Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Cho Em Hỏi- Sáng Tác Diệu Hương - Tiếng Hát Diễm Liên


Sáng Tác: Diệu Hương 
Tiếng Hát: Diễm Liên
Thực Hiện: Đặng Hùng

Tình Thu



Gót nai xào xạc khói sương mù
Hiu hắt rừng phong báo chớm thu
Chiều muộn lên đèn cơm tẻ lạnh
Nửa khuya thức giấc gió vi vu
Chăn đơn thiếu vắng làn hơi ấm
Gối chiếc tìm đâu giấc mộng du
Chợt thấy thương em khôn xiết tả
Hỡi người cô phụ dưới trăng lu.

Hồ Công Tâm 
(2006)


Giọt Mưa Lãng Quên


(Tình Khúc mưa số 58)

Giọt mưa rớt rơi
trong tim bồi hồi
Mùa thu lá bay
thương hoài hình bóng
Ngày xanh đã trôi
thời gian đã phai
Bóng tối đọa đày
giấc mơ tình ái .

Chìm trong bóng đêm
cơn mưa muộn phiền
Nụ tình đã khô
xanh xao ngày tháng
Từ anh bước đi
mang theo xuân thì
Hợp tan phút giây
mất nhau từ đây .

Thu .. mùa thu Sài Gòn
Là dòng nước mắt đợi chờ
Người đi cho phố chơ vơ
Đèn đêm chiếc bóng phai mờ..

Thu ... mùa mưa Sài Gòn
Hạt thương chia nhánh bay xa
Hạt len nỗi nhớ nhạt nhoà
Nửa đời mơ bóng ngày qua .

Hạt mưa tím rơi
Vào tim ướt môi
Người xa quá xa
Quên thuở mặn mà .

Sầu tan có khi
Tình yêu bóng mây
Thôi đành thôi thì
Vùi trong lãng quên ... tình ơi !


Ngọc Quyên

Chân Dung Những Thần Tượng Một Thời Vang Bóng - Họa Sĩ Mùi Quý Bồng



Họa Sĩ Mùi Quý Bồng 

Cổ Biệt Ly 古別離 - Mạnh Giao (751~814)



Nguyên tác     Dịch âm

古別離         Cổ Biệt Ly

欲別牽郎衣 Dục biệt khiên lang y,
郎今到何處 Lang kim đáo hà xứ.
不恨歸來遲 Bất hận quy lai trì,
莫向臨邛去 Mạc hướng Lâm Cung khứ. 

                     Mạnh Giao (751~814) 
***

Chú giải: 

Lâm Cung: Tư Mã Tương Như gảy đàn cho Trác Văn Quân nghe ở đất Lâm Cung (Một số sách chép là Lâm Ngang). Trác Văn Quân mê tiếng đàn, liền bỏ nhà trốn theo Tư Mã Tương Như. Lâm Cung tượng trưng cho mối tình chung thủy.

Dịch nghĩa:

Biệt ly xưa

Sắp chia tay, níu áo chàng,
(Hỏi) chàng bây giờ đi đến tận đâu?
Em cũng không giận nếu chàng về muộn.
(Chỉ xin chàng) đừng đi đến đất Lâm Cung (đừng tâm tình với ai).

Dịch thơ

Biệt Ly Xưa

Chia tay níu áo chàng:
"Dù chàng đi góc bể,
Dẫu chàng về muộn màng,
Hướng Lâm Cung đừng ghé!"

Con Cò

Lời bàn:

Phút chia tay, nàng níu áo chàng dặn một câu: "Dù chàng xa em ngàn dặm, dù chàng vắng em lâu dài, em cũng gắng chịu. Em chỉ xin chàng đừng đi về phía Lâm Cung". Nàng muốn nói: " Chàng ơi! Tình em sáng như trăng rằm, bền như vàng đá. Tình chàng thì sao? … Em không đòi hỏi chàng phải chung tình…, Thà chàng giải buồn ở chốn lầu xanh chứ đừng dan díu với kẻ ý hợp tâm đầu nào nhé! ”. Nói cách khác: “ Em biết chàng không yêu em bằng em yêu chàng, nên em vui lòng cho chàng giao hoan với gái bán dâm (trả tiền sòng phẳng) chứ không cam tâm thấy chàng dan díu với gái nhà lành (tình cảm dây dưa). Em thì vẫn giữ toàn vẹn tâm hồn và thể xác cho chàng hưởng thụ”. 
Thiếu phụ trong bài này quảng đại vô cùng: thà để chàng chia sẻ với gái giang hồ chứ không cam lòng thấy chàng chia sẻ con tim với gái nhà lành! 
***

Sắp chia tay, níu áo chàng,
Dẫu rằng chàng có lang thang xứ nào,
Dù về chậm, chẳng hận đâu,
Chớ cho thiếp phải ôm sầu cô đơn.

Bát Sách
***
Chia tay khẽ níu áo chàng
Hỏi răng lại tính lang thang chốn nào?
Dẫu về trễ muộn không sao
Lâm Cung xin chớ ghé vào nghe anh!

Đỗ Tước
***
Biệt Ly

Chia tay níu áo chàng
Chiều tối đến nơi chăng
Chớ ngại về chậm trễ
Chỉ cần chàng hiên ngang.

Phí Minh Tâm
***
Lâm Cung Cấm Đi Ngang

Tiễn chân níu áo chàng 
Dầu viếng thăm "BỒ VÀNG" 
Dù có về nhà muộn 
Lâm Cung cấm ghé ngang

Lạc Thủy Đỗ Quý Bái 
***
Cổ Biệt Ly

Sắp đi kéo áo chàng:
Anh viếng đâu cũng được
Về muộn em không màng
Lâm Cung đừng ghé bước!

Lộc Bắc
***
Biệt Ly Xưa

Biệt ly vội níu áo chàng
Hỏi người giờ sẽ bạt ngàn nơi nao?
Về muộn thiếp chẳng hờn đâu
Lâm Cung chớ ghé khiến đau lòng này.

Kim Oanh

Bố Muốn Dẫn Con Về - Longing to Take You Home, My Child


(Riêng gửi người con út )

Bố muốn dẫn con về, về lại căn nhà xưa, ở Cần Thơ, trong con hẻm nhỏ, để con nhớ lại quãng ngày thơ dại, từ khóc chào đời, đến khi tập đứng tập đi, học ăn học nói, chơi đùa cùng với các anh các chị trong nhà và các bạn ở trong chòm xóm thân thương, có ông Phán, bà Tư, chú Năm, cô Tám... cho đến ngày bố con mình bỏ xứ ra đi.

Bố muốn dẫn con về, thăm lại ngôi trường vỡ lòng học chữ của con, mà ông bà Giám Đốc còn là 2 người bạn già kính mến của bố, và cô giáo lớp mẫu giáo dạy con cũng còn là người học trò lớp luyện thi Tú Tài Toán của bố, để nhớ lại một khoảnh khắc kỳ diệu của một đời người, gửi con vào lớp rồi, trên đường về nhà, sao nước mắt bố bỗng dưng.

Bố muốn dẫn con về, theo bố lại thăm một ngôi trường cổ đã khoảng 100 năm tuổi, nơi bố đã tự nguyện trải đời mình làm viên gạch lót đường cho lớp trẻ bước lên, cho một ngày mai tốt đẹp hơn thế hệ cha anh, để con hiểu được phần nào thời gian sau này ở nơi xứ người, bất chợt thấy bố đôi lúc thẫn thờ... tưởng nhớ ngày xưa, ôi những ngày xưa yêu dấu đến tội tình của bố .

Bố muốn dẫn con về, thăm lại bến xe đò đầu tỉnh, nơi 2 bố con mình, một chiều cuối năm lóng ngóng đón Nội cho đến chuyến xe cuối cùng, mãi đến mấy ngày sau mới hay Nội đã ngã bệnh bất ngờ không đi được và đã mất vào mấy năm sau, để bố con mình từ năm đó, đã không còn dịp nào nữa, chúc tuổi mừng Nội, mỗi dịp Tết đầu năm.

Bố muốn dẫn con về, qua thăm bên Ngoại, một tỉnh nhỏ hiền hòa bên dòng sông thơ mộng, quanh năm vang tiếng ầu ơ, nơi bố tưởng là đã tìm được chốn ẩn thân cho qua thời loạn, để cho con nhớ lại quãng ngày vui sống với Ngoại, với Cậu, với Dì, và để mong cho con nhớ được mãi đừng quên, một phần đời mình đã được nuôi sống bằng sông nước Cửu Long, cơm gạo Tháp Mười, và vú sữa Sa Giang. 

Phụ Chú: Giữa thập niên 1980, 1 lần dọn nhà, trong lúc thu xếp sách vở, tình cờ đọc được một bài viết của người con út thời trung học, viết về ngày dời xứ, lúc cháu mới vừa được 6 tuổi, trích đoạn cuối: 

"I did not look back. I never wept. I never mourned. I knew we were going to America, but it never occurred to me that we were also leaving Vietnam. At the time of my departure, I did not know what I had to lose in order to gain. I did not realize that the people,language and culture that I had known so well and had taken for granted would in time become foreign to me. I was too young to understand. Not only did my parents make their own personal sacrifices, but they were also forced to deny me a large part of my heritage for the sake of a better future. I may be able to visit my native country someday, but I can never truly return to the place where I tasted my first experience of life and joy. The Vietnam that I once knew now exists only in fragile childhood recollections!

Trong xúc động thương con, thương mình, bài "Bố Muốn Dẫn Con Về " đã được viết liền một mạch sau đó. Hôm nay, nhàn lão, nhớ con, nhớ cháu, nhớ thân quen, ngồi chép và sửa lại cho chỉnh gửi đi để đọc cho vui thôi. Nhưng khi xong, lại cười mình, tuổi già đi lại đã cảm thấy bắt đầu khó khăn rồi, đâu còn được như xưa nữa. "Bố Muốn Dẫn Con Về " thật ra nên đổi là "Bố Muốn Được Con Dẫn Về " mới phải. Cũng đã bao nhiêu nước chảy qua cầu. "Sông xưa rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai / Vẳng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò " ̣(Thơ Tú Xương). Người xưa cảnh cũ chắc đâu còn nữa mà vẫn muốn đòi con dẫn về. 

Phạm Khắc Trí - Mây Tần


Longing to Take You Home, My Child
For my youngest child,

I long to take you back to our old home in a narrow alley, in Can Tho, so you can recall your childhood. From the time you had your first newborn’s cry to your first steps, from the time of your first bite and to first words, through the time when you first played with your siblings and other children in our loving neighborhood, ông Phán, bà Tư, chú Năm, cô Tám, to the time we left our homeland with a heavy heart.

I long to take you back to your old preschool, where the headmaster and headmistress were my dear and respectable old friends, and your kindergarten teacher who was a student I tutored for high school examination, so we can recall one of life’s miraculous moments: on the way home after leaving you in class for the first time, a sudden tear in my eyes.

I long to take you back to a hundred-year-old school where I committed to be a stepping stone for the next generation, for a brighter tomorrow than the past generations, so you can sympathize with moments here when I was lost in nostalgia of my dear sadden past. (Où sont les neiges d'antan?)

I long to take you back to the provincial bus station where both of us, one last day of the year end, eagerly waited for your paternal grandfather until the very last bus coming back, only to learn - days later - that he fell sick and could not make the trip, and then eventually passed away a few years later, and from that moment we never had the chance to greet him and wish him well on Tết, the first day of the new year celebration.

I long to take you back to your maternal grandfather’s town, a small cozy town nesting by a gentle river, year-round sound of lullabies. It was where I thought I found a refuge from the time of turmoil, so you can find yourself back in those happy time among your loving grandfather, your uncles, your aunts, and you will never forget the part of your life embraced in Mekong River’s water, nurtured with Tháp Mười rice, and filled with star apples (vú sữa) from Sa Giang.

Addendum: During one of the moves in the mid-1980s, as I went through old papers, I happened to stumble upon an essay which my son had written in high school about the day we left Vietnam when he was a 6-year-old. He ended his essay with this thought:

"I did not look back. I never wept. I never mourned. I knew we were going to America, but it never occurred to me that we were also leaving Vietnam. At the time of my departure, I did not know what I had to lose in order to gain. I did not realize that the people, language and culture that I had known so well and had taken for granted would in time become foreign to me. I was too young to understand. Not only did my parents make their own personal sacrifices, but they were also forced to deny me a large part of my heritage for the sake of a better future. I may be able to visit my native country someday, but I can never truly return to the place where I tasted my first experience of life and joy. The Vietnam that I once knew now exists only in fragile childhood recollections!

In an emotional moment, loving my son, and thinking of myself, I wrote this letter quickly. Today as I had more time, missing my children, missing my grandchildren, my loved ones, I re-read it and made a few changes. When I finished, I found myself a bit ironic, instead of “Longing to Take You Home” it should have been “Desire for You to Take Me Home”.Time changes and too much water has been flowing under the bridge. Sông xưa rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai /Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Thơ Tú Xương) ̣The old river, sedimented into land / Here a few houses, there a corn field / In the distance, the frogs sound like / Someone has just called for a boat ride

Time has passed - Places and people have changed - The desire for you to take me home - There is no longer a home for us to return.

Phạm Khắc Trí
Mây Tần

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Bây Giờ Trời Sắp Vào Thu - Bộ Ảnh Của Họa Sĩ Nguyễn Sơn














Họa Sĩ Nguyễn Sơn


Mùa Thu Đến


    (Ảnh: Kim Phượng)

Mùa thu đến!
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Len vào hồn băng giá kết mù sương
Mưa nhớ ai từng giọt lệ trời tuôn
Tâm tư khép gió luồn cơn mưa lạnh
Mới hôm nào vòng tay quanh dĩ vãng
Đi dưới mưa tràn ngập những vấn vương
Vị tình yêu say khước những con đường
Quên đau xót buồn thương hoa phượng rũ

Trời vào Thu!
Dáng cô phụ vùi sâu trong mưa lạnh
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ

Mùa Thu hỡi!
Úc Châu mùa này cơn mưa kỳ lạ
Nắng chợt lên mưa đến những bất ngờ
Như lòng người so quá đổi thờ ơ
Thu ỡm ờ chưa định kỳ thay sắc
Nếu có rơi xin thôi đừng vội vã
Cứ trên cành mơ ước một nhỏ nhoi
Và gọi người bằng tiếng nói cỏ cây


Bằng lời cuối…

Kim Phượng

Mong Đợi



Bởi yêu em qua nét buồn dịu vợi
Khóe mắt u hoài rung động tim anh
Nên những đêm gió khẻ động lay mành
Lòng hoan hỉ ngỡ em đang tìm đến.

Ngày bên nhau cứ dường như ngắn ngủi
Thời gian trôi vun vút chẳng chìu ta
Ngoài song kia ánh nắng vụt xế tà
Đầy tiếc nuối tiễn đưa trong lưu luyến.

Em rực rỡ với sắc màu tươi tắn
Tà áo dài đỏ thắm dáng xinh xinh
Anh cảm như quấn quít ở quanh mình
Vầng hạnh phúc ngập giáo đường yên tĩnh

Dưới chân chúa cùng sánh vai khấn nguyện
Chấp tay cầu mơ thánh lễ se đôi
Lòng nan nao trong cảm giác bồi hồi
Anh vẫn biết tình em luôn chân thật.

Quên Đi

Chỉ Vài Chiếc Lá Vàng Bay - Xin Hãy Vì Thu…



Bài Xướng:

Chỉ Vài Chiếc Lá Vàng Bay

Chỉ vài chiếc lá vàng rơi
Mà gieo bao nỗi bồi hồi nhớ thương
Nhớ xưa lá rụng tóc vương
Thu về mở cửa thiên đường tình yêu
Con đường ríu rít chim reo
Em bên tôi biết bao chiều đón đưa
Nhớ khi tóc ướt cơn mưa
Khăn tay lau mãi chưa mờ dấu son
Chỉ vài lá rụng đường mòn
Mà gieo bao nỗi bồn chồn chờ mong
Vầng trăng neo lại bến sông
Chờ con đò hẹn những vòng tay ôm
Bờ môi chờ những nụ hôn
Đôi khi chờ những dỗi hờn lệ duyên
Má hồng phụng phịu hồng thêm
Cho nụ hôn mãi đáp đền tình say
Chỉ vài chiếc lá vàng bay
Mà xao xuyến cả lòng đầy thu xưa
Nhớ thương lợp nắng che dù
Nghe từng hơi thở mùa thu trở về

Trầm Vân
***
Bài Họa:

Xin Hãy Vì Thu…


Sớm thu sương long lánh rơi
Gợi bao ký ức cái hồi chớm thương
Nắng gieo sợi nhớ sợi vương
Tung tăng nhặt lá bên đường ấp yêu
Rộn ràng đôi quả tim reo
Tựa vai dệt mộng những chiều đong đưa
Cùng chung tàu lá che mưa
Chẳng màn giông tố chẳng mờ tình son
Thu nay tìm lại lối mòn
Ven đường lá đổ bồn chồn đợi mong
Đêm suông trải ánh trăng sông
Bóng nghiêng ngờ tưởng tay vòng người ôm
Gió mơn man khẽ môi hôn
Lạnh lùng xót nỗi lệ hờn lỡ duyên
Càng yêu càng lụy tình thêm
Rượu nồng điên đão dỗi đền chén say
Chạm thu chưa kịp vàng bay
Sao lòng héo úa phủ đầy ngõ xưa
Mặc dù người phụ…mặc dù…
Người ơi! Xin hãy vì thu sớm về.

Kim Oanh
Thu Melbourne 3/2020

Lang Thang Cùng Bolero…



Vũ điệu Bolero ở Tây Ban Nha

Trong vòng nhiều thập niên, đã có một sự nhầm lẫn về nguồn gốc bolero. Tuy có cùng một tên gọi, nhưng chữ bolero lại thể hiện nhiều điều khác hẳn nhau.

Chữ bolero bắt nguồn là một vũ điệu truyền thống của Tây Ban Nha, khai sinh vào cuối thế kỷ 18. Còn tại Cuba, bolero là một trường phái âm nhạc ra đời vào cuối thế kỷ 19. Phạm trù và ngữ cảnh giúp cho ta phân biệt một bên là vũ điệu của vương triều Tây Ban Nha, còn bên kia là dòng nhạc dân gian đến từ Cuba. Tại Tây Ban Nha, người đầu tiên định hình bolero như một điệu vũ hàn lâm là vũ sư Sebastián Lorenzo Cerezo.


Bolero là một vũ điệu truyền thống thịnh hành trong giới thượng lưu Tây Ban Nha

Nhờ Sebastián Lorenzo Cerezo mà vũ điệu bolero trở nên thịnh hành dưới triều vua Charles đệ tam (trị vì từ năm 1759 đến 1788). Theo các nhà nghiên cứu, về mặt ngữ vựng, bolero có lẽ xuất phát từ chữ “volero”, biệt danh của vũ sư Tây Ban Nha do mỗi lần biểu diễn các điệu nhảy, ông thường lã lướt tung bay như thể gót chân tha thướt nhẹ nhàng không bao giờ chạm đất.

Tuy cách viết khác biệt, nhưng trong tiếng Tây Ban Nha hai chữ b và v đều có lối phát âm y hệt như nhau. Và khi đem ra so sánh với thể điệu khiêu vũ bolero mà ta thường thấy bây giờ, thì vũ điệu hàn lâm theo nghi thức truyền thống của Tây Ban Nha ít có liên quan gì với điệu nhảy cặp thời nay (khiêu vũ xã hội). Nói cho chính xác, thì theo cách phân loại thời nay, người ta nhảy điệu rumba trên nền nhạc bolero.

Bất cứ điệu vũ nào cũng cần có tiếng nhạc và người đầu tiên sáng tác nhạc cho vũ điệu hàn lâm bolero là nghệ sĩ tây ban cầm cổ điển Fernando Ferandiere (1740-1816), mở đường sau này cho tác giả Manuel de Falla (1876-1946), một trong bốn gương mặt Tứ Quý của làng nhạc Tây Ban Nha. Lối sáng tác này gợi hứng sau đó cho nhiều nhà soạn nhạc cổ điển, điển hình là Frederic Chopin (1810-1849) hay Maurice Ravel (1875-1937), cho dù các tác phẩm của họ dù mang tên là ‘’bolero’’ nhưng cũng chẳng ăn nhập gì với điệu nhạc bolero mà ta thường nghe thời nay.


Fernando Ferandiere nghệ sĩ guitar nổi tiếng của thế giới 

Dòng nhạc Bolero ở Cuba

Nhạc Bolero sản sinh tại Cuba chính là những điệu nhạc mà ta thường nghe thấy hiện nay. Nếu xét đơn thuần về thể loại âm nhạc, thì trường phái bolero nẩy sinh từ Cuba vào cuối thế kỷ 19 và hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó có cùng một cội nguồn với điệu nhạc trova, một thể loại ‘‘du ca’’ của Tây Ban Nha. Cha đẻ của dòng nhạc bolero Cubano là nhạc sĩ đàn ghi ta José Sánchez (1856 – 1918), mà nhiều người gọi một cách thân mật là Pepe Sánchez.


Pepe Sánchez cha đẻ dòng nhạc Bolero hiện nay

Sinh trưởng tại Santiago de Cuba, José Pepe Sánchez xuất thân từ một gia đình nghèo, không được cho ăn học tới nơi tới chốn, cho nên ông chọn học nghề thợ may. Nhờ có năng khiếu âm nhạc và lỗ tai rất thính, ông tự học nhạc bằng cách mò mẫm chơi đàn, ông sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng tất cả đều là chơi thuộc lòng, chứ không có bài nào được ghi chép một cách bài bản. Chính cũng vì vậy mà sau ngày ông qua đời, có rất nhiều bài hát bị lãng quên, do không được lưu trữ qua văn bản.

Theo nhà nghiên cứu Luis Antonio trong quyển sách nói về lịch sử của dòng nhạc bolero tại Cuba (Historia del bolero cubano), bản nhạc bolero đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1883 do chính José Pepe Sánchez sáng tác mang tựa đề ‘’Me Entristeces, Mujer’’ mà sau này người ta thường hay gọi một cách ngắn gọn là ‘’Tristezas’’ (Những nỗi buồn).

Khai sinh từ Cuba, dòng nhạc bolero sau đó đã nhanh chóng lan tỏa ra nước ngoài và bén rễ tại các quốc gia Nam Mỹ và ở vùng biển Caribê, tiêu biểu nhất là Puerto Rico. Riêng tại Mexico, dòng nhạc bolero chính thức ra đời vào đầu những năm 1920, thời mà các tác giả Trung Mỹ lao vào phong trào sáng tác theo thể điệu này. Bản nhạc bolero đầu tiên nổi tiếng trên khắp Nam Mỹ là bài Lágrimas Negras do nhạc sĩ Miguel Matamoros sáng tác vào năm 1929. Bản thứ nhì là bài El Manisero, ghi âm vào năm 1930, cả hai bài này phá kỷ lục số bán với hơn một triệu bản.

Dòng nhạc Bolero Việt Nam 

Tại Việt Nam, dòng nhạc boléro du nhập vào miền Nam Việt Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống. Bolero bao gồm nhiều giai điệu như: Rumba, Chachacha, Valse danza, habanera, trova, son… Một vài đặc điểm của nhạc bolero ở Việt Nam:

-Những giai điệu bolero Việt Nam pha lẫn chất ngũ cung và cả dân ca của vùng sông nước Nam Bộ. Nhưng đồng thời, nhạc Bolero vẫn giữ nguyên sự nhẹ nhàng, lắng đọng trong ca từ.

-Vì giai điệu nhẹ nhàng, ca từ bình dị, nội dung dễ hiểu nên nhạc bolero dễ dàng tiến nhập trái tim của con người. Đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Chứ không hề mang tính trừu tượng và cần có kiến thức về âm nhạc sâu rộng mới có thể hiểu được như một số thể loại nhạc bác học khác.

-Một đặc điểm quan trọng và không thể thiếu ở bolero chính là tính buồn đặc trưng trong bài hát. Những ca khúc bolero dù hát về chủ đề nào cũng mang đến cho người nghe một chút buồn. Một chút tiếc thương, một chút đồng cảm cho những câu chuyện đời, chuyện người trong bài hát.

Bolero Việt Nam được chia làm nhiều loại nhưng có 8 loại căn bản như sau:
Bolero căn bản
Bolero đảo phách
Bolero rumba
Bolero flameco
Bolero giai điệu
Bolero classic
Bolero django
Bolero beguine

Những nhạc sĩ tiêu biểu cho phong trào nhạc bolero Việt nam:


Ảnh các nhạc sĩ (theo thứ tự từ trái sang phải):
- Hàng đầu: Châu Kỳ - Mạnh Phát - Trúc Phương - Lam Phương - Minh Kỳ - Hoài Linh
- Hàng thứ 2: Lê Dinh - Anh Bằng - Hoàng Thi Thơ - Duy Khánh - Hoài An - Phạm Mạnh Cương
- Hàng thứ 3: Tuấn Khanh - Y Vân - Dzũng Chinh - Anh Việt Thu - Lê Trực - Phạm Thế Mỹ

Không có tài liệu nào cho biết chính xác bài đầu tiên dòng nhạc bolerolà bài nào. Tuy nhiên theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng bài hát Duyên quê (Chachacha) của Hoàng Thi Thơ có thể là bài đầu tiên:

“Em gái vườn quê
“Cuộc đời trong trắng
“Dầm mưa dãi nắng
“Mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm…

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Thị Vĩnh Tường lại cho rằng bài bolero đầu tiên ở Việt Na m là bài Xóm đêm (Rumba) của Phạm Đình Chương:

“Đường về canh thâu 
“Đêm khuya ngõ sâu như không màu 
“Qua phênh vênh có bao mái đầu 
“Hắt hiu vàng ánh điện câu…

Theo ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì "Người đầu tiên viết ra bolero là Lam Phương với Kiếp Nghèo (Tango):

“Đường về đêm nay vắng tanh 
“Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
“Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi 
“Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…

rồi đến các bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương”.

Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này. Lúc đó rộ lên phong trào "Thời trang nhạc tuyển" mà những bài nhạc bolero được được thâu vào băng cassette hoặc đĩa nhựa phát hành rộng rãi. Một số ca khúc tiêu biểu là Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thành phố sau lưng (Hàn Châu), Về đâu mái tóc người thương (Hoài Linh), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang - Tú Nhi), Vòng nhẫn cưới, Đêm lang thang, Không giờ rồi (Vinh Sử), Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương...

(Xuân Hòa, người hát rong đường phố triệu view)

Văn học nghệ thuật bao gồm cả âm nhạc là nền tảng văn hóa của một dân tộc. Giá trị văn học nghệ thuật của một dân tộc được đánh giá, bảo tồn bởi chính nhân dân và lịch sử của đất nước họ không phải của nhà cầm quyền. Những ồn ào, xu hướng và thổi phồng một trào lưu văn nghệ chỉ mang tính “thời sự”, nhất thời và sẽ bị đào thải trong tương lai bởi quy luật phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc. Những ca khúc “nhạc vàng”, bolero trữ tình, nhân bản được các bạn trong và ngoài nước, chuyên nghiệp và yêu ca hát, trên sân khấu lộng lẫy và ngoài đường phố bụi bay, ở bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ hoàn cảnh nào đang góp phần cất cao tiếng hát hôm nay, ngày mai và mãi những mai này. Chúng ta, những người nghe, những người yêu và thưởng ngoạn âm nhạc cũng góp phần nuôi dưỡng, tôn vinh cho đời sống âm nhạc - bolero nói riêng và dòng âm nhạc Việt Nam nói chung. Chỉ có trong âm nhạc chúng ta có thể nhìn thấy tuổi thơ, sống lại bao hoài niệm của ký ức, cảm nhận hơi ấm vòng của người yêu dấu muôn trùng cách xa… trong từng khoảnh khắc của hiện tại. Âm nhạc nuôi dưỡng trái tim ta không cằn cỗi và tâm hồn ta luôn mãi xanh tươi. 

Cám ơn các bạn đã cùng tôi lang thang với bolero, với âm nhạc hôm nay. Tôi xin mượn câu nói của nhà soạn nhạc lừng danh người Ý, Gioachino Rossini để tạm khép lại bài viết này:

“Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”.

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Nắng Từ Đâu Gọi Bình Minh Thơ Kiều Mộng Hà - Nhạc Miên Du Đà Lạt


Thơ: Kiều Mộng Hà 
Nhạc: Miên Du Đà Lạt 
Ca Sĩ: Mai Thiên Vân

Mùa Thu Và Cố Nhân



Em đi rồi buồn ơi se thắt
Cả khung trời trắng xóa màu tang
Sắc đẹp vàng son đời vô nghĩa
Lòng anh một nỗi nhớ miên man...

Và từ đó hồn anh giao động
Nhớ thương em lạnh buốt linh hồn
Trong mắt em dường như xa vắng
Ta lạc vào nỗi nhớ mênh mông ....

Mắt dõi trông dáng em mờ ảo
Nhạt dần theo tia nắng hòang hôn
Lòng cuồng si chập chờn mộng ảo
Nỗi sầu thương tràn ngập linh hồn!

Thôi là hết còn ai thương nhớ
Rặng liễu buồn ủ rủ thê lương
Những cánh chim co mình trong lá
Gió buồn hiu thỏ thẻ vấn vương

Em đi rồi còn ai san sẻ
Mùa Thu nào em nhớ _ Lá Thu bay....

Mặc Khách

Mùa Xuân Bắc Cali

(Đầu Xuân nhóm Nữ Thành Nội Bắc Cali họp mặt 2020)

Chị em họp mặt đầu năm
Vui mừng thân thiện hỏi thăm chuyện dài
Ngôi nhà rực rỡ Đào Mai
Cúc, Lan,Thượt Dược nghiêng vài nụ xuân
Gió vờn thổi nhẹ bâng khuâng
Đủ duyên khởi sắc cuối tuần thướt tha
Bao tà áo nhuộm màu hoa
Chen đua mềm mại hài hoà nắng tơ
Nữ Thành Nội thuở ngây thơ
Mái trường bóng phượng mộng mơ bao thời
Bốn lăm năm thoáng bên đời
Còn vui gặp gỡ dưới trời viễn phương
Xác hồng rơi rụng phấn hương
Làm duyên chớp ảnh trong vườn Anh Thu
Mấy chàng rể quý im ru
Chỉ lo vác máy thoả nhu cầu nàng
Một ngày chủ nhật rỡ ràng
Cô trò hạnh phúc cả làng thọ ...tăng 

Hi...hi...hi...
Minh Thuý
Tháng 2/23/202






Hình Ảnh: Minh Thúy

Hạ Nhớ



Xướng:
Hạ Nhớ

Bên phố,bên thôn, một lối xưa!
Mênh mông nóng bức gió nam đưa
Tai nghe vùn vụt hàng tre réo
Mắt thấy chói chang khói bụi đùa
Khó nổi vườn đào qua nạn nắng
Dễ gì tượng đá hóa sương mưa
Gian nan cổ thụ oằn vai nhỏ
Nghĩa nặng tình quê chẳng kể mùa!

08/7/2014.
Trương Văn Lũy
***
c Bài Họa:

Xuân Xưa

Quê người đất khách nhớ xuân xưa
Năm tháng trôi qua thoảng gió đưa
Người lớn bình an cầu quốc thái
Trẻ con náo nức chạy vui đùa
Thị thành buôn bán dân sầm uất
Thôn ổ ruộng nương thuận gió mưa
Một sớm điêu tàn cơn bão nổi
Sẻ đàn tan nghé dẫu đương mùa!

08/7/204.
Lộc Bắc
***
Phi
ến Hồng Năm Xưa

Vỗ giấc chiêm bao lối hạ xưa
Ầu ơ xa vọng khúc sầu đưa
Nắng chao vệt thẫm gieo thương nhớ

Lá nấp hiên thưa lặng cợt đùa
Chạm nẻo hư vô trăng vỡ bóng
Níu miền tịch lặng phượng chờ mưa
Vắt ngang kỉ niệm theo hè chín
Chắt cạn niềm đau , chắt cạn mùa

CaDao.
 9/7/2014
***
Tình Chưa Tỏ

Mới đó mà nay cũng đã xưa!
Hôm nao hai đứa cứ đung đưa
Anh từng ấp úng đang chờ ướm
Em lại chen ngang chớ nói đùa
Có dạo dỗi hờn- hè phượng đỏ
Đôi khi mùi mẫn- gác chiều mưa
Tình riêng vẫn giữ trong thầm kín
Đeo mãi con tim đã mấy mùa. . .

Hữu Hảo
***

Dấu Xưa Phai

Ngơ ngẩn, đi tìm lại dấu xưa
Đêm buồn còn vọng tiếng sầu đưa
Hoa hờn, nước cuốn, mây thầm gọi
Sóng gợn, bèo trôi, gió nhẹ đùa
Mắt ấm xôn xao vườn nắng hạ
Hồn mềm, vương vấn lối thu mưa
Nụ hôn nay đã trao người lạ
Chua xót, trời yêu sớm chuyển mùa!!!

Thy Lệ Trang
Massachusetts
***
Nhớ Hoài

Con đường phượng vĩ mái trường xưa
Áo tím dập dìu tuổi đón đưa..
Đã quá lâu rồi tàng rợp bóng
Giờ sao quên được chuyện buông đùa.
Đời người thắm thoát như mây khói
Giấc mộng bàng hoàng tựa nắng mưa.
Năm tháng trôi qua còn luyến tiếc
Nhớ hoài một thuở thật quê mùa.

09/7/2014.
Hải Rừng
***

Về Chốn Xưa

Ngơ ngẩn dừng chân nơi dốc xưa
Nhìn hàng phượng vĩ cánh đung đưa
Núi xa xanh thẫm ngàn thông hát
Hồ biếc trong veo thác nước đùa
Lan tím dịu dàng trên vách núi
Quỳ vàng tươi mát dưới cơn mưa
Nửa đời giữ trọn niềm nhung nhớ
Còn trở về đây được mấy mùa ?

Phương Hà
***

Tình Quê Nắng Hạn

Trưa hè gợi nhớ cảnh quê xưa
Kẽo kẹt, kẽo kà chiếc võng đưa
"Cút cút" gọi đan như trẻ giỡn
"Ve ve" réo bạn tợ con đùa
Đồng trên đất nẻ nằm khô nước
Ruộng dưới lúa cằn dứng đợi mưa
Ngọn gió Nam Lào xơ xát mặt
Tình quê thương quá ! "hạn" bao mùa.

09/7/2014.
Ngọc Ẩn Nhi Huyền
***

Về Bến Sông Xưa

Trở về thăm lại bến sông xưa
Nhìn cánh cò bay theo gió đưa
Khách đợi thuyền qua đông tấp nập
Kẻ lên người xuống nói cười đùa
Có chàng lữ thứ từ xa đến
Trễ chuyến đò ngang bị mắc mưa
Đêm vắng dừng chân bên quán trọ
Nghe trời lành lạnh chuyển sang mùa.

Ngô Văn Giai

Virginia July 2014
***
Nắng Hạ Quê Mình

Gió Nam nực nội chốn quê xưa
Tiếng võng trưa hè kẻo kẹt đưa
Trong xóm bóng tre trâu núp nắng
Ngoài sông bến nước trẻ bơi đùa
Vườn cây úa lá vì khô hạn
Ruộng lúa thui đòng tại thiếu mưa
Thất bát mùa màng gây khổ ải
Dân ta chịu đựng biết bao mùa!

Hồ Trọng Trí
Kim long,BRVT

Sữa Chua - Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức


Truyền thuyết dân gian kể lại rằng:
Vào buổi sáng hôm đó, khi xuống chuồng vắt sữa bò như thường lệ, một trại chủ thấy bình sữa bỏ quên trong góc nhà. Cầm lên coi, ông ta thấy sữa hơi đông lại, ngửi không thấy hư, ông ta bèn nếm. Sữa có vị hơi chua chua, ngọt ngọt và thơm.. Tiếc của Trời, ông ta mang về cho bà vợ và cả nhà cùng ăn. Ai cũng khen ngon và không bị phản ứng gì!
Trại chủ liền khoe với lối xóm là đã chế được món sữa đặc biệt. Ông ta tiếp tục “bỏ quên” nhiều bình sữa như thế rồi mang ra chợ bán. Mọi người đều ưa thích món sữa “bỏ quên” này và ông ta đã kiếm được rất nhiều tiền. 
Sữa chua được khám phá ra như thế, và nhanh chóng được phổ biến khắp nơi. 

Rồi đến thời kỳ Phục Hưng ở bên Pháp vào đầu thế kỷ thứ 16, vua Francois I bị chứng đau bụng đi cầu đã lâu ngày, mọi danh y đều bó tay. Một thầy thuốc người Thổ Nhĩ Kỳ được mời đến. Sau khi khám bệnh, ông ta cho nhà vua dùng một bài thuốc gia truyền trong một tuần lễ, nhà vua khỏi bệnh. Đó là món sữa chua mà gia đình vị lang y kia vẫn dùng để chữa cho dân chúng bị bệnh khó tiêu. 
Từ đó, sữa chua được liên tục dùng khắp nơi trên thế giới như một thực phẩm và thuốc trị bệnh theo.

Khám phá khoa học về sữa chua

Nhưng phải đợi tới đầu thế kỷ thứ 20 thì nguyên lý tạo thành sữa chua mới được làm sáng tỏ qua nghiên cứu của một bác học người Nga, ông Ilya Metchinov (1845-1916).
Nhà khoa học này khao khát đi tìm một phương thức kéo dài tuổi thọ. Do đó, ông rất quan tâm đến một nhóm dân Bulgaria có tỷ lệ rất cao số người sống đến trên một trăm tuổi. Ông nhận thấy là họ tiêu thụ nhiều sữa chua. Vì thế, ông bắt đầu tìm hiểu đặc tính của loại sữa này và thấy trong sữa có những vi sinh vật làm thay đổi hóa chất của sữa, khiến sữa trở thành tốt hơn cho sức khỏe con người. Ông ta đặt tên cho một trong nhiều vi sinh vật đó là Lactobacillus Bulgaricus. 
Từ đó sữa chua được chế biến khoa học hơn. Cũng xin lưu ý là Ilya Metchinkoff được giải thưởng Nobel về Y Học năm 1908 nhờ sự khám phá ra tính miễn dịch trong cơ thể con người. Ông cũng là bạn thân của nhà bác học nổi tiếng Louis Pasteur của nước Pháp.
Theo định nghĩa của Codex Alimentarius Commissions, một tổ chức quốc tế có nhiều uy tín trong việc đưa ra các tiêu chuẩn chung về thực phẩm, sữa chua là sản phẩm từ sữa được lên men và làm đông đặc bằng cách để cho bay hơi. Trong những điều kiện thuận lợi về thời gian và nhiệt độ, đường lactose của sữa chuyển thành acid lactic, dưới tác dụng của các vi sinh vật như Streptocoous thermophilus, Lactobacillus Bulgaricus,Lactobacillus acidophilus.. . Sau đó sữa trở thành một chất giống như kem và có vị chua đặc biệt.

Yogurt có thể làm từ sữa cừu, sữa dê... nhưng thường thường là từ sữa bò.
Sữa chua cung cấp số năng lượng tương đương với sữa tươi, nhưng giá trị dinh dưỡng cao hơn. Sữa chua có nhiều chất đạm, carbohydrat, sinh tố, các khoáng calci, phosphat, potassium, niacin, riboflavin. Chất đạm trong sữa chua rất dễ tiêu và dễ hấp thụ vào máu. 

Trong 100g sữa chua có: 4,3g chất đạm, 4,8 g carbohydrat, 1,1 g chất béo, 4 mg cholesterol, 173 mg calci, 0,18 mg riboflavin, 110 mg phosphor và cung cấp 50 calori. Nước chiếm tỷ lệ 88% và là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể. 
Nhiều người khi uống sữa tươi vào là bị tiêu chẩy, vì không tiêu hóa được đường lactose trong sữa. Khi dùng sữa chua thì không có vấn đề, vì đường này đã được chuyển hóa ra lactic acid. Lactic acid và vi sinh vật trong sữa chua làm tăng độ chua trong bao tử, giúp sự tiêu hóa chất đạm và sinh tố C được dễ dàng

Công dụng chữa bệnh của sữa chua

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Ilya Ilich Metchnikov đã nêu ra giả thuyết là một số bệnh tật gây ra do độc tố từ vi trùng trong ruột bị hư rữa, đưa đến phá hoại thành mạch máu. Theo ông ta, sự việc này có thể ngăn ngừa bằng các vi sinh vật trong sữa chua.
Sau đó các khoa học gia đã dành nhiều cố gắng để nghiên cứu về công dụng của sữa chua.Theo dõi công dụng này ở cơ thể con người có phần khó khăn, nên đa số đều thực hiện với những con chuột trong phòng thí nghiệm. Kết quả đều cho thấy là sữa chua rất tốt và có ích để chữa một vài bệnh..

1-Sữa chua giúp tiêu hóa đường lactose trong sữa: 
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 75% người lớn tuổi trên thế giới không tiêu hóa được đường lactose trong sữa, nhất là dân châu Á và châu Phi. Khi uống sữa là họ bị đau bụng, đầy hơi, tiêu chẩy... Nguyên do là vì họ thiếu lactase để tiêu hóa đường sữa lactose. Khi ăn sữa chua, họ tránh được vấn đề trên vì lactose đã được chuyển ra lactic acid.


2- Sữa chua chữa bệnh tiêu chẩy. 
Trong ruột có rất nhiều vi sinh vật có lợi cũng như có hại, đua nhau tăng trưởng. Loại nào phát triển mạnh hơn thì sẽ tạo ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và sức khỏe con người. 
Ruột trẻ em có nhiều vi khuẩn E Coli gây ra tiêu chẩy. Sữa chua có thể chữa một số trường hợp tiêu chẩy. 

Một nghiên cứu ở Nữu Ước năm 1963 đã so sánh tác dụng của sữa chua với hỗn hợp thuốc trị tiêu chẩy Kaopectate và kháng sinh neomycin. Kết quả cho thấy là vi sinh vật trong sữa chua rút ngắn thời gian bị tiêu chẩy. 
Các nhà nghiên cứu ở Ý nhận thấy sữa chua làm giảm số vi khuẩn E Coli trong ruột. Sữa chua cũng làm bớt tiêu chẩy gây ra do thuốc kháng sinh. Ở các nước Ý và Nga, sữa chua được cho trẻ em bị tiêu chẩy dùng để chữa bệnh này.
Bên Nhật, sữa chua được dùng để trị bệnh kiết lỵ. 
Năm 1995, cơ quan Y Tế Thế giới (WHO) có khuyến cáo là khi chữa tiêu chẩy, nên thay thế sữa thường bằng sữa chua, vì sữa chua dễ tiêu hơn , có thể ngừa thiếu dinh dưỡng. 
Nhiều nghiên cứu khác cho hay sữa chua còn có tác dụng nhuận tràng.

3- Sữa chua có chất kháng sinh.
Bác sĩ Khem Shahani, một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về sữa chua, thuộc trường Đại học Nebraska, cho hay là ông ta đã phân tích được hai loại kháng sinh từ sữa chua do các vi sinh vật L acidophilus và L. bulgaris tiết ra. 
Các nghiên cứu ở Nhật, Ý, Thụy sĩ, Hoa Kỳ đều cho là vi sinh vật trong sữa chua có thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

4- Sữa chua làm giảm cholesterol trong máu.
Các nhà quan sát nhận thấy dân chúng ở bộ lạc Maasai bên châu Phi dùng tới 2 lít sữa chua mồi ngày và lượng cholesterol trong máu rất thấp. Họ kết luận là sữa chua có thể làm hạ cholesterol. 
Bác sĩ George Mann đã tìm ra một chất trong sữa chua mà ông ta đặt tên là hydroxymethyl glutarate có đặc tính làm giảm cholesterol .. Sau đó, nhiều nghiên cứu kế tiếp cũng đưa tới kết luận là sữa chua làm tăng mức cholesterol lành HDL và hạ thấp tổng lượng cholesterol trong máu.

5- Sữa chua làm tăng tính miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu ở Pháp đã chứng minh là sữa chua làm tăng miễn dịch tính ở chuột trong phòng thí nghiệm. Năm 1986, nhóm khoa học gia ở Ý tiến xa hơn với kết luận là vi sinh vật trong sữa chua làm tăng tính miễn dịch ở người qua việc gia tăng sản xuất kháng thể. 
Sữa chua cũng làm giảm bớt các triệu chứng của dị ứng mũi. 

6- Sữa chua với bệnh ung thư.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Nam Tư cho biết vi sinh vật L. bulgaricus trong sữa chua tiết ra chất blastolyn có thể ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư loại Rous Sarcoma. 
Kết quả nghiên cứu tại đại học Boston bên Mỹ và bên Pháp đều kết luận là L. acidophilus chống được ung thư vú và ruột già bằng cách làm giảm hóa chất gây ung thư trong ruột già. Bác sĩ Shahani cũng đồng ý là vi sinh vật L. acidophilus ngăn chặn ung thư ở loài chuột.

7- Sữa chua ngừa loét bao tử.
Bác sĩ Samuel Money thuộc Trung Tâm Y khoa Brooklyn, Nữu Ước, cho hay trong sữa chua có chất kích thích Prostaglandin. Chất này có khả năng che trở niêm mạc bao tử với tác nhân độc hại như thuốc lá, rượu và do đó ngừa được bệnh loét bao tử. Chất Prostaglandin hiện đang được tổng hợp để làm thuốc chữa bệnh bao tử.
Ngoài ra trong sữa chua còn có chất tryptophan có tác dụng làm dịu thần kinh, dễ ngủ. Đồng thời kết quả nghiên cứu tại Đại học Massachusett lại cho thấy sữa chua có tác dụng hưng phấn, làm ta tỉnh táo. 
Sữa chua cũng làm bớt nhiễm độc nấm ở cơ quan sinh dục nữ giới.

Chọn lựa sữa chua. 
Sữa chua được bầy ban với nhiều nhãn hiệu khác nhau, cũng như được pha thêm trái cây cho có hương vị đặc biệt. Có loại sữa chua giữ nguyên chất béo, có loại đã được lấy bớt đi. 
Nhãn hiệu trên hộp sữa có ghi chú rõ ràng thành phần dinh dưỡng, như là có bao nhiêu calori, số lượng chất béo bão hòa, cholesterol, muối sodium, chất carbohydrat, đường, chất xơ, đạm chất, sinh tố A, C, chất sắt và calci. 
Điều quan trọng là sản phẩm phải có vi sinh vật còn sống (live cultures). Ta thường thấy ghi tắt chữ LAC (Live and Active Cultures) của Hiệp Hội các nhà Sản Xuất sữa chua Hoa Kỳ, có nghĩa là 100 g sữa chua chứa ít nhất 100 triệu vi sinh vật còn sống và hoạt động. Vì có sinh vật sống nên sữa chua cần được giữ trong tủ lạnh, tránh bị hơi nóng hủy hoại.


Cách làm sữa chua


Cách thức làm sữa chua dùng trong gia đình cũng đơn giản. Chúng ta chỉ cần thực hiện các bước tuần tư như sau: 
Chuẩn bị khoảng 2 lít sữa bột ít chất béo, một lon sữa đặc không đường, một thìa sữa chua ít chất béo. Pha lẫn hai loại sữa, khuấy cho đều với một chiếc thìa bằng gỗ. đun sôi với nhiệt độ vừa phải. Trong khi đun vẫn tiếp tục khuấy để sữa khỏi bị cháy dưới đáy nồi. Khi sữa sôi có bọt thì nhắc ra, để nguội. Khi sữa nguội tới mức mà ta nhúng ngón tay vào mà không bị bỏng ( khoảng từ 40ºC - 46ºC), thì cho thìa sữa chua vào, khuấy cho đều với một cái muỗng bằng gỗ khoảng 30 giây. Nhớ khuấy theo một chiều để vi sinh vật không bị tổn thương. 
Phủ lên nắp bình mấy tờ giấy để hút bớt nước bốc hơi và để sữa đặc lại. Đậy nắp bình, bọc chung quanh bằng một cái chăn len, để qua đêm, sáng sau là sẵn sàng để ăn. Ta có thể pha thêm các loại trái cây hay hạt ngũ cốc khô để có thêm hương vị đặc biệt.

Kết luận:

Sữa chua là một trong nhiều món ăn được nhiều người ưa thích và là món ăn vặt rất hấp dẫn giữa hai bữa cơm chính. 
Ngoài hương vị ngon, sữa chua còn có nhiều chất dinh dưỡng, chất kháng sinh, chất chống ung thư, có khả năng làm giảm cholesterol, đặc biệt là chất đạm trong sữa chua rất dễ tiêu. 
Người bị bất dung với sữa thường, có thể thay thế bằng sữa chua. 
Với một ly nhỏ sữa chua mỗi ngày, ta có đủ số lượng calci cần thiết. Trẻ em trên ba tháng cũng có thể dùng sữa chua được rồi.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Mai Em Lấy Chồng - Thơ Quách Như Nguyệt - Phổ Nhạc Nguyễn Hữu Tân



Thơ: Quách Như Nguyệt 
 Phổ Nhạc: Nguyễn Hữu Tân

Hình Như Là Mùa Thu



Nắng tương tư đùa ngang chồi biếc
Lá trên cành nuối tiếc đứng im
Có phải mùa, tôi vẫn đi tìm
Tình thu hỡi, chìm sâu đáy mắt!

Khung trời đó sương mờ xám ngắt
Có lá vàng rơi nhẹ vào tim
Có tình yêu chan chứa êm đềm
Giờ xa vắng , con đường nằm trăn trở.

Chờ bước chân ai, trở về lối nhớ
Hoàng hôn rơi, se sắt đường chiều
Đã hẹn rồi sao ngõ vắng tịch liêu
Đông chưa qua mà lạnh lùng tê tái .

Vẫn cơn mưa âm thầm khắc khoải
Nụ hôn còn ấm mãi phút biệt ly
Đừng nhìn nhau lệ ứa bờ mi
Mưa tan chảy giọt tình hay giọt đắng?

Pha lê vỡ trong khoảng đời thầm lặng
Cô đơn chùng, từng bước từng bước lê
Mùa thu hỡi, khi trở về cát bụi!
Người hay chăng đời chưa hết cơn mê .

Ngọc Quyên


Đừng Tưởng Xuân Tàn



Xướng:

Đừng Tưởng Xuân Tàn


(THTK, Giao cổ đối
Giao duyên đối, Mạ đề)

"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai"
(Mãn Giác Thiền Sư)

CHỚ phiền muộn bởi sắc đào phai
BẢO với lòng sao phải xót hoài
XUÂN dẫu rời ta sầu giấc mộng
TÀN niềm mơ buổi vẫn chờ ai
HOA vàng lối cũ chiều xa ngóng
RỤNG kín vườn xưa nụ tím đài
HẾT cuộc vui rồi hồn bỗng ủ
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI.

 Nguyễn Gia Khanh
***
Các Bài Họa:

Hết Dỗi Hờn Xưa 

CHỚ mơ giọt nắng ủ màu phai

BẢO mây đừng thả lưới u hoài
XUÂN tình xanh mộng lơ ngơ bước
TÀN cuộc lữ trình trông ngóng ai
HOA giăng ngõ khói mờ trăng phố
RỤNG lã bóng sương ảo nguyệt đài
HẾT dỗi hờn em xưa áo trắng
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI.

Namkha
***
Chớ Dỗi Tình Tan

CHỚ sầu não hỏi cớ tình phai
BẢO dạ đừng than nhuốm dỗi hoài
XUÂN khó xa mình quên buổi hẹn
TÀN chiều ngóng mộng dễ hờn ai
HOA đời úa nẫu lòng đau tủi
RỤNG rớt niềm xưa khỏi tượng đài
HẾT cả son thời bừng tỉnh lại
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI.

0352 H,15/02/2020
Thái Chung
***
Niềm Xưa

CHỚ nhìn nắng dịu nghĩ chiều phai
BẢO thích trần chân cỏ ấm hoài
XUÂN ngả hôm nào vai áo lụa
TÀN vàng xuyến ngọc lỡ tình ai
HOA màu vẫn thắm còn khoe nhụy
RỤNG cánh còn tươi vẫn luyến đài
HẾT trận phong hàn ra mở cửa
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI.

Nguyễn Thế An
***
Đừng Vội Buồn

CHỚ buồn Đào vẫn cánh chưa phai
BẢO giữ niềm tin để nhớ hoài
XUÂN mãn còn mơ về bóng nọ
TÀN canh cuộc mộng đến hình ai
HOA rơi sắc thắm vương đầy ngõ
RỤNG cánh hương thơm đọng ở đài
HẾT buổi người đi hồn vướng lại
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI

Hoa Muống Biển
***
Chớ Bảo Xuân Tàn

CHỚ nhiều gió lộng tóc mềm phai
BẢO nắng nhạt thôi để tiếc hoài
XUÂN đã bao lần thương chú cuội
TÀN còn mấy lượt gửi hồn ai
HOA cho tịnh độ thầm trong mắt
RỤNG lại nguồn cơn quạnh giấc đài
HẾT lối sỏi quen hương bất chợt
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI.

TN 15-2-2020
Ngọc Tình
***
Mấy Giọt Sương Buồn

CHỚ ngồi ngắm mãi bóng chiều phai
BẢO vắng xa nhau lại nhớ hoài
XUÂN vẫn lo người ...quên buổi hẹn
TÀN ngày đón ...mộng chẳng hờn ai
HOA bên cửa héo vườn cây gãy
RỤNG lá bờ khô bướm giữa đài
HẾT giọt sương buồn rơi bám cửa
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI ...

Thạch Hãn
LCT 16/02/2020
***
Bạc Phận

CHỚ buồn tình đã vội tàn phai
BẢO tại tâm tư chẳng đoái hoài
XUÂN đến rồi đi như ảo mộng
TÀN mùa để lại bóng hình ai
HOA sầu bạc phận đời phiêu bạt
RỤNG héo bán thân tận xứ Đài
HÊT giấc mộng tình đêm thức trắng
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI

Toronto 4/3/2020
Nguyên Trần

Lễ Chùa Bà Minh Hương Vĩnh Long



Đáo lệ hàng năm, chùa bà Minh Hương thuộc phường 5 Vĩnh long tổ chức cúng vía hai bà xem như vị thần phù hộ cho dân cư địa phương được an cư lạc nghiệp, lịch cúng tính ngày âm lịch, - từ 19 dến 20 tháng 3 âm lịch vía Bà Chúa Sanh Nương Nương - từ 22 đến 23 tháng 3 vía Bà Thiên Hậu 

Năm nay ban tổ chức chùa mời đoàn hát tuồng cổ (Hạt bội “ bộ” ) Bạc Liêu, nơi sản sinh bản vọng cổ của cụ Cao Văn Lầu đến trước cúng bà sau cư dân dến kính thỉnh rồi xem hát. Ngày xưa thuở tôi còn con nít trước khi vào chầu, bốn diễn viên với hia mão y trang cỗ, hai tay cầm tờ giấy với chữ Hán Nôm, hai đầu giấy luồn trong hai thân trúc, diễn viên diễu trình bà với động tác di chuyễn nhanh xen kẻ theo đường chéo, sau thời chuyễn động đến khi ngừng dàn hàng ngang trước sân khấu trình và chào, nếu khéo thì các tờ giấy không rách. Thật ra từ thuở tôi còn nhò, đã thấy bị te tua dù không đứt rời, các vị trọng tuổi đứng cạnh tôi thuở đó cười khì,đính kèm theo lời phê. Ban sơ sàn cây rộng dàn trải khắp mặt trước sân khấu phủ toàn mặt đất, sân khấu cũng bằng cây, hàng ghế đầu dành cho ban hội tề hương chức, dân chúng xem ngồi dàn cây hai bên cùng đứng sau quan chức, nay không còn cây vì mục gãy nhiều và được tráng xi măng có ghế ngồi thoãi mái…

Thân mời các bạn ghé mắt qua đêm lễ vía miếu bà Minh Hương cùng đoàn diễn tuồng hát bộ Bạc Liêu, xem luôn hậu trường các diễn viên trang điểm có tựa ngày xưa không nhen.

Trương Văn Phú

Vài hình ảnh  Đoàn Tuồng Cổ Bạc Liêu