Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Câu Đối: Vu Lan Tân Sửu

 

Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày Kim Oanh

Vu Lan Cài Hồng Trắng


Thắp nén tâm hương, nhớ ngút ngàn
Cầu siêu Cha Mẹ lễ Vu-Lan
Lòng con thẩm thấu lời kinh hiếu
Phụ mẫu tương thông cõi Niết Bàn
Dưỡng dục ân sâu như đại hải
Sinh thành nghĩa nặng tựa hoành san
Cài lên ngực áo bông hồng trắng
Quán tưởng song thân, mắt lệ tràn...

Duy Anh
Mùa Vu-Lan 2021

Thương Nhớ Ba



Thương Nhớ Ba

Dạy con: “Phải học danh ngôn,
Khuyên con đọc, viết, tâm hồn thanh cao,
Nói năng lịch sự, thanh tao;
Thương từng bông lúa, cầu ao, cổng làng…”
Thương Ba, nhìn ngọn khói nhang
Hiểu ra, cúc rụng sân vàng vẫn thương
Thương Ba dạy trẻ vá… tường
Dặn dò: “Mai lớn tìm trường vá… ngu!
Ăn chơi? Của giới thượng lưu!
Của con? Sách vở vui tươi trong đầu!”
Tim đau, viên thuốc buồn rầu
Nhớ Ba, nghe cả thảm sầu về đây!
 
Ý Nga, 
24-2-2014.
-0-

Chân Đất

Quê mùa, mộc mạc Mẹ hiền
Nuôi con vui sướng, muộn phiền Mẹ riêng
Thương thay là phận thuyền quyên
Một đời tần tảo, một duyên vô phần.
Thật thà, chân chất vô vàn
Mẹ đi chân đất, chân con dặm ngàn.

Ý Nga
12.8.2008

Qua Ảnh Nhớ Nhà


Bóng mờ rất tuyệt hiện trên sông,
Đây tím bằng lăng có phải không?
Thấp thoáng êm xuôi con sóng nhỏ
Lênh đênh dờ dật cánh bèo bồng
Khơi lòng lữ khách chiều xuân đến
Nhớ cảnh quê nhà sáng lập đông
Áo lạnh khăn quàng lo thiếu đủ,
Cho con - Mẹ dệt giấc mơ hồng.

Thái Huy
16/8/21

Ngày Lễ Mẹ



Vất vả không nề cực nhọc thân
Thương con lặn lội trải trăm lần
Ngày đông hứng gió môi khô nhạt
Tháng hạ phơi sương tóc bạc dần
Bỏ nước ra đi sầu ngập đọng
Rời làng trốn chạy khổ đầy dâng
Hôm nay Lễ Mẹ buồn tê tái
Thắp nén hương yêu buốt cõi phần

Minh Thuý(Thành Nội)

Dòng Nước Mắt Chảy Xuống



(Viết tặng những ai sẽ, đang và đã làm Mẹ
nhân Ngày Của Mẹ)

Dòng nước mắt bao giờ cũng chảy xuống
Cuốn trôi đi bao phiền muộn cuộc đời
Những sáng mưa hồng, chiều nắng buông rơi
Mẹ nuôi dạy cho đàn con khôn lớn

Mẹ sung sướng nhìn đàn con đùa giỡn
Con bé thơ chạy nhảy rất hồn nhiên
Niềm hân hoan sáng rực mắt Mẹ hiền
Con khỏe mạnh là Mẹ mừng vui lắm

Con đau bịnh, cả bầu trời đen thẳm
Mẹ âu lo theo nhịp thở của con
Mẹ khẩn cầu, Mẹ thức trắng mõi mòn
Dòng nước mắt lại một lần tuôn xuống

Tình người Mẹ lúc nào cũng mong muốn
Con thành công, con hạnh phúc, bình an
Dẫu đôi lần Mẹ ngăn lệ chực tràn
Khi con trẻ đã làm đau lòng Mẹ

Con khôn lớn, với Mẹ, con vẫn bé
Trong vòng tay ấp ủ của Mẹ Cha
Khi cánh chim đã tung cánh xa nhà
Là giây phút tim Mẹ như se thắt

Dòng sữa mẹ là sợi dây kết chặt
Trái tim con, trái tim Mẹ với nhau
Con đau buồn, Mẹ sung sướng được nào
Con hạnh phúc, Mẹ Cha đây hạnh phúc

Ngày Của Mẹ! Hãy cùng nhau cầu chúc:
Người Mẹ già, không nước mắt chảy tuôn
Người con ngoan, đừng làm Mẹ đau buồn
Dòng nước mắt đời đời luôn chảy xuống!

Sương Lam

Cánh Hoa Dâng Mẹ - Thơ TK Thiện Hữu - Nhạc & Tiếng Hát Phạm Cao Tùng


Thơ TK Thiện Hữu 
 Nhạc & Tiếng Hát Phạm Cao Tùng


Lễ Vu Lan

Bài Xướng;

Lễ Vu Lan
 
Ngày Rằm tháng bảy báo thâm ân
Đại lễ Vu Lan đã đến gần
Con thảo...nhớ nguồn... gìn chữ hiếu 
Cháu hiền, thương cội.. giữ lòng nhân
Song thân, phúc thọ...hoa hồng kính
Tổ phụ... hoàng tuyền ...Cúc trắng dâng
Khấn nguyện cao đường nơi cõi phật
Nhẹ nhàng, thanh thản, cảnh phù vân...!

Bạc Liêu/8/7/2021( 1/7âl )
Hồng Vân 
***
Bài Họa:
Đấng Sinh Thành

Đau đáu trong lòng câu báo ân
Vu Lan đại lễ đã kề gần
Song thân yêu dấu đà yên nghỉ
Công đức cao vời mãi ngập dâng
Vẫn nhớ ngày xưa cha dạy nghĩa
Nào quên thuở nhỏ mẹ rèn nhân
Truyền cho con cháu lời răn ấy
Sống tốt dù đời tựa cẩu vân

Sông Thu
(09/08/2021)
 ***
Giấc Chiêm Bao

Viễn khách trau dồi học tứ ân
Nhiều đêm trò chuyện ngỡ như gần
Cha rằng con phải rèn công đức
Mẹ bảo dâu hoài trọng nghĩa nhân
Kê gối trông chờ tâm mải gợi
Giật mình tỉnh thức lệ trào dâng
Vu Lan tháng bảy vào năm trước
Khói mỏng bên rèm quyện áng vân!

Như Thu
08/08/2021
***
Lễ Vu Lan Bồn

Tháng bảy ngày rằm thị mẫu ân,
Vu Lan đại lễ khắp xa gần.
Mục Kiền Liên kết sinh cùng hiếu,
Xá Lợi Phất thành quả với nhân.
Ấm lạnh thần hôn luôn siêng hỏi,
Ngọt bùi hôm sớm phải năng dâng.
Cho tròn hiếu đạo tròn nhân bản,
Chớ để mãn phần ngắm... bạch vân!

Đỗ Chiêu Đức


Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Mãi Làm Bóng Người Thôi - Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh - Ca sĩ: Hương Giang


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh 
Ca sĩ: Hương Giang

Sài Gòn Một Trời Kỷ Niệm



Hai tiếng Sài Gòn cứ vấn vương 
Nhớ từng kỷ niệm rất thân thương 
Nhớ hàng xóm cũ cùng con hẻm 
Nhớ bạn bè xưa một mái trường 
Nhớ buổi nắng mưa luôn bất chợt 
Nhớ ngày hưng phế thật vô thường 
Nhớ trưa giả bộ về chung lối 
Lẽo đẽo theo em suốt quãng đường 

Nhất Hùng

Tâm Thường Lạc


Chẳng biết trời già sẽ gọi ai?
Gìn tâm an lạc suốt đêm ngày
Thị phi đón nhận rồi buông lỏng
Phiền muộn xua tan chớ thở dài
Đừng đếm thời gian dù ngắn ngủi
Thôi tìm quá khứ dẫu chua cay
Đói ăn, khát uống xong thì ngủ
Tứ đại nồng nàn trọn giấc say!

Tứ đại nồng nàn trọn giấc say!
Ru hồn tỉnh mộng nếm bùi cay
Nhiều năm xuôi ngược thân đà mỏi
Bấy thủa tranh đua sức chẳng dài
Thắp đuốc soi đường lòng tỏ rạng
Ngắm gương tìm tánh bụi mờ phai
Thõng tay vào chợ thôi lo lắng
Mặc chốn ta bà tiễn bước ai?

Như Thu

Tưởng niệm 157 Năm Anh Hùng Dân Tộc Trương Công Định

Tưởng niệm 157 năm ngày AHDT Trương Công Định tuẫn tiết 20-8 (1864- 2021)
Anh Hùng Dân Tộc Trương Công Định

Từ năm Tự Đức thứ 11 trở đi, đất nước đi vào khúc quanh lịch sử. Pháp bắt đầu đưa quân xâm chiếm đất nước ta: Tấn công Đà Nẵng (1858), chiếm Gia Định (1859), chiếm Định Tường (1861), Biên Hoà và Vĩnh Long (1862). Một bộ phận đất đai của nước Việt Nam thân yêu lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Nhân dân khổ cực, lòng người ly tán. Nội bộ triều đình Tự Đức phân hoá. Đất nước trên bờ vực thẳm. Ấy thế mà Tự Đức và triều thần lại nhu nhược, không đề ra được một quyết sách nào khả dĩ để chống lại hiểm họa xâm lăng của Pháp, nhằm bảo vệ đất nước. Khiếp sợ trước lực lượng hùng mạnh, vũ khí tối tân của Pháp, vua Tự Đức đã lệnh cho Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Gia Định ký hoà ước với thiếu tướng Hải quân Pháp Bonard đại diện cho Chính phủ Pháp vào ngày 09/5/1862. Hoà ước này được gọi là hoà ước Nhâm Tuất. Thực chất nội dung của bản hoà ước Nhâm Tuất là một văn bản triều đình Tự Đức đầu hàng, mở đường cho thực dân Pháp xâm chiếm đất nước ta.
Thời điểm này, ngọn cờ chống Pháp đã chuyển hẳn sang nhân dân, mà đứng đầu là các nhóm nghĩa quân dưới sự chủ xướng và lãnh đạo của Đỗ Trình Thoại, Phủ Cậu, Thiên Hộ Dương, Quảng Tu, Nguyễn Trung Trực và Trương Công Định. Lực lượng nghĩa quân chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Trương Công Định là đông hơn cả, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chống xâm lăng, gây cho địch nhiều tổn thất.

Trương Công Định sinh năm 1820 tại làng Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trương Công Định sống ở quê hương Quảng Ngãi, mãi đến năm 24 tuổi mới theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định. Tại đây, Trương Công Định lập gia đình với bà Lê Thị Thưởng con gái của một nhà hào phú ở Tân An, Định Tường. Sau khi lập gia đình, ông ở luôn tại quê vợ. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, Trương Công Định đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp. Với công lao ấy, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên người đương thời thường gọi ông là Quản Định.

Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Công Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều để ngăn chặn. Trong quá trình lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, Trương Công Định đã đánh thắng giặc Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây mai… Năm 1860, dưới quyền của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định tham gia giữ đồn Kỳ Hoà, được triều đình phong chức Phó lãnh binh. Sau khi đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông cùng nghĩa binh rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Công Định đã tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho Pháp bị tổn thất lực lượng rất nhiều.

Sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt 03 tỉnh miền Đông Nam Kỳ giao cho Pháp. Triều đình vừa phong ông chức Lãnh binh, vừa buộc ông phải chuyển đi nhậm chức ở An Giang và giải tán nghĩa quân chống Pháp. Trước sự nhu nhược của Tự Đức, Trương Công Định cương quyết chống lại lệnh của triều đình, ở lại Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống Pháp. Nghĩa quân và nhân dân tôn Trương Công Định làm Bình Tây đại Nguyên soái. Ông là người thương dân chân thành và yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược đến cùng. Trương Công Định từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”. 

Trong tuyên ngôn công bố với triều đình và nhân dân, Trương Công Định nêu rõ: “Từ năm thứ 12 của triều vua Tự Đức (1858), bọn man di tây phương đã xâm nhập xứ này. Chúng tiếp tục gây hấn, lần lượt chiếm ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà. Dân ba tỉnh này đã nếm qua mọi tai ương. Sau đó, một hoà ước đã ký kết với Nguyễn triều chỉ gây thêm lòng phẫn nộ và niềm thất vọng của nhân dân ba tỉnh. Nhân dân ba tỉnh này thiết tha muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi làm lãnh tụ. Vậy chúng tôi không thể dừng làm điều chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như miền Tây. Chúng tôi sẽ đề kháng, chúng tôi sẽ xông pha và sẽ phá tan lực lượng quân địch…Dân chúng đã đã nói: Chúng ta chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc…"
Nội dung bản tuyên ngôn thể hiện lập trường và quyết tâm chống Pháp, bảo vệ đất nước của người thủ lĩnh nghĩa quân và của nhân dân Việt Nam. Lúc này, lực lượng nghĩa quân của Trương Công Định lên đến gần 6.000 người. Ông được những người chủ chiến ở triều đình, cũng như các nhân sĩ và nhân dân ủng hộ. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị, cùng nhiều danh sĩ ở Nam kỳ nhiệt tình ủng hộ Trương Công Định trong công cuộc chống Pháp. Trương Công Định đã liên kết được với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Trình Thoại…cùng phối hợp tổ chức các trận đánh Pháp. 

Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Công Định mở rộng từ Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định, từ biển đông đến biên giới Campuchia. Trong tác phẩm Suvernir de l’expédition de Cochinchine 1861 – 1862, xuất bản tại Paris năm 1865 đã viết về lực lượng chiến đấu của Trương Công Định như sau:“Họ đánh theo kiểu du kích, làm chủ nông thôn. Khi cần tiêu diệt một cứ điểm nào thì họ tập trung lại. Khi tấn công cũng như khi rút lui, họ biết lợi dụng vô số những chướng ngại vật tự nhiên của xứ họ. Một xứ có nhiều sông rạch, rừng bụi, đồng lúa, đầm lầy. Họ kín đáo lánh mình, thình lình xuất hiện, nổ súng tấn công…Làm cho đối phương luôn luôn ở trong thế đề phòng, mệt mỏi, kiệt sức, cuối cùng phải bỏ cuộc chịu thua…” . Từ căn cứ kháng chiến, nghĩa quân của Trương Công Định liên tục tấn công các đồn, bốt của Pháp. Lúc này, quân Pháp một mặt huy động lực lượng hùng hậu bao vây căn cứ Gò Công, một mặt dụ hàng Trương Công Định. Nhưng, ông vẫn một lòng chống Pháp đến cùng. Ngày 26/02/1863, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. 

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trương Công Định buộc phải rút quân về Biên Hoà lập căn cứ ở Lý Nhơn và đưa một bộ phận nghĩa quân về Thủ Dầu Một – Tây Ninh để tiếp tục chiến đấu. Cuối năm 1864, trong một trận chiến tại căn cứ Đám Lá Tối Trời Làng Gia Thuận ông rơi vào vòng vây của quân Pháp. Do sự phản bội của Huỳnh Tấn, tên này trước kia từng theo ông chống Pháp đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về làm tay sai cho Pháp. Trương Công Định và lực lượng nghĩa quân quyết tử chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, không may ông bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc, Trương Công Định rút gươm tự sát vào ngày 20/8/1864, để bảo tồn khí tiết khi tuổi đời mới 44 tuổi. Cái chết của Trương Công Định là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân ta lúc bấy giờ.

Thương tiếc người anh hùng dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và 01 bài văn tế khóc người anh hùng:

“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt,
thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê
Cảm niềm thần tử, hết lòng trung ái
Xưa còn làm tướng, giốc rạng ngời hai chữ Bình Tây
Nay thác theo thần, xin dựng hộ một câu phúc thán….”

Cuộc khởi nghĩa chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược của Trương Công Định chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1859 đến 1864 đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước , giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Và, Trương Công Định đã trở thành người thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống giặc Pháp xâm lược.
Từ ngày Trương Công Định hy sinh vì đất nước đến nay đã tròn 157 năm (1864 – 2021), qua các thời kỳ, có nhiều tác phẩm lịch sử, văn học, báo chí, sân khấu…nói về cuộc khởi nghĩa và vai trò lịch sử của ông - Người anh hùng dân tộc. Cùng với các tác giả là người Việt Nam, còn có rất nhiều tác giả là người Pháp viết về cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định với tất cả lòng khâm phục. Ngay cả Vial - một quan cai trị cao cấp của Pháp thời ấy đã gọi Trương Công Định là
Nhà đại lãnh tụ của quân khởi nghĩa.

Đối với nhân dân, đặc biệt là nhân dân Gò Công và miền Nam xem Trương Công Định là người anh hùng dân tộc. Và, là vị thần bảo hộ cuộc sống của mình. Qua bao đời nay, nhân dân Gò Công đã xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Công Định. Hàng năm, tại Gò Công long trọng tổ chức lễ cúng tế, tưởng nhớ Trương Công Định. Trước năm 1975, lễ giỗ Trương Công Định được tổ chức vào 2 ngày 17 và 18 tháng 7 âm lịch. Sau năm 1975 lấy hai ngày 19 và 20 tháng 8 Dương lịch làm lễ giỗ. Đây là một trong những Lễ hội lớn ở miền Nam đất nước. Mục đích của lễ hội Trương Công Định là hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của tiền nhân đối với dân tộc và đất nước. Hằng năm, công chúng đến với lễ hội với tấm lòng ngưỡng mộ anh hùng Trương Công Định và nhận thức sâu sắc thêm về truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hình tượng Trương Công Định, người thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống Pháp sống mãi với non sông, đất nước.

Bảy Hiền biên soạn

Trái Tim Dại Khờ




Em nhận thấy trái tim mình dốt nát
Muốn lấy anh ra, tim không chịu anh à
Còn trách em sao nói lời chua chát?
Tim nhất định yêu, yêu đậm yêu đà

Trái tim u mê, trái tim thật tệ
Trái tim mê muội, trái tim ngu si
Bao lần nói thôi, tim vẫn ù lì
Tim dại khờ, chẳng muốn nói chia ly
Biết nói gì khi để tim làm chủ
Lý trí em, tội nghiệp nó quá chừng
Nó biết rõ không nên yêu anh nữa
Mà tim đần nào có chịu nghe đâu?!

Khối óc, trái tim đánh nhau chí chóe
Em khổ tâm em khóc, mắt đỏ hoe
Anh không dỗ mỗi khi em khóc nhè
Anh ở xa làm sao mà anh biết?

Anh nào biết em yêu anh tha thiết
Yêu lỡ lầm nên khổ sở anh ơi!
Nhất định thôi, bao lần nhất định thôi
Mà trái tim nhất định yêu mù quáng

Tim ngu si không chịu nhìn cho thoáng
Không biết rằng anh chẳng chút yêu em!!!
Yêu một chiều, yêu “one way street”,
nên người yêu nói dối, “cheating” hoài!

Tim tôi ơi, tim chịu thua đi thôi!
Đừng dốt nữa, nhường óc đi, tim nhé…

Như Nguyệt


Bốc Toán Tử 卜算子 : Hoàng Châu Định Tuệ Viện Ngụ Cư Tác 黄州定慧院寓居作 - Tô Thức (Đông Pha)

                                                                           

* XUẤT XỨ:
       Người ta hay nói: "Đường Thi, Tống Từ". Tô Đông Pha người đời Tống, nên bài Bốc Toán Tử của ông làm là một bài Từ vì có câu dài ngắn khác nhau. Sang đời Tống, có thể vì bị qúa gò bó trói buộc bởi Luật cuả thơ Đường, nên thi nhân mới buông thả cho câu thơ dài ngắn khác nhau, vừa dễ diễn ý, diễn tình, vừa dễ dùng từ, vừa dễ phổ nhạc cho du dương trầm bổng... Nên thể TỪ xuất hiện,(giống như phong trào THƠ MỚI cuả ta hồi thời Tiền Chiến vậy!).
         Đây là bài Từ được Tô Đông Pha làm vào tháng 12 năm Nguyên Phong thứ 5, để gởi gắm tâm sự khi bị biếm đến Hoàng Châu ngụ ở Định Tuệ Viện sau vụ án Ô Đài Thi.
         Bốc Toán Tử 卜算子 chỉ là tên cuả một Thể loại Từ. Loại từ nầy gồm có 44 chữ chia làm hai vế, vế trên 22 chữ, vế dưới cũng 22 chữ, với bố cục 5-5-7-5 và gieo hai vần trắc ở cuối câu 2 và cuối câu 4. Bài Bốc Toán Tử nầy có tựa chính thức là:

Bốc Toán Tử 卜算子 :
黃州定慧院寓居作    Hoàng Châu Định Tuệ Viện Ngụ Cư Tác

 缺月挂疏桐,        Khuyết nguyệt quải sơ đồng, 
   漏斷人初靜。         Lậu đoạn nhân sơ tịnh.
   時見幽人獨往來, Thời kiến u nhân độc vãng lai,
   縹緲孤鴻影。         Phiếu diễu cô hồng ảnh. 
   驚起卻回頭,         Kinh khởi khước hồi đầu,
   有恨無人省。         Hữu hận vô nhân tỉnh.
   揀盡寒枝不肯棲, Giản tận hàn chi bất khẳng thê,
   楓落吳江冷。        Phong lạc Ngô giang lãnh .
   蘇軾 (東坡)                Tô Thức (Đông Pha)
***

* CHÚ THÍCH:
   - Sơ Đồng 疏桐: SƠ 疏 nầy là Thưa thớt, hời hợt; nên SƠ ĐỒNG là Cây ngô đồng đã xơ xác lá vì trời đã ở buổi cuối đông.
   - Sơ Tịnh 初靜: SƠ 初 nầy là Bắt đầu, là vừa mới. "Nhân chi Sơ, tính bản thiện" là chữ SƠ nầy, nên SƠ TỊNH là mới bắt đầu yên lặng.
   - U Nhân 幽人: chỉ con người lặng lẽ thâm trầm như có tâm sự gì đó.
   - Phiếu Diễu 縹緲: Xa xôi ẩn hiện, chập chờn như có như không.
   - Kinh Khởi 驚起: Chợt giật mình, chợt kinh ngạc...
   - Tỉnh 省 : Xem xét, Khuyên lơn, VÔ NHÂN TỈNH 無人省 : Không có người nào để chia xẻ, tâm sự, an ủi nhau.
   - Giản 揀: là Chọn lựa, chắc lọc.
   - Thê 棲: là Đậu lại, là Nương tựa.

* NGHĨA BÀI THƠ:

Sáng tác khi cư ngụ ở Định Tuệ Viện xứ Hoàng Châu

    Vầng trăng khuyết treo trên cây ngô đồng xơ xác lá, canh đã tàn tiếng người cũng mới vừa yên. Nhưng lại có một người  u nhã còn luôn đi lại một mình, như bóng chim hồng nhạn cô độc đang chấp chới bên trời, bỗng  giật mình quay đầu lại. Ôm mối hận trong lòng mà không ai người biết đến hỏi han. Đã chọn gần hết những cành cây lạnh mà vẫn chưa chịu đậu vào cành nào, đành chịu như chiếc lá phong rơi rụng xuống dòng Ngô Giang lạnh lẽo mà thôi!
     Mượn hình tượng của con chim nhạn cô độc giữa đêm trăng mà gởi gắm tâm sự cuả mình, cao ngạo như cánh hồng cô độc trên cao mà xem thường miệt thị những thói tục tầm thường thấp kém! 
         Bài từ nầy còn có một dị bản nữa với câu cuối cùng là:

         寂寞沙洲冷.      Tịch mịch sa châu lãnh.
Có nghĩa:

           Những cồn cát giữa sông (sa châu) lạnh lẽo vắng tanh!                
         
* DIỄN NÔM:

Trăng khuyết ngô đồng thưa,
Canh tàn người đà vắng.
Thơ thẩn kià ai vẫn vãng lai,
Cánh hồng hun hút bóng.

Giật mình chợt quay đầu,
Hận này ai người thấu?
Cành lạnh khắp cùng khó tìm nơi,
Bãi vắng không nơi đậu!

Lục bát:

Cành thưa trăng khuyết ngô đồng,
Canh tàn lặng tiếng người không ồn ào.
Một mình ngơ ngẩn ra vào,
Như cánh hồng vút trời cao một mình.

Quay đầu ngơ ngác làm thinh,
Hận không người tỏ biết tìm ai đây?
Vòng quanh cành lạnh ngàn cây,
Vắng tanh cồn cát lạnh đầy ven sông!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

***   
Bốc Toán Tử

Trăng khuyết lửng ngô đồng
Lậu tàn người lặng lẽ
Tới lui thơ thẩn vẻ u sầu
Cô hồng trời quạnh quẽ

 Kinh hãi chợt quay đầu,
Hận sầu không ai chạnh
Chọn mãi cành chẳng yên
Im lìm cồn cát lạnh!

Mailoc 
***      
Theo Quên Đi:
 漏斷  Lậu đoạn có nghĩa là Đồng hồ nước đã ngừng nhỏ giọt.

Bốc Toán Tử

黃州定慧院寓居作 Hoàng Châu Định Tuệ Viện Ngụ Cư Tác

缺月挂疏桐             Khuyết nguyệt quải sơ đồng, 
漏斷人初靜             Lậu đoạn nhân sơ tịnh.
時見幽人獨往來     Thời kiến u nhân độc vãng lai,
縹緲孤鴻影             Phiếu diễu cô hồng ảnh. 
驚起卻回頭             Kinh khởi khước hồi đầu,
有恨無人省             Hữu hận vô nhân tỉnh.
揀盡寒枝不肯棲     Giản tận hàn chi bất khẳng thê,
楓落吳江冷。         Phong lạc Ngô giang lãnh .
       蘇軾                                  Tô Thức

Dịch Nghĩa:

Viết khi ở viện Định Tuệ Hoàng Châu

Vầng trăng khuyết đeo trên nhánh ngô đồng
Đồng hồ nước đã ngừng nhỏ giọt và người cũng bắt đầu yên nghỉ.
Ai có thấy một người buồn rầu đi tới đi lui
Như bóng chim hồng cô đơn ẩn hiện
Quay đầu nhìn lại chợt thấy hoảng sợ
Mang nổi ấm ức mà không ai xem xét
Đã chọn hết chỉ thấy những cành lạnh buốt nên không thể đậu
Đành như lá phong rơi rụng xuống dòng Ngô Giang lạnh lẽo. 

Dịch Thơ: Cánh Nhạn lẻ Loi

1/
Trăng khuyết dựa ngô đồng    
Đêm trôi người lặng lẻ   
U uất giờ đây chỉ riêng mình 
Bóng nhạn về khe khẻ  
Chợt sợ quay đầu nhìn  
Hận này ai chia sẻ
Nhìn quanh cành lạnh khó nương thân   
Lá rơi sông vắng vẻ.  

2/
            Ngô đồng vắt vẻo trăng già  
   Đồng hồ ngưng giọt người đà ngủ yên   
             Có ai thấu hiểu niềm riêng
Một thân một bóng truân chuyên nhạn hồng   
               Nỗi lo chợt đến nơi lòng
         Hận này ai biết mà hòng sẻ san  
         Cành cây buốt giá hoang mang 
Lá phong rụng xuống Ngô Giang lạnh lùng
                                                   Quên Đi

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Mưa Chiều Kỷ Niệm - Nhạc Duy Yên,Quốc Kỳ - Ca Sĩ Nhật Trường


Nhạc: Duy Yên,Quốc Kỳ 
Ca Sĩ: Nhật Trường

Khát...



Em có nghe mùa xuân.
Về bên ngoài đợi cửa.
Giục em đừng lần lữa.
Mở lòng cho xuân sang.

Em có nghe tiếng thu.
Rơi trong đêm mưa vắng.
Lạnh lòng ai trầm lặng.
Nỗi nhớ dài trắng đêm.

Em có nghe tình anh.
Về bên em lặng lẽ.
Chúng mình không còn trẻ.
Chờ chuyến đò sau sang.

Đi qua chiều hạ vàng.
Khát khao bờ môi nhỏ.
Để mùa đông không lạnh.
Những ngày mình xa nhau.

Hhai

Mưa Chiều Kỷ Niệm

  

Mưa trên phố, mưa bong bóng nước
Mưa rơi nhiều làm ướt áo em
Mời nàng vào trú quán kem
Nhấp cà-phê nóng, ngồi xem mưa chiều

Mưa ngày ấy, mưa nhiều sướt mướt
Mưa vô tình cũng ướt áo anh
Chợt nhìn đôi mắt long lanh
Vụng về, lúng túng lại thành quen nhau

Mưa ngày ấy dạt dào không dứt
Mưa vô tình quên phứt thời gian
Đèn đường bật sáng, ngày tàn
Chia tay lưu luyến, hẹn nàng tuần sau

Rồi cứ thế, tuần nào cũng gặp
Tình lớn dần, cách mặt nhớ thương...
Mùa thi, hoa Phượng đỏ đường
Anh vào quân ngũ, lìa trường, buồn ghê!

Mưa chiều ấy, tóc thề ướt sũng
Đưa em về lòng cũng thắt se
Đôi tim nhịp đập dường nghe
Mưa buồn phố vắng, lá me rụng nhiều...

Mưa tí tách, mưa chiều viễn xứ
Mưa vô tình như cứ gợi sầu
Mưa trôi bong bóng về đâu?
Mưa Chiều Kỷ Niệm, nhớ câu chuyện tình...

Duy Anh
Orlando FL. 08/08/2021


Quà Chi Xé Nát Cả Lòng


Lụa là mặc mát thịt da
Tay thô Mẹ chọn, hiền hòa chỉ kim
Cầm lên nghe xót cả tim
Tiền đâu mua gạo? Mẹ tìm lụa, tơ!

Cái tâm Mẹ thật đơn sơ
Chạy ăn từng bữa vật vờ, xác xơ
Tình con, tình Mẹ khó ngờ
Con thương Mẹ, có bài thơ gửi về.

Mặc vào, áo ngủ hồng khoe:
Bàn tay cực khổ trăm bề vì con.

Ý Nga 
31-8-2013.

Giọt Nắng Quê Hương


Mùa hè ở Mỹ nắng chang chang
Ngọn cỏ cành cây cũng héo vàng
Xơ xác bên đàng hoa rũ cánh
Chán chường đàn bướm chẳng bay sang

Mùa hè lý tưởng chút nào đâu
Nóng nực như điên nhức cả đầu
Nóng nực bực mình hay nổi cáu
Tại trời nào phải tại em đâu

Anh về bên ấy cho em nhắn
Em nhớ em thương giọt nắng vàng
Trải giữa làng quê hương mộc mạc
Ấm tình cô lữ ấm xuân sang

Anh về bên ấy cho em gửi
Ðôi cánh tay em với nụ cười
Rực rỡ bên trời hồng sức sống
Vòng tay ôm trọn bóng quê hương

Anh về bên ấy cho em nhớ
Những lũy tre xanh vạt lúa vàng
Vi vút thông reo chiều gió lộng
Nhớ mùa phượng vĩ lúc hè sang

Anh về bên ấy nhớ dùm em
Ðón gió quê hương với nắng vàng
Ôm cả bầu trời trong ánh mắt
Mang về đất khách tặng cho em

Nguyễn Phan Ngọc An 
mùa hè California 2021

Bốc Toán Tử 卜算子 - Lý Chi Nghi


Lý Chi Nghi tên chữ là Đoan Thúc, tự Hiệu Cô Khê cư sĩ, người Vô Lệ ở Thương Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông đỗ tiến sĩ năm thứ 3 đời Tống Thần Tông 宋神宗. Ông có tập Cô Khê từ 姑溪詞.

卜算子              Bốc toán tử

我 住 長 江 頭           Ngã trú Trường Giang đầu
君 住 長 江 尾           Quân trú Trường Giang vĩ.
日 日 思 君 不 見 君 Nhật nhật tư quân bất kiến quân
共 飲 長 江 水           Cộng ẩm Trường Giang thuỷ
此 水 幾 時 休           Thử thuỷ kỷ thời hưu
此 恨 何 時 已           Thử hận hà thời dĩ
只 願 君 心 似 我 心 Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm
定 不 負 相 思 意。 Định bất phụ tương tư ý.
李之儀                      Lý Chi Nghi
***
Dịch nghĩa: Điệu Bốc Toán Tử

Nhà Thiếp ở đầu sông Trường Giang
Nhà chàng ở cuối sông Trường Giang
Ngày ngày tưởng nhớ đến chàng nhưng chẳng thấy chàng
Hai ta cùng uống chung nước sông Trường Giang
Nước sông này khi nào thôi chảy
Hận tình này biết đến bao giờ mới thôi
Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp
Nhất định không phụ nỗi niềm nhớ nhau.

Dịch thơ: Tương Tư

1/

Nhà thiếp đầu Trường Giang
Cuối Trường Giang chàng ở
Bóng người chẳng thấy chỉ mòn trông
Nước chung dòng thêm nhớ
Sông nọ bao giờ dừng
Hận này dài mấy thuở
Hy vọng chàng cùng thiếp một lòng
Không phụ niềm nhung nhớ.

2/

    Nhà em vốn ở đầu sông
Còn chàng ở tận cuối dòng xa xôi
    Ngày ngày nhung nhớ chẳng thôi
Nước chung dòng uống bồi hồi xuyến xao
    Hỏi sông dừng chảy khi nào
Hận tình này biết thuở nao mới tàn
    Chung lòng thiếp thiếp chàng chàng
Để không phụ bỏ tình đang nặng tình

Quên Đi

***
Mộng Tình...

Thiếp nhà cư ngụ đầu sông
Trường Giang chàng ở cuối dòng nhớ ơi
Thầm thương, trộm nhớ mình thôi
Đôi ta cùng uống chung rồi đó sao?
Sông kia hết chảy lúc nào ?...
Hận này ai biết khi nao lụi tàn
Một lòng chung thủy thiếp chàng
Tỏ tình ai thấu ta đang mộng tình...!

Mai Xuân Thanh
July 30, 2021
***
Chàng Thầy Bói

Trường Giang, ta đầu sông,
Trường Giang, nàng cuối dòng
Chẳng thấy nàng, ta ngày ngày nhớ.
Trường Giang, nước uống chung.
Trường Giang, bao giờ cạn ?
Hận này, bao giờ xong ?
Chỉ mong lòng ta - nàng tương tự
Mảnh tương tư không phụ lòng.

Danh Hữu
Paris, sáng thứ bảy 31.07.2021
***
Tình Vương Vấn

Nàng ở đầu sông, ta cuối sông
Trông vời chẳng thấy, mỏi mòn trông
Hai nơi cách biệt bao nhung nhớ
Một giải trôi hoài mấy đợi mong
Biết đến khi nào sông hết nước?
Bao giò tới lúc muộn ngưng dòng?
Xin ai thấu hiểu niềm mơ ước
Thề hẹn cùng nhau thỏa mộng lòng

Phương Hà 
(31/07/2021)
***
Nhớ Nhau

Nhà em ở đầu con sông
Nhà anh ở miết cuối dòng mù xa
Ngày nhung ngày nhớ đôi ta
Chung dòng nước uống thiết tha bồi hồi
Bao giờ ngừng chảy sông ơi
Hỏi rằng mấy thuở mới lơi hận tình
Thiếp chàng chung thủy vẹn gìn
Luyến Lưu không phụ đôi mình đeo mang

Kim Oanh
***
Nặng Tình

Thiếp tại đầu con sông
Nơi cuối dòng chàng ở
Hoài tưởng nào đâu thấy bóng chàng
Nước chung dòng cùng uống
Sông chảy lúc nào ngừng
Mối hận bao giờ dứt
Mong ý chàng lòng thiếp hợp chung
Niềm nhớ nhung hề không đổi


Kim Phượng

Ngỡ Lòng Mình Là Rừng


Từ ngàn xưa, con người khi mới được con Tạo sinh ra cách đây non một triệu năm, đã nhờ rừng mà tồn tại. Con người cổ sơ phải săn bắn trong rừng hoang, phải tìm cây rừng để chữa bệnh. Do đó con người tôn thờ  cây như một cái gì linh thiêng, chứa đựng những linh hồn. Các tôn giáo lớn luôn luôn nhắc nhở đến cây: cây bồ đề trong Phật giáo, rừng trúc mà Phật Thích Ca truyền đạo.


Ở An Độ, người ta thờ Kalpavrika, cây trường sinh bất tử và trong sự thờ phượng tôn giáo Ba Tư Zarathoustra, cây thiêng liêng có tên gọi là Hom: một cây trắng như tuyết mọc trên mọi nguồn của các dòng sông. Cây sồi (chêne) chứa nhiều thần thoại nhất. Nhiều dân tộc sùng bái: người Hy Lạp dâng cho Zeus; người La Mã dâng cho Jupiter; người Đức dâng cho Thor và Thánh Kinh kể lại Abraham đã tiếp ba  vị thánh thần dưới bóng cây sồi . Trong mọi truyền thuyết dân gian, mối tình sâu xa giữa linh hồn của cây và của người luôn được nhắc nhở trân quý. Chính Đức Phật Thích Ca cũng chứng ngộ được Đạo dưới cây bồ đề (Ficus religiosa) .Cây vân sam (Cèdre) tượng trưng cho Chân Lý và Công Lý và có mặt trong cờ xứ Liban. Cựu Ước cũng nhắc nhở ở nhiều nơi trong kinh về sự song hành giữa cây và ý nghĩa cuộc sống. Khi vinh danh con người đặt lòng tin vào Thượng Đế và trọng luật Thượng Đế bày ra, kinh viết: 'Người ấy như một cây trồng bên cạnh dòng suối ' (Kinh chiều 1,3). Câu này còn có nghĩa là người nhiều lòng tin được dồi dào ơn phước như cây kia được tưới sẽ phát triển sum sê như bí ẩn nhất của Sáng Thế .

Cây oliu có nhiều miền Trung Đông, trồng từ ngàn xưa, tượng trưng cho hòa bình.Lá cờ của Liên Hiệp Quốc có nhánh oliu trên đọ Là cây phong trên lá cờ Canada.


Con người là một phần của sinh quyển với thực vật và động vật do đó cảnh vật và con người tạo ra một hệ sinh thái thiên nhiên:


Truyện Kiều há chẳng có câu: Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Vì tình và cảnh quyện vào nhau :Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ


Người Việt thuở xưa vì không chế ngự được thiên nhiên: gió, mưa, lụt lội, sấm sét, thú dữ nên tôn thờ mọi thần linh: thần lửa, thần mưa, thần gió ..Thần linh có mặt trong rừng, trên cây, khúc sông, thác nước ..cho nên thường có những lễ hội cầu trời, cầu thần linh phù trợ cho con người: Ơn Trời mưa nắng phải thì


Vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao ban đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đầy trời, giúp ta tránh được các căng thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nỗi nhọc nhằn của thể chất và của tâm linh, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (thơ Hồ Dzếnh),  để lắng nghe tiếng gọi  nhiệm màu của vạn vật trong tương quan Thiên-Địa-Nhân, một tương quan nhiều chiều, lồng ghép, chồng chéo lên nhau. Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng  con người chỉ là một thành phần nhỏ bé  và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn .. 

Mà khiêm tốn giúp cho con người đến đức tin chân thật và đức tin chân thật mới hướng dẫn con người đến được nơi có Thượng Đế ngự trị dễ đi vào nội tâm hơn, cõi lòng lắng xuống . Khi tâm yên lặng, ta mới biết cõi sâu thẳm của ta, mới biết những điều sâu kín ẩn náu trong nội tâm, biết mình hơn chứ không phải điều mà ta có thể tìm thấy trong sách vở  Tôn giáo phát sinh do lòng sùng kính, do cảm thông không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghị chứ không phải do sự bàn cãi lý luận. Con người, ngoài cái hướng ngoại như đọc sách, nghiên cứu khoa học, du lịch, thám hiểm cũng phải có chiều kích hướng nội nghĩa là quay vào cuộc sống nội tâm, suy nghĩ và trầm tư . Họ muốn hướng về sự an định nội tâm, an lạc, tìm lại sự thanh tản qua sự tu dưỡng tinh thần

Vào rừng, nghe gió thổi như là hồn người:


Một vùng cỏ áy bóng tà

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau


Vào rừng thì  con người thư giãn, thoải mái hơn, cởi mở hơn, từ đó tư tưởng có những 'chỗ trống' và chính các 'chỗ trống' giúp ta thâu nhận các ý kiến mới lạ. Nó giúp ta nghiệm thấy một cái gì mới mẻ khác, vượt ra ngoài các quan niệm thông thường. Nó nâng tâm thức ta lên một bình diện mới, một phạm thức mới (new paradigm). Cũng không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ có Camp David là nơi thiên nhiên rừng núi mà Tổng Thống Mỹ thường đến nghỉ ngơi. Cuộc hòa đàm giữa Ai Cập và Do Thái dưói thời Tổng Thống Carter  thành công khi Do Thái chịu rút quân khỏi toàn thể Ai Cập cũng diễn ra ở Camp David. Tâm mà có định thì mọi sự mới yên được, khi tâm còn xáo trộn, còn phân biệt thì không thể giải quyết điều gì hết. Cởi bỏ các ràng buộc, phù phiếm, giả tạo của bản ngã, ra khỏi vòng phân biệt của nhị nguyên, không phân biệt giữa giàu/nghèo, sang/hèn, thông minh/ngu dốt, anh phải / tôi trái v.v hoặc có/không  mà chỉ thấy mọi việc không có tự thể, biến hoá không ngừng. 

Vào rừng, nhờ thư giãn, không khí yên tĩnh nên thân, khẩu, ý dễ lắng dịu, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây, con người có định tâm, con người dễ dàng loại bỏ phiền não . Không thiền định, con người sẽ không hiểu đưọc mình là ai, nói cách khác, nó giúp ta trở về chính mình, nương tựa vào mình mà không nương tựa một ai hay một quyền lực siêu nhiên nào đó


Văn minh thảo mộc



Nhà địa lý học Pierre Gourou gọi văn minh nước ta là văn  minh thảo mộc (civilisation du végétal). Người Kinh miền xuôi sử dụng tre để làm đũa, đan vách, bẫy chuột, đan dụng cụ bắt cá ngoài ruộng, hái tranh lợp nhà để ở . Người Thượng miền cao thì ở nhà sàn nên lại phải  dùng cột nhiều hơn để làm nhà, cột làm cầu thang, cột để buộc trâu làm lễ tế thần; khi chết, quan tài bỏ trong rừng. Rừng gắn bó với cuộc sống và khi họ bỏ rẫy đi canh tác chỗ khác chờ rừng mọc lại thì cái nương rẫy đó vẫn thuộc về đất làng đó .Rừng không phải chỉ là tài nguyên hay  môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu thẳm của nội tâm, là 'một cõi đi về', từ đó đi ra và nơi đó biền biệt cho nên  nếu phá rừng, thì không còn văn hoá rừng nữa 

Cuộc sống xô bồ ngày nay làm con người cứ chạy đua theo vật chất, theo tiêu thụ, y như người cứ uống nước mặn ngoài biển khơi, mà càng uống thì càng khát. 


Chúng ta ngày nay sống thọ hơn nhưng sống ít ý nghĩa hơn

Chúng ta chinh phục được vũ trụ nhưng không thắng được cõi lòng

Giải  trí thì nhiều mà niềm vui thì ít

Đây là thời đại của thu nhập gấp đôi nhưng chia ly thì lại nhiều

Cuộc sống tiện nghi hơn nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn 


Và đó chính là nghịch lý của thời đại ta đang sống, hôm nay và bây giờ .


Tóm lại, cần một mối liên hệ chân chính với thiên nhiên, tìm lại  niềm yêu thương lặng lẽ của đất, những khoảnh khắc đày phù sa của dòng sông đang trôi khuất, những giọt sương mai lấp lánh,  mặt trời lặn, bớt  dục vọng để tinh thần thảnh thơi như Nguyễn Công Trứ đã viết:


Người ta ở trong phù thế

Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên (Nguyễn Công Trứ )


Ngày nay, đô thị hoá như vũ bảo mà ta chứng kiến, kỷ nghệ hoá giúp con người thoát khỏi cảnh lam lũ đồng áng, đầu tắt mặt tối ở chốn bùn lầy nước đọng, đem đến cho ta nhiều tiện nghi văn minh: liên lạc nhanh hơn, thông tin nhanh hơn.

 Nhưng chính sự phát triển này lại cũng manh mún hoá những cá nhân; con người ở đô thị không còn những liên kết ràng buộc xã hội như thôn  quê. Phát triển kỹ thuật cũng có nghĩa là thời gian bị đo lường, chắt bóp làm biến đi nhịp sống an nhiên tự tại. 


  Slow is beautiful ..Con người ở thời đại công nghiệp này có tâm trí  luôn luôn bị động như robot suốt  ngày, làm việc lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền sản xuất từ máy điện toán đến ráp xe hơi, máy bay, mọi công đoạn đều lớp lang, có thời lượng quy định. Người ta tiến đến cái mà George Ritzer gọi là sự 'MacĐôNan-hoá xã hội' (The Mcdonaldization of society). Con người không ai biết nhau, xong việc là về nhà . Tâm lý bị dồn ép. Giá trị cuộc sống bị đảo ngược. 

Sự tiến bộ kỹ thuật từ nhiều thập niên gần đây với sự tăng tốc, cái gì cũng Express, nào là Express Post, Fast food, Café Express..làm phá vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền, lối sống  

Thế giới thay đổi quá nhanh, con người không kịp thích nghi với các chuyển biến của thời đại sinh ra mất thăng bằng về tâm lý . Các căng thẳng này kéo theo một lô bệnh của thời đại: lo âu, buồn rầu vô cớ, rồi từ đó là trầm cảm dễ đem đến hành vi tự sát. Do đó, trước đây người ta nói không bệnh tật là sức khỏe. Ngày nay, quan điểm về sức khỏe đã mở rộng hơn vì sức khỏe phải gồm 3 phần: sức khỏe cơ thể: khỏe mạnh; sức khỏe tâm thần: vui đời, lạc quan; sức khỏe xã hội: hòa hợp với xã hội, cộng đồng


Có thể vì vậy mà  tại Nhật, có phong trào mở quán café Slow có phương châm 'Slow is beautiful', bắt chước một phương châm khác có từ trước là 'Small is beautiful ' . Và nay có phong trào Slow Living như một mô hình kìm hãm được sự thao túng của kỹ thuật lên văn hoá, văn minh


Lưỡi kiếm Damoclès 


Vũ khí chết người càng ngày càng được thu nhỏ, có thể rơi vào tay quân khủng bố điên dại; môi trường sống bị smog (từ hai chữ fog và smoke) âm u bao phủ ở bàu trời; những bệnh tình dục như lậu, tim la tưởng chừng như đã bị tiêu diệt hẳn thì nay lại xuất hiện với siêu vi SIDA, AIDS nguy hiểm hơn cả vạn lần, làm cả toàn thể Phi Châu, nhất là Uganda, Rwanda, Nam Phi, Zimbabwe bị chết như rạ  và nhân lên, lan rộng với sự di chuyển thông thoáng của con người. Nói khác đi, lưỡi kiếm Damoclès luôn luôn nằm đâu đó trên đầu nhân loại. Con người trong môi trường đô thị vô danh làm nhân lên nỗi lo âu, cô độc, tác động lên cõi tâm linh sâu thẳm .

Con người sống vội vã không còn trầm tư mặc tưởng, tra vấn về ý nghĩa thực của cuộc đời: ta là aỉ ? ta đi về đâu ? Vào một công sở, vào một hãng tư cũng lạnh lẽo, không tình người . Thành phố Paris to lớn văn minh như vậy nhưng vòng luẩn quẩn BMW (Bus, Metro, Work) hay metro, boulot, dodo tức chen xe, đi làm, đi ngủ đè nát cuộc đời, căng thẳng thần kinh, xói mòn thăng bằng thần kinh. Tóm lại chất lượng cuộc sống bị xuống dốc. 


Hai giới từ bên cạnh và với


Sự gia tăng các phương tiện truyền thông đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân: con người sống bên cạnh nhau nhưng không sống với nhau. Hai giới từ 'bên cạnh' và 'với' nghe tuy đơn giản biết bao nhưng lại có tầm quan trọng biết bao!  Chính căn bệnh tâm hồn, bơ vơ lạc lõng, sống không ngày mai, thiếu tình thương làm bao thanh niên sa ngã, mua thuốc lắc, chích  ma túy quên đi cuộc đời. Có thể họ tự nghĩ: tôi hút tức tôi hiện hữu ? Các khao khát tuổi đôi mươi bị chìm đi . Thay vào đó là sự dửng dưng .Vì sự tuyệt vọng đó nên nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có diễn tả tâm trạng của mình, có thể để an ủi mình hay cho một người khác nữa:


'Đừng tuyệt vọng, tôi ơi! Đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông


Hoặc:


' Tôi là ai mà còn trần gian thế

Tôi là ai ?là ai ? là ai ?

Mà yêu quá đời này!'


Và chính vào giai đoạn của sự hoài nghi, của sự khủng hoảng tinh thần này lại đẻ thêm những hình thức chủ nghĩa bảo căn, nuôi dưỡng hận thù, cuồng tín, hận thù đến cao điểm như trận cảm tử không tặc đâm vào World Trade Center ngày 11 tháng 9, gây tang tóc cho hàng ngàn thường dân vô tội trong tíc tắc, rồi kéo theo một chuỗi hậu quả tiêu cực: máy bay không ai đi, khách sạn không ai ở, nhà hàng không ai tới, thể thao không ai xem, nên nhân viên bị đuổi hàng loạt vì không ai tiêu thụ 


Khuynh hướng trở về Thiên Nhiên



Chính vì con người càng xa rời Thiên Nhiên nên hiện nay trào lưu trở về với Thiên Nhiên càng mạnh:

-Các tu viện Thiền, các làng Thiền, các môn phái sử dụng Thiền như là trọng tâm sinh hoạt nẩy nở càng ngày càng nhiều, chính là để phản ứng lại với nếp sống xa rời các chuẩn mực của thiên nhiên.Các môn yoga, tập thở, y khoa mềm (médecine douce), các sách về tâm linh , nói về sự luyện tinh thần cho vững chãi trước những vòng xoáy của cuộc đời đầy cung bậc ngọt bùi cay đắng, đầy chuỗi vui, buồn, yêu thương, giận hờn ..  bán rất chạy. 

 -Nông nghiệp ngày nay càng muốn trở về thiên nhiên: nông nghiệp sinh thái (agriculture écologique) sử dụng phân mục thay vì phân hoá học, tái chế biến các phế phẩm trong nông trại làm phân mục, ít sử dụng thuốc sát trùng, vì các loại thuốc trừ sâu, nếu tích tụ nhiều sẽ tiêu diệt sự điều tiết giữa các giống, trừ khử cùng một lúc cả các sâu hại lẫn sâu có ích , mà trái lại khuynh hướng ngày nay là sử dụng côn trùng có ích đuổi côn trùng độc hại.  Sử dụng phân heo, phân chuồng cho vào hầm ủ để tạo ra khí metan còn gọi là khí biogas để nấu ăn, vừa sạch, vừa không ô nhiễm, tiết kiệm củi đốt và lao động. Nước thải biogas (slurry) cũng dùng tưới cây cối. Rơm rạ dùng vào việc nuôi trồng nấm. Lá mục, cỏ mục, rễ mục dùng làm phân ủ, tiết kiệm phân hoá học. Các chất mục nát dùng làm môi trường nuôi giun làm thực phẩm cho gà ăn . Nông lâm kết hợp tận dụng đất và mặt trời để bớt độc canh.

-Du lịch cũng có khuynh hướng du lịch sinh thái, nghĩa là đi thăm núi rừng, đi bộ, nghỉ ngơi, vui chơi ngoài trời. Các loại du lịch dựa vào 3 S: Sand, Sun, Sea ..

-Nông phẩm cũng vậy: dân Quebec muốn mua thịt gà nuôi theo lối thiên nhiên chứ không muốn ăn thịt gà vỗ béo bằng hormone ; các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ ('BIO'), sạch, không dùng hoá chất và thuốc trừ sâu, tuy đắt hơn nhưng nhiều người vẫn yêu chuộng vì tránh được ung thư, tránh được các ảnh hưởng phụ khác. 

-Thuốc men cũng khuynh hướng trở về thiên nhiên với dược thảo, tắm bùn. Hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên được bào chế làm thành thuốc uống

-Mỹ phẩm càng ngày cũng từ thiên nhiên: cây chanh, bơ,  bồ kết, bạc hà, táo tàu, trái kiwi, đào, nhân sâm, mật  ong. Những chất chiết xuất từ chanh, hạnh đào, trà, cọ, gừng .. đang được dùng trong các sản phẩm săn sóc sắc đẹp

- Ngay cả lúc xử lý chất thải kỷ nghệ, người ta cũng có khuynh hướng dùng thực vật, vì nếu sử dụng chất hoá học để xử lý thì môi trường lại chứa thêm chất hoá học.

Hướng dương có thể 'hút' uranium vì có tổng chiều dài hệ thống rễ rất dài , dương sĩ vô hiệu hoá arsenic, thảo mộc thuộc dãy núi Alpes có khả năng ăn kẽm, bèo ( 'duckweed') hút bớt chất độc trong nước thải kỹ nghệ, cây dương (peuplier) làm tiêu hủy một số dung môi. Dùng thực vật để xử lý các chất thải gọi là phytoremediation

Sự suy giảm diện tích rừng do dân số tăng, do di dân tự do bùng phát, do nhiều hồ chứa nước thủy điện đã làm suy giảm tài nguyên rừng, tác động xấu đến đa dạng sinh học rồi gây thêm lũ lụt, khí hậu khô nóng, Vấn đề thiếu nước ngọt cũng phải đặt ra vì khi không còn thảm thực vật rừng thì khả năng tích nước cũng bị giảm và làm quá trình bốc hơi nước từ mặt đất mạnh mẽ hơn. Rồi rừng ngập mặn bị phá làm cho bờ biển bị xói mòn và ít đi từng ngày


Làm sao yêu thiên nhiên? 


Trước tiên, cần để ý có mối quan hệ mật thiết giữa dân số và môi trường. Dân số cao quá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường vì lẽ dân số tăng thì nhu cầu không gian để ở, để có nhiên liệu cũng tăng và làm rừng sẽ giảm. Do đó, yêu thiên nhiên là phải kiểm soát sinh đẻ, sinh đẻ có kế hoạch, cần có chất lượng thay vì số lượng. Giáo dục môi trường phải để ý khía cạnh nàỵ. Nhưng dân số cũng lại liên hệ đến dân trí (trình độ hiểu biết, công dân) và dân sinh (nếp sinh hoạt,  tăng gia chất lượng cuộc sống). Như vậy bài toán có tính cách đa chiều và giữa dân số, dân trí và dân sinh lại có thêm các quan hệ hữu cơ và tương thuộc lẫn nhau: dân trí cao, nếp sống cao sẽ làm dân số giảm xuống. Nhưng muốn nếp sống cao, thì phải có chương trình thực tế giúp người dân có thể giải quyết các nhu cầu cơ sở như nước uống, thực phẩm, chất đốt.. Giáo dục phụ nữ, nâng cao trình độ giáo dục của phụ nữ rất quan trọng cũng cần thiết để giảm dân số.

Yêu thiên nhiên cũng còn là

- sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo được và không ô nhiễm như gió, như mặt trời, như nước .. Những nhà máy khí sinh (biogas) nhỏ, rẽ tiền , dùng chất thải của người và động vật để nấu nướng, thắp sáng. Gió, dòng suối con có thể sản xuất điện ở các vùng xa, vùng sâu . Năng lượng mặt trời để sưởi nước nóng về mùa đông, để chạy máy bơm nước, sưởi ấm nhà cửa

- tái chế biến và tận dụng các phế phẩm: thay vì đốn thêm rừng làm bột giấy, thì cần thu lượm giấy báo, sách củ, giấy bìa .. và tái chế biến ra giấy mới . 

- bảo tồn và làm giàu tài nguyên rừng: trồng cây gây rừng, trồng thâm canh ở các thung lũng hoa màu lương thực để giảm bớt sức ép trên các đất dốc; kết hợp trồng rừng và cây ăn quả; đề phòng nạn cháy rừng 


Thay lời kết 


Thế giới càng ngày càng nhỏ với các phương tiện truyền thông hiện đại. Nào là vệ tinh, nào là Internet, nào là email khiến cho lượng truyền thông chuyển tải cực nhiều, cực sâu, cực nhanh. Ngôi làng toàn cầu (global village) bé nhỏ đi . Nhưng bên cạnh đó thì tài nguyên cứ ô nhiễm, không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, đất bị sa mạc hoá, mặn hoá; rừng núi bị lâm tặc, vàng tặc, thạch tặc tràn lan. Mà thiên nhiên là cơ sở để kinh tế phát triển: đất bị sa mạc hoá thì đất nông nghiệp giảm, làm an toàn lương thực suy giảm; núi bị xói mòn và mất rừng thì lụt lội chết người xảy ra mỗi năm.. Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc vì có tiền mà đau ốm, có tiền mà môi sinh ô nhiễm, cướp bóc và bạo hành tràn lan, thì đó không phải là an lạc. 

Đó là nói trong lãnh vực xã hội vi mô ( lãnh vực của những quan hệ giữa người với người); nhưng trên phương diện vĩ mô, thì phải để ý rằng không có hành tinh nào trong hệ thống thái dương có oxy để con người di cư lên đó mà sống được: Kim Tinh, Hỏa Tinh, Mộc Tinh, mặt Trăng là những hành tinh không có sự sống như trên Trái Đất ta đang  ở. 

Trái Đất này không chỉ là một hành tinh vật lý cộng với một bầu sinh quyển cộng với một nhân loại mà là một tổng thể phức tạp có tính vật lý/sinh lý/ nhân loại. Con người  là một thành phần của Thiên Nhiên nhưng cũng là một con vật Siêu Nhiên, có bổn phận làm cho Trái Đất được tươi đẹp hơn, biến quả đất này, một tinh cầu lưu lạc trong vũ trụ thành cái bến bờ cứu rỗi của chúng ta.

Công dân thế giới của làng toàn cầu, hãy yêu thương Trái Đất!


Thái Công Tụng

      

Tài liệu tham khảo sơ lược

Walter Kummerly. Le grand livre de la forêt. Elsevier Séquoia Paris/Bruxelles

Edgar Morin & Anne Brigitte Kern. Dịch giả Nguyễn Hồi Thủ . Quả đất Quê Hương. Nhà xuất bản Chân Mây Cuối Trời Paris 1999

Thích Chơn Thiện. Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pali Nhà xuất bản thành phố HCM