Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Xin Một Ngày Mai Có Nhau - Sáng Tác: Đức Huy - Tiếng Hát: Pham Cao Tung


Sáng Tác: Đức Huy
Tiếng Hát: Pham Cao Tung

Xuân Mới



Ngoài kia ánh sáng thật chan hòa
Thể gửi niềm vui tặng chúng ta
Bầu khí rộn ràng và phấn khởi
Lòng người thanh thản với hoan ca
Chào xinh em nhé-Chào Xuân hạ!
Chúc kháu bé nhe-Chúc Tết nha!
Cùng khấn nguyện trời ban quý vị,
Hưởng tròn hạnh phúc ướp hương hoa.

Thái Huy 
Jan/28/24



Xuân Lưu Lạc



Ta với nỗi tự tình cùng dân tộc
Đời phiêu bồng lưu lạc mấy xuân sang
Ngắm hoa xuân bao niềm nhớ trở về
Từ nơi đó, thuở xa xưa xuân cũ

Gió ước hẹn đừng vươn hoài uất hận
Cứ yêu thương giữa lạc lõng cuộc đời
Đừng tỉnh mộng, đừng để người hóa đá
Đừng ngậm ngùi, thương tiếc sẽ phôi pha

Xuân ơi xuân, hoa tươi với lộc mởn
Nở trong trời xanh biếc nắng lung linh
Ta yêu xuân như yêu tình nhân cũ
Không hẹn cũng về, ngày mới xôn xao

Tình đừng xa, để tình xuân xanh mãi
Lá non cành, câu đối đỏ, hoa tươi
Dàn pháo nổ vang vang trong nắng mới
Đoá mai vàng phơi sắc thắm bên song

Nhạc vui tươi, hồn xuân ôi ngây ngất
Điệu dạt dào, niềm vui ấm tình xuân
Cửa thiên đường theo nắng xuân rộng mở
Ta bước vào, lòng choáng váng Hương xuân

Hồng Vân

Chào Giáp Thìn

 

Giáp Thìn đã lấp ló ngoài sân
Mang tin vui đến khắp hồng trần
Khởi mối an hòa cho thế giới
Gieo mầm hạnh phúc đến nhân quần
Cầu dân Nam hợp đồng bài cựu
Mong nước Việt hòa nhập cách tân
Văn nghệ sĩ phùng thời đắc vận
Như rồng mây gặp hội long vân


nhất hùng

Tế Táo Dữ Lân Khúc Tán Phúc 祭灶與鄰曲散福 - Lục Du


祭灶與鄰曲散福

已幸懸車示子孫,
正須祭灶請比鄰。
歲時風俗相傳久,
賓主歡娛一笑新。
雪鬢坐深知敬老,
瓦盆酌滿不羞貧。
問君此夕茅檐底,
何似原頭樂社神.

Tế Táo Dữ Lân Khúc Tán Phúc  

Dĩ hạnh huyền xa thị tử tôn,
Chính tu tế Táo thỉnh tỉ lân.
Tuế thời phong tục tương truyền cửu,
Tân chủ hoan ngu nhất tiếu tân.
Tuyết mấn tọa thâm tri kính lão,
Ngõa bồn chước mãn bất tu bần.
Vấn quân thử tịch mao thiềm đễ,
Hà tự nguyên đầu lạc xã thần ?

Lục Du

Dịch Nghĩa:

May mà ta đã về hưu rồi nên mới có dịp để tỏ bày cùng con cháu.
Vừa đúng lúc phải cúng tế Táo Quân và mời chòm xóm cùng Ăn Tết.
Đây là cái phong tục đã có của cuối năm đã được truyền tụng lâu đời rồi.
Chủ khách cùng vui chơi với nhau trong tiếng cười của năm mới.
Những người tóc mai trắng như tuyết được mời ngồi một cách trịnh trọng (để tỏ lòng kính trọng người già.)
Bồn chậu đựng đồ ăn và rượu đều được châm đầy nên cũng không thẹn vì nghèo túng.
Thử hỏi bạn rằng đêm nay ngồi dưới mái hiên của căn nhà cỏ nầy,
Có được vui như lúc ban đầu khi ta cúng tế đình làng hay không?
(trích từ nguồn Đỗ Chiêu Đức)


Ăn Tết Sớm

May đã hồi hưu với cháu con,
Đúng khi tế Táo đãi cùng thôn.
Cuối năm phong tục xưa truyền lại,
Chủ khách cười vui mới hãy còn...
Kính lão tóc mai đà bạc trắng,
Không hiềm rượu thịt mãi đầy luôn.
Dưới hiên mái lá đêm nay nhậu,
Vui có như khi cúng Xã Thần?


Lục bát:

Về hưu tỏ với cháu con,
Nhằm khi tế Táo xóm thôn đãi đằng.
Cuối năm phong tục đã hằng,
Cùng nhau chủ khách bao lần cười vui.
Tóc mây kính lão mời ngồi,
Đầy mâm rượu thịt đãi người chung quanh.
Đêm nay mái lá nhà tranh,
Có vui như lúc tế đình khi nao?


Đỗ Chiêu Đức
***
Cúng Táo Cùng Hàng Xóm Chia Phúc

1-

May đã về hưu dạy cháu con
Đúng thời cúng Táo đãi làng thôn
Hàng năm phong tục truyền theo lệ
Chủ khách sướng vui năm mới "vờn"
Tóc bạc chiếu cao tôn kính lão
Chậu sành rượu thỏa chẳng e bần
Đêm nay xin hỏi nơi thềm cỏ:
Có được vui khi cúng xã thần?


2-

Thật may mắn, dạy cho con cháu
Tiệc đãi đằng cúng Táo, làng thôn
Hằng năm phong tục đã từng…
Sướng vui chủ khách chờ mừng tân niên
Tóc trắng phau, chiếu trên kính lão
Chẳng e nghèo, rượu thảo chậu sành
Đêm về xin hỏi, hiên tranh:
Có vui khi cúng tế đình sáng nay?


Lộc Bắc
Jan2024

 


Nước Mắt Chiều Xuân

Một mùa Xuân nữa lại về trên đất khách. Không biết đây là mùa Xuân thứ mấy tôi đã xa quê hương, tôi không muốn đếm, không muốn tính vì nếu biết chính xác thì chắc đã nhiều lần lắm rồi, càng thêm buồn. Tôi nhớ đến mẹ, anh em và bạn bè thân thuộc…Tất cả bây giờ ở đâu? Kẻ còn người mất, kẻ lưu lạc phương trời nào? Chiều nay 30 Tết nhìn mấy chậu Mai, Lan, Cúc…đua nhau khoe sắc trong không gian lành lạnh cuối năm sao lòng tôi chẳng thấy nôn nao vui vẻ chút nào. Tôi bỗng nhớ về quá khứ, hồi ức về những ngày tháng đó, những gì tôi từng chứng kiến hoặc chính bản thân tôi từng trải qua lần lượt trở dậy như cơn ác mộng làm tê buốt hồn tôi…

Một buổi chiều cuối năm xưa khi gia đình tôi đang chuẩn bị cúng rước ông bà thì nhận được hung tin: anh trai tôi tử trận sa trường. Mẹ tôi ngất xỉu không biết bao lần vì đứa con trai thân yêu ra đi đột ngột. Riêng tôi không còn nỗi đau đớn nào hơn vì đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự mất mát người thân như thế nào. Nỗi đau xé nát tâm cang của kẻ khóc người đi vĩnh viễn không thể nào diễn tả hết được. Cả một thời gian dài đăng đẵng về sau cứ mỗi chiều 30 Tết, lúc sửa soạn cúng ông bà thì mẹ tôi lại ngồi khóc thật nhiều trước bàn thờ anh, và gia đình tôi chẳng bao giờ có được những ngày Xuân vui vẻ. Làm người dân trong thời loạn, thời chinh chiến khó được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.

Thời gian sau tôi theo chồng đổi về một tỉnh xa: tỉnh Kiến Hòa.Người dân ở đây không ai có thể biết họ thuộc phía nào, phe ta hay phe bên kia.Thành phố đó không an ninh, bất cứ giờ nào cũng có thể bị pháo kích, bất cứ nơi nào cũng có thể bị họ đặt mìn, ném lựu đạn.Từ ngoài đường xe chạy, trường học, công sở đến chợ búa, trong đống bắp cải, rau đậu hay đống dừa vẫn thể nổ được. Có lần tôi đang đi chợ gặp phải mìn nổ ngay trong đống rau bắp cải làm mọi người chạy tán loạn, có người chết, có người bị thương. Riêng tôi may mắn chạy ra xa được nên an toàn nhưng phải một phen kinh hoàng khó quên. Dân ở nơi đây lúc nào cũng phải cảnh giác, phòng bị vì nguy hiểm luôn chực chờ.

Tôi còn nhớ một buổi chiều kia có anh bạn của chồng tôi đến chơi, anh Trần Văn Phước là Đại Úy Trưởng Phòng 1 của Tiểu Khu Kiến Hòa. Anh khoảng 26, 27 tuổi, anh có gương mặt hơi giống Elvis Presley nhưng có giọng ca trầm ấm và anh chỉ hát tình ca. Hôm ấy trông anh không được vui, anh cũng không nói gì cả, cứ ngồi ôm đàn hát hết bài nầy sang bài khác.Tôi thấy trời đã về chiều sợ anh đi đường nguy hiểm vì anh tự lái xe Jeep nhà binh đi nên nói chồng tôi khuyên anh nên về sớm.

Ngày hôm sau khi tôi từ trường về, chồng tôi bảo:
Em ơi, thằng Phước chết rồi. Hôm qua ở nhà mình ra nó lái xe về đến Ngã Ba Tháp bị bắn sẻ, trúng đầu và nó đã chết.
Tôi bàng hoàng, thờ thẩn:
Trời ơi, có thể nào là vậy? Mới chiều hôm qua anh còn ngồi đây đàn hát kia mà.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, chồng tôi nói anh ấy đã đi rồi. Tôi không cầm được nước mắt, lòng ngậm ngùi thương xót cho một người bạn của chồng mình. Những giọt nước mắt nầy tôi khóc không những cho riêng anh mà tôi khóc cho cả một thế hệ trẻ đau thương của chúng tôi. Những người thân, những người bạn chung quanh tôi dù trai hay gái đang ở lứa tuổi đôi mươi, đang độ thanh xuân nhưng không thể tìm thấy mùa xuân giữa thời binh đao khói lửa.

Tôi về đây không bao lâu nhưng nhận ra được không khí chiến tranh bao trùm thành phố. Cuộc sống hồi hộp, lo lắng, phòng bị hằng ngày làm tôi muốn nghẹt thở.

Bên hàng xóm tôi có một cô giáo trẻ, xinh đẹp, tóc dài da trắng, người mảnh khảnh mang dáng dấp liêu trai, cô tên Kim Chi.Những lúc buồn tôi hay sang hàn huyên cùng Chi.Thỉnh thoảng tôi bắt gặp cô nàng đi cùng một anh Trung Úy Biệt Động Quân trẻ, rất đẹp trai tên Long. Chẳng bao lâu hai người cưới nhau. Tôi rất mừng và cầu mong cho họ được hạnh phúc đến suốt cuộc đời. Sau tuần trăng mật chàng ra đi biền biệt, Chi dù sống đời chinh phụ nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc vì đứa con trong bụng.

Rồi vào một buổi chiều cuối năm âm u, lạnh lẽo người ta đã đưa về cho nàng chiếc quan tài của người thương mà nàng mỏi mắt chờ trông.Thế là hết, bao nhiêu mộng ước tan tành, đổ vỡ. Chi gào thét, vật vã điên cuồng bên quan tài người đã anh dũng ngã xuống giữa sa trường vì non sông, vì tổ quốc. Ôi! Còn nỗi đau đớn nào hơn? Mái tóc dài liêu trai của nàng rối bời tơi tả, đôi mắt đỏ ngầu vì luyến thương hay uất hận? Đôi vai gầy run từng chập theo tiếng khóc bi thương với những lời kể lể thiết tha thống hận.Tôi không biết dùng lời gì để an ủi Chi vì giờ phút nầy có lẽ nước mắt là liều thuốc tốt nhất làm vơi bớt đớn đau của nàng.Tôi chợt thấy thương và thông cảm cho những người mẹ, người vợ, người yêu của chiến sĩ VNCH đã phải gánh chịu nỗi đau đớn tột cùng nầy. Không biết có bao nhiêu người vợ trẻ cùng cảnh ngộ với Chi bây giờ?

Tôi thờ thẩn rời nhà Chi đi lang thang dọc theo bờ sông Hàm Luông. Chiều xuống thủy triều dâng cao, dòng sông lặng lẽ trôi xa hun hút không biết chảy về tận phương nào. Dòng sông sâu thẳm mênh mang buồn như cũng cảm thông tâm trạng đau thương cho người góa phụ, cho tuổi trẻ hôm nay, cho cuộc chiến dai dẳng nầy không biết bao giờ mới chấm dứt!

Về sống nơi đây chưa được bao lâu mà tôi phải chứng kiến nhiều cảnh đau thương, tàn khốc của chiến tranh. Hằng đêm tôi thường cầu nguyện xin Chúa thương xót, cứu giúp dân tộc đáng thương, bất hạnh của tôi. Chồng tôi mỗi ngày phải đi công tác xuống các quận, cứ mỗi lần anh ra khỏi nhà là tôi cầm xâu chuỗi lên đọc kinh cầu xin bình an cho chuyến đi của anh. Có một lần khi đọc xong một chuỗi kinh, đáng lý tôi ngưng lại nhưng không hiểu sao lòng tôi cứ bồn chồn xốn xang không an tâm. Thế là tôi cầm xâu chuỗi lên đọc tiếp, cứ đọc hết 50 kinh tôi trở lại đọc tiếp nữa…cho đến lúc nghe tiếng gõ cửa và chồng tôi đã về. Anh bảo tôi rằng:

Hôm nay anh suýt chết. Khi trực thăng chở anh về đến bên kia bờ sông thì bị súng phòng không của họ bắn lên trúng cánh máy bay của anh. May mà anh phi công Hoa Kỳ giỏi đã “lết”được qua sông và đáp xuống bãi đáp kịp thời nên tụi anh không sao. Nếu máy bay rớt nằm bên kia bờ sông thì coi như xong đời rồi vì bên đó là vùng của họ.
Thảo nào hôm nay em cứ phập phồng lo sợ và cứ đọc kinh mãi không dám buông xâu chuỗi xuống.

Tạ ơn Chúa và sau đó chồng tôi còn gặp vài trường hợp nguy hiểm hơn thế nữa mà Chúa đều cứu chàng ấy thoát chết.

Khoảng thời gian từ 1971 đến 1973 tôi ở Kiến Hòa, một trong những tỉnh tệ nhất về an ninh ở vùng 4. Xác chết của binh sĩ hoặc thương binh được chở về Quân Y Viện hằng ngày qua những rú kinh hoàng của xe cứu thương, của trực thăng tải thương. Còn dân chúng thì lo sợ pháo kích hằng đêm, đôi khi họ pháo vào thành phố cả ban ngày.
Có một chuyện mà có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được, đó là cái chết của em Trần Thị Nhỏ, học sinh lớp 8 trường trung học Tân Dân - Kiến Hòa. Hôm đó trong giờ dạy của tôi em Nhỏ phá phách bạn bè đủ thứ.Tôi lấy làm ngạc nhiên vì thường ngày em rất ngoan, hai lần tôi lên tiếng cảnh cáo nhưng em cứ tiếp tục nghịch. Sau đó tôi bắt em lặp lại những gì tôi vừa dạy thì em chẳng biết gì cả chứng tỏ em không nghe giảng bài.Trong cơn nóng giận tôi đã phạt em chép lại bài học hôm đó 20 lần và nộp cho tôi vào kỳ tới.
Lần kế tiếp tôi đến lớp, tôi chợt nhớ có một em thiếu nộp bài phạt. Tôi hỏi:
Có em nào chưa nộp bài phạt của cô không?
Cả lớp im lặng nhìn nhau. Em trưởng lớp đứng lên nói:
Thưa cô, có trò Trần Thị Nhỏ chưa nộp bài.
Tại sao vậy? Em đó đâu?
Thưa cô, trò ấy chết rồi ạ!
Tôi hốt hoảng, biến sắc:
- Sao? Em vừa nói gì, tại sao trò ấy chết?
Cả lớp học nhao nhao lên:
- Trò Nhỏ bị pháo kích chết cô ơi!

Tôi dằn xúc động bảo em trưởng lớp lên kể rõ nguyên nhân cái chết của cô bé kia cho tôi nghe. Em đó đã kể lại rằng:
Nhà trò Nhỏ ở ngoại ô tỉnh nên không được an ninh. Đêm hôm ấy trò ngồi viết bài phạt của cô đến khuya thì bị pháo kích và trái đạn đó rớt trúng bàn học của Nhỏ khiến trò ấy chết ngay.
Tôi đau xót, hối hận:
Trời ơi, có phải lỗi tại cô không? Nếu cô không phạt em ấy thì Nhỏ đâu có chết.
Em trưởng lớp lắc đầu:

Không phải đâu cô, tại số trò ấy tận rồi. Cái bàn học của trò ấy sát bên giường ngủ, miểng đạn cũng làm nát cái gối ở giường trò nên dù không viết bài phạt, trò ấy có nằm trên giường cũng vẫn chết.

Tôi nghẹn ngào thương xót cho cô bé là một nạn nhân của chiến tranh. Tôi nói với em trưởng lớp:
Các em có thể đưa cô đến đó để cô an ủi gia đình và thắp cho em ấy một nén nhang không?
Không được đâu cô. Chỗ đó không an ninh, nếu cô đến họ sẽ bắt cô vì chồng cô là sĩ quan.

Thế là tôi cũng không đến nhà thăm mộ em được. Đến nay tôi vẫn còn thấy ray rứt trong lòng dù em chết không phải do lỗi của tôi.
Vùng đất nầy đối với tôi không có gì lưu luyến, chỉ có buồn bã, thương tâm nên vợ chồng tôi xin chuyển về Cần Thơ quê nhà của tôi, nơi có gia đình, người thân và bè bạn.

Đầu năm 1973 chúng tôi được thuyên chuyển về Cần Thơ. Ở đây vào buổi sáng trên các ngã đường phố ngoài những tà áo dài trắng, những chiếc quần xanh của nam, nữ học sinh còn có đủ các loại quân phục của các binh chủng: Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát. Thỉnh thoảng có cả màu áo hoa rừng của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến… Trong thành phố không có tiếng đạn bay, súng nổ nhưng ngoài xa kia chiến tranh đang đi vào thời kỳ khốc liệt.

Tôi trở về lại quê nhà cũng vào đầu mùa Xuân như ngày nào lìa gia đình ra đi theo chồng.Tôi nhớ thương anh trai mình nên tôi đưa mẹ đến Nghĩa Trang Quân Đội thăm anh. Nơi đây hiu hắt buồn, không gian trầm lặng, gió vi vu thổi nhẹ qua mấy hàng cây nghe rờn rợn. Phải chăng vong linh của những người trẻ nằm đây than thở, nuối tiếc cuộc đời dở dang và nỗi u uất, hờn căm chinh chiến chưa tan dù bên kia thế giới. Mẹ tôi ngồi lặng yên bên mộ anh rất lâu, nhìn chăm chăm vào bức ảnh của anh rồi cúi xuống và toàn thân người run lên. Biết mẹ tôi khóc, tôi ôm đôi vai gầy của mẹ, lòng thương cảm biết bao với nỗi đau “tre già khóc măng non”của người. Đôi vai nầy mẹ mong muốn che mưa chắn gió cho con mình, chịu đựng tất cả những bất hạnh đổ xuống đầu các con nhưng cuối cùng người đành bất lực.

Mẹ tôi ngước nhìn sang những ngôi mộ chung quanh một lúc rồi lắc đầu tự nói một mình:
Sao toàn là người mới ngoài hai mươi tuổi vậy? Thật tội nghiệp cho mấy đứa trẻ nầy!
Nắng đã nhạt nhòa trên hàng cây, tôi dìu mẹ đứng dậy:
Thôi mình về đi mẹ.Trời sắp tối rồi.

Mẹ tôi gật đầu theo tôi ra về, nước mắt vẫn còn rơi rớt trên khuôn mặt già nua, phúc hậu nhưng héo tàn vì năm tháng khổ đau dày vò. Gió vẫn thổi lướt thướt như rên rỉ tỉ tê, gió lùa qua tàng cây kẻ lá nhè nhẹ ru buồn trong chiều vắng và côn trùng bắt đầu trỗi giọng bi thương, ai oán…
Văng vẳng xa xa vài tiếng đì đùng, đì đẹt, đì đùng…Không biết đó là tiếng pháo mừng Xuân hay tiếng súng từ trận chiến nào vọng lại.

Dù tôi luôn tâm niệm sẽ sống bên mẹ lâu dài nhưng ai ngờ đến cuộc bể dâu? Ngày 30 tháng Tư 1975 đã làm thay đổi, xáo trộn tất cả dự định, ước mơ, hy vọng của chúng tôi. Chồng tôi và các em rể của tôi đều bị vào tù hết. Lúc nầy mẹ tôi bị một cú sốc quá nặng nên người đau nằm liệt trên giường, không gượng dậy nổi. Riêng tôi càng bi thảm hơn vì vừa lo cho mẹ bịnh đau, vừa lo cho chồng trong tù, lo cho con nhỏ trong nhiều năm dài đằng đẵng.

Sau khi chồng tôi trở về một thời gian, nhận thấy tình hình thời cuộc lúc đó không thể ở lại quê hương được nữa. Thế là chúng tôi chuẩn bị cho một chuyến vượt biên đi tìm Tự Do.

Đầu Xuân 1985 tôi lại theo chồng bỏ mẹ tôi một lần nữa.Vào thời điểm đó những người ra đi không ai có thể tin rằng sẽ có ngày được trở về nhìn lại quê hương và người thân.

Ngày từ giã mẹ ra đi, mẹ con tôi ôm nhau khóc nức nở.Lòng mẹ buồn đau thế nào tôi hiểu được nhưng vẫn phải gạt lệ chia ly. Hai đứa con nhỏ dại của tôi cũng ý thức được cuộc chia tay không ngày tái ngộ nên hai bé ngồi sụp xuống lạy từ biệt bà ngoại dù tôi không bảo chúng một lời nào. Hình ảnh buổi chiều hôm ấy không bao giờ mờ nhạt trong tôi, một buổi chiều ly biệt suốt đời tôi không quên được với những dòng nước mắt xót xa, bịn rịn của một đấng mẹ hiền:

Chiều nay ly biệt mẹ hiền ơi!
Con sẽ ra đi cuối nẻo trời.
Bao giờ gặp lại hay muôn kiếp?
Nước mắt phân kỳ luôn mãi rơi?
(ViVân)

Đêm hôm ấy trên con tàu vượt sóng ra khơi tâm trạng tôi vô cùng phức tạp không thể nào diễn tả được.Tôi không biết mình đang đi đâu đây?Tại sao phải bỏ quê hương, mẹ già, em thơ để lênh đênh trên con tàu không định hướng?Tương lai mình về đâu và sẽ ra sao? Lòng tôi như thác tràn, sông vỡ, đau thương vây chặt tâm hồn. Con tàu vẫn ầm ì tiến ra xa, xa mãi trong khi nước mắt tôi đầm đìa trên đôi má.Tôi cố quay nhìn lại đoạn sông đã đi qua nhưng chỉ có một màu đen mịt mùng che khuất, mất dấu rồi đường về quê mẹ thân yêu.

Xa xa tiếng pháo đì đùng mừng Xuân của nhà ai đó như xoáy mạnh vào nỗi đau ly hương, vong quốc trong tôi. Những tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền vẫn vang lên đều đều cùng một âm thanh trầm trầm,rờn rợn ma quái.Tàu càng đi, càng rời xa đất mẹ và tôi biết rằng… muôn đời tôi đã mất Việt Nam.

Vi Vân.
Cali một mùa Xuân đất khách.

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Sớ Táo Quân Long Hồ Vĩnh Long 2023

 

Dạ! Dạ!

Bẩm tấu Ngọc Hoàng
Táo thần Kim Phượng
Ngọc thể bất an
Đường xa chẳng quản
Không màng trắc trở
Dám nào chậm trễ
Đến đúng hạn kỳ
Hăm Ba tháng Chạp
Chạm cổng thiên đình
Khấn đầu bái kiến
Bái kiến...cái mà... bái kiến

Dạ! Dạ!

Quý Mão sẽ xa
Giáp Thìn ắt tới
Sớ thần táo dâng
Kể rõ sự tình
Long Hồ đất Vĩnh
Trong năm vừa qua
Trang nhà khởi sắc
Khởi sắc...cái mà... khởi sắc
Mọi mặt hanh thông
Người Người gom sức
Kẻ Kẻ chung lòng
Tác Giả góp công
Thả rong con chữ
Thơ Văn Ngoại ngữ
Mỗi chữ là hoa
Thêm thắt lá cành
Trang nhà tô điểm
Càng thêm yêu mến
Độc Giả là bướm
Rảo mắt bên hoa
Lượn khắp trang nhà
Tìm lại mùa xuân
Của bao năm trước
Dù chỉ dư hương
Một thuở thanh bình
Mơ phút tương phùng
Nơi chốn nghìn trùng
Quê hương yêu dấu
Thôi dài nhớ nhung
Nhớ nhung...cái mà...nhớ nhung

Dạ! Dạ!ẤM
Long Hồ Vĩnh Long
Như trăm hoa nở
Lắm người đa tài
Mang thơ phổ nhạc
Thánh thót tiếng ca
Đắm say cung bậc
Diễn ngâm mật ngọt
Luyến láy làn hơi
Bao lời hay đẹp
Bấy mục sưu tầm
Thay nến lung linh
Soi sáng tâm hồn
Gột rửa muộn phiền
Nỗi buồn chia sẻ
Tin vui chung lòng
Dẫu ở đâu đâu
Trên khắp địa cầu
Dù chưa biết mặt
Đậm đà tình thân
Mấy xa hương gần
Tương giao đồng cảm
Đồng cảm...cái mà... đồng cảm
Hình ảnh hội ngộ
Cả xưa lẫn nay
Xem hoài không chán
Khảo cứu biên soạn
Xoáy thấu đề tài
Gạn lọc đối chiếu
Tăng thêm giá trị
Cho những ai cần
Nâng cao học hỏi

Dạ! Dạ!

Ngọc Hoàng ngài hỡi
Ngọc thể bất an
Đày đọa tâm can
Nỗi đau thấu trời
Xin Ngài soi xét
Ngôn ngữ mẹ đẻ
Di sản dân tộc
Bỗng dưng biến tướng
Ngoài sức tưởng tượng
Khiến người xa người
Trở nên ngăn cách
Bởi ham cải tiến
Đảo ngữ chơi chữ
Hóa ra vô nghĩa
Chỉ lợi tấm thân
Lý lẽ bất cần
Tội cho hậu thế
Táo thần đà mệt
Kể hết sự tình
Trước khi lui gót
Trở lại trần gian
Kính chúc Ngọc Hoàng
Năm Mới an khang
Vạn tuế...cái mà vạn tuế

Táo Thần Kim Phượng
Quý Mão 2023

Đưa Ông Táo Xưa Của Bé!

( Chiều 23 Chạp 2023 -Úc Châu)

Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, là mỗi lần nhớ lại những ngày thơ, cùng Ngoại, Ba Má, anh em nô nức chuẩn bị để đưa Ông Táo về Trời.

Ngày xa xưa ở làng Trung Ngãi thuộc Quân Vũng Liêm Tỉnh Vĩnh Long, có cô bé được sinh ra và lớn lên. Có Chợ gọi là chợ Giồng Ké. Từ trước đêm 23 Chạp, sau phiên chợ, tất cả những gian hàng dưa hấu được dựng lên, lợp nóc nylon, bao quanh hàng với những tấm mành bằng tre, để phân ranh giới. Những sạp bán bánh mứt, những tấm liễn, tranh hình dạy học làm người như Mục Liên Thanh Đề, Ăn Khế Trả Vàng, Tấm Cám vv... Câu đối được treo lủng lẳng. Con nít bu quanh để xem trong sự hiếu kỳ và thích thú.

Những tiêm buôn, tiệm của Ba Má của bé cả những sạp ở nhà lồng chợ nhộn nhịp hẳn lên. Về đêm những chiếc đèn Măng- Xông sáng rực. Những gian hàng khác eo hẹp hơn cũng có những chiếc đèn bão vừa đủ sáng. Ngôi làng tuy nhỏ nhưng từ đầu làng đến cuối bờ sông, 2 dãy nhà nằm hai bên đường lộ chính xe chạy từ Vĩnh Long đi Vĩnh Bình, tràn đầy sức sống.

Khi con bé được 5 tuổi, bé đã được Má huấn luyện phụ làm mọi chuyện, lúc ấy không nề hà chi cả, và trong lòng còn tự hào mình được làm người lớn hihihi.... Được ba má giao trách nhiệm cảm thấy tự tin lắm.

Có một việc duy nhất mà bé đảm trách từ 5 tuổi, đó là ủi đồ cho ba ngày Tết sắp đến. Những chiếc khăn trải bàn ăn, trắng phau, những chiếc áo gối, má thêu hoa và rua-đê rất đẹp, những bộ quần áo mới sẽ mặc vào sáng Mùng Một để đón mừng Năm Mới. Mà nhà con bé có tới 10 anh chị em, Ngoại Ba má nữa. Thế mà không hiểu sao con bé có thể làm nên chuyện?!.

Thời gian tiếp nối con bé không cần Ba Má nhắc nhở nữa, xem như là bổn phận, tự biết và lo toan. Con bé cũng không hề kêu ca, mà vui vẻ hăng hái làm...làm cho đến khi trưởng thành, cho đến ngày xa xứ.

Sau 61 lần đưa ông Táo, ngồi viết lại những kỷ niệm yêu dấu này mà rơi nước mắt. Uớc gì còn Ngoại, còn ba má để con còn được phụng dưỡng, được má sai bảo điều nọ điều kia.

Ngoại, Ba Má ơi, chiều nay nơi xứ người, con vẫn giữ mãi phong tục cúng đưa Ông Táo, có người nói "con là người kỷ niệm chất chồng. Bởi vậy con nhiều nỗi buồn hơn vui" có lẽ đúng vì trong con hình ảnh ba má gia đình sống hoài sống mãi, con đi tìm niềm vui trong quá khứ và cũng mang nỗi buồn từ quá khứ, vì tất cả đã rờì xa con, ngoài tầm tay của con rồi!

Tuy nhiên chiều nay 23 Tháng Chạp năm 2023, con vui khi đứng khấn cầu ông Táo, xin ông về tâu, cảm ơn Ngọc Hoàng trong suốt một năm qua, đã cho gia đình con nhiều may mắn an bình. Xin ông Táo tấu lên Ngọc Hoàng cho con tròn ước nguyện năm Giáp Thìn sẽ đến. Con cầu cho con thì ít mà cầu cho những người thương yêu thì nhiều... nhiều lắm, cầu cho những người thương yêu đã qua đời. Cầu cho những người thương yêu còn xúm xít bên nhau với trọn chân tình của con.

Tiễn Ông Bà Táo về trời bình an
Thiên đình vui hưởng hàng năm chầu trời
Con xin được "cầu ké" Táo đôi lời
Nhà nhà khắp chốn thảnh thơi xuân này
Anh em con cháu hạnh phúc vui vầy
Giáp Thìn bước đến tràn đầy vận may
Qua làn hương bay xin tạ ơn Táo!
Cầu Ngọc Hoàng thương chấp nhận tình con
Sắt son một dạ mãi mãi vuông tròn
Ân nghĩa giữ chẳng mòn theo năm tháng!

Kim Oanh
Melbourne 23- Chạp-2023

Tết Tha Hương

 
Tết Tha Hương, nhớ Tết quê nhà
Từ xưa, cổ tục của Ông-Bà
Hăm lăm Tháng Chạp, ngày tảo mộ
Tiễn Táo Quân vào tối hăm ba.
Bánh chưng xanh, thịt kho, dưa giá
Chiều ba mươi cúng rước Ông Bà.

Nay sống tha phương trên xứ lạ
Mừng Xuân trong cảnh kẻ không nhà.
Đầu Năm đón Tết trên gác trọ
Mua cơm hàng quán cúng ông bà
Lặng nhìn hương khói lòng thương nhớ
Thân nhân quá cố, nhớ Mẹ Cha!

Con cháu đi làm không đươc nghỉ
Sở Mỹ không cho nghỉ Tết ta.
Tối đêm mồng một đầu năm mới
Điện thoại, điện thư chúc thọ Cha.

Tết đến buồn lòng người mất nước
Xuân về xót dạ kẻ tan nhà.
Giữa đêm trừ tịch không tiếng pháo
Nâng cốc mừng Xuân, Ta với Ta.

Hoa Đô(Lockwood House).
Trần Công/Lão Mã Sơn

Đưa Ông Táo Về Trời…!

 
 
Táo Quân bổn mạng dưới Trần gian
Tháng Chạp Hăm Ba đội mũ vàng
Mọi chuyện đông vui ghi mấy sớ
Mỗi nhà rậm đám chép bao trang
Ngồi lưng cá chép bay Tiên cảnh
Cỡi gió rồng mây vượt núi ngàn
Thượng Đế Ngọc Hoàng chung tiến tửu
Táo Quân Vua Bếp chúc an khang…!


Mai Xuân Thanh
Bay Area, January 27, 2024  

Ông Táo Về Trời



Tổng kết gia đình trọn một niên
Khấn nhờ ông Táo báo triều thiên
Vợ chồng hòa thuận luôn tương nhượng
Sức khỏe không nhiều cũng tạm yên
Con cháu học/hành nhiều tiến bộ
Ông bà rỗi rảnh viếng dăm miền
Tuổi già vui thú theo mình thích
Cuộc sống giao hòa với tự nhiên!


Lộc Bắc

Thần Táo Nghẹn Lời

 

Tháng Chạp hai ba, Táo đáo Trời
Tình hình Thế Giới báo nơi nơi.
Thương vong động đất nghe kinh hãi
Tổn thất giao tranh thấy rụng rời.
Pháo dập Ukraine còn tới tấp
Bom vùi Hamas vẫn tơi bời.
Ngọc Hoàng đoái giúp, can giùm chúng
Thần tấu tới đây đã nghẹn lời!!


Duy Anh
Xuân Giáp Thìn
2/2/2024

Tiểu Niên Tế Táo 小年祭灶 - Lữ Mông Chính (944-1011)

 

小年祭灶

一碗清湯詩一篇,
灶君今日上朝天;
玉皇若問人間事,
為道文章不值錢。

呂蒙正 (944-1011)

Tiểu Niên Tế Táo


Nhất oản thanh thang thi nhất thiên,
Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
Vị đạo văn chương bất trị tiền!

Lữ Mông Chính (944-1011)

Dịch nghĩa:

Một bát canh trong cùng một bài thơ,
Hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời.
Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian,
(thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng,) Văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả!
Lữ Mông Chính, người mà trong "Hàn Nho Phong Vị Phú" Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy:
.... Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa cởi dù che.
(trích nguồn Đỗ Chiêu Đức)

Một bát nước canh thơ một liên,
Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền!


Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

***
Ông Táo Về Trời 2024

Năm sớm khấn Táo Quân
Một bát canh suông, thơ một thiên
Hôm nay tiễn Táo hướng lên tiên
Ngọc Hoàng nếu hỏi trần gian chuyện
Cái giá văn chương chẳng đáng tiền!


Lộc Bắc
Jan2024

Năm Cùng Tháng Tận Trần Ai

 

Năm cùng tháng tận trần ai
Tiễn ông bà táo đắng cay chầu trời
Rồng tiên trăm trứng nổi trôi
Dấu buồn ngơ ngẩn nghìn đời lửa than

Năm cùng tháng tận ngựa hoang
Đồng khô rừng tuyết trăng tàn vì sao
Đá mềm chân cứng chiêm bao
Mòn gông dựng nước xé rào văn minh

Năm cùng tháng tận giật mình
Thiên thu trường hận câu kinh kệ cầu
Bóng trăng bóng gió bóng sầu
Bóng câu cửa sổ bạc đầu trắng tay

Năm cùng tháng tận bắp khoai
Muối dưa cóc nhái học bài ấm no
Khéo cong khéo quẹo khéo co
Khéo lươn khéo lẹo khéo cho khéo đòi

Năm cùng tháng tận nhớ lời
Cướp đêm đen giặc ngày lòi mặt quan
Muôn năm vạn tuế bạo tàn
Đầu rơi máu đổ xương tan bia cười

Năm cùng tháng tận rong chơi
Bọt bèo không tết chợ trời không hoa
Chim quyên cu đất đa đa
Ngậm cười chín suối thương ca dao vàng

Năm cùng tháng tận xe tang
Sụp hầm mắc bẫy gãy càng tréo ngoe
Đá xanh nhỏ lệ xôi chè
Cu kêu ba tiếng sau hè chôn nhau

Năm cùng tháng tận thương đau
Tâm hương tảo mộ làm sao an bình
Mẹ cha em chị anh linh
Tiền nhân tử sĩ quê mình chìm châu

Năm cùng tháng tận gục đầu
Bóng mây cởi áo qua cầu nhân gian
Hư không áo gấm về làng
Táo quân lơ láo đầu hàng thần no

Năm cùng tháng tận học trò
Sơn cùng thủy tận khôn dò gai chông
"Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con"(1)

Năm cùng tháng tận nước non
Chim hồng lạc tổ tiên còn bóng bay
Năm cùng tháng tận ăn chay
Thanh tâm rửa ruột thuộc bài vô ngôn…

MD.01/16/12
LuânTâm
(1) Ca dao

Góc Đường Thi:Thơ Đưa Ông Táo

 

Như ta đã biết, để chuẩn bị "Ăn Tết" theo tục lệ của đời Đường Tống dân chúng đã chuẩn bị bắt đầu từ đầu Tháng Chạp rồi. Như trong truyện võ hiệp HIỆP KHÁCH HÀNH của nhà văn Kim Dung, hai sứ giả Thưởng Thiện Phạt Ác đã phát lệnh bài để mời các chưởng môn hay người cầm đầu bang hội đi đến Đảo Hiệp Khách để ăn "Cháo LẠP BÁT".
LẠP 臘 là LẠP NGUYỆT 臘月, ta gọi trại đi là Tháng CHẠP, là tháng 12 Âm lịch, tháng cuối cùng trong năm. BÁT 八 là số Tám, là ngày Mùng Tám; nên LẠP BÁT 臘八 là ngày "Mùng Tám Tháng Chạp". CHÁO LẠP BÁT là Cháo được nấu vào ngày mùng tám tháng chạp. Đó là loại cháo được nấu bằng tất cả nông phẩm mà cuối năm thu hoạch được, như các loại gạo, các loại đậu, cải khô, nho khô...
Sau lễ Lạp Bát thì bắt đầu quét dọn nhà cửa từ trước tới sau cho sạch sẽ ngay ngắn để chuẩn bị "Quá Tiểu Niên" là "Ăn Tết Sớm" vào ngày 23 và 24 tháng Chạp, cũng là ngày cúng tế đưa tiễn Táo Quân lên Trời. Nên sau ngày đưa ông Táo về Trời thì không còn quét dọn gì nữa cả và tất cả các bàn thờ cũng khỏi thắp nhang, cho đến ngày 30 Tết cúng Rước Ông Bà về Ăn Tết mới thắp nhang trở lại.
Vì cúng tế Táo Quân là "Ăn Tết Sớm" nên những nhà khá giả cúng rất long trọng, và khi cúng xong thì mời cả bà con lối xóm đến cùng Ăn Tết cho vui. Ta đọc bài thơ 《TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC 祭灶與鄰曲散福》của Lục Du 陸游 (Lục Phóng Ông 陸放翁) đời Nam Tống dưới đây thì sẽ rõ:

祭灶與鄰曲散福 TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC

已幸懸車示子孫, Dĩ hạnh huyền xa thị tử tôn,
正須祭灶請比鄰。 Chính tu tế Táo thỉnh tỉ lân.
歲時風俗相傳久, Tuế thời phong tục tương truyền cửu,
賓主歡娛一笑新。 Tân chủ hoan ngu nhất tiếu tân.
雪鬢坐深知敬老, Tuyết mấn tôa thâm tri kính lão,
瓦盆酌滿不羞貧。 Ngõa bồn chước mãn bất tu bần.
問君此夕茅檐底, Vấn quân thử tịch mao thiềm đễ,
何似原頭樂社神. Hà tự nguyên đầu lạc xã thần ?

Lục Du thi nhân đời Tống

*Chú thích:
- Lân Khúc 鄰曲 : là Lối xóm, là Bà con hàng xóm như từ Tỉ Lân 比鄰 bên dưới.
- Tán Phúc 散福 : là Cúng xong rồi chia đồ ăn hay mời mọi người cùng ăn, gọi là Tán Phúc, là phát tán cái phước cho tất cả mọi người.
- Huyền Xa 懸車 : là Treo cái xe lên (không đi nữa); ý mói đã Về hưu.
- Hoan Ngu 歡娛 : là Vui chơi giải trí.
- Tọa Thâm 坐深 : là Ngồi sâu, ngồi sát vảo lưng ghế có dựa.
- Ngõa Bồn 瓦盆 : là Cái chậu sành, chậu bằng đồ gốm.
- Lạc Xã Thần 樂社神 : Cái niềm vui khi cúng thần làng, đình thần.

* Nghĩa bài thơ:
CÚNG TÁO QUÂN CÙNG ĂN TẾT VỚI CHÒM XÓM
May mà ta đã về hưu rồi nên mới có dịp để tỏ bày cùng con cháu. Vừa đúng lúc phải cúng tế Táo Quân và mời chòn xóm cùng Ăn Tết. Đây là cái phong tục đã của cuối năm đã được truyền tụng lâu đời rồi. Chủ khách cùng vui chơi với nhau trong tiếng cười của năm mới. Những người tóc mai trắng như tuyết được mời ngồi một cách trịnh trọng để tỏ lòng kính trọng người già. Bồn chậu đựng đồ ăn và rượu đều được châm đầy nên cũng không thẹn vì nghèo túng. Thử hỏi bạn rằng đêm nay ngồi dưới mái hiên của căn nhà cỏ nầy, có được vui như lúc ban đầu khi ta cúng tế đình làng hay không ?

* Diễn Nôm:

TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC

 Ăn Tết Sớm

May đã hồi hưu với cháu con,
Đúng khi tế Táo đãi cùng thôn.
Cuối năm phong tục xưa truyền lại,
Chủ khách cười vui mới hãy còn...
Kính lão tóc mai đà bạc trắng,
Không hiềm rượu thịt mãi đầy luôn.
Dười hiên mái lá đêm nay nhậu,
Vui có như khi cúng Xã Thần?

Lục bát:
Về hưu tỏ với cháu con,
Nhằm khi tế Táo xóm thôn đãi đằng.
Cuối năm phong tục đã hằng,
Cùng nhau chủ khách bao lần cười vui.
Tóc mây kính lão mời ngồi,
Đầy mâm rượu thịt đãi người chung quanh.
Đêm nay mái lá nhà tranh,
Có vui như lúc tế đình khi nao?
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Tôn Tung 孫嵩

Trong khi Lục Du tế Táo với cháu con và hàng xóm một cách vui vẻ trong tuổi già khi đã hồi hưu, thì TÔN TUNG cũng là một thi nhân đời Tống vì chữ công danh mà còn kẹt lại ở kinh thành không thể về quê để tống tiễn Táo Quân và đón Tết được. Ta cùng đọc bài thơ "Hành Đô Tiền Tuế 行都錢歲" của Tôn Tung 孫嵩 sau đây:

插架餘殘曆, Tháp giá dư tàn lịch,
挑燈憶故鄉。 Khiêu đăng ức cố hương.
年光蛇赴壑, Niên quang xà phó hác,
羈旅雁随陽。 Ký lữ nhạn tùy dương.
禁闕迎儺鼓, Cấm khuyết nghinh na cổ,
鄰街祭灶香。 Lân giai tế táo hương.
英雄須自力, Anh hùng tu tự lực,
容易鬓毛蒼。 Dung dị mấn mao thương!


Nhìn lên trên giá chỉ thấy tấm lịch sắp tàn tạ. Khêu đèn lên cho sáng lại càng thấy nhớ cố hương. Thiều quang của một năm giống như con rắn đang bò vào hang hốc, chỉ phút chốc là mất tăm. Người lữ hành đang ở xa quê hương muốn
được như con chim nhạn bay về nam theo ánh mặt trời ấm áp. Trong cung cấm đang vang lên tiếng trống xua đuổi tà ma xui xẻo để đón mừng năm mới, con đường kế bên lại thoang thoảng mùi hương đưa tiễn Táo quân. Anh hùng vốn phải tự lực cánh sinh, nhưng trước cảnh Tết phải xa nhà nầy cũng dễ khiến cho con người ta bạc đầu lắm lắm !
Càng già, con người ta càng cảm thấy rằng không phải thời gian qua quá mau, mà thời gian càng ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với con người!

* Diễn Nôm :

HÀNH ĐÔ TIỀN TUẾ

Lịch tàn trên giá sách,
Khêu đèn nhớ cố hương.
Thiều quang như rắn lượn,
Lòng quê tợ nhạn sương.
Cung cấm vang tiếng trống,
Ngoài phố thoảng Táo hương.
Anh hùng nên tự lực,
Tóc mai tựa tuyết sương!

Lục bát :
Trên tường giá lịch sắp tàn,
Khêu đền lòng nhớ ngút ngàn quê xa.
Thiều quang như rắn lượn qua,
Theo hơi nắng ấm nhạn xà về nam.
Trong cung trống tế vang vang,
Bên đường tống Táo hương nhang ngạt ngào.
Anh hùng tự lực tự cao,
Tóc mai dễ bạc khác nào tuyết sương.
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Nói đến thơ đưa Ông Táo, ta cũng không thể không nhắc đến bài "Tống Táo Thi" của Lữ Mông Chính, người mà trong "Hàn Nho Phong Vị Phú" Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy :

.... Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa
cởi dù che. ...

Sau đây, ta thử tìm hiểu cuộc đời nghèo khó và bài thơ đưa ông Táo nổi tiếng của ông nhé !...
LỮ MÔNG CHÍNH 呂蒙正 (944-1011), Tự là Thánh Công 聖功, người đất Lạc Dương tỉnh Hà Nam, đậu Trạng Nguyên năm Đinh Sửu đời Tống Thế Tôn năm 977. Sau khi đỗ Trạng, Lữ Mông Chính đã từng giữ các chức vụ Giám Thừa, Thông Phán, Trứ Tác Lang, Tả Bổ Khuyết, Tham Tri Chính Sự. Năm 988, Lữ nhậm chức Tể Tướng. Bệnh mất năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 (1011), hưởng thọ 67 tuổi. Truyện kể...

Lữ Mông Chính tế Táo trong phim ảnh


Sau khi cha mất, gia cảnh ngày một suy vi. Lữ Mông Chính cùng mẹ phải tạm trú ngụ trong một lò gạch cũ, làm nghề ăn xin độ nhật.
Một hôm, thấy trước cửa quan Tể Tướng đông nghịt những người, chen chút nhau rất náo nhiệt. Lữ cũng chen vào để xem, tình cờ một vật gì đó từ trên trời bay xuống rớt đúng vào lòng. Thì ra, thiên kim tiểu thơ của quan Tể Tướng là Lưu Nguyệt Nga 劉月娥 đang gieo tú cầu để tìm người hôn phối. Vật bay vào lòng Lữ là trái tú cầu được Lưu tiểu thơ ném từ trên lầu xuống....
Dĩ nhiên là ông bà Tể Tướng không chịu chấp nhận hôn sự nầy, nhưng tiểu thơ Nguyệt Nga thì lại kiên trì chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Lữ về sống ở lò gạch bể, vì nàng cho đây là duyên trời định và hơn nữa không thể bội tín được.
Cuối năm đó, đến ngày đưa ông Táo, không hiểu là Lữ Mông Chính đã năn nỉ như thế nào mà ông hàng thịt bán chịu cho một miếng thịt đem về luộc để cúng ông Táo. Nhưng khi bà hàng thịt biết được việc nầy bèn mắng cho ông chồng một trận nên thân :"Nó nghèo kiết xác, làm sao có tiền trả mà bán chịu ?!". Bà ta tức tốc chạy đến lò gạch, thấy miếng thịt đang luộc dở dang trên bếp, bèn hứ một tiếng rồi vớt lấy miếng thịt đem về !. Đến nước nầy, Lữ chỉ còn biết đổ nước luộc thịt vào tô mà đưa tiễn ông Táo về trời thôi.
Trong khi thắp hương để cúng ông Táo, vì cảm khái trước cái nghèo khó của mình và cũng cảm khái trước cái nhân tình thế thái, Lữ Mông Chính đã làm bài thơ tiễn Ông Táo sau đây :

一碗清湯詩一篇, Nhất oản thanh thang thi nhất thiên,
灶君今日上朝天; Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
玉皇若問人間事, Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。 Vị đạo văn chương bất trị tiền !

* Có nghĩa :
Một bát canh trong cùng một bài thơ, hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời. Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian, thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng, văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả !

* Diễn Nôm :

Một bát nước canh thơ một liên,
Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Câu chót của bài thơ làm ta nhớ đến câu thơ lên Hầu Trời của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
Văn chương hạ giới rẻ như bèo !....

Trở lại chuyện của Lữ Mông Chính, theo truyền thuyết dân gian thì....

....Năm đó, sau khi Táo của các nhà đã báo cáo xong, mà đợi mãi vẫn không thấy Táo của lò gạch nơi Lữ cư ngụ. Mọi người đang nóng ruột, thì thấy Táo của Lữ Mông Chính mặt mà xanh lè, đi cà lếch cà lếch vào chầu. Ngọc Hoàng phán hỏi tại sao, thì được trả lời rằng : " Thần chỉ uống có một tô nước thịt luộc dở dang chưa chín, đã đói lại còn bị... chột bụng nên đi không nổi. ", đoạn trình bài thơ của Lữ lên cho Ngọc Hoàng xem. Ngọc Hoàng phán rằng, số của Lữ sẽ đậu Trạng Nguyên vào khoa sau, đừng lo lắng quá ! Thần Táo mới năn nỉ rằng : " Anh ta đói quá, sợ sống không nổi đến khoa sau đâu, thôi thì trước sau gì cũng đậu, xin Ngọc Hoàng thương tình. Ngọc Hoàng bèn sai Nam Tào đem sổ sửa lại cho Lữ đậu ngay khoa nầy, vì thế mà Lữ Mông Chính mới đậu được Trạng Nguyên của khoa Đinh Sửu 977 là vậy !

Lữ Mông Chính và bài thơ Tế Táo

Trên đây là theo truyền Thuyết dân gian, chớ thực sự thì... Đằng sau sự thành công của người đàn ông, thường có bóng dáng của một người đàn bà, còn ở đây, đằng sau sự đậu đạt của Lữ Mông Chính, có tới bóng dáng của 2 người đàn bà lận : Một là Lưu tiểu thơ; Hai là bà Tể Tướng phu nhân, vì thương con gái mà lén chu cấp đầy đủ vật chất cho con và rể sinh sống, vì vậy Lữ mới yên tâm mà dùi mài kinh sử... chứ đói meo thì làm sao đủ sức mà học hành để đậu Trạng Nguyên cho được !
Đây là ông Tể Tướng xuất thân từ khất cái (Ăn mày) duy nhất của lịch sử Trung Hoa trong đời nhà Tống : Lữ Mông Chính.

Cầu chúc cho tất cả mọi người đưa tiễn Táo Quân và Ăn Tết Sớm vui vẻ trước khi ĂN TẾT THẬT vào ngày Nguyên Đán của năm Giáp Thìn 2024 nầy !


Hẹn bài viết tới!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức


Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Táo Quân Ngành Dược

  

Ông Táo về trời
Báo tin vui trước.
Năm nay Hội Dược
Tổ chức tất niên.

Mấy năm triền miên
Do dịch Covid
Hoành hành nguy kịch,
Phát tán khắp nơi.
Thế giới rụng rời,
Biết bao người chết.
Không kịp ăn Têt
Thân xác ra tro.

Bây giờ hết lo,
Vắc xin đầy đủ.
Táo hết mất ngủ,
Nay dám hiên ngang,
Khởi bẩm Ngọc Hoàng:
Cho các dược sĩ
Về Trường hoan hỉ,
Tổ chức tất niên
Vui vẻ triền miên…!
Kính báo.

Tịnh Phan  
02.02.2024

Xuân Đi Từ Độ Ấy!


Hôm nay là ngày 2/2/2024. Ngày là ngày đông nhưng trời là trời thu. Dưới bầu trời thấp sớm mai, giăng giăng những lớp sương mù! Nên tôi không biết những ông Táo tị nạn ở đây, có lên Thiên Đàng kịp giờ trình sớ? – Bởi vì hôm nay, là ngày 23 tháng chạp năm Quý Mão, ngày Táo quân đội mão, mang hia, đằng vân, mang sớ về trình Ngọc Hoàng.

Từ cái Tết Kỷ Mùi 28/01/1979  cái Tết cuối cùng ở quê hương) trong mấy chục năm liền, Tết, với tôi, chỉ là một ý niệm, chỉ là một cái ‘’mốc’’ để biết ‘’bao nhiêu năm rồi mình đã ra đi’’! Nhưng từ đầu thập niên 2000s, xuất hiện một ‘’Phật đường’’ nhỏ nơi tôi sống. Thế là từ đó, cứ mỗi giao thừa cuối năm, dù bận rộn cách mấy, tôi cũng thu xếp đến Phật đường, nghe kinh, lễ Phật, hướng lòng đến những người thân đã khuất, trong một không gian ấm cúng, thân tình!

Sau 75, tuy đã trải qua 4 cái Tết ở quê nhà nhưng lòng tôi chưa bao giờ là Tết! 49 năm rồi, tôi không thấy Tết, chỉ ‘’đón xuân này tôi nhớ xuân xưa’’, thủa lòng còn háo hức mong xuân, thủa tuổi còn thanh xuân, mộng mơ đầy ắp ! ‘’Xuân gieo lộc khắp chốn/ Xuân đi rồi xuân đến ‘’, những lời hát trong ‘’Câu chuyện đầu năm’’ (Hoài An) đã trở thành .. quá khứ ! Lộc không còn để xuân gieo khắp chốn và xuân đi nhưng chưa hề trở lại hay không bao giờ trở lại (?!) .Sau Tết Ất Mão 75, ở miền Nam, xuân đã đi từ tháng 3, khởi đầu ở Ban Mê !!! Ban Mê !!! Rồi xuân đi nhưng xuân không đến ! Xuân đi thật xa,. Xuân đi vì người đi. Người đi trên không, trên biển, đi trong rừng già, ‘’đi’’ ra ngoài Bắ (!), đi qua biên giới Cao Miên (!) vv.

Rất nhiều người ‘’đi’ , tìm mọi cách để đi. Và rất nhiều kẻ không về ! Mãi mãi không về.

Từ độ ấy, xuân ơi!

Có phải xuân đi từ độ ấy?
-Từ hôm gió bấc ngập đô thành!
Ngày phong thư lạc tên đường phố
Là lúc xuân tìm ra biển xanh!

Có phải xuân đi vì người đi?
-Nên từng chiếc lá khóc chia ly
-Nên đêm tắt hết ngàn sao sáng
Khi những người thân chẳng trở về?!!!

Từ lúc xuân đi không trở lại
Mười ngàn huyễn mộng, lang thang đêm
Chú ve sầu trốn sầu, di tản
Tôi tản cư vào đôi mắt em!

Ngày tháng xuân hồng sang hạ đỏ
Mắt gầy khô khốc dấu chân chim
Mùa qua, xuân thổi phai màu tóc
Lòng vẫn chia nhau một nỗi niềm!

Mùa ơi, năm tháng đâu cần biết
Khi có tay người ôm sát tôi!

2010
BP

Cúng Ông Công Ông Táo 2024 Vào Ngày Nào Giờ Nào Đẹp Năm 2024


Cúng ông Công ông Táo là phong tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Cúng ông Công ông Táo thường được thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Theo nghi lễ truyền thống các gia đình sẽ làm mâm cơm tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, để cầu mong một năm mới ấm no, sung túc.Thế nhưng, rất nhiều người chưa biết sắm lễ ra sao? Thời gian cúng ông Táo như nào? Bài cúng ông Công ông Táo và cần lưu ý gì sau khi cúng Ông ông ông Táo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Cẩm nang az để hiểu rõ hơn, chuẩn bị thật chu đáo cho lễ cúng ông Công ông Táo.
Cúng Ông Công ông Táo 2024 vào ngày nào?

Ngày ông Công Ông Táo 2024 sẽ rơi vào thứ 6 ngày 02/02/2024 dương lịch (Tức ngày 23/12/2021 Âm lịch).

Truyền thuyết về Cúng Ông Công ông Táo

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.

Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.

Theo lịch âm dương, lễ cúng ông Công ông Táo năm 2024 rơi vào thứ sáu, ngày 2 tháng 2.

Tuy nhiên, nhiều người dân có quan niệm lễ phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, nên nhiều gia đình cúng từ ngày 22 vì quan niệm phải kịp giờ cho ông Táo về Thiên Đình.
Cúng ông công ông táo vào ngày nào thì tốt năm 2024

Theo truyền thống dân gian, ông Công ông Táo là hai vị thần cai quản bếp núc trong nhà. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, ông Công ông Táo sẽ lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm của gia chủ trong suốt một năm. Vì vậy, người Việt Nam thường chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo rất chu đáo để tiễn ông Táo lên trời.

Năm 2024, ngày 23 tháng Chạp âm lịch rơi vào thứ Sáu, ngày 2 tháng 2 dương lịch. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, giờ Ngọ là giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo. Giờ Ngọ năm 2024 rơi vào khoảng 11 giờ 00 - 12 giờ 00 trưa.

Trường hợp gia chủ bận việc, có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp. Tùy điều kiện gia đình, bạn có thể cúng ông Công ông Táo trước từ 1 ngày - 1 tuần, nhưng tốt nhất là trong khoảng thời gian từ 20 - 23 tháng Chạp.

Theo quan niệm xưa, việc chọn ngày, giờ cúng ông Công ông Táo năm 2024 có ảnh hưởng rất lớn đến vận may của gia đình trong năm mới.

Dưới đây là một số ngày, giờ hoàng đạo để bạn có thể thực hiện lễ cúng ngày 23 tháng Chạp một cách trọn vẹn, giúp đem lại nhiều bình an, tài lộc và may mắn: Ngày 20 tháng Chạp (tức ngày 30/01/2024 dương lịch): Các khung giờ đẹp thích hợp để làm gồm: 7-9h; 13-15h, 19-21h.
Ngày 21 tháng Chạp (tức ngày 31/01/2024 dương lịch): Các khung giờ đẹp thích hợp để làm gồm: 15-17h; 17-19h.
Ngày 22 tháng Chạp (tức ngày 01/02/2024 dương lịch): Các khung giờ đẹp thích hợp để làm gồm: 9-11h; 15-17h; 19-21h.
Ngày 23 tháng Chạp (tức 02/02/2024 dương lịch): Các khung giờ đẹp thích hợp để làm gồm: 7-9h; 9-11h.

Khi cúng, gia chủ cần ăn mặc lịch sự. Trang phục nam nữ là quần dài, áo đẹp, sáng màu, không hở và thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực.

Năm hành kim thì dùng màu vàng
Năm hành mộc thì dùng màu trắng
Năm hành thủy thì dùng màu xanh
Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ
Năm hành thổ thì dùng màu đen

Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Ngày nay, cá chép có thể là cá sống hoặc làm bằng giấy.

Lưu ý: Bạn có thể dùng cá chép sống hoặc cá chép giấy để cúng ông Công ông Táo. Thường thì ở miền Bắc, người ta sẽ cúng ông Táo bằng cá chép sống thả trong chậu nước với ngụ ý “cá chép hóa rồng”, còn ở Nam bộ, người ta dùng cá chép giấy nhiều hơn. Ngoài bộ ông Công, ông Táo, người ta còn mua thêm tiền vàng cho lễ cúng 23 tháng Chạp.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Tùy theo từng gia đình có thể chuẩn bị những lễ vật cúng ông Công, ông Táo khác nhau và còn phù thuộc vào văn hóa của từng vùng miền. Ngoài các lễ vật chính kể trên, thì còn có lễ mặn, hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.

Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường gồm các thứ sau:

1 đĩa gạo
1 đĩa muối
1 con gà luộc ngậm hoa hồng
1 bát canh mọc hoặc canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò
1 đĩa thịt kho đông (miền Bắc)
1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
1 đĩa nem rán truyền thống
1 đĩa chè kho
5 lạng thịt vai luộc
3 chén rượu
1 đĩa hoa quả
1 ấm trà sen
1 quả bưởi
1 quả cau, lá trầu
1 lọ hoa đào nhỏ
1 lọ hoa cúc
1 tập giấy tiền, vàng mã

Lưu ý: Mâm cỗ cúng luôn đầy ắp màu sắc với mong muốn một năm sung túc.

+ Ngoài ra, cúng ông Công ông Táo ở miền Bắc các gia đình cũng mua thêm 3 con cá chép, cá vàng sống (hoặc cá giấy - sau lễ đốt cùng vàng mã) thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Sau khi làm lễ thì đem ra sông thả, chúng được coi như là phương tiện đưa Táo quân lên trời. Ngoài ra, hình tượng cá chép cũng truyền tải khát vọng "cá chép hóa rồng" ngụ ý thăng hoa, tinh thần bền lòng chinh phục tri thức và sự thành công.

+ Ở miền Trung thì thường cúng một con ngựa giấy đầy đủ yên cương.
+ Ở miền Nam chỉ cúng áo, mũ giấy là đủ.
Mâm cúng ông Táo, ông Công đặt ở đâu?

Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ở đâu bởi tùy vào phong tục cũng như quan niệm từng vùng miền sẽ có những quy ước khác nhau đối với vị trí đặt mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.

Nhưng, theo truyền thống của người Việt Nam, cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng ông Công ông Táo cần phải được thực hiện ở nơi trang trọng và gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.
Văn khấn, Mẫu sớ cúng ông công ông táo

“ Nam Quốc….. ……………………………………….

*Tỉnh….. …………………………………………….

*Thị….. ………………………………………..

*Địa danh.Phường,Xã,Thôn ………………………..

*Đệ tử……………..Tên…………………

Hôm nay ngày ……Tại ………

Tấu thỉnh Thổ Công táo quân thiên đình, tam giới, thần thánh chư thiên.

Thiên phủ, địa phủ, thủy phủ. Nhạc phủ vạn pháp thần thông. Tấu thỉnh Thổ Địa thần kỳ, Thành Hoàng xá lệnh. Cung duy Thổ Công Táo Quân thiên đình.

Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Thổ Gia Thổ Trạch Tứ Phương Ứng Giáng.

Thỉnh Môn Thần, Phúc Sự. Thỉnh Tĩnh Thần Thanh Thủy. Thỉnh Hỏa Thần Thượng thiên

Thỉnh Bếp Thần Linh Hỏa. Thỉnh Vua Bếp Tam Tài. Thỉnh Xí Thần. Thỉnh Khố Cung Thần trông nom trông gia nhân. Thỉnh Ngũ Phương Ngũ Đế.

Hỏa hóa ngân lưỡng tống táo vương. Thượng thiên hảo sự quảng tuyên dương. Phụng đạo tụng kinh

Kì thao thanh bình đệ tử…… Phàm cư đại trung hoa…tỉnh…thị…hiệu. Kim nhật kiền thành. Dĩ hương chúc thanh sái chi nghi kính cáo

Cửu thiên trù phủ tôn thần chi vị tiền viết duy:

Thần linh thông thiên phủ. Trạch phái nhân hoàn. Công sùng viêm đế. Đức bị dưỡng quần sinh.

Đệ tử mỗi niên tứ quý. Ngưỡng lại tôn thần bảo hữu. Nhật thực tam xan. Toàn cảm đại đức khuông phù.

Thánh đức quảng bác. Thốn tâm nan báo. Nhật thường chi gian. Ngôn hoặc phi lễ. Hành hoặc phi nghi. Trù tạo chi tế. Hoặc phần mao cốt. Hoặc đôi uế ô.

Bất tri cấm kị. Mạo phạm táo quân đại vương. Hàng tai trí họa. Dĩ trí gia trạch bất an.

Kinh doanh bất thông. Nhân đinh bất vượng. Sinh súc bất lợi. Thường sinh tật bệnh chi tai.

Đệ tử hạp gia kiền niệm. Bắc kim đại cát lương thần.

Phụng tụng táo vương phủ quân chân kinh nhất quyển

Bổ tạ linh văn nhất hàm.

Thành khẩn lễ bái.

Thượng phụng

Cửu thiên nhạc trù tư mệnh

Thái ất nguyên hoàng định phúc . Phụng thiện thiên tôn vị tiền. Phục nguyện đại thi xá hựu.

Vĩnh tăng phúc lộc. Phùng hung hóa cát. Phổ ước an ổn. Thánh từ động hồi. Chiêu cách văn sơ

Thiên vận…niên….nguyệt….nhật.”

Lệnh Hồ Công Tử sưu tầm

Tiễn Táo Chầu Trời

 

Hăm Ba Tháng Chạp Táo chầu trời
Kính bẩm Hoàng Thiên một ít lời
Tạ được "tai qua" vui tết thắm
Ơn cho "nạn khỏi" hưởng xuân tươi
Hứa luôn dưỡng tánh năng làm thiện
Nguyện mãi tu tâm gắng giúp đời
Cầu tuổi già bình an mạnh khỏe
Tinh thần minh mẫn vẫn rong chơi

nhất hùng

Mùa Xuân Đến Thăm Anh - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc: Hùng Hit - Ca Sĩ: Phương Oanh


Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc: Hùng Hit
Ca Sĩ: Phương Oanh

Xuân Này Con Về

 

Xuân nầy con về mẹ đã xa
Văng vẳng đêm buồn tiếng ai ca
Ai đem tâm sự hoà cung nhạc
Khiến người viễn xứ dạ xót xa

Nhớ quá ngày xuân nơi quê nhà
Mừng vui đón tết bên mẹ cha
Những ngày xuân củ còn đâu nữa
Xứ lạnh xuân nầy nhớ thiết tha

Con biết con về mẹ đã xa
Nhà xưa nay vắng bóng mẹ già
Vỏng đưa kẻo kẹt vẫn còn đó
Không giọng ru hời lẫn tiếng ca

Kim Phượng(Canada), Kim Oanh(Canada), KimTrúc

Khối Tình Già

 

Nhìn em anh thấy vết nhăn
Hai bên đuôi mắt, lăn tăn vệt dài
Tóc mai sợi ngắn, sợi dài
Nửa đen, nửa bạc, chen hoài bên nhau.

Vòng xoay tạo hóa qua mau
Tuổi xuân vừa dứt, theo sau tuổi già
Anh say trong khối tình già
Vì xưa anh đã mặn mà yêu em.

Khối tình ấp ủ thành men
Đễ cho mùi rượu, đượm men vị nồng
Uống đi cho má thêm hồng
Cho môi thêm thắm, vị nồng ta say.

Cuộc đời nào có ai hay
Niềm vui cũng đủ, đắng cay cũng nhiều
Tàn phai nắng đã xế chiều
Nghiêng nghiêng bóng đổ, xiêu xiêu ánh tà.

Gừng cay ở độ gừng già
Yêu nhau ở tuổi về già, càng yêu.

Lê Tuấn 

Trăn Trở



Ánh đèn nhòa nhạt giữa mưa sương 
Hiền hiện trơ vơ bóng giáo đường 
Trước nỗi ưu phiền đêm giá lạnh 
Trong niềm bức xúc cảnh thê lương 
Ai người tri kỷ chia hiu quanh? 
Ai kẻ tâm giao kết mến thương? 
Chời đợi xuân về nơi đất khách 
Nỗi lòng đòi đoạn phận tha phương. 

Thái Huy 
Jan/28/24


Năm Tàn

 
Đất khách mai vàng chẳng thấy đâu
Băng trên dòng suối, giá trên cầu.
Âm u ghềnh đá vờn sương khói
Oang oác bến tàu lượn cánh âu.
Góc biển lạnh lùng Xuân đến chậm
Chân trời ríu rít én chờ lâu.
Năm tàn cuốn lịch vài tờ lẻ
Lữ thứ lòng quê ngất ngất sầu!

Mailoc
Dec-19-23

Giống Tiên Rồng

 

Xướng:
Giống Tiên Rồng

Giáp Thìn ta lại đón năm Rồng,
Trăm triệu vui mừng giống Lạc Long.
Con Cháu Rồng Tiên oai tựa cọp,
Vợ Chồng Long Phụng đẹp như Rồng.
Rồng Mây Gặp Hội, Long thành tử,
Long Hổ Phong Vân, cá hóa Long.
Hổ Ngọa Long Tàng mong nước Việt,
Rồng Tiên xứng tiếng giống Tiên Rồng!

Đỗ Chiêu Đức
01-06-2024
***
Các Bài Họa:

Con Rồng Cháu Tiên

Kinh đô nước Việt gọi Thăng Long
Ý muốn bay cao vút tựa Rồng
Nữ giới xinh hiền: trang mỹ phụng
Nam nhân oai dũng: đấng hùng Long
Ước mơ bay bổng mây vờn gió
Kinh sử làu thông cá hóa Rồng
Ẫn nhẫn đợi chờ như ngọa hổ
Gặp thời phỉ chí hội Vân-Long.

Phương Hà
(07/01/2024)
***
Mừng Xuân Giáp Thìn

Chào đón tân niên nhớ Tết “Rồng”
Ngàn năm giỗ Tổ giống nòi “Long”
Hậu sinh khả úy…phương Âu Lạc
Phu phụ tề phi hướng phượng Rồng
Hội ngộ Long Hoa thành Bạch Hạc
Tương phùng Cá Chép hóa Kim Long
Âu Cơ Hiền Mẫu, đây Tiên Tổ
Quốc Mẫu tiền minh, vốn Gốc Rồng…


Mai Xuân Thanh
Bay Area January 06, 2024

Paris Câu Chuyện Văn Học Năm Xưa


Chiều ngày 7 tháng 10 năm 2001 tại hội trường FIAP số 30 rue Cannabis quận 14 Paris Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật với chủ đề: “Thu Đất Khách”.

Hội trường chứa khoảng hơn 300 chỗ ngồi, khách tham dự đến chật khán phòng nhưng vẫn giữ im lặng. Có rất nhiều người phải đứng dọc hai dãy hành lang để lắng nghe những bài thuyết trình và phần văn nghệ chọn lọc do những trí thức văn nghệ sĩ trình bày. Điều khiển chương trình là nghệ sĩ Thúy Hằng và họa sĩ Nguyễn Đức Tăng.
Mở đầu, danh ca Thanh Hùng trình biểu diễn ca khúc Tình Nghệ Sĩ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn &Từ Linh và Giọt Mưa Thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong qua phần đệm dương cầm của nhạc sĩ Xuân Vinh và guitar của nhạc sĩ Mainith.
Tiếp theo là nhạc phẩm “Không Còn Mùa Thu” của nhạc sĩ Việt Anh do bác sĩ Tố Lan, một chất giọng thiên phú rất truyền cảm trong làng văn nghệ Paris trình diễn. Kế đến bác sĩ Phạm Đăng Thiện một chất giọng ténor thính phòng trong bài “Mùa Thu Paris” của nhạc sĩ Phạm Duy. Giáo sư Quỳnh Hạnh đàn tranh và diễn ng âm: “Thu Trong Ca Dao Việt Nam”. Ca sĩ Tuyết Dung giọng ca vàng của dòng nhạc trữ tình, thính phòng Paris qua ca khúc “Thu Hát Cho Người” “của Vũ Đức Sao Biển. Dược sĩ Nguyễn Đình Tuấn diễn ngâm bài thơ : “Bài Hát Mùa Thu” của thi sĩ Đinh Hùng. Nghệ sĩ Diệu Khánh được mệnh danh là Hồ Điệp của Paris diễn ngâm bài “Giọt Lệ Thu” của nữ sĩ Tương Phố, với tiếng sáo của Trần Tam Nguyên.
Lần đầu tiên ba nhạc sĩ lão thành thời tiền chiến cùng xuất hiện trước khán giả Paris để thổ lộ tâm tình, và nguồn gốc cảm hứng sáng tác về những nhạc phẩm được công chúng yêu thích suốt nửa thế kỷ: Nhạc sĩ Xuân Lôi (84 tuổi) với nhạc phẩm Nhạt Nắng, nhạc sĩ Trịnh Hưng với nhạc phẩm Lối Về Xóm Nhỏ, nhạc Lê Mộng Nguyên với nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối.
Phần văn học quy tụ nhiều khuôn mặt quen thuộc như:

Nữ sĩ Nguyễn thị Vinh thành viên cuối cùng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với những tác phẩm vang bóng một thời, từ Oslo đến thuyết trình đề tài: “Tự Lực Văn Đoàn Ngôi Nhà Ánh Sáng Thơ Văn.”
Nhà thơ Hoàng Xuyên Anh trong nhóm Thi Đàn Lạc Việt, từ Cali đến trình làng hai tác phẩm: “Nỗi Lòng Cô Phụ, Khung Trời Kỷ Niệm” được giáo sư Lê Mộng Nguyên giới thiệu. Bài nói chuyện của giáo sư Lê Mộng Nguyên đã làm khán giả bùi ngùi, có người không cầm được nước mắt khi nghe kể những bất hạnh về cuộc đời cỉa nhà thơ Hoàng Xuyên Anh phải gánh chịu. Thơ đã đến với tâm hồn đau khổ của cô giáo Hoàng Xuyên Anh làm vơi những nỗi niềm nghiệt ngã.
Nhà thơ Đỗ Bình đã giới thiệu tác giả và tác phẩm của nữ điêu khắc Vương Thu Thủy với những tác phẩm triển lãm. Tiếp sau đó ông giới thiệu tác pẩm và tác giả của nhà văn, đạo diễn trần Song Thu, với tác phẩm Hoàng “Hôn Trong Mắt Em”.

Tếp theo Giáo sư, Học giả Võ Thu Tịnh đã thuyết trình đề tài: “Phong Trào Thơ Mới, Cuộc Cách Mệnh Thi Ca Đầu Thế Kỷ Hai Mươi”.
Họa sĩ, Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng giới thiệu tác phẩm biên khảo “Hoa Tâm” của Nhà thơ Phương Du BS Nguyễn Bá Hậu: Thơ là tâm linh giải thoát sầu đời.
Tiếp theo Nhà thần học TS Nguyễn Tấn Phước giới thiệu ba tác phẩm của nhà thơ ý Nga: “ Trái Đắng Quê Nhà, Góp Lửa, Lục Bát Đấu Tranh”.
Thúy Hằng giới thiệu Nhà văn, Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật người được giải văn học nghệ thuật hải ngoại, tác giả nhiều tác phẩm trước và sau năm 1975, từ Oslo sang thuyết trình đề tài: “ Vai Trò Người Cầm Bút Lưu Vong” trong đó ông xác định hại chữ “lưu vong” có nghĩa:“ Ra đi mà không trở lại quê cũ được!”. Theo ông người cầm bút lưu vong phải làm ba điều:

- Vượt khỏi con người của mình.
- Gửi đi một tín hiệu.
- Viết về những vấn đề của con người lưu vong qua các chủ đề: chính trị, xã hội và gia đình.
Nhân dịp này ông cũng triển lãm một số tranh.
Buổi sinh hoạt chấm dứt vào lúc 19h30.

Lữ Bằng
( trích tuần báo Đại Chúng W.DC, báo Á Châu Paris)

TÂM TÌNH NGHỆ SĨ


Nắng thu se lạnh làm xao xuyến những tâm hồn tha hương. Đường phố Paris ngập những chiếc lá vàng, có những chiếc vừa mới lìa cành bay như đàn bướm thật quyến rũ. Dọc sông Seine những hàng cây soi bóng nước, những hình ảnh đó dễ gợi cảm hứng cho văn nhân thi sĩ dệt lên những thiên tình sử về Paris. Một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật chủ đề:Tâm Tâm Tình Nghệ Sĩ do câu lạc bộ Văn Hóa tổ chức, quy tụ những khuôn mặt quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ: Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, nhà thơ Hoàng Xuyên Anh, nhà thơ Thụy Khanh, Nhà thơ Hà Lan Phương, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, nữ sĩ Quỳnh Liên, nhà văn nữ Trúc Thanh, nhà văn Trần Đại Sỹ, nhà văn Hồ Trường An, nhà thơ Phương Du, nhà thơ Đỗ Bình, nhà thơ Vũ Nguyên Bích, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Minh Nhật, BS Nguyễn Bá Linh, GS Nguyễn Ngọc Chân, GS Nguyễn Bảo Hưng, TS Nguyễn Tấn Phước, nghệ sĩ Diệu Khánh, nghệ sĩ Thúy Hằng, danh ca Thanh Hùng, danh ca Mỹ Hòa, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, điêu khắc gia Vương Thu Thủy, đạo diễn Trần Song Thu, Lê Thị Kim Lan, Bùi Mạnh Căn …
Ở Pris có nhiều người lên sân khấu hát và giọt hát hay, nhưng rất ít ca sĩ, nhất là giọng ngâm thơ lại càng hiếm. Một số giọng ngâm nữ xuất sắc là những nghệ sĩ: Bích Thuận, Diệu Khánh, Linh Chi, Anh Trần, Thụy Khanh, Thúy Hằng, Thụy Hương, Bích Xuân, Ngọc Xuân và Mỹ Hòa. Sau năm 2000 có một số nghệ sĩ sân khấu cải lương, ca sĩ, nhạc sĩ đã rời Paris sang Mỹ lập nghiệp.

Mở đầu, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu:“Thưa các anh chị, hương ấm của Thu Đất Khách còn đọng lại, cái ám áp của mùa thu năm nay không những do thời tiết mà còn do những người bạn phương xa của chúng ta là anh chị nhà văn Nguyễn Thị Vinh & Nguyễn Hữu Nhật và nhà thơ Hoàng Xuyên Anh mang đến. Ở quê người còn có những cuộc họp mặt bằng hữu gặp lại nhau là một hạnh ngộ. Trong sinh hoạt này ngoài bạn văn còn có những người bạn xưa. Để thân mật xin mời nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật làm MC.
Nguyễn Hữu Nhật:“Xin chào quý anh quý chị. Tôi xin giới thiệu đến qúy vị một danh ca mà tuổi trẻ chúng tôi chỉ dám đứng xa nhìn thôi. Đó danh ca và tài tử Thanh Hùng. Xin anh cho biết cảm tưởng của anh ở giới ca nhạc và chúng tôi nghe nói rằng anh còn biết ca vọng cổ. Từ khi ông Sáu Lầu: «Đêm nghe tiếng trống mà nhớ chồng là Vọng Cổ Hoài Phu, những người chồng bị những người ngoại xâm đêm bắt đi đi từng chuỗi và đi xuống tàu để đày qua các đảo khác thì người ta gõ những tiếng trống. Người đau đớn không phải người ra đi mà chính những bà mẹ, bà chị, những người em gái Việt Nam nghe tiếng trống qua bao nhiêu lần khắc khoải đó. Anh có thể cho chúng tôi nghe một đoạn nào trong tiếng trống của vọng cổ chăng?"

Thanh Hùng:"Xin cảm ơn anh Nguyễn Hữu Nhật, xin cáo lỗi cùng các anh các chị, Thanh Hùng đã không còn hát vọng cổ từ lâu. Ngày xưa Thanh Hùng có học vọng cổ của nhạc sĩ Út Trong cũng là Thầy của nữ nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng Thanh Hùng Không có duyên nên thú thật với anh Nhật là mình quên rồi! Mình còn nhớ mình làm kép cải lương làm kép chánh các đoàn, nhưng không có duyên. Mình xin phép anh Nhật và quý vị xin hát một bài của thi nhạc sĩ Đỗ Bình đó là bài “Mộng Vàng”, bài nhạc thật lãng mạn viết về một kỷ niệm xưa. Mời anh Đỗ Bình đệm dương cầm.»
Nguyễn Hữu Nhật: «Tôi không biết nói chi hơn là tuyệt vời. Cảm ơn anh Thanh Hùng. »

Nguyễn Hữu Nhật: “Tôi xin được thưa với các anh các chị một trong những người làm thơ nữ ở hải ngoại này mà chúng tôi thật sự đã đọc rất kỹ từng chữ một bởi vì hơi khắt khe một chút, thưa các anh các chị bên ngoài có lẽ các anh các chị đã nghe thấy có những tiếng eo sèo, tiếng bấc tiếng chì trong đó người ta nói có phần đúng, hễ ai có tiền in thơ là thành thi sĩ !Người ta ví lá mùa thu rụng nhiều, nhưng thi sĩ còn nhiều hơn số lá vàng đó! Nhà thơ nữ mà chúng tôi đọc kỹ là nhà thơ nữ Thụy Khanh, chị viết rất ít, đôi khi chậm nhưng mà lắng đọng, mỗi bài gởi gấm được hình ảnh và âm nhạc. Đó là sự thận trọng của người có học chứ không phải là a dua, có sẵn điều kiện rồi in, để tạo ra một hiện tượng khiến người đọc nghi ngờ chung cả chúng ta. Và người đó ngày hôm nay anh chị em chúng ta hân hạnh được tiếp đón là nhà thơ nữ Thụy Khanh có nhã ý muốn giới thiệu bài thơ của Nguyễn Thi Vinh trong tập Cõi Tạm.”

Thụy Khanh:“Thật là một cuộc tao ngộ lý thú Thụy Khanh không thể ngờ là gặp lại anh chị Nguyễn Hữu Nhật Nguyễn Thị Vinh, gặp lại một số các anh chị đã quen từ trước nhưng mà lâu gặp như chị Mỹ Hòa, anh chị Căn, anh Tùng và anh chị Đỗ Bình.

Thụy Khanh diễn ngâm bài Đôi Mắt của Nguyễn Thi Vinh, Đỗ Bình đệm dương cầm, sáo Nguyễn Đức Tăng.

Nguyễn Hữu Nhật: “Xin cảm ơn nhà thơ Thụy Khanh Paris. Chúng tôi có thể nói một điều không khí khách rằng các anh các chị dù sao ở trên bước đường không may mắn đó chung như nhau nghĩa là cùng một lứa bên trời lận đận, các anh chị được hận hạnh lận đận ở Paris, nhưng chúng tôi lận đận ở nơi mà người ta hãnh diện là mái nhà ở Châu Âu mà nó khuất nẻo, hiu quạnh lắm ! Khi mà chúng tôi đi từ Oslo sang Paris, chúng tôi có cảm giác như mình đang mò dần về đến Sài Gòn.
Tôi có một người em gái, đồng thời là bạn văn là Hà Lan Phương. Cảm nghĩ của hà Lan Phương như thế nào xin cho anh chị em chúng tôi được biết ? ”
Hà Lan Phương: “Thưa các bác, các anh các chị Phương được biết anh Nguyễn Hữu Nhật chị Nguyễn Thị Vinh là một hân hạnh và rất cảm động. Phương chỉ nghe danh chị Vinh từ hồi xưa qua trang sách, nay khi gặp chị Vinh, chị đối xử với Phương thật thân ái, Phương rất cảm động. Phương thấy Nauy với Paris không xa, chị lâu quá không qua chơi !Mỗi năm anh chị qua đây một lần thì chúng mình gặp nhau nhiều hơn.”

Nguyễn Thị Vinh: “Cảm ơn Hà Lan Phương, em nói rằng là chưa gặp em, em nhầm đấy ! Anh chị đọc em và đã gặp em trong tác phẩm của em, trong các bài mà em. Vì cái sự đồng chí ở trong các bài của em rải rác trên các báo do thành ra lòng quý mến nên các anh chị phải tìm đến em, chứ không phải bây giờ mới là lần đầu tiên gặp.”

Nguyễn Hữu Nhật: “Thưa các anh các chị từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975 thì chúng ta sợ nhất hai chữ “đồng minh và đồng chí”, hai chữ đó nó làm tình làm tội dân tộc mình ! Anh chị em chúng ta mỗi người kể như tạm tạm yên nhưng chưa ổn, vì còn có những thao thức nào đó vì thế Nguyễn Hữu Nhật khi làm thơ tình thì muốn làm vui thôi thí dụ như :

"Bắc thang sát nách tường hoa
Xem người nhan sắc có ra nhìn trời
Gặp nhau chẳng nói một lời
Đêm về không ngủ nằm cười trong chăn."

Bài thơ khác:

"Tối nào anh cũng làm thơ
Dù em là tấm gương mờ đã lâu
Trước khi đi ngủ chải đầu
Để trong giấc mộng gặp nhau đàng hoàng."

Nguyễn Hữu Nhật:“Thưa các anh các chị, một trong những người mà mang thời sự và chiến sự đi qua bên này vào trong lúc người Việt ở bên Mỹ ít có dám đi nơi nào, mà người đó vì thơ, vì các bạn văn mà sẵn sàng đi qua bên này. Đó là nhà thơ Hoàng Xuyên Anh. Cho chúng tôi làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, chúng tôi không ở một cơ quan thông tấn nào hết cả. Cho chúng tôi đượchai câu hỏi ”: Xin Hoàng Xuyên Anh cho biết cảm tưởng về Thu Đất Khách 7 tháng 10 năm 2001?

Hoàng Xuyên Anh:
"Hoàng Xuyên Anh trân trọng kính chào qúy vị. Thật là một điều vinh hạnh cho Hoàng Xuyên Anh được tham dự sinh hoạt Thu Đất Khách, anh chị Đỗ Bình đã ưu ái nên Hoàng Xuyên Anh mới có dịp hội ngộ qúy anh qúy chị. Buổi sinh hoạt thật là thành công mỹ mãn Hoàng Xuyên Anh đoán khoảng 400 người đến tham dự ; đó là một điều hãnh diện cho ban tổ chức và cũng là niềm hãnh diện cho Hoàng Xuên Anh và anh chị Nhật Vinh được gặp qúy thi hữu ở Paris. Hoàng Xuyên Anh rất là ghi nhớ Thu Đất Khách ; vì vậy Hoàng Xuyên Anh có sáng tác về Thu Đất Khách như sau để tặng ban tổ chức, tặng qúy vị ở đây:« Paris đất khách những thu vàng ".

Nguyễn Hữu Nhật: "Xin nhà thơ cho chúng tôi biết cái không khí sinh hoạt văn nghệ ở Paris và sinh hoạt văn nghệ ở Mỹ nơi nhà thơ ở như thế nào ?"

Hoàng Xuyên Anh: "Kính thưa qúy vị, vì yêu văn học Hoàng Xuyên Anh thấy những người tha hương như chúng ta ở đâu cũng đầy tình người, tình văn nghệ sĩ. Ở bên Cali chúng tôi là khi một thi sĩ, hay một người từ xa đếnThi Đàn chúng tôi cũng như bên Văn Bút tiếp đón thật nồng hậu. Bằng chứng là anh Đỗ Bình qua lần đầu tiên gặp gỡ thúng tôi đã tổ chức một buổi tiẹc rất là long trọng, trong đó có văn nghệ : hát, ngâm thơ để đón anh chị. Nghệ sĩ Bích Thuật đến Cali thì chúng tôi cũng đón rất là nồng hậu, và tôi cũng làm một bài thơ tiễn chị Bích Thuận khi chị rời Cali. Bài thơ đó có trong tập thơ của Hoàng Xuyên Anh. Những hội ngộ trong Thu Đất Khách thật là đậm đà tình văn nghệ sĩ mà Hoàng Xuyên Anh sẽ nhớ mãi, nhớ trong đời không bao giờ quên.Xin cảm ơn qúy vị."

Nguyễn Hữu Nhật:"Thật là tuyệt vời không ? Người tự nguyện tự giác, người này trong lòng đang dào dạt muốn trình bày với anh chị em về nước Mỹ lắm nhưng chúng ta xin hẹn nhà thơ Hoàng Xuyên Anh vào một dịp khác.

Nguyễn Hũu Nhật:«"Thưa qúy vị một trong những người Paris mà chúng tôi được biết là Bà Hằng, chúng tôi vẫn cứ nói đùa, và đây là bà Hằng nà bà Hằng này của ông Đỗ Bình, chứ không phải là bà Hằng của ông Chu Tử . Bà Hằng của ông Chu Tử, ở Sài Gòn trước năm 1975 đã thử thực hiện quay một cái phim Yêu, sau đó rồi sẽ quay một phim khác. Ông Chu Tử có đến mời bà Nguyễn Thị Vinh đóng vai bà Hằng, mà ông Chu Tử lúc bấy giờ khi ông bị đạn về, tay ông cứ vẫy ra như thế này, mà người gầy ốm như cây sậy, đó là hình ảnh giống như Pascal tả. Cuối cùng dĩ nhiên tôi là người trong gia đình thì tôi hỏi ông Chu Tử dù sao Nguyễn Thị Vinh cũng là một tác giả, để tác giả đó trả lới có đồng ý đi đóng phim hay không ? Nhưng riêng tôi thì tôi hỏi ở trong phim cái đoạn mà anh chàng phải bế bà Hằng, nhưng khi anh đóng vai anh chàng bế bà Hằng thì liệu anh có bế nổi không? Khi đó tôi thấy ông Chu Tử ông cứ nhấc lên xuống cái kính, cái tay ông cứ vẫy vẫy. Ông bảo: "Thôi, Thôi thôi!!".
Và bây giờ chúng ta xin mời một bà Hàng khác, đây là bà Hằng cô giáo của ông Đỗ Bình, lái xe bay bướm, làm MC thận gọn gàng và còn diễn ngâm được nữa."

Thúy Hằng: "Kính chào quý anh quý chị, Thúy Hằng xin diễn ngâm bài:Chỉ Yêu Cuộc Tình của Đỗ Bình":

Thuở yêu em mộng mị,
ta ướp sợi tóc dài,
vào trang thơ nhật ký,
đêm về mơ bóng ai.
gió khuya người có lạnh?
sao hồn ta chơi vơi
hay em là hư ảnh?
tội bài thơ không lời!
xưa mỗi lần em hát,
ta hòa khúc đường tơ.
bờ môi đương ngào ngạt,
sao em vội hững hờ.
phố buồn tình vỗ cánh,
lá vàng che mất nhau.
ga chiều sương thu lạnh,
áo trắng em về đâu?!
để mưa sầu thỏ thẻ,
trên phiến lá ngu ngơ.
gót hài xưa hoang phế,
gợi ta buồn vu vơ!
Ôi tình thơ ngày đó,
vẫn ngất hồn ta say,
nhưng dáng xưa phố nhỏ,
đã tàn theo khói bay! ”

Minh Đạo: “Xin góp với anh chị buổi vui ngày hôm nay. Anh Nguyễn Hữu Nhật với tôi có thể gọi là thân như, anh em được, vì có những chuyện tôi biết về anh mà anh không biết về tôi. Ở đây, chúng ta là những người bạn nhưng có người biết có người không. Anh Đỗ Bình thì biết tôi cũng làm thơ, nhưng thực sự ông Nhật không hề biết tôi làm thơ! Gặp ông, tự nhiên tôi nhắc đến một bài thơ tôi đăng ở đâu đấy mà ông đã đọc được. Bài thơ đó có tên Hoa Cúc vàng và đã được phổ nhạc mà ông này đã hát ở trung tù. Những bài thơ ông Nhật viết sau này và in ra phần rất lớn là tôi không nghe được. Nhưng nghe những lời thơ cũ trong tù, mỗi câu thơ trị giá ít nhất là từ 3 đến sáu tháng tù. Tôi ôm những bài thơ của ông Nhật như ôm mìn nổ vậy, nó lục ra thì tôi ở tù, và nếu tôi khai ra thì ông ở tù! Thành ra những kỷ niệm của chúng tôi là như vậy. Bài đó là Hoa Cúc Vàng, xin đọc mấy câu thơ tình, ông này đa tình lắm! ”
“Chỗ em đứng chờ anh ra
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo hàng lụa bay.”

“Gần đây thì tôi cũng già rồi thấy ông Nhật lãng mạn làm thơ tình được thì tôi cũng đắm say được. Hôm đi chợ tết gặp một bà Việt Nam mặc chiếc áo vàng và thoáng một cái bà ấy đi mất, thú thật lòng trần thì tôi cũng nhớ bà áo vàng đó, và bài thơ Hoa Cúc Vàng nó như thế này”:

“Chiều nay giữa chốn đông người
Nở ra bông cúc vàng tươi áo nàng.
Hồn tôi như những giây đàn.
Rung lên mấy điệu cung thương ngậm ngùi.
Ai mang hoa cúc đi rồi
Để riêng tôi với hồn tôi thẫn thờ.
Ước gì hóa bướm trong mơ
Đùa vui quấn quýt bên tà áo ai.”

Nguyễn Hữu Nhật: “Bà áo vàng đi đâu rồi? ”
Minh Đạo: “Bà ấy đi đâu làm sao tôi biết!
Đỗ Bình:“Ngày ở trong tù anh Nhật cũng đọc cho tôi nghe một số bài thơ, những chưa đặt tựa. ”:

Thơ gửi tự do.

“Nếu thật chờ nhau mà hóa đá,
Thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
Ngàn năm không thấy dấu chân em? ”

Không đề

“Cô vào lớp dạy học trò
Văn chương trong sáng dạy cho yêu người
Ngoài cửa sổ là cuộc đời
Thế cô có dạy khi cười mà lại đau?
Đêm về nằm mộng gặp nhau
Bẻ đôi cục phấn ngày sầu dài thêm! ”

Minh Đạo: “Đời tôi chỉ sợ có hai người, sợ nhất là bà mẹ tôi, và sợ thứ hai là sợ bà vợ tôi! Và hai người đều đã ra đi rồi! Tôi chẳng gì để sợ hãi. Thế cho nên thỉnh thoảng ăn cái gì tôi cũng nhớ mẹ, và đôi khi tôi cũng làm bài thơ mẹ và phổ nhạc. Bài thơ mẹ chắc ông Nhật cũng chưa nghe, đại khái như vậy. Như vậy nói tôi là nhạc sĩ, thi sĩ thì oan quá! Tôi chưa có cuốn sách nào ra đời hết. Có những bài nhạc tôi viết cho mẹ tôi, tôi viết cho người ra đi vợ tôi thế thôi, và tôi viết cho tôi, xin nói rõ tôi viết cho mẹ vào mùa Vu Lang cách nay mấy năm.”
Minh Đạo người nhạc sĩ có thời làm cựu thẩm phán đã chẳng than trách và đổ thừa cho ai khi thế sự đã thay đổi, mà chỉ ngậm ngùi cho những năm tháng tù đày và cuộc đời phiêu bạt. Nhớ mẹ Minh Đạo đã mượn nốt nhạc để giải nỗi sầu như một lời tạ tội với mẹ:

"Trong hương khói bay bay,trong đôi mắt cay cay trên bàn hương khói tỏa con nghe mẹ thở dài. Hôm nay ngày giỗ mẹ, nhớ từ thuở ấu thơ cha đã không còn nữa, mẹ con cùng bơ vơ. Dắt díu nhau từ đó, mẹ nuôi con từng ngày, mỗi ngày một tóc bạc, mỗi ngày một chua cay! Những miếng cơm nước mắt, những tủi nhục kiếp người. Mẹ nửa con một nửa cùng chia bớt dòng đời. Hôm nay ngày giỗ mẹ, con nhìn lên trời cao, bây giờ mẹ trên ấy, mây gió ngàn năm bay. Đời con giờ phiêu bạt, bạc đầu vẫn trắng tay. Cúi đầu xin lỗi mẹ, con nghe mẹ thở dài!"
(Con Nghe Mẹ Thở Dài)

Mỹ Hòa: “Anh hát làm sao mà để cho anh Đỗ Bình vừa đàn vừa rơi lệ như vậy, chứng tỏ Đỗ Bình hôm nay rất là cảm động vì tiếng hát của anh! "

Minh Đạo: “Xin cảm ơn, ông bạn ông khen tôi là bình thường thôi, đời tôi có hai người khen là ông Đỗ Bình và ông Nguyễn Hữu Nhật: đó cũng là điều may mắn: “Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận“Ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì nữa".

Đỗ Bình: “Mẹ tôi đặt tên tôi chỉ ước vọng cho tôi có một cuộc đời thật bình thường, nhưng chiến tranh và tù đày làm cho tôi bất thường, và nó làm cho mẹ tôi buồn! Trong thời kỳ chiến tranh, ước mơ nhỏ bé của mẹ tôi là mong cho đứa con trai mình không chết trận, may mà tôi chỉ bị thương, sau đó lại mong tôi ra khỏi trại tù để gần gũi gia đình. Chiến tranh dù đã chấm dứt nhưng tôi vẫn còn xa gia đình! Cho nên vừa rồi nghe bài thơ phổ nhạc của anh Minh Đạo hát tôi vô xúc động, bởi vì ai cũng có một người mẹ cả.”

Minh Đạo: “Xin đọc một bài thơ tình nữa thơ dang dở có khi nó hay hơn là đầy đủ ”:

“Thôi em ạ, cô đừng buồn
cuộc đời một cõi vô thường mà thôi.
Đời người như lá khô rơi
Trùng trùng mây trắng phương trời là đâu?
Thoảng bay sương trắng mái đầu
Tôi, và tôi với mối sầu còn nguyên!”

Nguyễn Hữu Nhật: “Thưa các anh chị, anh Lê Văn Tùng, bút hiệu là Minh Đạo. Nhưng khi tôi nói đến bút hiệu này đó là nó có nhiều ngả để sáng tác, nhiều khuynh hướng. Nếu ai bảo anh là nhập thế thì sai, nếu ai bảo là xuất thế không đúng, anh ấy sống với tất cả tình yêu thiên nhiên, tình mẫu tử, đặc biệt tôi thưa với các anh các chị chắc chắn tình bè bạn rất tốt. Ở trong tù, những người đi tù về thường hay khoe cái này cái kia thì kệ người ta, tôi chỉ xin thưa với các anh các chị, ở trong tù lâu dài chỉ xin thưa hai điều là giữ cho tinh thần mình đừng chao đảo, đừng mơ hồ là làm cái việc A hay B là được về sớm và những việc AB đó có những tác dụng xấu với những người khác hay là giữ cái thân thể. Vì sau khi tù về tôi đi lên cầu thang không nổi! Một trong những người giữ thơ của tôi ở trong tù là là anh Tùng, tôi không thuộc thơ gì cả! Thí dụ ban ngày tôi đi lượm cái vỏ bao thuốc lá, khi đó kiếm một mẩu bút chì rất khó, tôi phải đổi một phần khoai sắn để đổi lấy một mẩu bút chì và viết ở trong đêm và viết được dòng nào thì gập lại, đến Khi buổi sáng đi nhà bàn thì tôi phải học thuộc. Học thuộc để giữ trong đầu, nhưng giữ cũng không xuể vì tôi làm nhiều quá! Thế rồi anh bạn tôi mới chia sẻ. Ở ngoài này chúng ta có giữ thơ của nhau chỉ nói lên cái lòng yêu thơ, gìn giữ cho nhau. Mà trong tù nó có ít nhất là 14 ngày cùm hai chân, chưa kể những ngày tháng sau đó còn có những thử thách khác nữa. Do đó những tấm lòng anh em cứ trải dài ra. 
Mặc dù là thẩm phán, nhung anh Tùng cũng là thợ hồ thứ xịn, còn tôi trước khi sang bên khu lò rèn để làm dao kéo thì tôi đi theo làm phụ thợ hồ. Hai anh em đi tất ta tất tưởi bên bờ con sông Mã nhớ đến thơ của Trần Quang Dũng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, chúng tôi hai người đọc hành đi trên đó nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm bên bờ sông Mã, mà trong cái bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, về sau này tôi gặp anh Trần Quang Dũng thì anh nói rằng: “Moi bây giờ đó Toi, moi chỉ thèm mỗi tháng ăn được một bát phở thôi!” .Anh từ Hà Nội theo một người con gái đi dạy học vào khu Tây Nguyên tức là kinh tế mới, và bây giờ thì anh Quang Dũng cũng đã mất rồi! Nhưng mà những kỷ niệm của chúng tôi bên bờ dòng sông Mã đó. Ở trong tù lâu qúy vị tưởng là nó buồn chán bi đát kinh khủng có, nhưng mà nó cũng có niềm vui nào đó thì chúng tôi mới tồn tại, mới sống. Một trong những niềm vui đó là chúng tôi lúc nào cũng bị hối thúc, là khẩn trương, là khắc phục, nghĩa là lúc nào thì giờ cũng khít khao không cho một giây phút nào thư giãn, để manh động chống đối! Thì đó là chính sách của người ta, nhưng mà bù lại thí dụ khi ra sân tắm không có gì để che thế là chúng tôi ở sống trở về với thời kỳ của ông Adam, nhưng mà những cán bộ vác Aka ở trên bờ thì oang ngoác bảo như vậy là thiếu văn hóa! Thế là về sau những người nào mặc quần áo ở tiệm Adam thì sẽ bị ghi tên. Anh Tùng với tôi bàn với nhau và chỉ cho anh em cách là chúng ta từ dưới sông lên cứ lấy tay che mặt mình thôi, thế còn các phần ngoài khuôn mặt ai biết ai là ai đâu!“

Minh Đạo: “Anh bạn tôi có nhắc lại chuyện xưa, đó là cái vết khó quên. Thật ra ngày nay cứ một hai tháng tôi vẫn còn nằm mơ thấy ở trong trại, đó là sự thật như vậy! Tôi phải kể cho các bạn nghe, ông Nhật về trước tôi, buổi sáng khi tôi đang nấu nước ở trong bếp, ông này đến và nói với tôi là: Bây giờ em về, hồi đó còn xưng em, bây giờ lớn tuổi rồi nên xưng là ông. Ông có làm cho tôi bài thơ xuýt tôi ở tù! Bài thơ đó viết trên một tờ giấy, bài thơ nó dài lắm, có câu:

“ Mai tôi về nam, bác ở lại
giữ gìn trong sáng tấm lòng quê.
Một ngày gần nhất ta gặp lại
tình vẫn cao như ngọn núi kia.”

Cái ngày gần nhất đó là nhiều năm về sau. Bài đó tôi mang theo, và nó xét rất nhiều lần từ Bắc vào trong Nam, vào cái trại Xuân Lộc ấy tình cờ nó xét , nó tóm được bài thơ. Lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện, tự nhiên nó nhờ chữ Bác, nó tưởng Bác Hồ, sau đó tôi phải đốt đi! Bài thơ đó dài lắm…

“Sáng nay con chim quyên lại hót đi,
cứ yên chí đi , cứ yên chí đi.
Tôi rất thấy vô vàn ý nghĩa thay lời chào trước lúc chia ly” .


Nguyễn Hữu Nhật:"Vào khoảng mùa hè chớm thu ở vùng Thanh Hóa Cẩm Thủy tức là trại Lý Bá Sơ cũ. Có hai trại giam gian khổ hà khắc nhất đó là trại Hà Giang Cổng Trời; thứ hai là trại Cẩn hủy nơi mà anh Đặng Văn Tiếp đã mất ở đó. Chúng tôi ở đó có những mùa nghe những tiếng chim kêu như: Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột, nhưng các anh em sĩ quan bị nhốt ở đó lại nghe: Bắt quan quá cực, bắt quan quá cực! Đa số những cán bộ họ rất thích những lon đựng bột sữa guigô, và hột quẹt. Từ đó tiếng lài thành:“ thu gô thu quẹt. thu gô, thu quẹt”. Nhưng lại có tiếng chim khác nó lại làm cho chúng tôi vừa buồn cười vừa bùi ngùi và suy nghĩ, tiếng chim nghe là:” Cứ yên chí đi, cứ yên chí đi”.
Nguyễn Hữu Nhật: "Thưa các anh các chị,Anh Trịnh Hưng đã từng đi kháng chiến dưới cái ý niệm yêu nước thật là đuổi quân xâm lăng nhưng không biết rõ những mưu đồ chính trị là A hay B. Sau đó anh trở về thành, anh là một trong những nhạc sĩ thể hiện đậm đà tình ca quê hương. Khoảng thời gian anh may mắn gặp nhiều những văn nghệ sĩ ở trong chiến khu, một trong những người đó là anh Quang Dũng. Xin mời anh Trịnh Hưng nói chuyện đôi nét về nhà thơ của Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến”

Tịnh Hưng:“Hôm nay tôi hân hạnh được đến đây gặp anh Đỗ Bình và sung sướng gặp các anh chị họp mặt vui. Có cái thú nhất là tôi gặp Nhật vì ở cạnh nhà tôi lúc mới hai mươi tuổi. Ở sát nhà anh em coi như anh em ruột, hơn ba mươi lăm năm nay mới gặp lại cái đó là tôi sung sướng nhất!
Còn nói về anh Quang Dũng lúc đó tôi mới 17, 18 tuổi, anh ấy là bạn thân của người anh rể tôi là Lê Khải Trạch. Anh thương tôi như em vì cùng ở một đoàn. Tôi ,biết rõ anh ấy lắm nhiều chuyện mà tôi có thể nói trên đời này không thể biết về anh vì anh không kể cho ai cả. Chỉ có mình tôi được biết mà tôi chỉ nghe lỏm. Cả cuộc đời anh báo chí cũng ni sai hết!Nói tiểu sử đều nói láo hết!Thơ cũng thế nhiều người cũng viết sai cả chữ, ví dụ như bài thơ “Quán Bên Đường:“Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ”. Ông Duyên Anh và ông ký giả Lô Răng viết: “Em mệt mỏi sốt hồng lên má” đỏ thì nó khác hẳn đi! lại bỏ cả từng đoạn của người ta đi. Cuộc đời của anh Quang Dũng thì cũng nhiều chuyện, đặc biệt nhất là Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến đều là tâm sự của mình. Khi anh đi Tây Tiến về anh ở mặt trận ra sao anh về nói lại tất cả. Trong đó có câu: “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. 
Đến năm 1954 về Hà Nội cho đến lúc chết chưa được một bữa cơm nào no, dù là ăn độn! Chưa có lúc nào có áo ấm để mặc, khổ như thế! Chuyện vui của cuộc đời Quang Dũng: Có người bạn mời đi ăn bát phở người ta ăn hết rồi mà anh còn húp từng tí nước. Bạn hỏi, anh trả lời: “Ba năm nay tôi có được anh phở đâu do đó tôi ăn từng sợi để hưởng hương vị”. Khổ đến như vậy! Thế rồi câu chuyện ông Nguyễn Tuân mới lãnh số tiền nhuận bút, biết Quang Dũng đói mời đi ăn, nhưng Quang Dũng dáng to lớn nên ông bảo thôi ăn xôi cho no bụng. Vào hàng xôi, bà hàng xôi bưng ra hai bát xôi, ông Nguyễn Tuân mới ăn có mấy miếng mà Quang Dũng đã ăn hết rồi. Nhà văn Nguyễn Tuân thấy vậy nói: “thưa ngài ngài dùng thêm nữa? Dạ xin vâng”. Bà chủ nhà nghe thấy ông Quang Dũng dạ năm lần mà ông Nguyễn Tuân chưa ăn hết một bát. Cho đến bát thứ tám cũng điệp khúc dạ xin vâng. 
Quang Dũng làm thơ quê hương ít thơ tình. Anh có làm bản nhạc Ba Vì Mà Cao tôi còn giữ đây cả hình ảnh tài liệu của anh tôi có đầy đủ hết. Những người đàn bà mà anh làm thơ tình như Quán Bên Đường, Cô Gái Vườn Ổi hay Người thiếu nữ …”, có một điều đặc biệt tôi đều biết mặt, tên tuổi ba người đàn bà đó. Cuộc đời Quang Dũng cũng lạ lắm khổ cho đến lúc chết! Khi anh chết rồi mới được nghe trên đài ngâm thơ của anh! Tôi chưa thấy ai nói tại sao nhà thơ Quang Dũng lại tên là Bùi Đình Diệm, và còn nói ông là anh của cựu Trung tướng VNCH Bùi Đình Đạm, thật ra ông là cháu ruột chứ không phải là anh! Chưa ai nói tên Bùi Đình Diệm ra tên Trần Quang Dũng, và tên đó có từ ngày nào ? Không ai biết đến! Nếu mà biết rõ điều đó mới viết tiểu sử Quang Dũng được."

Nguyễn Hữu Nhật:“vì thời gian eo hẹp trong sinh hoạt này, xin trình bày qúy anh chị mình đã chuẩn bị tờ tạp chí văn nghệ sắp sửa ra, là một trong những tờ mình cố gắng làm cho nó gọn gàng. Mình rất mừng rỡ khi gặp anh Trịnh Hưng, và có xin thỉnh các bài viết của anh Trịnh Hưng về các văn nghệ sĩ mà thời gian anh măy mắn quen biết và đã được đi qua. Anh Trịnh Hưng có nhìn về đời sống thân phận kẻ sĩ nói chung, văn nghệ sĩ Việt Nam nói riêng suốt một cuộc hành trình lịch sử ở trong giai đoạn qua, quả là có nhiều điều hãnh diện, và có nhiều điều cũng hết sức ngậm ngùi !Xin cảm ơn anh Trịnh Hưng và để rồi qúy bạn chúng ta sẽ đọc một loạt bài của anh trong tạp chí Hương Xa.»

Chúc Thanh:" Tôi rất xúc động được nghe tiếng ngâm thơ của các anh chị, và tôi cũng rất cảm ơn anh chị Đỗ Bình về cuộc họp mặt hôm nay tôi được đến đây góp mặt để chúng tôi gặp lại anh nguyễn Hữu Nhật chị Nguyễn Thị Vinh . Không khí văn nghệ rất vui vẻ tôi tiếc là không có tài hát như là chị Thụy Khanh, anh Minh Đạo. Thì tôi chỉ nhớ một tí câu chuyện về anh Quang Dũng để góp một phần tí ti trong cái to lớn.Tôi xin kể một câu chuyện hơi buồn về văn học : Anh Quang Dũng to con như vậy, nhưng khi anh già rồi "nhà nước" cấp cho anh chiếc xe lăn không thể ngồi lọt để di chuyển được! Khi anh trở về Hà Nội gặp lại người yêu cũ, người yêu đầu tiên là cô vườn ổi. Bà nói: Nếu chiều nay anh đến nhà, em sẽ kho cho anh nồi cá với lá gừng bằng nồi đất, kho khô ăn với cơm tám. Chiều hôm đó ông đến và ăn một bữa cơm ngon lành với người đẹp, ông ăn thật nhiều và sau đó hát: Em vẫn là hai mươi tuổi, em vẫn là người tình năm xưa".

Nguyễn Hữu Nhật: "Thưa chúng ta vừa nghe hát, vừa nghe ngâm thơ . Bây giờ chúng ta đến một phần mà chúng ta cũng thích đó là Ca Trù nó. Lịch sử về ca trù thì nhiều nguồn khác nhau, nhưng mình cứ căn cứ vào khoảng năm 40 của Hai Bà Trưng các đào nương ngày đó đã có những sinh hoạt giết giặc rồi, về những sinh hoạt về ca trù nó đòi hỏi sự phổ nhạc hay bằng thanh nhạc và nó phải giữ được làn hơi của hò, của ca dao từ những năm 40 khi hai bà là những vị nữ hoàng đầu tiên".

Nguyễn Hữu Nhật: “ Xin hân hạnh mời chị Diệu Khánh, người mà từ phương xa chúng tôi được nghe là Hồ Điệp Paris.”

Diệu Khánh:“ Diệu Khánh rất hân hạnh được gặp tất cả các anh các chị để ngày mai khi mà các anh chị trở, và đi xa xôi ngàn dặm thì cũng có cái lưu niệm của Paris để các anh chị đem theo đấy. Diệu Khánh xin diễn ngâm bài Ca Trù bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê, với tiếng đàn của nhạc sĩ Đỗ Bình và tiếng sáo của nghệ sĩ Nguyễn Đức Tăng.”
Mỹ Hòa, một danh ca, người đầu đàn trong nhóm Tam ca Ba Con Mèo nổi tiếng ở Sài Gòn năm xưa trước 1975. Mỹ Hòa trình bày ca khúc:“Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn, Đỗ Bình đệm dương cầm.

Thụy Khanh trình bày ca khúc “Một Lần Nào Cho Tôi Được Gặp Em” của Vũ Thành An.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn trình bày ca khúc của anh phổ từ mấy bài thơ ngắn của Nguyễn Thị Vinh. Nhạc của Nguyễn Đình Tuấn hay nhưng anh ít phổ biến.
Nguyễn Hữu Nhật : “Xin cảm ơn các anh các chị, vừa rồi ai cũng đóng góp cả những lời tâm tình hay cảm nghĩ… vv.. Người mà còn nín thở qua sông, người đó phải lôi ra là Nguyễn Thị Vinh.

Nguyễn Hữu Nhật: “Xin giới thiệu Nguyễn Thị Vinh, nhà văn « nhớn» của tôi.”
Nguyễn Thị Vinh: “Thưa các anh, các chị và các bạn đây trước hết các bạn đã hiểu đây là sự áp bức, ít nhất các anh các chị phải có tinh thần nào đó chống đối áp bức. Tôi xin tố cáo cái người làm mất tự do và áp bức là Nguyễn Hữu Nhật.

Nguyễn Hữu Nhật:“xin mời Mỹ Hòa điều khiển chương trình.”

Mỹ Hòa:“ Xin ngâm một bài thơ tình thật lãng mạn của chị Nguyễn Thị Vinh”:

“Chỉ rửa chân dưới ầu ao
May lay động cả trăng sao trên trời.
Chỉ trông thấy mặt nhau cười
Chút tình người nọ đã đời người kia.”

Diệu Khánh: “Diệu Khánh xin ngâm bài thơ “Hà Nội Trong Tôi ”của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Vinh. Xin đọc lời của tác giả:“ Sau khi cha mẹ mất bốn anh em của tác giả phải rời căn nhà ở phố Bờ Hồ đến thuê căn gác xếp ở phố hàng Than Hà Nội.(Chú thích của nhà xuất bản Anh Em). Xin tiếng sáo của anh Nguyễn Đức Tăng và tiếng đàn của anh Đỗ Bình.”

“ Tôi xa Hà Nội lâu rồi
mà sao Hà Nội trong tôi vẫn gần.
Đi nhiều những tưởng quên dần
Ngờ đâu cảnh cũ cũng ngần nớ thêm.
Nhớ cả tiếng rao quà đêm
Lẫn khuya trở lạnh chăn em ngủ vùi.
Phố nghèo gác hẹp mà vui
Duỗi chân chạm vách ngó trời mái thưa.
Sông Hồng se lạnh chiều mưa
Thuyền vào bến đậu người chưa lên bờ.
Ngọn tre chìm khói sương mờ
Nhòe bay đàn sếu ngắm mùa thu sang
Rằng trôi chuyển khúc âm vang
Bãi xưa vườn ổi chín vàng nắng hong
Nhớ ơi là nhớ đường thành
Tường xưa vách lở rêu xanh ngọn tàn.
Chạnh nhớ Bà Huyện Thanh Quan
Hồn xưa thu thảo nghe đàn hơi may
Hà Nội trong tôi sáng nay
Quê người sắc trắng tuyết bay ngoài trời.
Làm xiêng tưởng hoa sữa sai
Tuổi già nhớ mẹ như thời trẻ thơ.
Hà Nội trong tôi bây giờ
Thực mà vẫn ảo là mơ thật rồi”

Thanh Hùng:“ Kính thưa qúy anh chị, Thanh Hùng xin hát một bài để kính tặng anh chị Nguyễn Hữu Nhật chị Hoàng Xuyên Anh. Đó là bài “Hướng Về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương. Bài này Thanh Hùng có một kỷ niệm là đã đứng hạng nhì trong cuộc thi hát do Đài Pháp Á tổ chức năm 1953. Hùng Cường đúng nhất với bài “ Cô Hàng Nước”.
Mỹ Hòa:“Từ dầu đến giờ còn hai giọng vàng mà cac anh chị chưa được nghe giọng của anh Tăng và Đỗ Bình. :Xin mời anh Nguyễn Đức Tăng.”

Nguyễn Đức Tăng: “Nãy giờ toàn là giọng Hồ Điệp; Hồng Vân, Hoàng Oanh ngâm, bây giờ là giọng nam.Nguyễn Đức Tăng xin ngâm bài : Phố Bờ Hồ của Nguyễn Thị Vinh, xin tặng anh chị Vinh Nhật.”
Mỹ Hòa:"Và sau đây đến giọng quý vị chờ đợi đó là giọng của nhà thơ Đỗ Bình.»
Đỗ Bình:" Tôi xin ngâm bài Đoạn Khúc Ru Anh, trong tập Khung Trời Kỷ Niệm của Hoàng Xuân Anh. 
Hoàng Xuyên Anh:"Cảm ơn anh Đỗ Bình đã chuyên chở thơ Hoàng Xuyên anh đến quý vị. Hoàng Xuyên Anh nghe rất cảm động muốn khóc vì nhớ thương người chồng đã ra đi.»
Nguyễn Thị Vinh: "Cảm ơn Đỗ Bình đã cho nghe một giọng ngâm mà tôi không ngờ là người em tôi lại có giọng như vậy. Và cảm ơn Hoàng Xuyên Anh với cái đau thương như vậy em đã gởi những đau buồn của đời em vào thi ca để em được yên tĩnh tâm hồn những dòng thơ như vậy. Đó là một tấm gương từ nay cho đến khi chị dổi kiếp mỗi khi có gì đau buồn chị nghĩ đến cái đau buồn của em không thấm vào đâu, thì chị chịu đựng được. Xin cảm ơn em."
Hoàng Xuyên Anh:"Em cảm ơn chị Nguyễn thị Vinh đã cho em những lời vàng ngọc và cũng là những lời hung đúc em đứng lên và vươn lên, để em cống hiến những vần thơ cho văn học nghệ thuật và cho đời."
Nhà văn Nguyễn Thị Vinh thổ lộ bài thơ viết cho nhà văn Nhất Linh và Mỹ Hòa đọc:

Lời của tác giả:"Nhân một buổi thăm mộ bậc đàn anh nhà văn Nhất Linh ở xã Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Nay là ngoại thành Sài Gòn ngày 21 tháng 2 năm Ất Tỵ 1965. Tôi viết bài này xong chép lại một bản, nhưng còn một bản đốt cho anh". Tác giả Nguyễn Thị Vinh.
Nhà văn Nguyễn Thị Vinh đã sáng tác bài thơ gồm tên một số tác phẩm của nhà văn Nhất Linh.

"Dòng sông Thanh Thủy về đâu
Cũng không đoạn tuyệt với màu nho phong.
Xóm Cầu Mới vẫn chờ mong
Bướm trắng đâu muốn lạnh lùng nắng thu.
Đôi Bạn Tình, Người Quay Tơ.
Hai Buổi Chiều vàng chẳng bao giờ tối tân.
Tôi đến thăm anh anh biết không
Đất trời hẳn cũng cảm thông tấm tình
Tỉnh đi anh, dậy đi anh
Nghe như lòng đất chuyển mình
Cỏ trên nấm mộ lung linh u hoài
Gió mơ hồ nhẹ thở dài
Hình như mờ nhạt trên vài dáng mây
Tiếng anh văng vẳng đâu đây
Nhắc tôi nhớ tới phút giây tư tình
Sống là chi thác là chi?
Âm dương đâu có nghĩa gì
Chúng mình muôn thuở vẫn đi chung đường.
Hiểu nhau qua những tình thương
Trọng nhau vì nghĩa văn chương thế tình

Xót xa Cho đất nước mình
Máu xương oan khuất tội tình do đâu?
Giờ anh nằm trong lòng đất lạnh
Tôi sống giữa trần gian bơ vơ !
Trên nẻo đường cô quạnh
Hai chúng mình ai đơn lạnh hơn ai?
Bây giờ là cuối tháng hai
Mùa xuân dương thế còn dài không anh?
Sao tôi quá ngại chán chường
Sợ mình gục ngã giữa đường đang đi!
Cỏ trên mộ anh xanh xanh
Êm nghe tiếng lá lìa cành
Nghe như tiếng bước chân anh hiện về.
Nói đi anh kể đi anh
Có gì ngăn cách chúng mình
Phải ba thước đất vô tình này chăng?!"

Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 19h00.
Đỗ Bình
------------------

Kính Qúy Thày, Qúy Anh Chị

Vừa qua tôi có nhận được điện thư của nhà văn, nhà thơ Quốc Nam và nhà văn BS Phan Thị Trọng Tuyến là bạn của nhà văn Trần Đại Sỹ hỏi về sự ra đi của ông. Tôi sẽ phôn hỏi ý kiến của người em trai út của nhà văn Trần Đại Sỹ và sẽ phôn đến các anh chị.
Cách nay nhiều năm nhà báo Trần Văn Ngà ở Sacramento, chủ báo Tiếng Vang và nhà báo Dương Văn lợi ở Lyon, chủ báo Ý Dân. Hai anh đều là bạn cũ của nhà văn Trần Đại Sỹ trước năm 1975 muốn thăm ông, đến phòng mạch bấm chuông nhưng không liên lạc được, dù lúc đó ông đang khám bệnh ở trong phòng mạch Paris12. Khi tôi đến ông nhận ra giọng nói tôi nên mở cửa.

Nhà văn Trần Đại Sỹ thường nói với tôi khi nào nhà thơ Hà Thượng Nhân, nhà thơ Dương Diên Nghị, nhà thơ Quốc Nam và nhà thơ Vi Khuê từ Mỹ sang nhờ tôi cùng CLB tổ chức đón tiếp họ. Trong 4 nhà thơ đó, chỉ có nữ sĩ Vi Khuê là sang Paris.
Mới đây tôi nhận được điện thư của giáo sư Nguyễn Văn Sâm thông tin về chương trình sinh hoạt văn hóa những tháng sắp tới của Viện Việt Học. Ở một góc trời Paris nhìn những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có những chương trình thật giá trị mà lòng chúng tôi vui vì văn hóa Việt vẫn tiếp tục trong sáng.
Xin trân trọng chuyển thư mời đến qúy Thày Cô, qúy Anh Chị.

Sau cùng tôi xin gởi lại Câu Chuyện văn học ở Paris năm xưa mà đa số những người tham dự hoặc diễn giả đã không còn nữa!

Kính chúc qúy Thày và qúy Anh Chị nhiều sức khỏe, bình an.

Thân kính
Đỗ Bình