Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Lâu Rồi Không Gặp Lại



Lâu rồi không gặp lại
Tóc em vẫn mượt mà
Mười ngón tay mềm mại
Có ai gọi tay thon


Lâu rồi không gặp lại
Kỷ niệm chưa nhạt nhoà
Luôn luôn còn tồn tại
Trong trí nhớ tình tôi


Lâu rồi không gặp lại
Nhớ giọng nói ngọt ngào
Từng đêm như vọng lại
Hơ ấm trái tim côi


Lâu rồi không gặp lại
Em có còn thẹn thùng
Bước trên đường e ngại
Như thưở mình quen nhau


Lâu rồi không gặp lại
Dù cảnh cũ phai mờ
Dù dòng đời hư hại

Em vẫn ở bên tôi

Lâu rồi không gặp lại
Thương những buổi hẹn hò
Thương mối tình thơ dại
Như thưở mình yêu nhau


Lâu rồi không gặp lại
Ai đó bước chung đường
Em ơi đừng ngần ngại
Vui với chuyện trăm năm


Lâu rồi không gặp lại
Tôi lặng lẽ góc trời
Con tim còn khờ dại
Yêu người nhớ người yêu


Đỗ Hữu Tài
(Sept 10 - 2014)


Bao Thu Rồi Không Gặp


Bao thu rồi không gặp
Từ xa bến sông thương
Người đi tình ở lại
Một bóng buồn đêm sương

Bao thu rồi không gặp
Dòng đời lặng lẽ trôi
Người ấm êm hạnh phúc
Người bên trời chơi vơi!

Bao thu rồi không gặp
Mây khói phủ trời mơ
Sương chiều rơi ướt lá
Mưa lòng thấm lạnh thơ

Bao thu rồi không gặp
Một góc nhỏ trời quê
Bao mùa trăng tròn, khuyết
Người đợi một người về

Bao thu rồi không gặp
Lặng lẽ góc trời xa
Ôn trang tình kỷ niệm
Loang úa màu sương pha

Bao thu rồi không gặp
Ngày tháng gió cuốn bay
Tình xưa chưa phai nhạt
Buồn buồn quẩn quanh vây!

Yên Dạ Thảo
16.09.2014

Xướng Họa: Hè Lưu Luyến - Thu Chờ


Bài Xướng: Hè Lưu Luyến

Chẳng phải là thu đến trễ hơn
Mà vì Hạ mãi dỗ ve hờn
Lá còn tiếc nuối cành xanh biếc
Phượng vẫn rung rinh những cánh đơn
Trời cứ trong ngời màu ấm áp
Mây chưa bàng bạc sắc phai sờn
Em tung tăng hái hoa đồng nội
Để mặc ngôi trường lớp trống trơn.

Phương Hà

Họa: Thu Chờ

Phải chi đừng đến có còn hơn!
Một tiếng thét vang chuỗi ngậm hờn
Màu lá xanh non vương khói ám
Cánh buồm bạc mốc dựng cô đơn
Cuộc đời đang sức dòng đời nghẽn
Sắc áo chưa phai cổ áo sờn
Hoa phượng chạnh lòng ve hốt hoảng
Thu chờ trên những bước đường trơn!

Nguyễn Đắc Thắng 
11-9-2014

Tình Hồng Vụt Bay - Thơ Kim Oanh - Phổ Nhạc Dương Thuợng Trúc


Thơ: Kim Oanh.
Phổ Nhạc & Trình Bày: Dương thượng Trúc


Vương Miện Lá


Trời đã vào thu rồi đó em
Hàng cây kiều diễm đứng im lìm
Ngỡ tà áo cũ em chợt đến
Mùa thu ngập cả đôi mắt em

Tôi nhặt mùa thu, nhặt lối xưa
Kết làm vương miện lá một mùa
Kết cả hồn tôi vừa chớm hiểu
Nét đẹp mùa thu, nét tóc lùa

Tôi đã ngượng ngùng xin em mang
Vành vương miện lá đỏ loang vàng
Tựa áo em bay màu thu ướt
Tựa hồn tôi chao đảo lâng lâng

Trên tóc em xanh thu mỹ miều
Sững sờ tôi lạc chẳng tiếng kêu
Em nhoẻn môi tươi, nàng công chúa
Tôi tựa quân hầu thuở rong rêu

Em bảo rằng sao giống trẻ con
Tôi ním câm thôi kẻ lạc hồn
Chiêm ngưỡng cao sang bằng lá úa
Bằng cả mùa thu chẳng kim cương

Trời vẫn vào thu mỗi bước đời
Tôi nhặt vu vơ kết bao lời
Kết màu thu cũ vào thu mới
Vương miện hồn tôi, chẳng lên ngôi

Trời đã vào thu nữa đó em
Tôi kết bâng quơ những nỗi niềm
Đặt vòng vương miện nằm lên cỏ
Để thấy mùa thu chết trong tim

Hoài Tử

Đêm Buồn Chủ Nhật


Đêm buồn Chủ Nhật gởi vần thơ
Có phải vì xưa vốn dại khờ
Theo bước ngại ngùng cô áo trắng
Cho mưa và nắng ghẹo vu vơ

Rồi nhớ những ngày ta với nhau
Góc trường kể chuyện dạ nôn nao
Trao EM mấy chữ vần thơ nhỏ
Gói ghém lời nồng dấu ái trao

Vậy đó mà giờ đã cách xa
Nửa vòng trái đất kiếp bôn ba
Vần thơ ngày cũ hoài vương vấn
Ngày tháng lạnh lùng thương thiết tha

Gởi EM mấy chữ mộng đêm nay
Đất khách bâng khuâng thương nhớ đầy
Thêm một ngày qua lòng khắc khoải
Giọt buồn hòa lẫn mấy ly say

Hoàng Dũng


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Hai Người Một Giường


      Kể bạn nghe sẽ thấy hết muốn bệnh ngay. Đầu tiên nằm một mình trên băng ca do vợ tôi đẩy đi, theo sau cô điều dưỡng ôm tập hồ sơ bệnh án từ phòng cấp cứu tầng trệt qua thang máy lên khoa huyết học ở lầu một ở bệnh viện Chợ Ry Sàigòn.
      Bắt đầu nằm chung với bệnh nhân nào đây trong phòng cấp cứu của khoa, nếu mình còn tỉnh để thấy. Rồi thì cũng nghiêng đầu qua thì kề bên chân của bạn cùng giường, rồi người nào cũng một hoặc hai dây dẫn truyền máu hoặc thuốc, ghim xuống chỗ nào cơ thể còn tiếp nhận được. Phải chịu nhờ vợ tôi mỗi khi toilet tại chỗ, không còn sức để đi đến phòng vệ sinh chung cuối dãy lầu của khoa, lại còn xếp hàng chờ tới phiên mình, cộng thêm dây nhợ dẫn truyền nếu chưa ngưng được.

      Người nuôi bệnh được cô y tá quản lý phát cho một áo mỏng vàng nhạt khoác ngoài, được phép chăm sóc bệnh nhân từ bốn giờ sáng, vệ sinh cá nhân, thay quần áo của trại, cho ăn sáng, xong ra ngoài hành lang chờ lúc bác sĩ khám xong mới được vào giường bệnh nhân săn sóc tiếp. Khi dịch truyền bị ngưng hoặc hết dung dịch trong chai đang treo thì tìm gọi cô điều dưỡng điều chỉnh. Cứ như thế có khi đến một, hai giờ sáng hôm sau mới tìm chỗ ngả lưng. Hoặc trải manh chiếu nhỏ dưới giường bệnh nhân để khi gọi là có ngay, hoặc nằm dọc theo đường đi xuống nhà vệ sinh chung, nhiều lúc nước rơi trên mình. Vợ tôi nếu nuôi bệnh thì quá lắm đến hai tuần là trở thành bệnh nhân mới.

      Hu hu,hu hu,…tiếng khóc của đ
a con nuôi bệnh nho nhỏ vang lên cách mấy giường bệnh. "Sao mẹ bỏ con ở lại một mình…”, điệp khúc ấy cứ vang lên đều đặn. Chắc là khoảng một, hai giờ sáng. Người mẹ đang thoi thóp thở bằng ống dưỡng khí, chờ gia đình rước về. Có bữa thì tiếng gọi điện thoại vang lên cả phòng bệnh đều nghe: "Mẹ nói con qua nhà bác hai nói bà nội bác sĩ chạy rồi, thuê xe lên rước về”. Một lúc sau: "Con gọi cho chú Út kêu xe lên rước bà nội về cho kịp còn thấy bà con”. Có lẽ bệnh nhân có con đông, khi còn sống còn nhiều đứa lo, lúc sắp chết thì sao chưa ai nhận về lo việc tang ma. Hầu như ngày nào cũng có người bệnh ra đi vĩnh viễn từ phòng cấp cứu, đồng thời cũng có nhiều người qua cơn hiểm nghèo được chuyển qua phòng theo dõi điều trị kế bên.

      Bác sĩ T. sau những lần điều trị trước, qua giới thiệu gởi gấm của Bác sĩ bạn con tôi nên thường gọi tôi bằng thầy, dù chưa học tôi chữ nào: "Thầy đã ổn định và đang chờ kết quả xét nghiệm dịch lấy từ phổi, nên em chuyển thầy khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, qua phòng bên em sẽ điều trị tiếp, tránh lây nhiễm bệnh nguy hiểm khác”. Thật là mừng vì qua bên kia ít chứng kiến cảnh hấp hối của người khác hơn, lại có khi mình đóng vai trò đó. Phòng mới cũng vẫn hai bệnh nhân nằm quay đầu nhau trên một giường cá nhân, không biết mình sẽ nằm chung bệnh gì đây?

      Hơn một tuần đã có kết quả dịch phổi, bác sĩ nói không có dấu hiệu xấu. Như vậy tiếp tục truyền dịch trụ sinh, ngày ba lần mười hai chai nhỏ và chích insulin tiểu đường, uống thuốc viên huyết áp, mang máy khử sắt cho đủ hai tuần, tốt thì xuất viện. Lúc này sao mạch máu lặn đâu mất, tội nghiệp cho mấy y tá còn đang thực tập tìm chỗ ghim kim, mỗi lần phải hai, ba chỗ mới truyền được thuốc. Lại thêm thường bị gián đoạn lại phải thay kim mới. Vợ tôi thường đến một, hai giờ sáng mới tìm chỗ dưới đất trải chiếu ng
lưng gần đó để có gì bất thường thì hay liền.

      Mới vừa dứt chai thuốc chót và vợ tôi đã gọi được cô điều dưỡng trực đến tháo kim tiêm mạch máu, tôi mơ màng đi vào giấc ngủ khoảng hai mươi ba giờ. Giật mình xoay ra ngoài, vì bên trong đang có bệnh nhân khác, cho đở mỏi thì thấy mình rơi vào khoảng không. Phản xạ tự nhiên tự ôm đầu lăn theo chiều rớt xuống chạm đất vang lên một tiếng. "Ổng rớt đất, ổng rớt đất”. Vợ tôi chạy đến ngay chăm chút xem có sứt mẻ chỗ nào không và hỏi rối rít “Có trúng đâu không? Có đau chỗ nào không?”, vì bệnh tôi là phải tránh vết thương chảy máu khó cầm lại được, lâu lắm mới lành. Cũng may, chỉ vai cùng bàn tay che đầu cùng bên hông đùi chịu chạm đất là đau, không chảy máu chỗ nào. Chắc cũng nhờ giờ mình cũng nhẹ dưới năm mươi ký. Vợ tôi đã hoàn hồn, bắt tôi nằm ngay lại sát vào bệnh nhân nằm chung, dặn không được xoay mình, luôn nhớ là nằm meo lắm,lăn qua là rớt đất. Biết vậy mà nằm yên hoài không chịu n
i, tê cứng cả người, xoay vào trong thì chạm phải người bệnh chung giường.



      Đến chiều em nằm chung giường xuất viện về tận Pleiku, hai tuần sau trở lại điều trị tiếp. Mới nằm thoải mái một mình một giường được chừng nửa tiếng thì cô điều dưỡng dẫn gia đình đưa bệnh nhân mới đến nằm chung. Em trai này người Miên, khoảng hai mấy tuổi, mắt nhắm nghiền, mới mổ não vài hôm, luôn có em gái Miên ngồi quạt kế bên. Một lúc sau em lăn qua lại nhiều lần đòi đi tiểu. Nằm không được, hai người lớn đứng trên giường giữ thân mình em đứng, người thứ ba đứng dưới đất vịn không cho em ngã ra ngoài. Tôi vẫn nằm kề dưới đó, lúc sau có cảm giác những giọt nước nhỏ rơi trên mặt, chắc là em đã tiểu được. Vợ tôi lại phải đi tìm bác sĩ xin tìm chỗ khác nằm, hoặc cho em chuyển qua băng ca nằm một mình, không thể hai người một giường chung với em được.
      Bệnh nhân khác được đưa đến nằm chung, hỏi biết lớn hơn tôi hai tuổi, thương binh cách mạng chỉ còn một chân và chân kia cắt tới háng. Có hai đứa con trai đưa từ Bình Thuận chuyển viện vào. Đã hơn mười một giờ mà cha con vẫn còn cãi nhau lớn tiếng, xen ln chi thề khi ông già tiểu tiện tại chỗ. Cả phòng bệnh bất bình không ngủ được, chỉ vợ tôi dám yêu cầu họ nói nhỏ để người khác nghỉ ngơi. Vợ tôi lại phải tìm cô y tá trực cho chuyển tôi qua giường kế bên, có ông cha được bác sĩ cho về hồi chiều, sáng mai mới trở lại.

      Hôm nay là thứ sáu, lát nữa bác sĩ khám mà cho về thì đến chiều vợ tôi sẽ nhận giấy gọi đóng tiền, lãnh thuốc xong, sáng sớm thứ bảy kêu xe taxi về nhà Long An thì mừng lắm. Nếu chưa cho về thì phải đến ngày thứ hai làm thủ tục, sáng thứ ba mới được về nhà. Hồi sáng vợ tôi phải thiệt nhanh tìm bác sĩ khám, nếu còn ở lại chắc không chịu đựng n
i. Đến tám giờ bác sĩ đến khám bệnh, thăm hỏi xong bác sĩ nói anh muốn về bữa nay không? Đúng là điều tôi mong đợi nãy giờ, nằm lại nữa chắc sẽ mắc thêm bệnh khác.

      Kỳ nầy xuất viện về nhà ráng làm sao để đừng trở vào bệnh viện nằm hai người một giường nữa.
 
Huỳnh Hữu Trí

Vũ Hối - Tranh Vẽ - Phần 1


alt

alt

alt

alt
Vũ Hối

Hương Vị Nàng Thu


Xướng:

Nắng Thu dìu dịu phớt tia vàng
Xác lá nhà ai gió cuốn sang?
Gợi nhớ người thơ tìm cảm hứng
Khiêu thương lữ khách chốn xa ngàn
Đầu hiên, chiều tắt giăng sương khói
Cuối nẽo, mây che ánh nguyệt quang
Hương vị nàng Thu nhiều ý tứ
Sao ta chỉ viết được đôi hàng ???

Song Quang

***
Các Bài Họa: 

Thu Sầu 

Hiu hắt heo may, rụng lá vàng
Nai về đèo vắng ngắm Thu sang.
Mây mờ san sát che trời thắm
Cành úa co ro đón gió ngàn.
Nhớ Hạ non sông đầy nắng ấm
Tiếc Xuân trời đất ngập thiều quang.
Dêm dài, ngày ngắn mưa than thở
Giọt nhỏ, giọt to lệ nối hàng.

Quang Tuấn (6/9/2014)

***
Thu Sầu

Lác đác trên cây lá úa vàng
Một mùa thu nữa mới vừa sang!
Bầu trời lãng đãng mây giăng mắc
Sông nước mênh mang sóng ngút ngàn
Ngày tháng vơi đầy khuôn nhật nguyệt
Hoàng hôn thoi thóp bóng thiều quang
Cúc tàn xơ xác bên hiên vắng
Đọc lá thư xưa lệ mấy hàng.

Phương Hà

***
Thu Sầu

Họa bài “Thu sầu” của Phương Hà

Nhìn xác lá khô rụng úa vàng
Ngậm ngùi thương cảm mỗi mùa sang
Mưa luôn chực sẵn nơi trời thẳm
Bão vẫn ra oai tự biển ngàn
Đêm lạnh co người nuôi ước mộng
Ngày ui đợi nắng tỏa dương quang
Thu sầu từ dáng xa xăm cũ
Nối tiếp niềm đau lệ tản hàng

Nguyễn Đắc Thắng
20140902

Giữa Mộng Và Thực


Em huyền ảo như khói sương
Trong đêm thu muộn giữa vườn trăng vơi
Anh là đêm thu muộn
Em là ánh trăng vơi
Nhìn nhau ý nhị nụ cười
Dư hương còn đậm dẫu thời xuân qua

Tình như có, như rất xa
Giữa đêm dỗ giấc lời ca thật buồn
Em như bờ liễu rũ
Anh làm ánh trăng suông
Đôi bờ một cõi nhớ thương
Vẫn nghe nhịp đập, mùi hương thật gần

Giật mình mình lại phân vân
Bờ xưa bến cũ mấy tầng trăng thu
Anh là xe thổ mộ
Em là khách nhàn du
Chung đường nhưng bước về đâu
Ánh trăng dát bạc điệp màu sương lam

Chớm Thu 2014

Yên Sơn

Lễ Ông Bà

      

      Hằng năm, cứ vào ngày Chúa Nhật sau lễ Lao Động của Nước MỸ ở Thứ Hai đầu tháng 9, là ngày LỄ ÔNG BÀ ( Grandparents'day ). Năm nay, Lễ Ông Bà nhằm ngày Chúa Nhật 07 tháng 09 năm 2014.
      Việt Nam ta không có Lễ Ông Bà, vì Ông Bà luôn luôn được kính trọng hằng ngày, muốn đi đâu phải xin phép Ông Bà, có món ngon vật lạ thì phải dâng cho Ông Bà trước ... nhất nhất mọi thứ đều phải kính trình với Ông Bà, vì là bậc trưởng thượng nhất trong nhà trên cả Cha Mẹ, nên ngày nào cũng là Ngày Lễ Ông Bà cả !
      Nhưng, nói thì nói thế, chớ nếu có riêng một ngày Lễ để Nhớ và Ghi ơn Ông Bà thì vẫn hơn!. Nay nhân Lễ Ông Bà ở xứ người, nhớ đến đời sống ở xứ ta, đọc lại những lời nói của Thánh hiền để nhớ đến và giữ gìn những phong hóa của ngày xưa cũ, không phải để noi theo, mà là để so sánh tham khảo cho phong phú thêm vốn sống ở đời...

      Nhân Lễ ÔNG BÀ, kính mời QUÝ ÔNG BÀ cùng đọc bài viết sau đây...
      Mùng 5 tháng 8 Âm lịch là ngày sanh của Đức Khổng Phu Tử. Năm nay nhằm ngày Thứ Sáu 29 tháng 8 Dương lịch. Cuộc đời của ông Thánh nầy cũng lắm gian truân chìm nổi cũng như cuộc đời của bao người khác, Ông mất lúc 73 tuổi, là tuổi thượng thọ lúc bấy giờ, và để lại một câu nói bất hủ thu tóm toàn bộ cuộc đời của ông như sau...
      Câu nói của Đức Khổng Phu Tử nói về chính mình, được ghi trong sách LUẬN NGỮ chương VI CHÍNH, nguyên văn như sau :

《論語 · 為政第二》講要.
◎子曰:吾,十有五,而志于學,三十而立,四十而不惑,五十而知天命,六十而耳順,七十而從心所欲,不踰矩。

[ LUẬN NGỮ. VI CHÍNH đệ nhị ] Giảng Yếu.
@ TỬ viết : Ngô, thập hữu ngũ, nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ.

CHÚ THÍCH:
TỬ VIẾT: là Khổng Tử Nói rằng.
NGÔ: là Đại Danh từ Ngôi thứ Nhất : Tôi, Ta, Tao...
NHI: là Thì, Là ( Verbe Auxilière ).
VU: là Về.. cái gì đó. Ở... việc gì đó.
LẬP: là Lập Thân, là Đứng vững được trong cuộc sống, là Thành Tài rồi. Có sự nghiệp, có công ăn việc làm rồi.
BẤT HOẶC: là Không còn Nghi Hoặc, Ngờ Vực gì nữa. Chỉ Kiến thức đã chín chắn, ổn định.
TRI THIÊN MỆNH: là biết được cái Mệnh Trời, An phận theo cái mình đã có, theo khả năng của mình , mà không đòi hỏi, so bì, bon chen nữa !.
NHĨ THUẬN: là Lổ Tai Xuôi, có nghĩa là đã biết phân biệt một cách rõ ràng, nghe điều gì đó là biết ngay điều đó tốt hay xấu, thiện hay ác, đúng hay sai....
TÒNG TÂM SỞ DỤC : TÒNG TÂM là Theo Lòng Mình. SỞ DỤC là Cái mà Mình Muốn. TÒNG TÂM SỞ DỤC là Làm những cái mà lòng mình muốn làm, có nghĩa Muốn gì thì cứ làm nấy !
BẤT DU CỦ : DU 踰 có bộ TÚC là Cái Chân ở bên Trái, nên Du có nghĩa là TRÈO QUA. Trong TRUYỆN KIỀU giảng tích " TƯỜNG ĐÔNG ong bướm đi về mặc ai " bằng câu " DU đông lân nhi lâu kì xứ nữ ", tức là " TRÈO QUA bức tường phía đông để ôm lấy cô gái bên đó.". Nhưng...
... trong câu nói trên DU có nghĩa là VƯỢT QUA. Còn...
CỦ 矩: là Cái Khuôn dùng để kẻ Hình Vuông, là Cái Ê-Ke. Nghĩa bóng là Cái Khuôn Phép. Nên ...
BẤT DU CỦ là : Không vượt qua cái khuôn phép đúng đắn bình thường trong cuộc sống. Sẵn nhắc lại chữ ...
QUY 規: là Dụng cụ dùng để kẻ đường tròn, là Cái COM-PA đó. Nên...
Không có QUY thì Kẻ không Tròn, không có CỦ thì Vẽ không Vuông. Nên QUY CỦ là cái khuôn phép mà ta phải tuân theo. NỘI QUY là những điều khoản QUY ĐỊNH của một Tổ chức, Cơ quan... nào đó mà tất cả thành viên trong đó phải tuân hành. Nên câu nói của Đức Khổng Tử...


Có thể hiểu nghĩa một cách đơn giản như thế nầy:

      Khổng Tử nói rằng: Ta, lúc 15 tuổi, thì chí ở học hành, 30 tuổi thì đã lập thân được, 40 tuổi thì không còn nghi hoặc điều gì nữa, 50 tuổi thì biết đến mạng trời, 60 tuổi thì nghe đã biết điều phải trái, 70 thì có thể làm theo những gì mà trong lòng mình muốn, vì nó không có đi quá lố ngoài khuôn phép nữa .
      Đây là câu nói của Đức Khổng Tử nói về bản thân Ngài, nhưng thường được người đời đem ví với bản thân mình, thậm chí đem... áp dụng chung cho tất cả mọi người, cho nên ta thường nghe nói...
... Ba chục tuổi là tuổi Lập Thân, Năm chục tuổi là tuổi Tri Thiên Mệnh... thậm chí nói Tam Thập Nhi Lập là... Đàn Ông con trai tới tuổi ba mươi là phải lấy vợ, phải lập gia đình, thì mới lập thân được, nhưng vì điều nầy cũng hợp lí và thực tế , cho nên mọi người đều noi theo. Tôi còn nhớ một câu Nho thuần túy của VN mà Ba tôi thường nói khi... ép tôi cưới vợ là:
Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương.

Có nghĩa:
      Con trai lớn mà không kết hôn thì giống như con ngựa mạnh ( LIỆT MÃ là Con ngựa đang mãnh liệt, đang sung sức ! ) mà không có giây cương vậy ( sẽ phóng càn, phóng ẩu, phóng... túng, vì không có ai kềm chế, cưới cho con vợ để có người " cằn nhằn " và xì-tóp bớt lại, thì mới TRỤ và mới làm nên sự nghiệp được ! ). Nên ông bà ta cứ nghĩ...

TAM THẬP NHI LẬP là 30 tuổi thì phải Lập Gia Đình, không lập gia đình thì... Nó sẽ nổi máu " giang hồ " rồi không làm nên cơm cháo gì cả ! . Còn
Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh, là nên an phận mà không còn muốn bon chen nữa ! Sự thật tuổi 50 là tuổi đã chín chắn về mọi mặt, kiến thức đã phong phú, kinh nghiệm sống dồi dào, nghề nghiệp đã vững chắc ổn định, tiềm năng về kinh tế cũng đã có cơ sở, credit đầy đủ ... chính là cái tuổi phát triển sự nghiệp tốt nhất của con người.... chớ không phải Tri Thiên Mệnh mà buông xuôi tất cả !!! . Khổng Tử chỉ muốn nói về mình, khi đến 50 tuổi thì biết được mệnh trời, tức là biết được cái hoàn cảnh xã hội chung quanh mình đang sống, biết được cái khả năng và cái tài năng của mình như thế nào, để không đòi hỏi đua đòi những điều quá đáng mà phải biết an phận với cái mà mình đang có trước mắt hợp với sở năng của mình, chớ không phải mê tín buông xuôi cho số phận ! . Về ...

TỨ THẬP NHI BẤT HOẶC : 40 tuổi thì không còn NGHI HOẶC gì nữa, Ý nói, tuổi 40 thì sự hiểu biết đã CHÍNH CHẮN, gặp chuyện gì đó đã biết và dám đưa ra quyết định theo nhận thức của mình, chớ không còn NGHI HOẶC chần chừ không biết phải quyết định như thế nào của tuổi 30 nữa ! BẤT HOẶC là thế!

LỤC THẬP NHI NHĨ THUẬN là : 60 tuổi thì tai đã xuôi, đã thông. Có nghĩa : Khi nghe điều gì đó thì đã biết ngay là điều đó đúng hay sai, phải hay không phải, nên hay không nên nghe theo, cũng có nghĩa là sự nhận xét phán đoán đã nhuần nhuyễn. Trái với NHĨ THUẬN là NHĨ NGHỊCH là Trái Tai Gai Mắt!

THẤT THẬP NHI TÒNG TÂM SỞ DỤC, BẤT DU CỦ là : 70 tuổi thì có thể làm theo những điều gì mà mình đã nghĩ đã muốn làm, vì những điều đó không có vượt quá qua khuôn phép đâu ! Ý muốn nói, trong phép tu thân thì đến tuổi 70 đã hoàn hảo lắm rồi, có thể làm theo những gì mình muốn mà không sợ quá đáng ! Đây là câu nói hướng thiện, luôn luôn theo hướng phấn đấu tốt mà vươn lên, chớ không phải câu nói TỰ HÀO là mình đã HOÀN THIỆN không còn sai xót nữa!
Vì là câu nói của ông Thánh, cho nên người đời hay lấy đó làm chuẩn mực để phân định tuổi tác của mọi người, mặc dù cái chuẩn mực đó đã bị lệch nghĩa so với Ý chính của câu nói ở lúc ban đầu, như...

Tuổi 30 thì gọi là Tuổi NHI LẬP, và hiểu là đã đến tuổi phải Lập Gia Đình, phải Thành Gia Lập Thất, phải Cưới Vợ, phải Ổn Định Sự Nghiệp...

Tuổi 40 thì gọi là tuổi BẤT HOẶC, và gọi thì gọi thế, nhưng rất nhiều người không hiểu Bất Hoặc là gì, chỉ nghe người ta gọi thì gọi theo mà thôi ! Hoặc chỉ hiểu nghĩa lờ mờ, Bất Hoặc là không còn nghi hoặc gì nữa, mà không biết tại sao lại không còn nghi hoặc, và tại sao lại gọi thế ?!.

Thông dụng nhất là tuổi 50, được gọi là Tuổi TRI THIÊN MỆNH, và thường hay có tâm lí an phận và buông xuôi mà không muốn phấn đấu để vươn lên nữa !

Sáu mươi tuổi thì gọi là Tuổi Nhĩ Thuận, NHĨ THUẬN là xuôi tai, nhưng lại nghe rất lạ tai, mà không hiểu tại sao gọi thế, cũng như...

Tuổi 70, thì gọi là Tuổi TÒNG TÂM SỞ DỤC, BẤT DU CỦ ! Không hiểu gì cả ! Khác với dân gian hay gọi 70 tuổi là tuổi CỔ LAI HY, theo Ý của 2 câu thơ trong bài KHÚC GIANG của Thi Thánh ĐỖ PHỦ Đời Đường là :

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu, 酒債尋常行處有,
Nhân sanh thất thập CỔ LAI HY. 人生七十古來稀。

....nghe thi vị và hay hơn nhiều!

Nhưng...
Vì là câu nói của ông Thánh Khổng nên mọi người đều muốn nhái theo xem có được như... Thánh hay không ? Âu cũng là việc tốt mà thôi!
Theo tài liệu thống kê dân số đời Đường, thì tuổi thọ của con người ta lúc bấy giờ chỉ trên dưới 45 tuổi mà thôi, nên mới bảo là " Thất thập Cổ Lai HY ", chớ bây giờ, nhất là ở MỸ nầy thì 70 tuổi hễ ra đường là thấy liền ngay mấy cụ...

Càng ngày tuổi thọ con người càng cao, nên ngày Lễ ÔNG BÀ càng cần thiết và càng có Ý nghĩa hơn lên!

Đỗ Chiêu Đức

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Chúc Mừng Long Hồ Tròn Một Tuổi


Hai bốn tháng chín mười ba
Năm nay mười bốn vừa tròn một năm
Từ miền xuôi đến vùng cao
Vui câu chúc tụng xôn xao Long Hồ
Pleiku cũng có mấy lời
Chắp bút ghi vội vần thơ chúc mừng
Chúc Ban biên tập tưng bừng
Văn thơ ca hát lẫy lừng bốn phương
Sưu tầm ảnh đẹp quê hương
Theo dòng lịch sử điểm từng thời gian
Lời hay ý đẹp miên man
Vườn hoa khoe sắc đậm đà ngát hương
Chúc cho cô chủ tinh tường
Thân tâm an lạc nụ cười hân hoan
Vĩnh Long sông nước tràn lan
Long Hồ blog ngút ngàn hương bay
Chúc cho bè bạn hôm nay
Ân tình sâu nặng ta say tình người!...

24.9.2014
Thiên Thu

Melancholy - Nguyễn Đức Tri Tâm Soạn Hòa Âm & Trình Bày


Soạn Hòa Âm & Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Tâm 

Chị Hai Như Hoa Héo, Chị Ba Như...

( Kỷ Niệm ngày giỗ Má 24/9)

      Theo đúng dự liệu của bác sĩ, còn một tuần lễ nữa má sẽ qua đời. Đất trời như đảo lộn! Dù không muốn tin, cũng không được. Mọi người trong gia đình đều biết, ngoại trừ má, bà rất vô tư. Các anh chị em tôi đã chuẩn bị tư tưởng, sự suy nghĩ mỗi người một khác, mỗi người mang một cảm giác riêng. Tuy nhiên, ai ai cũng hồi họp, đợi chờ giây phút đớn đau nhất trong đời. Mỗi người con của má đang khắc khoải chờ một ngày không mong, nhưng sẽ đến.

      Từ hơn một tuần, các anh chị em từ Mỹ, Gia Nã Đại, Việt Nam lần lượt sang đây, mượn cớ “đi thăm má”. Còn chúng tôi, những người đang ở Úc, cuồng quay như con rối. Chúng tôi thay nhau vào ra phi trường, đón người này, rước người kia. Sinh hoạt của các anh chị em trở nên nhộn nhịp, ồn ào trong áo não. Những ánh mắt âu lo, trao nhau như thầm nói rồi sẽ đến … Nỗi u uẩn buồn vây kín, lệ chực chờ tuôn, nhưng kềm chế trong đợi chờ.
 
      Phải chăng mầm sầu chia ly trong nỗi vui sum hợp!?
      Nhìn khung cảnh đầm ấm, thời gian như chấp đôi chân chạy ngược về quá khứ. Con cháu của má xúm xích, căn nhà đầy ấp tiếng nói cười. Một gia đình đang hạnh phúc trong đớn đau!? Nhìn má khó ai đoán được sự tương phản vể nhân dáng của bà trong lúc này, người chỉ còn một tuần lễ nữa thôi, khi bờ mi khép nhẹ… sẽ đi, vĩnh viễn ra đi. Điều này nói không quá lời vì trong lần đầu gặp gỡ, vị Linh Mục đã thốt lên: “ Trông bà còn đẹp hơn các cô con gái của bà!”


      Má đẹp thật!
     Bộ tơ lụa trắng mà bà đang khoác trên người, phản sáng lên khuôn mặt trắng ngần. Thấp thoáng nơi bà, hình bóng của một bà mẹ trẻ hơn là kẻ sắp lìa đời và nét thanh xuân lại ẩn hiện mỗi khi má nở nụ cười tươi. Bà vui cũng phải, vui như mở hội, gọi với các con, bảo nấu món này, làm món kia, toàn những món ăn hợp khẩu vị cho những đứa từ phương xa đến và người được ưu đãi vẫn là anh Tư tôi. Con trai trưởng mà!

      Má vui đó nhưng đôi lúc lại kêu lên “Hơi mệt, má nằm nghỉ một chút nghe con”.
     Bốn năm trước, khi ba rời khỏi cuộc đời, má như chim chiều lẻ bạn. Tuy nhiên, bà không chịu về chung sống với đứa con nào cả. Má muốn ở lại trong căn nhà đầy ấp kỷ niệm, nơi đã một thời cùng ba chung sống, gắn bó yêu thương. Trong thời gian đầu này, ông anh rễ tôi từ Việt Nam thường hay nhắc nhở: “Em còn nhớ bài hát…chiều buồn len lén tâm tư…không? Một trong hai người ra đi, chiều là thời gian dễ xôn xao nhớ nhung và quặn đau lòng người nhất. Bởi vậy, các em bên ấy phải cố gắng lo cho má.” Lời dặn dò này cớ gì cứ đeo mang, khi ẩn lúc hiện, day dứt tôi hoài. Từ đó, những hôm không đi làm, tôi thường đến nấu cơm chiều cho má. Có lần trong một buổi chiều sắp tắt, cái nắng quái ác hôm ấy len lỏi qua tàng cây trước sân nhà, xuyên vào khung cửa số, hướng về phía má. Từ sau bờ lưng bà, nhìn mái đầu trắng phau, những sợi tóc mai lòa xòa cùng chiếc bóng má hắt dài, cạnh những bóng lá lay lay in lên nền tường, lòng tôi se thắt lại. Hình ảnh gợi trong trí, làm tôi liên tưởng đến cánh cò đang lặn lội trên bờ sông trong chiều nhạt nắng…phải chăng má đang nỉ non khóc, nhớ về ba, trong giây phút ba hấp hối. Đôi mắt tôi như đóng khung theo bóng má, lòng eo xèo nhớ về ba, ngàn năm không thay một câu nói “ Ba chết rồi ai lo cho má con”. Ba hỏi như là nói, nói hơn là giao phó một trách nhiệm và câu ấy chỉ nói với riêng tôi, trong đám mười đứa con.

      Lời người hấp hối là lời nói thật! Câu hỏi ba đặt ra với tôi: “Ba chết rồi ai lo cho má con”, tôi vẫn nhớ và đáp lại lời với ba “ Ba đừng lo, có con”. Có con! Giữ gìn lời hứa với người qua đời không phải dễ, vì là tâm hứa. Từ đấy, từng lời nói, mỗi cử chỉ cho đến hành động đối với má, như thể lúc nào cũng có sự hiện diện của ba.
      Trong thời gian này, chẳng những bà biết tự chăm sóc cho mình mà còn gọi điện thoại thăm viếng những người bạn già khác. Má nhắc nhở các bạn kiêng cữ về ăn uống, cách giữ gìn sức khỏe. Thú vui tao nhã của bà là viết thư cho người thân, cho bạn hữu này đến người quen khác trên thế giới. Bà ưa xem cải lương, hồ quảng chuộng tân nhạc, thích thoại kịch. Vì thế, việc sử dụng Ti vi, máy DVD, CVD, má khá nhuần nhuyễn.
      Những ngày trong tuần, sau bữa điểm tâm, cô em út thường cùng má bách bộ trên những con đường quen thuộc gần nhà. Đôi khi một mình, bà tự đi dạo, nhưng lúc nào cũng cẩn thận cài vào túi áo một mảnh giấy viết địa chỉ, ghi đầy đủ chi tiết, phòng khi bất trắc để tiện việc liên lạc. Có hôm tiện đường, má ghé thăm bác Hoa, hai người bạn cao niên này rất ư tâm đắc, nhưng là chuyện kể về ba, sau này bác Hoa đã cho chúng tôi biết thế.
      Những hôm cuối tuần hoặc những ngày nghỉ, tôi vẫn giữ việc nấu ăn cho má. Sau khi hoàn tất bữa ăn chiều “Xong rồi má ăn đi, con về nghe má.” Má bảo tôi “Con ở lại ăn luôn rồi hãy về”, nhưng tôi còn về để lo bữa ăn chiều cho mái gia đình nhỏ của tôi. Tôi ra về trong vội vã.

      Sau này, lúc má không còn nữa, những hôm các con vắng nhà, ngồi dùng bữa một mình, tôi chợt hiểu ra. Thật ra, lúc đó làm sao tôi hiểu được, thức ăn tôi nấu từ nhà mang đến hoặc cơm dọn ra đó mà má cứ nài nỉ tôi ở lại ăn. Người lớn tuổi đâu cần ăn nhiều mà chỉ cần có nhiều người cùng ăn. Thế mà, lo cơm nước cho má xong, tôi vội vã ra về cho kịp chuyến xe, nhưng tôi đã quên mất chuyến xe đời của má.

      Tôi vẫn chưa quên đôi bờ vai má trong buổi chiều tà, của những ngày đầu mất ba. Nhớ sao là nhớ, bàn tay bà đang đưa tay vuốt lại mái tóc trong một buổi chiều vàng len lén…hôm nao. Cảm giác lại trở về khi tôi lặng người trước hình ảnh cô đơn của Người, nhưng chưa một lần mất mát, làm sao tôi hiểu được sự đơn độc lúc đó. Đến bây giờ, khi tôi hiểu được thì má không còn. Giờ đây, sống trong nỗi mất mát, những hôm hiu quạnh một mình trong căn nhà, những buổi chiều sau giờ làm việc ra về, đợi chờ chuyến xe buýt đến. Cái nắng nung người oi bức của mùa hè, băng giá khi đông về, dầm mình trong mưa bão, tôi vẫn không ngại, chẳng làm tôi sợ, chỉ sợ nhất cái nắng vàng hiu hắt đang đổ dài bóng tôi, đang rượt đuổi những chiếc lá rơi cuộn mình, lăn tròn trên mặt đường.

      Ôi nắng vàng làm chi để mà nhớ nhung!

     Rồi đêm đêm trên chiếc giường ngủ, tôi lại nhớ về má, nhớ lúc nhắc chuyện xưa tích cũ. Phải chăng má như trối trăn, như thầm ngụ ý dạy tôi, đứa con ở tuổi đời không còn trẻ nữa qua câu chuyện kể lại. Má kể rằng: “Con biết hôn, hồi con còn nhỏ xíu, nói chưa rành rẽ mà cũng biết lý sự. Má hỏi con ai đẹp nhứt nhà. Con lanh lẹ lắm, nói một hơi… Chị Hai như hoa héo, chị Ba như hoa đèo, chị Năm như hoa bị ong đúc còn Con như hoa nở”. Rồi với nụ cười ấm, bà nắm lấy tay tôi. Bây giờ má không còn nữa, không còn ai hỏi tôi đứa con nào đẹp nhất nhà nữa. Tôi xấu nhất nhà thì có! Phải chăng má muốn nhắc tôi, một người con gái đẹp, không phải đẹp như hoa nở mà lòng phải biết nở hoa. Hoa tâm, từ tâm rộ nở cho đời thêm cánh nhân ái, vị tha, độ lượng.

      Nhớ má, tôi muốn ê a đọc lại bài thơ Mất Mẹ của Thiền Sư Nhất Hạnh:
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đau rồi
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời

      Tôi ơi! Sao không làm những gì có thể, đợi đến khi má qua đời. Con đã đánh mất bầu trời. Con không thể kéo lại thời gian, nhưng giờ đây chắc chắn trong đoan hứa sẽ vun bồi vườn tâm cho Hoa Lòng con rộ nở nghe má!

Kim Phượng
24 - 09 - 2010

Kỷ Niệm Xa Rồi


Lần về dĩ vãng thuở xưa
Ngẩn ngơ nỗi nhớ tưởng vừa thoáng đây
Biết bao kỷ niệm dâng đầy
Vui cùng bè bạn bên thầy cô thương

Bây giờ đứng trước cổng trường
Nhìn quanh mà thấy vấn vương giọt sầu
Bạn bè… người cũ… nay đâu
Còn ta với kỷ niệm đầu lạ - quen!... 

7/2014

Thiên Thu

Vĩnh Long Dấu Yêu - Sáng Tác Dương Thượng Trúc


Sáng Tác & Trình Bày: Dương Thượng Trúc

Đêm Tương Tư



1.
Sương khuya tắm ướt vai mềm,
Ánh trăng bàng bạc hôn làn má em.
Rêu phong phủ lối Tây thềm,
Ái ân lạc nẻo, êm êm sầu về.
Tương tư mấy độ trăng thề,
Ôm tròn nỗi nhớ, bốn bề đơn côi.
Giường xưa chăn chiếu tả tơi,
Anh ơi! có nhớ một thời yêu đương?

2.
Ngựa bon vạn dậm hải hồ,
Quê hương cách biệt, cơ đồ đổi thay.
Tóc giờ pha giọt sương mai,
Công danh, sự nghiệp trắng tay vẫn hoàn.
Vợ con chia cách đôi đàng,
Nhớ thương nhiều chỉ bẽ bàng mà thôi.
Đêm từng đêm nhặt đơn côi,
Lấp đầy vũng nhớ trọn đời viễn du.
Bao năm một kiếp phù du,
Mà sao nhận lấy thiên thu nỗi buồn...


Liberal, Kansas 1987
Mặc Thái Thủy

La Petite Marchande De Fleurs - Cô Bé Bán Hoa


Le soleil froid donnait un ton rose au grésil
Et le ciel de novembre avait les airs d’avril
Nous voulions profiter de la belle gelée .
Moi, chaudement vêtu, toi bien émmitouflée
Sous le manteau, sous la voilette et sous les gants
Nous franchissons, parmi les couples élégants
La porte de la blanche et joyeuese avenue
Quand soudain jusqu’ à nous une enfant presque nue
Et livide, tenant des fleurs en main
Accourt, se frayant à la hâte un chemin
Entre les beaux habits et riches toilettes
Nous offrir un bouquet de violettes
Elle avait deviné que nous étions heureux
Sans doute, et s’était dit : « Ils sont généreux «
Elle nous proposa ses fleurs d’une voix douce
En souriant avec un sourire qui tousse
Et c’était monstrueux, cette enfant de sept ans
Qui mourait de l’hiver en offrant le printemps
Ses pauvres petits doigts étaient plein d’engelures
Moi, je sens le fin parfum de tes fourrures
Je voyais ton cou rose et blanc sous la fanchon
Et je touchais ta main chaude dans ton manchon
Nous fi^mes notre offrande, amie, et nous passâmes
Mais la gai^eté s’était envolée,
Et nos âmes
Guardèrent jusqu’au soir un souvenir amer
Migonne, nous ferons l’aumône cet hiver
Francoise Copée ( 1842 – 1908 ) ***
Bài thơ nầy thương tặng các con cháu tôi, kỷ niệm thời chú bé Minh Châu, sinh trưởng ở Vĩnh Long, mồ côi Mẹ năm 4 tuổi và đã từng đi bán kẹo.

Cô Bé Bán Hoa

Hôm nay sương lạnh dưới ánh nắng hồng
Không khí trong lành như xuân tươi thắm
Tôi cùng bạn gái mặc đồ sưỡi ấm
Dạo ngắm cảnh đẹp của tiết đông sang

Chúng tôi rão bước đại lộ huy hoàng
Gặp những cặp tình nhân cũng đi ngang
Họ có dáng vẻ quý phái thật sang
Trong khi một bé gái không đồ ấm

Nét mặt em nhìn ngơ ngác, lạnh câm
Tay ôm bó hoa vội vã qua đường
Mời khách những cành hoa tím dễ thương
Bé nghĩ họ là những tấm lòng tốt

Em hé nụ cười khan vì cảm sốt
Dưng mời chúng tôi mua những đoá hoa
Đôi tay nứt nẻ bởi trời đông giá
Mà bé tặng mùa xuân ấm cho ta

Chúng tôi thương tình nhận lấy bó hoa
Hân hoan làm việc từ tâm giúp bé
Nhưng, niềm vui trong buổi chiều thoáng qua
Chỉ còn lại trong tôi nỗi lòng cay đắng .

Phỏng dịch. Nguyễn Minh Châu
TĐ3 Soibien

Thơ Tranh: Vì Nghèo Em Nghỉ Học Rồi



Thơ & Thơ Tranh: Phượng Trắng

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Em Tròn Tuổi


Thật xinh đẹp nụ hoa đang nở 
 Sắc hồng tươi bỡ ngỡ thẹn thùng
Nhưng cương nghị chẳng ngại ngùng
Em mang hương sắc đến cùng Tao Nhân
Bao Mặc Khách ân cần vui đón
Mở vòng tay vun bón thêm xinh
Long Hồ blog đậm nghĩa tình 
Nay vừa tròn tuổi lung linh với đời.

Quên Đi
24/09/2013 - 24/09/2014

Chúc Mừng


Mừng blog Long Hồ tròn một tuổi
Vườn thơ lộng lẫy giữa trời xuân
Bạn bè thân ái trao câu chữ
Đọc giả ân cần ghé bước chân

Hình thức, nội dung đều hấp dẫn
Ảnh hình, bài vở thật cân phân
Chúc người phụ trách sang năm tới
Gặt hái thành công gấp bội phần!


Phương Hà
( 22/9/2014 )

Mừng Long Hồ Tròn Một Tuổi


Mừng em bé nhỏ Long Hồ
Vừa tròn một tuổi giấc mơ dịu dàng
Bàn tay bé dắt thu sang
Mỏng manh từng chiếc lá vàng nhẹ rơi
Hay ăn chóng lớn tươi cười
Chú cô bồng ẵm ru nôi ngọt ngào
Bé là cầu nối trăng sao
Là lời chim hót gọi tao nhân về
Ghé vào Blog bé vui ghê
Vần thơ tiếng nhạc vỗ về thân thương
Vần thơ xướng họa vấn vương
Thời gian như bỏ thêm đường vào thơ
Nghĩa tình kết nối bất ngờ
Trùng khơi sóng vỗ đôi bờ mến yêu

Trầm Vân

Thơ Tranh: Chúc Mừng Sinh Nhật Blog Long Hồ



Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Chúc Mừng Long Hồ Vĩnh Long


Mừng Long Hồ chim Oanh tròn tuổi 
Tiếng véo von như suối nửa vời 
Nhịp cầu từ Úc xa xôi 
Tao nhân mặc khách khắp nơi tìm về 

Mailoc mến tặng 
Cali 9-21-14

Mừng Thôi Nôi Long Hồ


Long Hồ dù tuổi mới thôi nôi
Vườn nở trăm hoa, đẹp tuyệt vời
Thi khách bốn phương về góp mặt
Xướng họa, giao lưu thỏa mộng đời ..

Quang Tuấn

Tuổi Thôi Nôi


Ngày này em gái tuổi tròn nôi
Đã đủ sức mình để tự thôi
Một thuở vun bồi nuôi chí lớn
Niềm tin mạnh mẽ bước ra đời

Em rất xinh tươi rất mặn mà
Có tranh có nhạc nét tài hoa
Văn chương thi phú hồn dân tộc
Sáng tác khảo biên kết thuận hòa

Em có vòm trời lộng ước mơ
Trưởng thành từ những dáng ngây thơ
Góp gom tất cả hồn tươi trẻ
Để hiến cho đêm gối mộng chờ.

Em hãnh diện mình đất Vĩnh Long
Vùng quê ký gửi của loài rồng
Cái nôi sinh trưởng nhiều thiên sử
Mãnh đất Long Hồ lắm ước mong!

Nguyễn Đắc Thắng 
22/09/2014

Mừng Sinh Nhật Nhất Niên Của Blog Long Hồ


Ai cũng " mần thơ " hết, thôi thì Thầy Đồ sẽ mừng bằng Thư Pháp và câu " NHO " sau đây :

NHẤT NIÊN KHẢ SÁNG BÁCH NIÊN CƠ!

Có nghĩa:
Một năm nhưng có thể tạo dựng nên cơ nghiệp cho cả trăm năm sau lận!

Đỗ Chiên Đức
24/9/2013 -24/9/2014

Mừng Sinh Nhật Long Hồ Vĩnh Long




Mừng em tròn tuổi một thôi nôi
Đem lại nguồn vui với mọi người
Trang blog,lồng thơ sao tuyệt mỹ
Thi ca lộng nhạc góp câu cười
Vun bồi văn hóa hồn dân tộc
Xây dựng tương lai nước rạng ngời
Đốt ngọn nến hồng chào Long Vĩnh
Tạo thêm nguồn sống đẹp cho đời

Song Quang
24/9/2014

Thơ Tranh: Mừng Sinh Nhật Long Hồ Vĩnh long


 Thơ: Duơng Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Quang

Long Hồ Nền Đất Cũ


Long Hồ nền đất thời thơ dại
Đường phượng yêu trưa rực nắng hè
Miếu cụ Phan reo bầy sẻ nhỏ
Tàng cao cao tựa lúc ôn bài

Mấy mươi xa ngõ thời con gái
Chợt trở về hoa rợp lối xưa
Nền đất cũ duyên ưa bén rễ
Hồn tao nhân luyến láy vần thơ

Nền xưa sầu mộng ươm tơ mới
Mặc khách chao lòng lưu luyến lưu
Tròn tuổi đầu gom hoài kỷ niệm
Thắp tâm tư bắc nhịp cầu thơ

Kim Phượng
Kỷ niệm Sinh Nhật lần thứ nhất Trang Long Hồ Vĩnh Long 9/2014

Chúc Mừng Sinh Nhật Long Hồ Tròn Tuổi


Hình Ảnh: Biện Công Danh

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Tôi Không Muốn



Tôi không muốn trơ mình như phiến đá
Bởi muôn đời chất vá chuyện nắng mưa
Nằm dây dưa cùng giông gió bão bùng
Nhìn nhật nguyệt chập chùng mờ sương khói

Tôi không muốn trầm mình trong bóng tối
Bởi đêm dài đâu trói buộc hồn tôi
Vẫn thả trôi tư tưởng về một thời
Mà mộng mị cho đời thêm tình ý

Tôi không muốn buông xuôi lòng nản chí
Bởi ngựa già còn hí lộng ầm vang
Trời thênh thang chòm lông bạc kiên cường
Vó câu lướt đường trường không ngừng nghỉ

Tôi không muốn bán linh hồn cho quỷ
Bởi cuộc đời mất có chỉ hư danh
Đi loanh quanh rồi cũng phải trở về
Cùng cát bụi dầm dề bên cát bụi

Tôi không muốn hóa thân làm chú cuội
Bởi chị Hằng mê muội chữ yêu đương
Rời vấn vương chờ trăng gác mái lầu
Nằm thao thức ôm sầu tương tư mộng

Tôi không muốn trái tim ngừng rung động
Bởi lòng còn hoài vọng bóng giai nhân
Dù bước chân lạc mất con đường tình
Nhưng không muốn trơ mình như phiến đá

Đỗ Hữu Tài ( June 29 - 2014 )

Thơ Tranh: Bóng Chiều Tà

Thơ: Hồ Nguyễn
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xướng Họa: Nàng Thơ Và Thi Nhân


Thơ là người đẹp chốn Đào nguyên
Tìm khách tài hoa kết bạn hiền.
Lục Bát bắc cầu xây nguyện ước
Đường Thi giao nhịp nối tơ duyên.
Viết câu chờ đợi trao tâm sự
Gieo vận nhớ thương gởi nỗi niềm.
Nàng với thi nhân cùng sánh bước
Như hoa kề lá, bút kề nghiên.

Quang Tuấn
***

Bài Họa Thơ của Quang Tuấn

1/
Thơ Và Nhà Giáo

Thơ là thiếu nữ đẹp trinh nguyên
Thanh thoát, đoan trang nét dịu hiền
Đem đến cuộc đời nguồn cảm hứng
Gằn liền đôi lứa mối lương duyên
Bạn bè xướng hoạ vui từng chữ
Hạnh phúc trao nhau vẹn một niềm
Ví chẳng trải lòng trên giấy mực,
Giáo già hẳn nhớ bút và nghiên!

Phương Hà

***

2/ Thơ Là ...

Thơ tựa hoa ngàn chốn thảo nguyên
Nửa như hoang dại nửa ngoan hiền
Là mây là gió gieo cơn bão
Là nước là trăng kết mối duyên
Như nhớ như mong tình rẽ lối
Như mơ như tưởng mộng chung niềm
Nàng thơ giọt máu tim thi sĩ
Là cả thiên đường khách mặc nghiên

Quên Đi

***
Cảm Tác: Thơ của Quang Tuấn





Thơ Và Thi Nhân

Thơ là Sơn nữ Cao Nguyên
Quảy gùi con chữ kết duyên Đồng Bằng
Thơ là Thôn nữ múa trăng
Dệt bao thi tứ thả giăng sông Tiền
Miền xuôi Phố núi bút nghiên
Trải lên tâm sự quên phiền thế nhân
Hòa chung hồn mộng bâng khuâng
Thi Nhân ngất ngưỡng men xuân thả vần
Chiều vàng nắng rợp ven sân
Nàng Thơ khoe sắc lâng lâng ướm tình.

Kim Oanh

***

Họa Bài Thơ Lục Bát của Kim Oanh

Thơ Và Thi Nhân

Thi nhân tựa cỏ thảo nguyên
Thơ là suối mát mối duyên kim bằng
Như hoa hé nhuỵ dưới trăng
Là sương mờ toả giăng giăng bến Tiền
Thi nhân múa bút mài nghiên
Mượn thơ quên hết luỵ phiền trần gian
Khi dào dạt lúc bâng khuâng
Thả lòng kết mối tình xuân gieo vần
Hằng Nga khoe sắc ngoài sân
Hồn thơ hoà quyện người lâng lâng tình

Quên Đi

***
      (Từ Thơ Và Thi Nhân của Kim Oanh)

Thơ là vọng tưởng Cao Nguyên
Dệt câu lục bát nối duyên đồng bằng
Hồn thơ lênh láng dưới trăng
Gom bao thi vị gởi qua sông Tiền
Rẽo cao thôi thúc bút nghiên
Trải lòng tâm sự lụy phiền vào thân
Hòa chung Sông-Núi lâng lâng
Thi nhân đắm đuối tình xuân gieo vần
Chiều vàng nắng rụng ngoài sân
Nàng thơ tuyệt sắc lâng lâng gợi tình

Ngô Quang Diệp


Ðêm Nhớ Về Sài Gòn - Trầm Tử Thiêng - Nguyên Khang

      Đêm về ở xứ người chợt nhớ Sài Gòn khôn xiết, vì chốn ấy là kỷ niệm thời mới lớn, mới biết yêu, nhớ từng con đường góc phố, nhớ cùng bạn bè ngồi tán gẩu để nhìn những tà áo dài lướt qua ở quán caphê thân quen.  Nhất là nhớ em, người con gái đã từng yêu tay trong tay dạo qua con đường chiều có lá me bay.
      Ôi nhớ quá! Nhớ đến nỗi muốn làm cánh chim bay ngay về Sài Gòn,nhưng vẫn còn xa xôi quá, dù xa nhưng chắc chắn anh sẽ về thăm em, thăm bạn bè, thăm con đường cũ và ... và thăm tất cả. . .


Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng
Tiếng Hát: Nguyên Khang
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


J'entends Siffler Le Train - Tiếng Còi Tàu


J'ai pensé qu'il valait mieux
Nous quitter sans un adieu.
Je n'aurais pas eu le coeur de te revoir...
Mais j'entends siffler le train, (2x)
Que c'est triste un train qui siffle dans le soir...
Je pouvais t'imaginer, toute seule, abandonnée
Sur le quai, dans la cohue des "au revoir".
Et j'entends siffler le train, (2x)
Que c'est triste un train qui siffle dans le soir...
J'ai failli courir vers toi, j'ai failli crier vers toi.
C'est à peine si j'ai pu me retenir!
Que c'est loin où tu t'en vas, (2x)
Auras-tu jamais le temps de revenir?
J'ai pensé qu'il valait mieux
Nous quitter sans un adieu,
Mais je sens que maintenant tout est fini!
Et j'entends siffler le train, (2x)
J'entendrai siffler ce train toute ma vie...


(Lời tiếng Pháp : Jacques Plante - Harold Jeffries)

 ***
 Tiếng Còi Tàu
 
Anh vẫn nghĩ mình xa nhau tốt nhất
Không một lời ly biệt tránh buồn thêm
Lòng dạ nào can đảm thấy lại em
Ôi não nuột ! tiếng tàu đêm vẳng lại

Anh mường tượng , em đơn côi tê tái
Trên sân ga người nhốn nháo giã từ
Tiếng còi tàu vương víu mãi tâm tư
Ôi buồn thãm ! âm u trong đêm tối

Anh hổn hển chạy theo em mệt đuối
Anh thét gào mòn mỏi để em nghe
Cũng vừa khi anh đứng lại sắt se
Nơi em tới , e xa xôi vời vợi

Quay trở lại ? có khi nào em hỡi !
Thôi xa nhau đừng nói đến biệt ly
Anh hiểu rồi , tất cả chẳng còn gì
Tiếng tàu rú , hồn anh như tê dại

Còi văng vẳng , người đi không trở lại
Tiếng còi nầy vọng mãi suốt đời anh !
vọng mãi suốt đời anh …!
suốt đời anh … đời anh ! đời anh ! ...

Mailoc phỏng dịch
Cali 9-19-14


Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Phan Phú Lộc & Cô Nguyễn Ngọc Lan


Em vô cùng thương tiếc khi hay tin Thầy Phan Phú Lộc cựu giáo sư trường Thủ khoa Huân mãn phần ngày 20-9-2014 và Cô Nguyễn Ngọc Lan cựu giáo sư dạy môn Văn trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long qua đời ngày 22-9-2014, chỉ cách nhau hai ngày.

Một nỗi đau mất mát rất lớn cho gia đình. Em xin thành kính chia buồn cùng đồng hành với các con của thầy cô và tang quyến.
Kính nguyện Hương Linh Thầy Cô được sớm siêu thoát nơi Cõi An Bình.
Thành Kính Phân Ưu

Em Lê Thị Kim Oanh 

Cáo Phó Thầy Phan Phú Lộc Và Cô Nguyễn Ngọc Lan Đã Mãn Phần


Thay Mặt gia đình  Thầy Lộc và Cô Lan vô cùng thương tiếc báo tin buồn

Thầy  Phan Phú Lộc Cựu Giáo sư trường Thủ Khoa Huân qua đời 
Ngày 20.09.2014
Hưởng thọ 77 tuổi. 
Linh cửu được đưa về quê nhà tại Cao Lãnh và lễ hỏa táng sáng ngày 22/09/2014.

Hiền thê của Thầy Lộc là Cô  Nguyễn Ngọc Lan, Cựu Giáo Sư trường Tống Phước Hiệp  cũng vừa qua  đời 
Ngày 22/09/2014 
Lúc 9:05am, 
Hưởng thọ 75 tuổi. 
Tang lễ cử hành tại tư gia đường Tô Thị Huỳnh (đối diện Công Viên Sông Tiền) - Vĩnhlong.
Xin báo tin buồn đến thân hữu gần xa.

Thay mặt GĐ Kính Báo
Yên Dạ Thảo  

Đỗ Đình Tiến & Lê Kim Nhi Chân Thành Cảm Tạ


Thay mặt toàn thể gia đình, chúng tôi chân thành cảm tạ toàn thể anh chị em, bạn bè gần xa đã đến thăm viếng, phúng điếu, gửi điện hoa phân ưu, gửi lời chia buồn và dự lễ tiễn đưa linh cữu mẹ chúng tôi đến nơi an nghĩ cuối cùng,
 Bà Marie Aurelien Trần Thị Hạnh Lan (Bà quả phụ Đỗ Đình Duy) Là Thân Mẫu của Đỗ Đình Tiến và Lê Thị Kim Nhi, Cựu Học Sinh Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long vừa được Chúa gọi về.
- Ngày Chúa Nhật 7/9/2014
- Lúc  9giờ sáng 
- Tại Ottawa, Canada.
- Hưởng thọ 95 tuổi
- Thánh Lễ cử hành tại  Our Lady of Lavang church, lúc 11am, ngày Thứ Ba, 9/9/2014

Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ xuất chúng tôi kính mong quý vị cảm thông, niệm tình tha thứ.
Thay mặt tang quyến:

Đỗ Đình Tiến và Lê Kim Nhi

Đồng cảm tạ!

Lê Kim Hiệp và Nguyễn Thị Bích Thủy Chân Thành Cảm Tạ


Thay mặt toàn thể gia đình, chúng tôi chân thành cảm tạ toàn thể anh chị em, bạn bè gần xa đã đến thăm viếng, phúng điếu, gửi điện hoa phân ưu, gửi lời chia buồn và dự lễ tiễn đưa linh cữu mẹ chúng tôi đến nơi an nghĩ cuối cùng,
 Ông Anton Nguyễn Văn Bang là Thân phụ của Nguyễn thị Bích Thủy và là Nhạc gia của Lê Kim Hiệp, Cụ Ông đã được Chúa gọi về.
- Ngày Thứ Hai 1/9/2014
- Lúc 2giờ sáng 
- Tại Tucson, Arizona, USA
- Hưởng thọ 91 tuổi
- Thánh Lễ cử hành vào ngày Thứ Sáu, 6/9/2014.

Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ xuất chúng tôi kính mong quý vị cảm thông, niệm tình tha thứ.

Thay mặt tang quyến:
 Lê Kim Hiệp & Nguyễn Thị Bích Thủy

Đồng cảm tạ!

Một Nửa Đời Em - Trúc Hồ

Chuyện tình đã không còn,mình không còn gì cho nhau.Vì trót yêu anh nên bây giờ tình yêu đó đã để lại trong em nững ngày buồn thảm, chỉ là những ngày tháng thương đau.

Em biết trong em hiện giờ vẫn còn một nửa và em chỉ xin giữ lai cho mình chỉ một nửa mà thôi.Và gởi lại cho anh một nửa kia của tình yêu thuở trước,để anh biết rằng em không thể nào quên anh được



Sáng Tác: Trúc Hồ
Tiếng Hát: Lâm Thúy Vân
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình