Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Ở Đâu Pleiku


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh




Say



Nốc cạn hồn thơ chấp chới say
Theo mùa thu đếm lá vàng bay
Ủ mơ gọi gió mơ còn thiếu
Ươm mộng giao duyên mộng ngát tay
Đi giữa lòng trăng tìm lấy bóng
Tay ôm thời khắc hát cùng mây
Chèo nghiêng mái quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở hương trời say ngất ngây.

Bằng Bùi Nguyên

Nắng Thu Trưa


Nắng Thu trưa dịu dàng chi lạ?
Cơn mát nào ve vuốt má hồng
Đuôi mắt sắc trao người chợt gặp
Nụ cười duyên dáng nét say nồng.

Bầu trời xanh... thật xanh không lạ
Lá rộn ràng vàng tím xám hồng
Già hóa trẻ vì mùa ngọt lịm
Hồn thơ lai láng bởi Thu nồng.

Anh Tú
20/10/2017

Tâm Nguyện



Xướng: Tâm Nguyện

Nguyện đừng thọc bút chuyện người ta
Mà để tình thương dưỡng tuổi già
Đau đớn đã đành khi khói lửa
Thanh nhàn chưa biết lúc can qua
Mặc đường giành giựt…nên nhìn rứa,
Kệ ngõ đua tranh …cũng thấy là…
Thanh thản khều trăng về với hạc
Tìm sông nhặt nhạnh sợi yên hà

Như Thị
***
Các Bài Họa:

Cho Tâm Tịnh

Thương giận bao hồi bạn với ta
Có chi buông bỏ kẻo mau già
Đò đầy cạy lái rồi sang hết
Gió mạnh thu buồm cũng vượt qua
Một miếng giữa làng đâu đáng vậy,
Mấy sàng xó bếp rõ chưa là…
Cùng thơ vọng nguyệt cho tâm tịnh
Đổi kiếp hằng sang bến Nại Hà.

Phan Tự Trí
***
Em Và Ta

Đất trời hai một,em và ta
Bèo bọt dòng trôi với trẻ già
Dạt sóng hôm nào xa bến gặp
Chia bờ thuở ấy biệt ngày qua
Cùng vui bởi thấy trong nhau có…
Sẻ khổ vì buông những chuyện là…
Lặng lẽ trăng về soi bóng nguyệt
Triều khơi điệp điệp cuộn giang hà…

Lý Đức Quỳnh
***
Thang Đời Bao Bậc

Khắc cốt ghi lòng ta biết ta
Hiểu trăng mấy tuổi bảo trăng già
Còn cười khúc khích chiều hôm trước
Lại cáu om sòm sáng bữa qua
Đốt đuốc soi người ngông thế vậy
Cầm đèn chiếu nguyệt ngố như là . .
Thang đời hỏi được chừng bao bậc ?
Hãy thả hòn thơ với hải hà

Phạm Kim Lợi
***
Lòng An Lạc

“Họa 4 vần”
Đêm mãi ưu sầu dạ trách ta...
Vấn vương phiền não tội thân già!
Giận hờn chi nữa tâm đà xoá
Nhắc nhở làm gì chuyện đã qua
Mấy buổi e dè, tin tựa thế...
Nhiều phen lo ngại, ngỡ như là...
Sao trời lấp lánh lòng an lạc
Trà đạo xin mời dẫu chốn xa.

Như Thu
***
Thả Tâm Lành

Ghi lòng tạc dạ bạn cùng ta
Nguyệt khuyết rồi tròn nỏ có già
Một kiếp lao đao chung nơi cả
Bao phần lận đận với chốn qua
Kệ người dối trá ... thì dìn rứa
Mặc kẻ gian lừa ...cũng ngó là
Hãy thả tâm lành hòa cảnh trí
Thanh an tĩnh thức nhuận non hà

Hương Thềm Mây 
21.10.2017
(GM.Nguyễn Đình Diệm)
***
Miếng Ngon Cùng Gắp

Thơ mình, của quý của riêng ta
Nhằm kiếm an khang ở xứ già.
Hưởng lại bao vui từng tích cóp
Chìm vào bấy đẹp mới kinh qua.
Cái đầu vô ngã cười ha hả
Cây bút vị tha tếu hí hà .
Người đọc bình tâm thì mới khoái
Miếng ngon mời gắp kể như là . . . !

Trần Như Tùng
***
Sáng Mãi Tình Thơ

Kết mối thân tình bạn với ta
An vui trong lớp tuổi trăng già
Bao nhiêu phiền não cho trôi hết
Tất cả giận hờn cũng bỏ qua
Quan điểm bất đồng không chấp nhất
Tinh thần đoàn kết chẳng lơi là
Mỗi ngày còn lại như viên ngọc
Lau bóng cùng nhau chớ nệ hà.

Sông Thu
***
Ngỡ Tình Còn Mãi

Thời gian xoá mất cả tình ta
Bỏ lại âm thầm một tuổi già
Vẫn đó trường xưa im dáng đứng
Mãi đây lối cũ bóng trôi qua
Nhớ chi mộng mị thêm buồn bả
Quên để tâm tư bớt lụy hà
Sáng nắng chiều mưa vui sống khoẻ
Nhìn nhau ngỡ tưởng ấy còn là... 

Hải Rừng
21/10/2017 
***
Tự Nhủ

Lòng nghĩ thương người giống cảnh ta
Cảm thông an ủi với đời già
Thân đau hành hạ từng dầm phải
Trí mệt rối cuồng cũng trải qua
An lạc tiêu dần nên phải rứa
Bi quan tăng mãi cũng như là
Niềm vui tìm kiếm câu thi hoạ
Ngắm Nguyệt đùa sương chẳng nệ hà 

Minh Thuý 
Tháng 10_2017
***
Nỗi Ưu Tư

Hãy nghĩ cho tường chuyện của ta
Tình thương ấp ủ tuổi đang già
Buông tay túi nải nhìn chiêm nghiệm
Dõi bánh xe đời cuộn quét qua
Nỗi tủi gian nan đời lạc hậu
Niềm đau bất hạnh cõi sơn hà
Ngàn cay vạn đắng lòng vô cảm
Uất nghẹn bùng lên mới gọi là !

Mai Thắng 
171022

***
Tĩnh Tâm

Thả chuyện người ra cả chuyện ta
Ôm rơm thêm khổ cái thân già
Sông sâu vực thẳm thời từng lội
Biển rộng non cao thuở đã qua
Manh áo giành nhau...chẳng khác mấy ...
Miếng cơm giựt lấy ...cũng như là...
Đời người phỏng được bao nhiêu nhỉ?
Mở dạ bao dung lượng hải hà

Phan Quang Hải
***
Xiết Lại Vòng Tay

Xiết mãi tay này, bạn với ta
Vần thơ lại sưởi ấm thân già
Cho lòng bớt lạnh khi chiều xuống
Để rượu thêm nồng buổi bậu qua
Nắng thắm vườn xưa càng rực rỡ
Tình say mộng cũ chẳng lơi là
Buông màu thế sự theo sương khói
Nghĩa cả trao nhau lượng hải hà.

Nguyễn Gia Khanh
***
Biết 
Đủ

Chuyện người để kệ ,mắc chi ta?
Buông xả tâm yên mải dưỡng già
Xuống chó lên voi đà thử đủ
Đào mương phá rẫy đã làm qua
Chướng tai, ngớ ngẩn làm lơ thế...
Gai mắt lơ mơ giả bộ là...
Tuổi hạc vui đùa câu xướng họa
Mặc ai phải trái nệ chi hà!

Thanh Hòa

Danh Sách Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long Tại Khu Vực Cần Thơ Ngày 30 Tháng 9 Năm 2017 (1)



Buổi họp mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long khu vực Cần Thơ lần thứ nhất có sự hiện diện của
Thầy Cô:

Quý Thầy:

 Phạm Thanh Bạch
Đào Hữu Nghĩa
Biện Công Hải
Mai Xuân Thệ
Trần Tấn Trung
Đặng Vinh Hoa
Điều Văn Sáu

Quý Cô:

Ngô Thị Hải
Đoàn Kim Nga

Tại Thành phố HCM

Chị: Chung Dung
Các Anh:
Phạm Tấn Thời
Nguyễn Văn Châu
Lâm Văn Diệp
Lê Bá Tòng

Tại Vĩnh Long

Các Chị:

Đỗ Thị Mỹ
Trương Thị Thanh Sương
Nguyễn Thị Nở
Tống Thị Hồng Hoà
Nguyễn Thị Bích Vân

Các Anh:

Lê Đại Hùng
Hà Văn Cam
Võ Trường Thuỵ

Tại Đồng Tháp:

Các Anh:

Nguyễn Ngọc Chà
Nguyễn Văn Hiếu

Tại Cần Thơ:
Chị:

Nguyễn Thị Xuân Hương

Các Anh:

Trần Triều Sanh
Lê Đăng Huỳnh Long
Phạm Công Bằng
Trần Tiên Minh
Trần Đằng Phương
Đường Vũ Đạt và phu nhân (chị Mai)
Thành
Trần Bình
Lê Đức Thắng

Đưa Tin: Lê Đức Thắng
Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 69
Ảnh: Hà Văn Cam
Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 62

Xem Các phần nối tiếp

1/ Hội Ngộ Kỹ Thuật Vĩnh Long 2017 Phần 1
2/ Hội Ngộ Kỹ Thuật Vĩnh Long 2017 Phần 2
3/Hội Ngộ Kỹ Thuật Vĩnh Long 2017 Phần 3

Một Chuyến Đi (2)


Cứ mỗi chyến đi, tôi đều có những suy tư dài ra trong đêm. Và chuyến đi họp mặt tại Sài Gòn ngày 06-8-2017 cũng vậy, chắc là tuổi già đã lấn quấn đâu đây rồi khiến mình không nghĩ không được cho từng chuyến đi như thế!

Họp mặt một từ đơn sơ quen thuộc của tất cả mọi người trong suốt cuộc đời. Những ngày họp mặt của gia đình Kỹ thuật Vĩnh Long vào cuối năm là dịp có mặt các Thầy, Cô, các bạn học sinh, làm nhớ lại những ngày còn dưới mái trường Kỹ thuật Vĩnh Long, đã từng chịu thương, chịu khó với ngành nghề đã học "học đi đôi với hành ".


Với bao năm cảm xúc thân thương khi gặp lại Thầy, Cô, gặp lại bạn bè xưa, cùng với bao kỷ niệm tràn về, đong đầy ký ức của một thời đi học. Ôi! Hạnh phúc biết bao sau rất nhiều năm mới gặp lại nhau. Thật vậy, có nhiều người bạn đã nói lên điều đó, nói lên cảm nghĩ của mình là rất nhớ trường, rất nhớ Thầy, Cô, rất nhớ bạn bè và những kỷ niệm dù đơn sơ, nhưng khó quên dưới mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Nơi đó là nơi khởi đầu tốt đẹp của cuộc đời, đã len lỏi thấm sâu vào cuộc sống của họ đến ngày hôm nay, và cũng có rất nhiều bạn muốn về dự họp mặt, nhưng do bận cảnh nầy, nọ nên không về được, có khi gặp nhau, tay bắt mặt mừng nhưng không nhớ bạn tên gì, mặc dù có bảng tên và năm học được gắn trên áo….Vì tất cả đã già đi mất rồi, đổi khác rất nhiều qua từng năm tháng…


Trong khung cảnh rộn ràng ấm cúng tràn đầy niềm vui, thêm sự năng động nhiệt tình của Ban tổ chức tại Sài Gòn, các bạn Diệp, Thời, Dung, Bình, Tòng, Lợi, Tài…..cùng sự hiện diện của quý Thầy Bạch, Nghĩa, Lăng, Nam, Châu, Hoa, Trung, cô Hương, cô Nga, các bạn từ Vĩnh Long, các bạn ở Sài Gòn và các bạn ở các tỉnh thành lân cận đã tụ họp về đây tạo không khí vui tươi sinh động tuyệt vời.


Qua phát biểu của thầy Đào Hữu Nghĩa nói về ý nghĩa của cuộc đời, phải giáp mặt nó xem trong đó có cái gì để có thái độ, sống cho rõ ràng hơn. Trong cuộc sống hiện tại đôi khi phải biết chấp nhận mọi thứ, mọi chuyện, có nghĩa là làm sao cho nó êm đềm, dung hòa, suôn sẻ, luôn cả cái chết cũng vậy, không vướng víu, không bận bịu, vì chuyện gì sẽ đến trong cõi vô thường nầy….

Thầy Phạm Thanh Bạch lại nói về tuổi già, về bệnh tật của con người, về cách ăn uống như thế nào cho tốt, thích hợp với cơ địa của mỗi người sẽ giảm bệnh hoạn hơn và nói về cây thuốc nam, các cây cỏ trong vườn làm tốt cho sức khỏe con người hơn. Đã là con người không ai tránh khỏi bệnh tật, vì vậy nên phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Nên quan tâm đi khám định kỳ để có thể chữa trị sớm hơn, thay vì thời kỳ cuối mới phát hiện thì đã quá trễ và thầy Bạch cũng nhắn nhủ: nên chọn thức ăn uống hằng ngày sao cho có lợi cho sức khỏe. Thầy đã hơn 20 năm chưa từng uống thuốc, có 2 trường hợp của anh Đặng Vinh Hoa và Lê Đại Hùng nhờ phát hiện sớm bệnh ung thư nên đã trị liệu tốt.


Thầy Trần Văn Hiệng, thầy Biện Công Hải, thầy Tăng Như Lăng lúc nào cũng sôi nổi, vui vẻ kể lại những ngày sống và làm việc tại Vĩnh Long, về mọi sinh hoạt trong nhà trường, về việc thành lập Ban Liên Lạc KTVL, riêng phần nầy, lúc đầu cũng nhiêu khê, nay thì đã tốt hơn nhiều, mọi hoạt động đã đi vào quy củ, làm được nhiều việc hơn trong việc thăm hỏi ốm đau. Đặc biệt đã phát hành cuốn Kỷ yếu nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường được mọi người đặc biệt quan tâm; hai bạn Mai Quốc Bình và Lâm Văn Diệp nhắc lại những ngày dưới mái trường KTVL và 2 bạn đang xúc tiến thành lập Hội đồng hương Vĩnh Long tại Sài Gòn với rất nhiều hứa hẹn.




Cô Đỗ Thị Mỹ, Trưởng ban Liên lạc GĐKTVL lúc nào cũng trẻ trung phát biểu rất xúc tích, đặc biệt các bạn trong Ban tổ chức mặc dù lần đầu nhưng làm rất tốt chức năng của mình, luôn bao quát, chu toàn mọi mặc, cả bài chào mừng mở đầu rất sâu sắc đầy ý nghĩa của bạn Lê Bá Tòng….
Cuộc họp mặt nào cũng có một ý nghĩa riêng của nó, hôm nay, tại Sài Gòn được rất nhiều người tham gia với sự chân tình cởi mở của những người bạn luôn đoàn kết gắn bó cùng nhau ở từng địa phương cũng như tại mảnh đất Vĩnh Long có trường Kỹ Thuật nằm trên đó ( nay đã thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long ).


Với sự quan tâm giúp đỡ lẩn nhau lúc tuổi về già, đã nói lên tình nghĩa của một gia đình thực thụ, tôi nghĩ có rất ít nơi nào có được như dưới mái trường KTVL xa xưa….Hãy về Vĩnh Long đi các bạn để tham dự buổi họp mặt thường niên, về đây các bạn có dịp tâm sự cùng thầy, cô năm nào, bạn bè xưa. Về đây để nhìn thấy, để nghe, để biết sau hơn 40 năm xa rời mảnh đất Vĩnh Long thân thương! Về đây để sống lại những kỷ niệm khó quên của tuổi học trò và còn nhiều thế hệ nữa, bạn sẽ gặp, sẽ thấy….


Mong gặp lại đầy đủ các bạn vào ngày Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long 20-01-2018 ( nhằm ngày mùng 4 tháng Chạp Đinh Dậu ) tại nhà hàng Hương Sen Vĩnh Long vào lúc 8 giờ sáng...

Trần Tấn Trung
Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long
Ảnh: Võ Trường Thụy Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 67


Xem Các phần nối tiếp


Hình Ảnh Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long Lần Thứ Nhất Thuộc Khu Vực Cần Thơ Ngày 30 Tháng 9 Năm 2017 (3)

















Ảnh: Chung Dung Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 71


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Thu Ly Biệt


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh:Kim Oanh


Khúc Điệu Thời Gian



Qua khung cửa sổ lá thu bay
Thong thả heo may giỡn nắng vàng
Niềm nổi thu xưa hoài trăn trở
Bên chiều chút lạnh mộng tình say

Gió theo đường gió lá cuộn bay
Tiếng xác xao đưa những thấm buồn
Xiêu đổ thời gian hoài chuyển vận
Bên đời một thuở mãi cuồng quay

Vòng đời tụ tán cỏi luân sinh
Trụ hoại sinh thành cứ hiển linh
Muôn đường vạn nẻo luân hồi mở
Theo mùa lá rụng lặng im thinh

Lá rơi, lá rụng xuống đồi...nương
Nằm chết vô tri nát vệ đường
Lẽ sống tuần hoàn lui tới mãi
Thời gian gõ khúc điệu vô thường

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đình Diệm)

26.10.2017

Thân Tình Giao Hảo



Bài Xướng: Thân Tình Giao Hảo

Cái ôm thể hiện chút tình thân
Xa ấy mà nay lại cảm gần
Do dự làm chi đừng quản ngại
Tự nhiên mới đúng chớ phân vân
Một lời chào hỏi trong đoàn thể
Đây dịp làm quen giữa cá nhân
khiến Cả muôn lòng thêm ấm áp
Cái ôm thể hiện chút tình thân.

Thái Huy
***
Các Bài Họa: 

Ôm, Điều Tốt Đẹp

Tình nghĩa người ơi dẫu lạ thân
Cái ôm trìu mến bạn xa gần
Cho dù ngăn cách như nam bắc
Hay có mơ hồ giống vụ vân
Thể hiện kiểu này do hậu thế
Phải đâu cách cũ của tiền nhân
Suy đi nghĩ lại ờ hay đấy
Tình nghĩa người ơi dẫu lạ thân.

Quên Đi
***
Trao Cả Tấm Lòng


Cho nhau tất cả tấm lòng thân
Nào cứ phải ôm mới thấy gần
Lời nói chân tình không khách sáo
Nụ cười thành thật chẳng phù vân
Bàn tay siết chặt tay thân hữu
Ánh mắt nhìn sâu mắt cố nhân
Trao trọn thương yêu nào tính toán
Cho nhau tất cả tấm lòng thân.

Phương Hà
***
1/Ao Ước Một Vòng Ôm


Hôm nay mới gặp tỏ tình thân

Ao ước vòng ôm muốn thật gần
Tháng đợi em vui mơ vóc dáng
Năm chờ bạn khỏe mộng phong vân
Vai quàng thể hiện duyên bằng hữu
Tay bắt tỏ bày vẻ quý nhân
Trước lạ sau quen sinh cảm mến
Hôm nay mới gặp tỏ tình thân

2/ 
Một Vòng Ôm Trìu Mến

Không phải tự nhiên được kết thân
Ôm ai thiện chí ước mong gần
Quen lâu hiểu biết tình thân hữu
Lạ mới tương giao nghĩa vụ vân
Sơ ngộ bắt tay như cố cựu
Mới hay tỏ ý tựa ân nhân
Nụ cười ấm áp lòng lưu luyến
Không phải tự nhiên được kết thân.


Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 10 năm 2017
***
Ôm Kết Tình Thân

Gặp gỡ choàng vai kết bạn thân
Ôm nhau dù lạ thấy như gần
Bàn tay nắm chặt bao trìu mến
Ánh mắt nhìn nhau tạo nguyệt vân
Cần nói chi đâu,mà cảm thấu
Chỉ cười một chút cũng tao nhân
Mĩm cười tạo đủ niềm lưu luyến
Gặp gỡ choàng vai kết bạn thân

Song MAI Lý Lệ
***
Thể hiện tình thân 1

Khi ôm là tỏ chút tình thân
Dù lạ,lúc ôm thấy cũng gần
Chẳng nói nên lời mà ý nghĩa
Đôi bàn tay nắm chớ phân vân !
Môi cười thành thật bao trìu mến
Ánh mắt chân tình giống cố nhân
Hay đến bên nhau lòng chớ ngại
Khi ôm là tỏ chút tình thân

Song Quang
***
Tình Thân

Thiên lý hữu duyên hãy kết thân
Một vòng tay ấm đủ thêm gần
Buồn vui chia sẻ niềm tâm sự
Thơ thẩn ngắm nhìn những áng vân
Xao xuyến làm sao tình bạn hữu
Mến thương nào khác cặp tình nhân
Vườn Đào tích cũ nay còn đó
Thiên lý hữu duyên hãy kết thân

Kim Phượng
***
Các Bài Họa Khác:

Ôm


Ôm ghì thật chặt tỏ tình thân
Những lúc Ôm nhau sẽ cảm gần
Cách biệt xa vời Ôm luyến nhớ
Ôm chầm tái ngộ chẳng phân vân
Ôm lòng mẹ ấm thời con trẻ
Tưởng phút Ôm nồng ảnh cố nhân
Muốn cả Ôm hôn đời lữ thứ
Ôm hồn tổ quốc dưỡng tình thân!

Mai Thắng 
171022
***
Văn Hóa Ôm

Văn hóa Tây, Ôm tỏ ý thân,
Muốn ôm luôn phải xáp cho gần.
Bắt tay, kéo lại, ôm thân ... mật,
Hôn má, ôm chầm, vuốt tóc ... vân.
Thụ thọ ... rất thân, kim thế tục,
Nữ nam ... cá biệt, cổ thời nhân.
Quan tâm đâu chỉ ôm bày tỏ ...
Ánh mắt trao ngàn vạn ý thân!

Đỗ Chiêu Đức
***
Thể hiện tình thân 2


Đâu cứ tình nhân mới phải ôm!
Chỉ xin đừng giỡ thói dê xòm!
Á châu hủ tục nên e thẹn
Âu -Mỹ tân thời có cả hôn
Gặp mặt tươi cười thay tiếng nói
Bắt tay siết chặt ấm tâm hồn
Choàng vai cử chỉ thêm thân thiện
Thế giới cần nhiều những cái ôm

Song Quang
10/24/17
***
Bài Thể Hiện Tình Thân 2 của anh Song Quang vui quá, PH xin họa:

Luận về...ôm

Tốt, xấu, đúng, sai tùy cách ôm
Bậy thay ôm mó kiểu râu xồm
Đáng khinh ôm đỡ, phường xu nịnh
Nhạt nhẽo ôm hờ, cặp tảo hôn
Ôm ngập yêu thương,con nũng mẹ
Ôm đầy âu yếm, mộng say hồn
Khổ đau chia sẻ, ôm thông cảm
Sung sướng trong lòng,phơi phới...ôm!

Phương Hà

***
Cám Ơn Bằng Hữu

Trong Vườn Thơ Thẩn kể quen thân
Xướng họa cùng nhau cảm thật gần
Năm vận tui gieo như vẽ cóc
Tám câu bạn họa hệt phê vân
Tri ân quí chị và bằng hữu
Cảm tạ liền anh với quí nhân
Đã kết chúng ta thành một khối
Trong Vườn Thơ Thẩn kể quen thân.

Thái Huy

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó - Trường Sa - Thùy Dương


Sáng Tác: Trường Sa
Ca Sĩ: Thùy Dương
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Sài Gòn



Xướng: Sài Gòn

Thành phố nào đây cảm thấy quen
Sài Gòn có phải tối giăng đèn
Ở xa cứ tưởng lâu đài sáng
Đến đó xem sao cao ốc đen
Hòn Ngọc Viễn Đông xưa nổi tiếng
Nhà hàng chợ búa hiện sang hèn
Dòng xe bụi bám đầy xuôi ngược
Bến cũ đông người chật ních chen

Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 10 năm 2017

Bài Thơ Họa:
Lòng Người


Mưa về tí tách giọt buồn quen
Có gã trầm ngâm dưới ánh đèn
Tiếng gió thì thầm đêm quạnh vắng
Nghe hồn lạc lỏng giữa màn đen
Tình đời tráo trở bao người hận
Thế sự đổi thay lắm kẻ hèn
Có phải lương tâm dần biến mất
Nhân luân rồi sẽ hết đường chen?

Quên Đi


Tiếng Lá Đồi Sương


Tiếng lá hát bên thềm trong nức nở
Ngọn gió buồn cong quặc đứng chơ vơ
Đời lạc tên trên ngọn bút ơ thờ
Mực quá khứ chưa mài mà đã ướt

Đồi mù sương nhân ảnh nào sóng sượt
Thung lũng sầu não nuột chứa ai sâu
Lá nào rơi như tiếng hát từ đâu
Cây cào khóc giữa rừng hoang thiếu nắng

Mở đôi tay vòng ôm ngàn thanh vắng
Ngực hao mòn chất lạnh của tháng năm
Con tim con thoi thóp giữa âm thầm
Theo tiếng lá mịt mùng rơi xa tắp

Ở nơi đây đồi sương và lũng thấp
Bài ca buồn của lá trải mông lung
Hồn khẻ bay theo điệp khúc muôn trùng
Và hạ cánh trong rừng sương cỏ khóc

Lá vẫn hát theo giòng sông uẩn khúc
Đời vẫn rơi từng nhịp gõ bâng khuâng
Có còn ai gom lá đốt một lần
Để ngọn bút cựa mình mực ước


Hoài Tử

Hai Mùa Thu Nhớ



(Tiếng lòng gởi cho người bạn đời đã khuất)

Trời trở lạnh, lá vàng bay theo gió
Một mùa Thu về nữa đó, Em ơi
Hai Thu trước, Em còn xem Cúc nở
Mùa Thu nầy Em đang ở đâu rồi?

Ta đã mất nhau hai mùa lá đổ
Anh ngồi đây ôn lại kỷ niệm xưa
Nhớ mấy mươi năm, sớm nắng, chiều mưa
Ta có nhau khi còn trên quê Mẹ

Em đi rồi, Anh cô đơn quạnh quẽ
Trên quê người, trong kiếp sống tha hương
Người ra đi, đễ lại nỗi nhớ thương
Kẻ ở lại, ray rứt niềm thương nhớ

Gác trọ cô đơn, nhiều đêm trăn trở
Chạnh lòng buồn, tưởng nhớ đến người xưa..


Hoa Đô, Thu 2014
Lão Mã Sơn/ Trần Gò Công

Về Miền Tây - Phần 13



Về phía Bắc Cần Thơ là một dãy đất rất phì nhiêu với cả một vùng bạt ngàn xanh mướt với đồng lúa, xen lẫn vùng bảy núi huyền bí và vùng Đồng Tháp Mười với nhiều triển vọng phát triển về nông nghiệp trong tương lai. Theo các nhà khảo cổ học Việt và Pháp thì vùng này trước đây là trung tâm văn minh Óc Eo của vương quốc Phù Nam thời xa xưa. Từ khoảng những năm 1931 đến 1936, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra gần 30 đường nước phát khởi từ Angkor Borei chảy về Châu Đốc rồi qua vùng núi Sam, Tri Tôn, Ba Thê, sau đó có nhiều nhánh chảy ra Rạch Giá hợp thành một hệ thống dẫn thủy quan trọng cho cả vùng. Những khám phá này cho chúng ta thấy một thời vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, và Đồng Tháp đã từng là trung tâm văn hóa Óc Eo. 

Vào thời Nguyễn Ánh và Tây Sơn thì vùng An Giang là đất Tầm Phong Long của Miên. Năm 1757, vua Miên là Nặc Tôn dâng đất này cho các chúa Nguyễn để làm đạo Châu Đốc, trực thuộc dinh Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long bây giờ). Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cho Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (nay là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Long) đặt ra ba đạo là Đông Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu (Tiền Giang) và Châu Đốc (Hậu Giang). Đến đời Minh Mạng thứ 13, nhà vua cho tách huyện Vĩnh An của tỉnh Vĩnh Long để nhập vào Châu Đốc đạo làm tỉnh An Giang. 

Lúc bấy giờ tổng đốc Hà Tiên thống lãnh hai tỉnh Hà Tiên và An Giang, trong khi tổng đốc Vĩnh Long thống lãnh hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường. Về vị trí An Giang thời đó, Bắc giáp Cao Miên, Đông giáp Vĩnh Long và Định Tường, Tây giáp Kiên Giang (Rạch Giá). An Giang thời Minh Mạng có 3 phủ là Tuy Biên, Tân Thành và Ba Xuyên. Phủ Tuy Biên gồm các huyện Tây Xuyên, huyện Phong Phú, huyện huyện Hà Dương, huyện Hà Âm; phủ Tân Thành (bây giờ là Sa Đéc), gồm các huyện Vĩnh An, huyện An Xuyên, huyện Đông Xuyên; phủ Ba Xuyên gồm các huyện Phong Nhiêu, huyện Vĩnh Định. Như vậy, thời Minh Mạng, tỉnh An Giang bao gồm các vùng bây giờ là An Giang, Châu Đốc, Cần Thơ, và Sóc Trăng. An Giang có núi, nhưng không lớn và không cao như vùng Trường Sơn của miền Trung, tuy nhiên, những núi này cũng tô thắm và nổi bậc giữa một vùng đồng bằng bao la lại có một vùng núi non hùng vĩ. Đây là những núi Ba Thê, núi Thụy Sơn, núi Trà Chiếu, núi Trà Nghinh, núi Tượng, núi Tô Sơn, núi Cấm, núi Ốc Nhẫm, núi Nam Vi, núi Tà Biệt, núi Nhân Hòa, núi Đài Tốn, núi Thị Vi, núi Ba Xôi, núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khe Săn, núi Ngất Sum, núi Chân Sum, núi Thâm Đăng, núi Đại Ba Đê, núi Tiểu Ba Đê... 

Ngày nay, ngoại trừ núi Ba Thê bây giờ còn thuộc tỉnh An Giang, còn lại những núi khác nắm trong vùng “Thất Sơn” thuộc tỉnh Châu Đốc. An Giang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, nằm dọc hai bên bờ sông Tiền Giang và Hậu Giang (vì ngày đó Sa Đéc cũng thuộc An Giang). An Giang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh có sông Tiền Giang, sông Tân Giang, sông Tân Châu, sông Lễ Công, sông Tú Điền, sông Hội An, sông Mỹ An, sông Tân Đông, sông Long Phượng, và sông Sa Đéc. Dân chúng tại vùng này gồm đa số là người Kinh, kế đến là người Chà Châu Giang (Chàm), và người Miên. Tập quán cư trú tại vùng này vẫn còn lưu lại những nét nhà sàn bằng gỗ, vì đây là vùng thường hay bị lũ vào những tháng nước sông Cửu Long dâng cao. Tại Sa Đéc, có vùng Hồi Oa Nước Xoáy. Ở đây dòng nước chảy vòng thành xoáy do nước hai sông Tiền Giang và Hậu Giang giao hội với nhau. Ngoài ra, vùng Sa Đéc còn có sông Nha Mân, chảy từ bờ Nam sông Tiền, từ các đồng ruộng và đổ ra sông Hậu Giang. Sông An Thuận, chảy từ phía Đông ngã ba Cái Ngang (Vĩnh Long), qua ngã Bắc đến sông Long Hồ, rồi chảy về ngã Đông qua rạch Phú An, và ngã Tây chảy đến Trà Ôn (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Thuở ấy sông Hậu Giang chảy vào địa phận tỉnh An Giang, bắt đầu từ chỗ phân nhánh Tiền giang và Hậu giang, rồi chảy ra đến tận biển. Phía Tây sông Hậu giang có các rạch Bàn Tăng, rạch Ô Môn, rạch Trà Nóc, rạch Bình Thủy, rạch Cái Khế; phía Đông qua các rạch Dừa Nước, rạch Quít, rạch Mít, rạch Song Đôi, rạch Dầu, rạch Trâm, rạch Bồn, rạch Trưng, rạch Sách, sông Trà Ôn, sông Tân Dinh, sông Sâm Đăng (những sông này nằm trong địa phận tỉnh Vĩnh Long). Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ họ chia tỉnh An Giang ra làm bốn tỉnh là Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc.


Tỉnh Long Xuyên dưới thời Pháp thuộc phía Bắc giáp Châu Đốc, Nam giáp Cần Thơ, Tây giáp Rạch Giá và Đông giáp Sa Đéc. Tổng diện tích khoảng 120.432 mẫu Tây. Ngoại trừ hai ngọn núi Sập (86 mét) và núi Ba Thê (210 mét), còn lại toàn tỉnh Long Xuyên là một dãy đất thấp, nên mỗi năm đến mùa nước lũ, Long Xuyên thường bị ngập lụt như một biển nước mênh mông. Cũng như các vùng khác trong đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên chằng chịt với một hệ thống kinh rạch và sông ngòi khắp nơi, nên vận chuyển giao thông bằng đường thủy là chính yếu. Dưới thời Pháp thuộc, Long Xuyên có bến tàu đi Nam Vang và Rạch Giá, mỗi tuần đều có 4 chuyến đi và về từ Nam Vang. Bên cạnh đó, Long Xuyên cũng có hệ thống đường bộ nối liền Long Xuyên với Cần Thơ, Sài Gòn, Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Rạch Giá, và Tri Tôn (nay thuộc Châu Đốc). Năm 1899, Pháp cho xây chiếc cầu thớt dựng, nối ngang con kinh ăn vào rạch Long Xuyên, khi có tàu qua lại thì dựng cầu lên, bình thường thì hạ cầu xuống cho lưu thông qua lại, dân chúng gọi đó là “Cầu Máy”. Tỉnh An Giang dưới thời Minh Mạng chỉ có những chợ sau đây: chợ Thái An Đông ở gần sông Ô Môn, chợ Tân An ở gần sông Bình Thủy, chợ Cần Thơ ở gần sông Cần Thơ, chợ Vĩnh Phúc hay chợ Sa Đéc. Các chợ Tân Phú Đông, chợ Tân Thuận, chợ Mỹ An thuộc huyện Vĩnh An. Chợ Nha Mân, chợ Hòa Mỹ, chợ Long Hậu, Tú Điền và Bình Thành Đông.

Tỉnh An Giang đã sản sinh ra những nhân vật từng theo phò tá Nguyễn Ánh giành giựt giang sơn với nhà Tây Sơn như Nguyễn văn Nhân, quê ở huyện Vĩnh An, Tống Phước Thiêm, từ Tống Sơn qua ngụ tại An Giang, Nguyễn văn Nhàn người huyện Vĩnh An, Hoàng Phúc Bảo người huyện Tân Thành (Sa Đéc), Nguyễn văn Trọng người huyện An Xuyên, Đoàn văn Trường người huyện Đông Xuyên, Nguyễn văn Định người huyện An Xuyên, Nguyễn văn Tuyên người huyện Vĩnh An, Nguyễn công Yến người huyện An Xuyên. Về thổ sản, thời Minh Mạng, An Giang gồm có lúa, các loại đậu, các loại dưa, và hoa quả. Về lâm sản, An Giang không có rừng lớn, nhưng có rừng tràm, nên ngoài cây tràm, dùng để làm cừ đóng nọc, An Giang còn có cây mù u, giáng hương, cây sao, cây dừa và nhưng cây tạp khác. An Giang cũng còn có các vùng chuyên nghề nuôi tằm dệt vải lụa. An Giang còn có những sản phậm khác như hạt sen và tôm khô. Vì An Giang là một vùng bạt ngàn sông nước, ruộng đông, nên An Giang có rất nhiều loại cá đồng như các rô, cá đối, cá phèn, cá lưỡi trâu...Thời Pháp thuộc, sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh họ chia An Giang làm những tỉnh lớn như Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá và An Giang, còn những phần đất khác thì cho sáp nhập vào các tỉnh khác.

Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa thì tỉnh An Giang có 4 quận: Quận Châu Thành, quận Chợ Mới, quận Thốt Nốt và quận Huệ Đức. Riêng vùng Núi Sập thì được nâng lên hàng thị trấn. Tại vùng núi Sập, nay thuộc quận Thoại Sơn, cách Long Xuyên khoảng 30 cây số có thành Óc Eo cũ, nay đã bị chìm sâu dưới lòng đất, được phát hiện khi dân chúng đào kinh Xáng Ba Thê. Đa số đất đai của tỉnh An Giang là những cánh đồng bao la bát ngát, tuy nhiên, riêng quận Huệ Đức có đến sáu (06) ngọn núi là những núi Sập, núi Chóc, núi Ba Thê, núi Cậu, núi Bà và núi Tượng. Tuy những núi này không lớn nhưng cũng đủ biến toàn vùng đồng ruộng này trở nên thâm u huyền bí hơn các vùng lân cận. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh quyền trung ương có tài trợ xây dựng con lộ chạy vào núi Ba Thê. Tại Ba Thê hiện còn có một cộng đồng người Khmer rất đông nên ngoài lễ Tết Nguyên Đán vào đầu năm âm lịch, họ còn ăn Tết Miên vào khoảng tháng ba âm lịch. Họ thường chuẩn bị Lễ Tết trước đó hàng tháng và lễ Tết của họ thường kéo dài đến hơn nửa tháng mới dứt. Tại núi Sập, hiện còn đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, hàng năm đến ngày cúng đình ở núi Sập vào tháng ba âm lịch, dân chúng các nơi trong tỉnh thường đổ xô về đây che sạp trước đình để chiêm bái và ăn chơi còn vui hơn cả ngày Tết nữa là khác. Nói đến An Giang mà không nói đến ngày Khai Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ vào ngày mười tháng tám âm lịch là một thiếu sót lớn vì đa số dân vùng An Giang đều theo đạo Hòa Hảo. Họ tổ chức ngày Khai Đạo của Đức Thầy thật lớn vì chẳng những dân chúng trong tỉnh An Giang đổ về dự lễ mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở khắp các tỉnh miền Nam đều đổ xô về dự lễ. Bên kia bờ sông Hậu là vùng Chợ Mới cũng thuộc địa phận tỉnh An Giang. Nổi tiếng nhất của quận Chợ Mới phải nói là cù lao Ông Chưởng (được bao bọc xung quanh bởi rạch Ông Chưởng). Phải nói cù lao Ông Chưởng là một niềm hãnh diện cho dân chúng trong tỉnh An Giang, vì đây là một vùng sông nước bao la với cá mắm đầy sông, rau cỏ đầy đồng, lúa trải đầy ruộng. Chính vì vậy mà có câu ca dao :
“Chiều chiều quạ nói với diều, Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.”
Bên cạnh đó, người dân cù lao Ông Chưởng đa phần theo Phật Giáo Hòa Hảo nên tính tình họ rất thuần lương, chân chất, mộc mạc và hiếu khách.

Nói về giáo dục, thì hầu như trước năm 1975 ở miền Nam tỉnh nào cũng có một trường trung học lớn như ở Sài Gòn thì có Pétrus Ký, ở Mỹ Tho thì có trường Nguyễn Đình Chiểu, ở Cần Thơ có trường Phan Thanh Giản, ở Vĩnh Long có trường Tống Phước Hiệp... thì ở An Giang có trường Thoại Ngọc Hầu. Trường được thành lập năm 1948, do cố Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn ngọc Thơ (quê của ông cũng tại An Giang) khởi xướng và vận động. Cũng như các vùng lân cận khác, trước thời đó sau bậc tiểu học học sinh An Giang phải xuống Cần Thơ để tiếp tục bậc trung học. Chính vì vậy mà lúc đó ông Nguyễn Ngọc Thơ (đang là tỉnh trưởng Long Xuyên) đã vận động thành lập trường. Trường được khai giảng khóa đầu tiên 1948-1949. Sau đó vào thời đệ nhị Cộng Hòa, năm 1968, trường Chưởng Binh Lễ được thành lập vì nhu cầu học sinh trong tỉnh đòi hỏi.

Thành phố Long Xuyên là một trong những thành phố lớn của miền Tây, chỉ thua có Cần Thơ. Long Xuyên có nhà thờ chánh tòa và tòa tổng giám mục. Từ Long Xuyên muốn về Sài Gòn có hai ngã, một ngả qua Bắc Vàm Cống đi Sa Đéc, rồi qua cầu Mỹ Thuận, ngã này ngắn hơn với khoảng cách chừng 190 cây số. Ngã thứ hai là đi về Thốt Nốt, qua Ô Môn rồi đến Bắc Hậu Giang, hướng về Vĩnh Long, rồi cũng qua cầu Mỹ Thuận để đi Sài Gòn, ngã này xa hơn với cự ly là 228 cây số. Ra khỏi thành phố Long Xuyên, đi về phía Tây Bắc là cầu Hoàng Diệu, nối liền Long Xuyên với thị xã Châu Đốc. Vùng Long Xuyên còn nổi tiếng với các “Chợ Nổi” dọc theo bờ sông Hậu. Đi chợ nổi phải cần có xuồng hay ghe, tuy nhiên, hàng hóa ở chợ nổi rất rẽ vì người bán không cần phí tổn cho mặt bằng.
Các ghe trên chợ nổi cũng không cần trương bảng hiệu mà họ chỉ cần treo trên một cây tre những hàng hóa mà học đang bán. Chợ Long Xuyên nằm cạnh bến đò đi khắp các vùng miền Tây, vì như các tỉnh khác ở miền Nam, Long Xuyên chằng chịt những sông rạch nên phương tiện giao thông thuận tiện nhất vẫn là đường thủy. Ngoài ra, tại thành phố Long Xuyên hãy còn những chiếc “xe lôi” rất thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa và hành khách đi lại trong thành phố. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Long Xuyên của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Xứ Lạnh Tình Nồng - Thơ Đỗ Thị Minh Giang - Diễn ngâm: Hương Chiều


Thơ Đỗ Thị Minh Giang 
Diễn ngâm: Hương Chiều
Thực Hiện: Lưu Tòng

Nhìn Lơ Mơ, Nghe Lãng Đãng



Giòng sông trôi nào do định mệnh
Mảnh trăng hiền chảng phải trời cho
Trăng buồn là do ta ngẫu hứng
Phả vào trăng tình tự riêng tư
Ta đi đạp lên bao nhiêu ngọn cỏ
Ta ăn là báo hại bao linh hồn
Ôi non sông cỏ cây vách đá
Ôi tri âm tiếng vọng ở phương nao
Ta nghe nhạc trời mênh mang bên tai lãng
Nhìn sông trôi nhớ bạn vô cùng

Chân Diện Mục

Hoang Mang


Xướng: Hoang Mang

Ta đã say rồi hay đất say
Bỗng dưng vạn vật thảy đều quay
Dưới trên đảo lộn không phân biệt
Phải trái xoay vòng chẳng đứng ngay
Thật giả khôn lường, đâu kẻ đúng
Trắng đen khó nhận, biết ai sai
Bao nhêu chuẩn mực do người đặt
Thoáng chốc mơ hồ tựa khói bay.

Phương Hà
***
Các Bài họa:

Sao Đành

Thiên hà vũ trụ đã cuồng say
Trái đất bão dồn cũng nặng quay
Sáng tối nhập nhèm vòng ác thiện
Đêm ngày lẫn quất lối gian ngay
Con người điên đảo đâu tường ảo
Thượng đế xoay mòng liệu biết sai ?
Quy luật có cần soi xét lại ?
Sao đành như khói lững lờ bay.

Phan Tự Trí
***
Tình Bất Biến

“Họa 4 vần”

Bởi hoài vọng tưởng đến cuồng say
Đắm đuối mê hồn dạ quắt quay
Dưỡng tánh khoan hòa - tâm trụ lại
Nuôi lòng độ lượng - ý thôi ngay
Nghe lời xúc xiểm đừng nhăn mặt
Thấy giọng tung hê chớ nhíu mày
Được, mất lều bều như nước chảy
Chỉ còn tình nghĩa chẳng hề bay

Như Thị***
Tình Luôn Nhớ


Mỗi bận xuân về cảnh ngát say
Thương về quê mẹ thấy lòng quay
Bao mùa vất vả đời đày đọa
Mấy lúc lao đao sống khổ sai
Thấm bạc đầu sương hồn mãi thẳng
Nhuần thơm mái hạc dạ hoài ngay
Lều tranh xóm nhỏ tình luôn nhớ
Mái lá chiều len sợi khói bay

Hương Thềm Mây***
Giấc Mộng Tôi


Cố tình điệp ngữ có đâu say
Đâu phải tự dưng mọi vật quay
Đảo lộn dưới trên tình gạt gẫm
Xoay vòng phải trái ý không ngay
Dối trên lừa dưới ham quyền thế
Ngu ngốc gian tham thích sửa sai
Ao ước nắng lên xua quỷ ám
Thôn xưa chiều xuống khói lam bay!!!

Lộc Bắc
Sept2017
***
Thả Hồn Bay

Đêm về tự chuốc để rồi say
Ngẫm tội thân già túy lúy quay
Nghiêng ngả lưng gầy đo đất lạnh
Lầu bầu phận xót giữ lòng ngay
Dễ dàng chia sẻ lời sau trước
Từ tốn trình bày chuyện đúng sai
Nghiệm cõi ta bà như quán trọ
Thôi thì một giấc thả hồn bay...

Như Thu
***
Tựa Gió Bay

Ngẫm nghĩ buồn đời, muốn xỉn say
Đất trời nghiêng ngã, tớ lăn quay
Mang danh công bộc, bao người thẳng
Ngồi ghế quan toà, mấy kẻ ngay
Bè phái bao che, nhiều ức hiếp
Quan trường tham nhũng, lắm oan sai
Lợi quyền tranh chấp đang mê muội
Tiếng gọi non sông tựa gió bay

Người Nay
***
Đôi Lời

Rượu chưa thấy nhấp, lẽ nào say ?
Trời đất bao giờ lại chẳng quay ?
Đã biết quá đà, nên dứt sớm
Dù rằng chưa thỏa, cũng dừng ngay
Lè nhè dễ té, đi không vững
Nhậu nhẹt hay gì, bước dễ sai
Cho dẫu đường đời nhiều trắc trở
Giữ gìn đừng để tiếng tăm bay

Thục Nguyên
***
Đảo Điên


Thiên hạ mơ màng - mê ngủ say
Thần mưu chước quỷ - tự do quay
Tâm can dũng cảm chà toàn nịnh
Xác thịt ươn hèn ối hiếm ngay
Bám níu quanh co đâu kể trái
Nghĩ suy méo mó chẳng màng sai
Vào trang nhảm nhí - như rùa chạy
Ra giấy vẽ vời - tựa gió bay!

Trương Văn Luỷ
***
Xin Đừng Say

Xã hội cuồng điên rặt kẻ say
Làm sao đứng vững để không quay
Xoay lơ,tránh ngó điều thê thảm
Gục ngã, làm ngơ chuyện trái sai
Đất nước lâm nguy đầy đứa nịnh
Non sông đại loạn,hiếm người ngay
Mau mau thức tỉnh dân thiên hạ
Mê ngủ lâu rồi,đạo đức bay.
 Thanh Hoà
***
Quên Sao Được


Vùi thân thống khoái một cơn say.
Bức để tâm ta bớt quẩn quay
Bỏ hết ưu sầu gây dạ vướng
Lờ qua biếm nhẻ giữ lòng ngay
Hoang mang mấy kiểu phân không có
Lú lẩn hai chiều nhận đúng sai
Tỉnh rượu rằng hay đâu vẫn vậy
Khùng điên tái hiện chẳng mờ bay

Bảo Trâm
***
Ai Say ?


Uống với bạn hiền chẳng sợ say
Đất trời như cũng cứ lăn quay
Ngoài hiên ríu rít, nhìn quanh quẩn
Trên chỏng mơ màng, tỉnh lại ngay !
Thế sự thăng trầm gian với dối
Tình đời lẩn thẩn đúng hay sai?
Phận mình hạt cát trong sa mạc
Ngắm bóng mây trời lãng đãng bay!

NS
***
Đảo Điên


Ngán trông thế sự mải đua say
Đạo đức, nhân tình thảy đảo quay
Thước ngọc Tổ truyền không đất sống
Khuôn vàng đời vẽ rặt điều sai
Tụng ca nịnh bợ tay quyền thế
Khinh rẻ chê cười kẻ thẳng ngay
Trơ tráo nói năng đen hóa trắng
Muôn lời ngạo mạn cứ xằng …bay!

Cao Bồi Già
15-09-2017
***
Muốn Ta Say

Chẳng lẽ có người muốn tất say
Đưa nhiều dụ hoặc kéo cuồng quay.
Du sơn ngoạn thủy mời đi lẹ
Mặc đẹp ăn ngon sẵn đến ngay.
Lắm thứ dương cao mừng quá giỏi
Bao trò thưởng đậm gắng đừng sai.
Quẩn quanh tư lợi rời phương hướng
Tự chủ khang cường cứ nhẹ bay 

Trần Như Tùng
***
Bão Số 10 Tháng 9/2017

Bảo cấp muời hai khiến biển say
Đất trời phía Bắc ngả nghiêng quay
Không trung đảo lộn, lòng tê liệt
Phường phố hoang mang, dạ chẳng ngay
Tàu hỏa tạm dừng, là phải lẽ
Máy bay bỏ chuyến, có chi sai ?
Căng mình chống họa vài ba tỉnh
Cả nước đau cùng giông gió bay.

Cao Bằng
***
Như Áng Mây Bay


Người ơi chuốc nữa để ta say
Rượu nhạt lòng son cũng quắt quay
Đã hẹn ngâm câu tương ngộ đẹp
Sao đành hát khúc biệt ly ngay
Đoàn tàu há thốt lời than thở
Bến đổ sao bàn chuyện đúng sai
Kỷ niệm đêm nầy xin nhớ mãi
Dù tình cảm chợt thoáng mây bay.

Thủy Lâm Synh
Sept. 14, 2017.
***
Băn Khoăng

Trí đỉnh sao mà dụng ý say
Tưởng rằng khuôn khổ hết cuồng quay
Trên gương dưới mẫu nhìn như một
Trước bóng sau hình xếp thẳng ngay
Lệnh phán theo truyền,tuân thủ-đúng
Ngôn đàm với biện,bất tùng-sai
Công trình thử nghiệm loay hoay mãi
Chẳng cánh,thiên đường khó được bay

Lý Đức Quỳnh
***
Khó Lường


Rượu vào quá chén trí mê say
Định luật tuần hoàn trái đất quay
Sự thật luôn hơn điều giả dối
Tình thương mãi thắng tính oan sai
Oán thù tìm cách mưu đồ phải
Gian trá dùng phương lý lẻ ngay
Đổi trắng thay đen đời bạc bẽo
Tâm thành vươn cánh mãi tung bay

15-9-2017
Hoàng Vũ
***
Hoang Mang


Ta thèm ướm thử một lần say
Thực chứng ra rằng đất vẫn quay
Để cảm băn khoăn lòng tự hối
Mà ngâm thất vọng mảng trung ngay
Đường chân hiện rõ trò gian trá
Lẽ thiện trưng bày lộ ác sai
Dáng mỹ quay cuồng cơn gió lạ
Mơ màng đạo nghĩa khói chiều bay

Uyên Du NĐT 
170915

Về Miền Tây - Phần 12



Về danh nhân và di tích, Cần Thơ có rất nhiều danh nhân đã đóng góp công sức và tiền bạc trong công cuộc khai khẩn và phát triển để biến vùng này thành một vùng bao la trù phú. Ngoài Mạc Thiên Tứ là người đã có công khai khẩn và mở mang các vùng Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, phải kể Mạc Tử Sanh (con của Mạc Thiên Tứ) người đã hy sinh khi chống lại giặc Xiêm bên cầu Tham Tướng, người đã có công rất lớn trong việc trị an trong vùng Cần Thơ. Bây giờ tại Cần Thơ vẫn còn chiếc cầu mang tên Tham Tướng để tưởng nhớ đến sự hy sinh của Mạc Tử Sanh cho nhân dân đất Cần Thơ. Ngoài ra còn có các ông Võ duy Tập, một võ tướng quê tại xã Long Tuyền, huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa), ông là người văn võ song toàn nên được chúa Nguyễn phong chức Chánh Lãnh Binh. Ông đã có công trong việc ổn định giặc Cao Miên tại vùng Châu Đốc. Ông làm quan đến đời Minh Mạng và lúc về già ông vẫn còn cầm quân dẹp loạn ở các vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu. Về sau ông bị tử trận ở Bưng Trop Sóc Trăng. Ông quả là một vị tướng suốt đời vì dân vì nước.


Đất Cần Thơ còn lưu lại rất nhiều ngôi mã quan đàng cựu, trong số đó có mã của các ông Nguyễn văn Tồn (bây giờ thuộc vùng Trà Ôn), Phan văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa. Cụ Phan văn Trị sanh năm 1830 tại Gia Định. Năm 1849 ông đỗ cử nhân nên dân chúng thời bấy giờ thường gọi ông là cử Trị. Năm 1862, giặc Pháp chiếm Gia Định nên ông lui về Vĩnh Long lánh thân và bất hợp tác với Pháp. Sau đó vì nhận thấy sự cai trị tàn bạo của người Pháp, ông tỏ thái độ công phẫn chẳng những với giặc Pháp, mà còn ngay cả với những ai hợp tác với giặc, chẳng hạn như Tôn thọ Tường. Cụ Phan văn Trị đã xướng họa những bài thơ xu mị thực dân một cách hèn hạ của Tôn thọ Tường. Thi văn yêu nước của cụ Phan văn Trị có một phong thái hào hùng bất khuất, đáng cho hậu thế chúng ta noi theo. Tại quận Phong Điền, cách Cần Thơ khoảng 16 cây số, hiện còn ngôi mộ của cụ Phan văn Trị. Vì lúc sanh tiền cụ Phan cực lực chống Pháp bằng ngòi bút, và cụ cũng cực lực lên án những tên Việt gian theo Pháp để đè đầu cỡi cổ dân chúng, nên khi cụ mất có rất nhiều kẻ muốn phá hủy mộ của cụ. 

Tuy nhiên, dân chúng trong vùng Nhơn Ái thuộc Phong Điền đã đưa linh cữu của cụ vào chùa Vạn Linh để làm lễ, và sau đó đem về an táng tại xã Nhơn Lộc, nhờ vậy mà ngôi mộ của cụ vẫn còn đến ngày nay, tuy nhiên vì đã lâu không ai chăm sóc nên bây giờ gần như hoang phế. Có lẽ sau năm 1975, con cháu cụ đã về trùng tu lại ngôi mộ ấy. Tuy ngày nay Trà Ôn thuộc về địa phận Vĩnh Long, nhưng một thời Trà Ôn đã gắn liền với dòng phát triển của Cần Thơ. Thiết tưởng phải nói một chút về một số di tích đàng cựu còn sót lại ở Trà Ôn. Tại làng Thiện Mỹ, quận Trà Ôn hiện còn ngôi mã quan đàng cựu của quan Thống Chế Điều Bác Nguyễn văn Tồn, còn gọi là lăng ông hoàng Chàm hay hoàng Chà. Ông là người gốc Miên, đã theo Nguyễn Ánh đánh Nam dẹp Bắc. Về sau ông cũng phụ lực với Thoại ngọc Hầu trong việc đào kinh Vĩnh Tế và ổn định thành La Bích (Nam Vang ngày nay). Ông mất năm 1820 tại Trà Ôn.

Ngoài ra, Cần Thơ hãy còn rất nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là chùa chiền. Tại thành phố Cần Thơ có chùa Nam Nhã, chùa được xây dựng từ năm 1895 theo lối kiến trúc cổ kính trang nghiêm. Chùa Ông, cũng được xây từ những năm 1894 hay 1895, cũng theo lối kiến trúc cổ. Về phía Bắc thành phố Cần Thơ chừng 5 cây số là đình Bình Thủy, đình còn có tên là đình Long Tuyền, được xây dựng vào năm 1844, được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Đình có lối kiến trúc khác hẳn những ngôi đình ngoài Bắc, với ngôi tiền đình và chánh điện hình vuông, mỗi chiều có 6 hàng cột, mỗi hàng có 6 cột bằng cây gõ tròn và to (đây là loại gỗ quý và chịu đựng nắng mưa rất dai). Chánh điện có ba mái cong chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. 

Trên nóc đình có gắn tượng người, tượng kỳ lân và tượng cá hóa long. Hàng năm dân chúng quanh vùng Bình Thủy và Cần Thơ tề tựu về đây rất đông trong những ngày Tết hay ngày cúng đình. Ngoài ra, nói đến Cần Thơ mà không nói đến vùng kinh rạch và khu chợ nổi tại Phụng Hiệp là một thiếu sót lớn. Bảy con kinh hội tụ về Phụng Hiệp đã được thực dân Pháp đào từ đầu thế kỷ 20, và kể từ đó dân chúng các vùng Phước Long, Ngã Năm, Long Mỹ, Xà Phiên, Cỏ Thum, vân vân đổ xô về Phụng Hiệp buôn bán. Trên một vùng sông nước mênh mông, từ các ngả, thuyền bè tấp nập đổ về. Chợ trên mặt đất không đủ cung ứng mặt bằng cho dân tứ xứ mua bán nên họ họp chợ ngay trên mặt sông. Chợ trên bộ có thứ gì thì chợ trên sông cũng có thứ ấy, mà không chừng sản phẩm của chợ trên sông còn phong phú hơn chợ trên bộ nữa là đàng khác. Các sản phẩm từ vải vóc, kim chỉ, dầu, than, củi, quần áo, thức ăn, rượu thịt, cá mắm, thú vật và súc vật đủ loại, từ chim cò, gà vịt, đến rắn rùa, hãy còn đủ thứ trái cây, rau quả, vân vân.

Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì Cần Thơ biến thành một trong những tỉnh quan trọng nhất của Nam Kỳ Lục Tỉnh, từng nổi danh về văn hóa nhờ ảnh hưởng của các ông Phan văn Trị, Bùi hữu Nghĩa, Cai tổng Chiểu. Sau cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm tại Cần Thơ vào năm 1868 làm cho lòng dân Cần Thơ nức lòng phấn chấn. Lúc Tây vừa chiếm xong Nam kỳ thì chúng đã dùng chánh sách chiêu dụ người địa phương ra làm việc với chúng để lấy người địa phương cai trị người địa phương theo chính sách thực dân. Thời đó tại tổng Bảo Định (Cần Thơ) có tên Cai Tổng Nguyễn văn Vĩnh chẳng những hợp tác với Tây mà còn là một hung thần đối với lương dân. Hễ ai mở miệng ra chống đối là hắn thẳng tay trừng trị. Trước cảnh áp bức đó, Đinh Sâm đã đứng lên tại Ba Láng hô hào dân chúng nổi lên tiêu diệt bọn tay sai. Đinh Sâm gửi thư khuyên Cai Tổng Vĩnh nếu từ quan mà lui về ở ẩn thì sẽ tha mạng, ví bằng ngược lại sẽ chẳng toàn mạng. 

Cai tổng Vĩnh tuy có sợ hãi, nhưng vì tham quyền cố vị nên dựa vào thế của Tây thẳng tay đàn áp. Đinh Sâm và một toán nghĩa quân đã xông vào nhà giết cai tổng Vĩnh và đốt nhà. Tuy nhiên, vì thế cô sức yếu nên Đinh Sâm và một số nghĩa binh đã đền nợ nước và cuộc khởi nghĩa này cũng bị Tây thẳng tay đàn áp. Sau khi hay tin Đinh Sâm đền nợ nước, chính cụ cử Trị đã làm bài điếu cai tổng Vĩnh nhưng với ý đề cao Đinh Sâm “Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết, văn binh rơi đất, Trà Niềng thôn lý đái sầu nhan.” Nghĩa là võ kiếm lòa trời, vàm Ba Láng còn lưu máu hận, Văn tinh rơi rụng, phủ lên Trà Niềng một màu tang tóc. Trái ngược lại với cai tổng Vĩnh, ở Cần Thơ cũng có một ông cai tổng, nhưng không hợp tác với giặc, mà từ chức lui về vui thú văn chương. Đó là cai tổng Lê quang Chiểu. Ông không hợp tác với Tây, ông cũng không trực tiếp đánh Tây bằng súng đạn, nhưng ngòi bút của ông luôn phụ họa với ngòi bút của cụ đồ Chiểu và cụ cử Trị trong việc làm khởi lên sĩ khí của nhân dân Nam kỳ Lục Tỉnh. Bên cạnh đó còn có cụ Nguyễn thần Hiến, quê ở Hà Tiên, ông giữ chức hội đồng địa hạt Hà Tiên. 

Tuy nhà giàu có và có thế lực, nhưng không vì thế mà ông hà hiếp dân lành. Ngược lại, ông còn ngấm ngầm giúp đở các chí sĩ yêu nước. Năm 1902, ông dời qua Cần Thơ sau khi mẹ ông qua đời. Năm 1904, sau khi gặp cụ Phan Bội Châu, ông đã hiến một phần lớn gia tài và bí mật thành lập “Khuyến Du Học Hội.” Ông đã từng bôn ba khắp các xứ Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan để vận động tranh thủ độc lập cho Việt Nam. Đến năm 1913, tại Hương Cảng, ông cùng một số bạn đồng chí vận chuyển tạc đạn về Việt Nam, nhưng bị chính quyền địa phương bắt giải giao cho Pháp. Pháp đem ông về giam ở khám Hà Nội, nhưng ông tự sát chết năm 1914. Ông quả là tấm gương hy sinh một lòng vì nước vì dân.

Để lấy lòng nhân dân Cần Thơ, thực dân Pháp đã cho mở thêm trường sở. Vào năm 1921, Cần Thơ đã có trường Collegè, chỉ kém thủ đô Sái Gòn mà thôi. Năm 1954, trường được đổi tên làm trường trung học Phan Thanh Giản. Cần Thơ cũng là nơi có tờ báo đầu tiên ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, tờ “An Hà Báo” là một niềm hãnh diện cho nhân dân Cần Thơ. Trong suốt quá trình chống Pháp của các sĩ phu Nam kỳ, để tránh tai mắt của bọn mật thám Pháp, các sĩ phu ít khi họp mặt tại nhà riêng, thường thì họ tụ tập tại một địa điểm nào đó, lấy thú tiêu khiển văn chương bề ngoài để che dấu giặc Tây. Tại Cần Thơ, các cụ thường hội họp tại một xóm nhỏ trong làng Bình Thủy mà dân chúng quen gọi là “Xóm Bà Đồ.” Đây là một tụ điểm của thi văn gần giống như Chiêu Anh Các ở Hà Tiên, nơi đó một nhà thơ khoa bảng yêu nước Thủ Khoa Nghĩa được sinh ra. Trong suốt đời hoạn lộ thăng trầm, cụ đã luôn giữ vững khí tiết của một con người nồng nàn yêu nước. 

Không ai biết rõ xuất xứ của cái tên “Xóm Bà Đồ” này, chỉ biết đây là vườn tao đàn do bà Nguyễn thị Nguyệt lập ra, nơi chẳng những góp mặt của các danh nho đương thời, mà còn là nơi tụ họp của các sĩ phu yêu nước Nam kỳ. Ngày nay, tuy Cần Thơ là một đô thị sầm uất và quan trọng bậc nhất của miền Tây, nhưng nhờ mang vẻ đẹp của một đô thị vùng sông nước nên Cần Thơ chưa hẳn mất hết vẻ tươi mát như Sài Gòn. Hiện tại, về phía Bắc của Cần Thơ, khoảng giữa Ô Môn và Thốt Nốt hãy còn một khu vườn cò rất rộng (khoảng 5 mẫu), đó là vườn cò Bằng Lăng, nằm ở cuối cầu Bằng Lăng, dọc theo bờ sông nhỏ, với trùng điệp những bụi tre khóm trúc, đây là nơi trú ngụ của hàng triệu con cò đủ loại, từ cò trắng, xanh, vàng, đỏ... ngoài ra còn có đủ loại chim muông khác như vỏ vẻ, óc cao, dòng dọc, cồng cộc, le le, chàng bè, vân vân. Hiện tại, chánh quyền đã biến nơi này thành một vùng du lịch khá nổi tiếng. Thời Pháp thuộc, ngay tại trung tâm thành phố Cần Thơ có khu vườn thầy Cầu, rộng rãi và thanh u với đủ loại cây ăn trái và cây cổ thụ. 

Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng vườn du lịch khá thịnh hành nên tại trung tâm thành phố Cần Thơ và các vùng phụ cận đã mọc lên rất nhiều vườn cây ăn trái dành cho khác du lịch như vườn Mỹ Khánh, cách Cần Thơ chừng 6 cây số, đi về hướng Sóc Trăng, qua khỏi cầu Đầu Sấu, đến gần Cái Răng. Trong vườn có đủ loại trái cây, trong lồng nuôi đủ loại chim nhằm phục vụ khách du lịch, và dưới hồ có đủ các loại thủy sản như cá, tôm, cua, rùa, rắn... Qua cầu Cài Răng một đỗi là vườn Ba Láng, trong vườn có nhiều ao sen nuôi đủ loại cá tôm, đi vào khu vườn người ta có cảm giác như đang đi vào một khu vườn thiên nhiên của miệt vườn sông nước Cửu Long. Ngoài ra còn có các khu vườn khác như vườn nhà Ông Sáu Dương, vườn Lan Bình Thủy, vườn Tân Bình ở Phụng Hiệp. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Cần Thơ của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

(Hết trang 53)
Người Long Hồ

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Tình Khúc Mùa Thu - Nhạc Và Lời: Phạm Anh Dũng - Tiếng Hát Tịnh Hiếu


Tác giả: Phạm Anh Dũng
Piano:Vương Hương
Violin:Luận Vũ
Tiếng Hát Tịnh Hiếu 


Mùa Thu Bên Cháu



Một sáng trời thu phớt nắng vàng,
Hiên ngoài bên cháu ngắm vườn lan.
Cái thằng lớn đại, ôi mau quá!
Hạnh phúc trong tôi bỗng rộn ràng.

Còn nhớ năm nào ẩm cháu ru,
Trong cây man mác tiếng chim gù.
“Donna” bài hát cháu ưa thích,(*)
Một thoáng mười năm đã tít mù.!

Xanh mướt cỏ thu trải khắp vườn,
Liều xiều chân bước mái đầu sương.
Tre tàn măng mọc vui bên cháu,
Sao vẫn thấy lòng chút vấn vương!

Lê thê mây trắng gió thu sầu,
Lựu đỏ bên hè ngả sắc nâu.
Ngõ trước vườn sau rào rạc lá,
Phong linh réo rắt ngỡ kinh cầu.

Tựa cửa lơ mơ mắt lặng nhìn
Dừa cao xõa tóc đứng làm thinh.
Trên cành chiêm chiếp, mùa thu tới,
Thu hỡi vào đây nhấp chén quỳnh !

Mailoc
10-20-17
( Mùa thu Cali 2017 )
(*) Bản nhạc Donna Donna (Le petit garçon) par Claude Francois

Khúc Tango Trắng



Bài Xướng: 

Khúc Tango Trắng

Mưa đan màu áo nhớ
Mưa theo bước chân về
Xưa, mưa giọt mi dỗi
Lóng lánh mắt nhung mềm

Mưa trên đường phố vắng
Thênh thang ướt chiều lên
Nghiêng nghiêng hạt mưa rơi
Hỏi sao gió vô tình

Mưa bay qua khung trời cũ
Buồn tiếng rót mái khuya chờ
Bên song đèn người hiu hắt
Thương ai bóng xa mờ

Mưa bây giờ sương mái tóc
Lòng giá buốt rối sợi mong
Cúi nghe hồn mình thao thức
Cung tơ lướt ơ thờ

Mưa đưa sầu vạn khúc
Thả giữa vòng tay mê
Mai em về bên nắng
Tango nhớ quên nhiều

Lá khô lùa xao xác
Vàng úa tình hư hao
Trắng.. dương cầm réo rắt
Mưa hay lệ thương đau …


Hồng Thúy
***
Thơ Cảm Tác:
Mưa Chiều Phố Nhỏ


Mưa qua chiều phố nhỏ
Mưa trên lối thu gầy
Mưa về miền xa nhớ
Rún rẩy nửa vòng tay

Mưa theo hồn rong ruổi
Lao xao những hàng cây
Thầm thì lá vàng bay
Trách chăng gió mơ màng

Mưa quanh niềm cô lẻ
Sầu giăng lưới trời mây
Nồng nàn mùi hương nhớ
Quạnh vắng lịm nơi nầy

Mưa pha màu tro lạnh
Vẽ khung tình hàn băng
Hao gầy trơ vơ nhánh
Rêu rong dấu in hằn

Mưa vây hoài phố cũ
Nhốt giữa chiều thu liêu
Mong em ngời xuân nắng
Thương yêu ấm êm nhiều

Nghiêng xiêu ngoài mưa phố
Lạnh lùng bước không nhau
Đường xưa về mưa phố
Hạnh phúc bước cùng nhau…


Lý Đức Quỳnh
***

Bài Họa:

Mưa Thu

( Từ thơ của Lý Đức Quỳnh)

Mưa tuôn con hẽm nhỏ
Mưa thấm ướt vai gầy
Mưa nặng niềm thương nhớ
Mưa khắn khít ngón tay

Mưa dâng hồn bắt ruổi
Mưa đọng mấy cành cây
Tàn lá vàng rơi rụng
Buồn thay gió chẳng màng

Mưa vây đời quạnh quẽ
Mù mịt cuối chân mây
Gợi nhớ hương ngày cũ
Dư âm vọng chốn này

Mưa giăng mờ buốt lạnh
Khắc khoải dấu tình băng
Muộn phiền nào đan nhánh
In sâu dấu vết hằn

Lạnh lùng mưa xuống phố
Bong bóng vỡ oà mau
Ước mộng xuôi con nước
Mưa Thu lại nhớ nhau

Mưa trơn đường lối cũ
Phủ kín dáng cô liêu
Xin rực hồng tia nắng
Cho môi mắt thắm nhiều

Minh Thuý
Tháng 10_2017