Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Thơ Tranh: Tiễn Đưa

 

Thơ: Anh Vân
Thơ Tranh: Kim Oanh

Cây Đời Nở Hoa


(Đăng để tưởng nhớ Giỗ Anh Vân 31/7)

Chiều nay mây trắng bay nhiều quá,
Ta đứng bên cầu trông ngóng em
Người em sầu mộng giờ đâu nhỉ?
Trời Úc mù xa trong bóng đêm.

Ba mươi năm sống trên đất khách
Ta sống nào hơn tuổi đá buồn
Hồn, như Thục Ðế hờn vong quốc
Xác, khóc thương quê nhớ mẹ hiền.

Ta đứng bên cầu chân đã mỏi
Nhìn đâu cũng thấy gió mưa giăng
Quê người sương khói mờ nhân ảnh
Chia sẻ cùng ai nỗi nhọc nhằn?

Rồi em tìm đến như định mệnh
Cây đời khô héo bỗng đơm bông
Chim Oanh cất tiếng sầu rơi rụng
Rộn rã trong ta khúc nhạc lòng.

Từ đó đường đời ta chung lối
Hoa vàng nở rộ dưới chân ta
Gánh sầu bỗng nhẹ trên vai mỏi
Ta cám ơn em, giấc mộng đời.

Anh Vân
2009

Lối Nào Cho Ta

(Ảnh:Phượng Hồng sái mùa đất Vĩnh -Kim Phượng)
 
Đất Vĩnh về đây ngắm bóng mình
Phượng hồng ngậm nắng sắc lung linh
Đường xưa lối cũ còn in dấu
Thuở ấy chung đôi bóng với hình

Trở lại nơi này để nhớ nhung
Nỗi buồn vời vợi đến khôn cùng
Cổng đời rộng mở bao nhiêu hướng
Đời chẳng cho mình một lối chung


Kim Phượng


Ten Thousand Flowers In Spring, The Moon In Autumn


Ten Thousand Flowers In Spring, The Moon In Autumn

Ten thousand flowers in spring,
the moon in autumn, a cool breeze in summer,
snow in winter.
If your mind isn't clouded by unnecessary things,
this is the best season of your life.

Wu-men Hui-kai (1183 - 1260)
***
Phỏng Dịch: 

Mùa Đời


Xuân tới ngàn hoa thắm
Gió nồm nam thổi về
Trăng thu treo sáng tỏ
Tuyết trắng phủ sơn khê
Tâm trí không mây bụi
Mùa đẹp nhất chưa hề!

Lộc Bắc
Jui21

Phiếm Về Chuyện Làm Thơ


Sao bỗng dưng mình thấy thèm viết một đoản văn, thèm vô cùng, muốn viết cái gì đó để giải cơn khát, nhưng lại chưa biết phải viết gì.
Đang bí lối, chợt thằng cháu chạy đến hỏi:
- Nội ơi, sao con thấy bây giờ có nhiều người làm thơ quá, mà phần nhiều là người lớn tuổi không hà! Trong đó có Nội nữa phải hông?
À há có rồi, có đề tài rồi. tôi quay qua đứa cháu:
- Con nói cũng đúng, nhưng giờ thì khoan, đợi nội viết bài này xong mới trả lời con nghen.

Làm Thơ

Thời gian thừa mứa tập tành thơ
Tứ bảo văn phòng sẵn đợi thơ
Cắn bút lim dim tìm ý lạ
Giấy buồn ngơ ngác chẳng ra thơ
Cháu con thấy ngộ bu ông nội
Bà xã cười châm ổng nhập thơ
- "Tất cả xê mau đừng léo nhéo
Um sùm như thế khó làm thơ"
(Quên Đi)

Thế là tôi cặm cụi moi những hiểu biết tạp nhạp ra và bắt đầu viết.
Làm thơ! tại sao có rất nhiều người thích làm thơ, nguyên nhân nào khiến giới làm và yêu thơ nở rộ như lời đứa cháu vừa nói?
Nói đến nguyên nhân thì rất nhiều, tùy mỗi người mỗi cảnh. Riêng tôi thì có những nguyên nhân sau:
- Yêu thích thơ
- Ngôn ngữ Việt vốn đã là thơ, nên chuyện làm thơ không khó.
- Thời gian rảnh rỗi, giải buồn lúc nhàn hạ
- Có thêm nhiều bạn qua thơ...
- Tôi quan niệm thơ hay hoặc dở không lệ thuộc nhiều vào thời gian gia nhập làng thơ, mà ảnh hưởng từ trí tưởng tượng phong phú, nhất là năng khiếu, cách sử dụng ngôn từ... Miễn thơ làm người đọc cảm nhận được ý của mình, làm rung động lòng người, hợp với tâm trạng người đọc là được rồi.

Đó chính là những điều khiến tôi thích làm thơ.
Không biết Quý vị thế nào, chứ tôi hồi còn chập chững thơ với thẩn, bị bạn học chọc quê mỗi khi gặp mặt:"ê chào thi nhân; thi gia hay thi sĩ ".

Thú thật thấy cũng ngượng, vì tự nghĩ mình đâu xứng đáng gọi như vậy. Thế nhưng khi nghe anh mình giải thích: "Mấy danh từ đó đại khái cũng có nghĩa tương tự như nhau, ý nói là người làm thơ thôi. Khi một người làm được một vài bài thơ thì gọi như vậy cũng không có gì là quá đáng".

Mình nghiệm lại những danh từ dùng chỉ người làm thơ như: Thi nhân (詩 人) : người làm thơ. Thi sĩ (詩 士 ): người làm thơ nhưng có ăn học. Thi gia ( 詩 家) : nhà thơ. Thấy cũng chẳng có gì sai lắm.
Từ đó về sau, tôi không còn mắc cỡ khi bị bạn bè gọi là thi sĩ.

Trở lại vấn đề.
Có những người yêu thơ, thích làm thơ từ thuở còn cắp sách đến trường, nhưng cũng có nhiều người mãi đến gần cái tuổi sồn sồn, hoặc cổ lai hy mới làm quen với thi ca, mới tìm hiểu và chập chững làm thơ. Và khi hiểu biết về thơ khá nhiều đi đến bình thơ...
Do đó, người làm thơ ngày càng đông, qua thơ kết bạn, dần dà hình thành nhóm, câu lạc bộ, hội...

Cũng từ tình trạng xuất hiện quá nhiều "Nhà Thơ Tài tử, Nghiệp dư...", trong đó, có nhiều người không còn nhớ hay chưa biết luật thơ, đã cất công tìm kiếm, học hỏi nguyên tắc làm thơ. Với nhu cầu tìm hiểu về luật của các thể, loại thơ như thế, người đi trước, rành về Thơ, đã đưa lên Internet những hiểu biết về luật thơ cho người mới tập làm. Đây là một điều rất tốt, giúp thơ ngày càng phát triển mạnh, và chúng ta có một sân chơi thú vị.
Tuy nhiên điều gì cũng có mặt trái của nó, tất cả những gì đăng trên trang mạng chưa hẳn là chính xác hoàn toàn, mà xảy ra trường hợp thừa thiếu, đúng sai lẫn lộn, chẳng những thế, có một số người, nghĩ ra thêm một số luật lệ, cấm kỵ... cho thơ, rồi đăng lên mạng, đôi lúc khiến người muốn tìm hiểu như lạc vào chốn mê cung, không biết tin điều nào.

Trước đây, từ vua, quan đến hàn sĩ ...đều đã làm quen với thơ từ thuở nhỏ, thường làm thơ để tỏ rõ quan điểm cũng như nỗi lòng từng giai đoạn của cuộc đời.
Như :
Trần Thánh Tôn người có sáng kiến triệu tập Hội nghị Diên Hồng, tỏ rõ khí khái mình:
 
Nhất đàn chỉ phá vạn trùng sơn (một cái búng tay, phá hàng chục ngàn quả núi)
Giá cá công phu dã thị nhàn.(việc làm đó cũng dễ dàng thôi)
 
Hay là quan tâm đến triều thần
 
Nhất đại công danh thiên hạ hữu, (Công danh một thời thiên hạ còn có)
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô. (Trung hiếu cả hai triều vua thì thế gian không hề)

Một lòng lo cho dân cho nước, làm nhiều hưởng thụ ít:

Chép miệng dăm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời
(Lê Thánh Tôn)

Còn với quan lại thì tỏ rõ khí phách thao lược...
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
 
Hay nguyện một lòng vì nước
 
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
(Nguyễn Công Trứ)

Rồi đến hàn nho

Van nợ lắm khi tràn nước mắt.
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi...
)Trần Tế Xương)

Than duyên phận

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa, nên chăng chớ
Một tháng đôi lần, có cũng không...
(Hồ Xuân Hương)

Tức cảnh sanh tình

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
(Bà Huyện Thanh Quan)

Không chịu kém, giới bình dân tay lấm chân bùn cũng ra tài thơ thẩn:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...

Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh...

Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng...

vân ..vân...và... vân..vân.

Người Việt mình là thế đấy, từ vua cho chí dân, từ giàu sang quyền quý cho đến cùng đinh mạt vận, đều là "Thi Nhân" cả.
Vì vậy chúng ta cũng đừng ngạc nhiên tại sao ai cũng có thể trở thành nhà thơ. Trong khi từ bản chất mỗi người Việt đã sẵn là một nhà thơ rồi.
Chuyện Làm Thơ

Mần thơ cũng thú lắm thay
Như đang kéo lại tháng ngày đã qua
Cái thời ong bướm vờn hoa
Cái thời mơ mộng chuyện ta với người
Cái thời chưa đến đôi mươi
Cái thời hai đứa vui cười bên nhau
Cái thời chưa nghĩ trước sau
Cái thời cứ mãi khát khao chuyện lòng.
***
Mần thơ đâu phải chuyện đùa
Đủ mùi đủ vị cay chua ngọt bùi
Nhiều khi thao thức tới lui
Những đêm cúp điện tối thui cũng mần
Đứng ngồi suy nghĩ phân vân
Nặn tim vắt óc bao lần chẳng xong
Phải chăng chữ đã đi rong
Khiến mình viết mãi khó hòng nên câu
***
Mần thơ đâu phải chuyện chơi
Nhiều khi dạ cũng rối bời như tơ
Lây quây ngẩn ngẩn ngơ ngơ
Ý tuy đã sẵn chỉ chờ vần gieo
Tiếc rằng từ vựng lèo tèo
Tứ thì một ngả nghĩa theo một đường
Làm thơ chớ khá khinh thường
Dù hay dù dở nhúng nhường đổi trao
***
Mần thơ cái thú an nhàn
Tâm hồn thoải mái ngập tràn tình thân
Làm thơ kết bạn xa gần
Đông tây nam bắc mượn vần kết giao
Làm thơ là thú thanh tao
Mỗi khi thi hứng nôn nao cả lòng
Hương lành gió mát trăng trong
Này này mặc khách sao không bút đề.
(Quên Đi)
Huỳnh Hữu Đức


Trăng Và Nỗi Nhớ - Thương Ai

 

Bài Xướng:

Trăng Và Nỗi Nhớ

Trăng khuya len lén vào phòng
Bắt gặp Nỗi Nhớ mênh mông lặng chờ
Nhìn quanh gối chiếc chơ vơ
Làm sao giấu được đành vờ lặng im

Trăng xuyên suốt tận đáy tim
Thấu tình Nỗi Nhớ thệ nguyền cùng Trăng
Âu yếm đầu tựa vai nằm
Đêm dài bất tận.. thì thầm lời ru

Song ngoài dày đặc sương mù
Trăng thưa dần khuất …thiên thu ảo mờ
Nỗi Nhớ hụt hẫng tỉnh mơ
Ôm ghì hạnh phúc vật vờ ...tìm Trăng


Kim Oanh
***
Bài Họa: 

Thương Ai

Thương Ai vò võ khuya phòng
Trăng đơn, sầu gợi quạnh mông ngõ chờ
Bồi hồi lòng dạ vẩn vơ
Chụm môi hôn cái bóng vờ giả im


Có gì xao xuyến trong tim
Song thưa gió thoảng hương nguyền dụ trăng
Phải chi hơi ấm dấu nằm
Đượm chăn gối ủ hương thầm môi ru

Chênh chao nỗi nhớ...xa mù
Niềm riêng đăm đắm trăng thu khó mờ
Chợp chờn khi tỉnh khi mơ
Khi ngời nhân ảnh...khi vờ hẹn trăng?


27-7-2021
Nguyễn Huy Khôi
***
Chỉ Yêu Trăng

Niềm Thương bủa kín loan phòng
Trăng khuya hớn hở ngóng trông đợi chờ
Trộm nhìn khẽ hát vu vơ
Sao lời ngại thốt giả vờ ngủ im

Trăng đà thấu hiểu buồng tim
Niềm Thương chắc mẩm thệ nguyền với Trăng
Mời ai ghé lại đây nằm
Ngọt ngào dỗ giấc xen thầm tiếng ru

Vườn sau khói thuốc mịt mù
Bước chân xào xạc...gió thu đấy mờ!
Ơi chàng xin chớ mộng mơ!
Bởi vì dạ mãi khôn vờ đón Trăng!

Như Thu
07/31/2021
***
Bài Cảm Tác:

Trăng

Bóng trăng đang nằm cạnh anh
Nguyệt xanh hương toả mong manh tuyệt vời
Sắc sắc không không cuối đời
Khi hình, lúc dáng chơi vơi mơ màng
Cùng anh tâm tình lang thang
Khi trên đồi cỏ, lúc sang qua đò
Canh khuya khi gặp em cho
Tới khi trăng lặn lạnh so tình nồng

Đồ Cóc

Chinh Phụ Ngâm - Thái Thuận


Chinh Phụ Ngâm

Đình thảo thành sào liễu hựu ty,

Chinh phu hà nhật thị quy kỳ?
Bán liêm tàn nguyệt thương tâm dạ,
Nhất chẩm đề quyên lạc lệ thì.
Tái bắc vân trường cô nhạn ảnh,
Giang nam xuân tận lão nga my.
Tạc lai kỷ độ tương tư mộng,
Tằng đáo quân biên tri bất tri?

Dịch nghĩa
Đám cỏ ngoài sân đã thành khóm, chồi liễu lại một lần buông tơ,
Không biết ngày nào người chinh phu trở về.
Soi qua nửa bức rèm, thấy mảnh trăng tàn mà thương tâm,
Vọng lại bên gối nằm, nghe tiếng quyên kêu mà rơi lệ.
Ải Bắc mây phủ đầy, con chim nhạn lẻ loi chiếc bóng,
Sông Nam xuân đã qua, nét mày ngài một ngày một già đi.
Đêm qua mấy lần có những giấc mộng tương tư,
Thường mơ đến bên chàng, chàng có hay chăng?

Dịch Thơ:
(1)

Cỏ rợp sân ngoài tơ liễu bay
Ngày về chiến sĩ lúc nào đây?
Đèn soi nửa bức vầng trăng khuyết
Quyên gọi tàn canh gối lệ dài.
Ải bắc mây chùng đơn bóng nhạn,
Sông nam xuân hết nhạt mày ngài.
Tương tư mấy lúc đêm trường mộng,
Thường đến bên chàng, chàng có hay?

(2)

Cỏ sân ngoài liễu tơ phất phới,
Bao giờ về? ơi hỡi chinh nhân !
Nửa rèm trăng khuyết một vầng,
Tiếng quyên gối lạnh tàn canh lệ mờ.
Mây ải bắc dật dờ nhạn lẻ
Xuân sông nam buồn tẻ mày phai.
Tương tư hồn mộng mơ hoài,
Bên chàng thường đến có hay chăng chàng ?

Mailoc
Cali 02-02-18
***
Chinh Phụ Ngâm

Cỏ sân rậm rạp, liễu buông tơ
Tráng sĩ ra đi tự bấy giờ
Qua nửa rèm thưa, trăng héo úa
Nghe lời quyên nghẹn, dạ sầu ngơ
Mây đan ải Bắc, chim tìm bạn
Xuân bỏ triền Nam, dạ thẫn thờ
Khắc khoải trong đêm tràn giấc mộng
Cùng nhau hạnh phúc mấy cho vừa.

Phương Hà
***
Chinh Phụ Ngâm


Cỏ mọc rậm rì liễu rũ tơ
Chinh phu trở lại biết bao giờ
Tủi thân nhìn mảnh trăng tàn úa
Xót dạ quyên kêu mắt thẩn thờ
Ải Bắc mây mờ côi cánh nhạn
Sông Nam xuân mãn nét già ngơ
Tương tư giấc mộng đêm mơ tưởng
Hằng đến bên ai luống đợi chờ...

Mai Xuân Thanh
***
1/ Chinh phụ ngâm


Đám cỏ sân đình liễu thả tơ
Chinh phu trở lại… biết bao giờ?
Tàn trăng dạ nhói xuyên rèm cửa
Đẫm lệ quyên sầu lạc gối mơ
Ải bắc mây chùng chim nhạn lẻ
Sông nam xuân vãn nét mi mờ
Tương tư mấy giấc nuôi hồn mộng
Thiếp đến bên chàng gửi vận thơ

2/Chinh phụ ngâm

Sân đình chồi liễu buông tơ
Chinh phu trở lại … bao giờ biết đây
Xuyên rèm trăng khuyết dạ cay
Lệ vương gối mộng quyên lay gọi buồn
Nhạn cô ải bắc mây luồng
Sông nam xuân vãn mi chùng nếp nhăn
Tương tư giấc mộng bao lần
Đồn quân thiếp đến biết chăng hỡi chàng?

Mai Thắng  
180208

Phúc Duyên Gặp Gỡ

Đây là bài số năm trăm sáu mươi ba (563) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Chúng ta sống trong cõi trần lao xao này ai mà không có bạn?

Trong quyển Từ Điển Việt Nam do Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam phát hành năm 2006, Bạn được định nghĩa như sau: “Bạn là người quen biết và có quan hệ gần gũi, coi nhau ngang hàng, do hợp tính, hợp ý, hoặc cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, cùng hoạt động”.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường nghe nói đến bạn đạo, bạn tri âm, bạn tri kỷ, bạn sơ giao, bạn cố tri, bạn vàng, bạn đời, bạn đường, bạn lòng, bạn trăm năm, bạn vàng, bạn nối khố, bạn chiến đấu, bạn lý tưởng, bạn văn nghệ, bạn thơ văn, bạn đọc v..v..
Khi bạn cần một người để sưởi ấm trái tim tình cảm của mình, bạn thích tìm bạn bốn phương qua sự trung gian của báo chí, của các dịch vụ phụ trách việc kết bạn cho bạn với một lệ phí nho nhỏ.
Gần đây, nhờ sự phát triển của kỹ thuật điện toán, quý vị nào thích dạo trên mạng lưới toàn cầu để tìm bạn để đấu hót, để học hỏi, để chia sẻ tâm tình thì bạn sẽ có thêm những người “bạn ảo” trong cõi ảo “internet” mịt mù nữa.

Theo Thánh Kinh, Thượng Đế khi thấy ông Adam sống cô độc một mình buốn quá nên Ngài bèn lấy cái xương sườn của ông Adam mà tạo ra bà Eva để ông Adam có bạn chuyện trò cho vui.
Như vậy, có thể kết luận: Bạn là một thực thể rất cần thiết trong đời sống con người, phải không Bạn?
Trong quyển Một Quan Niệm về Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường do Nguyễn Hiến Lê dịch, tác giả nổi tiếng Lâm Ngữ Đường đã giới thiệu về Thú Nhàn và Bạn bè như sau:

“Không có gì vui bằng nhàn, nhàn không phải là không làm một việc gì. Có nhàn mới đọc được sách, có nhàn mới đi coi được những thắng cảnh, mới giao du được những bạn có ích, mới uống rượu, uống trà được, mới viết sách được. Có cái vui nào lớn hơn vậy nữa?

Mây được mặt trời chiếu vào rồi mới thành ráng, suối treo vào đá rối mới thành thác. Cũng là vật đó mà gửi vào một cái khác thì có tên khác. Cho nên cái đạo bạn bè rất quý.
Nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bậc nghiêm cẩn đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kỳ.

Kẻ sĩ nên có bạn thân. Bạn thân bất tất phải là bạn thề sống chết có nhau. Thường thì bạn thân là bạn cách xa nhau trăm ngàn dặm, vẫn có thể tin nhau, không nghe những lời người ta nói xấu về bạn. Việc nào nên làm nên ngưng thì thay bạn mưu tính quyết đoán; hoặc những lúc lợi hại, giúp bạn mà không cho bạn biết, cứ hết lòng vì bạn mà không lo rằng bạn có hiểu mình không?

Tìm tri kỷ trong chỗ bạn bè là việc dễ, tìm tri kỷ trong chỗ thê thiếp là việc khó, tìm tri kỷ trong chỗ vua tôi càng khó nhất.
Diễn được ý người trước chưa diễn mới là sách lạ, nói được những lời khó nói về vợ con mới là bạn thân”
( Nguồn: trích trong Một quan niệm sống đẹp của Lâm Ngữ Đường)

Thật là thú vị khi đọc qua đoạn văn nói trên vì mấy ai trên đời tìm được người bạn tri kỷ tri âm như như Bá Nha Tử Kỳ qua câu chuyện dưới đây:

Bá Nha giỏi đàn. Chung Tử Kỳ thích nghe đàn. Mỗi khi Bá Nha đàn bản “Cao Sơn”, Tử Kỳ khen:
Thật là hay! Vòi vọi hùng tráng như Thái Sơn chất ngất.
Khi Bá Nha tấu khúc “Lưu Thủy”, Tử Kỳ khen:
Hay lắm! Mênh mông trôi chảy như Trường Giang cuồn cuộn.

Một hôm Tử Kỳ lâm bệnh và qua đời. Bá Nha đến viếng tang, tiếc thương thảm thiết rồi cắt đứt dây đàn, không bao giờ đàn nữa.
Từ đó hai tiếng “Đoạn huyền” (cắt đứt dây đàn) dùng để chỉ tri âm.

Bình:

“ Gặp trang kiếm khách nên trình kiếm
Không phải nhà thơ chớ nói thơ”

Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm ngó vách, Thiền sư Vô Ngôn Thông mấy năm ẩn mình, chính là đợi kẻ tri âm vậy.
(Nguồn: Thiền là gì? Biên soạn Giác Nguyên)

Hoặc như là Thúy Kiều Kim Trọng khi sum họp như sau:

“Hai tình vẹn vẽ hòa hai
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ
Khi chén rượu khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên
Ba sinh đã phỉ lời nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”

Nhờ tiến bộ của kỹ thuật điện toán, chúng ta có thêm những người bạn ảo trên internet để trao đổi tâm tình và học hỏi lẫn nhau. Người viết sau những giờ phút chăm lo việc nhà trong tuần, tối đến hay những ngày cuối tuần, người viết dành những giờ phút sinh hoạt với bạn ảo của người viết qua lời tâm tình dưới đây:

“Tôi tìm thấy niềm vui khi sinh hoạt trên các diễn đàn văn nghệ Phụ Nữ Việt, Cô Gái Việt, Minh Châu Trời Đông, Hương Xuân, Đại Học Sư Phạm-Văn Khoa, Huệ Diệp Chi, Gia Long, QGHC, THĐL, ThiềnNhàn SL Group, Hội Cao Niên Oregon v…v… và tôi học hỏi rất nhiều điều hay lạ và hữu ích nơi những người bạn ảo, bạn thật của tôi. Các bạn ảo này tuy khác nhau về tuổi đời, tài năng, kiến thức nhưng lại giống nhau ở tấm lòng thương mến nhau, có lòng từ thiện nhân ái, biết chia sẻ, giúp đỡ cho nhau những gì họ biết, họ có, với những người bạn khác như gia chánh, điện toán, cách chăm sóc vườn cảnh, chuyện đường xa xứ lạ, giúp đỡ người neo đơn, học sinh nghèo, tâm tình bạn gái v..v.. Có nhiều bạn tôi chưa biết mặt chỉ biết nhau qua tên”nick” mà thôi vì đã bảo là “bạn ảo” mà lị!

Có những người bạn ảo mà tôi chưa bao giờ gặp mặt lại hết lòng giúp đỡ tôi rất nhiều như làm ảnh thơ, làm youtube, phổ nhạc những bài thơ của người viết, chuyển dịch sang Anh Ngữ, chuyển tiếp tâm tình của người viết đến những thân hữu của họ, đăng giới thiệu thơ văn của người viết trên trang nhà của họ, khích lệ và hỗ trợ tình thần người viết rất nhiều v..v… Xin đa tạ lòng thương mến và giúp đỡ người viết những người bạn ảo quá tốt này. Smile!”

Có nhiều bạn tôi đã có phúc duyên gặp gỡ, nhưng dù “chưa được gặp mặt” hay “đã được gặp mặt” tất cả các bạn ảo này đều đáng yêu, đáng quý, đối với tôi và tôi cho đấy là phúc duyên của tôi trên cõi trần này.

Xin mời bạn đọc bài thơ Phúc Duyên Gặp Gỡ dưới đây của người viết xem như là lời tâm tình của người viết gửi đến quý thân hữu đáng yêu đáng quý của tôi

Phúc Duyên Gặp Gỡ


(Viết tặng các thân hữu của Sương Lam)

Có những mến thương nảy mầm ươm nụ
Có những cảm tình trổ nhụy chồi xanh
Chỉ chờ một ngày hội đủ duyên lành
Sẽ khai mở thành thân tình quý mến

Xin hãy để cho Tình Thương đổ bến
Vì dòng đời vui ít khổ đau nhiều
Kiếp con người có sống được bao nhiêu
Trăm năm tuổi mấy ai mà sống đủ

Gốc Thiện Tâm mà trời cao đã phú
Hãy vun bồi cho trổ nụ đơm hoa
Để xóa tan đau khổ cõi Ta Bà
Người người được thấm nhuần tình thương mến

Cám ơn người đã dừng chân ghé bến
Bến yêu thương, bến quý trọng, thân tình
Nếu ta cùng chung một kiếp nhân sinh
Thì ta hãy thương yêu trong cuộc sống

Tôi thích một hoa hồng khi còn sống
Còn hơn là trăm vạn đóa hoa tươi
Lúc chết đi ai biết được tình người
Là thành thật hay chỉ lời dối trá?

Đừng cân lượng và cũng đừng mặc cả
Vì tình thương không đơn vị đo lường
Chỉ biết rằng: ta thành thật yêu thương
Ta sẽ được niềm vui và hạnh phúc

Sương Lam


Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Tôi Muốn - Thơ Hoàng Dân Bình - Nhạc Trần Đại Bản - Duyên Quỳnh


Thơ:  Hoàng Dân Bình
Nhạc: Trần Đại Bản
Tiếng Hát: Duyên Quỳnh

Khóc Bậu



Ôi thôi bậu đã đi rồi
Từ nay vĩnh biệt ngậm ngùi trong tim
Nỗi sầu dù có dịu êm
Vẫn là chua xót mắt mềm lòng đau

Bậu ơi xin hãy đi thôi
Nẻo về chốn ấy hết rồi ngọt chua
Dù vương vấn mấy cũng thừa
Bậu đi thanh thản đường chừa lối lên
Tít xa là giải mây mềm
Bọc linh hồn bậu con tim thôi òa

Đường đời dù vẫn đầy hoa
Tim này đâu dễ nhạt nhòa tình em
Uống say uống đến môi mềm
Lung linh hư ảo êm đềm bóng ai....

phamphanlang
28/3/2013

Đôi Lòng


Em đẹp như vầng trăng tuổi thơ
Tóc em là gợn sóng mong chờ
Tình anh, cánh lá run đầu gió
Có lạnh hồn em giữa giấc mơ?

Em là nắng ấm, anh là mây
Mây sa, nắng đọng trời xuân này
Đôi lòng, một thoáng cười trong mắt
Là biết tình vương theo gió bay

Anh là biển cả, em là sông
Sông xuôi về biển ngọt đôi dòng
Anh lùa nắng gió lên bờ mộng
Để muối tình ta thêm mặn nồng

Tạ ơn đời cho ta bể dâu
Phiếm ngà còn đợi ngón tay châu
Anh nghe cả tiếng thầm em gọi
Hiểu vạn lời nhau trong ý nhau


Trang Châu


Ne Pleure Pas - 莫 哭 - Đừng Than Khóc


Dạo: 
 Đừng thương khóc chuyện qua đường,
Hãy thương khóc một quê hương không còn.


I. Cóc cuối tuần Phú Lang Sa:

Ne Pleure Pas

Ne pleure pas quand le soleil,
Car demain, fidèle à sa tâche,
Reviendra ce disque vermeil.
Sa lueur enfin tarie, se cache.

Quand la lune un soir disparaît,
Ne pleure pas sa sombre absence.
Car bientôt, avec grande aisance,
Reparaîtra son bel attrait.

Quand le vent d'automne survient,
Dénuant l'arbre de son feuillage,
Ne pleure pas, car ce pillage
Finira plus vite qu'il vient.

Et quand ces beaux oiseaux s'en vont
Pour rejoindre un autre rivage,
Sache que ce n'est qu'un voyage.
Ne pleure pas, ils reviendront.

Mais quand l'ennemi t'a rendu
Exilé dans ta patrie même,
Pleure et pleure donc, le cœur blême,
Pour ce pays à jamais perdu.

Trần Văn Lương

Cali, 7/2021

II. Phỏng dịch thơ Việt:

Đừng Than Khóc

Đừng than khóc khi mặt trời khuất dạng,
Cuốn mang theo những giọt nắng úa tàn,
Vì ngày mai, khi sương sớm dần tan,
Sẽ lại thấy ánh hồng lan khắp chốn.

Mảnh trăng đó cũng có ngày ẩn trốn,
Đừng âu sầu, đừng chộn rộn khóc than,
Chỉ vài hôm, trăng sẽ lại an nhàn
Trở về giữa lối ngàn sao lấp lánh.

Khi ngọn gió thu vút qua lành lạnh,
Vặt rừng cây trụi lá, nhánh khô phơi,
Đừng khóc than, cảnh xơ xác tả tơi
Sẽ biến mất nhanh như thời mới đến.

Khi những cánh chim giã từ từng chuyến,
Để tìm về một bến đỗ xa xôi,
Đây chỉ là chia cách tạm mà thôi,
Đừng than khóc, chúng rồi quay trở lại.

Nhưng khi bị lũ giặc thù vô loại,
Bắt lưu đày trên dải đất yêu thương,
Hãy vắt tim, dốc hết lệ đoạn trường,
Khóc cho một quê hương không còn nữa.


Trần Văn Lương
Cali, 7/2021

III. Phỏng dịch thơ Tây Ban Nha: (endecasílabos)

No Te Lamentes


No te lamentes cuando el sol se pone,
Después de disipar su luz divina,
Porque mañana, fiel a su rutina,
De nuevo el disco celeste se expone.

Cuando se esconde la luna chiquilla,
No lamentes su corta y oscura ausencia,
Porque pronto, con gran aplomo y gracia,
Reaparecerá esta maravilla.

Cuando el viento glacial de otoño viene,
Al bosque de sus hojas despojando,
No te lamentes. Como está cambiando
El clima, pronto el botín se detiene.

Y cuando emigran las aves hermosas
A alguna costa cálida y amigable,
Sepa que es solo un viaje inevitable.
No te lamentes, volverán con rosas.

Pues si tu tierra natal es vendida
Y el enemigo te ha en ella exiliado,
Ve a lamentar, el corazón quebrado,
Tu patria ahora por siempre perdida.

Trần Văn Lương
Cali, 7/2021

IV. Phỏng dịch thơ Anh văn: (iambic pentameter)

Don't Cry

Don't cry, when at day's end, you see the sun
Collect his fading rays and sink away,
Because, as soon as looms a fresh new day,
This red and blazing disc resumes his run.

When suddenly the moon cannot be seen,
Don't cry for her short-lived retreat from view,
Because in time she will appear anew,
Displaying her old grace and charming sheen.

When that cold autumn wind arrives and strips
The trees of their last leaves and keeps them bare,
Don't cry, because it's just a little flare
Which ends as quickly as the weather flips.

And when these migrant birds begin to turn
To find a distant warm and friendly shore,
Remember, it's a trip, no less no more.
Don't cry, when spring appears, they will return.

However, when right in your native land
The devils exile you through threats and fears,
Then squeeze your heart for all your bloody tears
To mourn this lost forever fatherland.

Trần Văn Lương
Cali, 7/2021

V. Phỏng dịch thơ Latin: (dactylic hexameter) (*)

Noli Flere


Quando sol sub horizonte denique recedit
Et solaris scintilla lenta omnino evanescit,
Noli flere, quia cras cum suo modu operandi,
Statim in caelum illa caelestis stella resurgit.

Quando luna per aliquot noctes abolescit,
Noli flere illam absentiam temporariam,
Quia actutum amplifice denuo resurget,
Cum elegantia vetera et fulgore venusto.

Quando ventus autumni advenit derepente,
Et tota folia floresque in silva relegat,
Noli flere. Cum ver denique cambire coepit
Caelum, natura iterum vultum novum habebit.

Et quando aves, ut hoc frigus durum eludant,
Incipiunt migrare ad nova litora calda,
Noli flere. Hoc iter est solum temporarium.
Cum florescunt veris plantae, hilare revenient.

Sed si ab inimicis occupata est tua terra
Et in ea ipsa infeliciter factus es exul,
Cordis sanguinem in lacrimas convertere debes


Ut lamenteris amissum aeternum patriae hujus.

Trần Văn Lương

Cali, 7/2021
(*) Ghi chú:

Phân nhịp (scan) ra các pieds (dactyl: D, spondee: S)
như sau:

Quāndō| sōl sŭb hŏ|rīzōn|tē dē|nīquĕ rĕ|cēdit SDSSDS
Ēt sŏlă|rīs scīn|tīllā| lēnta‿ōm|nīno‿ĕvă|nēscit. DSSSDS
Nōlī| flērĕ, quĭ|ā crās| cūm sŭŏ| mōdu‿ŏpĕ|rāndi, SDSDDS
Stātim‿īn| cǣlum‿īl|lā cǣ|lēstīs |stēllă rĕ|sūrgit SSSSDS

Quāndō| lūnā| pēr ălĭ|quōt nōc|tēs ăbŏ|lēscit SSDSDS
Nōlī| flēre‿īl|lam‿ābsēn|tīām| tēmpŏră|rīam, SSSSDS
Quīā|⁔āctū|tum‿āmplĭfĭ|cē dē|nūŏ rĕ|sūrget, SSDSDS
Cum‿ēlē|gāntī|ā vĕtĕ|ra‿ēt fūl|gōrĕ vĕ|nūsto. SSDSDS

Quāndō| vēntūs| āutūm|ni‿ādvē|nīt dĕrĕ|pēnte, SSSSDS
Ēt tō|tā fŏlĭ|ā flō|rēsque‿īn| sīlvă rĕ|lēgat, SDSSDS
Nōlī| flērē|. Cūm vēr| dēnĭquĕ| cāmbĭrĕ| cœ̄pit SSSDDS
Cǣlūm|, nātū|rā⁔ĭtĕ|rūm vūl|tūm nŏvum‿hă|bēbit SSDSDS

Ēt quān|dō⁔ăvĕs|, ūt hōc| frīgūs| dūrŭm⁔ĕ|lūdant, SDSSDS
Īncĭpĭ|ūnt mī|grārē|⁔ād nŏvă| lītŏră| cālda, DSSDDS
Nōlī| flēre.‿Hŏc ĭ|tēr ēst| sōlūm| tēmpŏră|rīum. SDSSDS
Cūm flō|rēscūnt| vērīs| plāntae,‿hĭlă|rē rĕvĕ|nīent. SSSDDS

Sēd sī|⁔āb ĭnĭ|mīcīs| ōccŭpă|tāst tŭă| tērra SDSDDS
Ēt ĭn ĕa|‿īpsa‿īn|fēlī|cītēr| fāctŭs ĕs| ēxul, DSSSDS
Cōrdīs| sānguĭnĕm|⁔īn lăcrĭ|mās cōn|vērtĕrĕ| dēbes SDDSDS
Ūt lā|mēntĕrĭs| āmīs|sum‿ǣtēr|nūm pătrĭ|ae‿hūjus. SDSSDS

VI. Phỏng dịch thơ Hán:
莫 哭


若 見 太 陽 藏, 
勸 君 莫 哭 喪,
明 天 它 復 返,
 炯 炯 散 紅 光.

夜 長 月 沒 來,
莫 哭 莫 悲 哀, 
不 久 銀 輪 出,
悠 悠 逛 九 陔.

秋 風 忽 不 平,
草 木 又 凋 零,
莫 哭 春 輝 至, 
萋 萋 葉 再 生.

羣 鳥 漸 離 開,
避 寒 在 遠 涯.
莫 憂 愁 莫 哭,
時 到 眾 歸 來.

敵 已 抹 邊 疆,
流 亡 劫 難 長.
君 須 含 血 淚, 
百 歲 泣 家 鄕.

陳 文 良

Âm Hán Việt:

Mạc Khốc


Nhược kiến thái dương tàng,
Khuyến quân mạc khốc tang,
Minh thiên tha phục phản,
Quýnh quýnh tán hồng quang.

Dạ trường, nguyệt một lai,
Mạc khốc, mạc bi ai,
Bất cửu, ngân luân xuất,
Du du cuống cửu cai.

Thu phong hốt bất bình,
Thảo mộc hựu điêu linh,
Mạc khốc, xuân huy chí,
Thê thê diệp tái sinh.

Quần điểu tiệm ly khai,
Tỵ hàn tại viễn nhai.
Mạc ưu sầu, mạc khốc,
Thời đáo, chúng quy lai.

Địch dĩ mạt biên cương,
Lưu vong kiếp nạn trường.
Quân tu hàm huyết lệ,
Bách tuế khấp gia hương. 

 Trần Văn Lương
Cali, 7/2021

Nghĩa:

Nếu thấy mặt trời ẩn,
Khuyên người đừng khóc hay ai điếu,
Ngày mai mặt trời trở lại,
Ánh sáng hồng tỏa ra rực rỡ.

Đêm dài, mặt trăng không đến,
Xin đừng khóc, đừng buồn khổ,
Chẳng bao lâu thì bánh xe màu bạc sẽ xuất hiện,
Thong dong dạo khắp chín tầng trời.

Gió thu chợt nổi giận,
Cỏ cây héo úa tàn tạ,
Xin đừng khóc, khi nắng xuân đến,
Lá cây sống lại tốt tươi.

Bầy chim dần dần bỏ đi,
Trốn lạnh nơi bến bờ xa.
Đừng lo buồn, đừng khóc,
Ngày giờ tới, đám đông sẽ quay lại.

(Nhưng khi) kẻ thù xóa hết biên cương,
Kiếp nạn lưu vong dài.
(Thì) xin người hãy ngậm lệ máu,
Trăm năm thương khóc quê nhà.


Trần Văn Lương
Cali, 7/2021

Quy Cố Viên Hương 歸故園鄉 - Phạm Đình Hổ


Phạm Đình Hổ (chữ Hán: 范廷琥, 1768-1839) tên chữ là Tùng Niên (松年), Bỉnh Trực (秉直), hiệu: Đông Dã Tiều (東野樵), tục gọi là Chiêu Hổ. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn và nhà thơ của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Sinh trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phạm Đình Dư, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây, rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) năm Giáp Ngọ (1774).

Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...[1]. Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.

Gặp buổi loạn lạc, vua Lê Chiêu Thống cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình Lê Trịnh sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.

Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.

Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.

Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu luôn. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi. Ông để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng, tiêu biểu như các bài sau đây:

歸故園鄉                Quy Cố Viên Hương

斷梗飄蓬歲兩周, Đoạn ngạnh phiêu bồng tuế lưỡng chu,
衰瓢重作故鄉遊。 Thôi biều trùng tác cố hương du.
叢荊修竹相高下, Tùng kinh tu trúc tương cao hạ,
幽草荒丘半有無。 U thảo hoang khâu bán hữu vô.
征鶩影和朝靄色, Chinh vụ ảnh hòa triêu ải sắc,
孤蟬聲入夕陽秋。 Cô thiền thanh nhập tịch dương thu.
憑欄回想當年事, Bằng lan hồi tưởng đương niên sự,
擬向蒼蒼問故吾。 Nghĩ hướng thương thương vấn cựu ngô.
範廷琥                     Phạm Đình Hổ

* CHÚ THÍCH:
- Đoạn Ngạnh: Trong bài Qúa Kim Liên Tự của cùng tác giả, ta đã gặp từ BÌNH NGẠNH 萍梗 là Cánh bèo, nên Đoạn Ngạnh 斷梗 là Bèo rả cánh.
- Thôi Biều: còn đọc là Suy Biều, có nghĩa là Trái bầu héo. 
- Tùng Kinh: là Bụi cỏ gai, ý chỉ Cỏ dại. Tu Trúc : là khóm trúc được trồng tỉa cẩn thận.
- U Thảo: là Cỏ mọc thâm u. Hoang Khâu : là Gò hoang.
- Chinh Vụ: là Cánh cò xa xa. Ải Sắc : là Sắc trời buổi sáng sớm, ban mai.
- Cô Thiền: là Tiếng ve cô đơn, lẻ loi.
- Bằng Lan: là Đứng hoặc Ngồi dựa lan can.
- Nghĩ: là Dự định, là Muốn.
- Thương Thương : là Trời xanh.
- Ngô: là Tôi, là Ta, là Tao...

* NGHĨA BÀI THƠ:
Trở Lại Cố Hương
Như bèo rả cánh, ta trôi nổi suốt hai năm tròn, giờ thì như trái bầu đã héo úa tìm về lại cố hương. Đám cỏ gai hoang dại đã cao gần bằng với khóm trúc, và cỏ dại mọc thâm u phủ kín cả gò đất hoang trông như có như không. Cánh cò trắng xa xa chìm vào vầng mây sáng của buổi ban mai, và tiếng ve sầu đơn độc hòa vào trong ánh nắng chiều của buổi tàn thu. Đứng tựa vào lan can mà hồi tưởng lại những việc đã qua của những năm xưa, ta muốn hỏi trời xanh thăm thẳm về những việc của ta ngày ấy (sao lại như thê!).
Xúc cảnh sinh tình, nổi trôi phiêu bạc, vất vả lang thang, tìm về lại cố hương không chút vinh quang mà lại buồn như " trái bầu héo ". Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ! Cỏ gai mọc cao gần bằng khóm trúc, cỏ dại phủ đầy không còn nhận ra được những gò đất của dạo nào; cánh cò đơn lẻ mất hút ở chân trời xa và tiếng ve sầu cô đơn của buổi chiều tàn thu. Cảnh trí và thiên nhiên đều nhuốm vẻ bi ai sầu muộn như tâm sự của kẻ lạc phách sa cơ chưa có được chút thành tựu nào trong sự nghiệp, chỉ còn biết có ngửa mặt than trời !

* DIỄN NÔM:
Trở Lại Quê Xưa

Như bèo rả cánh đã hai năm,
Thất chí quê nhà lại ghé thăm.
Gai mọc trúc tre nào có thấy,
Cỏ lan gò nổng biết đâu tầm.
Cánh cò lẩnkhuất trong mây sớm,
Ve tiếng đơn côi thu nắng râm.
Tựa giậu nhớ về bao chuyện cũ,
Hỏi trời sao lại nở đang tâm!?

Lục bát:

Bèo trôi rả cánh hai năm,
Thất cơ lê bước về thăm quê nhà.
Bụi gai cao lấn tre già,
Gò cao cỏ dại mọc qua khó tìm.
Cánh cò nắng sớm im lìm,
Cô đơn rả tiếng ve thêm não nùng.
Tựa lan can nhớ mông lung,
Hỏi trời sao nở lạnh lùng đời ta !?

Đỗ Chiêu Đức

Tôi Làm Thơ


Anh Yahoo thân mến.
Tôi không là thi sĩ
Tôi chỉ là tay mơ
Cô đơn trên gác trọ
Buồn, tập tành làm thơ.
Tôi không có tham vọng
Được trở thành nhà thơ.
Thơ tôi làm tặng bạn
Chưa in sách bao giờ.
Nhờ bạn bè khích lệ
Tôi tiếp tục làm thơ.
Ngày còn gõ máy nổi
Ngày đó còn làm thơ.
Ngày tay rung, mắt kém
Hết chơi với Computer
Tôi sẽ hết làm thơ.


Lão Mã Sơn

Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng & Những Dòng Chia Sẻ

 

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bị cầm chân tại gia, mỗi ngày theo dõi tin tức toàn tin buồn, tử sinh trong gang tấc…! Để khuây khỏa, ngoài viết lách, đọc sách… thú vui và niềm an ủi duy nhất là nghe nhạc. Từ những ca khúc đó, tôi thả hồn trong khói thuốc và cung bậc với lời ca để tìm lại cung thương ngày cũ.

Như đã viết, trong ba thập niên ở Little Saigon, làm báo không lệ thuộc giờ giấc nên mỗi buổi sáng dù nắng hay mưa, tôi cũng ra quán cà phê gặp gỡ anh em, đồng nghiệp, thân hữu. Mỗi nơi có vài vị đóng đô nên phải chọn để tán gẫu. Nhờ vậy cũng biết thêm khá nhiều những mẩu chuyện trong giới văn nghệ qua chứng nhân thời quá khứ. Trong giới văn nghệ và báo chí của một thuở miền Nam hay Sài Gòn năm xưa được hiện diện nơi nầy giúp tôi hiểu thêm vì thời quân ngũ không có dịp gần gũi… Theo dòng thời gian, những khuôn mặt thân quen đó đã lần lượt qua đời khá nhiều!

Thế nhưng, từ tháng 3 năm 2020 đến thượng tuần tháng 7 năm 2021, tôi không ra quán cà phê mà mỗi sáng với cà phê backyard. Vài tháng đầu thấy buồn nhưng sau đó quen dần nhờ cái iPhone bầu bạn. Nhiều lần bạn bè gọi nhưng tôi từ chối vì ngồi quán cà phê mà thấy cảnh đeo khẩu trang mất thú vị.

Thời gian gần đây tôi đề cập đến nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (qua hai bài viết trước đây) và nhạc sĩ Lan Đài, xuất thân nơi xứ Quảng của tôi. Tôi nhận được tin nhắn và email nhắc nhở về nhạc sĩ tài hoa với những ca khúc tuyệt vời trước năm 1975 và 15 năm ở hải ngoại (1985-2000): Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam), ngoài ra còn bút hiệu là Anh Nam.

Năm 1990 khi định cư ở Little Saigon, tôi quen với Lâm Tường Dũ, Nguyễn Ngọc Chấn và qua hai người bạn nầy kéo thêm Trầm Tử Thiêng vì NNC & TTT thân nhau từ lúc ở Trung Tâm Học Liệu tại Sài Gòn. Khi anh Ngọc Chánh còn vũ trường Ritz trên đường Brookhurst ở Anaheim (1984-1998) thỉnh thoảng chúng tôi đến chơi được chủ nhân ưu ái tặng vài cốc rượu miễn phí, ngồi ở kệ trước quầy rượu. Cậu Trời NNC cũng ngứa tay ngứa chân nhưng có ông nhạc sĩ không thích nhảy nhót, chỉ nhâm nhi, phì phà điếu thuốc nên Cậu Trời chỉ uống Coke vì không biết uống beer, rượu, cà phê… nên tôi đùa “công tử mặc váy” nhưng yên tâm với bác tài.
 

Năm 1998, nhà in Westminster Press ra tờ Thế Giới Nghệ Thuật, khổ magazine, giấy láng, full color, chủ bút là Lâm Tường Dũ (cũng là chủ nhân tuần báo Tình Thương), và tôi làm tổng thư ký cả 2 tờ nầy. Với nội dung tờ TGNT thuần túy về lãnh vực nầy nên chọn đề tài cũng dễ để viết. Khi Lâm Tường Dũ đề nghị tôi viết về Trầm Tử Thiêng và nói ông nầy khó tính, đừng đề cập đến chuyện tình (dù chúng tôi cũng biết nhiều) chỉ viết về nhạc lính, quê hương và thân phận người Việt lưu vong, giữ bí mật không báo cho ông biết.

Thế rồi khi tờ báo ấn hành, khi layout bị tổ trác, tên Trầm Tử Thiêng, chữ “g” bị tấm hình trắng đen che khuất. Anh giận quá nên Lâm Tường Dũ ca vài câu vọng cổ nên anh cũng bỏ qua.. và sau đó cùng uống cà phê với nhau vào buổi tối ở Mái Hiên Tây trên đường Bolsa cạnh đường Magnolia (nay là quán nhà hàng Phi Thuyền của người bạn ở Đà Lạt…)

Nhớ lúc uống cà phê ở Mái Hiên Tây với nhau, Trầm Tử Thiêng thích ngồi ở góc và dựa lưng vào tường, hỏi anh vì sao thì anh nói, thấy có bất trắc thì dọt. Nguyễn Ngọc Chấn và Lâm Tường Dũ thích đánh Keno nên chạy tới chạy lui. Tôi đọc nhiều về sách tử vi, tướng số và phong thủy nên đem chuyện nầy tán gẫu với Trầm Tử Thiêng. Hình như anh cũng “mê tín dị đoan” thích gợi chuyện nầy. Có lẽ thời điểm đó anh có nỗi niềm tâm sự ray rứt nên tìm lãng quên, thật ra không khí nầy không phù hợp với anh. Một người trầm lặng như anh và một người thích trò chuyện như Lâm Tường Dũ lại hợp nhau. Lâm Tường Dũ biết nhiều những mẩu chuyện xảy trong giới ca nhạc ở Little Saigon với lối kể chuyện duyên dáng, khôi hài, vô thưởng vô phạt nên có biệt danh “Lâm huề vốn”.

Tòa soạn tuần báo Tình Thương nằm trên đường Bolsa (cạnh đường Beech) của vợ chồng Lâm Tường Dũ, có tiệm giặt ủi, khách hàng là thân hữu, có cô Nhung chuyên viên đánh máy nên các bạn văn viết trên giấy, vài nhà báo thu âm phóng sự… phải qua tay cô để in báo. Nơi đây gọi ví von là “tụ nghĩa đường” thật vui.

Viết về Trầm Tử Thiêng, là một trong những nhạc sĩ được đề cập nhiều nhất ở hải ngoại khi anh vĩnh biệt cõi trần nên không muốn lặp lại… Gia tài âm nhạc của anh với khoảng hai trăm bản nhạc để lại rất đa dạng và phong phú trong nền tân nhạc Việt Nam. Du Tử Lê đã nhận định: “Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam, tính từ 1954 tới 1975, nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện, thì có lẽ, đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng”. Và 15 năm ở hải ngoại, bản tính anh cũng vậy, anh tham gia trong sinh hoạt nhưng thời gian sau đó không thích xuất hiện trước công chúng.

Ngoài ra, anh tham gia trong vài lãnh vực khác như trong Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại, thời gian chúng tôi cộng tác với nhau. Tôi đã viết về tổ chức nầy đã phổ biến trên các trang web, điển hình như Đặc San Lâm Viên

Đặc biệt với Thư Viện Việt Nam từ khi thành lập với các thành viên nòng cốt sáng lập như Du Miên, Trần Lam Giang, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Lập (đã qua đời), Võ Trọng Di (nha sĩ ở San Diego cũng là mạnh thường quân của TVVN)…


Khi anh Trầm Tử Thiêng còn sống, là người kín tiếng, dù biết những bóng hồng một thời và còn dư hương ngày cũ nhưng chúng tôi không hỏi và nhắc đến… Tưởng con người anh khô khan, sống cô độc nhưng đó chỉ là dáng dấp bên ngoài… cho đến khi anh qua đời, bạn bè ngạc nhiên vì nhạc sĩ đào hoa ra phết!

Nhạc sĩ Nhật Ngân trong thời gian học trung học và dạy nhạc tại Đà Nẵng với nhiều kỷ niệm nên coi nơi nầy như quê hương thứ hai trong mọi sinh hoạt của Hội Đồng Hương Quảng Nam ở Little Saigon. Ca khúc Quảng Nam Quê Tôi của anh nói lên tình cảm đó. Với cố hương thì Trầm Tử Thiêng coi như bóng mờ vì rời nơi chốn khi còn trẻ. Có lần tôi hỏi anh trong thời kỳ kháng chiến nhưng anh chỉ nói lâu quá cũng quên… Tôi nghĩ anh có điều gì đó không muốn khơi lại nên tôi không bao giờ đề cập.

Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân phục vụ quân ngũ trong cùng thời điểm được phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị ở Sài Gòn.

Nhân đây đề cập sơ qua chi tiết về giới văn nghệ sĩ khi khi phục vụ trong quân ngũ ở Sài Gòn mà những bài viết sau nầy không nắm vững nên sai lạc. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa ở các trường trung học có dạy bộ môn vẽ và nhạc. Lúc đó ở Huế và Sài Gòn có trường dạy về âm nhạc và hội họa nhưng sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế nên các trường mời những người có khả năng chuyên môn vào dạy nhạc và vẽ dù không có bằng cấp. Vì vậy sau nầy có lệnh động viên, họ không có tú tài I (sĩ quan tài nguyên vào trường Bộ Binh Thủ Đức) nên theo học lớp hạ sĩ quan. Có những người có bằng cấp nhưng muốn ở Sài Gòn nên gia nhập vào Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (trước năm 1965 gọi là Nha Chiến Tranh Tâm Lý) có Cục Tâm Lý Chiến, đài Phát Thanh Quân Đội, nhật báo Tiền Tuyến, nguyệt san Tiền Phong, bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa… và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương… những nơi nầy gọi là “chiêu hiền đãi sĩ” cho người lính trên mặt trận văn nghệ để họ gia nhập từ binh sĩ đến hạ sĩ quan, sĩ quan. Ngoài ra, còn có các đơn vị, khối, phòng CTCT ở Sài Gòn và phụ cận cũng là chỗ “khoác áo lính” cho văn nghệ sĩ…


Trường hợp Trầm Tử Thiêng, vào thời điểm cuối thập niên 50, anh có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (thường gọi là bằng Diplôme) bằng nầy cũng có giá trị vì thi viết và vấn đáp khoảng 15 phần trăm trúng tuyển. Có mảnh bằng nầy cũng có cơ hội lập thân, nếu có chứng chỉ lớp Đệ Nhị, đủ điều kiện nộp đơn vào vài quân trường để được đào tạo thành sĩ quan QLVNCH. Trầm Tử Thiêng theo học trường Sư Phạm Thực Hành một năm ở Sài Gòn, ra trường dạy tiểu học nhưng với chuyên môn nên dạy nhạc ở trung học. Năm 1966 bị động viên vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang, ra trường về phục vụ tại Phòng Văn Nghệ của Cục Tâm Lý Chiến, vì ngạch giáo chức nên cuối năm 1969 được biệt phái về Bộ Giáo Dục và làm việc tại Trung Tâm Học Liệu… Thời VNCH, thầy cô dạy tiểu học gọi là giáo viên, ở bậc trung học gọi là giáo sư. Ngày nay trong nước chỉ gọi chung là giáo viên. Với văn nghệ sĩ thì vấn đề bằng cấp không thành vấn đề mà chính tác phẩm mới quan trọng tạo nên tên tuổi của họ…

Khi viết về hình ảnh nào đó nơi cố hương, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh khác như tấm gương sáng, trân quý và kính phục. Hình ảnh nhà giáo và nhạc sĩ đó có chí, tài năng và đức độ… Ai đã từng học qua nơi mái trường nơi phố cổ Hội An, dù nay đã trên 70, 80 từng ca bài Hành Khúc Trần Quý Cáp đều nhớ đến nhạc sĩ sáng tác. Nhân lễ thượng thọ nhạc sĩ Huỳnh Nhâm 90 tuổi vào thượng tuần tháng 8 nầy, viết thêm vài dòng. Trường trung học Trần Quý Cáp Hội An thành lập năm 1952, nhạc sĩ Huỳnh Nhâm không có bằng cấp gì nhưng được mời dạy nhạc, thầy tự học lấy bằng tú tài, sau đó động viên vào Khóa 18 trường Bộ Binh Thủ Đức, làm trưởng toán thông dịch viên của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, sau thời gian đi tù, đi diện H.O, định cư tại Little Saigon, tuy tuổi đã cao nhưng tiếp tục học âm nhạc, lấy bằng cử nhân… Thầy ấn hành vài tác phẩm về nhạc lý hòa âm, phối khí… Khi được tặng sách, đúng ra phải viết đáp lễ nhưng tôi nói trình độ nầy rất cao, ngoài khả năng nên không thể “múa rìu qua mắt thợ”.

Nhạc sĩ Huỳnh Nhâm sáng tác nhiều ca khúc, trong đó có Mãi Mãi Bên Nhau, Mộng Tình Đầu, Nhớ Cố Hương, Xuân Mơ Về Quê Mẹ, Đoản Khúc Cho Sài Gòn (thơ Nguyên Hạ)… với tiếng hát ca sĩ Kim Tước. Chờ Đợi, Yêu Em Vô Lượng (thơ Thái Tú Hạp), Buồn Cả Một Chiều Mưa (thơ Phan Nhật Nam)… với tiếng hát Mai Hương… Tương Tư với tiếng hát Quỳnh Giao… Thông thường những ca sĩ nầy kén chọn nhạc phẩm để trình bày, nếu trước kia những ca khúc nầy ra đời ở Sài Gòn hay được phổ biến qua vài trung tâm băng nhạc ở Quận Cam sẽ được giới thưởng ngoạn âm nhạc biết nhiều.

Sáu thập niên về trước, nhạc sĩ Huỳnh Nhâm cùng chơi nhạc Hội An với thầy Lê Khuê, nhạc sĩ La Gia Quảng, Võ Văn Thọ (cậu họ tôi), Trần Thanh, Thái Xuân Đình… sau đó có La Vĩnh Châu (anh rể tôi), nay chỉ còn Hoàng Tú Mỹ (khoảng 95 tuổi) đang sống ở Hội An… Nơi phố cổ nầy cũng là cái nôi âm nhạc của một thời.

Trở lại với nhạc sĩ nơi cố hương, năm 1982 và năm 1983 Nhật Ngân và Trầm Tử Thiêng khi vượt biên ở trại tỵ nạn được ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ định cư tại California, thời gian ở chung với nhau nên chứng kiến mối tình hơn mười năm xa cách… nhưng sau nầy mới đề cập.

Ngày 25 tháng 1 năm 2000, Trầm Tử Thiêng qua đời tại Quận Cam. Là người cô độc nhưng được mọi người quý mến nên đám tang của anh rất đông… trong đó có hình ảnh người tình năm xưa. Trong những ngày anh lâm trọng bệnh, ở trong apartment thành phố Anaheim, giới văn nghệ sĩ muốn tổ chức đêm nhạc gây quỹ nhưng anh từ chối và anh cũng không muốn làm phiền lòng thân hữu ghé thăm.

Viết về mối tình đó qua bài viết của Nguyễn Ngọc Chấn, nay trích đăng:

“Trưa Chủ Nhật, 23 tháng Hai, 2020, khán giả tại thủ đô tị nạn, được thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng tuyệt diệu, tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Chương trình được ca diễn bởi một thành phần nghệ sĩ tiêu biểu cho nhiều thế hệ…

Trầm Tử Thiêng đã hiến trọn một đời cho âm nhạc, ông được hàng triệu người thương yêu mến mộ. Kho tàng nghệ thuật của ông là 200 ca khúc tình yêu, thân phận, quê hương và chiến chinh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của Trầm Tử Thiêng gắn liền với thời cuộc của đất nước và mối tình của chính cuộc đời ông…

… Buổi tưởng niệm Trầm Tử Thiêng năm nay, đặc biệt có sự hiện diện của người bạn đời duy nhất của ông, mối tình được giấu kín gần nửa thế kỷ mà vẫn chưa ngưng rung động… Gần 20 năm ở đất tạm dung, không ai bắt gặp Trầm Tử Thiêng tay trong tay với bất cứ bóng hồng nào. Đằng sau những hào quang của hàng trăm buổi diễn, người vinh danh, kẻ ái mộ, Trầm Tử Thiêng chối bỏ mọi mời gọi, hoặc thương hại, trở về sống co cụm trong căn phòng đơn sơ để hết tâm huyết vào nghệ thuật.

Buổi tưởng niệm vừa qua, với sự xuất hiện “Nửa kia của Trầm Tử Thiêng” như đã được bật đèn xanh, để chúng ta có cơ hội hé mở cái góc khuất về cuộc đời Trầm Tử Thiêng. Là một trong hai nhân chứng, đã được sự đồng ý, chúng tôi không ngần ngại chia sẻ, niềm vui và nỗi buồn với chị Đỗ Thái Tần, mà xưa nay chúng tôi vẫn quen gọi chị dưới cái tên của anh là “Chị Lợi.”

Nhân chứng thứ nhất là cô Minh Phú, người đã làm việc cùng phòng tại Trung Tâm Học Liệu với anh Nguyễn Văn Lợi từ năm 1970 đến 1976 (sau năm 1975 có lưu dụng thời gian). Thứ hai là Nguyễn Ngọc Chấn, “chính hắn đây”; mà ít người biết tôi là một nhà giáo trước khi thành lính Cọp, binh chủng Biệt Động Quân.

“Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” thế mà nay được về làm việc bên cạnh những đại nhân trong giới cầm kỳ thi họa, một trung tâm văn hóa của Bộ Giáo Dục. Các cổ thụ Hùng Lân, Lê Thương, Vĩnh Phan, Cao Thanh Tùng, và bạn tôi Trầm Tử Thiêng đã hỗ trợ hết lòng cho nền giáo dục tiến bộ nhất Đông Nam Á. Chúng tôi rất hãnh diện là viên gạch lót cho nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc sĩ Hùng Lân, Lê Thương và Nguyễn Văn Lợi mỗi người phụ trách một chương trình nhạc thiếu nhi, trong khi Minh Phú, cô giáo trẻ nhất trung tâm, phụ trách hai chương trình Hương Hoa Đất Nước (Địa Lý) và Giáo Dục Cộng Đồng và vài giáo sư khác như Đặng Ngọc Hương, Bạch Tuyết, Nguyễn Long, Nguyễn Thị Thuyết mỗi người tự lo một chương trình khác nhau theo môn học và tất cả được cơ quan USAID tài trợ…

… Anh Trầm Tử Thiêng, làm việc với tinh thần rất nghiêm chỉnh. Nói về người phụ tá của mình ông Hùng Lân đã từng tâm sự: “Chưa bao giờ thấy anh ấy đến trễ một phút, và vào tới là cặm cụi làm việc ngay.” Ông cũng khoe một chút về người hàng xóm Trầm Tử Thiêng, ở sát vách nhà ông tại đường Tự Đức “Anh chị ấy” đi về êm ả, nói năng nhỏ nhẹ, không hề gây tiếng động làm phiền hàng xóm.”

Anh chị ấy là anh Lợi và chị Tần, các anh chị em trong Trung Tâm Học Liệu chúng tôi được chứng kiến, đồng cảm một cuộc tình tuyệt vời đã được diễn tả trong các tình khúc của anh.

Chị Đỗ Thái Tần mà tất cả chúng tôi chỉ gọi là chị Lợi. Gia đình anh chị mua một căn nhà ở sát vách nhà nhạc sĩ Hùng Lân. Các sinh hoạt ngoài đời thỉnh thoảng anh đem chị đến dự như họp mặt của giáo chức Sư Phạm Sài Gòn, hoặc tiệc tùng của anh chị em trong sở, v.v…

… 1975 chiến sự biến chuyển dồn dập, anh em lao xao, ưu tư về vận nước. Anh Trầm Tử Thiêng vì tự ái ở lại không đi theo chị. Sau 75 anh và cô Minh Phú còn được lưu dụng vì là nhân viên Phòng Ghi Âm. Anh nhận được thư và hình chị gởi từ Mỹ về, anh khoe và tâm sự với Minh Phú: “Trong đời, tôi chưa làm điều gì sai phải hối hận nhưng việc từ chối không đi Mỹ theo gia đình Tần là việc tôi làm rất sai”. Thì ra, thầy giáo Nguyễn Văn Lợi nhà nghèo, trong khi tiểu thơ họ Đỗ là công chúa, con giám đốc mỏ than Nông Sơn, chủ tiệm kim hoàn. Chữ môn đăng hậu đối đã ngăn cách mối tình trong sáng của hai anh chị hồi trẻ. Từ năm 1970, cuộc tình Lợi-Tần mới chính thức thành tựu. Cho tới biến cố 30 tháng Tư, 1975. Gia đình nhạc phụ ngỏ ý cho ghép tên anh Lợi vào hộ di tản chính thức. Vì tự ái, anh từ chối, viện cớ còn mẹ già em dại. Trầm Tử Thiêng lặng lẽ tiễn chân vợ và hai con (con của chị nhưng anh thương như con ruột) chia phôi biền biệt. Cuộc tình của anh đi vào ngõ cụt, nhớ nhung dày vò tim não, tưởng chừng bị chìm đuối. Giai đoạn này anh sáng tác vài tình khúc cho hàng triệu người thưởng thức, nhưng, chỉ một người quặn thắt con tim…


Những đắng cay, đói rét, tù đày không đau buốt bằng sự ngăn cách một đại dương với một nửa trái tim, Trầm Tử Thiêng viết ca khúc để đời “Mười Năm Yêu Em” khi gặp lại chị Tần tại Cali, chị vẫn còn thương yêu anh như thuở nào, trở thành tuyệt phẩm hay và chua xót nhất của tình người.

… Trầm Tử Thiêng phải giấu tên, trốn tránh, tìm đường vượt biên nhiều lần nhưng bất thành, bị bắt ở tù hơn một năm, từ khám lớn Rạch Giá, Trầm Tử Thiêng viết bài “Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển,” sau đó anh bị đày xuống trại cải tạo lao động U Minh, sống chung với anh em công chức cao cấp và sĩ quan QLVNCH…

… Trở lại với Trầm Tử Thiêng, lúc đến trại tỵ nạn anh sáng tác hăng hơn, tự do hơn. Tự ví mình như con sâu, gói tròn trong cái kén, 10 năm sau mới mọc cánh, cắn lủng cái vỏ để thoát ra, bay đi thành cánh bướm…
… Nói về Trầm Tử Thiêng, tôi có thể viết một bộ bách khoa tự điển, nhưng thôi! Để tưởng niệm, đến đây tôi xin khép lại. Trầm Tử Thiêng được mọi người mến mộ, nhưng chỉ một người có cùng nhịp thở với tim anh.

Tôi cảm thông với nửa trái tim còn lại của Trầm Tử Thiêng,
Cám ơn chị Nguyễn Văn Lợi, Đỗ Thái Tần đã giúp bạn tôi trở thành huyền thoại”.

Hai thập niên trôi qua, Trầm Tử Thiêng và Lâm Tường Dũ trở thành người thiên cổ “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?” (VĐL). Rất tiếc anh mất ở tuổi 63, tuổi còn nhiều kinh nghiệm và trí tuệ, nguồn cảm hứng sáng tác… Nếu còn sống đến hôm nay, sẽ có nhiều nhạc phẩm nổi danh cho nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Anh là người có tài, có đức, mô phạm, rất tự trọng, sống giản dị và khiêm nhượng. Thông thường, nhạc sĩ trước qua đời nếu viết Di Chúc thì đề cập đến tác quyền nhưng Trầm Tử Thiêng chỉ viết thư thay lời Di Chúc cho một người và cuộc tình không trọn vẹn! Anh sống cho mối tình dang dở cho đến khi chết mang theo.

Nhạc Sĩ Nhật Ngân đã qua đời vào sáng nay Thứ Bảy 21/1/2012. Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhạc Sĩ Nhật Ngân do Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 28 tháng Bảy, tại Moonlight Restaurant, Westminster. Dù tổ chức muộn màng nhưng đã nói lên tình đồng hương với người con xứ Quảng.

Trong thời gian Trầm Tử Thiêng lâm trọng bệnh, ca sĩ Quốc Việt (Mỹ lai) gọi Trầm Tử Thiêng và Lâm Tường Dũ bằng bố. Quốc Việt tận tình chăm sóc và lo cho “bố Thiêng” đến hơi thở cuối cùng. Lâu quá, không gặp lại Quốc Việt.

Trầm Tử Thiêng với tâm hồn nhân hậu nhưng cuối đời anh chỉ hận một người trong đám “thương nữ bất tri vong quốc hận” (Đỗ Mục) vì bà “ca kỷ” nầy chỉ biết có tiền mà quên đi tình nghĩa đã một thời gắn bó với nhau. Trước đây “ông tiến sĩ” ở Bắc California viết một bài đả kích bà thậm tệ, khi gặp chồng bà ở nhà sách Tú Quỳnh, ông nhờ tôi viết bài feedback. Tôi nói, ông cũng là nhà báo sao không lên tiếng cho vợ mà nhờ tôi, hơn nữa bài viết nầy cũng không có gì sai… Thời gian sau, khi bà về VN thì đúng là “ca kỹ vong quốc hận” tiền và tiền! Thế nhưng, khi Trầm Tử Thiêng qua đời, bà lại “thương vay khóc mướn” cũng tưởng niệm!

Ở nơi chốn gọi là “gió tanh mưa máu” nầy nếu có viết cuốn sách vài trăm trang cũng chưa hết, trong vườn hoa tươi đẹp thấp thoáng loài sâu mọt.

Hy vọng những dòng nầy được đến với người thân của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trong và ngoài nước để biết thêm tháng ngày nơi cố hương và cuộc đời của anh trải qua thăng trầm của lịch sử.

Little Saigon, 7/2021
Vương Trùng Dương

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Như Hai Giọt Nước Như Hai Dòng Nước -Thơ: Phan Khâm - Nhạc Sĩ: Nguyễn Tất Vịnh


Thơ: Phan Khâm
Nhạc Sĩ: Nguyễn Tất Vịnh 
Tiếng Hát:Lan Phương

Còn Nhau



Qua giông tố nắng hồng lên ngọn cỏ 
Đời còn nhau ngày tháng vẫn là thơ.
Mưa lất phất lá cuối mùa ướt sũng,
Đường về quê sao vương chút ngại ngùng?!

Trăng xóm cũ lặng trôi theo sóng cả
Mây hoàng hôn cũng bỏ phố bay xa!
Cơn gió bão mảnh thuyền xưa đảo vắng.
Lòng đại dương nào hiểu ánh sao băng!

Quê hương mãi chợp chờn trong giấc ngủ,
Tiếng võng buồn kẽo kẹt vọng lời ru!
Từ xa lắm có mùa xuân thật chậm
Đang trở về tấu lại khúc tình thâm.

Ta chẳng lẽ con đò không bến đổ!
Ngày lênh đênh đêm nhịp sóng nhấp nhô.
Biết về đâu khi con nước phai mầu!
Em chớ khép…cho hồn ta ngủ đậu.

Đỗ Bình

Anh Ơi


Đừng viết nữa
những bài thơ tình lãng mạn
được chi đâu
thêm hệ lụy mà thôi
Sao không viết
về
sông ,nước ,núi đồi

nơi ấy
vợ hiền ngày đêm lặn lội
bán giọt máu đào
nuôi Cái cùng con

Thương chồng
lội suối trèo non
tù không án
biết còn hay mất !!

Thương con dại
nhớ Cha
hằng đêm khóc ngất
Thương Mẹ già
Đông về
Đói.Lạnh.Rét căm căm

Đời mình
cay đắng vô vàn
sung sướng chi
mà anh viết
những bài thơ tình lãng mạn

ANH ƠI

Hoàng Long

Nỗi Nhớ




Mỗi độ thu tàn tiết chuyển đông
Xuyến xao se lạnh tái tê lòng
Xóm trên lấp lánh sương giăng khói
Làng dưới êm đềm nắng rọi sông
Nhớ thuở tóc xanh tình quyến luyến
Thương thời đầu bạc nghĩa chờ mong
Coi mây lùa gió - khơi tâm sự
Dạo ấy muôn vàn - lượt đợi trông

Trương Văn Lũy

Tơi Tả

 

Ngu ngơ như cỏ cây
Phẳng lì như phiến lá
Em mong được bình an
Nên trở thành sỏi đá

Trên nệm ấm phòng the
Em một chồng một vợ
Làm gió mát đêm hè
Cho ấm êm giấc ngủ

Chồng em mặt dữ dằn
Nhưng thương em một thuở
Giúp em giải khó khăn
Kiếp bèo mây gặp gỡ

Bao cánh chim bơ vơ
Bay khắp trời viễn xứ
Chẳng quản nỗi lầm than
" Về đâu " chim nức nở

Em là gái Cửu Long
Lênh đênh giữa biển cả
Đến Hải Đảo kiếm chồng
Mong thoát kiếp vất vả

Đêm thành phố cô đơn
Chiếc Đài hoa phương Bắc
Tiếng chim hót nỉ non
Khóc giấc mơ tan nát!

Chung Văn
* Viết cho những cô gái lấy chồng Đài Loan


Có Sự Thật Hay Không? Nó Như Thế Nào?

Rèn luyện Trí Tuệ nhờ Minh Triết Đông Tây


    Lý tưởng muôn đời của con người Chân Thiện Mỹ, nhưng cái khó là làm sao phân biệt được đâu là Đúng, Sai/ Thiện, Ác/ Đẹp, Xấu và làm sao để tiến đạt sự thật, điều thiện và cái đẹp. Trí tuệ con người có khả năng rút tỉa, đúc kết, từ những điều quan sát được nơi ngoại cảnh để tìm thấy giá trị, phẩm chất của sự vật và con người. Muốn được như thế con người phải hiểu hành trình tư tưởng của chính mình để đạt tới trí khôn toàn vẹn. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà triết gia và tiên tri lỗi lạc há chẳng dạy “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” Biết đây là biết người, biết ta/ biết đúng, biết sai/ biết thiện, biết ác/ biết đẹp, biết xấu/ biết thiên thời, địa lợi, nhân hòa.Trong bài nầy tôi thử phân tách thật giả, đúng sai, thiện ác. Riêng về đẹp xấu xin dành một dịp khác.

    Tất cả mọi sự hiểu biết đều bắt đầu bằng sự quan sát, không những chỉ bằng mắt mà bằng cả 5 giác quan. Tâm lý học về nhận thức ghi nhận thêm giác quan thứ 6 là ý thức để quan sát thế giới nội tại, bởi vì quang cảnh sống của con người bao gồm cả thế giới bên trong và bên ngoài… Từ sự quan sát con người ghi chép, mô tả, phân loại các sự vật, các hiện tượng ở trong hai thế giới. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước làm công việc nầy bằng những phương tiện mà thế hệ mình phát minh được.

Sau sự quan sát, phương tiện thứ nhì là sự học hỏighi nhớ. Nếu không ghi nhớ thì mọi kiến thức đều tan biến, trả lại thầy và mỗi thế hệ đều phải học lại từ đầu những gì mà thế hệ trước biết làm để sinh tồn giống như loài thú vật. 

Nhưng nếu dừng ở đây thì kiến thức của chúng ta chỉ là kiến thức sách vở, từ chương, kiến thức của người khác, nếu chúng ta không biết suy nghĩ, giải đáp những vấn nạn còn tồn đọng của các thế hệ trước. Vậy thì phương tiện thứ ba là suy tư, lý luận để phát minh, phát kiến.

Tới đây cũng chưa đủ phải đem những suy nghĩ của mình đặt thành giả thuyết để đem ra thực nghiệm hay đưa vào phòng thí nghiệm. Bao giờ thí nghiệm thành công thì giả thuyết trên trở thành một nguyên lý, một thủ đắc mới cho nhân loại. Thí nghiệm có thể chỉ xãy ra trong đầu óc của một thức giả hay một thiền gia. Như một Newton nhìn thấy trái táo rơi đã tìm ra được định luật “hấp dẫn của vũ trụ” hay một Huệ Năng khi chứng nghiệm “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” đã liễu ngộ. Đó là quí vị nầy đã trải nghiệm quá trình tư duy hay thực hành thiền cho đến độ chín mùi để trí tuệ bừng sáng, chứng ngộ sự thật. Như vậy mức độ hiểu biết thứ tư do trực giác

Tóm lại chúng ta có 4 tầng tri thức (hiểu biết)

- Tri thức do quan sát : thức tri

- Tri thức do học hỏi, ghi nhớ : tưởng tri (perception)

- Tri thức do suy tư : tuệ tri

- Tri thức do trực giác : giác tri

QUAN SÁT 🡪 HỌC HỎI GHI NHỚ 🡪 SUY TƯ 🡪 TRỰC GIÁC 

(Thức tri)                 (Tưởng tri)             (Tuệ tri)        (Giác tri)

Tầng tri thức sau tùy thuộc tầng trước và mỗi tầng có những điều kiện của nó. Nếu tầng trước sai thì các tầng sau cũng sai luôn.

1)- Những điều kiện của tri thức do sự quan sát

Muốn có được 6 tri thức do giác quan một cách rõ ràng, chính xác, thì phải có những điều kiện sau đây:

chú tâm tỉnh giác;

có đối tượng xuất hiện trước 6 cửa giác quan;

6 giác quan phải toàn vẹn, không hư hỏng;

mỗi giác quan có những điều kiện đặc biệt của nó, như :

-ánh sáng đối với mắt (mắt không nhìn thấy trong đêm tối) ;

-không gian đối với tai (âm thanh không truyền được trong chân không);

-chất ở thể khí đối với mũi ;

-chất hòa tan trong nước đối với lưỡi;

-chất có đặc tính cứng/mềm, nóng/lạnh, chuyển động/ bất động đối với xúc giác ;

-năng lực tinh thần đối với não bộ (énergie mentale).

Khi hội đủ 4 điều kiện trên thì một trong 6 cảm giác sẽ xuất hiện. Kết quả là chúng ta có 6 loại cảm giác cảm nhận qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.


2)- Những điều kiện của tri thức do sự học hỏi ghi nhớ:

- 4 điều kiện ở tầng trên

- ngôn ngữ phải chính xác và thống nhất, nghĩa là được chấp nhận bởi cộng đồng cùng tiếng nói

- được dạy đúng 

- học đúng, hiểu đúng

-trí nhớ tốt

-không bị chứng mất nhận thức (agnosie)

    Kết quả là chúng ta có các loại Tri giác qua các cảm giác. Tri giác là sự diễn dịch các cảm giác thành ý nghĩa, tên gọi. Nhờ tri giác ta có thể định danh các sự vật, sự kiện, hiện tượng.


3)Những điều kiện của tri thức do suy nghĩ:

-những điều kiện ở 2 tầng trên.(nếu ta học không đúng, hiểu không đúng, hoặc nhớ sai thì dĩ nhiên sự suy nghĩ cũng sai)

-Không có những sai lầm của tư duy và lý luận (xem phần sau)

-Không chấp vào một ý kiến duy nhất, mà ý kiến này là một tà kiến, nghĩa là không dựa trên thực tại hay trên sự thật chân đế (vérité ultime)có tính cách phổ quát

-Biết lý luận dựa trên những điều kiện nhân, duyên, quả...                         

Kết quả là chúng ta sẽ có những tư duy phản biện được phân tích, đánh giá về 1 sự vật hay sự kiện. Chúng ta có thể định nghĩa sự vật qua 1 ngôn ngữ nào đó (hoặc tìm được 1 tiếng đồng nghĩa trong một ngôn ngữ khác). Chúng ta có thể phân tích bản chất của sự vật qua hình tướng hay cách biểu hiện của nó. Chúng ta có thể đặt sự vật trong một hệ thống phân loại nào đó (hoặc trong nhiều hệ thống phân loại khác nhau). Và sau cùng chúng ta có thể biết tương quan nhân quả của nó với những yếu tố liên hệ; cái gì sinh ra nó và nó sinh ra cái gì?

   

4)-Ở tầng tri thức do Trực giác:

Mục tiêu của khoa học là đạt tới những kiến thức có tính các trừu tượng, toàn diện và phổ quát (universel) về thực tại. Do đó nhà khoa học phải trải qua những diễn trình :

-Quan sát, mô tả những yếu tố ghi nhận được.

-Đo lường, phân loại sắp xếp các yếu tố tùy theo sự liên hệ với một phạm trù (catégorie) hoặc sự liên hệ giữa chúng với nhau. 

-Giải thích làm sáng tỏ những liên quan hợp lý với những kiểu mẫu lý thuyết.

-Đưa ra những giả thuyết về đối tượng nghiên cứu.

-Kiểm chứng các giả thuyết bằng cách đem ra thực nghiệm.(xem sơ đồ phụ bản)

«Một nhà khoa học hoàn toàn phải bao trùm cả lý thuyết và thực nghiệm» (Claude Bernard)

Về phần các thiền gia, sau khi đã học hỏi giáo pháp của Đức Phật, đã suy nghĩ luận giải trên những phương pháp của chư vị thiền sư, rồi đặt mình trong những điều kiện thích hợp nhất để thực hành thiền. Họ phải nắm vững phương pháp hành Thiền Quán với những bước tiến bộ đo lường được :

- làm sao để thiết lập chánh niệm, tỉnh giác để quan sát Thân và Tâm,

- rồi duy trì liên tục sự quan sát ấy trên 4 đề mục: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. 

- làm sao để phân biệt Thiện và Bất thiện (xem phần sau)

- làm sao để khắc phục 5 trở ngại.(Hoài nghi, uể oải, hôn trầm, phóng tâm, tham sân)

- làm sao để làm quân bình 5 năng lực tinh thần (Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ)v.v...

Sau khi thực hành những bước tu tiến như trên, sẽ có ngày Trí Tuệ trực giác sẽ bừng sáng phá tan màn vô minh.(xem sơ đồ phụ bản)

Một thiền sư hoàn toàn phải bao trùm vừa Pháp học, Pháp hành và Pháp thành”

Trực giác  là cái biết tổng hợp sau khi đã thông qua các giai đoạn hiểu biết trên cộng thêm những trải nghiệm thực hành nghiền ngẫm trong tâm hay những thực nghiệm trong các phòng thí nghiệm. Như cái biết của Newton khi nhìn quả táo rơi đã khám phá định luật “hấp dẫn vũ trụ” hay của Archimède khi trầm mình trong bồn tắm đã khám phá định luật “thủy tỉnh học”.

    Đến đây ta có một câu hỏi: Thế nào là hiểu đúng? Có 3 mức độ hiểu (compréhension)

a/- Hiểu theo danh từ: nghĩa là theo hình vị (morphème) của chữ viết hay theo hình tướng của sự vật. Cái hiểu nầy diễn tả theo thực tại qui ước (réalité conventionnelle), nghĩa là theo bề ngoài, chưa có sự suy nghĩ sâu sắc bên trong; như cái hiểu của người thư ký đánh máy, thấy sao biết vậy để đánh máy cho trúng mà không cần hiểu ý nghĩa sâu xa, ngầm chứa bên trong.


b /- Hiểu theo sự diễn dịch của người nghe hay thấy. Cái hiểu nầy tùy thuộc trình độ văn hóa và hiểu biết của người đó, đôi khi nó không đúng với ý muốn diễn tả của người nói hay viết và có thể không đúng cả với sự thật nữa. Đây là cái hiểu của người thường hay của một học sinh trung học khi làm phân tích một đoạn văn.


c/ - Hiểu sự vật đúng như nó là như vậy (la réalité telle qu'elle est) hay đúng với ý muốn diễn đạt của tác giả. Đây là cái hiểu của người làm phê bình văn học, phải đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi viết bài văn nầy, biết hành trình tư tưởng của tác giả, biết ý muốn của tác giả diễn đạt đàng sau những câu viết và đồng thời phải biết sự thật khách quan của vấn đề.


    Về sự hiểu biết ta cũng có 3 mức độ:

Có những nghề nghiệp cần phải có sự hiểu biết rộng, như các bác sĩ toàn khoa để hướng dẫn bịnh nhân đúng theo qui trình định bịnh và trị bịnh. Còn các bác sĩ chuyên khoa cần hiểu biết chuyên sâu về ngành nghề của mình. Riêng các bậc thầy thì phải hiểu biết vừa rộng vừa sâu để giảng dạy và nghiên cứu. Sự hiểu biết sâu rộng là hiểu biết tổng hợp về lịch sử tư tưởng loài người trên một địa hạt nào đó, để thấy sự diễn biến, hành trình tư tưởng con người qua những giai đoạn lịch sử từ sơ khai đến ngày nay, để nhìn thấy những bế tắc và lỗ hổng của nhân loại hầu phát minh những giải đáp.

Những phương pháp suy luận:

Suy luận bắt đầu bằng sự hiểu biết. Càng có nhiều kiến thức thì lý luận càng sắc bén và chính xác. Lý luận cũng dựa trên ngôn ngữ, ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc và đúng với ngữ pháp (văn phạm). Cho nên phải học, học phải hỏi, hỏi để hiểu, hiểu để nhớ, nhớ để không lầm lẫn, không nói càng nói bậy, để hành động hợp lẽ phải và xứng đáng với phẩm cách con người.

Có nhiều pháp lý luận:

a- Pháp Qui nạp (induction): lý luận qui nạp đi từ những nhận xét cá thể riêng biệt để đi tới một kết luận tổng quát. Thí dụ : con quạ ở VN màu đen, quạ ở Phi châu màu đen, quạ ở Âu châu màu đen, vậy tất cả quạ trên thế giới đều màu đen.

b- Pháp Suy diễn (déduction) : lý luận suy diễn đi từ một ý tưởng tổng quát để đưa ra những đề nghị riêng biệt. Như Tam Đoạn Luận của Aristote (Syllogisme) 

  • Tất cả con người đều chết

  • Socrate là người

  • Vậy Socrate cũng chết

c- Pháp Loại suy (suy diễn giả thuyết,abduction ou hypothético-déduction) : theo triết gia C.S. Peirce là lối suy luận bẩm sinh của con người, có khả năng đưa ra những giả thuyết khác hơn những gì quan sát được, thường là những điều không thể quan sát trực tiếp được, nhưng có thể giải thích những sự kiện hay hiện tượng muốn nghiên cứu.

d-Pháp So sánh: lý luận nhằm nhấn mạnh những điểm giống nhau hoặc khác nhau của 2 sự vật, 2 sự kiện, 2 con người…với điều kiện là phải so sánh những gì có thể so sánh được.

e- Pháp Phân tích: đi từ cái tập hợp tổng thể phân chia dần tới các đơn vị chi tiết. Thí dụ từ bộ phận –> mô –> tế bào –> nhân –> bào tương –> thành phần cấu tạo của nhân và bào tương.

f- Pháp Tổng hợp: nhằm đưa ra một ý tưởng tổng quát hoặc một ý niệm khái-quát-hóa (conceptualisé)bao trùm các đơn vị chi tiết. Thí dụ : khái niệm Toàn-cầu-hóa bao gồm tất cả những sinh hoạt kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa...

g- Pháp Phê phán: vạch ra những điểm yếu, những sai lầm hoặc những điểm mạnh, điểm hay của đối phương, của sự việc.

h- Pháp Biện chứng: lý luận cân nhắc giữa những luận cứ tốt, thuận lợi hoặc những dữ kiện xấu, bất lợi cho một vấn đề.

i- Pháp Ngụy biện (sophisme) : lý luận dựa trên những dữ kiện không xác đáng, không có thật hoặc lý luận ba phải nói hàng hai.

j- Pháp Bác bỏ: đưa ra những dữ kiện phi lý hoặc những hậu quả tai hại của giải pháp hay ý tưởng đó để bác bỏ nó.

k- Pháp Nhượng bộ: chấp nhận một phần những luận cứ của đối phương nhưng lại đưa ra những luận cứ đối nghịch khác để bác bỏ phần còn lại.

l- Đức Khổng Tử đưa ra 4 phép Tử tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã: (Luận ngữ IX,4)

    -vô ý: là xét việc gì thì không đem ý riêng (hoặc tư dục) mà cứ theo lẽ phải

    -vô tất: là không cả quyết rằng điều đó tất đúng, việc đó tất làm được

    -vô cố: không cố chấp

    -vô ngã: quên mình đi, không để cho cái ta làm mờ ám (hoặc không ích kỷ, bất vụ lợi)

m- Triết học Phật giáo còn đưa ra quan điểm phân tích sự vật xuyên qua cách nhìn Nhân, Duyên, Quả của nó :Nhân khi hội đủ Duyên (điều kiện)sẽ sinh ra Quả.

Để giải thích bản thể của các sự vật và chúng sinh trong vũ trụ Phật giáo đưa ra hai nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ.

    1- Duyên Sinh hay thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên” nói về 12 yếu tố chủ yếu liên quan Nhân, Quả với nhau để hoàn thành diễn trình sinh tử, tử sinh của chúng sanh trong vòng luân hồi. Nguyên lý nầy có thể được phát biểu như sau:

“Khi cái nầy có, cái kia có

Khi cái nầy không có, cái kia không có”

Thập Nhị Nhân Duyên là 12 khoen xích trói chặt con người trong vòng sanh tử luân hồi : Vô Minh => Hành => Thức => DanhSắc => Lục Nhập => Xúc => Thọ =>Ái => Thủ => Hữu => Sanh => Lão Tử ( => Vô Minh…).

    2- Duyên Hệ: là nguyên lý đề cập một cách rốt ráo chi tiết giữa hai yếu tố có thể là vật chất hay tinh thần, khái niệm hay chân đế (réalité); đồng thời còn cho biết đặc tính của sự liên hệ giữa hai yếu tố : không gian, thời gian, tương sinh, tương khắc, hổ tương, sức mạnh, tương đồng, tương phản, có mặt, vắng mặt, lập lại, nhân quả…

Có tất cả 24 điều kiện, có thể được phát biểu một cách tổng quát như sau :

“Khi cái nầy , cái kia không có
Khi cái nầy không có, cái kia
Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)
Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại) 

Nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ đưa ra những điều kiện chánh yếu và phụ thuộc để đưa tới một kết quả như lâu nay ta vẫn thường nói mà không đưa ra chi tiết : phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cũng như khi nấu cơm, chúng ta phải kể hết những yếu tố : gạo, nước, nồi, lửa… Nếu người nông dân không sản xuất gạo thì tất cả những yếu tố khác đều vô ích. Nguyên lý Duyên Sinh cốt cho thấy cái yếu tố căn bản ở đây là gạo. Con nguyên lý Duyên Hệ bổ túc các yếu tố phụ còn lại.

Những sai lầm trong lý luận 

+ “Cả vú lấp miệng em”: dùng uy quyền, vị trí trên trước của mình đưa ra những lý lẽ của kẻ cả để áp đảo người khác mặc dù họ có lý hơn mình. Hoặc mượn tên tuổi của những nhà bác học nổi tiếng, những danh nhân để làm chỗ dựa cho lý lẽ của mình.

- Các nhà nho xưa hay dùng câu “Khổng Tử viết” nhưng không đưa ra chứng cớ viết ở sách nào.

- Các nhà sư hay nói “Đây là lời của Phật” nhưng chính là lời của những vị ấy.

- Có những bản kinh ra đời mấy trăm năm sau khi Phật nhập diệt mở đầu bằng câu “Ta là Ananda có nghe như vầy…” làm như bản kinh được viết ra trong thời Phật còn tại tiền.

Chúng ta có thể dẫn chứng lời nói của một nhân vật nổi tiếng với những điều kiện sau:

- Phải nêu rõ xuất xứ của lời nói đó.

- Nhân vật đó có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm trong địa hạt được nói tới không?

- Các chuyên gia trong địa hạt nầy đều đồng ý về cùng một vấn đề (vấn đề không còn bị chia rẽ bởi nhiều phe).

- Tên tuổi của nhân vật đó được nêu rõ, không được nêu ra một cách mơ hồ.

+ “Vơ đủa cả nắm” : đưa ra vài chứng cớ riêng lẽ nhưng kết luận gán cho toàn thể. Thí dụ : gặp vài con buôn ở chợ Saigon lỗ mãng đưa ra kết luận là tất cả con buôn VN đều lỗ mãng.

+ Lý luận lưỡng-phân (hay Nhứt chín, Nhì bù) : như là chỉ có 2 giải pháp, hai tình huống duy nhất. Thí dụ : nếu anh không theo tôi, anh là kẻ thù của tôi. Nếu anh không tin nơi Thượng Đế, anh là kẻ duy vật

+ Suy diễn hàm hồ, võ đoán : đưa ra những lý lẽ không dựa vào những bằng chứng vững chắc, không có tham khảo, qui chiếu (référence) (như chụp mũ, dán nhãn hiệu…)

+ Phóng đại hóa : chuyện nhỏ vẽ ra to (như 1 lỗi nhỏ của 1 người, vẽ ra to để kết tội người đó)

+ Giảm thiểu hóa : chuyện to xé ra nhỏ (như 1 thất bại lớn của 1 chánh sách đưa 1 con dê tế thần để đền tội)

+ Duy ngã : “ta là cái rốn của vũ trụ”, tất cả mọi lý lẽ đều qui về mình, có lợi cho mình.

“Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”

+ Cá nhân hóa : mọi lỗi lầm đều đổ cho 1 người hay cho chính mình rồi tự làm khổ.

+ Loại bỏ thiên vị : chỉ ghi nhận những khía cạnh xấu mà bỏ đi những khía cạnh tốt.

+ Tấn công cá nhân : thay vì phân tích những lý luận của người ấy để phản bác. 

Thí dụ:

a- Cậu còn trẻ quá chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm sao nói chuyện với ‘Qua’ được (Coi chừng tài không đợi tuổi)

b- Trong quá khứ bạn đã nhiều lần ngụy biện, giờ đây không biết thảo luận với bạn có ích lợi gì không. 

+ Nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hậu quả 

Khi thấy hai sự kiện xãy ra trước sau: A xãy ra trước B, tưởng rằng A là nguyên nhân, B là hậu quả. Trong khi sự tương quan nhân quả giữa A và B chưa bao giờ được chứng minh, công nhận.

+ Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình

- Nhận xét: quan sát, ghi nhận, mô tả sự vật, sự kiện, con người.
- Phê bình: đưa ra những đánh giá về giá trị tốt hay xấu theo quan điểm của người phê bình.

+ Nhầm lẫn giữa bản chất và hình tướng

- Bản chất: thực thể, thể tính của con người hay sự vật (cụ thể hay trừu tượng) có thể dùng để Định nghĩa hay Phân loại sự vật ấy.
- hình tướng: dáng dấp, hình dạng, thể hiện bề ngoài.

+ Nhầm lẫn giữa ngụy biện và ngộ biện

-Ngụy biện: cố ý đưa ra những lý lẽ không đúng sự thật để bào chữa. (sophisme)
-Ngộ biện: lý luận sai lầm nhưng không cố ý (paralogisme)

Sau khi đã trưởng thành trong sự hiểu biết và suy luận, giờ đây ta tập nhận diện, phân biệt Thiện/Ác, Thật/giả, Đúng/sai


PHÂN BIỆT THIỆN VÀ BẤT THIỆN

Trước hết chúng ta xem Khổng Giáo nói gì về Thiện và Ác. Khổng giáo đã cho chúng ta nhiều nguyên tắc sống đạo đức mặc dù các nhà văn-hóa-học không xem Khổng giáo là một tôn giáo vì thiếu nhiều yếu tố trong 5 tiêu chuẩn sau đây:

-Đức tin tuyệt đối có khi vượt sự suy xét của lý trí
-Đối tượng của đức tin nầy như Thượng Đế hay Đức Phật hoặc nhà Tiên Tri
-Một hệ thống giáo lý thành văn
-Cơ sở thờ tự và nghi thức cúng lễ
-Một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp như sư vãi…

Tất cả triết thuyết của Khổng Tử đặt nền tảng trên nguyên tắc Chính Danh, Nghĩa là tên gọi (danh) phải phù hợp, phải đúng với sự thật. Nếu không người khác sẽ không hiểu hoặc hiểu sai và lời nói của mình sẽ không thuận, không đúng ; từ đó lý luận sẽ không hợp lý, mọi việc sẽ không thành, các nghi lễ, phép tắc, luật pháp không định được, xã hội sẽ hỗn loạn. Về lý thuyết , Chính Danh có tính cách luận lý (logique) phù hợp với khoa học nhận thức ngày nay, nghĩa là giữa tri giác (perception) và thực tại phải là một, phù hợp với ngôn ngữ chế định của một cộng đồng xã hội. Về phương diện ứng dụng Chính Danh có tính cách đạo đức, nghĩa là muốn đạt được điều Thiện thì phải chính trực

Theo Luận ngữ XII,11:"Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử » nghĩa là « vua làm đúng nghĩa đạo vua, bề tôi đúng nghĩa đạo bề tôi, cha đúng nghĩa đạo cha, con đúng nghĩa đạo con". Đó là Chính Danh. Chính Danh thì thân phải chính mà ngôn cũng phải chính nữa. Phải siêng năng về việc làm, thận trọng về lời nói (mẫn ư sự, thận ư ngôn- I,14)

Lý tưởng của đạo Khổng là trở thành một Đại Nhân, Quân tử. Muốn thế thì phải học, Khổng Tử rất yêu thích sự học, ông học suốt đời : học để làm sáng tỏ cái Đức sáng, để cải hóa người khác, để cố gắng tìm kiếm sự tuyệt thiện (Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện- sách Đại Học) .

Để tiến đạt đến danh vị Quân tử, Đức Khổng đưa ra phương cách thực hành : cách vật—> trí tri—> thành ý—> chánh tâm—> tu thân—> tề gia—> trị quốc—> bình thiên hạ.

-Cách vật: quan sát, xem xét kỷ lưỡng
-Trí tri: hiểu sâu xa cái mình biết
-Thành ý: hình thành một ý hướng, một suy tư vững chắc
-Chánh tâm: trau dồi tâm thức trở nên chính trực
-Tu thân: rèn luyện Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín
-Tề gia: gìn giữ tốt đẹp « phu thê cang, phụ tử cang », sự liên hệ anh em bạn bè
-Trị quốc: ra giúp nước, gìn giữ « quân thần cang »
-Bình thiên hạ: đem lại an lạc thái bình cho quần chúng, ra ngoài phạm vi quốc gia.

Thực hành 8 tiến trình trên, chắc chắn con người sẽ trở thành thiện hảo, một Đại nhân Quân tử. Chúng ta có thể đối chiếu với Đạo Phật, nhưng lý tưởng tột cùng của Phật Giáo là sự giải thoát, nó mang 4 sắc thái:

-Giải thoát khỏi những ràng buộc, ham muốn
-Khỏi những phiền muộn, khổ đau
-Khỏi những quan kiến sai lầm
-Khỏi vòng sanh tử luân hồi (Niết Bàn)

Chư Phật 3 đời đều dạy con người, muốn giải thoát phải thực hành 3 điều : làm lành (bố thí, phục vụ…), lánh dữ (giữ gìn giới luật), Thanh lọc tâm (tham thiền). Trên con đường thực hành 3 điều trên con người phải biết phân biệt thế nào là Thiện và Bất Thiện (ác). Bởi vì có thể bố thí hay hành thiền mà không đúng cách với một tâm ý không trong sạch sẽ là một trở ngại không nhỏ.

Thiện là những yếu tố hổ trợ, giúp đở ta tiến bước dễ dàng trên con đường giải thoát. Bất Thiện là bất cứ nghịch duyên do tư tưởng, lời nói hay hành động làm ngăn trở sự tu tiến của ta. Và Tâm lý học PG đưa ra 5 tiêu chuẩn bao gồm trong điều Thiện như sau :

-Lành mạnh, không phát sinh từ các phiền não (tham,sân,si)
-Có lợi ích cho cá nhân và tập thể,
-Có tính cách khôn ngoan sáng suốt
-Không làm cho bậc thiện-trí phiền trách, tự mình cũng không ăn năn hối tiếc
-Có kết quả là an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.

Thế nào là điều Bất Thiện: BT trái với định nghĩa trên đây về điều Thiện, nhưng bản thể của nó không ra ngoài Tham, Sân, Si. Đôi khi chúng mang những tên gọi khác nhau tùy theo ngữ cảnh như : phiền não, lậu hoặc, triền cái, chấp thủ, tà kiến…

Để giúp con người thực hiện sự giải thoát, Đức Phật đưa ra Bát Chánh Đạo (con đường với 8 hàng chân chánh) :

            1/- Chánh Kiến: là quan điểm phù hợp với Giáo Pháp và Chân Lý, thấy sự vật đúng như nó là như vậy.
            2/- Chánh Tư Duy: là những tư tưởng xa lìa tham ái và ngã mạn, sân hận và bạo hành ; những tư tưởng phù hợp với luận lý (logique), với những định luật thiên nhiên và con người.
            3/- Chánh Ngữ: là lời nói chân thật, lời nói hòa nhã, lời nói đoàn kết, lời nói hữu ích.
            4/- Chánh Nghiệp : là hành động bắt nguồn từ một tư tưởng chân chánh, từ sự hiểu biết các qui luật chi phối con người và môi sinh.
            5/- Chánh Mạng: là sự sinh sống bằng nghề nghiệp chân chánh : không buôn bán vũ khí, rượu, ma túy, đồ giả, mãi dâm, trẻ con và nô lệ.
            6/- Chánh Tinh Tấn: là sự cố gắng đúng mức để ngăn ngừa và tiêu trừ điều bất thiện, cố gắng đúng mức thực hiện và phát triển điều Thiện.
            7/- Chánh Niệm: là sự ý thức hay biết một cách rõ ràng những đối tượng khi chúng xuất hiện trong tâm thức qua 6 cửa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trong mục đích giải trừ phiến não và giải thoát tâm.
            8/- Chánh Định: là sự hợp nhất giữa tâm và đối tượng trong một trạng thái an-xả, nó là kết quả của công phu thực hành Chánh Tinh tấn và Chánh Niệm.
Tới đây chúng ta có thể tạm đối chiếu, tôi xin nhấn mạnh chữ đối chiếu mà không dám nói so sánh, giữa Khổng giáo và Phật giáo :
            -Chính Danh: toàn bộ lý thuyết Chính Danh của Khổng giáo có thể đối chiếu với Bát Chánh đạo.
            -Cách Vật: có thể đối chiếu với Chánh niệm là sự quan sát một cách rõ ràng chính xác qua 6 cửa giác quan bằng phương pháp Thiền Quán của Phật giáo (khác với phương pháp Thiền Chỉ cũng của PG và một vài tôn giáo khác)
            -Trí Tri: có thể đối chiếu với Chánh kiến, « Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì cho là không biết, ấy là biết » (tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã).
            -Thành Ý: có thể đối chiếu với Chánh Tư Duy : ý nghĩ, tư tưởng chân chánh.
            -Chánh Tâm: có thể đối chiếu với Chánh Nghiệp vì mọi nghiệp hành (thân, khẩu, ý) đều phát xuất từ tâm ý chân chánh.
            -Tu Thân: có thể đối chiếu với Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn.
            -Tề Gia: trong bài kinh « Giáo thọ Thi-Ca-La-Việt »(Trường bộ Kinh 31), Đức Phật có giảng những bổn phận của con cái đối với cha mẹ và ngược lại cha mẹ đối với con cái như thế nào. Đồng thời cũng nói đến sự liên hệ 2 chiều đối với vợ chồng, chủ tớ, thầy trò, bạn bè...
            -Trị Quốc: trong những câu chuyện Tiền Thân (Jataka I,II,III,V) Đức Phật có nêu lên 10 nhiệm vụ của vua (Thập vương pháp) mà ngày nay có thể áp dụng cho tất cả những người trong chánh phủ từ tổng thống, bộ trưởng, lãnh đạo chánh trị, nhân viên hành pháp hoặc tư pháp…(xem W.Rahula)
            -Bình Thiên hạ: đây là ước mơ của Khổng Tử vì ông sống ở cuối thời Xuân thu, Chiến Quốc, một thời đại mà nước Tàu đầy chiến tranh loạn lạc : 36 vụ giết vua, cha con giành ngôi nhau, anh em giết nhau, quan đại thần dụ dỗ hoàng hậu, giết vua chiếm ngôi… Ông mơ ước một Minh Quân có tài đức thống nhất sơn hà, đem chính sách Đức Trị do ông chủ trương ra trị dân để đem lại thái bình trong thiên hạ. Tiếc thay ông không thấy ai có thể làm được như ông nghĩ. Trong 14 năm bôn ba hết nước này qua nước nọ, không một vị vua nào nghe theo ông. 

Ngược lại ở Ấn Độ có hoàng đế A Dục sau khi đã thống nhất đất nước, với 1 trận chiến long trời lở đất, ông đã hối hận vì đã gây ra tử vong cho hàng chục ngàn người, ông qui y theo Phật giáo, cai trị đúng theo lời Phật dạy, Ấn Độ được thái bình thịnh trị trong mấy thế kỷ.

Ở nước ta dưới 2 triều đại nhà Lý và nhà Trần, các vua quan cũng trị nước theo đường lối Đức trị của nhà Phật, nên đất nước ta đã trở nên hùng mạnh và đẩy lùi được 3 cuộc xâm lăng của đạo quân Nguyên Mộng, một đạo quân đã đánh chiếm Trung Hoa và đô hộ Hán tộc. Nhà Lý trị vì được 215 năm với 9 đời vua, nhà Trần trị vì được 175 năm với 12 đời vua.

Qua lý thuyết của Khổng giáo và giáo lý của Phật giáo, chúng ta cũng hiểu được một phần nào thế nào là Thiện và Bất Thiện.

PHÂN BIỆT THẬT và GIẢ

Con người sống trong hai thế giới : thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Thế giới bên ngoài được hợp thành bởi những thực tại vật chất mà con người có thể hay biết, nhận diện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Những thực tại nầy đều có tên gọi bằng một danh từ diễn tả theo ý nghĩa của sự vật ấy (nghĩa chế định), hoặc theo sự đặt tên mà một cộng đồng nhân loại đã qui ước với nhau để chỉ định sự vật ấy (danh chế định). Cả hai cách gọi tên nầy được dùng để chỉ định những thực tại qui ước (réalité conventionnelle, tục đế).

Triết học PG còn dạy chúng ta về sự có mặt của những thực tại cùng tột (réalité ultime, chân đế), chúng là những thành phần cấu tạo của con người và vũ trụ không thể phân chia, vì khi phân tách chúng không còn là chính nó, chúng hiện hữu do chính bản thể thực tại hiện tiền của chúng nhìn từ thế giới bên trong và bên ngoài con người.

Thực tại vật chất bên ngoài được xác nhận là có thật khi có ít nhất 3 người cùng cảm nhận giống nhau.

Thực tại phi vật chất bên trong chỉ có thể tiếp cận và trải nghiệm trực tiếp bởi đương sự, không ai có thễ xác nhận là có thật. Những vị thầy có nhiều kinh nghiệm tu tập có thể suy đoán, diễn dịch qua những kinh nghiệm của chính mình.

Nhưng tiếc thay giác quan con người rất giới hạn và khả năng nội quán của thức giả cũng chưa hoàn hảo ; hơn nữa, hệ thống ngôn ngữ của con người rất thiếu sót. Nó không diễn tả được cái tuyệt đối. Cũng như con rùa không đủ ngôn ngữ để mô tả cho loài cá hiểu những gì có trên đất liền. Do đó, con người không thể mô tả được Niết Bàn hay Thiên Đàng chỉ dùng những đặc tướng phủ định để mô tả chúng. Rất đau buồn mà nhìn nhận rằng : giác quan con người chỉ đủ giúp cho con người sinh tồn trong thiên nhiên, nó không chính xác và đôi khi thua cả loài vật. Chúng ta chỉ cảm nhận hình tướng bên ngoài và rất dễ bị gạt bởi bản chất bên trong. Chúng ta nhìn lên bầu trời đầy sao, có những ngôi sao sáng ngời rất đẹp, có biết đâu rằng vì sao đó đã tắt lịm hằng triệu triệu năm trước đây rồi, giờ chỉ còn sắc sắc, không không ; với giác quan thông thường, con người rất khó phân biệt thật và giả.

Do đó, muốn tiếp cận sự thật chân đế, chỉ có thể tiến hành qua 3 con đường : học hỏi ghi nhớ (trí văn), suy nghĩ tìm hiểu (trí tư), thực hành áp dụng (trí tu), để có thể chứng nghiệm trực tiếp sự thật.

Các nhà khoa học cũng đã tiến hành tương tự để đi tìm chân lý của cuộc sống.Trong khi làm những công việc nầy, họ đã phải áp dụng những nguyên tắc suy luận khoa học, những qui trình nghiên cứu phù hợp với những tiêu chuẩn khoa học. mới được các học giả khác thừa nhận.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phải dùng máy móc để nối dài các giác quan của con người, như : dùng viễn vọng kính để quan sát các vì sao, hay dùng kính hiển vi điện tử để quan sát các vi sinh vật, hoặc dùng những máy chụp quang tuyến cắt lớp (scanner) hay cộng-hưởng-từ chức năng (IRMf) để chụp ảnh thân thể… Hơn nữa, họ phải dùng những phương pháp thực nghiệm tâm lý trong phòng thí nghiệm, như viện đại học LEIPZIG đã áp dụng lần đầu tiên trên thế giới trước đây cho tới ngày nay để nghiên cứu những thực tại tâm lý bên trong con người. Tâm lý học đã trở thành một môn khoa học thực nghiệm và chịu chi phối bởi những nguyên tắc nghiêm khắc của khoa học.

Trong các lãnh vực vật lý, hóa học hoặc sinh học, khoa học đã tiến một bước khá xa trong việc xác định thật và giả. Một vết máu trên tường với sự phân tích ADN có thể xác nhận là máu của nạn nhân hay của hung thủ.

Để phân biệt một chất là thật hay giả, như vàng chẳng hạn, với tất cả những phân tích về đặc tính:

- Vật lý: như khối lượng nguyên tử, tinh thể, đồng vị phóng xạ…
- Cơ học : độ mềm, độ vỡ…
- Nhiệt học : độ chảy, độ bốc hơi, độ dẫn nhiệt…
- Điện học : độ dẫn điện…

Nhờ đó người ta không thể nhầm lẫn giữa vàng thật và vàng giả.

Hơn nữa ngoài những ảo tưởng thị giác mà chúng ta đã từng biết như thấy một đoạn thẳng có khi dài hơn hoặc ngắn hơn tuỳ theo nó bị đóng khung ở hai đầu như thế nào, chiếc gậy khi ta thọc vào nước ta thấy nó bị gãy; khoa học còn khám phá bộ óc chúng ta lại diễn dịch hình ảnh hoặc màu sắc theo thói quen bẩm sinh của nó ngoài sự hay biết của chúng ta tuỳ theo khung cảnh ánh sáng xung quanh đối vật. (vision subliminale inconsciente)

Phải đau buồn mà công nhận rằng với các giác quan bình thường, con người không thể phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả.

CÓ SỰ THẬT HAY KHÔNG? NÓ NHƯ THẾ NÀO?

Có nhiều cách định nghĩa sự thật, tuỳ theo quan niệm khác nhau của các trường phái triết học; Có triết gia định nghĩa “chân lý là sự tương ứng giữa một ý tưởng và một thực tại hiện tiền mà sự hiện hữu chứng minh cho ý tưởng đó”, ý tưởng đúng được coi như đã diễn tả thực tại tương ứng trong cách cấu tạo của nó. (Aristote, Bernard Bolzano, Bertrand Roussel). Đây chỉ là định nghĩa của trường phái “Tương Ứng” (correspondantisme).

Trường phái “Liên Hợp nhất quán” (cohérentisme) định nghĩa sự thật không tùy thuộc sự liên hệ giữa ngôn ngữ và thực tại, nhưng tùy thuộc sự liên hệ nhất quán (thống nhất) của các lời phát biểu trong hệ thống các phát biểu (Keith Lehrer).

Trường phái “Thực dụng” định nghĩa sự thật như là tính thích đáng của một điều tin tưởng khi cuối cùng của sự khảo sát nó được phát hiện là hoàn mãn (William James, Ch. S. Peirce).

Triết học là sản phẩm của các triết gia, mà khi đọc tư tưởng của họ ta có cảm tưởng họ là những họa sĩ dùng ngôn ngữ để chấm phá cuộc đời bằng những suy tư lắc léo của họ. Mỗi triết gia có ý kiến riêng. Kẻ đi sau chịu ảnh hưởng ít nhiều của người đi trước và đồng quan điểm trên 1 số vấn đề, nhưng nhiều khi nói ngược cả với ông thầy của mình. Như Aristote chống lại cả ý kiến của Platon là thầy của mình khi ông nói “ý tưởng là yếu tính của sự vật, không thể tách rời với sự vật”. Đối với ông mỗi hữu thể (être) được cấu tạo bởi vật chất và danh thể (ý tưởng, nghĩa là cấu trúc được ý thức biết đến); muốn tìm đến sự thật phải nghiên cứu cái thế giới được cảm nhận (sensible), trong mục đích khám phá những nguyên nhân của các hiện tượng, bởi vì “hiểu biết là hiểu biết các nguyên nhân”. Trong khi Platon lại nói: “ý tưởng (hay danh thể) là những thực tại hoàn hảo, vĩnh cữu, không thay đổi; còn vật thể được cảm nhận chỉ là những bản sao bất toàn. Để tìm đến sự thật (vérité) phải né tránh tìm hiểu về thực tại cảm giác được mà phải chỉ hướng về cái thực tại được tri thức.

    Phải chăng đó là truyền thống tự do tư tưởng của Tây phương, khác với truyền thống phục tùng của Đông phương chỉ biết có ông thầy mình, lúc nào cũng Khổng tử nói..Tử viết.Chúng ta học được ở triết học Tây phương phương-pháp học về nhận thức, nhưng không nhận ra được kết quả vì không có sự đồng thuận giữa các triết gia, mỗi người nói lên một khía cạnh riêng biệt mà không ai có được cái nhìn toàn diện để đưa ra một giải pháp. Vả lại địa hạt của triết học quá rộng, chỉ trong vài địa hạt, vài triết gia mới tìm thấy sự tìm hiểu về chân lý: như Bản thể học (ontologie), Luận lý học (logique), Tri thức học (épistémologie)...

Sự thật với Descartes:

Để tìm đến sự thật, ông dùng phương pháp hoài nghi. Ông đẩy mạnh sự hoài nghi cho đến chỗ tận cùng, nghĩa là không còn lại gì để hoài nghi nữa. Ông nghi ngờ những hiểu biết qua cảm giác. Ông nghi ngờ những ý kiến, những dư luận (opinions). Ông đặt nghi vấn về những mệnh đề toán học, mặc dù ông là nhà khoa học đã phát minh ra hình học giải tích. Toán học là điều làm ông say mê “tôi thích thú nhất toán học vì tính cách chính xác và hiển nhiên trong sự phân giải của nó”. Trong tiến trình đi tìm chân lý, ông đưa ra 4 nguyên tắc trong quyển “Luận thuyết về Phương pháp” (Discours de la méthode):

    1- Không chấp nhận những gì chưa được xem xét và chỉ chấp nhận như thật những gì đã vượt qua được thử thách của hoài nghi và ông đưa ra tiêu chuẩn của sự thật: “Điều gì xuất hiện một cách rõ ràng và chính xác trong tâm trí tôi mà tôi chưa bao giờ đặt sự nghi ngờ”

    2-Phân tách: phải phân tách thành từng yếu tố cấu tạo của một vật thể hay một tư tưởng phức tạp.

    3-Tổng hợp: phải xây dựng sự hiểu biết theo một thứ tự nghiêm-túc từ dễ tới khó. Có những vấn đề mà thứ tự đã có sẵn trong thiên nhiên, tâm thức phải tự khám phá mà không áp đặt. Có những vấn đề nhân tạo không có trong thiên nhiên, tâm trí phải sáng tạo để tìm giải pháp chớ không được hành xử một cách vô lối.

    4-Kiểm điểm toàn diện, kiểm tra tổng quát. 

Với phương pháp luận có vẻ chắc nịch như vậy, Descartes đưa ra chân lý như sao: Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu, theo ông “dù tôi có hoài nghi đến đâu đi nữa, tôi phải hiện hữu để có thể hoài nghi”

Ý tưởng nầy ngày nay đã bị các nhà khoa học bác bỏ, theo họ con người hiện hữu trước khi biết suy tư. Hiện hữu trong tiến trình chuyển hóa từ “ông A-dong bà Êva” còn ăn lông ở lỗ hay ở mỗi cá thể từ lúc sinh ra cho tới khi biết suy nghĩ. Và con người hiện hữu với cả thể xác và tinh thần chứ không phải chỉ với tâm hồn như Descartes đã tách rời hẳn cơ thể và tinh thần.

Chân lý thứ hai mà ông xác nhận là sự hiện hữu của Thượng Đế. Ông dùng Thượng Đế để giải quyết một vấn nạn trong lý luận của ông: “một ý tưởng rõ ràng chính xác có thật sự phù hợp đúng với thực tại mà ý tưởng đó ghi nhận không?” Bởi vì Thượng Đế hiện hữu và những ý tưởng bẩm sinh trong sáng đó do ngài tạo ra trong tôi, chúng không thể sai lạc được bởi vì Thượng Đế không thể là kẻ gạt gẩm. Vào thời ông có nhiều học giả phê bình là ông lý luận lòng vòng (cercle argumentatif).

Descartes muốn đưa sự trong sáng mạch lạc của khoa học vào triết học, nhưng ông bị kẹt bởi ý niệm Thượng Đế. Do đó khi các triết gia phó thác chân lý vào tay Thượng Đế thì con người không làm sao nắm bắt được chân lý.

Kịp đến khi Nietzsche xuất hiện, chôn sống Thượng Đế với ý tưởng “Thượng Đế đã chết”, con người được giải thoát khỏi hình bóng của Chúa. Con người được tự do sáng tạo ra ý nghĩa và yếu tính (essence) của đời mình bằng những tư tưởng, lời nói và hành động. Từ đó mở ra con đường triết học Hiện Sinh với nhiều tác giả và triết gia: Karl Jaspers, Martin Buber, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, Maurice Merleau-Ponty, Gabriel Marcel...

Tư tưởng chủ yếu của Nietzsche là kiến tạo hình ảnh và lý tưởng một Siêu Nhân; cũng như Khổng Tử xây dựng nên người Quân Tử hay Phật giáo một vị Bồ Tát. Đối với Nietzsche cuộc sống con người thể hiện một sức mạnh, một ý chí thực hiện, cương quyết để đưa tới những sáng tạo mới và hủy bỏ những đối thể khác. Do đó ông chống lại Chúa, chống lại các triết gia siêu hình học, các tu sĩ hữu thần đã dâng hiến cả Sự Thật vào tay các thần linh. Ông cho rằng những người nầy vì yếu đuối bất lực đã tạo dựng một thế giới siêu hình (arrière-monde của Platon) “đúng hơn, tốt đẹp hơn” bởi vì họ không thể kiến tạo những giá trị phục vụ cho cuộc sống trong thế giới hiện sinh tại đây. Nietzsche phê bình tất cả những giá trị truyền thống đã xây dựng nên nền văn hóa Tây Phương (những giá trị mà ông so sánh với những thần tượng, những thần linh giả hiệu, faux dieux). Ông bác bỏ cả sự hiện hữu của một cái Ngã duy thức (Cogito) làm điểm tựa cho ý niệm siêu hình về thực tại và chân lý.

Chân lý đối với ông không phải để giải đáp câu hỏi: “ Thế nào là chân lý?” mà là phải giải đáp “Ai là người cần chân lý vĩnh cửu và tuyệt đối?”. Cái chân lý đó ông cho là ảo tưởng và một phần những ảo tưởng nầy do sự sai lầm của ngôn ngữ đã tạo ra những ý niệm siêu hình về sự thật. Theo ông ngôn ngữ đúng hơn là những phương tiện để hành động hơn là để hiểu biết.

Ông cũng không đặt tin tưởng nơi khoa học mà ông cho khoa học chỉ là những diễn dịch ngu xuẩn nhất về vũ trụ thế giới. Khoa học là tàn dư của những ảo tưởng tôn giáo. Giờ đây khoa học cần phải biện minh cho những cứu cánh của mình.

Hành trình tư tưởng của Nietzsche đưa chúng ta tới câu hỏi: “Ai cần đến Chân lý?” hay “Từ đâu chúng ta tin tưởng vào Chân lý?” Lời giải đáp vẫn còn bỏ ngõ. Rồi con người cũng sẽ quên, như dân nước Tây Ban Nha sau trận dịch làm chết hơn 30 triệu người, dân tộc Nga sau tai nạn nguyên tử Tchernobyl, hay dân Nhật sau trận động đất Tsunami, chân lý lại trở thành một ảo tưởng. Nó chỉ hiển hiện với những ai hiểu được giá trị và mục đích của kiếp người. 

Chân lý của tôn giáo:

    Đối với các tôn giáo hữu thần, chân lý nằm trong tay Thượng Đế, nên con người khó mà đạt được. Chỉ có cách là dọn mình cho trong sạch bằng sự cầu nguyện và đức tin mãnh liệt để có thể hiệp thông với Thiên Chúa mới mong được thiên khải hoặc như trong Đạo Bà-La-Môn dùng thiền định nâng cao Tiểu Ngã (Atman) của con người để thể nhập vào Đại ngã (Brahman), một Hữu-thể tuyệt đối, một Linh-thức tuyệt đối, một Đại-hạnh-phúc tuyệt đối (một ý niệm khác với Thượng Đế của các tôn giáo độc thần). Xưa nay nếu tính ra số người được thiên khải có rất ít: Abraham, Moïse, Mohammed, thánh Paul, thánh Martin, thánh François d'Assise...

Phật giáo là một tôn giáo vừa hữu thần, trong ý nghĩa là PG không phủ nhận sự hiện hữu của các Thiên-thể sống trong những cảnh giới cao thượng, hạnh phúc hơn cõi Dục giới của con người và thú vật, nhưng lại vừa vô thần vì PG không thừa nhận ý niệm Thượng Đế toàn năng và sáng thế.

Vậy chân lý của đạo Phật là gì? “Vạn vật đều vô thường. Không có cái ngã nào chen vào làm chủ vật chất và tinh thần (vô ngã). Khổ là đặc tính chung cho mọi chúng sinh”.Chân lý của PG được phát biểu đầy đủ trong 3 chữ Tứ Diệu Đế (bốn sự thật vi diệu):

    -chỉ có một vị mặn cho tất cả đại dương cũng như chỉ có sự Khổ cho tất cả chúng sinh     -nguyên nhân của khổ là tham ái                                                                       -có một trạng thái mà khổ được chấm dứt, đó là Niết bàn                                                   -có một con đường để thực hiện sự dứt khổ đó là Bát Chánh Đạo”.                

Chúng ta không thể nói sự thật nầy bi quan yếm thế khi mà Đức Phật đã đưa ra giải pháp để làm chấm dứt cái khổ.

Chân lý của Phật giáo có tính cách:

1/- Phổ quát: có giá trị vượt thời gian và không gian. Không phải nó chỉ đúng ở thời của Đức Phật cách đây hơn 2550 năm, mà ngày nay nó không còn đúng. Không phải nó chỉ đúng ở Ấn Độ mà nó không đúng ở Âu Tây. Nhà bác học Einstein đã từng nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là PG. Phật giáo không cần phải xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với những khám phá mới của khoa học. PG không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học vì PG bao hàm cả khoa học, cũng như vượt qua khoa học (Collected famous quotes from Albert Einstein: http://rescomp,stanford,edu~cheshire/einstein quotes.htm).

2/- Nhân bản: chân lý PG vượt qua khái niệm về Thượng Đế, thiên khải; nó do 1 con người phát hiện và dành cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp, giới tính. Từ con người trở lại cho con người.

3/- Thực nghiệm: nó có thể được chứng nghiệm ngay trong hiện tại với kết quả chắc chắn không cần chờ đợi ở kiếp sau hay trong một thế giới bên kia nào khác với điều kiện trải nghiệm vừa lý thuyết vừa thực hành. Chính Đức Phật đã tuyên bố: “đây là con đường mà Như Lai đã hiểu rõ và trải nghiệm, hãy đến để thử nghiệm chính mình”.

4/- Đặc tính chuyển hoá: chân lý PG có khả năng đưa đến tiêu diệt đau khổ.

Chân lý của Khoa Học:

Đó là một mệnh đề được hình thành bằng những suy tư nghiêm túc từ sự quan sát các hiện tượng, các sự vật và có thể kiểm chứng bằng các thử nghiệm. Do đó nó có thể được các nhà khoa học khác sử dụng trở lại với những thí nghiệm đúng phương pháp khoa học để xác nhận hoặc phủ nhận mệnh đề trên.

Một chân lý khoa học mang những đặc tính sau đây:

a- Khách quan: bắt đầu từ giai đoạn quan sát các sự kiện, phải sáng suốt, trung lập, tách rời ngã chấp.

b- Lý thuyết có thể được khái quát hóa, tổng quát hóa (généralisable) suy rộng hay qui nạp bằng suy luận để đưa ra một mệnh đề hay một công thức làm giả thuyết.

c- Giả thuyết có thể bị bác bỏ (réfutabilité): nhà khoa-học-luận Karl Popper đề nghị là không nên có ước muốn khẳng định một lý thuyết và nên chấp nhận rằng “một chân lý mang tính cách khoa học khi nó có khả năng bị bác bỏ” (une vérité est scientifique quand il est possible de la réfuter).

d- Có tính cách tích lũy kiến thức: dựa trên kiến thức người đi trước và đóng góp bổ túc những kiến thức mới.

e- Có sự đánh giá bởi các người đồng hành tạo thành một công trình tập thể.

g- Có thể được lập lại bằng những thử nghiệm đúng phương pháp khoa học.

h- Dựa trên lý trí và suy luận của con người mà không dựa vào đức tin hay giáo điều của bất kỳ một phe nhóm, đảng phái hay tôn giáo nào.


Chúng ta thấy không phải chỉ có Khoa học mới tiến đạt được sự thật, còn có con đường của các triết gia và con đường của các tôn giáo và sự thật của Khoa học thuộc thế giới vật chất hữu hình nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất không bao giờ thỏa mãn của con người. Các triết gia hữu thần rốt cuộc hội nhập với các tôn giáo hữu thần và chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế để được hiệp thông với Chân lý vì Chân lý ở về phía Thượng Đế. Các triết gia vô thần, một số liên kết với khoa học, đi theo con đường của khoa học và đòi hỏi phải có một kiểm chứng thực nghiệm, triết học sau cùng đã biến dạng vào khoa học và lãnh vực của triết học ngày một thâu hẹp để chỉ còn những suy luận thuần lý. Còn Phật giáo đòi hỏi muốn tiến đạt sự thật phải đi theo 2 con đường vừa lý trí để đi đến chỗ «bất khả tư nghì» rồi từ đó bước vào con đường thực nghiệm tâm linh để đi đến chỗ chứng nghiệm một trạng thái tâm linh cùng tột có khả năng giải thoát khỏi khổ đau và mọi phiền não, lậu hoặc.

Sau khi đã biết phân biệt Thật,Giả/ Đúng,Sai/Thiện,ác đã đến lúc chúng ta phải chọn lựa thái độ dứt khoát với những điều sai trái, tà vạy; loại bỏ những điều mà kiến thức khoa học phủ nhận, những điều mà lịch sử đã chứng minh là sai, không thích hợp với những qui luật của khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn (sử học, xã hội học...).Muốn tiến đạt chân lý: biết cho đúng, hiểu cho rõ, có nhiều kiến thức về vấn đề, biết con đường thực hành, mục tiêu của con đường, kiểm chứng việc thực hiện; đó là chúng ta đi đúng qui luật của sự phát triển và tồn tại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/-  Lê văn Tùng/ Nghiên cứu Triết học Tôn giáo/ NXB Tôn Giáo
2/-  Lê Tôn Nghiêm/ Lịch sử Triết học Tây phương/ nxb TP Hồ chí Minh
3/-  Mạnh Bích/ Tam giáo và Việt tính/ Bạn Văn A.E.V.E.
4/-  Nguyễn Đăng Thục/ Lịch sử Triết học Đông phương/ nxb TP Hồ chí Minh
5/-  Nguyễn Hiến Lê/ Khổng Tử/ nxb Văn Hóa
6/-  Nguyễn Hiến Lê/ Luận Ngữ/ nxb Văn Nghệ
7/-  Tài liệu học tập Vi Diệu Pháp/ Nhóm nghiên cứu và thực hành Phật Pháp Paris13
8/-  Thích Chơn Thiện/ Phật học khái luận/ nxb TP Hồ chí Minh
9/-  Ts Đỗ Minh Hợp, Ts Nguyễn Anh Tuấn, Ts Nguyễn Thanh, Ths Lê Hải thanh/ Tôn giáo     lý luận xưa và nay/ nxb Tổng hợp TP Hồ chí Minh 
10/-Trần Công Tiến/ Triết học đi về đâu/ nxb Văn Gia
11/-Trần Quang Thuận/ Triết học chính trị Khổng giáo/ nxb Văn Hóa Saigon
12/-Trần Quang Thuận/ Hành trình tâm linh/ nxb Phương Đông
13/-Trần Thái Đỉnh/ Biện chứng pháp là gì?/ nxb Văn Mới
14/-Christophe Richard/ Le Bouddhisme Philosophie ou Religion? / L'Harmattan
15/-Collectif Le Nouvel Observateur/ La philosophie du Bouddhisme/ Scali
16/-Descartes/ Discours de la méthode/ GF Flammarion
17/-Grand Larousse Universel/ Larousse
18/-Karl Popper/ Les critères de la scientificité/ Philosophie, Science et société
19/-Miguel De Molinos/ La connaissance et la méthode scientifique/ Philosophie@
20/-Môhan Wijayaratna/ La philosophie du Bouddha/ Lis
21/-Nietzsche/ Introduction théorétique sur la vérité et le mensonge au sens extra-moral/
    extrait du Le livre du philosophe/ Ed Garnier-Flammarion
22/-Olivier Houdé/ Vocabulaire de sciences cognitives/ PUF
23/-Paul Walzlawick/ La réalité de la réalité/ Points Essais
24/-http://www.garriguesetsentiers.org/article-la-verité-dans-les-sciences-86959639.html
25/-thuvienhoasen.org/ Nguyễn tối Thiện: Tiến trình chuyển hóa tâm linh/
26/-Walpola Rahula/ L'enseignement du Bouddha/ Points Sagesse


Nguyễn Tối Thiện