Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Gởi Về Em( Nhạc Sĩ Đỗ Thu)- Send It To My Darling( Nguyên Trần)

(Ca sĩ:  Tùng Anh)

Gởi Về Em – Sáng Tác Đỗ Thu

(Thể điệu Bolero – Cung điệu Sol Trưởng)

Gởi về em một lá thư anh viết bên đèn khuya
Thời gian len lén đi mãi không ngừng, đêm tối mơ hồ
Ngày em đi mang theo vạn niềm nhớ, mang biết bao ân tình
Nhìn em thấy giận hờn, cỏ cây cũng u buồn
Riêng một mình anh đau đớn xót xa.
Ngồi nhìn trăng vào bóng mây, anh nhớ em của anh
Thời gian năm trước, ai nỡ chia lìa đôi lứa chúng mình
Mộng lòng ơi, nơi kia trời lạnh lẽo
Em biết không anh chờ, mà em vẫn chưa về để năm tháng ơ thờ
Đêm này là bao đêm nhớ về em.

[ĐK:]

Anh mơ thấy em về trong nắng xuân
Hoa thắm rơi bên thềm, dìu đón bước em đi
Nhịp cầu ô nối liền
Vầng trăng trong sáng
Dòng sông thôi hờn oán.
Nuối tiếc anh mơ nhiều
Anh với em tay nắm tay đi vào
Tình ái kết hoa yêu
Để mùa xuân pháo hồng
Hồng như đôi má mỗi khi nhìn anh.
* Thư xanh màu xanh ân ái
Anh vẫn lạnh lùng vì vắng em.

Nhạc Sĩ:Đỗ Thu
***
Send It To My Darling
Translated by Nguyên Trần

Send my darling a letter that I wrote by the late night light
Time sneaks away endlessly and the night is vague
The day you left, brought thousands of memories, brought so much
favorite love
Seeing you angry, the trees are also sad
Made me was lonely in grief

Sitting looking at the moon in the clouds, I miss my own darling
Time of previous years, who mercilessly seperate our couple
Oh dear dreamer, it's cold over there
Don’t you kknow that I'm waiting, but you still haven't come back to
let the years be lístless
Tonight is one of many nights I miss you.

[Chorus:]

I dreamed of you coming back in the spring sunshine
Ruddy flowers fall on the porch, guiding your step walk
The Ô bridge’s arch connecting each other
The bright moon, the river is not resentful anymore
Regret brought me much dream
You and I hold hands together and go in
Love blooming flowers
Let the spring with pink firecrackers
Pink as your cheeks when looking at me.
* Blue letter the color of making love
I'm still cold because of your absence.

Nguyên Trần

Trở Đông



Trời cuối thu rồi gió trở đông
Mưa rơi lất phất lạnh cô phòng
Lặng buồn sương phụ tim côi thắt
Gối lẻ đẫm đầy mắt lệ trông
Giấc điệp chập chờn còn ủ mộng
Tiếng đàn dìu dặt đến đau lòng
Trời bày chớp bể mưa nguồn mãi
Biết đến bao giờ thỏa ước mong


Kim Phượng
Ngày đầu mùa Đông Úc Châu 2022

Tiếng Dương Cầm Ngày Xưa



Nàng ngồi trước dương cầm lướt phím
Dáng mãnh mai, áo tím dịu dàng
Búp măng tay thoắt cung đàn
Nghe như tiếng nhặt, tiếng khoan... mơ màng

Tóc thề xỏa, dáng sang thanh nhã
Thả hồn đàn, nhấn nhá đường tơ
Khiến người đồng điệu ngẩn ngơ
Ôi chao! Dòng nhạc suối mơ êm đềm

Nghe rười rượi mát thêm lời hát
Em cất lên ngào ngạt hương đêm
Chân anh như dính bậc thềm
Tim anh xao xuyến khó kềm đập nhanh

Nghe thánh thoát âm thanh quyện gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Thấm từng lời hát em thương
Ngày mai rồi sẽ... chiến trường đợi anh!

Ai biết được khúc quanh tình ái
Đêm cuối cùng rồi phải chia xa
Đường đời... đôi ngã đôi ta
Tiếng dương cầm đó phôi pha được nào!...

Duy Anh
Orlando. June 1st 2022


Không Còn Đưa Đón


(Thành kính tưởng niệm 19 em học sinh nhỏ đã bị
thảm sát tại trường Tiểu học Robb ở Uvalde, Texas,
ngày 24 tháng 5 năm 2022)

Phòng học nhỏ, tử khí xông nồng nặc,
Xác trẻ thơ nằm vắt dọc vắt ngang,
Máu còn tươi đọng thành vũng thành hàng
Bên vỏ đạn chưa tan mùi thuốc súng.

Từ vết trổ trên đầu, lưng, ngực, bụng,
Dòng máu trào, mạch sống cũng ra đi.
Trong khoảnh khắc phân ly,
Mỗi em ắt có điều gì muốn nói.

Có em mắt còn mở nhìn trân trối,
Vừa ngỡ ngàng, vừa bối rối buồn đau,
Phút đại nạn lâm đầu,
Vẫn không hiểu vì đâu mình phải chết.

Có em muốn gọi cho người thân biết,
Điện thoại còn gắng giữ riệt trong tay,
Súng nổ đạn bay,
Mấy con số, buồn thay, chưa bấm trọn.

Có em nhớ lũ trẻ con hàng xóm
Thường ngày mình hay đón đến nhà chơi,
Âm dương giờ đã cách biệt đôi nơi,
Chẳng còn được cùng vui cười sớm tối.

Có em đến giờ lâm chung hấp hối
Mấp máy câu tạ lỗi với ông bà,
Vì từ nay cháu mãi mãi xa nhà,
Ông bà phải tự pha cà phê lấy.

Có em chết, lòng vẫn hoài áy náy
Không còn chăm được mấy đứa em thơ,
Chẳng biết sao để bảo chúng đừng chờ
Người anh đã trót bỏ bờ tách bến.

Nắng dần ấm, mùa nghỉ hè sắp đến,
Sao các em lầm chọn chuyến đi xa,
Cũng không buồn ở lại với mẹ cha
Lại hối hả tìm qua nơi ấy trước.

Các em hỡi, những gì hằng mơ ước,
Những gì luôn mong muốn được mai ngày,
Vừa mới sáng hôm nay,
Bị vạ gió tai bay làm tan tác.

Từ học vấn băng qua nghề nghiệp khác,
Từ thể thao đến sinh hoạt linh tinh,
Nay bỗng dưng tai họa đến thình lình,
Tất cả đã tan tành theo mây khói.

Chín, mười tuổi đã làm gì nên tội,
Mà đầu xanh phải tắm gội tai ương,
Phải sa chân vô cuối nẻo đoạn trường
Để tập tễnh lên đường về thiên cổ.

Trước cổng chính, phụ huynh chờ lố nhố,
Hơn một giờ đau khổ lẫn âu lo,
Chợt thở phào khi cánh cổng mở to,
Nhìn cảnh sát đưa học trò ra khỏi.

Tiếng cha mẹ gọi con mình inh ỏi,
Tiếng đàn con chói lói đáp vang lừng,
Tay ôm nhau, mặt hớn hở vui mừng,
Miệng tíu tít tưởng chừng không biết mệt.

Khi hàng ngũ học sinh rời xong hết,
Xe cứu thương từng chiếc hú ào ra.
Nhóm phụ huynh còn lại lệ vỡ òa,
Vì biết chắc con mình đà gặp nạn.

Những người mẹ khóc gào như điên loạn,
Những người cha cố kềm hãm cơn đau,
Mím chặt môi, mặc nước mắt tuôn trào,
Run rẩy đứng bên nhau, lòng tan nát.

Đồng oán trách trời kia sao khắc bạc
Cứ thản nhiên để cái ác hoành hành,
Để lá xanh sớm tức tưởi xa cành,
Để nước mắt tranh giành nhau chảy mãi.

Niên học tới, ngày khai trường trở lại,
Nhìn người cùng con cái đón đưa nhau,
Mẹ cha lòng thêm quặn thắt đớn đau,
Chẳng còn có con đâu mà đưa đón.

Trần Văn Lương
Cali, 6/2022

Áo Em Vẫn Còn Xanh



Áo em vẫn còn xanh
Như màu son biển mặn
Như da trời trong nắng
Ôm vào lòng không gian

Tà áo em thướt tha

Như mây trời đong đưa
Ấp yêu từng con sóng
Thương sao nói cho vừa

Đêm vui mừng hội ngộ

Mà ngỡ như chiêm bao
Áo màu xanh em mặc
Chờ anh đến năm nào

Bao năm rồi xa biển

Mộng hải hồ ngủ yên
Tàu không còn cặp bến
Lòng anh nhiều nhớ thương

Nhớ hoài những giòng sông

Đưa tàu đi và đón
Mùi nước ngọt quê hương
Như tình yêu trái chín

Nhớ trăng vàng lung linh

Những đêm rằm soi bóng
Như cùng tàu anh trôi
Nhấp nhô theo con sóng

Quê hương giờ cách xa

Xứ người buồn lặng lẽ
Kỷ niệm xưa hiện về
Làm đầy thêm nỗi nhớ

Anh mơ một ngày mai

Việt Nam mình hội ngộ
Em vẫn trong chiếc áo
Màu xanh này không phai

Dương Việt Chỉnh

Lệ Khánh, “Em Là Gái Trời Bắt Xấu”

 Lệ Khánh, Em là gái trời bắt xấu – Nguyễn Mạnh Trinh – tvvn.org

Mở bài

Vào những năm của thập niên 60, trên thi đàn xuất hiện những bài thơ của một nữ sĩ làm xôn xao dư luận trong giới văn nghệ và độc giả yêu thơ. Đó là Lệ Khánh với những bài thơ “Em là gái trời bắt xấu.”
“Em là gái trời bắt xấu” là tiếng than não nùng của những mối tình tan vỡ và ngang trái. Cũng là lý do đưa đến tan vỡ. Lệ Khánh ngậm ngùi than thở:

“Chuyện thủy chung biết lấy gì đổi chác
Khi tôi nghèo, bằng cấp trắng bàn tay”.

Một lần tình yêu chấp cánh bay đi, người tình ở lại lệ tràn chia ly. Mối tình sau cùng của Lệ Khánh là nhà thơ kiêm nhạc sĩ Thục Vũ, Vũ Văn Sâm. Thơ và nhạc quyện vào nhau, cuốn hút giới yêu thơ và người ngưỡng mộ một thời trước kia.

Mối tình trái ngang, là yêu một người “không phải của mình”, một người đã có vợ con.

Cuộc sống ngoài đời của Lệ Khánh cũng đầy gian nan. Tù tội vì làm thơ. Vất vả trong khu kinh tế mới. Bàn tay cầm viết làm thơ, thơ đã chết, nên bàn tay yếu đuối của một tiểu thư khuê các phải chẻ tre đốn củi để được chén cơm manh áo. Nổi đau nầy không phải là chỉ riêng của nữ sĩ mà là nổi đau của cả đồng bào miền Nam Việt Nam đầy mất mát, mất tài sản, mất tự do dân chủ, nói chung là mất tất cả vì chế độ Cộng Sản.

Những mối tình dang dở của Lệ Khánh

Người tình Alpha Đỏ

Người tình đầu tiên của Lệ Khánh là anh chàng Alpha Đỏ, sinh viên sĩ quan khóa 17 Võ Bị Quốc Gia (Đà Lạt), tên là Phạm H. Th. (H.n.L.) Người sĩ quan nầy phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân.
Vết thương tình đầu đời đã phá nát tấm lòng của nhà thơ nữ lần đầu tiên biết yêu.
Mối tình dang dở gây nhiều đau khổ cho Lệ Khánh, đó là ông Alpha Đỏ kết hôn với người bạn của cô.
Có phải “Em là gái trời bắt xấu”?
Nổi đau nầy khiến cho Lệ Khánh có những bài thơ da diết trên thi đàn của một thời trước kia.

Dang dở lần thứ hai

Sau khi chia tay với người yêu đầu đời, một thời gian sau Lệ Khánh có mối tình với nhà văn Mủ Đỏ Hoàng Ngọc Liên, cựu trung tá binh chủng Nhảy Dù.
Ông nhà văn mủ đỏ nầy thường hay bay đi, bay lại Sài Gòn-Đà Lạt hàng tuần. Khi ông làm bài thơ “Kỷ niệm sinh nhật em”, thì Lệ Khánh có ngay bài “Kỷ niệm sinh nhật anh” để đáp lại.
Lệ Khánh có bài thơ cho người tình mũ đỏ.

Hờn dỗi

Đã ba ngày em đợi thư anh đó
Thứ năm buồn úp mặt khóc biết không?
Em giận anh, tức quá muốn lấy chồng
Cho xong chuyện để đừng thương với nhớ
Anh kiêu lắm cứ tưởng mình mũ đỏ
Đại úy “to” rồi quên con bé Cao Nguyên
Đang chờ thư anh, viết mãi một tên
Tên anh đó, người chi lười rứa đó
Em nhất định mai không thèm trông ngóng
Đại úy gì lười hơn hủi nữa cơ
Ba ngày rồi con bé chả làm thơ
Tức rứa đó, để bi chừ em lại khóc.
Lệ Khánh

Hai người cặp kè bên nhau một thời gian dài, Lệ Khánh biết được ông nầy quá bay bướm, có nhiều bồ nhí ở Sài Gòn, nên chia tay. Lại mỗi lần tình yêu chấp cánh bay đi, người tình ở lại lệ tràn chia ly.
Lại thêm một vết thương trong lòng nhà thơ Lệ Khánh. Có phải vì “Em là gái trời bắt xấu?. Nếu Lệ Khánh là một tuyệt sắc giai nhân thì ra sao?
Mối tình ngang trái với nhạc sĩ Thục Vũ

Vài nét về nhạc sĩ Thục Vũ


Nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, sinh năm 1932 tại xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp khóa 4 phụ ở Đà Lạt năm 1954.

Bước đầu binh nghiệp. Thục Vũ phục vụ ở Đà Nẵng, và sau đó là Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Sau thời gian tu nghiệp ở Hoa Kỳ, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Ở đó ông sáng tác bản nhạc "Quang Trung hành khúc" .
Đơn vị sau cùng của Trung tá Thục Vũ là làm trưởng khối Chiến tranh Chính trị của trường Bộ Binh Long Thành.

Sau khi miền Nam sụp đổ, Thục Vũ bị tù cải tạo. Lúc đầu tập trung ở Long Khánh, rồi sau đó về trại Tân Hiệp, Biên Hòa. Giữa năm 1976 bị đưa đến Sơn La, là nơi rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí. Bịnh đau gan mà không có thuốc chữa trị, mất vào ngày 15-11-1976, để lại vợ và 5 đứa con, một người yêu bé nhỏ với đứa con trai, Dương Khánh Thục.
Khi ở trại Suối Máu, Biên Hòa, Thục Vũ sáng tác bản nhạc "Suối máu" với những câu thơ cũng của Thục Vũ :

Anh Ở Đây

“Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây
Áo rách xác xơ vai gầy
Cùng chung kiếp sống lưu đầy
Anh ở đây, ngày này cơm chưa đầy chén
Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây
Vẫn giếng nước sâu bên cầu
Tìm trăng, trăng vướng dây gàu
Anh ở đây, ngày này bên trong rào sắt
Hận thù ưu tư chồng chất
Giữa lòng núi cũ sông xưa”.

Mối tình ngang trái

Thục Vũ là một nhạc sĩ cũng là nhà thơ. Vốn cùng nghệ sĩ nên họ đồng cảm, đồng điệu nhau qua lời thơ tiếng nhạc.
Mối tình ngang trái vì Thục Vũ đã có vợ con. Tình trường lại tiếp tục lận đận. Số phận hẩm hiu. Lệ Khánh đã yêu một người “không phải của mình”.
Tình ngang trái được Lệ Khánh diễn đạt qua những lời thơ trong bài “Vòng Tay Nào Cho Em”

“Lỡ yêu người có vợ con
Thì đừng nói chuyện sắc son mà buồn
Vòng tay nào ôm vợ
Còn vòng tay nào anh ôm em?”
“Anh hãy về đi với vợ hiền
Và đàn con nhỏ còn ngây thơ
Phần em chỉ sống bơ vơ
Tình ta đành lỡ duyên nhau
Thì xin hãy hẹn mai sau…”

“Vòng tay” là cử chỉ yêu đương qua 4 câu dưới đây.

“Vòng tay anh chắc giờ đây quá chật?
Ôm vợ hiền, ôm con dại còn đâu
Vâng. Còn đâu người con gái đến sau
Thương, nhớ, tiếc sao ngỡ ngàng biết mấy?”

Lệ Khánh diễn đạt tình yêu bằng những cử chỉ cụ thể, là sự hòa hợp chuyền hơi ấm giữa hai thân xác, “Vòng Tay”. Ôm nhau thì phải hôn nhau…tuần tự hành động thể hiện tình yêu theo luật tự nhiên.
Người con gái đến sau chịu nhiều thiệt thòi, gợi nhớ đến bài “Lấy chồng chung” của Hồ Xuân Hương.

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không”.

Bài thơ “Em là gái trời bắt xấu”


Chiều chúa nhật đợi chờ anh mãi mãi
Sao trễ giờ cho chua xót anh ơi
Hẹn hò chi ? Chừ lỡ dở cả rồi
Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt

Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Liệu người ta đáp trả lại hay không
Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng
Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới

Anh hẹn đúng hai giờ anh sẽ tới
Nhưng sao chừ trời đã tối... anh đâu?
Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu
Anh lỗi hẹn nên chiều buồn rứa đó

Tôi gục mặt khóc thầm bên cửa sổ
Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn
Nơi xa xôi, anh có biết tôi buồn
Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ?

Anh lỗi hẹn hay là anh đến trễ
Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu
Và đêm nay thành thị ướt sương mù
Người con gái gục đầu thương mệnh bạc?

Chuyện thủy chung biết lấy gì đổi chác
Khi tôi nghèo, bằng cấp trắng bàn tay
Sao yêu anh cho đau khổ thế này
Thà câm nín như ngày xưa anh nhỉ ?

Vì Thượng Đế đày tôi làm Thi-Sĩ
Nên tâm tình trào ngọn bút thành thơ
Dâng riêng anh anh nhận lấy, hững hờ
Tôi hổ thẹn bực mình đem đăng báo

Thiên hạ đọc bảo nhau rằng tôi láo
Đẹp như tiên vờ nói xấu vô duyên
Buồn không anh? Một số kiếp truân chuyên
Làm con gái không bạc vàng nhan sắc

Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Người ta sao ? Không nói chuyện ân tình
Hẹn hò rồi còn nỡ để một mình
Tôi đứng đợi suốt chiều mưa chúa nhật

Lần sau nhé bận gì anh cứ khất
Xin sẵn sàng đứng đợi vạn mùa đông
Bạn bè đi qua trao vội thiếp hồng
Tôi vẫn mặc để chờ anh trọn kiếp
(Lệ Khánh 1965)

Bài nầy được Thanh Ngọc&Hồng Lâm phổ nhạc, qua tiếng hát của Thanh Thúy.
Tâm sự của Lệ Khánh qua bài thơ “Em là gái trời bắt xấu”

Cô gái Huế có bút hiệu rất là định mệnh. Lệ Khánh. Vì vậy mà cả đời cô đẫm lệ vì khóc, nước mắt nhiều hơn nụ cười.
Trong khi chờ đợi người tình trễ hẹn, cô gái miên man nghĩ ngợi. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Không biết người ta có đáp trả lại tình mình hay không? Mình có được cái diễm phúc trở thành cô dâu với áo cưới đỏ, đạp lên xác pháo hồng, hân hoan bước lên xe hoa cùng người yêu đi trọn đường tình, đến bến bờ hạnh phúc?

“Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng
Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới”.
Đa số những câu thơ của Lệ Khánh cần phải đọc liên tiếp từ câu trên xuống câu dưới thì nghĩa mới liên tục. Không ngắt câu.
Ngày chủ nhật, trông chờ người tình lỗi hẹn, người thiếu nữ nầy phân vân, thắc mắc miên man nghĩ ngợi trong nhiều câu hỏi.

“Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Liệu người ta đáp trả lại hay không?”

Cái mặc cảm của người con gái bị trời bắt xấu thể hiện như sau.

“Hẹn hò chi? Chừ lỡ dở cả rồi
Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt”
“Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu
Anh lỗi hẹn nên chiều buồn rứa đó”

Mưa trong cảnh đợi chờ buồn như mưa ngâu, ập xuống cả buổi chiều ở xứ lạnh, sương mù. Đà Lạt.
“Mưa ngâu” xuất xứ từ câu chuyện trên thiên đình, là Ngưu Lang và Chức Nữ. Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê tiên nữ đệt vải tên Chức Nữ. Cả hai bỏ bê việc làm nên bị Ngọc Hoàng phạt hai người phải xa nhau, người ở bên nây sông Ngân, người ở bên kia bờ sông. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình, cho hai người gặp nhau chỉ một lần vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Đàn quạ bắt cầu cho hai người gặp nhau. Cầu Ô Thước.
Sau khi gặp nhau, lúc chia tay, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt buồn chia ly tràn xuống trần gian bằng những cơn mưa. Mưa ngâu.

“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”
(Nguyên Sa)

Giọt Mưa Thu (1942) là bản nhạc nổi tiếng của Đặng Thế Phong, làm rung động trái tim của nhiều thế hệ.
Lệ Khánh nghĩ đến nổi đau buồn của cặp tình nhân trong khi chia xa.
Hẹn mà không đến làm cho người yêu nhỏ khóc thầm trong cô đơn và ngóng chờ bên khung cửa. Thục Vũ lớn hơn Lệ Khánh một con giáp, 12 tuổi. (1932-1944)
Trong nổi buồn chờ trông, Lệ Khánh nghĩ đến thân phận mình, nghèo mà không có bằng cấp.

“Chuyện thủy chung biết lấy gì đổi chác
Khi tôi nghèo, bằng cấp trắng bàn tay”
Buồn không anh? Một số kiếp truân chuyên
Làm con gái không bạc vàng nhan sắc”
“Em là gái trời bắt xấu”

Xấu ở đây không có nghĩa là hoàn toàn xấu, mà là để so sánh với cái sắc đẹp diễm kiều, quyến rũ như một điều kiện để thu hút và cầm giữ người đàn ông.
Người phụ nữ có hai điều kiện để làm tầm ngắm của đàn ông đó là sắc đẹp nghiêng thành đổ nước. “Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc” hay “Nhất tiếu khuynh nhân thành. Tái tiếu khuynh nhân quốc”. Sắc đẹp làm chết đứng người anh hùng vì tay mỹ nhân.

Điều kiện thứ hai là tài năng.

Về tài năng, cụ thể là bằng cấp và địa vị. Trong hệ thống hành chánh của chính phủ thì địa vị bao gồm những chức vụ như: chủ sự phòng, chánh sự vụ sở, giám đốc nha…Ngoài xã hội thì phải là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư…
Lệ Khánh chỉ có chức vụ tầm thường là thơ ký.
Lệ Khánh có tài làm thơ, nữ sĩ chiếm địa vị “công chúa”, “hoàng hậu” trong lòng người yêu thơ. Thơ văn là món ăn tinh thần, nên không làm no bao tử được.

Vài nét về Lệ Khánh

Nhà thơ Lệ Khánh tên thật là Dương Thị Khánh sinh năm 1944 tại Thừa Thiên - Huế. Con của Phó Trưởng ty Cảnh sát Đà Lạt.

Tác phẩm đã xuất bản:

Em là gái trời bắt xấu (thơ tập 1, 2, 3, 4, 5) – Khai Trí Sài gòn xuất bản: 1964- 1965- 1966.
Vòng tay nào cho em (thơ 1966)
Nói với người yêu (thơ 1967)

Nhà xuất bản Khai Trí đã in 5 tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, 2 tập thơ “Vòng tay nào cho em”, và “Nói với người yêu”, đã có một số độc giả khổng lồ.
Lệ Khánh hiện ở số 71 đường 3 tháng 2, thành phố Đà Lạt.

Cuộc đời lận đận của Lệ Khánh

Nhà văn nữ Hoài Linh Phương (Minneapolis, MN) thân tình với Lệ Khánh như chị em ruột, cả gia đình Hoài Linh Phương cũng xem Lệ Khánh như người thân trong gia đình.
Hoài Linh Phương thuật lại cuộc đời lận đận của Lệ Khánh bên ngoài những vần thơ.
“Thân hình chị đẹp, nếu không nói là hấp dẫn. Tôi nhận ra chị rất mượt mà, có gì đâu mà gọi là “Em là gái trời bắt xấu”? như chị thường than thở. Nhìn khuôn mặt của chị tôi không thấy có điều gì “khuyết điểm” cả”. Lệ Khánh không tuyệt đẹp nhưng không có nghĩa là xấu như chị thường hay than thở”.

Lệ Khánh làm công chức ở tòa Hành chánh thị xã Đà Lạt, rồi sau đó chuyển về Sài Gòn, làm công chức tại tòa Hành chánh tỉnh Gia Định.
Chị liều lĩnh đắm mình trong mối tình ngang trái. Câu chuyện một màu Alpha đỏ khi xưa đã là quá khứ. Và cháu Dương Khánh Thục ra đời.

Sao không thấy bóng dáng của nhạc sĩ Thục Vũ?
Nhà văn Hoài Linh Phương viết trong tùy bút, kể về cô Khánh như sau.
“Chị không có ai là họ hàng thân thuộc ở Sài Gòn cả. Mỗi ngày tôi vào thăm chị ở nhà bảo sanh Đức Chính, đường Cao Thắng, Sài Gòn, tôi mang theo những thứ cần thiết, ru cháu Thục.
Người đàn ông của chị, tôi chỉ gặp một lần trước kia, khi tôi mới quen chị”. Ý muốn nói là hiện tại chưa gặp lại một lần nào cả.
“Chị sống một mình với con trên căn gác nhỏ, mái lợp tôn, ở con hẻm sâu trong đường Nguyễn Huệ, Gia Định. Căn gác nóng hầm hập vào mùa hè, nóng như đổ lửa.

Chị cô đơn trong cảnh đời phồn hoa xa lạ. Cô đơn, xót xa nhìn con khóc mà không thấy cha. Thơ chị phản phất tiếng thở dài:

“Bây giờ mẹ chỉ có con
Con thơ thơm sửa, mẹ mòn tuổi yêu”

Trong cảnh phồn hoa náo nhiệt mà Lệ Khánh cảm thấy rất cô đơn vì thiếu vắng người tình, thiếu hơi ấm của tình yêu lúc ban đầu. Người cha phải nhìn mặt con mình. Con thơ cần phải có cha chăm sóc. Nhưng không thấy nhạc sĩ Thục Vũ ở đó. Ở thời điểm sinh con, người chồng phải có mặt bên vợ trong lúc sinh đẻ.

Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình.

“Tôi thương cảm sự nhẫn nhục của chị. Cơn mê đã tàn, tình yêu đã tắt. Từ một tiểu thơ, con gái của một Phó ty Cảnh Sát Đà Lạt, với nhà cao cửa rộng, chị theo đuổi một hạnh phúc mong manh. Yêu một người “không phải của mình” để bắt đầu một đời bạc phận, long đong”.

Lệ Khánh muốn về Đà Lạt để gần cha mẹ và cho con được thấy ông bà ngoại và các cậu, dì. Cầm sự vụ lịnh thuyên chuyển trong tay, chưa kịp trình diện nhiệm sở thì Đà Lạt mất. Cả nhà lại di tản về Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Tất cả sống trong căn nhà gần như bỏ hoang mà người cha đã mua trước kia.
Từ đó, cuộc sống của Lệ Khánh hoàn toàn bất định ở nhiều nơi khác nhau. Muốn gặp cũng khó.

Lệ Khánh bị tù

Sau đó được tin Lệ Khánh bị bắt bỏ tù, nằm trong số 200 nhà văn, nhà báo, bị ghép tội là thực hiện văn hóa đồi trụy, gởi bài ra ngoại quốc bôi bác chế độ, nói chung là “Những tên biệt kích cầm bút”.

Thành phần bị bắt giam gồm có: Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Sĩ Tế, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Khuất Duy Trác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Ngọc Tư và Lý Thụy Ý…và Lệ Khánh.

Bị đi kinh tế mới

Ra tù. Vì không có hộ khẩu thường trú nên phải đi kinh tế mới. Nhìn chung quanh chỉ thấy rừng núi. Đêm đêm nghe tiếng gió hú. Ban ngày phải đi đốn tre, xẻ gỗ làm củi đem về Sài Gòn bán để tìm chén cơm, manh áo.
Từ giả vùng kinh tế mới, Lệ Khánh trở về Sài Gòn nhưng cuộc sống bất định, lang thang, rạc rày, lam lũ…
Có một lần bạn bè phát hiện ra Lệ Khánh bán những rổ chanh ớt, kim chỉ ở bến xe Chợ Lớn. Chị đội cái nón lá sâu, rộng vành, sụp xuống để tránh mặt người quen.

Trở về Đà Lạt

Cả gia đình trở về Đà Lạt. Lệ Khánh bán quần áo cũ. Bán ở chợ không có khách hàng, cho nên chị phải trèo đèo, leo núi, quảy cái túi quần áo cũ trên vai, đi vào những buôn Thượng xa xôi. Khi về đến nhà, tay chân rã rời. Mọi người yên giấc.

Kết luận

Người con gái Đà Lạt, xứ sương mù thơ mộng, đã để lại cho đời những vần thơ gây xao xuyến lòng người của một thời trong quá khứ. Nữ sĩ Lệ Khánh, một bút hiệu định mệnh, buồn nhiều hơn vui. Nước mắt nhiều hơn nụ cười.
Yêu thơ của nữ sĩ Lệ Khánh, quý trọng tài năng và trải lòng chia xẻ niềm đau bạc phận do sự đổi đời vĩ đại trong lịch sử Việt Nam.
Cám ơn nữ sĩ đã để lại cho đời những vần thơ hay, trong một đoạn đường của lịch sử thi ca Việt Nam.
Xin chúc sức khỏe và cầu mong vạn sự an lành cho nhà thơ quý mến. Lệ Khánh.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 27-6-2020

Về Với Quê Cha


Tôi sống với ngoại tôi từ lúc mới lọt lòng, không biết hồi nhỏ má có về thăm tôi thường xuyên không? Nhưng từ khi tôi năm, sáu tuổi, tôi biết thắc mắc về cha mẹ tôi, thì tôi có thỉnh thoảng gặp má, thường là mỗi năm một hai lần, má chỉ nói chuyện với tôi qua loa vài câu, cho miếng kẹo tấm bánh rồi đi. Má ít khi bày tỏ tình thương yêu với tôi, nếu có thì cũng vội vàng thoáng qua, và tôi cũng không thấy lưu luyến hay thương má. Tất cả tình thương của tôi chỉ dành cho ngoại, chỉ biết có ngoại.

Hai bà cháu sống trong ngôi nhà nhỏ bé và cũ kỹ. Sau nhà là một dòng sông không biết chảy về đâu. Cạnh bờ sông có một cây phượng vỹ to lớn, mỗi mùa hè hoa phượng đỏ nở rực rỡ trời xanh và rực rỡ cả một khúc sông, khi những hoa phượng rụng xuống trôi lênh đênh, dập dềnh theo sóng nước.
Tôi lớn lên bên cạnh ngoại. Ngoại là bà mẹ chăm sóc bú mớm tã lót cho tôi lúc nhỏ, và manh quần tấm áo, miếng cơm khi tôi lớn dần, những gánh rau ngoại bán ở chợ đủ cho hai bà cháu cơm cháo qua ngày. Tôi cũng được cắp sách đến trường như con người ta, ngoại thường bảo:“Ráng học đi con, mai mốt lớn có chữ cho đời bớt khổ”

Tôi học cũng được lắm, nhưng đi học toàn bị lũ trẻ cùng lớp hà hiếp, trêu chọc tôi chỉ vì tôi là đứa con lai với làn da đen đủi và mái tóc quăn tít. Mỗi lần về mét ngoại tôi khóc, ngoại ôm tôi dỗ dành rồi ngoại cũng khóc, tôi đòi nghỉ học hoài nhưng ngoại không cho.

Năm tôi lên mười, ngoại ngã bệnh không thể gánh rau ra chợ bán được nữa, tôi phải nghỉ học để kiếm tiền thay cho ngoại. Tôi đã lam lũ ở cái tuổi mà bao nhiêu đứa trẻ khác đang được ăn học, nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương che chở của cha mẹ. Tôi làm đủ thứ việc mà chòm xóm cần, từ bế em, gánh nước tưới rau và bao nhiêu công việc không tên khác, người ta trả công cho tôi bằng tiền, bằng gạo, có khi bằng những bộ quần áo cũ. Chòm xóm ai cũng hiểu hoàn cảnh của hai bà cháu nên người ta mướn tôi làm vì lòng thương hại, để giúp hai bà cháu có miếng cơm ăn.
Những cái chép miệng, những lời nói chân thành cảm thông lọt vào tai tôi thường là:
“ Tội nghiệp con nhỏ, xấu người, xấu số! May mà có bà ngoại nuôi”, hoặc là:
“ Mày phải thương ngoại mày nghe hôn, hồi mới sanh mày, má mày muốn đem cho viện mồ côi, nhưng ngoại mày cản dữ lắm và đem mày về nuôi.
Chưa hết đâu, hồi 30 tháng 4 năm 1975, thời điểm hỗn độn Sài Gòn đang sụp đổ, mày mới vài tháng tuổi, má mày cũng nằng nặc đòi cho mày đi di tản theo chương trình gì đó của người Mỹ, mang con nít diện con lai, diện mồ côi qua Mỹ, một lần nữa ngoại cương quyết giữ mày lại, ngoại sợ qua bển không ai lo cho mày còn quá bé bỏng, ở lại dù nghèo mạt nhưng còn có tình máu mủ bà cháu …”
Tôi nghe được những chuyện đó tôi càng thương ngoại hơn.


Một hôm, ngoại bị bịnh hoài không hết, người ngoại nóng sốt và rên hừ hử suốt ngày. Tôi sợ quá, lúc đó tôi liền nghĩ đến má, cầu cứu má coi có giúp được gì không. Tôi để ‎ý mỗi lần má nói chuyện với ngoại nên tôi biết má đang sống ở thị xã, cách làng quê tôi mấy chục cây số. Thế là tôi đi xe đò lên thị xã và kiếm được nhà má dễ dàng.
Khi gặp tôi, má không tỏ vẻ ngạc nhiên hay vui mừng gì, mà còn tức giận mắng tôi một tràng xối xả:
“ Mày lên đây làm gì? Ngoại bịnh ra sao từ từ tao cũng về dưới mà! Thôi, mày về lẹ đi kẻo ổng về tới cằn nhằn chửi bới nhức cái đầu lắm! Khổ lắm con ơi!!!”
“Ổng” ở đây là chồng của má tôi. Lúc đó có một con nhỏ, kém tôi chừng vài tuổi đang đứng cạnh má, nó nhìn tôi bằng đôi mắt hiền lành và thương hại. Nó níu tay má năn nỉ:
“ Thôi má, đừng la nó, coi chừng nó khóc kìa!”

Và tôi khóc thật, lủi thủi quay ra mà má không buồn gọi lại. Được cái an ủi là hôm sau má có về thăm ngoại. Ở tuổi mười hai, tôi chỉ biết tự trách mình và suy luận rằng nhà má cũng nghèo rớt mồng tơi, đâu hơn gì nhà ngoại, ai biểu mình lên quấy rầy má, làm má thêm lo nên má mới nổi quạu. Từ đó tôi không bao giờ lên nhà má nữa.

Càng lớn tôi càng làm được nhiều việc hơn, mười lăm tuổi tôi đã biết gánh rau ra chợ bán như ngoại ngày xưa, cuộc sống vẫn đạm bạc và êm ấm, ngoại thương tôi bao nhiêu tôi thương ngoại bấy nhiêu. Hôm nào bán đắt hàng tôi liều mình mua miếng thịt, con cá nấu một bữa ăn ngon, ngoại rầy yêu tôi:
“ Con đừng xài…sang nữa nha, để dành tiền mà lo cho sau này rủi có chuyện gì xảy ra còn dễ bề xoay sở!”

Mười lăm tuổi tôi đầu tắt mặt tối, cơm gạo kiếm từng ngày, tôi chưa kịp trở mình thành thiếu nữ để mơ mộng với cây phượng vỹ cổ thụ sau nhà mỗi mùa hè những chùm hoa đỏ soi bóng trên dòng sông…thì một hôm má tôi về. Lần đó, trông má vui hơn tất cả mọi lần, rồi với nét mặt nghiêm trang, má nói chuyện với ngoại và tôi, là má giao tôi cho một gia đình xin tôi làm con nuôi để họ làm giấy tờ xuất cảnh qua Mỹ, đổi lại má được mười cây vàng.
Mới nghe, ngoại phản đối dữ dội lắm, bao nhiêu năm qua nghèo khổ vẫn sống được thì cần gì mấy cây vàng hay đi Tây đi Mỹ. Còn tôi chỉ biết ôm ngoại, rồi nhìn má và khóc:
“ Con xin má để con ở nhà với ngoại, con không muốn đi đâu hết á”

Má hết ngọt lại gắt, hết cứng lại mềm, rồi má năn nỉ khóc lóc:
“ Con ơi, vì chồng má cờ bạc nợ nần ngập đầu ngập cổ, cần tiền trả nợ. Má hứa sẽ bỏ ra một cây vàng để sửa lại nhà cho ngoại, má hứa sẽ nuôi ngoại. Bao nhiêu năm nay má đã không nuôi được con, không lo cho con được một mái gia đình tử tế, thì bây giờ là dịp để con đổi đời, để thoát khỏi sự khinh chê dè bỉu của xã hội này với đứa con lai! Má còn nghe nói, con qua đó dễ làm ăn hơn bên đây, kiếm tiền về nuôi ngoại, báo hiếu cho ngoại. Con thương ngoại và thương má nghen con …”
Cuối cùng ngoại cũng đành nhắm mắt gật đầu chấp nhận và nhắn nhủ tôi:
“ Con qua tới Mỹ thì cứ lo cho thân con trước đi, hễ con sướng là ngoại vui rồi, đừng lo cho ngoại!”

Tôi lo lắm, một thân một mình nơi xứ người với một gia đình hoàn toàn xa lạ, rồi tôi sẽ sống ra sao? Mà thôi, dù muốn dù không tôi cũng không thể thay đổi được đời mình, chỉ cầu xin đúng như lời má nói, tôi sẽ kiếm được tiền gửi về nuôi ngoại. Hôm giã từ ngoại để theo mẹ nuôi lên Sài Gòn tôi khóc như mưa.
Tôi trở thành cục cưng của gia đình mẹ nuôi. Họ may sắm quần áo, nữ trang cho tôi, chìu chuộng tôi đủ thứ, không dám nói một câu hớ hênh làm mất lòng tôi, và hứa hẹn tôi đủ điều. Nói tóm lại là nếu tôi ngoan ngoãn trong tay họ, được tới Mỹ họ cũng giúp lại tôi học chữ, học nghề hay kiếm việc làm …nên tôi cũng yên lòng.

Sang tới Mỹ, thời gian đầu tôi bận rộn đủ thứ, chỉ nội việc đi học ESL cũng làm tôi bù đầu. Chữ gì mà khó học, khó nhớ, học được chữ này thì rớt mất chữ kia, trong khi các con của mẹ nuôi tôi thì tiến bộ trông thấy, dù gì ở Việt Nam họ cũng có ăn có học, làm sao tôi so sánh với họ được!
Tôi ở với mẹ nuôi tới năm mười tám tuổi thì chia tay, coi như hai bên sòng phẳng đường ai nấy đi. Tôi cũng may mắn vì gia đình má nuôi giúp đỡ, hướng dẫn tôi rất nhiều, chứ không như một số gia đình “nuôi” con lai khác, qua tới Mỹ là họ trở mặt, thậm chí còn coi rẻ đồ con lai thấp kém, vô học.

Từ lúc ở Phi Luật Tân cho tới khi qua Mỹ, thỉnh thoảng tôi có gửi thư cho ngoại, rồi ngoại nhờ người viết hồi âm cho tôi, thơ nào tôi cũng hứa sẽ cố gắng làm ra tiền gửi về nuôi ngoại.
Công việc đầu tiên của tôi là phụ bếp cho một nhà hàng, cực lắm, làm không nghỉ tay, nhưng so với thời ở Việt Nam thì còn sướng chán, chủ cho ăn cơm trưa và chiều ở tiệm, đồ ăn ngon ê hề phát ngán, tôi lại ước ao giá mà có ngoại ở đây.

Cả tháng lương đầu tiên tôi dành gửi về Việt Nam. Tiền gửi đi rồi, cõi lòng tôi sung sướng thênh thang, tôi hồi hộp chờ mong thư ngoại coi ngoại vui mừng cỡ nào! Và tôi nhận được hồi âm do cô em gái cùng mẹ với tôi:
“ Chị ơi, ngoại mới mất cách đây một tháng, em chưa kịp báo tin cho chị thì nhận được tiền chị gửi về. Sẵn đây em xin phép chị để nhận số tiền đó. Ngoại chết vì bệnh tuổi già thôi, đi nhẹ nhàng chớ không liệt giường liệt chiếu gì, có điều mấy hôm trước khi chết ngoại linh cảm sao đó, cứ nhắc đến chị hoài …”
Sau phần nói về ngoại, phần cuối thư cô em nói về gia đình mình:
“ Chị ơi, lúc này má khổ lắm, ba em cờ bạc, mười cây vàng đánh đổi chị đi Mỹ hết vèo đã đành, mà căn nhà đang ở thị xã cũng bay luôn, nên gia đình em phải dọn về quê ở chung với ngoại, căn nhà vẫn chật hẹp và ọp ẹp như xưa chứ má đâu có tiền mà sửa sang. Nếu chị thương má, thương tụi em thì xin chị gửi về chút tiền sửa nhà nghen chị? Má nhờ em nói với chị, chắc má ngại sao đó nên chưa sẵn sàng viết thư cho chị!”

Đọc thư xong tôi khóc vì ngoại đã mất, còn lòng tôi vẫn không thể thương má. Càng lớn tôi càng hiểu là má đã bỏ bê tôi, dù bao lần ngoại đã rủ rỉ với tôi rằng:
“ Má con cũng thương con, nhưng thân má lo không xuể làm sao lo cho con được! Rồi vì hạnh phúc riêng tư của má, đàn bà ai cũng muốn có một hạnh phúc gia đình, chồng của má con không muốn má nuôi con, nên má mới phải xa con, con đừng giận má con, tội lắm!”
Bây giờ tôi hiểu ngoại nói thế để tôi bớt tủi thân và để nhẹ tội cho má.

Ngoại mất đi, coi như tôi không còn gì ở Việt Nam để liên hệ nữa, tôi muốn xé bỏ lá thư của cô em gái và vĩnh viễn quên họ, nhưng nghĩ thế mà không dám làm thế!
Tôi nghĩ đến má và ba đứa em cùng giống tôi một nửa giòng máu, đang sống nghèo khổ trong căn nhà lá dột nát.
Tôi không quên đứa em gái lớn mà năm xưa tôi đã gặp nó khi tôi tìm đến nhà má bị má la, nó đã nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng thương mến. Cái nhìn ấy như một ân huệ tử tế mà tôi còn nhớ mãi.

Tôi cũng không quên những lời ngoại dạy, sống phải biết bao dung, thương người, huống gì họ là má tôi, là các em tôi. Vả lại, các em tôi nào có lỗi gì!
Thêm điều cuối cùng trăn trở tôi nhiều nhất là, không lẽ đời tôi không có một chốn quê nhà để mà đi về, để mà thương nhớ?! Nơi đây xứ Mỹ là quê cha, nhưng thực tế như bao đứa trẻ lai khác, tôi thực sự là một đứa con hoang không biết cha mình là ai. Còn quê mẹ, nơi có ngôi nhà phía sân sau cây phượng vỹ mỗi mùa hè vẫn đỏ hoa và dòng sông suốt đời vẫn chảy. Tôi đã lớn lên ở đó, những kỷ niệm sẽ không bao giờ quên được.
Thế là tôi viết thư cho cô em, nối lại sợi dây ruột thịt tưởng như không có ở trên đời. Em gái tôi đã lớn, nó đang ở tuổi đôi mươi, em thay tôi đứng bên bờ sông sau nhà mà mơ mộng. Em tả cho tôi mùa hoa phượng đẹp thế nào và em buồn thế nào khi những cánh hoa chín đỏ bị gió lay rụng trôi dạt trên sông.

Chị em tôi không cách biệt tuổi tác là bao, nên như hai người bạn chia sẻ được nhiều điều. Từ cô em, tôi càng ngày càng khắng khít với gia đình má, nhất là từ khi chồng má qua đời vì trúng gió sau một chầu nhậu say mèm. Đôi khi má cũng viết thư cho tôi, có nhắc về những tháng ngày bỏ tôi ở với ngoại, má thấy xấu hổ và xin tôi hãy tha thứ cho má. Dầu sao, cái tình cảm mẹ con quá muộn màng nhưng có còn hơn không. Tôi chắt bóp gửi tiền về để má xây lại căn nhà.

Nhà xây xong, tôi về Việt Nam để hốt cốt ngoại đem vô chùa và để nhìn thành quả đóng góp của mình, ngôi nhà ngoại đã đẹp hơn, rộng hơn.
“ Ngoại ơi, dù ngoại không được hưởng gì, nhưng chắc ngoại cũng hài lòng vì các con cháu của ngoại đã quây quần, gắn bó.”
Trong lúc má quỳ bên bàn thờ ngoại khóc nức nở, tôi bước ra ngoài, cảm động và sung sướng khi nhìn lại cây phượng vỹ và dòng sông sau nhà. Dù đã bao đổi thay nhưng khung cảnh vẫn quá đỗi dịu dàng, rưng rưng sưởi ấm cõi lòng tôi ngày trở về.

Hiện nay, tôi làm supervisor ở cửa hàng Walmart. Chồng tôi cũng là con lai, anh làm thợ sửa xe và khi tay nghề giỏi anh đã sang tiệm làm chủ. Hai vợ chồng siêng năng làm việc, có hai đứa con đang học đại học. Cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn, và tôi dễ dàng gửi tiền về giúp má an vui tuổi già cũng như giúp đỡ các em, các cháu khi cần thiết.
Về với quê cha, nước Mỹ vĩ đại, tôi đã được đổi đời, có những thành quả ngoài sự ước mong của tôi. Nhưng tôi không thể quên quê mẹ. Sau những đau buồn hờn tủi, tôi đã tìm lại tình thương ruột thịt từ má và những người em cùng mẹ khác cha.
Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có đầy đủ những tình thân xung quanh ở cả hai quê.

Edmonton 13.4.2020 
Kim Loan

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Bài Tình Ca Ngày Cũ - Nhạc Thanh Trang - Tiếng Hát Đèo Văn Sách


Nhạc: Thanh Trang 
Tiếng Hát: Đèo Văn Sách 
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Lời Tình Hẹn Hư Không


Em cứ chờ tôi ngóng cổ cao
Mắt xanh làm giếng lỡ thêm sâu
Ôi chao! trong cái chùm thương nhớ
Tóc để đuôi chồn quất rất đau

Tôi thắp buồn soi mấy cánh đồng
Nhà em hoa gạo nở đầy sân
Biết đâu giữa cõi trời phiêu lãng
Tôi bỗng ghiền đun ngọn lửa rơm

Và thấy trong từng cọng cỏ khô
Cái hồn thảo mộc rất ngây ngô
Một nơi chỉ có mưa và nắng
Chim lững trời cao cá đáy hồ

Tôi sợ mất rồi xóm chợ đông
Con đường đá lở nóc chùa cong
Hỏi em từ độ quăng nghiên bút
Có đếm giùm tôi tiếng trống trường

Xin giữ cho tôi một chỗ nằm
Dưới tàng so đũa dậy thì bông
Để khi nào đó mùa thu tới
Tôi sẽ cùng em giỡn tắm trăng


Lâm Hảo Dũng

Đà Lạt Xứ Hoa Anh Đào

 

Thung lũng tình yêu tỏa khói sương
Ngàn thông trăm suối gió đưa hương
Cam Ly thác đổ phơi hùng vĩ
Cam Lệ suối reo cảm lạ thường
Than Thở, Xuân Hương trầm thoát tục
Linh Quang ,Thiền Viện sáng vô thường
Muôn hoa khoe sắc Bồng Lai cảnh
Ai đến rồi đi có vấn vương?

Lâm Hoài Vũ

Giỗ Đầu* - Khóc Y Sĩ Nhẩy Dù Hoàng Ngọc Khôi



Thắp nén hương trầm nhớ bác Khôi
Toàn ban Chí Dị thảy bồi hồi
Non Đoài nắng quái về ngơi nghỉ
Đông hải sông dài lặng lẽ trôi
Sâu thẳm giúp đời bao kiến thức
Nhẹ nhàng lên gác ngắm trùng khơi
Giỗ đầu xin chúc Anh siêu thoát
Dọn chỗ cho nhau một cõi trời!

Lộc Bắc
02/06/2022
*Bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi mất ngày 02/06/2021 hưởng thọ 90 tuổi
***
Khóc Y Sĩ Nhẩy Dù
Hoàng Ngọc Khôi


I
Sáng tác truyện ra, độc giả mê
Sách Âu Mỹ dịch, giỏi không chê
Thời thay, thế đổi dù muôn mặt
Văn viết, thơ ra chẳng thiếu đề
Chú giải Đường-thi bao điển tích
Vần gieo Quan-họ một chương nghề
Khiêm cung, tài đức nhiều vô kể
Lời tiếc thương Anh khóc tứ bề.


II
Ngành Y mới mất một tài hoa
Nghiệp bút nghiên mang vác tới già
Lịch sử chọn phần, biên tiểu thuyết
Nhạc quê tuỳ điệu, viết lời ca
Sách nêu tội ác tên Hồ tặc
Thơ nhắc thê lương nỗi nước nhà
Y sĩ Dù vừa tung chuyến chót
Nơi nơi bè bạn lệ chan hòa.


Trần Xuân Dũng

Đăng Quán Tước Lâu 登鸛雀樓 - Vương Chi Hoán


Lời nói đầu:

Hôm nay (2-6-2022) là ngày giỗ đầu của thi sĩ Hoàng Ngọc Khôi bút hiệu Hoàng Xuân Thảo, diễn đàn LTCD thế kỷ 21 hoàn tất bài số 578 mà anh Khôi (lúc đó là cố vấn của diễn đàn) soạn dở dang trước khi từ trần:

Vương Chi Hoán 王之渙 (688-742) tự Lý Lăng 季淩, là người Tính Châu triều Đường (nay là Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Sinh năm Thùy Củng thứ tư thời Đường Võ Hậu (năm 688 SCN), mất năm Thiên Bảo đầu tiên thời Đường Huyền Tông (năm 742 SCN), hưởng thọ 55 tuổi. Tính tình hào phóng ngang ngạnh, thơ cũng như người, khí thế hào hùng, nhiệt tình trào dâng. Các bài thơ của ông được “chuyển thể thành nhạc, lưu mãi trong dân”, được đại chúng yêu chuộng sâu sắc, nhờ đó mà truyền tụng muôn đời, ngang danh Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, v.v… Bởi ông không chuộng khoa cử công danh, nên cuộc đời cũng không được nhiều người biết đến, chỉ từ mộ chí mà thấy được đây là một thi nhân “Có hiếu với nhà, có nghĩa với bạn, khảng khái vô tư, tài năng phóng khoáng”. Nghe nói ông sáng tác rất nhiều thơ, đáng tiếc là chỉ có sáu bài tứ tuyệt là được lưu truyền lại, thâu tập trong “Toàn Đường thi”, trong đó “Đăng Quán Tước lâu” và “Xuất tái” (còn gọi là “Lương Châu từ”) là nổi tiếng nhất.

Nguyên tác   Dịch âm

登鸛雀樓     Đăng Quán Tước Lâu

白日依山盡 Bạch nhật y sơn tận,
黃河入海流 Hoàng Hà nhập hải lưu.
欲窮千里目 Dục cùng thiên lý mục,
更上一層樓 Cánh thướng nhất tằng lâu.

(Quán Tước lâu giờ tại huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây).

Chú giải

* 黃河入海流 Hoàng Hà nhập hải lưu: sông Hoàng đi vảo dòng chảy của biển cả; ngụ ý nó chảy vào và biến mất trong biển cả.

Dịch nghĩa

Lên lầu Quán Tước

Mặt trời dần lặn khuất sau núi,
Hoàng Hà chảy đổ vào biển cả.
Muốn phóng mắt nhìn xa ngàn dặm,
Hãy lên thêm một tầng lầu nữa.

Dịch thơ

Lên Lầu Quán Tước

Mặt trời gác sườn núi
Hoàng Hà đổ trùng dương
Muốn nhìn tận ngàn dặm
Lên lầu thêm một tầng.

Lời bàn của cố thi sĩ cố vấn Hoàng Xuân Thảo:

Lầu Quán Tước nằm trên một ngọn núi nhỏ thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây, thời đó gồm có ba tầng. Lầu được đặt tên như vậy vì có nhiều đàn cò thường bay tới và đậu tại đây. Tục truyền có bữa Vương Chi Hoán cùng Cao Thích và Vương Xương Linh tới một hí viện vừa uống rượu vưà nghe tấu nhạc. Ba người giao ước với nhau xem ai có thơ được các ca nương diễn ngâm nhiều nhất. Các bản được nhạc quan cho đàn hát bắt đầu bằng hai bài của Vương Xương Linh, rồi một bài của Cao Thích. Vương Chi Hoán nâng ly chúc mừng hai bạn rồi bảo, “Nếu lần tới bài hát không phải là thơ tôi thì từ nay tôi không dám tranh đua tiếng tăm cùng nhị huynh nữa”. Quả nhiên hai ca nương sau liên tiếp diễn ca hai bài của ông là Xuất Tái và Đăng Quán Tước Lâu.

Về thi pháp, hai câu đầu cho ta một khái niệm về thời gian, ẩn dụ qua cảnh mặt trời đang từ từ lặn xuống sau triền núi và nước sông Hoàng Hà tuôn trôi ra biển, gợi ý cuộc đời là vô thường, khuyên ta đừng nên đắm chìm trong vòng danh lợi. Tác giả cũng đứng trước cảnh bao la núi cao, sông dài và gợi ý con người thật nhỏ bé trước vũ trụ, trước không gian và theo Lâm Ngữ Đường thì tác giả khuyên ta nên biết giới hạn cái dục vọng của mình và ít nhất cũng dạy ta biết khiêm tốn.

Hai câu sau tác giả muốn nói rằng nhìn rõ sự đời hay cái cùng thông của sự vật thì tự ta phải cố gắng mà vươn lên qua hình ảnh leo lầu, mà lên cao thêm để làm gì nếu không phải là mở tầm mắt để mở rộng lòng xúc cảm và tri thức, một nhân sinh quan cao cả mà nhà phê bình Chương Thái Liên đã thốt lên là một danh ngôn thiên cổ.

Hoàng Xuân Thảo
***
Các Bài Dịch Khác

Lên Lầu Quán Tước

Vừng ác chìm non thẳm
Hoàng Hà lặn biển sâu
Muốn nhìn xa ngàn dặm
Lên nữa một tầng lầu.

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt này được sắp ngang hàng với những bài trác tuyệt cùng thể loại của những thi hào gạo cội thờỉ Đường do cái ý chứa đựng trong 2 câu cuối: “Muốn nhìn xa ngàn dặm, Lên nữa một từng lầu” ngụ ý rằng muốn cho kiến thức rộng hơn thi phải cố học hỏi thêm.

Đại ca Hoàng Xuân Thảo kính!

Hôm nay là ngày giỗ đầu của anh, ngày giỗ quan trọng nhất sau khi lìa đời, tất cả anh chị em trong diễn đàn LTCD thế kỷ 21 vẫn còn bùi ngùi khi nghĩ tới anh. Đành rằng trong thiên hạ, rất hiếm người thọ tới 90 tuổi như anh, nhưng đáng nhẽ anh còn vui chơi với chúng tôi nhiều năm nữa nếu anh chích ngừa Covid 19 sớm hơn (đầu tháng 2 thay vì cuối tháng 5 năm 2021).

Anh có cảm thấy cô đơn (lonely) trong mộ phần không? Chúng tôi đang cảm thấy cô đơn trong diễn đàn chỉ vì thiếu vắng anh. Con Cò, nhân danh chủ bút của diễn đàn, nhờ Bobby Vinton hát bài Mr Lonely để cúng anh; hy vọng bài hát sẽ giúp anh giải tỏa nỗi cô đơn, rũ hết bụi trần mà thanh thản bước lên Thiên Đường.

(Xin bấm vào link màu xanh dưới đây)

Lời bài hát

Lonely, I'm Mr. Lonely
I have nobody for my own
Now I am so lonely, I'm Mr. Lonely
Wish I had someone to call on the phone

Now I'm a soldier, a lonely soldier
Away from home through no wish of my own
That's why I'm lonely, I'm Mr. Lonely
I wish that I could go back home

Letters, never a letter
I get no letters in the mail
I've been forgotten, yes, forgotten
Oh, how I wonder, how is it I failed

Now I'm a soldier, a lonely soldier
Away from home through no wish of my own
That's why I'm lonely, I'm Mr. Lonely
I wish that I could go back home.

Dịch ra tiếng Việt:

Cô đơn, tôi là người Cô đơn,
không có ai làm bạn với mình.
Tôi rất cô đơn, tôi là người cô đơn.
Ước gì có người gọi tôi qua điện thoại.

Tôi là một chiến sĩ, một chiến sĩ cô đơn,
xa nhà không do tôi mong muốn.
Đó là lý do tại sao tôi cô đơn, tôi là người cô đơn.
Tôi ước rằng tôi có thể trở về nhà.

Thư ư? không bao giờ có một lá thư;
tôi không nhận được thư trong hộp thư.
Tôi đã bị lãng quên, ừ, bị lãng quên.
Ồ, tôi tự hỏi làm thế nào tôi thất bại?

Bây giờ tôi là một chiến sĩ, một chiến sĩ cô đơn,
xa nhà không do tôi mong muốn.
Đó là lý do tại sao tôi cô đơn, tôi là người cô đơn.
Tôi ước rằng tôi có thể trở về nhà….

Con Cò 
***
Lên Lầu Quán Tước

Nắng tắt phía sau đồi,
Hoàng hà đổ biển khơi.
Muốn nhìn xa vạn dậm,
Lên nữa, lầu trên coi.

Mỹ Ngọc.
May 18/2022.
***
Lên Lầu Quán Tước

Mặt trời soi khắp núi đồi
Hoàng Hà luôn chảy biển khơi trùng trùng
Dặm xa ngoại cảnh chập chùng
Lên cao tầng nữa ung dung ngắm nhìn.

Kim Oanh
***
Lên Lầu Quán Tước

Hội trùng dương nước sông tuôn đổ
Nắng chiều còn lấp ló sau đồi
Muốn nhìn xa vạn dặm khơi
Lầu cao chân bước ngắm trời mênh mông

Yên Nhiên
***
Lầu Quán Tước.

Mặt trời đã gác non đoài,
Hoàng Hà tuôn chảy ra ngoài biển khơi,
Muốn nhìn ngàn dặm chân trời,
Thì leo thêm một lầu thôi cũng vừa.

Bát Sách.
(Ngày 20 tháng 5 năm 2022)
***
Lên Lầu Quán Tước

Bóng ác nương sau núi
Hoàng hà nhập biển sâu
Muốn nhìn muôn dặm trước
Lên tiếp một khung lầu!

Bóng ô đã gác non đoài
Sông Hoàng cuồn cuộn ra ngoài biển Đông
Muốn nhìn vạn dặm thỏa lòng
Bước thêm lầu nữa, ước mong toại nguyền!

Lộc Bắc
Mai22
***
Nguyên Tác: Phiên Âm: Dịch Thơ:

登鸛雀樓 Đăng Quán Tước Lâu Lên Lầu Quán Tước

王之渙* Vương Chi Hoán

白日依山盡 Bạch nhật y sơn tận Núi cao dấu mặt trời
黃河入海流 Hoàng hà nhập hải lưu Sông Hoàng vào biển khơi
欲窮千里目 Dục cùng thiên lý mục Muốn xem khắp ngàn dặm
更上一層樓 Cánh thướng nhất tằng lâu Lên một lầu nữa thôi.

Dị bản:

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt này được khắc bản trong nhiểu sách thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh…Văn bản đều giống nhau, nhưng tác giả không chắc là ai: Vương Chi Hoán, Đỗ Nghiễm, hay Chu Bân?

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 253 Vương Chi Hoán. Tựa trong mộc bản có ghi dị bản thơ của Chu Bân (Chu Bân Thi 朱斌詩).
Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 203 Đỗ Nghiễm 杜儼 đăng với tựa Đăng Lâu登樓 và có ghi dị bản thơ của Vương Chi Hoán (Vương Chi Hoán Thi 王之渙詩).
Quốc Tú Tập - Đường - Nhuế Đĩnh Chương 國秀集-唐-芮挺章 cho tác giả là Chu Bân 朱斌, tựa Đăng Lâu登樓 và có ghi dị bản thơ của Vương Chi Hoán (hoặc khắcVương Chi Hoán 或刻王之渙詩).

Ghi Chú:

Lầu Quán Tước hiện nay ở phía nam Vĩnh Tế, Sơn Tây, bên bờ đông sông Hoàng Hà, gần Bồ Châu Trấn 蒲州镇, phía tây bắc cách chân núi Trung Điều 中条山 khoảng 6 cây số (Xem bản đồ bên dưới).

Lầu được xây cất thời Nam Bắc Triều khoảng năm 557-571. Lầu nguyên thủy (đã bị nước sông cuốn trôi từ lâu), ở tây nam Bồ Châu, cao 3 tầng, phía trước nhìn vào núi, phía sau nhìn xuống Hoàng Hà. Lầu có tên Quán Tước vì, tương truyền, thường có quán tước đến làm tổ (quán tước là một giống cò/hạc họ Ciconiidae mà đầu không đỏ, cổ ngắn, mỏ dài, mình trắng, đuôi và cánh đen). Lầu đuợc xây cất lại nhiều lần ở vị trí khác, lần mới nhất khánh thành năm 2002.

- Bạch nhật: mặt trời.
- Y: dựa vào
- Tận: biến mất, ý nói rằng mặt trời nép chìm vào núi
- Dục: mong muốn hay hy vọng có được hoặc đạt được một cái gì đó
- Cùng: tất cả, để đạt đến cực.
- Thiên lý mục: tầm nhìn rộng.
- Cánh: thay thế
Bình luận:

Bài thơ mô tả những gì thi nhân nhìn thấy và cảm nhận khi ông leo lên Lầu Quán Tước. Trong câu 1, ông nhìn thấy núi cao ngay trước mặt như che dấu ánh mặt trời. Nhìn sau lưng, sông Hoàng cuộn chảy về đông để đổ vào biển Đông còn cách xa gần ngàn cây số. Đó là từ vị trí nguyên thủy của lầu ở phía nam Bồ Châu. Trong địa điểm hiện tại, ngang với Bồ Châu với lầu cao gần 75 thước, núi có còn che mặt trời không, còn nhìn thấy sông Hoàng chảy về đông không? Hay là thấy trong tiềm thức do cái nhìn thấy của thi nhân ngàn năm về trước. Theo Stork Tower - Wikipedia , lầu nhìn thẳng vào mặt trời mọc.

Dịch nghĩa:

Đăng Quán Tước Lâu Lên lầu Quán Tước

Bạch nhật y sơn tận Ánh sáng mặt trời rọi khắp bên sườn núi,
Hoàng Hà nhập hải lưu Sông Hoàng Hà chảy mãi để vào biển khơi.
Dục cùng thiên lý mục Muốn nhìn thấy cảnh ngoài ngàn dặm,
Cánh thướng nhất tằng lâu Hãy lên thêm một tầng lầu.

On The Stork Tower by Wang Zhi Huan
Translation and note by Peter Wang 01-13-2013

The sun beyond the mountains glows;
The Yellow River seawards flows.
You can enjoy a grander sight,
By climbing to a greater height.

Notes: This poem describes what the poet sees and feels when he ascends the Stork Tower. In the first two lines, he shifts his eyes from the sunset beyond the mountains to the Yellow River, which flows out of sight eastwards towards the sea. Then he writes the famous line “You can enjoy a grander sight, By climbing to a greater height.” which blends landscape, emotion and philosophical thinking in the short verse?

Ascending the Stork Tower by Wang Zhihuan
Translation by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)

Over the mountains, the white sun daily sets,
And into the ocean, the Yellow River flows.
Wishing to eye: the view of a thousand miles,
A floor, a floor more, up the stairs one goes.

Besteigung des Storchenturms
Translation by John Frazer October 21, 2017

Dort langt die gleiße Sonne schon nach der Berge Saum /
Hienieden gießt sich der Gelbe Fluß ins Meer //
Nimmer müd will das Aug die Weiten schaun /
Drum höher, auf, zum nächsten Stock!
Ascent of the stork tower
There the bright sun reaches to the mountainside
Below the yellow river pours into the sea
The eye never wants to see the expanses tired
So higher up, to the next floor!

Phí Minh Tâm
***
Những Lời Góp Ý: 

白日依山盡=bạch nhật y sơn tận (Mặt trời dần lặn khuất sau núi)


Trong hình không ảnh ở trên, Hoàng Hà (đầy phù sa màu vàng) ở bên trái và sau 6 dặm Anh sẽ chuyển hướng từ Bắc-Nam thành Tây-Đông để đổ ra Đông Hải. Lầu Quán Tước (hình tháp màu lục với tên Guanque Tower) nằm hướng Tây Bắc của Ngũ Lão Phong (五老峰, góc dưới bên phải) nên ta có thể thấy mặt trời mọc hướng đó nhưng không thể thấy mặt trời lặn.

Theo họa đồ. Quán Tước Lâu ở bờ tây sông Hoàng Hà, phía bắc dãy núi Hoa Sơn, trong đó có Ngũ Lão Phong. Khá xa nên đứng trên lầu có thể thấy mặt trời mọc cũng như lặn.

Theo sử liệu, lầu Quán Tước ở ngoài cửa Tây của Bồ Châu (蒲州), Sơn Tây gần bến đò Bồ Tân (蒲津渡) và như thế ở chừng 6 km hướng Tây Bắc của Ngũ Lão Phong chứ không phải ở trên núi. Nhìn bản đồ không ảnh:


Từ trái qua phải, Puzhou Ferry là bến đò Bồ Tân, Gucheng Relic site là di tích cổ thành Dự Châu, icon máy hình là địa điểm của Quán Tước lâu, Pozhoucun là Bồ Châu Trấn (蒲州镇). Rặng núi trong hình là Trung Điều Sơn (中条山), trong đó có đỉnh Ngũ Lão, chấm đỏ trong hình dưới. Thật sự ra không thể thấy mặt trời mọc từ lầu Quán Tước vì bị rặng núi Trung Điều che. Đỉnh cao nhất trong rặng núi này 2,231 m trong đó Quán Tước ở khoảng 300 m (trên mặt biển).


Thời Bắc Chu (đầu tk 6) Vũ Vặn Hộ (宇文護) chấp chánh, lộng quyền, cho xây nhiều dinh thự và lầu đài, nhưng Quán Tước lâu là một tháp ba tầng gần bờ sông để canh chứng vì Dự Châu là địa điểm chiến lược quan trọng trên đường đến Tràng An. Tháp đã bị chiến chinh thiêu hủy nhiều lần và cái Quán Tước lâu xây trong thế kỷ 21 này không giống gì các tháp thời Bắc Chu hay Đường!

Hoàng Hà đổi chiều từ Bắc-Nam thành Tây-Đông 6 dặm (anh) dưới Quán Tước lâu và Bồ Châu nên cách định vị để khỏi lầm lạc là nói lầu ở tả ngạn Hoàng Hà.

--* * *--

《清一统志》记载,楼的旧址在山西蒲州(今永济县,唐时为河中府)西南,“黄河中高阜处,时有鹳雀栖其上,遂名” 《 Thanh nhất thống chí 》 ký tái, lâu đích cựu chỉ tại Sơn Tây Bồ Châu (kim Vĩnh Tể huyện, Đường thì vi Hà Trung phủ )tây-nam, " Hoàng Hà trung cao phụ xứ, thì hữu quán tước tê kì thượng, toại danh." Dịch đại khái thành Thanh Nhất Thống Chí nói ngày xưa lầu ở hướng Tây-Nam Bồ Châu, Sơn Tây (Vĩnh Tế huyện bây giờ, Hà Trung phủ thời Đường), ở vùng đất cao giữa Hoàng Hà, có nhiều cò đậu nên có tên đó.

Bàn về con hạc:

Quán Tước là một loài chim giống con hạc.
Hì hì ... Đọc nghe thì xuôi tai nhưng con hạc là con ... chi? Quán là tên Hán cho bút hiệu của khổ chủ của diễn đàn LT21!

Người ni đã viết một lần trên diễn đàn này rằng tên Việt của các loài sinh vật, kể cả chim, không chính xác và mỗi vùng dùng tên khác nhau cho cùng một con chim. Hạc, sếu, cò, diệc, vạc là tên của những con chim lớn lội nước và trong khoa học họ Hạc là từ dùng chung để chỉ những con này nhưng một đặc tính chung (cho 鸛=quán) dùng trong trang vn.Wikipedia là chúng có "mỏ lớn". Hình các con chim mà các bạn thường gọi là hạc có mỏ dài, nhọn nhưng KHÔNG lớn! Nếu các bạn dùng zn.Wikipedia thì sẽ thấy rằng 鸛=quán là một con chim cao cẳng, lội nước với cái mỏ rất lớn mà tên trong Anh ngữ là stork như trong bài dịch qua tiếng Anh của anh Tâm, và trong Pháp ngữ là cigogne. Các loài cò đứng riêng biệt trong một họ, không có liên lạc DNA với các loài chim cao cẳng (hạc, sếu, vạc) khác. Con hạc "đầu đỏ" anh Tâm nói đến thật sự ra là con crane/sếu.

Vì tên Việt chưa thống nhất, họ Hạc trong vn.Wikipedia là 鹳科=quán khoa/họ cò trong chữ Hán, Ciconiidae trong danh pháp hai phần (binomial nomenclature) hai đặc điểm của chúng để phân biệt với các con chim lớn lội nước khác là mỏ rất lớn và không phát tiếng nhưng đập mỏ để liên lạc với đồng loại. Quán trong tên lầu có thể là con giang sen (painted stork)

bạch đầu toàn quán
Hay con cò trắng đông phương ở dưới

Đông phương bạch quán

Một đặc điểm nữa của loài cò là tổ của chúng rất lớn và chúng thường làm tổ trên mái nhà; đó là nguồn gốc của cái tên quán tước lâu. Hai con chim trong bài của anh Tâm là cò trắng tây phương.

Chữ 雀=tước tạo nhiều hiểu lầm vì đa số người Việt nghĩ đến chim sẻ khi nghe/đọc tước và tôi chưa tìm ra tại sao người Hoa Lục thời xưa gọi cò là quán tước; người bây giờ bỏ chữ tước đi rồi. Chứ 雀=tước gồm 小=tiểu và bộ 隹=chuy. Chuy là từ để gọi các con chim đuôi ngắn như chim sẻ, cò, hạc nhưng không dùng một mình và chỉ là bộ trong những từ hài thanh.

Huỳnh Kim Giám
***
Thanh Vân góp ý

Trong Diễn Đàn Liêu Trai 21 do Ông Cò thành lập, ông chỉ mời hơn 10 thành viên, điều thú vị không ngờ là họ ở rải rác khắp nơi: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Hòa Lan, Úc. Buổi tối ở Hoa Kỳ, Canada là ban ngày ở Pháp, Hoà Lan, Úc, như vậy giang sơn của nhóm Liêu Trai 21, mặt trời không bao giờ lặn! Trong ba năm qua, cùng hoạt động chung, mỗi tuần góp ý trên một bài thơ đường do Ông Cò soạn thảo, mỗi người bàn một cách, các thành viên lần lần thân thiện nhau và có một mối liên hệ mật thiết.

Lúc đầu chỉ vài người biết mặt nhau (như Ông Cò, huynh trưởng Hoàng Xuân Thảo, anh Bát Sách, chị Hoàng Tâm) còn những thành viên khác, sau này có khi nhìn thấy mặt qua hình ảnh. Vậy đó mà sinh hoạt lâu ngày, có một sợi dây thân ái nối liền các thành viên với nhau. Ngoài bàn luận thơ văn, trong nhóm còn chia sẻ tâm tình, niềm vui nỗi buồn, thậm chí có ai khỏe mạnh, ốm đau gì cũng đem ra bài tỏ. Ban đầu là bạn văn thơ, bây giờ là anh chị em cùng một mái nhà. Đôi khi cũng có chút giận hờn, nhưng không kéo dài lâu, giống như một cơn dỗi thoảng qua cho sinh hoạt chung thêm sống động, thêm hương vị…

Cuộc đời không như một giòng sông êm đềm chảy. Khi huynh trưởng Hoàng Xuân Thảo bất ngờ ra đi, cả nhóm như tê dại, sửng sờ trước hung tin. Ông Cò bảo mỗi người dành vài phút tịnh tâm hướng về huynh trưởng. "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", đúng như thế, cả nhóm đau buồn lặng lẻ nhớ người huynh trưởng hiền hòa, khoan dung, nhiều tài năng nhưng khiêm tốn.

Hôm nay là một năm huynh Hoàng Xuân Thảo rời xa mọi người. Bồi hồi nhớ lại những ngày vui sinh hoạt chung, huynh Hoàng Xuân Thảo rất năng động, lúc nào cũng có những ý tưởng mới, đứng ra làm đầu đàn khởi xướng cho nhiều đề tài : họa thơ trên tranh, họa thơ qua một chủ đề.... Vui và thân thiết làm sao ! Nhưng ngày vui chóng tàn, tìm đâu ra những ngày thân ái cũ.
Huynh Hoàng Xuân Thảo đã đi rồi, xin chúc huynh an nghỉ thảnh thơi nơi miền cực lạc dù biết rằng huynh để lại nhiều nuối tiếc cho người ở lại. Như bài Tống Biệt Hành của thi sĩ Thâm Tâm, xin mượn gởi đến huynh vài dòng tưởng niệm:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...

Trong bài Đăng Quán Tước Lâu (Lên Lầu Quán Tước), huynh trưởng Hoàng Xuân Thảo đã góp ý nhưng dỡ dang, các anh chị trong nhóm bàn luận thật sôi nổi và đã có những vần thơ hay. Vậy thôi cho Thanh Vân miễn phần thơ nhé. Chỉ xin cảm ơn Ông Cò đã thành lập nhóm, cho Thanh Vân có cơ hội sinh hoạt và quen biết nhiều người.
Cầu mong sức khỏe, an vui đến với mọi người.

Thanh Vân
--o0o--

Góp ý của Đỗ Tước:
 Túc Oánh Công Thiền Phòng Văn Phạn 宿瑩公禪房聞梵   - Lý Kỳ

Từ lâu, Anh Chị Em sinh hoạt trên diễn đàn đều đặn và hăng hái.nhất là các chị em phái nữ. Đàn chủ, anh Tâm, anh Giám, Lộc Bắc và bạn vàng không ngừng bước.. kỳ nào. Ta cứ tà tà thưởng thức.. tuy cũng mặc cảm.. "ăn mà không trả"..Thời gian qua mau thật! Ta cũng nhớ đại ca Hoàng Xuân Thảo và những góp ý tuyệt vời cho diễn đàn. Thoáng đấy mà cả năm rồi.

Với bài dich thất ngôn luật "Trọ ở phòng Thiền của Oánh công nghe kinh" bạn rất ưng ý nhưng kẹt vận, niêm.. kêu gọi Anh Chị Em  tiếp sức, ta cũng mạo muội.. cùng bạn vàng ráng xoay chuyển mà cố giữ ý của Bát Sách. Bạn vàng thích câu 1, ta xin chuyển bài vận trắc sang bằng để nhịp thơ.. đi cùng niêm.. như sau:

Hoa cung tiếng tụng vẳng xa đưa
Trăng ẩn thành cao giọt lậu thưa
Sương đọng rừng khuya e lá rụng
Sao trời nghe sớm tiếng đong đưa
Tiêu điều khí lạnh lùa đây đó
Ào ạt như trời thu đổ mưa.
Mới biết phù sinh không ổn định...
Theo lòng tâm đạo thấy mà ưa!

Đại khái như thế không sai ý bạn vàng nhưng niêm luật ổn hơn. Bạn vàng thoải mái lâu lắm ta mới xuống núi góp vui.
Cám ơn bạn vàng đã nói về ta trong mục thư tín ở số Tập San Y Sĩ kỳ vừa rồi.

Đỗ Tước
***
Phụ Bản

Có một lần, đại ca hờn dỗi bỏ đi chơi xa 3 tháng, nhưng khi nhận được bài thơ này của Lý Kỳ do Con Cò soạn… Đại ca bèn tức tốc trở về ngay diễn đàn:

Nguyên tác           Dịch âm

宿瑩公禪房聞梵 Túc Oánh Công Thiền Phòng Văn Phạn

花宮仙梵遠微微 Hoa cung tiên phạn viễn vi vi,
月隱高城鐘漏稀 Nguyệt ẩn cao thành chung lậu hy.
夜動霜林驚落葉 Dạ động sương lâm kinh lạc diệp,
曉聞天籟發清機 Hiểu văn thiên lại phát thanh ky.
蕭條已入寒空靜 Tiêu điều dĩ nhập hàn không tĩnh,
颯遝仍隨秋雨飛 Táp đạp nhưng tùy thu vũ phi.
始覺浮生無住著 Thủy giác phù sinh vô trụ trước,
頓令心地欲皈依 Đốn linh tâm địa dục quy y.

Dịch thơ

Trọ Phòng Thiền Của Oánh Công Nghe Kinh

Lời kinh thiền viện vẳng đưa xa
Nguyệt lặn thành cao giọt điểm giờ*
Tối đọng sương rừng rơi lá úa
Sáng nghe sáo núi chạnh lòng già**
Gieo buồn khí lạnh tiêu điều thấm
Xé gió mưa thu ào ạt sa
Mới rõ đời người trôi nổi thế
Muốn qui y Phật động lòng ta

* Giọt: đồng hồ ngày xưa làm bằng một bình nước nhỏ giọt.
** Gió thổi qua khe núi phát ra tiếng sáo.

Lời bàn của Con Cò

Một bài luật thi toàn bích.
Ý tứ sâu sắc. Ngôn từ trang nghiêm. Dàn xếp mạch lạc. Âm điệu hài hòa.
Lý Kỳ, sau một thời gian dài lăn lộn với công danh, ghé thăm và ngủ trong thiền viện của Oánh công. Ông bắt đầu lắng nghe những âm thanh huyền bí và phức tạp: tiếng cầu kinh của thiền sư (âm thanh của sám hối), tiếng đồng hồ nhỏ giọt (âm thanh của thời gian), tiếng rơi của lá úa nặng chĩu sương đêm (âm thanh của gánh nặng trần tục), tiếng gió luồn qua khe núi (âm thanh của thiên nhiên). Sau cùng, khi cảm thấy da thịt như thấm buồn bởi hơi lạnh (âm thanh của thời tiết) và nghe như có mưa thu xé gió ào ào ở ngoài trời (âm thanh của dãi dầu) thì ông muốn chấm dứt cuộc sống quan trường để quy y cửa Phật.

Đó là những âm thanh nhiệm mầu được tả bởi Lý Kỳ. Những âm thanh này, vẫn hiện hữu hằng ngày trung quanh thiền phòng của Oánh công; ai cũng có thể nghe thấy nhưng không phải ai cũng thấm nhuần được. Theo nhà Phật, chỉ những người có duyên với chúng mới giác ngộ khi lắng nghe chúng. Họ Lý, khi đã chán cảnh bon chen danh lợi, rất dễ kết duyên với những âm thanh diệu kỳ kể trên rồi động lòng muốn quy y. Việc quy y của họ Lý có ý nghĩa triết lý hơn là giáo lý. Nó không hẳn là tụng kinh cầu an, cầu siêu, cầu tài, cầu lộc….; mà có nghĩa là giác ngộ.

Con Cò
***
 Góp ý (khi chưa gia nhập diễn đàn):

Trọ ở thiền phòng, nghe niệm kinh
Thanh thoát tiếng kinh cầu vang vọng
Đêm sương rơi xao động rừng phong
Tường cao khuất ánh trăng trong
Thời gian lặng lẽ một dòng buồn tênh
Sớm mai hồn thênh thênh bay bổng
Nghe sáo trời lồng lộng vi vu
Lạnh vào cõi vắng mịt mù
Hắt hiu từng giọt mưa thu não nùng
Kiếp phù sinh long đong mê lộ
Chốn cửa không giác ngộ tìm về

Yên Nhiên
***
Bát Sách bổ túc thêm:

Lúc đầu, Bát Sách chỉ dịch bài Quán Tước Lâu, sau đọc lại, thì thấy ÔC nhắc tới bài Túc Oánh Công Thiền Phòng Văn Phạn, là bài thơ mà khi ÔC đưa lên diễn đàn thì anh Khôi lại “ trở về mái nhà xưa “ mà góp ý… Anh Khôi bàn rất cao siêu, nói về NGỘ trong đạo Phật. Đọc lời bàn thì BS cũng ngộ ra được một chút và thấy bài thơ hay hơn nhiều. Bát Sách cũng nhớ anh Khôi vô cùng, nhớ giọng nói hoà nhã, nhớ tiếng cười chân thành, thân thiện, nhớ thâm tình giữa đồng nghiệp và bạn văn, và tiếc rằng anh ra đi đột ngột để cuốn tiểu thuyết dã sử Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng phải đứt gánh giữa chừng.

Túc Oánh Công Thiền Phòng Văn Phạn.
(Trọ Ở Phòng Thiền Của Oánh Công Nghe Kinh)

Kinh tụng hoa cung xa vẳng đưa,
Trăng ẩn thành cao, giọt lậu thưa,
Sương động rừng khuya, e lá rụng,
Sáo trời nghe sớm, tiếng đong đưa,
Tiêu điều khí lạnh ùa đây đó,
Ào ạt trời thu lúc đổ mưa,
Mới biết kiếp người không vĩnh cửu
Chợt muốn quy y dưới mái chùa!

Bát Sách
(Ngày 21 tháng 5 năm 2022)
***
Ở Quán Trọ Oánh Công Thiền Phòng Nghe Kinh

Cung hoa kinh Phật, vọng xa vời,
Nguyệt lặn cao thành giọt lậu vơi.
Tối đổ sương rừng khua xác lá,
Sớm nghe gió núi lộng khung trời.
U buồn khí lạnh âm thầm ngấm,
Sầm sập mưa thu lã chã rơi.
Hiểu rõ vô thường đời bất định.
Đạo tâm phát khởi, ẩn quy khơi.

Mỹ Ngọc 
May 23/2022.