Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Làm Sao Tăng Cường Khả Năng Đề KhángTrước Virus Corona? - Bác Sĩ Wynn Trần



 Bác Sĩ  Wynn Trần

Đêm Xuân Ấy



Ngày xa xưa ấy một đêm thanh
Man mác trời xuân gió động cành
Chàng khách đa tình từ chiến tuyến
Phong trần rũ bụi áo rừng xanh

Sống đời ngang dọc kiếp trai hùng
Gặp gỡ lụy tình để nhớ nhung
Trời đất gây chi cơn gió bụi
Chia tay có nói cũng khôn cùng 

Kim Phượng

Rằm Tháng Giêng



Rằm tháng Giêng về luyến cố nhân
Ánh vàng bát ngát tỏa ngoài sân
Quê nhà phảng phất hồn thanh nguyệt
Đất khách mơ màng mộng bạch vân
Mấy độ Mai chờ mòn mỏi cánh
Bao mùa Cúc đợi héo tàn thân
Nguyên Tiêu nhớ tiếng dương cầm ấy
Người hỡi, bên nầy lặng lẽ Xuân...

Duy Anh

Xuân Thì - Phạm Duy - Khánh Ly


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Khánh Ly
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Nhớ Quê


Bài Họa:

Chiều Quê

Lãng đãng bên trời, khói tỏa cao
Sương lam che khóm trúc quanh rào
Ngân nga tiếng sáo, đưa âm vọng
Thấp thoáng bầy chim, nghiêng cánh chao
Đáy nước chập chờn, chìm bóng liễu
Tầng không lơ lửng, tỏa hương đào
Chiều quê êm ả, lòng thanh tịnh
Thơm ngát hoa sen nở dưới ao

Thảo Chương TQV
05-02-2020
***
Nhớ Quê

Sương phủ hoàng hôn tận núi cao
Chiều hoang mây tím kéo giăng rào
Khói lam đồi vắng chim bay mỏi
Hương bưởi vườn thưa bướm lượn chao
Thấp thoáng bên kia, hàng giậu đỏ
Yêu kiều bến nọ, dáng hồng đào
Ra đi vẫn nhớ khung trời cũ
Quê mẹ vời trông ruộng cá ao.

Kim Dung 
(6/2/2020)

Nhạt Nhòa (Xướng Họa)



Bài Xướng:
Nhạt Nhòa 

Em đã chờ trăng thao thức đêm
Trăng khe khẽ đến ngự bên thềm
Lung linh ảo ảnh dần tan biến
Xuân vãn nhạt nhoà nước mắt em...


Kim Oanh

***
Hoạ:
Nhạt Nhòa

Trăng cảm thông em thức trắng đêm
Nên chi đã tới chiếu soi thềm
Nhưng rồi trăng cũng dần mờ biến
Để lại cô đơn một bóng em.

Hoàng Xuân Thảo
***
Xuân về mà tuyết rớt từng đêm,
Nào có đào mai nở trước thềm,
Bốn mươi năm lẻ sầu vong quốc,
Giao thừa,chợt nhớ lại môi em.

Bát Sách
***
Ngày Vui

Chờ trăng thao thức đã bao đêm
Mong ngóng em yêu rọi bóng thềm
Một thuở an bình xa lắc đó
Nguyên tiêu rộn rã mắt vui Em!

Lộc Bắc
Jan20
***
Vẫn Xuân

Nhìn trăng,ngậm tủi với sao đêm,
Lệ nguyệt rưng rưng ứa mé thềm?
"Ảo ảnh"... khư khư ôm mộng giấc,
Vẫn Xuân ru vỗ ấm tình Em!?


Xuân Canh Tý2020
Nguyễn Huy Khôi
***
Xuân đến ngắm trăng buồn thâu đêm
Trăng cuối gầy guộc soi bên thềm
Năm xưa đón Tết bên cha mẹ
Hoài vọng quê nhà xót tim em

Thanh Vân
***
Ta nhìn ngày thẩn thờ theo đêm,
Nghe sương khuya dài, vắn bên thềm,
Trăng sao ở đó chờ tan biến,
Chỉ còn mình ta ngồi nhớ em.


Lê Xuân Cảnh

***
Bước Xuân

Chờ đợi trăng về đêm trắng đêm
Chợt nghe gió hát xuyên qua thềm
Tiễn xuân ra ngõ rời vườn mộng
Mỗi bước chân buồn lưu luyến em!

Yên Dạ Thảo
***
Qua Xuân

Xuân rời lặng lẽ bước qua đêm
Trăng bỏ Nguyên Tiêu rụng trước thềm
Đắp cánh hoa tàn thơ vẫn lạnh
Như vừa lạc mất bóng hình em.

Phong Tâm

Chùa Bà Xán ( Xoàn)

Mặt tiền Chùa Bà Xán ( Xoàn)

Ngôi chùa Phật thuộc pháp hệ dại thừa Lâm Tế, chùa nằm ở Cái Tàu hạ, địa phận Cái Tàu, giáp ranh xã Tân Hòa, tỉnh Vĩnh Long. Chùa do một cư sĩ địa phương Cái Tàu tên bà Ba Xoàn phát tâm tạo dựng, vì nhận thấy nơi địa phương này các vị phật tử không có nơi nương tựa cùng trau dồi tâm thức.

Năm 1922 chùa cô Hai Ngó ( Chùa Giác Hoa ) làm lễ khánh thành tại Cái Dầy, thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu, có mời các vị cao tăng, chức sắc địa phương cùng cư sĩ tại gia các địa phương khác đến dự lễ, do vậy bà Ba Xoàn cũng đã đến với đoàn phật tử tại gia. Vốn đã phát tâm tạo chùa, bà xem và rất vừa ý với kiến trúc đông tây hài hòa của chùa, bèn ngõ ý cùng bà cô Hai Ngó xin mượn bản vẽ của chùa Giác Hoa, bản vẽ này của kiến trúc sư người Pháp, do vậy kiến trúc chùa Bà Xoàn mặt tiền rất giống chùa Giác Hoa, Bạc Liêu, bên trong có khác chút ít. Riêng chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho, thuộc tỉnh Tiền Giang, cũng có mượn bản vẽ chùa Giác Hoa trong kỳ tu sữa khoảng năm 1930 đã xây dựng gần sát bản vẽ chùa Giác Hoa, từ bên ngoài đến nội thất “ Lịch sử này do ông Huỳnh Thượng Toàn, cháu cô Hai Ngó, con người em thứ tư của cô Hai “, hiện tại ông Toàn cũng đã mất từ lâu.

Chùa Bà Xoàn được xây dựng trong khoảng sau 1930, đến năm 1937 chùa khánh thành, ni trưởng Tâm Hoa “ Thế danh Nguyễn Thị Điệp sinh năm 1916 tại làng Tân An, Cần Thơ “ cùng ni đoàn đến mở ni viện đầu tiện nơi chùa Bà Xoàn, về sau có nhiều vị khác đến thay nhau trụ trì, đến năm 1975 chùa không có trụ trì, chính quyền địa phương mượn chùa lập trạm kiểm soát kinh tế địa phương. Khoảng những năm 1990, chùa có người trông coi và khôi phục lại và có dáng vẽ như ngày nay và được đổi tên thành Chùa Tân Hòa.

Trương Văn Phú ghi lại.
Mặt trước phía trên ngoài nóc chùa

Chuông trống xưa trong Chánh Điện
Chánh Điện
Tổ Đường sau Chánh Điện
Dù lát gạch hiện thời, song nền trước Chánh Điện vẫn còn giữ lại gạch hoa lát ngày xưa, gợi nhớ thuở tạo dựng.

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Thơ Tranh: Khai Bút Đầu Năm


Thơ: Kim Phú
Thơ Tranh; Kim Oanh


Năm Tý Cầu Chúc Gì?



Đầu Xuân năm Canh Tý
Nào ta cùng nâng ly
Nhấp một ngụm whisky
Chúc gia đình hoan hỉ
Sức khỏe được như ý
Tiền dô là đô Mỹ
Tiền Việt thì bạc tỷ
Tình yêu luôn bền Bỉ
Nghèo khó bỏ ta đi
Đau ốm hết tức thì
Không cần sâm Cao ly
Bạn gặp người tri kỷ
Có con cháu hủ hỉ
Quẳng cái gánh sầu bi
Vứt bỏ tánh sân si
Không ngó cao mộng mị
An bình khi khép mi
Việc làm lương hậu hỉ
Được lòng người yêu quý
Năm Canh Tý thiện Mỹ

Nào nâng ly nâng ly
Hihihi ... Cung Hỷ ... Cung H

Trúc Lan KTP

Xuân 2020

Túc Châu Thứ Vận Lưu Kinh Tô Đông Pha (1037-1101)


Túc Châu Thứ Vận Lưu Kinh

Ngã dục quy hưu sắt tiệm hi
Vũ Vu hà nhật trước xuân y
Đa tình bạch phát tam thiên trượng
Vô dụng thương bì tứ thập vi
Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ
Tảo tri phú qúy hữu nguy ky
Vị quân thùy thế quân tri phủ
Thiên cổ hoa đình hạc tự phi

Tô Đông Pha (1037-1101)
***
Dịch Nghĩa: Ở Túc Châu Viết Bài Họa Vận Gửi Lưu Kinh


Nghe tiếng đàn ngân sắp dứt là ta lại muốn từ quan về nghỉ hưu thôi
Biết có ngày nào mặc chiếc áo xuân rồi múa hát ở trên đài Vũ Vu nhỉ
Tóc trắng đa tình đã dài đến ba ngàn trượng
Da mồi già lão đã nhăn nheo xếp lớp đến bốn mươi lớp rồi
Nay cũng đã muộn để biết văn chương tài mọn chẳng ích lợi gì
Dù cũng đã sớm biết phú qúy chỉ là cạm bẫy cho tội lỗi thôi
Ai có biết chăng ai đã vì ai mà nước mắt tuôn rơi
Trong khi cánh hạc từ thuở nào vẫn bay chấp chới ở nơi đình hoa

Chú Thích:

Hai câu đầu trong nguyên tác: "Ngã dục quy hưu sắt tiệm hi / Vũ Vu hà nhật trước xuân y" , lấy ý từ một câu chuyện giữa Khổng Tử và các môn đệ, chép trong Luận Ngữ. Khi đức Khổng Tử hỏi đến chí hướng của đám học trò, đến lượt, Tăng Điểm, ngưng đàn, chờ tiếng đàn ngân tắt hẳn, mới chắp tay cung kính thưa, là chỉ muốn ngày ngày, cùng trẻ con dăm bẩy đứa, khoác chiếc áo xuân, tắm mát sông Nghi xong lên đền Vũ Vu múa hát, rồi thảnh thơi ra về thôi. Nghe xong, Khổng Tử than: "Ngô dữ Điểm dã", ta cũng muốn được như Điểm vậy ̣

Hai Bài Thơ Dịch Trong Mây Tần Được Viết Lại

1/Về Thôi

Đàn ngân vừa dứt muốn về thôi,
Hong áo nắng xuân chỉ một thời  ̣
Tóc bạc gió sương ngày tháng lụn,
Da mồi già lão tuổi đời trôi  ̣
Văn chương nay biết vô dụng nhỉ,
Danh lợi sớm hay cạm bẫy rồi  ̣
Thiên cổ đa tình thiên cổ lụy,
Hoa đình cánh hạc phút chơi vơi ̣


2/ Về Thôi

Tiếng đàn Tăng Điểm gọi ai,
Áo xuân hong nắng trên đài Vũ Vu ̣
Tóc dài xõa trắng thiên thu,
Da mồi mắt lão mịt mù trăng sao ̣
Văn chương thôi đã tào lao,
Sớm vòng danh lợi lao đao tội tình ̣
Thương đời hạt lệ lung linh,
Cánh hạc hoa đình đâu đó còn chăng?


Phạm Khắc Trí

Quyên Ốm


( Khi nghe tin Ngọc Quyên bị ngã đau chân)

Quyên ốm, Sài Gòn đang mùa xuân,
Có một nàng thơ chắc đang sốt ruột,
Mùa xuân còn đó bài thơ chưa viết,
Những lời thơ tình chưa kịp thăng hoa.

Tôi đã theo Quyên tìm mộng trong mưa,
Tôi đã theo Quyên tìm hoa trong nắng,
Thổn thức theo Quyên buồn vui ước vọng,
Trong những bài thơ Quyên gởi bạn bè.

Quyên ốm, giờ này Quyên đã đỡ chưa?
Mùa hoa tết đang tàn phai trước ngõ,
Trong lòng người thơ mùa hoa bất tử,
Thơ của Quyên là hoa nở bốn mùa.

Quyên ốm, giờ này chắc đang nằm nhà,
Mà tâm hồn vào ra muôn nẻo khác,
Ở nơi kia Quyên mơ vầng trăng khuyết,
Ở nơi đây Quyên thấy biển sóng về.

Quyên ốm. Chúc Quyên mau khỏe mạnh nhe,
Nàng thơ lại yêu thơ thêm lần nữa,
Ngày mai Quyên thức dậy ra mở cửa,
Lại yêu đời như vừa mới yêu ai.

Thơ vẫn bên Quyên như người bạn đời,
Thơ vẫn đợi những khi ta đau ốm,
Mai này khỏe bài thơ Quyên viết nốt
Gởi vạn người tình tri kỷ tri âm.

Nguyễn Thị Thanh Dương

( Feb.02, 2020)

Thức Dậy Nhìn Đời


Thức Dậy Nhìn Đời

Sáng nay thức dậy nhìn đời
Thấy tôi và cả đất trời bao la
Đất trời đẹp đẹp thiết tha
Nhớ ai biển nọ nhớ hoa trên rừng

Nhớ em như đã chưa từng
Cành xuân xưa nụ thơm nồng buổi mai
Nhớ trăng khuya rụng hiên ngoài
Đời băng giá tuổi hai vai ngậm ngùi

Sáng nay thức dậy niềm vui
Thiên đường mấy cửa bồi hồi huyền vi
Mây hồng rồi cũng tan đi
Khói sương bốn mặt còn gì mai sau

Thương ai giữ chút tình sầu
Tháng năm rồi cũng nhạt màu phấn son
Sáng nay thức dậy tôi còn
Bình minh cùng với nỗi buồn bay cao.

Hoa Văn

***
Nhớ Cố Nhân


Tung chăng, mơ mắt nhìn trời
Bình minh rực rỡ bầu trời bao la
Một ngày mới đẹp như hoa
Như tình chớm nở giữa ta với nàng

Nay ta đất khách lang thang
Nàng còn quê Mẹ, riêng mang nỗi sầu
Trăm năm nước chảy dưới cầu
Kẻ đi người ở ai rầu hơn ai?

Rượu nồng chưa uống đã say
Cuộc tình dang dỡ, hỏi ai không buồn.
Ngày ngày đứng nhớ, ngồi thương
Bao năm cách mặt còn vương tơ lòng.

Sáng nay nhìn cảnh rạng đông
Nhớ người năm cũ nghe lòng bâng khuâng
Người xưai còn nhớ tôi không?
Riêng tôi nhớ mãi cố nhân trọn đời.

Hoa Đô, 2/3/2020.
Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Người Chạy Xe Ôm Bến Ninh Kiều


Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời hanh nóng và đứng gió. Giấc ngủ trưa dài sau bữa ăn trễ, khiến tôi tỉnh táo và phấn chấn hẳn lên. Hãy còn sớm, hai giờ nữa tôi mới có hẹn với bà xã và mấy đứa cháu ở nhà hàng Hoa Sứ. Thời gian đủ để tôi dạo chơi và ghé chợ Cần Thơ tìm mua một vài thứ đồ lưu niệm. Bà xã thì trưa nay đã theo mấy đứa cháu gái đi “làm đẹp”: làm tóc gội đầu, móng tay và cả massage. Nghe nói những loại dịch vụ này gần đây rất phổ biến và giá cả rất “mềm”, các bà tha hồ mà chăm sóc mặt mày, tóc da. 

Vài cơn gió nhẹ mang theo hơi nước từ dòng sông thổi dọc theo công viên thật dễ chịu. Bến Ninh Kiều ngày nay thật khang trang và đẹp. Đi dọc mé sông, từ đây tôi có thể nhìn thấy chiếc cầu treo Cần Thơ sừng sững, hiện đại. Phía trước khách sạn là nhà hàng nổi và không xa là chiếc du thuyền nhà hàng lộng lẫy về đêm. Du khách vừa ăn tối vừa dạo cảnh quanh sông và có cả chương trình văn nghệ thật đặc sắc của miền Tây sông nước. Bến nước Ninh Kiều còn có một đội ngũ đò máy cho khách du lịch thăm viếng chợ nổi Cái Răng, những khu sinh thái nhà vườn và các cù lao, cồn vùng lân cận… Trong tiếng động của nhịp sống chung quanh tôi thấy thật gần gũi, quen thuộc nhưng cũng có chút gì đó ngập ngừng, bỡ ngỡ. Trên đường ồn ào xe máy, dưới sông rộn ràng ghe đò tạo khu công viên bến Ninh Kiều mang hình ảnh đặc trưng của một thành phố đô thị miền Tây.

Loáng thoáng đã gần bốn mươi năm, tôi trở lại nơi này. Trưa ngày mùng bốn Tết năm 1978 là lần đầu tiên tôi ghé Tây đô. Mùi hương khói tỏa, màu vàng của những chậu cúc và mai vàng vẫn còn cùng khắp những con đường. Bến đò Ninh Kiều thưa thớt, trống vắng vào mấy ngày mùng. Không khí Tết tuy trầm mặc nhưng vẫn phảng phất đâu đó cuộc sống đời thường đang trỗi dậy chung quanh. Tìm đến bến đò đi về thị xã Vị Thanh, mà tôi chưa hề biết. Địa chỉ đến của tôi chỉ là một lời dặn dò. Đúng hơn là một lời hứa tưởng chừng như vu vơ, vậy mà tôi vẫn giữ. “Làm sao để gặp lại Nguyệt?”. “Anh cứ đến bến đò Vị Thanh, Chương Thiện hỏi bất cứ ai: nhà của cô N.H. Nguyệt. Là sẽ gặp lại em thôi”. “Anh hứa sẽ đến!”. Chỉ có vậy, võn vẹn có vậy cho chuyến đi năm đó của tôi.

Người con gái có đôi mắt to tròn biết nói, tên N.H. Nguyệt, tôi làm quen trên chuyến xe qua phà Mỹ Thuận. Rồi vài năm sau mới chợt nhớ và tôi đã trên chuyến đò vượt “Mười Bốn Ngàn” kinh xáng Xà-No để tới. Một đời người có bao nuối tiếc, để một lần tôi đánh vỡ chiếc bình thủy tinh thời gian không hàn gắn lại được. Để rồi đêm nằm quạnh quẽ trong nhà nghỉ bên dòng kinh xáng, tôi cuộn tròn lòng mình sâu thẵm trong đáy mắt ai một lần gặp mặt. Căn nhà có tên người con gái tôi quen đã trở thành cửa hàng thương nghiệp. Người chung quanh cho biết cả gia đình của N.H. Nguyệt đã ra đi hơn nửa năm qua. Gió đêm thổi từ dòng kinh xáng thì thầm lời cảm ơn em, cám ơn đầm sen hồ thủy tạ nằm giữa thị xã Vị Thanh cho tôi một đời thương tưởng không nguôi.
“Ông anh đi xe ôm hông?… Tui lấy giá thiệt hữu nghị…”
Tiếng mời hỏi quanh đây, kéo tôi trở về thực tại. Tôi quay lại, người đàn ông khắc khổ đội chiếc nón vải, cười nhe cả hàng răng cái mất cái còn. Tôi chưa kịp lắc đầu từ chối, người đàn ông nói vội:
“Cả ngày ế ẩm… ông anh đi một cuốc giúp tui nghen”.


Thật là khó đoán tuổi của người chạy xe ôm. Không trẻ hơn và cũng không quá già hơn tuổi tôi, dù trên khuôn mặt anh in hằn nhiều vết nắng gió bụi đường. Mấy món đồ lưu niệm để chập tối hoặc mai mua cũng còn kịp. Nhưng nhớ lời “căn dặn” nhiều lần của bà xã, “đi đâu phải bằng taxi, nhất định không được đi xe ôm. Rất nguy hiểm”. Nếu biết tôi liều mạng, không “nghe lời” chắc chắn là bà ấy sẽ giam lỏng tôi suốt chuyến đi còn lại. Nhìn ánh mắt, khuôn mặt người đàn ông chạy xe ôm, lòng tôi lại thương cảm. Thôi đành dối vợ lần này, nhưng bây giờ thì tôi chưa biết phải đi đâu? Tôi ngập ngừng, nói thật:
“Muốn đi giúp anh… Nhưng thiệt tình tui hổng biết đi đâu?”
“À… nhìn là biết ông anh là khách du lịch. Để tui chở ông anh đi vòng quanh Cần Thơ cho biết. Tui lấy rẻ 110 thôi”.

Mắc hay rẻ tôi nào biết, chỉ gật đầu cười. Thoáng ánh vui mừng trong mắt, anh đưa tôi chiếc mũ bảo hiểm. Cũng như anh, chiếc xe không mới cũng không cũ. Người và xe cứ như hai đôi bạn dạn dày mưa nắng của thời gian.
“Tui chở ông anh đi đại lộ Hòa Bình, qua tòa nhà ủy ban nhân dân tỉnh, công viên Lưu Hữu Phước. Lòng vòng đường Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu… rồi mình qua khu dân cư Hưng Phú, nam đô thị mới của thành phố Cần Thơ… cho biết”.
“Dạ… Anh cứ chạy tới chỗ nào đẹp, nổi tiếng của Cần Thơ là được… Anh chạy xe ôm lâu chưa dzậy? Vợ con, gia đình anh ở đâu?”. Tôi bắt chuyện, khi chiếc xe ôm rời khỏi bến Ninh Kiều.
“Chạy xe ôm cũng tầm 10 năm rồi ông anh. Nhà cửa tui ở bên kia Xóm Chài. Hai vợ chồng tui có ba đứa, hai gái một trai. Tụi nó lớn hết rồi…”


Rồi anh chuyển qua giới thiệu cảnh quang hai bên đường. Thành phố Cần Thơ như khoắc lên người chiếc áo mới, vừa lộng lẫy lại vừa vừa lem nhem đến lạ lùng. Những con đường chen chúc con người, xe cộ ngột ngạt mà hầu hết là thế hệ trẻ, dưới tuổi bốn mươi. Chạy lòng vòng một lúc, khi qua khỏi công viên Lưu Hữu Phước, hướng về ty bưu điện thì trời đang nắng bỗng lất phất mưa. Anh hỏi tôi có cần áo mưa không, sẽ dừng lại. Tôi nói không cần, nhưng cảm thấy chừng như anh run nhè nhẹ và sôi bụng. Anh đang đói hoặc ăn quá ít bữa trưa? Nói anh ghé vào quán ăn nào đó dọc đường, tôi làm như mình cũng đói và tìm chút gì lót dạ. Anh liền cho xe vào con đường nhỏ (hình như là Ngô Văn Sở) có nhiều hàng quán dọc bên đường. Tôi mời anh vào ăn chung cho vui, có bạn.

Một dĩa cơm thịt nướng bì trứng và chén canh cải ngọt cho anh, tô bún nước lèo cho tôi. Lúc này thì không còn e ngại nữa, anh ăn thật ngon lành. Tôi nhìn anh rõ hơn, ốm cao và ngoài hàm răng chiếc còn chiếc mất, khuôn mặt anh rắn rỏi đường nét. Tóc nhiều cứng dợn cao, đôi mắt sâu dù có mờ sương gió vẫn còn đó nét sáng rạng chập chùng. Tôi nghĩ, lúc còn trẻ chắc chắn anh rất sáng sủa, đẹp trai.
“Rồi vợ con anh làm gì? Mấy cháu có gia đình con cái gì chưa anh?”
“Vợ tui trước làm phụ nấu cho nhà hàng, lương cũng khá lắm. Có lần qua phà vấp té, bể xương hông chậu, nay bả đi đướng khó khăn nên nghỉ làm”!
Bên ngoài trời đổ cơn mưa lớn… Anh xuất thân con nhà nghèo ở Xóm Chài, năm lớp 10 phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Gặp chị, vừa đẹp vừa là con gái nhà buôn bán khá giả ở Phụng Hiệp. Hai người yêu nhau thắm thiết. Ba má chị ngăn cấm vì thấy anh nghèo, không tương lai. Nhưng chị quyết tâm một lòng yêu thương anh, về làm dâu Xóm Chài mặc cho gia đình quay lưng từ bỏ… Giọng anh kể ngập ngừng, khó nhọc.
“Tui làm mọi nghề, đụng đâu làm đó. Đến nay vẫn chưa lo cho bả được một lần ăn ngon mặc đẹp. Nói thiệt với ông anh, nhiều khi tui hổng dám về nhà nhìn mặt vợ con”.

Tôi thấy đôi mắt anh đượm buồn, sũng nước. Ly trà đá trong tay anh cũng run nhẹ. “Thấy tui làm quần quật, bả đòi đi làm nhưng cả nhà đều cản. Sợ có chuyện lần nữa, tiền đâu lo thuốc thang… Tháng trước bả nhận đan giỏ bện lục-bình tại nhà. Hổng bao nhiêu tiền nhưng cũng đở tù túng tay chân…”, mắt anh Nhân (tên anh) dù buồn nhưng tràn ngập yêu thương mỗi lần nhắc đến vợ. Không hiểu sao, tôi muốn được nắm tay và ôm anh với lòng ngưỡng mộ. Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy được ánh mắt, được tấm chân tình của tình yêu. Tình yêu thật đẹp và quý giá có thật, đang hiệu hữu trước mặt tôi, của người chạy xe ôm ở bến Ninh Kiều.
“Thằng con trai lớn làm thợ hồ chánh công trường, lương hướng rất khá. Mấy năm trước bị đá đè, gãy một chân mặt. May mà người ta thương, vẫn còn cho nó làm bảo vệ. Lương ít ỏi nhưng vẫn hơn thất nghiệp nằm nhà”.

Sợ anh chạnh lòng nhiều hơn, tôi hỏi lãng sang chuyện khác: “mỗi ngày chạy xe ôm anh kiếm được bao nhiêu?”. “Thời taxi đầy đường, trừ xăng dầu tiền bến kiếm được sáu, bảy chục là mừng. Nhằm bữa ế ẩm, chạy xe không còn lỗ cả tiền xăng…”, anh cho biết. Lúc trước anh còn ráng chạy thêm ban đêm, nhưng mấy tháng trở lại đây hổng dám nữa vì nạn cướp bóc hoành hành. Nhiều bạn chạy xe ôm ban đêm, mất tiền mất xe và đôi khi mất cả luôn mạng. Rồi anh tâm sự tiếp về hoàn cảnh gia đình mình:
“Đứa con gái kế làm công nhân ở Bình Dương, đủ ăn đủ mặc. Lâu lâu cũng gửi dzề vợ chồng tụi chút đỉnh. Còn con út tui thì lấy chồng xa… Được cái, mấy đứa nó thương vợ chồng tui lắm…”

Bên ngoài trời cũng bớt mưa, tôi hỏi anh thức ăn ở đây có ngon không? Anh cười, “cơm chỗ này là nhứt rồi”! Tôi gọi thêm 3 phần cơm để anh mang về. Anh ngại ngùng từ chối, rồi cũng nhận với lời lúng túng cám ơn.
“Chắc ông anh là Việt kiều phải hông?”
“Hông… tui là dân buôn bán trà ở Đà Lạt”, tôi đành phải nói dối anh cho qua chuyện. Điện thoại di động của tôi rung liên hồi trong túi. Chắc bà xã đang gọi, gần năm giờ rồi. Tôi nói anh Nhân chở tôi trở lại bến Ninh Kiều. Trên đường về anh trầm ngâm và ít nói hơn. Sau cơn mưa không khí những đường phố Cần Thơ trở nên dễ chịu và thơm mùi đất mới. Có lẽ cũng như tôi, anh đang cố sắp xếp lại câu chuyện anh và tôi gặp gỡ, để về kể lại cho vợ con nghe. Rồi chừng như tôi cũng ngồi im lặng phía sau không biết nói gì thêm. Chiếc xe ôm chạy rong ruổi trên những mặt đường, còn tôi và anh đang bên nhau chạy mênh mông trên những mặt đời nghiệt ngã.

Tôi nhắc anh để tôi xuống hơi xa khách sạn, phòng khi bà xã bất ngờ bắt gặp. “Ông anh cho bao nhiêu cũng được… Hổng cần trả cũng hổng sao…”, anh nói lí nhí khi tôi đưa lại chiếc mũ bảo hiểm. Tôi nhìn anh cười nhẹ, rồi móc túi quần gom hết món tiền bà xã đưa tôi dằn túi nhét trọn vào tay anh, “anh Nhân nhớ lấy tiền mua cho chị nhà vài bộ đồ mới cho đẹp nghen”! Anh nhìn tôi ngẩn người. Không để anh khó xữ, tôi định quay đi, thì nghe anh nói nhanh:
“Dạ, cảm ơn ông anh thiệt nhiều. Nhưng chắc hổng dám lấy tiền mua quần áo đẹp cho bả được đâu..!”. Giọng anh nghèn nghẹn, xót xa: “Đứa con gái út, tui nói nó lấy chồng xa… Thiệt ra nó đi lấy chồng Đài Loan, rồi chết vì tai nạn giao thông bên đó. Vợ chồng tui phải chắt mót dành dụm, để trả nợ số tiền mang hài cốt nó về nhà mấy tháng trước…”

Tôi khựng người, chợt nghe trái tim mình như đang bị ai bóp nghẹn. Không dám quay lại nhìn anh, tôi cố bước chân đi thẳng và thấy lòa nhòa công viên màu nắng tắt. Số phận đời người sao cứ như cơn gió thoảng vô tình…

Rồi anh sẽ qua chiếc phà về bên kia Xóm Chài, với cuộc đời mỏi mòn còn lại. Rồi tôi sẽ trở về bên kia xứ lạ, một đời đầy vơi kiếp sống tha hương. Anh có thể quên tôi, một người khách trên chuyến xe ôm giữa muôn vàn dòng người tất bật. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không thể quên anh, chuyến xe chở cả một trái tim sâu thẳm, một cuộc đời có thật của người đàn ông chạy xe ôm ở bến Ninh Kiều. Buổi chiều như một nốt nhạc trầm buồn, chảy vàng vọt trên dòng sông quê hương tôi muôn thuở…

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Tìm Vết Chân Xưa - Nhạc Sĩ Lam Phương - Ca Sĩ Lưu Hồng



Nhạc Sĩ: Lam Phương 
Ca Sĩ: Lưu Hồng
Thực Hiện: Đặng Hùng

Thơ Tranh: Happy Birthday Day Chị Minh Nguyệt

  

Thơ: Ngọc Hạnh
Phỏng Dịch & Trình Bày: Kim Oanh


Xin Thôi Làm Gỗ Đá



Nhếch môi nhẹ, em mỉm cười xinh quá!
Ôi mượt mà, em tôi đẹp thế a?
Nét hiền hòa, thương chi lạ Người Ta
Em luống cuống nhìn ra bao… trìu mến.

Em bẽn lẽn trong pháo rền Tết đến
Ta hỏi tên, môi méo xệch làm quen
Người lấn chen, ta cũng vội lời khen,
Thêm lời hẹn: - Lạ thành quen, năm mới?

Á Nghi
28-1-2013

Chiều Giao Mùa



(Tặng Kha Tiệm Ly)

A ghé thăm tôi
Một chiều đông lạnh
Con chim khách trên cành đang chuốt giọng
Như đón chào người khách đến chiều nay.

Khách mới đến
Nhưng từ lâu đã đến
Ngay bây giờ và cho cả ngày mai
Trông dáng anh với chiếc áo sờn vai
Của bao lớp bụi sương đời khổ lụy.

Đâu chén rượu men đời
Đâu mây ngàn gió ký
Đâu tình đời ấm lạnh
Đâu vui khổ đầy vơi!

Ta đi qua như một bữa cơm thôi
Mà vị ngọt chua cay lòng tự biết

Mà vị ngọt chua cay lòng chẳng thiết
Không nói ra, nhưng vẫn có muôn lời.

Tâm sự mùa xuân
Hơn ba mươi năm về trước
Khói lửa tưng bừng đốt cháy quê hương !
Những giọt lệ
Sầu đơn cắn vỡ
Lăn tròn xuống gầy mộng ước
Rồi hòa tan trong tim máu tình thương.

Ai đã đi qua đoạn đường gió bụi
Mà không đậu chút tình trong giao buổi
Để bây giờ
Khi hiểu được chuyện đời thêm
Để bây giờ khi lắng xuống trời đêm
Nghe trăn trở từng con tim nhân thế !

Vửa mới hôm nào mùa xuân bỏ ngõ
Bây giờ trước gió cánh mai đưa
Bên thềm sương người thơ còn đó,
Cùng ta đối ẩm chuyện sau xưa !

Chiều nay đương hội giao mùa
Cánh hoa phong nhụy nở đùa sắc hương.
Mai nầy đón gió ngàn phương
Cho lòng phơi phới trăm đường đầy xuân.
Cho con chim khách gọi mừng
Khách xưa lối cũ nghe chừng đâu đây.

Long xuyên, cuối đông 2013.
Mặc Phương Tử

Viễn Xứ Chiều Xuân - Xuân Hoài


Bài Xướng:

Viễn Xứ Chiều Xuân


Bao giờ trở lại vườn xưa
Để xem ngày nắng đêm mưa thế nào
Có còn xanh ngọn trúc đào
Đôi chim vang hót xôn xao chuyền cành
Ngọt ngào đâu đó hương chanh
Vương vương suối tóc riêng dành cho ai
Gió còn ngơ ngẩn hiên ngoài
Chiều xuân viễn xứ lòng hoài cố nhân


Kim Phượng
***
Bài Họa:

Xuân Hoài


Viễn xứ hồi tưởng ngày xưa
Quắt quay hôm nắng hôm mưa nảo nào
Phai tàn hương sắc mai đào
Xót xa lá hết lao xao run cành
Dẫu là cằn cỗi cội chanh
Vẫn còn thoang thoảng hương dành phần ai
Hiên tây bắc gió trốn ngoài
Ta sao gửi nỗi u hoài tình nhân?


dovaden2010 (DVD)
***
Đường Xưa

Bây giờ đi lại đường xưa
Sao không thấy được nắng mưa ngày nào ?
Thuở còn hương sắc hoa đào
Của mùa Xuân trước ong xao lá cành
Dù nay già cỗi ngọn chanh
Nhưng mùi hương ấy vẫn dành riêng ai
Hay tình còn ở xứ ngoài
Nhưng trong đã thắm dạ hoài tri âm..


Songquang
***
 Sài Gòn Lối Cũ Đường Xưa

Sài Gòn lối cũ đường xưa
Hàng me cổ thụ trú mưa Thu nào
Mưa làm phai phấn má đào
Gió se se lạnh, lao xao lay cành
Mưa làm ướt áo vàng chanh
Vòng tay mình ấm riêng dành thương ai
Tình trong như đã mặt ngoài
Còn e chút thẹn nhớ hoài... ái nhân!


Duy Anh

XuânTứ 春思 - Lý Bạch


XuânTứ là tựa của một bài thơ xuân trong phần thơ Nhạc Phủ của Thi Tiên Lý Bạch. Bài thơ diễn tả nỗi lòng nhớ nhung tha thiết của một nàng cô phụ đang mõi mắt chờ đợi bóng phu quân lãng tử lạc phách giang hồ nhớ ngày trở lại, và sự kiên trinh trong mõi mòn chờ đợi của người cô phụ trông chồng. Lời thơ mộc mạc chất phác, ý tình chân thật tự nhiên như một khúc dân ca.


春思               XuânTứ 

燕草如碧絲   Yên thảo như bích ty,
秦桑低綠枝   Tần tang đê lục chi.
當君懷歸日   Đương quân hoài quy nhật,
是妾斷腸時  Thị thiếp đoạn trường thì
春風不相識  Xuân phong bất tương thức,
何事入羅幃? Hà sự nhập la vi!?

李白                Lý Bạch.
***
Dịch Nghĩa:

Cỏ đất Yên đã xanh mơn mởn như tơ, dâu tầm ăn đất Tần cũng xanh om cả cành lá.( Mùa xuân đã đến rồi đó!). Cái ngày mà chàng nhớ đến để quay trở về quê cũ, cũng chính là lúc thiếp đã nhớ nhung chàng mà đứt từng đoạn ruột ra rồi!. Gió xuân kia chẳng hề quen biết, sao lại phe phẩy thổi vào màn thiếp mà chi vậy!? ( Bộ muốn trêu ngươi người cô phụ phòng không hay sao? Thiếp chặc lòng chặc dạ lắm chớ bộ!).
(Thư pháp của Đỗ Chiêu Đức)

Diễn Nôm:

Cỏ Yên như tơ xanh biếc
Dâu tằm mơn mởn cành xanh
Khi chàng nhớ ngày trở lại
Thiếp đà ruột đứt từng canh
Gió xuân chẳng hề quen biết
Cớ sao hây hẩy trong mành !?

Lục bát:

Cỏ Yên xanh biếc như tơ,
Dâu tằm mơn mởn lửng lờ cành xa
Ngày chàng mong trở lại nhà
Thiếp đà đứt ruột xót xa nhớ chàng
Gió xuân chẳng biết ngỡ ngàng
Sao còn mơn trớn vào màn thiếp chi ?!

Đỗ Chiêu Đức
***
Bài Dịch: Ý Xuân

Cỏ Yên xanh biếc mượt mà
Dâu Tần óng ả nõn nà vươn xa
Phải chăng chàng ngóng nhớ nhà
Phần thiếp đau thắt lòng da diết chờ
Gió xuân chẳng biết ơ hờ
Hà chi phe phẩy màn tơ khuê phòng?!

Kim Oanh
Xuân Canh Tý 2020
***
Xuân Cảm Động

Cỏ Yên biêng biếc tựa như tơ
Dáng đứng Tần dâu thấp hững hờ
Xót dạ chàng mong hoài giấc mộng
Đau lòng thiếp đợi mãi cơn mơ
Gió xuân mới lạ, đâu quen biết
Sao động phòng khuê phe phẩy chờ?

Mai Xuân Thanh

Ngày 28/01/2020

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Câu Đối Xuân Canh Tý - Phong Tâm


Câu Đối: Phong Tâm
Trình Bày Yên Dạ Thảo

Xuân Sang Chạnh Nghĩ Lúc Hoa Tàn



Xuân Sang Chạnh Nghĩ Lúc Hoa Tàn

Nghề đàn học đã mấy mươi năm
Mà chẳng vừa tai kẻ thưởng âm
Vận lỡ bên trời người luống tuổi
Năm cùng góc bể cá mù tăm
Bốn phương bão nổi sôi hùng khí
Vạn dặm Xuân về nức tráng tâm
Hang thẳm ngày nào hương nhẹ thoát
Ai tìm hoa rụng buổi tàn Xuân 


Ma Xuân Đạo
1991
***
Bài Cảm Tác:

Xuân Sang Chạnh Nghĩ Lúc Hoa Tàn


Xuân sang chạnh nghĩ lúc hoa tàn
Ong bướm dập dìu chẳng ghé sang
Lưu luyến mà chi nhìn vẻ ngọc
Đắm say sao lại dứt cung đàn
Cây đời gió lộng thêm tơi tả
Vận lỡ hồn hoa lắm ngỗn ngang
Chợt bóng xa xôi vừa thoáng hiện
Xuân sang chạnh nghĩ lúc hoa tàn 


Kim Phượng
2019

Về Lạị Mã Châu



(Tặng Hồ Xuân Triêm)

Duy Xuyên ngày nay không còn lụa
Làng Mã Châu không còn thấy trên bản đồ
Nhọc nhằn lắm mới đến được nơi mình muốn đến
Gặp lại nhau cũng chẳng nhận ra nhau
Nghe giọng nói quen quen
Mới biết người xưa tìm đến

Duy Xuyên chiều nay
Không "tơ vàng dâng nghẽn lối"
Chỉ tình thương phong kín Thánh đường
Dân Mã Châu ngày nay không dệt lụa
Và người xưa
Theo năm tháng
Cũng úa tàn

Khách tìm thăm râu tóc cũng bạc màu
Màu chinh chiến
Màu thời gian
Hao mòn thân xác

Mấy mươi năm rồi anh nhỉ?
Kể từ ngày anh rời Huyện ra đi
Thời gian trôi-Tưởng chừng trôi hết-
Cảm ơn đời -Ta được gặp nhau-

Duy Xuyên chiều nay
Không tơ vàng óng ánh
Chỉ tơ lòng vương vấn mà thôi
Thánh đường chiều nay đông vui quá
Cảm ơn đời -Hai đứa còn có nhau_

Hoàng Long

Vẫn Chuyện Con Thúy


Con đường đến nơi làm việc của tôi khá nhiêu khê và mất thì giờ. Nhưng tôi cố tập cho mình không ngán ngẩm, khi nghĩ đến đoạn đường gập ghềnh ấy. Mà chỉ đặt ra chương trình "sinh hoạt" để tận dụng thời gian lông bông, bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ nhà đến hãng và trở về. Tôi tự phong mình là vận động viên Triathlon, phối hợp ba môn thể thao: đi bộ ngoài đường, ngồi trong xe lửa, đứng trong xe buýt. Biết đâu đây sẽ là hình thức Triathlon được ưa chuộng của thế kỷ 21. Sáng sớm, khi đầu óc còn tỉnh táo, tôi rút bài tập nhạc, học nốt, học kỹ thuật, đánh đàn trong trí. Một lúc sau, thấy bên trái, bên phải, đàng trước, đàng sau, nhiều hành khách gật gà, gật gù, tôi cảm thấy hình như mình cũng đôi con mắt ố mấy lim dim... Thế là tôi cất bài tập, mở nhạc trong điện thoại, ráng nhíp mắt, ngủ "nướng" vài phút trước khi vào hãng. 

Một thứ sáu nọ, nhờ trục trặc nhỏ, một tình cờ đáng yêu, tôi đã thay đổi chương trình và có được những giây phút trở về dĩ vãng thật diệu kỳ. Khi cầm cây bút quẹt quẹt để mở nhạc trong điện thoại, tôi lại mở nhầm cửa Facebook. Vừa lúc đó, trong Facebook, hiện lên bài viết CON THÚY trong địa chỉ "nhà" của Thao Tran. Đọc điện thư, xem Facebook và liên lạc qua viber là những "công việc" tôi hoàn tất trong giờ nghỉ trưa. Lệ thường, mở nhầm cửa, chỉ cần đóng sầm lại, rồi tìm cửa khác mở. Nhưng Thao Tran là người anh họ của nhỏ bạn thân của tôi. Tựa đề CON THÚY nghe thiệt hấp dẫn. Thế là tôi mở rộng cánh cửa Facebook, bước hẳn vào "sân nhà" của Thao Tran. Tôi đọc say sưa, quên bẵng cái không gian chộn rộn của giờ đi làm theo nhịp sống công nghiệp chung quanh. 

Theo từng dòng chữ của anh Trần Thảo, ký ức của mấy chục năm trước bỗng nhiên thật sống động. Này là tờ báo Tuổi Hoa với hình bìa có cô bé mắt thật to, tay cầm cọng cỏ. Kia là tờ Tuổi Ngọc với các thiếu nữ mình hạc, xương mai. Đây là Anh Chi Yêu Dấu của Đinh Tiến Luyện. Đó là Cô Bé Treo Mùng của Hoàng Ngọc Tuấn. Nào là Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Côn, Chương Còm... Đọc đến đoạn... "Thúy học cùng lớp với người em họ của tôi, dưới tôi một lớp. Và người anh của Thúy cũng là bạn của tôi." Tôi nghĩ thầm, ủa, con Thúy nào mà có lý lịch giống mình quá vậy ta. Cách đây mấy năm, qua diễn đàn của trường Anh Văn IVS, tôi được đọc nhiều bài thơ rất đẹp của anh Trần Thảo, anh họ của Quỳnh Lâm, nhỏ bạn thân của tôi. Tôi vặn vẹo: 

- Ông anh mày làm thơ hay quá trời đất. Sao hồi giờ mày không kể cho tụi tao nghe hử? 
Bạn tôi cười lỏn lẻn: 
- Tại ổng sợ thơ lọt vô mắt tao, như đàn gảy tai trâu. Nên tao có biết đâu để khoe với mày. 

Anh Lam của tôi có đôi lần nhắn, có liên lạc với H, cho anh gởi lời thăm. Tôi đọc tiếp, "Thúy nói giọng Huế nghe ngộ ngộ, hay hay." Ô, vậy chắc CON THÚY là... con Thúy thiệt rồi. Tôi vẫn chăm chăm nhìn vào màn ảnh nhỏ của điện thoại. Một phần, như có sự lôi kéo mình đọc thật nhanh. Một phần, lại muốn tiện tặn, như muốn đánh vần từng chữ, đọc chầm chậm, kẻo... hết. Tôi đang trong cơn mơ màng nhớ lại những ngày tháng thế kỷ trước, thì bị kéo về thực tế trần trụi, khi có tiếng báo trên loa phóng thanh của xe lửa. Frankfurt- Hauptbahnhof - Endstation, Bitte alle aussteigen. Nhà ga chính của Frankfurt, trạm cuối. Yêu cầu mọi người rời tàu. Tôi ba chân, bốn cẳng nhập vào dòng người trên những thang cuốn để chạy sang cổng khác, đổi tuyến đường xe. Trên con đường còn lại đến hãng, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết CON THÚY. Tôi cảm thấy niềm vui nhẹ nhàng, đằm thắm. Vào văn phòng, tôi vẫn thấy lòng lâng lâng. Mặc kệ công việc bù đầu, bù cổ. Mặc kệ "mụ" đồng nghiệp cà chớn, ỷ ma cũ bắt nạt ma mới. Vào bếp pha cà phê, biết chỉ có một mình, tôi cao hứng hát nho nhỏ, Ô mê ly, mê ly đời ta. Được niềm vui bất ngờ vào thứ sáu. Quả là món quà đặc biệt cho cuối tuần. Giờ nghỉ trưa, tôi viết mấy dòng cám ơn anh Trần Thảo đã tặng cho món quà bất ngờ. Anh bảo, nghe cuộc sống "mới" của tôi vất vả quá. Nên thương cảm em gái, và viết theo xúc động của anh. Tôi thích CON THÚY, vì tôi là con Thúy. Nhưng suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng vậy. Nếu là húi cua thì có lúc là thằng Vũ. Nếu là kẹp tóc, thì có khi là con Thúy. Bởi vậy, tôi nghĩ, chắc nhiều người sẽ tìm thấy con Thúy của mình trong CON THÚYcủa Trần Thảo. 

CON THÚY thân ái cầm tay tôi, dắt tôi về Quảng Ngãi của những ngày tháng đầu thập niên 70. Tôi đang những năm đầu của trung học đệ nhất cấp. Cách bên trái nhà tôi một căn, có tiệm tạp hóa Trung Tín. Người con trai út trong gia đình, anh Hiền, là bạn với anh Lam tôi. Chỉ là một gia đình láng giềng, chẳng có gì đặc biệt. Cho đến một hôm, anh Lam tôi đưa cho tôi cái hai bảng tên vải, bảo tôi thêu tên cho anh và cho anh Hiền. Chuyện thêu thùa đối với tôi khó khăn tựa như chuyện lấp biển vá trời. Học bạ của tôi, môn nào cũng được chữ "giỏi", chữ "khá". Riêng môn nữ công, lãnh chữ "kém" gọn ơ. Tôi không biết là ông anh tôi ngỡ tôi có hoa tay, hay anh Hiền nhờ thêu. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy mình có một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Chăm chút mũi thêu đường thụt lùi mà lòng bâng khuâng, là lạ. Thêu xong, tôi đưa bảng tên cho anh Lam tôi, chứ chưa bao giờ nói chuyện với anh Hiền. Tôi không biết anh Hiền có dùng được bảng tên tôi thêu cho anh hay không. Sau đó, mỗi khi đi ngang nhà anh Hiền, tôi tự dưng có chút ngại ngùng, đôi khi vẩn vơ trong trí, không biết anh có "ngó" mình không. Thời gian ngắn sau, có các anh bạn khác lui tới với anh Lam tôi. Tôi không chú ý nữa. Tôi không còn quan tâm có "ánh mắt trông theo" hay chăng. Nhiệm vụ của tôi bây giờ là sưu tầm thơ tình, để dành sẵn. Mỗi khi anh tôi cần tặng cô nào, tôi cặm cụi chép theo đơn đặt hàng của anh tôi. Có khi tôi kiêm luôn dịch vụ chim xanh, đi trao thơ của ông anh cho các nàng thơ của chàng. Vả lại, chẳng biết tự lúc nào, những mơ mộng của tôi bắt đầu bay "xa", bay "cao". 


Ở nhà sách của gia đình tôi ngày xưa, những bản nhạc in rời kích thước DIN A4 là một trong những mặt hàng được ưa chuộng. Nhạc được xếp theo vần, treo trên các giây chăng ngang song song trần nhà. Bắt đầu là Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Cuối cùng là Yêu của nhạc sĩ Văn Phụng. Khách hàng ngước lên nhìn, thích bài hát nào thì cứ giật xuống, đem đến trả tiền. Bài hát Thà Như Giọt Mưa có hình bìa là ca sĩ Duy Quang. Nền hình bìa màu nâu nhạt, tựa đề bài hát màu đỏ, phía dưới có hàng chữ Thơ Nguyễn Tất Nhiên, phổ nhạc Phạm Duy. Tôi thích bài hát ghê lắm. Nhưng không dám xin Mạ. Vì tuổi tôi thuở đó, theo lẽ thường tình, phải yêu Tuổi Mộng Mơ, nghe Thái Hiền ca em ước mơ mơ gì tuổi mười hai, tuổi mười ba.... Tuy là con nít, tôi mê mẩn... người từ trăm năm về ngang trường Luật... Mặc dù giữa trường Luật và con bé vừa vào trung học là quãng đường xa ngút ngàn. Lòng thổn thức khi nghe... Ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu... Thỉnh thoảng, tôi phụ Mạ tôi xếp nhạc để chuẩn bị treo lên trưng bày. Đã nhiều lần, khi xếp đến bài hát Thà Như Giọt Mưa, tôi dừng tay lại, ngắm hình bìa bài hát lâu hơn... Lòng reo vui khi nghe "anh" Duy Quang ca Này cô em bắc kỳ nho nhỏ, này cô em tóc demi garcon. Rõ ràng bài hát không liên quan gì đến tôi, cô em "Huế kỳ", tóc bum bê... Nhưng tôi thương bài hát, từ hồi bé tí, hồi hãy còn lâu mới đến tuổi mười sáu, cho đến khi gần bước vào tuổi sáu mươi, vẫn còn thương. Tôi tìm những tờ giấy đẹp, đem bút máy nắn nót chép nhạc, Em xưa còn thắt bím, nuôi dưỡng thêm ngây thơ, Anh xưa còn lính quýnh giữa sân trường trao thư... Tôi đã thích chép thơ, chép nhạc từ khi còn rất nhỏ. Vì thích vậy thôi, chớ nào có phải là đúng tâm sự hay đồng cảm gì đâu. Một con bé hỉ mũi còn chưa sạch, thì làm sao hiểu được... hai năm tình lận đận, hai đứa già hơn xưa..

Con Thúy năm nay - Đức Quốc 02.2016

Buổi chiều cuối tuần, trời vẫn còn tươi nắng của ngày hè muộn. Nơi đây, ở Âu Châu, cách xa chốn cũ của thời thơ ấu hàng ngàn cây số, những ký ức của thế kỷ trước bỗng rộn ràng, tươi rói trong trí. Ngồi giữa cây cỏ trong vườn nhà, ngước nhìn trời xanh lơ qua kẽ lá của tàng cây táo, con Thúy ngày nay bâng khuâng, mơ màng. Có lẽ cũng như con Thúy ngày xưa, của hơn bốn chục năm trước, nó đang tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống. Cám ơn anh Trần Thảo, đã nhờ CON THÚY đem đến cho con Thúy những giây phút chạnh lòng như mới lớn. 

Một món quà tuyệt vời, anh Trần Thảo ơi.

Hoàng Quân
Tháng Chín 2016

Trích trong bài thơ Nên Sầu Khổ Dịu Dàng của Nguyễn Tất Nhiên
....
Lỡ giòng đời tóc điểm muối tiêu
Còn đôi phút chạnh lòng như mới lớn

Phụ Lục: Con Thúy - Trần Thảo


Năm đó, tôi khoảng mười hai tuổi. Vào tuổi ấy, những bạn cùng trang lứa của tôi vẫn còn đang thích đọc tạp chí Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di. Nhưng cá nhân tôi, hình như tình cảm lãng mạn phát triển khá sớm, tôi mon men tìm đọc tạp chí Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh. Chỉ nghe cái tên Tuổi Ngọc, ai cũng hiểu nó dành cho những cô cậu vừa lớn tuổi teen, bắt đầu bước vào một giai đoạn đẹp nhất của đời người: Những chàng trai, cô gái, một hôm nào bỗng thấy hồn mình rung động vì một bóng hình.

Vì tiếp xúc với Tuổi Ngọc, nên tôi có dịp đọc những tác phẩm của nhà văn Duyên Anh. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, CON THÚY là truyện tôi đọc đầu tiên. Chính tác phẩm này để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất.

CON THÚY thật ra cũng chưa phải là một truyện viết về tình yêu đôi lứa. Bởi những nhân vật chính trong đó cũng ở vào khoảng tuổi của tôi lúc bấy giờ. Nhưng qua cách phân tích tâm lý tuyệt vời của Duyên Anh, ông đã cho người đọc hiểu được những thay đổi tâm lý sinh động của mấy cô, mấy cậu choai choai.

Không gian của truyện CON THÚY là tỉnh Thái Bình. Thời gian là khoảng đầu thập niên 40, khi người Nhật đảo chính, thay thế người Pháp, nắm quyền cai trị Đông Dương. Con Thúy và thằng Vũ, hai nhân vật chính của truyện, đã cho tôi cái cảm giác rung động thật sự, khi thấy hình ảnh chính mình xuất hiện trong những mẫu đối thoại, những ánh mắt ngại ngùng, những nhớ mong không đâu vào đâu của nhân vật chính. Có phải tôi cũng đã ở trong một quá trình thay đổi tâm lý để rồi sẽ từ từ trưởng thành?

Dĩ nhiên là như thế, nhưng vào thời gian ấy, với lứa tuổi nhóc tì, làm sao tôi có thể hiểu được? Tôi chỉ thấy mình mỗi ngày mỗi lạ, vậy thôi.

Rồi tôi cũng lớn dần theo ngày tháng. Khi tôi đã thực sự bước vào tuổi teen với những mơ mộng của một chàng trai mới lớn, truyện CON THÚY vẫn không phai mờ trong tâm trí của tôi. Chỉ là tâm lý của tôi bây giờ đã khác, nghe giống như ai đó viết "Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa nhưng linh hồn tôi không còn là linh hồn tôi năm trước". Tôi không còn giống như thằng Vũ ngày xưa của tỉnh lỵ Thái Bình. Tâm lý của tôi vào thời gian này được Huy Cận diễn tả rất gọn trong mấy câu thơ:

Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.

Tôi đã yêu và được yêu. Chuyện có từ thời Ông Adam và Bà Eva, chả có gì đáng nói. Tôi chỉ muốn nói đến một góc cạnh khác của đời mình, có liên quan đến CON THÚY của nhà văn Duyên Anh, khiến mỗi lần nghĩ đến, tôi đều cảm thấy một niềm vui nho nhỏ, dễ thương.

Năm tôi học lớp mười, khoảng niên khóa 74-75, tôi quen một cô gái tên Thúy. Thúy học cùng lớp với người em họ của tôi, dưới tôi một lớp. Người anh của Thúy cũng là bạn của tôi. Có lẽ những liên hệ này khiến tôi quen Thúy. Chứ thật ra tôi và Thúy chẳng có liên hệ gì, gặp nhau cười, chào nhau thế thôi. Thúy rất xinh. Khuôn mặt rất thanh tú, với mái tóc chấm ngang vai, và đôi mắt có màu xanh của những người rất thông minh, pha chút lém lỉnh. Thúy nói giọng Huế nghe ngộ ngộ, hay hay. Trước 1975, tôi chưa bao giờ đặt chân ra xứ Thần Kinh. Nên có thể nói giọng nói của Thúy đã cho tôi cái ấn tượng đầu tiên về miền đất của Hoàng Thành, rất gần về địa lý đối với xứ Quảng quê tôi, nhưng rất xa xôi đối với cá nhân tôi thuở ấy.

Sau năm 1975, xảy bao nhiêu dâu biển của một cuộc đổi đời. Trong khoảng hơn một năm sau đó, tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp Thúy trên đường phố xứ Quảng. Nhưng rồi bẵng đi một dạo, tôi không còn gặp lại Thúy nữa. Tôi không biết mà cũng không hề thắc mắc. Bởi vì tôi đối với Thúy như một người anh đối với cô em gái. Tôi không mơ mộng tình cảm gì với cô bé rất xinh này, nên cũng chẳng rầu rĩ hát ca khúc Thúy đã đi rồi.

Sau này, khi tình cờ gặp lại trên email, tôi rất vui khi biết Thúy đã định cư rất lâu ở Tây Đức. Qua đó, tôi mới biết khoảng thời gian tôi không còn gặp Thúy ở xứ Quảng, vì Thúy xuôi nam, vào Sài Gòn để học tiếp ở trong đó. Khi được người thân bảo lãnh qua Tây Đức, Thúy phải học lại chương trình trung học ở xứ người, rồi hoàn thành chương trình Đại Học, ra đi làm. Điều đáng nói là tôi rất phục cô bạn nhỏ này, khi biết Thúy giữ vai trò khá quan trọng trong sở làm của mình. Đấy là do tôi nghe ai đó truyền tai, chứ Thúy chả bao giờ khoa trương với tôi. Thúy còn là cây viết mà tôi thực lòng ái mộ. Những đoản văn, những hồi ức của Thúy về những khoảng đời đầy kỷ niệm ở xứ Quảng trước 1975, của tuổi học trò nhiều mơ mộng, những khó khăn chồng chất của cuộc sống gia đình sau cuộc đổi đời, và gần nhất là những nỗ lực không ngừng để đi học, đi làm ở xứ người. Những vui buồn của cuộc sống, Thúy đã gom lại trọn vẹn trong tập truyện BÔNG HOA TRÊN PHÍM, khiến người đọc có cảm tưởng như mình được tác giả dẫn dắt đi vào từng ngõ ngách của cuộc đời, hạnh phúc, khổ đau đủ cả.

Thúy kể tôi nghe nỗi buồn vời vợi của mình khi Mẹ Thúy qua đời. Bây giờ, chỉ còn lại ông cụ thân sinh. Gần đây Thúy rất vui dù phải dời chỗ ở, đổi công việc, với lý do duy nhất là Thúy muốn được về ở gần ông cụ, săn sóc, chăm nom cho thân sinh của mình. Mỗi ngày Thúy phải mất gần bốn tiếng đồng hồ đi, về để đến chỗ làm. Về tới nhà ngoài việc lo cơm nước, còn phải dành thời gian đưa ông cụ đi dạo một chút, thế nên Thúy không có thời gian cho FB hay trang mạng gì cả. Tôi thật sự xúc động khi nghe nỗi lòng của Thúy. Đó cũng là lý do tôi muốn viết về Thúy hôm nay.

Có thể là một trùng hợp tình cờ chăng? Tôi không biết. Chỉ biết là khi tuổi đời tôi chưa thực sự bước vào giai đoạn rung động của tình yêu, tôi đã yêu thích CON THÚY của nhà văn Duyên Anh vô cùng. Tôi còn nhớ bức họa CON THÚY, hình bìa của tác phẩm của Duyên Anh, là cô bé gương mặt bầu bĩnh, với hai bím tóc dễ thương. Còn cô em gái tên Thúy của tôi thì tóc chả bao giờ thắt bím, gương mặt trái xoan xinh đẹp, chả bầu bĩnh gì cả. Thúy của nhà văn Duyên Anh khi sợ đã thốt lên "Eo ôi thấy mà ghê." Còn em gái tôi, ngầu lắm nghe, ánh mắt ấy cho thấy, dù có núi chặn trước mặt, thì cũng tìm đường quanh để mà đi. Anh chúc Thúy luôn an vui, Thúy nhé.

Trần Thảo
Tháng Chín 2016

Sau khi đọc Vẫn Chuyện Con Thúy, anh Trần Thảo thích chi tiết "ánh mắt trông theo", đã phóng bút làm thêm bài thơ sau:

Con Thúy năm xưa - Việt Nam 1980
Ánh Mắt Trông Theo

Em đi qua, anh hãy nhìn theo nhé
Để em vui, rộn rã với niềm riêng
Con phố quen, tiếng rao hàng buổi sáng
Chân ai ngập ngừng, trước cà phê Uyên.

Tuổi mười ba, chiếc áo dài mới mặc
Mẹ may cho, màu trắng rất tinh khôi
Phan Bội Châu, con đường em đi học
Qua mỗi ngày, vẫn lạ, nụ cười tươi.

Anh nhờ thêu, bảng tên trên túi áo
Em vụng về, nên đường chỉ không ngay
Anh mãi khen, chỉ làm em mắc cỡ 
Nhưng trong tim, lại thích những lời này.

Con Thúy xưa, giờ nơi miền đất lạ
Bận rộn từng ngày, cuộc sống đa đoan
Có nhiều khi, nhớ về khung trời nhỏ
Em bâng khuâng, tiếc một thuở vàng son.

Đến bao giờ, em được nhìn trở lại
Góc phố ngày nào, tên gọi Quang Trung
Có dáng ai chờ, nhìn người đi học
Ánh mắt trông theo, bao nỗi ngại ngùng.

Trần Thảo
Tháng Chín 2016

Hội Ngộ

Xướng:
Hội Ngộ


Năm năm gặp lại...ngỡ hôm qua
Cảnh cũ, người xưa vẵn thế mà!
Bác cả* bên " nàng" tươi tắn lắm
Quan ba ** cạnh vợ đẩy đà ra
Sông Thu sư tỷ hiền như cỏ
Công chúa Hoàng gia đẹp tựa hoa
Hảo hán Tiệm Ly cười bẽn lẽn
Dạo này sắc diện bảnh ghê ta!

Bảnh ghê ta ...chắc bớt la cà
Rượu đế ba miền hẳn lánh xa?
Thế sự dù đau lòng kẻ sĩ
Văn thơ vẫn đẹp cảnh quê nhà
Chén trà trao đổi càng thân thiết
Câu chuyện hàn huyên mãi đậm đà
Hội ngộ vài giờ ôi ngắn qúa
Trời xa ...kỷ niệm khó phai nhòa!


Thy Lệ Trang
*Văn Thanh
**Cao Bằng

***
Các Bài Xướng:
Tao Ngộ

Cách biệt phương trời cũng gắng qua
Đoàn viên tuổi hạc thích ghê mà!
Bao người tiếp đãi vui mừng quá!
Lắm bạn trình bày thấu hiểu ra
Anh vẫn pha trò bên cốc rượu
Cô bèn chụp ảnh trước giàn hoa
Hoàng hôn tắt lịm lòng vương vấn
Từ giã quay về nặng bước ta!

Nặng bước ta lê quá vậy cà!
Trên đường thăm thẳm ngút ngàn xa!
Nhớ lời chúc tụng tròn muôn nghĩa
Say tiếng cười vang rộn cả nhà
Gửi bút niềm xen lòng ngưỡng mộ
Gieo vần hương quyện gió la đà
Người dưng khác họ đầy thương cảm
Có lẽ nghìn năm chẳng nhạt nhòa!


Như Thu
02/02/2020
***
Tình Thi Hữu

Cách biệt năm năm, khoảnh khắc qua
Hoàng Gia thi hữu gặp nhau mà
Đệ huynh diện mạo xem tươi lại
Tỉ muội hình dong tựa trẻ ra
Câu chuyện hàn huyên quanh buổi tiệc
Bức hình lưu niệm dưới dàn hoa
Vui nào hơn được vui tao ngộ
Tay bắt mặt mừng hết sẩy ta

Thời gian ngắn ngủi quá đi cà
Phút chốc rồi thì cũng cách xa
Xót dạ người đi, rời đất tổ
Đau lòng kẻ ở, trú non nhà
Tiềng cười thân hữu đang còn đó
Chén rượu quỳnh tương cứ mãi đà
Vạn dặm trao nhau câu xướng họa
Tình thơ dịu vợi, dễ đâu nhòa…
Thanh Trương 
***
Họp Mặt Bạn Thơ Xưa

Xa nhau thoắt đã mấy năm qua
Gặp lại trông ai cũng vậy mà
Mắt vẫn long lanh vui chẳng đổi
Dáng càng nhanh nhẹn khỏe thêm ra
Chuyện trò thân mật trong phòng khách
Chụp ảnh vui vầy dưới tán hoa
Kỷ niệm ngày xưa cùng nhắc lại
Hoàng Gia yêu dấu mãi trong ta.

Nhắc lại, lòng sao nhớ vậy cà
Những người bạn cũ đã chia xa
Bóng hình vẫn khắc trong tâm khảm
Ký ức còn in dưới mái nhà
Tuyển tập năm nào luôn mãi quý
Thâm tình buổi ấy dễ đâu nhòa
Giã từ, ai nấy đều lưu luyến
Chẳng muốn ngưng câu chuyện sẵn đà....

Sông Thu
***
Hoàng Gia Hội Ngộ


Hội ngộ nhau đây...phút chốc qua
Hoàng gia gặp mặt thật vui mà...
Nhìn hình anh Cả còn tươi khỏe
Ngó ảnh Sông Thu lại trẻ ra
Kha Tiệm thư sinh như lãng tử
Lệ Trang đài các tựa nhành hoa
Thời gian xa cách nào đâu xoá
Hình bóng thân thương bạn của ta

Bạn của ta xưa...chẳng khịa cà!
Mà vui thích đón kẻ phương xa
Tình thâm lúc trước dù trăm hướng
Nghĩa nặng hôm nay vẫn một nhà
Kỷ niệm văn chương nào xoá nhạt
Thi thơ xướng họa có đâu nhoà
Chia tay hẹn đến ngày tao ngộ
Gặp gở càng thêm sức lấy đà...


songquang
20200203
***
Duyên Hội Ngộ

Dăm năm vừa đấy,vụt vèo qua,
Cách mặt-giờ vui gặp lại mà...
Ngẫm cảnh, tựa hồ tươi mới cả,
Trông ai ,như cũng trẻ thêm ra?
Ngợp tràn ánh mắt tươi lời ngọc,
Rực rỡ nụ cười thắm sắc hoa!
Ríu rít chuyện trò mừng hạnh ngộ,
Thâm ân tri diện thỏa lòng ta!

Như nhiên ngẫu hứng, sếnh ly.-cà...
Đằm thắm hàn huyên nghĩa thậm xa.
Mộng tưởng dặn lòng ơn Tổ Quán,
Tâm tư khắc dạ trọng Tình Nhà!
Tửu trà cung chúc thêm nồng hậu,
Thi phú giao lưu mãi đượm đà!
Ôn cố,...trường tồn duyên hội ngộ
Hồn nhân sâu nặng dễ chi nhòa?!

Xuân Canh Tý
Nguyễn Huy Khôi
***
Mừng hội ngộ
Thoáng chốc nhiều năm đã vụt qua
Về đây,bạn cũ vẫn nguyên mà
Vài người thiếu mặt không nêu tới
Mấy vị xa hình chả nói ra
Ấm áp Xuân sang ,mai nở nụ
Mừng vui Tết lại ,cúc khai hoa
Gặp nhau đại hỉ,duyên thiên lý
Chúc tụng hàn huyên,nhộn quá ta!

Nhộn quá ta -nên mải quậy cà!
Bù công họp bạn đến từ xa
Chân trời, góc bể chia muôn ngả
Phố cũ đường xưa tụ một nhà
Kể lể nỗi niềm thêm thặng trớn
Đổi trao thế sự lại tăng đà
Vài giờ hội ngộ,đầy nuối tiếc...
Kỷ niệm bên nhau, khó nhạt nhoà.

Thanh Hoà***
Hạnh Ngộ

Kính hoạ bài " Hội Ngộ " đoạn một
Thơ quen, hình lạ, đoán xem qua
Đào lý, chi lan, rực rỡ mà
TRƯƠNG lão chắc người tròn nhất ảnh
SÔNG THU phải bạn đẹp lời ra
LỆ THY TRANG phục vui mầu Tết
Nhị vị trung niên xanh tóc hoa
Bông giấy sắc hồng bao đại sảnh
Hẳn là ấm áp tình Thơ ta...

Hawthorne 3 - 2 - 2020

Cao Mỵ Nhân

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Hoa Xuân - Phạm Duy - Hà Thanh


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Hà Thanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Xuân Ước Vọng



Xuân lành nắng đẹp khởi tình thương
Vạn vật chung quanh sáng lạ thường
Vạt cỏ phơi sương mềm lóng lánh
Hoa vàng nở rộ những con đường

Cầu mong thế giới chuyển hiền hoà
Khổ não ưu phiền cố vượt qua
Niệm Phật từ bi chuyền lực sống
Bên bờ giác ngộ mở lòng tha

Xuân lành dịu vợi dậy từ tâm
Dẫu tiếng thời gian có lặng thầm
Hít thở từng giờ theo chánh niệm
Hăng say phụng sự bớt mê lầm

Cầu mong cuộc sống được bình an
Ý chí vươn lên lúc khổ nàn
Giản dị đơn sơ đời thiểu dục
Trà chum thưởng nguyệt cảnh thanh nhàn

Xuân lành Tết đến sắc màu tươi
Chúc vạn điều hay đến mọi người
Điểm hạt nhân từ hành việc thiện
Nhuần câu Phật pháp sẽ vui cười

Cầu mong phước đức sẽ tăng dần
Trí tuệ soi ngời chiếu bản thân
Bác ái khiêm cung giàu hạnh phúc
Mây trời rộng lớn chứa tâm Xuân 

Minh Thuý
Tháng 1/27/2020

Đón….



Đón em chim nhỏ thơ ngây
Hót trong rừng mộng hoa say hương tình
Suốt mùa khoác áo nguyên trinh
Suối nguồn tưới mát lung linh tuyệt vời

Đón em chim én trùng khơi
Thăm làng thôn cũ xanh tươi ruộng đồng
Hiên ngoài mai trổ vàng bông
Líu lo ca hát vang trong thanh bình

Đón em chim nhỏ bình minh
Hừng đông tia nắng soi mình Tiền Giang
Giao mùa lịch sử sang trang
Bốn phương trổi dậy vẻ vang tin mừng

Đón em chim liệng mùa Xuân
Mang hồn dân tộc trở trăn trao lời
Việt Nam Quê Mẹ ngàn đời
Xây lại tổ ấm nơi nơi thái hòa

Kim Oanh

Xuân Độc Hành


Và xuân đến một mình tôi góc phố
Ly cà phê khuấy giọt nhớ nhung người
Gió đưa dài óng ả cánh hoa tươi
Như lấp lánh nụ cười em bên cạnh

Như tà áo em bay về mỏng mảnh
Gói yêu thương trong những cánh hương mềm
Vòng tay ôm chếnh choáng cả đôi tim
Rung nhịp thở con đường xưa lối hẹn

Mùa xuân ấy nắng hồng thương thắp nến
Mỗi năm qua mừng sinh nhật năm vàng
Cành xuân treo tiếng chim hót hân hoan
Cây nhón gót nghiêng mình trông đón đợi

Nhộn nhịp người qua phố vui mở hội
Tiếng cười em xao xuyến cả bầu trời
Cửa thiên đàng khép mở cánh hoa môi
Nụ hôn cháy bừng lên ơn cứu rỗi

Rồi địa ngục về theo ngày lầm lỗi
Người xa tôi. xuân dột tiếng tơ trầm
Những cành hoa nghiêng ngả cánh ăn năn
Em rừng thẳm giam tôi vào lũng nhớ

Và xuân đến chờ tay người gõ cửa
Tôi thắp lên ngọn lửa nhớ thương chờ
Mái tóc người xõa hoang tưởng cơn mơ
Hương ngan ngát chiếu chăn trời xô lệch

Trầm Vân

Xuân Thiên Hà - Vị Chúa Mơ



Xuân Thiên Hà

Chuông khuya vang vọng bến sông xưa
Văng vẳng từ xa tiếng trúc tơ
Ánh sáng chan hòa cung nguyệt lạnh
Êm đềm triền sóng vỗ lời thơ
Tầng mây bát ngát muôn tinh tú
Nhã nhạc thênh thang khắp vực bờ
Chắp cánh hạc cầm reo thánh thót
Đón xuân về với cõi trời mơ

Yên Nhiên
***
Vị Chúa Mơ

Em có quyền năng vị Chúa Mơ
Cho anh khao khát lại mong chờ
Hằng đêm chợt tỉnh nghe cơn bão
Bỗng đến tung hoành gọi gió mưa
Sét nổ điện giăng rung tiềm thức
Im lìm ẩn nhẫn dưới trang thơ
Mình em phục sẵn cơn hồng thủy
Nhận ngập hồn anh dưới cõi bờ

Locphuc

Xuân Thảo 春草 - Trương Húc



Nguyên tác            Dịch âm

春草                      Xuân Thảo


春草青青萬里餘 Xuân thảo thanh thanh vạn lý dư,
邊城落日見離居 Biên thành lạc nhật kiến ly cư.
情知海上三年別 Tình tri hải thượng tam niên biệt,
不寄雲間一紙書 Bất ký vân gian nhất chỉ thư.
 
 張旭                   Trương Húc
***
Dịch thơ
Cỏ xuân


Bãi cỏ xuân xanh vạn dặm dư,
Bên thành ác lặn lạ dân cư.
Tính ra trên biển ba năm biệt
Chẳng gởi theo mây một lá thư.


Con Cò
* Góp Ý:
Một bài thơ thể phú siêu việt (bài dịch gĩư nguyên vẹn tất cả những chi tiết của nguyên bản). Chèo thuyền trên mặt biển, nhìn thảm cỏ xanh trải dài vạn dặm. Lúc chiều xuống, nhìn những người lạ sinh hoạt bên thành (mà mình đang sống), chợt thấy ăn năn đã vô tình không gởi về nhà một lá thư nào trong suốt 3 năm. Trương Húc không nói người này làm nghề gì hay chỉ là lãng tử. Ông cũng không nói viết thư cho ai, cứ để cho người đọc suy đoán (Kẻ đã trưởng thành mà xa nhà thì thường viết thư cho vợ con, ít khi viết cho cha mẹ. Nay đã 3 năm mà chưa viết lá thư nào thì có lễ hắn đang hối hận không viết thư cho cha mẹ). 
Đọc xong bài thơ mà còn cảm nhận một chút suy tư mơ hồ, một nỗi buồn man mác, một mối ăn năn dìu dịu, một niềm thương nhè nhẹ cho tha nhân. Nếu bản thân bạn cũng đang xa nhà thì ắt sẽ tìm ngay giấy bút để viết thư về nhà. 

Đó là cái ưu điểm độc nhất trên thế giới của loại thơ thất ngôn tứ tuyệt (cô đọng, súc tích, gợi cảm, cung ứng dư hưởng cho người đọc giống như uống xong ngụm trà còn cảm thấy thơm, ngọt trong cổ họng một hồi lâu. Thể thơ này nói lên cái khác biệt căn bản giữa văn và thơ). Người yêu thơ sẽ không bao giờ, vì những bài thơ kể lể rườm rà, mà quên thất ngôn tứ tuyệt. Những nước có ngôn ngữ đa âm tuyệt đối không thể tạo được một thể thơ tương đương với thể thơ này.
***
Các Bài Dịch Khác:

Cỏ Xuân

Xuân thảo xanh xanh vạn dặm thừa 
Bên thành quạ lặn lạ người thưa?
Nhẩm ra ở biển ba năm ch

Thư gửi theo mây có viết chưa 

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Xanh ngắt cỏ xuân vạn dặm dư,
Bên thành chiều xuống thấy ly cư,
Tính ra trên biển ba năm chn,
Chẳng gửi mây trời một lá thư.

Bát Sách. 

***
Xanh biếc cỏ xuân vạn dặm thừa
Bên thành nắng rớt xóm di cư
Ba năm đi biển xa biền biệt
Chẳng gửi ngọn mây một lá thư.


Hoàng Xuân Thảo
***
 Xuân Thảo


Cỏ xuân xanh biếc dặm xa mờ
Thành ngoại chiều buông xóm tạm cư
Trên biển ba năm tình cách biệt
Theo mây chưa gởi một lần thơ


Lộc Bắc
***
Cỏ Xuân

Xanh biếc cỏ xuân vạn dặm dư
Bên thành chiều phủ xóm di cư
Ngẫm ra trên biển ba năm biệt 
Chẳng gửi nhờ mây một cánh thư

Kim Oanh
***
Cỏ Xuân

Xanh biếc cỏ xuân mọc khắp nơi.
Trên thành ly loạn nắng chiều rơi.
Lênh đênh trời biển ba năm lẻ.
Chẳng gởi về nhà một lá thơ.

Phí Minh Tâm

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Thương Tiếc Nhà Văn Hồ Trường An


Thơ: Nguyên Trần
Trình Bày: Kim Oanh

Mãi Mãi Đang Là



Tầu đi tầu đứng tầu chờ
Tâm vô trú xứ ngoài bờ thúc câu
Vui? ! Chi kể mau, lâu
Ta vui vũ trụ tỏa mầu sáng tươi
Mười phương hòa quyện tiếng cười
Ha..ha..giác tỉnh ta, người không hai
Tử,sinh gác bỏ ngoài tai
Vô chung vô thủy như lai *giữa đời

Hà Nguyên Lãng
*như lai: mãi mãi đang là

Xuân Về Lối Cũ - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc Nguyễn Văn Thơ



Thơ: Yên Dạ Thảo 
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ 
Tiếng hát: Lệ Tuyền 
Thực hiện: Yên Dạ Thảo

Mùa Nắng Tháng Hai



Xuân rộn ràng nắng hanh vàng mở lối
Bỏ lại sau lưng cằn cỗi mùa Đông
Nắng ươm tơ dệt lần mùa Hạ tới
Tình khúc mùa Xuân thơ thới trong lòng.

Bầy én nhỏ chập chờn trên luống cỏ
Mùa Đông đi qua cành lá trơ gầy
Con chim vịt kêu chiều bên xóm nhỏ
Người mừng vui đón giọt nắng trong ngần.

Mộng và thực thấy tâm hồn xao xuyến
Cảnh cũ còn đây chạnh nhớ người xưa
Dưới ve kêu - trên trời chim lá rụng
Từng bầy đàn trốn lạnh - trốn mùa mưa !

Tháng 2 về ! Em có về không em ?
Cảnh quạnh hiu chờ em suốt mỗi chiều
Nơi em ở chắc Đông còn tuyết phủ
Xuân vắng em Xuân cũng rủ sắc màu !

Nắng tháng 2! Những con nắng dịu mềm
Đưa tôi về miền nguyên sơ khờ khạo
Làm bùi ngùi thuở ban đầu rướm máu
Thương dáng em gầy một dạo tin yêu.

Dương hồng Thủy
Mùng 8 Tết - 01/02/2020