Đông Dã tiên sinh Mạnh Giao
MẠNH GIAO 孟郊 (751-814), tự là Đông Dã. Người đất Võ Khang Hồ Châu. Cha là Mạnh Đình Tân 孟庭玢 là một quan lại nhỏ. Gia cảnh thanh bần, nên từ nhỏ tánh tình đã cô độc, ít giao du. Tuổi thanh niên nhưng đã ẩn cư ở Tung Sơn Hà Nam. Năm Trinh Nguyên thứ 7, Mạnh Giao 41 tuổi mới thi đậu Hương Cống và nhập kinh ứng thí. Năm Trinh Nguyên thứ 8 lạc đệ, mặc dù thi rớt nhưng chuyến đi nầy đã quen được với Lý Quan và Hàn Dũ. Mặc dù lớn hơn Hàn Dũ 17 tuổi, nhưng vì Hàn Dũ thành đạt sớm, nên nhờ Hàn Dũ mà thơ ông mới nổi tiếng và có nhiều người biết đến. Năm Trinh Nguyên thứ 9, ông lại thi rớt Tiến sĩ một lần nữa. Ông chán nản định bỏ thi luôn, thế nhưng ...
Năm Trinh Nguyên thứ 12 (796), Mạnh Giao đã 46 tuổi, phụng mệnh của mẹ đi ứng thi lần thứ ba, và lần nầy thì ông đậu ngay Tiến Sĩ cập đệ. Nỗi mừng biết lấy chi cân, ông vội vả về ngay quê nhà để báo tin vui với mẹ. Và cũng trong ngày vui trọng đại có hơi muộn màng nầy, ông đã làm một bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt "Đăng Khoa Hậu 登科後" để đời như sau:
昔日齷齪不足夸, Tích nhật ác xúc bất túc khoa,
今朝放蕩思無涯。 Kim triêu phóng đãng tứ vô nha.
春風得意馬蹄疾, Xuân phong đắc ý mã đề tật,
一日看盡長安花。 Nhất nhật khán tận Trường An hoa!
Có nghĩa :
Ngày xưa hèn mọn chẳng cần bàn,
Phóng đảng hôm nay tứ ngút ngàn.
Đắc ý gió xuân mau vó ngựa,
Một ngày ngắm hết hoa Trường An!
Xuân phong đắc ý, Cởi ngựa xem hoa.
Bài thơ đắc ý nêu trên đã hình thành hai thành ngữ để đời là XUÂN PHONG ĐẮC Ý 春風得意 để chỉ những việc ĐẮC Ý trong đời sống hàng ngày như : Thi đậu, làm ăn thành đạt, trúng số, có được người yêu, kết hôn ... và TẨU MÃ QUAN HOA 走馬觀花, ta nói là CỞI NGỰA XEM HOA. Thành ngữ nầy lúc ban đầu dùng để chỉ gặp được việc xứng ý toại lòng và tâm lý vui vẻ, nhưng hiện nay thường dùng để chỉ việc gì đó chỉ làm hoa loa, lấy có, làm một cách hời hợt cho xong việc ... Cởi ngựa xem hoa thì làm sao mà xem cho kỹ được !
Năm Trinh Nguyên thứ 17 (801), Mạnh Giao đã 51 tuổi, lại vâng lệnh mẹ ứng cử chức Huyện Úy đất Lạc Dương thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Năm Nguyên Hòa đời Đường Hiến Tông (806) ông giự chức Thuỷ Lục Vận Tòng Sự ở Hà Nam. Năm Nguyên Hòa thứ 9 (814), Trịnh Dư Khánh tiến cử ông giữ chức Hưng Nguyên Quân Tham Mưu, ông mới chuyển từ Lạc Dương sang Hà Nam, đến tháng tám năm đó thì bị bệnh và mất lúc 64 tuổi. Ông để lại trên 500 bài thơ, phần nhiều là ngũ ngôn đoản thiên, chia làm mười quyển trong "MẠNH ĐÔNG DÃ THI TẬP 孟東野詩集".
Mạnh Giao 孟郊 và Giả Đảo 賈島 được gọi chung là cặp GIAO ĐẢO 郊島 của buổi Trung Đường. Mạnh Giao là thi nhân tiền bối của Giả Đảo, ông lớn hơn Giả Đảo 28 tuổi. Nhưng họ cùng có chung một hoàn cảnh khốn cùng, nghèo khó, chức quan nhỏ nhoi và cả đời đều chìm trong khổ ngâm, rất khổ sở trong việc ngâm thơ và sáng tác thơ. Giả Đảo thì "Lưỡng cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu 兩句三年得,一吟双泪流". Có nghĩa " Ba năm mới được hai câu; Ngâm lên lệ nhỏ ai sầu chăng ai ?". Còn Mạnh Giao thì " Nhất sinh không ngâm thi; Bất giác thành bạch đầu 一生空吟诗,不觉成白头". Có nghĩa : "Một đời chỉ biết ngâm nga, Chốc đà bạc trắng sương pha mái đầu !". Chả trách Tô Đông Pha đời Tống đã phê rằng : Giao hàn Đảo xú 郊寒岛瘦. Có nghĩa : " Mạnh Giao làm thơ trong đói lạnh, còn Giả Đảo thì vì làm thơ mà gầy còm". Sau đây mời tất cả cùng đọc một giai thoại về Mạnh Giao lúc còn trẻ...
Mùa đông năm đó, có quan Khâm Sai đại thần đến đất Võ Khang để cứu đói vì thiên tai và để tìm hiểu dân tình. Quan huyện bày yến tiệc lớn để thết đãi. Đang lúc nâng ly để thù tạc nhau thì anh chàng thư sinh áo xanh lam lũ rách rưới Mạnh Giao bước vào. Quan huyện trông thấy nổi giận, quắc mắt mắng rằng :" Mau đi ra ngoài ! Tên ăn mày rách rưới bẩn thỉu kia, đừng làm mất hết nhã hứng của bổn quan !". Mạnh Giao cũng rất tức giận mà đáp rằng :" Gia bần nhân bất bần, Cử đầu tam xích hữu tiên thần !". Có nghĩa : Nhà nghèo nhưng người chẳng nghèo, Thần tiên ba thước thường theo trên đầu !. Quan Khâm Sai thấy thằng bé có khẩu khí rất lớn, bèn muốn thử xem có tài thật hay nghe theo lời ai xúi dại, mới ra cho Mạnh Giao một câu đối, hẹn rằng nếu đối hay sẽ thưởng cho cơm canh, còn nếu không đối được thì sẽ đánh cho một trận đòn nên thân. Vì Mạnh Giao đang mặc áo xanh của học trò, nên câu đối của quan Khâm Sai như sau:
小小青蛙穿绿衣, Tiểu tiểu thanh oa xuyên lục y,
Có nghĩa:
Nhái xanh nho nhỏ mặc áo xanh,
Mạnh Giao thấy quan Khâm Sai mặc áo bào đỏ, trên bàn lại có một dĩa cua luộc màu đỏ, bèn tức cảnh đối là :
大大螃蟹着红袍. Đại đại bàng giải chước hồng bào.
Có nghĩa:
Cua đỏ to to khoác hồng bào.
Cua đỏ khoác hồng bào. Mèo con tìm miếng ăn.
Quan Khâm Sai tức qúa, nó dám ví mình như con cua luộc đo đỏ mặc áo hồng bào, nhưng câu đối rất chỉnh và rất hay, vì có hẹn trước, nên đành nói với quan huyện dọn cho Mạnh Giao một tiệc nhỏ kế bên. Khi đã uống thêm ba chung rượu vào bụng, ngài Khâm Sai lại nổi hứng liếc nhìn Mạnh Giao và đọc:
小小猫儿寻食吃, Tiểu tiểu miêu nhi tầm thực ngật,
Có nghĩa:
Con mèo nho nhỏ tìm ăn chực,
Mạnh Giao lúc bấy giờ đầy một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn vì nước vì dân mà hiến chút công sức của mình; Trước mắt thấy quan Khâm Sai Đại Thần ăn xén lương thảo cứu đói của dâh chúng, quan huyện lại a dua nịnh hót bợ đỡ, nên nổi giận mà đối lại rằng :
大大老鼠偷皇粮. Đại đại lão thử thâu hoàng lương.
Có nghĩa:
Chú chuột to to trộm lúa vua.
Cả Khâm Sai đại thần và Huyện lệnh nghe xong câu đối đều đổ mồ hôi lạnh, thì ra lũ tham quan ô lại nầy ăn nhậu hưởng thụ đều lấy từ tiền cứu đói của dân chúng mà ra. Nhưng Mạnh Giao chỉ nói là loài chuột to trộm lương vua, nên cả hai đều ngậm bồ hòn làm ngọt, chả lẽ nổi giận để nhận mình là "chuột trộm hoàng lương" hay sao ?!
Bài thơ Du Tử Ngâm và Từ đường thờ Mạnh Giao
Như trên ta đã biết, câu đối và thơ của Mạnh Giao đều rất bình dị và bình dân, chỉ có điều ông làm thơ trong bối cảnh nghèo khổ khốn cùng; Những ví von trong thơ ông cũng rất thực tế và dễ hiểu, như trong bài DU TỬ NGÂM 游子吟 nổi tiếng thiên cổ của ông với "Từ mẫu thủ trung tuyến, Du tử thân thượng y 慈母手中线, 游子身上衣" Là " Đường kim mũi chỉ trong tay mẹ, chiếc áo trên mình kẻ lãng du", hay như : Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy ? 谁言寸草心, 报得三春晖 ? Có nghĩa là : "Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ, báo đền được nắng ba xuân ?" Rất bình dân, rất thực tế và rất dễ đi vào lòng người, nhất là khi được cụ Nguyễn Du mượn để diễn tả nỗi lòng của Thúy Kiều đã cân nhắc khi bán mình trả hiếu cho cha là:
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân!
Lời lẽ mộc mạc bình dân của Mạnh Giao còn được người đời sau nhắc nhở trong câu đối trước từ đường mà dân chúng xây nên để tưởng niệm ông ở trấn Võ Khang huyện Đức Thanh 德清县武康镇 như sau:
名詩一首抒盡人間母子情, Danh thi nhất thủ, trữ tận nhân gian mẫu tử tình,
巨篇五百咏遍天下平民心. Cự thiên ngũ bách, vịnh biến thiên hạ bình dân tâm.
Có nghĩa :
Một bài thơ hay, chứa đựng hết tình mẫu tử của nhân gian,
Năm trăm thi tuyển, ngâm vịnh khắp lòng bình dân của thiên hạ.
Đỗ Chiêu Đức