Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Hoài Vọng




Đêm vắng lặng nghe sầu cao chất ngất,
Gió lạnh về làm tê tái con tim.
Ngày tháng đong đưa nỗi nhớ êm đềm,
Thân lưu lãng phương trời nào đơn độc
Đêm buồn về lòng ta lên cơn khóc,
Tóc đổi màu mà sự nghiệp trắng tay!
Đường ta đi nào ai biết ngày mai?
Sầu cách biệt bao giờ nguôi nỗi nhớ?

Em phương đó, ta phương nầy cách trở,
Thương nhau nhiều chỉ dệt mấy vần thơ.
Biết bao giờ hai đứa hết bơ vơ
Để tối tối kề bên nhau tâm sự?
Ta nghe em những buồn vui quá khứ.
Ta âm thầm chia xẻ những niềm đau.
Ta cùng em, mình kể chuyện mai sau
Đêm trăng sáng dưới hàng cây đếm bước.
Gió thoảng nhẹ mơn man làn tóc mướt,
Ta ngất ngây mùi hương thoảng bay bay.

Rượu chẳng dùng mà sao chợt ta say,
Lòng ta bỗng tưng bừng ngày khai hội.
Ta quên hết những ngày buồn u tối,
Em cho ta vùng ánh sáng tương lai.
Ta hiên ngang và chẳng quản đường dài,
Xây mộng lớn ta tung hoành ngang dọc...
Bao giờ em? Để ta đừng đơn độc,
Đừng ưu sầu và đừng mất niềm tin?
Chỉ có em – vì sao sang lung linh
Đưa dẫn lối ta rời vùng tăm tối...

Liberal, Kansas 1987
Mặc Thái Thủy

Màu Kỷ Niệm - Phạm Đình Chương Và Nguyên Sa

      "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến là sân trường"
       Hai câu thơ trong bài hát đã nói lên nỗi lòng của anh hoc trò nhỏ dành hết yêu thương trìu mến cho người mình yêu. Rồi cuộc chiến nổ ra, anh học trò xếp áo thư sinh, đi vào chiến trận mang theo trong lòng mình hình bóng tà áo trắng thương yêu . . ..Đó là quảng thời gian theo tôi là đẹp nhất của thời đi học, cho những ai đã từng một thời đi theo một tà áo trắng những buổi tan trường. Nó đẹp và thi vị làm sao ấy, vì tôi chắc rằng, ai cũng phải chạnh lòng mỗi khi nhớ lại, cũng phải ngậm ngùi tiếc nuối. . .
      Kỷ niệm đó đẹp và như vậy đó, nhưng sẽ là 0 nếu thuở cắp sách đi học mà bạn không vương vấn trong mình một bóng hình người con gái nào đó, dù chỉ là tình yêu một chiều đi chăng nữa, thì bạn sẽ mất đi cái thi vị của cuộc sống ,của những nỗi nhớ nhớ, thương thương, đêm đêm cặm cụi nắn nót viết những dòng chữ cho những lá thư tình, cho tình yêu thời vụng dại. . .thì bạn sẽ không có một ký ức đẹp tuồi thiếu niên trong đời mình, và bạn sẽ không thể nào tìm lại được nữa đâu!


Sáng Tác: Phạm Đìng Chương và Nguyên Sa
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cầu Thiềng Đức - Vĩnh Long





Huỳnh Hữu Đức


Bài Không tên số 3 (Ái Hữu 72)




Bạn bè hỡi! Giờ đây mình cách biệt
Thương thật nhiều, những hình bóng ngày qua
Con đường xưa, trong những buổi chiều tà
Toàn đám lạng, đường xưa ôi!!! Đẹp quá
Thôi bạn nhé! Giờ đây mình giã biệt
Bốn phương trời mỗi đứa ngự một nơi
Nhắc làm chi, k niệm thật xa vời
Giờ cố gắng những ngày mai mong đợi

A.H 9 - Nguyễn Văn Tùng
( Trích Từ Nội San 1972, lớp 11B3 - của Hội Ái Hữu 72)

Chiều Tạ Ơn


Tạ ơn đời đã có em
Không gian rực rỡ hoa đèn yêu thưong
Tạ ơn tình mãi vấn vương
Để ta gối mộng đêm trừơng nhớ ai

Tạ ơn cơn mộng tàn phai
Cuồng điên ôm ấp hình hài em yêu
Tạ ơn đời vẫn cô liêu
Để ta vẫn có những chiều làm thơ

Tạ ơn quán hẹn chiều mơ
Cho ta trú ngụ những giờ đớn đau
Tạ ơn cơn gío thoảng mau
Bay trong kỷ niệm ngát sầu tình xa

Tạ ơn em vẫn nhớ ta
Dù ta tàn tạ như là người điên
Tạ ơn chén rượu sầu miên
Đưa ta xa mãi về miền lãng du

Tạ ơn đời những lời ru
Để ta sống giữa ngục tù dối gian
Tạ ơn em lúc mê man
Đưa tay vuốt mắt, ngỡ ngàng bỏ nhau ...

Khiếu Long

Thơ Tranh: Chiều Vancouver


Trích Thơ: Lâm Hảo Khôi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Dáng Thu


Trong mắt em dáng Thu ẩn hiện
Màu lá bay, biển lặng trăng về
Tiếng lòng ru lời gió si mê
Hồn thơ đến tim em mở cửa

Hãy giữ giùm anh nhan sắc đó
Đượm tình đôi mắt, ướt viền môi
Anh trải hồn thơ đồi nổi gíó
Bềnh bồng ngọn tóc áng mây trôi

Sánh bước dìu nhau qua lối mộng
Tìm vào tâm thức nối lương duyên
Nhịp tim hơi thở cùng giao động
Son phấn hương thơm cũng đảo điên

Cho anh giữ chút trầm hương nhé
Để quế phương này thơm gối chăn
Đêm ngở còn nghe em nói khẽ
Môi mắt ngực đầy để trở trăn

Lối gió truông mây bờ hư ảo
Khung trăng tròn khuyết chỗ hẹn hò
Anh sẽ mù sương mơ dã thảo
Dáng Thu muôn thuở vẫn mong chờ !

Phạm Tương Như
Nov.  12  12

Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn - Lưu Vũ Tích

Phong lưu tài tử đa xuân tứ,
Trường đoản Tiêu nương nhất chỉ thư...


     Đó là ngày xưa kìa! Còn bây giờ thì hết rồi! Tóc đã bạc, mắt đã mờ, lưng đã còng, chân đã mõi.... " Phong lưu tài tử " đã thành " Đa bệnh lão nhân " rồi! Cả cỏ cây hoa lá cũng chê già rồi ! Ta hãy cùng đọc bài thơ của Lưu Vũ Tích sau đây để càng thấm thía hơn với " cái già sồng sộc " đã đến trên đầu....


唐郎中宅与诸公同饮酒看牡丹
Đường Lang Trung trạch dữ Chư Công đồng Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn.

今日花前飲, Kim nhựt hoa tiền ẩm,
甘心醉數杯。 Cam tâm túy sổ bôi.
但愁花有語, Đản sầu hoa hữu ngữ,
不為老人開。 Bất vị lão nhân khai!.
Lưu Vũ Tích.
* * *
Chú Thích:
1. Ẩm : là Uống, khi đứng có một mình không có túc từ theo sau thì là UỐNG RƯỢU, là NHẬU.

2. SỔ 數 : Chữ nầy có 2 cách đọc và 3 nghĩa chính, như sau :
Đọc là Số : là Danh từ có nghĩa là Con Số. Vd: Số Lượng.
Đọc là Sổ : Nếu là Động từ, có nghĩa là Đếm.
Nếu là Tính từ chỉ số lượng ( Adjactif Numero
Cardino ) thì có nghĩa là Vài, Một Vài. Đây là
nghĩa trong bài : Cam tâm túy Sổ Bôi. là " Cam
lòng uống thêm VÀI LY cho say ".

3. Đản 但: là Liên từ, có nghĩa là Nhưng. Ở đây là
Giới từ , có nghĩa là Chỉ, Chỉ...Vì...
" Đản sầu hoa hữu ngữ ", có nghĩa :
Chỉ buồn Vì nếu hoa biết nói!

4. VI 爲 Có 2 âm đọc:
Đọc là VI, là Động từ, có nghĩa là Làm, Vd: Thanh
tịnh vô VI.
Đọc là VỊ , là Phó từ, có nghĩa là VÌ. Đây là nghĩa
trong bài " Bất Vị lão nhân khai ", có nghĩa: Không Vì
người già mà nở!

Dịch nghĩa:
Cùng các bạn già uống rượu ngắm Mẫu đơn ở nhà ông
Lang Trung họ Đường.
Hôm nay, chúng ta cùng nhau uống rượu trước hoa, cũng rất cam lòng mà ( vì hoa ) uống thêm vài chén nữa để say cùng hoa. Chỉ cảm thấy buồn vì nếu hoa mà biết nói, sẽ bảo rằng : " Hoa tôi chẳng phải vì các lão già như ông mà nở đâu ! ". Vậy thì hoa nở vì ai đây ?!....

Diễn nôm:
Hôm nay nhậu trước hoa,
Say khướt chẳng sao mà !
Chỉ phiền hoa biết nói :
" Chẳng nở vì ông già ! "

Lục bát:
Trước hoa uống rượu hôm nay,
Cam tâm quá chén có say cũng là
Chỉ buồn hoa biết kêu ca :
" Hoa tôi chẳng phải nở vì già đâu! "

Đỗ Chiêu Đức.
* * *
Trước hoa nâng chén rượu đầy
Hương thơm nồng thắm men say chan hòa
Buồn : hoa biết nói sẽ la
Hoa tôi đâu nở cho già mấy ông


Trầm Vân
* * *
Kính Anh Đỗ Chiêu Đức và các thầy "vườn thơ thẩn"
Cuối tuần nhận được bài dịch thơ người xưa của các bạn, đó là một niềm vui chữ nghĩa.
Trong lòng cảm kích lắm, nên cũng nặn óc suy nghĩ để vui chơi cùng các bạn.

Y Đề

Trước hoa,cạn chén vài chung rượu
Dù có say men cũng được mà !!
Phiền chi hoa lại kêu la ??
"Tôi đâu có nở vì già ông đâu !"


Giận lòng lắm, nên Song Quang có trả lời lại như sau.Mong các thầy tha lỗi cho lão già nhé.

Đang cũng ngà say vì chén rượu
Chơt nghe :"Hoa nở chẳng tại già"
Giận lòng ra bẻ nụ hoa
"Cớ sao trêu trước mắt ta làm gì ??


Song Quang
* * *
Phương Hà xin góp bài phỏng dịch:

Uống Rượu Dưới Hoa Mẫu Đơn

Say chén rượu nồng, vui dưới hoa
Hoa khoe sắc thắm, rượu chan hòa
Đừng quan tâm đến lời hoa nói:
" Ta chẳng nở vì các lão gia! "


Phương Hà
* * *

Mai Lộc gửi một bài dịch:

Uống Rượu Xem Hoa

Nay bên hoa bồ đào ta nhấp
Cạn vài ly đã thấy ngà ngà
Ngại ngần hoa nói trắng ra
"Hoa nầy đâu nở cho già thưởng đâu" 


Mailoc
* * *
Kính gửi quý Thầy và các anh chị, em lại bị lôi cuốn theo dòng thơ hay của quý thầy và anh chị nữa rồi.
Em xin gửi đôi dòng.

Uống Rượu Ngắm Hoa

Ngắm hoa rượu chén ngà say
Hương thơm nồng thắm vị cay chẳng màng
Thoáng buồn hoa biết phàn nàn:
“Hoa đây chẳng nở vì chàng già nua”


Kim Oanh

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Muốn




Anh muốn, mãi bên em là màu áo trắng
Với nụ cười tinh nghịch ngây thơ
Để khi lòng xôn xao biển vắng
Dâng nước lên tràn ngập vô bờ.

Anh còn muốn, em sẽ là cát trắng
Dài mêng mông ôm lấy biển mơ màng
Để mỗi khi nhìn qua ánh nắng
Anh tưởng mình là biển trong mơ.

Hhai 

Thơ Tranh: Phù Du


Trích Thơ: Lê Kim Thành
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hy Vọng Xanh Xao





Con sâu xanh đo từng chiếc lá
anh ngu ngơ không đo được đời em
dẫu vẫn biết khi sâu rời cuống lá
lá lìa cành theo gió thu bay

Sông tuy sâu vẫn còn có đáy
núi tuy cao chẳng chạm trời xanh*
anh muốn được như sâu xanh hy vọng
đo lòng em cho biết nông sâu
nhưng hỡi ơi! lòng người không đáy
và tình em hư ảo khói sương
đôi bàn tay khó tài nào hứng trọn
những hạt sương lóng lánh kim cương
nắng ngoài kia reo vui tất bật
anh trong này hong khói miên trường
như những đời sâu đo hoài không nghỉ
anh lặng thầm đo bước em đi
sông có bến, đò đưa người xa xứ
cô lái không còn anh khó sang sông
đành lặng xin kiếp sau làm sâu nhỏ
đo những niềm vui mặc cuống lá rời

Ở đâu đó nếu em biết được
đường anh đo bớt ngắn thêm dài
cứ đo mãi trăm chiều xuôi ngược
biết chiều nào theo kịp chân em
thì làm ơn dừng chân nghỉ chút
biết đâu chừng anh đo kịp đời em
dẫu hy vọng mong manh như sợi chỉ
anh vẫn kiên trì đo thật đấy em ơi.
mặc dấu ấn sâu mỗi lần đo bước
hết ngắn lại dài có khác gì đâu
chỉ sợ là đường dài chân ngắn
kiếp nhân sinh còn lắm vô thường

Con sâu xanh đo đời của lá
anh vẫn dại khờ đo hy vọng xanh xao.

Túy Hà

Dấu Thánh


Vào một đêm không sao
cùng nhau mình tâm sự
vô tình
đóm thuốc rớt
trên cổ tay em,
nuột nà
anh vội vàng ngụy biện
“làm dấu thánh cho nhau”

Và thầm nhủ với em
“tình mình như dấu thánh
không bao giờ nhạt phai
cho dù tháng năm dài
không bao giờ ngăn cách”
mà cuộc đời nhiều thử thách
dấu thánh thành vết thẹo
với thời gian

Và đóm thuốc anh vẫn đốt
trên từng chuyến hải hành nguy nan
để vật lộn với con sóng
hy vọng
dấu thánh vĩnh viễn
là vết thẹo ngàn năm

Ngày tháng đong đưa
mây trời chợt tím
thư em đến
vỏn vẹn vài dòng:
“dấu thánh đã phai
anh hiểu cho
đời con gái
xin anh hiểu cho…”

Và anh không còn đốt thuốc
trên những chuyến hải hành nguy nan.

Võ Phan Trung

Quá Giang

Thòi Lòi Quá Giang
Con Ong Quá Giang
Đời Người cũng quá giang



Trương Văn Phú

Thật Ra Chúng Ta Đều Giống Nhau



      Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen.

      Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ :
“Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”
      Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.
      Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai :
“Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!”
      Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp :
“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?”
      Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da trắng ấy sẽ trả lời thế nào.
      Người mẹ nói : “Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?”
“Vâng! Đúng ạ!”
“Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?”
      Đứa bé nghĩ ngợi một lúc :“Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.”
“Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?”
“Vâng!”


      Con trai đột nhiên ngộ ra và nói :
“Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.”
Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ :
“Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều! ”



      Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói :
“Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác…”.


Kim Phượng sưu tầm

Lễ An Táng Cụ Bà Huỳnh Thị Mừng-Thân Mẫu Của Nguyễn Thị Bạch Tuyết Chs TPH-C.giáo sinh SPVL









Bạch Tuyết cảm tạ các thân bằng quyến thuộc đã tiễn đưa thân mẫu đến nơi an nghỉ cuối cùng


Các CHS Tống Phước Hiệp - Cựu Giáo Sinh-Vĩnh Long ( Từ trái sang phải)

Đứng: Bạch Tuyết, Sương, Thơ, Dì Lình

Ngồi: Vân, Vĩnh, Ngọc Hoa, Lệ Tuyết.

Hình Ảnh : Huỳnh Hữu Đức

Thư Cảm Tạ của Gia Đình Nguyễn Thị Bạch Tuyết



Cảm Tạ

Gia đình chúng tôi chân thành cảm tạ:
- Chư vị Đại đức, Tăng ni, Phật tử.
- Ban giám hiệu và các thầy cô giáo
- Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP Hồ Chí Minh
- Trường Tiểu học Từ Đức
- Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh.
- Trường mẫu giáo Hồng Ân.
- Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn.
- Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng Cty dệt Phong Phú.
- Ban giám đốc và cán bộ công nhân viên Cty Sữa Vinamilk.
- Bà con thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần…
Đã đến chia buồn và đưa linh cửu của Mẹ, Bà của chúng tôi về nơi an nghĩ cuối cùng, trong lúc tang gia bối rối có điều gì sai sót, rất mong quý vị niệm tình bỏ qua cho.
Mẹ: Huỳnh Thị Mừng
Pháp danh: Nhàn Ngọc
Sinh năm: 1922
Mất vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 17 tháng 04 năm 2014
Hưởng thọ: 93 tuổi.
Bạch Tuyết chân thành cảm tạ các bạn:
Nguyễn Thị Ngọc Sương
Đỗ Thị Chí Thanh
Hoàng Thị Thơ
Lê Ngọc Điệp
Huỳnh Hữu Đức
Võ Thị Tuyết Nga
Võ Thị Thu.
Ban Biên Tập báo LongHoVinhLong

Tang gia đồng cảm tạ.

KHÓC TIỄN BIỆT MẸ

Mẹ yêu quý của chúng con! Giờ Mẹ đã đi xa rồi!!! Chín mươi ba năm một kiếp con người. Cõi phù sinh lận đận lao đao. Có những lúc khổ sầu không nói được! Giờ Mẹ đã đi thật rồi! Mẹ không còn phải chịu thời gian dài đau đớn chống lại những cơn bệnh… Mẹ ra đi an nhiên tự tại… Cõi tạm trần gian Mẹ đã trả xong!!! Dòng sông định mệnh đã đưa Mẹ về với biển khơi…trời xanh… mây trắng… Mẹ đã làm tròn bổn phận của một kiếp người: nhưng Mẹ có biết không, từ đây các con Mẹ vào ngày lễ Vu Lan không còn được cài hoa hồng trên áo! Các con của Mẹ đã mồ côi rồi Mẹ ơi. Con muốn khóc thật nhiều; nhưng con không khóc, vì con muốn Mẹ thanh thản ra đi. Con cầu mong Mẹ về nơi nào đó… có Ông Bà Ngoại… có Ông Bà Nội… có Ba… co Bé Tư… có Bé Sáu… và Mẹ về với thế giới bình yên… không phiền muộn.

Mẹ ơi! Mẹ mất thật rồi!
Đau lòng con lắm ngậm ngùi nhớ thương.
Ngày mai nắng sớm, sương tan,
Con đưa Mẹ đến đường về quê hương.
Đây làng Phú Phụng vấn vương,
Mẹ thương - Mẹ nhớ - trông mong trở về.
Biết rằng sinh ký, tử qui…
Mà sao con khóc biệt ly vô thường.
11 giờ 30 phút ngày 17 tháng 04 năm 2014
Nghìn thu vĩnh biệt: Mẹ Huỳnh Thị Mừng
Nguyện bao tội nghiệp tiêu trừ
Nguyện hành Bồ Tác đời đời vị tha
Nguyện sinh về cõi Di Đà
Hương linh cực lạc, qua đò Tây Phương.
Nam Mô A Di Đà Phật
Xin chân thành cảm tạ quý vị

Đại diện gia đình
Nguyễn Thị Bạch Tuyết

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Buổi Chiều Gặp Kim




Chuyến xe lửa muộn rời ga lớn
chiều dẩn mưa về trạm ốm o
em dẩn buồn tôi vàng mấy nến
câu thơ treo trên góc hẹn hò

Gặp Kim chiều đắm hồn sông rạch
mắt khói mơ màng ly tách tôi
café ngồi thở em vai nhỏ
chiều Melbourne hoa nhà em rơi

Em nói gì đi.tôi nhớ lắm
nhà ga mắt đỏ thức đêm dài
nhà em cây lá xôn xao đứng
khách lạ đường xa tóc đương phai

Em nói gì đi.ngày tháng tới
mùa hoa.thí dụ nở mau tàn
con đường.thí dụ em cô lữ
tôi có về làm nắng mùa sang

Em nói gì đi. ngày ngắn lắm
trời chia phận số ở tay người
nắm chặt là buông mà vẫn giữ
chuyện tình đi là ở rất xa xôi

Lâm Hảo Khôi
(Cuối tháng 3-2014
)

Khúc Nguyệt Sầu - Thơ Kim Oanh - Yên Sơn Diễn Ngâm



 Trăng khuất mây vạn dặm tình xa
Cây đời nghiêng ngã giữa phong ba
Đêm nay uống rượu đời phiêu lãng
Bóng với ta cạn áng trăng tà

Sương trắng phủ bóng ôm sầu lắng
Ru nhạc lòng canh vắng tình câm
Khơi vết hằn tim rên rỉ nhức
Tình trăm năm dù mãi xa xăm

Uống ánh trăng nhốt trọn bóng hình
Phương trời xa khuất một hồn linh
Trăng tha hương tình đêm nguyệt hận
Đời lăn quay trái đất chuyển mình

Gió giao mùa chiếc lá thu tơi
Xào xạc bay khuất nẻo rã rời
Than với trách vàng trời ảm đạm
Vai lạnh lùng sương lệ chẳng vơi

Nước mắt rơi cạn chén ngậm ngùi
Trăng bỏ đi người có gì vui
Bóng ngả say chân vùi lạc lối
Rượu cạn bầu sầu vẫn chưa nguôi

Melbourne 2/2010

Thơ: Kim Oanh
Diễn Ngâm: Yên Sơn

Chiều Mơ


Một thoáng anh về trong giấc mơ
Vòng tay say đắm mấy thu chờ
Năm ngón tay mừng qua kẻ ấm
Đôi lòng bay bổng giữa trời thơ

Vẫn thấy mắt em thật dịu dàng
Thuyền anh đắm đuối, bến đò ngang
Hãy giữ hồn em từng bước nhẹ
Ngập ngừng lá gió nhón thu sang

Em muốn anh là một cánh chim
Chiều thương tổ ấm nhớ đi tìm
Em muốn anh là hơi thở nhẹ
Cho từng giọt ấm chảy qua tim

Em muốn anh là áng mây hồng
Chiều tà chảy mát cả dòng sông
Gió vờn quanh quẩn trời xanh biếc
Bên nhau phơi phới hết chờ mong

Em muốn anh là gió ngoài khơi
Hối hả tìm nhau khắp biển đời
Nắng gầy in bóng, mình trên cát
Biển reo sóng hát chẳng mòn hơi

Ta đã gặp nhau đời huyển mộng
Vương vấn ngà say chút ráng hồng
Tóc gió vờn quanh mây lử thứ
Ngàn năm mây gió…chỉ hư không

Kim Quang


Về Lại Chốn Xưa


               ( Gởi Bảo Lộc)
Ta trở về thăm lại chốn xưa
Khung trời kỷ niệm quãng đời thơ
Mây giăng đỉnh núi sương mù sớm
Gió hú đồi thông ánh nắng trưa
Con dốc dã quỳ bên thác nước
Cánh rừng tre nứa dưới cơn mưa...
Vẫn còn tất cả như ngày ấy
Vì...chỉ là trong một giấc mơ!

Phương Hà


Câu Đối Của Kim Dung

     

      Hôm nay, tôi sẽ kể một giai thoại về câu đối trong tiểu thuyết võ hiệp của KIM DUNG để mọi người cùng đọc chơi tiêu khiển cuối tuần nhé ! Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều biết qua truyện " Anh Hùng Xạ Điêu ", tức " Xạ điêu anh hùng truyện " 射鵰英雄傳 của nhà văn Kim Dung, xem phim thì không có,nhưng nếu xem truyện, chúng ta sẽ đọc thấy.....
      .... Khi bị Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận đánh cho một thiết chưởng thừa sống thiếu chết, Hoàng Dung phải nhờ Quách Tĩnh cỏng đi tìm người trị thương. Được sự chỉ điểm của Thần Toán Tử Anh Cô, đi tìm Đoàn Nam Đế nhờ ngài dùng Nhất Dương Chỉ để trị thương cho Hoàng Dung. Vì mỗi lần dùng Nhất Dương Chỉ để trị thương cho ai, thì Đoàn Nam Đế phải mất hết công lực, sau 3 năm mới phục hồi lại được, cho nên các học trò của ngài là Ngư, Tiều, Canh và Độc có ý ngăn cản không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi. Từ chân núi đến đỉnh núi, Ngư Tiều Canh Độc 魚,樵,耕,讀 chia làm 4 trạm để cản trở, khó khăn lắm mới vượt qua được 3 trạm Ngư, Tiểu và Canh.... Bây giờ tới trạm cuối cùng của ông ĐỘC nhé !...

      Thấy Hoàng Dung giỏi văn thơ và đã lên tiếng chê trách là ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa của Thánh hiền, qua câu chuyện nghe ông Độc đọc một câu trong sách Luận ngữ là : " Mạc xuân dã, xuân phục ký thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui...末春也,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎宜,風乎 宇于,咏而歸... Có nghĩa ; Vào cuối xuân, quần áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ nhỏ, tắm ở dòng sông Nghi, hứng gió ở đền Vũ Vu, rồi hát mà về....( tả cảnh sống thanh bình vui vẻ, tự do tự tại của dân chúng trong buổi đầu xuân )....mà hỏi ông rằng : " Ông đọc sách Thánh hiền, mà có biết Bảy Mươi Hai người thành đạt 七十二賢 ( thất thập nhị hiền ) trong số 3 ngàn học trò của Không Tử, là : Có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ không ? Ông Độc suy nghĩ mãi không ra , sách chỉ nói Thất thập nhị Hiền, chứ đâu có nói gì đến già trẻ đâu. Hoàng Dung mới cười ông , và đem câu Luận ngữ mà ông vừa đọc ở trên để giải thích như thế nầy : Quan giả là người đội mũ, là người lớn, ngũ lục nhân, năm sáu người, 5 lần 6 là 30 người. Đồng tử là con nít là người trẻ, luc thất nhân, sáu bảy người, 6 lần 7 là 42 người. 30 cộng với 42, chẳng phải 72 là gì ? Cho nên tôi nói ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa ở bên trong là vậy đó ! " .Thấy Hoàng Dung mặc dù ngụy biện, lấy câu sách mình vừa đọc để mắng mình, nhưng cũng phải phục tài thông minh, cơ trí của cô ta, nên định thử xem con bé nầy giỏi tới đâu...

      Đầu tiên, ông ta đọc một bài thơ, cho Hoàng Dung đoán lý lịch của mình, bài thơ như sau :

Lục kinh uẩn tịch hung trung cửu, 六經蕴籍胸中久
Nhất kiếm thập niên ma tại thủ, 一剣十年磨在手
Hạnh hoa đầu thượng nhất chi hoành 杏花頭上一枝横
Khủng tiết thiên cơ mạc lộ khẩu 恐泄天機莫露口
Nhất điểm luy luy đại như đẩu 一点畾畾大如斗
Giảm khước bán sàng chung sở hữu 减却半牀终所有
Hoàn danh trực đãi quải quan quy 完名直待挂冠歸
Bản lai diện mục quân tri phủ ? 本来面目君知否 ?

      Bài thơ có nghĩa:
      Lục kinh là : Sáu bộ kinh sách đã nung nấu trong lòng từ lâu và trong tay mười năm nay đã luôn mài một lưỡi gươm. Trên đầu hạnh hoa có một cành ngang, sợ để lộ thiên cơ nên đừng mở miệng. Một chấm to lớn như là cái đấu, sẽ có được khi đã giảm nửa sàng. Công thành danh toại nên muốn cáo lão về quê, gốc gác mặt mũi của ta, bạn đã biết rồi chưa ?

     Hoàng Dung nghe xong, bèn lập lại hai câu đầu : Lục kinh đã thuộc nằm lòng, lại mười năm mài một lưỡi gươm, Quả là văn võ song toàn. Chữ lục 六 thêm chữ nhất 一 trong chữ nhât kiếm và chử thập 十 trong chữ thập niên, gộp lại thành chữ Tân 辛.Trên đầu chữ Hạnh 杏 thêm một gạch ngang , và ở phía dưới bỏ đi chữ khẩu ( mạc lộ khẩu 口) còn lại là chữ Mùi 未. Nhất điểm là một chấm ở trên chữ đại là chữ Khuyển 犬, giảm phân nữa chữ sàng 牀, tức là bỏ chữ mộc 木 đi, thêm chữ khuyển vào, sẽ thành chữ Trạng 狀. Cuối cùng, chữ hoàn danh, hoàn 完 mà quải quan là treo nón, bỏ cái nón ra, chữ Hoàn chỉ còn chữ Nguyên 元. Nhập kết quả của tám câu lại thành ra 4 chữ : Tân Mùi Trạng Nguyên, thì ra ông xuất thân là Trạng Nguyên đậu năm Tân Mùi, Xin kính chào Ngài Trạng Nguyên ạ !

    Ông Độc rất phục cái thông minh, tài trí của Hoàng Dung, nhưng ông vẫn phải làm khó, vì nếu để Đoàn Nam Đế trị thương cho Hoàng Dung thì ông ta phải chịu mất hết công lực trong 3 năm, mà trước mắt ông ta đang gặp phải cường địch. Vì vậy, Ông bắt Hoàng Dung phải đối thêm 2 câu đối nữa, nếu đối được mới cho vào. Câu thứ nhất, vế ra của Ông như sau :

Phong bãi tông lư, thiên thủ Phật dao triệp điệp phiến ,
風 摆 棕 梠 ,千 手 佛 摇 槢 叠 扇

      Có nghĩa : Gió đưa các nhánh cọ ( như cây thốt nốt xòe các nhánh như lá dừa ), giống như là ông Phật ngàn tay đang phe phẩy quạt.

      Vế ra hay quá, lại rất tượng hình, muốn đối lại không khó, nhưng muốn đối cho hay thì....Chợt Hòang Dung nhìn thấy một cọng sen vương cao lên trong hồ, bèn xúc cảnh sinh tình mà đối ngay rằng :

Sương điêu hà diệp, độc cước quỷ đái tiêu dao cân.
霜 凋 荷 叶, 独 脚 鬼 戴 逍 遥 巾

      Có nghĩa :Sương thu làm héo úa lá sen, trông giống như con quỷ một giò đội khăn tiêu dao. 
Bấy giờ đã vào buổi tàn thu, sen trong đầm đà tàn tạ, một cọng sen vương cao lên, lá sen bên trên bị sương thu nên héo úa đen đúa rũ xuống , trông tựa như người đang đội khăn, ông Độc dang đội khăn Tiêu Dao, khăn của thư sinh ngày xưa, bây giờ bị Hòang Dung diễu là Con quỷ một giò đội khăn tiêu dao, để đối lại với Ông Phật ngàn tay đang phe phẩy quạt. Đối khéo và hay quá, lại còn mắng mình là con quỷ một giò nữa chớ!. Nhưng vẫn không chịu thua, ông tiếp tục moi ra câu đối hóc búa mà ngày xưa thầy ông đã ra cho ông khi còn đi học, và mãi cho đến nay mặc dù đã đậu Trạng Nguyên mấy chục năm rồi ông vẫn chưa đối lại được. Câu đối như sau :

Cầm Sắt Tì Bà bát đại vương, nhất ban đầu diện ,
琴 瑟 琵 琶 八 大 王, 一 般 頭 面 

       Có nghĩa : Cầm sắt tì bà ( là 4 loại nhạc cụ ) , mỗi chữ trên đầu đều có 2 chữ VƯƠNG  王, nên gọi là bát đại vương, Nhất ban đầu diện là mặt mũi đều giống nhau, vì 2 chữ vương của mỗi chữ đều nằm ở trên đầu.

      Vế ra quả là hóc búa, trong một lúc muốn đối cho chỉnh không phải là dễ. Nhưng Hoàng Dung lại rất thông minh dĩnh ngộ, lại đúng ngay tình cảnh mình đang gặp trước mắt , nên nàng bèn cất tiếng đối ngay :

Si Mị Võng Lượng tứ tiểu quỷ, các tự đỗ tràng .
魑 魅 魍 魉 四 小 鬼, 各 自 肚 肠

      Có nghĩa : Si mị võng lượng là 4 loài tiểu quỷ ở trong núi, chuyên phá phách người đi đường, các tự đỗ tràng( trường ) là mỗi con bụng dạ đều khác nhau. Câu đối thật khéo, thật chỉnh, Cầm sắt tì bà đối với Si mị võng lượng, bát đại vương đối với Tứ tiểu quỷ, Nhất ban đầu diện đối với Các tự đỗ tràng vì phần trong của 4 chữ QUỶ là 4 bộ khác nhau. Câu đối còn hay ở chỗ, vừa đối chỉnh lại vừa mượn ý câu đối mà mắng 4 ông Ngư Tiều Canh Độc là " tứ tiểu quỷ " , mỗi người một bụng dạ khác nhau, như 4 con quỷ núi đều tìm cách ngăn chặn không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi......
      Đến nước nầy, Ông Độc cũng phải chịu Hoàng Dung là giỏi và để cho 2 người lên núi........

      Riêng tôi, thì tôi không biết là Hoàng Dung giỏi cở nào, nhưng KIM DUNG thì quả nhiên giỏi thiệt, chả trách mọi người đều mê đọc truyện của ông ta, già mê theo già, trẻ mê theo trẻ, trí thức mê theo trí thức, bình dân mê theo bình dân.....Quả thật là Ông Thần của tiểu thuyết Võ Hiệp Trung Hoa. Chả trách ở Trung Quốc có thành lập một tổ chức gọi là : Kim Dung Học, để chuyên nghiên cứu về 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung về tất cả các mặt tâm lý, tình cảm, triết học, lịch sử, đia lý....

Xin hẹn bài viết sau...

Đỗ Chiêu Đức.


Thơ Tranh: Biển Nhớ


Thơ: Thiên Thu
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Ghen


Xin cơn gió ngưng lùa qua mái tóc
Ngưng mơn man áo trắng dịu dàng bay
Hãy để yên gót ngọc đẹp đường dài
Ngưng xóa vết chân nàng trên lối vắng
Đừng hong má nàng hồng thêm, cơn nắng
Đừng soi thêm cho môi thắm thêm tình
Để những người qua lại thấy em xinh
Ta ghen lắm. Nắng vàng ơi có biết?
Trong giấc mơ không để người thân thiết
Hay những người khách lạ chợt thoáng qua
Dù chợt thoáng qua, nếu chẳng phải là
Một hình ảnh trọn đời: Anh. Em nhé!
Yêu thương lắm, vẫn thường ghen tương lắm
Em tôi ơi! Hiểu được khối tình si?
Nụ hoa yêu tròn kiếp vẫn xuân thì


1962
Lê Kim Thành
 

Thơ Tranh: Trăng Huế Xưa


Thơ Và Thơ Tranh: Nam Chi


Tháng Tư


Gió lang thang thơ thẩn chốn giao mùa
Ve gióng giả khúc gọi mùa xưa cũ
Tháng tư về rồi, cây cành trĩu quả
Em chợt buồn nỗi sớm nắng, chiều mưa
Mãi khung đời thăm thẳm một quê xa
Hương cỏ dại cọ mài sâu nỗi nhớ
Chim sẻ đồng mái hiên tre lợp tổ
Cánh cò chao lơi lả đồng chiều
Tháng tư - tuổi thơ - dòng sông thân yêu
Phượng lấp ló đầu mùa nhen đỏ lửa
Chín lòng nhau tuổi học trò trang lứa
Thương vu vơ chật chội cả sân trường
Ta ru mình giấc hoài cỗ mờ sương
Tháng tư người ơi! Bằng lăng tím phố
Có chiều hôm oi nồng cơn mưa đổ
Và bâng khuâng trông bóng dáng ai về !..

Hương Ngọc

Đong Đầy Kỷ Niệm


Ta đón Thu về một thoáng say
Bao năm vương vấn cõi mê này
Thân thương kỷ niệm ngày xưa đó
Đếm lá Thu vàng nương gió bay


Anh vẫn đan hoài giấc mộng xa
Ươm trong nỗi nhớ những ngày qua
Quê hương vời vợi ngàn lưu luyến
Khắc khoải ru lòng bao thiết tha


Thu ghé về đây gợi nhớ mong
Heo may lãng đãng lạnh trong lòng
Nhớ EM áo trắng sân trường cũ
Chừ bóng thời gian mãi ruổi rong


Viết vần thơ nhỏ nhớ nhung ơi
Anh gởi về EM ướp những lời
Kỷ niệm vương buồn bao nhắc nhở
Ru đêm vơi lạnh với sao trời


Thu về rồi đó, mộng vu vơ
Nắn nót đôi dòng gói ghém mơ
Ươm những niềm vui còn sót lại
Chất đầy kỷ niệm một vần thơ


Hoàng Dũng 

Mùa Thu Tân Tây Lan









Biện Công Danh



Việt Nam Sử Lược : Thượng Cổ Thời Đại Chương III

CHƯƠNG III

XÃ-HỘI NƯỚC TÀU

VỀ ĐỜI TAM ĐẠI VÀ ĐỜI NHÀ TẦN

1. Phong-kiến
2. Quan-chế
3. Pháp-chế
4. Binh-chế
5. Điền-chế
6. Học-hiệu
7. Học-thuật
8. Phong-tục

Khi Triệu Đà sang đánh An-dương-vương thì ở bên Tàu nhà Tần đã suy, nhà Hán sắp lên làm vua, nước Tàu đang vào lúc đại loạn, phong-tục, chính-trị đều đổi khác cả. Vả lại Triệu-Đà là người Tàu, làm quan nhà Tần, cho nên đến khi lấy được Âu-lạc, gồm cả các quận ở phương nam, lập làm một nước tự-chủ, bèn đem chính-trị, pháp-luật nước Tàu sang cai-trị đất Nam-việt[1]. Vậy trước khi nói đến chuyện nhà Triệu, ta nên xét-xem xã-hội nước Tàu lúc bấy giờ là thế nào.

1. PHONG-KIẾN. Nguyên về đời thái-cổ, nước Tàu chia ra từng địa-phương một. Mỗi một địa-phương thì có một người làm thủ-lĩnh, lập thành một nước, gọi là nước chư-hầu 諸 侯, phải triều cống nhà vua.

Số những nước chư hầu ấy thì mỗi đời một khác. Xem như khi vua Đại-vũ 大 禹 nhà Hạ 夏, hội các nước chư-hầu ở núi Đồ-sơn, kể có hàng vạn nước. Đến khi vua Vũ-vương nhà Chu 周 đi đánh Trụ-vương nhà Ân 殷 紂 王, thì các nước chư-hầu hội lại cả thảy được 800 nước.

Đánh xong nhà Ân, vua Vũ-vương 武 王 phong cho hơn 70 người làm vua chư-hầu, chia ra làm 5 bậc là: công, hầu, bá, tử, nam. Nước phong cho tước công, tước hầu thì rộng 100 dặm gọi là đại-quốc; nước phong cho người tước thì rộng 70 dặm, gọi là trung quốc; nước phong cho người tước tử, tước nam thì rộng 50 dặm, gọi là tiểu quốc. Những nước không đủ 50 dặm, thì gọi là nước phụ-dung 附 庸.

2. QUAN-CHẾ. Nhà Hạ đặt tam-công 三 公, cửu-khanh 九 卿, 27 đại-phu 大 夫, 81 nguyên-sĩ 元 士.

Nhà Ân đặt hai quan tướng 二 相, sáu quan thái 六 太 là: thái-tể, thái-tông, thái-tử, thái-chúc, thái-sĩ, thái-bốc; năm quan 五 官 là: tư-đồ, tư-mã, tư-không, tư-sĩ, tư-khấu; sáu phủ 六 府 là: tư-thể, tư-mộc, tư-thủy, tư-thảo, tư-khí, tư-hóa; sáu công 六 工 là: thổ-công, kim-công, thạch-công, thủy-công, thú-công và thảo-công.

Đến nhà Chu, ông Chu-công đặt ra sáu quan 六 官 gọi là: thiên-quan 天 官, địa-quan 地 官, xuân-quan 春 官, hạ-quan 夏 官, thu-quan 秋 官, đông-quan 冬 官. Mỗi một quan lại có 60 thuộc-quan, cộng cả lại là 360 người.

Người làm đầu thiên-quan 天 官, gọi là trủng-tể 冢 宰, thống cả việc chính-trị trong nước, việc thu-nạp cả năm và mọi việc ở trong cung. Người làm đầu địa-quan 地 官 gọi là đại-tư-đồ 大 司 徒 giữ việc nông, việc thương, việc giáo-dục và việc cảnh-sát. Người làm đầu xuân-quan 春 官 gọi là đại-tông-bá 大 宗 伯, giữ việc tế, tự, triều, sính, hội-đồng v.v... Người làm đầu hạ-quan 夏 官, gọi là đại-tư-mã 大 司 馬, giữ việc binh-mã và việc đi đánh-dẹp. Người làm đầu thu-quan 秋 官 gọi là đại-tư-khấu 大 司 寇, giữ việc dân, việc hình và việc kiện-tụng. Người làm đầu đông-quan 冬 官 gọi là đại-tư-không 大 司 空 giữ việc khuyến-công, khuyến nông và việc thổ-mộc v.v...

Trên lục-quan lại đặt tam-công 三 公, là: thái-sư 太 師, thái-phó 太 傅, thái-bảo 太 保; tam-cô 三 孤 là : thiếu-sư 少 師, thiếu-phó 少 傅, thiếu-bảo 少 保, để bàn xét việc trị nước yên dân, chứ không dự vào việc hành-chính.

3. PHÁP-CHẾ. Về đời thái-tổ thì có năm hình, ngoài năm hình lại có phép đánh bằng roi da và tội lưu. Đến đời nhà Hạ, nhà Ân và nhà Chu thì lại đặt phép chặt chân, gọt đầu và tội đồ. Đến cuối đời nhà Chu thì đặt ra tội bêu đầu, xé thây lăng-trì, mổ, muối v.v...

4. BINH-CHẾ. Binh-chế nhà Hạ và nhà Ân thì không rõ, đến đời nhà Chu thì đặt 5 người làm một ngũ 伍; 5 ngũ tức là 25 người thành một lượng 兩; 4 lượng tức là 100 người làm một tốt 卒; 5 tốt tức là 500 người làm một lữ 旅; 5 lữ tức là 2500 người làm một sư 師; 5 sư tức là 12500 người tức là một quân 軍.

Quân thì đặt quan mạnh-đan làm tướng, sư thì đặt quan trung đại-phu làm súy, lữ thì đặt quan hạ đại-phu làm súy, tốt thì đặt quan thượng-sĩ làm trưởng, lượng thì đặt quan trung-sĩ làm tư-mã.

Thiên-tử có 6 quân; còn những nước chư-hầu, nước nào lớn thì có 3 quân, nước vừa có 2 quân, nước nhỏ 1 quân.

Trong nước chia ra làm tỉnh 井, mỗi tỉnh 8 nhà, 4 tỉnh làm một ấp 邑, 32 nhà; 4 ấp làm một khâu 邱, 128 nhà; 4 khâu làm một điện 甸, 512 nhà. Cứ mỗi điện phải chịu một cỗ binh-xa, bốn con ngựa, 12 con bò, 3 người giáp-sĩ, 72 người bộ tốt, 25 người để khiêng-tải những đồ nặng. Cả thảy là 100 người.

5. ĐIỀN-CHẾ. Về đời thái-cổ thì không biết cách chia ruộng đất ra làm sao. Từ đời nhà Hạ trở đi thì chia 50 mẫu làm một gian 間, 10 gian làm một tổ 組. Cứ 10 nhà cày một lô ruộng, hoa-lợi được bao nhiêu chia làm 10 phần, nhà-nước lấy một, gọi là phép cống 貢.

Nhà Ân và nhà Chu thì dùng phép tỉnh-điền, nghĩa là chia đất ra làm chín khu hình chữ tỉnh (井). Những khu ở chung quanh làm tư-điền, khu ở giữa để làm công-điền. Mỗi một tỉnh cho 8 nhà ở, đều phải xuất lực cày-cấy công điền rồi nộp hoa-lợi cho nhà vua.

Về đời nhà Ân thì mỗi tỉnh có 630 mẫu, mỗi nhà được 70 mẫu; phép đánh thuế gọi là phép trợ 助. Đến đời nhà Chu thì mỗi tỉnh có 900 mẫu, mỗi nhà 100 mẫu, phép đánh thuế gọi là phép triệt 徹.

Nhà Chu lại đặt ra lệ cứ 20 tuổi thì được 100 mẫu ruộng, đến 60 tuổi thì trả lại cho nhà nước. Nhà nào có con thứ nhì gọi là dư phu 餘 夫 đến 16 tuổi thì được lĩnh 25 mẫu ruộng.

Nhờ có phép chia ruộng như thế nên lúc bấy giờ không có người nào nghèo lắm mà cũng không có người giàu lắm. Về sau đến đời Chiến-quốc 戰 國, ngươi Lý Khôi 李 悝 làm tướng nước Ngụy 魏, bắt dân hết sức làm ruộng, không định hạn như trước nữa; ngươi Thương Ưởng 商 鞅 làm tướng nước Tần 秦, bỏ phép tỉnh-điền 井 田, mở thiên-mạch 阡 陌, cho mọi người được tự tiện làm ruộng. Phép chia đất từ đó mới mất dần dần đi.

6. HỌC-HIỆU. Nhà Hạ đặt nhà Đông-tự 東 序 làm đại-học, nhà Tây-tự 西 序 làm tiểu-học. Nhà Ân đặt là Hữu-học 右 學 làm đại-học, nhà Tả-học 左 學 làm tiểu-học. Những nhà đại-học, tiểu-học ấy, là chỗ để tập bắn, để nuôi những người già-cả và để tập văn nghệ.

Nhà Chu thì đặt Tích-ung 辟 雍 hoặc nhà Thành-quân 成 均 làm nhà đại-học, để cho con vua, con các quan và những người tuấn-tú tuyển ở các thôn-xã đến học; còn ở châu, ở đảng[2] thì đặt nhà tiểu-học gọi là Tự 序 và nhà Tường 庠 để cho con dân-gian vào học. Lại đặt lệ cứ từ 8 tuổi đến 14 tuổi làm niên-hạn cho tiểu-học, từ 15 đến 20 tuổi, làm niên-hạn cho đại-học. Đại-học thì dạy lễ, nhạc, thi, thư; tiểu-học thì dạy cách kính trên nhường dưới và cách ứng đối, v.v.

7. HỌC-THUẬT. Học-thuật ở nước Tàu về đời nhà Chu đã thịnh lắm, cho đến đời Xuân-thu 春 秋 có nhiều học-giả như là Lão-tử 老 子 bàn đạo; Khổng-tử 孔 子 bàn hiếu, đễ, nhân, nghĩa; Mặc Địch 墨 翟 bàn lễ kiêm-ái, nên chuộng sự tiết-kiệm bỏ âm-nhạc; Dương Chu 楊 朱 thì bàn lẽ vị-kỷ, nên tự-trọng thân mình và không chịu thiệt mình để lợi người.

Lại có những pháp-gia như Thân Bất-Hại 申 不 害, Hàn Phi 韓 非 bàn việc trị thiên-hạ thì chỉ nên dùng pháp-luật, chứ không nên dùng nhân-nghĩa. Còn những người như Quỉ Cốc 鬼 谷, Thi Giảo 尸 狡, Điền Biền 田 騈, v.v..., mỗi người đều xướng một học-thuyết để dạy người đương thời.

8. PHONG-TỤC. Nước Tàu lấy sự cày ruộng làm gốc, nhưng mà việc nuôi tằm, dệt lụa, việc họp chợ, việc buôn-bán cũng phát-đạt cả.

Dân trong nước chia ra làm 4 thứ: sĩ, nông, công, thương, nhưng mà con người làm quan lại làm quan, con người làm ruộng cứ làm ruộng, chứ con người làm ruộng không được làm quan. Tuy vậy, đến đời Xuân-thu những người thứ dân lên làm tướng văn tướng võ cũng nhiều.

Trong gia-đình thì già trẻ trên dưới phân-biệt nghiêm lắm. Con phải theo cha, vợ phải theo chồng, con-trai con-gái từ 7 tuổi trở đi, là không được ăn một mâm, nằm một chiếu nữa. Con trai 30 tuổi mới lấy vợ, gái 20 tuổi mới lấy chồng mà hai người cùng họ không được lấy nhau.

Nước Tàu về đời Tam-đại 三 代 cũng sùng sự tế-tự lắm. Thường cúng-tế thiên, địa, nhật, nguyệt, sơn, xuyên, lâm, trạch. Nhà vua lập đàn Nam-giao để tế Thượng-đế. Lại có nhà Xã-tắc để tế Thổ-thần và Hậu-tắc. Còn sự thờ-phụng tổ-tiên thì từ vua cho đến thứ-dân đều lấy làm một việc rất quan-trọng trong đời người.

Xem như thế, thì xã-hội nước Tàu về đời Tam-đại đã văn-minh lắm, nhưng sau đến cuối đời nhà Chu, vì nhà vua suy-nhược, cho nên chư-hầu, người xưng hầu, kẽ xưng vương rồi tranh nhau, đánh nhau như Ngũ Bá đời Xuân-thu, Thất-hùng đời Chiến-quốc, làm cho trăm họ lầm-than khổ-sở.

Sau nhà Tần thống-nhất được thiên-hạ, mới bỏ lệ phong-kiến, lập ra quận huyện; bỏ phép tỉnh-điền, lập thiên-mạch; cấm nho-học đốt sách-vở, việc chính-trị thì cốt dùng pháp-luật, để lấy quyền-lực mà áp-chế.

Đang khi phong-tục nước Tàu biến-cải như thế, thì Triệu Đà lập ra nước Nam-việt[3], đem văn-minh nước Tàu sang truyền-bá ở phương nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn-minh ấy.

Viet Nam Su Luoc 1.djvu
   






Chú thích cuối trang


  1. Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-Việt của nước Việt-nam hiện nay.
  2. Cứ 12 500 nhà một châu, và 500 nhà làm một đảng thì có nhà Tự, ở đảng thì có nhà Tường.
  3. Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-Việt của nước Việt-nam hiện nay.
 Huỳnh Hữu Đức sưu tầm