Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2025

Cánh Chim Viễn Xứ - Sáng Tác: Linh Giang - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Sáng Tác: Linh Giang
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng

Nỗi Lòng Tháng Tư


Tháng Tư ngất ngưởng nỗi buồn
Nhiều đêm ray rứt lệ tuôn nhói lòng
Bao nhiêu năm tưởng xuôi dòng
Chơi vơi một kiếp long đong phận người
Tháng Tư đã tắt nụ cười
Quê hương đổi chủ chôn vùi năm nao
Con đi khóc nấc nghẹn ngào
Mẹ lau nước mắt để chào biệt con
Tháng Tư đợi đến mỏi mòn
Giờ đây lưu lạc nước non còn gì
Nghẹn lòng mẹ tiễn con đi
Ðêm khuya tiếng sóng chia ly mẫu từ
Tháng Tư nhuộm máu đỏ lừ
Con thuyền phiêu bạt lắc lư dập dềnh
Trải qua sóng biếc lênh đênh
Gian nan vất vả thác ghềnh… rát đau!

YThy Võ Phú

Biết Bao Giờ ?


Dòng đời chép chép ghi ghi
Công kia việc nọ đến đi hướng nào?
Vẹn toàn,. Viên mãn công lao,
Tưởng đời êm ả,. Xôn xao hết rồi!
Ước ao ngày tháng ngừng trôi,
Tương lai lẻn đến tơi bời tâm can ...
Việc còn chờ đó. NGÚT NGÀN! ...

(Mong gì thoát khỏi khi còn )

Munich, 15.09.2023
Nguyễn Khắc Tiến Tùng 

Vĩnh Cửu


Như sương khỏi phả hồn thơ bức hoạ
Mảng trời Xuân thoáng gợn áng mây đen
Nét vô thường biến dạng cảnh thiên nhiên
Lòng nhân thế nôn nao mùa hội mới
Con đường cũ một mình chân dạo bước
Gió mơn man rung nhẹ những cành khô
Chim ngủ im lìm trong hốc tàng thông
Xác lá rụng phủ dầy trên cỏ ướt
Ánh bình minh chiếu long lanh giọt nước
Mưa tàn đêm óng mượt sắc mai hồng

Em có về cho thỏa mộng chờ mong
Từ dạo ấy chia ly mình đôi ngả
Nửa thế kỷ tóc xanh màu đã bạc
Niềm nhớ nhung héo hắt trái tim sầu
Nhìn tương lai chẳng biết sẽ về đâu
Khi tuổi tác đang mãn chiều xế bóng
Từ lúc em đi mỏi mòn trông ngóng
Cánh nhạn khuất dần biền biệt tin xa
Chung một hành tinh vô vọng gặp nhau
Viễn ảnh chập chờn hư hư thực thực
Biết khi tái ngộ tuổi đời đã nặng
Mà vẫn ước mong gặp lại người xưa
Kỷ niệm một thời không dễ phai mờ
Tình dĩ vãng luôn là tình vĩnh cửu

ChinhNguyên/H.N.T
Jan.15.25 (680)
(Cho Mùa-Đông-Trên-Đỉnh-Tuyết-Kilimanjaro)

Đổi Kiếp


(Hồi ký) 

Đời sống bận rộn với những hối hả của cuộc sống trên đất Mỹ khiến 50 năm qua nhanh đến không ngờ.
Nhớ ngày nào của tháng 4 năm 1975. Chúng tôi rời quê hương trong lúc dầu sôi lửa bỏng với một tâm trạng lo buồn cùng cực. Lo vì không biết tương lai sẽ đi về đâu. Buồn vì bỗng dưng phải rời bỏ tất cả. Bỏ cuộc sống yên bình, đầy đủ, sung sướng bao nhiêu năm qua; bỏ quê hương thân yêu với biết bao kỷ niệm từ thời thơ ấu; bỏ mẹ tôi và ông ngoại già yếu bơ vơ.

Mọi việc xảy đến bất ngờ tưởng như một giấc mộng hãi hùng.
Chồng tôi đang là Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Hải Quân Cam Ranh. Chúng tôi được ở trong bán đảo Cam Ranh thơ mộng. Vùng bất khả xâm phạm, chỉ dành riêng cho các cơ quan thuộc quân lực VNCH nên rất riêng biệt và yên tĩnh.

Ngôi nhà tôi ở là một biệt thự rộng lớn được Hải Quân xây từ thời Pháp thuộc. Căn nhà nhìn ra bãi biển thơ mộng để mỗi tối khi màn đêm yên lặng tôi có thể nghe được tiếng sóng vỗ rì rào. Những đêm sáng trăng ngồi trên ban công, tôi say sưa ngắm mặt nước biển lấp lánh ánh trăng vàng, thoảng trong gió phảng phất hương thơm nhẹ nhàng của những cây dạ lý hương ở góc vườn. Khi hè đến, hai cây phượng trước sân nhà đua nhau khoe sắc thắm như chào đón những chú ve sầu ca hát rộn ràng. Mùa xuân những cây mai vàng nở hoa rực rỡ, rải rắc thấp thoáng trên những đồi cỏ hai bên lối đi vào bán đảo. Đời sống thật êm ả, thần tiên.

Bỗng một hôm nhà tôi đi họp ở Nha Trang về, sắc mặt anh rất buồn, anh nói với tôi mình sắp mất nước rồi. Tôi nghe tưởng như tiếng sét bất ngờ giáng xuống trên đầu.
Suốt cả tuần sau đó, anh ăn cơm rất vội vàng rồi vào trung tâm họp hành liên miên; khi anh về nhà là điện thoại reo liên tục không ngừng.

Một hôm, anh đang ăn cơm thì có điện thoại ông tướng vùng gọi, nói chuyện xong, anh ăn rất vội vã rồi lái xe vào văn phòng dù đã quá giờ làm việc. Mãi tới nửa đêm anh mới về nhà. Anh nói tôi lo thu xếp quần áo cho tôi và hai đứa con gái, ngày mai anh sẽ gửi ba mẹ con theo máy bay Không Quân về Sài Gòn trước. Nghe anh nói tôi ngạc nhiên, bàng hoàng như người từ trên trời rơi xuống. Tự nhiên tim tôi đập dồn dập, tôi hỏi như người hụt hơi
- Tại sao, tại sao vậy anh?
Giọng anh nghẹn ngào
- Quân đội được lệnh phải buông súng và rút lui. Việt Cộng chiếm dần hết các tỉnh miền Trung rồi.

Tôi nói với anh, tôi không muốn xa anh, cho tôi ở lại bên anh; chồng đâu vợ đó, sống chết có nhau. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Anh nói với tôi thời gian cấp bách lắm rồi, phải khó khăn lắm anh mới xin được 3 chỗ trên máy bay cho ba mẹ con tôi quá giang. Tôi phải đi trước cho anh yên tâm. Ngày mai anh sẽ liên lạc với không quân Mỹ xin chỗ cho 2 con trai tôi quá giang về trước. Anh ở lại lo cho gần 4 ngàn nhân viên và khóa sinh di chuyển về sau. Nếu mẹ con tôi còn ở lại, anh sẽ bận tâm lo cho gia đình và không làm việc được.

Cả đêm đó tôi không ngủ, đồ đạc không được mang theo vì không có chỗ, chỉ một cái va li nhỏ với mấy bộ quần áo của 3 mẹ con mà tôi sắp mãi chưa xong. Quần áo bao nhiêu, biết mang cái nào bỏ cái nào. Tôi cứ cầm lên bỏ xuống, vừa làm vừa khóc, mặt mày ngơ ngẩn, tóc tai rũ rượi như con mẹ điên. Trời ơi cả một cái nhà to lớn như vậy, bao nhiêu vật dụng, đồ quý, mà tôi chỉ được mang theo có vài bộ quần áo thôi sao.

Mấy mẹ con tôi về Sài Gòn được đúng 3 hôm thì đường dây điện thoại Sài Gòn - Cam Ranh bất khiển dụng hoàn toàn. Tôi không làm cách nào liên lạc được với chồng tôi nữa, lòng tôi như lửa đốt, tình hình chiến sự càng ngày càng sôi động.

Khi nghe tin Việt Cộng đã chiếm Nha Trang tôi như người điên, tôi khóc lóc gọi điện thoại tứ tung cho những người bạn Hải Quân của chồng tôi làm việc ở Sài Gòn để hỏi thăm tin tức. Không ai cho tôi nguồn tin rõ ràng, ai cũng nói những lời an ủi mơ hồ cho tôi yên tâm. Tôi biết mạng sống của chồng tôi và các khóa sinh đang treo trên sợi tóc. Nha Trang - Cam Ranh quá gần, chỉ vài quả pháo kích là Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Cam Ranh biến thành tro bụi.

Suốt cả tuần tôi cứ ôm cái radio nghe tin tức và đọc kinh cầu nguyện liên miên. Cuối cùng chồng tôi và 4 ngàn khóa sinh cùng nhân viên cũng được tiếp cứu và đưa về Sài Gòn.

Ở Sài Gòn chồng tôi phải cấm trại lu bù, mỗi ngày thời gian được về nhà ăn cơm thật ngắn ngủi. Ăn xong phải vào trại liền. Chồng tôi luôn dặn dò những lời như trối trăn: Việt Cộng có thể tấn công Sài Gòn bất cứ lúc nào, nhiều cơ hội chúng sẽ vào theo ngả xa lộ Hàng Xanh, gần cư xá sĩ quan Thị Nghè là nơi gia đình tôi cư trú. Nếu như vậy, anh không thể trở về nhà lo cho tôi và các con. Anh sẽ phải cùng anh em chiến đấu, sống chết có nhau. Tôi phải tự lo cuộc sống không có anh, cố gắng nuôi con. Nếu Chúa thương cho anh còn sống, anh sẽ tìm cách liên lạc với tôi sau. Những lời dặn dò xé lòng đó làm tôi sống trong hãi hùng, lo sợ từng phút từng giây.

Chiều tối 29, đau xót thay, khi Việt Cộng trên đường tấn công Sài Gòn, tất cả quân nhân được lệnh tan hàng để lo di tản. Hải Quân được lệnh phải mang tất cả chiến hạm qua Phi Luật Tân để trao trả cho Hoa Kỳ, họ không muốn cho bất cứ chiến hạm nào lọt vào tay Cộng Sản.

Lúc đó gia đình tôi cũng chen chúc lên tàu một cách khó khăn như một thường dân vì anh là đơn vị di tản từ Cam Ranh về, không có tàu bè, không có bất cứ một phương tiện nào. Chúng tôi cùng đoàn người chờ đợi ở bến tàu, lũ lượt chen lấn nhau để lên một chiến hạm đang trong tình trạng sửa chữa ở Hải quân công xưởng. Tầu cố nổ máy để kéo lê giúp đoàn người đi tìm ánh sáng tự do dù không nước uống, không lương thực.

Ra đến Côn Sơn người Hạm trưởng định lái tàu quay trở lại vì bị áp lực của bà vợ đòi trở lại Sài Gòn. Bà có ông anh Việt Cộng làm lớn, bà hy vọng ông anh có thể giúp gia đình bà. Bà dọa nếu tiếp tục đi bà sẽ nhảy xuống biển tự tử. Khi biết ông Hạm Trưởng sẽ lái tàu quay trở lại, các quân nhân đi quá giang trên tàu rất bất mãn, một số quân nhân Nhảy Dù nóng nẩy đòi giết ông Hạm trưởng vì họ không muốn chiếc tàu với gần 5 ngàn sinh mạng muốn đi tìm tự do phải quay trở lại sống dưới chế độ Cộng Sản. Thấy tình hình quá căng thẳng, chồng tôi là sĩ quan thâm niên nhất trên tầu phải ngăn cản và đứng ra dàn xếp. Anh liên lạc với ông Tư lệnh Hải quân đang ở trên một cái tàu khác xin phương tiện cho ông Hạm trưởng và gia đình ông trở lại Sài Gòn bằng 1 cái tàu nhỏ. Sau đó nhà tôi được lệnh làm Hạm trưởng lái chiếc tàu qua Phi Luật Tân. Tại đây tất cả tàu của HQ VN di tản đã tụ tập tại Subic Bay để giao trả lại cho Hải quân (HQ) Mỹ. Đoàn người di tản được chuyển sang một thương thuyền thật lớn của Mỹ để đưa đến trại tị nạn ở đảo Guam.

Tôi không sao quên được phút cuối cùng khi các quân nhân Hải quân VNCH rời tàu để chuyển giao lại cho HQ Mỹ. Mọi người đã làm lễ chào Quốc Kỳ VNCH một lần chót. Bài Quốc ca vang lên trong nghẹn ngào, mọi người nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ đang bay phất phới trên đài chỉ huy bị từ từ kéo xuống, ai cũng ngậm ngùi chảy nước mắt. Giã từ Việt Nam! Giã từ đất nước thân yêu!

Tất cả các quân nhân được yêu cầu cởi quân phục bỏ lại trên tàu để thay bằng quần áo dân sự. Nhìn anh buồn bã cởi bỏ bộ quần áo HQ tác chiến màu xanh xám, bộ đồ anh mặc hàng ngày đi làm suốt bao nhiêu năm trời, lòng tôi đau thắt lại. Anh cầm bộ đồ và cái mũ trong tay ngần ngừ một lát, tôi không sao quên được nét mặt anh lúc đó, sau cùng anh buông tay cho bộ đồ và cái mũ rơi trên sàn tàu, và xách mấy túi hành lý bước vội đi như chạy trốn. Tôi dắt các con đi theo nước mắt ràn rụa. Tôi ngoái lại phía sau nhìn bộ quần áo và cái mũ của anh nằm trơ trọi trên sàn tàu, tôi có cảm tưởng như mình đã bỏ rơi một người thật thân yêu gần gũi. Nghĩ ngợi 1 giây, tôi vùng chạy trở lại, gỡ bộ lon của anh, bộ lon mà anh đã phải đánh đổi với hơn 20 năm binh nghiệp. Nhét vội bộ lon vào túi xách, tôi chạy theo anh cho kịp với đoàn người di tản đang xếp hàng để lên bờ. Bắt đầu từ giờ phút đó tôi mang cảm giác của một người vừa đổi kiếp.

Kiếp trước là người có một cuộc sống thật đầy đủ hạnh phúc, bỗng dưng “bừng con mắt dậy, thấy mình tay không”. Danh vọng tiền bạc biến hết. Hai vợ chồng, 4 đứa con thơ: đứa lớn nhất 13 tuổi, bé nhất 8 tuổi, phải rời bỏ quê hương, ra đi với 2 bàn tay trắng theo dòng người di tản không biết sẽ trôi dạt đến đâu.

Cũng may nước Mỹ mở rộng vòng tay chào đón những người tị nạn. Cho dù guồng máy chính trị của đất nước này đã dự phần trách nhiệm làm chúng tôi mất quê hương về tay Cộng Sản. Nhưng những người dân Mỹ tốt bụng, họ có trách nhiệm gì với chúng tôi đâu mà vẫn cố gắng giúp đỡ chúng tôi trong những bước đầu khó khăn, không cửa không nhà, không công ăn việc làm. Họ đón chúng tôi bằng cảm tình nồng ấm. Tôi nhớ mãi nụ cười của một bà lão da đen thật hiền hòa khi thấy tôi đi qua trước mặt bà. Những bàn tay nhỏ bé của mấy em học sinh, trên xe bus vàng của nhà trường, vẫy vẫy tôi, khi tôi đứng đợi đèn xanh để qua đường. Một người đàn ông Mỹ ân cần hỏi tôi có cần ông ta giúp khi thấy tôi khệ nệ ôm bịch đồ ăn mới mua ở chợ ra xe. Những cử chỉ nhỏ của thuở ban đầu đó, là niềm an ủi, niềm vui cho những kẻ tha hương chân ướt chân ráo đến một đất nước xa lạ.

Nhờ có bà dì ruột đã ở sẵn bên Mỹ vì chồng bà làm cho tòa Đại Sứ VN ở Washington DC, chúng tôi được trưởng nam của bà là Nguyễn Hoàng Diệu có quốc tịch Mỹ bảo lãnh gia đình và cho chúng tôi được tá túc trong nhà bà trong thời gian đầu khi mới đặt chân lên đất Mỹ. Hai vợ chồng, 4 đứa con ở chung trong một phòng dưới basement nhà bà. Tuy chật chội nhưng ấm cúng tình gia đình, nên chúng tôi rất vui mừng.

Khi tôi kể chuyện về thời gian đầu cho 1 cô bạn thân nghe, cô ấy đã trêu tôi “Trong thời gian ở chung như vậy làm sao hai vợ chồng mi làm ăn?” Tôi phì cười và ngẩn mặt ra “Ừ nhỉ, nếu tôi nhớ không nhầm thì suốt thời gian dài ở nhà bà dì, vợ chồng chúng tôi đã quên luôn “cái khoản đó”.

Ban ngày 2 vợ chồng lo đi lao động. Vợ đi làm bồi cho một coffee shop. Chồng làm cashier cho một tiệm ăn Hy Lạp. Cả 2 vợ chồng về đến nhà là mệt nhoài, lo cho 4 đứa con và cũng phải phụ lo cơm nước với bà dì. Tối đến vợ chồng con cái 6 mạng chui vào phòng ngủ chung, “làm ăn” gì nổi cơ chứ, và “làm ăn” cách nào, khi 4 đứa con với 8 con mắt tinh như ma ở xung quanh trong 1 cái phòng chả rộng rãi gì cho lắm. Lúc đó chúng tôi còn trẻ, vợ 34 tuổi, chồng mới có 43. Vậy mà cuộc sống bận rộn khiến chúng tôi chả nghĩ gì đến những chuyện “trần tục” đó, và quả thật cũng không thấy cần thiết nữa.

Sau khi dành dụm được 1 số tiền nhỏ, chúng tôi mới dọn ra riêng. Chồng tôi là một người cha thương con và lo cho con vô cùng. Cả 2 vợ chồng tôi đều coi việc lo cho các con là ưu tiên số 1. Hồi ở VN, cả 4 đứa con tôi đều học đàn piano. Cuộc di tản làm việc học đàn của các cháu gián đoạn gần hai năm trời. Sửa soạn ra ở riêng, chồng tôi nghĩ ngay đến việc phải cho các cháu được tiếp tục học đàn vì gián đoạn lâu quá sợ các cháu sẽ quên hết. Vì việc học đàn của các con, chúng tôi phải thuê nhà riêng để ở thay vì có thể ở apartment, mỗi tháng tiền thuê rẻ bằng nửa tiền thuê nhà, nhưng họ không cho phép đánh đàn vì sợ ồn làm phiền hàng xóm.

Có nhà ở rồi chúng tôi tính tới việc mua đàn cho các con tập dượt. Vì học đàn mà không có đàn để tập hàng ngày thì cũng như không. Việc mua đàn mới là một sự liều lĩnh ít ai dám làm vào thời điểm đó. Khi dọn ra ở riêng, sau khi mua 1 cái xe cũ để gia đình có phương tiện di chuyển, vốn liếng chúng tôi dành dụm trong thời gian ở nhờ nhà bà dì và tiền cơ quan thiện nguyện cho khi mới tới còn chưa được 2 ngàn đô. Chúng tôi đi kiếm mua 1 cái đàn cỡ trung bình giá là 1600 đô. Chúng tôi xin mua trả góp. Nhìn số lương của chúng tôi mà phải nuôi tới 4 đứa con, chủ tiệm đàn nói phải có người co-sign vì không đủ điều kiện để ký giấy mua 1 mình.

Tôi nhờ cậu em bảo lãnh gia đình tôi co-sign dùm cho chúng tôi mua đàn cho các cháu thì cậu tròn mắt lên ngạc nhiên nhìn tôi như nhìn một con quái vật và hỏi tôi bằng 1 giọng thật gay gắt “Anh chị có điên không? Bây giờ lo sao cho đủ ăn đủ mặc là may, còn bày đặt cho con học đàn. Bộ chị tưởng anh ấy vẫn còn là Đại tá HQ à? Em còn không nghĩ đến chuyện cho con em học đàn, huống hồ anh chị, mới chân ướt chân ráo đến đây, còn nghèo mạt rệp mà đã tính chuyện nuôi con như thời vàng son ở VN. Dẹp những chuyện viển vông đó đi.” Biết là cậu em nói rất đúng, nhưng tôi cũng tủi thân và dù cố kìm hãm mà nước mắt vẫn ứa ra. Tôi kể lại cho nhà tôi nghe rồi hai vợ chồng bàn tới bàn lui, cuối cùng nhà tôi quyết định là vẫn mua đàn và trả cash luôn hết. Lý do vì chúng tôi nghĩ âm nhạc rất cần thiết cho đời sống, nó làm cho đời sống thăng hoa và tâm hồn con người phong phú hơn. Nếu các con tôi có thú vui giải trí là âm nhạc thì sẽ không còn thì giờ rảnh rỗi đàn đúm bạn bè để có thể sa ngã vào những thói hư tật xấu của tuổi trẻ.

Sau khi mua đàn cho các con, vốn liếng gia đình tôi còn đúng 90 đô. Chúng tôi đã tạo dựng cuộc sống mới trên đất Mỹ với con số khởi đầu là 90 đô. Mua đàn cho các con rồi thì phải lo tìm thầy dạy đàn cho chúng. Chúng tôi đã may mắn tìm được 1 bà giáo dạy đàn người Nhật. Bà Ellen Sakai rất tốt bụng, bà bằng lòng đến tận nhà dạy cho 4 cháu, mỗi tuần 2 giờ, mỗi đứa được học nửa giờ và chỉ lấy nửa giá là $10/1 giờ, thay vì giá của bà là $20/1 giờ. Tiền lương 2 vợ chồng tôi vừa đủ cho việc trả tiền nhà, điện nước đổ xăng và tiền chợ. Bây giờ mỗi tháng phải chi thêm 80 đô tiền học đàn cho các con. Kiếm đâu ra bây giờ? 80 đô thời đó khá lớn, vì lương tối thiểu có $2.10/1 giờ rồi còn phải trừ thuế nữa.

Cuối cùng tôi kiếm được việc làm thêm ngày cuối tuần, dọn nhà cho một bà khách hàng người Mỹ vẫn đến coffee shop tôi làm uống café. Bà ấy bằng lòng trả tôi $20 cash mỗi lần đến dọn nhà, lau chùi, hút bụi cho bà Tôi mừng húm nhận lời liền. Tôi vui vẻ, hào hứng khi hút bụi, lau chùi cửa kính cho căn nhà rộng lớn của bà không nề hà công việc vất vả. Nhưng khi phải dọn dẹp phòng tắm và cúi xuống lau cái bồn cầu dù rất sạch sẽ, nước mắt tôi bỗng ứa ra. Tôi còn nhớ, tôi đã đóng kín cửa, đứng khóc lặng lẽ một mình rất lâu khi nghĩ đến những ngày vàng son ở VN và nghĩ đến thân phận mình bây giờ. Càng nghĩ, càng tủi thân và cứ đứng khóc mãi. Hôm đó tôi về nhà, lòng nặng trĩu u sầu. Nhưng buổi tối, khi nghe tiếng đàn réo rắt từ những bàn tay nhỏ bé của các con, tôi bỗng vui ngay và tự nhủ lòng “mình hy sinh cho các con được tiếp tục cuộc sống đầy đủ như những ngày còn ở VN, thì mình phải cảm thấy hài lòng và hãnh diện chứ, sao lại tủi thân và buồn!”

Từ đó, mỗi tuần khi dọn nhà cho bà khách hàng người Mỹ, đến lúc phải chùi cầu tôi không cảm thấy buồn nữa mà ngạc nhiên thấy mình rất vui vẻ và miệng còn hát líu lo. Tôi tiếp tục công việc dọn nhà cho tới hơn 1 năm sau, khi tôi học xong nghề Cosmetologist và đi làm rồi tôi mới “say goodbye” bà khách hàng của tôi.

50 năm qua, đời sống đã ổn định, các con đã thành đạt. Đời mình đã bước vào tuổi hoàng hôn, có thể “chợt tắt” bất cứ lúc nào. Tôi vẫn không quên được cái “thuở hàn vi” đó và cảm thấy thật hài lòng là vợ chồng tôi đã cố gắng hết mình để lo tròn bổn phận và trách nhiệm với 4 đứa con thân yêu, để chúng bước vào đời thật vững chắc và toàn vẹn.

Hồng Thủy

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2025

Đưa Con Ra Biển - Thơ: Hoàng Thanh - Nhạc Võ Tá Hân - Tiếng Hát: Lâm Dung


Thơ: Hoàng Thanh
Nhạc Võ Tá Hân
Tiếng Hát: Lâm Dung

Hậu Phương Thời Chinh Chiến



Tôi chưa bao giờ có người yêu là lính,
Một thời tuổi trẻ, một thời chiến tranh,
Nhưng tôi đã đi bên cạnh các anh,
Những ngày miền Nam Việt Nam khói lửa.

Nhà tôi ở một vùng ven thành phố,
Gần phi trường nghe cả tiếng máy bay,
Tuổi mộng mơ tôi không chỉ gío mây,
Đêm hỏa châu rơi vọng về tiếng súng.

Là những đêm tôi giật mình thao thức,
Có phải hỏa châu từ hướng Lái Thiêu?
Đơn vị nào đang trực chiến canh thâu?
Thôn xóm, vườn cây đêm về bí ẩn.

Hay từ vùng An Phú Đông hẻo lánh?
Tiếng súng trong đêm dọ dẫm, nghi ngờ,
Người lính nào đã bắn tiếng súng kia?
Cầu mong anh được bình yên may mắn.

Tôi là hậu phương anh không quen biết,
Cũng như tôi chưa được gặp mặt anh,
Nhưng chúng ta cùng sống giữa chiến tranh,
Cùng khát vọng, buồn vui, cùng tuổi trẻ.

Như bao người dân sống trong thành phố,
Tôi góp tấm lòng bé nhỏ hậu phương,
Cho những người đi vui với gío sương,
(Những người đi, có khi không trở lại.)

Tôi theo chân anh về miền gío núi,
Lạnh đêm về, ngày nắng cháy khô da,
Rừng hoang vu hay thôn xóm không nhà,
Vùng lửa đạn bao người dân di tản.

Tôi theo tàu anh biển khơi dậy sóng,
Nước biển mặn như nước mắt mẹ hiền,
Theo tàu anh nghỉ phép ghé đất liền,
Phố phường đẹp đón anh về dạo phố.

Tôi theo anh bay giữa ngàn mây gío,
Là cánh chim anh gìn giữ bầu trời,
Hỗ trợ những vùng chiến tuyến xa xôi,
Tiếng máy bay thét gào trong khói lửa

Bên các anh có người yêu, người vợ,
Có mẹ cha hay bè bạn, người thân,
Và có tôi người em gái không tên,
Chia với anh nụ cười và nước mắt.

Bao người bình yên, bao người nằm xuống,
Bao người trở về tàn phế, bị thương,
Và bao tâm tình thầm lặng hậu phương,
Đi cùng anh đến cuối mùa chinh chiến.

Nguyễn Thị Thanh Dương.


Sài Gòn Ơi - Nhạc & Lời: Trần Chương Lương - Hòa Âm: Phan Thanh Hùng - Ca Sĩ: Lệ Tuyền


Nhạc & Lời: Trần Chương Lương
Hòa Âm: Phan Thanh Hùng
Ca Sĩ: Lệ Tuyền

Định Mệnh Buồn

 

Sắc máu đầm đầm hoa tháng Tư
Màu thương sắc nhớ đã hình như
Tan theo cánh mỏng vừa rơi rụng
Du thủ bướm ong giẫm nát nhừ

Từ đấy mùa sang hạ chết rồi
Não nùng hoa nắng tiếng than ôi
Còn đâu xanh biếc khung trời mộng
Định mệnh khéo bày đến thế thôi

Kim Phượng

Dấu Chân Kỷ Niệm



Cuối tháng Tư ngày dài như bất tận
Chiều mưa rơi lất phất những vấn vương
Cánh phượng đỏ rơi rơi ngoài cửa lớp
Áo trắng ai bay tím cả sân trường

Trưa hai chín Bắc phương tràn thành phố
Từng đoàn người đổ ra biển vượt biên
Năm mươi năm chưa hết nỗi ưu phiền
Chưa gặp lại một lần người yêu dấu

Hương con gái thời sinh viên tranh đấu
Vẫn say nồng trong chiều vắng cô đơn
Xa lắc rồi những trách móc giận hờn
Nghe mặn đắng bờ môi khô buốt giá

Gió rít mạnh từng lá rơi tượng đá
Nắng hanh vàng thoi thóp đợi mùa sang
Mai mốt em có về, thăm Cầu Quan*
Để nghe nhịp thở khẽ khàng tiềm thức

Hồn hoang lạnh tháng Tư hoài đau nhức
Trời quê hương hết nắng lại mưa giông
Dòng sông xưa cuồn cuộn nước xuôi dòng
Người vượt biển bằng con đường chánh thức

Đêm tháng Tư trăng tròn rồi lại khuyết
Trời tháng Tư nghiệt ngã lỡ duyên thề
Năm mươi năm người chợt tỉnh cơn mê
Nghe năm tháng tàn phai trong ký ức

Chiều dần xuống hoàng hôn rơi thổn thức
Chén rượu cay xin cạn hết đêm nay
Gói tâm tư lòng trắc ẩn u hòai
Cám ơn em đã cho ta tình thắm

Nhớ ngày xưa dạo biển dấu chân in
Sóng xô bờ vạt nắng chiếu lung linh
Thương biết mấy bờ vai buông tóc rối
Thuyền đỗ về đâu khi hết chiến chinh?!!

Nguyễn Cang
(Apr. 30, 2025)


Quê Người Quê Nhà Trong Trái Tim Tôi


Đây là bài số bảy trăm năm mươi chín (759) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ ORTB.

Cứ mỗi lần Tháng Tư đến là chúng ta được nghe, được đọc những bài thơ, bài văn, bài nhạc nói về Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư. Ai trong chúng ta cũng có niềm đau nỗi nhớ về ngày đau buồn này.
Thời gian trôi qua nhanh quá. Thế là đã 50 năm trôi qua lặng lẽ. Đa số chúng ta đã trải qua một thời gian gian khổ của kiếp thuyền nhân lênh đênh trên biển cả mênh mông như lời thơ của tôi dưới đây:

……Có những con thuyền thật mỏng manh
Lang thang cuối bãi đến đầu gành
Một cơn sóng lớn đưa thuyền đến
Địa ngục trần gian giữa biển xanh

Có những hôn mê dưới nắng trời
Chập chờn theo gió nổi mây trôi,
Đói cơm, khát nước, bao già trẻ,
Một thoáng "thiên đàng" đã đến nơi

Có những bàn tay chới với tìm
Chiếc phao, mảnh gỗ, để ngoi lên
Trời ơi! Sao lại là con nhỉ?
Và xác con yêu nhẹ nhẹ chìm …
(Trích trong Kiếp Thuyền Nhân- Thơ Sương Lam)

Và thế giới chỉ có biết:

Người chỉ biết những con tàu đã đến
Còn bao nhiêu lạc nẻo hoặc chìm sâu
Giữa phong ba xanh thẳm chỉ một màu
Ai đếm được bao nhiêu mồ giữa biển?

Hết gió bão lại sa vào giặc biển
Cướp bạc tiền và cướp cả đời hoa
Biết làm sao cho thế giới hiểu là
Nỗi đau đớn người dân Nam gánh chịu..
(Trích trong Biển và Dân Việt- Thơ Sương Lam)

Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ màu cờ vàng ba sọc đỏ, bao nhiêu gia đình đã ly tán, bao nhiều người đã tử nạn trong biển sâu rừng vắng trên bước đường tìm tự do, bao nhiêu sự cực khổ gian nan trong cuộc sống nơi xứ người đã vẽ lên bức tranh quốc hận đau thương. Bởi thế vào tháng Tư hằng năm, bạn và tôi, xin hãy dành một phút tưởng niệm đến những người đã khuất cho lý tưởng tự do, bạn nhé!.

Ngày tưởng niệm! Chẳng đợi kêu mời rước
Ngày đau buồn! Dân Việt khắp năm châu
Một phút thôi! Xin kính cẩn cúi đầu
Để truy niệm đến những người đã khuất

Saigon cũ giã từ trong u uất
Nơi xứ người, Tôi, Bạn nhớ Quê hương
Tháng Tư Buồn! Người ở lại quê hương
Hờn vong quốc! Ai buồn hơn ai nhỉ?
(Trích trong Portland Tháng Tư Buồn- Thơ Sương Lam)

Theo vận nước nổi trôi, tôi lưu lạc nơi xứ người. Nhờ Trời Phật ban phúc lành, gia đình bé nhỏ của tôi được sum họp, đoàn tụ với các em của tôi như cha mẹ chúng tôi hằng mong muốn.
Chúng tôi đã chọn Portland là quê hương thứ hai của chúng tôi và chúng tôi đã sống ở nơi đây hơn 40 năm rồi. Đời sống tình cảm của tôi lại gắn liền với từng bụi cỏ, từng gốc cây, từng tên đường ở Portland như tôi đã sống ở Sài Gòn ngày cũ.


Xin hãy cảm thông tâm tình của người viết trong những ngày đi học đầu tiên của khóa mùa Thu ở “đại học trường làng” Portland Community College ở Portland, Oregon.

“Khi còn ở quê nhà chốn cũ
Vẫn mơ về bến mới Tự Do
Nào hay đâu đã đến được bờ
Lại mang nỗi u hoài khó tả

Những buổi sáng trên đường tới lớp
Trời Thu buồn khắp nẻo sương giăng
Bao niềm thương nỗi nhớ xa gần
Trong thoáng chốc quay về lũ lượt

Nào cha mẹ, trường xưa, bạn cũ
Nào những ngày khốn khổ điêu linh
Nào bao nhiêu kỷ niệm, ân tình
Hình ảnh ấy bao giờ xóa được

Rồi tôi lại ngậm ngùi khi nhớ về Saigon:

Từng thu đến, lại từng thu đến
Gió lạnh về tê tái, cô đơn
Kẻ sĩ xưa ôm mối đau hờn
Nơi xứ lạ sống đời viễn khách

U hoài ấy biết ai tâm sự
Nửa cuộc đời sống ở quê hương
Sài Gòn ơi! Cách biệt đôi đường
Còn gì nữa, để quên để nhớ!
(Saigon Còn Gì Ðể Quên Ðể Nhớ - Thơ Sương Lam)

Tôi đã chọn Portland, Oregon là quê hương thứ hai của tôi cũng như nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Dương đã chọn Texas là quê hương của bạn ấy.

Chúng tôi là bạn văn nghệ thân thiết cùng sinh hoạt trong Diễn Đàn Cô Gái Việt tâm ý tương cảm tương thông rất nhiều.


Xin mời đọc một trích đoạn trong bài viết mới nhất "50 Năm Quê Nhà Quê Người" của bạn tôi nhé. Cảm ơn Thanh Dương rất nhiều vì cùng một cảm nghĩ như tôi.

50 Năm Quê Nhà Quê Người

“……..Nước Mỹ đã là quê hương thứ hai, đã thấm vào tim tôi bao tình cảm, bao gắn bó thân thương. Nhà của tôi đây, vùng Dallas Fort Worth tiểu bang Texas nơi tôi đã sống mấy chục năm cho đến bây giờ. Tôi yêu mến nơi này. Chồng thường hay trêu đùa:
- Đối với bà tiểu bang Texas đẹp nhất trong 50 tiểu bang nước Mỹ và nước Mỹ thì đẹp nhất thế giới luôn.
Thỉnh thoảng tôi đi thăm con ở tiểu bang Utah, California hay thăm em ở Edmonton Canada, ở lại một hai tuần tôi đã nhớ thành phố tôi ở, nhớ căn nhà của mình, nhớ sân trước vườn sau, nhớ chợ búa tôi thường đi. Khi đến ngày trở về, vừa đến phi trường Dallas Fort Worth tôi đã cảm xúc vui mừng đứa con đi xa được trở về nhà.

Tôi cũng từng mơ thấy mình trở về Việt Nam, chờ đợi tôi vẫn là cảnh cũ người xưa, vẫn là bao kỷ niệm của trước khi tháng Tư 1975 ập đến, chuyến bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi có cảm giác sung sướng vui mừng được trở về nhà y như thế này. Nhưng đó chỉ là mơ thôi.
Thấy tôi bâng khuâng chồng hỏi:
- Bà nghĩ gì mà lặng người ra thế?
- Quê nhà, quê người. Tháng Tư vết thương không bao giờ lành. Tháng Tư vẫn mãi là trang sử buồn.
Rồi tôi tỉ tê:
- Chúng ta mấy triệu dân Việt lưu vong, bất kể người miền Nam thua cuộc hay bên thắng cuộc miền Bắc chắc rằng ai cũng có câu trả lời vì sao họ phải rời bỏ quê hương…
- Kìa, bà đang khóc đó sao?
Tôi lấy tay lau nước mắt ướt mi và cười thật tươi:
- Em khóc em buồn chứ. Xong rồi, em đang cười vui đây, 50 năm quê nhà quê người, quá khứ và hiện tại, mất mát đau buồn và thành quả nhận được. Em yêu hiện tại tốt đẹp này và ước mong tương lai tươi sáng tốt đẹp nhiều hơn nữa, cộng đồng người Việt chúng ta, các thế hệ cháu chắt chúng ta ở khắp nơi trên thế giới sẽ gặt hái được nhiều thành công trên mọi lĩnh vực, dù họ mang quốc tịch gì nhưng cội nguồn vẫn là người Việt Nam sẽ làm thơm danh người Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Viết cho Tháng Tư 1975- 2025 )”

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam



(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 759-ORTB 1190-4-30-25)

Mê Cung


Mê cung là một nhạc sĩ tài hoa nhưng nghèo, nghèo là vì chàng không có máu con buôn. Trong khi những cai thầu văn nghệ nhờ phát hành băng nhạc, tổ chức đại nhạc hội trở nên giầu có, những cô ca sĩ nhờ hát nhạc của chàng mà trở nên nổi tiếng, lấy được chồng giàu sang thì chàng vẫn nghèo. Nói tóm lại chàng giống như cây cải bị lũ rầy cai thầu văn nghệ nhung nhúc bám vào thân hình. Còn những bông cải vàng rực kia lại bị lũ bướm - tức mấy cô ca sĩ bay đến hút nhụy rồi lại nhởn nhơ bay đi hút mật ở những chùm hoa khác làm cho cây cải mỗi lúc mỗi trở nên héo tàn. Chính vì vậy mà chàng đâm ra hận đời rồi từ đó chán đời. Từ hận đời, chán đời nên chàng không muốn chơi với đời nữa mà lại muốn chơi với ma. Mê Cung cho rằng ma chính là người ta đã chết đi. Một khi đã chết rồi, từ dưới âm phủ ma quay nhìn lại cuộc đời thì thấy cuộc đời tựa như một giấc chiêm bao, chẳng ra cái quái gì cho nên chẳng còn muốn giành giựt hơn thua với đời nữa. Một khi chẳng muốn hơn thua với đời thì chắc hẳn ma rất dễ thương ? Từ đó chàng có ý tìm ma để sinh sống.

Thế nhưng trong khi nhịp độ đô thị hóa tăng nhanh như thế này thì làm gì còn có chỗ nào gọi là “ma thiên lãnh“ để cho ma trú ngụ nữa? Chàng đã vào Nghĩa Địa Bình Hòa ngủ thử vài đêm nhưng cũng chẳng thấy ma đâu cả. Thất vọng đã toan bỏ cuộc, trong khi đi hớt tóc ở Chợ Bà Chiểu chàng nghe lóm được mẩu đối thoại của hai cụ già đang ngồi đánh cờ tướng. Một cụ nói:
- Tôi chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ ấy thế mà cũng phải tin. Này, bác có biết chuyện con ma nhà Ông Đội Trạch không ?
Cụ già thứ hai ngưng một nước cờ, nói:
- Có phải bác muốn nói con ma ở ngôi nhà cổ cuối đường Ngô Tùng Châu không?

Cụ già thứ nhất vội đáp :
- Đúng vậy. Câu chuyện này tôi đã được nghe ông cụ tôi kể từ hồi tôi còn bé. Ông Đội Trạch lúc nhỏ có tên là Thằng Cu Trạch, là con của một người giữ ngựa cho Tây sau được xung vào lính pạc-ti-dăng. Nhờ gan dạ, dám trá hàng đầu phục nghĩa quân của Cụ Nguyễn Trung Trực rồi sau đó dẫn Tây đến đánh úp mà Tây phong đến chức đội xếp, được Thống Đốc Nam Kỳ sắc phong Bắc Đẩu Bội Tinh và được treo cờ Tam Tài (1) trong nhà. Nhờ thế lực đó mà Đội Trạch trở nên giàu có nức tiếng ở Gia Định. Đội Trạch có cô con gái tên Mộng Nguyệt. Vì là con thứ hai trong gia đình cho nên người ăn người làm trong nhà thường gọi là Cô Ba. Mộng Nguyệt có một sắc đẹp thật não nùng. Vợ chồng Đội Trạch cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa nên cho học đánh đàn dương cầm, nữ công gia chánh, học trường đầm. Khi Cô Mộng Nguyệït đậu xong bằng Đíp-lôm (2) và cũng vừa tới tuổi cập kê, vợ chồng Đội Trạch ý muốn làm xuôi với gia đình Đốc Phủ Chương ở Chợ Lớn. Gia đình Đốc Phủ Chương có người con trai lớn là Cậu Hai André năm đó đã đậu xong bằng Bắc Đơ (3). Khi hai người gặp nhau thì Cậu Hai André mê đắm ngay sắc đẹp của Cô Ba Mộng Nguyệt. Còn Cô Ba thì cũng bị những nét hào hoa, đẹp trai của Cậu Hai André chinh phục. Thế nhưng đời cũng có lắm cái trớ trêu. Tuy cùng làm tay sai cho Thực Dân Pháp nhưng Đốc Phủ Chương lại chê Đội Trạch là dân lính tẩy không có học, không xứng đáng làm xuôi gia cho nên tìm cách chia uyên rẽ thúy. Khi nghe tin Cậu Hai André kết hôn với con gái của một ông hội đồng ở miệt Hậu Giang thì thì Cô Ba ngất xỉu. Cô ốm tương tư vì nhớ thương cậu Hai André và cũng vì uất hận nữa. Sau đó bệnh mỗi ngày mỗi nặng không thuốc nào chữa khỏi và cổ qua đời lúc mới vừa mười chín tuổi. Ông bà Đội Trạch cho chôn con gái ở vườn sau nhà, giữ gìn lại tất cả đồ đạc, kỷ niệm và bữa cơm nào cũng làm một mâm cơm để bên cạnh giường cũ như thể Cô Ba vẫn còn sống. Ít năm sau, vì quá nhớ thương con, Bà Đội lâm bệnh rồi qua đời rồi vài năm sau, ông cũng theo bà về nơi tiên cảnh. Người ta đồn rằng hình như Cô Ba chết nhằm giờ linh cho nên cô không đầu thai được. Vả lại cổ hận Cậu Hai bạc tình cho nên thường hiện lên để trêu ghẹo người ta và có đêm bắt cả đàn ông, con trai vào ân ái để trả thù Cậu Hai nữa.

Tới đây thì ông già thứ hai ngắt lời:
- Chuyện đó thì tôi không được rõ lắm. Mặc dù ngôi nhà cổ không ai ở nhưng thỉnh thoảng đêm tối đi ngang qua tôi thấy trên lầu đèn thắp sáng, thấp thoáng có bóng của một cô gái trong bộ đồ ngủ và cả tiếng đàn dương cầm vang lên thánh thót!

Nghe tới đây thì gai ốc trong người Mê Cung nổi cả lên nhưng từ nỗi lo sợ lại nẩy lên một niềm khát khao là chàng sẽ được gặp ma và sống với ma. Sau khi trả tiền xong, Mê Cung hối hả về nhà để sắp đặt một chương trình theo
***
Hôm ấy là ngày chủ nhật vào khoảng mười giờ sáng, Mê Cung thuê xe xích-lô để đi tới ngôi nhà cổ đúng như câu chuyện mà chàng đã nghe được. Trả tiền xong, xốc lại chiếc ba-lô mà trong đó chàng có mang theo mấy bộ quần áo, vật dụng cá nhân, chàng mạnh dạn tiến tới chiếc cổng sắt. Đây đúng là một tòa dinh thự cổ của một gia đình quyền quý năm xưa. Trong sân, những tàng cây cổ thụ cành lá la đà làm cho khung cảnh trở nên âm u. Dường như căn nhà ít được ai chăm sóc, quyét dọn cho nên lá khô và rêu xanh phủ khắp cho nên tất cả tỏa ra một cái gì đó trông rờn rợn. Sau khi đã giật một vài hồi chuông, loại chuông kéo bằng giây, Mê Cung hồi hộp đứng chờ. Chờ một lúc không thấy ai trả lời, chàng giật thêm vài hồi nữa nhưng vẫn không có tiếng ai đáp lại. Cuối cùng chàng đánh bạo thò đầu qua song của sắt gọi lớn vào bên trong:
- Có ai trong nhà không, cho hỏi thăm với ?

Chàng phải gọi đi gọi lại như thế hai ba lần thì từ mé vườn phía sau mới có một bóng người lẹp xẹp bước ra. Đó là một ông già gù, đi chân đất, mặc một bộ đồ bà ba màu cháo lòng. Vì mái tóc bạc phủ xuống trán, nhất là đôi mắt lé, cái miệng lại méo cho nên ông ta trông giống nhân vật Quasimodo trong câu truyện Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Nhìn thấy ông ta Mê Cung muốn thoái lui nhưng tới nông nỗi này thì chàng đâu còn đường nào khác nữa. Chàng đánh bạo lên tiếng:
- Thưa bác cháu muốn hỏi thăm...
Không để chàng nói hết câu, ông già gù chặn ngang với giọng bực bội:
- Cậu là ai ? Tới đây có chuyện gì ?
Mê Cung nhanh nhẹn đáp:
- Cháu là nhạc sĩ Mê Cung…, (chàng định nói thêm “rất nổi tiếng” nhưng may mà kềm lại được) xin được vào thăm căn nhà này.
Lão già gù cau mày nói:
- Ngôi nhà này có cái gì lạ đâu mà cậu muốn vào thăm ? Nè, nhạc sĩ thì ra cái quái gì đâu mà khoe ?

Nghe câu nói móc họng như vậy Mê Cung hiểu rằng nếu chàng còn giải thích lằng nhằng thêm nữa thì câu chuyện tất không xong. Chàng thò tay vào túi, móc ra tờ giấy một trăm đồng, ấn vội vào tay ông già gù, hạ giọng nói:
- Bác cầm lấy để uống cà phê. Làm ơn cho cháu vào xem một chút thôi !

Dường như tiền bạc cũng có khả năng làm thay đổi tình cảm của con người cho nên sau một vài giây ngần ngừ, lão già “ hừ “ lên một tiếng rồi từ từ rút trong cạp quần ra một xâu chìa khóa – loại chìa khóa cổ mỗi chiếc dài gần bằng cả một gang tay. Khi lão già tra chiếc chìa khóa, mở cánh cửa sắt thì chàng lanh lẹ lách mình vào. Sau khi đã khóa cánh cửa sắt trở lại, lão già khập khễnh đi trước còn Mê Cung lặng lẽ theo sau.

Trên đường đi hai người băng qua một sân lát gạch rộng. Có lẽ tiếng xào xạc đạp lên lá khô đã làm kinh động mấy con dơi quạ đang đeo mình trên mấy cành cây cho nên chúng bay túa ra ngoài làm Mê Cung thất kinh hồn vía. Lão già dẫn Mê Cung đi vòng ra phía sau, tới một khu nhà vừa là bếp vừa là nhà ở của đám gia nhân trước đây – giờ thì đóng cửa im ỉm, chỉ có một căn với cánh cửa khép hờ. Có lẽ chỉ có mình lão già ở trong căn phòng cho nên đồ đạc thật đơn sơ, trên nóc mạng nhện giăng tứ tung. Sau khi ấm trà đã được dọn ra, nhấp vội một ngụm, Mê Cung thành thực kể cho lão già nghe câu chuyện nghe được ở Chợ Bà Chiểu cùng ý định của chàng khi đến căn nhà này. Nghe xong lão già cười khẩy, nói:
- Thời buổi này mà còn tin chuyện ma! Nhà này làm gì có ma. Chuyện ma là chuyện mua vui, để hù dọa con nít, để trám chỗ trống trên mấy tờ báo !
Rồi bằng một giọng trầm trầm lão già kể:
- Sau khi Cụ Đội chết đi thì mười năm sau ông già lão cũng qua đời. Lão thay cha làm quản gia cho cái dinh này cũng đã hơn bốn mươi năm rồi. Lúc sanh tiền Cụ Đội có người con trai là Cậu Hai Albert du học bên Pháp. Khi cha còn sống, Cậu Hai thỉnh thoảng có về đây nhưng kể từ khi Cậu Hai qua đời thì con cháu cậu ít khi về và chỉ gửi tiền để trả tiền công cho ta làm quản gia coi sóc căn nhà. Nói tóm lại cái dinh này nay trở thành nhà tự của dòng họ Cụ Đội chứ có phải căn nhà ma đâu.

Nói đến đây lão già ngừng lại, lấy tay chỉ ra ngoài rồi nheo mắt nói:
- Đấy mả của Cô Ba nằm đó. Cô Ba mất cách đây hơn năm mươi năm rồi.

Theo ngón tay của lão già, Mê Cung nhìn ra ngoài. Đó là một ngôi mả đá bao quanh bởi một bồn hoa trồng bông mười giờ, giờ này đang bắt đầu nở rộ. Bên trên là một tấm bia thật lớn có cẩn một tấm hình thật đẹp của Cô Ba Mộng Nguyệt. Mặc dù lão già nói thế nhưng trước khung cảnh âm u của toà dinh thự, hơn nữa vì lão già bị lé cho nên con mắt lão trở nên tinh quái. Cái miệng méo làm cho nụ cười của lão trở nên hóm hỉnh cho nên càng kích thích sự tò mò của Mê Cung. Mê Cung nghĩ rằng lão già cố bịa chuyện để tống chàng đi cho rảnh nợ cho nên chàng khẩn khoản:
- Thưa bác, dù biết vậy nhưng cũng xin cho cháu ở lại đây một đêm thôi. Nếu cháu có làm chuyện gì bậy bạ thì cũng chạy đâu cho thoát, có phải vậy không bác ?
Lão gìa lại “hừ “ một tiếng rồi nói:
- Dĩ nhiên ta chẳng sợ chú mày làm chuyện bậy bạ, song có điều....
Lão chợt dừng lại, tư lự giây lát rồi gật gù nói:
- Thôi được rồi. Âu cũng là điều trùng hợp. Đáng lý ra hôm nay đã tới kỳ vợ ta từ dưới quê lên thăm nhưng không hiểu có chuyện gì không mà bả trễ hẹn làm ta nóng ruột quá. Đã mấy năm nay ta cũng chưa có dịp về thăm nhà ở miệt Cao Lãnh. Thấy chú mày là người thiệt thà ta cũng có cảm tình. Ta sẽ giao chìa khóa cho chú mày và sẽ trở về nội trong ngày mai. Chú mày có thể xem một vòng cho biết nhưng tuyệt đối không được đưa người lạ vào đây nghe chưa.

Nghe nói vậy, Mê Cung mừng rỡ ôm lấy lão già, cám ơn rối rít. Sau đó lão già gù gom một mớ quần áo, vật dụng bỏ vào tay nải. Mê Cung tiễn lão ra ngoài cửa, gọi xích-lô để chở lão ra bến xe.

Khi lão già đi rồi, Mê Cung cũng đi bộ ra ngoài Chợ Bà Chiểu mua ổ bánh mì, khoanh chả lụa và vài chai bia rồi quay trở lại tòa dinh thự. Ngay dưới tàng cây soài cổ thụ là một chiếc bàn đá và mấy chiếc ghế bành bằng mây. Chàng thoải mái ngồi dựa ngửa ở đó để uống bia và trong lòng thầm cầu mong sao tối nay sẽ được gặp ma tâm sự cho thỏa tình mong ước. Do men rượu, do bầu không khí tịch mịch, do ngọn gió hiu hiu gợi cảm, Mê Cung đã thiếp đi vào giấc ngủ trưa lúc nào không hay. Khi Mê Cung tỉnh giấc thì trời đã về chiều. Vì toà dinh thự được bao phủ bởi những tàng cây cổ thụ cho nên bên trong sân trời tối nhanh hơn ở bên ngoài. Mê Cung đã toan đi xuống nhà bếp để gom góp đồ đạc rồi sau đó sẽ mở cánh cửa hông của tòa dinh thự để bước vào bên trong thì có tiếng ai réo gọi ở ngoài cổng. Chàng vội chạy ra và trước sự ngạc nhiên của chàng, người đang đứng đó không ai khác hơn là một cô gái trạc độ mười chín, hai mươi tuổi. Đứng sát vào cổng sắt chàng lên tiếng hỏi:
- Cô tìm ai ?
Thay vì trả lời, cô gái lại hỏi chàng:
- Ba em có nhà không ? Sao em gọi mãi mà không thấy ai trả lời ?
Mê Cung ngạc nhiên hỏi:
- Ba nào ?
- Ủa ? Anh ở đây mà không biết ba em à ? Ba em là ông già, ông già quản gia của cái dinh này đó! Anh mở cửa cho em vô đi.

À thì ra đây là cô con gái của lão già gù. Mê Cung vội vã mở cổng cho cô gái lách mình vào. Cô gái đầu đội chiếc nón lá, mặc áo bà ba trắng và chiếc quần lãnh đen, tay xách một chiếc giỏ. Dù lúc này trời đã xâm xẩm tối, tuy không nhìn thấy rõ mặt nhưng Mê Cung nhận thấy cô gái có thân hình hết sức cân đối, dáng đi uyển chuyển. Vừa bước vào bên trong cô gái đã liến thoắng hỏi:
- Thế ba em đâu rồi ?
Mê Cung vội đáp:
- Sáng nay chờ mãi không thấy ai lên, bác nóng ruột lấy xe về dưới quê rồi.
Nghe trả lời vậy cô gái nói với giọng có pha một chút ân hận:
- Âu cũng là lỗi tại em. Bắc Mỹ Thuận tối qua bị kẹt cho nên em không sao lên đây đúng hẹn làm ba nóng ruột phải về dưới đó. Không biết về ba có quở không. Nếu có gì thì xin anh cũng nói giúp em một tiếng.
Rồi không đợi chàng hỏi gì thêm, cô gái nồng nàn kể lể:
- Cứ ba tháng một lần mẹ em đều sai em lên đây để thăm và mang một số đồ tiếp tế cho ba. Em đã lên đây từ lúc mười mấy tuổi cho nên toà nhà này em rành lắm. Mà ủa, anh tới đây để làm gì ?
Bằng giọng nói thành thực Mê Cung kể cho cô gái lý do tại sao mà chàng có mặt tại ngôi nhà cổ này. Nghe xong cô gái cười khúch khích, nói:
- Trông anh bảnh trai thế mà cũng tin chuyện ma qủy. Chắc anh chọn lầm chỗ rồi đó. Căn nhà này không có ma đâu nhưng cũng có cái ngồ ngộ, để lát nữa em chỉ cho anh coi.

Nói xong cô gái lanh lẹn cầm lấy chùm chìa khóa, mở cửa hông để hai người cùng bước vào. Trước sự ngạc nhiên của Mê Cung, mặc dù bên trong trời tối như thế mà cô gái vừa đi vừa chỉ rõ nơi nào là chỗ bật điện, nơi nào là chỗ bật quạt trần, nơi nào là chỗ bật đèn ngủ v.v.. Sau khi căn phòng đã tỏa sáng, cô gái hướng dẫn Mê Cung bước lên lầu. Cũng giống như ở dưới nhà, cô gái quen thuộc từng nơi, từng chỗ như thể cô ta là chủ nhân của căn nhà này. Sau khi đèn đã được bật lên, trước mắt Mê Cung hiện ra một căn phòng khách thật sang của một gia đình quyền quý năm xưa. Những đồ đạc kê trong phòng đều là những đồ cổ đắt giá như những chiếc ghế sa-lông cẩn ốc sà-cừ, cặp ngà voi, những chiếc lục bình, những chiếc thống, chậu hoa, một chiếc máy hát quay tay với hiệu con chó ngồi xổm kê ở một góc. Trên bức tường cao, ngay trên nóc cầu thang từ dưới nhà bước lên là tấm hình khá lớn của Ông Đội trong bộ khăn đóng áo dài, với bộ râu mép trông rất uy dũng, vai choàng một cái đai cờ tam tài, ngực gắn chiếc huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Bên cạnh là hình Bà Đội đeo bông tai, quấn tóc trần, mặc áo dài nhung, cổ đeo kiềng vàng ra dáng con người quyền thế.

Trong khi Mê Cung còn đang say mê ngắm nghía thì thì cô gái đã lanh lẹn kéo những tấm rèm cửa sổ sang một bên. Giờ đây từ bên trong người ta có thể nhìn thấy những tàng cây cổ thụ ở ngoài sân, lấp lánh dưới ánh trăng đang đong đưa theo ngọn gió nhẹ. Khi đã kéo những tấm màn cửa sang một bên, cô gái quay trở lại, cầm lấy tay Mê Cung rồi vui vẻ nói:
- Em sẽ cho anh xem phòng của Cô Ba năm xưa.

Thế rồi dưới sự hướng dẫn của cô gái, Mê Cung bước vào căn phòng phía sau. Quả như lời giới thiệu, đây đúng là phòng ngủ của một tiểu thư con nhà khuê các. Một chiếc giường Hồng-Kông với những cây trụ bằng đồng kê sát vào tường nằm ngay chính giữa của bức vách, bên trên trải khăn hồng với một chiếc gối thêu hình chim phượng, một chiếc gối ôm bằng vải sa-tanh màu hoàng cúc và một con gấu búp-bê màu nâu đậm. Hai bên chiếc giường là một chiếc đèn ngủ và một kệ nhỏ để sách. Kế đó là hai chiếc tủ áo với những cánh cửa bằng kính. Đối diện với chiếc giường ngủ là chiếc bàn trang điểm trạm trổ rất tinh vi có gắn một tấm gương Tàu hình trái soan. Trên mặt bàn trang điểm là một vài thỏi son môi, một chiếc gương cầm tay và một vài cái lược. Ngay trên nóc chiếc bàn trang điểm, một tấm hình bán thân rọi lớn của Cô Ba Mộng Nguyệt được trang trọng treo trên tường. Trong khi Mê Cung còn đang mải mê ngắm nhìn những đồ vật trong phòng thì cô gái đã nhanh nhẹn mở cánh cửa tủ, lấy ở trong đó ra một bộ đồ ngủ rồi nhoẻn miệng cười, nói:
- Trời nóng nực quá em phải đi tắm và thay đồ. Có lẽ khi em tắm xong anh cũng nên tắm cho mát.
Nói xong cô gái đi về phía cuối căn phòng ngủ, đẩy cánh cửa phòng tắm, bật đèn rồi bước vào. Chỉ thoáng sau Mê Cung đã nghe thấy tiếng nước chảy rào rào tỏa ra từ chiếc hương sen ở bên trong.

Còn một mình trong phòng, Mê Cung tò mò nhặt con gấu búp-bê lên coi. Lông con gấu vẫn còn mượt nhưng bên trên phủ một lớp bụi và có mùi ẩm mốc. Nhìn con búp-bê Mê Cung liên tưởng tới cuộc sống đài các của con nhà quyền quý năm xưa – mười chín tuổi đầu rồi mà vẫn còn chơi búp-bê! Bỏ con búp-bê xuống, chàng tiến tới chiếc tủ áo. Bên trong chiếc tủ treo đủ thứ loại quần áo như áo dài, áo đầm, áo ngủ, áo mặc ở nhà, tất cả đều được thêu rất tỉ mỉ. Ngay dưới chân, sát tường là chiếc kệ để giầy bên trên bày hầu như nguyên vẹn tất cả những đôi giầy đôi hài mà Cô Ba chết đi để lại. Vừa cầm một chiếc lên coi thì Mê Cung thất kinh hồn vía. Một vật gì từ trong chiếc giày phóng vọt ra ngoài. Định thần nhìn kỹ lại thì ra đó là một con chuột nhắt làm ổ ở bên trong. Bị động chú chuột vọt ra và chạy biến vào dưới gầm giường. Chàng vừa hoàn hồn xong thì cánh cửa phòng tắm cũng xịch mở và cô gái từ bên trong bước ra. Nhìn thấy nàng, Mê Cung đứng xững như trời trồng. Trong chiếc áo ngủ xanh màu hồ thủy, cô gái gần như lột xác hoàn toàn ! Hình ảnh một cô gái quê mặc quần áo bà ba lúc nãy biến đâu mất. Nàng hiện nguyên hình thành một cô gái thật đẹp, thật quyến rũ. Thân thể nàng lồ lộ dưới làn voan mỏng của chiếc áo ngủ. Dường như không chú ý đến sự kinh ngạc của Mê Cung, cô gái từ từ tiến tới bàn trang điểm. Nàng lấy lược chải tóc rồi hồn nhiên ngắm nhìn mình trong gương. Sau giây phút hoảng hốt, một ý nghĩ tò mò nảy ra trong óc. Mê Cung tiến về phía chiếc giường, ngồi xuống và bình tĩnh ngắm nhìn cô gái hiện trong gương. Rồi hoàn toàn do sự vô tình, chàng ngửng đầu nhìn lên tường. Không hiểu mắt chàng có bị ảo giác hay không mà người đang đứng trước tấm gương và hình Cô Ba treo trên tường giống nhau như hai giọt nước! Chàng kinh hãi kêu lên :
- Giống quá! Trời ơi giống quá!

Nói xong Mê Cung hốt hoảng đứng dậy, dựa lưng vào tường, mắt mở trừng trừng như người vừa trông thấy ma. Trước thái độ hoảng hốt của Mê Cung, cô gái quay lại. Nhưng thay vì làm một cử chỉ gì đó khiến Mê Cung có thể kinh hãi thêm, nàng chỉ nhoẻn miệng cười và nói với giọng hết sức hồn nhiên:
- Anh cũng như ba em vậy đó. Cứ mỗi lần em lên đây là ba em đều nói “ Sao con giống Cô Ba quá ! Hay con là Cô Ba đầu thai lại vào nhà ta ?” Nghe ba nói thế em cãi lại “Cô Ba là con nhà quyền quý thiếu gì nơi đầu thai tại sao phải đầu thai vào chỗ nghèo hèn như nhà mình ? Vả lại người ta giống nhau cũng là chuyện thường. Biết đâu trong lúc má cấn thai, ba lúc nào cũng nghĩ đến Cô Ba cho nên đẻ con ra giống Cô Ba chứ gì? “ Nghe em giải thích thế từ đó ba em mới không còn thắc mắc nữa.

Còn đang bán tín bán nghi với lời giải thích thì cô gái lại lên tiếng. Nhưng lần này giọng nói của nàng có pha một chút nghẹn ngào
- Anh biết không. Em bất hạnh sinh vào một gia đình nghèo ở dưới quê suốt đời mặc quần thô áo vải. Năm mười sáu tuổi, lần đầu tiên lên thăm ba, em được ba dẫn lên đây chơi. Nhìn quần áo, giày dép, giường ngủ trong căn phòng em cứ tấm tức khen Cô Ba tốt phước quá. Khi ba xuống nhà dưới, em lén lấy quần áo của Cô Ba ra mặc. Dù không biết đánh đàn dương cầm nhưng em cũng ngồi vào ghế rồi đánh đại vài tiếng. Em mở tung cả các cánh cửa sổ thò đầu nhìn ra ngoài đường phố để có cái cảm giác của một cô gái sống ở nơi đài các. Đêm đó em ngủ ngay trên giường của Cô Ba. Sáng hôm sau biết được, ba quở em quá chừng nhưng rốt cuộc ổng chỉ mắng thế nhưng vẫn thương vì ổng chỉ có mình em. Từ đó em càng làm nư. Cứ mỗi lần lên đây em đều lấy quần áo của Cô Ba ra mặc, ngủ ngay tại giường này, thét rồi cũng đâm quen, ba thấy vậy cũng chẳng nói gì. Vậy thì anh cũng đừng có ngạc nhiên làm gì nhe !

Lời nói của cô gái làm Mê Cung nhớ tới câu chuyện đối đáp qua lại giữa hai ông già mà chàng nghe được ở Chợ Bà Chiểu. Thì ra cái hình ảnh cô gái ma trong bộ đồ ngủ, đêm khuya hiện ra trên lầu của căn nhà này với tiếng đàn dương cầm thánh thót là do sự tinh ma, ranh mãnh của cô gái này đây. Chính lời giải thích đó đã làm chàng vững tin. Do đó cái cảm nghĩ cô gái có thể là ma hiện hình thoáng một giây hiện ra trong đầu chàng cũng theo đó mà tan biến mất. Mê Cung chợt thấy thông cảm và thật tội nghiệp cho cô gái. Trong lúc chàng còn đang lúng túng chưa biết phải phản ứng như thế nào thì cô gái lại lên tiếng:
- Em chỉ mong mong một ngày được sống như Cô Ba có chết cũng cam tâm ! Con gái nhà nghèo sống cô đơn buồn tủi lắm anh ạ! Anh không nghe báo chí tiểu thuyết bây giờ người ta thường hay nói “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt ! Còn hơn le lói suốt năm canh” sao ?

Là một nhạc sĩ tài hoa, vốn thuộc nòi tình. Ngoài cái bất hạnh của chính đời mình, người nhạc sĩ cũng còn hay bỏ vào tác phẩm của họ cả những thương vay khóc mướn của nhân thế, cho nên nghe nói vậy Mê Cung cảm thấy xót thương cô gái vô hạn. Chàng tiến tới, cầm lấy tay cô gái, an ủi:
- Anh thông cảm được những gì em nói. Nhưng em đẹp thế này thì lo gì ?

Dường như tìm được người tri kỷ, cô gái khẽ gục đầu vào ngực Mê Cung. Do phản ứng rất tự nhiên, Mê Cung vòng tay ôm chặt cô gái vào lòng. Mùi hương thoang thoảng như hoa ngọc lan và da thịt mềm mại của cô gái làm chàng ngất ngây. Thế nhưng chỉ giây lát sau, cô gái đã gỡ tay Mê Cung ra rồi nàng bật cười khúc khích, nói:
- Chút xíu nữa em quên mất anh là nhạc sĩ. Tối nay anh đàn cho em nghe có được không ?

Nói xong nàng nũng nịu cầm tay Mê Cung kéo ra ngoài phòng khách. Quả thật lúc này chàng Mê Cung nhà ta dường như đã lạc vào mê hồn trận. Chàng líu ríu bước theo cô gái rồi hai người tiến tới chiếc đàn dương cầm. Quả thật trong đời chưa bao giờ Mê Cung trải qua những phút giây lạ kỳ như vậy. Giữa tòa lâu đài cổ, ngồi bên cạnh chàng là một cô gái thật quyến rũ, thật ngây thơ và cũng thật dễ thương. Bên ngoài vầng trăng đã lên cao và ném vào căn phòng một thứ ánh sáng màu sáng đục lả lơi. Thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ làm đong đưa đám cành lá lúc này dường như cũng đã ướt mềm như sương khuya, làm cho cảnh vật về đêm càng êm đềm, gợi cảm. Mê Cung bắt đầu dạo nhạc và chàng đã dồn hết tâm trí để chơi bản Dạ Khúc của Schubert. Khi tiếng đàn vừa cất lên thì cô gái cũng khẽ ngả đầu vào vai chàng như thể quá xúc động. Nàng nhắm nghiền đôi mắt như để tận hưởng những cung bậc du dương, mời gọi, da diết của một bản nhạc trữ tình. Mê Cung đã chơi bản nhạc giữa trạng thái ngất ngây, nửa tỉnh, nửa mê như thể chàng đã xuất hồn để tấu nhạc trong một đêm thần thoại của một cõi thần linh, ma quỷ.

Khi chàng vừa chơi dứt bản nhạc thì căn phòng đột ngột nhiên trở nên im lặng – nhưng là một sự yên lặng nhiệm màu và khó hiểu. Dường như không gian vẫn còn vương vấn và phảng phất những cung bậc thánh thót mà mới một vài giây phút trước đây nó đã ngự trị trong căn phòng này. Trong trạng thái hoang mang, bí ẩn và đầy quyến rũ đó, hơi ấm tỏa ra từ thân thể của cô gái như một chất men ma quái làm Mê Cung nóng ran cả người. Không còn kềm chế nổi dục tình, Mê Cung ôm choàng lấy cô gái, hôn lên môi nàng. Rồi chàng bế xốc cô gái và bồng nàng vào trong phòng.

***
Khi Mê Cung giật mình tỉnh giấc thì mặt trời đã lên khá cao. Chiếc đồng quả lắc cổ trong phòng khách thong thả điểm mười tiếng. Việc đầu tiên mà chàng nhận thức được là bên cạnh mớ chăn gối, khăn trải giường bị xô lệch, Mê Cung không thấy cô gái đâu cả. Trong lúc đầu óc chưa hoàn toàn tỉnh hẳn chàng nhớ đêm qua chàng đã trải qua một cuộc ân ái thật mặn nồng với cô gái. Dấu vết của đêm truy hoan còn để lại trên thân xác thật uể oải, miệng khô và khát nước của chàng. Nhưng giờ này cô gái ở đâu ? Trong một thoáng giây chàng nghĩ có thể cô gái đang ở trong phòng tắm. Chàng chạy vội vào đó nhưng nàng không có ở đó ! Hay nàng đang thơ thẩn chơi ở dưới sân, hoặc làm công việïc gì đó ở dưới nhà bếp ? Mê Cung vội vã chạy xuống dưới kêu réo, lục lọi khắp nơi nhưng cũng chẳng thấy nàng đâu cả ! Rồi hình như do linh tính mách bảo, chàng chạy ngược trở lên phòng ngủ của Cô Ba Mộng Nguyệt. Một tờ giấy nhỏ nằm ngay trên mặt chiếc bàn học. Chàng vội vã cầm lên đọc. Mẩu giấy viết như sau: “ Xin lỗi anh, em phải về dưới quê sớm. Nếu ba về biết chuyện này chắc ba quở em dữ lắm. Hy vọng chúng mình sẽ gặp nhau vào một dịp khác !” Vò nát mẩu giấy trên tay rồi nhét vào túi áo, Mê Cung ngồi thẫn thờ như pho tượng đá. Một niềm nhớ thương lẫn xót xa lại xâm chiếm cả tâm hồn. Tại sao trên đời lại có một cô gái đẹp, ngây thơ, dễ thương và đa tình đến thế ? Chàng cứ ngồi thẫn thờ như kẻ mất hồn cho đến khi chiếc đồng hồ thong thả điểm mười một tiếng. Thu vén lại khăn trải giường cho gọn ghẽ, đặt con gấu búp-bê ngay ngắn bên cạnh chiếc gối ôm màu hoàng cúc, đứng lặng yên ngắm nhìn tấm hình của Cô Ba Mộng Nguyệt treo trên tường một hồi, chàng buông tiếng thở dài rồi thong thả bước xuống nhà dưới. Chàng mò vào bếp châm lửa nấu nước pha một bình trà để uống cho đầu óc tỉnh táo trở lại mà cũng để chuẩn bị đón lão già quản gia như đã ước hẹn với lão sáng qua.

Khoảng sáu giờ chiều khi nắng đã ngả sang màu vàng úa và những đốm sáng từ từ rơi rụng trên đám cành lá thì bầy dơi quạ cũng bắt đầu túa ra từ những tàng cây cổ thụ để khởi đầu chuyến ăn đêm thường lệ. Dường như có tiếng ai giật chuông ở ngoài cửa. Mê Cung hối hả chạy ra và người đang đứng ở ngoài cổng không ai khác hơn là lão già gù. Sau khi mở cổng, giúp lão khiêng vào bên trong một quầy chuối, một bao gạo nhỏ và một cặp gà, Mê Cung mau mắn hỏi:
- Bác về dưới đó có gì vui không ?
Nhếch cặp mắt lé lên nhìn Mê Cung lão già đáp :
- Bà xã của ta bị đau bất ngờ. May mà ta quyết định về dưới đó nếu không thì hư hết mọi truyện. Đồ ăn, gạo thóc ở trên này cũng hết cả rồi !
Trước câu trả lời của lão già, Mê Cung ngạc nhiên hỏi tiếp:
- Thế bác gái không nói gì về chuyện con gái bác lên đây thăm bác à ?
Nghe Mê Cung hỏi thế lão già cau mặt, gặng hỏi:
- Con gái nào ?
Mê Cung thành thật đáp:
- Con gái bác lên thăm bác bị kẹt tại Bắc Mỹ Thuận mãi chiều hôm qua mới tới đây. Đêm qua cổ ngủ tạm ở ....dưới nhà bếp. Sáng nay cổ về dưới quê sớm lắm vì sợ bác quở. Cô ấy đẹp và dễ thương lắm ! Cổ đẹp như Cô Ba vậy đó !

Dường như lão già vẫn chưa hiểu Mê Cung nói gì. Lão đứng ngơ ngơ ngác một hồi, hếch đôi mắt lé nhìn trừng trừng vào mặt Mê Cung rồi lẩm bẩm:
- Ta mà có con gái à ? Lão già gù xấu xí như thế này mà có cô con gái đẹp như Cô Ba? Con gái ta hôm qua ngủ đêm tại đây à ? Chú mày rỡn chơi phải không ?
- Cháu không nói rỡn chơi đâu, thật vậy đó !
Nghe Mê Cung nói vậy lão phá lên cười. Cười một hồi, lão bóp trán suy nghĩ rồi đột ngột lấy tay chỉ vào mặt Mê Cung, nói:
- À, ta hiểu rồi ! Thảo nào ! Thật quá lắm ! Đã đem gái vào đây ngủ lại còn bịa chuyện nói dối đó là con gái ta.

Nói tới đây lão già ngừng lại, đưa mắt nhìn Mê Cung, nhìn từ trên xuống dưới như nhìn một người phạm tội. Rồi lão lấy tay xua:
- Đi! Đi! Đi khỏi nơi đây ngay! Ta không muốn nhìn con người trai lơ như thế này nữa ! Ta đã dặn rồi. Khi ta đi không được dẫn ai vào đây thế mà ...
Vì sự việc diễn ra ngoài dự liệu của Mê Cung cho nên chàng ta đứng chết trân, miệng ú ớ:
-Bác, bác, cháu!
- Không bác cháu gì hết, đi khỏi nơi đây ngay ! Người đời nói không sai mà! Ca sĩ, nhạc sĩ hay bầu gánh gì cũng đều một ruộc như nhau cả !

Nói xong lão gà gù hung hãn lấy hai tay xô mạnh vào thân hình Mê Cung. Khi đã đẩy Mê Cung ra ngoài, và không quên quẳng chiếc ba-lô của chàng qua khung cửa, lão già phủi tay rồi khập khiễng bước vào bên trong. Trước tình hình diễn ra đầy bất ngờ như thế Mê Cung chết điếng cả người. Mặc dù hình bóng của lão già gù đã mất hút vào vào màn tối mênh mông của ngôi nhà cổ mà Mê Cung vẫn còn bàng hoàng đứng đó. Trong sự hoang mang và chán nản tột cùng, bao nhiêu lời giải thích cứ thi nhau nhảy múa trong đầu chàng: Phải chăng lão già gù xua đuổi chàng chỉ vì muốn tránh tiếng con gái lão đã ngủ đêm lại đây với một chàng thanh niên xa lạ ? Hay cô gái chính là Cô Ba Mộng Nguyệt hiện về để ân ái với chàng để rửa mối hận tình muôn thuở với Cậu Hai André như câu chuyện mà hai ông già đã kể cho nhau nghe ngoài Chợ Bà Chiểu ?

Giờ đây con đường Ngô Tùng Châu rải rác một vài căn nhà đã lên đèn. Mê Cung đưa mắt nhìn lên tòa gác cổ giờ này đang đứng đó, bí hiểm, im lìm, cô đơn và lạnh lẽo. Nó trông tựa như một sân khấu buồn bã đã khép màn. Màn kịch ân ái đêm qua giờ chỉ còn trong mộng, xót xa và tiếc nuối. Khoác chiếc ba-lô lên vai, trong bóng tối chập choạng, vừa bước đi Mê Cung vừa lẩm bẩm:
- Quái lạ thật! Quái lạ thật ! Cuộc đời vẫn còn những chuyện không thể nào hiểu được! Tại sao trên đời lại có một cô gái đẹp, đa tình và ngây thơ đến như thế ? Nàng là người hay là ma?

 

Đào Văn Bình

------------
Cờ tam tài: Cờ Pháp với ba màu xanh, trắng, đỏ.
Đíp-lôm: Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp chương trình Pháp
Bắc-đơ: Bằng Tú Tài II chương trình Pháp.
(*) Tuyển tập truyện ngắn Mê Cung do Ananda Viet Foundation xb năm 2019 phát hành trên Amazon.


Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

50 Năm Bụi Mờ - Sáng Tác: Lê Tín Hương - Ca Sĩ: Anh Dũng

 


Sáng Tác: Lê Tín Hương
Ca Sĩ: Anh Dũng



Hổ Tướng Đất Việt



Trời tháng Tư
Sụt sùi rơi máu lệ
Lời đoan thề yêu tổ quốc non sông
Đã trót sinh
Nòi dòng giống Lạc Hồng
Tôi luyện thép nuôi chí lòng dân Việt

Kẻ đôi bờ 
Chung cùng bầu nhiệt huyết
Người quê nhà 
Lòng tha thiết viễn phương
Hòa tô thắm
Máu kiên cường bất khuất
Dựng lại cờ phất phới giữa trời quê

Đã bao năm
Ai
Kẻ bội thề dân tộc
Dạy đàn cháu con 
Ăn trốc ngồi trên
Cõng ngoại bang gây tang tóc điêu linh
Yêu quê hương bằng dày xéo dân mình

Hỡi anh linh!
Đấng hào hùng tuẫn tiết
Tấm hình hài dưới lòng huyệt hiển linh
Cùng người dân giữ lửa ngọn đấu tranh
Phá cùm sắt tung hoành danh hổ tướng

Kim Phượng

50 Năm Vẫn Hoài....


Chân bước đi sao lòng quay trở lại
Nỗi đau năm nào vẫn chảy trong tim
Tưởng nhớ Anh Linh cúi đầu chiêu niệm
Đã liều thân mình nằm xuống hy sinh

Tang thương 30 tháng Tư 75 trở lại
Năm mươi năm sau một chặng đường dài
Nhưng không xóa nhòa chẳng dễ phôi phai
Mỗi khi nhắc dòng lệ sầu tuôn chảy..
.

Tiếc Thương!

Kim Oanh
30.4.2025


Tháng Tư Nhớ Sài Gòn



Từ cơn bão dữ Tháng Tư
Đau thương mọc giữa âm u Sài gòn
Người ra biển, kẻ lên non,
Người làm chim cuốc mõi mòn xứ xa
Từ quê người, nhớ quê ta
Từ muôn dặm, nhớ xót xa Sài Gòn
Nhớ niềm vui, nhớ nỗi buồn
Nhớ người cô phụ giữa đường phố xưa
Sài Gòn nắng sớm, mưa trưa
Nhớ em dầu dãi nắng mưa Sài Gòn
Nhớ người dạ sắt lòng son:
Cánh hoa nở giữa Sài Gòn đổi tên
Tháng Tư đất ngã, trời nghiêng
Sài Gòn vẫn một cõi riêng Sài Gòn.

Trần Bang Thạch


Người Tôi Yêu

(Tô Đình Đài)

Tôi yêu anh lính MŨ XANH
Mây trời biêng biếc, bềnh bồng mộng mơ!
Tình thương nốt nhạc, lời thơ...
Mưa rào, tuôn xuống nhung tơ bạc vàng!

RẰN RI, sóng biển ầm vang,
Ôm bờ cát trắng, thì thầm vai em
Lòng CÔNG CHÍNH, dải lụa mềm.
Chim Bồ câu trắng, HÒA BÌNH hò reo!

Tim anh suối mát trong veo,
Nhiệt yêu TỔ QUỐC, chịu lời TRÂU ĐIÊN!
TRUNG HIẾU như SÓNG THẦN TIÊN,
THỦY CHUNG bè bạn, chiều nghiêng nắng vàng!

TÌNH THƯƠNG róc rách mây ngàn,
Long lanh ánh mắt, tràn đầy nghĩa nhân!
Nụ cười thơm ngát ruộng đồng,
BẢO VỆ NHÂN LOẠI trở thành HÙM BEO!

ANH đi khắp chốn quê nghèo,
TỰ DO HẠNH PHÚC cấy gieo bốn Vùng.
Điểm tô chữ “S” đẹp vô cùng,
Ngàn hoa đua nở dưới vừng Rạng đông.

Dáng anh SƠN THỦY THẦN ĐỒNG
TÌNH NHÀ, NỢ NƯỚC gánh gồng hai vai. .
Viết trang lịch sử hùng oai,
Đội trời đạp đất, đố ai sánh cùng!


Tô Đình Đài
(Đây lời tha thiết của người Yêu và của Đồng bao...QUÂN vơi DÂN như cá với nước.
không rời xa nhau ... Giúp Anh Em can đảm chiến thăng Quân thù)



50 Năm



Ngày xiêu. Tháng lụn. Năm tàn.
Năm mươi năm lệ trổ vàng, bỗng dưng.
Quạnh chiều, xuôi ngược không chừng
Năm mươi năm đếm buồn từng ngón tay!


Cao Vị Khanh

Tháng Tư Về, Em Có Nghe?


Tháng tư về, em có nghe biển gọi
Mộng tự do xa tít cuối chân trời
Thuyền em đi, chẳng bao giờ đến nơi
Lòng biển lạnh đón em ngày tang tóc

Tháng tư về, em có nghe biển khóc
Cùng những oan hồn dưới nước lạnh căm
Nỗi đau chưa nguôi sau bấy nhiêu năm
Kể từ khi em ngậm ngùi bỏ xứ

Em có nhớ những đêm biển không ngủ
Đau đớn nhìn sóng dữ nuốt thuyền nhân
Biển lặng câm buồn buổi sáng bình minh
Nước mắt đã hoà vào dòng máu đỏ

Em có nghe không tiếng kêu của gió
Đêm về lạc loài những mảnh hồn hoang
Nhớ chuyến hải hành xưa đi lang thang
Còn tức tưởi dưới tay bầy hải tặc

Đảo vắng mang nỗi kinh hoàng vô tận
Đêm âm u thiêu đốt những ước mơ
Thân phận lạc loài, héo hắt xác xơ
Gửi lại nơi đây thịt xương hờn tủi

Tháng tư về, em có nghe biển hỏi
Đêm từng đêm chong mắt nỗi nhớ nhà
Đã khô rồi nước mắt của mẹ cha
Mệnh nước long đong, tình đời tan tác

Tháng tư về, em có mơ biển hát
Ngày trùng phùng trên đất Mẹ quê Cha
Người tìm nhau trong mắt lệ nhạt nhoà
Quá khứ đau thương từ đây khép lại

Lịch sử quê hương bước vào trang mới
Tự do, thanh bình, hạnh phúc ấm êm
Biển vẫn mãi là kỷ niệm không quên
Là nhân chứng của một thời đất Việt

Kim Loan

Ðêm Ba Mươi


Ðêm ba mươi, đêm dài như vô tận
Chiến sĩ buồn dõi mắt phía trời xa
Quê hương xưa thăm thẳm giải ngân hà
Trong tiềm thức niềm đau đang trổi dậy

Chiến sĩ không quên bão giông ngày ấy
Máu loang dòng trên chiến địa xông pha
Vợ mất chồng và con lại mất cha
Bao thảm cảnh quanh vòng khăn tang trắng

Người chiến sĩ đâu quản gì mưa nắng
Xả thân mình cho hạnh phúc muôn dân
Có bao giờ vui hưởng được mùa Xuân
Giữa bất hạnh núi rừng pha máu đỏ

Xác chiến hữu dập vùi qua lớp cỏ
Cuối cuộc đời thê thảm chẳng người thân
Chẳng khói hương bay cũng chẳng mộ phần
Thân mục rữa tan dần vào cát bụi
!

Còn nữa...đau thương chiến tranh dung rủi
Hy sinh bao phần thân thể ngọc ngà
Là ngọc là vàng quý giá của ông cha
Nay bỏ lại trên chiến trường uất hận!

Nỗi khổ niềm đau dài như bất tận
Biển đông buồn ôm xác vạn dân ta
Máu lửa ngập trời bão dậy can qua
Còn thảm họa nào cao hơn thế nhỉ???

Ðêm ba mươi dài như bao thế kỷ
Anh gục đầu nước mắt đọng rèm mi
Là chiến binh anh dũng có sợ gì
Nay ứa lệ từ tâm linh uất nghẹn

Nay anh khóc cho đời trai tủi thẹn
Chí khí hùng chẳng giữ được non sông
Ðể máu xương dân Việt phải chất chồng
Cao như núi và sâu lòng biển cả...

Ðêm ba mươi trắng đêm dài không ngủ
Phút chạnh lòng lệ rơi ướt vần thơ
Tôi cũng như anh lây lất kiếp bơ vơ
Hoài cố xứ mà tơ lòng...đứt đoạn !!!


Nguyễn Phan Ngọc An
 2023

50 Năm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa


(Kể từ 1975- 2025).

Hỏi nắng Biên Hòa gió Dĩ An
Bao nhiêu năm dài đã thân quen
Nắng gió về Nghĩa Trang Quân Đội
Xin một lần cho tôi quá giang.

50 năm tàn cuộc chiến trường
Những mộ tử sĩ ở lại buồn
Bức tượng Thương Tiếc không còn nữa
Tôi sợ mình đi sẽ lạc đường.

Hỏi Đền Tử Sĩ, Cổng Tam Quan
Có đợi người về thắp nén nhang?
Lạnh lùng lá khô rơi trên lối
Tiêu điều thềm cũ bóng thời gian.

Hỏi Nghĩa Dũng Đài, Vành Khăn Tang
Có còn nghe tiếng khóc đau thương?
Ngậm ngùi từng cành cây ngọn cỏ
Những lúc mưa chiều lúc nắng lên.

Hỏi mộ vô danh nằm ở đây
Nỗi sầu chinh chiến có nguôi ngoai?
Những ngôi mộ xanh rêu hoang phế
Người lính năm xưa, anh là ai ?

Hỏi người lính trẻ mộ bia tên
Trận địa nào anh đã hy sinh?
Mang theo những mộng đời dang dở
Có chạnh lòng không, ai cố nhân ?

Hỏi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
50 năm thời cuộc đã qua
Nghĩa trang đã đổi tên xa lạ
Có ngủ yên không những nấm mồ?

Các anh nằm đây như một nhà
Những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa
Dù ai hương khói, không hương khói
Vẫn ấm tình đồng đội bên ta.

Bốn mùa hàng cây cao nghĩa trang
Lá khô rơi chuyện trò cùng anh
An ủi 16 ngàn ngôi mộ
Ru hồn tử sĩ giấc ngàn năm.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( Viết cho Tháng Tư 2025)


Bài Thơ Năm Mươi Năm



Năm mươi năm, mới hôm nào
em hai mươi tuổi mộng đầu rất ngoan
môi ngon thơm vị nắng vàng
cho nhau mấy nụ mùa sang chín nồng

Năm mươi năm, những bão giông
mắt chia từng nhánh sầu trong kiếp đời
chút áo cơm chút tình người
chút thân phận bạc chút lời dở dang..!

Năm mươi năm, mấy màu tang
đắp lên phần mộ muôn vàn tiếc thương
dấu yêu phấn bụi đời thường
tóc phơi sợi nhỏ mười phương ước thề

Năm mươi năm, cố nhân hề
mà nghe mưa giọt lệ về sông xưa
một dòng bến cũ buồn chưa
ai người đứng đợi mùa mưa năm nào..?

Ngày 30 tháng 4, 2025
Nguyễn Vĩnh Long



30/4/25!


Với kiến thức hạn hẹp của một người không ‘’đạo’’ (Kitô), tôi chỉ biết Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Thiên Chúa Giáo (Công giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo vv). Đó là ngày (Chúa Nhật) Chúa sống lại sau 3 hôm chịu nạn, chết trên thập tự giá (thứ sáu).

Nếu người Việt gọi ngày Chúa sống lại là ngày Phục Sinh (Hán Việt) thì, với người Pháp, là Pâques, với người Anh, là Easter (gốc gác từ Eostre: nữ thần mùa Xuân). Người Do Thái cũng có lễ Paque (không ‘’s’’) : lễ Vượt Qua, nhưng là để tưởng nhớ việc tổ tiên họ đã được Đức Chúa Trời giải phóng khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, giúp họ vượt qua biển Đỏ (Pâque = Passage).
Nhưng tại sao lại ‘’ Phục sinh’’, mà không là hồi sinh, tái sinh cũng cùng một nghĩa : ‘’trở về từ cõi chết’’?

-Theo ‘’https://giaophanphucuong.org’’ : ‘’… về mặt từ Hán Việt, phục sinh chỉ có nghĩa là sống lại, tương tự như từ hồi sinh, tái sinh... không diễn tả hết ý nghĩa “anastasis” “egeirein” hay resurrection. Còn chỗi dậy hay trỗi dậy thì đúng nghĩa đen với chữ resurrection, nhưng trong tiếng Việt thì không thể diễn tả được bất kỳ một ý nghĩa gì của việc “vượt qua cõi chết”.

Một trong những nguyên tắc dịch Thánh kinh phải trung thành với nguyên văn, nhưng cũng phải chú ý đến văn hóa của từng địa phương. Nếu chúng ta dịch “anastasis”, resurrection là chỗi dậy , thì chúng ta nên nói mừng Lễ Trỗi Dậy hay là Lễ Phục Sinh?

Kết
Lễ Phục Sinh đã trở nên từ ngữ quốc tế cho cả Việt Nam, Trung Quốc (復活節Phục hoạt tiết), Nhật (Kanji: 復活祭phục hoạt tế) và Hàn Quốc (부활절Phục hoạt tiết), nên chăng chúng ta thống nhất cách dịch?
(Nguồn: Trang Tin Giáo Phận Đà Lạt ..’’)

Trong một thời gian dài, dù biết rằng ngày lễ Phục Sinh thay đổi mỗi năm, nhưng tôi vẫn nghĩ, như Giáng Sinh, Phục Sinh được tính theo dương lịch. Cho đến khi, cách đây vài năm, trong thời gian bị cô lập Covid, lên ‘’mạng ‘’ tìm tòi, tôi mới biết lễ Phục Sinh tính theo âm lịch ! Theo quy ước của Giáo hội Công Giáo La Mã, lễ Phục Sinh là ngày Chủ Nhật thứ nhất sau ngày trăng tròn đầu tiên kể từ ngày xuân phân (21/3). Một cách tổng quát, lễ Phục Sinh là một trong những Chủ Nhật trong khoảng 22/3-25/4 ! Như năm nay, Chủ Nhật Phục Sinh là ngày 20/04/2025.

Chủ Nhật Phục Sinh 20-4, vì vẫn còn yếu sau gần 5 tuần điều trị ở bệnh viện do viêm phổi kép Đức Giáo Hoàng François (bị cắt một lá phổi từ lâu), đã uỷ quyền cho Đức Hồng Y Angelo Comastri chủ sự thánh lễ này và đọc bài giảng mà Ngài đã soạn. Sau đó, từ ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh Pierre, Ngài đã ban phép lành Urbi và Orbi, chúc mừng lễ Phục Sinh các tín hữu, và ngồi trên ‘’xe-hơi-Giáo-Hoàng’’ để chào đón và ban ơn các giáo dân có mặt ở công trường Thánh Pierre. Đó cũng là lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của Giáo Hoàng. Thứ hai Phục Sinh, 21/4, lúc 9h45 , đức Hồng y Angelo Comastri báo tin : Giáo Hoàng Francois đã qua đời lúc 7h35 do đột quỵ !

Thứ bảy 26/4 vừa qua, 200 Hồng Y, 700 Giám Mục, 5000 linh mục, 400.000 tín đồ, trên 150 nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia , quốc vương các nước, đã tham dự đám tang, tiễn đưa Đức Giáo Hoàng đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả (Basilica Papale di Santa Maria Maggiore) ở Rome, là nơi an nghĩ cuối cùng của Ngài : vị Giáo Hoàng đầu tiên đã chọn nơi an nghỉ bên ngoài Vatican ! Mộ của Ngài được làm bằng đá cẩm thạch Liguria, là quê quán tổ tiên Ngài ở Ý, trước khi di cư sang Á căn Đình. Ngôi mộ nằm khiêm cung trong một góc nhỏ ở Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, với hàng chữ ‘’Franciscus’’ trên bia ! Khi còn tại thế, Ngài được xem như là vị Giáo Hoàng của ‘’di dân’’ và nghèo khó !

Với 2,4 tỷ người theo đạo, Kitô giáo là tôn giáo có số tín đồ cao nhất thế giới, tiếp theo là Hồi giáo (1.8 tỷ ) ; Ấn độ giáo (900 triệu) , Phật giáo ( 500 triệu) vv

Tuy là một quốc gia có số tín đồ Phật Giáo cao, nhưng trong 21 năm VNCH, 2 nhà lãnh đạo quốc gia lâu nhất là Ngô Đình Diệm (54-63) và Nguyễn văn Thiệu (1967-1975) đều là tín đồ Công Giáo, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu (1965) là tín đồ Cao Đài. Sau 75, có lẽ Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận (cháu kêu Tổng Thống Diệm là Cậu) là một trong những chức sắc tôn giáo bị tù cải tạo lâu nhất (13 năm ngoài Bắc) !

2013, khi Ngài FRANCISCUS, S.J. được chọn làm Giáo Hoàng, tôi đã nghĩ ngay đến một vị lãnh đạo tinh thần khác : Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso của Phật giáo, Nobel Hòa Bình 1989. Bởi tuổi hai người cách nhau chưa đến 1 năm. Đức Giáo Hoàng Francois sinh ngày 17/12/1936, đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso sinh ngày 06/07/1935. Cả hai vị đều là nguyên thủ (chính trị) : Tòa Thánh Vatican và chính phủ lưu vong Tây Tạng.

1979, vượt biên sang đây, sống giữa một xã hội ‘’Kitô ‘’, dù đã trải qua 3 đời Giáo hoàng : IOANNES PAULUS II (1978-2005), BENEDICTUS XVI (2005-2013), và FRANCISCUS, S.J nhưng tôi vẫn chưa biết nhiều về các vị, như với Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso mặc dầu khi ông ‘’lên ngôi’’ Đạt Lai Lạt Ma (1940) tôi chưa chào đời, khi ông vượt biên tị nạn ( trước tôi 20 năm /1959), tôi còn bi bô tập nói. Có lẽ vì tôi theo đạo Phật, lại ‘’đồng …tị nạn tương lân‘’ với ông , nhất là được xem nhiều phóng sự về ông, về một số buổi nói chuyện, phỏng vấn, cũng như đã đọc một vài tác phẩm của ông

Còn trên 2 tháng nữa là Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso được 90 tuổi! Cái tuổi ‘’gần đất xa trời’’! Chắc chắn là khi ông ‘’ra đi’’, sẽ không có mấy trăm ngàn người đến đưa tiễn, và (chắc) sẽ không có một vị nguyên thủ, lãnh đạo nào đến nghiêng mình trước linh cửu ông(?) như với Đức Giáo Hoàng Francois. Không chỉ vì Dharamsala , nơi ông sống , là đất Ấn độ, mà, còn vì cái bóng của Tàu Cộng, gầm gừ, bao trùm tất cả ! Nhưng có hề gì. Chết. Là hết ! ‘’Thác là thế phách, còn là tinh anh ‘’ ! Nhưng ‘’còn gì’’ ? ‘’còn ai’’? Cái chính phủ lưu vong Tây Tạng , từ 66 năm nay, vẫn chưa thấy ‘’đường về’’, dù rằng họ chấp nhận ‘’một quốc gia trong quốc gia’’, một Tây Tạng tự trị trong Tàu Cộng!

Đức Giáo Hoàng FRANCISCUS, S.J từ trần ngày 21/4. Bao nhiêu triệu người đã nhỏ lệ khóc Ngài . 50 năm trước, ngày 21/4, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần văn Hương! Lúc đó, tình hình VNCH vẫn ‘’chưa đến nỗi nào’’. Nhất là với chiến thắng Thủ Thừa của Trung Tá Đặng phương Thành, Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 12, sư đoàn 7, được vinh thăng Đại tá sau đó!
 

Hôm nay, ngày 30/4/2025. 50 năm trước, nước VNCH đã bị bức tử, trước những con mắt lơ là của cái gọi là ''thế giới Tự Do'' !
Khi ‘’Tự Do’’ bỏ Tự Do. Thì chỉ có những giọt lệ của người miền Nam nhỏ xuống cho Sài Gòn yêu dấu!

Bao nhiêu triệu người đã khóc cho miền Nam, ngày đó ?

– Không, chúng tôi không cần những giọt nước mắt cá sấu! Không, chúng tôi không cần thương hại. Thương để mà.. hại thì thà không thương! Chúng tôi cần súng đạn, quân lực miền Nam cần súng đạn. 50 năm trước, nếu không có ‘’tháng 3 gãy súng ‘’, làm sao có ‘’tháng 4 tan hàng’’, làm sao có hàng ngàn mộ bia trong những trại tù từ Nam chí Bắc? Làm sao có bao nhiêu là nước mắt tuôn tràn sau tháng 4 đen?!

30/4/2025, xin thắp nén tâm hương tưởng niệm các vị Tướng: Lê văn Hưng, Phạm văn Phú, Trần văn Hai, Lê nguyên Vỹ (*), Trung tá Cảnh Sát Nguyễn văn Long, Thiếu Tá Hải Quân Lê anh Tuấn và rất nhiều ‘’Trần Bình Trọng tân thời’’, đã chọn cho mình ngày nằm xuống với quê hương ! Đúng 50 năm về trước !

Bao giờ Sài Gòn tôi phục sinh ?!

BP
30/4/2025
(*) : Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát ngày 1/5/1975