Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Đêm Say Hương Quỳnh (Bài Họa)

(Họa Y Đề từ Đêm Say Hương Quỳnh của Kim Oanh)

Nửa đêm bừng nở một bông hoa
Phô trương vóc ngọc da ngà dưới trăng

Oanh vàng ghé mỏ xinh ngoan

Tình yêu chớm mở dâng chàng tuyết trinh
Múa ca mấy khúc trao tình

Nguyên xin giữ trọn thân mình thủy chung (*)

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
Ghi Chú (*) cố giữ trọn đủ yêu và cước vận





Thơ: Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
Hình Ảnh: Kim Oanh
Đêm Trăng một đóa Quỳnh - Úc Châu 2018

Hoài Niệm (Phần1)



Bài Xướng:
Hoài Niệm

Chiều chiều ra quét lá phong nâu
Ngỡ lá bàng rơi một thuở nào
Khi tiếng sáo diều êm ruộng lúa
Và đàn trâu nghé rộn bàu ao
Chị lo hèm cám đàn gà lợn
Em nhặt que nè củi cháo rau
Nay lạc phương trời nơi Phật tự
Rõ là thanh hải biến nương dâu

Thiền Sư Xóm Núi NgôĐìnhChương
***
Các Bài Họa:

Hồi Tưởng

Nương chùa tuổi bé áo sòng nâu
Đèn sách nhờ sư,nhớ mãi nào
Bom đạn trường không thầy dạy chữ
Chân đời lối nhỏ bến tìm ao
Vỡ lòng giản dị cùng Nôm,Hán
Nuôi miệng thanh bần với sắn,rau
Chạy loạn loanh quanh,chừ vật đổi
Quê người ngó lại biển xanh dâu….

Lý Đức Quỳnh
***

Xóm Núi

Xóm núi cây rừng khô sắc nâu,
Lá thu theo gió quyến nơi nào,
Nắng hanh vàng lụa ôm nương lúa,
Bông súng tím nhung điểm mặt ao.
Mái lá khói lam nồi cám lợn,
Bếp chiều lửa đỏ bát canh rau,
Mất rồi thôn cũ bao tình tự!!!
Thương xót quê nhà cảnh bể dâu!!!

Mỹ Ngọc
Nov. 23/2018.
***
Hoài Niệm

Thuở bé học chùa quen áo nâu,
Thầy thường nhắc nhở nhớ khi nào.
" Nhân chi sơ " phải đi theo mẹ.
" Tánh bổn thiện " không câu trước ao.
" Buông bỏ " cả đời còn tập mãi,
" Sắc không " ba bữa cứ canh rau.
Sáu mươi năm cũ bao dâu bể,
Thầy mất chùa tiêu mấy bể dâu !

Đỗ Chiêu Đức
***
Thanh Thản

Hoàng hoa thuở nọ mắt ai nâu
Chạy nhảy vườn nhà hái mận dâu
Đêm hạ trăng sao vui lễ hội
Ngày xuân tần cúc mướt hồ ao
Chân trời mây tím thu vàng ấy
Sương khói xây thành đông xám nào
Hương sắc mộng đời hằng ấp ủ
Thanh bần đạm bạc với tương rau

Yên Nhiên
***
Tấm Khăn Nâu

Mẹ ngồi ve vuốt tấm khăn nâu
Nhớ tuổi thanh xuân, nhớ dạo nào.
Quần quật ruộng đồng mơ hạt lúa
Miệt mài gà lợn mộng bèo ao.
Gồng mình chạy việc ngày quên tháng
Nuôi trẻ nên người muối chấm rau.
Mảnh vải, mồ hôi và hạnh phúc
Tự hào trọn vẹn phận nàng dâu .

Trần Như Tùng
***
Đời Thiếu Dục

Giản dị trong Chùa bộ áo nâu
Đơn sơ thoải mái tự khi nào
Trồng cây quả mọc quanh hoa kiểng
Quét lá thu tàn cạnh nước ao
Mõ gõ đầu hôm chay cháo đậu
Kinh nhồi sáng tối tịnh cơm rau
Bao thời hữu ích tâm an lạc
Mặc cảnh bên ngoài diễn bể dâu

Minh Thuý
28 tháng 11 _2018
***
Nhớ Ngày Xưa

Thu vàng lá rụng đổi màu nâu
Chạnh nhớ trường xưa của thuở nào
Tan học cùng nhau ùa xuống suối
Tới nhà cả lũ tắm bờ ao
Lên rừng lượm củi về đun bếp
Ra núi đào khoai bứt hái rau
Cuộc sống thanh bần nhưng ấm áp
Khói lam hoà quyện với vườn dâu

Thiên Hậu

Xem tiếpHoài Niệm (Phần 2)

Ở Giữa Sài Gòn



Đêm ở Saigon
Ngập ánh đèn hoa
Đến chiếc lá
Cũng say màu chếnh choáng.
Nhịp sống dồn lên sau mùa gió loạn,
Ngất lầu cao
Không thấy ánh sao xa!

Ở giữa Saigon
Người đến muôn phương
Từ thuở máu tim xanh màu đất mới
Những cánh chim trời Nam vang tiếng gọi
Ba trăm năm,
Còn mãi một mùa hương!

Ở giữa Saigon,
Một thoáng đêm đông
Ta lắng nghe những dòng đời đang chảy.
Có vạn nỗi niềm
Còn trăn trở mãi!
Khi hoàng hôn thế kỷ tắt bên sông.

Mặc Phương Tử.


Hoài Niệm (Phần 2)



Bài Xướng:
Hoài Niệm

Chiều chiều ra quét lá phong nâu
Ngỡ lá bàng rơi một thuở nào
Khi tiếng sáo diều êm ruộng lúa
Và đàn trâu nghé rộn bàu ao
Chị lo hèm cám đàn gà lợn
Em nhặt que nè củi cháo rau
Nay lạc phương trời nơi Phật tự
Rõ là thanh hải biến nương dâu

Thiền Sư Xóm Núi NgôĐìnhChương
***
Các Bài Họa:

Thương Hải Tang Điền

Xuất thế vô chùa mặc áo nâu
Đạo đời tương đắc sống chung nào
Canh tiều rừng rưộng mưu sinh kế
Ngư mục sông đồng lại nước ao
Gia súc nông tang nuôi cẩu lợn
Vịt gà chợ búa bán hàng rau
Sa cơ thất thế vào tu viện
Lỡ vận, tang điền biến bể dâu

Mai Xuân Thanh
Ngày 30/11/2018
***
Quá Cảnh...

Nhìn tận sân vườn điểm áo nâu
Thiền môn tĩnh lặng đẹp thêm nào
Làng bên trẻ giỡn gần bờ suối
Xóm cũ người vòng dọc cảnh ao
Đến chốn nhàn an tình tiếng mõ
Là nơi lạc tịnh mộng tương rau
Buồn thương cõi thế còn thăm thẳm
Thấm thấu sương mờ với bể dâu

Đặng Xuân Linh
***
Quy y


Lụa là rũ bỏ, khoác y nâu
Mặc kệ trần ai lạc thú nào
Từ khước mùi ngon tôm thịt cá
Chuộng ưa vị nhạt đậu tương rau
Nhà cao lộng lẫy thì xa lánh
Mái rạ đơn sơ lại ước ao
Chánh niệm mong quay về cõi giác
Từ tâm tĩnh trí rứt tang dâu*

Thanh Hoà
* cỏ tang cỏ dâu
***
Niệm Khúc...

Tàn thu ngồi đếm lá vàng nâu
Mộng tưởng ru êm tự lúc nào
Trên đám ruộng mưa, Chồng bắt cá
Dưới mương sình ngập, Vợ rào ao
Có bà lo giúp trông bầy cháu
Còn chị lên đồi hái mớ rau
Đời sống dân quê an tự tại
Phúc lành vui mãi chốn vườn dâu ...

Tuyết Phan 
1/12/2018
*** 
Đổi Thay

Rời bỏ nhân gian khoác áo nâu
Đâu còn nhớ chuyện cũ năm nào
Vui chơi thong thả miền đồng ruộng
Bơi lội tưng bừng chỗ rạch ao
Ngày tới chăm nuôi bầy súc vật
Chiều về tận hưởng bữa cơm rau
Giờ đây sớm tối hầu kinh kệ
Thanh hải tang điền... chuyện bể dâu.

Paris 03 Decemb. 2018
Trịnh Cơ
***
Hoài Vọng Tưởng 
( họa 4 vận)

Chiều xuống Mẹ ngồi vá áo nâu
Mũi kim thoăn thoắt khéo dường bao
Tay căng sợi chỉ qua manh vải
Mắt ngó đường may giữa sắc màu
Cha liệng miếng mồi nuôi cá chép
Chị ngồi canh lữa nấu canh rau
Dòng đời cứ tưởng theo năm tháng
Chiến cuộc đâu ngờ biển hoá dâu

Songquang

11/29/2018
***
Chiều Tàn Thu

Tàn thu lặng ngắm lá bàng nâu
Lại nhớ thanh bình tự dạo nào
Nhịp mõ vang đều qua mái rạ
Tiếng chuông vọng thấu tận trời sao
Hiền lành mộc mạc thơm tình lúa
Chất phát cần cù đượm nghĩa rau
Tráo chủ thay đời làng bỏ xóm
Thương bao niềm nổi... biển thành dâu!!!

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm
 
12.12.2018


Con Đường Xưa Em Đi


Con đường xưa em đi trong thôn trong làng thì nó thơ mộng lắm! Nhưng ngày nay ít ai viết về các thơ mộng này! Chỉ còn hoài vọng những bước đi hồi hộp khi nghe tiếng trống trường…

Con đường đẹp nhất là đường làng khi đi chợ tết!
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé rúc đầu bên vú mẹ
Hai người thôn gánh gạo chạy theo hầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau… 

Ôi! Tôi có thắp hương vái ngàn lần cũng không thấy hiện ra con đường ấm áp ấy!
Nhưng khi có thành thị thì nhiều con đường sang trọng, tươi vui, nhiều mầu sắc quyến rũ ta!
Những bước đi của các nàng Tiên Nữ ven hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây đã:

Làm xao xuyến cả hồn trăng cánh gió
Dù chỉ là đi dạo ăn chiếc kẹo dừa
Mình ơi có đi bờ hồ
Ăn chiếc kẹo dừa


Ôi! Mùa Hè ăn miếng sấu giầm, mùa Đông nhâm nhi lạc rang húng lìu … thì thật là tuyệt cú mèo!. Chỉ cần ngồi bờ hồ Halaie uống ly khóm (dứa ) lát chế Sirop thì tuyệt. Cái hương liệu sirop của Pháp nó thơ biết bao! Khi chán ăn uống rồi thì dạo bờ hồ xem Xi nê chổng mông! Thưa quí vị, cái xi nê nó nhỏ hơn cái tủ lạnh ngày nay ấy, mua vé rồi chổng mông, cúi đầu để xem hình trong đó!


Các chàng ngáo mà muốn lẽo đẽo theo sau các tiểu thư nhìn trộm thì con đường đẹp hiện ra, dẫn dụ hoài: đền Quán Thánh, đài nghiên tháp bút, đền Ngọc Sơn, núi Nùng, vườn Bách Thảo, đào Nhật Tân sông Nhị…

Thế rồi các chàng
Suối Đào lạc nẻo phố hàng rươi
Nắng lộng thanh thiên mắt lộng cười
Phải rời bỏ các con đường đẹp ấy để
Trời không nhạn lẻ bạt về Nam

Những con đường Sàigòn thời ấy! Nói khác biệt, phân cách thì cũng quá… nhưng… thực là nhiều con đường, nhiều sắc thái… và cái nhớ nhung, mơ mộng nó cũng thay đổi theo thời gian!

Những người mới vô, ít tiền thì đâu dám bén mảng tới Givral, đâu dám theo đuôi mấy nàng Mari Quệc! Đành theo đường Răng lung la lung lay (Legrand de la liraye) hay đường Bạc Má Hồng (Mac Mahon) hoặc con đường ve kêu rền rĩ (hoặc diếc tai, gần sở thú )


Hồi đó, những con nhạn lẻ không tiền, thường đi đường Pelerin để đến cuối đường uống nước mía Viễn Đông(một đồng một ly) hoặc vào chợ Bến Thành ăn ly đậu đỏ (hình như cũng một đồng). Sau đó có tiền thì ăn bún ốc bà Bủng rồi sang đường Gia Long thì mát trời ông Địa với những món tuyệt vời: Bún thang và đặc biệt là bánh cuốn Ngọc Hương. Với những người sành ăn thì bánh cuốn Ngọc Hương là ngon Đệ Nhất Thế Giới !

Phở Bắc thì lúc đầu Hợp Lợi độc bá Sài gòn (đường Hui Bon Hoa, sau đổi là Lý Thái Tổ). Sau này thì có phở 79 ở đường Võ Tánh(sau đổi là Nguyễn Trãi). Sau nữa thì có phở đường Pasteur và phở gà Hiền Vương sau nữa… thì người ta đột phá với phở Tàu Bay, Cao xạ, Tầu thủy…


Ở ngã ba Ông Tạ thì ôi thôi đủ thứ Nai Đồng Quê, Sống trên đời… Đặc biệt là các Tiểu Thư hồi đó còn e lệ, kiểu cách nên ít dùng món mộc Tồn này! Mà phỉ phui! Các nàng này nói đến món Ngầu Pín thì đã đỏ mặt rồi … chứ nào dám vào hàng kêu món đó!!!

Thời này có cái thú là trưa, chiều chiều… cầm đũa khẩy khẩy mấy các đĩa nhỏ, mài răng chơi với mấy con mực nướng cầm búa đập cho mềm hay cho vào máy cán cho mỏng cho tơi, mực này mà chấm với tương ới thì thật tuyệt! Món này thường hay đóng đô ở đường Duy Tân và ở nhà thờ Đức Bà đường Minh Mạng, Chợ Lớn! Cùng nổi danh ở nơi này với món mực khô là Bò Khô, thật không hổ danh hai chàng Hạc Bút Ông và Lộc Trượng Khách này! Bò khô người ta nướng thế nào mà ăn với đu đủ xanh thái nhỏ thì thật là tuyệt! Thật không hổ danh cái nghề làm nước chấm của các chú Ba Tầu ! Người ta làm đầy chai ớt đỏ ngâm với tỏi, đường, giấm rất là tuyệt cú mèo, bạn muốn xịt đầy đĩa để… uống thì cứ tùy tiện … Nhưng người sành ăn thì không chỉ ăn bò khô mà thôi … mà phải có gan bò xắt nhỏ nướng … cháy cạnh nó mới đã!!!


Thời gian là thoi đưa! Sau này hang ngàn quán ăn, cà phê sang ngon, mới, bạo… mọc lên đến những kẻ Thổ Công còn không nhớ hết, huống hồ là người bình thường !

Nhưng không hiểu sao đường nào cũng nghe có mùi thuốc súng. Nhiều quán người ta trang trí một cây bị bắn thủng nhiều lỗ. Một cái gạt tàn bằng vỏ đạn, gạt tán hình quan tài… ??? và… cổng vào … có giây chì gai??

Con đường xưa em đi
Giờ đây giăng giây chì
Và rồi em hết đi!



 Chân Diện Mục

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Hương Quỳnh Ngàn Năm

(Từ bài Đêm Say Hương Quỳnh - Kim Oanh)

Đêm trầm tư một loài hoa
Quỳnh hương thoáng mộng bên toà hiên trăng.
Người về gởi giấc mơ ngoan
Cho trang tình sử mạn vàng lời trinh
Ngàn năm, xuân vẫn tự tình
Ngàn năm vẫn vẹn hương Quỳnh thuỷ chung.

Mặc Phương Tử
South Dakota (USA), 25.11.2018





Thơ: Mặc Phương Tử 
Hình Ảnh: Kim Oanh
Vườn hoa một đêm trăng - Australia2018


Hồn Thơ Theo Gió



Mai ta chết nguồn đắm say buông thả
Nỗi buồn xưa vương mãi cuối trời xa
Tình non nước từng bờ đê biển cả
Đời tha hương hồn phảng phất quê nhà.
Mai ta chết trăng không còn sầu lặng
Thơ sẽ bay như tan giấc chiêm bao
Nơi xa lắm chẳng có vầng mây trắng
Dòng sông quê biết ẩn hiện phương nào!
Mai ta chết giã từ hành tinh mộng
Khép buồn vui thả vào cõi hư vô.
Nếu ngàn sau hồn lạc lõng phiêu bồng
Ta vẫn cảm màu nắng quê trong gió.

Đỗ Bình

Mùa Đông - Có Một Mùa Đông


Mùa Đông 

Tương tư thắm thiết với mùa Đông
Ngoài trời giá buốt lạnh cả lòng
Đường phố sắc màu khoe áo ấm
Nắng lụa mơ màng mõi mắt trông.

Những tà áo trắng tỏa hơi sương
Gió lẻn lướt qua gợn tóc mềm
Bàn tay áp nhẹ lên đôi má
Chờ ai đứng đợi nắng bên thềm.

Đã mấy mươi năm vẫn cứ chờ
Mùa Đông đi mãi thấy bơ vơ
Mang theo cái rét ngày xưa đó
Để lại hương thừa nỗi ngẩn ngơ.

Đông khắc hằn sâu một bóng hình
Vô tình mất hút đã bặt tin
Lưu luyến chưa mờ trong nỗi nhớ
Tuổi hồng đậm nét những vần thơ.

Mùa Đông năm đó chắc chưa già
Bao nhiêu dâu bể, lắm phong ba
Rũ đi chiếc áo mùa Đông lạnh
Lạc bước đường về mãi cách xa.

Kim Quang
(08/12/13)
***
Có Một Mùa Đông


Mùa Đông năm ấy anh đi xa
Lòng hứa sang năm trở lại nhà
Thăm lại người em bên phố nhỏ
Đâu ngờ dâu bể nổi phong ba…

Áo trắng ngày xưa mộng bình thường
Vẫy tay chào kẻ biệt quê hương
Bóng em mờ khuất bên đường đất
Đôi mắt còn theo mấy dặm đường.

Anh biết quê nhà em vẫn chờ
Mùa Đông sau đó lạnh bơ vơ
Trời Tây gom nắng anh đem gởi
Sưởi ấm hồn em một chút thơ.

Từ đó - mỗi mùa Đông lại Đông
Hương xưa mờ nhạt nắng phai hồng
Nhưng tim anh vẫn còn nhung nhớ
Mỗi độ Đông về em biết không ?!

Năm nay - mùa Đông anh trở lại
Tìm mãi bóng hình em gái quê
Lối cũ rêu phong ngàn cỏ biếc
Em đi thăm thẳm biệt sơn khê !

Dương hồng Thủy
(08/12/2013)

Thu Vũ Dạ Miên 秋雨夜眠 - Bạch Cư Dị




Thu Vũ Dạ Miên 

Lương lãnh tam thu dạ,
An nhàn nhất lão ông.
Ngoạ trì đăng diệt hậu,
Thuỳ mỹ vũ thanh trung.
Hôi túc ôn bình hoả,
Hương thiêm noãn bị lung.
Hiểu tình hàn vị khởi,
Sương diệp mãn giai hồng. 

Bạch Cư Dị 
***
Dịch nghĩa:

Ngủ Trong Đêm Thu Mưa

Một đêm giá lạnh trong ba tháng thu;
có một ông già đang an nhàn.
Lên giường trễ sau khi tắt đèn;
ngủ ngon trong tiếng mưa rơi.
Chỉ còn tro tàn trong lò sưởi;
Bỏ thêm trầm hương vào lồng đốt.
Buổi sáng quang đãng, khí lạnh chưa tới;
Lá đỏ đẫm sương rụng đầy thềm.

Bản dịch:

Ba tháng thu một đêm lạnh lẽo
Một lão nhân trong vẻ an nhàn
Lên giường đèn tắt muộn màng
Vùi say giấc điệp mơ màng nhạc mưa
Trong lò hồng tro vừa tắt ngủm
Thêm trầm hương một nhúm vào lồng
Rét còn chưa tới, rạng đông
Sương đêm nhuộm thắm rực hồng lá thu  

Mailoc  
***
1. Nguyên bản chữ Hán cổ của bài thơ:

秋雨夜眠         Thu Vũ Dạ Miên 

涼冷三秋夜, Lương lãnh tam thu dạ,
安閒一老翁。 An nhàn nhất lão ông.
臥遲燈滅後, Ngọa trì đăng diệt hậu,
睡美雨聲中。 Thụy mỹ vũ thanh trung.
灰宿溫瓶火, Hôi túc ôn bình hỏa,
香添暖被籠。 Hương thiêm noãn bị lung.
曉晴寒未起, Hiểu tình hàn vị khởi,
霜葉滿階紅。 Sương diệp mãn giai hồng !
白居易             Bạch Cư Dị

2. Chú thích:
- Lương Lãnh: Lương là Mát; Lãnh là Lạnh; Lương Lãnh là Mát đến thấy lạnh, vì đã Tam Thu là vào khoảng tháng 9 âm lịch.
- Bình Hỏa: là Cái bình bằng sành hơ trên lửa cho nóng để ôm ngủ cho ấm trong đêm thu lạnh lẽo.
- Bị Lung: là cái mền bung ra như cái lồng để chui vào cho ấm.
- Hiểu Tình: là Buổi sáng tạnh ráo không có mưa thu.
- Sương Diệp: là Những chiếc lá nhuốm sương thu.

3. Bối cảnh xuất xứ của bài thơ:
Bài thơ trên đây được sáng tác vào năm Đại Hòa thứ 6, đời vua Đường Văn Tông. Lúc bấy giờ Bạch Cư Dị đang là Phủ Doãn của tỉnh Hà Nam, đã trên sáu mươi tuổi và thân thể đã suy nhược già yếu. Việc quan tuy nhàn hạ nhưng vô vị, cộng thêm người bạn thơ thân thiết là Nguyên Chẩn 元稹 vừa mới tạ thế, nên tâm tình
của ông đang xuống dốc buồn chán và lãnh đạm với mọi việc. 

4. Nghĩa Bài Thơ:
Ngủ Trong Đêm Mưa Thu

Một lão ông đang an nhàn ngủ đi trong cái lạnh lẽo của ba tháng mùa thu. Nằm trăn trở hèn lâu khi đèn đóm đà tắt hết, rồi ngủ thiếp đi ngon lành trong tiếng mưa thu. Tro tàn trong lò còn làm ấm lên cái bình sưởi, và trầm hương còn tỏa hương thơm vào tấm chăn thơm ấm áp. Trong buổi sáng mai quang tạnh nhưng lạnh lẽo nầy, ta còn nằm ráng mà chưa muốn thức dậy, trong khi sương thu đã nhuộm đỏ cả các lá cây rụng xuống phủ đỏ cả các bậc thềm! 
 
5. Diễn Nôm:
Ngủ Trong Đêm Mưa Thu

Ba tháng thu lạnh lẽo,
An nhàn một lão ông.
Tắt đèn đi ngủ trễ,
Mưa thu say giấc nồng.
Bình sưởi tàn tro ấm,
Chăn gối thoảng hương nồng.
Sáng trời chưa muốn dậy,
Sương nhuốm lá đỏ hồng! 
 
Lục bát:

Ba thu lạnh lẽo heo may,
An nhàn một lão ông ngoài sáu mươi.
Đèn tàn nằm trễ nghe lười,
Mưa thu thánh thót ngủ vùi năm canh.
Tro tàn bình ấm còn quanh,
Trầm hương thoang thoảng chăn lành lạnh thơm.
Sáng ngày biếng dậy chập chờn,
Sương thu nhuộm lá đỏ rơn mặt thềm!


Đỗ Chiêu Đức
***
Giấc Ngủ Đêm Thu Mưa


Trời khuya lạnh lẽo giữa thu sang
Trong tiếng mưa rơi tựa nhịp đàn
Ông lãp say sưa trong giấc muộn
Đêm qua trằn trọc giữa canh tàn
Lò tro hơi ấm nồng lan tỏa
Chăn dạ hương trầm ngát chửa tan
Sáng rét, trời quang, nằm nán lại
Ngoài hiên lá rụng đỏ chen vàng.

Phương Hà
***
Ngon Giấc Đêm Mưa Thu


Ba tháng thu trời lạnh ngủ quên
Nhàn cư ông lão sống êm đềm
Tắt đèn ngủ muộn mưa rền rí̃
Say giấc mơ màng tiếng nhạc đêm
Lò sưởi than hồng còn ấm cúng
Trầm hương chăn gối thoảng thơm thêm
Sáng ra tỉnh mộng chưa ngồi dậy
Lá rụng sương rơi nhuộm đỏ thềm


Mai Xuân Thanh
Ngày 30/11/2018
***
Đêm Ngủ Bên Mưa Thu

Ba tháng Thu qua đêm lạnh giá
Có lão ông nhàn nhã mơ màng
Lên giường, đèn tắt trễ tràng
Say sưa giấc điệp giữa ngàn tiếng mưa
Trong bếp sưởi tro vừa tàn tắt
Bỏ trầm hương thêm đốt vào lò
Hừng đông khí lạnh chưa vô
Bên thềm lá đỏ tựa hồ đẫm sương

Song Quang
***
Say Giấc Đêm Mưa Thu

An nhàn lạnh lẽo thu sang
Lão ông trăn trở mơ màng thâu canh
Đèn lụn trễ giấc bên mành
Mưa ru thiếp ngủ ngon lành nồng say
Tro tàn hơi ấm quanh đây
Gối chăn ấm áp còn vây hương trầm
Sớm mai biếng dậy vùi nằm
Sương nhuộm lá đỏ ướt đầm ngoài hiên

Kim Oanh


Đất Phương Nam 1- Từ Kas Krobei-Prei Nokor Đến Bến Nghé-Sài Gòn Và Chợ Lớn (Phần 1)


(Sài Gòn - Bến Nghé)

Lịch Sử Vùng Kas Krobei-Prei Nokor: 

Nguồn Gốc Của Địa Danh Sài Gòn:
Hơn ba thế kỷ trước đây, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn chỉ là những bãi cát bùn sình lầy và rừng rậm hoang vu. Tuy nhiên, với hệ thống sông rạch rất thuận tiện cho việc di chuyển nên những lưu dân Việt nam đã chọn vùng đất nầy làm điểm đến trong tiến trình Nam Tiến của dân tộc. 
Về cái tên ‘Sài Gòn’ thì mãi cho đến ngày nay các học giả vẫn chưa đồng ý với nhau về xuất xứ của nó, mặc dầu ai trong chúng ta cũng đều biết rằng địa điểm mà bây giờ mang tên Sài Gòn-Chợ Lớn đã từng có tên là “Kas Krobei-Prei Nokor” dưới thời Chân Lạp. Kỳ thật, hai từ ngữ “Prei Nokor” của Cao Miên và “Sài Gòn” của Việt Nam không dính líu gì với nhau cả. Sài Gòn là tên gọi của một khu vực địa lý quan trọng của xứ Đàng Trong khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam. Nói về âm, thì âm “Prei Nokor” không thể nào được đọc trại ra thành âm “Sài Gòn” được. Còn nói về nghĩa, thì hai từ nầy cũng hoàn toàn khác nghĩa với nhau. Từ “Prei Nokor” của Cao Miên có nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”, trong khi từ “Sài Gòn” của Việt Nam có nghĩa là “củi của cây bông gòn”. Như vậy, chúng ta thấy nghĩa giữa hai ngôn ngữ về Sài Gòn hoàn toàn khác biệt và không dính líu gì với nhau cả; một đàng là ‘thị trấn ở trong rừng’, còn đàng kia là ‘củi của cây bông gòn’. Có thể địa danh ‘Sài Gòn’ có nguồn gốc từ cư dân bản địa, nhưng đã được Việt hóa. 

Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Theo ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài Gòn tên của một xứ thuộc đất Gia Định. “Sài” có nghĩa là củi, “Gòn” là một loại cây có thân xốp nhẹ và bên trong trái là một chất bông trắng và nhẹ dùng làm chất độn gối hay nệm. Khi mới khai khẩn vùng đất nầy, trên giấy tờ thì tên nó là “Sài Côn”, nhưng trên thực tế người ta vẫn gọi nó là Sài Gòn(1). Trong Souvenirs historique sur Saigon et ses environs, ông Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng đã giải thích về Sài Gòn tương tự như ông Huỳnh Tịnh Của. Theo ông Trương Vĩnh Ký thì “Sài” là chữ Hán có nghĩa là “củi”, còn “Gòn” là chữ Nôm, có nghĩa là “bông gòn”. Theo ông sở dĩ vùng nầy có tên Sài Gòn vì vùng nầy xưa kia là đồn lính của Chân Lạp được trồng rất nhiều cây bông gòn xung quanh, nên người Chân Lạp đã đặt cho vùng nầy tên Sài Gòn, rồi sau nầy khi người Việt đến xây dựng khu phố cũng gọi tên thành phố là Sài Gòn theo người Chân Lạp. 

Sự thật khi vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé), thì vùng Kas Krobei nằm khoảng trung tâm Sài Gòn ngày nay, còn vùng Prei Nokor nằm khoảng giữa Bình Chánh và Kas Krobei. Như vậy, vùng trung tâm Sài Gòn ngày nay phải là vùng Bến Nghé khi xưa, và vùng Chợ Lớn ngày nay là vùng mà chúng ta gọi là Prei Nokor thời đó. Một thời gian sau khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, tức là vào khoảng những năm từ 1698 đến 1700, thì cả hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor bắt đầu phát triển mạnh. Tuy nhiên, lúc đó vùng Kas Krobei là trung tâm thị tứ, trong khi khu Prei Nokor chỉ nằm ở ngoại ô phía tây nam mà thôi. Theo các nhà khảo cổ học thì đất Kas Krobei-Prei Nokor vào thế kỷ thứ I vốn là vùng thị tứ sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng không biết vì lý do gì mà sau đó họ lại bỏ đi về miền Tây, đến các vùng Đồng Tháp và Óc Eo, cũng không biết chính xác ngày đó người Phù Nam gọi vùng Sài Gòn bằng tên gì. Theo Aubaret và Francis Garnier, sau khi Cù Lao Phố bị đại quân Tây Sơn thiêu hủy, hầu như toàn bộ người Hoa tại đây đều xuôi về phía Tây Nam theo hướng Dĩ An, Thủ Đức, và qua khỏi Tân Bình... để lập nên một khu phố khác mà họ đặt tên là “Đê Ngạn”, đọc theo âm tiếng Hoa phổ thông là “Tỉ Án”, và người Việt đọc trại ra là “Tài Ngòn”, nhưng lâu dần âm nầy biến thành “Sài Gòn”. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu cù lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Họ gọi vùng Chợ Lớn nầy là “Thầy Ngòn”, và viết thành ‘Đê Ngạn’. Có lẽ người Việt mình phát âm trại ra là Sài Gòn, chứ thật ra “Thầy Ngòn” là tên mà người Hoa chỉ đặt cho vùng Chợ Lớn mà thôi. 

Trong khi đó, cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn” lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”, phát âm theo tiếng quan thoại là “Xi Kung”. 
Nhưng theo lịch sử của xứ Đàng Trong thì địa danh Sài Gòn đã có từ trước khi người Hoa từ Cù Lao Phố tràn về. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì vào tháng 2 năm 1674, Nặc Ông Đài kéo quân Xiêm La về đánh Nặc Ông Nộn, nên thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Ông Đài. Tháng 4 năm đó, quan quân phá vỡ luôn 3 lũy: lũy “Sài Gòn”, lũy Gò Bích và lũy Nam Vang. Thời đó, lũy ‘Sài Côn’ là một lũy quân sự của Cao Miên với mục đích bảo vệ một miền đất chạy dài từ cửa biển Cần Giờ và cửa Ba Rai lên đến vùng biên giới Việt-Miên ngày nay. Như vậy tên gọi Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1674 hoặc trước đó nữa. Cả hai học giả Vương Hồng Sển và Thái văn Kiểm đều đồng ý với giả thuyết nầy(2). 

Cấu Trúc Địa Chất Và Thiên Nhiên Của Vùng Đất Mang Tên Sài Gòn-Chợ Lớn Ngày Nay:Theo các nhà địa chất học, đất Sài Gòn-Gia Định và cả vùng đồng bằng miền Nam được thành hình cách đây khoảng 6.000 năm, vào cuối thời kỳ Holocene. Vào thời kỳ nầy, đợt biển thoái cuối cùng diễn ra đã làm lộ diện cả miền đồng bằng Nam Kỳ, sau đó phù sa sông Cửu Long đã phủ lên mặt đất ở đây một lớp đất mềm đầy mầu mỡ. Vùng Sài Gòn-Gia Định nằm trên vùng chuyển tiếp giữa hai vùng địa chất có địa hình địa mạo khác nhau, đó là miền Đông và miền Tây Nam Phần. Về cấu trúc địa chất, thì vùng Prei Nokor nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn chạy ra Bà Rịa và Long Điền; vùng nầy có cấu trúc địa chất giống như miền Đông Nam Phần. 

Đây là vùng có thế đất cao, với độ cao trung bình từ vài mét đến 30 mét trên mực nước biển trung bình. Chính vì vậy mà chúng ta thấy vùng phía bắc Sài Gòn gồm nhiều dãy gò đồi thấp kéo dài từ phía chân cao nguyên Nam Trường Sơn. Đất đai vùng nầy lại có hai loại: đất xám và đất đỏ. Vùng đất đỏ là những vùng rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, thuốc lá, mía, và đậu phộng, vân vân. Vùng phù sa mới là vùng đất thấp, nằm về phía Nam Sài Gòn, chạy từ Nhà Bè ra biển, với cao độ trung bình khoảng vài mét trên mực nước biển. Đây là vùng đồng bằng thấp mà phù sa các sông Cửu Long, Vàm Cỏ và Đồng Nai vẫn còn đang trong tiến trình bồi đắp. Vùng nầy quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều và gió mùa, nên đất đai sình lầy với nhiều sông rạch; vùng phía nam Sài Gòn có cấu trúc địa chất giống như miền Tây Nam Phần. 
Mãi đến cuối thế kỷ thứ XIII khi Châu Đạt Quan theo chân phái đoàn Nguyên Triều đến thủ đô Angkor của Chân Lạp vào năm 1295, thì cả vùng đất nầy hãy còn chìm trong hoang vu. Theo Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp Phong Thổ Ký” thì đoàn của ông đã dong buồm men theo bờ biển từ Ôn Châu qua Phước Kiến, đến An Nam, Chiêm Thành, cuối cùng đến thị trấn Chân Bồ, có lẽ là vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Từ Chân Bồ, đoàn lại đi dọc theo bờ biển đến các cửa sông. Cửa sông thì có đến hàng chục cửa, nhưng chỉ có thể vào được cửa thứ tư, tính từ Chân Bồ. Như vậy đoàn của ông Châu Đạt Quan đã dùng thuyền đi từ biển vào, có lẽ đây là cửa Tiểu của dòng Tiền Giang đi vào Mỹ Tho ngày nay, rồi ngược dòng Cửu Long qua Mỹ Tho, ngang qua Đồng Tháp Mười. Khi nhìn lên bờ thì ông chỉ thấy toàn là những đám cây mây quấn vào các cây cổ thụ cao vút, bên dưới thì cát vàng và lau sậy trắng, mà nhìn thoáng qua không dễ gì biết được lối vào. 

Loại dây mây nầy vẫn còn để lại dấu tích đến ngày nay qua các địa danh như Chắc Cà Đao(3), Xéo Mây, Đường Mây, vân vân. Từ cửa thứ tư thuận dòng nước đi về hướng Bắc chừng 15 ngày thì đến vùng Tra Nam, có lẽ là Kompong Chnang ngày nay. Trong chương 18, phần Sơn Xuyên (núi và sông), ông Châu Đạt Quan kể lại rằng từ Chân Bồ đến Tra Nam, hầu hết tất cả các vùng đều là bụi rậm của những khu rừng thấp, những cửa rộng của các con sông dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê cho chim chóc và muông thú. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Những loại cây to mà Châu Đạt Quan nói có thể là những cây sao, cây dầu hay cây lâm vồ, cây gừa, cây sộp với mớ rễ lòng thòng xuống đất hay xuống mặt nước... mà ngày nay hãy còn rất nhiều trên khắp miền Nam nước Việt. Khi đoàn của ông vào đến nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bị bỏ hoang, không một gốc cây. 

Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Đây có thể là những loại lúa ma, lau trắng, sậy đế...mọc nhiều trên những vùng đất bồi. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng nầy. Tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm lý. Tại mắt loại tre nầy có gai mọc, và măng thì có vị rất đắng. Khi gần tới Tra Nam thì bốn phía có núi cao. Chắc hẳn đây là loại tre gai, thích hợp với cả những vùng nước ngọt, nước lợ, hay nước mặn, đất cao lẫn đất thấp, nước ngập vẫn không chết. Lúc nầy có thể đoàn của ông Châu Đạt Quan đang đi ngang qua vùng Bến Tre, và ngày nay hãy còn rất nhiều địa danh liên quan đến tre như Xéo Tre và Vịnh Tre, vân vân. Mặc dầu trong Chương 33, phần “Thuộc Quận”, ông Châu Đạt Quan có kể rằng Chân Lạp thời đó có hơn 90 tỉnh, trong đó có Chân Bồ, nhưng ông cũng cho thấy trong suốt cuộc hành trình xuyên qua vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần, ông chỉ nhìn thấy rừng rậm, thú dữ và đồng hoang mà thôi. Như vậy cũng đủ cho thấy rằng sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, trên danh nghĩa thì toàn bộ vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần bị sáp nhập vào Chân Lạp, nhưng trên thực tế, hơn bảy thế kỷ sau đó cả vùng nầy vẫn còn là một khu rừng rậm hoang vu khi Châu Đạt Quan đến đây, và hơn mười thế kỷ sau ngày vương quốc Phù Nam sụp đổ, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì vùng đất nầy vẫn còn là một vùng rừng nhiệt đới thiên nhiên hoang dại. Các vua chúa Cao Miên cũng dưới cái nhìn giống như Châu Đạt Quan, nghĩa là toàn bộ vùng đất Nam Phần ngày nay đối với các ngài chỉ là một vùng đất hoang vu, chỉ là một gánh nặng về mặt trị an cho các ngài mà thôi. Tuy nhiên, cảnh hoang sơ với toàn là sơn lam chướng khí đó không làm người Việt mình thối chí, và một dãy đất phì nhiêu mầu mỡ của miền Nam ngày nay đã chứng minh điều đó. 

Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, những lưu dân Việt Nam đến vùng đất nầy đã đem theo với họ cả một quê hương “Thuận Quảng”, với cả một nền văn minh lúa nước. Họ quyết chí ra đi lập nghiệp và định cư luôn tại đây, chứ không trở về vì họ là những thành phần không thể trở về, hoặc không thể sống được nơi quê cha đất tổ miền ngoài của họ. Theo Gia Định Thành Thông Chí, thì những người Việt Nam đến đây như được bơm vào sinh khí khi nhìn thấy “cuộc đất” ở đây dầu hãy còn hoang vu nhưng quá tốt, tốt hơn cuộc đất nơi quê cha đất tổ của họ nhiều. Mà thật vậy, đây là một mảnh đất đầy phù sa với kinh rạch chằng chịt, con người chỉ cần khai hoang và nạo vét một số kinh rạch có sẵn nhằm điều chỉnh sao cho nước ngọt có cơ chảy sâu vào những vùng sâu trong nội địa vào mùa khô, và nước có thể thoát ra chứ không bị ngập úng vào mùa mưa lũ, thế là mình sẽ có được một cuộc đất phì nhiêu mầu mỡ. 

Lịch Sử Vùng Kas Krobei-Prei Nokor:


(Sài Gòn- Chợ Lớn)

Về mặt lịch sử Nam Tiến mà nói, dầu tính đến nay vùng đất Kas Krobei-Prei Nokor (Sài Gòn-Chợ Lớn) đã có hơn 300 năm lịch sử nếu chúng ta lấy mốc từ năm 1698 khi quan Thống Suất Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam xác lập hệ thống hành chánh cho vùng đất nầy. Ngay từ năm 1698, xứ Đàng Trong đã xác lập rõ ràng Sài Gòn sẽ nắm giữ vị  trí trung tâm cho cả vùng đất phương Nam. 
Mà thật vậy, kể từ ngày đó đến nay vùng Sài Gòn-Gia Định luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm của nó trong công cuộc Nam Tiến, khẩn hoang và khai sanh ra miền Nam nước Việt thân yêu của chúng ta. Tuy nhiên, lịch sử của vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã có từ lâu, trước cả lúc người Phù Nam đến đây để thành lập nên vương quốc của họ. Về mặt cư dân, không phải đợi đến khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mới có người Nam đi theo. Các di chỉ khảo cổ cho thấy vùng Sài Gòn cũng như các vùng phụ cận tại miền Đông Nam Phần, từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. 

Họ chia thành những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso (Mỹ Tho) và Long Ghor (Long Hồ), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Những cư dân cổ nầy đã cư ngụ từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch nhưng họ không thành lập vương quốc hẳn hòi, mà chỉ sống quần cư như những cộng đồng cư dân. Rồi ngay sau thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, con người lại quần tụ về vùng nầy để cùng nhau sinh sống, nhưng lần nầy họ lập nên một vương quốc hẳn hòi, dưới ánh sáng pháp trị của văn minh Ấn Độ: vương quốc Phù Nam. 
Vương quốc Phù Nam sáng rực trong suốt hơn sáu thế kỷ, mà ngày nay với những thư tịch cổ của Trung Hoa, chúng ta có thể lần về để tìm thấy ánh sáng của nền văn minh Óc Eo. Nhưng một điều kỳ lạ, gần như đột biến, từ sau thế kỷ thứ VII, vương quốc ấy đột nhiên biến mất. Ngay từ thế kỷ thứ VII, những thư tịch cổ Trung Hoa không còn nói gì về vương quốc Phù Nam, mà cũng không nói đến vương quốc nào thay thế. 

Theo các di tích khảo cổ khai quật được, vào khoảng thế kỷ thứ V, phần lãnh thổ tiếp giáp giữa Phù Nam và Champa có hai vương quốc nhỏ nằm sát cạnh nhau, đó là vương quốc Thù Nại và Bà Lị. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thứ V thì cả hai vương quốc nầy đều bị Phù Nam thôn tính và sáp nhập vào lãnh thổ Phù Nam. Để rồi sau đó không lâu ngay cả vương quốc Phù Nam cũng biến mất trên bản đồ thế giới, mà lý do của sự biến mất nầy vẫn còn là vấn đề tranh cãi của các nhà sử học thời cận đại. Vào thế kỷ thứ VI, vương quốc Kambuja bắt đầu hùng mạnh, nhưng chưa có chứng cứ nào chính xác về việc Kambuja tiêu diệt Phù Nam. 
Sau khi vương quốc Phù Nam bị triệt tiêu, thì cả vùng đất mà bây giờ là Nam Kỳ đã bị quên lãng trong hoang vu. Mãi đến thế kỷ thứ tám(4), khi bộ máy cai trị của vương quốc Kambuja đã khá vững vàng và có qui củ, thì vua Chân Lạp mới đặt tên cho vùng đất này là Thủy Chân Lạp và bổ nhiệm một tiểu vương đến đây để cai trị, nhưng vùng đất này vẫn chưa có cư dân người Khmer và tiếp tục là vùng đất hoang vu cho đến khi xuất hiện những làn sóng di dân Việt Hoa từ phương Bắc mà thôi. 
Lúc đó các vị vua Chân Lạp chỉ đặt tên cho vùng đất mới mà không hề có kế hoạch đưa dân chúng đến định cư, nghĩa là họ chỉ vội vàng nhận bừa là lãnh thổ của họ chứ không có dân chúng, cũng không thiết lập được chánh quyền tại các địa phương. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng sau thế kỷ thứ VIII, lớp người Khmer bắt đầu tràn xuống định cư tại vùng đất nầy, tạo nên vương quốc Thủy Chân Lạp cho đến khi người Việt bắt đầu đi về phương Nam vào thế kỷ thứ XVII, nhưng theo thiển ý thì mãi về sau này, khi đa phần đất đai vùng Nam Kỳ đã được lưu dân Việt Hoa khai phá và định hình thì các nhóm dân Khmer mới lục tục kéo đến định cư trên các giồng đất cao ráo. Mãi đến thế kỷ thứ XIII, người ta mới thấy thư tịch cổ của Trung Hoa nói về Chân Lạp như trong tác phẩm “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của Châu Đạt Quan dưới thời nhà Nguyên. 

Tuy nhiên, khi Châu Đạt Quan viết cuốn “Chân Lạp Phong Thổ Ký” là lúc ông đang tháp tùng cùng sứ bộ nhà Nguyên đi sứ sang xứ Lục Chân Lạp, và những điều ông mô tả từ Chân Bồ đến cửa biển thứ tư tính từ Chân Bồ, có lẽ là cửa Tiểu hay cửa Đại của vùng Bến Tre, là lúc mà ông đi ngang qua vùng Thủy Chân Lạp, chứ về mặt cảnh quang mà nói, cho tới khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vùng đất nầy hầu hết hãy còn hoang vu, cây rừng rậm rạp, đầm lầy ẩm thấp, lại thêm rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí, đầy hùm, beo, sấu... Chính vào thời điểm đó, những lưu dân người Việt đã đến vùng đất nầy, chính những lưu dân Việt Nam dũng cảm nầy, dưới sự hướng dẫn tài tình của các chúa nhà Nguyễn, đã xông thẳng vào hoang địa, khai hoang lập ấp bằng chính mồ hôi nước mắt của mình qua hàng mấy đời liên tiếp, đã khiến cho vùng hoang địa nầy trở thành vựa lúa lớn nhất của đất nước. 

Sử liệu của Việt Nam có đề cập đến vấn đề khẩn hoang vùng Prei Nokor và Đông Phố, như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn cũng có nói về lưu dân Việt Nam đi khẩn hoang vùng Đông Phố, mà khi nói đến khẩn hoang là nói đến việc đi khai khẩn những vùng đất hoang vu, không có dân cư mà chỉ có rừng hoang thôi. Như vậy lịch sử đã chứng minh rõ ràng vùng đất Nam Kỳ gần như vô chủ trong suốt 10 thế kỷ(5). Phải nói dân tộc Việt Nam là dân tộc thứ nhì xác lập chủ quyền quốc gia hẳn hòi trên mảnh đất này sau Phù Nam, vì bắt đầu từ thế kỷ thứ XVII, trên lãnh thổ này Việt Nam có dân cư và chánh quyền địa phương cũng được xác lập rất minh bạch. 
Nói rằng thiết lập một cách minh bạch vì lịch sử sự thiết lập nền hành chánh trên vùng đất này không phải bằng chiến tranh vũ lực, mà đa phần đất đai ở đây được các Miên vương dâng hiến, hoặc vì không giữ được, hoặc để đền ơn trả nghĩa cho các chúa tiền triều nhà Nguyễn đã giúp đỡ họ chống lại ngoại xâm từ phía Xiêm La. Tuy nhiên, sau khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, vì quyền lợi thực dân nên họ đã khởi động tuyên truyền trong giới quí tộc Cao Miên rằng Nam Kỳ đã từng là lãnh địa của Chân Lạp bị Việt Nam cưỡng chiếm vào thế kỷ thứ XVII bằng võ lực. Đây là một trong những đòn thâm độc nhất của thực dân Pháp vì tác dụng của nó gây di hại cho mối giao hảo giữa hai dân tộc Việt Miên cho đến ngày hôm nay. 

Phải nói qua lịch sử dựng nước của vương quốc Xiêm La, đa số đất đai của Chân Lạp đã bị vương quốc này thôn tính hoặc bằng võ lực, hoặc được dâng hiến như các tỉnh Chantaburi, Prachiburi, Xurin, Xixakhet, vân vân, nhưng tại sao người Chân Lạp không tỏ ra thù hận người Xiêm La như họ đã thù hận người Việt Nam? Lý do rất đơn giản, người Pháp đã tỏ ra rất rộng rãi với người Chân Lạp khi họ mới chiếm nước này. Sau khi chiếm xong Đông Dương, chính họ đã tự quyền cắt những phần đất do người Việt hay người Hoa khai phá và làm chủ như vùng phía Bắc Tây Ninh(6), vùng Kampot, vùng Kompong Som và Linh Quỳnh(7) để trả về cho Cao Miên. Nhờ những cử chỉ ấy mà khi người Pháp nói gì người Miên cũng tin là thật. Từ đó những tuyên truyền vô căn cứ của người Pháp về việc Việt Nam đã từng thôn tính vùng Thủy Chân Lạp của người Miên đã in sâu vào tâm khảm của dân tộc Khmer, và cũng chính vì thế mà mối thù hận của người Khmer đối với người Việt Nam ngày càng dâng cao. 
Về phía triều đình Đại Việt, kể cả xứ Đàng Ngoài và xứ Đàng Trong, ngay từ thời cha anh chúng ta mới đặt chân đến vùng đất Sài Gòn, chắc có lẽ các đã choáng ngộp với vẻ hoang dã cũng như những ưu đãi của thiên nhiên trong vùng nầy. Thế mà chỉ 300 năm sau, con người đã biến một vùng đất hoang vu thành “Sài Gòn”, một thị tứ sầm uất, một trung tâm văn hóa, xã hội, chánh trị và kinh tế, chẳng những cho miền Nam mà còn cho cả nước nữa. 
Tuy nhiên, trên vùng đất hoang vu, đầy những muỗi mòng, rắn rít, hùm beo, cá sấu, và vắt đỉa... không phải dân tộc nào cũng làm nên lịch sử như dân tộc Việt Nam. Bằng chứng cho thấy hết dân tộc Phù Nam rồi đến dân tộc Chân Lạp đều phải chào thua trước những thử thách của thiên nhiên. Trong khi đó, dầu người Việt đến vùng đất nầy sau hết, sau người Phù Nam đến hơn 15 thế kỷ, và sau người Chân Lạp đến hơn mười thế kỷ, thế mà người Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chịu đựng của mình trước những thử thách của thiên nhiên, tưởng như không ai tài nào vượt qua được. Người Việt Nam đã khắc phục những tình huống khắc nghiệt bằng chính khả năng sáng tạo của mình để sau đó sống đồng điệu với thiên nhiên. Nhưng trước khi đi đến được những vùng đất nầy, những người Việt Nam đã đến đây bằng cách nào, và đến tự bao giờ? 

Có lẽ những lưu dân Việt Nam đã đến đây từ rất sớm, có thể từ lâu lắm trước thế kỷ thứ XVII, và họ đã đến vùng đất nầy bằng nhiều cách, có nhóm đến đây theo đường bộ, nghĩa là họ phải vượt qua biên giới Chiêm Thành; có nhóm đến đây bằng thuyền buồm hoặc ghe bầu, đi dọc theo bờ biển, vào các cửa Cần Giờ, Soài Rạp, hoặc cửa Tiểu, Đại... Họ đến đây để buôn bán với những người Khmer cũng phiêu lưu mạo hiểm như họ từ các vùng Oudong hay La Bích đi xuống. 

Năm 1620, nhằm củng cố mối bang giao với Chân Lạp để được rảnh tay đối phó với quân Trịnh ở phương Bắc, chúa Nguyễn Phúc Nguyên bèn gả con gái là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên là Chei Chetta II(8). Sau đó từng đoàn người Việt di cư xuống đất phương Nam khẩn hoang lập ấp. Vào năm 1623, chúa Nguyễn lại phái một sứ bộ vào Prei Nokor và Kas-Krobey để thiết lập các trạm thu thuế(9). Ngay sau khi vua Chân lạp là Chei Chetta II chấp thuận cho phái bộ xây dựng hai trạm thu thuế nầy cũng như sau lời khuyến khích của hoàng hậu Samdat(10), lưu dân cùng dân xiêu tán Việt Nam lại đổ dồn về vùng Prei Nokor lập nghiệp. Ngay từ lúc nầy chúng ta đã thấy người Việt phải có mặt ở đây rất đông, đến độ quốc vương Chân Lạp đành phải chấp nhận cho sứ bộ nhà Nguyễn thiết lập trạm thuế thương chính ngay trong địa phận của vương quốc mình. 

Rồi sau đó nữa, mới tới đợt những di thần nhà Minh dong buồm đi tới những vùng xa hơn nữa, như vùng Mang Khảm (Hà Tiên). Không biết các dân tộc Phù Nam và Chân Lạp đã sống với lũ như thế nào, chứ người Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng khai phá và sống với lũ lụt của vùng đất miền Tây Nam Phần qua hơn 300 năm, và ngày càng đưa vùng đất nầy đến chỗ ngày càng thịnh vượng hơn. Như vậy, nếu không kể những trường hợp di dân cá biệt, đa số lưu dân người Việt đi vào vùng Mô Xoài-Bà Rịa và Prei Nokor từ những thập niên đầu thế kỷ thứ XVII.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

A- Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6(Gồm 40 phần)
B/ Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn - Tỉnh Gia Định (Gồm 8 Phần )

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Làng Tôi - Chung Quân - Mỹ Tâm


Sáng Tác: Chung Quân
Ca Sĩ: Mỹ Tâm
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


The Song Of Love - Khúc Nhạc Tình




The Song Of Love

(To ladies and gentlemen falling in love)

Eternal love has no reason,
No boundary, limit nor time
No goal or kind
Nothing and nothing…
Don’t ask me for meaning
Look!
In the highest love sky,
At the center of Paradise
Where night by night,
There are two beautiful stars
Not near but not far
Giving the light and the life to each other
In the past, present or future.
It seems
As in a dream
Arms in arms
They’re dancing round and round.
All angels in the land above come down
To enjoy with them at the hours.
God in his miraculous sound
Announce
With a loving smile,
Blessing them a very long happy life…

Australia 23 May, 2010
Vương Văn Ký
***
Bài Dịch:

Khúc Nhạc Tình

(Cho những người đang yêu nhau)

Tình thiên thu chẳng cơ duyên
Cũng không biên giới nối liền thời gian
Hư không mọi thứ chẳng màng
Không! Không ! Chớ hỏi tình mang nghĩa gì
Nhìn trời cao ngất tình si
Thiên đường tỏa sáng hai vì sao xinh
Không xa gần chỉ bóng hình
Bên nhau soi sáng hai mình sánh vai
Mặc cho thế sự trần ai
Ngày qua tháng lại tương lai hao gầy
Nghe như mơ ước đong đầy
Quay cuồng điệu múa trong tay cùng người
Thiên thần vổ cánh bên trời
Vui cùng sao sáng sắc ngời lung linh
Vừa khi tấu khúc linh đình
Huyền vi mầu nhiệm anh minh đất trời
Hồng ân hạnh phúc lứa đôi
Yêu thương gắn bó một đời ca vui

Toronto Dec. 31, 2011
Nguyên Trần

Giữa Cuộc Vui



Xướng: 
Giữa Cuộc Vui

Tiền thỏa rong chơi bước điệp trùng
Vui càng bất tận giữa riêng,chung
Thênh thênh cưỡi ngựa nhìn hoa bướm
Lộng lộng mời trăng dạo trúc tùng
Chén rượu dầm mưa mùa lúa ủ
Chung trà sấy điện lá chè nung
Chiều trông bé tẹo thân bùn lấm
Mới biết trong chăn có lạnh lùng.

Lý Đức Quỳnh
***
Các Bài Họa: 

Trả Lại Cuộc Tình

Giờ đây mình cách xa ngàn trùng
Thôi hết rồi ngày ta sống chung
Nhớ thuở bên nhau mê mải phượng
Thương thời chung bước vấn vương tùng
Chờ khuya một bóng lòng ngơ ngẩn
Đợi sáng riêng mình dạ nấu nung
Định mệnh an bài trong nuối tiếc
Tình từ dang dở phải thôi lùng./.

Toronto 15/11/2018 
 Nguyên Trần
***
Nhớ Cuộc Vui

Bóng hoa bóng nguyệt ảnh trùng trùng,
Dĩ vãng chập chờn dưới đáy chung.
Dăm đứa nâng ly trên chiến tuyến,
Một thân chuốc chén dưới hàng tùng.
Cảnh xưa thấp thoáng riêng ngơ ngẩn,
Hiện tại âm thầm tự nấu nung.
Biết đến bao giờ chung hội ngộ,
Tình xưa ấm lại lạnh chi lùng !

Đỗ Chiêu Đức
***
Đêm Trong Chùa

Eo óc vườn sau tiếng dế trùng
Chày kình vang tiếng đại hồng chung.
Kinh hoàng vạc tối, run sương móc
Lặng lẽ trăng khuya, lạnh bách tùng.
Bếp lửa chập chờn nồi sắn tới
Ấm trà reo réo củi tràm nung.
Một đêm đàm đạo bên sư cụ
Hạnh phúc duyên may chẳng dễ lùng.

Mailoc
11-15-18
( Mùa thu Cali 2018 )

***
Đời Buồn

Nhớ hồi phiêu lãng giữa ngàn trùng
Cả vạn đường xa bước nhịp chung
Có lúc ngồi kề bên khóm trúc
Đôi khi đứng dựa dưới cây tùng
Đói cơm kiếm chiếc nồi đem nấu
Khát nước tìm tay ấm để nung
Ngó lại đời người sao tẻ nhạt
Vì chưng sao cứ lạnh và lùng !

Paris 16/11/2018
Trịnh Cơ
***
Xin Chút Từ Tâm

Còm cõi bé thơ thân lấm bùn
Co ro nằm giữa lối đi chung
Oan khiên đẫm ướt vai gầy mẹ
Ân nghĩa đầy vơi chén sứ nung
Ngoảnh mặt làm ngơ xin chớ nỡ
Giúp người phận bạc bớt lao lung
Phù sinh một kiếp đời may rủi
Lỡ bước trần gian chốn mịt mùng

Yên Nhiên
***
Tu
ổi An Nhiên

Phiêu du gót lữ giữa muôn trùng
Cuối nẻo tang bồng kệ đỉnh chung
Đã ở thanh cao cùng dã hạc
Từng chơi điềm đạm với mai tùng
Dư âm khí phách như còn giũa
Ký ức tinh thần vẫn cứ nung
Bát ngát tuổi già cầm ngất ngưởng
Mặc khe suối vọng tiếng săn lùng

Như Thị

***
Nh
ớ Cố Nhân

Cố nhân cách trở đến ngàn trùng
Kỷ niệm thời gian bạn ở chung
Nhớ lúc chia tay gần khóm trúc
Vui khi họp mặt cạnh cây tùng
Thương thầm bạn gái tình chung thủy
Nhớ trộm người ta dạ nấu nung
Kẻ ở mơ màng, mong hội ngộ
Người đi vỡ mộng sợ truy lùng ...?

Mai Xuân Thanh
Ngày 15/11/2018
***
Hỏi Bạn

Đã cùng xướng họa thi văn trùng
Sao bỗng thay luôn ý tứ chung ?
Thi họa vẽ vời mai cạnh trúc ,
Cầm kỳ đàn địch cúc bên tùng...
Ly trà Long Tỉnh bên này nấu ,
Chén rượu Hoàng Hoa phía nọ nung...
Ôi chán chê rồi chớ vội kiếm
Can chi cuống quít mải mê lùng?

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Người Xài Đồ Thừa


Chị Bông đi chợ mang theo cái iphone đến một cửa hàng bán phone nằm trong chợ Việt Nam để sửa chữa.
Chị có cái iphone, mỗi lần con đổi phone mới là người mẹ được …thừa hưởng cái cũ, kẻo bỏ không uổng phí, nên iphone đời nào chị cũng đều có xài. 

Hôm qua chị bạn từ xa gọi đến và than phiền là sao tôi gọi phone nào bà cũng không bốc, từ phone nhà đến iphone, bà dùng iphone để làm gì?
Thiên hạ tận dụng iphone, ai gọi đến bất cứ lúc nào cũng có mặt, mail hay text vừa nhận được trả lời nhanh như chớp. Khoe bạn bè những hình ảnh thơ mộng đóa Quỳnh nở đêm qua, chiếc lá vàng rơi chiều nay hay thực tế ăn uống như miếng heo quay da giòn vừa lấy từ trong bếp ra, hũ dưa chua, hũ cà pháo vừa mới muối…..
Nhưng chị Bông thì không.

Có bao giờ chị Bông mang kè kè iphone bên người đâu, chị để nó trên bàn vì những số phone này chỉ cho người trong gia đình và vài bạn bè thân mà thôi. Những cú gọi phần nhiều là quảng cáo, có khi phone reo lên liên hồi inh ỏi làm chị Bông chạy tất tưởi đến bốc phone và nghe họ xổ một tràng không ngừng nghỉ, chị…kiên nhẫn lắng nghe chỉ để chờ cơ hội được nói xen vào một tiếng “cám ơn” rồi cúp phone cho đỡ phũ phàng. 
Thế nên nhiều khi phone reo, dù phone nhà hay iphone chị chẳng thèm đoái hoài nếu đang bận rộn.
Nhờ bạn than phiền chị Bông mới nhớ ra đem chiếc iphone đi sửa, chẳng hiểu sao phone vừa charge đầy để không một lúc cũng tự động hết, hay có khi đang nói chuyện phone bỗng tắt ngỏm như người đang khỏe mạnh bỗng bị cú đột qụy bất tỉnh. 

Cửa hàng bán và sửa chữa cell phone hôm nay đông khách, ngẫu nhiên sao mà toàn mấy ông bà cao niên, dĩ nhiên cửa hàng Việt trong khu chợ người Việt thì khách hàng cũng toàn là người Việt. Chị Bông đứng sau lưng một bà và nghe bà nói với chàng trai trẻ nhân viên bán hàng:
- Cháu xem giùm bác cái iphone này bệnh gì mà những cuộc gọi đến nó không reo .
Chàng nhân viên nhanh chóng xem phone và chỉnh sửa chỉ trong một hai phút:
- Phone bác không hư hỏng gì, cháu đã chỉnh lại nút âm thanh mà chắc bác đã vô tình đụng vào làm nó tắt đi thôi.
Chàng trai trả phone lại cho khách, có vẻ như chấm hết một dịch vụ để còn tiếp người khách hàng khác. Nhưng chắc đã từng “đau khổ” vì phone không reo, bà khách …năn nỉ:
- Vậy cháu thử gọi phone bác xem nó có reo không để bác yên tâm.
Chàng nhân viên chiều lòng khách:
- Vâng, số phone bác là gì?
Bà gìa lúng túng:
- Bác ….không nhớ rõ lắm, hình như là ( 817) 834- hay…348 gì đó..
Chàng trai kiên nhẫn đợi bà khách lục lọi trí nhớ, nhưng bà đành chịu thua:
- Cháu đợi bác ….lục trong ví xem còn mảnh giấy ghi số phone nó không nhé..
- Thôi, thôi, bác khỏi tìm giấy tờ cho mất công, cháu tìm còn nhanh hơn bác.

Mấy ông bà cao niên không nhớ số cell phone của mình là chuyện thường tình, có người còn không nhớ cả số an sinh xã hội của mình nữa, phải ghi trong mảnh giấy khi cần thì móc ra.
Chàng nhân viên lấy phone khách hàng gọi cho phone của mình, hiện ra số chàng gọi lại cho phone bà khách và nó reo lên ròn rã làm bà hài lòng:
- Tốt rồi. Bao nhiêu hả cháu ?
- Xin bác 20 đồng.
Chị Bông nhận xét nếu bà này nhận lại phone ngay sau khi chàng nhân viên chỉnh âm thanh xong thì không mất đồng nào, rõ ràng thái độ cậu ta lịch sự không hề muốn tính tiền vì công sức chẳng là bao. Nhưng tại bà đòi hỏi thử đi thử lại làm mất thì giờ của cậu ta nên mất 20 đồng ngon lành. 
Tháng này tiền hưu hay tiền gìa của bà sẽ mất 20 đồng vì …cái tội qúa cẩn thận cho cái iphone. 
Bà hí hửng cất phone vào giỏ xách và ..tự động giải thích với chị Bông đang đứng cạnh bà chờ tới lượt:
- Phone nào mới ra lò là con tôi bỏ phone cũ ngay nên tôi bảo cái gì con không xài nữa thì cứ gởi về cho mẹ. Con ở xa nên mỗi lần phone trục trặc chẳng biết hỏi ai, lại ra tiệm thôi. Thời buổi hiện đại mình cũng phải có iphone với người ta chứ..
Chị Bông…giật mình. Sao mà con nhà ai giống con nhà mình thế. 
Hai ông bà lù khù đứng sau lưng chị Bông cũng góp lời than thở:
- Nhà tôi có 3 đứa con cơ, vợ chồng tôi từ giờ đến cuối đời xài những đồ chúng nó bỏ cũng chưa hết, từ iPhone, iPad đến những thứ khác, trong khi bao người khốn khó ở Việt Nam chẳng có cái gì để xài, còn mình cái gì cũng có để xài phí phạm.

Không ngờ có nhiều cha mẹ xài đồ thừa của con đến thế, lại có cảnh xài đồ thừa bất đắc dĩ như hai vợ chồng người anh họ chị Bông…phải lái chiếc xe đời mới hai cửa, kiểu thể thao do thằng con chán chê đòi mang ra dealer đổi xe khác, tiếc rẻ chiếc xe mới sẽ bị mua với giá thấp nên hai vợ chồng… “điều đình” với con, mua lại xe nó với gía cao hơn và dùng xe này. Chiếc xe thể thao màu đỏ bóng loáng “nghênh ngang ” đậu trước sân nhà của hai vợ chồng gìa chỉ dùng để đi chợ và đi khám bác sĩ gần nhà, nào dám lái đi xa.
Chị Bông đưa cái iphone cho chàng nhân viên và khai bệnh:
- Phone đang nói thì tắt ngúm và màn hình đen ngòm.
Chàng trai tháo gỡ cái phone ra chỉ trong nháy mắt là tìm ra nguyên do:
- Phone này hết “pin” rồi. Thay mới 20 đồng.
Chị Bông đồng ý, chỉ trong vài phút là nhân viên làm xong:
- Xin cô 20 đồng.
Chị Bông …từ từ mở bóp để có thời gian nhờ vả thêm:
- Nhân tiện cháu…liếc qua giùm cô xem phone có vấn đề gì nữa không?
- Mọi thứ tốt khi ta thay “pin” mới rồi cô ạ.
- Cám ơn cháu nhé. Tại cô nghe nói tụi Apple khi ra iphone mới nó “làm hư” cái cũ cho mình hết xài để phải mua cái mới. Nhưng cô…không bao giờ từ bỏ cái cũ miễn là vẫn xài được. 
Chị Bông trả tiền xong thì hai vợ chồng đứng sau tiến lên. Chị Bông bước ra tới cửa còn nghe vợ chồng họ nói với nhau:
- Lần này sửa nhớ hỏi cách edit hình ông nhé…hình mình chụp sẽ trẻ đẹp hơn đấy, các bạn tôi đưa hình lên facebook, lên diễn đàn, ai cũng tươi trẻ như mới đi thẩm mỹ viện về.
- Biết rồi. Mình hỏi con mấy lần xong lại quên, hỏi đi hỏi lại làm nó bực mình. Hỏi tiệm người ta vui vẻ chỉ dẫn có tốn tí tiền cũng đáng.


Ra khỏi tiêm phone, chị Bông vào chợ, đi qua khu trái cây thấy những vỉ mận màu đỏ hấp dẫn qúa chị Bông dừng chân lại, cầm lên xem xong bỏ xuống ngay vì giá…cháy bỏng tay, những $4.99 một pound. Chẳng tội vạ gì phải thèm, phải mua cái thứ trái cây bình dân rẻ mạt này ở Việt Nam sang đây với gía đắt đỏ thế.
Ở Việt Nam những thứ mận đủ loại như mận sọc, mận da người, mận đỏ chót như son đều rẻ bèo, bày ê hề trên mẹt, trong rổ hay nằm khiêm nhường trong gánh hàng rong.
Một bà đang đẩy xe chợ tới gần quầy trái cây và reo lên:
- Ủa, chị Bông đó hả …
Chị Bông nhìn ra cũng reo lên:
- Ủa chị Hằng…Bông đây, bọn mình ai cũng bận rộn, thỉnh thoảng gặp nhau nơi chợ búa thế này. Mừng ghê.
Chị Bông quên vỉ mận, ngắm nghía chị Hằng, chiếc quần màu hoa xanh đỏ ngắn tới nửa bắp chân, chiếc áo rộng hở vai bó lại ở dưới, cặp mắt kính râm xếch xếch tạo khuôn mặt trẻ trung nhí nhảnh. Chị Bông khen:
- Mỗi lần mình gặp đều thấy Hằng “mô đen” thêm, trẻ đẹp thêm ra.
Chị Hằng khiêm nhường:
- Thế mà chồng nói mình ăn mặc…như đứa dở hơi, gìa rồi mà diện đồ thời trang giới trẻ.
Mở chiếc túi xách tay chị Hằng lôi ra chiếc iphone và vui vẻ khoe:
- Coi nè, tuí xách tay Gucci, iphone qủa táo cắn này là qùa sinh nhật các con tặng, còn các thứ quần áo, mỹ phẩm, giày dép hàng hiệu từ đầu tới chân mình dùng hàng ngày đều là…đồ thừa của con gái út. Bông và mình qúa thân, qúa hiểu nhau nên mình khai ra hết đấy.
- Biết rồi, nên Hằng lộng lẫy một trời hàng hiệu.
Vợ chồng chị Hằng làm kinh doanh giàu có, ba đứa con đều được cha mẹ chia gia tài hậu hĩ, họ thừa tiền để an hưởng tuổi về hưu, thế mà người mẹ nhận qùa của các con tặng với niềm vui sướng hãnh diện, xài đồ dư thừa của con với vẻ qúy hóa nâng niu.
Chị Hằng hào hứng mở iphone:
- Nè Bông, xem hình cháu nội, cháu ngoại mình, dễ thương ghê chưa?
Chị Bông ngắm hình và khen:
- Đứa nào cũng chóng lớn và đáng yêu qúa.
- Nữa nè Bông, một đống hình vợ chồng mình đi cruise mùa hè năm ngoái ..
Chị Bông xem lướt qua hàng mấy chục tấm hình và khen tiếp:
- Ôi thích qúa..
- Nữa nè Bông, hình vợ chồng mình mới đi du lịch Châu Âu.
Nhìn cả đống hình ảnh lướt nhanh qua ngón tay chị Hằng, chị Bông hoa cả mắt lên, thoái thác:
- Thôi để lần khác mình xem hình Châu Âu, bây giờ mình phải mua đồ và về nhà gấp.
Chị Hằng giới thiệu:
- Vợ chồng mình đang kế hoạch sẽ đi Nhật Bản mùa hoa anh đào. Tha hồ cho bồ xem hình từ Châu Âu tới Nhật Bản nha. Hẹn tái ngộ.

Hai người chia tay mạnh ai nấy đi. Chị Hằng lại điệu đàng đẩy chiếc xe chợ với chiếc túi xách hàng hiệu để trên xe thuận tiện cho chị khoe chiếc túi xách và sẵn sàng móc iphone ra gọi vớ vẩn cho ai đó để khoe chiếc iphone đời mới có nhãn hiệu qủa táo cắn.
Chị Bông bỗng thấy lòng vui vui khi nghĩ đến mình, đến chị Hằng, đến mấy khách hàng vừa gặp trong tiệm sửa cell phone lúc nãy và những ông bà nào đó cùng trang lứa, những người…thích xài đồ thừa của con cái .
Chưa chắc vì họ nghèo không đủ khả năng mua sắm. Họ có thể cho con món tiền lớn nhưng vẫn sống khiêm nhường tiết kiệm, của con cái cũng như của mình, đồ còn tốt thì còn dùng tội gì bỏ lãng phí. 

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Nov. 05- 2018)


Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Thành Kính Phân Ưu Tang Gia Cựu Giáo Sư Lê Tương Ứng - Vĩnh Long


Thành Kính Chia Buồn cùng Tang Quyến Thầy Lê Tương Ứng.


Được tin thầy Lê Tương Ứng 
Vừa mãn phần tại tư gia 
Vào lúc 18 giờ 30 phút, 
Ngày 04-12-2018 nhằm ngày 28 tháng 10 năm Mậu Tuất. 

Chúng Em Cựu học Sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long 
Niên Khóa 1962-1969, Thành kính chia buồn cùng tang quyến. 
Cầu nguyện hương linh Thầy được sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.

CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69
Đồng Kính Phân Ưu


Mừng Sinh Nhật Mình


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Cơn Mê Tinh Ái - Sáng Tác Lê Minh Khanh & Tuấn Hải - Tiếng Hát : Hoàng Kim Yến



Sáng Tác Lê Minh Khanh & Tuấn Hải 
Tiếng Hát : Hoàng Kim Yến
Thực Hiện: Đặng Hùng

Hoài Cảm



Mỗi khi nghe tiếng trống trường vang
Nhớ áo thư sinh dạ xốn xang
Sách vở trao duyên hồn chữ gọi
Tâm lòng gởi gắm bóng thời gian
Đôi bờ tri thức thuyền xuôi lái
Một mái chèo đưa khách rộn ràng
Bụi phấn vẫn còn vương vấn mãi
Khối tình ưu ái mộng chưa tan


Bằng Bùi Nguyên


Nhớ Quê Hương

                  ( Bà Rịa 2011)
Xướng:

Nhớ Quê Hương

Ngàn trùng xa cách nỗi sầu vương
Vị trí Đông Tây ngược hướng đường*
Biết đến bao giờ xum họp lại
Mùa Xuân Mậu Tuất nhớ quê hương.

*Hai ý thức hệ

Chinh Nguyên/HNT
Feb.10.2018
***
Họa: 

Nhớ Quê Hương

Dẫu cách nghìn trùng mãi vấn vương
Quên sao tình sử những con đường
Quê nhà thu nhỏ trong tim nhỏ
Đây phút chạnh lòng nhớ cố hương

Kim Phượng
***
Quê Hương Tôi

1)

Cách trở ngàn khơi nỗi vấn vương
Đổi đời xóa bỏ cả tên đường
Chôn nhau cắt rốn thâm ân trọng
Nghĩa nặng tình sâu chốn cố hương

2)

Thương nhớ quê nhà nợ vấn vương
Ra đi ghi khắc những tên đường
Thân yêu quen thuộc in trang sử
Đi lạc phố phường lạ cố hương !

Mai Xuân Thanh
Ngày 05/12/2018
Ảnh: Mỹ Hạnh