Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: Vòm Trời Kỷ Niệm


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mộng Sầu Nhớ Nhung!



Hạ về nhớ phượng tím ơi
Người đăm chiêu để hoa rơi cuốn dòng
Tiếc xưa có luyến lưu không
Khi đóa sầu úa chìm trong bão đời
Hạ đi cánh lịm tàn hơi
Người hờ hững nỡ để lơi tình đầu
Nâng niu ép phượng giữ màu
Vẫn trinh nguyên sắc mộng sầu nhớ nhung.


Kim Oanh

Sớm Mai




Bài xướng:Sớm Mai

Bỗng thấy yêu đời buổi sáng nay
Chập chờn đôi bướm lạnh heo may
Nụ hồng hàm tiếu sương xoa mướt
Cỏ biếc lung linh nắng trải dài
Nhảy nhót trên cành chim ríu rít
Mơ màng trong gió liễu lay lay
Bềnh bồng mây trắng trời xanh ngắt
Đẹp quá trần gian phút cảm hoài

Mailoc
***
Bài Cảm Tác:


Đã thấy bạn già buổi sáng nay,
Giữa hè, chợt cảm gió heo may ?
Nào hồng hàm nụ, sương xoa mướt;
Đâu cỏ xanh lơ, nắng trải dài.
Thêm ríu rít chim, cành nhảy nhót;
Với mơ màng liễu, gió lay lay.
Một bầu mây trắng, thân xa xứ :
Đất Mỹ, trờì ta, lẫn lộn hoài!

Danh Hữu
***
Các Bài Họa:

Sớm mai


Mây trời sáng rỡ buổi hôm nay
Cánh bướm la đà giỡn cỏ may
Lẳng lặng công viên sương tản nhẹ
Nhôn nhao lối ngõ bước buông dài
Mặt hồ thanh thản nhìn thu lộng
Nhánh liễu nhu mì đón gió lay
Vệt nắng soi bừng nhen trí tưởng
Hồn quê viễn xứ cảm thương hoài

Mai Thắng 
170727
***
Mưa Bão Liên Miên


Bão bùng liên tiếp mấy hôm nay
Số phận dân nghèo lắm rủi may
Ruộng độ vàng mơ trôi mất trắng
Vườn đang chin rộ ngả nằm dài
Phập phồng rả rích cơn mưa đổ
Thấp thỏm ì ầm tiếng gió lay
Vướng họa thiên tai ôi phải chịu!
Lầm than bao kẻ cảm u hoài.

Cao Linh Tử
***
27/7/2017
10 Ngày Qua


Cái buồn chợt đến mấy ngày nay
Liên tiếp bão về thật chẳng may
Lũ doạ dân lành từng phút sợ
Mưa to thuỷ điện xả nước hoài
Quảng Bình Quảng Trị vừa lâm nạn
Hà Tĩnh Nghệ An chịu khốn dài
Lá lành lá rách ông cha bảo
Bầu bí chung giàn nghĩa chớ lay.

Quên Đi
***
Những Gì Còn Lại

Những gì tha thiết đến hôm nay
Lời ngỏ luyến trao nhẫn cỏ may
Vương vấn hồn thơ xao xuyến quá
Ngất ngây tình ái mộng mơ dài
Yến anh ríu rít chuyển cành động
Dương liễu rì rào nhẹ gió lay
Chén mật tình yêu mang vị đắng
Quay về kỷ niệm thoáng u hoài

Kim Phượng
***
Cái Nóng Houston


Houston nắng cháy mấy hôm nay,
Đợi gió cây im không mảy may.
Lá úa cỏ vàng sân bỏng nóng,
Hoa khô cành héo bóng vươn dài.
Im lìm chim chóc thôi không hót,
Vắng lặng gia cư chẳng gió lay.
Texas cao bồi không ngựa chạy,
Đồng hoang ngàn dặm chạnh u hoài !

Đỗ Chiêu Đức
***
Ngày Mới


Quê mình đẹp quá, sáng hôm nay
Theo gió, dập dờn ngọn cỏ may
Vòm lá ngời xanh trong nắng ấm
Bờ tre lả ngọn dọc sông dài
Bầu trời trong vắt, chim bay lượn
Ruộng lúa vàng mơ, bông trĩu lay
Hương cốm ngạt ngào, mùa cưới đến
Lứa đôi thề hẹn mãi yêu hoài...

Phương Hà
***
Nắng Ấm Cali


Cali nắng ấm mát trưa nay
Khí hậu ôn hoà nhất thật may
Người Việt an cư sinh lập nghiệp
Gia đình bảo lãnh kế lâu dài
Hoa Kỳ du học đầy hy vọng
Đất nước văn minh chẳng lá lay
Mưa nắng bốn mùa đây gió thuận
Cao niên thoải mái sống vui hoài ...

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 07 năm 2017

***
Sáng Hạ


Quê người,chợt thấy sáng hôm nay
Giữa hạ,bướm vờn cỏ múa may
Chim hót đầu cành tia nắng sớm
Ve kêu cuối nẻo giọng buông dài
Bồng bềnh mấy khóm mây lơ lững
Giăng phủ giọt sương hoa lắt lay
Ngơ ngẫn hàng cây yên lặng gió
Thiên nhiên cảnh đẹp hết u hoài

Song Quang
7/26/2017

Về Miền Tây - Phần 5


Như đã nói trên, Định Tường nằm cạnh đất Gia Định và là trung tâm của miền Nam, nên ngay khi chiếm Nam kỳ, họ đã nghĩ ngay đến việc mở trường học, đào tạo nhân viên cho thuộc địa. Định Pháp Tường là một trong những nơi có trường trung học đầu tiên ở Nam kỳ. Hiện tại Định Tường có 9 trường trung học công lập kể cả Như trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân, 9 trường trung học bán công và 11 trường trung học tư thục. Bậc tiểu học có 122 trường công và 21 trường tư. 
Về kinh tế, Định Tường không có rừng núi nên không có lâm sản và khoáng sản. Tuy nhiên, về nông nghiệp, Định Tường có đến trên 160.000 mẫu ruộng và sản xuất hàng năm trên 320.000 tấn lúa. Ngoài ra, Định Tường cũng rất nổi tiếng về cây trái bốn mùa, mùa nào thứ nấy. Rau quả Định Tường dư dùng nên thường mang lên cung cấp cho thành phố như rau cải các loại, khoai, dưa, dừa, mía, thuốc lá, vân vân. 

Trên đường về miền Tây từ quốc lộ 4, khi đi ngang qua các vùng Ngã ba Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, chúng ta thấy dẫy đầy những trái cây đặc sản của Định Tường như vú sữa, xoài, mận, ổi xá lỵ, cam mật, quít đường, dưa hấu, khóm (thơm). Đặc biệt mận Trung Lương rất là nổi tiếng, gồm đủ thứ mận, mận da người, mận xanh, mận hồng đào, mận trắng, vân vân. Dân Định Tường rất phóng khoáng nhưng thuần hậu, đa số theo đạo Phật, một số theo các đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo. Nếu có dịp viếng thăm và lưu lại Định Tường, bên cạnh những kiến trúc tân kỳ chúng ta sẽ có dịp thưởng thức sông nước hữu tình. Vườn hoa Lạc Hồng cũng được xem là một thắng cảnh của tỉnh, không biết bây giờ vườn hoa ấy ra sao? Có còn gợi lại cho chúng ta những cảm giác dễ chịu và thoải mái như những ngày tháng cũ nữa không? Có dịp du thuyền trên sông nước, qua cồn Rồng, cồn Phụng thăm những vườn cây xanh tốt quanh năm với đủ thứ cây trái, mùa nào cũng có, nhìn lại dòng sông đã bao năm sát cánh với dân tộc qua những bước thăng trầm của lịch sử. Về di tích lịch sử, tại xã Tân Thuận thuộc quận Chợ Gạo, người ta đã khai quật và tìm thấy các pho tượng cổ Visnu, Ganesa, Nam Thần, cùng nhiều hiện vật bằng vàng, đồng và gốm... 
Các nhà khảo cổ xác nhận đây là những di tích quan trọng thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam vào trước thế kỷ thứ 5. Ngoài ra, cách Châu Thành Mỹ Tho chừng 7 cây số, bên bờ sông Tiền Giang, thuộc địa phận bốn xã Kim Sơn, Thới Sơn, Song Thuận và Bình Đức, hàng năm vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, dân chúng địa phương vẫn còn tổ chức lễ đua thuyền trên sông Rạch Gầm để tưởng nhớ đến chiến công oanh liệt của vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn, người đã tiêu diệt gần trọn đoàn thủy binh và bộ binh của giặc Xiêm và Nguyễn Ánh tại vùng Rạch Gầm, Xoài Múc vào ngày 20 tháng giêng năm 1785, năm Giáp Thìn. Tại Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng chẳng những nổi tiếng trong tỉnh, mà dân vùng Nam Kỳ hầu như ai ai cũng biết tiếng về ngôi chùa này. Chùa nằm trong xã Mỹ Phong, thuộc thành phố Mỹ Tho, chùa được ông Bùi Công Đạt xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19, đến năm 1849 Hòa Thượng Huệ Đăng từ chùa Giác Lâm ở Gia Định về trụ trì, năm 1907 chùa được trùng tu lại theo lối kiến trúc Á Âu, lộng lẫy nhưng không mất vẻ thanh u của một tự viện. Trong chánh điện có trên 60 tượng Phật cổ bằng gỗ quí, đặc biệt bộ thập bát La Hán được tạc vào năm 1907 là biểu trưng của nghệ thuật vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
Ngoài ra, tại xã Thạnh Phú, thuộc Châu Thành Mỹ Tho còn có chùa Sắc Tứ Linh Thứu, chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 18. Năm 1811, vua Gia Long cho đổi tên thành chùa Long Tuyền, năm 1841 vua Thiệu Trị lại đổi thành Linh Thứu và có sắc tứ của vua ban. Hiện trong chánh điện của chùa vẫn còn 78 cây cột bằng gỗ đen bóng và một cái chuông lớn nặng hàng trăm kí lô. Trong chùa vẫn còn thờ 49 ngọn đèn (hóa thân của Phật Dược Sư). Tại Cái Bè có chùa Hội Thọ, trước đây là chùa Kim Chương ở Gia Định, khi Pháp chiếm Gia Định, Hòa Thượng Minh Giác cùng đệ tử lui về Cái Bè lập chùa mới và đổi tên là Hội Thọ. Trong chùa còn một số tượnt Phật cổ, cũng như bài vị và nhiều pháp khí của chùa Kim Chương. Ngoài ra, sau năm 1975, cù lao Thới Sơn, nằm bên kia thành phố Mỹ Tho, biến thành một điểm du lịch cho dân địa phương. 

Vì được bồi đắp bởi đất phù sa nên cũng giống như cù lao An Thành bên Vĩnh Long, trên cù lao Thới Sơn có rất nhiều vườn cây ăn trái, bốn mùa hoa trái cây luôn say hoằng. Ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) có chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng miền Tây, thì ở Mỹ Tho có chợ nổi ở Cái Bè và cù lao Tân Phong, với mực độ ghe thuyền và người đi mua sắm tấp nập không kém. Hàng ngày có khoảng 500 đến 600 ghe thuyền cỡ lớn đầy ấp các loại đặc sản, trái cây, rau quả, đậu dọc hai bên sông, mỗi ghe đều có treo những sản phẩm riêng của mình trên một cây sào thật cao, tại đây họ vừa bán sỉ cho những lái buôn từ các nơi về, mà cũng bán lẽ cho dân địa phương. 
Trên mặt sông lúc nào cũng có hàng trăm thuyền nhỏ bơi qua bơi lại rất sinh động. Đây cũng là một trong những nếp sinh hoạt thật đặc sắc của người dân miền Nam. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Mỹ Tho của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:




Đi về phía Đông Bắc của Mỹ Tho và phía Bắc của tỉnh Bến Tre là tỉnh Goø Coâng, tuy nằm cách Sài Gòn không bao xa, chỉ hơn 50 cây số đường chim bay, nhưng Gò Công là một vùng trũng nước “đồng chua nước mặn”. Gò Công cũng có biển Tân Thành, nhưng nước biển không trongxanh như ở Vũng Tàu hay Nha Trang mà là  một màu đỏ xám đục ngầu. Bãi biển Gò Công không có cát vàng cát trắng như các bãi biển miền trung, mà chỉ là một bãi cát bùn màu nâu đen. Thời Pháp thuộc Gò Công có 5 tổng là Hòa Đồng Hạ, Hòa Đồng Trung, Hòa Đồng Thượng, Hòa Lạc Thượng và Hòa Lạc Hạ. Lúc đó (theo thống kê của La Cochinchine) dân số toàn tỉnh Gò Công là 101.117 người, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, nhưng rất ít người Khmer. 
Đa số người Việt thì làm ruộng rẫy, còn người Hoa thì làm bánh, mua bán tạp hóa, mua bán tơ lụa, vựa lúa gạo, rau quả, vân vân. Dưới thời VNCH, Gò Công có 4 quận: Hòa Lạc, Tân Hòa, Hòa Đồng và Hòa Bình. Bắc giáp Long An, Nam giáp Bến Tre, Tây giáp Định Tường và Đông giáp biển Đông. Gò Công có 8 con sông lớn, biến Gò Công thành một dãy đất phù sa màu mở. Sông Xoài Rạp, nằm về phía Đông Bắc giữa Gò Công và Biên Hòa, đây là cửa sông Đồng Nai. Sông Vàm Cỏ nằm về phía Bắc tỉnh Gò Công và Long An. Sông Cửa Tiểu, một trong 9 cửa của sông Cửu Long, sông này có rất nhiều phụ lưu, bên hữu ngạn thuộc Phú Thạnh Đông có rạch Cạn, rạch Bà Lắm, sông Mã, rạch Nò, rạch Bần Bọng, rạch Quẹo, rạch Ô Kim, rạch Bà Tài và rạch Tán Dù, bên phía Tân Thới có rạch Kinh Nhiếm, rạch Lý Quàn Trên, rạch Lồ Ồ, rạch Vọp, rạch Dứa, bên tả ngạn có rạch Gà, rạch Sáu Thoàn, rạch Vàm Rồng. Sông Cửa Đại có những phụ lưu bên Phú Thạnh Đông  như rạch Bà Từ, rạch Thôn Sâm, rạch Gảnh, rạch Lý Quàn Dưới, rạch Cả Thu, rạch Mương, rạch Bãi Bùn, rạch Kinh Nhiếm. Sông Cửa Trung nằm giữa cù lao Lợi Quan và các cù lao Ba Nở và cù lao Cậu. Sông Vàm Rồng bắt nguồn từ sông Cửa Tiểu chảy qua Vĩnh Hựu, bên tả ngạn có rạch Đông, bên hữu ngạn có rạch Cầu Ngang chảy qua hai xã Bình Phục Nhì và Thành Nhựt. Rạch Gò Công, con rạch lớn nhứt của Gò Công chảy qua tỉnh lỵ, kinh Vĩnh Lợi rồi đổ ra sông Cửa Tiểu, bên hữu ngạn có những rạch Qui Sơn nối liền với rạch Tổng Châu, rạch Già, rạch Bằng, bên tả ngạn có rạch Cần Gié, rạch Gò Dừa. Sông Ta, hữu ngạn chảy vào phía Long An, tả ngạn chảy vào Đồng Sơn với những phụ lưu nhưsông Hươu, rạch  Kiến, rạch Ô-Kính, rạch Đào, rạch Lá và kinh Chợ Gạo. Gò Công có biển dài khoảng 23 cây số, có một bãi cát khá tốt ở khúc Tân Thành. 
Vì phía Đông giáp biển, còn ba phía khác là sông và một hệ thống chằng chịt sông ngòi kinh rạch nên khí hậu Gò Công, dù là khí hậu nhiệt đới, nhưng chỉ nóng từ tháng giêng đến tháng ba tại những vùng đất giồng, còn lại các nơi khác đều mát mẽ dễ chịu. Ngoài hải và thủy sản ra, Gò Công còn trồng lúa, bắp, khoai, mướp, dưa, cải, cà, vân vân. Gò Công không có rừng rậm nhiều nên không có thú rừng mà chỉ có gia súc và gia cầm như trâu, bò, heo, gà, vịt... Nguồn lợi lớn nhất của Gò Công từ xưa đến nay vẫn luôn là lúa gạo, kế đến là thủy sản và hải sản. Về giao thông đường bộ, Gò Công có liên tỉnh lộ nối Gò Công Sài Gòn, dài khoảng 13 cây số. 
Tỉnh lộ 21, nối Gò Công Long An, dài khoảng 6 cây số. Tỉnh lộ 24 nối Gò Công Mỹ Tho, dài khoảng 33 cây số. Hương lộ 1 dài 11 cây số nối Gò Công đến xã Tân Phước. Hương lộ số 2 dài khoảng 8,5 cây số nối liền Tân Phước đến Vàm Láng. Hương lộ số 3 dài khoảng 9,8 cây số nối liền Gò Công Kiểng Phước. Hương lộ 4 dài khoảng 5 cây số chạy từ quận Hòa Lạc đến sông Cửa Tiểu. Hương lộ 5 dài khoảng 4 cây số chạy từ An Hòa đến Bình Ân. Hương lộ 6 dài khoảng 18 cây số chạy từ Gò Công qua Long Hựu đến quận lỵ Hòa Bình. Hương lộ 7 dài khoảng 18 cây số chạy từ Gò Công qua Vàm Giồng đến quận lỵ Hòa Đồng. Hương lộ 8 dài 7 cây số từ Vĩnh Bình đi Long Hựu. Hương lộ 9 dài 7 cây số nối Bình Luông Đông đến Thạnh Trị. Hương lộ 10 dài 4,5 cây số từ Bình Luông Đông đến Phú Thanh Đông. Hương lộ 11 dài 5 cây số chạy từ Bình Tân đến Bình Long. Hương lộ 12 dài khoảng 8,5 cây số chạy từ Hòa Đồng đến Thạnh Nhựt. Hương lộ 13 dài khoảng 17 cây số chạy từ Tân Niên Tây đến Đồng Sơn. Hương lộ 14 dài khoảng 3 cây số chạy từ Thành Công đến tỉnh lộ 24. Hương lộ 15 dài khoảng 19 cây số nối Đồng Sơn với Bình Thạnh Đông. Hương lộ 16 dài khoảng 25 cây số nối Phú Thạnh Đông và Tân Thới. Nói đến Gò Công là phải nói về anh hùng Trương Công Định, sanh năm 1820 tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, tuy không phải là người gốc Gò Công, nhưng cuộc đời ông đã gắn liền với đất Gò Công qua cuộc khởi nghĩa chống Pháp ngay từ những ngày đầu thực dân đặt gót giày xâm lược lên đất nước thân yêu. Ông đã làm cho Pháp quân thất điên bát đảo, khiến chúng phải mở mặt trận Gò Công để hành quân càn quét nghĩa binh. Pháp dùng thủy bộ tấn công, vì thế cô và thiếu vũ khí nên Pháp quân đã triệt hạ gần hết thành lũy của nghĩa quân Gò Công. Tuy nhiên, Trương công Định và nghĩa binh cũng không nãn chí, vẫn tiếp tục gây dựng lại cơ sở để chiến đấu và gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. 
Nhưng tháng 8 năm 1864, ông bị tên đội Tấn, một cựu nghĩa binh làm phản vì thù Trương Định đã phạt kỷ luật ông năm xưa, nên hắn dẫn Tây vào bao vây Trương Định. Trong trận phục kích này anh hùng Trương Định bị trúng đạn và đền nợ nước vào năm mới 44 tuổi. Hiện vẫn còn ngôi mộ ông tại khu vực gần chợ Gò Công. Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô đước, luôn được dân chúng vùng Gò Công tu bổ và chăm sóc kỹ lưỡng. Hiện tại lăng mộ của anh hùng Trương Định lúc nào cũng khói hương nghi ngút, dân chúng khắp nơi, hễ có dịp về Gò Công là người ta tìm đến viếng mộ và lễ bái Ngài. Hiện tại trong xã Phú Tân, thuộc quận Gò Công Đông hãy còn di tích Lũy. Pháo Đài, mặt Đông xoay ra biển, mặt Bắc trông ra cửa Tiểu, có đập đa phòng ngự, mặt Tây có Rạch Đồn và được áng ngữ bởi một vùng sình lầy rộng lớn, còn mặt Nam là một dãy trại được bao bọc bởi đám rừng chà là đầy gai góc. Bờ lũy được xây đắp bằng đá ong rất vững chắc, cao khoảng 8 mét, chân bờ khoảng 5 mét, trên mặt bờ lũy rộng khoảng từ 2 đến 2.5 mét. Bốn phía có cổng và vọng gác rất kiên cố. Trong đồn có kho vũ khí, đan dược, và lầu chỉ huy. Đây là một trong những chứng tích oai hùng của dân tộc Việt Nam tại miền Nam, dù cho giặc Pháp muốn phá hủy, chúng cũng không tài nào tiêu hủy hết những chứng tích này được. Ngoài ra, Gò Công tuy hãy còn quá nhiều những mái tranh nghèo lụp sụp, nhưng chính mảnh đất ấy đã sản sanh ra không biết bao nhiêu là nhân kiệt cho đất nước. Ngoài những anh hùng xả thân vì nước, đất ấy đã hai lần sản sanh ra hai vị hoàng hậu cho Nguyễn Triều. Cách thị xã Gò Công chừng 2.5 cây số hiện còn rất nhiều lăng mộ tổ tiên bên ngoại của vua Tự Đức, gồm có mộ của ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại vua Tự Đức, mộ của ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng. Lăng được khởi xây từ năm 1826, gồm khu mộ dòng họ Phạm và khu nhà thợ họ Phạm. Toàn khu kiến trúc theo lối cung đình nhà Nguyễn (phỏng theo lối cung đình nhà Thanh). Theo hiệp ước năm 1874, người Pháp làm chủ hoàn toàn cả vùng đất Nam Kỳ, nhưng chừa lại 51 mẫu ruộng để dòng họ Phạm làm chủ, lấy huê lợi trùng tu và cúng tế. Tất cả những người trong thân tộc họ Phạm đều được miễn thuế thân và miễn quân dịch. Như vậy, dưới thời pháp thuộc, vùng Lăng Hoàng Gia đã trở thành một vùng đất độc lập duy nhất còn sót lại của Việt Nam “Hoàng Triều Cương Thổ”. Ngoài ra, Gò Công còn có ngôi chùa cổ như chùa Phật Linh, được xây từ năm 1826, và năm 1851 Hòa Thượng Chơn Hội đứng ra trùng tu và đổi tên lại là Thanh Trước. Hiện tại chùa hãy còn lưu giữ nhiều di vật quý báu như tượng Đức Bổn Sư và chân dung của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ven biển thuộc xã Kiểng Phước, quận Gò Công Đông có ngôi đền thờ cá Ong (cà voi), mỗi năm nhằm ngày 10 tháng 3 âm lịch, người ta tổ chức lễ hội nghinh Ông. 
Rạng sáng ngày 10 tháng 3 âm lịch, các vị sư bắt đầu tụng kinh, sau đó dân làng dâng lễ vật, rồi thuyền nghênh ông được trang hoàng lộng lẫy đi từ rạch Vàm Láng tiến ra sông Xoài Rạp. Trong lễ rước, người ta khởi tấu nhạc lễ, ca xướng, các thuyền đều kết hoa. Sau đó là lễ cúng vong Ông, và đưa Ông về an vị tại đền. Trong ngày hội này, dân chúng khắp nơi trong vùng ai nấy đều tổ chức ăn uống, vui chơi và trình diễn âm nhạc tưng bừng.

 Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập tỉnh Gò Công vào Định Tường để thành lập tỉnh Tiền Giang, Bắc giáp Long An, Tây giáp Đồng Tháp, Đông giáp biển Đông, Nam giáp Bến Tre. Tiền Giang hiện tại có tổng diện tích khoảng 2.367 cây số vuông, gồm thị xã Gò Công và các quận Cái bè, Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, và Tân Phước. Dân số của hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nhập lại khoảng 1.649.300 người. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Gò Công của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:




(Trang 18 -25)
  Người Long H


Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Pleiku Vào Hè - Thơ Lê Kim Hiệp - Diễn Ngâm Ân Nguyễn

Bảy ơi, bạn Bảy  anh Ân Nguyễn diễn ngâm những dòng thơ Bảy, cùng em ghi lại những hình ảnh, một thời anh ở nơi vùng đất đỏ Pleiku. Quyên vào hương trầm nguyện cầu Bảy an bình trong tình Chúa.



Thơ Lê Kim Hiệp
Diễn Ngâm: Nguyễn Đức Tri Ân
Thực Hiện: Kim Oanh




Trả Lại Tôi


Trường Trung Học Pleime, Pleiku - Lê Kim Hiệp

Xin trả cho tôi con phố nhỏ
Có đường xưa rợp bóng me che
Có nàng Phượng thắm đêm Hè khóc
Những dốc dài thăm thẳm về đâu

Trả cho tôi màu nhạt nắng chiều
Dinh Điền cũ hàng thông kiêu hãnh
Trả cho tôi khí trời lành lạnh
Hạnh phúc thầm đêm quán cafe

Trả sương giăng mù lối đường về
Hương phố cũ đê mê thời trẻ
Trả mây giông nghe lòng chuyển động
Mưa đầu mùa rỉ rã chờ mong

Trả đồi xanh còn trong tiềm thức
Tiếng chim ca vực ánh bình minh
Soi lòng quả cảm hình kiêu dũng
Vùng không gian ấp ủ đời trai

Trả lại tôi nắng bụi mưa bùn
Láng giềng,bạn thân tình vun đắp
Khắp phố phường giọng ấm thiết tha
Trả ngôi nhà nhỏ hằng yêu dấu

Trả bao câu chuyện tình phố núi
Con đường đất đỏ xuống suối yêu
Đẹp làm sao những lúc về chiều
Hoàng hôn tắt đôi yêu vào mộng

Cho tôi xem sợi chỉ Tơ Hồng
Thực đời hay giấc mộng phù du
Nên se lại cho dù vất vả
Trả tôi về "trời cũ yêu thương"!

Pleiku xưa là chốn thiên đường!

Pleiku 10-8-2010
Lê Kim Hiệp



Pleiku Mùa Dã Quỳ

Hôm nay đúng ngày 11 tháng 8, ngày giỗ đầu của nhà thơ Lê Kim Hiệp, người vừa là em của cô Kim Phượng  và là anh của cô Kim Oanh.
Nhà thơ Lê Kim Hiệp cũng là chiến hữu của Song Quang trước đây sống ở Pleiku một thời gian dài và có nhiều kỷ niệm lưu giữ với nhà thơ.
Nhân đọc một bài thơ "Pleiku Vào Hè" của Lê Kim Hiệp được đăng và Ân Nguyễn diễn ngâm trong Blogs hôm nay. 



Pleiku Vào Hè

Chiều lên phố thị mù sương 
Trông hàng phượng rũ mà thương phận mình 
Loài hoa sắc đỏ thắm tình 
Cưu mang màu nhớ đượm in vào hồn
Phố chiều ủ rũ hoàng hôn 
Dáng buồn phượng đứng như ôm khối sầu 
Khắc sâu thầm nhớ ngày đầu 
Mối tình chớm nở lại màu biệt ly 
Cánh hoa đẹp nét sầu bi 
Nhụy hoa vương vấn người đi không đành 
Ước gì lúc tuổi còn xanh 
Ngược thời tiết chuyển cố giành mùa Xuân. 

Lê Kim Hiệp 
Pleiku 1986

Song Quang  rất đồng cảm với tác giả đã có ý thơ về mùa hạ ở thanh phố núi Pleiku.
Để có thêm một sắc thái khác về thành phố nầy.Song Quang xin mượn vận để diễn tả một đặc trưng khác của "phố núi" qua bài thơ "Pleiku Mùa Dã Quỳ" để tưởng nhớ đến người chiến hữu một thời,nặng kiếp tằm tơ.


Pleiku Mùa Dã Quỳ

(Để tưởng nhớ đến nhà thơ Lê Kim Hiệp
và cũng là ngày giỗ đầu 8/11 của người)

Chiều về phố núi mờ sương
Dã quỳ lã ngọn nghĩ thương thân mình!
Cánh hoa vàng rực đượm tình
Nhớ màu em mặc áo in vào hồn

Đường chiều chập chọang hoàng hôn
Thân gầy quỳ dại như ôm mối sầu
Như mình.....nhớ mãi tình đầu
Mới vừa nở nụ (đã) nhuốm màu chia ly

Vì đâu....tình lỡ ai bi???
Yêu nhau thắm thiết....bỏ đi sao đành?
Phải chi.....tình mãi mầm xanh
Đợi thời gian chuyển,mộng lành sang xuân

Song Quang
8/11/2017
* Chú thích thêm
Hoa dã quỳ rực rở ra hoa vào thời điểm giao mùa giữ Thu và Đông báo hiêu mùa khô sắp đến và Dã Quỳ mọc hoang trên những đường mòn.trên đồi núi mà không cần nước và chăm sóc Hoa mọc xoay về hương mặt Trời mọc nên còn được gọi là "hoa hướng dương dại"
Sự tích hoa Dã Quỳ
Tương truyền rang,trong bộ tọc Lasiêng có nàng H'Linh xinh đẹp và chàng K'lang yêu nhau tha thiết.Bên cạnh đó thì có anh chàng LaRihu là con của tôc trưởng cũng yêu nàng H'Linh.
Môt ngày nọ, chàng K'lang đi vào rung săn bắn và đên chiều tối vẫn chưa thấy trở về.Nàng H'Linh nóng long nên quyết đinh đi tìm,nàng vươt qua bao ghềnh thác, suối,núi non nên mệt quá và gục xuống thiêp đi.Trong lúc mơ màng H'Linh thây K'Lang hiên ra và bảo nàng vượt thêm môt con suối nữa sẻ gặp chàng; quả đúng như vậy H'Linh đã nhìn thấy K'lang đang bị bô hạ của LaRihu trói vào thân cây và dung nỏ, giáo nhọn đâm K'lang chết; còn LaRihu vì buông lơi mũi tên hân tình nên tên nghiệt ngã đã trúng H'Linh quỳ ôm xác K'Lang và cũng chết.
Sau đó,mọc lên cây hoa dại có màu vàng.

Em Vẫn Còn Đây

(Kim Hiệp 3 tuổi núp sau lưng, Kim Phượng năm tuổi bồng Kim Hội 1 tuổi- Giồng Ké 1955)

Lời chúc mừng sinh nhật dành cho Em, vẫn còn đong đầy trang giấy. Vậy mà, Em đã thôi, không đọc nữa. Em đã ra đi vội vã quá, không một lời cuối, giã từ.
Cơn đau đã hành hạ Em trong những ngày cuối đời, nhưng không có dịp kéo dài thêm nữa, khi mi đã khép, trái tim biết yêu thương đã lắng đọng. Mọi người đã bảo nhau rằng, “ Ra đi như thế đã là hạnh phúc, vì thân xác không bị hành hạ lâu dài”. Tôi cũng muốn tin như thế, dù rằng trái tim như cứa máu.

Em ra đi để lại cho tôi những hình ảnh đậm nét về Em, từ lúc còn khóc nhè, lúc cùng chung ngưỡng cửa Trung học, chí đến những ngày cuối tháng Tư.
Năm 2011, lần cuối cùng hai chị em sống bên nhau, hơn một tháng trời, nơi mảnh đất ngày xưa. Trong thời gian này, tôi có dịp nhìn ngắm Em kỹ hơn. Qua từng thời thăng trầm của đất nước, nhân dáng Em thay đổi rất nhiều, nhưng điều duy nhất, tôi còn tìm thấy, sự tôn trọng chữ tín và lòng nhân ái nơi Em. Dù không còn là chàng Không quân hào hoa hay một Hướng Đạo Sinh đầy nhiệt huyết. Nhưng trong tôi, Em sống đúng và giữ vững biểu tượng “đúng hướng” của loài hoa Bách Hợp mà một Hướng Đạo Sinh phải có. Tính cỡi mở, sự đôn hậu và biết nghĩ đến người khác hơn bản thân mình, tất cả vẫn y nguyên trong lòng chị.
Một điều tôi lấy làm hãnh diện là được sinh ra, lớn lên cùng một cội với Em. Má chúng tôi, lúc sinh thời, thường hay nói với các con rằng “Phước đức ông bà mình lớn lắm, trải qua bao thời chạy loạn mà các anh chị em con vẫn còn đầy đủ”.

Bây giờ bình yên rồi mà! Vậy mà tôi đã mất Em. Mười anh chị em, tự dưng mất đi một. Tôi cảm thấy hụt hẫng, như có một hố sâu chia cách giữa 10 anh chị em chúng tôi. Một hố sâu, muốn cúi xuống kiếm tìm Em, nhưng không được, muốn lấp đầy lại cũng không xong. Trước mặt mọi người và các Anh chị em, tôi can cường lắm, nhưng trong giây phút này đây, ngồi một mình, những giọt nước mắt âm thầm trào tuôn.
Bài viết trước đây của tôi, bài “Em Tôi”, viết cho Em, chung vui với nỗi vui từ ngày Em bước chân vào đời và hôm nay những dòng chữ này...viết cho Em, một người đã vĩnh viễn ra đi. Đời sống của Em, ngắn hơn các anh chị em chúng mình, nhưng em sống có ý nghĩa. 
Đó là một đời sống dài! 
Nguyện cầu Em thanh thản rời khỏi cuộc đời này...
Em đi về đâu!?
Đưa Em vào huyệt sâu...
Rời các anh chị em, nhưng Em được đoàn tụ với Ba Má chúng mình.

Đời thuyền cuối bến biệt ly
Thoáng như giấc mộng nẽo đi cõi bồng
Đường trần vướng lắm bụi hồng
Trở về bên cát lượn vòng hóa thân
Ừ Em đi cũng một lần
Nhìn theo bóng chiếc bâng khuâng nhớ về 

Kim Phượng
11.8.2017
Một Năm Sau ngày xa Em

Tình Anh


Thắp lên ngọn nến nguyện cầu
Tiễn người anh đã năm đầu nghỉ ngơi
Buông phiền muộn đón thảnh thơi
Nhà Chúa an hưởng cuộc đời bình yên!

Gửi lòng em một chút riêng
Chấp lời thơ tưởng ghé miền Pleiku

Nơi anh thương nhớ tình ru
Ngủ ngon anh nhé thiên thu giấc nồng!


Kim Oanh

11/8/2017

Thơ Tranh: Phố Núi Cao Nguyên

Mến tặng hương hồn nhà thơ Lê kim Hiệp
Bào đệ cũng là bào Huynh của KimPhượng&KimOanh


Thơ: Song Quang
Thơ Tranh; Kim Oanh

Lời Cảm ơn: 
Kim Phượng Kim Oanh thay mặt gia đình chân thành cảm ơn anh Song Quang đã dành cho Em, anh trai Lê Kim Hiệp tình cảm đặc biệt này.Nơi Thiên Đàng chắc Hiệp sẽ vui và ấm lòng.
Kính mến
Kim Phượng, Kim Oanh

Thăm Lại Vùng Cao



Xướng:
Thăm Lại Vùng Cao

Vùng cao khí lạnh tỏa muôn trùng
Hoãn bước di hành ruổi tạm dung
Phố vắng lên đèn mơ hạnh ngộ
Hồ êm chọn lối mộng tương phùng
Nâng ly rượu sưởi đời lang bạt
Lắng giọng ca chìm nỗi nhớ nhung
Hạt nhỏ mưa phùn bay lất phất
Tàn đêm giấc quạnh vẫn khôn cùng!

Mai Thắng 
170718
***
Các Bài họa: 

Nhớ Đà Lạt Xưa

Đà Lạt, cao nguyên núi trập trùng
Buổi xưa sương khói bước ung dung
Chiều buông tắt nắng đen như mực
Chạng vạng lên đèn đỏ má phùng
Mứt mận thơm ngon nghe ấm áp
Rượu dâu hương vị dịu như nhung
Xe đò quảng cáo rung cờ phất
Gánh hát cải lương diễn đến cùng

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 07 năm 2017
***
Đà Lạt Nguồn Thơ


Đà Lạt mù sương non núi trùng
Đây miền quyến rũ khách tìm dung
Vi vu thông hát hoà theo gió
Róc rách suối reo khúc hiệp phùng
Khoan nhặt đàn ai khai lối mộng
Xuôi hồn lặng đắm giấc mơ nhung
Đôi câu hạ bút mời tri kỷ
Hoà vận tương giao hãy đến cùng

Quên Đi
***
Nhớ Ngày Trăng Mật

Lớp lớp núi non kỷ vạn trùng,
Lên cao ngắm xuống bước ung dung.
Hồ êm gió lộng lời than thở,
Đồi vắng cỏ non ức hỉ phùng.
Thông vút bạt ngàn reo trước gió,
Thác tuôn trắng xóa nước như nhung.
Nhớ ngày trăng mật năm xưa ấy,
Hạnh phúc theo nhau đến tận cùng!

Đỗ Chiêu Đức
***
Bảo Lộc, Ngày Xưa...


Rừng rộng bao la, núi điệp trùng
Đôi tình nhân trẻ bước ung dung
Đất trời rộn rã niềm hoan lạc
Hoa bướm hân hoan phút hạnh phùng
Nắng nhuộm hồng tươi môi đỏ thắm
Gió bồng óng mượt tóc đen nhung
Thì thầm hẹn ước bên bờ suối
Sẽ mãi yêu nhau đến tận cùng...

Phương Hà
***
Mắt Xưa


Chia tay một thuở biệt ngàn trùng,
Vẫn nhớ thương hoài đôi mắt Dung.
Trở lại đồi thông nơi gặp gỡ,
Về đây trăng nước mộng tương phùng.
Gió chiều hương ngát ươm làn tóc,
Chiếc lá thu vàng trải thảm nhung.
Đà Lạt đêm nay vầng nguyệt lạnh,
Tri âm phương ấy có mơ cùng!

Mailoc
8-1-17

Phố Núi Cao Nguyên

Mến tặng hương hồn nhà thơ Lê kim Hiệp
Bào đệ cũng là bào Huynh của KimPhượng&KimOanh

"Phố núi Pleiku" núi chập chùng
Đèo cao,vực thẩm khó thung dung
Biển Hồ mặt nước in trời thẩm
Bản Thượng nhà rong hội họp chung
Đất đỏ bụi đường khi gió lộng
Dã Quỳ lã ngọn lúc mưa phùn
Rượu cần vài ngụm say lòng khách
Đóm lửa cồng chiêng cháy bập bùng

Song Quang
08/01/17

Thơ Tranh: Tím Màu Nắng Hạ




Thơ & Hình Ảnh: Minh Thúy
Thơ Tranh: Kim Oanh
Hội Huế Hè 2017 USA.

Vùng Phượng Nhớ



Trong lối gió có hương thơ của phượng
Thổi anh về chạm ngõ cũ tơ vương
Anh xáo động như nắng rung trong gió
Quá đa tình nên làm gió bay rong

Rồi nhớ chạm trên chồi xanh lộc biếc
Thổi hồn xưa ve vuốt lá chung cành
Yêu một thời áo trắng mộng ngày xanh
Giấu rạo rực ủ trong vùng tóc xõa

Một trái tim yêu lắng nghe ngực thở
Chợt hồi sinh từ từng giấc mơ hồng
Khát khao về gỏ cửa ..Em biết không?
Tình đỏ thắm tượng hình em phượng nhớ.

Bằng Bùi Nguyên

Mưa Hạ




Mưa Hạ

Mưa hạ đua nhau vỗ rạt rào
Ơ hay lòng bỗng não nùng sao…
Hạt sa cành lá, âm man mác
Giọt quất vai ai, tiếng nghẹn ngào
Rả rich ghẹo hồn khua dại buốt
Đều đều vuốt dạ khuấy nôn nao
Nắng vàng le lói buồn vương sắc
Như thể góp phần nẫu biết bao

Cao Bồi Già
02-08-2017

***
Các Bài Họa: 


Mưa Đầu Mùa

Bỗng nhiên trời đổ trận mưa rào
Lộp độp bên thềm nghe thích sao
Cây cối vui mừng vươn ngọn thẳng
Đất đai hớn hở bốc hơi ngào (*)
Áo ai ướt sũng, tay che vội
Ánh mắt tình cờ, dạ rộn nao
Muốn cởi của mình cho bậu khoác
Mà không dám ngỏ, ngại dường bao !...

(*) Hơi đất ngào ngạt bốc lên trong cơn mưa đầu mùa
Sông Thu
***
Viết Trong Mưa Hạ

Mấy tháng oi nồng ..."Cháy"giậu rào
Chợt òa mưa xuống....mát làm sao(!)
Cỏ cây đua sắc vươn phao phổng
Hoa trái dâng hương thả ngạt ngào!
Thưa vợi lời ve thôi rả rích
I uôm tiếng ếch vọng nao nao?
Xin trời lượng tiết đừng sầu sũng
Hạ lũ-bàn dân cực xiết bao!

Hạ 2017
Nguyễn Huy Khôi
***
Mưa


Nắng như đổ lửa bỗng mưa rào
Cứu vãn muôn loài sướng quá sao
Đàn trâu ì ạch chân bước vội
Đường thôn lênh láng bọt tung ngào
Lúa ngô héo lá nhìn lòng xót
Gà vịt há mồm ngó dạ nao
Thời tiết xem chừng còn dịu mát
Cơn dông chừng ấy đã là bao

Phạm Kim Lợi
***
Mưa Rào Đầu Hạ


Gió dập xô nghiêng cả vệt rào
Sấm rền nước quất mạnh làm sao!
Nắng đày ngô lúa nhiều xơ xác
Mưa tặng vườn ao chút ngọt ngào.
Hạt rải lầm rầm , trời mát mát
Ếch gào ồm ộp , dạ nao nao
Đeo tơi vác cuốc mừng thăm ruộng
Mong mỏi mùa này thêm mấy bao !

Trần Như Tùng
***
Thầm Hương Đời


Tập khoán mần ăn kiểu vượt rào
Được mùa trăm mẫu quả mừng sao !
Nhớ ghê ngày nớ bóc khoai nướng
Thương lắm đêm mô gỡ sắn ngào.
Chuyện mới tiếng đồn sang Phụng Hiệp
Điềm lành danh thổi tận Vảm Nao
Trời cho gió thuận mưa hòa nữa
Gạo thấm hương đời quý biết bao !

Phan Tự Trí
***
Trong V
ườn Bạn

Bướm lượn tung tăng dọc mé rào
Hương lừng gió tỏa ngát thơm sao
Cau xanh lả lướt mời hoan hỷ
Trúc biếc vi vu gọi ngọt ngào
Thấy nắng tầng không trời lộng lộng
Nghe niềm lữ thứ dạ nao nao
Quê xưa bỏ lại miền êm ả
Trỗi dậy sâu lòng nhớ xiết bao

Lý Đức Quỳnh
***
Mưa Hạ



Ngắm mưa cuối Hạ rớt rì rào
Mờ mịt chân trời ảm đạm sao
Cây lá liêu xiêu cành rớt ngã
Vườn hoa chao đảo cánh tung ngào
Hồn về dĩ vãng lòng như đắm
Mộng với tương lai dạ bỗng nao
Nhìn cảnh mù sương sầu viễn xứ
Quê mình nhớ lắm kể dường bao

Minh Thuý
***
Mưa Cuối Hạ


Mưa hạ chiều nay ướt dậu rào 
Giọt rơi tí tách, lắm vui sao 
Bộ hành đường phố thêm đông đúc 
Quán cốc cà phê thật ngọt ngào 
Nhớ buổi tựu trường, lòng hớn hở 
Đợi ngày gặp bạn, dạ nao nao 
Mãi còn ký ức thời non dại 
Giấc mộng ngày xưa đẹp xiết bao!

Thanh Trương
***
Mưa Hạ


Mây giăng chớp lóe đổ mưa rào.
Giữa hạ giông càn dữ dội sao
Sấm nổ gió gào cây gãy đổ
Cành tơi lá rụng đất chung ngào
Làn ao cá nhảy mang còn ngáp
Bụi cỏ ếch kêu tiếng vọng nao...
Vẫn biết sau mưa dù nắng đẹp
Nhưng lòng phấn khởi chẳng là bao...

Trần Lệ Khánh
4-8-2017
***
Phá Rào!

Mưa bão mình em- tội xiết bao!
Anh chưa về được dạ nao nao.
Thương cây vú sữa hoa tươi rói.
Nhớ cụm hồng tơ trái ngọt ngào.
Đường sá xa xôi chưa tính được.
Nước non ngập ngụa biết làm sao?
Mai này gặp mặt- ta tính lại.
Hai đứa chung tay- chuyện phá rào

Trương Văn Lủy
***
Mất Mát


Ríu rít đàn chim trước cổng rào
Mùa hè năm đó đẹp làm sao !
Bóng diều ẩn bóng mây xanh mát
Hương tóc hòa hương bưởi ngạt ngào
Tay nắm tay anh...ngờ mộng ảo
Má kề má bậu...ngỡ chiêm bao
Bốn mươi năm lẻ về quê cũ
Chẳng biết người xưa ở chốn nao !!!

Thy Lệ Trang

Phượng Yêu


Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn tọa lạc trên đường Cộng Hòa (bây giờ gọi là đường Nguyễn Văn Cừ), bên cạnh Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, rất gần trường trung học Petrus Ký (bây giờ gọi là trường Lê Hồng Phong) và đối diện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (trước 30/04/1975). Đây là ngôi trường đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong đời, đặc biệt là năm đầu đại học mà tôi sẽ ân cần ghi nhớ mãi.

Khoảng tháng 07 năm 1973 tôi ghi danh và sau đó theo học chứng chỉ dự bị Sinh Lý Sinh Hóa (tức là năm thứ nhất) tại ngôi trường thân yêu này. Khi ấy chứng chỉ dự bị trên được kể là rất mới hay nói một cách khác thuộc loại “sinh sau đẻ muộn” nên chúng tôi phải học tại cơ sở thứ 2 của trường là chi khoa Thủ Đức. Cơ sở phụ này của Đại Học Khoa Học Sài Gòn nằm tại Thủ Đức, kế trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức và khá gần xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa.
Vị giáo sư (professor) trưởng chứng chỉ Sinh Lý Sinh Hóa của chúng tôi khi đó là cô Mai Trần Ngọc Tiếng, tiến sĩ (PhD) từ Mỹ trở về. Tuy chứng chỉ của chúng tôi được giảng dậy tại Thủ Đức nhưng văn phòng của cô Tiếng vẫn nằm ở cơ sở chính trên đường Cộng Hòa, Sài Gòn nên mọi thông cáo, kết quả v.v... đều được niêm yết tại đó. 

Sinh viên phải đi học theo kiểu sáng đi chiều về và phương tiện di chuyển là xe buýt của nhà trường. Xe khởi hành từ cơ sở chính của Đại Học Khoa Học tại Sài Gòn nhưng ngừng ở bên kia xa lộ (Sài Gòn - Biên Hòa) trước nhà tôi, khu Hàng Xanh để đón thêm sinh viên (tôi chờ xe ở đây). Khi về xe cũng ngừng ở xa lộ, gần cầu Văn Thánh (tôi xuống xe ở đây) trước khi chạy về Sài Gòn. 
Tuy phải đi xa một chút nhưng tôi vô cùng hài lòng vì trường ốc mới cất rất đẹp và khang trang nhất là phòng vệ sinh, thật sạch sẽ và tân tiến y như của Úc và Mỹ vậy, hơn hẳn cơ sở chính Sài Gòn. 
Có điều đáng buồn là nam và nữ học riêng. Giờ lên giảng đường thì nữ trước, nam sau và giờ thực tập (TP) nam, nữ cũng riêng nữa. Nam và nữ sinh viên thường chỉ biết mặt nhau thôi, ít ai quen ai lắm vì cơ hội làm quen hầu như không có... nhưng tôi đâu chịu thua! 


Trong thời gian thi khóa 1 của chứng chỉ Sinh Lý Sinh Hóa năm ấy, tôi và một số khá đông sinh viên khác, nam cũng như nữ không ai bảo ai sau khi thi xong đồng lòng đi lối tắt ra xa lộ đón xe đò để về cho sớm (xe của trường phải chờ đến chiều mới có). Trong số những cô đứng chờ xe có một cô tôi quen mặt đã khá lâu trong trường và rất có cảm tình vì nét duyên dáng và dịu hiền của nàng. 
Khi đó tôi thấy đã là cuối năm rồi không thể chần chờ thêm nữa được và thời cơ thì cũng khá thuận tiện nên tôi quyết định là phải "hành động".
Cô bạn mà tôi “để ý” luôn luôn đứng một đám chung với cả chục cô khác nhưng tôi lại cho là càng thêm thuận lợi vì đứng đông như vậy người nọ dựa người kia họ sẽ mạnh dạn trả lời hơn khi tôi gợi chuyện. Mà tôi sẽ chỉ nói về chuyện thi cử thôi thì chẳng có lý do gì các cô không trả lời, tôi tin là như thế. Chỉ cần các cô chịu mở miệng, phần kế tiếp tôi sẽ có cách. Chịu khó làm gan một chút biết đâu may mắn thành công thì vui biết mấy, tôi thầm nghĩ. Ông, bà mình chẳng phải vẫn bảo: “Có gan làm giầu”? Người xưa đã nói thì chẳng bao giờ sai được.

Nghĩ là làm. Ngày hôm ấy khi tôi ra đến xa lộ thì các cô đã đứng sẵn ở đó rồi, tôi liền tiến thẳng đến các cô và tươi cười hỏi thăm một cách rất tự nhiên về bài thi: 
- Mấy chị làm bài được không? 
Tôi làm bộ mặt thân tình như quen biết các cô tự thuở nào vậy và may quá mọi chuyện diễn tiến một cách hết sức tốt đẹp đúng như tôi dự tính. Câu hỏi của tôi có lẽ đã "gãi đúng chỗ ngứa" nên được các cô hưởng ứng một cách nhiệt liệt: 
- Cũng được được nhưng không biết sao?
- Trời ơi! Làm không kịp bị thiếu hết một chút, kỳ này chắc rớt quá.
- Chu trình Krebs dài quá. Quên hết 2 phản ứng, kỳ này chắc tiêu rồi.
- Thì giờ ít quá. Vừa làm bài vừa canh đồng hồ, mệt muốn đứt hơi luôn…
Mỗi cô đóng góp một câu rất sôi nổi. Bầu không khí trở nên cởi mở và vui vẻ. Tôi để ý thì thấy "người đẹp của tôi" cũng hưởng ứng nữa, thật là “mát lòng mát dạ”. Sau một màn thảo luận sôi nổi như thế thì xe đến và chúng tôi lên xe, mạnh ai nấy kiếm chỗ ngồi. 

Tuy nhiên khi xe ngừng ở cầu Văn Thánh gần nhà thì cô bạn mà tôi đang muốn làm quen và một cô bạn nữa cùng xuống với tôi (mấy hôm trước đó tôi đã để ý thấy như vậy rồi!), các cô khác tiếp tục ngồi xe thẳng đường về Sài Gòn. Tôi và hai cô bạn này vừa đi bộ vừa trò chuyện cho tới khi đến trước nhà tôi. Trước khi quẹo vô tôi rất khôn khéo chỉ tay vào nhà và giới thiệu rồi mới chia tay (để dọn đường!). 
Hôm sau hai cô cũng xuống xe cùng chỗ với tôi nhưng lần này khi đến trước nhà tôi mời hai cô vào chơi để... bàn về bài vở! Hai nàng hơi ngập ngừng một chút rồi nhận lời. Sau khi hai cô đã an tọa tôi chạy ra sau nhà cầu cứu nhờ Vân (cô em kế tôi) làm nước giùm. 

Tính tôi rất kín đáo. Bao giờ cũng vậy trong thời gian “tính toán” và “âm mưu” để làm quen một cô bạn nào đó tôi chẳng bao giờ hé môi nói gì với ai kể cả Vân, cô em gái rất thân tín của tôi. Chỉ sau khi xong xuôi hết mọi chuyện, “sự việc” mới được “phơi bầy ra ánh sáng”! Các cô em tôi cũng quen đi rồi nên không mấy ngạc nhiên khi thỉnh thoảng (khoảng 1, 2 năm một lần) lại thấy tôi dẫn một “chị mới” về nhà “ra mắt”. Tuy nhiên lần này không phải một mà tới hai chị nên cô em tôi không khỏi thắc mắc. Vân nháy mắt hỏi tôi:
- Gớm, sao mà tham thế. Đến hai chị cơ à?
Tôi cười hề hề:
- Một thôi. Anh đâu phải ông vua. Hai chị đi chung nên anh mời vào chơi luôn thể đó mà.
Cô em tôi chợt hiểu, vừa cười vừa như reo lên:
- Thôi biết rồi. Đây gọi là chiến thuật “tỉa mỏng” đây mà!
- Giỏi. Như vậy mới xứng đáng làm cố vấn tối cao của anh chứ.
Tôi thân mật vỗ vai cô em rồi nói tiếp:
- Bây giờ chỉ có hai chứ lúc nãy ở trường còn tới cả chục chị nữa kìa.
- “Tả xung hữu đột” hả? Thật đúng là một “đại cao thủ” trong “làng cua đào”.
Tôi bật cười với thứ ngôn ngữ không giống ai của cô em và tiếp lời:
- Cũng hồi hộp lắm chứ nhưng phải ráng thôi. “Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con”?
Vân nháy mắt:
- Vậy “cọp con” là ai vậy?
- Chị tóc dài đó.
Vân nhìn qua khung cửa sổ giữa hai căn phòng rồi gật gù:
- Vân thấy rồi. Chị tóc dài mặc áo dài hồng còn chị kia tóc chỉ vừa xõa bờ vai mặc áo dài xanh. 
Ngưng một chút để quan sát rồi cô em tôi tiếp tục:
- Anh Tùng quả có mắt tinh đời. Cả hai chị đều dễ thương hết nhưng chị tóc dài có vẻ duyên dáng và dịu dàng hơn. Vân đồng ý với anh đó.
Sau đó tôi trở lại phòng khách với 3 ly nước đá. Vừa đưa nước mời hai cô bạn tôi vừa vui vẻ tự giới thiệu:
- Tôi tên Tùng, còn hai chị nói chuyện nãy giờ chứ cũng chẳng biết tên gì.
Cô bạn áo xanh có vẻ lanh lợi hơn chỉ cô bạn “cọp con” của tôi và giới thiệu:
- Nó là Nhật Phượng.
Và chỉ vào mình:
- Còn đây là Kim Phượng
- Như vậy là cùng nhóm TP?
Hai cô gật đầu, tôi cũng gật đầu ra vẻ hiểu ý. Các nhóm thực tập (TP) được chia theo vần nên cùng tên luôn luôn được xếp chung nhóm. Mỗi nhóm thực tập gồm khoảng 20 tới 30 người và có thể xem như một lớp học vì giờ thực tập của tất cả các môn chúng tôi đều làm việc chung do vậy sinh viên cùng nhóm thường rất dễ thân nhau.

Sau khi đã biết tên chúng tôi chuyển sang xưng tên với nhau cho thân tình. Câu chuyện giữa ba chúng tôi càng lúc càng trở nên giòn giã hơn, tôi vui vẻ cho biết: 
- Hồi trung học, Tùng học ở trường Hồ Ngọc Cẩn còn Phượng này và Phượng đó học ở đâu vậy?
Vừa nói tôi vừa dùng tay chỉ làm hai cô bạn phải phì cười. Nhật Phượng dịu dàng bảo tôi:
- Tụi Phượng, cả hai đứa đều học ở trường Lê Văn Duyệt hết đó.
Tôi reo vui:
- Ủa! Hóa ra ngày xưa cũng là “lối xóm” cả mà không biết.
Kim Phượng lí lắt:
- Bộ dễ biết lắm sao?
Cả ba chúng tôi đều cười một cách rất vui vẻ với câu nói ra vẻ “ta đây” của cô bạn mới quen. Càng về sau hai cô càng tự nhiên và thoải mái hơn có lẽ vì thấy tôi “đúng là hiền lành" và có vẻ "siêng học" nữa! Thú thật, tôi cũng khéo lắm, chỉ hoàn toàn bàn về chuyện học hành, thi cử thôi chứ không nói gì khác hơn, cốt để tạo sự tin tưởng nơi các cô.
Ngày hôm sau và cũng là ngày thi cuối cùng thì may sao Kim Phượng có việc phải đi thẳng Sài Gòn nên chỉ có tôi và Phượng "của tôi" (Nhật Phượng) xuống xe chỗ cầu Văn Thánh. Lần này tôi cũng ngỏ ý mời cô bạn vào nhà uống nước thì nàng vui vẻ nhận lời ngay. Có lẽ vì tôi đã phần nào tạo được niềm tin nơi nàng và hơn nữa có thể vì thấy gia đình tôi cũng đàng hoàng chăng? 

Sau một lúc trò chuyện, Phượng từ giã để ra về. Phút chia tay tôi bảo nàng: 
- Để Tùng lấy Honda đưa Phượng về cho nhanh nghe.
Nàng tỏ vẻ ngại ngùng:
- Thôi mất công Tùng lắm. Để Phượng đón xe buýt về. Phượng quen như vậy rồi.
Tôi nghĩ cũng phải, mới quen nhau được có mấy ngày và chủ trương của tôi là không nên thúc ép, mọi chuyện cứ để nó đến một cách tự nhiên thì hay hơn. Tôi xoay chuyển ý nghĩ thật nhanh và nói:
- Ừ thôi cũng được, tùy Phượng. Nếu vậy để Tùng đi bộ với Phượng ra trạm xe buýt cho vui.
- Hở? Mất công Tùng lắm.
- Tại sao lại mất công? Phải nói là hân hạnh mới đúng.
Phượng nhìn tôi tủm tỉm cười:
- Cái này là tại Tùng đòi thôi. Phượng không ép đâu đó.
Hai đứa tôi tươi cười nhìn nhau và cùng sánh đôi ra trạm xe buýt gần nhà. Lần này chúng tôi bước đi rất gần nhau chứ không còn giữ khoảng cách như lúc ban đầu mới làm quen nữa. Hôm ấy Phượng mặc một chiếc áo dài trắng trông mảnh mai và nhỏ bé y như một cô nữ sinh trung học vậy, tà áo nàng thỉnh thoảng lại quyện lấy bước chân tôi một cách thật dễ thương và thân ái. Đi bên nàng mà lòng tôi rộn rã một niềm vui khó diễn tả.

Trạm xe buýt ở ngay ngã ba Hàng Xanh, cách nhà tôi độ vài trăm thước nên hai đứa thả bộ như thế chẳng bao lâu đã đến. Trong khi chờ xe tôi dặn nàng:
- Có tin tức gì về kết quả nhớ báo cho Tùng biết nghe.
- Tùng cũng vậy nghe.
Tôi gật đầu sau câu nói của Phượng nhưng nàng đâu biết là đang bị tôi “gài”. Nàng biết nhà tôi chứ tôi có biết nàng ở đâu mà báo, nên cuối cùng thì vẫn là nàng tìm đến tôi thôi. Như vậy cũng hay, cũng là môt cách để tạo lý do giùm cho nàng. 
Giây phút cuối tôi thấy Phượng có vẻ quyến luyến, đứng ở cửa xe còn quay lại nhìn tôi cười thật tươi rồi mới bước vào nên tôi khá chắc chắn là một ngày không xa lắm nàng sẽ “quay gót ngọc tìm về chốn cũ” thôi.


Đúng như sự dự đoán của tôi, một tuần lễ sau Phượng đến và rủ tôi đi xem kết quả. Gặp lại nàng tôi mừng lắm và Phượng cũng có vẻ rất cảm động nữa. Hôm ấy Phượng mặc một chiếc áo dài tơ mầu vàng trông xinh xắn hơn bao giờ hết, nhưng điều tôi thương nhất vẫn là vẻ dịu dàng của nàng. Hai đứa tôi quấn quít bên nhau líu lo không dứt. 
Sau khi cùng nhau trò chuyện như thế được một lúc chúng tôi lên đường. Tôi cho xe chạy rất chậm trên đường Hồng Thập Tự (bây giờ gọi là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) hướng về cơ sở chính của trường (trên đường Cộng Hòa). Trời vừa mới mưa xong nên không khí rất mát mẻ dễ chịu. Phượng ngồi sau vòng tay ôm và đầu tựa vào lưng tôi một cách tự nhiên trông thật ngoan hiền, tôi rất hạnh phúc và hãnh diện với cô bạn gái nhỏ bé.
Kết quả hôm ấy tôi rớt và Phượng... cũng rớt. Bị rớt mà chúng tôi chẳng buồn tí nào cả, hai đứa nắm tay nhìn nhau cười một cách rất vui vẻ! Tôi hỏi nàng:
- Tiêu cả đôi rồi. Phượng có buồn không?
- Không. Trái lại Phượng thấy vui lắm.
- Hở? Có nói lộn không đó? Thi rớt mà vui!
- Chứ nãy giờ Tùng không thấy là tụi mình vui lắm sao? Cứ nhìn nhau cười hoài chứ có đứa nào khóc đâu nè.
- Phải rồi hai đứa mình “khổ” gặp “khổ” thành “sướng”. Giống như trong toán học “âm” đi với “âm” thành “dương” đó mà.
- “Trò” Tùng thông minh lắm “cô” cho em 20 điểm trên 20 đó.
- Trời! Nhiều điểm vậy sao? “Em” cám ơn “cô giáo” Phượng nghe.
Đến đây Phượng bật cười thành tiếng tôi cũng cười theo. Quả đúng như vậy thi rớt mà được một buổi chiều êm đềm bên nhau như vậy thì cũng đáng lắm rồi, hơn nữa vẫn còn kỳ thi khóa 2 (sau đó chừng 1 tháng), nên chẳng có gì phải lo.

Trên đường về trời lại đổ mưa nữa, tôi phải tắp xe vào một mái hiên. Phượng đưa cho tôi chiếc khăn mu-soa của nàng để tôi lau mặt. Lần đầu tiên được lau mặt bằng một chiếc khăn của con gái, mùi thơm con gái từ chiếc khăn của nàng gây cho tôi một cảm giác ngây ngất rất kỳ lạ. Trú mưa được một lúc, thấy Phượng có vẻ lạnh, tôi hỏi:
- Phượng lạnh hả?
- Ừ. Chắc tại áo Phượng bị ướt đó.
Chẳng cần hỏi ý kiến, tôi nhẹ nhàng choàng tay qua vai ôm nàng. Phượng không phản đối mà nép sát vào tôi có vẻ hạnh phúc lắm. Thu người trong vòng tay tôi như thế được một lúc tôi thấy cơ thể nàng từ từ ấm dần lên nên cũng cảm thấy an tâm. Với tư thế như con mèo con ấy thỉnh thoảng nàng lại ngước lên nhìn tôi mỉm cười. Tôi cũng vừa cười đáp lại vừa thương mến hôn lên mái tóc ướt của nàng. Mùi thơm từ mái tóc ướt át của con gái có một sức quyến rũ lạ lùng. Tất cả những người con gái đã từng yêu tôi mùi hương tóc của mỗi cô mỗi khác, không ai giống ai nhưng đều rất lôi cuốn, riêng Phượng thì tôi nhớ và thương mãi mùi tóc ướt của nàng buổi chiều mưa hôm ấy. 

Chiều hôm đó trước khi chia tay Phượng thân ái mời tôi tới nhà nàng chơi.
Vài ngày sau tôi đến thăm nàng. Nhà Phượng ở trong một cái hẻm ở đường Phan Văn Trị, Gia Định (gần trường Canh Tân). Hôm ấy khi tôi đến Phượng mặc một bộ đồ bộ trông rất nhu mì và mái tóc dài được cột bằng một sợi dây thun ở sau lưng. Nàng mời tôi ngồi và ra sau lấy nước, đến khi trở lại thì tôi thấy mái tóc đã nằm xõa bờ vai duyên dáng như thường lệ. 
Hai đứa tôi hàn huyên được một lúc thì ba Phượng đi ra và ngồi nói chuyện với tôi. Ông mặc đồ trận đi "bốt-đờ-sô" (giầy lính) đeo lon trung úy. Tôi cũng con nhà lính nên nhìn ba nàng trong bộ quân phục như vậy thì tự nhiên cảm thấy rất gần gũi. Người chào và hỏi tôi: 
- Cháu cũng là sinh viên bạn của Phượng hả? 
Tôi trả lời: 
- Dạ thưa phải. 
Sau đó tôi và người nói chuyện với nhau khá vui vẻ. Ông có hỏi thăm về bố tôi nữa: 
- Ba cháu làm ở đâu? 
- Dạ thưa Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Quân Huấn. 
Tôi đáp. Ông hỏi tiếp: 
- Ba cháu cấp bậc gì? 
Tôi hãnh diện trả lời: 
- Dạ thưa thiếu tá. 
Nghe xong người lộ vẻ thiện cảm thấy rõ. Có thể vì tình “huynh đệ chi binh” với bố tôi chăng? 

Ba Phượng dễ thương lắm, nói chuyện với tôi thêm một lúc nữa thì người rút vào nhà trong để hai đứa tôi tự do trò chuyện. Ba, mẹ Phượng cũng tân thời và phóng khoáng giống y như bố, mẹ tôi vậy. 
Trong suốt thời gian tôi bị ba nàng "thẩm vấn", Phượng ngồi im không dám nói năng gì, chỉ thỉnh thoảng kín đáo nhìn tôi mỉm cười theo kiểu "nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ". Sau khi ông đi rồi đôi trẻ bắt đầu ríu rít bên nhau. Tôi cười hỏi:
- Lúc nãy sao im re vậy?
- Chứ “giám khảo” đang khảo hạch “thí sinh” mà. Ai mà dám.
- Như vậy Phượng đoán “thí sinh” được ông “giám khảo” cho mấy điểm?
- 99/100
- Nhiều điểm vậy sao?
- Ừ. Đậu rồi đó. Mà đậu tối ưu luôn.
- Trời!
- Ừ. Cứ nhìn mặt ba là biết liền. Thấy ông cười tươi không?
- Ừ. Nói chuyện với bác trai vui ghê.
- Tùng nói chuyện hay lắm. Phượng khen đó. Nhưng mà cũng nhờ Phượng thôi.
- Hả?
- Chứ còn gì nữa. Bộ không thấy người ta lâu lâu lại nhìn Tùng cười yểm trợ sao?
- Vậy sao?
- Hứ!
Phượng âu yếm nguýt tôi rồi đem một đống bài học cùng hình vẽ ra thảo luận với tôi, vậy mà tôi thấy vui lắm. Từ hồi nào đến giờ học có một mình, bây giờ được học chung với một người bạn mà lại là một người đẹp khác phái, tôi thấy thật ngộ nghĩnh và hạnh phúc. Hôm ấy hai đứa tôi hiền lắm, chỉ toàn nói về chuyện học thôi theo đúng tinh thần của hai cô, cậu học trò ngoan cùng lớp. Ba, mẹ Phượng khi đó chắc hài lòng vì sự "chăm chỉ học hành" của hai đứa tôi lắm! 

Trước khi chia tay, tôi ra xe lấy vào một món quà tặng Phượng, đó là... mấy con cắc ké bắt được ở vườn nhà tôi. Nàng mừng quá chừng và cám ơn rối rít. Chắc các bạn thấy buồn cười lắm phải không? Đến nhà người đẹp không tặng hoa mà lại đưa cho người ta mấy con “quái vật”. Không! Các bạn đừng lo. Phượng là dân "trong nghề" nên thích lắm, không chừng còn hơn cả hoa nữa. 
Lý do là như thế này: phần thi thực tập rất quan trọng, nếu rớt nó sẽ kéo phần lý thuyết rớt theo. Khi thi, phần giải phẫu là chính yếu. Chúng tôi phải mổ xẻ các con vật chỉ định cho khéo, nếu làm nát bét cơ quan nội tạng của chúng là rớt nhưng nếu bộ đồ lòng còn nguyên vẹn mà không nhận diện được các cơ quan bên trong của con vật để vẽ hình và chú thích trên giấy thì cũng rớt. 
Loài “hữu nhũ" (mammal) như: mèo, chuột v.v... các bộ phận trong cơ thể của chúng khá giống người nên cũng dễ nhận ra nhưng những động vật hạ đẳng hơn chẳng hạn loài “bò sát" (reptile) như: thằn lằn, cắc ké v.v... hoặc loài "lưỡng thê" (amphibian) như: cóc, nhái v.v... hoặc loài “cá" (fish) thì các cơ quan của những con vật này trông lạ lắm, không thuộc bài là không nhìn ra đâu. Vì vậy phải tập mổ xẻ cho nhiều. 
Chuột bạch, chó, mèo, chim v.v... ở chợ Cũ lúc nào cũng có nhưng những con vật tầm thường như cắc ké, cóc thì làm gì có bán vì vậy các cô đành bó tay, trường cho thực tập bao nhiêu hay bấy nhiêu và dĩ nhiên là không đủ.
Do đó tôi mới đoán là tặng cô bạn cùng trường của tôi không gì bằng vài con vật rất tầm thường nhưng lại là thứ mà nàng đang khao khát. Quả thật vậy, sau khi nhận bao plastic đựng mấy con cắc ké từ tay tôi, Phượng ngắm nghía “món quà” trong bao một cách rất thích thú rồi hỏi tôi:
- Làm sao mà Tùng có được mấy con cắc ké này hay quá vậy? Phượng đang rầu rĩ muốn chết đây, chẳng biết kiếm đâu ra. Cám ơn Tùng nhiều lắm nghe.
- Mấy con này đó hả? Dễ ẹc, vườn nhà Tùng thiếu gì. Xóm trong còn nhiều hơn nữa. Khi cần thì chỉ việc bắt thôi.
- Trời ơi! Sướng quá à! Hôm nào cho Phượng đi bắt với.
- Sao? Chịu đi “bụi đời” hả?
- Ừ, thích lắm. Cho Phượng đi với nghe.
Tôi cười:
- Chuyện nhỏ. Chúa nhật này Phượng rảnh không?
- Ừ, được. Phượng cũng không phải làm gì hết. Nhớ nghe.
Nói xong, nàng chợt nhớ ra:
- Còn cóc thì sao? Làm sao có? Phượng cũng cần nữa.
- Cóc hả? Vô số kể. Tối nào vườn nhà Tùng cũng có cả đống nhất là những hôm trở trời. Chỉ việc vồ thôi.
- Trời ơi! Thích quá! Sân nhà Phượng nhỏ xíu lại tráng xi-măng nữa nên chẳng có con nào thèm mò đến hết trơn đó. Chán ghê.
- Để mai Tùng mang đến cho Phượng vài con, tha hồ mà tập dợt.
- Đã quá. Tùng đúng là người cứu mạng đó.
Tôi hỏi:
- Phượng cần bao nhiêu? 2, 3 con đủ không? 
- Thêm nữa được không? Càng nhiều càng tốt.
- Trời! Bộ tính làm thịt cóc xào lăn hay sao đây ta?
Nàng cười:
- Bạn Phượng, cả đám cũng đang than thở vì tìm không ra đồ để tập dợt kìa. Nếu có dư thì chia bớt cho tụi nó vài con… để “cứu trợ” đó mà. Chắc tụi nó mừng lắm đó.
- Vậy sao? Đám con trai tụi Tùng đâu biết là bên nữ đang điêu đứng như thế.
- Ừ. Giúp giùm đi mà.
Phượng nhìn tôi một cách âu yếm.
Buổi sáng chúa nhật hôm ấy sau một màn ăn kem và dạo phố Sài Gòn, tôi cùng Phượng về nhà để chuẩn bị đồ nghề. 
Mẹ tôi có trồng một cây dừa xanh bên hông nhà được khoảng hơn 2 năm. Cây không cao lắm, cành lá ngang tầm tay thôi nên rất tiện. Tôi tước vài lá lấy phần gân, đầu buộc thành thòng lọng và trao cho Phượng 1 cái:
- Cần câu của Phượng đó
Nàng ngắm nghía có vẻ thích lắm:
- Ừ. Trông giống cái cần câu thiệt. Mà Tùng nè. Nếu không có lá dừa thì làm sao?
- Thì bứt một cọng cỏ dài cũng được. Ở trên trường tụi mình, Tùng và mấy đứa bạn cũng dùng cọng cỏ lau làm thòng lọng mà bắt được mấy con đó.
- Bên nam giỏi ghê. Bên nữ tụi Phượng đành bó tay. Trường cho mổ cắc ké đuợc có một lần thôi chứ mấy. Đi thi mà cho mổ lại chắc lạng quạng lắm. Nhưng biết làm sao? Kiếm đâu ra cắc ké mà tập dợt?
- Vậy sao? Hôm nay để tự tay Phượng bắt đó. Muốn mấy con?
- 2, 3 con là mừng rồi.
- Ừ, để coi.

Hôm ấy Phượng gặp xui. Lũ các ké trong vườn nhà tôi rủ nhau đi chơi đâu hết chẳng có một con. Nhưng như vậy cũng là điều hay, tôi có dịp dẫn nàng vào xóm trong chơi. Khu xóm nhà tôi rất gần cầu Văn Thánh, cây cối vườn tược khắp nơi trông giống như nhà quê vậy nhất là khu gần sông, có cả ao rau muống nữa. Đường ra bờ sông hàng rào cây, lùm bụi rất nhiều, đây là môi trường sống lý tưởng của cắc ké. Tôi và nàng vào xóm chưa bao lâu thì đã thấy ngay một chú cắc ké rất to trên một bức tường gạch. Chú cắc ké này nhìn thật dễ sợ, cái đầu to tướng, trên lưng có một hàng gai và cái đuôi thật dài. “Chú nhỏ” lại mầu đỏ nữa nên trông càng thêm bặm trợn. Phượng rụt lại:
- Eo ôi! Sao mà nó mầu đỏ ghê vậy? Mấy con ở trường mầu đen mà.
Tôi cười: 
- Tại bức tường mầu đỏ nên nó đổi thành mầu đỏ. Da nó đổi mầu để dễ ngụy trang đó mà, bắt được bỏ vào bao nó sẽ thành mầu đen cho Phượng xem. Tí nữa giữa cành lá các con khác còn có mầu xanh nữa kìa.
- Sao Tùng rành quá vậy?
- Hồi nhỏ tối ngày đi lông rông trong xóm với mấy thằng bạn. Không phải chỉ bắt cắc ké mà còn bắt dế rồi bắn chuồn chuồn, bươm bướm bằng dây thun nữa… Đủ trò hết.
- Thật đúng là con trai.
- Đâu đã hết, còn đi bẻ hoa, hái trôm trái cây nữa. Có lần bị người ta bắt và ăn chổi lông gà…
Tôi cười ha hả, Phượng cũng cười:
- Nhìn mặt tưởng hiền lành mà ai ngờ “quậy” quá chừng.
- Thì cũng nhờ vậy mà mới có “nghề” để hôm nay truyền lại cho Phượng đó.
Vừa nói tôi vừa trao một chiếc thòng lọng gân lá dừa cho nàng rồi tiếp tục:
- Cắc ké thấy ghê gớm như con khủng long vậy chứ nó hiền khô à và khờ nữa. Phượng thấy không? Con cắc ké đó vẫn đứng chết trân nhìn tụi mình. Nó chỉ bỏ chạy khi có một cái gì đó chuyển động thật nhanh trước mắt. Bây giờ theo Tùng đến gần hơn một chút nhưng đừng quá gần. 
Phượng và tôi tiến thêm vài bước.
- Chỗ này được rồi.
Vừa nói tôi vừa giữ nàng lại rồi hướng dẫn:
- Bây giờ Phượng vươn tay ra và thật chậm tròng thòng lọng vào cổ nó rồi giật. Một khi thòng lọng đã siết rồi thì cắc ké có to cách mấy cũng phải chịu thua. Phượng thử ra tay xem sao.
Vì là lần đầu tiên nên cô bạn tôi chưa có kinh nghiệm, thòng lọng được nàng đưa tới quá nhanh khiến con vật hoảng sợ và bỏ chạy một mạch tuốt lên ngọn cây gần đó.
- Trời ơi! Phượng dở quá. Nó chạy mất tiêu rồi.
Nàng thở dài thất vọng. Tôi cười trấn an:
- Ôi, thiếu gì mà lo. Mình đi kiếm con khác. Chỗ này cắc ké đầy hết, tha hồ cho Phượng trổ tài.

Thật vậy, chẳng bao lâu sau chúng tôi tìm được một con nữa trong một bụi cây thưa với làn da mầu xanh lá cây, con này còn lớn hơn con lúc nãy nữa. Tôi bảo nàng:
- Phượng thấy chưa? Ở giữa cành lá da nó lại đổi sang mầu xanh để kẻ thù khó nhìn ra đó mà.
- Ờ hay quá ha! Bây giờ Phượng mới chứng kiến đó… “Em” cám ơn “sư phụ” nghe.
Nàng nghiêng đầu nhìn tôi cười diễu cợt.
Lần này tôi cầm tay nàng để “truyền nghề” cho chắc ăn. Bàn tay nhỏ bé mềm mại và mát rượi của nàng gây cho tôi một cảm giác dễ chịu lạ lùng. Tôi liếc thấy Phượng nhìn tôi và miệng tủm tỉm cười, hình như nàng cũng đang có cùng cảm giác xốn xang như tôi vậy. Bàn tay nàng trong bàn tay “lão luyện” của tôi, như thế là chắc ăn rồi. Một cách thật thận trọng tôi từ từ đưa tay Phượng về phía con cắc ké. Thòng lọng đưa qua đầu và cuối cùng tròng vào cổ rồi mà con vật vẫn chẳng hề hay biết. Không chút chần chờ tôi giật mạnh tay nàng, con cắc ké bị kéo khỏi cành cây và treo tòng teng ở đầu gân lá dừa như một con cá mắc câu vậy, trông thật ngoạn mục. Phượng reo mừng:
- Dính rồi! Bắt được một con rồi.
Không hổ danh là nữ sinh viên Đại Học Khoa Học, chẳng chút sợ hãi nàng cầm đuôi con vật nhấc lên ngắm nghía một cách thích thú:
- Trời ơi, lớn quá! Còn lớn hơn con mà Phượng thực tập ở trường nữa, con này mà đem về mổ thì đã lắm đây.
Tôi phụ họa:
- Ừ, đúng rồi, càng to càng dễ làm.
Bỏ con cắc ké vừa bắt vào bao plastic xong tôi bảo nàng:
- Bây giờ Phượng thử bắt một mình xem sao. Quen rồi thì cũng dễ lắm.
- Ừ, “thầy” yểm trợ cho “em” nghe.
Tôi đáp lại bằng một nụ cười khuyến khích rồi đưa nàng ra phía bờ sông và trong khi chúng tôi đang theo dõi một con khá lớn trên hàng rào cây thì một bọn trẻ khoảng 4, 5 cô cậu đứng lại nhìn chúng tôi nhe răng cười. Có lẽ chúng ngạc nhiên lắm khi thấy một đôi thanh niên, thiếu nữ ăn mặc rất tươm tất mà cũng chơi trò trẻ con bắt cắc ké về chơi. Phượng rất thương con nít nên đưa tay nựng cằm một cô bé khoảng 10 tuổi và tươi cười hỏi:
- Cưng thấy tụi chi lớn đầu rồi mà còn “chơi dơ” quá phải không?
- Dạ. Mắc cười quá hà.
Cô bé nhìn nàng cười một cách thật vô tư.
Sẵn có phong kẹo cao su trong túi tôi chia cho mỗi cô, cậu vài cục. Bọn trẻ nhe hàm răng sún ra cười cám ơn trông thật dễ thương.
Sau khi đám nhỏ đi rồi tôi và Phượng lại tiếp tục công việc săn lùng. Hôm ấy chúng tôi tóm được tới 5 chú cắc ké lớn, trong số có 2 do Phượng tự tay bắt.
Trên đường về nàng hồn nhiên bảo tôi:
- Chơi với con cũng trai vui ghê chứ mà Phượng đâu biết, Từ hồi nào tới giờ chỉ toàn chơi với con gái không à.
Tôi dí dỏm:
- Còn Tùng thì cứ nghe người lớn bảo là con gái nó dữ lắm, nó hay cắn lắm khôn hồn thì đừng lại gần… Nên sợ quá, thấy mấy cô đâu là phải vội vã tránh xa…
Tôi chưa dứt câu nói thì thật nhanh Phượng đưa cổ tay tôi vào miệng và cắn cho một cái thật đau. Cắn xong cô nàng còn hất mặt hỏi tôi:
- Vừa nói là có liền rồi đó. Hài lòng chưa?
Tôi cười mếu máo:
- Thiệt tình! Ai biểu cãi lời người lớn, chơi dại… “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” mà. Hối hận quá đi thôi!
Phượng ôm vai và dúi đầu vào ngực tôi rồi ngước lên cười một cách tinh nghịch làm tôi không nhịn cười nổi và… quên cả đau!

Lần săn bắt đó thật vui và hào hứng y như một buổi đi picnic vậy mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Sau này tôi và nàng còn trở lại khu xóm Văn Thánh của tôi thêm vài lần nữa để kiếm thêm cắc ké và chưa lần nào chúng tôi phải ra về tay không cả.
“Nguyên liệu” đã có đầy đủ rồi thì chúng tôi bắt tay vào việc. Hai đứa chỉ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị trước ngày thi khóa 2 nên phải thực tập thật ráo riết với những con vật mà chúng tôi có trong tay, khi thì với cắc ké khi khi thì với cóc, cả cá và chuột bạch nữa.
Một lần đến nhà Phượng thì gặp lúc nàng đang mổ một chú cóc, tôi liền xắn tay áo tiếp tay. Nàng muốn giải phẫu để tìm não bộ của nó. Hai đứa loay hoay một lúc thì cái đầu cóc nát bấy. Vậy là chú cóc thứ hai được đem ra để tiếp tục "giảo nghiệm". Tôi bảo Phượng:
- “Trò” Phượng trổ tài cho “thầy” xem thử coi.
- Hứ! Sợ gì ai chứ. “Ông thầy” xem đây.

Phượng trả lời một cách rất tự tin rồi thật nhanh nhẹn nàng kẹp eo cóc bằng ngón tay cái và ngón tay giữa, ngón trỏ nhấn đầu con vật xuống, kéo kê vào hàm trên và quay nhìn tôi... cười mỉm chi và rồi "cụp" một cái bay hàm trên. Sau đó "cụp" một cái nữa kéo cắt bay hàm dưới, vậy là xong. Tôi khen: 
- Hồi nãy Phượng khôn lắm làm bộ quay qua cười với “thầy” nhưng thật sự là để tránh tia chất độc từ đầu cóc có thể bắn ra phải không? Một công hai việc thật đáng khen.
- Ừ, chứ sao. Ai mà thèm dòm, cứ làm như bạn đẹp trai lắm vậy đó! Ở trên trường thầy dậy như vậy mà, phải quay đi chỗ khác. Thầy bảo trên đầu cóc có một tuyến chứa chất lỏng mầu trắng rất độc. Trong lúc đau quá nó có thể bắn ra, trúng mắt là đui đó.
Tôi ngắm nhìn đôi mắt Phượng và đi ngay một đường nịnh đầm:
- Trời ơi! Lỡ có chuyện gì thì tội nghiệp cặp mắt đẹp của Tùng lắm đó.
Nàng nguýt tôi một cách âu yếm:
- Thôi được rồi, cám ơn.
Ngó dáo dác không thấy ai tôi kê đầu thật sát và hôn lên má nàng rồi khen:
- Giỏi lắm.
- Trời ơi! lợi dụng tình thế.
Vừa la nho nhỏ nàng vừa đẩy tôi ra rồi giơ chiếc kéo mổ lên:
- Phượng đi nhát kéo đầu tiên rồi. Bây giờ đến phiên Tùng đi chứ.
Tôi đỡ lấy cái kéo:
- Được thôi. Sợ gì.

Đầu tiên tôi khoét một lỗ nhỏ và nông trên sọ cóc rồi nong từ từ ra. Tôi loay hoay một lúc khá lâu vì công việc này khó lắm, phải thật tỉ mỉ và thật cẩn thận nếu không não bộ của nó sẽ bị nát bét, ai nóng tinh sẽ hỏng việc ngay. Cuối cùng thì cũng xong, bộ não cóc được phơi bầy một cách rất toàn vẹn (não nhỏ xíu nên cóc ngu lắm), đi thi mà được như thế này thì đậu là cái chắc. Phượng khen:
- Gỏi quá à! Thôi mai mốt đi thi giùm Phượng đi.
- Thi giùm? Như vậy thì phải giả gái. Nhưng kiếm đâu ra mái tóc đẹp như Phượng đây?
- Dễ thôi. Cho Tùng đó.
Vừa nói nàng vừa kê chiếc kéo giải phẫu sát mái tóc dài của nàng làm bộ như sắp cắt đến nơi vậy. Tôi giằng lấy cái kéo và la làng:
- Thôi, lậy Phượng. Mái tóc đẹp của người ta… cưng muốn chết mà dám… 
Phượng hất mặt:
- Ừa. Cho vừa lòng.
Nói xong nàng giở trò nhõng chỉ vào má đòi tôi hôn. Lần này hôn má xong, tôi còn hôn lên đôi mắt nàng nữa trong một cảm giác ngây ngất. 

Chưa hết đâu các bạn. Sau một màn tình tứ như thế chúng tôi còn phải dùng dòng điện kích thích để xem cử động phản xạ của đôi chân cóc nữa và cuối cùng cho vào khay mổ, đổ nước vào rồi mổ bung bụng cóc ra phơi bầy tất cả các cơ quan nội tạng. Sau đó vẽ hình y hệt như những gì đang thấy trước mắt trên một tờ giấy và chú thích đầy đủ. Hai đứa tôi làm y hệt như đang đi thi thật sự vậy. 
Tất cả các cô Đại Học Khoa Học đều thuộc loại gan dạ (mà không gan thì cũng phải tập làm gan). Phượng kể đầu năm bị thầy la quá nên cũng phải làm gan thò tay vào giỏ lấy ra một con cóc nhưng run quá để nó rớt nhẩy lung tung trên sàn phòng thí nghiệm làm cả nhóm được một trận cười thoải mái. Tôi thì cũng chẳng khác gì, lần đầu tiên đụng vào cóc và cắc ké tôi cũng thấy ớn lạnh. Nhưng chỉ sau một thời gian các cô đều trở nên "nhà nghề" hết như Phượng vừa biểu diễn.

Tôi và Phượng cùng nhau làm việc như vậy khoảng 2 tiếng đồng hồ mới xong. Vì đều là dân "trong nghề" do vậy hai đứa tôi làm việc chung rất tương đắc và lâu lâu lại giở trò tình tứ với nhau nữa! Nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Đây là điều thú vị mà tôi cảm nhận được khi có người yêu mà nàng cũng đồng thời là cô bạn học cùng trường và đây cũng là một kỷ niệm đẹp khó quên trong đời tôi.
Mẹ Phượng là một nhà giáo hay chính xác hơn là một vị nữ giáo sư trung học nên hiển nhiên đối với bà việc học vô cùng quan trọng. Hôm ấy có lẽ thấy tôi và Phượng "ngoan" quá (chỉ học không thôi!) nên mỗi lần đi ngang qua người đều dành cho chúng tôi một nụ cười đầy thiện cảm. Ngày ấy đối với mẹ nàng tôi rất thương kính và khi nói chuyện dĩ nhiên tôi gọi người là: “bác”. 
Tôi tới chơi nhà Phượng rất thường nên đám em nàng tôi cũng thân nữa và được các cô cậu này xem như một người anh lớn. Về phần Phượng, nàng là con cả nhưng người miền Nam nên các em gọi là: "chị Hai".
Trở lại câu chuyện thì ngoài những con vật thuộc loại “hạ đẳng” mà tôi và Phượng phải săn lùng kể trên, chúng tôi còn thực tập với những con vật thuộc loại “thượng đẳng” nữa, chẳng hạn chuột bạch. Nhắc đến chuột bạch tôi lại nhớ đến một chuyện vui vui…

Hôm ấy tôi ra chợ Cũ mua 4 con chuột bạch, tôi giữ lại 2 con và 2 con còn lại mang cho Phượng để thực tập. Cô nàng thấy nó dễ thương quá tối ngày vuốt ve, nựng nịu và chẳng chịu mổ xẻ gì cả. Hai con của tôi đã đi "chầu Diêm Vương" từ đời nào rồi mà 2 con của nàng vẫn sống phây phây mà còn mập thù lù nữa chứ vì Phượng cưng chúng lắm mua gạo, hột đủ thứ về cho ăn. Có lần tôi đến thì bắt gặp cô nàng đang âu yếm vuốt ve và nựng nịu 2 con chuột!... Thật đúng là con gái và cũng thật đúng là chán mớ đời!
oOo 

Sau khoảng 1 tháng giúp nhau ôn bài và thực tập trong tình thân ái như thế tôi cùng Phượng trở lại trường để thi khóa 2. 
Lần này thì chúng tôi khắng khít với nhau lắm rồi nên ngày nào cũng vậy nàng đến nhà tôi để đi và về chung vì nơi chờ xe ở ngay bên kia xa lộ rất gần nhà. Phượng đến rất sớm nên ngày nào nàng cũng ngồi nói chuyện với mẹ tôi một lúc khá lâu trước khi lên đường, mẹ tôi có vẻ mến nàng lắm. Phải thành thật mà nhìn nhận, trong số tất cả các cô bạn gái mà tôi đã từng quen biết thì Phượng thân với mẹ tôi nhất. 
Khi ấy Phượng đã chính thức là bạn gái của tôi rồi nên các cô bạn của nàng cũng trở nên thân với tôi nữa. Mỗi khi thi xong tôi đứng nói chuyện với Phượng cùng các cô một cách rất thân tình trong khi chờ xe đò tới. Tất cả các cô bạn của nàng đều tên Phượng: Kim Phượng, Ngọc Phượng, Bích Phượng, Minh Phượng, Thúy Phượng v.v...
Một hôm thi xong về đến nhà tôi thì trời đã tối. Tôi đứng nói chuyện với Phượng cạnh cây táo bên hông nhà và bất ngờ tôi... ôm và... hôn nàng! Tôi hôn Phượng khá lâu và khi buông ra nàng tròn xoe mắt nhìn tôi, lúc đó nàng nghĩ gì trong đầu tôi cũng không biết nữa. Rồi nàng ôm và áp mặt vào ngực tôi, một cách thật tự nhiên tôi cũng vòng tay qua ôm lại. Một lúc sau tôi thấy ngực áo ươn ướt và tôi đã hỏi một câu rất thừa thãi:
- Phượng khóc hả?
Nàng lắc đầu không trả lời, tiếp tục ôm và áp mặt vào ngực tôi. Hai đứa đứng và ôm nhau như vậy thêm một lúc nữa rồi tôi lấy xe ra chở nàng về. Trên xe Phượng áp mặt vào lưng tôi và một lúc sau tôi thấy lưng áo cũng hơi ướt nữa nhưng tôi không hỏi han gì thêm. Hai đứa tôi giữ im lặng như thế cho đến khi tôi ngừng xe gần sát nhà nàng. Phượng xuống xe và lúc này mới chịu mở miệng:
- Tưởng Tùng hiền lắm chứ… Dễ ghét!
Tôi làm mặt tỉnh:
- Ủa? Ai làm gì đâu nà?
- Ờ, đâu có làm gì… Làm người ta muốn ngộp thở luôn… 
- Hả?...
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì nàng đã đấm thùi thụi vào ngực tôi và miệng không ngớt:
- Ghét… ghét… ghét!…
Chờ cho nguồn cơn trong nàng lắng xuống, tôi kéo Phượng lại sát người tôi và thì thầm:
- Tùng “hư” quá phải không?... Thôi cho xin lỗi đi mà… Mai mốt…
- Mai mốt làm sao?
- Mai mốt không dám “hỗn hào” nữa.
- Hứ!
Đến đây nàng mới chịu nở một nụ cười. Tôi lại thì thầm:
- Thôi. Tha cho “nó” đi mà.
- Không! Tội của Tùng nặng lắm…
Tôi nở một nụ cười “hiền lành”: 
- Vậy thì kẻ “tội đồ” chúc Phượng ngoan tối nay ngủ ngon nghe.
- Hứ!
Chẳng cần “xin phép” tôi nhẹ nhàng ghé mặt hôn lên má và hai mắt nàng, rồi tôi nghe tiếng Phượng nói nhỏ:
- Thôi Phượng vô đây. Tùng cũng ngủ ngon nghe.

Cũng như mọi lần trước khi bước vào nhà nàng còn quay lại dành tôi một nụ cười thật tươi. 
Vài ngày sau gặp lại tại nhà tôi, Phượng tặng tôi một quyển truyện nhỏ với tựa đề "Mắt Sao Gợi Nhớ" mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng. Đây là một truyện ngắn dịch từ một tác phẩm ngoại quốc. Nội dung là một chuyện tình thật đẹp được chuyển ngữ một cách khéo léo nên đọc thấy rất tự nhiên và xúc động y như một tác phẩm Việt ngữ thật sự vậy. Tuy nhiên đáng chú ý nhất vẫn là trang đầu, Phượng viết cảm nghĩ của nàng về tôi. Phượng viết một cách sâu lắng và cảm động lắm nhưng tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: …"Em nghe nóng má mặn môi khi nghĩ đến một ngày nào đó không còn có sự hiện diện của người". Đọc những dòng cảm nghĩ của Phượng xong, tôi xếp cuốn truyện lại ngồi thẫn thờ một lúc rất lâu mặc tình cho hai dòng nước mắt liên tục chẩy dài trên má.
Quyển truyện này Vân là người đầu tiên được tôi đưa cho đọc vì là cô em gái rất tâm đầu ý hợp và là "cố vấn tối cao" cuả tôi. Không biết cô em lớn này có còn nhớ gì không? Dù sao Mai, cô em út của tôi cho biết có “đọc lén” trang đầu cuốn truyện nơi Phượng ghi nhận cảm nghĩ của nàng và vẫn còn nhớ mang máng (cô em nhỏ này của tôi rất mơ mộng và “ướt át”). Tôi rất mừng vì ít ra cũng có được cô em “mít ướt” đã âm thầm chia sẻ tâm tình với tôi. Tôi xin nói thêm, lúc đó tôi và Phượng xưng tên khi nói chuyện với nhau nhưng trong trang giấy đó nàng lại xưng "em"... Đây cũng là một điều làm tôi vô cùng bồi hồi và xao xuyến.

Kỳ thi khóa 2 năm đó tôi đậu và năm sau lên chuyên khoa (sau khi đậu được năm dự bị nếu còn tiếp tục học lên nữa thì ĐHKHSG thời bấy giờ gọi là “lên chuyên khoa”) còn Phượng chẳng may không qua được và phải học lại năm dự bị nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chơi với nhau.
Phượng là cô bạn gái tôi quen lâu nhất, có lẽ khoảng 2 năm (sau 30/04/1975 vẫn còn tiếp tục) và cũng là cô bạn có được sự gần gũi với gia đình tôi nhất. Nàng nói chuyện với mẹ tôi khá nhiều lần và có khi đến nhà gặp lúc mẹ tôi đang làm cơm nàng còn giúp người nữa. Đặc biệt Phượng rất thân với Vân, cô em kế tôi. 
Phượng là cựu nữ sinh của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Nàng sinh năm 1955 (nhỏ hơn tôi 2 tuổi), tuy sinh trưởng ở Sài Gòn nhưng cả quê nội lẫn quê ngoại Phượng đều ở Kiến Hòa (bây giờ gọi là Bến Tre) nên thỉnh thoảng nàng lại về quê chơi. Phượng tính tình hiền hậu và thương tôi lắm, biết tôi thích ăn bánh ích nên mỗi lần ở quê lên nàng đều mang cho tôi một xâu, những lần như thế tôi luôn đem về cho 4 cô em gái cùng ăn, hy vọng các cô em tôi vẫn còn nhớ.


Tất cả những người con gái từng yêu tôi đều để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Riêng Phượng thì tôi nhớ mãi buổi chiều mưa nàng đến thăm tôi trong tà áo dài vàng và mùi hương dịu dàng từ mái tóc ướt của nàng trong buổi chiều mưa ngày ấy. 
Như đã nói, Phượng là người bạn gái chung đôi với tôi lâu nhất và cũng gắn bó với tôi nhất nên nếu chỉ gọi nàng là "bạn gái" thì sợ là không đủ mà có lẽ tôi phải trân trọng dành cho nàng hai chữ "người yêu" thì mới xứng đáng... Cám ơn Phượng.

Nhớ chiều nào em đến thăm anh
Hai bên đường phố vắng nhạt nhòa
Mưa xuân giăng mờ trắng khung trời
Ngồi bên nhau lưu luyến
Mưa thấm ướt đôi bờ vai

Tiếng nhạc trời xao xuyến đôi tim
Mưa giao hòa nước mắt ân tình
Tay đan tay trong tiếng đàn thầm
Nhìn nhau nhưng không nói
Sợ tình yêu chóng phai ....

(Mưa Chiều Kỷ Niệm - Duy Yên & QK)

Trịnh Sơn Tùng
Sydney22 tháng 04, 2017 
( TNS-Lệnh Hồ Công Tử chuyển bài)