Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Thơ Tranh: Từ Khi Nghèo Tình

 

Thơ & Thơ Tranh: Ý Nga


Ta Chiều

 
(Pháp Viện Minh Đăng Quang, Thàng Phó Tampa, Florida - Mặc Phương Tử)

Lưng trời mây trắng nổi
Dòng đời mộng gió sương. 
Đá mòn chân ngựa mỏi, 
Ta chiều nhớ cố hương. 

Mặc Phương Tử 

Biển Vắng

Biển Vắng

Rồi chiều nay tôi lại về với biển
Mây nước buồn xao xuyến cả hồn tôi
Gió mênh mang...lòng bổng chợt bồi hồi
Bao ký ức xa xôi bừng sống lại...

Dòng đời trôi đã xa rồi mãi mãi
Sao vẫn còn khắc khoải chuyện vời xa?
Nhớ làm sao những chiều ánh dương tà
Vai gánh nặng đường xa về xóm nhỏ...

Nhớ những đêm nhìn ánh trăng mờ tỏ
Con thuyền nào chốn đó vượt biển khơi
Nhớ mênh mang những kỷ niệm xa vời
Mà năm tháng dòng đời dần quên lãng

Nỗi buồn nào đã bao đêm trút cạn
Gởi gió mây về bạn chốn trời xa...
Đời vẫn trôi...theo con sóng nhạt nhòa
Nhìn sóng vỗ, thiết tha từng kỷ niệm...

Chiều vẫn trôi hoàng hôn loang sắc tim
Biển vắng buồn...hoài niệm bóng thời gian...
Tôi ngồi đây nhìn sóng vỗ nhịp nhàng
Âm thanh đó...mơ màng như biển hát..!

Bạc Liêu/13/10/2020
Hồng Vân
***
Nhớ Biển Bạc Liêu

Đọc Biển Vắng tôi lại càng nhớ biển,
Biển Bạc Liêu còn chiếm ngự tim tôi!
Sóng miên mang nghe tiềm thức tưởng hồi,
Bên “vườn nhản” hình ảnh xưa tìm lại…

Ôi quê hương muôn đời luôn sống mãi,
Trong tim người ly xứ giữa trời xa!
Nào hoàng hôn rồi đêm sáng ánh trăng tà,
Bạc Liêu hỡi tiếng đàn kìm vang xóm nhỏ…

Ai luyến lưu trong màn đêm trăng vừa tỏ,
Tung mái chèo nhẹ lướt sóng ra khơi.
Rời quê hương tìm cuộc sống dẫu xa vời,
Kỷ niệm đó suốt đời không quên lãng!

Giờ nơi đây tưởng hồn tôi đã cạn…
Đã cạn rồi… theo kiếp sống phương xa…
Thế mà không, hồn non nước chói loà…
Từng giây phút hiện về bao kỷ niệm!

Bạc Liêu ơi ! nhớ chiều mây vương sắc tím,
Nhớ “cầu quay” đà lịm bóng thời gian…
Nhớ biển xanh cơn gió thổi nhẹ nhàng…
Bạc liêu hỡi… ta chừng nghe lời biển hát!

(Georgia, USD 31-10-2020)
Liêu Xuyên
***
Quê Ta...”Nhớ Biển”

Quê hương đó nhớ hoài ra biển
Kỷ niệm buồn xao xuyến, bạn tôi...
Vẫn nhớ tình yêu luôn bất biến
Trái tim côi, nhịp đập liên hồi


Thời gian đã trả lời em mãi
Khắc khoải ưu tư sống cách xa
Mộng ước bên nhau tình thoải mái
Cùng đan tay dạo dưới trăng tà

Ta cùng ngắm những đêm sao tỏ
Sóng nhấp nhô thuyền biển lặng khơi
Ta nhớ lại thời gian ở đó
Tình mây nước cũng thật cao vời

Bao đêm trằn trọc lời chưa cạn
Vẫn nhớ hoài hy vọng chốn xa
Mà tiếc nuối còn thương tưởng bạn
Lời ta hứa hẹn chẳng phai nhoà

Chiều thu tím nhẹ loang màu nhạt
Ta nhớ em tình chẳng dối gian
Nghe sóng âm vang như tiếng hát
Ngồi im mà cảm giác thanh nhàn...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 06/11/2020
***
Một Ngày Với Biển

Đừng quên em nhé! một ngày với biển
Thời gian trôi vẫn mãi em và tôi
Bờ cát trắng sóng vỗ đập từng hồi
Như nhịp tim đôi ta cùng hòa lại...

Đôi bàn tay còn xiết chặc luôn mãi
Để nhớ hoài hơi ấm nắng vàng xa
Của trời chiều hai ta bóng xoảy tà
Lúc vươn dài lúc co ro điểm nhỏ

Ngỡ trong mơ thầm lặng em muốn tỏ
Ước gì hôm đó mình vượt ra khơi
Bỏ sau lưng quá khứ chẳng tuyệt vời
Vớí bao la tương lai dù phiêu lãng

Nhớ đó em biển không hề kiệt cạn
Và tình ta sẽ mãi cứ vươn xa
Đời còn đó dẫu dấu chân xóa nhòa
Và quá khứ mang dung nhan hoài niệm

Một mai cô đơn ngồi nhìn mây tím
Thôi cam đành duyên số ai dối gian
Trời cao xa cánh chim vỗ nhẹ nhàng
Biển vẫn đó sóng lòng buồn tiếng hát...

Hải Rừng
Vũng Tàu, 7/11/2020

***
Biển Mặn

Ngồi lặng hẫng giờ nhìn làn nước biển
Bầy hải âu bay lượn khiến lòng tôi ....
Sóng dâng cao cuồn cuộn tiếp liên hồi
Đêm di tản năm nào ngùi nhớ lại

Chú cá con* êm đềm rời xa mãi
Giữa đêm đen lặng lẽ bóng trăng tà
Đưa tốp người...với ước vọng bay xa
Nên đành phải bôn ba rời thôn nhỏ

Thuyền lênh đênh dưới ánh sao không tỏ
Sóng chập chùng,gió lạnh giữa ngàn khơi
Nỗi cô đơn với cảm giác vợi vời
Mai sẽ sống cuộc đời đầy phiêu lãng...

Trong sâu thẳm nổi buồn nầy khó cạn
Bởi vì đâu đất mẹ phải lìa xa
Với niềm đau ray rứt mãi khôn nhoà
Biển và tôi hằn sâu trong hoài niệm

Chân trời xa loang màu mây tim tím
Ánh hoàng hôn chìm đắm cõi không gian
Thuyền vẫn đi trong con nước nhẹ nhàng
Nghe trong đó mơ màng hồn biển mặn

songquang
20201107
* chú cá còn yếu nói thuyền nhỏ (taxi) đưa ra thuyền lớn đậu ngoài khơi

Đóa Sen



Đóa sen phô màu thắm
Bên mầu lá cũ càng
Như hồn xuân còn đó
Giữa chiều thu mênh mang

Dù mưa còn giăng mắc
Hoa thắm vẫn nhởn nhơ
Cánh hồng soi đáy nước
Vẫn đẹp như bao giờ

Locphuc

Hải Đảo Haiti Và Tôi


Người Việt chúng mình ở Montreal thường gặp cộng đồng da đen ở thành phố này. Nếu gặp người da đen ở Montreal, từ người lái taxi cho đến cô y tá hoặc cảnh sát viên, thì xác suất đúng đến 90% đó là người Haiti. Bà Toàn Quyền xứ Canada tên là Michaelle Jean cũng là người nhập cư từ Haiti đó !. Montreal có hơn trăm ngàn người từ Haiti di cư đến trước cả cao trào người Việt tới đây giữa thập niên 70 trong khi người mình chỉ chiếm chừng 40 ngàn người.

Riêng người viết bài này cũng đã từng ở xứ đó đến 5 năm, từ 1976 đến cuối 1981, vì có làm chuyên viên nông nghiệp cho chính phủ Canada trong một dự án phát triển tại hải đảo Haiti và dự án có tên gọi là DRIPP, viết tắt Développement régional intégré Petit Goave-Petit Trou de Nippes. Hải đảo Haiti nằm trong quần đảo Caraibes. Nhưng hãy trở lại hàng chục năm về trước, lúc đó vào thời đệ nhị thế chiến tôi còn là học sinh truờng tiểu học tại một miền gò đồi miền Trung tại đó địa hình na ná giống như miền gò đồi của Quảng Nam, Quảng Tín như Đại Lộc, Quế Sơn, Trà Mi là những nơi tôi cũng đã từng đi qua đó nhiều lần sau này. Còn các con sông quê tôi thì cũng na ná như các dòng sông Tranh, sông Thu Bồn, hiền hoà vào mùa nắng nhưng cũng gây nhiều tai ương khi mưa lũ. 

Cũng như các vùng quê hồi đó, nghĩa là các năm 1940, 1941, hoàn cảnh học hành chúng tôi rất khó khăn . Chúng tôi đi học không guốc không giày. Rất ít nhà gạch. 

Khí hậu vùng quê tôi thì khắc nghiệt: mùa hè gió Lào thổi nóng khô đất, khô cây; mùa đông, gió lạnh rin rít chưa kể lụt lội . Bệnh tật thì sốt rét hoành hoành, vì lúc đó, không có thuốc thang.

Từ đồng bằng miền Trung với 'cái nắng gay gắt làm mắt nguời cay qúa' , mùa đông co ro bên bếp lửa của thời thơ ấu, ăn cơm trộn với khoai, bắp vì thiếu gạo, thì hơn 30 năm sau đó, tôi có dịp đi làm chuyên viên nông nghiệp ở hải đảo Haiti, nằm trong quần đảo Caraibes .

Quần đảo này gồm nhiều đảo rải rác, có đảo lớn như đảo Haiti, Cuba, Jamaica; có đảo nhỏ như Puerto Rico, Guadeloupe, Martinique. Có đảo độc lập từ lâu (Dominican Republic, Haiti, Cuba ), có đảo độc lập mới gần đây, cách đây vài chục năm (Jamaica, Barbados). Có đảo thuộc Anh như Antigua; có đảo thuộc Pháp như Guadeloupe, Martinique; có đảo vừa thuộc Pháp, vừa Hoà Lan như St Marteens; có đảo thuộc Mỹ như Puerto-Rico.

Địa lý

Hải đảo Haiti không xa Cuba bao nhiêu. Đây là một hải đảo khá rộng, nhưng thuộc hai nước khác nhau: một nước có tên là Haiti với người da đen, nói tếng créole, nhưng ngôn ngữ chính thức là Pháp ngữ còn nước kia có tên là Dominican Republic, nói tiếng Spanish.

Diện tích toàn đảo này là 77 253 km2 (Viet Nam là 330 000km2) và riêng xứ Haiti có diện tích 27 750 km2 với trên 7 triệu dân còn Dominican Republic bên cạnh lớn hơn (48 730 km2). Bài này chỉ đề cập đến Haiti là nơi tôi có dịp làm việc ở lại khá lâu tại đó

Haiti có thủ đô là Port au Prince và dân số toàn xứ Haiti hiện nay chừng 8 triệu dân. Các thành phố quan trọng có tên là Cap Haitien, Gonaives, Cayes. Tài nguyên chỉ có vài đồng bằng ven biển còn phần lớn là núi non. Các núi này trước kia rừng bạt ngàn, nhưng nay đồi trọc.

 


Lịch sử 

Kha Luân Bố do nữ hoàng Tây Ban Nha gửi đi với mục đích tìm một đường khác qua Á Châu bằng cách đi về phía Tây trên Đại Tây Dương. 2 tháng sau đó, đoàn thám hiểm khám phá đảo này vào năm 1492, thấy đảo này đẹp qúa nên đặt tên là Hispaniola, nghĩa là Tiểu Tây Ban Nha. Lúc đó, cư dân đầu tiên là người thổ dân Arawak. Kha Luân Bố đi đi lại lại giữa Tây Ban Nha và vùng này nhiều lần . Ngay sau năm 1492, Kha Luân Bố trở lại đây năm 1493 với 17 chiến thuyền và 1500 người, đem theo nào bò, ngựa, nào hạt giống, gà vịt để khai phá trồng trọt .

Nhưng chỉ không đầy 50 năm sau khi người Tây Ban Nha qua di dân tới đây thì đem theo bệnh mà người Arawak không chống cự được nên chết rất nhiều ; mặt khác, họ bắt dân này đào tìm vàng, rất khó nhọc, nên thổ dân chết hết. Ngày nay, không còn dân Arawak nữa.. Sau này khi nhân công thổ dân chết dần vì làm việc kham khổ, thì người nô lệ da đen mới đến. Pháp, Tây Ban Nha, Anh đến các bờ biển Tây Phi châu săn bắt dân đen, đem lên thuyền buồm (dạo đó, chưa có động cơ hơi nước, chứ làm gì có động cơ máy Diesel như ngày nay) và đưa đến vùng này trồng mía, trồng bông vải để cung cấp nguyên liệu cho các xứ thực dân. Trong các chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đó, người Phi Châu chết rất nhiều vì đói khát trên tàu; số sống sót làm nông dân nô lệ cho các chủ đồn điền Pháp. Có một dạo, dân nô lệ da đen nổi dậy và đuổi được Pháp sau cuộc cách mạng tại Pháp năm 1789.Họ sợ Pháp thế nào cũng trở lại nên ra sức xây một cái pháo đài rất kiên cố trên đỉnh núi gần Cap Haitien. Những tảng đá đồ sộ do sức người tải lên chót vót núi để xây. Đây có thể nói là kỳ quan thứ 8 của thế giới; các du khách từ các du thuyền khi ghé Cap Haitien thường đi thăm kỳ công này trên núi . 

Vào thời lập quốc của Mỹ, người Mỹ phải sang Port-au- Prince để mua nô lệ da đen đem về trồng bông vải ở các tiểu bang miền Nam; nông nghiệp Mỹ chưa có máy móc như bây giờ .Tóm lại người Mỹ da đen ở Mỹ hiện nay là gốc gác như vậỵ

Haiti vì là nưóc da đen độc lập rất lâu nên là một trong những nước ký vào hiến chương Liên Hiệp Quốc từ 1945

Du lịch

Cũng như các hải đảo vùng Caraibes, Haiti sống nhờ du lịch. Thực vậy, nhờ vị trí địa lí không xa Mỹ và Canada bao nhiêu nên vào mùa đông, có nhiều dân du lịch, phần đông là người Canada nói tiếng Pháp, người Mỹ. Cũng có người Đức .Họ đến vì mùa đông biển ấm và luôn luôn có mặt trời, tóm lại nhờ 3S: Sand, Sea, Sun 

Du lịch ấy cũng còn gọi là du lịch Seacanoe , do tóm tắt từ các chữ:

Smell fresh air: thở không khí tươi mát
Eat better than in yours: ăn ngon hơn thường nhật
Avoid crowds: tìm nơi thanh tịnh
Consider excitement: tìm lại năng lượng phấn chấn
Alter your view of life: thay đổi lối nhìn cuộc sống
No nonsense: lựa chọn khôn ngoan
Outlock stress: giảm thiểu căng thẳng
Earn a new experience: có thêm kinh nghiệm

Mùa hè thì ít du khách vì mưa và dễ có bão nhiệt đới gây hư hại rất nhiều. Bão nhiệt đới khi thì tàn phá Cuba, khi thì Haiti, khi thì các hải đảo khác trước khi thổi vào lục dịa, phá hư các thành phố Mỹ, Mexico .

Máy bay thì ngày nào cũng có chuyến bay đi Miami và các hãng hàng không lớn như Pan Am, Air France , Air Canada đều có máy bay đáp xuống. 

Nhà cửa

Tại thủ đô Port-au-Prince, nông dân tràn về đây ở chật chội tại một khu phố gọi là Carrefour với xe chuyên chở kêu là 'tap tap' bóp còi inh ỏi, tranh giành lối đi với bộ hành.Ngày nào cũng thấy xe cán chết chó. Vì dân tụ tập ở đây nên nhân công rẽ; do đó các hãng xưởng đủ mọi ngành: may mặc, xưởng làm baseball cũng ở đây, xưởng làm banh đánh golf cũng ở đây. Dân giàu có nhà trên núi như Pétionville, Kenscoff mà kiến trúc không thua gì các biệt thự trên đồi Hollywood. Để tận dụng nưóc mưa, mỗi nhà có hầm chứa nước mưa ngay dưới nhà: nuớc mưa từ trên mái nhà đưa xuống hầm và do đó, tiết kiệm được nhiều nước trong mùa nắng. Tôi thấy đây là một cách kiến trúc có thể ứng dụng cho Việt Nam (các vùng đất cao) vì vũ lượng ở nước mình nhiều mà nước mưa thì bỏ phí trôi đi hết. 

Nông nghiệp


Phần lớn Haiti là núi non; đáp xuống phi trường Port-au-Prince tưởng chừng đáp xuống Nha Trang vì phi trường cũng sát biển, cũng nhiều mặt trời và cũng có dãy núi.

Tôi đến đây từ 1976. Tại Haiti, lúc đó có rất nhiều dự án của nhiều nước giúp đỡ như Canada, Pháp, Mỹ, Liên Hiệp Quốc. Dự án bao gồm từ đường sá đến bảo tồn đất đai, dẫn nước, thủy điện, canh nông.. Ngay cả Đài Loan cũng có dự án nông nghiệp và hiện nay vẫn còn. Đài Loan rất o bế Haiti vì Haiti là một trong rất ít xứ trên thế giới còn công nhận Đài Loan. (Một nước khác còn công nhận Đài Loan hình như là Paraguay ). 

Dự án tôi làm cũng là một dự án nông nghiệp bao gồm nhiều ngành: y tế, trường học, canh nông, làm đường, dẫn nước.

Xứ này chỉ có chừng 1/3 diện tích là trồng trọt được; núi non rất nhiều, trước kia là rừng sầm uất; ngày nay, dân đốn làm than củi nên không có rừng mà toàn đá, xương rồng, lùm bụi. Tuy nhiên cũng có những thung lũng trên núi trồng các cây như cà phê, chuối plantain, cây bơ, cây xoài, cam, quýt. Xoài Haiti xuất cảng sang Mỹ, sang Canada v.v Xoài và bơ nhiều rơi rụng xuống đất, nên heo thả rong đi tìm ăn. Heo ở nhà quê là loại heo cỏ, đi rong kiếm ăn chỉ có vài trại heo kỹ nghệ gần các thành phố lớn, nuôi gần các nhà máy làm đường nên có mật mía, trộn với cám, với hạt bắp..

Còn miền đồng bằng thì nông nghiệp như các xứ nhiệt đới khác: lúa, bắp, đậu. Có nơi trồng mía vì có nhà máy đường. Ven biển, nhiều dừa; dừa nhiều như miệt Bồng Sơn, Tam Quan bên ta:

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu múc nước tưới dừa Tam Quan 

Tôi ở lại đó đến 6 năm, từ 1976 đến cuối 1981. Đây là lúc tình hình rất phức tạp ở Việt Nam; hàng hàng lớp lớp bỏ xứ đi ghe chui qua Thái Lan, qua Mã lai, qua Indonesia ..Tôi nhận được nhiều thơ cầu cứu từ các trại tị nạn này từ các nhân viên cũ Bộ Canh Nông, nơi tôi làm việc trước 1974 và dĩ nhiên luôn luôn đáp ứng. 

Lúc đó, Mỹ và Việt Nam không có liên lạc ngoại giao; thư từ Bưu điện Haiti gửi về Việt Nam phải chuyển qua Pháp rồi mới về Việt Nam chứ bình thường có thể qua Mỹ rồi về Việt Nam. Lúc dó, Air France là hãng máy bay duy nhất đi về Việt Nam và chở hàng hoá, đặc biệt là thuốc men do Việt Kiều gửi về . 

Tín ngưỡng

Phần lớn dân chúng theo Công giáo. Hiện nay, Tổng Thống Haiti tên là Aristide thì trước đây là Linh Mục. Nhiều nhà thờ, họ đạo và dân chúng rất ngoan đạo. Ngoài ra, có tín ngưỡng dân gian gọi là vaudou . Vaudou là tín ngưỡng thờ thần linh xuất phát từ bên Phi Châu, vẫn theo người dân nô lệ trên đường qua xứ này: lên đồng, nhảy múa như ma nhập . 

Giáo dục



Phần lớn mù chữ vì không đủ trường học; trường học thiếu giáo viên, thiếu cơ sở. Thủ đô Port au Prince có một Viện Đại học nhưng cũng thiếu phương tiện như thư viện, phòng thí nghiệm. Lề lối giáo dục cũng như bên Việt Nam, nghĩa là học tủ, học thuộc lòng nhiều hơn. 

Tonton Macoute

Tonton Macoute là từ ngữ để chỉ đám mật vụ, công an chìm ở xứ Haiti này. Cần nói qua loa là nước Haiti, dưói trào cha là Tổng thống Francois Duvalier, xuất thân là Bác sĩ Nha Khoa khi chết đi, giao cho con Jean-Claude Duvalier tiếp tục làm Tổng Thống. Báo chí đặt tên cho cha là Papa Doc và con là Baby Doc là vì vậy .Chế độ này rất độc tài và tồn tại nhờ một hệ thống mật vụ chằng chịt nên mọi manh nha bạo động, đối kháng bị dập trong trứng nước. Ai chống đối bị giam hoặc bị trục xuất. Tổng Thống Jean-Claude Duvalier, khi đi tham dự một khai mạc hay hội nghị không bao giờ đến đúng giờ qui định trong chương trình. Sau đây, tôi xin kể hai câu chuyện có thật (Người thực, việc thực!) cho độc giả xem chơi:

Năm 1976, khi tôi đang ở phi trường Miami để đổi máy bay qua Port au Prince, tình cờ có một linh mục, thấy tôi là người Việt bèn gợi chuyện. Linh mục người Canada này trước kia có ở Viet Nam nên gặp lại người Việt rất thích nói chuyện. Trao đổi địa chỉ cho nhau, Linh mục đi Mexico còn tôi đi Haiti . Sau đó, tôi gửi thư thăm cha ở Mexico . Lâu sau đó, tôi được cha trả lời là thư đó bị kiểm duyệt rất kỹ . Hoá ra, Haiti sợ trong thư tôi có liên lạc gì vói nhóm chống đối chính quyền Haiti ở nước ngoài !

Một lần khác nữa, tôi thường đi công tác miền núi Haiti. Có một nhân viên phù động họ giao cùng đi với tôi làm khuyến nông. Đi nhiều lần với anh ta, bỗng một hôm, anh ta đến Sở rồi bỏ đi . Tôi mới té ngửa ra là anh ta làm mật vụ theo dõi tôi xem khi đi tiếp xúc với dân tình, có nhân cơ hội đó, tuyên truyền chống chính phủ không. Cũng may là tôi chỉ nói với dân làng về chuyên môn khuyến nông mà thôi chứ nếu chuyện khác thế nào họ cũng trục xuất ngay khỏi xứ .

Chính quyền không muốn mở trường dạy học vì dạy học dân có kiến thức, dân trí cao sẽ dễ bị lật đổ. 

Mãi đến đầu năm 1986, kinh tế bế tắc, đời sống khó khăn, dân chúng nổi dậy mới lật đổ và Jean Claude Duvalier trốn qua Pháp. Nhưng một thời gian 10 năm từ đó thì cũng là thời gian đảo chánh liên miên, như thời Viet Nam sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật. Mãi sau đó, một linh mục là Cha Aristide được bầu lên làm Tổng Thống cũng bị quân nhân đảo chính. Tổng Thống Clinton nhờ Cựu Tổng Thống Carter và tướng Colin Powel qua khuyến cáo tướng đảo chánh qua Mexico tạm trú để nhường lại cho Aristide . Linh mục Aristide cầm quyền được vài năm thì cũng tái phát bạo động nên Hoa Kỳ cũng ép Aristide đi lưu đày bên Phi Châu và hiện nay có cả hàng ngàn binh sĩ Liên Hiệp Quốc trú đóng gia hạn từng năm một theo quyết định hàng năm của Hội Đồng Bảo An . 

Và Liên Hịệp Quốc cử lính qua để giữ trị an. Nói trắng trợn ra, sở dĩ người Mỹ để ý đến xứ Haiti này là vì nếu tình hình rối loạn ỏ Haiti, thì sẽ có vô vàn dân Haiti chèo ghe chạy qua lánh nạn bên Miami nên họ phải đón đầu trước. 

Ngôn ngữ 

Dân chúng sử dụng tiếng Creole, một loại tiếng Pháp cổ vì xứ này trước kia do Pháp cai trị. Hiện nay, cũng có một số dân màu da hơi trắng vì có lai nhiều đời với người Pháp.. Tiếng créole rất gần tiếng Pháp nên ai đã biết tiếng Pháp thì dễ nói tiếng créole lắm.. Các lính Canada qua Haiti dễ học tiếng Creole hơn lính Mỹ 

Người Việt ở Haiti

Khi tôi mới đến Haiti năm 1976, tôi là người Việt thứ hai sau ông Phạm Hữu Vĩnh, lúc đó mới rời Haiti. Ông Vĩnh trước là Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh qua Haiti làm cho Liên Hiệp Quốc bên đó. Năm 1980, có anh Kỷ sư Tôn Thất Thiều trước làm ở Nha Thủy Nông Bộ Nông Nghiệp cũng sang Haiti làm trong một dự án ở gần Port-au- Prince.Trong lúc làm việc ở xứ này, cũng có gặp vợ chồng một anh sinh viên y khoa tên là Đặng Văn Châu qua làm nội trú thực tập trong một bệnh viện của Đại học Mỹ thiết lập tại vùng đồi núi Artibonite, mục đích chữa trị cho dân nghèo sống hẻo lánh xa thủ đô . (Anh Đặng Văn Châu là con giáo sư Đặng Văn Chiếu, có lúc làm Khoa trưởng Đại học Y khoa Saigon ). Mãi những năm sau này quãng 1985 có ông Nguyễn Văn Hảo, một thời làm Phó Thủ Tướng nội các Trần Thiện Khiêm và một người con ông Nguyễn Cao Thăng, chuyên viên kinh tế cũng có mặt ở xứ này . Những năm tôi còn ở Haiti từ 1976 đến cuối 1981, chỉ có mấy bà Việt Nam có chồng Mỹ làm cho USAID, chồng Pháp làm cho hãng xi măng. Cũng có mấy nữ tu Công giáo ở Cap Haitien, trước 1975, qua Nhật học để sau đó về lại Việt Nam, nhưng thời cuộc đã đưa đẩy các nữ tu đó về Haiti, vì Haiti có nhà dòng (hình như dòng Mến Thánh Giá ? ), cùng dòng với các nữ tu. Các nữ tu này khi về Canada thì ở Sainte Anne de Beaupré cách thành phố Quebec chừng vài chục km về hướng Bắc . 

Người Haiti ở Mỹ

Vào khoảng các năm trước 1930, Haiti đã từng bị Mỹ chiếm đóng nên có một số di cư qua Mỹ, phần lớn ở miệt New York (Bronx). Sau này, vì dân số càng ngày càng đông và thủ tục nhập cảnh Mỹ khó khăn nên họ đi ghe chui nhiều lắm. Vì gần Miami nên nhiều thuyền chở dân Haiti thường đổ lén dân xuống bờ biển Florida; một số chết ngoài biển, một số bị Coast Guard chận lại ngay ngoài khơi . Nói thật ra, Mỹ không muốn da đen vào Mỹ, trong khi đó dân Cuba trốn thì vẫn được chấp nhận như thường. Và chính người Mỹ cũng sợ boat people tràn lan qua Mỹ nên ngoài khơi các đảo Dominican Republic, Cuba, Haiti luôn luôn có nhiều tàu tuần duyên tuần tiễu

Người Haiti ở Canada

Vì dân Haiti học tiếng Pháp từ tiểu học nên họ không bở ngỡ khi ở Québec. Trước 1977, người xứ này qua Canada không cần visa nên đến rất đông, sau đó ở lại . Phần lớn chạy taxi hoặc làm nghề may mặc. Và cũng nhờ người Haiti ở Canada và Mỹ gửi tiền về và bảo trợ cho thân nhân di dân qua nên xứ Haiti mới tồn tại chứ hải đảo thì diện tích có hạn mà dân số cứ tăng. Có trên 2 triệu người Haiti rải rác trên nhiều xứ và hàng năm họ chuyển tiền về cho gia đình. Tổng số tiền gửi hàng năm rất nhiều, bằng 1/3 của toàn GDP xứ đó. Thế mà nhiều người vẫn còn tiếp tục di cư sang các đảo kế cận như qua hải đảo St Marteens gần Puerto Rico, sang Guyane thuộc Pháp. Nên mở dấu ngoặc ở đây là sau 1975, có nhiều người Mèo ở Cánh Đồng Chum bên Lào qua Pháp rồi sau đó qua Guyane lập nghiệp

Động đất. Ngày 12 tháng 1 năm 2010, đã xảy ra trận động đất và có 280 ngàn người ở thủ đô Port- au- Prince đã chết vì thiên tai này và có đến gần 300.000 người bị thương. Động đất xảy ra vì các mảng kiến tạo (tectonic plate) dưới lòng biển cọ xát với nhau, làm mặt đất rung chuyển. 

Kết luận

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, chúng tôi nay đều đã đến tuổi cổ lai hi; bạn học củ tôi, có kẻ đã bước ra ngoài thời gian; có kẻ an bần lạc đạo; người thì xa nửa vòng trái đất; kẻ tận chân trời heo hút gió: 

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Nhìn cảnh Haiti như Nha Trang với những làng chài ven biển, các xóm vệ đường, nhìn những chiếc thuyền buồm căng gió ở vịnh Port au Prince mà nhớ lại thuyền chài nhấp nhô quê mình, thời lãng du của dĩ vãng, nhìn những làn khói xanh lơ từ những xóm nhà heo hút ven núi, bèn nhớ bài hát của nhạc sĩ Trịnh Hưng:

Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa
Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ càng yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hoà
Yêu anh yêu em, yêu xóm yêu làng gần xa 

 Thái Công Tụng

Ngày Ðó - Jo Marcel


Sáng Tác kiêm Ca Sĩ: Jo Marcel
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Y Học Thường Thức: Táo Bón (Bác Sĩ Hoàng Cầm)



Y HỌC THƯỜNG THỨC 
Táo Bón Bác Sĩ Hoàng Cầm

Nguyên nhân 

Ta bị chứng táo bón khi đi cầu khó khăn, phân cứng, phải cố rặn và việc đi cầu không xảy ra hàng ngày, thường ít hơn ba lần trong một tuần. Nhiều yếu tố gây chứng táo bón: 
-Uống ít nước, thức ăn hàng ngày it rau và trái cây. -Ăn một số trái cây xanh có chất chát như ổi, chuối xanh, trái hồng.
-Uống rượu, bia, cà phê.
-Ít vận động thân thể.
-Không tập thói quen đi cầu mỗi ngày.
-Do phản ứng phụ của một số thuốc như thuốc chữa bệnh cao máu, thuốc tâm thần, thuốc giảm đau chứa ma túy...
-Mắc bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh nhược giáp trạng...
-Có thai. -Cao tuổi. -Khi bị cảm cúm... 

Hậu quả Táo bón kinh niên có thể đưa tới các hậu quả như
-Bệnh trĩ
-Nứt hậu môn
-Nghẽn ruột
-Bệnh túi phình ruột già Phòng ngừa
-Giữ giờ ăn các bữa ăn trong ngày đều đặn.
-Ăn nhiều rau và trái cây tươi. Một số rau (như rau đay, rau mồng tơi), trái đu đủ giúp cho đại tiện dễ dàng hơn.
-Uống nước nhiều lần mỗi ngày, tổng cộng khoảng 2 lít.
-Năng vận động thân thể, tối thiểu mỗi tuần lễ 3 lần
 -Không nên trì hoãn khi cảm thấy cần đi cầu.
-Tập thói quen đi cầu hàng ngày vào giờ thuận tiện. 

Trị liệu 

1.Tự dùng thuốc. 

Thuốc chữa bón, được gọi chung là nhuận trường, không cần toa, giúp ta có thể dùng khi cần. Tính cách chung là giữ nước và tăng nước trong ruột già khiến phân mềm, trơn. Tùy theo tính chất, nhuận trường được chia thành bốn nhóm 

a)Thuốc chứa chất xơ: 
Bao gồm các thuốc uống có hiệu lực giữ nước, tăng lượng phân, làm căng ruột già, kích thích ruột co bóp, tăng cường sự di chuyển:

-Cám.
-Hạt cây psyllium, thuốc bột, thương hiệu Metamucil, Reguloid.
-Chất methylcellulose, thuốc bột, thương hiệu Citrucel.
-Chất polycarbophil, thuốc viên, thương hiệu FiberCon, Fiber Lax. 

b)Thuốc khiến phân mềm: 
Thuốc có hiệu lực nhào phân với nước và chất nhớt của ruột già, làm cho phân mềm, trơn:

-Chất docusate sodium, thuốc viên để uống, thương hiệu Colace.
-Chất glycerin, thuốc nhét hậu môn.
-Dầu khoáng, thuốc nước để uống. 

c)Thuốc áp dụng sức thẩm thấu: 
Ngoài việc giữ nước, các thuốc này còn hút thêm nước trong máu vào ruột già do sức thẩm thấu:

-Chất sorbitol, thuốc nước có loại để uống có loại bơm hậu môn, thương hiệu cũng là Sorbitol.
-Chất lactulose, thuốc nước để uống hoặc bơm hậu môn, thương hiệu Enulose.
-Chất polyethylene glycol, thuốc bột để uống, thương hiệu MiraLax.
-Chất Ma-nhê, thuốc uống dạng viên hoặc nước.
-Chất sodium phosphate, thuốc nước để uống. 

d)Thuốc kích thích co thắt ruột già: 
Có hiệu lực trực tiếp kích thích ruột già co thắt, giúp phân di chuyển nhanh:

-Chất linaclotide, thuốc viên để uống, thương hiệu Linzess.
-Chất bisacodyl, thuốc viên để uống, thương hiệu Dulcolax.
-Chất lubiprostone, thuốc viên để uống, thương hiệu Amitiza. 

Thuốc bơm hậu môn: 
Cách sử dụng: bơm thuốc nước qua đường hậu môn tới trực tràng, nhắc nhở bệnh nhân ráng nhịn đi cầu ít phút sau khi bơm thuốc. Sau đó, phân sổ ra dễ dàng. 

Các chất lỏng bơm hậu môn thường dùng:

-Dầu khoáng hoặc dầu ô-liu.
-Nước lã. 
Nước xà bông.
-Chất sodium phosphate, thương hiệu Fleet Enema. 

Các nhóm thuốc a và b trên đây dùng cho trường hợp táo bón nhẹ, có thể dùng hàng ngày. Nhóm c và d có thể dùng dài hạn nhưng nên dùng cách nhật hoặc dùng 2, 3 lần một tuần. 

Thuốc bơm hậu môn dùng cho bệnh nhân thỉnh thoảng mới bị táo bón nhưng phân rất cứng và đi cầu hết sức khó khăn. 

2.Cần gặp Bác sĩ. 

Khi táo bón kèm theo ói, mửa, đau bụng hay bón kéo dài nhiều tuần và trong người có các bệnh khác như bệnh tim mạch, thận, bệnh đường tiêu hóa,… 

Tóm lược 

Táo bón thường do uống ít nước, ăn ít rau, trái cây, thiếu vận động, và do phản ứng phụ của một số thuốc chữa bệnh. Khi tự dùng thuốc trị táo bón, nên theo chỉ dẫn về cách dùng. Nếu ngoài bón còn dùng các thuốc khác, nên có ý kiến của bác sĩ để tránh việc dùng thuốc kỵ nhau. 

Phần đọc thêm 

Việc tiêu hóa 

Tác dụng tiêu hóa tại dạ dày: thức ăn được nghiền nhuyễn trộn với dịch tiêu hóa rồi chuyển xuống ruột non. Trên đường di chuyển trong ruột non, các chất bổ dưỡng dược hấp thụ dần dần vào trong máu. Chất bã còn lại, gọi là phân, ở trạng thái nhão, được đẩy xuống ruột già. Trên đường di chuyển trong ruột già, nước trong phân tiếp tục được hấp thụ vào máu, phân đặc dần thành chất mềm, dẻo khi tới phần cuối ruột già. Phân thải ra ngoài mỗi khi ta đi cầu, thông thường mỗi ngày một lần. Trong thời gian phân tích tụ ở phần cuối ruột già, nước trong phân vẫn được hấp thụ vào trong máu, nên phân càng ở lâu trong ruột già càng khô, cứng khiến việc đi cầu khó khăn. 

Túi phình ruột già và viêm túi phình ruột già. 

Thành ruột già mỏng hơn ruột non. Phân tích tụ ở phần cuối ruột già. Trong trường hợp táo bón thường xuyên, khối phân lớn và việc lấy hơi rặn khi đi cầu làm căng ruột già, có thể tạo ra những túi nhỏ tại thành ruột già, nhô ra ngoài như ngón tay của bao tay, gọi là túi phình. Thông thường các túi phình hiện diện ở phần cuối ruột già, phía bên trái bụng, không gây triệu chứng.Chỉ có triệu chứng đau, sốt khi túi phình bị viêm, lý do là cổ túi phình bị nghẽn rồi vi trùng thường có trong túi này gây viêm. 
Trong trường hợp bón kinh niên mà bị sốt và đau bụng phía bên trái, cần gặp bác sĩ ngay để định bệnh và trị liệu kịp thời, trước khi túi phình ruột già bị bể là một biến chứng rất nguy hiểm. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Bệnh túi phình ruột già Diverticulosis 
Viêm túi phình ruột già Diverticulitis 
Dạ dày (bao tử) Stomach 
Táo bón Constipation 
Đi cầu Bowel movement 
Dầu khoáng Mineral oil 
Nhược giáp trạng Hypothyroidism 
Hậu môn Anus 
Thuốc nhuận trường Laxative 
Bệnh tiểu đường Diabetes mellitus 
Ruột già Colon (large intestine) 
Ruột non Small intestine

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

Y Học Thường Thức: Tiêu Chảy (Bác Sĩ Hoàng Cầm)


Y HỌC THƯỜNG THỨC 
Tiêu Chảy - Bác Sĩ Hoàng Cầm

Đại cương 

Thức ăn, đồ uống hàng ngày khi xuống tới ruột non là một hỗn hợp rất lỏng, gồm thức ăn đã được dạ dày nghiền nát, trộn lẫn với một lượng lớn dịch tiêu hóa, có thể ví như cháo loãng, một phần cái 7 phần nước. 
Trong khi di chuyển qua ruột non, phần lớn nước được hấp thụ vào máu cùng với các chất bổ dưỡng. Tới cuối ruột già, nước chỉ còn rất ít, giữ cho phân mềm, dễ thải ra ngoài khi đi cầu. Bình thường thì người ta đi cầu mỗi ngày một lần. 

Dấu hiệu và triệu chứng 

Tiêu chảy là khi đi cầu nhiều lần, phân ít nước nhiều, có thể kèm theo máu, chất nhầy như nước mũi, do màng ruột tiết ra. Bụng quặn đau, thúc dục đi cầu gấp. Nóng sốt, nếu ruột bị nhiễm trùng. Tiêu chảy thường tự chấm dứt sau 2-3 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày, làm cơ thể mất nhiều nước và muối khoáng, ảnh hưởng tới tim mạch, nhất là đối với trẻ em và người già. 

Nguyên nhân 

Tiêu chảy được phân chia ra cấp tính và mạn tính. Tiêu chẩy cấp tính thường do nhiễm trùng đường ruột. Tiêu chảy mạn tính, kéo dài quá bốn tuần lễ, thường là dấu hiệu của một bệnh viêm ruột mạn tính. Tiêu chảy cấp tính Siêu vi trùng, vi trùng, ký sinh trùng cùng với chất độc do vi trùng tiết ra làm hư hại màng ruột, kích thích ruột co thắt mạnh, thúc dục các chất trong ruột di chuyển nhanh là các nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp tính. 
Ngoài ra, một số thực phẩm và thuốc cũng có khi gây tiêu chảy. 
*Siêu vi trùng: Rotavirus là siêu vi trùng gây bệnh tiêu chảy trẻ em, kèm theo ói, mửa. Trẻ em bị thiếu nước rất nhanh, cần gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách. Trẻ em có tật mút ngón tay, dễ đưa siêu vi trùng vào đường tiêu hóa. Có thuốc chích ngừa chống loại siêu vi trùng này. 
*Vi trùng theo thức ăn, đồ uống vào ruột, gây tiêu chảy thường kèm thêm sốt Có một loại vi trùng gây nhiễm trùng đường ruột rất nguy hiểm tên là Vibrio Cholera, trong quá khứ đã gây ra bệnh dịch tả, giết nhiều người.

Cần chích ngừa hàng năm tại những vùng có dịch địa phương. Hiện nay còn có thuốc uống phòng ngừa bệnh dịch tả (thương hiệu Dukoral) có hiệu lực miễn nhiễm là 2 năm. Những loại vi trùng thường có trong phân là: E. Coli, Salmonella, Shigella, Campylobacter. Các vi trùng này xâm nhập đường tiêu hóa khi ta ăn rau, trái cây, thức ăn sống, hoặc đồ ăn nấu chín bị nhiễm khuẩn, nhất là khi du lịch, hay ra khỏi nhà phải ăn tiệm. 
*Ký sinh trùng A-mip gây ra bệnh kiết lỵ. Triệu chứng gồm: bụng quặn đau, đi cầu nhiều lần, phân ít, có đờm và máu. A-míp có thể xâm nhập gan, gây bọc mủ trong gan: gan lớn, đau bên phải vùng bụng trên. 
*Thực phẩm: Một số thực phẩm gây tiêu chảy vì không thích hợp với một số người như: sữa, đường lactose trong sữa, đường hóa học. Khi ngừng dùng những thứ trên, tiêu chảy sẽ chấm dứt. 
*Thuốc: Thuốc nhuận trường, chữa bón; một số thuốc khác có thể gây tiêu chảy, nhất là sau khi dùng thuốc trụ sinh nhiều ngày. Tiêu chảy mạn tính Thường do một bệnh mạn tính của đường ruột, cần tới bác sĩ để tìm ra bệnh và trị liệu. 

Ngoài việc thử phân, thử máu, tìm vi trùng, ký sinh trùng, còn có thể nội soi cơ quan tiêu hóa nếu cần. Tự trị liệu tại nhà Uống nước liên tiếp nhiều lần, mỗi lần chút ít. Ăn cháo hoặc thức ăn nhẹ. Khi tiêu chảy bớt, từ từ trở lại ăn bình thường. Trong trường hợp bị ói, ngưng ăn khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, rồi ăn lại từng ít một. Tránh uống rượu, cà phê, nước trái cây. Kiêng cữ sữa, thuộc chất của sữa, thức ăn có nhiều chất béo, nhiều gia vị. Dùng thuốc chữa tiêu chảy không cần toa, trong 1-2 ngày như Imodium, Pepto-bismol, theo liều lượng ghi trên hộp thuốc. Chú ý tới triệu chứng và dấu hiệu cơ thể thiếu nước như: miệng khô, khát nước, tiểu ít, nước tiểu vàng đậm, chóng mặt. Nếu tình trạng này kéo dài, cần nhập viện. Khi nào cần gặp bác sĩ? Ói mửa quá 2 ngày. Ói ra máu; phân có máu, có nhiều chất nhầy.
Tiêu nhiều lần trong ngày và tiếp tục quá 5 ngày, bụng quặn đau trước mỗi lần đi cầu. Miệng khô mặc dầu đã uống nhiều nước. Sốt quá 38 độ C. Trẻ em thường bị thiếu nước rất nhanh, qua các dấu hiệu: không đi tiểu quá 3 giờ, khóc không có nước mắt, lưỡi khô, mắt hõm sâu, bụng xẹp. Bác sĩ có thể cho thuốc trụ sinh, trong trường hợp nhiễm trùng và nhập viện nếu cần. 

Phòng ngừa 

Phần lớn tiêu chảy là do siêu vi trùng, vi trùng và ký sinh trùng làm nhiễm độc thức ăn, thức uống, nên thức ăn chín cần che đậy cẩn thận. Rửa tay kỹ trước khi sửa soạn thức ăn để nấu và trước khi ăn. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 
Tiêu chảy Diarrhea A-mip Entamoeba histolytica 
Túi mủ Abscess Thuốc trụ sinh Antibiotics 
Bệnh kiết lỵ Dysentery 
Ký sinh trùng Parasites

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Thơ Tranh: Tình Mong Manh


Thơ:Đỗ Dung
Thơ Tranh: Kim Oanh

Giọt Thu

(Ảnh: Phong Tâm)

Bước đêm mòn tiếng thở dài
Hồn chơi vơi hụt trăng cài hiên xưa
Dưới thềm sương nghẹn thu chia
Đường mây vẫn thấp, đèn khuya vẫn vàng
Mưa xuôi, trời - đất... thanh an
Trăm ngàn năm cứ chứa chan tình người
Dường như nước mắt trên đời
Chờ khi ân hận, sau rồi mới thương!...

Thu 2020
Phong Tâm

Hương Thu Xa


Một cánh chim bay xa cuối trời
Gió mùa man mác cuốn mây trôi
Đưa thu về lại bên thềm cũ
Có bóng tình nhân dệt mộng đời 

Mỗi bước thu ngang qua lối chiều
Nghe xao xuyến nhẹ trái tim yêu
Bâng khuâng hoa cúc nhà ai nở
Gợi nhớ ngày xa ... nhớ thật nhiều! 

Nhặt cánh hoa rơi tan tác lòng
Vườn xơ xác lá mưa mênh mông
Ai chi nhuộm cả hoàng hôn tím
Tím cả trời mơ trong mắt hồng

Rằng biết thu sang sẽ nhuộm vàng
Trên từng chiếc lá màu thời gian
Và từng sợi nắng hương chiều đọng
Sao vẫn rưng rưng giấc muộn màng! 

Yên Dạ Thảo
21.10.2020

Mai Anh Đi - Thơ: Ngọc Quyên Nhạc: Ngô Hữu Hùng Hòa Âm: Minh Đạo


Thơ: Ngọc Quyên
Nhạc: Ngô Hữu Hùng
Hòa Âm: Minh Đạo
Trình Bày: Ngọc Tú

Giang Tuyết 江雪 - Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (773-819)



Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (773-819) tự Tử Hậu 子厚, người Hà Đông, lúc đầu làm Lam Điền uý, sau tham gia vào phe của Vương Thúc Văn. Văn bị gièm, ông bị đổi làm Vĩnh Châu tư mã, rồi Thứ sử Liễu Châu. Quan điểm chính trị của Liễu Tông Nguyên tiến bộ, chủ trương văn chương phải có tính hiện thực. Tác phẩm có Liễu Châu thi tập.

Ông có một lối tả cảnh khác biệt với nhiều thi hào đương thời. 漁翁 Ngư Ông và 江雪 Giang Tuyết là hai bài điển hình. Bài Ngư Ông (thể thất ngôn cổ phong) đã được trình bày trong LTCD thế kỷ 21 số 277. Bài Giang Tuyết, thể ngũ ngôn tứ tuyệt, sẽ được dùng trong đề tài này. 

Nguyên tác Dịch âm

江雪               Giang Tuyết

千山鳥飛絕   Thiên sơn điểu phi tuyệt 
萬徑人蹤滅   Vạn kính nhân tung diệt 
孤舟簑笠翁   Cô chu thôi lạp ông 
獨釣寒江雪   Độc điếu hàn giang tuyết

柳宗元          Liễu Tông Nguyên 
***
Dịch nghĩa

Giữa ngàn non, chim bay mất hút
Trên muôn ngả đường mòn, dấu người vắng tanh
Một con thuyền cô đơn, một ông già nón lá áo tơi
Một mình ngồi thả câu trên con sông lạnh đầy tuyết. 

Dịch thơ

Tuyết Trên Sông

Ngàn non chim bay mất
Vạn nẻo người xa khuất
Khách thuyền nón áo tơi
Thả câu sông tuyết ngập.

Con Cò
***
Nghĩa bài thơ:

Tuyết Trên Sông.

Trên ngàn ngọn núi, chim bay đi hết,
Muôn con đường nhỏ mất hết di tích của người ta,
Trên con thuyền cô đơn, ông già mặc áo tơi, đội nón lá.
Một mình ngồi câu trên tuyết sông lạnh.

Đây đúng là cảnh hoang vắng thê lương của mùa đông: Vì quá lạnh, chim chóc không còn, người không ra ngoài nên đường nhỏ chẳng có vết chân... Ấy vậy mà trên tuyết sông lạnh, trong chiếc thuyền cô đơn, một ông già ngồi câu cá... Tuy tả cảnh mùa đông đấy, mà tác giả lại tả nỗi cô đơn của mình, nghe sao buồn não nuột.

Bài dịch:

Tuyết Trên Sông.

Ngàn non chim đã bay rồi,
Vạn đường mòn chẳng vết người dạo chơi,
Thuyền côi, mũ rạ, áo tơi,
Một mình câu cá, đầy trời tuyết giăng.

Bát Sách. 
***
Dịch Nghĩa:

Giang Tuyết                       Tuyết Trên Sông

Thiên sơn điểu phi tuyệt     Chim bay khuất mất giữa ngàn non
Vạn kính nhân tung diệt     Không thấy bóng ai trên vạn lối mòn.
Cô chu thoa lạp ông           Áo tơi nón lá thuyền đơn độc
Độc điếu hàn giang tuyết.  Sông lạnh ôm cần tuyết đang rơi.

Dịch Thơ: 

Tuyết Trên Sông
1-
Ngàn non cao vút chim bay khuất
Vạn nẻo tìm đâu thấy bóng người
Nón lá áo tơi thuyền đơn độc
Thả câu sông lạnh tuyết đang rơi.

2-
Chim bay xa khuất giữa ngàn non
Không một dấu chân vạn nẻo mòn
Áo tơi nón lá câu đơn độc
Trên sông tuyết giá chặt lòng son. 

3-
Ngàn trùng non núi chim bay
Ðường mòn vạn nẻo nào hay dấu người
Lão ông đơn độc áo tơi
Trên sông tuyết lạnh câu thời câu cơ.

River Snow by Liu Zong Yuan

In the sky and mountains, there is no trace of birds
Among ten thousand paths, there is no footprint 
In a small boat, an old man with thatched hat and coat
Lonely fishing in the cold river snow. 

Phí Minh Tâm
***
Sông Tuyết

1- 
Ngàn non chim bay hết
Vạn nẻo người không vết
Thuyền cô nón áo tơi
Ông câu sông phủ tuyết

2- (thất ngôn)
Ngàn non nào thấy bóng chim bay
Đường núi vạn phương chẳng dấu giầy
Thuyền nhỏ áo tơi che nón lá
Mình câu sông tuyết lạnh lùng thay!

Lộc Bắc
***
Mùa đông tuyết phủ khắp nơi
Một cảnh trắng xoá núi trời gần nhau
Mình ta đội nón trên đầu
Một thuyền trên suối thả câu không mồi
Tuyết rơi, gió thổi, nước trôi
Thảnh thơi, nhàn nhã, đơn côi ,an lành
Ta bà xã lánh toàn canh
Một mình một cõi chẳng tranh chẳng giành

Đồ Cóc
***
Trốn lạnh chim bay hết
Người người đều mỏi mệt 
Thuyền chài mũ áo tơi 
Thả nhơ sông tuyết sệt 

Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
***
Tuyết Trên Sông

Non ngàn chim bỏ về đâu
Dặm trường hun hút chìm sâu bóng người
Một mình, nón lá, áo tơi
Trên sông tuyết, lão ông ngồi buông câu


Nguyễn Kinh Bắc
Philadelphia 2000
***
1-Ngư Ông Sông Tuyết

Non ngàn chim bay mất
Vạn nẻo không người qua
Áo nón tơi đơn độc
Thuyền câu sông tuyết sa

2-Thuyền Câu Sông Tuyết


Chim bay khuất chốn non ngàn
Lối mòn chẳng thấy dọc ngang bóng người
Thuyền đơn côi áo nón tơi
Trên sông giá lạnh tuyết rơi thả cần

Văn Ngọc
11-11-2020
***
Phụ bản

Chiều Về Trên Sông Băng

Miền xa người ở ấm hay không?
Gởi gấp cho ta chút nắng hồng
Hay đốt mặt trời thêm tí lửa
Ta đang run rẩy bước trên sông…

Con sông chết cứng tự hôm nào
Giữa rừng băng tuyết giữa đồi cao
Một vùng non nước thành băng đá
Băng cả lăn tăn sóng gợn sầu…

Ta bước giữa dòng như bóng ma
Rong rêu ướp xác dưới chân ta
Tầng băng phong kín đời tôm tép
Cuồn cuộn trôi ngang khói sương sa…

Dăm người khoét đá* giữa mặt sông
Thả mồi câu cá kiểu mùa đông
Cá ơi ta biết lòng mi lạnh
Thà chết trong niêu tắm lửa hồng…

Ngọn gió bay về như lưỡi dao
Quất vào da mặt những lằn đau
Chạnh nhớ chiều nào trên sông Đáy
Hiu hiu gió nhẹ chèo khua mau…

Mặt trời yếu ớt đứng chênh vênh
Trăng lạnh hà hơi ở cuối ghềnh
Không một tia nào thêm sinh khí
Cho hồn vong quốc bớt buồn tênh…

Indiana mùa đông 1979
Con Cò

* Khoét nước đá thay vì khuấy nước lỏng trên mặt sông.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Tập Thơ Tim Con Gái ( Sương Lam Thi Tập)

Tập Thơ Tim Con Gái của Sương Lam năm 17 tuổi







Sương Lam

Lá Úa Rồi Em


Cha khuất bóng, Mẹ già đà yếu ớt
Em ngây thơ chưa hiểu nghĩa già nua
Mỗi thu qua nhìn lá rụng theo mùa
Tâm con trẻ đớn đau theo màu úa.

Ý Nga
 7-10-2014

Chờ




Ta bước sang mùa gió lạnh đông
Em hừng lửa hạ cháy trong lòng
Lửa nồng hơi ấm còn không nhỉ
Hay cũng tàn theo với thu phong

Suối tóc huyền kia vẫn mượt mà
Hong gió heo về với thu ca
Hay nhiều sợi bạc luồn trong gió
Như thoáng hiu buồn vệt nắng qua

Tàu về bản cũ xứ hoàng hôn
Vô tình nào biết có ai buồn
Bóng nhỏ cô đơn còn đợi chuyến
Mắt dõi nhìn theo những mảnh hồn

Những chuyến tàu đi khuất dặm xa
Mà sao em còn mãi sân ga
Chờ ai ánh mắt buồn thăm thẳm
Thầm nhắn về đâu lời thiết tha

Locphuc.

Chuyến Tàu Trăm Hướng


Anh đi với em chuyến tàu trăm hướng,
Dù hướng nào cũng chỉ có đôi ta,
Ai buồn vui trong phút giây đưa tiễn,
Nhưng lòng mình chẳng ngại phút tiễn đưa.

Tiễn chúng mình chuyến tàu về phía trước 
Khắp nẻo đường xa trăm nỗi nhọc nhằn,
Đường trần ai có lúc cười lúc khóc,
Em vẫn tin hạnh phúc được có anh.

Anh mang theo không cần nhiều hành lý,
Một vòng tay tình cảm chứa chan đầy,
Một ánh mắt thiết tha là quá đủ,
Và yêu em thêm nữa chuyến đi này.

Bước lên đi anh con tàu đang đợi,
Giờ khởi hành khi ta nắm tay nhau,
Nơi nào có anh cho em theo với
Rừng chập chùng hay biển rộng sông sâu..

Anh hãy ngồi đây lòng em cũng đợi,
Chuyến chung tình không chia sẻ cùng ai,
Em sẽ bên anh tình đầu tình cuối,
Mưa nắng đời cho đến tóc xanh phai.

Em sẽ nép bên vai anh nhè nhẹ,
Chạm tay rồi mà vẫn tưởng như mơ,
Ngày sẽ qua trong màn đêm tình tự,
Mai nắng lên cuộc sống mới đang chờ.

Anh và em đi chuyến tàu trăm hướng,
Hai tâm hồn giữa trời đất bao la,
Chẳng nơi nào chúng mình cần bước xuống,
Khi lòng mình đã là những sân ga.

Nguyễn thị Thanh Dương.
( July-2007)

Đã Rừng Đã Mây

Gửi người một chút hương xưa
Nắng đi bỏ lại thương trưa nhớ chiều
Cành nghiêng bóng xế quạnh hiu
Tre già măng trẻ ít nhiều ngẩn ngơ

Gió chưa lạnh đã hững hờ
Hay là cũng chỉ tình cờ quay lưng
Đường sầu gót tủi rưng rưng
Màu hoa kỷ niệm đã rừng đã mây

Ôm tóc ngắn níu vai gầy
Chân xưa mòn đá tay nay rêu tàn
Không dám khóc không dám than
Sợ khơi bếp lạnh tro tàn khổ thêm

Ngày khô đêm héo gọi tên
Nghe hoa xuân rụng đầy thềm chiêm bao
Hẹn kiếp trước chờ kiếp sau
Hay là không có kiếp nào đỡ hơn

Đòi nợ áo trả nợ cơm
Nợ tình nợ nghĩa nợ cơn mưa rào
Nợ sông sâu nợ núi cao
Nợ cây khế ngọt nợ ao nước phèn

Nợ lửa than nợ lò quen
Còn bao nhiêu nợ dầu đèn tính sao
Nợ nghìn xưa nợ nghìn sau
Nợ nơi kỳ ngộ thơm màu áo tiên

Nợ cựa quậy nợ nằm im
Bên hồ hư ảo bóng tìm đường tu
Tan theo gió cát ngục tù
Người không hay có ta như cũng đành...

MD 01/04/06
LuânTâm
(Trích trong TT”Hương  Áo”, MinhThư xuất bản , Maryland, USA.2007, tr.141)

Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi Nơi Góc Này


Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm.
Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm.
(Nguyễn Ánh 9) 

Nguyễn Ánh 9, tác giả bài “Buồn Ơi Chào Mi” đã ghép hai chữ “hạnh phúc” vào “đôi chim uyên”, vào “sương ban mai”. Với tôi, hạnh phúc là bất chợt thấy một mảnh cầu vồng trên nền trời sau một đêm bão bùng dông tố, hay gặp lại người thân sau cả năm xa cách, hoặc thấy đứa con lần đầu, sau chín tháng cưu mang … Nếu ví từng khoảnh khắc hạnh phúc là một hột ngọc của chuỗi đeo cổ thì ngày hôm nay, tôi có thêm vài viên đá quý. 

Bên Hawaii này có một giống kiến lửa bé bằng đầu kim. Ai bị chúng cắn thì sẽ cảm thấy buốt thấu trời xanh. Vì vậy, sáng nay, khi trông thấy vài con đang bò thám thính trong nhà, tôi liền lên tiếng báo động. Những cái bẫy lập tức được tạo ra từ những miếng giấy bạc, gấp thành những nắp hộp vuông nhỏ, vừa đủ chỗ cho vài chục viên “thuốc” như hột cát. Chàng của tôi đặt những chiếc bẫy này tại những nơi đang có các vị khách-tự-động-thăm-mà-không-có-lời-mời. Chỉ trong vòng một tiếng, những viên AMDRO mời mọc lũ kiến, khiến chúng tranh nhau bò vào và tha về tổ. Hiệu quả là khi chất độc lọt vào trong tổ, họ hàng nhà kiến bảo nhau ăn, rồi cùng rủ nhau mà ra đi, chẳng còn bao giờ thấy bình minh của ngày mới. Nếu không có kính để nhìn cho rõ thì cả hai đứa đã phải khổ sở vì bị kiến lửa chích rồi, khi vô tình dẵm đôi chân trần lên trên chúng. 

Vài giờ sau đó, hạnh phúc thứ hai bất ngờ xuất hiện, khi tôi đi khám răng định kỳ. Vì COVID-19, tôi không muốn ngồi đợi trong phòng mạch nên bước ra ngoài. Khi đang đứng ngắm mây trên đỉnh núi Mauna Kea ở xa xa, tôi thấy một cánh chim đáp nhẹ lên giàn mướp đắng, trên hàng rào ngăn chia phòng mạch nha sĩ và căn nhà kế bên. Một chú chim hồng y tìm thấy một quả mướp đắng đã chín rộ lung lay trong gió. Quả mướp màu cam đã nở bung ba múi cong vểnh như chiếc dù của một nàng tiểu thơ bị thổi ngược trong ngày lộng gió, để lộ ra những hột đều đặn đỏ thẫm như những viên hồng ngọc. Màu đỏ của hột mướp tiệp với màu đỏ của lông chim, xen lẫn với màu cam của quả mướp đã chín muồi, nổi bật trong đám lá xanh, coi đẹp mắt làm sao! 

Thú vị nhất là tôi được quan sát sinh hoạt của giống chim tôi ưa thích từ lâu. Như bị ma lực của những hột mướp đỏ mọng thu hút, con chim nhìn chăm vào những hột mướp. Lúc này, với chim, trên đời chẳng có gì đáng kể nữa. Không biết có người đang theo dõi mình, nó đủng đỉnh tiến gần quả mướp, ngoạm hột mướp đầu tiên, rồi ngửa mặt nuốt trửng. Con chim thân đỏ, đeo mặt nạ Zorro tối ngày sáng đêm, nhẩn nha nuốt trửng hết hột này tới hột khác. Lâu lâu nó quẹt qua quẹt lại cái mỏ xuống nền xi-măng như người bán thịt mài dao cho bén, trước khi lạng một miếng thịt quay có khúc da dòn rụm bỏ vào gói giấy, đưa cho khách. Lạ thật. Con chim, dù bộ óc bé tí bằng … óc chim, cũng biết mài mỏ cho sắc để giúp cho việc ăn uống đỡ vất vả. Chim tiếp tục nuốt trửng hết hột này tới hột khác. Tôi quan tâm. Phải cần bao lâu bao tử của chim mới tiêu hóa xong những hột này, khi nó chẳng hề dùng mỏ để nghiền vụn như vài giống chim khác. Sau một hồi, có thể đã nuốt chán chê cả chục hột mướp đắng, vèo một cái, nó bay lên vòm cây trên cao. Chim tung cánh dễ dàng, chẳng khác gì như lúc mới đáp xuống vài phút trước đó. Từ trường hay cái bao tử nặng đầy hột mướp đắng không hề cản trở việc bay nhẩy của chim. Tôi mỉm cười nhìn theo, thầm cám ơn chim đã giúp vui cho mình vài phút. 


Tối đến, khi với tay lấy cặp kính để đọc kinh, hai quyển sách cùng với cái đèn ngủ đã không nghiêng nghiêng, ngả ngả như người say nữa. 

Từ khi dọn vào căn nhà nhỏ này (chỉ cách căn nhà chánh một khoảng sân xi-măng hẹp, để treo giây phơi quần áo và kê bộ máy giặt, máy sấy), chúng tôi chưa mua sắm đồ đạc, vì con đang sửa căn nhà bên kia, và tạm dùng vài món chủ cũ để lại, dù không món nào hợp với món nào. Một cái tủ gỗ chín ngăn đã bạc màu thời gian năm tháng, một cái bàn ngủ cũng cũ xưa không kém, một cái đàn dương cầm vừa cổ lỗ xĩ, vừa nặng như cùm với phím đàn đã chết khô từ lúc nào, và sau cùng là một cái tủ trưng bày chén đĩa mà chỉ có khúc trên, thiếu khúc dưới. Thắc mắc về sự thiếu vắng của phần dưới vẫn chưa còn là bí ẩn, chưa có câu trả lời. 

Vì gia tài vỏn vọn có nhiêu đó, tôi cương quyết nhường cho chồng cái bàn ngủ và tạm thời dùng hai hộp giấy cạc-tông đựng bàn chải đánh răng chạy điện và cái máy xay sinh tố để chế thành một “bàn ngủ” cho mình (sau khi hai đứa ghé nhiều tiệm bán đồ cũ, và tiệm bán bàn ghế để tìm một cái bàn có kích thước vừa với khoảng trống kế bên giường). Để làm đẹp cho bàn, tôi phủ lên một cái khăn vải nhuộm nhiều màu. Trên bàn, tôi để cuốn Kinh Thánh dịch bởi linh mục Nguyễn thế Thuấn tôi mua được từ thế kỷ trước và cuốn nhật ký. Một cái đèn đọc sách nằm khép nép kế bên. Tối đến, khi cầm nhật ký hay Kinh Thánh lên để viết vài dòng hay để đọc vài phút, tôi phải cẩn thật vô cùng, vì sách và đèn chỉ chực tạm biệt bàn, vì bàn quá chênh vênh. 

Bàn ngủ dã chiến của tôi đó. Từ Tháng Ba năm ngoái cho tới sáng hôm qua thì nó chấm dứt nhiệm vụ. Vì khi mở một thùng nhựa đựng các thứ lặt vặt ở dưới gầm giường, để lấy một tập ngân phiếu mới, tôi nhìn cái bàn của mình và than thở về sự bất ổn của nó. Nghe vậy, chàng hỏi tôi có muốn dùng cái bàn ngủ của chàng. Tôi lắc đầu. Chàng hỏi thêm là tôi có thường xuyên mở cái thùng nhựa. Tôi nói hiếm khi lắm. Thế là chàng bèn đặt cái thùng đó phía dưới, sát sàn nhà, rồi để một hộp giấy lên trên. Tôi cũng có nghĩ đến việc dùng thùng này cho cái bàn được vững hơn, nhưng ngại phải bê sách, bê đèn xuống đất mỗi khi cần lấy gì trong thùng nên đã dùng hai hộp giấy cả hơn năm nay. Bây giờ, khi cầm Kinh Thánh và nhật ký lên để đọc hay để viết, tôi không phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa nữa”. 

Đây chỉ là ba điều tôi ghi xuống để dành. Như nàng mỹ nhân ngư tên Se-hwa, vai chánh của bộ phim Legend of the Blue Sea để dành những giọt lệ đã biến thành những viên ngọc trai để cho người yêu bán lấy tiền, tôi để dành ba hạnh phúc khám phá hôm nay, không phải để đem bán lấy tiền, mà chỉ để tự nhắc nhở lòng Chúa thương tôi. Tôi cảm nghiệm rằng hạnh phúc Người đổ xuống cho tôi sẽ không ngừng hôm nay. Nhìn quanh, tôi đã thấy rồi: chàng của tôi ngồi kế bên đang chăm chú đọc tin tức trong ngày. Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy có mái nhà che nắng che mưa. Mở tủ lạnh, tôi có thức ăn. Tôi thấy được những dòng chữ này tôi đang gõ là nhớ có đôi mắt, dù phải nhờ tới cặp kính lão. Tôi vẫn còn nghe được tiếng hai con chim nhòng đang cãi nhau ỏm tỏi trên mái nhà kế bên là nhờ đôi tai, dù đã lãng nhiều. Rồi gì nữa? Tôi có cái mũi, dù không còn thính lắm cả mấy tuần nay, vẫn còn ngửi được mùi thoang thoảng của hoa nhài, mãi tít trong sân nhà ai. Tôi có cái điện thoại để liên lạc với người thân và bạn hữu đang cách tôi hàng ngàn dặm. 

Hôm nay, hạnh phúc của bạn là những gì? 

Khổng thị Thanh-Hương

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Đào

Lần bước đường hoa chạm cánh đào
Hương thầm dìu dịu phút bên nhau
Nụ cười trong vắt thời con gái
Say đắm nhìn ai của thuở nào






Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Mazzard Cherry Sân Trước Nhà Nàng 


Tĩnh Lặng...



Từng chiếc lá vàng buông lơi
Nhẹ rơi lơ lửng giữa trời ban mai
Lá thu mơn nhẹ gót hài
Ru hồn tĩnh lặng tâm cài sen tươi

Mưa Thu rơi ướt môi cười
Ngân vang tí tách mĩm cười thêm duyên
Thả hồn rơi nhẹ quên phiền
Tâm tư nhẹ lướt cửa thiền tỏa lan

Sân Chùa rơi hạt nắng vàng
Tiếng chuông Bát Nhã nhẹ nhàng buông lơi
Tâm Thiền hướng nguyện chơi vơi
Cuối xin ban phước cho đời yên vui

Chốn này đầy ắp tình người
Phố phường rộng mở vui tươi đón chào
Từ tâm bác ái chan hòa
Thân tâm thiền tịnh cõi nào bình yên ?!

Tuyết Phan 
tháng 11-2020

Bến Mơ


Hãy để lòng mình trải ý thơ 
Cho đời thêm vị sống bơ vơ 
Trần gian biến chuyển hồn điên đảo 
Thế giới quay cuồng tâm xác xơ 
Một cõi nhớ thương bao kỷ vật 
Một trời hoài niệm lắm duyên tơ 
Cố hương, thân quyến xa tầm với 
Biết đến bao giờ về bến mơ!

Lâm Hoài Vũ
13/08/2020

Giã Biệt Cõi Đời



Một mai giã biệt cõi đời
Ra đi biền biệt xa xôi muộn phiền
Cuối Thu gió lạnh mưa mềm
Đứng bên song cửa buồn riêng tất lòng

Ta như con nhạn mùa Đông
Giữa trời mõi cánh bâng khuâng nẽo về
Làm sao định hướng trời quê
Tìm đâu nẽo cũ… bốn bề mây bay.

Em cho tôi cuộc tình nầy
Và em cũng dệt thảm dầy nhớ thương
Tôi về hứng giọt mù sương
Pha cà phê đắng không đường uống chung.

Trăm năm khổ nạn lao lung
Em đi xa cách nghìn trùng đã lâu
Vui gì nơi chốn mộ sâu
Về ngang em nhớ cúi chào lần sau!..

Dương hồng Thủy
(Kim Tây Bự 31/10/2020)

Chữ Tâm Trong Văn Học Việt


1. Dẫn nhập

Chữ Tâm tiềm tàng trong mọi áng văn Việt như trong truyện Kiều, trong Quan Âm Thị Kính, trong ca dao tục ngữ …Chữ Tâm cũng có mặt trong các kinh Phật giáo .

Tâm ở trước các chữ như tâm thần, tâm lí, tâm cảm, tâm cảnh, tâm thức, tâm tình, tâm trí v.v.
Tâm ở sau các chữ như thiện tâm, vọng tâm, nội tâm, chân tâm, thành tâm, ác tâm, thâm tâm, nhất tâm, tà tâm v.v.

Như vậy chứng tỏ nội hàm của chữ Tâm vừa đa dạng, vừa phong phú . Tâm là cảm nghĩ, cảm xúc, cảm tưởng, cảm nhận. Đó là ý nghĩ, ý tưởng. Trong kinh Pháp Cú, ngay bài 1, đã có câu:

Tâm vi pháp bổn
Tâm tôn, tâm sử 
Tâm là gốc mọi pháp đời
Tâm cao quý nhất, tâm sai khiến làm 
(bản dịch của Trần Trọng San)

2. Chân tâm và vọng tâm

Trong bài ca dao:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông phải xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Bài này mượn chuyện con cò mà ngụ ý luân lý rất cao. Con cò sa xuống nước, người ta bắt được sắp đem làm thịt, mà nó vẫn xin nấu bằng nước trong, để cho chết cũng được trong sạch Nước trong là nước không vẩn đục, không ô nhiễm. Nước đục là nước ô nhiễm, vẩn đục. Ô nhiễm đây là ô nhiễm của tâm hồn. Nước trong là chân tâm, nước đục là vọng tâm .. Tâm có thể là chân tâm là tâm thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng . Tâm cũng có thể là vọng tâm là tâm bị ngủ uẩn làm cho mê mờ với tham ái, dục lạc, vọng tưởng ; các loại hình của vọng tâm là ác tâm, tâm đố kỵ, tâm ngạo mạn, tâm hẹp hòi. Bài ca dao muốn nhắn gửi luôn giữ tấm lòng trong sáng trong ứng xử.

3. Chữ Tâm trong truyện Quan Âm Thị Kính

Truyện Quan Âm Thị Kính là một truyện Nôm, như truyện Kiều, truyện Cung Oán, truyện Hoa Tiên, truyện Phan Trần v.v. Câu chuyện như sau: Thị Kính lấy chồng học trò tên là Thiện Sĩ. Một đêm chồng học quá khuya, ngủ thiếp đi, vợ ngồi khâu bên cạnh, thấy một sợi râu mọc ngược, sẵn có dao cầm tay nên toan cắt đi. Chồng giật mình tỉnh dậy, tưởng vợ có bụng hại mình, liền hô hoán lên. Cha mẹ chồng chạy tới, một mực gán cho Thị Kính tội mưu sát chồng. Nàng bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ, vì quá buồn tủi, Thị Kính bèn giả trai đến tu ở chùa được đặt pháp danh là Kính Tâm; một hôm có lễ Chùa, trong khách thập phương có một cô rất đẹp, tính tình lẳng lơ tên là Thị Mầu, đem lòng say đắm chú tiểu đẹp trai Kính Tâm; nhưng Kinh Tâm vẫn thờ ơ, Thị Mầu quyết tâm trả thù bằng cách tư thông với người tớ trai trong nhà, đẻ ra đứa con đem lại vào chùa và phao vu là con mình với chú tiểu Kính Tâm. Chú tiểu này cam chịu lời dèm pha và vẫn nuôi đứa bé . Ít năm sau, Kính Tâm bị bệnh rồi mất . Xem thư tuyệt mệnh của tiểu Kính Tâm, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan ức. Khi liệm thi hài, sư, vãi trong chùa mới rõ Kính Tâm là phụ nữ. Vậy là cả hai nỗi oan đều được tháo gỡ.

Truyện Quan Âm Thị Kính cốt tả đức tính nhẫn nhục và lòng từ bi của bà Thị Kính (nhân vật chính), vì đó mà sau này bà trở thành Phật Quan Âm.

Do vậy, luân lý của truyện có thể tóm lại ở câu:

Nhân sinh thành Phật dễ đâu,
Tu thân, cứu khổ, rồi sau mới thành.

Để đắc đạo, người ta không những phải chỉ chịu khổ hạnh, mà còn phải chịu những oan ức bất công nữa…Như Thị Kính, oan uổng đến vậy mà chịu nhẫn, không hề oán trách trời và số phận, chỉ lấy từ tâm mà chiến thắng cảnh ngộ…

Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu
.

4. Chữ Tâm trong truyện thơ nôm Nhị Độ Mai (hoa mai nở hai lần)

Truyện Nhị Độ Mai cũng là một truyện Nôm khá phổ thông như truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên . Đây là một truyện thơ phỏng theo một chuyện bên Tàu, đời nhà Đường với nhiều nhân vật thuộc nhiều tầng lớp: vua chúa, văn thần, võ tướng, kẻ sĩ tài danh, công tử ỷ quyền cậy thế, sư sãi, nhà chài, đặc biệt có hình tượng nhà Nho nghĩa khí và người phụ nữ tài sắc, đức hạnh.

Nhị độ mai là một cuốn luân lý tiểu thuyết chủ ý khuyên người ta nên theo luân thường, nên giữ trọn những điều trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong truyện, bày ra một bên là những vai trung chính, dù gặp hoạn nạn cũng không đổi lòng, sau được vẻ vang sung sướng; một bên là những vai gian ác, tuy được đắc chí một thời, sau cũng phải bị tội vạ, khổ sở, để tỏ cho người đời nhận biết cái lẽ báo ứng của trời. Đặc biệt có nhân vật trong truyện đã toan quyên sinh nhưng được nhà chùa cứu vớt:

Sư rằng: Cửa bụt thênh thênh
Tòng quyền hãy tạm gửi mình ở đây
Nhà chùa công việc cũng đầy
Dẫu rằng lau án, tưới cây cũng là
Vả trông ra dáng con nhà,
Sẵn nghiên bút viết một vài tờ xem

Luật nhân quả cũng được đề cập đến trong đoạn thơ sau:

Hoá nhi thăm thẳm nghìn trùng
Nhắc cân phúc tội, rút vòng vần xây
Ngàn xưa mấy kẻ gian ngay
Xem cơ báo ứng biết tay trời già
Tuần hoàn lẽ ấy chẳng xa
Chớ đem nông nỗi mà ngờ cao xanh
Trời nào phụ kẻ trung trinh
Dù vương nạn ấy, ắt đành phúc kia
Danh thơm muôn kiếp còn ghi
Để gương trong sách, tạc bia dưới đời

5. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Chữ Tâm ở đây bao gồm mọi đức tính như lịch sự, hòa đồng, cởi mở, thân thiện, nhẫn nhịn, tóm lại những điều mà ngày nay, các nhà tâm lý học gọi khi thì kỷ năng mềm (soft skills), khi thì chỉ số cảm xúc (emotional quotient) . Thái độ ứng xử quan trọng đến nỗi ngày nay, khi phỏng vấn xin việc, người ta it hỏi về bằng cấp, tốt nghiệp trường nào, ở đâu (vì họ chỉ cần điện thoại cho trường để hỏi) v.v.; họ cũng tuyệt đối không hỏi mình ở nước nào đến đâỵ Họ chỉ phỏng vấn chính là để biết phong cách, thái độ, cách trình bày, cách ứng xử, tính tình; thực vậy, một thái độ tích cực trong công việc không những mang lại nhiều ích lợi lớn lao cho đời sống của mỗi cá nhân, mà còn có sức lan rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người chung quanh. Khi làm việc, cần cái Tâm như phải tập trung vào công việc, không vọng tưởng, không vọng thức, không vọng niệm, không vọng ngôn với các bạn đồng nghiệp, nghĩa là các thành tố của các giá trị căn bản trong cuộc sống con người giữa nhân quần xã hội.

Cụ Tiên Điền muốn nhắc nhủ con cháu cần phải chú trọng trau dồi cái phần đạo đức, cái tấm lòng ngay thẳng để mà sống cho có nhân, có nghĩa – đó là điều quan trọng cần thiết hơn nhiều so với chuyện bồi dưỡng tài năng trí tuệ ở học đường.

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Với tâm hẹp hòi, tâm ngạo mạn, tâm đố kỵ, tâm tham lam nghĩa là ma đưa lối, quỷ đưa đường thì sự giao tiếp giữa người với người sẽ đem đến những kết quả tiêu cực.
Ngày nay, mọi công việc đều phải có sự hợp tác của nhiều ngành học khác nhau. Thực hiện một dự án, một công trình đòi hỏi sự điều hợp, sự phối trí nhịp nhàng giữa mọi chuyên viên trong các lĩnh vực khác nhau, do đó con người phải tập hoà đồng với người khác, có thái độ hoà nhã, tích cực với người chung quanh, không hung hãn trong ứng xử giữa người với người trong xã hội .Như vậy, sự thông minh hay cảm xúc không quyết định sự thành bại trong cuộc đời bạn, mà chính là thái độ sống. Có thái độ tích cực, vạn sự sẽ thành.

Không nóng giận, không phát ngôn bừa bãi cũng chính lại là những giáo lí của nhà Phật. Giáo lý nhà Phật há chẳng phải khuyên ta giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng tam độc “tham, sân, si” là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Tham, sân, si có thể được tìm thấy một cách dễ dàng nơi hành động, ngôn ngữ, và ý nghĩ của chính mình cũng như của kẻ khác. Bất cứ ở đâu hay lúc nào, nếu tham sân si có mặt và ngự trị thì cuộc sống riêng hay chung đều trở nên xấu xa đau khổ

Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình. Cũng như Nguyễn Du nói rất đúng trong Kiều:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Tuy nghiệp đã mang vào thân rồi, nhưng vẫn gỡ ra được, nếu chúng ta biết ăn năn sửa chữa lỗi lầm, từ nay tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, giữ tâm ý luôn trong sạch, hướng thiện., chúng ta hãy mang trên thân mình toàn là nghiệp lành, hãy dệt đời chúng ta toàn bằng nghiệp lành, nghiệp thiện trong mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm hằng ngày. Và nhất định, hạnh phúc sẽ đến với chúng tả trong cả đời này và đời sau.

Chính chúng ta không phải một thần linh nào hết quyết định đời sống chúng ta, và chúng ta quyết định nó bằng hoạt động hàng ngày, hàng giờ, phút trong cuộc sống. Nếu tâm chúng ta hướng thiện thì chúng ta tạo nghiệp thiện, hưởng quả báo thiện trong đời này và đời sau. Quy luật nghiệp báo là quy luật nhân quả, giản dị, không có gì khó hiểu, không cần phải mượn tới sức mạnh của thần linh hay sức mạnh mù quáng của số phận để giải thích.

Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý nhiễm ô
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình

Thuyết nghiệp của đạo Phật không những là khoa học và công bằng, nó còn tôn vinh trách nhiệm và giá trị con người. Nó thúc đẩy con người luôn hoàn thiện mình, sống đạo đức, có lý trí và theo lẽ phải. Nó nâng cao giá trị con người chứ không hạ thấp giá trị con người. Nó khích lệ con người hành động và tiến bộ. Nó không dạy con người sống tiêu cực và yếm thế. Thuyết nghiệp của đạo Phật, nếu được lý giải đúng đắn và mọi người hiểu thấu và thực hành sẽ đem lại bao nhiêu điều tốt đẹp cho xã hội và đất nước chúng ta trong thiên niên kỷ mới sắp đến này. Quá khứ đã qua rồi, tương lai lại chưa đến, mọi người chúng ta hãy tỉnh giác và có ý thức sống trong hiện tại từng giờ, từng phút nghĩ lành, nói lành, làm lành. Đó chính là nghiệp, là thuyết nghiệp không phải trên bình diện lý thuyết mà là trong cuộc sống, trong thực hành.

Triết gia Mỹ William James, chắc là có chịu ảnh hưởng của thuyết nghiệp của đạo Phật đã nói câu:
“Chúng ta đang dệt đời bằng một sợi chỉ không tháo gỡ ra được” (Nous tissions notre vie d’un qui ne se défera pas).

Biết cân bằng cảm xúc nếu như mỗi người biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ thì không có chuyện cự cãi dẫn đến xung đột, bạo lực. Do đó chúng ta nên biết cân bằng cảm xúc trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng thì nhất định mọi việc sẽ được giải quyết.

6. Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra

Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cho sư cô Tam Hợp thốt ra như trên, ý nói mọi việc rốt ráo cũng do lòng người nghĩa là từ chữ tâm. Ngày nay, khoa học não bộ cho ta thấy tâm thức với buồn, vui, giận, hờn, ghét, ghen .. là từ hàng ngàn, hàng tỷ neuron trên não đề Vài ví dụ: mắt là nhãn căn, mắt nhìn sự vật là nhãn trần, nhưng phải nhờ nhãn thức nằm đâu đó trên hàng tỷ neurone trên não bộ ta mới biết . Tương tự như vậy, các ngủ quan khác như tai, lưỡi cũng thế.

Nói khác đi, tâm thức bao gồm nhàn thức, nhĩ thức, than thức ..tác động đến suy nghĩ, do đó Nguyễn Du còn viết thêm :

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

7. Stress hay là 4 thành tố của Stress (SUNT)

Những gì gây stress. Để ý các chữ sau:

Sense of control: ta có cảm tưởng như mình không kiểm soát được tình hình. Ví dụ: xe cộ ồn ào, cướp bóc, mất ngủ thường xuyên, bụi khói mù đường, lũ lụt, cháy nhà

Unpredictability: chuyện bất thường xảy ra không tiên đoán, không dự trù được. Ví dụ: tai nạn, mất việc, người thân chết v.v.

Novelty: cái mới quá chưa bao giờ gặp nên phải quá sức ra làm, đâm ra mệt mỏi. Áp lực công sở, tư sở với các mục tiêu khó đạt được

Threat to the ego: mất tự tin thường hay dẫn đến tự ti và cảm giác bất hạnh càng lúc càng ăn sâu vào tâm trí khiến căng thẳng lo âu càng nhiều. Ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ, chiều chuộng, vuốt ve, những hành động của ta được tung hô vạn tuế. Bằng ngược lại, ta hờn, ta dỗi, ta hận đời đen bạc, than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá, v.v ..

Căng thẳng ảnh hưởng đến thân thể như cao huyết áp, hơi thở gấp gáp, mất ngủ, và cũng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần như suy giảm trí nhớ, mất tự tin. Ngày nay căng thẳng trong đời sống là nguyên nhân chính của các bệnh; nhiều làng Thiền với người đến tu tập trong chánh niệm với đi thiền, ngồi thiền chính là để giữ cho thân tâm an lạc. Thiền với quán nghĩa là tập trung trên bốn niệm xứ: than, thọ, tâm, pháp; thiền với chỉ nghĩa là ngừng các vọng tâm, các loạn tưởng, giúp con người tỉnh thức trong hiện tại, chánh niệm nhờ điều phục tâm qua hơi thở

Tác giả Mike George truyền cảm hứng cho hàng chục ngàn người ở hơn ba mươi quốc gia về Nghệ thuật Thiền định giúp nhiều người phát triển tinh thần. Trong sách “Cuộc hành trình từ cái đầu đến trái tim” ông viết:

“Sống yêu thương nghĩa là chính mình 
Không nên nhầm lẫn tình dục với Tình yêu
Nếu bạn biết bạn là Tình yêu
Bạn sẽ không bao giờ muốn bất cứ điều gì nữa
Bạn sẽ tự nhiên tách ra, song vẫn có sự liên hệ mật thiết với mọi vật, mọi người.
Sẽ không còn phụ thuộc vào ai hay bất cứ điều gì
Không ai có thể làm tổn thương bạn và bạn không bao giờ có ý định gây hại người khác.
Và bạn sẽ nắm được bí mật để sống hạnh phúc.”

“Tình yêu là năng lượng Ánh Sáng một trái tim phi thể chất”.

“Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi ta đang trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên”.

8. Kết luận

Giữa dòng đời biến động và cuộc sống đầy sức ép, tất cả những tội lỗi gây ra, đều do tâm chúng ta chủ động, thì phải thành tâm mà sám hối, tự trong thâm tâm. Từ đó, chúng ta phát nguyện không tái phạm, cho nên mỗi khi tâm tham, tâm sân, tâm si khởi lên, chúng ta liền biết ngay, dừng lại, không làm theo sự điều khiển, sai khiến của tham sân si, thì tội lỗi sẽ không còn tái phạm nữa. Khi tội lỗi không còn, tâm sanh diệt cũng lặng mất, con người sống trong trạng thái tịch tịnh, bình yên của tâm trí. 

Đó mới thực là sự sám hối chân chánh.
Hiểu quy luật vạn vật và thực hành Phật pháp giúp con người buông xả và hóa giải những năng lượng xấu như giận dữ, đố kỵ, ích kỷ để đạt cảm giác an lạc

Thiết nghĩ, chỉ có tình yêu thương gồm có lòng bao dung, sự quảng đại, tính vị tha, tình lân tuất thương yêu kẻ nghèo khó, hoạn nạn là trên hết mọi sự trên đời, vì nó giúp ta quên được cái “NGÔ vị kỷ thì tự khắc mình sẽ cảm thấy hạnh phúc trong đời.

Giữ cuộc sống an bình, trong gia đình trên thuận, dưới hòa. Ngoài xã hội thì không bon chen, lừa lọc. Không lợi dụng người khác. Sống đúng trách nhiệm của mình. Đó có thể là thành quả bao nhiêu kiếp mà mỗi người đã tự rèn luyện thân, tâm, thì tự nhiên cũng đã đi trên Phật Đạo, chẳng cần phải màu mè hình tướng thêm vào đó, vì hình tướng chẳng liên quan hay giúp ích gì trong việc Tu sửa cái Tâm vậy. Hạnh phúc là gì?

Khi anh đến hai bàn tay không
Khi tôi đến đôi chân trụi trần
Ta chẳng có chút gì đeo mang
Sao bây giờ nặng gánh trần gian
Xin hãy đến cho nhau nụ cười
Xin hãy đến cho nhau tình người
Xin hãy nói yêu thương một lời
Xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa
Tôi chỉ muốn cuộc đời nở hoa

Người hạnh phúc thật sự không bao giờ phủ nhận thực tế, họ luôn đối mặt với cuộc sống, mở lòng mình để cảm nhận từng hơi thở của cuộc đời. Họ cảm nhận hạnh phúc bằng nỗi hân hoan. Họ nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan, chấp nhận hiện tại, khám phá và hướng tới tương lai với những thái độ tích cực. 

 Thái Công Tụng

*** 
Tiểu Sử Tác Giả



Cựu học sinh Quốc Học Huế, Kỹ sư Nông Học và Cử Nhân Khoa Học tại Toulouse (Pháp). Tiến sĩ Khoa học (1965) với luận án Étude pédologique de la moyenne vallée du Sông Ba và Les principales formations végétales de la plaine de Phan Rang.

Giáo sư các Đại học khác nhau trong nước: Đại Học Khoa học, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Nông Lâm Saigon.

Truớc 1975, giữ nhiều nhiệm vụ như Giám Đốc Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp và Trưởng Khối Kế Hoạch và Kỹ Thuật Bộ Canh Nông.

Sau 1975, định cư tại Canada và làm việc với các tổ chức quốc tế tại nhiều xứ thuộc miền Caraibes (Haiti), thuộc Đông Phi (Rwanda), thuộc Tây Phi (Guinée-Bissau), thuộc miền Sahel (Mali, Niger), thuộc Nam-Á (Népal).

Tác giả sách giáo khoa Thổ Nhưỡng Học (Nhà xuất bản Lửa Thiêng 1972 in tại Saigon) và nhiều bài biên khảo trong các tạp chí như Định Hướng, Truyền Thông, Quốc Gia, Pháp Âm, Viên Giác. Ngoài ra, còn là tác giả sách “Việt Nam: môi trường và con người” được giải thưởng Văn học của Hội Quốc Tế Y sĩ Việt Nam Tự Do năm 2008.