Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Miên Khúc - Ngô Thụy Miên - Khánh Hà


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Tôi Yêu Tiếng Việt Thiết Tha



Tôi yêu tiếng Việt thiết tha
Từ khi tiếng khóc oa oa chào đời
À ơi tiếng mẹ ru nôi
Câu ca dao hát nghiêng lời nước non

Yêu từ bập bẹ lon ton
Tiếng ba, tiếng mẹ kêu mòn bờ môi
Xôn xao những tiếng mẹ cười
Võng đưa kẽo kẹt đầy vơi nghĩa tình
Yêu lời chim hót bình minh
Hát câu quan họ đầu đình mái thương
Chùa cao nghi ngút khói hương
Câu kinh cầu nguyện về nguồn thương yêu
Yêu dòng Hương đỉnh Ngự reo
Điệu nam ai thả mái chèo trôi qua
Miệt vườn trắng áo bà ba
Xuống câu vọng cổ mượt mà tình quê
Yêu câu Kiều lửng môi thề
Tiếng hò kéo lưới trôi về dòng sông
Câu thơ thả lưới trôi dòng
Vớt lên tê tím những mong nhớ chờ
Yêu lời Huế rứa chi mô
Tiếng Nam à hén mọng bờ môi xinh
Anh dzề zdui dzẻ nghe anh
Tiếng em dỗ ngọt bóng hình lứa đôi

Và giọng bắc nữa ối giời
Gì cơ anh, hỏi như khơi nồng nàn
Líu lo tiếng Việt ngân vang
Cho đồng xanh mát lúa vàng cánh nghiêng
Tôi yêu tiếng Việt ba miền
Những trang sử viết cháy lên hào hùng
Phá quân Thanh , bóng Quang Trung
Đập tan xiềng xích lẫy lừng Trưng Vương
Tiếng Việt còn nước non còn
Ngàn năm thắp ngọn lửa son, chống thù
Dạt dào tiếng sóng vỗ bờ
Ru tình non nước trong mơ gọi người

Trầm Vân

Đà Nẵng



Giỡn trời, giọc nước Thu Bồn
Ôm cây đa mộng thả hồn lên mây
Ðiện Bình vắng bóng sáo bay
Ðò xưa chợt nhớ tóc dài sang sông
Còng vai gánh chợ Phú Bôn
Vác thơ Bùi Giáng lòng vòng Cẩm Phô
Thương con tu hú giang hồ
Cõi tha phương khóc tiếng hò Hội An
Nuốt ca dao thấy Huyền Trân
Tám trăm năm vẫn chưa tan giọt sầu
Ðường qua Ðại Lộc lao đao
Loi ngoi lòng hứng ba đào tình em
Lạc chi cái chốn Duy Xuyên
Mê tơ lụa đến đảo điên quên về
Thèm trăng cổ độ đèo Le
Ngàn năm hóa thạch trên quê hương nàng.
(04/2008)


Phạm Hồng Ân

Mộ Cụ Phan Thanh Giản - Xã Bảo Thạnh- Huyện Ba Tri Bến Tre










Hình Ảnh: Biện Công Danh

Chuyện Tình Lan Và Điệp



Dù sỏi đá cũng sẽ rơi nước mắt
Khi nghe chuyện tình của Điệp và Lan
Một cuộc tình buồn, dang dở trái ngang
Của thôn nữ mang tên loài hoa đẹp

Từng thệ ước sẽ kết duyên cùng Điệp
Duyên nợ bất thành, cung đàn lỗi nhịp
Đìệp phụ tình, cưới người vợ giàu sang
Lan tuyệt vọng, gởi thân vào cửa Phật.

Mượn kệ kinh để quên chuyện trái ngang
Điệp rất khổ tâm, tìm đến gặp Lan
Để phân giãi nỗi oan vì quan Phủ
Ép duyên chàng cho con gái chửa oan.

Lan quét lá, cổng chùa đang đóng chặt
Điệp kéo dây chuông, xin Lan mở cổng
Trông thấy Điệp, Lan vô cùng cảm động
Vội cắt dây chuông, quay gót vào chùa.

Lan khóc, như chưa bao giờ được khóc
Bỏ uống, không ăn, Lan lâm bịnh trọng
Điệp giã nhà sư, vào gặp thăm Lan
Thấy người yêu nằm bất động, mê man

Trong vô thức vẫn gọi tên "Anh Điệp"!
Hai dòng lệ ứa, khi còn thiêm thiếp
Từ giã đời, Lan vĩnh viễn ra đi
Trước mắt Điệp đất trời như sụp đổ.

Hồi chuông chùa ngân vang ra tận cổng
Đưa tiễn hồn Lan vào cõi hư vô
Kết thúc cuộc tình trái ngang,dang dở
Của đóa Lan tàn, và xác bướm khô.

Trần Gò Công/Lão mã Sơn.


Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Thơ Tranh: Em Và Mùa Thu

Chị Thanh Dương ơi, Mừng Sinh Nhật chị 
Em chúc chị luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và vui với Văn Thơ
Tặng chị món quà nhỏ nhé chị
(Em Kim Oanh)


Thơ: Nguyễn Thị Thanh Dương
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hương Phấn Mùa Thu -Thơ Nguyễn Thị Thanh Dương


Happy Birthday- Thanh Dương  
Thân quý mến
(Duy Quang)



Thơ: Nguyễn Thị Thanh Dương
Thực Hiện:Duy Quang

Mùa Thu Chín



Em theo gió nhẹ bước vào mùa Thu,
Mùa đã chín cho nhân gian tình tự,
Như máu về tim mùa Thu lá đỏ,
Quả tim em tình chín đỏ mấy mùa.

Lá cây làm dáng rủ bóng mặt hồ,
Như cô gái mặn mà soi nhan sắc,
Bờ đá, cỏ dại ven hồ say đắm,
Muốn nước hồ xanh, muốn lá đỏ hoài.

Chiếc cầu gỗ bắc qua hồ chơi vơi,
Chìm khuất trong chùm lá cây rực rỡ,
Lá rụng trên cầu, lá bay theo gió,
Quấn quýt chân người vừa bước qua đây.

Mùa Thu chín vàng u uẩn trời mây,
Màu vàng trên cây, màu vàng dưới đất,
Em một mình giữa con đường im vắng,
Nghe mùa Thu lá đổ ở xung quanh.

Em nghiêng vai cho mùa Thu mong manh,
Lá rơi xuống một câu thơ bất chợt,
Con đường dài màu lá vàng vô tận,
Em đi hoài chưa hết một bài thơ.

Mùa Thu trong vườn xào xạc lá khô,
Quả táo chín rụng rơi nằm trên lá,
Cắn miếng táo tươi da căng mọng đỏ,
Em nếm mùa Thu thơm ngọt lạ lùng.

Sáng mai những qủa táo chưa kịp buồn,
Mùa Thu rộng, góc vườn này quên lãng,
Vài con sóc đã về đây gặm nhấm,
Quả táo lăn theo chân sóc vui đùa.

Em mê man với đất trời mùa Thu,
Lá đỏ, lá vàng gọi tình yêu đến,
Quả táo thơm của tình em vừa chín,
Mùa Thu này sẽ rụng giữa vườn anh.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
(Thu, 2011)

Độc Tiểu Thanh Ký Và Dòng Thơ Nối Tiếp


Từ bài thơ chữ Hán " Độc Tiểu Thanh Ký "của Nguyễn Du, Kim Phượng và Quên Đi đồng cảm cho cảnh ngộ của nàng Tiểu Thanh, đã viết nên những bài thơ tiếp nối từ hai câu của bài thơ trước.

Độc Tiểu Thanh Ký
Nguyễn Du


Dịch nghĩa:

Đọc Truyện Nàng Tiểu Thanh

Vườn hoa bên Tây hồ đã thành bãi hoang rồi,
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết,
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được.
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.
Không biết hơn ba trăm năm sau,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nguyễn Du
***
Cảm Tác:

Vực Sầu


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Có đến ngàn năm hoài tưởng bóng
Ẩn tình riêng ăm ắp trang thư
Cô miên giấc đêm dài lắm mộng
Xót hồng nhan phận mỏng cây đời
Lá rụng hoa rơi lời bút mực
Vực sầu lãng mạn kết vầng thơ


Kim Phượng
***
Mộng Sầu

Lá rụng hoa rơi lời bút mực
Vực sầu lãng mạn kết vầng thơ
Giận đời giận cả đêm đông chiếc
Thương bóng thương hình giấc ngủ mơ
Ai biết nỗi lòng đơn phương nhỉ
Tri âm tri kỷ vẫn mong chờ
Thôi đành nén chặt vào tâm khảm
Một giấc cô miên mộng lững lờ


Quên Đi
***
Vạn Sầu


Thôi đành nén chặt vào tâm khảm
Một giấc cô miên mộng lững lờ
Hồng nhan tri kỷ mơ đối mặt
Trời đày chi vẫn bặt tăm hơi
Nơi xa ai biết ai còn nhớ
Xuân chửa tàn đành lỡ chữ duyên
Phiến diện Tây Hồ ôi nghiệt ngã
Tiểu Thanh phận bạc khóc đời hoa


Kim Phượng
***
Vấn Sầu


Phiến diện Tây Hồ ôi nghiệt ngã
Tiểu Thanh phận bạc khóc đời hoa
Chỉ thư bút tích còn ghi dấu
Son sắc cho dù sóng gió qua
Chữ nghĩa lòng đây còn tạc dạ
Chữ tình năm tháng chẳng phôi pha
Bất tri nhất nhị dư niên hậu
Chẳng biết ai người nhớ chốn xa


Quên Đi

Cần Thiết


Đôi khi tôi cần một người đàn ông,
Để sai vặt chuyện trong nhà ngoài phố,
Hay những lúc trời chuyển mùa đổi gió,
Tôi có người để tâm sự buồn vui.

Ăn cơm tắm rửa xong, định ngả lưng ra sô fa coi ti vi thì điện thoại rộ lên. Tôi nhìn đồng hồ là 8 giờ 30 tối, biết ngay là Hoa, nó canh cho đúng giờ được gọi phone free là gọi cho tôi ngay. Tôi cầm phone nói luôn một lèo:
- Chuyện mưa nắng Calif. hôm qua nói rồi, còn chuyện gì nữa đây?
Hoa cười rúc rích:
- Thì chuyện mưa nắng Calif. tiếp theo…
Thế là thay vì nằm coi ti vi, tôi nằm ôm phone mặc tình cho con bạn nói cho sướng miệng. Điều mà tôi gọi là “Chuyện mưa nắng Calif.” là đủ chuyện trời ơi đất hỡi xảy ra ở Calif. Từ chuyện gía nhà đất, chuyện chợ búa, chuyện các ca sĩ Việt Nam, đến chuyện những cặp vợ chồng bỏ nhau, kiện nhau.

Xong màn tạp lục Hoa đi vào chủ đề chính là …tôi:
- Còn bồ bao giờ lấy chồng cho tớ được ăn cưới lần nữa? Chuyện anh Thịnh đến đâu rồi?
Tôi gắt lên:
- Tớ đã nói là không bao giờ có hai chuyến xe hoa trong đời tớ, biết chưa? Tớ không cần đàn ông, anh Thịnh vẫn chỉ là anh Thịnh, là một người bạn tốt của gia đình tớ bấy lâu.
Hoa không buông tha:
- Nếu bồ cảm thấy không thích anh Thịnh thì để tớ kiếm cho một người lý tưởng đúng như mơ ước.
- Ở đâu mà có sẵn vậy? Tôi hỏi giọng châm chọc.
- Ờ…thì tớ sẽ... tìm bạn bốn phương. Nghe nè: “ Góa phụ 40, mộng mơ …”
- Thôi dẹp đi, có người lý tưởng bằng xương bằng thịt ngay bây giờ tớ cũng không thèm đâu, tìm chi cho mất công. Xong chưa? Cúp phone đi nhé, nói chuyện cà kê tội nghiệp hãng điện thoại qúa.
Hoa vẫn còn tiếc rẻ:
- Bồ còn tuổi xuân phơi phới mà gàn bướng quá, chỉ vì giận một người đàn ông mà thù ghét tất cả đàn ông. Rồi xem được bao lâu!

Hoa cúp phone rồi, tôi cũng không thảnh thơi coi ti vi được nữa, đôi lúc những lời khuyên của Hoa cũng làm lung lay bức tường thành do tôi dựng lên đã 3 năm nay kể từ khi vợ chồng tôi li dị.
Cường là tình yêu đầu của tôi, chúng tôi đã có một mái gia đình hạnh phúc suốt mười mấy năm trời. Vậy mà anh đã có tình yêu khác cũng thiết tha, cũng mãnh liệt như anh từng yêu tôi. Anh đã li dị tôi.
Đó là một biến cố kinh khủng nhất trong đời tôi, đến bây giờ nghĩ đến tôi còn đau đớn bàng hoàng. Một tình yêu như thế, một tình nghĩa vợ chồng như thế, mà bỗng chốc đã vỡ tan không thể hàn gắn được.

Tôi thù ghét Cường, ghét cả lũ…đàn ông, và bướng bỉnh tự hứa không bao giờ yêu ai, kết hôn với ai nữa. Đứa con trai duy nhất của tôi và Cường đã 18 tuổi, ba năm qua hai mẹ con sống với nhau dù chênh vênh, dù sứt mẻ vì thiếu vắng một người chồng, một người cha, nhưng cũng quen dần.

Năm nay Tú vào đại học ở Austin, tôi muốn con học ở ngay thành phố này nhưng Tú không thích, chả lẽ tôi bắt con phải chiều theo ý mình thì ích kỷ qúa.
Hai mẹ con bàn nhau Tú cứ đến Austin học trước, tôi từ từ thu xếp công việc và bán nhà lên sau. Bao nhiêu kỳ vọng và tình thương tôi đều dành cho Tú, nhất quyết chẳng bao giờ hai mẹ con rời nhau, rồi Tú sẽ tốt nghiệp đại học, sẽ có việc làm, sẽ lấy vợ, có con. Tôi sẽ ra tay chăm sóc nhà cửa con cái cho nó, sẽ đỡ đần vun đắp hạnh phúc cho vợ chồng nó. Đời tôi hạnh phúc chẳng ra gì, đời con tôi phải tốt đẹp hơn.

Tôi vẽ vời và mong ước thế, không biết đường đời có thẳng tắp cho tôi đi không? Hôm tiễn con đi Austin tôi buồn héo người, trở về căn nhà vắng chỉ mình tôi, tôi đã khóc qúa chừng. Đến Austin Tú gọi phone cho tôi, tôi lại khóc làm cho Tú cũng khóc theo. Mấy tháng nay tôi sống với niềm tin là từ giờ đến cuối năm hai mẹ con sẽ đoàn tụ như cũ.


Chiều nay đi làm về tôi ăn cơm sớm để còn làm vài công việc. Cái cánh cửa trong phòng ngủ bị bung tấm ván ép mỏng ra nên cửa xệ xuống, khó mở ra đóng vào, cần phải đóng lại mấy hàng đinh nhỏ. Rồi một cái bếp bị hư, bóng đèn bị cháy v…v..
Trời ơi, sao bao nhiêu thứ không bình thường đến cùng một lúc như thế này?
Suốt ba năm qua dù tôi đã khẳng định mình có thể sống suốt đời không cần một tên đàn ông nào bên cạnh, nhưng tôi vẫn ngầm hiểu rằng… có còn hơn không!

Biết bao chuyện lặt vặt tôi đã phải đụng tay tới, lòng can đảm của tôi cũng mỏi mòn theo năm tháng. Tôi chẳng vui vẻ gì khi đẩy cái máy cắt cỏ ì ạch mấy tiếng đồng hồ mới xong mảnh sân nhỏ sau nhà. Vừa cắt cỏ tôi vừa khấn thầm:
- Cỏ ơi, có thương tôi thì đừng mọc nhanh nhé!
Cái xe của tôi cũng kiếm chuyện, một hôm bị chết máy dọc đường tôi phải đứng ở highway hai tiếng đồng hồ mới có người quen đến chở về nhà và nghỉ một buổi làm.
Ôi, bao nhiêu thứ vặt vãnh của cuộc sống đang về hùa nhau, làm khổ thân tôi.

Những ngày hạnh phúc xưa tôi nào biết cuộc đời có nhiều cái khổ như thế. Tôi có thú đi chơi xuyên bang, mỗi năm vào mùa Thu, hai vợ chồng và con lên xe đi về những tiểu bang xa để ngắm những cánh rừng lá vàng lá đỏ, để ngắm cả đất trời đang chuyển sắc Thu. Hay đi thăm những danh lam thắng cảnh và hưởng những hương vị ngon lạ của từng nhà hàng, từng địa phương. Cường lái xe, tôi ngồi bên cạnh nhìn ngắm cảnh bên đường, còn thằng Tú có khi đang ngủ trong xe. Có lần vào ban đêm, xe chạy trên highway vắng, hai bên là cánh rừng đen kịt, hoang vu. Biết tôi nhát gan Cường đã hỏi đùa tôi:
- Nếu bây giờ xe hư giữa đường em có sợ không?
Tôi đã trả lời đầy ắp tin yêu:
- Có gì mà sợ, có anh bên cạnh là em được che chở rồi.
Bây giờ đôi lúc nhớ con tôi muốn lái xe xuống Austin nhưng tôi ngại đường xa lỡ xe cộ hư lấy ai mà che chở?

Chưa kịp ra tay làm việc gì thì điện thoại reo, tưởng là Hoa, tôi cầm phone lên định “van xin” nó tha cho tôi hôm nay không tán dóc sự đời được vì bận rộn lắm. Nhưng lại là phone của Tú, tôi mừng vui dù mới hôm qua hai mẹ con cũng đã nói chuyện với nhau rồi. Lần này Tú nói:
- Mẹ ơi, con muốn nói với mẹ một chuyện quan trọng. Mẹ nghe nhé?
- Con đừng có nói mẹ tìm hiểu bác Thịnh nghe, mẹ vẫn coi bác ấy là bạn của gia đình mà thôi
- Chính con đang muốn nói điều ấy, vì con suy nghĩ hoài và chợt khám phá ra tại sao mẹ không sống cho đời mẹ mà cứ sống vui buồn theo con làm gì? Mẹ đừng hi sinh vô lý quãng đời còn lại của mẹ cho con. Bây giờ con học ở Austin, mẹ bán nhà theo con rồi mai này ra trường con có job ở tiểu bang khác, mẹ lại bán nhà theo con nữa sao? Con sẽ có đời sống riêng của con. Nhưng chúng ta không bao giờ mất nhau đâu.

Tôi cảm thấy hụt hẫng và bâng khuâng vì cú phone của Tú, nó có lý, tôi không thể bám theo con như cái đuôi làm gánh nặng vô hình cho nó.
Tôi nhủ tôi phải can đảm lên, từ cuộc sống ba người, còn hai người. Nay đường dài chỉ còn lại mình tôi.
Tôi ra vườn sau, vào nhà kho tìm đinh búa để sửa cánh cửa trước, kẻo mỗi lần đóng mở nó nặng nề và kêu cót két, nghe…rùng rợn, làm cho tôi…sợ ma.
Tôi bới chỗ nọ, tìm chỗ kia, mãi mới thấy hộp đinh mang vào nhà.

Chỗ hư cánh cửa từ trên cao, tôi phải mang ghế ra để đứng lên, tôi biết mình phải cẩn thận kẻo có trượt chân ngã xuống bất tỉnh chẳng ai hay. Đứng lên ghế vững vàng rồi, tôi cầm búa, cầm đinh, ngay phút giây này tôi chợt nhớ những công việc như thế này Cường chỉ làm một chút là xong. vậy mà..
Ôi, ước gì bây giờ có một người đàn ông bên cạnh, anh ta sẽ đứng trên ghế chứ không phải tôi, còn tôi sẽ đứng hiên ngang trên thảm, tha hồ mà chỉ huy mà phê bình.

Thôi, đừng có mơ hão huyền, nhất định đời mình sẽ không cần đàn ông. Tôi tự nhủ và hăng hái giơ búa lên. Phập! một cái, tôi hét lên, búa rơi, đinh rơi, và tôi nhảy khỏi ghế, ngồi xuống đất ôm lấy ngón tay đang chảy máu ròng ròng.
Vừa đau vừa tủi thân và hận đời khiến tôi khóc nức nở như đứa trẻ bị lạc mẹ.

Đang lúc máu đổ lệ rơi thì chuông cửa reo. Ai đến giờ này nhỉ? Tôi cố lết ra mở cửa và thấy Thịnh, tay xách túi đồ chắc mới đi chợ mua về. Anh chào tôi bằng nụ cười, nhưng tắt ngay khi nhìn thấy ngón tay tôi đang chảy máu. Anh quẳng túi đồ lên bàn hấp tấp và lo âu hỏi:
- Em sao thế?
Dù đang đau tôi cũng nhận ra Thịnh đã thay đổi cách xưng hô, không gọi tôi là “chị” như xưa nay anh vẫn gọi tôi. Còn tôi vẫn lịch sự như cũ:
- Thưa anh, tại cái búa…
- Búa rơi vào tay em hả?
- Thưa anh, chính tôi đập vào tay tôi mà đáng lẽ phải đập vào đinh.

Thịnh nói y như mình là chủ nhà:
- Thôi ngồi yên đây để anh băng vết đau cho. Nhưng mà sao em cứ thưa gởi với anh mãi thế?
Không cần tôi trả lời, anh đi vội vào phòng tắm để lấy bông băng, bao lâu nay là bạn thân của Cường, của gia đình tôi, anh đã qúa quen thuộc mọi thứ trong nhà này rồi.

Tôi ngoan ngoãn ngồi yên để cho anh băng bó ngón tay, đã lâu rồi mới có bàn tay đàn ông chạm vào tay tôi gần gũi và thân mật như thế này, một cảm giác lạ lùng chạy khắp người tôi. Hình như những ngón tay tôi nóng bừng trong bàn tay anh.

Tôi…len lén nhìn anh, nét mặt và cử chỉ của anh là bao nhiêu âu yếm. Tôi ngại ngùng định rút tay về, nhưng Thịnh đã giữ chặt lại, anh ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Đừng em, nghe anh nói…
- Không, không …anh đừng nên nói gì cả!
- Tại sao em lại chạy trốn chính mình như thế? Anh yêu em mà.
Bức tường thành trong tôi đã sụp đổ trước ánh mắt thiết tha và lời nói chân tình của anh. Anh nói đúng, tôi không thể chạy trốn tôi mãi được.

Dường như ông trời đã sắp đặt sẵn, nói như thuyết nhà Phật có duyên thì đến với nhau, cũng như không duyên thì sẽ lìa nhau như tôi và Cường. Vợ Thịnh qua đời vì một căn bệnh cùng thời gian gia đình tôi đổ vỡ nên tôi và Thịnh bỗng trở thành hai kẻ cô đơn, anh thường xuyên đến thăm tôi, tình cảm anh dành cho tôi ngày càng có nghĩa tình yêu hơn là tình bạn.

Có thêm một người, thêm một tiếng nói, căn nhà không còn trống vắng nữa, tôi cảm thấy ấm lòng. Nhìn túi đồ trên bàn tôi hỏi Thịnh:
- Anh mua gì thế?
- Anh mới mua hộp trà ngon, anh không biết cách pha trà nên nhờ em pha hộ.
Pha trà đâu có gì khó, mà tôi có tay nghề như mấy người Nhật chuyên môn uống “trà đạo” đâu mà anh đến nhờ tôi? Anh chỉ kiếm cớ đến gặp tôi thôi, khi yêu người ta vớ vẩn thế đấy.
Thịnh chợt hỏi:
- À, mà em đang sửa cái gì vậy? để anh làm cho…
Tôi hớn hở kể luôn một mạch, cứ làm như tôi vừa thuê được anh thợ về sửa chữa tất cả những thứ hư hỏng trong ngôi nhà này:
- Cái cửa phòng ngủ nó bung ra, anh đóng lại giùm. Với lại cái bếp bị hư, cái bóng đèn không cháy. Còn nữa, cái chốt cửa bị lỏng, cái vòi nước trong phòng tắm bị nhỏ giọt bấy lâu nay, cái…
- Thôi thôi, em kể nhiều thế anh làm sao hết trong buổi chiều nay, để anh sẽ làm dần.
Ngay trong lúc này tôi thấy Thịnh cần thiết cho tôi, tôi cần được yêu thương, cần được chăm sóc, và căn nhà tôi cũng cần được chăm sóc.

Trong khi Thịnh ra sửa chữa cánh cửa, thì tôi chuẩn bị nấu nước pha trà. Tiếng búa đóng lên nghe rộn rã, hình bóng người đàn ông trong nhà sao mà ấm cúng chở che đến thế.

Tôi để ấm nước lên bếp, dù tôi chẳng thích uống trà chút nào, nhưng chốc nữa đây tôi sẽ vì anh, cùng anh uống nước trà, và…câu chuyện một tình yêu sẽ bắt đầu. 

Nguyễn Thị Thanh Dương

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Thuở Áy Yêu Nhau


Sáng Tác: Hoàng Nguyên
Ca Sĩ: Như Quỳnh
PPS: Hương Hoài Điệp


Thẩm Thấu



Đà Lạt xa gần, lãng đãng tôi
Thông reo nhờ gió vút cao đồi
Thênh thang giữa đất, trời, hoa, cỏ...
Bất tử nhiên hương, hữu xạ cười.

Lý Đức Quỳnh
* Ảnh phụ bản của Tác Giả Và Bà Xã - Đà Lạt,14/9/2018

Phút An Nhiên



Bài Xướng:
Phút An Nhiên


Nghe làn gió nhẹ thổi vào đêm
Bản nhạc tình xanh những nốt mềm
Lối cũ trăng luồn mây đỏ lẹm
Khu vườn lá đổ mộng vàng êm
Từ khi nắng hạ tràn qua hẻm
Cũng lúc mùa thu bỏ lại thềm
Vẫn phải đi tìm câu chánh niệm
Vuông đời đã vậy nói gì thêm

Thạch Hãn
***
Bài Họa:

Ngẩn Ngơ

(Ngũ độ thanh)

Lắng giọt tơ đồng thoảng giữa đêm
Từng chung rượu đắng dỗ môi mềm
Cho màu ảo mộng vương hồn đắm
Để ngõ hoang đường chạm gót êm
Vỡ mảnh phù vân tình lạc lối
Tan mùa huyễn ái nguyệt xa thềm
Buồn tênh một khúc lòng đang trổi
Chợt ngẩn ngơ hoài nỗi nhớ thêm...

Nguyễn Gia Khanh



Tiếng Gọi Đàn*



Gởi người chăm bón tỉa vườn sau
Cây trái năm nay ngon thế nào?
Tình thiệt không chê hai khoảnh nhỏ
Nơi ấy viễn tây ai hái đào?

Những khách là ai từ xứ xa
Tụ nhau về dưới gốc xoài nhà
Tha hồ chuyện vãng vang như pháo
Còn có bao lần thử đếm ra? 

Biết đến lúc nào trở lại thăm
Ước mong Họp Mặt bạn lâu năm
Tuổi đời chồng chất nên qua sớm
Ai đó thân tình chớ bặt tăm!

Nguyễn Cao Khải

*Khánh Hà, Ngọc Dung, Phương Lan,Võ Cảnh
Tuyển Thục, Kim Phượng, Kim Oanh
Kim Hoàng, Văn Hoàng, Hồng Ẩn, Kim Minh, Phước
Công Ban,Tấn Nghiệm, Bữu Trân, Duy Đông, Cao Khải
   

Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Xuân Lôi Và Những Bằng Hữu


Paris vào thu, những chiếc lá vàng, xanh, đỏ rơi rơi trong nắng chiều như những giải lụa màu trong khoảng không gian xanh biếc. Tiết trời hôm nay thật ấp, cảnh sắc như tranh nhưng hồn tôi lại cảm se se lạnh, phải chăng vì nỗi buồn tha hương ?! Nhìn chiếc lá bay trong nắng tôi bỗng chạnh lòng: «Nếu gió đừng lay, và nắng cứ ngủ quên trong sương mù thì mùa thu Paris chẳng còn thơ mộng vì đường phố sẽ thiếu những cánh vàng lóng lánh bay ?».

Hôm ấy tôi có hẹn với mấy người bạn nghệ sĩ cao niên là Nhạc sĩ Xuân Lôi, Nhà thơ nữ Minh Tâm, và Nhà thơ Thanh Tuệ Trương Phú, người chủ trương nhà xuất bản An Tiêm danh tiếng ở quê nhà năm xưa, để trao đổi văn học nghệ thuật, những tâm hồn đồng điệu gặp nhau nơi xứ người quả là niềm vui hạnh ngộ. Họ trao cho tôi hai tập bản thảo thơ của Xuân Lôi và Hoàng Minh Tâm để nhờ tôi viết lời giới thiệu, còn việc thực hiện in sách sẽ do nhà thơ Thanh Tuệ Trương Phú chăm sóc. 

Tôi thật bối rối sợ mình không đủ khả năng nên đã từ chối vì đây là việc làm rất khó khăn và tế nhị. Nhưng hai vị Xuân Lôi và Minh Tâm lại muốn tôi ghi ít dòng cảm nghĩ làm kỷ niệm như một khúc nhạc dạo về một đoạn đời của lớp người tha hương. Tôi yêu thơ nên rất trân trọng tác giả và cũng ngại mình sơ sót làm hỏng đi sự kỳ vọng của hai nghệ sĩ lão thành. Nhà thơ Thanh Tuệ lại nói lời khuyến khích, không thể từ chối được nên tôi đã trải lòng mình hòa nhịp cùng hồn thơ để lắng nghe tiếng thở dài của tác giả gởi gấm qua tứ thơ con chữ mà không chú ý đến hình thức cấu trức thơ. Tôi thích những dòng cảm xúc xuất từ đáy lòng thành một hứ ngôn ngữ riêng rất chân phương nhưng đượm thắm tình người. 

Tôi vẫn ví hồn thơ như giọt sương mai, dù mong manh, đơn sơ nhưng vẫn long lanh trong nắng hồng tỏa ra muôn sắc, rồi trong khoảng khắc giọt sương mai ấy sẽ vỡ thành muôn mảnh, trước khi tan biến sẽ mang theo muôn sắc rực rỡ của mặt trời về một cõi mơ nào đó. Nhìn những nếp gấp hằn trên khuôn mặt Xuân Lôi và Minh Tâm như những vết nứt của mùa hạn hán, đây là vết thời gian, dấu nhăn của thế kỷ! Ẩn trong vòm sâu hốc mắt của họ tôi đã thấy những tia mắt yếu đuối nhưng ánh vẫn đầy thiết tha, tôi thiển nghĩ: Hai vị thi nhân tuy tuổi hạc nhưng vẫn đắm say với thi phú, nghệ thuật hòa theo tiếng nhạc lời thơ để tâm hồn phiêu bồng tiêu dao trong cõi thơ nhạc nên rất đáng trân qúy. Một ý nghĩ chợt lóe vì đã cảm được nỗi niềm nên đặt tên ngay cho thi tập «Hạc Vàng Trong Nắng Chiều».Tôi đã mượn một chút Đường Thi trong Hoàng Hạc Lâu của danh sĩ Thôi Hộ đời Đường bên Trung Hoa mà thi sĩ Tản Đà đã chuyển dịch một cách tài tình:
«Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.»
(Thôi Hộ)
«Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho vừa lòng ai.»
(TảnĐà)

Dù trong thơ của Xuân Lôi hay Minh Tâm chẳng có chút gì ảnh hưởng gì Đường Thi, nhưng tôi lại mượn chút hương của người xưa làm tựa thi phẩm. Chữ“Hạc Vàng ” được mang ý nghĩa đó, và “Nắng Chiều ” là hình ảnh cái nắng sắp tàn sau một ngày, ở đây nó còn ẩn chứa cái xót lại của tuổi đời, nhất là đối với những tâm hồn dễ cảm xúc như những nghệ sĩ lúc tuổi xế chiều đã từng trải qua bao thăng trầm, những trăn trở của kiếp người và thân phận tha hương. Nnắng chiều ở quê người còn có chút phảng phất màu nắng quê nhà, mang nó vào trong thi ca như muốn tìm lại chút ấm sưởi lòng người lữ thứ khi nhớ về cố quốc.

(Ban Nhạc 5 anh em  ở Ðống Nam:
Xuân Khuê, Xuân Thư, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Xuân Oai)

Nói đến Xuân Lôi tôi muốn nói đến con ngưòi nhạc sĩ và vài nét sinh hoạt của ông ở hải ngoại, về tài năng và thân thế của ông đã có nhiều người viết.Nhưng cũng xin sơ lươc vài nét về tiểu sử của ông : Nhạc sĩ tên thật là Phạm Xuân Lôi, nghệ danh : Xuân Lôi sinh ngày 17 tháng 10 năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình gồm 6 anh em đều là nhạc sĩ: Xuân Thư, Xuân Oai, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Xuân Khuê, Xuân Tuấn. Thân phụ của ông là cụ Phạm Xuân Trang cũng là một nhạc sĩ từng theo học nhạc cổ Trung Quốc với ban nhạc Tàu và dã từng lập ban nhạc. Ngay từ thuở nhỏ nhạc sĩ Xuân Lôi dã sử dụng nhạc khí Tàu một cách vững vàng và nắm vững lý thuyết nhạc Tây Phương. Ông sử dụng được nhiều khí cụ : Đàn Tranh, Đàn Bầu, Đàn Nguyệt (Đàn Kìm), Đàn Nhị (Đàn Cò), Sáo Trúc, Piano, Đàn Guitare, Guitare Haiwaienne, Đàn Mandoline, Đàn Banjo Alto, nhiều loại kèn : Clarinette, Clarinette Basse, Saxophone Alto, Saxophone Ténor…. nhưng sở trường của ông là kèn Saxophone. 

Cuộc đời âm nhạc của ông đã gắn bó với những ban nhạc lừng danh ở những phòng trà khiêu vũ nổi tiếng ở Hà Nội từ đầu thập niên 50, và là nhạc sĩ trong 10 đại ban nhạc lừng danh nhất ở Sài Gòn cho đến mãi 30 tháng tư năam 1975. Những nhạc phẩm của ông và của người em trai kế ông là nhạc sĩ Xuân Tiên rất được phổ biến, lần đầu tiên tôi nghe nhạc ông vào đầu thập niên 60 đó là các bài “Tiếng Hát Quê Hương”, bài này được giải nhất trong cuộc thi sáng tác nhạc năm 1958, và “Bài Hát Của Người Tự Do”, giải nhất 1961. Hai bản nhạc này đều được giải thưởng Quốc gia, riêng bài Tiếng Hát Quê Hương:«Có cô gái miền quê hát bài ca, giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió thôn xóm nhà, khi nắng tà êm êm trong muôn câu hò. Tiếng ai vẫn thường ngâm những bài thơ, lúc qua núi cao hay bên đồng lúa. Non nưóc nhà vui thái hòa vang vang lên muôn lời ca ».. 

Bài hát được giải thưởng nên thịnh hành, được phổ biến trên các đài phát thanh hát hàng ngày do đó có rất nhiều người biết và thuộc. Trẻ em thời đó cải biến lời thành một bản đồng dao để hát rong ở ngoài đường lời ca bị cải biến bị sửa lời. Nhưng không riêng gì nhạc của Xuân Lôi bị biến thành bài đồng dao mà còn nhiều nhạc phẩm khác trong đó có những bản thuộc giai điệu nhẹ, trữ tình thính phòng cũng bị cải biến. Có lẽ dân tộc ta triền miên trong chiến tranh,đã trải qua quá nhiều đau thương nên âm nhạc thiếu tính hài hước vui nhộn nên trẻ em đổi chút ca từ để tạo nụ cười thoái mái làm phong phú nhạc dân gian? 


Trọng Lễ, Xuân Lôi, Minh Tâm,Thiên Định, Linh Chi. Minh Tâm, Trịnh Hưng, Lê Trọng Ngĩa, Đỗ Bình 

Một người nhạc sĩ từng đoạt hai giải thưởng âm nhạc cao qúy của quốc gia, lại là một nhạc sĩ trong ban nhạc Hương Xa một trong dại ban nhạc lừng danh của Sài gòn thuở đó nhưng công chúng ít được nghe nhhạc của Xuân Lôi trên đài phát thanh đài truyền hình ? Có lẽ số ca khúc mà nhạc sĩ Xuân Lôi viết từ cuối thập niên 40 qua đầu thập niên 50 đa số ca từ là những lời chân phương nhẹ nhàng như thơ, tác giả đã thả hồn theo dòng cảm xúc khi nhìn thấy phong cảnh hữu tình viết thành giai điệu mà ít gởi chút tình của tha nhân trong tác phẩm. Từ ca khúc đầu tiên viết năm 1947: Chiều Bâng Khuâng, điệu Blues : « Một chiều bâng khuâng nghe tiếng chuông ngân, theo gió lâng lâng. Trời chiều hoàng hôn sương lam buồn dâng. Một chiều buồn trông mây nước mênh mông, xa thoáng trong sương chập chòn thuyền ai…». tiếp theo là bàì Về Làng Cũ, viết chung với nhạc sĩ Nhật Bằng năm 1949, điệu tango : « Thuyền dần trôi về nơi bến cũ, tiếng sáo ru mơ hồ. Bờ dậu xanh nhìn trong sương đêm mái tranh hiền ấm êm…».
Dòng nhạc tiền chiến đó kéo dài sang thập niên 50, ca khúc: Thời Gian Qua ,điệu Slow moderato viết năm 1953 vẫn êm ả : «Thời gian êm trọi ngày tháng thoát ần..Xuân cứ đi cho hè tới đón thu về trở gió thấm lạnh mùa đông. Bèo theo sóng nước xa vời…»
Nhưng qua đến năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, lời ca của Xuân Lôi đã có chút tình lứa đôi. Ca khúc : Tầm Dương Oán Khúc, điệu Lento Expressivo viếtt năm 1954 :«Thuyền qua Bến Ngự chiều xưa khách lạ tìm thơ vương vấn tiếng tơ. Đêm trăng khách gặp tình cờ nàng ca nhi lái con đò nhẹ buông tiếng hò…»

Đỗ Bình, Xuân Lôi, Lê Mộng Nguyên, Trịnh Hưng, Mạnh Bích

Những ca khúc: Về Bến, điệu very slow, Nhớ Quê Hương, điệu Boston viết năm1955,…Nhạc sĩ đã gởi tâm sự vào ca khúc có một chút gì ray rứt man mác trong ca từ trong giai điệu. Qua đến bài Nhạt Nắng ông viết chung với nhạc sĩ Y Vân vào 02 05 1955 diễn tả chiều quê miền Bắc, nhưng hình ảnh chiều quê có thể thấy khắp nơi trên quê hương. Ca từ của nhạc phẩm là ngôn ngữ chân phương đượm chất thơ mang nhiều hình ảnh đẹp tạo nên một bức tranh quê sống động. Nhạc phẩm viết ở cung rê thứ, nhịp 4/4, hành âm rất chậm, diễn tả điệu giải điệu buồn ray rứt.. Bản nhạc được nhiều ca sĩ trình bày trước năm 1975 ở miền Nam và sau này ở hải ngoại đều thành công, nhưng có lẽ chỉ có nữ danh ca Thanh Thúy trình bày ca khúc này trước năm 75 là tuyệt vời vì được sự hòa âm&phối khí rất tài tình của các nhạc sĩ đều sống trên quê hương nên đã diễn tả hồn của bản nhạc một cách tuyệt vời mà giũ được tính dân nhạc qua bản hể ngũ cung Việt Nam. Giai điệu và chất giọng liêu trai đã đưa người nghe vào một cõi lâng lâng buồn man mác tình quê, nỗi nhớ nhà. 

Từ thập niên 60 trở đi dòng nhạc ở Miền Nam có nhiều thay đổi, chính biến, chiến tranh bắt đầu xảy ra ở khắp nơi. Cuộc sống thôn quê đến thành phố bị tình trạng chiến tranh tác động, con người đứng trước sự mất mát nên sống vội vã. Ngôn ngữ thi ca âm nhạc cũng thay đổi với thời cuộc phản ánh hiện thực nên tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi được ca ngợi, do đó những đề tài dang dở, hội ngộ, tiễn biệt, chia ly đuợc các thi nhạc sĩ đem vào thơ đưa vào ca khúc. Những ca từ trở nên hình tượng ẩn chứa sự tha thiết ủy mi của tâm hồn để diễn tả những cuộc tình trong thời ly loạn không trọn vẹn thành tác phẩm.

Vào một buổi đẹp trời ở Paris, tôi gặp tác giả bài Nhạt Nắng, nhạc sĩ Xuân Lôi vì ông là khách mời trong một buổi sinh hoạt văn hóa do chúng tôi tổ chức. GS,bác sĩ Trần Văn Bảng tức nhà thơ Bằng Vân đã giới thiêu tôi với ông. Kể từ đó nhạc sĩ gia nhập trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris và sinh hoạt cho đến ngày ông từ giã cõi đời. Vào mùa thu năm 1995 nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở Paris cùng nhau đứng ra đã tổ chức cho nhạc sĩ một buổi văn nghệ chủ đề “ Tiếng Hát Quê hương” và ra mắt tập nhạc. 
Để thực hiện chương trình, vào những ngày cuối tuần, anh chị em văn nghệ sĩ lần lượt đến họp mặt và tập dượt thời gian chuẩn bị hơn 6 tháng mới hoàn tất. Ngày ra mắt tại một hội trường trong trung tâm Paris. Khách mời là những người trong giới sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sĩ và một số thân hữu của nhạc sĩ Xuân Lôi, nhưng công chúng biết nên đã rủ nhau đi nghe đến chật cả hành lang, dù hội trường chỉ chứa được 300 chỗ ngồi nhưng khách đã lên đến quá 400! Ban tổ chức vừa mừng vừa lo, mừng vì những người yêu nhạc sĩ Xuân Lôi còn rất nhiều, và lo là lỡ xảy ra hỏa hoạn thì không biết đâu mà lường! 

Đọc xong lời khai mạc lòng tôi bồn chồn đứng ngồi không yên, riêng nhạc sĩ Xuân lôi tôi thấy ông rất an nhiên và trịnh trọng, mặt đầy hân hoan. Một tuần trước đó, ông có nhờ chúng tôi soạn sẵn cho một bài đọc đại ý nói về nỗi lòng người nghệ sĩ với tác phẩm và sự biết ơn của nghệ sĩ đối với công chúng. Vì biết tuổi của nhạc sĩ Xuân Lôi cao nên trước khi đến hội trường tôi có phôn cho ông nhắc đừng quên mang theo bài đọc, nhưng khi gần đến lúc ra sân khấu ông chạy lại tôi bảo là đã quên bài đọc ở nhà. Tôi thoáng lặng người đi! 
Nói ông yên tâm, Rồi đi nhanh qua phòng bên ngồi thảo vội bài mới. Nếu ai đã từng gặp nhạc sĩ Xuân Lôi sẽ thấy ông ít nói, rất từ tốn chậm chạp, và hay cười. Nếu như ông sợ nói năng vụng về nên rất thận trọng và ít nói, thì ngược lại lúc chơi nhạc trông dáng dấp phong cách của ông rất linh hoạt nhanh nhẹn, người lắc lư, uốn lượn đôi khi cúi gập mình xuống rồi vút lên như bay bổng theo tiếng kèn điệu nhạc. Ông chơi thông thạo đủ loại nhạc cụ; Mặc dù tuổi cao nhưng tiếng kèn Saxophone Ténor vẫn còn điêu luyện, trầm bổng dài hơi, phong dộ như thời còn chơi trong các phòng trà Sài Gòn năm xưa. 

Nhạc sĩ Xuân Lôi là một trong số ít nghệ sĩ có lối sống rất mẫu mực ngăn nắp, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, ra đường phải veston cravate, giày bóng, hiếm thấy ông ăn mặc cẩu thả. Đầu tóc luôn gọn ghẽ, cắt xén óng mượt. ông rất tỉ mỉ nắn nót từng chữ khi viết thư cho ai, hoặc tự mình viết những đoạn ký. Chữ của ông rất đẹp ông tự kẻ và viết nhạc trông chẳng khác bản in.
Nói đến nhạc sĩ Xuân Lôi không thể không nhắc đến đức tính đôn hậu, hiền hòa của ông, nhưng ông lại rất khó tính mỗi khi đụng đến âm nhạc. Ông than phiền với tôi về một số người đã “hát sai”, chẳng biết gì solfège mà thích lên sân khấu! Do đó mỗi khi có ca sĩ nào muốn trình bày nhạc phẩm của ông, hay mời ông đi dự buổi văn nghệ, ông đều mời người ca sĩ đó đến nhà để dượt lại bài nhạc đó trước khi trình diễn.. 
Có lần ông chọn tôi cùng hòa nhạc một bản của nhạc sĩ Xuân Tiên, và một lần khác chúng tôi cùng hòa chung Trio với giáo sư, học giả, nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Nói về tính đôn hậu tôi thấy ông ít giận ai lâu, chỉ thoáng rồi quên. Một hôm nhạc sĩ Xuân Lôi phôn cho tôi ông muốn tổ chức sinh nhật thứ 80 của mình, và muốn giới hạn số khách, nên ông đã tự mời một số ít văn nghệ sĩ rất thân đến dự. Khách mời ngoài hai ông bà nhạc sĩ Xuân Lôi& Mộng Ngọc, còn có sự hiện diện của ông bà nhạc sĩ Lê Đô mới ở Việt Nam sang thăm Paris, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Trần Quang Hải, nhạc sĩ Ngân Đoài, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh, nhạc sĩ Nhất Lý, nhạc sĩ Trọng Lễ, nhạc sĩ Maynith, GS, nữ nghệ sĩ Bích Thuận, danh ca Bạch Yến, nghệ sĩ Thúy Hằng, danh ca Thanh Hùng, nhà quay phim Đặng Vũ Chính, họa sĩ Thanh Lý, nhà văn Vân Hải, nhà thơ Bình Thanh Vân, nhà thơ Hoàng Minh Tâm.

Lần khác ông nhờ tôi tổ chức kỷ niệm: Xuân Lôi 65 năm Sinh Hoạt Nghệ Thuật & Mừng Thượng Thọ thứ 85. Địa điểm là một phòng khánh tiết rất khang trang, lộng lẫy nằm trong một cao ốc vùng ngoại ô, cách Paris 5 Km. Cũng như lần trước các văn nghệ sĩ khắp nơi đến dự, cùng với đàn con cháu của ông quy về đông đủ. Nhiều người mang đến những đóa hoa tươi thắm, những chai rượu chúc mừng được đặt quanh một ổ bánh sinh nhật nhiều tầng trông rất đẹp và hấp dẫn do chính con cháu ông thực hiện. 
Những văn nghệ sĩ hiện diện: nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Mạnh Bích và phu nhân Bích Khuê, nhạc sĩ Tâm Bicannou và phu nhân, nhạc sĩ Anh Huy và phu nhân, nhạc sĩ Phạm Đăng và phu nhân, nhạc sĩ Maynith và phu nhân, nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn và phu nhân, nhạc sĩ Xuân Giao và phu nhân ca sĩ Lệ Thanh, nhạc sĩ Nguyẽn Văn Hạnh và phu nhân, nhạc sĩ Xuân Vinh, nhạc sĩ Ngân Đoài, nhà văn Tô Vũ, vợ chồng nhà văn Bình Huyên, nhà văn, nhà biên kịch Văn Bá và phu nhân Sylviane, nhà văn Diễm Thy và phu quân nhà báo Lê Trân, nhà văn Vân Hải và phu quân nhà báo Tôn Thất Vinh, nhà thơ Phương Du và phu nhân, nhà thơ Thiên Định, nhà thơ Hoàng Minh Tâm, nhà báo Ngọc Khôi , nữ nghệ sĩ Bích Thuận và phu quân Émile Hiếu, nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp và phu nhân, họa sĩ Vĩnh Ấn, họa sĩ Việt Hồ, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, danh ca Cao Thái, danh ca Thanh Hùng, ca sĩ Phạm Đức, ca sĩ Pauline Ngọc, nhiếp ảnh gia Huỳnh Tâm, nhà hoạt động xã hội Thy Như và phu quân, nhà quay phim Đặng Vũ Chính, đạo diễn Trần Song Thu, giáo sư Võ Thu Tịnh, giáo sư Phạm Thị Nhung, giáo sư Nguyễn Thị Hoàng, giáo sư Trần Văn Quới và phu nhân, giáo sư Phạm Văn Thoại và phu nhân Tường Loan, ÔB bác sĩ Đỗ Ngọc Giao, tiến sĩ Trần Huy Ngọc Hoa, nhà thơ Đỗ Bình và phu nhân nghệ sĩ Thúy Hằng..vv.. 

Trong chương trình văn nghệ ngoài những bài hát của Xuân Lôi do các ca sĩ hiện diện trình bày, còn có sự phụ diễn múa của nhóm Nguyệt san Ngày Mới, nhóm Phượng Ca Dân Nhạc của Gs Phương Oanh, và nhóm Thanh Thiếu Niên Miền Bắc Paris. Ông Nguyễn Như Giác phụ trách phần nghi lễ mừng thượng thọ. Ông bà Xuân Lôi Mộng Ngọc rất cảm động vui sướng và chỉ thốt được hai chữ cảm ơn phát từ đáy lòng cùng bằng hữu và con cháu. Để chung vui nhạc sĩ Xuân Lôi biểu diễn kèn Saxophone và trình diễn đàn Xuân Lôiphone do chính ông sang chế. Đây là một loại đàn ghép nột số những lon sắt gồm 39 nốt chia thành 3 hàngxếp theo thang âm ngũ cung. Khi xử dụng dùng hai đũa nhạc gõ trên mặt lon.Đàn có thể trình tấu được nhiều loại nhạc qua các thể điệu, từ chậm đến nhanh, và có thể vuốt như lướt trên phím dương cầm….Một công trình nghệ thuật đã được công nhận và trưng bày ở viện bảo tàng Nhân Chủng (Museé de L’home).


Nhạc sĩ Xuân Lôi  cùng với ban nhạc Xuân Giao

Sau buổi nhạc ấy nhạc sĩ Xuân Lôi đã ngỏ ý cùng tôi là ông muốn viết cuốn hồi ký văn nghệ về cuộc đời ông. Tôi bằng lòng và hai tháng sau ông mời tôi lên và trao bản thảo viết tay rất sạch sẽ và rõ ràng. Tôi đem về đọc và sau hai tuần lễ tôi đến gặp ông và đưa ra ý kiến. Tôi biết ông quen quá nhiều người trong giới sinh hoạt văn hóa, nhất là đối với những văn nghệ sĩ cùng thời với ông, những người mở đầu cho nền Tân Nhạc VN Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Thẩm Oánh, Văn Chung, Doãn Mẫn, Đan Trường, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Văn Cao, Hoàng Qúy, Nguyễn Đình Phúc, Tử Phác, Lương Ngọc Châu, Nguyễn Thiện Tơ… và nhóm Tự Lực Văn Đàn… nên cuốn hồi ký sẽ vô cùng phong phú, rất hữu ích cho những ai muốn có thêm tư liệu để viết biên khảo sau này. 

Do đó cuốn sách phải được in ấn đàng hoàng, có bề dầy để chứa đủ những bằng hữu mà một thời ông đã từng gặp gỡ, quen biết. Để tiến hành cho việc viét hồi ký tôi thường xuyên lên nhà nhạc sĩ Xuân Lôi, hoặc phôn để nghe ông nói. Tôi cố gấp rút vì sợ tuổi ông không thể kéo dài được với thời gian! Những điều mà nhạc sĩ Xuân Lôi kể cho tôi nghe về những khuôn mặt văn nghệ sĩ từng vang bóng thời tiền chiến cũng như đương đại, đó là những điều thật mới lạtôi chưa bao giờ được biết hay thấy trong sách. Những chuyện rất đời thường nhưng lại rất kỳ thú, độc đáo về những bằng hữu mà bấy lâu ông chẳng nói. 

Thật là uổng phí nếu những điểm son đó không được người đời nhắc lại, vì số người biết họ nay còn quá ít trên cõi dời! Do đó tôi náo nức bảo ông viết lại nhữngđiều ông kể. Mặc dù ông đã viết lại và bổ túc, so với bản thảo ban đầu có khá hơn nhiều, nhưng ông không phải là nhà văn, chưa kể tuổi đời quá cao, nên việc ghi lại ký ức diễn tả qua ngòi bút lại càng khó hơn! Hai năm chót ông bị bệnh thường xuyên, thêm vào đó là căn bệnh hoại huyết nhưng ông rất can đảm không hé răng nên bằng hữu chẳng một ai biết, ngoại trừ gia đình. Có lẽ căn bệnh ngày càng trầm trọng, nên gia đình ông rút ngắn lại lịch trình thục hiện tập hồi ký như mong muốn, chạy đua với thời gian để cuốn hồi ký bằng mọi giá phải có trước khi ông lìa đời. 

Nhạc sĩ gọi tôi để thông báo gởi trả tất cả những chi phiếu của bằng hữu giúp ông trong việc in ấn, ông cho biết gia đình ông sẽ lo hết chuyện này. Và cuốn hồi ký đã được gởi sang Canada in, sau khi in xong sẽ ra mắt ở Paris để tặng bằng hữu mà không bán. Dù ông muốn ghi thêm những chi tiếtđộc đáo về những năm tháng sinh hoạt của ông với bằng hũu, nhưng vì tuổi già bệnh tật nên “lực bất tong tâm ”! Con cháu ông đã thực hiện tập hồi ký nhanh để làm món quà tinh thần tặng ông trước khi ông giã từ tất tả. Trong lúc nhạc sĩ Xuân Lôi còn sinh thời tôi thường nghe ông kể chuyện văn nghệ và nhắc nhiều những người ông qúy, trongđó có người em của ông là nhạc sĩ Xuân Tiên. Có thể nói trong bất cứ buổi văn nghệ dù trình diễn trên sân khấu hay sinh hoạt trong vòng thân hữu ở Paris suốt thời gian qua, ông đều trình tấu ít nhất một lần về nhạc của Xuân Tiên. 

Dù là người ngoại đạo, nhạc sĩ Xuân Lôi được Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris đã tổ chức ra mắt cuốn hồi ký của nhạc sĩ Xuân Lôi. Vị giám đốc thư viện là một linh mục, đồng thời cũng là một nhà thơ có bút hiệu Cung Chi. Mở đầu, giáo sư TS Lê Đình Thông nói về: «Mục đích của thư viện, và Những nhà văn đầu tiên Công Giáo viết văn bằng chữ quốc ngữ ». Tiếp theo nhà thơ Cung Chi đã nói về Ý nghĩa buổi ra mắt sách và trân trọng giới thiệu vài nét về nhạc sĩ Xuân Lôi. Kế đến GS TS Lê Mộng Nguyên đi sâu vào Quá trình những sinh hoạt nghệ thuật của nhạc sĩ Xuân lôi. Khách tham dự rất dông, chật cả nhà thờ. Riêng tôi được phụ trách tổng quát mời các diễn gỉa và nhắc các nghệ sĩ trước khi trình diễn. Hôm ấy tôi thấy ông vui sướng vì đã toại nguyện.

Những văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng đến với Nhạc sĩ Xuân Lôi và nay cũng đã gĩa từ cuộc đời về cõi vĩnh hằng: Nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, nhạc sĩ Michel Mỹ, nhạc sĩ Đan Trường, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Lê Đô, nhạc sĩ Mạnh Bích, nhạc sĩ Anh Việt Thanh, nhạc sĩ Xuân Vinh, nhạc sĩ Vũ Thái Hòa, nhạc sĩ Jules Tâm Bicannou, nhạc sĩ Trọng Lễ, danh ca Thanh Hùng, họa sĩ Vĩnh Ấn, họa sĩ Việt Hồ, Nhà thơ Bằng Vân GS Trần Văn Bảng, nhà biên khảo GS Võ Thu Tịnh, nhà biên khảo Lương Giang Phạm Trọng Nhân, nhà biên khảo Bùi Sỹ Thành, học giả GS Thái Văn Kiểm, nhà thơ,BS Nguyễn Văn Ba, nhà thơ Vân Uyên GS Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Phương Du BS Nguynễn Bá Hậu, nhà văn Tô Vũ, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, nữ sĩ Liên Trang Phạm thị Ngoạn, nữ sĩ Bình Thanh Vân, nữ sĩ Hoàng Minh Tâm, nhà thơ Thanh Tuệ Trương Phú, nhà thơ Phượng Linh Đỗ Quang Trị, nhà thơ Vũ Nguyên Bích, điêu khắc gia Anh Trần.

Đối với người nghệ sĩ, ước mơ lớn nhất của đời họ là để lại cho đời dăm ba tác phẩm. Nếu mai sau tác giả và tác phẩm có đi vào quên lãng thì người nghệ sĩ dù ở một chốn xa xôi nào đó chắc sẽ vui, vì đã có lần họ rong chơi cõi đời và đem hết cảm xúc của tâm hồn dệt cho thế nhân nhữngđóa hoa lòng muôn sắc./.

Đỗ Bình


Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Thơ Tranh: Đón Thu


Thơ: Minh Nguyệt
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thu Cảm



Thương trọn mùa thu trong mắt ai
Tháng năm trăn trở nỗi u hoài.
Bao mùa lá rụng:người song cửa
Mấy bận thu tàn:kẻ bóng mây.
Khói tỏa sương che mờ phố cũ
Mưa giăng mây phủ khuất trăng gầy.
Người ơi từ độ ra đi ấy
Thương nhớ làm sao nước mắt đầy!

Hàn Thiên Lương

Thu Về Trên Đất Khách



Thu về rồi đó phải không Thu?
Heo may than thở tiếng vi vu
Mây trắng lang thang, tan rồi hợp
Trăng vàng lơ lửng, tỏ rồi lu.

Lá Thu rơi ngập đường lữ thứ
Hình bóng quê hương vẫn mịt mù
Lần tay đếm lại ngày xa xứ
Thu nầy đến nữa, mấy mươi Thu.

Thu đã về rồi lữ khách ơi
Mưa Thu giăng mắc cuối chân trời
Gió Thu lành lạnh ngoài song cửa
Lá úa lìa cành lác đác rơi.

Chờ đợi mõi mòn trên đất khách
Ngày về cố quốc quá xa xôi
Nhiều đêm thao thức trên gác trọ
Nhớ về quê Mẹ quá Thu ơi !

Trần Gò Công/ Lão Mã Sơn

Gọi Gió


Khi gặp em ngày anh không còn tuổi
Mơ tình riêng trong một chuỗi mộng đời
Nên yêu em cũng chỉ trong thơ thôi
Bởi tình thơ là tình yêu tuyệt nhất

Tình như thế có gì đâu tất bật
Cứ nhẩn nha vì đời nhẩn nha rồi
Thực hay hư anh vẫn phải xa rồi
Vì đường ấy là đường chung rất rõ

Anh gọi em hay gọi tình trong gió
Vì thời gian mong ước đã muộn màng
Bao mùa về thao thức thuở xuân sang
Tìm về Chúa hay nơi nào xa lạ

Người dấu tích mực đời nào bôi xoá
Chuyện vàng son ân nghĩa cũng vuông vần
Cuộc tình nào sớm muộn cũng băn khoăn
Đêm khuya khoắt trở trăn ngày phiền muộn

Âu cũng chỉ là tình đời đưa đón
Anh yêu em như yêu ánh mặt trời
Anh làm thơ khi tim loạn chơi vơi
Thì những tiếng thơ về thêm huyền diệu

Tâm tư ấy chẳng có gì khó hiểu
Đối với anh em là ánh trăng ngà
Dẫn đường thơ anh sáng tựa sao hoa
Tạ ơn em tình xa mà lưu luyến

Anh có đi thì tình cũng không đến
Nên chi lời hò hẹn chỉ qua lòng
Mình cùng nhau giữ vẹn tiếng đẹp chung
Để hồn thơ mỗi ngày thêm mỗi sáng.

Hoa Văn
Thi tập “Dòng Thơ Cho Em”

Quê Người



Buổi sáng bình minh chim líu lo,
Cuối tuần chăn ấm cứ nằm khò.
Trồng hoa tưới cỏ cần chi vội
Làm thơ đọc sách thú trời cho.

Bâng khuâng nhớ lại lúc rời nhà
Đêm khuya đường vắng,bến tàu xa
Biển cả mênh mông nhiều nguy hiểm,
Quê người cư ngụ bao năm qua.

Ngày 29/12/14
Ngọc Hạnh

Lẽ Nào


Lẽ nào tình đến rồi đi
Cánh chim biền biệt, thiên đi phương nào
Cuối đời hồn chợt lao xao
Chập chờn ký ức dạt dào mộng mơ
Xa xôi tay ấm tình thơ
Tìm trong nỗi nhớ bến bờ yêu thương.

Lẽ nào ...tơ rối còn vương
Nắng mưa dầu dãi, phong sương tóc mềm
Đêm nằm tiếc nuối tay êm
Vầng trăng nghiêng bóng bên thềm hoang sơ
Ngày xưa buồn chợt vu vơ
Vẽ trang giấy trắng chút vờ vĩnh yêu.

Lẽ nào chiếc bóng hắt hiu
Mùa thu vàng áo tiêu điều tâm tư
Xin người đừng nói tạ từ
Cho lòng vẫn ngỡ tình như suối ngàn
Tóc dài óng mượt vai ngoan
Vòng tay khắn khít trần gian phiêu bồng.

Đỗ Thị Minh Giang
9-17

Ngày Tựu Trường Của Khôi Các


Sau khi vị hiệu trưởng của trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh đã nghĩ hưu vào năm vừa qua, năm nay trường sáp nhập vào trường tiểu học Thiềng Đức, ngôi trường gần cầu kè, vị hiệu trưởng trường Thiềng Đức trông coi luôn trường NCT và sáp nhập chung tên thành trường tiểu học Thiềng Đức cơ sở 2.


Lể tựu trường năm nay vào sáng ngày 05-09-2018, trùng ngày khai trường bên trời tây “ nước Pháp “, được diễn ra nơi trường Thiềng Đức chánh, buổi chiều học sinh được vào lớp học tiếp. Năm nay cháu lên lớp 3, lớp cháu trên lầu 1, ngày trước là lớp ba 2, vì chỉ có 2 lớp ba, năm nay do đã được sáp nhập nên có tên lớp ba 5, như vậy có lẽ hiện thời trường có năm lớp ba.


Khi cháu chưa nhập học, theo ý cũ của tôi, sáng ngày tựu trường sẽ vào trường ghi lại ngày cháu nhập học, ý chánh là muốn ghi lại suốt những năm học tiểu học của cháu, nhưng do sáp nhập trường, thành chỉ ghi cháu vào lớp cùng thầy chủ nhiệm của cháu mà thôi.
Kỷ niệm năm thứ ba cháu học tiểu học.

Trương Văn Phú
Vĩnh Long 2018

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Thơ Tranh: Vết Mòn


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh



Vết Mòn...



Xướng:
Vết Mòn...


Mòn chân lần theo dấu cát
Biển ru tình về gió mát đi rong
Tóc mai rải hương lối mộng
Gởi đến người trời lộng ngàn mây
Nếm men trăng mật vị cay
̣Đất trời say quắt lăn quay sóng gào
Âm u khúc ngậm ngùi đau
Xoay đời bạc bẽo nghêu ngao cuộc tình
Sương khuya vội vã buông mình
Bão lòng phủ cát chôn linh hồn gầy
Bên bờ vực thẳm lung lay
Người đi tìm vết có hay dấu mòn?!

Kim Oanh
***
Các Bài Họa : Dấu Mòn

 (Từ thơ tranh Vết Mòn - Kim Oanh)

Chân trần tìm theo vết cát
Sóng ba đào vang dội mát rêu rong
Tóc ai ngát hương giấc mộng
Khiến lặng người lồng lộng chòm mây
Lại men trăng mật đắng cay
Cớ sao say rượu cuồng quay gió gào
Âm thầm vị ngọt bùi đau
Đời nay trắng đổi đen mau phụ tình
Sương đêm lạnh lẽo quanh mình
Không ngờ bão cát phủ nhanh thân gầy
Bên ni bãi biển lắc lay
Ai đi dò vết biết đây dấu mòn ?!


Mai Xuân Thanh
Ngày 12/09/2018
***
Chuyện Tình Yêu

Chuyện yêu đương ôi bãi cát
Khi nộ cuồng rồi dịu mát tình rong
Ngỡ như đắm chìm trong mộng
Lúc chơi vơi như gió lộng vờn mây
Ngọt ngào phảng phất hương cay
Đang vui lại bỗng cuồng quay kêu gào
Trong hạnh phúc lẫn niềm đau
Nhưng đời đâu mấy ai ngao ngán tình
Khi yêu nhiều lúc quên mình
Cây si lắm kẻ thân nhanh hao gầy
Sóng gờn nguyệt khuyết lung lay
Muốn quên tình lỡ nào hay chẳng mòn.

Quên Đi
***
Hương Thu Ngát Mộng


Bốn phương trời mù mịt cát
Tìm đâu lối nhỏ trong mát chơi rong
Định về ủ thơ hoa mộng
Thấy em e ấp gió lộng trời mây
Rượu tình chưa nhạt men cay
Đầu mùa cốm ngát hương bay nhạc gào
Làm sao lấp được niềm đau
Như loài nhuyễn thể thân ngao sóng tình
Chim khuyên hót tặng chúng mình
Những lời mật ngọt hiển linh cúc gầy
Thế rồi mộng mị lộng lay
Tỉnh ra buồn thấm vương bay tuổi mòn ...

Hawthorne
 12 - 9 - 2018
Cao Mỵ Nhân

Lẻ Đôi - Lời Trần Tình Của Đôi Dép



Bài Xướng:

Lẻ Đôi


Đành lòng dứt dép lìa đôi
Sao nghe nằng nặng bồi hồi tâm tư
Tình chung thôi đã hình như...
Không duyên chẳng nợ chần chừ nữa chi
Ngậm ngùi dõi bước chân đi
Lẻ đôi khập khiễng xuân thì dáng xưa
Ngoài trời nặng hạt đổ mưa!

Kim Phượng
***
Bài Cảm Tác:

Lời Trần Tình Của Đôi Dép

Ai đành để dép lẻ đôi?
Dù nay quai đứt, gót đời suy tư
Chung tình từ thuở...dường như...
Mới sinh một Mẹ, bây chừ còn chi!
Chiếc nầy lê lết bước đi
Chiếc kia mòn đế, còn gì bóng xưa
Bùn sình lầy lội dưới mưa
Dép tôi cam phận...vẫn chưa tách rời
Xin thương đừng để lẻ đôi

Song Quang


Ma Có Hay Không


Hồi xưa tới giờ những câu chuyện nói về thế giới huyền bí nhiều vô số kể, không phải chỉ ở nước ta mới có, mà hầu như trên toàn thế giới chỗ nào cũng có. Sách vở, truyện, phim tiểu thuyết hay ngay trong trường Đại Học người ta cũng lập ra môn Thần Học để nghiên cứu tìm hiểu về những vấn đề kỳ bí. Nhưng kết quả chỉ là một dấu hỏi khổng lồ. Chưa ai có thể khẳng định có hay là không, cái "thằng ma hoặc con ma".
Trong đời chúng ta chắc ai cũng có nghe kể chuyện ma, xem phim ma, hay là đọc sách nói về ma hết rồi, không ít thì cũng nhiều, tôi không sưu tầm hay viết lại mấy vụ đó. Chỉ xin hỏi các bạn có ai tận mắt mình nhìn thấy ma chưa? Hay chỉ nghe thiên hạ kể lại như tôi sắp làm đây...

Ở thành phố hình như là không có ma, chắc là do máy móc, điện từ, xe cộ dập dìu làm bọn chúng teo hết, không dám sống nên bồng bế nhau về thôn quê lập căn cứ mà ở, vì vậy dân quê thường hay bị ma nhát...
Ba tôi không tin chuyện ma quỷ nên không có những câu chuyện ly kỳ nào kể lại cho chúng tôi nghe; nhưng chú Út, ba thằng Tài thì biết nhiều lắm. Anh em tụi tôi lâu lâu cũng qua nhà nó nghe ổng kể. Lần nào nghe xong cũng sợ phát run, nhưng mấy đứa em gái tôi càng sợ chúng càng muốn nghe kể, mới chết một cửa tứ.
Hồi nhỏ tôi đâu có dám hỏi:
- Chú có thấy tận mặt con ma lần nào hông? Hay là chỉ nghe người ta kể lại như chú đang kể chuyện bây giờ?
Nhưng mà chú Út kể chuyện y như là chú chứng kiến, hoặc là người trong cuộc vậy.

Hồi ba tôi mới lên bờ cất nhà ở, chú thường dắt ba tôi đi soi ếch. Mưa đầu mùa lủ ếch hay bắt cặp với nhau, từ nửa khuya cho tới sáng, người nông dân nghe tiếng ếch kêu thì mò mẫm trong bóng tối đến gần nó rồi đốt đèn khí đá lên, con ếch bị ánh sáng làm chóa mắt nằm yên một chổ, chỉ cần thộp cổ chúng, bỏ vô giỏ có nắp đậy là xong. 
Người nghèo không sắm nổi đèn khí đá thì dùng đèn bánh ú. Đèn bánh ú khó soi ếch hơn, phần vì ánh sáng yếu ớt nên con ếch không bị chóa mắt nghe tiếng động ếch có thể nhảy đi. Phần vùng ánh sáng của đèn bánh ú quá nhỏ không thấy được xa, ếch nhảy đi dễ bị mất dấu không chụp bắt được. Thế cho nên nghèo cái gì cũng dở hơn người ta.

Hôm đó mưa suốt cả buổi chiều, trời vừa sụp tối ba tôi sang rủ chú Út đi soi ếch, vì ngoài đồng ếch cái, ếch đực đã bắt đầu kêu "quệt, quệt" gọi nhau liên tục rồi. 
Chú trả lời:
- Chưa đi được đâu anh Hai. Giờ nầy còn sớm lắm. Tụi ếch chỉ mới gọi tìm nhau mà thôi, khuya khuya một chút tụi nó mới mùi mẫn, mê mồi với nhau, mình ra chỉ việc lượm bỏ vô giỏ đem về thôi hè.
Nhà thằng Tài với nhà tôi cùng nghèo giống nhau nên hai ông già tụi tôi soi ếch bằng đèn cóc, vì vậy cho nên đêm nào cũng ít hơn người ta. Chỉ bắt được mấy cặp ếch mê mồi, quên trời, quên đất mà thôi. Đi được ít lần ba tôi quyết định mượn tiền mua cây đèn khí đá mà soi ếch. Chú Út lại phải lẻ loi, đi một mình bằng đèn dầu. 
Khi nào có mưa nhiều, ba tôi cũng đều soi được nhiều ếch hơn chú Út. Có lẻ thấy đệ tử mình bắt được nhiều ếch quá, chú Út quyết định đêm nay sẽ vô vuông Tư Xệ mà soi ếch. Cái vuông nầy nghe nói có ma...

Chú Út có lần kể rằng:
Ông Hai Cà Ròn lúc trước vô vuông Tư Xệ soi cá, vì tiếng đồn có ma nên ít ai dám vô, cá nhiều vô số, ông ta vừa chụp dính con cá lóc bằng cổ chân trong cái nôm, chưa kịp thò tay vô bắt thì nghe sau lưng có tiếng chân lội nước lỏm bỏm, ông quay lại nhìn thì ra là một cô gái. 
Đầu trên xóm dưới, kinh ba, kinh tư, thông thường người ta ở quê đều biết mặt nhau hết, không sót một ai. Thấy cô gái lạ mặt ông Hai thắc mắc hỏi:
- Cô ở khúc nào mà tui hỏng biết mặt vậy?
Cô gái cười duyên:
- Dạ em ở dưới Thứ, sống trong vùng nước mặn cực khổ quá chời, nên mới dời nhà lên vùng nước ngọt ở thử, coi có sướng hơn chút nào hông. Em đang ở chên bờ kinh tư ngang đây nè.
Ông Hai Cà Ròn có máu 35 thấy con gái là híp mắt đâu còn nhớ gì nữa.
Bờ kinh tư ngang vuông Tư Xệ là khu mã lạn, không có ai dám cất trại ruộng ở đó để nghỉ mát, nói chi là cất nhà để ở.
Trước đây mấy năm Tư Xệ đào cái vuông rồi cất nhà ở ngang đó, nuôi trâu, nuôi gà, nuôi vịt ỳ xèo, nhưng nghe đâu thằng con trai lớn có lần bị ma dấu trong bụi tre gai, nhét đất sét đầy miệng, sáng hôm sau tìm được thằng nhỏ, nó cứ lơ tơ mơ như là bị tửng tửng cho tới bây giờ. Bởi vậy Tư Xệ phải dời nhà xuống bờ sáng ở luôn, bỏ cái vuông hoang tàn cho tới nay.
Cô gái lại nói:
- Em không có nôm để soi cá, hay là anh đưa giỏ cá đây em quảy dùm cho. Soi xong, thí cho em ít con là được gồi.
Hai Cà Ròn hớn hở, mở cở trong bụng chịu liền. Ông ta lột giỏ cá xuống đưa qua cho người đẹp:
- Cô quảy đi, tui soi một hồi rồi theo vô nhà cô, tui chia cho cô một nửa. Tự nãy giờ vướng cái giỏ cá nầy nên nôm cá hụt hoài.
Hai Cà Ròn cặp mắt thì nhìn xuống nước, bước từng bước nhẹ nhàng tìm cá mà nôm. Nhưng trong lòng thì đang nghĩ cách làm sao chôm cho được người đẹp...
Đi một hồi ông nghe sau lưng mình có tiếng "rạo, rạo" như ai đang nhai vật gì. Ông ta cũng thuộc loại gan lì nên mới dám vô vuông Tư Xệ mà soi cá, vì vậy ông ta cười hỏi cô gái:
- Cô ăn thứ gì mà nhai gạo, gạo, nghe ớn lạnh cái xương sống vậy?
- Ăn cá, chứ còn có giống gì khác nữa đâu mà hỏi?
Hai Cà Ròn rùn mình nhưng cũng bạo gan hỏi lại:
- Cô là người chứ có phải ma đâu mà nhai cá sống?
- Sao biết tui là người hả?
Hai Cà Ròn hồn vía lên mây, quay người lại thì thấy cô gái với khuôn mặt đẹp khi nảy, giờ đây tóc dài xỏa xuống lòng thòng, hai cái răng nanh nhọn hoắt máu me đầy miệng, hai tay còn cầm hai con cá lóc mất đầu...
Ông ta la lớn :
- Ma! Trời ơi! Ma. 
Rồi quăng luôn cái nôm chạy bán sống bán chết ra khỏi vuông Tư Xệ... Thiệt đúng là chạy mất nôm mà.

Mười giờ tối ếch bắt cặp kêu inh ỏi, những ánh đèn cóc, đèn khí đá bắt đầu chớp, nhá khắp nơi. Chú Út quyết định đêm nay sẽ vô vuông Tư Xệ bắt ếch, phải soi nhiều hơn người đệ tử của mình với cây đèn "hiện đại" mới được. 
Chú vừa đi phụp vô trong vuông là đã nghe tiếng ếch kêu vang dội tứ phía, những con ếch đang bắt bồ với nhau từng cặp, từng cặp lềnh khênh nhiều vô số kể. Chú mừng rân trong bụng, chụp lia, chụp lịa, hết con nầy tới con kia liên tục mà vẫn không kịp. 
Chú vui quá cở nhủ thầm "đêm nay trúng mánh lớn rồi. Vậy là mua luôn một lượt hai cây đèn khí đá cũng còn được". Chú chụp hoài cho tới khi quảy hết nổi mới thôi.
Trên đường về chú vô cùng vui vẻ, lâu lâu quay người lại nhì thành quả gan dạ của mình, mấy con ếch bự tổ chảng đang chen lấn trong cái giỏ tre của chú.
Chú Út nghĩ thầm trong bụng "chắc là người ta đồn có ma để không ai dám vô vuông, rồi họ vô một mình hốt trọn ổ chứ gì"
Về tới nhà chú cẩn thận lấy đồ nặng dằn lên miệng giỏ ếch để cho nó khỏi nhảy ra ngoài...
Gần sáng thím Út thức sớm định mang giỏ ếch đi bán. Nhưng mà... Ếch đâu không thấy thím chỉ thấy trong giỏ toàn là đất cục không thôi...
Sáng hôm sau nghe chú kể lại câu chuyện đó, bà con lối xóm người nào cũng nói:
- Thấy hông? Đã nói rồi mà. Vuông Tư Xệ có ma mà hỏng chịu tin. Bây giờ còn dám vô nữa thôi?
Ba tôi thì cười cười nói với tôi:
- Chắc chú Út con đêm rồi soi ếch thất nữa nên làm bộ lượm đất cục bỏ vô giỏ cho đầy để đở mắc cở, rồi đổ thừa là ma nhát. Chứ thời buổi nầy làm gì có ma. Ba không tin đâu.

Chuyện thật hư chỉ có một mình chú Út biết mà thôi. Nhưng mà chú đâu có chịu nói ra. Vậy cho nên câu hỏi vẫn còn nguyên đó: "Có hay không có ma". Ai mà biết được...

Lanh Nguyễn

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Thơ Tranh: Bóng Hoàng Hôn


Thơ: Phan Tự Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mưa Buồn



Trời đổ cơn mưa chẳng bởi vì anh
Chỉ bởi duyên nào thương em đứng cạnh
Mưa Sài Gòn chợt cũng làm ướt áo
Em co ro thu mình trong sương lạnh

Bởi lúc buồn đời chịu nhiều đau khổ
Ngoài mưa gió nhìn em thương cảnh ngộ
Buổi chiều tà bóng ngã tối sụp dần
Về đâu em thân gái giữa thành đô

Mưa Sài Gòn chợt làm rơi nước mắt
Chạnh lòng ai rưng rưng trên gương mặt
Giọt mưa rơi tưởng chừng giòng lệ ướt
Ánh đèn mờ nghe đâu xa tiếng vạc

Mưa Sài Gòn còn đâu ngày tháng cũ
Của tương tư vần thơ tình ấp ủ
Con đường hàng me có lắm uyên ương
Sân trường đại học từng cặp vu vơ

Anh về đây sống lại tuổi sinh viên
Mưa Sài Gòn còn mãi bao nỗi niềm
Chợt đành thôi vì em cùng bên cạnh
Mình trú mưa núp bóng đợi thời gian

Hải Rừng
21/8/2016

Thuyền Tình (Phần 1)



Xướng: Thuyền Tình 

Hoàng hôn lặng bóng ngả qua đây
Dạo bước ven sông nắng phủ đầy
Nước cuốn mưa rơi về chốn ấy
Mây trôi gió thổi đến nơi này
Ta còn luyến nhớ tình xưa thắm
Người cứ yêu hoài mộng cũ lay
Mỏi gối chồn chân quay trở lại
Thuyền tình bến đợi xót xa thay...

Tuyết Phan
***

Các Bài Họa:
Suối Tình

Nắng vàng đang ngả bóng chiều đây
Sinh hoạt một ngày cũng bớt đầy
Trả lại không trung bầu tĩnh lặng
Bù vào nhân thế dịu im này
Màn đêm buông xuống màu đen tối
Chuổi sáng ánh đèn lan toã lay
Giao động lòng người nhiều bức xúc
Suối nguồn tình cảm dạt dào thay!


Minh-Hồ
04.09.2018
***
Lụy Tình
( Nhất thủ thanh )

Còn nghe hương thoảng ở đâu đây
Còn thấy dấu chân giẫm cỏ đầy
Còn mộng kề vai trên lối ấy
Còn mơ sánh bước trước hiên này
Còn xao xuyến nhớ làn môi hé
Còn thẫn thờ say mái tóc lay
Còn thiết tha chờ người trở gót
Còn ngơ ngẩn mãi...lạ lùng thay !

Sông Thu
(04/09/2018 )
***
Vấn Vương

Ngại hỏi khi nào đó nhớ đây?
Canh khuya trở giấc mộng giăng đầy
Biên thư ý tỏ chờ phương đấy
Nhắn bậu tình trao hiểu dạ này
Dáng vẻ yêu kiều mơ nghĩa đượm
Nụ cười ấm áp gợi hồn lay
Chăn đơn gối lẻ hoài vương vấn!
Thệ ước bao điều khó đổi thay!

Như Thu
***
Thuyền Tình Đứt Đoạn


Nửa đời phận bạc dứt tình đây,
Cuộc sống anh luôn vướng mắc đầy(*)
Kẻ ở lo nuôi đàn trẻ dại (6 đứa)
Người đi thầm lặng biết gì này ?
Tình ta đứt đoạn từ năm ấy (1989)
Cảm mến ghi lòng chẳng lắc lay.
Tứ đức,tam tòng lo giữ vẹn,
Nhớ hồi dĩ vãng thấy buồn thay.!!

Thanh Khang
Toronto 4-9-2018
(*)Anh đi cải tạo hơn 12 năm,khi về ung thư gan nặng rồi chết
***
Vườn Xưa

Dấu hài trên cỏ vẫn còn đây,
Đâu tá cố nhân nhớ ngập đầy.
Ngây ngất hồn ai trong mắt ấy,
Say sưa suối tóc dưới trăng nầy.
Cỏ cây im ắng sương khuya đọng,
Tơ liễu chập chờn bóng nguyệt lay.
Đất khách mơ màng bao mộng đẹp,
Vườn xưa thui thủi lạnh lùng thay !

Lê Mai
***
Chiều Thu Say


Có phải Thu về khắp đó đây
Vàng phai lá rụng vướng chân đầy
Vầng mây tím nhạt bay trời tít
Vạt nắng hồng tơ trải cỏ nầy
Ngọn Trúc là đà xuôi gió thổi
Hoa Hường lảo đảo bám cành lay
Chiều ơi dịu vợi hồn ngây ngất
Cảm tác đôi dòng , thích lắm thay

Minh Thuý
4 tháng 9 _2018
***
Sóng Lòng

Đêm về phố nhỏ rộn âm đây
Với cảnh âu lo nỗi khổ đầy
Phiến lá rơi lìa bay vạn dặm
Chòm mây bạc trắng phủ trang nầy
Người gìn kỷ niệm lưu thơ cũ
Kẻ lái thuyền tình rẽ lối lay...
Bão táp phong ba chân đó mỏi
Gió đùa, lại trở, xót lòng thay

Đặng Xuân Linh
***
Họa Khúc Thuyền Tình

Thuyền tình, thơ hỡi, cái chi đây
Riêng chở sương đêm đã muốn đầy.
Gió đẩy trăng mờ len kẽ đó
Mây đưa chiều tím nhét khe này.
Người đi vô tứ niêm lơi lỏng
Kẻ ở hữu vần đối lắt lay.
Suối nhớ sông mong dòng chữ dạo
Sầu dài ngày ngắn khó ngâm thay !

Trần Như Tùng
***
Vương Vấn Tình Thu

Vương vấn tình Thu ở chốn nầy
Khi mà vàng lá sắp rơi đây !
Đầu thu mây xám trôi lơ lững
Cuối hạ rừng phong ngọn lắc lay
Cơn gió thoảng qua cành bở ngỡ
Làn sương che kín mảnh trăng đầy
Thiên nhiên cảnh đẹp hồn ngơ ngẩn
Ngắm mãi trong lòng thán phục thay !

Songquang
9/5/18


Thuyền Tình (Phần 2)



Xướng: Thuyền Tình 

Hoàng hôn lặng bóng ngả qua đây
Dạo bước ven sông nắng phủ đầy
Nước cuốn mưa rơi về chốn ấy 
Mây trôi gió thổi đến nơi này
Ta còn luyến nhớ tình xưa thắm
Người cứ yêu hoài mộng cũ lay
Mỏi gối chồn chân quay trở lại
Thuyền tình bến đợi xót xa thay...

Tuyết Phan
***

Các Bài Họa:

Thuyền Tình

Một chiếc thuyền tình chở nặng đây,
Bến bờ duyên cũ nhớ thương đầy...
Buồm vương nghĩa ái từ phương ấy: 
Khách giữ thề ân đến chốn này...
Lắm lúc trăng hoa lòng ngọc thắm:
Bồi hồi sóng gió mộng vàng lay...
Hững hờ khoang, lá buồn quay lại,
Người của năm nào đã đổi thay!?...

Sỹ Bình
***
Thương Hoài Một Thuở
Lặng bóng chiều hôm ở lối đây
Sông quê mưa nắng mãi vơi đầy
Hồn mơ dáng cũ chung đường ấy
Dạ nhớ bờ xưa dạo nẽo này
Chút nghĩa còn vương tình nguyệt thắm
Tấc lòng mãi vấn ý sương lay
Thương cho một thuở hoài lưu luyến
Kẻ ở mong vời thấm thía thay

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm 
6.9.2018
***
Bến Cũ

Bến cũ,xưa thuyền vẫn đợi đây
Chừ nghe gió sóng giữa vơi đầy
Bờ sông lãng thủy về xa ngái
Vách núi phù vân rợp chốn này
Mấy liếp cải vàng hoa đã rụng
Đôi làn thu biếc nắng còn lay
Lẻ loi cánh vạc hoàng hôn trắng
Mịt bóng sương mù,lạnh lẽo thay…

Lý Đức Quỳnh
***
Tìm Maí Nhà Xưa

Bao năm ly biệt trở về đây 
Địa chỉ nhà xưa cỏ mọc đầy 
Tường cũ vẹo xiêu tàn tạ quá 
Thềm hoang xơ xác thảm thương thay 
Người xa ngõ vắng buồn hiu hắt 
Đất lạ trời quen nắng lắt lay 
Bếp lửa hồng đâu còn thấy nữa 
Mới hay dâu bể viếng nơi này 

Yên Nhiên
***
Còn Đâu.... 

Đường trần xuôi ngược mới về đây 
Lệ nén năm canh giấc ngủ đầy 
Sóng bủa trùng dương từ thuở ấy 
Phong ba bão táp trọn đời này 
Lời xưa bên cạnh rồi thay đổi 
Nghĩa cũ xa vời đã lắt lay 
Nhớ bóng hình ai thời trẻ dại 
Chỉ còn kỷ niệm ...lạnh lùng thay ! 

Trịnh Cơ 
Paris 09/09/2018 
***
1/Vẫn
(Nhất thủ thanh) 

Vẫn hình bóng đó?...mãi còn đây 
Vẫn tứ thơ say ý chất đầy 
Vẫn dạ thuần lương chờ xứ ấy 
Vẫn hồn cao khiết đợi phương này 
Vẫn đằm nhung nhớ khôn kìm nén 
Vẫn đắm tin yêu khó chuyển lay?! 
Vẫn lạnh trăng côi sầu lẻ bóng 
Vẫn tơ vương vấn ,...thật kỳ thay ?! 

2/Ngẫm 
Tri giao nguồn cội chính là đây
Chung chuyến đò thơ nặng nghĩa đầy!
Tứ mới khởi trang nồng dạ ấy
Hồn đà bén bút lắng tim này !?
Nhân duyên nhớ thuở bừng hoa rộ
Nghiệp mệnh quên mùa nũng gió lay!
Cụng chén thâm bôi đời ấm lại
Tương liên đối ẩm ngẫm vui thay!

15-9-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Về Thăm Chốn Cũ

Sắc đỏ hoàng hôn sắp phủ đầy
Chim ngàn bạt cánh dạt về đây
Bèo trôi,bọt nổi,tìm phương lạ
Sóng lặng bờ yên,cặp bến này
Vẫn biết mây trời không ngớt chuyển!
Đã hay gió núi chẳng ngừng lay!
Mênh mang một nỗi niềm u uẩn
Thời thế cam đành mọi đổi thay

Thanh Hoà
***
Chiều Buồn

Mây còn bịn rịn bóng chiều đây
Vội vã cánh chim xoải cánh đầy
Lá rụng âm thầm thương phía ấy
Sương chao lặng lẽ tủi phương này
Người đi thuở ấy còn đau đáu
Ta ở lúc chừ mãi lắt lay
Ngày tháng nào chờ niềm vọng tưởng
Nên hoàng hôn xuống quạnh buồn thay

Như Thị
***
Mộng Tình

Đọc Xuôi:
Anh yến cay hờn ảo vọng đây,
Đắm say hồn nặng nhớ thương đầy.
Đành đau lệ hận phiền thân đó,
Lở dở hương sầu cảm nỗi này
Danh phận xót đời duyên luỵ khổ,
Nghĩa nhân cười cuộc thế buồn lay!
Cành rơi lá rụng cây vàng võ…
Oanh phượng rũ tình mộng đổi thay!

Đọc Ngược:
Thay đổi mộng tình rũ phượng oanh,
Võ vàng cây rụng lá rơi cành.
Lay buồn thế cuộc cười nhân nghĩa,
Khổ luỵ duyên đời xót phận danh.
Này nỗi cảm sầu hương lở dở,
Đó thân phiền hận lệ đau đành!
Đầy thương nhớ nặng hồn say đắm…
Đây vọng ảo hờn cay yến anh! 

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Nhạt Nhoà Thu

Đọc Xuôi:
Anh đợi thu thu về nhớ lại đây
Nhẹ trông mây tím phủ giăng đầy
Đành thôi bước lạc đường trăng đó
Vội mất tình xa cõi mộng này
Danh lỡ kiếp buồn danh lỡ đoạn
Phận sầu duyên mỏng phận sầu lay
Cành trơ lá xác xơ vàng úa
Oanh gọi mãi người xót dạ thay!

Đọc Ngược:
Thay da xót người mãi gọi Oanh
Úa vàng xơ xác lá trơ cành
Lay sầu phận mỏng duyên sầu phận
Đoan lỡ danh buồn kiếp lỡ danh
Này mộng cõi xa tình mất vội
Đó trăng đường lạc bước thôi đành
Đầy giăng phủ tím mây trôi nhẹ
Đây lại nhớ vể thu đợi anh 

Thy Lệ Trang