Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Tuổi Mùa Thu Thơ -Thơ Đỗ Thị Minh Giang - Nhạc Nguyễn Hữu Tân - Hoà Âm Cao Ngọc Dung


Thơ: Đỗ Thị Minh Giang 
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân 
Hoà Âm: Cao Ngọc Dung
Tiếng Hát Tâm Thư

Vòng Tay Của Chữ

Có những điều đơn giản như hơi thở
Như nhịp nào đưa máu chảy về tim
Như nụ hôn trong đôi mắt nhắm nghiền
Để hạnh phúc là những gì dâng hiến

Có những nỗi buồn như da thịt nghiến
Từng tế bào trong ký ức chìm sâu
Giọt lệ khô rơi, giọt lệ không màu
Sao thắm mặn tận bao lòng biển cả

Bàn tay nâng niu đêm thầm hương lá
Con chữ nào theo từng phím vuông sa
Có khuôn mặt người có cuộc tình ta
Anh dấu kín trong vòng tay của chữ

Em yêu dấu, một nơi nào cuộc lữ
Bước chân về qua con phố ngày xưa
Nơi có lẽ không còn nguyên vẹn nữa
Vết môi hằn vội vã buổi chiều mưa

Xin hẹn lại kiếp nào mây trắng ngụ
Một góc đời con chữ khắc thời gian
Trong đôi mắt vẫn màu hương phấn cũ
Một tình yêu còn đó chẳng muộn màng...


Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Tịch Dương Lâu 夕陽樓 - Lý Thương Ẩn


Nguyên tác          Dịch âm

夕陽樓                Tịch Dương Lâu 

花明柳暗繞天愁 Hoa minh liễu ám nhiễu thiên sầu, 
上盡重城更上樓 Thướng tận trùng thành cánh thướng lâu. 
欲問孤鴻向何處 Dục vấn cô hồng hướng hà xứ, 
不知身世自悠悠 Bất tri thân thế tự du du (còn đọc là dâu dâu). 

Lý Thương Ẩn

***

Chú giải Nguyên chú: "Tại Huỳnh Dương, thị sở tri kim Toại Ninh Tiêu thị lang mục Huỳnh Dương nhật tác hĩ" 在熒陽,是所知今遂寧簫侍郞牧熒陽日作矣 (Ở Huỳnh Dương, làm hôm Tiêu thị lang là người từng quen biết nhau ở Toại Ninh đi làm quan ở Huỳnh Dương). Huỳnh Dương nay ở tây nam huyện Thành Cao, tỉnh Hà Nam. Toại Ninh là trị sở Toại Châu, nay ở huyện toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên. Tiêu thị lang tức Tiêu Hoán. Sách "Cựu Đường thư, Văn Tông kỷ" chép: "Năm Đại Hoà thứ 7, Cấp sự trung Tiêu Hoán làm thứ sử Trịnh Châu, rồi vào làm Hình bộ thị lang. Tháng sáu năm Đại Hoà thứ 9, bị biếm làm thứ sử Toại Châu". Lầu Tịch dương xây dựng lúc Tiêu Hoán làm thứ sử Trịnh Châu. Lúc Tiêu làm quan ở Trịnh Châu, nhà thơ và ông kết bạn nhau, được Tiêu tri ngộ, nên tự chú là "sở tri". Bài thơ được làm vào mùa thu năm thứ 9 của niên hiệu Đại Hoà (835) sau khi Tiêu Hoán bị biếm ra Toại Châu. Phùng Hạo nói: "Nỗi tự thương mình, thương họ Tiêu đều nằm trong lời thơ đó, đau xót đến nhập thần." (Ngọc Khê Sinh thi tập tiên chú). Tịch Dương lâu là ngôi lầu nổi tiếng ngang hàng với Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓, Nhạc Dương lâu 岳陽樓, Quán Tước lâu 鸛雀樓,... được các thi nhân đến thăm và đề thơ. 

Minh: sáng. Trong câu này viết tắt cụm từ u-minh (u tối, mờ ảo). 

Dịch thơ 

Lầu Tịch Dương 

Hoa mờ liễu ám một trời sầu 
Leo hết tầng thành khắp mọi lầu 
Muốn hỏi chim hồng tới đâu vậy? 
Chẳng hay thân thế của ta đâu? 

Con Cò
***
Nguyên Tác: 夕陽樓 - 李商隱 花明柳暗繞天愁 上盡重城更上樓 欲問孤鴻向何處 
Phiên Âm: Tịch Dương Lâu - Lý Thương Ẩn Hoa minh liễu ám nhiễu thiên sầu Thướng tận trọng thành cánh thướng lâu Dục vấn cô hồng hướng hà xử 

不知身世自悠悠 Bất tri thân thế tự du du. 

Ghi Chú: 

Tịch Dương lâu ở Trịnh Châu xưa 旧郑州, xây từ thời Bắc Ngụy 北魏 (386-534), là một trong tám ngôi lầu nổi tiếng của Trung Hoa thời Đường Tống, ngang hàng với Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓, Quán Tước lâu 鸛雀樓, Nhạc Dương lâu 岳陽樓,... được các thi nhân đến thăm và đề thơ. 

Bài thơ này được LTA làm tại Tịch Dương lâu để nhớ bạn là Tiêu Hoán, lúc đó đã bị biếm đi Toại Châu coi ngựa 貶遂州司馬. Nguyên chú: “Tại Huỳnh Dương, thị sở tri kim Toại Ninh Tiêu thị lang mục Huỳnh Dương nhật tác hĩ” 在熒陽,是所知今遂寧簫侍郞牧熒陽日作矣 (Ở Huỳnh Dương, tại đây Tịch Dương lâu làm hôm nay để nhớ Tiêu thị lang Huỳnh Dương là người từng quen biết ở Toại Ninh). Có nơi cho Tiêu Hoán là người xây dựng Tịch Dương lâu lúc còn làm thứ sử Trịnh Châu??? 

Huỳnh Dương: nay là thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. 
Hoa minh: tháng chín, hoa héo tàn. Chỉ hoa cúc nở và rực rỡ. 
Liễu ám: liễu mùa thu xanh thậm nhìn u ám. 
Nhiễu thiên sầu: u sầu tuần hoàn định kỳ. Trời thu có nỗi buồn mùa thu. 
Trọng thành: là thành lâu cao, chỉ Tịch Dương lâu. 
Hồng: là hồng hộc 鴻鵠 (thiên nga Cygnus olor) hay hồng nhạn 鴻雁 (Anser cygnoides). Hình như thiên nga không bay xa như hồng nhạn, nên câu hỏi về phương hướng đi đặt ra với hồng nhạn là thích hợp. 

Dịch Nghĩa: 

Lầu Tịch Dương 

Hoa sáng, liễu mờ, cả bầu trời bị u buồn vây quanh, 
Leo hết các tầng lầu của tháp, cuối cùng cũng tới lầu cao nhất. 
Xin hỏi con chim hồng cô đơn kia đang bay về đâu? 
Cũng như ta chẳng biết thân phận ra sao trong cõi bao la dằng dặc buồn. 

Dịch Thơ: 

Lầu Tịch Dương 

Hoa héo liễu mờ trời đất sầu 
Leo lên tháp Tịch hết tầng lầu 
Phương nào hồng nhạn xin cho hỏi 
Thân phận ta đây sẽ đến đâu. 

Sunset Palace by Li Shang Yin 

Flowers are bright, willows are dark, sky and earth are covered with sadness 
Going up the tall tower, the last floor is reached 
Lonely wild goose, which direction are you heading? 
Likewise my future in this vast world is uncertain.

Phí Minh Tâm

***

Lầu Tịch Dương

Liễu mờ hoa héo trời sầu
Leo lên tháp Tịch chạm lầu tầng cao
Nhạn hồng cô quạnh về đâu?
Như ta chẳng biết ra sao cõi này

Kim Oanh


Mười Đoạn Cho Em



(Cho em và ba con,nguồn hạnh phúc của đời anh)

Anh đến thăm em sắp đỏ đèn ,
Trời đang trút xuống trận mưa đêm
Con đường Thường Kiệt âm u quá
Tìm mãi không ra bóng dáng em . …….

Vòng vo quanh mấy gốc me thiêng
Len lỏi qua sân cả láng giềng
Mới thấy nhà em bên giếng nước
Cạnh cây mận bộng đổ nghiêng nghiêng …

Mái lá,vách tranh rã rượi buồn,
Hàng ba sùi sụt giọt mưa tuôn
Giữa nhà nước dột còn lênh láng 
Em ngó xa xa thiếu vắng hồn …

Poncho liệng đại lên khung cửa
Gío lạnh ùa theo ập xuống nhà  
Leo lét ngọn đèn vài chục nến
Chỉ vừa soi sáng “Trại Thanh Nga”

Mời anh ngồi tạm góc đi văng (divan)
Em rút ra sau chẳng nói năng ,
Phúc chốc mang lên hai chén nước
Lung linh ẩn hiện bóng cô Hằng …

Dưới bếp mẹ em nổi lửa chiều
Anh nghe bát đĩa đụng nồi niêu
Hẳn là củi ướt buồn không cháy
Khói trắng tuôn sầu kín mái xiêu 

“Vũ vồ kiềm tỏa năng lưu khách“(&)
Xe cũng chần chờ chẳng chịu đi
Ngõ ngoài nước chảy như đê vỡ
Trong em ẩn hiện một bà Bi (*)

Gà đã lên chuồng mưa chửa dứt
Mời anh dùng tạm bữa cơm nghèo
Khoai mài tím lịm mùi thương nhớ
Từ đó thuyền tình đã bỏ neo

Mãi đến bây giờ anh mới biết
Tại sao anh đã chọn em yêu,
Khi bao thiếu nữ giàu sang khác
Đã khổ vì anh -khổ đến điều 

Vì em hấp dẫn bé Khanh ơi!
Hiền thục như em quá tuyệt vời!
Hơn nữa khoai mài khi lột vỏ
Hương trinh ai đã quyện vô rồi

(&)Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách =Mưa không rào khóa mà lưu khách
(*) Bà Bi là hiện thân phật Quan Âm Bồ Tát .

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Một Loài Hoa

Rừng xanh thả mộng một loài hoa
Sắc thắm hương ngàn ngát núi xa
Tự tại thanh tao trang diễm tuyệt
Hồn nhiên nhã nhặn dáng kiêu sa
Dầm mưa dãi nắng nên phong cách
Ủ nguyệt đan sương tạo nếp nhà
Ngưỡng mộ bao người nơi phố thị
Treo thân đỏng đảnh dưới trăng ngà.

Hương Thềm Mây 
14.9.2020


Tháng Chín Rừng Cây Rụng Lá Vàng


Xướng: 

Tháng Chín Rừng Cây Rụng Lá Vàng

Tháng chín rừng cây rụng lá vàng
Phong xào xạc tiếng buổi thu sang
Ly nhân tứ chữ niềm thôn xóm
Viễn khách từ câu nỗi tỉnh làng
Bốn chục năm tàn thương bất tận
Trăm hai tiết khởi nhớ mênh mang
Phong màu đỏ úa thu về giữa
Tháng chín rừng cây rụng lá vàng

Cố Quận
***
Cảm Tác:

Thu Hoài Cảm


Đứng giữa rừng phong ngập lá vàng
Se se gió lạnh buốt tâm cang
Ly hương Rạch Gía buồn không nói 
Biệt xứ Tà Niên nhớ chẳng than 
Nghĩa mẹ mênh mông như biển bạc
Công cha bất tận tựa rừng vàng
Tình yêu tổ quốc luôn trong dạ
Nổi nhớ làm tôi lệ ngập tràn

Trúc Lan KTP

Bên Bờ Tử Sinh


Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.

Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải. Mọi việc suông sẻ nên cảm thấy rất yêu đời, tôi tinh nghịch nhắm bên mắt trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh, rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi lên reo vui, cảnh vật trong trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng Windex. Nhớ lại ngày mổ mắt, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn các thủ tục thông thường như những lần phải thử nghiệm hay mổ xẻ trước đây, nhưng lòng tôi thanh thản không một chút âu lo. Từng giọt thuốc an thần từ túi treo trên cao nhỏ vào mạch máu làm tôi chơi vơi, bềnh bồng.

– Bà Nguyễn, bắt đầu nhé!

Tiếng bà bác sĩ nhẹ nhàng thoảng bên tai, mắt tôi tê đi, không cảm giác. Chợt hai đốm đen hình vuông hiện ra rồi từ từ một vầng mây màu hồng đỏ, màu đỏ tuyệt vời, bay bay. Một mảng xanh “turquoi” lượn lờ trên nền trời xanh trong. Cứ thế, những quầng mây màu sắc đẹp chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhẹ nhàng bay bay, chơi vơi, chơi vơi…đưa tôi đi vào một vùng an lạc mênh mông như có tiếng gió nhẹ nhẹ, như có tiếng thầm thì và tôi thiếp đi trong cảm giác thật êm ái lạ lùng.

– Xong rồi, bà Nguyễn!  Bà nghỉ ngơi một chút rồi về nhé. Sáng mai trở lại gặp tôi.

Tôi bừng tỉnh khi bà bác sĩ dịu dàng vỗ nhẹ cánh tay tôi, chiếc giường lại được đẩy về phòng đợi khi sáng. 

Trong đời, hai lần tôi có niềm sung sướng ấy. Niềm hạnh phúc mênh mông trong tuyệt vời cảm giác, như mê thiếp trong hoan lạc dị thường… Lần đầu tiên là sau một buổi tọa thiền, đặt lưng xuống giường, tôi mê đắm trong cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng ấy.

Miên man trong suy nghĩ, tôi cùng ông xã đã về đến nhà con gái. Tuần này chúng tôi đến ở chơi nhà con như một kỳ nghỉ hè.

– Bố mẹ dậy sớm thế, đi những đâu rồi? Bố mẹ có lên những con đường đi bộ trên núi chưa?

Cô con gái đang tỉa mấy cây hồng trong khu vườn trước cửa ngước lên hỏi khi thấy chúng tôi về.

– Chưa, bố mẹ mới đi quanh đây thôi. Nhà cửa đẹp, không khí thật êm ả, thanh bình. Mai các cháu có đi leo núi, có đi “hiking” nhớ rủ ông bà đi cùng nhá!

– Mời ông bà vào uống cà phê, ăn tạm một miếng bánh “croissant” rồi chúng con đưa ông bà qua San Francisco chơi.

Tiếng cậu con rể từ trong nhà vọng ra, cùng mùi cà phê tỏa ra thơm ngát.

Đã lâu không ghé thành phố biển Cựu Kim Sơn, khung cảnh vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Bầu trời hôm nay màu xám, nhiều mây và hơi lành lạnh, nên dù đang mùa hè vẫn phải mặc áo ấm. Vẫn những chiếc xe điện kêu leng keng, chở du khách thăm thành phố. Con đường Lombart vẫn ngoằn ngoèo và những con dốc dựng đứng làm chùn bước những người lái xe còn yếu.  Khu quanh biển vẫn tấp nập khách nhàn du.  Sau khi lái xe một vòng quanh phố, chúng tôi ghé lại công viên cho các cháu chạy nhảy, chơi đùa.  Khi tụi nhỏ đã mệt rồi, cả nhà kéo vào phố Tàu ăn mì trong một tiệm khá ngon.
Về tới nhà còn sớm nên các cháu rủ xuống hồ bơi.

– Mẹ mới “surgery,” xuống hồ bơi mẹ cẩn thận nghe.

Cô con gái luôn miệng nhắc vì cháu nghe kể có người sau khi mổ “cataract” không giữ gìn kỹ nên bị thông manh, nhìn mọi vật không rõ nữa.

Mang cặp kính đen to bản của nhà thương cho, tôi nằm trên chiếc phao nổi trong một góc khuất của hồ bơi mặc cho mấy ông cháu chơi đùa. Hai vợ chồng cô con gái lúi húi sửa soạn cho bữa ăn tối ngoài vườn.

Buổi sáng trời không mây, bây giờ vài cụm mây trắng từ đâu tới, lang thang trên bầu trời xanh trong đưa tôi về thời gian cách đây mười mấy năm mà tưởng chừng như mới hôm qua…

***

Đó là khi tôi còn đi làm. Một buổi chiều đang ở sở tôi bổng lên cơn ho sặc sụa, ho như xé ruột gan, nước mắt chảy ràn rụa, tôi phải xin phép về sớm. Tôi rất ghét đi bác sĩ vì không thích cảnh ngồi dài người chờ đợi nên thường khi bị ho như thế tôi chỉ uống thuốc ho, nhờ nhà tôi xoa dầu nóng khắp châu thân rồi nằm nghỉ. Sau một giấc ngủ dài là khỏe lại ngay. Lần ấy nhà tôi nhất định đưa tôi đi bác sĩ.

Sau những khám nghiệm thông thường, bà bác sĩ lấy một dụng cụ nhỏ kẹp vào ngón tay tôi. Đọc kết quả bà thốt lên:

– Bà Nguyễn, bà phải nhập viện ngay. Độ oxygen trong máu bà thấp quá, chưa đến tám mươi phần trăm!

Bà nói nhân viên gọi ngay xe cứu thương. Hai vợ chồng nhìn nhau tê điếng. Trầm trọng vậy sao! Xe cứu thương đến, mọi vật như lao xao và tôi như người mộng du, nằm trên chiếc băng ca, chui vào lòng chiếc xe hụ còi chạy nhanh.

Trong phòng cấp cứu tôi vẫn thảng thốt, mới tuần trước đi Houston ăn Tết với gia đình cô em gái, khỏe mạnh không một triệu chứng nào, bây giờ nằm đây những dây cùng nhợ. Vô thường đến vậy sao!

Mỗi ngày y tá đến lấy máu, cứ vài tiếng lại đo nhịp tim, đo huyết áp, đưa tôi chui vào hết máy nọ, máy kia để tìm bịnh. Mấy hôm đó trời chuyển mưa, gần như ngày nào cũng có mưa, có ngày mưa nhẹ, có ngày mưa như vũ bão, gió rít từng cơn. Buổi chiều sau khi tan sở là nhà tôi và cháu út lại đến thăm, ngồi bên giường đến tối mịt mới về. Ban đêm còn lại một mình tôi không tài nào ngủ được, lòng ngổn ngang trăm mối, mệt mỏi thiếp đi thì y tá lại vào để đo nhiệt độ, đo tim, đo máu, lấy máu để thử nghiệm.

Tôi còn nhớ như in buổi tối sau khi làm “Angiogram” nhà tôi và cháu út đang ngồi cạnh giường. Viên bác sĩ đến đã thản nhiên nói:

– Tôi rất buồn, bà Nguyễn, bà vướng phải một căn bệnh hiếm, “Pulmonary Hypertension,” bịnh không chữa được, chỉ đợi thay phổi, thay tim. Bà còn sống khoảng chừng hai năm, hãy thu xếp và hãy vui những ngày còn lại.

Mặt nhà tôi trắng bệch ra và thằng con cắn môi, dụi mắt để ngăn tiếng nấc. Tôi điếng người nhận bản án tử hình! Tôi có cảm giác mặt tôi như đanh lại và người như tê đi.

Buổi sáng hôm sau, ngồi trên chiếc xe lăn rời khỏi bệnh viện, trong lòng tôi đau đớn vô ngần. Từ nay tôi là kẻ tàn phế. Mũi lúc nào cũng phải có ống thở oxygen. Tôi thật sự thành người tàn phế!

Sau một tuần mưa gió, hôm ấy trời nắng ấm. Tôi nhớ căn nhà nhỏ của tôi, xa có hơn mười ngày mà tưởng chừng như lâu lắm. Trước nhà, cả dãy Hồng dọc lối đi đầy hoa.  Vào nhà, tôi ra sân sau thăm khu vườn nhỏ, vạn vật như tươi cười trong nắng.  Cây Apricot hoa chi chít từ gốc đến ngọn, màu hồng dịu dàng như màu hoa Anh Đào của Nhật. Cây Mận đầy hoa trắng xóa trên cành. Cây Đào ăn trái hoa thưa hơn, màu hồng đậm hơn, duyên dáng ở một góc vườn. Bên hông nhà một dàn Nho vòm tròn hình vòng cung, lá non xanh và những chùm nho xinh xinh đã tượng hình. Bao phủ mặt đất từng khoảng cúc tím, cúc vàng nở rộ, những bông “Lily of the Nile” cũng như cố vươn lên mỉm cười với tôi.  Thoang thoảng hương thơm của bụi hoa Nhài trộn lẫn hương hoa Hồng, dàn hoa Hồng với những bông hoa nhỏ xíu bằng đồng hai mươi lăm xu, màu hồng phấn, thơm nhè nhẹ. Hai cây Bông Giấy đỏ thắm quấn quýt hai bên cột “patio.” Nhìn phong cảnh của khu vườn mà lòng tôi nghẹn lại.

Bấy giờ là mùa xuân, chim non ríu rít truyền cành. Cảnh đẹp quá, thiên nhiên đẹp quá. Tôi như say với nắng, màu nắng thật ngọt ngào. Tôi như say với gió, làn gió thật thơm tho. Từng phiến lá rung rinh, từng cánh hoa khoe sắc… Trời ơi… cảnh tươi đẹp thế kia, tôi yêu quá… thế mà chỉ hai năm, hai năm là hai mươi tư tháng, là bẩy trăm ba mươi ngày tôi phải vĩnh viễn rời xa. Tôi chỉ còn thời gian ngắn ngủi như thế trên cõi đời này sao… và tôi đã bật khóc.
Những chuỗi ngày tiếp theo ủ ê, buồn nản. Ban ngày chỉ còn mình tôi trong căn nhà vắng, đi vào, đi ra… dù sao tôi cũng phải sửa soạn, sửa soạn cho một chuyến đi thật xa, về miền miên viễn. Đầu óc mông lung, nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi lại vùi đầu vào gối mà khóc, khóc cho vơi, khóc cho thỏa. Ban đêm giấc ngủ chập chờn với những cơn ác mộng, tỉnh dậy mệt nhoài, trăn trở.

Tôi thấy mình như đang đi trên một cánh đồng vắng lặng, hoang vu. Trời xám và hình như lất phất mấy giọt mưa. Đồi núi mênh mông, cỏ mênh mông, những bông cỏ may như bám vào mặt, những ngọn cỏ dại như vướng vào chân. Cảm giác bơ vơ đến tột cùng. Bỗng một đám người từ đâu ùa tới đuổi dồn tôi vào một ngõ sâu hun hút, như một con đường hầm tối đen. Tôi cắm đầu chạy và như hẫng chân, bừng tỉnh, tim đập mạnh, mệt nhoài.

Từ ngày ở nhà thương về tôi hay có những cơn ác mộng như thế. Trong cơn mơ tôi thường gặp những đám người đen đúa, bẩn thỉu, không ra mặt người, không ra mặt quỷ chạy đuổi tôi và tôi chạy trối chết cho đến khi hoặc như vấp phải vật gì hoặc vì quá nhược sức tôi ú ớ vùng tỉnh dậy.

Tôi nghe nói khi con người ở bên bờ tử sinh hay nhập nhòa, chập choạng nhìn được cõi bên kia, một thế giới vô hình mà khi mạnh khỏe, dưới ánh mặt trời ta không nhìn thấy. Tôi nhớ hồi mẹ chồng tôi bịnh, đến gần ngày cụ mất cụ hay mê sảng: “Sao ở đâu ra mà lắm người vào nhà mình thế này.  Đuổi đi, đuổi chúng nó đi”.

Tôi buốt ruột khi nghĩ đến cha mẹ tôi, hai thân già còm cõi sẽ phản ứng ra sao nếu tôi bất hiếu đi trước, để cho “lá úa phải khóc lá xanh,” bầy chị em mỗi năm vẫn ríu rít gặp nhau và con, cháu tôi… Tôi sắp phải dời xa tất cả.  Có đêm tôi mơ tôi mặc chiếc áo dài nhung đỏ nằm bình an trong chiếc quan tài, đèn nến lung linh và tôi bay như chim trong bầu trời bát ngát, thoải mái, nhẹ nhàng.

Tôi yếu và hốc hác hẳn vì lo buồn, vì khó ngủ, vì nghĩ ngợi lung tung. Ngày nghỉ nhà tôi đưa đi bộ quanh khu nhà ở hoặc ra khu công viên có cỏ hoa tươi tốt cho tinh thần sảng khoái nhưng cứ đi được một quãng ngắn là tôi phải dừng lại thở dốc, lên ba bốn bậc cầu thang tim đã đập thình thịch phải ngừng!
Cho đến một đêm lũ người đó lại đuổi theo tôi, tôi lấy hết sức bình sinh cắm đầu chạy. Những bước chân chạy theo đằng sau dồn dập, như gần, thật gần. Rồi không hiểu sao trong cơn sợ hãi ấy bản năng của tôi bỗng trổi dậy với một ý chí quật cường. Tôi quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào đám người đen đúa, bẩn thỉu đó và quát vào chúng:

– Sao tụi bay theo tao hoài vậy, có đi đi không?
Rồi tôi lao thẳng tới đuổi họ. Họ quay người chạy đi và biến mất.
Kể từ lần ấy tôi không còn nằm mơ thấy mình bị rượt đuổi nữa. Thì ra “ma trong mơ” cũng biết sợ kẻ mạnh và ăn hiếp kẻ yếu đó chứ!

Các bạn trong sở chia nhau đến phụ nấu cơm nước và chuyện trò làm tôi vui. Các bạn ở xa biết tin cũng điện thoại hỏi thăm, gửi tặng kinh sách và băng giảng của các Thày. Những sự ủng hộ tinh thần này, cộng với sự lo lắng, chăm sóc, và thương yêu của gia đình đã giúp tôi mạnh mẽ hơn lên.

Và tôi quyết chí phải chống lại chứng bệnh ngặt. Tôi bắt đầu tập thiền. Cậu em rể đem bài chỉ dẫn cách tập Dịch Cân Kinh bảo tôi cố tập. Hàng tuần tôi phải đi ba bác sĩ, một chuyên về tim, một chuyên về phổi, và vẫn phải trở lại bà bác sĩ gia đình. Mỗi tháng phải đến phòng khám bệnh của trường Đại Học UCLA để bác sĩ chuyên môn về bịnh Pulmonary Hypertension điều trị. Tiểu Linh, bạn của cô em tôi, PhD về Đông y, sau khi bắt mạch, khám bịnh có cho một toa thuốc tăng cường thể lực, cân bằng khí huyết và nhìn sắc diện tôi cô nói: “Chị còn vượng lắm, cần nhất là giữ tâm thanh thản và tinh thần vững vàng thì chị sẽ vượt qua.”

Mỗi tối tôi ngồi khoanh chân tập thở. Lúc đầu, tôi chưa thể xua đi những tạp niệm, chưa thể lắng tâm tư mình như lóng gạn bình nước táo. Tôi ôn lại cuộc đời tôi từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, những vất vả gian nan sau năm 1975 khi chồng phải đi cải tạo, những vinh nhục khi lên voi lúc xuống chó, những ngày lênh đênh trên chiếc thuyền con ra khơi vượt biển, những khó khăn khi một nách hai đứa con thơ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, phất lên rồi thất bại và bây giờ lại mắc căn bịnh hiểm nghèo. Tại sao? Tại sao?? Những câu hỏi cứ dằn vặt trong đầu óc. Có những lúc tôi như ngộp thở rồi lại dằn lòng xuống, tập trung để cố gắng hít vào thật sâu và thở ra thật từ từ.

Nhà tôi là người ít nói, sự lo âu làm cho anh lại càng ít nói hơn. Muốn an ủi vợ mà chẳng biết nói sao, chỉ nhắc nhở uống thuốc, chịu khó đưa đi bác sĩ và ái ngại khi thấy tôi ủ dột, buồn phiền. Thằng cháu út ra vào im lìm, không dám làm gì gây tiếng động mạnh, len lén nhìn mẹ xót thương. Thỉnh thoảng tôi nhói lòng khi bắt gặp nhà tôi ngồi trong xó tối khóc lặng lẽ. Không khí trong nhà thật ảm đạm, thê lương.

Nghĩ đến lời nói của ông bác sĩ và khuôn mặt vô cảm của ông ta ngày trước, tôi thật giận và trong một lần đến phòng mạch của ông tôi đã hỏi thẳng:

– Thưa bác sĩ, ông có phải là Thượng Đế không mà ông biết rõ ngày giờ tôi chết? Sao ông có thể nói như vậy với bệnh nhân? Nếu tinh thần người bịnh không vững thì tôi nghĩ họ có thể chết vì lời nói của ông chứ không phải vì căn bịnh.

Ông bác sĩ có vẻ không phật lòng chút nào, chắc vì đã quá quen với những trường hợp như thế, nên ông đem một quả tim bằng plastic ra để giảng giải. Ông đưa những tài liệu về căn bệnh này và chịu khó ngồi trả lời những câu hỏi vặn vẹo của tôi. Tóm lại bịnh chưa có thuốc chữa, con người sống nhờ máu đưa oxygen đi nuôi cơ thể, áp suất trong phổi cao nên phổi khó hấp thụ Oxygen, phổi không làm việc tốt thì tim phải làm việc nhiều, phải bơm máu nhiều lần hơn cho đủ lượng oxygen cần thiết và như thế thành của quả tim sẽ dầy ra, to ra, đến một ngày tim sẽ chai cứng, sẽ đình công không làm việc nữa…và ông khuyên tôi phải cắm ống thở vào mũi cả ngày lẫn đêm để tăng cường nồng độ oxygen trong máu cho tim bớt khổ, đợi đến ngày gặp cơ hội có tim phổi sẵn sàng để thay. Bệnh viện ở UCLA đã ghi tôi vào danh sách chờ người cho tim phổi.


Khi trời chớm vào Thu, gió nhè nhẹ, nắng hanh hanh. Rặng phong hai bên đường bắt đầu đổi màu. Sau mấy tháng đã quen, ống thở không làm tôi vướng víu. Hàng ngày, giọng nói hiền từ, dịu dàng như người cha già của thầy Thích Thanh Từ qua các băng giảng đã cho tôi hiểu về lẽ vô thường, về lý nhân duyên, về luật nhân quả và nhất là về nghiệp lực của con người qua đời đời kiếp kiếp. Thời kỳ xuống tinh thần đã qua, tôi lấy lại tự tin cho cuộc sống.  Buổi sáng tôi ra sân sau tập thể thao, ngắm trời đất, cỏ cây, những chiếc lá vàng đã lác đác rơi. Tôi yêu đời nhưng tôi không còn sợ chết. Tôi đã hiểu ra, ai rồi cũng phải chết, đâu có ai sống hoài. Tôi thấy tôi thật hạnh phúc là đã được báo trước chuỗi ngày còn lại, để có thì giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời, về thân phận con người. Tôi không còn dằn vặt mình, không còn than trời trách đất. Tôi hết so sánh với các em, các bạn để buồn tủi về định mệnh nghiệt ngã của mình. Sống một ngày vui một ngày, tôi tự nhủ và tôi sẵn sàng đứng dậy như bao lần trong cuộc đời tôi đã từng gục ngã rồi lại cắn răng đứng dậy để vươn lên. Nếu có vướng nghiệp từ muôn kiếp trước thì tôi vui lòng trả cho hết nghiệp trong kiếp sống này và tôi sửa soạn sẵn sàng để ra đi.

Tự tin như thế, yêu đời như thế, tôi chấp nhận số phận, và nghĩ mình phải làm một cái gì đó trước khi ra đi, chứ không thể ngồi mà...đợi chết!  Phải nói là tôi rất cám ơn nước Mỹ, cám ơn cộng đồng của cái đất nước tự do tuyệt vời này, đã cung cấp thật nhiều cơ hội mở mang kiến thức cho những ai thích học hỏi, để cho tôi được hưởng ké theo ngày ấy. Tôi vào “Recreation Center” của thành phố tìm lớp học. Tôi học vẽ, học làm đồ gốm, và học trang trí nhà cửa. Ở đây tôi có thêm nhiều bạn mới, những người già đã về hưu, những người nội trợ sau khi đưa con đi học thì vào trường. Ngồi trong lớp tôi chăm chú nặn những bình hoa, sáng tạo những vật dụng trong nhà. Tôi khắc những con búp bê Nhật Bản thật là xinh. Rồi những ngày đẹp trời tôi đem giá vẽ ra vườn để đắm mình vào thế giới của màu sắc. Tôi bắt đầu viết văn. Những bận rộn và sự đam mê nghệ thuật đã giúp tôi quên đi bệnh tật.
Nhiều lúc tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu không bịnh tôi có được về hưu sớm và sống thoải mái như thế này không!

Biết tôi bị bệnh, bạn bè quen biết xúm nhau kẻ khuyên ăn món này người cho món khác. Một chị bạn gửi cho hột cải thuốc của Nhật, lá cải tựa như lá rau cải làn bảo gieo hột trồng cây lấy lá ăn tốt lắm. Tôi rắc luôn cả gói, chỉ mấy tháng đã có cải non ăn. Có người bạn khác gửi cho đĩa tập Suối Nguồn Tươi Trẻ. Thế là cứ buổi sáng thì Dịch Cân Kinh và buổi tối thì SNTT. Khi ngồi thiền tôi đã bớt nghĩ ngợi lung tung, hít vào thật sâu và khi thở ra tôi thấy rõ luồng hơi ấm chuyển trong người. Bên cạnh thuốc tây tôi đã uống mấy trăm thang thuốc bắc. Uống thuốc tây nhiều khi chữa được phổi lại hỏng gan. Thuốc bắc gia tăng hệ thống miễn nhiễm và giúp điều hòa khí huyết.

Thời gian từ từ trôi, tôi tìm đến nhiều bạn thân, đến nơi hội họp. Tôi nhờ ông xã chở đi tham gia các buổi văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, tham gia các câu lạc bộ thơ văn, vui với các hội nhóm phụ nữ. Ở nhà tôi viết văn, vẽ, và tập viết thư pháp. Tôi hết mặc cảm với ống tube oxygen, còn đùa giỡn là mình có “món nữ trang đặc biệt,” trêu chọc ông chồng già của tôi để “cheer him up.”

Khi hết thời gian hai năm theo phỏng đoán của ông bác sĩ, tôi thấy người khỏe khoắn hơn rất nhiều. Khi gặp lại ngài bác sĩ đã phán sau hai năm tôi phải chết, thì ông ta cười:

– Bà Nguyễn, bà là bệnh nhân tuyệt vời. Bà là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh hiếm này mà không bị tồi tệ hơn. Bà ráng cầm cự thêm vài năm, họ đang nghiên cứu nhiều, hy vọng sẽ tìm ra thuốc tốt để chữa căn bịnh này.

Mười bẩy năm đã trôi qua từ ngày ấy. Bây giờ tôi vẫn còn đây!

Sự nghiên cứu của các khoa học gia vẫn giậm chân tại chỗ đối với “căn bịnh hiếm” này chứ chưa tìm ra giải pháp nào khá hơn.

Nhưng chính tôi, một người từng đứng giữa đôi bờ sinh tử, đã tìm thấy những kinh nghiệm vô cùng tuyệt vời có thể giúp những bịnh nhân như tôi tồn tại. Xin tóm tắt chia sẻ với bạn đọc: Sống tự tin, hòa nhập với gia đình, bạn bè, cộng đồng, học, và tham gia nghệ thuật. Đặc biệt nhất, là môn thiền định. Tôi đã áp dụng triệt để môn ngồi thiền để buông xả hết lo âu sầu muộn và giữ được lòng thanh thản an nhiên. Có thể nói, thời gian ấy, tôi yêu đời còn hơn bất cứ ai…

Đỗ Dung

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Chiếc Lá Mùa Thu - Thơ Phan Khâm - Nhạc Nguyễn Tất Vịnh


Thơ: Phan Khâm
Nhạc: Nguyễn tất Vịnh
Ca sĩ: Tuyết Mai


Đâu Rồi Khoảng Mùa Trăng




Bài Xướng:

Đâu Rồi Khoảng Mùa Trăng


Không gian dìu dịu lễ hoa đăng
Háo hức đành thôi ngắm bóng Hằng
Vọng nguyệt đài đêm rằm tháng Tám
Hơi thu lành lạnh cả mùa trăng

Ta nghe rời rạc khúc nghê thường
Thoạt gặp mà chi để vấn vương
Chuyện chúng mình còn chăng kỷ niệm
Âm thầm mong đợi bóng người thương

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Trung Thu 2020
***
Bài Họa:

Trái Ngang

Kết quả bảng vàng nay đã đăng
Tương lai rộng mở đó nha Hằng
Tình yêu mình nở trong hoa gấm
Anh sẽ cưới em soi bóng trăng

Đôi ta hai đứa mộng bình thường
Nhưng số không thành phải lệ vương
Giã biệt tình nhà thân lãng tử
Ngàn năm lưu luyến dáng em thương

Nguyên Trần

Duyên Mơ


Thơm ngát hương trời tỏa bóng đêm 
Chị Hằng ngơ ngẩn dáng thuyền quyên 
Khen ai khéo vẽ đường mơ mộng 
Để gió ru hồn bến hữu duyên 
Cảnh mộng như in người thảo bút 
Tranh mơ nào khác cảnh Thần Tiên 
Vẽ hình trao gởi niềm tâm sự 
Ánh nguyệt lung linh thỏa ước nguyền 

Lâm Hoài Vũ

Hôm Nay Rằm Tháng Tám


Hôm nay rằm tháng Tám
Không thấy ai nhắc, nhớ
Tuổi thơ đánh mất rồi?
Chẳng ai thiết trăng trôi?!

Cũng một ngày thường thôi
Nhưng trăng thu sẽ sáng
Rực rỡ hơn bình thường

Trăng đẹp hơn bình thường

Tối nay trăng đẹp lắm!
Tôi sẽ ngồi ngắm trăng
Uống một tách trà nóng
Nhâm nhi bánh ngọt lòng

Đêm nay rằm tháng Tám
Trăng đẹp quá trăng ơi!
Chợt nhớ khúc nghê thường
Tiên múa giữa trùng khơi

Tối nay tôi và trăng
Không một ai ở giữa
Tối nay tôi yêu trăng
Chỉ yêu một trăng thôi!

Đêm nay, rằm tháng Tám
Yêu kiều quá trăng ơi!

Quách Như Nguyệt

Lễ Hội Lồng Đèn

Đi xem lễ hội lồng đèn
Người đâu đông đúc lấn chèn ép nhau
Trẻ con ham muốn khát khao
Đợi người từ thiện đến trao tặng quà
Trở về sum họp hát ca
Chung vui ăn Tết cả nhà thức khuya
Tiệc tàn nhiệm vụ phân chia
Ngày nay tập tốt mai kia đẹp đời

Huỳnh Phương Trạch
Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long 

 

Đêm Chiêu Hồn Dĩ Vãng

 

Chiếc chim trời nhỏ bé
Vỗ cánh nhịp giong mơ
Đưa tôi về chốn cũ
Miền sông nước chưa mờ

Em tà dài áo trắng
Gã lính trẻ năm xưa
Cánh đồng hương lúa chín
Gió lùa qua vườn thưa

Thương người em mắt mỏi
Người đi, người đợi chờ
Xuân thu rồi già cỗi
Đêm tàn trong gió mưa

Thương cánh chim bay lạc
Tuyết trắng phía trời Âu
Xứ đêm đen sa mạc
Nắng cháy miền Phi Châu

Nửa đêm khó chợp mắt
Cú rúc tiếng khuya sầu
Đèn kéo quân tháng tám
Trung Thu đến rồi sao?


Locphuc.
(Trung Thu 2020)

Kỷ Niệm 200 Năm Ngày Giỗ Của Đại Thi Hào Nguyễn Du


Hôm nay, ngày 16 tháng 9 năm 2020, nhân kỷ niệm 200 năm ngày giỗ của đại thi hào Nguyễn Du, tôi xin kính cẩn cúi đầu bái phục và tri ân đại thi hào Nguyễn Du, người đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều thi phẩm giá trị, mà trong đó thi phẩm Truyện Kiều có giá trị rất cao về nội dung lẫn hình thức. Có thể nói, Truyện Kiều là một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều không những cho chúng ta thích thú mê say và có thể thuộc lòng ít nhiều vần thơ trong 3254 câu thơ lục bát, mà nhà đại thi hào Nguyễn Du còn khắc sâu trong tâm trí những người đọc thơ ông nhiều hình tượng nhân vật điển hình như: Sở Khanh là kẻ điếm đàng gạt gẫm phụ tình, Hoạn Thư là người đàn bà cả ghen đến nham hiểm, độc ác và thủ đoạn, Tú Bà là bà mối mại dâm hay một hào kiệt lụy tình dẫn đến cái chết đứng uất hận như Từ Hải. ..Tên của những nhân vật này được người Việt chúng ta nhắc nhở không ngừng kể từ khi thi phẩm ra đời ( Khoảng năm 1809-1810). Chúng đã trở thành thành ngữ lưu dụng trong truyền khẩu dân gian như “ Chết đứng như Từ Hải”, “ Ghen như Hoạn Thư”, “ Làm nghề tú bà”( danh từ riêng trở thành danh từ chung!) hay “ Hắn là kẻ sở khanh!”( danh từ riêng trở thành tính từ!)

Thơ truyện Thuý Kiều không đơn thuần là một câu chuyện kể, nó có một triết lý rất sâu sắc mà ngay khi mở đầu thi phẩm, đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định rằng mỗi người có một số mệnh . Chữ tài luôn đi đôi với chữ mệnh. Chúng là hai vấn đề đối nghịch nhưng luôn đi song song với nhau:

“Trăm năm trong cõi người ta 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau!”
Rồi, đại thi hào Nguyễn Du khẳng định thêm rằng:
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Thuý Kiều, nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều là cô gái xinh đẹp, tài hoa nhưng số phần chịu cảnh phong trần nên nàng đã trải qua bao nhiêu cảnh truân chuyện, khổ ải. Vì chữ hiếu, nàng phải hy sinh mối tình thề nguyền với Kim Trọng, bán mình để cứu cha và em trai. Sau đó nàng liên tiếp rơi vào tay những kẻ xấu như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, và Thúc Sinh. Nàng đã chịu cảnh dập hoa tàn nhụy nơi lầu xanh, lại còn bị Hoạn Thư, vợ Thúc Sinh, đối xử tàn nhẫn. Dù vậy, ngay trong phần mở đề, đại thi hào cho rằng đấng tối cao luôn công bằng về số phần đời người. Những người có nhiều tài thường có kèm theo nhiều tai họa.

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.


Tài và mệnh trong Truyện Kiều đã phản ánh sâu đậm triết lý Đông Phương, triết lý Phật Giáo. Theo đại thi hào Nguyễn Du, con người rơi vào những tai họa liên tiếp, ắt phải do cái nghiệp của mình tạo ra từ kiếp trước.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”
Tuy nhiên, đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định rằng:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Đại thi hào Nguyễn Du đã dùng thơ lục bát trong Truyện Kiều làm rõ chữ tài gắn liền với chữ tai ra sao và ông đã lý luận cái giá trị của chữ tâm vượt ba lần chữ tài như thế nào, chúng ta hãy cùng ôn lại truyện thơ Thuý Kiều để tìm hiểu thêm bài học giá trị mà ông lồng vào trong truyện thơ này.
Trong khi sơ lược miêu tả vẻ đẹp sắc sảo, linh hoạt và thu hút của Thuý Kiều kèm theo trí thông minh và tài năng thiên phú về các môn thi, họa, nhạc của nàng, đại thi hào Nguyễn Du đã tỉ mỉ kể cho chúng ta rõ tấm lòng nhân hậu, đa cảm và hay quan tâm của Thuý Kiều qua những sự kiện sau:
Khi đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh, nàng lưu ý ngôi mộ không hương khói:

“Rằng: Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”

Sau khi nghe thuật kiếp hồng nhan của ca nhi Đạm Tiên, Thuý Kiều cảm thương đến rơi lệ:

“Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Rồi nàng thắp hương, cúi lạy Đạm Tiên:

“Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.
Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra.”


Cũng trong lần đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh ấy, Thuý Kiều gặp Kim Trọng và yêu chàng. Tuy nhiên, sau này khi gặp gỡ riêng tư với Kim Trọng trong cảnh “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” thì nàng đã thưa rằng:

“Thưa rằng: đừng lấy làm chơi,
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao !”

Và rằng:

“đã cho vào bậc bố kinh,
đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầụ
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi !”
“Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt lại đền bồi có khi !
Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân .”

Như bao nhiêu cô gái trong thời phong kiến, Thuý Kiều rất trọng chữ trinh, nhưng khi cha và em trai rơi vào vòng lao lý bởi những kẻ gài bẫy gây oan, nàng đã bán thân mình để cứu cha và em:

“Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn ?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
.. Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha !”

Tuy nhiên, khi bị Tú Bà ép rước khách, nàng đã dùng dao tự vẫn.

“Thương ôi tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
Nỗi oan vỡ lở xa gần,
Trong nhà người chật một lần như nêm.
Nàng thì bằn bặt giấc tiên,
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.”


Nhưng, mũi dao không kết liễu cuộc đời nàng! Thuý Kiều đã phải đắm sâu vào kiếp phong trần bởi lời ngon ngọt của Tú Bà, sự lừa gạt của Sở Khanh, sự truy cùng đuổi tận, và hành hung tàn nhẫn của mụ môi giới tình dục.
Trong thân phận của kẻ bị áp bức, Thuý Kiều luôn ước mong thoát khỏi tay Tú Bà. Thúc Sinh là người đã đã giúp nàng thực hiện ước vọng. Hắn đưa nàng ra khỏi Lầu Xanh và chung sống với nàng như phu phụ. Tin đến tai vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư. HoạnThư rất căm tức nhưng bình tĩnh lập kế hại Thuý Kiều và bẻ mặt chồng. Bà sai người chuốc thuốc mê Thuý Kiều , đốt nhà của Thuý Kiều và Thúc Sinh, dựng hiện trường giả rằng Thuý Kiều đã bị chết cháy, xong tạo tình cảnh dở khóc , dở cười cho Thúc Sinh chứng kiến cảnh bà đày đọa Thuý Kiều.

“Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay.”

Hoạn Thư đã ép Thuý Kiều dâng rượu cho chồng uống, hát cho chồng nghe, đe nẹt khi nàng tấu lên những ca khúc làm chồng bà buồn, rồi sau cùng, buộc nàng phải xuất gia, mặc áo cà sa và tu ngay trong chùa của khuôn viên nhà.
Nếu Thuý Kiều khổ não cảnh mua hương bán phấn trong Lầu Xanh dưới sự cai quản của Tú Bà, thì trong khuôn viên của vợ chồng Thúc Sinh, nàng đã bị Hoạn thư đày đọa tinh thần đến cùng cực. Hành xử của Hoạn Thư đã khiến Thúc Sinh cũng đành thua cuộc, túng cùng. Nguyễn Du đã tỏ rõ tình cảnh này như sau:

“Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
Thực tang bắt được dường này,
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.
Thế mà im chẳng đãi đằng,
Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu!
Thân ta ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!”

Vải Giác Duyên hiểu rõ tình cảnh của Thuý Kiều bị ép tu trong tình cảnh quản thúc nên giúp nàng tìm đường trốn thoát. Vải Giác Duyên tưởng giúp Thuý Kiều trú chân trong nhà Bạc Bà trước khi trốn thoát, ai ngờ Bạc Bà cũng một phường tham lam như Tú Bà:

“Nào ngờ cũng tổ bợm già,
Bạc bà học với Tú bà đồng môn!
Thấy nàng mặt phấn tươi son,
Mừng thầm được mối bán buôn có lời.”
Bạc Bà ép nàng lấy cháu của mình là Bạc Hạnh
“Thế nào nàng cũng phải nghe,
Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai.
Bấy giờ ai lại biết ai,
Dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh.
Nàng dù quyết chẳng thuận tình,
Trái lời nẻo trước lụy mình đến sau.”
Cùng đường dù tính chữ tòng,
Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?
Nữa khi muôn một thế nào,
Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu?"

Thuý Kiều đã than thân trách phận rằng:

“Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi!
Nghĩ đời mà chán cho đời,
Tài tình chi lắm, cho trời đất ghen!
Tiếc thay nước đã đánh phèn,
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!”

Nhưng rồi một đêm trăng thanh gió mát , nàng đã gặp Từ Hải, một người oai dũng và khí phách.

“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.”
Hai người đã gá nghĩa trăm năm.
“Trai anh hùng, gái thuyền nguyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.”


Từ Hải là thủ lĩnh tài ba đã từng làm điêu đứng triều đình nhà Minh. Với oai danh của mình, Từ Hải đã giúp Thuý Kiều trả thù những người làm hại nàng trước đây như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh và thi ân vải Giác Duyên.
Khi được Từ Hải hết lòng thương yêu, Thuý Kiều tưởng sẽ được sống an vui trong cảnh phu phụ đầm ấm:

“Nàng rằng phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng môt lòng xin đi”

Ai ngờ Thuý Kiều nghe lời thuyết khách ma quỷ của Hồ Tôn Hiến, khuyên bảo Từ Hải ra hàng triều đình để có thể sống một đời bình thường, nên Từ Hải sa vào hoàn cảnh tuyệt vọng “Mắc mưu chết đứng giữa đàng”.
Trước cái chết của Từ Hải, nàng đã than rằng:

“Khóc rằng: Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!
Mặt nào trông thấy nhau đây?
Thà liều sống thác một ngày với nhau!”

Oái ăm thay, Thuý Kiều không chết. Sắc đẹp của nàng đã khiến Hồ Tôn Hiến động lòng.

“Quan quân kẻ lại người qua,
Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần.
Đem vào đến trước trung quân,
Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han.
Rằng: Nàng chút phận hồng nhan,
Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!”

Sau khi cho phép Thuý Kiều cảo tang Từ Hải, Hồ Tôn Hiến bắt nàng hầu rượu, rồi đàn hát cho hắn thưởng thức.

“Trong quân mở tiệc hạ công,
Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan.
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu”

Mặc dù Thuý Kiều đàn nhạc khúc ai oán, não lòng than cho thân phận bạc mệnh của mình nhưng đã làm hắn mê say muốn chiếm đoạt:

“Nghe càng đắm ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!”

Hành động của hắn đã khiến Thuý Kiều phải than:

“Rằng: Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời ?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!
Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang.”

Số “hồng nhan bạc mệnh” của Thuý Kiều đã khiến Tam Hợp đạo cô chép miệng than với vải Giác Duyên rằng:

“Hết nạn ấy đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần!”

Nhưng nhà sư đã đề cao cái tâm của Thuý Kiều đã động lòng trời, khiến nàng hết kiếp nạn:

“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm,
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
Hại một người cứu muôn người,
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.”
 

Vải Giác Duyên nghe xong, lân la đến song Tiền Đường tìm cách cứu mạng Thuý Kiều đưa về chăm sóc. Sau này, khi Vương quan và Kim Vân đi tìm chị , nhờ vải Giác Duyên chỉ chỗ, đưa về đoàn tụ gia đình.
Đại thi hào Nguyễn Du đã mượn lời của sư Tam Hợp để ca ngợi cái tâm của người con gái xinh đẹp, có tâm có tài nhưng không may mắn- vận mệnh không được phần thanh cao. Qua cuộc đời truân chuyên mà Thuý Kiều trải qua, đại thi hào Nguyễn Du cho chúng ta thấy những tệ đoan trong xã hội phong kiến thời bấy giờ, mà bất cứ xã hội nào thời nay cũng không tránh khỏi. Những hành vi của họ luôn gắn liền với mưu kế thâm độc để bẫy những người hiền lương vào những lợi ích gian manh của họ. Và để kết thúc vấn đề được đưa ra trong phần mở đề về chữ tài, đại thi hào đã muốn khuyên chúng ta rằng:

“Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh."

Truyện Kiều quả là di sản triết học Đông Phương qua cảm nhận và đánh giá đúng đắn về nhân tình thế thái của người Việt. Bất cứ thời đại nào, xã hội nào, bên cạnh những con người tài đức, trung hiếu, nhân hậu, chúng ta cũng thấy không thiếu con người tham lam, hãm hại, lợi dụng, ganh tị, gian trá, xảo quyệt… Những hành vi xấu xa này có thể bức bách những con người lương thiện (bình thường hay tài đức) đến chỗ đau khổ, ân hận, thậm chí cái chết. Những con người tài hoa với tấm lòng nhân hậu như Thuý Kiều còn lâm vào cảnh bị bức tử huống hồ những người có tài mà không đức. Nếu có tài mà không đức thì tai họa ngẫu nhiên rơi xuống không thể lường. Suy cho cùng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và đây là câu nói mà người Việt nào cũng thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về tâm và tài.

Đại thi hào Nguyễn Du không những đã để lại cho dân tộc Việt Nam di sản thơ truyện lục bát giá trị và còn cho chúng ta nhân sinh quan sống hết sức hữu ích. Ngày nay, chúng ta, các văn thi sĩ Việt Nam cố gắng noi gương tiền nhân, sáng tác nhiều tác phẩm giá trị để tiếp tục phát triển văn học Việt Nam. Tiếp tục dạy cho con cháu chúng ta nói tiếng Việt, hiểu thơ Việt. Dù ở nơi nào, chúng ta nên tâm niệm rằng: 

“Tiếng Việt còn, người Việt còn!”

Cung Thị Lan
Ngày 16 tháng 9 năm 2020

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Hoa Tháng Mười

Mê mải bên hoa rộ Tháng Mười 
Ngợp trời hoa thắm nét xuân tươi 
Tìm trong tịch lặng hương hoa ngát 
Chợt nhớ hoa xưa rộn tiếng cười 









g
Thơ Và Ảnh: Kim Phượng

Trung Thu Nguyệt 中秋月 - Bạch Cư Dị


中秋月

萬里清光不可思
添愁益恨繞天涯。
誰人隴外久徵戍
何處庭前新別離。
失寵故姬歸院夜
沒蕃老將上樓時。
照他幾許人腸斷
玉兔銀蟾遠不知。 

白居易 

Trung Thu Nguyệt

Vạn lý thanh quang bất khả ty (tư)
Thiên sầu ích hận nhiễu thiên nhai.
Thuỳ nhân lũng ngoại cửu chinh thú
Hà xứ đình tiền tân biệt ly.
Thất sủng cố cơ quy viện dạ
Một phiên lão tướng thướng lâu thì.
Chiếu tha kỉ hứa nhân trường đoạn
Ngọc thố ngân thiềm viễn bất tri.

Bạch Cư Dị
***
Dịch Nghĩa: 

Trăng Trung Thu Từ muôn dậm, ánh trăng thật trong không thể trong hơn nữa
Ngàn nỗi hận sầu bao lấy cả một góc trời
Vùng đất ngoài xa bao người đi lính đã lâu
Trước sân từ phương nào có cuộc chia tay mới
Đêm nay, người cung phi già không còn được ân sủng quay về cung điện
Cũng vào lúc này viên tướng già không còn được trọng dụng lên lầu
Ánh trăng chiếu rọi, khiến lòng họ đau như đứt từng đoạn ruột.
Thỏ ngọc và Cóc bạc trên cung trăng xa xôi làm sao biết được 

Dịch Thơ: 

Muôn dăm ánh trăng soi sáng rực
Ngàn sầu chồng chất góc trời đông
Ngoài biên bao kẻ còn lưu trấn 
Sân trước nơi nao lại tiễn chồng 
Phai sắc cung phi hờn điện vắng
Mòn hơi lão tướng chán lầu không
Nhìn trăng đẹp sáng thêm đau thắt
Cóc thỏ trên trăng khó hiểu lòng

Quên Đi

Đêm Nguyệt Cầm - Khánh Hùng - Kim Trúc


Sáng Tác: Khánh Hùng
Tiếng Hát: Kim Trúc


Tết Trung Thu Việt Nam

(Trung Thu 1969)

Rộn ràng trống thúc địa lân 
Chiều buông trăng tỏ sáng dần lên cao
Cõi trời mấy tỉ ngôi sao?
Dương gian trẻ nhỏ biết bao đèn lồng!
Thiếu nhi nao nức tấm lòng
Nụ cười tươi rói nhập dòng hân hoan
Múa lân địa quạt nghênh ngang
Chật đường bít lối chẳng than thở gì
Rước đèn trống giục em đi
Trung Thu nguyệt rạng cũng vì tuổi thơ
Nhìn nhau cha mẹ say mơ
Nhớ thời niên thiếu bây giờ tìm đâu...?


Mai Xuân Thanh
Ngày 22/09/2020

Trăng Muôn Đời Vẫn Sáng


Liễu rũ trăng nghiêng soi bóng cửa,
Trải dòng suối bạc ngỡ rừng xưa.
Vói tay mới biết làn hư ảo
Ðêm vẫn còn thơ mộng sớm thừa!

Ai nỡ kéo trăng xuống chốn này
Để màu trăng biếc nhạt chân mây!
Thích trăng ta đến bên bờ suối
Ttìm chút nguồn thơ, phút đắm say.

Đêm khuya ta sợ trăng trôi mất
Sợ gió lên nhiều thổi trăng bay!
Viễn xứ ngàn trùng thương xóm cũ
Hạ về hoa đỏ rực quanh đây

Chợi nhớ phượng xưa trăng phố nhỏ
Áo em vàng lụa tưởng vần thơ
Phố trăng huyền diệu tình chung bước
Ôi mộng thần tiên thuở học trò!

Nửa đêm tỉnh giấc buồn tê tái
Đời tựa mây trôi cánh hoa phai
Lặng lẽ mùa đi nào có biết,
Phố xưa phảng phất nỗi u hoài!

Trăng muôn đời vẫn là trăng mộng
Tỏa ánh tơ vàng thắm khoảng không
Lộng lẫy trong đêm đầy diễm ảo
Sớm mai trăng lẫn cõi phiêu bồng.

Thế sự thăng trầm trăng vẫn sáng
Con thuyền xuôi ngược bến đò ngang.
Bóng trăng có lúc tròn trăng khuyết
Trăng của riêng ta mãi dịu dàng.

Đỗ Bình

Trung Thu Và Tuổi Thơ!

  Hồi xưa ở làng Trung Ngãi, ba má tôi buôn bán, sợ lơ là con cái hư nên kiểm soát con cái rất nghiêm minh, anh em chúng tôi không được đi rong trong xóm, nên sân nhà tôi và hai bên lối xóm là địa điểm tụ họp con nít trong làng. 

       Năm tôi lên năm lên sáu tuổi, thời đó thanh bình lắm, những đêm trăng sáng người lớn ra hàng hiên trò chuyện dây chuyền từ nhà này sang nhà nọ, còn con nít chúng tôi sau khi học bài xong được ra sân đùa giỡn, con nít tụ năm túm ba nhảy dây, bịt mắt bắt dê, tạt lon, kéo tiếp sức… trò chơi không phân biệt trai gái.. còn con nít ké biết gì mà phân biệt.
      Trăng là ngọn đèn điện của tuổi thơ! Trước khi giải tán thì kể một câu chuyện ma, kể xong, hù một tiếng mạnh đứa nào nấy chạy về nhà…. 


    Đặc biệt ngày lễ Trung Thu, trước một tháng, chúng tôi đã chuẩn bị tập dợt đi rước đèn thế nào cho ăn nhịp và bài hát phải thuộc lòng. Thường trong nhóm chúng tôi có Lệ Hoa là trưởng nhóm. Lệ Hoa lớn hơn tôi một tuổi nhưng có tài điều khiển con nít và giỏi ca hát. Lệ Hoa ra lệnh là bọn tôi nghe rôm rốp. Làng tôi nghèo nên cha mẹ đâu dư giã mua lồng đèn màu như con nít trên tỉnh.
      Chúng tôi nghĩ cách làm lồng đèn, tiền ăn hàng để dành mua dưa hấu loại nhỏ, dạt phần trên, dùng muỗng nạo ruột ăn, nạo sao cho vỏ dưa càng mỏng càng tốt. Sau đó dùng đuôi ngòi viết muỗng hay lá tre, khắc vỏ dưa tùy theo mình chế kiểu. khắc hình cái mặt nạ, hay cánh hoa..v.v.. lấy dây kẻm quấn lại vừa với cây đèn cầy, ghim vào phần dưới đáy trái dưa đế cặm đèn cầy. Cuối cùng làm cái quai và xỏ vào que trúc để cầm.
      Khi đèn đốt lên thì ánh sáng tỏa ra những hình dạng đã khắc rất đẹp mắt.
      Ngồi chờ trăng lên, chúng tôi đi diễn hành trong khu phố nhỏ, cất tiếng ca, con trai lấy lá dừa quấn làm kèn, lấy thùng làm trống đi theo phụ họa….

“ … Tùng dinh dinh cắt tùng dính dính ..em rước đèn này đến cung trăng…. “

       Sung sướng và vui biết bao… Tuổi trẻ hồn nhiên đẹp biết dường nào!
      Nhưng rồi giặc giã nổi lên, cuộc sống bình yên không còn nữa, năm Mậu Thân làng Trung Ngãi (Quận Vũng Liêm) cháy ra tro, gia đình tôi rời làng tản cư lên Vĩnh Long. Bạn bè tứ tán, tôi đã bỏ làng ra đi nhưng ký ức tuổi thơ và những gương mặt của Lệ Hoa, Ánh, Hoa Nhỏ, Mỗi, Bé Em, Nguyệt, Chương (em họ tôi), Mãn, Bảnh, Khởi …. Và nhiều lắm kể sao cho xuể… mãi đi theo tôi suốt đời. Dễ thương quá!


     Khi tôi lên Vĩnh Long, ba tôi làm nhà máy xay lúa ở Mây Tức, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình, gia đình ổn định. Má tôi chỉ nhiệm vụ ở nhà chăm sóc và kèm chị em tôi học, những giờ rảnh má thích học đàn Mandolin, anh Tư tôi viết nốt nhạc dán lên cây đàn cho má tự học, má tôi rất giỏi, học rất nhanh và có thể reo đàn dòn dã. Má tôi thích đàn những bài ca hùng tráng Hòn Vọng Phu, Bạch Đằng Giang và những bài hát của nhi đồng.
      Những năm 1969 -1971, trước một tháng Trung Thu, chúng tôi mua giấy pulure đủ màu, quậy bột làm hồ, những chiếc lồng đèn cánh hoa do Kim Phượng chị Sáu tôi sáng chế. Đến ngày đó lồng đèn được treo từ cổng vào nhà, cây xoài và cây mận trước nhà cũng đầy lồng đèn. Trước sân trải một chiếc đệm, bày bánh mứt, hột sen rang, tàng cây xoài và cây mận che khuất ánh trăng, lồng đèn thắp sáng trưng rất đẹp, vui mắt biết bao.
      Má tôi đàn Mandolin, Chương cậu em họ đàn Guitar, Hữu cậu em Út nhịp trống, Ba và chúng tôi cùng quây quần vỗ tay ca hát “Bóng trăng trắng ngà có cây đa to có thằng cuội già ôm một mối mơ…..” hay “ Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường….lòng vui sướng với đèn trong tay, em hát ca dưới ánh trăng rằm....tùng dinh dinh cắc tùng dính dính....”

       Trẻ nít trong xóm nghèo không có lồng đèn, không bánh mứt, bu quanh nhìn, trông ánh mắt thèm thuồng, má tôi bảo mở cửa rào cho chúng vào chơi chung, tụi nhỏ hớn hở vào ngồi và vỗ tay phụ họa…..
      Rồi chiến tranh lại tiếp tục, niềm vui tuổi thơ cũng bị ảnh hưởng và má tôi buồn không muốn làm Trung thu như thế nữa. Ba má tôi bảo thương cho những người lính chiến lặn lội gió sương, nằm gai nếm mật cho mình được ấm no sung sướng, mình vui không đành. Ba má tôi là thế!
      Từ đó về sau, mỗi độ Trung Thu về, trước cửa nhà chúng tôi chỉ treo một lồng đèn con cá, hoặc con bươm bướm mà thôi. Bọn trẻ chúng tôi ngồi ở hành lang đàn hát vừa đủ nghe….
       Tuổi thơ tôi đi qua…!!!


     Thời cuộc sau 1975 phải xa rời Việt Nam, định cư ở Úc tôi lại tìm được tuổi thơ qua hai con của tôi, khi chúng sinh hoạt với cộng đồng thiếu nhi ở trường Việt ngữ.
       Nhưng rồi…. tuổi thơ của hai con cũng đi qua…!!!
       Thời gian cũng không dừng lại…!!!
      Tôi thường lặng lẽ trong những đêm trăng lên. Đôi lúc tôi sợ nhìn trăng … vì trong trăng nhốt trọn hình ảnh tuổi thơ tôi, có ngôi làng thanh bình, có ba má, có anh em, có con cái, có bạn bè… mà tôi với …với hoài ….
       Xa quá trăng ơi!

Kim Oanh
Đêm Trung Thu 2012

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Thu Phong - Thơ: Hoàng Lan Chi - Nhạc Nguyễn Tuấn - Trình Bày Lâm Dung


Thơ: Hoàng Lan Chi
Phổ Nhạc: Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát: Lâm Dung

Lời Chúc Vào Thu

Sáng bên đồi,
trời mù sương lãng đãng,
nắng chưa về, còn ngái ngủ thềm ai,
giọt long lanh trên vạt cỏ sớm mai,
trong se lạnh nhẹ nhàng thu khẽ đến.

Vàng lớp lá,
chưa tan niềm xao xuyến,
vắng chân nai để xào xạc âm thương,
điệu thu buồn như một nét tơ vương,
vào mắt biếc của người trăm năm cũ.

Ôi mùa thu,
điệu thu ca muôn thưở,
rơi ngọt ngào giữa tháng chín mù sương,
đóa cúc xinh vừa hé nở cuối vườn,
như thầm lặng trao một lời chúc muộn.

Tuổi thời gian,
ngại ngùng thôi đừng đếm,
thắp làm chi những ngọn nến hồng xưa,
bước mùa thu dẫu đôi lúc hững hờ,
sao quên được vàng thu, rừng lá chín.


Sông-Hương

Tuổi Thơ


Tôi nhớ những ngày tháng tuổi thơ 
Dành tiền cho nàng, lòng thương nhớ. 
Má tôi biết được, hỏi tiền đâu? 
Lúng túng, tôi thưa, tiền mất rồi 
Không biết giờ này nàng đâu nữa? 
Có nhớ những lần vẹo má tôi 
Nũng nịu, đòi tôi mua cho kẹo 

Hồ Chung Tú

Nụ Cười Độ Lượng Bao Dung



Em yêu mùa Thu lãng mạn
Để anh trao tặng bài thơ
Mưa rơi như từng nhịp thở
Từng hạt từng hạt lang thang... 

Tình yêu của em ngu ngơ
Nhìn mưa bay mờ sâu thẳm
Chúng ta có duyên không nợ 
Nên em chỉ yêu âm thầm…

Tình yêu của em tham lam
Chỉ muốn riêng em mong đợi
Nhưng anh mịt mùng xa lắm
Em chờ mỏi mắt anh ơi !.

Tình anh như bờ biển rộng
Chở che bóng dáng thuyền ai
Sương Thu giăng giăng thật mỏng
Thương anh suốt tháng năm dài.

Em vẫn đợi anh bài thơ
Dẫu qua bao mùa lá rụng
Em luôn thầm yêu trộm nhớ
Nụ cười độ lượng bao dung…

Dương hồng Thủy


Đau Chẳng Còn Chi


Mẹ đã đi rồi ba cũng đi
Trăm năm đất lạ chẳng còn chi
Con đau con khóc không ai biết
Mưa cũng thêm buồn ngập lối đi

Côi cút lang thang trốn nợ đời
Nửa đời oan ức nửa chết trôi
Nhớ ao rau muống thương bờ chuối
Tóc rụng bốn mùa áo tả tơ

Gót mòn gối mỏi tim trống không
Đò nào chịu chở buồn qua sông
Chim nào mang chút tin vui đến
Trước lúc hồn tan nẻo bụi hồng

Khói nhang không trọn tủi cơm canh
Cây trốc gốc rồi hết lá xanh
Con như con dế mèn lem luốc
Càng rụng chân què râu lạnh tanh

Ruộng lúa bờ măng gốc mãn cầu
Còn dấu chân bùn bóng áo nâu
Vườn cà vườn cải vườn cam quít
Còn dấu tay nào lo bắt sâu

Chiều tối chong đèn ấm mái tranh
Tép rang cơm nóng rau thương canh
Mắm kho khô nướng thơm tình mẹ
Như chuyện đời xưa mộng an lành

Con mộng xây nhà thực khang trang
Sân trước sân sau gạch lót đàng
Còn có sân trong hòn non bộ
Ba mẹ uống trà vui thưởng trăng

Mười năm đất khách may được nhà
Vườn rộng chim ca lắm cỏ hoa
Bàng hoàng nhang khói đêm thao thức
Đất trời lạnh lẽo bóng sao sa

Tóc mây mắt biển tay trăng sao
Mẹ về băng bó vết thương đau
Xức dầu cạo gió khi con lạnh
Nước mắt còn vương áo chiêm bao

Vầng trán thanh cao mặt chữ điền
Chân trần áo vá mắt thần tiên
Ba đi gieo mạ đi trồng bắp
Dọn cỏ vườn dừa ương sầu riêng

Gốc mai trước ngõ quá già nua
Qua bao khói lửa bao nắng mưa
Vẫn còn gượng trổ hoa khoe tết
Chờ ba làm lễ đón giao thừa

Mơ nào như thực thực như mơ
Ba mẹ đi lâu con vẫn chờ
Cút cụt đuôi ai nuôi cút lớn (1)
Ngày lại ngày qua lông xác xơ

Nghe lạnh mười phương lạnh mấy đời
Lạnh từ tim óc lạnh đau môi
Con đi thất thểu trên đường nắng
Lạnh vẫn tương tư lạnh đón mời ...

MD 10/19/05
LuânTâm

(1) Ca Dao:
Cút cụt đuôi, ai nuôi cút lớn
Dạ thưa thầy: con lớn mình con

Hồn Mùa Thu

Bài Xướng:

Hồn Mùa Thu

Mới vài chiếc lá vàng rơi
Mà sao thi sĩ bồi hồi nhớ thương
Mới vài chiếc lá ẩm sương
Mà sao thi sĩ vấn vương thế này
Mới vài chiếc lá vàng bay
Mà sao thi sĩ ngất ngây chau mày
Mới vài chiếc lá vàng lay
Mà hồn thi sĩ như say hương nồng…..
Cũng màu lá cũ cam, hồng
Cũng mầu lá cũ ngóng trông thẫn thờ
Mùa thu ươm mộng ươm mơ
Mùa thu gợi nhớ dệt thơ nơi này

Sao khuê

***
Các Bài Họa:

Bài Thơ Thu

Chợt buồn thu trải vàng rơi
Chợt nhiên nhớ lại từng hồi luyến thương
Chợt nghe phảng phất hơi sương
Chợt hồn thơ quyện sầu vương bên này
Chợt nhìn mây lững lờ bay
Chợt mơ về tuổi thơ ngây nét mày
Chợt đau hồn vía lắt lay
Chợt mường tượng lúc đắm say tình nồng
Chợt thương má thắm môi hồng
Chợt soi gương khóc nét trông bơ thờ
Chợt bừng tỉnh khỏi cơn mơ
Chợt trao tâm sự Bài Thơ Thu này

Phương Hoa 
 Sep 19th 2020

***
Vì ai

Vì ai nhặt lá Thu rơi
Vì ai lòng mãi bồi hồi tiếc thương
Vì ai môi ngậm giọt sương
Vì ai tim mãi tơ vương tình này
Vì ai mây trắng ngừng bay
Vì ai ngơ ngẫn hồn ngây mắt mày
Vì ai liễu chẳng buồn lay
Vì ai lệ đẫm chẳng say giấc nồng
Vì ai má đã thôi hồng
Vì ai ngày nhớ đêm trông thẫn thờ
Vì ai chẳng tỉnh cơn mơ
Vì ai ai hiểu tình thơ sầu này

PhamPhanLang
Đất Hạ, 19/9/2020
***

Giấc Thu

Bên nhau cùng ngắm lá rơi
Lời ai tha thiết cái hồi chớm thương
Đêm chờ hứng giọt tình sương
Soi tìm ánh mắt đắm vương lòng này
Thướt tha mái tóc mây bay
Môi son má thắm thơ ngây nét mày
Lao đao hồn phách xiêu lay
Rượu chưa kịp uống đây say men nồng
Bến thu hẹn kết tơ hồng
Gi  đây lá đổ hoài trông thn thờ
Mấy mùa lặng lẽ thu mơ
Nhặt lá rút ruột đề thơ tình này

Kim Oanh

***

Say Thu 

Say màu vàng úa thu rơi
Say cơn gió thoảng từng hồi cảm thương
Say Hường đọng những giọt sương
Say mây tím nhạt sầu vương mắt này
Say từng chiếc lá khô bay
Say cơn mưa nhẹ dại ngây mặt mày
Say vì nỗi nhớ lắt lay
Say cuồng ảo tưởng nhoà cay đắng nồng
Say trời hương phấn tô hồng
Say đêm chén nguyệt đợi trông ơ thờ
Say rồi chợt khóc chợt mơ
Say Thu ẩn chứa hồn thơ lệ này 

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/19/2020
***
Mong Đời Đẹp Lá Vàng Thơ

Mong nhìn màu Lá Thu rơi
Mong ơi…chỉ thấy bời bời đau thương!
Mong mau dứt Hạ bụi sương
Mong Thu man mác sầu tương tư này
Mong dừng khói lửa vờn bay
Mong tàn tro chẳng lấp phai mi mày
Mong Mưa Thu thấm lá…lay
Mong Hương Thu thoảng tình…say đậm nồng
Mong vầng dương tỏa nhật hồng
Mong tròn tâm hạnh, khóa song ơ thờ
Mong qua kiếp nạn còn mơ
Mong Đời Đẹp Lá Vàng Thơ...Thu này

Thanh Song Kim Phú
CA Sep/19/2020
***
Mùa Thu Ngà Ngọc

Thu sang có lá vàng rơi
Gió hiu hiu thổi gọi mời yêu thương
Trên cành chiếc lá đẫm sương
Thi nhân sao bỗng nhớ thương thế nảy
Bụi trần gió thổi tung bay
Lòng trần tha thiết mê say nét mày
Tóc thề gió thổi nhẹ lay
Mùa Thu ngà ngọc có hay tình nồng
Cuộc đời chan chứa màu hồng
Lá rơi cũng vẫn ...ai trông thẫn thờ
Vàng thu lá đổ ai mơ
Cùng ai dệt mộng bài thơ thu này?

Lê Thị Nhị
30/9/2020
***
Bài Thơ Yêu

Thu về xao xuyến lá rơi
Vàng ươm rực rỡ như mời luyến thương
Bình minh đã vẹt màn sương
Ánh quang lấp lánh niềm thương mến này
Dạt dào ngây ngất thơ bay
Nhìn ai bên cửa đắm say vẽ mày
Gió đùa mành trúc lắt lay
Tưởng câu hờ hững nào hay duyên nồng
Từ lâu má thắm môi hồng
Ngày đêm nhung nhớ đợi trông bơ thờ
Tình len thiên vạn cơn mơ
Thu ơi! Nhờ dệt Bài Thơ Yêu này

Phương Hoa
Sep 30th 2020

***

Thu Gợi Tình Xưa

Trời thu nhạt nắng vàng rơi
Chạnh lòng lại nhớ cảnh hồi mới thương
Nhìn sông bát ngát chiều sương
Mơ màng cánh nhạn hoài vương lối nầy
Nhớ màu áo lụa tím bay
Nhớ người buổi ấy mắt ngây liễu mày
Môi cười giữa nắng hồn lay
Trời thanh tóc biếc tình say xuân nồng
Chừ ngồi ngắm ráng mây hồng
Tình xa muôn dặm sầu trông bơ thờ
Chừ tàn cánh mộng lòng mơ
Tình xưa thu gợi đan thơ chốn này

Hương Thềm Mây 
13.10.2020