Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Võng Đời Phù Vân - Thơ Tuệ Nga - Nhạc Vĩnh Điện - Tiếng Hát Hoàng Quân


Thơ: Tuệ Nga
Nhạc:Vĩnh Điện 
Tiếng Hát: Hoàng Quân

Xin Cho Tôi


 (Xin kính tặng các anh chị em nào có đạo Phật.)

Cho tôi thuộc ít câu kinh.
Để tôi tận tụy cầu xin với đời.
Xin cho đôi lứa đẹp đôi.
Để tôi được nói những lời cảm ơn.
Cho tôi có những nụ hôn.
Để tôi xoa dịu căm hờn niềm đau.
Cho tôi xin ít phép mầu.
Để tôi san sẻ khát khao hoà bình.
Cho tôi thoát cảnh tử sinh.
Không còn những lúc giam mình trong mê.
Xin cho tôi giữ lời thề.
Tìm thấy Phật đạo nẻo về Thiên Sơn.
Cho tôi chấm dứt oán hờn.
Không còn ganh ghét,không còn giận ai.
Cho tôi thấy được tương lai.
Để tôi dừng lại điều sai đạo tà.
Không bị xúi giục quỷ ma.
Để bị chìm đắm ta bà hư không.
Cho tôi xin cánh sen hồng.
Thành tâm quỳ lạy Quan Âm độ trì.
Hoá giải hết Tham-Sân-Si.
Sáng soi ánh đạo từ bi Phật Đường.
A Di Đà Phật.

Hoàng Phú

Niết Bàn Chẳng Xa


Chúng ta mãi thích mong cầu
Thêm tiền, lắm bạc ngõ hầu rạng danh
Nếu như ước nguyện chẳng thành
Từng đêm khắc khoải tàn canh thẫn thờ
Chập chờn giấc ngủ hay mơ
Mênh mông biển cả bến bờ vẫn xa!
Trần gian tựa cõi ta bà
Chìm trong mộng ảo châu sa lệ nhòa
Chiều nay chợt thấy tuổi già!
Thầm thương quá khứ bôn ba mọi miền
Nửa đời vất vả truân chuyên
Nửa đời toan tính luỵ phiền khổ thân!
Suốt ngày dạ mãi phân vân
Trí hoài vọng tưởng lắm lần đảo điên!
Muốn cho tâm được lắng yên
Dặn lòng tỉnh thức ưu phiền nữa chi?
Chớ nên nghĩ ngợi làm gì
Lau liền bụi bẩn tức thì tâm an
Lục căn giảm dính lục trần
Tham, sân, si vọng dần dần biến đi
Từ, bi, hỷ, xả luôn ghi
Niết bàn đâu có xa gì phải không?

7/12/2021
Như Thu

Ngàn Năm Mây Trắng Vẫn Bay

 

Ngàn năm mây trắng vẫn bay
Ngàn năm người vẫn đắm say mộng tình
Đi về trong cõi tử sinh,
Luân hồi đau khổ nhân sinh kiếp người
Ngàn năm buồn khóc vui cười
Ngàn năm hoa đẹp xinh tươi vẫn tàn
Cuộc đời nay hợp mai tan
Giống như giấc mộng kê vàng Trang Sinh
Ngàn năm người khổ vì tình
Mấy ai duyên nợ ba sinh phỉ nguyền
Vợ chồng là nợ hay duyên
Kẻ vui hạnh phúc, người duyên lỡ làng
Ngàn năm người vẫn đa mang
Chữ Danh, chữ Lợi, chữ Sang, chữ Giàu,
Mấy ai có hiểu được nào
Đấy là nghiệp chướng vướng vào đời ta
Ngàn năm đời vẫn cứ là
Tham, Sân, Si nghiệp cứ mà vướng mang
Chiêm bao một giấc mơ màng,
Tỉnh ra chỉ thấy mây ngàn vẫn trôi
Ngàn năm vẫn mãi luân hồi
Trong vòng Nghiệp Quả miếng mồi lợi danh
Ngàn năm kiếp sống mong manh
Một trăm năm tuổi thoáng nhanh kiếp đời
Ngàn năm tan hợp đổi dời,
Ngàn năm sinh tử cuộc đời thế nhân
Ngàn năm người vẫn phải cần
Sống trong Tỉnh Thức,Tâm,Thần an nhiên


Sương Lam

Cõi Mông Lung



Bài thơ Xướng:

Cõi Mông Lung


Em đã đi mùa hè trở lại
Nắng sân trường nắng vẫn lung linh
Hàng điệp vàng ấp e tươi sắc
Cánh phượng hồng mơn mởn dáng xinh
Nhớ thuở trước công viên đủ bóng
Mà giờ đây ghế đá riêng mình
Bao năm sương gió nhiều dâu bể
Âm ỉ trong anh mãi cuộc tình.

Quên Đi
***
Các Bài Thơ Họa:

Hạ Về

Xuân vừa đi hạ thời quay lại
Vắng lặng hiên trưa chỉ một mình.
Trong lá gục gù chim gọi bạn
Trên hoa chấp chới bướm vương tình.
Lang thang mây trắng trời xanh ngắt
Phơi phới nụ hồng cánh đẹp xinh.
Xác phượng im lìm rây thảm tím
Lòng buồn réo rắt tiếng phong linh 

Mailoc
06-21-21
(Cali Hạ Chí 2021)
***
Thân Phận Chúng Ta

Ký ức kinh hoàng luôn trở lại
Một thời đất nước quá điêu linh
Quê hương đổ nát trong chinh chiến
Dân tộc đau thương với uẩn tình
Lúc trẻ không tròn đêm mộng đẹp
Về già chẳng vẹn giấc mơ xinh
Ngậm ngùi xa bạn, lìa quê quán
Đất khách cô đơn tủi phận mình

Phương Hà
***
Thăm Cõi Vắng


Bốn mươi năm trước, giờ quay lại
Cõi vắng mơ hồ gió hiển linh
Hoa trắng hạ buồn vương tóc bạc
Nắng hồng mùa mới điểm môi xinh
Chốn xưa sương phủ hoang tàn mộng
Cảnh cũ hương bay ấm áp mình
Như có nỗi gì sầu muộn lắm
Phải vì chưa dứt mối u tình ...

Hawthorne 22 - 6 - 2021 
Cao Mỵ Nhân
***
“ Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về…..
……
Bài nhạc hay ray rứt lòng người lính chiến
Nay SQ xin mượn câu đầu để viết cho bài họa của mình
Mong các bạn thơ thông cảm

 Trả Lời Một Câu Hỏi

“Em hỏi tôi:“ bao giờ trở lại
Để về chung sống chuỗi ngày xinh“?
Trả lời sao nhỉ ….cho thông hiểu?
Phúc đáp nào đây…đạt thấu tình!
Trước đã mê say đời gió bụi
Nay thời chìm đắm kiếp phiêu linh
Tha phương ôm mối sầu xa xứ
Chẳng biết khi nao….gặp bạn mình

songquang 
 20210622
***
Vẫn Phượng

Loài hoa sắc máu mang hình bóng
Hoa học trò kỳ bí hiển linh
Vẫn phượng huy hoàng màu rực rỡ
Thướt tha cùng gió dáng xinh xinh
Xương hoa khô ép hồn tri kỷ
Lưu bút xanh ghi “chuyện chúng mình”
Từng cánh lay lay thời dĩ vãng
Phượng rơi vẫn phượng biết bao tình

Kim Phượng



Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Trăng Sơn Cước - Văn Phụng - Ngọc Hạ


Sáng Tác: Văn Phụng
Ca Sĩ: Ngọc Hạ
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Siêu Điệu

  
(Ảnh: Trúc Lan)

Nếu không điệu thì đừng kêu là phụ nữ
Đủ thứ áo quần vẫn nói thiếu là sao !
Giầy, dép, nón, bóp, nữ trang, .... xiết là bao
Mà chuyện shopping lúc nào em cũng hão

Phụ nữ góp phần nâng kinh tế lên cao
Có chúng em phố nhộn nhịp muôn màu
Điệu cho anh nên dù phải tốn hao
Đã là hoa, hỏi Hoa nào không khoe sắc ?

Hễ em đi shopping xin anh đừng thắc mắc
Đừng lát ngó đồng hồ rồi cứ nhắc ... xong chưa cưng ?
Xem kìa anh vợ đang hớn hở vui mừng
Vì đã chộp được nhiều hàng SALE quá rẻ

Em cũng biết mình đã không còn trẻ
Thì đã sao! siêu điệu thì ở tuổi nào
Cũng welcome và vui vẻ đón chào
Đi bên chàng mà … chừng như ai phía sau … huýt sáo


Trúc Lan KTP 
06/21

Lời Tình Buồn


Chiều tàn dần trôi
Gió ru khung trời
Màu mây tím
Xót xa tơ lòng
Đắng cay duyên phần
Tình hoài ngóng trông.

Rượu nồng chưa say
Mắt môi chưa nhạt
Màu ân ái
Nước mắt đã rơi
Sầu vẫn chung đôi
Tình đã phai rồi.

Tan mơ ngùi theo bóng người
Chim bay về nơi cuối trời
Một mình lặng lẽ
Hồn còn ngẩn ngơ.

Mưa rơi sầu trên phím đàn
Chơi vơi mùa thương lỡ làng
Đời còn một bóng
Chờ giấc mộng tan .

Còn gì đâu anh
Luyến lưu cung đàn
Ngày xưa ấy
Nắng đã đi hoang
Chỉ tiếng mưa than
Hạnh phúc phai tàn.

Còn gì đâu anh
Tiếc thương cũng chỉ
Là mây khói
Nỗi nhớ vây quanh
Mộng ước xuân xanh
Tình chết sao đành 

Ngọc Quyên

Hoa Thịnh Đốn Những Cơn Giông Mùa Hạ


Xướng:

Hoa Thịnh Đốn Những Cơn Giông Mùa Hạ


Hoa đô mùa hạ nóng như nung
Lắm lúc mây đen phủ chập chùng
Gió cuốn lá hoa rơi lả tả
Chớp lòa sấm sét nổ ì đùng
Rồi mưa dìm phố, xe dồn nghẹt
Thêm trốt quật cây, gốc bật tung
Nhưng cứ sau giông, trời rực sáng
Cảnh quan hồi sắc đẹp vô cùng

Nhất Hùng

Vùng Hoa Thịnh Đốn gồm tiểu bang Maryland, Virginia và Thủ Đô Washington DC. Khí hậu ôn hòa nhưng vào mùa Hạ thường có giông và trốt xoáy (Tornado)
***
Họa:

Thời Tiết Trái Mùa

Thịnh Đốn bây giờ nóng lửa nung
Mây đen có lúc phủ bao chùng
Hôm này tối xẩm mưa tuôn mạnh
Bữa nọ âm u sấm chớp đùng
Phố xá người đi trời xoáy cuộn
Xe đường kẻ lái bụi bay tung
Chờ mai nắng ấm ngày quang đãng
Vạn vật xinh tươi sáng đẹp cùng

Minh Thuý (Thành Nội)
Tháng 7/6/2021

Lê Thương


     Chi tiết về cuộc đời của nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) ít thấy được nhắc đến, ít người biết rõ. Có thể ông có bản tính ít phô trương và sống cuộc đời giản dị. Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1914 tại Nam Định. Cũng có một bài viết cho nơi sinh của ông là Hà Nội.
     Theo tập sách Hồi Ký Phạm Duy, Lê Thương là một thầy tu nhà dòng hoàn tục.
     Lê Thương tuy là nhạc sĩ có hạng, nhưng nghề nghiệp chính lại là nghề dậy học. Ông là giáo sư Sử Địa, có một thời gian giảng dạy cho học sinh tại một số trường trung học tư ở Sài Gòn. Ông cũng có lúc làm công chức ở Trung Tâm Học Liệu, bộ Quốc Gia Giáo Dục.
     Nhạc sĩ Lê Thương mất năm 1996 tại Việt Nam.

     Lê Thương là một trong những người tiên phong viết tân nhạc Việt Nam.
     Tân nhạc Việt Nam bắt đầu khoảng năm 1938. Lúc đó, những bản tân nhạc Việt Nam đầu tiên có lẽ là những bản như Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước, Bông Cúc Vàng và Kiếp Hoa thơ Nguyễn Văn Cổn và nhạc Nguyễn Văn Tuyên, Bình Minh thơ Thế Lữ và nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh, Đám Mây Hàng của Phạm Đăng Hinh, Đường Trường của Trần Quang Ngọc, Bản Đàn Xuân của Lê Thương...


     Ngoài Bản Đàn Xuân, thời đó nhạc sĩ Lê Thương còn ở miền Bắc Việt, sau đã có phổ biến thêm những tác phẩm khác như Tiếng Đàn Đêm Khuya, Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử, Thu Trên Đảo Kinh Châu...

     Nhạc sĩ Lê Thương viết nhiều loại nhạc khác nhau.

    Năm 1941, Lê Thương vào miền Nam định cư. Thời điểm đó, ông có sáng tác những bản nhạc phổ thơ như Lời Kỹ Nữ (thơ Xuân Diệu), Lời Vũ Nữ (thơ Nguyễn Hoàng Tư), Bông Hoa Rừng (thơ Thế Lữ), Tiếng Thùy Dương (tức Ngậm Ngùi thơ Huy Cận) và Tiếng Thu (thơ Lưu Trọng Lư). Hai bài Ngậm Ngùi và Tiếng Thu  cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc sau này.
     Lê Thương là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc hài hước với những bản Hoà Bình 48, Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Gòn... Những bản này do nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào những của thập niên 1940.
     Một bản nhạc ông sáng tác được hát nhiều trong thời kháng chiến chống Pháp là Bà Mẹ Việt Nam, chuyện một bà mẹ có bốn đứa con trai trong thời kháng chiến.
     Nhạc sĩ Lê Thương có tiếng về viết nhạc chuyện ca như Nàng Hà Tiên, Lịch Sử Loài Người, Hoa Thủy Tiên... và còn thêm một số bài ca nhạc cho vài ban kịch và hãng phim.
     Về sau, mỗi cách tuần Lê Thương và nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh qua làn sóng điện các chuyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng...
     Ngoài ra Lê Thương còn có đặt lời cho những bản nhạc ngoại quốc ngắn như Nhớ Lào (nhạc Lào), Bông Hoa Đại tức Ô Đuồng Chăm Pá (nhạc Lào), Lòng Trẻ Trai (nhạc Hoa Kỳ), Hoa Anh Đào tức Sakura (cổ nhạc Nhật Bản), Màn Brúc Đánh Giặc (dân ca Pháp)...
    Một trong những loại nhạc được ông chú ý đến và sáng tác là nhạc Nhi Đồng và Thiếu Niên gồm những bản như Cô Bán Bánh, Con Mèo Trèo Cây Cau, Thằng Bé Tí Non, Ông Nhang Bà Nhang, Đây-Nhi Đồng Ca, Truyền Kỳ Việt Sử Thiếu Sinh Ca...

      Có lẽ hầu như tất cả mọi người đều đã có nghe, biết bài hát Thằng Cuội:

          Bóng trăng trắng ngà
          Có cây đa to
          Có thằng Cuội già
          Ôm một mối mơ
          Lặng yên ta nói Cuội nghe
          “Ở cung trăng mãi làm chi?”
          Bóng trăng trắng ngà
          Có cây đa to
          Có thằng Cuội già
          Ôm một mối mơ.


    Một bản nhạc rất phổ thông ở các trường trung tiểu học là bài Học Sinh Hành Khúc:

          Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau
          Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao...

    Rồi đến bản nhạc ngộ nghĩnh Ông Ninh Ông Nang:

          Ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình
          Ông gặp ông Nảng ông Nang
          Ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng
          Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
          Nang Ninh đầu đình
          Và Ninh Nang đầu làng...

     Và đến bài hát Tuổi Thơ thật dễ thương:

          Trời xanh xanh mát
          Hương thơm thơm ngát
          Cùng nhau ta múa điệu ca
          Cùng nhau ta hát đời ta
 
          Nhụy hoa thanh khiết
          Men hoa ngây ngất
          Hát cho tâm hồn được khuây
          Cũng như cánh đẹp được bay
 
          Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
          Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
          Tôi quyến luyến má ba vui ca bên đèn
          Bẩy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên.

     Về nhạc Lê Thương, đáng bàn đến nhất là ba bản nhạc trong Trường Ca Hòn Vọng Phu.
      Bằng âm điệu gần gũi âm giai Ngũ Cung của Dân Ca Việt Nam, với ảnh hưởng từ Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn, Hòn Vọng Phu 1 được ông viết tại Bến Tre, khoảng năm 1943.

      Mở đầu bài hát, người chồng theo lệnh vua, ra mặt trận với tiếng trống thúc dục:

          Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
          Quan với quân lên đường
          Đoàn ngựa xe cuối cùng
          Vừa đuổi theo lối sông
          Phía cách quan xa trường
          Quan với quân lên đường
          Hàng cờ theo trống dồn
          Ngoài sườn non cuối thôn
          Phất phơ ngậm ngùi bay ...
     Từ đó, xa cách muôn trùng:
          ...Người đi ngoài vạn lý quan sơn
          Người mong chờ trong bóng cô đơn...

     Cứ như vậy, người vợ ở lại ngày ngày ôm con, đứng đợi ngóng chồng trở về và cuối cùng cả hai mẹ con vì mòn mỏi chờ mãi đã hóa ra đá:

          ...Người không rời khỏi kiếp gian nan
          Người biến thành tượng đá ôm con.


     Sau đó, ông đã sáng tác thêm Hòn Vọng Phu 2 tức Ai Xuôi Vạn Lý khoảng năm 1946. Mẹ con người đàn bà hóa đá vẫn chờ mong. Giai điệu nhạc thật buồn:

          Người vọng phu trong lúc gió mưa
          Bế con đã hoài công để đứng chờ
          Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
          Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ...
          ...Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa
          Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?
          Về hay chưa?
          Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng
          Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng...

     Người đi chắc chả bao giờ quay lại:

           ...Thôi đứng đợi làm chi
          Thời gian có hứa mấy khi
          Sẽ đem đến trả đúng kỳ
          Những người mang mệnh biệt ly.

     Hòn Vọng Phu 3 tức Người Chinh Phu Về viết xong năm 1947. Mở đầu, vẫn còn hình ảnh não nề của tượng đá chờ trông:

          Nơi phía Nam giữa núi mờ
          Ai bế con mãi đứng chờ
          Như nước non xưa đến giờ...

     Và cuối cùng người chinh phu cưỡi ngựa trở về, âm điệu dòng nhạc như tiếng ngựa phi:

          Đường chiều mịt mù, cát bay tỏa bước ngựa phi đường trường
          Nếp tàn y hùng cường, vẫn còn bay trong gió bóng từ xa, sắp dần qua
          Bóng chàng chập chùng, vượt núi non cũ, với hành lương độ đường
          Chiếc hùng gươm danh tướng dưới tà uy đếm nhịp đi, vó ngựa phi...

     Nhưng cuộc trở về đã quá muộn màng, ai oán:

          ...Nhớ cố hương lưu luyến tấc lòng mau dồn chân
          Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu
          Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
          Từ mái tranh bên đình trong làng
          Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
          Bao mối thương vang động trong lòng.

    Tác phẩm tuyệt diệu, lớn lao và bất diệt Trường Ca Hòn Vọng Phu, đã làm nổi bật tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương trong lịch sử Âm Nhạc Việt Nam...
 
Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California, USA

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Huế Mưa Hoài - Nhạc Lê khắc Bình


Nhạc: Lê khắc Bình 


Tôi Đã Tìm

 

Tôi đã tìm trên phiến đá xanh
Một cánh thơ lưu lạc bên đường
Một hồn cỏ dại mong manh úa
Ai gửi mà sao không khắc tên

Tôi đã tìm trong ánh mắt buồn

Lời tỏ tình của ánh sao đêm
Ngàn sao không khóc mà rơi lệ
Dòng lệ Ngân Hà giăng mưa tuôn

Tôi đã tìm trong anh hôm nao

Tim tôi bỏ ngỏ nỗi dâng trào
Và tôi như đã là thơ dại
Như một thời thơ dại ban sơ

Tôi nghĩ chiều lên xa đỉnh núi

Đến tận bờ vực nơi xa xôi
Có ai như mới vừa qua đó
Để tình yêu bỏ lại trong đời

Tôi như cây cỏ đau niềm nhớ

Tìm hoang sơ một phố vui nào
Tìm môi trong nắng khô mùa Hạ
Tìm những dỗi hờn cơn mưa mau

Tôi đã tìm, chân đi không tới

Nơi tình yêu một thuở rất gần
Nơi bên kia bóng bờ sông cũ
Chiều lại chiều rạng rỡ sóng reo.

Lê Mỹ Hoàn

Người Em Xứ Huế


Một chiều dạo bước đất Thần Kinh
Nón lá che nghiêng rất hữu tình
Núi Ngự chim bay tìm tổ ấm
Sông Hương nước chảy khuất kinh thành
Thẹn thùng gái Huế dừng chân bước
Ngơ ngẩn tình ta thấy dáng xinh
Nhớ mãi nữ sinh Đồng Khánh Huế
Lòng nghe xao xuyến động tim mình!


Nguyễn Cang


Tìm Mơ


Bài Xướng:

Tìm Mơ


Đêm nay đêm thanh vắng
Ta đợi gì trong mơ
Xin đừng để ta chờ
Vui thôi buồn xin chớ.

Giấc mơ rồi cũng đến

Một khung trời xám xịt
Vầng trăng trong mù mịt
Cảnh sao buồn da diết

Ta chẳng mong điều đó

Chỉ muốn nhìn thấy ai
Để không phí đêm dài
Nỗi sầu sao đeo đuổi

Đến cả trong giấc mơ

Ôi mộng cũng hững hờ
Chẳng muốn ta tròn ý
Trong thực lẫn cả hư

Giờ nào phải thuở xưa

Chim sáo còn đâu nữa
Mà mong thấy được nhau
Biết phải đến lúc nào?

Quên Đi
***
Bài Họa:

Tìm Mơ


Tàng cao trăng khuất bóng
Đi vào mộng tìm mơ
Hy vọng phút đợi chờ
Xuôi một lần gặp gỡ

Cho lòng thôi thầm nhớ
Rất xa ngỡ gần xịt
Dẫu sương thu mờ mịt
Mong tìm thấy người thương

Đường trần bao gian khổ
Nào biết tỏ cùng ai
Lắm mộng cho đêm dài
Tâm tư sầu chất ngất

Hư thực lẫn trong mơ
Một kẻ mãi ơ hờ
Một người chuốc đau khổ
Tình cứ mãi bơ vơ

Tìm đâu lại thuở xưa
Sẽ không bao giờ nữa
Mong gì tìm thấy nhau
Chờ cho đến kiếp nào

Kim Phượng

Buồn Tênh



Buồn tênh em viết vần thơ,
Câu thương vụng dại đợi chờ người yêu.
Buồn tênh nắng tắt buổi chiều,
Nghe cơn sóng vỗ một điều: nhớ anh!

Buồn tênh em lại loanh quanh
Ngắm mây soi nước, ngắm cành hoa xinh
Ngắm đồi non, nhớ chúng mình;
Ngắm sông, ngắm lá, ngắm tình đôi ta.

Buồn tênh thơ chợt trổ hoa:
Yêu nhau hạnh phúc hơn là… cô đơn!

Á Nghi
18.6.2008

Khó Ai Ngờ - Đoạn Giữa Tình Yêu

 nhucmoidoivai4

Truyền khẩu có câu: Bảy mươi còn học bảy mốt. Bất kỳ ở tuổi nào, già dặn cách mấy, cũng cần học hỏi thêm.

Tôi có một cô bạn rất duyên dáng, vui vẻ. Hai yếu tố này ở người nữ, thường hay bị hiểu lầm. Duyên dáng như miếng ăn ngon. Vui vẻ như cái muỗng múc thức ăn đưa ra trước mặt. Hành động này không có ngụ ý mời người khác hả miệng. Vui vẻ thường bị hiểu lầm với lả lơi. Vui vẻ nằm ở môi và lưỡi. Lả lơi nằm ở mắt. Đa số người nữ mang kính đen, tự nhiên sẽ thấy họ nghiêm nghị. Đàn ông mang kính đen thường được xếp vào hạng: chuẩn bị lả lơi.

Bạn tôi duyên dáng và vui vẻ. Gia đình êm ấm. Thường đi với chồng đến những nơi họp bạn, hẹn hò vui chơi. Có nhiều anh bạn khác lả lơi với cô bằng cử chỉ, lời nói. Ngụ ý, trước ở ngoài sân, sau lần vào bếp. Bạn tôi tri liệu bằng cách lớn tiếng, giữa chốn đông người, trước mặt thủ phạm lả lơi, kể lại cho chồng nghe những lời ong bướm đó. Không có bút mực nào có thể diễn tả nét mật của thủ phạm và ánh mắt của người chung quanh. Bạn tôi yêu chồng và được chồng yêu hơn 50 năm. Có lẽ, phương pháp khai báo đó giữ được tình chung thủy.

“Chung thủy” là chuyện dễ hứa nhưng khó giữ. Ý nghĩa của từ ngữ này đã chia lìa biết bao nhiêu cặp vợ chồng có thể sống với nhau suốt đời. Bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu là khổ đau, bao nhiêu là vấn nạn cho con cái, cũng chỉ vì sự sai lầm của chữ nghĩa.

“Chung thủy”, từ điển định nghĩa thiếu sót, Người ta dùng nó như cái cớ để sỉ nhục. Tình yêu dùng nó như chứng minh thư cho phép ly dị. Luật sư dùng nó như một bản án để lấy tiền của người này, đưa cho người khác, sau khi bỏ túi một phần. Đời nay, “chung thủy” giống cái kéo để cắt hơn là cây kim để may những vết thương tình.

“Chung thủy” như vậy là sai. Hiểu trật. Áp dụng không đúng giá trị. Cứ thử nghĩ: nếu nhân loại không biết chữ “chung thủy,” phải chăng tình yêu bớt tan vỡ, vợ chồng bớt quạnh hiu, con cháu bớt lạc lõng?

“Chung thủy” căn bản là kết cuộc và mở đầu (1). “Chung” là đuôi. “Thủy” là đầu.” Tình yêu chung thủy là tình yêu có đầu có đuôi. Từ thuở ban đầu hẹn hò cho đến hôn phối: có nhau, yêu nhau. Thời gian sau cùng, từ bệnh hoạn, già nua, cho đến chết: có nhau, yêu nhau.
Có đầu, có đuôi, còn đoạn giữa không quan trọng.

Làm người, ai chẳng có lỗi lầm. Yêu nhau lâu năm, thế nào cũng để ý người khác. Tình yêu như sơn màu. Dù sơn tốt cách mấy cũng sẽ phai lạt theo thời gian, nhất là những cuộc tình quá nhiều mưa nắng và bão lụt. Muốn giữ tình yêu, phải thường xuyên sơn lại. Muốn sáng tạo tình yêu, phải sơn lại nhiều màu. Sơn mỗi lần sẽ dày thêm, sẽ bảo vệ thịt gân trái tim những khi nó đập điệu chán chường thất vọng. Nếu vợ chồng không chịu tự sơn, sẽ có người khác sơn giùm.

Đoạn giữa của tình yêu luôn luôn gay cấn, bí mật, ít nhất là nói dối, nếu không, là gian dối. Thử hỏi Thượng Đế: Nếu muốn vợ chồng được chung thủy, tại sao lại sinh ra quá nhiều mỹ nhân với nhiều chi tiết hấp dẫn? Tại sao sinh ra nhiều nam tử đa tài ăn nói rủ rê? Tại sao sinh ra cây táo mọc trong vườn Địa đàng? Không có cây táo, bà E-Và làm sao hái? Ông A-dong làm sao cắn? Ý của ngài là ra làm sao?

Đoạn giữa của tình yêu thông thường là nơi tình ái gián đoạn. Chuyện này đã xảy ra từ khi nhân loại biết yêu đương. Nhất là giới đàn ông. Phụ nữ khi có con, không bao giờ muốn con họ mất cha. Còn đàn ông thường muốn con họ có nhiều mẹ. Ông Khổng Tử biết rõ điều này nên dạy rằng; Quân tử khi đi chỉ nhìn trước. Nghĩa là không ngó dọc nhìn xuôi, láo liên thấy phái nữ, dễ động lòng mơ ước. Khổng tử còn nói, quân tử không đi sau lưng phụ nữ. Điều này hết sức đúng cả hai mặt, vật lý và tâm lý. Theo dõi hai bờ uyển chuyển, nhún nhẩy, phúng phính, làm sao khỏi âm thầm tơ tưởng một chuyến thực hành?

Đoạn giữa của tình yêu, đừng nói là thử thách, người nào chưa yêu người khác là do may mắn, chưa gặp được người khiến tình mình ngẩn ngơ: người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Tôi không quan tâm lắm về “may mắn.” Cũng không muốn đổ lỗi cho “xui xẻo.” Tôi nghĩ, trong đoạn giữa tình yêu, bất kỳ chuyện gì phải xảy ra, sẽ xảy ra. Chủ yếu là tìm cách chữa trị.

Ngày xưa, thầy thuốc Hoa Đà nói rằng, khi bị ngoại thương, việc đầu tiên là phải cầm máu. Khi bị nội thương, việc cần thiết là phải giảm sốt. Sau hai việc đó rồi mới tìm cách cứu chữa.

Mắc phải bệnh có đầu mà hư đuôi, có thủy mà hư chung, muốn cầm máu và giảm sốt, việc đầu tiên là nên uống thuốc “tha thứ.”

Từ ngữ “tha thứ” được định nghĩa rất rõ ràng: “Hành động bỏ qua lỗi lầm của một người.” “Hành động” không phải chỉ suy nghĩ. “Bỏ” không phải giữ, không phải cất chỗ khác. Bỏ là không cầm nữa, phủi tay, lau tay.

“Tha thứ” không phải là thuốc tẩy, nước rửa, hoặc xà phòng. “Tha thứ” là chất keo để dán lại những gì đã rách, đã vỡ. Cần thiết là phải có can đảm dán luôn một phần quá khứ. Đôi khi cần dán luôn cả miệng.

“Tha thứ” không phải là thuốc an thần, mà là thuốc hồi sinh. Công dụng của “tha thứ” không ai có thể kể cho hết. “Tha thứ” lớn hơn “chung thủy.” Vì vậy, đối với người khôn ngoan, tại sao không chọn cái lớn, mà lấy cái nhỏ? Trong tình yêu vợ chồng, “chung thủy” không thể tồn tại nếu không có “tha thứ.” “Tha thứ là chặng đầu tiên cũng như chặng cuối cùng để giữ lấy một người đã làm ta ngơ ngẩn ngay từ phút ban đầu.

Sự lớn lao của “tha thứ”không chỉ tha lỗi cho ai khác, mà đồng thời tự tha lỗi cho mình. Khi xảy ra chuyện rách vỡ thủy chung, không bao giờ chì là lỗi của một người. Luôn luôn phải có hai mới có thể ra sàn nhảy bolero.

Có kẻ sẽ hỏi: Nếu tha thứ rồi, vẫn không xong, thì sao?. Trước khi trả lời câu này vì tôi tin, bạn đã biết câu trả lời. Hãy tự hỏi lòng: Bạn có thật sự tha thứ chưa? Hoặc chỉ tha mà không thứ?

Những ai có kinh nghiệm về tha thứ để giữ người mình yêu, tôi nghĩ, họ nên tự hào và họ sẽ là những kẻ chứng mình lời tôi đang viết.
“Chung thủy,” Chúng ta nên nói đến quá trình răng long tóc bạc của vơ chồng là “Chung tha thứ thủy.”

Trở lại câu chuyện bảy mươi học bảy mốt. Sau một thời gian nghiền ngẫm phương pháp khai báo của bạn tôi để giữ gìn chung thủy, tôi nghĩ ra một phương pháp khác, phù hợp tính tình trăng hoa của phái nam.

Không lẽ đàn ông mà khai báo phụ nữ chọc ghẹo mình? Có bao nhiêu phụ nữ tự động trêu ghẹo đàn ông? Một ngàn chưa chắc đã có một. Nhưng một ngàn đàn ông, đã có 999 người thích vào bếp đàn bà. Vì vậy, không nên khai báo mà nên tự thú.

Tự thú thì không phải lỗi của người khác, là lỗi của bản thân. Tự thú dễ dàng được tha tội hoặc được giảm kinh. Tự thú là mẹ của tự hào.

Khi vào đám đông hoặc ở một nơi có nhiều phụ nữ duyên dáng mời ăn, tôi chỉ cần tự thú với vợ, cho vợ biết những phụ nữ nào mà tôi bị bắt mắt, bị hơi ngẩn ngơ, thì từ đó trở về sau, không bao giờ tôi có thể đến gần đối tượng trong vòng mười bước. Đôi khi chưa kịp tự thú, ánh mắt Kim Trọng đã kiến linh cảm của vợ biết ngay ai là Thúy Kiều. Lời tự thú chẳng qua là những bằng cớ đê chứng minh lòng tuân thủ luật pháp của kẻ có án treo. (2)

Ông Khổng Tử chưa dạy điều này. Cứ cho đàn ông nhìn phụ nữ phía trước phiá sau, thả cửa, nhưng không cho đến gần. Lửa xa rơm làm sao cháy?

Ngu Yên

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Tình Vọng Đêm Mưa - Sáng tác Nguyễn Thanh Cảnh - Ca sĩ Hương Giang


Sáng tác: Nguyễn Thanh Cảnh
Ca sĩ: Hương Giang


Sài Gòn Khúc Mưa Chiều - Sáng tác: Nguyễn Thanh Cảnh - Ca sĩ: Quang Minh


Sáng tác: Nguyễn Thanh Cảnh
Ca sĩ: Quang Minh

Hương Tàn Mùa Cũ

(Ảnh: Melbourne - KimOanh)

Cành hoa tan tác kém màu tươi
Cố nén đau thương giấu nụ cười
Men rượu thấm môi sao chẳng ấm
Loan phòng tựa cửa dạ nào vui

Xuân đến xuân đi xuân mất rồi
Hương tình trôi biệt tận xa xôi
Mùa yêu lặng lẽ tan theo sóng
Dìm chết tim yêu trọn cả đời!


Kim Oanh
14/2/2015

Phượng Cuối Hè

 
(Ảnh: Phan Tự Trí)

Hè sắp qua rồi đó
Cánh phượng buồn ngẩn ngơ
Đã ngấm nhiều tâm sự
Lòng ai mãi đợi chờ
Chịu oằn mình trong gió
Dáng cong tự bao giờ
Từng ép bao trang vở
Sợ chi đời bơ vơ.

Phan Tự Trí 
18/6/2021

Nếu Biết Thế


Từ quen em, nồng nàn thơ ấm áp
Thơ mặn mà tràn ngập những lời yêu
Lời anh nói như kẹo lừng thơm phức
Từng nghe nhiều... mê đắm biết bao nhiêu
Anh yêu em, vẽ vời thơ hạnh phúc
Vì yêu nhiều nên sợ mất, sợ cô liêu
Anh làm thơ tặng em, anh làm thơ nhiều lắm!
Từng câu thơ, từng nỗi nhớ chập chùng
Từ xa em, vẫy vùng thơ lịm chết
Thơ anh buồn tím lịm cõi trần gian
Người xưa hỡi, lời thơ sao tàn nhẫn?
Toàn đắng cay, ai oán, giận, rã rời!
Kỷ niệm đẹp dẫu sao cũng một thời
Cũng quá đủ để nhớ nhau hết kiếp
Đừng buồn nhé, đừng làm em khóc tiếp
Đọc thơ anh mà nước mắt nhạt nhòa
Tình yêu mình vẫn mãi đẹp như hoa
Xa nhau rồi, tim em đau nhỏ máu!
Từng giọt buồn rên siết vết thương đau
Nhân vật chính -em đây da diết khóc
Mối tình này biết trước: đọa đầy nhau
Nếu biết thế đừng thèm quen thi sĩ
Đứng xa xa đọc tác phẩm anh làm
Nếu biết thế đừng thèm yêu thi sĩ
Đừng thèm làm... nhân vật chính trong thơ

Q. Như Nguyệt

Hẹn...- Đợi


Xướng:

Hẹn...

Hẹn em thăm lại quê nhà
Nghe trong nỗi nhớ mù xa tháng ngày
Trống trường gọi nốt thu bay
Mưa Đông cho mẹ đắp dày áo thơ
Để cha sắp lại câu chờ
Níu đôi chân mỏi còn mơ đường dài
Bóng đời quay giữa xuân phai
Người đi xa vắng những mai tuyệt vời
Trưa nồng giấc hạ mẹ ơi
Giọt mưa nào ướt gót người viễn du
Bên sông bèo giạt sương mù
Bàn tay níu chặt sầu tư một lần
Ta về vẽ lại thanh xuân
Soi trong giọt lệ nỗi mừng đã xa
Sân rêu lời hẹn chưa nhàa
Em trong ly rượu quê nhà cạn khô

Mạc Phương Đình
***
Họa:

Đợi

Chờ em ngóng đợi cả nhà 
 Em đi biền biệt cách xa bao ngày 
 Thu buồn trút lá vàng bay 
 Vắng em xót nỗi đau dày tiển thơ
Chờ em năm tháng vẫn chờ 
 Núi cao sừng sững lại mơ sông dài 
 Phấn son thinh sắc tàn phai
 Cho dù người có ngày mai vẽ vời
Hương xưa còn đứ em ơi! 
 Xui anh thờ thẩn như người mộng du 
 Trời pha đục sắc mây mù 
 Thương em anh đã tương tư bao lần
Đời anh từ mất mùa Xuân 
 Đau thương đành gởi nỗi buồn bay xa 
 Niềm yêu tưởng đã nhạt nhòa 
 Ngờ đậu vẫn đọng bên nhà lá khô.

Toronto 24/5/2021 
 Nguyên Trần
                                          

Bánh Khoai Môn

 

Nguyên liệu cho bánh khoai môn 

Phần A:

Bột gạo tẻ 1/2 kg 
Bột năng 3 muỗng cà phê vun
Nước lạnh 4 chén ăn cơm 
Nước sôi 2 chén ăn cơm 
Muối: 1 muỗng cà phê vun
Dầu ăn: 3 muỗng canh
Dừa lon (coconut cream): 1/2 lon (200 ml)= 1/2 chén cơm 

Phần B:

Khoai môn bào sợi đong 3.5 chén 

Phần C: 

Nguyên liệu cho nhân
Thịt heo xay 2 lần: 500 gram hơi có mỡ 1 tí
Nước mắm: 3 muỗng canh 
Đường: 3 muỗng cà phê 
Tiêu: 1/2 muỗng cà phê (tuỳ ý thêm bớt) 
Hành Tây: xắt hột lựu đong 1 chén

Bột chiên gồm có:

3 muỗng canh bột năng 
muỗng canh bột gạo
1/2 muỗng cà phê muối 
Khoảng 5-6 muỗng nước lạnh đổ nước từ từ quậy đều (tuỳ theo bột cũ hay mới). Khi thấy bột hơi sền sệt là được. 
Bột chiên tôm (tempura hay bread crumb)

Cách làm:

1/ Phần A & B (bánh):

Cho phần A vào nồi nonstick quậy đều, cho lên bếp khuấy lửa medium. Chờ khi thấy bột sền sệt cũng còn nước thì cho phần B vào quậy tiếp. Khi thấy bột hơi nặng tay thì tắt lửa. 

2/ Phần C (nhân):

Cho 1 muỗng canh dầu vô chảo, chờ hơi nóng cho hành tây xào sơ, tiếp theo cho tất cả nguyên liệu nhân xào nhớ làm cho thịt tơi ra, đợi khi chín cho thêm tiêu, nêm lại cho vừa ăn. Đổ nhân vô nồi bột trộn đều, cho lại lên bếp lửa nhỏ quậy thêm khoảng 2-3 phút thì tắt lửa. 

3/ Hấp bánh: 

Lấy 2 khuôn tròn, thoa dầu chung quanh khuôn.  Chia bột làm 2, dùng vá hay muỗng nhận bột cho bằng trên mặt, cho vô xửng hấp lửa lớn 30 phút mở nắp lau nước đọng trên nắp. Đậy nắp lại & hấp thêm 15- 20 phút nữa. Lấy tăm thử bánh (bột không dính tăm là bánh chín)
Chờ cho bánh thật nguội mới lấy ra khuôn. 

4/ Chiên bánh:

Cắt ra từng miếng dầy khoảng 1.5 cm, cho dầu vô chảo (lượng dầu giống như chiên cá).  Cho từ miếng nhúng qua bột năng, kế là bột bread crumb, chiên vàng 2 mặt. 
Món này ăn với nước tương hay nước mắm pha chanh ớt rất ngon. 
Chúc mọi người thành công nhé!


Như Thu

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Trên Cánh Đồng Mỹ Nhân - Coquelicot

Coquelicot đỏ trên đồng
Nemours sản xuất kẹo hồng tên hoa
Tiếng đồn vang khắp gần xa
Hiếu kỳ mua tặng làm quà thân nhân





Thơ & Ảnh: Huỳnh Phương Trạch
Hoa Coquelicot vùng Nemours, thuộc Nước Pháp


Bơ Vơ

Chim chiều gọi bạn tiếng xa bầy
Thảm thiết gợi sầu động cỏ cây
Thôi hết xôn xao thời áo trắng
Đâu rồi yểu điệu vóc hoa gầy
Vừa thiu giấc điệp ôi tình đã
Mới chợp hồn uyên hỡi mộng xây
Đã biết đôi lòng đà chấp cánh
Bày chi ngang trái éo le nầy

Thơ & Ảnh:Kim Phượng

Chuyện Đời

Nhìn sao đêm tưởng đang mộng mị
Cuộc sống nầy bình dị mấy khi
Một cõi một thân đời bỏ thí
Ngày qua tháng lại chẳng ai bì

Chữ nghĩa nọ không chi diễn tả
Ai người gởi hạnh phúc đến ta
Trông chờ mong đợi tin lời thật
Trao đổi vài câu chuyện ấy mà

Nguyễn Cao Khải


Quê Hương Tôi

 

Tôi và em chạy trên cánh đồng vừa gặt
Những gốc rạ khô bối rối dịu dàng
Ta cùng thả cánh diều bay mỏi mắt
Khói bếp chiều quê dìu dịu lan man…

Con nghé bên kia vừa hí tiếng lạc đàn
Như tuổi thơ tôi đi vào ngõ cụt
Rẫy bắp giồng khoai chiều lên ray rức
Em lạc hồn vào ký ức mùa Đông.

Quê tôi bây giờ không còn cánh diều ngoài đồng
Không còn khói bếp mái tranh nghèo lan tỏa
Con đường tráng nhựa không còn hơi đất thở
Cũng như em không còn trên đồng cỏ chiều nay.

Tôi trở về hai bên đường hoa lá thở dài
Nấm mồ Mẹ im lìm bên đường cao tốc
Mất Mẹ mất em tôi rưng rưng bật khóc
Mất quê hương tôi cô độc cả tâm hồn.

Dương Hồng Thủy


Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa Một Thời Để Nhớ Để Thương


Tôi sinh năm 1959, vào năm đó lần đầu tiên đội tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa đoạt huy chương Vàng Đông Nam Á Vận Hội tổ chức tại Thái Lan.

Tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm và học hỏi từ tinh thần túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, giờ càng nghĩ càng thấy nhớ thương, ngậm ngùi về thời kỳ vàng son nền túc cầu Việt Nam.

Huyền Vũ có một không hai

Ngày nay người mê đá banh được xem trực tiếp truyền hình nên khó có thể hình dung được sự đam mê theo dõi các trận đấu qua lời tường thuật trên radio của ký giả Huyền Vũ.

Cứ mỗi trận đấu mà Huyền Vũ tường thuật thì y như khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng thiêng núi thẳm dân mê đá banh đều bu quanh chiếc radio tưởng tượng những gì đang diễn ra trên sân cỏ.

Không chỉ ở các tiền đồn heo hút gió những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa lắng nghe Huyền Vũ tường thuật, một người theo cộng sản đã kể tôi nghe ngay trong chiến khu bộ đội cũng ham thích theo dõi Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh.

Từ giọng nói vô cùng thu hút người nghe, đến cách sáng tạo ngôn ngữ làm giàu từ ngữ Việt Nam, cách tường trình hết sức độc đáo các trận đấu và và kiến thức về túc cầu có một không hai, đến nay người Việt không có ai có thể thay thế được Huyền Vũ.

Từ ngữ “dzô! dzô! dzô!” mà các dân nhậu mời chúc rượu nhau là do Huyền Vũ sáng tạo, thường xuyên lập đi lập lại khi tường thuật các trận đá banh, riết thành từ ngữ hết sức phổ thông nói đến ai cũng biết.

Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 và mất năm 2005, là chủ bút Tạp chí Thể thao hàng tuần và chủ bút báo Nguồn Sống.

Với kiến thức uyên thâm về túc cầu, Huyền Vũ đã hướng dẫn bạn đọc cách chơi, luật lệ túc cầu, đồng thời giải thích cặn kẽ cho bạn đọc về chiến thuật và chiến lược của từng đội, trong từng trận đấu và xây dựng một tinh thần thể thao thắng không kiêu thua không nản.

Về cách viết tôi học được từ Huyền Vũ là luôn luôn có những bạn đọc tuyệt đối ủng hộ một đội banh, cũng như trong chính trị có những bạn đọc luôn ủng hộ một khuynh hướng chính trị, nên khi bình luận người viết không được thiên vị bên nào như thế thì các bài viết mới có giá trị lâu dài và người viết mới giữ được uy tín với bạn đọc.

Vài đoạn tường thuật

(Huyền Vũ)

Trên báo Thanh Niên, ngày 24/4/2016, nhà văn Lê Văn Nghĩa coi ký giả Huyền Vũ như một huyền thoại, bởi thế sau hơn nửa thế kỷ ông vẫn nhớ một số đoạn Huyền Vũ tường thuật trong trận đội Việt Nam thắng đội Do Thái 2-0 để được tham dự Thế Vận Hội năm 1964 xin trích dẫn lại như sau:

“Hôm nay là trận tranh tài túc cầu vòng loại giải vô địch Thế vận hội 1964 giữa hai đội túc cầu Do Thái và Việt Nam. Về đội ta có mặt cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt là thủ môn Phạm Văn Rạng, với đôi tay lưỡng thủ vạn năng…

“…thủ môn Phạm Văn Rạng đã đi vào huyền thoại bắt bóng của đội tuyển khi vào năm 1958, trong trận đội tuyển Thanh Niên thi đấu giao hữu với Câu Lạc Bộ vô địch Thụy Điển. Đội bạn, vì đã bị dẫn trước tỷ số nên cố san bằng khung thành của đội tuyển Thanh Niên. Có một đường banh mà không ai mê túc cầu có thể quên được đó là khi trung phong đội bạn là Djupden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…

“…Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng “S… ú… t”…, cú sút như trái phá nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng…

“…Chúng ta còn nhớ lại, tại Đông Nam Á vận hội năm 1959, đội tuyển túc cầu của ta đã đoạt huy chương vàng nhờ công của các tuyển thủ Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Nhung và không thể thiếu thủ môn vàng Phạm Văn Rạng. Đội tuyển túc cầu xứ chùa Tháp phải chia tay với chức vô địch khi thua đội tuyển túc cầu Việt Nam với tỷ số 1-3. Chính tay thái tử Xiêm trao cho đội tuyển túc cầu Việt Nam chiếc cúp vàng vô địch...

“… Nào bây giờ ta trở lại trận đấu. Quả da đang ở trong chân của Tenkitút. Tenkitút tạt ngang cánh trái cho Mohamet Jali. Jali dẫn banh xuống nhưng bất ngờ, từ phía sau Tam Lang đã bắn ra như một mũi tên… Ô… số 8 của đội Do Thái là Baroak đã kịp thời lao đến cản đường banh của Tam Lang.

“…Tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng quả da đụng khung thành bật ra…

“… Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô! tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung!...

“… Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”.

Từ hồi còn rất nhỏ nhưng tôi đã yêu thích giọng tường thuật của Huyền Vũ, rồi mê đá những trái banh bằng nhựa trên sân xi măng hay trên đường nhựa, đến nay đầu gối vẫn đầy những vết thẹo kỷ niệm thời ấu thơ.

Vài giải thưởng quốc tế khác

Đến năm 1966, đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lại đoạt cúp vàng Merdeka, tổ chức tại Mã Lai Á. Đội banh Việt Nam đã liên tiếp hạ Tân Gia Ba (5-0), Nhật (3-0), Mã Lai Á (5-2), Đài Loan (6-1) và thua Ấn Độ (0-1). Cuối cùng Việt Nam vào chung kết thắng Miến Điện (1-0).

Tại Đông Nam Á Vận Hội kỳ IV năm 1967, đội Việt Nam đoạt huy chương Bạc, khi thắng Lào (5-0), Thái Lan (5-0), nhưng thua Miến Điện (1-2) khi vào chung kết.

Năm 1973, tại Đông Nam Á Vận Hội ở Tân Gia Ba, đội tuyển Việt Nam lại dành huy chương bạc, sau khi vào chung kết lại thua Miến Điện khi trận đấu chỉ còn 8 phút thì kết thúc, với tỷ số 3-2.

Giải túc cầu Quốc Khánh


Những trận đấu quốc tế cuối cùng diễn ra trên sân cỏ Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu từ ngày 1/11/1974 với bảy nước tham dự là Đài Loan, Nam Dương, Cam Bốt, Lào, Mã Lai Á, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam đã thắng Thái Lan (3-2), thắng Lào (1-0), hòa với Đài Loan (1-1), thua Mã Lai Á trận đầu (1-5) nhưng thắng vòng loại (1-0).

Trận chung kết giữa hai đội Nam Dương và Việt Nam có sự hiện diện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra tại sân vận động Cộng Hòa vào ngày 10/11/1974.

Tôi còn nhớ sau nhiều tiếng đồng hồ sắp hàng mới mua được vé, ngay sau đó đã có người muốn mua lại với giá gấp chục lần, nhưng chúng tôi quyết định không bán, để vào xem trận đấu và ủng hộ đội nhà.

Mặc dầu là trận đấu kỷ niệm Quốc Khánh với trên 20 ngàn khán giả tham dự, nhưng không có cảnh cờ xí, hình tượng lãnh đạo, phô trương chính trị như ngày nay.

Chưa kể tinh thần không thiên vị khi đội bạn Nam Dương chơi hay vẫn được khán giả Việt Nam nhiệt tình ủng hộ.

Trước trận đấu nhiều người tin rằng đội Nam Dương sẽ thắng và sẽ đoạt huy chương vàng, biết vậy nên ngay từ hiệp đầu đội Việt Nam đã dùng chiến thuật tập trung tấn công nhờ vậy đã ghi được bàn thắng đầu tiên.

Bước sang hiệp nhì đội Nam Dương liên tục phản công, đội Việt Nam quay về thế phòng thủ, nhưng gần cuối trận đấu do sơ hở phía đội Nam Dương, Việt Nam ghi thêm một bàn thắng, nhiều khán giả mừng rỡ ôm nhau nước mắt chảy thành dòng.

Tôi nhớ hôm ấy cả hai đội đều chơi rất đẹp, nhưng có thể vì không phải sân nhà và thời tiết trở lạnh có thể không thích hợp với đội Nam Dương, nên về thể lực đội bạn không giữ được đến phút cuối.

Ngay sau đó là lễ phát thưởng do chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao huy chương cho các đội, mọi người đều vui mừng ở lại sân dự lễ đến phút cuối và dư âm trận đấu vẫn còn cả tháng sau.

Cao trào túc cầu

Ở miền Nam hầu như mỗi tỉnh đều có một đội banh hằng năm đều tổ chức các giải Liên Quân Khu và giải Toàn quốc, thêm vào đó là các đội chuyên nghiệp vang bóng một thời như Quan Thuế, Không Quân, Hải Quân, Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Cảnh Sát, Cảng Sài Gòn và Đội tuyển Quốc Gia.

Túc cầu đã trở thành cao trào tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, khắp miền Nam gần như trường trung học, đơn vị quân đội, cơ quan, khu phố nào cũng có đội banh riêng.

Các cầu thủ Việt Nam đều là thần tượng của tôi, nên viết về người này mà không viết về người khác thì quả là thiếu sót, vả lại lâu rồi cũng không nhớ hết, nếu viết e rằng sẽ có những lầm lỗi đáng tiếc.

Đội banh lớp tôi

Nhưng tôi đặc biệt yêu quý cầu thủ Tam Lang, phần vì ông là chồng ca sĩ Bạch Tuyết người mà tôi yêu thích, ông còn là cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký và nhà ở ngay trong sân vận động Lam Sơn nơi đội banh lớp 6-9/4 và 10-12/B2 (1971-77) của chúng tôi thường xuyên tập luyện.

Sân Lam Sơn thuộc khuôn viên trường Trương Vĩnh Ký, một người bạn của chúng tôi là con trai của Bác coi trường có chìa khóa cửa sau thông ra sân vận động nên cứ rảnh là chúng tôi kéo nhau sang sân tập đá.

Đá xong chúng tôi lại kéo sang nhà Dũng mập cạnh bên sân uống nước, nghỉ ngơi, nói chuyện trên trời dưới đất, những ước mong thời tuổi trẻ.

Đội banh có Biền nhỏ con nhất lớp, nhưng nhanh nhẹn, đá banh thì phải nói tuyệt vời, tôi nhớ có một lần đá với một lớp lớn hơn, đội chúng tôi thắng 12-0, riêng Biền đã ghi 10 bàn thắng.

Chúng tôi kháo nhau Biền dân Bến Tre nên từ nhỏ lấy dừa khô thay banh để đá, nhà Biền may banh da nên chúng tôi thường đến để đặt mua banh, Ba của Biền chỉ lấy giá tượng trưng, mấy chục năm nay không gặp lại Biền không biết giờ ra sao.

Ngoài Biền ra các bạn khác như Dũng mập, Việt Hùng, Hùng Đô, Văn Hùng, Hiệp, Lợi Nhi, Ân, Tuấn, Hồng, Phương, Lỳ, Hồng Hoàng Thượng, Minh, Chánh, Oánh, Huệ và nhiều bạn khác.

So với các bạn tôi nhỏ con, chạy không nhanh, nói chung là đá dở hơn các bạn, thường giữ vị trí hậu duệ, nên thủ môn Huệ luôn miệng réo tên tôi khi banh đến sát khung thành và cuộc đời tôi chưa một lần ghi bàn thắng.

Đôi khi, chúng tôi lên sân vận động Tao Đàn để đấu giao hữu với các trường trung học khác tại Sài Gòn, hay các lớp khác ở chung trường Trương Vĩnh Ký.

Khi ra trường mỗi đứa mỗi nơi, sau hơn 40 năm đứa còn đứa mất cứ nhớ đến đá banh là nhớ đến các bạn, nhớ đến tuổi thanh niên ở miền Nam vùng đất tự do.

Túc cầu dạy cho tôi tinh thần đồng đội, đã chơi phải chơi hết mình, chơi đẹp, chơi đúng luật để giữ tiếng, chơi toàn đội, biết rõ vai trò của mình trong đội banh, còn thắng thua là chuyện bình thường, thắng không kiêu thua không nản.

Tinh thần túc cầu học hỏi được từ Huyền Vũ, từ các cầu thủ Việt Nam Cộng Hòa và từ các bạn bè cùng lớp đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống nơi đất khách quê người, bởi vậy cứ mỗi lần nghĩ đến túc cầu Việt Nam Cộng Hòa tôi lại nhớ đến một thời đầy thương đầy nhớ.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
3/7/2021

Thư Tình Cho Chàng Cầu Thủ Đá Bóng


Thế là anh đúng hẹn lại đến. Tháng sáu 2021 mùa hè rực rỡ càng thêm rực rỡ vì có anh.

Anh đến cùng lúc hai mùa Euro và Copa America làm cho em sung sướng và bối rối xắp xếp thì giờ gặp anh ở cả hai nơi, em tham lam chẳng muốn mất anh trong một trận đấu nào.

Em đã say sưa theo dõi những trận đấu của anh từ lúc mở màn của Euro và Copa America cho đến hôm nay anh đã đi được nửa chặng đường, những giờ giấc của anh buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, em không ngại đâu và em biết rằng bao nhiêu người trên thế giới cũng như em, yêu anh và bám theo hình bóng anh như thế.

Anh hào hoa trên sân cỏ khi chuyền những đường bóng đẹp cho đồng đội, khi sút những cú bóng chính xác vào lưới giữa vô vàn cản trở. Anh làm quả bóng thần kỳ bằng cú đá phạt góc, phạt tại chỗ khiến thủ môn kia xấc bấc. Anh chạy nhanh như con ngựa rừng sung sức đuổi theo quả bóng vô tình cứ tung tăng qua chân kẻ này người nọ. Những giây phút này với anh thế giới chẳng là gì ngoài quả bóng.

Thương quá khi anh lao mình và cận kề đối phương để cứu nguy lưới nhà, anh ngã lăn quay ra sân cỏ nhưng dù đau thế nào anh vẫn ngóc đầu lên nhìn xem quả bóng đi về đâu, có thoát ra ngoài lưới nhà không.

Thương quá khi anh bị chèn ép, đôi chân vàng của anh quỵ xuống, anh ngã thê thảm ra sân nằm đau quằn quại.

Thương anh nhất là những khi trận đấu một mất một còn, cần phân thắng bại đá phạt đền luân lưu. Khi anh đá bóng vào lưới đối phương anh reo hò mừng rỡ vừa thoát khỏi cú đá nặng về phần căng thẳng tâm lý và đau đớn là khi anh đá hỏng hoặc thủ môn kia phá được đường bóng của anh, nét mặt anh thẫn thờ bâng khuâng chữ ngờ như một câu trong bài hát Bolero nào đó. Em đau buồn biết chắc rằng đêm nay anh sẽ mất ngủ ( và còn nhiều đêm nữa) vì tiếc nuối, vì ân hận vì quả đá penalty hỏng của anh khiến anh và đồng đội phải khăn gói về nước.

Những fan có kẻ nổi giận sỉ vả anh, hành hung anh làm tổn thương anh. Nhưng em vẫn âm thầm hiểu anh, thiên tài hay thiên thần cũng có khi mắc nạn, mắc đọa, anh có là siêu sao bóng đá, thần đồng bóng đá cũng có lúc đá…dở ẹc và có khi còn gây ra thảm họa đá vào lưới nhà nữa chứ.

Em không trách anh và luôn ngưỡng mộ anh dù bất cứ tình huống nào trên sân cỏ.

Anh vẫn là chàng hào hoa đáng yêu với vóc dáng cao đẹp, tả xung hữu đột suốt chiều rộng chiều dài sân bóng trong 90 phút, là một vở bi hài kịch bất ngờ từng giây từng phút, quả bóng đi tới đâu là tâm tư em đi tới đó, vui khi anh vui đội anh ghi bàn, buồn lúc anh thất vọng đội anh bị đối phương đè bẹp và em ngẩn ngơ trước cảnh dở khóc dở cười khi anh và đối phương cùng đâm xầm vào nhau tranh bóng để rồi cả hai va chạm mạnh, cùng đau, cùng mất thăng bằng ngã đè lên nhau..…thắm thiết.

Nhưng anh cầu thủ đá bóng ơi, cũng có lúc anh…vô duyên lắm cơ, chàng thơ của bao nhiêu người trên thế giới, lúc này họ đang ngưỡng mộ theo dõi từng cử chỉ của anh, bỗng thấy anh thản nhiên..…phun bãi nước miếng xuống sân cỏ mà hãi hùng vỡ mộng, câu thơ vừa hiện ra trong trí em chưa kịp viết đã cụt hứng bay đi và anh cũng hành xử chẳng kém gì đám đàn bà phụ nữ tiểu nhân chúng em khi anh khoèo chân, ngáng chân, xô vai, đẩy lưng hay hích tay đối phương làm người ta ngã xấp ngã ngửa để …ăn cướp bằng được quả bóng đang trong chân họ hay anh cản trở họ đang đưa bóng đến gần khung thành đội nhà. Như thế là chơi không đẹp, là bất công nha anh. Những lúc đó em chán anh ghê, anh bị thẻ vàng thẻ đỏ hay bị đuổi ra khỏi sân cũng đáng đời.

Ngoài đời anh sống như thế nào, vợ đẹp, bồ siêu mẫu, anh ăn chơi xa hoa hay thay tình như thay áo …em không quan tâm vì anh chỉ là người em thương mến khi anh là cầu thủ trong đội tuyển quốc gia xuất hiện trên sân cỏ trong những giải lớn thế giới. Dù anh khoác màu áo nào của đôi tuyển Âu Châu, của đất nước Nam Mỹ nào hay bất cứ màu sắc quốc gia nào trong giải World cup thì anh vẫn là anh của em mong nhớ.

Nay mai đến July 11-12 – 2021 là chung kết hai giải Copa America và Euro, ai sẽ đăng quang là đội tuyển vô địch?

Em chúc anh và đội tuyển sẽ đoạt được kết quả vinh quang này, chiến thắng trong công bằng huy hoàng.

Nhưng nếu đội anh không đoạt cúp thì hãy thua trong Fair play, trong danh dự cũng để lại những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp trong lòng em và những người mộ điệu khác.

Sau đó chúng ta tạm xa cách nhau và anh cầu thủ đá bóng thân yêu ơi chúng ta lại có một cuộc hẹn hò khác. Giải World Cup Qatar 2022. Em lại gặp anh.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( July 4, 2021)

Tôi Mê Đá Banh


Mỗi năm cứ tới tháng 6 là có đá banh. Có lẽ là một sự trùng hợp cho tháng hè thuận lợi về tổ chức tranh giải. Mà cũng có lẽ tháng 6 là tháng lễ cha, các ông bố đa phần là mê đá banh. Nhiều khi nhóm bạn già tôi còn nói lái lại là "đánh ba" mới tức cười.

Ngày tôi đến Mỹ môn đá banh ít có dịp tường thuật trên TV vì người Mỹ không thích môn này. Người Mỹ thích những gì nhanh gọn, nhiều điểm, thật sôi động, ồn ào như Football, Basketball, Baseball... Họ không thích ngồi nhìn trái banh lăn trên sân, mấy chục người giành mà chẳng dám đụng tay vào trừ thủ môn. Cả trận kéo dài lê thê 90 phút mà chỉ có một lần nghỉ giải lao. Chạy qua chạy lại mệt xì khói mà tỷ số nhiều lắm 4 trái là cùng. Có khi gần cả hai tiếng đồng hồ rượt đuổi lại huề nhau 0-0.

Cho nên dân VN ghiền đá banh, nhớ quá những ngày ngồi nghe radio hay xem TV ở VN. Theo dõi trận đấu với lối tường thuật hấp dẫn, lôi cuốn của Huyền Vũ. Những tiếng hô Sút Sút ... Banh đã tung lưới, phá vỡ khung thành, thọc sâu xuống cánh trái, xâm nhập vùng cấm địa, cơ hội bằng vàng, zô zô chỉ trong mấy phút phù du đã san bằng tỉ số... nghe nó đã làm sao.

Từng bước trên xứ Cờ Hoa này đã có nhiều thay đổi. Dân đầu đen mình đến Mỹ khá đông rồi sinh con đẻ cháu. Dân Mễ ghiền đá banh mà chỗ nào trên nước Mỹ lại không có mấy anh này. Phong trào chơi đá banh càng ngày càng phát triển, người Mỹ trắng chắc không thích mấy, nhưng dân nhập cư thì quá xá mê.

Những đài VN mở ra như nấm ở miền Nam Cali đáp ứng thị hiếu độc giả đài nào cũng có phần "Bình luận bóng đá sôi nổi" Có đài còn đưa ra giải thưởng cho khán thính giả gọi vào đoán ai sẽ thắng cuộc. Nhất là đài SBTN với Luân Vũ , Trúc Hồ, Sĩ Đan bình luận mổ xẻ tận tình.

Tại hội trường có nhà báo chiếu live tại chỗ với màn hình TV lớn, làm thỏa mãn nhu cầu cánh mê đá banh của người Việt mình. Gì thì gì chứ coi thể thao, nhất là đá banh càng đông càng vui. La hét, phấn kích tận tình cũng là một cách tăng thêm năng lượng cho cuộc sống.

Mỗi buổi chiều tôi dẫn ông chồng đi bộ ra cái park gần nhà. Ở đó lúc nào cũng có người Mễ ra chơi đá banh.Các cháu nhỏ có đội nam, đội nữ được tập luyện kỹ thuật đá. Mấy chị Mễ chở con ra công viên chơi cầu tuột, xích đu. Theo chương trình đăng ký sẵn, tới giờ các chị rủ nhau vào hội trường, họ mở máy, loa phát to vang trời rồi cùng nhau tập nhảy những động tác thể dục. Tới lui, giơ chân, xoay bụng nhịp nhàng vui lắm. Vừa enjoy văn nghệ, lại vừa kích thích cho mấy cục mỡ xẹp bớt để còn tiếp tục ăn đậu, ăn cheese mà không sợ bị béo phì.

Cuối tuần các đội banh lớn nhỏ bày trận đấu với nhau cũng gay cấn lắm. Mấy anh Mễ bán đồ ăn cũng tới buôn bán rộn ràng như ngày hội. Nhạc Mễ xập xình inh ỏi. Sân chơi được phân ranh vì nhiều toán cùng đến. Khung thành dã chiến được thành hình bằng một lằn vạch hay mấy cái cây đóng xuống làm dấu. Vôi được rải xung quanh để làm biên cho sân.

Cảnh này làm tôi nhớ hình ảnh quê nhà, Một sân banh nhỏ ngay sau trường học, mấy anh tôi quần xà lỏn, ở trần quần quật với trái banh được quấn bằng mũ cao su. Tôi nhảy tưng tưng la lên khi banh xuống sát khung thành. Chạy tới chạy lui mệt đã đời, nhóm con trai rủ nhau đi tắm ở cái phông tên nước đầu xóm. Có khi dẫn nhau đi tắm ở con suối cuối làng. Nhóm con gái không dám xuống nước dẫn nhau chơi nhảy lò cò hay chơi ô quan, hoặc tha thẩn bẻ hoa bắt bướm ở bờ suối.

Thuở ấy con trai con gái chưa biết mắc cở. Mấy cậu cứ cởi truồng tồng ngồng tắm thỏa thích, la hét ỏm tỏi. Tắm xong khỏi cần lau lọt chi cho tốn khăn. Cứ thế bận quần vào rồi đi về. Gió thổi lồng lộng cái gì cũng khô.

Quê tôi cũng có sân vận động lớn bên cạnh nhà máy chế biến mũ cao su. Ba tôi với bộ đồ thể thao làm trọng tài thiệt oai hết sức. Đội banh người lớn đa số là mấy anh người chà gác cổng hay làm khuân vác rất khỏe mạnh . Họ ở riêng một khu vực cuối làng. Họ hay nuôi dê và tuyệt đối không ăn thịt heo. Họ theo đạo Hồi, nên mỗi lần có tiệc tùng mời họ dự, thì họ cử người đến tận nơi để cắt cổ gà hay vịt. Có như vậy họ mới dám ăn vì họ vừa đọc kinh vừa cắt cổ. Mà con gà con vịt họ cắt cổ cũng tội nghiệp và ghê khiếp lắm. Họ đọc kinh bằng tiếng gì không hiểu nỗi, đọc lâu lắm rồi khứa, rồi khứa… Ôi con gà cái cổ lặc lìa da lòng thòng thấy ớn quá đi.

Tôi và mấy anh được phân công đứng giữ đồ và phục vụ nước chanh đường cho cầu thủ nhà. Chiều về, ba tôi quăng cho má một đống quần áo cầu thủ đã dơ. Được lịnh bố già, anh em tôi quây quần ngồi nhổ cỏ chỉ găm vào vớ chi chít. Vừa làm việc vừa bàn cãi ì xèo cũng vui.

Thế là má tôi vừa phải giặt đồ, vừa phục vụ nước uống mệt phờ luôn chả được trả công gì hết.

Oai lực của đàn ông là ở chỗ đó. Má chưa hề bước ra sân cỏ, chưa từng được một tiếng cám ơn. Chưa từng nghĩ có một ngày phụ nữ không phải chỉ biết có giặt đồ đá banh, mà họ sẽ bước ra sân cỏ trong hàng ngàn tiếng vỗ tay. Họ sẽ đoạt huy chương vàng cho quốc gia họ. Họ sẽ chạy như bay, đá thật đẹp trước cả chục ngàn người hâm mộ.

Giá mà má tôi còn sống ! Mà biết đâu theo triết lý nhà Phật, má tôi đã trở thành một cầu thủ nổi danh hiện nay vì kiếp trước bà đã tận tình phục vụ cho ngành bóng đá.
......

Mỗi chiều cuối tuần tôi hay dẫn ông xã đi ra park, mang theo cái ghế dựa và hai chai nước. Thế là có màn coi đá banh free vừa tăng thêm thi vị của mối tình già, vừa đi bộ tới lui cho giãn xương giãn cốt.Thỉnh thoảng tôi mua cho ổng cái hot dog hay cây kem để gọi là tham gia phát triển cộng đồng bạn.

Đó là những ngày còn ở nhà cũ gần công viên. Từ ngày vợ chồng tôi bỏ hết giang sơn về ở với con gái, tôi nhớ vô cùng cái sân vận động gần nhà.

Nhà mới chỉ cái công viên nhỏ xíu, đi bộ một vòng chưa mỏi chân là hết. Chỉ vài cầu tuột cho trẻ con. Cây nhiều, lá rụng đầy công viên. Mùa thu mùa hè gì cũng vắng bóng người. Ông xã tôi cũng không được khỏe cứ im ỉm ở nhà. hết nằm lại ngồi, người mỗi ngày mỗi yếu.
.........

Năm nay tháng 6 lại về. Mùa giải bóng đá Châu Âu đi kèm với giải Copa America rồi thêm hai trận bóng đá nữ. Một trận Đội nữ Mỹ đá giao hữu với đội Nhật và mới đây đội nữ USA đá với đội South Africa làm tôi theo dõi say mê. Mặc dù con mắt chưa trở lại quân bình.

Thiệt tình mà nói, tôi thấy mình cũng không giống ai. Già rồi mà còn mê đá banh. Mà đâu phải coi ăn theo ông chồng đâu. Tôi mê rồi ngồi coi mình ên mới chết. Thỉnh thoảng gặp bửa con rể tôi không đi làm, nó cùng tôi ngồi coi. Mà chán lắm bà con ơi! Tưởng đâu nó cùng hưởng ứng theo bà má vợ la ầm xì cho vui. Ai dè nó ngồi yên cười mỉm chi không hà. Tôi la Dô, Dô.. sút, sút... Quay lại thấy thằng rể ngồi im không biểu lộ gì hết trơn làm tôi quê một cục.

Chắc trong bụng nó nghĩ thầm: "Bà già vợ này chắc hồi còn trẻ quậy dữ trời lắm nghe"

Mà thiệt ra tôi hiền khô có quậy phá gì đâu. Chỉ có điều coi đá banh mà không có biểu hiện gì thì chán chết lại buồn ngủ nữa. Chẳng hạn một trái banh đang được lừa tới lừa lui. Một cầu thủ được banh, thật nhanh thật nhanh chạy nước rút đem xuống, đem xuống, lách qua hàng phòng vệ, đưa xuống thật gấp và...sút. Trái banh vượt khỏi tầm tay thủ môn và lao thẳng vào khung thành một cách tuyệt vời . Dô... Dô.

Hỏi các bạn đường banh như vậy mà mình ngồi một đống, hai tay để trên đùi, chẳng biểu lộ gì hết có phải chán mớ đời không?

Ông chồng tôi hồi chưa bệnh nặng, lúc đó mấy đài TV chưa tường thuật bóng đá đầy đủ như bây giờ. Ông rất mê Basketball . Ông là fan ruột của đội Laker. Ông thuộc từng tên, từng lối chơi của các cầu thủ. Mỗi khi sinh nhật hay lễ lớn quà tặng dành cho ông là những chiếc áo, mền hay những gì có dính dáng tới đội Laker. Nhất là Kobe Bryant ổng có mấy cái áo với số của cầu thủ nổi tiếng này.

Thế rồi đội Laker xuống dốc, sức khỏe chàng của tôi cũng xuống nhanh không thắng lại được. Mỗi năm vào mùa giải NBA tôi mở TV rồi kêu ổng ngồi coi, nhưng người tình trăm năm của tôi lơ tơ mơ chả tha thiết gì, chỉ thích đi nằm.

Năm nay chương trình đá banh các giải quá hay không thể bỏ lỡ cơ hội. Tôi dụ dỗ chàng theo tôi trên từng đường banh lăn trên sân cỏ.

Mà đâu phải muốn coi là coi đâu. Làm đàn bà khổ hơn cánh đàn ông ở chỗ này. Phe quý ông tới giờ là phóc lên ghế salon ngồi coi. Có thể rủ thêm vài người bạn. Này bia, này nước ngọt hay cà phê cà pháo. Để tăng thêm kích thích còn có khô bò, đậu phộng, bắp rang hay vài món đồ nhậu .

Hết mồi mấy anh chỉ kêu :"Em ơi...em mang cho anh ..." rồi cười tình một cái là bà xã xăng xái bưng lên. Trong bụng bả sung sướng nghĩ thầm :" Gì chớ ổng mê đá banh thì hạnh phúc số một. Khỏi mê gà móng đỏ hay mèo chân dài . Ổng ngồi ở nhà nhậu an toàn toàn hơn khỏi phải hồi hộp đường về bị cảnh sát chận lại."

Phe đàn bà của tụi tôi đâu phải được hưởng thụ như vậy . Này nhé, tôi phải biết trước mấy giờ đá banh để lo trước cho chồng đâu ra đó. Lo cho chàng ăn sáng xong thì phải chuẩn bị bữa trưa cho sẵn sàng. Hể nghe chàng bấm máy gọi đính.. đoong, đính đoong... là tôi phải chạy ngay để có mặt. Chạy như cầu thủ rượt theo trái banh da. Phải khưng lại ngay trước mặt chàng như bị trọng tài biên giơ cờ thổi việt vị. Tôi không tìm cách lừa qua lừa lại để câu giờ như một số cầu thủ trong trận đấu. Bởi vì nếu chàng bấm máy gọi mà tôi không tới kịp thì hậu quả khôn lường, tôi phải dọn dẹp vệ sinh còn thê thảm hơn nhiều.

Năm nay các trận đấu thường bắt đầu vào khoảng 11: 30 phút trưa. Cho nên tôi thường phục vụ cho chàng của tui ăn trưa trong giờ nghỉ giữa trận để còn ngồi xem hiệp hai cho thoải mái.

Cũng buồn vì xem TV một mình, có hôm tôi đưa chàng lên ngồi chung. Tấn chàng trong tư thế an toàn và thoải mái. Tôi với chàng ngồi xem đá banh.

Nhìn thì tình điệu lắm. Hai vợ chồng già ngồi bên nhau vai liền vai mùi tận mạn . Tôi còn lột cam rồi cắt hai cho vừa một lần ăn, hay pha cà phê cho chàng uống để lấy cảm hứng nữa chớ. Thỉnh thoảng tôi quay qua đút cho chàng một nửa múi cam rồi dán mắt lên màn ảnh.

Ồ kìa! Trái banh đưa xuống khung thành, áo đỏ, áo xanh tranh nhau thật khốc liệt và nguy hiểm. Một cú đội đầu...Dô... Dô. ..Tôi la lên và quay lại chàng để tìm một người đồng hành trong cảm giác thích thú này.
Chàng của tôi đã ngoẹo đầu một bên, môi trễ xuống, nước miếng chảy ướt một bên áo.Chàng đã ngủ say.
Mất hứng hết trơn, thì ra chàng của tôi đã bị liệt vị hai mắt mở không lên, hết đường nhúc nhích.
Thấy mình cũng không đúng, mê đá banh hơn mê chồng. Để chàng quẹo đầu ngủ như vậy rất mỏi cổ, tôi đở chàng nằm xuống salon và tiếp tục coi một mình.

Có hôm tôi nói với chàng:" Hôm nay Mỹ đá với Argentina gay cấn lắm. Tôi mở TV cho ông coi nghen" Tôi để chàng nằm trên giường, bấm máy cho đầu lên cao, đeo kiếng cho chàng thấy rõ. Tôi mở TV trong phòng ngủ hai đứa coi chung.

Tôi giải thích cho chàng áo màu nào là của đội nào. Thỉnh thoảng còn tìm cách nói chuyện về trận đấu để kích thích não chàng của tôi làm việc. Mà rồi gay cấn quá Đội Mỹ bị đội Argentina tấn công liên tục, tôi say mê lẫn lo lắng hồi hộp theo dõi quên hết mọi sự. Khi quay trở lại nhìn chồng thì anh ấy đã ngủ say chả tha thiết gì tới trái banh. Mỹ thắng hay thua chả nhằm nhò dính dáng gì tới cuộc sống của anh ấy. Ngủ là trên hết.

Tôi cũng có những người bạn cùng theo dõi các trận đá banh với tôi một cách tích cực, đó là vợ chồng anh Mai văn Nhãn. Anh ở Texas, biết tôi bận việc nhà nên cứ khoảng còn hơn nửa giờ khai trận là anh gọi phone nhắc nhở. Anh chị phải gọi trước để tôi chuẩn bị lo cho chàng của tôi trước khi trận đấu bắt đầu.

Sau khi kết thúc, chúng tôi gọi phone bình loạn với nhau sôi nổi. Quyền phán đoán, nhận xét cầu thủ là của mỗi người, có chết ai đâu mà sợ. Anh ấy có cái nhìn rất sắc bén về các đội và các cầu thủ. Còn tôi là dân coi đá banh a ma tơ. Tôi không cuồng nhiệt hay thần tượng một đội nào hay siêu sao nào. Những lần trọng tài phạt thẻ vàng, thẻ đỏ không công bằng là tôi mặc sức tố khổ. Những trò giả đò té đau hay đóng kịch lăn lộn là tôi ghét lắm. Đá banh là phải chơi đẹp. Chơi gian manh không xứng đáng làm danh thủ.

Tôi cũng có nhỏ bạn cũng mê đá banh không khác tôi, Không dám nói tên, cô nàng lại viết truyện chọc quê tôi thì chết. Cô ta tuyên bố không thèm mua những đài thể thao tốn tiền vô ích. Cứ tới giờ là ta lên ngồi chễm chệ trên ghế salon, đồng vợ đồng chồng mở coi... đài Mễ. Đài Mễ thì không trận nào không thu hình. Lý luận cô ta cũng rất logic :" Coi đài Mỹ làm chi, họ nói nhanh quá mình cũng chẳng hiểu kịp. Đài Mễ không tốn tiền mà còn nghe nó la đã cái lỗ tai. Mình la theo hứng khởi hơn"

Tôi thấy cũng hợp lý quá đi chứ. Một lần trận đấu giải Copa mấy đài thể thao Mỹ tôi và anh Nhãn mò hoài không ra. Thế là mở đài Mễ để coi. Y chang ! nhỏ bạn tôi nói đúng phóc. Họ tường thuật sôi động, la hét hấp dẫn đã cái lỗ tai, nhưng tôi lại càng chả hiểu gì hết trơn.

Giải Copa bây giờ đã kết thúc. Mỹ vào được Semi Final cũng là ngon và tiến bộ lắm rồi. Làm sao đội nhà USA mới mẻ với môn thể thao này có thể tranh kịp với Argentina . Một đội banh sừng sỏ, lừa banh hay, giữ banh lâu, chạy như gió và chiến thuật mánh mung, đốn ngã không nương tay chút nào. Hy vọng kỳ tới đội nhà sẽ vào sâu hơn, đoạt chức vô địch cho thiên hạ lé mắt chơi.

Thế nhưng vào trận đấu chung kết Argentina đã bị thua một cách cay đắng trước đội Chile. Mà người làm nên thất bại đó lại là danh thủ Messi. Một cầu thủ được nhiều người yêu mến và ái mộ. Sau trận đấu chính, hai trận đấu phụ bất phân thắng bại. Ở loạt đá luân lưu 11m. Messy đã đá vượt xà ngang không lọt lưới. Cú đá Penalty này đã khiến Argentina bị thua Chile với tỷ số 2-4 và Chile đã đoạt chiếc cúp vàng Copa America.

Nếu hỏi sau giải này tôi nhớ điều gì nhất. Tui xin thưa đó là gương mặt của Messi.Anh ta ngồi gục mặt xuống, buồn và thất vọng. Thật đúng với câu" Càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan". Giá một cầu thủ tầm thường nào đó thì không đau, nhưng Messi lại khác. Anh ta có cảm giác thất bại đến tuyệt vọng. Anh ta từng tuyên bố sẽ rời bỏ đội tuyển Quốc gia Argentina ngay sau trận đấu kết thúc. Mong rằng đó chỉ là phát ngôn tạm thời khi sự nỗi đau bại trận chua chát tràn về. Một Messi rời sân cỏ sẽ làm đau lòng biết bao triệu người mê bóng đá. Trong đó có tôi.

Nhiều người, ngay cả tôi cũng mến Messi hơn Ronaldo vì Messi đầm tính, đá chân thật hơn và không hợm mình. Nhưng thôi! Đá banh có những cái bất ngờ, trọng tài chưa thổi còi kết thúc trận đấu là chưa biết ai thắng ai. Vì vậy môn thể thao này mới được ví von là môn thể thao vua khiến cả thế giới phải lên cơn sốt.

Quay về trận Euro 2016. Portugal đã thắng Pháp và đoạt huy chương vàng cũng như cúp vàng. Tôi có cô em đang sinh sống bên Pháp. Cô ta đang bệnh và cô ta tuyên bố" Nếu Pháp thắng trong trận này em sẽ lành bệnh ngay"

Những ngày trước đó, Khi Pháp hạ được Đức ở tỷ số 2-0 đầy vinh quang, cả nước Pháp như sống lại sau những kinh hoàng do khủng bố gây ra giết hại trên 100 người dân Pháp vô tội. Ngọn lửa "Bóng đá" đã vực người dân Pháp tươi tỉnh và hăng say hơn bao giờ hết. Đội tuyển Đức thua Pháp là một việc ít ai ngờ, bởi lẽ Đức luôn trên cơ Pháp về tấn công cũng như cách đá. Nhưng khi Đức bị thua ở trái phạt đền Penalty để Pháp mở tỷ số 1-0 thì trên khán đài và mọi nơi trên nước Pháp người dân dừng lại, nín thở để chờ đợi giây phút cuối cùng đầy vinh quang.

Như những chiếc pháo bông được bắn lên trời . Người dân xứ Gà Lôi thấy mình quên đi bao nhiêu biến cố để sống lại, để vui mừng. Tỷ số 2-0 trước đội Đức đã mở đường cho đội Pháp vào chung kết.

Thế nhưng, mặc dù siêu sao Ronaldo phải giả từ sân cỏ vì chấn thương tại đầu gối trái. Pháp cũng không thể nào đá lọt lưới đội tuyển Portugal. Với sức dẻo dai và hàng phòng thủ chắc chắn hết 90 phút giao đấu hai đội vẫn huề nhau 0-0.

Tới phút thứ 109 của hiệp nhì đá phụ trội. Một đường banh thần tốc của tiền đạo Eder đã mở tỷ số 1-0 cho Portugal đánh tan giấc mộng đoạt cúp vàng giải Euro 2016 của nước Pháp.

Thú thật, suốt mùa giải, tàn cuộc chiến bằng chân của những cầu thủ chuyên nghiệp, tôi nhớ nhiều đến sự hụt hẫng của Messi và nét mặt hân hoan của Ronaldo khi lên nhận huy chương. Đá banh quả thật có nhiều ma lực. Nó có thể làm cho một bà già bận bịu như tôi ngồi suốt buổi để xem không mệt mỏi.

Nói thật, gì thì gì tôi vẫn thích đội tuyển nữ của Mỹ. Các cô gái xinh đẹp, đá thật đẹp và không bao giờ thất bại. Các cô quả thật đang bị sự đối đãi bất công trong vấn đề lương bổng, tiền lương quá thấp so với các vận động viên nam.

Nhưng khi vào sân cỏ, những đôi chân vàng đó vẫn chạy như bay, tấn công liên tục và lừa banh rất đẹp. Khi xem đội nữ USA trên sân tôi ngồi coi thoải mái, say mê theo dõi và không hề lo sợ. Tôi tin tưởng các cô gái đó sẽ ngăn cản được mọi pha tấn công dù hóc hiểm tới đâu. Tôi tin họ sẽ chiến thắng dù địch thủ là Nhật, Đức, Úc, Pháp hay bất cứ quốc gia nào.

Họ đồng lòng tiến thoái. Họ bền bỉ và gan dạ. Họ tươi cười và thân thiện trên sân cỏ. Họ rất yêu bóng đá và làm chủ được đường banh. Tôi tin sắp tới đây họ sẽ đem về chiếc huy chương vàng trong Thế Vận Hội mùa hè Rio de Janeiro 2016 tại Brasil.

Cũng có thể tôi hơi thiên vị họ. Nhưng bóng đá mà, mình có quyền chọn đội nào mà mình yêu thích. Mình cứ đổ thừa là tại trái tim. Có sao đâu, phải không các bạn?.

Tháng 6 đã qua, người cha trong gia đình tôi vẫn một ngày như mọi ngày. Tôi bên chàng nhiều hơn vì mùa bóng đá đã hết. Có đôi khi xoa bóp tay chàng, những ngón tay cứng và co bóp khó khăn tôi lại nghĩ đến cuộc đời. Cuộc đời này như trò chơi bóng đá, con người như những trái banh lăn trên sân cỏ. Con người từ lúc bé, lớn lên rồi trưởng thành cũng tuần tự chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác. Rồi cũng phải làm việc, phải tranh đấu phải lăn lộn, bị bầm dập tả tơi. Trái banh được chuyền từ chân người này qua chân người khác. Nó không tự chủ được nó và khi nó vào lưới thì kẻ vui người buồn. Rốt cuộc nó cũng chỉ là một trái banh chả được gì hết, chẳng thay đổi được gì hết. Khi đã cũ hay hư thì người ta vất đi thay trái khác.

Con người trong xã hội cũng vậy" Không mợ thì chợ vẫn đông" Có bon chen, giành giựt cách mấy rồi cũng chẳng là gì cả, phút cuối cùng cũng trở về con số không. Trước khi đi vào hủy diệt phải chịu sự dày vò, đau đớn lăn lộn mãi không ngừng.

Cho nên tôi thích coi đá banh và thích nhìn nét mặt và cách đá của các cầu thủ trên sân cỏ. Có người đá đẹp, có người đá xấu, có người đá rất lưu manh hay đóng kịch. Tất cả chỉ là một cuộc chơi trong vòng 90 phút . Và nhìn rộng ra thắng hay thua, siêu sao hay cầu thủ mới vào nghề đều là trò chơi của tạo hóa. Tất cả cũng sẽ kết thúc. Hãy trong sạch lúc chơi, hãy làm đúng lương tâm và coi đá banh như một nghệ thuật. Đó mới là vĩnh cửu đi vào lòng người và sống mãi về sau.

Nguyễn thị Thêm.
Mùa Euro 2016