Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Lời Người Ngoại Đạo


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Muôn Đời Bên Nhau


Gió đông về lạnh tim côi
Chuông nhà thờ đổ bên đồi quạnh hiu
Ngược dòng năm cũ thân yêu
Một hình bóng nhỏ mang nhiều nhớ thương
Từ anh xa cách quê hương
Là lần vĩnh biệt sân trường tuổi thơ
Còn đâu phút đợi giây chờ
Áo xưa tha thướt bên bờ cỏ xanh
Còn đâu vườn cũ trăng thanh
Ngõ đi dao động lá cành sương rơi
Mùa Noel ấy chung đôi
"Ước gì ta được muôn đời bên nhau!"
Ngẩng nhìn sao sáng trên cao
Mùa Noel nữa là bao năm rồi
Chuông nhà thờ đổ liên hồi
Tiếng chuông nhắc nhở muôn đời bên nhau.

Biện Công Danh
Barcelona
11/12/2015

Giáng Sinh 2015


Thắm thoát thế mà lại Giáng Sinh,
Thời gian vùn vụt khéo vô tình.
Bốn mươi năm vẫn mong sum họp,
Mấy chục đông luôn ước thái bình.
Lắp lánh đèn sao lòng thổn thức,
Vô cùng đêm thánh dạ đinh ninh.
Hồng ân nguyện Chúa ban ơn khắp,
Thế giới an bình mọi chúng sinh!

Đỗ Chiêu Đức
***
Chúa Giáng Sinh

( Hoán vận )

Ngôi hai đến tá mẫu đầu sinh
Cứu chuộc nhân gian thoát tội tình
Hang đá mỡ đầu chương khó khổ
Sao trời rọi sáng lối công bình
Tin mừng chứng chắc bằng thương khó
Huyết đổ cam đành để tái sinh
Ngài ở trong ta hằng dẫn dắt
Thiên đàng địa ngục vẫn an ninh.

Cao Linh Tử

7/12/2015
***
Đêm Giáng Sinh

Chúa xuống trần gian với chúng sinh
Cho bao đôi lứa đẹp duyên tình
Giúp người đơn chiếc niềm an ủi
Khiến kẻ hoang mang dạ ổn bình
Lấp lánh ngàn sao xua giá lạnh
Ngân nga chuông thánh gọi an ninh
Tưng bừng một trận mưa ân sủng
Tưới khắp mọi nhà đêm Giáng Sinh.

Phương Hà

***
Giáng Sinh 2015

Thời gian trôi chảy quá vô tình
Lại tháng mười hai đến Giáng Sinh
Lấp lánh đèn giăngng cây sang ngõ
Lung linh Thánh Giá cảnh yên bình
Ông già áo đỏ chùm râu bạc
Tuần lộc chuông rung chạy rập rình
Cầu nguyện Hồng ân Thiên Chúa nhận
Thanh bình cõi thế được an ninh

Song Quang
***
Giáng Sinh 2015


Nô nức nơi nơi mừng Chúa sinh
Còn ta đây hỉ thiếu thân tình
Miếng mồi mới gắp sao cay xé ?
Chai rượu vừa khui đã nổ bình
Bọt bắn tứ tung buồn dã dượi
Chân xiêu loạng quạng mất an ninh
Vui đâu chẳng thấy toàn dị hợm
Nô nức nơi nơi mừng Chúa sinh.

Thái Huy,12-09-15
***
Đêm Giáng Sinh

Vào đời trải nghiệm một lần sinh
Sứ mệnh thiêng liêng vẫn hữu tình
Thiên Chúa ba ngôi ban nguyện ước
Người dân cõi thế mộng an ninh
Ngắm vì sao sáng đêm huyền diệu
Lắng tiếng chuông ngân cảnh thái bình
Tỏ rạng hào quang nơi máng cỏ
Niềm tin - bác ái độ nhân sinh.

Nguyễn Đắc Thắng
20151208
***
1/ Mùa Lễ Noel

Cây thông siêu thị lại hồi sinh,
Điện chớp đèn giăng thật hữu tình.
Trên ngọn ngôi sao tinh tú sáng,
Gốc đầy quà cáp thấy an bình.
Shopping phố xá chưng mùa lễ,
Christmas Thánh đường thật phú ninh.
Chào đón Noel trang trí đẹp,
Khắp nơi rực rỡ phước dân sinh !

Mai Xuân Thanh 

Ngày 12 tháng 11 năm 2015

2/Giáng Sinh Chúa Cứu Thế

Đêm thánh vô cùng Chúa Giáng Sinh,
Trai thanh gái lịch, lứa đôi tình.
Trần gian các đấng thiêng liêng đến,
Cứu thế trời ban đặng thái bình.
Sao sáng cây thông đèn chớp nháy,
Noel Đức Mẹ hiện an ninh...
Ca đoàn, nhạc trỗi, ngân chuông điểm
Thức tỉnh nguyện cầu, hạnh phúc sinh.

Mai Xuân Thanh
Ngày 08 tháng 12 năm 2015

Mừng Chúc Giáng Sinh 2015



Giáng Sinh lại đến nghiêng trời
Tiếng đồng ca lượn tiếng cười phiêu du
Mừng sinh nhật Chúa nhân từ
Nằm trong máng cỏ giấc mơ an lành

Giáo đường vang tiếng cầu kinh
Cầu an vui đến, hòa bình thế gian
Chiến tranh máu lửa lụi tàn
Từ tâm mở cửa thiên đàng thế nhân

Lòng rung ngàn tiếng chuông ngân
Tiếng ca thánh thót xa gần mừng vui
Giáng Sinh ngày của muôn người
Trái tim hòa nhịp đạo đời dắt tay

Chúc người hạnh phúc tràn đầy
Hoa tình thương nở vàng cây đỏ cành
Tím hồng đuôi mắt long lanh
Nụ cười thương mến dỗ dành lòng nhau

Ơn trời cao rải nhiệm màu
Chùm hoa phước nở trên đầu Giáng Sinh
Ngát thơm từng cánh nghĩa tình
Giữa đêm đông lạnh bình minh hé chào

Trầm Vân

Buồn Cắn Vào Tim


Vói tay ngỡ trúng thiên đàng
Té ra là mộng ngỡ ngàng phút giây
Bên em xin nán lại đây
Đừng đi vội quá em đây bẽ bàng
Tình mình có lúc huy hoàng
Có lúc tăm tối, xin chàng đừng đi
Vài năm ngắn ngủi tình si
Vẫn yêu chàng lắm, sao đi vội vàng?

Sáng ra chợt thấy bàng hoàng
Anh đi mất biệt, mất chàng như mơ
Đêm cuối chàng làm bài thơ
Bài thơ vĩnh biệt bơ vơ em buồn
Nỗi buồn như cắn vào tim
Nỗi buồn như tách cà phê đắng đời
Sáng nay lòng thấy rối bời
Chẳng hôn từ giã, anh rời xa em

Như Nguyệt

Nội San Ái Hữu 72 Tập 3 - Nhớ Về Trường Cũ


Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp -NK 1972
Nội San Phát Hành 1974

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Giản Kim Dung và Tang Quyến Cảm Tạ

Giản Kim Dung cùng Tang Quyến, Chân thành gởi lời cảm tạ đến:

- Ban Biên Tập:
longhovinhlong.blogspot.com
huynhhuuduc.blogspot.com

- Các Thân Hữu:
Nguyễn thị Hồng Điệp
Lê Thị Tuyết
Nguyễn thi Hạnh
Lê Ngọc Điệp
Hoàng Thị Thơ
Nguyễn Thị Ngọc Sương
Lê Thị Kim Phượng
Hoàng Xuân Khải 
Mạc Tích Đức 
Nguyễn Thành Khai
Huỳnh Hữu Đức
Các Bạn Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 62-69 đã cùng chia buồn với Gia Đình chúng tôi.

Giản Kim Dung cùng Tang Quyến 
             Đồng Cảm Tạ
                                                                                                 

Mắt Lệ Cho người Tình

Cuộc tình hạnh phúc bỗng chia lia ,buổi biệt ly thấm đầy nước mắt, dù cho những nụ hôn giã biệt cũng không lắp đầy nỗi nhớ nhung, khi biết chắc rằng cuộc chia tay lần này rất khó tìm lại được nhau.

Nhạc Phẩm: Mắt Lệ Cho Người
Sáng Tác: Phạm Mạnh Cương
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Hương Tâm Tình


Hoa ngậm chặt giọt sương đêm ướt mọng
Hút từng hơi chất mát rợi ban mai
Sương chập chờn trong ảo giác mê say
Ôm trọn lấy hồn hoa vào biển mộng.

Bằng ngây ngất hương thơm từ mái tóc
Bằng lung linh ánh mắt của ngàn sao
Ôi thanh âm từng sóng thở dạt dào
Ôi nhịp chuyển cuồng say từng cảm giác.
Tay giăng tay cửa trần gian khép hở
Lướt mây trời ta mở hội mùa xuân
Em nghe chăng tấu nhạc những thiên-thần

Đang chúc tụng mối duyên lành đôi lứa.
Ngắt nhẹ đoá hoa hồng thắm đỏ
Tặng người yêu hương sắc một tâm tình
Em nguyện thề dâng trọn cả hồn trinh
Là kết tụ tình yêu vừa chớm nở.

ChinhNguyen/H.N.T. 
(SG1960&US2015)

Trường Học Nghỉ Lễ Noel


Tan trường sớm để nghỉ Noel,
Còi báo hiệu vang tiếng dội rền.
Các lớp túa ra ong vỡ tổ,
Phụ huynh đứng đợi rước con, em.
Sắc màu hoa bướm tung tăn đẹp,
Hồng thắm tươi vui nhộn nhịp thêm.
Trẻ khỏe hân hoan cười khúc khích,
Xe chờ đậu sẵn đón bên thềm...

Mai Xuân ThanhNgày 17 tháng 12 năm 2015


Nhờ



Bài Xướng: Nhờ

Nhờ gió có về qua nơi ấy
Cho ta gởi gấm chút hương xưa
Mùi thơm hoa bưởi trong làn tóc
Vẫn giữ cho nhau tự bấy giờ

Nhờ mây tạo dáng suối tuôn dài
Ta gởi cho chàng món tóc mai
Êm ái xoã mềm trên áo lụa
Đôi tà mỏng mảnh gió bay bay..
.
Nhờ cánh hoa vàng gọi bướm sang
Mở mùa vũ hội ở nơi chàng
Cho lòng trở lại mùa xuân ấy
Đỏ mặt, lần đầu ta điểm trang

Nhờ vầng trăng ngọc sáng lung linh
Thoảng ngát hương thơm đoá bạch quỳnh
Trở lại đêm xưa đầy diễm ảo
Ta dâng chàng trọn tấm băng trinh

Nhờ cánh buồm trôi ra biển khơi
Đưa ta xa tít tận chân trời
Đến nơi biển đảo ngày xưa ấy
Ta với chàng sánh bước chung đôi

Nhờ ngọn gió xa tận cuối trời
Đưa ta - hạt bụi - vượt trùng khơi
Ta đi, đi mãi rồi đi mãi
Và sẽ gặp chàng ở một nơi...

Phương Hà

( Tháng 12/2015 )
***
Các Bài Họa:
Nhớ

Gió về qua nơi ấy,
Gợi nhớ mãi hương xưa.
Hoa bưởi trong làn tóc,
Nhớ biết mấy cho vừa!

Tạo dáng suối tuôn dài,
Ta nhớ làn tóc ai,
Xoã mềm trên áo lụa,
Tóc áo cùng bay bay!
.
Hoa vàng gọi bướm sang,
Rực rỡ sắc hương nàng.
Nhớ mãi mùa xuân ấy,
Lần đầu ai điểm trang!

Trăng ngọc sáng lung linh,
Thoang thoảng đóa bạch quỳnh.
Cả một trời diễm ảo,
Cả một tấm băng trinh!

Cánh buồm ra biển khơi,
Xa tít tận chân trời.
Biển đảo ngày xưa ấy,
Ta cùng bước chung đôi.

Nhờ gió xa cuối trời,
Đưa ta vượt trùng khơi,
Cứ đi và đi mãi ...
Sẽ gặp nhau cuối trời !.....


Đỗ Chiêu Đức
( Tháng 12-2015 Ất Mùi )
***
Tình Xưa
Gió đông lành lạnh thương người ấy,
Gởi đến mùi hương chút nghĩa xưa...
Hoa bưởi còn thơm lừng trong tóc,
Người yêu xa nhớ mãi bây giờ.

Mây bồng tóc rối thả bay dài,
Vội gởi người xưa ít sợi mai,
Tình tứ làm sao mềm mại lụa,
Phất phơ tà áo mỏng tung bay.

Đây Vườn Thơ Thẩn bướm vờn sang,
Như mở hội mừng đón tiếp chàng.
Hân hoan nhắc lại ngày xuân ấy,
Má đỏ thẹn thùng diểm phấn trang.

Trăng soi vằng vặc sáng long lanh,
Đẹp nhất hương thơm một đóa quỳnh.
Huyền dịu trắng tươi lòng ngưỡng mộ,
Ôi cao quý hiến ngọc trung trinh.

Biển nhớ buồm căng khói sóng khơi,
Yêu ai mộng ước tợ mây trời.
Một mai gặp lại tình xưa ấy,
Không hẹn nhau mà thấy đẹp đôi.

Gió mưa khí hậu tiết đông trời,
Cát bụi trở về với biển khơi.
Cuối đất con đường đưa đến mãi,
Biết đâu chàng đợi ở cùng nơi.

Mai Xuân Thanh  
Ngày 14 tháng 12 năm 2015
***
Gọi....

Gọi nắng có về ngang chốn ấy
Mang giùm tin nhắn đến người xưa
Đừng cho ai vuốt lên làn tóc
Đã giữ tin yêu đến tận giờ

Gọi mây làm dáng tóc buông dài
Hãy giữ hương thề lọn tóc mai
Đừng để sợi mềm vương áo lụa
Kẻo mà làn gió thổi hương bay

Gọi cánh mai vàng rủ bướm sang
Để cùng mở hội ở bên nàng
Khiến lòng nhớ lại chiều Xuân ấy
Đếm bước bên nàng chẳng hóa trang

Gọi vầng trăng sáng tỏa lung linh
Soi bóng em đang dưới cội Quỳnh
Thơm ngát hương nồng đêm diễm tuyệt
Của người dáng ngọc nét nguyên trinh

Gọi cánh buờm căng gió ra khơi
Đẩy thuyền xuôi mái đến phương trời
Hoang vu, hải đảo hay ghềnh đá
Chắc chẳng ai buồn ta sánh đôi

Gọi gió đưa nhau đi khắp trời
Ta là hạt bụi vượt trùng khơi
Rồi ta đi mãi.....còn đi mãi
Để gặp lại nàng...ở khắp nơi

Song Quang

Nội San Ái Hữu 72 Tập 3 - Thương Tiếc Hoàng Ngọc Quang


Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp -NK 1972
Nội San Phát Hành 1974


Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Tình Ơi - Thơ & Diễn Ngâm: Hương Chiều

(Từ bài Lời Tình Thơ cuả Đỗ Hữu Tài)



Thơ & Diễn ngâm: Hương Chiều

Món Quà Sinh Nhật

Đỗ Hữu Tài, bút hiệu Thế Thôi. Tài đã làm lay động trái tim độc giả bằng những bài thơ quê hương, thơ tình... Riêng tôi, thơ Đỗ Hữu Tài sáng tác trong những ngày Lễ trọng, Giáng sinh, Phục Sinh, đã đưa tôi tìm về một tình yêu cao vời, thánh thiện.

Từ sự ngưỡng mộ, dần dần tình cảm giữa Hữu Tài và tôi, gần nhau, thân hơn. Và mỗi lần " nghe" tiếng gọi... “chị Phượng ơi” trong email, lòng tôi không khỏi bồi hồi rung cảm...
Bây giờ, Tài không còn nữa, mãi mãi xa. Tài ra đi, nhưng tình vẫn còn đó. Một số bạn hữu, tổ chức mừng sinh nhật cho Tài, cho Người đã qua đời.
Tài ơi, món quà kỷ niệm chị dành cho em, là một bài thơ dài sọc mà Tài thường hay làm như thế và ý thơ ... là nối tiếp ý của em.

Nếu bên kia cửa tử còn có một đời sống, thì ...Tài, Người đã làm đẹp cho đời, em hãy tiếp tục như những gì Tài đã từng làm cho tha nhân.
Nguyện cầu Chúa luôn ôm ấp em trong vòng tay của Ngài.

Thương mến
Chị Phượng


Nhánh Cỏ Hương

Em là nhánh cỏ đưa hương
Tình anh trong suốt như sương mai đầy
Em là nhánh cỏ hương gầy
Anh dìu dịu gió quanh đây vỗ về

Gió mơn ve vuốt tóc thề
Má hồng tươi thắm mãi mê một đời
Mắt huyền lay láy sao trời
Long lanh sông lệ hồn bơi giữa dòng

Em là nhánh cỏ hương nồng
Gió đưa hương quyện chung lòng thoảng xa
Phiêu du cùng tận đôi ta
Trăm con chim mộng hoan ca đón chào

Em là nhánh cỏ hương trao
Thiết tha trìu mến đưa vào trang thơ
Tình yêu mãi mãi tôn thờ
Âu là số mệnh đôi bờ biệt ly

Bóng tà dương khuất ra đi
Âm dương cách trở thôi thì Thế Thôi
Tay buông xuôi phút bồi hồi
Cỏ hương gió dịu trôi trôi bồng bềnh

Kim Phượng

Chúa Ơi...Làm Sao?! - Tưởng Nhớ Đỗ Hữu Tài Nhân Ngày Sinh Nhật 17/12


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Về Một Bạn Thơ


Tôi quen biết được cố thi sĩ Đỗ Hữu Tài từ một người bạn chung lớp thời Trung Học, anh tên là Hào. Anh kể cho tôi biết hai anh quen nhau ở trại Pulau Bidong, sau khi rời đảo thì cả hai được định cư trên đất Mỹ nhưng khác tiểu bang, cho đến năm 2010 mới liên lạc được với nhau. Anh Hào kể cho tôi nghe tình trạng sức khỏe của anh Tài và cho biết anh bắt đầu làm thơ sau cơn bệnh ngặc nghèo. Anh lấy bút hiệu là Thế Thôi. 

Anh Hào nhờ tôi giới thiệu thơ của Đỗ Hữu Tài vào web trường của tôi, và nếu có thể thì xướng họa thơ hầu giúp anh Tài trải qua những ngày tháng buồn tẻ. Tôi cho anh Hào biết là tôi không còn gởi bài cho web trường của mình nữa! Nhưng tôi giới thiệu anh đến Kim Oanh, cũng là bạn học cũ của chúng tôi. Oanh là Mod của web trường trong thời gian nầy! 

Vài tháng sau tìm được trang web VNTQ, tôi bắt đầu đăng thơ và xướng họa thơ với vài thi sĩ lạ! Có lẻ anh Hào báo cho anh Tài biết nên vào đầu tháng Tư năm 2011 thì tôi thấy trong Diễn Đàn của web nầy xuất hiện thơ của Đỗ Hữu Tài. Mỗi bài thơ của anh nhờ bạn đăng lên là tôi đều đọc, rất lấy làm thán phục nhưng chưa dám vào làm quen. Cho đến cuối tháng 5 năm 2011 thì tôi đọc “ Bài Thơ Tôi” của anh, lúc đó tôi mới dám ghé vào chào hỏi và để bài thơ thứ nhất “Bài Thơ Anh” vào vườn thơ của Đỗ Hữu Tài.
Anh Tài rất vui khi thấy tôi qua vào vườn nhà anh và để lại bài thơ, anh viết:
- Tài rất vui khi đọc thơ của YDT mà bấy lâu nay đã chờ. Hào có nói vào nhà của YDT để trao đổi thơ...nhưng Tài ngại thơ mình “chưa đủ cân lượng '' nay thì đã được YDT mở cửa Tài sẽ vào thường nha!”. 

Thật sự người ngại là tôi, vì tôi bắt đầu làm thơ vào mùa thu năm 2009, thơ còn vụng về, chưa biết cách dụng từ để cho bài thơ của mình được mượt mà như những bài thơ của anh từ trước đến nay!

Có một lần trong Diễn Đàn tôi cho anh biết là tôi có đọc qua bài thơ “Quét Lá” của anh đã được đăng trong web LVD khoảng đầu năm 2011. Tôi rất thích nên yêu cầu anh đăng bài thơ nầy trong Diễn Đàn VNTQ để chia sẻ cho các thi hữu cùng thưởng thức. Anh nói để tìm lại và đăng lên theo lời yêu cầu. Nhưng vài ngày sau anh cho biết là không tìm được bài thơ nầy, tôi phải vào web LVD tìm lại rồi cho anh biết tên bài thơ là “Cạnh Nhà” chứ không phải “Quét Lá”! Thời gian sau tôi nhờ cô Hương Nam diễn ngâm bài thơ dùm, giọng ngâm của cô nghe khá ngọt ngào, anh rất thích! 

Vài tháng sau anh gởi tặng tôi năm tập thơ “Có Những Đêm”, đọc lời giới thiệu và thấy hình anh ngậm viết để làm thơ đã làm tôi không cầm được nước mắt. Tôi đâu ngờ anh Tài bệnh nhiều đến thế!

Chúng tôi bắt đầu liên lạc bằng emails, mỗi ngày tôi viết thơ thăm hỏi anh, riêng anh thì thường khoe bửa nay được ăn trưa món gì, có lần tôi bật cười lớn khi đọc email của anh (thường emails of anh không bỏ dấu):
- Bua nay Tai đuoc an my Y…. NGAN...! Het gio roi, thoi Tai dọt …. !
Có lần tôi hỏi anh trên phone:
- Anh Tài ơi, bật mí cho YDT biết làm sao để có một bụng thơ như anh?
Anh trả lời:
- Điểm tâm buổi sáng của Tài là ăn thơ đó YDT!
Có những lúc thấy tôi vắng trong Diễn Đàn thì email thăm hỏi:
- YDT oi, co khỏe hay chuyen gi khong ma khong thay post tho moi len vậy?
Trong thời gian đó tôi khá bận nên không làm thơ, viết vội vài hàng:
- Hồn thơ của YDT bị đi lạc nên không ra được bài thơ nào cả!

Suốt ba năm trước đây dường như tuần nào thơ tôi ra là có thơ anh hoạ lại! Tôi thầm phục anh vì anh họa thơ hay cảm tác với các nàng thơ rất nhanh. 

Có một lần tôi viết email cho anh hay là tôi vừa đăng bài thơ mới trong VNTQ, mời anh qua vườn YDT đọc cho vui. Anh trả lời ngay:
- Đe Tai “CHAY” vào vuon cua YDT xem!

Câu trả lời của anh làm tôi cười không ngớt khi hình dung cảnh anh ấy tất bật chạy qua vườn mình để đọc thơ! Thật sự tôi cũng biết thời khóa biểu của anh là đâu vào đó! Ăn cơm trưa xong là y tá cho anh nằm sấp hai tiếng để lưng không bị lở. Anh cho biết là trong thời gian nầy là anh suy nghỉ để họa thơ từ các nàng thơ trong các Diễn Đàn anh quen biết.

Mùa Giáng Sinh đến và cũng là sinh nhật anh là ngày 17 tháng 12, anh kể mùa này là anh vui nhất trong năm, vì vừa Sinh nhật anh và vừa Giáng sinh. Anh khoe là mỗi năm anh nhận được nhiều thiệp chúc mừng và quà từ bạn bè khắp nơi,

Năm đầu tiên tôi gởi cho anh là hộp kẹo Chocolate và Birthday card. Ngạc nhiên và vui, anh viết:
- Nam nay Tai nhân đuoc them mon qua tu Co Lang Gieng! Hi hi…

Sinh nhật năm kế tiếp tôi cũng gởi anh chocolate, đến mùa Trung Thu thì nhờ cô bạn làm bánh trung thu gởi cho anh, anh nhờ làm đặc biệt mỗi bánh phải có hai hột vịt muối. Hai năm sau, anh bảo tôi đừng gởi hai món ngọt nầy vì anh bắt đầu cử ngọt. Có chút ngạc nhiên nên tôi hỏi anh qua phone:
- Anh bị tiểu đường?
Anh trả lời:
- Tài dùng răng để ngậm đủa thần mà gỏ phím nên nha sĩ kêu phải giữ hàm răng cho tốt!

Câu trả lời của anh làm tôi giựt mình vì quên hẳn là anh gỏ phím bằng miệng.
Nhớ một lần anh tâm sự là trước lễ Giáng sinh thì Tài có một số ở bạn gần đến thăm, phòng Tài rất rộn rịp trong những ngày nầy, nhưng sau đó thì vắng và buồn lạnh vì ai cũng quanh quẩng cùng gia đình….Tài thì trong phòng nhìn tuyết! Từ nghe được tâm sự của anh, tôi bắt đầu gởi DVD Paris By Nigh, Asia để anh xem trong những ngày lễ nầy! Sau đó tôi nói với anh khi nào muốn xem nhạc gì thì nói cho YDT mua gởi qua, anh nói: - Nếu vậy thì Tài sẽ rất tự nhiên à nha! Hi hi…

Thời gian thấm thoát cũng hơn bốn năm rồi! Dường như tôi quen dần nhận và xem emails của anh gởi trong những giờ ăn cơm trưa của mình, dường anh có sắp xếp thời khóa biểu cho mỗi nàng thơ!

Đột nhiên có khoảng thời gian vắng bặt thơ Đỗ Hữu Tài trong diễn đàn của VNTQ, tôi không biết ai để hỏi thăm. Vài tháng sau thì tôi nhận được email của anh:- YDT oi, Tai ve roi!
Tôi mừng và hỏi:
- Anh đi đâu mà về rồi?
- Tài o benh vien ve, bac si chua cho phep ngoi go phim nen khong lam gi duoc ca!
- Anh Tài làm YDT hết hồn!

Đọc được email của anh tôi thấy nhẹ nhỏm vì tưởng….
Thời gian sau nầy, mỗi lần có thơ được phổ nhạc và được làm youtube hay thơ được diễn ngâm là anh gởi link cho nhóm chúng tôi vào xem. Tôi viết chọc anh:
- Anh Tài “KHOE” hoài làm cho YDT ganh tỵ đó nhen!
Anh trả lời:
- Co ma khong khoe… se lam Tai rat kho chiu! Hi hi…

Những emails của anh và tôi qua lại trong giờ cơm trưa thế mà hơn bốn năm rồi! Tôi rất vui và có lẻ anh cũng thế!
Cuối tháng chin vừa qua, từ Việt Nam trở về thì ba ngày sau Kim Oanh báo cho tôi hay là anh Tài qua đời! Tôi sửng sốt, ngồi nói chuyện với Oanh mà tôi nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. 
Sau ngày anh qua đời, ngồi làm việc mà tôi luôn nhìn đến cell phone trên bàn, nhớ lại những emails sau giờ cơm trưa, những lời thơ viết qua lại ... làm cho lòng tôi buồn vui lẫn lộn! 

Giáng Sinh năm nay vắng bóng và tiếng thơ của “anh hàng xóm”, vườn thơ của “Cô Láng Giềng” cũng vắng lạnh, anh có biết?

Yên Dạ Thảo
16/12/2015

Bóng Nắng: Đặng Hoàng Sơn - Mai Đằng - Đỗ Hải - Quốc Duy. - Dĩ Vãng Buồn.

Thân mến riêng tặng Đỗ Hữu Tài -  Tưởng Nhớ và Kỷ Niệm Sinh Nhật Đỗ Hữu Tài


Thơ:Đặng Hoàng Sơn 
Nhạc: Mai Đằng 
Hoà Âm:Đỗ Hải 
Tiếng Hát:Quốc Duy.
Trình Bày:Dĩ Vãng Buồn.

Hương Thầm - Phan Thị Thanh Nhàn


Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Ðôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ ngồi im không biết nói năng chi

Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói ?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin
cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấỵ..)
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp
Họ chia tay
vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

Phan Thị Thanh Nhàn
(An Nguyen sưu tầm)

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Như Khói Đông Phai


Thôi đừng đến nhé gió đông ơi!
Phố nhỏ vắng em lạnh rã rời
Buốt trong hiu hắt hờn chăn chiếu
Riêng cõi ngọt ngào hương cánh môi

Thôi đừng đến nhé tuyết đông ơi!
Giăng kín mênh mang mờ bóng trời
Chiều đau ủ dột không tà áo
Đường trắng chân thưa bước mỏi rời

Đông đến làm chi chập chùng lòng
Phiêu hồn sương lạc dốc chờ mong
Lâng lâng ngậm nhớ làn hơi ấm
Chếnh choáng men say kỷ niệm hồng

Đông đến miên man xưa dấu buồn
Hạt sầu vương vấn nụ cười trong
Phấn thơm đậm thuở thơ ươm mộng
Nay nhạt giấc tình phai khói đông
……..
Đông đến làm chi nhuốm lạnh lùng!….

Hồng Thúy

Hội Ngộ 60 Năm Nhạc Lam Phương & Ra Mắt Sách Lam Phương Nhạc Và Đời


( Chiếc bánh với biểu tượng 60 năm Âm Nhạc của NSLam Phương)

Westminster - Trưa Chủ Nhật, ngày 6 tháng 12, 2015, Nhóm Chủ Trương Nhân Ảnh Tân Văn đã tổ chức buổi kỷ niệm 60 năm âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương, và ra mắt sách “Lam Phương, Nhạc và Đời” tại Moonlight Seafood Restaurant thuộc thành phố Westminster, Nam California.
Một thành viên ban tổ chức cho Viễn Đông biết, “Chúng tôi không ngờ đồng hương đến với nhạc sĩ Lam Phương quá đông như thế. Một số người phải ra về vì nhà hàng không còn chỗ trống, và ban tổ chức rất khó giải quyết chỗ ngồi cho gần 600 đồng hương đến tham dự.”


Ngay phía trong cửa chính nhà hàng, bên tay phải có một cái bục gỗ, nhạc sĩ Lam Phương ngồi trên chiếc xe lăn, miệng ông lúc nào cũng nở nụ cười hiền hòa. Phía sau lưng có tấm phông vẽ hình ông do họa sĩ Lưu Anh Tuấn thực hiện cùng với bìa cuốn sách “Lam Phương - Nhạc và Đời” do Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn ấn hành năm 2015. Đa số người đến tham dự đều muốn được chụp chung với người nhạc sĩ tài hoa này một bức ảnh kỷ niệm, nên ban tổ chức phải chờ đến người cuối cùng chụp ảnh xong mới đưa nhạc sĩ lên bàn gần sân khấu để bắt đầu chương trình.

(Ba MC và Nhà Văn Việt Hải)

Ba MC Thúy Anh, Quốc Thái và Ngọc Hà điều hợp chương trình. Sau nghi thức khai mạc, một số quan khách được mời lên phát biểu về nhạc sĩ Lam Phương, trong đó có giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH. Trong lời phát biểu, có đoạn giáo sư nói, “Người xưa thường bảo nhân bất phong sương vị lão tài, con người không từng trải khó khăn, không thể nào tài giỏi được. Những nhà thơ lãng mạn như Musset vẫn ca ngợi sự đau khổ như là đầu mối của những sáng tác bất hủ. Thật ra thì cảnh phong sương hay những khổ đau mà nhà thơ thường nói chỉ có cần mà chưa có đủ.

(Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm thắt ca vạt xanh)

“Biết bao nhiêu người đã từng phải khổ đau nhưng không thể viết được một bài thơ hay sáng tác được một nhạc phẩm nào. Cần là điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, và đủ là tài năng thiên phú. Phải là một tài năng thiên phú như Lam Phương mới có đủ để thành một nhạc sĩ tài danh.”

Kế đến là giáo sư Quyên Di. Ngoài những lời ca ngợi tài năng thiên phú của nhạc sĩ Lam Phương, giáo sư Quyên Di cũng nổi hứng hát một số ca khúc do NS Lam Phương sáng tác. Nối tiếp là lời phát biểu của Giáo sư Trần Huy Bích, tất cả đều có chung nhận xét: “Trong nền âm nhạc Việt Nam, hiếm có nhạc sĩ nào được phong cách sáng tác đa dạng như nhạc sĩ Lam Phương, từ những ca khúc rất bình dân cho đến những bản tình ca tình tự quê hương, nhạc chinh chiến rồi đến những dòng nhạc có âm hưởng rất trữ tình, lãng mạn và xót xa như: Một Mình, Cỏ Úa, Phút Cuối, Mưa Lệ...”



Sau những lời phát biểu của một số quan khách, ban tổ chức giới thiệu cuốn “Lam Phương – Nhạc và Đời.” Cuốn sách dày 425 trang được thực hiện bởi Nhân Ảnh Tân Văn, trong đó Ban Cố Vấn có các giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Lê Văn Khoa, Lưu Trung Khảo, Trần Huy Bích, Dương Ngọc Sum, Đào Đức Nhuận. Các nhà văn: Nguyễn Huy Quang, Minh Đức Hoài Trinh, Trần Việt Hải, Trương Ngọc Thạch. Ban Biên Tập có Trần Mạnh Chí, Lý Thanh Tùng, Lưu Anh Tuấn, Đường Sơn, Yên Thư Trần Cẩm Tú, Ái Hoa, Ngô Thiện Đức. Phần Kỹ Thuật do Lê Hân, Tạ Quốc Quang và Lê thị Kim Oanh.
Nội dung cuốn sách gồm những lời nhận xét về nhạc Lam Phương của đủ mọi thành phần trong xã hội, từ các nhà giáo đến bác sĩ, họa sĩ, văn, thi sĩ, ký giả đến những cựu nữ sinh; người nào cũng có những nhận xét rất thực, rất tinh túy về dòng nhạc và con người của nhạc sĩ Lam Phương.


Một trong những tác giả có bài viết trong sách “Lam Phương, Nhạc và Đời” là cựu Gia Long Áo Trắng Quế Hương với bài viết “Lam Phương Trọn Đời Cho Âm Nhạc.” Người cựu nữ sinh Gia Long nói, “Nhạc của Lam Phương dễ hiểu, dễ ca, lời hát mộc mạc bình dân, ca lên là hiểu tác giả muốn nói gì liền. Chẳng hạn Thôi là hết anh đi đường anh, tình chúng mình chỉ bấy nhiêu thôi. Những bài hát của nhạc sĩ Lam Phương rất hay như bài Nắng Đẹp Miền Nam hay bài Xuyên lá cành trăng lên lều vải ... (Tình Anh Lính Chiến), Em ơi nếu mộng không thành thì sao? (Duyên Kiếp).

Bà nói tiếp, “Những bài hát của nhạc sĩ Lam Phương hay như vậy mà hầu như những bài trên đều được mấy thằng mắc dịch xóm tôi không hát đúng như lời của tác giả mà hát như vầy: Xuyên lá cành xuyên qua buồng tắm, nàng đang tắm anh rình anh coi. Hay Cười lên đi cho răng vàng sáng chói... hay “Em ơi nếu bụng mang bầu thì sao? Mua chai thuốc chuột uống vô rồi đời.”

Tuy bị sửa lời nhưng theo Quế Hương cho biết, nhạc sĩ Lam Phương không buồn chút nào, trái lại ông còn rất vui vì như thế chứng tỏ nhạc của ông đã thấm vào lòng người.

Cựu ký giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên viết: “Nhạc sĩ Lam Phương được đồng bào rất thương mến, nhất là các văn nghệ sĩ. Nhạc của ông được nhiều người thưởng thức với những giọng hát của các ca sĩ nổi danh. Nhưng có một điều đáng buồn là khi hát người ta giới thiệu ca sĩ nhưng đôi khi quên không giới thiệu tên nhạc sĩ. Chân thành chúc nhạc sĩ Lam Phương cũng như các nhạc sĩ tiền bối sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc trong sáng tác hăng say và không ngừng nghỉ.”


Nhà thư họa Vũ Hối từ Maryland tới, mang tặng nhạc sĩ Lam Phương bức thư họa như phượng múa rồng bay:

“Dòng Nhạc y theo dòng Đời
Vô vàn giai điệu tuyệt vời Lam Phương
Còn mặt trời, còn hướng dương
Muôn màu muôn sắc ngoan cường thăng hoa”

( Bức họa của Họa sĩ Lưu Anh Tuấn)
(Hàng trước:Gia đình NS Lam Phương gồm hai em và hai ái nữ đang tâm tình với khán giả)

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3, 1937 tại Kiên Giang, Rạch Giá. Cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, có lúc nghèo khổ, có lúc lận đận vì cuộc tình tan vỡ, lúc khổ sở về bệnh hoạn nên ông đã sáng tác những nhạc phẩm nói lên niềm đau, nỗi khổ đó. Tuy nhiên, dù gặp mọi hoàn cảnh khó khăn ông đều vượt qua và lúc nào cũng nở trên môi nụ cười hiền hòa dễ mến. Ông sáng tác từ năm 15 tuổi và đã cống hiến cho đời hơn 200 nhạc phẩm đủ mọi thể loại. Ngoài thiên tài âm nhạc, NS Lam Phương thể hiện một tình yêu quê hương dạt dào và lập trường chống cộng sản dứt khoát.

Buổi họp mặt 60 năm âm nhạc và ra mắt cuốn “Lam Phương, Nhạc và Đời” kết thúc tốt đẹp với những lời phát biểu dạt dào tình cảm, với bữa tiệc nồng ấm và phút cắt bánh mừng sinh nhật 78 tuổi của NS Lam Phương, một kỷ niệm khó quên. Kết thúc sau một chương trình văn nghệ phong phú do các ca nghệ sĩ đóng góp.

BTC NATV, ca sĩ, NS Lam Phương bên cạnh bức họa chân dung do họa sĩ Lưu Anh Tuấn vẽ tặng NS Lam Phương.

Thanh Phong tường thuật (từ Báo Viễn Đông Daily)
Hình Ảnh: Vương Huệ
10/12/2015 

Xin nhấp vào Link: 


Vào Đông


Bài Xướng:Vào Đông

Chiều nhợt nhạt lạc loài bướm trắng 
Vườn thu phai lặng lẽ tư bề 
Sầu theo cánh nhạn lê thê 
Mùa đông sắp tới não nề trần gian 

Gió gào ngàn thu vàng thay áo 
Lá cuối cùng chao đảo buông tay 
Ngàn năm mây trắng bay bay 
Tuổi vàng tan tác u hoài hoàng hôn 

Bên song vắng nghe hồn thơ thẩn 
Chiều cuối thu vương vấn lạ thường 
Vơi dần tấm lịch treo tường 
Mấy tờ còn bám như dường xin tha 

Quê ngàn dặm phôi pha nhung nhớ 
Một lần về bỡ ngỡ lòng đau 
Còn đâu cảnh cũ dạt dào 
Mà nay xa lạ gieo sầu trong ta 

Thời gian trôi tóc đà sương tuyết 
Tuổi chất chồng da diết tình quê 
Xa rồi mộng ước ngày về 
Lạnh lùng đất khách ủ ê bên trời!

Mailoc
Cali 12-10-15
***
Các Bài Họa:
Vào Đông

Đông lạc loài bướm trắng,
Vườn lặng lẽ tư bề.
Sầu theo từng cánh nhạn,
Trần gian dài lê thê!

Gió bấc rung cây lá,
Tơi bời chao đão bay.
Lá vàng theo mây trắng,
Tuổi vàng theo gió lay!

Bên song lòng aí ngại,
Vào đông dạ vấn vương.
Như tấm lịch trên tường,
Mấy tờ còn sót lại \!

Quê nhà xa vạn dặm,
Lữ thứ chạnh lòng đau.
Cảnh cũ cứ dạt dào,
Xót xa lòng hoài vọng!
Thời gian pha mái tóc,
Canh cánh mối tình quê.
Ngày về xa xa tít ...
Bên trời luống ủ ê!

Đỗ Chiêu Đức
Houston, TX 12-10-2015.
***
 Mùa Đông

Lạnh lẽo đông sang trời xám trắng,
Thu tàn rụng lá nhánh cây lê...
Tin thưa cánh nhạn não nề,
Buồn ơi sương tuyết hương quê cõi trần.

Rừng phong thay đổi tân màu áo,
Lá lìa cành lảo đảo rời tay...
Đời như cát bụi vẫn bay,
Cao niên tuổi hạc cuối ngày thần hôn.

Nhớ ai song vắng hồn mê mẩn,
Tình lạc loài vương vấn xót thương.
Tờ rơi cuốn lịch bên tường,
Năm cùng tháng tận lẽ thường trôi qua.

Xa vạn dặm quê nhà cách trở,
Nhớ nhung về chuyên chở niềm đau...
Thương ai bến cũ ngọt ngào,
Tìm thăm chẳng gặp lẽ nào quên ta.

Mái tóc nay sương pha điểm tuyết,
Xế bóng chiều tha thiết nhớ quê...
Ra đi ước nguyện sẽ về,
Ngàn khơi lữ khách sơn khê chân trời!

Mai Xuân Thanh  
Ngày 12 tháng 12 năm 2015

Nội San Ái Hữu 72 Tập 3 - Lội Ngược




Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp -NK 1972
Nội San Phát Hành 1974


Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Nhớ Mẹ -Thơ Hồng Thúy -Phổ Nhạc Trần Bảo Như


Thơ: Hồng Thúy 
Phổ Nhạc: Trần Bảo Như  

Tìm Thoáng Dư Hương


Đông đang trên lối đi về
Đêm thâu cánh gió bốn bề lao xao
Cành thu chiếc lá phai màu
Còn treo trên những nhánh sầu phơi sương

Rưng rưng nhớ kỷ niệm thương
Mùa đông thứ nhất quê hương xứ người
Mừng vui nhìn tuyết trắng rơi
Nhẹ nhàng hái nụ hoa trời lung linh

Thời gian là chuỗi vô hình
Là triền nước chảy cuốn tình nổi trôi
Trăng mơ lạc giữa sông đời
Hoa lòng lả cánh mộng ngời từ khi…

Nắng mưa nhuộm úa xuân thì
Thềm khuya một bóng tay ghì khói sương
Để tìm lại thoáng dư hương
Ta quên sót lại trong vườn mùa qua…

Yên Dạ Thảo
06/12/2015

Hôm qua...


Hôm qua đi dọc bờ kim cổ
chợt thấy dòng sông cũng có tim
chợt thấy em bay trong nỗi nhớ
ngày xưa hai đứa đuổi nhau tìm.

Hôm qua trên chuyến đò sang sông
đứa lữ hành đưa đứa phấn hồng
sông có buồng tim nên gợn sóng
đau lòng bần bật nổi cơn giông.

Hôm qua soi mặt vào gương vỡ
vết ấn giang hồ gợn tóc xanh
ngắm cánh bèo trôi về cố xứ
ngậm ngùi cổ tích đã tan tành.

Hôm qua suốt mặt đất quanh co
em lại bay trong nỗi hẹn hò
đứa lữ hành mừng đứa phấn nhạt
run run mái tóc bạc bơ phờ.

Phạm Hồng Ân

Nội San Ái Hữu 72 Tập 3 - Gợi Nhớ


Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp -NK 1972
Nội San Phát Hành 1974


Thử Đoán Xem, Người Phụ Nữ Nói Câu Gì?


Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất một chỗ ngồi. Lúc này người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân mình nhảy lên thuyền cứu hộ .
Người phụ nữ đứng trên thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu ….
Kể đến đây thầy giáo hỏi học sinh:
- Các em đoán xem người phụ nữ ấy nói câu gì?
Tất cả học sinh phẫn nộ nói rằng:
- Em hận anh, em đã nhìn lầm người rồi.
Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh ngồi mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói:
- Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: nhớ chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
- Em nghe qua câu chuyện này rồi à?
Cậu học sinh lắc đầu:
- Dạ chưa ạ! Nhưng mẹ em trước khi mất cũng nói với ba em như vậy.
Thầy giáo xúc động:
- Trả lời rất đúng!
Người đàn ông được cứu sống đã trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau anh ta mắc bệnh và qua đời , người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện cuốn nhật ký của bố. Hoá ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc thuyền ấy , người mẹ đã mắc bệnh nan y. Trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình.
Trong cuốn nhật ký viết rằng:
« Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ một giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi! »
Kể xong câu chuyện phòng học trở nên im lắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa của câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt. Bởi vậy, đừng nên dễ dàng nhận định người khác.
Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả. Mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.
Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc. Mà là người ta hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm.

Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai. Mà là người ta trân trọng người bên cạnh mình.
Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì. Mà là người ta xem người đó là bạn!

ST
Hoàng Trần sưu tầm

Bến Cũ Chờ Mong


Gặp nhau bến cũ tưởng " nằm mơ ",
Ngày ấy đò ngang mắc mối tơ.
Sông nước xuôi dòng em ngóng đợi,
Thuyền xưa gió bão lạc xa bờ.

Đôi ta lỗi hẹn buồn ngăn cách,
Mây trắng trời thanh nhớ tuổi thơ.
Nhân chứng cây đa xanh nhánh lá,
Nước trong lẻ bóng lạnh phai mờ...

Thổn thức trong tim lại ước mong,
Cảm thông tuổi trẻ vẫn long đong...
Cây đa đứng đợi chờ sum họp,
Thiếu nữ vời trông một tấm lòng...

Cám cảnh tình ta thấy mất tăm,
Thương ai cách biệt lệ rơi thầm.
Hoài công bến cũ người xưa vắng,
Nhan sắc tàn phai trải tháng năm!


Mai Xuân Thanh 
(họa thơ " Lỡ Chuyến Đò Ngang " - vhp. Hải Vân)
Ngày 15 tháng 07 năm 2015

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Bến Cũ


Thơ: Mặc Thái Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Khất Tình



Đêm kia chết mơ làm hành khất
Hỏi xin em nửa kiếp cơm tình
Tim rướm máu hãy mở lòng vá víu
Dìu ta qua cửa ải cực hình

Đêm hoa mộng rượu sầu sắp tỉnh
Đến vay em chút lửa hương thừa
Dẫu mặn ngọt, ta hồn nhiên đổi chác
Vốn ân tình ngữa mặt chờ trông

Đêm nay mơ giật mình sống lại
Đứng chờ ai giữa ngả ba đời
Bỏ chăn chiếu ái ân ngang trái
Cơn mưa tình.....xót lạnh bầm môi

Phủ Hiền

Tôi Và Ái Hữu

Ái Hữu 1972-2012:  

Ái hữu đã được 40 năm , con người đã, đang , sắp vào tuổi 60.Khi còn ngồi ghế nhà trường nghe cô Tùng giảng bài liên quan đến “ Lễ Lục Tuần “ , tôi nghĩ đến các cụ ông , cụ bà lụm khụm gần đất xa trời . Giờ đây ở tuổi này “Ái hữu “ chúng ta vẫn còn phong độ giống như các cô cậu học sinh TỐNG PHƯỚC HIỆP ngày nào.
Đối với các bạn đang còn công tác hay miệt mài trong kinh doanh, thời gian là vàng bạc, nhưng vẫn còn dành một chút riêng tư cho nhóm bạn cũ,đó là điều đáng trân trọng, nhất là những tình cảm chân thành dành cho nhau. Không biết các bạn thế nào? Riếng tôi, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh cũ,hay đọc lại các bài báo trong “ Nội San Ái Hữu “lập tức những thước phim thời học sinh 10B3, 11B3,12B3 lần lượt hiện về: HỈ, NỘ,ÁI,Ố đều có cả.

Lớp 10B3 ( 1970-1971 ):
Ích, tứ 5: Tâm,Sương, Thơ,...,Thúy
Vì nhà tôi khá xa trường (so với thời đó), nên ngày đầu tiên đến lớp có trể so với các bạn,tới nơi thật bối rối khi cả dãy lớp 10 đầy nam sinh đứng lấp kín các hành lang lối vào lớp, không gì lạ đây là lần đầu nam, nữ trường này học chung theo phân ban, nên có lẽ các đấng nam nhi xem thử các cô bạn gái lớp mình thế nào có "Chằn ăn, Trăn quấn"hay không? mà cũng có thể các chàng đang chấm “ hoa khôi cho khối "? Rất may, tôi nhìn qua thấy nụ cười thân quen của anh Cả Thái Sơn, AH Phùng Ích ( vì cuối năm đệ Tứ , hai lớp tứ 5 và tứ 11 tổ chức cắm trại chung ở khu vườn nhà tôi). Khi đến cửa lớp lại bất ngờ gặp AH Thủy Tiên nhiệt tình kéo vào bàn nhất ngồi chung ( tôi và AH T.Tiên quen nhau từ mối giao hảo của 2 gia đình).
Thật tình mà nói cả 3 năm cấp 3 vào lớp học tôi không dám nhìn xuống lớp vì toàn là con trai, do đó có nhiều khuôn mặt tôi không nhớ lắm nếu bạn không phá phách hay nghịch ngợm hoặc không có dịp trò chuyện với tôi, tôi chỉ biết các bạn khi được thầy cô mời lên trả bài , còn nam sinh nào “ đình đám “lắm như A.H. 18 Lương văn Trường( học giỏi nhất lớp, Thầy Lê Quang Ánh hay mời lên giải toán); anh Cả Thái Sơn hay đóng góp ý kiến, A.H Đặng Phùng Ích với nụ cười có răng khểnh dễ thương, nghệ sĩ cây đàn A.H Nguyễn Hữu Hải …Riêng bạn Đặng Công Luận mặc dù chỉ học chung lớp đệ tam, tôi vẫn có ấn tượng, cụ thể là: sau gần 30 năm gặp lại tuy có nhiều thay đổi, nhưng 1 chút suy nghĩ tôi kịp nhận ra và nhớ rõ cả họ tên, bạn biết tại sao không?
- Vì tôi ngồi bàn nhất, cạnh cửa lớp, mỗi lần bạn đi ra hay vào ngang bàn tôi, bạn đều gât đầu
chào …( không biết bạn chào hay thói quen gật đầu ???), nên tôi nói với Tâm và tìm hiểu tên bạn .Không ngờ hơn 30 năm sau và cho đến bây giờ chúng ta có dịp cùng 1 số bạn cũ kết chặt tình thân hữu.
Ngày Tất niên, nào món mặn, món ngọt, văn nghệ ( tôi, Duyên, chị Hà, anh Hải phải tập dợt 1 buổi sáng tại nhà chi Hà), bất ngờ hơn là Trường cũng lên hát 1 bài ( có hình lưu đến bây giờ ). Màn ảo thuật do Thời và anh Tánh thực hiện làm cả lớp cười vỡ bụng vì trò lường gạt của Thời .Vinh dự có thầy Đinh Văn Thạnh ( dạy Lý Hóa ) và thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ đến dự.

Lớp 11B3 ( 1971-1972 )

Có nhiều kỷ niệm nhất đối với tôi.
-Hội chợ xuân của trường, gian hàng “ BẾN XUÂN “ của lớp đạt giải nhất nhờ đóng góp của tập thể lớp,mỗi người đều có nhiệm vụ để làm và tất cả nhiệt tình tham gia . Bọn con trai tôi không rành lắm nhưng bọn con gái phải chuẩn bị trước khá lâu , vì chúng tôi có quá nhiều sáng kiến phục vụ cho gian hàng ( làm nón , thiệp chúc xuân , sản phẩm thủ công làm từ lon bia, từ que tâm, chuẩn bị dụng cụ cho trò chơi câu chai nước ngọt ….). Trong thời gian này có 1 sự cố xảy ra đối với tôi: vì tối gian hàng không còn gì để phục vụ khách, kem của tiệm chị Hà cũng hết, nên tôi bàn về nhà chị tôi gần đó lấy thêm , nhưng ai đi theo để phụ tôi?, có 1 bạn đồng ý đi cùng.Lúc trở lại trường không thể vào được, tôi phải qua nhà A.H T.Tiên , nhờ anh của Tiên giúp cách leo qua bờ tường, không ngờ mới leo qua tường, đứng trên nóc nhà xe Thầy Hiệu Trưởng và ThầyTỏ ( tổng giám thị) nhìn thấy, cả hai đi đến, tim tôi nhảy “ lô tô “ vì sợ bị kỹ luật,sẽ thông báo về gia đình, tôi vội ngồi thụp xuống,nhưng rất may hai Thầy không la mắng mà nhẹ nhàng bảo chúng tôi tìm cách xuống, một phen hú hồn.Thật tình là tôi không nhớ ai đã cùng tôi chịu cảnh ngộ này, nhưng hơn 30 năm sau tình cờ gặp lại bạn và được nhắc về chuyện này tôi mới biết đó là bạn, xin lỗi Bữu Hội nhé vì sự vô tình này, nhưng tôi đã nói lớp đông nam sinh, bạn cũng quá “ hiền lành, không nghịch ngợm, phá phách không là học sinh Cá Biệt ( bệnh nghề nghiệp ). Bây giờ gặp lại , bạn hay nhắc chọc quê tôi hoài , tôi ngượng lắm đấy .
Hội chợ này để lại nhiều kỹ niệm đối với mỗi h.s tham gia cùng lớp , nếu đọc lại bài Việt Hùng viết “ Hồi Tưởng riêng tặng cho Tùng “ trong nội san, các bạn sẽ tìm lại được khái quát hoạt động trại Bến Xuân và vài kỹ niệm khó quên về đêm của các bạn nam ở lại giữ trại.
-Chia tay lớp bằng 1 buổi picnic tại Cồn Cát Cái Tàu có cô Dương Vương Thị Tùng tham gia , cùng nhau xăng quần ngâm nước mò hến , kết quả được cả 1 thúng to hến ,thế là cả lớp được thưởng thức liền tại chổ 1 nồi cháo hến nóng hổi ,xong rồi còn bắt thăm trao quà dưới sự giám sát với cây roi mây của cô Tùng nữa chứ!Bây giờ nếu có dịp trở lại nơi cồn cát này chắc chúng em và cô không dám ngâm mình cả buổi dưới nước mò hết , và mặc luôn đồ từ ướt cho đến khô như ngày dó cô nhỉ!Tiếc cho 1 số bạn vì lý do nào đó không tham gia, thôi thì nhìn lại hình ảnh cũ cũng hiểu được niềm vui khi đó.
-Thi Tú Tài 1 tại trường Thủ Khoa Huân:Tôi, Duyên ở nhà T. Tiên trong thời gian thi. Tội nghiệp Bác gái ( mẹ Tiên ) lo các bữa cơm ngon cho chúng tôi để yên tâm thi cử. Chúng con cám ơn Bác vô cùng.

Lớp 12 B3( 1972-1973)
- Thiếu vắng 1 số bạn cũ, thêm vào 1 số bạn mới, lớp không còn vui như xưa, áp lực học tập, tương lai sau khi rời trường Tống Phước Hiệp , có vào đại học được không? ngành nghề sẽ chọn là gì? lo lắng là thế, nhưng bọn con gái vẫn có những kỹ niệm cuối cấp . Giờ học Triết của Thầy Khiêm chúng tôi ( tôi, Tâm, Tiên ,Duyên)thường xin phép ra ngoài, rồi lẻn qua nhà Tiên hái mận ăn cho hết giờ. Tội nghiệp Thầy Rượu ( g.v dạy Địa ), thường vào lớp với sĩ số học sinh khiêm tốn, ngày cuối năm bọn tôi cũng định cúp cua như các bạn khác, vừa xuống cầu thang, thấy Thầy ôm sổ lên , biết là sẽ chấm điểm hạnh kiểm, chúng tôi vội vàng quay vào lớp ngồi như ngoan lắm, khi Thầy đọc đến tên để chấm điểm tôi cảm thấy có lỗi với Thầy quá ( xin lỗi Thầy ).
- Tuy 1 số các bạn chuyển qua trường sư phạm, nhưng vẫn còn tình cảm với bạn bè , nên ai đó đã đề nghị lập ÁI HỮU 72 , nhờ vậy chúng mình mới có mối liên hệ lâu dài mãi đến hôm nay.

Bốn mươi năm sau 

Gần hết một đời người ( theo bài hát 60 năm cuộc đời ), điểm lại các gương mặt trong số 20 Ái Hữu , chỉ còn lại mối thân tình của: Hà & Nở, Tiên, Duyên, Sương,Tâm& Hồng,Trường, Dũng và các bạn đang sống nơi xứ người: Thái Sơn, Tùng, Ích & Yến, Hải, nay có thêm sự góp mặt của 2 bạn Luận và Hội. 
Các bạn ở nước ngoài tuy xa nhưng vẫn còn liên lạc, mỗi khi về VN các bạn vẫn tìm gặp bạn cũ, đó là điều đáng quý.A.H Phan tấn Lộc tuy gần nhưng lại khó tìm. phải chăng em muốn tránh mặt các bạn trong A.H?Đừng như thế Lộc nhé, Các A.H nhất là các chị luôn nhắc về em trong các buổi họp mặt .Nhớ thời gian còn đi học, Lộc, Tùng, Ích, đôi khi có anh Hải thường đến nhà chị chơi, chúng ta ra vườn hái xoài, mận, ăn mắm đường, nói chuyện dốc Lộc còn nhớ không? Bộ 3 Lộc –Tùng –Ich thường chơi chung không rời,nay Tùng, Ích vẫn còn liên lạc nhưng Lộc thì xa cách A.H quá???
Trong số A.H hầu như cắt đứt liên lạc như Việt Hùng hay Hùng Sơn, chúng ta cũng biết được các bạn ấy đang sống ở đâu, vì còn gia đình ở Vĩnh long .Riêng anh Tánh đang ở đâu? Anh còn nhớ bài viết gửi cho A.H đăng trong nội san A.H ? “ Rừng Chí Linh 24/8/73 “ với những tâm sự chân thành anh gửi cho các bạn A.H, gợi trong tôi nỗi buồn man mác.
Anh Tánh ơi ! Theo như anh viết thì anh còn nợ bạn bè 1 câu trả lời “ tại sao anh rời Đ.H. Hòa Hảo để vào quân trường “. Dự đoán của anh sau 4 hay 5 năm sau ( so với mốc 1973)sẽ có 1 ngày “ họp mặt đầu tiên không thiếu ai “, nhưng ngày đó không bao giờ xãy ra anh Tánh à! Nếu có phép màu hy vọng anh sẽ xuất hiện tìm lại A.H . Anh và Luận học chung chỉ 1 năm lớp đệ tam, rồi cả 2 lần lượt biệt tăm , nhưng sau 30 năm duyên bạn bè đã đưa Luận gặp lại bạn xưa . Còn anh khi nào xuất hiện hay gửi tin tức về, các bạn vẫn nhắc về anh.
Ái Hữu mến ! từ giờ trở đi, thời gian còn lại đối với chúng ta càng ngắn dần, “kỷ niệm A.H 50 năm sau “không biết sĩ số có còn duy trì như hôm nay không? Bài này tôi viết cho Ái Hữu với bao tình cảm yêu mến, tình cảm này nhân đôi dành cho các A.H nữ, mong muốn mọi điều tốt đẹp luôn đến với gia đình mỗi bạn thân, hy vọng chúng ta giữ mãi “ tình cảm chân thật ‘ dành cho nhau, đó cũng là “món quà tinh thần quý báu ‘ không gì sánh bằng ./.

Phan Thị Sương
Ái Hữu 72

Thơ Thiết Tha



Dù đã mất thời hồn nhiên tuổi trẻ
Dù âm thầm lặng lẽ góc trời xa
Nhưng tôi sống không kêu ca buồn tẻ
Vì tình người vẫn vui vẻ thiết tha

Thơ tôi viết không ngoằn ngoèo khúc chiết
Lời thật thà tha thiết nghĩa yêu thương
Như mặt biển trùng dương màu xanh biếc
Như ngày nào tôi biết một sắc hương

Thơ là nắng mơn man bờ môi mọng
Thơ ngọt ngào rung động trái tim ngoan
Là làn gió mênh mang khung trời rộng
Là trăng ngà ươm mộng cánh dạ lan

Dù lưu lạc nhưng tình thơ ngây ngất
Vẫn mượt mà trong ánh mắt vu vơ
Như những buổi bâng quơ nhìn trời đất
Chú nai vàng chưa mất dòng suối mơ

Thơ tôi viết gởi hồn trong con chữ
Nên nồng nàn những từ ngữ đam mê
Để đôi lúc ủ ê còn gìn giữ
Một mảnh đời cô lữ nhớ về quê

Dù mất mát những ngày xưa ngang dọc
Nhưng cuộc đời không cô độc với tôi
Thơ tôi viết xa xôi như mời mọc
Mời bạn hiền cùng đọc thơ thế thôi ...

Đỗ Hữu Tài 
7 - 7 - 2010

Người Có Đôi Mắt Vua Hàm Nghi


Amandine là cháu gái 5 đời của Vua Hàm Nghi 

Mái tóc bồng bềnh, cặp mắt đẹp, cái nhìn thẳng thắn, sôi nổi, Amandine Dabat mang đến cảm giác ấm áp, dễ chịu trong đối thoại.

Tôi tìm gặp Amandine ở Paris vào một buổi chiều ngày 13 tháng 11/2015 vì luận án tiến sĩ của cô đề cập đến chủ đề dễ gây sóng gió.
Đó là hai vấn đề gai góc: thẩm định lại chỗ đứng của vua Hàm Nghi (1871-1943) trong lịch sử mà còn đặt một câu hỏi về vị trí của ông trong hội hoạ Việt Nam tương lai sẽ ra sao.

Cách đây 5 năm, vào ngày nhận bằng tiến sĩ về khảo cổ Amandine được mẹ tặng cho một kỷ vật của gia đình.
Đó là một bài thơ nhan đề "Tử Xuân".
Những vần thơ ấm áp, trữ tình của bài này do nữ văn sĩ đầu tiên bước vào Hàn lâm viện Goncourt Pháp là bà Judid Gautier làm tặng cho cụ năm đời của em.
Tử Xuân đồng thời cũng chính là nghệ danh của vua Hàm Nghi.
Người mẹ đã không nghĩ rằng bà đã vô tình đặt lên đôi vai gầy gò của con gái mình một gánh nặng lớn.
Một câu hỏi nhức nhối bật ra, vì sao một người phụ nữ quý tộc Pháp chót vót trên tháp ngà văn bút cũng như địa vị xã hội lại nặng tình như thế với thân phận một người tù?
Thế là hết những chuyến phiêu lưu trên biển Egee xanh biếc, hết những cuộc tìm kiếm những vần thơ Hy Lạp trên đá hoa cương trắng ở Acropol.
Những chuyến đi đến đảo Santorini đen như than với hoàng hôn diễm lệ nhỏ máu bị bỏ qua một bên. Amandine ghi tên học tiếng Việt tại Viện Đông Dương bác cổ và cắp sách đến đây trong ba năm.
Một trong những chiếc chìa khoá để tìm lại gốc rễ của mình theo cô chính là ngôn ngữ.
Kiến thức nhận được giúp Amandine đọc rành rẽ những tài liệu và tự giao tiếp trong những lần thoi đưa với mảnh đất suốt 55 năm lưu đầy vua Hàm Nghi đã không một lần được nhìn lại.
Từ sử thành xử
Vị Hoàng đế Đại Nam bị đi đày ở Algerie tới khi qua đời 

Giáo sư Dân tộc học Đinh Trọng Hiếu vui vẻ chở tôi với đến gặp cô cháu đời thứ năm của Hoàng Đế An Nam xong lại cứ nằng nằng đòi về.
Ông biết nhiều, chắc chắn, song ít bộc lộ. Điều đó chinh phục tôi nên đề nghị ông ở lại cùng chuyện trò với Amandine.
Tôi đùa: "Ít ra cũng được nghe một vài nhận xét khách quan, không chi phối bởi tình cảm".
Song tôi lo lắng thừa. Bởi tình cảm viển vông không có chỗ trong luận án dầy hơn 600 trang của Amandine. Tất cả đều rành mạch, chính xác như những nét dao mổ.
Amandine nghĩ rằng lịch sử là viết lại từ những sự việc thật và không chệch hướng trong phân tích, sàng lọc dữ kiện.
Cô không để cho những áp lực, những đường lối tuyên truyền vớ vẩn, những cái tên lóng lánh và ngay cả sự không đồng ý, chấp thuận ngay trong gia đình làm chệnh hướng công trình nghiên cứu.
Chuyện trò với cô, tôi nhìn thấy một vua Hàm Nghi hoàn toàn khác. Một ông vua rất đời, rất thật, như chạm vào được.
Song le lói trong ngỡ ngàng thú vị một chút đắng cay về những ngộ nhận của bản thân đã dễ bị những trang lịch sử xuyên tạc tác động.
Câu nói nhỏ nhẹ trong phiên bảo vệ luận án của cô trước ban giám khảo đọng lại trong trí nhớ của tôi sự cay đắng:
"Sử liệu ở Việt Nam không chắc chắn."
Amandine đã chứng minh ngày tháng năm sinh của vua Hàm Nghi theo giả phả dòng họ Nguyễn Phước Tộc không chính xác, những ghi chép của Đại Nội Huế cũng không chuẩn.
Việc Tự Đức nhận Hàm Nghi làm con nuôi cũng không phải nốt. Nghĩa là Hàm Nghi lúc đó còn là hoàng tử Ưng Lịch không có trong danh sách ứng cử lên ngôi vua.

Trong thời gian lưu đày, vua Hàm Nghi trở thành một nghệ sỹ 

Những sách báo và cách nghi chép tư liệu phía Việt Nam đặc biệt từ năm 2000 phản ánh đậm xu hướng chính trị. 
Có cả những quyển truyện tranh cho thiếu nhi từ góc nhìn sử học của Amandine là khiên cưỡng và lên gân lộ liễu. 
Những người viết sử không dùng đúng chữ sử mà họ đã xử các nhân vật.
Hàm Nghi một nghệ sĩ
Luận án của Amandine Dabat đã trả lại cho lịch sử hội hoạ Việt Nam chân dung một người nghệ sĩ lớn. Đi kèm gần 600 trang viết là hai phụ lục minh hoạ những tác phẩm tranh sơn dầu và điêu khắc của Hoàng đế Hàm Nghi.
Việc bỏ từ 'hoàng đế' cũng được phân tích vì sao. Đó là dụng ý của phía Pháp hạ thấp vai trò của triều đình Huế sau hoà ước Patenotre 1884 và chỉ coi các hoàng đế là 'vua' (roi).
Khối lượng đồ sộ cả về chất lượng và số lượng được chị phân tích từng bức một bút pháp của một hoạ sĩ về mầu sắc và ánh sáng.
Thời điểm ra đời của những bức hoạ này trước những tác phẩm của các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương sẽ chỉnh đốn lại trật tự vốn định hình lịch sử mỹ thuật hội hoạ, điêu khắc Việt Nam cuối thế kỷ 19.
Một duyên kỳ ngộ đã đưa đẩy Hàm Nghi gặp gỡ và trở thành học trò của nhà điêu khắc thiên tài Pháp Auguste Rodin.
Amandine đã chỉ cho tôi xem bức phác hoạ ông gửi cho nghệ sĩ này đang được bảo quản trong bảo tàng Rodin tại Paris có chữ ký 'Hoàng tử An Nam' của vua Hàm Nghi.
Với 5034 trang tài liệu cá nhân của gia đình, Amandine dẫn chúng ta đến những bí ẩn hoàn toàn chìm trong bóng tối giai đoạn lưu đầy tại Alger của ông hoàng An Nam như tên chính thức của vua trên chiếc hộ chiếu số 7426.

Một tranh sơn dầu của Vua Hàm Nghi trong sưu tập gia đình cô Amandine Dabat 

Cô cũng phác hoạ rõ nét những nhân vật cả Pháp lẫn Việt trong vòng xoáy đan chéo những bước ngoặt quyết định những năm tháng tại Algerie của ông. 
Hàm Nghi không phải là ông vua duy nhất bị người Pháp bắt đi lưu đày.
Có thể kể đến vua Béhanzin (1845-1906) của nước Bénin, Nữ hoàng Ravanalona III (1861-1917) của Madagascar,
hay Duy Tân, Thành Thái của Việt Nam đều bị biệt xa cố quốc.
Song có lẽ chúng ta đã may mắn vì tiếng gọi xa thẳm của vua Hàm Nghi đã được người cháu gái nghe thấy và thuật lại. Một trường hợp duy nhất.
Tôi như nhìn thấy trên kè đá của cầu cảng Alger, chàng Vialar choàng chiếc áo khoác sĩ quan của mình lên vai chàng thanh niên Việt Nam 18 tuổi Hàm Nghi.
Họ cười với nhau và tình bạn nẩy nở sánh vai đến tận những ngày cuối cùng. Vialar đã cùng với toàn quyền Algerie bảo vệ Hàm Nghi, cự lại những hằn học của Toàn quyền Đông Dương và cả tại chính quốc.

Điều gì đằng sau vậy? Thắc mắc của tôi được giáo sư Đinh Trọng Hiếu giải đáp.
"Vua có một sức hút đặc biệt, gần như ông chinh phục được những người xung quanh rất tự nhiên. Ngay cả người vừa làm phiên dịch, vừa làm mật thám như Trần Bình Thanh cũng thay đổi thái độ sau một thời gian ở với vua. Đáng tiếc chúng ta không có may mắn được những ông vua anh minh như thế."
Amandine lấy cho tôi chụp lại một bức chân dung vua Hàm Nghi vẽ bằng sơn dầu.
Đây là quà của Hoàng tử Minh Đức, con trai chính thức của vua Hàm Nghi. Tôi chợt rùng mình. Ánh mắt Amandine hệt như cái nhìn đầy ắp tiếng vọng xa thẳm ánh mắt của vua Hàm Nghi.
Tôi chụp một vài bức ảnh và nói sẽ dùng cho bài viết này. Amandine vùng vằng:
"Xin đừng, vì em không đẹp trong đó."
Tôi nói vì sau chọn góc độ này và nụ cười của Amandine. Tôi muốn tiếng cười lanh lảnh của cô xoá đi nỗi buồn day dứt quá của những bức tranh để lại.
Tôi muốn ánh mặt và nụ cười rạng rỡ mang đến những sắc màu u uẩn kia cái nắng vàng đang tràn qua của sổ Amandine sưởi ấm lại những nét cọ dữ dội, trầm mặc.
Không Amandine ạ, Amandine rất đẹp. Cám ơn Amandine!

Bài viết thể hiện cách nhìn của nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris, Pháp.
Phạm Cao Phong Gửi tới BBC - Ngày 11 tháng 12 2015
(Lê Kim Thành sưu tầm)