Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Chiều Mưa Nhớ Vĩnh Long




Chiều trôi theo những con đường
Ngày xuôi theo những phố phường thân quen
Mưa nghiêng từng sợi rơi mềm
Đời nghiêng bao gánh nỗi phiền muộn em

Có gì còn lại trong tim
Chút quê hương cũ, chút niềm nhớ thương
Mưa rơi chiều Vĩnh Long buồn
Chút hơi đất thoảng mùi hương nghìn trùng

Mưa rơi trên những đời sông
Mưa theo con nước một dòng trôi nhanh
Có nhau xin cũng thôi đành
Bàn tay hứng giọt mưa dành kiếp sau...


Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng


Phượng Cầu Hoàng 鳳求凰 - Tư Mã Tương Như



鳳求凰                    Phượng Cầu Hoàng

鳳兮鳳兮歸故鄉    Phượng hề phượng hề quy cố hương
遨遊四海求其凰    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
時未遇兮無所將    Thì vị ngộ hề vô sở tương
何悟今兮昇斯堂     Hà ngộ kim hề thăng tư đường
有艷淑女在閨房     Hữu diễm thục nữ tại khuê phòng
室邇人遐毒我腸     Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường
何緣交頸為鴛鴦     Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
胡頡頏兮共翱翔。 Hồ hiệt hàng hề cộng ngao tường.

司馬相如                Tư Mã Tương Như

"Phượng Cầu Hoàng" là một nhạc khúc nổi tiếng thời nhà Hán. Tiếng đàn cùng ca từ làm nghiêng ngả trái tim mỹ nhân Trác Văn Quân. Lời ca tiếng nhạc cầu hôn này đã làm lên điển tích nổi tiếng kim cổ gọi là "Cầm Thiều Văn Quân".(Trích Đại Kỷ Nguyên)

Dịch Nghĩa: 

Chim Phượng Cầu Hôn Chim Hoàng

Chim phượng quay trở về làng cũ
Dạo chơi bốn biển mong gặp được chim hoàng
Nhưng vì chưa gặp thời nên chẳng thể gặp nhau
Giờ chợt biết ra ở ngôi nhà này
Có người con gái đẹp và hiền dịu nơi phòng khuê
Phòng kề bên mà người và ta lòng như xa cách 
Muốn được trao duyên như đôi uyên ương
Để cùng nhau bay lượn khắp nơi.

Dịch Thơ : 

Phượng Cầu Hoàng

     Phượng giờ trở lại làng xưa
Dạo tìm bốn biển vẫn chưa gặp hoàng
     Bởi thời chẳng đến với chàng
Nay tình cờ biết một nàng nơi đây
     Phòng khuê xuân sắc hây hây
Gần trong gang tấc lòng này như xa
     Mong cùng chấp cánh hoan ca
Lượn bay khắp chốn mặn mà bên nhau.

Quên Đi
***
Phượng Cầu Hoàng

     Giờ đây phượng trở về làng
Đã qua khắp chốn tìm hoàng ý mong     
     Thời chưa nhưng mãi ngóng trông
Tình cờ chợt biết bóng hồng nơi đây
     Phòng khuê ai nét trăng đầy
Như gần mà lại lòng nầy cách xa
    Uyên ương mơ ước đôi ta 
Khắp trời bay lượn giao hòa tình chung  

Kim Phượng

Xin Đừng Gọi...



Đừng gọi Anh là người yêu bất tận
Là người tình tuyệt diệu đỉnh si mê
Cho tủi buồn , niềm đau xót kéo lê
Mà hãy gọi là -Tù nhân xa lạ!

Em thấy đó xác thân anh tàn tạ
Áo sình lầy quần rách nát che thân
Bước chân đi xeo vẹo giữa tử thần
Mưa buốt lạnh từng cơn hiu hắt nắng

Hãy xa anh như nếm nhầm vị đắng
Hãy xa anh để lãng tránh u buồn
Hãy xa anh cho nhẹ bớt linh hồn
Đau khổ đó để mình anh cam chịu

Thôi hết rồi một tình yêu tuyệt diệu
Hết cả rồi những náo nức khát khao
Ước vọng thường sao chuốc lắm thương đau
Đau khổ quá hồn rã rời ngơ ngác

Ta lặng yên mặc cho lòng tan nát
Dù yêu Em với tất cả chân tình
Anh yêu Em nhưng chợt nhớ phận mình
Tù nhân đó! Ôi buồn cho thân phận!

Mặc Khách
(Trao Em N. từ Rừng U Minh 1979)


Hỡi Thế Gian Tình Là Chi (*)

            Nhà Văn Kim Dung (1924 - 2018)                       

Chiều ngày 30 tháng 10, 2018 truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, tiểu thuyết gia võ hiệp huyền thoại Kim Dung qua đời ở tuổi 94. 

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông nhận được vô số giải thưởng, danh hiệu danh giá, phải kể đến Huân chương Tử kinh (2000), Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới (2008), có tên trong danh sách các bậc tông sư văn học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới. 
“Đế chế” tiểu thuyết võ hiệp của ông lớn mạnh tới mức, người ta còn xưng tụng ông là “Võ lâm minh chủ”. Không chỉ viết văn, ông còn là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hồng Kông. Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông có "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thiên Long Bát Bộ"... Những tác phẩm điện ảnh kinh điển được chuyển thể từ các phẩm này cũng "làm mưa làm gió" trong nhiều năm qua. Kim Dung trải qua 3 đời vợ và có bốn người con (hai trai hai gái) nhưng không ai trong số họ theo nghiệp của cha. 

Tình yêu là đề tài chính, xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm của Kim Dung. Như viên ngọc quý nhiều góc cạnh, tình yêu trong tiểu thuyết ông muôn màu muôn vẻ, thể hiện qua mọi từng lớp con người trong xã hội, giá trị đạo đức, phạm trù mâu thuẩn, luật nhân quả và hoàn cảnh lịch sử... Đã có quá nhiều phim ảnh kinh điển thể hiện trọn vẹn quan điểm, ý niệm tình yêu qua những nhân vật chính trong truyện được chuyển thể từ các tác phẩm của Kim Dung. Ở đây trong phạm vi nhỏ hẹp, thô thiểm của bài viết tôi xin được ghi lại khía cạnh tình yêu như những "chiếc bóng" bên cạnh nhân vật chính của ông. 

Tiểu Chiêu 


Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung, Tiểu Chiêu là cô gái xinh đẹp nhất và cũng là người có số phận đau khổ nhất. Là con gái của Hàn Thiên Diệp và Thánh nữ Minh giáo Ba Tư, Tiểu Chiêu mang trong mình nét đẹp và tinh túy của cả hai dân tộc. Cô gái này đến Trung Nguyên qua con đường tơ lụa để hoàn thành sứ mệnh mà mẹ cô còn dang dở - đánh cắp bộ Càn Khôn Đại Nã Di tâm pháp. Mang ơn Trương Vô Kỵ, Tiểu Chiêu chăm sóc, phục vụ anh tận tình với tư cách “người hầu”. Nhưng “người hầu” ấy chính là người đã có công bảo vệ Minh Giáo trước cuộc tấn công của quân Nguyên. 

Tiểu Chiêu cũng là người con gái thông minh, kiến thức võ học uyên thâm và rất có bản lĩnh. Nhưng quan trọng hơn tất cả, Tiểu Chiêu có một tấm lòng nhân hậu thật đáng quý. Để cứu mẹ - Kim Hoa bà bà - và Trương Vô Kỵ, Tiểu Chiêu đã buộc phải tiết lộ thân phận thực sự của mình. Nàng đã cắn răng hy sinh tình yêu đầu đời với Trương Vô Kỵ, tình yêu mà cô chôn chặt trong lòng bấy lâu, để trở về Ba Tư làm Thánh Nữ. 

Kết cục của Tiểu Chiêu phải làm Thánh Nữ, mãi mãi không thể yêu ai được cho là quá tàn nhẫn với nàng? Nếu Triệu Mẫn dám liều thân mình hy sinh vì Trương Vô Kỵ thì Tiểu Chiêu cũng không hề thua kém. Số phận của một Thánh Nữ, lần nữa đã thật sự tôn vinh tình yêu cao quý vô bờ bến của nàng; đã thật sự một đời Tiểu Chiêu dành trọn tình yêu mình cho Trương Vô Kỵ. 

Quách Tương 


Là con gái út của Quách Tĩnh – Hoàng Dung trong “Thần Điêu Đại Hiệp”, Quách Tương có sự hào hiệp của cha và sự thông minh, tinh quái của mẹ. Hâm mộ "thần điêu đại hiệp" nên cô vô tình bị cuốn vào cuộc phiêu lưu với anh từ khi cô được Kim Dung cho xuất hiện. Tình yêu dành cho Dương Quá ngày càng gia tăng, nhưng Quách Tương lại để trong lòng bởi biết anh chỉ một lòng yêu "sư phụ" của mình, Tiểu Long Nữ. Trong đoạn kết, cô đã bỏ đi tìm Dương Quá và nhận tin gia đình mình đã tử nạn vì bảo vệ thành Tương Dương. Quá đau khổ, Quách Tương đã xuất gia và sáng lập phái Nga Mi và từ bỏ mối tình thầm lặng với Dương Quá. 

Được xem là “Tiểu Hoàng Dung” nên nhân vật Quách Tương mang nét đáng yêu, dễ thương, được lòng chúng ta nhiều nhất. Mối tình đầu và cũng là duy nhất của cô dành cho Dương Quá đã khiến cho người đời cảm thương rơi lệ và ngưỡng mộ. 

Nghi Lâm 


Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Nghi Lâm là một tiểu ni cô tu hành, đệ tử của Định Dật sư Thái phái Hằng Sơn. Cô có mối tình đơn phương câm lặng với chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung. Nghi Lâm luôn dõi theo và quan tâm tới Lệnh Hồ Xung. Tình yêu của cô dành cho Lệnh Hồ Xung là sự hy sinh thoát thần, không cần đền đáp lại. Cô chỉ mong chàng sẽ luôn gặp những điều tốt đẹp. 

Năm 18 tuổi, Nghi Lâm trở thành một nữ ni xinh đẹp nhất của phái Hằng Sơn. Trong lớp áo nâu sồng của đời, ni cô vẫn có một khuôn mặt trái xoan sáng như trăng rằm, một đôi mắt xanh như nước hồ thu. Nghi Lâm chỉ biết cha mình là một hoà thượng - Bất Giới đại sư; còn mẹ mình là ai thì điều đó cô không hề biết. Thật sự, mẹ cô vẫn hằng ngày sống bên cạnh cô. Giận cha cô khen một người khác xinh đẹp, mẹ cô lặng lẽ bỏ đi, vào chùa Hằng Sơn làm một Á bà bà (bà già câm điếc), chuyên lau tượng quét chùa. Bà vẫn theo dõi những bước tiến của Nghi Lâm trên con đường Phật học cũng như đời sống nhưng bà không hề mở miệng nói với Nghi Lâm một lời. Nghi Lâm lớn lên trong chùa Hằng Sơn, thuộc làu kinh điển, cô chưa hề gặp một người đàn ông, chưa biết mùi phấn son, chưa nhìn thấy màu áo đẹp và chưa hề có một nụ cười... 

Cả tai hoạ và hạnh phúc đến với cô nữ ni xinh đẹp ấy trong một lần cô xuống núi Hằng Sơn, cùng sư phụ và các bạn đồng môn đi dự lễ rửa tay gác kiếm của Lưu Chính Phong phái Hành Sơn. Sau một lần trượt chân vì đường trơn, Nghi Lâm dừng lại bên suối rửa tay. Cô đã bị tên dâm tặc Điền Bá Quang bắt giữ và đưa vào hang động định giở trò cưỡng bức. Lệnh Hồ Xung, đại sư huynh của phái Hoa Sơn, xuất hiện cứu Nghi Lâm. Kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung hoàn toàn không địch nổi phép khoái đao của Điền Bá Quang. Lệnh Hồ Xung bị đâm cả một chục vết thương, người không còn một chút huyết sắc. Nhưng vốn là người mau chân lẹ miệng, hắn đã đánh võ miệng với Điền Bá Quang và cuối cùng đạt được chiến thắng, buộc Điền Bá Quang nhục nhã bỏ đi; Lệnh Hồ Xung bị bọn La Nhân Kiệt phái Thanh Thành đâm một nhát kiếm chí mạng. Nghi Lâm lạc mất Lệnh Hồ Xung từ đó. 

Cuộc sống lần nữa đã đưa đẩy ni cô Nghi Lâm dấn thân vào bụi trần gian để nàng giải cứu được ân nhân Lệnh Hồ Xung. Với thân hình bé nhỏ, ni cô Nghi Lâm đã cõng Lệnh Hồ Xung ra giữa vùng hoang vu sơn dã không có một vết chân người, chăm sóc cho anh và chữa lành vết thương. Qua câu chuyện Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm biết rằng anh đang quyến luyến cô tiểu sư muội Nhạc Linh San. Thế nhưng, trong tâm hồn cô nữ ni 18 tuổi này đã nảy sinh một tình cảm mới lạ, vừa có vẻ tội lỗi với Đức Bồ Tát, lại vừa gây cho cô những xúc cảm dịu dàng. Nghi Lâm hoảng sợ trước tình cảm mới lạ ấy.Tình yêu đã làm cho nàng biết buồn, biết vui, biết nhìn mình trong gương và biết cả niềm vui của nụ cười. Trong đêm sao sáng, nhìn những ánh sao băng, cô cởi dải áo ra và cột lại dải áo để mong hoàn thành ước nguyện để rồi sợ hãi ngay chính lời ước nguyện của mình. 

Trọn đời Nghi Lâm chưa hề ăn cắp của ai một vật gì. Thế nhưng, vì tính mạng của Lệnh Hồ Xung, cô đã hai lần đi ăn cắp dưa và mỗi lần như vậy, trong cô lại nổi lên trận bão lòng dữ dội. Cô biết rằng vì Lệnh Hồ Xung, cô có thể làm tất cả mọi sự trên đời. Cô đã yêu Lệnh Hồ Xung, một tình yêu ban đầu nồng nàn đau đớn, một tình yêu không nói được lên lời vì lời khấn trọn đời hiến dâng cho đường tu, một tình yêu vô vọng. 

Tiểu sư muội Nghi Lâm với mối tình đơn phương rạt rào như sóng trường giang chẳng được ai nhắc đến nữa. Nhưng những giọt nước mắt lặng lẽ ấy của người ni cô thánh thiện Nghi Lâm đêm đêm vẫn rơi trên gối trong căn phòng nhỏ của chùa Hằng Sơn. Những giọt nước mắt thắm đượm tính vô ngã, vô thường dành trọn cho tình yêu thuần khiết mà Nghi Lâm để lại trong lòng của người đời vĩnh viễn khôn nguôi… 

Mộc Uyển Thanh 


Mộc Uyển Thanh chính là con gái của Đoàn Chính Thuần và Tần Hồng Miên trong Thiên Long Bát Bộ. Mộc Uyển Thanh có một mối tình trái ngang với Đoàn Dự. Nàng bị sư phụ ép phải lấy bất kỳ người đàn ông nào nếu người đó nhìn thấy khuôn mặt của nàng. Vì vậy, Mộc Uyển Thanh thường bịt mặt để che giấu gương mặt xinh đẹp của mình.Một lần, nàng bị Nam Hải Ngạc Thần truy đuổi, Đoàn Dự là người liên đới và cùng bị bắt. 

Vì không muốn để Nam Hải Ngạc Thần nhìn thấy mặt mình, Mộc Uyển Thanh đã tiết lộ gương mặt nàng cho công tử nước Đại Lý, đồng thời buộc chàng phải kết hôn hoặc cả hai cùng chết. Tuy nhiên, sau khi hai người được giải cứu, Uyển Thanh mới hay biết, Đoàn Dự hóa ra là anh cùng cha khác mẹ của nàng. Nàng đành phải rời bỏ Đoàn Dự trong đau đớn, xót xa. Mặc dù trên đường tới Tây Hạ, trong lòng nàng khôn nguôi nhớ đến Đoàn Dự nhưng khi thấy tình yêu si mê Đoàn Dự dành cho Vương Ngữ Yên, nàng đã chọn cách một mình rời xa Đại Lý. Cuộc tình ngang trái của Mộc Uyển Thanh dành cho Đoàn Dự như hạt sương mai lóng lánh trên suốt khoảng đường đời còn lại của nàng. 

Công Tôn Lục Ngạn 


Là con gái của Cốc chủ Tuyệt Tình Cốc – Công Tôn Chỉ - trong “Thần Điêu Đại Hiệp”, Công Tôn Lục Ngạc là tiểu thư đài các dịu dàng, hiền hậu và thầm yêu Dương Quá. Khác với người cha gian xảo và người mẹ Cừu Thiên Xích độc ác, Công Tôn Lục Ngạc như đóa hoa sen mong manh, gần bùn mà không hề vấy bẩn. Sự hy sinh của cô dành cho Dương Quá không kém gì Tiểu Long Nữ, Trình Anh, Lục Vô Song. Chỉ là nếu những người con gái kia mạnh mẽ thì Lục Ngạc chỉ là một nữ nhi yếu mềm. Nên cô nguyện hy sinh bản thân, chết dưới tay người cha độc ác, chỉ để cứu Dương Quá, kết thúc kiếp người đầy đau khổ của mình. 

Đây được xem là nhân vật phụ mang lại sự day dứt, đau buồn cho người đời, bởi số phận quá khắc khổ với Lục Ngạc. Nếu không gặp Dương Quá, liệu cô có hạnh phúc hơn? Hay chính sự hy sinh vì Dương Quá đã làm cuộc đời ngắn ngủi của cô có được hạnh phúc tròn vẹn nhất của kiếp người có được: tình yêu chân thật. 

Mục Niệm Từ 


Mục Niệm Từ là con nuôi của Dương Thiết Tâm, ngoài đời cô còn là đệ tử của Hồng Thất Công - chưởng môn của Cái Bang. Trong một lần tỷ võ chiêu quân, cô tình cờ giao đấu với chàng trai trẻ tuấn tú Dương Khang. Anh này là người duy nhất đã đánh bại được cô trong số những người muốn thử sức lấy cô làm vợ. Đó cũng là lúc bắt đầu cho mối tình giữa họ. Trớ trêu thay, cha nuôi của Dương Khang là Hoàn Nhan Hồng Liệt lại là người đã ép cha nuôi Mục Niệm Từ (Dương Thiết Tâm, cũng là cha ruột của Dương Khang) phải chết. 

Trong lòng cô tuy hận mà yêu, cô nhiều lần mong Dương Khang có thể quay đầu với cha nuôi mình mà về với cô. Nhưng dù sao, Hoàn Nhan Hồng Liệt đã có ơn dưỡng dục với Dương Khang suốt mấy năm trời, ông thật sự coi Dương Khang là con đẻ của mình. Vì lẽ đó, Dương Khang đã rất lúng túng không biết làm thế nào cho phải. Đến cuối cùng Dương Khang cũng chưa thật sự đưa ra được quyết định thì đã bị giết bởi chính mình - khi anh cố ý ám hại Hoàng Dung, đã chạm chưởng vào tấm nhuyễn vị giáp mà Hoàng Dung mặc có dính máu độc của loài mãng xà. 

Có thể nói Mục Niệm Từ là một cô gái có tâm hồn trong sáng, cao thượng, giàu lòng hy sinh, trắc ẩn. Tuy là một phụ nữ nhưng Mục Niệm Từ cũng rất giàu lòng yêu nước, biết rõ đúng sai. Khi biết Dương Khang theo giặc, Mục Niệm Từ đã vô cùng đau khổ. 

Sau khi Dương Khang chết, Mục Niệm Từ đã bỏ đi một mình. Cô chẳng còn thiết tha gì với cuộc đời nữa, mà dành hết tâm sức ra để mà nuôi giọt máu trong bụng, đứa con của cô với Dương Khang. Cuối cùng Niệm Từ nghĩ đến ngày mai của mình, tương lai của con nàng đã vượt qua mọi nỗi đau, giao lại cho Quách Tĩnh – Hoàng Dung nuôi dưỡng và đặt tên là Dương Quá. 

Hoàn toàn khác với cha, Dương Quá trở thành một anh hùng đại hiệp trong tác phẩm Thần Điêu Đại Hiệp, được giới võ lâm tôn vinh vào nhóm võ lâm ngũ tuyệt, mang danh hiệu Tây Cuồng Dương Quá. Để rồi cuộc tình tuyệt đẹp đầy bi kịch của Dương Quá và Tiểu Long Nữ đã khai hoa nở nhụy cô con gái huyền thoại chuẩn bị cho tác phẩm lừng lẫy khác, Ỷ Thiên Đồ Long Ký (hay Cô Gái Đồ Long) của Kim Dung. 

Lý Mạc Sầu 


Lý Mạc Sầu là đệ tử chân truyền của phái Cổ Mộ, như bao nữ nhân phái Cổ Mộ khác, Lý Mạc Sầu cũng phải lập một lời thề: “Không bao giờ rời khỏi Cổ Mộ đài, trừ phi đã phải lòng một trang nam tử”. Nhưng nàng cũng chỉ là một nữ nhi thường tình, hiền dịu và yếu đuối,muốn yêu và được yêu. Và nàng đã phạm vào lời thề nghiệt ngã ấy, nàng cam tâm chịu tiếng phản bội sư môn, phụ bạc sư phụ, vứt bỏ cả lễ tiết của người theo đạo, trở thành kẻ thân khoác áo đạo mà tâm không có đạo… tất cả chỉ để được sống bên người nàng yêu say đắm là Lục Triển Nguyên. Nàng cùng Lục Triển Nguyên thề non hẹn biển cùng nhau,ước định mãi mãi có nhau. Lý Mạc Sầu đã từ bỏ tất cả để theo tiếng gọi trong sâu thẳm trái tim và nàng đang rất hạnh phúc,ngỡ rằng những hy sinh của nàng âu cũng là xứng đáng. 

Nhưng ông trời thật khéo trêu người. Một Hà Cán Quân ngây thơ duyên dáng xuất hiện, đã lấy đi trái tim của Lục Triển Nguyên vĩnh viễn, cũng là lấy đi tình yêu duy nhất của Lý Mạc Sầu mãi mãi… 

Lý Mạc Sầu chơi vơi giữa cuộc đời, nàng không có sự lựa chọn nào cho bản thân khi giờ đây nàng đã mất đi tất cả. Nỗi đau quá lớn khiến Lý Mạc Sầu khoác lên mình bộ mặt lạnh lùng, oan nghiệt, mang đầy hơi thở gấp gáp của lòng tự tôn và thói ích kỷ. Nàng đi khắp thế gian gây thù chuốc oán, đôi tay nhỏ bé của nàng nhuốm đầy máu tươi của biết bao anh hùng nữ hiệp trên giang hồ. Lý Mạc Sầu trở thành một ma đầu giết người không gớm tay, bị tất cả mọi người khinh ghét và căm hận. Nhưng nàng vẫn ngẩng đầu bước tiếp con đường ấy để đứng trên cao khinh thị mọi thứ, để ve vuốt lòng kiêu hãnh đang bị tổn thương. Và chính lòng căm thù của Lý Mạc Sầu đạt đến đỉnh khi nàng giết cả nhà Lục Triển Nguyên, mang đến cho người mình yêu một kết cục vô cùng bi thảm. 

Người ta nói yêu là phải biết hy sinh cho người mình yêu, yêu là hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc. Nhưng Lý Mạc Sầu đã chối bỏ những luân lý đạo đức về sự hy sinh và lòng cao thượng đó, đối với nàng yêu là hận, yêu là muốn chiếm đoạt. Nhưng dù cố che giấu nỗi lòng của mình thì ẩn sâu trong con người Lý Mạc Sầu vẫn là một tình yêu sâu nặng với Lục Triển Nguyên và một khao khát có được tình yêu, có được hạnh phúc…Lý Mạc Sầu từng tha mạng cho Lục Vô Song và Trình Anh, cháu của Lục Triển Nguyên khi nhìn thấy chiếc khăn kỷ vật năm xưa nàng trao cho chàng Lục. Lý Mạc Sầu từng che chở cho Quách Tương, ái nữ của Hoàng Dung và Quách Tĩnh, đứa trẻ mà nàng tưởng là nghiệt chủng của một mối tình phi lễ giáo giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Tuy luôn miệng dọa giết đứa bé nhưng Lý Mạc Sầu lại chăm sóc , yêu thương và nâng niu nó. Phải chăng bên một Quách Tương bé nhỏ ngây thơ, Lý Mạc Sầu đã trở về bản ngã của con người mình? Lý Mạc Sầu từng vì vẻ bề ngoài của Công Tôn Chỉ, cốc chủ Tuyệt Tình cốc, giống với Lục Triển Nguyên mà nghe theo những lời đường mật của hắn để cuối cùng chết giữa biển lửa Tuyệt Tình. 

Lý Mạc Sầu biết yêu, biết hận nên nàng vẫn là một người có tình trên thế gian (chứ không phải một ma đầu tàn độc chỉ biết dùng “Băng phách ngâm chăm” và “Ngũ độc thần chưởng” làm bao đại cao thủ phải bỏ mạng dưới tay mình. Và đến những giây phút cuối cùng trên cuộc đời, trong đầu Lý Mạc Sầu vẫn chỉ có một hình bóng Lục Triển Nguyên. Thương thay cho Lý Mạc Sầu, yêu một đời hận một đời mà kết thúc lại không được gì ngoài một cái chết đầy bi thảm và câu than oán xót xa để lại cho người đời sau: "Hỡi thế gian tình là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết"… (*) 

Durham, North Carolina 
Nguyễn Hoài Nam 

(*) "Hỡi thế gian tình là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết" thường gợi đến câu nói nhân vật Lý Mạc Sầu trong tiểu thuyết Thần Điệu Đại Hiệp, mà chúng ta lầm tưởng là của nhà văn Kim Dung. Thật ra câu này trong bài từ tác phẩm Mô ngư nhi - nhạn khâu của nhà văn Nguyên Hiếu Vấn (1190-1257) ở cuối nhà Kim đầu nhà Nguyên: 

“Hỡi thế gian tình là chi? 
Mà đôi lứa hẹn thề sống chết? 
Trời Nam đất Bắc đôi nơi, 
Cánh chim rũ mỏi mấy hồi hàn ôn? 
Vui ân oán, biệt ly buồn, 
Si tình nhi nữ, khởi nguồn bi hoan. 
Tiếng xưa xa khuất mây ngàn, 
Về đâu lẻ bóng Thiên San tuyết chiều.” 



Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Hoa Bướm Ngày Xuân


Vào xuân tôi đón xuân về
Hoa xuân mới nụ bướm kề đọt non 
Sớm bưng hoa vẫn còn sương 
Có con bướm trắng bay vờn trước hoa 
Bướm hoa khăng khít đậm đà 
Nhìn hoa kề bướm mặn mà duyên đôi!
Thân hoa thắm, bướm tuyệt vời
Hoa đâu bướm đó một đời thủy chung






Thơ & Hình Ảnh: Nguyễn Thành Tài
Montréal 2020


Mộng



Đèn khuya lả ngọn quanh phòng,
Bờ mi chửa khép cố nhân hiện về,
Chập chờn nửa giấc tỉnh mê,
Vòng tay chào đón trở về cô đơn.

Long Khánh
Jan. 19, 1975
Thái Quốc Mưu

Cảm Đề Tranh Họa



Tuyệt vời cảnh họa tiêu sơ
Đồi non man mác suối ngơ ngẩn chiều
Bản làng khe núi hoang liêu
Mù sương bóng cả thuyền siêu nước dòng
Lá đò sào cắm bến sông
Nương phơi đất bãi người trông bóng chờ
Áo tơi nón lá cầu thơ
Tưởng như ảo ảnh hồn xưa vừa về

Locphuc

Khi Dòng Sông Vào Thu - Nhạc & Lời Lê Hữu Nghĩa - Tiếng Hát Dương Thượng Trúc


Nhạc & Lời: Lê Hữu Nghĩa 
Tiếng Hát: Dương Thượng Trúc

Khẽ Ru - Tìm Nhau



Bài Xướng:

Khẽ Ru


Lạc bước vườn hoa vạn sắc hương
Níu chân lữ khách lại bên đường
Lung linh tơ nắng buông mành rũ
Khe khẽ ru hồn mấy giọt sương ...


dovaden2010
***
Bài Họa:

Tìm Nhau


Vườn xưa vẫn đấy thoảng đưa hương
Mòn gót tìm nhau nhuốm bụi đường
Tìm cõi lặng im ta chẳng thấy
Chỉ hình bóng cũ tợ như sương


Kim Phượng
***
Kiếp Hoa


Ngây ngất đời hoa tỏa ngát hương
Mong manh kiếp sống khổ trăm đường
Mai sau sắc thắm phai tàn úa
Cô độc đi vào cõi gió sương


ChinhNguyên/H.N.T. 
July.6.20


Tướng Vượng Phu Ích Tử


Nhà tôi tướng Vượng Phu Ích Tử
Cha con tôi gặp dữ hóa lánh
Nàng tên là Nguyễn thị Khanh
Giống Thanh Nga tựa bức tranh truyền thần

Dù mẹ nàng đôi lần mắng mỏ:
Trai Bắc Kỳ chờ nó làm chi?
Nó đâu có hứa hẹn gì ?
Nhỡ con quá lứa lỡ thì thì sao?…

Đừng tưởng đẹp làm cao con nhé!
Con ngoan nghe lời mẹ mới nên 
Thời gian bay lẹ như tên 
Ngựa câu qua cửa ThiênTiên cũng già!

Duyên chẳng may Làm cha vắn số
Tên ”Vẹm” nô bắn bố chết rồi!
Bây giờ mẹ góa con côi
Chỉ mong con gặp được người hiền lương

Hai chị đã vướng phường nghiện ngập
Mẹ sợ con hấp tấp tính liều 
Uổng công trang điểm mỹ miều
Chắc gì gặp được phượng,diều cao bay

Một bốn sáu chục ngày trông ngóng (*)
Mẹ chỉ e giấc mộng khó thành;
Còn thêm “Trẻ Tạo “ đành hanh
Bắt con mắc bệnh (**) khổ anh chồng hoài ….

Chú thích:
(*) 365ngày x4năm =1460
(**) Nàng bị bệnh Parkinson đã hơn chục năm rồi

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái


Ngọn Lửa Hận Thù “Cuốn Theo Chiều Gió”


Theo dòng thời gian, từ trước công nguyên cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã từng xảy ra nội chiến (civil war - chiến tranh trong nước), những cuộc nội chiến đó trong quá khứ thường được nhắc đến trong những bài học lịch sử. 

Lịch sử nước ta thời Đại Việt cũng trải qua vài giai đoạn như nội chiến Nam Bắc triều (1533-1677) giữa nhà Mạc và nhà Hậu Lê. Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1775) giữa chúa Trịnh ở phía Bắc sông Gianh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn ở miền Nam (Đàng Trong). Chiến tranh Tây Sơn - Chúa Nguyễn (1771-1785 và 1787-1802). Nguyễn Huệ (1753-1792) đánh Nam dẹp Bắc, lên ngôi Quang Trung Đại Đế nhưng chết khi còn trẻ, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820), tiến hành cuộc chiến, thống nhất sơn hà, năm 1802, lên ngôi Gia Long Hoàng Đế, quốc hiệu Việt Nam, chấm dứt cuộc nội chiến tranh kéo dài gần 270 năm. 

Nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War 1861-1865), còn gọi là cuộc chiến tranh Bắc-Nam giữa chính phủ liên bang miền Bắc (Union) sau khi Abraham Lincoln đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1860 và liên bang phía Nam (Confederate States of America) với 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. 

Cuộc chiến khốc liệt đãm máu kéo dài 4 năm, bắt đầu vào ngày 12 tháng 4 năm 1861 và chấm dứt ngày 9 tháng 4 năm 1865, chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. 

Vị tướng tư lệnh miền Bắc Tướng George B. McClellan ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng tư lệnh miền Nam Tướng Robert Lee 

Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng R. Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Tướng Ulysses S. Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà xây dựng lại nông trại. Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương. 

Cuộc gặp gỡ của họ tại Appomattox, tiểu bang Virginia là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của lịch sử nước Mỹ. Hình ảnh Tướng R. Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Khi Tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào. Hình ảnh đó lưu lại ngày nay với tượng đài thể hiện sự trân trọng sau cuộc chiến. 

Với người đã hy sinh trên chiến trận, nghĩa trang quốc gia Arlington, của người miền Bắc trong trận chiến Bắc Nam. Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ của phe bại trận. 

Năm 1900, mở đầu cho giai đoạn hòa giải dân tộc và năm 1991 thì các tử sĩ miền Nam được cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section. Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện. 

Trước khi chết, TT Lincoln đã nói: “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử. Trước sau gì, lịch sử của bậc anh hùng sẽ phải được dựng lại ở chính nơi mà những con người vĩ đại đã ngã xuống”. 

(Cũng thời điểm tháng Tư kết thúc cuộc chiến tại Việt Nam, nhiều người cho rằng, nếu khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam mà học được bài học lịch sử nầy của Hoa Kỳ, xóa bỏ hận thù, xử dụng nhân tài và chất xám, cùng nhau chung tay xây dựng đất nước, bảo vệ giang sơn, chống quân xâm lược Trung Cộng thì ngày nay Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn dưới ách thống trị dã man của Trung Cộng). 

70 năm sau, cuộc nội chiến Hoa Kỳ được phác họa qua tác phẩm Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) của nhà văn Margaret Mitchell (1900-1949), ấn hành vào tháng 7 năm 1936, dày hơn 1,000 trang. Tác phẩm dựa vào bối cảnh và lịch sử cuộc chiến, tác giả dày công sưu tầm tài liệu, ròng rã trong 10 năm để hoàn thành. Không phải là tác phẩm lịch sử mà viết theo cách kể chuyện tự sự, tuy có hư cấu nhưng theo dòng sử liệu trong bối cảnh xã hội như chứng nhân của giai đoạn đương thời. Với các mối tình xảy ra chung quanh vài nhân vật ngang trái, éo le, cuồng nhiệt và hờ hững… lôi cuốn người đọc… Tác phẩm phẩm Gone with the Wind vừa ra mắt đã thành công, trong vòng 6 tháng, hơn 1 triệu ấn bản đã được bán hết với sức mua là 50,000 cuốn mỗi ngày vào thời điểm đó, ngoài sự tưởng tượng của tác giả và nhà xuất bản. Tác phẩm đoạt Giải Thưởng Pulitzer năm 1937 vì vậy giới đện ảnh Hollywood quan tâm và sách được nhà sản xuất phim David O. Selznick mua lại với giá 50.000 USD để được dựng thành phim cùng tên. 

Đây cũng là tác phẩm kinh điển của văn học Hoa Kỳ có số lượng cao nhất trong lịch sử xuất bản của Hoa Kỳ, của mọi thời đại đã vượt qua kỷ lục 12 triệu cuốn vào năm 1965, được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến trên 40 quốc gia. 


Margaret M. Mitchell sinh tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, sau bậc trung học, theo học tại Smith College nhưng năm 1918, không theo đuổi con đường học vấn, trở về Atlanta để lo công việc gia đình bà mẹ qua đời vì bệnh cúm. Sau đó không lâu, cô tham gia vào ban biên tập của tờ nhật báo Atlanta Journal, viết bài cho ấn bản ngày Chủ Nhật. 

Trong tai nạn bị gãy mắt cá chân, Margaret ở nhà điều trị, thời gia nầy cô tìm lại tài liệu về cuộc Nội Chiến Nam Bắc xảy ra trên quê hương. 

Năm 1929, khi vết thương đã lành và cuốn truyện đã được viết xong nhưng trước đó các truyện ngắn của cô không được quan tâm nên cũng nghĩ quyển sách nầy cũng mang số phận như vậy. 

Năm 1935, ông Howard Latham, phó giám đốc của nhà xuất bản MacMillan tới Atlanta để tìm kiếm các nhà văn mới của miền Nam Hoa Kỳ. Cơ hội cho Margaret Mitchell gặp ông Howard Latham để trao bản thảo Gone with the Wind. NXB MacMillan đã edit trong 6 tháng, tác phẩm được in xong vào ngày 30 tháng 6 năm 1936. 

Với sự thành công của tác phẩm đầu tay của nhà văn Margarett Mitchell, danh vọng nổi tiếng nhưng bà vẫn tiếp tục sống trong ngôi nhà tại Atlanta, tiếp tục một cuộc sống giản dị. Năm 49 tuổi, trong khi cùng chồng băng qua đường phố ở Atlanta, bị một chiếc xe tải đâm phải. Năm ngày sau bà qua đời, Margarett Mitchell vĩnh biệt cõi trần giữa muôn vàn thương tiếc của mọi người. 

Phim Gone with the Wind phỏng theo tiểu thuyết của Margaret Mitchell, phim được sản xuất bởi David O.Selznick, đạo diễn Victor Fleming và kịch bản gốc Sidney Howard. Bộ phim được quay ở miền Nam nước Mỹ (Atlanta, tiểu bang Georgia) trong thời gian xảy ra nội chiến. 

Các diễn viên chính bao gồm: Clark Gable (vai Rhett Butler), Vivien Leigh (Scarlett O'Hara), Leslie Howard (Ashley Wilkes), Thomas Mitchell (Gerald O'Hara), Barbara O'Neil (Ellen O'Hara), Evelyn Keyes (Suellen O'Hara), Ann Rutherford (Carreen O'Hara), Olivia de Havilland (Ilanie Hamilton), Hattie McDaniel (Mammy, vú nuôi da đen)… 

Phim dài 220 phút (thông thường chỉ 110 phút) được ra mắt tại Atlanta ngày 15 tháng 12 năm 1939, khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. 

Năm 1940, giải Oscar lần thứ 12 (đầu tiên năm 1929) và cũng là lần đầu phim Gone with the Wind được 8 giải Oscar và phim màu đầu tiên. 

Phim được bình chọn là một trong vài bộ phim có nhiều khán giả nhất mọi thời đại kể từ khi được phát hành về doanh thu và rộng rãi khắp nơi trên thế giới. 

Đây là tác phẩm kinh điển của nền văn học và điện ảnh Hoa Kỳ, phim dàn dựng rất công phu của điện ảnh Hollywood được hàng tỷ người trên thế giới đọc và xem từ trước đến nay. 

Nhờ đó, mọi người mới hiểu được góc cạnh của cuộc nội chiến Nam-Bắc của Hoa Kỳ. Tình người với nhau để hàn gắn vết thương sau chiến tranh. 

Atlanta trước đây là thị trấn nông nghiệp trở thành trung tâm lịch sử với nhiểu bảo tàng, trong đó có ngôi nhà của Margaret Mitchell và phim Gone with the Wind… Ngôi nhà thời thơ ấu của MS Martin Luther King (1929-1968 ở Atlanta cùng các tòa nhà lân cận được công bố là di tích lịch sử Quốc Gia Martin Luther King, Jr. 

Ở Việt tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió được Vũ Kim Thư dịch từ đầu thập niên 50 (nay được tái bản nhiều lần và bản dịch của Dương Tường năm 2002). Phim Cuốn Theo Chiều Gió chiếu tại Sài Gòn và các thành phố lớn. Có lẽ cảm hứng từ cuốn phim, nhạc phẩm Cuốn Theo Chiều Gió của Anh Việt Thu sáng tác năm 1970. 
***

Tác phẩm lấy bối cảnh miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến Bắc-Nam. Câu chuyện trải dài mối tình của nàng Scarlett với những nhân tình với “hỉ, nộ, ái, ố” say đắm, yêu thương, dang dở, hững hờ và phản bội. 

Tiểu thư Scarlett tuổi trăng tròn, con gái cưng của chủ đồn điền Tara, tuy không sắc sảo nhưng trông quyến rũ, dễ thương. Hình ảnh mà Nguyên Sa tơ tưởng “Em gầy như liễu trong thơ cổ, Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường”. Tương lai đang đón chào nhưng cuộc nội chiến xảy ra, Scarlett bị loạn lạc trong cơn lốc rồi lận đận trong tình trường như lời thơ Hữu Loan “Lấy chồng thời chiến binh. Mấy người đi trở lại”… và nếu có trở về thì duyên phận trớ trêu! Scarlett bao năm theo đuổi cuộc tình để rồi cuối cùng bẽ bàng trước câu nói “My dear, I don’t give a damn,” (Cưng ơi, tôi cóc cần)!. Bạn bè với nhau mà chửi thề chữ a damn cũng nộ khí xung thiên xuống gì là tình nhân. Đau lòng cho cô tiểu thư con nhà khue các đã cuốn theo chiều gió! 

Với tác phẩm dày cả nghìn trang, khó tóm tắt ngắn gọn nên dựa theo Kiwipedia tóm lược Cuốn Theo Chiều Gió theo dòng thời gian: 

Tác phẩm mở đầu vào tháng 4 năm 1861 với nhân vật chính của truyện, Scarlett O'Hara đang ở đồn điền Tara nhà mình ở quận hạt Clayton, Georgia cùng với hai anh em sinh đôi Brent và Stuart Tarleton sống ở đồn điền kế bên. Qua cuộc nói chuyện này, Scarlett biết rằng người nàng thầm yêu từ lâu Ashley Wilkes nhưng chàng chuẩn bị đính hôn với cô em họ là Ilanie Hamilton ở Atlanta. Scarlett choáng váng khi nghe tin đó và cuộc nói chuyện cũng kết thúc. Nàng vội vã đi tìm cha mình, Gerald O'Hara, để xác minh lại câu chuyện và cha nàng khuyên nếu nàng và Ashley lấy nhau sẽ là một điều tồi tệ và nàng nên lấy một trong hai anh em sinh đôi trên. 

Scarlett cho rằng Ashley có ý định đính hôn vì chàng không biết nàng đã yêu mình. Nàng quyết định trong buổi tiệc ngoài trời tại trại Twelve Oaks sẽ thổ lộ tình yêu với chàng và cùng chàng trốn đi. Nhưng mọi thứ không theo kế hoạch của Scarlett, tuy Ashley ân cần với nàng nhưng nói rằng chàng vẫn sẽ cưới Ilanie. Vị khách không mời trong buổi tiệc, Rhett Butler, người vô tình lắng nghe toàn bộ câu chuyện buông lời trêu chọc Scarlett làm nàng nổi điên, điều này lại ngẫu nhiên quyến rũ Rhett. Trong cơn tức giận cùng với việc nghe lén Honey Wilkes, vợ chưa cưới của Charles Hamilton nói xấu mình, Scarlett đã nhận lời lấy Charles Hamilton vừa làm Ashley ghen vừa trả thù Honey. Buổi tiệc kết thúc cũng là lúc có tin cuộc nội chiến Hoa Kỳ nổ ra và các chàng trai phải đi nhập ngũ. 


Đám cưới của Scarlett diễn ra nhanh chóng sau đó 2 tuần để Charles nhập ngũ, một ngày trước đám cưới giữa Ashley và Ilanie. Một tuần sau khi cưới, Charles nhập ngũ và 2 tuần sau, Ashley cùng đội kỵ binh của tiểu bang lên đường. Tuy nhiên, Charles đã chết vì bệnh đậu mùa ở căn cứ Nam Carolina trước khi có dịp được ra chiến trường. Sau đó, con trai Charles ra đời và được đặt tên là Wade Hampton Hamilton (theo tên chỉ huy của Charles là tướng Wade Hamilton). 

Góa phụ Scarlett lúc nào cũng mặc đồ tang, sống thầm lặng, nàng cảm thấy đau đớn vì sự buồn chán và việc phải làm mẹ hơn là cái chết của chồng. Mẹ nàng, Ellen O’Hara, muốn nàng vơi bớt nỗi buồn đã gửi nàng đến Atlanta sống cùng Ilanie và bà cô của Charles, Pittypat Hamilton. 

Scarlett đến Atlanta vào tháng 5 năm 1862. Tại đây, Scarlett nhanh chóng thích sự nhộn nhịp và hối hả của thành phố này. Nàng bị bắt buộc làm y tá tình nguyện ở dưỡng đường nhưng vô cùng chán ghét công việc này. Vì còn đang chịu tang chồng nên nàng bị cấm đoán đủ thứ, trong đó có cuộc bán đồ phúc thiện với sự góp mặt của nhiều cư dân thành phố, nhưng đến cuối cùng, Scarlett may mắn được dự vì để thay cho một bà khác có con bị bệnh. Tại đây, nàng gặp lại Rhett Butler, giờ đây là thuyền trưởng vượt phong tỏa, chuyên chở các mặt hàng thiết yếu cho miền Nam. Rhett Butler đã mời nàng khiêu vũ, mặc dù đang chịu tang nhưng Scarlett vẫn đồng ý vì nàng thèm muốn được khiêu vụ để thoát khỏi cái vỏ nhàm chán của một góa phụ. 

Kể từ đó mối qua hệ giữa Scarlett và Rhett với nhau. Rhett bản tính hài hước, hay trêu chọc Scarlett và cố làm cho nàng vui. Tuy nhiên gần như cả thành phố đều căm ghét hắn. Scarlett lại lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Ashley. Tình hình ngoài mặt trận ngày càng căng thẳng. Thất bại của quân đội liên bang miền Nam trong trận Gettysburg trong cuộc nội chiến và thương vong của quân đội liên bang ngày càng nhiều. Giáng Sinh năm 1862, Ashley trở về nhưng trái với mong đợi của Scarlett, chàng chỉ quan tâm đến vợ mình, Ilanie. Ngày Ashley rời nhà trở lại chiến trường, Scarlett lại một lần nữa thổ lộ tình yêu với chàng hy vọng chàng sẽ bỏ vợ để cưới nàng nhưng chàng không nói gì và dặn dò nàng chăm sóc Ilanie nếu chàng có mệnh hệ gì ngoài chiến trường. Chàng vội vã ra đi và lần thứ hai, Scarlett vỡ mộng. 

Cuộc nội chiến ngày càng diễn biến bất lợi cho miền Nam. Sau những thất bại liên tiếp, quân đội liên bang miền Bắc đã tiến sát và bao vây Atlanta, do đó người dân thành phố phải tổ chức di tản. Tuy nhiên, Scarlett và Ilanie không thể đi cùng mọi người vì Ilanie đang có thai và có thể sinh con bất cứ lúc nào. Do các bác sĩ phải chăm sóc các thương binh nên Scarlett phải đỡ đẻ cho Ilanie. Sau khi Ilanie sinh xong, Scarlett phải cầu cứu Rhett và anh đã lấy cắp của quân đội cho nàng một chiếc xe ngựa nhưng con ngựa vô cùng ốm yếu. Anh chở Ilanie và con nàng là Prissy cùng Wade và Scarlett, chạy khỏi Atlanta. Tuy vậy, đi đến giữa đường thì Rhett bỏ mặc những người còn lại để gia nhập quân đội liên bang. Trước khi đi, anh hôn nàng và nói yêu nàng nhưng Scarlett giận dữ chửi rủa và tát hắn. 

Scarlett trở về đồn điền Tara và gặp những cảnh tượng kinh hoàng: Mẹ mất vì bệnh, ngôi nhà bị tàn phá nặng nề, phần lớn các nô lệ đã bỏ trốn, 2 người em gái bệnh nặng nằm liệt giường và người cha bị sốc vì cái chết của vợ cũng trở nên loạn trí. Giờ đây Scarlett trở thành chủ nhân của Tara. Với bản tính kiên cường và cách suy nghĩ thực tế, nàng dần vực dậy đồn điền Tara và làm mọi công việc, kể cả những việc mà khi xưa chỉ có nô lệ làm. Một tên lính Yankee đến ăn cắp đã bị nàng cầm súng bắn chết. Ilanie vẫn còn phải nằm trên giường sau khi sinh xong nhưng vẫn cầm thanh kiếm của Charles đến giúp tuy nàng không đủ sức nâng nó. Hành động này khiến Scarlett thán phục và tình cảm của cô dành cho Ilanie giờ đây bắt đầu trỗi dậy. Sau đó, Scarlett chôn tên lính ngay tại Tara. 

Chiến tranh gần kết thúc và đồn điền Tara lại bị tàn phá lần nữa khi quân đội liên bang miền Bắc đến. Một tháng sau thì cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về liên bang miền Bắc. Những người lính bại trận trên đường trở về nhà đã ghé qua Tara để lấy thức ăn hoặc dưỡng thương. Trong số đó có một người lính bị thương nặng tên là Will Benteen, được em gái Scarlett là Carreen chăm sóc cẩn thận. Sau khi bình phục, Will đã ở lại Tara và giúp đỡ Scarlett vực dậy nó. Có Will, công việc của Scarlett đã được đỡ đần rất nhiều. 

Ashley sau khi chiến tranh kết thúc vẫn chưa về được vì còn là tù binh của liên bang miền Bắc. Rồi một ngày, chàng bất ngờ xuất hiện tại Tara. Cả Scarlett và Ilanie đều chạy ra đón chàng nhưng Will ngăn Scarlett lại khiến Scarlett bất đắc dĩ phải quay trở lại. 

Chiến tranh kết thúc nhưng một lần nữa số phận đồn điền Tara lại bị đe doạ khi chính phủ Yankee (người Anh gọi liên minh miền Nam) tăng tiền thuế của đồn điền lên để Scarlett không có tiền trả và phải nhượng lại Tara cho tên quản gia Yankee cặn bã Jonas Wilkerson và vợ hắn. Để có tiền cứu Tara, Scarlett phải đến Atlanta mượn tiền Rhett. Rhett vô cùng giàu có nhưng lúc này đang phải ngồi tù. Scarlett trang điểm và đến thăm Rhett để mượn một khoản tiền mà không để anh biết là nàng đang cố tán tỉnh anh vì tiền. Nàng đã gần như thuyết phục được Rhett cho đến khi đôi mắt sắc sảo của anh thấy đến bàn tay chai sần của Scarlett, bằng chứng cho những công việc nặng nhọc mà nàng đã làm và hoàn cảnh của gia đình, khiến cô phải thú nhận mục đích thật sự của chuyến viếng thăm. Cuối cùng, Rhett đã từ chối cho cô mượn tiền. 


Trong cơn tuyệt vọng, Scarlett tình cờ gặp Frank Kennedy, chồng chưa cưới của Suellen, chủ cửa hàng và có khoản tiền khá. Bằng cách nói dối Frank rằng Suellen đã lấy người khác, Scarlett đã quyến rũ Frank để ông lấy mình. Nàng đã thành công và có tiền cứu Tara. Sau khi ra tù, Rhett cho nàng mượn tiền để có thể mua thêm xưởng cưa với điều kiện là nàng không được dùng tiền giúp Ashley Wilkes. 

Scarlett điều hành xưởng cưa thành công nhưng nó cũng làm cho nàng bị nhiều dị nghị vì đó không phải là việc dành cho phụ nữ. Sau đó nàng đã có thai với Frank nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện nơi công cộng nên ngày càng nhiều người khinh ghét. Sau đó không lâu, Gerald qua đời. Khi về Tara dự đám tang, nàng biết được rằng cái chết của cha mình có liên quan trực tiếp đến cô em gái Suellen. Will dù yêu Carreen nhưng cuối cùng đã lấy Suellen để làm dịu lại quan hệ gia đình. Carreen sau cái chết của Brent Tarleton vì quá đau khổ nên gửi mình vào tu viện. Sau đám tang cha, Scarlett đã mời Ashley trở lại Atlanta giúp nàng điều hành xưởng cưa và ngăn chàng lên miền bắc kiếm việc làm. Ashley lưỡng lự nhưng Ilanie kiên quyết đồng ý nên Ashley đành chiều theo ý vợ. 

Sau khi sinh con, Scarlett thường xuyên lái xe ngựa một mình đến xưởng cưa mặc dù đã nhiều lần được cảnh báo về sự nguy hiểm. Một ngày nọ nàng bị một tên da trắng nghèo khổ và một tên da đen tấn công và suýt bị cưỡng hiếp. May mắn là Big Sam, một nô lệ da đen từng làm việc ở Tara, đã cứu nàng kịp thời. Frank, Ashley và một số người đàn ông khác thuộc đảng Ku Klux Klan (KKK) phải đi trả thù và kết cục là Ashley bị thương và Frank bị giết. Còn các thành viên còn lại được Rhett, với sự giúp đỡ của Belle Watling, gái mại dâm ở Atlanta, đã dựng chuyện và tìm cách cứu họ. Từ đó mối qua hệ của Rhett và người dân thành phố dần dần được phục hồi. Sau cái chết của Frank, Rhett ngay lập tức cầu hôn Scarlet trước khi nàng có thể lấy một người nào khác. 

Scarlett lấy Rhett. Anh chiều chuộng nàng hết mức và tạo điều kiện cho nàng hưởng thụ những thú vui mà Scarlett chưa bao giờ biết đến ở New Orleans. Cũng qua Rhett mà Scarlett có được những người bạn mới: Những người Yankee và những kẻ giàu lên nhờ đầu cơ và làm ăn gian dối trong chiến tranh. Do đó mà mối qua hệ giữa vợ chồng Scarlett và những người bạn cũ ngày càng trở nên xấu đi và trong một buổi tiệc, vợ chồng Scarlett đã mời thống đốc tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa đến dự khiến tầng lớp thượng lưu miền Nam hoàn toàn cắt đứt mối qua hệ với hai người, ngoại trừ Ilanie. 

Scarlett sau đó cũng sinh cho Rhett một đứa con gái mặc dù nàng cũng không hề muốn. Đứa bé được đặt tên là Eugenia Victoria. Cô bé vô cùng xinh đẹp với đôi mắt xanh dương nên được đặt thêm biệt danh Bonnie Blue Butler, theo tên lá cờ liên bang Bonnie Blue Flag. Rhett vô cùng hạnh phúc và rất thương yêu con gái mình. Nhưng vì tình yêu với Ashley, Scarlett kiên quyết không ngủ chung với chồng nữa để tránh việc mang thai lần nữa. Rhett tức giận và cãi cọ liên tục với nàng về mối qua hệ bạn bè, cách nuôi dạy con cái. Anh muốn con gái mình sẽ trở thành một công chúa trong tầng lớp thượng lưu miền Nam cũ. Rồi Rhett cùng với con gái đi khỏi Atlanta một thời gian. 

Tại Georgia, Rhett cùng với những bạn bè xưa cũ khiến cho quan hệ giữa anh và họ ngày một tốt đẹp, thực chất là anh muốn gây dựng tương lai và thanh danh cho con gái Bonnie, mà giờ đây Rhett nổi tiếng là một người bố yêu thương con hết mực. 

Ilanie tổ chức bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho Ashley. Ilanie nhờ Scarlett đến xưởng cưa giữ chân Ashley để mình có thêm thời gian chuẩn bị. Tại đây, Ashley và Scarlett vì xúc động khi nhớ về những ngày xưa êm đềm, đã ôm nhau trong tình cảm trong sáng, nhưng lại bị India Wilkes, bà Elsing và Archie, đánh xe của Ilanie bắt gặp. Rhett biết được chuyện này từ Archie nhưng vẫn bắt Scarlett phải đến dự buổi sinh nhật của Ashley với phong thái kiêu hãnh và can đảm, để không huỷ hoại tương lai của Bonnie. Ilanie cũng nghe chuyện nhưng với tâm hồn trong sáng, nàng nhất mực không tin và ra sức bênh vực Scarlett. Ilanie một lòng tin tưởng Scarlett vì những gì Scarlett đã làm cho nàng. Cũng vì đứng về phía Scarlett, Ilanie đã gây chia rẽ trong gia đình và bạn bè thân hữu. 

Đêm hôm đó, Scarlett bắt gặp Rhett trong trạng thái say khướt. Sau đó, Rhett xốc bổng nàng lên cầu thang và cả hai trải qua một đêm ân ái đầy nồng nàn. Scarlett thức dậy một mình vào sáng hôm sau và háo hức muốn gặp chồng nhưng Rhett lẫn tránh nàng. Rhett đưa Bonnie đến Luân Đôn. Anh bỏ đi khiến Scarlett cảm thấy day dứt về những việc mình đã làm với anh và cả với hai đứa con đầu của mình. Nàng có thai lần nữa và đây là lần đầu tiên cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Ngày Rhett cùng Bonnie trở về, nàng đã háo hức muốn báo tin đó cho Rhett, nhưng không tin vào tình yêu mình nhìn thấy trong mắt Scarllet, anh giễu cợt nàng. Scarllet quá tức giận nên ngã cầu thang và sẩy thai. 

Sau tai nạn đó, Scarlett phải về Tara một thời gian để điều dưỡng. Rhett đã bàn với Ilanie tìm cách lừa Scarlett để cô nhượng lại hai xưởng cưa cho Ashley. Bonnie được Rhett cưng chiều, cô bé rất thích cưỡi ngựa. Một ngày, Bonnie gặp tai nạn trong khi cho ngựa vượt rào và gãy cổ. Rhett bị chấn động tâm lý nặng nề sau cái chết của Bonnie và chỉ có Ilanie mới giúp anh vượt qua cú sốc đó. 

Ilanie mang thai và giấu mọi người để sinh con, mặc dù đã bị bác sĩ cấm đoán. Nhưng do sức khỏe quá yếu, nàng lâm nguy kịch. Scarlett về sau khi nhận được điện khẩn của Rhett. Trên giường bệnh, Ilanie trăng trối lại với Scarlett hãy giúp nàng chăm sóc Ashley và Beau. Cuối cùng, Ilanie khuyên Scarlett hãy trân trọng Rhett và tình cảm của hắn. Scarlett bỏ chạy và gặp Ashley. Giờ đây nàng mới nhận ra Ilanie quan trọng với mình và suốt bao nhiêu năm qua, tình yêu của nàng đối với Ashley cũng chỉ như khi một đứa bé muốn với tới một mặt trăng hão huyền, đó là tình yêu do nàng tưởng tượng ra, chỉ là ảo huyền. 

Trong lúc tuyệt vọng, Scarlett nghĩ đến Rhett và chợt nhận ra Rhett mới là người nàng cần. Nàng đã dần yêu Rhett trong bao nhiêu năm qua nhưng cái bóng quá lớn của Ashley đã chặn tầm mắt nàng lại. Rhett luôn luôn ở bên Scarlett mỗi khi nàng cần và giúp đỡ nàng theo cách tuyệt vời nhất, bằng sự thông hiểu sâu sắc. Nàng vội vã đi tìm Rhett nhưng giờ đây anh lại hoàn toàn ghẻ lạnh với nàng. Anh lạnh lùng bảo tình yêu bao năm qua anh dành cho nàng giờ đã lụi tàn cùng với sự thờ ơ anh nhận được, chỉ còn lại hai điều nàng ghét nhất là lòng thương hại và nhân từ. 

Choáng váng vì những gì nghe thấy nhưng Scarlett vẫn can đảm thổ lộ tình yêu với Rhett nhưng chàng lại phán “My dear, I don’t give a damn,” (Cưng ơi, tôi cóc cần), bạn bè khi giận nhau mà chửi thề dùng damn dễ gây ấu đả huống chi nói với nhân tình! 

Scarlett lặng lẽ nhìn Rhett bỏ đi và giờ đây nàng nhận ra, vì nàng không hiểu hai người mình yêu nên đã để tuột mất cả hai. Nàng quyết định sẽ trở về Tara, nơi nàng đã từng vực dậy từ trắng tay. Với tính tình mạnh mẽ cứng cỏi, Scarlett tin rằng mình có thể chiếm lại được Rhett. Chưa người đàn ông nào cưỡng lại nàng nếu nàng quyết tâm chinh phục. 

Tác phẩm kết thúc với hình ảnh Scarlett trải qua bão táp nên cương nghị đứng trước đồn điền Tara ngập nắng với câu tiếp sức mạnh quen thuộc của mình: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới” (After all, tomorrow is another day!). Ban đầu nhà văn muốn dùng câu nầy làm tựa đề nhưng nhà xuất bản chọn tên cho tác phẩm rất hay. 

***

Ngày nay nước Mỹ có 700 sắc tộc sinh sống với 5 nhóm là Dân Bản Địa (Native American), Người Mỹ gốc Châu Âu (European American), Người Mỹ gốc Phi (African American), Người Mỹ gốc Latinh (Hispa American) và người Mỹ gốc Châu Á (Asian American) vì vậy gọi là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 

Đề cập đến cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (American Civil War, 1861–1865) trong nhiệm kỳ Tổng Thống Abraham Lincoln (1861-1865). Thời điếm lập quốc, lịch sử Hoa Kỳ đề cao vị Tổng Thống: George Washington (1789 đến 1797), John Adams (1735–1826) và Thomas Jefferson (1743–1826). TT George Washington được người dân Mỹ gọi là “cha già dân tộc” (sau nầy CSVN gọi HCM bắt chước tên gọi như vậy nên người Việt tị nạn CS dị ứng với tên gọi nầy), TT Thomas Jefferson có công lao lưu lại hậu thế với Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 4 tháng 7 năm 1776 và là người sáng lập ra đảng Dân Chủ. 

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, HCM tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu nói nầy quen quen vì trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ nêu rõ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. 

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền & Dân Quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. 

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 10 tháng 12 năm 1948 

Điều 1: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”. 

Điều 7: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này”. 

Thế nhưng các nước Cộng Sản và độc tài đã vi phạm trầm trọng Tuyên Ngốn Quốc Tế Nhân Quyền nầy, trong đó có 5 nước trong thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc thì Nga và Trung Quốc đã không tuân thủ còn cố tình xâm nhập vào các nước khác như Hoa Kỳ hiện nay để gây cơn lốc “kỳ thị chủng tộc”. 

Hoa Kỳ trong thời điểm đối phó với đại dịch Virus Tàu Cộng lại xảy ra hai cái chết của hai người đàn ông da màu (gốc Phi) George Floyd ngày 25 tháng 5 tại Minneapolis, tiểu bang Minnesota và Rayshard Brooks ngày 14/6 vừa qua tại Atlanta, nơi chốn của tác giả Cuốn Theo Chiều Gió. 

Đây là đất nước thượng tôn pháp luật, kẻ thi hành pháp luật vi phạm sẽ bị tòa án xét xử công khai tội trạng nhưng vì động cơ chính trị trong thuyết âm mưu đã “mượn gió bẻ măng”, đổ dầu vào lửa để lấy lý do kỳ thị chủng tộc gây cơn bão táp trên lãnh thổ Hoa Kỳ. 

Đây cũng là cơ hội cho một số cơ quan truyền thông khai thác tận gốc rễ trên chính trường Hoa Kỳ mà thời gian qua xảy ra hằng ngày. 

Cơn lốc còn xoáy trong giai đoạn bầu cử, sẽ hạ hồi phân giải nhưng những giá trị truyền thống của lịch sử đã và đang bị triệt hạ tưởng chừng những Vệ Binh Đỏ của Mao & Giang Thanh trong thời kỳ “Cách Mạng Văn Hóa” vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1966, nay lại xảy ra trên mảnh đất tự do! 

Ngày 9 tháng 6, HBO Max thông báo ngưng chiếu phim Gone with the Wind trên băng tần của họ. May mà di sản tác giả và tác phẩm của Cuốn Theo Chiều Gió không bị thiêu đốt như sau tháng 4/1975 tại Sài Gòn. 

Bàn chuyện chính trị ở Hoa Kỳ rất phức tạp, phe nầy phe nọ, kẻ bênh vực, người chống đối “miệng lưỡi thế gian, trăm đường lắt léo” khó phân biệt và phức tạp vì vậy tôi không đề cập. Đôi khi “chuyện làng mang vào nhà” vợ chồng, bạn bè thân tín tranh cãi, bất đồng quan điểm dẫn đến bất hòa thì chuyện xảy ra trên chính trường Hoa Kỳ như lằn ranh của hai bờ chiến tuyến. 

Trở lại tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió, nhà văn Margaret M. Mitchell rất tinh tế khi dẫn dắt qua từng mẩu chuyện, chẳng có gì đào sâu nạn kỳ thị chủng tộc nhưng sự tị hiềm nên “bé xé ra to”. 

Thiện tai! 

Little Saigon 7/7/2020 
Vương Trùng Dương 
Viết trong cơn đại dịch

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Cha Mãi Mãi Trong Con - Thơ Vũ Hối - Nhạc Nguyễn Tuấn


Lời thơ: Vũ Hối 
Nhạc: Nguyễn Tuấn 
Tiếng Hát: Tâm Hảo

Hãy Để Bố . . .


Dạo:
Lòng không muốn sống xa nhà,
Nhưng Trời bắt tội tuổi già biết sao!

Cóc cuối tuần:

Hãy Để Bố . . .


( Kính mến gửi về Chú, ngậm ngùi đánh dấu ngày mà Chú,
vừa tới tuổi 90, phải vào nhà dưỡng lão, mặc dù con gái Chú
rất thiết tha muốn được đưa Chú về nhà. )

Đêm bệnh viện, sầu tơi trên tóc trắng,
Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,

Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua, luôn túc trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

Bàn tay già chầm chậm,
Thờ thẫn nắm tay con.
Từ rãnh mắt xoáy mòn,
Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
Chuyện tuổi già, con ủ rũ làm chi.
Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
Mình may mắn, có gì mà áo não.

Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
Vì một mai, khi rời khỏi nơi đây,
Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.
Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
Để cho con phải lo lắng miệt mài.
Đời con còn nhiều trách nhiệm trên vai,
Đâu có thể chực chầu hoài sớm tối.

Thân gầy còm yếu đuối,
Sao kham nổi đường xa.
Thêm việc sở, việc nhà,
Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

Người già thường cau có,
Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
Dẫu cơ hàn, mà rau cháo có nhau.
Bao năm qua mất Mẹ, bấy năm sầu,
Bố gượng sống với niềm đau lẻ bạn.

Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn nạn,
Bỏ quê nhà, chấp nhận vạn gian truân,
Chết trong tay đã nắm chặt chín phần,
Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.

Con thuyền khốn khổ,
Sóng gió tả tơi,
Phút cuối đã kề nơi,
Lối định mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,
Nhưng Trời thương, cho trót lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy may tiếc rẻ.

Bố chỉ hận mình không còn sức khoẻ,
Đỡ đần con việc lẻ tẻ hôm mai,
Để chiều về, con bớt phải loay hoay,
Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặt.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
Con cũng đỡ xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh viện,
Con đừng bịn rịn xót xa,
Hãy nghe lời y tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

Cuộc sống mới, dù là mưa hay bão,
Bố không buồn, tự bảo vẫn còn may,
Vì biết rằng, chỉ quanh quẩn đâu đây,
Con cháu Bố đang vui vầy hạnh phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray rứt.

Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
Nhìn thấy con hạnh phúc, Bố vui lòng.
Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
Con phải sống cho chồng, cho con cái.

Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân kỳ,
Nói cùng Bố lời chia ly vĩnh viễn.

Đêm trơn giấc, người con rời bệnh viện,
Đôi mắt già quyến luyến vọng đưa chân.
Trong ký ức phai dần,
Khuôn mặt những người thân vùng hiển hiện.

Lòng chợt thoáng bùi ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước nguyện ba sinh,
Chân bơ vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành trình về thiên cổ.

Trần Văn Lương
Cali, 10/2007

Nhớ Mẹ


Đêm tàn trăng rụng đáy sông sâu
Tiếng vạc kêu sương giục giã sầu
Gió rít qua thềm mưa nhỏ lệ
Ai ngồi tựa cửa má rơi châu
Con nơi đất lạ đời lưu lạc
Mẹ chốn trời xa kiếp dãi dầu
Mấy lượt mai tàn mai lại nở
Xuân buồn nhớ nước có vui đâu


Viễn Khách

Làn Roi Của Mẹ



Làn Roi Của Mẹ

( Nhớ đến Mẹ nhân ngày giỗ)
Khi xưa...Mẹ đánh con đau
Nhưng con chẳng có giọt nào lệ rưng
Một ngày....Roi nhịp ngập ngừng
Mà con lệ đổ như rừng mưa tuôn
Biết rằng sức Mẹ hao mòn
Mẹ không đủ sức để còn cầm roi
Ai người có Mẹ trên đời
Hãy thương nhớ lấy lằn roi mẫu hiền
Tình thương của Mẹ vô biên
Phận làm con lẽ nào quên ơn người
Khi Cha Mẹ đã mất rồi
Đâu còn thấy được lằn roi...thuở nào!

songquang
20200704
***
Roi Mẹ Roi Đời

Đánh con từng nhịp roi đau
Mà lòng xót tựa muối cào rưng rưng...
Mồ hôi mẹ nhỏ không ngừng
Cố ngăn dòng lệ như nguồn suối tuôn
Thương con vóc nhỏ gầy mòn
Có kham chịu được trận đòn mưa rơi?
Cho con tránh được roi đời
Đớn đau trăm vạn ngọn roi mẹ hiền
Dở, hay cách một lằn biên
Như lằn roi nhắc chớ quên đạo người
Sống làm kẻ tốt trên đời
Để không phải nhận đòn roi trận nào.

Sông Thu
(05/07/2020)
***
Nhớ Mẹ...Giơ Cao Đánh Khẽ

Cầm roi khẽ đánh...la đau
Dơ cao nhắp nhắp, rầu rầu, rưng rưng !
Tuổi thơ lêu lổng không ngừng
Mẹ buồn phát khóc mưa rừng nước tuôn
Thay cha dạy dỗ hao mòn
Mẹ khuyên hết sức đâu còn dùng roi
Mẹ thương con nhất trên đời

Làm con ngoan ngoãn sợ roi mẹ hiền
Công ơn phụ mẫu vô biên
Làm con giữ đạo không quên hai Người
Đến khi cha mẹ “ đi “ rồi
Tiếc thương đứt ruột, lằn roi sá nào!

Mai Xuân Thanh
Ngày 05/07/2020
***
Dấu Roi Mờ

Một lần con ốm, mẹ đau
Quê xưa xa thẳm, phương nào mắt rưng
Đôi dòng lệ chảy không ngừng
Con mê man sốt, ven rừng lá tuôn
Mẹ rên lạc tiếng mỏi mòn
Chia đôi bệnh hoạn, như còn vết roi
Khổ hơn ai suốt cuộc đời
Sờ tay quán xuyến, dấu roi dịu hiền
Bởi tình mẫu tử ghi biên
Mẹ tôi nhắn nhủ đừng quên phận người
Tháng năm tóc mẹ phai rồi
Mẹ đâu còn nhớ cầm roi xẻ buồn ...

Hawthorne 5 - 7 - 2020
Cao Mỵ Nhân

Kim


Ví chăng có số giàu sang,
Giá này dẫu đúc NHÀ VÀNG cũng nên!

Hai câu thơ trên là lời của Hoạn Thư khen tài của Thúy Kiều. NHÀ VÀNG chữ Nho là KIM ỐC 金屋, không phải là nhà được cất bằng vàng thật, mà là nhà được sơn son thếp vàng của những nhà giàu, nhà quyền qúy. KIM ỐC là nhà vàng thật đẹp nên chỉ để dành riêng cho người đẹp ở mà thôi. Ông bà xưa thường dạy rằng:

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc, 書中有女顏如玉, 
Thư trung tự hữu hoàng kim ôc. 書中自有黃金屋。

Có nghĩa:
Trong sách có sẵn các cô gái dung nhan xinh như ngọc.
Trong sách tự nó cũng có sẵn căn nhà được dát vàng.

Ý muốn nói: Cứ cắm đầu vào sách mà học cho chuyên cần đi, khi đã hiểu hết những kiến thức ở trong sách rồi thì cũng đã ... thành tài rồi, thi đậu rồi, và khi đã đậu đạt làm quan rồi thì ắt sẽ có vợ đẹp như ngọc và sẽ có nhà dát vàng với lầu son gác tía mà ở.

KIM ỐC 金屋 là Nhà Vàng, có xuất xứ từ thành ngữ Kim Ốc Tàng Kiều 金屋藏嬌 theo tích sau đây:

Theo sách Tiểu thuyết Ngụy Tấn Chí Quái 魏晋誌怪 truyện Hán Vũ Cố Sự 漢武故事 chép rằng : Hán Vũ Đế Lưu Triệt khi còn là Thái Tử. Một hôm, đến nhà cô chơi , bà cô chỉ A Kiều là cô con gái rất đẹp của mình hỏi : "Có muốn lấy A Kiều làm vợ không ?" . Triệt đáp rằng: " Nếu lấy được A Kiều sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở". Sau lên làm vua, Hán Vũ Đế cưới A Kiều và phong cho làm Hoàng Hậu. Nên KIM ỐC TÀNG KIỀU 金屋藏嬌 là Nhà vàng cao sang cất để cho người đẹp ở. 

KIM ỐC TÀNG KIỀU 金屋藏嬌 
Hiện nay thành ngữ nầy dùng để chỉ các Đại gia mua nhà riêng cho bồ nhí, vợ lẻ ở. Trong Văn học cổ thì thành ngữ nầy để tỏ ý qúy trọng người đẹp. Như trong Truyện Tây Sương nói về Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy:

Trộm nghe nàng kẻ hồng nhan,
Dọn phòng KIM ỐC vây màn tố sa. 

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, đoạn nàng cung nữ thất sủng oán trách vua cũng có câu:

Tay tạo hóa cớ sao mà độc,
Buộc người vào KIM ỐC mà chơi.
Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!

KIM ỐC là Nhà Vàng, mà Nhà Vàng thì cửa cũng bằng vàng, nên ta lại có từ KIM MÔN 金門 cũng chỉ nhà quyền qúy thế gia, như Thúy Kiều đã đánh gía Kim Trọng trong buổi đầu hẹn ước :

Nàng rằng trộm liếc dung quang,
Chẳng sân ngọc bội cũng phường KIM MÔN.
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn duyên biết có vuông tròn mà hay ?!

Còn KIM Ô 金烏 là con Quạ Vàng, là Mặt trời như trong ca dao có câu :

KIM Ô gần gác non Đoài
Cù lao chín chữ biết ngày nào xong?

Theo thần thoại Trung Hoa, KIM Ô là con quạ ba chân ở trong mặt trời, nên Kim Ô, Vầng Ô, Bóng Ác, Bóng Ác Vàng ... trong văn học cổ đều dùng để chỉ Mặt Trời, như trong Truyện Kiều khi đi Đạp thanh, Vương Quan kể về Đạm Tiên có câu:

Trải bao thỏ lặn ÁC tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm! 

KIM BẢNG 金板 là Bảng Vàng, bảng được sơn son thếp vàng để ghi tên các sĩ tử cập đệ (thi đậu). Như trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng:

Ngâm câu tứ hỉ ngại ngùng,
Nghĩ câu KIM BẢNG động phòng tối nan.

Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phan Trần, nói về hai họ Phan Trần cũng có câu :

BẢNG VÀNG bia đá nghìn thu,
Phan, Trần hai họ cửa nho dõi truyền.

Còn KIM CẢI là Cây Kim và Hạt Cải. nên KIM CẢI là do thành ngữ Châm Giới Tương Đầu 針芥相投, có xuất xứ từ câu nói trong Tam Quốc Chí là " Từ thạch dẫn châm, Hổ phách thập giới 磁石引针,琥珀拾芥"。Có nghĩa : Đá nam châm hút kim loại, còn hổ phách thì hút hạt cải; Ý chỉ thứ nào thì hút theo thứ đó, tâm đầu thì ý hợp, như trai gái, vợ chồng gắn bó khắn khít với nhau vậy. Trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính tả lại mong ước của Thị Kính khi lấy chồng là Thiện Sĩ có câu :

Kể từ KIM CẢI duyên ưa,
Đằng leo cây bách mong chờ về sau.

Trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha, Vương Viên Ngoại cũng vì nàng mà than oán:

Vì ai rụng CẢI rơi KIM,
Để con bèo nổi mây chìm vì ai ?!

... và lúc Kim Kiều tái hợp, trong buổi tiệc đoàn viên, khi " Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân cũng đã nói lẫy:

Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là phận CẢI duyên KIM,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !... 

KIM CỐC 金谷 là tên một huyện ở Hà Nam Trung Hoa. Vào đời Tấn, Thạch Sùng đã cho xây dựng một cái vườn lớn ở đây để hưởng lạc, gọi là Kim Cốc Viên để chiêu đãi tân khách. Khách đến dự tiệc đều phải làm thơ trước khi uống rượu. Ai làm thơ không xong thì phạt uống ba đấu rượu. Trong Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春夜宴桃李園序 của Thi tiên Lý Bạch có câu : Như thi bất thành, phạt y Kim Cốc tửu số 如詩不成,罰依金谷酒數。Có nghĩa : Nếu thơ không thành, phạt y số rượu ở Kim Cốc. Hiện nay ta có lệ phạt ba ly rượu, có thể là do tích nầy mà ra đó. Trong thơ nôm khuyết danh "Hoa Điểu Tranh Năng" sứ thần bên hoa là Náo Dương, nói với sứ thần bên chim là Bạch Thanh rằng:

Vườn KIM CỐC cũng có ta,
Gặp xuân đầm ấm rườm rà tử vi.

KIM CHI NGỌC DIỆP 金枝玉葉 là Cành Vàng Lá Ngọc. Có xuất xứ từ Cổ kim Chú. Dự Phục 古今注·舆服. Có nghĩa : Cỏ cây hoa lá rất mượt mà xanh tươi đẹp đẽ. Sau mượn dùng để chỉ con em của hoàng tộc, dùng rộng ra để chỉ chung con em của những gia đình danh gia vọng tộc quyền qúy. Trong "Hà Thành Chính Khí Ca" của Ba Giai (cặp đôi của Tú Xuất), bài ca ca ngợi gương chiến đấu hy sinh oanh liệt của danh tướng Tổng Đốc Hoàng Diêu và lên án những người mang tiếng là KIM CHI NGỌC DIỆP mà không biết bảo vệ đất nước giang sơn như Án Sát Tôn Thất Bá:

Kìa Tôn Thất Bá Niết Công,
KIM CHI NGỌC DIỆP, vốn dòng tôn nhân,
Đã quốc tộc, lại vương thần,
Cũng nên hết sức kinh luân mới là...

Theo âm dương ngũ hành thì Tây phương Canh Tân Kim, nên vàng thuộc hướng Tây, gió hướng tây là gió mùa thu, nên còn được gọi là KIM PHONG là Gió Vàng, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc bằng 2 câu:

Trải vách quế GIÓ VÀNG hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

Còn trong Sơ Kính Tân Trang thì Chiêu Lì Phạm Thái gọi là KIM PHONG :

Sắc trướng phủ hãy lờ mờ dấu cũ,
Ngọn KIM PHONG lay lá rụng chồi khô. 

Theo Hệ Từ thượng của kinh Chu Dịch có câu :"Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn KIM; Đồng tâm chi ngôn, kỳ khứu như LAN 二人同心,其利斷金;同心之言,其臭如蘭。Có nghĩa : Hai người cùng đồng lòng thì cái lợi (sự bén nhọn) có thể làm đứt KIM loại; Những lời nói đồng lòng thì có mùi thơm như hoa Lan. Nên … Kết nghĩa KIM LAN 結義金蘭 là hai người bạn thề cùng đồng tâm hiệp lực, sống chết có nhau như anh em ruột thịt. Ta có thành ngữ KIM LAN Chi Giao 金蘭之交 để nói về tình nghĩa bạn bè thân thiết bền vững, ý hợp tâm đầu, như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng:

Ta thì trọn vẹn trước sau;
Đã KIM LAN lại trần châu càng bền.

Cũng trong truyện trên ta lại đọc thấy câu:

Đã hay KIM HỮU tình sâu,
Hiếu trung cũng phải ở đầu dám sai!

Không gọi là KIM HỮU 金友 hay KIM LAN 金蘭 thì có thể gọi là KIM THẠCH 金石 : Kim là kim loại rắn chắc không đổi màu; thạch là đá, cứng ngắt và bền vững. Nên Kim Thạch Chi Giao là sự giao tình bền vững và rắn chắc như vàng như đá vậy. Tương tự ta có thành ngữ Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言 : là lời nói hoặc lời hứa chắc chắn như vàng như đá không hề thay đổi. Ta nói là "Những lời vàng đá hoặc đá vàng", là những lời nói lời hứa ” Chắc như đá, vững như vàng”, của trai gái dùng để hứa hẹn thề thốt khi yêu nhau, như khi Kim Trọng tỏ tình trong cảnh “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” thì cô Kiều cũng nhận lời bằng câu đổ thừa rằng:

Đã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc ĐÁ VÀNG thủy chung !

Hay như khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, Kim Trọng cũng đã hứa với Vương Ông là :

Rằng: Tôi trót quá chân ra,
Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không?
Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
Còn tôi tôi quyết gặp nàng mới thôi!

Còn trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì Trần Cảnh Yên nói với Phương Hoa rằng :

Trần rằng :" KIM THẠCH nhất ngôn,
Còn trời còn đất hãy còn đấy đây.
       
Cuối Truyện Kiều được kết thúc bằng một thành ngữ rất có hậu, đó là khi Kim Trọng thi đậu làm quan đã nhớ đến Thúy Kiều:

Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
Bây giờ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG với ai ?!


KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金馬玉堂, thành ngữ có xuất xứ từ đời Hán. KIM MÃ là KIM MÃ MÔN 金馬門, là Cửa Kim Mã, nơi mà các Học Sĩ đợi chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. NGỌC ĐƯỜNG là NGỌC ĐƯỜNG ĐIỆN 玉堂殿, nơi nghị sự của các Học Sĩ, là Hàn Lâm Viện của các Hàn Lâm Học Sĩ.
Thành ngữ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金馬玉堂 dùng để chỉ sự đổ đạt vinh hiển làm quan, đắc ý vì công thành danh toại.

Đỗ Chiêu Đức