Thơ & Ảnh: Kim Phượng
tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024
Tháng Sáu Lại Về
Tháng Sáu về, lòng nở hoa thơm mướt
Cơn mưa hè lướt thướt kéo qua đây
Sân nhà em hoa khoe sắc thắm đầy
Chuông đánh thức bằng tiếng chim vui hát
Buổi sáng dậy muộn, gió hiu hiu mát
Chim líu lo mừng tháng Sáu của em
Tháng Sáu của em, ừ, tháng Sáu của em
Tháng Sáu kỷ niệm, những ngày hè rực nắng
Tháng Sáu về, nhớ anh lòng trĩu nặng
Tháng Sáu trao nhẫn, thề yêu nhau trọn kiếp
Tháng Sáu nào anh yêu em thắm thiết
Tháng Sáu nào em nói… hết yêu anh!
Tháng Sáu mây trắng, tháng Sáu trời xanh
Tháng Sáu ưu tư, tháng Sáu vui buồn
Vẫn nhớ anh luôn dẫu tình gẫy cánh
Vẫn thường cầu mong anh được an lành
Lễ Hôn Phối, sinh nhật hai con,
ngày chúng ta chia tay, giỗ mẹ em….
đều rơi vào tháng Sáu
Làm sao quên? Tháng kỷ niệm đong đầy!
Tháng Sáu ư, tháng Sáu vui buồn
Tháng hoài niệm đầy vơi nỗi buồn, hạnh phúc
Tháng Sáu hè nồng nàn trời nóng bức
Tháng Sáu trời hồng, tháng Sáu trời mưa
Tháng Sáu bình an, em mong anh vui sống
Tháng Sáu rực rỡ, tháng Sáu ươm đầy mộng
Tháng Sáu hạ vàng, xanh ngắt rừng thông
Ôi tháng Sáu mơ màng… mưa tháng Sáu!
Như Nguyệt
Quê Hương Nhớ Cảnh
Dù cho đi Mỹ đi tây
Đi mô cũng nhớ cảnh này đồng quê
Nhớ hương đồng nội chiều về
Bờ ao ruộng lúa lũy tre đầu làng
Nhớ tàn cây chuối hai hàng
Rợp che bóng mát đình làng rêu xanh
Nhớ thương mái lá nhà tranh
Bên bờ mương nước xanh xanh lượn lờ
Nhớ trưa bắt cá đắp bờ
Tắm sông lội nước tuổi thơ thả diều...
Bao nhiêu kỷ niệm thân yêu
Một thời tuổi ngọc gợi nhiều nhớ nhung
Thời gian trôi mãi nào ngừng
Thuyền xa bến đỗ chập chùng sóng đưa...
Biết bao nỗi nhớ cho vừa
Thương quê nhớ cảnh dòng thơ tự tình...
Ngư Sĩ
Chữ Tình - Hương Đưa Trăng Sáng
Tạc chữ tình ươm thắm dáng hoa
Dìu dịu hương đưa gót ngọc ngà
Gió loạn mơn man làn tóc rối
Lòng riêng ai biết chỉ riêng ta
Hư ảo hay chăng thắp nến hồng
Gợi lòng dao động gợi hoài mong
Tìm nơi quen lối sao xa lạ
Thơ thẩn theo dòng chật phố đông
***
Thơ Cảm Tác:
Hương Đưa Trăng Sáng
Hoa bưởi hoa chanh cùng họ hoa
Rất thường trông thấy ở quanh nhà
Cho em đằm thắm da hồng mịn
Khiến bé mun đen tóc mượt mà
Nhiều kẻ tình si mong ghé lại
Chỉ cần đứng ngó và mơ tưởng,
Mình nàng thơ thẩn dưới trăng ngà.
Thái Huy
Tách Cà Phê Pha Muối
Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024
Tình Em Gái Hậu Phương - Sáng Tác: Trần Đai Bản - Tiếng Hát: Kana Ngọc Thúy
Tiếng Hát: Kana Ngọc Thúy
Nhớ Cố Hương
Bâng khuâng buồn đứng bên song cửa sổ
Ngắm vạt nắng chiều tắt cuối chân mây
Chợt nghe lòng mình tràn ngập buồn thương.
Buồn phận mình đang sống kiếp tha phương
Rời bỏ quê nhà, lang thang lữ thứ
Mấy mươi Năm nổi trôi nơi viễn xứ
Tháng, Năm dài thương nhớ cố hương.
Tôi di ngôn lại con cháu thân thương
Ngày nào đó, tôi giã từ trần thế
Các con tôi hãy đưa tôi ra biển.
Rải tro cốt tôi xuống Thái Bình Dương
Cho thủy triều đưa sang bờ Nước Việt
Để tôi được về thăm lại cố hương”.
Hoa Đô(Lockwood House)
Trần Công/Lão Mã Sơn
Dấu Thời Gian
Trong lời chim hót, đôi hàng phượng nghiêng
Tiếng ve thương nhớ nổi chìm
Hạ về lớp học lặng im u hoài
Ta về tìm dấu áo dài
Bay ngang trước cổng chia hai lối chờ
Ðợi ai chân bước ngu ngơ
Áo bay trắng xóa đôi bờ chiêm bao
Ta về tìm dấu ngọt ngào
Tiếng em âu yếm lời trao dịu dàng
Bàn tay nõn vẫy thu sang
Ngẩn ngơ từng chiếc lá vàng lướt vai
Ta về tìm dấu thiên thai
Công viên ghế đá miệt mài dấu yêu
Cõi xưa đã biến rong rêu
Yêu qua thương quá bao chiều đắm mê
Trôi qua bến hẹn câu thề
Chèo khuya sóng nhớ ta về bến xưa
Tóc em mưa nắng ngủ nhờ
Có còn cột mấy vần thơ ta buồn?
Trầm Vân
Đồng Khô
Đứng đây như một cây thông trơ cành
Kiệt tàn nhựa sống ngày xanh
Chim muông bỏ trốn xung quanh im lìm
Gấu già nhắm mắt lim dim
Bầy nai hốt hoảng chạy tìm suối xưa
Cỏ khô sụp lạy trời mưa
Rồng còn mê mải chơi chưa muốn về
Cánh đồng khô khát tứ bề
Nhớ con suối mát chảy về lũng xa
đất trời như bãi tha ma …. !
như hồn oan khuất kêu ca não nùng
đồng xưa xanh mịn như nhung
đồng nay khô cháy nổ tung linh hồn
Mường So Đèo Văn Trấn
Vĩnh Long Ngày Cũ... - Trên Bến Đò Xưa
Còn đâu bến nước đò xưa
Còn đâu bóng dáng người đưa đón người
Lần về kỷ niệm ngậm ngùi
Vĩnh Long ngày cũ sao nguôi nhớ về
Kim Oanh
Trên Bến Đò Xưa
Bến đò cô lái ngày xưa
Giờ không còn thấy đón đưa chờ người
Đâu rồi...? Lòng chợt bùi ngùi!
Bóng hinh ngày cũ khó nguôi nẻo về
Song Quang
Giọt Nước Mắt Tháng 5
Lá Gió Cành Chim
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc vui suốt tháng, trận cười thâu đêm,
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
(Tống Ngọc người nước Sở cùng Tràng Khanh, tức Tư Mã Tương Như, là hai người đẹp trai, giỏi thơ văn, từ phú, nhưng cũng nổi tiếng ăn chơi, bay bướm)
Lá gió cành chim lấy ở điển Tiết Đào.
Đời Đường Đại Tông, có một vị quan nhỏ tên là Tiết Trịnh, (có sách nói là Tiết Vân). Họ Tiết hiếm hoi, không có con trai, chỉ có một gái, tên là Tiết Đào. Nàng thông minh xuất chúng, mới 8 tuổi đã biết làm thơ. Một hôm, trời vào thu u ám, mây vần vũ ngang đầu, hai cha con đứng trước sân ngắm cảnh, thấy cây ngô đồng cao vút, ngọn khuất trong mây, Tiết Trịnh ứng khẩu:
庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng,
聳幹入雲中 Tủng cán nhập vân trung,
Tiết Đào tiếp ngay:
枝迎南北鳥, Chi nghênh nam bắc điểu,
葉送往來風。 Diệp tống vãng lai phong...
Chú thích:
寄蜀中薛濤校書 Ký Thục trung Tiết Đào hiệu thư
萬里橋邊女校書, Vạn Lý kiều biên nữ Hiệu Thư,
枇杷花裏閉門居。 Tỳ bà hoa hạ bế môn cư,
掃眉才子於今少 Tảo mi tài tử ư kim thiểu,
管領春風總不如 Quản lĩnh đông phong tổng bất như.
Bát Sách dịch thoát:
Bên cầu Vạn Lý nữ Hiệu Thư,
Dưới rặng tỳ bà đã ẩn cư,
Tài tử vẽ mi nhiều hay ít,
Chẳng ai tài nghệ được tương như.
- Nguyên Chẩn, khi về kinh thì phụ bạc, ở với nàng Lưu Thái Xuân, trẻ đẹp, mỹ miều hơn. Nguyên có làm bài thơ "Tặng Lưu Thái Xuân" hết sức ca tụng vẻ đẹp của nàng. Vậy thì đoạn kết thứ hai không phải là phi lý.
Dù sao thì Tiết cũng đã mỏi mòn chờ đợi, và tôi không ưa đoạn kết này.
Bài thơ của Bạch Cư Dị tặng Tiết Đào, tuy chỉ có 4 câu mà rất nhẹ nhàng, dễ thương:
贈薛濤 Tặng Tiết Đào
蛾眉山勢接雲霓 Nga Mi sơn thế tiếp vân nghê,
欲逐劉郎北路迷 Dục trục Lưu lang Băc lộ mê,
若似剡中容易到 Nhược tự Diễm trung dung dị đáo,
春風猶隔武陵溪 Xuân phong do cách Vũ Lăng khê.
(Thế núi Nga Mi giáp với cầu vồng mây, muốn đuổi theo Lưu lang đang mê lạc trên đường phía Bắc, Nếu như đất Diễm Trung dễ đến, thì gió xuân còn cách xa khe Vũ Lăng.)
Bát Sách dịch:
Nga Mi thế núi tiếp cùng mây,
Muốn kiếm Lưu lang lộ bắc này.
Nếu đất Diễm trung mà dễ đến,
Gió xuân còn cách Vũ Lăng đây.
Sau khi về kinh, Nguyên Chẩn mới gửi bài thơ:
寄贈薛濤 Ký Tặng Tiết Đào
錦江滑膩峨嵋秀 Cẩm giang hoạt nhị Nga My tú
生出文君及薛濤 Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.
言語巧偷鸚鵡舌 Ngôn ngữ xảo thâu anh vũ thiệt,
文章分得鳳凰毛 Văn chương phân đắc phụng hoàng mao,
紛紛詞客多停筆 Phân phân từ khách đa đình bút,
個個公侯欲夢刀。 Cá cá công hầu dục mộng đao,
別後相思隔煙水, Biệt hậu tương tư cách yên thuỷ,
菖蒲花發五雲高。 Xương bồ hoa phát ngũ vân cao.
(Đất Tứ Xuyên, nghĩa là Cẩm Giang và Nga My, sinh được hai người đẹp là Trác Văn Quân cùng Tiết Đào. Nói năng như anh vũ, văn chương như phượng hoàng, Tài của nàng làm văn nhân dừng bút, sắc đẹp của nàng làm công hầu mơ mộng.. Sau khi ly biệt, cách mây nước tương tư, hoa xương bồ đã nở như mây năm mầu.)
Bát Sách lười, dịch cả bài vất vả quá, chỉ dịch hai câu cuối, đáng giá nhất của bài thơ:
Tương tư khói nước xa nhau,
Hoa xương bồ nở năm mầu như mây.
Như đã nói ở trên, Tiết Đào làm nhiều thơ, rồi đem một số thơ phổ nhạc. Xin chọn hai bài:
送友人 Tống Hữu Nhân.
水國蒹葭夜有霜,Thuỷ quốc kiêm hàng dạ hữu sương,
月寒山色共蒼蒼。Nguyệt hàn sơn sắc cộng thương thương,
誰言千里自今夕,Thuỳ ngôn thiên lý tự kim tịch,
離夢杳如關塞長。Ly mộng yểu như quan lộ trường,
Bản dịch của Chi Điền:
Tiễn Bạn.
Cỏ lau mặt nước đêm sương,
Núi xanh, trăng lạnh thương thương một mầu,
Ai rằng ngàn dặm xa nhau,
Đường dài ly mộng, rầu rầu ải quan.
Và bài thứ hai:
春望詞其一 Vọng xuân từ kỳ nhất.
花開不同賞, Hoa khai bất đồng thưởng,
花落不同悲. Hoa lạc bất đồng bi,
欲問相思處, Dục vấn tương tư xứ,
花開花落時 Hoa khai hoa lạc thì.
Bản dịch của Trần Trọng San:
Lời Ngắm Xuân, Kỳ 1
Cùng xem hoa nở đã không ai,
Cùng xót hoa rơi lại vắng người
Muốn hỏi đâu là nơi tưởng nhớ,
Rằng khi hoa nở lúc hoa rơi.
Hai bài này của Tiết cũng buồn vời vợi. Không hiểu người bạn trong thơ có phải là Nguyên Chẩn? Và người được nàng tưởng nhớ cũng chính là chàng?
Tiết Đào sinh năm 768, tự Hồng Đô, mất năm 831. Một người tài hoa, có nhan sắc mà cả đời luân lạc, mối tình đẹp cũng lỡ làng. Vì thương cảm, Bát Sách tặng nàng mấy câu thơ:
Buồn vì hoa nở hoa rơi,
Thương mình luân lạc, thương đời bể dâu,
Môi hồng mắt biếc còn đâu,
Nương thân cửa Phật, vơi sầu tương tư.
Xin nói thêm là Nguyên Chẩn sinh năm 779 đúng là kém Tiết Đào 11 tuổi, và hai người cùng mất năm 831.
***
Nguyên tác Dịch âm
井梧吟 Tỉnh Ngô Ngâm
庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng,
聳幹入雲中 Tủng cán nhập vân trung,
枝迎南北鳥 Chi nghênh nam bắc điểu,
葉送往來風 Diệp tống vãng lai phong./.
Dịch thơ
Lá Gió Cành Chim
Ngô đồng cổ thụ trước sân,
Thân cây cao vút, khuất dần trong mây,
Cành chim nam bắc đậu đầy,
Lá đùa cợt gió, tối ngày đong đưa./.
Bát Sách
Montréal, 05/2019.
***
Chú giải
井 tỉnh: cái giếng
梧 ngô: cây ngô đồng
吟 ngâm: đọc ngân dài ra, ngâm (thơ)
庭 đình: sân trước
除 trừ: một nghĩa là bên cạnh
聳 tủng: cao vót
幹 cán: thân cây
Dịch nghĩa:
Ngâm bài thơ Cây Ngô Đồng Bên Giếng
Bên thềm có một cây ngô đồng già,
Thân cao đụng tới mây.
Cành tiếp đón chim muông từ nam bắc,
Lá tiễn đưa mọi cơn gió qua lại
Dịch thơ:
Ngâm Thơ Ngô Đồng Bên Giếng
Cây ngô đồng bên giếng,
Thân cao tận mây xanh.
Cành tiếp chim nam bắc,
Lá đón gió vờn quanh./.
Nga Mi Sông Cẩm mượt mà thay,
Sản xuất Đào, Quân tại chốn này.
Tiếng nói hay như anh vũ hót,
Văn chương đẹp tựa phượng hoàng bay.
Thi nhân gác bút khen thi phú,
Khanh tướng buông đao mộng sắc tài.
Cách biệt nhớ nhau qua khói sóng,
Xương bồ năm sắc nở như mây.
Mỹ Ngọc
Apr. 11/2024.
Lá Gió Cành Chim
Cây ngô đứng trước sân đình
Thân cao như thể ngút nghìn chạm mây
Muôn chim nam bắc dừng bay
Gió đưa chiếc lá lung lay gọi mời
Thanh Vân
***
Sân ngô cỗi một cây
Thân thẳng vút tầng mây
Cành đón chim nam bắc
Lá đưa gió vãng lai
Ngô đồng một cỗi thềm sân trước
Thân vươn cao ngọn vút trong mây.
Bắc Nam chim đón cành lay
Lá đưa gió lạ vãng lai sớm chiều!
2/Tiễn Bạn (Tống Hữu Nhân)
Mặt nước cỏ bèo tối ngậm sương
Lạnh trăng, sắc núi biếc màu vương
Ai rằng ngàn dặm nay xa cách
Ly mộng mịt mờ chốn ải cương.
3/Ngóng Xuân Từ Kỳ 1 (Vọng Xuân Từ, Kỳ 1)
Hoa nở không cùng ngắm
Chẳng cùng sầu hoa rơi
Muốn hỏi nơi thương nhớ?
Hoa rơi-nở đúng thời!
Lộc Bắc
Mai24
***
1/ Ngóng Xuân
Chẳng cùng ngắm hoa nở
Hoa rụng chẳng cùng than
Tận cùng trong nỗi nhớ
Lúc hoa nở… hoa tàn
2/ Tiễn Chàng
Kiêm Gia bến nước đêm sương mờ
Nguyệt lạnh non cao thăm thẳm mơ
Ngàn dặm cách ngăn … ai thấu hiểu
Quan san diệu vợi mãi mong chờ
Kiều Mộng Hà
Austin.4.11.24
***
Tiết Đào 薛濤 - Tỉnh Ngô Ngâm 井梧吟
Theo nhiều nguồn tài liệu, Tiết Đào vốn là một danh kỹ xinh đẹp đời Đường. Nàng còn rất giỏi thi từ ca phú, từng là bạn xướng họa với nhiều thi nhân nổi tiếng đương thời như: Trương Tịch, Đỗ Mục, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị, và đặc biệt là Nguyên Chẩn. Giữa hai người có một đoạn tình duyên không trọn vẹn. Nguyên Chẩn từng ca ngợi nàng:
Cẩm giang hoạt nhị Nga mi tú 錦江滑膩峩嵋秀
Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào 生出文君及薛濤
tạm dịch:
Cẩm Giang danh tiếng mỹ nhân
Thi ca từ phú: Văn Quân, Tiết Đào
Tiết Đào lên 8 tuổi đã biết làm thơ. Một hôm thân phụ nàng là Tiết Vân 薛鄖 chỉ cây ngô đồng, đọc 2 câu thơ:
Đình trừ nhất cổ đồng 庭除一古桐
Tủng cán nhập vân trung 聳幹入雲中
tạm dịch:
Trước thềm có một cây đồng cổ
Thân cây cao ngất vào trong mây
Tiết Đào liền đọc tiếp:
Chi nghinh nam bắc điểu 枝迎南北鳥
Diệp tống lai vãng phong 葉送往來風
tạm dịch:
Cành đón chim từ nam bắc tới
Lá tiễn đưa làn gió lại qua.
Cha nàng nghe hai câu thơ này rất buồn vì thấy nàng, tuy thi phú vẹn toàn, nhưng có phong khí lả lơi ong bướm. Anh hoa của Tiết Đào sớm phát tiết cũng báo hiệu một đời hồng nhan đa truân. Quả nhiên sau này nàng phải dấn thân vào chốn thanh lâu. Tiết Đào có tài thi văn nhưng sanh vào một xã hội phong kiến bất công với 2 chuẩn mực khác nhau: cùng một phong thái nhưng với người nam thì cho là hào hoa phong nhã, nhưng với phụ nữ lại cho là lả lơi ong bướm. Nên cuối cùng nàng chỉ có một con đường là làm một ca kỹ. Thật đáng thương cho người phụ nữ thời phong kiến!
Thật ra câu chuyện bên trên có lẽ chỉ là huyền thoại vì đối đáp của Tiết Đào đâu có chi là lẳng lơ. Bốn câu thơ được gắn cho là đối đáp giữa cha con Tiết Đào là một bài ngũ ngôn tứ tuyệt được chép trong Tiết Đào Lý Dã Thi Tập - Đường - Tiết Đào 薛濤李冶詩集-唐-薛濤
Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:
井梧吟 Tỉnh Ngô Ngâm Ngô Đồng Bên Giếng
庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng Sân trước ngô đồng già,
聳幹入雲中 Tủng cán nhập vân trung Tận mây dang cành ra.
枝迎南北鳥 Chi nghênh nam bắc điểu Bắc Nam chim đến đậu.
葉送往來風 Diệp tống vãng lai phong Gió thổi lá la đà.
Dịch nghĩa:
Cây Ngô Đồng Bên Giếng
Thềm trước sân đình có một cây ngô đồng già.
Thân cao vót xuyên mây.
Cành đón nhận chim từ miền Nam miền Bắc,
Lá tiễn đưa gió thăm viếng đến đi.
An Old Paulownia Tree By the Well by Xie Tao,
In front of the pavillion there is a Paulownia tree, real old,
Its tall trunk penetrates the clouds.
Its branches host birds from North and South,
Its leaves bid good bye to winds that come and go.
Thời Đường không có mấy phụ nữ là thi nhân. Một phụ nữ tài sắc như Tiết Đào tất nhiên được nhiều người có học thức ái mộ. Ngoài các bài thơ tặng nàng đã được nêu ra như:
Ký Thục Trung Tiết Đào Hiệu Thư 寄蜀中薛濤校書 của Vương Kiến
Tặng Tiết Đào 贈薛濤 của Bạch Cư Dị
Ký Tặng Tiết Đào 寄贈薛濤 của Nguyên Chẩn
Còn các bài tặng khác như:
Hòa Tây Xuyên Lý Thượng Thư Thương Khổng Tước Cập Tiết Đào Chi Thập 和西川李尚書傷孔雀及薛濤之什 của Lư Vũ Tích
Tặng Tiết Đào 贈薛濤 của Hồ Tằng
Đặc biệt là Nguyên Chẩn chỉ gởi bài thơ Ký Tặng Tiết Đào sau khi về Trường An vào khoảng năm 821. Vì sao? Phải chăng Nguyên Chẩn là người yêu của Tiết Đào nên không cần phải “nịnh” nàng như các thi nhân khác. Hay như theo Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 422, Nguyên Chẩn đã từng tặng thơ cho Tiết Đào trong bài Ký Cựu Thi Dữ Tiết Đào Nhân Thành Trường Cú 寄舊詩與薛濤因成長句.
Có nguồn cho bài thơ này là của Tiết Đào tặng Nguyên Chẩn (không phải Nguyên Chẩn tặng Tiết Đào) và có được ghi chép trong sách của Tiết Đào 薛濤李冶詩集-唐-薛濤 (trang 13b) dưới tựa đề Ký Cựu Thi Dữ Vi Chi 寄舊詩與微之.
Cả hai bài thơ, từ hai sách khác nhau, có tựa khác nhau nhưng văn bản giống nhau như bên dưới:
詩篇調態人皆有 Thi thiên điều thái nhân giai hữu
細膩風光我獨知 Tế nị phong quang ngã độc tri
月夜詠花憐暗澹 Nguyệt dạ vịnh hoa liên ám đạm
雨朝題柳為欹垂 Vũ triêu đề liễu vi khi thùy
長教碧玉藏深處 Trường giáo bích ngọc tàng thâm xử
總向紅箋寫自隨 Tổng hướng hồng tiên tả tự tùy
老大不能收拾得 Lão đại bất năng thu thập đắc
與君開似教男兒 Dữ quân khai tự hảo nam nhi
Sau khi đọc bài thơ, bạn cho ai là tác giả?
Phí Minh Tâm
***
Góp ý của mirordor:
庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng
Bút tích của nàng còn ghi một điểm thích thú với tựa bài thơ là Tục Phụ Tỉnh Đồng Ngâm 續父井桐吟 làm mình nghĩ đến huyền thoại đối đáp của hai cha con là thật.
Phí minh Tâm viết:
Điểm khác, nhiều nơi cho là bài thơ không phải của Tiết Đào, có thể vào thời điểm đó người ta chưa tìm được sách của Tiết Đào.
Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024
Cáo Phó Nhà Văn Trần Hoài Thư Qua Đời
Sáng Tinh Mơ In Sách
(Gởi theo TRẦN HOÀI THƯ, mất ngày 27 tháng 5 năm 2024)
Lưng còng, mắt mõi, tay run,
anh ngồi in sách, lệ chùng xưa sau.
Một con chữ, mấy niềm đau.
Một dấ́u chấm, mấy lần khâu miệng tình.
Những khuya, khuya tới làm thinh!
Những mai sớm, sớm đến tận tình cô đơn!
Anh ngồi in sách vào hồ̀n
Cao Vị Khanh
Kim Phượng Kính Tiễn
Thủ bút hôm nào vẫn còn đây
Lời thơ Xa Xứ động trời mây
Niềm đau da diết thân Chim Việt
Trải khắp Cành Nam ước nguyện đầy
Thành kính chia buồn cùng tang quyến,
Thành Kính Phân Ưu
Kim Phượng
Điếu Thi
(Kính dâng hương linh anh Trần Hoài Thư)
Khói hương nghi ngút nhớ vô vàn
Sao nỡ rời xa chốn thế gian
Nhớ thuở chiến y bao kỷ niệm
Đến thời tù ngục lắm gian nan
Con thơ, đàn cháu hồn quê phủ
Chiến hữu, văn đàn nước mắt chan
Nếu có linh thiêng xin chứng giám
Nguyện cầu siêu thoát cõi bình an.
Lâm Hoài Vũ
May 30, 2024
Cho Dù Lịch Sử Đau Bầm Dập - Cao Vị Khanh
Nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư. Ký họa Đinh Trường Chinh.
Nói với người trung đội trưởng cũ
Vậy là hai mươi sáu năm sau ngày anh buông súng, gần ba mươi năm sau lần anh chào nghiêm trước hàng quân nhận chức trung đội trưởng, tôi có dịp nói chuyện với anh, người bạn mới biết mà chừng như thân lắm.
Kể ra chúng ta còn quá may mắn, sau một cuộc chiến tàn khốc như vậy mà anh còn sống sót để viết lách, tôi còn sống sót để đọc thơ văn của anh mà tức tưởi. Bạn bè của anh, bạn bè của tôi thiếu gì người đã bỏ cuộc nửa chừng sau khi đã trân mình chơi xả láng với súng đạn ngoài trận địa, hay sau này với đói khát trong trại giam…
Chắc tôi phải nói rõ với anh điều này. Mười năm sau ngày bỏ xứ, khi cơn đau thất tán đã có cơ lắng xuống, tôi bắt đầu làm thơ trở lại. Những câu thơ nói về cuộc khổ nạn lớn quá tầm mức nhân gian. Thú thiệt, trong khi mần mò lục tìm lại quá khứ, tôi cứ bị lấn cấn hoài về một số hình ảnh đã làm tôi thắc mắc mà tôi tưởng đã rơi rớt mất tiêu trên con đường thương khó. Lần đó, khoảng năm 70-71, sau khi mãn khóa Thủ Ðức, trước khi được biệt phái về ngành chuyên môn, tôi quá giang một chuyến xe tiếp vận từ hậu cứ lên thăm người anh đang đóng quân ở vùng Lộc Ninh Bố Ðức. Hôm đó chiều đã muộn. Con đường chạy từ Chơn Thành lên căn cứ B vặn vẹo giữa những cánh rừng cao su nổi tiếng là hay tráo trở. Xe vừa qua một khúc quành thì tôi thấy một cánh quân độ vài chục người đang lội bộ dọc theo đường bỗng rẽ ngang rồi mất hút vào khu rừng sụp tối. Mấy người lính nhỏ con gầy gò tới độ cái ba-lô trên lưng trở nên lớn khác thường như muốn đè sụm cả họ. Xe qua, tôi còn kịp thấy người đi chót, trẻ và non như mụt măng. Họ đi đâu, đêm sắp mịt mùng. Và trong đó, rừng thù nghịch. Tôi nao nao như thấy có gì bất nhẫn. Lòng xe mờ, ngoài tôi và người tài xế, còn một viên thiếu úy rất trẻ. Qua câu chuyện trao đổi, tôi biết anh ta trễ phép sau mấy tháng dưỡng thương đúng lúc trung đội bị hốt gọn trong chuyến đổ quân Hạ Lào. Nếu trình diện sớm hơn thì giờ này chắc đâu có mặt ở đây nữa. Mặt người thiếu úy hơi chau lại, anh hỏi thêm đôi điều về mấy người quen biết, rồi thôi. Mấy câu đối đáp ngắn ngủn, bời rời như đang nói đến một chuyện chẳng ăn nhằm gì đến họ. Người tài xế thì vừa lái xe vừa ngân nga mấy câu vọng cổ. Ông sĩ quan thì mắt không rời tờ tạp chí văn học rất được ưa chuộng thời đó. Cả hai làm như không thấy đêm đang buông nhanh xuống đoạn đường tử địa. Và chiến tranh thì dường như ở đâu đó, xa lắm, mặc dù vẫn nghe tiếng đại bác dội lại cầm chừng. Cả đến khi người tài xế nhắc đến cái báo cáo đào ngũ đang chờ ở đơn vị, người bạn đường cũng không thấy gì là xao xuyến. Có một thời người ta cam phận đến vậy sao, như biết mọi vùng vẫy phản kháng đều vô ích. Như sinh ra đã là như vậy. Như sống vốn là như vậy. Như chết sẽ là như vậy. Như hai người lính chiều nay nói đến giặc giã bằng cái kiểu hàn huyên mưa nắng. Thái độ thản nhiên của họ cũng như của đám lính kéo vào rừng đã làm động lòng tôi không ít. Dĩ nhiên tôi chưa bao giờ biết được tường tận cái nguy hiểm rình rập bám riết họ đến mức nào trong suốt cuộc thập tử nhứt sanh. Và như vậy làm sao tôi biết họ lừng lững thiệt tình đến chừng nào. Nhưng đến bây giờ thì tôi biết. Biết sau khi đọc anh, từ vài năm nay, những bài thơ hừng hực hơi sống và mùi chết, những tập truyện lạnh ngắt sắt thép mà lại nóng hổi tình người. Cho dù lịch sử đau bầm dập…
Dường như bắt đầu từ cuối một trận đánh… Suốt cả một buổi trưa hai thằng chúng tôi mắc nạn không thể bò xuống đồi. Tư bị đạn trúng bả vai và chân. Còn tôi thì bị lựu đạn làm bể cả bắp đùi. Lúc này mạnh ai nấy thoát. Bởi ai cũng biết rằng nếu ở lại thì chết bởi những họng súng đang săn mồi từ cao điểm. Rõ ràng đây là một cuộc thí quân… Sau đó là một lời nhắn, không, một lời trối. Mày là nhà văn. Tao là độc giả của mày. Mày phải sống. Mày nghe rõ chưa. Mày phải sống để mà viết lại… Mày hãy nói cho mọi người biết về những cái chết chó má như thế này. Chết mà không bắn được một viên đạn như thế này… Từ đó anh lãnh một sứ mệnh, không phải, sao tôi ghét hai chữ “sứ mệnh” này đến vậy. Từ lúc nào những hoa ngôn trở thành giây thòng lòng siết cổ siết hầu đám người tuổi trẻ? Anh không lãnh một sứ mệnh nào hết. Cuộc chiến đó đã chơi anh và bạn bè anh cạn láng bằng canh bài lật lọng. Mươi năm sau, người chết thì đã chết, người còn sống thì hoặc tàn phế thể xác hoặc thương tật linh hồn. Phế tích đậm đến không chịu phai, đến còn thấm lan ra thơ văn suốt từng lần hồi tưởng. Vậy đó, không thông điệp, cũng chẳng tuyên ngôn. Anh nhắc lại một trận đánh, một vết thương, một cái chết, một cơn sợ hãi, một nỗi vui mừng, một niềm tuyệt vọng, một sự thật như nó là nó, không ngụy tráo cũng chẳng tuyên truyền. Có người muốn quên. Nhưng anh thì nhớ. Anh viết về cuộc chiến đã xảy ra mà anh đã tham dự, nhiều người đã biết cũng như còn rất nhiều người khác không biết mặc dù đã sống cận kề. Anh nói giùm bạn anh, những người trước đây không được phép nói và đến giờ không còn dịp nói nữa. Ðược không?
Cho dù lịch sử đau bầm dập…
Anh lội suối lội non, chết lên chết xuống, hồn xác rách bươm cho đã rồi thôi. Chấm hết một cách lãng nhách. Mấy ông quan lớn kéo nhau bỏ đi sau khi gân cổ hò hét, xúi bẩy, rầy rà, mắng nhiếc. Anh và bạn bầy anh ở lại bị hốt thảy vào các trại tù tiếp tục sống dở chết dở sau khi đã xé thịt hứng đạn, sau khi đã bầm gan vuốt mắt cho hết người bạn này đến người bạn khác, sau khi đã nát dạ nghe hết lời đay nghiến, rủa xả của đám góa phụ xuân xanh làm như chính anh đã giết chồng họ, làm như anh có quyền lực mà không chặn lại giùm viên đạn vô tình… Mà thật ra thời buổi đó anh có quyền lực gì đâu, anh cũng chỉ là một nạn nhân như chồng con họ vậy thôi. Nhắc lại mà thêm buồn phải không anh. Cái quyền đó, cái ảo tưởng đã hơn một lần bị dập tắt ngay trong cơn dầu sôi lửa bỏng. Tôi biết có lần anh đã nín thở chờ qua cơn mưa pháo, rồi cắn răng cắn lưỡi mà viết, dưới giao thông hào, trong lùm trong bụi để nhắc chừng mọi người một sự thật đằng sau những ngôn từ hoa mỹ. Nhưng mà có được đâu. Vì cuộc chiến anh muốn viết. Nhưng rồi cũng vì cuộc chiến đôi khi anh phải nín lặng. Có phải đó chính là cái mâu thuẫn lớn nhất trong thời đại khổ nạn của chúng ta. Những xác chữ chết yểu vì vậy còn bỏ nằm la liệt trong đầu anh. Những cái thấy cái nghe vẫn còn lúc thúc buồn bã trong lòng anh. Bởi vậy, nhiều năm sau khi đã vẫy vùng mõn hơi, đã chống chọi túi bụi để còn được sống, vừa mới sống được là anh chụp lấy cái quyền của anh, nói và viết theo ý mình về cuộc chiến. Không phải cuộc chiến của mấy ông tướng khiển lệnh qua tầng tầng vô tuyến, không phải cuộc chiến của mấy ông chính trị gia mồm loa mép giải… mà là của người lính ở tuyến đầu, của người đã biết súng đạn dữ dằn thế nào, đã vã mồ hôi vì sợ hãi, đã tức dội lồng ngực vì tiếng nổ, và máu mặn ra sao, và nước mắt mặn ra sao … Thêm chút nữa, đó là cuộc chiến của người trung đội trưởng, cái chức vị vừa tầm đúng cỡ nhất để thấy hết cái lớn lao nhất cũng như cái nhỏ nhoi nhất của đời lính, để hứng nhận đúng nơi đúng chỗ nhất cơn sấm sét của chiến tranh. … phải là người làm gương, người ra lệnh trực tiếp không phải qua máy truyền tin, mà qua hò hét, qua nòng súng dí vào lưng thuộc cấp… phải làm sao kêu họ nằm ngoài đồng, trên gò mả, đứng dưới kênh ngập nước, dưới những cơn mưa như thác… Mà cũng còn là người phải nạt, phải gào, phải dọa, để đám dân, gồm đàn bà con nít, từ dưới hầm chui lên, để họ còn được sống… phải chiến đấu trong sự dằng co của lương tâm và thù hận… Vâng, chính cái cuộc chiến đó mà anh muốn nói, thứ cuộc chiến vẫn thường được thống kê trong những bản tin chiến sự hàng ngày theo kiểu “bên ta vô sự, địch để lại xác chết” đã có lúc không còn làm bận tâm ai nữa. Thứ cuộc chiến mà mỗi người lính không phải là một danh số, mỗi đơn vị không phải là một chấm đỏ trên bản đồ mà là một khối người bằng xương bằng thịt biết sướng biết đau có những cơn mơ và những hồi nhớ. Không phải những trận đánh đã được ghi chép vào quân sử. Chuyện đó để dành cho mấy ông học giả đeo kính gọng vàng, mấy ông chức quyền hối lỗi ăn năn. Anh chỉ viết về ngưòi trung đội trưởng và những ngưòi lính của anh thôi bằng chính ngón tay đã có lần siết cò súng đến muốn gãy, bằng cái đầu đã có lần muốn nổ tung vì những suy nghĩ rối nùi không tìm ra nút gỡ. Bởi vì khác với những người lính thuộc quyền, có khi chỉ là một người ít học chơn chất, một đứa trẻ mới lớn tuổi còn non hơn lá mạ, anh biết nhiều hơn họ cho nên anh khổ tâm hơn họ. Và cũng khác với thượng cấp đã dày dạn đến chai lòng, anh thấy gần hơn họ nên anh càng khổ tâm hơn họ. Bởi vậy mà tôi yêu thích làm sao cái hình ảnh trung thực mà anh đã thấy tận mắt, nghe tận tai, gánh mòn vai rồi đem lòng nói lại. Còn ai hơn anh để nói về nỗi vui mừng lặng lẽ sau một đêm chong mắt chờ giặc mà nghe tiếng gà gáy để biết mình còn được thấy mặt trời mọc lên lần nữa. Ðể hít hơi thuốc sớm và thấy mình còn sống, rồi yêu thương thêm ngọn cỏ cọng cây, người bạn đồng cảnh và cả cô hàng cà-phê vớ vẩn bên đường. Gọi cốc cà-phê un khói gió. Mấy thằng râu tóc chụm thanh xuân. Ðọc anh, tôi thấm cái lạnh của người lính nằm tiền đồn đêm mưa xối xả, uống ngụm cà-phê đầu ngày như uống cả cuộc sống tìm lại, tôi lây cái sợ của con vật người bị biến thành bia bắn, và nhất là tôi thấy lại tôi, tuổi trẻ cháy phỏng vì bị đem nhúm lửa đoạn trường.
Vậy thì người trung đội trưởng đã nói gì và nói thế nào về cuộc chiến của anh ta?
Ở đây tôi không làm công việc phê bình văn chương. Nó lớn chuyện quá, chắc tôi không kham nổi. Tôi chỉ khoái nói với anh nỗi hả hê của mình trong khi chờ có dịp gặp nhau để cụng vài ly cho ấm bụng. Cỡ này cõi văn đã lạnh lắm rồi anh.
Từ năm 95 đến nay, gần 6 năm thôi anh đã cho ra mắt liên tiếp 7 tập truyện và 4 tập thơ thì quả là vô địch. Viết lách, in ấn nhanh và gọn không thua gì đánh diều hâu thuở trước. Lính tráng có khác. Số lượng như thế mà chữ nghĩa thì ra sao? Cái cảm giác đầu tiên của tôi là anh viết văn làm thơ dễ dàng thoải mái lắm. Khác với cái lối nặn câu nặn chữ làm bộ làm tịch của mấy ông nhà văn-trí thức chữ tây chữ u lu bu thì quả nhiên anh sướng hơn họ nhiều lắm. Mà viết không sướng thì viết làm chi. Viết mà cứ băng hăng bó hó lờ quờ lạng quạng như đi qua cầu khỉ thì viết làm gì cho mệt. Anh viết dễ dàng mà không dễ dãi. Ðọc anh tôi cũng thấy sướng lây. Chữ nghĩa phóng ra ào ào như súng máy xổ thành tràng liên tu bất tận. Vậy mà rất trúng đích. Chữ chở nghĩa tận tình khiến người đọc cứ thấy mình trong cuộc. Có biết trận địa pháo là thế nào không? Lúc này đêm như một hội hoa đăng của tử thần. Hình như mỗi loạt nổ là bốn, năm quả, khi thì rớt ngoài hàng rào phòng thủ, khi thì lọt trong chu vi. Cả lòng đêm gào rú cuồng nộ với những tràng sấm sét ầm ầm chụp xuống trại, rồi những khối lửa lại tiếp tục bùng lên. Những miểng thép lại bay ào ào như thể một trận bão kim loại với muôn tia lửa xanh đỏ đan nhau giữa lòng mực xạ… Sức công phá của đạn quả thật khủng khiếp. Cả thân thể như bật tung dậy. Lồng ngực như bị ai thoi một quả đấm ngàn cân. Máu mũi lại vọt chảy ròng ròng. Có khi cả máu miệng trào ra… Thấy không, chữ chạy hớt ha hớt hãi, cuống quýt, chen lấn xô đẩy nhau giành chỗ sống như miểng pháo nổ văng mãn thiên hoa vũ cấy gài cái chết thành thiên la địa võng. Có thấy cảnh người chạy băng ngang cánh đồng tử sinh chưa? Chạy bất kể trời đất, bất kể thương tích, con người còn nhỏ hơn con sâu, đạn thì bay tua tủa, mạng người mọn hơn cái kiến, anh kể rành rọt, chẳng mặc cảm, không kêu rêu. Tại vì lúc đó là như vậy. Có nói khác được đâu. Mà cần gì nói khác. Ðã ai anh hùng và ai hèn nhát. Vô đó rồi mới biết…Và tôi nhắm mắt, cố cầm cơn đau, trườn về phía sau. Ðạn lại sủi bọt. Tôi chỉ còn cách vực sâu khoảng chừng hai thước. Một viên đạn xước qua bả vai tôi. Máu dầm cả cánh tay áo. Tôi nhào đại xuống vực thẳm. Tôi té nhào giữa những bụi gai nhọn. Nhưng tôi quên hết cơn đau nhức.Chỉ có chăng là bắp đùi bị tê buốt vô cùng tận. Máu càng thấm cả một ống quần. Hai tay tôi lại cố vạch bụi. Và tôi lại vồ cả những bãi phân người ghê tởm… Tôi nghe được cả tiếng đập thình thịch của con tim cuống cuồng, tiếng hổn hển của hơi thở ứ máu bởi vì chữ ở đây không phải là mớ nguyên âm với phụ âm được ghép lại vô tình theo công thức ngữ học nữa. Chữ ở đây là máu là xương là thịt thà là hồn kinh phách đởm, là hình ảnh nối hình ảnh, là động tác liền động tác, liên miên, dồn dập kéo người ta từ cửa tử thoát qua cửa sinh. Anh viết mà như anh sống. Nên tôi sống thêm với anh một lần nữa cái chuyện lẽ ra phải quên đi. Ban nãy tôi có nói với anh là tôi hả hê. Xin lỗi anh. Nhưng văn chương nó phải như vậy. Nếu không chẳng thà theo vợ ngồi coi Paris by night còn được tiếng vẹn nghĩa tào khang. Những đoạn như đoạn này, nếu ngày nào đất nước có cơ may, trích ra mà giảng cho học trò thì sướng lắm. Cứ như là một bài đại cáo vậy, đọc lên mà nghe gió dậy trong lòng. Lên đường, gạo lương khô và những bi-đông nước lỉnh kỉnh bên mình. Lên đường, như sinh ra để mà đi, mà lội mà trèo. Lên đường trong khi ngủ, trong khi tiếng đại bác mở đường, dọn sạch mục tiêu. Lên đường trong mưa, trong nắng, trong gió lào khô thốc, trong sương muối che khuất mặt trời, trong khi ma quân vẫn trùng trùng điệp, mà quê nhà thì càng lúc càng vời vợi, mà lư nhang thì đầy ấp tàn tro lo âu cầu nguyện của người thân… Lên đường. Mang theo bên mình khối gia tài năm mươi ký lô nặng hơn cả thân người lính… Lên đường. Giày da sờn bạc. Giày bố đế mòn cao su. Và những ngón chân trắng hếu… Lên đường giữa trùng trùng tai ương… Lên đường. Núi rừng vây bọc. Sương phủ cả đỉnh, lấp cả thung lũng, nhưng không lấp đi những tai họa chờ chực dưới những cánh rừng dừa Bình Ðịnh, Tam Quan, Bồng Sơn. Người lính đã gục xuống… Cuộc đời của người lính chỉ biết cúi đầu. Và trên thân phận của người lính là những cơn mưa oan nghiệt. Mưa rừng, mưa núi, mưa pháo, mưa máu…
Văn của anh trào ra như con lũ phá đập. Nước tràn lan, lênh láng bất kể bãi bờ. Nó là tình cảnh dầu sôi lửa bỏng, nó là lúc dao đâm đạn nổ, là khi la hét thất thanh, là hồi rên siết khản cổ cho nên nó phải mau như hơi thở dồn, như nhịp tim gấp, cho kịp lúc cho đừng trễ làm như trễ có một chút là mất mạng như chơi. Ðọc anh có lúc muốn đứt hơi. Mà có đứt hơi cũng đã. Anh Ba Cận thị đã chịu chơi như vậy. Chẳng lẽ tôi thua anh sao?
Cái hơi văn đó đi liền một mạch, từ truyện này nối ngang qua truyện khác, liền lạc như đoạn kết của truyện trước là mở đầu cho truyện sau. Nếu được phép, không chừng tôi có thể nối hết lại để thành một truyện dài rất nhất thống, kể lại tuần tự cuộc đời của một ông trung đội trưởng điển hình trong cuộc chiến vừa qua. Mặc kệ tên Minh, tên Thanh hay tên Tấn gì gì đó. Sao tôi chỉ thấy có một người thôi. Người đã thay tôi đi trận, thay tôi thức đêm thức hôm, thay tôi lội suối lội rừng, thay tôi hứng đạn đội pháo, thay tôi rách thịt xước da, thay tôi ngẩng mặt cũng như thay tôi bò lết. Người đứng ngay đầu sóng để chắn con lũ, đứng ngay đầu gió để chặn phong ba. Người trung đội trưởng với chưa tới ba mươi người lính khổ mà gánh chuyện tày trời. Người trung đội trưởng đó đã đi suốt con đường thập giá của mình từ “Ngày đầu của một trung đội trưởng” và chấm dứt ở “Ban Mê Thuộc ngày đầu ngày cuối”. Khoảng giữa là cuộc quần thảo túi bụi với kẻ thù quỷ quyệt và cùng lúc chống đỡ đến phờ người với xã hội bất công. Là đêm kích ngoài bờ bụi. Là ngày di hành tất tả. Là xóm lục soát vô vọng. Là rừng đổ quân thất lạc. Là lệnh lạc bất kể. Là kẻ bỏ bầy. Là bầy “diều hâu” gãy cánh. Là những tháng ngày gầm thét bởi lửa đạn, mồ hôi và lệ nóng. Thời gian không dài lắm, đâu chỉ vài ba năm, mà tính ra cũng bằng cả thiên thu. Tôi đọc anh mà như trèo suốt một rừng gai. Mỗi truyện là một chảng ba nhọn lểu. Nó cào tôi đổ máu không ngờ. Anh cho phép tôi huê dạng chút đỉnh. Tôi đã rướm nước mắt chỗ này một ít chỗ kia một ít. Những giọt nước mắt chảy ra từ những sự thật đã bị giấu biệt đến nỗi muốn quên luôn. Cái sự thật méo mó như trái tim thương tổn của người lính rã hàng từ khi chưa thua trận. Làm như tôi còn nhận thêm được giữa những dòng chữ đó, cái tiếng kêu giải oan bay ra từ lằn đạn chót của người lính tử thủ ở địa đầu một thành phố sắp bị cưỡng chiếm. Còn nghe được lời biện bạch trong tiếng mở kíp trái lựu đạn cuối cùng của người lao công đào binh mới được phục hồi ở một cứ điểm sắp bị tràn ngập. Còn thấy được nỗi trần tình trong cặp mắt buồn bã nhưng quyết liệt của người tiểu đoàn trưởng trở lại chắn giữ bên này sông Hội An khi cả một thị trấn đã bỏ đi… Chữ nối chữ ròng ròng như máu phún ra từ vết thương hở miệng, cái vết thương hở miệng từ khi còn trận mạc cho mãi đến khi tiếng súng đã im, cái vết thương mưng mủ vì những xoi mói xúc phạm. Bởi vì nếu kẻ thù mà tung hê sát phạt thì cũng là điều dễ hiểu. Ðằng này nguyên một đám suốt cuộc đứng-né-bên-lề cũng nhảy vô khen chê trách móc. Dĩ nhiên không phải cái tập thể cả triệu-người-dưới-cờ đó hết thảy là toàn bích. Nhưng mà dù khó tính tới đâu người ta cũng phải nhận rằng cái phần hư hỏng đó chỉ là thiểu số. Còn đại đa số thầm lặng thì đã chiến đấu tận tình trong từng cảnh ngộ khó khăn và tuyệt vọng nhất. Anh còn nói được, chớ tôi còn biết rất nhiều người không nói được lời nào hết. Họ sống, chiến đấu và hoặc chết hoặc tù đày hoặc đang sống lây lất trong niềm kiêu hãnh lặng lẽ và cay đắng. Họ như những con sói của A. De Vigny, cho tới giờ này không thèm bật lên một tiếng kêu dù là một tiếng cười gằn trong cái thế giới khinh bạc này. Cám ơn anh đã kể lại chí tình cuộc chiến của họ bằng mực là máu đổ của anh và của họ, bằng bút là xương bể của anh và của họ, bằng ý là căn phần nghiệt ngã của cả một thế hệ thanh niên lớn lên từ năm 54 ở miền Nam, đã nhập cuộc dứt khoát và sáng suốt, đã tả xung hữu đột giữa trùng trùng kẻ địch, cộng sản, tham nhũng, bất công… chỉ để cho đất, trời và người của miền Nam còn được yêu thương và đùm bọc trong nhân nghĩa. Họ đã thất bại. Lý do tại đâu thì tôi chưa biết hết nhưng chắc chắn không phải là vì sự đớn hèn, tinh thần trách nhiệm và lòng hy sinh không tính xuể của họ.
Ðã có lần tôi đọc ở đâu đó có người bảo rằng chúng ta đang sống trong một thời đại của những kẻ nói láo. Dường như họ rất có lý khi nói như vậy. Ðừng nói đâu xa. Trên đất nước mà chúng ta đã phải bỏ đi dù ai cũng thương đứt ruột, chắc tai ai cũng đã đầy những lời gian dối. Nếu trong thời buổi chiến tranh, người ta đã thi nhau léo lắt để gạt gẫm, lừa đảo bao nhiêu thế hệ anh em vào chỗ hận thù, thì mãi đến khi tiếng súng đã im, người ta vẫn không thôi láo khoét. Cái dã tâm ngụy tráo của một nhà văn phái nữ được gọi là “đổi mới” đã có lúc được người “trí thức tiến bộ” ở bên này sùng bái đến độ thiếu điều bợ lên thay chỗ cho tượng Nữ thần Tự do ở bến cảng Nữu Ước là một thí dụ điển hình. Tôi vẫn còn ngạc nhiên trước thái độ ngụy tín đến trân tráo của họ. Làm như họ cho rằng cái số phận cay đắng của đám anh em khốn khổ của tôi như vậy là chưa đủ, những chết chóc, tù đày như vậy vẫn chưa vừa, cho nên chỉ chờ khi có kẻ dựng đứng sự thật bôi xấu người bại binh oan ức là nhào vô vỗ tay ăn có. Ðúng ra cái chuyện dựa thế mạnh vẫn là thói của kẻ tiểu nhân nhưng mà nghĩ ra đức của người quân tử thời này sao hiếm quá anh hả. Bởi vậy mà tôi càng hả dạ khi thấy anh đem cái chuyện của anh và bạn bè anh ra nói. Mà nói rất thật. Chẳng thèm thêm bớt. Anh chỉ trả sự thật lại cho sự thật. Có sao nói vậy. Chữ nghĩa ở tại lòng. Nếu trước đây trong chiến tranh anh đã chiến đấu từ một phía thì bây giờ giữa văn chương anh đang chiến đấu về phía của sự thật. Cho nên tôi tin anh và thấy mình quá bội bạc. Ðất nước tôi cần hết thảy mọi người mà sao có quá nhiều người thờ ơ đến vậy. Chuyện đâu phải chuyện riêng mà sao cứ đổ hết lên đầu một nhóm nhỏ. Họ đã chiến đấu thật lòng, chỉ tại có những quyền lực lớn hơn họ bội phản. Bây giờ còn đổ lỗi cho ai. Bởi vậy làm sao tôi không sống thật cùng anh cho đành?
Ðó là tôi chưa nhắc đến mấy đoạn anh lầm thầm một mình, hoặc tán gẫu với tên tà-lọt đã chết, hoặc thủ thỉ với một người tình giấu mặt nào đó, chẳng ăn nhằm gì tới cái chuyện đang bắn đang giết. Chỗ này không chừng mấy ông phê bình khoa bảng sẽ nhăn mày nhíu mặt vì bị hụt đỏi. Tôi thì khoái. Tôi thấy nó mới nhân ái làm sao. Tôi thấy bi tráng lắm cái lần anh kê súng thúc lưng người khinh binh đi tới, khi tình thế ngặt nghèo, và rồi cũng chính anh kêu Nồi ơi, Tròn ơi thảm thiết khi mấy tên ô-đô, truyền tin đó bị pháo dập banh ruột. Ðọc thử mấy câu này coi có phải là vòng nguyệt quế đuợc ném theo vào cõi mênh mông cho những người lính vô danh sống không ai biết chết chẳng ai hay. Trí ơi, mày học trường nào mà ca dao tục ngữ đầy bụng. Mày vừa hút thuốc, vừa nghe hay báo cáo trong máy truyền tin… Bởi mày là linh hồn của đơn vị. Mất mày có nghĩa là mất hết… Tao suy tôn mày. Bởi mày theo nhiều ông chỉ huy khác, tài giỏi hơn tao, can đảm hơn tao… Mày rút kinh nghiệm từ mấy ổng, để truyền lại tao khi tao cần đến, nhắc tuồng tao khi tao quên. Mày tỉnh bơ khi tao bụng đánh lô tô. Mày cười lộ răng vàng lấy lòng tao nhờ tao viết thư tình tán gái… Nghe sao mà vừa bụng quá đỗi. Những lần độc thoại thêm nhưn thêm nhị cho chuyện bắn giết giảm bớt cái phần gai góc sù sì, máu me bê bết. Nó làm cho truyện của anh cận nhân tình lên gấp bội. Cứ nghe cách anh nói với những người đồng đội mà thấy anh yêu thương cái tập thể đó biết bao nhiêu dù chỉ là một kết hợp vô tình. Từ ông trung sĩ già đến anh khinh binh tiền sát, tất cả gom lại giả bộ cho anh chút hơi ấm gia đình mà anh phải để lại sau lưng. Vậy mà rồi liền còn hơn khúc ruột nữa. Bởi vì đó là thằng em đã bẻ lá giang nấu cho anh tô canh trong chiều dừng quân mệt lả, là đứa canh đêm cho anh giấc ngủ chập chờn, là tên ô-đô trung thành đã cõng anh thương tích qua truông qua phá, mà cũng là kẻ anh phải dấn đẩy vào chỗ chết. Làm sao mà diễn tả được hết khúc nhôi của thứ tình cảm kỳ cục đó. Tôi chỉ thấy đó là những đoạn văn đẹp nhất bởi vì đã được viết ân cần nhất. Làm như chỉ có những khi anh được dịp tâm sự với đám lính ba gai (dù chỉ là độc thoại, chớ anh đâu thể lộ vẻ yếu mềm trước kẻ dưới tay) cũng như khi rù rì rủ rỉ với mấy cô nàng rắn lục, anh mới là anh, thực sự là anh, người thanh niên lãng mạn, yêu người và yêu đời tha thiết mà vẫn phải làm ra vẻ lãnh đạm, phản kháng mà vẫn chấp nhận, tuyệt vọng mà vẫn chiến đấu. Tội nghiệp cho anh với mớ dằn vặt không thôi như mấy đường chỉ tay chạy ngoằn ngoèo đến chết cũng không ra khỏi cái lòng bàn tay chai sạn. Ðây có phải là lời của một kẻ tình si muôn thuở không? .. Ðêm nay cũng vậy. Khi trời tối hẳn, trung đội bắt đầu băng đồng tiến về gò mả. Lạnh. Trời lạnh rồi. Em yêu dấu. Em của đành đoạn, của vô tâm, muốn quên mà vẫn nhớ… Ðọc tới đây tôi thấy thương anh quá cỡ. Súng ống đeo đầy mình, muốn bắn muốn giết thì lúc nào cũng được mà cứ hễ nhớ thương thì cứ chỉ vò võ một mình. Người yêu ở đó, dưới mấy tầng sao đó, giữa phố đèn xanh đỏ đó, cách đâu mấy đoạn sông thôi, mà người thanh niên đang ở tuổi yêu đương cứ phải nín thương nín nhớ để “đáp lời sông núi”. Sông núi chi mà bất nhân thất đức cứ đày đọa đám con mọn. Thanh xuân đâu có kiên nhẫn như cái đám lính kích đêm mà biểu chờ biểu đợi. Thanh xuân là người tình vốn có tiếng chẳng chịu thủy chung. Ðã có bao nhiêu cuộc tình hụt hơi bỏ lại dọc đường. Rốt cuộc chỉ có đám người đi trận là thiệt thòi nhất. Cho dù những người qua cầu năm xưa chắc gì nhớ đến đám gác cầu. Những điều anh nói đã thành tiên tri. Vâng, người ta chịu quên lắm anh. Có người con gái nhung lụa nào chịu vá giùm tấm áo trận rách… Tôi thích cái tánh nói thật của anh dù nghe ra sao thấy bẽ bàng.
Cho dù lịch sử đau bầm dập.
Thơ của anh đó. Câu thơ như một cái tát đột ngột, nó làm tôi choáng váng. Tôi đã nói là tôi có làm thơ. Mà làm thơ lịch sử nữa mới chiến. Có lúc tôi mê hoảng như lên đồng bóng, làm không biết mệt một mạch gần ngàn câu để tìm cách nói lại cái chuyện oan ức của một dân tộc. Làm xong, phải nói thiệt là đọc đi đọc lại tôi thấy “đã” lắm. Tôi tưởng như mình vừa làm được chuyện để đời, thiếu điều “viết vào giấy dán ngay lên cột”. Vậy rồi trời xui đất khiến cho tôi lọt ngay vào cõi thiên la địa võng của thơ anh. Cho dù lịch sử đau bầm dập. Trời ơi đọc có một câu thôi mà tôi cảm như bị mấy trăm cơn gió lạ trúng vào người cùng một lúc. Cho dù lịch sử đau bầm dập. Tôi đọc có một câu thôi mà thấy cả mấy trăm năm lịch sử ùa về. Mà thiên cổ thức dậy cùng muôn họ. Mà giáo gươm loang loáng giữa cờ xí rợp trời. Mà trống thúc chiêng kêu inh ỏi. Ðọc có một câu thôi mà tôi thấy máu xương vô định. Mà tai tôi bỗng ù ù gió thổi. Mà mặt mày tôi trăng dõi dõi soi. Ðọc có một câu thôi mà tôi thấy rõ ràng cái ngày hai anh em ông Trịnh Kiểm Nguyễn Hoàng bày đặt chơi trò chia dân chia đất. Và từ đó lịch sử đau bầm dập. Và từ đó cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng, anh em khóc nhau. Ðọc có một câu thôi mà tôi thấy con sông Bến Hải. Và từ đó lịch sử đau bầm dập. Và từ đó súng nổ dao đâm. Và từ đó trại tù mọc nhanh như nấm dại. Và biển Ðông. Và thân ta và hồn phách ta tiêu vong. Vâng, tôi đã sững sờ như vậy, tôi đã ú ớ như vậy khi tình cờ đọc được câu thơ của anh. Cho dù lịch sữ đau bầm dập. Và thành quách kia, rêu phủ đoạn trường. Tôi không biết anh ra chơi Huế ngày nào, và giữa mấy vòng thành rêu xanh dầy mịt, anh đã thấy gì mà làm thơ dữ dội đến vậy. Thơ nặng chịch mà thống thiết như khối đá lì mặt. Nặng như cả cái khối máu xương nó chứa trong đó. Và thống thiết như cả cái khối u hồn lởn vởn quanh đó. Ðọc thử lên nghe cái âm vang kỳ lạ lắm. Cho dù lịch sử đau bầm dập. Có nghe tiếng âm âm trầm trọng của nó không? Ðau bầm dập. Phải chi nó bầm thôi thì chỉ xuýt xoa cũng đủ. Hoặc là dập nát luôn cho rồi thì cũng là chỉ một lần. Không, lịch sử quái ác lắm. Lịch sử cứ hay chơi trò lập đi lập lại, tái diễn hoài không biết mệt. Cứ như thú dữ giỡn mồi, vờn qua đảo lại phóng tới chụp lui cho đã đời, tung lên hứng xuống cho bầm dập rồi mới há miệng cắn phụp. Chớ không phải sao. Dòm lại anh em ta, bà con ta coi có phải. Mấy cái truyện của anh về người lính trận nếu không bầm dập thì là gì nữa. Ông Tư chèo đò, cô gái tìm chồng, hai mẹ con ở đầu phi trường Phụng dực… nếu không bầm dập thì là gì nữa. Một câu thơ thôi anh, anh làm tôi bật ngửa. Rồi nín luôn, cái dòng thơ của tôi. Bởi vì đâu cần nữa. Ðủ rồi. Tôi có khiên cưỡng cũng chỉ là dông dài. Mà thơ thì dông dài làm chi cho mệt. Thơ là gom, là đọng, là gói hết trăm năm vào một chữ. Thơ là ngưng, là tịnh mà nhốt cả gió bão vào một câu. Ðủ quá rồi anh.
Cho dù lịch sử đau bầm dập.
Cám ơn anh, thơ văn anh giống y như anh vậy. Cạn lòng. Ráo dạ. Tôi hãnh diện khi thấy đời tan hoang như vậy, mà anh vẫn giữ được cái hùng tâm của lính trận một thời, để lại “lên đường” lần nữa. Anh đâu còn trẻ, nhưng đầu bút anh cứ vẫn cương cường. Thơ anh viết ra, văn anh viết ra là lòng anh trải ra muôn dặm. Cho người cho đời.Trước đó anh đã cầm súng, bỏ súng rồi thì anh cầm bút. Ðã có lúc anh tìm cách bứt ngang nhưng rồi có được đâu. Người ta không kéo anh lại thì chính anh cũng quày trở lại. Ở ngoài cuộc anh thấy không yên lòng cho nên anh đâm đầu trở vô. Sao tôi thấy không phải tại cái mớ quyền lực bên ngoài thúc ép mà là do chính cái quyền lực bên trong xô đẩy. Anh đào ngũ rồi anh tái ngũ. Chỉ tại anh không chịu bỏ anh em chết chóc một mình. Bây giờ ai xúi biểu gì anh mà anh thức đêm thức hôm để viết. Mà anh chịu đau chịu khổ để viết. Chắc cũng chỉ vì anh muốn bạn bè anh bớt cô đơn. Ma-đưa-lối-quỷ-đưa-đường. Cứ-tìm-những-chốn-đoạn-trường-mà-đi. Anh đâu chịu bỏ cuộc chơi. Dầu là những cuộc chơi rất đỗi đoạn trường.
Nghĩ cho cùng thì viết lách cũng là trò chơi đoạn trường đó. Mà nhất là cái kiểu không thèm chơi chịu.
Chơi hết mình. Chơi xả dàn. Chơi cạn vốn. Lính tráng, anh chơi kiểu lính rừng-tàn-núi-lở. Ðánh trận. Xung kích. Thương tích. Ðào ngũ. Nhậu nhẹt. Gái ghiếc. Văn chương, anh chơi kiểu văn chương bạt mạng. Viết văn. Làm thơ. In ấn. Trét keo. Dán bìa. Bưng gởi bốn phương. In thơ miễn phí cho người này. In sách giới thiệu cho người khác. Viết như mai không còn viết nữa. Làm thơ như thể sắp bị cướp mất giấy mực. Thấy mà mến mà phục mà cũng muốn hăng theo anh.
Tôi sẽ nói thế nào về anh, người trung đội trưởng cũ. Không chừng bắt chước câu nói của một danh tướng thời nay, có được chăng?
“những người lính già có chết đâu, họ chỉ lịm dần đi… như mấy đốm sao”
Cao Vị Khanh
* Tựa và các chữ in nghiêng trích từ thơ văn của Trần Hoài Thư
Tạp Chí Dân Văn Phân Ưu Nhà Văn Trần Hoài Thư
Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024
Chiều Mưa Bong Bóng - Thơ Phan Khâm - Nhạc Vĩnh Điện - Tiếng Hát: Diệu Hiền
Nhạc: Vĩnh Điện
Tiếng Hát: Diệu Hiền
Hình Như
Đêm qua tiếng lá trở mình
Con tim xao xuyến bảo hình như yêu
Vầng trăng xẻ bóng cô liêu
Bốn bề vắng lặng thêm nhiều xót xa
Cớ gì hình bóng người ta
Âm thầm lặng lẽ vào ra tự tình
Đêm qua tiếng lá trở mình
Con tim xao xuyến bảo hình như yêu
Kim Phượng
Nắng Thu
(QYV Trương Bá Hân 1973)
Ôi nắng gắt bên thềm lở lói,
Bức tranh nghèo mòn mỏi cô-đơn!
Điệu nhạc buồn như oán như hờn,
Chiều nay sao lòng ta rung động,
Tim ta ray rứt nỗi ước ao,
Nghe đứt ruột, loài người từ chối.
Lá giăng giăng, giày khua rẽ lối,
Quán trọ buồn sờn áo Treilli
Thương xóm nhỏ âu sầu khôn tả!
Chiều Bệnh-viện, nắng rây buồn qua kẽ lá,
Gió ngập ngừng trên mái ngói cong cong.
Niềm đau thương không thể cầm lòng,
Ôi chiến trận, mồ chôn thế-hệ!
Trong doanh trại những người còn lại,
Những con người chẳng phải nên người.
Nắng thu về xoáy nát lòng tôi,
Người chăm bệnh mỏi mòn năm tháng!
Nắng thu ơi, thôi đừng mơ mộng,
Hãy bắt tay lay chuyển gió chiều.
Người lành xin hãy thương yêu,
Người ác lưới trời định đoạt!!
Tìm Hướng - Seek Refuge - Chercher Refuge (Lưu Nguyễn Đạt)
hỡi người bạn tha phương
xin chào mừng thăm hỏi
hỡi con chim tìm hướng
hãy đậu lại thảnh thơi
hỡi luồng gió bến trời
nhớ tìm về lá ngủ
chờ ngàn giọt sương thu
nhập dòng sông vời vợi
hẹn cánh hoa trong mơ
dưới mưa trăng hé nở
hẹn đêm linh giăng tơ
nhuộm cõi biếc xanh mờ
nhớ người tình tri ân
bên kia dòng sông mặn
từ nguồn mắt xa xăm
mùa xuân nào khơi đậm
hỡi người yêu hôm nay
hãy để hồn thức dậy
từ cõi nhớ thoáng phai
trong lòng xưa sống lại
***
Seek Refuge
o friend scattered throughout the world
hello and compliment
o bird in search of refuge
perch quietly
o breeze of heaven
try to find the leaves of asylum
wait a thousand drops of dew
fill the river with wonders
inviting the petals of dream
to blossom in the moon rain
and the celestial soul to stretch from silk
to tint this realm pale blue
remember the charming lover
on the other side of the salted river
from this gaze of a distant source
with the spring of dazzling blossoming
o lover of today
from this scarcely etiolated world
to be ecstatic again at the loves of yesteryears
Chercher Refuge
ô ami dispersé dans le monde
bonjour et compliment
ô oiseau en recherche de refuge
perche-toi tranquillement
ô brise du ciel
essaie de trouver les feuilles d’asile
attends mille gouttes de rosée
remplir la rivière à merveilles
invitant les pétales de rêve
à s’épanouir sous la pluie de lune
et l’âme céleste à s’étirer de soie
pour teinter ce domaine bleu pâle
souviens-toi de l’amoureux charmant
à l’autre côté de la rivière salée
de ce regard de source lointaine
au printemps de floraison éclatante
ô amante d’aujourd’hui
laisse ton âme se réveiller
de ce monde à peine étiolé
pour s‘extasier à nouveau aux amours d’antan
Lưu Nguyễn Đạt