Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Gieo Bóng


 Thơ: Phạm Long Hoàng, Kim Oanh
Thơ Tranh: Kim Oanh


Người Tình Trong Thơ



Bỗng dưng mình ao ước
em là người tình sầu
trong tim ta nhật nguyệt
bây giờ và mai sau

Người tình sầu không thấy
chốn nào không ai hay
cung đàn nào ai dạo
tiếng hát nào trên tay

Ta yêu trăng mùa hạ
nâng niu gió mùa thu
mùa đông buồn vời vợi
nhưng tim không hững hờ

Mùa xuân hoa xuân nở
tình xuân nở mấy mùa
ta mang đời lữ thứ
xuân tàn lúc tuổi thơ

Bỗng dưng mình ao ước
tình yêu em trong thơ
con chữ đầy trên giấy
chỉ thơ và chỉ thơ

Hồn thơ ta lãng mạn
chữ yêu là hư vô
chữ đời là hư ảo
vẫn thích tình vu vơ

Tuổi nào ta còn mộng
tuổi nào ta còn mơ
con tim còn rung động
thì còn nghĩ vẩn vơ

Tình đời vốn vô vọng
tình yêu vốn vô bờ
con tim còn máu đỏ
thì cứ mơ và mơ

Bỗng dưng mình ao ước
trang thơ tình hôm nay
được dát vàng nạm ngọc
tên em cuộc đời này

Tình yêu non cao ngất
lời thương biển dâng đầy
người tình không có thật
ta tìm em trong mây.

Hoa văn


Một Chuyến Đi Về



(Cảm tác sau khi đọc "Mai tôi đi" của Phước Tuyền
và bài thơ"Nghĩ về một chuyến đi" của Mai Thắng)

Một chuyến ra về, mấy kẻ vui??
Mà ai cũng thấy dạ bùi ngùi!
Quan tài gói ghém bao nhiêu đấy
Tài sản đem theo chỉ bấy thôi
Lúc đến ,trần truồng mang tiếng khóc
Khi đi áo sóng khá đầy vơi
Xương tàn gom lại chừng đôi nắm
Thanh thản cho xong một kiếp người

Nhắm mắt cho xong một kiếp người
Lợi danh bỏ lại phía sau thôi
Mặc ai giành giựt hơn thua mãi
Kệ kẻ bon chen lấy tiếng đời
Cát bụi xin trở về cát bụi
Hư vô hoàn lại cõi hư vô
Thân phàm đâu có gì nuối tiếc
Tài sản chơ vơ một nấm mồ!

Song Quang
***
Các Bài Họa: 
Một Cõi Đi Về

Kẻ ở người "đi" há nỡ vui
Âm dương cách biệt quá bùi ngùi
Kêu than khóc lóc lòng đau xót
Gào thét la vang dạ thảm thôi
Sinh ký đua chen theo dục vọng
Tử qui bỏ lại thoáng chơi vơi
Sầu dâng nước mắt đà khô cạn
Một cõi đi về mãn kiếp người

Cửa sổ bóng câu mãn kiếp người
Thoi đưa trần thế cũng nhanh thôi
Mầm non tuổi trẻ mau to xác
Vóc hạc cao niên sớm hết đời
Tích trữ sống còn lo gạo chạy
Đầy kho chết mất sợ ai vô
Đến khi nhắm mắt lời ly biệt
Hiếu quyến thân nhân tiễn xuống mồ !

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 10 năm 2017
***
Có Còn Chi Nữa?

Chia ly nào có mấy ai vui
Vĩnh biệt càng thêm lắm ngậm ngùi
Khóc lóc than van càng quẩn nữa
Sầu thương tiếc nuối chỉ đau thôi !
Cuộc đời ngắn ngủi đà bao chốc
Tình cảm dạt dào đâu đã vơi
Vội vã ra đi, xa mãi mãi
Cõi trần, ảo cảnh kiếp con người !

Thời gian thoáng chốc kiếp con người
Nhìn lại khác nào chiếc lá thôi
Vừa mới xanh non ngày hé nụ
Thoắt đà vàng úa lúc xa đời
Buồn vui thế tục buông trôi hết
Chiếc áo vô thường khoác vội vô
Còn có gì đâu mà tiếc nuối
Chỉ là cát bụi ở trong mồ.

Phương Hà
***
Khó Quên Phận Kiếp người

(Mượn vận bài thơ"Một chuyến đi về" của SQ)


Trở lại "chốn xưa" chả mấy vui!
Chia ly sao tránh khỏi ngùi ngùi
Làm sao đạo đức đời gìn giữ
Cố gắng nghĩa nhân sống thế thôi
Vẫn biết trần gian là cõi tạm
Mà nơi tiên cảnh quá xa vời
Thân già buông bỏ đường danh lợi
Nhưng khó mà quên phận kiếp người

Nhưng khó mà quên phận kiếp người
Tuy rằng cõi tạm sống mà thôi!
Thân bằng lắm lúc từng lưu luyến
Bạn hữu nhiều khi mến ở đời
Thế tục vui buồn đà gắn bó
Cảnh tiên mơ mộng lại hư vô
Tuổi trời cho được lo nhân quả
Hổ chết còn da, người có mồ

Song MAI Lý Lệ
10/18/2017

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Mưa Đêm


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đêm Mưa


Đêm nay mưa lất phất rơi
Anh nằm ôn lại những lời đổi trao
Tim đang sống lại thuở nào
Hình em vừa gởi xuyến xao lòng này
Ngắm nhìn hồn lại thêm say
Em ơi có phải muốn đày đoạ anh?

Quên Đi

Mưa Nhớ (Phần1)



Xướng:
Mưa Nhớ

Mưa ở bên này lạnh buốt ôi
Mua dâng gợi nhớ dạ bồi hồi
Mưa rơi ngõ vắng khô tim óc
Mưa ngập đường hoang ướt mắt môi
Mưa kéo hồn thơ qua núi biển
Mưa đem thi phú đến nương đồi
Mưa xưa người ấy quay lưng bước
Mưa ngẩn ngơ đời lẻ bóng tôi

Minh Thúy
***
Các Bài Họa:
Mưa Nhớ Huế

Mưa ở xử người, nhớ Huế ôi
Mưa còn rỉ rả mãi từng hồi
Mưa về Vĩ Dạ, hồng đôi má
Mưa ghé Trường Tiền, ướt cặp môi
Mưa viếng Ngự Bình, mây đỉnh núi
Mưa qua Bến Ngự, gió lưng đồi
Mưa hoài vạn kỷ, màu ly biệt
Mưa để sầu vương mãi với tôi.

Thanh Trương
***
Mưa Huế

Mưa lũ quê nhà sợ quá. Ôi!
Mưa như trút nước ngập liên hồi
Mưa từ Đập Đá nhòe đôi mắt
Mưa đến Trường Tiền tái cặp môi
Mưa giục đàn chim về vách núi
Mưa vây bọn trẻ trú ven đồi
Mưa cho hả giận người năm ấy
Mưa rửa hận đời Huế của tôi

Phạm Kim Lợi
***
Mưa Xứ Quảng


Mưa suốt đêm ngày, dai dẳng...ôi!
Mưa như trút nước xuống liên hồi
Mưa tràn lênh láng nơi thôn xóm
Mưa phá tan hoang khắp rẫy đồi
Mưa khiến người già rưng khóe mắt
Mưa làm trai gái héo bờ môi
Mưa khơi ký ức buồn đau cũ
Mưa chẳng thương dùm xứ Quảng tôi!

Sông Thu
***

Mưa Phùn

Mưa dài não nuột cả ngày ôi!
Mưa chẳng ngưng cho được mấy hồi
Mưa thấm liên miên sờn vạt mỏng
Mưa hờn giận dỗi bợt bờ môi
Mưa che ngấn lệ,người xa bến
Mưa dấu niềm đau kẻ vượt đồi
Mưa mãi khi tâm còn thổn thức
Mưa tầm tã lạnh buốt hồn tôi..

 Thanh Hoà
***
Mưa Buổi Sơ Giao

Mưa sao dai dẳng quá người ôi?
Mưa khiến cho ta nhớ lại hồi!
Mưa mãi với người se mái tóc
Mưa luôn theo gió lạnh bờ môi
Mưa gây xao xuyến thời lên phố
Mưa tạo nhớ nhung lúc xuống đồi
Mưa bữa sơ giao - giờ chửa dứt
Mưa khơi tâm sự - của lòng tôi 

Trương Văn Lủy

***
Mưa Dầm Kỷ Niệm

Mưa buồn da diết lạnh lùng ôi..!
Mưa thúc giục như nhạc trống hồi
Mưa nhắc Tịnh Tâm yên ý tưởng
Mưa nhìn Đồng Khánh dịu làn môi
Mưa rơi trầm mặc Nam Giao dốc
Mưa tẩm uy phong Núi Ngự đồi
Mưa điểm trang đài tà áo Huế
Mưa dầm kỷ niệm mãi trong tôi.

Như Thị
***
Mưa Xuân Nhớ

Mưa buổi xuân về tuyệt quá! Ôi!
Mưa rung trống hội đổ liên hồi.
Mưa xui mấy cậu đong đưa mắt
Mưa khiến bao nàng mấp máy môi.
Mưa rót li an dâng cõi tiệc
Mưa đem bụi phúc tặng dân đồi.
Mưa dường gợi tới người xa xứ
Mưa chợt nao lòng day dứt tôi 

Trần Như Tùng
***
Mưa...Mưa


Mưa chi mưa lắm dạ bồi hồi
Mưa ngập đường về lạnh Huế ơi!
Mưa thả sông Hương sầu lên mắt
Mưa giăng Núi Ngự ướt bờ môi
Mưa về Vỹ Dạ cau mơ lối
Mưa đến Kim Long bưởi ngóng đồi
Mưa hỡi mưa hời lòng rã rích
Mưa đan kỷ niệm thấm hồn tôi

19.10.2017
GM.Nguyễn Đình Diệm
***
Mưa Lòng

Mưa chiều sùi sụt bạn đời ôi!
Mưa nhắc lòng ta nhớ lại hồi…
Mưa xót xa ai vầy nét ngọc
Mưa nhòa nhạt bóng lạnh bờ môi
Mưa làm kẻ ở sầu trên bến
Mưa để người đi lặng cuối đồi
Mưa tự ngày nao buồn chửa ngớt
Mưa thành bão tố buốt hồn tôi.

Nguyễn Gia Khanh

Mời bạn nhấp vào xem tiếp phần 2: Mưa Nhớ ( Phần 2)

Mưa Nhớ (Phần 2)



Xướng:
Mưa Nhớ


Mưa ở bên này lạnh buốt ôi
Mua dâng gợi nhớ dạ bồi hồi
Mưa rơi ngõ vắng khô tim óc
Mưa ngập đường hoang ướt mắt môi
Mưa kéo hồn thơ qua núi biển
Mưa đem thi phú đến nương đồi
Mưa xưa người ấy quay lưng bước
Mưa ngẩn ngơ đời lẻ bóng tôi

Minh Thúy
***
Mưa Lòng


Mưa hoài mưa mãi nhớ thương ôi
Mưa tháng mười con tạo đáo hồi
Mưa rỉ rả chưa mờ ký ức
Mưa âm ỉ ấm mặn đôi môi
Mưa bay gió đẩy qua nương rẫy
Mưa rắc giọt lay vượt núi đồi
Mưa nhớ chuyện xưa buồn não nuột
Mưa như thực tại tiếng lòng tôi

Hoành Châu
***
Mưa Ước


Mưa dầm suốt tháng hỡi trời ôi!
Mưa thấu lòng ai những bổi hồi
Mưa dạt làng quê nhòe ánh mắt
Mưa tràn phố thị tím làn môi
Mưa giăng giọt nhớ đau bờ mộng
Mưa bủa màn thương tủi vạt đồi
Mưa ước lòng yêu nhen rực lửa
Mưa đừng ngâm hủy... cả đời tôi.

Phan Tự Trí

***
Mưa

Mưa ào phủ lịm buốt hồn tôi
Mưa mịt mù sân tối đỉnh đồi
Mưa hũy con đường quen bước ấy
Mưa tràn nẻo phố chạnh lòng ôi
Mưa còn rải rắc gieo thương khổ
Mưa vẫn cuồng điên trút những hồi
Mưa ngỏ thiên nhiên lời cảnh tỉnh
Mưa buồn ngấm lạnh cả bờ môi !

Mai Thắng (Uyên Du)

171019
***
Mưa dồn, núi lở, hỡi trời ôi!
Mưa dập gần, xa, cảnh khó hồi
Mưa sớm cành rơi nhầu cụm lá
Mưa chiều mái đổ rát bờ môi
Mưa cho ruộng lúa trôi ngoài bãi
Mưa để đàn nai gục giữa đồi
Mưa cứ vô tình chi rứa mãi
Mưa nào thấu hiểu nỗi lòng tôi!

Phạm Duy Lương***
Mưa Tình


Mưa vui biết mấy, sao than ôi?
Mưa xuống giúp ta mát mấy hồi,
Mưa tưới cây non xanh nụ lá,
Mưa ươm thiếu nữ thắm làn môi.
Mưa tràn mạ tốt khắp đồng ruộng,
Mưa ngập cỏ tươi tận núi đồi.
Mưa níu chân người, thềm chững bước,
Mưa tình chớm nở ngập hồn tôi.

Bảo Trâm

***
Mưa

Mưa như giọt lệ khó than ôi!
Mưa giục lên đường, trống thúc hồi
Mưa gọi kết đoàn đòi nợ mắt
Mưa kêu tranh đấu trả vay môi!!
Mưa mời tiến trước xây Sông Nước
Mưa hối đi sau dựng Núi Đồi.
Mưa dội ào ào hưng cách mạng
Mưa mừng phục quốc thỏa lòng tôi.

Camthành, Oct 19 2017
Tha Nhân
***
Mưa Nhớ Thương

Mưa khẽ thì thầm nhắc nhở tôi
Mưa gieo từng sợi nhớ liên hồi
Mưa Xuân dịu mát ...tươi màu mắt
Mưa Hạ ấm nồng...thắm nét môi
Mưa tuyết Đông buồn phơi trắng núi
Mưa Thu lá úa phủ hoen đồi
Mưa như tiếng nhạc sầu nhân thế
Mưa tiếc những ngày ...Xứ Bưởi...ôi !

Thy Lệ Trang
***
Mưa Cả Trong Mơ


Mưa chi mưa lắm thế trời ơi
Mưa ngập đường quê trắng núi đồi
Mưa phủ Kim Luông cay khóe mắt
Mưa chìm Vị Giã bợt làn môi (*)
Mưa giăng núi Ngự lòng ngao ngán
Mưa giật Vân Lâu dạ bổi hồi
Mưa cả trong mơ trôi ký ức
Mưa tầm mưa tã héo lòng tôi.

Huy Phương
(*)Vĩ Dạ = Vị Giã (Cách phát âm của người của dân Nghệ Tĩnh)

Sự Tích Khăn Tang (Chuyên Ngụ Ngôn)


Ngày xưa, có vợ chồng nhà phú hộ nọ sinh được năm người con gái. Nhà giàu nhưng lại không con trai, nên bao nhiêu tình thương họ đều dồn vào những cô con gái. Lần lượt năm cô lớn lên, ai nấy đều lập gia đình và đi ở riêng.

Vì các cô lấy chồng xa, nên hai ông bà phú hộ cảm thấy nhớ con quá. Một hôm bà bảo chồng:
- Sắp tới, ông chịu khó trông nhà cửa cho tôi đi thăm chúng một lượt, sau đó tôi lại về trông để ông đi...
- Phải đó - ông đáp - nhưng bà phải đi nhanh nhanh lên mới được, đừng bắt tôi đợi lâu!
- Không được đâu, tôi tính ở lại với các con đứa nào ít nhất cũng một tháng, năm đứa vị chi là năm tháng, còn đi đường tổng cộng độ vài ba chục ngày, như vậy cũng mất ngót nửa năm rồi ông ạ!
- Thôi được, thế thì bà nó đi đi, bà nhớ đừng để cho đứa nào quấn quýt quá rồi ăn dầm nằm dề ở đó làm cho tôi mỏi mòn trông đợi.

Rồi người vợ cùng con hầu ra đi. Nhưng chỉ được vài tháng đã thấy bà trở về, vẻ mặt buồn xo. Thấy thế, ông liền hỏi dồn:
- Cơn cớ làm sao mà bà về nhanh như vậy? Có gặp điều gì khó khăn dọc đường hay không mà vẻ mặt bà không được vui?
Bà phú hộ đáp:
- Chẳng có gì hết, tôi vẫn bình yên, chúng nó đều mạnh khỏe cả. Tôi về sớm là vì tôi muốn ông khỏi trông. Ông cứ đi một lần cho biết.
Thấy vợ nói úp úp mở mở, ông phú hộ chẳng hiểu gì nên cuối cùng cũng sắm sửa hành lý ra đi.


Ông ghé nhà người con gái thứ nhất. Chàng rể tiếp đón niềm nở làm ông hài lòng, nhưng con gái ông lại không được như thế, nó chỉ chuyện trò giả lả được đôi câu rồi quay vào công việc của nó.

Đến khi chồng nó ra đồng trông coi thợ cày cấy, thì con gái ông lúi húi lo việc bếp núc, cha con chẳng có dịp chuyện trò.

Mãi đến gần trưa, ông cảm thấy bụng đói cồn cào, định bảo nó dọn cho mình ăn trước như khi còn ở nhà, nhưng rồi lại nghĩ thầm: “Để xem nó đối đãi với cha nó ra sao cho biết?!”. Ông thấy con gái chờ chồng về mới dọn cơm ra. Chàng rể của ông lúc ấy tuy đã về rồi mà vẫn còn bận một số công việc nên ông phải đợi tiếp. Đến khi thấy quá trưa, con gái ông mới gọi chồng:
- Mình ơi, hãy để đó vào ăn cơm đi, cho ông già ăn với!

Nghe con gái nói thế, ông cảm thấy không được vui. Chiều hôm ấy và liên tiếp những ngày sau cũng vậy. Ông nghiệm ra rằng con gái ông chăm sóc cho chồng nó chứ không phải cho ông: “Thì ra bây giờ nó coi cha nó chẳng ra cái quái gì. Nếu chồng nó không ăn thì có lẽ mình cũng phải ngồi nhịn đói”Ở chơi được ít ngày, thấy con gái không được vồn vã đằm thắm như xưa, ông liền từ giã vợ chồng nó mà đi đến nhà đứa khác xem sao.

Lần này vừa đi ông vừa lẩm bẩm: “Chắc thế nào những đứa sau cũng phải khác chứ, chẳng lẽ đứa nào cũng như vậy cả sao? Vợ chồng ta trông cậy chúng nó rồi đây sẽ chia nhau về phụng dưỡng một khi bố mẹ tuổi già kia mà!”

Đến nhà đứa thứ hai, Nhưng khi đến nơi, ông thấy đứa thứ hai cũng chẳng khác gì đứa đầu. Nghe bố đến thăm cũng tiếp đãi gọi là cho tròn bổn phận rồi lại loay hoay vào công việc nhà chồng, bỏ mặc ông chẳng chút quan tâm.

Lần lượt ông đi thăm đủ cả năm cô con gái yêu quý nhưng chẳng đứa nào là không say mê với công việc của nó, chẳng đứa nào quan tâm chăm sóc đến ông như lúc còn ở nhà. Sau cùng, ông chép miệng:
- Vậy là con gái một khi bước về nhà chồng thì chẳng còn là con mình nữa. Nó xem chồng trọng hơn bố mẹ nó nhiều.

Nghĩ vậy nên ông quày quả trở về. Ông tính lại thời gian thăm con cả đi lẫn về còn ngắn hơn cả bà.
Khi về, ông gọi vợ lại bàn rằng:
- Thế là mấy đứa con gái có cũng như không, chẳng hy vọng gì vào chúng nó đỡ đần mình tuổi già nữa rồi. Bây giờ bà để tôi đi kiếm một đứa con nuôi đặng mai sau nó săn sóc chúng mình lúc mắt lòa chân chậm. Bà nó nghĩ sao?

Vợ phú hộ trả lời:
- Thôi ông ạ! Đừng có đi mà mất công lại nhọc xác. Con đẻ rứt ruột ra mà chúng không đoái không hoài thì con nuôi có làm được gì.

Phú ông liền bảo:
- Trên đời này có kẻ tốt người xấu, đâu phải ai cũng như ai, bà đừng ngại.
- Được rồi, ông cứ đi đi, cố tìm một đứa con ngoan phụng dưỡng, mọi việc ở nhà mặc tôi lo liệu.


Phú hộ bèn đóng vai một ông già nghèo khó rồi ra đi từ làng này đến làng khác, đến đâu ông cũng rao:
- Ai mua cha không ? Có ai mua cha thì ra mà mua! Mua ta về làm cha chỉ mất năm quan tiền thôi...

Mọi người nghe ông già rao như vậy thì tưởng ông điên. Có người còn vui miệng nói :
- Mua lão ấy để về nhà mà hầu ư ? và để rồi đây lão ta trăm tuổi qua đời có được đồng nào còn phải lo tống táng nữa sao ? Thà là nuôi một người đầy tớ còn hơn.

Tuy có nghe nhiều lời mỉa mai cười cợt, phú ông vẫn không nản chí, vẫn đi hết xóm này đến ấp kia, miệng rao không ngót:
- Có ai mua cha không này?


Bấy giờ ở làng nọ có hai vợ chồng một nông phu nghèo, nghe có người đi bán mình làm cha, chồng bảo vợ :
- Hai vợ chồng mình mồ côi từ thuở bé, chưa bao giờ được hưởng tình cha con, lại chưa có mụn con nào, thật là buồn. Thôi thì ta mua ông già này về thủ thỉ với nhau khuya sớm cho vui cửa vui nhà.

Thấy vợ bằng lòng, anh chàng chạy ra đón ông già vào và nói :
- Ông định bán bao nhiêu tiền?
- Năm quan không bớt.
Anh chồng liền thưa:
- Thú thật với ông, nhà tôi nghèo quá, muốn mua ông nhưng không sẵn tiền. Vậy ông ngồi chơi để tôi bảo nhà tôi đi vay xem.
Phú hộ ngồi chờ hồi lâu, thấy chị vợ chạy đi một lát rồi lại quay về, nhưng số tiền vay được cùng với tiền nhà gom lại cũng chỉ có hai quan. Anh chồng liền nói:
- Thôi thì ông thông cảm cho, hai ngày nữa mời ông trở lại, chúng tôi sẽ có đủ tiền.


Hai ngày sau, vợ chồng anh nông phu trao tiền cho ông, mời ông vào nhà “cha cha, con con” rất thân tình. Phú hộ thấy đầu tóc người vợ bây giờ biến đi đâu mất liền hỏi:
- Này con ơi, tại sao đầu tóc của vợ con lại cắt cụt đi như vậy ?
Anh chồng tần ngần đáp:
- Chẳng giấu gì cha, nhà con quá nghèo không đủ tiền mua, mà nếu không mua thì ít có dịp nào tốt hơn. Vì vậy, vợ con phải cắt tóc đi bán mới có đủ số tiền năm quan đó.

Từ ngày có người cha nuôi, hai vợ chồng nông phu tỏ ra rất niềm nở và chịu khó chăm sóc hầu hạ ông không biết mệt. Phú ông vẫn không cho biết gốc tích quê quán thật của mình, hằng ngày vẫn cứ ăn no ngủ kỹ, đôi lúc lại kêu váng đầu mỏi lưng, bắt họ phải xoa bóp hoặc tìm thầy chạy thuốc.

Mặc dầu vậy, hai vợ chồng vẫn cơm nước săn sóc không bê trễ. Cứ như vậy được vài tháng sau, nhà họ đã nghèo lại càng mạt thêm.
Hai vợ chồng phai cố gắng làm thêm để nuôi cha, có bữa phải nhịn đói để nhường cơm cho ông già.

Tình hình như vậy kéo dài nửa năm, nợ nần của họ chồng chất quá nhiều mà trong nhà gạo tiền đã kiệt. Tuy vậy, họ vẫn không hề lộ vẻ mỏi mệt, cố làm vui lòng cha già.
Một hôm, hai vợ chồng ngủ dậy đã thấy người cha nuôi khăn gói chỉnh tề, ông bảo họ:
- Các con hãy đốt cái nhà này rồi đi theo ta!

Vợ chồng anh nông phu trố mắt nhìn nhau, tưởng ông phát điên, nhưng sau đó lại thấy ông phú hộ giục bảo:
- Làm con thì phải vâng theo cha mẹ, chớ có sai lời. Cha đã bảo các con đi theo cha kiếm ăn thì cứ việc đi, còn cái nhà này ọp ẹp chẳng đáng bao nhiêu đừng tiếc nữa.
]

Vợ chồng nghe thế thì biết ông nói thật, không dám cãi, đành nhặt nhạnh một vài món đồ buộc thành một gói, rồi châm lửa đốt nhà.
Đi theo ông già, họ thấy ông ban ngày lần hồi xin ăn, tối tối lại vào nhà người xin ngủ nhờ, họ vẫn vâng lời, không chút phân vân.
Ba người đi xin ăn như thế được năm ngày, cuối cùng đến trước một ngôi nhà ngói tường vôi, ông mới vui vẻ bảo họ:
- Các con ơi, đã đến nhà ta rồi!

Bà phú hộ bước ra cổng đón vào, ông tươi cười bảo vợ:
- Bà nó này, đây mới thật là con của chúng ta đấy!
Bấy giờ vợ chồng anh nông phu mới ngớ người ra, biết được cha mẹ nuôi mình là một nhà giàu có.
Phú hộ bảo anh nông phu lấy theo họ mình, và từ đó hai vợ chồng bước vào một cuộc đời sung sướng.

Ít lâu sau, phú hộ lâm bệnh nặng. Biết mình sắp gần đất xa trời, ông bèn làm tờ di chúc để phần lớn gia tài cho đứa con nuôi, đoạn ông gọi vợ đến trối rằng:
- Sau khi tôi chết, bà nhớ đừng cho năm đứa con gái biết tin đấy!

Ông nói tiếp:- Nếu chúng nó có nghe ai mách mà về đây, chưa biết chừng tôi sẽ “bứt néo” trổi dậy cho mà coi. Việc để tang thì đứa con trai cứ theo cổ tục, cắt tóc, đội mũ, quấn rơm trên đầu để chứng tỏ mình chịu cực chịu khổ với cha mẹ thì thôi cũng được, nhưng đứa con dâu thì bà bảo nó khỏi cắt tóc, vì tôi chưa bao giờ quên được cái việc nó đã hy sinh mái tóc dài của nó để mua cha, vậy nó chỉ cần đội khăn tang là đủ.

Nhưng khi khâm liệm cho chồng xong, bà phú hộ vì nặng lòng nên cũng cho người lén báo tin cho năm đứa con gái biết. Khi chúng về, bà đón ở cổng, thuật lại lời trối của cha chúng cho nghe và bảo chúng đừng có vào nhà, kẻo có sự chẳng lành.


Năm đứa con gái hối hận lắm, nhưng việc đã rồi biết làm sao? Khi đưa linh cữu cha, chúng đòi đi đưa cho bằng được. Khuyên can con mãi không xong, cuối cùng bà buộc lòng phải xé cho chúng ngoài khăn tang ra còn thêm mỗi đứa một vuông vải cho chúng che mặt lại để mong linh hồn bố chúng khỏi biết.

Từ đó, người ta bắt chước để tang theo cách gia đình này đã làm:
“Con trai cắt tóc vành rơm, mũ mấn, dây lưng chuối như cổ tục, con dâu được miễn cắt tóc, chỉ đội khăn tang, lại miễn cả che mặt. Còn con gái ngoài khăn tang còn có một mảnh vải che mặt.”


HungLan Design.
Dương Hồng Thủy sưu tầm

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Thay Lời Ai Điếu


Hay tin một tuổi 84 mới vừa giã từ trần thế, một tuổi 84 khác, ven trời, ngồi viết mấy dòng này,không phải cho người đã ra đi, mà chỉ mong được hiểu là , thay cho đôi lời ai điếu , chân tình chia xẻ với người còn ở lại, về chuyện khổ đau của một kiếp người ,giới hạn 100 năm, trong vòng sinh bệnh lão tử ̣ 

Sách xưa khuyên ta sống theo lẽ tự nhiên của Tạo Hoá và nên hiểu biết phân biệt chuyện xảy ra thuộc loại có thể kiểm soát hay không thể kiểm soát được ̣ Tử biệt, ai cũng vậy ,là ngoài tầm kiểm soát của con người , not under our control, là chuyện không thể tránh được ̣ Còn đau buồn là cảm xúc trong ta, under our control , có thể kiểm soát được ,là có thể tránh được Vả lại, ta cũng không nên đau buồn mãi, có thể người đi, còn quyến luyến vì thế mà không dứt được nợ trần ̣ Như vậy, vấn đề giản dị chỉ còn là một thay đổi thái độ để chế ngự được đau buồn ̣ Is it a shift in attitude needed in order to overcome the suffering?

Vâng , chỉ là thay đổi thái độ , nhưng làm cách nào để có thể thay đổi được thái độ thì thực tình ,vì hiểu biết hạn hẹp, nên không dám lạm bàn ở đây ̣ Chỉ biết thành tâm cầu nguyện cho người đi dứt bỏ được mọi quyến luyến thế tục để về an nghỉ đời đời nơi Cõi Phật và cầu chúc cho người ở lại sớm vơi bớt đau buồn để còn sống vui với thân quen ở những ngày tháng còn lại trên cõi đời này ̣ 

Thân kính ̣ 

Phạm Khắc Trí
10/16/2017

Mùa Thu Chưa Biết Sợ - Thơ Nhược Thu – Diễn Ngâm Hương Chiều


Thơ: Nhược Thu
Diễn ngâm: Hương Chiều
Thực hiện: Yên Dạ Thảo

Cho Người Tình Xưa



Hoa đào lại đến bên tôi
Nhìn hoa mà nhớ niềm vui năm nào
Ngày xưa ngắt cánh anh đào
Tặng người yêu dấu đón chào mùa Xuân
Hôm nay hoa nở tưng bừng
Mà người xưa đã dừng chân phương trời
Thôi thì nhặt cánh hoa rơi
Ép vào trang giấy đôi lời tâm tư.


Biện Công Danh
* Ảnh của tác giả

Chớm Thu



Bài xướng:
Chớm Thu


Thong thả hành thiền sáng sớm nay
Trời cho trọn hưởng phút vui này
Ung dung lão hạc xoay mình nhắm*
Nha nhẩn ngư bà ngắm vạc bay**
Hoa tím ven lề lay giã biệt
Cúc vàng dọc suối vẫy chia tay
Xuân qua Hạ hết Thu vừa chớm
Vạn vật không ngừng tiếp nối thay

*Ngắm để "shoot" trái banh
**suối trong chỉ nhìn thấy bóng mây và chim

Thanh Hoà

Các Bài Hoạ
Đi chơi xa


Mới vừa giảm bệnh mấy hôm nay
Tản bộ ăn ngon thích lắm này
Con trẻ thương tình nên đặt vé
Áo quần soạn sẵn chỉ chờ bay
Chất ngay hành lý rồi ôm mẹ
Đưa thẳng phi trường lại bắt tay
Tuổi hạc còn mê nhìn thế giới
Vai kề sánh bước dạ mừng thay

Như Thu
***
Tình người hoa nở


Cao quý tình người buổi tối nay
Làm sao diễn tả hết vui này
Lời ca đầm ấm hoà đêm lạnh
Tiếng hát dịu dàng gởi gió bay
Xót dạ thiên tai cùng góp sức
Đau lòng bão lụt hợp chung tay
Gió thu se buốt tim vang nhịp
Nhạc hội tâm từ đẹp thiện thay

MinhThúy
***
Sau cơn bão


Nhận được tin người buổi sáng nay
Hoa Mun rạng rỡ góc sân này
Trời xa lặng lẽ cơn giông khuất
Biển lặng nhẹ nhàng cánh nhạn bay
Hạnh phúc trào dâng nồng ánh mắt
Tình người san sẻ ấm vòng tay
Mênh mông nước ngập dần tan biến
Phép lạ nhiệm mầu tuyệt diệu thay*

*các khu đất lớn của vịnh Tampa đã trở nên cạn khô và người dân có thể bước đi trên đó.Phép lạ rẽ biển trong Cựu Ước đã xẩy ra ở vịnh Tampa khi cơn bão Irma đi qua
TLT
***
Ngày Mới Đến

Trong lành nắng tỏa sớm mai nay
Biết vẫn còn vui cuộc sống này
Rộng biển thung thăng tuỳ hỷ ngắm
Cao trời vút vít thuận nhàn bay
Dòng sông lãng sóng qua bờ bãi
Ngọn gió phiêu trùng lọt kẽ tay
Vật đổi sao dời thêm mới lạ
Hoa mùa thắm nở rạng ngời thay

Lý Đức Quỳnh
***
Tiếc

Điện thoại làm reo mấy bửa nay
Nên không thể nhận được thơ này
Tuổi già đành chịu thôi bương chải
Sức yếu đâu còn dám nhảy bay
Cái khó như chưa tha số phận
Niềm vui cũng muốn góp bàn tay
Chỉ e không đủ tài năng mọn
Cảm thấy se lòng, tiếc lắm thay


Thục Nguyên
***
Chia vui

Tin mừng đẹp nắng đến chiều nay
Biết chị dần tươi mấy bữa này
Cảm mạo xa rồi hương vị đến
Đau đầu lặng biến khí thiền bay
Thiên nhiên dẫu nhạt mầu hoa cỏ
Hạnh phúc còn hồng nhịp cánh tay
Gót đã phong trần vương bụi thế
Vui đường lữ thứ bốn mùa thay

Bửu Tùng
***
Yêu đời


Lòng thật an bình buổi sáng nay
Khi đi tản bộ dọc sông này
Trong xanh dòng nước êm đềm chảy
Trắng muốt mây trời lững thững bay
Sương sớm long lanh trên ngọn lá
Nắng hồng nhẩy nhót giữa bàn tay
Nhẹ nhàng vuốt dọc lên gò má
Cảm thấy cuộc đời sao đẹp thay

SôngThu
***
Vườn quê 


Thôn trang thức dậy sớm hôm nay
Hít thở sương lam dịu mát này
Đoá cúc vươn cành bung rộ nở
Đàn chim vỗ cánh chợt tung bay
Ra vườn ngắm nghía vun vài gốc
Tản bộ thong dong vẫy cánh tay
Chẳng biết thời gian qua mấy bận
Thảnh thời hưởng thụ tiết mùa thay

Bảo Trâm
***
Vui trở lại


Niềm vui trở lại sáng hôm nay
Mây trắng trời trong đẹp quá này
Khắc khoải bao ngày thân ngóng đợi
Thong dong phút chốc hồn cao bay
Đón chào chim chóc bay liền cánh
Mừng rỡ bạn bè nắm chặt tay
Cảm hứng trào dâng khơi mạch sống
Hồn thơ xướng họa đậm đà thay

Thanh Trương
***
Chớm thu ở Đồng Hoa


Vấn vít huê tình ru bữa nay
Thu tươi vừa chớm ghé quê này
Cúc đua bạn hữu nâng hương dậy
Máy dựa khung giàn phun nước bay
Hoa lá dập dờn bao mái tóc
Kéo cành thoăn thoắt những bàn tay
Dâng ngày báo hiếu lòng con cháu
Xóm nhỏ vô mùa nhộn nhịp thay

TrầnNhưTùng
***
Tiêu dao 
( họa đảo vận)
Cho dẫu lòng người có đổi thay
Xin đừng hờ hững buột tầm tay
Khi vui thơ đến hào hoa tỏa
Lủi giận chữ về lấp lửng bay
Nhàn nhã âm thầm cùng hiện tại
Yên hàn lặng lẽ với hôm nay
Ghét thương được mất ngoài tâm tưởng
Thanh thản đùa chơi với chốn này

Như Thị
 
***
Tuổi nhàn


Thanh nhàn rảo bước sáng hôm nay
Tận hưởng an vui cảm giác này
Gió quyện mơn man bờ tóc xoã
Mắt nhìn dịu vợi ánh mây bay
Vài bà bước tới cười chào khách
Mấy lão đi về gật vẫy tay
Hạnh phúc từng giờ theo tuổi hạc
Trên cành chim nhẩy hót vui thay

Minh Thúy
***
Sau Bão


Trong làng phố cũ buổi chiều nay
Những cảnh gần xa xót dạ này
Ngõ xóm đèn rơi hàng cột gãy
Chân tường gạch vỡ mái nhà bay
Con trườn giữa cát đà tua váy
Mẹ bới trong sành đã bỏng tay
Bão tố ngày đêm tàn dữ vậy
Lên rừng xuống ruộng não lòng thay

Phạm Duy Lương
***
Chớm thu


Bình minh vẫn loé buổi hôm nay
Nắng tỏa mơn man một cõi này
Ánh trắng lung linh nguồn tán trải
Tia vàng lấp lánh mộng vờn bay
Chìm trong viễn ảnh xa tầm mắt
Lạc giữa vô hình vượt cánh tay
Biển sớm thu về xanh khát vọng
Hôn hoàng lững thững chạnh lòng thay

Uyên Du
***
Vắng xa


Những giọt mưa buồn buổi sáng nay
Làm ta bỗng nhớ ở nơi này
Năm nào khói nhạt vườn sau rã
Thuở nọ mây tàn trước ngõ bay
Tuổi mộng em sầu hoen kẽ mắt
Xuân hồng mẹ tủi trắng bàn tay
Giờ đây lá vẫn quanh vườn rụng
Chỉ thiếu ân tình cũng lạ thay

LCT
***
Thanh thản


Đọc thơ bạn gởi sáng hôm nay
Thi hữu thương yêu liền bắt tay
Thiền tập tươi vui từng nhịp bước
Tâm hoà thong thả đám chim bay
Thu về cảnh đẹp lòng thơ thới
Cá lội hồ trong dạ thích thay
Cuộc sống êm đềm nhiều ý nghĩa
Có chi hơn nữa thế gian này


NS
***
Vui Vầy Bút Mực
Tình người thắm đẹp buổi hôm nay
Xướng họa cùng nhau thỏa thích này
Thắm thiết đường thi câu ấm lạnh
Ân cần lục bát tứ nồng bay
Xa xôi vạn dặm cùng chung sức
Cách trở muôn trùng vẫn góp tay
Nỏ biết thân sơ tình cứ đượm
Vui vầy bút mực khoái lòng thay

Hương Thềm Mây (GM.Nguyễn Đình Diệm)

21.10.2017

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Vằng Vặc Trăng Thu

Kính gửi anh chị Phạn Tự Trí, 
Thay nén nhang lòng nguyện cầu Hương Linh Cụ Bà được an hưởng thảnh thơi nơi miền Tiên Cảnh
(Kim Oanh)



Thơ: Phan Tự Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh



Các bài Họa:
Gửi Nén Tâm Nhang 

Mồ hôi, nước mắt góp cho đời
Đến phút cuối cùng trút nhẹ hơi
Người đã ung dung theo Phật gọi
Miệng còn thanh thản hé môi cười
Cháu con rỏ lệ vành khăn trắng
Thân hữu viếng bà bó cúc tươi
Gửi nén tâm nhang thăm viếng cụ
Vì xa cách biệt cuối phương trời

Phạm Kim Lợi

***
An Vui Miền Cực Lạc

Vô thường, hiểu rõ lẽ muôn đời
Người đã an bình nhẹ trút hơi
Xa chốn trần gian, đôi mắt khép
Về nơi tiên cảnh, nét môi cười
Bàn thờ trang trọng, hương thơm ngát
Khách viếng chân thành, hoa thắm tươi
Nhẹ nhõm, hồn phiêu miền cực lạc
Ngàn năm thanh thản ở trên trời.

Sông Thu
***
Nguyện Sanh Tây Phương
“Vọng bái hương linh ”

Thong dong cưỡi hạc Mẹ đi rồi
Sầu thảm thu đong lạnh đất trời
Thanh Hóa mây giăng màu ảm đạm
Biên Hòa nước tủi giọt chơi vơi
Tương phùng cõi tạm đà bao mấy
Giã biệt hồng trần quá chín mươi
Vọng bái tâm dâng lời niệm tiễn
Tây phương tiếp dẫn đón linh người

Lê Đăng Mành
***
M

Mẹ như cánh én mênh mông đời
Con nở hoa lòng rực thắm tươi
Từ độ chào vui bằng tiếng khóc
Rồi nay tiễn biệt với môi cười
Dù bao lưu luyến còn vương mắt
Vẫn lắm an lành phút hắt hơi
Mây trắng viễn du cùng bạch hạc
Mẹ đi phiêu lãng rộng phương trời

Lý Đức Quỳnh
***
Thương Tiếc

Vất vả gian nan hết cả đời
Đêm Thu vắng lặng Mẹ im hơi
Trần ai con ở đành tuôn lệ
Cát bụi người đi đã mỉm cười
Hòm gỗ xác thân quàng áo đẹp
Bàn thờ di ảnh đặt hoa tươi
Niệm kinh cầu nguyện Bà siêu thoát
Tiếng mõ buồn vang vọng đến trời

Minh Thuý
***
Ngắm Mây Trời

Buông lơi tất cả...lánh xa đời
Giã biệt dương trần, hắt nhẹ hơi
Thương thủa gian truân người chẳng ngại
Nhớ đêm vất vả miệng luôn cười
Nơi nầy xin gửi trầm hương ngát
Thôn ấy trao về vạn thọ tươi
Gia tộc, thân bằng thôi quyến luyến
Bà vui rảo bước ngắm mây trời.

Như Thu
***
Phân Ưu

Sinh tử thế gian, lẽ cuộc đời
Cuối cùng thanh thản trút tàn hơi
Bốn phương bè bạn chia sầu khổ
Gia nội cháu con vắng nói cười
Tiên cảnh nơi đây luôn vẫn đẹp
Cụ bà chốn đó mãi còn tươi
Trung thu trăng sáng từ muôn thuở
Nỗi nhớ đầy vơi khắp cõi trời

Thanh Trương
***
Nhớ Cụ

Người theo gió thoảng cưỡi mây trời
Trĩu cháu con đằm suối lệ rơi
Nhớ buổi sương giầm vai nặng gánh
Mơ khi nắng tỏa miệng vui cười
Cành hoa trước sảnh phai màu thắm
Ngọn cỏ bên đường kém sắc tươi
Thanh thản đường lên miền cõi phật
Tình thương cụ để gửi cho đời

Phạm Duy Lương
***
Đẹp Tiếng Đời

Tế tử như anh đẹp tiếng đời
Chu toàn chữ đạo dốc làn hơi
Tình con hiếu trọn đà dâng gửi
Nhạc mẫu trời xa hẳn ngẫm cười
Dưới ngực còn thơm hoài nghĩa trọng
Bên mồ vẫn ngát mãi hoa tươi
Gương trong dễ sánh cùng kim cổ
Để đức lưu quang tỏa giữa trời.

Nguyễn Gia Khanh

***
Đường Về Cực Lạc

Thiên nhiên mầu nhiệm tạo ra đời
Tạo chuyến du hành để trút hơi
Thoải mái tâm linh miền cảnh lạc
Bình an trí não nét môi cười
Khắc tạc ân dày nuôi cuộc sống
Hằn ghi nghĩa trọng kính hoa tươi
Vòng quay tạo hóa màn tan hợp
Nhớ mẹ tình thâm phủ góc trời

Mai Thắng
171019



Cảm ơn Kim Oanh chủ trang Long Hồ Vĩnh Long đã tặng bức tranh thơ này, và tập hợp các bài họa, như cùng thắp nén nhang viếng hương linh nhạc mẫu tôi - Cụ Bà Chung Thị Như về cõi vĩnh hằng!
Cảm ơn tất cả quý huynh tỷ muội đã giành tình cảm, gửi lời chia buồn, thơ viếng Cụ Bà.
Trong lúc tang gia bối rối, có gì chưa nên chưa phải, xin quý vị thông cảm lượng thứ cho!
Trân trọng!

Phan Tự Trí

Trăng Ở Bên Em



Tặng P.Th

Nửa vầng trăng ở bên em
Nửa vầng còn lại đậu thềm đời anh
Em về lá cũng say cành
Sơn khê mấy dặm*quyện thành yêu thương
Một chiều mơ bóng tơ vương
Ái ân còn dấu.. đoạn trường đời nhau!
Đẹp sao là thuở ban đầu
Yêu đương say đắm.. vẹn màu đắm say..

Chim rừng quên cả đường bay
Ong thôi làm mật.. hồn say (ta) bao lần…

*Bản nhạc Mấy Dặm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông
VA, ngày 15-8-15
Bùi Thanh Tiên

Đường Tu



Xướng: Đường Tu

Theo thầy lòng trọn chữ trung kiên
Bến Đạo gìn tâm giữ mối giềng
Sóng bão bủa vây không nản chí
Mưa giông đập vỗ dạ tròn nguyên
Luật đời phạm vướn gây tù tội
Phép Đạo không theo họa thấy liền
Ở thế mãi ham chi áo mão
Sao không lo tạo tánh nhu hiền


Hồ Nguyễn
***
Họa: Tu Thân


Đã trót dấn thân Đạo chí kiên
Tu tâm dưỡng tánh nhớ ba giềng
Tiểu nhân phách lối ta đâu nãn
Quân tử khiêm cung dạ vẹn nguyên
Lừa gạt đãi bôi cây phản bội
Chân phương thành thật quả gieo liền (nhân quả)
Con người sám hối ham từ thiện
Phước báu dài lâu đức tánh hiền

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 10 năm 2017
***
Học Đạo Thánh Hiền

 Học Phật gìn lòng một chữ Kiên
Bền tâm mối đạo cốt ba giềng
Dù cho bão táp xin vững chải
Hoặc có mưa giông vẫn giữ nguyên
Độc ác thì vướng vòng tội lỗi
Thiện nhân phước đức thấy ngay liền
Bạc tiền,danh lợi gây phiền nảo
Hãy nhớ đường tu của Thánh Hiền

Song Quang

Niềm Vui Gặp Lại Thầy Cũ *

Từ trái : Tùng – thầy Cửu – anh Phòng
Thưa thầy bọn em mừng lắm sáng nay
Được gặp lại thầy bên hồ Xáng thổi
“Gió và Nước” reo vui lòng phơi phới
Thật vinh hạnh được ngồi cạnh bên thầy.

Vẫn nụ cười dòn rực nắng sớm mai
Thầy hân hoan bên trò đầu bạc trắng
Gió cũng lang thang đón chào con sóng
Không họp mặt nào hạnh phúc mừng hơn !

Ngồi bên thầy quên hết nỗi cô đơn
Những bài học đầu đời môn văn học
Sao thuở ấy em học hoài không thuộc
Bây giờ gặp thầy chới với làm sao !

Sáng hôm nay thời gian qua thật mau
Mới hội ngộ đã đến giờ từ giã
Đứng bên thầy niềm vui dâng tất dạ
Đến hàng cây hoa lá cũng mỉm cười.

Chia tay thầy sao bịn rịn thầy ơi
Hơn sáu mươi năm qua giờ gặp lại
Tình nghĩa ân sư thưở còn tuổi dại
Kính chúc thầy sức khỏe mãi an khang !

Dương hồng Thủy
* kỷ niệm hội ngộ thầy Lê Đức Cửu sáng 16/10/2017,
tại quán “Gió và Nước” hồ Xáng Thồi Cần Thơ.

Từ trái : Thành-Phòng-Phán-Hoàng- Phụng-Mỹ
Đứng : Thầy Cửu – Kim Quang
Từ trái : Quang – Duyên – Thầy Cửu - Hiệp – Ls Thành

Từ trái : Hiệp – Tư Thảo – Thầy Cửu - Tòng

Thăng Long Thành Hoài Cổ - Bà Huyện Thanh Quan



Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Bà Huyện Thanh Quan
(Ân Nguyễn sưu tầm)

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Cho Mùa Thu Cũ



Thơ: Mặc Phương Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh

Em Chờ Mong


Em ơi trời sang thu rồi đó,
Em đừng bồn chồn dạ mong chờ,
Lá vàng theo gió có gì đâu,
Để em sốt lòng trông cánh thơ.

Đã bao mùa thu anh làm thơ,
Tạ lòng em cho buổi đầu đời,
Giữ mãi tình anh trong kiếp sống,
Trai thời ly loạn em vẫn đợi.

Đã bao mùa thu anh gửi thơ,
Ca ngợi tình em cao đẹp quá,
Gái Việt oai hùng thời giặc giả,
Hậu cứ lo tròn phận nử nhi.

Đã bao mùa thu anh bẳng thơ,
Vẫn xót muôn vàn lời than thở,
Chắc chiu thân phận đợi người về,
Rừng sâu đổi lá thu không tới.

Anh có thấy đâu mùa thu cũ,
Để có vần thơ trong sương thu,
Gửi cho em để ướm tơ lòng,
Em ơi trời sang thu rồi đó.

Hải Rừng

26/5/2007

Còn Ít Thời Gian - Thời Gian


Bài Xướng:

Còn Ít Thời Gian


Ta đã gần xong một kiếp trần
Người đi kẻ đến tựa phù vân
Buồn vui điểm sắc trên màu tóc
Hay dở in hình dưới gót chân
Sự nghiệp con con bằng huyết áp
Công phu ít ít với đòn cân
Thời gian rút ngắn từng giây phút
Cố gắng làm, cho những thứ cần.

Cao Linh Tử 
26/9/2017
***
Bài Họa:

Thời Gian


Kiếp tha hương độc bước đường trần
Tan tụ lững lờ tựa áng vân
Sương tuyết điểm hoa đầy mái tóc
Thời gian đếm bước nhẵn đôi chân
Tuổi đời chồng chất thêm ngày tháng
Nỗi nhớ âm thầm nặng não cân
Chốn cũ một lần mong trở gót
Để nghe ai đấy giọng ân cần

Kim Phượng

Nếu Một Ngày


Bài Xướng: Nếu... Một Ngày

Nếu có một ngày...anh mất em
Hai vì sao lạc giữa trời êm
Cà phê sáng sớm nồng chua lắm
Chăn gối đêm dài lạnh lẽo thêm!
Cỏ úa...rêu mờ phai lối cũ
Rượu cay...men đắng tím môi mềm
Vành khuyên ngơ ngẩn quên lời hót
Nếu có một ngày...anh mất em.

Thy Lệ Trang
***
Họa: Đứng Bên Em

Nha Thành anh đợi đứng bên em
"Biển hẹn" thì thầm sóng dịu êm
Năm tháng hoài mong đan nỗi nhớ
Thời gian viễn vọng bỏ dài thêm
Sương xuân chẳng nhạt hình đào thắm
Nắng hạ còn vương dáng liễu mềm
Bến ngóng thuyền về, thuyền cập bến
Nha Thành anh đợi đứng bên em.

Ngọc Ẩn Nhi Huyền
2014

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Thu Tàn


(Thuận-Nghịch độc)

Thu tàn đã thấy chợt lòng xiêu
Dạ chạnh mà trông bóng ngả chiều
Mù mịt nhạn xa đường cuốn bụi
Xác xơ vườn quạnh lối phong rêu
Ru hồn mộng cũ tình khơi sóng
Vọng sáo lời xưa gió đợi diều
Thù tạc chén đưa ai có biết
U trầm khúc nhạc trỗi đàn tiêu.

Đọc nghịch:

Tiêu đàn trỗi nhạc khúc trầm u
Biết có ai đưa chén tạc thù
Diều đợi gió xưa lời sáo vọng
Sóng khơi tình cũ mộng hồn ru
Rêu phong lối quạnh vườn xơ xác
Bụi cuốn đường xa nhạn mịt mù
Chiều ngả bóng trông mà chạnh dạ
Xiêu lòng chợt thấy đã tàn thu.

Nguyễn Gia Khanh

Thẩn Thờ ... Thu



Xướng : Thẩn Thờ ... Thu

Duyên dáng nàng thu quyến rũ sao,
Màu phông điểm xuyết cội xuân đào.
Ngàn hoa tỏa sắc êm đềm đón,
Vạn cảnh khoe duyên lặng lẽ chào.
Cuộn dáng mây ngàn bay tụ tán,
In nền cánh hạc đứng chênh chao.
Vàng hiên xác lá khơi lòng cảm,
Dõi ráng chiều lay trượt lối vào.

Mai Thắng
170924
***
Các Bài Họa:
Dáng Thu

Khoan thai quyến rũ đẹp làm sao!
Lá đỏ rừng phong ửng má đào.
Vận mới người yêu hoa bướm đón,
Duyên may bạn gái cỏ cây chào.
Bèo tan rải rác dòng sông chảy,
Mây tụ lan man vân cẩu chao.

Yểu điệu nàng thu thoăn thoắt bước,
Êm đềm tân khách dắt tay vào!

Mai Xuân Thanh

Ngày 08 tháng 10 năm 2017
***
Đêm Thu

Thả hồn lặng ngắm những vì sao,
Lạnh buốt thu phong lả lả đào.
Lắng tiếng côn trùng ri rỉ khóc
Vén mây ánh nguyệt lả lơi chào.
Sương rơi hoàng cúc hoa vừa hé
Lá rụng mặt hồ nước mãi chao.
Trở gót trời khuya hồn lắng đọng,
Phòng ta ai đó dẫn trăng vào?

Mailoc
10-09-17
***
Thẩn Thờ Thu


Thu trăng lấp lánh giữa muôn sao
Khiến Nguyễn,Triêu kia nhớ động đào
Thanh thoát nàng tiên giương mắt ngó
Nhẹ êm cánh liễu vẫy tay chào
Một trời luyến ái mơ chao đảo
Nguyên khối tình si muốn đảo chao
Nhắp chén quan hà say tuý luý
Người đâu đợi mãi vẫn chưa vào?

Thái Huy
( Thu Cali 2017 )
***
Tình Thu


Nàng thu quyến rũ dáng duyên sao,
Thiếu nữ nhà ai thơ thẩn vào.
Tỏa sắc vàng tươi hoa cúc nở,
Khoe trăng vằng vặc nguyệt nga chào.
Âm thầm khách lạ bâng khuâng bước,
Xao xuyến lòng ai chếnh choáng chao.
Người đến mang tình hong má thắm,
Cho hồng phơn phớt tựa hoa đào !

Đỗ Chiêu Đức
10-09-2017
***
Đêm trăng Thu

Đêm trăng ta chẳng biết vì sao???
Bên gối thơ phòng nhớ ả đào
Chị Nguyệt vén màn ra đứng đón
Hằng Nga mở cửa ngỏ lời chào
Mây trôi vạn nẽo trời vô định
Sương rớt bên hồ sóng sánh chao
Bi cảm canh tàn nghe lá rụng
Hồn say mở cửa đón Thu vào

Song Quang
***
Về Với Biển


Thôi thúc ta về, chẳng hiểu sao
Để nhìn sóng biển cuộn ba đào
Xót ngày giã biệt không đưa tiễn
Thương kẻ chia tay chẳng vẫy chào
Khắc khoải đêm chờ vầng nguyệt hé
Thẫn thờ chiều dõi cánh chim chao
Mông lung trời nước đâu bờ bến
Gió lạnh ngoài khơi thổi thốc vào.

Phương Hà

Ký Thác


Cụ Bình Nguyên Lộc, một nhà văn lớn!
Nghe bút hiệu của cụ , đã thấy cả một sự ky thác rồi ! Chúng ta đã nhận một sự gửi gấm của tiền nhân về hoài bão mở đất phương Nam (!) . Cúng ta đã tiến mãi về phương Nam va có những đội quân Trấn Biên để giữ an miền đất mới . Tổ tiên đã là những cây vẹt, cây xú, cây mắm, cây đước, cây tràm để giữ đất bồi lắng, và từ từ đất thuần để chúng ta có được những đồng xanh ngút ngàn!

Bình Nguyên Lộc không phải là người lính Trấn Biên! Ông không xếp đao cung để cầm cuốc Nam Tiến! Ông không phải là cây xú cây mắm bình thường . Ông là cây đước cây tràm chuyển tiếp . Không phải giữ đất bằng thân mình, ông muốn ky thác đàn sau rằng tiền nhân đã giữ đất không chỉ bằng mồ hôi mà bằng xương thịt !
Bình Nguyên Lộc đã viết trên nhiều sách báo và in nhiều sách để nhắn nhủ đàn sau đừng quên ơn tiên tổ!

Bình Nguyên Lộc không nhiều kiến thức về toán lý, nên nhiều người đem toán lý lòe đời để nói rằng cụ viết không khoa học(!). Bắt bẻ cụ cũng dễ thôi(nhất là những cuốn Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt và cuốn Lột Trần Việt Ngữ), nhưng tôi xin những người này hãy bình tâm mà đọc những tác phẩm của cụ!. Với tôi, cụ là cây đước cây tràm vĩ đại trong làng văn. Một con người yêu nước ngút ngàn. Với tâm huyết đó, con nai của Bình Nguyên Lộc đã đi trên đất mẹ mà không bao giờ quên ơn tiên tổ.

Những người bình thường như tôi chỉ thích nhười ta nói chuyện bình thường ở bình nguyên trước mắt thì đọc cụ rất say mê , rất ái mộ cụ , và cũng rất phấn khởi , xin nguyền giữ gìn và tôn thờ mãi những bình nguyên mà ông cha đã dựng , đã mở , đã khai thác.

Xin lập tượng đài con người lớn này, xin tiếp thu những điều KýThác của người! và xin Ký Thác những điều người viết lại cho đàn sau.
Các em, các con, hãy giữ gìn từng tấc đất.

Chân Diện Mục

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Chờ



 Thơ: Lão Mã Sơn/Trần Gò Công
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mưa Tháng Mười


Cơn mưa đổ ập xuống rồi
Lại e đường ngập buồn rơi ngập lòng
Bên đường một gánh hàng rong
Tiếng rao thảng thốt lạnh lùng về đâu

Làn mưa sũng ướt mái đầu
Phố phường sũng ướt nỗi đau người nghèo
Dòng xe qua lại gieo neo
Áo mưa trùm kín nỗi đìu hiu mưa

Ngậm ngùi nhớ lại ngày xưa
Bàn tay âu yếm che dù ai qua
Tóc người ướt giọt mưa sa
Khăn tay lau mãi mượt mà giọt thương

Giờ lau sao được nỗi buồn
Tình xa, mưa có lạnh phương xa vời?
Có làm héo hắt tim người
Cho cơn mưa lạnh tháng Mười ăn năn

Mưa dài theo bánh xe lăn
Những làn nước tóe lặng thầm gọi tên
Hàng cây nghiêng ngả bên thềm
Chờ ai , ai nhớ bóng đêm nhạt nhòa?


Trầm Vân

Dấu Xưa


(Đường Catinat - Saigon1950)

Bài Xướng: Dấu Xưa

Dấu xưa hằn vết với thời gian
Nay bỗng hiện lên thật rõ ràng
Hình bóng nằm vùi trong ký ức
Tâm tư chôn kín chẳng phai tàn
Tháng năm cứ tưởng rồi quên lãng
Hình bóng nào ngờ tựa nắng loang
Xin cám ơn người lưu giữ được
Lối mòn gợi nhớ thuở ta mang

Song Quang
***
Các Bài Họa : 

Ký Ức Thanh Bình

Ký ức còn ghi lại thế gian
Vàng son một thuở mới ra ràng
Viễn Đông bác cổ gìn nguyên vẹn
Hòn Ngọc phương danh mất bạo tàn
Dĩ vãng kinh qua bao bão táp
Tương lai hứa hẹn nắng vàng loang
Kỷ cương phép nước xưa in dấu
Mạch sống yêu thương mấy thuở mang

Mai Xuân Thanh

Ngày 10 tháng 09 năm 2017
***
Dấu Xưa


Nhân ảnh một thời lụy thế gian
Hồn xưa thu thảo tỏ ràng ràng
Tiếng lòng u uất đành chôn kín
Phần số mong manh vội úa tàn
Tâm nguyện chôn vùi cơn mộng lấp
Nỗi đau dày xéo máu tim loang
Tay gom dĩ vãng đong đầy nhớ
Thương xót phận người trọn kiếp mang

Kim Phượng
***
Dấu xưa


Nhìn bóng xuân xưa dạ rộn rang
Hằn lên dấu vềt của thời gian
Thanh niên hăng hái tòng quân ngủ
Thiếu nữ không lo sắc đẹp tàn
Gìn giữ non sông bờ cõi Việt
Tham gia dựng nước vết dầu loang
Giờ đây xem lại hình năm củ
Nhớ một thời ta đã trót mang

Song MAI Lý Lệ
***
Buông Bỏ

Đã trót là người của thế gian,
Thị phi thành bại đã ràng ràng.
Sao còn quyến luyến thời son trẻ?
Mà vẫn tiếc thương thuở lụi tàn!
Tốc xả mê đồ đường giác ngộ,
Siêu sinh tịnh độ đạo vàng loang.
Đa sầu đa cảm đa oan nghiệt,
Buông bỏ tình đời chớ nặng mang!!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tình đời

Đã biết thói đời luôn dối gian
Mà sao tình cảm mãi neo ràng?
Khi yêu, lời hứa như dây buộc
Lúc chán, niềm say tựa lửa tàn
Chớ trách thủy triều lên lại xuống
Đừng hờn mây trắng tụ rồi loang
Hợp tan, tan hợp là quy luật
Sao để lòng sầu cứ nặng mang !?

Phương Hà

Về Miền Tây - Phần 10


Phía Đông Nam của Vĩnh Long, về phía hạ lưu sông Cửu Long là tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh cũng được bao bọc bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Đây là đoạn chót của cù lao ba tỉnh Vĩnh Long Sa Đéc Trà Vinh. Trà Vinh do tiếng Khờ me “Preas Trapeang” có nghĩa là Chủng Tử Phật. Dưới thời Gia Long thì Trà Vinh thuộc trấn Vĩnh Thanh (An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh). Sau khi chiếm trọn Nam kỳ, tướng Pháp là De la Gradière cho thành lập tỉnh Trà Vinh để tiện việc cai trị. Tuy là tỉnh mới, nhưng Trà Vinh có mức độ phát triển rất nhanh. Đất Trà Vinh cũng nằm giữa hai con sông Tiền giang (Cổ Chiên) và Hậu giang (Ba Thắc), gồm 7 quận: Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải. Về vị trí thì Bắc và Đông Bắc giáp Bến Tre, Tây và Tây Bắc giáp Vĩnh Long, Tây Bắc giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng, Đông giáp Bến Tre và biển Đông, Đông Nam giáp biển Đông. 
Về địa thế, Trà Vinh là một dãy đất hình móng ngựa ven bờ biển Đông, bao gồm vùng châu thổ được thành hình lâu đời và vùng đất trẻ mới được bồi đắp sau này. Tuy nằm trên một cù lao và gần biển hơn so với Vĩnh Long, nhưng độ cao trung bình của Trà Vinh tương đối khá cao, từ 2 đến 3 mét so với mực nước biển. Từ trên phi cơ nhìn xuống chúng ta thấy phía Đông Nam Trà Vinh như những vũng nước (những cánh đồng nhỏ hẹp xen lẫn những đầm lầy) được bao bọc xung quanh bởi những giồng đất hay cát khá cao và chạy song song với những đợt sóng của biển Đông. Trà Vinh là một dãy đồng bằng chằng chịt sông kinh rạch và được bao bọc bởi ba phía Đông Nam và phía Nam là biển, với bờ biển dài khoảng 65 cây số, còn phía Đông Bác và Tây Nam là sông Tiền và sông Hậu. 
Những vùng dọc theo bờ biển Trà Vinh có nơi cát bị gió biển thổi đùn lên thành những đụn cát tạo thành những giồng, xen lẫn với đất phù sa từ hai cửa sông Cổ Chiên và Ba Thắc tạo thành những cánh đồng nhỏ hẹp chạy song song với những giồng cao trông như những lượn sóng biển dọc theo miền duyên hải. Trà Vinh không có núi đồi, mà chỉ có kinh rạch chằng chịt khắp nơi. Hai con sông chính là sông Cổ Chiên và sông Ba Thắt. Sông Cổ Chiên giáp ranh với Bến Tre và đổ ra cửa Cung Hầu, còn sông Ba Thắt giáp ranh với Sóc Trăng và đổ ra cửa Định An. Ngoài ra, Trà Vinh còn có nhiều kinh rạch như kinh Bà Liêu, kinh Ba Túc, kinh Tân Lập, kinh Láng Sắc, kinh Trà Ếch, và một số kinh đào nhỏ ở vùng Bàu Sen, Láng Cháo, Cồn Cù, chạy dài từ kinh Zéro đến kinh 28. 

Thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ và mới thành lập tỉnh, thì diện tích Trà Vinh khoảng 2.000 cây số vuông. Thời Việt Nam Cộng Hòa, diện tích Trà Vinh khoảng 2.226 cây số vuông với dân số khoảng trên 500.000. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Trà Vinh rộng hơn với diện tích khoảng 2.369 cây số vuông, và sau theo thống kê mới năm 1999, dân số Trà Vinh có gần một triệu người. Người Kinh chiếm trên 70 phần trăm, kế đến là người Khmer và người Hoa. Về khí hậu tỉnh Trà Vinh cũng như toàn thể Nam bộ chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì nằm gần đường xích đạo nên Trà Vinh nóng và ẩm quanh năm và chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Tuy nhiên, vì có những giồng cát ven biển nên mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) nên Trà Vinh có phần nóng hơn các nơi khác trong vùng. 
Về mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) thường có những đám mưa lớn và dai hơn những nơi khác, lượng nước mưa trung bình vào khoảng từ 1.400 mm đến 1.600 mm. Nhiệt độ trung bình quanh năm từ 25 đến 27 độ C. Trà Vinh nối liền với Vĩnh Long bởi liên tỉnh lộ 7A, dài 66 cây số. Ngoài ra Trà Vinh còn các tỉnh lộ 34, 35, 36 và 37 nối liền tỉnh lỵ Trà Vinh với các quận. Về đất đai, cũng như các vùng lân cận, Trà Vinh được hình bồi đắp bởi phù sa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Ven biển có nhiều đụn cát do thủy triều từ xa xưa tạo nên, dồn phù sa lại thành giồng cao hơn những vùng chung quanh. Thêm vào đó Trà Vinh có nhiều kinh rạch chằng chịt nên rất thuận tiện cho việc trồng trọt. Chính vì thế mà về nông nghiệp, Trà Vinh có đến 90% diện tích trồng lúa. Những vùng giáp với Vĩnh Long thì nước ngọt quanh năm và việc canh tác cũng giống như Vĩnh Long, còn những vùng ven biển nơi có nước pha chè (nước lơ lớ nửa mặn nửa ngọt) thì dân chúng thường cất nhà trên những giồng đất cao và làm ruộng ở những vùng đất trũng. Từ Trà Vinh đi Long Toàn, Bàu Sen, Long Khánh, Láng Cháo, Cồn Cù... nông dân thường cấy lúa trong những cánh rừng thấp, đất rất mềm, khỏi cày cuốc chi cả như những khu rừng 13, 14, 15 ở Long Toàn. Về kinh tế, ngoài việc trồng lúa, dân Trà Vinh còn trồng đủ loại cây ăn trái mang lại nhiều lợi tức như dừa, cam, quít, dưa hấu, mảng cầu, ổi, chuối, chanh, dứa, vân vân. Dọc theo các kinh rạch từ các quận Càng Long, Cầu Ngang, Long Toàn, Trà Cú, và Cầu Kè và hai bên bờ sông Cổ Chiên và Ba Thắt, người ta trồng rất nhiều cây thuốc lá và các loại đậu. Bên cạnh đó, dân các vùng liên ranh với tỉnh Vĩnh Long còn chuyên nghề trồng các loại hoa từ trúc đào, vạn thọ, cúc, lan, mộc cẩn, kim phụng, bồ điệp... 
Khu rừng thấp chạy dài từ Bến Giá, Ba Động, qua Long Toàn, Cồn Cù, Láng Cháo, có rất nhiều khu rừng mắm, giá, đước, vẹt, dừa nước, tràm... Ngoài ra, bờ biển Trà Vinh cũng giúp mang lại cho ngành hải sản một nguồn lợi lớn lao như tôm càng, tôm bạc thẻ, cua, sò huyết, ốc tai voi, rùa... Bên cạnh đó, nhờ có một mạng lưới kinh rạch nên nghề đánh cá và thủy sản ở Trà Vinh cũng rất phồn thịnh. Trà Vinh nổi tiếng về cá trê, cá lóc, cá rô, cá tra, cá mè, cá bống kèo, cá rô phi... 
Cũng như Mỹ Tho và Bến Tre, Trà Vinh là nơi mà người Triều Châu đến lập nghiệp sớm nhất (có lẽ còn trước cả thời Dương Ngạn Địch xin các chúa Nguyễn vào Mỹ Tho lập nghiệp nữa là khác). Hiện nay tại chợ Trà Vinh hãy còn rất nhiều những khu phố buôn bán của người Hoa. Đến Trà Vinh bạn không thể nào bỏ qua món điểm tâm với cơm xíu mại thật đặc sắc của người Triều Châu. Có thể nói Trà Vinh là vùng đất có nhiều người Khmer nhất ở miền Nam. Trước năm 1975, chánh quyền VNCH đã thống kê Trà Vinh có trên 200 ngôi chùa, gồm trên 140 ngôi chùa Việt, 50 chùa Khmer, và khoảng trên 10 ngôi chùa của người Hoa, có trên 50% dân số trong tỉnh Trà Vinh là người Khmer. 

Chính vì thế mà Trà Vinh hãy còn rất nhiều di tích văn hóa và lịch sử Khmer. Chùa của người Khmer chẳng những là nơi tín ngưỡng lễ bái theo Phật giáo Theravada, mà còn là trường học dạy chữ Khmer. Hằng năm các chùa Khmer đều tổ chức những lễ hội đặc sắc và độc đáo theo truyền thống Khmer. Tại xã Đa Lộc, về phía Nam thị xã Trà Vinh chừng 6 cây số có chùa Hang đã có gần bốn thế kỷ nay. Chùa còn có tên là chùa Mồng Rầy (Kamponynixprdle), nhưng dân địa phương quen gọi là chùa Hang, vì nó có lối kiến trúc giống như một cái hang. Chùa Angkorett Pali là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. 
Chùa tọa lạc trên khu đất rộng trên 4 mẫu đất, nằm trong xã Nguyệt Hóa cách thị xã Trà Vinh chừng 7 cây số, ẩn mình trong những hàng cây cổ thụ quanh khuôn viên ao Bà Om. Chùa Nôdol hay chùa Cò (còn gọi là chùa Giồng Lớn), nằm trong ấp Giồng Lớn, thuộc quận Trà Cú, khoảng 40 cây số về phía Nam của Trà Vinh. Vì sân chùa rộng nên chùa là nơi cư ngụ của đủ các loại cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, vân vân, vì thế mà dân trong vùng gọi là chùa Cò. Đây là ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo của nền văn hóa người Khmer ở Trà Vinh. Chùa được bao bọc bởi những rặng tre và những hàng cây sao cây dầu cao ngất. Chùa Samrông Ek cũng trong xã Nguyệt Hóa, nghe nói chùa đã được xây vào thế kỷ thứ 7, có thuyết khác cho rằng chùa đã được xây vào năm 1373. Nhưng ngôi chùa cũ đã hư hại hoàn toàn nên ngôi chùa mới được xây năm 1850 và trùng tu vào năm 1944. Trong chùa hãy còn lưu giữ một số tượng cổ Noria bằng đá quý và các bia khắc bằng chữ Khmer, quanh chùa có nhiều tháp mộ. Nói đến Trà Vinh người ta thường nhắc đến những thắng cảnh nổi tiếng như Ao Bà Om. Đây chẳng những là thắng cảnh của Trà Vinh mà còn của cả vùng Nam bộ. Ao nằm trong xã Nguyệt Hóa, quận Châu Thành, cách thị xã Trà Vinh chừng 7 cây số. Ao có hình chữ nhật, dài khoảng 500 mét, rộng khoảng 300 mét, nằm dọc theo quốc lộ 53. 
Mặt nước ao lúc nào cũng trong và phẳng lặng, xung quanh có gò cát cao với những hàng cây sao cổ thụ rợp bóng mát. Lúc toàn vùng Trà Vinh hãy còn là vùng đất mới, chung quanh có nơi còn đang bồi đắp bởi phù sa, thì ao Bà Om chính là nơi chứa nước ngọt quanh năm. Truyền thuyết kể rằng lúc đào ao Bà Om thì 2 phái nam và nữ tranh chấp (lúc Chân Lạp còn theo chế độ mẫu hệ thì người nữ phải cưới người nam), trong khi phụ nữ thì muốn nam giới phải đi cưới vợ, phải làm rể một thời gian sau ngày cưới, và sau khi cưới phải ở luôn bên nhà vợ; còn phái nam muốn người nữ phải đi cưới chồng, nên hai phía còn tranh chấp nhau mãi không thôi. 

Về sau thì bên nữ thách bên nam là hai bên sẽ thi đua đào hai cái ao, nếu bên nào đào xong trước thì bên đó thắng. Phái bên nào thua thì từ đó phái đó phải chịu tốn tiền cưới hỏi. Hai bên bắt đầu đào từ đầu hôm khi “sao Hôm” vừa ló dạng, đến rạng đông khi “sao Mai” ló dạng là phải ng ưng tay để chấm điểm hơn thua. Bên phái nam cầm chắc chiến thắng trong tay vì ai nấy đều lực lưỡng, sức đàn bà làm sao qua nỗi, vì thế mà họ khinh địch, không khởi công đào một lượt với bên nữ, ngược lại họ còn tụm năm tụm ba nhăm nhi ba xị đế. Bên phái nữ biết phận mình nên khi trời vừa sụp tối là họ bắt tay ngay vào việc. Đào được một lúc thì bên nữ có bà thủ lãnh tên “Om” đã dùng mỹ nhân kế dụ dỗ cho bên nam xao lãng công việc, vừa đào vừa chơi. Đến rạng sáng khi sao mai vừa mọc thì ao bên nữ đã đào xong một cái ao thật to, còn ao bên nam vẫn còn dở dang. 
Từ đó phái nam phải đi cưới vợ và phải ở rể. Có người bác bỏ truyền thuyết về người đàn bà tên “Om,” nhưng thôi mình đâu phải là những nhà khảo cổ chính xác. Thôi thì nhận có truyền thuyết bà “Om” cũng được, mà không nhận cũng không sao. Trải qua bao thế hệ, ao Bà Om vẫn còn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp, trong khi ao bên đàn ông ở phía bên kia chùa Âng đã bị lấp dần, dầu hiện nay vẫn còn dấu vết (cách chùa Âng chừng 1 cây số).


Ngoài ra, cách bãi biển Mỹ Long, quận Cầu Ngang chừng 3 cây số có một thắng cảnh tuyệt đẹp là Cồn Ngao. Khi thủy triều lên thì toàn bộ cồn cát chìm trong nước biển, khi thủy triều xuống thì cồn mới hiện. Không khí ở đây mát mẻ dễ chịu, đặc biệt ở đây có rất nhiều ngao nước ngọt nên người ta gọi là cồn ngao. Trên cồn có những nhà nghỉ mát được cất cao hơn mực nước biển để phục vụ du khách. Từ Trà Vinh đi khoảng 55 cây số về hướng Long Toàn, qua khỏi Bến Giá một đổi là đến Ba Động. Biển Ba Động nằm trong xã Long Hòa, huyện Duyên Hải, bãi dài khoảng 12 cây số. Không khí ở đây rất trong lành, xa xa có nhiều cồn cát trắng rất đẹp. Vào mùa hè, dân các vùng Sa Đéc Vĩnh Long thường hay về đây nghỉ hè và tắm biển. Có lẽ đây là vùng biển duy nhứt trong vùng biển phía Nam có cát trắng nước xanh. Không khí ở đây rất trong lành, nên thời Pháp thuộc, họ đã cho xây nhà nghỉ mát, dành cho các quan chức đến đây nghỉ mát và tắm biển. Vùng biển Bến Giá, Ba Động, Long Toàn, Giồng Trôm, Cồn Cù, Láng Cháo... còn một thứ đặc sản rất đặc biệt mà không nơi nào khác có được, đó là món “mắm rươi”. Rươi là một loại “rít biển” (nói nôm na theo dân địa phương), rươi thường sống trong những đám dừa nước, đến mùa “rươi” hay mùa nước lớn thì từng đám “rươi” không biết là hàng tỷ tỷ con trôi theo con nước. 

Dân địa phương chỉ việc dùng vợt để vớt “rươi” rồi bỏ chúng vào những lu nước muối để sẵn dưới ghe, rồi đưa về nhà phơi nắng, phơi khoảng một mùa nắng là ăn được. Người ta còn dùng rươi để nấu nước mắm rất ngọt và thơm, ngon hơn nước mắm cá biển nhiều. Phẩm chất cua và cá kèo Trà Vinh không thua bất cứ vùng nào quanh miền biển Nam Việt. Dân địa phương thường nấu cá kèo với mắm rươi, người ta nói thời Gia Long tẩu quốc thì đây là món mà ông ta thích nhất, nên dân trong vùng còn gọi mắm rươi là “mắm ngự.” Trà Vinh không những là quê hương của đủ loại cá biển, mà nó còn là quê hương của những đìa cá nước ngọt đủ loại từ cá lóc, cá rô, cá trê trắng, trê vàng... và đủ các loại rắn, trăn, rùa, kỳ đà, lươn, chạch. Ngoài ra, ba khía Trà Vinh cũng nhiều và không thua gì ba khía Bạc Liêu hay Cà Mau. 
Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh chằng chịt những kinh rạch nên hầu hết dân chúng trong vùng di chuyển đi lại bằng đường thủy, và lực lượng ghe thuyền của Trà Vinh cũng đáng kể. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ của Trà Vinh cũng nhiều. Trà Vinh có đường trải đá và tráng nhựa đi các nơi như tỉnh lộ 35 từ Trà Vinh đi Bắc Trang, tỉnh lộ 36 từ Trà Vinh đi Trà Cú, tỉnh lộ 6 từ Trà Vinh đi Mặc Bắc, liên tỉnh lộ số 7 từ Trà Vinh về Vĩnh Long... Nguồn lợi chủ yếu của Trà Vinh vẫn là lúa gạo, nhưng nghề rẫy và sản xuất rau quả tại đây những vùng đất giồng cũng phát triển mạnh. Ngoài ra, ngành hải sản cá khô, tôm khô, cũng như các loại cua, ghẹ... sản xuất dư dùng trong tỉnh và xuất cảng đi Sài Gòn và các vùng phụ cận. Thị xã Trà Vinh nằm bên bờ rạch Trà Vinh, cách bờ sông Cổ Chiên (sông Tiền Giang) khoảng 3 cây số. Từ Trà Vinh đi Vĩnh Long khoảng 66 cây số. Từ Trà Vinh đi Sài Gòn qua ngã Vĩnh Long là 202 cây số, tuy nhiên, nếu đi ngã Bến Tre và Mỹ Tho, Trà Vinh chỉ cách Sài Gòn có 110 cây số mà thôi. 
Trà Vinh là vùng cây cối xanh tươi quanh năm, kênh rạch dọc ngang chằng chịt, với những giồng cát liên tiếp nhau như sóng biển, vì thế mà phong cảnh Trà Vinh rất hữu tình và thơ mộng với ruộng đồng chen lẫn vườn cây, đụn cát chạy dài trên các giồng. Đây là vùng đất mà trên đó ba sắc dân Việt, Khmer và Hoa sống với nhau rất hài hòa. Chính vì thế mà lễ hội ở Trà Vinh cũng mang một sắc thái đặc biệt hơn những nơi khác. Người Việt và người Hoa thường sống chen lẫn nhau tại thành thị, còn người Khmer thường sống quanh các chùa, trong các thôn làng có nhiều cây to. Dân tộc Khmer có những lễ hội rất đặc sắc quanh năm, như lễ đón năm mới (Chôl Chnam Thmây), tức là Tết của cộng đồng người Khmer, được tổ chức vào giữa tháng 4 dương lịch. 
Lễ cúng ông bà (lễ Đôlta), cũng là một torng những lễ lớn của người Khmer, được tổ chức vào 3 ngày mỗi năm từ ngày 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch. Lễ cúng trăng (lễ Ooc Om Bok) và hội đua ghe ngo vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Người Khmer tổ chức lễ cúng trăng để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, vì họ coi mặt trăng như một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp họ làm ăn khá giả trong suốt năm, trong lễ cúng trăng người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo rất hào hứng. 

Mỗi khi Phum hay Sóc cần xây dựng cầu, đường, chùa chiền hay trường học, hoặc các công trình lợi ích chung khác, họ thường tổ chức lễ dâng bông để quyên góp tiền bạc của dân chúng trong vùng. Thường thì các sư sãi đứng ra làm chủ lễ cầu nguyện, và các địa phương thường rước các đám hát về giúp vui cho dân địa phương. Người Việt chúng ta có đám cúng giỗ kỵ để tưởng nhớ người thân đã qua đời, thì người Khmer cũng có lễ dâng phước. Bên cạnh những lễ hội của người Khmer, người Việt và người Hoa có lễ hội cúng biển Mỹ Long (quận Cầu Ngang) hay lễ hội Nghinh Ông. Hằng năm lễ cúng biển được tổ chức tại Miếu Bà Chúa Xứ trong ba ngày, từ mồng 10 đến 12 tháng 5 âm lịch. Trong ba ngày này rất nhiều nghi lễ được tiến hành rất trang trọng, như lễ nghinh Ông Nam Hải (trên thuyền là những vị thần hóa trang Quan Công, Châu Xương, Quan Bình), lễ rước Bà Chúa Xứ, lễ rước Cậu, lễ Nghinh Ông (rước cá ông để tỏ lòng biết ơn đã cứu vớt tàu thuyền khi lâm nạn), lễ tế Thần Nông, lễ chánh tế, lễ nghinh ngũ phương đi bộ vòng quanh thị trấn, và nhiều trò chơi dân gian như nhẩy bao, kéo dây, bắt cá kèo hay cá bống. Lễ hội được kết thúc với việc đưa tàu thuyền ra biển. Lễ cúng biển được bắt đầu từ năm 1937, do dân làm nghề biển tổ chức, với mục đích cầu an. Nhưng về sau này, lễ cúng biển đã lôi kéo nhiều người từ các địa phương xa khác trong tỉnh, nên càng ngày lễ hội càng thêm náo nhiệt và có tính cách đại chúng hơn. 

Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Trà Vinh của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp