Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Ly Cà Phê Cuối Cùng - Minh Kỳ & Thế Vinh - Tam Ca Sao Băng


Sáng Tác: Minh Kỳ & Thế Vinh 
Tam Ca Sao Băng: Thanh Phong, Duy Mỹ, Phưong Đại

Chung Thời Binh Lửa


Xướng:
Chung Thời Binh Lửa

Chân quen xa lạ những tên đường
Tống biệt đau lòng biệt cố hương
Dậy sóng Thái Bình người mỗi ngả
Trường Sơn rũ áo kẻ phong sương
Tan hàng vẫn đấy tình huynh đệ
Mộng đổ còn đây chí quật cường
Cát bụi đìu hiu về cát bụi
Mang theo huấn nhục nắng thao trường

Kim Phượng
***
Họa:
Một Thời

Cảnh lạ, người đông, khác cả đường
Giọng đâu nghe khó, tiếng quê hương?
Tự cao ngọng nghịu người phe thắng
Văn hóa chửi thề kẻ gió sương
Cởi giáp vẫn còn đầy chí khí
Tuổi già đâu nhụt ý kiên cường
Một mai cát bụi về thiên cổ
Thanh thản đoàn viên bạn chiến trường!

Lộc Bắc
Jui21


Nghe Tiếng Quân Reo



Ta vẫn xông pha, dẫu thế nào
Bút thay nòng súng, giấy thay đao
Xưa là chiến sĩ thời chia cắt
Nay viết văn chương buổi té nhào
Gửi nỗi lòng vào nơi viễn mộng
Khơi nguồn thơ vút tới ngàn sao
Còn nghe trong cõi xa xăm ấy
Có tiếng quân reo giữa lũy hào

Nguyễn Kinh Bắc

Nhớ Anh


(Kỷ niệm với Phan Lạc Giang Đông)


Ngày sinh nhật em - anh không về được
Nắng quân trường thao tác rã mồ hôi
Đôi giày đinh ba tháng trời - lau vội
Áo treizi bụi bám đỏ ...lên mùi 

Chiếc khăn thêu em tặng anh ngày nọ
Kỷ niệm đầu - anh vẫn để ba lô
Quyển nhật ký ghi từng ngày thương nhớ
Vẫn dày thêm dòng mực tím mong chờ

- Ngày cuối tuần anh mừng vui như Tết
Về Sài Gòn là tức tốc thăm em
Dưới gốc me...bóng Nàng đợi chung tình
Em kiều diễm - nhoẻn nụ cười má lúm ...

Dang đôi tay cho hôn vào má lúm
Gió thì thầm khen đôi bạn uyên ương..
Ơi Tình yêu ! Trời đất cũng nghê thưòng
Chùm mây trắng bỗng dưng như trẻ lại 

Đôi chim trên cao hát bài ca mới
Đậu trên cành ríu rít chẳng bay đi ...
- Thương qúa đi em ...chiều tắt nắng gần kề
Nắng hoàng hôn sài Gòn ...tuyệt đẹp...

Gió hiu hiu níu hoài không muốn tắt
Quán nước dừa ...cô bé đợi đôi ta 
Áo bà ba cô bé rất hiền hoà
Nụ cười mỉm ...mang theo nhiều dí dỏm 

Cô bé Miền Nam vừa ngoan vừa đảm
Thay mẹ nuôi em vất vả từng ngày
Đôi mắt Nàng vướng vất chút thơ ngây
Già trước tuổi bởi chiến tranh tan nát!

Rồi ...
- Chả lẽ chúng ta không vào quán
Suốt cả tuần Huấn Nhục - Khát mang theo
Khát môi Em - hương vị ngọt tình yêu
Và khát cả ly dừa xiêm mát lịm ...

Ơi Em yêu!
Ngày Quân Trường Huấn Nhục
Lỡ không về mang quà tặng cho Em
Ngày Sinh Nhật Em ...
Nào có bao giờ quên ...
Và càng Nhớ ... Khi anh không về được ...!

Thư Khanh 
(riêng tặng Phan Lạc Giang Đông và các Sĩ Quan từng học ở Quân trường Võ Bị Thủ Đức của VNCH ).

Người Lính Già Và Ngày Quân Lực


Hơn bốn mươi Năm vất bỏ kiếm  cung
Lính già lưu vong trông vẫn oai hùng
Tóc đã hoa râm, hai màu đen trắng
Trông còn hiên ngang, màu da sạm nắng

Mười chín tháng Sáu nhớ ngày Quân Lực
Quần áo hoa rừng, mũ đỏ, mũ xanh
Nhịp gót giày saut theo nhạc quân hành
Như từng diễn hành trên đường Thống Nhứt.

Chân bước đi mà lòng buồn ray rứt
Nhớ kỷ niệm xưa, nghe dạ bâng khuâng
Thêm một nỗi lo, lể nầy năm tới
Đôi chân già còn bước nổi nữa không?

Hoa Đô, Ngày 19-6-2021
Lão Mã Sơn.

Nhật Trường Trần Thiện Thanh: Yêu Lính, Lính Yêu


Sau 1975 gia đình tôi còn giữ lại được một số tờ nhạc rời của Phạm Duy, Trần Thiện Thanh và vài cassette tapes tiếng hát Thái Thanh, Nhật Trường. Bà chị Cả của tôi, chồng đi học “cải tạo”, chị tập tành học đờn guitare, tối tối đem bài nhạc Từ Đó Em Buồn của Trần Thiện Thanh ra gảy, tôi nằm kế bên cũng nẫu ruột theo. Nhưng tôi bắt đầu mê nhạc do chính Nhật Trường ca. Chỉ mười mấy tuổi đầu, tim tôi đã biết rung động vì giọng hát điệu đà, ngọt ngào đầy quyến rũ này từ các bài hát: Chuyện Tình Mộng Thường, Chuyến Đi Về Sáng, Hành Trang Giã Từ ….Nếu có cuộc bình chọn, tôi sẽ vote Nhật Trường là ca nhạc sĩ “điệu chảy nước” nhất của Miền Nam VNCH. Nhỏ bạn hay nói với tôi:

- Tao thấy nhà ngươi chỉ điệu vừa vừa mà sao toàn mê giọng hát “điệu hết cỡ” như Thái Thanh, Nhật Trường vậy cà ?!

- Thì luật bù trừ đó thôi!

Nói tới Trần Thiện Thanh-Nhật Trường, nói Yêu Lính-Lính Yêu vẫn chưa đủ, vì đúng là Nhật Trường yêu lính, vì đã từng là lính, còn lính yêu Nhật Trường là chuyện đương nhiên, nhưng còn có cả hàng triệu khán thính giả khắp nơi yêu Nhật Trường vì những bài hát của Ông.

Tôi sẽ không viết những điều ai cũng biết về Trần Thiện Thanh, chỉ xin kể lại những “kỷ niệm” của riêng tôi với chàng ca nhạc sĩ lắm tài nhiều tình này.

Nói “kỷ niệm” cho …oai chút thôi, chớ nếu ai ở dưới suối vàng hỏi Nhật Trường có biết tôi không thì sẽ có câu trả lời rằng " Ủa, con nhỏ này là ai ", bởi vì đây chỉ là “kỷ niệm” của riêng một mình tôi (sao giống …tình đơn phương quá !!)

Khoảng đầu thập niên 80s, các đoàn kịch nói Kim Cương (của kịch sĩ Kim Cương), đoàn Bông Hồng (của Thẩm Thuý Hằng), thỉnh thoảng về diễn gần nhà là tôi đi xem, có khi một vở xem vài lần. Trước giờ diễn kịch là phần ca nhạc ngắn gọn, bữa đó, tôi sung sướng đến bất ngờ vì có bài song ca “Con Kinh Ta Đào” do Nhật Trường và Kim Dung trình bày. Trời ơi, xưa nay chỉ được nhìn hình trên tờ giấy nhạc và nghe giọng ca mượt mà mỗi đêm, bây giờ mới được gặp chàng bằng xương bằng thịt, chỉ tiếc là khoảng cách quá xa, người trên sân khấu rực rỡ ánh đèn với tấm màn nhung, còn tôi dưới hàng ghế khán giả (hạng …cá kèo), có khác gì… nghìn trùng xa cách như mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư:

Em ngồi bên song cửa /Anh đứng tựa tường hoa /Nhìn nhau mà lệ ứa/ Có nói cũng không cùng ...

Hình như anh chàng soát vé, lúc ấy cũng ngồi ở cuối rạp, gần chỗ tôi và cô bạn, hiểu được “nỗi lòng thầm kín” của tôi, bèn mách bảo:

- Chút nữa hết giờ ca nhạc là phần giải lao chờ xem kịch, mấy cô chạy ra cửa bên hông rạp, sẽ thấy mấy ca sĩ ra về, tha hồ mà xin chữ ký. Tui mở cửa cho, đừng lo!

Nhưng xui xẻo thay, mặc dù có sự hậu thuẫn đắc lực của anh soát vé, chúng tôi chạy thật nhanh ra cửa hông, chỉ còn vài ca sĩ cuối cùng bước ra, còn Nhật Trường đã đi về từ lâu.
Chuyện đến đó là hết, đi vào dĩ vãng theo đời bận rộn.


Vài năm sau, tôi trở thành thiếu nữ, trong một lần đi xem ca nhạc ngoài trời ở Câu Lạc Bộ Lao Động ngoài Sài Gòn, tôi lại được tái ngộ Nhật Trường khi chàng trên sân khấu solo bài hát “Cho Anh Xin Số Nhà”. Bài này đúng sở trường “điệu hết cỡ thợ mộc, lẳng lơ, lả lướt” của chàng, vừa nhún nhảy vừa nháy mắt cười duyên với khán giả. Cô bạn thân, người luôn tháp tùng tôi mọi nơi để đền đáp công ơn tôi luôn sẵn sàng theo nó đi xem bói mỗi khi nó thất tình, nói với tôi rằng:

- Vậy là mày …có duyên với “người ấy” rồi đó! Còn ngại gì mà không lên bày tỏ niềm thương nỗi nhớ, nhất là sau lần …hụt mấy năm trước?

- Mày cứ làm như tao sắp …tỏ tình với người trong mộng! Thôi, "người ấy" ....đáng tuổi chú tao.
- Tuổi tác nghĩa lý gì, tình không biên giới.

- Tao chỉ mến mộ tài năng, chứ chả dám cảm …người, mấy ông nhạc sĩ thi sĩ đa tình lắm, nhứt là ông này, chớ rước sầu khổ vào thân!

(Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình cũng nói được một câu …sáng suốt. Ngay như nhạc sĩ Lam Phương, ai cũng bảo chàng Miền Nam hiền lành, dễ thương, nhưng số “sát gái” thì đếm không xuể.)

Cô bạn lại sốt sắng:

- Nhà ngươi chờ đây, tao chạy đi kiếm cách để gặp ổng!

Nó chạy đi chưa thấy quay lại thì trên kia Nhật Trường đã kết thúc phần trình diễn bằng câu hát dẻo quẹo, nhưng đủ sắc “dao vết ngọt đâm” vào trái tim các nữ hâm mộ: “ Cho anh xin số nhà và cho anh biết tên đường, và …và …và …(ngừng lại đảo mắt một vòng khán giả để cho những trái tim đàn bà con gái dưới sân khấu trong đó có tôi ngất ngây...tan chảy, chàng mới.....quăng nốt câu cuối thật đắm đuối) …làm ơn cho anh... biết tên... em luôn”. Vừa hát vừa phăng, ỷ mình viết nhạc giỏi, hát hay, đẹp trai nên với tâm hồn nghệ sĩ, điệu đàng lơi lả là nghề của chàng!

Một lần nữa, chuyện cũng đi vào dĩ vãng, cho đến nhiều năm sau, khi tôi qua định cư ở Canada, rồi lần đầu tiên du lịch California. Tôi dành một buổi để đi đến nhà sách và các hàng bán băng nhạc. Hữu duyên thiên lý, trời xui đất khiến, tôi đến ngay một strip mall có một bảng hiệu đập vào mắt tôi: “Trung Tâm Băng Nhạc Nhật Trường”. Tôi liền bước vào, lại …sững sờ, vì trong tiệm "vắng tanh bà Đanh" chẳng có ai, ngoài ông chủ tiệm Nhật Trường và …tôi. Giây phút “chỉ có đôi ta” làm tôi thật sự bối rối, bao nhiêu cảm nghĩ của những lần trước, giờ bỗng tan biến, dù khoảng cách không còn “xa vời vợi” như trên sân khấu, mà chỉ ngăn cách bởi tủ kính đựng CDs, tôi vẫn không thể mở miệng nói nên lời. Lúc ấy chưa có iphone để tôi đỡ thừa thãi tay chân, xin chụp vài tấm “selfie” với chàng. Thật ra, chúng tôi có mang theo máy chụp hình nhưng chồng tôi đang giữ nó, lại đang ở tiệm cắt tóc cách đó một block đường! (Tôi vẫn chưa hỏi tội chồng tôi tại sao đi từ Canada qua Cali để …hớt tóc!). Thấy tôi lúng túng, Nhật Trường mỉm cười thân thiện, rồi châm điếu thuốc nhìn mông lung …ra ngoài cửa, chắc là để tôi tự do thoải mái chọn băng nhạc. Chu choa, nhìn chàng thả khói thuốc y như bài thơ của Hồ Dzếnh tôi xin sửa lại cho hợp cảnh của chúng tôi: “ Em cứ ngại, thôi em đừng …nói nhé/ Để một mình anh hút thuốc vu vơ/ Ngó trên tay điếu thuốc cứ vơi dần/ Anh khẽ bảo, gớm …sao mà lựa nhạc lâu thế!?”

Thế mà vẫn chưa có thêm người khách nào vào tiêm, uớc gì tôi là ...đại gia để mua hết cả quầy CDs . Tôi vội vàng quơ hai dĩa Tiếng Hát Nhật Trường, chẳng thốt được câu ái mộ nào cho đẹp lòng chàng.

Vậy đó, ba lần “gặp gỡ” của những ngày son trẻ thật đẹp. Giá mà tôi giống như các “fan cuồng” khác, gặp thần tượng là rú lên, gọi tên, sấn tới ôm vai bá cổ xin chụp hình, bất chấp xung quanh, thì giờ đây cũng có một vài tấm hình kỷ niệm.

Tôi xin kết thúc bài viết bằng lời cám ơn đến hương hồn Ca Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh Nhật Trường, nhân ngày Quân Lực VNCH, đã để lại cho đời và lớp con cháu, những hình ảnh sống mãi của chiến sĩ VNCH: kiêu hùng, lãng mạn nhưng không bi luỵ qua các bài nhạc bất hủ: Anh Không Chết Đâu Anh, Rừng Lá Thấp, Biển Mặn, Tạ Từ Trong Đêm, Mùa Xuân Lá Khô …

Vâng, nếu Miền Nam không bị “giải phóng” thì có thể tôi đã là Người Yêu Của Lính nhưng chắc chắn không phải là của ...người lính Trần Thiện Thanh- Nhật Trường.
Người tài hoa này chỉ là "chàng thơ" trong mộng của tôi mà thôi.

Edmonton, Tháng 6/2021
Kim Loan

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Lá Trầu Xanh - Viễn Châu - Kim Trúc


Sáng Tác: Viễn Châu
Trình Bày: Kim Trúc

Không! Không Tiếc ...


Không! Không tiếc một thời son trẻ
Nhận nửa tim san sẻ cho em
Cho nửa kia hòa nhịp êm đềm
Xao xuyến lạ đêm đêm trăng ngắm

Một thời si bước chân lạ lẫm
Dù khó khăn chia cắt tình ta
Dù gian nan phong ba cũng mặc
Dù nghèo ngặt không dễ cách lòng

Nhưng giờ đây gần nhau gang tấc
Mà tình yêu tất bật kiếm tìm
Quả tim xưa dang dỡ tật nguyền
Dòng máu đỏ... nhạt duyên phai sắc.


Kim Oanh

Cơn Mưa Hạ



Mưa hạ lại về lúc giữa đêm
Rơi vào nỗi nhớ phút êm đềm
Âm vang tí tách lời mê mãi
Mưa trút xuống đời nỗi dịu êm

Mưa hạ tình ai lắm ngỡ ngàng
Ru tình rơi nhé hạt mưa tan
Thành cơn cuồng lũ niềm thương nhớ
Bối rối quên rồi những trái ngang

Lệ ngập ngừng môi hứa hẹn sau
Tình nghe chợt dậy lệ vui trào
Bờ môi lịệm chết vừa run khẽ
Réo gọi mưa tình mộng dệt mau

Mưa hạ về đây hãy ở đây
Cho hồn nhiên cũ đượm hương đầy
Cho tình sống lại nguyên thương nhớ 

Xin ngược thời gian dẫu phút giây 

Kim Phượng


Hoài Niệm


Phượng đỏ pha từng mảng lá xanh
Tiếng ve ra rả vọng trên cành
Nhớ ai áo trắng con đường mộng
Mơ dáng kiều thơm bước độc hành
Lật tháng ngày xưa tìm lấy bóng
Nhặt từng ký ức ghép thành tranh
Giở trang lưu bút lòng thêm chạnh
Bạn với ta và em với an


Bằng Bùi Nguyên

Thảo Câu Thơ


Cho nhau dòng mực chảy thành thơ
Ngòi bút mềm kia viết "xin chờ"
Không chắc ai người cùng thấu hiểu
Chung nhau cuộc sống chung giấc mơ

Cây viết vô tình chẳng có lòng
Ta dùng diễn tả kiếp long đong
Thế nhân thường nói bẻ cong viết
Chuyện thiệt đời thường đúng hóa không

Mực chảy nên thư tình lãng mạn
Trao ai có kẻ đọc hay không
Tâm tình trút hết lên trang giấy
Thức trắng đêm dài biết sao đây

Nguyễn Cao Khải

Tiếng Đàn Thu - Sáng Tác: Nguyễn Tâm Hàn - Trình Bày: Cao Huy Thế

Phỏng dịch bài Chanson D'automne của đại Thi Sĩ Pháp Paul Verlaine chợt có ý tưởng viết thành một ca khúc.


Sáng Tác: Nguyễn Tâm Hàn
Trình Bày: Cao Huy Thế

Đừng Trách Gì Nhau



Bây giờ tình đã lỡ làng
Em đành mang tiếng tham sang phụ nghèo
Thân con gái tựa cánh bèo
Thấy người sang cả dám nào trèo cao
Yêu em sao chẳng cau trầu
Để giờ dang dở tình đầu cả hai
Đàng trai chỉ thấy bà mai
Vâng lời cha mẹ gã ai em chìu
Thương cha mẹ phải báo hiếu
Chúc anh sức khỏe nhiều vui ít buồn

Trúc Lan KTP

Covid - 19 Và Vấn Đề Xã Hội

1) Chủng ngừa Covid-19:

Tính đến hôm nay tôi đã được chủng ngừa Covid-19 và hệ miễn dịch bắt đầu có hiệu quả. Hiện nay có ba loại thuốc chủng ngừa Covid-19 được nhắc tới và sử dụng ở Hoa Kỳ. Pfizer: được tiêm làm 2 đợt cách nhau 13 tuần lễ; Moderna: được tiêm làm 2 đợt cách nhau 14 tuần lễ; và Johnson & Johnson: chỉ tiêm một lần. Và gần đây bộ y tế Mỹ thử nghiệm thêm loại chủng ngừa Covid-19 nữa là AstraZeneca. Moderna là loại chủng ngừa coronavirus mà tôi được tiêm, chia làm 2 đợt cách nhau 4 tuần lễ. Đợt tiêm đầu (ngày 11 tháng 2) không có nhiều phản ứng phụ, chỉ đau "rêm rêm" cánh tay vài ngày. Đến đợt 2 (ngày 12 tháng 3) thì cơ thể có nhiều phản ứng và "bị hành" dữ dội. Hôm chích ngừa đợt hai, tôi bị nóng sốt cao và cơ thể khó chịu không ngủ được cả đêm hôm đó. Ngày hôm sau, thân thể mệt mỏi rã rời và lúc nào cũng cảm giác ớn lạnh, đầu óc trĩu nặng. Thường thì tôi hay tắm vào lúc sáng sớm, nhưng hôm đó thì chỉ "trùm mềm" không dám bước xuống khỏi giường ngủ. Theo lời dặn của nhân viên y tế, tôi uống Tylenol liên tục, cách nhau mỗi 6 giờ. Cổ họng khô và đau nên cũng không màng ăn buổi sáng và cả buổi trưa. Nằm liệt giường và ngủ chập chờn đến khoảng gần 5 giờ chiều, thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn, cơ thể đổ mồ hôi và bớt ớn lạnh. Bằng mọi cố gắng tốc mềm ngồi dậy, tôi quyết đi tắm bằng nước nóng. Quả thật như vậy, sau khi tắm trong bồn bằng nước nóng tôi thấy tinh thần "phấn chấn" hơn rất nhiều, mặc dù cơ thể vẫn còn mệt mỏi. Buổi chiều cố ăn một chén cháo trắng với thịt kho khô và tiếp tục uống Tylenol. Đêm thứ hai bớt nóng sốt và ngủ yên giấc hơn. Đến ngày thứ ba thức dậy sớm, thấy dễ chịu và chỉ cánh tay là còn đau nhức thêm vài ngày nữa mà thôi.

Moderna vaccine / Pfizer vaccine / J&J vaccine

Như vậy là đợt chích ngừa lần 2 của Moderna Covid-19 đã "hành" tôi gần đúng 2 ngày! Tuy nhiên nói theo phương thức y học thì đây là điều rất tốt. Vài ngày "nóng lạnh" cho thấy cơ thể đã phản kháng, chống lại chủng ngừa coronavirus xâm nhập vào cơ thể. Như một cuộc tập trận, cơ thể bạn "làm quen" với chiến trường, nâng cao hệ miễn dịch đối với Covid-19. Nếu các bạn đã được chủng ngừa coronavirus tôi tin rằng các bạn cũng trải qua những phản ứng như vậy? Hay nếu các bạn chưa được chủng ngừa, thì đây cũng xem như là kinh nghiệm của người đi trước, để các bạn yên tâm và chuẩn bị tinh thần! Và phải 2 tuần (14 ngày) sau khi chủng ngừa Covid-19 (đợt 2) thì hệ miễn nhiễm của các bạn mới bắt đầu có hiệu lực! Trong giai đoạn hiện nay chủng ngừa chỉ giúp sức đề kháng, hệ miễn dịch cá thể nên tôi vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, để bảo vệ việc lây nhiễm xã hội cho đến khi toàn thể nước Mỹ được chủng ngừa Covid-19.
Những ngày nằm "co ro", liệt giường vì bị hành tôi mới thấy cuộc đời thật đáng sống và cũng thật vô thường. Đáng sống vì giá trị nhân bản, sự kỳ diệu của sáng tạo không ngừng của con người nhằm khắc phục và giải cứu nhân loại trong kiếp nhân sinh. Vô thường vì sinh mạng của chúng ta thật mong manh, nhỏ bé biết chừng nào so với những biến động không ngừng và vô chừng của vũ trụ. Có hay không, buông hay nắm, may hay rủi, vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ, yêu thương hay thù hận, may mắn hay bất hạnh,... tất cả chỉ là cuộc sống, chỉ là một kiếp người.
2) Covid-19 và vấn đề xã hội:



Vụ nổ súng nhắm vào 3 tiệm massage tại Atlanta tiểu bang Georgia, Mỹ ngày 16 tháng 3 vừa qua khiến 8 người thiệt mạng trong đó có 6 người phụ nữ gốc Á châu. Cuộc thảm sát đã gây chấn động cả nước Mỹ và thế giới trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc gia tăng mạnh mẽ. Theo tin của đài Việt ngữ BBC: các vụ kỳ thị mang tính thù hằn nhắm chống người châu Á tăng gần 150% vào năm 2020, hầu hết ở New York, San Francisco và Los Angeles.
Kỳ thị màu da là vấn nạn xã hội vốn đã có từ lâu trong lịch sử của nước Mỹ. Nhưng kỳ thị nhắm vào người gốc Á châu, chừng như bắt đầu xảy ra từ cơn đại dịch coronavirus phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc. Và gần đây các từ ngữ được gọi như: Dịch Cúm Tàu (China Virus) hay Dịch Cúm Vũ Hán (Wuhan virus) đã tạo nên những ngộ nhận tai hại trong vấn đề kỳ thị người gốc châu Á. Người Mỹ không thể nào phân biệt người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hàn Quốc, người Việt Nam, người Philippine, người Lào, người Thái Lan,... nhìn từ hình dáng bên ngoài. Những cuộc tấn công gây thương tích tại San Francisco, Oakland, New York... cho thấy nạn nhân gốc Á bao gồm nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng cho dù thế nào, chúng ta cũng không khỏi những lo ngại vấn nạn kỳ thị người gốc Á châu phát xuất từ cơn đại dịch coronavirus đã và đang xảy ra ở nước Mỹ và cả một số quốc gia Âu châu như Pháp, Anh, Đức...
Không như cơn đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, con số người nhiễm bệnh và tử vong chỉ nói lên vấn đề y học của thời đại, không mang màu sắc chính trị và xã hội. Cơn đại dịch coronavirus trong thế kỷ mà nền khoa học hiện đại, công nghệ thông tin toàn cầu đã dẫn đến nạn kỳ thị chủng tộc người Á châu đáng lo ngại. Những thế hệ người di dân, người tị nạn gốc Á tại nhiều quốc gia trên toàn cầu đã và đang đối mặt với những nghi kỵ và phong trào gây thù ghét trong cộng đồng người bản xứ.
Hình ảnh hành hung người gốc Á châu tại Hoa Kỳ

Vào ngày thứ Sáu 19 tháng 3, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi người dân Hoa Kỳ đoàn kết chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, đồng thời lên tiếng chống lại bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á. Những tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống và Phó Tổng thống gặp gỡ các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á tại tiểu bang Georgia sau khi xảy ra vụ nổ súng ở khu vực Atlanta giết chết 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, đã nói tầm mức quan trọng và khẩn cấp của vấn đề.
Nhiều tổ chức đoàn thể người gốc Á châu đã lên tiếng bằng những cuộc biểu tình trên các thành phố tại Hoa Kỳ để lên án và kêu gọi chấm dứt hành động thù ghét và kỳ thị này. Tuy đây có thể là hành động của một thiểu số người bản xứ quá khích, nhưng để ngăn chặn và xóa bỏ tư tưởng kỳ thị chủng tộc cũng không phải là "chuyện một sớm một chiều". Tất cả đòi hỏi thời gian và tinh thần đoàn kết trong tập thể của các thế hệ người gốc Á châu tại Hoa Kỳ và các quốc gia cùng khắp thế giới.


Chúng ta đang sống trong thời đại của nền kỹ thuật công nghệ toàn cầu, mong rằng sự phát triển của thuốc chủng ngừa Covid-19 sẽ đẩy lui cơn đại dịch và chấm dứt vấn nạn kỳ thị chủng tộc trong những ngày tháng tới. Đây không phải chỉ cho thế hệ chúng ta mà còn cho thế hệ của con, cháu chúng ta những người gốc Á châu đang sinh sống và đóng góp sức lực, tài năng và trí tuệ vào sự phát triển chung của nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Thiên Nga Trong Ao Thu

Thiên nga quấn quýt bên nhau
Như hình với bóng trong ao thật tình
Xem kìa quang cảnh xinh xinh
Đôi chim kề cận bên mình đẹp sao
Cả đôi yên lặng trắng phau
Tiếng chim kêu hót trên cao đón chào
Hạ đi thu đến lúc nào
Lá vàng rơi rụng bước vào mùa thu
 

 Huỳnh Phương Trạch



Ảnh: Huỳnh Phương Trạch
Thu Nemourne Pháp Quốc

Hãy Bình Tâm



Xây thì khó lắm người ơi
Phá thì dễ chỉ vài lời xỏ xiên
Gieo vào người dạ cả tin
Thế là lầm hiểu nổi chìm bão giông

Nhưng mà kẻ xấu biết không?
Ai gieo gió gặt bão bùng mưa rơi
Ai gieo cái tốt sáng ngời
Sẽ âm thầm gặt điều vui an lành

Cuộc đời ngắn lắm qua nhanh
Hơi đâu để ý những hành vi ma
Giữ tâm tĩnh lặng an hòa
Từ bi tha thứ trổ hoa nụ cười

Hãy thành tâm mến chúc người
An lành hạnh phúc đâm chồi nụ xuân
Niềm vui thả gió lâng lâng
Lãng quên giông bão thế trần đa đoan

Trầm Vân



Ngậm Ngùi


Bài xướng

Ngậm Ngùi

Ta, thân viễn xứ lạc ngàn khơi
Dãi gió, dầm sương giữa đất trời 
Nhân nghĩa vẫn mong lời ước hẹn
Hiếu trung ngẫm thẹn đạo làm người
Gió trăng, phó mặc thời luân lạc
Tâm huyết, đành cam lúc cạn vơi
Rồi một hôm nào...thôi vĩnh biệt
Tạ ơn non nước. Tạ ơn đời.

Dương Quân
***
Bài Họa:

Y Đề

Tựa chiếc thuyền con giữa biển khơi
Lênh đênh, phiêu bạc bốn phương trời
Còn thương mái tóc nồng hương bưởi
Vẫn nhớ dòng sông lộng bóng người
Em- cánh hoa buồn đêm lạnh lẽo
Anh- vì sao lạ chốn chơi vơi
Chờ nhau suốt kiếp trong vô vọng
Đếm giọt tình rơi cuối nẻo đời !

Thy Lệ Trang

Mộng Thường



Đêm qua hoa huệ nẩy chồi
Anh yêu lúng túng nói lời thương thương
Cành lay lóng lánh hạt sương
Tim em rộn rã tơ vương muôn phần

Tàn đêm trăng chếch xuống dần
Liễu ru trong gió như phân lời từ
Hồn em mở ngõ ừ ư
Đắm say mơ tưởng thoát hư thôi buồn

Ngoài khơi một chiếc thuyền buông
Em nằm ôm ấp mộng thường hai tay
Đã qua những đắng cùng cay
Môi em tươi thắm vì ai vui rồi

À ơi thôi cố quên Tôi
Chôn vùi kỷ niệm với người từng yêu
Ngày ngày an lạc hành thiền
Không Không Sắc Sắc sầu liền ngưng ngay

Phamphanlang

Làm Thơ Như Hít Thở Khí Trời: Nhà Thơ Như Nguyệt


Hôm ấy là buổi chiều đầu mùa Xuân, bầu trời quang đãng và khí trời tươi mát. Đại hiền triết Socrates và đệ tử quý của ông là Plato đi dạo ven bờ biển, ngoại ô cổ thành Athens, nước xanh như ngọc và sóng bạc đầu chen chúc đổ xô lên bãi cát. Bầy hải âu trắng nhào lộn trên không gian theo vũ điệu mây trời lãng đãng. Hai thầy trò vừa đi vừa thảo luận về những câu hỏi triết lý để tìm giải đáp cho các vấn nạn nhân sinh.

“Sư phụ nghĩ gì về những nhà thơ?” Plato kính cẩn nhìn Socrates hỏi.
“Họ không phải là triết gia.” Socrates buột miệng trả lời không suy nghĩ.
“Vâng, con cũng nghĩ vậy. Nhưng bọn này nguy hiểm lắm.” Plato nhấn mạnh.
“Tại sao?” Socrates nhíu mày hỏi.

“Thưa sư phụ, bọn nhà thơ coi thường thần linh, chế nhạo nhà cầm quyền. Họ có thể mê hoặc quần chúng dễ dàng. Những điều họ viết ra chẳng thể giải quyết được gì cụ thể mà còn có mầm gây tai hại cho xã hội. Chúng ta phải đuổi bọn nhà thơ ra khỏi thành phố lý tưởng của chúng ta. Nếu để bọn này ở lại, cư dân sẽ bị đầu độc vì tác phẩm của họ.” Plato nói một cách rất hùng hồn cho sư phụ nghe.

“Dù sao thì ta cũng phải công nhận rằng có những nhà thơ được linh ứng khi họ sáng tác thi ca. Sáng tác của họ khơi dậy niềm hạnh phúc hay nỗi buồn vô vọng.” Socrates tính nói gì thêm nhưng ông khựng lại, rồi vội vã kéo Plato chạy tránh đợt sóng lớn bất ngờ ào lên bờ như muốn cuốn lôi hai thầy trò ra lòng biển.

Cuộc đàm thoại trên là do tôi tưởng tượng ra từ trí nhớ về quan niệm thơ của Plato và Socrates, hai đại hiền triết văn minh Hy Lạp và Tây Phương. Quan niệm về thơ của Plato có lẽ chỉ thích hợp cho các nhà thơ làm thơ để ca ngợi chủ nghĩa hay lãnh tụ. Với tôi, những nhà thơ hay nhà văn làm thơ viết văn ca ngợi lãnh tụ, vinh danh chủ nghĩa chẳng có gì đáng để ý, thơ và văn của họ chỉ nên quăng vào thùng rác. Chỉ có thơ văn vinh danh vẻ đẹp, ca ngợi tình yêu, tình người mới đáng cho ta chú ý.

Bàn về thơ là việc làm cũ như lịch sử nhân loại, nhưng lại mới như những khám phá tình cờ. Mời bạn đọc bài thơ ngắn sau đây.

Tại  Sao

Tại sao mặt trời chọn tôi để rực rỡ
Tại sao mặt trăng chọn tôi để sáng
Tại sao những bông hoa chọn tôi để nở
Những vì sao chọn tôi để long lanh
Chim chóc chọn tôi để hát vang
Cây cối, cỏ non chọn tôi để có mãi mầu xanh…

Và tại sao
Ở mãi cuối trời kia…
Cả anh cũng chọn tôi để nhớ?

Sau khi nhận và đọc bài thơ “Tại Sao,” tôi chuyển ngay đến vài người bạn và hỏi họ nghĩ gì? Có người bảo bài thơ rất trong sáng cả từ lẫn ý. Người lại bảo bài thơ có chất thiền. Nhưng không ai đoán được tuổi của người làm bài thơ này. Thật ra thì chính tôi cũng không đoán được tác giả đã sáng tác bài thơ này năm bao nhiêu tuổi nếu không được cho biết. Đây là bài thơ của cô học trò Trưng Vương, Sài Gòn, sáng tác năm cô mới 14 tuổi. Tuổi 14 là tuổi các thiếu niên, thiếu nữ bắt đầu tìm hiểu về mình và những người chung quanh. Đây là giai đoạn phát triển sinh lý và tâm lý rất quan trọng cho các thiếu niên cả nam lẫn nữ. Các em tập làm người lớn qua những liên hệ gia đình, học đường và bạn bè. Tuổi dậy thì, 14, cũng là giai đoạn các em bắt đầu mơ mộng về tình yêu và tương lai. Bài thơ “Tại Sao” là một trong những bài thơ cô học trò Như Nguyệt sáng tác lúc còn ở Sài Gòn. Theo tôi, bài thơ biểu lộ bản chất và cá tính của thiếu nữ ôm nhiều ước vọng, rất lãng mạn, thích phiêu lưu trong tình yêu và rất tự tin về mình. Bài thơ có lẽ đã là lời tiên đoán về một định mệnh nhiều nổi trôi trong đời.

Trong bài này tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc và thân hữu về nữ thi sĩ Như Nguyệt, người rời Việt Nam năm 16 tuổi và đã lớn lên ở Hoa Kỳ gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn say mê thi ca Việt Nam và đã sáng tác gần 2,000 bài thơ và nhiều tuỳ bút bằng tiếng Việt. Tôi đã gặp nhiều người gốc Việt lúc rời Việt Nam lớn hơn Như Nguyệt, nhưng không còn giữ được vốn liếng tiếng Việt như cô gái đang học lớp 10 khi bỏ quê nhà đi biệt xứ. Tính theo tuổi đời thì dù Như Nguyệt sống chưa hết tuổi thiếu niên ở Việt Nam, nhưng tâm hồn cô gắn bó với tiếng Việt không thua gì những người Việt chưa từng xa quê hay khu phố đã sống cả đời người ở Việt Nam. Tôi viết về Như Nguyệt không phải vì cô là nhân vật đã nổi tiếng trong thế giới thi ca nghệ thuật của người Việt Hải Ngoại, nhưng vì sự gắn bó với ngôn ngữ Việt và trái tim rất Việt Nam của cô. Đã từ nhiều thập niên qua, trong những sinh hoạt cộng đồng dù rất giới hạn, tôi luôn luôn nhấn mạnh về sự quan trọng của việc phát triển tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt Tha Hương. Chúng ta không nói tiếng Việt hay viết Tiếng Việt như người Việt ở Việt Nam vì văn hoá không cứng ngắc, ngưng đọng, nhưng thay đổi liên tục để thích ứng với những môi trường xã hội mới. Người Anh nói và viết tiếng Anh có rất nhiều khác biệt với người Mỹ, Úc, Gia Nã Đại hay Singapore. Người Việt ở Hoa Kỳ hay các miền đất khác trên thế giới cũng đang, hay sẽ nói và viết tiếng Việt khác với người Việt ở Việt Nam. Tôi không còn nhớ nhà văn nào đã nói rằng đối với những di dân, quê hương chính của họ là tiếng mẹ đẻ của mình. Người Việt Hải Ngoại tìm đến nhau cũng vì tiếng Việt. Tiếng Việt là sợi dây linh thiêng nối buộc người Việt tha hương lại với nhau.

Như Nguyệt là ai?
Hình trong Thông Tín Bạ, 13 tuổi

Tôi chưa hề gặp nhà thơ này nhưng qua những bài thơ và tuỳ bút của cô, tôi sẽ giới thiệu về cô như người tình phiêu lưu với nhiều mâu thuẫn và người có nhiều hệ luỵ về tình yêu. Như Nguyệt làm thơ viết văn rất bộc trực vội vàng. Ngôn ngữ trong thơ và tuỳ bút của cô không chải chuốt, gạn lọc, nhưng là những tâm sự, nhận xét và ghi nhận rất đời thường. Dường như cô làm thơ như đang hít thở khí trời. Tôi mời quý độc giả và thân hữu của tôi tham dự vào mạn đàm với Như Nguyệt sau khi tôi giới thiệu đôi điều về nữ thi sĩ này.

Người Tình Phiêu Lưu Với Nhiều Mâu Thuẫn.
Nhà thơ Như Nguyệt, thiếu nữ, chưa hết tuổi dậy thì đã lao đầu vào những cuộc tình lãng mạn. Mới 14 tuổi mà trái tim đã đầy ắp trí tưởng tượng về những cuộc tình mông lung vô định.

Và tại sao
Ở mãi cuối trời kia…
Cả anh cũng chọn tôi để nhớ?
(Tại sao)

Sau tháng Tư, năm 1975, khoảng từ 125 đến 130 ngàn người Việt chạy trốn quê nhà được chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận và cho tạm dung trong 4 trại lính. Fort Indiantown Gap thuộc bang Pennsylvania là trại lính rất lớn có khoảng 1400 toà nhà bao gồm các khu chung cư, tiệm tạp hoá, nhà thờ và bệnh viện. Vào cuối tháng Năm, 1975, nhóm người Việt đầu tiên được đưa đến trại rồi con số này tăng dần lên đến 20 ngàn người và trại lính đột nhiên trở nên một khu phố đông đảo dân Việt. Dường như hầu hết những người lớn đều hoang mang về tương lai vô định ở Hoa Kỳ. Ai cũng mong có bảo trợ tốt (Sponsor) và chờ ngày rời trại. Lúc ấy chưa có những cộng đồng Việt và những trung tâm thương mại Việt như bây giờ nên ai cũng như ai đều mù tịt về nơi sẽ đến. Thế nhưng, nơi đây đã có những cuộc tình vội vàng và những chia lìa ướt lệ. Trong những cuộc tình vội ấy, ta thấy có bóng dáng một thiếu nữ mang tên Như Nguyệt.
Cô đã nhắc lại một chuyện tình thuở còn ngây thơ ở Indiantown Gap. Dù bảo mình còn ngây thơ chưa muốn thật sự yêu ai, nhưng có lẽ cô đã ôm trong lòng nhiều mơ mộng về tình yêu.

Mười sáu tuổi, tuổi đời còn đẹp quá!
Em dại gì mà đi nói yêu thương?
(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Và Như Nguyệt đã nhởn nhơ trong những liên hệ tình cảm một cách rất hồn nhiên.

Một phần đời của em ở Indiantown Gap
Được nhiều người tương tư, trong số đó có anh
(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Như Nguyệt kể lại buổi tối trước ngày đám cưới của cô, một người bạn trai gọi cho cô. Người đó nói: “Chắc có nhiều người cuộn mình trong chăn vì N.” Và người thanh niên ấy đã tỏ tình với cô ngay lúc đó. Quá trễ!

Dĩ nhiên là không phải chỉ phái nữ mới gặp trường hợp như Như Nguyệt, nhưng dù nam hay nữ khi được một người khác phái (hay cùng phái) tỏ tình trước ngày đám cưới đương nhiên là điều khó quên. Nhà thơ vẫn giữ kỷ niệm trong hồn và sau này khi nhớ lại người xưa ấy cô đã tâm sự:

Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân
Em sắp sang sông bây giờ mới nói
Sao anh không nói thương em lâu rồi?
Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi!
(Mai Em Lấy Chồng)

Đọc thơ Như Nguyệt rồi nghe cô kể về chuyện chồng con tôi tự hỏi nếu cô lấy chồng trễ thì có làm được thơ như cô đang làm không? Nếu Như Nguyệt đã sống thời làm cô sinh viên độc thân thì thơ sẽ ra sao? Thật ra thì câu hỏi này không đáng hỏi vì ở bất cứ không gian hay thời điểm nào nhà thơ vẫn yêu và vẫn lao đầu vào trò chơi tình ái như là chuyện rất tự nhiên.

Lần đầu được hôn…
Nụ hôn ngọt ngào, thơm lừng mùi rượu
Ôi! ngất ngây, ngây ngất nụ hôn đầu
…………….
Những nụ hôn đầu đời
Không ngờ -tuyệt vời- vượt qua ngòai tưởng tượng
Ôi, những nụ hôn đầu đời!
Có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời em
(Những Nụ Hôn Đầu)

Nhà thơ vẫn trân trọng khi nhắc về một người tình đã qua đời. Trong tim cô dường như mỗi cuộc tình đều đã để lại những dấu ấn tuyệt vời. Và khi bất chợt nhớ về hay nghĩ đến người xưa cô vẫn nâng niu trìu mến.

Tối hôm nay, em nhớ anh xiết bao
Anh trở về, cuồng phong mãnh liệt!
Anh trở về, thiết tha nhắc nhở
Anh trở về … gió bão, cuồng điên
(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Không cần biết lý do gì đã cách ly hai người nhưng cô vẫn một lòng trân quý người ngày cũ.

Anh cho em cảm thấy
Em là người hạnh phúc nhất
(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Nếu người ấy mang đến hạnh phúc tuyệt vời thì cũng làm nhà thơ tan tác khổ đau.

Nhưng cũng cho em biết
Thế nào là người đàn bà đau khổ nhất dương gian
(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Hay:

Đêm thở dài thao thức
Chợt thấy đời hư hao
Còn bao nhiêu năm nữa
Mới thoát khỏi cõi tình
Còn bao nhiêu ngày nữa
Mới thoáng thấy bình yên

Giờ này anh đang ngủ
Lòng đất chắc lạnh lùng
Vĩnh biệt anh yêu dấu
Tình vài năm mà thôi!
(Chợt Thấy Đời Hư Hao)

“Tình vài năm mà thôi.” Đấy là mới yêu có vài năm mà thi sĩ đã viết lên những dòng thơ thống thiết như vậy, còn yêu cả đời thì sao?

Với tôi, nhà thơ chân chính phải có tâm hồn rộng lượng, không ôm thù trách oán ai, không đay nghiến ai và sẵn sàng nhận ra được sai lầm hay lỗi do mình gây ra. Trái tim nhà thơ này quá lớn để chỉ chứa đựng một cuộc tình hay để chỉ yêu một người tình. Như Nguyệt chia tay chồng nhưng không hề đổ lỗi mà còn nhận hết lỗi về mình:

Cũng tại em không còn duyên, hết phước
Nên đành lòng bước ra khỏi đời anh
Cũng tại em thích gió giông, sóng nổi
Cũng tại em, chán cuộc sống an bình
Cũng tại em ngu si chê hạnh phúc
Cũng tại em, lỗi tất cả tại em
(Lỗi Tại Em)

Thường thì ta nhận thức rõ ràng hơn về trời nắng đẹp khi đang phải đi dưới mưa. Đôi lúc Như Nguyệt cũng có chút tiếc nuối:

Chẳng có ai chìu em như anh chìu chuộng em
Chẳng một ai yêu em như anh từng yêu em….
(Không Có Anh Trong Đời)

Điều đáng quý là nhà thơ sẵn sàng chấp nhận hậu quả của những việc mình làm và luôn luôn biết được mình là ai? Biết mình là ai là điều quan trong cho một nghệ sĩ sáng tác bởi vì khi ta biết được ta là ai thì ta không sáng tác như một văn nô hay như người bị lệ thuộc vào một quyền lực bên ngoài. Khi chia tay với chồng cũ, nhà thơ khẳng định rằng cô vẫn là cô và sự chia tay là do chính cô quyết định.

Số phận cho hai ta gặp nhau
Khi hết duyên thì tình mình tan vỡ
Anh là anh và em vẫn là em
Không còn nợ đành chia tay vui vẻ
(Những Nụ Hôn Đầu)

Nếu viết hết về những bài thơ hay tuỳ bút của Như Nguyệt thì bài viết quá dài. Bạn đọc hãy cùng tôi tham dự vào mạn đàm với nhà thơ.

TTM. Chào nhà thơ Như Nguyệt. Xin cô cho tôi và đọc giả biết cô bắt đầu sáng tác thơ, văn từ khi nào?

Như Nguyệt. N thích đọc thơ từ năm lớp 7 (đệ Lục); thích thơ của các nhà thơ tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Đinh Hùng…v.v.. Tập tành làm thơ vào năm 13 tuổi. N còn nhớ mình đứng sát cửa trong phòng có máy lạnh của mẹ N ở trên lầu, mơ mộng nhìn ra cửa sổ và làm bài thơ đầu tiên về mây bay, mây bay…

Về viết văn, N viết Nhật Ký từ năm 14 tuổi, viết Lưu Bút cho các bạn trước khi nghĩ hè, vậy mà cũng có nhiều bạn “ái mộ” cách viết văn của N.

Khi viết thật nhanh một bài viết để đọc cho bố trước khi di quan; ngồi trên xe, trên đường từ nhà đến nhà quàn khoảng 10 phút, N nghĩ rằng nên viết, cho dù viết vội còn hơn là không có; vì gia đình N, các anh chị em của N, N nghĩ chắc sẽ không có ai đứng lên đọc bài điếu văn cho bố N.

Khá lâu sau, nhờ bài viết đó; N mới “khám phá” ra là mình có khiếu viết văn vì thấy mình viết quá nhanh, quá dễ! Thương bố mà nên N viết được khá nhiều trong một thời gian rất ngắn. Khi đọc, có nhiều đoạn N đã nghẹn ngào và có nhiều thân quyến đã cảm động rơi nước mắt!

N có thơ được đăng trong Giai Phẩm Xuân Mê Linh của trường Trưng Vương. Tuổi mới lớn mơ mộng ngất trời! Khi qua Mỹ, N viết thư, trả lời thư cho nhiều người (mấy anh thích đọc thư N ziết quá chời, hihihi). Thỉnh thoảng N có viết vớ vẩn, có làm thơ lai rai cho đến năm 2009; từ năm đó trở đi, N dùng computer để làm thơ, viết lách, mới bắt đầu “sáng tác” nhiều.

TTM. Theo cô, những gì thôi thúc cô sáng tác?

Như Nguyệt. Năm 2009, sau khi bị thua Stock đậm, buồn quá N mới lên mạng. N làm thơ bằng cách gỏ trên phím lóc cóc, nhìn trên screen, chữ nhìn rõ ràng, dễ bôi xóa để viết lại; giúp ý tưởng của N mạch lạc hơn! N nhận ra làm thơ bằng cách này -đánh máy trên keyboard, chữ hiện lên trên big screen- dễ hơn là viết tay nhiều, nhiều lắm! Từ đó N “mê” làm thơ, mê viết tự truyện, đến nay cũng được gần 11 năm.

Mỗi lần buồn bã, thơ hay đến với N hơn thì phải nhưng không nhất thiết là như thế. Rất tự nhiên, từ một chữ hoặc từ một câu, thơ hiện ra từng hàng, từng hàng trong đầu N. Nhiều khi thơ đến khi N đang đi bộ, đang rửa chén, khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng, nửa đêm thức giấc .vv…Vào nửa đêm, khi còn đang nằm trên giường hoặc đang lúc đi du lịch, khi thơ bất chợt đến, N làm thơ trong đầu nhưng nếu lười không viết xuống hoặc ra bàn gỏ phím (keyboard) ngay; N sẽ quên!!

TTM. Thưa cô, tính đến hôm nay đã có bao tác phẩm gồm những thể loại nào?

Như Nguyệt. N không đếm -cho đến bây giờ- mình đã làm tất cả bao nhiêu bài thơ, viết bao nhiêu bài viết ngắn… (có thể lên đến gần 2,000 bài). Riêng năm 2010; N có ngồi đếm sơ sơ vì năm đó là một năm rất đặc biệt! N đã làm đến gần 700 bài thơ. Năm đó, không hiểu sao N mê thơ lắm! Thơ đeo đuổi N ngày đêm! Thơ cứ đến tới tấp không cần biết lúc nào, đôi khi làm N bực mình nhưng hầu hết thì N rất vui, chấp nhận thơ! Có những khi N ngồi gỏ đến 4, 5, 6 bài thơ một lúc trong gần 1 tiếng đồng hồ, mấy ngón tay nhức mỏi! Nghĩ đến đâu đánh máy đến đó, may quá N gỏ lóc cóc (typing) trên keyboard nhanh như gió!

Khi làm thơ, viết bài N cứ làm, cứ viết thôi chứ cũng không biết là thơ, bài viết của mình thuộc vào thể loại nào? N làm thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ lục bát. N có thử làm thơ 2 chữ, 3 chữ nữa, hihi…

N không chú ý đến phần kỷ thuật, vần điệu cho lắm. Nghĩ gì cứ viết ra, nhiều lúc còn không đọc lại trước khi gửi đi nữa. Bây giờ thì N đọc lại 2 lần trước khi gửi đi hoặc cứ để ở Draft, từ từ gửi sau. N thích làm thơ hơn vì một bài thơ làm không mất thì giờ nhiều, 5, 7, 15 phút; đôi khi lâu hơn nhưng vẫn nhanh hơn là viết. Mỗi khi viết, N nghĩ gì viết đó, nhưng phải đọc lại mà bài viết thường dài hơn thơ nên mỗi lần đọc lại để sửa, xem lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy… mất rất nhiều thời gian. Có mấy người bạn Trưng Vương thích đọc bài N viết (văn xuôi) hơn là thơ của N.

TTM. Theo tôi, tất cả những sáng tác đều chứa đựng một thông điệp dù khi ta viết, có thể ta không đặt vấn đề làm thơ hay viết văn để làm gì? Xin cô cho biết các tác phẩm của cô chuyển đạt những ý tưởng gì?

Như Nguyệt. N nhớ về quá khứ, đến vài mối tình đã qua. N có biết thiền chút chút, có từng đọc nhiều bài giảng, nghe giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Niệm, Cận Tử Nghiệp, biết chút chút về Phật Pháp nên thỉnh thoảng, N có làm thơ về đời sống, về cách xử thế, vô thường, vô ngã, tham sân si..v.v… để tự nhắc nhở mình. Đang buồn thật buồn, thơ làm giảm buồn, thơ giúp N vui. Có nhiều bài thơ N làm, khúc đầu buồn bã, than vãn nhưng khúc sau tươi vui, “bất cần đời” trở lại. Cũng chẳng mong chuyển đạt ý tưởng gì đến ai đâu anh ạ vì N làm thơ… thường là làm cho N. Gửi đi là để chia sẻ, để mọi người có vài phút phù du giải trí. Ngoài ra N chẳng có mong cầu gì khác cả.

TTM. Cô vừa bảo cô làm thơ cho cô, nhưng lại thích gửi đến bạn bè để chia sẻ. Khi ta muốn chia sẻ thì ta phải biết mình có gì để chia sẻ. Xin cô cho biết vài tác phẩm tiêu biểu của mình và cho độc giả biết đôi điều về tiến trình sáng tác các ca bài thơ hay văn như tuỳ bút, thí dụ như hoàn cảnh hay lý do cho mình cảm hứng để sáng tác các tác phẩm này.

Như Nguyệt. Thơ là thơ tình, thơ về đời sống…vv… Văn là bài viết ngắn, tùy bút, kể về những chuyến đi chơi. Nhiều người cũng thích những tấm hình N chụp… N cứ gửi đi chia sẻ, “hobby” của N mà, để “thiên hạ” nếu thích, họ đọc giải trí dăm ba phút phù du. Có nhiều người đã viết cho N nói là N viết thay cho họ, N nói lên được nỗi lòng của họ. Có nhiều người đang thất tình, đọc thơ thất tình của N… chịu quá! Họ viết cho N biết…sao thấy giống tâm trạng của họ ghê. Những bài thơ như “Dẹp tan bản ngã”, “Vô thường sẽ đến”, “Hãy thức tỉnh”, “Nếu biết đời phù vân” .v.v… dù N không có ý “chuyển đạt” ý tưởng ý tiếc gì cả, nhưng nếu ai thích về đề tài này; N mong sẽ giúp người đọc ôn lại, biết thêm một chút về vô thường, sự chết, vô ngã, vô minh..

Sao “cái tôi” tôi còn to lớn quá chừng?
Được ngợi khen vẫn sung sướng, vội mừng!
Bị chê bai vẫn vô chừng buồn bã
Xin dẹp bỏ, dẹp tan tành bản ngã!
——
Đúng với ta nhưng chẳng đúng với người
Cố gắng nhớ, đừng dính vào tranh luận
Càng buông bỏ càng tự do, hòa thuận
Cười hiền từ, “thế à”, tránh thị phi
(Dẹp tan bản ngã)

Đời vô thường lẽ ra em nên hiểu
Sao cắm đầu vào ái dục mà chi?
Cõi ta bà, vòng luân hồi bi lụy
Loay hoay hoài một kiếp sống hư hao

Vì vô minh em đón mời phiền não
Vì vô minh dục ái tưởng thiên đàng
Vì vô minh lo thân mình ích kỷ
Vì vô minh nên cứ mãi mê si
(Hãy Thức Tỉnh)

N cũng có làm một số bài thơ nói lên lòng yêu nước. Hai bài điển hình là “Quê Hương tôi hình cong chữ S” và “Xin tạ lỗi với Hai Bà Trưng”.

Ít khi làm thơ về quê hương
Không có nghĩa tôi không còn nhớ
Không còn thương, còn yêu dấu quê hương....

Độc giả có thể bấm vào các đường giây nối sau để nghe ca khúc đã được nhạc sĩ Ngô Bảo Quốc soạn từ thơ Như Nguyệt và một bài thơ của cô được nghệ sĩ Bích Vương diễn ngâm.

Cuồng Si
Ca sĩ Tâm Thư (nhạc Ngô Bảo Quốc)

Nghệ sĩ Bích Vương ngâm thơ:

TTM. Tôi nghĩ câu trả lời trên của cô có chút mâu thuẫn đấy. Việc in ấn sách ở thế kỷ 21 không còn là phương tiện duy nhất để tác giả phổ biến tác phẩm của mình. Khi cô gửi bài thơ mới cho bạn bè đọc hay cho lên Face Book cũng là hình thức xuất bản tác phẩm. Bây giờ xin cô cho độc giả biết thơ hay văn của tác giả nào cô thích và tại sao?

Như Nguyệt. Hiện tại, N không có Face Book Account, cũng không làm Website riêng cho mình. Đối với nhiều người (và cả N nữa), phải có những quyển sách, những CD thì mới gọi là có “tác phẩm” anh Miên ạ. Nếu những Youtube nhạc phổ thơ của N là “tác phẩm”, thì N có mâu thuẫn thật, vì N có khá nhiều Youtube nhạc phổ thơ. Nhưng so với nhiều người, họ thích tổ chức những buổi ra mắt sách, ra mắt CD rình rang; thì những Youtube của N chả thấm vào đâu.

Từ hồi nhỏ, N đã thích bài thơ “Kỳ Nữ” của thi sĩ Đinh Hùng nhất! N thấy bài thơ này thống thiết quá chừng!

Vì người em có bao phép nhiệm mầu,
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.
…..
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.

Văn sĩ thì N thích đọc văn của ông Mai Thảo.

TTM. Nếu được, xin cô chia sẻ đôi điều về mình (tên khai sinh, bút hiệu), và lịch sử đời mình kể từ ngày thơ ấu đến hôm nay.

Như Nguyệt. Quách Như Nguyệt là tên khai sinh, không có tên “bút hiệu”. Nếu đọc những bài viết N viết về bố, về mẹ, 2 con của N, bạn bè của N, thì sẽ hiểu ngay về N, vì N là “open book” mà. Khi viết, N viết rất thật thà, chả dấu diếm gì.

TTM. Dĩ vãng và hồi ức là kho tàng cho nhà thơ nhà văn sáng tác. Cô có kỷ niệm nào vui nhất đời?

Như Nguyệt. N viết về hiện tại rất nhiều, kể chuyện hằng ngày, làm thơ về những chuyện tình vớ vẩn, tưởng tượng, những cảm xúc khi gặp người này, người nọ, tình bạn, tình yêu, gặp lại người xưa, làm thơ cho con gái, thơ tặng cháu ngoại khi con bé mới 2 tuổi; viết, làm thơ cho cả con chó cưng; viết về chuyện chưởng, xi nê, khi đi concert nghe nhạc; viết về cả lúc bị cảnh sát bắt ngừng trên xa lộ (Đừng lạng qua, lạng lại)…v.v. Không nhất thiết N luôn quay về quá khứ, luôn thích hoài niệm đâu anh Miên ạ. Có khá nhiều kỷ niệm vui nên chắc phải mất một thời gian ngồi nghĩ ngợi, tìm xem, cân nhắc xem kỷ niệm nào vui nhất?! Một trong những niềm vui lớn: sau khi sanh ra đứa con gái, niềm vui quá lớn làm cho N không thấy mệt, không thể ngủ nguyên đêm.

TTM. Đấy là bản năng làm mẹ cho cô niềm hạnh phúc ấy. Cô có kinh nghiệm nào bi tráng nhất đời?

Như Nguyệt. N nghĩ mình có khá nhiều kinh nghiệm bi tráng, nhưng bù qua sớt lại; kết cục N vẫn thấy mình là một người rất may mắn so với nhiều người! Mỗi lần đau khổ, đau khổ tận cùng; N đều tìm cách vượt qua và học hỏi được rất nhiều.

Một trong những lúc buồn nhất, nhớ lại, N đã làm bài thơ:

Lâu lắm rồi… tôi không nhớ đến anh
Một mối tình mong manh hơn sương khói
Tối hôm nay tự nhiên tôi lại nhớ
Môi anh mềm, những nụ hôn bốc khói…

Lòng trầm buồn, tôi nghĩ về quá khứ
Nhớ lại ngày anh làm tôi khóc ngất
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế
Tình đắm lụy nên tình buồn quá thể
Khóc một lần… vĩnh biệt những nụ hôn!
(Vĩnh Biệt Những Nụ Hôn)

TTM. Cô có những kỷ niệm gì đáng nhớ về những sinh hoạt văn nghệ của mình?

Như Nguyệt. N rất hân hạnh được quen với thi sĩ Trần Vấn Lệ, được ông anh thi sĩ này viết tặng cho nhiều bài thơ rất trữ tình, được gửi tặng nhiều quyển thơ. Chữ viết của thi sĩ tuyệt đẹp! Có nhiều lúc tâm hồn N khô cằn, đọc thơ của thi sĩ; N thấy trái tim mình bớt cằn khô.

N rất cảm kích nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, anh Tân thấy bài thơ nào có “trăng”, có chữ nguyệt là phổ nhạc. Anh là một người có tâm hồn lãng mạn. Một nghệ sĩ rất nghệ sĩ, tính tình hiền lành, hòa nhã, khiêm nhượng, có tài viết nhạc nhanh rất nhanh, dễ rất dễ!

Cách đây gần 2 năm, N quen được nhạc sĩ Lê Quốc Thắng, nhạc sĩ của bản nhạc “Phố Xa” rất nổi tiếng. Thắng viết email cho N khen bài “Mai Em Lấy Chồng”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân sáng tác từ thơ của N.

Mai em lấy chồng (Hà Huệ Mẫn hát)
(bài thơ trong tự truyện “Làm thế nào em vá tim tôi vỡ”)

Từ đó, 2 chị em chúng tôi quen nhau. Ngay lúc này, Thắng đang thực hiện một Album CD gồm có 10 bản nhạc do Thắng phổ thơ của N. N rất vừa ý với Album này, do Thắng giúp làm từ A đến Z. Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng vừa là luật sư vừa là nhạc sĩ. Hai chị em, tình nghệ sĩ, tình văn nghệ văn gừng… rất hợp ý với nhau! N thấy hào hứng, rất vui khi có được 1 Album đầu tay để làm kỷ niệm.

Dòng sông tương tư (Kana Ngọc Thúy hát)
Nhạc: Lê Quốc Thắng

Em ở nơi này, dòng sông tương tư
Con sông lượn vòng biết chẩy về đâu?
Em ở nơi này nhớ thương đầy ứ
Chỉ biết cầu mong tình đến nhiệm mầu
(Dòng Sông Tương Tư)

*N thật may mắn, rất hân hạnh được các nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Mai Phạm, Văn Sơn Trường, Đỗ Hải, Đặng Vương Quân, Nguyễn Văn Thơ, Ngô Bảo Quốc, Nguyễn Thanh Hùng, Tuyết Phan, Võ Tá Hân, Nhược Thu, Lý Kiến Trung, Trần Thiên Anh, Nguyễn Tuấn, Minh Sơn, Mai Đằng, Phan Vũ Kiên Thanh, Tống Hữu Hạnh, Tuyền Linh viết nhạc cho thơ Quách Như Nguyệt.
Xin chân thành cảm ơn, rất cảm kích, rất biết ơn tất cả các nhạc sĩ.

N có khoảng gần 250 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, hoặc hơn. Trong 250 bản nhạc đó, dĩ nhiên có nhiều bản nhạc nghe rất… đặng, rất hay (đối với N thôi nha, hihi). N định sẽ làm một buổi nhạc vinh danh các nhạc sĩ phổ thơ cho N, cũng chỉ là có ý định thôi nha. Ngoài ra N cảm thấy rất may mắn, hân hạnh được quen với nhiều người “nổi tiếng” mà trước đây nếu không làm thơ thì N không bao giờ có thể quen được. Anh Trần Thu Miên là một (N không biết một chút xíu gì về anh, mà anh lại có ý muốn viết bài về N nên N nghĩ anh là một nhân vật chắc cũng có nhiều người biết đến, hihi..). Trân trọng cảm ơn anh Miên đã có nhã ý muốn viết về N, đã bỏ nhiều thời gian, tâm trí để hoàn tất bài viết này, anh Miên nhé.

Vài tháng nay, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ Vũ Hạ có lập ra một mailing list gồm toàn các thi sĩ, nhạc sĩ; N hân hoan được sinh hoạt chung với các anh chị em, quen thêm được nhiều người. N rất vui mừng, hân hạnh được biết anh Liên Bình Định, anh Văn Duy Tùng, cô em Jazzy Dạ Lâm, chị Hạ Đỏ Bích Phượng, anh Nguyễn Thanh Cảnh, anh Vũ Lương Đúng, anh Nguyễn Công Hùng, anh Trần Thu Miên, cô em Trúc Tiên, cô em Thi Hạnh..v.v.. Một số các anh chị N đã biết trước rồi như anh Đỗ Bình, anh Phạm Anh Dũng, anh Mùi Quý Bồng, chị Chúc Anh, chị Ngọc Quyên, anh Chương Hà, anh Đặng Hoàng Sơn, anh Nguyễn Dũng..v..v.
(June 3rd, 2021)

TTM. Cô không nói, thì tôi không biết là cô đã có đến 250 bài thơ được các nhạc sĩ soạn thành ca khúc. Đấy là niềm vui và hãnh diện lớn. Chúc mừng cô. Hầu hết những người làm thơ viết văn ở Hải Ngoại đều là những người sáng tác để nuôi nghệ thuật chứ không kiếm sống được bằng sáng tác. Cô mưu sinh bằng nghề nghiệp nào?

Như Nguyệt. Tuy lấy chồng rất sớm, có con sớm nhưng N đã cố lấy được bằng Cử Nhân Accounting và Management Information System. Khi ra trường, đang làm Accounting vài tháng thì N bị cho thôi việc vì “giỏi” quá! Trên đường lái xe về nhà N đã khóc như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc thê thảm vì thất vọng về mình quá, thấy sao mà mình quá dở, quá tệ! (thêm một kinh nghiệm buồn trong những lúc buồn nhất trong đời!)

Sau đó, N mới quyết định làm một nghề rất bấp bênh, lãnh lương theo “commission”, chuyên giúp người mua nhà mượn được tiền từ nhà băng. N chỉ còn có 1 con đường cuối cùng để mà đi nên đã cố gắng hết sức mình! Ngoài chịu khó, có khả năng, còn được trời thương nữa, nên sau hơn một năm làm Loan Officer, N mở ra được văn phòng Mortgage Broker. Tổng cộng thời gian N làm nghề đứng trung gian vay tiền cho những người mua nhà, làm việc với thân chủ (clients) và mấy anh, chị địa ốc (realtors) là gần ba năm. Mùa xuân năm 1991, thấy đủ là đủ, hơn nữa vì lo lắng cho thằng con trai vừa đến tuổi dậy thì, sợ nó hư nên N đã quyết định về hưu, không làm nữa.

N không phải đi làm từ năm 1991 cho đến bây giờ. Cảm ơn Thượng Để đã ban cho N một đời sống nhàn nhã, thoải mái như N muốn. Năm 2008, kinh tế nước Mỹ và thế giới xụp đổ! N mất khoảng 70% hơn số tiền chơi chứng khoán. Một số tiền khá khổng lồ! Sự mất mát quá nhanh chóng này cho N thấy rõ sự vô thường của đời sống. Lần đầu tiên N mới hiểu rõ “nghèo” là thế như nào? Thì ra, thật thú vị, giàu nghèo, buồn vui, được mất, khen chê, hạnh phúc hay đau khổ đều từ cái đầu mình ra cả, là do mình suy nghĩ, mình cảm thấy chứ thật sự, sự thật thì không phải thế. Vì buồn, N đã bắt đầu lên Internet, mới bắt đầu viết emails cho bạn bè, bắt đầu khám phá ra thế giới ảo mông lung, đầy cạm bẫy, gặp được nhiều người tốt cũng như bị gặp vài người không tốt. Nếu không thua stock, N đã không trở thành thi sĩ bất đắc dĩ, hihihiiii..

TTM. Nghe cô kể về sự nhàn hạ trong đời sống làm tôi nhớ đến đoạn thơ của tiên sinh Nguyễn Công Trứ:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế
(Chữ Nhàn)

TTM. Sống được như cô là hạnh phúc. Thế thì sinh hoạt hàng ngày của cô ra sao?

Như Nguyệt. Rất thoải mái, tà tà, thong dong… Nói chung vì N là “tỉ phú thời gian” mà nên rất phung phí thời gian, không biết dùng thời gian cho hữu hiệu. Chẳng hạn như N dành khá nhiều thời gian cho việc lựa chọn hình do N chụp để post lên với những bài viết “báo cáo” sau những lần đi du lịch, viết kể lể tâm sự đời tui, “mần” thơ, thích xem xi nê… thay vì dùng thời gian để đọc sách, nghe giảng về Phật Pháp, về cách sống sao cho bình an, bớt nóng tính, bớt tham sân si, tập thể dục nhiều hơn.

N đi du lịch mỗi năm ít nhất là một lần. Có khi đi 3, 4 lần trong một năm. Ngày nào N cũng ngủ trưa, tối đến vẫn ngủ rất ngon nên thời gian dành cho ngủ nghĩ khá nhiều, chẳng có thì giờ để làm việc gì “lớn” cả. N biết thế và tự chấp nhận mình, chẳng mong mỏi gì nhiều ở nơi mình.

Hiện tại, N cố sống vui, không làm cho ai buồn, đóng góp cho những tổ chức từ thiện mà N thích. Tập không dậy dỗ, khuyên nhủ hai con nữa vì chúng đã trưởng thành rồi! Bổn phận làm mẹ của N đã xong tự lâu rồi. N dành thì giờ chơi với cháu nhưng không nhận giữ chúng (baby sit). N tập chú ý đến đời sống, lo cho sức khỏe của chính mình hơn. N liên lạc, gặp gỡ các bạn của mình thường xuyên hơn. Hiện N đang tập hạnh lắng nghe, nghe nhiều hơn là nói; nghe với lòng từ ái và cố gắng không cho ý kiến.

TTM. Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ nhiều chi tiết rất thú vị về các sáng tác của mình và quan niệm về thi ca và nhân sinh.

Giáo sư Harold Bloom (https://www.britannica.com/biography/Harold-Bloom) cho rằng ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ gợi hình bóng bảy (figurative language). Mỗi nhà thơ sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình. Có người thích dùng biểu tượng, ẩn dụ, hoán dụ, châm chiếm, trào phúng, so sánh, hay nhân cách hoá để diễn đạt hồn thơ của mình. Đa số thơ của Như Nguyệt là ngôn từ bộc trực, tuy vậy cũng có những bài thơ cô dùng biểu tượng để diễn tả tâm trạng mình. Vì số lượng thơ của cô quá nhiều nên tôi chưa có dịp được đọc hết. Khi tôi nghe cô kể là đã có gần tới 2,000 bài thơ, tôi giật mình kinh ngạc. Nữ thi hào Hoa Kỳ, bà Emily Dickinson (https://www.emilydickinsonmuseum.org), người tôi kính phục vì cách sử dụng ngôn ngữ và hồn thơ của bà xuất phát từ cảm nghiệm đời sống quanh mình cũng chỉ có được khoảng trên dưới 1,800 bài thơ và số bài thơ được xuất bản thời bà còn sống thì rất ít. Nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ sáng hay biểu diễn phải làm việc liên lỉ để cải tiến và hoàn thiện tác phẩm hay cách biểu diễn của mình. Nhà thơ Như Nguyệt đã có số lượng thơ nhiều đáng kể, tôi nghĩ, nếu cô bỏ thời giờ đọc lại rồi trau chuốt thêm, các tác phẩm của cô sẽ là những đóng góp tốt đẹp vào việc phát triển văn học nghệ thuật và văn hoá Việt Nam Hải Ngoại.

Theo tôi, thơ văn là những món quà ta tặng cho đời, là những đoá hoa làm đẹp tình người. Nếu ngày nào nhân loại không còn thi ca thì ngày ấy các khu rừng cũng chẳng còn tiếng chim ca. Tôi nghĩ, cái đẹp của thơ là cái đẹp của tâm hồn, của trái tim. Ngôn từ đẹp không làm đẹp được tâm hồn, và cũng không làm đẹp được ý thơ.

Trần Thu Miên


Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Thơ Nhạc Hải Ngoại | Hồng Thủy - Áo Xanh Trưng Vương

Văn Thi Sĩ HỒNG THỦY được chúng tôi ưu ái tặng danh hiệu “Áo Xanh Trưng Vương”. Hồng Thủy là nhà thơ, nhà văn cũng đảm nhiệm chủ tịch Văn bút VN Hải ngoại Vùng Đông Bắc Hoa kỳ, chị viết văn từ năm 17 tuổi dưới bút hiệu Mộng Huyền khi còn là cô nữ sinh cắp sách đến trường Nữ trung học TRƯNG VƯƠNG tại Saigon. Sau khi định cư Hoa Kỳ, từ năm 1986, Hồng Thủy tiếp tục cầm bút và đã cho ra đời 2 tuyển tập truyện ngắn viết riêng: Những cánh hoa dại màu vàng, xuất bản năm 2010, và Hoa Tương tư, xuất bản năm 2017. Cả hai Tác phẩm đã tái bản năm 2016 VÀ 2018. Ngoài ra, Hồng Thủy cũng có 14 tác phẩm viết chung trong các tập truyện ngắn và các tuyển tập văn chương với các tác giả khác. Trong chương trình này Bích Trâm giới thiệu một vài bài thơ của Hồng Thủy được 3 nhạc sĩ nổi tiếng là Nguyễn Ánh 9, Từ Công Phụng và Nhật Bằng phổ nhạc.

Thơ Nhạc Hải Ngoại - Hồng Thủy - Áo Xanh Trưng Vương Phần 1


Thơ Nhạc Hải Ngoại - Hồng Thủy - Áo Xanh Trưng Vương Phần 2


Thực Hiện: Paris Trà Đàm Official 

Áo Trắng


Ngày xưa em tựa vầng trăng mộng,
Văn nghệ thường hay diễn vợ chồng.
Thuở ấy chưa hề hôn mái tóc.
Sân trường nào ước hẹn thu đông!

Lớn thêm, em biết buồn vô cớ

Nhiều lúc nhìn nhau chợt thẫn thờ!
Tháng chạp xuân về mang gió buốt
Năm tàn còn dối chuyện vu vơ!

Phải chăng em bắt đầu sai hẹn?

Ở phố đông người lắm kẻ quen.
Ngày tết pháo hồng lên má đỏ
Ra đuờng em rất thích lời khen.

Từ đó hồn xanh rêu cháy bỏng,

Đường đời em sớm gót long đong!
Cổng trường vắng bóng màu áo trắng
Nhớ tóc em bay khói thuốc vòng!

Đỗ Bình

Gửi Đến Người



Gửi đến người
một mối tình muôn thuở chẳng thành …
dài như biển bao la như núi
tựa chiếc nôi biển cả quê hương
dạt dào ân ái
dồn dập yêu thương
mặn mà chung thủy
vô vàn vấn vương
biển những chứa yêu thương
thương yêu bao giờ cạn
biển giữ dùm ân ái
ái ân mãi vơi đầy
biển đừng cho ta thấy
khô cạn tình thủy chung
biển vấn vương những sóng
vấn vương hoài nhớ mong …

Từ lòng biển trắng trong
một khối tình cay đắng
từ lòng biển giận hờn
những đớn đau dồn dập
từ lòng biển thì thầm
nhớ…nhớ ai tha thiết
biển ơi, nào có biết
người mang hận tình ta
một nấm mồ êm ả
vùi mối tình hư vô !

Đêm nay - người ơi
người êm đềm giấc ngủ
ta ôm hận vỗ về
hồn anh đi đâu đó
ta mòn mỏi đợi chờ
người ơi … thương tự bao giờ
để ta ôm mãi giấc mơ suốt đời
đến, đi, đến chẳng đến nơi
ai dìu ai hết … đoạn đời của nhau ?...

Nguyễn Phan Ngọc An

Ngượng Ngùng



Bài Xướng:

Ngượng Ngùng

Thể Xuyên liên vận

Lóng lánh bên thềm những hạt sương
Đường khuya nhòa nhạt dáng em buồn
Buông dòng lệ đẫm, hồn tơ tưởng
Vướng mảnh tình sầu, dạ vấn vương
Gương cũ....ngỡ ngàng đôi mắt phượng
Vườn hoang...xơ xác bóng trăng suông
Muốn trao tâm sự nhưng còn ngượng
Phương đó...người xưa có nhớ thương?


Thy Lệ Trang
***
Các Bài họa:

Vẫn Còn Thương


Từ ngày tan cuộc, gối phong sương
Năm tháng lênh đênh chạnh nỗi buồn
Người mãi phiêu du trời huyễn tưởng
Ta hằng hiu hắt mối sầu vương
Chia xa đã mấy mùa hoa phượng
Xum họp thôi đành giấc mộng suông
Xưa muốn ngỏ lời nhưng quá ngượng
Nay dù ngăn cách vẫn còn thương


Hồ Khiên
***
Mãi Còn Thương

Bên song héo hắt lạnh hơi sương
Quạnh vắng mênh mông lặng lẽ buồn
Tiễn biệt người đi hồn mộng tưởng
Vấn vương kẻ ở dạ hoài vương
Từng đêm ôm bóng hương mùi nhớ
Mỗi khắc mơ hình… ảo ảnh suông
Dẫu biết gặp nhau lòng rất ngượng
Nhưng tim in mãi dáng người thương.


Kim Oanh
***
Vấn Vương


Đời đã trải qua nhiều gió sương
Thương em chẳng vẹn luóng u buồn
Tuôn dòng lệ úa cành hoa héo
Gieo điệu buồn tênh chiếc lá vương
Đường nắng phai màu mây giăng lối
Trời mưa nhòe nhạt điệu ru suông
Buồn vương màu áo câu thề nguyện
Thuyền bỏ bến xưa mãi tiếc thương


Toronto 12/6/2021
Nguyên Trần
 ***
E Ấp


Từ ly...thuở ấy trải phong sương
Vấp ánh mắt ai vẻ đượm buồn!
Má ửng khuôn trăng neo dạ cảm
Vai xòa suối tóc rối tơ vương...
Năm canh thao thức sầu trăng lẻ
Sáu khắc trở trăn đắng tửu suông!
E ấp niềm riêng chưa tiện ngỏ
Phượng hồng gợi nhớ bóng người thương


18-7-2021
Nguyễn Huy Khôi

Cho Đời Còn Hoa


Mưa như than khóc giùm ai
Nỉ non giọt ngắn giọt dài năm canh
Em ơi hoa lá lià cành
Dù mưa vẫn muốn lá xanh hoa hồng

Mưa từ biển cả về sông
Ruộng vườn vẫn đợi một lòng nhớ mưa
Đất khô cỏ cháy mất mùa
Xác thân thiêu đốt giấc trưa rã rời

Cũng may mưa đến kịp thời
Cho em hết khát cho đời còn hoa
Từ em nũng nịu cùng ta
Mưa xuân rơi ướt áo hoa giận hờn

Guốc cao thêm lạnh bàn chơn
Cõng em qua phố đường trơn quên về
Nghĩ mình chân đất áo quê
Bây giờ bỗng được cận kề tiểu thư

Cảm ơn mưa đã nhân từ
Khiến nàng tiên đẹp không từ chối ta
Vui cùng trời đất bao la
Em cười e thẹn thịt da thơm lừng…

MD. 07/07/98
LuânTâm
(Trích trong TT ”Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh”,Cơ Sở Hoài Bão Quê Hương xb,CA,USA.2005,tr.128)

Nhớ Về “Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn 2005”

Đầu năm 2018, nhà văn Việt Hải email cho tôi đang thực hiện tuyển tập về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) nhân ngày sinh vào tháng 5, 2018. Tôi có “món nợ ân tình” với người bạn nầy. Hè 2005, tôi ra tờ Cali Weekly ở Little Saigon. Mời Việt Hải ở Los Angeles làm Tổng Thư Ký, không những tự nguyện nhận lời mà còn cho biết, nếu cần bài viết nào, liên lạc với Việt Hải sẽ có ngay. Qua năm tháng, bạn ta và tôi vẫn luôn luôn “dính” món nợ văn chương với nhau giữa Los Angeles & Little Saigon.

Sau Tết Mậu Tuất, nhận được email của Việt Hải, tôi đắn đo vì không biết viết gì. Hơn nữa, không biết trong tuyển tập có những bài viết nào để tránh sự trùng hợp. Lê Trọng Nguyễn thông gia với anh Thái Tú Hạp, đều là người đồng hương, tôi có gặp nhạc sĩ 2 lần. Chưa có kỷ niệm đáng nhớ để viết lại, ngại rằng “thấy sang bắt quàng làm họ”. Hơn nữa, nhạc sĩ cũng là người đồng hương nên cũng là niềm hãnh diện và quý mến. Tôi viết nhiều về thi ca & những nhà thơ Quảng Nam nhưng về âm nhạc đã có anh Trương Duy Cường. Anh là nhạc sĩ từ cuối thập niên 50 và anh em trong nhà anh có ban nhạc riêng hình thành ở phố cố Hội An.


Đúng Ngày Sinh Nhật, Tuyển Tập Lê Trọng Nguyễn, Âm Nhạc & Bạn Hữu được ra mắt tại Little Saigon. Dĩ nhiên những nhạc phẩm nổi danh của ông đã được các ca sĩ trình bày. Theo lời yêu cầu, ca sĩ Kim Trước trình bày ca khúc Cát Biển.

Với tôi thì ca khúc Cát Biển của Lê Trọng Nguyễn rất tuyệt vời từ lời ca đến giai điệu và cũng là kỷ niệm của một thời để yêu. 


“Dã tràng ngoài biển cát

Hồn mộng vẫn se hoài

Tình người thường một lối

Không hề thiếu ai

Thành xưa xây đắp... đổ một nụ cười

Bàn chân trên cát... thủy triều dập vùi

Xin trời một lối... riêng có em và tôi”


Cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn liền với cao nguyên nhiều hơn duyên hải. Và, hình ảnh ca khúc Cát Biển tại đại giảng đường của quân trường năm 1968… cũng khó quên. Rồi khi phục vụ tại Nha Trang với kỷ niệm như lời ca khúc “riêng có em và tôi”!

Nếu hình bóng trong ca khúc Nắng Chiều là kỷ niệm cuộc tình của Lê Trọng Nguyễn thì ca khúc Cát Biển viết 1964, Cung Sol trưởng theo điệu Swing cũng là hình bóng đâu đó trong tôi theo dòng thời gian từ bãi biển Cửa Đại của thời xa xưa.

Khi mới định cư tại Mỹ, trong chuyến đi San Francisco, với biển trời nơi xứ người, tôi viết tùy bút về ca khúc nầy.

***

Khi anh Thái Tú Hạp báo tin buồn “nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả nhạc phẩm Nắng Chiều, vừa qua đời tại Bệnh Viện City of Hope, vào lúc 4 giờ 15 sáng ngày 9 tháng 1 năm 2004, nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Quý Mùi, thọ 78 tuổi”. Vĩnh biệt tác giả Nắng Chiều, Sao Đêm, Cát Biển…!

Để tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa và nhân cách, nhiều bài viết tưởng nhớ đến ông rất có giá trị. Tôi nghĩ trong tuyển tập nầy sẽ đăng tải những bài viết đó và đành phụ lòng Việt Hải. Trong các đặc san Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây đã có các bài viết về “người con xứ Quảng” với chân dung và nhạc phẩm Lê Trọng Nguyễn. Có hai bài: Một Chuyến “dinh tê” của Lê Trọng Nguyễn đề cập đến thời kỳ kháng chiến, ông bỏ Việt Minh về thành và bài Nói Chuyện Với Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn của Nguyễn Phúc cũng phác họa tổng quát về tiểu sử của ông…


May quá, lục lại trong USB external, tôi còn lưu trữ những tấm hình chụp được trong Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn vào năm 2005 khi viết bản tin.

Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức trang trọng tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông, thành phố Westminster, tối Chủ Nhật, ngày 17 tháng 4, 2005. Hội trường chỉ chứa khoảng hai trăm người nhưng giới văn nghệ sĩ, truyền thông Việt ngữ và đồng hương đến quá đông nên phải đứng ngoài cho đến giây phút cuối cùng. Sở dĩ Đêm Tưởng Niệm sau ngày giỗ một năm vì gia đình thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn vừa xong.


Đêm Tưởng Niệm trở thành đêm nhạc tuyệt vời với sự đóng góp các ca sĩ thành danh như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao… cùng với ban nhạc The Star Band. Đây là ban nhạc với sự góp mặt của hai thế hệ như các nhạc sĩ: Nguyễn Hiền (accordeon), Trần Trịnh (Electric keyboard), Quang Anh (keyboard), Phạm Gia Cổn (saxophone, clarinet), Lý Văn Quý (lead guitar), Châu Hiệp (guitare), Nguyễn Đức Trịnh (drum), Bách Tùng Trịnh (trumpet), Deanna (trumpet), Tina Huỳnh (flute), Kim Chi (clarinet), Kim Ngân (trombone)… Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lưu (violin nhưng về San Diego).

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền (nhạc phẩm Lá Rơi Bên Thềm, Màu Tím Hoàng Hôn, nhạc Lê Trọng Nguyễn, lời Nguyễn Hiền) trong mối giao tình với nhau từ ngày ở Sài Gòn đã chia sẻ những lần gặp nhau và kỷ niệm đặc biệt nhưng phác họa chân dung cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Những lời nầy đã đăng trong tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn: Lời Giới Thiệu vài nét về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Lần đầu gặp nhau vào năm 1961 tại Sài Gòn… “Rồi ngày ấy đã đến, khi anh đến báo tin sẽ làm lễ thành hôn và nhờ tôi thay lời, cùng thân mẫu đi rước dâu trong đám cưới do anh tổ chức…”, Và “Viết bài nầy thay lời giới thiệu tác giả do sự ủy nhiệm của chị Lê Trọng Nguyễn…”.

Trong quá khứ “tuy là một nhạc sĩ, nhưng Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc” chỉ theo đuổi trong niếm đam mê lãnh vực nầy. Khi đổi đời có lẽ không tha thiết nhiều nên trong hai thập niên sống tại Hoa Kỳ không thực hiện băng nhạc và tuyển tập. Khi ra người thiên cổ mới có “món quà lưu niệm” cho gia đình và giới thưởng ngoạn.


Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người, nhất là ca khúc Nắng Chiều. Với tôi, ca khúc Cát Biển (viết chung với Y Vân) nhớ nhất. Cuối năm 1968, khi còn là Sinh Viên Sĩ Quan ở quân trường trên Đà Lạt. Đúng ra là thời điểm tốt nghiệp nhưng Khóa Nguyễn Trãi I phải tham gia chiến dịch Diên Hồng. Trong đêm văn nghệ của Khóa, mời ban tam ca của trường nữ Trung Học Bùi Thị Xuân trình bày ca khúc nầy, khó quên. Trong Đêm Tưởng Niệm Lê Trọng Nguyễn, ban tam ca Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, rất tuyệt, nhớ lại kỷ niệm xưa.

Ca khúc Cát Biển với ban tam ca Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao và ban nhạc Star Band… có thể nói là độc nhất, vì (theo tôi) sẽ mãi mãi không có ban tam ca nào thay thế.


Tròm trèm ba thập niên định cư và làm báo nơi chốn “gió tanh mưa máu” nầy... Đầu năm 1991, tôi viết Chuyện Trong Tuần cho Saigon Times của anh Thái Tú Hạp (sau đó mục phiếm nầy qua tay anh Huy Phương và Chốn Bụi Hồng với chị Cao Mỵ Nhân cho đến nay. Có lẽ còn “chân ướt chân ráo” nên “điếc không sợ súng” bị Lâm Tường Dũ dụ giữ mục phiếm Thiên Hạ Sự cho tuần báo Tình Thương (sau nầy anh Văn Quang viết mục Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự, tôi phổ biến trên trang web Cali Weekly và môi giới cho anh Tống Hoằng, chủ nhiệm nhật báo Viễn Đông để có nhuận bút). Thế rồi tôi cộng tác với vài tuần báo qua Ngẫm Chuyện Nhân Sinh (năm 2004 chọn lọc số bài để in sách), Chuyện Ruồi Bu, Thế Thái Nhân Tình, Ngẫm Chuyện Xưa Nay (viết thay cho người bạn)… qua vài bút hiệu khác nhau.

Tôi quan niệm “ác nhân, nhân hại”, cầm bút không thể lợi dụng trang báo, trang web trong tay để tha hồ vung vít, chửi bới, đánh phá, bươi móc đời tư… bởi “gieo gió gặt bão” mà trong quá khứ nhan nhản ông, bà lãnh đạn khi “ăn miếng trả miếng”…! (ngoại trừ khác biệt chiến tuyến).


Vào thập niên 90, tôi bất bình vì có nhiều CD, Cassette… tung ra thị trường, không để tên tác giả.. Tôi viết để báo động, Lâm Tường Dũ nói với tôi viết nhẹ nhàng thôi vì tờ báo sống nhờ quảng cáo! Ngay cả sách đã ấn hành trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam cũng vậy, copy lại rồi ấn hành, tác giả đã qua đời hay còn ở Việt Nam thì chỉ có chuyện “con kiến mà kiện củ khoai”!

Sở dĩ, nhắc lại chuyện cũ đôi chút vì khi một người nằm xuống, “nghĩa tử là nghĩa tận” viết về hình ảnh người thiên cổ như nén hương lòng tưởng nhớ. Đáng quý. Nhưng có đôi bài, khi đọc ngạc nhiên vì coi như thân quen, cà kê làm họ không đâu vào đâu!

Với giới văn nghệ sĩ, giá trị ở tác phẩm của họ lưu lại tên tuổi. Tiểu sử chỉ là phần nhỏ liên quan đến trường hợp, đối tượng… cho tác phẩm. Tiểu sử tác giả nói lên dòng thời gian sáng tạo tác phẩm và những điều chia sẻ của người trong cuộc.



Nhân bài viết về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, nhắc lại hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vừa qua đời vào ngày 26 tháng Hai năm 2018. Để tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa và nhân cách nầy, nhiều bài viết tưởng nhớ và vinh danh. Có lẽ bài viết Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai của tôi vào tháng Giêng năm 2018, đăng trên mục Văn Nghệ của tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, phát hành ngày 15 tháng Hai năm 2018 để nhớ lại những ca khúc mang hình ảnh mùa Xuân của tác giả trong thời chinh chiến bị “bức tử” trong nước là bài sau cùng khi nhạc sĩ còn sống (?).

Năm 1998, nhà in Westminster Press thực hiện nguyệt san Thế Giới Nghệ Thuật (Lâm Tường Dũ, Chủ Bút & tôi Tổng Thư Ký). LTD đưa tôi cuốn Tình Sử Nhạc Khúc của anh để có đề tài sáng tác. Tôi viết về dòng nhạc trữ tình của Nguyễn Văn Đông, âm nhạc làm thăng hoa cuộc sống. Trước khi viết tôi gặp anh Trọng Minh (tác giả bộ sách Vẻ Vang Dân Việt) và được anh cho biết vị nhạc sĩ nầy bệnh hoạn thường xuyên và sống ẩn dật “an phận thủ thường” nếu có viết thì chỉ thuần túy về nhạc mà thôi. Khi Trọng Minh cắt trang báo, về VN có đưa cho nhạc sĩ xem và ông chỉ nói “cũng có người nhớ” và, theo Trọng Minh có lẽ đó là bài viết đầu tiên (?).


Tờ Thế Giới Nghệ Sĩ của Trần Quốc Bảo số 5, phát hành ngày 13 tháng Ba năm 2015 với chủ đề về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với các bài viết của Trọng Minh, Trường Kỳ, Giao Linh, Hồng Vân… Trần Quốc Bảo đã gặp và hình như nhiều lần liên lạc với với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nên cảm thông, hiểu ý sự thân trọng, khép kín vì vậy không đề cập đến sự “trao đổi” với hải ngoại.

Nhiều “bạn tù” với cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, khi uống cà phê kể cho biết thời gian sống chung với nhau trong trại tù. Cũng mang thân phận người tù nhưng khi nghe bao nhiêu nghịch cảnh, oan nhiệt ấp lên thân xác người tù Nguyễn Văn Đông, rất đau lòng và thương cảm nhưng tôi đã đọc những bài viết về người thiên cổ, ghi lại chặng đường đã qua, thực hư không rõ… nhưng nói về đức tính tốt và nhân cách của Nhạc Sĩ, Sĩ Quan cao cấp trong Quân Lực VNCH cũng quá đủ. Nếu có viết thêm cũng chỉ lặp lại. Tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được “sống” lại trong lòng mọi người từ trong nước và hải ngoại. Sự ra đi của tác giả Chiều Mưa Biên Giới… nhiều nhạc phẩm nổi tiếng sẽ được trình bày, thực hiện… nhưng cũng có thể là cơ hội cho “con buôn văn nghệ” khai thác sự cảm mến của giới thưởng ngoạn (trong quá khứ đã xảy ra như vậy). Bà quả phụ Nguyễn Văn Đông, chị Nguyệt Thu, sống cô đơn trong chuỗi ngày còn lại, không còn tha thiết gì nữa trong cuộc sống thì quan tâm làm gì đến tác quyền.

Điển hình như nhạc sĩ Trúc Phương (1933–1995) được mệnh danh ông hoàng của dòng nhạc Bolero. Nhiều ca khúc của ông được trình bày và thực hiện CD, Video… nhưng là một trong những nhạc sĩ khốn khổ nhất nước. Nếu biết trân trọng và tôn trọng tác quyền thì không bị rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy.

Than ôi! Nhân tình thế thái.


Trong ca khúc Sao Đêm của Lê Trọng Nguyễn:


“Chờ gì nữa? bầu trời rạn nứt rồi

Mà ôi tâm tư đen tối chơi vơi

Đập nát phím ngà người yêu tàn phá

Chờ qua năm tháng rũ áo trần gian”


Khi nhạc sĩ rũ áo trần gian, ca khúc thành danh của họ như sao đêm lấp lánh trong màn đêm.

Khi nhạc sĩ rũ áo trần gian, ca khúc thành danh của họ như sao đêm lấp lánh trong màn đêm. Cuối năm 2005, tác giả Ngàn Năm Mây Bay, sau khi tiễn bạn, nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng về cõi nghìn thu! Cánh hạc xoải cánh với mây trời (Ông và bà Từ Dung… là những người sáng lập Hội Cao Niên Á-Mỹ, vào đầu thập niên 90, thực hiện tờ Hạc Trắng, tôi layout). Nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi những khuôn mặt tài hoa, nhân cách… nhưng, rất may đã gởi lại những ca khúc bất tử. Nhạc sĩ tài hoa của nhân loại Johann Sebastian Bach (1865-1750) cho rằng “Âm nhạc có thể giúp tinh thần rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày” nên khi “đầu óc vẩn đục” hãy lắng nghe ca khúc của tác giả đã quý mến để rũ sạch bụi trần.

Từ đêm Lễ Tưởng Niệm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn năm 2005 đến khi ra mắt tuyển tập năm 2018 cũng trải qua thời gian dài nhưng những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn hình như gần trong tâm hồn và vang vọng quanh tôi.


Little Saigon, tháng Ba 2018

Vương Trùng Dương

***

Sao Đêm - Tiếng Hát Quỳnh Giao