Mùa hè năm đệ tứ chúng tôi mười sáu tuổi, mười sáu trăng tròn cũng trổ mã ra dáng thiếu nữ rồi, lúc này thì ít đi bẻ ổi hái xoài nữa, mà thích đi xuống quán chiêu dương ở đường Lâm quang Ky dọc mé biển, có nhà thủy tạ vươn ra biển thích xuống đó ngắm trời chiều hoặc xuống sân vận động ngắm hoàng hôn xa xa có hòn rùa (hòn tre) cảnh ráng chiều tuyệt đẹp, gần quán chiêu dương có chổ cho mướn giày trượt “ba te” và banh bàn (bi da bàn)
Bi da bàn thì tôi biết chơi, vì trên bàn có nhiều thanh sắt gắn mấy hình cản lùa chặn trái banh, hai người chơi đứng hai bên, mỗi bên đều có tay nắm thanh cây sắt của bên mình, thả trái banh tròn nhỏ hơn nặng, rồi giựt thanh sắt lùa banh cho chạy, nếu banh rớt xuống lổ của đối phương là được, chừng hết banh thì đếm bên nào nhiều banh thì thắng.
Còn cái vụ đi ba te thì tôi sợ (tại vì bị té một lần đau quá, nếu té bật ngữa chắc vỡ sọ, thôi đầu hàng ).
Không biết thời các bạn ra sao? Tình yêu tình bạn tình đồng hương như thế nào, chớ cái thời tụi tui thì ngây thơ vô số tội, anh này để ý chị kia thì không dám nói, chỉ lẽo đẽo theo sau, chiều chiều làm bộ xách xe chạy ngang nhà
Nếu là bạn học chung trường hoặc chung lớp thì rũ cả đám đi chơi miễn sao có
mặt cô nàng mình thích, anh nào gan lắm thì viết thư nhưng không dám đưa tận tay mà phải nhờ bạn chuyển...ÔI ...qua mấy đò ngang mới đến tay khổ chủ
Nếu có hẹn đi chơi thì cô nàng còn dẫn em theo
Có anh nhác quá còn nói chẳng nên lời, chỉ liếc trộm nhìn nhau (bốn mắt nhìn nhau mà chẳng nói) như lời thơ của Phạm Thiên Thư, Phạm duy phổ nhạc
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vỡ
Tóc dài tà áo vờn bay
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về .......
Không biết các bạn có nhớ Rạch giá có nhà thương gần cầu đúc không? nằm hướng mé biển, cuối nhà thương là nhà xác con đường đó đèn đuốc tối thui, thế mà các cặp tình nhân hay hẹn nhau xuống đó ngồi tâm tình (hỏng biết sợ ma) thời đó tình yêu nhiều trắc trở lắm, gia đình thường hay ngăn cấm, tuy không đến nổi cha mẹ đặt đâu ngồi đó, nhưng mà cũng lắm gian nan .
Vậy mà tui với Nghiềl cũng mò xuống dưới phá đám, mà hỏng đi xe đạp vì xe đạp hỏng có đèn, hôm nào anh rể tương lai của nó xuống nhà chơi ngồi tán dóc với chị ba nó, thì hai đứa tui mượn Honda chạy vòng chợ chạy tới cổng tam quan rồi vòng xuống nhà xác phá đám, rọi đèn qua bên này đếm một cặp, rọi bên kia đếm hai cặp, có khi còn nói : chị ơi má kêu dzìa kìa ....
Có lần không biết cặp nào biết hai đứa tui, tới nhà mắng vốn nên bị bà già chửi:
-Tụi bây ăn ở không quá há, con gái lớn chồng ngồng không biết mắc cở.
-Người ta hẹn hò thây kệ người ta
Chiếc xe Honda mượn của thầy Hiền
Rồi nói anh rể nó đừng cho tụi tui mượn Honda nữa, tôi không biết cứ mỗi chiều chiều là đám trẻ tụi tui ( cả tỉnh) cứ xách xe chạy vòng vòng, rạch giá chỉ có mấy con đường lớn: Phó cơ điều (ngang rạp hát Châu văn) vòng qua nhà lồng chợ chạy ngang rạp hát Nghệ Đô qua cầu đúc thẳng đường Nguyễn trung Trực vô tới cổng Tam quan rồi vòng trở lại, chạy tới chạy lui mấy vòng rồi về. Vậy mà hôm nào không đi ngủ không được như thiếu một cái gì ?
-Buổi tối đi xuống khu nhà xác chọc phá người ta, rồi có khi ban ngày tôi cũng thử mò xuống đó để nhìn xem có gì ở trỏng, có khi thì trống trơn, có khi thì có vài ba chiếc quan tài, có khi thì lên tới hàng chục. Ôi những chiếc quan tài phủ một màu cờ, những goá phụ vật vã khóc than, những trẻ thơ quấn vành khăn tang trắng...ÔI chiến tranh ...ôi chiến tranh vì đâu nên nỗi..!! tôi một đứa con gái vừa mới lớn thấy tâm hồn quặng thắt, thấy cảnh tang thương nên quyết dặn lòng đừng để hồn mình run động, xin khoá chặt con tim vì:
Tôi đây con gái thời ly loạn
Chẳng dám yêu ai sợ lỡ làng
Sợ làm goá bụa thời chinh chiến
Sợ làm chinh phụ tiển người đi ....
Dẫu biết bao người thầm mơ ước
Cũng đành bỏ mặc để xuân trôi ....
-Năm đó cậu K Liên ở Châu Đốc xuống thăm, nó rủ tôi Diệu đưa cậu đi thăm quan vườn lan chụp hình, rồi đi giới thiệu tỉnh nhà, tỉnh mình thời ấy quá nhỏ đâu có danh lam gì đâu, chỉ dắt đi chùa Sắc tứ tam bảo tự, tịnh xá Ngọc sơn
giếng cây Trâm .... có gì đẹp đâu ... Thế mà cậu ta để ý đến một”bông hồng”
Về nhà ốm bịnh tương tư, dắt bà già xuống đặng đi coi mắt, Liên sợ quá trời ơi ! nó còn nhỏ xíu gia đình nó hỏng chịu đâu ! ba bốn chị nó còn chưa có chồng vã lại gia đình người tàu ba nó hỏng chịu gã người Việt đâu.....
Rồi cậu ta chờ thêm một hai năm nữa, bà già bắt cưới vợ, nói ai giống cô ta mới chịu, bà già bó tay, nên năm nào cũng xuống thăm Liên(và tôi) Ôi ...cây si này trồng không đúng chổ, trồng chi trên một mảnh đất có nhiều sỏi đá mà gặp bông hồng gai mới chết, ráng chờ cho cô ta lớn nhé nên trong bài thơ “Hoa Hồng Nhỏ “có một đoạn -:
Mong cho trời sáng trông trời tối
Muốn thổi thời gian cho chóng nhanh
Để cô mười tám hoa hồng thắm
Thấm cả tim mình tim nhói đau
ÔI !!! tôi một thằng con trai hay một đứa con gái, một thầy tu hay sư nữ ? Tôi không biết ?! thương tôi thì ráng chịu ....
Rồi qua năm 72 chúng tôi tách ra vì lên đệ tam phải chọn môn toán hoặc văn. Nghĩa là ban A, Ban B, hay C gì đó, tôi một con người làm biếng học bài nên chọn B cùng Diệu, Liên chọn A, tuy khác môn nhưng vẫn học cùng dãy lớp trên lầu, trường NTT thiết kế rất lạ, bên này 5,6 dãy giống trại gia binh, cắt ngang một con đường là hai dãy lầu giống chung cư, dầu sao đi nữa chúng tôi cũng ngày hai buổi đến trường trong suốt 7 năm, nên thấy trường mình cũng đẹp, tuy khác lớp khác ban nhưng ra chơi hay về cũng gặp nhau chẳng có gì thay đổi. Vẫn đi chơi chung
Chọn xong rồi mới biết đá biết vàng, học bài mình còn tìm sách mà đọc, còn toán đâu phải cộng trừ nhân chia đâu ( xưa rồi DIỄM). Đâu phải con nít mà toán cộng toán nhân, giờ phải giải phương trình, rồi lũy thừa, phải xài tới cái đầu
TRỜI ƠI ! nhìn vào đã thấy choáng váng, cọp dê thì cũng hỏng xong vì biết nhỏ kế bên nó có làm đúng hông, tốt hơn hết là hồn ai nấy giữ
Thế mà sau này vật đổi sao dời, dòng đời đưa đẩy những bài toán hóc búa những ván bài thuở xưa tôi phải đem ra áp dụng như trong bài thơ “Toán đố”
Một bài toán đố đúng hay sai
Mà sao tôi giải đến hai phương trình
Một cộng một tuy hai mà một (1+1=2)
Một nhân ba tôi biết chắc là ba (1x3=3)
Đem ba đó đặt vào tài hay xĩu
Thôi xin tạm biệt hẹn kỳ 10, kỳ 11 dòng đời đưa đẩy, quê hương tan tác ra sao...
Hình Toàn