Bàn thờ Ông với Châu xương bên trái, Quan bình bên phải, mặt tiền phần bên ngoài. Bên trong phía sau cũng bày trí như bên ngoài, song to và uy nghi mang sắc thái tâm linh huyền bí.
Bàn thờ Ông với Châu xương bên trái, Quan bình bên phải, mặt tiền phần bên ngoài. Bên trong phía sau cũng bày trí như bên ngoài, song to và uy nghi mang sắc thái tâm linh huyền bí.
Tôi về tìm lại phong ba
Những mùa gió những mùa hoa ngậm ngùi
Tôi về ngó lại chiếu đời
Có bè bạn chén rượu mời xẻ chia
Đêm nay ngồi ngắm trăng khuya
Thấy mông mênh cuối trời kia buồn buồn
Một mình tôi một vòng đơn
Nghe như tình cũng héo hon êm đềm
Đã im lìm lặng thinh thêm
Từng xa xót bỗng về in dấu mờ
Tôi gần như hết đời thơ
Dọc ngang ngang dọc mơ hồ gió bay
Mở trang dĩ vãng lòng đầy
Tôi cùng tôi những tỉnh say chiếu nằm
Ngọt bùi giữa cõi trăm năm
Chẳng trầm luân cũng trầm luân bến bờ
Đam mê đời thiết tha đưa
Tôi đem thân ái chia mùa lên hoa
Còn đầy lòng bản tình ca
Tôi vui tôi chẳng phôi pha ngại ngần
Cõi lòng như hết bâng khuâng
Còn mùa ân giữa mùa ân thơ hồng
Cùng em nâng chén rượu mừng
Chiều nghiêng nắng tuổi vô cùng sớm mai.
Xướng:
Thế Thái Nhân Tình
Thế thái nhân tình quá khắt khe
Bấy lâu chẳng nghĩ phải e dè
Nào hay lắm chuyện lời cay nghiệt
Đâu biết bao điều tiếng trách chê
Tâm thiện hiền lành trao gửi hết
Lòng tham đố kỵ bỏ đừng nghe
Cùng nhau nối lại tình đoàn kết
Nhẹ nhõm tâm hồn dạ khỏe re …!
Sông biển gom từ nước suối khe
Tâm sanh lời phát nhớ kiêng dè
Vì câu “Tích thiểu…” gây sân hận
Bởi chữ “Thành đa” bị ghét chê
Thêm bạn, lòng nhân bao kẻ thích
Bớt thù, ý đẹp lắm người nghe
Tạo nên thế giới đầy an lạc
Thi phú sáng chiều, tối… ngáy re!
Góc Đường Thi:
Xắn tay bẻ khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên-Thai
(Truyện Kiều)
Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống(宋.劉義慶《幽明錄》)chép rằng:
Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế (Công nguyên năm 62 ), người đất Diễm ( thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay) là LƯU THẦN và NGUYỄN TRIỆU vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiễm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ. Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẵn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng : " Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ? " Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẵn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẵn , tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị. Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên nữ trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !...
Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại, được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp... như tiên, nhưng khi nghe tiếng Tử qui gọi xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nở rời xa!...
Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng: Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi ( Công Nguyên năm 388 ) hơn 300 năm sau rồi! Hai người đành qua trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa!
Trong những bài thơ vịnh về LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI, phải kể đến 5 bài trong ĐẠI DU TIÊN THI của TÀO ĐƯỜNG đời Đường là tiêu biểu và nổi tiếng nhất.
Xin được giới thiệu 5 bài thơ đó cùng tác giả TÀO ĐƯỜNG sau đây...
* SƠ LƯỢC VỀ TÀO ĐƯỜNG:
TÀO ĐƯỜNG 曹唐 tự là Nghiêu Tân, người đất Quế Châu (thuộc Quế Lâm Quảng Châu hiện nay). Không rõ năm sanh và mất. Lúc đầu xuất gia làm Đạo Sĩ, sau ứng thi Tiến Sĩ giữa năm Đại Trung, nhưng không đỗ. Khoảng năm Hàm Phong ( 860-874 ) tùng sự ở Chư Phủ. Tào sống cùng thời với La Ẩn 羅隱, tài thơ ngang nhau, Tào thường truy cứu hâm mộ tình tự cao nhã của các bậc thần tiên, nên sáng tác các thiên "Đại du tiên thi 大游仙詩 ", "Tiểu du tiên thi 小游仙詩" gồm 50 thiên, tả lại những nỗi bi hoan ly hợp của chư tiên nhân để phổ biến và truyền lại đời sau. Tào Đường lại rất thường gặp La Ẩn để trao đổi Ý kiến về những bài thơ mà mình mới sáng tác.
Bài 1: LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI
劉晨阮肇遊天台 LƯU THẦN NGUYỄN TRIỆU DU THIÊN THAI
樹入天台石路新, Thụ nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
雲和草靜迥無塵。 Vân hoà thảo tĩnh quýnh vô trần.
煙霞不省生前事, Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
水木空疑夢後身。 Thuỷ mộc không nghi mộng hậu thân.
往往雞鳴岩下月, Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt,
時時犬吠洞中春。 Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
不知此地歸何處, Bất tri thử địa quy hà xứ ?
須就桃源問主人。 Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.
曹唐 Tào Đường
* Chú thích:
- Thiên Thai 天台: là tên một ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang mà theo truyền thuyết có tiên ở trên đó; cũng từ nầy nếu đọc là THIÊN ĐÀI thì có nghĩa là Cái Sân Thượng trên nóc bằng của các nhà lầu.
- Quýnh 迥: Xa xôi, vắng vẻ.
- Vô Trần 無塵: Không có bụi trần ai, chỉ cảnh thoát tục.
- Yên Hà 煙霞: Khói sương và mây mù ngũ sắc; chỉ cảnh đẹp của thiên nhiên huyền ảo.
- Tiền Sự 前事: Chuyện của những kiếp trước.
- Thủy Mộc 水木: Nước và cây; chỉ khe suối và rừng cây .
- Hậu Thân 後身: Thân sau, là chuyện của kiếp sau.
* Dịch nghĩa:
LƯU THẦN NGUYỄN TRIỆU DU NGOẠN THIÊN THAI
Hàng cây dẫn nhập thiên thai với con đường đá mới, mây hòa quyện lấy cỏ trong thanh tĩnh không vướng chút bụi trần. Khói ráng mông lung như không rõ được truyện của kiếp trước, Suối nước và rừng cây cũng mờ ảo như còn ngờ ngợ thân ta như sau cơn mộng mị. Luôn luôn như nghe được tiếng gà gáy ở mõm đá dưới ánh trăng, và như lúc nào cũng có tiếng chó sủa trong động xuân. Không biết là nơi đây sẽ đưa đến nơi đâu, chỉ còn có nước là tìm chủ nhân của xứ Đào Nguyên nầy mà hỏi!?...
* Diễn nôm:
LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI
Cây dẫn nhập Thiên Thai cao vút,
Cỏ mây vương chẳng chút bụi trần,
Yên hà không nhớ tiền thân,
Nước mây luống những bâng khuâng mộng hồn.
Tiếng gà gáy dập dồn trăng tỏa,
Văng vẳng xa chó sủa động xuân,
Đào nguyên ướm hỏi chủ nhân,
Rằng đây dẫn lối xa gần Thiên Thai?
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Thiên Thai - Văn Cao - Tiếng Hát Thái Thanh
Bài 2 : LƯU NGUYỄN GẶP GỠ TIÊN TRONG ĐỘNG
劉阮洞中遇仙子 LƯU NGUYỄN ĐỘNG TRUNG NGỘ TIÊN TỬ
天和樹色靄蒼蒼, Thiên hòa thọ sắc ái thương thương,
霞重嵐深路渺茫。 Hà trọng lam thâm lộ diễu mang.
雲實滿山無鳥雀, Vân thực mãn sơn vô điểu tước,
水聲沿澗有笙簧。 Thủy thanh duyên giản hữu sanh hoàng.
碧沙洞裡乾坤别, Bích sa động lý càn khôn biệt,
紅樹枝前日月長。 Hồng thọ chi tiền nhật nguyệt trường.
愿得花間有人出, Nguyện đắc hoa gian hữu nhân xuất,
免令仙犬吠劉郎。 Miễn linh tiên khuyển phệ Lưu Lang. 曹唐 Tào Đường
* Chú thích :
- Ái Thương Thương 靄蒼蒼 : ÁI là Khói mây; THƯƠNG là màu xanh om; nên ÁI THƯƠNG THƯƠNG là Khói mây ngùn ngụt bốc lên màu xanh om vì cây cỏ xung quanh.
- Hà Trọng Lam Thâm 霞重嵐深 : HÀ là Ráng, là mây màu; LAM là Sơn lam Chướng khí của hơi núi bốc lên; nên HÀ TRỌNG LAM THÂM là Mây màu rất đậm và Sơn lam Chướng khí của núi rừng giăng bủa khắp nơi.
- Vân Thực 雲實 : là cây vuốt mèo, một loại cây dại cho hoa màu vàng rất đẹp.
- Duyên Giản 沿澗 : là Dọc theo bờ khe suối.
- Càn Khôn Biệt 乾坤别 : chỉ nơi như có trời đất riêng biệt.
- Nguyện Đắc 愿得 : Những mong, những mong rằng ...
- Miễn Linh 免令 : MIỄN là Khỏi phải, LINH là Làm cho; MIỄN LINH là Để khỏi phải cho...; Để khỏi phải làm cho... cái gì đó ...
* Nghĩa bài thơ :
LƯU NGUYỄN GẶP TIÊN NỮ TRONG ĐỘNG TIÊN
Bầu trời hòa quyện với cỏ cây tạo nên lớp khói mây nghi ngút xanh xanh, những ráng mây màu ngũ sắc thấp thoáng với sơn lam chướng khí làm đường núi như mờ mịt và xa xôi hơn. Những hoa cỏ dại nở đầy cả núi rừng nhưng lại vắng tiếng chim muông, những khe nước róc rách chảy quanh như có tiếng đàn tiếng nhạc. Trong động cát xanh biêng biếc như có trời đất riêng biệt; Trước những cành hoa lá đỏ thắm ngày tháng như dài thêm ra. Những mong trong khóm hoa bát ngát kia có bóng người xuất hiện, để cho những con chó trong động tiên khỏi phải sủa chàng Lưu.
Cảnh tiên với mây khói mông lung, với hoa thơm cỏ lạ, nhưng là cảnh đẹp trong vắng lặng não nùng không tiếng chim muông; chỉ có tiếng nước suối chảy theo các khe đá phát ra âm thanh như tiếng nhạc, nhưng lại đơn điệu dễ nhàm chán. Trời đất tuy riêng biệt, sống trong nhàn nhã nên cảm thấy ngày tháng như dài thêm ra. Cảnh tiên đẹp như một bức tranh đơn điệu không hồn. Nên mới ước ao có người trần lạc bước xuất hiện trong rừng hoa để cho con chó tiên có người để sủa, để tạo nên vẻ sinh động hoạt náo, thổi một luôn sinh khí vào trong cảnh tiên cho sống thực và nên thơ hơn.
* Diễn Nôm:
LƯU NGUYỄN GẶP GỠ TIÊN TRONG ĐỘNG
Sắc trời cây xanh xanh hòa quyện,
Khói mây vương ẩn hiện núi tiên.
Hoa thơm đầy núi vắng chim,
Suối khe róc rách nhạc tiên bồi hồi.
Trong động biếc đất trời riêng biệt,
Lá đỏ cành chẳng biết tháng năm.
Trong hoa ước thấy tri âm,
Chó tiên khỏi phải sủa nhầm chàng Lưu!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Cảnh tiên tuy đẹp nhưng lại dễ nhàm chán, chả trách chỉ mới mươi hôm mà hai chàng Lưu Nguyễn đã muốn trở lại cảnh thế tục nơi quê nhà... Nhưng vì có người đẹp như... tiên cầm cọng cho nên đến nửa năm sau mới tiễn biệt cho về ! Mời đọc tiếp bài 3...
Bài 3 : THIÊN THAI TỐNG BIỆT.
僊子送劉阮出洞 TIÊN TỬ TỐNG LƯU NGUYỄN XUẤT ĐỘNG
殷勤相送出天台 Ân cần tương tống xuất Thiên Thai,
僊境那能卻再來。 Tiên cảnh na năng khước tái lai.
雲液既歸須強飲 Vân dịch ký qui tu cưỡng ẩm,
玉書無事莫頻開。 Ngọc thơ vô sự mạc tần khai.
花留洞口應長在, Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
水到人間定不回。 Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
惆悵溪頭從此別, Trù trướng khê đầu tòng thử biệt,
碧山明月照蒼苔。 Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài!
曹唐 Tào Đường
* Chú thích :
- Tiên Tử 仙子 hay Tiên Nữ 仙女 đều là từ chỉ những nàng tiên; nếu là nam thì gọi là Tiên Nhân 仙人 hay Tiên Ông 仙翁.
- Tương Tống 相送 : là Đưa tiễn nhau.
- Na Năng 那能 : là Làm sao có thể...
- Vân Dịch 雲液 : Vân là Mây, Dịch là chất lỏng. VÂN DỊCH là một loại rượu tiên được ủ từ các loại trái cây thơm ngon và có màu sắc đẹp như mây trên trời; là rượu kocktail ngày nay của ta đó.
- Ngọc Thơ 玉書 : là Sách tu tiên theo Đạo Giáo.
- Trù Trướng 惆悵 : là Buồn bã bịn rịn; Do dự bồn chồn.
- Thương Đài 蒼苔 : là Rêu xanh.
Câu thứ 5 còn có dị bản là :
花當洞口應長在 Hoa đang động khẩu ưng trường tại,
Về mặt ý nghĩa thì cũng tương đương như nhau mà thôi : "Hoa LƯU lại trước của động vẫn còn mãi" và "Hoa ĐANG ở trước cửa động thì vẫn còn mãi nơi đó".
* Dịch nghĩa:
TIÊN NỮ ĐƯA LƯU NGUYỄN RỜI THIÊN THAI
Ân cần đưa tiễn nhau ra khỏi chốn Thiên Thai, Tiên cảnh biết làm sao còn có thể trở lại đây. Đã quyết định đi về nên phải miễn cưởng mà uống cạn chén rượu tiên đưa tiễn (Vân dịch: tên một loại rượu tiên ). Nếu không có chuyện gì thì không nên thường xuyên mở Ngọc thơ ra xem (Ngọc Thơ: Sách của Đạo gia tu Tiên). Hoa lưu lại trước cửa động sẽ còn mãi mãi nơi đây, nhưng nước đã chảy về với dân gian thì chắc chắn sẽ không còn quay trở lại được nữa. Bịn rịn mãi ở đầu khe suối nơi mà từ đây đành cách biệt, chỉ còn trơ lại vầng trăng bạc trên đỉnh núi biếc chiếu lên đám rêu xanh!
Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến bài thơ " Tống Biệt" của Tản Đà làm năm 1922:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!...
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Võ Đức Thu phổ nhạc thành bài hát cùng tên Tống Biệt do các ca sĩ Mộc Lan trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng và nữ ca sĩ Thái Thanh trong Đoàn Hợp Ca THĂNG LONG trình diễn theo trang web. dưới đây:
https://www.facebook.com/watch/?v=908114009685838
* Diễn nôm:
THIÊN THAI ĐƯA TIỄN
Ân cần tiễn biệt rời tiên động,
Cảnh tiên thôi hi vọng trở về,
Chén đưa luống những não nề,
Ngọc thơ vô sự chẳng hề mở đâu !
Hoa trước động luôn sầu mong nhớ,
Nước xuôi dòng biết thuở nào về,
Chia tay lòng những tái tê,
Rêu xanh núi biếc trăng thề luyến lưu !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
BÀI 4: TIÊN TỬ ĐỘNG TRUNG HỮU HOÀI LƯU NGUYỄN.
仙子洞中有懷劉阮 TIÊN TỬ ĐỘNG TRUNG HỮU HOÀI LƯU NGUYỄN
不將清瑟理霓裳, Bất tương thanh sắt lý Nghê Thường,
塵夢那知鶴夢長! Trần mộng nả tri hạc mộng trường !
洞裡有天春寂寂, Động lý hữu thiên xuân tịch tịch,
人間無路月茫茫。 Nhân gian vô lộ nguyệt man man.
玉沙瑶草連溪碧, Ngọc sa dao thảo liên khê bích,
流水桃花满澗香。 Lưu thủy đào hoa mãn giản hương.
曉露風燈零落盡, Hiểu lộ phong đăng linh lạc tận,
此生無處訪劉郎。 Thử sinh vô xứ phỏng Lưu Lang !
曹唐 Tào Đường
* Chú thích:
- Thanh Sắt 清瑟 : là Tiếng đàn thanh thoát, trong sáng.
- Nghê Thường 霓裳 : NGHÊ là Cầu vồng, là Mây có nhiều màu sắc; THƯỜNG là Áo dài từ thân trên xuống thân dưới; nên NGHE THƯỜNG là quần áo có nhiều mầu sắc sặc sỡ. Theo như thơ trong Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị tả điệu múa của các cung nữ trong cung do vua Đường Minh Hoàng khi nằm mơ du nguyệt điện về chế ra loại y phục và điệu múa NGHÊ THƯỜNG VŨ Y KHÚC 霓裳羽衣曲.
Vạt nắng vướng tà áo xuân
Theo em mất dấu, tần ngần hoa treo
Bóng con chim lạc bay vèo
Mùa xuân sao lại, buồn heo hắt buồn.
Thả rơi một tà áo buông
Bờ vai lưng hở, màu sương trắng mờ
Cho tôi ngồi đợi, đứng chờ
Mới hay em đã, buông tơ nghìn trùng.
Môi mềm, mắt ướt nhẹ rung
Lệ ngân ngấn ướt, ngập ngừng gọi tên
Mắt môi em gợi ưu phiền
Tôi còn phiêu bạt, qua miền lưu vong.
Bước chân, vàng lá rừng phong
Theo em lên đỉnh mây hồng đợi nhau
Tìm theo dấu vết ban đầu
Cỏ vàng phía trước, ngàn sau bụi mờ.
Tình còn tiếc mãi giấc mơ
Xuân về hoa nở, hững hờ vàng phai
Bài thơ thêm tiếng thở dài
Ngân lên tiếng nấc nhớ hoài cố nhân.
Đồi xuân cỏ lấp dấu chân
Xa kia nắm đất, mộ phần chia phôi
Lá hoa hướng ánh mặt trời
Để thương, để nhớ một đời có nhau.
Tiếng chim kêu đỉnh tình sầu
Câu ngân chất ngất, đậm sâu chân tình
Tôi về nhìn lại đời mình
Nhớ về em, một bóng hình thế thôi.
Lê Tuấn
Dạo:
Mai đà đổi sắc thay hương,
Hận hòa lệ úa thành sương đêm buồn.
Cóc cuối tuần:
異 香
黃 梅 鋪 色 滿 春 疆,
何 故 隨 風 散 異 香?
孤 旅 夜 長 思 故 土,
恨 和 老 淚 做 寒 霜.
陳 文 良
Dị Hương
Hoàng mai phô sắc mãn Xuân cương,
Hà cố tùy phong tán dị hương?
Cô lữ dạ trường tư cố thổ,
Hận hòa lão lệ tố hàn sương.
Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
Mùi Hương Lạ
Mai vàng khoe sắc đầy đất Xuân,
Sao lại đi theo gió để tỏa ra mùi hương khác lạ?
(Khiến) lữ khách cô độc đêm dài nhớ nhung quê cũ,
Nỗi hận pha với lệ già làm thành sương lạnh.
Mùi Hương Lạ
Mai khoe sắc đón Xuân về khắp ngõ,
Sao vội vàng theo gió đổi mùi hương?
Khách nhớ quê trăn trở suốt đêm trường,
Lệ uất hận thành sương khuya buốt lạnh.
Trần Văn Lương
Cali, 1/2022
***
Hương Lạ
1/
Khoe sắc mai vàng khắp bốn phương
Sao hùa theo gió đổi mùi hương?
Đêm dài lữ khách quê trăn trở
Lệ nóng hận tràn hóa khói sương!
2/
Xuân quê cũ mai vàng khắp ngõ
Nguyên cớ chi đổi gió thay hương
Đêm dài khách trọ nhớ thương
Tuổi già mắt lệ-khói sương lạnh lùng!
Lộc Bắc
Mars 22
* Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Than ôi, đám mai vàng vì đón gió mà đành thay đổi mùi hương!
Khiến dòng lệ nóng của kẻ tha phương biến thành sương đêm lạnh.
Biết làm sao bây giờ khi ngay cả hoa mai ngày xưa đó cũng theo gió để bỏ đi mùi hương cũ?
(Bài lấy từ trang của Trần Văn Lương)
***
Mùi Thơm Lạ
Tháng ba vừa chạm ngõ
Mùa Xuân cũng theo về
Bên hiên Cúc Vạn Thọ
Vàng ươm màu áo Xuân
Khi Xuân đến bên thềm
Hoa Mai rừng hé nở
Thủy Tiên vàng đong đưa
Lụa là ôi thướt tha
Ngày này của năm xưa
Bên cội hoa Mai vàng
Có một người con gái
Xuân thì vừa tròn trăng
Môi hồng như cánh Mai Đào
Tóc thề nhẹ buông lơi
Thẹn thùng mắt biếc
Tầm xuân hương trầm
Nhưng than ôi,
Tuổi thơ không còn nữa.
Chiến tranh khói lửa tràn về,
Mang đi bao ước mơ ...
Nàng đành bỏ đất ra đi
Nơi quê người,
Bao nhớ thương
Như khối tình si,
Nằm mãi trong tim...
Cố hương ơi,
Sao mà thương, sao mà nhớ ...
Lấy gì đây,
đổi lại tháng ngày xưa
Lấy gì đây,
Trả lại em tháng ngày ấm êm ...
Belgique tháng ba ngậm ngùi...
Tuyết Phan
Sống ở Florida, tôi có diễm phúc được trời cho chia sẻ một không gian lộng gió để ngắm nhìn đủ loại chim. Qua thời gian ở trong vùng gọi là đảo -nhưng thực ra không phải là đảo- mà là một vùng có sông nước bao quanh cùng cây rừng bóng mát lớn nhỏ. Muông thú đủ loại. Hươu nai, gà rừng, thỏ, gà tây, công, lợn rừng, dĩ nhiên là có cá sấu. Chim phương hoàng làm tổ. Tôi thấy. Cả phượng hoàng con chập chững nhảy ở gần một hồ lớn gần nhà. Tôi thường nghe tiếng cú hú vào buổi chiều tà lúc đi dạo. Nhìn thấy chim ó đậu trên cành cây rình mồi rất gần. Nhanh như cắt một con mồi bị chộp. Tội nghiệp chú sóc hàng ngày vẫn lang thang dưới cỏ. Cũng kiếm mồi. Cả loại chim hiếm egret thường đứng gần bờ nước rình cá hàng ngày. Làm tổ thì trên chót vót đỉnh cây. Đến mùa trứng nở sinh con thì tiếng chim con kêu đòi mẹ mồi chát chúa báo hiệu mùa hè. Mấy ông bà chim này đã từng ăn của tôi biết bao nhiêu tiền cá, cả cá ‘koi’ nuôi trong hồ non bộ. Dù dùng mọi thủ đoạn để xua đuổi chúng cũng không sợ. Sau những trận mưa lớn và dai, cả đàn cò trắng mỏ dài và cong đổ xuống sân sau nhà và sân trước để ăn giun dế…Hàng đàn chim đen trắng bay lượn trên trời. Chẳng hiểu chúng có ý gì. Riết rồi bay đi. Và muôn vàn tiếng chim hót đủ loại tùy mùa. Có những con lặn sâu xuống hồ, sông để săn cá thật lâu mới nhồi lên. Rồi đậu yên rũ cánh phơi dưới nắng vàng oi ả. Nếu bạn về chơi miền nắng ấm Florida, đi thăm thú về suôi miền Nam như Tampa, St Augustine…ở sở thú, những nơi giải trí sẽ có dịp ngắm xem đủ loại chim muông muôn mầu sắc và hình dạng….Tuyệt vời thiên nhiên.
Trong thiên nhiên thì có đủ thứ đủ giống đủ mọi loài chim muôn màu sắc, đủ hình thù đôi khi quái dị. Đó là một đặc thù. Đẹp tuyệt, Muôn hình vạn trạng. Không loài nào giống loài nào. Ở mọi miền trái đất. Bắc cực. Nam cực. Thái Bình Dương. Ấn Độ Dương. Địa Trung Hải v.v….
Nhưng ở vùng tôi, trong số nhiều loại chim, đủ thứ. Có loại màu vàng, màu xanh, đỏ, tím… Cardinals thì nhiều vô kể. Con đực màu đỏ thắm, lông cánh rực rỡ rất đẹp, mào đỏ giương cao. Con cái màu nâu. Không hiểu sao trời lại cho con đực đẹp hơn con cái.
Nhưng loại tôi thích nhất là loại chim rất nhỏ, thiệt là nhỏ. Nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay. Đó là Hummingbirds, màu sắc muôn vẻ, xanh biếc, vàng tím pha lộn rực rỡ, nhất là lúc trời nắng chói chang chiếu qua lá cành, chim hiện hình như một cục kim cương di động long lanh tùy theo chiều tia ánh sáng chiếu và bóng râm của lá cành. Tôi đã để nhiều ống đựng thức ăn đặc biệt -nước uống thì đúng hơn- chung quanh nhà dưới nhiều gốc cây để dễ quan sát và ngắm nhìn xa gần. Nước uống đặc biệt này phải pha đúng liều lượng nước-đường và màu sắc đỏ hồng để quyến rũ chúng đến gần.
Một đặc biệt nữa của loài hummingbirds là cách nó bay. Quả là một phép lạ. Bạn không thể tưởng tượng nổi. Cách bay của nó rất đặc biệt và lạ lùng kinh khủng. Trong lúc những loài chim khác khi bay thì hai cánh đều hất lên đập xuống; riêng hummingbirds thì cánh chuyển động quay tròn theo tám góc cạnh, giúp nó có thể đứng yên một chỗ, giật lùi hoặc lên xuống tại chỗ ở mọi chiều hướng trong từng giây đồng hồ. Cánh nó đập, chuyển động từ 50 đến 80 lần trong vòng một giây nhưng có thể đạt tới độ nhanh kinh khủng là 200 cái đập ngắn.
Nó lại có thể bay từ 30 đến 35 dậm / miles trong một giờ, và có một loại có thể nhào từ trên cao xuống thấp xâu 90 feet trong một giây đồng hồ. Tùy theo kích thước, hummingbirds có thể bay nhanh hơn máy bay jet chiến đấu loại tân kỳ với một sức g-forces chịu đựng mà con người không thể kham nổi. Phải té xỉu!
Với một vận tốc kinh hoàng như thế chắc cơ thể nó phải đòi hỏi một tác dụng biến dưỡng (metabolism) kinh ngạc tương đương. Nhịp tim đập của hummingbirds cũng thuộc hạng kinh hãi, 1,200 tiếng đập trong một phút. Để cung ứng cho sự biến dưỡng kinh hồn ấy, hummingbirds phải được nuôi ăn hầu như liên tục, uống nước nhụy hoa từ 1,000 đến 2,000 hoa một ngày. Đối với con người -để đạt một năng lương như vậy- thì phải ăn hơn 1,000 cái hamburgers một ngày. Nhưng thử hỏi, con người ai có thể làm được như vậy? Không thể được, bởi vì với mức tim đập nhanh như thế thì cơ thể sẽ nóng tới 725 đô F (tức 385 độ C), và cơ thể sẽ cháy bùng như ngọn đuốc!
Hummingbirds thường nuôi sống bằng nước nhụy hoa, lượng nước nó uống hút mỗi ngày nhiều hơn sức nặng của nó. Cái mỏ của nó dài nhọn như cái kim, lưỡi cũng dài có thể thò ra ngoài để hút nhụy hoa từ 15 đến 20 lần một giây.
Cũng có loại hay di chuyển từ vùng này sang vùng khác một cách lạ lùng. Giống ở Bắc Mỹ có thể di chuyển 4,000 dậm từ Mexico đến Alaska mỗi mùa xuân rồi bay ngược trở lại vào mùa thu. Một loại khác di chuyển trên Vịnh Mexico – 500 dặm/miles trong vòng 18 đến 22 giờ không ngừng nghỉ! Còn một loại đặc biệt hơn nữa, chúng di chuyển một mình -kể cả những con còn nhỏ chưa từng di hành xa như thế bao giờ cả.
Những sinh vật lạ lùng như vậy tiến hóa thế nào? Những chuyên viên về tiến hóa đã quả quyết với chúng ta như vậy. Nhưng hỏi rằng bao nhiêu trăm hay bao nhiêu ngàn thế hệ hummingbirds đã kiệt lực chết trên đường di chuyển không ngừng trên vịnh Mexico cả hai lượt đi và về? Cũng ít thấy có dấu tích cho biết những con còn non lại có thể bay đơn độc được những lộ trình mà chúng chưa hề có kinh nghiệm như những con lớn?
Và mỏ của những con hummingbirds biến hóa thế nào để có thể thích hợp một cách tuyệt vời và lý tưởng trong việc hút nước nhụy của những bông hoa hình kèn? Người ta đặt vấn đề làm sao loài chim này có thể sống lâu đủ để sinh tồn và tiến hóa nếu những loại bông hình kèn có nhụy không có trong vùng chúng ở, và làm sao chúng có thể sống khi cái mỏ dài của chúng không thích nghi được với những loại hoa có hình thù khác và thức ăn khác. Nếu chúng không thích ứng được thì làm sao chúng có thể có đủ thức ăn để đáp ứng với một sức biến dưỡng to lớn cần thiết trong cơ thể. Nhưng chúng vẫn sống. Vẫn thích nghi được. Tôi đã thấy chúng thò mỏ vào bất cứ loại hoa nào có mầu sắc vào những buổi sáng tinh sương. Trong nháy mắt rồi lại bay đi. Lại bay trở lại. Lại bay đi. Nhanh như cắt không biết chúng đi hướng nào. Đặc biệt là chúng vẫn thò mỏ vào những cái bông giả tạo làm trên một cái ống đựng nước uống màu đỏ tôi treo trên cành cây gần nhà, hay ngay gần cửa sổ. Điều lạ là cách cấu trúc của cánh và khớp xương vai của hummingbirds cũng giống như những loại chim khác.
Quả là kỳ diệu khi ngắm nhìn và chiêm ngưỡng sinh hoạt của hummingbirds. Trong thư thánh Phaolo viết cho tín hữu Roma có đoạn: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó họ không thể tự bào chữa được” (Rm 1:20).
Biết bao nhiêu kỳ công khác chúng ta thấy trong vũ trụ. Trên trời dưới đất. Sông biển núi rừng. Hầm mỏ suối nguồn. Thác lũ mây ngàn. Muông thú con người. Quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Thiên Chúa đã rõ ràng như chúng ta thấy qua những gì hiện diện trong thiên nhiên.
Khoa học tân tiến ngày nay đã “khám phá” ra rất nhiều điều tuyệt diệu không ai ngờ. High tech đã làm đảo lộn thế giới. Có thể đọc được ý nghĩ con người! Có thể biết được mọi điều xảy ra trên mọi ngóc ngách của thế giới trong nháy mắt. Kỳ diệu! Những khoa học gia làm ra được những thứ đó? Không. Tất cả những cái đó, những kỹ thuật đó là của Thiên chúa đã có sẵn trong trời đất. Họ chỉ khám phá ra. Tìm thấy được. Mà thôi. Không phải là sáng chế.
Ngắm nhìn thiên nhiên huy hoàng, phong cảnh hùng vĩ, muông thú đủ loại…Tất cả đều là những kỳ công. Khi tôi hưởng thụ, chiêm ngưỡng hummingbirds biểu diễn nhào lộn trên không / aerial acrobatics ở sau vườn, tôi đã thầm nhủ quả là một kỳ công huyền diệu, và nghĩ về ca vịnh 14 và 53 nhớ đến câu –“Chỉ có kẻ khùng mới tự nhủ, ‘Làm gì có Thiên Chúa!’”
Fleming Island, Florida
Dec. 5, 2021
Nguyễn Tiến Cảnh
Kim Tỉnh Oán