Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Thơ Tranh:Một Thời Pleiku

Pleiku vùng trời tuổi thơ chỉ còn trong ký ức!


Thơ & Thơ tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Lời Xuân Muộn



Em đã quay về một sớm mai
Gió thơm tà lụa nắng vương đầy
Mắt sâu xanh thẳm tình hoa cỏ
Nhẹ bước đường xuân dáng mộng gầy

Ta ngắm hồn nhiên những nụ hồng
Duyên thầm e ấp nép bên song
Hạt sương còn đọng bờ môi lá
Lấp lánh tình đêm dưới nắng hồng

Ta thả bàn tay xuống nụ chồi
Ân cần níu giữ nét tinh khôi
Sợ mùa trôi mất hương xuân tụ
Một góc bình yên giữa đất trời

Em đến bên đời như gió qua
Lời không buông xuống mấy quan hà
Ta nghe chim hót vườn xuân muộn
Như tiếng kinh cầu vọng thiết tha

Du Tử Huỳnh 
11/02/2017

Mong Ngóng Chúng Từng Ngà​y


Đêm khuya mồi điếu thuốc
Đốm lửa lòe đầu năm
Hơi thở dài thườn thượt
Buồn ơi lạnh chỗ nằm.

Sáng đầu Xuân rực rỡ
Ánh sáng chợt chan hòa
Chim chìa vôi hót khẻ
Tiếng còi tàu vang xa…

Đưa tay lùa mái tóc
Nhìn gương thấy bạc nhiều
Xe thời gian rung lắc
Tuổi đời còn bao nhiêu ?

Tết sum vầy đoàn tụ
Giờ con cái xa bay
Âm thầm gom nỗi nhớ
Đong đầy đôi bàn tay.

Búng xa tàn điếu thuốc
Giã từ thói quen hư
Mừng ơi khi bỏ được
Buồng phổi đã nát nhừ.

Sáng nay sao vắng vẻ
Tiếng cười nói bên tai
Ôi ! xa bầy con trẻ
Mong ngóng chúng từng ngày…

Dương hồng Thủy
(Mùng 6 Tết Đinh Dậu – 02/02/2017)

Hoa Soan Bên Thềm Cũ - Tuấn Khanh - Vô Thường Hòa Tấu

Nhạc Sĩ : Tuấn Khanh
Vô Thường Hòa Tấu
Thực Hiện: Đặng Hùng


Tiếng Chìa Vôi



Tiếng Chìa Vôi


Sau hè rộn rã tiếng chìa vôi
Tỉnh giấc nằm nghe biết sáng rồi
Ba triệt chung trà vừa mới cúng
Má đun nồi cháo cũng đang sôi
Đàn con mở tập ê a học
Chữ nghĩa khai tâm chút chút bồi
Mấy chục năm dài còn nhớ rõ
Sau hè rộn rã tiếng chìa vôi.

Ngày kia bỗng bặt tiếng chìa vôi
Mấy chốc ầm vang súng nổ rồi
Xóm dưới đầu trên dân trốn chạy
Bên này phía nọ lửa hờn sôi
Hồn quê tan tác chưa lành lặn
Tuổi mộng lao đao cũng phải dồi
Đất đổi nên vàng thay tất cả
Bây giờ lại nhớ tiếng chìa vôi..

Cao Linh Tử
1/2/2017
***
Các Bài Thơ Họa:
Bạc Giống Vôi

Có phải tình đời bạc giống vôi
Nhiều khi nhớ lại chuyện qua rồi
Sa cơ lỡ vận lòng đau chán
Mất thế nghịch thời lửa giận sôi
Ngóng trước ngóng sau không kẻ giúp
Nhìn qua nhìn lại chẳng ai bồi
Số phần chẳng lẽ thân cô độc
Có phải tình đời bạc giống vôi.

Đâu phải tình đời bạc giống vôi
Chuyện xưa giờ đã lảng quên rồi
Email tương kết duyên bền bỉ
Thi phú giao hoà ý sục sôi
Thầy Bạn đề thơ cùng xướng hoạ
Anh Em lạc vận tiếp trau dồi
Nguồn vui lại nối niềm vui mới
Đâu phải tình đời bạc giống vôi.

Quên Đi
***
Cái Bình Vôi


Ăn trầu, ống xoáy, cái bình vôi,
Bà Ngoại răng đen móm mém rồi!
Đi chợ mua cau xanh, nội bảo,
Thăm nhà, cưới gả ấm trà sôi.
Làm dâu thuận thảo vui nhà mới,
Ở rễ siêng năng được vợ bồi!
Hơn nửa đời người còn kỷ niệm,
Bấy giờ nội ngoại, cái bình vôi...

Thời nay chẳng thấy cái bình vôi,
Vât chất tiền tài tối mắt rồi.
Thương hải tang điền người rẻ rúng,
Nhơn sanh xuất khẩu cảnh dầu sôi.
Hòa bình đắc giá bon chen quá,
Trật tự tôn ti lặn lội dồi...
Tình nghĩa đồng bào nghe nặng nhẹ?
Nếp xưa đã mất..."cái bình vôi"!

Mai Xuân Thanh
Ngày mùng 6 Tết Đinh Dậu - 2017
***
Thanh Thản


Đừng trách lòng người bạc tựa vôi
Khi mà mọi chuyện đã qua rồi
Cảm thông tha thứ, tâm không hận
Buông xả vô tư, dạ khỏi sôi
Hờn giận chỉ thêm làm thọ giảm
An nhiên chắc hẳn sẽ vui bồi
Tuồng đời đã quá nhiều gian dối
Xin để mặt trần chớ phủ vôi!

Đừng đeo mặt nạ, quệt thêm vôi
Cứ sống tự nhiên, thế đủ rồi
Ánh sáng chân tình khi rạng rỡ
Chồi mầm nhân ái sẽ sinh sôi
Cỏ cây tươi thắm sau mưa dập
Cát đá sạch trơn trước sóng dồi
Thử thách chỉ rèn thêm ý chí
Lửa cao càng tốt để nung vôi.

Phương Hà

Gái Xuân - Nguyễn Bính




Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa bên sông Vân

Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân
Cô gái trông Xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa bên sông Vân

Lòng Xuân lơ đãng, má Xuân hồng
Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám Xuân đi trên mái tóc
Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?

Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa bên sông Vân

Nguyễn Bính
(An Nguyen sưu tầm)

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Thơ Tranh: Cám Ơn Hoa


Thơ: Cao Nguyên
Thơ Tranh: Kim Oanh
***
Xuân & Mai
(Họa bài "Cám Ơn Hoa" của Cao Nguyên)

Tết về gởi cánh Mai tươi
Cám ơn, đã biết đất trời vào Xuân
Hoa cười từ sớm rạng đông
Sương khuya còn đọng nhỏ going long lanh
Búp non vươn nụ màu xanh
Hương bay thoang thoảng vây quanh bướm chờ
Cảm hoài viết mấy vần thơ
Lời thương Xuân chẳng hững hờ với Mai

Song Quang
***
Xuân Mai

Vui xuân là cánh mai tươi,
Bông vàng đầy búp sáng ngời ngày xuân.
Đào mai hạnh phúc gió đông,
Sương đêm lấp lánh ánh hồng long lanh.
Đâm chồi nảy lộc tươi xanh,
Thương em ong bướm vây quanh đợi chờ!
Tri âm dệt mộng bài thơ,
Tình xuân lai láng sao mờ cành mai ...


Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 02 năm 2017

Xuân Đơn



Ai quen nơi lữ quán
Khuya lạnh ánh đèn thân
(Phạm Khắc Trí)

Xuân về Đất khách chẳng ai quen!
Gác nhỏ buồn tênh đối ngọn đèn
Trống vắng bạc tiền đâu đóng cửa
Chơ vơ của cải chả cài then
Lời ca nghe thế bằng cơn gió
Tiếng nhạc đem thay bởi dế mèn
Xót phận Tết nghèo sao dám nghĩ
Thân già thanh thản chớ bon chen

Song Quang
Đêm chờ giao thừa Xuân Đinh Dậu


Hoa Tím - Hoa Tâm



Hoa Tím

Hoa tím còn vươn chút má hồng
Của thời con gái lúc sang sông
Tình ơi kỷ niệm còn đeo mãi
Màu tím hoa xưa phút chạnh lòng!

Có khi nào em thấy bâng khuâng
Nhớ ai trên bước lẻ phong trần
Người cũ năm xưa còn vương vấn
Hoa tím nào không níu bước chân!


Biện Công Danh

6/2/17

Hoa Tâm

Mộng ước mơ tan má nhạt hồng
Phong ba xô dạt khác bờ sông
Trôi theo con nước sầu ly xứ
Tím cả hoàng hôn tím nát lòng

Biết trách ai đành giết bâng khuâng
Vượt qua bão táp giữa dương trần
Đợi chờ mùa mới vươn mầm sống
Tím ngát hương đời vững tánh chân!

Kim Oanh

Nhớ Mẹ Ta Xưa


Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 26 của Mẹ, nhưng trên thực tế con đã sống xa Mẹ gần từ 50 năm qua. Mẹ ơi! Hai mươi sáu năm hay 50 năm không là gì với không gian vô biên, vũ trụ vô tận và thời gian vô cùng nầy, nhưng với một đời người với nỗi niềm xa mẹ rồi mất mẹ mà không thấy được mẹ lần sau cuối thì quả là một khoảng thời gian quá dài. Mẹ ơi! Trong nỗi buồn tha phương, con trầm tư về Mẹ với tất cả tiếng lòng người hiếu tử. Mẹ ơi! Trong niềm đau lưu lạc nơi xứ người, đêm nay con dõi mắt nhìn về quê hương với tất cả những hoài niệm về Mẹ. 

Cứ mỗi lần những chùm lá trên cây bắt đầu ngả sang màu vàng úa, bầu trời mùa Thu xám nhợt với từng chùm mây lãng đãng trôi, là lòng tôi bồi hồi nhớ đến người mẹ hiền thiên cổ của tôi. Quang cảnh ảm đạm của mùa Thu luôn gợi nơi lòng người những kỷ niệm và ký ức tưởng chừng như đã lắng đọng từ lâu lắm. Mùa Thu khiến lòng người hiếu tử bồi hồi xúc cảm đến ân nghĩa thiêng liêng của tình cha nghĩa mẹ. Một tiếng mẹ thật ngắn thật gọn nhưng thật ngọt ngào và chứa đựng cả một trời yêu thương, vì chính người chẳng những đã tạo cho tôi hình hài, mà tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều là do người. 
Không phải riêng tôi, mà ai trong chúng ta cũng đều có những ngày thơ ấu tràn đầy kỷ niệm thân thương trong vòng tay trìu mến yêu thương của mẹ. Và những bà mẹ hầu như đều có chung một tấm lòng thương con vô bờ vô bến, đều có một tấm gương tần tảo hy sinh vì chồng vì con, tựa hồ như những vị Bồ Tát thị hiện giữa cuộc đời đầy phong ba bão táp. Nếu so với Bồ Tát Quán Thế Âm thì các Bồ Tát “Mẹ” có thể không sánh bằng, nhưng từ suối nguồn yêu thương vô bờ vô bến, những Bồ Tát “Mẹ” đã thị hiện làm những bà mẹ hiền tần tảo hy sinh trong vô lượng kiếp, các ngài chỉ biết ban cho và ban cho chứ không hề đặt để bất cứ điều kiện gì nơi con cái. 
Thậm chí, các bà mẹ có lúc sẵn sàng gây tội tạo nghiệp trong sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng cao quý của các ngài. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong tâm hồn của bất cứ người con nào, hiếu tử hay không hiếu tử, người mẹ luôn giữ một vị trí thiêng liêng và tuyệt vời nhất. Kỷ niệm về mẹ thì tôi có không biết bao nhiêu mà kể cho siết, với cả một vùng hạnh phúc chất ngất mà mẹ cha đã yêu thương che chở trong suốt đoạn đời thơ ấu. Giờ thì tất cả chỉ còn là dĩ vãng, có chăng chỉ còn lại những hồi tưởng lắng đọng trong tâm tư ưu sầu cảm thương vời vợi của một kẻ tha hương. Đời người như một giấc mơ, Trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay. 

Đúng như lời của một bài kinh Phật! Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đây mà tuổi đời đã gần sáu mươi, thế mà tôi cứ tưởng chừng như mới hôm nào. Mới hôm nào tôi hãy còn bé và còn sống trong sự đùm bọc của tình cha nghĩa mẹ. Dù tất cả đối với tôi bây giờ đã là dĩ vãng, nhưng tôi vẫn còn nhớ, nhớ mãi miền quê nghèo, nhớ ngôi nhà lá năm xưa, nhớ bầu trời thương yêu dịu ngọt mà tôi đã vẫy vùng trong suốt thời thơ ấu. Bây giờ xa quê với cuộc sống tha hương, bôn ba giữa chợ đời xa lạ. Bây giờ khi cả cha lẫn mẹ đã khuất bóng, tôi mới thấm thía với câu nói của một đại thiền sư: “Dù lớn thế mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ lạc lỏng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.”Thật đúng vậy! 
Từ ngày mất mẹ, tôi cảm thấy như đang bơ vơ lạc lỏng trong cuộc sống như một trẻ mồ côi không hơn không kém. Mẹ tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, lại thêm hoàn cảnh đất nước còn bị Tây đô hộ, nên người không có cái diễm phúc được đi học cho đến nơi đến chốn như chúng tôi về sau nầy. Lại nữa người lập gia đình rất sớm, năm mười sáu tuổi mẹ đã đi lấy chồng, bỏ lại sau lưng cả một thời xuân sắc. Gia đình chúng tôi rất đông anh chị em, vì thế mà cả cha lẫn mẹ tôi phải tần tảo vô cùng cực khổ để nuôi dưỡng cho chúng tôi nên hình nên vóc. 
Nhất là mẹ tôi, người đã suốt đời tận tụy vì con cái. Người đã dầm sương dãi nắng, hai vai trĩu nặng với gánh hàng rong để nuôi con. Vì nghèo và vì con mà người đã không quản ngại một nắng hai sương, quảy gánh ra đi từ sáng sớm và trở về khi mọi người đã yên giấc ngủ. Mẹ đã dãi dầu mưa nắng, mẹ đã nhận lấy hết mọi khổ nhọc của cuộc đời cho đàn con được đầy đủ, được no cơm ấm áo. Mẹ đã lao lực đến tận cùng sức chịu đựng của một con người, mẹ đã vắt cạn hết những gì mẹ có thể vắt được nơi tấm thân gầy còm của mẹ, để lo được cái ăn cái học cho những đứa con của mẹ mà chưa một lần tôi nghe người than trách. Mẹ đã gánh nỗi cơ hàn vất vả suốt cả đời người, nhưng lúc nào con cũng thấy nụ cười nhân hậu trên đôi môi mẹ. 
Bóng dáng hạnh phúc của mẹ là các con mẹ học hành giỏi giang và ngoan ngoãn, còn thân mẹ có ra sao mẹ cũng cam. Đôi mắt mẹ luôn thâm quầng vì thiếu ngủ. Lúc nhỏ mỗi lần đi học về, tôi thường hay ghé chợ chiều để được mẹ cho ăn quà. Rất nhiều lần tôi bắt gặp mẹ ngủ gục bên gánh cháo, nhưng ngày đó tôi hãy còn ngây thơ và hồn nhiên quá, nên chưa hiểu đủ để nói được một câu gì an ủi mẹ. 

Mẹ tôi đó! Một người mẹ cả đời còm cõi vì chồng vì con. Một người mẹ cả đời gánh chịu tất cả, hy sinh tất cả, quên cả thân mình để lo cho chồng cho con. Ăn thì mẹ chỉ ăn những gì thừa mứa, còn cái nguyên vẹn ngon hảo thì mẹ đã nhường hết cho các con. Mẹ đã suốt đời nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi, thậm chí bịnh mà mẹ cũng ráng cho lướt qua chớ không dám thuốc thang, vì tất cả tiền mẹ kiếm được chỉ để lo cho các con chứ không có khoản nào dành cho riêng mẹ. Mẹ lo cho các con ăn học, mẹ mua quần áo lành lặn cho các con, còn thân mẹ thì rách rưới. Có khi nào con thấy mẹ mặc được một cái áo cho lành, hay một cái quần cho tốt đâu. Vì chồng vì con mà suốt đời mẹ buôn gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối, nhịn cay nuốt đắng. Những lúc con trở bịnh, mẹ một mình lặn lội trong mưa đi tìm thang thuốc cho con. Những lúc chập chờn trong cơn mê sốt, con vẫn thấy mẹ túc trực bên giường với đôi mắt đầy lo âu. 
Mẹ chính là nguồn suối, nguồn năng lực trong đời con. Mẹ là cội rễ của mọi yêu thương trong đời con. Không có sự dạy dỗ của mẹ, có lẽ giờ nầy con không có được cuộc sống biết yêu thương và vị tha đâu mẹ ạ! Tất cả những gì con và các cháu của mẹ có được hôm nay là hoàn toàn của mẹ. Mẹ đã dành trọn cả cuộc đời cho con cho cháu, không đong đo, không tính toán. Mẹ đã bất kể những khó khăn, gian lao và nghiệt ngã của trường đời, đã nhịn đắng nuốt cay, để chỉ mang về một chất ngọt ngào và tràn đầy yêu thương cho các con của mẹ. Nhớ lần đầu tiên mẹ dắt tôi tới trường, tập cho tôi những bước tập tễnh vào trường học. 
Đã có biết bao nhiêu câu ca tiếng hát về mẹ đã đi sâu vào lòng người: “Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, Con đi trường học, mẹ đi trường đời.” Mẹ đã không màng một nắng hai sương, suốt đời tần tảo, lao tâm lao lực, chỉ mong các con của người được nên vóc nên hình và trở thành người hữu dụng cho xã hội. Tôi còn nhớ vào đầu thập niên sáu mươi, lúc ba tôi thất nghiệp, gia đình sa sút trầm trọng, tưởng chừng như không thể nào vượt qua được. Lúc ấy có một người bà con đề nghị cho một vài anh em tôi đến tá túc và giúp việc nhà, nói theo kiểu bình dân là đi ở đợ. Mẹ tôi đã thẳng thắn, cương quyết, mà nhẹ nhàng cám ơn lòng tốt của người bà con. Người nói: “Tôi còn đôi tay, đôi chân, tôi còn nuôi và cho các con tôi ăn học được mà.” Thế rồi một mình mẹ với đôi vai trĩu gánh. Mẹ phải đi vay tiền trả góp để mua sách cho con học. Lúc ấy, tôi thấy cảnh nhà bi đát quá nên bèn đề nghị với mẹ là tôi nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi cho các em khôn lớn, dù rằng hồi đó tôi đương là một trong những học sinh xuất sắc nhứt của trường trung học tỉnh. Mẹ tôi đã khóc mà nài nỉ tôi bỏ đi ý định nghỉ học. Người nói: “Mẹ cha nghèo quá nên không có của hồi môn để lại cho các con đâu, nhưng mẹ có tấm thân nầy. Dù có dầm sương dãi nắng mẹ cũng cam, miễn sao cho các con được đi học, có chữ nghĩa với đời. Mẹ không muốn sau nầy các con nuôi cháu của mẹ cực khổ như mẹ đã nuôi các con.” 
Ôi còn hy sinh nào cao cả hơn? Còn công lao nào sâu nặng hơn? Ngoài chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, người còn cả một đời lầm lủi nuôi con. Đó là chưa kể đến những khi trái gió trở trời, hoặc khi con cái ốm đau, lòng mẹ bồn chồn xốn xang, đúng như lời của bài ca dao xưa: “Gió mùa Thu Mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ vừa năm.” Ấy là vì ngày chỉ có sáu khắc, đêm năm canh, chứ ví dầu ngày có bao nhiêu khắc, đêm có bao nhiêu canh đi nữa thì mẹ hiền cũng không màng thức thâu đêm suốt sáng để canh chừng giấc ngủ cho con; mỗi cái giựt mình của con là mỗi lần mẹ cũng giựt mình. Dẫu thân xác đã bơ phờ mệt mỏi vì năm canh thức trắng, nhưng khi nhìn thấy con yên giấc là lòng mẹ rộn ràng vui sướng, quên hết mỏi mệt. 
Lúc còn nhỏ, dù nhà mình rất nghèo nhưng Mẹ lo cho các con ngày ba buổi đầy đủ bằng tất cả khả năng của Mẹ. Mỗi sáng Mẹ thường căn dặn: “Con ở nhà giữ em, chút nữa má về.” Mẹ ơi! Thời đó cái câu ngắn gọn “Chút nữa Má về” với con là cả một trời hạnh phúc vì nó có nghĩa chỉ một lát nữa thôi khi Mẹ trở về là giỏ xách của Mẹ sẽ trĩu nặng với những xôi, những bánh, những bắp... thơm lừng, chứ con không nghĩ đến chuyện gì xa xôi hết. 
Mẹ ơi! Bây giờ dù chỉ ước ao được nghe lại cái câu “chút nữa má về” cũng không bao giờ có được. Ngày xa xưa đó con thường nghe những câu hát bình dân như: “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau.” Mẹ ơi! Cái ngọt của chuối ba hương, của xôi nếp một, hay của đường mía lau còn có thể diễn tả được bằng lời, chứ tình Mẹ thương con nó đậm đà sâu thẳm, không có thứ gì có thể bì sánh kịp. Vì quá khổ cực mà tuổi chưa quá thất tuần, người đã vĩnh viễn lìa bỏ các con, người đã ra đi không đòi hỏi. Mẹ ơi! Trên đời nầy còn sự hi sinh nào cao quí hơn sự hy sinh của mẹ đâu! Bây giờ người đã là thiên cổ, nhưng những lời dạy dỗ của người vẫn còn ở trong tôi, còn mãi trong tôi. Những lời ấy sẽ được lưu truyền lại cho cháu chắt của người. 
Ôi công ân cha mẹ không thể nào nói cho hết, không thể nào đáp cho cạn. Nó sâu rộng như biển Thái Bình, nó cao thâm như núi Thái Sơn. Nó tợ như núi Tu Di vậy. Từ ngày con mới tượng hình trong bào thai bằng chính máu huyết, tình thương và sự bảo bọc của mẹ. Rồi mẹ phải chín tháng cưu mang nặng nhọc, đến khi con chào đời, mẹ lại phải cho con ba năm bú mớm, với vô vàn khổ cực. Trên đời nầy con đã từng đi qua không biết bao nơi, đã từng thấy không biết bao nhiêu công trình, nhưng con chưa từng thấy công trình nào tuyệt mỹ như công trình “Mẹ” của con. 
Chính vì vậy mà trong Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, Đức Từ Phụ đã nói rõ rằng nếu hai vai cõng vác cha mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu Di cả vô lượng kiếp, ơn kia cũng khó đền. Tuy mẹ sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, lại thêm hoàn cảnh đất nước thời đó còn bị Tây đô hộ, tuy không có cái diễm phúc được đi học nhiều như anh em chúng tôi về sau nầy, nhưng với tôi, mẹ là hình ảnh một nhà giáo tuyệt vời. Mẹ dạy dỗ, mẹ nuông chìu, mẹ bao dung tha thứ. Cây roi duy nhứt của mẹ dành cho các con là nước mắt của mẹ. Mỗi khi các con nghịch ngợm, mẹ rầy không xong là mẹ khóc, vì mẹ biết rằng nếu không khéo, con sẽ bị ba đánh đòn cho một trận nên thân. Mỗi lần con bị ba đánh là mỗi lần ba mẹ rầy rà nhau mấy bữa. Mẹ bảo ba đánh con như đánh kẻ thù, dù ba chỉ đánh nhẹ, mẹ vẫn nói: “Con tôi bị đòn, nó chưa đau, tôi đã đau.” 
Mẹ ơi! Mẹ là người mẹ đẹp nhứt của con trên đời nầy. Con không biết và không còn nhớ mẹ của con lúc còn trẻ có đẹp hơn ai về sắc dáng hình hài hay không, nhưng tâm hồn mẹ đẹp quá. Với con, mẹ đẹp đến nỗi không có thứ gì có thể so sánh được. Biển cả mênh mông và đẹp thế nào thì tâm hồn mẹ cũng đẹp như thế ấy! Biển cả còn có khi dậy sóng ba đào, chứ mẹ của con thì luôn êm dịu. Mẹ luôn dang rộng đôi cánh ra để gánh lấy tất cả phong ba bão tố cho các con được ấm êm. Người khác nhìn mẹ có thể cho rằng mẹ là một người đàn bà lam lũ, với gương mặt khắc khổ sạm nắng vì vất vả trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng với con thì mẹ là người phụ nữ đẹp nhất và tuyệt vời nhất. Trong con, mẹ giữ một vị trí cao tuyệt. 
Chính lòng hy sinh và suối nguồn tình yêu của mẹ đã cảm hóa con ngay từ lúc con hãy còn rất nhỏ. Đối với con, trên cuộc đời nầy sẽ không có một người thứ hai nào có thể ban phát tình yêu thương cho con như mẹ và sẽ không có người thứ hai nào kham nhẫn một đời hy sinh chịu thương chịu khó như mẹ của con. Con không dám so sánh mẹ với Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng tình thương nồng thắm ngút ngàn và sự hy sinh bất tận của mẹ dành cho con cái có khác chi tâm đại từ đại bi bao la trùm khắp pháp giới của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đâu hỡ mẹ? Có khác chăng là ở chỗ Bồ Tát ban phát tình thương mà không còn phân biệt thân sơ, còn mẹ thì chỉ dành tình thương ấy trọn vẹn cho các con của mẹ. 

Ôi tình mẹ sáng và dịu êm như ánh trăng lung linh huyền dịu. Mẹ chẳng những là nơi ban phát tình thương cho con cái, mà mẹ còn là một hải cảng tuyệt vời cho con về nương tựa trong những lúc mưa dồn sóng vỗ của cuộc đời. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi có điều gì bất trắc xãy ra, hay những lúc tâm trạng bất an hoặc có nỗi niềm thầm kín không thể bày tỏ cùng ai, thì mẹ chính là người mà con tìm về. Những Lúc như vậy con chỉ mong được nép vào lòng mẹ, được mẹ che chở chỉ dạy, và chỉ trong thoáng chốc từ suối nguồn yêu thương của mẹ, con cũng cảm thấy an toàn, mọi bất an trắc trở đều tan biến. Lúc đó mẹ nào khác một bà tiên đã phục hồi nguồn sinh lực cho con. Trong cái bể khổ trầm luân đầy bất trắc nầy, mẹ nào có khác Bồ Tát Quán Thế Âm, vì mỗi khi gặp phải tai trời, ách nước, họa người, thì người đầu tiên mà con nghĩ đến, người đầu tiên mà con cầu khẩn đến chính là mẹ. 

Hình ảnh mẹ là một cái gì thiêng liêng cao quý mà không một bút mực nào có thể diễn tả hết được. Chẳng phải tiếng “mẹ” là tiếng mà con vẫn hay thốt ra đầu tiên mỗi khi gặp phải việc gì khó khăn rắc rối hay sao? Tiếng mẹ với con là một biểu tượng tuyệt vời. Muôn đời mẹ vẫn là một kỳ quan vĩ đại và tuyệt hảo nhứt trong con. Bây giờ cho dù có nói gì, có viết gì cũng không cùng không cạn được sự tán thán về mẹ. Tiếng mẹ đã đến với con từ lúc con bập bẹ tập nói ngôn ngữ loài người, và tiếng “Mẹ” ấy sẽ cùng đi với con trong suốt cuộc hành trình nầy dù rằng con không còn gặp được Mẹ bằng xương bằng thịt nữa. Mẹ hỡi! 
Giờ nầy con có thể viết gì đây về Mẹ hỡ Mẹ? Mẹ ơi, cho dù có viết ra thiên kinh vạn quyển, nhưng mẹ ơi qua những trang giấy hữu hạn, tâm tư con con vẫn cảm thấy mình chưa bày tỏ hết nỗi lòng về mẹ. Với con cho dù có viết gì, có nói gì thì ngôn ngữ loài người cũng bất lực khi được dùng để diễn tả về Mẹ: “Ngôn ngữ trần gian túi rách. Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ ơi!” Với con, ngôn ngữ dù văn hoa thế mấy cũng không và không bao giờ diễn tả hết được vẻ đẹp mộc mạc, gần gủi mà rất nhiệm mầu thiêng liêng của “Kỳ Quan Mẹ,” một thứ kỳ quan có một không hai trong vũ trụ nầy, vì trong tất cả các kỳ quan, kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của Mẹ. 
Mẹ ơi! Lòng mẹ bao la vô bờ vô bến. Mẹ là vũ trụ, mẹ là tất cả, mẹ là Phật. Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình, tình mẹ tha thiết hơn dòng suối hiền, đúng như lời của một bài hát về mẹ. Mẹ như dòng suối mát dịu, cứ tuôn chảy và tuôn chảy những nước cam lồ nuôi dưỡng thân con lúc còn nhỏ, và tưới mát tình cảm chai sạn phong trần vì đói no vinh nhục khi lăn lóc ngoài đời. Với con, ngoài công ơn sanh thành ra, mẹ còn là một vị cứu tinh, mẹ là Bồ Tát vì suốt cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì đền trả lại. Và chính mẹ đã dẫn dắt con vượt qua những gập ghềnh trắc trở của cuộc đời. Chính mẹ đã ban phát cho con những gì con và các cháu mẹ đang có. Trong suốt cuộc đời, mẹ chỉ biết ban cho mà không đòi trả lại bất cứ thứ gì. Mẹ đã bôn ba từ chợ sớm, đến chợ trưa, rồi chợ chiều. Sáng bán bánh mì, chiều bán cháo, cứ thế mà mẹ lầm lủi nuôi con trong mấy chục năm liền. Mẹ đã gánh cả một trời yêu thương trên đôi vai mòn mỏi. Mẹ đã gánh cả một trời mơ ước cho các con mẹ được thành nhân chi mỹ. Mẹ đã gánh nắng gánh mưa cho các con của người được yên ấm. Mẹ đã gánh tất cả những hệ lụy của cuộc đời cho các con mẹ được yên vui. Vì con mà thân thể mẹ hao mòn, mẹ cũng không màng. Vì con mà năm canh chầy thức đủ vừa năm, mẹ cũng không quản. Vì con mà mẹ phải gánh cả bình minh lẫn hoàng hôn của vũ trụ, gánh cả mặt trời lẫn ánh trăng khuya. Mẹ là tình thương bao la. Thân thể mẹ có thể héo mòn theo thời gian, nhưng tình thương mẹ không bao giờ mòn héo. Vì con mà chỗ ướt mẹ nằm, dành chỗ ráo con lăn. 
Lắm khi vì con mà mẹ phải gây tội tạo nghiệp cũng không chừng. Còn nhiều thứ vì con mà mẹ phải hy sinh lắm. Vì con mà ngay cả sinh mạng mẹ, mẹ cũng không màng. Mẹ ơi, làm sao con quên được một lần con đang ngồi chơi dưới hàng dừa trước ngõ, ngay vừa lúc mẹ về cũng là lúc một trái dừa từ trên cao rụng xuống. Mẹ đã bất kể an nguy, chạy vội lại bao trùm lấy con và bảo con đừng sợ, có mẹ đây! Vì con mà ngay cả sinh mạng mẹ, mẹ cũng không tiếc. Mẹ chính là Phật hóa thân vì có lúc nào mà mẹ không nghĩ đến sự an lạc và hạnh phúc của các con đâu? Trái tim của mẹ là trái tim của Phật, chính nơi đó tuôn ra đủ thứ từ, bi, hỉ, xả, công bình, bác ái… 
Ngoài chín tháng cưu mang, mẹ còn cả đời lầm lủi nuôi con. Lòng mẹ như biển rộng bao la, như trời cao không cùng tột. Tình thương mẹ dành cho các con là thứ tình thương chân thật tuyệt đối, là suối nguồn êm dịu, trong lành và tươi mát. Cũng như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác, mẹ đã một đời tận tụy hy sinh, đã nhẫn nhục chịu đựng vì chồng vì con và cho chồng cho con. Mẹ đã cho con tất cả những gì mẹ có. Lời hát ru của mẹ cho con thời thơ ấu là những chất liệu êm dịu nồng nàn và ngon ngọt như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau. Mẹ đã cho con từ thuở lọt lòng, đến lúc nằm nôi, rồi tập tễnh đi những bước vào đời, và mãi về sau nầy khi con đã vào đời. Mẹ không để lại cho con bất cứ gia tài vật chất nào, nhưng gia tài tinh thần mà con được hưởng nơi mẹ là bất tận, nó hàm chứa tấm lòng bao la như bầu trời cao vợi, nó là cả một tình thương vô tận của mẹ dành cho con. 


Dòng Cửu Long có dài, nhưng rồi có lúc nó phải đổ ra biển cả, chứ tình mẹ thương con cứ tuôn chảy và tuôn chảy mãi, ngay cả lúc thân xác mẹ đã vùi sâu trong lòng đất lạnh, nhưng tình thương mẹ dành cho con vẫn ấm mãi với thời gian. Một lần hai mẹ con lên Sài Gòn, lúc đó con đã mười chín hai mươi tuổi gì rồi, nhưng mỗi lần băng qua đường là mẹ vẫn nắm chặt tay con. Con mắc cở vội vùng ra khỏi tay mẹ, thì mẹ âu yếm nhìn con mà rằng: “Mẹ sợ xe cộ nhiều quá, nhỡ có gì thì nguy cho con của mẹ!” Mẹ chỉ sợ nguy cho con, còn mẹ thì ra sao mẹ cũng không màng. Mẹ ơi bây giờ con mới thấm thía với câu nói của người xưa: “Con dù lớn thế mấy, thì con vẫn là con của mẹ. Từng bước chân con đi là từng nhịp thở con tim của mẹ.” Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã tả đúng tâm trạng của những người con trưởng thành xa mẹ: “Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái Có bao giờ thơ cho mẹ ta không? Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ Giọt nước mắt già nua không ứa nổi Ta mê mãi trên bàn chân dong ruổi Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng.” 

Nhưng đến khi ta thắm thía được điều nầy thì mẹ ta còn đâu nữa? Mẹ đã lo cho các con đến hơi cùng sức kiệt rồi, nên mẹ không chừa lại một hơi thở nào cho riêng mẹ. Mẹ ơi! Rồi đây cuộc hành trình còn lại trước mắt của con với biết bao là gian nan đang chờ đợi, nhưng con đâu còn Mẹ nữa để mà thổ lộ tâm tư tình cảm, để được nghe lời mẹ khuyên lơn an ủi và động viên tinh thần. Giờ thì trên bước đường vạn lý, thân con lẽ bóng một mình “cô thân vạn lý du.” Mẹ ơi! cho dù có thành tựu gì đi nữa mà không có mẹ để chia sẻ thì với con cũng chỉ là vô nghĩa. 
Mẹ ơi! Cho dù con có đi khắp thế gian, có gặp gỡ 5, 6 tỉ con người đi nữa, con sẽ không bao giờ gặp lại một người giống hệt như Mẹ. Sẽ không ai có được bóng dáng của Mẹ, không ai có được giọng nói, nụ cười, ánh mắt y hệt như Mẹ đâu! Mẹ ơi! Đến khi phải sống đời tha phương con mới thấm thía và nuối tiếc những ngày thơ mộng, rồi tự trách mình đã không tận hưởng những dòng sữa ngọt lịm, những dòng sữa tuôn chảy không bao giờ ngừng nghỉ, nó tuôn chảy từ những an lành cho đến những khổ đau của mẹ. Trách mình không chịu tận hưởng những lời răn dạy của mẹ, không chịu lắng nghe cho thật kỹ để từ đó rút ra những bài học thật bổ ích, thật sống động cho tuổi làm người khi mình không còn mẹ nữa. 
Mẹ ơi! Dẫu rằng giờ nầy mẹ đã không còn, nhưng với con, mẹ luôn là một nhà giáo dục vĩ đại, một người thầy thầm lặng, nhưng sự hy sinh thầm lặng và tình thương sâu thẳm của mẹ đã cảm hóa con ngay từ khi con còn rất nhỏ. Mẹ dạy con từ ăn, nói, đi, đứng, đến yêu thương. Mẹ dạy con yêu con và yêu cả những người quanh con. Chính mẹ là người đã dạy con bài học “từ bi” đầu đời. Mẹ có còn nhớ không? Hồi con còn bé, trong những ngày đầu đi học, có lần tan học, mẹ đến rước con. Trên đường từ trường về nhà, con đã tinh nghịch dẫm đạp lên những chú kiến đang bò trên đường. Mẹ đã dịu dàng can ngăn con mà rằng: “Con ơi! Con còn có phước vì mỗi khi đi học về đều được mẹ hoặc dì Sáu rước. Còn mấy chú kiến kia, có lẽ mẹ mấy chú đang bận tha mồi, và cũng có lẽ giờ nầy mẹ mấy chú đang ngóng trông mấy chú về. Sao con nỡ đạp mấy chú vậy? Nhỡ mấy chú chết, không về được với mẹ thì thật là tội nghiệp! Dù lúc đó con còn rất nhỏ, nhưng con nhớ mãi lời mẹ dạy về sự yêu thương mọi người mọi loài. Dù giờ nầy mẹ đã nghìn trùng xa cách, đã vĩnh viễn thiên thu, nhưng tình thương vô bờ bến, cũng như hình bóng dịu hiền, những lời dạy bảo yêu thương và những vi âm của mẹ vẫn còn văng vẳng trong con trong những đêm trường thao thức với những kỷ niệm về mẹ. Xin mẹ hãy yên tâm! Những lời dạy dỗ ấy đang được con ân cần trao truyền lại cho đàn hậu bối của mẹ đây! Mẹ yêu quý! Mẹ có biết không? Giờ nầy con đã lớn khôn, con đã thực hiện được giấc mơ năm nào của mẹ “Mẹ không muốn sau nầy các con nuôi cháu của mẹ cực khổ như mẹ đã nuôi các con bây giờ.” Sao mẹ chẳng mừng vui vậy mẹ? Sao mẹ chẳng ôm con vào lòng và chẳng nói với con một lời nào hết vậy mẹ? Ngày mẹ con mình gặp nhau lần cuối tại bến đò Long Hồ, mẹ có còn nhớ không? Linh cảm ngày ấy cho con biết có lẽ đó là lần cuối cùng mẹ con mình hội ngộ, nên con bịn rịn, cứ nắm lấy tay mẹ, không muốn mẹ bước xuống đò. Mẹ đã nhắn nhủ với con là đừng núm níu chi mẹ, mà hãy ráng lo cho tương lai các cháu của mẹ được rạng rỡ hơn. Rồi Mẹ nghẹn ngào: “Dầu Má biết họ không cho con một chỗ đứng nào trong xã hội nầy, dầu má vẫn biết nơi nầy con không có đất sống, nhưng má cũng đứt từng đoạn ruột để con phải ra đi xa má. Như con thấy đó, sau những năm tháng gia đình mình phải vật lộn với cuộc sống trong xã hội mới, Má không còn có gì để cho con phòng thân nơi xứ lạ quê người ngoài tấm lòng của Má.” 
Mẹ ơi! Thân thể Mẹ có khô gầy và cạn kiệt đi vì sức tàn phá của thời gian và những nghiệt ngả của dòng đời, nhưng tình thương của mẹ cho con lúc nào cũng tươi mát và tràn đầy. Mẹ ơi! Ngày ấy con chỉ ngậm ngùi ra đi chứ không biết phải làm sao hơn là “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời. Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.” Mẹ ơi! Dầu biết ngôn ngữ loài người hạn hẹp và ý tưởng của con thì nông cạn, nhưng con vẫn muốn nói, vẫn muốn viết. Khi không viết được thành chính lời của mình thì ngâm nga lời của người để khỏa lấp đi phần nào nỗi niềm “Nhớ Mẹ Ta Xưa” của chính mình. 
Mẹ ơi! Bây giờ và mãi mãi, mỗi khi nghe đến bài “Bông Hồng Cài Áo”, thì con cảm như mẹ đang rất gần với con và niềm yêu thương mẹ lại dạt dào trong con: “Nếu mai nầy mẹ hiền có mất đi Như đóa hoa không mặt trời Như trẻ thơ không nụ cười... Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm Như bầu trời thiếu ánh sao đêm Mẹ, mẹ là dòng suối diệu hiền Mẹ là bài hát thần tiên Là bóng mát trên cao Là ánh sáng trăng sao Mẹ là lọn mía ngọt ngào Mẹ, mẹ là nải chuối, buồng cau Là tiếng dế thâu đêm Là nắng ấm nương dâu Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...” 
Phải rồi mẹ ơi! Mẹ là mặt trời, mẹ là nụ cười, mẹ là những ánh sao đêm cho bầu trời, mẹ là dòng suối diệu hiền, là bài hát thần tiên, là bóng mát, là ánh đuốc soi đường khi con lạc lối, mẹ là lọn mía, là nải chuối, là buồng cau, là nắng ấm, là tất cả vốn liếng yêu thương mà con đang dành cho đời. Không có mẹ thì vũ trụ nầy cũng bằng thừa, chứ đừng nói chi sự mồ côi nhỏ nhoi của con! Phải rồi! Mẹ là suối nguồn yêu thương sâu thẳm nồng nàn nhất của đời tôi. 
Mẹ là dòng sữa ngọt ngào mà tôi đã được dưỡng nuôi và tắm mát trong cuộc đời đầy chông gai bão táp nầy. Đó là chưa kể vì chồng vì mà con mẹ sẳn sàng gây tội tạo nghiệp. Đây là một trong những công đức lớn nhất mà một chúng sanh có thể làm được. Theo Đức Phật, dầu chúng ta có vạn kiếp cõng cha cõng mẹ trên hai vai đi giáp vòng hòn núi Tu Di cũng không sao đền trả được thâm ân một cách xứng đáng. Chính vì vậy mà đối với những người con hiếu thảo, dù có làm gì cho cha mẹ cũng cảm thấy như mình vẫn chưa bày tỏ hết nỗi lòng của chính mình về mẹ về cha, mà thật vậy, làm sao chúng ta có thể trải hết lòng mình rộng ra như vũ trụ được hỡ quý vị? Quả đúng như vậy, từ tâm hồn cho đến thể xác của tôi có được bây giờ đều do mẹ ban cho. 
Cho dầu tôi có đem hết những công đức mà mình đã kết tập được trong vạn kiếp để đền bù phần nào cho tội nghiệp mà mẹ đã vì tôi mà gây tạo cũng chưa được gọi là xứng đáng. Chính vì vậy mà khi mẹ mất, dầu lúc ấy tuổi đời tôi đã bốn mươi, tôi vẫn cảm thấy như hụt hẫng và mất mát quá lớn lao. Nhưng khi chợt ngộ ra thì mẹ vẫn còn đây trong tôi chứ mẹ có mất đi đâu. Mẹ vẫn bàng bạc trong tôi trong từng hơi thở, trong từng bước tôi đi, và mỗi khi tôi làm điều gì đó, dầu tốt hay không tốt, tôi đều nghe như đâu đó tiếng mẹ khuyến tấn hay nhắn nhủ. Nhất là mỗi khi tôi làm việc gì đó chưa tốt là tôi cảm nhận ngay như rằng là mẹ đang không vui, nên lòng tôi như cứ đang len lõi một nỗi buồn vô hạn. Mẹ ơi! Trên đời nầy có vô số gương hạnh lành của chư vị Bồ Tát, nhưng có lẽ Bồ Tát “Mẹ” là vị Bồ Tát có tấm lòng thương con vô bờ vô bến mà con đã từng chứng kiến. Mẹ chính là vị Bồ Tát thị hiện giữa cuộc đời đầy phong ba bão tố. Bồ Tát “Mẹ” đã thị hiện tần tảo trong vô lượng kiếp chỉ biết ban cho mà không hề đặt ra bất cứ điều kiện gì nơi con cái. Con cái có ngoan có giỏi thì mẹ mừng mừng thương thương; ngược lại, con cái hư hỏng thì mẹ lại càng thương càng lo nhiều hơn. 

Mẹ ơi! Trong tất cả các vị Bồ Tát, thì Bồ Tát “Mẹ” luôn giữ một vị trí thiêng liêng và cao tuyệt nhất. Mẹ ơi! Giờ nầy thì tương lai các cháu của mẹ đã được rạng rỡ hơn rồi đó! Sao mẹ lại vội vã ra đi mà không đòi hỏi gì hết vậy mẹ? Mẹ đã đến vì các con, đã ban cho các con tất cả những gì mẹ có, rồi mẹ lặng lẽ ra đi. Vì quá khổ cực nên tuổi chưa quá thất tuần, mẹ đã vĩnh viễn lìa bỏ các con. Mẹ đã ra đi không đòi hỏi. Mẹ ơi sao dòng đời cay nghiệt quá hở mẹ? Ngày mẹ ra đi vĩnh viễn mà con cũng không về được để nhìn lại mẹ lần sau cuối, để nói với mẹ một lời giả biệt. Con biết khi cơn gió vô thường thổi đến là ngày mà Mẹ phải ra đi. Mẹ ơi! Bao năm tháng mẹ dõi theo từng bước chân con đi. Bao năm tháng mẹ mòn mỏi đợi con về để nhìn thấy con lần sau chót, để được trăn trối với con một lời, nhưng gió vô thường cứ vẫn thổi và mẹ vẫn phải ra đi để lại không biết bao nhiêu là nuối tiếc khôn nguôi trong lòng con của mẹ. Mẹ ơi! Giờ có chăng chỉ gặp mẹ trong mơ. 
Mẹ ơi! Thật tình mà nói, nếu xét cho cùng ra con cảm thấy hỗ thẹn ngay cả với loài quạ đen hiếu thảo, mà người Trung Hoa họ gọi là loài chim Từ Ô (loài chim đen hiếu thảo). Nghĩ đến sự hiếu thảo của loài quạ đen, ngay cả loài người cũng chưa chắc đã sánh kịp. Sau khi cha mẹ chúng đã tập tành cho chúng bay nhảy thành thạo là ngày ngày chúng đi kiếm mồi về nuôi cha mẹ lúc già yếu, không còn đi kiếm ăn được nữa, và chúng tiếp tục phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi cha mẹ chúng qua đời. Quả là tấm gương hiếu thảo làm chạnh lòng người hiếu tử mỗi khi nghĩ đến “cha mẹ ta xưa”. 
Là người con Phật, tôi không tin ở định mệnh; tuy nhiên, tôi vẫn thấy một cái gì ấy hơi quá khắc khe và quái ác với tôi. Mùa xuân của tôi qua nhanh quá, mới hôm nào đây, mà hôm nay tất cả đã thành dĩ vãng, đã trở thành tâm sự và kỷ niệm cho một kẻ tha hương với biết bao nhiêu cai nghiệt. Ôi quê hương bên kia bờ đại dương, quê hương xa vời đã cuộn lấy thân mẹ cha kính yêu. Ba mẹ ơi! Con đã không và sẽ không bao giờ có được cái diễm phúc cạnh kề và phụng dưỡng cha mẹ nữa rồi. 

Mẹ ơi! Con vẫn biết người tu theo Phật là phải tinh chuyên hành trì cho đến rốt ráo để cửu huyền thất tổ được siêu thăng, nhưng lòng con vẫn bùi ngùi nhớ lại câu nói của thầy Tử Lộ năm xưa: “Tử dục dưỡng, nhi thân bất tại.” Hoàn cảnh của con bây giờ có khác chi hoàn cảnh của Thầy Tử Lộ năm xưa đâu? Hồi còn hàn vi cơ cực thì có cha có mẹ, nay đã nên người, muốn nuôi dưỡng cha mẹ thì cả cha lẫn mẹ đều không còn. Thương thay cha mẹ sanh ta ra cực nhọc, chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, dưỡng dục ta, mớm cho ta từ những giọt sửa đầu đời. Lựa chỗ ướt nằm, nhường chỗ cao ráo cho con; ăn thì ăn thừa ăn cặn, nhường cái nguyên vẹn ngon hảo cho con. 
Cha mẹ đã nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi, thậm chí bịnh mà không dám thuốc thang để dành tiền nuôi cho con khôn lớn. Lo cho con ăn học, mua quần áo lành lặn cho con, trong khi mình thì rách rưới. Đi làm đầu tắt mặt tối, buôn gánh bán bưng, nhịn cay nuốt đắng. Những lúc con trở bịnh, mẹ lặn lội trong mưa một mình đi tìm thang thuốc cho con. Những lúc chập chờn trong cơn mê sốt, con vẫn thấy mẹ luôn túc trực bên giường với đôi mắt đầy lo âu. Mẹ chính là nguồn suối, nguồn năng lực trong đời con. Chính vì vậy mà Đức Phật đã dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn chữ hiếu; điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu.” Hình hài nầy, khối óc nầy, tất cả những gì mà ta có được là của ai? Nếu không có những đấng sanh thành ấy? Đừng biện luận thế nầy thế nọ, mà hãy tự hỏi lại lòng ta một cách chân thật là ta đã làm được những gì để đền đáp lại phần nào công ơn ấy, cho dù có hết lòng phụng dưỡng đi nữa, cũng có lúc ta vẫn cảm thấy chưa được chu toàn, cũng có lúc ta cảm thấy ân hận. Thế mà nhìn lại trên cái xứ sở văn minh vật chất nầy, con càng bùi ngùi hơn. 
Có những người còn cha còn mẹ đó, mà phòng để trống chứ cha mẹ phải đi ăn nhờ ở đậu, vất va vất vưởng, hoặc phải gửi thân già vào dưỡng lão viện. Có khi nào họ hồi tưởng lại thân nầy có được là nhờ ai? Những người từng ẩm bồng chúng ta, luôn túc trực bên ta những lúc ta ấm đầu nóng lạnh, năm canh chầy thức đủ năm canh, không bao giờ kể lể than trách và cũng không bao giờ mong mỏi bất cứ sự đền đáp nào, chỉ mong sao cho con được thành nhân chi mỹ. Đến lúc ta lớn lên, có gia đình đi nữa nhưng những bà mẹ hiền vẫn tiếp tục lo lắng từ cái đi, cái ở. Con đi xa nhà một chút là mỗi đêm mỗi gọi điện thoại, xem coi con đã về chưa, con có khỏe không, con đã ăn chưa... 
Hôm nào gọi không gặp con là lòng bấn loạn, là đêm đó không chợp mắt được. Thế mà đến khi trở về già, tay run mắt mờ, chân đi không còn vững nữa, lại phải sống cô quạnh trong nhà dưỡng lão cho đến hết cuộc đời. Quả tình văn minh vật chất mang đến cuộc sống đầy đủ phương tiện đâu chưa thấy, chỉ thấy con người phải còng lưng vì nó, chỉ thấy nó cướp mất tất cả những gì cao quí nhất của con người. Mẹ đã đi vào thiên thu thật rồi, nhưng làm sao con quên được những kỷ niệm và hình ảnh mẹ? Giờ này nơi đất khách quê người con mới thấm thía với nỗi lòng của kẻ xa quê, mà mỗi chiều ra sân sau là mỗi chiều con mang tâm trạng của kẻ: “Chiều chiều ra đứng ngỏ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Dẫu biết rằng lời Phật dạy trong kinh Niết Bàn là các pháp đều vô thường, tình thương phụ mẫu rồi cũng sẽ đến hồi chia xa, ly biệt, nhưng lòng con vẫn thỉnh thoảng liệm đi mỗi khi nghĩ đến niềm đau mất mẹ. Dẫu biết rằng mẹ con mình đã ngàn thu vĩnh biệt, nhưng sao lòng con vẫn thấy nhói lên một niềm đau nỗi nhớ của một kẻ vừa xa quê vừa mất mẹ trong bơ vơ lạc lỏng. 


Hôm nay (tháng 2 năm 2016) là ngày giỗ lần thứ 26 của Mẹ, nhưng trên thực tế con đã sống xa Mẹ từ gần 50 năm qua. Hai mươi sáu năm hay 50 năm không là gì với không gian vô biên, vũ trụ vô tận và thời gian vô cùng nầy, nhưng với một đời người với nỗi niềm xa mẹ rồi mất mẹ thì quả là một khoảng thời gian quá dài. Mẹ đã đưa con vào đời tại một ngôi làng nhỏ bé của miền Nam nước Việt, làng Long Hồ, rồi từ Long Hồ con đã lớn lên thành người, con đã phiêu bạt hầu hết các miền đất thân yêu của tổ quốc, từ Quảng Trị đến Cà Mau. Rồi cơn hồng thủy 75 đã cuốn xoáy con cũng như hàng vạn thanh niên khác vào vòng tay khắc nghiệt của người anh em phía bên kia. Tám năm tù khổ sai cho tội danh yêu nước. Mẹ ơi! Vận nước nổi trôi đã xô đẩy con ngày càng trôi xa khỏi vòng tay của Mẹ. Giờ lưu lạc viễn phương hơn nửa vòng trái đất. Dầu con đã nhận nơi nầy làm chỗ dung thân trên 30 năm nay, nhưng sao từ cảnh vật đến con người đều xa lạ với con. 
Mẹ ơi! Con nước ròng nước lớn ngày nào dưới chân Cầu Lầu bên dòng sông Long Hồ sao cứ chập chờn và chập chờn mãi bên con? Ngày ấy mỗi lần qua cầu nhìn xuống dòng sông, con luôn tự hỏi: “Rồi con nước nầy sẽ trôi về đâu nhỉ?” Mẹ ơi! Giờ con phải trôi xa vạn dặm làm thân viễn xứ khác nào con nước sông Cầu Lầu ngày nào, cứ trôi đi và trôi đi mãi. Phải rồi mẹ ơi! Con không thể nào quên được dòng sông Cầu Lầu vì nó gợi lại cho con quá nhiều kỷ niệm về mẹ. 
Hình ảnh một bà mẹ còm cõi ngồi ngủ gục bên gánh cháo trong buổi chợ chiều, hình ảnh mẹ ngày hai buổi sáng tối với đôi vai trĩu nặng gánh hàng rong đi ngang qua chiếc cầu nầy. Nay dầu tiếng “Mẹ” như xa xôi, như nghẹn ngào, như chiêm bao trong con, như chẳng bao giờ còn được gọi nữa. Nay dầu đã bốn, năm mươi năm trôi qua nhưng những hình ảnh ấy vẫn còn rõ từng nét chấm phá trong con. Mẹ yêu quý! Giờ thì con đã không còn mẹ nữa rồi ! Xác thân mẹ đã vùi sâu trong lòng đất quê hương. Sau hơn hai mươi năm xa xứ, khi trở về đây chỉ còn thấy lại hai nấm mồ hoang lạnh. Mẹ ơi! Thân tứ đại Mẹ đã trả về cho tứ đại. 
Đối với người khác thì đây là nấm mồ hoang lạnh, nhưng với con nấm mồ ấy vẫn có hồn và vẫn sinh động như hồi nào Mẹ vẫn còn sanh tiền. Con vẫn còn nhìn thấy qua nấm mồ hoang lạnh ấy dòng sữa đã nuôi con lớn lên thành người, vòng tay âu yếm ngày nào Mẹ đã bồng bế con, những giọt nước mắt đã đổ rớt xuống thân con những khi con đau ốm, những lời dỗ dành an ủi, dạy dỗ, khuyên lơn, cũng như những câu nói ngọt ngào và dịu dàng của Mẹ. Mẹ ơi! Bên dưới nấm mồ ấy đã từng hiện hữu một vị “Bồ Tát Mẹ” thật to lớn, thật vĩ đại. Mẹ ơi! Cái tình cha nghĩa mẹ bao la như trời biển cũng không níu kéo được con. Một đời còm cõi hy sinh của mẹ cũng không níu kéo được con. 
Quê con hiền hòa với ruộng vườn, cây trái và nước ngọt quanh năm cũng không níu kéo được con. Con đã và đang đi tìm cái gì đây hở mẹ? Mẹ ơi ! Bây giờ có nói gì đi nữa thì mẹ cũng không còn. Nói chỉ để tự chữa, nói cũng bằng thừa. Nhưng mẹ ơi! Mẹ có biết không ? Mẹ chính là chỗ trở về duy nhứt của con, nhưng giờ nầy con còn chỗ nào nữa để trở về hở mẹ ? Mẹ là hình ảnh đầu đời đưa con vào đời khôn lớn, và mẹ cũng chính là hình ảnh cuối đời để con luyến tiếc khôn nguôi. Mẹ ơi! Giờ nầy tất cả đã là dĩ vãng, còn có chăng là những kỷ niệm của tuổi ấu thơ đang cấu nhẹ vào hồn con như những hành trang của mẹ cho con tiếp tục đi vào đời. Mẹ yêu quý! Xin mẹ hãy yên tâm! Dù rằng mẹ con mình đã nghìn thu cách biệt, nhưng mẹ vẫn miên viễn trong con suốt cả cuộc đời. Từng bước chân con đi, từng tuổi đời con qua, mẹ vẫn theo con. Mẹ vẫn đến với con trong mọi tình huống, phải không mẹ? Mẹ ơi! Trong nỗi buồn tha phương, con trầm tư về Mẹ với tất cả tiếng lòng người hiếu tử. 

Mẹ ơi! Trong niềm đau lưu lạc nơi xứ người, đêm nay con dõi mắt nhìn về quê hương với tất cả những hoài niệm về Mẹ. Mẹ là tất cả. Mẹ đã trao cho con cả cuộc đời, cuộc đời thật ý nghĩa và đáng sống. Mẹ đã chắp cho con đôi cánh tuyệt vời và tuyệt đẹp để con bay về vùng tương lai sáng rực. Dù cuộc sống thực có giông bão thế mấy, con nguyện sẽ tiếp nối truyền thống ấy, con sẽ ân cần trao lại cho các cháu của mẹ những gì mẹ đã trao cho con. Và con sẽ nhớ mãi lòng hy sinh tận tụy bao la vô bờ vô bến của mẹ cho đến khi con nhắm mắt lìa trần

 Người Long Hồ

Nắng Gió Xuân Và Tình Yêu - Phạm Anh Dũng- Bảo Yến & Khải Ca


Nhạc: Phạm Anh Dũng
Tiếng Hát:Bảo Yến & Khải Ca  
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Tứ Tuyệt Đầu Năm



(1)
Xuân Về


Êm ái xuân về một sớm mai
Mai đào cười cợt gió lay lay.
Nắng vàng nhảy múa trên cành lá
Ríu rít chim trời mây trắng bay.

(2)
Mưa Xuân

Hiên ngoài buổi sáng lạnh heo may
Liên tiếp mưa xuân suốt mấy ngày.
Ướt cánh hoa đào tơi tả rụng,
Tách trà nghi ngút khói hương ngây!

(3)
Hành Hương

Mỗi năm tôi thích chuyến hành hương
Võn vẹn một ngày thật dễ thương.
Ngoạn cảnh nhìn người cho đỡ nhớ
Quê hương biền biệt, Tết tha phương!

(4)
Mắt Xưa

Người xưa năm ấy chuyến hành hương
Đôi mắt huyền trong đẹp lạ thường.
Thắm thoát thời gian nay gặp lại
Má hồng nhợt nhạt nét sầu vương 

(5)
Chùa Nghèo

Tôi thương nho nhỏ mái chùa nghèo,
Chánh điện lờ mờ khách vắng teo.
Tượng Phật mun đen làn khói tỏa
Sư già lần hạt nét xanh xao.

(6)
Sơn Tự

Lắng lòng, chầm chậm gót hành hương,
Bóng ngã chiều buông khúc khuỷu đường.
Trước mặt gập ghềnh sơn đạo nhỏ
Sau lưng hiu hắt ánh tà dương.

(7)
Lên Cao

Lên cao dõi mắt cảnh bao la
Đậm nhạt rừng hoang dưới nắng tà.
Bé nhỏ thân nầy như hạt cát
Mà hồn bay bổng tận trời xa.

(8)
Tĩnh Lặng

Tần ngần ngắm mãi cảnh chiều buông
Văng vẳng ê-a niệm Phật đường.
Tĩnh lặng tâm tư lòng đã rõ
Trần gian huyễn mộng cõi vô thường.

(9)
Già

Đã già, già thật , đã già rồi!
Thở dốc leo lầu xin chịu thôi.
Lên bus, xuống xe em cứ nhắc
Coi chừng vấp té đấy mình ơi!

(10)
Hết Tết

Bỗng thấy buồn buồn Tết đã qua
Chút gì vương víu lén hồn ta.
Một năm một tuổi da nhăn nhíu,
Thấm thía bâng khuâng chấp nhận già!

Mailoc
( Kỷ niệm chuyến hành hương Xuân Đinh Dậu 2017 )
***
Bài Họa:Tứ Tuyệt Đầu Năm  

1) Xuân Về
Nắng Xuân ấm áp buổi ban mai,
Chim chóc chuyền cây nhánh lá lay.
Đại đóa cúc vàng đang nở rộ,
Cành mai búp nụ đã tàn bay.


2) Mưa Xuân
Liên tiếp chiều mưa bông cỏ may,
Giọt Xuân lác đác suốt bao ngày.
Hoa tàn gặp gió liền rơi rụng,
Nhấp chén trà thơm thấy ngất ngây !


3) Hành Hương
Cao niên thiếu bạn nhớ mùi hương,
Tri kỷ lâu năm rất mến thương.
Bao chuyến xe chùa đi vãng cảnh,
Buồn vui kỷ niệm ở Tây phương.


4) Mắt Xưa
Đôi mắt hớp hồn phảng phất hương,
Nhìn ai đắm đuối há xem thường.
Bâng khuâng nhớ mãi mà chưa gặp,
Canh cánh bên lòng vẫn vấn vương.


5) Chùa Nghèo

Nho nhỏ ngôi chùa có vẻ nghèo,
Đại hùng bửu điện vắng buồn teo.
Lờ mờ tượng Phật lư nhang khói,
Hồ rộng sân sau sóng nước xao.

6)Sơn Tự
Bước chậm du Xuân thấy ngát hương,
Dừng chân, thắng cảnh, khúc quanh đường.
Chiều buông xế bóng qua con dốc,
Sơn Tự đây rồi chói ánh dương.


7) Lên Cao

Hùng vĩ núi non khỉ vượn la,
Hoang vu cỏ dại nắng chiều tà.
Vô thường trộm nghĩ mình như cát,
Bay bổng chơi vơi tới cõi xa.


8) Tĩnh Lặng
Chuông vọng ngân vang hỉ, xả buông,
Câu kinh tiếng kệ Phật gia đường.
Lắng lòng tĩnh lặng ta hồi hướng,
Học Đạo từ bi sắc lạ thường.


9) Già...
Từng trãi, sống lâu, tuổi thọ rồi,
Chồn chân gối mỏi cũng đành thôi.
Mau quên lẩm cẩm người thương nhắc,
Cẩn thận xuống xe bố nó ơi!


10) Hết Tết
Ngày vui khách khứa Tết mau qua,

Lụm cụm niềm riêng xót dạ ta.
Toc bạc da mồi thôi níu kéo,
Hồi Xuân mấy chốc tủi thân ... già!


Mai Xuân Thanh
Ngày 08 tháng 02 năm 2017

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Thơ Tranh: Tình Xuân


Thơ: Ngọc Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chạnh Lòng



Bài Thơ Xướng:
Chạnh lòng


Thế là Tết nhất đã trôi qua
Ta lại nhận thêm một tuổi già
Nhác thấy bề ngoài không biến đổi
Mà xem khí chất chút phôi pha
Như tuồng mệt mỏi khi lên dốc
Và tựa lo âu lúc giảm đà
Tự nhủ Vô Thường, đời vẫn thế
Sao còn thỉnh thoảng mắt hoen nhòa?

Phương Hà
( Mồng 6 Tết Đinh Đậu 2017 )

***
Các Bài Thơ Hoạ
Bệnh Già


Tha phương lữ thứ Tết mau qua,
Người Việt Nam cao tuổi chóng già.
Bảy mấy xuân rồi chân gối mỏi,
Trung niên tráng kiện tóc sương pha.
Nghỉ hưu, bệnh tật e chờ sẵn,
Chống gậy đau lưng sợ mất đà.
Sống gởi thác về như cát bụi,
Chạnh lòng...rơi lệ mắt trông nhòa!

Mai Xuân Thanh
Mùng 6 Tết năm Đinh Dậu
***
1/Ưu Tư


Ừ nhỉ! Thế là Tết đã qua!
Xuân thì vẫn vậy,chỉ ta già
Sáng ra,gân cốt xem chừng mỏi
Chiều lại, tay chân thấy quá đà
Mới ngó,xác thân tuồng vững chai
mà nhìn,da tóc muối sương pha
Vô thường vẫn biết đời như thế
Sao vẫn ưu tư mắt lệ nhoà!

2/Ưu Tư

Sao vẫn ưu tư mắt lệ nhòa !
Muốn lòng thanh thản mỗi ngày qua
Vô tư,hỉ xã không thù hận
Tha thứ,cảm thông việc chánh tà
Kiếp sống vô thường như cát bụi
Cuộc đời ngọt nhạt nước đường pha
Nhủ mình ! Xuân mãi là như thế!
Chỉ có thân ta mới phải già

Song Quang
Mùng 7 Tết Đinh Dậu
2/3/2017

***
An Vui


Tết đến để rồi tết lại qua
Dù không thêm tuổi cũng đang già
Hơi đâu lo nghĩ đầu thêm bạc
Cứ thế vô tư mặc muối pha
Tản sáng vài quyền cho khoẻ khoắn
Xế chiều ít cốc đủ la đà
Vườn Thơ năng viếng đời thêm thú
Chớ để niềm vui phải nhạt nhoà.

Chớ để niềm vui phải nhạt nhoà
Dẫu đời giờ đã tóc sương pha
Thôi đừng nuối tiếc thời xuân sắc
Xin hãy lạc quan lúc xế tà
Bệnh lão trần gian ai cũng vướng
Tử sinh kiếp số mấy người qua
Tuổi đời được mấy thì vui mấy
Sầu não già kia lại chóng già.

Quên Đi
***
Chạnh lòng


Có đến vui cùng sẽ có qua
Ưu tư ý tưởng tuổi đang già
Xuân tình lặng lẽ còn vương cảm
Khát vọng âm thầm khó chuyển pha
Mõi gối ôm hờn sương nhuộm tóc
Rùn vai giận lẫy thế buông đà
Nhân sinh ký gửi thời vô định
Số phận-căn duyên chẳng xóa nhòa!

Mai Thắng
170203

***
Chạnh Lòng


Thế rồi mọi sự cũng vèo qua
Mới đó mà nay thuộc lớp gìa
Nhìn lại cái thân no,đói hiện
Ngó theo vận nước đục,trong pha
Làm sao thắng được mơ đo sức
Chẳng thể hơn đâu bảo lấy đà
Cuộc sống dài lâu càng trắc ẩn
Niềm đau từ đó khó bôi nhòa.

Thái Huy

***
Tự An


Tết dẫu vui buồn cũng chóng qua
Hơi đâu lo lắng trẻ hay già
Có khi xuân đến vui mà khóc
Cũng lúc hạ về khổ mãi pha
Hạc trắng lưng trời tâm tự tại
Ong vàng ngọn cỏ bóng la đà
Trần gian chẳng phải nơi hằng sống
Được mất hơn thua cứ để nhòa.

Cao Linh Tử
5/2/2017
***
Vẫn Còn Xuân

Chồng chất tuổi đời lặng lẽ qua
Soi gương ừ nhỉ cũng hơi già
Từ xa đất mẹ còn xuân sắc
Lần lựa xứ người nhuốm tuyết pha
Ngọn nến lụn tim còn ấm áp
Tàng cây trơ góc vẫn la đà
Rằng đây tóc trắng nhưng ta vẫn
Một tấm lòng son chẳng nhạt nhòa

Kim Phượng

Trên Đường Đến Bandong-Savannakhet



Trâu bầy nhai cỏ bên sườn núi
nhà có chân cao nhóm lửa chiều
hàng tre bóng lã gầy như liễu
thị trấn “ Phin “ nằm xiêu nắng xiêu

Rạ đồng khô xác thân gầy guộc
chen giữa rừng thưa gỗ “ teak “ nằm
những bóng cao su trầm mặc thở
nghe nhớ ai về mỗi tháng giêng ?

Rừng đứng vang vang gọi sắc buồn
bạch đàn họp mặt dưới khe truông
không ai hiểu được mây chùng áo
để thấy hoàng hôn xuống Bảndong…

Lâm Hảo Dũng
(PTT)
Ảnh: Trên đường đến Bandong-Savan-Lào
Savan-Nov 17/16

Đất!...



Đất vĩ đại! Nghĩa tình đằm thắm
Đất khoan dung chịu đắng nuốt cay
Đất dầy dưỡng dục đêm ngày
Nhân sinh, vạn vật mới hay vẹn toàn.
***

Đất Mẹ quê Cha vốn là nhà
Đất mãi trường sinh dưỡng thân ta
Tình thâm nghĩa đậm trong trời đất
Hương quê còn níu bước bôn ba

Đất nơi đồng ruộng, đất phù sa
Lúa tốt hoa màu đẹp kiêu sa
Cỏ non mơn mởm xanh đồi núi
Dưới nắng ban mai ấm mặn mà

Đất nhẫn vô cùng, đất hiền khô
Mặc ai đào xới vẫn làm ngơ
Bao dung đất chịu nhiều cay đắng
Im lìm đất nhận sạch cùng dơ

Đất mềm, đất nhão thuận duyên cơ
Kiến tác hình hài vạn kiểu mơ
Phục vụ nhân sinh không phiền trách
Đất thành vững chắc dựng lên bờ

Đất là cát bụi, nắm huyền cơ
Thổ công điền trạch được tôn thờ
Phúc lộc Thổ Thần ban Công chủ
Vinh hoa phú qúy hưởng vô bờ

Từ đất sinh cơ, nghiệp dĩ mà
Vận mệnh kiếp đời trải can qua
Số phận ngắn dài vô thường kết
Khi về với đất! Đất ôm Ta!...

Viết…
Nguyên Khang

Em Còn Nhớ Mùa Xuân: Nhạc Ngô Thụy Miên - Tiếng hát Sĩ Phú.

Lời Giới Thiệu: Trích đăng: Báo Người Việt Tây Bắc
Ðây là đoạn đầu và đoạn cuối trích trong bài thơ của một chàng trẻ tuổi bị kẹt lại Việt Nam sau biến cố 1975 gửi cho người yêu của chàng đã qua được bến bờ tự do, và lúc bấy giờ đang định cư ở California. Nếu chàng trẻ tuổi chỉ là một người bình thường thì chắc chắn bài thơ này chỉ có một người được đọc là cô bạn gái của chàng. Và theo thời gian, có thể bài thơ sẽ chìm trong quên lãng. Nhưng, chàng lại là một nhạc sĩ tài hoa, nên bài thơ đó chàng đã phổ thành nhạc. Ít lâu sau, mọi người được biết đến bài thơ dưới hình thức lời của một bản tình ca có tên là "Em Còn Nhớ Mùa Xuân".


Nhạc Ngô Thụy Miên 
Tiếng hát Sĩ Phú
Trình Bày: Trần Ngọc

Rằm Tháng Giêng Đinh Dậu


Cứ mỗi đầu năm rằm tháng giêng, xem như rằm lớn trong 3 rằm lớn, tháng giêng, tháng bảy, tháng mười. theo thông lệ gia đình từ thời nội tôi còn sanh tiền đến tôi, năm nay tôi ngoài bảy mươi, vẫn cúng nhà trước khi con gái nó đi chùa, con gái mua sắm các thức cúng, tự tay làm thức ăn trên trước dâng lên đức Phật, sau cúng ông bà quá vãng, nguyện cầu cha mẹ còn hiện tiền được nhiều phước lộc tinh tấn tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả. Vẫn giữ niềm tin này từ khi tôi chưa lập gia đình tôi vẫn cúng vái trong lễ lộc truyền thừa từ xưa của ông bà.

Tôi thắp hương vái lạy, mở mạng, mở kinh tụng do thầy Thích Trí Thoát tụng kinh đại bi, tôi ra ngoài cửa ngồi nghe kinh man mác, ngoài đường xe lớn, xe nhỏ, xe gắn máy, ngược xuôi người đi cúng chùa, xen lẫn trong dòng người áo quần đẹp đẽ, những chiếc xe đạp của người bán vé số chậm chạp chạy tìm sinh kế trong mỗi tập vé số trên tay, cũng như tôi ba bốn chục năm trước cũng lăn lóc nhiều nghề mà vẫn không đủ lót dạ, đôi khi phải ở mướn chỉ ăn cơm thôi, rồi dòng sống vẫn trôi chảy, bao nhiêu là tân khổ, từ đó đến nay ngẩm lại, hóa ra tôi vẫn đủ không thiếu cũng không thừa.

Rằm giêng này, nguyện được ơn trên dân tộc tôi, cũng như gia đình tôi, làng xóm tôi được sáng tâm tùy hỉ, bao dong, từ bi bác ái, trong dòng độ lượng của nhân sinh.




Trương Văn Phú


Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Thơ Tranh: Gặp Em


Thơ: Bằng Bùi Nguyên
Thơ Tranh: Kim Oanh


Trăng Nguyên Tiêu


Cùng hơi lạnh giá thân yêu
Đón vầng trăng nhạt Nguyên Tiêu xứ người.


Mù mờ bóng nguyệt Nguyên Tiêu
Rừng cây trụi lá liêu xiêu dáng sầu
Lạc loài nửa kiếp bạc đầu
Giật mình ngơ ngác canh thâu đêm dài.
Thắm đòn vật lộn trần ai
Giả vờ vui với tháng ngày tặng thêm

Anh Tú
February 10, 2017

Nguyên Tiêu Nhắn Bạn


Nguyên Tiêu Nhắn Bạn

“Trắc bằng nhất vận”

Vén mây trăng xuống cõi ta bà

Dạo ngõ nguyên tiêu ngợp nõn nà
Xúng xính huênh hoang cùng trí giả
Xuềnh xoàng quảng bác với văn gia
Có còn đằm thắm cầm nho nhã
Hay đã vênh vang nắm điệu đà
Bạn hỡi bút vờn nơi khó tả
Thì nên chuẩn mực chớ cho là

Như Thị
***
Đối Ẫm Đêm Nguyên Tiêu  

“Trắc bằng nhất vận”

Đối ẩm đêm nay, lão với bà

Như ngày xưa ấy, khác chi nà!
Ánh trăng vằng vặc xuyên cành lá
Ngọn gió xạc xào qua nóc gia
Chàng dẫu không còn phong với nhã
Nàng dù cũng hết điệu và đà
Nụ cười, ánh mắt sao vui lạ
Trong áo quần thô chẳng lụa là.

Sông Thu
***
Cảnh Vắng Bà

“Bát vĩ đồng vận”

Bởi cháu nên ông phải vắng bà

Đầu hôm, sáng sớm có ai nà ?
Qua ngày mớ sách vùi cư xá
Đến bữa tô mì đãi lão gia
Muối lộn cùng rau thèm mãi cá
Mèo chung với chủ đói theo đà
Lòng luôn tự hỏi sao lâu quá
Cái cảnh “ly thân” rõ khổ là…

Nguyễn Gia Khanh
* Ảnh của Như Thị Lê Đăng Mành

Trăng



Hôm nay trăng lại trở về
Mà em không thấy trăng kề bên em
Trăng vằng vặc sáng ngoài hiên
Như từ vô luợng còn nguyên trăng vàng
Ruỗi dong tìm kiếm lang thang
Nổi chìm, chìm nổi qua ngàn bể dâu
Trầm luân kiếp kiếp vì đâu
Ngọn đèn tuệ giác nhiệm mầu thế gian
Ngón tay chỉ lối trăng vàng
Về đây một cõi bình an vĩnh hằng

Rằm tháng giêng 2017
Khánh Hà

Mùi Hương Vị Tết Chưa Tan



Những ngày Tết đã qua sao?
Cõi lòng còn đọng ngọt ngào dư âm
Tiếng ca tiếng nhạc bổng trầm
Mang mùa xuân đến lâng lâng gió lùa

Làn môi còn đỏ hạt dưa
Ly bia mừng chúc như vừa sùi tăm
Bên tai câu chúc ân cần
Còn đưa những tiếng chim ngân rộn ràng

Tiếng gà mừng sáng gáy vang
Mừng Đinh Dậu đến hân hoan tiếng cười
Mùa xuân hoa thắm đôi nơi
Con đường vẫn ngóng chờ người phương xa

Cúc đào nghiêng cánh nõn nà
Tết chừng còn đó chưa qua vội vàng
Mùi hương vị Tết chưa tan
Ngày xuân ấm áp dịu dàng còn đây

Nhớ bàn tay siết bàn tay
Mến thương ánh mắt trao ngày Tết vui
Câu thơ chúc phúc cho đời
Xin làm giọt nắng hồng rơi nhẹ nhàng

Trầm Vân 


Tết Đến



Tết đến nhớ về Cần thơ
Quê hương tôi đó bên bờ đại dương
Ba và bà con thân thương
Cùng nhau họp mặt cúng dường tổ tiên...

Tết đến nhớ ánh trăng hiền
Nụ cười sáng đẹp bình yên đêm rằm
Xuân về gió bấc lạnh câm
Mẹ thường tráng bánh tặng thăm họ hàng...

Tết đến nhớ con đường làng
Bên hông lúa trổ ngập vàng lối đi
Trường vừa tổng kết học kỳ
Thầy trò vui hát mừng vì tất niên ...

Tết đến nhớ lì xì tiền
Bầu cua cá cọp chơi liền lấy hên
Mai đào, đối đỏ hai bên
Trang hoàng lộng lẫy nhà trên mọi bề ...

Tết đến nhớ về thăm quê
Mừng tuổi nội ngoại ,say mê chụp hình
Mùng ba Tết thầy cô mình
Tân niên là dịp tâm tình mến thương...

Tết đến nhớ về cố hương
Bao nhiêu kỹ niệm yêu thương vẫy chào
Đây dưa ,mứt,...vẫn ngọt ngào
Mà dư hương Tết năm nào nơi đâu...

Phượng Trắng
Gordon Bell High, Tết Đinh Dậu 2017

Giọt Nắng Trong Mắt Em - Sáng Tác: Nguyễn Tâm Hàn - Ngọc Quy


Sáng Tác: Nguyễn Tâm Hàn 
Tiếng Hát: Ngọc Quy

Con Gà Trong Anh ngữ


Trong mười hai con giáp, bốn con gần gũi với người nhất là chó, mèo, ngựa và gà cho nên những câu chuyện về chúng khá nhiều. Nhân dịp năm mới âm lịch Đinh Dậu 2017, theo thông lệ mỗi năm, người viết lại cà kê ba điều bốn chuyện liên quan tới con giáp của năm là con gà. Những chuyện về gà xảy ra ở Việt Nam thì chắc bạn đã biết, nào là gà chân dài móng đỏ chạy đầy đường, nào là món trứng gà nướng cho dân nhậu ăn vô ráng chịu, nào là người ta làm thơ gọi bà chủ tịch quốc hội là con gà mái Bến Tre biết gáy vì bà ta hay tuyên bố vung vít, và nào là người ta xôn xao với món gà nướng Ò-Ó-O ở Sài Gòn “ngon hơn cả tuyệt vời”!

Nhắc tới tiếng gáy của con gà, trước kia hồi còn ở quê nhà tôi chỉ biết con gà trống gáy theo tiếng Việt là ò ó o. Tới khi sống ở hải ngoại già đầu rồi tôi mới biết gà gáy đủ thứ tiếng ngoại ngữ hết: cocorico (Pháp), kickeriki (Đức), kukeleku (Hòa Lan), chicchirichi (Ý), kokekokko (Nhật), khokkiyo (Hàn), gokogoko (Quảng Đông), gou gou (Quan Thoại), ake-e-ake-ake (Thái), tik-ti-la-ok (Phi), và cock-a-doodle-doo (Anh). Gà ở nước nào thì gáy theo tiếng nước đó vui thiệt. Thật ra đó chỉ là tại con người diễn giải tiếng gáy của nó theo ý của họ chứ gà làm gì giỏi ngoại ngữ tới mức đến nước nào nói tiếng nước đó ro ro vậy. “Ò ó o… xào không hết thì kho…” Thảo nào người ta ví von sự khoe khoang khoác lác là gáy.

Người Anh gọi con gà trống là “cock”; người Mỹ gọi nó là “rooster”, nhưng ai cũng gọi Năm Mới Con Gà là “Year of the Rooster” chứ nói “Year of the Cock” thì nghe hơi kỳ vì “cock” tiếng lóng có nghĩa là dương vật, là “cậu nhỏ”. Vậy chớ Ăng-lê có người họ “Cock” và tên “Dick” đó bạn ơi.

Bài viết này chỉ dám bàn về một số những từ ngữ, thành ngữ thông dụng tiếng Anh có liên quan đến “cock” con gà thiệt và những chữ họ hàng của nó như rooster, chicken, chick, hen, egg thôi chứ thật ra, “cock” còn có nhiều nghĩa khác nữa.

Cocky. Như bạn thấy, khi con gà trống đang cất tiếng gáy, dáng điệu ưỡn ngực ngẫng cao đầu của nó trông “ta đây” lắm. Vì vậy tĩnh từ “cocky” được dùng để chỉ tính tình kênh kiệu, ngang tàng, tự cao tự đại của con người. Từ chữ “cocky”, người ta tạo ra chữ ghép “cockydent”, có nghĩa là sự phối hợp giữa một chút tự tin (confident) và một chút làm tàng (cocky). “Cocky Little Prick”, thường dùng dưới dạng viết tắt là CLP, để chỉ một kẻ tuy dốt nhưng luôn muốn chứng tỏ ta đây học cao hiểu rộng. “Cocky’s Hut” là tiếng lóng để chỉ cái bụng bự do uống quá nhiều bia rượu.

Cocksure. Nghĩa của chữ này ngày nay được hiểu với nghĩa tự tin quá mức, quá đáng trở thành lố bịch hợm hĩnh. Nhưng nghĩa nguyên thủy ngày xưa thì khác. Trở lại thế kỷ thứ 16 ở Anh quốc, “cocksure” có nghĩa là tuyệt đối an toàn, khỏi sợ nguy hiểm hay vững chắc địa vị như các quan lớn trong nước. Một giải thích cho rằng cock sure là “as sure as a cock will crow at daybreak”, chắc chắn giống như cứ sáng sớm là gà gáy, một sự thật không bao giờ thay đổi . Năm 1662, qua tác phẩm The History of the Wicked Plots and Conspiracies of our Pretended Saints, Henry Foulis viết “All such persons as shall be nominated by the Parliament, shall be cock-sure in their Authority.” (Tất cả những ai được Quốc hội đề cử bổ nhiệm thì chắc chắn họ đáng tin cậy đúng theo thẩm quyền của họ). Có giả thuyết cho rằng con gà trống là một uyển ngữ chỉ Thiên Chúa. Điều này xuất hiện trong một loạt các lời tuyên thệ từ thời trung cổ đến thời của Shakespeare. Vì vậy, ý nghĩa ban đầu của chữ “cocksure” là sự an ninh vững chắc, bảo đảm tuyệt đối như công đạo của Thiên Chúa.

Cockeyed. Động từ “cock” vốn có nghĩa là dời lệch đi khỏi vị trí ngay ngắn bình thường, vì vậy nghĩa của chữ cockeyed khá hiển nhiên: mắt lé. (Theo cách viết của thời đại kỹ thuật điện tử được áp dụng chung trong ngôn ngữ, chữ cock-eyed trở thành cockeyed cho ngắn gọn.) Cockeyed (mắt lé) là khi hai mắt không hội tụ nhìn cùng một điểm mà một mắt bình thường nhìn thẳng và một mắt bị tật nhìn lệch. Có khi người ta phân biệt cockeyed là lé ngoài (hai mắt cách xa ra) với crossed eyed là lé trong (hai mắt gần lại). Nguồn gốc của từ ngữ này đơn giản thôi vì hai mắt của con gà vốn nằm hai bên đầu và hướng ra hai phía. Chữ này tương đối mới, chỉ mới xuất hiện trong sách báo vào cuối thế kỷ 19. 

Cock an eye (at something or somebody). nghiêng đầu liếc mắt chăm chú nhìn (vật gì hoặc ai đó). Ví dụ câu “Jane was cocking an eye to her teacher while the teacher was pointing at a math formula on the blackboard.” (Jane nghiêng mắt chăm chú nhìn trong lúc cô giáo chỉ tay một công thức toán trên bảng.) 

Cock and bull story. Chuyện con gà trống và con bò đực; nghĩa bóng là chuyện bịa láo, phóng đại nhằm mục đích để bào chữa hay ngụy biện. Ví dụ như câu “He told me some cock and bull story about his car breaking down.” (Hắn ta bịa chuyện láo với tôi là xe hắn đang bị hư.) Một giả thuyết cho rằng thành ngữ này có nguồn gốc ở thị trấn Stony Stratford, Anh quốc vào cuối thế kỷ 18. Thị trấn là điểm dừng chính trên trục đường giao thông (nay là xa lộ A5) giữa thủ đô London với miền bắc Anh. Tại đây có hai quán trọ chính cạnh tranh nhau, một cái tên Cock và một cái tên Bull, quán trọ nào cũng quảng cáo cho mình là nhất, nhưng thật sự thì chẳng có quán nào là nhất cả. Một giả thuyết khác cho rằng thành ngữ này bắt nguồn từ chữ 'coq-a-l'âne' của Pháp, nghĩa đen ‘từ gà tới lừa’, nghĩa bóng là một câu chuyện không đầu không đuôi. Từ chữ “coq-a-l'âne” của Pháp, người Tô Cách Lan biến thành “cockalayne” cũng cùng có nghĩa là “from rooster to jackass” (từ con gà đến con lừa). Và rồi học giả Robert Burton của trường đại học Oxford viết trong cuốn The Anatomy of Melancholy năm 1621 câu "Some mens (chính tả kiểu hồi xưa) whole delight is to talk of a Cock and Bull over a pot." (Nhiều ông suốt ngày chỉ thích ngồi bên nồi cháo nói chuyện ruồi bu không đầu không đuôi vô tích sự.) 

Cock of the walk. Con gà trống đầu đàn, người đầu đàn, sếp lớn, với vẻ điệu đà hơn, quan trọng hơn những nhân viên khác. “He acts like the cock of the walk around the office.” (Ông ấy hành động như là sếp lớn trong sở làm.) Nguồn gốc của câu này không rõ, chỉ biết đã có hơn hai trăm năm trước. Có chuyện kể rằng thời đầu những năm 1800, các tay chèo ghe thuyền trên sông Mississippi hay tổ chức đánh nhau có giải thưởng và người thắng giải được ban danh hiệu “Cock of the Walk”.

To live like fighting cocks. Sống như gà đá độ, tức sống trong sự ưu đãi, được o bế tẩm bổ như gà chọi sắp so độ. Ví dụ câu “I notice that my neighbour couple live like fighting cocks.” (Tôi để ý cặp vợ chồng hàng xóm tôi sống sung sướng (ăn ngon mặc đẹp) như là gà đá độ vậy đó.” Câu này khá phổ biến, xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn chương cổ điển. Nhưng với tình trạng trò chơi chọi gà dần dần bị cấm đoán tại nhiều nước trên thế giới, câu này sẽ không còn thông dụng nữa.

To cock a snook. Như đã nói ở phần trên, chữ “cock” khi dùng như một động từ thì nó có nghĩa là làm méo lệch; còn “snook” ngoài nghĩa cá măng biển còn có nghĩa là mũi đất nhô ra nơi bờ biển. Một nghi vấn là chữ “snook” ở đây có thể là chữ “snout” đọc trại và viết trại; mà “snout” là mõm thú vật. “To cock a snook” là bày tỏ sự khinh khi nhạo báng bằng một cử chỉ, một hành động nào đó, thông thường là hành động đưa ngón tay cái nâng mũi. Ví dụ câu “In the end he refused to accept his award, cocking a snook at the film industry for which he had such contempt.” (Cuối cùng anh ta từ chối nhận giải thưởng vì anh ta vốn khinh thường giới kỹ nghệ phim ảnh.)

Go off at half cock. Chữ “cock” ở đây có nghĩa là cò súng. Nghĩa đen của câu này là nổ súng bắn đại bắn ẩu mà chưa mở khóa an toàn, chưa nâng súng lên ngắm đúng mục tiêu. Nghĩa bóng là hấp tấp bày tỏ ý kiến trong lúc nóng giận hoặc đầu óc đã bắt đầu lạng quạng vì say rượu, thiếu sự suy nghĩ chín chắn, chưa hiểu thấu đáo vấn đề. Ví dụ câu “You don't listen! You just go off with half cock without even hearing the end of my sentence.” (Bạn không nghe cho kỹ! Tôi nói chưa dứt câu mà bạn đã nhảy xổ phang đại.) Thành ngữ này lần đầu tiên được dùng từ giữa thế kỷ 18 trong quyển sách 'Một khóa học của triết học thực nghiệm’ của tác giả John Desaguliers. 

Cock in the henhouse. Con gà trống trong chuồng gà mái. Người phái nam duy nhất trong nhà toàn là phụ nữ. Ví dụ câu “My grandpa often jokingly complains that he is a cock in the henhouse because he is living here with my grandma, my mom and my twin sister” (Ông tôi thường than đùa rằng ông là con gà trống trong chuồng gà mái vì ông đang sống trong nhà này với bà tôi, mẹ tôi và hai chị em song sinh chúng tôi.” 

As happy as a rooster in a henhouse. Sung sướng như một con gà trống sống trong chuồng gà mái. Nghĩa đen của câu này đã quá rõ ràng rồi nếu định nghĩa của sung sướng đơn giản chỉ là sự thỏa mãn vật chất, cái mà người Việt mình gọi là ‘tứ khoái’, bạn dư biết đó là bốn món gì. Về nghĩa bóng, câu này chỉ sự ưu đãi, cung phụng mà một người đàn ông được hưởng. Đó có thể là một người chủ gia đình với một người vợ và các cô con gái được chăm sóc chu đáo trong hạnh phúc. Câu nói cũng có thể là một sự so sánh ví von để chỉ một nhân vật trong xã hội sung sướng vì được mến mộ, trọng vọng, kẻ đón người đưa. 

One day, Cock of The Walk! Next day a feather duster. Ngày nào còn là con gà trống đầu đàn với bộ vó đẹp đẽ oai vệ; ngày nay đời tàn bị người ta lấy lông làm chổi quét bụi giống như hai câu thơ “Hồi nào dáng điệu oai phong/Bây giờ là cái chổi lông phất trần”, hay “Ngày nào áo mão xênh xang/Bây giờ tàn tạ lang thang xó đường”. Câu này chỉ tình trạng lên voi xuống chó, ai đã từng sống ở miền nam và kinh qua cái ngày đổi đời 30-4-1975 thì biết. Đây cũng có thể là một ẩn dụ chỉ sự nghiệt ngã của thời gian qua mau vì đời sống của con gà vốn ngắn ngủi, trung bình chỉ bảy, tám năm. Hay lại là một câu than thở cho tình đời như Piers Morgan, người nối tiếp thay thế cho Larry King chỉ trong 6 tháng đầu của năm 2011 rồi bị đài CNN ngưng vì Morgan đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm chống luật dùng súng ở Mỹ. Morgan đã dùng câu “One day, Cock of The Walk! Next day a feather duster” làm châm ngôn trên trang mạng xã hội cá nhân.


The rooster may crow but it’s the hen who lays the egg. Gà trống gáy nhưng gà mái đẻ trứng. Nghĩa bóng là đàn ông chỉ giỏi nói miệng và đàn bà mới là người làm công việc. Câu nói này được cho là một câu tuyên bố vào năm 1987 của bà thủ tướng Anh Margaret Thatcher vì bà vốn là người thẳng thừng đề cao nữ quyền. Thật ra nó đã có sẵn và bà chỉ dùng nó thôi chứ không phải bà tự chế. Trước đó đã có nhiều phiên bản của câu nói này. “The cock crows but the hen goes.” (năm 1659). “Rooster makes mo’ racket dan de hin w’at lay de aig.” (âm ngữ người nô lệ da đen những năm 1800 có nghĩa là “The rooster makes more racket than the hen that laid the egg”, gà trống lớn giọng gáy hơn gà mái đẻ trứng). “Rooster makes more racket dan de hen what lays de egg.” (trong một quyển sách của Haldane Macfall năm 1898). “The rooster does all the crowing, but it is the hen that lays the eggs.” (1904). “As we say in Texas, the rooster may crow, but the hens deliver the goods.” (nữ thống đốc Texas Ann Richards nói tại một buổi gây quỹ ở San Francisco năm 1992).

The rooster may rule the roost, but the hen rules the rooster. Câu này làm tôi nhớ tới câu nói đùa mà tôi thường nghe trước đây thời trước 1975 là ‘phi công lái phi cơ nhưng vợ phi công lái phi công’. Nó có nghĩa là gà trống có thể cai quản cả đàn gà, nhưng gà mái cai quản gà trống. Ví dụ câu “Even though Sally has five older brothers, she still rules the roost.” (Mặc dù Sally có 5 anh em trai, nhưng nàng vẫn là người cai quản cả nhà.) ‘Rule the roost’ là cai quản, chịu trách nhiệm, chỉ huy người khác, như câu “In our division the chairman's son rules the roost” (Trong phân bộ công ty tôi, con trai ông chủ tịch làm sếp chỉ huy).

Something to crow about. Có cái gì đó hay, tốt, đáng để gáy, để khoe khoang, ngược lại với ‘nothing to crow about’, chẳng có cái gì tốt để khoe cả. Từ thành ngữ rất phổ biến này, người ta chơi chữ, tạo ra câu “If something's nothing to crow about, it's not particularly good or special.” (Nếu điều gì đó không có gì đáng để khoe nhắng lên thì nó chẳng tốt mà cũng chẳng đặc biệt).

Sneak the sunrise past a rooster. Lén che giấu mặt trời mọc để cho con gà trống không hay biết và nó khỏi gáy sáng. Nghĩa bóng: Cố thực hiện một việc gì đó ngoài sức mình; cố khéo léo len lén làm một điều gì gần như bất khả thi; cố làm một công việc đội đá vá trời. 

Hen house. chuồng gà mái; nghĩa bóng: nhà có toàn phụ nữ.

Mother hen. gà mẹ; nghĩa bóng: người có tính bảo vệ quá kỹ đến mức độ không cần thiết, có thể khiến cho người khác cảm thấy bực mình. 

To behave like a hen mother. Hành xử như là một con gà mẹ, luôn luôn hết lòng bảo vệ con. Ví dụ câu “His mother behaves like a hen mother although he is 25 years old.” (Mặc dù hắn đã 25 tuổi nhưng mẹ hắn vẫn đối xử như hắn còn bé bỏng.)

As mad as a wet hen. Tức giận như gà mái bị ướt lông. Do bản năng, gà không thích bị ướt, chúng chỉ thích tắm bụi đất cát. Nghĩa bóng: tức giận ghê gớm. Ví dụ câu “The nurse was as mad as a wet hen when the patient tried to bite her.” (Cô y tá tức ghê gớm khi cô bị bệnh nhân mưu toan cắn.) Một thành ngữ khác là “Madder than a wet settin’ hen” để chỉ mức độ tức giận cao hơn, giận muốn điên, giận như điên. Mặc dù thành ngữ này dường như có nguồn gốc ở các tiểu bang miền Nam, nhưng nó cũng xuất hiện để rồi trở nên khá phổ biến ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ, đặc biệt phổ biến trong cộng đồng nông nghiệp hoặc đô thị từng là vùng nông thôn. 

Fussing like an old hen. Khó như một con gà mái già. Nghĩa bóng chỉ tính người quá chi ly kiểu cách, khó tánh bắt bẻ từng chi tiết nhỏ nhặt. Một thành ngữ tương tự là “As fussy as a hen with one chick” vì chỉ với một gà con, gà mẹ càng dồn hết mọi nỗ lực lo cho gà con duy nhất đó. “She is as fussy as a hen with one chick.” (Bà ấy kỹ khó như gà một con.)

Work as hard as a hen hauling wood. Làm việc nặng nhọc như gà mái chở cũi, ý nói làm việc chăm chỉ quá sức chịu đựng.

Hen cackle. gà mái cục tác. Nghĩa bóng: tiếng cười sung sướng khoái trá. Chúng ta có câu ‘gà đẻ trứng gà cục tác’. Người ta cho rằng gà đẻ trứng xong nhẹ bụng, cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái, vui mừng, cất tiếng cục tác báo tin vui, cũng giống như con người cười khi hài lòng; đó là một biểu hiện cảm xúc tự nhiên. 

Feeling like Henny Penny. Nghĩa đen: có cảm giác như Henny Penny, tên con gà mái, nhân vật chính trong truyện dân gian Anh, cá tính hay lo, chỉ bị một hột bắp (hạt ngô) khô rơi trúng đầu mà tưởng như trời sập. Nghĩa bóng: cảm thấy ưu sầu, bối rối, lo lắng như một người đang bị vây phủ bởi mọi thứ vấn đề từ lớn chí nhỏ cần giải quyết. 

Scarce as hen’s teeth. Hiếm như răng gà. Nghĩa bóng: Vô cùng hiếm thấy, một điều hầu như không có. Ví dụ câu: “On a rainy night in this town, taxis are as scarce as hen's teeth.” (Vào một đêm mưa nơi thị trấn này, xe tắc xi hiếm hoi như răng gà.) As scarce as hen's teeth/Scarcer than hen's teeth. Hiếm ít đến mức độ gần như là không hiện hữu (hiếm như răng gà vì gà làm gì có răng). “Cheap hotels in this city are as scarce as hen's teeth.” (Trong thành phố này hiếm có khách sạn nào rẻ cả, kiếm đỏ con mắt cũng không ra.)

Henpecked. nghĩa đen là bị gà mái mổ; nghĩa bóng là bị đàn bà quản lý điều khiển, ý ám chỉ tình trạng người chồng sợ vợ. Ví dụ câu chống chế mỉa mai “He's not henpecked, he's just got chicken house ways.” (Hắn ta không sợ vợ; hắn chỉ tuân thủ theo đường lối của nhà gà mái thôi.)

A hen party. Đám tiệc tùng chỉ dành cho phái nữ, chẳng hạn như của một cô dâu trước ngày lên xe hoa. Đây là dịp để bạn bè gặp gỡ tặng quà chúc mừng một người bạn gái sắp sửa giã từ cuộc đời độc thân. Ví dụ câu “Since there is a hen party now, my husband can't enter the house.” (Vì đây là đám tiệc dành riêng cho phụ nữ, chồng tôi không được phép vào nhà.)

Like letting a fox guard the hen house. Nghĩa đen: Chẳng khác nào để cáo canh gác chuồng gà. Nghĩa bóng: chẳng khác nào giao một công việc tin cậy cho một người đã có thành tích bất hảo; một hành động giao trứng cho ác, rước giặc vào nhà. Tương tự như câu tục ngữ La tinh: 'Ovem Lupo commitere' (để sói giữ cừu), câu ‘để cáo gác chuồng gà’ đầu tiên được thấy ở Hoa Kỳ trong tập sách Những Châm ngôn của Thi nhân năm 1924. Câu châm ngôn này có một số dạng thức khác như: “Don't put the fox to guard the chicken house”, “Don't let the fox guard the chicken coop” “It's a case of the proverbial fox guarding the chickens”, vân vân. 

Chicken scratch. Gà bươi (chữ viết tay). Giống y như cách nói của Việt Nam phe ta: viết chữ như gà bươi. Chữ gà bươi trông như thế nào thì các bạn đều biết, chữ viết tháo đọc chẳng ra. Người mình còn nói tếu “chữ viết gì mà ngoằn ngoèo như toa thuốc của bác sĩ!” Câu ví dụ: “Her handwriting is like a chicken scratch so nobody can read it, even her husband.” (Chữ viết của bà ấy như gà bươi không ai đọc được, kể cả chồng bà ấy.)

Play chicken. Cùng nhau chơi trò chơi đầy rủi ro thử thách để xem ai sẽ là người bỏ cuộc trước vì sợ hoặc kém sức chịu đựng hơn, (chicken out) chẳng hạn như ngó nghinh nhau xem coi ai chớp mắt trước hay bỏ cuộc thì thua. “The two boys were playing chicken by jumping over a puddle.” (Hai cậu bé đang chơi trò gà bằng cách nhảy qua một vũng nước.) 

Chicken feed. Nghĩa đen: thức ăn cho gà. Nghĩa bóng: món tiền nhỏ chẳng đáng bao nhiêu, đặt biệt là tiền trả công. Ví dụ câu “He pays his labourers chicken feed.” (Ông ấy trả tiền cho mấy người làm công của ổng rẻ rề.)

Chicken skin. Da gà, tiếng lóng có nghĩa giống như “goose bumps”. “That movie was so creepy it gave me chicken skin.” (Phim dễ sợ quá làm tôi nổi da gà).

Chicken out (of doing something). Bỏ ngang, rút lui vì chết nhát, sợ thất bại hay rủi ro nguy hiểm, sau khi đã làm nửa chừng một việc gì đó. Ví dụ câu “My frieend was planning to come with us, but he chickened out at the last moment.” (Bạn tôi đã định cùng đi với chúng tôi, nhưng cuối cùng chết nhát rút lui.)

Chicken hearted/Chicken-livered. Tim gà, gan gà, gan thỏ đế. Nghĩa bóng: Hèn nhát, dễ bị hù dọa. Ví dụ câu “The boy called his friend chicken-livered, which made him very angry.” (Thằng bé bảo bạn nó là đồ hèn nhát cho nên bạn nó giận lắm.) Một ví dụ khác: “Since 9/11, I have become increasingly chicken-livered about topics that make me feel pain and sadness.” (Kể từ vụ khủng bố 9/11 ở New York, tôi trở nên e sợ đối với những chuyện nào làm cho tôi cảm thấy buồn đau.)

Chicken hawk/chicken-hawk/chickenhawk. Thuật ngữ này chỉ người được đề cập đó là đạo đức giả vì cá nhân họ né tránh lệnh động viên hoặc nghĩa vụ quân sự trong thời gian đất nước có chiến tranh. Trái lại, họ hô hào vận động người khác tham chiến. Chính trị gia, nhất là Hoa Kỳ, miệng thì hô hào người khác hãy hăng say chiến đấu nhưng chính bản thân thì trốn tránh không tham gia. “Hawk” (diều hâu) tượng trưng cho phe hiếu chiến đối ngược với “Dove” (bồ câu) tượng trưng cho phe hiếu hòa. “Dove” hàm ý tốt (hòa bình) trong khi “chicken” mang nghĩa xấu (chết nhát). Lần sớm nhất thuật ngữ “chickenhawk” dùng trong ý nghĩa này là khi nó xuất hiện trên số báo The New Republic ra ngày16 tháng 6 năm 1986. Trước đó, vào năm 1983 cuốn hồi ký bán chạy nhất tựa đề Chickenhawk của Robert Mason viết về thời gian phục vụ của ông trong cuộc chiến tranh Việt Nam, khi ông là một phi công máy bay trực thăng. Mason dùng từ ngữ này như là một nghịch lý thích hợp để mô tả vừa nỗi hồi hộp sợ hãi (chicken) lúc đụng trận vừa sự hăng say lôi cuốn (hawk) của những giây phút thắng thế. Tuy ý nghĩa của thuật ngữ có hơi khác trong trường hợp này nhưng dù sao nó cũng có thể đã tạo cảm hứng cho việc sử dụng hiện tại. 

Don't count your chickens before they are hatched. Nghĩa đen: Đừng vội đếm gà con khi trứng chưa nở. Nghĩa bóng: một câu cảnh cáo đừng nên quá kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp nếu chưa thấy dấu hiệu khả quan chắc chắn. Ví dụ “You might be able to get a loan from the bank, but don't count your chickens.” (May ra bạn có thể mượn được tiền nợ nhà băng, nhưng khoan vội mừng.) Chúng ta đều biết không phải trứng gà nào cũng đều nở thành gà con; có thể trứng bị hư hỏng.

Run around like a headless chicken hoặc Run around like a chicken with its head cut off. Chạy quanh như gà không đầu, ý chỉ làm việc gì vội vã một cách vô thức hoặc hấp tấp thiếu suy nghĩ, quýnh quáng. Ví dụ câu “I have got so much work to do; I have been running around like a headless chicken all week.” (Tôi có quá nhiều việc phải làm bù đầu; cả tuần nay tôi chạy đôn chạy đáo như gà mất đầu.) Như chúng ta biết, ở quê mình người ta làm thịt con gà bằng cách cắt tiết (cắt mạch máu nơi cổ) gà chứ không chặt đứt đầu gà như người Anh. Nhưng dù đã mất đầu, đôi khi con gà còn mạnh vẫn cử động, vùng vẫy hay chạy được; đương nhiên là chạy lạng quạng vì không còn mắt để nhìn đường. Vì lý do đó mà người mình quặt tréo hai cánh nó lại với nhau để nó không bay. 

Chickens come home to roost. Gà về chuồng nghỉ ngơi, ý nói việc làm sai lầm dại dột trong quá khứ rồi thì đưa đến hậu quả với sự dày vò ăn năn hối hận. Hành động xấu và lời nguyền rủa sớm muộn gì rồi cũng sẽ quay trở lại ám ảnh chính kẻ đã gây ra nó. Khái niệm này đã được đề cập đến trong sách in bằng Anh ngữ từ năm 1390, khi văn thi sĩ Geoffrey Chaucer viết về con chim trở về tổ của nó khi đêm xuống trong bài “The Parson’s Tale”. Đến thế kỷ 19, một phiên bản đầy đủ của thành ngữ này mới được dùng như một phương châm trên trang tiêu đề tập thơ The Curse of Kehama của Robert Southey năm 1810: "Curses are like young chicken: they always come home to roost." (Lời nguyền như gà non, Chúng luôn về nhà ngủ). Phiên bản này vẫn còn được sử dụng, đặc biệt là ở Mỹ. Khái niệm về cái ác con người gây ra quay trở lại với họ cũng hiện hữu trong các nền văn hóa khác, như thuyết ác giả ác báo trong đạo Phật chẳng hạn.

No spring chicken. Không gà mùa xuân. Nghĩa bóng: Chẳng còn trẻ trung gì. Ví dụ: “He must be ten years older than she, and she is no spring chicken.” (Ông ấy già hơn bà ấy cũng phải mười tuổi, và bà ấy thì cũng chẳng còn trẻ trung gì.) Nguồn gốc của câu này có thể là do thuở xưa nhà nông chưa có máy ấp trứng và chuồng gà cũng không có sưởi, do đó không thể ấp trứng gà trong mùa đông, hậu quả là chợ chỉ bán gà nuôi từ năm trước, không có gà trẻ mới nở trong mùa xuân (no spring chicken). 

A chicken in every pot. Nghĩa đen: một con gà cho mỗi nồi súp. Nghĩa bóng: có đầy đủ thức ăn cho mọi gia đình, ý chỉ sự no đủ, không thiếu thốn. Ví dụ câu “No one will be hungry if there is a chicken in every pot.” (Sẽ không có ai bị đói nếu mỗi nồi súp đều có một con gà.)

Like a chicken on a June bug. Muốn hiểu nghĩa câu này, bắt buộc mình phải biết ‘June bug’ là cái gì. Thì ra nó là một loại bọ cánh cứng. Nó còn mang một cái tên khác nữa là May beetles, một con tên Tháng Năm một con tên Tháng Sáu mà cũng là cùng một con, tiếng Anh vui thiệt. Như vậy nghĩa đen của câu này là ‘Như gà thấy bọ’, tương tự câu ta hay dùng ‘Như mèo thấy mỡ’. Nghĩa bóng là làm một việc gì đó một cách hết sức nhanh chóng, nhào vô làm liền. Ví dụ câu “If you leave a chocolate bar on the table, Johnny will be on it- like a chicken on a June bug!” (Nếu bạn để một thanh sôcôla trên bàn, Johnny sẽ nhào tới chộp lấy ngay như là mèo thấy mỡ.) Câu này có thể đã được mượn từ câu ‘Like a duck on a June bug.’ nghe có vần hơn. Ví dụ "Yes Ma, I'll be on top of my homework like duck on a June bug” (Thưa Mẹ vâng, con sẽ làm bài tập con ngay tức khắc.)

If it isn't chicken, its feathers. Nghĩa đen: Nếu không là gà thì cũng là lông gà. Nghĩa bóng: lúc nào cũng có vấn đề khó khăn, trục trặc trở ngại, không lớn thì nhỏ. Ví dụ câu “In my job, if it isn't chicken, its feathers.” (Trong công việc của tôi, nếu không có trở ngại lớn thì cũng trục trặc nhỏ.)

Go to bed with the chickens. Đi ngủ sớm như gà lên chuồng lúc mặt trời lặn. “My grandfather always goes to bed with the chicken because he’s an early riser.” (Ông tôi luôn luôn đi ngủ sớm bởi vì ông là người thức dậy sớm.) 

Up with the chickens. Thức dậy với gà, ý nói thức dậy sớm buổi sáng.

Just among us chickens. Tại sao lại là “Chỉ riêng giữa bọn gà chúng ta thôi”? Nó được dùng trong một câu chuyện khôn hài do người đọc gởi cho tạp chí Everybody's Magazine năm 1908 nói về một kẻ ăn trộm gà. Nó tái xuất hiện trong một kỳ chiếu phim khôi hài ngắn Our Gang "Little Daddy" chiếu năm 1931. Hai đứa trẻ mồ côi da đen tên Farina và Stymie trốn trong chuồng gà vì không muốn bị nhân viên sở xã hội bắt đưa vào viện trẻ em mồ côi. Farina giả tiếng gà trống gáy để mong đánh lừa nhân viên xã hội. Nhưng khi ông ta hỏi “Ai đó?”, Stymie ngây thơ cất tiếng đáp "Just us chickens!" (Chỉ có đám gà chúng tôi thôi). Vì câu nói có vẻ ngộ nghĩnh nên nó tiếp tục được dùng nhiều lần sau đó trong phim ảnh lẫn ngoài đời thường. Cùng nghĩa là tựa bản nhạc "Ain't Nobody Here But Us Chickens" (Ở đây chẳng có ai khác trừ bọn gà chúng ta) năm 1946, nhạc và lời của Alex Kramer và Joan Whitney, do Louis Jordan cùng nhóm Tympany Five thu âm và thịnh hành một thời gian. Tuy có người cho rằng câu châm ngôn xuất phát từ bản nhạc đó nhưng thật ra nó đã có từ trước và xưa hơn. 

You can't make chicken salad out of chicken shit. Bạn không thể nào lấy cứt gà thế thịt gà để làm món rau trộn được. Ý chỉ một sự việc bất khả thi, không thể dùng một thứ xấu thế cho cái tốt. Ví dụ đoạn đối thoại giữa hai người bạn sau khi xem một phim dở. A: “That was the worst movie ever, man.” (Phim này đở tệ nhất từ trước tới nay đó bạn.) B: “Oh, well. Cheap film. Low budget. You can't make chicken salad out of chicken shit.” (Phim rẻ. Ngân sách thấp. Bạn muốn lấy cứt gà thay cho thịt gà làm món rau trộn thì làm sao làm được.)

The chicken is out of the hen house. Gà đã xổng chuồng, ý nghĩa bóng là một câu than van rằng mọi việc đã an bài theo mặc định rồi, không thể làm gì khác hơn được nữa. 

Have a chicken to pick with someone. Đây là biến thể của câu ‘have a bone to pick with someone’ (có một lóng xương để gỡ với ai), ý nói là có một vấn đề khúc mắc bất bình với ai đó cần làm cho ra lẽ. Ví dụ câu “He always has a chicken to pick with his wife.” (Lúc nào ông ấy cũng có chuyện để tranh cãi với vợ.)

It’s a chicken and egg situation. Đó là tình trạng gà và trứng, một tình trạng khó xác định cái nào có trước cái nào có sau. Ví dụ câu “I don't know whether I was bad at the sciences because I wasn't interested in them or not interested in them and therefore not good at them.” Tôi không biết tôi bị điểm thấp về môn khoa học cho nên tôi chán, không thèm chú tâm đến nó nữa hay vì tôi không siêng học môn đó mà tôi bị điểm thấp. Hoặc câu “It’s a chicken and egg situation. I don’t know if I don’t exercise regularly, therefore I feel tired; or because I’m tired therefore I don’t feel like to exercise”. (Tôi không biết là tôi thiếu tập thể dục thường xuyên cho nên tôi cảm thấy mệt; hay là tại vì tôi mệt cho nên tôi không cảm thấy thích tập thể dục).

Does a chicken have lips? “Gà có môi không?”, một câu hỏi đố ngược lại với ý ngầm mỉa mai để đáp trả một câu hỏi bị cho là ngớ ngẩn của “ba anh em nhà họ Lãng: Lãng Nhách, Lãng Òm và Lãng Xẹt”. Ví dụ A hỏi: “Do rabbits lay eggs?” (Thỏ có đẻ trứng không?) B hỏi ngược lại: “Do chickens have lips?” (Thế gà có môi không?) A đáp “Không”. B nói “Vậy thì gà cũng không có môi”.

It tastes like chicken. Nghĩa đen: Có hương vị giống như thịt gà. Nghĩa bóng: Nhận xét về phẩm chất của một món thức ăn, một sản phẩm mới, những tưởng nó có hương vị gì đặc sắc như mong đợi, nhưng sự thật hóa ra nó cũng chỉ ở mức bình thường thôi. Ví dụ: Một người nghe quảng cáo thịt kỳ đà ngon lắm nên không ngại tốn tiền ăn thử cho biết, không ngờ nó cũng chẳng khác với thịt gà bao nhiêu và thất vọng thốt lên câu “It tastes like chicken.”

Neither chick nor child. Chẳng gà con cũng chẳng con cái; ý nói sống đơn chiếc lẻ loi, chẳng có con cái ở chung mà cũng chẳng có nuôi con thú kiểng nào. 

Chick flick. “Chick” là gà con, tiếng lóng dùng để chỉ cô gái trẻ; chắc vì vậy mà dân Mít ta mới có thuật ngữ “gà chân dài móng đỏ”. “Flick” theo nghĩa đen mô tả một động tác chạm nhanh và nhẹ, ví dụ búng, phủi, quẹt, hất… “Flick” tiếng lóng có nghĩa là hình ảnh, phim ảnh. Ghép “chick” và “flick” lại với nhau, xuất hiện trong thập niên 1990, thuật ngữ “chick flick” với nghĩa lóng là loại phim ảnh mà giới phụ nữ trẻ rất ưa thích; người viết xin kể một số như Gone With The Wind (1939), Breakfast at Tiffany’s (1961), Dirty Dancing (1987), When Harry Met Sally (1989), Pretty Woman (1990), Sleepless in Seattle (1993), Titanic (1997), Miss Congeniality (2000), The Notebook (2004), The Holiday (2006), Sex and the City (2008), Valentine's Day (2010), Crazy Stupid Love (2011), Endless Love (2014). 

Have to break eggs to make an omelet. Phải đập vỡ trứng để làm món trứng chiên. Một câu cùng loại: “You can't make an omelette without breaking eggs”. Không thể làm món trứng chiên nếu không đập vỡ trứng. Nghĩa bóng là muốn đạt thành quả thì bắt buộc phải chấp nhận sự mất mát thiệt thòi nào đó ngoài ý muốn. Ví dụ trong câu “Twenty jobs will have to be cut if the company's going to be made more efficient. But you can't make an omelette without breaking eggs.” (Nếu muốn đạt được nhiều hiệu quả hơn, công ty sẽ phải cắt giảm 20 việc.)

Not everything it’s cracked up to be. Nghĩa đen: Không phải mọi thứ đúng như nó được quảng cáo. Nghĩa bóng: Thất vọng, vỡ mộng. Chữ "crack" được cho là có nguồn gốc từ chữ “crak” cổ ngữ Anh, có nghĩa là chuyện phóng đại, chuyện khoe khoang cường điệu. Ở một số nơi trên thế giới, chữ “crack” được dùng với nghĩa là tin tức hoặc tin đồn đại. “What’s the crack?" giống như “What’s news?” Khi “crack” dùng như động từ thì nó có nghĩa là đồn thổi, khen thái quá, khen nức nở. Ví dụ một người bạn khen phở của một tiệm nào đó ngon lắm. Tin lời bạn, tôi tới đó ăn thử để rồi hoàn toàn thất vọng. Nếu người bạn đó có hỏi tôi nghĩ thế nào sau khi đã ăn phở ở tiệm đó, tôi có thể thốt lên câu nhận xét “Not everything it’s cracked up to be” (Mọi thứ không đúng như người ta đồn thổi.)

Walking on eggshells. Bước qua vỏ trứng; ý nói làm một việc gì đó hết sức êm thắm trong sự căng thẳng hồi hộp để tránh làm phiền người khác. Ví dụ câu “Everyone at the company was walking on eggshells until we heard that no one would be fired.” (Mọi người trong công ty đều hết sức làm việc cẩn thận như là bước đi trên vỏ trứng vậy cho đến khi chúng tôi nghe tin là công ty không đuổi việc ai cả.)

Egg on the face. Vết trứng còn trên mặt. Nghĩa bóng là bị bắt quả tang với dấu vết bằng chứng của gian dối tội lỗi còn rành rành không thể chối cãi khiến cho đương sự ngỡ ngàng bối rối xấu hỗ. Theo Tự điển các sáo ngữ (Dictionary of Cliches) của James Rogers biên soạn (nhà xuất bản Ballatine Books, New York, 1985), câu này bắt nguồn ở Hoa Kỳ khoảng những năm 1950 do sự kiện những người đàn ông để râu ăn món trứng nếu vụng về sơ ý thì hay bị vụn trứng dính râu trông bê bối không hay. Một giả thuyết cho rằng biểu hiện trứng dính mặt được đề cập trong truyện ngụ ngôn cáo và gà. Cáo lén vào chuồng gà ăn trứng, mặt dính trứng lấm lem mà vẫn chối theo bản chất gian ngoa.

Don’t cackle if you haven’t laid. Chưa đẻ trứng thì đừng cục tác; ý nói nếu chưa làm xong phần vụ công việc của mình thì đừng khoe khoang. đã có một số lượng bất thường của ý thức chung. Một giai thoại kể rằng trong một buổi dạ tiệc diễn ra ở tòa Bạch Ốc tháng 1 năm 1863, trung tướng Joseph Hooker, vị tân tư lệnh vừa được bổ nhiệm chỉ huy Binh đoàn Potomac của quân đội miền Bắc, phấn khởi dự đoán sẽ gây thiệt hại cho tướng Robert E. Lee của quân đội miền Nam. Nghe vậy, tổng thống Abraham Lincoln quay sang nói với sĩ quan tùy viên rằng “Anh có biết không, con gà là một trong những sinh vật khôn ngoan của Thiên Chúa.” Người tùy viên bối rối chưa hiểu; tổng thống Lincoln tiếp: “The chicken never cackles until after it has laid the egg.” (Con gà không bao giờ cục tác cho đến khi nó đã đẻ trứng xong). Bốn tháng sau, trong trận đánh Chancellorsville ở Virginia, binh đoàn hùng hậu của tướng Joseph Hooker bị quân miền Nam đánh bại phải rút lui. Sau trận đánh, nhớ lại câu nói của tổng thống Lincoln, tướng Hooker đau thắt cả ruột gan.

Chúc bạn một năm Đinh Dậu dồi dào sức khoẻ. Happy New Year of The Rooster 2017!

Phan Hạnh (dựa theo nhiều nguồn tài liệu tham khảo).
Quách Như Nguyệt sưu tầm