Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Chúc Mừng Tết


 
Thơ & Trình Bày: Minh Lương

Hoàng Mai

  


Mai vẫn là Mai của chốn xưa
Buồn theo đất mẹ, trải bao mùa
Ta nay lang bạt ngoài sương gió
Mai đã dập vùi giữa nắng mưa
Khiến kẻ xa quê mà nhớ nước
Thương thời hẹn sớm lại chờ trưa
Mai ơi, kỷ niệm khung trời cũ
Rồi cũng như từng bọt sóng đưa....

Nguyễn Kinh Bắc 

Xuân Nhớ Về Huế

 

TẾT đến xứ Người nhớ bến xưa
XA bao hoài niệm những cơn mưa
QUÊ em Thừa Phủ đêm trầm mặc
NHÀ ở Ngự Bình gió nhẹ đưa ?
THƯƠNG dáng che nghiêng vành nón lá
NHỚ làn tóc xỏa cạnh rèm thưa
HUẾ còn cổ kính trong khuôn phép
YÊU mãi “ răng mô “nọi chẳng vừa!

Mặc Khách
(Bài Họa)

Xuân Hẹn

 

Em đi giữa trời đất lạ
Thoang thoảng
sớm mai hương xưa lạnh giá
Se nỗi buồn nào khôn tỏ
Trong anh xuân về một thuở xôn xao
Tay em ấm mộng ngọt ngào
Mắt em nở hoa đầy bao êm ái
Những giọt sương mọng trên môi
Thì thầm mùa xuân những lời bất tận
Cỏ cây như tràn nhuỵ phấn
Hồn ta ơi là tình nhân xao xuyến
Mặn nồng nắng nhẹ đang lên
Gió thoảng thơm đưa len lén hương mềm
Mái tóc mượt mà thầm hẹn
Mùa ly hương một buổi đến hôm nào
Em mùa Xuân đẹp xiết bao
Mai vàng khoe cánh bên rào ngẩn ngơ

Lê Mỹ Hoàn

Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm

 

Những Mùa Xuân


Mùa Xuân Đinh Mùi năm 1967.
Lúc bấy giờ, Tôi vừa là sinh viên của Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, vừa là Giáo Sư Dạy Giờ cho các trường trung học tư thục và bán công trong phạm vi tỉnh lỵ Bình Dương, quê hương của Tôi và một số trường trung học tư thục ở Sài Gòn và Gia Định.
Theo thông lệ, trước ngày đưa Ông Táo về Trời, Tôi đã về quê Bến Cát, Bình Dương để chuẩn bị đón Tết cùng gia đình.
Nhưng năm nay, Tôi quyết định ỏ lại Sài Gòn ăn Tết cùng gia đình của một người bạn, vì mấy cô em gái của người bạn nầy có cho Tôi biết: " Tết năm nay trong gia đình họ sẽ có một người con gái trẻ, đẹp từ Pháp về thăm và cùng đón Xuân với gia đình và họ sẽ giới thiệu cho Tôi được làm quen".

Sự quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết của Tôi đã làm cho cha mẹ và các anh chị em trong gia đình của Tôi đã tỏ ra phiền giận Tôi rất nhiều.
Phần Tôi, mặc dù chưa biết mặt "Người Đẹp" mà Tôi sẽ hân hạnh được quen, nhưng trong lòng của Tôi như cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên và lúc nào cũng lo lắng chờ đợi....
 
Thế rồi việc gì sẽ đến cũng phải đến..... Tôi đã gặp một người con gái Bắc trẻ đẹp, duyên dáng, vui vẻ, nho nhỏ xinh xinh, nhất là giọng nói Bắc của "Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, của Hồ Hoàn Kiếm, của Ngàn Năm Văn Hiến" đã làm cho Tôi chất ngất say mê ngay sau khi vừa mới gặp mặt.....
Là một người thanh niên với 24 tuổi đời, Tôi đã từng gặp và quen với với những "Bông Hoa Biết Nói" thuộc mọi lứa tuổi, thuộc mọi thành phần khác nhau trong xã hội, và khi đứng trước những bông hoa biết nói nầy, Tôi đã luôn luôn tỏ ra bình tỉnh, hùng dũng và đầy tự tin.... Thế mà ngày hôm nay, khi đứng trước người con gái Bắc trẻ đẹp nầy, Tôi lại bị một nhát búa tình cảm vô hình quá nặng đập vào đầu khiến cho Tôi cứ bám sát theo Nàng như một sợi dây chặt không đứt, bứt không rời, càng ngày càng nhiều gút mắc..... và trong đầu cứ luôn luôn mơ ước: "Nàng sẽ là một người Bạn thân ái, một người Tình đễ thương và là một người Vợ dịu hiền sau nầy"… Người con gái Bắc trẻ đẹp từ Paris về Việt Nam để dạy Pháp Ngữ cho các trường trung học Pháp tại Sài Gòn do sự giới thiệu của Trung Tâm Văn Hóa Pháp tại Việt Nam, do đó Nàng sẽ lưu lại Việt Nam lâu dài..... Đối với Tôi, đó là một dịp may, một hạnh phúc và sung sướng trong đời.
Vì biết Tôi có nhiều cảm mến đặc biệt đối với người con gái Bắc trẻ đẹp nầy cho nên mấy cô em gái và nhất là anh bạn thân của Tôi vẽ ra khá nhiều mục cho chương trình Du Xuân để Tôi có dịp làm quen và làm vui lòng Người Đẹp.
 
Sáng sớm ngày Mùng 4 Tết, trong lúc Tôi và Tôn Thất Đức  tên của anh bạn thân của Tôi) ngồi uống trà ở phòng khách, Đức với một vẻ mặt thật trang trọng nói với Tôi: " Phong nầy, hôm nay là ngày Tốt, chúng mình nên có một chuyến xuất hành Du Xuân đầu năm với Người Đẹp, Tao muốn Mầy phải là Đầu Tàu để có dịp lót đường và đánh bóng con người của Mầy trước mặt của Người Đẹp. Mầy là một thằng bạn xưa nay mang tiếng hào hoa, chịu chơi và chịu chi.... Tao thích Mầy ở điểm đó và hôm nay Tao xin đề nghị với Mầy một cuộc đi chơi ở Sài Gòn trước khi Mầy về quê Bến Cát, Bình Dương, Mầy có đồng ý không? ".

Riêng phần Tôi, lúc nào cũng muốn có nhiều dịp bên cạnh Người Đẹp nên không ngần ngại gì cả mà trả lời ngay với Đức: " Được, được, hôm nay Tao xin đài thọ tất cả theo chương trình miễn sao có Người Đẹp cùng đi chơi với tụi mình cho vui..."
 
Ra vẻ hớn hở Đức nói ngay với Tôi: " Đương nhiên, đương nhiên là phải có Người Đẹp....chuyện đó có mấy đứa em gái của Tao lo rồi, mầy khỏi lo....Nầy nhé, theo chương trình, sáng nay chúng mình sẽ đi ăn sáng bằng món Bún Bò Huế ở quán ăn hiệu Đông Ba trong Cư Xá Lữ Gia gần Trường Đua Phú Thọ. Giá bán ở đây tương đối mắc, nhưng thức ăn ngon và khung cảnh đẹp, ngồi ở đây, Người Đẹp sẽ có cảm tưởng như đang ngồi ăn ở xứ Huế. Nếu như Người Đẹp có thắc mắc muốn tìm hiểu gì về xứ Huế thì sẽ có Tao thuyết trình....." Sau đó, chúng mình đưa Người Đẹp vào dạo chơi ở Sở Thú và Thảo Cầm Viên. Tại đây, Mầy nên nhớ rằng khi đi ngang qua các vườn hoa thì phải mời Người Đẹp cùng chụp ảnh cả bọn để làm kỷ niệm Đầu Xuân....khi đi ngang qua các hồ cá, chuồng cọp, chuồng gấu thì Mầy nên mua những thức ăn để Người Đẹp vui tay liệng cho thú ăn. Hành động nầy tuy nhỏ nhưng để chứng tỏ cho Người Đẹp thấy rằng Mầy là một người biết sống, chu đáo, lịch lãm, hào hoa và nhân ái..... Đến trưa thì mình sẽ mời Người Đẹp đi ăn trưa và phải đi ăn Cơm Tây. Muốn có một bữa Cơm Tây đúng nghĩa là chúng mình phải đến Nhà Hàng Brodard ở đường Tự Do....Sau khi ở Brodard ra, chúng mình sẽ làm một vòng ở Passage Eden và Cristal Palace.... tại đây, Mầy đừng quên mua tặng Người Đẹp một vài món quà nhỏ như một lọ dầu thơm, một vài xấp vải để may áo dài Việt Nam.... Sau đó, kéo nhau vào ăn kem ở Pôle Nord trước khi qua Rex mua vé vào xem một phim ngắn tình cảm cho nhẹ người và thoải mái. Khi chúng mình ở Rex ra thì trời cũng đã về chiều, lúc nầy, không có gì thích thú bằng cùng kéo nhau lên Tân Định thưởng thức món Bánh Cuốn Thanh Trì....Rồi thì chúng mình lại trở ra trung tâm Sài Gòn....dạo phố Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ và đến hóng mát ở Bến Bạch Đằng. Màn đêm bắt đầu buông xuống, kéo nhau về Chợ Cũ để ăn Hủ Tiếu Mỹ Tho ở quán Thanh Xuân đường Tôn Thất Hiệp trước khi cùng đến Phòng Trà Đêm Màu Hồng để thưởng thức giọng hát của Thái Thanh và Ban Nhạc Thăng Long....Gần nửa đêm, chúng mình sẽ vào Chợ Lớn và mời Người Đẹp một bữa ăn khuya mang sắc thái Trung Hoa ở đại tửu lầu Soái Kình Lâm.... và cuộc đi chơi coi như được chấm dứt sau bữa ăn nầy.... Ngày mai, Mầy có thể an tâm về quê với gia đình và sẽ gặp lại Người Đẹp dài dài sau Tết.
"Chương trình Du Xuân Đầu Năm của chúng tôi gồm có Người Đẹp, Tôi, Tôn Thất Đức và 3 cô em gái của Đức đã được diễn ra đúng như kế hoạch của Đức và các cơ em gái đề nghị và ngày hôm sau... " Tôi còn đúng một số tiền nhỏ cho chiếc bình xăng của chiếc xe Lambretta Twist 175 để trở về quê thăm gia đình. Sau Tết, Tôi trở lại Sài Gòn và gặp lại Người Đẹp và Nhóm Bạn Thân Ái.
 
Sau một thời gian quen nhau, chúng tôi trở thành một Đôi Bạn Thân Thiết. Đối với Tôi, Người Đẹp tỏ ra luôn luôn thông cảm, không đòi hỏi điều gì và chỉ mong ở Tôi một tình cảm chân thật dành cho Nàng.
Còn đối với anh bạn thân tên Tôn Thất Đức và 3 cô em gái từ lớn đến nhỏ mang các tên Tôn Nữ Vọng Cảnh, Tôn Nữ Kim Long và Tôn Nữ Thiên Hương thì Tôi hoàn toàn không thoát ra khỏi quỹ đạo " Du Ngoạn Tập Thể " của họ có kèm theo Người Đẹp về từ Pháp Quốc..... Họ luôn luôn tự cho rằng họ là những kẻ có công giúp cho Tôi quen được với Người Đẹp và bây giờ họ có quyền thừa hưởng những đãi ngộ mà Tôi có bổn phận phải dành cho họ.
Thú thật Tôi không bao giờ quên ơn họ và sẵn sàng trả ơn cho họ mỗi khi họ yêu cầu.
Tôi là một người xưa nay có tiếng là " thường hay chìu bạn và rất lịch sự với Phái Đẹp " , cho nên những số tiền có được do công lao dạy học của mình, những khoản tiền phụ cấp hàng tháng của cha mẹ dành cho, kèm theo những số tiền vay mượn của các anh chị em trong gia đình, vay mượn của bạn bè, đồng nghiệp.... đã lần lượt đổ vào các tiệm cà phê, kem như Pôle Nord, Mai Hương... những nhà hàng như Kim Sơn, Thanh Thế, Brodard, Givral, Mai Lan Đình, Arc En Ciel...những quán ăn nem, bì ở Thủ Đức, Lái Thiêu... những nhà hàng sang trọng ở Vũng Tàu bên cạnh sóng biển nhấp nhô cùng Người Đẹp và Nhóm Bạn Thân Ái của Tôi. 

 Thành thật công bằng mà nói, trong thời gian nầy, về mặt đối ngoại, Tôi là một thanh niên hào hoa phong nhã, thường xuyên có mặt tại các nơi sang trọng của Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông. Tôi cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc sung sướng bên cạnh Người Đẹp và ồn ào vui cười bên cạnh Nhóm Bạn Thân Ái tại các nơi phồn hoa đô hội nầy....

Thế nhưng, về mặt đối nội, Tôi là đứa con xin tiền cha mẹ nhiều nhất trong gia đình.... Tôi đã tìm mọi lý do khác nhau để nói dối với cha mẹ để xin thêm tiền… nào là xe bị hư, nào là phải mua thêm thuốc bổ máu, bổ óc, sách vỡ... Tôi có cái may mắn là đứa con học giỏi nhất nhà so với tất cả các anh chị em trong gia đình… cho nên có phần được cha mẹ thương chìêu hơn và cho Tôi thêm tiền mỗi lần Tôi xin mà không một chút đắn đo suy nghĩ.... Đối với các anh chị em ruột thịt trong gia đình thì Tôi là "Con Nợ" của tất cả mọi người... và những số tiền mà Tôi vay mượn của họ thì cuối cùng đều được "Cho Luôn", vì họ biết một cách chắc chắn là Tôi không thể nào có khả năng trả được.
 
Còn đối với tất cả bạn bè thân thiết và đồng nghiệp, ngoại trừ Tôn Thất Đức và 3 cô em gái của anh ta... đa số những người nầy thì người nào cũng được Tôi hân hạnh đến gõ cửa nhà mà vay tiền.... Tôi cũng có thêm được cái may mắn là được cảm tình và sự quý mến của bạn bè, đồng nghiệp... cho nên luôn luôn được họ sẵn sàng cho vay mượn tiền bạc mà việc hoàn trả thì không có thời gian quy định rõ rệt lúc nào...

Tôi là một người từ xưa đến nay chưa bao giờ tin ở bói toán và số mệnh, thế mà từ khi quen được với Ngưới Đẹp, mỗi lần cầm tờ báo lên xem là Tôi tìm ngay phần Tử Vi để xem Con Giáp của mình ra sao?
Ông chiêm tinh gia Huỳnh Liên đã nói về phần Tử Vi của Tôi như sau: "Tôi tuổi Quý Mùi...theo Nam Nhâm Nữ Quý... cho nên Tôi thường bị hao tài tốn của… nhưng của sẽ thay người vì bổn mạng Xấu... nhưng mai hậu sẽ Tốt, sẽ cưới được Người Vợ như Ý Muốn, có đầy đủ các đức tính Công, Dung, Ngôn, Hạnh và rất mực Thủy Chung ".

Lời nói của ông chiêm tinh gia Huỳnh Liên luôn luôn ám ảnh Tôi, đã làm cho Tôi có nhiều nghị lực, can đảm để tiếp tục đi chơi với Người Đẹp và Nhóm Bạn Thân Ái... Mỗi lần lái xe vào trạm xăng để đổ xăng ( có Người Đẹp ngồi ở phía sau ), mỗi lần chen lấn sắp hàng để mua vé xem hát, mỗi lần gọi bồi bàn đến tính tiền ở các quán ăn, nhà hàng... Tôi luôn luôn nghĩ đến lời nói của ông chiêm tinh gia Huỳnh Liên là lòng mình cảm thấy hạnh phúc sung sướng lạ thường.....
Rồi thời gian trôi qua, người con gái Bắc trẻ đẹp về từ Pháp đã trở thành một người bạn thân mến.... rồi một người tình dễ thương của Tôi.... và tình cảm của cặp đôi chúng tôi đối với người bạn thân mang tên Tôn Thất Đức cùng 3 cô em gái của Đức ngày càng thân thiết gắn bó hơn lên.....
 
Mùa Xuân Mậu Thân năm 1968.
Lúc bấy giờ Tôi đã bị động viên vào quân đội và đang học ở quân trường Thủ Đức. Vì tình hình chiến sự nặng nề xảy ra khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, cho nên Tôi đã không gặp được Người Đẹp và Nhóm Bạn Thân Ái.
Ngày 1 tháng 12 năm 1968, tức khoản hơn một tháng trước mùa Xuân Kỷ Dậu 1969, một Đám Cưới chính thức được diễn ra tại nhà hàng Olympia ở đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn giữa Tôi và người con gái Bắc trẻ đẹp mà Tôi đã hân hạnh quen vào Mùa Xuân Đinh Mùi năm 1967. Niềm mơ ước của Tôi đã trở thành sự thật. Tôi thầm cám ơn và ngưỡng mộ ông chiêm tinh gia Huỳnh Liên tài giỏi có một không hai trên cõi đời nầy.

Thế nhưng, trong ngày vui trọng đại nầy của chúng tôi lại thiếu vắng Tôn Thất Đức và Tôn Nữ Vọng Cảnh vì hai người đang du học ở Hoa Kỳ.
Và những mùa xuân kế tiếp thì vợ chồng chúng tôi cũng không gặp lại được đầy đủ những người của Nhóm Bạn Thân Ái, nếu có người nầy thì lại thiếu vắng người kia vì nhiều lý do khác nhau.
 
Mùa Xuân Tân Mùi năm 1991.
Tức là 24 năm sau, tại Ba-Lê, Kinh Thành Ánh Sáng, vợ chồng chúng tôi đã vui mừng, hạnh phúc và hân hạnh đón tiếp đầy đủ tất cả mọi người của Nhóm Bạn Thân Ái: Tôn Thất Đức cùng vợ và Tôn Nữ Vọng Cảnh cùng chồng đến từ Hoa Kỳ... Tôn Nữ Kim Long cùng chồng đến từ Canada... Tôn Nữ Thiên Hương cùng chồng và 2 con đến từ thành phố Lyon ( Pháp Quốc ).

Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau, nhưng niềm vui không được trọn vẹn trên nét mặt của mọi người. Tất cả không ai nói ra, nhưng riêng Tôi, Tôi nghĩ rằng: " chúng tôi đang có cùng một tâm trạng, đang cùng mang một nổi buồn thầm kín trong lòng là nhớ về Sài Gòn và thương nhớ Quê Hương Việt Nam với bao Kỷ Niệm Thật Đẹp của những năm tháng xưa đã qua thuở nào....".

Rồi từ đó, cứ mỗi độ Xuân về, chúng tôi gửi cho nhau những tấm thiệp chúc Xuân, gọi điện thoai cho nhau, nhắc lại những kỷ niệm của Sài Gòn năm xưa...

Mùa Xuân Quý Mùi năm 2003.
Tại Toronto (Canada), gia đình Tôn Nữ Kim Long đã tiếp đón đầy đủ chúng tôi sau 36 năm kể từ ngày gặp nhau đầu tiên của vợ chồng chúng tôi ở Sài Gòn… mặc dù tuổi đời đã chồng chất nhưng niềm vui vẫn còn... vẫn còn dù không trọn vẹn...

Rồi mỗi độ Xuân về... lại tiếp tục gọi cho nhau... chúc mừng nhau và nhắc lại những kỷ niệm xưa năm nào...
Mùa Xuân Ất Mùi năm 2015, tức 48 năm sau của cuộc gặp gỡ định mệnh mà chúng tôi đã trở thành vợ chồng... tại thành phố New-York ( Hoa Kỳ ), vợ chồng Tôn Thất Đức và vợ chồng Tôn Nữ Vọng Cảnh đã tiếp đón đầy đủ chúng tôi... rồi lại vui mừng và tiếp tục vui mừng... Lần nầy, Tôn Nữ Thiên Hương đề nghị : " Năm 2018 sắp tới sẽ kỷ niệm 50 năm đám cưới của anh chị Phong, vợ chồng tụi em sẽ tình nguyện tổ chức cho anh chị tại Lyon, em yêu cầu mọi người phải có mặt... vì đó là LỄ CƯỚI VÀNG...Mọi người đều vui cười và đồng ý..".

Nhưng rồi những tin buồn lại liên tiếp xảy ra: Tháng 2 năm 2016, Tôn Thất Đức qua đời vì tai nạn xe...tháng 6 năm 2016, chồng của Tôn Nữ Vọng Cảnh qua đời vì chứng bệnh Ung Thư Gan...Tháng 1 năm 2017, Tôn Nữ Thiên Hương qua đời vì Bệnh Tim và tiếp theo tháng 8 năm 2017 chồng của Tôn Nữ Kim Long qua đời vì bị Đột Quỵ...
 
Với những nỗi buồn liên tiếp xảy ra như vậy...Năm 2018, chúng tôi không có tổ chức Kỷ Niệm 50 năm ngày Thành Hôn Lễ Vàng.

Và ngày 1 tháng 12 năm 2019, chúng tôi tổ chức cùng các con và các cháu KỶ NIỆM 51 NĂM ngày THÀNH HÔN... thật đơn giản và để tưởng nhớ đến những người bạn của Nhóm Bạn Thân Ái đã qua đời...Xin mãi mãi nhớ thương các bạn...

Ba-Lê, những ngày của cuối tháng 12 năm 2019
Nguyễn Vũ Huy Phong


Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Hạnh Phúc Xuân


Xuân đến trên ngàn cây ngọn cỏ
Xuân mang ánh nắng tỏa không gian
Xuân trải thênh thang bao ước vọng
Xuân trao tình ươm mộng tơ vàng

Xuân vì ai vấn vương nỗi nhớ
Xuân vì ai choáng chỗ buồng tim
Xuân vì ai đắm chìm giấc ngủ
Xuân vì ai ấp ủ mùa say.

Xuân đến xin đừng quay gót bước
Xuân trao đừng từ khước hẹn chờ
Xuân chín muộn hoà chung nhịp thở
Xuân gọi mời rộ nở...tình xuân!

 


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Xuân Quý Mão 2023

 

Chữ Tình

 


Tạc chữ tình ươm thắm dáng hoa
Hương đưa dìu diu gót ngọc ngà
Gió loạn mơn man làn tóc rối
Lòng riêng ai biết chỉ riêng ta

Đi tìm hư ảo thắp nến hồng
Gợi lòng dao động gợi hoài mong
Tìm nơi quen lối sao xa lạ
Thơ thẩn theo dòng chật phố đông

Kim Phượng

Ý Xuân

  

Xuân đem mộng ước đến muôn người
Xuân với ngàn hoa quá đẹp tươi
Xuân chỉ phô bày bao dáng vẻ
Xuân càng thể hiện nét môi cười
Xuân đầy thắm đượm tình đôi lứa
Xuân lại vầy duyên chuyện cuộc đời
Xuân chẳng hoài công mình kết tóc
Xuân gieo tưởng nhớ khắp phương trời
                                
* Chào đón Xuân Giáp Thìn 2024
Hoàng Mai Nhất
Seattle, WA Jan 26/2024

Đâu Phải Tết

 

Thêm một năm xa nhà
Bước chân đời viễn xứ
Lặng lẽ ngắm Xuân qua
Chồi xanh chưa kịp nhú
Hàng thông đứng im lìm
Sớt chia dùm nỗi nhớ
Thương quãng đời chơ vơ
Mây không buồn ôm niú
Núi trơ trọi giữa trời
Trắng một màu sương tuyết
Rõ ra một mùa Đông
Nào phải đâu Lễ Tết
Lạnh phủ trùm cô liêu

Hoàng Mai Nhất


Tết Nhứt

 

1.

Đầu năm ra quán ngồi chơi
cái bàn cái ghế sợ xui không chào.
Ly cà-phê nguội hồi nào
mà người ngồi đó ngậm sầu. Lạnh tanh.
Cà-phê miếng đắng linh tinh.
Tình buồn miếng đắng điêu linh một đời.

2.

Mùng một ra quán ngồi chờ,
ngó lơ mơ thấy lờ mờ ... in như.
Mùng hai ra quán ngồi thừ,
ngó ngơ ngẩn thấy ngờ ... ngờ ... giống y.
Mùng ba ra quán ngồi lì,
tết qua lãng nhách nói gì... tôi, em.

Cao Vị Khanh



Xuân Hoài Hương

 

Tiếng pháo như khơi nỗi đoạn trường 
Tháng năm còn chứng tích đau thương 
Đông tàn hoa tuyết thầm rơi nhụy 
Xuân đến tơ trời vương nhớ thương 
Đất nước điêu tàn cơn thác đỏ 
Xứ người luân lạc kiếp tha phương 
Trời Âu mở hội mừng Xuân thắm 
Ta đốt hương trầm vọng cố hương 

Lâm Hoài Vũ

Tết Đến Mần Chi


Tự dưng, người bạn xóm cũ nhắn tin hỏi thăm tôi nhân dịp năm hết Tết đến. Rồi hai đứa nhắc tên những nhân vật trong xóm ngày xưa, những câu chuyện cũ rích, vui nhất là chuyện những người đẹp, và tại sao hồi đó tụi mình hổng lấy nhau.

Là xóm tôi đó, chỉ với diện tích chưa đầy cây số vuông, mà những mỹ nhân kể ra cũng khá nhiều.

Đẹp ở đây là đẹp thiệt, chứ không phải “coi được, có duyên, dễ thương” đâu nhé. Hồi đó, mỗi chiều Chúa Nhật sau giờ tan lễ Nhà Thờ, cả xóm được ngắm những chị đẹp thướt tha trong tà áo dài muôn màu. Riêng vài người đẹp nổi bật “nghiêng nước nghiêng thành” thì có Bích Thủy được chàng công tử nhà Bác Sĩ ngay chợ Gò Vấp mê như điếu đổ, là Mỹ Linh từng làm rung rinh bao trái tim các chàng trai khu xóm Z.751, là chị Hồng quán chè, chị Nữ xe nước mía. Đẹp trí thức thì có chị Hạnh (Nha Sĩ), chị Hà, chị Yến, đều là cư dân xóm Chùa Vĩnh Quang.

Đặc biệt xóm tôi có vài gia đình thuộc loại “đẹp đều”, nghĩa là cả cha mẹ đẹp, sanh ra các con trai gái cũng đều đẹp như nhau. Xóm Nhà Thờ có chị Kiêm, bốn đứa con chị đủ trai đủ gái thừa hưởng nét đẹp mạnh mẽ sắc sảo của chị, (chị Kiêm còn có các anh chị em cũng rất đẹp, đó là chị Hoài có đôi mắt mơ màng như nước hồ thu, em trai của chị là anh Đạt, đi chung chuyến tàu vượt biên với tôi qua Thailand). Kế bên nhà Cha Xứ, hai căn nhà của gia đình cô Ngọc cô Nga là hai chị em có chút nét lai Pháp từ ông bà ngoại nên các con của hai cô thuộc loại trắng trẻo, trai xinh gái đẹp cả nhà. Cô bé út nhà cô Nga năm nào cũng được chọn làm Đức Mẹ trong đêm Canh Thức đón Chúa Giáng Sinh.

Bên xóm Chùa có hai gia đình “đẹp đều” là nhà bác Đại và bác Kỷ. Nhà bác Đại, các con cao ráo, thanh lịch, trong đó có chị Hà từng đi với tôi một chuyến vượt biên hụt ở Miền Tây. Mấy đứa em trai chị xấp xỉ tuổi tôi, từng là “mơ ước” của nhiều đứa con gái trong xứ, vì đó là gia đình khá giả, lãnh đồ Mỹ đều đều. Nhà bác Kỷ, các cô con gái dịu dàng, ăn nói ngọt ngào, các cậu con trai cũng thế, nổi bật là chị Hằng, là cô giáo, với mái tóc dài mượt mà, khuôn mặt trái soan như Thanh Nga, được thầy Trần Văn Triệu, hiệu trưởng trường cấp 2 của tôi trồng “cây si” miệt mài một thời gian dài. Mỗi chiều thầy Triệu chạy xe đạp đến nhà chị Hằng, phải đi qua nhà tôi, vì nhà chị Hằng cuối ngõ, hễ Thầy thấy tôi đứng sớ rớ trước cổng là Thầy bối rối (hơi quê), nhìn qua chỗ khác, nhưng tôi luôn mau mắn... lập công:
- Thầy ơi, chị Hằng có nhà đó Thầy!

Dĩ nhiên, cuộc tình “một chiều” này cũng chẳng tới đâu, vì chị Hằng khôn ngoan, mơ ước cao hơn nhiều. Thầy Triệu chỉ là hiệu trưởng, đồng lương có là bao, cả đời chạy xiếc xe đạp, đã vậy suốt ngày chỉ biết viết lách, làm Thơ, sống như ở “trên mây”, là những thứ chị Hằng không cần.

Mà cái xóm gì kỳ lạ, ngay cả người rũ áo bụi trần để khoác áo nâu sòng cũng... đẹp hơn người thường đó đa. Sư cô Huyền, nay là trụ trì Chùa Vĩnh Quang, cũng là người trong xóm vào Chùa tu từ bé. Hồi tôi còn ở Việt Nam, sư cô Huyền dù là trong tấm áo cà sa, mái tóc không còn, nhưng khuôn mặt vẫn đẹp đậm đà, nên thường bị đám thanh niên ăn không ngồi rồi quanh xóm Chùa tụ tập ở khu gò mả kế bên Chùa, đờn ca các bài nhạc vàng bolero chọc ghẹo sư cô, đại loại như: “Em tôi xinh đẹp hơn người thường, không áo xanh áo đỏ thơm hương, nhưng trong vườn Chùa lá thu bay, ôi ngọc ngà nhan sắc thơ ngây” (nhái nhạc Trần Thiện Thanh).

Nói đến “gái sắc” thì cũng nên kể về “trai tài” cho đồng đều, phải không quý vị?

Ở đây, tôi chỉ xin nói về “tài” học vấn thôi nhé, còn các chàng có những tài khác trong xóm, như tài chơi nhạc, ca hát, họa sĩ, kể cả tài “phá làng phá xóm” cũng có luôn nha, xin hẹn dịp khác.

Mở màn cho nhóm trai tài, tui xin được “ưu tiên” giới thiêu bốn ông ... anh ruột của tui, chớ cần gì kiếm đâu xa. Ngoài ông anh Hai vào Đại Học trước năm 1975 khi Miền Nam chưa lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt, thì ba ông anh kế tiếp lần lượt đậu Đại Học trong vinh quang, khi mà lý lịch gia đình còn vướng “ngụy quyền”, nhưng vì điểm đậu quá cao không thể bị đánh rớt. Riêng người anh thứ Năm, mùa thi Đại Học năm 1979 căng thẳng chiến tranh phía Bắc và Tây Nam, sợ bị gọi đi “nghĩa vụ quân sự”, anh liền thi hai trường Đại Học, một trường Cao Đẳng, kết quả đều đậu điểm cao, nhưng vẫn bị nhận giấy nhập ngũ. Gia đình tôi bèn lập kế hoạch cho anh đào ngũ từ quân trường, rồi phiêu bạt nơi sông nước Miền Tây mấy tháng trời, trước khi vượt biên trót lọt qua Songkla, Thailand.

Xóm Chợ có nhà ông Y tá Long, có 5 người con trai đều học giỏi, trong đó có Điền học trên tôi hai lớp, sau đó đậu vào Bách Khoa, và em kế là Hiệp vào Y Khoa dễ như ...ăn cháo. Kế bên nhà bác Long, cũng là gia đình có mấy cậu con trai học hành siêu đẳng, có bán quán tạp hóa, mà hễ ai đi ngang thấy cậu trai nào ngồi canh hàng giúp gia đình, là y như rằng trên tay họ cầm cuốn sách, đọc đọc, ghi ghi chép chép, cặp kiếng dày cộp, bảo đảm có bị ai lấy trộm hàng cũng chả biết, có người ngồi coi hàng cũng như không.

Xóm Chùa có gia đình cô Kết, cô giáo mẫu giáo của tôi hồi bé, ngoài chị Hạnh là con cả làm Nha Sĩ, các cậu em của chị cũng thuộc nhóm hiền lành, ngơ ngác “chỉ biết ... học thôi, chả biết gì!”. Tôi nhớ nhứt anh Tư có biệt danh là “Tư Bác Học”, nghe tên là đủ biết rồi nha, khỏi nói nhiều.

Là “gái sắc” thì sẽ có nhiều “cây si” theo đuổi, là “trai tài” cũng sẽ có nhiều bóng hồng ái mộ, mếm tài. Anh Hai tôi, dạy học ngoài Cần Thơ, mỗi lần về thăm nhà vội vàng, thời “Cả Nước Xuống Hố”, đem theo quà Miền Tây, nào xoài, nào chuối khô, cốm dẹp, bồi dưỡng đám em nhỏ trong nhà, rồi dẫn chúng tôi đi trám răng nhổ răng... miễn phí (của nhóm bạn học chung Đại Học Khoa Học thuở xưa, nay họ làm Nha Sĩ, Bác sĩ), rồi chiều tối anh bắt chúng tôi đem bài vở ra để anh dạy kèm, nên anh chẳng có thời gian đi chơi trong xóm. Có lần, một chị hàng xóm đến thăm anh, hai người ngồi nói chuyện đến khuya, khi tiễn chị ra về, đi ngang qua chiếc giường tôi nằm ngủ ngay phòng khách, nên nghe được câu trách móc dỗi hờn của chị (không phải tôi nghe lén đâu á):
- Mỗi lần anh về xóm chắc là bận đủ điều, em đợi hoài chẳng thấy bóng anh sang nhà chơi, nên hôm nay em phải ... hạ mình đến gặp anh đó, anh biết chưa!
Nào phải anh là gỗ đá mà hổng có trái tim, có điều, sau hai mối tình không thành với hai cô gái vùng “gạo trắng nước trong”, anh đã ấp ủ con đường vượt biên để lo cho gia đình, chuyện tình cảm tính sau.

Có một thời gian, căn nhà của gia đình tôi trở thành “Xóm Học” vì các bạn chung trường Đại Học của mấy ông anh, kẻ ở Miền Trung xa lắc, người ở Hốc Môn, người ở Miền Tây, đều tá túc ăn ngủ nhà tôi. Thỉnh thoảng vào cuối tuần, ông anh Ba nhóm họp bạn có máu văn nghệ tại nhà, đờn địch ăn uống vui vẻ. Trong nhóm có anh Tiến, cao ráo, nước da sạm màu phong sương, đang quen biết với chị Cẩm, tiểu thơ con gái nhà giàu. Bữa đó, mấy anh đang ca hát rộn ràng bên trong nhà, thì chị Cẩm chạy chiếc Honda Dam dừng ngay cổng, tôi đi ra chào, chị mừng rỡ:
- Có anh Tiến ở trỏng không em? Chị muốn gặp ảnh chút xíu!
Tôi hớn hở:
- Dạ có, để em vô kêu ảnh nha.
Vào trong, vừa báo tin có chị Cẩm kiếm, anh Tiến xua tay:
- Thôi, em ra nói hổng có anh ở đây.
- Ủa, sao được! Em lỡ nói có anh rồi?!
- Bữa nay anh không muốn gặp, em ra nói sao thì nói, cho chừa cái tật ... tài lanh!
- Anh ác lắm nghen anh Tiến! Người ta là con nhà lá ngọc cành vàng, chạy xe từ Cầu Chữ Y xuống vùng mút chỉ cà tha Gò Vấp này thăm anh, mà anh nỡ lòng nào ...

Tôi đành mặt sưng mày sỉa, ra ngoài nói với chị Cẩm là anh Tiến đã về hồi nãy, nhưng nhìn vào mắt chị, tôi biết chị biết tôi nói dối, tôi áy náy lắm, nhưng biết làm sao hơn.

Thực tình mà nói, trong chuyện tình yêu, tôi đồng ý với trường phái “ai tỏ tình cũng được”. Không nhất thiết con gái phải thụ động, chờ chàng trai lên tiếng trước. Có khi chàng hiền lành, vụng về, hoặc vì lý do nào đó chưa dám thổ lộ, mà nàng cứ chờ, chờ mãi, sẽ vuột mất cơ hội cho cả hai, sau này lại ca bài “Tình Lỡ” . Chi bằng, nàng cứ mạnh dạn bày tỏ, như hai trường hợp tôi vừa kể trên, cho “người ta” biết tình cảm của mình, để còn biết kết quả sớm sủa, đặng nếu thất bại thì đi tìm... mục tiêu khác, khỏi mất thời gian.

Giờ đến chuyện “tên trùng tên” của xóm tôi. Chị Thanh Dương có viết bài “Con Đường Mang Tên ... Thanh” vì chỉ với con đường vài trăm mét mà có đến 4-5 nàng tên Thanh, nhưng cũng chưa nhiều bằng tên Vân đâu nhé. Một trong hai nhỏ bạn thân của tôi trong xóm là Bích Vân. Ngay bên chợ Đức Tin có nhỏ Vân Củi (vì nhà bán củi). Nhỏ này, nhìn kỹ thì rất đẹp, mũi nhỏ, môi xinh, mắt to tròn, nhưng nó bị điểm trừ rất lớn là nước da đen thui (gái Cambodia còn ... trắng hơn nó luôn đó đa!), mà khổ nỗi, đàn ông ít ai chịu nhìn kỹ nên nó hơi bị ...ế, và vì người Việt mình cũng khoái “nhất dáng nhì da”.

Xích lên khu trại gia binh thì có Vân Gà, con của bà Năm bán gà. Nhà thầy giáo Đăng cũng có cô con gái làm cô giáo tên Vân. Chị này luôn luôn đeo đôi bông tai hình tròn bự tổ chảng nên xóm gọi là Vân Khoen Tai. Bên hông nhà thờ có nàng Vân (Tấu) là con của bà Tấu. Nàng Vân Tấu và nàng Bích Vân hiện nay là hai ca trưởng của hai ca đoàn nhà thờ Đức Tin, vẫn còn kèn cựa, cạnh tranh nhau trong việc hát ca phụng vụ, thậm chí Cha xứ phải ra tay mà vẫn chưa có... hòa bình, chỉ bằng mặt chớ chưa bằng lòng, (hỏi xem Chúa trên tòa cao có dzui!?).

Ngõ hẻm Đất Đỏ thì có Hồng Vân bán thuốc là trước cổng Z751, nhỏ này xinh xắn miệng nói không lành da non nên lấy chồng cũng rất sớm là chàng cầu thủ của Z751! Ngoài ra còn có Vân Bún Măng Vịt con ông bà Đông chuyên bán bún vịt.

Tới đây tô xin mở ngoặc, kể chút chuyện. Một anh bạn học chung ngoài Sài Gòn có lần hỏi tôi:
- Ủa, sao xóm em mang cái tên Z751 giống như... bí số, nghe như phim hình sự, phim 007 vậy cà, hổng lãng mạn thơ mộng chút nào.
Tôi cười:
- Anh đến đấy, coi chừng bị giật mình, vì kế bên xóm Z751 của em sẽ là các xóm mang các “bí số” khác nữa: Xóm C30, X28, X32, đó là chưa kể phải ngang qua... Ngã Năm Chuồng Chó nữa nghen! Hết hồn chưa nà?!

Quả thật, trước năm 1975, nơi đây là khu quân sự của quân đội VNCH với các trại Quân Cụ, Quân Nhu, Quân Trang, Truyền Tin, Quân Khuyển, và sau khi rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, họ vẫn giữ các khu quan sự này với các tên toàn các chữ số khó hiểu.

Trở lại chuyện các tên trùng tên của xóm, tên KimLoan của tôi ngoài xã hội thì đại trà bao la, nhưng trong xóm chỉ trùng với một chị Loan. Nhưng có điều thú vị, cả tôi và chị chỉ xài tên Loan trên giấy tờ, trong xóm chẳng ai biết, vì họ chỉ biết tên của tôi ở xóm là Thoa, và chị Loan kia ở xóm gọi là Hương.

Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng:
- Xóm này hổng có ai tên Loan hết á!
Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này!
Thôi, tui đi khóc đây.

Edmonton Feb 3/2024,
Kim Loan

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

Yêu Em Chẳng Phải Tình Cờ - Thơ: Sóng Việt Đàm Giang - Nhạc: Võ Tá Hân


Thơ: Sóng Việt Đàm Giang
Nhạc: Võ Tá Hân

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

 

Đức Thánh Trần

Dân Việt trọng ân Đức Thánh Trần
Ba lần hãn mã dẹp Nguyên quân
Gia thù phụ ý Từ thân dặn
Binh lược chuyên tâm Tổ quốc cần
Bẻ gậy phò vua lòng bạch nhật
Rầy con vì Nước dạ cao nhân
Trăng rằm ngự đỉnh thiên thu rạng
Dân Việt soi gương Đức Thánh Trần

Nguyễn Minh Thanh
***
Hóa Giang Vẹn Thề

Hưng Đạo Vương Ngài đã vẹn thề
Phá tan giặc Bắc mới quay về
Bến Voi hiu hắt... trăng lồng lộng
Sông Hóa ngậm ngùi... dạ tái tê
Một thuở vĩnh ly đau thống thống
Ngàn thu hồi ức xót thê thê
Tiếc thương Voi Trận ngời trung nghĩa
Ngài dựng Tượng đài luống ủ ê...!!

Nguyễn Minh Thanh
Phụ chú:
Năm 1287 Nguyên Mông xâm lăng nước ta lần thứ Ba, sau cùng.
Năm 1288 Nguyên quân trên đường lui binh bị Hưng Đạo Vương chận đánh.
- Lời Thề: Khi xuất quân, Hưng Đạo Vương đã chỉ tay xuống Sông Hóa thề rằng: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không trở về sông này nữa".
Tượng Đức Thánh Trần
tay chỉ xuống dòng sông trọng thệ chính là đây.
- Sông Hóa ( Hóa Giang ): sông nhánh của sông Luộc, là ranh giới thiên nhiên giữa thành phố Hải phòng và tỉnh Thái bình.
- Bến Voi: Khi đại quân qua sông, gặp thủy triều xuống thấp. Tới giữa lòng sông, nước cạn không đủ giúp cho voi nổi lên, voi sa lầy...
Vì quân hành cấp bách, Hưng Đạo Vương đành bỏ voi đi bộ cùng tướng sĩ. Voi cảm nhận bị bỏ lại, rống lên thảm thiết, nước mắt chảy ròng ròng... Động lòng, Ngài cũng không cầm được nước mắt...
Thắng trận trở về, biết Voi Trận đã chết chìm giữa lòng sông. Thương tiếc, Hưng Đạo Vương cho xây đài Voi bên bờ sông làng A Sào có bàn thờ lộ thiên , xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Dân bản địa gọi là Bến Voi.

Chúc Tết Giáp Thìn

 

Quý Mão vừa qua lại đón Rồng
Xuân mừng vạn sự sẽ hanh thông
Ước mơ lạc nghiệp chân thành ước
Mong mỏi thanh bình khẩn thiết mong
Xứ lạ canh tàn thương đất nước
Quê người khắc lụn nhớ non sông
Quang Trung, Kỷ Dậu Mồng Năm Tết
Hoàng Đế nhung bào rực cõi Đông


ThanhSong ntkp

Xuân Nhớ Huế (2008)

  

XUÂN sang, nằm trong tuyết trắng,
Bầu trời lạnh lẽo trắng đục u-buồn!
Hàng cây trần tụi lạnh run,
Gió đùa, sợi nắng hanh vàng cóng tê!

Nhớ HUẾ mỗi độ xuân về,
Bông hoa đua nở, hả hê sóng tình.
Phố xá rộn rã tưng bừng,
Mọi người hớn hở chúc mừng lẫn nhau!

Sông Hương sóng vỗ ngọt ngào,
Trường-tiền nghiêng bóng nhìn nhau thì thầm
Ô kìa, nữ-tú, nam-thanh,
Niềm vui Tạo hóa, bức tranh tuyệt vời!

Cửa trường sắp mở lại rồi,
Thầy-trò năm mới vui cười hồn nhiên
Chăm lo đèn sách bút-nghiên,
Mùa hoa phượng vĩ, đua chen với đời.

Giờ đây trăng gió xa xôi,
Bắt cầu trời Huế nối liền Iowa,
Bên tuyết trắng, bên đầy hoa,
Tình người diệu vợi, ngân ca hai miền!

Tô Đình Đài
(Tập thơ nhớ Huế)

Đêm Lạnh Xuân Về



Nhạc “Cánh Hoa Yêu” (*) sưởi ấm lòng 
Cho người lữ khách sống long đong 
Đây ư chưa hẳn như từng muốn 
Đó hả chắc chi thể đã mong? 
Xin được cảm thông đời gió bụi 
Nguyện thôi chia sẻ cảnh cô phòng 
Trong khi én lượn ngoài quan tái 
Nhạc “Cánh Hoa yêu” sưởi ấm lòng. 

(*) Nhạc Hoàng Trọng, lời Vĩnh Phúc 

Thái Huy 
Feb/03/24

Nhớ Xuân Năm Nào

 

Hoàng hôn rực nắng cuối trời xa
Nhớ quá xuân xưa... chốn quê nhà
Chập chờn cánh bướm bên bờ dậu
Bay lượn vo ve hút mật hoa...
Cuối Đông dành sẵn gạo, nếp thơm
Cam, quít, bưởi, xoài... da ửng hườm
Dưa tỏi, hành, rượu, trà, bánh tráng...
Tết trong ngoài... dán giấy hồng đơn
Công phu trống mõ rộ chuông chùa...
Cơm rượu nồng nàn, ngâm cải dưa
Xuồng, ghe... ghé bến đi chợ Tết
Thịt, cá kho rệu... thấm nước dừa
Mười hai tháng... xuân trở về đây
Kẹo dẻo, chuối ngào, mứt gừng cay
Bánh tét, bánh phồng... chùm lạp xưởng
Dưa hấu, ngũ quả cả mâm đầy...
Giữa tháng Chạp, em lẩy lá mai
Đàn én lưng trời ríu rít bay
Lá rơi tua tủa như đàn bướm
Vườn động nên ngàn bươm bướm bay
Cây mai trụi lá nhánh trơ cành
Sáng xuân còn đọng sương long lanh
Huỳnh mai hoa tưng bừng rộ nở
Cả vườn thanh thoát màu vàng anh

Thương người lính chiến chốn xa xăm
Tết nầy không biết có về thăm...
Vọng gác đêm xuân ngoài biên trấn
Giữa đêm trừ tịch thiếu dáng hằng
Xuân đến sao lòng những băn khoăn
Ánh hỏa châu xa, vọng gác gần
Tiếng súng đì đùng thay tiếng pháo
“Kẻng” thay phiên gác... lính chờ xuân
Suối nước trong veo, trời xanh lam
Đài trang xuân thắm... khắp miền Nam
Náo nức... nhà nhà mừng đón Tết
Nguyện cầu năm mới được bình an
Xuân đến hậu phương... xuân tưng bừng!
Gầy, áo trây di... bám bụi đường
Ơ kia... anh lính ngời ánh mắt!
Nhoẻn miệng cười duyên... ôi thấy thương!
Chợ hoa em bán ngày cuối năm
Dập dìu người đến thưởng hoa xuân
Em giữa ngàn hoa khoe sắc thắm…
Không thắm bằng em thoáng thẹn thùng!

Dư Thị Diễm Buồn



Làm Gì Đây? Mùa Chay Đến Rồi

          Trong thời gian lập nghiệp tại tiểu Bang Louisiana, chúng tôi đến chơi New Orleans nhiều lần, tuy nhiên chỉ 2 lần trong dịp Mardis Gras. Lễ hội Mardis Gras ở New Orleans quá nổi tiếng, kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng cho đến tận ngày thứ Ba, một ngày trước ngày lễ Tro trong tháng 2, bắt đầu cho mùa lễ Phục Sinh.

Du khách các tiểu bang đỗ dồn về thành phố nổi tiếng của nhạc Jazz và ẩm thực Cajun & Creole với các món ăn đặc biệt như: Boiled Crawfish + Crawfish Étouffée, Gumbo, Poboy, Blackened Fish, Boudin & Sausage, Jambalaya, Fried Catfish & Hush Puppy, Beignets & Pecan Pie…Đặc biệt là cái bánh King Cake có hình vòng tròn khá lớn, 3 màu vàng, tím và xanh tươi, và một tượng nhỏ biểu hiệu cho Baby Jesus bên trong mà nếu người nào ăn miếng bánh có tượng đó sẽ nhận thêm một món quà trong buổi tiệc hôm ấy. Hai con đường chính Canal và Bourbon luôn tấp ngập xe và người, nhất là trong những giờ có các đoàn parades với những chiếc xe trang trí đẹp mang tên từng vùng, từng thị xã của Louisiana với những người đứng trên xe quăng những xâu chuỗi beads đủ màu sắc rực rỡ xuống cho dân chúng đứng hai bên đường, các marching bands với kèn trống, hay các đoàn vũ công và nhạc trong những trang phục kỳ dị, đặc biệt của một lễ hội Carnaval, dấu mặt sau những khẩu trang đủ hình thù, lớn nhỏ, màu sắc khác nhau…

Càng về khuya người đi bộ càng đông, uống bia rượu công khai thả dàn, ốn ào la hét náo nhiệt, tụ tập nhiều nhất ở con đường Bourbon, vì nơi đây luôn xẩy ra những hành động vi phạm thuần phong mỹ tục như đứng đái ngay bên đường, thách đố cởi bỏ áo quần giữa những kẻ đứng trên balcon khách sạn và những người đứng dưới đất. Vì vậy, du khách cũng nhìn thấy có vài nhóm nam nữ tu sĩ đứng ở các góc đường với tấm biểu ngữ như “Hãy Sám Hối” hay “Xin Chúa Tha Tội Cho Chúng Sinh”… Tinh thần ngày Mardi Gras, còn gọi là Fat Tuesday – hay là thứ Ba Béo - dù được nghĩ đến như một ngày ăn thật nhiều, bù trừ cho ngày hôm sau phải nhịn ăn – nhưng dần dần trở thành một diễn tiến mang tính chất thương mãi và ăn chơi bừa bãi.

Thật vậy, khi con người chú trọng quá lố vào vật chất, họ có thể quên đi tinh thần chính của 40 ngày trong mùa Chay: tự chế ăn ít đi cho thân thể nhẹ để dễ dàng thức tỉnh, dọn tâm hồn mình trong sạch, thanh tẩy những thói hư tật xấu của mình, ăn năn hối cải, cải hóa chính mình để nhận biết Chúa đã vì chúng ta mà bị đóng đinh chịu chết trên cây thánh giá, nhưng rồi sau đó chúng ta lại hoan hỷ nhận biết Chúa được vinh hiển sống lại trong ngày Phục Sinh. Thật vậy, ăn Chay- theo ý cá nhân – chỉ là điều kiện tiên khởi cho sư Sám Hối. Sám Hối vô cùng quan trọng trong mùa Chay. Sám Hối là can đảm và khiêm tốn nhận ra những lỗi lầm mình đã phạm, rồi từ đó thành tâm cầu nguyện, đọc kinh ăn năn, xin Chúa tha thứ tội lỗi. Được như vậy, lòng chúng ta sẽ thư thả, tâm hồn chúng ta sẽ được thanh hóa, chúng ta sẽ cảm thấy gần với Chúa nhiều hơn

 Theo tinh thần Công Giáo, ăn Chay được xem như một từ bỏ các thói quen hằng ngày để cố gắng hãm mình hướng về và để tâm nhìn và hiểu sự hy sinh cao quý của Chúa Giêsu dành cho chúng ta và niềm vui của Phục Sinh. Đồng thời, mùa Chay cũng là thời gian cho chúng ta luyện tập và củng cố đức tin luôn được vững mạnh để chuẩn bị đón nhận sự sống thiêng liêng qua sự sống tinh thần bí tích Thanh Tẩy.  Nội tâm được gần gủi với Chúa qua việc dành nhiều thì giờ đọc kinh cầu nguyện, suy gẫm cuộc đời của Chúa Giêsu để nhìn thấy lòng yêu thương và quyền năng của Người. Từ lứa tuổi 14-15 cho đến 60 với sức khỏe bình thường, ăn Chay không chỉ kiêng thịt mà thôi, mà ăn ít lại, mỗi ngày ăn một bữa chính và 2 bửa phụ với khẩu phần nhỏ, không ăn thêm giữa các bửa ăn nói trên. Ngoài ra, người tín hữu nên kềm chế cá nhân mình qua những hãm mình khác. Như: không những ăn ít lại mà nên ăn đơn giản; hạn chế tham dự những cuộc vui chơi không cần thiết hay các tiệc lớn nhỏ, hạn chế uống bia rượu, hút thuốc; hạn chế chửi thề, nói chuyện tầm bậy; bớt thì giờ ngồi lướt face book hay tìm đọc chuyện thiên hạ; tránh gây gỗ, lớn tiếng trong nhà và với bên ngoài; từ bỏ cái chướng của mình, cái sân si cái nóng nảy của mình; luôn thầm đọc câu “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” và “xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”… để mong  mình sẽ có lúc được Chúa ban thưởng cho được an nghỉ ngàn thu bên cạnh Ngài.

Ngoài hãm mình, cầu nguyện riêng hay chung với nhau, chúng ta nên chia sẻ tinh thần mùa Chay với người khác, rao mừng ánh sáng Phục Sinh, phát triển lòng bác ái, thương mến người yếm thế, giúp đỡ kẻ nghèo khó, nghĩ đến chuyện làm việc thiện nhiều hơn – bằng cách tặng tiền cá nhân hay gia đình dành dụm được vì chi tiêu ăn uống giảm trong mùa Chay – rộng rãi hổ trợ nhà thờ giáo xứ, địa phận, và Catholic TVNet Work hay các cơ quan xã hội Công Giáo, như Catholic Relief Services, Caritas…Đồng thời luôn thầm biết những hy sinh nhỏ nhặt, những ủng hộ xã hội nói trên của chúng ta chẳng thể so sánh được với tình thương bao la, ân sũng tràn trề mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong đời này và mãi mãi đời sau. 

Trong ngày Lễ Tro, việc xức tro trên trán chúng ta mang ý nghĩa chúng ta cần ý thức về thân phận mình để sống với thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa và sám hối những lỗi lầm thiếu sót của mình. Vì vậy khi xức tro cho chúng ta, thừa tác viên đọc “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Cũng vì vậy, Hội Thánh Công Giáo dạy mọi tín hữu phải xưng tội và rước lễ ít nhất là một lần, trong Mùa Phục Sinh

Tóm lại, khi mùa Chay đến, mỗi chúng ta cần nhớ và thực hiện 4 điều căn bản sau đây:  

Sám Hối, Ăn Chay, Cầu Nguyện, Làm Việc Bác Ái

          Thân chúc quý độc giả một Mùa Phục Sinh tràn đầy yêu Thương, Bình An, và Hy Vọng.

          CHRIST IN ME ARISES AND I SHALL RISE WITH YOU

 

Vĩnh Chánh

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Tạ Tình - Sáng Tác: Hoàng Thi Thơ - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Sáng Tác: Hoàng Thi Thơ
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng

Đêm Tình Nhân


Valentine!
Valentine! Đêm nay
Nến hồng rực cháy tim con con
Tình yêu hạnh phúc khát khao tròn
Mãi mãi son khuôn trời mộng mị

Đi!
Đến với nhau
Trên con đường không định hướng
Tim bóng bay ngưỡng mộ Ngày Tình Nhân

Quên thế sự
Đôi tình chung bước
Trước muôn người nhưng chẳng thấy được ai
Đêm sẽ dài…ngoài kẻ say yêu tha thiết

Đôi mắt biếc
Ngời sao đắm đuối
Lỡ ghé môi cuối mặt thẹn thùng
Vùng trời đất kỳ hoa dị thảo
Tỏa hương quen chao đảo con tim

Chân tìm bàn chân dìu bước nhung êm
Xao xuyến môi mềm tươi giọng nói
Nói gì đây!?
Bằng tiếng lời rất nhẹ

Hỡi kẻ yêu nhau
Đêm hoa đăng
Đêm nhân thế ngọt ngào
Chào đón đôi tình nhân trao ý vị

Đi!
Đến bên nhau
Ngàn đóa hồng sắc màu lạ lắm
Câm lặng mắt nhìn nhau say đắm
Valentine! Nắm thời gian dừng lại
Hai mái đầu tình thắp ngọn lung linh

Kim Phượng

Gối Mộng!

  


Trên cánh gió gửi mùa mong với đợi
Vượt thời gian diêu vợi đến người mơ
Hạnh phúc hòa khi tim cùng nhịp thở
Tình trăm năm thôi trăn trở sầu thơ

Đêm bơ vơ ánh nguyệt nhờ gối mộng
Hương yêu nồng trăng bóng tựa kề nhau
San sẻ nỗi đau trao những ngọt ngào
Tình như đã ngàn sau không mờ xóa.

Mười Bốn Tháng Hai vườn xuân mở ngõ
Nắng vàng thơm ngan ngát đóa hoa hồng
Xuyến xao lòng khát khao hồn lắng đọng
Valentine thì thầm… yêu lắm biết không!

Kim Oanh
14.2.2024

Ngày Tình Yêu

 

Lòng như cuối buổi sương đầy núi
Thơ cũng vẹn tròn chuyện nắng mưa
Tình nghĩa trọn tình trang giấy mới
Đường chiều êm ấm bước chân khuya

Ngày của Tình Yêu mùa của tình
Hình như Xuân đến ngó loanh quanh
Ngày Đông đã tạt qua bờ sống
Tình vẫn lung linh nghĩa mãi xanh

Áo bạc lòng son chẳng bạc lòng
Bốn mùa hoa thắm giữa mênh mông
Tình yêu đẹp mãi muôn ngàn thuở
Trăng nước vẫn đầy trăng nước trong

Có được tình em đời tuyệt vời
Nhìn trời bàng bạc áng mây trôi
Viết bao nhiêu cũng chưa đầy giấy
Mùa của tình yêu thêm nỗi vui

Thơ tặng người thương cả bốn mùa
Chung đường chung lối bước sau xưa
Ngày Tình Yêu đến dài vô tận
Bát ngát hương đời đẹp cõi thơ.

Ngày 14/02/2023
Hoa Văn

Hôm Nay Ngày Tình Nhân

 

Hôm nay hoa nở thật nhiều
Ngày tình yêu đến nhạc chiều du dương
Bó hồng xin tặng người thương
Tình như viên kẹo đậm hương ngọt ngào.

Valentine chấp cánh bay cao
Để em chải chuốt bước vào ái ân
Tay ôm giữ lấy tình gần
Đôi môi ngọt lịm thơm ngần hương hoa.

Thắp ngọn nến sáng chói lòa
Duyên tình sống lại thật thà yêu nhau
Tuổi xuân dù bước qua mau
Tuổi già ở lại trước sau chung tình.

Ngày tình nhân chuyện chúng mình
Tặng em cả chuyến hành trình có đôi
Cùng em đến cuối chân trời
Từng đêm yên giấc mơ đời sang xuân.


Lê Tuấn
Viết cho ngày tình nhân
Valentine February 14. 2023

Lễ Hội Tình Yêu Viễn Xứ!

  

Viễn xứ mới biết Tình Yêu đã trở thành Lễ Hội!
Tha hương mới thấy Tình Người vang dội muôn nơi!
Hòa nhịp với Ngày Tình Nhân mà chẳng nói nên lời!
“Tây Phương Cực Lạc Thế Giới”! Có phải cuộc đời miền này như thế?

Tình Yêu bất diệt dù dâu bể
Quý mến còn hoài dẫu đổi thay!
Yêu quê nghèo, yêu lúa gạo, mừng được bát cơm đầy!
Yêu bác nông phu cần cù, chất phác nuôi bầy con khoai củ!

Yêu nàng thôn nữ nhọc nhằn, vất vả mà vẫn cười trong mưa sa, nước lũ!
Yêu mẹ quê lụm cụm ngoài hiên, cũ kỹ, đơn sơ!
Tiếng ru làm tỏ trăng mờ!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 14/02/2023

Hãy Coi Nhau Như Tình Nhân



Viết cho Ngày Tình Nhân 14 tháng 2

Mình hãy coi nhau đêm nay như tình nhân
Hãy coi tuổi nhau như vừa đôi tám
Hãy gợi lòng mình như vừa biết yêu đương
Anh sẽ cho lui dòng thời gian
Để thấy em xinh đôi má hồng
Môi thoáng cười trong giao mắt đầu tiên
Anh sẽ bắt thời gian dừng lại ở
Giây phút đợi chờ anh cầm lấy tay em

Chúng ta đã bên nhau trong cuộc hành trình
Dài một phần tư thế kỷ
Cuộc hành trình nào mà chẳng có gian truân
Chúng ta chẳng cần quên
Nhưng chúng không phải nhớ
Những khúc sông sóng ngầm
Những chặng đường sỏi đá
Trong cuộc đời lứa đôi

Chỉ biết hôm nay
Chúng ta đang đứng ở bình nguyên của mối tình
Trong một chiều nắng đẹp
Chúng ta sẽ tay trong tay đi quãng đời còn lại
Chúng ta sẽ tô thắm tuổi già bằng tâm hồn tuổi trẻ
Nên xin em đừng ngại
Thời gian sẽ ghi dấu vết nhăn
Thời gian sẽ điểm sương mái tóc
Chúng ta mãi mãi là hai con chim non
Hót cho mùa xuân bất tận

Chúng ta sẽ mãi mãi không già
Nếu chúng ta mãi mãi
Vẫn đêm đêm coi nhau như tình nhân
Vẫn coi tuổi nhau như vừa đôi tám
Vẫn gợi lòng mình như vừa biết yêu đương

Trang Châu

Valentine Nhớ

 

Chiều nay hái mớ hoa hồng
Gai đâm nhỏ máu tình nồng nhớ thương
Vẫn biết chẳng thoát vô thường
Vẫn biết sẽ mất, vẫn thương yêu hoài!
Hoa hồng đem cắm vào bình
Yêu anh, yêu lắm tình mình thiên thu
Lễ Tình yêu đến rồi anh
Hái hoa hồng thắm nhớ anh quá chừng!

Quách Như Nguyệt

Valentine Day

 

Chúc lứa đôi "mười bốn tháng hai"
Ngày yêu thương, lễ Valentines
Sắt Cầm hảo hiệp, Oanh cùng Yến
Loan Phụng hòa minh, Trúc với Mai
Tri kỷ tri âm vui mãi mãi
Đồng thanh đồng nhịp sướng dài dài
Thủy chung gắn bó như Sam biển
Đầu dẫu bạc, tình vẫn chẳng phai


Nhất Hùng

Đóa Hồng Valentine

 

Đóa hồng trao tặng chúc mừng nhau
Là cả trời yêu đẫm ngọt ngào
Để thấy niềm vui lay bóng nguyệt
Và nhìn hạnh phúc tỏa gương sao
Thế nhân say tỉnh cuồng tơ thắm
Thời sự đảo điên rối chỉ đào
Ngày Lễ VALENTINE ấy dịp
Hâm tình ấm áp mãi ngàn sau.

Phương Hoa
Feb 14 Valentine

Tháng Hai Tình Yêu

 

Tháng Hai chở người yêu
Theo dòng đời yên vui
Thời gian đi rất khẽ
Không gian mừng nâng niu
Lễ tình nhân hạnh phúc
Mùa ái ân nuông chìều
Ngọt ngào lên môi mắt
Hai trái tim cùng yêu
Bao Xuân đi rồi đến
Mấy độ Hè Thu Đông
Anh và em vẫn thế
Luôn cho nhau mặn nồng
Hành trình dài ghi khắc
Kỷ niệm riêng đôi mình
Tháng Hai còn nối tiếp
Tình đẹp mãi nhé anh


Dương Việt-Chỉnh 
 14/2/2023

Chúc Mừng Valentine

 

Chúc anh chị mười bốn tháng hai
Ngày lễ Tình Yêu Valentine
Ấm áp vui tươi, nhiều hạnh phúc
Rượu nồng hoa thắm, tay trong tay

Đồng tâm, đồng ý quanh ngày tháng
Tri kỷ tri âm như trúc mai
Tình đẹp như mơ dù tóc bạc
Tháng rộng năm dài chẳng nhạt phai

Ngọc Hạnh

Tình Nhân

 

Xướng:

Tình Nhân

(Chiết Tự Khoán Thủ)

Ta đã cùng nhau trải tháng ngày
Ì xèo Loan Phụng hưởng nồng say
Như tình biển hẹn bơi đều nhịp
Hay nghĩa non thề nắm chặt tay
Nóng Hạ, uống trà khi nắng trải
Hàn Đông, nhấp rượu lúc mưa bay
Ân ngời ái trọng, mong bền vững
Ngày Lễ Lứa Đôi hạnh phúc thay!

Duy Anh
Valentine's Day.
***
Họa:

Tình Nhân


(Chiết Tự Khoán Thủ)

Tình ta sâu đặm mãi theo ngày
In hệt men nồng thấm thía say
Nực ngát hương Xuân,ngời ánh mắt,
Hừng tươi sức sống,ấm vòng tay
Ngất ngây chồi nụ tưng bừng nở,
Háo hức yến oanh rộn rã bay...
Ân sủng trời ban cho cõi thế,
Nồng nàn tình ái,đáng yêu thay!

Thanh Hoà
 

Ngày Tình Nhân

 

Nếu có thật Ngày Tình Nhân
anh sẽ tặng em những ngàn năm còn lại
trái đất mãi quay bao vòng tay tình ái
để những mai này còn có nụ hôn môi...

Chẳng lẽ hôm qua đã trôi không còn nữa
một góc đời chưa cảm nhận cuộc tình mau
đã vội hững hờ chừng như đã hết
chỉ mình thôi tiếc nuối bóng ngày sau

Điều gì để em tin tình yêu có thật
bởi một đời trôi lặng lẽ trái tim còn
nhịp đập bình thường, nhịp đập bình yên
như mây trắng ngàn năm mây trắng

Nếu có thật Ngày Tình Nhân
anh sẽ tặng em những gì em muốn
dù một lần, một lần trong yên lặng
môi đợi bờ môi khép vội phù vân...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long


Lâu Đài Tình Yêu (Love Castle)

 

Vùng Hoa Thịnh Đốn năm nay được thiên nhiên ưu đãi, mùa Đông chỉ có vài trận tuyết nhỏ so với những năm trước. Tháng 2 có ngày đến 60 độ F, nắng vàng tươi và ấm áp như mùa Xuân. Tháng này trong siêu thị những hộp kẹo bánh hình trái tim bày la liệt và nơi bán hoa cũng đính kèm cái thiệp nho nhỏ có hình trái tim trên các chậu hoa xinh đẹp.Thiên hạ chuẩn bị cho ngày Lễ Tình Yêu (Valentine) sắp đến, ngày 14/2.


Nói đến Lễ Tình Yêu tôi nhớ anh chị Thuần, Ray ở Ottawa, bạn của nhà tôi đã đưa cô bạn và tôi viếng Lâu Đài Tình Yêu ở Heart Islands, vùng Ngàn Đảo (Thousand Islands). Lâu đài tráng lệ, cổ kính và rộng lớn có nhiều khách đến viếng thăm thuộc mọi lứa tuổi, và quốc tịch khác nhau. Từ Ottawa anh chị lái xe đến vùng Ngàn Đảo cách nhà khoảng 2 tiếng, mướn tàu xem các đảo trong vùng, sau cùng là Heart Island, xem Lâu Đài Tình Yêu của ông Boldt. Lâu đài này tôi đi viếng hụt một lần với nhóm bạn. Biết bến tàu Thousands
Islands ở vùng đó nhưng chạy tới chạy lui, tìm mãi không thấy bến, xe không có bảng chỉ đường nên quay trở về khách sạn. May là anh chi Thuần, Ray cho đi thăm.

Love Castle rộng lớn giống như kiến trúc thời Trung cổ, vách đá, lầu tháp hình tròn, nóc nhọn cao vút giống như lâu đài vua chúa Âu châu. Chung quanh lâu đài có sân cỏ, cây kiểng xanh tốt, vườn hoa, tượng điêu khắc mỹ thuật, hồ nước vòi phun ở sân sau. Tất cả được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận. Nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát đó đây trong khuôn viên lâu đài. Khách thăm viếng có thể nghỉ ngơi, trốn nắng dưới bóng cây sau khi đi

bộ mỏi mệt. Khu picnic lát gạch đỏ, các bàn và băng gỗ xinh xắn để rải rác trong sân cỏ. Chúng tôi ăn trưa dưới bóng tàng cây, thưởng thức các món ăn do anh Ray chi Thuần mang theo vừa nhìn ngắm người đi lại chung quanh.

Từ nơi ăn trưa chúng tôi thấy The Boldt Yacht House sơn màu đỏ thẫm nổi bật trên nền trời xanh xa xa phía trước. Boat House ngày xưa chứa những chiếc Yacht và houseboat chủ nhân. Gian nhà chính cao 64 feet, chứa được thuyền có cột buồm cao. Các cửa Boat House to và nặng, phải dùng máy điều khiển khi đóng hay mở.Sát cạnh boat house có nhà cho nhân viên sửa chữa lâu đài cư ngụ. Bên phải lâu đài, từ cầu tàu nhìn lên có kiến trúc khác, nhỏ hơn lâu đài chính, cũng vách đá, tháp tròn, nóc nhọn, có tên là ”Mini Castle” hay Clock Tower. Chung quanh Mini Castle toàn là nước. Cầu đá hình vòng cung nối đất liền và lâu đài nhỏ xinh xinh. Có người bảo chủ nhân đọc sách nơi đó, người bảo chủ nhân làm chỗ nghỉ ngơi. Chị bạn và chị Thuần lên cầu đá vào bên trong lâu đài nhỏ cùng một số du khách, tôi đứng chờ bên đất liền. Boldt Castle gồm 5 kiến trúc tất cả: Power House,The Henry, The Arch, The Alter House và The Stone Gazebo. Mỗi dinh thự kiểu xây cất và diện tích to, bé khác nhau.

Chúng tôi vào thăm lâu đài chính tráng lệ, tỉ mỉ nhưng một phần tầng lầu chót chưa hoàn tất. Lâu đài có tất cả 6 tầng, tính từ mặt đất đến các tháp hình tròn, 120 phòng, hồ bơi trong nhà (indoor swimming pool), thang máy. Hành lang rộng rãi, các giỏ hoa treo tòn teng dọc theo hành lang. Lâu đài có 365 cửa sổ. Đứng ở cửa sổ nào cũng có thể thấy một khoảng cây cỏ trời xanh nước biếc và sân cỏ, vườn hoa dưới mặt đất. Bước chân vào lâu đài như đi lạc vào thế giới của thời Trung cổ với tranh ảnh quý, màn cửa, bàn ghế đẹp, đắt tiền. Phòng ăn quá rộng rãi, trang trí huy hoàng, nơi chủ nhân có thể yến tiệc linh đình với hàng trăm thực khách, cả trăm gia nhân, người giúp việc. Theo tài liệu ở thư viện lầu I, ông Boldt đã có tình yêu thật đẹp, lãng mạn nhưng kết cuộc bi thương làm ông phiền não và lâu đài không hoàn thành trọn vẹn như sự mong muốn chủ nhân.. Được biết ông George C Boldt, người nước Prussia đến Mỹ lập nghiệp lúc còn thanh niên. Ông thành công trong lãnh vực kinh doanh, làm chủ tịch các công ty và giám đốc ngân hàng, có nhiều khách sạn ở New York và Philadelphia.

Chuyện tình của ông cũng đặc biệt, hiếm có. Năm 26 tuổi, lúc sự nghiệp còn khiêm nhường, ông yêu say đắm cô gái 16 tuổi. Tưởng như hôn nhân khó thực hiện vì cô gái còn quá trẻ. May mắn thay ông cưới được người ông vô cùng yêu thương. Người vợ xinh đẹp, tuy còn trẻ nhưng đảm đang luôn bên cạnh ông như người cộng sự đắc lực, giúp ông làm việc không mệt mỏi, thành công và khuếch trương sự nghiệp, tài sản càng ngày nhiều thêm.

Ông yêu vợ vô cùng, định tặng người vợ yêu quý món quà tình yêu, đặc biệt, bền bỉ với thời gian như tình yêu bất diệt của 2 người. Ông mua hòn đảo lớn nhất trong Ngàn Đảo (Thousand Islands) là Hart Island, đổi tên thành Heart Island, xây lâu đài với vật liệu ngoại quốc, kiến trúc đặc biệt huy hoàng, vừa tráng lệ, vừa chắc chắn, đặt tên là” LOVE CASTLE”. Lâu đài đẹp như cung điện là món quà quý báu ông tặng bà Louise Boldt, người vợ thân thương để ghi dấu tình yêu bất tận của 2 người. Lúc lâu đài sắp hoàn thành, năm 1904 bà Louise qua đời vì bệnh tim lúc bà còn 1 tháng mới đủ 42 tuổi. Chủ nhân lòng dạ tan nát, vô cùng phiền muộn, điện ra đảo cho 300 công nhân ngừng nghỉ công việc xây cất. Ông không thể tiếp tục xây lâu đài khi người vợ yêu qúy vĩnh viễn ra đi. Tất cả mọi người thu xếp hành trang, dụng cụ, trở về đất liền. Bao nhiêu đồ dùng trang trí như tranh, thảm, đá dùng làm cột và sàn nhà, bồn tắm... mua từ ngoại quốc như Ý, Pháp bỏ phí cho mưa, tuyết, nắng, gió làm hư hại. Từ đó không ai, kể cả ông Bold trở lại lâu đài.

Việc xây cất dở dang, lâu đài bỏ hoang phế cho đến năm 1977 tức 73 năm sau, hãng Thousand Islands Bridge mua lại tiếp tục công trình, tân trang, phục hồi lâu đài thêm sinh động tươi vui, trồng cỏ, cây, hoa lá thành địa điểm du lịch với mọi tiện nghi, thu hút du khách ngày càng đông đảo. Hãng dự tính dùng tiền bán vé để bảo trì, gìn giữ lâu đài mãi xinh đẹp như một di tích lịch sử cho các thế hệ mai sau. Ngày nay tầng một của lâu đài dùng như bảo tàng viên, trưng bày hình ảnh từ lúc ông Boldt mới mua đảo và lúc bắt đầu xây cất, các quyển sách nhỏ nói về sự nghiệp, tình yêu vô cùng của ông đối với người vợ vừa xinh đẹp vừa đảm đang, nguồn cảm hứng của ông trong việc kinh doanh ngân hàng, khách sạn. Con đường từ bến tàu vào lâu đài, các nơi picnic được lát gạch sạch sẽ, có nơi bán thức ăn và quà lưu niệm theo dọc đường đi. Trong lâu đài có lối đi dành cho người tàn tật, nhà vệ sinh. Du khách viếng lâu đài có thể nghỉ ngơi thoải mái trong khi chờ đợi tàu đến đón về đất liền. Phương tiện di chuyển dễ dàng bằng các thuyền máy hay tàu lớn, nhỏ hoặc các water taxi.

Thì giờ có hạn, chúng tôi không thăm viếng hết các nơi trong lâu đài như con đường hầm dành cho ngườì giúp việc đi ,lại từ chỗ ở của họ đến lâu đài hay các hồ bơi trong nhà… Boldt Castle mở cửa cho công chúng thăm viếng vào giữa tháng 5 đến giữa tháng 11, lúc khí hậu ôn hòa, cỏ hoa tươi đep… Trên đường về nhà anh chị T, R và tôi lẩn thẩn nghỉ đến sức mạnh của tình yêu, và sự quan trọng ngườì vợ trong sư nghiệp các đấng “ phu quân”, từ vua đến thường dân. Ngày xưa khi Bằng Phi mất, vua Tự Đức trong bài “Khóc Bằng Phi” viết:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi….

Ông Boldt tay trắng làm nên sự nghiệp, thông minh, tính toán giỏi, nhưng người vợ yêu quý đi về cõi vĩnh hằng, ông chẳng màng đến tiền của, sự nghiệp, hay công trình xây dựng có thể lưu danh ông đến hậu thế. Nay Lâu Đài Tình Yêu (Love Castle) huy hoàng, tráng lệ, có thể tồn tại hàng thế kỷ như chứng tích chuyện tình buồn và lòng thương yêu vợ vô bờ bến của nhà kinh doanh tài ba. Lâu đài xinh đẹp và sự thủy chung của ông Boldt sẽ được truyền tụng, nhắc nhở mãi mãi đến các thế hệ sau…

Virginia
Ngọc Hạnh