Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Tiếng Mưa Đêm - Nhạc & Lời: Nguyên Bích& Ngô Huy Khánh - Ca Sĩ: Thái Hòa


Nhạc & Lời: Nguyên Bích& Ngô Huy Khánh
Ca Sĩ: Thái Hòa

Trường Ca

 

Bảy tám mươi thôi chớ nói già
Mùa xuân đôi chín ngỡ vừa qua
Hồn còn vương vấn bên vườn mộng
Tâm cũng thẩn thờ đắm sắc hoa
Dào dạt lời thơ đầy ý tứ
Du dương vần điệu thả tình ta
Tuổi đời cứ mặc yêu thương vẫn
Mãi tại nơi này một khúc ca.


Quên Đi

Tình Đơn Phương!

( Thực Hiện Quýdenver)

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ anh Trần Việt Long và anh Nguyễn Văn Sáu đã chuyển đến “Màu Kỷ Niệm” của Nguyên Sa Trần Bích Lan và Phạm Đình Chương)

Âm thầm lặng lẽ chờ nàng,
Áo Dài trắng muốt mơ màng phiêu du!
Bóng nàng phảng phất thiên thu,
Tình Đơn Phương mãi âm u nghẹn ngào!

Chẳng một lời trao đổi!
Tình đầu đến khi tuổi vẫn chưa tới đôi mươi!
Vẻ đẹp thần tiên! Mái tóc dài đen mượt buông lơi!
Gương mặt trái soan, nhớ Mười Thương! Âm thầm khẽ hát!

“Mắt thuyền sương” ướt mi hồn nát!
Môi ảo mộng hồng ngát gió than!
Tình yêu ơi! Từng giây phút hồi hộp, háo hức, hân hoan đứng chờ nàng!
Mỗi người một lớp! Mỗi người một đời! Để rồi thất tình lang thang vạn kiếp!

Có lần, nàng đi qua trước mặt! Gót thơm nồng nhói tim đếm nhịp!
Hận mình sao chẳng dám thốt lên một lời! Để lỡ dịp ngàn năm!
Không chừng nàng dặn ghé thăm!
Không chừng kén dệt tơ tằm nên duyên!
Không chừng sương tỏa ôm thuyền!
Không chừng bến ấy triền miên tuyệt vời!
Tình đầu im lặng! Em ơi!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 12/07/2024
Mùa Đông Sydney! Nửa đêm về sáng! Trời rất lạnh!

Nhà Văn Nguyễn Quang, Văn Chương & Cuộc Tình Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh

 

Chiều Thứ Sáu, 17/5/2024, nhân ngày giỗ cố nhạc sĩ Lam Phương tại tư gia Minh Khai (em gái Lam Phương) thành phố Fountain Valley, Nam California. Vì trong tình thân hữu nên chỉ có ít thân hữu và Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tham dự.

Nhà văn Nguyễn Quang và tôi ra sân sau trò chuyện, ông cho biết sẽ thực hiện hồi ký lịch sử viết tiếng Anh vì cuộc đời đã trải qua giai đoạn thăng trầm từ thập niên 1940’ cho đến nay qua tám thập niên. Tôi nghĩ tác phẩm nầy sẽ có giá trị vì tác giả là chứng nhân thời cuộc ghi lại từ trong nước đến hải ngoại.

Cuối tháng 5/2024, người bạn gợi ý với tôi việc thực hiện tuyển tập (tổng quát) với các nhà văn, nhà thơ lão thành trên chín mươi tuổi còn sống và sáng tác vào năm 2025 để đánh dấu nửa thế kỷ văn học Việt Nam hải ngoại. Đây là ý kiến hay, ở Mỹ đã có chúng tôi và sẽ liên lạc với vài bạn văn phương xa.

Ở Little Saigon, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã thọ 103 tuổi, lúc trên 90 tuổi vẫn còn sáng tác. Nữ sĩ Dương Hồng Anh, 93 tuổi ra mắt thi phẩm thứ 12 Những Gì Để Nhớ vào mùa xuân 2024… Nhà văn Nguyễn Quang (phu quân cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh) ở tuổi 93 (94 theo âm lịch vừa được nhóm NVNT & TTG tổ chức sinh nhật) vẫn còn minh mẫn, viết lách và sẽ ấn hành tác phẩm. Khi bạn tôi vào Google tìm “nhà văn Nguyễn Quang” thì không biết gì cả! Tôi cảm thấy đây là sự thiếu sót của chính bản thân và vài bạn cầm bút quen biết khi viết về nhà văn Nguyễn Quang mà không phổ biến rộng rãi trên các websites với nhà văn đã một thời dấn thân cho văn nghiệp nhưng bản tính khiêm nhường và chỉ quan tâm đến người bạn đời (tác phẩm và cuộc sống) nên có lẽ phần nào bị “đóng khung” trong sự nghiệp văn chương. Ngay cả việc học hành, bằng cấp, công việc của ông cũng không muốn đề cập (theo ông) cho thấy sự tế nhị và khiêm tốn, nhưng trong những lần ra mắt sách, diễn giả đã đề cập nên chỉ nhắc qua.


Tháng 6/2024 là ngày giỗ nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (nhà báo, nhà thơ, nhà văn) nên nhân dịp nầy tôi viết về cuộc tình của bà với nhà văn Nguyễn Quang. Nữ sĩ MĐHT nổi tiếng từ trong nước đến hải ngoại, và cũng là người phục hồi lại Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nên tên tuổi bà được mọi người biết đến nhưng “Đằng sau một người đàn bà thành công luôn có bóng dáng người đàn ông” ở trường hợp nầy. Trong thời gian qua, tôi thấy có vài tác phẩm về văn học hải ngoại không đề cập đến các tác giả đã hiện diện trong những thập niên qua (ngay cả nhà văn Linh Bảo).

Hơn mười năm qua, tôi không còn phụ trách mục sinh hoạt văn nghệ cho tờ báo nên ít tham dự trong những buổi ra mắt sách, ngoại trừ tác giả thân quen và trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng thời Gian (nhưng có các bài viết của Việt Hải, Khánh Lan, Kiều My…)

Nhà văn Nguyễn Quang đã ấn hành nhiều tác phẩm và đã từng ra mắt sách (RMS) nhưng đến năm 2022, tôi mới ghi nhận: RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân.

(Trích): “Ban Tổ Chức Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức buổi RMS hai tác phẩm Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang tại hội trường Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove. Nhà văn Nguyễn Quang là phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017). Tuy bước sang tuổi 90 nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn khỏe mạnh và hoàn thành hai tác phẩm thứ 8 & 9: Phận Đàn Bà & Ôn Cố Tri Tân.

Nhà văn Nguyễn Quang (Nguyễn Quang Huy) sinh quán tại Phú Nổ, làng Khánh Hưng, Tỉnh Sóc Trăng, du học tại Pháp từ năm 1950, đỗ Cử Nhân Toán. Năm 1955-1962, theo học tại đại học Cambridge ở Anh, đỗ Cao Học Kinh Tế (nay gọi là Thạc Sĩ). Ông trở lại Pháp, làm việc cho vài nhà xuất bản ở Paris…

Tuy xa quê hương gần bảy thập niên nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc. Cũng vào thời điểm nầy, Chủ Nhật, 13/4/2014 tại hội trường Thư Viện Việt Nam, nhân dịp sinh nhật 83 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang đã ra mắt tác phẩm Một Giấc Mơ. Nhà văn Nguyễn Quang cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”.

Trong tác phẩm Phận Đàn Bà (“Đau đớn thay phận đàn bà” - Nguyễn Du), nhà văn Nguyễn Quang đã khéo léo trong việc sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ, hoàn cảnh để so sánh, để ví von. Lời văn ẩn dụ những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày trong một gia đình tưởng như hoàn mỹ, để truyền tải sâu sắc ý tưởng của mình. Đọc tác phẩm Phận Đàn Bà cho chúng ta ba ý niệm khác nhau, cả ba phần đều đề cập đến cuộc đời, danh phận cũng như sự kiên nhẫn, nhịn nhục và chịu đựng của người đàn bà.

Phần một thuộc thể loại tình cảm xã hội về một gia đình được coi là lý tưởng nhưng lại trải qua nhiều uẩn khúc như sự giằng co giữa lương tâm nghề nghiệp, bổn phận với vợ con và trách nhiệm với người tình.

Trong phần thứ hai thì lại đặt nặng về phần văn hóa xoay quanh những tranh luận về phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương, từng quốc gia. Phần này rất có ích cho những ai muốn học hỏi, nghiên cứu để mở mang kiến thức.

Phần thứ ba là những câu chuyện qua từng mẩu chuyện mà tác giả đã thu nhận được từ bạn hữu, từ những mẩu chuyện “đàn ông đàn bà”, những chuyện do “mắt thấy tai nghe”, được ông ghi lại trên trang giấy. Trong từng mẩu chuyện, với tâm hồn nhận bản, phác thảo bức tranh về nhân tình thế thái…


Về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang ôn lại lịch sử nước Việt, từ thời Hồng Bàng với các vị vua Hùng Vương, rồi qua các triều đại Lý, Lê, Trần, Nguyễn… đất nước ta trải qua ngàn năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, chiến tranh Quốc Cộng, thời CSVN thống trị…

Thành ngữ “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (ngẫm nghĩ việc xưa để hiểu việc nay). Tác giả gợi lại bài học lịch sử từ thời lập quốc trải qua các thời kỳ Bắc thuộc từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên đến thế kỷ mười lăm sau công nguyên với các bậc anh thư, anh hùng dân tộc yêu nước đã đứng lên chống trả quân xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc với những sĩ phu yên nước dân thân cho đại cuộc… Thời kỳ Cộng Sản xâm nhập cho đến hiện tại với thảm họa như quá khứ… Với tinh thần bất khuất của người dân Việt, noi gương những bậc tiền nhân để xây dựng lại trang sử vàng son.

Tác phẩm văn chương mang tâm huyết của người Việt lưu vong cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tiếp nối có giá trị về bài học lịch sử Việt Nam suy ngẫm để xây dựng đất nước trong tương lai thanh bình, thịnh vượng.

Những bài học từ quá khứ để suy nghiệm hiện tại. Trước đây, tôi có giới thiệu khái quát về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân, trong đó có nhắc đến: “Cụ Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Quyển Cổ Học Tinh Hoa (cùng Trần Lê Nhân) ấn hành năm 1928 đến nay gần một thế kỷ vẫn được ấn hành và lưu truyền. Hai vị biên soạn đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện liên quan trong cuộc sống, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách “dạy làm người” để biết nhìn nhận “cái xưa” để xử thế “cái nay” mà qua từng mẩu chuyện với lời bàn rất hữu ích.

Nhà văn, dịch giả Mộng Bình Sơn (1923–2011) đã viết nhiều tác phẩm, trong đó có quyển Ôn Cố Tri Tân gồm 3 tập, ấn hành năm 1967, Sống Mới xuất bản tại Sài Gòn. Dẫn chứng hai quyển sách của người xưa của nước ta về Ôn Cố Tri Tân vẫn còn giá trị trong cuộc sống. Sau nầy nửa thế kỷ ở hải ngoại, tác giả Nguyễn Quang nay ở tuổi chín mươi mốt vẫn mang hoài bão của bậc cao tuổi nơi quê người qua tác phẩm…
(VTrD , Little Saigon, April 10, 2022).

Trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang như Nhập Gia (2007), Ông Giáo Làng (2009), Ốc Mượn Hồn (2012), Một Giấc Mơ (2013), Ngoại Tình (2016), Thần Giao Cách Cảm (2017), Ôn Cố Tri Tân (2020) và Phận Đàn Bà (2022)… có vài tác phẩm đã RMS ở Trung Tâm Minh Đức và Thư Viện Việt Nam, Little Saigon.

Cuộc Tình Từ Pháp Đến Mỹ

Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh (MĐHT) tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó bà biết sự lợi dụng của phong trào bỏ về Huế tiếp tục học. Năm 1964, bà du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne, Paris. Năm 1967, bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF (Office de la Radiodiffusion et Télévision Française, tiền thân đài RFI hiện nay), làm phóng sự nhiều nơi như Algérie (Bắc Phi) và Việt Nam.

Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật Hòa Đàm Paris. Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1974 đến năm 1975. (Hai bài thơ của bà được Phạm Duy phổ thành ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau & Đừng Bỏ Em Một Mình. Ngoài ra nhạc sĩ Võ Tá Hân, cháu gọi cô, phổ những bài thơ qua ca khúc Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ, Mẹ bảo, Nhớ mẹ, Thức thêm một giờ nữa, Viết bài thơ này… Bài thơ Ai Trở Về Xứ Việt (1962) do Phan Văn Hưng phổ nhạc cũng nổi tiếng).

Sau biến cố tang thương 1975, bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí Hồn Việt Nam và trở lại cộng tác với đài ORTF. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận tư cách hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế vào năm 1979. Với các tác phẩm của MĐHT như Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang, Paris 1976)… với sữ hỗ trợ của phu quân.

Mùa Xuân năm 1971, MDHT làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp (một trong những đài truyền hình lâu đời nhất thế giới), mời nhà văn Nguyễn Quang tới phỏng vấn trên đài. Từ buổi gặp gỡ đó, có sự đồng cảm với nhau.

Khi trở lại trong Hiệp Định Paris, trong tinh thần yêu nước của người Việt và nhóm sinh viên lúc tranh đấu cho Việt Nam Cộng Hòa, cùng lý tưởng, hai trái tim họ gặp nhau. Vì công việc bà trở lại Sài Gòn, năm 1975 định cư tại Paris, nhà văn Nguyễn Quang và nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh nên duyên vợ chồng (trước đó ông và bà đã có con riêng).

Năm 1980, nhà văn Nguyễn Quang sang Mỹ với người bạn đời Minh Đức Hoài Trinh (các con ở lại Pháp). Với bằng cấp chuyên môn ở Anh, ông tiếp tục với lãnh vực nầy. Với hoài bão sáng tác của nữ sĩ MĐHT, ông tận tình thực hiện và phổ biến. Những tác phẩm của nữ sĩ MĐHT đều do phu quân thực hiện như Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư I (tái bản 1987), Niệm Thư II (1988), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990), Bất Đáo Trường Thành Phi Hảo Hán (1990), Ngõ Trúc (1997), Chính Khí Của Người Cầm Bút (2014)… nhất là tác phẩm Văn Nghiệp & Cuộc Đời của Minh Đức Hoài Trinh, RMS tại Hội trường nhật báo Người Việt ngày 17/9/2005, tác phẩm nầy được RMS ở các nơi khác (bà không viết hồi ký nên tác phẩm nầy với công việc biên soạn của ông đóng góp cho nền văn học). Ông viết: “

Nhà văn Nguyễn Quang chia sẻ về người bạn đời:

“Trong lúc tôi soạn đọc một số lớn tư liệu của Minh Đức Hoài Trinh, ngẫu nhiên tìm ra một mảnh giấy nhỏ viết tay viết từ ngoài chiến trường, dù bị gián đoạn, chỉ có một vài dòng nhưng tôi cảm nhận được tâm tư xót xa của một ký giả chiến trường, tôi rất xúc động nên muốn chia xẻ cùng quý độc giả như sau:

“Mùi hôi không cản được tình thương”, Minh Đức Hoài Trinh.

“Đi đếm xác chết đó là một công việc tôi hay làm trong những năm hành nghề ký giả. Ai nghe nói cũng nhắm mắt rùng mình, kêu ghê, kêu sợ, kêu eo ôi gì mà kinh thế. Nhưng mỗi người, nhất là mỗi đứa sống với cái nghề cầm bút thường mang một chứng điên khác nhau riêng biệt. Ở giai đoạn chiến tranh lịch sử nầy mà không cầm súng ra trận thì cũng phải làm một cái gì. Nói cầm súng ra trận không phải là tại thích nhìn cảnh bắn giết nhau, nhưng để nghe những tiếng khóc của chính trong lòng mình. Khóc người đang quằn quại, đang gục ngã, đang hấp hối. Đi tìm cảm giác lạ, mỗi người “viết sĩ đi tìm một nẻo khác nhau, bên bàn đèn, trong cánh tay, mái tóc tình nhân, trong hộp đêm trong điệu nhạc, hoặc là những đứa như tôi, thẩn thờ quanh quẩn bên mấy cái xác chết. Tại sao tôi không đi tìm cảm hứng ở những nơi khác, chính tôi cũng có lần đặt câu hỏi tại sao?

Có lẽ vì tò mò muốn nhìn xem những cái xác ấy mới hôm qua còn thơm sạch, còn cười nói, ăn uống, những sự học hỏi, suy nghĩ, những lời đùa vui dí dỏm mới ngày hôm trước đã phát ra từ cái mắt cái miệng ấy. Thế rồi chỉ một tiếng nổ, một lát gươm, tất cả đều tiêu tan, không phải được thành mây khói…”.

Minh Đức Hoài Trinh lặn lội săn tin trên các vùng lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, ghi nhận những sự kiện giao tranh mất còn, từ miền Nam ra miền Trung. Miền Trung là nơi sinh quán và miền Nam là nơi trú quán.

Sau những cuộc chiến có những tử sĩ con yêu của miền Nam Việt Nam hay những chàng trai thế hệ của QLVNCH đã vĩnh viễn ra đi vì bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, trong bài viết “Mây Trên Đèo Hải Vân”, Minh Đức Hoài Trinh viết: “Trực Thăng từ từ hạ cánh chúng tôi trở về phòng đợi. Đợi mây tan nhận nụ cười an ủi trên môi người phi công kiên nhẫn, chỉ có thế không có cách gì khác. Mãi đến hai giờ chiều chúng tôi trở lên trực thăng. Chiếc áo quan vẫn còn nằm đấy, y nguyên…

Mây đã chịu tan bớt đi trên đỉnh đèo, trực thăng đã đủ sức vượt qua làn mây. Phi trường Phú Bài không mở chúng tôi đỗ ở phi trường Đại Nội trong thành Huế.

Trước khi ra khỏi phi cơ tôi quay lại nhìn cái hòm, nhìn cái hòm lần cuối cùng, nhìn người chết, nhìn lá cờ VNCH, thì thầm một lời vĩnh biệt. Anh ngủ cho yên và lá cờ hãy che chở cho anh”, Minh Đức Hoài Trinh.

Trong tác phẩm Ngoại tình của ông với câu chuyện tình rất lãng mạn, đẹp trích vài câu thơ tiếng Pháp để nói về tình yêu. Cuộc tình của ông, từ khi gặp nhau ở Pháp và sang Hoa Kỳ cũng vậy nhưng không ghi lại. Những năm cuối đời, nữ sĩ MĐHT ốm yếu, bệnh hoạn được phu quân tận tình chăm sóc cho đến khi bà về cõi vĩnh hằng. có người cho rằng nữ sĩ MĐHT nổi tiếng, “cây đại thụ” với ông (?) nhưng với tôi, ông chính là “cây đại thụ” chăm sóc cho những tác phẩm của bà qua những thập niên xuất hiện trên văn đàn hải ngoại. Ông chính là bạn văn, bạn đời tận tụy, thủy chung trong cuộc sống.

Nhà Văn Nguyễn Quang & NVNT – TTG


Khoảng mười năm nay, nhà văn Nguyễn Quang sinh hoạt với Nhân Ảnh Tân Văn và sau nầy thành Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

Với tuổi già tham gia cùng bạn trẻ (theo tuổi tác của ông) là niềm vui và cũng là niềm khích lệ trong sinh hoạt đời sống và văn nghệ. Mọi cuộc sinh hoạt trong nhóm nầy đều có sự hiện diện của ông. Khi nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua đời (chiều Thứ Sáu, 9 tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach. Hỏa táng tại Peek Funeral Home, Chủ Nhật 25/6). Để an ủi nỗi buồn sống cô đơn của ông, nhóm nầy cũng thường đến hội ngộ tại tư gia của ông (tôi nhớ khoảng cuối năm 1990, vài lần ghé ngôi nhà của ông bà có hàng trúc phía trước nên gọi là “đường trúc thư quán” sau nầy chuyển về khu người già gấn đó cũng thuộc Midway City – Thị Trấn Giữa Đàng).

Theo nhà văn Việt Hải, người sáng lập, con chim đầu đàn, chia sẻ về nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, năm 2015 khi đó chúng tôi chỉ có 5 người. Việt Hải, Trần Mạnh Chi, Lưu Anh Tuấn, Ngô Thiện Ðức và Lý Tòng Tôn. Ngày nay, bao gồm thành viên và các thân hữu ở khắp nơi chúng tôi có nhiều người người. Trong đó có nhiều cây bút kỳ cựu hợp tác cùng giới trẻ.

NVNT & TTG tập trung trên hai mảng văn học nghệ thuật và âm nhạc. Bên VHNT thì lo về in ấn, tưởng niệm và ra mắt sách của một số các nhà văn nổi tiếng và một số đã khuất núi. Bên Tiếng Thời Gian lo phần âm nhạc cho các buổi ra mắt sách. Ngoài ra cũng thành lập một khoá giảng dạy âm nhạc căn bản cho thành viên của nhóm…

Nhà ăn Khánh Lan, người đảm trách blogspot NVNT & TTG từ tháng 5/2018 cho đến nay đã phổ biến vài trăm bài viết, sơ lược các sinh hoạt trong quá khứ của nhóm như tổ chức các buổi ra mắt sách của các văn, thi, nhạc sĩ… vinh danh và chúc thọ các vị tiền bối, tổ chức các buổi party và mừng sinh nhật.

Trong 9 năm qua, mỗi năm thường tổ chức 5, 6 lần từ Tất Niên đến Giáng Sinh trong đó có vài lần ra mắt sách, sinh nhật, chúc thọ… Với “cây nhà lá vườn” nhiều ca sĩ trong nhóm đóng góp cho chương trình văn nghệ đa dạng, phong phú vì vậy việc tổ chức dễ dàng.

Hơn ba thập niên làm báo, tôi đã tham dự nhiều lần sinh hoạt nhưng với nhóm nầy tôi cảm thấy sự đồng tình, thân thiện “mỗi người một tay” cùng nhau góp sức và tài chánh cho việc chung, rất quý. Với tinh thần tự nguyện và tự lập nên nhóm NVNT & TTG đã đóng góp nhiều lần sinh hoạt không bị tai tiếng…

Trở lại với nhà văn Nguyễn Quang, tác phẩm Một Giấc Mơ (2013, RMS tại Thư Viện Việt Nam, tháng 5/2014) ông cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”. Hình bìa tác phẩm với cô gái mặc áo dài trắng với một bông hồng, tôi rất thích.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người Cần Thơ, khi giới thiệu tác giả đã nhắc đến phu nhân của tác giả là nhà thơ Minh Ðức Hoài Trinh mà ông rất ngưỡng phục từ lâu nay. Nhắc đến tác phẩm của Nguyễn Quang được ra mắt, ông nói: “Một Giấc Mơ” của Nguyễn Quang là một giấc mơ không chỉ của cá nhân tác giả, mà là một giấc mơ vừa thương đau vừa thơ mộng của cả một dân tộc, lồng trong một cuộc tình của đôi nam nữ thời chinh chiến”

Nhà giáo Lưu Trung Khảo nói: “Nhà văn Nguyễn Quang, xuất ngoại, xa đất nước từ năm 1950, hết ở Pháp, đến ở Anh rồi qua Hoa Kỳ mà vẫn còn nhớ đến tiếng Việt, không chỉ nhớ mà còn viết nên những tác phẩm cho các thế hệ sau muốn tìm hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Văn ông viết xuất sắc. Ngôn ngữ Việt Nam mà còn tồn tại được là chính từ những nhà văn của chúng ta còn sáng tác. Là một nhà giáo, tôi xin được trân trọng cảm ơn sự đóng góp của nhà văn Nguyễn Quang vào kho tàng văn học Việt Nam hải ngoại”

Tuy xa quê hương hơn bảy thập niên, nhà văn Nguyễn Quang vẫn luôn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc. Đó cũng là tâm thức của nữ sĩ MĐHT, cùng tâm hồn, đồng cảm, lý tưởng với nhau cuộc tình.

Với tác phẩm Ngoại Tình, xưa nay, từ Đông sang Tây, nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhiều nhà văn đề cập đến “ngoại tình” như vấn đề muôn thuở… Nhà văn Việt Hải giới thiệu tác phẩm Ngoại Tình của nhà văn Nguyễn Quang đã dẫn chứng những cuộc ngoại tình qua các tác phẩm Âu, Mỹ và phân tích về vấn đề nầy khá chi tiết rồi đi vào tác phẩm. Chính tác giả Nguyễn Quang tâm tình mối tình cũ giữa cặp tinh nhân nam nữ Vĩnh Phúc và Phương Mai trong sách Ngoại Tình của ông. Hai người bạn này đã trao cho nhau tất cả những hương vị ái tình, hương hoa trái cấm để tác phẩm mang tên “Ngoại Tình”. Trong mối tình tay ba giữa Phương Mai và Vĩnh Phúc (người tình cũ, high school sweetheart, old flame bừng cháy tình cũ không rủ cũng đến), và giữa Phương Mai và Alan Kwan (một doanh nhân tài ba khá giả, cũng là người chồng vô cùng thương yêu nàng)…

Trong buổi hội ngộ trường cũ (High school reunion) tại Hawaii, Vĩnh Phúc và Phương Mai gặp lại nhau. Kỷ niệm xưa trở về trong nội tâm hai người, ngoại cảnh hữu tình đưa đẩy hai tâm hồn xích lại gần nhau, và trao nhau trái cấm... Dù thương chồng nhưng người con gái không thể cưỡng lại sự mạo hiểm tình yêu mà nội dung sách đặt để, cũng như trước sức hấp lực của những yếu tố sinh học kể trên có dopamine và norepinephrine góp phần, khiến con người đã ngã lòng, siêu lòng trao thân…” (VH).

Nhà văn Nguyễn Quang viết tác phẩm nầy ở vào tuổi 86. Ông không khai thác về nhục dục mà tâm lý về tình cảm, tình yêu bằng với văn phong nhẹ nhàng.

Theo GS Trần Huy Bích “Từ nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Quang vẫn tích cực hoạt động trong Mạng Lưới Nhân Quyền VN (Vietnam Human Rights Network) mạng lưới nầy với tiếng Anh và tiếng Việt. Tổ chức này theo dõi và lên tiếng mạnh mẽ mỗi khi nhà cầm quyền CS vi phạm, rồi đàn áp những tiếng nói bênh vực cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở trong nước, soạn các bản Báo Cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền ở VN, và cấp Giải thưởng cho những chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.

Nhà văn Nguyễn Quang giữ chức vụ Thủ Quỹ. Có nghĩa nếu chúng ta (hay bất cứ ai) ký một chi phiếu để ủng hộ các hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền, thì người thay mặt tổ chức ấy ký bức thư cám ơn chúng ta, không ai khác hơn là nhà văn Nguyễn Quang”. Tổ chức nầy thành lập và trao tặng Giải Thưởng Nhân Quyền Việt Nam hàng năm cho các nhà họat động xuất sắc trong lãnh vực nhân quyền tại Việt Nam kể từ năm 2002.

Hiện nay, theo tôi, chỉ có nhóm NVNT & TTG mới đủ tài liệu và gần gũi nhà văn Nguyễn Quang để thực hiện tác phẩm Nhà Văn Nguyễn Quang, Cuộc Đời, Tình Yêu & Sự Nghiệp để góp mặt trong văn đàn Việt Nam hải ngoại.

Little Saigon , June 14, 2024
Vương Trùng Dương

 

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Trăm Mến Nghìn Thương - Nhạc Sĩ: Hoài Linh - Tiếng Ca: Kim Trúc


 Nhạc Sĩ: Hoài Linh
Tiếng Ca: Kim Trúc 


Hẹn Em Mùa Nắng Hạ

 

Em hiện hữu ươm thơ vào nắng hạ 
Nét trang đài rạng rỡ cả không gian 
Anh chiêm ngưỡng ru hồn vào cõi lạ 
Rồi ngập ngừng ... như phạm tội trần gian 

Anh gặp em đầu mùa hoa phượng nở 
Em yêu anh cuối thế kỷ lưu đầy 
Em tuổi Hạ – Anh như thể áng mây 
Nên chỉ muốn tôn thờ tình em mãi 

Hôm chia tay mắt em buồn thổn thức:
“Em biết rồi ! Em chẳng đẹp chẳng xinh 
Bởi vì em ....nên anh mới vô tình 
Nên anh mới đành lòng hờ hững thế .”

“ Không em ạ! Giang sơn mình đẫm lệ 
Bao nỗi hờn của hàng triệu lương dân 
Phận làm trai chưa trả nợ núi sông 
Anh đâu dám đáp tình riêng em gởi 

Hẹn em yêu ngày hoa đăng mở hội 
Quê hương mình thắp sáng đuốc Tự Do 
Tình anh dâng thơm chín cả trời thơ .
Kết hoa cưới em ngôi cao tuổi Hạ.”

Lâm Hoài Vũ
(Trích thi tập Lưu Vong Trường Khúc)

Lời Của Gió

 

Gió đem mây ve vãn bóng chiều tà
Nâng vạt áo lụa là em thướt tha
Ta nghe gió nói những lời tha thiết
Có phải em buồn nên gió xót xa.

Ta để lại cho em chút gì không?
Ngồi bên tảng đá, lối cỏ ven sông
Chạm hồn nhau lòng nhớ thương ngày ấy
Đặt nụ hôn đầu in dấu môi hồng.

Gió lướt nhẹ trên dòng sông im lặng
Lục bình trôi xanh màu lá mạ non
Em đã cho ta những ngày gần gũi
Những ngày bên nhau sưởi ấm tâm hồn.

Con thuyền ai trên dòng sông thả lưới
Bóng cá vừa nhào lộn bọt nước tan
Em khúc khích miệng cười tươi rực rỡ
Cánh chim bay xa tận chốn mây ngàn.

Em muốn nói gì không hãy lên tiếng
Sao ta nghe tiếng gió nhớ dâng đầy
Vi vu gió thổi lùa qua ngực áo
Em ngượng ngùng che đôi má đỏ hây.

Ta cám ơn lời tình thơ của gió
Dòng sông quê vỗ sóng dạt đôi bờ
Mai sau có xa phương trời đất lạ
Gió hãy nhắn lời về những giấc mơ.

Tế Luân
Cảm nhận lời của gió

Thuyền Và Bến Bờ

 

Theo nước thuyền xa chẳng nhớ bờ!
Bao giờ trở lại bến sông xưa?
Trăng treo mé núi soi đêm mộng
Gió thoảng qua mành động giấc mơ.
Ngóng đợi bao năm bờ vắng quạnh
Chờ trông mấy thuở bến bơ vơ?!
Bến thuyền tri kỷ luôn “tao ngộ”
Trách kẻ gây nên cảnh “đợi chờ!”

7-72024
Hàn Thiên Lương

Tây Nguyên

 

Phần đất cao nguyên của nước nhà
Cội nguồn lịch sử có thông qua (*)
Yersin hữu ý đi tìm gặp
Người Pháp thành công tạo dựng ra
Đẹp với Trường Sơn lưu nhiếp ảnh
Xinh như Đà Lạt hứng thi ca
Một thời chiến sự bao thương nhớ...
Viễn xứ hoài hương toại ý ta.

Phan Thượng Hải
7/9/24
(Bài Họa)

(*) Chú thích:

Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn thân chinh đánh Chiêm Thành. Vua đem quân theo đường thủy bộ vào Thuận Hóa, ở đây luyện tập quân một thời gian rồi mới theo đường thủy bộ vào đánh kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành.

Trong chiến dịch nầy, vua Lê Thánh Tôn cùng các tướng Đinh Liệt, Lê Niệm (cháu nội của Lê Lai) và 26 vạn quân Đại Việt hạ kinh đô Đồ Bàn của nước Chiêm Thành, “cắt 4 vạn thủ cấp”, bắt vua Bà La Trà Toàn, gọi tắt là Trà Toàn (1460-1471), và hơn 3 vạn (30.000) tù nhân. Tướng Bồ Trì Trì rút về nam đèo Cù Mông (giữa Qui Nhơn và Phú Yên) và lên làm vua. Nước Đại Việt thêm đất Qui Nhơn bành trướng tới đèo Cù Mông.

Vua Lê Thánh Tông chia nước Chiêm Thành còn lại ra làm 3 nước:
Bồ Trì (hay Bồ Trì Trì) là vua nước Chiêm Thành gồm Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết.
Hoa Anh Vương cai trị nước Nam Hoa ở Phú Yên
Nam Bàn Vương cai trị nước Nam Bàn gồm vùng đất phía tây núi Thạch Bì (núi Đại Lĩnh có đèo Hải Vân) tức là vùng Tây Nguyên (Cao Nguyên Trung Phần) ngày nay.

Vùng Tây Nguyên nầy gồm vùng Pleiku, Komtum, Ban Mê Thuột và Lâm Đồng (Đà Lạt-Bảo Lộc).
Vùng nầy chính thức nhập vô bản đồ nước ta vào thời vua Minh Mạng (1820-1840),chỉ có người Thượng sinh sống và hình như không có cơ quan hành chánh trong thời của chúa Nguyễn (dù đã chiếm Phú Yên và Chiêm Thành), của nhà Tây Sơn và của nhà Nguyễn.

Năm 1891, Bác sĩ Yersin thám hiểm công viên Lâm Đồng và báo cáo nên người Pháp mới để ý đến vùng nầy. Từ năm 1896 đến 1899, chính phủ Pháp áp lực triều đình nhà Nguyễn để họ tự cai trị vùng Tây Nguyên (như thuộc địa) và cho người Pháp lên mở đồn điền. Người Pháp lập tỉnh Komtum (1907), tỉnh Pleiku (1917), thị xã Đà Lạt là nơi nghĩ mát (1917), tỉnh Lâm Đồng (1920) và tỉnh Darlac ở Ban Mê Thuột (1923).

Năm 1946, sau khi trở lại Đông Dương, Cao ủy D’Argenlieu thành lập “Xứ Thượng Nam Đông Dương” (Pays montagnards du Sud Indochinois) do người Thượng tự trị (như Nam Kỳ Quốc).

Năm 1950, Xứ Thượng Đông Dương sát nhập vào Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại (gọi là Hoàng Triều Cương Thổ) cho đến năm 1955 thì thuộc nước Việt Nam Cộng Hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm.
{Trích đoạn từ bài "Thơ và Sử Việt - Nhà Lê" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com}

夜半 Dạ Bán Lý Thương Ẩn

 

Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.

Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là “Ôn - Lý”, hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là “tiểu Lý - Đỗ” (để phân biệt với “Lý - Đỗ” là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập Tây Côn thù xướng nên có tên Tây Côn thể. Tác phẩm của ông có Phàn nam giáp tập (20 quyển), Ất tập (20 quyển), Ngọc khê sinh thi (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài Vô đề mang tính diễm lệ, bí ẩn.

Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.

Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài Vô đề, ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê luơng ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp.

Lời phi lộ

Lý Thương Ẩn không có thì giờ để buồn lúc ban ngày. Làm mạc chức (lo việc giấy tờ trong trướng phủ), từ sáng tới tối, ông rất bận rộn thu xếp những việc lặt vặt, thỉnh thoảng thảo mấy văn thư mà chủ của ông chỉ thị. Những việc như thế làm cho ông nản hơn là buồn. Nhưng mỗi khi đêm về thì những cơn buồn đến quấy rầy ông.

Cái buồn đến với họ Lý với nhiều trạng thái khác nhau. Có khi buồn man mác, gây hứng cho ông làm thơ. Có khi buồn day dứt làm cho ông đứng ngồi không yên. Có khi buồn lê thê làm cho ông tuyệt vọng.

Dạ bán, Dạ lãnh và Dạ ý là 3 con yêu tinh thuộc loại buồn man mác (buồn mà gây hứng cho ông làm thơ). Những nỗi buồn ấy rất thân thiết với ông giống như bạn cố tri.

Bài này đề cập tới con yêu tinh Dạ Bán.

夜半 李商隱

Nguyên tác Dịch âm

夜半 Dạ Bán

三更三點萬家眠 Tam canh tam điểm vạn gia miên,
露欲為霜月墮煙 Lộ dục vị sương nguyệt đoạ yên.
鬥鼠上堂蝙蝠出 Đấu thử thượng đường biển bức xuất,
玉琴時動倚窗弦 Ngọc cầm thì động ỷ song huyền.

Chú giải:

為 vị: làm ra.
墮 đọa: rớt xuống.
鼠 thử: con chuột.
蝙蝠 biển bức: con dơi.

Dịch thơ

Nửa Đêm

Canh ba vừa điểm vạn nhà ngơi
Lộ đọng thành sương nguyệt biếng soi
Chuột rúc buồng trên dơi vỗ cánh
Ngọc cầm rung nhẹ dựa song chơi.

Lời bàn của Con Cò

Bài thơ có những ý mập mờ, âm u, mô tả một nỗi buồn não nuột, thê thảm. Những chữ viết nghiêng nói lên những ý ấy.

- Câu 1:
Tới nửa đêm, khi hàng vạn người đã ngủ kỹ. Chỉ riêng mình vẫn còn thao thức.
- Câu 2:
Nhìn qua cửa sổ thấy trăng mờ trong cái không gian bắt đầu se lạnh để lộ đọng thành sương. Không nói trăng tròn hay khuyết (chỉ nói nó bị sương làm lu mờ), có lẽ muốn nói ngày nào trong tháng cũng thức tới nửa đêm, khi sương làm mờ ánh trăng.
- Câu 3:
Nghe chuột rúc trên lầu và dơi bay ngoài cửa. Tiếng động gây ra bởi hai con vật này là thứ tiếng dễ ghét nhất; nghe vừa bực bội vừa dơ dáy.
- Câu 4:
Dựa cửa sổ, nắn nhẹ dây đàn (nắn nhẹ để tiếng đàn không kêu lớn làm phiền hàng xóm. Gảy đàn lúc này không để thưởng thức tiếng đàn, chỉ muốn đè nén nỗi buồn thôi).

Đó là lời thơ của bài thất ngôn tứ tuyệt tả tâm sự u ẩn của LTÂ lúc nửa đêm (mỗi nửa đêm). Chả có nỗi buồn nào dai dẳng hơn cái buồn này.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Nửa Đêm.

Canh ba trống điểm vạn nhà say,
Móc sắp thành sương khói nguyệt bay.
Chuột chạy trên giường dơi bỏ tổ,
Ngọc cầm tựa cửa khẽ so giây.

Mỹ Ngọc 
Jun. 2/2024.
***
Đêm khuya (vần trắc)

Canh ba khuya khoắt muôn nhà ngủ
Le lói vành trăng sương lạnh tụ
Lũ chuột chạy quanh, dơi vút bay
Ngọc cầm bên cửa du dương cũ

Đêm Khuya (vần bằng)

Giờ Tý nhà nhà yên giấc nồng
Trăng mờ giá lạnh đọng sương trong
Chuột kèo rúc rích, dơi tung cánh
Đàn ngọc bên song nhã tiếng lòng

Thanh Vân
***
Chuông Điểm Tam Canh

Nửa đêm giờ Tý lặng tờ,
Cả nhà giấc điệp mịt mờ say sưa.
Nguyệt minh chiếu điểm lưa thưa,
Ảo mờ sương khói đến mùa giá băng.
Thư phòng chuột lắt chạy càn,
Rúc ra rúc rích - há màng sợ chi.
Đàn dơi đảo lượn li bì,
Tóm ngay lũ muỗi - chớ gì ngại e.
Xuyên rèm gió thổi cuồng mê,
Đàn cầm dát ngọc não nề tiếng vang.

Khánh-Hưng
***
Đêm Khuya

Canh ba trằn trọc nhớ thương ai?
Nguyệt khuất sương mờ gió lắt lay
Giờ tý chuột kêu… dơi đập cánh
Ngọc cầm ảm đạm khúc liêu trai

Kiều Mộng Hà
June04.2024
***
Nửa Khuya

Canh ba trống điểm mọi nhà im
Móc muốn thành sương nguyệt úa chìm
Chuột rộn xà trên dơi xuất ổ
Bên song rung nhẹ ngọc cầm êm!

Lộc Bắc

***
Dạ Bán không phải là bài thơ của Lý mà BS hâm mộ. Lời giải thích của ÔC không thuyết phục đối với BS, vì ý thơ có vẻ ngang dạ: sau canh ba, quá nửa đêm, mọi người đều ngủ yên.. Trời bên ngoài có vẻ lạnh, vì tác giả nhắc tới móc, sương, khói. (lộ, sương, yên ). Tác giả không ngủ được, nên nghe những âm thanh tầm thường, trần tục của đám chuột cắn nhau, trên nhà, những con dơi bay khỏi tổ… Giữa những tiếng động không mấy thơ mộng ấy, tác giả lấy ngọc cầm ra gẩy thì không hợp tình, hợp cảnh….

Nửa Đêm

Vạn nhà say ngủ lúc canh ba,
Móc muốn thành sương, khói nguyệt tà,
Chuột rúc trên nhà, dơi bay vút,
Bên song khua nhẹ phím đàn ta.

Bát Sách.
(ngày 05/06/2024)


Nguyên tác          Phiên âm:

夜半 -李商隱       Dạ Bán - Lý Thương Ẩn

三更三點萬家眠 Tam canh tam điểm vạn gia miên,
露欲為霜月墮煙 Lộ dục vị sương nguyệt đọa yên.
鬬䑕上堂蝙蝠出 Đấu thử thượng đường biển bức xuất,
玉琴時動倚窗弦 Ngọc cầm thì động ỷ song huyền.

Nguyên tác bài thất ngôn tứ tuyệt được chép từ mộc bản trong sách Lý Nghĩa Sơn Thi Tập Chú - Đường - Lý Thương Ẩn 李義山詩集注-唐-李商隱. Hai chữ đấu thử 鬬䑕 trong câu 3 được viết với dị thể.


Bài thơ còn được đăng trong các sách:

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Cổ Thi Kính - Minh - Lục Thì Ung 古詩鏡-明-陸時雍
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Tam canh tam điểm: ngày xưa đêm được chia làm 5 canh, mỗi canh chia làm 3 điểm; đúng vào lúc nửa đêm
Vị sương: thơ Bì Nhật Hưu 皮日休 cho là hoa cúc làm sương có màu tím?
Thượng đường: lên hội trường, nhập cuộc phá rối (chuột)
Biển bức: dơi, loài động vật có vú, thân giống như chuột và có màng nối các chi với cơ thể, nhờ vậy nó có thể bay; mắt nhỏ thị lực yếu, chúng dựa vào tiếng dội của sóng âm tần số cao phát ra từ hệ thống sonar trong cơ thể để định hướng bay, vì vậy chúng rất giỏi trong các hoạt động ban đêm.

Ngọc cầm: đàn dây với phím ngọc


Dịch nghĩa:

Nửa Đêm

Vào lúc nửa đêm khuya (canh ba) nhà nào cũng ngủ,
Ánh trăng trong sương mờ như muốn ngưng tụ thành sương giá.
Chuột chiến đấu bắt đầu di chuyển và dơi cũng xuất hiện trên bầu trời đêm,
Cây ngọc cầm bên cửa sổ bị gió thổi phát ra âm thanh nhẹ nhàng.

Midnight

At midnight, all houses are in sound sleep,
The moonlight in the fog wants to solidify into frost.
Mouses begin their movements noisily and bats appear in the sky,
The jade string instrument by the window complains softly in the wind.

Dịch thơ:

Đêm Khuya

Giờ Tý canh ba ngủ chẳng yên.
Trăng mờ sương giá đọng trên hiên.
Chuột kêu rút rít dơi bay lượn,
Đàn ngọc bên song điệu ảo huyền.

Cách Tính Giờ Ngày Xưa


Một ngày được chia làm 12 giờ với tên 12 con giáp. Đêm từ 19:00-5:00 giờ, chia làm 5 canh, mỗi canh có 3 điểm. Giờ cổ Trung Hoa giống Việt Nam. Canh TH có khác canh VN.

Bốn chữ Tam canh tam điểm…三更三點… trong câu 1 của bài thơ được Trần Nguyên Quang sử dụng đầu tiên vào thời Sơ Đường và được các đời sau bắt chước:

Tam Canh Tam Điểm Thượng Bài Nha Sơ Đường-Trần Nguyên Quang Hậu Dạ Hành Sư Thất Xướng Kỳ Tứ 三更三點尚 排衙 初唐·陳元光 候夜行師七唱 其四

Kháp Thính Đả Tam Canh Tam Điểm Tống-Chu Đôn Nho Cổ Địch Lệnh 恰听打三更三点 宋·朱敦儒 鼓笛令
Tam Canh Tam Điểm Tam Canh Trung Bắc Tống-Trương Kế Tiên Độ Thanh Tiêu Kì Tam Ngũ Thủ 三更三点三更中 北宋·张继先 度清霄 其三 五首

Phạ Thính Tam Canh Tam Điểm Vũ Nam Tống-Hồng Tư Quỳ Điền Gia Dĩ Nhị Nguyệt Nhị Nhật Tình Vũ Chiêm Cốc Giá Chẩm Thượng Khẩu Chiêm 怕聽三更三點雨 南宋·洪咨夔 田家以二月二日晴雨占穀價枕上口占

Tam Canh Tam Điểm Tự Kim Bồn Nam Tống-Bạch Ngọc Thiềm San Ca 三更三點似金盆 南宋·白玉蟾 山歌

Tam Canh Tam Điểm Khấu Trai Chung Nguyên-Vương Đan Quế Ngọc Lô Tam Giản Tuyết Diệu Dụng 三更三点扣斋钟 元·王丹桂 玉炉三涧雪 妙用

Tam Canh Tam Điểm Kĩ Thành Vi Nguyên Mạt Minh Sơ-Dương Duy Trinh Tịch Thượng Phú 三更三點妓成圍 元末明初·楊維楨 席上賦

Tam Canh Tam Điểm Nhập Nông Phòng Minh-Lý Mộng Dương Đồng Dao Kì Lục Du Địch Kế 三更三點入儂房 明·李夢陽 童謠 其六 油狄髻

Tam Canh Tam Điểm Thủy Tinh Cung Thanh-Viên Mai Giang Trung Khán Nguyệt Tác 三更三點水精宮 清·袁枚 江中看月作

Mỗi Đáo Tam Canh Tam Điểm Thì Thanh-Tống Tương Cô Đăng Hiệu Ngọc Xuyên Tử Ngũ Thủ Kỳ Tứ 每到三更三點 時 清·宋湘 孤燈效玉川子五首 其四

Tam Canh Tam Điểm Vãn Thanh-Đàm Hiến Giải Liên Hoàn 三更三點 晚清·譚獻 解連環

Nguyệt Xuất Tam Canh Tam Điểm Hậu Thanh Mạt Dân Quốc Sơ-Dịch Thuận Đỉnh Giang Lăng Chu Trung Hòa Đỗ Vịnh Hoài Cổ Tích Vận Ngũ Thủ Kỳ Nhất 月出三更三點後 清末民國初·易順鼎 江陵舟中和杜詠懷古跡韻 五首 其一



Góp ý


三更三點 tam canh tam điểm: mỗi canh chia làm ba điểm và bốn chữ này cho biết bài thơ làm sau nửa đêm, trước một giờ sáng.

露欲為霜月墮煙 lộ dục vi sương nguyệt đọa yên. Câu này không dễ dịch vì người Việt dịch 露 và 霜 thành sương Tả truyện có câu: 七月有白露,八月露 結, 九月乃成霜 thất nguyệt hữu bạch lộ, bát nguyệt lộ kết, cửu nguyệt nãi thành sương. Sương trong tháng chín là sương đông thành đá, sương muối và hiện tượng này cho người đọc hiểu rằng thời điểm của bài thơ đã quá nửa đêm, khi trời đã trở lạnh và không còn trong sáng dưới trăng.

鬥鼠上堂 đấu thử thượng đường. Có phiên bản viết 上牀 thượng sàng; từ 上=thượng ở đây là một động từ vi trong lối văn biền ngẫu, từ 出=xuất sau 蝙蝠=biển thức cũng là động từ. Chuột đuổi nhau lên cả trên giường cho người đọc hình dung rằng giường trống vì nhà thơ không nằm trên đó mà đang tựa song gãy đàn (玉琴時動=ngọc cầm thì động).

Câu cuối cũng khó hiểu và khó dịch nếu ta không để ý đến chức phận văn phạm của các từ 動=động, 倚=ỷ và 弦=huyền. 動=động nghĩa là dùng (ngọc cầm), 倚=ỷ có nghĩa tựa hay dựa. 弦=huyền có nghĩa chính là dây đàn rồi sau đó có nghĩa mở rộng là nhạc khí có dây nhưng trong trường hợp này hai nghĩa đó không hợp vì không ai dựng đàn vào cửa vì đàn sẽ vỡ nếu rớt xuống, và dĩ nhiên dây đàn không thể tựa vào đâu cả. Huyền trong câu chót này là một động từ và 'ỷ song huyền' có nghĩa là tựa cửa (sổ) gãy đàn.

Cả ba từ 動=động, 倚=ỷ và 弦=huyền đều là động từ và có chung một chủ từ sous-entendu (mặc thị hay ẩn dụ) là thi nhân. Bài thơ này nói đến việc Lý Thương Ẩn mất ngủ vì nhớ vợ. cho dù có người hiểu câu bốn hàm ý hồn ma đang gảy đàn!

Huỳnh Kim Giám





Thời Đại Nông Nghiệp / Agricultural Age


Mười ngàn năm nay đợt sóng thay đổi khi con người biết trồng trọt, chăn nuôi, thuần hóa thú vật, xây dựng làng nước, thời đại nông nghiệp (agricultural age) ra đời và đánh dấu một bước tiến vĩ đại của nhân loại. Trong đời sống nông nghiệp, con người phát sinh và đòi hỏi nhiều loại nhu cầu – nhu cầu kinh tế là đất nước và hạt giống, nhu cầu chính trị là quân chủ, nhu cầu xã hội định đoạt một bảng giá trị thời đại làm khuôn vàng thước ngọc cho loài người.

Thời đại cũng chia thành ba giai đoạn: tiền nông, trung nông, và hậu nông nghiệp. Biểu tượng thời đại là cái cày. Ông tổ là Thần Nông.

Thoạt tiên con người mới chỉ sáng chế ra bắp cày trang bị lưỡi gỗ do sức người kéo. Nhưng theo giòng thời gian vài ngàn năm sau người ta chế tạo lưỡi đồng, lưỡi sắt thay cho lưỡi gỗ, cày đất ruộng thâm sâu màu mỡ hơn, và dùng sức kéo trâu bò thay thế sức người. Con người biết vun xới trồng tỉa, làm ăn thành công nhờ sức mạnh bắp thịt, được gọi là thời đại cơ năng, tiêu biểu vai u thịt bắp trai tráng nông thôn.

Đời sống nông nghiệp con người gắn bó với điều kiện thiên nhiên, khí tượng, thời tiết. Tây phương tính thời vụ mùa màng theo dương lịch, mặt trời đối chiếu với các nấc thang trên Kim Tự Tháp (Pyramid Egypt Giza tính theo mặt trời) để tính ra niên lịch, thời giờ, ngày tháng… Đông phương tính thời khắc theo mặt trăng với con nước thủy triều lên xuống, là âm lịch, và nhìn chòm sao Thần Nông để biết thời lượng cày cấy gieo trồng (Pyramid Chichen Itza tính niên lịch theo mặt trăng).

Con người sống phù hợp với môi trường sinh nhai quen thuộc, tuần tự theo chu kỳ vũ trụ như trái đất xoay quanh mặt trời, mặt trăng xoay quanh trái đất và trở thành định luật bất di bất dịch trong cuộc sống nhân loại. Cũng từ đó con người phát sinh tư tưởng, luân lý, đạo đức, tôn giáo làm khuôn mẫu cho đời sống xã hội. Thơ văn phát xuất và thịnh hành từ thời nông nghiệp mà ra, mà có.

1. Kinh Tế Thần Nông

Con người biết cách làm nông, cày cấy, chài lưới và sản xuất lương thực càng ngày dồi dào, nuôi sống gia đình. Đời sống nông dân sung túc, thịnh vượng, gia tăng nhân khẩu thì nhu cầu đất đai càng ngày càng hạn hẹp, do đó ràng buộc mọi người phải sống tụ tập thành ấp thành làng để dễ dàng chia phần ruộng đất, sinh hoạt gia tộc, nâng cao mức sống.

Cải tiến không ngừng trong việc chăn nuôi, trồng trọt, cày cấy, dẫn thủy nhập điền, trị nước tránh ngập… thì ông tổ Thần Nông ra đời hướng dẫn mọi người về phương cách làm ruộng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thần Nông được thờ kính ở đình làng và trong nhiều lễ hội.

Lễ tịch điền tổ chức khi gặt hái, hạ điền trước khi gieo trồng, và cầu bông khi lúa trổ hạt. Thần Nông còn được dùng đặt tên cho chòm sao trên trời, giúp cho nông dân đối chiếu với con nước thủy triều để biết tính toán thời vụ cấy cày.

2. Làng Xã Nông Nghiệp

Con người biết chế tạo vật dụng, mở rộng canh tác, sản xuất lương thực và dẫn đưa xã hội bộ tộc tiến lên xã hội thôn ấp vào thời kỳ tiền nông. Thời đại này con người cần ruộng đất canh tác, cho nên cương vực lãnh thổ được đánh dấu bằng những hình thể địa dư như sông ngòi, đồi núi có thể xác nhận.

Và khi con người có văn tự, có bản đồ, có đo đạc ấn định trong việc phân chia ranh giới và công nhận của hai hoặc nhiều đơn vị, thi lãnh thổ mở rộng hay hẹp là tùy thuộc vào quyền lực chính trị. Do đó mà có đất nước lớn hay nhỏ, làng xã rộng hay hẹp.

3. Đất Nước Nông Nghiệp

Con người tiến tới giai đoạn biết đóng tàu thuyền, ghe chài, thuần hóa ngựa cỡi, nuôi trâu bò kéo xe kéo cày làm thay đổi bộ mặt xã hội, di chuyển thuận lợi, vận tốc nhanh chóng. Bởi thế nhiều làng đã liên kết thành một nước, gọi là làng xã với hệ thống tổ chức điều hợp chính trị, triều đình vua quan, thuộc thời kỳ trung nông với quốc gia nông nghiệp.

Quốc gia phát triển khi gia tăng dân số và nhu cầu đòi hỏi con người phải có hệ thống sản xuất nông nghiệp, hệ thống cung cấp thực phẩm, hệ thống dẫn thủy nhập điền nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của toàn dân. Do đó triều đình phải thành lập hệ thống quân đội quốc phòng, bảo đảm an ninh và bảo vệ tài nguyên.

Theo làn sóng văn minh nông nghiệp phát nguồn từ Trung Đông tiến qua các nước Ai Cập, Đông Nam Châu Á… xuất hiện nhiều chiến lũy, chiến hào, chiến đài. Phương Đông có chùa tháp lộng lẫy, phương Tây với thánh đường đồ sộ nguy nga tráng lệ, không thua kém cung điện triều đình vua quan.

4. Xã Hội Trung Hoa

Truyền thuyết kinh tế nông nghiệp Trung Hoa, khởi đầu từ thời Nhà Thương, ruộng đất công nhận là của chung, của bộ tộc. Tới thời Nhà Chu áp dụng phép tĩnh điền, chia ruộng đất thành 9 khu hình chữ tĩnh – khu đất ở giữa có cái giếng nước được gọi là công điền, còn 8 khu kia phát cho các bộ tộc canh tác hưởng lợi. Khu công điền thì các bộ tộc cày cấy và nộp thuế cho triều đình nhà vua.


Tới thời Xuân Thu, Thượng Ưởng làm tướng Nhà Tần phế bỏ tĩnh điền, áp dụng pháp gia, xóa bờ ruộng, khai thiên mạch, hướng dẫn cách canh tác mới và cho mọi người được quyền tư điền, nạp địa tô vật phẩm cho triều đình, thay thế địa tô sưu dịch của phép tĩnh điền. Thống nhất đo lường, đo đạc (hộc, thùng, cân, thước, tấc) nhờ đó việc đánh thuế được gia tăng. Phân cư và điều hợp các xóm làng thành huyện và cắt cử quan lại trông coi. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất đất nước áp dụng chính sách trung ương tập quyền, hủy bỏ phép tĩnh điền và truất phế thế lực của 8 bộ tộc đã từng khuynh đảo nền chính trị Trung Hoa thời đó.

5. Xã Hội Việt Nam

Xã Hội Đồng Bào, Xã Hội Anh Em, Bọc Mẹ Trăm Con của Chánh Thuyết Tiên Rồng, một tuyệt tác chính trị của Tổ Tiên.

Khác biệt với phép tĩnh điền của Trung Quốc, triều đình Việt Nam áp dụng và điều hành phép quân điền, là công điền công thổ và chia đất định kỳ tạo ra công bằng xã hội. Chế độ điền thổ của Việt Nam, theo nguyên tắc là của chung, của công — của vua. Vua là người đại diện tối thượng có quyền sở hữu và cấp phát ruộng đất cho toàn dân. Mọi người dân đều được hưởng quyền tư hữu, lãnh đất canh tác, sở hữu hoa lợi và đóng thuế cho triều đình.

Tới thời nhà Trần, Lê Quý Ly lại đề xướng chính sách hạn điền, vì dân số gia tăng và yêu cầu người nào có hơn 10 mẫu đất, thì phải nộp số ruộng dư làm của công. Tuy rằng nhà vua có quyền sở hữu, nhưng chủ quyền hưởng dụng do làng xã tự quản, gọi là công điền công thổ để phân phát cho mọi người dân làng. Luật điền thổ thời đó cấm không ai được quyền trao đổi, buôn bán hay sang nhượng đất đai làm của riêng.

Thời gian phân bổ ruộng vườn là cứ mỗi ba năm, làng lại chia đất lại cho mọi người. Vì rằng số con cháu gia tộc trong làng tới tuổi trưởng thành khôn lớn, là tráng đinh thì được hưởng quân cấp khẩu phần và tư hữu ruộng đất.
Ngoài số ruộng chia cho dân trong làng tự túc canh tác và có quyền tư hữu, làng cũng còn giữ lại một số khoản đất để làm công quỹ của làng:
- Bút điền là ruộng cho thuê, nộp tô dùng chi phí về sổ sách giấy tờ trong việc điều hành quản trị dân làng.
- Trợ điền là ruộng trích ra nhằm thực hiện những chương trình xã hội, cứu trợ hay giúp cho những ai gặp khó khăn trong việc đóng thuế đinh, thuế thân.
- Học điền là ruộng dành giúp cho hội tư văn, có quỹ đi thuê thầy dạy học cho con em dân làng, hoặc tu bổ, mở mang thêm trường lớp.
- Cô nhi quả phụ điền là đất dành để giúp cho con trẻ mồ côi, góa phụ nghèo túng hay đơn thân hoạn nạn.

Tổng quan về chính sách ruộng đất của Việt Nam là một điểm son trong lịch sử, và khác lạ với các chính sách điền địa của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đại Hàn.

6. Làng Xã Tự Chủ

Đặc tính Làng Xã Việt Nam là người dân tự ý tới ở, tự quy thành làng, tự quyết cuộc sống. Tuy có nhiều cách khởi sự lập làng khác nhau, nhưng điều kiện tiên quyết trong việc lập làng vẫn là sự tự quyết và ích lợi của mọi người quy tụ, không ai buộc ai, tự do chọn lựa.

Tụ họp thành làng, mọi người chia sẻ cho nhau cảnh sống vui buồn sướng khổ, giúp nhau vượt thắng những khó khăn, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, cùng nhau xây đắp cho đời, cho làng cho nước ngày một thêm giàu đẹp thanh bình. Làng cũng không bó buộc ai phải cư trú ở một nơi nhất định, người dân có thể tới ở hay tự ý bỏ đi, miễn là chấp nhận lệ làng khi muốn gia nhập.

Khác với tổ chức chính trị của nhiều quốc gia đương thời, quyền hạn vua quan Việt Nam chẳng những không can thiệp vào đời sống của từng người dân, mà cũng không xâm phạm vào nếp sống sinh hoạt của các làng. Đối với triều đình, mỗi làng là một quốc gia thu hẹp có chủ quyền, tự do và độc lập, việc làng thì dân chúng tự lập tự quyết.

Làng tự lập chẳng những có ban điều hành do chính dân bầu ra, mà còn có luật lệ theo hệ thống hương ước và hành chính của làng. Làng có ngôi đình thờ vị Thành Hoàng, với nghi thức truyền thống tự quản. Làng có lực lượng trị an với tiêu chuẩn thưởng phạt minh bạch do làng quy định. Làng cũng có tài sản riêng và có toàn quyền xử dụng ngân sách theo nhu cầu người dân trong làng.

Trong phạm vi làng xã Việt Nam, cả quyền phép của vua quan cũng phải kiêng nể trước hương ước, điều lệ riêng của làng, “Phép vua thua lệ làng.” Bởi thế làng xã Việt Nam đã thể hiện một chế độ trực tiếp do dân, của dân, vì dân hơn bất cứ thể chế chính trị nào khác.

7. Làng Nước Nông Nghiệp

Khi góp phần vào việc nước, làng là đơn vị đại diện người dân. Trong truyền thống chính trị Việt, người dân không trực tiếp với vua quan mà phải qua làng. Trong tất cả mọi việc từ tiếp xúc, lệnh truyền, tới sưu thuế lính tráng của nước, triều đình Việt Nam chỉ căn cứ vào làng, liên lạc với làng và tùy thuộc khả năng của làng mà định phần đóng góp.

Do đó, làng là đơn vị nền tảng của cơ cấu chính trị, của chính quyền nước. Đang khi gia đình là đơn vị nền tảng của cộng đồng xã hội, của dân tộc.

Khác biệt với nhiều thể chế chính trị trên thế giới, người dân Việt không phải đơn độc đương đầu với cơ quan quyền lực, mà đã được họ hàng thân thuộc trong làng hỗ trợ, miễn sao làng chu toàn nhiệm vụ công tác với nước. Đối với người dân Việt, làng là bức tường che chắn, mái ấm bảo bọc, cuộc đời bảo đảm vật chất và tinh thần, vừa thực tế lại vừa pháp lý.

Làng thôn Việt không phải là nếp sống tự phát hay vô tổ chức, mà được Tổ Tiên tạo thành một thể chế chính trị độc đáo, nhân bản, tuyệt vời, là một định chế làng nước thể hiện trong Chánh Thuyết Tiên Rồng.

8. Đế Quốc Nông Nghiệp

Đang khi Việt Nam sống theo hệ thống làng nước trong chế độ quân chủ pháp trị, thì nhiều quốc gia lại thực hiện “đế quốc nông nghiệp.”

Nhiều nước mạnh ở phương Đông hay phương Tây vào thời kỳ hậu nông nghiệp đã phát triển kinh tế vững mạnh, tìm thị trường tiêu thụ, đem quân đánh chiếm nước lân bang làm thuộc địa và khai thác tài nguyên khoáng sản. Thực dân xâm lược áp dụng chính sách bành trướng và trở thành đế quốc.

9. Chính Trị Nông Nghiệp

Những nước có nguồn gốc du mục — phụ hệ — thường chú trọng tới sức mạnh quân sự, các mặt liên quan đời sống dân sự chỉ là phụ thuộc. Họ tổ chức binh lực để dập tắt các cuộc nổi loạn hay muốn thay đổi chính quyền, đề phòng ngoại xâm, mở chiến tranh xâm lấn các nước lân bang, tiêu diệt hay cưỡng chiếm các bộ lạc chậm tiến, chưa kịp theo đà biến đổi, cải tiến chính trị quân chủ. Trong nước thì họ dùng võ lực để trị dân, áp dụng hình pháp nghiêm nhặt triệt để gọi là võ trị.

Những nước có nguồn gốc nông nghiệp — mẫu hệ — thì chú trọng tới việc giáo hóa, hướng dẫn chăm lo đời sống ấm no hạnh phúc của dân, võ lực không phải là điều chính yếu trong việc tổ chức cai trị dân. Hình thức cai trị này là văn trị.

Thời tiền quân chủ, các quốc gia có nguồn gốc du mục áp dụng võ trị, nặng hình thức trừng phạt mà hình luật thì lại vô tình. Đang khi quốc gia có nguồn gốc nông nghiệp dùng văn trị, thì chú trọng việc giáo hóa, sửa đổi con người và nặng tình hơn lý.

10. Quân Chủ Phong Kiến

Phong Hầu Kiến Địa cắt đất tặng cho công thần. Vua tặng thưởng cho người có công như tiền của, tặng phẩm tặng vật hay chức vị, để làm động lực thúc đẩy lòng hăng say của người phục vụ chế độ. Đối với chức quan nhỏ, văn hay võ, khi có công thì được thăng lên chức vị tương xứng.

Nhưng hàng tướng lãnh, hay quan nhất phẩm của triều đình hoàng tộc, thì tiền bạc hay chức tước đã trở thành bình thường thứ yếu, vì mọi người đều có. Do đó nhà vua phải cắt đất tặng cho công thần, để họ có toàn quyền xử dụng đất đai, lối tưởng thưởng này được gọi là phong kiến — phong hầu kiến địa.

Nhờ lối tổ chức cai trị theo hình thức phong kiến đã giúp cho xã hội con người phát triển ổn định và điều hòa trong nhiều ngàn năm. Nhưng sau vì có nhiều lãnh chúa hay tiểu quốc vương trên các lãnh địa gây hấn, xâm lấn, tiêu diệt lẫn nhau trong thời gian dài mấy trăm năm, họ đưa xã hội vào vòng hỗn loạn bế tắc. Bởi đó mà hình thức cai trị mới ra đời từ Âu sang Á, đặc biệt là Trung Hoa vào năm 221 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng thành công trong chính sách “Diệt lục quốc thống nhất thiên hạ” đổi thể chế phong kiến ra “quân chủ chuyên chế.”

11. Quân Chủ Chuyên Chế

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, sau bao trăm năm chiến tranh giữa các tiểu vương quốc, Tần Thủy Hoàng dùng bạo lực cưỡng chiếm các lân quốc, đặt lại quyền thống trị các lãnh thổ chiếm được, truất phế quyền bính vua chúa và đổi chế độ phong kiến thành ra chế độ quân chủ chuyên chế. Ông tập trung tất cả các quyền hành, thống nhất chữ viết, tiền tệ, dụng cụ đo lường, luật pháp và sách vở vào tay ông, gọi là hoàng đế. Những phần lãnh thổ chiếm được, ông chia làm quận huyện và bổ nhiệm quan chức triều đình cai trị, và trực thuộc bộ máy cầm quyền thống nhất Trung Quốc.

Song hành với chế độ có nguồn gốc du mục dùng võ lực của Trung Quốc, thì ở phương Nam chế độ quân chủ dùng văn trị do Tộc Việt lãnh đạo, được hưởng thái bình an lạc trong 2500 năm. Khoảng thời gian này, Lịch Sử Tộc Việt chỉ có 3 lần chiến tranh xảy ra (1) Ân Cao Tôn đem quân xâm lấn và toàn dân Việt vùng lên đánh đuổi (2) Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai trả hận bị vây hãm ở núi Cối Kê (3) Chiến tranh giữa hai sắc tộc Trăm Việt, là Việt Vương Triệu Đà chiếm đất An Dương Vương Thục Phán ở thành Cổ Loa. Bởi thế mà có an dân thịnh nước và Chánh Thuyết Tiên Rồng ra đời với những truyền tích trong Lịch Sử Dân Việt.

12. Tiến Trình Xã Hội

Con người đã phải trải qua bao giai đoạn lang thang trên cánh đồng hoang vắng, sống cô đơn bao ngàn năm săn hái để biết kết xã trong thời kỳ hậu nông nghiệp. Từ xã hội đơn sơ dăm ba người ngày trước, tới khi thành lập làng xã có vạn triệu dân là một tiến trình dài phát triển hai hệ thống, xã hội công quyền và xã hội dân sự.

Xã được hiểu theo nghĩa rộng là tổ chức thân thiện của loài người, và theo nghĩa hẹp là một nhóm người có chung quyền lợi, đặc tính hợp lại thành tổ chức được gọi là hội. Cơ cấu xã hội tăng dần, từ tổ chức bộ bộ lạc phát triển thành làng xã nông nghiệp.

Khi con người tiến sang thời kỳ tiền kỹ nghệ, các miền hay tỉnh có khả năng tự trị trở thành tiểu bang trong liên bang Hoa Kỳ hay Úc Ðại Lợi, hoăc tỉnh bang Gia Nã Ðại, mục đích hợp tác và tranh đấu cho quyền lợi, cho tự do, cho tự chủ của tiểu bang/ tỉnh bang.

Con người có những tổ chức sinh hoạt riêng tư, tuy nằm trong hệ thống công quyền, nhưng hoạt động riêng tư không bị chính quyền chi phối – phép vua thua lệ làng, được gọi là xã hội dân sự. Xã hội dân sự cũng được gọi là xã hội tư, khi một nhóm người không liên quan đến chính quyền thành lập hội đoàn. Sự hoạt động của hội không nguy hại chính quyền, không tranh giành quyền bính, mà còn phục vụ cho cộng đồng xã hội.

Xã hội khởi thủy chỉ có một cơ cấu tổ chức bao gồm chính trị, văn hóa, quân sự, tôn giáo, y tế, giáo dục… nhưng qua thời gian dân số gia tăng, các lãnh vực sinh hoạt được chuyên môn hóa, số người làm nghề nghiệp mới, tạo ra tổ chức xã hội dân sự (civic society).

Hợp Tác Xã (cooperative) là xã hội hợp tác hoạt động kinh tế và kinh doanh, không tìm kiếm lợi nhuận, và chỉ hợp tác để tiêu thụ. Những người tiêu thụ đoàn kết để giảm chi phí, tránh các giai đoạn trung gian, phân phối hạ giá mua hàng hóa, bằng cách làm chủ cơ sở, hàng hóa do họ chung nhau tạo dựng và mua sắm.

- Năm 1761 một nhóm thợ dệt Anh quốc hợp nhau để mua chỉ dệt và bột mì. Họ lập bộ phận mua hàng hóa và phân phối đến các thành viên.

- Năm 1795, 1400 người ở Hull, Anh Quốc lập hợp tác xã nhà máy xay bột để đáp ứng nhu cầu của thành viên. Sự lợi ích của hợp tác xã tăng nhanh, vào thập niên thứ ba thế kỷ 19, ở Anh quốc, đặc biệt ở những vùng kỹ nghệ, hợp tác xã tiêu thụ ra đời, về sau phát sinh ra hợp tác xã sản xuất và hợp tác xã dịch vụ.

- Hình thức hợp tác xã được cải tiến vào năm 1844, khi 28 thợ dệt nghèo ở Rochdale, Anh quốc thành lập hội tương trợ, được gọi là Hội Công Bằng Tiền Phong Rochdale (Rochdale Society of Equitable Pioneers). Với sáng kiến này, hội lập tiệm tạp hóa và buốn bán thành công thịnh vượng.

- Năm 1863 Anh Quốc có hơn 400 hợp tác xã theo kiểu mẫu của Hội Rochdale. Kể từ đó phong trào hợp tác xã lớn mạnh, trở thành kiểu mẫu cho thế giới. Đến giữa thế kỷ 20 có 2400 hợp tác xã các loại, và hợp tác xã bán sỉ là cơ quan phân phối lớn nhất ở Anh quốc.

- Thụy Điển phong trào hợp tác xã cũng thành công trong lãnh vực tiêu thụ, phân phối sản phẩm kỹ nghệ và là động lực của kinh tế nước nầy. Hợp tác xã ở Thụy Điển còn được gọi là “con đường trung dung” để phân biệt giữa xí nghiệp do cá nhân làm chủ và xí nghiệp của chính phủ điều hành.

- Phong trào hợp tác xã tiêu thụ được thành lập tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Kể từ năm 1920 hợp tác xã được áp dụng vào các lãnh vực như tiệm tạp hóa, bánh mì, tiệm ăn, nhà máy điện, bảo hiểm, ngân hàng... cạnh tranh thành công với các cơ sở kinh doanh tư nhân. Hợp tác xã nông dân là mạnh nhất ở Hoa Kỳ.

- Ngoài các hợp tác xã tiêu thụ, sản xuất chúng ta thấy hiện nay có các hợp tác tín dụng, hợp tác bảo hiểm, hợp tác y tế, mai táng là những hợp tác xã lớn tại Hoa Kỳ.

- Liên Minh Hợp Tác Quốc Tế (International Cooperative Alliance, ICA) được thành lập năm 1895, đến thập niên 1980 tổ chức có 355 triệu thành viên, có tiếng nói ở Liên Hiệp Quốc.

- Người Trung Hoa đi lập nghiệp ở hải ngoại, đã thành lập các bang, như bang Triều Châu, bang Phúc Kiến... Các bang này là “xã hội dân sự” hoạt động độc lập đối với chính quyền cũng như với dân bản xứ. Các xã hội sắc tộc chú trọng đến buôn bán, thành công, và có truyền thống thương mãi cao hơn dân bản xứ. Từ đó họ vươn lên giữ quyền kiểm soát kinh tế, tài chánh của một số tiểu bang ở Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi, hoặc tỉnh bang Gia Nã Đại là nơi nhiều người Hoa cư ngụ.

Còn ngành làm móng của người Việt ở hải ngoại thì sao, bao giờ có hợp tác xã? Câu hỏi còn chờ một tiểu luận trả lời cho cộng đồng Việt Nam tương lai!

13. Kết Luận

Tóm lại, đợt sóng nông nghiệp bắt đầu chìm xuống ở cuối thế kỷ 17 tại châu Âu, khoảng năm 1750 kỹ nghệ bắt đầu ở Anh Quốc, tạo đợt sóng thứ hai tràn ngập cả nước, cả lục địa, cả toàn cầu với nhiều tốc độ nhanh chậm khác nhau, vài trăm năm so với vài nghìn năm thời đại nông nghiệp.

Phạm Văn Bản

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Biển Kể Chuyện Chúng Mình - Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh Hòa Âm: Đỗ Hải Ca Sĩ: Anh Bằng


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh
Hòa Âm: Đỗ Hải
Ca Sĩ: Anh Bằng

Nhớ Tiếng Vạc Kêu Sương



Gió động lay cành lấp lánh sương
Trăng tan xóa hết mộng bình thường
Chim xa bầy vẫn mong tin nhạn
Hoa nhạt màu còn mãi ngậm hương
Kẻ đã ra đi quên thệ ước
Cho người ở lại biết đau thương
Thu vàng mấy độ ngoài song cửa
Tiếng vạc khơi sầu dạ vấn vương

Kim Phượng

 

Thực Hư



Với em hư thực vô biên
Khi đằm thắm mắt khi huyên náo lòng
Tình yêu lúc có lúc không
Mà sao thương nhớ ngày mong đêm chờ..!


Thanh Chau


Hãy Cất Giùm Tôi Nửa Trái Tim Khú Đế

 

Nửa trái tim tôi, em cất giữ từ lâu,
Nhớ cẩn thận, đừng để rơi để rớt.
Tôi sống được, nhờ nửa trái tim đó,
Em để mất tiêu, là đời tôi tiêu mất.

Từ em đến, đời tôi nhiều đổi thay,
Hơi thở khác đi, nhịp tim đập khác đi,
Môi cười tươi, tiếng nói như ngựa hí.
Mỗi sớm mai, trong tôi, nở những nụ hồng.

Em là Trăng, là Hằng, hay là Nguyệt,
Vằng vặc em, những khung trời sáng.
Em lụa vàng, trên những đồng cỏ nội.
Bao la trời trong, mênh mông sương mai.

Em, dẫu muộn đến, nhưng vẫn là tình thứ nhất,
Em, mối tình đầu, muôn kiếp ta chờ mong,
Em, đúng--không sai--là quà trao từ Thượng Đế,
Em, hãy cùng nhau, ta chấp nhận trận tình.

Em, ngọt ngào, tiếng hót họa mi,
Em, dịu dàng, dáng mèo khoan thai,
Em, mượt mà, tóc buông bờ vai,
Em, là Hằng, là Trăng, hay là Nguyệt.

Em, thiếu nữ hoa khôi, thời con gái,
Em, là trăng góa phụ, thời mặn mà,
Em, là Nàng Thơ, thổi lịm hồn thi sĩ.
Chết hồn ta, ta chấp nhận, chết hồn ta.


Lê Mai Lĩnh
Những ngày Trăng Xưa lạc lối quê nhà

Love’s Philosophy (Percy Bysshe Shelley)Triết Lý Tình Yêu (Tâm Minh Ngô Tằng Giao & Lộc Bắc)



Love’s Philosophy

The fountains mingle with the river
And the rivers with the Ocean,
The winds of Heaven mix forever
With a sweet emotion;

Nothing in the world is single;
All things by a law divine
In one another's being mingle.
Why not I with thine?

See the mountains kiss high Heaven
And the waves clasp one another;
No sister flower would be forgiven
If it disdained its brother;

And the sunlight clasps the earth
And the moonbeams kiss the sea:
What are all these kissings worth
If thou kiss not me?

Percy Bysshe Shelley (1792-1822)
***
Các Bài Thơ Dịch:

Triết Lý Tình Yêu 

Suối nguồn chảy nhập vào sông
Sông trôi êm ái hòa cùng biển khơi,
Gió dâng từ bốn phương trời
Du dương quấn quít muôn đời cuộn bay.

Có chi ở thế gian này
Cô đơn mà chẳng sum vầy dài lâu
Tuân theo luật tối nhiệm mầu.
Đôi ta sao chẳng cùng nhau chung lòng?

Non cao hôn nhẹ trời trong
Sóng xa quần tụ chập chùng đại dương;
Hoa nào còn được mến thương
Khi chê cỏ nội, hoa vườn kề bên.

Ánh dương ôm ấp đất liền
Trăng hôn biển vắng triền miên mơ mòng:
Thiên nhiên tình có như không
Nếu nàng chẳng đặt môi nồng hôn ta?


Tâm Minh Ngô Tằng Giao  
***

1/ 
Triết Lý Tình Yêu

Những đài phun nước hòa quyện với dòng sông
Và những dòng sông với Đại dương,
Gió trời hòa quyện mãi
Với cảm xúc ngọt ngào;

Không có gì trên thế giới là duy nhất;
Vạn vật theo một quy luật thiêng liêng
Trong nhau hòa quyện.
Tại sao tôi không ở bên bạn?

Ngắm núi hôn trời cao
Và sóng vỗ vào nhau;
Không có bông hoa chị em nào sẽ được tha thứ
Nếu nó khinh thường anh em nó;

Và ánh sáng mặt trời ôm lấy trái đất
Và ánh trăng hôn biển:
Tất cả những nụ hôn này có giá trị gì
Nếu bạn hôn không phải tôi?


2/ Triết Lý Tình Yêu

Suối khe hòa với dòng sông
Nhiều sông cùng chảy vào lòng đại dương
Gió trời hòa quyện vô cùng
Ngọt ngào cảm xúc tương phùng thần tiên

Không gì thế giới lẻ riêng
Vạn vật theo luật thiêng liêng vận hành
Trong nhau hòa quyện mà thành
Tại sao tôi chẳng cùng anh bạn đời?

Ngắm nhìn rặng núi hôn trời
Và con sóng trước gọi mời sóng sau
Chẳng tha thứ dẫu cỏ khâu
Nếu tự khinh rẻ lẫn nhau rộn ràng

Nắng mai ôm ấp đất bằng
Ánh trăng hôn biển soi đàng thế nhân
Nụ hôn tất cả không cần
Nếu anh không thể góp phần hôn em!


Lộc Bắc
Mai24


Hiến Thân Cứu Chúa - Kỷ Tín ( .... - 240 TCN) - Lê Lai ( .... - 1418)

(Kỷ Tín)

Trong bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương mở đầu có câu:" Dư thường văn chi: Kỷ Tín dữ thân đại tử nhi thoát Cao Đế..." ( Ta thường nghe Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế....)
Trong truyện Lê Lai, theo Đaị Việt Thông Sử chép: Trước tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:
- Nay thế trận nguy hiểm có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai dõng dạc đứng dậy nói:
- Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công....

Vậy, Kỷ Tín là ai? Lê Lai là ai? Và Lê Lai so với Kỷ Tín, ai dũng khí hơn ai ? Ai anh hùng hơn ai??
Dưới đây là Lược truyện Kỷ Tín và Lược truyện Lê Lai. Sau hết là Lời Phụ Bàn với 3 bài thơ ca tụng dũng tướng Lê Lai của người biên soạn.

I - Lược truyện Kỷ Tín:

Vào năm 240 TCN, khi Hán Vương bị Hạng vương vây hãm ở thành Huỳnh Dương ngặt nghèo, bèn gọi Trương Lương, Trần Bình vào nghị kế.

Trần Bình tâu:

- Tôi có một kế có thể phá được vòng vây nầy, song chỉ sợ ở đây không có bậc trung thần nào dám chịu nạn cho Đại vương. Chu Bột và các võ tướng đều nói:
- Sao ngài lại khi thị chúng tướng như vậy? Chúng tôi theo phò Chúa Thượng đã lâu, dẫu phải bỏ thây không tiếc. Trần Bình vừa cười vừa nói:
- Cái đó chỉ là kế sâu xa, có lẽ các ngài chưa hiểu ý tôi.

Hán Vương hỏi:

- Tiên sinh có kế chi xin nói ra đây cho mọi người bàn luận. Trần Bình ghé vào tai Hán Vương nói nhỏ...như vầy... như vầy...

Hán Vương khen phải và nói:

- Kế đó rất hay. Trương Lương nên cố gắng thực hiện mới được.
Trương Lương tuân lệnh về dinh mở tiệc rượu mời các tướng đến dự. Các tướng lần lượt đến, thấy giữa phòng tiệc có treo một bức tranh lớn, vẽ một chiếc xe trong đó có người ngồi, phía sau có hai trăm quân kỵ đuổi theo rất gấp. Đằng trước là một khu rừng rậm. Trong rừng có một người đang nấp. Các tướng không rõ bức tranh ấy có ý nghĩa gì, tại sao lại đem treo trong phòng tiệc, bèn hỏi Trương Lương. 

Trương Lương liền đáp:

- Ngày xưa vua Cảnh Công nước Tề đánh nhau với quân Tấn. Cảnh Công thua to, quân sĩ đều trốn hết, họ bỏ Cảnh Công ngồi một mình trong xe. May có một nông phu trông thấy vội đẩy xe cho Cảnh Công đi trốn. Tuy nhiên, quân Tấn đuổi theo rất ngặt, khó mà trốn thoát nổi. Người nông phu nói:" Nguy đến nơi rồi, Chúa Công nên đưa áo quần cho tôi mặc, tôi sẽ ngồi nơi xe nầy mà chịu chết thay cho Chúa Công, còn Chúa Công nên trốn vào rừng thoát nạn ". Cảnh Công nói:" Ta được thoát nạn mà nhà ngươi bị giết, lòng ta sao đành". Người nông phu lại nói:" Tôi chết đi như rừng rậm mất một cây nhỏ. Còn Chúa Công mất là giang san nước Tề sẽ phải mất, xin Chúa Công xét nghĩ ". Cảnh Công theo lời, đổi quần áo cho nông phu rồi trốn vào rừng và thoát nạn......."

Các tướng nghe nói, mặt mày ngơ ngác chưa hiểu ý. Trương Lương nói tiếp:

- Ấy, nhờ người nông phu mà sau nầy Cảnh Công dựng nên nghiệp Bá, tiếng để sử xanh, ngày nay vẫn còn khen ngợi. Nay Chúa Thượng ta ngộ nạn, chẳng khác như Cảnh Công, thế mà không ai bắt chước cái việc làm của người nông phu. Vì vậy tôi treo bức tranh nầy lên để cùng xem. Các tướng nghe nói đều hăng hái đứng dậy nhìn nhau tỏ vẻ can trường:
- Cha có nạn con chết thay, vua có nạn tôi chết thay. Chúng tôi xin đem thân chết thay Chúa Thượng, để cứu Chúa Thượng thoát khỏi trận Huỳnh Dương nầy.

Trương Lương nói:

- Các ông có lòng trung nghĩa thật đáng khen. Song hiện nay chỉ cần một người diện mạo giống Chúa Thượng mà thôi. Người đó là Kỷ Tín, chẳng biết Kỷ Tướng Quân có vui lòng chăng? Kỷ Tín nói:
- Đó là ý nguyện của tôi, dầu phải tan xương nát thịt tôi cũng vui lòng. Trương Lương và Trần Bình mừng rỡ, đưa Kỷ Tín vào ra mắt Hán Vương tâu bày tự sự. Hán Vương nói:
- Việc đó không nên, Lưu Bang nầy chưa làm nên nghiệp lớn, các ngươi làm tôi chưa có ân huệ nào, nay nếu bắt Kỷ Tín tướng quân bị nạn thay ta, để ta tìm đường trốn, ấy là việc làm hại người, ích mình, lòng ta không nỡ.

 Kỷ Tín nói:

- Việc đã gấp lắm rồi, nếu tôi không chịu nguy hiểm thì mai kia thành vỡ, đá tan, cả vua tôi đều chết. Cái chết của tôi ngày nay ích lợi hơn ngày mai rất nhiều. Tuy tôi chết mà danh tôi còn mãi trong dân chúng, tình tôi còn mãi trong lòng Đại Vương. Khi đó Hán Vương vẫn còn gỉa cách dùng dằng không nỡ, không nỡ.... Kỷ Tín rút gươm kề cổ nói lớn:
- Nếu Đại Vương không nghe, tôi xin tự tử nơi đây để tỏ rằng tôi không tiếc gì tính mệnh. Hán Vương liền bước xuống đỡ tay Kỷ Tín, vừa khóc( nước mắt cá sấu ), vừa nói:
- Lòng tướng quân rất mực trung thành, danh tiếng ấy muôn đời còn lưu. Chẳng hay tướng quân còn song thân chăng?......................

II - Lược truyện Lê Lai:
 
(Lê Lai)

Lê Lai không rõ năm sanh, người Mường, con của Lê Kiều, Huyện Lương Giang, Thanh Hóa. Lê Lai có dung mạo khác thường,tính tình cương trực, có chí khí. Năm 1416, Lê Lai, với Lê Lợi ( chủ sự ) cùng với 17 Hào Kiệt hội thề ở Lũng Nhai, Thanh Hóa . Thề sống chết có nhau, nguyện quyết tâm chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược, cứu dân cứu nước.
Từ khi khởi nghĩa, Lê Lai luôn ở bên cạnh Lê Lợi; góp công sức giúp Bình Định Vương với chức Đô Tổng Quản, tước Nội Hầu. Ông cũng từng xông pha nhiều trận nguy hiểm.

Tháng 4, năm 1418, nghĩa quân Lê Lợi bị thua ở Mường Một, cùng nhau chạy thoát về Trịnh Cao. Quân Minh truy kích, đuổi theo rất ngặt và vây chặt các lối hiểm yếu thuộc vùng núi Chí linh. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

- Nay thế trận rất nguy hiểm, có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khoác Hoàng Bào mà chết thay ta không? Các tướng ngồi yên không ai dám thưa. Duy, chỉ có Lê Lai đứng dậy dõng dạc nói:
- Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa Công. Ví như sau nầy giành được giang san thì xin nhớ công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được hưởng quốc ân, được vậy, thần chết cũng nhấm mắt. Lê Lợi rất thương cảm bùi ngùi... Lê Lai lại nói:
- Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng thì bao công sức đây sẽ chẳng còn gì. Nếu theo kế này may ra thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước, nào có tiếc gì?

Lê Lợi mới vái trời và khấn rằng:

- Lê Lai có công đổi áo, nếu sau nầy khôi phục được nghiệp xưa, nếu không nhớ công lao ấy thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.
Ngay sau đó, Lê Lai khoác Hoàng bào giả làm Lê Lợi và vâng mệnh mang 2 thớt voi với 500 quân xông ra khêu chiến. Giặc Minh liền xua quân giao chiến. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào trận và la lớn:
-Ta là chúa Lam Sơn đây!
Ngỡ là Bình Định Vương Lê Lợi, giặc Minh xúm lại bao vây và kịch chiến. Lê Lai tả xông hữu đột giết giặc một hồi rồi kiệt sức, bị giặc Minh bắt và hành cực hình. Hôm ấy ngày 29 tháng 4 âm lịch năm 1418 ( có chỗ chép 1919 ).

Nhân, lúc sự vây hãm của giặc lơi lỏng, do bận đối phó với Lê Lai. Lê Lợi cùng một số tướng đã vượt trùng vi bằng lối khác và trốn thoát... Và Lê Lợi đã làm nên nghiệp cả...
Cảm động trước lòng trung nghĩa của Lê Lai, Lê Lợi cho người tìm thi hài Ông đem về an táng ở vùng đất Lam Sơn.
Năm 1428, sau khi lên ngôi an vị, Lê Thái Tổ cho truy tặng Ông là:" Sùng Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai công thần " .
Các đời vua Lê tiếp theo đều có truy tặng Ông. Đến đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lai được truy tặng cao nhứt là:" Trung Túc Vương "
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch 1433, trước khi mất vua có dặn phải giổ kỵ tướng Lê Lai trước vua một ngày. Nên dân gian có câu: " Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi "

Vua Tự Đức ca ngợi Lê Lai:

Vịnh Lê Lai

Chí Linh sơn hạ tứ sơn u
Tự trưóc hoàng bào cuống Sở Hầu
Tha nhật Đông Đô tân xã tắc
Khẳng ( khắc ) giao Kỷ - Tín độc an Lưu?

(Vua Tự Đức)

Dịch nghĩa:

Dưới núi Chí Linh bốn bề thâm u ( chỉ giặc Minh bao vây )
Tự mặc Hoàng bào làm cho Sở Hầu ( Hạng Võ ) mắc mưu
Ngày sau Đông Đô xã tắc đổi mới
Đâu phải chỉ có chuyện Kỷ Tín cứu Lưu Bang ( mà còn
có chuyện Lê Lai cứu Lê Lợi )

Vịnh Lê Lai

Giặc dữ trùng trùng vây Chí Linh
Hoàng Bào thay Chúa quyết hy sinh
Đông Đô đại định ghi công lớn
Kỷ Tín chẳng riêng chuyện hiến mình.

(Nguyễn Minh Thanh thoát dịch)

III - Lời bàn: 

Qua 2 tiểu truyện Kỷ Tín và Lê Lai, cả hai đều đem chính sinh mệnh của mình để cứu Chúa, vô cùng can đảm, can đảm phi thường. Nhưng, rõ ràng trong cung cách: Lê Lai gan liền tướng quân. So với Kỷ Tín, Lê Lai dũng khí cao vời.
Không như Kỷ Tin phải qua sự dàn cảnh dựng chuyện của Trần Bình, Trương Lương và Lưu Bang, là những tay gian hùng thượng thặng. Để khích tướng, để đẩy người khác chết thay cho mình bằng bức tranh Tề Cảnh Công chạy trốn...
Sau khi cùng các tướng " xem tranh " và bị Trương Lương nêu đích thị danh tánh, bị du vào thế chẳng đặng đừng, Kỷ Tín mới tình nguyện hy sinh.
Đằng nầy, khác xa Kỷ Tín, vừa nghe Bình Định Vương gợi ý, Lê Lai lẫm liệt đứng phắt dậy dõng dạc ứng tiếng tình nguyện tử trận thay chúa tức thì.

Ấy chính là:

Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh
Thái Sơn nhất trịch khinh Hồng mao
(Lý Bạch)

( Cảm lòng ơn chúa trọng cao
Thái Sơn xem tựa Hồng Mao nhẹ hều)
(NMT dịch)

Ngoài ra, căn cứ theo 2 tích truyện vừa kể trên, thì Lê Lợi cũng rất minh bạch trong việc nhờ người " Tự trước Hoàng bào " thay chết cho mình. Không như Lưu Bang quanh co xảo trá... Mọi việc đã xếp đặt đúng theo mưu mô cố ý . Lưu Bang còn giả ân giả nghĩa, giọng lưỡi của gian hùng: " ...lòng ta không nỡ, không nỡ... ".
Ôi, lòng dạ Ngừơi Xưa với Người Nay ( Vụ Cải Cách Ruộng Đất 1954 - 1956 miền Bắc của nước VNDCCH, HCM chậm nước mắt ) sao mà giống nhau lắm vậy..!!
Lê Lai, Lê Lợi những anh hùng đúng nghĩa, những tấm lòng cao cả xán lạn tựa trăng rằm chênh chếch trên trời cao. Đúng là:
" Minh Quân Lương Tể tao phùng dị..."

Xin nghiêm mình kính cần ngưởng mộ Cổ Nhân. Người đã liều thân cứu chúa, góp công bằng chính mạng sống trong đại cuộc giải cứu giống nòi. Dù mệnh tuy yểu, nhưng danh ấy thọ. Phương danh đã và đang thi đua tồn tại mãi với núi sông Lạc Hồng...
Cảm kích trước sự hy sinh vì đại nghĩa, người biên soạn có bài thơ nhỏ để:
Trân trọng tưởng niệm đấng Anh Hùng Lê Lai với sự nghiệp lớn:

Anh Hùng Lê Lai

Trích huyết hội thề tại Lũng Nhai*
Ban sơ hào kiệt có Lê Lai
Phương phi mỹ mạo lòng trong sáng
Lẫm liệt anh tài dạ thẳng ngay
Tận lực giúp vua lo nội vụ
Hy sinh cứu chúa thoát trùng vây
Can trường khí phách cây cao vọi
Trên đỉnh Lam Sơn bóng trải dài...

Trải dài bóng cả đất Lam sơn
Cứu chúa vong thân dạ chẳng sờn
Lương tướng thơm danh vì đại nghĩa
Minh quân nức tiếng trọng thâm ân
Kinh - Kha Yên khách so còn kém
Kỷ - Tín Hán thần sánh chẳng hơn
Lớp sóng phế hưng rừng đổi lá
Thiên thu còn đó tấm lòng son..!!

(Nguyễn Minh Thanh)

IV - Luận Điểm:

Bài " Hiến Thân Cứu Chúa ", ngoài việc xiển dương anh hùng Lê Lai, người viết còn muốn trình bày một vấn nạn lớn của dân tộc VN ta. Đó là vấn đề " Thoát Trung "... Thoát Trung là chủ đề lớn, cần thời gian và hợp lực của nhiều thế hệ...
Đồng ý rằng Trung Quốc có nhiều điều vượt trội VN.
Tuy nhiên, VN cũng có những cái Trung Quốc không thể sánh bằng. Ví dụ như: Lê Lai - Kỷ Tín. Ví dụ như: Phạm Hồng Thaí - Kinh Kha là hai nhà thích khách.
- Phạm Hồng Thaí: thích khách vì đại cuộc, mục đích giải cứu giống nòi...
- Kinh Kha: thích khách chỉ vì trả nợ áo cơm...

Thế mà Kinh Kha được biết nhiều, nhắc đến nhiều... Chẳng hạng, trong bài ca " Hàng Hàng Lớp Lớp " cuả NS Nguyễn Văn Đông có câu:

" Hàng hàng lớp lớp chưa về
Hàng hàng nối tiếp câu thề

Nhìn anh muốn nói chuyện người Kinh Kha..."

Sao NS NVĐ không dùng:

" Nhìn anh muốn nói chuyện người Châu Giang... "

Để " Thoát Trung ". Để hậu sinh biết rằng VN có người anh hùng lẫm liệt tuyệt vời như thế...
Tiếc thay, tiếc lắm thay...!!
Anh hùng nước ta có, sao không xiển dương, tán thưởng... lại đi đề cao danh nhân xứ người...
Rồi thi bá Vũ Hoàng Chương cũng ngợi ca Kinh Kha qua “Bài ca sông Dịch” với câu thơ:

" Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư. "

Buồn thay, buồn lắm thay...

Tóm lại, danh nhân thế giới là tài sản chung của nhân loại, ai cũng có quyền tán thán hay khinh thị.
Song, với người viết, để " Thoát Trung ", chỉ xưng tụng người ngoài khi mà Sử Việt không có...

Phần kết:

Với luận điểm nêu trên, hơi xa chủ đề...
Bây giờ, xin trở lại truyện Hiến Thân Cứu Chúa. Để kết thúc Sử Truyện bi hùng, có bài thơ nhận xét về hai danh nhân cổ đại Kỷ Tín & Lê Lai dưới đây:

Lê Lai & Kỷ Tín

Sử Việt tiền nhân bậc đại hùng
Lông hồng xem nhẹ nặng lòng trung
Lê Lai cứu chúa tâm tình nguyện
Kỷ Tín thay vua thế chẳng đừng
Kỷ Tín ngồi chờ lời chỉ định
Lê Lai phắt dậy miệng tiên xung
Ao nhà biển cả đều cần có
Biển cả bao la đẹp trập trùng...
(Nguyễn Minh Thanh)

Phụ giải:- Lê Lai (?.... - 1418 ) Lê Lai người Thanh Hóa, cha tên là Lê Kiều. Ông lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo. Hội thề Lũng Nhai năm 1416 đã có Lê Lai.
- Kỷ Tín (?.... - 204 TCN): Lưu Bang bị Hạng Võ vây ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát. Nhờ Kỷ Tín đóng giả làm Lưu Bang, và Lưu Bang thoát nạn.
- 19 HÀO KIỆT HỘI THỀ LŨNG NHAI ( Thanh Hoá ): Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến.

Nguyễn Minh Thanh biên soạn
(GA, July 4 - 2024)