Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Sinh Nhật Bạn Thơ


Thơ: Phong Tâm
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ừ Thôi!



Ừ thôi! Ta lỡ duyên thề
Trăng khuya lẻ bóng đường về phân hai
Ừ Thôi! Chiều đã tàn phai
Nắng hoàng hôn tím bóng ai xa mờ
Ừ thôi! Tình chẳng còn mơ
Bao nhiêu năm đó còn tơ tưởng gì ?
Ừ thôi gặp lại mà chi?
Anh người viễn xứ …em thì long đong
Ừ thôi! Ta lỡ duyên hồng
Mượn câu lục bát nỗi lòng ừ thôi!

Ngọc Hải

Tha Hương Ngộ Cố Nhân




Bài Thơ Xướng
Tha Hương Ngộ Cố Nhân


Tình cờ gặp lại bạn đồng hương,
Đất khách chen chân cũng đoạn trường.
Nhấp chén mềm môi buồn lữ thứ,
Cạn ly đãi khách bến sông Tương...
Xa nhà ngộ cố nhân an ủi,
Vắng bạn tình chung chạnh nhớ thương...
Thu lạnh sương rơi đầy lối mộng,
Yêu ai lận đận mối tơ vương... 


Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 09 năm
***
Các Bài Thơ Họa: 

Trái ngang tưởng hết lâm ly
Cố nhân đi khỏi cố lì còn đây! 

Tái Ngộ

Lâu lắm nay còn phảng phất hương
Người xưa cách biệt bấy năm trường
Thương chàng xứ Mỹ trồng rau muống
Nhớ kẻ quê nhà bán nước tương
Đất khách tình cờ ta lại gặp
Chuyện lòng ngớ ngẩn dạ còn thương
Nhìn nhau sương trắng hòa trên tóc

Ái ngại thôi về chớ vấn vương

Cao Linh Tử
21/9/2015
***
Gặp Em Bất Ngờ

Không ngờ nay gặp bạn Thu Hương
Chẳng những cùng quê lại một trường
Khó nói thành câu-người Xứ Mỹ
Khôn trao trọn ý-kẻ Sông Tương
Lúc xưa gần gũi bao yêu mến
Nay hiện chia xa những luyến thương
Ngộ thật thì ra tròn quả đất
Thế nên chi đó vẫn vương vương…

Thái Huy
9-21-15***
Bóng Hình Xưa

Người đã lâu rồi biệt cố hương
Còn ta ôm mộng giữa canh trường
Men nồng một thuở lưu hình bóng
Hồn dại bao mùa lạc bến tương
Đời nỡ cắt chia tình luyến ái
Đêm tàn ấp ủ giấc sầu thương
Lòng si cố xoá càng sâu đậm
Người hỡi tim này mãi vấn vương


Quên Đi

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Chiều Chiều Lại Nhớ...


Chiều về lại nhớ …một chiều
Tím lục bình tím thật nhiều sông xưa
Tiễn người trời đổ lệ mưa
Chồng đi tù tội vùng thưa bóng người!
Thương ai lận đận bên trời
Vì đâu nên nỗi đổi đời đắng cay..
Thương em phấn nhạt môi phai
Tàn trăng nến lụn đêm dài nhớ thương.
Thương anh mấy nỗi đoạn trường
Phương nầy - phương đó - hai phương một sầu !!
Chiều nay mây rũ về đâu
Chảy bề tóc rối..lược nhầu tóc mây
Nắng vàng trên những đọt cây..
Năm cùng tháng tận ..còn đây não nùng!.
Chiều lên khói sóng chập chùng
Tím sầu lại tím mơ cùng mộng tan !!
Ôm con lệ ứa đôi hàng
Cõi lòng như đã để tang bao giờ
Từ ly thắt thẻo đôi bờ
Chiều về chiều lại ngẩn ngờ .. nhớ mong .
Chiều chiều lại nhớ lại trông…

Hương Chiều
( Thi Tập “Trở Giấc”)

Mua Trăng


Ta muốn mua vầng trăng của em
Từng đêm yêu dấu vẫn từng đêm
Hồn ta lạc giũa vùng mê ảo
Trăng vẫn ru ta giấc ngủ mềm

Ta muốn mua vầng trăng nhớ thương
Dấu yêu chìm đắm mộng thiên đường
Ủi an ta lúc đời hiu quạnh
Trăng của ân tình trăng vấn vương

Ta muốn mua vầng trăng xanh xao
Dựa trên gối nguyệt buổi hôm nào
Cho ta chất ngất hồn lang bạt
Đêm tự tình nhớ tuổi hư hao

Ta muốn mua vầng trăng đắm say
Giữa thiên hà tinh tú cuồng quay
Ta với em chìm trong qủy đạo
Một thưở xa người trong mắt cay

Khiếu Long

Đọan Cuối Đường Đời



Đọan Cuối Đường Đời

Bạn bè ngày cũ có còn ai
Trong buổi hoàng hôn ánh nắng phai
Nhìn tới, tương lai như hố thẳm
Ngó lui, dĩ vãng tựa hang dài
Thuở nào phơi phới tràn hy vọng
Giờ lại âm thầm nuốt đắng cay
Nghe bước thời gian, lòng khắc khoải
Muốn quên trong chén rượu men say.

Muốn quên trong chén rượu men say
Cho mọi buồn đau lọt kẽ tay
Mà vẫn nhớ thương thời vẹn sắc
Và luôn luyến tiếc thuở hơn tài
Lợi danh phù phiếm sao hoài nhớ
Tình cảm chân thành lại chóng lay
Tất cả chẳng qua là ảo ảnh
Cuối đời chỉ hạt bụi bay bay.

Phương Hà
( Tháng 12/2015 )
***
Các Bài Họa:
Bóng Thời Gian

Xế bóng cô đơn chẳng có ai,
Cuộc tình buổi ấy cũng tàn phai.
Tương lai bít lối mơ chi nữa,
Dĩ vãng đau thương suốt quãng dài.
Vang bóng một thời nay ngã ngựa,
Nhìn về quá khứ lắm chua cay !
Thời gian lặng lẽ qua nhanh quá,
Lẻ bạn đưa hơi chén rượu đầy.

Lẻ bạn đưa hơi chén rượu đầy,
Thả mồi bắt bóng nắm bàn tay.
Nụ cười môi thắm tươi duyên dáng,
Răng trắng đang yêu chẳng kém tài.
Nữ tú nam thanh đời vẫn đẹp,
Cao niên chống gậy hết lung lay.
Giàu sang danh vọng nên buông bỏ,
Phút cuối tay không, cát bụi...bay!


 Mai Xuân Thanh
Ngày 04 tháng 12 năm 2015
***
Đọan Cuối Đường Đời

Họa nương vận

Tự hỏi quanh ta còn mấy ai ?
Bạn bè rơi rụng lá thu phai
Người đi bầm dập cơn mưa lũ
Kẻ ở long đong những tháng dài…
Chôn sống cuộc đới bằng cốc rượu
Phá tàn thân xác với men cay
Tìm đâu nữa nhỉ trời mơ ấy
Ra ngõ gặp toàn ngất ngưởng say.

Ra ngõ gặp toàn ngất ngưởng say
Cộng phần ngục mặt với khoanh tay
Làm sao cho thoát,than không sức
Chịu trận vầy ư,nói bất tài
Nhìn nước đảo chao lòng khuất tất
Ngó trời nghiêng ngả dáng lung lay
Tuổi gìa ập tới là xong hết
Cánh nhạn tin xuân đã vút bay.

Thái Huy
12-06-15
***
Cảm Tác: Bạn Bè Còn Ai?& Chuy
ến Tàu Đời

Câu hỏi khi nghe cảm xúc lòng
Tàu đời chạy mãi cỏi hư không
Sân ga bỏ lại vài ba khách
Trong số người đi cố ngược dòng

Nghiệt ngã thời gian cứ mãi trôi
Bạn bè cuộc sống ở muôn nơi
Biết ra,thì đã...mồ xanh cỏ
Tạo hóa bày chi luật thải hồi?

Hành lý mang theo được những gì?
Chỉ là ký ức những lần đi
Trên đường xuôi ngược bao ghềnh thác
Nhận thức đâu người bạn cố tri!

Thôi tạo cho ta những nụ cười
Để còn thấy được có niềm vui
Rồi mai xa cách ta thầm tưởng
Để nhớ để thương để ngậm ngùi

Tàu bỏ sân ga, bỏ cả người
Bạn bè còn mất,kẻ rong chơi
Riêng ta nhìn lại đang dong ruổi
Trong bước phong trần lắm bải buôi


Song Quang

***
Bạn Bè & Cát Bụi

Làm người nhập cuộc giữa trần ai
Cảm nhận bên mình cứ nhạt phai
Những đứa chơi thân ngày tấm bé
Những thằng lưu lạc tháng năm dài
Nhìn nhau kiểm điểm màu sương tóc
Ngắm lại vin vào hốc lệ cay
Thấy mặt mừng ngay còn được sống
Còn nâng ly chúc hãy cùng say!
 Còn nâng ly chúc hãy cùng say!
Còn được mấy thằng tay bắt tay
Một thuả lăng xăng phô lắm tật

Bi chừ điềm đạm nhẫn hơn tài?
Hoàng hôn rảo bước đường im ắng
Bóng ráng buông chiều gió lắt lay
Giữa cõi trần ai đầy cát bụi
Cứ nhìn cứ mặc hạt bay bay!!!

Nguyễn Đắc Thắng
20151206

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Tình Khúc Mùa Đông - Nhạc Phạm Anh Dũng - Y Phương

"...Lệ ai rơi rơi vội vã, giấc mơ tan
Cuộc tình phong sương, mênh mang sầu đắng, như nắng mùa đông ..."
(Phạm Anh Dũng)



Nhạc & Lời: Phạm Anh Dũng 
Hòa Âm:Sỹ Đan  
Tiếng Hát: Y Phương


Mưa


Tiếng mưa rơi
Giọt mưa tí tách
Phải chăng than thở tình đời
Mưa rên rỉ
Như cay đắng thầm thì
Sao nghe buồn tê tái
Mưa nức nở
Thương xót cho cuộc tình tan vỡ
Duyên thì không nhưng nợ đã đeo mang
Mưa tuôn tràn
Thay dòng lệ buổi sang ngang
Sẽ nhớ mãi
Em ơi tình tuyệt vọng
Mưa bong bóng
Như mối tình còn lắng động
Trong tim ta
Dẫu năm tháng xa vời
Thôi, mưa đã dừng
Giọt tình đã ngưng
Hãy chôn dấu chuyện yêu đương một thời vụng dại

Quên Đi

Màn Đêm


Đêm ngoài trời đong đưa tàu lá chuối
Bên song buồn thui thủi ngóng chinh nhân
Thời gian mau ánh nguyệt cũng tàn dần
Màn mưa lệ trào dâng niềm nhung nhớ…

Gió đang thở hay tim ta đang bão
Khát Khao ơi! Hương cỏ hay mùi xưa
Côn trùng ngoãnh mặt chẳng buồn thưa
Không gian chết … Ừ tim ta vẫy chết!

Kim Oanh
18-10-2015
* Cảm xúc từ ảnh - Biện Công Danh

Xây Bánh Da Lợn




Mỗi buổi trưa, chị đội xây bánh đi từ nhà ở bên đây cây cầu Bà Điều đến đầu xóm Đập và ghé vào quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ để bán những chiếc bánh da lợn thơm phứt chị mới làm xong còn nóng hổi.

Màu xanh lá dứa, màu tím lá cẩm, màu vàng của nhân đậu xanh trông rất đẹp mắt và nhất là hương thơm ngào ngạt đã tạo thêm phần hấp dẫn đến những khách hàng trong quán cà phê. 

Đa số khách buổi trưa của quán là công nhân của nhà in Long Hồ, một số người quen lối xóm, vài người thầy giáo và mấy anh học trò của trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ.  Khách thường đến quán để uống một ly cà phê xây chừng, xây nại, bạc tẩy xỉu phé hay nước chanh ….  trước khi bắt đầu vào công việc buổi trưa của mình.  

Xây bánh quá mời mọc nên khách không thể không mua dùm chị một hai chiếc bánh  đã được cắt sẵn có hình thoi hay hình tam giác xinh xinh.  Vừa ăn và uống cà phê thì thật là tuyệt vời.  Thỉnh thoảng mấy chị em tôi cũng len lén mua ăn vì sợ má rầy là hay ăn vặt. 

Chị rảo bước một vòng trong quán, khi không còn ai mua nữa thì chị tiếp tục đi bán dạo dọc theo hai bên đường từ chân cầu Cái Cá lên đến bến xe Vĩnh Long - Cần Thơ (Bến xe nằm một bên góc đường của trụ thần Phan Thanh Giản, trụ thần đặt giữa trung tâm của Ngã Ba Cần Thơ).  Dẫu cho trời nắng gắt hay mưa dầm, ngày qua ngày của chị là thế.

Từ lúc tôi rời nhà để lên Sài Gòn học và đi định cư ở hải ngoại thì  tôi không còn gặp chị nữa.  Nhiều lần tôi cảm thấy thèm được ăn những chiếc bánh da lợn có hương vị, màu sắc tự nhiên của lá dứa, lá cẩm và đặc biệt là khi bánh “mới vừa ra lò”.  Mỗi lần nhắc đến, tôi lại nhớ đến chị:   Hình ảnh của người con gái ở chợ thành, da dẻ hơi ngâm đen, chị không thoan thả lắm, nhưng lại đẹp người trong những chiếc áo bà ba màu sắc hồng nhạt, xanh lam, tím lá sen … được ủi phẳng phiu, chiếc nón lá quai vải được thay đổi cùng với màu áo chị mặc mỗi ngày, đầu đội xây bánh phủ bằng một lớp vải the trắng để che bụi.  Trông chị rất là mộc mạc, mượt mà như một cô gái ở miệt vườn quê.

*** 



Tôi về Việt Nam vào mùa thu năm 2014 để thăm gia đình. Vào một buổi trưa, tôi cùng cô cháu đi xuống thương xá Vĩnh Long; chúng tôi ghé sạp giày dép ở tầng dưới của thương xá, cô cháu lo lựa giày dép ở bên trong, còn tôi thì đứng quay quẩn bên ngoài để chờ.  Thình lình, tôi được mời mua vé số từ một người phụ nữ nhỏ người, gầy gò, nhìn rất là tiều tụy trong chiếc áo bà ba úa màu, khoác thêm bên ngoài một chiếc áo sơ mi sọc dài tay cũ kỹ, đội chiếc nón lá hơi lụp xụp và đã bị sờn. Tôi từ chối không mua, nhưng cứ bị nài nỉ mãi.  Bỗng sao tôi nhận thấy chị ấy có gương mặt hơi quen quen, tôi bèn hỏi:  “Có phải nhà chị ở cầu Bà Điều không?” Chị trả lời:  “Dạ phải và tui tên là Sen”. Tôi biết chắc là chị rồi, nhưng tôi lại hỏi tiếp:  “Chị là chị Sen mà ngày xưa chị bán bánh da lợn và mỗi ngày ghé bán ở quán cà phê nhà em ở phía bên đây cây cầu Cái Cá?”  Chị bảo: “Dạ phải”.  Tôi nói với chị: “Em là Mai Nhỏ ở quán cà phê dạo ấy đây chị”. 

Chị và tôi rất vui mừng sau hơn ba mươi lăm năm mới gặp lại.  Qua vài câu thăm hỏi về gia cảnh thì tôi được biết là chị không còn ở chỗ cũ, chồng chị bị tai biến mạch máu não cách đó không lâu nên nằm tại chỗ; chị đưa tôi xem cườm tay phải của chị bị gãy vì bị tai nạn, tuy đã lành nhưng không được thẳng như trước nữa.  Vì nhà quá nghèo, đời sống khó khăn, chị không có vốn liếng gì nên phải đi bán vé số để mưu sinh. Tôi cũng quên hỏi thăm về phần con cái của chị có hay không và sống ra sao?

Thăm hỏi qua lại xong, trước khi ra về tôi gởi cho chị một ít tiền và mua dùm chị vài tờ vé số ủng hộ.  Chị nắm tay tôi và cám ơn rối rít.  Tôi cảm thấy một sự âm ấm nào đó trong cái nắm tay của chị và tôi, một thứ cảm giác của sự vui buồn lẫn lộn.

Trước khi rời khỏi sạp giày dép, tôi nhìn chị đi hướng ngược lại và tiếp tục mời những người khách khác mua vé số.  Lòng tôi thật bùi ngùi, rưng rưng và ngậm ngùi cho số phận “Chị Sen – Bán Bánh Da Lợn” của ngày nào.

Khúc Giang

Ngày 1,Tháng Giêng, Năm 2016     

Lan Hầu Tử



Lan Hầu Tử

Hoa chỉ mọc trên đỉnh núi đồi
Rừng mưa nhiệt đới ẩm luôn thôi
Mặt như chú khỉ tròn xoe mắt
Hương tựa mùi cam chín nát cồi
Sâu bọ dè chừng dung mạo độc (*)
Bướm ong e ngại nhuỵ đài hôi
Ngất cao, đùa giỡn cùng mây gió
Hỏi đã mấy ai gặp được rồi ?

Phương Hà

(*) Loài lan này có nhiều giống hình khuôn mặt khỉ rất xấu xí khiến liên tưởng đến loài quỷ dữ nên được đặt tên khoa học là Dracula simia

***
Bài Họa:
Lan Hoang Dã
Giới thiệu hoa chi mọc đỉnh đồi,
Xem hình minh họa lạ thì thôi.
Bính thân ai biết tìm lan khỉ,
Tủi phận mùi thơm mít sút cồi.
Không thấy chưng bày cây cảnh độc,
Chẳng hay chơi tết loại này hôi.
Bông nào gốc gác nơi hoang dã,
Cùng cốc thâm sơn khó kiếm rồi !

Mai Xuân Thanh
Ngày 06 tháng 01 năm 2016
***
Lan Hầu Tử

Chú khỉ trèo leo giữa đỉnh đồi
Một loài hoa lạ...quá đi thôi !
Trẻ con nhác thấy liền che mắt
Em bé vừa trông ắt bị còi
Nếu hái đem về e nhiểm độc
Đem trồng lại toả lắm mùi hôi?
Ở rừng nhảy nhót làm trò khỉ
Về phố thành lan bắt được rồi!

Song Quang
***

Lan Hầu Tử
Họa nương vận

Em ở nơi kia cũng cạnh đồi
Mỗi lần nghé lại mệt thời thôi
Vẫn không từ khước màu nhung nhớ
Mà chẳng đành quên giấc mông “cồi”
Lá thắm trao qua đều cảm đẹp
Thơ xanh chuyển lại há chê hôi
Nay còn kỷ niệm trong tâm khảm
Bở lẽ không gian cách quá rồi.

Thái Huy
jan-08-16

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Chiếc Lá Cuối Cùng - Tuấn Khanh - Sĩ Phú


Cảm Tác Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh


Nhạc Sĩ: Tuấn Khanh
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện Youtube: Vongngayxanh

Tình Quê Đồng Tháp


Hai mùa nắng ấm rọi tầng không
Thấm nhuộm phù sa đẫm sắc hồng
Đất mảnh phèn sâu sen bát ngát
Quê vùng hạc đỏ nước mênh mông
Vườn cây trĩu nặng ven sông Cửu
Ruộng lúa bao la trải mặt đồng
Hãy đến nơi này xây ước mộng
Nghèo nêm mặn nghĩa đắm hương nồng!

 Nguyễn Đắc Thắng

Tầm Ung Tôn Sư Ẩn Cư Lý Bạch (701 - 762)


Tầm Ung Tôn Sư Ẩn Cư - Lý Bạch (701 - 762)

Quần tiễu bích ma thiên, 
Tiêu dao bất kế niên. 
Bát vân tầm cổ đạo, 
Ỷ thụ thính lưu tuyền. 
Hoa noãn thanh ngưu ngoạ, 
Tùng cao bạch hạc miên. 
Ngữ lai giang sắc mộ, 
Độc tự há hàn yên.
Lý Bạch

Dịch Xuôi: Tìm Nơi Ở Ẩn Của Ung Tôn Sư 
PKT 12/30/2015 
(Đường lên núi )
Rặng núi lô nhô xanh biếc chạm trời
Người ở ẩn tiêu dao chẳng cần biết đến năm tháng trôi qua 
Lần rẽ mây nổi để tìm lại con đường cũ 
Đứng dựa vào cây nghe tiếng nước chảy mà tìm được đến nhà bên khe suối
(Đến nơi) 
Con trâu xanh nằm bên rặng hoa nở trong nắng ấm
Con hạc trắng ngủ trên cành thông cao
Mải chuyện trời sập tối trên sông lúc nào không hay 
Một mình xuống núi trên đường về đi vào vùng sương khói lạnh 

Phụ Chú: 
Thanh ngưu = trâu xanh. Lão Tử viết xong Đạo Đức Kinh ,cưỡi con trâu xanh đi mất biệt. Có thuyết cắt nghĩa "thanh ngưu " là một loài sâu màu xanh có 2 sừng nằm trong nhị hoa.Ở đây, xin được hiểu, thanh ngưu bạch hac, (trâu xanh hạc trắng) là phương tiện di chuyển của các bậc thần tiên xưa.

Lên Núi Thăm Thầy 
PKT 12/30/2015
Núi xanh cao ngút ngọn
Ngày tháng chốn cheo leo
Lối cũ vén mây nổi
Chốn xưa nghe suối reo
Trâu xanh sưởi nắng ấm
Hạc trắng ngủ thông cao 
Mải chuyện quên chiều xuống
Người về dưới ánh sao

Phạm Khắc Trí
***
Lên Núi Thăm Thầy 

Núi nhấp nhô xanh rì cao ngất
Mãi giang hồ quên mất tháng năm
Vén mây lối cũ tìm thăm
Dựa cây lắng tiếng thì thầm suối ca
Trâu xanh nằm bên hoa tắm nắng
Trên cành thông hạc trắng ngủ say
Chuyện trò sông nhạt chiều phai
Một mình xuống núi khói bay lưng đèo 


Mailoc
***
Tìm Đến Nơi Thầy Ở Ẩn

Xanh biếc lô nhô núi chạm trời
Tiêu dao năm tháng kể chi đời
Rẽ mây đến được đường lưu dấu
Theo suối tìm thăm chốn ẩn người
Trong nhuỵ, sâu xanh nằm ấm áp
Trên tùng, hạc trắng ngủ chơi vơi
Bên sông, chiều xuống ai nào biết
Xuống núi một mình, sương tuyết rơi....

Phương Hà phỏng dịch
***
Đến Nơi Ở Ẩn Của Thầy Ung


Núi biếc ngất trời xa
Chơi quên năm tháng qua
Vén mây tìm lối cũ
Tựa gốc lắng khe ca
Hoa ấm sâu ngơi nghỉ
Tùng cao hạc gật gà
Chiều về mê chuyện mãi
Giờ khói lạnh mình ta.


Quên Đi
***
Đường Lên Núi Ẩn Cư Của Tôn Sư

Non xanh núi biếc nhấp nhô trời,
Ở ẩn thời gian chẳng bận trôi...
Cỏ lấp đường xưa mây trắng phủ,
Suối reo lối cũ thấy nhà nơi.
Nắng ấm trâu xanh hoa vẫn nở,
Thông cao hạc trắng ngủ mơ đời.
Bên sông chuyện vãng quên trời tối,
Xuống núi đêm về lạnh bóng tôi...

Mai Xuân Thanh

Ngày 31 tháng 12 năm 2015

Ý Thức Về Ký Hiệu Học - Kỳ 2

 Tùy luận 

Lời Giới Thiệu: Bài Ý Thức Về Ký Hiệu Học gồm có 10 phần. Sẽ đăng liên tiếp để độc giả tiện theo dõi. Bài này trích từ sách: Xa Lộ 21: Tư Tưởng Văn Học Dẫn Vào Thế Kỷ do nhà thơ Ngu Yên giới thiệu, nhận định và áp dụng những lý thuyết mới về văn chương và ngôn ngữ từ giữa thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. 

Phần Hai
Giới Thiệu Ngắn: Lý Thuyết Ký Hiệu Học

Un cheval s'écroule au milieu d'une allée 
Les feuilles tombent sur lui 
Notre amour frissonne 
Et le soleil aussi. 
( L'Automne. Jacques Prevert.)

Giữa đường ngựa ngã quỵ
Lá rơi phủ lên mình
Tình đôi ta run rẩy
Run cả ánh mặt trời.

Đây là bài thơ ngắn, chỉ có bốn câu, rất dễ nắm bắt toàn bộ ý thơ, nhưng đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ, dường như có ít điều không rõ: Hai câu đầu và hai câu sau tạo ra hai tứ cảnh, có sự liên hệ vừa mơ hồ vừa nghi ngại.

Với tựa đề "Mùa Thu", đã cho người đọc một khung cảnh tổng quát, những chi tiết thường xảy ra trong mùa này và những ý niệm mà mùa thu thông thường cưu mang. Câu thơ đầu tiên cho thấy một chuyện gì không tốt, điềm không lành sẽ xảy đến, dù chưa thật sự hiểu con ngựa làm gì trong bài thơ. Nó là một cảnh tượng thực tế được trông thấy hoặc nó là một biểu tượng?

Lá rơi, nghĩa là mùa thu đã chín, đã khô lá, cái đẹp của thu đang tàn phai. Ngựa kiệt sức, ngựa bất tỉnh hoặc đã qua đời, lá phủ lên, ngựa không cử động. Hai câu thơ đầu tạo ra tứ cảnh mất mát chia lìa. 

Tình run rẩy, lo âu, vì dự cảm những gì sắp xảy ra. Tứ này dễ cảm nhận. Nhưng Mặt trời cũng run rẩy, cũng lo âu, ông muốn ám chỉ gì đây? Mặt trời biểu tượng cho điều gì?

Đọc thơ để cảm nhận cái đẹp cái hay là đủ, nhưng nếu tìm hiểu bài thơ rõ hơn, cái đẹp cái hay càng gia tăng. Charles Peirce cho rằng, đọc thơ và nhận thức, cảm bài thơ ở giai đoạn này chỉ là tầng lớp đầu tiên về hiểu biết một điều gì. Không thể hiểu biết rõ ràng nếu dừng lại nơi đây.

Nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, đi vào bài thơ theo lối xưa, thường căn cứ vào ý nghĩa của chữ, câu và những liên quan đến tiểu sử, cuộc đời của thi sĩ. Sau khi trường phái tâm lý học của Freud và Jung ngự trị, nghiên cứu phê bình thường mang tâm lý học mổ xẻ tâm lý tác giả.

Đến giữa thế kỷ 20, khi những học thuyết mới, khoa học hơn, kỹ thuật hơn, cụ thể hơn như Ký Hiệu Học (Semiotics/Semiology), Cấu Trúc Luận Structuralism) , Giải Cấu Trúc (Deconstruction/ Post-structuralism), Thuyết Văn Hóa Tương Đối (Cultural Relativism), Nhận Thức Luận (Epistemology), Kết Cấu Luận (Constructionism), Thuyết Đa Nguyên( Pluralism), Thuyết Độc Giả Cảm Ứng (Reader-response Criticism), Thuyết Marxist (Marxist Criticism), Phê Bình Phản Đề (Antithetical Criticism), Phân Tích Tương Phản (Constrastive Analysis), và những quan niệm tiền phong mở đầu thế kỷ 21, đi vào văn chương: truyện, kịch và thơ bằng văn bản với những 'mẫu hình'( paradgm), những 'diễn pháp' (syntagm) và 'cái biểu hiện' (signifier) và 'cái được biểu hiện' (signified). Bên cạnh là những dự đoán từ sự đô hộ của điện tử, vi tính, robots; từ tình hình bạo động của thế giới; từ quyền lực chính trị kinh tế sôi động, sẽ dẫn đến những lý thuyết khác trong thế kỷ 21. Những lý thuyết mới từ giữa thế kỷ 20 mang đến cho văn học thế giới một cách nhìn lột trần những huyền thoại, những niềm tin cuồng tín trong văn chương và giúp cho phê bình cùng sáng tác có nhiều ý thức hơn về vị trí và giá trị ngôn ngữ trong hệ thống diễn đạt.

Vậy thì, những lý thuyết này giải mã bài thơ Mùa Thu của Jaques Prevert ra sao? 

Hãy bắt đầu bằng Ký Hiệu Học.

Ký Hiệu Học bắt nguồn từ triết gia René Descartes (1596-1650) và John Locke (1632-1704). Từ sự phân chia vũ trụ ra hai thành phần: vật chất và tinh thần. Decartes cho rằng tinh thần với tư tưởng và suy nghĩ là sự hiện hữu. Những đối tượng bên ngoài đều tái hiện trong tâm trí con người, gọi là "ý nghĩ". Mở rộng hệ thống tư duy này, John Locke cho rằng sự mô tả về mỗi ý nghĩ như một phó bản của cảm giác hoặc như một phản ảnh trong diễn trình hoạt động của tâm trí. Trong "Essay Concerning Human Understanding", John Locke đã trình bày rất khoa học về ký hiệu (signs) là ngôn từ đại diện cho ý nghĩ về ngoại cảnh và dùng để giao thiệp và thông đạt. Quan điểm này trở thành nguồn gốc cho những học phái về ký hiệu xuất hiện giữa thế kỷ 20.

Một trong hai người đặt nền tảng cho Ký Hiệu Học (Semiotics) là triết gia Hoa Kỳ, Charles Sanders Peirce (1839-1914.). Quan điểm chính của ông là sự khác biệt giữa ký hiệu và ý nghĩ. Theo ông, ký hiệu có thể là sự suy nghĩ nhưng không phải là ý nghĩ. Ký hiệu nhận được ý nghĩa do sự suy nghĩ hoạt động và giải thích. Ví dụ, Thấy một bảng hiệu đi đường, trước hết, thấy bảng hình tròn rồi mới tiếp nhận chữ STOP. Đó là sự diễn tiến liên kết của hiểu biết.

Người thứ hai là nhà ngữ học người Pháp gốc Thụy Sĩ, Ferdinant de Saussure (1857-1913). Với chủ đích nghiên cứu sinh hoạt của ký hiệu trong đời sống xã hội, ông đã được công nhận là sáng lập viên của Semiology, tạm gọi là Ký Hiệu Giải Tích để phân biệt với Semiotics là Ký Hiệu Học. Ký Hiệu Giải Tích là một phần của Ký Hiệu Học. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi chung là Ký Hiệu Học. 

Ký Hiệu Học bắt đầu từ ngôn ngữ, bước qua triết học, lan rộng ra nhiều lãnh vực và có tầm ảnh hưởng trong mức độ khác nhau trong đời sống.

Từ những câu thơ khó hiểu trong bài Phục Sinh của Thanh Tâm Tuyền: Tôi buồn khóc như buồn nôn [...] Tôi buồn chết như buồn ngủ [...] qua đến từ ngữ "Chân dài", nghe nói, sử dụng hàng ngày, đều có thể giải mã qua ký hiệu, để có thể hiểu rõ hơn, không những về ý nghĩa mà về những điều ngôn từ ám chỉ.

"...buồn khóc như buồn nôn" là một ẩn dụ. "Buồn nôn" tự thân có hai tín hiệu: 1- Tích cực: Quá no cần phải nôn ra cho dễ chịu; 2- Tiêu cực: cảm giác quá ghê tởm làm buồn nôn; ăn trúng độc, muốn ói; bị đánh vào bụng, muốn mửa ra. Nếu đi chung với "buồn khóc", thì phải có nghĩa tiêu cực. Muốn "khóc" vì trúng độc sự sống, bị đời hành hạ hay ghê tởm những phi lý xảy ra, hoặc cả ba đã khiến Thanh Tâm Tuyền muốn khóc như một người buồn nôn. Thường khi, người đọc dễ lầm tưởng thi sĩ đang buồn nôn. Không, thi sĩ buồn khóc. "Buồn nôn" chỉ là ý nghĩa giải thích cho "buồn Khóc". Câu thơ đó có thể giải mã trong một dãy ký hiệu khác: Tôi buồn khóc vì bị đời hành hạ, vì trúng độc cuộc sống, vì ghê tởm những phi lý, vô nghĩa đang xảy ra. 

"...buồn chết như buồn ngủ" cũng là một ẩn dụ. "buồn chết" cho thấy "buồn ngủ" trong nghĩa tiêu cực. "Buồn ngủ" là trạng thái của người thiếu ngủ, mất ngủ; mệt mỏi chán nản nên buồn ngủ; ngủ là chuyện thường xuyên xảy ra mỗi ngày. "Buồn chết" mang những ý nghĩa tiêu cực của "buồn ngủ", người đọc nhận ra ngay sự chán chường, không còn tha thiết với sự sống.

Nếu đọc toàn bài Phục Sinh (3), sẽ thấy những ký hiệu khác liên quan, liên đới với "buồn khóc buồn nôn buồn chết buồn ngủ" như: 

- tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
- cho đứa nhỏ linh hồn sợ chó dữ
- tôi thét lên cho ngui giận
- tôi thèm giết tôi
- tôi gào thét tên tôi thảm thiết
- bóp cổ tôi chết gục

tất cả những tương quan này sẽ làm rõ ý tứ bài thơ và những gì tác giả bị ám ảnh và những gì ông muốn ám chỉ.
Và cuối cùng chỉ còn tình yêu. Chính tình yêu đã cho một người đang sống như chết được phục sinh: 

em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.

Ký Hiệu Học (Semiotics) / Ký Hiệu Giải Tích (Semiology).

Cả hai đều có chung mục tiêu: Tìm hiểu, phân tích và giải mã ký hiệu thông đạt, bao gồm lời nói, chữ viết, những dấu hiệu, những biểu hiệu truyền thông và những phương cách diễn tả tâm tư qua cách xây dựng ký hiệu. Trên diện bình thường, cả hai có chung một tên gọi: Ký Hiệu Học. Tuy nhiên, phân tích về nội dung và kỹ thuật, Semiotics và Semiology có nhiều điểm khác nhau. Cũng có thể coi như từ nguồn gốc là sự khác biệt giữa quan niệm về ký hiệu của Peirce và quan niệm về ký hiệu của Saussure. 

Ký hiệu trong nghĩa chuyên môn, là gì? 

Charles Peirce đưa ra định nghĩa: " [...] Ký hiệu là một cái gì đại diện cho một cái khác, đối với những ai có liên quan và có khả năng tiếp nhận. Nó truyền đạt đến người nào, nghĩa là, tạo ra trong tâm trí người đó một ký hiệu tương đương hoặc sâu rộng hơn...[...]" (4). Nói một cách khác, ký hiệu biểu hiện được tái tạo nơi người thu nhận nó. Và ký hiệu tái tạo này giải thích ký hiệu biểu hiện. Trong thời đoạn khởi đầu của Ký Hiệu Học, ký hiệu bao gồm chữ, hình ảnh, âm thanh, cử chỉ và vật thể. 

Ý nghĩa của ký hiệu không nhất thiết bất thường nhưng thay đổi theo sự giải thích của suy nghĩ. Ví dụ bảng Stop thay vì hình tròn, đổi sang hình tam giác, khi thấy chữ STOP, ký hiệu đó sẽ làm cho người đi đường dừng lại, cho dù họ rất quen với bảng tròn.

Theo Saussure, Ký hiệu chỉ có giá trị khi phối hợp hai điều kiện: Bản thân của ký hiệu đại diện và ý nghĩa nó cưu mang. Không thể có một ký hiệu mà không có ý nghĩa hoặc không thể có ý nghĩa nếu không có ký hiệu đại diện. 

Ký Hiệu Học, Semiotics, từ ngữ gốc Hy Lạp, Semiotikos, nghĩa là giải thích ký hiệu. Căn bản của Ký Hiệu Học là thảo luận, nghiên cứu về chủ đề: Nhân loại đã diễn đạt và trình bày sự vật, sự kiện như thế nào. Có lẽ, Umberto Eco ( 1932- ) là người có định nghĩa bao trùm nhất, trong tác phẩm Eco (1967), ông nói: "Ký Hiệu Học quan tâm đến tất cả những gì được xem như là ký hiệu." Định nghĩa này mở rộng phạm vi nghiên cứu về ký hiệu. Về sau đã phát triển trong nhiều ngành khác. 

Những nhà Ký Hiệu Học đặt nặng sự tìm hiểu ký hiệu trong hệ thống thông đạt. Ý nghĩa và giá trị của ký hiệu thành hình như thế nào và được diễn đạt ra làm sao.

Ký Hiệu Học cố gắng giải mã những ký hiệu tập hợp, những ký hiệu liên kết, về thực chất, đặc tính, hình thái và diễn tiến khi truyền đạt. Nhìn từ bên ngoài, gần giống như Ký Hiệu Học chỉ phân tích ý nghĩa "ký hiệu/từ ngữ" như truyền thống phê bình nghiên cứu đã thực hiện trong những thế kỷ trước. Ký hiệu học nhìn từ ngữ+ý nghĩa+âm thanh của từ ngữ+hình ảnh của từ ngữ, toàn bộ như một ký hiệu. Ký hiệu có thể là một từ ngữ, một cụm từ, một câu, một đoạn, một tác phẩm v..v.. Và nhìn nó trong một toàn thể, liên quan hổ tương với các ký hiệu khác; kể cả những ký hiệu đã thuộc về quá khứ hay lịch sử nhưng có liên hệ với ký hiệu đang phân tích. Ví dụ: 

" Chân dài" là một ký hiệu gồm có: chân dài + phần nhị chi bên dưới thân thể, dùng để đi, có kích thức dài hơn mức trung bình + hình ảnh đôi chân dài.

"Chân dài" ám chỉ sự thẩm mỹ của đôi chân cao, tạo ra dáng đi uyển chuyển, thướt tha.

Trước đây, "chân dài" ám chỉ trường túc bất chi lao. Đàn ông thường yêu thích chân dài. mặc dù mức độ lao động chưa chắc đã hơn chân ngắn.

Hình như sau biến cố 1975 vào thập niên 1990, từ ngữ "chân dài' nở rộ trên báo chí, truyền thông và trong giao tế xã hội. Lần này "chân dài" ám chỉ các thiếu nữ đẹp, cho dù nhiều cô có chân dài nhưng nhan sắc trung bình.

Đưa ký hiệu này vào kỹ thuật phân tích với những ký hiệu nguyên nhân và ký hiệu liên đới theo thời gian và lịch sử: 

Từ "chân dài" có gốc rễ từ những thế hệ trước ở miền bắc. Trong giai đoạn 1954-1975, vì dinh dưỡng chưa đúng mức nên đa số thiếu nữ, phụ nữ khó phát triển chiều cao. Nói một cách khác, đa số là chân ngắn. Rồi đi bộ, chạy giặc, 'vượt Trường Sơn', khiến chân ngắn thành chân to. Nhan sắc đẹp xấu do sinh ra mà có. Tu bổ, cắt xén, xây dựng công trình thẫm mỹ trên dung nhan hoặc bất cứ vòng nào trên thân thể, đều có thể thực hiện. Nhưng chân ngắn và cục mịch thì chịu. Ước mơ một đôi chân dài cho người cao lên là ước mơ ám ảnh giới nữ thời đó. Sau chiến tranh, đến thời mở cửa, chế độ ăn uống từ thiếu thốn, lên trung bình và trong nhiều trường hợp trở thành quá độ. Có đủ dinh dưỡng, thế hệ sau, đẹp hơn, cao hơn và dĩ nhiên chân dài hơn. Chân cao, người thon, đi đứng 'yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu', chẳng mấy chốc trở thánh 'háo cầu'. Từ "chân dài" trở thành biểu tượng cho người đẹp. Dần dà biểu tượng phát triển đại diện cho mỹ nữ cao ráo và sexy.

Lý thuyết căn bản Ký Hiệu Học của Charles Peirce:

Lý thuyết của ông xây dựng và khai triển qua ba thời kỳ: Thời bắt đầu từ thập niên 1860; Trở thành khá hoàn chỉnh, trong thời gian 1980-1990; Từ năm 1903 lý thuyết học của ông trở nên phức tạp và phát triển mạnh giữa năm 1906-1910. Ông vẫn tiếp tục khai phá và tranh cãi với những lý thuyết mới cho đến ngày qua đời, năm 1914. 

Ông viết:" Tôi định nghĩa một ký hiệu là bất cứ một thứ gì được xác định bởi một thứ khác, gọi là Đối-Tượng (Object). Và được xác định có hiệu dụng đối với một người. Tôi gọi hiệu quả này là Interpretant (giải thích ý nghĩa.)....[...].." (5) Định nghĩa này đưa ra cấu trúc căn bản của ký hiệu. Một ký hiệu gồm có ba phần. Phần cụ thể của ký hiệu, gọi là 'cái biểu hiện' (signifier); Phần ý nghĩa của nó, gọi là Đối Tượng (Object); Phần thứ ba, gọi là interpretant, tạm gọi là Nghĩa Giải Mã.

Phần Ký Hiệu và Đối Tượng sinh hoạt tương quan với nhau. Trong khi Nghĩa Giải Mã trở thành nội dung thật sự, rộng và sâu hơn ý nghĩa của ký hiệu.

· Ký Hiệu cụ thể không hoàn toàn đại diện hết những ý nghĩa mà ký hiệu cưu mang. Không hoàn toàn biểu hiện được Đối Tượng. Ví dụ như ký hiệu "bông hoa", đại diện một thực thể có cánh, có nhụy, có hương thơm; nở ra từ cây. Nhưng không thể diễn tả hết đối tượng vì bông hoa cưu mang nhiều khía cạnh khác như màu sắc, hình dáng, tên gọi......

· Đối Tượng cũng bị giới hạn. Vai trò của Đối Tượng là xác nhận ký hiệu, nhưng là một xác nhận mở, tức là chưa hoàn tất. Ví dụ, khi ý nghĩa về cái hoa xác định ký hiệu cụ thể " bông hoa" nhưng bông hoa còn ám chỉ phụ nữ, nghệ thuật, thẩm mỹ.....

· Nghĩa Giải Mã (Interpretant) chính là mấu chốt trong cấu trúc ký hiệu. Có thể giải thích qua hai điểm: Thứ nhất, Interpretant là sự hiểu biết của chúng ta về sự tương quan giữa ký hiệu và đối tượng. Thông thường mang nhiều ý nghĩa hơn ký hiệu cụ thể. Thứ hai, Ký hiệu xác định Nghĩa giải mã như địa chỉ xác định căn nhà. Ký hiệu có thể gây ra cảm xúc nhưng chính yếu là đối diện với tri thức. Ví dụ, thấy khói bốc mù mịt, chúng ta sẽ nghĩ đến lửa cháy. Khói là ký hiệu tiêu biểu lửa. Lửa là đối tượng xác định khói. Chúng ta có thể cảm thấy sợ nhưng quan trọng chính là lửa: thiêu hủy, tàn phá, giết người....

Những ý tưởng về cấu trúc trong ký hiệu vừa trình bày trên đã xuất hiện trong "On A New List of Categories", 1867. Ông cho rằng sự tiêu biểu và tượng trưng của ký hiệu phát sinh ý nghĩa giải mã sâu xa hơn trong ba cách thức:
· Thứ nhất, phát sinh từ cộng đồng, xã hội do họ đồng ý với nhau về sự đại diện của ký hiệu, gọi là Icons (Ký hiệu tiêu biểu.) Một loại ký hiệu đại diện, trên cơ bản là giống hoặc bắt chước 'cái được biểu hiện'. Ví dụ, chân dung, ca khúc, phim ảnh... Nói một cách khác là ký hiệu được thấy, nghe, ngửi, nếm và sờ...
· Thứ hai, phát sinh từ mối tương quan với đối tượng, có sự tương xứng với nhau, gọi là Index, (Ký hiệu biểu thị). Một loại ký hiệu đại diện được kết nối trực tiếp với 'cái được biểu hiện' bằng một cách nào đó, qua vật lý hoặc tinh thần. Ví dụ, sấm sét, dấu chân...ung thư, đau răng, nhức đầu....chuông điện thoại, gõ cửa.... đồng hồ, nhiệt kế......
· Thứ ba, phát sinh từ mối tương quan với đối tượng, là một đại diện được xác nhận cưu mang ý nghĩa, gọi là Symbol (Ký hiệu biểu tượng). Một loại ký hiệu đại diện mà không giống 'cái được biểu hiện'. Về cơ bản, mối liên hệ giữ biểu hiện và được biểu hiện phải được sự công nhận hoặc phải được học tập. Ví dụ, cờ xí, ngôn ngữ, mã số, đèn giao thông, bảng hiệu đi đường... Ví dụ:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng
(Ông Phổng Đá. Nguyễn Khuyến)

Quan niệm ba loại ký hiệu này về sau có sự thay đổi trong lý thuyết mở rộng của ông nhưng căn bản vẫn tương tựa. 

Từ năm 1903, khi ông đang dạy tại đại học Harvard và tại The Lowell Institute, đã đưa ra những thay đổi và khai triển những quan niệm ban đầu trong lý thuyết ký hiệu của ông. 
· Phương Tiện Truyền Đạt Ký Hiệu (Sign-Vehicles), Peirce cho rằng trung tâm truyền đạt ký hiệu chia ra ba khu vực lớn và ký hiệu có thể phân loại theo sự phù hợp. Sự phân chia tùy thuộc vào sự biểu hiện phẩm chất, biểu hiện sự thật hiện diện, hoặc do công ước và luật lệ. Gọi là Qualisgn (ký hiệu phẩm chất), Sinsign (ký hiệu hiện thực, ví dụ như có khói là có lửa), và Legisign (ký hiệu quy ước).
· Về phần Đối Tượng (Object), ông cho rằng có hai loại: 
Đối Tượng Năng Động (Dynamic Object): Đối tượng phát sinh ra một dãy ký hiệu khác, giải thích và bổ nghĩa cho đối tượng. Có thể coi như là Đối Tượng có hệ thống ký hiệu. Ví dụ, " Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ", sẽ có rất nhiều ký hiệu khác sắp thành hệ thống để tiến gần ý nghĩa Tình mười năm đã cũ hay còn mới

Đối Tượng Trực Tiếp ( Immediate Object): Đúng như ý nghĩa "trực tiếp", đối tượng được hiểu rõ ràng ngay sau khi ký hiệu đại diện xuất hiện. Ngược lại, đối tượng xác định ý nghĩa của ký hiệu ngay lập tức.

· Về Nghĩa Giải Mã (Interpretant), chia làm ba loại: Nghĩa Giải Mã Năng Động (Dynamic Interpretant); Nghĩa Giải Mã Trực Tiếp (Immediate Interpretant); và Nghĩa Giải Mã Sau Cùng (Final Interpretant).
· Những thay đổi khác, đa số, thuộc về kỹ thuật. Qua những tương quan giữa ký hiệu, đối tượng và giải mã, ông phân chia thành 10 loại ký hiệu. Những chi tiết này sẽ làm cho công việc phân tích ký hiệu thêm phần rõ rệt hơn.

Có lẽ một trong những quan điểm về sự nhận biết ý tưởng đã được ông phân tích trong bài viết How To Make Our Ideas Clear, 1878, trở thành căn bản để phân tích ý nghĩ, ý tưởng một cách rõ ràng.
Ông cho rằng có ba tầng lớp của sự hiểu-biết-rõ-ràng: Thứ nhất, phải nắm bắt một số những ý niệm trong kinh ngiệm đời sống hàng ngày. Tiếp theo, dùng khả năng cung ứng một định nghĩa chung cho khái niệm hoặc điều đang tìm hiểu và sau cùng sử dụng phương thức Pragmatic Maxim của Peirce.

Ông giải thích rõ hơn, trong tầng lớp đầu tiên, thông thường người đọc đã quen thuộc với ký hiệu, tức là chữ nghĩa, nên ký hiệu được giải thích theo thói quen và kinh nghiệm của mỗi độc giả. Tức là sử dụng Giải Mã Năng Động (Dynamic Interpretant). Tầng thứ hai dùng cho các nhà luận lý phân tích, tức là sử dụng Giải Mã Trực Tiếp (Immediate Interpretant). Tầng thứ ba, gọi là Phân Tích Thực Dụng (Pragmatic Analysis), để đi đến giải mã sau cùng. Đối với ông, Giải Mã Sau Cùng là quan trọng nhất vì nó mang lại ý nghĩa thực sự của ký hiệu. 

Trong giai đoạn cuối cùng, Peirce khai mở lãnh vực triết học của ký hiệu. Cũng từ góc cạnh này mà Ký Hiệu Học bước sang những lãnh vực rộng lớn hơn.
Ký Hiệu Học chia làm hai loại:
- Ký Hiệu Học Thông Đạt ( Semiotics Communication.). Lý thuyết về sản phẩm của ký hiệu: Người/máy gửi, người/máy nhận, thông điệp, email, truyền thông....Có thể nói Thông đạt chính là mục tiêu của Ký Hiệu Học.
- Ký Hiệu Học Biểu Hiện ( Semiotics Signification,) được xem là quan trọng hơn vì nó nghiên cứu diễn trình nhận thức, kinh nghiệm của người nhận. Áp dụng vào thi ca, kịch nghệ, văn xuôi...và có tương lai mở rộng.

Ký Hiệu Học liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ học, chi tiết hơn về kỹ thuật và cụ thể hơn khi khám nghiệm văn bản. Ký Hiệu Học nghiên cứu về cấu trúc và ý nghĩa của từ ngữ và câu cú. Ký hiệu, dấu hiệu và biểu hiệu là những phần tử quan yếu của thông đạt, là đối tượng của Ký Hiệu Học. Ngoài ra Ký Hiệu Học còn mở rộng phạm vi tìm hiểu đến những sinh hoạt thông tri ngoài ký hiệu. 

Ký Hiệu Học chia làm ba nhánh:
- Ngữ Nghĩa Học (Semantics): Sự tương quan giữa các ký hiệu và những đối tượng nghiên cứu. Charles Morris (1901-1979) đã mở rộng lãnh vực đối tượng của Ngữ Nghĩa Học, vào sự hổ tương giữa 'chữ/điều/sự-vật biểu-hiện' (Signifier) và 'chữ/điều/sự-vật được-biểu-hiện' (Signified). Quan niệm về 'Biểu-hiện' và 'Được-biểu-hiện' được đề cập chi tiết trong Course in General Linguistics, 1916, là những bài giảng dạy của Saussure do các môn đệ của ông ấn hành sau khi ông qua đời.

Ví dụ:
Đèn đỏ nơi ngã tư
ký hiệu biểu hiện 
báo hiệu cho 
người được biểu hiện
biết dừng lại.

- Cú Pháp Học (Syntactics): Sự tương quan giữa ký hiệu trong cấu trúc tiểu khúc hay toàn phần. Chính xác hơn: Phân tích những đặc tính của ký hiệu và biểu hiệu một cách tỉ mỉ trong những qui luật thành văn hoặc bất thành văn đã chi phối các cụm từ và các câu cú như thế nào. Sự kết hợp, bổ túc, giải thích, hổ tương và cách thức xây dựng ngôn từ và câu cú ra sao. 

- Thực Liệu Học (Pragmatics): Sự tương quan giữa ký hiệu và chủ thể sử dụng hoặc diễn đạt ký hiệu. Thực Liệu Học nghiên cứu các khía cạnh sinh học trong diễn trình của ký hiệu qua những hoạt động tâm lý, sinh học, và xã hội. 

Ký Hiệu Học đi sâu vào nhiều lãnh vực. Là một bộ môn nghiên cứu chuyên ngành và sâu, nên chia ra nhiều bộ chuyên môn:

- Ký Hiệu Học Phân Tích (Analytic Semiotics): Chuyên giãi mã hệ thống ký hiệu.
- Ký Hiệu Học Diễn Tả (Description Semiotics): Hệ thống ký hiệu là một thực tại để nghiên cứu.
- Ký Hiệu Học Ngoại Vi (Zoo Semiotics): Chuyên nghiên cứu về những hệ thống ký hiệu không liên quan đến con người.
- Ký Hiệu Học Văn Hóa (Cultural Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiệu của văn hóa.
- Ký Hiệu Học Xã Hội ( Social Semiotics): Chuyên hệ thống ký hiệu của xã hội.
- Ký Hiệu Học Truyền Thuyết (Narrative Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiệu qua chuyện thần thoại, sự tích, chuyện dân gian.
- Ký Hiệu Học Thiên Nhiên (Natural Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiệu trong thiên nhiên.
- Ký Hiệu Học Tiêu Chuẩn (Normative Semiotics): Chuyên về hệ thống ký hiện của nhân sinh.
- Ký Hiệu Học Cấu Trúc (Structural Semiotics): Chuyên nghiên cứu về hệ thống ký hiệu qua cấu trúc của ngôn ngữ.

Tác phẩm văn chương là những văn bản dày đặc những 'điều ám chỉ' mà tác giả vô thức hoặc cố ý gài qua những ký hiệu từ ngữ. Để giải mã toàn vẹn một tác phẩm, chắc chắn không thể chỉ bằng ký hiệu, tuy nhiên tìm hiểu văn bản là bước đầu tiên dễ mang đến hiệu quả vì sự cụ thể, hiện thực của ký hiệu và những phương pháp phân tích dựa trên khoa học. 

Tiểu thuyết, bài thơ hoặc truyện ngắn trình bày cho người đọc bằng những ký hiệu , ngay lập tức mang đến hiểu biết, cảm xúc, phẩm chất, ngữ cảnh.. âm thầm tràn ngập diễn giảng trong tâm trí trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu ai muốn phân tích và giải mã một tác phẩm nghệ thuật, buộc lòng phải đi sâu mở rộng, bắt đầu bằng bản thể của ký hiệu đại diện. Phân chia thành chi tiết, tìm những yếu tố hiện tượng đóng vai trò chủ yếu trong tác phẩm, kiểu hiện tượng luận, nhưng sẽ được giải mã ý nghĩa và ám chỉ. Kinh nghiệm thẩm mỹ sẽ trở thành đối tượng của suy nghĩ, giải thích và phê phán. Trong thế giới văn chương nghệ thuật, 'cái ám chỉ' sẽ trở thành 'ký hiệu đại diện', lăm le mang thêm nhiều ý nghĩa và ám chỉ thêm nhiều khía cạnh khác. Nếu 'cái ám chỉ' cứ tiếp tục phát triển chiều rộng chiều sâu, có khi đi quá xa đối với ý của tác giả. Gia đoạn này, ký hiệu học gặp gỡ thuyết Độc Giả Cảm Ứng (Readers-response Criticism). Để chận đứng sự lan rộng của 'cái ám chỉ', Charles Peirce đã sử dụng phương pháp Phân Tích Thực Dụng để tiến sát ý nghĩa sau cùng của 'cái ám chỉ' một cách rõ ràng hơn.

Trong thực tế có những ký hiệu không bao giờ có thể giải mã tận cùng như ký hiệu: Thượng Đế, luân hồi, tự do, ...v...v...
Về sau 'cái ám chỉ' bị chỉ trích và bị tấn công bởi học thuyết Giải Cấu Trúc của Jacques Derrida (1930-2004)

(Còn tiếp: Phần ba, Ký Hiệu Giải Tích......)

=====================================
GHI:
.(3) Phục Sinh
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông
giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm
tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết
người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành
trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.

(4) Ryan, Michael (2011). The Encyclopedia of Literary and Cultural Theory. Hoboken, NJ, USA: Wiley-Blackwell. 
(5) Stanford Encyclopedia of Phylosophy. Peirce's Theory of Signs, 2010.

Ngu Yên

Tài Liệu Tham Khảo Chung:
Ahmadpour, Kamran. Developing a Framework for Understanding Information Literacy in the 21st Century: A Review of Literature. 2014. http://faculty.uoit.ca/kay/files/capstones/Ahmadpour_%202014_FrameworkInformationLiteracy_Final.pdf

Chandler, Daniel. Semiotics for Beginners, http://visual-memory.co.uk/daniel/Documents/S4B/

Hermawan, Andri. A Semiotic Analysis on Kim Addonizio's Poems Based on C.S. Peirce's Theory. 2010. 

Culler, Jonathan. Theory and Criticism after Structuralism. Cornell University Press, Ithaca, New York, 1982.

Ellis, John M. Against Deconstruction. Princeton University Press, Princeton , New Jersey,1989.

Hoopes, James. Peirce on Signs. The University of North Carolina Press, 1991.

Juan, Jr. E. San. In Lieu of Saussure: A prologue to Charles Sanders Peirce's Theory of Signs. http://clogic.eserver.org/2012/SanJuan.pdf.

Langendoen, D. Terence. Review: Linguistics at the Begining of the 21st Century. Reviewed work(s): The Handbook of Linguistics by Mark Aronoff: Janie Rees- Miller. Source: Journal of Linguistics, Vol. 38. Nov. 3 (nov., 2002) pp. 627-643. Cambridge University Press.

Leitch, Vincent B. Literary Criticism in the 21st Century. Bloomsbury, NewYork, USA, 2014.

Marmaridou, Sophia and Kiki Nikiforidou and Eleni Antonopoulou. Trends in Linguidtics. Reviewing Linguistic Thought. Converging trends for the 21st Century. Mouton de Gruyter, Division of Walter de Gruyter GmbH & Co. KG, Berlin. 2005

Peirce, Charles Sanders. Writings on Semiotic, First Edidition. University of North Carolina Press, Chapel Hill and London. 1991.

Saussure, Ferdinant and Roy Harris. Course in General Linguistics. Open Court, Chicago and La Salle, Illinois, 1998.

Scholes, Robert. An Introduction Structuralism In Literature. New Haven and London, Yale University Press, 1974.

Stanford Encyclopedia of Philosophy. Peirce's Theory of Signs. Published 2006, revised 2010.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Câu Hò Đất Vĩnh



Hò...ơ...ơ...
Mai này trở lại Vĩnh Long
Để thôi thương nhớ nghe lòng xôn xao
Vườn xưa nụ trổ mận đào
Chân quê gái Vĩnh ngọt ngào mặn duyên
Mái chèo khua nước sông Tiền
Đêm khuya thanh vắng dịu hiền lời ru
Người em đất Vĩnh ôn nhu
Gương trinh son sắt thiên thu đợi chờ

Hò... ơ...ơ...
Lục bình tim tím lững lờ
Anh trai xứ Vĩnh ngẩn ngơ phải lòng
Tình chàng sông Cửu mênh mông
Đôi bờ bồi lở lớn ròng cùng hoa
Dòng đời đưa đẩy cách xa
Khắc sâu hình bóng chữa nhòa trong tim
Cành cao hoa nắng lim dim
Câu hò đất Vĩnh im im gợi tình


Kim Phượng

Tìm Về Nơi Nhớ


Có nỗi nhớ long lanh như ngọc
Rơi trên da bao bọc nỗi đau
Dạ còn son sắc trao nhau
Âm dương cách trở nát nhàu tim côi

Men đường cũ tinh khôi nỗi nhớ
Bản nhạc quen gợi thuở chung đôi
Xót xa nay chỉ mình thôi
Rưng rưng ngấn lệ để trôi thành dòng

Mưa trút xuống hạt lòng thêm lạnh
Chốn mù xa nghe chạnh vấn vương
Chân đi về phía người thương
Hắt hiu bóng ngã vô thường cõi không

Người nằm đó bên bông hoa dại
Đời an nhiên thắt lại từ đây
Dấu yêu biền biệt trời mây
Cõi buồn lặng lẽ dáng gầy nao nao

Vanessa Le

Tác Dụng Của Hành Lá


Tác dụng tuyệt vời của hành lá bạn có thể chưa biết
Tốt tim mạch, đường hô hấp, xương và ngăn ngừa các bệnh ung thư...là những tác dụng của hành lá mà bạn nên biết.

Tốt cho tim mạch. Đây được xem là một trong những tác dụng của hành lá phải kể đến đầu tiên. Các chất chống oxy hóa trong hành lá giúp ngăn ngừa DNA không bị tổn hại. Ngoài ra, hàm lượng cao vitamin C và lưu huỳnh của hành lá giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Chữa các bệnh về đường hô hấp: Hành lá là một trong những gia vị hỗ trợ điều trị cảm lạnh và cảm cúm. Hành lá có tác dụng kích thích hoạt động của đường hô hấp và giúp long đờm hiệu quả.

Kiểm soát nồng độ đường trong máu: Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh trong hành lá giúp giảm huyết áp và làm tăng insulin giúp điều hòa lưu thông đường trong máu đến các tế bào.

Giúp xương chắc khỏe: Thành phần vitamin C và K trong hành lá có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe xương, phòng chống bệnh loãng xương.

Tăng cường thị lực: Hành lá là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Ngăn ngừa bệnh ung thư: Chất lưu huỳnh trong hành lá giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Ngoài ra, trong hành lá còn có flavonoids, một chất gây ức chế ung thư.

Ngăn ngừa cảm cúm: Chất sulphur, vitamin C và chất chống oxy hóa trong hành lá giúp phòng tránh bệnh cảm cúm thường gặp vào mùa đông.

Trần Ngọc sưu tầm
VietBao.vn (Theo_Kiến Thức

Ngàn Dâu Xanh Ngắt



Ngàn dâu xanh ngắt lại ngàn dâu
Ngàn dặm quê hương đã đổi màu
Ngút mắt dõi nhìn buồn ngút mắt
Xác xơ chiều rụng những niềm đau

Ai bán mầu xanh chẳng tiếc thương
Và ai vô cảm chuyện bên đường
Ta nhớ mầu xanh từng bước nặng
Tơ tầm đã dứt chẳng còn vương

Nhớ kẻ trồng dâu mà rơi lệ
Người xưa để lại sợi ngàn năm
Ngày nay thế giới sao lạ quá
Để ta ngồi ngẫm nổi thăng trầm

Chân Diện Mục

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Thu Ca - Phạm Mạnh Cương - Tiếng Hát

Mến tặng chị Kim Phượng, Kim Oanh



Sáng Tác: Phạm Mạnh Cương  
Tiếng Hát:Tô Thị Thu Cúc

Vén Áng Mây Mù



Về đây với cây sào tình ái
Cố vén mây tìm lại trăng Thu
Trên đồi cũ đôi ta ngọp thở
Mở đêm vàng chứa cảnh thần tiên

Tây Nguyên cao gần "sao mộng ước"
Cuộc tình gần chắc được hơn ai
Nào hay đường yêu đầy hoang thú
Tại mây mù che phủ trăng nghiêng

Em!
Thiên thần nhỏ mắt môi hàm tiếu
Thuở ô mai xao xuyến hồn nhiều
Bướm vàng hoa tím ép tim yêu
Lần tay gở màu chiều tóc bím

Anh!
Trai lãng tử tim lòng rộng mở
Đượm men tình nhịp thở thiên nhiên
Thông reo say cơn gió ngoan hiền
Miền hạnh phúc dành riêng em cả

Thoáng phút chốc thời gian nhanh quá
Dạ lòng sầu không vững đôi tay
Sao lay chuyển trời Thu khắc nghiệt
Sức lực cùn chắc mình em biết!

Dẫu tàn đời "không câu giã biệt"
Ở riết hoài "hồn ngự Tây Nguyên"

Pleiku 5-8-2010
Lê Kim Hiệp

Sám Hối


Bằng lời ru rắn xanh phủ dụ
Anh viết tụng ca trên trần ngực trinh nguyên
Em thơ ngây lần đầu thấy bầu trời ngũ sắc
run rẩy trong môi tham của tên ngạ quỷ đầu sừng.
Nòi tình rờn rợn - mùi đời tê dại
Em buông lơi tay trên cỏ thắm thiên môn.
Trái cấm dại hái vội nên tình hồng rực lửa
thiêu rụi tâm anh - con quỷ rắn xanh.
Anh thành thiện nhân
đêm đêm chong đèn gục đầu sám hối
sợ vuột vòng tay đang cháy bỏng tình say.
Thần tiên quá khiến lòng anh ngây ngất
rời bỏ thế nhân đi về phía thiên đường…


Tín Đức
1/2016

Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ - Vương Duy (699 - 759)


Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ
Vương Duy (699 - 759)

Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân

Dịch Xuôi: Ngày 9 tháng 9 Nhớ Anh Em Ở Sơn Đông
PKT 10/02/2015

(Vất vưởng) một thân ở nơi quê người làm khách lạ
Mỗi lần đến ngày lễ tiết (Trùng Cửu ) lại thêm nhớ nhiều về người thân
Tôi tuy ở nơi xa cũng biết vào ngày này anh em ở nhà ai nấy đều đi lên trên núi
Mỗi người mỗi nhánh thù du cài vào người (để trừ tà) , chỉ thiếu vắng một người mà thôi

Ngày Lễ Trùng Cửu Nhớ Anh Em

Xứ lạ, một thân, làm khách lạ
Đến ngày trùng cửu, nhớ về nhà
Thù du cài áo, ở trên núi
Thấy vắng người xa, có xót xa?


Phạm Khắc Trí

Chú Thích: Ngày 9 tháng 9 ,theo tục lệ xưa ở bên Tàu, là ngày lễ tiết Trùng Cửu (hay Trùng Dương). Vào ngày này, mọi người đều đi lên núi, mỗi người mỗi nhánh thù du (?) cài vào người,tin là để trừ được tà, cầu được phước.  

Vạt Nắng Sân Trường Tôi Bỏ Lại


Từ độ sân trường tôi khuất biệt
Hàng hiên em có đứng chơ vơ
Mỗi lần nghe lá rơi nhè nhẹ
Em có nhìn ra cửa lớp chờ ...?

Từ vạt tóc bồng tôi hết lộng
Bảng còn thương phấn nhạt màu tươi ?
Mỗi lần em xóa bài trên bảng
Có xóa tan buồn đang bám môi ...?

Từ dạo lối về tôi khuất nẻo
Em còn nghiêng nón thẹn thùng che ?
Đường xa có thấy lòng hiu quạnh
Dù nắng ngoài kia rực rỡ hè ..

Vạt nắng sân trường tôi bỏ lại
Để dầm sương giữ lấy quê hương
Cổng trường mở khép ngày hai buổi
Em có ngùi theo bóng dặm trường ...?

Nhược Thu

Mưa Đêm



Mưa Đêm

Trở giấc bồi hồi lắng nhạc mưa
Ngoài hiên tí tách hạt đong đưa
Lờ mờ cửa kính sương khuya đọng
Khe khẻ song thưa gió rét lùa
Cây lạnh xạc xào khua mái ngói
Giọt buồn hiu hắt gợi đêm xưa
Nằm hoài trằn trọc ôm lòng nhớ
Tuổi trẻ năm nao ngỡ mới vừa!

Mailoc
***
Giọt Sầu

Lắng nghe nặng hạt rớt luồng mưa,
Kẻ ở người đi lạnh tiễn đưa.
Em đứng đợi lâu sương tuyết đọng,
Anh đi đón rước gió đêm lùa...
Thương ai khắc khoải vương tình cũ,
Nhớ kẻ ly hương cảm nghĩa xưa...
Trăn trở cô đơn buồn quạnh quẽ,
Giọt sầu lả chả nói sao vừa !

Mai Xuân Thanh  
Ngày 06 tháng 01 năm 2016
***
Tiễn Nhau Ngày Mưa

Tiễn em ngày ấy có cơn mưa
Thấm lạnh hồn tôi ngọn gió lùa
Sân nhỏ,ga chiều nhiều kẻ đón
Đường tàu lưu luyến lắm người đưa
Chia tay nuối tiếc tình dang dở
Cách biệt u hoài nhớ dáng xưa
Ta vẫn phiêu bồng nơi gió cát
Mà lòng vương vấn...nói sao vừa ??!

Song Quang
***
Đêm Mưa Tuyết

Thao thức canh trường bởi gió mưa 
 Hiên ngoài tuyết đóng giọt đu đưa 
 Bên song hơi nước mờ khung kính 
 Cạnh cửa màn đêm tối phủ lùa 
 Lách tách âm vang buồn nảo nuột 
 Êm đềm chăn ấm nhớ khi xưa 
 Đèn khuya một bóng ngùi thương nhớ 
 Là chút bâng khuâng nói chẳng vừa !

Lý Lệ MAI
1/6/16

***
Đêm Mưa

Một mình giữa gác vắng trong mưa
Nghe tái tê lòng lạnh thoảng đưa
Đồng cảm ngọn đèn le lói toả
Như trêu cơn gió hắt hiu lùa
Mơ màng bóng dáng thời xuân trẻ
Lưu luyến chuyện tình năm tháng xưa
Nghe tiếng giọt rơi còn nặng hạt
Đêm buồn thêm nhớ biết sao vừa

Quên Đi
***
Mưa Đêm
Vẫn thường  tỉnh giấc giữa đêm mưa
Đốt thuốc im nằm lắc võng đưa
Mái lá rì rào đôi chỗ dột
Hàng hiên lấp loáng mỗi cơn lùa
Nao lòng man mác vô duyên cớ
Thắt ruột lơ mờ chuyện thuở xưa
Như ghẹo ễnh ương cùng tấu khúc…
Uềnh oan tới sáng cũng chưa vừa!

Cao Linh Tử
7/1/2016
***

Mưa Đêm

Trong ngồi lạnh lẽo,ngoài đang mưa
Đệm nhạc phong linh lúc lắc đưa
Với cảnh tình riêng cơn lốc xoáy
Còn ta lẻ bóng giấc mơ lùa
Lạc trong nắng nhạt-khung trời xám
Đi giữa chiều hoang-con phố xưa
Mất dấu cuối đường nên hụt hững
Nước kia tay nhỏ hứng sao vừa ?

Thái Huy
Jan-07-16
***
Tiếng Mưa Đêm

Khơi lòng nhắc lại những đêm mưa
Ào ạt, nhặt khoan, đợt gió lùa…
Đồn vắng thương em thương bước dỗi
Trại tù xót phận xót đời đưa
Thời gian nhịp lỗi trôi bình thản
Vận mệnh vòng quay lãng mức vừa
Nghe tiếng rơi đều vang tí tách
Chợt bừng lay tỉnh mộng hồn xưa?

Nguyễn Đắc Thắng
20160108

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Miên Khúc - Sáng Tác: Ngô Thụy Miên Ca Sĩ: Khánh Hà

Miên khúc là một bài hát được hiểu như là một bài hát mang những nét chính trong các ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tất cả đều nói về một mối tình ban đầu rất đẹp rất nên thơ nhiều kỷ niệm sâu đậm trong thời gian bên nhau, nhưng nó không kết thúc tốt đẹp và đã dang dở xa nhau trong đau đớn im lặng khổ đau đến tột cùng. Bài hát của ông về những mối tình như vậy có giai điệu nhẹ buồn chậm nhắc rất nhiều kỷ niệm thuở hai người còn yêu nhau say đắm, bỗng chốc xa nhau rồi đau khổ, da diết làm cho người nghe rất dễ cảm nhận và buồn lây ...


Nhạc Phẩm: Miên Khúc
Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Khánh Hà

Nụ Cười Tháng Giêng 2


Nụ cười tháng Giêng, em cười thật hiền
Nụ cười tháng Giêng yêu em miên viễn
Em mỉm miệng cười nghiêng ngã đất trời
Em mỉm miệng cười… lòng thấy xôn xao
Nghìn sao trên cao nụ cười thanh tao
Em nói, em cười thấy lòng ngây ngất
Tháng Giêng mơ màng nhẹ mưa lất phất
Tháng Giêng yêu em với tới trăng ngà
Tháng Giêng yêu em thề với trời cao

Tình yêu tháng Giêng, tình yêu mật ngọt
Rồi đến tháng Hai, rồi đến tháng Ba....
...đến tháng Mười Hai, rồi lại hết năm!
Loanh quanh, loanh quanh trong cõi ta bà
Loanh quanh, loanh quanh hết ngày, hết tháng!
Năm cùng tháng tận... vẫn yêu em mãi 
Yêu hết một đời hạnh phúc tình ta

Quách Như Nguyệt
Mùng một tết Tây, 2016

Nụ Quỳnh Trong Đêm



Bài Xướng:
Nụ Quỳnh Trong Đêm

Trăng sáng mơn man khắp nụ Quỳnh
Một màu trắng bạc ánh lung linh
Đóa hoa rạo rực giờ khoe sắc
Vòi nhụy xôn xao phút chuyển mình
Thoang thoảng dịu dàng hương tỏa ngát
Dập dìu diễm ảo cánh rung rinh
Phải chăng kiều nữ trong vườn mộng ?
Đến gặp ta đây để tự tình !

Phương Hà

***
Các Bài Họa:
Đóa Quỳnh Nở Trong Đêm

Dưới vầng trăng sáng tỏa lung linh
Ẩn hiện trong cây một đóa Quỳnh
Rực rỡ đài hoa khoe sắc thắm
Dịu dàng vòi nhụy điểm thêm xinh
Nồng nàn hương nhả bay thoang thoảng
Phảng phất gió đưa lá trở mình
Vườn mộng nhánh cành còn quấn quýt
Huống chi bông trái cũng trao tình

Song Quang
***
Quỳnh Hương

Trăng rằm tỏa sáng chiếu hoa quỳnh,
Trắng nỏn trinh nguyên tỏ tánh linh.
Trân quý hương thơm bông điểm sắc,
Nâng niu đóa bạc ánh bên mình.
Tao nhân mặc khách đành chiêm ngưỡng,
Nhạc sĩ ca nhi cũng muốn rinh.

Kiều nữ yêu thơ ngâm tấu khúc,
Tu thân quân tử thấy sinh tình !

Mai Xuân Thanh  
Ngày 01 tháng 12 năm 2015

Lời Chúc Đầu Năm Của Đức Đạt Lai Lạt Ma


Năm mới Đức Đạt-Lai Lạt-Ma Tây Tạng chỉ chúc hai thứ thôi.

- Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
- Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
- Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
- Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
- Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
- Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
- Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
- Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
- Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.
- Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
- Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
- Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
- Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
- Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
- Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
- Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
- Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
- Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
- Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.

Có 2 thứ bạn phải luôn ghi nhớ, đó là thực hiện những điều trên là làm thật tốt chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Kim Phượng Sưu Tầm