“ Ông có biết ba tôi sinh ngày nào không?”
Trong vội vã, hốt hoảng và bất ngờ quá sức chịu đựng, tôi đã hỏi nhân viên cứu thương, người vừa đưa ba đến phòng cấp cứu. Nơi đây họ cần biết rõ chi tiết về ba, để làm hồ sơ nhập viện, nhưng tôi không nhớ gì để nói nữa. Người nhân viên này chẳng những không bật cười hay tỏ ra khó chịu trước sự ngớ ngẫn của tôi, bằng ánh mắt cảm thông, trầm giọng, nhẹ nhàng trả lời: “ Ba của cô làm sao tôi biết được!”.
Sau hơn tuần lễ điều trị ở bệnh viện, ba được trở về nhà, sức khỏe khả quan hơn, nhưng gia đình tránh sao không lo âu, phập phồng. Rồi vào một ngày giữa mùa xuân năm 1997, hương xuân còn đong đầy trên cành cây đâm chồi, trổ nụ. Cái lành lạnh se da vẫn còn mà ba đã đi. Ngày cuối tháng Mười năm ấy, ba đã bỏ lại một ước mơ. Mơ ước nhỏ nhoi của một người suốt cuộc đời chỉ biết hy sinh, ước được sống đến năm 2000, để nhìn thấy sự thành công của Võ Lê Hoàng Đan và Nguyễn Khoa Nam, hai đứa cháu ngoại đang ở ngưỡng cửa Trung học, nhưng ước mơ tầm thường này nở đành vượt khỏi tầm tay ba.
Dưới ánh mắt của các con, ba toàn hảo, yêu vợ, thương con, hòa nhã với mọi người. Những kỷ niệm về ba mình, người con nào cũng nhớ, nhưng đôi lúc không là kỷ niệm chung. Tuy nhiên, dù chung hay riêng, dù không ùa về tuần tự trong trí, tất cả đều là kỷ niệm đẹp. Mỗi câu chuyện về ba là mỗi ngọn nến hồng thắp thêm trong lòng con cháu. Mỗi mẫu chuyện kể về ba là quà mang niềm vui nuôi tâm hồn, là bước tiến cho thân về cách sống đích thực làm người. Tất cả những câu chuyện luôn được xoay quanh trong những ngày họp mặt gia đình.
Niềm vui chung, chưa kể đã cười là “cái rầu” của má về ba trong giờ cơm: “ Mình ơi! Ăn cơm”. Vậy mà “mình” của má cứ đi vòng vòng hoài, chúng tôi luôn phải chờ, lúc nào cũng đợi. Đợi đến cầm đũa thì đồ ăn sắp nguội. Trái lại, khi đã vào bàn ăn rồi, ba thường phải gác đũa vì những chuyện đời xưa và những câu hỏi cắc cớ, xa lơ xa lắc, từ chuyện này bắt quàng sang chuyện khác. Ba say sưa kể đến quên ăn, chúng tôi thích nghe đến cơm lạnh, nên má cằn nhằn cha con chúng tôi, ăn từ lúc “chuối trồng cho đến khi chuối trổ”. Vậy mà đôi khi má ngồi chờ chuối trổ hoài, mới lạ.
Qua những câu chuyện ba kể, dường như có sự nghịch lý. Ba là con trai út thứ mười trong gia đình, người đời thường gọi là “út cưng”, nhưng bác tôi chính là “đứa con cầu tự”, nên ba đã không được cưng mà phải gánh vác gia đình, lo cho Cha Mẹ lúc về già, giúp gia đình các anh chị khác của ba. Thêm một điều nghịch lý nữa, ba là con trai út, nhưng má là chị cả trong gia đình. Bởi thế, ba lo cái ăn, cái mặc, việc học hành cho dì, các cậu, em của má. Nên chẳng lạ khi các cậu muốn làm một điều gì, ngoại thường bảo “ hỏi anh Hai con”. Ngày xưa làm gì có những bài học tâm lý, vậy mà cái lý ở đời ba biết giữ, tình thương ba dành cho hai bên gia đình đồng đều, trọn vẹn. Đến cuối đời, nằm trên giường bệnh mà ba cứ nhắc hoài: “ ai thương vợ mà không thương cha mẹ vợ, thì đó là người dại.”
Riêng tôi, với ba có rất nhiều kỷ niệm đong đầy. Kỷ niệm thời thơ ấu. Má thường hay nhắc cái dáng “con bù tọt” của tôi. Anh chị em chúng tôi đều được ba dạy kèm trước tuổi. Vào năm đầu Tiểu học, bạn học cùng lớp ai cũng to lớn nên vào lớp, tôi sợ đến khóc, đến giờ ra chơi, chị tôi và các bạn của chị đến bày trò chơi để tôi quên, nhưng tôi cứ nhè hoài. Cuối cùng ba đưa tôi đến học trường của một ông giáo già dạy con nít trong xóm. Má kể rằng, ngày đầu ba đưa tôi đi học bằng xe đạp, tôi ngồi sau xe ôm ba, tôi nhỏ xíu như con bù tọt ôm bập dừa. Rồi con bù tọt của ba cũng học xong lớp Nhứt, sau những năm miệt mài với những bài Toán đố ba dạy thêm về chu vi, diện tích… ôi thôi!
Đến khi xem kết quả kỳ thi tuyển vào Đệ thất, ba hăng hái lắm, ăn mặc tươm tất, đón xe đò đi Vĩnh Bình. Theo lời kể, ba dùng ngón chân viết số ký danh của tôi trên đất, đến lúc nghe xướng đúng con số mà ba đã viết, người vội chạy ra xe đò nhắn tin sớm về cho tôi vui. Còn ba hôm ấy về muộn, ba xài sang tay xách nách mang nào cà phê, bánh trái, quà vặt… Nhìn dáng ba đỉnh đạt hơn, mặt ba tươi vui hơn, cười cười khoe với má:"Trường Tiểu học Giồng ké chỉ có hai đứa đậu thôi, con Hồng con anh Năm và con Phượng nhà mình."
Ngày nhập học đầu tiên, ba cũng là người giành xách va ly, đưa tôi rời gia đình đến nhà cô tôi ở trọ. Trong những năm học tại trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình, có lẽ hình ảnh đáng yêu, là lần xuyên qua cổng rào của trường, ba trộm nhìn tôi trong giờ thể dục. Thấy ba, tôi vội chạy đến nắm tay ba, tay bắt mặt mừng mà nước mắt ứa ra, hân hoan lẫn tức tưởi khi được ba cho quà và xoa đầu bảo“ ráng học nghe con.” Đã nhiều năm qua, tôi tự hỏi tôi, phải chăng đó là động lực chính, thôi thúc giúp tôi đạt được những phần thưởng cuối năm. Đúng thế!
Sắp hết những ngày của một đời người, vẫn còn vương vương kỷ niệm với ba. Trong một Ngày Nhớ Ơn Cha cuối cùng, ba bị cảm, ngại lây lan cho con cháu ba không cho đứa nào đến thăm, nhưng tôi vẫn đến với gà nướng, bánh mì, cùng chung bữa ăn trưa. Thức ăn được bày ra, tôi đặt vào đĩa của ba, má, mỗi người cái đùi gà vàng ươm, riêng tôi chọn cho mình phần không ngon của con gà .
- Ủa, con cũng ăn phao câu nữa sao? Ba hỏi tôi.
- Ủa, ba thích ăn phao câu?
Ba không trả lời, nhưng nhanh trí, tôi nhường phần lại cho ba. Tôi chọn thứ khác, lấy chéo cánh gà cho vào đĩa của tôi.
- Ủa, con thích ăn chéo cánh sao?
- Ủa, ba cũng thích chéo cánh?
Vừa trao lại chéo cánh gà cho ba, tôi không nhịn cười được, cứ ngỡ mình chọn phần dở nhất để ăn, nào ngờ lại là những phần ba ưa thích. Qua lần đó, tôi thấy thương ba nhiều hơn. Thật ra ai lại thế, thích ăn phao câu, chéo cánh, nhưng phải chăng sự nhường nhịn thức ăn của ba dành cho các con từ rất nhiều năm, quen dần đã trở thành sở thích cố hữu tự lúc nào.
Không lâu, ba tôi phải trở vào bệnh viện với thời gian khá dài. Thời gian này, tôi có cái may mắn được đêm đêm ngủ lại nơi đó, có dịp chăm sóc cho ba. Có hôm ba đã ôm tôi trìu mến như ngày còn bé, rồi có hôm ba vội buông tay và bảo:
- Để ba nhớ lại coi từ trước đến giờ ba có làm điều gì bậy không!
Ba nằm yên bất động, tưởng chừng người đã say ngủ. Không! Khoảng thời gian dài hơn ba mươi phút suy nghĩ, bất chợt ba mở mắt, cất giọng reo vui:
- May quá con ơi, ba không có làm điều gì bậy hết.
Ba nói, sau tiếng thở khì, đôi môi ba mỉm, nụ cười ấm nhẹ. Con chim lúc sắp chết cất tiếng kêu bi thương, con người sắp lìa đời nói lên lời thật. Một tuần lễ sau, ba vĩnh viễn ra đi. Ba! Một dòng sông đã cạn nguồn theo định luật của tạo hóa.
Cám ơn ba, tiếng kêu reo vui mừng “ may quá con ơi..,” con sẽ giữ lấy, dù giông tố đắng cay của cuộc đời con phải trải qua, câu nói ấy sẽ sống mãi, trọn vẹn là một bài học làm người cho con. Rồi… "Một này, một ngày sẽ đến sau cơn vui đầy…”*, bước vào thời để chết, con sẽ… “ may quá ba ơi, con cũng giống ba”.
Hy vọng là như vậy!?
Kim Phượng
30/ 10/ 2009