Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Về Thăm Mộ Chàng- Thơ Tâm Tiễn- Nhạc Liên Bình Định - Tiếng Hát Diệu Hiền

 

 Thơ: Tâm Tiễn
 Nhạc: Liên Bình Định 
 Tiếng Hát: Diệu Hiền

Sóng Bạc Đầu

 

Sóng tháng Tư ầm ầm cuộn tới

Cuốn an bình bỗng chốc thương vay
Vòng sinh tử đọa đày vô tận
Chớp mắt trần còn mất những ai

Phút kinh hoàng nhân sinh hủy diệt
Phận người vùi bức tử lìa xa
Đau đớn lắm nằm trong tâm tưởng
Cảnh đoạn trường trong mỗi sát na

Mỗi tháng Tư kề cơn mộng dữ
Oan khiên hồn uổng tử lênh đênh
Cánh hoa kia vóc ngà cuồng loạn
Hằn vết chàm lần khắc khó quên

Kim Phượng
Tháng Tư 2022


Chuyển Mùa?...


Đang ở thu ta xót lòng nắng hạ
Nhớ thuở hè chạy tất tả ngược xuôi
Gió thay mùa sao dạ chẳng gì vui
Bốn mươi bảy năm ngậm ngùi ly tán

Cay đắng nào từ lịch sử sang trang
Vượt sóng trùng khơi trong nỗi bàng hoàng
Ngoái nhìn lại ôi quê hương tan tác
Xin cúi đầu tạ tội mảnh khăn tang.

Tháng Tư đen đen kịt một bức màn
Biết bao giờ gió mới chuyển mùa sang?!

Kim Oanh
Melb.30/4/2022

Như Những Tháp Hời



Mỗi tháng tư đen, chạnh nỗi đời
Ngậm ngùi trong buổi sáng ba mươi
Đã thương kẻ ở sầu bao kiếp
Lại xót mình đi giạt mấy trời
Từ lúc lưu vong hằng khắc khoải
Khi mùa chinh chiến vẫn khôn vơi
Dẫu ta chẳng phải người Chiêm Quốc
Lòng cũng buồn như những tháp Hời!

Nguyễn Kinh Bắc

Ngồi Đây Nhớ Lại

(Photo tàu CM 1960 Được tàu chở ống dầu Canada 🇨🇦 cứu vớt
…./7/1979 —15/7/1979 đến Pháp 🇫🇷)

Ngày này nhớ lại năm xưa
Mình đi vượt biển sóng đưa chiếc tàu
Bây giờ nghĩ đến thở phào
Đường đi chẳng biết hướng nào ghé qua
Con người sống chết không xa
Trời ban cho phước số ta chốn này
Tu tâm tích đức hôm nay
Ngày sau con cháu một mai hưởng nhiều
Cuộc đời bóng xế về chiều
Về hưu chẳng nghỉ việc nhiều nữa đâu
Mỗi ngày được dịp cấm câu
Ngồi chơi nghe nhạc thì đâu có buồn
Thể thao đi bộ thèm thuồng
Vợ con không có sút chuồng trốn đi
Ngoài đường già trẻ thiếu gì
Được ra chẳng nghĩ đôi khi quá giờ
Có ai học được chữ ngờ
Bỏ Cha với Mẹ mà rời cố hương
Mất rồi mới tiếc thấy thương
Ngày mai trở lại thấp hương người nhà

Huỳnh Phương Trạch 


Tiếng Xưa

 

Tiếng ai xưa, tiếng-hồ -trường
Tiếng hờn thấ́́́t quốc, tiếng buồn thấ́́́t tung
Tiếng ngã ngựa, tiếng cùm gông
Tiếng giao-chỉ -diệt, tiếng đồng-trụ -xiêu
Tiếng hồi thắt-dãy-lụa-điều
Tiếng lầ̀̀̀n bưng chén khóc triều đại tan
Giọng hời, ngâm, ngậm ngùi than
Gọi hồn vọng cỗ, dậy bàng hoàng đau!

Cao Vị Khanh

Điều Tiếu Lệnh 調笑令 - Vi Ứng Vật


Lời phi lộ

“Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” là đề tài của một bài hát cùng tên của Phạm Duy & Ngọc Chánh mà Con Cò giao duyên với bài từ 調笑令 Điều Tiếu Lệnh của Vi Ứng Vật.

1/ Bài hát Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang  - Phạm Duy & Ngọc Chánh

Lời của bài hát

Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời
Ngựa phi như điên cuồng
Giữa cánh đồng dưới cơn giông
Vì trên lưng cong oằn
Những vết roi vẫn in hằn

Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình
Ân tình mở cửa ra với mình
Ngựa hoang bỗng thấy mơ
Để quên những vết thù

Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục
Dòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt
Ngựa hoang quên thù oán căm
Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng

Ngựa hoang về tới bến sông rồi
Cởi mở lòng ra với cõi đời
Nhưng đời ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó ôi
Còn nguyên những vết thù

Bài hát được sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960, lúc cuộc nội chiến ở thời kỳ ác liệt nhất. Nghĩa bóng của lời ca rất hàm súc, được hiểu tùy theo suy tư của mỗi người. Con Cò nghĩ rằng có lẽ tác giả ví vết thù trên lưng ngựa hoang với vết thương trên lưng dân Việt, một vết thương, cho đến khi chết, sẽ không thể nào lành được.

 
 
2/ Bài thơ  調笑令 Điều Tiếu Lệnh - Vi Ứng Vật

Sơ lược tiểu sử & văn nghiệp của Vi Ứng Vật

Vi Ứng Vật là người Trường An (nay là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) Đời Đương Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông được bổ làm chức Tam vệ lang, được ra vào cung cấm. Sau ông thi đỗ tiến sĩ, được cử làm Thứ sử Trừ Châu, Giang Châu rồi Tô Châu; được dân chúng rất mến phục. Năm 92 đời Đường Đức Tông (ở ngôi: 780-805), Vi Ứng Vật mất, lúc ấy ông khoảng 55 tuổi.

Sinh thời, tính ông chuộng nghĩa hiệp, có lúc cuồng phóng, nhưng cũng rất cao khiết, mỗi lần đi đến đâu, ông cũng cho quét sạch đất, đốt hương rồi mới ngồi. Ông không thích giao du rộng, bạn thơ chỉ có Lưu Trường Khanh, Cổ Hướng, Thích Hiệu Nhiên; và ông thường ví mình với Đào Tiềm. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, thì Vi Ứng Vật thuộc phái "tự nhiên" trong lịch sử thi ca đời Đường.
Thi tập của ông (đều lấy tên là Giang Châu hoặc Tô Châu) gồm 10 quyển, hiện còn lưu truyền.

Vi Ứng Vật có cuộc sống khá khác thường, lúc đầu thì buông thả, về sau lại nhún nhường, ham đọc sách, rồi trở thành một viên quan thanh liêm, hiểu thấu nỗi cực khổ của dân. Hai lối sống cực đoan đó đã ảnh hưởng tới tính phức tạp trong tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của ông .

Nguyên bản     Dịch âm

調笑令              Điều Tiếu Lệnh*

胡馬 胡馬         Hồ mã, Hồ mã,
遠放燕支山下  Viễn phóng Yên Chi sơn hạ.
咆沙咆雪獨嘶  Bào sa bào tuyết độc tê,
東望西望路迷  Đông vọng tây vọng lộ mê.
迷路迷路          Mê lộ, mê lộ.
邊草無窮日暮 Biên thảo vô cùng nhật mộ…

Chú giải

* Điều tiếu lệnh: Là một thể Từ đặc biệt (Từ phẩm) thường có 6 câu. Câu đầu có 4 chữ. 3 câu kế có 6 chữ. Câu thứ 5 có 4 chữ. Câu kết có 6 chữ. Những thi hào thời Đường như Vương Kiến, Đái Thúc Luân, Phùng Duyên Kỷ, Tần Quán… cũng có thơ dưới tiêu đề này.
Yên Chi: Tên vùng núi ở Nội Mông, nơi biên phòng trọng yếu của Trung quốc thời cổ.
Bào: gầm thét, gầm gừ.
Độc: một mình.
Tê=tư: hí (ngựa)
Vọng: trông ngóng.
Mê: lạc lối.

Dịch nghĩa
Điều Tiếu lệnh

Ngựa Hồ. ngựa Hồ
Phóng xa tắp trong vùng núi Yên Chi
Hí vang dội trên sa mạc tuyết phủ
Ngóng đông ngóng tây như lạc đường
Lạc đường, lạc đường
(Trên) Đồng cỏ nơi biên thuỳ mênh mông lúc chập tối

Dịch thơ
Điều Tiếu lệnh

Ngựa Hồ. ngựa Hồ
Vùng núi Yên Chi xoải vó
Hí vang sa mạc tuyết phủ
Ngóng đông ngóng tây lạc đường
Lạc đường, lạc đường,
Đồng cỏ biên thùy chiều đổ…

Bài từ thuộc thể tỷ, rất súc tích và tượng hình.
Nghĩa đen:
Tác giả thương cho số kiếp của ngựa Hồ; suốt đời xoải vó trong vùng núi Yên Chi; gầm gừ trên sa mạc phủ đầy tuyết; lúc cuối đời (nhật mộ: cuối ngày), thì ngóng đông ngóng tây, rồi lạc đường trên đồng cỏ mênh mông nơi biên thùy Hồ - Hán.

Nghĩa bóng:
Tác giả muốn nói tới những người lính trấn giữ biên cương giữa trung quốc và Rợ Hồ (các nước mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương). Họ sống suốt đời tại một vủng chỉ có đồi núi, gió cát và tuyết, rồi tới cuối đời thì bơ vơ trên những đồng cỏ rộng mênh mông (Chiến tranh tại nơi đó kéo dài triền miên trong hai ngàn năm)

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Nguyên tác:     Phiên âm:
調笑令-韋應物 Điều Tiếu Lệnh - Vi Ứng Vật

胡馬,胡馬,   Hồ mã, Hồ mã,
遠放燕支山下.  Viễn phóng Yên Chi sơn hạ.
咆沙咆雪獨嘶   Bào sa bào tuyết độc tê,
東望西望路迷.  Đông vọng tây vọng lộ mê.
迷路,迷路,  Mê lộ, mê lộ.
邊草無窮日暮.  Biên thảo vô cùng nhật mộ.

Vi Ứng Vật làm bài Điều Tiểu Lệnh với 2 kỳ như được đăng trong sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 28 Tạp Khúc Ca Từ 御定全唐詩卷二十八 雜曲歌辭
Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 890 Lý Cảnh Bá Nhất Thủ Hồi Ba Nhạc 御定全唐詩卷八百九十李景伯一首囘波樂.

Kỳ 2:

河漢,河漢,     Hà hán, hà hán,
曉掛秋城漫漫  Hiểu quải thu thành mạn mạn.
愁人起望相思, Sầu nhân khởi vọng tương tư,
塞北江南別離. Tắc bắc giang nam biệt ly.
離別,離別,  Ly biệt, ly biệt,
河漢雖同路絕. Hà hán tuy đồng lộ tuyệt.

Ghi chú:

Điều tiếu lệnh: còn được gọi là Cung Trung Điều Tiếu 宫中调笑. Chỉ có 3 thi nhân thời Đường làm từ thể này là Đới Thúc Luân, Vi Ứng Vật với 2 kỳ, và Vương Kiến với 4 kỳ. Phùng Duyên Kỷ, người thời Ngũ Đại và Tần Quán, người BắcTống cũng có làm từ thể đặc biệt này. Thể bài có 32 chữ chia 6 câu. Ngoài số chữ nhất định trong mỗi câu (4, 6, 6, 6, 4 và 6), thể này còn có một số đặc điểm:

Câu 1 và 5 có 2 chữ kép lập lại
Hai chữ trong câu 5 là đảo ngược hai chữ cuối của câu 4
Câu 1 và 2 vần trắc
Câu 3 và 4 vần bằng
Câu 5 và 6 vần trắc.

Với thể từ đặc biệt, ta không ngạc nhiên có rất ít người làm và là một thử thách lớn cho ai muốn dịch theo thể nguyên thủy.
Hồ: thời cổ đại chỉ các dân tộc vùng Tây Bắc Trung Hoa
Hồ mã: ngựa nuôi ở đất Hồ, quân lính của người Hồ. Ẩn dụ cho lòng thương nhớ quê hương vì ngựa Hồ, mỗi khi gió bắc thổi, thì ngẩng cao đầu hí dài thảm thiết.
Viễn phóng: tự do, không bị kềm chế
Yên Chi: tên ngọn núi ở Nội Mông. Vào thời nhà Đường, nơi đây giáp với người Đông Thổ và là nơi biên phòng trọng yếu, gần Vạn Lý Trường Thành cổ, nay thuộc huyện Sơn Đan, thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc.

Ngựa Hồ được thi nhân dùng để nói lên hình ảnh người lính biên thùy. Cả ngày người và ngựa sống trong cảnh cô đơn, gian khổ, buồn chán… Ngày tháng năm trôi qua. Xuân thu cát bụi, hè cỏ xanh, đông tuyết phủ…

Ngựa Hồ đây không phải là ngựa của người Hồ hay ngựa hoang. Chúng là ngựa chiến được thả rong khi không có chiến tranh và khi cỏ tốt tươi.

Dịch thơ:
Ngựa Hồ

Ngựa Hồ, ngựa Hồ lừng danh!
Yên Chi đồng cỏ bao quanh núi đồi.
Cát bay, tuyết phủ, hý thôi!
Nhìn qua nhìn lại, ôi thôi! mịt mờ.
Lạc đường, đường lạc đâu ngờ,
Ngày tàn, biển cỏ giấc mơ tuyệt vời.

Phí Minh Tâm
***
Bài Nhạc ÔC chọn kỳ này là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, thật hay và gợi nhiều cảm xúc.
Lời bản nhạc, theo BS, thì vết thù trên lưng ngựa chính là vết thù trên lưng người dân miền Nam, do đám xăm lược gây nên... Đám dân lành này thường mơ một ngày thanh bình, nhưng ngày đó lại chính là ngày đau thương, tang tóc... Bài nhạc như một lời tiên tri cho số phận của miền Nam.

Ngựa Hồ, ngựa Hồ,
Nơi núi Yên Chi soải vó,
Gào cát, gào tuyết một mình,
Ngóng đông, ngóng tây lạc lối,
Lối lạc, lối lạc,
Bờ cỏ mênh mông chiều tối.

Bát Sách

***
Điều Tiếu Lệnh Kỳ 1

1-

Hồ mã, Hồ mã
Dưới núi Yên Chi rong thả
Gào cát, gào tuyết hí vang
Đông ngó, tây ngó lạc đường
Đường lạc, đường lạc
Bạt ngàn cỏ biên, ngày nhạt!

2-

Ngựa Hồ cõi bắc thong dong
Yên Chi dưới núi thả rong lũng vàng
Cát gào, tuyết thét hí vang
Đông dòm, tây ngó lìa đàn bơ vơ
Lạc đường, mê lộ sững sờ
Cỏ biên bát ngát sương mờ chiều buông!

Điều Tiếu Lệnh Kỳ Nhị

Hà hán, hà hán,
Hiểu quải thu thành mạn mạn.
Sầu nhân khởi vọng tương tư,
Tắc bắc giang nam biệt ly.
Ly biệt, ly biệt,
Hà hán tuy đồng lộ tuyệt.

Điều Tiếu Lệnh Kỳ 2

Sông Hán, sông Hán
Thành thu sáng treo tản mạn
Người buồn khởi biết tương tư
Sông Nam, ải Bắc biệt ly
Ly biệt, ly biệt
Sông Hán tuy cùng, đường tiệt

Vi Ứng Vật làm 2 bài từ theo thể Điều Tiếu Lệnh, bài kỳ 1 đã dịch như trên; nay nhân lúc hưỡn dịch luôn bài kỳ 2 theo bản của anh Phí Minh Tâm đã dẫn:

 Điều Tiếu Lệnh Kỳ Nhị

Hà hán, hà hán,
Hiểu quải thu thành mạn mạn.
Sầu nhân khởi vọng tương tư,
Tắc bắc giang nam biệt ly.
Ly biệt, ly biệt,
Hà hán tuy đồng lộ tuyệt.

 Điều Tiếu Lệnh Kỳ 2

Sông Hán, sông Hán
Thành thu sáng treo tản mạn
Người buồn khởi biết tương tư
Sông Nam, ải Bắc biệt ly
Ly biệt, ly biệt
Sông Hán tuy cùng, đường tiệt


Điều Tiếu Lệnh của Vương Kiến:

Cũng theo anh Tâm thì Vương Kiến có làm 4 bài Điếu Tiểu Lệnh mà cách đây hơn hai năm LB đã phỏng dịch được hai bài Đoàn Phiến (kỳ 1) và Hồ Điệp (kỳ 2)

Điều tiếu lệnh 調笑令: tên từ điệu, tên khác là Cung trung điều tiếu宮中調笑, Chuyển ứng khúc 轉應曲, Tam đài lệnh 三臺令. Hai bài từ này của Vương Kiến còn gọi là Cổ Điều Tiếu 古調笑, khác với Điều Tiếu Lệnh của Tống từ sau này.

Điều Tiếu Lệnh, Vương Kiến kỳ 1 & 2:

1/
Đoàn phiến,
Đoàn phiến,
Mỹ nhân bệnh lai già diện.
Ngọc nhan tiều tụy tam niên,
Thùy phục thương lượng quản huyền.
Huyền quản,
Huyền quản,
Xuân thảo chiêu dương lộ đoạn.

Kỳ I

Cây quạt
Cây quạt
Giai nhân yếu đau che mặt
Ba năm tiều tụy dung nhan
Ai đâu bàn đến sáo đàn
Đàn sáo
Đàn sáo
Chiêu Dương đường đầy xuân thảo!!


2/
Hồ điệp,
Hồ điệp.
Phi thượng kim chi ngọc diệp,
Quân tiền đối vũ xuân phong.
Bách diệp đào hoa thụ hồng.
Hồng thụ,
Hồng thụ.
Yến ngữ oanh đề nhật mộ.

Kỳ II

Bướm đẹp,
Bướm đẹp
Lượn trên cành vàng lá biếc
Hầu vua, múa đối gió lay
Đào hoa trăm lá đỏ cây
Cây đỏ
Cây đỏ
Yến oanh ngày tàn kêu rộ


Lộc Bắc
***
Ngựa Hồ

Ngựa Hồ, ngựa hỡi,
Vùng núi Yên Chi phóng tới,
Bốc cát, vượt tuyết hí dài,
Ngó đông nhìn tây lối sai.
Sai lối, sai lối,
Cỏ tái mênh mông chập tối.

Mỹ Ngọc 
Apr. 24/2022.

Sông Hán

Sông Hán, sông Hán,
Sớm chiếu thành thu sáng lạn.
Người buồn cảm thấy nhớ nhau,
Ải bắc sông nam biệt sầu,
Sầu biệt sầu biệt,
Sông Hán đường cùng lối kiệt.

Mỹ Ngọc
Apr. 24/2022
***
Bầy ngựa chiến ruổi rong mài miệt
Hí vang trời bão tuyết âm u
Đồng hoang cát thổi ù ù
Đông tây vọng ngóng mịt mù lối đi
Chiều tà cỏ ngút biên thùy


Yên Nhiên

Tháng Tư Với Nỗi Nhớ Quê Hương


Đây là bài số sáu trăm mười (610) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.
Dù đang tìm những giây phút tĩnh an trong cuộc hồng trần nơi xứ lạ quê người này, Bạn và tôi vẫn là người Việt Nam, làm sao chúng ta không có những phút giây xúc động mỗi lần tháng Tư lại đến, phải không Bạn?
Thời gian vẫn cứ trôi qua và con người vẫn còn đau buồn mỗi khi nhắc đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975:
"Bao mươi năm! Cuộc đời dầu đổi khác
Nhưng tấm lòng yêu nước, nhớ quê hương
Và nỗi buồn của kẻ sống tha hương
Vẫn còn đó trong lòng người dân Việt"
(Sương Lam)

Tôi đã nhiều lần ra ngắm biển ở Oregon. Đứng ở bờ bên này nhìn màu xanh tuyệt đẹp của biển ở xa xa, tôi lại nhớ đến bài thơ Biển và Dân Việt của tôi viết từ năm 1982 khi tôi mới đến Portland. Lúc đó, tôi mới rời xa quê mẹ, nên niềm thương nỗi nhớ về một quê hương mới vừa xa cách là niềm cảm hứng cho các bài thơ của tôi. Tập thơ Tháng Tư với Nỗi Nhớ Quê Hương của tôi nói lên nỗi niềm tâm sự của một kẻ phải rời xa cha già mẹ yếu, gia đình thân yêu để đi lưu lạc nơi xứ người được ra đời năm 1982 nhờ sự thương mến, giúp đỡ của những người bạn tốt mà tôi mới quen biết ở truờng Portland Community College khi tôi trở lại học đường. Tập thơ này được tái bản nhiều lần do sự ủng hộ tài chánh của những bạn bè đồng tâm sự như tôi và cũng nghèo như tôi vào lúc ấy.

Nhân đây, tôi cũng xin cám ơn những người bạn trẻ sinh viên ngày nào (đặc biệt, anh Trần Văn Minh, chồng tôi và họa sĩ Huỳnh Lương Vinh, người đã vẽ hình bìa và các tranh ảnh trong các tuyển tập thơ của SL) đã cùng tôi thực hiện ước mơ giữ gìn tình tự dân tộc Việt Nam trong tháng ngày sống lưu lạc nơi xứ người. Tôi cũng xin cám ơn quý thân hữu, quý độc giả đã đọc tâm tình của tôi được chuyển đạt qua thơ văn và đã cảm thông với tôi.

Xin mời quý bạn nghe tâm sự của người viết qua vài đoạn thơ mà tôi rất thích nhất trong bài thơ Biển và Dân Việt như sau:

….Người chỉ biết những con tàu đã đến
Còn bao nhiêu lạc nẻo hoặc chìm sâu
Giữa phong ba xanh thẳm chỉ một màu
Ai đếm được bao nhiêu mồ giữa biển …
(Sương Lam)


Xin mời bạn đọc bài thơ Biển Và Dân Việt của người viết dưới đây được đăng trong tập thơ Tháng Tư Với Nỗi Nhớ Quê Hương của tôi. Hy vọng Bạn sẽ cảm thông tâm tình của người viết nhiều hơn nữa sau khi đọc bài thơ này.

Biển Và Dân Việt

Chiều biển vắng, một mình ngồi lặng lẻ
Nhìn xa xa chỉ thấy một màu xanh,
Gió êm êm mặt biển thật an lành
Nào ai biết, ấy mồ chôn vĩ đại

Người dân Việt ra đi không quản ngại
Cái chết kề sóng bão giữa đại dương
Bao hiểm nguy gian khổ vẫn lên đường
Thoát ngục đỏ để tìm Tự Do bến

Người chỉ biết những con tàu đã đến
Còn bao nhiêu lạc nẻo hoặc chìm sâu
Giữa phong ba xanh thẳm chỉ một màu
Ai đếm được bao nhiêu mồ giữa biển

Hết gió bão lại sa vào giặc biển
Cướp bạc tiền và cướp cả đời hoa
Biết làm sao cho thế giới hiểu là
Nỗi đau đớn người dân Nam gánh chịu

Trong sung sướng nào ai đâu có hiểu
Những con tàu lạc hoang đảo cô đơn
Hết cơm ăn, nước uống, chết dần mòn,
Sáng, trưa, tối, xác người thay lương thực

Nào những cảnh đớn đau thê thảm nhứt
Nhìn xác con nhè nhẹ lắng chìm sâu
Vợ nhìn chồng đang chới với ngụp đầu
Giữa sóng biển, đưa tay chào vĩnh biệt

Ôi đất thảm, trời sầu khôn kể xiết
Ở quê nhà chịu kiếp sống giả nhân
Thoát ra đi, lảnh đau đớn vạn phần
Tội ác ấy! Người ơi, bày chi nhỉ?

Người đừng hỏi tại sao dân tôi chỉ
Nụ cười buồn và ánh mắt xa xăm
Hoặc nhiều khi đứng lặng lẻ âm thầm
Mắt ướt lệ, dáng đau buồn chẳng nói

Biển vẫn đẹp, vẫn hiền lành vô tội
Vẫn màu xanh trong nắng sớm long lanh
Nhưng buồn thay! Biển đẹp ấy lại thành
Vùng tử địa chôn bao người dân Việt!
(Sương Lam)

Những năm trước khi xảy ra nạn dịch Covid 19, vợ chồng người viết thường đi tham dự những buổi tưởng niệm Tháng Tư Đen 30 Tháng Tư do Ban Chấp Hành Cộng Đồng Oregon tổ chức.

Người viết đã gặp những khuôn mặt quen thuộc của các thân hữu đã từng tham dự các buổi lễ tưởng niệm hằng năm ngày lễ Quốc Hận này. Họ là ai? Họ là những quân nhân, cán chính ngày cũ, là thân nhân của những người đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam hay trên bước đường đi tìm tự do, là những quân nhân Mỹ đã từng chung vai sát cánh chiến đấu cho lý tưởng tự do, là những người trẻ tuổi lớn lên sau ngày 30 Tháng Tư đau buồn, v..v.. Là ai đi nữa nhưng chúng tôi đã cùng một tâm niệm như nhau.

“Cờ vàng đó! Bạn, tôi cùng lặng ngắm
Để nhớ rằng hồn nước Việt còn đây
Dù gian nan, dù sóng gió đọa đầy
Tôi và Bạn vẫn yêu màu cờ ấy

Nay tôi bạn sống cuộc đời viễn xứ
Tháng Tư buồn! Tôi, Bạn gặp nhau đây
Trời Portland vẫn mây xám giăng đầy
Ta vẫn hát bài Quốc Ca ngày cũ!
(Trích trong Bài Tình Ca Tháng Tư - Thơ Sương Lam)


Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn cho đến ngày tôi phải rời xa đất mẹ để đến định cư ở Portland.
Sài gòn luôn sống ở trong tim của tôi. Có rất nhiều youtube về Sài gòn nhưng với tôi, tôi yêu nhất Youtube Saigon Của Tôi (Saigon of Mine) do ian bui thực hiện vì nói lên được: một Saigon đơn sơ giản dị, đấy ắp tình người của một thuở thái bình thạnh trị.

Youtube Sài Gòn Của Tôi (Saigon of Mine)

“Tôi yêu một thành phố
Không tráng lệ, huy hoàng
Tôi yêu một thành phố
Không cần ai điểm trang…”

Một Sài gòn hiền hòa

“….Tôi yêu người thành phố
Bao dung và hiền hoà
Đêm đêm người ra phố
Tiếng kèn với tiếng xe”

* Một Sài gòn dễ thương

“….Tôi yêu bầy con gái
Tan trường tà áo khoe
Như yêu người lính chiến
Đầu Xuân nhớ Mẹ già…”


Bạn có thấy mình thấp thoáng trong đó chăng?
Mời Bạn xem thêm những hình ảnh về Sài Gòn do người viết sưu tầm dưới đây:
Board Sàigòn Việt Nam Sương Lam Pinterest- 192 Pins

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn-MCTN 610-ORTB 1037-4272022)

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Bước Chân Việt Nam - Sáng Tác Trầm Tử Thiêng - Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Viêt Nam Melbourne


Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng 
Họp Ca: Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Viêt Nam TGP Melbourne(Úc Châu)

Chỉ Dường Ấy


Lối về đất mẹ mù khơi

Đàn con lưu lạc biển đời mênh mông
Bởi ai mặt một hai lòng
Cầu vinh gánh bán non sông cơ đồ
Gìn vàng một nắm xương khô
Mạng người xem rẽ cơ hồ rạ rơm
Phì da ấm cật no cơm
Sá chi nhân nghĩa danh thơm lưu truyền
Đâu rồi con cháu Rồng Tiên
Gà nhà bôi mặt cậy quyền xưng vương
Hẳn quên cái lý vô thường
Chỉ ba tấc đất có dường ấy thôi.

Kim Phượng

Ngàn Đời Ghi Ơn

 

Sử sách ngàn xưa đã chép rành
Giang sơn gấm vóc nét tinh anh
Anh hùng tử khí linh nào tử
Kẻ sĩ thành hồn thiêng mãi thành
Ngọc Cẩn hiên ngang không ngại chết
Võ Vàng oai dũng chẳng màng sanh
Ngàn năm thương tiếc còn lưu luyến
Nước Việt muôn đời nét liệt oanh.


Toronto 23/7/2021
Nguyên Trần

Bóng Người Xưa Hồn Đá Vẫn Tôn Thờ

Bước khẽ thôi cho đất nằm yên nghỉ
Để rừng hoang che khuất bóng trong mưa
Hồn phế tích, ngả nghiêng trong thành cổ
Bom đạn thu tàn phá chiến tranh xưa.

Chiều phố núi ta về thăm chốn cũ
Rừng hoang vu thoáng hiện bóng chinh nhân.
Chiến trường đó nơi địa đầu giới tuyến
Nén nhang buồn lan tỏa ngọn phong vân.

Chiều giới tuyến, sau bao năm cách biệt
Ta về thăm, bia mộ đá hoang sơ
Đất im lặng, cỏ buồn phơi sắc úa
Bóng người xưa, hồn đá vẫn tôn thờ.

Người nằm đó, nghe hồn thiêng sông núi
Chợt bồi hồi, ngọn gió núi khóc than.
Người lính chiến, người trai hùng bất diệt
Sáng muôn đời. Hồn Vị Quốc Vong Thân.

AET. Lê Tuấn
Người lính già chưa giải ngũ.

Thơ Tranh: Cớ Sao

 

Thơ: Hàn Thiên Lương
Thơ Tranh: TL


Chốn Cũ - Nhạc & Lời Hương Cau Cao Tân


Chốn Cũ

Ta quen nhau một chiều
Em yêu kiều diụ dàng ôi đáng yêu
Mình cùng dạo xem hoa lá
Ngàn mây trắng ráng hồng trong nắng xa.
Em hân hoan tươi cười
Như hoa đào cành mềm trong nắng tươi
Thầm nguyện cầu ngày mai tới
Tình yêu sẽ sống luôn trong cuộc đời
Dấu dĩ vãng xa mờ
Ngày vui tới mau qua đi mất rồi
Lòng người thường thay đổi mới
Bao nồng nàn vội bay nơi cuối trời
Người về cuối chân mây
Tình chôn kín sâu trong mồ không đáy
Chốn cũ bóng hoa còn tươi
Nắng chan hòa sao riêng một mình tôi.

Copyright by Hương Cau Tân Cao
10.04.2016.0003
Canada

Chàng Trai Năm Xưa


( Viết tặng anh chị X. Houston)

Bà Xuân đang dọn cơm ra bàn, ông ngồi chờ sẵn và cất tiếng hỏi bà:
- Ăn cơm xong bà có đi với tôi ra “Đài chiến sĩ” tham dự buổi “mít tinh” kỷ niệm 30 tháng Tư không?
Bà dửng dưng lắc đầu:
- Coi như ông đi “đại diện” là đủ rồi. Ngồi chung xe với ông từ nhà mình tới đấy mất chừng 10 phút nhưng sẽ là 10 phút căng thẳng và thể nào cũng…cãi nhau.
Ông nhìn bà phân bua dài lê thê:
- Nếu mà bà ngoan ngoãn ngồi yên như người ta thì làm gì có chuyện? tôi chạy chậm bà chê lù đù như gà rù, tôi chạy nhanh bà bảo gìa rồi còn bạt mạng, tôi chạy tốc độ trung bình thì bà bảo lừng khừng như chính trị gia không lập trường, xe chưa tới bảng stop bà đã bắt tôi chuẩn bị ngừng từ xa, tôi nhường cho người ta thì bà bảo tôi lép vế khép nép, tôi không nhường thì bà chê bất lịch sự, đi đâu mà hấp tấp, vội vàng …ngồi lái xe mà bà cứ khủng bố tinh thần tôi từng giây từng phút như thế, nếu tôi không vững vàng tinh thần thì lạc tay lái từ lúc nào rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn hân hạnh mời bà đi cùng mà…
Bà bĩu môi:
- Gớm, ông phân bua mà dài dòng như đọc điếu văn. Cám ơn lời mời nhé, để tôi ở nhà nằm võng đu đưa vừa coi ti vi vừa ngủ còn sướng hơn.

Hôm nay bà Xuân cho ăn món rau muống luộc dầm qủa cà chua chín với vài tép tỏi và thịt thăn kho tiêu, y như món bà đẻ vẫn ăn ngày xưa, bây giờ là món của hai vợ chồng gìa kiêng khem chất béo mỡ màng để bảo vệ sức khỏe vì cả hai ông bà đều cao máu, cao mỡ.
Bà chăm chăm nhìn ông ăn và nói như ra lệnh:
- Ông chan nước rau muống luộc vào cơm, rồi chấm rau vào nước mắm ớt mà ăn chung thì mới ngon.
Ông phản đối:
- Đến ăn uống bà cũng chỉ huy tôi? Tôi có là tù nhân của bà đâu? gần 10 năm trời tù tội cộng sản đủ khổ cuộc đời tôi rồi nhé. Tôi cứ thích húp nước rau riêng, xong ăn rau muống riêng đấy. Việc gì đến bà!
- Ông thật là bướng bỉnh, thế món cà ri chấm bánh mì, ông thử chấm bánh đa có được không hả?
Ông dứt khóat:
- Nhưng không có quy luật nào bắt người ta phải ăn rau muống luộc kiểu của bà cả, tôi ăn kiểu của tôi và thấy ngon là đủ rồi.
Bà xụ mặt ra không thèm nói và nhìn ông nữa. Hai ông bà lặng lẽ ngồi ăn cơm tiếp.
Ăn cơm xong ông Xuân lấy thuốc ra uống, có loại thuốc phải uống mỗi ngày cho đến hết cuộc đời. Coi như thuốc men song hành cùng với thực phẩm nuôi nấng tấm thân gìa.
Ông thay quần áo và mũ nón đi ra cửa thì bà gọi giật lại:
- Khoan đã…đợi tôi một chút…
Ông Xuân mỉm cười hài lòng:
- Cuối cùng thì bà cũng chịu đi với tôi dự cuộc họp kỷ niệm lớn lao này chứ gì?
- Không !!
- Hay là bà bắt tôi ở nhà coi ti vi với bà cho vui?
- Không !!
Bà đưa cho ông mẩu giấy vừa ghi vội:
- Một công đôi ba chuyện, đằng nào cũng một lần lái xe đi, một lần tốn xăng, chỗ mít tinh “Đài chiến sĩ” gần chợ Hồng Kông 4, hội họp xong ông ghé vào chợ mua cho tôi những thứ này, biết ông lẩm cẩm quên trước quên sau tôi đã ghi ra giấy đây, nhớ đừng có lú lẩn mà làm rơi tờ giấy là được rồi.
- Hừm, tôi chưa lẩm cẩm và lú lẩn đâu. Dù say sưa hội họp, dù chen chân giữa đám đông người, tôi vẫn sẽ giữ kỹ mẩu giấy này còn hơn giữ tờ gia phả dòng họ nhà tôi để hoàn thành nhiệm vụ bà giao phó cho nhà cửa êm thắm.
Rồi ông mỉa mai:
- Thì ra bà kết hợp để sai tôi đi chợ cho bà luôn thể đấy. Bà tính toán giỏi qúa.
Ông bước ra cửa còn ngoảnh lại cố nói thêm một câu:
- Thế sao ngày xưa bà lại học dốt môn toán hả? Tôi dạy kèm cho bà mà đôi lúc bực cả mình vì cô học trò vừa dốt vừa lười…
Bà nhào ra cửa:
- Này ông có giỏi thì đứng lại. Ngày xưa….
Nhưng ông đã nhanh chân đi khuất rồi. Bà Xuân quay vào nhà, nằm ra võng mà bực mình, chẳng buồn mở ti vi ra xem. Hai vợ chồng bà càng gìa càng xung khắc, hay cãi nhau dù những chuyện không đâu, chẳng ai chịu nhường nhịn ai.

Bà bỗng nhớ lại chuyện ngày xưa mà ông vừa khơi ra nửa vời…
Ngày xưa bà Xuân là cô thiếu nữ tên Nguyễn Thị Hoa, tiểu thư con nhà giàu, trong một gia đình đông anh chị em. Bố cô Hoa là một công chức hiền lành nho nhã, trong khi mẹ cô Hoa đảm đang tháo vát như đàn ông, một tay bà kinh doanh làm nên nhà cao cửa rộng, nuôi đàn con đông.
Bà xông pha kinh doanh đủ mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bà hoàn toàn xa lạ, nhưng cứ thấy lợi là bà không từ. Bà đã mua lại một cửa hàng sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự, dù các con trai không đứa nào theo nghề sửa xe. Thợ chánh thợ phụ đều phải thuê mướn hết.
Đó là một tiệm sửa xe gắn máy đặc biệt vì chủ nhân trông coi tiệm là phụ nữ, là mẹ cô Hoa, bà “bổ nhiệm” cô con gái xinh đẹp Nguyễn Thị Hoa lúc ấy đang là nữ sinh trung học ra quản lý cửa tiệm những khi thời gian rảnh rỗi để phụ với bà.
Không ngờ nhờ thế mà cửa tiệm đắt hàng, anh nào đến sửa xe một lần thì thế nào cũng có lần sau dù có khi xe anh không mấy hư hỏng, dĩ nhiên các anh khách hàng này chỉ căn ngày nào có cô chủ ngồi trong quầy, nếu lướt ngang cửa tiệm thấy bóng dáng to đồ sộ của mẹ cô chủ là họ biết hôm ấy cô chủ không có mặt.

Tội nghiệp mấy anh khách hàng si tình, nào biết cô Hoa đã có người yêu, là anh chàng Xuân, sinh viên kiêm thày giáo dạy kèm môn toán tư gia cho cô.
Anh Xuân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo. Anh sinh viên đã bỏ dở chuyện học hành để lên đường nhập ngũ ở Thủ Đức.
Mãn khóa anh Xuân về sư đoàn 21 ở Chương Thiện, đời lính trôi nổi hết Chương Thiện đến Bạc Liêu, rồi rừng U Minh…nơi nào cũng là vùng lửa đạn sinh tử.
Những lá thư tình đầy ắp thương yêu của cô Hoa theo anh Xuân đi khắp mọi nơi, cô vừa lãng mạn vừa chung tình, hứa sẽ yêu anh, lấy anh dù trong hoàn cảnh nào.
Có mấy đám mai mối hỏi cưới cô Hoa, cha mẹ cô rất ưng ý vì các chàng trai kia đều thành đạt, con nhà khá gỉa, tương xứng với gia đình cô, nhưng cô Hoa vẫn cương quyết từ chối.
Khi biết cô Hoa yêu anh Xuân, chàng sinh viên nghèo dạy kèm cho cô Hoa ngày nào, bây giờ lại đời lính chiến nay sống mai chết, mẹ cô nổi giận ngăn cản, bà đã khẳng định: “Thằng Xuân hội đủ những điều kiện để mẹ …không bao giờ gả con gái cho nó, con đừng có mơ”.
Thế mà những lá thư tình vẫn không hề thiếu, không hề vơi đi, vẫn từ tay cô Hoa bay đến chiến trường với anh Xuân, dù anh Xuân đã nhiều lần tự ái khuyên cô Hoa nên vâng lời cha mẹ lấy chồng ở thành phố cho cuộc sống ấm êm, và vì chính anh cũng cảm thấy thương cho Hoa quá, lấy chồng lính chiến là phiêu lưu, bấp bênh biết bao.

Mỗi lần anh Xuân về phép Sài Gòn, anh đi lướt qua cửa tiệm sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự cho cô Hoa trông thấy là cô Hoa đã nhanh chóng cho nhân viên đóng cửa tiệm nghỉ sớm để hẹn hò với người yêu.
Anh Xuân không dám đến nhà cô Hoa đã đành, mà anh cũng không dám vào tiệm sửa xe vì ngại những tay thợ trông thấy sẽ mách với bà chủ.
Một lần vào lúc 3 giờ chiều, cô Hoa vừa ra lệnh đóng cửa tiệm thì anh thợ chính băn khoăn nói:
- Cô chủ ơi, chúng ta có cái hẹn 5 giờ chiều nay giao xe gấp cho người ta rồi. Anh không quân đẹp trai hay sửa xe tiệm mình đó..
- À, anh có cái xe Vespa mang tới tiệm mình sửa gần chục lần rồi chứ gì? Tiệm mình kiếm bộn tiền sửa xe của anh ta rồi chứ gì?. Không sao đâu, chiều nay không có thì chiều mai anh ta sẽ đến lấy xe.
Anh thợ gãi đầu gãi tai:
- Nhưng cô ơi, chiều mai là ngày bà chủ trông cửa tiệm.
- Tôi hiểu rồi, đừng lo, bảo đảm với anh là chiều mốt có mặt tôi ở đây anh không quân sẽ đến lấy xe và không dám kêu ca phàn nàn gì đâu, chỉ nhìn thấy tôi mỉm cười là anh ta bối rối lên rồi. Anh cứ đóng cửa tiệm về sớm mà đi chơi hay đi nhậu đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với mẹ tôi và với anh khách hàng chủ nhân chiếc xe Vespa ấy.
Thế là cô Hoa ra phố gặp anh Xuân, cô sung sướng hãnh diện đi bên anh lính chiến vào quán kem, vào rạp xi nê để tha hồ tâm sự nhớ thương mà không hề nghĩ đến anh không quân sẽ đứng trước tiệm sửa xe đã đóng cửa một cách tùy tiện và phũ phàng, chủ nhân không một lời giải thích nhắn gởi. Không gặp cô chủ đã đành, mà cũng không thể lấy xe mà xử dụng được.

Mối tình em hậu phương anh tiền tuyến kéo dài cho tới khi anh Xuân đổi về Hậu Nghĩa làm đại đội trưởng sư đoàn 25 bộ binh.
Hậu Nghĩa, Củ Chi cách Sài Gòn không xa nên thỉnh thoảng cô Hoa lên thăm người yêu, nhiều lần hơn anh về phép thăm cô…
Hai người gắn bó keo sơn qúa cuối cùng cha mẹ cô Hoa đành chịu thua, đồng ý cho hai người thành hôn, chính thức nên duyên chồng vợ. Họ đã có một thời tuổi trẻ là tình nhân, là vợ chồng tha thiết và đầm ấm…
Cô Hoa năm xưa đang ngủ thiếp trong võng thì choàng tỉnh dậy khi ông Xuân về tới nhà, lên tiếng gọi oang oang:
- Bà ơi…
Bà mở choàng mắt ra và chợt bàng hoàng buột miệng:
- Anh Xuân !
Ông Xuân ngạc nhiên đặt ngay những túi xách vừa mua ở chợ về và dồn dập hỏi:
- Bà vừa nói gì thế? Tôi có nghe lầm không? Hình như bà gọi tôi là “Anh Xuân”?
Bà hơi bẻn lẻn:
- Chắc tại tôi nằm mơ…
- Ôi, dù chỉ là giấc mơ cũng được, hôm nay nghe bà gọi âu yếm hai chữ “Anh Xuân” tôi sung sướng bồi hồi như thấy cô Hoa bé bỏng, dịu dàng của mấy chục năm về trước, chứ không phải là bà Xuân vừa gìa vừa đanh đá bây giờ….
Bà ngượng ngùng:
- Vậy hả ông. Nãy vô tình ông nhắc đến ngày xưa nên tôi vừa sống lại một thời qúa khứ, ngày xưa khi tôi và ông mới quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau.
Ông cũng bồi hồi:
- Ngày xưa bao giờ cũng đẹp, nên chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa”. Cứ thế bà nhé, con cái ở xa chỉ có hai vợ chồng gìa, thỉnh thoảng cũng cần cho nhau những lời âu yếm yêu thương như thời trẻ chứ. Bà đừng có lắm lời, khó tính khó nết với tôi nữa nhé..
- Cả ông nữa, cũng đừng bướng bỉnh trái ý tôi nữa nhé?.
Ông Xuân cười gật gù:
- Chắc tại tuổi gìa làm cho con người thay đổi tính nết thôi, chứ tình yêu xưa vẫn còn đây. Tôi và bà cố gắng đối xử với nhau như lúc trước, được tí nào hay tí ấy…
Rồi ông chỉ vào những bịch chợ:
- Tôi mua đủ những món bà ghi trong giấy rồi. Ngoài ra tôi còn mua cả món bà không dặn là mấy hộp Blueberry mà bà yêu thích vì nó giống như quả sim tím thường làm bà chạnh lòng nhớ đến bài hát “Những đồi hoa Sim” của thuở đang yêu tôi đấy.. Hàng mới bày ra, tươi ngon lắm nên tôi phải mua ngay.
Bả cảm động:
- Thế hả? cám ơn ông đã để ý đến cả sở thích của tôi.
- Thì tôi đáp lại tấm lòng bà thỉnh thoảng làm món gà luộc chấm muối tiêu chanh sở thích của tôi, dù tay bà đã yếu chặt con gà luộc cũng là vất vả, miếng dài miếng ngắn, miếng to miềng nhỏ…
Bà trìu mến hỏi:
- Thế cuộc họp ở Đài chiến sĩ đông vui không hở ông?
Ông Xuân hào hứng:
- Dĩ nhiên là đông người chứ, giây phút chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhìn những người lính mặc quân phục xưa tôi lại bồi hồi nhớ thời mình trai trẻ đã chiến đấu dưới màu cờ thân yêu ấy.
Bà cũng hào hứng theo:
- Lần sau trở đi dù bất cứ hội họp gì của cộng đồng Việt Nam, của lính tráng, tôi sẽ đi với ông, bất chấp ông lái xe thế nào.
Ông Xuân vui mừng:
- Bà đã giao phó cả cuộc đời bà cho tôi thì cứ yên chí, dù lái xe kiểu nào tôi cũng lo an toàn mà. Chuyện lớn chuyện nhỏ, đồng vợ đồng chồng mới vui bà ạ. Tôi cám ơn bà…

Bà lôi những món đồ trong túi chợ ra xếp vào tủ lạnh, ông chồng gìa dưới mắt bà lù khù và bướng bỉnh vẫn còn nhiệt huyết với quê hương, với đồng đội chẳng khác gì anh Xuân, người lính trẻ hào hùng, xông xáo khắp nẻo chiến trường ngày nào mà bà từng thương yêu và ngưỡng mộ.
Thì ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh Xuân lại trở về trong lòng cô Hoa, dù hai người đã gìa.
Bà quay ra dịu dàng nhìn ông và chính bà cũng tưởng như mình đang trẻ lại:
- Anh Xuân ơi, anh vẫn là chàng trai năm xưa của em đấy.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Bên Bờ Vịnh - Sáng Tác Hữu Nghi - Trình Bày Tuyết Mai.


Sáng Tác Hữu Nghi 
Trình Bày Tuyết Mai

Cả Tin...

 


Tại anh ấp ủ nụ cười
Nên em hóa kiếp làm người múa trăng
Không ngờ anh bán cả Hằng
Bán tình đổi chát vết khằn tim yêu


Khơi mào hứa hẹn lắm điều
Rộn ràng em gửi cánh diều môi hôn
Ướp hương mái tóc mùi thơm
Kết tơ se chỉ quyện hồn người thương

Cả tin lời nói mật đường
Xuyến xao thầm nhớ vấn vương khắc lòng
Thế rồi người vội qua sông
Để trăng rụng úa rơi dòng thiên thu

Em sa vực thẳm mịt mù
Vẫy vùng tuyệt vọng âm u xa vời
Trôi theo định mệnh ra khơi
Tiếc thương anh có ngậm ngùi ...Mất em!

Kim Oanh

Tình Nồng Vạn Nẽo



Hè về nhộn nhịp em biết không?
Tung tăng giữa phố người thật đông
Lá reo trong gió như nhã nhạc
Hát khúc ru em trọn giấc nồng

Trời xanh biêng biếc nắng thật trong
Mọi người như mở hội tất lòng
Nhà muôn sắc, hoa vàng trải lối
Ghé một lần thôi cũng đắm say

Tình nhân bách bộ tay trong tay
Ngất ngây nhìn phố cổ trưng bày
Chợ trời hàng quán bày nhan nhãn
Dừng chân mời bạn hãy ghé vào

Phong cảnh hữu tình đẹp xiết bao
Di tích lịch sử vẫn tự hào
Chụp ngay tấm ảnh tuyệt vời quá
Lưu niệm nơi này mình đã qua

Bao lần chung bước trên đường xa
Thế giới muôn màu trong mắt ta
Dấu ấn tình mình còn ghi mãi
Sức khỏe bình an xin được hoài

Trúc Lan KTP 
 

Ngày Đó Tháng Tư

 

Em hỏi tôi ngày đó tháng tư
Một thời thay đổi chuyện nắng mưa
Thời gian dịch chuyển từ hôm đó
Lịch sử còn ghi chuyện thắng thua.

Dĩ vãng qua rồi tưởng đã quên
Nào ngờ mắt lệ vẫn ưu phiền
Tình xưa như lá rơi về cội
Sông nước quê xưa, bóng mẹ hiền.

Còn nhớ con đường chung lối đi
Sài Gòn nỗi nhớ ngày chia ly
Dòng sông nước chảy chia đôi ngã
Nỗi nhớ trong lòng bao nghĩ suy.

Đã biết từ nay sẽ vấn vương
Phương trời xa vắng cõi vô thường
Chia tay cách biệt, lòng buồn lắm
Non nước rồi đây lắm đoạn trường.

Đã mất nhau rồi xa thật xa
Người xưa có nhớ bóng chiều tà
Ngày đi vĩnh biệt đầy thương nhớ
Mắt lệ chan hòa nỗi xót xa.

Còn nhớ ngày xưa đã một thời
Chiến tranh lửa khói cắt chia đôi
Cho tình xuân chết, đời ngăn cách
Từ đấy tháng Tư, nước mắt rơi.

Chung bước bên nhau cả một đời
Dặm trường đất lạ vẫn chung đôi
Ngày buồn đánh thức hồn thương nhớ
Tháng Tư vận nước đã chuyển dời.

Lê Tuấn
Tháng tư buồn


Hồn Là Ai (Hàn Mặc Tử)- Who Are You, Soul?(Thomas D.Le)

Hồn Là Ai

Hồn là ai là ai? Tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt chơi tôi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng

Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn ñã cấu, ñã cào, nhai ngấu nghiến

Thịt da tôi sương sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực

Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiên lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc

Cả thiên đường trần gian và ñịa ngục
Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mê mệt lả mà tôi thì chết giấc.

Hàn Mặc Tử
***
Who Are You, Soul?


Soul, who are you? I know you not.
Soul followed me just so to mock.
Lips full of scent I dared not hold my smile.
Quickly Soul gave me a mouthful of light.

I fainted but felt satiated,
Laughing like crazy, smelling of moon.
My shirt is filled with more than gold.
Soul scratched, scraped and chewed heartily

My flesh and skin numb and knotty.
I agonized from limitless horror.
I drowned Soul in the pond of moon
That covered him up to his chest.

We both thus lay sobbing and motionless,
Then soared spaceward to a planet
Thrashing, struggling about in myriad forms
Ejecting our bone-chilling howls

Through the world, paradise and hell.
Soul, who are you? I know not what.
But after the night's trip with you,
You felt exhausted, and I fainted.

Translated by Thomas D. Le
17 April 2008

Một Sai Lầm Dễ Thương Của Albert Einstein


Những em bé tò mò, lần đầu tiên ngước mắt lên trời, thấy trăng sao, lập tức nảy sinh ước muốn thám hiểm cõi mênh mông ở cuối, ở xa hơn tầm mắt mình.

Lớn lên, ý thức được kích thước Vũ Trụ và giới hạn của đời người, biết đường dài dẫn tới một tinh cầu có thể đòi hỏi sự nối tiếp của muôn triệu kiếp người. Tỉnh ra và thất vọng. Ước muốn chỉ còn là ước mơ vương vấn nơi những truyện khoa học giả tưởng huyền hoặc vẽ ra hình ảnh một con tàu kỳ diệu: một ngày kia khoa học tiến bộ, hành khách đáp phi thuyền du lịch tối tân sẽ lọt vào cõi thời gian ngừng trôi, có cuộc đời dài vô tận, tha hồ chu du khắp cùng vũ trụ.

Mơ ước nhưng ngậm ngùi theo câu hát của Phạm Đình Chương: “… chỉ là giấc mơ thôi!”

Ngày 14 tháng 3 năm 1879, một thiên tài vật lý chào đời. 26 năm sau, Albert Einstein bất ngờ tặng cho tất cả những người tò mò trên thế gian một món quà quý hơn phép lạ. Chàng công bố hiện tượng thời gian thay đổi tốc độ có thật và đã tìm được phương thức bắt thời gian phải ngừng trôi.

Dựa vào mấy hình vẽ và một số bài toán, Einstein khám phá được lẽ huyền vi của đất trời: Thời gian thay đổi tốc độ trong con tàu di chuyển. Tàu chạy càng nhanh thì thời gian càng chậm lại. Khi tàu đạt tốc độ ánh sáng, thời gian ngừng trôi.

Thuyết “Tương Đối Đặc Biệt” (TĐĐB) tóm tắt như sau:

Hình 1

Hãy tưởng tượng có một toa tàu, trên trần treo ngọn đèn ở điểm A, một hành khách K ngồi trong toa và một quan sát viên Q đứng trên mặt đất.
Khi tàu đứng yên, khách K thấy ánh sáng đèn phải vượt chiều dài l để đến điểm B trên sàn tàu. Quan sát viên Q cũng thấy như vậy.

Nhưng khi tàu chạy, Q nhìn thấy ánh sáng đèn phải vượt chiều dài l’ (đoạn AC) mới đến sàn tàu, ở điểm C. Trong khi đó khách K vẫn chỉ thấy ánh sáng đèn chiếu thẳng góc xuống sàn tàu, nghĩa là chỉ cần vượt một chiều dài NGẮN hơn, vẫn bằng l (như đoạn AB hay DC), là tới đích.

Tốc độ ánh sáng không đổi, l và l’ dài ngắn khác nhau,
người đứng trên mặt đất thấy ánh sáng mất nhiều “thời gian” hơn để vượt l’.
Như thế – Einstein kết luận – “đơn vị thời gian” trên mặt đất khác “đơn vị thời gian” trên tàu.

Tàu càng chạy nhanh thì AC càng dài, cách biệt giữa l và l’ càng lớn. Đến một tốc độ nào đó, một phút trên tàu sẽ dài bằng một năm trên mặt đất, thí dụ thế. Nếu tàu đạt tốc độ ánh sáng, thời gian trong lòng tàu (so với thời gian trên mặt đất) sẽ ngừng trôi.

Bạn biết tới đây là đủ.
(Những bài toán lập thuyết của Einstein sẽ được ghi ở cuối bài)
Nhân loại đón nhận thuyết với tâm trạng của những tín đồ thình lình nhận được ân sủng, phép lạ từ Thượng Đế.
Món quà tuyệt vời hơn cả cõi Thiên Thai mà lâu nay chỉ là chuyện hoang đường con người tưởng tượng ra cho đời thêm đẹp.

Một ngày trên Thiên Thai bằng trăm năm trên trần thế. Nhưng trong cõi riêng của con tàu bay nhanh bằng ánh sáng, thời gian ngừng trôi, hàng triệu tỷ năm hay vô lượng thời gian qua đi, hành khách không già thêm một sát na! Thiên Thai hóa ra nhỏ nhoi, xoàng xĩnh!

Tác giả của cõi Siêu Thiên Thai này lại là nhà bác học vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Ngoài phần hình vẽ, lý luận lập thuyết, còn có những phương trình toán học để tính thật chính xác độ nở ra (hay tốc độ chậm đi) của thời gian tương ứng với tốc độ con tàu.

Rõ ràng đây không phải chuyện huyền hoặc mà là một sự thật vật lý.

Từ ngày đó các khoa học gia nỗ lực nghiên cứu, thí nghiệm, chứng minh thuyết đúng. Một nhóm thí nghiệm bằng cách để một đồng hồ nguyên tử trong lòng một phi cơ (hay hỏa tiễn, phi đạn gì đó) bay thật nhanh và thấy quả nhiên đồng hồ chạy chậm lại. Tất cả những chỗ nghịch lý, phi lý của thuyết cũng được giải thích ổn thỏa nhờ những hiệu ứng (effect), biến ứng (transformation) do các khoa học gia lẫy lừng tìm ra.

Tóm tắt: thuyết hoàn toàn đúng. Chuyện còn lại là đóng một con tàu…

Nhân loại ước mơ. Các khoa học gia xây đắp cho niềm mơ ước ấy to thêm. Phi thuyền bay nhanh như ánh sáng thì thời gian đứng lại. Nếu lỡ nó bay nhanh hơn ánh sáng thì sao? – Lại có ngay lời giải thích làm giấc mộng lớn hơn bội phần: Nếu vượt tốc độ ánh sáng, con tàu sẽ bay ngược thời gian, tiến thẳng vào quá khứ.

Nghĩa là thuyết Tương Đối Đặc Biệt của Einstein còn mở ra một lộ trình thênh thang cho những con tàu kỳ diệu tha hồ du hành xuôi ngược trong thời gian.

Chính con tàu xuyên thời gian ấy đã dẫn tôi vào ngõ cụt, thình lình phải đối diện với một sự thật trần truồng khiến mộng lớn vỡ tan tành.

Một ngày trong tháng ba năm 2006, tôi phải tiễn đưa người bạn thân qua đời vì bạo bệnh. Chiều về, thơ thẩn trong vườn, thương tiếc quá, lẩn thẩn mơ tưởng một con tàu bay về quá khứ để gặp lại bạn tôi, nghe bạn cười nói thêm một lần.

Rồi lẩn thẩn hơn, đem thuyết Tương Đối Đặc Biệt ra nghiền ngẫm lại, để tăng cường niềm tin rằng trong tương lai, những ai mất người thân sẽ may mắn hơn mình, chỉ cần mua vé, đáp con tàu bay nhanh hơn ánh sáng, là tha hồ tái ngộ cố tri.

Nhưng lúc nhìn kỹ lại hình vẽ lập thuyết của Einstein thì ngỡ ngàng, chưng hửng. Nó phạm những sai lầm nghiêm trọng, làm thuyết sụp đổ hoàn toàn.

Tia sáng chiếu từ đèn A xuống sàn tàu ở C – tạo thành đường chéo AC mà Einstein tin là người quan sát đứng trên mặt đất nhìn thấy khi con tàu di chuyển – không hề có trong lúc thí nghiệm.

Nói chính xác hơn: AC không hiện hữu cùng lúc với AB (tia sáng từ đèn chiếu thẳng góc xuống sàn tàu ở B), như Einstein tưởng tượng.
Trong khi thực hiện thí nghiệm trong trí tưởng (thought experiment), Einstein đã phạm những sai lầm này:

A) Không áp dụng những luật chi phối thị giác.

B) Tưởng tượng một môi trường không đầy đủ, bỏ sót những chi tiết tối quan trọng dẫn tới những nhận xét, suy diễn sai lầm.

C) Không tôn trọng những luật, những nguyên tắc về chuyển động.

Để tìm sự thật, ta làm lại thí nghiệm một cách cẩn trọng hơn. (Hình 1A)

Hình 1A

1) Toa tàu bất động. Người khách K trong toa thấy ánh sáng đèn từ A chiếu thẳng xuống sàn tàu ở B.

Quan sát viên Q đứng cách xa toa tàu, thí dụ một dặm, cũng nhìn thấy giống hệt như vậy. Chỉ khác – và đây là điểm tối quan trọng:

Q thấy ánh sáng và toàn thể toa tàu sau khách K đúng 1/286282 của một giây là thời gian cần có cho hình ảnh toa tàu vượt khoảng cách một dặm, đến mắt Q.

2) Khi tàu di chuyển: Thí dụ đúng 8 giờ sáng tàu đến vị trí VT1. (Hình 2)


Hình 2 – Toa tàu ở vị trí VT1- đúng 8:00 giờ sáng

Đúng khoảnh khắc đó, K thấy tia sáng AB.
Nhưng phải đợi tới 8 giờ + 1/286282 giây Q mới thấy toa tàu và tia AB. Thấy đúng tất cả những điều K thấy, chỉ chậm hơn. Nghĩa là Q thấy một hình ảnh toa tàu trong quá khứ.
Và khi Q thấy AB thì toa tàu thực sự đã di chuyển tới vị trí VT2 rồi.
3) Tại vị trí mới VT2: Đèn A tới điểm D, chiếu một tia sáng thẳng góc xuống C, (A thành D và B 
thành C). (Hình 3)
 

Hình 3 – Toa tàu ở VT2 – sau 8:00 giờ sáng

Khách K lập tức thấy hình ảnh tia sáng từ đèn ở điểm D chiếu thẳng góc xuống sàn tàu ở C.

Sau 1/286282 giây, quan sát viên Q cũng thấy hình ảnh của tia sáng DC. Nhưng chính lúc đó toa tàu đã di chuyển, xa chốn cũ: D đã đến F và C đã đến E.
Hiện tượng ấy tiếp diễn cho tới khi tàu ngưng chạy.

Suốt tiến trình của thí nghiệm, không hề thấy AC xuất hiện như một thành tố quan trọng của thuyết.
Vì ánh sáng đèn lan tỏa về mọi hướng, tia sáng AC có thật, nhưng nó hiện hữu vào những thời điểm hoàn toàn không ích lợi gì cho lý luận lập thuyết của Einstein. (Hình 4)

F:\SAI LẦM HÌNH 4 paint.PNG

Hình 4

Dùng A làm tâm điểm, vẽ một vòng tròn bán kính AB.
AC gặp chu vi hình tròn ở B’.

Điều đó có nghĩa là: Khi ánh sáng đèn chiếu từ A xuống tới sàn tàu ở B thì cùng lúc ấy, tia sáng hướng về C, chỉ mới vượt được đoạn A – B’. Đoạn B’ – C chưa có. Chiều dài AC chưa hoàn tất, AC chưa hiện hữu.
Khách K thấy A – B và A – B’ cùng lúc.
Sau 1/286282 giây, quan sát viên Q cũng thấy hệt như vậy.
Chuyện gì xảy ra khi, một sát na sau đó, A – B’ trở thành AC (nghĩa là tia sáng khởi hành từ A đã tới C), đường AC đã hoàn tất, hiện hữu?

Lúc đó, A đã di chuyển đến D, và B đến C. Tia sáng A – B đã biến vào quá khứ.

Vừa xuất hiện tức khắc là A – C và D – C (ánh sáng mới chiếu từ đèn ở D xuống sàn tàu ở C) (Hình 5)

Hình 5


Khách K, quan sát viên Q, kẻ trước người sau, đều thấy AC và DC hiện ra cùng lúc.
Như thế, suốt cuộc thí nghiệm, không khi nào có hiện tượng: trong cùng một thời điểm, K chỉ thấy AB và Q chỉ thấy AC.
Không xảy ra trong thí nghiệm và cũng không bao giờ xảy ra trong Vũ Trụ, vì thị giác bị chi phối bởi những định luật này:

1) Quan sát một vật thể từ khoảng cách khác nhau, sẽ thấy hình ảnh vật thể vào hai thời điểm khác nhau, một trước, một sau, không thể cùng lúc.

2) Hình ảnh nhận được xuất phát từ cùng một nguồn, một vị trí.

Đứng ở đâu cũng phải thấy vị trí gốc. Bạn thấy xe mình đậu trước nhà thì tất cả các vệ tinh GPS đều thấy nó ở đúng chỗ đó, không đậu lệch sang nhà hàng xóm. Ánh sáng từ đèn A chiếu xuống sàn tàu ở B thì hành khách K và bất cứ ai, đứng bất cứ chỗ nào, cũng phải thấy như thế. Nếu quan sát viên Q, đứng ngoài toa tàu, lại nhất quyết bảo rằng anh ta thấy tia sáng ấy chiếu xuống điểm C, thì cần bắt đi khám mắt cấp kỳ. Einstein tin anh chàng mắt mũi kèm nhèm này, dùng dữ kiện anh ta cung cấp để lập thuyết, nên phạm những sai lầm chí tử.

3) Hình ảnh nhận được là những bản sao của nhau.

Kích thước, góc cạnh có thể khác, to nhỏ tùy khoảng cách, nhưng tuyệt đối giống nhau về chi tiết. Không bao giờ có chuyện khách trên tàu nhìn thấy cây cột giữa lòng tàu thẳng đứng, còn người quan sát trên mặt đất lại thấy nó đứng nghiêng lệch, tréo ngoe, như AC. 

4) Khoảng cách xa gần làm hình ảnh bị biến dạng: gần thấy lớn, xa thấy nhỏ.

Bảo rằng Khách K ở gần thấy tia sáng AB ngắn, còn người quan sát Q đứng xa lại thấy cùng tia sáng ấy dài ra thành đường AC, là chuyện phi vật lý, khôi hài.

Không biết hoặc không quan tâm đến những định luật thiên nhiên ấy, Einstein đã tưởng tượng ra tia sáng AC để làm nền so sánh với AB và lập thuyết. AC không có thực, tam giác vuông ABC để tính toán cũng tiêu tùng, lôi theo thuyết Tương Đối Đặc Biệt xuống tuyền đài.

Bảo rằng lý thuyết này như tòa lâu đài xây trên cát là còn vì cảm tình riêng với ông kiến trúc sư mà nói tốt cho nó. Lâu đài của Einstein, thực sự, không có nổi một viên đá, viên gạch thứ thiệt nào. Nó là đám khói sương tụ trên một nền móng ảo.

Thuyết là một cấu trúc phi vật lý, nhưng bản họa đồ thì dựng lên hình ảnh một lâu đài nguy nga, tráng lệ, hùng vĩ nhất thế gian. Nó đưa ta vào giấc mơ nhân loại chưa từng có: Chỉ với vài hình vẽ đơn sơ, dăm phép tính, con người nhỏ bé có trong tay phương thức điều khiển, biến đổi cả nhịp vận hành của thời gian, một sản phẩm huyền vi của Tạo Hóa. Ai nghe mà không thích mê tơi!

Einstein là khoa học gia có tâm hồn thi sĩ. Tương Đối Đặc Biệt là lý thuyết ngây ngô, viển vông, phi lý, giá trị không hơn một chuyện tầm phào… nhưng lại là một bài thơ tuyệt tác.

Cụ đáng kính, đáng phục lúc đúng, đã đành, khi sai vẫn khiến ta mến yêu, ngưỡng mộ vì cái sai ấy liên quan đến một vấn đề mênh mông, vĩ đại luôn làm ta bàng hoàng, choáng ngợp.

Einstein cho nhân loại nhìn thấy cõi vô cùng nhỏ của nguyên tử, phân tử . Cụ lập thuyết tương đối. Cụ giải thích được phần quan trọng nhất trong lý do tạo sinh Hấp Lực… rồi ngay cả lúc sai lầm, lẫn lộn nhất, vẫn cho nhân gian một giấc mộng tuyệt vời.

Lê Tất Điều
(4/9/2021)
“An Adorable Mistake of Einstein”

__________
(Thuyết “Tương Đối Đặc Biệt” sụp đổ, phần tính toán của Einstein trở thành vô dụng. Xin ghi lại như tài liệu lưu trữ trong viện bảo tàng, dấu tích của một sự sai lầm thê thảm nhất, nhưng lại sống hùng, sống mạnh, và sống dai nhất trong lịch sử khoa học).

Xe lửa chạy với vận tốc v, do đó, sau thời gian t đã chạy được khoảng đường l = vt. Khách ngồi trong tàu thấy ánh sáng chiếu thẳng góc từ trần xuống sàn (AB) nhưng đối với người đứng dưới đất thì ánh sáng từ ngọn đèn trên trần xe đã phải “du hành” khoảng cách l’ (AC).
Vì vận tốc ánh sáng là c, l’ = ct.
Mặt khác, theo định lý Pythagore:

l’ = √ l2 + v2 t 2
Do đó: ct = √ l 2 + v2 t2
c2 t2 - v 2 t 2 = l 2
l
t = ---------- (1)

√c2 – v2

Đối với hành khách trên xe, thời gian qua chỉ là thời gian cần thiết để ánh sáng đi từ trần xe xuống sàn xe:
T= l/ c (2)
Chia (1) cho (2), ta có:
t 1
--------- = ---------------- [ hoặc: t / T = 1 / √ (1 – v2/c2) ]
T √ (1 – v2/c2)

Hệ quả của phương trình trên là:
– Nếu xe lửa không chạy, v = 0, t/T = 1, tức là dù đứng dưới đất hay ngồi trên tàu thì thời gian qua cũng vậy.
– Xe lửa chạy càng nhanh, v càng gần c, thì t/T càng lớn, tức thời gian qua đối với người đứng dưới đất so với thời gian qua đối với người ngồi trên tàu càng trở nên chênh lệch.

Lau Dọn Tâm Hồn

 

Hãy nghe một nhà sư nói đây: lau chùi dọn dẹp tốt cho bạn đấy

Các thói quen quét tước, chùi bóng, và dọn dẹp cho ngăn nắp có ý nghĩa tâm linh, và bạn không phải theo tôn giáo nào mà vẫn hưởng lợi.
Những nhà tư vấn sức khỏe tâm thần thường khuyên thân chủ nên lau dọn nhà cửa mỗi ngày. Bụi bặm và nhớp nháp có thể là triệu chứng của đau khổ hay bệnh tật. Tuy nhiên, sự sạch sẽ không chỉ liên quan đến sức khỏe tâm thần. Nó là sự thực hành cơ bản nhất mà tất cả các hình thức Phật giáo Nhật đều cùng công nhận như nhau. Phật giáo Nhật có nói rằng điều bạn cần làm để tìm đến tâm linh là lau dọn, lau dọn, lau dọn. Đó là vì sự thực hành lau dọn có sức mạnh đáng kể.

Tất nhiên, vì tôi là một nhà sư dâng hiến cả đời cho đời sống tâm linh nên tôi quảng bá những quan niệm và thực hành Phật giáo. Nhưng bạn không cần phải đi theo tôn giáo mới (của tôi) để học hỏi từ nó. Nhiều người cho rằng từ “tôn giáo” bao gồm một bộ những qui luật để cai quản giá trị và hành động của con người, rằng nó là sự sáng tạo ra một thực thể siêu việt, hay nó là điểm dựa cho những người không tự mình suy nghĩ phán đoán được. Theo tôi thì một tôn giáo đàng hoàng sẽ không buộc con người vào những giá trị hay hành động nào cả. Nó hiện hữu để giải thoát con người ra khỏi hệ thống và tiêu chuẩn vận hành xã hội. Trong tiếng Nhật, từ “tự do” được chiết tự là “tự mình tạo ra”.

Sự thực hành lạu dọn không phải là một công cụ mà tự nó là mục đích
Sự thực hành lau dọn, tức là những thao tác quét tước, lau chùi, đánh bóng, rửa dọn và sắp lại cho gọn, là một bước trên đường tiến đến an nhiên tự tại. Trong Phật giáo Nhật, chúng tôi không tách rời bản thể và môi trường, và lau dọn là bày tỏ lòng tôn trọng và sự hòa đồng với thế giới quanh ta.
Bạn có thể thấy sự hiện hữu của thiên nhiên trong truyền thống sado (lễ trà) hay kado (cắm hoa) của Nhật, cả hai đều phát xuất từ đạo Phật. Nhưng ý tưởng “thiên nhiên” tại Nhật đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Được phát âm là “shizen”, từ thiên nhiên phản ảnh một thế giới duy nhân trong đó con người đứng đầu các thứ bậc như thể con người là đại diện hay sứ giả của đấng tạo hóa.
Tuy nhiên, còn có một ý nghĩa khác của “thiên nhiên” đến từ tiếng Nhật cổ đại. Được phát âm là “jinen”, cũng chữ viết đó ngày xưa từng có ý nghĩa là “hãy buông bỏ” hay “nó là như thế đấy”, một định nghĩa gần gũi với triết lý Phật giáo hơn, và liên kết với thuyết vật linh (animism) và sự thờ phượng thiên nhiên.

Sau khi Phật giáo và những triết lý khác được đưa đến với người Nhật, người ta bắt đầu thấy thiên nhiên không những trong con người mà trong cả trong những vật thể có tri giác khác, ngay cả trong núi non, sông ngòi, hoa cỏ, và cây cối. Quan niệm về thiên nhiên này vẫn tồn tại trong văn hóa Nhật ngày nay, chẳng hạn như những nhân vật Pokémon hay trong những phim của xưởng phim Ghibli như Arriety, với những thông điệp về môi trường của chúng. Vì thế, ngay cả khi ta phát âm từ thiên nhiên là “shizen”, thuật ngữ ấy vẫn mang trong nó ý tưởng Nhật là con người không phải tách rời khỏi thiên nhiên mà là một phần của thiên nhiên.

Phật giáo cho rằng quan niệm rằng ta có nhân cách riêng của mình là một ảo tưởng do cái tôi của mình tạo ra, và lau dọn là cách để buông bỏ cái tôi ấy. Trong tiếng Nhật, chiết tự “con người” có nghĩa là “người” và “ở giữa”. Con người là “một người đang ở giữa”. Thế thì bạn với tư cách là một con người chỉ hiện hữu qua quan hệ giữa bạn với người khác, như bạn hữu, đồng nghiệp, và gia đình. Bạn với tư cách là một con người có một số từ ngữ của mình, có những nét diễn tả trên mặt, có một số hành vi, nhưng những điều đó chỉ xảy ra khi bạn tương tác và liên hệ với người khác. Đó là quan niệm “en” hay “lệ thuộc lẫn nhau” trong tiếng Nhật.

Sự lau dọn của đạo Phật tạo cho mỗi người chúng ta cơ hội để hiểu được quan niệm này. Bạn không cần phải học cho được một kỹ thuật đặc biệt nào, thuê một nhà tư vấn lau dọn, hay thực hiện những nghi thức đặc biệt của các vị cao tăng.
Những điều căn bản rất đơn giản. Quét nhà của bạn từ trên xuống dưới, lau dọc theo các vật, và làm một cách cẩn thận. Sau khi bạn bắt đầu lau dọn nhà mình, bạn có thể mở rộng ra lau dọn những cái khác, kể cả thân thể mình. Với câu hỏi làm sao áp dụng việc lau dọn vào tâm hồn mình thì tôi xin để trống không trả lời, nhưng nếu bạn thực hành lau dọn, lau dọn, lau dọn, và lau dọn thêm nữa, dần dà bạn sẽ ngộ rằng khi bạn lau dọn bên ngoài thì bạn cũng đang lau dọn thế giới nội tâm của mình nữa đó.
Tất nhiên, nhiều chùa Nhật thỉnh thoảng cũng phải dùng người lau dọn khi họ thiếu tay làm việc. Nhưng chính các nhà sư Nhật cũng tự họ lau dọn. Đó chính vì hành động lau dọn không phải là một công cụ mà tự nó chính là mục đích. Thử nghĩ, bạn có thể nào thuê người tập thiền dùm mình được không?

Cũng giống như thực hành thiền, lau dọn không bao giờ là xong được. Ngay khi tôi vừa ưng ý vì khu vườn tôi quét đã sạch sẽ thì lá lại rơi và bụi bặm lại tích tụ. Cũng vậy, ngay khi tôi vừa cảm thấy an nhiên trong trạng thái chánh niệm vô ngã của mình thì tức giận hay lo âu lại bắt đầu xuất hiện. Cái ngã không ngừng hiện trong tâm tôi, nên phải luôn tay lau dọn để tìm lại an nhiên trong lòng. Không lau dọn thì không có đời sống.
Sư Shoukei Matsumoto là nhà tu hành Phật giáo tại chùa Komyoji, Tokyo. Tác phẩm “Hướng dẫn của một vị sư để tạo nhà sạch và tâm sạch” được nhà xuất bản Penguin phát hành.

Thúy Messegee dịch sang tiếng Việt
***


Take it from me, a Buddhist monk: cleaning is good for you
Shoukei Matsumoto
Shoukei Matsumoto is a Buddhist monk at the Komyoji temple in Tokyo

The routines of sweeping, polishing and tidying have spiritual meaning, and you don’t have to be religious to benefit from them

Mental health counsellors often recommend that clients clean their home environments every day. Dirt and squalor can be symptoms of unhappiness or illness. But cleanliness is not only about mental health. It is the most basic practice that all forms of Japanese Buddhism have in common. In Japanese Buddhism, it is said that what you must do in the pursuit of your spirituality is clean, clean, clean. This is because the practice of cleaning is powerful.
Of course, as a monk who is dedicated to spiritual life, I recommend Buddhist concepts and practices. But you don’t have to convert to a new religion to learn from it. Many people’s associations with the word “religion” may include a set of rules to regulate people’s values and actions; the creation of an irrational transcendent entity; or the idea of a crutch for people who cannot think for themselves. In my view, though, a respectable religion does not exist to bind one’s values or actions. It is there to free people from the systems and standards that order society. In Japanese characters, the word “freedom” is written as “caused by oneself”.

Cleaning practice is not a tool but a purpose in itself
Cleaning practice, by which I mean the routines whereby we sweep, wipe, polish, wash and tidy, is one step on this path towards inner peace. In Japanese Buddhism, we don’t separate a self from its environment, and cleaning expresses our respect for and sense of wholeness with the world that surrounds us.

You can see the presence of nature in the Japanese traditions of sado (tea ceremonies) or kado (flower arranging), which were both originally born from Buddhism. But the idea of “nature” in Japan has been strongly influenced by western culture. Pronounced “shizen”, the characters reflect a human-centred version of the world in which humans stand at the top of a hierarchy as the agent or messenger of the creator.
But there is another sense of “nature” derived from ancient Japanese. Pronounced “jinen”, the same characters once meant “let it go” or “it is as it is” – a definition much closer to Buddhist philosophy, with its links to animism and the worship of nature.
After Buddhism and the other philosophies were introduced to the Japanese people, they began to see nature not only in humans, but also in all sentient beings, and even in mountains, rivers, plants and trees. This view of nature persists in modern Japanese culture – for example in Pokémon’s characters or Studio Ghibli films such as Arrietty, with their environmentalist messages. As a result, even when we pronounce the characters for nature as “shizen”, the term still carries with it the Japanese idea that humans are not excluded from nature, but are part of it.

Buddhism says the notion that you have your own personality is an illusion that your ego creates – and cleaning is a means to let go of this. The characters for “human being” in Japanese mean “person” and “between”. Human being is “a person in between”. Thus, you as a human being only exist through your relations with others – people such as friends, colleagues and family. You as a person have some particular words, facial expressions and behaviours, but these arise only through your interaction and connections with other people. This is the Buddhist concept “en” or interdependence.
Buddhist cleaning practice provides each of us with an opportunity to understand this concept. You don’t have to acquire special techniques, hire a professional cleaning consultant, or perform the special rituals used by senior monks.

The basics are very simple. Sweep from the top to the bottom of your home, wipe along the stream of objects and handle everything with care. After you start cleaning your home, you can extend cleaning practice to other things, including your body. How you can apply cleaning practice to your mind is a question I want to leave unanswered, but if you practise cleaning, cleaning and more cleaning, you will eventually know that you have been cleaning your inner world along with the outer one.

Of course Japanese temples sometimes employ cleaners when they are short of hands. But Buddhist monks also clean by themselves. This is because the cleaning practice is not a tool but a purpose in itself. Would you outsource your meditation practice to others?
As with meditation practice, there is no endpoint of the cleaning practice. Right after I am satisfied with the cleanliness of the garden I have swept, fallen leaves and dust begin to accumulate. Similarly, right after I feel peaceful with my ego-less mindfulness, anger or anxiety begin once again to emerge in my mind. The ego endlessly arises in my mind, so I keep cleaning for my inner peace. No cleaning, no life.
Shoukei Matsumoto is a Buddhist monk at the Komyoji temple in Tokyo. A Monk’s Guide to a Clean House and Mind is published by Penguin