Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Vườn Thu

 
Ảnh: Kim Phượng

Chiều Thu Gợi Nhớ



Chiều ngồi thẫn thờ nhìn lá Thu rơi
Nhìn mây hoàng hôn tím cuối chân trời
Là những lúc nghe lòng đầy nỗi nhớ.
Nhớ quê nhà, sơn hà bao cách trở
Bạn bè xưa, nay ai mất, ai còn?
Môt góc quê hương tên gọi Sài Gòn
Giờ nơi ấy trời đang mưa hay nắng?
Lưu lạc quê người cõi lòng hoang vắng
Nhắc đến Sài Gòn lòng thấy bâng khuâng.
Nơi đất khách,
Tôi thương nhớ mãi từng người năm cũ.
Chốn quê nhà,
Có còn ai nhắc nhở đến tôi không?


Hoa Đô. 13-10-2020
Lão Mã Sơn.

Tình Phụ

 

Tại sao anh nở bỏ em
Em cô đơn với những đêm lạnh lùng 
Điệu đàn giờ đã ngang cung 
Lệ tràn mi ướt mịt mùng đắng cay 
Em giờ chẳng có ngày mai 
Hận người bội bạc chẳng hoài phu thê 
Anh đi chẳng hẹn ngày về 
Anh đi vì đã đam mê sang giàu 
Cuộc đời anh muốn trèo cao 
Coi chừng té nặng u đầu nghe anh 
Chiều buồn sương khói xây thành 
Giấc hồ phiêu lãng mong manh ước nguyền 
Bao người vui bước chinh yên
Chỉ riêng anh cứ tìm miền phù hoa 
Hết rồi cái thuở ngọc ngà 
Tay trong tay nhạc mặn mà lung linh 
Anh si tiền hơn si tình 
Anh ngồi đếm đô-la nhìn say mê 
Còn đâu lời ước câu thề 
Chừng nào anh mới mò về bên em 
Anh người đổi trắng thay đen 
Anh người bội nghĩa quên đèn tham trăng
Anh người thấy đó bỏ đăng 
Anh người thừa gió bẻ măng bạc tình. 

Toronto 13/5/2022 
Nguyên Trần

Nét Đẹp Sương Lam!


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ phần nào tấm thịnh tình, sự cư xử rất đẹp của các Nhà Văn, Nhà Thơ Sương Lam và Kim Oanh. Kính tặng Quý Độc Giả yêu quý Thơ, Văn của Sương Lam và Kim Oanh.)

Sương màu lam sao mà đẹp tuyệt!
Kìa! Cô Nữ Sinh duyên dáng Miệt Sông Nước Lục Bình!
Áo Dài trắng muốt mờ ảo trong sương lam chiều thật là xinh!
Kia! Dáng Mẹ Già lụm cụm, lung linh trong màu lam sương phủ!

Sương mà sắc ấy “hồn” sao “ngủ”?
Tóc lại màu này “phách” phải “tiêu”!
Thêm nụ cười như ngàn hoa đồng nội thơm ngát gió chiều!
Núi rừng, biển cả, sông ngòi, cây lá. . . cùng phiêu diêu ngây ngất!

Thiền Nhàn Một Cõi! Có phải nơi đây là vui nhất?
Vui vì Thiền, vui vì Nhàn hay vui vì Một Cõi Phật Tổ đã đi qua?
Vui vì Long Hồ Vĩnh Long với bao nhiêu tác phẩm châu báu ngọc ngà?
Như Tằm nhả Tơ dệt thành những giải lụa óng vàng chói lòa muôn thuở?

“Nói ít” thôi không chừng bị “quở”!
“Viết sơ” vậy chẳng lẽ nghe “la”?
Kim Oanh khúc khích đằng xa!
“Chê” ai Hát Nói như “ca theo Nàng”
Nhưng rồi “len lén” đem sang!
“Mở ra xem thử” có “Chàng” đấy không?
Lục Bình nở tím ven sông!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 10/10/2022

Phải Thế Không EM!

  


Bài Xướng:

Phải Thế Không EM!


Phải thế không EM, những chuyện buồn
Tựa cơn gió thoảng giọt mưa tuôn
Chợt đi chợt đến như đùa cợt
Để ý làm chi hãy bỏ buông!

Phải thế không EM, những đắng cay
Chỉ là gia vị cuộc đời nầy
Giúp ta trân quý gì ta có
Hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng đủ đầy!

Phải thế không EM, chuyện …chúng mình
Ngày nao hai đứa mộng tươi xinh
Đường đi tuy lắm nhiều gai góc
Ta vẫn bên nhau tựa bóng hình!

Phải thế không EM, bao muộn phiền
Những điều trái ý chẳng hòa duyên
Thôi thì…hỷ xả và vui sống ,
Để thấy mỗi ngày đẹp cảnh tiên!

Phải thế không EM, hãy mỉm cười
Tình thương san sẻ đến bao người
Cho đi để thấy lòng an lạc
Nhận lại niềm vui với cuộc đời!

Hoàng Dũng

06/06/2021
***
Họa Vần:

Xin Hiểu Vì Sao


Xin hiểu vì sao mang nỗi buồn
Từ ngày ly xứ lệ trào tuôn!
Quê hương chừ đã xa muôn dặm
Hoài niệm dâng tràn sao nỡ buông!

Xin hiểu vì sao đẫm lệ cay
Tháng năm cô lẻ ở phương nầy!
Mong sao quê Mẹ bình minh dậy
Để thoát nơi đây cõi đọa đầy!

Xin hiểu vì sao tình của mình
Cách ly hành hạ dáng em xinh!
Bao năm chờ đợi mong xum họp
Thao thức hằng đêm chỉ ngắm hình!

Xin hiểu vì sao lắm chuyện phiền
Đều do nghiệp tạo mới thành duyên!
Ta nên hỷ xả, từ bi đức
Để cõi hồng trần hưởng giới Tiên!

Xin hiểu vì sao mỗi nụ cười
Mang niềm thương mến đến muôn người!
Hài hòa, trung tín, khiêm cung tánh
Là nét tinh anh sáng cõi đời!

Lâm Hoài Vũ

07/06/2021
***
Thôi Nhắc Làm Chi!

Thôi nhắc làm chi kỷ niệm buồn
Cánh hoa thời loạn đẵm sầu tuôn
Con thuyền định mệnh vô phương hướng
Cố níu chi bằng hãy vội buông!

Thôi nhắc làm chi chén lệ cay
Một lần uống cạn khổ tình này
Thời gian mòn mỏi người hay biết
Canh cánh phòng đơn bóng tối đầy!

Thôi nhắc làm chi tội lắm mình
Hôm nào sinh lễ rễ dâu xinh
Ngày nay hạnh phúc theo mây khói
Héo hắt đèn đêm tưởng nhớ hình!

Thôi nhắc làm chi ngập nỗi phiền
Họp tan tan họp bỡi là duyên
Thân tâm an lạc vui thanh thản
Mong ước cuối cùng lạc cõi tiên!

Thôi nhắc làm chi cố gắng cười
Cho đi tất cả chỉ vì người
Không buồn không hận không hờn trách
Nhận lại ân Thiên sống để đời!

Kim Oanh
10/2022

Túy Thì Ca 醉時歌 - Đỗ Phủ


Đỗ Phủ uống rượu như nước lã, uống đến nghèo rớt mùng tơi, uống không ngừng, còn tiền là còn uống, hết tiền thì uống ké bạn bè. Ông nói tới rượu trong cả trăm bài thơ, nhưng, khác với Lý Bạch, rất ít khi thấy ông say trong thơ. Trong bài 贈衛八處士 Tặng Vệ Bát Xử Sĩ, gặp bạn thân sau 20 năm xa cách, ông cao hứng uống 10 bình mà vẫn chưa say (十觴亦不醉, 感子故意長 Thập trường diệc bất túy, Cảm tử cố ý trường. Cảm kích tình khăng khít, 10 bình cũng chưa say).

Tuy nhiên, bài 醉時歌 Túy Thì Ca là một ngoại lệ, ông đột nhiên trở thành gã say vô địch!

Nguyên bản             Dịch âm

醉時歌                    Túy Thì Ca

贈廣文館博士鄭虔 Tặng Quảng Văn Quán Bác Sĩ Trịnh Kiền

諸公袞袞登臺省 Chư công cổn cổn đăng đài sảnh
廣文先生官獨冷 Quảng Văn tiên sinh quan độc lãnh
甲第紛紛厭粱肉 Giáp đệ phân phân yểm lương nhục
廣文先生飯不足 Quảng Văn tiên sinh phạn bất túc

先生有道出羲皇 Tiên sinh hữu đạo xuất Hi Hoàng
先生有才過屈宋 Tiên sinh hữu tài quá Khuất Tống
德尊一代常坎軻 Đức tôn nhất đại thường khảm kha
名垂萬古知何用 Danh lưu vạn cổ tri hà dụng?

杜陵野客人更嗤 Đỗ Lăng dã lão nhân cánh xuy
被褐短窄鬢如絲 Bị cát đoản trách mấn như ti
日糴太倉五升米 Nhật thích thái thương ngũ thăng mễ
時赴鄭老同襟期 Thì phó Trịnh lão đồng khâm kỳ

得錢即相覓 Đắc tiền tức tương mịch
沽酒不複疑 Cô tửu bất phục nghi
忘形到爾汝 Vong hình đáo nhĩ nhữ
痛飲真吾師 Thống ẩm chân ngô sư

清夜沈沈動春酌 Thanh dạ trầm trầm động xuân chuốc
燈前細雨檐花落 Đăng tiền tế vũ thiềm hoa lạc
但覺高歌有鬼神 Đản giác cao ca hữu qủi thần
焉知餓死填溝壑 Yên tri ngạ tử điền câu hác!

相如逸才親滌器 Tương Như dật tài thân địch khí
子雲識字終投閣 Tử Văn thức tự chung đầu các
先生早賦歸去來 Tiên sinh tảo phú Qui Khứ Lai
石田茅屋荒蒼苔 Thạch điền mao ốc hoang thương đài

儒術於我何有哉 Nho thuật hà hữu ư ngã tai!
孔丘盜跖俱塵埃 Khổng Khâu Đạo Chích câu trần ai
不須聞此意慘愴 Bất tu văn thử ý thảm thảng
生前相遇且銜杯 Sinh tiền tương ngộ thả hàm bôi…

(Năm 754)

Bài này được viết khi tác giả đang sống khốn đốn giữa Trường An. Trịnh Kiền là bạn tác giả, hay thơ, giỏi vẽ, năm 750 được bổ nhiệm làm bác sĩ Quảng văn quán ở Quốc tử giám. Bài thơ này được viết gửi cho Trịnh Kiền.

Chú giải:

+Quảng Văn: tức Trịnh Kiền, nhà nghèo, bạn thân với Đỗ Phủ.
+ Đỗ Lăng: tên đất ở gần Trường An. Đỗ Phủ có nhà ở đấy nên còn gọi là ông già Đỗ Lăng.
++ Hi Hoàng: Phục Hi (Thiên Hoàng) cùng với Thần nông (Địa hoàng) và Toại nhân (Nhân hoàng) được tôn là Tam hoàng thời Bàn Cổ (2550 năm trước tây lịch).
+++ Khuất, Tống: Khuất Nguyên (nước Sở) và Tống Ngọc (tác giả nhiều bài phú nổi tiếng như bài Phủ Biện, Phú Cao Đường..).

* Tương Như: Tư Mã Tương Như rất giỏi thơ phú. Trác Văn Quân (góa, con nhà giàu) bỏ nhà theo Tương Như, nghèo, phải mở quán rượu; vợ bán hàng, chồng rửa bát.
** Tử Văn: Dương Hùng, ở Thành Đô, làm quan đời Hán, tài cao học rộng, sau bị liên lụy việc tạo phản, khi lính đến bắt, nhảy từ lầu cao xuống.
*** Bài Quy-Khứ-Lai-Từ của Đào Tiềm được các thi hào Trung Quốc coi như khuôn mẫu của thơ ẩn dật.
**** Khổng Khâu: Khổng tử. Đạo Chích: trộm cướp (Chích là tên trộm khét tiếng đời Xuân Thu).

Ông: ngài. Cổn: áo lễ của vua. Cổn cổn: lũ lượt. Đài: chỗ cao dễ nhận biết. Sảnh: nhà công đường để tiếp khách. Lãnh: lạnh, nhạt nhẽo. Lãnh quan: chức quan nhàn, ít bổng lộc. Giáp đệ: dinh cơ, nhà của qúi tộc. Phân phân: lộn xộn. Yếm: chán ghét. Lương nhục: đồ ăn cao lương mỹ vị. Khảm: chỗ lõm sâu xuống. Kha: cái trục xe. Khảm kha: chỉ người gặp nhiều trắc trở. Bị: áo ngủ, bộ đồ, mặc ngoài. Đoản trách: ngắn và chật. Thích: cởi ra, bỏ đi. Thăng: thưng, đơn vị đo lường. Mễ: gạo.Thì: thời, thường. Phó: đi đến. Khâm: bụng dạ, trong lòng ôm ấp một tình cảm. Kỳ: mong mỏi. Mịch: tìm kiếm. Cô: mua. Nhĩ nhữ: mày tao. Thống ẩm: uống nhiều quá. Trầm: chìm, thâm trầm. Động: cảm động. Chuốc: mời, rót, uống rượu. Đản: bất quá là, lời chuyển câu. Hữu: có, đầy đủ. Yên: ở đó. Ngạ: quá đói (ngạ qủi). Câu: hào nước. Hác: rãnh nước ở chân núi. Dật: ở ẩn. Địch: rửa, quét. Khí: đồ dùng. Đầu :ném, quẳng. Quy khứ lai từ: Bài ca Về Đi Thôi của Đào Tiềm. Mao: cỏ tranh. Đài: rêu. Ư: ở, đặt vào. Tai: lời khen, chữ dùng sau câu hỏi. Câu: đều, như in nhau. Tu: nên, cần dùng. Thảm: thương xót. Thảng: tranh nhau. Hàm: ngậm trong miệng. Bôi:c ái chén

Dịch thơ

Bài Ca Lúc Say

Tặng bác sĩ quán Quảng Văn Trịnh Kiền
Qúi ngài áo mão thăng sảnh đường
Dinh cơ đầy cao lương mỹ vị
Quảng Văn+ tiên sinh chức quan hèn
Cơm ăn không đủ lương tồi tệ.

Tiên sinh theo Phục Hi++ thánh hiền
Tài trên Tống Ngọc vượt Khuất Nguyên+++
Đức cao nhất đời thường lận đận
Lưu danh vạn cổ ích gì thêm?

Đỗ Lăng+ quê kệch đến nực cười
Vải thô áo ngắn tóc tơ phai
Lương lãnh mỗi ngày năm thưng gạo
Vẫn cùng lão Trịnh tâm đồng chơi.

Có tiền là họp mặt
Hăm hở rượu mua ngay
Quá chén xưng mày tớ
Say thế đáng bậc thầy!

Đêm xuân trầm tĩnh cảm khái say
Trước thềm hoa rụng mưa phùn bay
Vang động quỷ thần cao giọng hát
Đói chết rãnh ngòi mai đâu hay!

Tương Như* tài lớn rửa bát lâu
Tử Văn** học rộng phải nhảy lầu
Qui-Khứ-Lai-Từ*** không sớm hát
Ruộng đá nhà tranh rêu bám sâu.

Nho học với ta ích lợi gì!
Khổng Khâu Đạo Chích**** cỏ xanh rì
Đừng vì chuyện ấy mà đau ruột
Còn sống gặp nhau nhậu đã đi./.

Lởi bàn

Đôi bạn thân Đỗ Phủ, Lý Bạch là hai bợm rượu và khi say đều hay phàn nàn về nỗi bất công ở đời. Đỗ Phủ thì phàn nàn về nỗi bất công của người đời trong đó có mình còn Lý Bạch thì phàn nàn về nỗi bất công của riêng mình rồi cho người đời dính vào đôi chút.
Đó là bàn về tính nết của Lý & Đỗ.

Bây giờ bàn tới chất thơ say trong bài này:
Rất hiếm có một bài thơ say của Đỗ Phủ mà lại siêu việt như bài này (Nhiều bài khác, làm theo thể thất ngôn bát cú, chỉ ngửi thấy niêm luật chứ không thấy mùi rượu; có lẽ ông làm những bài đó lúc tỉnh chứ không phải lúc say). Bài này làm theo thể cổ phong trong lúc uố́ng say với Trịnh Kiền cho nên lời thơ mới thâm sâu thắm thiết, khác xa với mấy bài thơ say mà ông đã khổ công gọt dũa bằng thể thất ngôn bát cú.

Cách dùng điển trong bài này cũng khác: dù cay như ớt, nóng như tiêu, chua như mẻ cũng dễ tiêu hóa và nghe suôi tai; tổng cộng có 28 câu, chia làm 3 nhóm; nhóm đầu và nhóm cuối mỗi nhóm có 12 câu thất ngôn, ngăn cách bởi nhóm giữa có 4 câu ngũ ngôn.

- Nhóm đầu: có 3 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu thất ngôn. Hai đoạn đầu nói về tài đức của Trịnh Kiền. Đoạn 3 nói rất khiêm nhượng về bản thân mình.
- Nhóm giữa: chuyển tiếp từ tiểu sử cá nhân đến những cuộc đối ẩm với Trịnh Kiền, có 4 câu ngũ ngôn nói sơ lược về sắc thái cố hữu của những cuộc rượu này: đạm bạc & thường xuyên (hễ có tiền là họp mặt); thân thiết & xuề xòa (hễ uống rượu là xưng mày tao với nhau).
- Nhóm cuối: có 3 đoạn; đoạn đầu có 4 câu thất ngôn nói rằng lúc say bên thềm hoa, giữa đêm xuân thì ca hát lớn tiếng cho quỷ thần khiếp vía, ngày mai chết đói rãnh ngòi cũng bất cần; đoạn 2 cũng có 4 câu thất ngôn nói rằng cứ nốc thả dàn, danh vọng vứt sọt rác! Tương Như & Tử Văn đi chỗ khác chơi! Mặc kệ tụi tao vừa hát bài Về-Đi-Thôi của Đào Tiềm vừa uống cho đã đời; Đỗ dùng 4 câu thất ngôn của đoạn 3 để kết luận cho cái triết-lý-say của mình: Khổng Khâu chả khác gì tên trộm Chích, khi chết cũng làm phân bón cỏ xanh; đừng nghĩ tới họ mà đau ruột; còn sống ngày nào thì cứ uống cho khoái. Một nhà nho suốt đời tôn trọng nguyên tắc quân-thần-phụ-tử như Đỗ Phủ mà nói về Khổng Tử như vậy thì ắt đã say đến cực độ rồi.

Con Cò
***
Tặng Quảng Văn quán bác sĩ Trịnh Kiền

Các ngài ngất ngưởng lên đài sảnh
Chỉ có Quảng văn quan đói lạnh
Dinh thự các ngài rộn xôi thịt
Quản Văn tiên sinh cơm khí ít

Tiên sinh gốc đạo tự Hy, Hoàng
Tài của tiên sinh trên Khuất, Tống
Đức trọng nhất thời thường lỡ làng
Lưu danh muôn thuở vội chi nóng?

Đỗ Lăng dân ruộng người cười khờ
Áo sô cũn cỡn tóc như tơ
Ngày lãnh nơi kho năm đấu gạo
Đến nhà lão Trịnh trút tâm tư!

Có tiền vội tìm gặp
Mua rượu ngại chi mà
Quên mình xưng tao tớ
Say khướt đúng thầy ta!

Đêm lắng trầm trầm chén xuân rót
Trước đèn mưa nhỏ thềm hoa rớt
Bất chợt hát cao thấu quỷ thần
Biết đâu chết đói dồn hang hốc!

Tài giỏi Tượng Như tự rửa bát
Tử Vân hay chữ cũng nhảy gác
Tiên sinh ngâm phú Hãy về đi
Nhà tranh, ruộng đá rêu xanh ngát

Cái đạo nhà Nho ích gì ta?
Khổng Khâu, Đạo Chích cũng ra ma
Đừng nghe ý ấy mà bi thảm
Còn sống gặp nhau nhấc chén khà!

Lộc Bắc
***
Góp ý:

Thời Đường có bác sĩ nào tên Trịnh Kiền chăng thì giờ có lẽ không ai biết vì tôi không tìm thấy một sử liệu nào nói đến người đó mặc dù người ta nói ông ta sống theo lối của Phục Hi và có tài sánh Khuất Nguyên, Tống Ngọc. Có tài như thế mà không để lại một vết tích gì trên đời, không thi lẫn văn, thì cũng là chuyện lạ. Cổ thư Tàu nói đến biết bao nhiêu người tài đức, tại sao lại sánh họ Trịnh với Khuất và Tống, một người thất chí tự trầm và người kia gây lụy cho gia tộc với cái họa tru di tam tộc vì làm ... chính trị?

Đoạn thứ ba nói về chính nhà thơ họ Đỗ và tình cờ cho ta biết thời điểm của bài thơ vì ông nói đến chuyện mỗi ngày được 5 thăng gạo theo chính sách của triều đình phát gạo giới hạn để tránh nạn tồn trữ sau vụ lụt và mất mùa năm 753, lúc Đổ Phủ đã bỏ ý định tiến thân qua đường thi cử, chỉ còn mong được tiến cử để làm quan. Họ Đỗ đã có chức quan nào đâu mà có lương nên mới 41 tuổi mà tóc mai đã bạc và áo quần vải thô vừa ngắn vừa chật. Ừ thì rằng Thiều Chửu bảo ta quen đọc 褐 là cát nhưng nó phát âm là hạt thời Trung Cổ và vẫn được phát âm với phụ âm /h/ trong tiếng Quảng Đông bây giờ nên ta có nên chuyển ngữ 褐 thành cát?

Đoạn thứ sáu nhắc đến việc Tử Văn-Dương Hùng tự tử vì liên lụy đến âm mưu tạo phản và tác giả của bài Quy Khứ Lai Từ chết đói năm 63 sau một thời gian đi ăn mày.

Nhìn đời như thế thì cùng bạn đồng ẩm là phải, nhưng uống rượu như thế - chắc hẳn không phải loại cao lương mỹ tửu - để quên đời thì có gì mà ngợi khen ?! Có phải chăng Đỗ Phủ mượn rượu để diễn tả tâm trạng chán chường cùng cực trong thời gian An Lộc Sơn đang lấy lòng Đường Huyền Tông để sửa soạn khởi công?

Huỳnh Kim Giám

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Quán Nửa Khuya - Tuấn Khanh - Hoài Linh - Kim Trúc


Sáng Tác: Tuấn Khanh - Hoài Linh
Trình Bày: Kim Trúc

Ly Rượu Đường Xuồng

  

Ly Rượu Đường Xuồng

(Tặng bạn chưa gặp TBT và CVK)

Chia nhau ly rượu Đường Xuồng
Để đêm ngắn lại nỗi buồn hôm qua
Tiếc chi trong một tiếng khà
Mà đem theo cả quê nhà nhắp môi
Cạn ly chẳng thiết miếng mồi
Bởi trong vị đắng đã vơi tháng ngày
Rượu nồng mắt cũng thắm cay
Gặp nhau giữa bước lưu đày mấy phương
Thôi thì chút vị Đường Xuồng
Xua đi vài sợi ngụm buồn tủi xưa
Cách nhau mấy biển cũng thừa
Nâng ly uống cạn chiều mưa xứ người...

Nguyễn Vĩnh Long
***
Cụng Ly


Tiếc chi một ánh mắt cười
Để cơn say cũ theo người vượt biên (Trần Bang Thạch)

Này người, này rượu, này phiền
Này mươi năm đó còn liền thịt da! (Cao Vị Khanh)

Quên đành sao hỡi tam ca
Kim Oanh Kim Phượng cùng là đồng hương...
(Kim Phượng)

Tam Ca nhớ cụng sương sương
Đề hai tiểu muội cùng nương phá mồi hihihi..
.( Kim Oanh)


Xứ Mưa



Em có bao giờ thăm xứ mưa.
Những hàng thông im lặng ngủ trưa
Con đường thật đẹp vòng quanh núi.
Lá khúc khích cười, nắng đong đưa

Em có từng đi dưới hàng cây
Lả lơi quấn quít nhánh gai gầy
Lang thang uốn lượn leo cổ thụ.
Thọt lét cây cao đùa với mây.

Em có thấy những cành hoa dại
Lẩn tránh đời thường núp dưới cây
Vàng rực một vùng xinh quá đỗi
Tô điểm cho đời mọi phút giây.

Đừng hái những chùm Blackberry
Em ngắm thôi để thấy diệu kỳ
Từng chùm khoe dáng bên gai nhọn.
Dẫu nhỏ nhoi quyến rũ người đi

Em nghiêng má làm dáng bên cầu.
Những con đường hun hút chiều sâu.
Cầu gỗ nghỉ chân sao quá đẹp.
Em hay cầu? lãng mạn như nhau.

Em có thấy màu của rong rêu.
Bám vào thân cây đẹp mỹ miều
Ta nghe tiếng nói từ xưa lắm.
Một giấc mộng vàng chỉ bấy nhiêu.

Ta thấy đời ta như khúc quanh,
Uốn lượn, chông chênh bước lữ hành
Đẹp, xấu tùy thời tùy hoàn cảnh.
Tóc điểm màu tro vẫn mong manh.

Sao ta yêu quá cảnh xứ mưa
Bát ngát xanh, mát lạnh bốn mùa
Tô màu cho mắt thêm vương vấn
Những ngày gặp lại cố hương xưa.

Nguyễn thị Thêm.
7/2020



Hoài Niệm

 

Nhiều thập niên qua khỏi
Ta vẫn kẻ không nhà
Sầu nỗi sầu cát bụi
Ngày tháng hoài bôn ba

Đêm từng đêm vật vã
Lòng buồn nghĩ miên man
Tâm tư dường tơi tả
Bởi nhớ nhung bàng hoàng

Nhớ vườn cau hoa trắng
Bụi chuối sà bên mương
Hàng tre già che nắng
Đầu hè với gió tuông

Nhớ mái tranh quyện khói
Lãng đãng một vùng trời
Nồi cơm thơm lúa mới
Giọt mồ hôi mẹ rơi

Nhớ trường xưa mái ngói
Hàng phượng vỹ thắm tươi
Ngắt hoa trong tầm với
Tặng em đổi nụ cười

Nhớ ngày em chân sáo
Ríu rít giọng oanh vàng
Nhìn dáng xinh bước dạo
Ngỡ như mùa Xuân sang

Nhớ mùi hương ngan ngát
Mái tóc xoả bờ vai
Nụ hôn đầu ngào ngạt
Đảo điên hồn liêu trai

Nhớ lời thề chung thủy
Vòng ôm ấm thân gầy
Đôi tim đầy hoan hỷ
Nhịp tràn vươn cung mây

Này dòng sông xanh biếc
Lục bình lặng lờ trôi
Đò yêu từng tha thiết
Chừ ghé bến mô rồi?

Đêm nay sầu nức nở
Giọt buồn đọng tái tê
Xa muôn trùng cách trở
Khi nao ta quay về?

Phương Hoa

Trời Vào Thu

 

Xướng:
Trời Vào Thu



Tuổi trời thấm thoắt đã vào Thu
Rừng lá vàng rơi dệt mộng mơ
Dĩ vãng đã qua nào tiếc nuối
Tương lai chưa tới há mong chờ
Vuốt làn tóc bạc khơi thi hứng
Xoa nếp da nhăn gợi tứ thơ
Nở đóa hoa lòng vui hiện tại
Thong dong ta nhẹ bước vân du.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
***
Bài Họa:
Ý Thu


Khoảnh khắc nầy giao điểm ý thu
Nào ai ngơ ngẩn lá vàng mơ
Đừng quên mắt ướt đang mong ngóng
Hãy nhớ môi khô vẫn đợi chờ
Ngọn gió heo may run nét chữ
Mùa hoa cúc thắm họa bài thơ
Rượu mời chiếu trãi thương đầu bạc
Đối ẩm đất trời chuyện lãng du

Phan Khâm

Văn Hóa Và Văn Hóa Dân Tộc - (Bài Phát Biểu - Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt Nam Tại Paris 08.10.2022)

 
Bài phát biểu ngày 08 tháng 10 năm 2022 tại Paris trong dịp ra mắt
"Tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại"

Nhân dịp ngày ra mắt tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris thực hiện, ban tổ chức đề nghị tôi phát biểu một đề tài về văn hóa. Tôi xin quí Anh Chị cùng tôi, chúng ta thử suy nghĩ một cách ngắn gọn về ý nghĩa văn hóa nói chung, và từ đó về bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng ta thường nói đến "văn hóa dân tộc". Nhưng câu hỏi đầu tiên cần được nêu lên là : văn hóa dân tộc VN chúng ta có phải là một thực thể thuần khiết, lý tưởng, bất biến, có từ muôn đời, ở bên ngoài thời gian và không gian hay không ?Theo thiển ý của tôi, « văn hóa nói chung » và « văn hóa dân tộc chúng ta» đều có một cấu trúc gồm hai phần gắn liền với nhau.

Trước hết và trên hết, văn hóa phải được xây dựng trên nền tảng căn nguyên của nhân tính bất biến, siêu nhiên hoặc « linh ư vạn vật », vốn không do ý muốn, sự hiểu biết hay bàn tay con người làm ra qua lịch sử. Nền tảng đó là hồn sống, là cương thường (như Vũ Quỳnh đã nhắc đến trong lời tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái) cho sinh hoạt của bất cứ cộng đồng nào của nhân loại, trong đó có cộng đồng dân tộc VN. Dựa trên sự xác tín về cương thường bất biến nầy, bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, mỗi một nền văn hóa, trong đó có «văn hóa dân tộc VN», không những có được chuẩn mực chung để có thể biện minh và đánh giá văn hóa của mình, mà còn có căn cơ để nhìn nhận, tiếp thu, trao đổi, hội nhập giá trị của các nền văn hóa khác.

Mặt khác, bất kỳ một nền văn hóa nào, trong đó có «văn hóa dân tộc VN», đều được khai sinh và được triển nở, trước hết là qua lịch sử của cộng đồng con người, với những tài năng, sáng kiến và công trình tập thể hay cá biệt, tiếp đến là qua những dòng trao đổi, hội nhập sinh động và liên tục với các nền văn hóa quanh mình.

Như vậy, nói theo ngôn ngữ kinh điển, chính hai yếu bất khả phân ly - phần thể (nền tảng nhân bất biến tính chung) và phần dụng (sinh hoạt cộng đồng xuyên qua lịch sử) - làm nên căn tính của một nền văn hóa.

Cũng cần lưu ý thêm rằng lịch sử luôn sinh động, đang và sẽ diễn tiến. Do đó khó mà nói rằng một vài tập tục hay hình thức biểu lộ nào đó trong một thời kỳ quá khứ nhất định lại là khuôn vàng thước ngọc cho văn hóa dân tộc. Trong « văn hóa dân tộc VN » có thể có những sinh hoạt thời trống đồng, thời cha ông mang khăn đóng áo dài…, nhưng những hình thức biểu lộ văn hóa đó không thiết định được bản sắc và toàn bộ văn hóa dân tộc VN.*

Để dẫn chứng việc trình bày sơ phác về ý nghĩa và cấu trúc văn hóa mà chúng ta vừa đề cập, tôi xin nêu lên ba đoạn văn của các hiền nhân Việt Nam đã từng đề cập đến văn hóa, những hiền nhân mà cộng đồng người Việt chúng ta xem là đáng tin cậy trong lãnh vực nầy. Đó là :

- Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (thế kỷ 15)
- Truyện Kiều của Nguyễn Du (thế kỷ 19)
- Phàm lệ cuốn Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu (thế kỷ 20).

1- Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (phát hành năm 1492).

Truyện được chia làm hai phần : phần thể và phần dụng.

Phần thể được diễn tả ở phần đầu truyện, xuyên qua những hình ảnh huyền thoại, gợi lên những nội dung siêu nhiên, vượt thời gian, không gian, ghi sâu trong lòng người, làm nền cho nhân tính hay còn gọi là hồn của văn hóa. Vũ Quỳnh gọi tên phần thể nầy là CƯƠNG THƯỜNG. Trong lời tựa, tác giả viết :

Than-ôi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu?[1]

Phần thứ hai là phần dụng với những tên gọi có nét lịch sử và địa lý nhất định, những phong tục tập quán cá biệt của cộng đồng dân tộc.

Truyện nầy còn nêu lên rằng sự nối kết bất phân ly và sinh động giữa thể và dụng, giữa trời và đất nơi nhân sinh, đó mới chính là sinh hoạt văn hóa :

Bây giờ phải ly-biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.[2]

Qua bản văn nầy, bản văn mà tôi đánh giá như là một Sách Sáng Thế của văn hóa VN, chúng ta chứng kiến trước hết trực giác của tổ tiên về nền tảng nhân tính, tiếp đó là tài năng sáng tác độc đáo về mặt văn chương với những cảm xúc tâm lý, những hình ảnh liên hệ đến khung cảnh địa lý, sinh hoạt kinh tế xã hội người Việt chúng ta.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng đọc được nơi bản văn vô số những hình ảnh, điển tích của hai nền văn hóa lớn trong vùng, văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa.

Như thế, tác giả Vũ Quỳnh mặc nhiên cho rằng việc « hội nhập » nầy không bác bỏ bất cứ điều gì liên quan đến bản sắc « văn hóa dân tộc VN » nơi bản văn Họ Hồng Bàng cả. Trái lại « hội nhập văn hóa » phản ảnh nét nỗi bật của văn hóa Việt Nam, đó là tinh thần vô chấp và khai phóng.

Thực vậy, ngay trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái nầy, truyện Bạch Trĩ của Vũ Quỳnh ghi lại cuộc đối thoại có tính cách tượng trưng giữa Chu Công (là vị thầy của Khổng Tử) với sứ giả nước ta, để biện minh cho tinh thần vô chấp và khai phóng mà chúng ta vừa nêu lên :

Chu-Công hỏi :
- Vì sao mà đến đây ?
Sứ-giả thưa :
- Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có thánh-nhân nên mới sang đây.[3]

Thánh nhân nêu lên trong trích đoạn của truyện Bạch Trĩ là người chu toàn nghĩa làm người, một con người linh ư vạn vật vượt lên trên giới hạn của chủng tộc hay lịch sử. Gặp thánh nhân ở phương bắc hay phương nam, ở phương đông hay phương tây, gặp thánh nhân thời xưa hay thời bây giờ để học hỏi, hội nhập và thực thi các giá trị cao cả của đạo làm người, đó không phải là nhìn nhận niềm tin vào nền tảng cao siêu và bất biến của nhân tính nơi bất cứ ai là người hay sao ? Đó không phải là xác tín mối tương giao nhân loại và tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm cùng nhau hoàn thành nhân tính chung hay sao ? Đó không phải là thực thi đạo lý căn nguyên « tứ hải giai huynh đệ », trăm con trên trái đất nầy cùng sinh ra từ một bào thai chung hay sao ?

2- Bản văn Truyện Kiều của Nguyễn Du Qua thời gian, truyện Kiều đã được con dân Việt Nam tiếp nhận như là một gia sản văn hóa dân tộc.

Chúng ta tự hỏi : phải chăng chỉ vì bản văn ấy phản ảnh tài làm thơ mô tả sâu sắc tình cảm nam nữ lứa đôi, hoặc tài viết truyện ghi lại được nhưng sinh hoạt kinh tế, xã hội của cộng đồng người Việt vào đầu thế kỷ 19, mà truyện Kiều là gia sản văn hóa của chúng ta ? Hoặc ngược lại, phải chăng vì truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là một phóng tác của một truyện Tàu qua tiếng Việt, mà nay ta cần xét lại giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của bản văn ấy? Cách nầy hay cách khác, không thiếu những nhà phê bình văn học đã đánh giá truyện Kiều của Nguyễn Du xuyên qua những chuẩn mực đại loại như thế.

Nhưng bên trên và bên ngoài những khen chê của các trào lưu văn học, đặc biệt trong thế kỷ 20 và những năm tháng gần đây, lời thơ của truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng của bất cứ tầng lớp nào trong cộng đồng người Việt, qua lời ru con, qua châm ngôn hướng dẫn cuộc sống thường ngày, qua dấu tích của cương thường giúp chúng ta lần mò tìm về ánh sáng của minh triết…

Sâu xa hơn, truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã dấy lên nơi tâm thức người Việt qua nhiều thế hệ một nguồn cảm hứng thi ca liên quan đến ý nghĩa của nhân tính. Thật vậy, người Việt chúng ta đã mặc nhiên chân nhận nhân vật Kiều của Nguyễn Du cũng như nhân vật Âu Cơ của Vũ Quỳnh là những hình ảnh thi ca làm nguyên tượng cho văn hóa. Chúng ta chân nhận như thế, vì chúng ta trực giác được rằng Kiều và Âu Cơ là hình ảnh của Đại Ký Ức về nhân tính ghi khắc trong thâm tâm của mỗi một người chúng ta, đã chuyển đạt được ý nghĩa cao cả của nhân sinh, của cõi người ta, nơi cuộc chiến làm người qua cuộc chiến của giữa Đế Lai và Lạc Long Quân, hoặc cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, giữa Ác và Thiện.

Cũng chính vì chuyển đạt được trực giác về ý nghĩa nhân tính phổ quát, bất biến, và đạo lý làm người của mọi người trong mọi thời đại, mà thi hào Nguyễn Du đã từng được các dân tộc khác trên thế giới chân nhận là người hiền, là nhà văn hóa của toàn nhân loại.

3- Phàm lệ giới thiệu cuốn Khổng Học Đăng (năm 1929) của Sào Nam Phan Bội Châu.

Để dẫn nhập vào việc nhận thức về ý nghĩa văn hóa, cụ Phan viết rằng :

Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu ? Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt gạt mề đay kim-khánh đâu.

Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng : Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền ; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.

Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn : định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc. (… )

Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo ; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc".[4]

Qua lời dẫn nhập vào ý nghĩa văn hóa trên đây, cũng như Vũ Quỳnh và Nguyễn Du, Phan Bội Châu xác quyết mạnh mẽ rằng nền tảng bất biến của văn hóa là nhân đạo, là cương thường chung cho mọi người, mọi nơi mọi lúc. Khi mặc nhiên cho rằng thánh hiền là tinh hoa của văn hóa và đồng thời lại xác quyết rằng thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền, hẳn nhiên Phan tiên sinh muốn nhắc nhở thế nầy: những cái học cũ hay những cái học mới, những con người hôm qua, hôm nay hay ngày mai, tất cả mọi người trong mọi sinh hoạt không được lãng quên và vứt bỏ nhân đạo là hồn của văn hóa.

4- Văn hóa và bước ngoặt đau thương của lịch sử. 

Nhưng hồn hay cương thường của truyền thống văn hóa dân tộc được biểu thị qua hình ảnh của thánh nhân, thánh hiền, đạo làm người đã hụt hơi kể từ những đổi thay của xã hội Việt Nam vào cuối tiền bán thế kỷ 20. Những cuộc tranh cãi về học cũ - học mới như Phan-Bội-Châu đã nói đến, những nghiên cứu rất có giá trị về cổ học và nhân chủng học của Trường Viễn Đông Bác Cổ, những trào lưu canh tân xã hội v.v., tất cả những sự kiện đó vốn chỉ là những sinh hoạt bên ngoài của văn hóa, nhưng trong một bước ngoặt đau thương của lịch sử, mỗi một sinh hoạt cá biệt bên ngoài ấy đã bị đồng hóa, tuyệt đối hóa thành nền tảng chung cho toàn bộ văn hóa. Từ đó, TÍNH hay hồn của văn hóa bổng nhiên bị lãng quên, hoặc tệ hại hơn nữa là bị lên án và bị vất bỏ. Trước hiện tượng đứt đoạn của truyền thống văn hóa dân tộc, Phan-Bội-Châu đã từng mạnh mẽ lên tiếng cảnh giác như ta đọc thấy trong mấy hàng trích từ Phàm Lệ cuốn Khổng Học Đăng. Học giả Lê-Văn-Siêu trong cuốn Việt Nam Văn Minh Sử Cương còn nói rõ hơn : chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn.[5]

Tiên phong và tiêu biểu cho cuộc phiêu lưu lịch sử nầy là sự xuất hiện cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào-Duy-Anh. Sách được xuất bản năm 1938, chỉ sau cuốn Khổng Học Đăng của Phan-Bội-Châu chưa đến mười năm, nhưng định nghĩa văn hóa của đôi đường hoàn toàn cách biệt.

Ngay chương đầu, tác giả đi ngay vào định nghĩa thế nào là văn hóa: Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng : Văn hóa tức là sinh hoạt. (...)

Vì lẽ gì văn hóa của các dân tộc khác nhau như thế ? Vì rằng các sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xét xem dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lý thế nào.[6]

Trước khi minh nhiên định nghĩa văn hóa là gì, Đào-Duy-Anh đã lưu ý việc cần phải phân biệt giữa một bên là học thuật tư tưởng, vốn chỉ một hình thái sinh hoạt văn hóa, và bên kia là nội dung văn hóa phổ quát và đúng nghĩa. Thật ra, chỉ qua việc lưu ý lạ thường nầy, dường như Đào-Duy-Anh đã xa lạ với truyền thống vốn chân nhận thánh nhân, thánh hiền là nguyên tượng cho văn hóa của cộng đồng người Việt mà Vũ Quỳnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu trước đó phản ảnh. Chúng ta tự hỏi :

- Phải chăng người con của truyền thống văn hóa dân tộc Vũ Quỳnh đã muốn đồng hóa văn hóa với học thuật ? Không phải hiền nhân ấy đã từng định nghĩa văn hiến là cương thường phát xuất từ tâm con người làm giềng mối cho bất cứ sinh hoạt nào của cuộc sống hay sao ?

- Không phải thánh nhân, thánh hiền nơi cảm nhận của mỗi người Việt Nam là những biểu tượng, những tinh hoa của văn hóa hay sao ? Thánh nhân, thánh hiền, những từ ngữ đó phải chăng nhằm nói đến người có nhiều kiến thức, người lập thuyết tài ba, người biện luận giỏi, hay chúng chỉ gợi lên hình ảnh người tuân thủ đạo làm người trong cuộc sống của mình ?

Tiếp đến, khi giải minh đâu là nền, là thể của văn hóa, và do đâu có sự khác biệt của các nền văn hóa, thì rõ ràng quan điểm của Đào-Duy-Anh đã tự tách ra khỏi truyền thống văn hóa dân tộc và xa lạ với tâm thức sâu kín của người Việt chúng ta. Mẫu người văn hóa của Đào-Duy-Anh không còn là thánh nhân, hiền nhân, người tuân giữ Đạo Làm Người, không còn là nhân đạo qua hình ảnh mối tương giao linh ư vạn vật mà mối tình Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân gợi lên và qua mối tương giao huynh đệ “trăm con cùng chung một bào thai”. Mẫu người văn hóa của Đào Duy Anh không còn là người “trọng nghĩa khinh tài”, cũng không còn là người chiến sĩ của cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, giữa Thiện và Ác, nhưng là con người kinh tế đấu tranh với thiên nhiên để kiếm ăn và đấu tranh giai cấp, tranh dành của cải với đồng loại để sống còn. Với thước đo văn hóa dựa trên việc chinh phục và khai thác thiên nhiên như thế, Đào-Duy-Anh đã đánh giá văn hóa của các dân tộc Âu Mỹ thì cao, mà văn hóa của các dân tộc mọi rợ Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán Mọi ở nước ta thì thấp.[7]

Xuyên qua những dấu tích ấy của lịch sử, chúng ta có thể nhận định rằng : dước ánh sáng của truyền thống văn hóa mà các bậc hiền nhân của dân tộc chúng ta - trong đó có Vũ Quỳnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu - đã nỗ lực tô bồi và gìn giữ, thì sự đảo lộn ý nghĩa văn hóa nầy, sự tôn vinh con người thuần kinh tế làm cương thường, không phải là một đổi thay về phương cách biểu lộ tùy thuộc vào hoàn cảnh tâm lý, xã hội, địa lý chính trị... Nhưng đây là sự lãng quên hay đúng hơn là việc đánh mất hồn, mất cương thường, hay căn tính của văn hóa đó là nhân đạo.

Bước ngoặt lịch sử nầy, một bước ngoặt đánh mất hồn của văn hóa truyền thống dân tộc, đã đi kèm với việc du nhập vào quê hương chúng ta một chế độ chính trị chuyên chính dựa trên định nghĩa con người kinh tế và đấu tranh giai cấp. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt-Nam, một chế độ chính trị chính thức vất bỏ truyền thống văn hóa tôn vinh con người siêu việt, tự do và nhân tính linh ư vạn vật qua hình ảnh của những người con của Âu Cơ và Lạc Long Quân, để nhắm mắt xây dựng một xã hội chỉ biết kinh tế và đấu tranh dành của cải, xã hội của con người duy vật chọn Đế Lai làm tổ tiên. Trước nguy cơ bị mất hồn hay mất nguồn văn hóa hay nguy cơ bị mất con người siêu việt, tự do bởi một chế độ chọn Đế Lai làm mẫu mực, từng triệu người con của Âu Cơ và Lạc Long Quân đã quyết tâm làm người tị nạn ngay trên quê hương mình và làm người tị nạn nơi xứ người. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, cộng đồng từng triệu người Việt tị nạn đó được khai sinh dưới danh xưng Việt Nam Hải Ngoại. Người ta đã cố ý chuyển đổi ý nghĩa căn nguyên của tên gọi ấy khi đồng hóa Việt Nam Hải Ngoại với tập thể của những Việt kiều ở nước ngoài vì lý do kinh tế. Nhưng Việt Nam Hải Ngoại của những người Việt tôn vinh con người siêu việt, tự do là một thực thể luôn tồn tại và sinh động. Việc ra mắt tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris thực hiện được tổ chức hôm nay là một minh chứng hùng hồn.

Thật thế, việc ra mắt tuyển tập nầy là một trong những sinh hoạt văn hóa đa diện, thường xuyên của Việt Nam Hải Ngoại. Trong bối cảnh đó của Việt Nam Hải Ngoại, chúng ta chắc chắn một điều là những khuôn mặt văn hóa trong tuyển tập nầy, cũng như bao nhiêu khuôn mặt trong các sinh hoạt văn hóa khác, không ai, không tiếng nói nào, không một hình ảnh nào là cái loa tuyên truyền cho môt chế độ tôn vinh con người mà Đế Lai làm khuôn thước. Không khuôn mặt văn hóa nào trong họ là cái tấm bích chương quảng cáo cho sản phẩm của con người chỉ biết có kinh tế và thị trường.

Khiêm tốn nhưng trung thực, mỗi một khuôn mặt văn hóa của Việt Nam Hải Ngoại là một viên gạch, một miếng ngói của Ngôi Nhà Văn Hóa, nơi cư ngụ của những người con của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân, Ngôi Nhà mà hiền nhân Sảng-Đình Nguyễn Hy Thích (1891-1978) đã gợi lên trong những ngày đen tối của lịch sử văn hóa Việt Nam ở thế kỷ qua :

Cái Nhà là Nhà của ta.
Công khó ông cha làm ra.
Cháu con luôn gìn giữ lấy.
Muôn năm nhớ Nước Non Nhà

TS Nguyễn Đăng Trúc


Vai Trò Trí Thức Trong Văn Hoá (Bài Thuyết Trình - Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt Nam Paris 08.10.2022)


(Bài thuyết trình tại buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn hoá Việt Nam Paris ngày thứ bảy 08.10.2022 -Trần Văn Tích)

Đối tượng của bài nói chuyện hôm nay là người trí thức nói chung, người trí thức Việt Nam nói riêng, người trí thức Việt Nam tỵ nan cộng sản nói riêng hơn nữa. Và văn hoá cũng là nền văn hoá do Thomas Mann bảo vệ, là nền văn hoá do khoảng ba vạn trí thức Pháp chống chế độ Vichy nên sống lưu vong ở Hoa Kỳ, là nền văn hoá do người Việt tự động lựa chọn sau ngày 30.04.

Thực vậy, nếu chỉ cần sống thì chúng ta có thể tiếp tục sống ở Việt Nam sau tháng tư 75. Nhưng chúng ta đã lựa chọn cách sống riêng của chúng ta. Lựa chọn trong tư thế của con người ý thức trách nhiệm và hành xử tự do. Mặc dầu khi quyết định chấp nhận thân phận tỵ nạn, khi tự đặt mình dưới sự bảo vệ của UNHCR, chúng ta đã và chỉ như cô Kiều, biết thân mình biết phận mình ra sao. Ly hương là mạo hiểm, tỵ nạn là thách thức Nhưng chúng ta muốn là và muốn làm con người. Hơn thế nữa. Chúng ta muốn là và chúng ta muốn làm trí thức. Gần nửa thế kỷ qua rồi. Chúng ta không hề nghỉ ngơi. Chúng ta không hề truỵ lạc. Chúng ta không tìm cho mình sự xa hoa hay chuyện tiêu khiển. Trái lại, chúng ta cày đất vỡ hoang, chúng ta làm việc trong môi trường xa lạ, thậm chí thù nghịch.

Chua xót và ngậm ngùi là tỵ nạn đã trở thành một tình huống trầm kha đối với một số bạn bè, thậm chí có người đã nằm xuống cho nó và vì nó. Nhưng nghị lực và can trường đã giúp đa số chúng ta đứng vững. Cho đến hôm nay. Cho đến thời gian mà y khoa xem là gần hai thế hệ. Thế hệ quyết định đứng ra xin tỵ nạn đang dần dà nhận hưu bổng. Thế hệ thai nghén khi tỵ nạn đang dấn thân vào đời. Để cho chúng ta trở thành một lực lượng đối đầu với chính quyền trong nước.

Malraux cho rằng trí thức không những chỉ là người cần đến sách mà còn là người sẵn sàng dấn thân và sắp xếp cuộc đời theo một tư tưởng (Je sais maintenent qu‘un intellectuel n‘est pas seulement celui à qui les livres sont nécessaires, mais tout homme dont une idée, si élémentaire soit-elle, engage et ordonne la vie)1. Sartre cho rằng trí thức là người vào một lúc nào đó của cuộc đời đã can thiệp vào chuyện chẳng dính dáng gì đến mình cả [(…)se sont mêlés “de ce qui ne les regarde pas“]2 Trong khi đó thì Nguyễn Trãi từng xót xa cho thân phận người trí thức : “Cổ lai thứctự đa ưu hoạn / Pha lão tằng vân ngã diệc vân“3(Xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu và hoạn nạn / Ông già Tô Đông Pha đã nói như thế và tôi cũng nói như thế).

Hãy nhìn lại ưu hoạn của chúng ta trong nửa thế kỷ vừa qua. Hãy nhìn lại hành trang của chúng ta trước đây nửa thế kỷ. Thông thường chúng ta đã ra đi không một đồng một chữ. Đó là về vật chất. Nhưng về tinh thần còn thảm hại hơn. Chúng ta đã chỉ mang tâm trạng trốn chạy. Nhưng dẫu vậy, hành trạng của người tỵ nạn Việt Nam đã trực tiếp đánh thức lương tri nhân loại, đã gián tiếp đạp nhào bức tường Berlin. Qua kết hợp lực lượng thành thực thể được gọi là cộng đồng hải ngoại. Chấp nhận thách thức của số phận tỵ nạn, ngang nhiên cự địch lại thân phận biệt xứ, chúng ta đã cùng nhau tham gia một cuộc chiến âm thầm và dai dẳng trong gần nửa thế kỷ qua chống báng nghịch cảnh tưởng như chỉ gây chết chậm rãi, đối đầu tình huống tựa hồ nhất định đưa đến nghẹt thở tâm linh.

Xin thử phân biệt giữa khoa học gia và trí thức. Trong khi nhà khoa học tìm phát minh thì người trí thức tỏ thái độ. Dấn thân đòi hỏi trách nhiệm và lương tri. Trí thức Việt Nam thế kỷ XX đã sống một thế kỷ đau thương đen tối với hai thử nghiệm thảm khốc là phát xít và cộng sản. Nhưng nếu như Lịch sử trong thế kỷ qua đã không đòi hỏi nhiều ở kẻ sĩ về thái độ của mình đối với chủ nghĩa phát xít thì cũng chính Lịch sử đã đặt kẻ sĩ Việt Nam trước sự tự vấn lương tâm đối với chủ nghĩa cộng sản. Người trí thức Việt Nam tự do, trong gần nửa thế kỷ qua, là người tổ chức các toà án dư luận và là người bảo vệ chủ nghĩa nhân quyền dân quyền chống lại đế quốc độc tài đảng trị. Nửa sau thế kỷ XX chuyển dịch trọng tâm suy tưởng vào chủ nghĩa Marx. Nhưng rồi các biến chuyển lịch sử dồn dập đã đưa đến tình trạng vỡ mông, đã tạo nên tình trạng giác ngộ : Đại hội đãng cộng sản Liên xô thứ 20 và sự can thiệp của các lực lượng vũ trang xô viết ở Hung gia lợi năm 1956, sự chấm dứt mùa xuân Praha năm 1968, việc dịch thuật và phổ biến tác phẩm Quần đảo Goulag của Soljenitsyne năm 1974, sự thất thủ của Việt Nam Cộng Hoà và sự thiết lập chế độ mông muội tắm máu Khmer đỏ năm 1975, cái chết của họ Mao năm 1976, làn sóng thuyền nhân năm 1978, sự nhùng tay của Nga xô ở A phú hãn năm 1979, sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 và cuối cùng, hiện tượng nổ tung của chế độ cộng sản năm 1991. Đội ngũ trí thức khoa bảng Việt Nam vừa là chứng nhân lịch sử vừa là nạn nhân trực tiếp của một số biến thiên vừa kể. Gần nửa thế kỷ qua. Chúng ta đã có một tập thể đứt lìa cuống rún Việt Nam nhưng mang nặng dòng máu tử cung của mẹ. Thì nền văn học Việt Nam hải ngoại chẳng phải là nền văn học mang nặng bản thể Việt Nam hay sao? Thì cuốn sách “Những Khuôn mặt Văn hoá Việt Nam Hải ngoại“ chẳng là tiếng nói lương tri của người trí thức Việt Nam hay sao? Những tiếng nói cất được lên sau và trong gian lao khốn khó, cùng với những tiếng nói khác, đông đảo rộn ràng ở Âu, ở Mỹ, ở Úc. Những tiếng nói do khí huyết tự thân của tạng phủ tự do, nhận sự tài trợ chủ yếu do tự lực tự nguyện. Những tiếng nói được trình bày với kỹ thuật ấn loát cao, rất ít lỗi lầm chính tả; chứng tỏ những người phụ trách đã tốn bao công sức cưu mang thai nghén. Những tiếng nói không vì mục đích thương mại mà vì mục tiêu chính nghĩa. Những tiếng nói có lập trường rõ rệt, có đường lối quang minh. Paris, Cali, Sydney đã là điểm hẹn cho con tàu văn hoá thả neo, đang là hải khẩu để chính nghĩa tự do ghé bến, tạm thời thay thế cho Sàigòn, Huế, Hànội.

Victor Hugo chống đối Đệ nhị Đế chế, oán ghét chế độ Napoléon III nên sau cuộc đảo chánh 02.12.1851, nhà thơ nhả văn lớn sống lưu vong ở Bruxelles rồi chuyển sang hai hòn đảo Jersey và Guernesey thuộc Anh từ tháng 12.1851 đến tháng 09.1870. Nhiều bạn bè thân quyến ngỏ ý mời Ông về lại nước Pháp sau khi Napoléon III ân xá, nhưng Victor Hugo từ chối sự ân xá này và dõng dạc tuyên bố : “Quand laliberté rentrera, je rentrerai.“. So sánh với hoàn cảnh Victor Hugo, hoàn cảnh của chúng ta trầm thống và đồ sộ hơn nhiều. Tác giả Notre Dame de Paris chỉ lưu vong chưa tới hai mươi năm và địa điểm biệt xứ cũng chỉ cách quê hương bản quán một xoãi chân gang tấc. Chúng ta thì đã gần nửa thế kỷ rồi mà ngày về trong tự do thì cũng vẫn còn thuộc vào vị lai. Nhưng chúng ta sẽ trở về và trở về trong vòng hoa, như thi ca Aragon:

Lorsque vous reviendrez car il faut revenir
Il y aura des fleurs tant que vous en voudrez
Il y aura des fleurs couleur de l‘avenir
Il y aura des fleurs lorsque vous reviendrez 4

Thảng hoặc chúng ta có người không về được thì tinh thần nhân bản, thái độ vì tự do, tình cảm sùng thượng cái đẹp, cái hay, cái đúng, tâm tư sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, lương tri, công lý sẽ được trao lại và truyền cho các thế hệ tiếp. Không có gì đến nỗi phải bi quan. Xin mượn lời Nguyễn Thông khi nhà nho nhận thức rằng có lẽ đời mình rồi ra e sẽ không về lại được quê cũ Long an :

Lai giả khả kế dư hà vong 5
(Người sau nối tiếp được, ta còn mong gì hơn!)

Trong khi còn phải tiếp tục sống hoàn cảnh lưu vong thì chúng ta có trách nhiệm kiên trì gìn giữ nền văn hoá ngày nào của nước Đức là nền văn hoá do Thomas Mann bảo vệ qua lời tuyên xưng của Academy of Arts and Letters khi kết nạp nhà văn mà học vị Tiến sĩ danh dự đã bị Viện trưởng Viện Đại học Bonn thu hồi trước đó ngày 19.12.1936. Nền văn hoá nước Pháp đã được duy trì bền bỉ và cương quyết trong Đệ nhị thế chiến là nền văn hoá do chừng ba vạn trí thức chống chế độ Vichy nên sống lưu vong ở Hoa Kỳ qua các hoạt động rấr đa dạng sau đây : 1) hoạt động của École Libre des Hautes Études với tạp chí Renaissance xuất bản đều đặn từ năm 1943 bao gồm mọi lĩnh vực triết học, khoa học, xã hội học; 2) mạng lưới báo chí ủng hộ đồng minh và nước Pháp tự do mà nổi tiếng nhất là tờ Pour la Victoire; 3) hệ thống truyền tin hướng về quốc nội trong khuôn khổ hoạt động của Office of War Information trên đài BBC; 4) cả phim ảnh nữa như Salute to France của Jean Renoir; 5) trực tiếp dấn thân vào đại cuộc đất nước của trí thức lưu vong mà đại biểu là Saint-Exupéry và Alain Bosquet. Văn hoá Nga trước ngày chế độ cộng sản tan vỡ chỉ xứng đáng là văn hoá qua các tác phẩm bị cấm đoán trong nước và được phổ biến ở nước ngoài như Bác sĩ Jivago của Pasternak phát hành năm 1957 ở Ý, như Quần đảo Gulag của Soljenitsyne dịch thuật và ấn hành năm 1974 ở Mỹ; cả hai tác phẩm cùng mang lại cho hai tác giả hai giải văn chương Nobel văn học mà bạo quyền đương thời không cho nhận lãnh. Nét chủ yếu của văn hoá Cuba hiện nay đang ở ngoài đảo quốc với Miami, London, Paris, Madrid đã thay thế La Havanna: Reinaldo Arenas trong La Plantation (Seuil) qua bức tranh mô tả các trại tập trung lao cải ở đó tù nhân sống kiếp nô lệ da đen thời thực dân chiếm đất; José Triana, nghệ sĩ sân khấu, tác giả La Nuit des Assassins (Gallimard), Heberto Padilla trong tiểu thuyết tự truyện Dans mon Jardin Paissent les Héros (Seuil). Gần gụi với chúng ta hơn vì tính chất đồng văn có thêm các thành quả trí tuệ trong lĩnh vực văn chương và thành quả nghệ thuật trong phạm vi hội hoạ của Ngải Vị Vị hiện đang sống lưu vong ở Đức, của Cao Hành Kiện hiện đang tạm dung thân ở Pháp.

Điều đáng vinh danh là ở chính thủ đô Paris này đã có những Hội nghị được triệu tập dưới tên gọi là Congrès pour la Défense de la Culture (từ năm 1935 lận!) với sự hiện diện của Gide, Huxley, Heinrich Mann, Pasternak và Anna Seghers v.v.. Hội nghị họp tại La Mutualité và Éluard đọc bản tuyên cáo do Breton soạn thảo. Mùa xuân năm 1951, secrétariat international của Hội nghị khác, Congrès pour la Liberté de la Culture, đặt trụ sở vĩnh viễn ở Paris, kế thừa Kongress für Kulturelle Freiheit được triệu tập tại Berlin trước đó trong vùng lãnh thổ do quân đội Mỹ quản trị.

Người trí thức Việt Nam lưu vong thực sự không hề cô đơn. Anh ấy, Chị ấy có những người đi trước. Những người đi trước đó đã vạch cho chúng ta con đường chúng ta nên đi và trách nhiệm chúng ta phải gánh. Đó là bảo vệ sự tự do cho Văn hoá, bảo vệ nền Văn hoá mang sắc thái Tây phương, chống đối lại các chủ nghĩa độc tài đảng trị và tập họp các trí thức trong tất cả các ngành nghề chuyên môn, thuộc tất cả các lĩnh vực sinh hoạt văn học nghệ thuật vào những tổ chức hợp đoàn, những tập thể thống nhất.

08.10.2022
​Trần Văn Tích.
---------------------------
1 Les Noyers de l‘Altenburg, Chartres, 21 Juin 1940, Gallimard.
2 Plaidoyer pour les Intellectuels. Situations VIII. 1972. p. 377. Gallimard
3 Mạn hứng, số 61
4 “Je vous salue ma France...“
5 Đinh mão tam nguyệt nhị thập bát nhật thiên táng Sùng Đức Võ Phu tử thuật sự húc đồng học chư tử (trong Ngoạ Du Sào thi tập).

Buổi Ra Mắt Sách “Những Khuôn Mặt Văn Hoá Việt Nam Hải Ngoại - Paris”



Chiều chủ nhật 8 tháng 10, Câu Lạc Bộ Văn Hoá VN Paris tổ chức một buổi ra mắt sách “Những Khuôn Mặt Văn Hoá VN Hải Ngoại” tại quận 13 nơi có đông cửa hàng và sinh hoạt của người Việt.

Sách dầy 800 trang, có nhiều chương. Chương đầu là ‘sinh hoạt cộng đồng’, giới thiệu đủ các khuôn mặt những người làm văn hoá Hải Ngoại ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Úc….Các chương sau là phần biên khảo, nhận định, phê bình tác phẩm và tác giả. Chương cuối dành cho những sáng tác của các nhà văn như: Doãn Quốc Sĩ, Hồ Trường An, Nguyễn văn Sâm…….

Trong phần Thư Ngõ, Ban Biên Tập đã viết: “cuốn sách nhằm vinh danh Sự Nghiệp những người làm văn hoá đã tận tụy, liên tục đóng góp công sức cho việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc từ trước 1975 cho đến sau này ở Hải Ngoại….”

Với bề dày 800 trang (giá 30€) quyền sách thật dồi dào phong phú, nhiều hình ảnh, chữ rõ ràng, in đẹp với bìa cứng trang nhã.
Căn phòng trong phạm vi của Nhà Thờ Hippolyte quận 13 khá rộng với thật đông người đến dự.

Sau phần chào cờ và phút mặc niệm.
Phần đầu là diễn thuyết về văn hoá của Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Trúc đến từ Strasbourg, Pháp; Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, nhà nghiên cứu về chữ Nôm, đến từ Hoa Kỳ; Bác Sĩ Trần Văn Tích đến từ Đức ….

Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc

(Giáo Sư Nguyễn văn Sâm)
(Bác Sĩ Trần văn Tích)

Kế đến là phần tặng sách cho những khuôn mặt văn hóa có nêu tên trong sách

Phần thứ nhì là văn nghệ


Ban hợp ca FAVIC (do Luật Gia Đoàn Trần Thiều sáng lập)
gồm những người ngoại quốc mặc áo quần cổ truyền VN đã trình diễn bài “Tôi Yêu” của nhạc sĩ Trịnh Hưng và Hồ Đình Phương:

Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa
……
đã làm khán giả vỗ tay nồng nhiệt.


Bác Sĩ Phạm Đăng Thiện trình bày ca khúc Nguyệt Cầm của nhạc sĩ Cung Tiến, phổ thơ Xuân Diệu. Với giọng ca ténor điêu luyện, ông chinh phục khán giả và được tràng pháo tay dòn dã.


Ca nhạc sĩ Đình Đại cùng với Thu Sương cống hiến một bài nhạc đấu tranh do Đình Đại sáng tác cũng được khán giả vỗ tay tán thưởng.
Những ca sĩ khác như Tuyết Dung, Đỗ Quyên, Kim Thu, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Vân, nghệ sĩ ngâm thơ Thuý Hằng …. đã đóng góp cho chương trình văn nghệ đến 6 giờ chiều.

(Đỗ Bình)

Thi sĩ Đỗ Bình, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Văn Hoá VN Paris và cũng là chủ nhiệm quyển sách
“Những khuôn mặt văn hóa Việt Nan Hải Ngoại” chắc hẳn phải hài lòng cho sự thành công của buổi ra mắt sách ngày hôm ấy. 

Trong khi chờ đợi Ban Tổ Chức có phần tường thuật đầy đủ và chi tiết hơn….

 
(Ban tổ chức và quan khách)
Paris, 10/10/2022
Thanh Vân (tạm tường thuật)


Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Chiều Thu Vàng - Thơ Lê Nguyễn Nga - Nhạc Hồng Tước - Hòa Âm Quang Đat


Thơ Lê Nguyễn Nga
Nhạc Hồng Tước
Hòa Âm Quang Đat
Tiếng Hát Thanh Lan

Mùa Thu Ottawa

 

Có phải hôm nay mùa thu tới
Bồi hồi tôi nhớ lá vàng xưa
Vẫn biết thu này là thu mới
Lá úa lòng tôi đã thay chưa?

Có một mùa thu của kỷ niệm
Người đến chiều nao mây giăng cao
Lá vàng rơi ngoài sân rất đẹp
Cho người về lá gọi lao xao

Tôi đón tình người với mộng mơ
Chiều Ottawa đẹp như thơ
Con đường về Byward Market
Quán vắng nào bên dốc sương mờ

Đồi Parliaments, đường Wellington
Những nơi nào còn in dấu chân
Mùa thu chiều đại lộ Sussex
Màu lá trên hàng cây bâng khuâng

Gió heo may lạnh vào Starbucks
Người gọi ly Cappuccino
Mây trời hôm ấy trôi vương vấn
Tôi uống mùi vị đắng cà phê

Mùa thu đi, người cũng đi xa
Ottawa tình có phôi pha?
Lá vàng héo úa từ dạo ấy
Mây xám buồn vương lối tôi qua

Hôm nay thu về gieo thương nhớ
Lá rơi theo gió chiều chơi vơi
Nắng quái cuối chân trời màu tím
Xao xuyến hồn tôi, mùa thu ơi!

Có phải hôm nay mùa thu tới
Có phải hôm nay lá vàng rơi ??...

Kim Loan
(Edmonton, October, 2022)

Chợt Bừng Nỗi Đau

 

Một ngày vào thu
Nỗi buồn đong đưa
Theo gió bay cao
Rơi theo lá vàng...

Bên bờ sông Mơ (Meuse)
Hải Âu buông tiếng
Cuốn theo chiều gió
Thở dài thâu đêm

Tựa vuông cửa nhỏ
Có người thiếu phụ
Đỏ hoe đôi mắt
Thả hồn xa xăm ...

Nhớ thương ngậm ngùi
Dĩ vãng vạn dặm
Mà sao bỗng gần
Níu ghì hồn đau...

Bờ vai nghiêng đổ
Nửa mảnh tình si
Cuộn hồn chơi vơi
Địa đàng hoang dại ...

Như con chim non
Lạc bụi hồng gai
Vết thương trở gió
Chợt bừng nỗi đau...

Tuyết Phan
Belgique Một ngày tháng 10 -2022

Thi Tiên Lý Bạch (Trường Tương Tư Kỳ I, Kỳ II, Kỳ III)


THI TIÊN LÝ BẠCH

Năm Thiên Bảo thứ ba đời Đường Huyền Tông (744), Lý Bạch vì hạ câu "Khả lân Phi Yến ỷ tân trang 可憐飛燕倚新妝" trong bài thứ 2 của 3 bài Thanh Bình Điệu, nên bị Thái Úy Cao Lực Sĩ dèm pha là Lý đã miệt thị Dương Qúy Phi. Cuối cùng Lý đành phải từ quan đi ngao du tứ hải. Trên bước đường phiêu du khắp các vùng giang nam giang bắc để uống hết rượu ngon trong thiên hạ, đôi lúc Lý cũng chạnh lòng nhớ lại thuở vàng son và cuộc sống xa hoa lãng mạn một thời ở đất Trường an mà viết nên những dòng thơ đượm tình ướt át sau đây; Chúng ta cùng đọc lại 3 bài thơ cổ phong "Trường Tương Tư" của Thi Tiên sáng tác trong khoảng thời gian nầy nhé !

長相思 (其一) TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (Kỳ I)


長相思,在長安。 Trường tương tư, Tại Trường an.
絡緯秋啼金井闌, Lạc vĩ thu đề kim tỉnh lan.
微霜悽悽簟色寒。 Vi sương thê thê điệm sắc hàn.
孤燈不明思欲絕, Cô đăng bất minh tư dục tuyệt,
卷帷望月空長嘆。 Quyển vi vọng nguyệt không trường thán.
美人如花隔雲端。 Mỹ nhân như hoa cách vân đoan.
上有青冥之高天, Thượng hữu thanh minh chi cao thiên,
下有淥水之波瀾。 Hạ hữu lục thủy chi ba lan.
天長路遠魂飛苦, Thiên trường địa viễn hồn phi khổ,
夢魂不到關山難。 Mộng hồn bất đáo quan san nan.
長相思,摧心肝。 Trường tương tư, thôi tâm can !
李白                          Lý Bạch

* Chú thích:
- Trường Tương Tư 長相思 : có nghĩa là "Nhớ thương nhau dai dẳng", nhớ cả ngày lẫn đêm không lúc nào nguôi.
- Lạc Vĩ 絡緯 : Con Bù cào, châu chấu. Chỉ Côn trùng kêu trong đêm thu.
- Đề 啼 : là Khóc, là Gáy, là Kêu.
- Kim Tỉnh Lan 金井闌 : là Cái khung miệng giếng nước đẹp đẽ.
- Thê Thê 悽悽 : là Thê lương lạnh lẽo; là lạnh lùng hiu hắt.
- Điệm 簟 : là chiếc chiếu được đan bằng tre cói.
- Bất Minh 不明 là Không sáng; có dị bản là "Bất Miên 不眠" là Không ngủ.
- Thanh Minh 青冥 : Chỉ Bầu trời xanh thẳm.
- Cao Thiên 高天 : là Trời cao, dị bản là "Trường Thiên 長天"là Trời dài rộng.
- Lục 淥 : Nước trong vắt.
- Quan San Nan 關山難 : Quan ải và núi non cách trở khó vượt qua.
- Thôi 摧 : có bộ Thủ 扌bên trái nên có nghĩa là xô, là Đẩy. THÔI TÂM CAN 摧心肝 là Gan tim bị xô đẩy; ý nói Trong lòng như bị dày xéo nát tan; Lòng đau như bị ai xéo ai dần.

* Nghĩa bài thơ:
Nhớ Thương Nhau Dai Dẳng (Bài I)

Ngày đêm nhớ thương nhau dai dẳng, nhớ thương người ở tại đất Trường An, côn trùng kêu thu ra rả bên bờ giếng đẹp. Sương thu lành lạnh nhe rơi làm cho đệm chiếu cũng tỏa hơi lạnh lẽo. Dưới ngọn đèn cô lẻ chập chờn càng làm tăng thêm nỗi niềm thương nhớ, cuốn rèm lên để nhìn thấy ánh trăng sáng bên song cửa mà buông tiếng thở dài. Người đẹp như hoa đang cách trở bởi những tầng mây bạc, trên thì trời cao lồng lộng mênh mông, dưới thì có làn nước trong đang chập chờn gợn sóng. Trời cao đất rộng nỗi lòng khó thể bay xa; Mộng hồn cũng khó bề vượt qua muôn ngàn quan san cách trở. Trường tương tư, thương nhớ ngày đêm khiến cho lòng đau như cắt.

* Diễn Nôm:
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ

Đêm ngày tưởng nhớ đến ai,
Nhớ người yêu dấu bên trời Trường an.
Côn trùng ri rỉ giếng vàng,
Hơi thu sương lạnh lạnh tràn chiếu chăn.
Đèn côi thương nhớ khôn ngăn,
Cuốn rèm để lọt ánh trăng thở dài.
Như hoa người đẹp bên trời,
Trời xanh thăm thẳm bồi hồi trên cao.
Dưới dòng nước cuốn ba đào,
Trời cao đất rộng lối nào tìm nhau.
Quan san cách trở lòng đau,
Nhớ thương thương nhớ dạt dào khôn nguôi.
Ruột gan đà héo cả rồi!
(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)
 

長相思 (其二)      TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (Kỳ II)

日色慾盡花含煙, Nhật sắc dục tận hoa hàm yên,
月明如素愁不眠。 Nguyệt minh như tố sầu bất miên.
趙瑟初停鳳凰柱, Triệu sắt sơ đình phụng hoàng trụ,
蜀琴欲奏鴛鴦弦。 Thục cầm dục tấu uyên ương huyền.
此曲有意無人傳, Thử khúc hữu ý vô nhân truyền,
願隨春風寄燕然。 Nguyện tùy xuân phong ký Yên Nhiên.
憶君迢迢隔青天。 Ức quân điều điều cách thanh thiên.
昔時橫波目, Tích thời hoành ba mục,
今作流淚泉。 Kim tác lưu lệ tuyền.
不信妾腸斷, Bất tín thiếp trường đoạn,
歸來看取明鏡前。 Quy lai khán thủ minh kính tiền.
李白                        Lý Bạch

* Chú thích:
- Như Tố 如素 : TỐ là màu trắng tinh khiết của lụa; Dị bản là Dục Tố 欲素 đều cùng có nghĩa là : Trắng tinh như lụa bạch.
- Triệu Sắt 趙瑟 : Một loại đàn xưa mà người nước Triệu thường đàn.
- Thục Cầm 蜀琴 : Một loại đàn cầm tôn qúy của nước Thục ngày xưa.
- Yên Nhiên 燕然 : Tên của ngọn núi Hàng Ái Sơn nằm trong nước Cộng Hòa Mông Cổ hiện nay; Ở đây dùng để chỉ vùng biên tái xa xôi ở phía bắc Trung Hoa.
- Hoành Ba 橫波 : HOÀNH là ngang; BA là Sóng. HOÀNH BA đi liền nhau để chỉ "Sóng mắt liếc ngang liếc xéo". Vì lễ giáo các cô gái ngày xưa ít khi dám nhìn thẳng ai mà chỉ liếc trộm nhìn trộm mà thôi.
- Lưu Lệ Tuyền 流淚泉 : LỆ TUYỀN là Suối lệ; LƯU LỆ TUYỀN là Suối lệ tuôn chảy, chỉ sầu thương buồn khổ đến nỗi khóc mãi không thôi.

* Nghĩa bài thơ:
Nhớ Thương Nhau Dai Dẳng (Bài II)

Ánh nắng yếu ớt làm cho những cánh hoa như đang ngậm sương khói mơ màng. Ánh trăng sáng trắng tinh khiết như những giải lụa bạch, lòng sầu nên không ngủ được. Mới vừa dứt trục phụng hoàng trên cây đờn của nước Triệu, lại bấm dây uyên ương của cây đàn cầm trên đất Thục. Tiếc thay các khúc điệu tuy có ý nhưng lại không có người để truyền đạt. Những mong nó sẽ theo gió xuân mà bay đến vùng Yên Nhiên ngoài tái bắc. Nhớ thương người xa diệu vợi ở tận phía trời xanh. Đôi mắt liếc long lanh của ngày xưa giờ đã trở thành nguồn suối lệ chảy mãi không thôi; Nếu như còn nghi ngờ về nỗi nhớ thương đến đoạn trường của thiếp, thì hãy về đây mà ngắm dung nhan tiều tụy võ vàng của thiếp trong đài gương kia kìa !

* Diễn Nôm :
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (Kỳ II)

Nắng chiều hoa nhạt khói sương,
Sáng trăng khó ngủ sầu thương vô chừng.
Phụng hoàng Triệu sắt vừa ngưng,
Thục cầm đã tấu dây chùn uyên ương.
Khúc xa khó đến người thương,
Thoảng bay theo gió đến miền Yên nhiên.
Nhớ người diệu vợi sơn xuyên,
Khi xưa mắt biếc đưa duyên thẹn thùa.
Nay thành suối lệ như mưa,
Lòng sầu ruột thắt người xưa tỏ tường?
Má hồng đã nhạt đài gương.
Chàng về sẽ thấy xót thương dáng gầy!
(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)
 

長相思 (其三) TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (Kỳ III)

美人在時花滿堂, Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường,
美人去後空餘牀。 Mỹ nhân khứ hậu không dư sàng.
牀中繡被卷不寢, Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
至今三載聞餘香。 Chí kim tam tải văn dư hương.
香亦竟不滅, Hương diệc cánh bất diệt,
人亦竟不來。 Nhân diệc cánh bất lai.
相思黃葉落, Tương tư hoàng diệp lạc,
白露點青苔。 Bạch lộ điểm thanh đài !
李白                  Lý Bạch

* Chú thích:
- Tú Bị 繡被 : Tấm chăn đắp có thêu hoa đẹp đẽ.
- Quyển Bất Tẩm 卷不寢 : Cuốn để đó không ngủ; dị bản là CÁNH BẤT TẨM 更不卷 nhấn mạnh hơn là "Không có ai ngủ cả".
- Văn 聞 : là chữ Hội Ý gồm có bộ MÔN 門 là Cửa, ở giữa có bộ NHĨ 耳 là Lổ tai, có nghĩa "Đưa lổ tai ra cửa " để NGHE ngóng; nên VĂN 聞 nghĩa gốc là NGHE; nghĩa phát sinh là NGỬI. Vì thế VĂN DƯ HƯƠNG 聞餘香 là "Ngửi được mùi thơm còn rơi rớt lại". Dị bản là DO VĂN HƯƠNG 猶聞香 là Còn ngửi thấy mùi thơm.
- Lạc 落 : là Rớt, Rơi, Rụng; HOÀNG DIỆP LẠC 黃葉落 là Lá vàng rơi; dị bản là HOÀNG DIỆP TẬN 黃葉盡 là "Lá vàng rơi đến hết, đến tận cùng".
- Điểm 點 : là Chấm, là Chấm phá. dị bản là THẤP 濕 là Ướt, làm cho ướt.

* Nghĩa bài thơ:
Nhớ Thương Nhau Dai Dẳng (Bài III)

Khi người đẹp còn ở nơi đây thì như có hoa tươi thơm tho đầy cả phòng; Khi người đẹp đi rồi thì chỉ còn trơ lại chiếc giường không lạnh lẽo. Trên giường chiếc chăn thêu hoa đẹp đẽ cuốn để đó không ai đắp cả, nhưng đến nay đã ba năm vẫn còn phảng phất ngửi thấy mùi thơm. Mùi thơm lâu ngày vẫn còn đó không phai; Người đi lâu ngày vẫn còn vắng bóng chưa về. Nhớ thương nhau dai dẵng như lá vàng rụng suốt mùa thu và nên thơ như những hạt sương trắng chấm phá trên thảm rêu xanh.

* Diễn Nôm:
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (Kỳ III)

Mỹ nhân còn đó ngát hoa hương,
Mỹ nhân đi rồi trống vắng giường.
Trên giường chăn bông chẳng ai đắp,
Chốc đã ba năm còn thoảng hương.
Hương mãi mai không dứt,
Người biền biệt chẳng về.
Tương tư lá vàng rụng ,
Sương trắng rêu xanh dạ ủ ê!

Lục bát:

Người còn phòng ngát hương hoa,
Người đi phòng vắng giường ngà trống không.
Chăn thêu cuốn chẳng ai nằm,
Đã ba năm lẻ vẫn còn thoảng hương.
Mùi hương chẳng dứt mãi còn,
Người đi biền biệt mõi mòn ngóng trông.
Tương tư lá rụng đầy sân,
Sương đêm nhẹ điểm trắng ngần rêu xanh!
(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức