Cái tin thiên tài ký giả thể thao Huyền Vũ Nguyễn văn Nhung ra đi quả là một cái shock mãnh liệt trong lòng hầu hết mọi người Việt Nam mộ điệu bóng tròn ở trong nước cũng như hải ngoại nhất là đối với những người ở vào lớp tuổi tri thiên mệnh trở lên như tôi, vì vào hai thập niên 50, 60 Huyền Vũ là một niềm hãnh diện cho làng bóng tròn của miền Nam ngày xưa.
Thực vậy cứ xem những bài viết thương tiếc ông của một số ký giả nhà văn tiêu biểu như Phan Trần, Vũ Đức Vinh, Nguyễn Thiện Ân, Văn Quang, ... thì đủ biết. Ngoài ra, có người như họa sĩ Trịnh Cung còn phát ngôn rằng: “ Huyền Vũ là một thiên tài mà trăm năm trước không có và trăm năm sau chắc cũng chưa có luôn“. Tôi khoái nhận xét của ông họa sĩ nầy vô cùng và hoan nghênh ông cả hai tay lẫn hai chân. Có ông nhà văn Thái Phương còn có can đảm bày tỏ tâm tình là ông mê Huyền Vũ còn hơn cả đấng bề trên ở nhà. Cái nhà ông Thái Phương nầy thiệt là gan cùng mình dám giỡn mặt với …nữ chính quyền.
Nói không cường điệu chút nào là trong bất cứ trận đá banh, nào dù chỉ ở vòng loại mà thiếu giọng tường thuật từ thao trường của Huyền Vũ thì cuộc giao đấu ấy sẽ mất đi hào hứng và sự lôi cuốn rất nhiều. Thêm vào đó, những bài bình luận túc cầu của ông thật sắc bén chính xác và nhất là vô cùng khách quan. Tên tuổi của Huyền Vũ đã gắn liền với bộ môn túc cầu ở miền Nam trong suốt 24 năm, và giọng nói của ông không thể thiếu trong môn chơi thể thao được ưa chuộng nhất nước và cả thế giới.
Cách đây hơn 4 năm, nhân đọc bài của ký giả Lô Răng và nhà văn Phạm Thăng vinh danh ký giả Huyền Vũ, tôi cũng có ý nghĩ là cũng phải viết đôi dòng để bày tỏ lòng cảm phục và say mê của tôi đối với vị ký giả tài ba lỗi lạc nầy (say mê bằng với bà xã chứ không dám hơn như nhà văn Thái Phương đâu). Nhưng rồi cứ nay lần mai lựa rồi chìm vào quên lãng để hôm nay thì đại lão tiền bối Huyền Vũ đã ra đi làm tôi thấy hụt hẵng và ân hận vô cùng. Thôi thì dù có muộn màng nhưng tôi phải viết ra đây lòng ngưỡng mộ và quý mến một thiên tài tường thuật bóng tròn như một nén hương lòng để tưởng niệm ông.
(Huyền Vũ - Nhật 1958)
Trở về thời gian thập niên 50-60, tôi dám đánh cuộc rằng cả nước Việt Nam Cộng Hòa từ Bến Hải cho tới Cà Mau, không ai là không say mê nghe những lời tường thuật bóng tròn thật hào hứng sôi nổi của Huyền Vũ. Riêng tôi thì lúc đó còn là “học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô” tại Mỹ Tho cách xa Sài Gòn 70 km thì dễ gì mà lên tới thủ đô coi đá banh. Nhưng không sao đã có Huyền Vũ giúp tôi nghe bằng ... tai thì cũng sướng quá cỡ rồi. Cứ mỗi lần nghe bản nhạc hiệu mở màn quen thuộc (một bản nhạc hùng của Pháp) trước khi trực tiếp truyền thanh trận đấu là lòng tôi nao nức hân hoan rộn ràng nhào tới ngồi bên cái Radio là để chuẩn bị ... nuốt từng lời nói của Huyền Vũ. Ăn uống, bài vở... hả? Dẹp sang một bên. Nghe đá banh trước đã, rồi mọi việc tính sau cho dù có muộn màng.
Tưởng cũng nên nói rõ là bóng tròn là bộ môn thể thao được ưa chuộng nhất tại Việt Nam và hơn thế nữa qua giọng tường thuật thật hấp dẫn sôi động của Huyền Vũ, nó lại càng trở nên thôi thúc dồn dập hơn. Cho tới bây giờ khi viết những dòng chữ nầy, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng nói linh động “phù thủy” của ông đang tường thuật trận đá banh. Ngay cả các ký giả thể thao quốc tế chuyên nghiệp lương cả triệu đô la một năm mà tường thuật các trận banh FIFA World Cup, UEFA Euro League, UEFA Champions League cũng không thể sánh bằng Huyền Vũ của chúng ta, giọng của mấy ông nầy monotone thấy bà chứ đâu có đầy xúc cảm, khích động và dồn dập như Huyền Vũ. Huyền Vũ nói y như là ông đang tả xông hữu đột trên sân cỏ.
Giọng ông lúc trầm lúc bổng, khi nhanh khi chậm, khi náo nức khi nhịp nhành... làm thính giả hồi hộp say sưa theo dõi từng phút và nhất là khi một cầu thủ tiền đạo sút trước khuôn thành địch thì ông nhập vai la to “ và thắng bàn…” lên làm ai nấy như nín thở theo ông. Lối tường trình sống động đặt hết linh hồn của ông làm người nghe cứ tưởng như đang được xem một trận banh thực sự trước mắt mình với những pha đi bóng ngoạn mục của cầu thủ hai đội. Tôi biết có nhiều người khi nghe ông nói khích động quá tới độ cũng muốn quơ chân đá trái banh tưởng tượng. Chúng ta hãy thử nghe một đoạn tường thuật của ông trong trận đấu giữa hai đội AJS (Association de la Jeunesse Sportive và Cảnh Sát tại sân Tao Đàn một thời:
“Hiếu nhận được banh trả vào giữa cho Myo(Hồ), Myo đem banh lên, đem lên vượt qua khỏi lằn vôi giữa sân, Trạch chạy theo truy cản, Myo phóng banh xuống cánh phải cho Pierre(Nhung), Pierre tung người chạy nhanh thoát qua khỏi Waico xuống tận lằn vôi cuối sân rồi đưa banh cao lên cho Thách(tục danh thuật sĩ), Thách tranh banh cùng Ngầu và dùng đầu chuyền banh cho Mỹ(tục danh Cọp Bay Đông Nam Á) - lúc này thì ông nói thật nhanh và lớn - và Mỹ sút cú sát thủ giản (bắt volet) chéo gốc khung thành và ...THẮNG BÀN trước sự ngơ ngác của Quý (thủ môn). Kính thưa quý vị, chúng tôi đang ở phút thứ 32 của hiệp nhất và Mỹ vừa tung lưới Quý mở tỷ số 1-0 cho đội AJS. trước đội Cảnh Sát…”
Thôi thì cả triệu trái tim trên toàn quốc đang nín thở theo dõi bỗng trở nên òa vỡ xôn xao ầm ĩ bàn tán mà không sợ “làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi” vì thực ra “cái thằng hàng xóm” cũng đang say sưa chúi đầu vào cái radio để nghe... Huyền Vũ tường thuật đá banh, và chính nó cũng đang la hét còn to hơn mình nữa. Về văn phong đá banh, Huyền Vũ đã sử dụng những ngôn từ thật độc đáo và tượng hình như: -Chuyển bại thành thắng (đội banh đang thua rồi vùng lên thắng lại)
- Chém đinh chặt sắt (đội đá rát đá bạo)
- Cắn răng ngậm thẻ (đội cố thủ)
- Chạy mau đá lẹ
- Lên công về thủ (để chỉ đội banh có hàng công và hàng phòng ngự thật đều)
- Lưỡng thủ vạn năng (ám chỉ thủ môn lỗi lạc Phạm văn Rạng)
- Thuật sĩ (ám chỉ Thách, hữu nội đội AJS)
- Mũi tên vàng (ám chỉ Tư, tả biên đội Cảnh Sát)
- Cầm chân (đội underdog thủ hòa đội favorite)
- Đè bẹp (đội thắng với tỷ số cao)
- Banh ra ngoài trong đường tơ kẻ tóc
- Đâu lưng ra về (chỉ hai đội ngang tài sức hòa nhau)
- Chỉ còn 5 phút phù du nữa thôi - Phóng mình lên đấm banh ra ngoài cứu một đường thu trông thấy (ám chỉ thủ môn cứu nguy)
(Huyền Vũ - Đức 1959)
Nếu trong tân nhạc, người ta thường cải biên nhạc của Lam Phương thì trong bộ môn bóng tròn, chúng tôi cũng sửa lời của Huyền Vũ để chọc phá bạn bè đá banh như là: - chuyển bại thành thắng thì chúng tôi gọi là chuyển bại thành xụi
- Chém đinh chặt sắt thì gọi là cán đinh đạp sắt
- Lên công về thủ là lên công về thở
- Chạy mau đá lẹ là chạy mau đá bậy
- Lưỡng thủ vạn năng là lưỡng thủ vạn dâm
- Cắn răng ngậm thẻ là cắn răng ngậm đường thẻ Ngoài ra, Huyền Vũ còn có một khả năng thiên phú là trí nhớ siêu việt. Tên các cầu thủ. Các cầu thủ Á Châu như Diêu Trác Nhiên, Mạc Chấn Hoa, Hoàng Chí Cường, La Bắc, Bao Cảnh Hiền ... của các đội Nam Hoa, Autobus Cửu Long thì ông nhớ đã đành đi vì dù sao họ cũng da vàng dễ nhận dạng chứ còn tên các cầu thủ Âu Châu như Johanson, Ekhard, Ericson, Gustafan... của các đội cầu Djugarden (Thụy Điển) Viener (Áo)... thì thằng nào cũng tóc vàng mũi lõ mắt xanh giống y nhau mà ông vẫn thuộc vanh vách, nói trơn tru thì nhà em xin chào thua ông.
Ngày xưa khi tùng sự tại Tòa Hành Chánh tỉnh Bình Thuận, tôi biết một cô nhân viên thuộc quyền tên Nguyễn thị Lợi là em ruột ký giả Huyền Vũ nên nhiều lần tôi bảo cô là nếu bác Huyền Vũ có về thăm nhà thì nhờ cô báo cho tôi biết để tôi được vinh hạnh đến chào hỏi và làm quen bậc thiên tài mà tôi hằng ái mộ. Cô Lợi ừ à mà sau đó chẳng thấy Cô kêu réo gì cả. Có thể là Huyền Vũ quá bận rộn nên không về thăm nhà được hoặc giả cô Lợi sợ nhà cô tấp nập các fans của ông anh mà lờ đi chăng. Tưởng cũng nên nói thêm là ông có người con trai là Nguyễn Quốc Bảo, một thời là thủ môn đội tuyển VNCH người được xem là kế nghiêp thủ môn Phạm văn Rạng.
Hôm nay viết đôi dòng trước hết bày tỏ lòng thương tiếc và khâm phục đại lão tiền bối kỳ tài Huyền Vũ và sau nữa hồi tưởng lại một thời “bóng tròn xôn xao“ của cả miền Nam thân yêu chúng ta. Huyền Vũ đã ra đi nhưng giọng nói thu hút truyền cảm của ông vẫn còn mãi mãi trong lòng người ái mộ.
Thưa bác Huyền Vũ, xin Vĩnh Biệt Bác, một ánh sao Bắc Đẩu trong ngành truyền thông thể thao đã rơi. Toronto, Sept. 10 , 2005 Nguyên Trần Huyền Vũ, vần thơ ngưỡng mộ
Huyền Vũ vua tường thuật đá banh
Cà Mau Bến Hải vốn lừng danh
Đội banh lớn nhỏ người đều biết
Cầu thủ dở hay ông cũng rành
“Ngậm thẻ cắn răng” team tử thủ *
“Chạy mau đá lẹ” toán công thành*
Ngoài ra ông cũng là cây viết
Phân tích thể thao rõ ngọn ngành
Phóng…đại viên Nguyên Trần
(Viết trong niềm tiếc thương đại ký giả bóng tròn Huyền Vũ)
* Những ngôn từ trên sân cỏ của tiền bối Huyền Vũ