Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

Trăng Với Tôi

 

Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Anh Mộng, Em Mơ

 

Ðêm qua anh nằm mộng
Ðêm qua em nằm mơ
Nước non cách biệt đôi bờ
Bỗng dưng sống lại lời thơ tao phùng
Ðất trời vào cuộc tình chung
Khởi từ anh mộng kết cùng em mơ.

Nguyễn Thùy


Nợ Một Lời Cảm Ơn!


(Bài Hát Nói như một Lời Cảm Ơn Muộn Màng đến Bác Sĩ Alexandre Émile Jean Yersin (22/09/1863 – 01/03/1943). Cảm ơn bài viết của Nhà Văn Tuấn Khanh. 
Cảm ơn Anh Nhan Tử Hà đã chuyển bài viết đến ngày 28/09/2023)

Bác Sĩ Alexandre Émile Jean Yersin! Lời cảm ơn còn nợ!
Sanh ra từ Thụy Sĩ, nhập tịch Pháp, không vợ, không con, mất tại Nha Trang, Việt Nam
Tìm ra vi khuẩn Yersinia Pestis bệnh Dịch Hạch! Bắc Đẩu Bội Tinh cho những công lao, việc làm!
Khám phá ra Cao Nguyên Lâm Viên với thành phố Đà Lạt! Thám hiểm, tham quan toàn vùng Đông Dương kỳ thú!

Chữa trị cho người như mục vụ!
Tìm đường thám hiểm tựa đam mê!
Dấu chân Ông in đậm trên đất nước Việt Nam! Danh tiếng Ông tràn ngập cả sơn khê!
Khai mở dân trí, cứu nhân độ thế, coi y học là thiên chức! Ông là tiền đề cho nhiều thiên thu cảm hứng!

“Tôi muốn được chôn tại Suối Dầu. . . giữ tôi lại tại Nha Trang. . .” Ôi! Lời nào về Ông cho xứng?
Theo Đám Tang Ông dài ba cây số! Làng Tân Xương, Suối Dầu thờ cúng Ông làm Thành Hoàng!
Biết về Ông? Hãy mở toang
Những trang Tiểu Sử sáng choang công trình
Y khoa, thám hiểm, tận tình
Chăn nuôi, nông nghiệp, một mình, đơn sơ!
Tên Ông đã hiện trong Thơ!

Đức Hùng

Sydney, Úc Châu, 28/09/2023
14 Tháng 8 Âm Lịch Năm Quý Mão, Ngày Kỷ Sửu. Hành Hỏa, Trực Định, Sao Đẩu. Cát Thần : Mẫu Thương, Tam Hợp, Thời âm.
Tướng tinh con trâu, tượng trưng cho đức tính siêng năng, cần cù nhẫn nại trong mọi việc làm, mọi công trinh thực hiện.

Tiếng Hát Từ Quê Hương

 

( Thân tặng các bạn Vũ Hồng Khánh K4/69KQ và bạn Hà Ngọc Thủy Khóa 4/69 TĐ
Cảm tác sau khi nghe tiếng hát của các bạn)

Trầm bổng ngọt ngào tiếng hát vang
Dìu ta vào thế giới mơ màng
Âm thanh réo rắt hồn rung động
Tiếng nhạc dập dìu trí xốn xang
Kỷ niệm vơi đầy tình ấp ủ
Tâm tư chìm lắng ý miên man
Phút giây sống lại thời hoa gấm
Gói trọn tình anh trong tiếng đàn 

Lâm Hoài Vũ

Nov 26, 2023


Sông Nước Đồng Nai

 
 
Sông nước Đồng Nai cảnh hữu tình
Đôi bờ dải lụa, nắng lung linh.
Ruộng nương bát ngát mơn mùa mượt
Vườn tược sum suê mởn trái xinh.
Thuyền nọ giăng tôm khi rạng sáng
Nàng kia chở cúc lúc bình minh.
Áo bà ba tím, nghiêng vành nón
Mộc mạc chân quê đẹp dáng hình!...


Duy Anh
12/06/2023



Hoàng Hôn Vội Vã

 

Tháng Mười Một với hoàng hôn vội vã
Sáng bình minh còn chìm lắng bóng đêm
Chỉ nghe tiếng chim khuyên kêu lả rả
Ta mới biết ngày đã viếng thăm ta
Bầu không khí tinh khôi trong thanh vắng
Giục giã mình mau tiến bước ra đi
Trên đường vắng còn đèn khuya soi tỏ
Lòng vẫn nhớ trung thu vừa qua khỏi
Và Vu Lan thương nhớ bóng cha hiền
Đã khuất núi làm đời con hiu quạnh
Giờ một mình tranh đấu với gian lao
Với công việc sáng đi chiều về lại
Nên thoáng chốc đã hoàng hôn sụp xuống
Nhẹ bước ta về sương khói chiều thu


Hồng Vân

Một Thời Để Nhớ (Ái Hữu 72)

(Trao về Ái Hữu và riêng gửi đến anh Tư)

            Buổi chiều xuống thật chậm cùng với cơn mưa kéo dài không dứt hạt cho tôi luyến nhớ về thành phố thân yêu nơi ghi dấu một thời sống hồn nhiên bên gia đình với ba má, anh em, với bạn bè của bảy năm trung học và với anh Tư, người anh kết nghĩa đã đối xử với tôi bằng thân tình anh em sâu đậm.


(A.H. 14 Sương, A.H. 2 Hà, Vân, Liên  (Hòn Chồng Nha Trang 1973)

     Làm sao quên được phố nhỏ hiền hòa trầm lặng nhưng dễ thương chi lạ, đến đổi dù có xa rời nơi ấy cũng không thể nào quên được những kỷ niệm hồng của một thời đã qua. Ở đây đôi lúc nghe cô đơn khi biết mình đã xa những người thân quen, “ÁI HỮU “giờ mỗi người một nơi, những cuộc họp không còn đông đủ như xưa và hôm nay sinh nhật Ái hữu vừa tròn một tuổi không biết bao nhiêu người có mặt để nhớ lại ngày này năm xưa, khuôn mặt nào từng liếng khỉ nhất giờ sắp sửa bước chân vào quân ngũ, buổi tiễn đưa Lộc nối gót anh Tánh tuy không qui tụ hết bạn bè nhưng ít ra với mười lăm đại diện cũng nói lên được thiện cảm của Ái Hữu dành cho người bạn nhỏ đi vào binh nghiệp.

(Tin lạ: Hè 72 một phóng viên lớp 11B3 đã chụp được hình của 4 công chúa “Thủy Tề“ xuất hiện trên cồn của Tiền Giang  Cái Tàu)

    Một năm từ ngày thành lập tôi đã hiểu thế nào là cảm tình mà bạn bè nơi Ái Hữu dành cho nhau, những giúp đỡ ân cần khi tôi xa nhà và những hôm đứng một mình trước cổng trường thi chung quanh toàn xa lạ để thấy rằng mình nhớ nhiều đến bạn bè năm xưa. Ngày nào mới bỡ ngỡ đặt chân lên đất Saigon tôi đã cảm động thật nhiều trước sự chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình nơi anh Tư và em mười hai Ích để rồi từ đó quen dần với nếp sống nơi đây, tôi nghĩ mình đã làm được gì để đón nhận sự đối đãi tốt đẹp đó, chỉ mong những người thân quen nhận nơi tôi sự cảm mến chân thành không bao giờ phai lạt.
     Vĩnh Long yêu dấu của tôi ơi! Dù có xa thế mấy tôi vẫn nhớ mãi về ngôi trường cũ tôi đã ghi lại  vô vàn kỷ niệm nơi thầy cô, bạn bè, ái hữu mến yêu và những người thân quen nơi phố nhỏ.
     Có những kỷ niệm đẹp của một thời khó mà quên được, tôi sống bằng kỷ niệm nên hình ảnh cũ bao giờ cũng ghi lại nơi tôi một cái gì sâu đậm nhất.

 Hà, Tâm, Sương, Duyên (nhà chị Hà 35 năm sau)
Kim Hà
(Trích từ Nội San 2 của Hội Ái Hữu 72)

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Một Cánh Hoa Thôi

  

Một cánh hoa thôi rõ phận người
Hoa lòng heo héo sắc ngoài tươi
Theo bao năm tháng dài phương mộng
Của phượng xa xôi tắt nụ cười

Một cánh hoa thôi định mệnh buồn
Hoa lòng nức nở lệ trào tuôn
Thì thôi phượng hỡi vùi thương nhớ
Trên những tàn phai định mệnh buồn

Kim Phượng
Úc Châu Ngày Đầu Hạ 1.12.2023


Tự Do

 

- Nếu được làm …

Nếu được làm con cá
Mà lội dưới sông
Tự do thoả thích bơi vòng khắp nơi
Nếu được làm chim trời
Bay cao vời vợi
Không cần phải sợ bẫy đời bủa vây
Nếu được làm loài hươu
Cao cổ trên rừng
Ngẩng đầu đi thẳng mà không ngại gì
Nếu được làm mây ngàn
Lang thang bốn phương
Dừng chân đâu cũng được xem là nhà
Nếu được làm giọt nắng
Xuân tỏa chan hòa
Luôn mang sức sống đến cho mọi người
Nếu được làm dòng nước
Sẽ chọn phù sa
Bồi thêm cây lúa đồng quê hạt đầy
Nếu được làm hải đăng
Mà nhìn đại dương
Giúp người định
hướng tránh đường hiểm nguy
Nếu được làm bươm bướm
Vờn trong vườn hoa
Cười cùng em nhỏ vui đùa bắt nhau
Nếu được làm mùa Thu
Có nhiều lá vàng
Để cho thi sĩ thả hồn thơ bay

Dương Việt-Chỉnh
12/3/2020

Theo Bóng Mây

 
photoshop by le tuan

Tôi vẽ hình em theo bóng mây
Chợt thấy em cười ngọn gió bay
Bóng em tan biến theo sương khói
Hụt hẫng lòng tôi nơi chốn này.

Em chiếm hồn tôi như cỏ dại
Mọc đầy dị thảo thắm hương say
Người lữ khách thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu mảnh giấy thơ ngây.

Em biết tình bao giờ thấm mệt
Đêm đêm bỗng thấy lòng xôn xao
Nghe chừng chiếm cả hồn thi sĩ
Ngôn ngữ tình yêu viết thế nào.

Tế Luân
12-01-23


Tưởng Nhớ Nữ Danh Ca Xứ Huế


Hầu như mỗi sáng thức dậy, mình đều nghe những bản nhạc hay đọc những bài viết có tính chất văn học nghệ thuật do BS. Phạm Anh Dũng gởi ra trên diễn đàn Toronto Medical Group. Qua thời gian thành ra thói quen, mở mắt ra là mình tìm vào đó để thưởng thức những bản nhạc do BS. Anh Dũng thả ra.

Vào sáng thứ Hai, 17 tháng Giêng, 2022 cũng vậy, mình đọc bài giới thiệu “Tháng Giêng Kỷ Niệm Hai Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn và Ca Sĩ Hà Thanh Qua Đời. Nhân sáng hôm nay trời bên ngoài toàn mây mù và lạnh, nên mình tìm một góc ấm và mở ra thưởng thức những clips nhạc bạn gởi. Không chỉ như vậy, mà còn nhiều bản nhạc khác nửa, với sự tham gia của nhiều ca sĩ khác mà mình nghĩ cũng xẩy ra cùng một địa điểm, một thời gian, do cùng một ban nhạc và một MC, tại Houston năm 1992 (?), qua chương trình VOVN.

Tháng Giêng là kỷ niệm thời gian cả hai nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và ca sĩ Hà Thanh qua đời.
Để nhớ hai nhân vật tài hoa
Sau đây là vài tác phẩm của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn do ca sĩ Hà Thanh trình bày:

Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:


Nhân tiện mời nghe: 

Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn) Mai Hương & Phạm Anh Dũng song ca:

(Phạm Anh Dũng   http://phamanhdung.wordpress.com/)

Giữa 2 nhân vật Lê Trọng Nguyễn và Hà Thanh, vì mình không rõ nhiều về người thứ nhất, nên mình xin có vài lời về ca sĩ Hà Thanh, một người con của xứ Huế của mình. Không những Chị có giọng ca hiền hòa, tuyệt vời trời phú, mà phong cách tự nhiên song song với một cuộc đời đơn giản đầy tâm Phật của Chị đã khiến tên tuổi của Chị nổi bật trong những ca sĩ đương thời và cả về sau khi ở hải ngoại. Hay ít nhất trong cộng đồng người Huế xa xứ nói chung và riêng trong lòng những cựu nữ học sinh trường Đồng Khánh, là nơi Chị từng học qua, và của mình nữa khi mình cũng từng là một cựu học sinh, vì theo học 5 năm tiểu học tại đây và ở luôn 19 năm trong khuôn viên ngôi trường đẹp này.

Bến Giang Đầu (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:


Tuy Chị bắt đầu nổi tiếng từ Huế trong thập niên 60 của thiên niên kỷ trước qua những chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Huế, mình chưa biết nhiều về Chị lắm. Chỉ biết chung chung là nhà chị Hà Thanh ở bên kia cầu Ga, bên dòng sông Bến Ngự khi sông đào này mới bắt đầu rẽ nhánh từ sông Hương. Mình nhớ có một hè mình đang học năm cinquième hay quatrième gì đó, được trường Providence tổ chức đi cắm trại mấy ngày tại trường Pellerin (cả 2 trường đều là Công giáo cả). Các anh lớn thường hay ra đứng cạnh bờ sông, núp đằng sau các bụi cây, nhìn và chỉ chỏ sang bên kia sông và nói với nhau đó là nhà của ca sĩ Hà Thanh. Có lần mình cũng nhìn theo và thấy một lô các chị em (nhưng không biết trong đó có chị Hà Thanh không??) đang chơi đùa ở bến sông và bơi trên dòng sông, có người thì đang chèo thuyền nữa. Dần sau mấy năm, Chị Hà Thanh bắt đầu nổi tiếng không những về tiếng hát của mình mà còn thêm là một loạt các em gái Chị cũng có tiếng thơm là con gái đẹp mà lại học cao, như các chị Phương Thảo (về sau lấy Viện trưởng ĐH Huế là GS. Bùi Tường Huân), chị Liên Như, Thúy Vy (cùng 1 lứa với mình ở thềm ĐH. T.Vy học Luật, mình thì YK), Bạch Lan, Hoàng Mai. Toàn là những tên đẹp! Và làm bao chàng trai trong cùng lứa tuổi mơ màng và điêu đứng. Mãi cho đến nay, mình vẫn không hiểu được nghĩa của tên cúng cơm Lục Hà của chị Hà Thanh. Nghe thật lạ và hay, rất đặc biệt, và có lẽ chưa có một người con gái nào mà mình biết, hay đọc trong sách báo, thi văn… có cùng tên như vậy!?


Chiều Bên Giáo Đường (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:


Trong một lần thư liên lạc với Thúy Vy, mình có viết như sau:

Thúy Vy mến,

Vừa làm xong chương trình văn nghệ cho Tiệc Tân Niên YKH vào chiều Thứ Sáu này, March 9, 2018, mở email, thấy Vy Trần Kiêm vội mở ngay. Tường Vy gởi nhạc, không ngờ đọc bài viết của Vy về Cố NS. Nguyễn Văn Đông.

Bài viết tuy ngắn nhưng trang trải đầy đủ đức tính của một con người có trước có sau, một nhạc sĩ có tên tuổi lại vừa là một cựu sĩ quan cao cấp, nổi tiếng từ xưa cho đến cuối đời. Được mọi tầng lớp dân chúng yêu thương lại vừa được các đàn em cựu quân nhân, cựu Thiếu Sinh Quân kính mến đã không ngần ngại sắp hàng đưa tay lên tầm mắt, chào tiễn người đàn anh mang hình ảnh một đấng nam nhi văn võ song toàn, một mình hiên ngang chọn con đường sống sau khi đi tù về với tinh thần quả quyết gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Một hình ảnh quá xứng đáng để lại cho hậu thế.

Cũng phải viết như thế này: nếu nhạc của ĐT Nguyễn Văn Đông không được chị Hà Thanh hát (hay ngược lại) thì có lẽ những bản nhạc đó, như Hải Ngoại Thương Ca, Hàng Hàng Lớp Lớp, Nhớ Một Chiều Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê, Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê... sẽ không được nổi tiếng với hàng hàng triệu người biết đến.

Vĩnh Chánh cảm thấy rất privileged và thương mến khi được Thuý Vy nhắc tên đến... 2 lần (**) trong bài viết. Cám ơn T. Vy nhớ luôn cả lần Chánh đến nhà thăm nhà T. Vy ngay sau khi biết khu vực Ga được giải tỏa trong Mậu Thân. Vui ghê đi chớ!

Chúc Vy sức khỏe và an lành. Nhớ thỉnh thoảng liên lạc với nhau nghe.

Thân mến, Chánh

(**Lần thứ nhất là khi nhắc đến bài viết Tết Năm Này Nhớ Đến Tết Năm Xưa / Mậu Thân của mình; lần thứ hai là về câu chuyện vui nhắc lại V. Chánh đến nhà Thúy Vy ngay khi Huế đang ngổn ngang chưa dứt tiếng súng: “Để xem tụi Vy chết chưa thì đồ ăn vẫn chưa hết, vẫn có đùi vịt được nướng lên cho Chánh ăn. Đói lâu ngày, Chánh ăn ngon lành” – Thúy Vy viết.

Trong thư chuyển của Anh Dũng, mình lại được nghe lại bản nhạc một thời mình rất mê nghe, từ khi còn là sinh viên. Đó là bài Hẹn Một Ngày Về của GS. Lê Hữu Mục làm ra khi ông rời Huế bay ra Hà Nội nhưng hẹn về lại Huế sau đó. Theo ý mình, bài này rất xứng đáng chiếm một vị trí cao trong những bản nhạc về Huế, nhất là khi nhạc sĩ lại không phải gốc Huế mà là người Miền Bắc vào dạy ở Huế rất sớm sủa (trước khi chia đôi đất nước).

Và với bài này mình nghĩ không thể có ai hát hay và truyền cảm cho bằng chị Hà Thanh.

Chim Chiều Không Tổ (Lê Trọng Nguyễn) Hà Thanh:


Từ khi vào Sài Gòn sinh hoạt cùng với các chương trình ca nhạc, mình tìm hiểu, và biết chị Hà Thanh không bao giờ đến trình diễn tại các phòng trà. Chị chỉ xuất hiện qua các chương trình trên đài phát thanh Sài Gòn hay Quân Đội, hay trên truyền hình về sau. Sự kiện Chị không hát ở các phòng trà cũng có thể hiểu như một viên ngọc quý, cho dù được ưa thích đến đâu, cũng không thể trưng bày, xuất hiện dễ dàng trước công chúng. Phải giữ riêng cho mình một nét cổ kính trầm lặng, một mức độ, một khoảng cách nào đó, nhưng không hề mang tính chất kiêu ngạo hay lập dị - có lẽ đó là nguyên tắc kín đáo trong đời sống của một thiếu nữ gốc Huế mà lại được nuôi dưỡng trong một gia thế có nền giáo dục vững chắc.

Ngay cả khi ra hải ngoại, Chị cũng rất ít khi xuất hiện trên các chương trình ca nhạc của PBN hay Asia, mà lại có mặt trong các buổi văn nghệ của từng nhóm nhỏ, như Nhóm Nhớ Huế, Phượng Vỹ, hay các buổi trình diễn có tính cách Phật Sự. Có nghĩa là Chị không bao giờ nghĩ đến chuyện làm thương mãi với tiếng ca của mình. Có được như vậy, chắc vì Chị nhận được sự bao bọc thân yêu của các em chị từ khi chị rời VN và qua sống tại Boston.

Hẹn Một Ngày Về (Lê Hữu Mục) Hà Thanh hát Lê Trọng Nguyễn hòa âm:


Chị Hà Thanh mất đúng ngày đầu năm của tháng Giêng 2014, bên cạnh con và các người em thân yêu. Nay Vĩnh Chánh xin mượn 2 câu trong bản nhạc Hẹn Một Ngày Về:

“HUẾ, LƠ LỬNG DÒNG HƯƠNG
NĂM THÁNG CÒN VƯƠNG LỜI AI MONG CHỜ”

Để thắp nén nhang lòng, nhớ về một giọng hát từng đi vào lòng người, một hình ảnh thùy mị khó quên, một tên rất quen thuộc của bao thế hệ lớn lên, sống tại Huế hay xa Huế. Cầu nguyện hương hồn chị thanh thản nơi chốn tịnh độ.

Hai giờ sau khi viết xong bài này, mình nhận được hình vẽ chị Hà Thanh bằng bút bi mà họa sĩ là BS. Mùi Quý Bồng, một đàn anh tài hoa, chuyển vào diễn đàn tmg. Một chia sẻ quý báu làm tăng giá trị của bài viết.


Và vào tận cuối ngày, mình lại nhận gián tiếp thêm một điện thư cho biết nghĩa của tên Lục Hà như sau:
Xin bổ túc… cho ai đó, thắc mắc về tên Lục Hà…
Theo như tôi được biết:
Các anh chị em chúng tôi thường gọi chị là Chị Hà.
Gọi Phương Thảo là chị Phương.
Tên mấy chị rất đẹp! Phải không?
Chúng tôi, (nói về phe nữ), cùng được Ông Nội đặt cho,
Các Chị, Con ông Bác chúng tôi: tên Các loại Hoa và Thảo mộc:
Tố Cần, Lục Hà (hoa Súng), Phương Thảo (Hoa Khôi Đồng Khánh), Liên Như (hoa Sen)
Thuý Vy, Bạch Lan, Hoàng Mai…
Nhà khá đông con gái…

Hai hôm sau, cũng từ diễn đàn tmg, mình nhận được một clip video music dài gần 2 giờ, do chị Liên Như (Boston) cùng Giáo Sư Đàm Trung Phán (montreal, Canada) biên soạn. Dưới đầu đề “HÀ THANH, Liên Khúc 1- KỶ NIỆM NGÀY RA ĐI – January 1, 2014. Như một lời vĩnh biệt gởi đến người nữ danh ca xứ Huế. Trân trọng cám ơn GS. Đàm Trung Phán và chị Liên Như:


Tháng Giêng, 2022
Vĩnh Chánh

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Dạ Khúc - Bài Nhạc Quỳnh Cuối Cùng - Sáng Tác: Phạm Anh Dũng - Trình Bày:Thu Vàng


Sáng Tác: Phạm Anh Dũng
Trình Bày:Thu Vàng
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Buồn Tàn Thu

 

Trời cuối Thu rồi, anh ở đâu 
Cho em thêm nhớ dạ thêm sầu 
Đêm dài ngày ngắn, thân cô phụ 
Giấc ngủ chập chờn mộng thấy nhau 

Mai này trời lạnh ngâu tàn tạ 
Lá trụi cành khô dạ nát nhàu .
Từng câu tâm sự - câu tâm sự 
Mới đấy mà nay đã bạc đầu 

Quen nhau thuở ấy Em mười tám 
Anh làm thơ tặng mỗi chiều ngâu 
Tình tiền, hai chữ Son Khuyên Ngược 
Và những phong ba khiến bạc đầu ..

Đêm nay thức mãi trời chưa sáng 
Soi bóng trên tường gọi bóng trao 
Đôi lời tâm sự cho khuây khỏa 
Đong thử tim xem vạn cổ sầu

Thư Khanh

Seattle - 10/8/ 2023 -Tiết tàn thu ...

Xa Xứ

 

Em không về nữa chị ơi!
Quê hương khép cửa quãng đời ấu thơ.
Kiếp nghèo chân đất tắm mưa,
Những chiều chạy giặc gió lùa tả tơi.
Đau thương vá vội cuộc đời,
Chân chim đuôi mắt, bồi hồi nhớ cha.
Mất nhau dòng lệ nhạt nhòa,
Mẹ ta gãy gánh, tuổi hoa đang nồng.
Những ngày miền Bắc cuối Đông,
Căm căm cái rét, cắt lòng buốt da.
Nhưng không vì thế chia xa,
Mà do hệ lụy quốc gia giữa người.
Bao năm héo úa nụ cười,
Thiếu hơi ấm áp mặt trời phương Đông
Bây giờ tiếng biết tiếng không!
Bây giờ tuyết trắng mênh mông ngang trời.
Cỏ vàng gãy dưới chân người,
Nồng say, ân ái để rồi cũng qua.
Buông tay rời khỏi Sơn Hà
Con thuyền viễn xứ trôi qua bán cầu.
Rồi đây tro bụi về đâu?
Ngôi sao bé nhỏ thay màu đổi ngôi.
Đành thôi khuất bóng xứ người,
Em không về nữa, ngậm ngùi nơi đây.

Lê Thị Ý


Lộn Phòng


Tay xách nách mang tôi quàng giỏ vào vai, hai tay nâng niu bưng bình hoa hồng đỏ thắm bước vào cửa chính của bệnh viện, đứng xếp hàng sau ba người theo đúng luật của mùa Covid. Đến lượt, tôi khai:
- Tôi đến thăm bệnh nhân phòng 4103.

Anh nhân viên bệnh viện check nhiệt độ của tôi và hỏi vài câu liên quan đến an toàn Covid rồi ghi tên tôi, ghi số phòng 4103 vào cái Visitor band xong đeo vào cổ tay tôi và chỉ lối đến thang máy lên lầu 4.
Lòng tôi vui vui vì chốc nữa sẽ gặp người yêu của tôi. Anh nằm bệnh viện mấy ngày nay tôi mới có dịp đến thăm anh, mà lại đến bất ngờ chắc anh sẽ ngạc nhiên và vui lắm.
Tôi tìm dãy phòng và số phòng của anh không khó khăn gì. Đứng trước phòng số 4103 tôi sửa lại điệu bộ làm duyên làm dáng và chuẩn bị sẵn một nụ cười tươi như những đóa hồng này và đẩy cánh cửa bước vào. Thấy tấm màn che giường bệnh tôi kéo rẹt một cái cho anh nếu đang ngủ sẽ giật mình thức dậy và thấy tôi anh sẽ…. bàng hoàng tưởng trong mơ.
Nhưng tôi mới là kẻ…giật mình, nghe tiếng động mạnh một anh Mỹ đen to kềnh ngơ ngác nhìn tôi và cố ngồi nhỏm dậy. Tôi cũng ngơ ngác và bối rối:
- Tôi xin lỗi..đây là phòng 4103?
Bệnh nhân đáp:
- Phải, phòng 4103. Nhưng…. cô là ai?
- Tôi cũng đang tự hỏi…anh là ai mà lại ở đây?. Để tôi xem lại..
Tôi mở túi lớn lục tìm, bới tung mọi thứ vẫn không ra mẩu giấy, lại mở cái bóp nhỏ lục lọi mới thấy mẩu giấy nhỏ gấp làm tư tôi đã ghi số phòng của anh mà người nhà anh đã cho tôi. Số phòng là 4301 Tôi quay ra vô cùng ngượng ngùng:
- Xin lỗi…xin lỗi…..tôi đã vào lộn phòng 4103 thay vì 4301.

Biết đã xong chuyện bệnh nhân từ từ nằm xuống, nhìn anh Mỹ đen to cao đang đau ốm mệt mỏi nằm truyền những ống dịch gì đó dây dợ đầy trên người tôi càng thấy mình có lỗi nhiều. May mà anh ta hiền lành và đang yếu ớt nằm trên giường bệnh với chùm dây dính trên người, nếu bình thường và gặp thứ dữ dằn thì anh ta đã…xông ra cho tôi ăn đòn vì cái tội xông xáo bất ngờ, bất lịch sự này rồi.

Tôi đã làm phiền mà anh ta không hề cau có nhăn nhó bực mình, vẫn cố gắng ngồi đối đáp nhã nhặn với tôi. Tôi cảm động quyết định nhanh chóng để bình hoa hồng đỏ trên chiếc bàn đầu giường của anh và rất chân thành:
- Bó hoa này tôi tặng anh và chúc anh hồi phục sớm.
Bệnh nhân có vẻ ngạc nhiên, tôi hiểu ý anh nói ngay:
- Không có hoa hôm nay nhưng tôi sẽ còn dịp khác thăm và tặng hoa cho người phòng 4301 của tôi. Anh nhận nhé, bó hoa này là của anh.
Anh ta mỉm cười, trong ánh mắt có niềm vui vì món quà tặng bất ngờ:
- Cám ơn cô.
***
Dưới cổng chánh của bệnh viện cô Anna đang bước vào . Cô là visitor vài lần nên kinh nghiệm khai nhanh với nhân viên bệnh viện:
- Tôi là Anna, thăm Jacob bệnh nhân phòng 4103.
Nhân viên bệnh viện nhìn vào sổ và từ chối:
- Mỗi lần chỉ một người vào thăm, không tụ tập nhiều người trong phòng bệnh được. Cách đây vài phút có một cô đã ghi tên vào thăm phòng 4103 rồi.
Cô Anna ngạc nhiên:
- Anh nhìn lại sổ xem lầm lẫn gì không?
- Không, không có vẻ gì là lầm lẫn cả, cô ta mang theo một bình hoa hồng đỏ xinh đẹp mà khi tôi đeo cái visitor band ghi số phòng 4103 vào tay cô ấy tôi còn phải đỡ phụ bình hoa nữa mà.
Mặt biến sắc cô Anna hỏi lại:
- Cô gái với một bình hoa hồng đỏ đến thăm phòng 4103?
- Đúng thế. Nên cô phải chờ khi cô ta thăm xong sẽ đến lượt cô. Vì tình trạng dịch bệnh Covid đang gia tăng nên chúng tôi phải có luật lệ này.
Cô Anna cố giữ nét mặt bình tĩnh năn nỉ:
- Bệnh nhân phòng 4103 đang đợi tôi đến với món thịt bò hầm cho anh chiều nay để anh mau phục hồi sức khỏe. Tôi đoán là cô kia thăm cũng sắp xong rồi. Làm ơn, kẻo món súp bò của tôi nguội mất ngon.
Anh nhân viên động lòng:
- Thôi được, cô vào đi..

Anna tất tả đi ra khu thang máy. Cơn giận cô cố kìm nén bây giờ mới được dịp trào ra. Thì ra Jacob của cô đã thầm lén có một người tình, cô ta đã đến thăm Jacob. Hôm nay Anna đến đúng lúc sẽ nhìn mặt tình địch và lột mặt nạ giả dối của Jacob ra, kẻ từng nói yêu cô và sẽ cầu hôn cô nếu không vì tai nạn phải vào bệnh viện cả tuần nay.
Anna đẩy cửa phòng 4103 bước thẳng vào trong, thấy Jacob đang nằm và bình hoa hồng đỏ chình ình trên đầu giường đang nhìn Anna như khoe khoang và khiêu khích. Anna tức giận lớn tiếng:
- Anh vừa tiếp người tình bí mật của anh phải không? Cô ta biến đâu rồi?
- Em nói gì thế, anh đang nằm đợi em đây.
Anna quắc mắt chỉ thẳng tay vào bình hoa vô tội:
- Ở dưới cổng vào bệnh viện suýt nữa người ta không cho tôi vào vì đã có một cô mang hoa Hồng vào thăm phòng 4103, chứng cớ còn đây.
Nàng mở cái giỏ xách tay và lôi ra hộp bò hầm đậu còn nóng:
- Tôi sẽ đổ những thứ này vào thùng rác trước mặt anh đấy. Anh không xứng đáng nhận những công lao tâm tình này của tôi.
Jacob vội cản:
- Khoan..khoan Anna..Hãy bình tĩnh nghe anh giải thích.
Jacob nhanh chóng kể lại chuyện cô gái đi lộn phòng. Nghe xong Anna vẫn khăng khăng:
- Chuyện lộn phòng thì có, nhưng cô ta để lại bình hoa thì khó tin. Anh sáng tác kịch bản chưa hoàn hảo..
- Em yêu ơi. Cô ta muốn chứng tỏ đã biết lỗi và bó hoa là ý đẹp của cô ấy.
Nhưng Anna vẫn đi sồng sộc ra cửa. Jacob hốt hoảng hỏi với theo:
- Em đi đâu Anna?
- Tôi sẽ đến phòng 4301 nếu quả thực cô ta thăm bệnh thì vẫn còn ở đó, mà dù không còn, tôi cũng có cách hỏi cho ra lẽ..

***

Tôi kể cho anh nghe chuyện đi lộn phòng và xin lỗi anh bình hoa đã bất ngờ tặng cho người khác. Chàng trìu mến thông cảm:
- Em đến thăm anh đã là triệu đóa hoa Hồng rồi, anh cần gì một bình hoa.
Và chàng hù dọa:
- Chỉ sợ vợ con hay người yêu của anh ta lát nữa vào thăm sẽ nghi ngờ thắc mắc cô nào đã âu yếm tặng bình hoa hồng đỏ xinh đẹp này thôi. Em tặng hoa kiểu này có khi…mang họa cho người nhận đấy.
Vừa lúc có tiếng gõ cửa và Anna bước vào, thấy một cô gái trẻ đang ngồi chuyện trò thân mật với người bệnh trên giường. Anna hạ giọng thăm dò:
- Xin lỗi, tôi là Anna đã đường đột vào đây. Tôi muốn hỏi có phải cô là người đã đi lộn phòng 4103 lúc nãy ?
Tôi và chàng cùng nhìn nhau, cùng linh cảm sự việc “chẳng lành”, anh nói “linh” thật. Tôi bối rối chưa kịp đáp thì anh đã thay thế tôi:
- Vâng, đúng thế, người yêu của tôi vừa kể tôi nghe và đang xin lỗi tôi vì bình hoa đã để lại phòng 4103 tặng cho bệnh nhân ấy.

Bao nhiêu cơn giận của Anna trong giây phút này tan biến hết, Anna cảm thấy nhẹ lòng, cô bẻn lẻn và cảm kích đáp lời:
- Tôi đến đây để….để …nói lời cám ơn cô đã tặng hoa và chúc Jacob của tôi mau khỏe.
May quá, chàng nói thì cô Anna mới tin, chứ thái độ cô đến đây là biết vì ghen rồi, với gương mặt chẳng mấy hiền lành kia, với vóc dáng to cao kia thì không biết cô Anna sẽ nổi giận thế nào, chắc gì cô để yên cho tôi giải thích minh oan. Tôi vẫn chưa kịp nói gì Anna lại nhanh nhẩu nói tiếp:
- Tôi cũng chúc người thân yêu của cô mau khỏe .
Bây giờ mới đến lượt tôi, thở phào trong lòng và vui vẻ đáp lại:
- Cám ơn Anna. Thế là cả hai bệnh nhân, hai người thân yêu của chúng ta đều nhận được lời chúc lành nhờ chuyện…. tôi đi lộn phòng. Hi vọng các anh ấy sẽ chóng bình phục Anna nhé...

Nguyễn Thị Thanh Dương
( August, 02, 2021)




Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Liên Khúc Mười Năm Yêu Em - Trầm Tử Thiêng - Mười Năm Tình Cũ - Trần Quảng Nam - Kim Trúc


Tác Giả: Trầm Tử Thiêng& Trần Quảng Nam
Trình Bày: Kim Trúc

Giấc Mơ Phiêu Bồng

 

Xa người giá lạnh đêm trôi
Lặng thầm rơi ánh sao trời lẻ loi
Lần theo những tiếng em cười
Tình tôi trú trọ bờ môi nồng nàn

Yêu người, yêu suối tóc ngoan
Xõa vào đêm biếc mơ màng gió trăng
Bờ vai như tựa bóng xuân
Cỏ cây hoa lá thì thầm chiêm bao

Yêu người , giọng nói ngọt ngào
Se lời mây gió tình xao xuyến tình
Cõi lòng ngan ngát trời xanh
Mơ theo tròn đẹp một vành nón nghiêng

Yêu người, yêu ngọn gió mềm
Nhớ thương khép mở đôi rèm mi cong
Sớm chiều mưa nắng phải lòng
Tình yêu giấu kín vào trong tim buồn

Yêu người, yêu cả chiều sương
Em về hồ mắt thiên đường nghiêng chao
Con đường hoa cỏ thầm thào
Nghe hồn ngây ngất lạc vào mộng du

Yêu người, hồ mắt giam tù
Tình tôi chèo giữa ngẩn ngơ gió lùa
Dài theo giọt nắng làn mưa
Vòng vèo thương nhớ giấc mơ phiêu bồng

Trầm Vân



Quê Hương Ngàn Trùng

  

Đêm tàn. Trăng xế đầu non
Giấc khuya trải lụa, mỏi mòn sương rơi
Miên man ký ức gọi, mời
Đưa hồn tôi vượt biển trời xa xăm
Về qua lối cũ âm thầm
thấy thương tích dậy vết bầm tử, sinh
Chập chờn mây khói anh linh
Lung linh ảnh ảo. Vật vờ tâm thân
Đi trong hoang lộ phù trần
quan hoài kỷ niệm, gọi thầm quạnh hiu
Cây cành khô nhánh tin yêu
nên hồn trầm tích giữa cô liêu buồn
Đêm nghiêng theo ánh trăng suông
Lạnh ngoài cõi vắng, lạnh tràn qua song
Lạnh thêm đá tảng trong lòng
Tôi mơ màng thấy một dòng đời trôi
Thở dài nén giọt buồn rơi
Hỏi: Sao ta vẫn một đời tha phương?!
Thu phong rười rượi canh trường
Hồn thao thức vọng quê hương ngàn trùng
Trăng tàn. Đêm tận. Mông lung!
Bâng khuâng thả mộng chập chùng xa bay
Buồn đêm nối với sầu ngày
thành vòng nhật nguyệt viễn hoài...trầm luân!
Đối gương, dõi bóng xa, gần
Mơ Quê Mẹ thắm một vầng quang huy!

Huy Văn

Sao Sa

 

Năm mươi năm xa mẹ
Tóc con đã bạc nhiều
Bước chân giờ liêu xiêu
Theo dòng đời nghiệt ngã.

Một mình trên xứ lạ
Thu vần vũ lìa xa
Đường trơn vài chiếc lá
Giẫm đạp, người lại qua

Cuôc chiến xưa đã là
Vết thương đầy oan trái
Xin mai này trở lại
Thành phố bụi mưa bay

Hà Nội yêu còn đấy
Sai Gòn không đổi thay
Tình ta bừng sống dậy
Mây nước theo tháng ngày

Quê hương dù đưa đẩy
Việt Nam như ngày nào
Em tôi quốc tịch sao
Vẫn mang hồn dân tộc

Ta yêu em tuổi ngọc
Không dép trên đồi xanh
Đôi mắt tròn, to, nhanh
Nhìn ngôi sao biến dạng.

Lê Thị Ý

Thèm


Tụi bây biết không? Bây giờ tao đi làm bằng xe đạp. Tụi bây đừng cười. Tao không giỡn đâu. Hồi xưa, hồi trước 1975, trong bọn mấy đứa tụi mình, tao là thằng tếu nhứt. Tao hay kể chuyện tiếu lâm, hay bịa chuyện này chuyện nọ để chọc cười, để phá phách cho vui với nhau. Nên tụi bây thường nói: “Coi chừng! Nó nói cái gì mình phải xin keo coi có đúng không, rồi hãy tin”. Hồi đó, khác. Bây giờ, khác. Tụi bây đi hết rồi, chỉ còn mình tao kẹt lại. Nói thiệt hay nói dóc đều không còn ý nghĩa gì nữa, cũng không còn giá trị gì nữa đối với tao. Bởi vì không còn ai để giỡn, không còn lòng dạ đâu để giỡn, và cái cười của tao đã vượt biên đâu mất từ lâu…

Điều ngộ nghĩnh là, bây giờ, bất cứ chuyện gì tao kể ra chắc chắn tụi bây đều không tin ráo! Bởi vì tụi bây đã di tản trước ngày 30 tháng tư 1975, không thấy không biết những gì đã xảy ra ở trong nước, làm sao mà tin? Vả lại “những gì đã xảy ra” đã không xảy ra theo quy luật thông thường. Tất cả đều bị xáo trộn, đảo lộn một cách nghịch lý đến nỗi tao là người sống trong đó mà lắm khi tao phải tự hỏi: “Làm sao có thể như vậy được?”. Vậy mà nó đã “như vậy được” tụi bây à! Khó tin nhưng có thật! Cho nên, những gì tao viết ở đây cho tụi bây hoàn toàn là những chuyện có thật mà… khó tin đó.

Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, tao cứ phải nghe ra rả nói láo nói dóc, cứ phải luôn luôn nói láo nói dóc… Nào là “Đã vượt chỉ tiêu 150%” (Chỉ tiêu là con số đã được ấn định trước cho mức sản xuất, không biết là bao nhiêu, nhưng thấy tháng nào cũng vượt, năm nào cũng vượt, ngành nào cũng vượt – tao phải… dịch những chữ mới rõ ràng ra như vậy cho tụi bây hiểu, bởi vì bây giờ mình không còn nói giống như hồi trước nữa). Nào là “Đã hồ hởi phấn khởi đi làm nghĩa vụ” nghĩa là đi làm cái nghĩa vụ gì đó một cách… khoái trá sôi động bởi vì biết chắc rằng không đi cũng không được. Nào là “Hoàn toàn nhất trí” (Bây giờ không nói nhứt nữa, mà nói nhất. Nghe… cách mạng hơn), nghĩa là “đồng ý hoàn toàn”, cho nó rồi, kẻo không thì… kẹt lắm. Mọi người đều “nhất trí” hết mà mình không “nhất trí” thì nó… lòi ra coi không giống ai. Thành ra “nhất trí” cũng có nghĩa là “phải làm như mọi người”. Tụi bây hiểu chưa? Nào là “Làm việc rất là năng nổ”. Tao nghĩ chắc khỏi cần dịch. Tụi bây cứ nghe “nó… lốp bốp” là đoán ra cái nghĩa của nó rồi. Đại khái là làm việc giống như có cờ phất trống khua, có loa trên loa dưới ồn ào, còn lè phè suốt buổi hút thuốc uống trà là chuyện khác… vân vân và vân vân… Kể không hết!

Sau bao năm dài sống trong môi trường như kể trên, “cái thèm” rất lớn của tao là được sống thật, nói thật. Cho nên, viết cho tụi bây giống như tao được… giải phóng. Vậy những gì tao kể ra đây, tụi bây khỏi phải xin keo!

Bây giờ, tao đi làm bằng xe đạp. Vẫn làm ở sở cũ. (Còn được làm việc ở sở cũ là may đó nghen. Nhiều người bị đổi đi nơi khác xa hơn và thường thì ở một ngành nghề không dính dấp gì với phần chuyên môn của mình hết. Cách mạng mà !). Cái xe hơi con cóc, tao đã cho nó lên nằm trên bốn gộc cây để bán lần bán hồi bốn bánh xe, cái bình điện, cái đề-ma-rơ… Hầu như tháng nào tao cũng phải bán một món gì trong nhà, bởi vì lương của tao cộng với những gì vợ tao và hai con gái lớn kiếm được hằng tháng… không đủ sống. Tình trạng đó bắt đầu từ sau hai “trận” Nhà Nước đổi tiền.

Đạp xe riết rồi cũng quen. Khoảng cách trên mười cây số từ nhà đến sở, tao coi như “pha”. Chỉ bực mình là xe đạp của tao hay sút sên khi nó “nhảy” ổ gà. Mà đường sá bây giờ, ổ gà ở đâu nó… lòi ra nhiều quá. (Người ta nói Mỹ rút đi, để lại toàn là đồ giả không – tao nghe sao chép vậy !). Cho nên, ở nhiều đoạn đường, tao lái xe tránh ổ gà giống như người say rượu ! Vậy mà có hôm vẫn cứ sút sên vì “nhảy” ổ gà, cho nên, vào tới sở hai tay tao thường lấm lem dầu, đất, mà áo quần thì ướt đẫm mồ hôi.

Bây giờ, tao làm việc “thông tầm”, nghĩa là làm suốt tới chiều rồi về sớm không có về nhà ăn cơm nghỉ trưa như hồi trước. Vì vậy, mỗi sáng tao mang theo một lon ghi-gô cơm với vài miếng cá mặn để ăn tại bàn viết buổi trưa. Chiều về sớm, tao có bổn phận nấu cơm làm đồ ăn – những món tầm thường như hột vịt luộc hột vịt chiên, v.v... – bởi vì giờ đó vợ con tao còn kẹt ở tổ may thêu tuốt trong Gò Vấp. Ờ…bây giờ tụi nó cũng đạp xe đi làm xa như tao và cũng đi hằng ngày như tao. Đổi đời mà….

Mỗi sáng đi làm, lúc nào tao cũng đem theo cái giỏ đi chợ treo tòn ten ở ghi-đông, giống như đi chợ chớ không giống đi làm ! Bởi vì trong sở thường hay… bất thần bán cho nhân viên (gọi là “phân phối” chớ không gọi là “bán”, nghe có vẻ như được… cho, nhưng mình phải trả tiền !) cá, rau cải, v.v... Tuy không nhiều và không được lựa chọn vì phải… bắt thăm trúng lô nào lấy lô đó, nhưng rẻ hơn ngoài chợ thành ra cũng đỡ. Cho nên, đi làm việc mà ngày nào cũng nhóng nhóng hỏi thăm “coi bữa nay có phân phối gì không?” và chiều về đến nhà, thằng con tao – thằng út đó, tụi bây nhớ không ? bây giờ nó lớn đại rồi – chạy ra mở cổng lúc nào cũng hỏi: “Bữa nay có mua được gì không ba?”. Và hôm nào thấy trong giỏ có đồ gì để ăn là mắt nó sáng rỡ. Tội nghiệp, sống trong sự thiếu thốn triền miên, có đứa nhỏ nào, có người lớn nào mà không nghĩ đến miếng ăn?

Bây giờ, tao hút thuốc lá vấn tay. Tao tự vấn lấy. Không phải tao muốn lập dị mà vì tao không đủ tiền mua loại thuốc điếu kỹ nghệ thông thường (Ờ ! Nghèo đến nước đó. Tụi bây có tin không?) Mới đầu, tao vấn thuốc rê Gò Vấp. Nó nặng muốn… tét phổi ! Về sau, tao bắt chước thiên hạ mua thuốc lá Lạng Sơn đã xắt sẵn – nghe nói là giống thuốc Virginia, mấy ông ngoài Bắc bảo thế! – đem trộn với thuốc Gò Vấp, hút thấy được. Vậy là mỗi khi muốn hút, tao cứ tà tà xé một miếng giấy quyến, tà tà rứt một miếng thuốc kéo cho dài dài ra khi để lên lòng giấy, rồi đặt hết tâm tư vào mấy ngón tay (của cả hai bàn tay đang chụm đầu lại nâng nhẹ giấy và thuốc !) để ém, lận, cuốn, xe… cho điếu thuốc được tròn đều trước khi đưa lên lưỡi liếm. Xem thật “ung dung nhàn hạ”. Giống như một nghi thức. Và tao có quyền tà tà vấn thuốc như vậy bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào: trong khi làm việc, trong các buổi hội họp học tập, và cả ngay trước mặt ông xếp của tao nữa (Bây giờ gọi là “thủ trưởng”, nôm na là “cái đầu đứng đầu”. Còn cái đầu có cái gì trong đó hay không lại là chuyện khác). Cho nên, hút thuốc vấn – đối với tao – giống như là một cách thoát tục, cái “tục” quá… tục mà tao đang sống bây giờ. Tuy nhiên, sao tao vẫn nghe thèm điếu thuốc ba số năm là loại thuốc mà mấy chục năm tao đã hút ! Làm như mùi vị của nó còn nằm ở đâu trong máu trong xương. Nhiều đêm trở giấc, tao nghe thèm ray rứt, thèm chảy nước mắt!


Chiều hôm qua, trên đường về nhà, đạp xe tới chợ Tân Định thì trời bỗng đổ mưa. Tao tấp vô đụt mưa dưới mái hiên tiệm nước nằm ở góc đường dọc hông chợ (tao quên tên) và đường Hai Bà Trưng. Lúc đó, cỡ gần năm giờ (đồng hồ tay, tao đã bán từ lâu, nên từ lâu, tao chỉ… đoán giờ thôi!). Trong tiệm thấy lai rai có người ăn uống.
Tao đã đứng sát vào vách vậy mà gió cũng tạt mưa vào ướt hết phía dưới chân. Một lát, tao nghe lạnh chân. Rồi tao nghe đói. Cái đói đến một cách đột ngột, giống như nó chui từ dưới chân chui lên. Hồi nãy đạp xe trên đường, tao có thấy đói đâu, mặc dù buổi trưa tao chỉ ăn có một lon ghi-gô cơm với ít mắm ruốc – dĩ nhiên là tao có uống thật nhiều trà, thứ này, loại thường thôi, trong sở (bây giờ gọi là “cơ quan”) có chị nhân viên tối ngày cứ châm đầy bình cho mình uống “líp” – Vậy mà bây giờ tao lại thấy đói. Có lẽ tại vì lỗ mũi tao nghe mùi hủ tiếu, mùi mì. Ờ… tụi bây không biết chớ từ lâu rồi – tao không nhớ là bao nhiêu lâu, nhưng chắc là lâu lắm – tao chưa được ăn mì. Bây giờ đứng đây, bên đường ngang hông chợ Tân Định, phía trên gió, vậy mà vẫn “đánh hơi” rõ mồn một mùi nước lèo của xe mì nằm bên đường Hai Bà Trưng, phía dưới gió, rõ như hơi của nước lèo đang bốc lên ngay trước mũi! Tao nuốt nước miếng.

Thèm quá! Tao thèm ăn ngay một tô mì! Thọc tay vào túi quần, tao đụng hai tờ giấy bạc. Móc ra xem thì ra là hai đồng. Tao chỉ có ngần đó thôi! Nhưng hai đồng, đủ để ăn một tô mì rồi! Thì ăn… đại một tô cho nó đã! Tao dợm bước vào tiệm nước bỗng nhớ lại vợ tao hồi sáng khi trao cho tao hai đồng đó, có dặn: “Chiều, anh ghé chợ Cây Quéo mua 6 cái hột vịt và nửa giỏ rau. Về, anh bắc nồi cơm bỏ vô luộc trước. Chừng mẹ con em về, em làm nước mắm rồi dầm cho nhà ăn.” Hình ảnh cả nhà tao 7 đứa quây quần bên “nửa giỏ rau và 6 cái hột vịt” và hình ảnh tao một mình ngồi ăn tô mì… làm tao khựng lại. Tô mì mà tao muốn ăn, thèm ăn, là cả một bữa ăn của gia đình! Tao không thể đổi được. Thà là tao nhịn thèm. Thà là tao chịu đói để về ăn chung với vợ con. Ăn thứ gì cũng được, ít nhiều gì cũng được, dở ngon gì cũng được. Miễn là ăn chung với tụi nó. Để thấy rằng cuộc đời tao bây giờ chỉ còn lại có tụi nó là quí thôi! Tao nghe thương vợ thương con vô cùng. Và tao cũng nghe thương thân tao vô cùng…

Tao đứng yên nhìn ra mưa bỗng nghe hai má của mình ướt ướt. Tao đưa tay lên vuốt mặt mà nghĩ rằng mình vuốt nước mưa trên má…

(Trên đây là lá thư viết lỡ dở, của ai viết cho ai tôi không biết. Thư viết trên giấy tập học trò, chữ nhỏ li ti, nhưng đẹp và rõ nét. Tình cờ, tôi nhìn thấy nó trong xấp giấy gói hàng của bà bán xôi đầu ngõ Ngô Tùng Châu, vì tò mò nên tôi xin.Về nhà, đọc thư mà lòng nghe rưng rức. Rồi thắc mắc tại sao người viết không gởi đi, để nó phải ra nằm chung với giấy vụn gói hàng? Một phần vì vậy mà tôi đã mang nó theo khi tôi vượt biên, để bây giờ tôi chép lại gởi đăng đây đó với hy vọng có người đọc và nhận ra thằng bạn còn kẹt lại mà viết cho ông ta ít hàng, đại khái: "X. ơi! Tao nè! Tao đã đọc được thư mầy…" Chỉ bao nhiêu đó thôi, tôi cũng thấy mãn nguyện).

Tiểu Tử

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Tiễn Biệt Em Tôi Phan Nguyệt Ánh - Cao Minh Nguyệt

 

Thành Kính Phân Ưu
Kính gửi chị Minh Nguyệt bức trơ tranh này, thay nén nhang lòng kính dâng Hương Linh chị Nguyệt Ánh, Nguyện cầu chị Ánh an nghỉ thảnh thơi nơi miền Tiên Cảnh- Em Kim Oanh

Thơ: Cao Minh Nguyệt
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ban Chấp Hành VBVNHNVDBHK Thành Kính Phân Ưu Cùng Chị Cao Minh Nguyệt

 
 

Ban Chấp Hành VBVNHN Thành Kính Phân Ưu Cùng Chị Cao Minh Nguyệt

 

Thay Mặt BCH: Cung Thị Lan


Nhân Đọc Bài Thơ Tiễn Em


(Kính họa Tiễn Biệt Em Tôi, Phan Nguyệt Ánh cùng chị Cao Minh Nguyệt)

Chị PHAN NGUYỆT ÁNH cõi nhàn
Đọc bài thơ chứa cả tràng chuỗi đau
Thi nhân ơi bớt âu sầu,
Tiễn người lìa chốn sắc màu du miên

Cũng từ một cội thung huyên
Giờ chia đôi ngả, đôi miền trời mây
Cao Minh Nguyệt nỗi buồn đây
Chị em bè bạn khuyên bày xóa tan

Tình tỷ muội đã vẹn toàn
Xin đừng níu kéo giọt đàn bay đi
Cung xưa gió thoảng rù ri
Âm dương cách biệt còn chi mà buồn

Mai sau về lại cội nguồn
Còn duyên sẽ hội tụ thường cõi nhân
Bát thập bát niên lìa thân
Từ nay mây nước trong ngần vui thôi…

Phương Hoa 
DEC 4, 2023

Cầu Nguyện

 

CẦU nguyện Ơn Trên gửi phước lành
CẦU toàn nhân loại hết đua tranh
CẦU mương nước nhẫy mùa tăng vụ
CẦU ruộng no phân lúa trĩu nhành
CẦU trẻ đói nghèo vui nguyệt rạng
CẦU người cơ cực thưởng trăng thanh
CẦU cho mưa gió luôn hoà thuận
CẦU triệu dân Nam hưởng phước lành

Phương Hoa

Tiễn Biệt Em Tôi


Chị Minh Nguyệt kính yêu,
Hôm nay, em mới đọc được bài thơ của chị viết
Tiễn Biệt Chị Nguyệt Ánh, thiệt hay và buồn quá…
Em xin thành kính chia sẻ nỗi buồn cùng Chị,
và xin phép được họa với Chị, cùng xin kính
Cầu Nguyện Chị Nguyệt Ánh Sớm Siêu Sanh
Về Cõi Tây Phương Cực Lạc.

Tiễn Biệt Em Tôi

Kính Họa Vần Bài Thơ
Của Chị Cao Minh Nguyệt:

Đưa em từng bước nhịp nhàng
Xuôi dòng hạc tiễn can tràng xót đau
Khôn ngăn dứt giọt lệ sầu
Nỗi buồn nhuộm trắng một màu cô miên

Từ lâu cách biệt nhà huyên
Tình chị em vẫn nối liền biển mây
Bên nhau càng luyến lưu đây
Hóa công hay cứ thích bày ly tan

Gia trung mái ấm kiện toàn
Sao em lại nỡ rời đàn mà đi
Khiến hồn chị mãi suy vi
Sâm Thương hoán vị làm chi hết buồn

Suối sông rồi cũng xa nguồn
Hữu hình hữu hoại lẽ thường cổ nhân
Chị còn vương chút hồng trần
Nhớ em, lòng sẽ bâng khuâng trọn đời

Thanh Song Kim Phú
CA.Dec/12/2023


Đời Lính Chiến - Nhớ Quê Hương.

 

Xướng:

Đời Lính Chiến

Nhớ lại ngày xưa sao vấn vương!
Hồn thiêng sông núi gọi lên đường 
Chiến công hiển hách ghi quân sử 
Hỏa tuyến vang rền pháo đối phương 
Áo trận phai mầu ươm khói súng 
Thái dương bừng ánh đẫm hơi sương 
Hào hoa phong nhã về thành phố 
Sánh bước bên nàng vẹn sắc hương 

Lâm Hoài Vũ
01/7/2022
***
Họa:

Nhớ Quê Hương

Nhắc chi ngày cũ để tơ vương.
Một thuở hành quân khắp nẻo đường.
Nắng gắt sờn vai nơi chiến trận.
Sương mù thấm áo chốn tiền phương.
Thân trai gắn bó tình non nước,
Đời lính hài hòa kiếp gió sương.
Mong giữ an bình trên đất Việt,
Nay lòng đau đáu nhớ quê hương.

Hoàng Dũng
01/7/2022

Duyên Tiền Định


(Tình tiết câu chuyện hoàn toàn hư cấu, do đó nếu có sự trùng hợp danh tính là ngoài ý muốn của tác giả)

Trời sinh chi cái chữ tình
Lớn hơn năm tuổi sao mình vẫn yêu

Đông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình trung lưu có bốn anh em trai mà Đông nhỏ nhất. Ba Đông chắc thích bốn mùa thời tiết nên đặt tên bốn đứa con theo thứ tự là Xuân, Hạ, Thu, Đông. 

Ba Đông làm thông ngôn cho tiểu đoàn 530 Commandos đóng tại Giếng Nước còn má Đông có vựa trái cây đường Phan Thanh Giản ngay đầu Vàm. Cuộc sống gia đình Đông cứ êm đềm trôi theo dòng đời cho tới một hôm bọn Việt Minh tàn ác mang tai ương tang tóc đến cho gia đình. 
Đó là vào năm 1946 lúc Đông mới lên 4, vào một tối trên đường từ căn cứ tiểu đoàn về nhà gần Thánh Thất Cao Đài, ba Đông bị bọn Việt Minh chận đường hạ sát một cách dã man tàn bạo còn ghim bản án lên áo là Việt Gian.
Từ đó mẹ Đông phải tão tần hôm sớm để nuôi 4 đứa con mà đứa lớn nhất mới là Xuân có 10 tuổi. Và ngay từ nhỏ, anh em Đông đã nuôi dưỡng lòng thù hận bọn cuồng sát vô lương Việt Minh thối thân sau nầy là Việt Cộng, tay sai Cộng Sản quốc tế mà lãnh tụ kính yêu của chúng là thằng đại Hồ tặc. 
Khi Đông vào lớp Đệ Thất trường Nguyễn Đình Chiểu thì Xuân, anh lớn nhất của Đông đã học lớp Đệ Nhất. 

Xéo nhà Đông là nhà của chị Lý lớn hơn Đông 5 tuổi học Đệ Nhị. Chị Lý có hai người em là anh Lê và chị Đào cùng học chung trường. Bác Trường ba chị Lý là giáo sư Pháp Văn Nguyễn Đình Chiểu, còn bác gái có tiệm bánh kẹo trà cà phê và cũng là đại lý hãng bánh petit beurre bên Pháp. Tiệm bánh ngay tại nhà luôn nên bác gái vừa trông coi tiệm vừa coi sóc nhà cửa thật là tiện lợi. Thỉnh thoảng bác Trường được đi Bangkok, Hong Kong… dự đại hội các đại lý vùng Đông Nam Á do hãng bánh đài thọ hết. Sau mỗi chuyến đi bác thường mua đồ ngũ kim gia dụng ngoại quốc về cho gia đình và có cho luôn má Đông, ngược lại má Đông cứ mỗi mùa trái cây đầu mùa như mảng cầu, chôm chôm, bòn bon…đều sai Đông đem qua biếu nhà bác Trường nên tình chòm xóm hai bên thật là đậm đà khắn khít. Tưởng cũng nên nói thêm là chị Lý đẹp lắm. Chị có khuôn mặt trái soan, sóng mũi dọc dừa, đôi má lún đồng tiền lúc nào cũng hay hay hồng, tóc thề chị mượt mà buông thả xuống bờ vai, thân hình cân đối nhất là khi chị mặc áo dài trắng với 3 vòng hiện rõ thì nhìn chị mà thấy mê mệt nghỉ luôn.

Đông cũng biết ông anh cả mình mếch chị Lý qua ánh mắt nhìn chị say đắm. Anh Xuân coi cũng được đến đi chứ nhưng sao anh lại chậm chạp tiến quân không khéo thì trễ tàu mất. Riêng Đông cũng thấy nóng ruột giùm cho ông anh của mình. Nếu có người chị dâu đẹp như chị Lý thì cũng là điều hãnh diện cho Đông lắm chứ! Nhưng điều mong mỏi của Đông không thành sự thực và từ đó sinh ra lắm hệ lụy sau nầy. Số là anh Xuân có một người bạn thân học chung lớp là anh An tướng người thật sang, mặt chữ điền, mũi cao như Tây, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ , dáng người cao lớn, ăn mặc thật chic, áo 4 túi, đi giày da bec canard là mode thời thượng bấy giờ. Anh An thường tới nhà Đông chơi rồi trông thấy chị Lý thì anh cứ trầm trồ mãi và khi biết anh Xuân chưa có gì với chị , anh An bèn hỏi:

- Trời ! Con Lý nó đẹp như vậy mà sao mầy ở kế bên lại không tán nó?
Anh Xuân chắc là tự dối lòng:
- Thôi! Tao phải lo việc học trước đã.
Anh An muốn bạn mình xác nhận lại:
- Chắc như vậy hôn?
- Thiệt mà
Thế là anh An sau vài lần “đá bóng” với chị Lý thì liền áp dụng chiến thuật cổ lổ xỉ quen thuộc thời bấy giờ là viết là thư tình rồi…nhờ Đông làm “giao liên”. Anh cho Đông 5 đồng (thời bấy giờ khá lớn vì tô hủ tiếu có 2 đồng, gói xôi 5 cắc) rồi nói:
- Nầy Đông! Anh nhờ em trao thơ nầy cho chị Lý mà lén đừng cho ba má chỉ thấy nha.
Đông sực nhớ tới ánh mắt ngây dại của anh Xuân khi nhìn chị Lý nên hơi ngần ngừ thì anh An năn nỉ:
- Rán giúp anh đi Đông. Anh chỉ trông cậy mình em thôi đó
Trước tình thế đó, Đông đành trả lời nước đôi:
- Thì em sẽ cố gắng.
Sau đó Đông học hết mọi chuyện cho anh mình rồi hỏi:
- Bây giờ anh tính thế nào? Muốn em trả thơ lại cho anh An rồi anh xúc tiến tới nha.
Mặt anh Xuân bỗng đỏ bừng khi trả lời :
- Nó nhờ mầy thì mầy làm cho nó đi. Tao không màng gì đâu.
Đông cố hỏi lại anh lần nữa:
- Bộ anh không thương chị Lý sao?
Anh Xuân đáp cộc lốc:
- Không!

Thế là Đông mang thư tình anh An trao cho chị Lý mà trong lòng Đông thấy không vui gì với tâm trạng là nối giáo cho giặc. Từ đó anh An tới mỗi ngày để trông chờ kết quả thì ba ngày sau, chị Lý qua nhà giao cho Đông lá thư chị trả lời anh An và cũng không quên dúi vào túi áo thằng bé 2 đồng. Không biết chị viết gì trong đó mà anh An khi đọc xong đã nhảy cẩng lên vui mừng hớn hở. Như vậy là chị đã chấp nhận lời tỏ tình của anh An rồi.

Riêng về gia thế anh An, Đông nghe nói anh là con một ông hội đồng thế lực giàu có ở làng Tân Hội Đông thuộc quân Bến Tranh có ruộng cò bay thẳng cánh. Bởi vậy khi xuống học ở Mỹ Tho, ông hội đồng mua cho anh một căn nhà ở đường ông bà Nguyễn Trung Long để anh có chỗ rộng rãi mà lo việc học hành. Ngoài ra, anh còn có chiếc vespa Italie láng cóng để làm chân. Đẹp trai, nhà giàu, học chắc kha khá thì cái chuyện anh An cua dính chị Lý cũng đâu có gì lạ đâu. 
Kể từ đó, anh Xuân trở nên buồn buồn và càng ít nói hơn. Riêng Đông thì tiếp tục làm cánh nhạn đưa thư cho anh An chị Lý và …cứ tiếp tục nhận tiền “lo lót” đều đều của cả hai phía. Các bạn thấy có cái nghề nào sướng hơn cái nghề làm facteur tài tử của Đông không?

Nhưng một thời gian sau thì Đông “thất nghiệp” vì anh An đã “tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc” trên đường chinh phục chị Lý. Anh khôn khéo lấy lòng được ba má chị để đến nhà thăm một cách đường hoàng. Thực ra thì có cái gì khó đâu, anh An chỉ chịu khó nhũn nhặn và mỗi lần tới luôn có quà cáp cho bác Trường là ăn tiền liền. Thậm chí anh còn xin phép bác Trường để đưa chị Lý đi ra ngoài chơi. Bác Trường thấy anh An đàng hoàng con nhà có ăn học nên mặc dù là nhà giáo khuôn khổ nề nếp, ông cũng bằng lòng nhưng với điều kiện tiên quyết là phải cho …Đông đi theo để…làm trái độn. Thế là mỗi lần anh An tới chở chị Lý đi chơi là có Đông ngồi giữa (thì đã nói là trái độn mà). Tội nghiệp chị Lý ngồi tuốt phía sau nên chị sợ té càng ép sát người Đông và càng ôm…Đông chặt cứng. Mùi hương nhẹ nhàng thoang thoảng từ người chị toát ra làm Đông mặc dù chỉ mới 12 tuổi mà cũng đã…ngầy ngật muốn chết luôn. Đã vậy, bờ ngực êm êm của chị cứ ép sát vào lưng của Đông khiến Đông cứ bần thần mãi ngay cả lúc vào xem ciné hay ăn kem Duyên Thắm. Đông tuy nhỏ mà cũng biết điệu là khi mua vé ciné, Đông nói anh An cho vé Đông ngồi riêng tuốt phía trên với lý do xem cho rõ nhưng thực ra là Đông muốn để anh chị tư do tâm tình.

Một thời gian sau thì đã tới mùa thi cử và cả ba người đều bảng hổ đề danh :anh Xuân, anh An đậu Tú Tài 2 còn chị Lý đậu Tú Tài 1. Riêng Đông lên lớp Đệ Lục.
Anh An biết sẽ lên Sài Gòn học thì ít có dịp gặp chị Lý nên anh liền đánh mau đánh mạnh. Anh xin với bác Trường cho phép cha mẹ anh tới thăm và làm quen để xúc tiến thủ tục cưới hỏi chị Lý trong vòng lễ giáo. Bác Trường thấy anh An rất xứng đáng với con gái mình nên bằng lòng và định ngày hai gia đình gặp nhau.
Và cái ngày trọng đại ấy cũng đã đến. Ông bà hội đồng cùng anh An đi xe Peugeot 403 màu đen bóng lưỡng có tài xế lái.
Xe ngừng ngay trước nhà chị Lý thì anh An và chú tài xế khệ nệ mang lễ vật là mâm ngũ quả, trà bánh và hai chai rượu cognac Martell. 
Rồi phái đoàn từ từ tiến vào nhà. Nhưng…khi ông hội đồng gặp mặt hai vợ chồng bác Trường thì cả hai bên cùng há hốc mồm và đỏ mặt tía tai. Bác Trường vốn tánh hiền hòa nhã nhặn mà lúc đó lại mất bình tỉnh la lớn lên:
- Dẹp! Dẹp hết! Không có cưới hỏi gì hết. Đi ra khỏi nhà tui.
Ông hội đồng cũng la to:
- Đi về An ! Ai mà thèm làm sui gia với đám nầy.
Rồi ông quay quả bước vội ra xe trước sự kinh ngạc bàng hoàng lẫn ngơ ngác của anh An, chi Lý. 
Anh An chỉ kịp kêu lên:
- Ba ! Ba ! Ba !
Nhưng thấy ba mẹ mình đã ra tới xe nên anh cũng vội vã chào hai bác Trường rồi chạy theo ra ngoài bỏ lại đàng sau gương mặt giận dữ của bác Trường và khuôn mặi diễm kiều của chị Lý nức nở nghẹn ngào.

***

Câu chuyện xảy ra từ 25 năm trước, Trường sau khi tốt nghiệp lớp Première tức là đậu Baccalauréat1 tại Collège Le Myre de Vilers được cha mẹ là dân buôn bán gởi lên Sài Gòn học cours terminale tại trường Chasseloup Laubat vì ở Mỹ Tho không có tới lớp đó. Trường ở nhà bà cô ruột tại chợ Vườn Chuối. Có một sự trùng hợp lạ lùng là Tân bạn cùng lớp terminale với chàng cũng ở trọ gần đó. Mặc dù là lối xóm nhưng hai người không ưa nhau vì những mối tị hiềm ngấm ngầm mà nguyên chính là cả hai đều học giỏi nên chẳng ai chịu thua ai. Rừng nào mà có hai cọp bao giờ. Điều nầy thì đúng ra tốt cho cả hai vì tạo sự ganh đua cầu tiến nhưng Trường và Tân lại cạnh tranh nhau trong ganh ghét. Ngoài ra họ còn so đo nhau cả nhân dáng, áo quần thời trang xe cộ xem ai hơn ai. Nhưng phải nhìn nhận rằng Tân khá hơn Trường trong mọi lãnh vực. Hình như trời sinh Trường ra để mà thua Tân như vậy. Ngay cả gia thế Tân cũng hơn Trường, ba mẹ Tân là đại điền chủ ở làng Tân Hội Đông thì cái nghề tiểu thương của cha mẹ Trường làm sao sánh bằng. Từ đó hố ngăn cách của hai người bạn học cùng lớp càng sâu thẳm và hai chàng ghét nhau ra mặt. Ngoài ra, tính tình của Trường và Tân cũng khác biệt nhau. Trường kỹ lưởng cẩn thận, sống chừng mực khuôn thước trong khi Tân cẩu thả buông thùa lại lăng nhăng bồ bịch.

Một hôm trong dịp tới nhà bạn dự tiệc sinh nhật, Trường với ngón đàn banjo điêu luyên đã chiếm được cảm tình của Thu, một nữ sinh lớp Đệ Tam Gia Long để rồi sau đó, hai người yêu nhau. Thu thường tới nhà Trường thăm chàng và cũng để nghe tiếng đàn băng cầm réo rắt của người yêu. Mặc dù đôi tình nhân nầy tính tình khác biệt nhau, nếu Trường trầm lặng sâu sắc bao nhiêu thì Thu ồn ào năng động ham vui bấy nhiêu. Tuy vậy cuộc tình vẫn thấm thiết êm đềm cho tới một hôm, Tân tình cờ trông thấy Thu thì “động lòng trắc ẩn” hay nói rõ hơn là bị tiếng sét áo tình-coup de foudre-love at first sight. Chàng ta liền theo dõi đường đi nước bước của nàng rồi trổ tài tán tỉnh. Nhờ đẹp mã, lại thêm nhà giàu và thích ăn chơi rất hợp với Thu nên chẳng bao lâu nàng ngã vào vòng tay Tân để Trường ôm nỗi hận tình chất ngất. Tân hơn chàng mọi phương diện thì chàng còn đau lòng chấp nhận nhưng bây giờ trong tình yêu, nó cũng vượt trội chàng, nó đã cướp người yêu của chàng. Mối hận thù nầy chàng sẽ không bao giờ quên. Còn Thu cô gái tham mê vật chất đã nhẫn tâm phản bội chàng thì thiệt là con người chẳng ra gì nhưng sao chàng cũng thấy buồn khổ vô vàn.

Cũng may là dù đau đớn bị tình phụ chàng vẫn còn sáng suốt cố gắng học hành để khỏi phụ lòng cha mẹ nên cuối năm đó Trường đỗ Bacc2 với hạng passez bien (bình thứ). Tuy vậy chàng cũng không vui hoàn toàn vì kẻ thù của chàng, Tân đậu hạng bien (bình) nghĩa là Tân luôn hơn chàng bất cứ phương diện nào. Số mạng gì mà cay nghiệt thế.
Sau đó vì chán đất Sài Gòn, Trường nạp đơn xin dạy giờ môn Pháp Văn tại trường Collège Le Myre de Vilers ở tỉnh nhà. 
Đọc đến đây, chắc quý bạn đã hiểu ngọn ngành câu chuyện rồi. Bác Trường chính là ba của chị Lý, còn ông bà Hội Đồng Tân là ba má anh An mà bà hội đồng chính là cô Thu, người tình phụ bạc của bác Trường.
Thế là cuộc tình của chị Lý anh An phải cáo chung. Lúc đó trai gái còn sống trong khuôn khổ nề nếp gia đình thì làm gì có chuyện tự do luyến ái. 

Kể từ khi cuộc tình tan vở một cách oan uổng tức tưởi vì sự thù hận của hai gia đình, chị Lý vô cùng buồn khổ. Mặc dù Đông chỉ là đứa con nít nhưng chị thường tâm sự với Đông vì ít ra Đông cũng là con nhạn đưa thư và cũng là nhân chứng cho mối tình của chị và anh An. Chị vừa khóc vừa bảo với Đông là suốt đời chị không quên anh An và sẽ không lấy chồng để tôn thờ mối tình đẹp.
Một thời gian sau, anh Xuân đậu vào kỹ sư điện Phú Thọ và khi tốt nghiệp cưới chị Duyên con ông thanh tra Hiền cũng ở Mỹ Tho. Anh An nghe nói đi du học bên Nhật, còn chị Lý đậu Tú Tài 1, năm sau đậu Tú Tài 2 rồi trúng tuyển vào Đại Học Sư Phạm ban Lý Hóa.

Riêng Đông thì vẫn còn tiếp tục học trường Nguyễn Đình Chiểu. Rồi ba năm sau, chị Lý tốt nghiệp và nhờ đậu hạng cao nên chị xin về dạy đệ nhị cấp tại trường nữ trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho lúc đó Đông đã lên lớp Đệ Nhị. 
Còn phần hai anh Hạ và Thu thì sau khi tốt nghiệp trung học đã lần lượt tình nguyện vào trường võ bị Đà Lạt để trở thành người lính bảo vệ tự do cho quê hương và đồng thời trả mối thù cha. 
Chị Lý bây giờ còn đẹp hơn trước nữa giống như một đóa hoa hàm tiếu đang độ nở rộ. Nhưng cái nét u buồn vẫn còn phảng phất trên đôi mắt bồ câu đen láy. Chính điểm nầy càng khiến chị yêu kều quyến rũ hơn. 

Đông vẫn thường qua nhà chị nhờ chị kèm thêm môn Lý Hóa là môn chị đang dạy. Tình chị em từ đó càng khắng khít hơn xưa. Thỉnh thoảng Đông đùa với chị:
- Bây giờ nghề đưa thư em đang thất nghiệp nè. Chị có “mướn” em đưa thư cho ai nữa không?
Lý cười buồn:
- Không đâu Đông. Chị còn buồn lắm nên không nghĩ gì tới chuyện tình yêu nữa hết.
Không hiểu sao mà khi nghẹ chị nói như vậy, Đông thấy lòng mình se lại. Vậy là chị vẫn còn thương nhớ anh An đó chớ bộ. 
Thỉnh thoảng có lẽ để nguôi sầu, Lý rủ Đông đi ciné, ăn kem làm cậu nhỏ thấy vô cùng hạnh phúc mặc dù Đông biết rằng đó là bằng chứng chị chưa quên được anh An. Nhưng thôi kệ nó. Có còn hơn không. Miễn là Đông có được những giây phút riêng tư bên chị nhất là những lúc ngồi kế chị trong rạp hát, hai người kề sát nhau để nói chuyện, mùi hương trinh nguyên từ da thịt chị thoát ra làm cậu bàng hoàng ngây ngất. Trong khoảng không gian thời gian thiêng liêng êm đềm đó, Đông muốn cuốn phim không bao giờ dứt để được ở bên chị mãi mãi. Người Đông bỗng mê mẩn si dại ra không nói không năng tới độ chị phải giật mạnh vai cậu mà hỏi:
- Đông có nghe chị nói gì không?
Cậu nhỏ mới hoàn hồn ú ớ:
- Dạ! Dạ ! Em nghe …hổng rõ vì rạp ồn quá.
Lý bực mình càu nhàu:
- Nảy giờ nói chuyện với người ta mà cứ làm như hồn vía đi đâu mất vậy.

Vì Lý là cô gái thinh sắc vẹn toàn nên có nhiều nam đồng nghiệp cũng như các chức sắc trong tỉnh cố trồng cây si nhà nàng. Điều nầy làm Đông không vui và không yên tâm chút nào nhưng cũng may mà Lý vẫn kép kín cõi lòng mặc cho bướm ong bay lượn. Nhiều lúc Đông tự thắc mắc không biết là tình cảm giữa chị Lý và Đông có phải là tình chị em không hay là một thứ tình cảm nào khác nhưng sau đó Đông lại phản biện lại là làm gì có tình nào khác khi chị ấy lớn hơn mình 5 tuổi cơ mà. Có một lần, Đông hỏi thử Lý:
- Em thấy có nhiều người xứng đáng theo đuổi chị mà sao chị cứ thờ ơ với người ta vậy?
Lý buồn buồn trả lời Đông:
- Vì chị chưa quên anh An được. Tình đầu nó thiêng liêng thắm thiết lắm Đông ơi! 
Rồi chị tiếp theo một câu làm bừng lên trong tim Đông một niềm hy vọng :
- Bây giờ thì chỉ có Đông là người mà chị quý mến nhất.

Càng ngày Đông càng nhân thức rằng tình cảm mà Đông dành cho Lý đã đi quá giới hạn tình chi em rồi. Dòng thời gian cứ bình thản trôi và Đông vẫn âm thầm giấu kín mối tình yêu học trò với Lý. Đông vốn dĩ là đứa nhát gái và hơn nữa hình ảnh bà chị Lý thật vĩ đại và thánh thiện mà lúc nào Đông cũng tôn thờ, thế nên mặc dù yêu Lý nhưng hình như có bức rào cản vô hình nào đó ngăn Đông vượt qua. Riêng Lý thì với sự tinh tế của con gái và nhất là đã trưởng thành và thông minh, nàng biết rõ là Đông thương nàng. Qua ánh mắt ngây dại của cậu nhìn “ bà chị” nhất là lúc sang nhà nhờ nàng dạy kèm Lý Hóa thì làm sao mà giấu được ai. Tuy nhiên lúc nầy thì nàng chưa thể quên mối tình đầu ngang trái nên chỉ thương Đông như đứa em thân tình gần gũi vậy thôi. Vả lại nàng lớn hơn nó những 5 tuổi, ai lại…Kỳ chết đi! Thôi tốt hơn là giữ tình trạng “xôi đậu” nầy tới đâu hay tới đó vậy.

Sau cùng rồi Đông cũng đậu Tú Tài 2 hạng Bình Thứ mà người mừng nhiều nhất lại là Lý. Lý do là nàng xem như cũng đã đóng góp một phần lớn vào kết quả nầy qua việc kèm (không có kẹp đây nhé) Lý Hóa cho Đông.
Sau đó, vốn tự hào là đệ tử ruột của Thầy Trần văn Ất về môn Toán, Đông ghi danh vào trường Đại Học Khoa Học ban Cử Nhân Giáo Khoa Toán mà chứng chỉ đầu tiên là Yoán đại cương MG (Math General).
Trong năm đầu tiên nầy, chàng đã phải vật lộn với những suites, ensembles… từ môn Analyse và Algèbre Moderne của giáo sư Monavon, Proulle thật vất vả mà cuối năm vẫn …làm đệ tử Bùi Kiệm. Vốn đã ôm mộng hải hồ lênh đênh sông nước nên sẵn dịp trợt võ chuối nầy, chàng liền thi vào trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang khóa 13 và trúng tuyển qua kỳ thi concours cũng cam go lắm. Thi tới ba ngày trời tại hải quân công xưởng, có hơn một ngàn thí sinh mà chỉ chọn có một trăm. 
Tin nầy không được Lý đón nhận một cách vui vẻ. Nàng cao giọng hỏi Đông:
- Tại sao Đông không chịu học tiếp mà đăng lính.
Đông giải thich:
- Đất nước mình đang lâm vào hiểm họa xâm lăng của bọn Cộng Sản Bắc Việt thì phận làm trai phải có nhiệm vụ bảo vệ quê hương đồng bào chúng ta. Hơn nữa Đông còn có mối thù bọn Việt Cộng giết cha mình một cách dã man cho nên Đông quyết báo thù cho dù phải hy sinh tính mạng. Giống như hai anh Hạ và Thu vậy.
Nghe Đông tâm sự như vậy, Lý thấy lo buồn nhưng không thể ngăn cản lý tưởng của chàng được. Nàng trầm giọng:
- Nhưng Đông nhập ngũ như vậ́y làm chị lo lắm Đông biết không? 


Buổi chiều trước khi lên đường ra Nha Trang trình diện quân trường, Đông mời Lý ra quán dọc theo bờ sông Trưng Trắc để ăn bữa cơm tạ từ. Bây giờ Đông đã cao hơn Lý nên trông họ thật xứng đôi. Suốt buổi ngồi bên nhau, cả hai bỗng trở nên ít nói mà tâm hồn cùng nặng trĩu u buồn. Một hồi lâu sau, Đông buồn buồn nói:
- Trong thời gian xa Mỹ Tho. người mà Đông nhớ nhất là chị. Hình ảnh chị sẽ là niềm yên ủi vô biên cho Đông ở quân trường và bất cứ nơi đâu.
Lý héo hắt ngậm ngùi:
- Thì cũng chính Đông quyết định như vậy mà. Chị lo rầu lắm nhất là khi Đông ra trường thì phải dấn thân vùng lửa đạn thì số mạng như ngàn cân treo sợi tóc thì chị làm sao mà yên lòng cho được. Trời ơi! Nếu Đông có mệnh hệ thì chị phải làm sao đây...
Nói tới đây, Lý mắc cở đỏ mặt cúi xuống... 
Nhìn khuôn mặt Lý như muốn khóc, và nghe câu nói vừa rồi mặc dù chưa trọn vẹn nhưng cũng đã bày tỏ cả nỗi lòng của bà chị mà mình yêu thương, Đông xúc động trần an Lý:
- Ở đời sống chết đều do số mệnh cả. Vả lại, Đông đi hải quân thì cũng không có gì đáng lo lắm đâu chị a! Hai anh của Đông đã chọn binh chủng Nhảy Dù và Biệt Động Quân thì mới nguy hiểm hơn vì số mạng như ngàn cân treo sơđi tóc.
Lý nói tự yên ủi:
- Thì chị cũng chỉ biết cầu nguyện cho Đông mà thôi.

Khi hai người về tới nhà thì cũng đã hơi khuya, khi chia tay nhau trước hiên nhà Lý, Đông nhớ tới câu nói “Rủi Đông có mệnh hệ nào thì chị làm sao đây” như một lời thổ lộ tâm tình của Lý, Đông thấy đã tới lúc rồi nên âu yếm cầm tay Lý nói nhỏ:
- Chị Lý! Sáng mai Đông phải đi sớm và phải xa chị một thời gian lâu, Đông xin chị cho một ân huệ được không?
Lý để yên tay nàng trong tay Đông, và mặc dù chưa biết Đông thỉnh cầu điều gì nhưng Lý cũng thấy hồi hộp, nàng nói qua hơi thở:
- Đông …cứ …nói đi!
Đông lạc giọng trong đứt quãng:
- Đời Đông rồi đây sẽ dấn thân vào vòng lửa đạn, số mệnh rủi may chỉ biết phó mặc cho trời đất. Vậy xin chị…chị…cho Đông…hôn chị nha? rồi nhìn thẳng vào mặt Lý khẩn khoản chờ đợi trong hồi hộp run run.

Lý bàng hoàng xúc động khi nghe lời yêu cầu của Đông. Nàng thoáng đỏ mặt e thẹn và cảm thấy khuôn mặt Đông lung linh nhảy múa dưới ánh đèn đường còn cõi lòng nàng như bềnh bồng lảng đảng trong vùng sương khói hương tình mông lung. Phải vài phút sau, Lý mới khẽ gật đầu đồng thời ngữa mặt lên nhắm mắt hé bờ môi mềm mại gọi mời. Chỉ chờ có thế, Đông vội vã ôm chặt Lý và cúi xuống tìm đôi môi chín mộng của nàng và hai người ôm chặt lấy nhau trong nụ hôn dài dịu dàng và mê ly bất tận. Mùi nước hoa Old Spice nhẹ nhàng thoát ra từ mái tóc, từ mắt môi của Lý làm Đông cơ hồ chết ngộp.
Mãi một lúc sau, hai kẻ say tình mới buông nhau ra trong tiếc nuối rã rời.

Đêm hôm đó, cả Lý và Đông đều thao thức trằn trọc với dư hương tình yêu vừa chớm. Riêng Lý thì cứ tự hỏi trong thẹn thùng‘‘Trời ơo ! Mình đã yêu Đông thực rồi sao ?’’ 
Sáng sớm hôm sau, trong khi Đông chuẩn bị lên đường thì Lý qua tận nhà đưa tiễn chàng ra tới bến xe. Nhìn nét mặt bịn rịn và rơm rớm nước mắt của Lý, Đông muốn hủy bỏ chuyến đi luôn. 
Thắm thoát mà Đông đã trải qua hai tháng huấn nhục quân trường. Bấy giờ chàng đã trở nên rắn rỏi và khỏe mạnh hơn trước nhiều. Từ ngày vào đây, măc dù bận rộn vô cùng nhưng chàng vẫn cố gắng viết thư cho Lý mỗi tuần và chàng cũng nhận đều thư trả lời của nàng. Đại khái là những lời thăm hỏi bình thường, những thông tin về đời sống quân trường và sinh hoạt Mỹ Tho. Riêng Lý, thì thư nào cũng khuyến khích tinh thần Đông hãy vì nàng cố gắng trau giồi việc huấn luyện và giữ gìn sức khỏe.

Tính ra trong suốt hai năm thụ huấn, Lý có ra thăm Đông hai lần mà lần nào cũng dẫn em gái là Đào đi theo cho có bạn ở đường xa xứ lạ. Hai lần đó là lần thứ nhất Đông gắn alpha chính thức trở thành sinh viên sĩ quan trường Hải Quân Nha Trang và lần thứ hai là ngày chàng tốt nghiệp trở thành tân hải quân Thiếu Úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong cả hai lần thăm viếng đó, khi bộ ba ra ngoài du ngoạn thành phố Nha Trang, Đào luôn tế nhị xin tách rời nói là để tự xem cảnh đẹp nhưng thực ra nàng muốn cho chị mình và Đông được tự do yâm sự. Ngồi bên nhau trên Cầu Đá với làn gió biển thổi nhẹ nhàng phớt qua đôì má hây hây đỏ của Lý làm Đông ngây ngất trong cơn say tình. Chàng đắm đuối nhìn người yêu làm Lý mắc cở “cằn nhằn”:
- Làm gì mà nhìn người ta dữ vậy?
Đông say đắm hỏi lại Lý:
- Khi mình đang mong nhớ thiết tha một người nào đó thì bỗng nhiên người ta xuất hiện trước mặt mình bằng xương bằng thịt thì chị bảo Đông phải làm thế nào đây?

Trong một thoáng, Lý thấy lòng rung động bàng hoàng nhưng vốn tính e dè khép kín, nàng cố dằn cơn sóng tình đang âm ỉ trong tâm tư mà run giọng nói lảng ra: 
- Vậy thì Đông phải cố gắng học hành và giữ gìn sức khỏe nha.
Riêng bạn bè cùng khóa tại quân trường của Đông thì đùa phá là Đông tốt số có tới hai người đẹp tới thăm làm chàng phải chống chế:
- Tụi bây đừng có nói bậy. Đó là hai bà chị bà con của tao đó
Nghe Đông phản độ́i một cách yếu ớt, đám bạn cùng cười chế nhạo:
- Trời! Chị hả! Chị cho tụi tao cùi sứt móng đi! Chị gì đắm đuối nhìn nhau như muốn nuốt trọn hồn nhau.

Sau khi mãn khóa, nhờ đậu thứ hạng cao, Đông chọn đơn vị là Giang Đoàn 21 xung phong đóng tại Cầu Tàu Mỹ Tho để có dịp gần gũi người thương yêu của mình. 
Trong thời gian nầy, Đông biết rằng tâm tư Lý đã nghĩ về chàng với tình cảm khác hơn xưa nghĩa là không còn tình chị em nữa mà nó đã vượt qua biên giớii để tới tình …yêu trai gái. Thế nhưng khi chàng muốn tiến xa hơn nữa thì Lý còn do dự:
- Đông cho chị một thời gian nữa nha. Khi nào chị hoàn toàn quên hẳn mối tình đầu thì mới hướng về Đông một cách trọn vẹn được. Lúc đó chúng mình sẽ hạnh phúc vẹn toàn hơn phải không?
Trước lời giải thích tràn đầy hứa hẹn của nàng, Đông chỉ biết đợi chờ trong hy vọng. Và chính Đông cũng thầm nhận là trái cấm chín mùi như vậy thì mới tuyệt vời quyến rũ.
Về công việc ở giang đoàn, chỉ khi nào xuống tàu hành quân bảo vệ an ninh cả nhánh sông Tiền Giang thì Đông mới vắng nhà , còn thì Đông vẫn làm việc tại căn cứ mỗi ngày và ngủ tại nhà trừ những phiên trực đêm.
Riêng hoàn cảnh nhà chị Lý thì anh Lê và chị Đào đều làm việc ở Sài Gòn, nhà chỉ còn hai bác Trường với chị Lý nên Đông thường tình nguyện làm hết việc nặng nhọc trong nhà khiến Lý càng thấy “thương” cậu em của mình, còn hai bác Trường có cảm tình với Đông nhiều hơn.

Một buổi trưa , Đông lái chiếc jeep về nhà ăn cơm. Đang cho xe chạy dọc trên đường Lý Thường Kiệt thì chàng trông thấy Lý đang chạy chiếc xe honda dames từ trường về. Lúc xe tới Giếng Nước, Đông định vượt qua mặt Lý để chào nàng thì bỗng nhiên…trời ơi! Đông thấy Lý bỗng té xuống đường lộ quăng chiếc xe gắn máy nằm lăn lóc trên đường. Hốt hoãng, chàng vội vàng ngừng xe nhảy xuống lay vai Lý thì thấy mặt mày nàng xanh mét, người run rẩy và hoàn toàn bất tỉnh. Chàng tức tốc bồng nàng lên xe và chạy thẳng tới nhà thương.

Trong phòng cấp cứu, bác sĩ khẩn cấp làm CPR cho Lý hồi tỉnh và định bệnh thử máu thì phát giác ra là hồng huyết cầu nàng quá thấp dưới mức 80 cần phải tiếp máu ngay nhưng rủi ro là lúc đó nhà thương chưa nhận được số lượng máu tiếp tế từ Sài Gòn. Nghe bác sĩ nói cần phải tìm người hiến máu gấp, Đông liền tình nguyện xin bác sĩ thử máu của mình và huyền diệu thay là máu của chàng cùng loại O như Lý nên được bác sĩ cho xúc tiến việc truyền máu.
Chỉ sau đó vài hôm là Lý đã hồi phục và Đông là người túc trực thường xuyên bên giường bệnh với nỗi bối rối lo âu cho bệnh tình người yêu. 

Trong cuộc đời nầy, mỗi khi người ta bệnh hoạn hiểm nghèo hay trải qua những nỗi đau khổ tột cùng mà có được người thân yêu hay người bạn kề bên vỗ về chia sẻ thì sự cảm kích và yên ủi rất là vô biên ấm cúng. Lý cũng vậy, nhìn thấy sự chí tình của Đông và nhất là sau khi biết Đông đã hiến một phần máu cứu sống mình, Lý vô cùng cảm động và thấy mình đã vương một món nợ ân tình lớn lao đối với chàng và nàng xem như trong người đã mang một phần đời của Đông. Về phần Đông thì chàng vô cùng hạnh phúc và vui sướng khi được dịp ân cần săn sóc Lý. Chàng miên man mơ tưởng như mình là một người chồng săn sóc chu đáo tận tình cho vợ đáng yêu.
Có nhiều lúc, thấy Lý mệt mỏi bơ phờ, Đông đã làm liều lấy khăn ấm lau mặt mày mình mẩy Lý làm mấy cô y tá nói nhỏ với nhau: 
- Ông thiếu úy hải quân thương vợ quá trời. Thấy cách thức ổng săn sóc nâng niu bã mà tôi thấy chán thằng chồng tôi quá.

Đông nghe câu nói “dễ thương” đó thì thấy sung sướng trong lòng trong khi Lý thì mắc cở nhìn Đông trách nhẹ “hổng chịu đính chánh cho người ta mà cứ cười cười hoài. Ghét!”. Đông cười đáp lại “Ngu sao đính chánh” làm Lý nguýt Đông một cái dài sọc. (Đàn bà nói ghết là thương đó)
Mấy cô học trò Đệ Nhị Cấp của Lý vào thăm cô, từng thấy chàng sĩ quan hải quân thường đi dạo phố với cô hiện đang bắt ghế ngồi sát giường bệnh nên luôn miệng “chào cô chào thầy” làm Đông khoái chí và có cảm tình ngay với họ còn Lý thì ngượng chín người.
Sau cơn bạo bệnh của Lý thì giao tình của hai người vô cùng gắn bó và đã vượt quá giới hạn “tình chị em” như trước đây. Cả hai bác Trường và má Đông đều nhận thấy yình yêu “đôi trẻ và cũng âm thầm tán đồng mặc dù Lý lớn tuổi hơn Đông. Thôi kệ nó! miễn là “đôi trẻ” thực lòng yêu nhau cùng chung lo hạnh phúc gia đình là tốt rồi. 

Rồi thì vào một ngày đẹp trời, trong lúc Lý đang ngồi nói chuyện với Đông ở phòng khách nhà nàng, bác Trường trai tới thăm bạn đồng nghiệp bên Chợ Cũ, còn bác gái thì bận với tiệm bánh kẹo đàng trước nhà, Đông bỗng đứng dậy bước tới ghì chặt lấy Lý nói qua hơi thở vội vàng: “ Chị Lý! Đông yêu chị” rồi không phải xin “ân huệ” gì của Lý như ngày xưa mà chàng cứ cúi xuống đặt nụ hôn cuồng nhiệt lên đôi môi nàng. Phản ứng đầu tiên của Lý là sững sờ khép chặt môi lại nhưng sau một lúc mà hai thân thể ép sát vào nhau, Lý thấy lả người ra rồi bất ngờ cũng vòng tay ôm lấy Đông đón nhân nụ hôn nồng nhiệt của cậu em trước đó còn bây giờ là người tình của nàng. Một lúc sau, Lý xô Đông ra:
- Làm gì dữ vậy. Coi chừng nghẹt thở người ta.
Sau nụ hôn dài tưởng như bất tận, Lý thẹn thùng hỏi Đông:
- Em yêu chị từ bao giờ? Yêu “người ta” mà sao cứ gọi là chị hoài vậy?
Đông bỗng trở nên bẽn lẽn:
- Chị thừa biết là em yêu chị từ lâu rồi mà còn làm bộ hỏi. Còn thay đổi cách xưng hô thì từ từ nha. Đã quen miệng từ hồi làm cánh nhạn đưa thư mà.

Ngay sau đó, Đông đã chính thức ngõ lời cầu hôn Lý và “chị Lý” không thể nào từ chối “cậu em” dễ thương và cũng là ân nhân cứu tử đời mình. Nàng xỉ vào trán Đông mắng yêu:
- Em nhỏ người mà lớn con mắt, nhỏ hơn người ta tới 5 tuổi mà dám trèo đèo thương người ta
Đông ngắm khuông mặt kiều diễm của nàng rồi nói:
- Ai biểu “người ta đẹp quá làm chi” Với Đông thì Lý lúc nào cũng tươi đẹp như hoa Xuân mà thôi và Lý là mùa Xuân muôn thuở của Đông.

Một tuần sau đó, Đông theo mẹ bước xéo qua nhà bác Trường để ngỏ lời hỏi cưới Lý cho Đông và được cả hai bác Trường tán đồng trong vui vẻ. Và đám cưới được tổ chức ngay hai tháng sau vì Đông quan niệm rằng:
Cưới vợ thì cưới liền tay
Đừng để lâu ngày lắm kẻ dèm pha

nhất là người vợ nầy ngày xưa từng là “bà chị” của mình nên càng dễ bị “dèm pha” hơn. Và Đông rất sợ cảnh” đêm dài lắm mộng”

Trong ngày đám cưới, có lẽ người sung sướng nhất là chú rể Nguyễn thành Đông vì kể từ hôm nay chú có được một vưu vật quý báu nhất trên đời. Trong ngày cưới của Đông, hai anh Hạ và Thu mặc dù bận rộn chính chiến cũng đã cố xin phép về tham dự, chỉ có anh hai Xuân thì viện cớ mắc lo dự án thiết kế hệ thống điện cao thế trên xa lộ nên không về được. Xem ra cũng phải thôi, Xuân làm sao mà chịu nổi cái cảnh nhìn thấy người mình yêu ngày xưa bây giờ trở thành...em dâu của mình. 
Riêng Lê và Đào thì cứ than phiền với chị là:
- Bây giờ Đông là chồng chị thì tụi em phải gọi Đông bằng gì đây? Sao mà chị khéo chọn quá vậy hổng biết.
Lý cười đáp:
- Thì kêu ảnh là anh Hai chứ còn gì nữa. Đừng quên kể từ nay, Đông là anh rể của hai em đó

***
Sau cuộc đổi đời năm 1975, vợ chồng Đông dẫn 5 con theo tàu hải quân ra tớí Đệ Thất Hạm Đội Mỹ rồi định cư tại Austin Texas cho tới nay. Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, Đông bảo Lý:
- Cuộc tình duyên mình thiệt là ly kỳ và tiền định phải không em?
Lý cười nói với chồng:
- Nếu quả là ly kỳ và tiền định thì anh rán mà giữ gìn nó đó. Cứ mà lăng nhăng gì thì chết với em liền.
Đông ôm chặt Lý vào lòng vừa thì thầm câu nịnh vợ:
- Có họa là điên mới lăng nhăng. Vợ như tiên nga giáng trần thế nầy thì phải biết tận hưởng phúc chứ. “Có mơ anh cũng hổng dám mơ là có được người vợ tuyệt vời như em”
Rồi chàng đặt lên môi nàng nụ hôn nóng bỏng, hai đầu lưỡi quyện chặt lấy nhau. Cả hai cứ say men tình ái như thế cho tới lúc Lý xô chồng ra nói giọng hổn hển nũng nịu:
- Anh! Cho em thở một chút. Làm gì mà hùng hổ quá trời vậy?

Toronto Feb 10, 1012
Nguyên Trần