những biện pháp này giúp chúng giúp ta hiểu sâu hơn về bức tranh rực rỡ mà tác giả phác họa cũng như cách nhà thơ giao tiếp/hòa mình với thiên nhiên

“Như đám mây phiêu diêu trong đơn độc
Trôi bồng bềnh trên thung lũng, núi đồi”
(So sánh)

Cùng thổi sáo, khiêu vũ với gió nhẹ (nhân hoá)

“Bên Thuỷ tiên, từng con sóng nhảy múa
Thủy tiên càng toả sáng trong hân hoan”
(so sánh/nhân hoá)

Qua những bông hoa Thuỷ tiên được nhân cách hóa, ta có thể nhận ra rằng thiên nhiên mang tâm hồn riêng của mình. William đã thoát ra khỏi tâm hồn và đặt mình vào một trạng thái cao hơn, nơi mà ở đó hồn thiên nhiên và hồn người như được hòa quyện vào nhau. Dường như là, nhà thơ cảm thấy mê hồn bởi quá nhiều bông hoa Thuỷ tiên quanh mình và không có giới hạn nào giữa tầm nhìn của nhà thơ với thảm hoa vàng rực rỡ đấy.
Nhiều năm về sau, vẻ đẹp của hoa Thuỷ tiên vẫn ám ảnh William. Dẫu cho có cảm thấy trống vắng hay trầm tư, nhưng hình ảnh của hoa Thuỷ tiên vẫn hiện lên trong tâm trí và loé sáng trong con mắt tâm tưởng nhà thơ.
Cô đơn phiền muộn dường như tan biến, rồi nhà thơ trở nên khao khát múôn được khiêu vũ cùng với Thuỷ tiên vàng

Thuỷ tiên lại hiện về trong tâm trí
Đó chính là niềm vui trong cô đơn!”
(phép nghịch hợp)

Ký ức về hoa thuỷ tiên đã khắc sâu trong tâm trí và tâm hồn nhà thơ và mãi mãi được ấp ủ. Khi cảm thấy cô đơn, buồn bã hay tuyệt vọng/chán chường, tác giả lại nghĩ đến hoa thuỷ tiên và cảm thấy vui trở lại
 Những bông hoa ấy dường như hiện lên trước mắt ông, rộng mênh mông. Nỗi cô đơn và phiền muộn dường như tan biến, và nhà thơ lại muốn nhảy múa cùng những đóa thủy tiên.

“Và khi ấy tim tôi tràn cảm xúc
Nhảy múa cùng những đoá thuỷ tiên xinh.”

Tác động trọn vẹn của vẻ đẹp của hoa Thuỷ tiên (tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên) thực ra không gây ấn tượng với thi sĩ ngay khoảnh khắc nhìn thấy chúng, khi ông ngắm nhìn sững sờ, mà là những lúc tác giả ngồi một mình, cô đơn và nhớ về hoa Thủy tiên. Nhờ khổ thơ cuối, ta có thể hiểu lý do William viết nên bài thơ này. Ấn tượng về hoa Thủy tiên sẽ không phai mờ trong tâm trí, và đấy cũng là một thôi thúc tuyệt vời đối với nhà thơ.

Và mỗi tối khi nằm trên trường kỷ
Khi lơ đãng hay lúc trầm tư
Thuỷ tiên lại hiện về trong tâm trí

Có thể thấy rằng tâm trạng của William đang thay đổi một cách nhẹ nhàng. Dù không còn thấy cô đơn nữa, nhưng nhà thơ vẫn nghĩ rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn nếu tạo ra sự tương phản giữa người lữ hành cô đơn với những đoá hoa thuỷ tiên hạnh phúc. Biện pháp đơn giản nhưng đầy hiệu quả này dường như có tác động lớn đến chúng ta, và mỗi khi đọc bài thơ, ta có thể cảm nhận vẻ đẹp hài hoà của nhà thơ và thảm thuỷ tiên vàng; và tận hưởng vẻ rực rỡ đấy.

Bài thơ giúp ta nhận ra tình yêu và lòng ngưỡng mộ mà William dành cho thiên nhiên phong phú và sâu đậm biết dường nào. Nhà thơ kêu gọi ta hãy trở về và tận hưởng thiên nhiên. Hơn nữa, ở một mức độ nào đấy, William giúp ta nhận thấy rằng những gì chúng ta cảm nhận về vẻ đẹp của những bông hoa thuỷ tiên vàng chính là cách những bông hoa nói chuyện với chúng ta, bằng chính tâm hồn mình. Với riêng tôi, bài thơ đã chạm vào cõi sâu thẳm trong hồn tôi

Viên Hy