Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Tà Áo Xuân Tình - Thơ : Lê Nguyễn Nga - Nhạc Nguyễn Tuấn (Phương Thảo)


Thơ : Lê Nguyễn Nga
Nhạc Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát:Phương Thảo

Mùa Xuân Còn Lại

(Ảnh: Diệp Thị Thu Cúc)

Còn một chút mùa xuân vừa sót lại
Và hoa xinh vẫn nở mãi trên cành...(Thu Cúc)

Nắng đầu ngày soi bóng nước lung linh.
Em nhan sắc mãi đẹp tình say mộng thắm!
(Kim Oanh)

Thơ: Thu Cúc & Kim Oanh

Cung Chúc Tân Xuân



Cung nữ khoe sắc mỹ miều
Chúc xuân vui bước đường chiều lả lơi
Tân niên hoa bướm tuyệt vời
Xuân khoe sắc mới rạng ngời hoa tươi.
Vạn lời nói, vạn tiếng cười
Sự đời lắm lúc rối bời đau thương
Như mây giăng mắc khói sương
Ý trời trong lẽ vô thường hiện sinh.
Yêu đi cho hết chân tình
Nếu mai hai đứa chúng mình xa nhau
Thì đời buồn lắm cơn đau
Ngày xuân xin hãy, cho nhau nự cười.
Tình đời cứ thế đầy vơi
Ân tình trả mãi, vạn lời ước mong
Cuộc đời vẫn mãi thong dong
Xuân về hoa nở, cõi lòng hân hoan.

Lê Tuấn

Tết Nữa Hả?



Mượn ý bài thơ "Ông Đồ" của thi sĩ Vũ Đình Liên
 
Mỗi năm hoa mai nở
Lại thấy mình thêm… già
Nhớ tưng bừng quán xá
Bên phố đông người ta

Bao nhiêu mùa nao nức
Cùng bạn bè, người thương
Tết ngọt ngào bánh mứt
Nồng nàn nồi bánh chưng

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Kẻ ở lại, người xa
Pháo đỏ buồn không thắm
Đêm Ba Mươi nhạt nhoà

Tôi vẫn tìm, trong gió
Lạnh lẽo, trời tha phương
Tuyết đổ mênh mông quá
Đâu rồi Xuân quê hương?

Năm nay mai lại nở
Ùa về kỷ niệm xưa
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu, bây giờ!?*

Edmonton, 16.1.2022
Kim Loan
(*)Thơ Vũ Đình Liên

Anh Không Tẻ Nhạt



(Cảm hứng từ một bài viết do PLang chuyển…)

Anh không hái đóa hoa bên vách núi,
Để tặng em chứng tỏ một tình yêu,
Anh cần gì phải mạo hiểm phiêu lưu,
Tình của anh chưa bao giờ tẻ nhạt.

Anh không bắt cho em con bướm đẹp,
Phải băng mình qua bờ suối bên kia,
Đừng vất vả đi những dặm đường xa,
Tình yêu không cần những điều phi lý.

Anh đời thường vẫn làm em ngưỡng mộ,
Những chân tình em được nhận từ anh,
Trong ánh mắt đã nói lên bao lần,
Tình yêu ấy chưa bao giờ tẻ nhạt.

Anh không nói với em điều lãng mạn,
Làm cho em say đắm những mộng mơ,
Em không cần anh là một chàng thơ,
Một chiều bên em bình thường cũng đủ.

Chúng mình đi trên cánh đồng hoa cỏ,
Khi mỏi chân em sẽ tựa vai anh,
Bàn tay nâng niu che khoảng trời xanh,
Sợ nắng gió làm cho em thấm mệt.

Tình yêu của anh cho em ghi nhận,
Từ trong trái tim đã nói thành lời,
Người ta chóng quên sáo ngữ đầu môi,
Tình có thật trong tim ai quên được.

Nếu ta sẽ cũ mòn theo năm tháng,
Nếu tình yêu theo năm tháng cũ mòn,
Nếu có lúc em khoảng cách núi non,
Nếu có lúc em tâm hồn khô héo.

Đôi lúc chạnh lòng. Anh không có lỗi,
Đừng hái sao trời tặng em làm quà,
Anh vẫn yêu em như ngày hôm qua,
Em sẽ hiểu anh không hề tẻ nhạt.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
(July 17, 2019)

Tết Xưa

Hôm nay đã là ngày rằm tháng chạp âm lịch, con trăng này là con trăng cuối cùng trong năm, chỉ còn nửa tháng nữa thôi là năm hết Tết đến.  Giờ này nơi quê nhà, chắc hẳn thiên hạ đang tưng bừng sắm sửa chuẩn bị đón năm mới trong tâm trạng   háo hức rộn ràng chớ không như người Việt tha hương viễn xứ, tết đến trong im lìm lặng lẽ buồn tênh không kèn không trống, không chút không khí báo hiệu ngày xuân cho nao nức xôn xao lòng người. Trót đã mang thân vong quốc tị nạn, nhập gia tùy tục, đời sống hằng ngày phải hội nhập theo chân người bản xứ, mọi nghi lễ tập tục truyền thống khi xưa của dân tộc mình giờ đây chỉ còn là trong tưởng niệm ngậm ngùi.  

Quê người chẳng có ngày xuân
Chẳng hương hơi Tết, chẳng xuân trong lòng
Cách ngăn cả một biển đông
Quê hương bỏ lại xuân hồng chẳng sang
Thương về quê cũ bẽ bàng
Thiêng liêng truyền thống son vàng đã xa 

Thùy còn nhớ, ngày xưa mỗi năm cứ khỏang đầu tháng chạp là mọi người đã bắt đầu rục rịch bàn tính chuyện tết nhứt, giàu thì ăn tết lớn, nghèo thì ‘’xính xái’’ tính theo nghèo, làm gì làm cũng phải ăn tết ăn nhứt như người ta cho khỏi tủi thân bẻ mặt với bà con xóm làng. Tết là cái mốc thời gian khởi điểm cho mọi sự bắt đầu lại như một cuốn lịch mới tinh nguyên bắt đầu cho một năm mới tràn trề  hy vọng. 

Bởi vậy cho nên ai ai cũng cố gắng chuẩn bị cho gia đình mình một cái tết thật chu đáo kỹ càng và đầy đủ được chừng nào hay chừng nấy. Nhà cửa được sơn phết dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp từ trong ra ngòai, màn cửa mới toanh, lư hương tủ thờ được lau chùi sáng bóng. Vui nhứt là mấy chị em được má dẫn đi chọn hàng vải may đồ mới, mỗi đứa vài bộ đồ, hai ba đôi giày dép guốc hoặc có thể xin mua sắm gì thêm nữa theo ước muốn với lý do chính đáng vững chắc là ‘’tết mà’’, một năm chỉ có một lần, lẽ nào ba má từ chối không cho.

Từ hai mươi ba tháng chạp, đưa ông táo về trời xong là mấy bà mấy cô luôn bận rộn không ngừng với chuyện nữ công trang hòang nhà cửa và chuyện gia chánh nấu ăn như làm dưa (dưa món, củ kiệu, củ cải, bông cải vv…) sênh mứt (mứt mảng cầu, mứt me, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt thơm) hoặc nướng các lọai bánh (bánh gai, bánh men, bánh quy, bánh thuẩn, bánh hạnh nhân...) tùy thích. Làm xong đem cất trong các ngăn quả keo lọ để dành đãi khách trong những ngày tết hoặc làm quà biếu xén bà con xa gần. Đó cũng là cơ hội cho các cô con gái tới tuổi cập kê thi đua trổ tài khéo léo của mình với  bạn bè hàng xóm chung quanh, nhứt là với những gia đình có con trai lớn đang ngắm nghé  chọn dâu cưới vợ.

Ngày ba mươi tết, năm nào rước ông bà về ăn tết với con cháu, cả nhà Thùy cũng đều tụ tập qua nhà bà dì, chị cả của má để cúng kiến chung, bữa cúng đó rất thịnh sọan linh đình, ngòai nồi thịt kho hột vịt, tiêu chuẩn không thể thiếu trong ba ngày tết còn có những   món ngon mà ngày thường Dì ít khi làm tới như vịt tiềm bạch quả hột sen, nấm đông cô um với tóc tiên, lẩu thập cẩm, gà nấu dấm, chả tôm quết, thịt đông(miền nam tiết trời không đủ lạnh, muốn cho thịt đông phải để tủ lạnh), bánh tét do dì gói và bánh củ cải cũng do dì làm.  

Bánh củ cải là đặc sản của người Tiều minh hương, một lọai bánh hấp làm bằng củ cải trắng bào sợi trộn chung với tôm khô, đậu phọng, thịt ba chỉ, tỏi lá xắt nhuyển và bột gạo rồi cho vào khuôn hấp. Khi ăn xắt miếng dày chừng một phân nhúng vào trứng bỏ vô chảo chiên sơ ăn với xì dầu tương ớt họăc nước mắm ớt Việt Nam là hết sảy. Đồ ngọt thì có sương sa, bánh quai vạc, bánh ít bánh dày bánh tổ và trái cây tươi phủ phê đủ loại kể sao cho xiết.

Không biết tổ tiên ông bà ông vải có ăn được miếng nào không mà cúng xong vẫn còn y nguyên hiện để rồi sau đó con cháu dọn xuống ráp lại ăn nhậu phè phởn tưng bừng một bữa trả thù những khi phải ăn sơ sịa quấy quá cho qua ngày. Nhưng cho dù có nhậu quắc cần câu hay ăn cách mấy đi nữa cũng không hết nổi chừng ấy món ăn, thứ nào cũng còn dư ê hề, nhứt là dĩa tam sanh thịt luộc, tôm nướng, mực khô cúng ông thần tài  vẫn còn chình ình tại chỗ không ai đụng tới. Vì vậy cho nên bà dì kêu Thùy lại bảo ra chợ mua giùm dì hai ký cải phụng (mùi vị giống y cải xanh nhưng lá to bẹ dài gấp bốn lần cải xanh) để dì nấu chung với mớ đồ dư thành xà bần để ăn dài dài tới ra giêng. Thùy nhăn nhó gãi đầu bẻ mình bẻ mẩy ẹo tới ẹo lui một hồi rồi ngần ngừ nói:

- Con sợ pháo quá hà, ra đường mấy thằng con trai liệng pháo vô mình hổng có ai kế bên cho ôm chắc con chết giấc quá. Dì kêu con Hương đi giùm đi, để con ở nhà phụ dì mấy công chuyện khác.
Dì trừng mắt gạt ngang:
- Pháo tiểu nổ lẹt đẹt mà sợ cái nổi gì. Con Hương nó không có biết lựa cải, mua về ba cái cải già ngắt sơ không có môn mà dục bỏ chớ ăn gì được. Thôi thì hai đứa đi chung đi, đi lẹ lên không thôi người ta dọn chợ về ăn tết hết là tụi bây hỏng có xà bần ăn đó nghe con. Lớn đầu rồi còn sợ pháo y như là con nít, thiệt tình. À, mà dặn hờ nè, nếu hết cải phụng thì mua hai cái bắp bắc thảo nghe chưa, đừng có về tay không là tao bắt trở ra nữa đó. 
Thùy vừa đi vừa phân trần với Hương, nhỏ em, con bà dì:
- Đâu phải nhỏ mới được… quyền sợ, lớn như tao với mày cũng sợ vậy, cái gì nổ cái đùng là giựt mình sợ hết hồn hết vía luôn, trời gầm sấm chớp tao cũng sợ thấy bà cố nội kiếm chỗ núp không kịp chớ bộ.
Hương nhảy đong đỏng chận họng Thùy:
          - Ê, không có tao trong đó à nghe, tao không có sợ cái giống gì hết á. Tính lôi tao vô cho có bạn hả mậy?Nghèo mà ham!
Thùy vuốt ve giả lả:
        - Ờ phải à, bởi vậy mới kêu mày ‘’hộ tống’’ tao đó. Tao sợ nhiều thứ lắm. Ngay cả con gà, tao cũng sợ nữa. Hôm qua má tao kêu  xách con gà lại nhà bạn má biếu tết, con gà đã được nhốt trong giỏ ràng dây chằng chịt mà tao cứ sợ nó ngóc mỏ lên mổ cái tay, vừa đi vừa hồi hộp cho tới khi ‘’giao hàng’’ xong mới thôi.
Hương trề môi háy Thùy một cái dài nhằng:
- Cái đồ thỏ đế, trời gầm mà cũng sợ, hổng biết mai mốt lớn lên mày làm cái gì ăn nữa, không lẽ trốn trong nhà hòai được sao. 
Thùy la làng chói lói:
          - Ê, bữa nay nói vậy còn được chớ ngày mai mùng một tết, mày làm ơn kiêng cử cái miệng của mày lại giùm chớ mà phát ngôn bừa bãi như vậy thì tao xui cả năm đó nghe con quỷ.

Buổi trưa rước ông bà xong, tối lại tới cúng giao thừa đón năm mới. Giao thừa còn gọi là tống cựu nghinh tân. Tục truyền rằng vào giữa khuya đêm này, vị thần cai quản việc thế gian năm cũ mãn nhiệm kỳ ra đi bàn giao công việc lại cho vị thần mới về nhậm chức. Để bày tỏ lòng thành kính biết ơn, nhân gian mới lập bàn cúng tế ra giữa trời, một công mà bốn việc, vừa đưa tiễn, vừa đón rước, trước cúng sau ăn. Thông thường thì cúng giao thừa người ta chỉ cúng đồ chay như trà nước, bánh mứt trái cây hoặc nấu một món chè gì đó thanh đạm thôi chớ không rượu thịt rình rang như rước ông bà. 

Cũng trong lúc này, trên trời, hỏa châu được bắn lên tới tấp sáng ngời cả một vùng đêm đen trừ tịch báo hiệu giờ phút thiêng liêng của một năm đã đến, dưới đất những dây pháo dài thậm thượt được đốt lên nổ rền liên tục để xua đi những gì xui xẻo rủi ro trong năm cũ và đón về một năm mới may mắn tốt đẹp thanh quang.

Sáng mùng một tết, mấy chị em Thùy hăng hái dậy sớm, sung sướng diện vào bộ quần áo mới mừng tuổi ba má chờ tiền lì xì. Đây là một tuc lệ rất được giới con nít hưởng ứng hoan nghinh, đứa nào lớn nhứt thì được tiền nhiều nhứt vì đã có nhu cầu xài tiền hơn những đứa còn nhỏ. Người lớn có khi cũng được lì xì tượng trưng để lấy hên cho năm mới được phát đạt tấn tài.

Và khi chiếc radio Philips nhiều băng tần của ba Thùy vừa trổi lên bản nhạc ‘’Câu chuyện đầu năm’’ hay ‘’Ly rượu mừng’’ cũng là lúc ba đã chỉnh tề lịch sự trong bộ ‘’đồ vía’’ với đôi giày đen bóng láng mà cả năm bị treo trong tủ, cất trong hộp đợi đến ngày tết mới lấy ra mặc một lần để đi thăm viếng chúc tụng bà con. Quanh năm suốt tháng ăn mặc ra sao cũng được nhưng hôm nay là tết nhứt thì phải trịnh trọng ‘’đóng bộ lên đồ’’ đàng hòang như đi làm chú rể chớ không được lè phè giỡn mặt coi thường. Thế mới biết Tết Nguyên Đán trang trọng thiêng liêng đến thế nào trong tinh thần dân tộc!

Trước tiên, ba Thùy qua xông đất các nhà hàng xóm kế bên. Xưa nay, ba vốn được người trong xóm quý mến vị nể cho nên họ rất hoan nghinh mừng rỡ khi thấy ba tới trước cửa nhà họ. Ghé nhà người nào ba cũng lì xì cho cả nhà đó mỗi người hai tấm vé số ‘’kiến thiết quốc gia’’ để ‘’giúp đồng bào ta xây đắp cơ đồ’’ và nếu vận may đến thì ‘’giàu sang mấy hồi’’ làm ai cũng hớn hở mừng vui như…tết.

Sau đó, ba má dẫn mấy chị em Thùy đi mừng tuổi bà nội đang sống chung nhà với chú thiếm ở cách xa nhà Thùy khỏang cây số. Mùng một tết đúng thật là cái ngày thiên hạ ngơi nghỉ ăn chơi. Dù có bao nhiêu công lên việc xuống hay bao nhiêu lo lắng giận dữ buồn phiền, người ta cũng tạm  thời gác lại một bên để tạo cho mình một ngày nhàn nhã thảnh thơi, một ngày không bận rộn chỉ để ngồi chơi xơi nước, đi chùa hái lộc, đến nhà thờ cầu kinh hoặc đi thăm viếng bà con bạn bè, lắc xí ngầu bầu cua cá cọp thử vận may năm mới.

Thế nên trên suốt mỗi con đường, đâu đâu cũng nhộn nhịp tấp nập khách du xuân với những tà áo mới tinh muôn màu sặc sỡ, tiếng cười đùa chào hỏi lẫn trong tiếng pháo lạch tạch đì đùng đó đây tạo nên một họat cảnh tết thanh bình tự do no ấm đầy dấu ấn tuyệt vời mà cho đến bây giờ Thùy vẫn còn nhớ như in trong tâm trí. Đi tới nhà nào chị em Thùy cũng được lì xì và mời ăn uống, nhà nào cũng hoa mai vàng dưa hấu đỏ, xác pháo ngập đầy sân, nhà nào cũng bánh mứt hột dưa nước ngọt bánh chưng bánh tét phủ phê đầy bàn nhưng chẳng mấy ai muốn ăn mà chỉ lai rai cắn vài hột dưa, nhâm nhi chung trà tách nước, hết nhà này tới nhà nọ là đủ thấy lâng lâng no vui trong lòng vì huyền diệu thiêng liêng của không khí  ngày xuân dân tộc.

Từ ngày biệt xứ xa nhà
Còn đâu nguyên Đán tết ta thuở nào
Đầu xuân nâng chén rượu đào
Chúc nhau phúc lộc dồi dào quanh năm
Du xuân hái lộc đầu năm
Phố phường áo mới tung tăng dập dìu
Dáng mai khoe sắc yêu kiều
Pháo rền hy vọng tin yêu cho người
Nàng xuân e ấp nụ cười
Đất trời hòa quyện niềm vui chan hòa 

Tết xưa là như vậy đó, giờ đây có còn chăng chỉ là trong ký ức mà thôi. Kể từ khi lưu lạc  xứ người, nhứt là những năm đầu sống xa cộng đồng người Việt, Thùy không còn biết tết đi tết đến lúc nào. Ngày nào cũng như ngày nấy, áo mới muốn mặc lúc nào thì mặc, không còn cái háo hức chờ năm sang tết đến mới trịnh trọng “lên đồ” như xưa.

Thấm thóat mà  đã ba mươi hai năm trôi qua, ba mươi hai cái tết vô nghĩa đối với Thùy bởi vì Thùy không còn cảm nhận được nữa cái hương vị đặc thù của tết quê nhà năm xưa  dù rằng mỗi năm xuân vẫn sang, tết vẫn đến theo chu kỳ. Hơn thế nữa, Tết lại thường hay rơi vào những ngày  trong tuần, ai cũng bận đi làm, con trẻ thì đi học, chưa kể những người có lịch trình hẹn với bác sĩ hay nhà thương, hay với văn phòng dịch vụ nào đó cho nên không thể ăn tết đúng ngày mà phải đợi tới cuối tuần. Như vậy thì còn gì là cái ý nghĩa thiêng liêng của ngày Nguyên Đán cổ truyền, vui đâu không thấy mà chỉ thêm nuối tiếc ngậm ngùi, thương cho Việt Nam cộng hòa một thuở nào vang bóng đã bị bức tử chôn vùi oan khiên, thương cho quê hương không biết đến bao giờ mới có mùa xuân trở lại!

Xuân xưa cả một quốc gia
Xuân này riêng chỉ mình ta cộng đồng
Lạc lòai xuân chẳng ấm nồng
Bồi hồi quê cũ chạnh lòng xuân xưa !!

Người Phương Nam


Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Dư âm - Lời Và Nhạc Nguyễn Văn Tý - Ca Sĩ Nguyên Bích


 Lời Và Nhạc  Nguyễn Văn Tý 
Ca Sĩ Nguyên Bích

Má Tôi

                           

Theo vận "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên

Thường niên mùa mai nở
Tôi nghĩ đến mẹ già
Ngồi canh bên lửa đỏ
Nấu bánh chờ năm qua

Nhớ Người nâng bút viết
Làm thơ tuy kém tài
Vẫn ráng ghi từng nét
Dáng huyên đường nhẹ bay

Trừ tịch trong thanh vắng
Người bây giờ còn đâu
Nhưng tình luôn nồng thắm
Nhớ Má dạ thương sầu

Bóng người chẳng còn đấy
Xuân đến chẳng còn hay
Tiếng lòng trên mặt giấy
Buồn tựa cánh hoa bay

Giờ mai vàng đã nở
Hình bóng Má ngày xưa
Của giao thừa xuân cũ
Biết tìm đâu được giờ

Quên Đi

Hạnh Phúc Ước Mong


Nơi tôi ở hôm nay có nhiều tuyết
Buổi đầu Đông hoa tuyết hoa mưa rơi
Gió không nhiều nên lạnh không tê môi
Cũng không buốt vì lòng mình có nắng

Chim không bay cây đời nghiêng ngả đứng
Tuyết trắng đường như trắng cả lòng riêng
Trắng đôi tay nhưng chưa trắng ưu phiền
Trong cuộc sống biết bao điều khó nói

Bước đi mãi cũng có ngày mệt mỏi
Tuổi càng cao nên tâm sự càng đầy
Chút ân tình vàng võ dấu trên tay
Nguồn thi phú chưa thấy mòi cạn kiệt

Đời vẫn đẹp như giấc mơ hồng nhiệt
Nụ hoa đào chỉ nở lúc mùa Xuân
Yêu cuộc đời sống mãi với tình thân
Nên còn viết những lời thơ kể lể

Đã qua rồi nghĩ gì thân với thế
Cõi thơ hồng chiu chắt nghĩa yêu thương
Quan tâm gì cho nặng chữ đoạn trường
Bởi tất cả là vô thường vô ngã

Sống đời nay có gì như hối hả
Tháng năm dài chỉ có đợi với trông
Hạnh phúc nào cũng nay ước mai mong
Có phải thế tình đời là như thế

Chỉ có tình tình yêu là đáng kể
Từ ngàn xưa cho đến cả ngàn sau
Lúc tóc xanh cho đến thuở bạc đầu
Tình yêu vẫn là sợi dây bền chặt

Đời ngắn ngủi sao còn nhiều se sắt
Buông tay đời tất cả trắng như vôi
Cùng nhau đi chỉ một quãng đường thôi
Rồi từ tạ muôn đời không cõi gặp

Đời như vậy ngó gì ngôi cao thấp
Hạnh phúc đầy có được tại con tim
Chữ yêu thương chân thật chẳng khó tìm
Như Xuân Hạ mùa nào không hoa nở

Tình thi phú tôi và người muôn thuở
Đẹp vô cùng từng con chữ câu thơ
Tiếng hoa mơ tôi gọi tiếng mong chờ
Gửi về nhau tâm tình tôi trọn vẹn.

1/4/2022
Hoa Văn

Đồi Thông




Anh xin ca ngợi tình yêu
Dù cho đời vẫn có nhiều dối gian!
Dìu em lên phố hoa vàng,
Thầm nghe suối hát mơ màng dáng thơ.
Bên nhau ngày bớt hững hờ,
Rừng xuân chim hót ngẩn ngơ đắm hồn!
Mong manh áo lụa hoàng hôn,
Dáng em tha thướt gió hôn tóc bồng.
Dốc mòn đồi tím mênh mông,
Em theo cánh bướm ngàn thông quên đường!
Bóng chiều cỏ úa màu sương
Em đi, còn thoảng mùi hương lối về.


Đỗ Bình


Greetings For New Year 2022


Greetings For New Year 2022

Life would be too short to wake up with regrets
Love the people who treat you right
Respect the people who are not in the same boat
Believe everything happens for a reason

If you get a chance, take it
If it changes your life, let it
Nobody said life would be easy
Accept it with a smile

We all have been gifted naturally
To hear, to see, to speak, to laugh
For making a better world to live in
Life has an expiration date, have a nice year!

Phạm Khắc Trí
***
Xin cảm tạ trước những lời khuyên bảo,
Đầy tính nhân văn, của các bậc hiền.
Nhưng giữa cuộc đời ít nhiều huyên náo,
Ta dẫu yên, đời há để ta yên !

Ta đã vào đời với lòng tin tưởng:
Mọi chuyện trên đời tương tác vần xoay.
Ta chẳng tin vào những gì định hướng,
Ta một mình, giữa cuộc sống loay hoay.

Đời sẽ đẹp khi ta còn mơ mộng,
Mà có gì để ta phải thương vay?
Ta vẫn sống như những ngày ta sống,
Và mỗi năm, ta lại ước điều may.

Danh Hữu

Paris, 19.01.2022
***
Trả lời bài thơ chúc Tết bằng tiếng Anh của Thầy Phạm khắc Trí

Chiều nay,
bật máy lên gặp bài thơ của thầy
Cũng như ngày nầy một năm trước
Em được nhận lời chúc Tết của thầy
Em thật là vô tâm
Và đang khóc mướt thầy ơi!

Vâng cuộc sống quá ngắn
Mỗi sáng thức dậy với nhũng niềm hối tiếc
Rằng những ngày qua mình đã sống tốt hay chưa
Chắc rằng ta có nhiều lưu luyến
Bịn rịn chia tay những đêm mưa cuối mùa!

Vâng! cuộc sống của chúng ta đúng là hữu hạn
Phải sống làm sao cho xứng đáng
Vì ta là sinh vật biết khóc biết cười
Biết cãm nhận những điều hơn lẽ thiệt
Biết yêu thương tha thiết chào mời…

Vâng thưa thầy!
Lời căn dặn của thầy em luôn ghi nhớ
Tát cả chúng ta đều có năng khiếu bẫm sinh
Để nghe, để nhìn, để nói, để cười
Để tạo ra một thé giới có nề nếp
Để cuộc sống của chúng ta nhiều tốt dẹp
Kính chúc thầy sức khỏe quanh năm
Gia đình an vui, hạnh phúc.


Dương hồng Thủy

20/01/2022

Trở Về Làng Cũ


Tháng Chạp cuối năm, 
Trở về thăm làng cũ Tôi đi dưới nắng hồng Bàn tay chưa sạch bụi Mà tình xuân mênh mông...
Gió bấc liu riu trên mấy ngọn mù u, từng cơn rượt đuổi nhau xào xạc trên cánh đồng lúa chín vàng một khung trời.

Gió lạnh se se. Vài con vạc ăn đêm về muộn, xoải cánh bơ phờ, buông tiếng kêu xao xác, rã rời như cảm thấy lạnh vì ngọn gió từ phương Bắc thổi về... Cái lạnh miền Nam không rét buốt, nghiệt ngã như miền Bắc, khiến cụ già co ro, run rẩy trong chiếc áo ngự hàn, mà chỉ nhè nhẹ làm hồng thêm đôi má các cô gái đang tuổi xuân thì. Mấy ông già miền Nam sáng nay thức dậy, bỗng thấy có cái gì khác lạ : Trời còn mờ mờ tạnh ráo, không khí lành lạnh, những giọt sương còn đẫm ướt trên thảm cỏ xanh, có tiếng con chim khách lanh lảnh reo vui trên ngọn bằng lăng cạnh nhà. Ông già mặc vội thêm chiếc áo, ra hàng ba lấy con cúi đang ngún cháy, nhúm bếp lửa, đun sôi chiếc ấm pha trà. Ngồi bên lửa hồng ấm áp, ông già gật gù nhắp chén trà sen bốc khói thơm ngào ngạt mà nghe trời đất chuyển mình sang xuân, nghe lòng già thoang thoảng niềm vui khi ngọn gió bấc nhè nhẹ len vào hồn. Ông già che mắt nhìn trời, khoan khoái lầm thầm : " Tết đến nơi rồi ! "

Tôi trở về thăm làng cũ vào ngày mà thằng bé được ăn chén chè đậu trắng nước cốt dừa mà nó ước mơ mấy tháng tháng trước, khi nghe tiếng con cu đất gáy vang trên ngọn tre cao chót vót ngoài vườn: Cu kêu ba tiếng cu kêu Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè . Tội nghiệp thằng bé con nhà nghèo ! Chỉ cái ước mơ đơn giản là được ăn chén chè mà phải đợi đến ngày Ba nó dựng cây tre nêu có tờ giấy hồng điều phất phơ và cúng tiễn đưa ông Táo về Trời.

Trở về thăm làng cũ - tôi không còn ở vào cái tuổi hái hoa bắt bướm - cái thời thiếu niên của những buổi chiều vàng, ngồi bên bờ sông Long Hồ, đưa mắt nhìn theo những về lục bình trôi lang thang vô định mà mơ mộng viển vông...Tuy vậy, xa nhà lâu ngày, nay trở về nơi xóm cũ làng xưa, kỷ niệm rải rác trên từng bước đi, giăng mắc trên lùm cây bụi cỏ, trên dấu chưn bước qua chiếc cầu tre bắc ngang dòng sông đục nước phù sa. Những ngày vui thời thơ ấu bỗng vụt hiện về - không phải trong ký ức - mà ngay trước mặt, trên con đường làng đưa tôi về quê nội.

Trời chưa sáng hẳn. Từng vũng tối sáng loang lổ. Mặt trời lấp ló ở phương Đông, chiếu những tia sáng trinh bạch, nhuộm hồng mấy đám mây xám tận chân trời. Tôi bước đi trong niềm vui rạo rực. Làng xóm rộn rã.Tiếng quết bánh phồng vang lên khắp xóm.Tiếng mấy bà nhà quê ơi ới gọi nhau đi cán bánh phồng vần công, điểm thêm tiếng giã gạo chày ba muộn màng từ xa vọng lại, làm tăng thêm vẻ rộn ràng, hối hả chuẩn bị ngày Tết. Đó đây, trước mấy sân nhà trong xóm, thấp thoáng những bếp lửa, than cháy đỏ hồng, toát ra những tia lửa xanh lè liếm quanh nồi luộc bánh, như tiếp tay với mặt trời, làm cho buổi bình minh tăng thêm màu sắc Tết. Những nồi bánh tét, bánh chưng màu lá chuối xanh, sôi ùng ục, tỏa khói mịt mù...Tuổi già không ngủ, ông già ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, sẵn tay thêm củi vào cho lửa cháy bùng lên, kêu lách tách. Ông lần lưng lấy gói thuốc rê vấn một điếu, lè lưỡi dán dính lại, châm vào que củi đang cháy đỏ, đưa lên miệng bập bập, rít một hơi dài, phà khói mịt mù...Ông già khoan khoái nhìn trời đang bắt đầu một ngày mới. Dọc hai bên đường làng, đó đây có những bà già - chừng như bà nội, bà ngoại hay bà mẹ - thoăn thoắt trở qua trở lại chiếc kẹp, nướng mẩu bánh phồng lên, bay mùi thơm phức, ngọt ngào. Đám con cháu bu quanh, chờ cho chiếc bánh nguội bớt, chia nhau bẻ rôm rốp, bỏ vào miệng nhai rào rạo, cười đùa sung sướng. Nhưng chợt nhìn bà nội lưng đã còng, đôi tay run rẩy, còn bà mẹ năm nay, tóc đã điểm sương pha, đám trẻ con bất chợt nghe lòng dâng lên niềm thương cảm...


Bên cạnh cái cảnh rộn ràng chuẩn bị bánh tét bánh phồng, gói nem, gói bì, làm bánh mứt, những nhà giàu bày trà rượu hực hỡ trên bàn thờ, nhứt định không thiếu một cặp dưa hấu thật lớn chưng cạnh dĩa ngũ quả " Mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài ", tượng trưng cho cái quan niệm khiêm cung của tổ tiên ta là "Cầu sung vừa đủ xài". Bàn thờ ông bà được quét dọn sạch sẽ. Bộ lư đồng, cặp chưn đèn, chiếc lư hương cũng được lau chùi láng bóng. Chiếc độc bình màu trắng, chạm trổ hình thất hiền trong rừng trúc, sẵn sàng để cắm một cành mai chờ nở đúng vào đêm giao thừa.

Chuẩn bị thức ăn - nhà nghèo lo dỡ chà, đặt lờ, đăng đó bắt cá, giậm cù bắt chuột đồng, đặt bóng đuổi chim võ vẽ, chàng nghịch, óc cao, gà nước, đem về nuôi chờ Tết. Nhà giàu, các điền chủ trong làng cho gia nhân tát đìa, chắt đập, bắt cá lóc to, cá trê vàng lớn, cá rô mề, tôm càng, tôm lóng đem về đổ đầy cả sân. Lớp ăn, lớp bỏ vào chiếc khạp lớn sau nhà. Tôm càng đem rọng trong sông nước ngọt, chờ Tết làm mâm cỗ thịnh soạn rước ông bà ngày ba mươi Tết. Đồng quê chuẩn bị thật rộn ràng, lòng người náo nức hân hoan. Nhà giàu đón xuân, nhà nghèo vay nợ, nông dân bán lúa non - nhà nhà nao nức trông chờ Tết đến. Không khí rộn rịp chờ đón ngày năm cũ bước đi, năm mới tới.

Trời đất vào xuân. Con người đón Tết

Cây lá mặc chiếc áo mới. Hàng rào xương rồng lấm tấm hoa vàng. Cây vông nem, lá xanh biếc, nức lên những nụ màu đỏ thẫm. Trời đã sáng hẳn. Hai bên đường, cây lá, hoa cỏ như chào đón tôi - kẻ tha phương trở về thăm làng cũ. Những líếp hoa huệ trắng tinh, hoa mồng gà, nở ngài, móng tai, thược dược đỏ thắm, khóm cúc vàng tươi mỉm cười trong nắng sớm. Hai bên con đường đưa tôi đi sâu vào trong xóm, nhà nào cũng trang điểm một cây mai đã lặt lá từ ngày rằm, nay lún phún những búp non như mủi viết, tràn ứ nhựa xuân căng mọng lên, hứa hẹn những cánh mai vàng sum sê ngày Tết. Thuở ấy, mai chỉ có năm cánh mà cũng vàng rực khắp làng. Vùng Bến tre, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ - ngày Tết mai nở tỏa vàng một góc trời, cánh hoa rụng ngập những con rạch nhỏ hay con suối chảy trong rừng. Mãi đến sau nầy mới có mai sáu cánh, tám hoặc mười hai cánh, đẹp não nùng, đẹp rực rỡ như một cô gái hơ hớ tuồi xuân thì.

Một tay chơi mai nổi tiếng trong làng là Cai Tổng Xu, Tết năm nào trước nhà ông cũng có một cây mai trồng trong chậu, nở hoa vàng cả sân. Lối xóm bu quanh trầm trồ. Ông lập tới ba phòng. Tình, tiền chu cấp đầy đủ.Mấy bà vui vẻ. Không nghe ai than phiền gì.Tuy vậy nghe dồn có một lần tình cờ ông ghé nhà bà ba, nghe tiếng bà rên ư ử...tưởng bà bị bịnh, lấy chìa khóa riêng mở cửa phòng, ông bước vào phòng thấy bà thân thể lõa lồ, thằng ở đang âu yếm gãi lưng cho bà. Ông nổi trận lôi đình, định cắt đứt giây ân ái. Bà Ba năn nỉ : Mình à ! Em ngứa lưng quá. Nhà lại không có ai nên biểu thằng ở gãi lưng chút thôi, chút có làm gì đâu. Nó là thằng nhút nhát. Biểu cái gì nó làm cái ấy. Em mới biểu nó gãi lưng chứ chưa có biểu nó làm gì hết. Bà ba tuổi xuân hơ hớ, thẹn thùng kéo vội chiếc áo che đôi ngực nõn nà. Ông Cai tiếc của đời, đành bỏ qua..


Năm đó khoảng 1959-60, chiến tranh chừng như lắng dịu như mặt nước hồ thu lăn tăn gợn sóng. Nhưng những đợt sóng ngầm như nằm dưới đáy, chờ ngày bùng phát dữ dội hơn. Nhưng đó là chuyện ngoài tầm tay, ngoài ý muốn của người nông dân chất phác. Còn bây giờ ăn Tết đã . Hôm nay trở về làng, tôi bước đi hớn hở trước cảnh tưng bừng rộn rịp của làng xóm. Nhưng cảnh vật rộn ràng đó, cũng không dấu được những dấu vết điêu tàn của thời tiêu thổ kháng chiến. Mấy cấy cầu sắt hoen rỉ, còn trơ lại những cây trụ cũng mòn mỏi với thời gian. Ngôi trường cũ nền đúc cao tới ngực, tấm biển lớn treo giữa tường mang dòng chữ Pháp"École Élémentaire Franco Indigène", hiện ra trước mắt tôi như ngày nào ba tôi dẫn tôi tới trường trong buổi học đầu đời. Nay chỉ còn là một bãi cỏ hoang tàn, gió đưa hiu hắt... Tiếng con tắc kè chắc lưỡi thở than ngoài cái miếu hoang đầu làng, như chia sẻ cùng tôi, nỗi buồn man mác trước cuộc dâu bể tang thương của cuộc đời !

Tôi tiếp tục đi trên con đường làng với tâm trạng bnồn vui lẫn lộn. Làng tôi nghèo khổ, xác xơ. Đa số là nông dân tá điền, làm nghề chài lưới, thợ mộc, thợ rèn, buôn bán trên ghe thương hồ, làm mướn làm thuê, Họa hoằn có một vài người, con của chủ điền, đỗ được bằng C.E.P.C. I và duy nhứt có một người đỗ bằng Thành chung thời Tây gọi là D.E.P.S.I ( Diplôme d'études Primaire Supérieure Indochinoise) nhưng rồi cũng không có công lao gì hiển hách. Chỉ ở nhà trông coi ruộng vườn, ăn chơi đờn ca xướng hát, la cà gạ gẫm mấy cô gái quê mang bầu rồi quất ngựa truy phong. Tiếng xấu đồn xa cả làng. Làng tôi như vậy đó. Không phải là đất địa linh nhân kiệt, cũng không là nơi sản xuất ra văn nhân tài tử nổi tiếng. Chỉ có hai người biết chữ nho là Ba tôi và ông Văn Minh - còn thì học lóm vài câu rồi tán dóc trong buổi trà dư tửu hậu. Nhưng thật sự hai vị nầy cũng như những hương chức trong làng cũng không có tiếng tâm gì lưu lại cho con cháu đời sau. Chỉ vài ông bô lão còn sống sót nói với tôi : " Ba mầy hồi đó viết liễn, chữ đẹp lắm" . Thế thôi ! Thậm chí đến cái sắc thần mà năm nào dân làng cũng đón rước linh đình, trống chiêng inh ỏi, cũng không biết vị thần ấy là ai ? có công trạng gì ? chỉ có vài chức sắc còn thấy được cái sắc thần - còn đa số dân làng cũng không biết cái sắc thần ra sao, chỉ nghe đồn là đó là lệnh có ấn của vua ban xuống. Cho nên - ai cũng khiếp sợ, không ai dám hỏi tới nữa. Làng tôi như vậy đó. Không có tiếng tâm gì, không có nhân vật nào đỗ đạt có tên trong bia Tiến sĩ hay là tướng lãnh anh hùng, danh thơm để đời như cụ Nguyễn trung Trực, Thủ Khoa Huân v.v...

Nhưng, ngược lại có hai người mà ai cũng biết, tiếng tăm vang dội khắp làng : Anh chín Khùng và thằng bao bố - hai cái tên quen thuộc đến không ai là không biết. Người lớn biết đã đành, trẻ nhỏ cũng biết, đầu làng cuối xóm ai cũng biết. Anh bị bệnh khùng bẩm sinh. Sinh ra, anh đã là đứa trẻ nhỏ gầy ốm, xanh xao, ngơ ngác. Sáu tuổi chưa biết nói. Chỉ lắc lắc cái đầu, chỉ trỏ lung tung, cười cười không thành tiếng. Cha anh bị Tây bắn chết trong một cuộc ruồng bố. Mẹ anh vất vả cày cấy mướn, nuôi anh. Rồi mấy năm sau, bà bị bạo bệnh qua đời. Chín Khùng bơ vơ. Lang thang xin ăn khắp làng, lần hồi ra đến Tỉnh, bị đám học trò nghịch ngợm chọc phá. Anh chỉ nhăn răng cười, nói làm xàm trong miệng. Anh rất hiền lành. Mấy bạn hàng trong chợ thương tình, cho cái bánh bò, bánh "dầu cháo quẩy", thỉnh thoảng có người hào hiệp bỏ tiền ra nấu cho anh tô hủ tiếu. Ngày ấy anh sung sướng lắm ! Có lần, đi lang thang phía rạch Cầu Lầu, chợt thấy một đứa bé té xuống sông, ngoi lên hụp xuống, uống nước đầy bụng, sắp chết đuối, chín khùng không biết có gì thúc giục, liền nhảy xuống sống ôm đứa bé dìu lên bờ. Lối xóm bu lại cứu được dứa nhỏ... Cha mẹ đứa nhỏ hay được chạy lại mừng rỡ hết lời cám ơn chín Khùng. Anh nổi tiếng từ đó. Đám học trò cũng thôi không chọc phá mà còn tỏ ra thương và kính trọng anh nữa. Nhưng anh vẫn tiếp tục khùng, kéo lê cuộc đời buồn thảm nơi xó chợ đầu đường. Mãi về sau, một anh bạn tôi thảng thốt nói với tôi : Chín Khùng chết rồi! Tôi ngẩn ngơ. Năm nay về thăm làng cũ, tôi không còn thấy được anh chín Khùng nữa. Anh chỉ còn lưu lại hình ảnh và tiếng tâm anh trong lòng tôi, cũng như trong làng xóm, người ta vẫn nhắc đến tên anh còn hơn nhắc đến tên quan chánh tham biện hay quan chủ quận xem làng xóm chỉ là nơi tạm bợ, đến vồ vập rồi đi lầm lũi... Nhân vật thứ hai tôi muốn tìm gặp là thằng bao bố. Nó nổi danh không kém anh chín Khùng. Điều đặc biệt khiến anh nổi danh là: Tài bắt chó và nấu món chó tay cẩm ăn nóng với củ riềng và đưa cay một ly nước mắt quê hương thì mọi việc trên đời coi như pha. Anh nổi danh không chỉ tài bắt và nấu thịt chó mà còn vang lừng trong làng chó. Bất cứ nơi nào anh đến, làng kế cận, kể cả ngoài tỉnh thành, chó không biết anh - nhưng thấy bóng dáng anh thì cho mẹ, chó con, chó hàng xóm,chó Tây, chó ta,chó mực,chó cò - đều ào ra sủa một lượt, sủa dữ dội, sủa điên cuồng, sủa như sủa một kẻ thù bất cọng đái thiên của nhà chó. Anh ta chẳng có nghề ngỗng gì, suốt ngày lê la ở mấy quán cóc đầu làng. Dân làng gọi anh là "Tư cà nhổng". Anh thành danh từ đó.

Anh thuộc lòng mấy ngày giỗ kỵ, cúng đình, cúng kỳ yên trong làng. Anh ta biết "nói thơ" Lục vân Tiên. kể chuyện Thầy Thông Chánh bắn quan biện lý Tây, cậu Hai Miêng rong thuyền đi chơi khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Mấy thằng nhỏ bu quanh nghe anh ta kể chuyện rất say mê thích thú. Anh ta lại nhái thơ Lục vân Tiên, dạy mấy thằng nhỏ: Vân Tiên ngôi dựa bụi môn. Chờ cho trăng lặn rờ...( bỏ 1 chữ) Nguyệt Nga. Mấy thằng nhỏ tò mò khoái chí "nói thơ" vang cả xóm bị ông già rầy la dữ dội, nhưng vẫn lén lút khoái chí truyền đọc cả làng. Đặc biệt, anh ta còn học lóm đâu đó, mấy câu đờn kìm, bài vọng cổ. Cho nên, anh ta "tư cách" lắm. Thèm nhậu, mỗi khi nghe nhà ai "động dao động thớt " là mon men đi qua đi lại ngoài lộ cái, không vào nhà. Anh rành tâm lý dân Nam Kỳ xởi lởi, rộng rãi, thế nào cũng mời mình. Quả đúng vậy, có người thấy anh ta đi tới đi lui ngoài lộ, liền kêu : " Ê, Tư vào đây làm một ly, mầy". Thế là anh ta đường hoàng đi vào. Không ngồi vào bàn liền. Đội mời đôi ba lượt mới chịu ngồi xuống. Và khi ngồi rồi thì không chịu đứng dậy.

Nhờ la cà mấy quán có đầu làng, mấy tiệc nhậu trong xóm lại thêm nghề bắt và nấu thịt chó, biết chút ít "nói thơ" Lục vân Tiên, thơ thầy Thông Chánh, lại biết đờn ca vọng cổ, anh ta làm quen và gieo cảm tình với tất cả mọi người. Anh ta nổi tiếng là người biết nhiều chuyện nhứt trong làng. Từ chuyện " đầu heo cắt tai" thú phạt, chuyện thầy giáo Tám dê học trò, chuyện bà ba bắt thằng ở gãi lưng, chuyện anh em cô cậu Đ...lấy nhau bỏ trốn, chuyện cậu Tư gạt gẫm lấy chị Sáu Gi... có thai rồi bỏ không nhìn, khiến chị ra sau vườn đẻ đại, gói bỏ đứa nhỏ trong bao giẽ rách, kiến bu đầy người...Làng xóm tri hô lên. Đứa nhỏ đã chết tự bao giờ. Dân làng đều biết cha đứa nhỏ là ai, nhưng im lặng...Nói ra không bằng chứng, lại bị trả thù. Ai muốn biết chuyện bí mật phòng the, hay ai có chuyện tranh chấp gì đều tìm đến anh ta. Đờn ca thì thấu tai cậu mười Vận. Về sau, Mười Vận và Tư cà nhổng trở thành đôi bạn đờn ca tương đắc.Tranh chấp đất đai thì có Cai Tổng Xu và chủ Mạnh.

Thời đó - thế chiến thứ II chấm dứt - Nhựt đầu hàng Đồng Minh. Vua Bảo Đại theo truyền thống là người có thẫm quyền đại diện cho quyền lực chính thống. Học giả Trần trọng Kim được vua Bảo Đại mời lập chánh phủ. Lúc giao thời, chánh phủ yếu kém về mọi mặt, không có bộ Quốc Phòng, không có Cảnh sát bảo vệ. Hồ chí Minh với một lực lượng khoảng 5000 người, thừa cơ cướp chánh quyền, ra tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2 - tháng 9 năm 1945. Nhưng rồi với thế yếu, ông Hồ ký kết cho Pháp trở lại cai trị Việt Nam và rút vào bưng kháng chiến.

Pháp lần hồi tái lập nền cai trị Việt Nam. Thằng "Tư cà nhổng"- người biết nhiều chuyện nhứt trong làng bỗng nhiên được quan ba Savany thuộc Tiểu Khu Vĩnh Long, bí mật mời gặp mặt. Từ đó, "Tư cà nhổng" hút thuốc thơm hiệu "Cotab", ăn uống phủ phê, nhậu nhẹt suốt ngày...Trong khi dân làng đói khổ, ăn mặc rách rưới, có người mặc quần bằng bao bố tời, ban đêm đốt đèn bằng cây rọi mù u... Không nước mắm, nước tương, không đường cát, không hàng vải may mặc, chỉ thỉnh thoảng có đường thốt nốt lậu đựng trong khạp đầy xác ruồi, gián. Ban ngày, Tây ruồng bố bắt người đánh đập tra khảo. Ban đêm Việt Minh về hoạt động, ép dân xài tiền " Cụ Hồ", bắt người tình nghi cho mò tôm hoặc xử bắn, quăng xác xuống sông. Thằng chỏng trôi đầy sông Long Hồ. Kênh kênh, diều quạ đánh hơi xác chết, bay rầm rập... Cá tôm theo nước lớn, nước ròng rỉa ăn xác chết. Dân làng không ai dám ăn tôm cá. Thật là một thời kỳ khủng khiếp, ghê tởm nhứt.

Thằng Tư có lần bị bắt chung với dân làng, nhưng độ vài giờ sau được thả ra. Dân làng lấy làm lạ. Hôm ấy, Tây bố ráp qui mô nhiều làng trong Tỉnh. Thằng Tư bỗng biến mất. Dân làng bị bắt ngồi la liệt dưới nắng nóng rát da, mồ hôi nhễ nhại. Bỗng có hai thằng mang bao bố trùm đầu kín mít, chỉ chừa hai lỗ cho con mắt, cùng đi với quan ba Savany. Khi nó gật đầu trước ai, thì quan ba ra lệnh cho lính tới còng tay dẫn đi. Ngày ấy chú mười Vận cũng bị bắt cùng với dân làng. Khi hai thằng bao bố sắp tới trước mặt chú. Một thằng đi lướt qua, thắng thứ hai ngừng lại trong chốc lát rồi lắc đầu bỏ đi. Mười Vận run cầm cập trong lòng như chết đi sống lại. Buổi chiều hôm đó, cậu được thả ra, liền tức tốc kêu xe lôi về nhà. Trong lòng thắc mắc không biết nó là ai ? Tại sao nó lắc đầu cho quan Ba không bắt còng tay mình?

Không sống nổi với cảnh "một cổ hai tròng" - cậu Mười dông tuốt lên Saigòn, mở một " garage" tại đường Nguyễn Hoàng, mướn thợ rành nghề sửa xe, về sau cũng khá giả. Thằng Tư bỏ làng đi mất biệt. Cũng không một lần gặp lại mười Vận. Cậu Mười luôn luôn tự hỏi không biết nó là ai mà cứu cậu khỏi cảnh đánh đập tù đày?

Hôm nay, tôi về làng- ngoài mục đích thăm má tôi còn có mục đích thăm làng để tìm hai nhân vật nổi tiếng trong làng: Chín Khùng và thằng Tư cà nhổng. Chín Khùng đã ra người thiên cổ. Thằng Tư cà nhổng, về sau dân làng tình cờ biết được nó chính là thằng bao bố. Nó đã bỏ làng đi biền biệt phương trời. Có lẽ nó ân hận vì có lúc nó làm thằng bao bố điềm chỉ cho Tây - dù chỉ một thời gian ngắn.. Mười Vận luôn luôn thắc mắc không biết có phải là "nó" đã cứu mình không ? và ước mơ có ngày gặp lại để đền ơn cứu mạng, nhưng bóng chim tăm cá. Cậu Mười nay tóc đã bạc trắng mái đầu mà thằng bao bố vẫn như cánh chim trời bạt gió.. ./.

Lê Quốc

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

Hoa Đào Hoa Mai - Thơ: Phan Khâm - Nhạc: Nguyễn Tất Vịnh- Ca Sĩ: Diệu Hiền



Thơ: Phan Khâm 
Nhạc: Nguyễn Tất Vịnh
Ca Sĩ: Diệu Hiền

Ngẫu Hứng Xuân Năm Dần



Lên non ngắm cảnh nghê thường
Nhìn truông sương mớm nắng trườn qua khe
Rồi nghe thỏ thẻ đi về
Tiếng trong của suối tiếng bè gió đưa
Sơn lâm thống trị vui đùa
Uy linh trấn giữ bốn mùa ngũ phương
Rừng thiêng khoác áo đế vương
Vang danh một cõi tỏ tường đàn anh
Giang sơn một dãy rừng xanh
Gót chân uy vũ tung hoành dọc ngang
Đêm về ngắm mảnh trăng vàng
Nằm nghe suối dạo cung đàn bá vương

Bằng Bùi Nguyên

Mừng Sinh Nhật

 
Lại nhìn càn khôn khép vòng nhật nguyệt
khi bóng xuân thấp thoáng giữa lưng trời
Đã bao năm gõ nhịp buồn ly biệt
Nhạc lòng buông theo tiếng vọng trùng khơi.

Ta mặc ta cho ngày, đêm, năm, tháng
lạnh lùng trôi theo miên viễn thời gian
Gom quá khứ thả xuôi dòng phiêu lãng
tìm nguồn vui thao thức lúc canh tàn.

Để nhận biết mình còn nhiều hạnh phúc
tự nhủ lòng chớ quên thuở gian truân
Cứ mỗi năm lại âm thầm thắp nến
đón chào ngày thêm tuổi lúc vào Xuân.

Màu kỷ niệm để dành trong ký ức
đang dần phai theo mưa nắng phong trần
Nhìn nước lớn theo nước ròng...ra biển
47 năm bến cũ đứng lặng câm!

Tìm đâu thấy hạo nhiên mùa trăng mật
khi trần ai toàn mấy nhánh vô thường?!
Một chữ nhàn vui nhân sinh thích chí
biết đâu chừng Xuân sẽ thắm hà phương!

Mượn hoa lòng làm quà mừng Sinh Nhật
Chúc gì đây?! Tâm trí chợt vô hồn
Gửi vần điệu vào mênh mang tự sự
lòng buồn như cánh vạc nhớ cô thôn.

Bước cao, thấp theo bỗng, trầm viễn xứ
Tuổi hoàng hôn. Đời cuồn cuộn phong ba
Mừng Sinh Nhật. Cô lữ hề cô lữ!
Chúc riêng ta tiêu sái cuộc yên hà! (*)

Huy Văn
(*) Chữ nghiêng trích từ Cầm Kỳ Thi Tửu
( Thơ Nguyễn Công Trứ )

Cây Mai Và Nỗi Ám Ảnh Trong Đời



Sáng Chủ Nhật tôi thơ thản ngoài sân
Chỉ còn đúng ba tuần là đến Tết
Mấy chậu mai lá vàng trông phát mệt
Ráng đi - ta sẽ hái lá chào Xuân.

Nhớ năm 67 vừa chuyển ra Nha trang
Gàn Tết lái xe vào rừng mai đốn chặt
Rừng mai đảo Cam ranh dài mút mắt
Trải dài hơn mười cây số kinh hoàng…

Lúc đó Cam Ranh toàn là lính Mỹ
Trạm dừng chân cho bọn chúng đi về
Chỉ sau 73 giao cho VN quản lý
Người đứng dầu tiếp nhận là đại tá Mai
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy 5 tiếp Vận…

Có đứa mách - đại tá ơi tụi nó đang đốn rừng Mai
Đốn sạch mai rồi đại tá ở với ai ?
Hãy ngăn lại cho thật là cẩn thận
Nhưng dù có ngăn cũng là trò vớ vẩn
Vi năm 75 ông cũng rớt dài…

Gần 50 năm sau tôi lại nhớ chậu mai
Của cái thuở sống tưng bừng đốn chặt
Ôi cái thuở sáng bừng con mắt dậy
Cánh mai rừng còn ám ảnh trong con ngươi…

Dương hồng Thủy
(Chủ Nhật 10/01/2022 - (mùng 8/12 âl Tân Sửu)

Xứ Mưa




Em có bao giờ thăm xứ mưa.
Những hàng thông im lặng ngủ trưa
Con đường thật đẹp vòng quanh núi.
Lá khúc khích cười, nắng đong đưa

Em có từng đi dưới hàng cây
Lả lơi quấn quít nhánh gai gầy
Lang thang uốn lượn leo cổ thụ.
Thọt lét cây cao đùa với mây.

Em có thấy những cành hoa dại
Lẩn tránh đời thường núp dưới cây
Vàng rực một vùng xinh quá đỗi
Tô điểm cho đời mọi phút giây.

Đừng hái những chùm Blackberry
Em ngắm thôi để thấy diệu kỳ
Từng chùm khoe dáng bên gai nhọn.
Dẫu nhỏ nhoi quyến rũ người đi

Em nghiêng má làm dáng bên cầu.
Những con đường hun hút chiều sâu.
Cầu gỗ nghỉ chân sao quá đẹp.
Em hay cầu? lãng mạn như nhau.

Em có thấy màu của rong rêu.
Bám vào thân cây đẹp mỹ miều
Ta nghe tiếng nói từ xưa lắm.
Một giấc mộng vàng chỉ bấy nhiêu.

Ta thấy đời ta như khúc quanh,
Uốn lượn, chông chênh bước lữ hành
Đẹp, xấu tùy thời tùy hoàn cảnh.
Tóc điểm màu tro vẫn mong manh.

Sao ta yêu quá cảnh xứ mưa
Bát ngát xanh, mát lạnh bốn mùa
Tô màu cho mắt thêm vương vấn
Những ngày gặp lại cố hương xưa.

Nguyễn thị Thêm.
7/2020

Đừng Tin Con Gái Mỹ Tho!

 


Nhỏ đưa anh mặt mài ủ dột
Mỹ Tho buồn, rớt hột, lâm râm.
xe lô Minh Chánh, vừa lăn bánh
nhỏ lấy mù soa, chấm chéo khăn?!

Chéo khăn, sao ngăn vài giọt lệ
“Xa anh rồi chẳng… dễ gì quên
nhỏ xa anh, ngọn đèn vàng võ
biếng châm dầu, lụi bấc, thâu đêm?!”

Nhỏ viết thư, chục lần căn dặn:
“Sài Gòn! đèn ngọn đỏ, ngọn xanh
học hành nha, đừng mê bóng sắc.
Mặc ong ve, nhỏ vẫn chờ anh!?”

Anh tin nhỏ, Mỹ Tho, thề hẹn
Cách mặt xa lòng, mới bốn năm;
lặng lẽ, nhỏ ôm cầm thuyền khác
nhỏ chờ anh, rốt cuộc, anh lầm!!

Anh về trường cũ, dạy môn văn*
từ chung thủy, băn khoăn, ai biết
“chung thủy gì? Phụ anh đi biệt!”
ngượng ngùng không? Khi nói trăm năm!

Chuyện tình ta đâu phải cải lương
sao nhỏ vai đào thương rất đạt?
Đã vong phụ vẫn còn vớt vát
tiếng ru buồn nhỏ hát bên song!

“Ngày đi lúa chửa đom bông
ngày về em đã con bồng con mang*”

Đoàn Xuân Thu
* Giáo Nghĩa
*ca dao

Món Ăn Ngày Tết


Trong ba ngày Tết, mọi người đều "Ăn Tết" với nhiều món ăn tiêu biểu và đặc biệt cho ngày Tết. Những món ăn ngày Tết cũng là những đề tài văn thơ và câu đối trong văn học Việt Nam.
Bốn nghìn lần: Xuân Hạ Thu Đông, vạn vật lanh quanh vòng lẩn quần
Ba ngày Tết: xôi chè rượu thịt, tứ dân hì hục chén no nê

ĂN TẾT

Hoa quả giò nem với bánh chưng
Bàn thờ chật nứt tổ tiên mừng
Khói hương nghi ngút người đương lễ
Mâm cổ linh đình chủ đã bưng
Chỉ cuộc rượu chè mà bộn rộn
Riêng lời chúc tụng chỉ tưng bừng
Vui chơi cho bỏ khi nào nhỉ?
Chạy vạy đã còng cả sống lưng. (*)

(Vân Hạc Lê Văn Hoè)
(*) Chạy vạy=Xoay xở nhiều cách, vất vả để lo liệu (việc gì).

ĐẠI CƯƠNG

Món ăn ngày Tết có khác nhau tùy theo địa phương.

Món ăn tiêu biểu ở miền Bắc là Bánh Chưng, Thịt (Mỡ) Đông, Dưa Hành và Giò Lụa. Ngoài ra cũng có những món đặc biệt như: Giò Thủ, Gà luộc, Canh Măng, Bóng Bì, Chân Giò nấu nấm hương, Miến Lòng Gà, Nộm và Xôi gấc.

Món ăn tiêu biểu ở miền Nam là Bánh Tét, Thịt kho Nước Dừa, Dưa Giá, Củ Kiệu và Tôm khô. Ngoài ra cũng có những món khác, thông thường, nhưng cũng được thết đãi trong ngày Tết như Chả Giò, Gỏi cuốn, Nem (Nem chua), Lạp Xưởng và Bì.
Món ăn đặc biệt riêng cho người miền Trung là Canh Khổ Qua và Tré. Ngoài ra cũng có những món khác như Thịt Heo quay, Cá Rô chiên và Xôi.

Dưa Hấu là món trái cây tiêu biểu trong ngày Tết của miền Nam. Từ Dưa Hấu sinh ra món Hạt Dưa cũng phổ thông trong 3 ngày Tết.
Bánh Chưng (từ người Bắc) và Bánh Tét (từ người Nam) là 2 loại Bánh tiêu biểu của những ngày Tết.
Những loại Mứt thông thường trong ngày Tết là Mứt Hạt Sen, Mứt Bí, Mứt Dừa và Mứt Gừng.

Báo Văn Hóa Ngày Nay của Văn sĩ Nhất Linh thời Đệ Nhất Cộng Hòa có những câu đối về món ăn ngày Tết thay đổi từ Bắc vô Nam.

Câu đối của người Bắc:

Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Câu đối của người Bắc sau khi di cư vào Nam năm 1954:

Cột (đèn) cao xe nổ tiêu tiền xanh
Củ kiệu tôm khô dưa hấu đỏ

TẾT ĐẾN

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lỉnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi dành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
(Trần Tế Xương)

GIÒ LỤA

Giò Lụa (tiếng Bắc) và Chả Lụa (tiếng Nam): món ăn làm bằng thịt heo, gói lá chuối.
Giò Lụa là món ăn đặc biệt riêng của người Việt. Nguyễn Tuân trong "Tùy Bút" có viết:

Hình như Giò Lụa là một tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra mà thôi (tôi thành thật rất mong một bạn bác học nào dẫn chứng và chỉ cho tôi thấy thêm là ngoài cõi Việt Nam, Giò còn thấy ở vùng nào xứ nào nữa kia). Tại sao lại có cái anh Việt Nam nghĩ ra món Giò.
Giò Lụa thường ăn chung với: Bánh giầy, Bánh cuốn, Bánh Giò, Xôi hay Cơm...

Từ Giò Lụa hay Chả Lụa có những món ăn khác:
(chưng hấp): Chả Bì (Tré), Chả Bò (làm bằng thịt bò), Chả Huế (có tiêu hột)
(chiên): Chả Chiên, Chả Quế (có thêm quế=cinamon)

Giò Thủ, khác Giò Lụa, lấy từ thịt nấu đông của phần đầu của con lợn. Có từ nhiều quốc gia, Giò Thủ theo tiếng Anh là Head Cheese hay Brawn.

BÁNH CHƯNG



Nguồn gốc của Bánh Chưng được ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Phát viết vào thời nhà Trần, được Vũ Quỳnh hiệu đính vào thời nhà Hậu Lê và Lê Hữu Mục dịch ra chữ Quốc ngữ.
Dưới đây là nguyên văn trích trong Lĩnh Nam Chích Quái:

TRUYỆN BÁNH CHƯNG

Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội 22 vị Công tử lại mà bảo rằng:
Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân am mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.

Các công tử lo đi tìm các trân kỳ, hoặc săn bắn, hoặc chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có Công tử thứ chín tên là Lang Liệu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.

Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:

Trong trời đất không có gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp, hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.

Lang Liệu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sức mẻ thì đem vút đi, để cho ráo rồi lấy lá chuối gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nắn làm hình tròn để tượng hình trời, gọi là bánh dày.

Đúng kỳ Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liệu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liệu. Lang Liệu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liệu được giải nhất.

Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng tiên miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liệu để gọi là Tiết Liệu.
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liệu; 21 anh em đều giữ các phiên trấn, lập thành bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.
Về sau họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thủy từ đấy.

CẢNH TẾT

Ai dám chê ta Tết nhất nghèo
Nghèo mà lịch sự đố ai theo
Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu
Ai xuân ta cũng chơi xuân với
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều.
(Nguyễn Công Trứ)

Từ Bánh Chưng có những câu đố trong dân gian:

Nhà xanh lại đánh đổ xanh
Giữa đỗ giồng hành, thả lợn vào trong
Cây xanh mà giồng đỗ xanh
Giồng đậu giồng hành lại thả lợn vô
Một thửa đất vuông bốn phía xây thành
Xung quanh giồng chuối, giữa tỉa đậu trồng hành
Ngoài thành trồng giang

BÁNH TÉT


Hình như Bánh Tét ra đời ở Nam Hà là chịu ảnh hưởng của người Chiêm Thành, hình tượng hóa Linga của người Chàm.

Tương truyền vào Tết năm Kỷ Dậu 1789, trước khi tấn công quân xâm lược Tàu, vua Quang Trung cho quân sĩ ăn Tết trước. Có 1 người lính được vợ gởi cho 1 món bánh làm từ gạo nếp với nhân đậu xanh, giống như bánh tét ngày nay. Anh lính nầy đem bánh mời vua Quang Trung. Vua ăn thấy ngon và được biết từ vợ của anh đã thường gởi cho trong khi trong quân đội. Vua cảm động từ đó ra lệnh cho dân chúng gói loại bánh nầy để ăn trong dịp Tết và đặt tên là Bánh Tết. Lâu ngày tên bánh thành Bánh Tét.

Theo ông Lê Tân trong bài "Bánh Tét Trà Vinh" thì bánh tét tuy được làm và ăn quanh năm nhưng thường nhất trong dịp những lễ hội, đặc biệt là ngày Tết. Do đó bánh được gọi là Bánh Tết và dần dần đọc trại là Bánh Tét. Tên "tét" xuất xứ từ cách cắt bánh nầy gọi là "tét": tay phải cầm đầu dây khoanh tròn đòn bánh đã lột vỏ, "tét" từng khoanh một đơm lên dĩa.

Bánh Tét ở miền Nam và miền Trung giống Bánh Chưng ở miền Bắc về nguyên liệu và cách nấu chỉ khác về hình dạng và dùng lá chuối để gói bánh thay vì lá dong (như Bánh Chưng). Bánh Tét cũng được dùng để ăn Tết như bánh chưng tuy nó được làm và bán quanh năm.

Từ Bánh tét có câu đố:

Vườn xanh lại đóng khố xanh
Xung quanh trồng hành giữa thả lợn vô


THỊT KHO NƯỚC DỪA



Thịt kho đặc biệt có trứng và nước dừa. Có tên là Thịt Kho Tàu nhưng không thấy trong món ăn của người Tàu. Khi bàn về các địa danh Nam Kỳ có từ ngữ "tàu" như Cái Tàu Thượng hay Cái Tàu Hạ, thì ông Bình Nguyên Lộc mới cắt nghĩa là từ ngữ "tàu" ở đây có nghĩa là "lạt" (không "mặn") chứ không có nghĩa là "chiếc tàu" hay "người Tàu". Thịt kho nước dừa nầy thì không mặn như những thịt kho thường ăn hàng ngày.

THỊT KHO NGÀY TẾT

Nước mắm nước dừa nấu thịt kho
Trong ba ngày Tết chẳng hề lo
Trứng gà hấp dẫn, màu hơi đậm
Nạc mỡ ngon lành, miếng khá to
Ăn với dưa chua càng thấy thích
Và thêm cơm trắng thế là no
Vui chơi thong thả quanh thành phố
Tối đến về nhà có thịt kho.

(Phan Thượng Hải)

DƯA HẤU

Cũng như Bánh Chưng, nguồn gốc của Dưa Hấu được ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Phát viết vào thời nhà Trần, được Vũ Quỳnh hiệu đính vào thời nhà Hậu Lê và Lê Hữu Mục dịch ra chữ Quốc ngữ.

Dưới đây là nguyên văn trích trong Lĩnh Nam Chích Quái:

TRUYỆN DƯA HẤU

Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được 7 tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.

Vương đặt tên là Yển, tên chữ An Tiêm và cho một người thiếp. sinh được một trai. Vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quí, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:

Của cải nầy là vật của tiền nhân ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.

Hùng Vương nghe được, cả giận nói rằng:

Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?

Bèn đày Mai Yển ra ngoài bãi cát cửa biển Nga Sơn, tứ phía không có chân người đi đến, chỉ để cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì sống được.

Tiêm nói:
Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?

Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.

An Tiêm mừng rỡ nói:
Đây đâu phải là quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.

Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm ngon ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn; rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đến nên đặt tên là Tây Qua.

Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương; dân gian suy tôn An Tiêm làm "Tây qua phụ mẫu".

Lâu ngày, Vương nhớ đến An Tiêm, sai người đến chỗ An Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay không.

Người ấy về tâu lại với Vương. Vương than thở hồi lâu mới nói rằng:
Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy.

Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tỳ thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là "An Tiêm Sa Châu"; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là khởi đầu từ An Tiêm vậy.

Ông Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) dựa vào chuyện nầy viết thành tiểu thuyết "Quả Dưa Đỏ" xuất bản tại Hà Nội năm 1925. Được giải thưởng văn chương của hội Khai Trí Tiến Đức (năm 1925).

Trong lịch sử, Mai An Tiêm là con nuôi của vua Hùng Vương thứ 17. Ông bị vua đày ra một đảo hoang vu nay là vùng của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Mai An Tiêm gây được giống Dưa Hấu và sau nầy được tôn là ông tổ nghề trồng Dưa Hấu. Ngày nay ở tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn có dãy núi mang tên Mai An Tiêm. Dưới chân núi có đền thờ Mai An Tiêm. Hàng năm có lễ hội 12-15 tháng Ba.

TRÁI DƯA HẤU

Khởi đầu sự tích thuở Hùng Vương
Với chuyện An Tiêm khá dị thường
Hạt giống từ chim, nhờ mệnh tốt
Cây hoa kết quả, được Trời thương
Vỏ xanh biểu tượng niềm hy vọng
Ruột đỏ bao hàm nghĩa thiện lương
Tiêu chuẩn món ăn khi Tết đến
Mang theo phước lộc thọ an khương.
(Phan Thượng Hải)

Từ quả Dưa Hấu có những câu đố trong dân gian:

Ngoài xanh trong đỏ hồng hồng
Quan vua cũng chuộng mẹ chồng cũng yêu
Mùa hè lắm kẻ nâng niu
Mùa đông lắm kẻ dập dìu duyên ta
Ngoài xanh trong đỏ như vang
Khen ai khéo đặt cho nàng tên đôi

Dưa Hấu có tên khoa học là Citrullus lanatus là một loài thực vật trong họ bầu bí (Citrullus). Nó có nguồn gốc từ miền Nam của Phi Châu.

Trái Dưa Hấu có vỏ cứng, thường màu xanh lục và trong ruột có màu đỏ thường chứa nhiều nước (Watermelon in English).

Từ ngữ "Hấu" trong "Dưa Hấu" không có nghĩa gì hết. Trong các loại hoa, quả, chim. thú... thì có những từ ngữ dùng để gọi nó chỉ để dành riêng cho nó, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. "Hấu" được dành riêng cho "Dưa Hấu" tuy riêng nó không có nghĩa gì hết.

Đứng riêng một mình, từ ngữ "Hấu" không có trong từ điển Tiếng Nôm. "Hấu" trong từ điển Hán Ngữ đồng nghĩa với "Hậu" (có nghĩa là: sau đó, kế đó).

Cách lựa Dưa Hấu ngon:

1. Có 2 loại: Dưa Hấu đực và Dưa Hấu cái
Dưa Hấu đực: thon và cao hơn; vòng tròn dưới đáy rất nhỏ (như hình 1 đồng xu nhỏ). Nó có nhiều nước hơn.
Dưa Hấu cái: tròn và lùn hơn; vòng tròn dưới đáy to hơn. Nó ngọt hơn.

2. Lựa cỡ trung bình đồng cỡ với đám Dưa, không nhỏ hay lớn hơn quá mức
Nếu nặng hơn (và hơi nhỏ) thì là Dưa già, ngon và nhiều nước
Nếu nhẹ (và to) thì có thể Dưa bị xốp.

3. Vỏ Dưa
Nhìn vỏ dưa: nếu vỏ càng nhẳn thì Dưa càng chín. Nếu có "vân" thì "vân" phải rõ ràng.
Ấn vào vỏ dưa: nếu cứng thì tốt; nếu mềm thì không nên mua.
Vỗ vào quả Dưa: nếu phát ra tiếng kêu đanh thì là Dưa già và chín; nếu phát ra tiếng nhẹ, "lộp bộp", thì là Dưa non hay bị chín nẫu bên trong.

4. Vỏ Dưa có vết Ong châm cho thấy Ong đã tiếp xúc với bộ phận thu phấn của hoa (trước khi thành quả) rất nhiều. Sự thụ phấn càng nhiều thì Dưa càng ngọt.

5. Cuống Dưa
nếu màu xanh: là Dưa chưa chín, hái quá sớm
nếu héo: là Dưa đã chín rồi.

5. Tìm vết rám ở phần đáy của trái Dưa (phần đối diện với Cuống dưa): Dưa ngon nếu có vết rám màu vàng (ngon) và màu vàng cam (rất ngon)

CANH KHỔ QUA


Canh Khổ Qua là món ăn truyền thống ngày Tết của người miền Trung. Theo Hán ngữ là Khổ Qua còn tiếng Nôm là Mướp Đắng. Trái Khổ Qua là thuộc loại Bầu Bí với tên khoa học là Momordica charantia.

Ca dao về Khổ Qua rất nhiều:

Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh có thương em thì mần giấy giao kèo
Dù sanh dù tử dù nghèo em cũng theo

Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh có thương em thì mần giấy giao kèo
Thò tay điểm chỉ "con mèo" của anh

Đói lòng ăn trái khổ qua
Nuốt vô sợ đắng nhả ra bạn cười

Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhầm lá đậu chết cha dê xồm

Chừng nào cây kia không lá
Chừng nào cá nọ có xương
Chừng nào ớt ngọt như đường
Khổ qua kia hết đắng, đạo cang thường mới hết thương

Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Cái mặt như chim mèo hò hát với ai

Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
Giặc Lang Sa đánh tới châu thành
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em

TRÉ

Theo truyền thuyết thì lúc đầu Tré là món ăn đặc sản ở Qui Nhơn, xuất hiện vào thời khởi nghĩa của nhà Tây Sơn. Lúc đó, nguyên liệu dùng làm món ăn nầy được người địa phương nhồi vào một cái "ché" bằng đồ gốm rồi chôn dưới đất để lên men, dùng ăn trong dịp Tết. Có lẽ do đó tên gọi của món ăn nầy được đọc trại từ "ché" thành "tré". Lúc vua Quang Trung lên ngôi, đóng đô ở Phú Xuân (Huế), quan lại Tây Sơn đem món ăn dân dã nầy về kinh đô. Từ đó món Tré trở thành món ăn cung đình quí phái và cách thức chế biến cầu kỳ tinh tế hơn trong hương vị và hình thức không còn trong ché mà thay bằng từng lọn nhỏ gói bằng lá như ngày nay. Từ đó Tré thành món ăn của miền Trung. Ngày nay, Tré dùng thịt heo, riềng, tỏi, nước mắm và các loại gia vị gói vào lá ổi bao bọc bởi lá chuối bên ngoài.

Tré còn gọi là Nem Bì.

MỨT TRONG NGÀY TẾT




Tất cả 42 loại Mứt từ thực vật.

Tiêu biểu: Hạt Sen, Dừa, Bí, Gừng. Có 7 loại mứt Dừa khác nhau.
Thông thường: Chùm Ruột, Tắc, Củ Sen
Hiếm: Thơm, Kiwi, Cà Rốt, Chanh, Vỏ Chanh, Rau Câu, Khế, Xoài, Củ Cải trắng, Khoai Lang, Khoai Tây, Khoai Môn, Táo Xanh, Chuối Xanh, Dâu Tằm, Cóc, Mứt thập cẩm

BÁNH TRONG NGÀY TẾT


Tiêu biểu: Bánh Chưng và Bánh Tét

Thông thường:

Bánh In: Đặc sản từ Huế. Bánh dâng cho Vua ăn với uống trà trong dịp Tết, với ý nghĩa chúc vua được trường thọ.
Bánh Đậu Xanh: Đặc sản từ Hải Dương. Bánh dùng đãi khách hay như quà biếu trong dịp Tết.
Bánh Phu Thê là đặc sản của Huế: Phu là chồng, Thê là vợ; bánh tượng trưng cho hình ảnh vợ chồng. Bánh dùng trong dịp cưới hỏi hay ngày Tết. Cũng có bánh Su Sê hay Xu Xê là đặc sản của Bắc Ninh (?) có cùng một ý nghĩa và công dụng. Su Sê chắc là tiếng đọc trại của Phu Thê?
Bánh Ít Lá Gai: Đặc sản của Qui Nhơn, hình như cái tháp Chàm Tương truyền từ con gái út của Hùng Vương (dựa theo ý nghĩa của Bánh Chưng và Bánh Dày).

Hiếm:

Bánh Đúc: làm bằng bột gạo (Bắc và Trung) và làm bằng bột năng (Nam)
Bánh Tổ: Đặc sản ở Hội An, người Tàu đem vào (thế kỷ 16-17)
Bánh Tai Heo
Bánh Bột Lọc: từ miền Trung
Bánh Tẻ: làm bằng bột gạo tẻ; còn gọi là Bánh Lá.
Bánh Gio (chấm mật): còn có tên là Bánh Tro, Bánh Ú Tro hay Bánh Nắng
Bánh Bò
Bánh Gai: Đặc sản của Làng Mía, nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Bánh Biscuit (Bánh Quy Bơ)
Bánh Lăn: ở miền Trung
Bánh Nổ: đặc sản từ Quảng Ngãi
Bánh Thuẫn
Bánh Măng: ở Huế

(Kết Luận)

Trong hơn 40 năm xa xứ, năm nào 2 vợ chồng chúng tôi cũng cúng ông bà chiều 29 hay 30 (Tết) và cúng chè lúc Giao Thừa. Món ăn chính luôn là món Thịt Kho Nước Dừa do vợ tôi nấu.

Đây là bài thơ tôi làm sau khi cúng 30 Tết năm rồi (Mậu Tuất):

CHIỀU BA MƯƠI TẾT

Chiều ba mươi Tết cúng ông bà
Lặng lẽ ngôi nhà quạnh quẽ xa
Dưa giá thịt kho và bánh mứt
Nhang đèn bức ảnh với bình hoa
Tha hương xa vắng nhiều phong tục
Viễn xứ xa vời một quốc gia
Ngày Tết năm xưa bao kỷ niệm
Tân xuân cảm cựu tuổi thêm già.

(Phan Thượng Hải)

Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.