Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Tân Cổ: Nếu Anh Đừng Hẹn - Tân Nhạc: Lê Dinh - Cổ Nhạc: Loan Thảo Song Ca:Kim Trúc &Ngọc Trắng


Tân Nhạc: Lê Dình
Cổ Nhạc: Loan Thảo
Song Ca:Kim Trúc &Ngọc Trắng
Hát theo karaoke Nguyễn Thành Nhơn

Kính Tiễn Người Đi

 

(Tin Thầy viên tịch.)

Bóng Người khuất nẽo tà dương
Bóng ta còn lại bên đường thế nhân.
Mây về đâu,
Nẽo phù vân!

Ngàn sương rụng xuống xao tầng biển xa.
Ngỗn ngang nhịp bước ta bà
Ngỗn ngang sự thế, tình hoa cỏ nầy.
Gió về lạnh dấu chân mây,
Trăng nghiêng bóng núi, sương cài dấu xưa.

Người đi giữa tiết giao mùa
Thanh âm còn vọng gió đưa điệu đàn.
Khung trời cũ, mộng quan san,
Nẽo phù vân đã khuất ngàn sao xa.

New Orleans, ngày 24/11/2023.
Mặc Phương Tử

Khung Trời Cũ


Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối chưa tan
Cười với nắng sao một ngày chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách thường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Thích Tuệ Sỹ
( Trích thơ tưởng nhớ )

Đêm Nghe Tiếng Đàn Bầu

 

Đêm nghe vẳng tiếng đàn bầu
Nhìn trăng xế bóng trăng sầu viễn phương
Trăng nào trăng của quê hương
Ở đây sao thấy trăng buồn nhớ ai?

Trăng soi mờ tỏ dặm dài
Bước đời lưu lạc vẫn hoài cố hương
Đàn bầu tình khúc vấn vương
Giữa khuya nhỏ lệ nửa thương nửa sầu!

Nhớ xưa cùng bước qua cầu
Nay sao biền biệt dãi dầu nắng mưa
Hồn đau giấc mộng chưa vừa
Chia nhau lệ đắng nỗi chờ bơ vơ!

Đàn bầu dạo khúc tương tư
Người trong khung cửa…dõi mờ khói sương
Người đi mòn gót dặm đường
Không tròn giấc ngủ đêm trường ngẩn ngơ!

Tương phùng thoang thoảng vào mơ
Như cơn gió nhẹ hững hờ qua song
Nhớ thương kín mãi trong lòng
Đàn bầu đưa khúc não nùng về xa.

Nghìn trùng cách nẻo quan hà
Thương nhau biền biệt lệ nhoà mắt trông
Thuyền đời lạc bến hoàng hôn
Biệt ly nhớ lại buồn hơn thuở nào!

Hàn Thiên Lương

Ðàn Lên Em

 

Đàn lên em, hát lên em
Lòng anh sa mac đang thèm cơn mưa
Ðàn say sưa, hát say sưa
Cho anh qua được ngày trưa nắng tràn
Ðương giờ thế kỷ hoang mang
Xin em hay hát hãy đàn gấp lên
Con thuyền non nước lênh đênh
Giữa dòng biển gió anh thêm sức chèo.

Nguyễn Thùy

Thăm Viếng Canada Và New England


Đầu mùa Thu năm nay khi khí hậu mát mẻ, trời se lạnh ban đêm, hoa cúc nở rộ khắp nơi nhóm bạn chúng tôi lên đường thăm viếng Canada và New England bằng du thuyền, xem lá vàng. Chuyến đi 9 ngày và khởi hành từ bến cảng Baltimore, Maryland.

Tôi cư ngụ Virginia, cách bến cảng khoang 90 phút lái xe nên rất tiện không phải ngồi máy bay như những lần khác. Tuy nhiên trong nhóm 10 người có ba vị cư ngụ tiểu bang khác, hai người ở Florida và 1 người ở Texas. Những vị này bay đến vùng Hoa Thịnh Đốn trước ngày khởi hành 1 ngày. Chuyến đi đã mua từ mấy tháng trước và phần lớn là phụ nữ. Trong nhóm chỉ có 2 người là nam và 8 bà từ 70 đến 90 tuổi, sẽ thăm Boston, Massachusetts;Portland(Maine), Saint John và Halifax, Canada.

Chúng tôi đi tàu Vision of The Seas của hãng Royal Caribbean. Tàu này nhỏ và cũ, ra đời từ 1998, chỉ có 11 tầng nhưng cũng tiện nghi và chở được 2416 du khách. Thủy thủ đoàn 765 người, dài 279 mét.Tôi đến đến tầng 11 rộng rãi có bar rượu, phòng khiêu vũ, nhà hàng Á Châu nhưng tài liệu ghi có 10 tầng?

Chúng tôi đến bến cảng làm thủ tục lên tàu rất nhanh có thể vì tàu có nhiều nhân viên thạo việc. Hành lý giao cho người chuyển lên phòng, mỗi người chúng chỉ mang theo túi xách nhỏ hay kéo cái carry on, lên lầu 9 ăn trưa, chưa được vào phòng mình vì họ dọn dẹp chưa xong. Thật là nhóm này đi, nhóm kia đến. Khi ăn trưa xong là phòng đã sạch sẽ sẵn sàng cho người mới đến. Du thuyền rời bến cảng lúc 15 giờ, nhẹ nhàng êm ru, khi ánh nắng còn chiếu lấp lánh trên mặt biển xanh. Mở cửa ra ngoài boong tàu, có gió và lạnh. Hồ bơi vắng teo không ai tắm, chỉ có mấy nhân viên đi tới đi lui.

Boston,Massachusetts:

Tàu lướt sóng ra khơi suốt 1 ngày 2 đêm và cập bến Boston, Massachusetts vào 8 giờ sáng cho đến 6g chiều. Du khách muốn lên bờ viếng cảnh tự túc hay theo tua du thuyền tùy ý nhưng phải ghi danh trước. Có nhiều tua, dài mấy tiếng hay ngắn độ hơn tiếng cũng có. Ngoài ra còn có loại xe bus, lên xuống trạm nào cũng được, chụp ảnh hay đi bộ mỏi chân chỉ đến trạm xe chờ xe đến rồi lên (hop on hop off bus), không phải trả thêm tiền vé .Cách đây vài năm nhóm thân hữu và chúng tôi trên 40 người đã viếng Boston rồi, đi bằng đường bộ, ghé thăm trường Đại học nổi tiếng Harvard ở Boston,đến nhà nguyện, phòng ăn, thư viện Harvard… Ngôi trường rộng lớn nơi cựu Tổng Thống Obama và cựu Phó Tổng Thống Al Gore từng học. Lần này xe bus chạy ngang qua, không ai rời xe bus xuống thăm trường Đại học.

Boston thành phố đẹp, lớn nhất vùng New England có khoảng hơn 4 triệu dân với nhiều cao ốc, công viên xinh xắn, có sông dài, tàu thuyền tấp nập dưới bến. Nhà thờ, bảo tàng viện… đều xưa nhưng còn chắc chắn. Boston có trên 100 học viện và viện Đại học với nhiều môn học khác nhau

Tàu rời bến 6 giờ chiều nhưng 5 giờ tất cả hành khách đều phải trở về du thuyền Portland, Maine:


Tàu chạy suốt đêm và cập bến cảng Portland,Maine sáng ngày hôm sau. Du khách được lên bờ từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Du khách nếu không mua tua với du thuyền có thể đi tự túc. Ra khỏi cầu cảng lên bờ có cái information house lớn với nhiều quầy bán vé thăm viếng các nơi. Các tài xế Taxi quanh quẩn nơi đó đón khách viếng cảnh hay vào thị trấn mua sắm. Xe bus hop on-hop off đậu bên kia đường, chiếc này đi, chiếc kia đến. Chiếc xe lửa dài ngoằn vừa thả khách xuống. Chúng tôi đến trạm bán vé xe lửa mua vé. Nơi đây cũng là nơi bán quà lưu niệm và có nhiều tài liệu nói về Maine. Chúng tôi mua vé xe lửa đi dọc theo bờ biển khoảng gần 2 tiếng là trở về bến cũ, thấy 1 bên đường là rừng rậm núi non, phía đối diện là sông nước và tàu thuyền. Có nơi cho thuê tàu nhỏ đi trên sông, nhiều lắm. Con đường gần bến cảng có nhiều cao ốc, tiệm bán quà lưu niệm, tiệm ăn… Tiêm bán tôm hùm cũng là tòa nhà mấy tầng lầu. Nhà hàng ở tầng 1. Một vị trong đoàn cho biết thiên hạ sắp hàng thưởng thức tôm hùm dài ngoằn. Hỏi người tiếp tân phải chờ bao lâu thì được trả lời khoảng 1 tiếng.Thế mà vẫn có người đứng chờ. Cây lá nơi đây còn xanh,chỉ lác đác vài cây có lá vàng mà thôi.Du thuyền rời bến cảng êm ru lúc 5 giờ chiều.

Saint John(Bay of Fundy):

Du thuyền ra khơi chạy suốt đêm và cập bến Saint John, Canada (Bay of Fundy) vào 9 giờ sáng. Du thuyền đậu nơi đây cho đến 3 giờ chiều ngày hôm sau. Saint John là thành phố cổ, hải cảng lớn thứ 3 Canada?Theo tờ quảng cáo du thuyền Saint John, Canada có nhiều nơi thăm viếng: thác nước, công viên, sở thú, chợ ở thị trấn cũng to (city market). Ở St John Park & Garden có thú rừng và trên 250 loại chim khác nhau. Mùa hè có thể chèo thuyền, mùa Đông trượt tuyết…Chi em chúng tôi không đi xa. Ra khỏi cầu cảng đã thấy nơi bán hàng hóa, đồ lưu niệm nhiều lắm: khăn quàng, áo len(laine), mỹ phẩm, ví to và bé, loại thông dụng và loại mắc tiền, rượu, bánh kẹo, các sản phẩm đặc biệt của Canada. Phố lầu trên các đường gần bến cảng toàn bằng gạch, chắc chắn và đẹp, trông trù phú, giàu có như các thị trấn ở Hoa kỳ. Nhà hàng, tiệm ăn dọc theo con đường…

Halifax,Novascotia:


Du thuyền rời bến cảng Saint John lúc 15 giờ và cập bến cảng Halifax, Nova Scotia vào 10 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi thuê 1 xe van chở 7 người thăm Halifax. Ba người khác không đi, ở nhà đọc sách. Từ bến cảng đến Hải đăng Halifax khoảng hơn tiếng lái xe. Trên đường đi có khi hai bên đường là đồng cỏ, có khi là rừng cây nhưng lá cây vẫn còn xanh, thỉnh thoảng mới có cây lá hơi ửng vàng. Thiên hạ đến trước chúng tôi khá đông vì ngoài du thuyền chúng tôi còn có vài du thuyền khác to và mới hơn đậu ở bến cảng. Từ bãi đậu xe nhìn ra Hải đăng thấy những tảng đá thật to, hình thù khác nhau, nhẵn thín rất đẹp, chồng chất lên nhau hay nằm rải rác bên đường. Chúng tôi chỉ đứng ngắm và chụp ảnh. Những người trẻ tuổi rủ nhau đi đến tận hải đăng, leo lên những hòn đá cheo leo. Gần bãi đậu xe có mấy cửa tiệm bán quà lưu niệm, post card, nước giải khát, thức ăn nhanh… cũng đông khách. Gió lạnh dù ai cũng mặc áo khoác. Trên đường trở về du thuyền, bác tài ghé thêm mấy nơi cho chúng tôi chụp ảnh. Chú cho biết ai muốn đến thương xá mua sắm chú sẽ đưa đi nhưng phải đi xe khác về du thuyền vì chú không thể chờ các chị em la cà ở thương xá.Chúng tôi đồng ý về du thuyền vì ngay bến cảng cũng có nơi bán các quà lưu niệm của Halifax, những cái cup uống nước, khăn quàng, áo ấm có in hàng chữ Halifax,Canada…

Ngày hôm ấy 19 giờ tàu rời bến ra khơi trở về bên cảng Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ. Những ngày lênh đênh trên biển, du thuyền có nhưng sinh hoạt khác: xem chiếu phim, đố vui, chơi bingo, sòng bài, các gift shop mở cửa cho quý du khách tiêu tiền, dạy khiêu vũ, làm sushi, trang hoàng bánh Sinh Nhật …
Trong 9 ngày trên du thuyền có 2 ngày mặc đẹp. Quý bà quý cô lộng lẫy thướt tha trong những chiếc áo, giày đẹp, quý ông mặc đồ lớn, cà vạt tử tế. Các nhiếp ảnh gia đến phòng ăn mời chụp ảnh cá nhân hay chụp chung cả bàn, ít nhất họ cũng chụp được vài kiểu dù ai cũng có cell phone có thể chụp kiểu này kiểu nọ nhưng không bằng những người chuyên nghiệp có máy ảnh tốt. Ngoài ra có ngày mọi người mặc toàn trắng nhưng ai không mang theo y phục trắng cũng chẳng sao. Những ngày mặc đẹp trên đường đến phòng ăn hay phòng sinh hoạt các nhiếp ảnh gia bày phong cảnh có tên chiếc tàu hay cảnh đẹp nào đó để mời khách chụp ảnh gia đình hay cá nhân.

Những người chờ chụp ảnh sắp thành một hàng dài, người lớn và trẻ em. Chụp hôm trước, hôm sau có ảnh bày trong phòng ảnh. Ai thích thì lấy, 25$/1 tấm, còn không thích thì cho vào…thùng rác bên cạnh. Trong chuyến đi này tôi bất ngờ gặp nhóm thân hữu Việt Nam, những vị cùng đi thăm Canada, Quebec cách đây vài năm. Thật là vui mừng vì bất ngờ. Như thế trên du thuyền có 20 du khách Việt Nam vì nhóm kia cũng 10 người. Đó là quý anh chị Cường &Trâm, Thái & Hằng, Mai Việt, chị Ngọc Thanh và phu quân, người Trưởng ban Văn Nghệ của chuyến đi Canada mấy năm trước, chi Thủy và người bạn …

Theo người viết chuyến đi tuy ngắn ngày nhưng vui vì cơ hội chuyện trò, găp gỡ nhau hằng ngày. Khi về nhà tuy cùng địa phương nhưng ai cũng bận rộn công việc nọ kia ít khi gặp gỡ nhau, nói chi các chi em ở tiểu bang khác. Vã lại người nào cũng có tuổi nên sự đi lại không dễ dàng như lúc trẻ, phải nhờ con hay bạn đưa đi phiền phức. Một vị trong đoàn tặng cả 2 nhóm bài thơ vui:

Đi Du Thuyền MùaThu 2023

Xuân đến người ta du Xuân
Thu đến chúng ta đi du thuyền
Chuyến này nam thiếu, nữ đa
Đoàn ta toàn người tuổi cao
Nhưng trông vui vẻ như còn trẻ trung
Ăn uống đã có nhà hàng
Sức khỏe có người lo
Bác sĩ dược sĩ ngay bên cạnh
Văn thi nhạc sĩ đều có mặt
Thời tiết tuy có hơi ngặt
Áo ấm khoác lên lo sợ gì
Các chị tha hồ chưng chưng diện diện
Màu sắc đỏ xanh ta xài luôn cho tiện
Chuyến ni họp mặt chín ngày
Hãy vui, chung ta cùng vui vẻ với nhau
Chuyện trò thân mật, quên hết buồn phiền
Ngày vui qua mau, bóng câu qua cửa sổ
Ngày mai biết đâu trong số quý vị
Có kẻ theo trời bỏ cuộc vui…
(Túy Hiệp)




Người viết xin cầu chúc quý thân hữu trong chuyến đi và gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sư an lành, nhiều niềm vui, hạnh phúc. Cũng xin cám ơn anh chị Hiệp là người rủ rê và cám ơn con trai đã chịu khó đưa mẹ đi du thuyền dù cháu là người trẻ tuổi nhất trong nhóm, chỉ ở trên tàu đọc sách khi các Bác và Mẹ lên bờ du ngoạn.
Cũng xin cám ơn nhà nước Hoa Kỳ tạo điều kiện dễ dàng cho đồng bào Việt Nam, những người xa quê hương có cơ hội học hành, ổn định đời sống, ấm no, thoải mái nơi đất khách. Xin ơn trên ban phước lành cho người Việt Nam ở quê nhà như hải ngoại được mọi sư tốt lành, như ý…

Xin có bài thơ tặng quý độc giả:

Mùa Thu Xem Lá Vàng Canada

Nhóm bạn rủ nhau xem lá vàng
Ngỡ rằng xứ lạnh lúc Thu sang
Lá xanh sẽ đổi vàng, cam, đỏ
Nào hay màu lá vẫn chưa thay
Du thuyền lướt sóng thật êm rơ
Bạn bè gặp gỡ là tình cờ
Vui mừng trò chuyện vui như Tết
Phúc lộc tràn đầy thỏa ước mơ


Về nhà mới biết anh chị Cường và Trâm đã ăn mừng KỶ NIỆM HÔN NHÂN trên du thuyền.
Xin có mấy câu văn vần tặng anh chi:

Chúc Mừng Kỷ Niệm Hôn Nhân

Nước xanh biển rộng ánh dương hồng,
Chúc cho hai vị tình luôn nồng
Con ngoan rể thảo nhiều bằng hữu
Du ngoạn giang hồ khắp núi sông…

Ngọc Hạnh

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Hai Chiếc Lá – Thơ: Hoàng Trọng Châu Nhạc: Văn Duy Tùng Trình Bày: Tuyết Mai & Vũ Phương


Thơ: Hoàng Trọng Châu 
Nhạc: Văn Duy Tùng 
Trình Bày: Tuyết Mai & Vũ Phương

Tình Trăng


Trăng khuya có một mối tình

Như sương chỉ sợ lúc bình minh lên
Đã yêu đâu dễ gì quên
Em ơi, cứ giận đừng nên phụ phàng
Trăng buồn, trăng cũng lang thang
Không thương thì nói. Nhược bằng chẳng sao
Anh về cuộn giấc chiêm bao
Đêm nay thức giấc em nào có hay!
Em ơi! Anh đã giải bày
Không nghe em để ngoài tai cũng đành
Miễn là em hiểu được anh..!

Thanh Chau

Tìm Đâu...



Tìm đâu đêm gối trăng sao
Nghe con sóng vỗ lao xao gió ngàn
Cứ tưởng là những tiếng đàn
Chập chùng rơi xuống nồng nàn xa xưa!
(LHX)


(Cảm tác thơ cùng tiêu đề của ............)

Tìm đâu chút ít hương thừa
Tàn y để lại tình xưa ngọt ngào
Tìm đâu giữa đám ngàn sao
Một vì tinh tú lạc vào thiên thu.

Tìm đâu trong cõi phù du
Tình yêu tuyệt diệu như ru cuộc đời
Tìm đâu kỷ niệm xa vời
Đã vào quá khứ dòng thời gian trôi.


ChinhNguyen/H.N.T., 
 Feb.17.20 (402)

Chiều Thu Ấy - Đêm Thu Năm Ấy



Chiều Thu Ấy

Đã tắt lửa lòng đốt tiếng yêu
Trông mây bàng bạc vấn vương nhiều
Hương thu ngây ngất hồn cô phụ
Gió buốt lạnh lùng cảnh tịch liêu
Mây trắng trắng trời trôi lãng đãng
Niềm riêng riêng mãi nỗi đìu hiu
Ai người còn nhớ chiều thu ấy
Hay đã vô tình đốt tiếng yêu

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Đêm Thu Năm Ấy

Vẫn còn chút lửa của hương yêu
Nhen nhúm vấn vương mỗi buổi chiều
Hình ảnh vợ hiền như phản phất
Rơi vào tâm khảm của hoang liêu
Trời quen quen lắm nơi xa vắng
Đất lạ lạ lùng chốn quạnh hiu
Còn nhớ đêm nào thu năm ấy
Em đành rời bỏ cả hương yêu

songquang

20231112
( Nhớ hiền thê đã rời bỏ hương yêu của gia đình vào thu 2022)

Duy Thanh, Chàng Đây!


Buổi sáng Thứ Bẩy Ngày 9 Tháng 11, 2019 thằng cháu út Lam Sơn chở bố mẹ sang thăm hai bác Duy Thanh – Trúc Liên. Anh chị ở căn hộ trên lầu hai của một chung cư tại San Francisco. Hình ảnh anh Duy Thanh ngồi lọt trong lòng ghế khiến chúng tôi giật mình. Mới mấy tháng không gặp mà anh thay đổi quá, người gầy xộc hẳn, mặt hốc hác chỉ còn đôi mắt tinh anh. Nghe tiếng chào của chúng tôi anh lên tiếng:
- Đến thăm người sắp chết hả! Đừng chúc tôi sống lâu trăm tuổi nhá! Tôi chỉ muốn chết thôi!

Chị Trúc Liên im lặng ngồi bên cửa sổ nhìn xe cộ chạy dưới lòng đường. Để hai anh em và bác cháu tâm tình, tôi đến ngồi bên chị:
_ Chị có nhớ em là ai không?
Chị mỉm cười, nét mặt đẹp hiền hoà như một nữ tu hay như một bà tiên:
_Ờ... Em!
Thế rồi giọng chị nhẹ nhàng như thủ thỉ, chị kể về những chuyện xa xưa, chuyện của một thời con gái của chị, chuyện về những ngày sống trong ngôi nhà cũ ở Hàng Xanh bên ba, bên má...

Một lúc sau có bà giúp việc đến thay quần áo và lo cho chị ăn, tôi ra trò chuyện với ông anh. Anh và tôi tương đối thân vì anh em hay nói những chuyện vui văn nghệ, văn gừng, nói về những nhà văn, nhà báo anh biết và tôi hay bông đuà, giỡn hớt với ông anh. Mỗi khi tôi viết được bài nào cũng đưa anh chị đọc trước và vẽ xong bức tranh nào cũng đem ra khoe với anh chị.

Thấy bát súp để trên bàn tôi cầm lên định đút cho anh thì anh xua tay :
_ Cô để đó đi, tôi cầm lấy được mà, chỉ húp một cái là xong. Há mồm để được đút đồ ăn trông thảm quá!
Anh cầm bát súp ăn được hai ba thìa nhỏ thì bỏ xuống liền, không chịu ăn nữa:
_ Sống thế này chán quá, già rồi chán quá, tôi chỉ muốn chết phứt đi cho xong. Kéo lê thê ngày nọ sang ngày kia thế này chán quá!!
Nghe và nhìn anh thấy thật thương nhưng tôi cũng cố nói:
_ Anh ơi... Sống chết là chuyện của ông Trời, mình có tính được đâu anh. Anh cứ ăn uống cho khỏe để còn ngày nào vui ngày đó. Anh phải vui lên, buổi sáng mở mắt ra còn thấy cuộc đời này, còn thấy nắng vàng tươi ngoài kia, ta vui thêm ngày nữa. Đến đúng ngày, đúng giờ thì... ta đi. Anh mong chẳng được và anh muốn cũng chẳng được thì anh tự làm khổ mình làm gì. Thôi cười đi nhá! Cười lên mới đẹp trai... hìhì...

Tôi lấy điện thoại ra giơ lên “Anh cười đi nào, cười đi, em chụp hình nè...” Anh phì cười và sau đó tôi cứ ngồi nói chuyện trêu chọc để thỉnh thoảng anh lại mỉm cười. Hỏi anh có thích đọc sách không để tôi đem sang. Anh lại ca điệp khúc: “ Mắt mờ, tai điếc, đi đứng không vững. Mình mẩy đau nhức. Chỉ muốn chết nhanh cho rồi...”

Ngồi chơi với anh chị khoảng gần hai tiếng chúng tôi phải xin phép về để anh chị đi nghỉ. James, chồng của Yên Chi ở lại trông bố mẹ. Anh chị có ba cô con gái mà anh luôn gọi là “Ba con đào yêu quý, Phương Thảo, Yên Chi, Hoàng Điệp”. Ba cháu rất hiếu thảo và ba chàng rể cũng rất ngoan và tốt, lại ở gần bên nên chăm lo cho bố mẹ thật chu đáo.

Dời khỏi nhà anh chị chúng tôi lại ghé thăm cô em dâu, vợ chú Hoà mới bị stroke phải gọi emergency đưa vào nhà thương ở Castro Valley. Cũng may cô bị nhẹ và đưa đi kịp thời nên thấy cũng đỡ lo. Các cháu bị một phen hoảng hồn. Tôi đành phải an ủi cô hãy ráng tĩnh dưỡng, ăn uống lành mạnh cho khỏe và chịu khó tập thể dục.

Bước ra khỏi bệnh viện, trời chiều cuối thu Cali se lạnh, hai bên đường lá đã chuyển sang màu vàng, đỏ. Hai vợ chồng nhìn nhau ngậm ngùi... Lứa chúng tôi trên bẩy, tám chục tuổi cả rồi, như những chiếc lá vàng kia, từng chiếc, từng chiếc sẽ lià cành để trở về với cát bụi... Đời người thật ngắn ngủi, chỉ như một thoáng mây bay.

Sáng Thứ Năm 21 tháng 11 tiếng chuông điện thoại reo, nhìn thấy tên cháu Phương Thảo, tôi giật mình hoảng hốt, sợ có tin chẳng lành.
_ Thím ơi, phải gọi xe cứu thương đưa bố con vào bịnh viện rồi. Bố không chịu ăn uống gì cả, chỉ đòi chết thím ơi...
_Bố có biến chứng gì sao? Tại sao phải đi emergency?
_ Bố con bị té!
_Bây giờ bố con sao? Xương cốt có bị gì không?
_Bố té nhẹ thôi thím nhưng tại bố con yếu quá nên phải đưa vào nhà thương.

Thứ Bẩy, 23/11 vợ chồng cháu Khôi sang chở chúng tôi vào General Hospital SF thăm bác.

Anh Duy Thanh nằm đây mong manh bên bờ sinh tử. Thật nghẹn ngào. Hôm nay không đùa, không cười được nữa! Ghé sát vào tai anh để nói thì mắt anh chỉ chớp nhẹ. Miệng thều thào: “Nước!”. Đưa muỗng nước đến miệng thì anh há ra nhận chứ không còn xua tay từ chối. Bốn người chúng tôi đứng quanh giường chỉ biết lặng lẽ nhìn. Khuôn mặt hiền hòa kia sắp biến mất và chúng tôi sẽ không bao giờ trông thấy nữa. Anh Thọ nắm bàn tay anh, bàn tay anh Duy Thanh cử động nắm lấy tay ông em. Tôi vuốt nhè nhẹ cánh tay gầy guộc. Anh đưa ngón tay lên như muốn viết chữ gì mà tôi cố nhìn theo mà cũng không thể nhận ra. Cháu Khôi lên tiếng “ Hay là bác muốn vẽ tác phẩm cuối cùng?”. Cháu trai lớn của tôi rất yêu ông bác nghệ sĩ vui tính. Mới ngày nào khi bác gái và các chị còn ở VN, bác đến nhà hay dắt cháu đi chơi và mỗi khi nhấc điện thoại, biết là các em hay các cháu gọi thì bác luôn cười ha hả: “Duy Thanh, chàng đây!” để thằng bé con cũng khoái chí bắt chước bác vỗ ngực kêu lên: “Thiên Khôi, chàng đây!”

Đêm hôm ấy lên giường nằm mà tôi không thể nào chợp mắt, những kỷ niệm về anh chị cứ lần lượt hiện về. Năm 1971, khi mới về nhà chồng, tôi còn đang đi học lại kém anh nhiều tuổi, nhỏ hơn cả cô em út, nên anh cũng gọi tôi là “cái con đào này” như anh gọi mấy đứa con của anh. Những ngày rảnh rỗi tôi hay sang nhà anh chị ở Hàng Xanh chơi, ra vườn sau nằm võng đu đưa dưới những tàng cây râm mát. Thỉnh thoảng anh lái chiếc xe Simca trắng về thăm mẹ thì lại chuyện trò rổn rảng với “con đào” này. Năm 73 anh theo sở làm sang Thái Lan và đến Tháng Tư 75 thì kẹt không về VN được mà sang định cư tại San Francisco cho đến bây giờ. Năm 1980 gia đình chúng tôi vượt biên sang ở nhà cô em gái tôi tại San Pablo, anh cũng sang ngay để thăm. Từ đó hình ảnh ông anh nghệ sĩ tay luôn cầm chiếc máy ảnh, sang đưa các cháu đi chơi và chạy theo các cháu để chụp hình.

Mấy năm sau chị và các cháu sang đoàn tụ, rồi qua chương trình HO, đầu thập niên 90, toàn thể gia đình chú Hoà cũng sang được hết. Cả ba gia đình anh em Thanh - Thọ - Hoà ở quanh quẩn vùng bắc Cali nên có dịp gặp nhau luôn. Ít nhất mỗi năm tất cả tụ họp ba lần, ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ ông nội và ngày giỗ bà nội. Các cháu của ba nhà lần lượt lớn lên, lập gia đình và đã ra ở riêng. Hàng năm chúng tôi vẫn họp mặt đông đủ cả ba lần, luân phiên từ nhà cháu này đến nhà cháu kia. Hai vợ chồng già DT và TL vẫn ở lại căn nhà cũ tại SF và sáng sáng anh xuống phố đi tản bộ loanh quanh. Anh ở đó quen rồi, nơi phố đông vui nên anh chị không chịu đến ở với con nào hết, dù các cháu tha thiết mời và các cháu đều có nhà cửa rộng rãi, khang trang. Mặc dù vậy nhưng kỳ họp gia đình nào anh chị cũng đến. Ba thế hệ đề huề, họp nhau là ăn uống, chuyện trò, hát karaoke, nhẩy nhót tưng bừng. Anh rất yêu trẻ con, những đứa trẻ thế hệ thứ ba ra đời ông dang tay ôm vào lòng từng đứa mỗi khi gặp mặt. Mấy năm về sau anh già yếu đi nhiều, không còn nói cười sang sảng nhưng vẫn đến và cưng chiều con cháu. Chúng nó hát Karaoke thì khi ông hứng ông cũng cầm micro hát và khi ông mệt thì cứ thoải mái ngồi cạnh đó mà... khò khò.


Khi chị bắt đầu lú lẫn anh phải ở nhà nhiều hơn để săn sóc chị. Buổi sáng không xuống phố mà ở nhà lo cho chị ăn uống. Ở nhà để canh chừng không để chị xuống đường một mình rồi đi lạc. Năm vừa qua anh chị đã không đến với những buổi họp gia đình nữa.

Cả ngày chủ nhật tôi nhớ về anh, viết vài kỷ niệm về anh. Buổi chiều cháu Hạnh Quyên, cô con gái lớn của tôi điện thoại nói là đang ở bịnh viện với bác và buổi tối cháu đã nghẹn ngào qua phone:
_ Bác ... mất rồi!!
Hai vợ chồng tôi đang sững sờ mặc dù biết tin này sẽ đến thì cháu Khôi cũng gọi sang:
_ Mẹ biết gì chưa? Bác Duy Thanh... đi rồi!
Và tiếng Hoàng Điệp cũng nức nở qua điện thoại:
_ Thím ơi... Bố con mất rồi, nghe Chi gọi, con đang trên đường đến nhà thương...
Rồi nghe cháu khóc nấc trong phone.
_ Con bình tĩnh, lái xe cẩn thận, có gì phone báo ngay cho chú thím nghe con!

Lúc đó là khoảng 10 giờ đêm Chủ Nhật 24 Tháng 11 năm 2019.
Ông anh cả của chúng tôi đã bỏ cõi đời này!!
Duy Thanh, Chàng đây!! Đã bỏ chúng tôi mà đi!!
Với nền Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam ... MỘT VÌ SAO ĐÃ TẮT!!
Với gia đình chúng tôi, Anh là một người chồng chung thuỷ, một người cha tuyệt vời, một người anh cả vui vẻ, đáng quý, một ông bác đáng yêu của lũ cháu gọi ông bằng bác, bằng ông. Các cháu nghe tin bác mất, ông mất đã khóc oà... thương tiếc ông thật nhiều!!

Một vài đoạn tôi đã viết về bức họa MAI VỀ TÌNH THƠ HÔM NAY

(…Sau ngày cưới chàng và nàng đã có một tuần lễ thần tiên tại thành phố thơ mộng Đà Lạt. Khách sạn Mộng Đẹp nằm trên một con dốc, từ bao lơn phòng ngủ nhìn xuống bên trái là khu Hòa Bình, bên phải con đường dẫn đến hồ Xuân Hương. Sáng sáng hai người tay trong tay xuống phố, vào tiệm phở điểm tâm rồi ghé sang cà phê Tùng ngồi nhâm nhi tách cà phê bốc khói. Sau đó xuống khu chợ mới mua vài loại trái cây tươi và một ít đồ ăn lặt vặt rồi tản bộ đi thăm những thắng cảnh gần hoặc ra bến xe đi chơi những nơi xa. Hình ảnh Đồi Cù và Thung Lũng Tình Yêu của Đà Lạt xa xưa như vẫn còn in đậm nét trong tâm trí Khuê. Không khí êm ả trong nắng vàng tươi, nàng đã sung sướng lăn mình trên những thảm cỏ xanh ấy và chàng đã chụp rất nhiều hình cho nàng.

Thiên đã kể nàng nghe về bức tranh của ông anh họa sĩ mà chàng rất thích. Bức tranh anh Duy Thanh cũng vẽ một thảm cỏ xanh dưới nắng, khung cảnh thật tĩnh lặng, an bình. Một chiếc xe thổ mộ ở gần góc của bức tranh như đang đi trên một con đường mòn nhỏ cắt ngang thảm cỏ, nhẹ nhàng như thơ, như mơ. Chàng đã tự nhủ lòng sẽ xin ông anh tác phẩm ấy sau buổi triển lãm của họa sĩ. Nào ngờ bức tranh đã được người mua ngay ngày đầu tiên với giá thật cao. Chàng còn nhớ sau khi anh Duy Thanh hoàn thành tác phẩm đó hai ông bạn thân là Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền cùng ngồi ngắm và ông Mai Thảo đã gật gù đặt tên cho bức vẽ: “Mai Về Tình Thơ Hôm Nay”. Ông TTT thì “Ước gì “moi” được lăn kềnh trên thảm cỏ này”. Khuê rất mê văn Mai Thảo và nghe tên tranh ông đặt cũng không khỏi tò mò, tại sao lại “Mai Về Tình Thơ Hôm Nay”. Có dấu chấm hay dấu phẩy nào ở giữa không. Thiên trả lời là không có dấu gì hết, viết liền như vậy thôi và chàng nhớ là bức tranh đẹp lắm, mầu nắng, mầu cỏ như có sức thu hút lạ lùng. Khi biết bức tranh có người mua đem đi rồi chàng đã tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hồi đó chưa có máy hình thông dụng như bây giờ nên cũng chưa kịp chụp để giữ làm kỷ niệm.

Và:

Trên con đường nhỏ dành cho khách bộ hành, một bên là đồi cỏ xanh một bên là rặng hoa đào, ông già tóc bạc trông còn tráng kiện và lưng còn thẳng, người đàn bà đi bên cạnh dáng đi chậm chạp. Ông khẽ nắm tay bà, tay trong tay vẫn ấm và hai người thong dong, khoan thai đi bên nhau trong buổi sáng mùa xuân, nắng vàng đẹp, gió nhẹ hây hây, hoa reo vui, lá reo vui trong không gian thật êm đềm. Tiếng chim ríu rít trên cành. Nhìn lên đồi cỏ xanh có mấy con bò đang khoan thai gặm cỏ, Khuê bất giác nghĩ đến bức tranh “Mai Về Tình Thơ Hôm Nay” của anh Duy Thanh. Ông Mai Thảo, người đặt tên cho tác phẩm ấy không còn nữa. Khuê định bụng đến Mùng Một sang chúc Tết anh chị Duy Thanh sẽ hỏi cho rõ về ý nghĩa của bức tranh, mặc dù biết là ông anh nghệ sĩ sẽ trả lời “Cô muốn hiểu sao thì hiểu!”

Phải chăng bây giờ là MAI mà “chàng và nàng” đang trở VỀ với TÌNH THƠ HÔM NAY cuả ngày tháng xa xưa ấy.)

Anh Duy Thanh,

Em đang tưởng tượng, hình dung anh đang ngồi thong dong, thảnh thơi trên chiếc xe thổ mộ của “MAI VỀ TÌNH THƠ HÔM NAY” để đi về vùng An Lạc, về cõi Vĩnh Hằng. Tám mươi tám năm rong chơi trong cuộc đời này, với Anh là quá đủ, phải không Anh!

Đỗ Dung
26/11/2019


Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Lời Cảm Ơn Trong Mùa Thanksgiving - Bùi Bảo Trúc


Xin cảm ơn những điều nhỏ nhặt… những điều may và chưa may những điều đã có, những điều đã mất, và những điều còn lại…
Xin cảm ơn ngay từ hôm nay,
Vì sợ rằng một ngày trí nhớ bỏ ta đi… thì làm sao còn có thể Thanksgiving cho nhau(?!),
cho một cuộc đời, xem vậy mà cũng, rất đáng sống này!

(*) Bùi Bảo Trúc:(1944 – 2016)

Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình. Đi học ở tỉnh Hải Phòng năm 1952, sau lại dời lên Hà Nội vào năm 1953 để theo học Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ. Thời gian này ông cư ngụ ở ngõ Yên Sơn, đối diện với Chùa Bà Ngô, là một ngôi chùa nhỏ kế cận Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ông thường nói ông đã từng có tuổi thơ vui đùa chạy nhẩy trong Văn Miếu với những cây muỗm cây xoài rậm rạp và những con rùa đội bia tiến sĩ ở nơi này.
Năm 1954 ông di cư theo gia đình vào Nam, theo học nốt chương trình bậc Tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, sau đó tiếp tục bậc Trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần, Ban C năm 1963.
Sau đó ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965 để dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.
Thời gian sau ông qua làm việc với Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã.
Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ, mà trong cương vị này, với khả năng Anh ngữ lưu loát, ông đã đối phó với nhiều ký giả ngoại quốc một cách thích đáng và hữu hiệu để bảo vệ lập trường của Việt Nam Cộng Hòa trong tình thế khẩn trương – Hồi đó, do cuộc chiến càng lên cao độ, ký giả ngoại quốc càng hay soi mói, đặt ra nhiều vấn đề.
Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc, và sau biến cố tháng 4-1975, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.
Năm 1977 ông làm việc cho đài VOA ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta cho nhiều báo, được rất đông độc giả tán thưởng.
Ông cũng cộng tác với đài Little Saigon Radio, Hồn Việt TV trong hai chương trình Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn mỗi ngày, và Anh Ngữ Trong Đời Sống hằng tuần.

Sau vài tháng trở bệnh, ông từ giã cõi trần hồi 11:45 pm hôm 16-12-2016 tại Fountain Valley, California.

Chào Lễ Tạ Ơn

 
 
Mười lăm năm ấy bên trời
Tạ ơn người, tạ ơn đời mênh mông
Như hoa cỏ nội hương đồng
Khi bình minh toả rạng đông chan hoà

Mười lăm năm ấy chúng ta
Gian truân cũng có, hoan ca cũng từng
Tạ ơn nhân ái, vui mừng
Đã qua vấn nạn, không dừng tiến lên

Mười lăm năm ấy luân phiên
Mồ hôi nước mắt đôi phen khóc cười
Tạ ơn tình nghĩa bao lời
Tạ tình tri kỷ, tuyệt vời tri âm

Mười lăm năm ấy tha nhân
Bỗng thân thương tựa cố nhân đi về
Tạ lòng bóng ngựa, nồi kê
Giấc công danh đã não nề, xôn xao

Tạ ơn năm tháng mời nhau
Hoàng hoa cạn chén gạt sầu muộn xưa
Mười lăm năm sớm hay trưa
Đời sau kiếp trước tưởng chưa muộn màng ...

Cao Mỵ Nhân

Tạ Ơn - Thơ Tuyết Phan - Nhạc Mộc Thiên - Trình Bày Huấn Vinh


Thơ: Tuyết Phan
Nhạc: Mộc Thiên
Trình Bày: Huấn Vinh

Đời Sống Tạ Ơn Và Cầu Nguyện



1 TẠ ƠN ĐẤNG TẠO HÓA

Vũ trụ kỳ diệu bao la
Vòng tay Đấng Tạo Hóa ngọc ngà
Tâm linh mầu nhiệm…đầy ơn phước
Dòng đời… nở rộ ngàn hoa!

Hoa đời… hạt cát biển Đông
Thông reo, sóng vỗ…rộn tơ lòng
Ánh sáng tình thương…trời mang mác!
Ân tình…dấu ấn khắp núi sông!

Ngợi ca Vị Chủ của Linh hồn
Chiếc neo tình ngà ngọc vàng son
Tiếng Cha Cha…đầu lòng con tập nói…
Đốm lửa trong tim…nẽo trường tồn.

Ngài là Ánh Sáng, là Đường Đi
Giữa dòng đời sóng gió loạn ly…
Ta ơn… dìu con từng hơi thở!
Vòng tay âu yếm…diệu kỳ!

2 TẠ ƠN ĐỜI

Cám ơn…con được có trong Đời
Lời ru, khóe mắt, vành môi…
Hơi thở Trầu Cau…mẹ cha vun đắp…
Thuyền mơ, cõi mộng…lướt ra khơi


Lớn lên giữa biển tình người!
Tạ ơn Bà Con, Bè Bạn… quanh tôi
Nghĩa tình Dân Tộc và Nhân Loại
Phù sa sung mãn mãi tô bồi!

Thiên Nhiên, Vạn Vật…thì thầm
Hoa lá hò reo…ánh trăng ngân…
Tạ ơn…ru hồn con cất cánh
Rạng danh con cháu Lạc Long!

Tình người… ân nghĩa bao la
Lòng thương nhân hậu ngọc ngà
Kiếp người tuy quá ngắn ngủi
Đến rồi Đi…hương mãi thơm tho!

3 TẠ ƠN CHA MẸ

Ơn Sinh thành cao cả bằng non
Ơn Dưỡng dục…sông dài biển rộng
Phận bé bỏng…lấy gì đền đáp
Xin dâng lòng, trọn Đạo Hiếu Trung!

Cây có cội, nước có nguồn
Cha, Mẹ…như dòng suối tràn tuôn
Máu trong tim con…còn hơi ấm
Làm sao quên được Tổ Tông!

Mầm yêu thương…Sự sống lòng con
Hơi Trầu cau…diệu mát tâm hồn
Diều con…dòng đời xuôi ngược
Mỗi bước đi…xao xuyến đồi non!

Xin mãi… Tạ ơn đất trời!
Chiếc lá vàng…giữa nắng chiều rơi
Con đã hết lòng… phụng dưỡng
Cho tròn Chữ Hiếu…Đạo làm người

Giờ đây biền biệt cách xa…
Bờ Đại dương…mây trắng là đà
Ngày đêm con luôn thương nhớ
Nén hương lòng…giọt lệ tuôn sa…

4 ĐA TẠ THẦY CÔ

Ê a…A.B.C… nét chữ đầu lòng
Trời mơ…Cha Mẹ ước mong…
Thầy Cô…là những tấm gương sáng
Mây trôi…nước chảy xuôi dòng 

Nhớ sao ! thời thơ ấu trôi qua
Trường xưa…tranh vách mặn mà
Mừng vui…chim non cất cánh
Nhìn lại Thầy Cô…giọt lệ sa!

Thế rồi…bao lần lật sổ sang trang
Học hành, Thi cử, mộng vàng…
Đa tạ…ơn Thầy, tình bè bạn
Bao mùa phượng vĩ…vượt chuyến đò ngang

Sân trường Đại học…Suối Mơ
Ánh sáng long lanh tỏa sương mờ
Tạ ơn…nụ cười, ánh mắt
Suối tình mang mác…rộn tiếng thơ!

Giờ đây…trôi nổi tứ phương
Kẻ còn, Người mất…gợi nhớ thương
Tấm chân tình…con xin đa tạ
Ơn Sư Phụ…ngọn đuốc soi đường!

5 TẠ ƠN TƠ TÌNH

Phút ban đầu…được thấy em
Mắt anh như sao sáng, ngọn đèn
Đây rồi…hứa hẹn từ muôn thuở
Đa tạ…Tơ Hồng lái chiếc thuyền êm

Tạ ơn…mọi việc êm xuôi…
Hết tuần Trăng mật…lại ảo vời!
Suối men tình…chưa thuần hợp !
Sầu héo hồn thơ…vắng tiếng cười!

Em ơi! bớt giận hờn nhau!
Tâm linh lều lái chiếc tàu…
Kiếp người…hoa hồng, cỏ dại…
Vôi nồng…môi thắm miếng trầu cau!

Đông giá tuyết…chờ đón Xuân sang
Đất đá khô…nở nụ Cúc vàng!
Đa tạ…tình đời là như thế…
Bên bồi, bên lở…sông nước hò vang!


Ô kìa…nhìn chiếc lá vàng rơi!
Đã từng xanh thắm bầu trời!
Khắc khoải…khi mầm non hé nụ!
Mỉm cười…theo áng mây trôi!!

Tô Đình Đài

Thiên Đàng Có Thật

 
Từ ngày lánh nạn phải ra đi
Nước Mỹ nương thân dạ khắc ghi
Nghĩa nặng cưu mang, vơi tủi hận
Ân sâu dung chấp, vợi sầu bi
Tự do dân chủ không nơi sánh
Hạnh phúc công bằng chẳng chốn bì
Hỏi xứ nào “thiên đàng hạ giới”
Ở đây “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ”


nhất hùng

Bàn Tay Thân Ái


1/- Câu chuyện sau đây của một cô giáo sẽ làm cho lễ Tạ Ơn của bạn ấm hơn.

Đôi khi, có những bài học thật cảm động do học trò của bạn dạy.

Khi Cô giáo Klein bảo học trò lớp 1 của mình vẽ một bức hình để tỏ lòng biết ơn với việc / hoặc vật nào đó, cô nghĩ rằng các em bé nhỏ này, với môi trường sống nghèo nàn của gia đình các em, chắc thật sự không có gì to lớn để tạ ơn. Cô biết rằng phần đông các em sẽ vẽ hình gà tây hoặc những cỗ bàn mừng lễ Tạ Ơn đầy ắp thức ăn.
Chúng chỉ mơ ước đến những điều như vậy.

Bức tranh của Douglas đã làm cho có thật ngạc nhiên. Douglas trông thật tội nghiệp, cậu bé thường đi theo cô vào giờ ra chơi. Bức vẽ chỉ đơn giản như thế này: Một bàn tay.
Một bàn tay ư, nhưng bàn tay của ai vậy? Cả lớp học đều nhao nháo khi nhìn thấy bức hình,
Một cậu bé nói: “Em nghĩ đó chắc là bàn tay của Thượng Đế, vì ngài đã ban thức ăn cho chúng ta.”
Một bạn khác lại góp ý: “Bàn tay của người nông dân, vì họ nuôi những con gà tây đó”.

Lavinia là cô bé luôn nghiêm nghị thì nói
“ Theo em thì trông như bàn tay của chú cảnh sát, và chúng luôn bảo vệ chúng ta”- “ đó là tất cả những bàn tay đã giúp chúng ta, nhưng Douglas chỉ có thể vẽ một bàn tay thôi”.

Cô Klein hầu như quên hẳn Douglas khi cô rất vui thích vì cả lớp đều trở nên rất tích cực chú tâm như vậy. Rồi khi cô cho cả lớp làm một sinh hoạt khác, cô đến bàn của Douglas và hỏi bàn tay đó là của ai.
Douglas thì thầm: “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ”.
Lúc đó cô Klein mới nhớ ra là thỉnh thoảng cô nắm tay của Douglas, cũng như cô thường làm với các bạn của cậu. Nhưng điều ấy thật quan trọng đối với Douglas.

Cô nghĩ sắp đến Lễ Tạ Ơn, lễ của cô, và của mọi người- không phải là tất cả những của cải vật chất to lớn ta được ban tặng mới được trân quý, nhưng là những món quà rất nhỏ mà ta mang tặng một cách thật đơn giản đến người khác.

Theo Reader’s Digest- TháiLan/ NữLan dịch

2/- Cám Ơn

Hai tiếng quá đơn giản "Cám Ơn"
Nhưng mang nặng ý nghĩa đáp đền,
Đôi môi tôi nói lời êm dịu,
Vì được thốt ra từ trái tim.

Nói "cám ơn" lúc vui hay buồn,
Câu ngắn dài cũng là chân tình,
Không hững hờ và không lạnh nhạt,
Tôi ấm lòng khi được nói lên

Xin đa tạ, xin cám ơn người,
Đã cho tôi được nói đôi lời,
Với lòng hoan hỉ hay thanh nhã,
"Cám ơn" cũng làm đẹp cuộc đời.

Nguyễn Thị Thanh Dương soạn lời thơ 

Tạ Ơn



Mùa lễ Tạ Ơn đến đây rồi
Tạ ơn Thượng Đế tạo ra tôi
Từ hạt bụi nào xa xôi lắm
Trong cõi hư vô đến với đời.
Đã ban ân phước cho tôi sống
Đến nay tuổi đã quá trăm rồi.

Tạ ơn Cha Mẹ công sinh dưỡng
Nghĩa rộng ân sâu tựa biển trời
Tạ ơn Thầy có công khai trí
Giúp tôi khôn lớn, sống với đời.

Tạ ơn mảnh đất của quê hương
Nơi tôi từ bé sống tựa nương
Nơi tôi gởi lại mồ Cha, Mẹ
Khi tôi bỏ nước sống tha hương.

Tạ ơn bằng hữu khắp bốn phương
Dù chưa gặp mặt, rất thân thương
Chia sẻ vui buồn trên liên mạng
Giúp tôi vơi bớt nỗi cô đơn.

Hoa Đô (Locwood House)
Trần Công/Lão Mã Sơn


Thanksgiving 2023


Chuyện Cà Kê của Cường Trâm.

Những ai, bạn bè đã biết chúng tôi, thì đều hiểu rằng, chúng tôi có một cuộc chiến chưa tàn, của 53 năm nội chiến từng ngày, kết quả với 4 người con, bảy người cháu.

Bây giờ con cái lớn khôn, chúng như đàn chim lìa tổ, mỗi đứa một mái ấm gia đình, bỏ lại trơ thổ địa hai vợ chồng già, thế là chúng tôi hợp lại, không cãi nhau nữa, mà chung nhau ngao du đất trời, ở nước Mỹ này đi chơi mà đi tàu thủy, Mỹ gọi là đi Cruise, Tây gọi là Croisière, thật vậy chỉ tốn năm bảy trăm bạc một người, chúng ta có một chuyến đi họp đoàn cả mấy chục người, cùng chơi chung với nhau thật là thoải mái, thú vị cả tuần lễ. Lý do phải kê khai đầu cua tai nheo, để cô bác thấy rằng, đây là những cuộc đi chơi bình dân, ai đi cũng được. Không có gì là xa hoa mà phải khoe khoang cho bị ghét bỏ.

Chúng tôi xin kể một số chuyện trong năm 2023 này, chúng tôi ráo riết đi trên biển khơi để lấy cho bằng được cái thẻ lên tàu hạng Kim Cương. Nhiều hãng tàu, nhiểu loại tàu, người ta cạnh tranh với nhau ai mà đi trên tàu nào nhiều lần thì người ta cho thẻ có những tên khác nhau và từ đó người có thẻ được hưởng những quyền lợi tùy theo tên trên thẻ. Chúng tôi phải cố gắng để có cái thẻ cao gần bằng bậc nhất là thẻ mang tên “Diamond” do đấy năm nay chúng tôi đã dành thì giờ rất nhiều đi cho đủ điểm. Chuyến đầu tiên đi vào tháng 5, đúng là vào dịp 53 năm Anniversary của vợ chồng. Chuyến tàu này đi từ Baltimore và xuôi về miền Nam..

Ở đâu cũng thế, đi đâu cũng vậy, lên boong thì thấy biển cả mênh mông, chân mây mặt nước chỉ là một đường thẳng giao nhau ở cuối trời, điều thú vị là bình minh khi sương lam còn vương vất nơi chân trời xa thẳm, thì một luồng ánh sáng tỏa ra, đem mặt trời nhô khỏi mặt nước, nó tròn xinh và dịu hiền như một chiếc đĩa sắc vàng tuyệt đẹp, nhưng nhanh lắm, chỉ tích tắc, mặt trời nhô cao, nó không còn hiền hòa mà tạo uy vũ dũng mãnh, phóng những tia nắng chói chang lên cả bầu trời, tạo một ngày mới bắt đầu.
Ánh sáng lấp lánh chiếu trên mặt biển, cho thấy biển cả quả là vĩ đại, nó chiếm ¾ diện tích của quả đất. Thật sợ hãi, trước bình minh con người chỉ là hạt bụi đối với đại dương.

Trở lại câu chuyện Anniversary đúng vào dịp lên tàu, nhớ chuyện năm ngoái, trong dịp Anniversary ở nhà hàng, bạn bè chúng tôi đều tham gia, hưởng ứng lời yêu cầu của vợ chồng tôi, họ đã đến dự tiệc tặng tiền chúng tôi thay vì cho quà, nhờ có tiền mà chúng tôi đã chuyển tới chị Mộng Hoa giúp cho những nạn nhân chiến cuộc ở Ukraine. Vậy thì năm nay chúng tôi phải làm cái gì để cảm ơn, bằng cách chúng tôi âm thầm đặt quà biếu bạn, vì phải mang theo vali quần áo vật dụng, chúng tôi còn rất ít chỗ, chúng tôi phải mua những món quà giản dị biếu bạn, thay vì thông báo mọi người để họ đem quà lên tàu biếu mình.

Chúng tôi nghĩ là tứ hải giai huynh đệ, bất kể những người quen lạ, đi lên tàu trong cùng nhóm, dù không quen, không bạn chúng tôi cũng biếu quà. Duy nhất có hai người mà chúng tôi bày tỏ ý định để xin giúp đỡ cho chúng tôi làm tiệc trên tàu là anh chị Hiệp Thư, hai ông bà này đã đi tàu nhiều đến nỗi mà thẻ lên tàu của họ là “Double Diamonds", với tấm thẻ này, anh chị Hiệp có rất nhiều quyền lợi trên tàu, nên tôi nhờ anh chị Hiệp giúp tôi tổ chức bằng cách mượn cho tôi một cái “Conference room”.

Anh chị Hiệp còn làm hơn thế, anh còn chuẩn bị nhạc để sau buổi lễ, cắt bánh là văn nghệ vui chơi. Tất cả tốn kém, nhân lực, bánh trái, services linh tinh, anh chị Hiệp lo cho chúng tôi hết, chúng tôi không mất một đồng nào. Đã thế, ngay cả tiền tips cho nhân viên anh chị Hiệp cũng đã kín đáo cho hết, không chịu cho chúng tôi chi. Rồi câu chuyện càng thêm cảm động khi anh Vũ An Thanh biết tôi nhờ anh làm EMCee cho buổi tiệc, thì anh Thanh cũng biết rằng trong dịp này cũng là Anniversary của vợ chồng Thái Hằng, thế là chúng ta có hai cái bánh, có hai Anniversary, bốn người chúng tôi hoan hỉ cùng nhau cắt bánh vui chơi, VAT đã đích thân hát một bài hát “Mãi Mãi Bên Em” tặng vợ chồng chúng tôi, chưa bao giờ tôi nghe bạn tôi hát hay đến thế!! Một điều tế nhị mà tôi rất thích anh chị Hiệp đã giúp chúng tôi, anh chị còn có cái thẻ “Kim Cương Plus" anh chị có hàng chục ly rượu “Free” mời bạn bè trong bữa cơm chiều.

Quý ông uống rượu vang “Free” quý bà uống cam vắt "Free"" do ông bà Hiệp mời thay vì phải trả cả đến $14.00 một ly. họ đã uống “Free”, mà ngay cả tiền tips, ông bà Hiệp cũng kín đáo cho bồi, không để cho bạn bè biết. Tôi không sống vô tình, tôi biết rượu free, nhưng tiền tips cho bồi thì không free, tôi để ý đời sống, thấy vợ chồng Hiệp thật hào sảng và tế nhị, đã chơi thì không muốn mất lòng ai. Quan niệm sống của tôi theo người Mỹ là “Two ways traffic” Con đường hai chiều, có đi mà cũng có phải có lại, chúng ta không thể để cho bạn bè mời mình như một bổn phận. Ngay sau đó anh chị Hiệp có chuyến đi Cruise, cũng lộ trình này, mà đi tàu to, đi tại New Jersey. vừa muốn chiều bạn, vừa muốn lấy thêm điểm cho tấm thẻ lên tàu, khi nghe anh chị Hiệp rủ là chúng tôi “Say Yes” liền, không đầy mấy tháng sau chúng tôi lại theo anh chị Hiệp lên New Jersey đi chơi. Trong chuyến đi này cũng có muôn vàn điều để nói. Ông Giời không đóng cửa ai, nước Mỹ công bằng, có làm có hưởng, có chơi có quyền lợi, chúng tôi cũng đã bò theo sát ván ông bà Hiệp Thư. Không kim cương (Plus) cũng hột xoài (Xoàn). Có lẽ, kể từ nay, chúng tôi là một đoàn người hiên ngang hùng mạnh đi chơi trên biển nhất.

Hãy xin phép biểu dương lực lượng: Bỏ những quyền lợi vặt vãnh như chụp hình, cà phê ngon, nước uống tinh khiết và free wifi, hay mỗi khi có show thật hay, không cần đặt chỗ trước, cứ xòe thẻ Kim Cương là Dzô. Hãy chỉ nói về quyền lợi uống rượu của những người kim cương.
Anh chị Hiệp Thư: Diamond Plus có 12 ly rượu Free 1 ngày. (chỉ có 1 mình anh Hiệp uống) .
Anh chị Thanh + chị Thủy: Diamond có 12 ly rượu Free (chỉ có 1 mình anh Thanh uống)
Anh chị Cường Trâm: Diamond có 8 ly rượu Free/1 ngày chỉ có 1 mình Cường uống).
Anh chị Thái Hằng: Diamond có 8 ly rượu Free/1 ngày chỉ có mình Thái uống.

Trong một nhóm đi chơi mà chúng ta có 9 người này cùng đi trong nhóm, thì chúng ta có 40 ly rượu Free/1 ngày mà chỉ có 4 người uống (Thái, Hiệp Thanh và Cường). Một người một ngày phải chơi liền tù tì 10 ly rượu mạnh cho đủ “quota”, bảo đảm sẽ say bí tỉ, nhất là chỉ có Thái là okay, còn ba chàng Hiệp Thanh Cường thì rượu chè làng chàng lắm, có khi mới ngửi mùi rượu là đã say rồi. Vậy từ nay trong những chuyến đi chúng ta nên rủ thêm bạn bè cho họ cùng uống. Lộc bất khả hưởng tận, chúng ta phải chia chác cho bạn bè. Chúng tôi đề nghị chúng ta đặt tên nhóm cho có vẻ dân chơi thứ thiệt là "Nhóm Tứ Trụ Kim Cương Cộng Caribbean/D.C.". Trưởng nhóm là Kim Cương Cộng Hiệp Vũ, ba nhóm viên là Kim Cương Thanh, Kim Cương Thái và Kim Cương Cường. Nhóm chúng ta có nhãn hiệu trình toà, không phải gian nhân hiệp đảng, nói tới Hiệp thì phải nói tới Thanh. Tôi với Vũ An Thanh(VAT) đầu tiên là hàng xóm, chúng tôi mua nhà gần như sát nhau ở Springfield. Thanh nguyên là thiếu tá chỉ huy trưởng quân cụ Đà Lạt, tôi là ông quận chăn dân ở Long An, kể ra thì kẻ 8 lạng người cũng nửa cân, cuộc đời hai thằng cũng có 1 tí quá khứ chứng minh cho hiện tại. Chúng tôi hợp nhau và tâm đắc lắm..Từ chuyện cổ tích xa xưa, không dám vênh vang với ai, nói ra thì tổ cho người ta đố kỵ mà ghét mình thêm, nên chúng tôi thường kể cho nhau để hai người thống khoái âm thầm với nhau mà thôi. Bây giờ thì tuy vẫn hợp nhau, nhưng gió đã đổi chiều, không còn niềm kiêu hãnh xa xưa, mà hai người là cố vấn của nhau, chia nhau bệnh tật, chia nhau bác sĩ hay, bác sĩ dở, và suốt ngày nói chuyện thuốc men!

Có một hôm khoảng năm 1977, VAT kêu tôi một câu chuyện về tướng Trưởng, anh ta nói một hôm ở trong nhà Bank, anh Thanh thấy một ông lính cùng đứng xếp hàng, đợi khá lâu, ông lính nói chuyện vì hỏi ra cũng biết Thanh là lính. Bỗng dưng ông lính hỏi là anh Thanh quân cụ, có biết người quen của ông không, thấy người ông lính hỏi, dưới vế Thanh nhiều, chàng bèn nghĩ ông này cũng cỡ ông kia là cùng, chàng Thanh bèn lên giọng hỏi ông lính tên anh là gì?, ông lính điềm nhiên trả lời tên tôi là Trưởng. VAT giật mình, nhìn kỹ đúng là trung tướng Trưởng. Thanh bèn đứng nghiêm chào và xin lỗi trung tướng, lúc đó VAT đang làm nghề sửa xe và khám xe.

Thanh cũng bèn xin trung tướng đem xe lại nhà, Thanh xửa dùm.
Nhờ Thanh mà tôi biết và quen trung tướng (TT) Trưởng. Rồi tôi cũng bị hố như Thanh. Sau này tôi có viết một cuốn sách kể chuyện đời lính của tôi, tôi có biếu trung tướng Trưởng một cuốn qua người bạn. Rồi bỗng một hôm tôi nghe phone reng ở nhà, nhấc vội lên, chưa kịp hỏi “xin lỗi ai ở đầu dây” thì có tiếng nói là cho tôi gặp thiếu tá Cường. Tôi phì cười vì nghĩ người đầu dây bên kia đùa bỡn, tôi bèn cao giọng”
- Giờ này còn Tá với Điền gì nưã hở trời. Ông riễu dở rồi. Xin lỗi ai đó?
Tôi là Trưởng đây, gọi cảm ơn thiếu tá đã cho tôi cuốn sách. Chết mẹ tôi rồi, tôi nghĩ thầm trong bụng rồi tôi rối rít ra lời:
- Em thành thật xin lỗi trung tướng, em không biết TT kêu, đã đùa vô ý thức xin Trung tướng bỏ qua.

Trung tướng thật hiểu biết, vui vẻ nói chuyện vài câu về cuốn sách trước khi cúp phone. Rồi chưa hết tôi cũng bị hố một cách không ngờ nữa, một buổi tối đi chơi về, Trâm đói bụng đòi ăn. Chúng tôi bước vô một cái quán nhỏ bên đường, khách khứa còn lơ thơ mấy người vì quán cũng sắp đóng cửa. Tôi tình cờ gặp anh Chiêm, anh Chiêm có danh hiệu là Quốc Vũ, một người nghệ sĩ nổi tiếng trong vùng, là bạn thân với anh, tôi chỉ chào qua loa anh Chiêm và một ông bạn già nhỏ bé ngồi cùng anh. Anh Chiêm đứng lên kéo tôi ngồi xuống ghế, nói ngồi chơi với tôi một tí, có gì mà vội thế, nói rồi anh chỉ qua ông già mà nói, đây là đại tướng Cao Văn Viên, thông gia của tôi. Tôi giật thót người, bật phắt dậy như một cái lò xo, nghiêm chỉnh kính chào đại tướng theo kiểu nhà binh.
- Em thành thật xin lỗi đại tướng em có mắt không tròng, xin Đại tướng bỏ qua cho em.

Miệng tôi nói, nhưng bụng tôi nghĩ ông này không phải đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng của tôi. Tôi biết ông nhiều, khi tôi còn học sinh ngữ ở trong bộ Tổng Tham Mưu(BTTM), mỗi sáng thứ hai tôi đều phải lên chào cờ. Đại tướng lúc giờ là trung tướng, thường ra cùng chào cờ và đi duyệt hàng quân. Sau này ông lên đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, nhà ông ở Chợ Lớn, mỗi sáng đi làm kẹt xe đến nỗi không thể đi xe được, mà phải dùng trực thăng, đáp ngay sân cỏ Câu Lạc Bộ An Đông, ngay trước phòng ngủ của tôi, đón ông đưa lên BTTM. Đại tướng Viên uy nghi to lớn, oai vệ. Cái nghị định mà ông ký cho tôi lên thiếu tá, chữ ký của ông cứng rắn và mang đầy nghị lực. Chữ ký của đại tướng như chữ ký của Tông Tông Trump bây giờ vậy.

Tôi lầm lẫn là đúng, ông già nhỏ xíu kia chính là đại tướng của tôi, ông đã bị một cái bệnh như “Xúc Cốt công” xương cốt chun lại và bắp thịt càng ngày càng teo đi.
Đại tướng kêu tôi ngồi nói chuyện cùng ông. Chắc đã có lần anh Chiêm nói chuyện với ông về tôi, về cuốn sách của tôi. Nên đại tướng bảo tôi là:
- Anh Cường viết cuốn sách “Tôi Là Lính” hay lắm, còn cuốn nào anh cho tôi một cuốn?
Tôi lễ phép trả lời:
- Thưa đại tướng, em rất cảm ơn được đại tướng khen, em sẽ xin biếu ngay đại tướng một cuốn. Nhưng xin được tha lỗi, vì sách em biếu đại tướng không khác gì, múa rìu qua mắt thợ. Xin đại tướng đọc qua lấy cái vui thôi.
Nói rồi tôi nhờ Trâm chạy nhanh ra xe lấy cho tôi cuốn sách.
Tôi kính cẩn đề là:” Kính Biếu Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng
QLVNCH với lòng kính trọng và quý mến. Ký tên Đinh Hùng Cường. Tôi trao sách đến đại tướng với hai tay và thực lòng suy nghĩ. Tôi ước mong ông đại tướng chết đi ngoài trận mạc, để tấm lòng ích kỷ của tôi được thỏa mãn trong đầu với hình ảnh một vị bề trên to lớn mà tôi kính mến, hơn là thấy ông tàn tạ với tuổi già và thời gian cướp đi cái dũng khí của ông. Tôi cũng cảm ơn anh Chiêm, một người bạn tốt của tôi, anh đã theo Chúa lúc quá vãng cuộc đời, tôi đã đích thân đại diện gia đình đưa anh lên nhà thờ và tiễn anh tới nơi an nghỉ cuối cùng. Một ông đại tướng, một người dân giã, trước cái chết đều đã giống như nhau. Đúng như người Tây đã nói:” Nous somme égaux devant la mort” Có khác chăng chỉ có tấm lòng đối nhau khi còn sống.

Bây giờ nói chuyện tới ông Thái, là một người trẻ trong nhóm. Thái trẻ người nhưng không non dạ. Thái ra đi một mình năm 75 với cái lon thiếu uý khiêm nhường trên vai, nhưng tuổi trẻ, lon thấp lại là cái lợi muôn phần trên đất Mỹ này, có kiến thức, có học thức, dân Hải Quân thường là người giỏi, Thái nhanh chóng thành công leo lên tới “Vice President” của CitiCorp. Một hệ thống banking vô cùng to lớn của Mỹ, rồi Thái về trụ trì ở bộ Cưụ Chiến Binh với chức vụ to lớn mà tiền lương ngang hàng với tướng lãnh của Mỹ.

Tính Thái hơi Trương Phi, nhưng vô cùng sắc sảo, anh hay tìm bạn tốt để chơi. Trong một chuyến “Land cruiser” do ba chúng tôi chủ trương Thái Thanh và Cường. Thái đã tìm ra hai người bạn vô cùng dễ mến. Khi vui chơi trở về thả cô bác ở Eden, Thái đã mời hai người bạn này theo Thái và tôi vô tiệm ăn giới thiệu anh chị Việt Mai, Thái nói nhỏ bên tai tôi anh chị này tử tế lắm, trong suốt chuyến đi, họ tự động đỡ người già cả lên xe, xuống xe, sách hành lý dùm mỗi khi vô hotel. Họ chả có trách nhiệm gì, chỉ đóng tiền đi chơi theo mình mà tử tế quá.

Thái muốn kết bạn. Tính tôi vô tâm, cho dù sau đó chúng tôi cũng có mời ông bà này đến cái nhà to đùng của Trâm dự tiệc, xong rồi quên bẵng. Cho đến hôm lên tàu đi cruise chung, tôi mới nhớ ra và thành thật xin lỗi anh chị Mai Việt rất nhiều. Là dân Nam Kỳ chính hiệu, ông bà Mai Việt thể hiện đúng cái gốc của mình. Hai vợ chồng vui vẻ, hoà nhã với mọi người. Tôi thấy người anh Việt gọn gàng, đẹp trai tôi mới hỏi quê hương gốc gác anh ở đâu?
Anh Việt nói tôi, anh là người Cà Mau. Tôi không tin, vì Cà Mău làm gì có người đẹp trai lịch thiệp như anh.
Anh Việt hỏi tôi, tại sao anh Cường lại kỳ thị, là Cà Mâu lại không có người như em?.

Tôi cười bảo anh có lẽ hôm nay tôi gặp anh Việt, tôi sẽ thay đổi quan điểm của tôi về người Cá Mau, trước đây tôi có quen một gia đình, ông thiếu tá Châu Văn Tiên(Tôi thường gọi là anh Ba) làm tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mău). Sau này ông Tiên lên đại tá làm tỉnh trưởng Gia Định. Người nhà anh Ba nói với tôi rằng An Xuyên là nơi sản xuất than Đước, nó là than củi, nhưng tốt và đen nhánh như than đá, rồi cái quận Năm Căn muỗi hơn trấu, trâu bò ngủ mà còn phải mắc mùng, thì người Cà Mâu tội lắm, làm than lấy cây đước mà đốt thì người đen như củ súng, rồi ngày đêm muỗi đốt cái mặt sưng như cái mền, làm sao có những người thanh nhã như anh Việt.

Anh Việt bảo tôi, có lẽ đúng cho vùng Năm Căn Cái Nước, còn tỉnh lỵ cũng ngon lành lắm, sạch sẽ và khang trang. Chị Mai vợ anh Việt khéo ôi là khéo, qua chị Mai tôi đã học được nấu ăn hai món Nam Kỳ số dách là canh chua cá bông lau và cá kho tộ. Bảo đảm một ngày đẹp trời, tôi sẽ thi thố tài năng nấu ăn của tôi cho các bạn thưởng thức. Xin đừng cười tôi là người đầu bếp. Vì khi xưa còn thời thì tôi lên ngựa bắn cung, nay hết thời rồi thì tôi ra chợ lấy thung bắn ruồi!.


Cái chuyến đi tháng 10 này do Vũ An Thanh đầu têu, Thanh nói rằng, nhiều năm trước chúng mình đã đi lên phía bắc Mỹ này, mùa Thu đẹp lắm, hãy làm lại chuyến hải hành, thế là hai mươi mấy người đang đi trên tàu tháng 5/23, đã nghe lời anh họ Vũ, kéo nhau ghi tên ngay tại chỗ, chỉ có 10 người đi. Con số bù trấc, nhưng rất đẹp cho chuyến đi kỳ tới, vì nó đủ túc số cho một bàn tiệc của 10 người mỗi buổi chiều, rất tiện lợi cho Thái. Anh chàng trẻ tuổi này hay có những cái bắt tay nồng ấm có lót dollars cho bồi, cho supervisor.

Nhưng là những người đồng điệu, chúng tôi không để bạn bị thiệt. Ăn đều kêu sòng. Quả đúng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nó đi xa lắm. Cái bàn của chúng tôi được tiếp đón như những ông hoàng, bà chúa. Rượu bia, nước uống nhanh chóng dọn ra, chỉ một cái ngoắc tay của người trong bàn l bồi chạy đến, supervisor chạy đến, món ăn nào không vừa ý là thay ngay. Đã thế, Supervisor còn đề nghị cho những bữa ăn riêng của Restaurant trên tàu với ½ giá tiền. Có người bảo đi trên tàu đồ ăn thừa mứa, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, an chiều, rồi pizza, sandwich, snacks tứ tung đến nỗi mà tôi hay hát nhạo trên tàu là “Eat around the clock”. 

Ăn uống lòi phèo lại “Free” thế còn bày vẽ ăn nhà hàng làm chi cho tốn? Không phải vậy, nếu người ta nói:” Ngoại Thiên Hữu Thiên”, ngoài trời còn có trời thì trên Tàu cũng vậy. Một bữa ăn trên nhà hàng tàu biển tốn cả trăm một người chưa kể Tip. Thái “dealed” chỉ trả $49.99. cộng cả tax & tip. Phòng ăn riêng (Private), bồi hầu riêng, uống 7 thứ rượu vang khác nhau. Thịt, cá đều là hạng nhất hơn hẳn trên tàu. Năm chục đồng bạc, thời buổi lạm phát mua được cái gì? Chết có mang theo được đâu? Khổ cực cả đời, ăn cho nó sướng!

Tháng 5 chưa qua, tháng 10 đã tới. Mười người chúng tôi lên Baltimore xuống tàu, không hẹn mà gặp. Một phái đoàn thân thiết, nhưng thuộc loại tuổi tác và bề trên của chúng tôi cũng có mặt. Chị Ngọc Hạnh với người con trai Dr. Đức, chị Hồng Ngọc, chị Diễm Quỳnh là những người chị của chị Thư (người thân thiết của Trâm trong Air VN), chị Phi Oai, Hiền Vũ, Kim Phiến, Kim Phượng, Hoà Phạm và ông bà nguyễn Văn Hiệp. Thế là chúng tôi lại có nhau, đi đâu cũng gặp quý vị này, sáng trưa chiều tối đều đụng mặt, vui thật là vui.
 

Tôi thường hay thức sớm, lên boong tìm nước uống, nhìn biển cả đem ngòm, nhâm nhi ngụm cà phê, chờ bình minh và nghiền ngẫm thú đau thương của cuộc đời. Tôi bỗng để ý một người đàn ông tàn tật, gác cái walker bên cạnh, ngồi gần bàn tôi trầm ngâm im lặng. Tôi đoán anh là người Á Đông, chắc cùng tâm sự, nhưng sau này tôi biêt là không phải, anh Thanh nói tôi ông là Việt Nam tên Hiệp bạn làm cùng sở với anh Hiền già. Vỡ lẽ, tôi lại xin lỗi anh, sở dĩ tôi không biết anh Hiệp vì ít khi anh ngồi chung với vợ, với đám đông, thích lê cái “walker” ngao du một mình. Anh Hiệp nói:
- Tôi biết ông, là ông Đinh Hùng Cường, năm xưa tôi có gặp Ông ở Pleiku mà ông không nhớ. Tôi còn biết cả bạn ông Hàn Phú cùng ở không quân với tôi.

Tôi xin lỗi anh Hiệp, cho sự vô tình của tôi. Quả đúng Hàn Phú lá 1 trong 5 người bạn lớp nhì của tôi từ thời tiểu học, 4 người kia là Oánh Cờ Bay (KQ), Chu Cự Hải (CVA), Đặng Văn Thụ (Tổng đoàn trưởng trừ gian của nội các ông kỳ) và Hạnh mít (pilot AirVN cùng hãng với Trâm). Chúng tôi ngồi nói chuyện lâu lắm và từ đó tôi thường chào anh Hiệp một cách vui vẻ mỗi khi gặp nhau.

Biển yên, sóng lặng, con tàu như là một thành phố nổi, trôi bồng bềnh bình lặng trên đại dương bao la. Nó đi ba đêm hai ngày đến điểm đỗ đầu tiên là Boston. Lên bờ VAT biến thành Tôn Tẫn không hạ san, cái chân đau làm anh không đi được. Thế là lặc lè chân thấp chân cao, lum khum tập tễnh anh Thanh lui lại, lên tàu cùng người vợ hiền yêu dấu. Toán còn lại chúng tôi lấy hai cái taxi chạy khắp phố phường. Nước Mỹ chỗ nào cũng to lớn, chỗ nào cũng vĩ đại, đường xá thi nhau chằng chịt, xe cộ vun vút như mắc cửi, nhưng chúng tôi là dân Mỹ nên chẳng rối mắt tí nào.

Nếu nói thủ đô D.C là cái nôi chính trị của Hoa Kỳ thì Boston là cái nôi văn hóa của Mỹ và thế giới, nhiều trường đại học nổi tiếng ở đây, nhiều trung tâm văn hóa lịch sử ở đây. Và tiểu bang Machachusset là nơi lập nghiệp của gia đình Kennedy, một tổng thống vẻ vang của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Đi coi danh lam thắng cảnh đã đời, chúng tôi dừng chân ngay phố Tàu, mỗi người đánh một bát phở Pasteur quốc hồn quốc túy “Tái nạm gầu gân sách hành trần nước béo, thêm giá trụng “. 

Khi chúng tôi trở lại, vợ chồng VAT ngồi cô đơn trên tàu buông lời than thở:” Một con ngựa đau, cả tàu đi ăn Phở”


Mặt trời đỏ rực như lửa cháy ở phương Tây,cái đĩa to đỏ lòm khổng lồ đại, từ từ chìm xuống nơi đáy biển cuối chân trời, thì cũng là lúc con tàu lặng lẽ dời bến đến điểm kế cho ngày (N+4).

Cái thành phố Portland ở Maine này vô cùng đắt đỏ, cái nhà con tí, người "Tour guide” chỉ cho chúng tôi giá tiền của nó lên tới cả hai triệu đồng, trong khi một cái nhà ở tỉnh New Brunswick, chỉ trên cao một chút nằm phía Canada chỉ có hai trăm ngàn dollars. Một người bạn quá vãng của tôi anh bác sĩ Dương Quang Hớn đã dạy tôi rằng, đến một nơi nào, hãy tìm tiệm nào ngon nhất cho vợ ăn và cái gì hay nhất cho vợ xem, vì biết đâu mình sẽ không có cơ hội trở lại. Thật đúng vậy, Hớn đã ra đi, những gì anh đã hưởng qua, quả là tốt cho cuộc đời đã sống. Theo đúng tôn chỉ “Monkey sees, Monkey does". Tôi biết tôm hùm ở Maine là ngon nhất. “Lobster Tail” là số một, to, ngon, mềm, có vị và rất “Juicy", tôi rủ bạn và tìm tiệm ăn, nhưng không hiểu sao, nơi thổ sản tôm hùm ngon nhất thế giới này lại chỉ cắt con tôm mà cuộn lại, không bán nguyên cả cái đuôi tôm cho khách hàng ăn cho sướng mồm, rõ chán!. Thế là chúng tôi lại xếp hàng mua “Potato donut", một cái tên bánh lạ chưa từng nghe ở những nơi khác, nhưng rồi cũng chẳng ra gì, chỉ là bột khoai tây họ xay ra làm bánh mà thôi. Phí cả giờ đồng hồ xếp hàng, ăn cái bánh mà không khác.

Ngày (N+5) chúng tôi thực sự đổ bộ lên New Brunswick, một tỉnh của Canada tiếp giáp USA, phải nói ông Canada với ông Mỹ là một, đời sống, dân chúng, ăn ở, sinh hoạt giống hệt nhau. Có khác là khi năm 1975, chúng tôi đến Mỹ thì 80 xu Canada ăn một dollars Mỹ, bây giờ thì 79 xu Mỹ ăn một dollars Canada. Lại hai taxi lên đường, cậu Thái rất sộp, chi cho tài xế tiền Canada tiền Mỹ bằng nhau, lại cộng thêm tiền tips, thế là cả cuộc hành trình, chúng tôi muốn đi đâu thì đi. Một kỷ niệm khó quên, khi chúng tôi đến một hãng làm bia nổi tiếng của Canada “Moosehead". Hãng bia “Đầu Nai có sừng"", hãng bia ngon của Canada làm đến cả chục loại bia khác nhau, chúng tôi chụp hình lưu niệm với con nai mà không thấy bia đâu cả.

Người tiếp khách chỉ chúng tôi xưởng bia khổng lồ ngay bên cạnh, du khách và khách địa phương ngồi nhậu khan trên bar dài dài. Vì chỉ có 4 liền ông mà 6 liền bà không uống bia, tôi mua 4 ly nhỏ làm mẫu uống thử, cậu Thái đầu kia không biết lại “ordered” gấp đôi, chúng tôi lóng ngóng hai đầu, bên này 4 ly, bên kia tám ly. Lôi thôi quá, người “bartender" bèn tặng luôn du khách 12 ly bia không lấy tiền. Bốn người chúng tôi, chia 3 ly một anh, của cho đâu dám bỏ, may mà chưa say, nhưng choáng váng. Tôi ra cửa thấy Thái loay hoay, tôi biết ngay anh chàng này quên thuốc lá trên tàu. Nhìn ra tôi thấy hai người Mỹ đang phì phèo, tôi mon men, muốn xin cho Thái 1 điếu thuốc. Tôi mở đầu:” 


- Trời lạnh, thấy ông bà hút thuốc ngon quá. Người chồng nhanh nhảu đáp lời:
- Thuốc lá ngon, nhưng đừng bắt chước tính xấu của chúng tôi. Thuốc lá độc hại lắm.
Tôi đáp:
- Tôi hiểu, tôi thì không, nhưng bạn tôi muốn một điếu vì anh ta quên gói thuốc ở tàu.
Ông chồng cười đáp:
- Thế thì “Five bucks" một điếu và bà vợ tự động móc gói thuốc ra mời Thái.
Khi đi chơi, gặp con người khắp nơi, khắp chốn, cởi mở với nhau và thân thiện, làm tôi nhớ lại một điều:”Có thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời". Cảm ơn Trời Phật, dù ngu dốt, ông trời cũng cho tôi biết vài câu tiếng anh, tiếng u để si sô với đời.
Ngày ((N+5) cũng là ngày chót chúng tôi lên bờ. Điểm đến là thành phố Halifax, Một thành phố nằm trên bãi biển của Canada.

Nơi đây gần 10 năm trước tôi đã đi qua. Hôm nay chúng tôi muốn đi lại vì có nhiều kỷ niệm. Một tai nạn kinh hoàng vào một buổi bình minh ngày 6 tháng 12 năm 1917, một chiếc tàu của chở hàng của Pháp tên là SS Mont- Blanc đã đụng với chiếc Norwegian SS ở trong hải cảng Halifax, Nova SCotia, Canada.

Chiếc The Mont-Blanc đã đã bốc cháy và gây một tiếng nổ kinh hoàng như bom nguyên tử, tàn phá toàn quận Richmond của Halifax. 1,600 người chết ngay tức khắc, 9,000 người bị thương, và hơn 300 người chết trong đám người bị thương sau đó. Tất cả nhà cửa trong thành phố,, năm trong đường kính 2km6 đều bị phá hủy, ước tính khoảng 12,000 căn nhà. Điều lạ lùng là duy nhất có một người sống sót trong tàu SS Mont-Blanc. Cũng gần thành phố này, trước đó, 1912 con tàu du lịch lớn nhất tên Titanic đã bị đắm giữa đại dương, nói khởi hành từ Southampton Anh Quốc để đi đến New York, Hoa Kỳ, nhưng chỉ 5 ngày sau April 14, 1912, nó đã va vào một tảng đá nổi, và chìm sau đó. 


Con tàu có 2,240 người hành khách và nhân viên, chỉ duy nhất có 706 người sống sót. Trên 1,500 người chết, nhưng chỉ tìm được 300 xác, có 59 người có hoàn cảnh đem về quê quán chôn cất, và 121 người được đem về chôn ở tỉnh Halifax, vì nơi đây là đất liền gần nhất của chỗ đắm tàu, Thật vô tình người ta đã chọn nơi chôn có đất hình vòng cung làm nghĩa địa, và theo thế đất, người ta biến cái nghĩa địa thành hình chiếc tàu, chôn 121 người này. Người ta nhờ DNA nên đã tìm thấy tên một số người để trên mộ, nhưng không phải là tất cả. có hai mộ bia đáng chú ý là một em bé 2 tuổi đã chết và với lòng thương mến trẻ thơ, bao giờ trên mộ của em, cũng có đồ chơi của du khách. Cái mộ thứ hai là cái mộ của một người trẻ tuổi tên Dawson.  

Thực ra anh chàng này chỉ là một người du khách vô danh, nhưng Hollywood đã lấy tên anh làm một movie xếp hạng phim hay nhất của năm 1997, với sự tốn kém nhiều hơn cả số tiền mà người ta đã xây con tàu Titanic thật. Tài tử trẻ tuổi tên Leonardo DiCaprio đã lấy cái tên Dawson đóng vai chính trong phim Titanic. Phim hay, nổi tiếng.


Số thu gấp 5 gấp 10 phí tổn, nên Hollywood đã không ngại ngần biến cuốn phim mầu thành một phim ba chiều (3D), những cảnh trong phim vĩ đại và hiện thực như trước mắt khán giả.

Kết thúc câu chuyện này, thật không vui khi chúng tôi đi trên xe, nghe người tài xế Taxi nói về Halifax. Họ bảo rằng, Halifax còn có một chuyện kinh dị nữa, du khách nhất thời chỉ ghé qua mà không biết.
Anh ta nói rằng:”
- Tội ác và lưu manh nhất gây ra ở đây là người Việt Nam, họ đã đến đây, phá hoại thành phố này với, ám sát, giết người, trộm cắp, buôn người, buôn lậu cần sa ma túy. Tệ hại nhất, là họ đã chở người nhập cảnh lậu đến đây, rồi sao đó, ăn không đều, kêu không sòng những tay buôn người đã nhẫn tâm để những người này trong những “Container, mà không cho thực phẩm, không khí, làm cả bảy tám chục người chết cùng một lúc.
Buồn nhất là khi tôi nghe người tài xế kể rằng, người ta đã lượm được trên cell phone, một lời nhắn của một thanh niên gửi về cho vợ:
- Em Hồng ơi, anh Minh đây, anh hoàn toàn xin lỗi em và hai con là anh đã không tròn lời hứa. Bỏ con và em ra đi, anh mong đem cơm no ấm áo cho gia đình, bây giờ không được nữa, Xin lỗi em và con, anh đã làm gia đình thất vọng. Vĩnh biệt em, khó thở quá rồi!

Đang vui bỗng buồn, lòng tôi bồi hồi cảm xúc cho bất hạnh của anh Minh, của cả dân tộc. Người dân tôi đâu mong gì hơn một mái ấm gia đình, no cơm ấm áo mà không có. Cả một đời tôi cố gắng, đổ xương đổ máu mong làm điều đó, nhưng rồi đất có tuần, dân có vận, không ai có thể làm được gì để thay đổi tiền đồ đất nước, khi cái thời, cái thế nó chưa đến. Xin kết thúc một cách tiêu cực của một con người đang chờ cái chết ở cuối đường.

“Nam Kha một giấc bất bình. Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không!”.

Mong quý vị đọc chơi cho tâm sự vụn của tôi trong những ngày lễ lạc,
Viết xong tại Brussels, Belgium ngày 2 Tháng 11, 2023 ( Kỷ Niệm nền đệ nhất Cộng Hòa Miền Nam sụp đổ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại).

Đinh Hùng Cường, Ngọc Trâm.
Reston Virginia

Xin Cảm Ơn

 


Thơ & Trình Bày: Minh Phượng

Niềm Vui Mùa Thanksgiving

 

Trong mối quan hệ bạn bè, hình như tôi có duyên với số 4. Hồi ở trại tị nạn Thailand tôi sống chung trong nhóm 4 cô gái, còn trước đó ở bên Việt Nam, từ trường Sư Phạm cho đến khi ra trường cũng là nhóm 4 nàng.

Ra trường đi dạy 4 trường khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau thường xuyên vui vầy, rồi theo dòng đời cũng rã đám. Một nàng bị bệnh hoang tưởng bên Việt Nam (tôi đã viết về nàng trong bài Tháng Mười Hai Nhớ Bạn), một nàng có cuộc sống êm ấm với ông chồng già bên Việt Nam (tôi cũng đã viết về nàng này trong bài Người Thứ Ba), còn tôi và chị Mộng Nguyên, kẻ đi Canada người qua Mỹ, thư đi thư lại vài lần, rồi mất liên lạc đúng một phần tư thế kỷ, là 25 năm.

Tôi vẫn cố gắng tìm kiếm, dò la tin tức của Nguyên, rồi mới đây bà chị bên Texas giới thiệu, quảng cáo mục Tìm Thân Nhân của youtube “Hồng Loan-Bảo Lộc”. Bà chị lạc quan bảo đảm rằng, có nhiều trường hợp đã tìm ra người quen, và nói đâu xa, chính chị cũng đã nhờ chương trình này tìm ra vợ chồng người bạn, ngày xưa người chồng đi “cải tạo” chung với chồng chị nên hai bà vợ đi thăm nuôi gặp nhau, kết thân. Chị bảo, chị vừa đăng tin là ngày hôm sau có người gọi tới báo tin tìm được người chị đang tìm.

Tôi nghe lời chị, sốt sắng gửi tin nhắn “Tìm Bạn Thân” cho kênh Hồng Loan-Bảo Lộc. Một tuần trôi qua kể từ tin nhắn của tôi xuất hiện trên kênh “Hồng Loan-Bảo Lộc”, bà chị nôn nóng:
- Có ai gọi chửa?
Tôi rầu rầu:
- Chả có người nào gọi. Sao chị bảo Hồng Loan-Bảo Lộc mau lẹ lắm mà!?
- Thì ráng chờ thêm xem sao, đâu phải ai cũng như ai, lâu mau là do hên xui may rủi.
Cỡ một tháng sau, tôi gọi bà chị:
- Có tin vui, có tin vui, Mộng Nguyên đã nhắn tin muốn liên lạc KimLoan rồi kìa.
- Chị đã bảo thì chớ có sai, kênh “Hồng Loan- Bảo Lộc” rất mát tay, nổi tiếng toàn vùng California và các tiểu bang nước Mỹ, đã giúp cho biết bao nhiêu người tìm được người thân thất lạc, bạn cũ, và cả ... người xưa!
- Ối giào, đừng có tưởng bở, chị chưa nghe hết câu đã sung sướng kết luận ... tầm phào. Báo cho chị biết nè, Mộng Nguyên tìm được Loan vì nàng ấy tình cờ đọc báo Trẻ ở Atlanta, thấy bài viết và hình ảnh KimLoan, nên nàng ấy mừng như bắt được vàng, liền email cho Ban Biên Tập Trẻ nhờ liên lạc với em.
Bà chị ... quê xệ, cụt hứng:
- À ra thế, thôi thì dù tìm được ở đâu cũng là vui rồi.
- Hóa ra, niềm vui viết bài đăng báo đôi khi cũng có ích lợi bất ngờ.
- Vậy hai đứa đã nói chuyện với nhau nhiều chưa?
- Chỉ mới hôm qua tụi em đã nhắn tin qua lại trên phone, và hẹn cuối tuần này gọi facetime để “xem dung nhan ấy bây chừ ra sao”.
- Ừa, khi nào xong xuôi nhớ kể lại cho chị nghe, cho chị gửi lời thăm Nguyên, chị vẫn nhớ nụ cười của Nguyên đấy

Ngày hẹn facetime, suốt buổi chiều, tôi nôn nóng, xúc động, nhớ lại khoảng thời gian trước khi tôi lên đường đi vượt biên, ngày nào tôi cũng đến nhà Mộng Nguyên, căn nhà xinh đẹp trong con hẻm lớn đường Trương Quốc Dung, Phú Nhuận. Hai chị em tỉ tê tâm sự mọi nỗi buồn vui (Nguyên lớn hơn tôi 3 tuổi). Chúng tôi, ai cũng có những nỗi niềm riêng tư, chuyện gia đình, chuyện tình cảm, nói hoài nói mãi vẫn chẳng hết, cho đến bữa cơm chiều, gia đình Nguyên mời tôi ở lại dùng cơm cho vui. Tôi hơi ngần ngại vì gia đình Nguyên 8 anh chị em cộng thêm ba má là chẵn một chục, nhưng bác gái vui vẻ:
- Ngại gì chớ, chỉ thêm chiếc ghế, thêm đũa thêm bát thôi mà.

Nghe vậy, tôi mạnh dạn ở lại ăn cơm với gia đình Nguyên. Thấy tôi còn giữ kẽ, ăn chậm chạp, bác trai khuyến khích, “tự nhiên đi con, ăn nhiều vào”, tôi lại tiếp tục... mạnh dạn thoải mái “ăn nhiều vào” cho bác vui lòng, ôi một thời kỷ niệm thân thương biết bao.

Cuốn phim ký ức lại quay về những tháng ngày vui nhộn dưới mái trường Sư Phạm. Trong bốn nàng, tôi và một nàng (đang bệnh hoang tưởng bên Việt Nam) thuộc loại nói tía lia không lành da non, còn Mộng Nguyên và nàng còn lại ít nói hơn, nhưng chính Nguyên là người đã khơi dậy chút “máu điên” tiềm ẩn trong con người tôi bằng những câu đùa phá, hoặc những trò nghịch ngợm quậy phá bạn bè, thầy cô vẫn còn in hằn trong trí nhớ của tôi .

Đến giờ hẹn facetime, tim tôi rộn ràng hồi hộp theo từng tiếng chuông reo, và rồi kìa, hai nàng nhìn nhau qua màn hình, không nói nên lời, đúng hơn là không biết nói gì, bắt đầu từ đâu, chỉ nhìn nhau cười, ước gì được ôm nhau. Cuối cùng, vẫn là tôi chủ động y như hồi còn học chung:
- Nguyên ơi, 25 năm, biết bao nhiêu điều để hỏi, để nói. Thôi bây giờ em sẽ là người nói trước, đặt câu hỏi, Nguyên chỉ việc trả lời thôi nhé, rồi sau khi em nói xong, sẽ đến lượt Nguyên nha.
- Ok, Loan hỏi trước đi.
Tôi đặt câu hỏi tới tấp, biết được toàn bộ những gì của thời gian qua. Gia đình Nguyên, tất cả 8 anh chị em đều may mắn qua Mỹ định cư, không còn ai kẹt lại Việt Nam, vợ chồng Nguyên và con trai vẫn ổn định trong cuộc sống, sức khỏe cũng như việc làm. Tôi vui sướng:
- Nguyên giỏi quá, đưa được cả nhà sang Mỹ luôn á.
- Chị nhớ thuở đó khi nhà Loan có hai ông anh vượt biên tới đảo, nhà chị cũng cố vài lần cho mấy đứa em trai đi, nhưng không thành công, đành an phận ở lại Việt Nam. May mắn sao, sau này chị và Ngân (em gái kế) được đi theo gia đình chồng qua đây, tuy muộn màng so với nhiều người, nhưng tụi chị cương quyết, kiên trì, cho nên 6 anh chị em còn lại (cùng vợ chồng con cái) cũng đã lần lượt qua Mỹ, cũng chỉ mới 5-6 năm nay thôi, mọi người đang bắt đầu gầy dựng cuộc sống mới, dần dà đã quen và yêu mến xứ sở này, chỉ tiếc ...
- Tiếc gì hả chị?
- Ba chị lúc ấy bệnh nhiều nên nhất định không chịu đi, má chị thì khao khát qua Mỹ nhưng phải ở lại với ba. Rồi hồi mùa dịch Covid ba không qua khỏi, ngay sau đó má cũng lên đường qua Mỹ với các con cháu, và lại tiếc nữa em ơi ...
- Tiếc gì nữa chị?
- Tiếc là má chị chỉ được hưởng không khi tự do dân chủ Mỹ Quốc được vài năm, sức khỏe yếu dần do bệnh từ trước, và cũng ra đi theo Ba đầu năm nay.
- Em xin chia buồn cùng chị và gia đình.
- Nhưng dù sao cũng an ủi là má đã được đến Mỹ và ra đi an lành trong vòng tay các con, các cháu.

Rồi tôi hỏi qua bạn bè, mấy đứa em họ của Nguyên mà hồi đó tôi cũng thường gặp gỡ khi đến nhà, Nguyên hớn hở:
- Cậu Hai vẫn nhắc Loan hoài, nhớ cậu không, ở sát nhà Nguyên đó. Mà các anh chị và ba của Loan lúc này sao rồi, tất cả đang ở Texas hay tiểu bang nào khác nữa, mọi người vẫn khỏe chứ?

Rồi chợt nhớ ra “giao ước” Nguyên khựng lại, hỏi:
- Xí!Xí!... Loan ơi, chị được phép nói chưa? Tới lượt chị hỏi chưa?
Tôi bật cười:
- Ừa thì em hỏi cũng gần xong, chị cứ hỏi đi, làm gì mà “xin” với chả “phép” như trong lớp học vậy, nhớ nghề hả ?
Nguyên cũng cười vang:
- Tại chị biết tính Loan từ ngày xưa, hễ ra “nguyên tắc” nào, mà ai sai phạm thì Loan nổi sùng, giận liền á!
- Chị làm em nhớ lúc mới qua Canada liên lạc được thằng bạn thân lớp 12 còn ở Việt Nam (cũng là cây si của em hồi đó). Lúc đó chưa có facetime, iphone, nên em email cho hắn thiệt dài, kể chuyện, sợ hắn ngán nên em chia ra các mục 1,2,3 ...rồi gạch đầu dòng, và luôn cả phụ đề a,b,c ... Hắn email lại, trời ơi cô giáo ơi, email cho bạn mà cứ như làm hồ sơ báo cáo tổng kết. Em bảo, ừa, tui dzậy đó, chịu thì chịu hổng chịu thì ... ráng chịu.
- Thiệt tình, tao thấy hắn góp ý cũng đúng, email cho “người xưa” gì mà khô như ngói, chẳng hiểu hắn “si” mày chỗ nào?
- Úi, không phải hắn si năm lớp 12 đâu nhé, mà si từ hồi học lớp Chín. Nghĩ cũng lạ, hắn là bác sĩ bận rộn là thế mà email cho em rất mượt mà êm ái, còn em là cô giáo thì email toàn là chữ số và gạch đầu dòng, trái ngược nhau quá chừng, tụi em mà lấy nhau thì bổ sung cho nhau “trên cả tuyệt vời” luôn chị nhỉ?
- Mà chị thấy Loan viết văn trên báo cũng... ngọt ngào lắm cơ mà?
- Chuyện nào ra chuyện đó chị ơi, mà em còn chả hiểu nổi em nữa là ... hihihi! Ủa, mà tụi mình đang nói tới đâu rồi Nguyên?
- Thì đó, ai chơi với Loan cũng phải ... “ráng chịu” mà, nên bây giờ chị mới hỏi, chị được phép nói chưa nà?
- Chèn đéc ui, đó là “em của ngày hôm qua” thôi nha, còn bây giờ em đã khác nhiều rồi, em hiền khô à, dạ mời chị nói.

Thế là Nguyên bắt đầu hỏi, tôi trả lời mọi sự, và chúng tôi cứ như thế đến nửa đêm, rồi trước khi chia tay, tôi xin được phỏng vấn Nguyên một câu ( thói quen “nghề nghiệp”, làm MC cộng đồng nhiều năm nên tôi gặp ai cũng đòi... phỏng vấn):
- Nhân dịp Thanksgiving sắp tới, Nguyên nghĩ sao về nước Mỹ nè, có hài lòng với cuộc sống hiện tại không? Em hỏi vậy vì em biết nhiều người qua đến đây thì chê ỏng chê eo, chê Mỹ chê Canada thẳng thừng, nghe mà... đau lòng.
- Không có chị à nghen! Cuộc sống hiện tại còn hơn cả mong đợi em ơi, bao nhiêu người phải trải qua hiểm nguy vượt biên trên biển cả, sau này thì người ta tốn tiền tốn của để được qua Mỹ, còn gia đình chị, nhờ ơn Trên, qua đây bằng máy bay, đầy đủ không tốn một xu nào, chả phải là một điều để Tạ Ơn sao? Ba chị vì bệnh hoạn đành qua đời bên Việt Nam nhưng má chị cũng kịp đoàn tụ con cháu, hoàn thành giấc mơ Mỹ Quốc mà má chị ấp ủ từ sau ngày Sài Gòn bị đổi tên. Còn Loan thì sao, năm nay ăn Thanksgiving thế nào, bên đó có ăn Gà Tây như bên Mỹ không?
- Có đầy đủ y chang chị ơi, có Turkey, mashed potato, stuffing, cranberry sauce, pumpkin pie, có điều Thanksgiving Canada đã xong từ Tháng 10, và cũng giống như chị và nhiều người Việt hải ngoại khác, mỗi mùa Tạ Ơn vẫn là niềm tri ân đất nước tự do đã giang tay đón chào và cho chúng ta cơ hội mới, tốt đẹp hơn so với khi còn ở lại với chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Cúp phone xong, tôi vào phòng ngủ, còn lâng lâng cảm xúc buổi “gặp gỡ” bạn xưa, và chợt nhớ ra, năm nay tôi cũng có điều để tạ ơn nước Mỹ đấy. Số là mới hai tuần trước, có thằng bạn cùng trường khác lớp hồi học cấp ba, nhà ở xóm bên cạnh xóm tôi bên Việt Nam, bỗng nhắn tôi qua facebook messenger. Lúc đầu tôi chưa nhận ra hắn, bèn e dè ca bài ca “xin hỏi anh là ai?”, hắn phải kể lể mãi tôi mới nhớ ra. Hiện hắn ở Florida, rồi hắn bảo:
- Tui với mấy thằng bạn lớp tui thường xuyên liên lạc với nhau, tụi tui hay đọc báo Trẻ, Việt Báo, nhìn hình bà thì tụi tui ngờ ngợ vì cũng đã gần 40 năm rồi còn gì, nhưng đọc các bài bà viết, đôi khi viết kiểu “tào lao tưng tửng” thì tụi tui dám chắc đó là “phong cách” của bà vì hồi đó bà trong ban báo chí. Cả đám tụi tui hì hục tìm bà trên facebook, nhưng cái tên KimLoan nhiều quá, kiếm hoài không ra KimLoan Gò Vấp, học trường Nguyễn Trung Trực. Tụi tui bèn chạy qua Google vì tưởng bà "nổi tiếng" lắm chớ, ai dè ... hổng phải vậy, hahaha!!
- Quỷ sứ! Nói cho ông nghe nè, tên tui rất là ... đại trà bao la, hồi đó đi thi Đại Học, cả phòng mấy chục đứa con gái đều tên Thị Kim Loan chỉ khác last name thôi đó, mấy ông cứ rà rà kiểu đó tới kiếp sau chưa chắc tìm ra.
- Bởi vậy mấy thằng kia giao cho tui nhiệm vụ quan trọng phải tìm ra bà đó. Tôi phải truy lùng mấy người xóm cũ, dây mơ rễ má, rốt cuộc cũng tóm được bà. Đúng là trái đất tròn, bạn xưa bạn cũ dần dà tìm được nhau.
- Ừa, tìm được nhau thì đừng để mất nhau nữa, cho tui gửi lời thăm mấy “thằng bạn” của ông mà bảo đảm tôi chẳng nhớ rõ mặt mũi họ tròn méo ra sao, nhưng dù sao cũng là tình đồng hương đồng trường khác lớp mà giờ đây thân thương quá chừng . Và đặc biệt cám ơn ông và nhóm bạn đã theo dõi tui trên báo Trẻ, Việt Báo và... rình rập tui trên facebook.

Tôi tin rằng tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau, điều mà cách đây hơn 30 năm khi xuống tàu đi vượt biên, tôi không dám mơ ước.
Thế là Mùa Thanksgiving năm nay tôi tìm được hai người bạn bên Mỹ, vui quá đi chớ!

Edmonton, Tháng 11/2023
Kim Loan