Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Thu Vấn Vương - Thơ: Đỗ Thị Minh Giang Nhac: Nguyễn Văn Thơ



Thơ: Đỗ Thị Minh Giang
Nhac: Nguyễn Văn Thơ
Ca Sĩ: Lệ Tuyền


Trăng Chiếm Ngôi



Em cung hé hững hờ
Hay cố ý đợi chờ
Vầng trăng căng nhựa đỏ
Bắt đầu muốn đăng cơ
Ngôi vua em bao giờ
Trên đỉnh tuyệt sương mờ
Cỏ xanh miền thượng uyển
Trăng nghe loạn thần cơ
Trăng lẻn bước vào ngôi
Trùng trùng sóng bồi hồi
Lụa mù mây bối rối
Cuống cuồng một cõi trời
Ngà ngà một cơn say
Trăng ve vuốt mây bay
Những mảnh đời đang vỡ
Quanh trăng một hình hài
Góc sãnh đường cuồng quay
Hơi thở trăng lung lay
Cung vua em có hãi
Ðêm rúng động lên ngai
Vườn ngự uyển giới nghiêm
Dòng sông ngà dịu mềm
Cuộc đăng cơ thiếu đuốc
Sáng đủ những kiếm tìm
Nếu giật mình trong mơ
Em hãy cứ giã vờ
Nhường ngôi đừng phá vỡ
Áo bào trăng phất phơ
Em hé thành đâu ngờ
Trăng lẻn về đăng cơ
Cấm vệ binh lỡ ngủ
Em tiếc gì? Ngẩn ngơ?

Tịnh

Nói Với Điên Điển

(Bông Điên Điển sau nhà)

- Anh chỉ là thằng rễ điên điển, anh có biết không?
Người con trai thấy buồn quá sau tiếng nói ấy, nhưng không dám trả lời lại mà chỉ biết buồn cho thân phận, vi nghĩ mình là một người vô tích sự giống như cây điên điển mà người ta vừa gán cho anh.

Đối với mọi người, cứ nghĩ rằng rễ cây điên điển là một loại rễ vô tích sự trong các loại rễ cây, vì nó chỉ sống không đầy năm thì không làm gì được để giúp cho người đời. Nhưng có ai biết đâu những gì nó đã làm cho mọi người khi mọi người hưởng của nó nhưng đã quên nó ngay. Thôi thì cứ nghĩ rằng thế nào cũng được miễn mình không là một thứ vô tích sự.

Đối với điên điển thì cuộc sống có lẽ bắt đầu khi những cơn mưa đầu mùa đến, những hạt mưa đã làm cho những hạt giống của nó được nẩy mầm. Hạt giống điên điển có khi được mọi người gieo mà cũng có khi không ai gieo nữa, tự nó đã có sẵn dưới lòng đất từ mùa trước sau khi những trái mang hạt được chín và rụng xuống. Cây con lớn nhanh lên do những cơn mưa kế tiếp đã nuôi dưỡng chúng. Chúng lớn nhanh như thổi dường như sợ rằng nếu không như vậy có lẽ sẽ không kịp theo những con nước lũ từ thượng nguồn của song Cửu Long đổ xuống sẽ giết chúng nếu nước đã ngập ngọn.

Khi lớn được một chút thì đã bị người ta ‘xài’ rồi, mặc dù khi ấy với thân thể chưa phát triển nhiều, cành lá chưa có sum sê, nhưng với mọi người thì nó đã đủ ‘tiêu chuẩn’. Vào những tháng Sáu và Bảy âm lịch, nước đã bắt đầu từ thượng nguồn đổ xuống tràn vào đồng. Truớc 1975, những cánh đồng ở các tỉnh Tây Nam như Long Xuyên, Châu Đốc,.v.v… còn làm lúa sạ, giống lúa này thích hợp với những cơn nước lũ từ trên Miên đổ về, nước lên đến đâu thì lúa sẽ lên đến đó. Có những năm nước thật lớn cây lúa sau khi cắt xong thì gốc rạ có khi đo được khoảng hơn 2 mét. 
Như thế ta phải biết với những vùng ở sâu thì mực nước sẽ cao như thế nào. Có lẽ thiên nhiên đã tạo ra cây điên điển ở những vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long cho thích hợp với sự lớn của mực nước và cũng để giúp cho dân nghèo sinh sống trên vùng đất này. Khi nước đã tràn vào đồng thì nguồn thực phẩm cá tôm tăng lên, giá lúa gạo cũng theo con nước tăng lên mỗi ngày. 
Với người nông dân nghèo thì đây là khoảng thới gian họ lo sợ nhất, vì viễn ảnh của những trận đói mà năm nào cũng không tránh khỏi. Cây điên điển đã bắt đầu có những nụ bông búp, với màu vàng còn xen lẫn màu xanh lá cây thì đã bị ngưới ta hái ăn rồi. Khẩu vị của những bông búp này có người không ăn được vì nó hơi đắng một chút nếu ăn sống, nhưng khi nấu chin thì rất ngon. Lúc bấy giờ trên cánh đồng đã có cá linh con, đây cũng là đặc sản cũng như đặc ân mà thiên nhiên đã dành cho dân nghèo. Chỉ cần kiếm đủ tiền mua vài lon gạo cho gia đình ăn qua ngày, còn đố ăn thì không có gì gọi là cao lương mỹ vị, có chăng là nồi canh chua cá linh non nấu với bông điên điển, ăn với cá linh kho mặn thì đã xong bữa.


Mùa nước kéo dài đến hơn 3 tháng thì cây điên điển là cứu cánh cho những người không việc làm hoặc đông con nghèo khó. Có những gia đình nghèo chỉ biết ăn cơm độn (đó rất là may), đôi khi chỉ nấu cháo và bong điên điển đã được ‘độn’ vào để được no long cho qua ngày qua bữa dù rằng không lâu lại bị đói tiếp. Năm 1978 gia đình tôi cũng đã trải qua cảnh này rồi, khi những ruộng lúa chìm sâu dưới lòng nước và ‘ông thầy dạy tôi Nhu Đạo’ ngày xưa, cả gia đình lúc ấy chỉ biết mỗi ngày ăn cháo nấu với bông điên điển và nước tương. Tôi còn nhớ gần gia đình tôi có một gia đình chỉ biết ăn bông điên điển với cá linh qua ngày. Đối với họ cơm là một thứ cao cấp thật không bao giờ họ nghĩ có được.

Theo thời gian cây điên điển càng lớn mạnh với những nhánh bông nặng trĩu mặc dầu mỗi ngày chúng bị mọi người tước hái. Có nhiều cây bị bẻ nhánh để dung vào việc giăng lưới, giăng câu. Có gia đình mà ruộng không thể xử dụng để canh tác thì họ lại gieo hạt điên điển vào đó để lấy củi. Vì vậy khi nước vào, nơi đây được dùng để tránh nắng, tránh gió bão trên đồng. Có nhiều người đã thoát chết nhờ những đám điên điển này, khi mưa gió bất ngờ nổi lên trên cánh đồng đầy nước, không biết đâu là bờ là bến, vì đâu đâu cũng là nước, có thể ví như là một cái biển nước. Trong những tháng nước này, bông điên điển luôn là thức ăn dưới mọi hình thức, khi thì canh chua, lúc làm dưa, có khi dung để đổ bánh xèo (tôi không biết các tỉnh khác có làm như vậy không, nhưng ở quê của bà xã tôi thì lúc nào chúng tôi cũng thích món bánh xèo với bông điên điển).

Nếu có ngày trời trong, chúng ta bơi xuồng khỏi bờ khá xa và quay nhìn lại bờ thì một cảnh đẹp vô cùng hiện ra. Với cành lá xanh của những vườn cây dọc theo những nhà cặp theo bờ làng, bờ kinh hay những vùng đất cao thì trong đó chúng ta sẽ thấy được màu vàng của bông điên điển làm nổi bật lên vẻ đẹp thiên nhiên. Khi có những cơn gió nhẹ thổi qua, những cành bông vàng đong đưa theo chiều gió hoặc khi chúng ta ngồi trên xuồng câu cá dưới một đám điên điển thì có lẽ không gì bằng một mùi thơm nhè nhẹ thoảng qua mũi. Những cành bông điên điển đôi khi được hái để nuôi sống nhiều gia đình và cũng có lúc chúng được chuyển đi đến những chợ thị xã hoặc tỉnh để được bán có giá hơn. Tôi còn nhớ những lần về thăm nhà bên tôi, lúc nào tôi cũng mang theo cả giỏ lớn bông để làm quà cho mấy bà chị hay bạn của má tôi - họ thích nhất là bông điên điển.


Theo thời gian và con nước, cây điên điển đã bớt bông và nó đã bắt đầu có những trái như trái dâu nhưng rất nhỏ, trong đó những hạt giống lại chuẩn bị cho một lần tái sinh của giống cây này. Khi nước rút để trả lại đất cho những vụ mùa, cây điên điển một lần nữa được xử dụng để làm giàn bầu, bí để từ đó lại nuôi sống con người lúc nào cũng cực khổ hết. Lần theo thời gian, những cây điên điển bị chặt để làm củi. Mặc dù củi cháy rất nhanh không giữ được lâu nhưng cũng giúp cho mọi người đỡ phải tốn tiền mua củi. Khi mọi cây bị đốn hết thì đến giai đoạn bị bứng gốc, những gốc rễ của điên điển bị bứng dễ dàng vì rễ chỉ mọc rất cạn chứ không ăn sâu xuống đất như những cây khác. Vì thế người ta thường ví những gì tầm thường như là ‘Rễ Điên Điển’

Điên Điển ơi, dù người đời có coi thường bạn như thế nào đi nữa, nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi của bạn, bạn đã giúp mọi người từ khi bạn còn nhỏ dại đến khi bạn chỉ còn lại những gốc rễ chẳng ra gì. Bạn đã đem đến cho con người nghèo khổ trên mảnh đất quê hương được qua ngày không phải lo lắng. Riêng gia đình chúng tôi rất nhớ đến hương vị của bạn sau bao nhiêu năm xa xứ và đã một lần thưởng thức lại, do người thầy, đã gởi cho chúng tôi sau một đêm gặp lại và nhắc đến bạn. Với chúng tôi bạn không bao giờ là: VÔ TÍCH SỰ 

Dallas 7-20-2004
Nguyễn Trần Uyên Khanh

Hoang Mang - Vườn Thơ Thẩn



Xướng: Hoang Mang

Ta đã say rồi hay đất say
Bỗng dưng vạn vật thảy đều quay
Dưới trên đảo lộn không phân biệt
Phải trái xoay vòng chẳng đứng ngay
Thật giả khôn lường, đâu kẻ đúng
Trắng đen khó nhận, biết ai sai
Bao nhiêu chuẩn mực do người đặt
Thoáng chốc mơ hồ tựa khói bay.

Phương Hà
***
Các Bài họa


Tuổi Già


Ban ngày ngơ ngẩn giống người say,
Trằn trọc đêm dài cứ trở quay.
Trệu trạo nướu hàm nhai khó nhuyễn ,
Liều xiều gậy trúc đứng không ngay.
Tên người lập lại, quên mau chóng,
Chuyện cũ nhắc hoài, nhớ chẳng sai.
Sinh lão vô thường là định luật,
Tuổi già tan tác lá vàng bay!

Mailoc
Thu Cali 9-13-17
***
Rượu Ngon

Rượu ngon cạn chén tưởng chưa say
Uống quắt cần câu trời đất quay
Chân đá chân xiêu đi chẳng vững
Tay quơ tay vịn đứng chưa ngay
Hoang mang chao đảo nghi mình đúng
Thắc mắc lá lay nghĩ họ sai
Phiền giận chi đâu men túy lúy
Thương thân trách phận gió mây bay !

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 09 năm 2017
***
Hoang Mang

Tình đâu phải rượu--thế mà say!
Cõi nhớ vô hình --nhớ quắt quay
Người đến rồi đi -- người có biết!
Tôi đành ôm hận -- tôi hiểu ngay
Có yêu chẳng nợ --chắc gì đúng
Lắm bạc nhiều tiền --ắc cũng sai
Chỉ có chân thành và thật dạ
Bằng không như nước chảy chim bay!

Song Quang
***
Niềm Tin


Sao mà cứ xỉn xỉn say say
Trái đất bọn mình vẫn mãi quay
Vũ trụ có bao giờ đứng lại
Lòng người rồi cũng chẳng êm ngay
Tương lai tươi sáng đang chào đón
Lịch sử công bằng luận đúng sai
Hãy dẹp một bên men rượu đắng
Để cùng dân tộc cất cao bay.

Quên Đi
 ***
Hoang Mang

Tỉnh mà ngỡ tớ vẫn đang say
Nếu khỏe thời sao cứ quắt quay
Như bị đau chân đi chẳng vững
Hệt thành lóa mắt ngó không ngay
Trông gà hóa cuốc còn cho đúng
Lộn chỗ quên tên chối nhận sai
Nghĩ biết giải sao cau hỏi nhỉ,
Để cùng ban rượu hưởng thu bay...?

Thái Huy
9-15-17
 ***
Ngớ Ngẩn

Vì sao ngơ ngác tựa người say,
Trời bỗng quay cuồng đất cũng quay.
Trật tự tôn ti chừng đã loạn,
Cương thường đạo lý chẳng còn ngay.
Vợ chồng trai gái nam mà nữ,
Thật giả thị phi đúng lại sai.
Thiện ác khôn phân đời đão lộn,
Nghìn năm phong hóa tựa mây bay!

Đỗ Chiêu Đức
 ***
Hoang Mang


Ta thèm ướm thử một lần say
Thực chứng ra rằng đất vẫn quay
Để cảm băn khoăn lòng tự hối
Mà ngâm thất vọng mảng trung ngay
Đường chân hiện rõ trò gian trá
Lẽ thiện trưng bày lộ ác sai
Dáng mỹ quay cuồng cơn gió lạ
Mơ màng đạo nghĩa khói chiều bay 

Mai Thắng 
170915
***
Hoang Mang

Rượu nồng chưa nhấp thế mà say
Dạ khúc tình yêu ngất ngưỡng quay
Nhịp bước êm êm sao đứng lại
Vòng tay âu yếm cớ lơi ngay
Hoang mang hội ngộ đang chờ đón
Trắc trở tương phùng biết đúng sai
Thà phút khổ đau vui chén đắng
Còn hơn hạnh phúc vội vàng bay

Kim Oanh



Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Tạm Biệt Huế - Thơ Thu Bồn - Nhạc Xuân An - Đàn&Hát Ân Nguyễn


Thơ Cảm Tác: Thái Huy
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thơ: Thu Bồn 
Nhạc: Xuân An 
Đàn&Hát: Ân Nguyễn
Thực Hiện: Kim Oanh


Tạm Biệt Huế - Nỗi Nhớ Khôn Nguôi



Xướng: Tạm Biệt Huế 

Huế Biệt nghe buồn quá Huế ơi!
Khiến đây mượn tạm một đôi lời
Tấm lòng nhớ Huế còn in đậm
Khoảng khắc tha hương vẫn chửa rời
Tím Huế mơ nhiều nơi bến cũ
Tình em mộng riết nửa khung trời
Đó đây xa cách chờ mưa(*) hẳn?
Huế Biệt nghe buồn quá Huế ơi!

(*) Mưa ngâu
Thái Huy
9-25-17
***
Họa:

Nỗi Nhớ Khôn Nguôi

Huế thơ Huế mộng Huế chao ơi
Da diết làm sao tỏ hết lời
Thiên Mụ hồi chuông vang vọng tiếng
Cố Đô hình bóng chửa xa rời
Xôn xao mùa chuyển thôi xanh lá
Lớp lớp mưa tuôn phủ trắng trời
Nhớ quá tìm đâu ngày tháng cũ
Huế thơ Huế mộng Huế chao ơi

Kim Phượng

Tạm Biệt Huế - Mai Xuân Thanh



Bài thơ tạm biệt Huế: Thu Bồn,
Tha thiết điệu ru hát mỏi mòn.
Theo nhịp đàn ca trầm ấm dạ,
Qua lời phổ nhạc bổng mê hồn.
Áo dài lộng gió lòng tê tái,
Vành nón nghiêng vai bụng héo hon.
Nhớ Huế trở về sao hóa đá,
Bên tê tha thiết, nỗi hàn ôn...

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 09 năm 2017
* Sau khi đã thưởng thức tiếng đàn và giọng ca ngâm trầm ấm của Ân Nguyễn, biên tập viên Trang Long Hồ Vĩnh Long qua thơ của Thu Bồn, vừa nghe thật hay, thật buồn, vừa xin tạ từ Huế với hồn thơ nhớ Huế thiết tha...Xin cám ơn giọng hát tiếng đàn nồng ấm của Ân Nguyễn & nghệ thuật trình bày của cô Kim Oanh.

Nhớ Huế



Vẫn ước về thăm dẫu muộn màng
Huế ơi! ta nhớ lắm Hương Giang
Đông Ba rạo rực thương em gái
Vỹ Dạ nôn nao chạnh họ Hàn
Thiên Mụ trầm tư soi bóng nước
Hoàng cung u tịch vọng cung đàn
Vần thơ nhắn gửi qua trời mộng
Nơi ấy...lòng này cứ nóng ran

Phạm Kim Lợi

Nhớ Huế Xưa



Tạm biệt Huế xưa khuất nẽo về,
Người xa người cách mấy sơn khê.
Tràng Tiền áo trắng thôi mơ gặp,
Thiên Mụ chuông chiều tỉnh giấc mê.
Thương mãi Nam ai câu mái đẫy,
Nhớ hoài tóc xõa nón nghiêng che.
Chim xa rừng nhớ người thêm nhớ,
Hoá đá anh về trở phía tê !

Đỗ Chiêu Đức

Tình Tôi Với Huế


Đi mô, dù cách mấy phương trời
Với Huế, tình tôi đến mọi nơi
Đỉnh Ngự, mây bay mờ vách núi
Giòng Hương ,trăng dọi nước đầy vơi
Hoàng Thành, Lăng tẩm hồn tiên đế
Vỹ Dạ hàng cau ngọn lã lơi
Đất khách dù xa lòng vẫn nhớ
Mấy lời tâm sự gởi trao người

Mấy lời tâm sự gởi trao người
Xứ Huế tình thơ mãi chẳng vơi
Cương thổ bao năm gầy nghiệp đế
Hoàng triều mấy độ dựng xây đời
Thương trường Đồng Khánh, thương màu tím
Nhớ chợ Đông Ba, nhớ tiếng cười
Dù sống nơi mô lòng vẫn nguyện
Ngày về thăm lại Cố Đô ơi

Song Quang

Thu Ấy Nay Đâu


Xướng: Thu Ấy Nay Đâu

Ngàn Thu Áo Tím(*) nhạc không lời
Nghe đạt phải không ai ấy ơi ?
Để trốn một thời con bướm lượn
Rồi thương khoảng khắc lá thu rơi
Em còn nhớ chứ từng câu hát?
Anh vẫn không quên những nụ cười.
Xuống dốc dạo quanh dòng suối nhỏ
Tay che khép kín nửa khung trời.

(*) Của Ns .Hoàng Trọng

Thái Huy
***
Họa: Nhớ Huế

Nhớ Huế trong tôi đến nghẹn lời
Ru hời của Mạ giọng à ơi !
Tràng Tiền mấy nhịp từng sang đó
Vỹ Dạ hương cau quyện khắp trời
Thiên Mụ chuông ngân hồn lắng đọng
Ngự Bình trăn trỡ giọt mưa rơi
Áo dài Đồng Khánh vương màu tím
Rộn rã Đông Ba át tiếng cười

Nguyên Hương
***
Bài Họa: Vòng Tay Mở Rộng 


Hân hạnh Huy đây được tiếp lời
Thăm cô giáo ấy Nguyễn Minh(*) ơi
Chẳng hay ngày đó đi chung lễ
Mới rõ hiện nay sống một trời.(**)
Trước tưởng người dưng-nên khó nói
Chừ là bạn cũ-há cho rời.
Thẩn Thơ Cô 9 đang cầm chịch
Mời ghé tự nhiên góp tiếng cười.


(*)Đúng hay sai tên gọi của “M” chưa rõ,có phải người phụ với tôi, lớp Việt ngữ trường thánh Tô-Ma Thiên.giáo xứ Thánh Tâm Carrollton .Bộc bạch cho biết “M”nhé.

(**)Đất Mẽo
Thái Huy
9-30-17

Huế Xưa?



Xướng: Huế Xưa?

Nghe nhạc xem tranh nhớ Huế xưa
Qua cầu áo trắng nhẹ đong đưa
Nam Bình(*) ai oán màu sương khói
Mái Nhị (*)trở trăn cảnh gió mưa
Vận nước chông chênh mơ lối cũ
Tình đời dang dở tiếc hương thừa
Những chiều thân thiết dìu nhau bước
Nghe nhạc xem tranh nhớ Huế xưa.

(*) Hai điệu hát-hò của Huế, tôi nhớ không lầm,và nếu sai xin quí vị bổ khuyết cho
Thái Huy
9-27-17
***  
Hoạ: Áo Tím Ngày Xưa

Biết tìm đâu áo tím ngày xưa
Nhớ quá bao chiều bận đón đưa
Hương thủy xuôi dòng dài ngóng đợi
Vân Lâu tận bến mặc dồn mưa
Người đi để lại đời cay đắng
Kẻ ở đeo mang kiếp sống thừa
Thành Nội chừ mưa chiều sớm nắng
Biết tìm đâu áo tím ngày xưa

Kim Phượng
***  
Áo Tím Ngày Xưa(*)

Họa Nỗi Nhớ Khô Nguôi của Kim Phượng

Áo tím ngày xưa,dấu ấn xưa
Nhớ ngày gĩa biêt chẳng ai đưa
Em chưa thức giấc trong cơn mộng
Anh đã lên tàu giữa lúc mưa
Nhìn cánh đào khoe-thương khó dứt
Mơ hàng mi khép-nhớ thôi thừa…
Nửa vòng trái đất nay xa cách
Áo tím ngày xưa dấu ấn xưa.

(*) Một sớm cuối tháng Giêng 75 rời Huế

Thái Huy
9-29

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Dù Chỉ Một Lần Thôi - Trúc Hồ - Thiên Kim


Nhạc Sĩ:Trúc Hồ 
Tiếng Hát:Thiên Kim 
Thực Hiện: Quýdenver

Duyên Nghiệp



Xướng: Duyên Nghiệp

Ta đã phiêu linh vạn kiếp trần
Giao duyên từ lúc mới thành nhân
Chua cay chắc hẳn gầy chung nghiệp
Mặn đắng đành cam tính một lần
Suối tóc ngạt ngào hương dạ thảo
Tình trường liên tiếp áng phù vân
Ô hay! khéo đọa đày chi bấy
Sao bước đi trùng những dấu chân?

Cao Linh Tử

25/8/2017
***
 Các Bài Họa: 
Nghiệp Duyên

Kinh qua vạn kiếp tới dương trần,
Tu luyện ngàn năm mới thụ nhân
Mài sắt dày công lâu biết mấy,
Nên kim cố gắng trải bao lần.
Em ơi, " Cái nghiệp ", chân trời tím,
Anh hởi, " Nợ duyên " góc hải vân.
Vay trước tình đời, sau trả mãi ...
Luân hồi giẫm lại dấu bàn chân ?

Mai Xuân Thanh
Ngày 01 tháng 10 năm 2017
***
Kiếp Người

Thử xem cảnh sống ở dương trần
Nếm thử ngọt bùi kiếp thế nhân
Bệnh lão nối nhau đà mấy lượt
Tử sinh tìm đến chẳng hai lần
Lợi danh nào đã như vầng nguyệt
Phúc họa khôn lường tựa áng vân
Nhờ thế cuộc đời luôn thú vị
Đổi thay thay đổi ấy là chân.

Quên Đi
***
Nhân Quả

Nghiệp duyên tiền định cõi hồng trần,
Duyên nghiệp nào ai thoát qủa nhân.
Tiền thế tu thân là thiện ước,
Kim sinh thụ hưởng ấy đồng lần.
Âm dương tiêu trưởng như tàn nguyệt,
Thiện ác biến thiên tựa cẩu vân.
Tích đức khuyên người tua cẩn trọng,
Đáo đầu báo ứng giả hòa chân.


Đỗ Chiêu Đức
***
Nghiệp
Nương vận họa

Sống há riêng ai giữa cõi trần
Nhưng thời hào sảng với tha nhân
Cho đi lắm lúc nào đâu lớn
Nhân lại đôi khi gấp vạn lần
Bởi biết hi sinh không quản ngại
Do hay bênh vực chẳng phân vân
Để rồi trời phật ra tay giúp
Thể hiện tinh thần:Thiện,Mỹ,Chân.

Nghiệp

Ta chỉ sinh ra với xác trần
O oe tiếng khóc giữa phàm nhân
Công cha bù hẳn-thôi còn nợ
Nghĩa mẹ trả chưa-tiếp khất lần
Đau ấy quay lưng-chui độn thổ
Xót kia cui mặt-trốn đằng vân
Phật trời rộng lượng xin tha thứ
Cho kẻ xa quê-lỡ hụt chân…


Thái Huy
***
Kiếp Nhân Sinh

Hữu duyên sao chẳng trọn đường trần
Đà lỡ đành thôi gọi cố nhân
Cứ ngỡ chung đôi là mãi mãi
Nào ngờ đơn lẻ đến bao lần
Nhân sinh kiếp phải chăng cơn mộng
Vàng đá đời hồ tợ áng vân
Tình ấy đã trôi về xứ lạ
Tội bàn chân ngóng đợi bàn chân

Kim Phượng
4.10.2017
***
Gió Bụi Cuộc Đời

Mấy ai thoát khỏi bước phong trần ?
Số kiếp muôn đời của thế nhân !
Bệnh,lão đi về qua mấy nẽo ?
Tử,sinh lại đến được bao lần ?!
Cuộc đời ước vọng như mây khói
Thái sự bạc tiền tựa cẩu vân
Vinh nhục đôi phen thêm dính bụi
Công danh lắm lúc vướng bàn chân

Song Quang

Thơm Rơi


Tây Đô, nơi tôi đã đến, khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học và cũng là nơi tôi giã từ đất mẹ mà đi.

Tôi trở về đây một lần, nhưng chẳng dám đi lại ...đường xưa lối cũ. Nhưng trong ký ức tôi, dấu chân chim êm đềm còn đó, con đường tình ái còn kia và hình ảnh quê hương vương vấn hoài trong tâm trí nhỏ nhoi. 
Và lần này, rất...rất...tha thiết, Buổi Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long của Quý Thầy Cô, Các Anh Chị nguyên là Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, đang ở, làm việc hay đang có mặt ở Cần Thơ sẽ mang lại cho các Bạn Hữu Một Thời nơi quê nhà cũng như hải ngoại ấm lòng và giữ lại chút thơm rơi sau Buổi Họp Mặt. 

Kính chúc quý Thầy Cô và tất cả các Anh Chị có một ngày 30 tháng 9 năm 2017, để nhớ và chắc chắn không bao giờ quên. 

Thơm Rơi 

Đêm qua say giấc chiêm bao 
Cái mùi hoa bưởi ngạt ngào tình quê 
Bao giờ ríu rít đưa về 
Cạnh đường Sông Hậu tỉ tê nỗi lòng 
Bầy chim vỡ tổ hằng mong 
Tây Đô bừng lại tuổi hồng ngày xưa 
Mây se màu áo xanh vừa 
Ôm tròn kỷ niệm vẫn chưa phai mờ 
Đàn lòng réo rắt cung tơ 
Bậc thương hoài cảm động hờ con tim 
Hồn thu níu bước chân chim 
Tuổi nào vừa thoáng gợi niềm nhớ nhung 
Tìm nhau trong cõi muôn trùng 
Gọi nhau chấp cánh vui chung họp đàn 
Dẫu mà vó ngựa thời gian 
Rượu tương phùng tiếp vơi tràn lại vơi 
Luyến lưu khôn tỏ nên lời 
Tây Đô giữ lại thơm rơi chốn này 

Kim Phượng 
Ảnh: Kim Phượng


Hòn Non Bộ



Xướng: Hòn Non Bộ

Khen ai sắp đặt cảnh thôn trang
Đủ cả sông sâu với núi ngàn
Chùa cổ soi mình bên ngọn suối
Mục đồng thổi sáo cạnh cầu ngang
Trên thuyền, ông lão ngồi câu cá
Cuối dốc, đôi nai giỡn nắng vàng
Lấm tấm hoa xuân tràn nội cỏ
Một khung trời mộng giữa trần gian.


Phương Hà
***
Các Bài Họa:

Non Bộ


Khéo khéo tay ai tạo thác ngàn
Điểm tô tuyệt cảnh những điền trang
Êm đềm thanh thủy, dòng quanh lượn
Thơ mộng hoàng kiều, bóng vắt ngang
Mấy tháp chùa vươn lưng dốc núi
Dăm cô gái tắm nắng chiều vàng
Ngư ông tư lự ôm cần đợi…
Hồn dạo như chừng khắp thế gian.


Cao Bồi Già
27-08-2017

***
Hòn Non Bộ


Bên vườn trắng đỏ mấy bông trang
Giữa núi nhô cao cạnh bãi ngàn
Liễu trúc la đà hồ sóng gợn
Ngư tiều hớn hở bến đò ngang
Chim tung cánh rộng vui trời thẳm
Cá quẫy bờ xa thỏa mộng vàng
Cuộc sống yên bình,non bộ mãi
Cho lòng vĩnh cửu hóa thời gian


Lý Đức Quỳnh
***
Mmột Phút... Dừng Chân..


Dừng bước... một chiều nơi thảo trang
Diều xanh lơ lửng giữa mây ngàn
Mùa thu gió nhẹ qua đường vắng
Thôn nữ nhanh chân gánh lúa vàng
Mục tử về nhà...buông tiếng sáo
Tiều phu quảy củi...đón đò ngang
Lâng lâng trong dạ niềm vui mới
Quên cảnh hồng trần lắm dối gian !


Thy Lệ Trang
***
Hòn Non Bộ


Gói cả khung trời góc thảo trang
Dòng sông thác đổ cảnh non ngàn
Lưng bồi núi dựng ngôi chùa cổ
Góc vực sâu cầu vắt nhịp ngang
Nhị lão say sưa cờ chiến cuộc
Triền thung ẩn họa dáng nai vàng
Thông già một gốc đầy uy dũng
Khát vọng ôm tròn cả thế gian.


Uyên Du NĐT 
 170826
***
Ước Gì

Đô thị vẫn chưa được chỉnh trang
Sau ngày bão lũ cuốn mưa ngàn
Phố phường lụt lội, nhiều tai họa
Đường xá bùn lầy, quá ngổn ngang
Anh đạp xích lô càng vất vả
Chị phu quét rác khá truân gian
Được như cảnh trí Hòn Non Bộ
Đất nước quê ta ngập ánh vàng


Thục Nguyên
***
Sống Ở Quê

Thanh bình sống giữa cảnh nông trang
Dưỡng lão mình ta với bát ngàn
Sáng nắng cây vườn lòng lọc dọc
Chiều mưa củi lửa dạ lang ngang
Vui buồn thiện cảm cùng làng xóm
Tịnh động trầm tư có ruộng vàng
Chính hẳn là đây nguồn hạnh phúc
Chơn tình chỉ thấy ở dân gian


Hải Rừng
26/8/2017
***
Thú Điền Viên

Ung dung ngồi ngắm cảnh non ngàn
Núi giả nơi người giỏi điểm trang.
Vú đá lõm lồi đường lội ngược
Rêu đài trơn trượt hẻm dằn ngang.
Tiều phu đốn củi vung rìu phép
Đạo sĩ trông mây vẫy quạt vàng.
Cái thú điền viên nơi thế tục
Xưa thường hiếm thấy giữa nhân gian 


Trần Như Tùng
***
Hòn Non Bộ


Sỏi đá xây thành tuyệt cảnh trang
Cao cao bóng núi, thấp sông ngàn
Tiên ông mấy lão đang gầy cuộc
Hồng hạc vài con dợm quẫy ngang
Nai Hoẵng bên hồ lông đốm xám
Nhà Vườn dưới cội mái tranh vàng
Thiên nhiên thu gọn chừng vài thưóc
Ảo thực cũng là cõi thế gian


Bảo Trâm
***
Non Bộ

.
Tìm đâu kẻ chẳng chuộng không gian ?
Khoảnh khắc làm sao viếng thác ngàn?
Nào lúc băng đèo nhiều sỏi đá
Lại khi lội suối lắm hành trang
Thu hình cảnh giới nơi non thẳm
Tạo dáng thiên đường chốn cổng ngang
Sáng tối tha hồ nhìn ngắm thỏa
Chu du thủy tận,giấc mơ vàng !


Thanh Hòa
***
Ý Mới Vào Thu

Buông bút, suốt chiều được mấy trang
Vòng ra núi giả ngắm non ngàn
Vời trông cánh hạc vùi mây trắng
Lặng ngắm gót tiên quấn lụa vàng
Lã Vọng buông cần đâu giật vội
Tiên Cờ bày trận chớ ăn gian
Nôn nao ý mới vào thi họa
Thế thái nhân tình bớt ngổn ngang.


Phan Tự Trí
***
Hòn Non Bộ


Ngồi ngắm trước thềm cảnh thảo trang
Sông Hương nước chảy nép mây ngàn
Kia chùa Thiên Mụ vươn cao sững
Đây nhịp Tràng Tiền uốn vắt ngang
Đại Nội cây già um lá thắm
Tịnh Tâm sen búp rực chiều vàng
Thành Hoàng lưu nét " Hòn Non Bộ "
Nghệ thuật đẹp đời chốn thế gian


Minh Thuý

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Cựu Giáo Sư Lê Thượng Hiền Chia Buồn Gia Đình Nguyễn Thị Thu Thủy



Trang Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Cụ Bà Nguyễn Thị Nhãn


CHS Tống Phước Hiệp Chia Buồn Gia Đình Chị Minh Xuân, Minh Nguyệt, Thu Thủy, Thu Trang Và Tang Quyến


Vô cùng thương tiếc khi hay tin 
Cụ Bà Nguyễn Thị Nhãn 

Thân Mẫu của chị Minh Xuân, Minh Nguyệt, Thu Thủy, Thu Trang 
đã mãn phần: 
- Lúc 10g50
- Ngày 27- 9-2017 (Nhằm 8-8 Năm Đinh Dậu)
- Hưởng thọ 92 tuổi
-  Ngày 30-9-2017 linh cữu sẽ di quan đến Ấp Phước Thạnh 
Xã Lộc Hòa, Huyện Long Hồ - Tỉnh Vĩnh Long

Thân hữu Cựu Học Sinh Trường Tống Phước Hiệp, 
Thành Kính Phân Ưu, mong được chia sẻ, đồng hành cùng 
Gia đình Chị, Bạn,em và toàn thể Tang quyến. 

Nguyện cầu Hương Linh Bác Gái được an hưởng thảnh thơi nơi cõi Vĩnh Hằng.

Đồng Kính Phân Ưu:

Niên Khóa 1962-1969

  Lê Thị Nhung
  Lê Thị Kim Phượng
La Thị Hiền
Sửu Trần 
Biện Công Danh
Huỳnh Hữu Đức

Niên Khóa 1969-1976

Đào Thanh Xuân
Trương Tùng Thu
Lê Thị Kim Oanh

Cáo Phó Gia Đình Cụ Bà Nguyễn Thị Nhãn - Vĩnh Long



Thơ Tranh: Đà Lạt Tím Mơ


Hình Ảnh: Paulle Minh
Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Em Đà Lạt



Se lạnh lùa vào ngày lập đông
Nắng mai không đủ ấm môi hồng
Sương mù ai rắc vào trong gió
Mai có em đời đở lạnh lòng

Mùa đông nhìn cái gì cũng cóng
Hơi ấm tay gầy đóm lửa mai
Có em hơi thở dường như ấm
Khoảng vắng không buồn sương khói bay

Mai anh đi tay nắm bàn tay
Nhốt từng hơi ấm ủ hương say
Mênh mang một thoáng trời thương nhớ
Gởi tình theo gió gió ngàn bay

Bằng Bùi Nguyên

Ngã Hữu Tam Bảo - Đạo Đức Kinh - Lão Tử



Ngã hữu tam bảo
Trì nhi bảo chi
Nhất viết từ
Nhị viết kiệm
Tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên
Từ cố năng dũng
Kiệm cố năng quảng
Bất cảm vi thiên hạ tiên
Cố năng thành khí trưởng

(Trích Chương 67 - Đạo Đức Kinh)
***

I have three treasures that I hold and cherish
The first is compassion
The second is frugality
The third is not daring to put myself ahead of everybody
Having compassion, I can be brave
Having frugality , I can be generous
Not daring to put myself ahead of everybody
I can take the time to put perfect my abilities
(Charles Muller)
***
The Great Integrity has given us three treasures to cherish
The first is love
The second is moderation
The third is humility
If you love you will be fearless
If you are moderate, you might always sense abundance in life
If you live in humility, you will be widely trusted
(Ralph Alan Dale)

Ta có 3 vật báu
Nắm giữ trân quý
Một là tính từ ái
Hai là tính kiệm ái
Ba là tính khiêm ái
Có từ ái ta mới có dũng khí để bảo vệ người
Có kiệm ái ta mới được sung túc để làm được chuyện có ích
Có khiêm ái, luôn tự đứng sau mọi người, ta mới được trọng vọng và tin cậy ̣

(Phạm Khắc Trí)
Lạm Bàn: Nếu giữ được tính từ ái, kiệm ái, khiêm ái, ai người không thương mình cho được?
PKT 09/26/2017

Có Những Niềm Riêng


Xướng:
Có Những Niềm Riêng


Có những niềm riêng giấu tận lòng
Từ ngày đò rẽ nhánh sang sông
Mưa đau chia xẻ dòng dư lệ
Mỗi lúc sầu dâng mãi chất chồng

Kim Oanh
***
Các Bài Họa:
Y Đề


Ai xui gặp gỡ để bận lòng
Một chuyến đò đưa sáo qua sông
Yêu chi cho lắm, hai dòng lệ
Có tiếc cũng xong, một tấm chồng!

Biện Công Danh
***
Chôn Kín Niềm Riêng


Niềm riêng chôn kín xót xa lòng
Từ chuyến đò tình rẽ nhánh sông
Trải chút sầu dâng lên mắt lệ
Khi người nhận kẻ khác..làm chồng

Song Quang

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Tranquillity - Sáng Tác, Hòa Âm & Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Tâm

Anh Tri Tâm mến, Kim Oanh có món quà nhỏ mừng Sinh Nhật tháng 9/2017
Chúc anh ngày mới yên vui nhé (Kim Oanh)


Sáng Tác, Hòa Âm & Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Tâm
Thực Hiện: Kim Oanh

Lại Mùa Trăng



Ðêm nay, lại mùa trăng
Gió rét chiếm cung đàn
Mùa thu chừng ngạch cửa
Em chút gì nhớ chăng
Mùa thu về hay em
Mặt lạnh như trăng mềm
Nhìn tôi không chào hỏi
Rồi quay bước lặng êm
Cung phím này của tôi
Xua bóng tối rã rời
Cố xua vùng dĩ vãng
Ðêm vẫn ngập tràn thôi
Tiếng đàn như lá rơi
Bước chân, dấu cuộc đời
Muốn đi vào quên lãng
Lại trở về nơi tôi
Muà trăng, lại mùa trăng
Bài hát cũ một lần
Những ngón tay mò mẫm
Bấu vào gió thêng thang
Ðêm này em ở đâu
Có nghe tiếng gió sầu
Tôi, tiếng đàn lạc nhịp
Gửi vào đêm rất sâu
Cung phím đời vỡ toang
Vụn mãnh như sao ngàn
Ðêm em, có huyền diệu
Nhớ gì hay ăn năn

Tịnh

Yêu Thầm - Nhớ Trộm



Xướng: 
Yêu Thầm

Dần khuất chim chiều vổ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gởi về ai đó tình vô vọng
Buồn chết trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng
***
Các Bài Họa: 
Nhớ Trộm

Chiều rơi cánh nhạn sãi tên bay
Mất dạng ưu tư tiếng thở dài
Duyên kiếp gặp nhau mình mộng ước
Con tim thổn thức cuộc tình say
Khóc thầm tri kỷ, buồn thương nhớ
Than trách thời gian vun vút quay
Người ấy xa xăm tình tuyệt vọng
Sầu vương mắt lệ ướt mi hoài !

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 09 năm 2017
***
Thương Thầm

Hoàng hôn dần xuống,áng mây bay
Nhớ quá " người ta" năm tháng dài
Lối cũ lần qua:"ai " có nhớ ?
Đường xưa vẫn gợi mối tình say
"Yêu thầm" áo trắng ngày chung lớp
Thương trộm tóc dài cứ quắt quay
Xa cách,bây chừ ! người mỗi ngã
Mà sao, tim cứ nhói đau hoài

Song Quang
***
Thương Nhớ Một Mình

Người đi, như một cánh chim bay
Để lại hồn tôi giấc mộng dài
Hai ngã chia lìa chưa người nhớ
Đời đang ngăn cách vẫn còn say
Tinh ngoài tay với lòng phiền muộn
Đời mãi đong đưa đã quắt quay
Hy vọng gợi về ai có biết ?
"Yêu thầm" tim lặng chết u hoài

Song MAi Ly Le

9/8/2017
***
Tương Tư

Từng áng mây chiều mải miết bay
Ngang qua biển rộng với sông dài
Đem theo hình bóng người hư thực
Để lại nỗi niềm kẻ tỉnh say
Sắp hết cuộc đời, tình bỗng vướng
Chưa tàn chung rượu, mộng đà quay
Bao lần tự nhủ thôi dừng lại
Mà vẫn tương tư, vẫn nhớ hoài.

Phương Hà

***
Tương Tư

Thu chiều phố núi lá bay bay
Mồi thuốc mơ ươm thả dốc dài
Nhớ mái tóc xưa làm mất ngủ
Nhìn khung hình cũ khiến thêm say
Em đi thả gió-mây lồng lộn
Anh đứng trông mây-gió quắt quay
Ngược gío tan mây thành xóa dấu
Để nay mang nặng khối u hoài.

Thái Huy
9-10-17
***
Duyên Xưa

Chim trời vỗ cánh khuất mây bay,
Thăm thẳm màn đêm tiếp nối dài.
Mộng ước ban đầu chưa kịp đắm,
Tim tình vừa chớm đã thôi say.
Âm thầm gạt lệ còn mê luyến,
Hun hút thời gian vẫn cứ quay.
Âp ủ tơ lòng len lén ý,
Thở dài nuối tiếc dạ ai hoài!

Đỗ Chiêu Đức


Hội Chứng "Ngồi Lê Đôi Mách"


“Kinds words can be short and easy to speak, but their echoes are truly endless.”
Mother Teresa

Sách Thần Y Hoang Đường Cổ Bản có ghi vắn tắt về Hội chứng như sau:“Đây là chứng bệnh của người ướt miệng, mỏng môi, lưỡi không xương. Khi hớt lẻo thì mắt la mày lét, ngó trước ngó sau với nhiều tà ý; xì xào to nhỏ vào tai người nghe. Khi dối trá tới cao độ thì tim đập nhanh, hơi thở rộn ràng, cặp mắt láo liên gian dối. Dối riết thành kinh niên, bất trị. Trưởng Lão Danh Y đề nghị phương thuốc “Á Khẩu Liệt Dương Hoàn” hoặc “Mặc y dối mãi thành điên cho rồi.”

Con người đang sống vào thời đại với kỹ thuật truyền thông nhanh và mạnh nhưng sự giao tế giữa người với người có vẻ ít phần tình cảm. Bi kịch xã hội dường như khuyến khích những lời nói làm tổn thương người khác. Trên diễn đàn công luận, những mẩu chuyện tào lao không có xuất xứ được nhiều người để ý. Đến nỗi một cựu Giám Đốc Báo chí Bạch Cung phải lên tiếng rằng “Không ai tin lời nói của phát ngôn viên chính thức nhưng mọi người đều tin nguồn tin đưa ra từ kẻ không tên”.

Truyền thanh, báo chí, truyền hình và ngay cả trên internet đã có biết bao nhiêu gossip đủ loại, thực giả về mọi người, từ những danh nhân tới người không tên tuổi.

Giám Đốc Irvin Kassof của tổ chức Words Can Heal cho hay Mách Lẻo làm tổn thương cả triệu người Mỹ mỗi tuần lễ. Tổ chức này hiện đang quảng bá một chiến dịch để giảm lạm dụng ngôn từ, cải thiện dân chủ, tạo sự tương kính giữa người với người và mang lại uy tín cho đất nước.

Theo kết quả thăm dò ý kiến của Luntz/Lazlo cho tổ chức Words Can Heal ngày 17-21 tháng 8 năm 2001 thì: 117 triệu người Mỹ nghe hoặc chia sẻ gossip về người khác ít nhất một hoặc hai lần trong tuần; 51 triệu nhận là nói điều không hay sau lưng người khác một-hai /tuần; 63 triệu người cho hay người khác nói xấu về mình một-hai lần /tuần; 68% nói gossip là một vấn nạn tại trường học; 79% tại nơi làm việc; 80% trong chính trường; 84% trong tin tức truyền thông.

Đọc lại Luân Lý Giáo Khoa Thư của Việt Nam xuất bản trên nửa thế kỷ trước, thấy câu chuyện đáng suy gẫm sau đây:
“Anh Nhị nghỉ học một ngày. Hôm sau đến trường nói dối thầy rằng: “Hôm qua con sốt, không đi học được”. Nghiêm ngồi ở cuối lớp, muốn làm cho Nhị phải phạt, đứng dậy mách rằng:” Thưa thầy, anh Nhị nói dối đấy ạ, hôm qua con trông thấy anh ấy đi câu với một người nữa ở ngoài bờ sông.” Thầy giáo ngoảnh lại mắng Nghiêm rằng:
“Tao có hỏi mày đâu, mà mày nói? Thằng Nhị nói dối, có tội đã đành, nhưng mày mách lẻo như thế thì mày là đứa vô hạnh”.
Cả lớp nhìn Nghiêm ra dáng khinh bỉ lắm. Nghiêm thẹn đỏ mặt, cúi gầm đầu xuống”. 
Tác giả kết luận: “Đứa trẻ hay mách lẻo làm cho anh em bạn phải phạt là đứa trẻ bụng dạ hèn mạt, làm điều đáng khinh bỉ. Ta không nên mách lẻo”.
Đó là bài học đời xưa, bên ta. 

Mới đây, bên Mỹ, đọc trong tạp chí The Oprah Magazine, thấy người nghệ sĩ tài danh Oprah Winfrey có tâm sự rằng: 
“Bản thân tôi đã biết những lời nói tiêu cực đó có hại như thế nào. Ngay từ khi mới vào nghề, các báo lá cải đã bắt đầu tung ra vô số điều không thực về tôi. Tôi choáng váng và cảm thấy bị ngộ nhận quá nhiều. Và tôi đã hoang phí nhiều sức lực để lo nghĩ rằng không hiểu mọi người có tin ở những điều mách lẻo đó không

Tại sao họ lại có thể in những lời lẽ vu vơ như vậy nhỉ? Tôi phải tự chiến đấu lắm mới không kêu từng người để phân trần và bào chữa. Đó là trước khi tôi ý thức được điều mà bây giờ tôi hiểu. Khi kẻ nào đó tung tin thất thiệt về bạn, xin hãy quên nó đi, đừng sa vào cạm bẫy. Dù dưới hình thức một tin đồn lan truyền mọi nơi hoặc một bàn tán phàn nàn của bạn bè, lời thêu dệt đều phản ảnh sự bất an của người khởi sự loan tin. Khi nói xấu sau lưng một người nào đó là họ muốn tỏ rằng họ mạnh nhưng thực ra thì họ yếu kém, không giá trị, không có can đảm nói sự thực.

Mách lẻo cũng nói lên cho bản thân đương sự và cho người khác biết họ là người không đáng tin cậy. Gossip có nghĩa là đã không có can đảm nói thẳng với người mà họ muốn thảo luận mà quay ra mách lẻo để hạ giá trị người ta, điều mà Jules Feiffer gọi là đã phạm một tội sát nhân nhẹ. 
Nói rõ ra, mách lẻo là một vụ giết người do một kẻ hèn nhát thực hiện. Chúng ta sống trong một nếp sống đầy những điều thêu dệt. Hôm nay anh ta mặc quần áo mầu gì; cô đó hẹn hò với kép nào; ai mới đây được nhắc nhở vì quá lăng nhăng tình ái. 
Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu ta tạo ra một gia đình, một quan hệ bạn bè, một đời sống không mách lẻo chen vào?! Chúng ta sẽ rất ngạc thấy rằng ta sẽ có biết bao nhiêu thì giờ để làm nhiều việc ích lợi, quan trọng khác thay vì làm hại người ta. Sẽ có tràn đầy gia đình ta với những chân tình mà bạn bè muốn tới và ở lại với ta mấy ngày. Và ta cũng nhớ rằng nếu lời nói có thể hủy hoại thì cũng có sức mạnh hàn gắn”.

Và Oprah đã làm theo lời khuyên của người bạn Maya Angelou: “Tôi tin là những lời nói xấu đều có một sức mạnh và nếu bạn để chúng xâm nhập vào gia đình bạn, trong tâm trí bạn, trong đời sống bạn, chúng sẽ thao túng bạn. Những lời nói tiêu cực đó sẽ ngấm vào đồ đạc bàn ghế nhà bạn rồi vào da thịt bạn. Chúng là những liều thuốc độc.” 

Vậy mách lẻo là gì mà ác hại thế nhỉ?!
Theo tự điển Việt Nam, Mách là nói cho người khác biết điều gì; Lẻo có nghĩa nhanh mồm miệng nhưng không thật. Mách lẻo là nói hoặc bàn tán chuyện riêng tư của người khác với người này người nọ, gây nghi kị mất đoàn kết,

Ý kiến chung cho mách lẻo là nói bất cứ điều tiêu cực, đúng hoặc sai của một người cho người khác nghe. Nhiều người nghĩ khi nói tốt về người nào đó thì cũng tốt đi.. Nói như vậy thì hợp pháp và không sao nhưng vẫn là ngồi lê mách lẻo và không đúng quy tắc xử thế.

Theo Lisa Kirk, người mách lẻo chuyên môn đưa chuyện người khác; kẻ vô duyên chỉ nói về mình; người lịch duyệt thì nói nhiều về bạn.

Jack Canfield, tác giả loạt sách The Chicken Soup for the Soul góp ý: “ Bằng cách nghĩ và nói tốt về người khác, mỗi chúng ta sẽ là vật xúc tác cho các cảm nghĩ tốt về mình, tăng niềm vui cho người và khích lệ sự hài hòa xã hội. Nhưng buồn thay, những lời tiêu cực về người khác, trước mặt hoặc sau lưng đều đưa tới sự băng hoại, sự mất vui, làm đau lòng mọi người. Dù lời hớt lẻo có là sự thực chăng nữa thì khi đi rêu rao, ta đã hạ phẩm giá của ta, của người và của tập thể.”

Cách ngôn Tây Ban Nha có câu “Ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách lẻo về bạn.”
Trong Thánh kinh ta học được: “Nói sai sự thực có chủ ý làm hại thanh danh của người khác là kẻ mách lẻo- Thượng Đế rất buồn lòng đối với kẻ nói xấu sau lưng người khác.”- Psalms 101:5. 

Và “Biết điều riêng tư dù đúng hay sai của một người mà vội vàng kể cho người khác nghe là kẻ ngồi lê đôi mách.”-Proverbs 11:13.

Ngũ Giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử với điều Bốn: Không Nói Dối, nói trái với sự thật để hại người, mưu cầu lợi cho mình. Người nói như thế là mất cả lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử.

Sao lại Ngồi Lê

Ấy vậy mà tại sao người ta hay lăng ba vi bộ đưa chuyện nhỉ?

Các nhà tâm lý, xã hội học và biết bao nhiêu sách báo đã tìm hiểu về chứng tật này, để coi tại sao hay lan truyền, tại sao có người thích nghe. Có người nói nó như là một thứ dầu bôi trơn các thành phần trong xã hội khi mọi người giao tế với nhau; hoặc vì thế nhân đều bận bịu không có thì giờ gặp nhau thì cũng tò mò muốn biết xem người kia ra sao, có gì mới lạ không. 

Nói chung mục đích kẻ mách lẻo thường là: 

Để chứng tỏ mình là người giao thiệp rộng, thành thạo mọi sự việc;
Để nâng cao vai trò của mình, hoặc lôi cuốn chú ý về mình;
Để mua ảnh hưởng tạo cảm tình gắn bó với người khác;
Để tỏ tài dí dỏm của mình về chuyện tào lao của người khác;
Để che đậy sự thiếu khả năng nói chuyện của mình;
Để biểu lộ sự tức giận và trả thù đối với một người;
Để gieo rắc nghi kỵ giữa mọi người, hy vọng mang phần lợi cho minh
Để lòe lại khi bị thất thế, uy hiếp;
Để giấu giếm sự mình ghét người đó; vì họ điên khùng -Proverbs 10:18; vì họ không có việc gì để làm-Timothy 5:13

Như một bệnh kinh niên, mách lẻo cũng đưa tới nhiều hậu quả xấu, cho nạn nhân. Và cho kẻ đưa tin.
Trong mách lẻo có sự bội ước, loan truyền ý tưởng có hại tới danh dự của người khác có thể đưa tới tan vỡ hạnh phúc gia đình, sự nghiệp, việc học của nạn nhân. Khi ta ngồi lê đôi mách là ta đã lấy đi cái quyền đáng lẽ được nói sự thực của người đó.

“Con người thường rất thích nghe chuyện thêu dệt, với cái vị ngọt và hậu quả cay đắng của nó. Những lời gossip giống như miếng trái cây ngon ngọt, nó đi lần vào nội tâm xâu nhất của con người.”- Proverbs 18.8.

Có người tự hỏi nếu đời không có gossip thì tẻ nhạt biết mấy, sẽ nói gì với nhau bây giờ. Có người coi chúng như một thứ giải trí, đưa đà câu chuyện làm ăn. Nhưng nhiều khi cũng gây khó khăn giao tế, vì nghe một người nói xấu về người khác thì mình lại tự hỏi bao giờ đến lượt mình bị thêu dệt đây?!. Thế là giao tế trở thành dè dặt hơn.

Câu chuyện một bà nọ truyền lan bịa đặt về một người đàn ông. Khi biết rằng mình đã làm hại thanh danh người đó, nữ nhân xin lỗi và hứa làm bất cứ điều gì để bù đắp. Ông ta đưa cho bà một túi lông gà, bảo ra góc phố tung lông trong gió. Làm xong, nữ nhân hỏi như vậy đã đủ để tạ tội chưa. Sẽ đủ nếu bà lượm lại được hết lông. Chúng bay tứ tán khắp nơi, làm sao lượm lại được. Thưa rằng: những lời bịa đặt của bà đã gây ra những thiệt hại không lấy lại được cho tôi. Chẳng khác gì những cái lông gà đã tung đi trong gió không sao nhặt lại được.

Muốn hóng chuyện người, hãy sẵn sàng khi ai đó mở đầu:

-Này bà có biết chuyện gì xẩy ra cho con Xuân không?!
-Mày có muốn nghe tin cuối cùng về vợ chồng con Bích không?
-Tao muốn hỏi ý kiến mày về vụ ông xếp lăng nhăng vơi cô Tình..
-Này, tớ chỉ nói cho cậu nghe thôi đấy nhé...

Mà không muốn nghe hoặc là nạn nhân thì cũng dễ thôi. Bản tính nhiều người là thích đưa chuyện. Nhưng nên nhớ rằng mọi sự việc đều có mặt trái mặt phải; rằng dù chỉ là một chi tiết nhỏ cũng đủ làm hại người khác; rằng mách lẻo thường bắt nguồn ở sự không cởi mở. Ai trong chúng ta chẳng có một số lỗi lầm lớn nhỏ nào đó. Nói cho nhau hay để thông cảm, rằng ta cũng chỉ là con người thì có thể giảm những soi mói, bâng quơ bóng gió về mình. Có người cho là cứ Gossip với God là thượng sách.

“Nếu thấy ai định nói lén về một người khác thì chẳng nên nghe.” -Timothy 5:19

Tác giả “Words That Hurt, Words That Heal” Rabbi Joseph Teluskin: “Gossip là một hình thức khủng bố bằng lời nói. Mà“ Hủy hoại thanh danh của ai là phạm một tội sát nhân.”
Cách hữu hiệu nhất để chứng tỏ điều đó là dối trá là đối diện với sự việc bằng việc làm của mình; chạy trốn có thể bị hiểu nhầm là điều đó có thực.

Theo Mark Twain: “Cần hai người để làm tổn thương trái tim của ta: người lén lút nói xấu ta và người thuật lại hành động đó với ta”. 
Nếu có người hỏi có biết X nói gì về mình không, thì hãy can đảm trả lời: không biết và cũng không muốn nghe kể lại. Làm được như vậy thì không những đời ta thanh thản hơn mà cũng cho kẻ đó hay ta không muốn nghe chuyện thị phi tào lao. 

Cho đỡ bực mình. 
Và chờ Thượng Đế phán xét.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC M.D.
Texas -Hoa Kỳ

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Giọt Mưa Trong Lòng

Tưởng nhớ Giỗ của người bạn thơ Đỗ Hữu Tài 25/9
Nguyện cầu Tài được an vui nơi nhà Chúa!


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đưa Tình Vào Cõi Thiên Thu



Hai năm xa em, Đỗ Hữu Tài ơi,
Nguyện cầu Hương Linh của em được an bình nơi Nhà Chúa

Đường trần oan nghiệt chia đôi
Em mây lơ lững trôi trôi trắng trời
Biệt ly khuất bóng nghẹn lời
Ngậm ngùi thương xót mảnh đời trái ngang
Thân đơn bóng chiếc ngày tàn
Chữ duyên ôm trọn dỡ dang riêng mình
Đưa tình gọi nắng thủy tinh
Mau mau hong ấm khối tình thiên thu

Kim Phượng


Lời Thơ Dâng Mẹ



Xin Mẹ nhận những lời thơ con viết
Bằng tâm tình tha thiết trong trái tim
Như tiếng chim ríu rít trên cành
Con kính cẩn kết thành thơ dâng Mẹ

Thơ con viết vụng về khong trau chuốt
Nhưng tấm lòng trong suốt như chiếc gương
Như giọt sương tinh khiết xuống từ trời
Và rực rỡ sáng ngời như ánh đuốc

Để ca ngợi lòng tâm từ , nhân ái
Mẹ giữ gìn con cái ở trần gian
Gặp nguy nan Mẹ nâng đỡ dắt dìu
Con xin viết thật nhiều lời cảm khái

Cám ơn Mẹ cho con còn suy nghĩ
Để bây giờ tỉ mỉ viết lời thơ
Tuy đơn sơ nhưng đầy ấp nỗi niềm
Của con trẻ đắm chìm trong tình Mẹ

Cám ơn Mẹ đã thương yêu che chở
Con không còn than thở hay kêu van
Không hoang mang những lúc chỉ một mình
Và vui sống trong tình yêu của Mẹ

Đỗ Hữu Tài
Oct 24, 2002

Tặng "Tài Tui" Nè


(Cảm Tác Giọt Mưa Trong Lòng của Đỗ Hữu Tài)

Giọt mưa tí tách bên song
Giọt ngoài khung cửa giọt trong lòng người
Giọt vui ngắn, giọt buồn dài
Giọt đau phong kín tình sầu chơi vơi.

Mưa rơi từng giọt ngậm ngùi
Mưa rơi từng giọt rã rời gối chăn
Mưa rơi từng giọt lệ thầm
Mưa rơi từng giọt tháng năm nghẹn ngào.

Nửa đời không trọn lứa đôi
Nửa đời u uất ngậm sầu chia phôi
Nửa đời mơ ước đơn côi
Nửa đời tiếc nuối tình tôi lỡ làng.

Giọt tình bỗng chốc vội tan
Giọt tình giờ đã nhuộm màu ủ ê
Giọt tình rơi rớt lê thê
Giọt tình ray rứt câu thề chưa phai.

Mưa chi lòng nặng u hoài
Mưa chi để nhớ một thời phấn hương
Mưa chi lỡ cuộc tình trường
Mưa chi cho khổ sầu vương nửa đời.

Nửa đời phiêu lãng trùng khơi
Nửa đời lạc giọng à ơi thì thầm
Nửa đời chăn gối lạnh căm
Nửa đời còn lại tháng năm bụi mờ...

ĐHSR 
(Jan. 27. 2015)

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Lời Cuối Cho Cụ Bà Võ Thị Thoại (Điếu Văn)

(Võ Thị Thoại năm 2001)
Thời gian quá nhanh!
Mới đó mà đã 15 năm trôi qua. Ngày 24 tháng 9 năm 2002, Má đã vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời. 
Từ lúc còn là một cô bé, đến khi về làm dâu và sau đó trở thành là mẹ của những đứa con, là chủ của một gia đình, việc thờ cúng ông bà, Má lấy đó làm niềm tin.

Nhưng, trong những ngày cuối đời, Má đã nhờ Vị Linh Mục, cho Má một câu kinh để "Má học". Một câu kinh dù ngắn, gọn, chỉ có 11 chữ, so ra rất khó khăn cho một người mà theo lời bác sĩ cho biết, chỉ còn một tuần lễ trên dương thế mà thôi. 
Cuối cùng rồi Má cũng thuộc lời kinh thứ nhất. Má tiếp tục, xin học thêm câu kinh thứ hai. Rất tiếc, chỉ được nửa câu...Má không còn cơ hội nữa rồi.

Lúc sinh thời, Má rất hâm mộ Vị Linh Mục, và phải chăng có sự gặp gỡ trong tâm hồn, chính Ngài là Người đọc điếu văn...đưa Má rời khỏi cuộc đời...
***
Điếu Văn của Linh Mục Đinh Thanh Bình

(Võ Thị Thoại Năm 15 tuổi)

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Trong những ngày tháng cuối đời của cụ bà Võ thị Thoại, tôi được may mắn gặp cụ hai lần. Lần thứ nhất, 45 phút, lần thứ hai khoảng 80 phút. Tổng cộng chỉ được hơn hai tiếng đồng hồ. Vậy mà đối với tôi sau hai lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi biết chắc rằng hình ảnh và phong thái của cụ sẽ vĩnh viễn lưu lại trong tâm hồn tôi. Nghe tin cụ mất, tôi đã bàng hoàng thương tiếc, gần như một người con vừa mất mẹ. Ngay cả đứa cháu của tôi, đã theo tôi hai lần đi gặp cụ, cũng vùi khóc ròng như một người cháu ruột vừa mất bà.

Cụ bà Võ Thi Thoại là một người như thế nào mà chỉ trong vài lần tiếp xúc với cụ, tôi đã bị cụ cuốn hút mãnh liệt nhanh chóng như vậy? Cụ là ai mà chỉ trong hai tiếng đồng hồ chuyện trò, tôi đã nuối tiếc ngẩn ngơ vì không còn cơ hội gặp lại cụ nữa? Quí ông bà anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau lần giở lại trang sử đời cụ để tìm cách trả lời cho câu hỏi này.
Như một sự tình cờ ngẫu nhiên nhưng mang đầy ý nghĩa, cụ là một món quà đầu năm mới cho cuộc đời, vì cô bé Võ Thi Thoại sinh vào đúng ngày Mùng Một tháng Giêng năm 1924. Quê cô ở Vĩnh Long, vùng đất ngọt ngào tình tự quê hương. Cô thôn nữ Thoại chất phác thật thà như bản tính cố hữu của người miền nam. Chắc chắn lúc đó cô rất đẹp, vì lần đầu tôi gặp cụ, khi cụ đã hơn 78 tuổi, cụ vẫn còn nhiều nét thanh xuân mặn mà của thời con gái, mặc dù bây giờ người ta chỉ có thể khen cụ đẹp lão mà thôi.

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Thoại vừa đến tuổi trăng tròn, 15, 16, thì cụ ông, Lê Văn Sang, trước kia là một chàng công tử con nhà giàu, đã say mê cô thôn nữ. Lúc đầu, cụ ông còn bày đặt giả đò đi kiếm bạn cho cô, kiếm hoài không được. Dĩ nhiên là không được vì cụ ông đã có chủ ý rõ rệt “Em ơi! Kiếm hoài hổng được, thôi thì, em chịu đại anh cho rồi”. Sau lời cầu hôn ấy, hình như, cô thôn nữ đã gật đầu ưng thuận. Chàng công tử biết tỏng câu ca dao: “Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Bị dèm pha chưa chắc đã sợ nhưng chỉ sợ có thằng nào nhanh chân dớt trước thì lại tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng bởi vì cụ vừa đẹp, vừa dịu hiền lại vừa chất phác thật thà. Về nhà chồng năm 16, cô thôn nữ bây giờ đã là vợ, còn nhiều nét ngây ngô dại khờ. Cô nấu canh cho gia đình, bố chồng ăn xong chép miệng nói: “Con ơi! Canh hơi bị cứng”. Cô nhanh nhẹn trả lời: “thưa Tía, con hầm canh lâu lắm mà! Cứng sao nổi mà cứng, hả Tía?” Bố chồng mỉm cười đáp lại: “Tía nói cứng nghĩa là canh bị mặn, nhưng không sao đâu, con còn nhỏ, từ từ rồi tía má sẽ chỉ dạy thêm.” Câu nói dịu dàng ấy của Bố chồng, đã in sâu vào tâm khảm của nàng con dâu. Ở đời, người ta thường mỉa mai sự khắc nghiệt của bố mẹ chồng đối với nàng dâu. Trong gia đình chồng của cô Thoại, không hề có chuyện đó. Chính nhờ sự dịu dàng của Bố chồng, con dâu Thoại đã cảm nhận được những bài học về sự nhân ái trong cuộc đời Nhờ cảm nhận được bài học độ lượng này, nàng con dâu đã đem áp dụng lại để đối xử với mọi người, và đặc biệt nhất, để chỉ dạy giáo dục cho các con về sau.

Nếu hỏi rằng Cụ Bà Võ Thị Thoại là ai mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ hiếu thảo với bố mẹ, biết chấp nhận lầm lỗi, biết cảm kích trước lòng độ lượng của bố mẹ và biết học hỏi để truyền dạy lại cho con cái, cũng như chính cụ biết sống thực hành lòng độ lượng đó khi đối xử với mọi người chung quanh.

Thập niên 1940, chiến tranh tiếp tục leo thang khốc liệt tại quê hương. Dân chúng khốn khổ trăm chiều ngược xuôi lánh nạn, giặc Tây rồi lại Việt Minh. Mỗi lần Tây đi càn, tất cả con trai, đàn ông trong làng đều phải đi trốn, nếu không muốn bị chém đầu xử tử. Một mình cô Thoại ở lại nuôi con. Cô học tới lớp cao nhất bậc tiểu học, đối với thời bấy giờ, phải kể là một người có học thức cao. Nhờ thầy giáo Phụng hết lòng dạy dỗ, cô biết tiếng Pháp. Và chính nhờ số vốn ngoại ngữ này, cô đã cứu giúp được nhiều người bà con hàng xóm vì khả năng đối đáp trôi chảy nhuần nhuyễn của cô với giặc Tây.

Năm 1968, tết Mậu Thân, một lần nữa, gia đình ông bà Sang Thoại, lại bồng bế nhau trốn chạy rời Làng Giống Ké, Quận Vũng Liêm. Những sạp buôn trong chợ lại bị đốt sạch, cuối cùng, cả gia đình đành kéo nhau trở về quê nội. Sự giàu có của gia đình nội, tới thời gian này, vì chiến tranh loạn lạc, đã bị khánh kiệt gần như hoàn toàn. Nếu chúng ta từng đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, một nhà văn nổi tiếng người miền nam, chúng ta không thể quên được cái Lộ ông Bang, ông Bang đắp đường lộ, ông Bang chính là bố chồng của Bà Thoại. Gia đình giàu sang nhưng không tự cao hách dịch, ông bà đối xử rất tử tế với những người làm công và tá điền, sẵn sàng trợ giúp bằng mọi cách cho những người nghèo khổ khốn cùng. Các con cháu bây giờ, vẫn nhớ ơn ông bà, vì phước đức của ông bà để lại.

Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ Thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ rất nhân từ, rất can đảm và rất cương quyết, sẵn sàng đối phó với mọi gian nan thử thách, mọi tình huống nghiệt ngã trong cuộc đời để tận tụy phục vụ cho bố mẹ, cho chồng con và cho mọi người.

Năm 1975, quốc nạn bất ngờ ập đến, cuộc sống càng ngày càng cơ cực. Ông phải lặn lội đi xa coi sóc nhà máy xay lúa, một mình bà ở nhà nuôi dạy con cái. Mười đứa con, cả trai lẫn gái đều được khuyến khích theo học. Học hỏi không chỉ trong kiến thức, nhưng còn học cách làm người, như cha mẹ như ông bà. Bà Thoại khi rỗi rảnh kể lể chuyện ông Sang cho con cháu nghe, bà vẫn còn bùi ngùi lúc nhớ đến kỷ niệm ngày xưa. Ngày xưa, mà ông đã biết viết thơ về cảm ơn bà đã thay ông chăm sóc dạy dỗ các con nên người. Ngày xưa, mà khi bà bị bệnh nằm trên thường 28 ngày, dù đầy người giúp việc trong nhà nhưng ông cũng nhất định nghỉ làm trọn tháng để tự tay cơm bưng nước rót hầu hạ bà. Chúng ta sẽ vô cùng lầm lẫn, nếu cho rằng ngày xưa tình nghĩa vợ chồng không biết cách biểu lộ sự tình tứ lãng mạn và âu yếm mặn nồng. Một người con đã kể lại, chưa bao giờ thấy ba má to tiếng cãi nhau dù chỉ là một lần. Không phải là hai ông bà giấu giếm sự thật hay tránh né xung đột nhưng chỉ bởi vì hai ông bà biết cảm thông, biết chấp nhận, biết tôn trọng lẫn nhau và biết chân thành yêu thương nhau.Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ Thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ hết lòng chung thủy với chồng con, hết lòng hết sức để nuôi dạy các con nên người, vì cụ không chỉ dạy dỗ các con bằng miệng lưỡi ngon ngọt, nhưng bằng chính đời sống như một tấm gương về lòng độ lượng của cụ.

Như rất nhiều các gia đình khác, sau biến cố 1975, ông bà tìm cách cho các con vượt biên, dù có phải vay mượn nợ nần. Đến năm 1984, ông bà được các con cháu bảo lãnh sang Úc. Tuổi đời đã chồng chất, nhưng cụ ông cụ bà không xuôi tay đầu hàng với tuổi đời. Năm 1984, bà đã 60 ngoài, ông đã gần đến thất thập cổ lai hi, nhưng cụ ông cụ bà vẫn chăm chỉ học tiếng Anh. Các thầy cô người Úc đến nhà dạy đều phải cúi đầu khâm phục sự nhẫn nại kiên trì và cương quyết của hai người học trò đáng tuổi cha mẹ họ, nhưng vẫn khiêm tốn tập đọc tập nói từng câu từng chữ. Quí thầy cô vụt trở thành bạn hữu thân thiết, vì khi học xong, ông bà thường mời họ ở lại dùng cơm, đối xử với họ đúng theo tinh thần hiếu khách và kính trọng của văn hóa Việt Nam Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Hai ông bà cụ không chỉ tôn trọng thầy cô, nhưng còn trân trọng tình bằng hữu đối với mọi người. Không biết thì thôi, nhưng ai đã từng gặp cụ ông cụ bà thì không thể nào cưỡng lại sự cuốn hút mãnh liệt của cả hai người. Sự cuốn hút của một tấm lòng nhân từ hiếu khách chân thành. 

Rất tiếc, cụ ông qua đời trước cụ bà bốn năm. Tình nghĩa vợ chồng sau hơn nửa thế kỷ sống chung đành đứt đoạn chia lìa. âu cũng là định mênh, âu cũng là lẽ đương nhiên của thân phận làm người. Bốn năm chờ đợi, cụ bà vẫn cương quyết ở lại ngôi nhà cũ, vì ngôi nhà là kỷ niệm của một thuở yêu thương gắn bó vợ chồng. Trước khi ra đi, cụ bà đã trối trăn lại cho các con Ba ở đâu thì Má ở đó. Nếu có chôn thì để ba với má chung một nấm mồ, nằm bên cạnh bờ tre, nơi ba má gặp gỡ nhau lần đầu. Cô thôn nữ Vĩnh Long về nhà chồng năm 16 tuổi, đến khi nhắm mắt, cũng vẫn một lòng chung thủy theo chồng, khi còn sống cũng như lúc qua đời.

Trong những ngày tháng cuối đời, niềm tin của cụ vẫn gói trọn vào sự biết ơn thờ cúng tổ tiên ông bà. Tuy nhiên, cụ Võ Thị Thoại còn mở rộng tâm hồn để đón nhận thêm niềm tin vào Trời Phật, Thượng Đế và Thiên Chúa Cụ thường xuyên suy niệm đọc kinh, chăm chú nhìn vào di ảnh của ông bà, của chồng và nhìn lên thánh giá. Đã có lần một người con hỏi mẹ: Má có sợ chết hay không? Cụ bảo: Má không sợ, nhưng chỉ sợ không có ai chăm sóc cho cháu Ngân, đứa cháu đi du học đang ở chung với bà. Đến giây phút gần đất xa trời như thế mà cụ vẫn một lòng hiền mẫu lo lắng cho các con các cháu. Sau cùng, cụ đã thanh thản, bình an nhắm mắt ra đi vào lúc 8 giờ 30 tối ngày 24 tháng 9 năm 2002. Vào đời vào đầu mùa Xuân, cụ từ giã cõi đời cũng vào một mùa Xuân. Phải chăng đời cụ mãi mãi là một mùa xuân cho mọi người?

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Xin chân thành cảm ơn quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của gia đình cụ bà Võ Thị Thoại. Có lẽ bây giờ, chúng ta đã đủ dữ kiện và chi tiết để trả lời cho câu hỏi của tôi: Cụ là một người như thế nào, cụ là ai mà chỉ sau hai lần gặp gỡ, tôi đã bị cụ cuốn hút mãnh liệt cho đến nỗi sự ngậm ngùi nuối tiếc của tôi rất gần với sự than khóc của một đứa con mất mẹ.

Nếu có thể tóm gọn lại, thì cụ bà Võ Thị Thoại đã cuốn hút mọi người bởi vì cụ có một tấm lòng độ lượng chân thành: Tấm lòng hiếu thảo của một người con đối với bố mẹ, tấm lòng chung thủy sắt son của một người vợ đối với chồng, tấm lòng mẫu tử dạt dào thiết tha của một người mẹ đối với các con, tấm lòng khoan dung nhân hậu của một người bà đối với các cháu, tấm lòng tử tế thân thiên của một người bạn đối với bằng hữu hàng xóm láng giềng và ngay cả tấm lòng hiếu khách cởi mở chân thành đối với người dưng nước lã. Nếu tính theo số thời gian được gặp cụ, thì tôi chỉ là một người dưng, nhưng người dưng hay người thân không tùy thuộc vào số lần gặp gỡ bên ngoài, mà tùy thuộc vào sự gặp gỡ của hai tâm hồn. Đối với tôi, mặc dù chỉ trong hai lần gặp gỡ nhưng tôi đã là một người thân của cụ, và cụ đã là một người thân của tôi, vì tôi và cụ đã gặp gỡ nhau ở sự sâu thẳm cảm thông của hai tấm lòng.

Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta món quà cụ bà Võ Thị Thoại.

Cảm ơn cụ bà đã ban tặng cho chúng ta món quà của một tấm lòng độ lượng. Cảm ơn cụ bà đã để lại cho cuộc đời những người con, dâu, rể, cháu chắt. Họ sẽ là những chứng nhân đích thực của cách sống độ lượng Võ Thị Thoại, để người khác khi nhìn vào hoa trái đời sau sẽ biết giá tri của cội nguồn đời trước. 

Dưới nhãn quan của một cuộc đời bình thường, với niềm thương tiếc vô hạn và trong niềm cảm thông chia sẻ nỗi buồn với gia đình con cháu, chúng ta xin vĩnh biệt cụ Võ Thị Thoại. Nhưng dưới nhãn quan của một niềm tin tôn giáo, với niềm hy vọng vào một hội ngộ ở cõi vĩnh hằng, chúng ta chỉ xin tạm biệt cụ. Như đã có lần cụ kể lại cho các con: Cụ bà mơ thấy cụ ông đang xây nhà mới để đón cụ về. Như thế, cụ bà phải lên đường ra đi để được trở về đoàn tụ với cụ ông. Như di ngôn sau cùng của cụ để lại cho các con: Các con hãy biết đoàn kết, biết chăm sóc đùm bọc và yêu thương nhau. Hẹn ngày gặp lại các con trong một thế giới khác, thế giới của sự bình an và hạnh phúc đời đời. Riêng cá nhân tôi, tôi rất cần gặp lại cụ, vì cụ còn một câu chuyện leo cây lý thú mà cụ định kể cho tôi nghe nhưng chưa có cơ hội. Xin tạm biệt cụ, hẹn ngày được vinh dự gặp lại cụ trên thiên đường của niềm hạnh phúc và bình an.

Đã có nhiều tiếng khóc tiếc thương vô vàn cụ bà Võ Thị Thoại, nhưng trong những giọt lệ đó, hy vọng sẽ tiềm ẩn một nụ cười biết ơn cuộc đời trần thế của cụ, giống như nụ cười thật tươi của cụ trong di ảnh để lại cho chúng ta ngày tiễn đưa cụ hôm nay.


Melbourne 24 - 9 - 2002 
Linh Mục Đinh Thanh Bình
(Kim Phượng lưu niệm)